Đường gian truân đi đến tự do

Đường gian truân đi đến tự do.

(Đã đăng trên báo Người Việt ngày 16 March 2010)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Khoảng Tháng Giêng năm 1983, tôi trở về nhà sau gần tám năm đi tù cải tạo, xa gia đình. Nhìn dọc theo đường Phạm Thế Hiển bên kia cầu Chữ Y, hoàn toàn thay đổi, không còn nhìn ra được các chỗ quen thuộc trước đây.

Nhiều nhà lấn ra phía trước. Nhiều nhà lên lầu. Những nền trống lúc ra đi tôi thấy, nay được xây lầu, nhà mới. Bước vào nhà, tôi thấy bốn năm đứa nhỏ đang ngồi học, tôi không biết đứa nào là con của tôi. Một đứa trẻ đang ngồi học, chạy thẳng ra phía sau nhà nói: “Má ơi có ông nào kiếm má kìa?” Tôi đi theo, ra sau nhà, tôi thấy bà xã tôi đang nấu cơm. Tôi gặp cậu Bảy, tự nhiên nước mắt tuôn trào, tôi khóc!

Tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi không ngờ còn sống để được gặp lại cha mẹ, vợ con, vì tôi cứ đinh ninh rằng tôi sẽ bỏ xác ở nơi rừng thiêng nước độc, khó hy vọng sống sót để về tới nhà.

Trước 1975, tôi là giáo sư trung học. Khi cải tạo về, tôi chưa được làm người dân bình thường. Tôi còn bị quản chế, đi đâu cũng phải khai báo, phải trình diện công an hàng tuần. Mỗi sáng thứ hai đem sổ trình công an, ghi rõ từng ngày đã làm gì, tiếp xúc với ai. Nội cái việc trình diện hàng tuần như vậy cũng đủ làm cho tôi không còn sáng suốt, không còn tâm trí để tính chuyện làm ăn. Mà làm ăn cái gì mới được, khi tôi không có đồng xu dính túi. Lúc này nhà cầm quyền cấm tư nhân làm ăn. Ngay cả bán cà phê còn phải bán chui nữa mà. Mọi thứ buôn bán đều phải vô hợp tác xã hết.

Người dân bình thường còn bị khó khăn trong công ăn việc làm, huống hồ gì tôi, người vừa về từ trại cải tạo. Tôi phải xoay sở, kiếm sống bằng nghề lao động chân tay.

Tôi quyết định đi… đạp xích lô

Anh Ðạt, bạn tù, trước ở chung cùng trại cải tạo với tôi ở trại Tân Lập, Vĩnh Phú về trước tôi mấy tháng, có chiếc xe xích lô cho mướn. Sáng sớm, tôi lấy bộ quần áo hơi tệ một chút. Áo sơ mi cũ. Quần tây cũ nhưng lành lặn.

Tôi đến nhà anh Ðạt mượn chiếc xích lô chạy thử, xem có hành nghề xích lô nổi không? Ðạp tới dốc cầu Nhị Thiên Ðường, tôi phải xuống xe, đẩy lên dốc. Nhưng chỉ là chiếc xe xích lô, không có người, nên tôi đẩy chiếc xe không lấy gì làm khó khăn. Tôi thấy vui vui, vì lần đầu tiên… đạp xích lô, dùng sức lao động của mình để kiếm sống.

Tôi đạp xe qua cầu Nhị Thiên Ðường, chạy đến bến xe Chợ Lớn, khu chợ Bình Tây để kiếm khách. Vì là lần đầu chạy xích lô, tôi đâu có biết, là người ta cấm rước khách trước cổng chợ.

Vừa đậu xe trước cổng, bảo vệ chợ đến lấy cái nệm trên xe để dùng cho khách ngồi. Thế là cái xe xích lô của tôi trống trơn. Tôi đạp xe không, chạy vòng vòng một hồi, đến ngã tư đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Tri Phương, gặp khách gọi. Ðó là hai vợ chồng người Hoa mập mạp leo lên xe, bảo tôi chạy từ ngã tư, từ đường Nguyễn Trãi, chạy dọc theo đường Nguyễn Tri Phương để đi lên phía đường Vĩnh Viễn. Tôi không ngờ là đường lên dốc, tôi đạp không nổi vì ông bà người Hoa này quá mập. Chắc hai vợ chồng này cũng phải gần 160 hay 170 kí lô. Sau chuyến xe chở hai người Hoa đó, tôi thấy quá mệt, đành phải đem xe về trả lại cho anh Ðạt. Tôi biết sức mình không thể làm nổi nghề này. Ðêm đó, tôi trằn trọc suốt đêm, tim tôi đập nhiều, đập liên hồi, không ngủ được. Mãi đến mấy ngày sau mới bình tĩnh trở lại, sức khỏe mới bình thường.

Tôi lại đổi nghề, đi làm… thợ hồ

Anh Hai tôi nhờ tôi đi theo để sửa chữa ống cống ở Quận 11. Sáng sớm, tôi cùng anh Hai, mỗi người một chiếc xe đạp chạy qua Quận 11. Tôi xách theo một phần cơm đeo tòn ten ở ghi đông xe. Ðến nơi, tôi phụ anh Hai bốc dỡ các miếng “đan” vuông vức mỗi bề chừng tám tấc, khiêng ra khỏi miệng cống. Anh Hai tôi sửa chữa những chỗ hư hại. Sau đó hè hục khiêng đậy lại chỗ cũ. Sau một ngày làm việc ngoài trời nắng gắt, anh phát cho tôi một ngày “lương” là công tôi phụ giúp khiêng mấy tấm “đan.” Ngày hôm sau anh không nhờ tôi nữa vì tôi không làm nổi những việc nặng nhọc mà anh cần tôi giúp.

Thế là lại đổi nghề, tôi đi bán… vé số dạo

Anh Nguyễn Tấn Th. đang làm nghề bán vé số. Anh đặt cái bàn bán vé số ở chợ Phạm Thế Hiển. Trước năm 1975, anh tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, làm ở Nha Thuế Vụ, Bộ Tài Chánh.
Bây giờ anh thất nghiệp, lãnh vé số để bán, vừa bán lẻ, vừa giao cho các bạn hàng. Tôi đến nhà anh để nhận vé số về bán kiếm lời. Chỗ ngồi thì bà con đã sắp xếp hết rồi, tôi đâu còn chỗ nào chen chân vô được. Ðành phải đi bán dạo.

Lúc đó, tôi nghĩ phải đi thật xa ra khỏi khu vực Quận 8 thì mới hy vọng không gặp học trò cũ của mình. Tôi nghĩ, trước đây cũng từng đi dạy học, cũng là một giáo sư trung học, mà bây giờ đi bán vé số thì cảm thấy mắc cỡ quá, coi kỳ cục quá.

Sau khi anh Thời đưa sấp vé số cho tôi, tôi đâu dám mời bà con ở Quận 8. Tôi đi bộ qua đò Chánh Hưng, đi vòng qua chợ Xóm Củi cũng chưa dám bán, tôi đi dọc Kinh Tàu Hủ, bến Lê Quang Liêm, qua khỏi Bưu điện Chợ Lớn, khoảng khá xa, tôi hy vọng sẽ không còn gặp ai là người quen nữa.
Tôi đi một khoảng xa đến bến xe xích lô đạp, có mấy anh tài xế đang đợi khách. Tôi nghĩ trong đầu chắc là bán được rồi đó. Tôi liền lấy trong túi quần một cọc chừng năm sấp vé số để mời khách. Tôi vừa đưa sấp vé số, vừa nói:

– “Mời mấy anh mua giùm vé số.”

Vừa mời xong, có một người trong nhóm tài xế nói:

– “Chào thầy. Em là học trò trường Lương Văn Can, mời thầy uống cà phê, hút điếu thuốc.”

Tôi giựt mình, vội vàng đút thật nhanh mấy xấp vé số vào trong túi quần và em này kéo ghế mời tôi ngồi đưa ngay một điếu thuốc thơm đầu lọc, bấy giờ gọi là thuốc “có cán.” Tình nghĩa thầy trò, quí nhau lắm mới mời thuốc lá thơm. Uống vội chút cà phê, hút xong điếu thuốc. Tôi mắc cỡ, thấy ngại ngùng quá nên không dám tiếp tục đi bán nữa. Trở về nhà, tôi giao hết mấy xấp vé số cho đứa con gái út lúc đó chín tuổi, nhờ cháu đi đò qua phường Chánh Hưng bán tới xế trưa khoảng bốn, năm giờ chiều thì hết.

Thế là có nghề mới: giặt bao nylon

Tôi cùng anh Hoàng Văn Ð. đi đến các tiệm mua bán vật liệu phế thải, kiếm bao nylon dơ mà mua. Ðem giặt ở chỗ máy nước công cộng, phơi khô rồi đem đến các cơ sở sản xuất ra bao ny lon mà bán. Ngồi giặt bao nylon cho hết các chất bẩn như dầu mỡ, đất cát, bụi, giặt cho thật sạch cũng rất gian nan. Kiếm chỗ sân vận động để phơi cho thật khô rồi đem đến cho các tiệm làm bao ny lon bán. Nhưng họ ép giá, đòi giá quá thấp cho nên bán xong chỉ lấy lại được vốn là mừng rồi. Giặt sạch, phơi khô, công việc cả ngày mà không có lời nên đành bỏ cuộc, không tiếp tục làm nghề này được.

Chuyển sang nghề mua bán sách báo cũ

Tôi vào trong các tiệm phế liệu ở Quận 7 (cũ), mua bịch nylon, thấy họ có một số sách báo cũ, tôi lựa các sách tạm gọi là “coi được,” mua lại để ở nhà. Sắp xếp loại nào có giá trị đem ra đường Huỳnh Thúc Kháng để bán cho các gian hàng bán sách cũ. Tôi đi với đứa con gái lúc đó khoảng 13, 14 tuổi, ôm phụ giùm các cuốn sách.

Ra đến nơi, mới vừa ôm các cuốn sách để giới thiệu với các quày bán sách, thì bị bảo vệ đến tịch thu sạch trơn, không cho bán, mặc dầu các sách này chẳng phải là sách cấm. Họ nói rằng buôn bán không có giấy phép nên họ tịch thâu. Tôi đau lòng, rất buồn vì thầy giáo không đi dạy được, bán sách cũ cũng không cho. Làm gì để sống đây? Tôi chỉ còn có con đường hồi hương, về quê làm ruộng hay đi kinh tế mới cuốc đất trồng khoai. Ðó cũng là chủ trương của nhà nước lúc bấy giờ.

Trở lại nghề cũ: đi dạy kèm

Phụ huynh học sinh cũ thương tình mời tôi đến nhà để dạy Toán, Anh văn cho con họ. Tôi làm nghề dạy kèm tư gia. Mỗi chỗ dạy chừng hai ba học sinh. Những lúc trời mưa, trời gió cũng đi xe đạp đến dạy. Dạy đâu được vài tháng các em cũng không chịu học nữa vì cái học lúc này không hấp dẫn các em. Bác sĩ ra trường lãnh tháng lương không bằng nghề vá xe đạp ở ven đường. Tôi lại chuyển nghề.

Ði bán bia, nước ngọt

Sau một thời gian dạy học không đủ sống, bà xã tôi có một người bạn dạy chung trường có cơ sở nước ngọt, cần người bỏ mối.

Họ cho mượn năm kết vỏ chai để tôi lấy hàng đi bỏ mối. Tôi đến các quán bán nước ngọt, bán bia, mời chào. Quán đầu tiên là quán… bà Ba, trên đường Liên Tỉnh số năm, dưới dốc bên phải cầu Nhị Thiên Ðường.

Thấy giá rẻ, cho mượn vỏ chai nữa nên bà Ba chịu liền. Tôi mừng quá, lần đầu giới thiệu hàng mới mà có người nhận ngay. Tôi vòng qua chợ Bông Sao, đi dọc theo đường Lộ Ðá Ðỏ hỏi bất cứ quán bán nước nào ven đường. Lúc này, chỉ có một người bỏ mối nước ngọt mà thôi, nên tôi không có gặp sự cạnh tranh nào đáng kể. Tôi ráng hết sức đi lấy hàng và giao hàng.

Có khi trời đang nắng, cái nắng gay gắt của buổi trưa Hè, tôi cũng phải chở nước ngọt bằng xe đạp, hai kết được ràng ở phía sau xe, hai giỏ xách để ở đàng trước chở được một kết nước ngọt, vị chi là ba kết trên xe.
Sau khoảng ba tháng chở nước ngọt bằng xe đạp, tôi bắt đầu bị cảm thường xuyên. Sau một thời gian cảm ho, nằm ngủ không được vì khó thở, tôi phải kê đầu gối lên cao mới ngủ được, mới thở được. Nhiều đêm ho và quá mệt, tôi đành phải đi bác sĩ. Người ta khám phá tôi bịnh lao và phổi có nước. Thế là phải vô bịnh viện Nguyễn Trãi nằm điều trị mất một tháng.

Về nhà phải uống thuốc mất một năm rưỡi nữa mới lành bịnh. Tôi còn nhớ, lúc đó vừa giao nước ngọt và bán thêm rượu bia, có tên là “bia lên cơn,” bia này được nấu bằng cùi thơm hay vỏ của trái thơm để vài ngày lên men, có gas uống cũng chóng mặt, cũng say. Bà con thích uống loại này vì… rẻ, còn bia hơi quá đắt, lại khan hiếm, nên không đủ cung ứng cho nhu cầu.

Ngoài “bia lên cơn,” còn có rượu nhẹ 36, là loại rượu pha cồn công nghiệp, uống vô nhức đầu chịu không nổi.

Lúc mới về, phó chủ tịch phường sai tôi đi đắp kinh.  Sáng sớm phải đội cái nón lá lên đầu, xách theo bình nước lã để uống và phải lội xuống sình để đắp bờ đê. Trong thực tế, họ cho người dẫn chúng tôi đến con kinh nhỏ gần ụ Nam Chành, bắt chúng tôi xuống sình để vét kinh, đào đất đắp lên bờ.
Người ở dưới ruộng, từ xa giữa ruộng, xắn một cục đất tạm coi là khá lớn, chuyền tay cho người thứ nhất đã rớt xuống một miếng, chuyền đến tay người thứ hai đã rớt thêm một miếng đất nữa đến khi miếng đất truyền đến người cuối cùng quăng được cục đất lên bờ thì nó chỉ còn bé tí tẹo.

Sau một buổi làm việc như vậy, số đất đem lên bờ chẳng còn bao nhiêu, chỉ làm cho đường đi càng dơ bẩn hơn mà thôi. Ðối diện với nhà tôi là công an phường. Cho nên sáng ngủ thức dậy là thấy công an rồi. Công an thường xuyên theo dõi xem tôi có liên lạc với sĩ quan của chế độ cũ để tổ chức phản động chống nhà cầm quyền hay không? Ðó là hình thức tù “lỏng” mà thôi. Tôi thì lúc nào cũng lo sợ, hồi hộp không biết sẽ bị bắt lại bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do gì. Lòng tôi không yên. Lo âu hoài. Lo hết chuyện này đến lo chuyện khác. Lo làm ăn. Lo bị đói, không đủ ăn. Toàn gia đình làm việc cật lực mới sống được, mới tồn tại được. Theo luật bù trừ, con cái tôi vì phụ giúp buôn bán nên không còn chú tâm hoàn toàn vào việc học nữa. Còn riêng cá nhân tôi lo bán bia, bán nước ngọt nên không còn thì giờ dạy con cái học hành.

Cám ơn Thượng Đế, cám ơn mọi người.

Hành trình qua Mỹ thật cam go. Khi được cộng sản thả ra từ trại Nam Hà, thành phố Hà Nam Ninh về đến Sài Gòn, một thời gian ngắn khoảng vài tháng, tôi nhờ anh Nguyễn Gia Ph., một cựu giáo sư dạy cùng trường Lương Văn C. về trước tôi khoảng hai năm, cho tôi mẫu đơn để tôi điền đơn gởi sang Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thái Lan để xin định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ít ai dám làm đơn vì còn sợ cộng sản biết được có thể bắt bỏ tù trở lại vì đã ở tù rồi mà còn muốn theo kẻ thù là “Ðế Quốc Mỹ,” còn thích “bơ sữa” của kẻ thù. Như vậy là chưa… cải tạo được.

Tôi quyết định làm đơn rồi “lén,” gởi… chui, nhờ người làm trong bưu điện gởi giùm. Không có ai, không có chỗ nào dám nhận đánh đơn của mình. Tôi phải tự đánh máy lấy và tự gởi, lòng tôi lo âu không biết thơ của mình có tới Thái Lan không? Ðơn tôi có bị công an kiểm duyệt và tôi có bị làm khó dễ khi nộp đơn chui như vậy hay không?

Tôi gởi nhiều đơn, đơn nào cũng giống nhau cứ vài tháng lại gởi một cái đơn. Tôi cứ gởi đại nhiều lần, hy vọng thơ này lạc còn có thơ khác tới. Tôi cũng gởi cho bà Khúc Minh Thơ để bà gởi sang Bangkok can thiệp giùm tôi.
Ði dạy học trở lại thì nhà nước cộng sản không cho. Tôi hoàn toàn thất nghiệp. Tôi chỉ còn hy vọng lối thoát duy nhất này, đi Mỹ để giải quyết chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái, nhất là tôi có thể tìm được tự do.

Tôi được người cháu gọi bằng cậu, cháu ngoại bác Hai tôi ở làng Tân Tập nhận bảo trợ cho tôi từ năm 1983. Khi nộp đơn đi Mỹ, người cháu này lo giấy tờ cho tôi và được phía Mỹ chấp thuận từ năm 1984, được gọi là tờ “Loi.” Nếu có tờ giấy này, có thể dùng để xin xuất cảnh ở Việt Nam. Hành trình đi Mỹ của gia đình chúng tôi rất là gian nan. Tôi thường ra Sở Ngoại Vụ, trước dinh Ðộc Lập cũ, để nghe ngóng tin tức. Ôi thôi đủ thứ loại tin tức, thêu dệt đủ thứ về cuộc sống sung sướng, giàu sang ở Mỹ.

Tôi cùng với người bạn, là anh Quang, đi nộp đơn, nhưng vì anh ấy có bảo lãnh trước nên Sở Ngoại Vụ nhận đơn để làm giấy xuất cảnh, còn tôi chỉ có tờ “Loi.” không có ai bảo lãnh cả, nên họ không cho nộp đơn, bảo phải chờ thông báo sau.
Khi cho tù cải tạo nộp đơn, vì nộp trễ, tôi được lên danh sách HO 23. Lúc này có rất nhiều người khiếu nại bên phía Mỹ để xin đi sớm nêu lý do là nộp đơn quá lâu rồi, ở trong nước bị chèn ép, khó khăn, nguy hiểm. Tôi cũng có làm đơn khiếu nại. Cuối cùng tôi được “đôn” lên HO 19, đi trước khoảng một năm.
Trước khi ra đi, phải khám sức khỏe. Khi đi khám bịnh phải lo đủ thứ, lo đủ nơi. Phải lo khám trước ở nhà riêng của bác sĩ, chụp phổi trước xem có bị nám không? Chi tiền cho bác sĩ để đến khi khám bịnh chính thức sẽ được dễ dàng hơn. Khi đi phỏng vấn cũng phải bỏ vô hồ sơ vài chục ngàn đồng để được dễ dàng không bị các viên chức cộng sản làm khó dễ. Tôi quá sức hồi hộp vì sợ có điều gì trở ngại không? Tôi biết hồ sơ tôi rất tốt vì từ năm 1983 khi tôi làm đơn gởi qua Bangkok, Thái Lan, cho đến lúc được phỏng vấn không có gì thay đổi cả.Tháng cuối cùng trước khi tôi được lên máy bay, tôi bị cảm liên miên vì tôi quá lo lắng. Tôi thuộc diện phải giao nhà cho nhà nước quản lý. Tôi có khiếu nại. Họ ngâm hồ sơ không chịu giải quyết để tôi nóng lòng muốn đi Mỹ thì phải ký giao nhà cho họ.Tối hôm Chúa nhật tôi lên máy bay mà cả tuần cuối cùng đó, tôi thường xuyên lên sở nhà đất họ cũng không chịu trả lời, bảo tôi phải chờ.Tôi đã có giấy tờ đăng ký chuyến bay, đã có dịch vụ lo chuyên chở hành lý. Ðã hẹn ngày giờ chở gia đình tôi ra sân bay. Nhưng đến những ngày chót mà tôi cũng chưa có giấy chứng nhận không có nhà cửa. Nếu thiếu tờ giấy này tôi không thể nào lên máy bay được. Sáng thứ bảy, tôi đi cùng một nhân viên dịch vụ của tôi đứng đợi ở Sở nhà đất. Chúng tôi phải chung tiền cho họ vậy mà mãi đến chiều thứ bảy khi sắp đóng cửa, họ mới chịu đưa giấy tờ cho tôi. Trước đó mấy ngày, hôm thứ năm, tôi có nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay. Khi nhận được giấy đình chỉ chuyến bay tôi như người mất hồn không biết giải quyết ra sao? Vợ tôi thúc hối cứ ký giao nhà cho nhà nước để được đi sớm. Lòng tôi rối như tơ vò, tôi không thể làm như vậy được vì nhà này đâu phải là nhà của tôi đâu mà tôi ký giao, tôi chỉ đứng tên cái nền nhà giùm cho ba má tôi mà thôi.Tôi không thể ký giao nhà của ba má tôi được. Cơ sở đại lý bia thì đã bán lại cho em tôi rồi. Ðã cầm lấy tiền, đã thanh toán nợ nầng xong.Trong một tháng cuối cùng tôi không lúc nào yên ổn cả. Lo bán tiệm. Lo khám sức khỏe. Lo thăm viếng bà con, anh em, bạn bè. Lòng tôi ngổn ngang trăm mối, đầu óc quay cuồng bao nỗi lo âu.

Lần ra đi này lại thêm thử thách mới cho tôi, lại phải thay đổi nghề nghiệp nữa, rồi sẽ sống bằng nghề gì đây, lại bắt đầu bằng nghề mới ở tuổi 51, sức khỏe tôi không phải loại tốt cho nên nếu làm nghề gì nặng nhọc đâu có làm nổi. Ở quê hương mình tôi có thể nói tiếng Việt với nhau, làm ăn cũng có cơ sở rồi, phấn đấu gần 8 năm được một cửa hàng để buôn bán, một số khách hàng quen thuộc, sinh sống tương đối rất thoải mái so với người xung quanh như vậy là mình có phước lớn lắm rồi. Cho nên bạn bè mới nói làm ăn rần rần như vậy, còn muốn đi Mỹ làm gì nữa. Nhưng họ đâu hiểu rằng làm ăn như vậy, nhưng có gì chắc chắn đâu. Họ có thể đóng thuế thật cao lên, mình chịu không nổi mà bỏ cuộc hoặc rủi ro có truyền đơn hay có biến động gì họ có thể bắt mình vô tù ngay. Về tinh thần làm sao mà yên ổn được. Do đó, tôi phải dứt khoát ra đi, đi bất cứ xứ sở nào, nếu được đi Mỹ thì còn quí giá nào bằng.

Ngày ra đi mừng vui, lo âu lẫn lộn. Mừng vui vì thoát khỏi chế độ Cộng sản, được tự do đọc báo, đọc sách với mọi tư tưởng, mọi khuynh hướng. Tôi có thể nói về bất cứ điều gì mình cho là đúng, không sợ bị bắt bớ, bỏ tù. Nhưng tôi lo lắng không biết làm gì để sống đây. Anh văn không giỏi lắm, nghề nghiệp chuyên môn không có. Tôi cũng đành phó thác cho “Thượng Đế, Ông Trời” về tương lai của mình. Mặc dầu có lo lắng cho tương lai, nhưng sự ra đi thoát khỏi chế độ Cộng sản cũng là niềm vui đối với tôi và gia đình tôi, để giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, nhà cửa chật chội sẽ được rộng rãi thêm ra vì vắng một gia đình. Con cái sau này có nghề nghiệp theo ý muốn. Tôi không còn bị sự kềm kẹp của công an. Tôi được hít thở không khí tự do đó chính là niềm ao ước thiêng liêng, quan trọng nhất trong đời tôi.

Hôm lên phi cơ ra đi, phi cơ vừa cất cánh, tôi cảm tưởng như mình vừa thoát khỏi cơn mơ. Tôi thành thật cám ơn tất cả những người thân yêu, bạn bè, thầy cũ, học trò cũ đã quan tâm nâng đỡ tinh thần tôi trong những ngày tháng khó khăn lúc tôi vừa mới ra tù. Tôi vẫn nhớ Bác sĩ Trạm tay cầm hai hộp sửa đến thăm tôi lúc tôi mới về. Tôi vẫn nhớ thầy Hoàn thầy dạy tôi hồi tôi học lớp 9 ở trung học, đã đến thăm tôi rất sớm. Các bạn của bà xã tôi đến ăn mừng tại nhà tôi. Con xin hết lòng tạ ơn Thượng Ðế đã quan tâm, nâng đỡ con, hướng dẫn gia đình con đi được đến bến bờ tự do.

Phùng Văn Phụng

Giàu có và hạnh phúc con người

Giàu có và hạnh phúc con người.

                                                                                   tác giả: Phùng văn Phụng

Ðọc bản tin của báo Thanh niên Online ngày thứ ba 29 tháng 11 năm 2005 có tin “Ái nữ của ông Samsung tự tử”

* Bản tin đó như sau: “ Cuối tuần rồi tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới Samsung đã xác nhận Lee Yoon-hyung , con gái út của tập đoàn này đã tự kết liễu đời mình.” Lee 26 tuổi đang học Cao học ngành Quản trị nghệ thuật tại Ðại học New York( Mỹ ) đã tự treo cổ bằng dây điện trong căn hộ của cô ở Manhattan. Cô đang ở tuổi thanh xuân, giàu có, có cổ phần 191 triệu đô la Mỹ ở công ty Samsung vào năm 2003, tính đến ngày nay chắc chắn là phải nhiều hơn. Giàu có như vậy tại sao lại tự tử?

Theo bản tin trên cô tự tử vì đã quá tuyệt vọng sau khi gia đình cô không chấp nhận cho cô kết hôn với bạn trai của cô.

* Khoảng thập niên 1960 cô đào điện ảnh nổi tiếng khắp thế giới Marylin Monroe, rất giàu có, đang trên đà danh vọng cũng tự kết liễu đời mình.

Tại sao có thể xảy ra sự tự tử cho những người giàu có. Họ thiếu cái gì đây?

Cô Lee cô con gái cưng của tập đoàn giàu có Samsung chắc đã được nuông chìu từ nhỏ, thói quen muốn gì được nấy ngày hôm nay không được cha mẹ đồng ý gã cho người bạn trai của cộ và cô đã bỏ lại tất cả tài sản gần 200 triệu đô la Mỹ và bỏ lại cả tuổi xuân mộng mơ. Cô đâu có thiếu thốn gì . Cô sống vương giả như một người có quyền thế lớn. Ở nhà đắc tiền. Ði xe sang trọng. Giàu có như cô thật là hiếm có trong thế giới hiện nay. Cô đi đâu người ta vẫn tưởng cô là nhân vật quan trọng của viên chức nhà nước đương cầm quyền.

Rồi cô bỏ lại tất cả giàu có đó, sang trọng đó, để đi về bên kia thế giới. Tại sao?

Vì cô thiếu tình thương. Cô cảm giác ba cô không yêu thương cô. Thật ra cô chỉ yêu chính mình mà thôi.

Tin Việt báo ngày 30 tháng 05 năm 2006

* Tàu Carnival Legend từ nhóm đảo Virgin thuộc Anh đến Tortola có một hành khách nhảy xuống biển sau khi gây lộn với vợ.

Cũng tin Viêt báo ngày 29 tháng năm 2006 ở Miami Beach.

* Bà Quinou Van Dyk nghe tiếng trẻ con khóc, buớc vào phòng thì thấy chồng bà nhảy ra từ cửa sổ ở tầng thứ 15, bà thấy xác ba cha con ở nơi cách mặt đất hai tầng.

Bác sĩ Edward Van Dyk, 44 tuổi, ném hai con trai 4 tuổi và 8 tuổi hồi sáng thứ bảy vừa qua. Bà Quinou nhận rằng hai vợ chồng có gây cấn từ sáu tháng nay, nhưng không có cải cọ gì trước vụ này. Bác sĩ Edward là trưởng khoa ung thư của bịnh viện Alton Memorial.

Một người đang đi du lịch . Một bác sĩ đang hành nghề. Tất nhiên bác sĩ thì phải thuộc thành phần khá giả, giàu có. Không bác sĩ nào ở Mỹ cũng như người đi du lịch trên tàu Carnival mà được mô tả là người “nghèo rớt mùng tơi được” Họ thuộc thành phần khá giả giàu có, dư ăn, dư mặc không đến nổi túng thiếu .

Như vậy tại sao họ phải hủy diệt sinh mạng của họ khi họ có đời sống sung túc, giàu có, no đủ mà rất nhiều người nghèo chỉ cần được họ phân phát, cho đi một phần sự thừa thải của họ thì mấy ngưòi nghèo cũng sống được một thời gian.

* Bản tin của báo Thanh niên ngày 12 tháng 06 năm 2006 cho biết ngày 10.06, Ông Nguyễn Công Bình( 37 tuổi) Phó Giám đốc chi nhánh tại Sài gòn của Trung Tâm kỷ thuật truyền hình cáp Việt Nam, trụ sở ở số 38 đường Nguyễn an Ninh, phường 14, quận Bình Thạnh đã treo cổ tự tử trong phòng làm việc.

* Trước đây, khoảng tháng 04 năm 1997 tôi có người bạn thân, giáo sư trung học, nghĩa là người trí thức, hiểu biết, có đọc sách báo, nhưng vì chuyện gia đình? Hay vì lý do nào khác? cũng đã tự tử, anh mất khoảng 62, 63 tuổi.

Tôi cứ suy nghĩ vẫn vơ tại sao có những người khá giả, giàu có, trình độ học vấn cao chỉ cần gặp hoàn cảnh khó khăn một chút là quyên sinh, là tự tử trong khi những người mắc bịnh nan y, bịnh phong cùi, chịu tật nguyền, câm điếc, mù loà hay thiếu tay, thiếu chân sinh hoạt rất khó khăn mà họ vẫn sống. Tại sao họ thiếu thốn mọi bề, nghèo khổ, họ chịu nhiều đau đớn về thể xác, chịu nhiều đau khổ về tinh thần sống nhờ vả vào sự bố thí của người khác mà họ vẫn tha thiết sống. Tại sao như vậy?

* * * *

Sau gần 8 năm, tôi được trở về từ trong trại cải tạo, để hội nhập vào xã hội mới để sống còn, tôi đã gặp rất nhiều gian nan từ gia đình, vợ con. Ðang là chủ gia đình, khi đi cải tạo về, tên của mình đứng thứ chót trong hộ khẩu. Muốn có tên trong hộ khẩu thì phải có sự bảo lảnh của bà xã, vợ mình. Bắt đầu lệ thuộc bà xã rồi vậy. Không vốn liếng làm ăn. Bị theo dõi thường xuyên vì còn trong thời gian gọi là “ quản chế ” bà xã quản chế, nhà nước quản chế. Mọi sự tùy thuộc vào bà xã từ chén cơm, tiền cà phê, áo quần chi phí lặt vặt bà xã lo. Trong mấy tháng đầu bị áp lực tứ bề, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đầu óc căng thẳng, nhiều khi muốn được vô trở lại trong tù còn sướng hơn, khỏi phải lo nghĩ gì cả, ngày ngày có hai bửa cơm mặc dầu không được no, nhưng tinh thần còn sung sướng hơn ở ngoài đời nữa..

Tôi có hỏi ông anh: “ Bây giờ khổ quá, khổ đủ mọi thứ chuyện, không tiền bạc, không nghề nghiệp, sống ăn bám, bị xem thường, làm sao bây giờ anh Nhàn ( anh Nhàn lớn hơn tôi 6 tuổi) Anh Nhàn trả lời “ Mình thay đổi tư tưởng, cách suy nghĩ đi. Nghĩ về người khác đi, mình quên mình đi, sẽ đỡ khổ liền.” Tôi đã liên tưởng đến một câu trong kinh thánh “ Mình sinh ra để phục vụ chứ không phải để được phục vụ ”. “ Cũng như con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ….” (Mt 20 câu 28 – Mc10 câu 45)

Tại sao người Việt Nam dầu đau khổ cách mấy cũng cố gắng chịu đựng chứ không có tự tử.

Có người ở tù nhiều năm mà vợ ở nhà vẫn chờ chồng về, dầu phải chịu đựng biết bao cảnh khó khăn. Phải chăng do tình yêu thương thật sự của vợ chồng trong gia đình Việt Nam nên vợ chồng chờ đợi nhau đến nhiều năm như thế.?

Tôi cũng hay suy nghĩ phải chăng người Việt Nam mình thường luôn luôn tin tưởng vào đấng siêu nhiên, vào đấng Tối Cao, vào ông Trời và nhờ niềm tin đó, họ tự nhủ thầm bây giờ có khổ sở thì ngày sau sẽ sung sướng. Cho nên người ta thường nói :

“Trời cao có mắt ”

hay người ta cũng thường tự an ủi chính mình rằng:

“ Tái ông mất ngựa” .

* * *

Ða số người Việt Nam ở trong làng quê đều có bàn Thiên. Trước sân nhà có trồng cây cột trụ trên đó có để bàn vuông chiều dài và chiều ngang độ ba hay bốn tấc có để lư hương nhỏ. Ban đêm, trời vừa tối, bà con thường ra trước nhà thắp nhang xong, lạy bốn hướng cầu nguyện, van vái cùng ông Trời phù hộ cho gia đình mình, thân nhân, con cháu v.v.…

Có lẽ nhờ tin vào ông Trời nên người mình có sức chịu đựng dẽo dai, phi thường. Dầu có gặp sự đau khổ tột cùng, có người thân yêu rủi ro mất mát trong chiến tranh hay nhà cửa, tài sản bị tiêu hủy hết, người mình cũng có thể chịu đựng được.

Qua biến cố 30 tháng 04 1975 rất nhiều người giàu có, nhưng khi bị bắt đi cải tạo, nhà cửa bị tịch thâu trở thành tay trắng, khi chết chỉ được nằm trong cái hòm gỗ tạp, đóng đinh sơ sài rồi vài ba người khiêng đi chôn cất ở bìa rừng, bên bờ suối hay bên sườn núi trong rừng sâu của các tỉnh Lao Cai, Vĩnh Phú, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Kon Tum v.v. mà thân nhân ở nhà cũng chẳng hề hay biết.

Trong cái khổ sỡ cùng cực đó trong trại cải tạo, ăn bo bo, ăn khoai mì, khoai lang cũng không đủ no, đói khát triền miên từ năm này sang năm nọ, làm lụng khổ sai, cuốc đất, đào kinh, đào ao nuôi cá, lên rừng chặt nứa, chặt cây, gánh phân, gánh nước tưới rau, đập đá v.v.. dưới trời nắng chói chan, mồ hôi đổ ra ướt áo, nhiều khi trong một buổi phải cởi ra vắt nước vài ba lần, con người thay trâu kéo cày để lên luống trồng khoai, trồng bắp, trồng lúa , cực nhọc vô cùng kẻ tám năm, kẻ 13 năm, người 17 năm như thế, có lúc nhiều người không lê nổi đôi chân phải dùng tay nâng bắp chân lên khi bước lên bậc thềm cao hai tấc, có lúc phải chống gậy con số người lên đến quá nửa số anh em trong trại vì bịnh hoạn, suy dinh dưỡng, nhiều thứ bịnh phát sinh nhưng chỉ được uống thuốc “ xuyên tâm liên” mà thôi v.v..

Tại sao họ vẫn sống mà không tự tử?

Dầu khổ cực như vậy họ vẫn nuôi hy vọng có ngày sẽ được trở về dầu biết rằng có thể sẽ vĩnh viễn bị đày, được chỉ định cư trú như những người chống đối ở lại miền Bắc sau năm 1954, được chỉ định sống ớ trong các làng mạc xa xôi ở Lào Cai, Vĩnh Phú hay Sơn La, Lai Châu v.v. cũng giống như trường hợp người dân Liên Sô suốt đời bị đày sống ở Tây Bá Lợi Á lạnh lẽo rồi sẽ chết lần, chết mòn ở đó.

* * *

Tôi có đọc sách của Linh Mục Chu Quang Minh, sáng lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình, cũng như trong một quyển sách của Nguyễn Hiến Lê có kể lại chuyện hai người tù chung thân cùng ở trong một phòng. Trong những ngày Tết sắp đến, ngày linh thiêng của mọi người đáng lẽ là ngày đoàn tụ, gặp gỡ người thân yêu thì hai người này bị giam chung trong buồng giam.

Người thứ nhất nhìn dưới sàn nhà hôi hám bẩn thỉu dơ dáy, anh buộc miệng than: “Ðời tôi sao khổ thế này ”

Anh thứ hai lại nhìn ra ngoài cửa sổ , từ khung cửa đó anh thấy bầu trời bao la, có vài con chim tung tăng bay lượn, dưới đất có những bông hoa xinh đẹp khoe màu sắc vui tươi, hớn hở, lòng anh bổng thấy vui lây, anh tự nhiên nói: “ Bầu trời bên ngoài đẹp quá.”

Như vậy cùng hoàn cảnh giống nhau nhưng hai người có hai cái nhìn khác nhau . Người thì thấy buồn khổ, người thì thấy vui sướng.

Do tự tâm tình của mình để nhìn sự vật, sướng khổ là do nơi mình. Cho nên thi hào Nguyễn Du có viết để kể tâm sự Thúy Kiều có câu:

“ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Tôi cứ suy nghĩ miên man, người công giáo cấm tự tử ? Tại sao? vì chúng ta được ban ơn đặc biệt, được sinh ra làm con người. Nhân linh ư vạn vật. Con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh thần mình không được hủy diệt bản thân mình. Sự sống và sự chết hoàn toàn do Thiên Chúa quyết định.

* * *

Tôi đã mò mẫm đi tìm con đường cho đời sống tâm linh, con đường nào dẫn tới vui tươi, hạnh phúc.?

Ðọc đến kinh Tám mối phúc thật: ai có lòng khó khăn, ai hiền lành, ai khóc lóc, ai khát khao nhân đức trọn lành, ai thương xót người, ai giữ lòng sạch sẽ, ai làm cho hòa thuận, ai chịu khốn nạn vì đạo ngay tất cả những điều đó mới là phúc thật vì chưng Nước Ðức Chúa Trời là của mình vậy.

Với niềm tin vào Ðấng tối cao, vào Ông Trời, “Trời cao có mắt”, người Việt Nam thường chịu đựng những đau đớn, khó khăn, những nghịch cảnh tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng với thời gian người Việt Nam mình vẫn vươn lên từ những nhọc nhằn, đau khổ đó và niềm vui sẽ lại biểu hiển hiện trên khuôn mặt, nụ cười sẽ nở trên đôi môi của họ sau khi họ vượt qua được những thử thách, những đau khổ lầm than tận cùng trong cuộc sống của họ.

14 June 2006

Phùng văn Phụng

Sự thành công nhìn qua lăng kính đẹp

Sự thành công, nhìn qua lăng kính đẹp.(1)

                                                                           tác giả : Phùng văn Phụng

Ðọc bài “ Bản chất của thành công” mà em Hà Minh Ngọc , nữ sinh lớp 10, khối chuyên Trung Học Phổ thông Ðại Học Sư Phạm Hà Nội đã viết như sau:

“Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3.

Thành công là hình ảnh một cậu bé dị tật ở chân… đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nổ lực khổ luyện cậu thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ…

Thành công của cậu học trò nghèo thi đậu Ðại học với vị trí thủ khoa nhưng bên cạnh thành công đó, có thành công khác…là sự chiến thắng của một người cha, gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học…” v.v….

Sự thành công nào cũng đòi hỏi kiên nhẫn, cố gắng, chịu khó . Ngày còn học lớp 9 năm 1959 (gọi là lớp đệ tứ) tôi có làm bài luận văn với tựa đề là:” Sự thành công không là điều quan trọng, điều quan trọng là sự cố gắng”. Tiếng Pháp ghi là:(Le success n’est pas ce qui importe, ce qui importe c’est L’effort). Câu này hơn 40 năm vẫn còn ăn sâu vào trong trí não tôi để lúc nào cũng nhắc nhở tôi cần phải cố gắng là chính. Tôi đã viết câu này như là câu “ gối đầu giường” để tự nhắc nhở mình.

Tôi có đọc đâu đó trong báo, nói đến sự thành công là:

– Biết chính xác mình muốn gì, có kế hoạch, tin tưởng vào khả năng của mình để làm.
– Biết dùng thời gian cho đúng.
– Luôn bày tỏ sự quan tâm đến người khác. Rất cởi mở và khoan dung với mọi người.
– Luôn luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trong cộng đồng và cả trong thế giới mà họ đang sống.
– Họ có cái nhìn tươi sáng, lạc quan về cuộc sống.

Em Ngọc, học sinh lớp 10 này còn viết: “ Bạn muốn mình giàu có, muốn mình trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường..” Em viết tiếp: “ bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có về tâm hồn.”

Trong bài nói chuyện ngày 6 tháng 8 năm 2000, trước 20 em học sinh tốt nghiệp trung học với danh dự là Thủ khoa và Á Khoa tại Houston, Hoa Kỳ, Kỹ sư Lê Duy Loan đã định nghĩa về thành công như sau: “ Trở thành người giỏi nhất trong bất cứ việc gì mình làm và cảm thấy hạnh phúc trong công việc mình làm”.

Lê Duy Loan học nhảy ba lớp 7,8 và 11, tốt nghiệp trung học lúc 16 tuổi đứng đầu lớp của 335 học sinh. Năm 1982 khi mới 19 tuổi đã làm nghề kỹ sư ở Texas Instrument (IT) có 18 bằng sáng chế và tốt nghiệp Cao Học Quản Trị Thương mại MBA. Bà là Phó Tổng Giám Ðốc Kỹ Thuật của IT( Năm 2000)

Bà nêu lên bốn yếu tố để đạt đến sự thành công là:

– Ước mơ, ước mơ lúc còn bé cũng như khi đã về già.
– Xác định mục đích của đời mình và sắp sẵn chương trình để thực hiện mục đích đó.
– Siêng năng làm việc, thành công gồm 10% cảm hứng và 90% mồ hôi.
– Làm việc cách khôn ngoan.
– Biết quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác.

Ông Nguyễn Hiến Lê trong lời tựa của cuốn sách “ 40 Gương Thành Công” nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin năm 2000, viết: “ Chỉ cần xác định một mục đích rồi cứ kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn nhắm nó mà tiến tới”

Tất cả sự thành công mà Nguyễn Hiến Lê đã có ghi trong cuốn “40 gương thành công” đều là những mẫu gương kiên nhẫn.

Một học sinh lớp 10 đã nhìn thấy một khía cạnh khác của sự thành công là tình yêu thương, lòng nhân ái giữa người đồng loại.

Mẹ Têrêsa đã khám phá rằng ở nước Mỹ người ta rất giàu có về vật chất, không thiếu thốn thứ gì, ăn uống dư thừa, cuộc sống rất nhiều tiện nghi, nhưng họ thường rất nghèo về tình yêu thương nhất là của cha mẹ đối với con cái vì họ bỏ quá nhiều thì giờ để làm việc kiếm tiền, không còn thì giờ dành riêng cho con cái của họ nữa.

Vậy sự thành công tùy cái nhìn của mỗi người.

Chỉ số thông minh IQ (Intelligence) của mỗi người là quan trọng nhưng còn chỉ số xúc cảm EQ (Emotion) của con người còn quan trọng hơn nữa. Người còn biết xúc động trước nỗi đau khổ của người khác, biết yêu thương người khác, cảm thông với sự đau khổ của người đồng loại khi họ gặp khó khăn, đói khát, bịnh nan y như bị bịnh cùi, bịnh Aids, bị tật nguyền, thiếu chân, thiếu tay, bịnh cùi, bịnh đui mù, câm điếc hay khi họ gặp thiên tai, lụt lội, bảo tố. Tình yêu thương, lòng bác ái biết chia xẻ những của cải vật chất của mình có, biết an ủi về tinh thần bằng những lời thăm hỏi, cầu nguyện thì quí giá biết bao nhiêu.

Cho nên chỉ sợ rằng trong thế giới ngày nay, con người đã mất hết cảm xúc yêu thương, mất hết lòng nhân ái, không còn có tâm tư, tình cảm biết rung động trước nỗi khổ, trước nỗi đau của người khác như Nguyễn Trãi đã viết:

“ Thương người như thể thương thân”

Chỉ sợ rằng trong thời đại ngày nay nhiều người cho rằng:

“ Tiền là Tiên là Phật
là sức bật của tuổi trẻ …”

Người ta đặt nặng sự giàu có về vật chất lên trên giá trị tinh thần, trái tim con người đã trở thành chai đá, lòng họ dững dưng trước những thảm cảnh, đau thương của người đồng loại.

Cầu xin cho tôi và các bạn đều có trái tim biết xúc động và biết yêu thương vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8)   (2)

Ngày 11 tháng 12 năm 2006

(1)Tựa bài này do anh Hồ Công Hưng đặt tên.

(2) Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. (1Ga 4,8)