Chạy án

Chạy án

05:11 | Posted by BVN1

Huy Đức

20-2-2024

Phim “CHẠY ÁN” CỦA VTV dù hấp dẫn cũng chỉ là “muỗi” trước những vụ chạy án ngoài sức tưởng tượng của những kịch tác gia giỏi hư cấu nhất trước 3 vụ chạy án này: Cựu điều tra viên về “tội phạm tham nhũng” Bùi Trung Kiên, 3,7 triệu USD; Cựu Giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, 35 tỷ; Chạy án khi đương chức, Thiếu tướng, Phó giám đốc CA Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn 2,65 triệu USD.
Vẫn biết, như tuyên bố của Cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: “Chạy án phải bằng tiền chứ không thể hô hào khẩu hiệu”. Nhưng giá chạy án mà những sĩ CA cao cấp này đưa ra là quá mức hình dung của người dân. Nhất là giá được đưa ra từ họ, những tên tội phạm ấy, từng đứng đầu những cơ quan chống tội phạm ở những điạ phương quan trọng nhất.

Đành rằng, chính CA đã phá những vụ án này, có nghĩa là Ngành không dung thứ những hành vi sai trái ấy. Nhưng, có thể không phải tất cả các vụ tham nhũng trong ngành đều bị phát hiện. Và, liệu có bao nhiêu trường hợp, kẻ tham nhũng hơn lại đang đi còng tay tham nhũng.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San


 

Cựu TNLT Lê Văn Sinh mãn hạn tù, tố Công an Ninh Bình chiếm đoạt 400 triệu đồng

RFA
2024.02.22

Cựu TNLT Lê Văn Sinh

 Fb Sinh Lê

Cựu TNLT Lê Văn Sinh mãn hạn tù, tố Công an Ninh Bình chiếm đoạt 400 triệu đồng

Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Văn Sinh mãn hạn tù 5 năm hôm 15/2, tố cáo Công an tỉnh Ninh Bình chiếm đoạt số tiền 400 triệu đồng của ông để trong cốp xe máy khi bị bắt giữ.

Ông Sinh, 59 tuổi, bị bắt ngày 15/2/2019 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ông có tranh chất đất đai với hàng xóm và tố cáo sai phạm của cán bộ huyện Hoa Lư trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ dân địa phương. Ông cũng đăng tải nhiều bài viết trên Facebook cá nhân, chỉ ra sự tham nhũng của cán bộ trong một số dự án ở tỉnh.

Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Sinh cho biết thời điểm 5 năm trước, Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh mời lên trụ sở để làm việc về đơn khiếu nại tố cáo của ông.

Ông Sinh đến bằng xe máy và gửi ở cổng cơ quan công an như thường lệ. Ông kể lại trong ngày 22/2 như sau:

Người ta mời tôi xuống trụ sở Công an tỉnh để làm việc. Làm việc chưa xong, tôi chưa bàn giao tài liệu chứng cứ thì họ quay sang bắt tôi.”

Ông cho biết trong cốp xe có số tiền 400 triệu đồng ngày hôm đó mang theo để trả nợ vay ngân hàng, tuy nhiên, trong cùng ngày công an khám xét nhà và mang trả lại xe cho người vợ cũ sống cùng nhà mà không có bất kỳ giấy tờ gì, bên trong cốp xe đã không còn số tiền trên.

Trong thời gian tạm giam và cả trong phiên toà sơ thẩm giữa tháng 9 cùng năm, ông đã lên tiếng về việc mất tài sản nhưng không được giải quyết.

Trong thời gian bị tạm giam, tôi tố cáo việc bị bắt giữ trái pháp luật, thu giữ xe của tôi trái pháp luật và cướp tài sản trong xe của tôi nhưng không cơ quan nào trả lời.

Trong phiên toà tôi có nói ra thì toà nói ‘anh vẫn cứ tiếp tục đi theo đường khiếu nại và tố cáo để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết’ trong khi tôi đã khiếu nại và tố cáo rồi nhưng không có cơ quan nào trả lời.”

Phóng viên không có điều kiện để xác minh những tố cáo của ông Sinh là có chính xác hay không. Chúng tôi gọi điện cho Công an tỉnh Ninh Bình với đề nghị bình luận về vụ việc và được người trực điện thoại hướng dẫn:

Sự việc này thì anh cứ bảo với anh Lê Văn Sinh gửi đơn lên giám đốc Công an tỉnh để đề nghị đồng chí giám đốc Công an tỉnh xác định làm rõ.”

Bị kết tội không công bằng

Sau gần bảy tháng bị tạm giam, ông Sinh bị đưa ra toà ngày 12/9/2019.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Ninh Bình nói từ tháng 5/2018 đến tháng 2/2019, ông đã sử dụng hai danh khoản Facebook mang tên Sinh Lê và Sinh Levansinh (Sinhle) để đăng tải và chia sẻ 16 bài viết nội dung nói xấu chế độ, xuyên tạc, chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông Sinh đã chia sẻ 25 bài có nội dung bịa đặt, nói xấu, áp đặt, quy chụp sai phạm đối với 14 lãnh đạo, cựu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư và lãnh đạo nhiều phòng, ban khác của huyện Hoa Lư.

Ông Sinh cho hay, bản thân có thuê luật sư bào chữa nhưng người này trước tòa lại khuyên ông nhận tội. Ông cho biết thêm:

Ngay trong phiên toà tôi yêu cầu tranh luận và công bố chứng cứ nhưng người ta không thực hiện.”

Ông Sinh cho biết gia đình ông và nhiều hộ khác ở ba huyện Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan không được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện. Do vậy, ông khiếu nại lên cơ quan cấp huyện về trường hợp của mình và trợ giúp các gia đình khác trong việc đòi quyền lợi.

Ông cũng chia sẻ trên Facebook nhiều bài viết về một số dự án đội vốn ở Ninh Bình, như Dự án nạo vét sông Sào Khê và Dự án xây dựng quảng trường, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, và tố cáo lãnh đạo địa phương tham nhũng trong các dự án này.

Sau khi bị kết án, ông Sinh bị đưa đi thi hành án ở Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Ở nơi này, ông và các bạn tù chính trị bị giam trong những buồng giam chật hẹp và không được tiếp cận với sách báo, nhất là sách báo liên quan đến luật pháp.

Tuy phải sống trong điều kiện hà khắc ở nhà tù trong nhiều năm qua, ông Sinh cho biết sức khoẻ vẫn ổn. Ông nói sẽ tiếp tục

CHỦ QUAN ĐẠO ĐỨC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu các con không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, với những ‘chủ quan đạo đức’, chúng ta sẽ ‘tự hào về sự khiêm tốn’ của mình. Khi điều này xảy ra, tốt trở nên xấu; nhân đức trở thành tệ nạn; công chính trở nên bất chính! Như một giảng viên giáo lý, người đã kể những mẫu chuyện về sự giả hình; sau đó, cô nói với trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không như những biệt phái!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với nhận xét của Powell, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế”, Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘chủ quan đạo đức’, điều đã xảy ra nơi những kẻ cho mình là ‘công chính’. Chúa Giêsu nói về họ rằng, “Nếu các con không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các kinh sư và người Pharisêu? Không nhiều! Thật đáng nghi! Bởi lẽ, công chính của họ chỉ là thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh. Và điều gì ở bên trong những linh hồn như thế? Rất nhiều tự mãn, lừa dối bản thân với những ‘chủ quan đạo đức’ khi họ hợm hĩnh cho mình ‘thánh hơn người!’. Đọc Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó; nhưng trong thực tế, bạn và tôi cũng rất dễ trở nên mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, người cùng thời Êzêkiel cũng vấp phải những ‘chủ quan đạo đức’ tương tự. Họ nghĩ, họ chính trực, Chúa thì không! Vì thế, Ngài phán, “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi không ngay thẳng?” – bài đọc một.

Như vậy, xem ra lằn ranh giữa ‘chính trực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện và vờ thánh thiện’ khá mong manh! Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn xét mình với một nhận thức sâu sắc về sự giới hạn và khốn cùng của mình. Tôi đang theo đuổi một ‘thánh thiện thực’, hay đang ruổi theo một ‘thánh thiện ảo’ khi chỉ tìm kiếm cái tôi và tô vẽ nó? Nói cách khác, tôi thích ‘vờ làm thánh’ hay thích ‘nên thánh thực’ mà không giả vờ? Đừng quên, “Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc!”. Vì thế, thái độ đúng đắn của chúng ta là xin Ngài xót thương. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Anh Chị em,

“Nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa khiêm tốn nhìn nhận phận mình; mùa tháo cởi và ném xa những ‘chủ quan đạo đức’. Cốt lõi của sự thánh thiện thực nơi một con người là chính trực ‘bên trong lẫn bên ngoài’. Hãy chiêm ngắm ‘Giêsu Toàn Thánh’, Đấng hiền lành và khiêm nhượng, cũng là Đấng từng nói, “Nào ai bắt tôi được lỗi gì!”. Vì rằng, như dầu với nước, kiêu ngạo xa lạ với thánh thiện; chúng không bao giờ hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa không thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu căng! Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu hãnh! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa ‘sẽ không còn’ là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘tự hào’ về một điều gì ngoài tội lỗi của con. Cứu con khỏi những huyễn danh; giúp con liệng xa những ‘chủ quan đạo đức’. Xin thương xót con!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

VinFast lỗ ròng xấp xỉ 2,4 tỷ đô la dù giao gần 35.000 xe năm 2023

23/02/2024

Một phần trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast đăng trên trang của SEC, 22/2/2024.

Một phần trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast đăng trên trang của SEC, 22/2/2024.

Hãng ô tô VinFast của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán hôm 22/2 cho thấy họ giao hơn 34.800 xe trong năm 2023 và bị lỗ ròng tới 2,39 tỷ đô la trong cùng năm.

Bản báo cáo được đăng trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) mà VOA xem được mở đầu với tiêu đề “VinFast báo cáo kết quả tài chính chưa kiểm toán của quý 4 và năm tài chính 2023”.

Phần tóm tắt được nêu bật sau tiêu đề liệt kê ra rằng hãng thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Vượng đạt doanh thu quý 4/2023 và cả năm lần lượt là 436,5 triệu đô la (hơn 10,4 nghìn tỷ đồng) và xấp xỉ 1,2 tỷ đô la (gần 28,6 nghìn tỷ đồng).

Ở trang 2 và 3 của bản báo cáo, VinFast viết rằng tổng doanh thu năm 2023 chủ yếu là từ bán ô tô điện và đã tăng hơn 91% so với năm 2022.

Hãng xe ra đời năm 2017, được bản báo cáo mô tả là nhà sản xuất xe hơi điện hàng đầu Việt Nam, công bố đã giao hơn 13.500 xe trong quý 4 năm ngoái và tổng cộng 34.855 xe trong cả năm.

Mặc dù vậy, VinFast cũng nêu ra trong trang 2 của bản báo cáo rằng hãng lỗ ròng gần 2 tỷ 396 triệu đô la trong năm 2023, tăng gần 15% so với năm 2022; và đến ngày cuối cùng của năm ngoái, hãng chỉ có trong tay lượng tiền mặt là gần 168 triệu đô la.

Như tin VOA đã đưa, năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020. Tính từ khi hãng được thành lập hồi tháng 6/2017 đến hết năm 2023, lỗ lũy kế lên đến hơn 7,2 tỷ đô la.

Về nợ nần, báo cáo cho biết hãng nợ ngắn hạn đến ngày 31/12/2023 là hơn 5,8 tỷ đô la, tăng gần 110% so với năm 2022; nợ dài hạn là hơn 2,4 tỷ đô la, giảm khoảng 30% so với năm trước.

Cộng gộp lại, cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của hãng lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

Một nhà phân tích tài chính không muốn nêu danh tính đưa ra quan sát với VOA rằng số nợ ngắn hạn đã tăng hơn 100% nhưng hãng vẫn phải dựa vào các khoản vay để duy trì hoạt động, bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển các khoản vay của VinFast từ dài hạn sang ngắn hạn nhiều hơn và như vậy áp lực trả nợ cũng tăng cao.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, đưa ra bình luận trong trang 3 của bản báo cáo rằng năm 2023 ghi nhận nhiều dấu mốc “đầu tiên” của hãng mà đỉnh cao là việc cổ phiếu của hãng lên sàn ở Mỹ, bên cạnh đó là việc VinFast đã tung ra “những sản phẩm mới thú vị”, mở rộng mạng lưới phân phối và củng cố sự hiện diện của hãng tại các thị trường hiện có, đồng thời mở ra cánh cửa đến với “những thị trường mới đầy hứa hẹn”.

Nữ chủ tịch đánh giá rằng những động thái đó đã “đặt nền móng vững chắc” cho hãng trong năm 2024 và giờ đây VinFast “đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là cung cấp 100.000 xe trong năm 2024”.

Như VOA đã đưa tin, lượng xe VinFast giao trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu hãng đã đặt ra là 50.000 chiếc.

Trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở Mỹ, cổ phiếu mã VFS của VinFast có giá 5,08 đô la ở thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 22/2, giảm 3,4% so với lúc thị trường mở cửa và tiếp tục xu hướng mất giá từ đầu năm đến nay, đi ngược lại trào lưu tăng điểm của Nasdaq nói chung trong cùng kỳ. Giá của VFS là hơn 7 đô la hôm 2/1/2024.


 

Vụ án Vạn Thịnh Phát – Tòa án sẽ xử thế nào? (Phần 1)

Ba’o Tieng Dan

Blog VOA

Trân Văn

22-2-2024

Trong Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án “xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan”, Cơ quan Điều tra (CQĐT) không chỉ bày ra sự tùy tiện vừa đáng ngại, vừa đáng ngờ khi diễn giải và áp dụng pháp luật.

Ngoài bà Trương Mỹ Lan còn có 85 người nữa bị truy tố về nhiều tội khác nhau: “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”…

Tòa án TP.HCM vừa loan báo sẽ đưa “vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan” ra xét xử. Thời gian xét xử dự trù sẽ kéo dài trong hai tháng (từ 5/3/2024 đến 29/4/2024).

Ngoài bà Trương Mỹ Lan còn có 85 người nữa bị truy tố về nhiều tội khác nhau: “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (1).

Trong số 85 bị cáo của vụ án vừa kể có 15 từng là cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ba từng là Thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ (TTCP), một từng là Kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Tòa án cung cấp thông tin cho báo giới Việt Nam và cứ như những gì đã loan thì Cáo trạng chẳng khác Kết luận Điều tra (KLĐT). Có nghĩa là những thắc mắc sau khi KLĐT lọt ra ngoài vẫn còn nguyên! Không rõ Tòa án sẽ xử thế nào?

***

Tòa án có bỏ qua việc công an ngụy tạo thông tin về bà Nguyễn Phương Hồng, cố tình vi phạm Khoản 2, Điều 179 của Bộ Luật TTHS (chủ động khiến công chúng nhận biết sai về nhân thân bị can) biến bà Hồng từ “Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB” thành “Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát” khi loan báo việc tạm giam bà Trương Mỹ Lan cùng với năm người khác hồi đầu tháng 10/2022? Đồng phạm trong vụ ngụy tạo thông tin này còn có NHNN và mục tiêu là để lừa gạt khách hàng của SCB. Cũng vì vậy mới xảy ra sự kiện mà báo giới Việt Nam đã loan vào trung tuần tháng 10: Cuối ngày 13/10/2022, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, nhiều khách hàng, người dân sau khi nhận được thông tin tư vấn, giải thích từ đường dây nóng của NHNN chi nhánh TPHCM đã yên tâm và gửi tiền lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Cuối ngày hôm nay lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt gần 12.000 tỉ, tăng gấp đôi so với hôm qua là 6.000 tỉ đồng (2).

Công an chỉ chịu xác nhận bà Nguyễn Phương Hồng là một trong những “lãnh đạo chủ chốt của SCB” và đã… “chết vào ngày 9/10/2023, khi đã khởi tố bị can” tại trang 15 của KLĐT nhưng vẫn lờ đi chuyện chỉ hai ngày sau khi bị tạm giam bà Nguyễn Phương Hồng đột tử . Lẽ nào vi phạm Bộ Luật TTHS cũng là… “biện pháp nghiệp vụ” và đã là… “biện pháp nghiệp vụ” thì… không thành vấn đề, kể cả khi “biện pháp nghiệp vụ” ấy xâm hại đến lợi ích chính đáng của nhiều ngàn người là khách hàng của SCB?

***

Tòa án sẽ xử thế nào khi công an cho rằng bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH) của NHNN phạm tội “nhận hối lộ” (5,2 triệu Mỹ kim) bởi đã “bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB; báo cáo các cấp không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho Ngân hàng SCB tiếp tục được tái cơ cấu, dẫn đến NHNN, chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB” (trang 216 KLĐT), song lại cho rằng ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra của Cơ quan TTGSNH của NHNN chỉ phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, dẫu tính chất, mức độ phạm tội của ông Hưng nguy hiểm hơn của bà Nhàn, hậu quả do hành vi phạm tội của ông Hưng gây ra cũng nghiêm trọng hơn?

Tại sao đã xác định ông Hưng trực tiếp chỉ đạo, giám sát công việc của bà Nhàn: “Nguyễn Văn Hưng vì vụ lợi, động cơ mục đích cá nhân đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra; Nguyễn Thị Phụng, Phó Trưởng đoàn và Tổ Tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh) xây dựng dự thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo NHNN và chính phủ, nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ về: Tình hình, thực trạng tài chính yếu kém của Ngân hàng SCB; Che giấu, không báo cáo về vi phạm, sai phạm của Ngân hàng SCB, sai lệch với kết quả thanh tra, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấudẫn đến NHNN, chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB”, đã hẳng định ông Hưng nhận 139.000 Mỹ kim, mục đích nhận tiền đã gây ra hậu quả y hệt bà Nhàn nhưng hành vi của ông lại không phải là “nhận hối lộ”?

Cứ như KLĐT mô tả thì ông Hưng mới là… nhân vật chính, bà Nhàn chỉ là người “theo đóm ăn tàn” khi thực hiện chỉ đạo. Tòa án sẽ chấp nhận đề nghị truy tố người thừa hành tội “nhận hối lộ” với hình phạt nằm trong khung từ “20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” và nhất trí xem nhân vật chính chỉ… “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt chỉ nằm trong khung từ “10 năm đến 15 năm”? Chắc gì ông Hưng nhận tiền ít hơn bà Nhàn? Theo KLĐT, 139.000 Mỹ kim chỉ là “lời khai” của ông Hưng!

(còn tiếp)

Chú thích

(1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/dai-an-van-thinh-phat-truy-to-truong-my-lan-va-85-bi-can-119231215145320997.htm

(2) https://thanhnien.vn/nguoi-dan-gui-them-12000-ti-dong-vao-scb-nhnn-cung-cap-duong-day-nong-1851510160.htm

 

Vụ án Vạn Thịnh Phát – Tòa án sẽ xử thế nào? (Phần 2)

Ba’o Tieng Dan

Blog VOA

Trân Văn

22-2-2024

Tiếp theo phần 1

Tổng hành dinh Vạn Thịnh Phát tại Sài Gòn. Nguồn: Báo Thanh Niên

Tương tự, có tới 25 cá nhân là viên chức nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ để làm sai chức trách hoặc bỏ qua không làm những chuyện phải làm, song có bảy người (ba của KTNN, ba của Cơ quan TTGSNH thuộc NHNN, một của TTCP) được công an bỏ qua “không xem xét trách nhiệm hình sự”.

Bất thường trong việc xác định tội phạm không chỉ xảy ra giữa bà Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng (TTGSNH) và ông Nguyễn Văn Hưng – (Phó Chánh thanh tra của Cơ quan TTGSNH.

Tuy hành vi của nhiều viên chức cao cấp trong NHNN y hệt như bà Nhàn và gây ra hậu quả không khác gì hành vi của bà Nhàn nhưng họ cũng chỉ được xác định là đã phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như ông Hưng.

Tại trang 242 và 243 KLĐT, công an nhận định như thế này về hành vi phạm tội của các ông Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Võ Văn Thuần (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNH Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNH Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Nguyễn Tín (Phó phòng Thanh tra hành chính, Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng, Cục TTGSNH TP.HCM thuộc Cơ quan TTGSNH NHNN) và bà Nguyễn Thị Phi Loan (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNH Chi nhánh TP.HCM của NHNN): “Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan, Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Cục 2, NHNN Chi nhánh TP.HCM, TTGS NH Chi nhánh TP.HCM và Tổ trưởng Tổ Giam sát đã có các hành vi: Ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của Ngân hàng SCB lên NHNN và Cơ quan TTGS NH; Không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; Không kiến nghị Cơ quan TTGS NHNN; Không kiến nghị Cơ quan TTGS NHNN thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý các sai phạm; Thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của Tổ giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của NHNN và Cơ quan TTGS NHNN. Đồng thời quá trình thực hiện, chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát đối với Ngân hàng SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận của Ngân hàng SCB từ 470 triệu đến 1,8 tỷ đồng”.

Đáng nói là dù cho rằng: “Hậu quả của các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục 2, NHNN Chi nhánh TP.HCM và Tổ giám sát đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay lũy tiến từng năm để Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng cá nhân/trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động tín dụng xấu của SCB, thiệt hại đến nay với số tiền đặc biệt lớn (dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm Trương Mỹ Lan tính đến ngày 17/10/2022 là 677.286 tỉ đồng)” nhưng giống như ông Hưng, ông Dũng, ông Thuần, ông Trung, bà Loan, ông Tín không bị công an, kiểm sát xác định là “nhận hối lộ” giống như bà Nhàn! Liệu khi xét xử, tòa án có “linh hoạt” khi áp dụng luật hình sự như công an, kiểm sát?

Tương tự, có tới 25 cá nhân là viên chức nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ để làm sai chức trách hoặc bỏ qua không làm những chuyện phải làm, song có bảy người (ba của KTNN, ba của Cơ quan TTGSNH thuộc NHNN, một của TTCP) được công an bỏ qua “không xem xét trách nhiệm hình sự”. Trong bảy người, có ba nhận 100 triệu đồng, ba nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng, một nhận 6.000 USD và 50 triệu đồng và tại trang 227 của KLĐT, công an giải thích, sở dĩ các ông bà Lại Văn Bách, Bùi Vũ Hồng Trang, Phạm Thị Thùy Linh, Phạm Quốc Thịnh, Phạm Hồng Linh, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Hà Linh được tha vì “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Đỗ Thị Nhàn Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra. Quá trình làm việc với Cơ quan điểu tra đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận từ SCB, hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án”.

Thế thì tại sao trong chín trang từ 217 đến 226 tại KLĐT, mô tả về hành vi phạm tội và nhận định về hậu quả mà các thành viên Đoàn Thanh tra SCB gây ra, lại có những người cũng“không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra” như ông Nguyễn Duy Phương – chỉ nhận khoảng 45 triệu đồng và cũng đã chủ động nộp lại tiền, cũng được công an ghi nhận là “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” (trang 225 và trang 226) nhưng vẫn bị công an xem là có tội và bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”? Đó là chưa kể nhiều thành viên khác trong Đoàn Thanh tra SCB, tuy có chức vụ như ông Vương Đỗ Anh Tuấn (Tổ trưởng Tổ 3 của đợt thanh tra đầu, Tổ trưởng Tổ 2 của đợt thanh tra thứ hai) được ghi nhận “đã chủ động khai báo thành khẩn” về việc nhận 40.000 Mỹ kim và hai cái áo, đồng thời đã “chủ động, phối hợp với gia đình, nộp lại ngay toàn bộ số tiền” (trang 221), hay ông Trần Văn Tuấn (Tổ trưởng Tổ 4 của đợt thanh tra đầu, thành viên Tổ 1 của đợt thanh tra thứ hai) cũng chỉ nhận 6.000 Mỹ kim và 40 triệu đồng – khoản tiền đã nhận chỉ bằng hoặc thấp hơn một số người được cho là “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động” và dù cũng được CQĐT ghi nhận “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội, đã nộp toàn bộ số tiền vụ lợi” (trang 222) nhưng cả hai không được miễn xem xét trách nhiệm hình sự?… Khi xét xử, liệu tòa án có “nhất trí” với sự bất nhất hết sức khó hiểu này?

***

Dư luận vừa được hâm nóng sau khi công an công bố KLĐT vụ ông Đỗ Hữu Ca – Thiếu tướng cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng – nhận 35 tỉ đồng để “chạy” cho vợ chồng ông Trương Xuân Đước thoát nạn do “mua bán trái phép hóa đơn” (1).

Chuyện công an vừa điều tra, vừa nhận tiền để làm án theo… yêu cầu đã trở thành bình thường tại Việt Nam. Không chỉ có những sĩ quan công an về hưu đảm nhận vai trò vận động viên chạy án mà các sĩ quan công an đương nhiệm cũng vậy. Chẳng hạn trong đại án “giải cứu” có Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công an Hà Nội nhận 800.000 Mỹ kim, Điều tra viên cao cấp Hoàng Văn Hưng nhận 18,8 tỉ để sắp đặt án (2).

KLĐT, Cáo trạng của “vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan” góp phần giải thích lý so – chính vì được phép “linh hoạt” khi vận dụng luật hình sự nên sự “linh hoạt” chẳng ai thắc mắc này đã thai nghén và nuôi dưỡng chạy án, biến chạy án thành phong trào chưa biết đến lúc nào mới xẹp!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thieu-tuong-do-huu-ca-4-lan-nhan-tien-chay-an-cho-ong-trum-hoa-don-185240220201620388.htm

(2) https://vtc.vn/cuu-pgd-cong-an-ha-noi-nguyen-anh-tuan-duoc-giam-1-nam-tu-du-khong-khang-cao-ar843782.html


 

Đỗ Hữu Ca có 40 ‘sổ đỏ,’ nhiều vàng, đô nhờ ‘tiết kiệm’

Ba’o Dat Viet

February 22, 2024

Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công An Thành Phố Hải Phòng

Đỗ Hữu Ca khai rằng, số tài sản có được nhờ “tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của hai vợ chồng.”

Hơn 40 “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức… bị công an tịch thu khi khám xét tư gia của ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công An Thành Phố Hải Phòng, trong vụ bắt giữ ông này hồi giữa Tháng Hai năm ngoái.

Báo Người Lao Động hôm 21 Tháng Hai tiết lộ chi tiết này và cho biết bị can Đỗ Hữu Ca khai rằng, số tài sản nêu trên có được nhờ “tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của hai vợ chồng.”

Ca, 66 tuổi, bị bắt và truy tố với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” cụ thể là nhận 35 tỷ đồng ($1.4 triệu) với lời hứa “chạy án” cho nghi can Trương Xuân Đước trong vụ án “mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)” nhưng không giữ lời mà chiếm đoạt tiền.

Nhiều khả năng ngoài tội danh nêu trên, ông Ca sẽ còn bị khởi tố hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân liên quan các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản.

Liên quan hành vi lừa đảo của ông Ca, báo VNExpress hôm 21 Tháng Hai cho hay, 35 tỷ đồng được vợ chồng nghi can Đước đem đến tận tư gia của ông Ca trong bốn lần.

Tuy vậy, sau khi chi số tiền nêu trên mà chồng vẫn bị bắt vào đầu Tháng Hai năm ngoái, bà Trương Thị Ngọc Anh, vợ nghi can Đước, đã đến nhà xin lại tiền nhưng bị ông Ca chửi bới, đuổi về.

Khi bị bắt, ông thừa nhận việc mình nhận 35 tỷ đồng tại nhà, nhưng bác bỏ việc nhận “chạy án” với lý do “đã nghỉ hưu từ lâu, các mối quan hệ không nhiều, không còn khả năng chạy tội.”

Tên tuổi ông Đỗ Hữu Ca gắn liền với phát ngôn mô tả vụ cưỡng chế, đàn áp gia đình “người nông dân bị cướp đất” Đoàn Văn Vươn, tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, hồi Tháng Giêng, 2012. Sau vụ đàn áp đó, ông Ca nói đó là “trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách.”

Báo Tiền Phong thời điểm đó dẫn lời ông Ca: “Vụ việc hôm ấy tuy không bắt được đối tượng [Đoàn Văn Vươn] nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách…”

(Theo Người Việt)


 

CHẶNG THỨ 7: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai

Xin Chúa Thánh Thần thêm sức cho bạn trong những giây phút yếu đuối nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 22/02/2024

CHẶNG THỨ 7: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai

TIN MỪNG: Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53:5)

SUY NIỆM: Chúa Giê-su đã từng được bao nhiêu người hâm mộ bây giờ Ngài bị từ chối, khinh bỉ và bị chà đạp. Sức nặng ngày càng đè nặng trên vai làm cho Chúa ngã xuống đất lần thứ 2 là do việc thiếu nỗ lực biến đổi hoặc hoán cải đời sống. Con người cứ lập đi lập lại cái tội đó mà không gắng sức để quyết tâm thay đổi, họ tiến được một bước về phía trước, và đôi khi lại lùi lại hai ba bước về phía sau.

XÉT MÌNH: Lướt qua những tội sau đây, tội nào mà bạn cứ lập đi lập lại: lười biếng không làm việc; bài bạc ăn uống rượu chè say sưa quá độ; nhìn ngắm hoặc tưởng nghĩ điều dâm ô, nói những lời dâm ô thô tục, những lời ám hiểu ý tà hoặc xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm; tìm thú vui nhục dục bên ngoài cuộc sống hôn nhân, một mình hoặc với người khác; sản xuất, phổ biến sách báo, mua bán phim ảnh khiêu dâm; làm dịp cho người khác phạm những tội trên đây. Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, thánh giá nặng nề đang đè trên thân xác Chúa là hậu quả của tội lỗi con, xin giúp con biết vượt lên mọi yếu đuối thử thách hằng ngày và quyết tâm từ bỏ những tội xúc phạm đến đức khiết tịnh để thân xác, linh hồn con trong sáng xứng đáng là đền thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.

From: Do Dzung

Tâm Hồn Trong Trắng 

54 cục hột xoàn trong làng cán bộ

RFA

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.02.18

Các bị cáo bao gồm các cựu quan chức Chính phủ trong phiên toà chống tham nhũng liên quan vụ Việt Á diễn ra ở Hà Nội hôm 3/1/2024 (minh hoạ)

 AFP

Tháng 9 năm ngoái, Chính phủ (vui mừng) báo cáo: đã phát hiện 54 cán bộ không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (gọi tắt là kê khai tài sản).

Trời ơi 54 cán bộ này quý hiếm cũng phải cỡ cao hổ cốt, mà là loại hổ bạch tạng có cha là cảnh sát giao thông còn mẹ là cán bộ tuyên giáo vậy.

Bởi vì họ được lọc ra trong tổng số gồm đến hơn 60.000 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu + hơn 500.000 người kê khai tài sản thu nhập hàng năm + hơn 44.000 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung + gần 162.000 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ. Tổng cộng hơn 766.000 cán bộ phải kê khai tài sản và thu nhập, mà chỉ có 54 cán bộ chơi ăn gian bị phát hiện.

Thần tình! Có nghĩa là số cán bộ (tạm thời được xem là) kê khai trung thực, thanh liêm, trong sạch chiếm đến tuyệt tuyệt tuyệt x 3, 14 lần đại đa số!

Ấy nhưng mà có gì sai sai!

Cũng chính báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ cho hay, năm ngoái đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án, xác định gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng.

Chỉ cán bộ có quyền lực mới có khả năng tham nhũng, đồng thời họ đều thuộc diện phải kê khai tài sản. Gần 3.000 bị can phạm tội tham nhũng tức là gần 3.000 người đã kê khai gian tài sản trong (những) năm qua. Thế mà chính thức chỉ có 54 cán bộ bị phát hiện.

Với khả năng phi thường như thế, 54 cụ nọ quả thật là rồng trong loài người, là 54 cục hột xoàn trong làng cán bộ chứ còn gì nữa!

Quan chức có giàu không?

Giàu lắm.

Cách đây gần chục năm, ảnh chụp dinh thự bề thế và những ngôi nhà ba tầng lầu bỏ không, bất động sản mặt tiền cho thuê… của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đăng đầy trên báo chí và mạng xã hội. Nhân dân ghen tị bàng hoàng. Ông Truyền thanh minh với công luận: Phải lao động thối cả móng tay mới có nhà cửa này.

Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk có biệt thự xây trên đất nông nghiệp, hồ bơi, hồ nước 625 m2 trong khuôn viên cùng ba thửa đất có tổng diện tích gần một ha tại TP Buôn Mê Thuột. Ông Kỷ nói, đó là nhờ ông chạy xe ôm thâu đêm từ thời trai trẻ.

Ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái cũng có khu biệt thự trị giá khoảng vài chục tỷ. Ông Quý cũng nói do tiết kiệm gom góp từ thời thanh niên đi buôn chổi đót, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ bán…

Thực tế thì cách đây hàng chục năm, giá trị đất nông nghiệp ở các tỉnh đều không cao. Làm cán bộ cũng có thể gom góp tiền bạc từ gia đình, cố gắng làm thêm hoặc vay mượn từ các nguồn chính đáng khác để mua được. Người nào nhanh nhạy thì mua vào bán ra nhiều lần là có bạc tỷ. Cộng với ưu thế biết trước thông tin quy hoạch đất đai, trong làng cán bộ công chức không ít người giàu lên nhờ thế.

Nhưng dư luận lại không tin rằng ba vị kể trên sắm được dinh thự hoành tráng là do lao động và nhạy bén thị trường. Họ moi ra: ông Truyền chiếm dụng nhiều nhà đất do Nhà nước cấp trong thời gian đương chức, sau đó đã bị Trung ương kỷ luật. Ông Kỷ trong thời gian làm chủ tịch huyện Krông Pắk trước đó đã có nhiều sai phạm như bổ nhiệm cấp dưới vượt chỉ tiêu, sai quy định, ký đến 400 quyết định tuyển dụng giáo viên sai quy định, để xảy ra nhiều sai phạm trong đầu tư xây dựng công… Ông Quý thì “kê khai thiếu gần 8.000 m2 đất ở, hơn 27.500m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên, không kê khai một căn nhà diện tích xây dựng 600m2; không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng, được cho chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức, được giảm trừ gần hai tỷ đồng tiền san lấp mặt bằng sai quy định…” (trích báo Chính phủ).

Tóm lại là “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ”

Nhưng chuyện khoe của đập vào mắt như thế xưa rồi. Bây giờ các quan chức cao cấp khôn hơn nhiều. Họ không khoe dinh thự đồ sộ hay xe sang, đá quý… nên cũng không phải vắt óc nghĩ ra các lý do giải thích. Thậm chí có người như ông cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, còn không cần đến cái ví cất tiền cơ. Ông chỉ việc gọi thư ký, bảo đang cần 2,25 triệu tiền Mỹ (khoảng 51 tỷ tiền Việt) để lo công việc, tức thì hai triệu tự nó vác xác chạy đến nhanh như cắt.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ra toà ở Hà Nội hôm 3/1/2024. AFP

Cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng là người giàu vô địch. Giàu đến nỗi Việt Á tặng 200.000 đô la Mỹ nhét trong một chiếc túi mà ông cư xử với nó chẳng khác gì 2.000 đồng. Ông quẳng cái túi vào góc trong văn phòng, để tận một tháng sau khi dọn phòng chuyển trụ sở mới phát hiện ra. Thế nhưng biết rồi vẫn không đem phong bì tiền cất đi mà lại tiếp tục quẳng phứa vào gara ở nhà, rồi lại tiếp tục quên mất. Quên sâu đến nỗi bao nhiêu tháng sau, đến khi đứng chắp tay vòng quanh bụng trước tòa ông mới nhớ ra và rất đau xót vì bận chống dịch quá, không kịp trả lại cho doanh nghiệp!

Chỉ “làm việc” với hai doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay giải cứu, cựu trợ lý Phó thủ tướng Vũ Đức Đam-ông Nguyễn Quang Linh, nhận hơn 4,2 tỷ đồng.

Cũng như hàng trăm hàng ngàn đồng bạn (tù) ở những vụ án tham nhũng, các ông bà ấy đều hết sức giàu do ăn chặn, bóp cổ doanh nghiệp và người dân. Nhưng tất cả bọn họ đều chưa bao giờ lọt vào danh sách những người kê khai tài sản thiếu trung thực.

Nếu không bị phát hiện, bọn họ đều sẽ tiếp tục giữ những chức vụ to lớn, tiếp tục kê khai tài sản đều đặn và tiếp tục đạt được đánh giá trung thực, liêm khiết.

Thực tế tréo ngoe đó chứng minh kê khai tài sản và thu nhập không thể khiến cán bộ rụt tay. Thủ tục đầy tính hình thức này chỉ gây mất thời gian, tốn giấy mực và đem lại những con số ảo để mị một số người dân ngây thơ. Từ khi manh nha ý đồ tham nhũng thì các quan đều đã dày công vạch ra hẳn kế hoạch phân tán tài sản, xóa dấu vết các khoản tiền đến và tạo vỏ bọc đời sống sinh hoạt bình thường để không thu hút sự chú ý của dư luận rồi. Chả lẽ các anh các chú kê ra mảnh đất này là doanh nghiệp kia biếu, tòa nhà kia là doanh nghiệp nọ tặng cơ chứ, bị điên à!

Cái gốc của tham nhũng ở Việt Nam là quyền lực được tuyệt đối hóa dẫn đến quyền lợi cực độ béo bở đi kèm với đãi ngộ chính thức bạc bẽo. Bảo những ông vua con đang hết sức phè phỡn rằng hãy trung thực thật thà để gươm kề vào cổ thì thật là chuyện nhạt đến nỗi cười không nổi.

__________

Tham khảo:

https://dantri.com.vn/dien-dan/dao-dat-thoi-mong-tay-va-chay-xe-om-thau-dem-quan-chuc-sao-co-cuc-qua-20170408223115498.htm

https://baochinhphu.vn/cong-bo-ket-luan-sai-pham-cua-ong-pham-sy-quy-102229034.htm

https://tuoitre.vn/ong-chu-ngoc-anh-khai-vali-dung-200-000-usd-cat-trong-gara-nhung-nay-khong-tim-thay-20240105125345457.htm?fbclid=IwAR237i-2Z72asRFWi9JD_SMVGYST3ZCE76b_ZXgzS4UsOVdPOZd2FsBWSyc

https://vnexpress.net/phan-quoc-viet-tu-choi-khai-moi-quan-he-nhay-cam-voi-cuu-bo-truong-long-trong-vu-viet-a-4697254.html

https://thanhnien.vn/54-nguoi-bi-xu-ly-vi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-185231020162700961.htm

https://baomoi.com/xet-xu-vu-viet-a-dai-dien-vks-nhac-den-tin-nhan-dem-tien-mon-van-tay-c48034677.epihttps://baomoi.com/ong-nguyen-thanh-long-bi-cao-rat-an-han-xot-xa-dau-kho-c48035824.epi

https://phunuvietnam.vn/doan-tin-nhan-lam-cccd-som-khong-mo-van-tay-giua-2-bi-cao-trong-vu-viet-a-am-chi-dieu-gi-20240109212313642.htm


 

LÊN NÚI – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ muốn đưa chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, thì Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời chúng ta cùng lên núi với Người.  Vào sa mạc để sống tinh thần khổ chế của chay tịnh; lên núi cao để được biến đổi, canh tân.

Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được coi như nơi thuận tiện để con người được gặp gỡ Thiên Chúa.  Ba tháng sau khi ra khỏi Ai Cập, các vị kỳ lão đại diện cho Dân Do Thái được ông Môisen dẫn lên đỉnh núi Sinai để gặp Chúa.  Tại đây Chúa ban cho họ Luật Giao ước (x. Xh chương 19).  Ngôn sứ Elia trong cuộc chạy trốn vua Akháp đã đi bốn mươi ngày đêm để đến núi Horeb.  Ở đó, ông được gặp Chúa và tìm được sức mạnh để có thể đối diện với những khó khăn trong sứ mạng (x. 1V chương 19).  Trong Tân ước, núi cao cũng là những địa điểm gắn liền với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chính trên núi cao mà Người giảng tám mối phúc thật, được coi như Luật Mới của Tin Mừng.  Cũng trên đỉnh núi, người biến hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ.  Và cuối cùng, trên núi cao, Đấng Phục sinh đã gặp gỡ các môn đệ và sai các ông đi khắp thế gian để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Người đã thực hiện khi còn tại thế.

Để lên được núi cao, con người phải buông bỏ những ràng buộc.  Người nào mang quá nhiều hành trang sẽ khó có thể tới đỉnh núi.  Lên núi thiêng liêng là bỏ bớt những tham lam ích kỷ, những toan tính nhỏ nhen để con người thanh thoát.  Chỉ khi nào chấp nhận buông bỏ, chúng ta mới gặp được Chúa.  Có hai cuộc lên núi được đề cập trong Lời Chúa hôm nay, đó là Bài đọc I trích sách Sáng thế và Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô.

Ông Abraham sinh được một mụn con vào lúc đã một trăm tuổi và ông đặt tên là Isaac.  Tên gọi này có nghĩa là “Thiên Chúa làm cho tôi cười,” như chính bà Sara vợ ông đã giải thích (x. St 21,1-7).  Chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết hai ông bà yêu quý cậu con trai nối dõi tông đường này thế nào, vì đây là niềm hy vọng và là niềm vui duy nhất của ông ở tuổi xế chiều.  Tuy vậy, Chúa muốn thử thách lòng trung thành của Abraham, và Ngài truyền cho ông sát tế con mình làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi.  Dưới ngòi bút của tác giả, Abraham được diễn tả như một người kiên định và hoàn toàn phó thác vào Chúa.  Đối với ông, thánh ý Chúa là điều tối quan trọng, những điều khác chỉ là vô nghĩa, kể cả đứa con độc nhất của mình.  Nếu Abraham đã trung thành với Chúa, thì Chúa không bỏ rơi ông.  Chúa có cách can thiệp của Ngài.  Chính Chúa sẽ tìm ra một giải pháp, một lối thoát cho hoàn cảnh này.  “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ!” – lời nói của Abraham với con mình đã khẳng định sự xác tín của ông.  Và, quả thật là Chúa sẽ liệu, như chúng ta thấy ở phần kết của câu chuyện.  Ngọn núi từ đó được mang tên “Núi Đức Chúa sẽ liệu.”  Qua vị sứ thần, Thiên Chúa đã ghi nhận lòng vâng lời, trung thành và tín thác của ông, khi ông không ngần ngại sát tế đứa con thừa tự của mình.  Chính do lòng trung thành này mà Thiên Chúa hứa cho ông những điều tốt đẹp ở tương lai.  Đó là một dòng dõi đông đảo và được chúc phúc.

Cuộc lên núi thứ hai được diễn tả như một cuộc thần hiện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.  Tác giả Mác-cô cẩn thận ghi rõ chi tiết thời gian “sáu ngày sau” ở đầu trình thuật.  Đó là sáu ngày sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất cuộc thương khó và phục sinh.  Trước lời loan báo này, xem ra các ông không hiểu gì.  Vậy nên ông Phêrô mới can gián Người và bị Người gọi là Satan (x. Mc 8,33).  Chính trong bối cảnh ấy là Chúa dẫn ba môn đệ thân tín lên núi và Người biến hình đổi dạng trước mắt các ông.  Ba môn đệ đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Các ông ngỡ ngàng trước cảnh tượng mà các ông nhìn thấy.  Nơi đây, các ông chứng kiến một cuộc “thần hiện” huy hoàng: Chúa Giêsu không còn dáng vẻ của một người thường như mọi ngày, nhưng Người đã tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa, vinh quang sáng ngời, quyền năng mạnh mẽ.  Bóng mây bao phủ và tiếng nói từ trời là cách diễn tả Thiên Chúa Cha.  Ngài giới thiệu cho mọi người biết sứ mạng Thiên Sai của Con Một Ngài.  Hai nhân vật nổi bật của Cựu ước, ông Môisen tượng trưng cho Lề Luật, ông Elia tượng trưng cho truyền thống ngôn sứ, đều hiện ra cùng lúc để làm chứng về Chúa Giêsu.  Đối với độc giả Do Thái, khi đọc những dòng trình thuật này, chắc chắn họ không thể thắc mắc gì về sứ mệnh thiên sai của Đức Giêsu.  Người là Đấng được Lề Luật và các Ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa, nay đã đến để cứu độ con người.  Ba môn đệ là những người được biến đổi trước hết.  Nếu trước đó sáu ngày, ông Phêrô còn ngờ nghệch và nghi nan, thì hôm nay khi chứng kiến Chúa biến hình, ông lại choáng ngợp trước vẻ huy hoàng của cuộc biến hình.  Ông đã ngỏ lời làm ba lều, một cho Chúa, một cho ông Môisen và một cho ông Elia.  Tác giả Phúc âm không quên chú giải thêm: ông không biết mình nói gì, vì kinh hoàng.  Khi chứng kiến cuộc “thần hiện” này, quan niệm về Đấng Thiên sai nơi ba tông đồ không còn mang những nét trần tục, nhưng hoàn toàn thần thiêng.  Nhờ sự biến đổi này, các ông xác tín vào Thày mình, Đấng họ đã từ bỏ mọi sự mà tin theo.

Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao nhiêu bon chen tính toán trần tục, chúng ta thường bị cám dỗ và có nguy cơ trở nên tầm thường, ti tiện trong ứng xử.  Mùa Chay là mùa “lên núi” để tập sống tinh thần của Abraham, tín thác cậy trông vào Chúa.  Mùa Chay cũng là mùa lên núi như các tông đồ để cảm nhận rõ hơn sứ mạng của Đấng Cứu thế, với xác tín Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Theo Chúa chính là một cuộc leo núi, kiên trì, liên lỉ.  Trong cuộc leo núi, có nhiều người bỏ dở ngang đường vì không đủ can đảm trút bỏ những vướng víu ngăn cản tiến lên.  Mùa Chay giúp ta nhìn lại chặng đường mình đã đi, nhiều khi không phải là lên cao nhưng trái lại, đang là những tụt dốc, làm chúng ta càng ngày càng trở nên xa Chúa và xa rời anh chị em mình.  Sám hối ăn năn, giao hòa với Chúa và với anh em, từ bỏ lối mòn của quá khứ để dám lên đường khởi đầu một hành trình mới, đó chính là một cuộc “lên núi” thiết thực đối với chúng ta.

“Chúa không hứa ban cho chúng ta một cuộc hành trình êm ả, Người chỉ hứa giúp ta đến đích an toàn” (John Gower – Thi sĩ người Anh, thế kỷ 14).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

CHỈ CÓ 2 ĐIỀU THÔI


CHỈ CÓ 2 ĐIỀU THÔI

 + Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.

+ Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.

+ Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.

+ Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.

+ Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.

+ Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.

 + Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.

+ Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.

+ Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.

 + Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.

+ Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.

+ Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.

+ Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.

+ Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.

+ Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.

+ Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.

+ Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.

+ Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.

 + Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.

+ Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên và làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày. 

( lượm trên FB.TN)


 

KIẾN TẠO MỘT SỰ KHÁC BIỆT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.

Một triết gia nhận định, “Không một tiến bộ vĩ đại nào trong khoa học, chính trị và tôn giáo mà không gây tranh cãi! Cũng không một nhân vật nào có thể thắp sáng thế giới, truyền cảm hứng cho nó, ảnh hưởng nhất đến tâm trí nhân loại; để sau cùng, cứu lấy nhân loại cho bằng “Giêsu”, một con người gây tranh cãi nhất thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ Lập Tông Toà Thánh Phêrô hôm nay cho biết “Giêsu”, con người gây tranh cãi nhất thế giới đó muốn thăm dò dư luận về Ngài; và quan trọng hơn, “Giêsu” đó muốn biết câu trả lời của bạn và tôi, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Xác tín để trả lời được câu này sẽ là một ‘ý lực’ vốn có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt’ nơi bất cứ ai.

Trả lời “Thầy là ai?” sẽ quyết định cách sống các giá trị và niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau, lòng bác ái và sự phục vụ hiện tại của bạn và tôi. Tất cả những điều này được sống bởi một xác tín về Ngài là ai. Trả lời “Thầy là ai?” liên quan đến một cam kết; đòi hỏi một sự thay đổi thái độ và hành vi vốn có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt’ nơi bạn.

Phêrô đã trả lời, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”. Dẫu không hiểu hết nhưng xem ra Phêrô đang mường tượng rằng, Ngài không chỉ là một tiên tri hay một thầy dạy nhưng còn là ‘một Ai đó’, ‘một Điều gì đó’ còn hơn thế! Một “Giêsu Kitô” ngang hàng với Thiên Chúa! Câu trả lời này đã đổi thay cuộc đời Phêrô, cởi mở trái tim ông để ông có thể đón nhận ân sủng của Thánh Thần. Nhờ đó, dần dà, chính Thánh Thần đã dạy Phêrô hiểu, đây không phải là câu trả lời đơn giản của trí tuệ, nhưng là của ân sủng ‘nhận được từ trên’ để Phêrô dứt khoát cho một sứ vụ trước Thiên Chúa và trước thế giới.

Phêrô khuất phục Đấng Kitô; đổi lại, Ngài trao chìa khoá Nước Trời, trao Hội Thánh cho ông. Qua thư mình, Phêrô căn dặn các kỳ lão, “Hãy chăn dắt đoàn chiên Thiên Chúa đã giao phó”; “không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ!” – bài đọc một. Nhờ đó, đoàn chiên được chăm sóc, mỗi con chiên cảm nghiệm Chúa đang chăm sóc mình, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Thầy là một con người gây tranh cãi nhất thế giới! Đức Phanxicô nói, “Chúa Kitô không phải là ký ức của quá khứ mà là Thiên Chúa của hiện tại. Nếu Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, thì ngày nay chúng ta không thể bắt chước Ngài. Chúng ta sẽ thấy mình phải đối mặt với vực thẳm lớn của thời gian, và trên hết, đối mặt với gương sáng của Ngài như một ngọn núi rất cao, không thể vượt qua được; chúng ta muốn leo lên đó nhưng lại thiếu khả năng và phương tiện. Thay vào đó, Giêsu đang sống! Hãy nhớ điều này! Giêsu đang sống! Ngài sống trong Giáo Hội, sống trong thế giới; Ngài đồng hành với chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, ban cho chúng ta Lời của Ngài, ân sủng của Ngài, soi sáng và làm tươi mới chúng ta trên hành trình để mỗi người cũng có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt’ trong thế giới!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng ngại gây tranh cãi cho những chọn lựa của con. Để rốt cuộc, con chọn Chúa với những cam kết dứt khoát, và con cũng có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt!’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Kim Bang Nguyen