10 câu hỏi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tác giả: Đạt Lai Lạt Ma

Dịch giả: Phạm Thu Hương

Tạp chí Time đã phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma tại thành phố New York vào tháng 5 năm 2010 với bài “10 Câu hỏi đến Đức Dalai Lama “.
1. Câu hỏi: Ngài đã bao giờ cảm thấy tức giận hoặc điên tiết chưa? Kantesh Guttal, Pune, ẤN ĐỘ
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Ồ, có chứ, tất nhiên rồi. Tôi là người mà. Nói chung, nếu một người không bao giờ tức giận, thì tôi nghĩ có điều gì đó đã sai. Anh ta bị hâm hâm trong đầu rồi.
[Cười lớn.]
2. Câu hỏi: Làm thế nào mà ngài luôn lạc quan và trung thực khi có quá nhiều thù ghét trên thế giới vậy? Joana Cotar, FRANKFURT, ĐỨC.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi luôn nhìn một sự kiện nào đó từ góc nhìn rộng lớn. Luôn có vấn đề nào đó, chết chóc nào đó, hành động tàn sát hoặc khủng bố nào đó hoặc bê bối ở mọi nơi,
mọi ngày. Nhưng nếu bạn nghĩ toàn bộ thế giới là như vậy, thì bạn đã sai. Vì trong 6 tỷ người, những người gây rối chỉ là số ít.
3. Câu hỏi: Vai trò đặt ra cho ngài đã thay đổi ra sao kể từ khi ngài lần đầu tiên trở thành Đức Đạt Lai Lạt Ma? Andy Thomas, CARMARTHEN, WALES, ANH QUỐC.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi trở thành Đạt Lai Lạt Ma không dựa vào tự nguyện. Dù tôi có nguyện vọng hay không, tôi [cũng phải nghiên cứu] triết học Phật giáo như một tăng sinh bình thường trong các tu viện lớn. Cuối cùng tôi nhận ra mình phải có trách nhiệm.
Thỉnh thoảng có khó khăn, nhưng nơi nào có thử thách, nơi đó lại thực sự là một cơ hội để phục vụ được nhiều hơn.
4. Câu hỏi: Ngài có thấy khả năng hòa giải nào với chính phủ Trung Quốc trong cuộc đời ngài không? – Joseph K.H. Cheng, MELBOURNE, ÚC.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có chứ, có khả năng. Nhưng tôi thấy kinh nghiệm quá khứ đã cho thấy điều này không dễ dàng chút nào. Có nhiều người bảo thủ, cái nhìn của họ rất hạn hẹp và thiển cận. Họ không nhìn vấn đề một cách toàn diện. Tuy nhiên, người dân bên trong
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có sự tiếp xúc rộng hơn với thế giới bên ngoài. Càng ngày càng có nhiều tiếng nói bất bình trong nhân dân, đặc biệt là trong giới trí thức. Những điều này sẽ thay đổi – điều đó sẽ phải xảy ra.
5. Câu hỏi: Làm thế nào chúng tôi có thể dạy con cái chúng tôi không được nổi giận? – Robyn Rice, GRAND JUNCTION, COLORADO, MỸ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Trẻ em luôn nhìn vào cha mẹ. Cha mẹ nên bình tĩnh hơn. Bạn có thể dạy con bạn rằng bạn đang đối diện với rất nhiều vấn đề nhưng bạn phải phản ứng những vấn đề đó với một tinh thần bình tĩnh và lý trí. Tôi luôn có cái nhìn này về hệ thống giáo dục hiện đại: chúng ta dành sự quan tâm cho phát triển não bộ, thế nhưng về sự phát triển lòng tốt thì chúng ta rất ỷ lại.
6. Câu hỏi: Ngài đã bao giờ từng nghĩ mình là một người bình thường thay vì là một Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa? – Grego Franco, MANILA, PHI LUẬT TÂN,
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có chứ, khi còn trẻ. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy, “Ôi, thật là một gánh nặng. Mình mong sao mình được là một người Tây Tạng vô danh. Khi đó, mình sẽ được tự do hơn.” Nhưng sau đó tôi nhận ra vị trí của mình là một cái gì đó hữu ích cho những người khác. Hiện nay tôi cảm thấy hạnh phúc rằng mình là Đạt Lai Lạt Ma. Đồng thời, tôi chẳng bao giờ cảm thấy mình là người có chút đặc biệt. Như nhau – chúng ta tất cả đều như nhau.
7. Câu hỏi: Ngài có nhớ Tây Tạng không? Pamela Delgado Córdoba, AGUASCALIENTES, MEXICO.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có chứ. Văn hóa Tây Tạng không những thích hợp với cổ xưa mà còn thích hợp với thế giới ngày nay. Sau khi quan sát các vấn đề bạo lực, chúng tôi thấy rõ văn hóa Tây Tạng là văn hoá của lòng từ bi và bất bạo động. Ngoài ra còn khí hậu nữa. Ở
Ấn Độ trong suốt mùa mưa, thời tiết quá ẩm ướt. Khi đó, tôi rất nhớ [Tây Tạng].
8. Câu hỏi: Ngài nói gì với những người sử dụng tôn giáo như là một cái cớ để bạo lực hoặc giết người? Arnie Domingo, THÀNH PHỐ QUEZON, PHI LUẬT TÂN.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có những người sùng đạo, vô tội bị lôi kéo bởi một số người có quan tâm khác hẳn. Quan tâm của họ không phải là tôn giáo mà là quyền lực hay đôi khi là tiền bạc. Họ lợi dụng niềm tin tôn giáo. Trong trường hợp như vậy, chúng ta phải phân
biệt được: những [điều ác đó] không sinh ra bởi tôn giáo.
9. Câu hỏi: Ngài đã bao giờ thử mặc quần chưa? – Ju Huang, STAMFORD, CONNECTICUT, MỸ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Khi trời rất, rất lạnh. Và đặc biệt vào năm 1959, khi tôi chạy trốn, tôi có mặc quần dài, như người dân mặc. Vì thế, tôi có kinh nghiệm rồi.
10. Câu hỏi: Ngài có tin thời gian của ngài tại đây trên trái đất này đã là một thành công? – Les Lucas, Kelowna, British Columbia, CANADA.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Hmmm. Điều đó tương đối thôi. Thật quá khó để nói. Mọi cuộc sống con người đều gồm một phần thất bại và một phần thành công.
Hết.

MẸ MARIA BAN HẠNH PHÚC TRÊN GIA ĐÌNH

MẸ MARIA BAN HẠNH PHÚC TRÊN GIA ĐÌNH

(HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH)

Tác giả:Tuyết Mai

Bây giờ tôi mới cảm được câu chuyện ông nhà tôi thuật lại chuyện một bà khoảng gần 70, công kích ông xã của bà vào một buổi sáng, trong phòng nóng của LA Fitness, vì bà cho là ông quá lập dị và không giống ai.   Bà kể lể và la toáng cả lên như để tố khổ cùng mọi người là ông xã của bà và các ông chồng đều một khuôn rập giống nhau (trong khi chồng bà ở nhà).

Sáng nay hai vợ chồng già chúng tôi cũng kiếm chuyện tố khổ nhau y như vậy!.   Hy vọng xin được góp ý mà khuyên tất cả vợ chồng nên đối xử tốt với nhau trong tinh thần luôn xây dựng, đóng góp, lạc quan, hay ít nhất phải có sẵn trong đầu một chương trình (plan)
thì hãy nói chuyện hay bàn tính với nhau.   Nhất là tránh dành được nói những ý kiến riêng của mình (your own opinions) mà công kích ý kiến của người ta thì hậu quả sẽ không như cả hai mong đợi; có thể sẽ đưa đến sự gây gỗ không trách được.

Có phải chúng ta rất thích muốn được nói chuyện cách vui vẻ thuận hòa với nhau với tính cách được bình đẳng? Có nghĩa anh đưa ra đề tài thì cả hai đều đồng đóng góp ý kiến?.   Và có phải bao giờ hai cái đầu cũng luôn khôn ngoan hơn là một?.   Chứ đề tài hay vấn đề (problem) được đặt ra mà chỉ để cho anh tự suy, tự diễn, và tự độc thoại thì anh mời tôi ngồi cùng bàn làm gì?.   Như thế theo tôi anh là một người độc đoán và độc tài là có đầu óc của cộng sản, thưa có đúng không?.

Tôi lại không ưa cái kiểu nói chuyện mà không có soạn sẵn chương trình mình định làm gì mà chỉ có những lời than thở, ỉ ôi, trách móc, và dẫn đưa đến một bức ảnh (picture) rất ảm đạm trước mặt; như bị đặt trước một ngõ cụt của con đường không có lối thoát hay không có
đường binh.   Nhất là chúng ta là những thành phần từng có hay đang nắm giữ chức phận, có đóng góp cho xã hội.   Từng đổ mồ hôi để đi làm nuôi gia đình, chứ không phải thành phần vô dụng.

Phải nói thật ông nhà tôi sau thời gian tốt nghiệp đại học (năm 2006), không thể kiếm được việc làm vì đã quá tuổi, ông đã đổi tánh nết rất nhiều.   Chưa kể bệnh mù lòa của ông,
đã khiến ông trở thành một người chồng người cha khó chịu và khó chìu.   Nhưng phải cảm tạ Thiên Chúa biết bao đã cho tôi thêm sức mạnh để có thể chịu đựng những cái khó chịu, tỉ tê, than vãn, và than thở của ông, hầu như mỗi ngày.

Ai bảo trong một gia đình mà cha mẹ không thiên vị giữa chúng con cái? Thương đứa này hơn đứa kia?.   Có phải thương hơn vì đứa con này nó ngoan hiền, nghe lời, và hiếm khi thấy nó cãi lại mà luôn chìu theo ý muốn của cha mẹ?.   Còn không thương lắm khi đứa con nó ngỗ ngịch luôn làm điều ngược ý của cha mẹ?.   Thưa rằng phải có chứ!.   Tuy chúng ta thường nói những câu an ủi hay tự an ủi mình rằng “cha mẹ sinh con, Trời sinh tánh” và yêu con cách khác nhau tùy tánh tình của mỗi đứa.

Tôi thiết nghĩ các con chúng rất nhậy cảm và hiểu được giữa chúng, cha mẹ thương đứa nào và ghét bỏ đứa nào! Hay có đứa con biết rằng cả cha lẫn mẹ coi chúng như không hiện hữu?.   Nên ông nhà tôi không thoát qua được tư tưởng thường tình có đó!.  Sở dĩ tôi biết ông rất thương cháu gái lớn nhà tôi, vì cháu to đầu nhất mà lại khù khờ nhất nhà.   Hễ khi tôi nói điều gì mà ông cảm thấy cháu bị mất phần hay bị thiệt thòi thì ông liền sôi sục.   Ông cũng tự động tự cấy vào cái đầu ông rằng tôi thương thằng con trai út của ông nhiều hơn, vì
tôi hay bênh vực cho cháu mỗi khi cháu bị bố la rầy (sai?).

Vì tôi là mẹ, không đứa nào mà không nằm trong dạ của tôi, thưa có phải không các bà mẹ? Nên tôi rất công bằng (fair) mà không thiên vị cháu nào cả!.   Dù nó là gái hay trai.   Dù nó là cả hay út.   Tôi đối xử, dậy dỗ chúng theo tánh nết cá biệt, sự hiểu biết của từng cháu, và nhu cầu riêng chúng cần.   Và như Thiên Chúa của chúng ta Người không ban phát hay chìu
chuộng con cái của Người những cái đòi hỏi có hại và không cần thiết.   Nhưng nếu các con chúng thông minh thì sẽ hiểu rằng cha mẹ rất đúng khi không chìu chúng mọi thứ chúng đòi được.   Vì chìu 1 thì chúng hư 1 và chìu 10 thì chúng hư cả 10.

Do đó khi nói chuyện về con cái và tương lai của chúng thì y như rằng giữa tôi và ông luôn có sự xung khắc.   Riêng tôi, tôi rất ghét nói chuyện với ai mà cho tôi thấy một bầu trời từ đẹp đẽ chuyển sang có mây, mưa, lụt, và cho bão tố trong một thoáng nói chuyện, và đó không ai khác hơn là ông nhà tôi.   Thật sự mà nói bao giờ Nói cũng dễ hơn Làm dù ta biết mười mươi ta sai.   Nhưng ai cũng hiểu rằng nếu mình muốn cho được người Ưa, thương yêu, thông cảm, thì cũng phải tập sửa đổi tánh tình có khuyết điểm của mình; nhất là đối với người mình  yêu thương trong chính gia đình của chúng ta.

Ôi lậy Mẹ Maria! Xin ban ơn trên gia đình của chúng con, luôn được hòa thuận và yên vui hạnh phúc.   Dù tuổi tác trong gia đình của chúng con rất chênh lệch nhau.   Đừng để gia đình chúng con biến thành Địa Ngục vì sự xung khắc trong sự suy nghĩ, lời nói, và việc làm.   Sự sai biệt giữa đứa con giầu và đứa con nghèo.   Sự sai biệt giữa đứa con học giỏi và đứa con học dở.   Giữa đứa con xài thành và đứa con quê mùa chất phát.   Để gia đình chúng con luôn được giống như gia đình của Thánh Gia.   Sống hạnh phúc và luôn quan tâm đến nhau vì biết đặt nặng tình yêu thương làm đầu của gia đình và của cuộc sống.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

(10-23-12)

 

MẸ MARIA MUỐN CON CÁI SỐNG TỐT

MẸ MARIA MUỐN CON CÁI SỐNG TỐT

(HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH)

Tác giả:Tuyết Mai

Có phải chuyện thường tình của con người, của mọi gia đình, và của xã hội là sự sinh sản, là truyền giống cho Chúa nhiều như muông sao trên Trời? Vì thế cho nên đến tuổi thì người nam sẽ rời bỏ cha mẹ mà luyến ái với người nữ là vợ của mình để có được một mái gia
đình riêng.   Mà mái ấm gia đình tuyệt đối nhất, tuyệt hảo nhất, có ấn tượng đẹp đẽ nhất, vẫn là mái ấm Gia Đình Thánh Gia.   Trong gia đình ấy có đủ người cha, người mẹ, và người Con Giêsu.

Nếu mỗi năm vào mùa Giáng Sinh chúng ta được coi lại cuốn phim Chúa Giêsu chào đời, ta sẽ thấy gia đình ấy phải có thứ tình yêu thật tuyệt vời, thật mãnh liệt, yêu thương, và thật hy
sinh.   Nội trong đêm đông  tối trời, nhà nhà đã lên đèn mà Đức Mẹ Maria lại đang chuyển bụng.   Hai ông bà mong tìm được nơi trú ẩn để Mẹ Maria sinh Con.   Trong chúng ta có ai hình dung được mình sẽ rơi vào tình cảnh khốn đốn như thế để mà sinh con trẻ hay không?.

Ấy, ở đây tôi chỉ muốn dẫn dụ anh chị em trẻ khi muốn lập gia đình phải tạo điều kiện, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đàng hoàng và đúng đắn như thế nào? Để có thể bước vào cuộc sống của một gia đình cho đúng nghĩa.

Hãy nên nghĩ rằng khi cả hai người nam và người nữ sau khi rời bỏ gia đình cha mẹ của mình để nên vợ nên chồng thì chẳng khác nào anh chị em đến với nhau từ hai bàn tay trắng hay làm lại cuộc đời mới.   Có khó không khi trước kia cả hai chẳng phải bận tâm lo lắng một điều chi, vì mọi thứ mọi điều đã được cha mẹ lo cho thật đầy đủ, tươm tất, và tốt đẹp.

Anh chị cũng nên hiểu rằng tánh nết cả hai khi ở chung cùng một nhà sẽ hoàn toàn rất khác không như khi anh chị còn bồ bịch còn hò hẹn nhau.   Vì cái thuở còn hò hẹn nhau thì thời gian ấy là thời gian đẹp đẽ nhất đời của cả hai người.   Nhưng sau cái ngày tổ chức Đám Cưới thật rình rang, ăn nhậu, nhẩy đầm, rồi sau đó là những tháng ngày anh chị phải chuẩn bị cho tinh thần có trưởng thành và trách nhiệm hơn trong tình vợ chồng.

Từ lời ăn tiếng nói cũng phải có chuẩn mực vì nếu không thì lời ăn tiếng nói dư thừa ấy sẽ làm cho cả hai anh chị dễ hiểu lầm nhau, cho cay đắng dằn vặt, cho những lần đầy nước mắt, cho nhau sự hối tiếc và lỡ lầm, và cả đau khổ nữa đấy!.   Khi ấy cả hai anh chị sẽ không còn  có nơi để trốn hay để tránh mặt nhau như xưa nữa đâu!.

Và sự chuẩn bị luôn tốt đẹp nhất, háo hức, hồi hộp nhất, can đảm nhất vẫn là những thời gian trông đợi cho các con lần lượt chào đời.  Trước đây anh chị đã cố gắng chịu đựng, nhịn nhục nhau 1 thì nay anh chị phải cố gắng để chịu đựng nhau thêm gấp 10 lần, vì tình
yêu thương dành cho con cái mà bậc cha mẹ phải hy sinh thật thật nhiều.   Vì bởi lẽ bây giờ anh chị sống không còn cho riêng mình nữa để mà ích kỷ, để mà đòi hỏi được như trước đây!.

Ngoài sự mệt mỏi để lo cho bầy con đủ ăn, đủ mặc đã là một cố gắng và hy sinh quá mức của một con người, do đó Chúa ban cho có vợ có chồng để cùng cho nhau sức mạnh mà gánh vác, lo lắng, chu toàn cho con cái và cho nhau.   Thưa nuôi con thì không khó đâu,
nhưng dậy dỗ con mới là điều khó khăn “trần thân khoai củ”.   Vì thiếu sự hy sinh từ cả hai cha mẹ, các con sẽ ra hư hỏng hết.   Rất có nhiều khi nếu một mái gia đình mà chỉ biết dựa trên sức lực, khả năng, tiền tài của riêng người cha hay riêng người mẹ thì tôi cam đoan sẽ có ngày gia đình ấy trở thành tan tác mỗi người mỗi ngả.   Vì có phải cuộc đời luôn
dậy và nhắc nhở chúng ta rằng ai muôn đời có thể cất giữ mãi được của thế gian cơ chứ?.

Do đó sự khôn ngoan nhất muốn cho gia đình luôn được hạnh phúc ấm êm thì hãy biết chạy đến với Đức Mẹ Maria và Chuỗi Mân Côi Nhiệm Mầu Linh Thánh của Mẹ!.   Mẹ sẽ luôn ban cho các con của Mẹ những điều cần thiết.   Nhờ Mẹ để Mẹ chuyển cầu mọi lời cầu xin rất tầm thường của chúng ta lên cho Thiên Chúa, Đấng toàn năng và luôn yêu thương.

Mẹ sẽ dậy chúng ta sống sao để đẹp  lòng Thiên Chúa.   Không gì bằng tất cả mọi gia đình hãy bắt chước sống Gương thánh thiện và luôn tốt lành của Gia Đình Thánh Gia.
Chăm sóc và dậy dỗ con cái là điều tối cần và là thiết yếu; là cần hy sinh như các ngài đã đóng trọn vai trò làm cha làm mẹ của Chúa Giêsu.   Để các con trở thành những người tốt lành trong một xã hội mà có đầy dẫy của mọi sự dữ, của ma quỷ bủa giăng.

Dậy các con có Chúa trong cuộc đời thì Chúa sẽ luôn là kim chỉ nam để dẫn đưa chúng tìm đến những anh chị em khốn cùng đang cần được chúng ta giúp đỡ.   Dậy chúng coi thường vật chất và của cải trần gian mà phải đặt nặng hơn về tình yêu của người đối với người.   Để cùng đích là tìm về Nơi cho ta cuộc sống vĩnh cửu trên Nước Thiên Đàng.   Để chúng hiểu rằng từng ngày sống tốt đẹp của chúng trên trần gian này là những nấc thang chúng đang bước dần về Quê Trời.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

(10-24-12)

 

Bí quyết thay đổi thế giới

Bí quyết thay đổi thế giới

Đăng bởi pleikly lúc 2:43 Sáng 24/10/12

nguồn: chuacuuthe.com

VRNs (24.10.2012)
– IgnitumToday – Mùa Thu là mùa tôi thích nhất trong năm. Tôi thích sự sảng khoái hít thở không khí, màu sắc, và sự ấm áp của mùa thu hoạch. Nhưng năm nay, mùa mà tôi thích nhất lại trùng với mùa bầu cử trong swing. Tôi nghĩ nhiều người có thể có cảm giác hơi bị áp đảo vì tính phức tạp của vấn đề trong thế giới chúng ta. Làm sao chúng ta có thể thay đổi được điều gì không? Tôi có cảm giác rất tự do, rất đơn giản khi nghĩ lại ngày xưa. Bạn và tôi có thể thay đổi thế giới, đơn giản bằng cách thay đổi từ những điều nhỏ.

Không ai không khát khao mà lại có thể cứu thế giới đau thương của chúng ta. Tuy
nhiên, theo thực tế, mỗi chúng ta đều tin rằng có thể. Có những vấn đề thực sự đơn giản. Có những người ảnh hưởng nhiều (dù muốn hay không). Dù thế giới chúng ta lớn hay nhỏ, nó vẫn là “thế giới” mà bạn có trách nhiệm làm thay đổi.

Thế giới như một bức tranh phức tạp, mỗi chúng ta là một miếng ghép nhỏ. Thay vì
chú ý vào những vấn đề lớn và tìm những cách “đúng” để giải quyết vấn đề, chúng
ta hãy áp dụng mấy cách đơn giản sau đây để làm thay đổi những “miếng ghép” mà
Thiên Chúa tin tưởng giao cho chúng ta:

1.
Cầu nguyện. Cầu nguyện càng nhiều càng tốt. Có quá nhiều các hoạt động gây thất vọng trong xã hội chúng ta, dù đó chỉ là thất vọng về tư tưởng và lời nói. Trước khi làm gì, chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện. Mọi hành động của chúng ta phải được khởi đầu và hoàn tất trong Thiên Chúa, như lời kinh Sáng Soi: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa cho mỗi kinh, mỗi việc chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

2.
Yêu thương người lân cận. Tôi không có ý nói là vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn thân mà bạn quan tâm, mà là người không thích bạn, hoặc người chưa quen biết,… Theo kinh nghiệm của tôi, rất khó để yêu thương những người chúng ta gặp hằng ngày. Hãy yêu thương họ từ những việc nhỏ thôi. Hãy yêu mến Chúa bằng cách làm những việc nhỏ với tình yêu thương dành cho người lân cận. Có thể chúng ta không cảm thấy sự thay đổi rõ ràng, nhưng điều này rất quan trọng trong việc thay đổi góc đời nhỏ bé của bạn.

3.
Thể hiện Lòng Chúa Thương Xót. Điều này có thể thực hiện qua các tổ chức đạo
hoặc đời, hoặc do chính bạn làm. Hãy cầu nguyện cho biết Ý Chúa và vâng nghe
Ngài. Nếu bạn không nghe được Tiếng Chúa, hãy chọn việc tốt nào đó mà hành
động!

4.
Phát triển tài năng. Có thể đây là điều bất ngờ, nhưng tôi cho là quan trọng.Là Kitô hữu, chúng ta là những “máng chuyển” để Thiên Chúa hành động. Đồng thời mỗi chúng ta đều duy nhất và được chúc lành với cá tính và năng khiếu riêng để chúng ta là chính chúng ta. Tôi thích nghĩ về mỗi chúng ta là tấm kính màu. Ánh sáng chiếu qua tấm kính đó là Đức Kitô, nhưng nhìn nó hơi khác tùy vào tấm kính được Ánh Sáng Đức Kitô chiếu qua. Tôi tin rằng Thiên Chúa chủ ý hành động như vậy. Có thể bạn đã biết năng khiếu của bạn là gì, hoặc có thể bạn phải tự khám phá. Dù sao, khi bạn xác định được năng khiếu của mình rồi, hãy cầu nguyện xem bạn phải dùng cách nào để giúp đỡ tha nhân. Có thể chỉ đơn giản như đem lại niềm vui cho gia đình và bạn bè bằng khiếu khôi hài của bạn. Có thể bạn làm cho cuộc đời người khác dễ sống hơn bằng cách nghĩ tốt về người khác. Dù họ là ai, hãy dành thời gian chia sẻ với họ. Đó là đại lượng!

Thế giới sẽ thay đổi, nếu mỗi chúng ta biết cố gắng thay đổi tích cực.

KELLY SHIRCLIFF WILLIAMS

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

AI THẬT SỰ GIẦU CÓ

AI THẬT SỰ GIẦU CÓ

Tác giả: Tuyết Mai

Quả thật thế gian là nơi mà không ai không có những khát vọng, ao ước, và mơ mộng để được thành những con người giầu có. Cái nghĩa giầu có nó lớn lắm, thưa có phải?. Giầu có thì chẳng bao giờ biết đói khát là gì, biết rách rưới và hôi hám là gì, và biết đau khổ là gì?. Nghĩ đến đây chắc ai cũng nghĩ rằng Thiên Chúa Người quá bất công!?.

Sao có người sinh ra đã giầu có? Sao có người sinh ra đã quá nghèo khổ và thiếu thốn?. Sao có người họ được giầu có cả đời?. Một bước lên xe hơi và cũng một bước xuống xe và được ra thẳng ngoài huyệt mộ với cả hàng trăm người hiện diện, với cả hàng trăm chiếc xe đẹp đẽ bóng láng đậu kín mít bãi đậu xe, hoa được phủ đầy?. Quả người giầu có họ sung sướng thật, anh chị em có đồng ý không?.

Nhưng khi ta là con cái của Chúa thì cái nghĩa giầu có nó khác lắm!. Sự giầu có để được theo Chúa và muốn có được Nước Chúa thì ta phải nhịn, phải kiên nhẫn, và chờ đợi, dù thời gian nó có kéo dài bao lâu?. Dù con người của chúng ta chẳng thấy được rõ ràng cuộc sống thật sự ra sao để có được Nước Trời, nhưng nếu tất cả chúng ta chịu đọc Lời Chúa, học gương sống của Chúa, thì ta sẽ được Chúa cho hiểu rõ Con Đường ấy nó khổ cực vô cùng!.

Nếu chúng ta biết nhắm bắt và để được mục tiêu thì phải tập ngay bây giờ! Kẻo cả anh nhà giầu có giữ luật Chúa cả đời nhưng vì anh không thể Từ Bỏ sự giầu sang và của cải của anh, nên Nước Trời cũng còn nằm xa tầm tay với của anh lắm. Hoặc chuyện anh nhà phú hộ giầu có cùng Lazaro nghèo khổ kia, cả hai cùng chết một ngày. Anh phú hộ giầu có thì bị đầy xuống Hoả Ngục đời đời, chỉ vì cái tội làm ngơ chẳng để ý đến ai. Còn anh Lazaro nghèo ghẻ chốc được Chúa ban thưởng cho Nước Trời vì anh đã vâng theo Thánh Ý Chúa mà chịu khổ cả đời.

Có phải ở trên đời ai mà không biết rõ ràng hai giai cấp giầu nghèo đã ngăn chia hai tầng lớp xã hội cách xa nhau cả một Trời một vực?. Vì ai mà không ham được giầu có mà đã có biết bao nhiêu người làm ăn ngoài vòng của pháp luật và sống mạo hiểm để có được cái giầu nhanh chóng, nên đã không còn lương tâm của một con người?. Có phải cái nghèo nó đã làm khổ cái tấm thân của con người? Có phải cái nghèo nó đã kềm hãm cả mọi hy vọng của một người ở tương lai? Rõ ràng cái nghèo là một căn bệnh Ung Thư của xã hôi. Ít thấy có ai có thể ngoi lên được từ cái nghèo “khố rách áo ôm” để thành công trên đời được cả!.

Nhưng có phải ta được lựa chọn đâu? Nếu được phép lựa chọn thì trái đất này không còn một ai là nghèo đói khổ cực nữa cả. Không còn những con người sống trong những ổ chuột dơ dáy, cầu cống, núi rác của thành phố, và người bệnh tật nằm lê la đầy ngoài đường phố cũng được chấm dứt. Có phải như thế là hay hơn là tốt đẹp hơn hay không?. Sao Chúa không làm thế để chứng minh rằng Chúa thật sự yêu con người?.

Điều này và câu hỏi này có phải bao nhiêu ngàn năm nay đã có rất nhiều người hỏi Chúa? Nhưng vì sự hiểu biết của con người rất có giới hạn cho nên chúng ta chỉ có thể hiểu được khi Chúa mạc khải cho biết ở đúng lúc và đúng thời điểm Chúa sẽ cho ta biết. Rồi cũng đúng thời điểm đó Thiên Chúa sẽ cho ta biết hai Con Đường để mà lựa chọn. Chọn cuộc đời tạm bợ nơi trần gian này hay chọn Nước Trời để có được sự sống mưôn đời?. Chỉ lúc ấy chúng ta mới được Chúa dậy cho rằng Người mới là nguồn sống đích thực, là sinh lực, là sức sống mãnh liệt, là hơi thở cần thiết, và Người là vị bác sĩ nổi tiếng nhất từ xưa đến nay. Người chữa khỏi cho tất cả những ai biết chạy đến và cầu khẩn cùng Người.

Thế gian này nghĩ cho cùng thì người giầu có đến người cùng khổ, ai cũng có bệnh, và ai cũng sẽ lần lượt đến Cửa Chết. Người giầu thì có bệnh riêng của người giầu. Người nghèo thì có bệnh riêng của người nghèo và Nhà Thương của Chúa thì rộng lớn biết bao! Nếu ai cũng biết tìm kiếm Chúa để được Chúa chữa bệnh cho. Trước hết Chúa sẽ chữa cho tất cả chúng ta cái bệnh tham lam, gian xảo, lừa lọc, giết người, và ngay cả tự giết chết mình mà không hay biết!. Ai siêng năng tìm kiếm Nhà Thương của Chúa (Nhà Thờ) thì nơi đây Chúa sẽ biến đổi hết thảy chúng ta có tình yêu thương, liên kết bền chặt với nhau, và là nơi mà người giầu cũng như người nghèo sẽ được gặp gỡ nhau.

Ai trong chúng ta từng được Chúa chữa cho khỏi bệnh đều nhận được một điều là sau đó tự trong con người của ta được Chúa chẳng những chữa bệnh cho mà còn được biến đổi hoàn toàn con người của ta giống như của Chúa. Con mắt đức tin sẽ dễ chóng nhận diện những con người cùng khổ có Chúa sống trong họ. Đôi bàn tay tự động sẽ mở rộng hầu bao. Đôi chân cũng nhanh chóng chạy đến những nơi cần được sự giúp đỡ. Nhất là trái tim biết nhạy cảm và đập những nhịp yêu thương mà không cần phải cố gắng. Lạ nhất là sự suy nghĩ của chúng ta không còn có những ý nghĩ tối tăm tội lỗi như trước đây nữa! Và nhất là luôn cảm nhận được sự Bình An nơi tâm hồn; đó có phải là món quà quý giá nhất sống trên trần gian này hay không???. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

(10-22-12)

 

Một tu sĩ khiếm thị được phong chức linh mục

Một tu sĩ khiếm thị được phong chức linh mục

Minh Đức

 

WHĐ (19.10.2012) – Ngày Chúa Nhật, 14-10 vừa qua tại Nhà thờ Thánh Hippolyte, quận 13 Paris (Pháp), Thầy Phó tế Phêrô Phạm Văn Dương, Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, đã được truyền chức linh mục.

Không có vấn đề chiếu cố hay thương cảm đối với Thầy Dương. Câu hỏi cần phải trả lời là: “Thầy có đủ khả năng để trở thành một linh mục không?” Cũng như tất cả các vị bề trên Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, Cha Jean-François Petit, người dạy học cho Thầy Dương trong 6 năm, đã trả lời: Có! Đúng vậy, vị tu sĩ 33 tuổi này – bị mù vĩnh viễn vào năm 2004 do vi rút tấn công mô thần kinh – đã có đủ điều kiện để được thụ phong linh mục.

Lễ phong chức là kết quả của một suy nghĩ lâu dài đối với các vị bề trên, và cũng là một cam kết của cộng đoàn cho phép thầy sống đời sống tu sĩ và học tập trong những điều kiện tốt nhất.

Cho đến nay, trường hợp của Thầy Dương là trường hợp duy nhất ở Pháp – Canada cũng có một linh mục khiếm thị – và việc phong chức linh mục cho một thầy khuyết tật là rất hiếm.

Phong chức một linh mục bị khuyết tật đòi hỏi đương sự cũng như cộng đoàn phải luôn thích nghi. Thầy Phêrô Dương đã có thể theo đuổi việc học nhờ một máy tính nhận dạng giọng nói và những bản văn Kinh Thánh hay Phụng vụ bằng chữ nổi. Sau khi chịu chức, tân Linh mục Phêrô Dương sẽ làm việc mục vụ tại Giáo xứ Thánh Hippolyte và tháng 11, Cha sẽ trở về Việt Nam để làm phụ tá Giám tập.

Giáo luật dự trù như thế nào về những trường hợp khuyết tật như Thầy Dương? Giáo luật chỉ nói không được truyền chức cho người mắc bệnh tâm thần. Điều 1041 của Bộ Giáo luật quy định: “Người mắc bệnh tâm thần, theo ý kiến các nhà chuyên môn, được coi là không thể chu toàn thừa tác vụ cách thích đáng”.

Còn điều 930, triệt 1, quy định: “Linh mục đau bệnh hoặc già yếu, nếu không đứng được thì có thể ngồi cử hành hy tế Thánh Thể, tuân thủ Luật Phụng vụ, nhưng không được cử hành trước mặt dân chúng (làm lễ công khai) nếu không được Bản quyền sở tại (tức Đức Giám mục) cho phép”.

Còn triệt 2 quy định về các linh mục khiếm thị: “Linh mục mù loà, hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành hy tế Thánh Thể hợp pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh lễ nào đã được phê chuẩn, hoặc trong trường hợp cần thiết, được sự trợ giúp của một linh mục hay một phó tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích đáng”.

Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời do Linh mục Emmanuel d’Alzon, Tổng Đại diện Giáo phận Nîmes từ năm 1838 tới 1878, thành lập vào năm 1845. Dòng được khai sinh trong một ngôi trường trung học mang tên Assomption (Đức Mẹ Lên Trời) tại thành phố Nîmes, miền Nam nước Pháp, và đến nay, đã có mặt tại gần 30 quốc gia. Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời hoạt động trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, xuất bản, hành hương và đại kết.

Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời có mặt tại Việt Nam từ năm 2006 và đến tháng 9-2009, Dòng đã có thể mở một Tập viện tại Bà Rịa.

Nguồn:  WHĐ

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

 

TÂM HỒN TÔI CẢI THIỆN DẦN NHỜ KINH THÁNH VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

TÂM HỒN TÔI CẢI THIỆN DẦN NHỜ KINH THÁNH VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

THU MINH                                                 nguồn: conggiaovietnam.net

Bạn sẽ trách tôi : “Cải thiện nhờ đọc Kinh Thánh chớ đâu phải nhờ Giáo Huấn”? “Kinh Thánh quí hơn vàng, Giáo Huấn quí như bạc”. Bạn còn bảo “Các cha xứ có bao giờ khuyên giáo dân học GHXHCG đâu ? Cha chỉ khuyên ta đọc Lời Chúa “.

Ba năm trước, tôi không biết thân thưa với bạn về ơn ích khi học GHXH. Nay đã có thể một chút thân thưa, nhờ ba năm đi học GHXHCG:

Tối nào tôi cũng đọc Lời Chúa, nhưng trong Kinh Thánh không có những từ ngữ đương thời như “toàn cầu hóa tình liên đới; tội xã hội; trục ác; bổ trợ; nhân quyền; chủ nghĩa duy tương đối; chủ nghĩa cộng sản; phát triển toàn diện; nhân bản liên đới; văn minh tình thương…”

Ở cơ quan, chúng tôi nói với nhau về Trung Quốc, Hoàng Sa Trường Sa, bóng ma chiến tranh, kinh tế suy sụp, ô nhiễm môi trường, tham nhũng
hối lộ…

Truyền thông nói với tôi về lao động, gia đình, quốc tế, kinh tế, pháp luật, và còn mời mọc tôi xem phim khiêu dâm !

Về nhà thì nghe nói về dạy con, về giá cả thị trường, về những lo toan trước tình hình giáo dục VN…

Kinh Thánh cho tôi những nguyên tắc đạo đức và những giá trị lớn lao muôn đời như yêu thương, công bình, sự thật…Kinh Thánh nhắc tôi phải bám chặt vào Chúa, nay mai xong đời thì mời về cõi Phúc. Kinh Thánh không cho tôi những chi tiết cụ thể về cách ứng xử với người khác, với xã hội, với vũ trụ vạn vật. Kinh Thánh “đẩy” tôi phải sống Tin Mừng cụ thể, tôi phải rút ra những bài học luân lý áp dụng vào hoàn cảnh vùng miền, lục địa và thế giới
hiện thời.

Thí dụ: Tôi có nên vào đảng Cộng Sản? Kinh Thánh không nói rõ đâu. Tôi phải vận dụng lý trí, lương tâm, tình cảm, trí khôn, ý chí…để đi tới chọn lựa đảng hay không.

Thần học luân lý (trong đó có GHXHCG) sẽ bàn bạc với tôi về lương tâm, bổn phận, trách nhiệm, phá thai, dối trá, tham lam, sex, bạo lực, bất công áp bức độc tài…

GHXHCG còn thúc đẩy tôi: Không những phải chống điều xấu “từ nội tâm” của riêng mình, mà phải giúp người khác, giúp xã hội được phát triển toàn diện, được sống trong tình thương yêu. GHXH dạy tôi sống những nguyên tắc và giá trị giúp tiến tới nền văn minh tình thương.

Nếu như từ tấm bé mà tai tôi đã được nghe Lời Chúa, nghe những bài học về môi trường, pháp luật, kinh tế, xã hội, gia đình, quốc tế, mục vụ…thì có thể tâm linh tôi sẽ tiến triển khác bây giờ ? ( Đương nhiên phải tùy vào tuổi tác và tâm lý mà dạy cho Kitô hữu các trình độ GHXHCG khác nhau )

Nay tâm hồn tôi đã cải thiện dăm điều :

1. Kinh Thánh là của ăn tâm hồn, giúp tôi yêu Chúa, yêu người, yêu đời, yêu Hội Thánh, chống ma quỉ bằng cầu nguyện liên lỉ. Nay mai tôi về quê hương trên Trời, nơi có Ba Ngôi Thiên Chúa, các thánh.

2. Kinh Thánh và GHXHCG giúp tôi biết cư xử cho đúng theo ý Chúa khi tôi đi làm, khi tôi trông thấy, trải nghiệm những vấn đề của con
người.

3. Nhờ học GHXHCG, tôi quí mến vô cùng các Đức Giáo Hoàng, các chuyên viên Hội Thánh, Công đồng Vatican II…Các vị ấy vừa yêu Chúa vừa yêu người. Vừa suy tư vừa hành động thiết tha xây dựng nền nhân bản toàn diện liên đới. Họ làm tốt đời sống cầu nguyện, đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng.

4. Tôi đã, đang và tiếp tục “rủ rê” thêm vài người nữa vào lớp Kinh Thánh, lớp GHXHCG với “ngông tưởng” rằng, chúng tôi mà được” huấn luyện cho ra trò” thì Hội Thánh và xã hội được “hưởng nhờ” chút ít ? (Chúng tôi sẽ là thợ vườn nho cho Chúa. Thợ có chất lượng cao). Kinh Thánh và GHXHCG là “Trung Tâm Huấn Luyện” mà?w

(Trích tập san Giáo huấn Xã hội Công giáo tập 1)

Tác giả: THU MINH

Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

G. Trần Đức Anh OP

VATICAN. Sáng chúa nhật 21-10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã tôn phong 7 vị chân phước lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của gần 90 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Từ 9 giờ sáng, trong khi chờ đợi buổi lễ bắt đầu, ca đoàn hát thánh ca, rồi cộng
đoàn đọc kinh Mân Côi, xen lẫn những bài hát do ca đoàn gồm 200 ca viên đảm
trách.

Bên trái bàn thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô được dành cho các phái đoàn
chính phủ và các nhà ngoại giao và nhiều tín hữu khác; bên phải dành cho 50 HY
và đông đảo các nghị phụ và giáo sĩ, tu sĩ. Trên mặt tiền đền thờ có treo chân
dung khổng lồ của 7 vị thánh mới.

Khác với những lần phong thánh trước đây, lần này theo quyết định của ĐTC, lễ nghi
phong thánh được cử hành trước khi thánh lễ bắt đầu. Đúng 9 giờ 20 chuông Đền
thờ được đánh lên rồi 50 vị đồng tế gồm 6 HY, 18 GM và 26 LM có liên hệ đặc biệt
với 7 tiến chức hiển thánh, cùng với ĐTC đi rước từ bên trong Đền thờ ra lễ
đài, trong khi ca đoàn hát kinh cầu các thánh.

Sau khi ĐTC hôn và xông hương bàn thờ, rồi an tọa trên toà của ngài, ĐHY Angelo
Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyện viên tiến lên trước
ĐTC thực hiện nghi thức 3 lần thỉnh cầu ngài ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ
các thánh.

Đáp lại lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài qua lời nguyện
khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa, của Mẹ Maria và các thánh cho việc làm hệ trọng
chúng ta sắp thực hiện.

Rồi ĐHY Amato lại thỉnh cầu ĐTC lần thứ hai. Ngài đáp lại bằng lời mời gọi toàn
thể cộng đoàn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần phù trợ. Sau bài thánh ca Veni
Creator, ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh lại xin ĐTC lần thứ ba và đáp lại, lần
ngày ngài long trọng đọc công thức:

Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng cường đời
sống Kitô, với quyền bính của Chúa Kitô, của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và
của Chúng Tôi, sau khi đã cầu nguyện lâu và suy nghĩ chín chắn, với ơn phù trợ
của Chúa, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng GM, Chúng Tôi
tuyên bố và xác định các chân phước: Jacques Berthieu, Phêrô Calungsod,
Giovanni Battista Piamarta, Maria Carmen Sallés y Barangueras, Marianne Cope,
Kateri Takakwitha và Anna Schaeffer là thánh và ghi tên các vị vào sổ bộ các
thánh và truyền phải sốt sắng tôn kính các vị trong toàn thể Giáo Hội”.

Cộng đoàn tung hô Amen ba lần, trước khi thánh tích của các vị được rước lên đặt
cạnh bàn thờ và được xông hương tôn kính, rồi ca đoàn và mọi người hát kinh Te
Deum, tạ ơn Thiên Chúa:

ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh tiến lên ngỏ lời cám ơn ĐTC và thánh lễ được
chính thức bắt đầu với bài ca nhập lễ, và diễn tiến như trong các thánh lễ chúa
nhật.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Giảng sau bài Tin Mừng về sự tích hai anh em ông Gioan và Giacôbê xin Chúa
Giêsu cho ngồi bên hữu và bên tả Người khi Người được vinh quang, ĐTC nhấn mạnh
lời Chúa Giêsu:

”Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Xc
Mc 10,45). Những lời này trở thành chương trình sống của 7 vị Chân Phước mà hôm
nay Giáo Hội long trọng ghi tên vào hàng ngũ vinh hiển của các thánh. Các ngài
đã anh dũng dâng mạng sống mình, tận hiến cho Thiên Chúa và quảng đại phục vụ
anh chị em đồng loại. Các vị là con cái của Giáo Hội, đã chọn con đường phục vụ
noi gương Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo Hội luôn có nguồn mạch từ mầu nhiệm cứu
chuộc, được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc thứ I: Vị Tôi Tớ Chúa là người
Công Chính ”làm cho nhiều người nên công chính, Người mang lấy tội lỗi của họ”
(Is 53, 11), Đó chính là Chúa Giêsu Kitô, chịu đanh, sống lại và đang sống
trong vinh quang. Lễ phong thánh hôm nay là lời khẳng định hùng hồn về thực tại
cứu độ huyền nhiệm ấy. Sự kiên trì của 7 môn đệ Chúa Kitô trong việc tuyên xưng
đức tin, sự trở nên đồng hình dạng của các Vị với Con Người ngày hôm nay đang
chiếu tỏa rạng ngời trong toàn Giáo Hội.

Đến đây, ĐTC lần lượt tóm lượt tiểu sử và sứ điệp nổi bật của 7 vị thánh mới:

1. Trước tiên là cha Jacques Berthieu, sinh năm 1838 tại Pháp, sớm được
Chúa Kitô chinh phục. Trong khi làm việc mục vụ giáo xứ, cha nồng nhiệt mong ước
cứu vớt các linh hồn. Trở thành tu sĩ dòng Tên, cha muốn rong ruổi trên thế giới
để làm vinh danh Chúa. Là mục tử không biết mệt mỏi tại đảo Santa Maria rồi tại
Madagascar, cha tranh đấu chống lại bất công, nâng đỡ người nghèo và bệnh nhân.
Người dân Madagascar coi cha như một LM đến từ trời, họ nói: Cha là ”cha mẹ của
chúng con!”. Cha trở nên mọi sự cho mọi người, kín múc trong kinh nguyện và
trong lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu sức mạnh nhân bản và linh mục để đạt tới
cuộc tử đạo vào năm 1896. Khi trút hơi thở cuối cùng, cha nói: ”Tôi thà chết
còn hơn từ bỏ đức tin của tôi”. Các bạn thân mến, ước gì cuộc sống của nhà truyền
giáo này khích lệ và nêu gương cho các linh mục, để các vị trở thành những người
của Thiên Chúa như thánh Berthieu! Ước gì tấm gương của thánh nhân trợ giúp các
tín hữu Kitô đang bị bách hại ngày nay vì đức tin! Ước chi sự chuyển cầu của
thánh nhân trong Năm Đức Tin này mang lại thành quả cho Madagascar và Phi châu!
Xin Chúa chúc lành cho dân tộc Madagascar!

2. Pedro Calungsod sinh khoảng năm 1654, tại vùng Visayas bên
Philippines. Tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô thúc đẩy Người trở thành
giáo lý viên cùng với các thừa sai dòng Tên tại nơi ấy. Năm 1668, cùng với các
giáo lý viên trẻ khác, Pedro tháp tùng cha Diego Luis de San Vitores tới quần đảo
Marianas để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Chamorro. Cuộc sống tại đó rất vất vả
cam go và các thừa sai bị bách hại vì ghen tương và vu khống. Nhưng Pedro đã chứng
tỏ niềm tin và đức ái sâu xa, và tiếp tục dạy giáo lý cho nhiều tân tòng, làm
chứng về Chúa Kitô qua cuộc sống khiết tịnh và tận tụy đối với Tin Mừng. Thánh
nhân nồng nhiệt mong ước đưa các linh hồn về cùng Chúa Kitô, và điều này càng
làm cho Người kiên quyết trong việc chấp nhận tử đạo. Pedro Calungsod qua đời
ngày 2-4-1672. Các chứng nhân kể lại rằng Pedro tuy có thể thoát thân nhưng đã
quyết định ở lại cạnh cha Diego. Vị linh mục đã ban phép xá giải cho Pedro trước
khi bị giết. Ước gì tấm gương và chứng tá can đảm của thánh Pedro Calungsod gợi
hứng cho các dân tộc yêu quí tại Philippines mạnh mẽ rao giảng Nước Chúa và đưa
nhiều linh hồn về cùng Chúa.

3. Giovanni Battista Piamarta, linh mục giáo phận Brescia là đại tông đồ
bác ái và của giới trẻ. Cha cảm thấy đạo Công Giáo cần phải hiện diện về văn
hóa và xã hội trong thế giới tân tiến, vì thế cha tận tụy nâng cao đời sống
Kitô, luân lý và nghề nghiệp cho các thế hệ trẻ với tấm gương rạng ngời của cha
về tình người và lòng từ nhân. Được linh hoạt nhờ niềm tín thác không lay chuyển
nơi Chúa Quan Phòng và với tinh thần hy sinh sâu xa, cha đương đầu với những
khó khăn và vất vả để thành lập nhiều tổ chức tông đồ, trong đó có Học viện
Artigianelli, nhà xuất bản Queriniana, Dòng nam Thánh Gia Nazareth, và dòng các
nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Bí quyết cuộc sống khẩn trương và cần cù của cha chính
là những giờ cầu nguyện lâu giờ. Khi bị tràn ngập công việc, cha gia tăng thời
gian gặp gỡ, tâm sự với Chúa. Cha thích dừng lại trước Mình Thánh Chúa, suy niệm
về cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Kitô, để kín mục sức mạnh tinh thần
và tái ra đi chinh phục tâm hồn tha nhân, đặc biệt là những người trẻ, để đưa họ
trở lại nguồn sống với những sáng kiến mục vụ luôn mới mẻ”.

4. ”Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu Chúa: chúng con hy vọng nơi Chúa”.
Với những lời này, phụng vụ mời chúng ta hãy nhận thánh ca này dâng lên Thiên
Chúa Tạo Hóa và Quan phòng như của chúng ta, chấp nhận dự phóng của Chúa dành
cho đời sống chúng ta. Thánh nữ Maria del Carmelo Sallés y Barangueras,
đã làm như vậy. Người là nữ tu, sinh trưởng tại Vic bên Tây Ban Nha năm 1848.
Khi thấy hy vọng của mình được thành tựu sau nhiều thăng trầm khi chiêm ngắm sự
phát triển của Dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục, mà Mẹ đã
thành lập năm 1892, Mẹ đã có thể hát lên cùng với Mẹ Thiên Chúa: ”Từ đời này đến
đời kia, lượng từ bi của Chúa trải dài trên những người kính sợ Chúa”. Công
trình giáo dục của Mẹ, được phó thác cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, tiếp tục mang lại
những hoa trái dồi dào nơi giới trẻ nhờ sự dấn thân quảng đại của các con cái của
Mẹ, những người như Mẹ đã phó thác trong tay Chúa là Đấng có thể làm mọi sự.

5. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về thánh nữ Marianne Cope, sinh năm
1838 tại Heppenheim bên Đức. Khi mới được 1 tuổi, Marianne được đưa sang Hoa Kỳ
và năm 1862 gia nhập dòng Ba Phanxicô tại viện ở Syracure New York. Sau đó với
tư cách là Bề trên (tổng quyền) của dòng, Mẹ Marianna tự nguyện đón nhận ơn gọi
chăm sóc những người cùi trong quần đảo Hawaii, sau khi nhiều người khác khước
từ. Cùng với 6 chị em, Mẹ đến đó để điều khiển một nhà thương ở đảo Oahu, rồi
sau đó lập nhà thương ở Malulani trên đảo Maui, mở một nhà cho các thiếu nữ con
của những người cùi. 5 năm sau, Mẹ nhận lời mời mở một nhà cho các phụ nữ và
thiếu nữ tại chính đảo Molokai, can đảm đích thân đến đó và chấm dứt liên lạc với
thế giới bên ngoài. Tại đó Mẹ chăm sóc cha Damien, vốn nổi tiếng vì hạt động
anh dũng nơi những người cùi, chăm sóc cha cho đến chết và tiếp nối cha nơi những
người cùi nam giới. Khi còn có thể làm chút ít cho những người đau khổ vì căn bệnh
kinh khủng này, Mẹ Marianne Cope chúng tỏ tình yêu, lòng can đảm và hăng say
cao cả nhất. Mẹ là mẫu gương sáng ngời và mạnh mẽ về truyền thống Công Giáo tốt
đẹp nhất trong việc săn sóc những chị em và theo tinh thần của thánh Phanxicô
yêu quí.

6. Kateri Tekakwitha sinh năm 1656 tại nơi nay thuộc bang New York, thân
phụ là người bộ lạc Mohak và mẹ mà tín hữu Công Giáo thuộc bộ lạc Algonchina,
người đã thông truyền cho Kateri cảm thức về Thiên Chúa hăng sống. Kateri được
rửa tội năm 20 tuổi, và tránh các cuộc bách hại, tị nạn đến cứ điểm truyền giáo
thánh Phanxicô Xavie gần Montréal. Tại đó, Kateri làm việc, trung thành với
truyền thống của dân tộc mình, và cũng từ bỏ những xác tín tôn giáo của bộ tộc,
cho đến khi qua đời lúc 24 tuổi. Với cuộc sống đơn sơ, Kateri trung thành với
tình yêu Chúa Giêsu, kinh nguyện và thánh lễ h;ăng ngày. Ước mong lớn nhất của
Kateri là được biết Chúa và làm những gì đẹp lòng Chúa.

Kateri mang lại cho chúng ta ấn tượng mạnh về hoạt động của ơn thánh trong cuộc
sống của thánh nữ, – vốn không được những nâng đỡ từ bên ngoài,- và về lòng can
đảm trong ơn gọi rất đặc biệt trong nền văn hóa của thánh nữ. Nơi Kateri, đức
tin và văn hóa làm cho nhau được phong phú. Ước gì tấm gương của thánh nữ giúp
chúng ta sống tại nơi chúng ta đang sở, mà không từ bỏ thực chất của chúng ta,
yêu mến Chúa Giêsu! Lạy Thánh Nữ Kateri, bổn mạng của Canada và là vị thánh đầu
tiên thuộc thổ dân bắc Mỹ, chúng con phó thác cho thánh nữ sự canh tân đức tin
của các thổ dân trên toàn Bắc Mỹ! Xin Chúa chúc lành cho các thổ dân!

7. Anna Schaeffer người làng Mindelstetten, khi còn trẻ đã muốn gia nhập
một dòng thừa sai. Vốn xuất thân từ gia đình khiêm hạ, Anna làm công trong một
gia đình với ý định kiếm đủ tiền hồi môn để được đón nhận vào một tu viện.
Trong công việc ấy, Anna bị tai nạn, bị phỏng nặng ở hai chân không thể lành được,
khiến cô bị liệt giường suốt đời. Và thế là chiếc giường đau khổ trở thành căn
phòng tu viện đối với Anna, và đau khổ trở thành hoạt động truyền giáo của thánh
nữ. Thoạt đầu Anna than thân trách phận, nhưng rồi Anna tiến đến mức biết giải
thích tình trạng của mình như tiếng gọi yêu thương của Đấng Chịu Đóng Đanh, mời
gọi Anna bước theo Ngài. Được an ủi hằng ngày nhờ việc rước lễ, Anna trở thành
một dụng cụ không biết mệt mỏi chuyển cầu bằng kinh nguyện và phản ánh tình
thương của Thiên Chúa cho nhiều người đến xin Anna lời khuyên bảo. Ước gì hoạt
động tông đồ bằng lời cầu nguyện và bằng đau khổ, hy sinh và đền tạ của thánh nữ
là tấm gương rạng ngời cho các tín hữu tại quê hương, và ước gì lời chuyển cầu
của thánh nữ củng cố phong trong Công Giáo Hospice, gồm những trung tâm săn sóc
chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, trong công tác phục vụ tốt
lành.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em thân mến, các vị thánh mới, tuy có nguồn gốc, ngôn ngữ, quốc tịch
và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đều liên kết với toàn thể Dân Chúa trong mầu
nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cùng với các ngài, cả chúng ta nơi
đây, hiệp với các nghị phụ Thượng HĐGM đến từ các nơi trên thế giới, liên kết với
những lời của Thánh Vịnh tung hô Chúa là ”ơn phù trợ và là khiên thuẫn của
chúng ta”, và chúng ta cầu xin Chúa: ”Lạy Chúa, ước gì tình thương Chúa đổ trên
chúng con, như chúng con hy vọng nơi Chúa’ (Tv 32,20-22). Ước gì chứng tá của
các vị thánh mới, cuộc sống các ngài quảng đại dâng hiến vì tình thương Chúa
Kitô, nói với toàn thể Giáo Hội ngày nay, và lời chuyển cầu của các ngài củng cố
và nâng đỡ Giáo Hội, trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Trong phần rước lễ, 280 linh mục và phó tế đã tản ra các nơi ở quảng trường để
mang Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Và chính ĐTC đã cho hàng chục tín hữu rước
lễ.

Cuối thánh lễ, vào lúc 11 giờ 40, ĐTC chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Trong lời
nhắn nhủ trước khi đọc kinh, ngài mời gọi các tín hữu hướng về Mẹ Maria, Nữ
Vương các thánh, và đặc biệt nghĩ đến Lộ Đức, bị lụt vì mưa lũ làm nước sông
Gave dâng cao, ngập cả Hang Đá Đức Mẹ hiện ra. ĐTC nói: ”Đặc biệt hôm nay,
chúng ta hãy phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các thừa sai nam nữ,
các LM, tu sĩ và giáo dân, đang gieo hãi hạt giống tốt lành của Tin Mừng. Chúng
ta cũng hãy cầu nguyện cho Thượng HĐGM, trong những tuần lễ này đang đương đầu
với thách đố tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin.

Bằng nhiều thứ tiếng, ĐTC cũng chào thăm các phái đoàn chính quyền và các tín hữu
đến tham dự lễ phong thánh. Sau kinh truyền tin, ĐTC đã ban phép lành cho các
tín hữu như mọi khi.

Các phái đoàn

Sau thánh lễ, tại nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi trong đền thờ thánh Phêrô, các phái
đoàn chính phủ đã được ĐTC đặc biệt chào thăm:

Phái đoàn Philippines gồm 7 người do Phó Tổng thống Jejomar Binay hướng dẫn;
phái đoàn Tây Ban Nha gồm 22 người do Bộ trưởng nội vụ Jorge Fernandez Díaz làm
trưởng đoàn; Phái đoàn Pháp có 22 người do Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls; phái
đoàn Canada gồm 10 người do chủ tịch Hạ viện liên bang Ông Andrew Sheer; phái
đoàn Italia có 10 người do bộ trưởng y tế Renato Balduzzi, phái đoàn Đức có 6
người cho Chủ tịch nghị viện bang Bavaria bà Barbara Stam hướng dẫn; phái đoàn
Hoa Kỳ gồm 5 người do Đại sứ Miguel Diaz cạnh Tòa Thánh đại diện, và phái đoàn
Madagascar có 6 người do bà Annick Rajaona, trưởng Văn phòng ngoại giao, cầm đầu.

Trong gần 8 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Biển Đức 16 đích thân tôn phong 43 vị hiển
thánh, kể cả 7 vị sáng 21-10-2012, và ngoài ra có hơn 600 vị chân phước được
tôn phong, do Tông Thư của ngài, và thường là một vị Hồng Y, nhất là ĐHY Tổng
trưởng Bộ Phong thánh, chủ sự các lễ phong chân phước. Đa số các vị chân phước
được tôn phong trong thời gian qua là các vị tử đạo trong thời nội chiến tại
Tây Ban Nha từ 1936 đến 1939.

G. Trần Đức Anh OP

Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1000 tân tòng

Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1000 tân tòng

Giuse Khổng Hữu

10/21/2012                                            Nguồn: Vietcatholic.net

Sáng chúa nhật 21 tháng 10, ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, giáo phận Xuân Lộc hân hoan vui mừng đón nhận 1035 Anh Chị Em Tân Tòng gia nhập Hội Thánh.

Xem hình ảnh

Thánh lễ do Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận chủ tế. Cùng
đồng tế có Đức Cha Toma Vũ Đình Hiệu, phụ tá giám mục. Đức Ông Vinh Sơn Đặng
Văn Tú. Cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Quản hạt Hố Nai kiêm trưởng ban truyền giáo
giáo phận. Cha Giuse Nguyễn Kim Đoan, Quản hạt Tân Mai kiêm phó ban truyền giáo
giáo phận. Quý cha trong giáo phận.

Đến dự lễ có rất đông quý tu sĩ nam nữ thuộc các dòng tu trong giáo phận, hơn
1000 thân nhân các anh chị em dự tòng, gần 2000 anh chị em thuộc các tôn giáo
bạn, hơn 1000 anh chị em tác viên Tin Mừng, và rất đông các thành phần dân chúa
trong giáo phận tề tựu về giáo xứ Hà Nội Hạt Hố Nai, ước chừng buổi lễ Khánh
Nhật Truyền Giáo hôm nay có khoảng 10 ngàn người tham dự.

Những tiết mục văn nghệ vui tươi chào mừng mọi người do các sơ Dòng Đaminh và
anh chị em giáo lý viên phụ trách.

Trước giờ lễ, Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú chia sẻ với mọi người đề tài “Tự do
tôn giáo là gì?” đồng thời Ngài lưu ý hơn đến anh chị em dự tòng chuẩn bị lãnh
nhận bí tích thánh tẩy hôm nay về sự tự do tôn giáo, Ngài nói: Với tuyên ngôn
“Dignitatis humanae” của công đồng Vatican II về tự do tôn giáo, Giáo Hội Công
giáo từ chối mọi cưỡng bách đối với lương tâm của con người về vấn đề tôn giáo.
công đồng Vatican II đã đưa ra một định nghĩa về tự do tôn giáo: sự tự do này
“hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã
hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực
tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị
ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công
khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng.” Và
ngài nhấn mạnh “Tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người,
một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được.
Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được
chấp nhận là một quyền lợi dân sự”.

Thánh lễ được bắt đầu bằng cuộc kiệu rước sách Tin Mừng và đoàn đồng tế tiến từ
xứ đường giáo xứ Hà Nội một vòng quanh nhà thờ tiến về lễ đài phía đông, hòa
với tiếng hát vui mừng hân hoan của cộng đoàn “Từ muôn phương ta về đây sánh
vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta. Lòng hân hoan ta hòa chung
tiếng hát nhịp nhàng vui hát mừng danh Chúa cứu độ ta…”.

Mở đầu thánh lễ, đại diện ban truyền giáo, Cha Giuse Nguyễn Kim Đoan, Quản hạt
Tân Mai kiêm phó ban truyền giáo giáo phận lên dâng lời chào mừng quý đức cha,
quý cha, quý tu sĩ, quý khách và cộng đoàn. Đồng thời Ngài giới thiệu các thành
phần tham dự lễ hôm nay để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của giáo phận
và cụ thể là cho 1035 anh chị em Tân Tòng.

Ngỏ lời với cộng đoàn, Đức Cha Đaminh Giáo Phận, thay mặt Đức Cha Tôma Phụ Tá,
Đức Ông, Quý Cha Quản Hạt và Quý Cha đồng tế rất vui mừng ngày khánh nhật
truyền giáo hôm nay có sự hiện diện rất đông đủ các thành phần trong giáo phận
nói lên tình hiệp nhất, sự hiệp thông quý giá trân trọng. trong dịp này ngài
ngỏ lời với cộng đoàn “Ngày 11 tháng 10 năm 2011, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI
đã ban hành Tự sắc “Porta Fidei” (Cánh cửa Đức Tin), qua đó, Ngài muốn Giáo Hội
cử hành NĂM ĐỨC TIN và đã được khai mạc ngày 11 tháng 10 vừa qua, nhân kỷ niệm
đúng 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II, và bế mạc ngày lễ Chúa Giêsu
Kitô Vua Vũ Trụ, ngày 24 tháng 11 năm 2013. Hiệp cùng Giáo Hội hoàn vũ, Giáo
Hội Việt Nam đã tổ chức lễ khai mạc Năm Đức Tin ngày 12 tháng 10 vừa qua. Giáo
phận chúng ta vừa khai mạc Năm Đức Tin hôm 18 tháng 10 vừa rồi tại nhà thờ
Chính Tòa, và hôm nay Chúa nhật Truyền giáo tại các giáo xứ ngày 21 tháng 10.
Trong tâm tình hân hoan tạ ơn Chúa dịp mừng Kim Khánh Giáo phận (1965-2015), và
được khích lệ bởi tinh thần Năm Thánh Giáo hội Việt Nam 2010, “nỗ lực đào sâu
và làm tăng trưởng đức tin cũng như hâm nóng lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng”,
tôi mời gọi mọi thành phần dân Chúa nỗ lực Canh tân đời sống đức tin trong
chương trình năm năm mừng Kim Khánh Giáo phận. Chúng ta đã vui mừng thấy chương
trình mục vụ của Giáo phận hòa một nhịp với chương trình mục vụ chung của tất
cả Giáo hội Việt Nam. Hôm nay, niềm vui của chúng ta lại được tăng thêm vì
chương trình Năm Đức Tin xác nhận và soi sáng thêm cho chương trình mục vụ của
Giáo phận chúng ta.

Trong dịp này, Đức Cha Giáo Phận tha thiết nhắc nhở mọi người: “Mỗi người công
giáo nên kết thân với một người lương, coi người đó như anh em ruột thịt và đem
hết lòng yêu thương họ. Mỗi gia đình công giáo nên kết thân với một gia đình
lương dân, coi họ như thân quyến của mình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi; khi có kỵ
giỗ, cưới xin hay lễ lạc gì trong gia đình, hãy mời họ cùng thông hiệp. Nhờ đó
hai bên thắt chặt mối giây thân ái và qua tình thân nầy, Tin Mừng của Chúa
Ki-tô sẽ được lan toả như ánh nến đêm Vọng Phục Sinh”.

Trình tự lễ nghi diễn tiến nhịp nhàng đạo đức thánh thiện, ca đoàn hát rất hay,
chất lượng âm thanh phục vụ cho buổi lễ rất tốt.

Trước khi kết lễ, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Quản Hạt Hố Nai, kiêm trưởng ban
truyền giáo giáo phận, lên dâng lời cảm ơn quý đức cha, đức ông, quý cha quản
hạt và quý cha đồng tế, mọi thành phần Dân Chúa. Ngài trân trọng cảm ơn anh chị
em các tôn giáo bạn, quý chính quyền các cấp, anh chị em tân tòng và quý thân
nhân, anh chị em tác viên Tin Mừng, Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, các thành phần
trong cộng đoàn Giáo Xứ Hà Nội, quý công ty âm thanh ánh sáng, ban tây nhạc,
anh chị em ca đoàn và tất cả mọi người đã cộng tác giúp đỡ cho buổi lễ được
thêm phần sốt sắng long trọng.

Kế đến Đức Cha Giáo Phận phát bằng chứng nhận và trao quà tượng trưng cho một
số Anh Chị Em Tân Tòng và trao quà cho đại diện Anh Chị Em Tôn Giáo Bạn.

Nhận phép lành cuối lễ, cộng đoàn vui sướng hát vang bài ca “Hãy ra đi rao
giảng tin mừng. Bước hiên ngang trên đường truyền giáo. Kìa đồng lúa chín ngát
trời, triệu nhành đong đưa vẫy mời, sóng lúa vàng dạt dào mơ ước…”.

Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria Mân Côi ban cho chúng con ý thức
việc truyền giáo bằng tâm tình đơn sơ:

• “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ mọi
điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20)

• “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng.” (1 Cr 9,16).

Xin hân hoan chúc mừng 1035 Anh Chị Em Tân Tòng, xin Chúa là Cha nhân lành và
Mẹ Maria dịu hiền luôn đồng hành với các Anh Chị trong ơn gọi Kitô hữu.

CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN

CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN

22-10-2012                    nguồn: Vietvatican.net

Ngày 31-10-2007, vọng lễ Các Thánh Nam Nữ, nhà xuất bản Fayard bên Pháp phát hành tác phẩm ”J’ai senti battre le coeur du monde” (Tôi cảm nhận nhịp tim đập của thế giới). Cuốn sách là thành quả các trao đổi chuyện trò giữa ký giả Bernard
Lecomte và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người Pháp. Năm ấy Đức Hồng Y 85 tuổi và là Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn. Xin trích một đoạn ngắn Đức Hồng Y nói về Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005): một người cầu nguyện (unhomme de prière).

(Đôi hàng giới thiệu về Đức Hồng Y Roger Etchegaray).

Đức Hồng Y Roger Etchegaray chào đời ngày 25-9-1922 tại Espelette thuộc
miền Pyrénées-Atlantiques ở miền Nam nước Pháp, giáp giới với nước Tây Ban Nha.
Thụ phong Linh Mục ngày 13-7-1947, 12 năm sau, Cha Roger được Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI (1963-1978) chỉ định làm Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Paris. Vỏn
vẹn một năm sau – 1970 – Đức Cha Roger Etchegaray lại được thuyên chuyển về
Tổng Giáo Phận Marseille. Năm 1979 ngài được vinh thăng Hồng Y và 5 năm sau,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa ngài về Roma trao phó nhiệm vụ Chủ Tịch Hội
Đồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình và COR UNUM Đồng Tâm. Đức Hồng Y Roger Etchegaray chu toàn nghĩa vụ này trong vòng 14 năm từ 1984-1998. Sau đó Đức Hồng Y Roger Etchegaray lại được chỉ định làm Chủ Tịch Ủy Ban Đại Năm Thánh 2000. Có thể nói
trong vòng 20 năm trời (1984-2005) Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã sát cánh bên
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử làm đặc
sứ trong những chức vụ tế nhị vào những thời điểm thảm khốc nhất của vận mệnh
thế giới và của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Đức Hồng Y đã đi đến các vùng có
chiến tranh hoặc xung đột sôi sục khói lửa hận thù như Kosovo, Cuba, Messico,
Haiti, Rwanda, Irak, Trung Quốc và Việt Nam.

Riêng Việt Nam, Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã đến đây 3 lần. Lần đầu tiên từ
ngày mồng 1 đến 13-7-1989. Đức Hồng Y viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
theo lời mời của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lần thứ hai – với tư cách đặc sứ
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II – Đức Hồng Y Roger đến Hà Nội chủ sự Thánh Lễ
an táng Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990) ngày 23-5-1990. Lần
thứ ba, Đức Hồng Y Roger Etchegaray dẫn đầu Phái Đoàn Tòa Thánh chính thức
viếng thăm và thảo luận với các cơ quan chức trách của chính phủ Việt Nam. Cuộc
viếng thăm kéo dài từ ngày mùng 5 đến 14-11-1990.

Xin nhường lời cho Đức Hồng Y Roger Etchegaray nói về Đức Chân Phúc Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II.

Vị Giáo Hoàng có ngôn từ cao cả, có cử điệu rộng rãi phong phú ấy trước tiên là
một con người cầu nguyện. Tôi trải qua thời gian 20 năm làm việc cho Đức Giáo
Hoàng và bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Nhưng chúng tôi không bao giờ tiến sâu vào
chỗ thân mật, có lẽ do cá tính khác biệt giữa hai chúng tôi. Đức Giáo Hoàng
người Ba Lan trong khi tôi người vùng Basque.

Không bao giờ ngài trao cho tôi những chỉ thị rõ ràng có tính chất bắt buộc
trước mỗi khi tôi lên đường thi hành một nhiệm vụ do ngài sai đi tại một vùng
đất này hay nơi một xứ sở kia ở tận cùng bờ cõi trái đất. Ngài hoàn toàn tin
tưởng nơi tôi. Hay nói đúng hơn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II luôn luôn đặt
trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA .. Đây cũng là điểm nổi bật nhất nơi con
người Đức Gioan Phaolô II khiến cho tất cả các cộng tác viên thân cận nhất của
ngài phải ngỡ ngàng thán phục.

Vị Giáo Hoàng từng quyến dũ giới truyền thông bằng nhân cách ”trung gian”, vị
Mục Tử có ngôn từ cao cả, có cử điệu phong phú dồi dào, lại là con người – trước
hết và trên hết – của cầu nguyện. Từ sáng tinh sương đến tối khuya của ngày
tàn, Đức Gioan Phaolô II không bao giờ ngừng cầu nguyện.

Chính ký giả André Frossard (1915-1995) – nếu tôi nhớ không lầm – từng ví Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với một khối cầu nguyện (bloc de prière) sau một lần
ông được diễm phúc tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành
nơi nhà nguyện riêng ở nội thành Vatican.

Tất cả những ai từng cộng tác, từng làm việc chung với Đức Thánh Cha Gioan
Phaolô II, cũng như tất cả những ai từng tháp tùng ngài trong các chuyến công
du mục vụ đều ngạc nhiên thán phục trước khả năng của Đức Giáo Hoàng – ở bất cứ
nơi đâu trong bất cứ hoàn cảnh và trạng huống nào – cũng đều có thể tách rời
khỏi mọi ồn ào huyên náo bên ngoài để lắng đọng vào bên trong và cầu nguyện.
Chính vì lý do này mà đôi lúc Đức Gioan Phaolô II gieo rắc hoảng hốt lo âu cho
những người có trách nhiệm tổ chức các chuyến công du, khi thấy Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đắm mình trong cuộc chuyện trò thân mật với Đấng Cứu Thế, mặc
cho sự chậm trễ của chương trình đã được hoạch định tỉ mỉ trước từng giây từng
phút!

Tôi còn nhớ trong chuyến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm nước Pháp
lần thứ 5 vào năm 1996 từ ngày 19 đến 22 tháng 9, với trạm dừng đầu tiên là thành
phố Tours. Trong Tu Viện nơi chúng tôi trú ngụ, tôi tình cờ bắt gặp Đức Gioan
Phaolô II, vào sáng sớm thứ sáu 20-9-1996, đang một mình gẫm Đàng Thánh Giá
trong nhà nguyện. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không bao giờ bỏ qua một ngày
thứ sáu nào mà không Đi Đàng Thánh Giá – dù cho ngài ở bất cứ nơi đâu.

Mỗi khi di chuyển bằng máy bay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn luôn cầm
tràng hạt Mân Côi trong tay và ngoài những nghi thức ngoại giao ngài bắt buộc
phải chu toàn, hoặc phải trả lời các cuộc phỏng vấn của các ký giả quốc tế tháp
tùng chuyến công du mục vụ mà ngài luôn luôn nhã nhặn thi hành, ngoài tất cả
các việc này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại đắm mình trong kinh nguyện.
Ngài không bao giờ nhìn qua khung cửa sổ máy bay để chiêm ngắm cảnh vật. Không
bao giờ. Ngài chỉ thinh lặng cầu nguyện cho đến khi máy bay đáp xuống phi đạo
của đất nước ngài sắp viếng thăm.

… Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Lạy Ba Ngôi Chí Thánh,

chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội

Đức Chân Phúc Gioan Phaolô II

và biểu dương nơi người

lòng ưu ái của tình phụ tử Chúa,

vinh quang Thánh Giá của Đức KITÔ

và sự huy hoàng của Thánh Thần Tình Yêu.

Khi hoàn toàn phó thác

nơi lòng thương xót vô biên của Chúa

và nơi sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ MARIA

người đã cho chúng con một hình ảnh sống động của Đức GIÊSU

Đấng Chăn Chiên Nhân Lành

và đã chỉ cho chúng con đường nên thánh

như chiều kích thanh cao

của đời sống kitô thường ngày

là con đường duy nhất đạt tới

niềm hiệp thông vĩnh cửu với Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của người,

xin Chúa ban cho chúng con,

tùy theo thánh ý Chúa,

ơn chúng con van nài,

trong niềm hy vọng mãnh liệt

người sẽ sớm được nâng lên hàng Các Thánh của Giáo Hội.

Amen.

(”Pèlerin”, L’Hebdo du Quotidien, n.6518, Jeudi 1er Novembre 2007, trang
32-39)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

PHỤC VỤ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN VỀ NƯỚC TRỜI

PHỤC VỤ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN VỀ NƯỚC TRỜI

(CN 29 TN, Năm B)

Tác giả:Tuyết Mai

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn,
thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì  hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 42-45).

Cảm tạ Thiên Chúa, Người rất nhân lành là hằng dậy dỗ chúng con những người con khờ khạo, tham lam, và gian ác hiểu thế nào để có cuộc sống Vĩnh Cửu trên Nước Trời.   Hiểu rằng con đường để được lên Nước Trời không phải là điều dễ dàng để ai cũng có thể làm
được.   Con đường lên Trời ấy, khổ nỗi Nó không thong dong như những  gì trần gian mong muốn và ao ước để có được.   Ngược lại con đường lên Trời ấy lại là sống Có cũng như  không.   Có nghĩa không dính bén, không màng danh lợi, chức vụ, và sống như người không nhà không cửa, thì mới được Nước Trời làm gia nghiệp.

Nhưng sống được như vậy cũng mới là nửa điều kiện mà thôi! Sở dĩ tôi nói thế là vì trần gian hầu hết con cái Chúa đều là nghèo khổ.   Sinh ra đã nghèo.   Nghèo từ nhỏ đến
lớn.   Có người Nghèo suốt cả cuộc đời.   Có phải cuộc sống nghèo thường thì sống lươn lẹo để cho có?.   Miệng mồm đãi đưa, mời mọc bán hàng không đúng giá, cân lượng sai lệch rất nhiều, xăng thì đổ thêm nước vào đấy, hàng Tầu thì bảo là hàng Ta, hàng ngoại quốc, v.v….. Do đó ta phải sống thành thật thì mới được!.   Sống thành thật thì phải có cái bụng thành thật.   Có lương tâm.   Đối xử với người như đối với chính mình.   Thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất.   Dù thế nhưng Chúa cũng chưa vừa ý vì như thế những anh chị em ngoại đạo họ cũng đối xử với nhau được như vậy!?.

Ngoài việc giữ đạo là giữ 10 Điều Răn Đức Chúa Trời, sau lại yêu người như chính mình ta vậy, còn phải phải Phục Vụ cho anh chị em, và là người rốt hết trong xã hội thì khi ấy chúng ta mới được có tiêu chuẩn để được Chúa đón về Trời??.   Hay Chúa còn đòi hỏi con người chúng ta như thế nào nữa thì mới được Chúa đón nhận???.

Nói đi thì cũng phải nói lại thưa anh chị em! Tôi thiết nghĩ Thiên Chúa của chúng ta Người rất Nhân Lành và Rộng Lượng vô cùng.   Dù chúng ta có thế nào đi chăng nữa, Người cũng đón nhận chúng ta mà!.   Chúng ta là cha mẹ cứ thử đem gia đình con cái của mình ra xem thử nhé, xem chúng ta sẽ đối xử với con cái của chúng ta ra sao, trước pháp luật nghiêm minh và công bằng?.   Có ai biết con mình phạm tội giết người mà giấu pháp luật hay không, và vì sao ta giấu?.   Có ai tự đem con mình ra giao cho pháp luật xử hình vì biết con mình phạm tội giết người, và vì sao?.   Chúng ta là cha mẹ, tình yêu ấy không thể nào
sánh ví cho bằng; bất luận ra sao chúng ta cũng muốn che đậy cho con của mình không bị xử tử.   Hoặc phải được hứa rằng con mình không bị xử tử thì mới giao nó cho pháp luật!?.

Đó là Pháp Luật của trần gian, ai ở đâu thì phải thi hành theo Quốc Gia đó, Thưa có phải? Nhờ đó mà con người ta cũng phải biết sợ để không dám phạm tội?.   Nói đâu cho xa ngay tại nước VN của chúng ta đây, cách đây vài hôm tôi có dịp đọc được mẩu tin tức có 2 người bị 100 người đánh tới chết vì tội ăn cắp chó đem bán.   Người nào đọc được tin này hay biết tin này, chắc có 10 lá gan cũng không dám đi ăn cắp chó của người ta nữa, dù đã có ý định từ trước khi có chuyện chết người này xẩy ra.

Hẳn chúng ta là con người cũng hiểu rằng tại sao một gia đình hay một xã hội lại phải cần có Pháp Luật.   Có phải Pháp Luật đặt ra là để cho con người có cuộc sống an toàn, trật
tự, và thanh bình hay không?.   Và Luật của Chúa cũng không ngoài lý tưởng sống ấy!.   Người ban cho chúng ta Điều Răn của Người là để tất cả chúng ta sống tốt và hiền hòa với nhau.   Người ban cho chúng ta Lời của Chúa là để giúp chúng ta có Tấm Gương lành mà noi theo.   Người cũng ban cho chúng ta cách thức để được vào Nước Trời, dễ dàng nếu chúng ta có Chúa làm Chủ cuộc đời của chúng ta.   Ngoài Chúa ra Người còn ban cho chúng ta một người Mẹ gương mẫu, thật hoàn hảo vẹn  toàn.   Là Mẹ Maria muôn đời khiết trinh.   Là Mẹ của toàn thể nhân loại con người.   Là Mẹ của toàn thể Giáo Hội trên toàn quốc.

Có phải Đức Maria muôn đời đồng trinh, cuộc sống của ngài luôn là Phục Vụ?.   Phục Vụ Con Mẹ, phục vụ bạn đời của mình là Thánh Cả Giuse, phục vụ tất cả tông đồ của Chúa, và phục vụ tất cả anh chị em sống chung quanh Mẹ?.   Rồi nhìn Gương trong Giáo Hội Chúa cũng vậy, ai càng làm lớn thì lại càng phải Phục Vụ nhiều, và càng là người nhỏ bé nhất.   Càng phục vụ nhiều lại có nghĩa là càng yêu nhiều.   Càng yêu nhiều mới có thể quên mình để được phục vụ anh chị em.   Và quanh đi quẩn lại là những tấm gương sáng ngời tất cả các
Thánh Nam Nữ trong quá khứ đã chứng minh cách rất rõ ràng, con đường dấn thân
Phục Vụ là con đường dẫn hết thảy con cái Chúa vào được Nước Trời.   Cho nên hễ ai sống ích kỷ, tham lam, gom góp, tranh dành, để có được giầu có, hạnh phúc trên trần gian này …. thì lẽ tất nhiên Nước Trời chẳng phải là của họ.

Ai cần được ngồi bên trái hay bên phải Chúa trên Nước Trời? Hẳn nếu chúng ta tự đặt cho ta câu hỏi đó, thì có phải chính chúng ta đã không xứng đáng để được ngồi vào đâu cả trên Nước Thiên Chúa hay không?.   Vì cái tôi, cái ích kỷ chỉ muốn được ngồi chỗ nhất thì ước muốn ấy cũng chứng minh cho ta và cho Chúa thấy rằng, mình chỉ muốn sống cả đời có được người phục vụ mà thôi không?.   Ấy cái con người đê hèn của chúng ta là thế đó!.   Một lời nịnh hót vẫn nghe hay hơn là một lời khuyên đúng.   Một lời “mật ngọt mà chết ruồi” vẫn nghe hay hơn là một lời “thuốc đắng dã tật”, v.v….

Con đường lên Thiên Đàng hay con đường muốn xuất ngoại qua Mỹ định cư vĩnh viễn, cả hai nơi điều kiện chúng cũng na ná giống nhau mà thôi!.   Điều kiện để được đi, dù là đi đâu, đi lên hay đi ngang qua vượt đại dương thì chúng ta phải có chương trình để chuẩn
bị cho chuyến đi ấy!.   Đi đâu cũng đòi hỏi chúng ta phải dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị.   Chuẩn bị tiền bạc và chuẩn bị hành lý.   Đi qua Mỹ thì ngoài tiền bạc để lo giấy tờ chúng ta phải hao tốn rất nhiều thời gian để làm việc toàn thời gian để dành dụm, càng nhiều càng
tốt, vì một chuyến đi là không bảo đảm sẽ có ngày quay về?.   Còn đường lên Trời thì ngày trở về lại càng không có thể.

Nếu nói về điều kiện đòi hỏi ở trên thì vì ta sống mà không để ý đấy chứ! Chứ thực ra ai từng ở trên thương trường làm ăn, cũng hiểu danh từ Phục Vụ đúng nghĩa là như thế nào rồi!?.
Mỹ thì bảo rằng khách là Vua, là Số 1.   Chìu khách, có nghĩa phục vụ khách ở mức tối đa, nhất là các hàng quán ăn như nhà hàng chẳng hạn.   Tiệm uốn cắt tóc, hay tiệm nails, đều phải phục vụ hết lòng.   Vì có phục vụ tốt, niềm nở với khách, chìu chuộng khách thì khách mới đến nữa, và ta mới kiếm được nhiều tiền huê hồng (tips) thưa có phải?.   Chỉ có khó khăn cho những người làm công việc trong các hãng xưởng nếu là nhân công thì khó nhận ra công việc phục vụ này lắm, vì hằng ngày làm việc với những đồ vật vô tri vô giác; chẳng lẽ phục vụ cho đồ vật?.

Nhưng ngoài nhân công ra thì hãng có hạng cấp chỉ huy hay gọi là (white colors).   Ở thứ hạng này thì tất cả ai cũng hiểu danh từ phục vụ như thế nào rồi!.   Vì không có tinh thần phục vụ thì công việc không được trôi chảy ở mức có trật tự và nghe lời.   Ai có tinh thần phục vụ thì sẽ có tinh thần vâng lời hay nghe lời vì hầu hết chúng ta sống và làm việc chung với nhau.   Do đó dù là trong gia đình nhỏ bé nhưng chúng ta cũng có luật có lệ.   Để trên nhường dưới nhịn, và quan trọng là vì chúng ta yêu thương nhau.   Không ai muốn ai đau khổ.   Không ai muốn ai có quyền hành trên ai mà không muốn có không khí của hạnh phúc, có không khí của một mái ấm gia đình.

Chẳng phải chúng ta không hiểu ý của Chúa đâu, hiểu quá đi là đàng khác, nhưng có thể vì chúng ta muốn bẻ cong Ý của Chúa, nên mới thấy là khó hiểu đấy thôi!.   Hay vì trần gian luôn có giai cấp nên chúng ta không thuyết phục với danh từ phục vụ mà chỉ muốn cho
người phục vụ mình?.   Hoặc vì chúng ta hiểu trần gian là có giai cấp rõ rệt? Người giầu có chỉ tay năm ngón là những người bắt người ta phải phục vụ cho mình, và nghe lời mình.   Còn người làm công, người hầu mới phải cúi đầu mà phục vụ người chủ và khách của chủ?.   Có phải vì chúng ta hiểu cái hiểu “ghen ghét” như thế hay không?.

Quả thật Trời và Đất là hai nơi, khó qua lại được với nhau.   Chỉ vì sự suy nghĩ cạn của chúng ta đã là cái cản, cái chắn, không cho chúng ta qua được ranh giới của Nơi bên kia cách dễ dàng.   Nhưng có phải hiểu không cũng chưa gọi là đủ vì nếu chỉ hiểu mà không có được bản đồ Người cho thì làm sao ta biết cách mà lên?.   Thử hỏi xem những người phi hành gia họ có biết Nước Trời nằm ở nơi nào hay không thì rõ?.   Ở đây Chúa cũng chỉ cho ta cách thức để được lên Trời là con đường phục vụ!!!.   Có tinh thần phục vụ, xả thân phục vụ cho anh chị em, theo thời gian Chúa sẽ mạc khải cho biết thêm con đường Về Trời thật đậm và rõ nét hơn, thưa anh chị em, và đó là điều chắc chắn!.

Lời của Thiên Chúa nói thì cả bao ngàn năm nay vẫn như đinh đóng cột, chúng ta đừng phí thời giờ để nghi hoặc hay thắc mắc, mà điều chính yếu là thời giờ thì sắp cùng cạn và sắp gần hết.   Chúa chỉ đòi hỏi nơi chúng ta hãy thân thưa cùng Chúa là Xin Vâng theo Thánh Ý Chúa.   Mở rộng tâm hồn của chúng ta để đón nhận Ý  Chúa, công việc của chúa, vì Người cần bàn tay và sự góp sức của chúng ta trên anh chị em đang rất cần đến chúng ta.

Để chương trình của Chúa mới được hoàn thành theo sự Tốt Đẹp mà Thiên Chúa mong mỏi ở hết thảy con người trần gian.   Để khi ấy ngày Quang Lâm mới được xẩy ra cách nhanh chóng, cách tốt đẹp, và hoàn hảo!?.   Để trái đất sẽ còn lại những gì mà Chúa muốn chúng có trên trái đất.   Nhưng riêng con người sẽ được Thiên Chúa ban thưởng là đặc ân, được Chúa đem lên sống cùng Chúa Nơi Thiên Đàng sẽ là muôn đời có sự Sống Vĩnh Cửu.   Amen.

Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

(10-17-12)