TÂN GIÁM MỤC – (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Họ rút thăm, thăm trúng ông Matthia: ông được kể thêm vào số mười một tông đồ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, bằng cách ấy – ‘rút thăm’ – chúng ta có vị ‘tân Giám mục’ đầu tiên! Mừng kính thánh Matthia, chúng ta mừng kính Giáo Hội Chúa Kitô với sự liên tục của thừa tác vụ tông đồ. Tôn vinh Matthia, chúng ta tôn vinh sự thật rằng, Chúa Giêsu đã ban cho các ‘Giám mục’ đầu tiên của Ngài năng quyền truyền chức thánh cho những người kế vị.

Bài đọc thứ nhất tường thuật cuộc bầu chọn Matthia, người sẽ thế chỗ Giuđa. Phêrô cho biết, đó là “Những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta… cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng, Người đã phục sinh!”.

Và khi Giáo Hội tiếp tục phát triển, luôn có những người khác được chọn, được tấn phong để trở thành các ‘tân Giám mục’. Ngày nay, mỗi Giám mục đều có những người kế vị trực tiếp được chọn từ một hay nhiều vị ‘tân Giám mục’ của mình. Sự kế thừa không gián đoạn này là mối liên hệ trực tiếp của chúng ta với Thừa Tác Vụ Linh mục của Chúa Giêsu khi nó được truyền lại cho Giáo Hội.

Đây quả là một món quà! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con!”. Đúng thế, các ‘tân Giám mục’ là những người được chính Chúa Giêsu chọn. Và chúng ta biết, không phải mọi Giám mục hay Linh mục đều là thánh. Tất cả các ngài đều nhận thức khá rõ điều đó. Nhưng cũng đúng là mọi Giám mục và Linh mục đều chia sẻ hồng ân tuyệt vời Thừa Tác Vụ Linh mục của Chúa Kitô. Và chức vụ này không dành cho họ mà dành cho bạn và tôi.

Chúa Giêsu ước mong chính Ngài sẽ đích thân tiếp tục sứ vụ của Ngài một cách cụ thể, cá nhân qua những con người. Ngài muốn chính Ngài sẽ hiện diện mỗi lần Rửa tội, Thêm sức và Rước lễ. Ngài muốn đích thân đến đó để ban những ân sủng này cho đoàn chiên Ngài. Và Ngài ở đó, qua thừa tác vụ Giám mục, Linh mục, những con người Ngài chọn.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy Chúa Kitô trong mỗi tác vụ đó. Mỗi Linh mục hay Giám mục đều là đại diện độc đáo của Chúa Kitô theo cách riêng của mình. Mỗi người trong họ đều phản ánh Chúa Kitô trong nhân cách và sự thánh thiện của con người ngài. Nhưng quan trọng hơn, họ đại diện Chúa Kitô bằng cách hành động trong chính Ngài, nhân danh Ngài. Chính Chúa Kitô nói những lời giải tội và thánh hoá của Ngài qua họ. Vì thế, bạn và tôi cần nhìn xa hơn những gì ở bề mặt hầu có thể nhìn thấy Chúa Kitô trong họ. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện nếu chúng ta tiếp cận những người giúp việc cho Chúa bằng đức tin.

Anh Chị em,

Hôm nay, hãy suy gẫm về cách bạn và tôi tiếp cận các Linh mục và Giám mục của Chúa. Bạn nói về họ thế nào? Bạn có tìm kiếm Chúa Kitô nơi họ không? Bạn có cởi mở để Chúa Kitô phục vụ qua họ không? Sứ vụ tông đồ mà họ chia sẻ là một món quà thực sự từ Chúa Kitô vốn phải được yêu thương và chấp nhận như thể chúng ta đang đón nhận chính Chúa Kitô. Đó chính xác là những gì chúng ta đang làm và cần làm.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban những người phục vụ Lời Chúa và các Bí tích cho con. Xin cho các ngài tiếp tục là những khí cụ thánh thiện của tình yêu Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********

Ngày 14 tháng 5

THÁNH MÁT-THI-A, TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”


 

BẤT NGỜ ĐẾN TUYỆT VỜI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”.

“Đức tin là tác động của Thiên Chúa, soi sáng tâm trí và niêm phong trái tim! Con đường phía trước luôn bất ngờ tuyệt vời. Nó là quà tặng đơn thuần của Ngài!” – Arminius.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu con đường phía trước của đức tin luôn bất ngờ tuyệt vời thì Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban, cũng là Đấng mà Phaolô cầu xin cho các tín hữu Êphêsô qua Lời Chúa hôm nay còn là quà tặng ‘bất ngờ đến tuyệt vời’ hơn biết bao!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ mô tả thực trạng đức tin của các tín hữu Êphêsô, họ không biết Chúa Thánh Thần! Thật ý vị, nó tiết lộ thực trạng đức tin của bạn và tôi! Vì lẽ, thú nhận của họ, cách nào đó, có thể là nhìn nhận của nhiều người trong chúng ta. Rằng, “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”. Các tín hữu Êphêsô cần được hướng dẫn về vai trò của Chúa Thánh Thần; cũng như chúng ta, cần được củng cố trong đức tin về Ngài.                                             Trong Tin Mừng hôm nay, c ác môn đệ tỏ ra tự tin – pha lẫn chút tự phụ – về nhận thức của họ đối với Chúa Giêsu, Thầy mình, “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và không cần phải có ai hỏi Thầy. Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến!”. Ngờ đâu, Chúa Giêsu chọc thủng sự tự tin mong manh đó! Ngài cho biết, chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ sẽ bỏ rơi Ngài và mỗi người sẽ đi theo một con đường riêng, “Này đã đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, các con sẽ phân tán mỗi người một ngả, để Thầy cô độc một mình!”.

Như các tín hữu Êphêsô, chúng ta còn phải học biết rất nhiều điều về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, cũng như học biết mối quan hệ hỗ tương giữa chúng ta với Ngài và ngược lại. May mắn hơn các môn đệ Êphêsô, chúng ta được nghe, được lãnh nhận Thánh Thần; tuy nhiên, mỗi người vẫn phải tìm hiểu vị trí và vai trò của Ngài trong từng biến cố đời mình. Và khi nói đến đức tin, Thánh Thần sẽ là một tác nhân không thể thiếu của linh hồn; vì nhờ Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng khám phá mỗi ngày những ‘cảnh vực thần linh’ kỳ diệu của đời sống ân sủng với tư cách con cái của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp mỗi người khám phá con đường phía trước vốn luôn ‘bất ngờ đến tuyệt vời!’.

Anh Chị em,

“Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”. Hãy để nhìn nhận của người Êphêsô thức tỉnh bạn và tôi! Bởi lẽ, biết Chúa Thánh Thần là một chuyện, sống theo Thánh Thần là chuyện hoàn toàn khác! Bằng chứng là chúng ta chưa biến đổi, chưa nên thánh! Hiểu biết của chúng ta đang chỉ ở tầm thấp với những gì khả giác; chỉ với Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng với tới những tầm cao của ân sủng. Chúa Thánh Thần không ngừng vén mở cho chúng ta những điều mới lạ từ Thiên Chúa, và điều bất ngờ lớn nhất là tình yêu của Ngài dành cho mỗi người! Vì thế, giữa cuộc đời cam go này, hãy bám chặt Chúa Thánh Thần, ngoan nguỳ, dễ dạy với Ngài! Con đường phía trước luôn ‘bất ngờ đến tuyệt vời’ cho dù đó có thể là chông gai, thập giá. Có Ngài, chúng ta an tâm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con thoái chí trước những gì Chúa muốn, không bao giờ nhàm chán trước những gì đơn điệu, hầu Thánh Thần Chúa có thể xô con vào những ‘cảnh vực thần linh!’”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********

Thứ Hai Tuần VII – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng : “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp : “Bây giờ anh em tin à ?    Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.”


 

Tự do là gì và tại sao ta có tự do?- Cha Vương

Chúc một ngày an lành, hãy chọn Chúa để được bình an và hạnh phúc nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 09/05/2024

GIÁO LÝ: Tự do là gì và tại sao ta có tự do? Tự do là sức mạnh Chúa ban để người ta có thể tự quyết định về điều mình muốn làm. Tự do trái ngược với định mệnh. (YouCat, số 286)

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã dựng nên ta là những người tự do và Người muốn ta tự do đem tất cả tấm lòng để chọn sự tốt, chọn sự “tốt tối cao”, đó là chọn Chúa. Ta càng làm điều tốt, ta càng là người tự do.

❦  Người nào phó mình hoàn toàn trong tay Chúa, họ không trở nên con búp bê của Chúa, không trở nên người khắc khổ hay chỉ theo thời, họ cũng không mất tự do. Chỉ có người phó thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa mới có tự do đích thực, tự do sáng tạo vô hạn để làm điều thiện. Người hướng về Thiên Chúa không ra nhỏ bé hơn, nhưng cao cả hơn, vì nhờ Chúa và với Chúa mà họ nên cao cả, nên linh thiêng, nên thực sự là chính mình. (Đức Bênêđictô XVI, 2005)

❦  Tự do là làm chủ được chính mình. (Henri-Dominique Lacordaire, 1802-1861)

❦   Các vị tử đạo thời Hội Thánh sơ khởi đã chết vì tin vào Thiên Chúa được tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô, và thực ra các ngài cũng chết vì sự tự do lương tâm và vì sự tự do tuyên xưng đức tin riêng của họ – một sự tự do được tuyên xưng đức tin mà không Nhà Nước nào có thể cướp lấy. Vị tử đạo cũng chỉ có thể tuyên xưng đức tin nhờ ơn Chúa soi sáng cho tự do của lương tâm mình. Một Hội thánh truyền giáo ý thức rằng mình được trao cho bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, phải tuyệt đối dấn thân để bảo vệ quyền tự do tôn giáo. (Đức Bênêđictô XVI, 22-12-2005), (YouCat, số  286 t.t.)

LẮNG NGHE: Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. (Gl 5:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, con tạ ơn Chúa vì món quà tự do mà Chúa đã ban cho con, nhờ đó con có thể suy nghĩ, lựa chọn, quyết định cách sống, làm chủ cuộc đời và biết sống yêu thương, xin giúp con biết sử dụng tự do Chúa ban có trách nhiệm để luôn luôn chọn Chúa từng giây từng phút.

THỰC HÀNH: Hôm qua mình quên không ra bài tập, vậy mời bạn thực hành cách sống tự do lựa chọn hôm nay. Mình tin chắc rằng hôm nay bạn sẽ gặp những chọn lựa trong tư tưởng lời nói và việc làm. Vậy đứng giữa cái xấu, cái tốt, tốt hơn, và tốt tối cao bạn chọn cái nào?

From; Do Dzung

Chúa chiên lành-tinmung.net 

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp hối trên giường.  Ông cho gọi ba người thân cận đến và nói:  Ta phải chọn một người kế tục.  Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.

Người thứ nhất mang về một thỏi vàng lớn.  Người thứ hai mang về một viên ngọc quý.  Người thứ ba trở về tay không.

Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của ngươi đâu?

Anh điềm tĩnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể có một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Thủ lãnh nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi đã mang về món quà quý giá nhất là một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

Chúa Giêsu về trời mở ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp là hạnh phúc thiên đàng.  Người đi trước mở đường và dẫn chúng ta lên theo Người.

Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.  Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Marcô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Còn theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.  Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.  Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và củng cố đức tin của các Tông Đồ.  Giáo hội đã được thiết lập nay được củng cố để được sai đi.  Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa.  Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ.  Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng, trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời. Những chữ lên trời bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó,các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi,đã thấm nhuần tinh thần.

Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình.  Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hóa và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha.  Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn.  Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi.  Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.  Chúa Giêsu lên trời.  Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác.  Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác.  Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.  Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau.  Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt.  Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối.  Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.  Như thế trời là niềm hy vọng của con người.  Con người không còn bị trói chặt vào trần gian.  Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ.  Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi.  Trời cho con người một lối thoát.  Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc.  Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.  Trời nâng cao địa vị con người.  Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với loài vật.  Loài vật sinh ra để tàn lụi.  Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa.  Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian.  Trời không phải là cõi mơ mộng viễn vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.  Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.  Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa.  Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn.  Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.  Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời.  Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi.  Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó.  Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.

Người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian.  Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.  Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời.  Yêu mến trần gian vì nước trời.  Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.  Sống giữa thế gian, chúng ta “ái mộ những sự trên trời” như lời kinh hạt: “Thứ năm thì ngắm, Ðức Chúa Giêsu lên trời.  Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”  Nhưng vẻ đẹp trên trời là vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, vẻ đẹp nghèo khó Phúc Âm, khiêm nhường, đơn sơ, thanh tịnh.  Đây là vẻ đẹp và sự quyến rũ của nhân đức, một vẻ đẹp hoàn toàn khác với những vẻ đẹp và sự quyến rũ thuộc trái đất.  Nhiều người đã bỏ ra hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Mỹ kim để làm đẹp, để khoa trương sự giàu có và để được người khác ca tụng.  Nhiều người không sợ trải qua những cuộc giải phẫu nguy hiểm, đau đớn cốt sao để thấy mình đẹp hơn, để thấy mình hơn người khác.  Nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận những thách đố lớn lao để chạy đua vào những chiếc ghế quyền lực.  Nhưng ít ai bỏ ra một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, hoặc một năm để lo tu sửa và chỉnh trang lại vẻ đẹp của tâm hồn.

Trên thực tế, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, đức nghèo khó, đức đơn sơ, và đức trong sạch là những đòi hỏi rất cần thiết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân nước.  Ðó là những gì cụ thể có thể giúp con người chiếm hữu được vĩnh hằng.  Rất tiếc, đó cũng là những gì mà nhiều người từ khước, bởi vì chúng không phù hợp với nhãn quan và suy tư của con người.

Giáo Hội đã thôi thúc và khuyến khích mỗi Kitô hữu hãy tìm kiếm và yêu mến những sự trên trời.  Cầu xin cho được ơn ái mộ là cầu xin Thánh Linh khai mở tâm hồn và trí tuệ để chúng ta có thể nhìn, và có thể hiểu được vẻ cao quí của những giá trị tinh thần ấy.  Nhận thức về thế giới tâm linh là một nhận thức ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ tự nhiên con người.  Những gì thuộc về thần linh là thần linh.  Con người cần được soi dọi và khai mở bởi sức mạnh huyền nhiệm của Thánh Thần.  Chỉ khi nào trí óc ta, trái tim ta được Ngài khai mở, lúc ấy ta mới nhận ra, mới hiểu thấu thế nào là sự cao xa, dài rộng của vẻ đẹp tinh thần, của những giá trị đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa về trời, không chỉ để dọn chỗ mà còn là mở ra một viễn tượng hạnh phúc của trời cao.

“Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời,” để chúng con không bị chôn bám vào thế gian chóng qua và phù du này.  Và để chúng con biết tìm kiếm những giá trị cao quí của tinh thần, và để chúng con yêu mến và sống với cuộc sống ấy.  Vì đó là những gì mà chúng con có thể tìm kiếm, mua sắm và đem vào được nơi vĩnh hằng.  Nơi mà chúng con sẽ gặp được Chúa là nguồn mạch sự sống, hoan lạc, và hạnh phúc viên mãn của chúng con.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

From: Langthangchieutim


 

NGUỒN VUI LUÔN CHIẾM ƯU THẾ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy!”.

Trong cuốn “Niềm Vui Của Các Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta bí quyết để xua tan u buồn và lo lắng. Ngài viết, “Mỗi ngày, bạn hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi. Được như thế, nhất định, bạn sẽ nghiệm ra rằng, ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế’ như các thánh đã trải nghiệm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến nỗi buồn và niềm vui nơi các môn đệ của Chúa Giêsu; nhưng ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế’ một cách tất yếu. Vì “Ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy!”.

Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng ngay sau đó, Ngài nói đến niềm vui “sẽ lại thấy Thầy” của họ. Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Lần đầu tiên đến Côrintô, Phaolô được đôi vợ chồng Aquila và Priscilla tiếp đón. Họ dành cho ngài một chỗ ở, một việc làm. Nhưng còn nhiều hơn thế! Về sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ – không chỉ ở Côrintô – họ còn có những ‘căn phòng’ tương tự ở Êphêsô, ở Rôma, nơi các tín hữu học và dạy giáo lý, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ rằng, lễ “Hai thánh dệt lều Aquilla và Priscilla” được mừng vào ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô XVI gọi họ là “Các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức tin”. Nhờ họ, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân” – Thánh Vịnh đáp ca. Phaolô hẳn đã trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh qua họ. Rõ ràng, ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế!’.

Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một ‘cộng đồng các kẻ tin’ vốn sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt những lúc khó khăn; một sứ vụ mà tất cả chúng ta, trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là một sứ vụ mà Chúa Thánh Thần sẽ luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên ‘sự hiện diện đầy ủi an’ của Chúa Phục Sinh. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’ qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.

Anh Chị em,

“Các con sẽ lại thấy Thầy!”. “Giêsu Nguồn Vui” luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài không cất đi những khốn khổ chúng ta gặp trên đường, nhưng luôn hiện diện để bạn và tôi đi trọn con đường Ngài đã đi. Vấn đề là, chúng ta có “biết ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi?”. Tắt một lời, nếu Chúa Phục Sinh luôn ‘chiếm chỗ’ ưu tiên ở trung tâm ngày sống của chúng ta, chúng ta sẽ ‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời, nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ. Đó là những thành viên của Hội Thánh hay chưa gia nhập Hội Thánh. Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể chia sẻ ‘Giêsu Nguồn Vui’ cho những ai vui ít, buồn nhiều, cho con nhận ra sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa trong từng phút giây ngày sống của con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********

Thứ Năm Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau : “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói : “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì !” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông : “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”


 

Hạnh phúc đời đời là gì?- Cha Vương

Hạnh phúc đời đời là gì?

Chúc 1 ngày thật mạnh mẽ trong đức Tin, bền vững trong đức Cậy, tràn đầy trong đức Mến nhé.

Cha Vương 

Thứ 4: 8/5/2024

GIÁO LÝ:  Hạnh phúc đời đời là gì? Hạnh phúc đời đời là được thấy Chúa và được tham dự hạnh phúc với Chúa. (YouCat, số 285)

 SUY NIỆM: Nơi Thiên Chúa, Cha, Con, Thánh Thần là sự sống, niềm vui và hiệp thông vĩnh cửu. Ta được tham dự sự sống đó, đối với ta là con người thì thật là hạnh phúc không thể tưởng tượng được và có tính vĩnh hằng. Hạnh phúc ấy là quà tặng thuần túy do ân sủng Chúa ban, bởi vì ta không thể nào tự mình kiếm cho mình được, cũng không thể nào nắm bắt được sự bao la của nó. Thiên Chúa muốn rằng, ngay trong đời sống ta ở trần gian, ta chọn theo hạnh phúc. Thiên Chúa cho ta tự do chọn, và yêu thích nó hơn hết mọi sự, chọn làm lành và tránh làm dữ với hết sức ta.  (YouCat, số 285 t.t.)

❦ Con người cao cả đến nỗi trên trái đất không gì thỏa mãn nó được. Con người chỉ thỏa mãn nếu quay về với Chúa. Bắt cá ra khỏi nước, nó không sống được. Con người không có Chúa cũng vậy. (Thánh Gioan Vianney)

❦  Chỉ có Đấng dựng nên con người mới làm con người được hạnh phúc. (Thánh Augustinô)

 LẮNG NGHE: Chúng ta sẽ thấy Người như Người hiện hữu. (1 Ga 3:2)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin tăng thêm niềm tin cậy mến trong con để con tìm được hạnh phúc đích thực chỉ có thấy ở nơi Thiên Chúa tình yêu mà thôi.

From: Do Dzung

Hạnh Phúc Bên Chúa – Thanh Hoài | St: Sơn Túi Đỏ | Minh họa: Vũ Đoàn Đại Dương 

MÙ MỜ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!”.

Socrates, ông tổ triết Tây, không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được lưu truyền qua đồ đệ Platô. Ông không nhận mình là thầy, chỉ nhận là bà đỡ “giúp đứa trẻ tự chào đời”; “Không dạy ai điều gì; tôi chỉ khiến họ suy nghĩ!”; “Mẹ tôi đỡ đẻ cho các bà, tôi đỡ đẻ cho các bộ óc!”. Cuối đời, Socrates bị cáo buộc đã làm hư hỏng giới trẻ, bất kính Athêna. Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc. Socrates để lại một câu nói bất hủ, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả, tôi mù mờ về mọi sự!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘mù mờ!’. Một trùng hợp thú vị, là chính dân thành Athêna thời Phaolô, nơi 400 năm trước đã bức tử Socrates – biết có thần minh – nhưng họ ‘mù mờ’ khi không biết vị thần đó là ai. Cũng thế, bạn và tôi biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, nhưng vẫn ‘mù mờ’ về Ngài; chúng ta không bao giờ biết Ngài trọn vẹn cho tới khi lên thiên đàng.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật chuyến dừng chân của Phaolô ở Athêna, nơi ông thấy một bàn thờ “Kính Thần Vô Danh”. Phaolô lên tiếng, “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!”. Ngài là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải trong cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất”. Thánh Vịnh đáp ca gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ đang ‘mù mờ’, “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi”. Là Kitô hữu, chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu; tuy  nhiên, chúng ta vẫn ‘mù mờ’ về Ngài và sẽ không bao giờ biết Ngài hoàn toàn. Bao lâu còn trên dương thế, chúng ta chỉ đang dò dẫm trên hành trình hướng tới sự hiểu biết Ngài mà thôi! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói về Đấng Chúa Cha sẽ sai đến, “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn”. Nói cách khác, cần có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Thánh Thần hướng chúng ta đến sự hiểu biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.

Anh Chị em,

“Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả!”. Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì nếu biết Ngài, bạn và tôi đã nên thánh từ lâu. Biết Chúa Giêsu, nhưng không biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá! Biết Chúa Giêsu, nhưng không biết Ngài khao khát chúng ta đến mức nào, đến mức ẩn mình trong Thánh Thể, chờ đợi chúng ta mỗi ngày! Biết Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không nhận biết Ngài trong anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ. Như thế, sự hiểu biết

Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu nơi chúng ta vẫn rất ‘mù mờ’; và sự hiểu biết này sẽ chỉ tiến triển nếu mỗi người biết ngoan nguỳ dưới sự dìu dắt của Thánh Thần. Chính sự hiểu biết được soi sáng bởi Thánh Thần này mới có thể biến đổi bạn, biến đổi tôi tự bên trong!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con ‘mù mờ’ về Chúa, càng ‘mù mờ’ về con. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con! May ra nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh!”, Amen.

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen

***********

Thứ Tư Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”


 

Hãy đến với các con chiên lạc nhà ít-ra-en. (Mt 10:6)- Cha Vương 

 Trong ánh mắt tràn đầy yêu thương, Chúa hằng thao thức mọi người trở về với Chúa, có bao giờ bạn thao thức muốn gặp Chúa chưa? Chúa đang chờ bạn trong nhà tạm đó.

 Cha Vương 

Thứ 3: 07/05/2024

TIN MỪNG: Hãy đến với các con chiên lạc nhà ít-ra-en. (Mt 10:6)

SUY NIỆM: Chúa Giêsu khi sai các tông đồ đi rao giảng đã căn dặn các ông đừng đến với “dân ngoại” mà chỉ đến với “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” Chỉ thị đó không khỏi làm chúng ta thắc mắc: Chúa được sai đến là để cứu chuộc mọi người, và trước khi lên trời, Ngài còn sai các môn đệ đến với mọi dân tộc cơ mà? Vậy tại sao Chúa lại có thái độ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc như thế? Các ngôn sứ vẫn ví Ít-ra-en như cây nho được Thiên Chúa yêu quí chăm sóc đặc biệt; vì thế khi Ít-ra-en sống chung với các dân ngoại, bị sa lầy trong việc thờ ngẫu tượng, lạc xa đường lối huấn lệnh của giao ước Thiên Chúa đã ký kết với họ, Ngài đã không đành lòng để họ mãi mãi là những chiên lạc, mà mong muốn qui tụ họ lại thành một đàn chiên. Đó chính là việc ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ của Đức Kitô. Vì thế, vừa mới chọn gọi mười tông đồ, Chúa đã sai họ đi ngay đến với các chiên lạc, sứ vụ đầu tiên và cấp bách nhất, trước khi mở rộng ra đến với mọi dân tộc. Nhìn một cách gần gũi hơn, trong giáo xứ, trong cộng đồng, nơi bạn sinh sống và làm việc có ai vốn đã là kitô hữu mà nay vì hoàn cảnh nào đó đã không sống đạo không? Bạn có thao thức về điều đó không? Bằng lời cầu nguyện và những hy sinh cũng như bằng cuộc sống bác ái, bạn hãy nói lên rằng đàn chiên Hội Thánh chính là mái ấm gia đình mời gọi họ trở về sum họp.

LẮNG NGHE: Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (Lc 19:10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho con tấm lòng biết chạnh thương như Chúa, và xin sai chúng con đi để loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho muôn dân.

THỰC HÀNH: Sống bác ái mỗi ngày với ý thức đây chính là cung cách thiết yếu để sống và loan báo Tin Mừng.

From: Do Dzung

Gặp Chúa Trên Quê Hương || Sáng tác: Lm.Trọng Khẩn || Tb: Trần Ngọc Lan

 GIÀ ĐI NHƯ MỘT TU VIỆN TỰ NHIÊN – Rev. Ron Rolheiser, OMI

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tu viện là gì?  Tu viện hoạt động như thế nào?  Thánh Biển Đức (480-547 TCN) được xem là nhà sáng lập đời sống tu viện Tây phương, ngài có lời khuyên như luật căn bản cho các tu sĩ của ngài: Hãy ở trong phòng của mình, nó sẽ dạy anh em mọi điều anh em cần biết.  Hiểu cho đúng, đây là một ẩn dụ phong phú, chứ không phải lời khuyên theo nghĩa đen.  Khi nói đến một tu sĩ ở trong phòng và để việc đó dạy mình những gì mình cần biết, ngài không nói đến căn phòng tu sĩ trong tu viện.  Ngài đang nói đến tình trạng sống hiện tại của một tu sĩ hay của bất kỳ ai.

Đôi khi, điều này được linh đạo Kitô giáo gọi là trung thành với bổn phận hiện tại.  Ý nghĩa là nếu chúng ta trung thành với tình yêu và có thiện tâm với tình trạng cuộc sống hiện tại của mình, thì cuộc sống tự nó sẽ làm cho chúng ta trưởng thành và nhân đức.  Ví dụ, một người mẹ hy sinh, tận tụy hết lòng nuôi con, bà sẽ trưởng thành và vị tha qua quá trình bà.  Nhà của bà sẽ là căn phòng tu sĩ của bà và nói theo ẩn dụ, bà sẽ là tu viện trưởng của tu viện mình (cùng vài tu sĩ rất nhỏ tuổi) và việc ở trong tu viện này, là mái nhà của bà, nó sẽ dạy cho bà mọi điều bà cần biết.  Bà sẽ nuôi dạy con cái, nhưng con cái cũng sẽ nuôi dạy bà.  Tình mẫu tử sẽ dạy bà những gì bà cần biết và sẽ làm cho bà thành một vị trưởng bối khôn ngoan, một Khôn ngoan kinh điển và gương mẫu.

Quá trình già đi chính là một tu viện tự nhiên.  Nếu sống đủ lâu, cuối cùng quá trình già đi sẽ biến tất cả mọi người thành tu sĩ.  Các tu sĩ có bốn lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và kiên vững.  Quá trình già đi (dường như tàn nhẫn) đưa chúng ta đến với việc bị loại ra rìa, phải phụ thuộc vào người khác, mất đi đời sống tình dục năng nổ, và đi vào tình trạng sống không lối thoát, có thể nói là áp đặt bốn lời khấn đó lên chúng ta.  Nhưng như lời khuyên của Thánh Biển Đức, điều này có thể dạy cho chúng ta mọi điều chúng ta cần biết, và nó có sức mạnh độc nhất vô nhị làm chúng ta trưởng thành một cách rất sâu sắc.  Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi.  Quá trình già đi cũng vậy.

Đây có thể đem lại hiểu biết đặc biệt về cách chúng ta có thể biến những ngày tháng cuối đời và cái chết của chúng ta thành một món quà tận căn cho người khác.  Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, tử đạo là cách lý tưởng để một tín hữu kết thúc hành trình dương thế.  Nó được xem là cách triệt để để noi gương Chúa Kitô và biến cái chết của mình thành một ơn.  Dĩ nhiên, sau khi Kitô giáo thành quốc giáo và các đại đế không còn giết hại Kitô hữu nữa, thì chuyện này cần được suy nghĩ lại.  Từ đó đã có nhiều nỗ lực để tử đạo có thể hiểu theo nghĩa bóng.  Có một cách phổ biến là sau khi nuôi dạy con cái trưởng thành và đến tuổi về hưu, hai vợ chồng sẽ rời nhau và mỗi người đến một tu viện để sống phần đời còn lại như tu sĩ.

Các nhà thần nghiệm Kitô giáo kinh điển nói, trong giai đoạn cuối đời, chúng ta nên đi vào điều mà họ gọi là đêm tối tâm hồn, cụ thể là chúng ta chủ động đưa ra quyết định triệt để dựa trên đức tin, bước vào một tình trạng sống mà chúng ta không còn chăm sóc cho bản thân mình, mà phải tin tưởng, với một đức tin thuần túy nhất, rằng Thiên Chúa sẽ chu cấp cho chúng ta.  Điều này cũng tương tự với linh đạo của Ấn giáo, cho rằng trong giai đoạn cuối cùng, trưởng thành trọn vẹn của cuộc đời, chúng ta nên trở thành môn đệ sannyasin, hành khất già thánh thiện.

Tôi nghĩ rằng, hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ chủ động cắt đứt mọi an toàn cũ của mình để đặt mình vào tình trạng mà chúng ta bất lực trong việc chu toàn và chăm sóc bản thân.  Nhưng đây là lúc thể hiện vị trí của mình một cách tự nhiên.  Quá trình già đi sẽ làm điều đó cho chúng ta.  Nó sẽ biến chúng ta thành môn đệ sannyasin và đưa chúng ta vào đêm tối tâm hồn.

Như thế nào?  Khi già đi, sức khỏe suy yếu và thấy bị đẩy ra rìa hơn, không còn một vị trí quan trọng trong xã hội, chúng ta sẽ dần mất đi năng lực tự chăm sóc cho bản thân.  Cuối cùng, nếu sống đủ lâu, hầu hết chúng ta sẽ chuyển sang sống trong cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, và nó là một tu viện tự nhiên.

Đúng là một ẩn dụ quá thích hợp!  Cơ sở hỗ trợ sinh hoạt như một tu viện tự nhiên.  Ẩn dụ này cũng thích hợp cho ý nghĩa của việc (bị cưỡng bách) bước vào đêm tối tâm hồn và việc làm môn đệ sannyasin, hành khất già thánh thiện.  Thực chất nó mang ý nghĩa: khi ai đó sống trong cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, thì dù người đó là triệu phú hay người bần cùng, thì luật cũng như nhau.  Vì chúng ta không thể chăm sóc cho bản thân (và thật sự là không cần phải làm thế), thì chúng ta sống một cuộc sống tu viện vâng phục và phụ thuộc.

Khi cần hỗ trợ sinh hoạt, là chúng ta sống theo tiếng chuông tu viện và chết như một hành khất già thánh thiện.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

TƯƠI TẮN, ĐẦY SỨC SỐNG – (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”.

“Kền kền và chim ruồi bay qua các sa mạc. Tất cả những gì kền kền tìm kiếm là thịt thối rữa; những gì chim ruồi kiếm tìm là những bông hoa xương rồng rực rỡ. Kền kền sống với những gì đã có thuộc quá khứ; lấp đầy bản thân với những gì đã chết và hư thối. Chim ruồi sống bằng những gì đang có, sẽ có; chúng tìm những bông hoa tươi tắn, đầy sức sống. Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm. Cũng thế, loài người, tuy không giống nhau!” – Steve Goodier.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay toát lên một điều khá phù hợp với ý tưởng của Goodier về hai loài chim! Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, từ ngục tối, “Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”. Rõ ràng, Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đang hiện diện và hoạt động cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ nơi những kẻ thuộc về Ngài!

Thật không dễ để bạn và tôi có thể cất lên những lời chúc khen trong những hoàn cảnh như thế; có chăng, chỉ là những lời khẩn xin, nài van. Qua đó, Phaolô và Sila vô tình tiết lộ một xác tín bên trong của mình; rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn ác tâm của con người; rằng, Chúa Phục Sinh đang ở với họ! Câu chuyện kết thúc tuyệt vời với việc viên cai ngục và cả gia đình ông chịu phép rửa sau lời chỉ dạy của vị tông đồ. Như vậy, Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài thực sự đang hoạt động cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ trong những tình huống bất trắc nhất để các tông đồ được cứu thoát, lòng đầy bình an. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con!”.

Chúa Phục Sinh luôn ở cùng chúng ta! Đó cũng là điều Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ qua Tin Mừng hôm nay. Bối cảnh là phòng Tiệc Ly, khi các môn đệ đang buồn sầu vì Ngài sắp rời xa. Vì thế, Ngài đã rọi một tia sáng vào bóng tối tâm linh nơi họ, bằng cách bảo đảm rằng, sự ra đi của Ngài mang đến cho họ ‘những hạt giống mới’, ‘những cơ hội mới’; tạo nên ‘một sự khác biệt’ nơi họ để Thiên Chúa có thể hoạt động một cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ trong mọi hoàn cảnh. Ngài nói đến Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ tiếp tục hoạt động không chỉ ‘qua họ, trong họ và cùng họ’, nhưng còn ‘qua những ai nối tiếp họ’; trong đó, có bạn và tôi!

Anh Chị em,

“Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm!”. Bạn tìm kiếm gì mỗi ngày? Hãy thôi tìm kiếm những gì hư thối, chết chóc; đừng sống trên quá khứ! Hãy tìm kiếm những ‘đoá hoa Giêsu’ ngọt ngào thanh khiết giữa sa mạc khô khốc chợ đời. Loài hoa ấy ‘dẫu hiếm hoi’ nhưng vẫn đang vẫy gọi bạn và tôi đến để ‘đậu lại’ lâu hơn với Ngài: hoa Thánh Thể, hoa Lời Chúa,  hoa bác ái, hoa yêu thương! Ngài đợi chúng ta thống hối trở về để từ bỏ một tội lỗi; Ngài mong chúng ta ra khỏi mình để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn… và trở nên những chứng tá yêu thương trong môi trường mình. Đó chính là sự ‘tươi tắn, đầy sức sống’ mà Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài sẵn sàng ban tặng cho những ai tìm kiếm Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tìm kiếm những gì xem ra tươi tắn nhưng tiềm ẩn chết chóc. Cho con một chỉ tìm kiếm những bông hoa bình an và hoan lạc trong Thánh Thần!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************

Thứ Ba Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

5 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi : ‘Thầy đi đâu ?’ 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7 Song, Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : 9 về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy ; 10 về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa ; 11 về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”


 

MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”.

Ngày kia, Paul Rader thăm đấu trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú ăn thịt. Ông viết, “Tôi ngước nhìn lên trời, nơi Chúa Cha đang ngồi chứng kiến các con cái Ngài vui mừng chờ đợi cái chết. Các Kitô hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở khi biết rằng, họ sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể níu chân họ. Tử đạo, nhất định là ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”. Tin Mừng hôm nay báo trước điều đó! Biết mình sắp về cùng Cha, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ những gì sắp xảy đến, “Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Và còn hơn thế!

Rất có thể, khi nghe nói về việc sẽ bị khai trừ khỏi hội đường; thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều này có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc những lời này có thể khiến họ khó chịu đôi chút; cũng rất có thể, họ chỉ nghe mà không quá lo lắng! Đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, các con nhớ lại là Thầy đã nói với các con rồi!”. Và chúng ta có thể tin chắc, vào thời điểm bị bách hại, các môn đệ đã bình tĩnh và can đảm hơn nhiều trước những gì đang chờ đợi họ – thập giá – ‘một phần không thể thiếu’ mà Chúa Giêsu đã báo trước. Để rồi, điều này giúp họ thoát khỏi cám dỗ tuyệt vọng vốn có thể dẫn đến chỗ mất đức tin.

Thế nhưng, điều thú vị ở đây là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói, “Hãy chống trả, bạo động, hoặc chuẩn bị vũ trang!”. Thay vào đó, Ngài nói với họ về một điều gì đó tuyệt vời hơn – Chúa Thánh Thần. Rằng, Thánh Thần sẽ ‘cáng đáng’ mọi sự; Ngài sẽ dẫn dắt, tiếp sức và cho phép họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu rõ nét nhất, có thể là tù đày, có thể là đổ máu vì Danh Ngài! Chúa Giêsu chuẩn bị trước điều này, bằng cách nói cho họ biết, họ sẽ được Chúa Thánh Thần ở cùng. Và một khi điều này xảy ra, các môn đệ càng cậy trông tuyệt đối vào Đấng Bảo Trợ mà Ngài đã hứa!

Anh Chị em,

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Chúa Giêsu đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục Chúa Cha. Cũng vậy, bách hại, bắt bớ là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu và lòng trung thành với niềm tin của mình! Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả, Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh. Với chúng ta, cuộc chiến giành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội tâm mỗi người, đó cũng là ‘một phần không thể thiếu’ của người môn đệ. Đừng sợ! Thánh Thần ở trong và ở bên chúng ta; Ngài sẽ tiếp sức để chúng ta vượt qua tất cả. Được như thế, mỗi ngày, bạn và tôi khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm đăm “nhìn ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi khi con hụt hơi vì thập giá bên ngoài lẫn bên trong, cho con sức mạnh của Thánh Thần; vì biết rằng, đường nên thánh của con không thể thiếu thập giá!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen

**********

Thứ Hai Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

15 26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

16 1 “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4a Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”