Lời cầu nguyện thiên đàng cũng phải rơi lệ

Lời cầu nguyện thiên đàng cũng phải rơi lệ

nguồn: Thanhlinh.net

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHỊ VERONICA PHONG CÙI:

Một lời cầu nguyện thiên đàng cũng phải rơi lệ.

Một lời cầu nguyện hay nhất mùa Lễ Tạ Ơn.

Kính mời Quí vị đọc, nghe hay xem trên Youtube dưới đây
và xin giới thiệu với bạn bè.

httpv://www.youtube.com/watch?v=RYggna7hSHs&feature=youtu.be

Youtube link: http://youtu.be/RYggna7hSHs

Biết ơn là dấu chỉ làm người và cũng là dấu chỉ của người Kitô hữu trước những hồng ân bao la của Thiên Chúa ban cho. Nhân mùa Lễ Tạ Ơn và Năm Đức Tin, anh chị em thanhlinh.net xin gởi đến Quí vị và các bạn lời cầu nguyện của chị Veronica phong cùi. Một lời cầu nguyện tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa hay nhất, tuyệt vời nhất, và cũng là lời bày tỏ Đức tin sâu đậm nhất của một người mang căn bệnh phong cùi ngặt nghèo, dù mất mát tất cả nhưng vẫn tin
tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Xin Quí vị cùng chúng tôi dâng lên
Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân khi nghe lời cầu nguyện này.

 

CHỊ VERONICA PHONG CÙI

Hai linh mục Raymond và Pierre Jaccard – hai anh em ruột – cũng là hai bác sĩ hội viên của tổ chức “Frondations Follereau” tại Ba Lê đã từ nhiều năm hiến đời mình phục vụ “người cùi”. Do đó các ngài đã quen biết chị Veronica và đã tới hàn thuyên với chị nhiều lần. Là một linh hồn rất đặc biệt, chị không muốn hai cha tiết lộ danh tính, nhưng bằng lòng cho hai cha phổ biến lời cầu nguyện sau đây của chị. Hồi xưa, Veronica là một cô gái kiều diễm, ngày nay chị đã mất tất cả: sắc đẹp duyên dáng, tay chân mịn mà, hai con mắt huyền ảo. Nhưng để bù lại sự mất mát phần xác bề ngoài, chị đã được Chúa đền đáp cho một tâm hồn trong sáng, quảng đại, phó thác hoàn toàn, vì ở trong đó tràn đầy ân sủng và sống tiêu tan trong đại dương tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được chị diễn tả trong một lời cầu nguyện tuyệt vời.

Lời cầu nguyện này là bản toát yếu đời sống bên trong của chị, là tấm gương sáng lạn phản chiếu một nội tâm sâu đậm, phong phú vì đã được lọc luyện qua đau khổ, qua một chứng bệnh bên ngoài thật ghê gớm, nhưng chị Veronica đã chấp nhận sống trong suốt 60 năm trời đằng đẵng, và chị cho đó là một sứ mệnh cá nhân: “Lạy Chúa, suốt bằng ấy năm chịu bệnh, con ý thức Chúa đã chiếm đoạt con cho một mình Chúa: thật sự cho một mình Chúa. Con đã chấp nhận, do đó hồn con đầy tràn thanh bình và hoan lạc”. Để cống hiến quí cha, quí tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân Việt Nam Lời Cầu Nguyện Này, chúng tôi gửi đến như là một đóng góp khiêm tốn – nhưng chân thành – ghi nhớ ngày đại hội ngàn năm một
thuở, nhân dịp lễ tôn phong Hiển Thánh các chân phước Tử Đạo Tiên Tổ tại giáo đô La Mã (19.6.1988).

 

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHỊ VERONICA PHONG CÙI

(Bài “Avec Une Infinie Tendresse”)

 

Lạy Chúa, Chúa đến đòi con tất cả,

Và con đã tận hiến cho Chúa toàn thân.

Hôm xưa con mê đọc sách, nhưng giờ này con đã mù loà.

Con thích chạy nhảy trong khu rừng hoang vắng,

Nhưng hiện nay hai chân con đã thành bất toại!

Con thích đi hái những bông hoa dại dưới nắng trời xuân,

Nhưng ngày nay hai bàn tay ấy không còn nữa!

Là phụ nữ, con ưa nhìn mái tóc mây mượt mà óng ả,

Nhìn những ngón tay mềm mại xinh đẹp,

Nhìn tấm thân liễu đào kiều diễm.

Nhưng giờ này trên đầu con không còn một sợi tóc,

Những ngón tay mịn mà của tuổi giai nhân ngày xưa,

Hôm nay chỉ là những thanh gỗ nhỏ khô cứng!

Lạy Chúa, xin nhìn đến thân con hồi nào mỹ lệ,

Hôm nay đã tàn tệ, nhưng con không dám trách than:

Con tạ ơn Chúa, và ngàn đời con sẽ hát lời ca ngợi.

Và giả như con có chết đêm nay đi nữa,

Con tin chắc đời mình đã được sung mãn dồi dào.

Là vì sống bằng tình yêu, con được quá những gì lòng con ước nguyện.

Lạy Cha chí nhân,

Với đứa con Veronica, Cha đã quá nhân từ hiền hậu.

Quỳ hôm nay, con cầu cho những ai phong cùi trong thể xác,

Nhưng nhất là những ai “phong cùi” trong tâm linh nội diện:

Vì họ có thể đổ xô, gục ngã, tàn phế, tiêu tan:

Chính những lớp người này con càng thành tâm yêu mến,

Và trong âm thầm con nguyện hiến đời mình cho họ,

Bởi vì họ với con là anh chị em một nhà!

Lạy Chúa của lòng con yêu mến thiết tha,

Con dâng lên Chúa tấm thân phong cùi thể xác này,

Để cho họ không còn phải nếm phiền muộn, đắng cay,

Không còn phải lạnh lẽo và khổ đau chua xót,

Vì chứng phong cùi ghê gớm xâu xé tâm linh họ!

Lạy Cha chí nhân,

Con vẫn là đứa con gái bé bỏng thân tình,

Xin cầm tay dẫn con đi, như người mẹ dẫn đứa con thơ dại;

Xin xiết chặt con vào trái tim Cha đang rộng mở,

Như người Cha ấp ủ đứa con nhỏ bé hồi nào!

Xin cho con chìm sâu trong đáy huyệt lòng Cha,

Ở mãi trong đó với những người con yêu thương trìu mến,

Vì ở đó là hạnh phúc thiên đàng trường sinh vĩnh cửu!

Cảm ơn Cha.

Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (dịch)

 

Ba phụ nữ trẻ Việt Nam được trao giải Nhân quyền 2012

Ba phụ nữ trẻ Việt Nam được trao giải Nhân quyền 2012

Từ trái: Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy
05.11.2012
Ba phụ nữ trẻ dấn thân cổ xúy cho nhân quyền và kêu gọi dân chủ tại Việt Nam được
vinh danh Giải Nhân quyền Việt Nam 2012.
Ban tổ chức giải thưởng, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California (Hoa Kỳ), cho biết 3 nhà hoạt động gồm Phạm Thanh Nghiên, nhà báo tự do Tạ Phong Tần đang bị cầm tù, và blogger Huỳnh Thục Vy được bầu chọn từ 24 đơn đề cử trong và ngoài nước.
Nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thanh Nghiên từng tham gia biểu tình và viết bài chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa đang bị quản thúc tại gia ở Hải Phòng sau khi mãn án 4 năm tù hồi tháng 9 năm nay về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Cô Phạm Thanh Nghiên chia sẻ cảm nghĩ khi được vinh danh Giải Nhân quyền Việt
Nam năm nay:
“Tôi rất lấy làm vui mừng và vinh dự khi là một trong ba nữ chiến sĩ nhân quyền được nhận giải thưởng này. Đối với tôi, giải thưởng này có ý nghĩa rất to lớn. Nó ghi nhận những công sức rất nhỏ bé của chúng tôi đóng góp để cải thiện và tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam. Thứ hai, nó cổ vũ tinh thần rất lớn cho không chỉ riêng cá nhân tôi, mà cho những người đã, đang, và sẽ đấu tranh vì quyền con người. Và tôi vẫn kiên định con đường đấu tranh bất bạo động vì quyền con người để đòi lại những cái quyền của bản thân mình và cho những người khác.”
Blogger Huỳnh Thục Vy là tác giả của các bài viết chống Trung Quốc và phản đối bất công
xã hội. Cô nói Giải thưởng Nhân quyền cô nhận năm nay là một niềm khích lệ cho những người tranh đấu nhân quyền trong nước nói chung trước tình hình nhân quyền đang ngày càng xuống cấp tại Việt Nam:
“Sự vinh danh này em muốn chia sẻ lại cho tất cả những người đang phải chịu đàn áp, tù đày ở Việt Nam. Em không nghĩ là mình có thể đóng góp được gì nhiều, chỉ là lên tiếng để nói lên sự thật mà mình cho là đúng để bảo vệ tự do và công lý.”
Nhà báo tự do Tạ Phong Tần, một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, đang thụ án 10 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau khi có các hoạt động và viết bài chống Trung Quốc, chỉ trích nhà nước, cũng như phản ánh nạn tham nhũng tràn lan trong xã hội.
Giải Nhân quyền Việt Nam là giải thưởng thường niên ra đời từ 10 năm nay nhằm vinh danh thành tích tranh đấu bất bạo động của những người dấn thân cho lý tưởng nhân quyền và dân quyền của nhân dân Việt Nam.
Trong số các nhân vật từng được tuyên dương Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam có
Thượng tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, blogger Điếu Cày, và Tiến sĩ
luật Cù Huy Hà Vũ.

Lời tạ ơn thánh nữ Maria

Lời tạ ơn thánh nữ Maria
nguồn:Chuacuuthe.com

Đăng bởi pleikly lúc 12:18 Sáng 5/11/12

VRNs
(05.11.2012) – Nastville, Úc –  “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bào chữa cứu giúp mà Đức Mẹ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sắp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tỗi lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa cứu thế xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dũ lòng thương mà nhậm lời con cùng. Amen”

Trong con hoạn nạn hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng, tôi đã đọc kinh này thật chậm
rãi, và hết lòng tin, thật lòng tin chắc Mẹ sẽ nhậm lời. Tôi đã nói với Mẹ, nhắc nhỡ Mẹ lời Mẹ đã hứa, xin Mẹ đừng từ bỏ con. Và Mẹ đả nhậm lời.

Trường hợp 1

Năm 1961, vợ tôi nằm nhà thươngSt Paul, phải giải phẫu. Ca mổ (lúc đó còn bác sĩ
ngưởi Pháp) được bình thường. Sau khi mổ cho về phòng bình yên. Vết mổ không rỉ
máu như những vết mổ thông thường. Nhưng sau nhiều ngày, máu lại rịnh chảy. Bác
sĩ làm hết cách mà không cầm được, lại còn lần lần ra máu nhiều hơn. Huyết áp
xuống thấp dần. Bác sĩ và các Sơ săn sóc lộ vẻ bối rối. Huyết áp không còn, vợ
tôi thim thíp. Tình trạng hầu như tuyệt vọng. Mẹ vợ tôi rót 1 ly nhỏ nước phép
lạ Lộ Đức, và tôi yêu cầu mọi người quỳ xuống đọc chậm rãi kinh Lạy Thánh Nữ…Và
tôi nói rằng, chúng con thật lòng tin Mẹ không bỏ chúng con và tin chắc Mẹ giữ
lời đã hứa.

Chúng tôi đều thật lòng tin và Mẹ đã nhận lời, liền sau đó máu từ từ cầm lại. Và sau
ít ngày tịnh dưỡng Bác sĩ đã cho về nhà.

Chúng con lạy tạ ơn Mẹ

Trường hợp 2

Tháng 1 năm 1961, địch đánh úp Quận…HL, tỉnh PT. Tôi thoát được ra ngoài chạy về phía
bờ song, phía sau có tiếng người rượt theo và hô đứng lại. Một loạt tiểu liên nổ dồn. Tôi chạy và ẩn dưới bờ sông. Đến nơi tôi rà soát trong người không có gì. Kiểm tra lại cây sung carbine, một viên đạn xuyên qua làm bể nát cái bang súng. Tôi đọc kinh cám ơn Mẹ và đọc kinh “Lạy Thánh Nữ…(trên) cầu xin Mẹ và cũng tin chắc là Mẹ sẽ cứu. Địch khai thác chiến trường, kếu gọi mọi người ra hang.Tôi tưởng là nó thấy mình rồi, nên định đi ra. Một người bạn nói tôi đừng ra, mặc dù địch bắn rải khắp bờ sông. Anh bạn nói, ai tới số thì trúng đạn, đến nước đó thì đành vậy thôi, chứ ló đầu ra là tụi nó bùm ngày. Và đúng y như rằng, chúng tôi không ra, chúng nó lục soát một hồi rồi rút đi nơi khác. Phải chăng Mẹ lại một lần nữa lại cứu tôi, vì nếu Mẹ không gửi anh bạn đó đến kịp thời thì bây giờ tôi đâu còn ngồi đây để nói lên lòng thương xót Mẹ, đã nhận lời mình kêu cứu trong lúc gian nan nguy biến.

Chúng con lạy tạ ơn Mẹ.

Trường hợp 3

Tôi được chuyển về tỉnh PT. Gian nan nguy hiểm hằng ngày nhất là di chuyển trên
đường lộ. Rồi một ngày khoảng 2 giờ sáng, địch tấn công mãnh liệt và lực lượng
phòng thủ gồm toàn lính văn phòng. Địch tràn ngập và toán phòng vệ tan rã, chạy
toán loạn nhắm hướng không có tiếng súng. Nhưng tiếng kêu “ hang sống, chống
chết” dậy trời. Chúng tôi chạy được đến hang rào và một trái lựu đạn ném theo,
rất may, lựu đạn rớt xuống đường mương, lựu đạn nổ, nước văng tung tóe làm ướt
cả áo trận. Mẹ đã cứu tôi. Và tôi lại đọc kinh “Lạy Thánh Nữ…(trên trước) với
lòng tin vững vàng. Và một lần nữa, Mẹ đã che chở cứu giúp tôi thoát cơn hiểm
nghèo. Nay tôi xin cao rao quyền phép cao cả của Mẹ và nói lên lòng Mẹ hay
thương xót, luôn luôn nghe tiếng con cái Mẹ kêu cầu, nhất là trong cơn gian nan
khốn khó, Mẹ sẽ không bao giờ từ bỏ con cái Mẹ, như lời Mẹ đã hứa  cho
những ai biết chạy đến cùng Mẹ.

Nguyễn Văn Lý

5/3CedaeForestCr

Nastville,TN37221-1203

 

CHO NHỮNG NGƯỜI NẰM XUỐNG

CHO NHỮNG NGƯỜI NẰM XUỐNG

Lm Giuse Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể

Trong đời sống mỗi người chúng ta, không ai có thể chu toàn lòng kính mến đối với
những bậc ông bà cha mẹ, hoặc vuông tròn sự yêu thương hòa đồng giữa anh chị em
ruột thịt trong nhà, và bà con thân thuộc lối xóm được. Cho dù nếu có, thì trong tháng các linh hồn này, Hội Thánh cũng nhắc nhở chúng ta làm mới lại những yêu thương ấy đối với những người đã khuất, để từ đó làm mới lại mối dây liên lạc yêu thương, tương kính với những người đang sống. Những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày.

Nếu đạo hiếu của người sống đối với người chết chỉ là đi viếng nghĩa trang, chỉ là
tu sửa lại những nấm mồ cao thấp, chỉ là tổ chức đám ma đông người đi đưa, nhiều cha đồng tế, những đám giỗ linh đình náo nhiệt thì thực sự những cái đó, nó mong manh hời hợt biết bao ! Vì sau những buổi lễ lạc linh đình đó, hoặc ngay cả lúc những nghi thức ấy đang diễn ra, thì những xác người chết vô tri cứng lạnh nằm trong áo quan, hay tăm tối trong những nấm mồ sâu dưới lòng đất, những người ấy có nhận được gì không ? Còn linh hồn của những vị ấy, nếu vui thỏa được bằng những nghi thức nghèo nàn trần tục kia, thì thử hỏi cõi thiên đàng cao sang, hoặc chốn thẳm sâu địa ngục, còn có nghĩa gì đối với chúng ta, những kẻ tin vào Chúa Kitô hôm nay ?

Khi người chết nằm xuống rồi, thì linh hồn người ấy đi vào một cõi khác, một cõi vô
cùng bí nhiệm, một cõi mà không một ai ở trần gian này biết được nó ở đâu ? Không biết nó sinh hoạt thế nào ? Việc đi viếng nghĩa trang, việc sửa sang phần mộ là việc tốt. Không phải tốt cho người đã chết, mà là tốt cho người đang sống là chúng ta. Để từ cái nghĩa trang mà chúng ta thấy đó, từ cái nấm mồ mà chúng ta đang sửa sang tô quét đó, từ những hũ đựng hài cốt mà chúng ta ngắm nhìn đó, chúng ta thấy được cái kiếp sống vắn vỏi của con người. Và để cho chúng ta, những người đang nhởn nhơ vui sống, thấy rằng cái đích điểm mà tất cả mọi người ở trần gian này sẽ phải đến gặp nhau là chỗ này đây : ba tấc đất sâu, và một
nấm mộ cô đơn lạnh lẽo. Để trong tháng các linh hồn này, mỗi con người dù là Đức Giáo Hoàng hay vua chúa, linh mục hay giáo dân, dù giàu sang của chìm của nổi hay nghèo nàn mạt rệp, dù danh vọng chức tước đạo đời đầy mình hay chỉ là tên vô danh tiểu tốt,… tất cả cùng có dịp hồi tâm lại. Những nấm mồ, những hũ đựng hài cốt nhắc nhở ta đừng bám víu, bám chặt lấy những cái bồng bềnh trôi nổi nay còn mai mất của thế gian, như tiền của, danh vọng, chức quyền. Mỗi người hãy coi sự sống vĩnh cửu vô cùng vô tận mới là cùng đích của cuộc đời. Cuộc sống mà dù muốn hay không, mọi người đều phải đi vào cõi đó, “một cõi đi
về”! Cuộc sống thật ấy chỉ bắt đầu từ cõi đó, với hai bàn tay trắng và một thân xác trần truồng ai cũng như ai. Thánh Phaolô quả quyết: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn, áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giầu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người đắm chìm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1Tm 6,7-10)

Sống và chết là hai ngả vô cùng cách biệt. Người sống không thể liên lạc với người chết bằng bát cơm quả trứng, hay bằng nén nhang khói tỏa nghi ngút, hoặc ngay cả bằng những bài kinh nỉ non thảm thiết dài lê thê, mà người đọc cứ lập đi lập lại trong những giờ kinh giỗ buồn chán.

Chúng ta những người đang sống chỉ liên lạc được với những người hôm nay đang ở cõi
đời đời, nơi một con người thôi. Con người ấy đang nắm trong tay tất cả thời gian, không gian, tất cả vận mạng kẻ sống cũng như người chết. Con người đó là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng Phục Sinh. Chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng cầm chìa khóa sự chết, mọi người mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống tạm bợ mau qua hôm nay, và bí nhiệm của cuộc sống vĩnh cửu ngày mai. Chỉ nơi thập giá cứu chuộc của Chúa chúng ta, nơi trái tim yêu thương của Thiên Chúa mở ra, mọi người có mặt ở trần gian, từ Ađam cho đến người cuối cùng trên trái đất này, mới thấy được rằng : sự chết từng là cái án khủng khiếp cho hết mọi người, thì
hôm nay lại là nguồn an ủi vô biên cho những kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô, vì xác  tín rằng : nấm mồ không phải là chung cuộc cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Vì Đức Giêsu Kitô đã phục sinh. Ngài đã đặt sự chết dưới bệ chân của Ngài, thì những ai đang sống trong sự sống của Đức Giêsu hôm nay là những kẻ sẽ không phải chết bao giờ nữa. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.” Chính Đức Giêsu Kitô đã bảo đảm với những kẻ yêu mến Ngài như vậy.

Chỉ những gì liên kết trong một thân mình thì mới thông hiệp được với nhau. Bàn tay
phải muốn cảm thông nỗi đau của bàn tay trái thì hai bàn tay đó cần phải dính liền vào trong một thân thể. Cũng vậy, người tín hữu còn sống muốn hiệp thông với người tín hữu đã chết, thì cả hai đều phải là chi thể của một thân mình – thân mình Đức Giêsu Kitô. Khi Ngài thương xót những người đang sống ở trần gian bị lao đao dằn vặt bởi tội lỗi và muôn ngàn thứ đau khổ, thì cùng một lúc lòng thương xót ấy lan ra khắp thân mình Ngài, thấm vào kẻ sống thì cũng thấm vào người chết đang là chi thể của Ngài. Lúc ấy hai người ở hai thế giới cách biệt muôn ngàn trùng mới hiệp thông được với nhau, mới biết thương nhau, và khi
thương nhau thì ngày đêm mới tha thiết nhớ cầu nguyện cho những người đã nằm xuống.

Những người dù là có đạo, mà trong cuộc sống hôm nay, sống ngoài Đức Giêsu như kẻ vô
đạo, thì đừng hòng nói là thương xót các linh hồn nơi luyện tội, vì nơi bản thân họ không có lòng trắc ẩn với những người đau khổ đang sống quanh họ, thì làm sao mà họ có được khả năng hiệp thông với kẻ đã chết, hiện đang ở cõi thiêng liêng vô hình?

Bởi thế trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, Hội Thánh đòi buộc những ai muốn lãnh
ơn đại xá, phải xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, nghĩa là người đó phải ở trong Đức Giêsu Kitô và ở trong Hội Thánh của Ngài. Có đủ điều kiện ấy, thì người đó đã trở thành chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô và lời cầu nguyện của họ cho những người đã khuất mới có giá trị.

Chúng ta là những Kitô hữu, và hơn nữa chúng ta còn là những người bạn thân thiết của
trái tim Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta không được nghĩ rằng : tôi cứ lo kiếm sao cho có nhiều tiền rồi ngày giỗ ngày tết, tôi rải tiền ra xin lễ cho nhiều để ông bà cha mẹ anh em tôi mau được lên thiên đàng. Ngoài ra tôi muốn sống sao thì sống, tôi không quan tâm gì đến ai. Nếu nghĩ và làm như vậy là xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa, bởi vì coi rẻ tình thương của Đức Giêsu Kitô. Nếu như ta không có khả năng xin lễ, hay có ai bỏ quên ông bà cha mẹ, thì chính Chúa sẽ bù đắp tất cả bằng tình thương vô biên của Ngài, Đấng phục sinh.

Trong tháng các linh hồn, mỗi người hãy tha thiết nài xin Đức Giêsu làm cho tâm hồn
chúng ta được say mê yêu mến trái tim Ngài. Xin Ngài làm cho trái tim chúng ta trở nên mềm dịu để mở ra đón nhận tình yêu lạ lùng ấy. Lúc ấy con người chúng ta sẽ đổi mới không phải hời hợt bên ngoài như thay một màu áo, đổi một đôi giày, mà thay đổi từ sâu thẳm bên trong tâm hồn bằng sức mạnh của Thánh Thần. Lúc ấy một sinh khí mới của lòng mến sẽ bùng lên, chúng ta sẽ luôn sống hiệp thông được với những người đã khuất và liên kết trong tình huynh đệ với những người đang sống, bởi vì chúng ta đầy Thần khí Đức Giêsu Kitô.

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin Chúa cho chúng con nhận biết mình là những tạo vật có cuộc
sống mong manh nay còn mai mất để chúng con biết luôn luôn cậy nhờ vào sức mạnh
của tình yêu nơi trái tim Chúa trong đời sống hàng ngày của chúng con. Xin cho chúng con được hiệp thông với những người đã qua đi bằng cách biết yêu thương những người đang sống với chúng con trong đời sống hôm nay, và chính nhờ tình yêu Chúa trong chúng con mà biết yêu mến những người đã ra đi trước. Chúng con yêu mến các linh hồn ấy bằng lời cầu nguyện, bằng Thánh lễ và bằng mọi việc yêu thưong bác ái hằng ngày trong sự kết hợp với Chúa Giêsu Kitô chứ không phải trong bản chất yếu đuối của chúng con. Amen

Lm Giuse Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể

5 bài học quan trọng của đời người



5 bài học quan trọng của đời người

Mai  Vy

11/3/2012                  Vietcatholic.net

Bài số 1: Bài học về sự tự giác :
Xưa thật là xưa, có một ông Vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng
đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo
dõi.
Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận
thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường
chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà Vua vì đã không cho người
giữ sạch sẽ con đường.
Một lúc sau, nhà Vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng
kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống
đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa
làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp
phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, người nông dân quay trở lại xe
để tiếp tục đi tiếp, thì bỗng nhìn thấy một bao tiền to đặt đúng ngay chỗ mà
ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một một món quà của Đức Vua cho người nào dịch
chuyển được tảng đá.
Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá
mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi
cũng có thể là một cơ hội tốt.
Bài số 2: Bài học về sự quan tâm
Trong tháng thứ 2 của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng
tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp…
Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở
câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của
chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu
hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy!
Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và
khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ?
Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.
Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư rằng: “Liệu ông có tính
điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi
ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều
quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ
cười hay một câu chào”.
Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau
này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó, cô Dorothy.
Bài số 3: Bài học về sự giúp đỡ :
Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã
11h30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên
hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe.
Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh
tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy
chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe. (Mặc cho cuộc
xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên
cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.
Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa.
Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái tivi khổng lồ ngay trước cửa
nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cảm ơn cháu vì đã cho bà
đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo
mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu
đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội
nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn
cảm ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà.”
Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành – Bà Nat King Cole”.
Bài số 4: Bài học về lòng biết ơn :
Vào cái thời khi mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện
về cậu bé 10 tuổi thế này:
Ngày nọ, Jim – tên của cậu bé – sau một hồi đi qua đi lại, ngó nghiêng vào
cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem nước hoa quả mà
cậu rất thích, mạnh dạng tiến lại gần cái cửa, đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một
bàn trống, cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và đợi người phục vụ đến.
Chỉ vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần Jim và đặt trước mặt cậu
một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu
tiền một đĩa kem nước hoa quả ạ?”. “50 xu“, cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, Jim
liền móc trong túi quần ra một số đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu hỏi
tiếp: “Thế bao nhiêu tiền một đĩa kem bình thường ạ?”. “35 xu”, người phục vụ
vẫn kiên nhẫn trả lời cậu bé mặc dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và
đang đợi cô. Cuối cùng, người nữ phục vụ cũng mang đến cho Jim món kem mà cậu
yêu cầu, và sang phục vụ những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên
bàn và ra về.
Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô ấy đã bật khóc khi nhìn thấy 2
đồng kẽm (1 đồng bằng 5 xu) và 5 đồng xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn, bên
cạnh 35 xu trả cho đĩa kem mà Jim đã gọi – Jim đã không thể có món kem nước
hoa quả mà cậu ấy thích bởi vì cậu ấy chỉ có đủ tiền để trả cho một đĩa kem
bình thường và một ít tiền boa cho cô.
Bài Học Số 5: Bài Học Về Sự Hy Sinh :
Đã lâu lắm rồi, nhiều năm đã trôi qua, khi tôi còn là tình nguyện viên tại
một bệnh viện, tôi có biết một cô gái nhỏ tên Liz – cô ấy đang mắc phải một
căn bệnh rất hiểm nghèo.
Cơ hội sống sót duy nhất của cô là được thay máu từ người anh trai 5 tuổi của
mình, người đã vượt qua được cơn bạo bệnh tương tự một cách lạ thường nhờ
những kháng thể đặc biệt trong cơ thể. Bác sĩ đã trao đổi và giải thích điều
này với cậu bé trước khi yêu cầu cậu đồng ý cho cô em gái những giọt máu của
mình. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự lưỡng lự thoáng qua trên khuôn mặt bé nhỏ
kia. Cuối cùng, với một hơi thở thật sâu và dứt khoát cậu bé đã trả lời rằng:
“Cháu đồng ý làm điều đó để cứu em cháu”.
Nằm trên chiếc giường kế bên em gái để thuận tiện hơn cho việc truyền máu,
cậu bé liếc nhìn em gái và đôi mắt ngời lên niềm vui khi thấy đôi má cô bé
hồng lên theo từng giọt máu được chuyền sang từ người cậu. Nhưng rồi, khuôn
mặt cậu bỗng trở nên tái xanh đầy lo lắng, cậu bé ngước nhìn vị bác sĩ và hỏi
với một giọng run run: “Cháu sẽ chết bây giờ phải không bác sĩ?” Thì ra, cậu
bé non nớt của chúng ta đã nghĩ rằng: cậu ta sẽ cho cô em gái tất cả máu
trong người mình để cứu cô ấy và rồi cậu sẽ chết thay cô.
Bạn thấy không, sau tất cả những hiểu lầm và hành động của mình, cậu bé đã có
tất cả nhờ đức hy sinh… Cuộc sống có câu: “Hãy cho đi thứ bạn
có, rồi bạn sẽ được đền bù xứng đáng”.

Tượng Đức Mẹ duy nhất con lại sau vụ cháy và bão Sandy ở Queens, New York

Tượng Đức Mẹ duy nhất con lại sau vụ cháy và bão Sandy ở Queens, New York
Mai Vy
11/4/2012

New York – Tượng Đức Trinh nữ Maria là thứ còn lại duy nhất của một gia
đình bị phá sập vì hỏa hoạn trong cơn bão Sandy, ở Breeze Point, Queens,
New York City hôm 30 tháng 10, 2012. Trên gần 100 căn nhà bị phá hủy và
bốc cháy vào đêm 29.

Theo báo cáo, đến ngày 30/10 có ít nhất 15 người đã thiệt mạng do cơn bão Sandy tại Hoa Kỳ, trong lúc có hàng triệu người ở miền Đông Hoa Kỳ bị mất điện trong một phạm vi lớn, ngập lụt và cây gẫy. Thành phố New York bị thiệt hại nặng nề nhất do bị mất điện lan rộng và ngập lụt đáng kể ở nhiều nơi.(Spencer Platt / Ảnh Getty)

Sự Chết

Sự Chết

Bảo Ân, SJ

Sống trong truyền thống Công giáo, tháng 11 nhắc nhớ tôi về mầu nhiệm sự chết. Trí nhớ tôi như bị hút về bao phản ứng khác nhau của những người ở lại trước cái chết của người
thân. Khóc. Cười. Cãi vã. Hối tiếc. Cảm xúc. Suy tư. Những phản ứng ấy của người cũng đang ẩn hiện trong tôi khi tưởng nghĩ về cái chết.

Đối diện với sự ra đi của người thân, tuy có nhiều tâm tình khác nhau nhưng phần nhiều vẫn là một cảm giác hối tiếc. Cái chết của người nhắc nhở tôi về trách nhiệm yêu thương và quan tâm mà tôi dành cho họ. Thường thường tôi hối tiếc vì chưa quan tâm đủ. Có những niềm thương sâu kín muốn sẻ chia, mà sao sự hiện diện hữu hình của người đôi khi làm tôi ngập ngừng. Có những mong mỏi người tiến bộ hơn, thành nhân hơn mà tôi không tiện nói. Cũng có những oán hờn, ghen tương đang đào sâu hố tương quan giữa tôi với người. Và thậm chí có cả những ác ý trả thù nếu người lỡ gây cho tôi những niềm đau. Những bức tường vô hình và cả hữu hình kia cứ làm cho tình yêu tôi dành cho người vơi dần… vơi
dần.

Cái chết của người lại là thời điểm để những niềm đau chôn giấu và những niềm yêu ẩn sâu nơi tôi vùng sống dậy. Giờ đây những rào cản kia đã mất, chỉ còn lòng tôi đối diện với hồn người. Tôi thấy như người nhìn rõ tôi hơn, hiểu tôi hơn. Vậy còn gì nữa để mà che giấu? Hãy để cho những nỗi niềm ẩn kín trong tôi được đối diện với vong linh người. Nước mắt. Tôi khóc buồn tiễn đưa người hay khóc vui vì người đã giúp tôi sống thật với chính mình? Cười. Tôi cười mừng cho người vì đã được giải thoát nơi cõi thiên đường hay cười sầu cho tôi vì còn bị giam hãm nơi thế gian này?

Quay về với thực tại, ước muốn sống thật với chính mình của tôi lại gặp những trở ngăn của kiếp người hữu hạn. Tôi giới hạn ngay cả trong cách nắm bắt mình, diễn tả mình. Người giới hạn vì chỉ có thể hiểu tôi một phần. Trách ai? Đòi hỏi gì hơn? Ngày nào còn ở trong phận người tôi vẫn còn cô đơn. Tập sống với những nghèo nàn kia tôi sẽ bình an hơn. Vậy hóa ra, sự ra đi của người là cơ hội để tôi chiêm nghiệm cuộc sống này thêm sâu lắng.

Chiêm nghiệm để sống. Tôi cũng cần lắm những cái chết để sống thật, sống đúng. Bám vào danh dự, chức vụ, lợi lộc của đời làm tôi nhìn người cũng bằng những tiêu chuẩn ấy. Tôi đeo mặt nạ và tôi cũng tưởng người đeo mặt nạ như tôi. Tương quan giữa tôi và người chỉ là những chiếc mặt nạ thôi sao? Giữ chặt ý riêng, tôi nghe tâm sự của người qua một bộ lọc. Người sợ chẳng dám cởi mở lần nữa với tôi vì bộ lọc ấy vững quá, cứng quá. Còn tôi thì cho người là thiếu đối thoại, lười suy nghĩ… Chết đi cho những mặt nạ, bộ lọc ấy, tôi mới sống thật với sự nghèo nàn của mình, mới sống đúng cho một tương quan thân ái giữa tôi và người.

Suy nghĩ về cái chết dù của người hay của mình, con người tôi như bị lột trần. Nhờ sự trần trụi ấy mà tôi được một lần nhìn thấy những ý hướng ẩn kín đang chuyển động ngổn ngang nơi lòng mình. Sự chết cũng nhắc nhớ tôi về ý nghĩa cuộc hiện sinh này. Thấy mình, nhận ra ý nghĩa, tôi phải thay đổi để sự chết không còn là nỗi sợ trong tôi. Sợ vì mình chưa yêu đủ. Sợ vì mình chưa làm hòa với chính mình. Sợ vì mình còn mê lầm. Sợ vì mình chưa một lần sống có ý nghĩa. Sự  chết phải chăng là tiếng chuông cảnh tỉnh của Đấng Tối Cao?  Nếu thế, xin tạ ơn Người.

Tác giả bài viết: Bảo Ân, SJ

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

 

Mỹ quan ngại trước án tù của nhạc sĩ Việt Khang,Trần Vũ Anh Bình

Mỹ quan ngại trước án tù của nhạc sĩ Việt Khang,Trần Vũ Anh Bình

Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh việc Hà Nội ngăn cấm quyền tự do bày tỏ tư tưởng của công dân mà điển hình gần đây nhất là vụ án của Việt
Khang và Anh Bình là không phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế về nhân quyền

 

Trà Mi-VOA

02.11.2012

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 1/11 ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam kết tội và tuyên án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Việt Khang bị kêu án 4 năm tù và Anh Bình lãnh 6 năm tù hôm 30/10 sau khi sáng
tác các ca khúc phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, chất vấn cách hành xử
của chính quyền, và phản ánh bất công xã hội, những bài hát mà chính quyền Hà
Nội cho là ‘chống nhà nước’.

Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner, nói bản án của hai nhạc sĩ
trẻ này là hành động mới nhất của chính quyền Việt Nam trong hàng loạt các vụ
bắt giam và kết tội những người chỉ thể hiện quan điểm cá nhân một cách ôn hòa.

Ông Toner nhấn mạnh việc Hà Nội ngăn cấm quyền tự do bày tỏ tư tưởng của công
dân mà điển hình gần đây nhất là vụ án của Việt Khang và Anh Bình là không phù
hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế về nhân quyền.

Thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trước tình hình nhân
quyền đang xuống dốc tại Việt Nam, Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Hà Nội nhìn nhận
thực tế này và sửa sai, thể hiện qua các hành động như phóng thích hai nhạc sĩ
Việt Khang, Anh Bình cùng tất cả tù nhân lương tâm khác và tuân thủ ngay các
cam kết tôn trọng nhân quyền với quốc tế.

Trước đó, ngay trong ngày Việt Nam tuyên án nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình, đại
sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do
ngôn luận của công dân và kêu gọi trả tự do cho những người bị giam cầm chỉ vì
bày tỏ quan điểm bất đồng với nhà nước.

MỘT KINH KÍNH MỪNG BẰNG MỘT ĐỒNG ĐÔ LA

MỘT KINH KÍNH MỪNG BẰNG MỘT ĐỒNG ĐÔ LA

(THÁNG CẦU CHO CÁC LINH HỒN)

Tác giả: Tuyết Mai

Sở dĩ sao tôi lại nói như thế? Thưa có phải khi ta đọc kinh dâng Chúa nó cũng khó khăn như khi ta kiếm được một đồng đô la, để ta bỏ giỏ Nhà Thờ hằng tuần hay không?.   Có ai trong chúng ta cảm thấy rằng dù bỏ thời giờ cả ngày ra mà đọc dâng kinh, nhất là các ông bà có thời giờ rảnh ở nhà cũng chẳng thấy thấm tháp vào đâu?.   Vì biết rằng Linh Hồn anh chị em của chúng ta có số đông “hằng hà sa số” đang sống trong Luyện Ngục, đang rất cần chúng ta dâng kinh cầu nguyện cho họ.

Có phải chúng ta thường nói với nhau “người nghèo đói thì ở khắp mọi nơi, thương quá … xót quá … nhưng sao ta có thể giúp cho cả thế giới hết được cái nạn đói nghèo, thưa có đúng
không?.   Nhưng có phải việc con người nghèo khổ đã có suốt từ thời ông tổ của chúng ta cho đến nay, và đó có phải là việc của Thiên Chúa?.   Còn việc và bổn phận của chúng ta là luôn sống trải lòng trong khả năng của chúng ta có.   Có nhiều thì ta trải nhiều.   Có ít thì ta trải ít.   Nhưng nếu không có một giọt nước bỏ vào lòng đại dương, thì bảo đảm không bao lâu cả đại dương sẽ thiếu (nhiều) giọt nước (chia sẻ) ấy!.

Sở dĩ một bài kinh tôi so giá trị của nó bằng một đồng đô la ta cho người nghèo khổ.   Vì có
phải một đồng đô la ta giúp được người nghèo cái bao bánh, ổ bánh mì sandwich, một bình nước, một bao kẹo, v.v… nếu được mua trong tiệm 99 cents hay không? Thì một bài kinh Kính Mừng cũng có giá trị tương đương cho những Linh Hồn anh chị em chúng ta đang bị giam cầm Nơi Luyện Ngục.   Dù trí hiểu biết của chúng ta rất có giới hạn, nhưng một bài kinh ta đọc có ý chỉ cầu nguyện cho họ thì giá trị của nó cũng giống như những đồng đô ta giúp cho người nghèo, chứa đựng trong cái nón khiêm nhường của họ.

Có phải ai cũng nghĩ rằng ôi 50 cents của ta thì giúp gì được cho ai, thôi thế thì ta không cho nữa vì nó ít ỏi quá! Nhưng ta lại không hiểu rằng phải có được 50 cents thì người
nghèo mới có được 1 đô la chứ!?.   Và hành động ta cho ấy sẽ làm cho nhiều người khác họ bắt chước theo!?.   Có ai nhớ câu chuyện nói về con người hay rất thường bắt chước lẫn nhau, cho nên họ làm cái test này là cho một người đứng giữa đường nơi có rất đông người ở tại thành phố New York.  Anh ta cứ đứng đó ngửa mặt lên Trời như tìm kiếm gì trên đó, và y như rằng chỉ cần 5 phút sau, đã thấy tất cả mọi người cũng ngửa đầu lên Trời mà không biết
sao họ làm như vậy??.

Rồi thì họ cũng thử một cái test khác cùng một nơi và cùng một người đứng chờ để băng ngang qua đường khi đèn đang đỏ; anh ta đột xuất băng qua đường thì buồn cười thay là hết thảy mọi người sau lưng anh cũng bắt chước đi theo, mà không ai nhìn biết là đèn đỏ
hay xanh??.

Vì thế cho nên có rất nhiều những bắt chước thật vô bổ nhưng ta cũng nên lợi dụng những cái bắt chước  y để biến thành điều làm tốt lành, nhất là trong tháng 11 Cầu cho các Linh Hồn đang trong Luyện Ngục.   Rất cần sự đóng góp tích cực của chúng ta  cách liên lỉ! Để Thời Gian về Trời của họ sẽ được nhanh chóng hơn và bớt khổ đau hơn.   Trong số đó biết đâu có ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, và bằng hữu của chúng ta?.   Có nghĩa khi ai xin tiền dù nhiều hay ít ta cứ cho rồi Chúa sẽ thưởng công cho.   Đó là vì chúng ta muốn hy
sinh, muốn được chia sẻ , khi chúng ta chỉ cần nhịn một ly cà phê buổi sáng, một gói bánh ăn vặt trong ngày, hay bất cứ sự hy sinh nhỏ bé nào cũng là sự đóng góp rất to lớn và rất cần cho anh chị em chúng ta Nơi Luyện Ngục.

Ngoài việc ăn chay, hãm mình, và hy sinh chúng ta cũng nên hy sinh thời giờ đọc kinh Mân Côi nhiều hơn trong tháng này, anh chị em nhé!.   Quan trọng lắm thay khi hết thảy
chúng ta nghĩ được rằng trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ lần lượt từng người một phải vào Nơi đó!.   Và có quá đau khổ không khi ấy Linh Hồn của chúng ta nó nghèo xơ nghèo xác, ngay cả không có thể ngửa tay xin ai được ban cho ta một Kinh Mân Côi để cho đỡ nóng và đỡ thời gian mong chờ trong mỏi mòn trong tiếc nuối, vì khi ta sống đã không biết để “chuẩn bị”.   Vì thế sự “Cho đi” là điều khôn ngoan nhất của một con người khi còn sống trên cõi đời ô trọc này.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

(11-03-12)

 

 

 

CHUỖI HỒNG THƯƠNG MẾN

CHUỖI HỒNG THƯƠNG MẾN

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Mấy ngày nay trên các mạng truyền thông, sự kiện thu hút dư luận nhất là sự kiện cô
sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt ( ngày 16 tháng 10 ) với những tình tiết khó hiểu và lý do khó hiểu, đã có nhiều bài báo nói về sư kiện này, còn có cả một thư kiến nghị của giới trí thức, nhân sĩ ( 147 vị, đề ngày 30 tháng 10 ) ký tên gởi Chủ Tịch Nước đề nghị xem xét giải quyết trường hợp Phương Uyên, trong danh sách 147 vị ký tên chúng ta thấy tên Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo Phận Vinh và cha Huỳnh Công Minh, Tổng Giáo Phận Sàigòn, trong kiến nghị có đoạn viết : “Chúng tôi đề nghị Chủ Tịch Nước, với trọng trách của mình, chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm trả tự do ngay cho cháu Nguyễn Phương Uyên để cháu nhanh chóng trở lại nhà trường…”

Cùng lúc đó một sự kiện khác xảy ra, một người con gái trẻ ngoài 20 tuổi, Anna Huyền Trang, cộng tác viên của nhóm Truyền Thông Chúa Cứu Thế bị bắt khi đang đi ngoài công viên trước Hội Trường Thống Nhất ( Dinh Độc Lập cũ ) đúng vào ngày xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình ( ngày 30 tháng 10 ). Huyền Trang bị bắt ( lúc 10g30 ) và đưa về trụ sở Công An Phường Cầu Kho giam giữ tới tối, những diễn biến trong ngày hôm đó xảy ra với Huyền Trang đã được Huyền Trang tường thuât trên trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế.

Ngày xưa khi thời còn trai trẻ ở Sàigòn, tôi không thuộc thành phần đi biểu tình
xuống đường chống đối, thậm chí tôi không thích tham gia vào những chuyện đó,
dù khi ấy những người xách động đã mắng chửi chúng tôi hèn nhát, có khi còn đe
dọa chúng tôi nữa, nhưng khi xem hình nữ sinh Quách Thị Trang gục chết ở công
viên trước chợ Bến Thành, thân thể đẫm máu, tôi không thể không có cảm xúc, một
nỗi thương cảm cho thân phận người con gái đã nằm xuống đau đớn khi còn quá
trẻ, một nỗi tiếc thương nặng nề đè nén tâm tư.

Chiều tối ngày 30 tháng 10 khi Huyền Trang vừa từ trụ sở Công An Cầu Kho trở về, Huyền Trang đã có một buổi chia sẻ nhanh với các anh chị bạn bè làm truyền thông với Huyền Trang, khi tôi bước vào phòng sinh hoạt thì Trang đang chia sẻ dở dang câu chuyện, tôi ghé thăm một chút nên đã không nghe được hết câu chuyện, chỉ sau này khi đọc trên mạng tôi mới biết những chi tiết khác. Trong vài phút ngắn tôi ngồi nghe chuyện, khi nói về việc Công An lục soát trong cơ thể Huyền Trang, cô bé ngây thơ rụt rè ngập ngừng mỗi khi phải nói về những hành động thô bạo đó, khi đến sự kiện người ta lôi Huyền Trang vào buồng tắm và cưỡng bức lột quần áo, Trang không nói được nữa, mắt hoen đỏ rồi những giọt lệ trào ra, lúc ấy tôi cảm nhận được sự xúc phạm nặng nề mà họ đã dành cho Huyền Trang, dành cho một người con gái vừa lớn, vừa bước vào đời, ngây thơ trong sáng. Bóp mũi người khác, vả mặt người khác, nhục mạ người khác, … là những hành vi xúc phạm nhân phẩm, cho dù đó là một tên tội phạm thì cũng không được làm như thế. Phải nói đây lại là một hành vi tồi tệ mất nhân cách !

Bị xúc phạm như vậy nhưng trong bài tường thuật, Huyền Trang vẫn cứ một giọng văn,
một tâm tình từ đầu chí cuối là ôn hòa, nhẫn nại, bình tĩnh, quảng đại, khoan dung, đầy nhân cách và đặc biệt điều tôi muốn nói là đầy tính Tin Mừng. Trang xác tín vào chuỗi Mai Khôi, xác tín vào sức mạnh của lời cầu nguyện, xác tín vào quyền năng của chuỗi hồng thương mến, xác tín vào sự bình an và tình thương của Chúa. Khi gặp, Huyền Trang đã đưa cho tôi chuỗi Mai Khôi bị đứt làm hai, Huyền Trang nói: “Con tức lắm, họ giật đứt chuỗi của con rồi còn thách thức con nữa”, mắt cô bé lại ngấn lệ tay nắm chặt chuỗi hồng thương mến.

Chúng ta đã khai mạc Năm Đức Tin. Đức Tin không chỉ là những bài Thần Học dài lê thê
nặng nề cao siêu, nhưng Đức Tin đã được một người con gái bé bỏng, xa lạ với  những ngôn từ Thần Học, nhưng lại cảm tạ, tuyên xưng, cử hành, sống và chia sẻ rất giản đơn, rất hiệu quả, bằng chứng là những con người đang cuồng nộ bỗng thay đổi thái độ và trở nên tử tế. Đức Tin không chỉ làm cho người ta thỏa mãn những ý tưởng phiêu du bóng bảy nhưng lại có khả năng làm cho một cô gái đơn sơ nhìn kẻ đánh mình, hành hạ mình, mắng chửi mình, nhục mạ mình, rồi sau đó thuật lại cho mọi người là “chị Công An xinh đẹp, hiền từ”. Nhìn thấy cái đẹp nơi con người nhục mạ hành hạ mình đó là khả năng diệu kỳ của Đức Tin.

Chúng ta cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, qua hoàn cảnh, Chúa gởi đến
cho chúng ta bài học Đức Tin sống động, nếu mỗi người Kito hữu chúng ta cố gắng
sống Đức Tin một cách sống động như thế, chúng ta hoàn toàn có thể làm “đổi mới
mặt địa cầu”.

Vâng, chính nhờ đời sống Đức Tin chứ không phải do tài năng nào khác !

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

3.11.2012

nguồn: trích báo Ephata 534

conggiaovietnam.net