Thời thơ ấu (phần 2)
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Hiệp định Geneve ấn định ngày đình chiến là ngày 20 tháng 07 năm 1954. Tất cả học sinh đều nghỉ học. Không có ai đi lại vì sợ lộn xộn. Riêng tôi và em chú bác là Phùng V. Th. vì còn nhỏ chưa hiểu cũng như chưa đoán được cái gì sẽ xảy ra. Vì chưa hiểu biết nhiều, nên trong ngày đó cùng nhau lấy hai chiếc xe đạp, đi qua Long Phụng, qua đò Thủ bộ, đến trường tư thục Tấn Thành ở Chợ Trạm.
Đêm hôm trước ngày đình chiến, Việt Minh (Cộng sản) đã tổ chức các nhà có cảm tình với Việt Minh đánh thùng thiếc để uy hiếp tinh thần của những người quốc gia. Do đó sáng hôm sau là ngày 20 tháng 7, các trường học đều tự động đóng cửa, dân chúng cũng ít đi ra đường vì sợ rủi ro.
Hôm đó tôi và em chú bác Phùng V. Th. đến trường Tấn Thành thì trường đóng cửa, thay vì đi về nhà bằng ngả chợ Trạm, tôi lại đi lên Quận Cần Giuộc, rồi mới đi qua ngả Tân Thanh mà về nhà. Trên đường đi từ Chợ Trạm lên quận lỵ Cần Giuộc, tôi không thấy có xe cộ nào đi qua. Đi được giữa đường, tôi thấy cờ đỏ sao vàng ở dưới ruộng hoặc cạnh đường đi, tôi đã lấy cờ đỏ sao vàng bỏ vào cặp của mình. Tôi chưa biết gì về lá cờ này. Nhưng khi đi về tới gần quận lỵ Cần Giuộc, Thành, con chú Út bảo tôi bỏ hết mấy lá cờ đó ra ngoài cặp đi. Tôi không dám giữ nữa và quăng xuống ruộng.
Quả nhiên khi vô quận lỵ, đi qua hàng rào kẻm gai mà chánh phủ quốc gia đã kéo ngang đường, chỉ chừa một khoảng nhỏ đủ cho một người đi qua, tôi bị chặn lại và bị xét cặp học sinh của tôi. Nếu không vất lá cờ đó đi, mà mang vào quận lỵ Cần Giuộc, tôi cũng không biết cái gì đã xảy ra cho tôi? Tôi sẽ bị tra hỏi có phải là người của Việt Minh không? Tại sao tôi có cờ Việt Minh trong cặp? Tôi sẽ bị bắt để điều tra?
& & &
Tôi đi học từ Chợ Núi lên Cần Giuộc bằng xe Lam ba bánh. Cho đến năm 1954, muốn đi từ Chợ Núi lên Cần Giuộc phải đi bằng xe ngựa. Nhưng từ năm 1955, xe Lam bắt đầu nhập vào nước ta, một vài người bắt đầu mua xe Lam để đưa hành khách thay thế xe ngựa. Xe ngựa có bánh bằng sắt nên dễ làm cho đường lộ đá đỏ bị hư, dễ tạo thành các vũng nước, vũng sình lún đường. Xe lam chạy bằng bánh cao su nên đường ít bị hư hơn. Từ khi đậu vào lớp đệ thất (lớp sáu), trường Trung Học Cần Giuộc, mỗi ngày tôi đều thức sớm ăn cơm với đậu phọng rang rồi đón xe đi lên quận lỵ Cần giuộc học. Tôi phải qua đò Tân Thanh. Nhiều khi qua đò quá đông chen lấn nhau, chủ đò muốn chở nhiều để có lợi hơn, nên hành khách thường chen lấn nhau để qua đò, có lần tôi bị lấn, rớt xuống song, áo quần sách vở bị ướt hết.
Khoảng năm 1959 buổi sáng sớm, trời còn tối, tôi đón xe lam lên Cần Giuộc để đi học, tôi ngồi ở phía trước của xe lam. Khi xe chạy đến “Rạch đập”, tài xế vừa pha đèn để thấy đường mà chạy xe, tôi thấy một cái đầu của một người để trên cái trụ bằng xi măng của đập. Tôi hết sức sợ. Không biết ai đã giết người này, sao lại để trên trụ cột như thế. Mọi người đều rất sợ. Bắt đầu có khủng bố ở nông thôn. Sau này tôi được biết người bị giết chỉ là trưởng ấp. Mặt Trận Giải phóng Miền Nam (Cộng sản), đã ám sát, khủng bố, giết chóc các viên chức xã ấp để gây hoang mang, gây nỗi sợ hãi trong dân chúng.
Về quê, làng Tân Tập ăn giỗ, tôi nhớ bà con dùng lưới để bắt cá đối. Giăng tấm lưới, hai người cầm hai đầu, kéo lưới căng ra giữa ruộng. Phía bên kia ruộng một người cầm cái chổi hay cành cây đập xuống nước từ từ đuổi cá đến cái lưới, vậy mà cá đối dính vào lưới khá nhiều. Bắt còng cũng là cái thú. Khi xuống ruộng, mang theo bên mình một cái giỏ bằng tre, phía trên miệng nhỏ hơn, rộng chừng nắm tay, có nắp đậy để khi bỏ còng vào, con còng không thể nào bò ngược lên được. Khi đi bắt còng, chân thụt (đạp) xuống đất, trước các lỗ nhỏ bằng đầu đủa ăn cơm, nếu có còng, nó sẽ chạy lên, dùng tay khéo léo cầm ngang hông nó rồi bắt bỏ vào giỏ.
Khi tôi lên lớp đệ lục, đệ ngủ, tôi học Pháp văn, Việt văn với thầy Trần Văn Quới còn gọi là ông Đốc Quới. Thầy Trần Văn Quới cũng là Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Trung học Cần Giuộc.Trường thành lập năm 1955. Tôi thi đậu tiểu học năm 1954 vì chưa có trường Trung học công lập, nên phải qua Chợ Trạm học trường tư thục Tấn Thành do ông Nguyễn Tấn Thành sáng lập và cũng là Hiệu Trưởng. Sau này ông Nguyễn Tấn Thành là Dân biểu Đệ Nhất Cộng Hoà, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.Trong thời gian học ở trường Tấn Thành tôi đi học chung với Phùng V. Th. ở nhà gọi là hai Hưởng.Trước khi về hưu, hai Hưởng là Giám đốc nhà máy bao bì ở Hà Tiên.
Khi hai Hưởng đậu bằng tiểu học, Chú Út tôi không có tiền để cho đi học tiếp lên trung học. Chú Út tôi dự định cho hai Hưởng về Tân Tập làm ruộng. Ba tôi thấy thế mới gọi hai Hưởng ra Chợ Núi, ở nhà ba má tôi để tiếp tục đi học. Hai Hưởng cùng với tôi đi học ở trường Tấn Thành bằng xe đạp. Sau một năm học ở trường Tấn Thành, tôi thi đậu vô trường trung học Cần Giuộc năm 1955. Hai Hưởng thi vào trường Cao Thắng, dạy nghề ở Sài gòn. Hai Hưởng đang học lớp 11 tại trường này, nhà nước cần học sinh đi du học ở Pháp về ngành xi măng để lập nhà máy xi măng ở Hà Tiên và Thủ Đức.Tìm người có Tú Tài hai, biết về máy móc không có, nên đành phải lấy trình độ lớp 11. Sau khi đi tu nghiệp gần hai năm hai Hưởng về làm ở nhà máy xi măng ở Thủ Đức hoặc nhà máy xi măng ở Hà Tiên tùy nhu cầu.
Xin nói qua về địa danh chùa Linh Sơn, bài viết của ThầyTrần Văn Trí năm 1974.
Sơ lược tiểu sử chùa “Linh sơn”
Tục truyền gò núi đất trước kia do người Miên cư trú, họ vốn là một dân tộc sùng tín đạo Phật nên chỗ nào cũng có chùa và thường cất trên những chỗ đất cao. Do đó họ phải tạo nên một hòn núi nhỏ để cất chùa. Phong cảnh chùa rất nên thơ xinh đẹp với những cây cổ thụ hàng trăm năm, những góc me trái sai quằn nhánh, lá xanh tươi mát rười rượi. Dưới chân núi có con rạch chạy bao quanh như con rồng ôm theo vòng núi đất. Chân núi cây cối sầm uất, vườn tược sum xuê, thật là sơn thủy hữu tình. Đó là thắng cảnh và địa danh của quận Cần Giuộc.
Nguyên khởi của ngôi chùa.
Trước năm 1867 vùng đất này của người Miên thuộc Thủy Chơn Lạp, xưa kia ông bà chúng ta lấn và chiếm đất họ. Họ bèn bỏ chạy và ngôi chùa của họ cũng hư hại luôn.
Đến năm 1867 (Đinh Mão) có Thầy Nguyên Quới tự lập am, cất một cái chùa sơ sài bằng cây vách lá để tu luyện. Thầy không ăn cơm mà chỉ ăn rau hoặc đậu nên gọi là Thầy rau.
Nhị tổ kế truyền: Khi Thầy Quới viên tịch, ông sư Hiền về kế tiếp giữ chùa lo việc hương khói. Vì dân cư còn hiếm hoi, chùa chưa được mở mang gì nhiều.
Tam tổ kế vị: (1870) Ông sư Hiền viên tịch, Tổ Minh nghĩa kế tự bắt đầu có phát triển hành dạo, chùa có người lui tới, làng xã đến chiêm bái và cúng dường chút ít. Tổ Minh Nghĩa hành trì ít lâu rồi thị tịch.
Tứ tổ kế vị:(1873) Đến Tổ Như Đức (người Bình Định) thay Tổ Minh Nghĩa trụ trì công việc hoằng dương Phật sự lúc bấy giờ còn quá khiếm khuyết. Dân chúng mãi lo khẩn hoang, đạo pháp chưa có cơ duyên phát triển. Hành đạo một thời gian thì Tổ Như Đức tịch.
Ngủ Tổ kế vị: (1876) Khi Tổ Như Đức viên tịch rồi thì chùa không ai coi, chỉ còn lại một đạo đồng sáu tuổi tên là Lê văn Đuổi, gọi là Trùng Huệ, Pháp Hiệu Quảng Trí giữ chùa. Đạo đồng Quảng Trí có lẽ có cơ duyên với đạo pháp nên ban ngày giữ chùa và vào xóm xin ăn, ban đêm không dám ngủ tại chùa phải tìm nhà đồng bào xin ngủ trọ. Khi được 8 tuổi, bổn đạo mới đem gởi đi học đạo tại chùa Như Đức (trước gọi là Trúc Lâm) nay thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Đến năm 18 tuổi, Quảng Trí được hương chức và bổn đạo thỉnh về trụ trì. Ông mở mang đạo mạch?, làm ruộng, lập vườn, nuôi tăng chúng. Chùa bắt đầu phát triển đạo pháp, bổn đạo lui tới chùa rất đông và phát triển đến nay.
Lục Tổ kế vị: Sư Trùng Huệ trụ trì đến năm 1942 thì viên tịch nhập cõi niết bàn, chùa được giao cho đệ tử là Thích Trùng Lễ. Thích Trùng Lễ tục danh là Lê văn Thượng từ năm 1942 đến năm 1944 thì viên tịch.
Thất tổ kế vị: Hoà Thượng Thích Thiện Lợi, tục danh Lê văn Giáp tiếp tục lo việc Phật sự từ năm 1944 đến nay.
Lãnh trách nhiệm từ 30 tuổi vào thời kỳ khói lửa đao binh bùng cháy trên mảnh đất quê hương, Hoà Thượng chịu đựng nhiều gian khổ cho chùa. Ba mươi năm trụ trì là ba mươi năm chiến tranh bom dạn cày nát quê hương, làng mạc, nhân dân điêu đứng tản cư chạy giặc, luôn luôn sống trong hồi hộp lo âu. Tuy nhiên Hòa Thượng vẫn kiên gan ở lại giữ ngôi chùa. Thôn xóm quanh chùa đã bị đỗ nát vì bom đạn rơi rớt, thế nhưng nhờ oai linh chư Thiên, Phật Tổ chùa vẫn còn toàn vẹn không bị ảnh hưởng chi hết.
Kết luận: Nói chung ngôi chùa còn đến hôm nay là nhờ hồn thiêng đất nước, nhờ oai linh của địa phương thành hoàng bổn cảnh phò trì bá tánh nhân dân xã đóng góp giữ gìn mới được viên thành như ngày hôm nay.
Soạn năm 1974
Ông Trần văn Trí, Hiệu Trưởng THCĐ Rạch Núi kiêm UVVHGDTN xã Đông Thạnh.
(bài này trích từ Bản tin đồng hương Cần Giuộc, Xuân Bính Tý 1996).
& & &
Tôi còn nhớ học thầy Nguyễn Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng kiêm dạy lớp nhất trường tiểu học Rạch Núi. Thầy Kiệt thay thế ông Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Chắc. Trong thời gian thầy Kiệt làm Hiệu Trưởng là năm tôì thi đậu bằng tiểu học 1954, hiệp định Genève ra đời, chia đôi đất nước Việt Nam. Tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu biết về chính trị, nhưng tin tức dồn dập về đình chiến giữa Pháp và Việt Minh cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm hồn còn non nớt của tôi. Tin tức đó cũng làm cho tôi quan tâm một chút về tình hình chính trị, về tình hình đất nước Việt Nam. Năm đó tôi thi vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký bài luận văn nói về sự đoàn kết. Tựa đề bài thi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay “Đoàn kết thì sống chia rẻ thì chết”. Tôi không hiểu sao lúc đó tôi có cảm tình với kháng chiến cho nên không thích ông Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Diệm vừa về nước chấp chính làm Thủ Tướng. Tôi làm bài luận văn viết nếu Hòa Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài hợp lại đoàn kết thực sự đánh lại ông Diệm thì ông Diệm không thể nào chống đỡ nổi. Dĩ nhiên kỳ thi này tôi đã không đậu vào trường Trương Vĩnh Ký. Không biết có phải do bài làm này hay không?
Năm 1955 là năm đầu tiên khai giảng lớp đệ thất, của trường Trung học Cần Giuộc. Năm 1955 cũng là năm tôi thi đậu vào trường này. Tôi học trường này từ năm 1955 đến năm 1959. Sau khi đậu trung học Đệ nhất cấp, tôi tiếp tục lên lớp đệ tam (lớp 10), chuyển lên Sài Gòn học ở trường Chu văn An nằm phía sau trường Trương Vĩnh Ký.
Trong thời gian tôi học tại trường Trung Học Cần giuộc, giờ Việt văn của Thầy Trần văn Quới luôn luôn nói đến lòng yêu nước như khi dạy về Nguyễn Đình Chiểu thì Thầy nhắc đến “chùa ông Ngộ” và “Trận giặc mù u”.
Theo lời của Thầy Trần văn Qưới kể lại “Trận giặc mù u” như sau:
Nghĩa quân kháng Pháp thời đó dưới quyền chỉ huy của Ông Trương Công Định, đâu có súng ống, chỉ dùng dao mác mà thôi? Từ quận lỵ Cần Giuộc lính Pháp đi tuần vào xã Mỹ Lộc. Nghĩa quân phục kích lính Pháp tại chùa ông Ngộ. Chùa này ở vị thế cao hơn đất bằng cho nên nghĩa quân dùng trái mù u là loại trái hình tròn như trái banh boong nhỏ, rải lên trên triền dốc. Nghĩa quân đi chân không. Trong khi lính Pháp đi giày. Nghĩa quân đứng trên cao. Quân Pháp phải trèo lên để đánh nghĩa quân, nhưng vì đi giày nên đạp trái mù u mà té, không chạy lên cao được. Nghĩa quân đi chân đất chạy xuống giết nhiều lính Pháp. Trong trận đánh này, nghĩa quân Việt Nam lần đầu tiên đã thắng Pháp. Sau năm 1862, khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, ký hoà ước với Pháp, cắt ba tỉnh miền Đông Nam phần cho Pháp, (nghĩa quân đã tự động nổi lên chống Pháp).
& & &
Sau khi tôi thi đậu Trung Học Đệ nhất cấp, vì ở quận Cần Giuộc không có lớp đệ tam (lớp 10), nên Thầy Đinh văn Lô liên lạc với trường Chu văn An là trường của người Bắc từ Hà nội di cư vào Nam. Chúng tôi là dân Nam kỳ mà lại vào học trường Chu Văn An. Thầy Đinh văn Lô là người miền Bắc, xin các nơi khác không được vì không có chỗ, chỉ còn có trường Chu văn An nhận mà thôi. Không biết có phải nhờ thầy Đinh Văn Lô quen biết Hiệu Trưởng trường này không? nhờ đó chúng tôi được nhận. Hiệu Trưởng trường Chu văn An lúc bấy giờ là thầy Trần Văn Việt.Tổng Giám Thị là Nguyễn Hữu Lãng chúng tôi thường gọi là Tổng Lãng. Giám Học là Nguyễn Văn Kỹ Cương.
Nhờ học được trường nổi tiếng này nên đa số chúng tôi đi thi Tú Tài hai đều đậu gần hết. Chỉ có một số ít học sinh thi rớt Tú Tài hai mà thôi. Lớp Đệ Tam và Đệ Nhị học ở phía sau trường Trương Vĩnh Ký. Lớp Đệ Nhứt chúng tôi học ở khu trường mới gần nhà thờ ngả sáu. Những giáo sư chúng tôi học đều dạy giỏi, rất nổi tiếng thời bấy giờ như Toán là Giáo sư Đào Văn Dương, Nguyễn Văn Kỹ Cương, Lý Hóa Trương Đình Ngữ, Lê Văn Lâm, Triết Nguyên Sa Trần Bích Lan, Trần Văn Hiến Minh, Sử Vũ Khắc Khoan….
Giáo sư Trương Đình Ngữ đi dạy học bằng xe hơi có tài xế đội kết trắng lái. Khi tới trường, tài xế bước ra phía sau, mở cửa xe cho Thầy xuống. Hồi đó rất ít người có xe hơi. Đa số giáo sư đi xe gắn máy hay đi xe đạp. Giáo sư Vũ Khắc Khoan đi dạy bằng xe taxi.
Tôi thuộc loại giỏi của trường Trung học Cần Giuộc vậy mà khi chuyển trường, vào học tại trường Chu Văn An không còn đứng nhất nhì của lớp học được nữa.
Tôi thi vào trường Đại học sư phạm ban Lý Hoá không đậu nổi. Thi vào Kỹ sư Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh cũng không đậu. Muốn học Y khoa, ba tôi nói không đủ khả năng nuôi tôi học thêm nữa vì tôi có nhiều em (4 đứa) và còn các con dì sáu, bà vợ sau của ba tôi nữa, cũng bốn đứa em còn nhỏ. Ba tôi bảo tôi nộp đơn vào học Cán sự y tế không phải thi vì có Tú Tài hai. Tôi có đến bịnh viện Chợ Rẩy lấy đơn vì trường Cán Sự Y Tế ở trong khuôn viên bịnh viện này. Nhưng tôi không có nộp vì tôi không thích ngành này hơn nữa nó chỉ là ngành trung cấp mà thôi. Túng quá, cần đi làm có tiền, tôi đã nộp đơn thi vào trường Sư Phạm hai năm. Thi vào trường Sư Phạm hai năm chỉ cần Tú Tài một. Tôi đã có Tú Tài hai rồi nhưng vẫn thi vì tôi cần đi làm để ba tôi không phải tốn tiền lo lắng cho tôi nữa. Tôi thi đậu vào trường Sư Phạm vào năm 1963. Năm 1965 tôi ra trường Sư Phạm đổi về dạy tại trường tiểu học Phước Hòa Long, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Trường này do Ngô Văn Lương đang làm Hiệu Trưởng có 5 lớp nhưng học sinh rất thưa thớt, một lớp chừng mười mấy đứa học trò mà thôi.
Chiến tranh đang lan rộng khắp nơi trong quận. Ban đêm tôi ngủ ở các phòng kế bên rạp hát Quốc Thống. Lính thường đến gác trên sân thượng của lầu này. Tối Cộng Sản về, ở dưới đất bắn lên. Nghĩa quân ở trên nóc lầu Quốc Thống bắn xuống. Chúng tôi ở giữa chịu trận. Trong xã Phước Hòa Long, lính quốc gia và cộng sản lúc nào cũng có thể đánh nhau, đụng độ với nhau. Họ đánh nhau bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Từ đường cái đi vô trường, tôi phải qua đồn nghĩa quân.
Một hôm buổi sáng sớm, tôi đi vào trường. Khi gần đến trường, trên đường đi, tôi nhìn thấy một sợi dây giăng ngang, hai đầu sợi dây cấm hai cây tre nhỏ có treo hai quả lựu đạn. Lỡ đi tới tôi phải nhấc xe đạp lên bước nhẹ nhàng, chậm rãi qua sợi dây đó mà đi vào trường. Hôm sau, tôi không dám đi con đường này nữa, tôi phải đi vòng qua xóm để vào trường.