Một ngày buồn của nước Mỹ, một bi thảm trong mùa Giáng Sinh

Một ngày buồn của nước Mỹ, một bi thảm trong mùa Giáng Sinh
năm nay

Anthony Lưu Anh Tuấn

12/19/2012
nguồn: Vietcatholic.net

Bao Giờ Mẹ Cho Con Mở Gói Quà Giáng Sinh Hả Mẹ?

Sáng hôm thứ Sáu, tôi phải đi máy bay qua tiểu bang khác có chút việc, chiều
tôi phải bay về lại Cali. Tôi chán cái cảnh đi vào phi trường, qua cửa kiểm tra
an ninh, tôi phải tháo dây thắc lưng, điện thoại, đùm chìa khóa xe, bỏ tất cả
vào cái khay để nó chạy qua cái máy dò đồ, ghét nhất là phải cởi đôi giầy
ra…bỏ vào cái khay…, ôi cảnh trạng sao tệ thế? Cách đây hơn mười năm tôi đi
vào phi trường đâu có phải làm những “thủ tục” như thế này đâu. Tôi
đi qua cái cửa kiểm tra, nó không phát tín hiệu gì có nghĩa là tôi “trong
sạch”, mừng quá! Tôi vừa lụi hụi xỏ chân vào đôi giầy vừa chửi thầm:
“Tổ cha mấy thằng khủng bố!”.

Vào phòng đợi, nhìn đồng hồ còn hơn 40 phú nữa mới tới giờ lên phi cơ, thế là tôi mở Iphone đeo earbuds nghe nhạc và cùng lúc tìm kiếm trên mạng những món đồ ở tiệm nào đang onsale, để cuối tuần sẽ đi mua làm qùa cho gia đình, cho những người thân…Tôi rất trân trọng mùa Giáng Sinh, vì là những ngày lễ được nghỉ cuối năm sau một năm dài bươi chải cho cuộc sống. Là môt thông lệ, anh em trong gia đình tôi mỗi năm thay phiên nhau tổ chức ăn uống, đại khái gọi cho xôm tụ là một “bữa tiệc” cho đại gia đình, có ông bà, bà con và anh chị em tụ tập bên lò sưởi củi, chưng diện bằng những bộ quần áo mặc mùa Đông, tụ lại chụp hình, ăn uống, xong là đi tham dự lễ khuya mừng ngày Chúa Hài Đồng giáng sinh cách đây hơn hai ngàn năm. Sau Thánh lễ thì đại gia đình kéo nhau về nhà quây quần bên cây thông “Giáng Sinh”, xung quanh cây thông có đèn chiếu chớp chớp lung linh, có cả trăm món quà được gói bằng đủ loại giấy màu sắc, quà của ông bà nội cho cháu, quà của cháu cho ông bà, quà cho vợ, quà của vợ cho chồng, quà của anh chị em cho qua cho lại, có cả quà cho con chó Chihuahua…, có gói qùa cũng đắc tiền, có gói qùa chỉ đáng giá 50 xu, vậy mà lúc mở qùa ra…thì vui ơi là vui…Ngày lễ Giáng Sinh, hay còn gọi là lễ Noel, là dịp đại gia đình tôi tụ tập lại, tôi cảm thấy hạnh phúc, vui tuơi và an lành. ..

Ngồi chờ ở phi truờng, tôi nghe nhạc và dán mắt “dạo phố” trên cái iphone trong tay, bổng chợt tôi ngẩn đầu lên thì nhìn thấy đông người tụ lại theo dõi ở các nơi có treo tivi, họ chăm chú theo dõi một tin tức gì đó, khuôn mặt của họ tỏ ra bàng hoàng. Tôi liếc mắt đảo quanh, thâý những người đang ngồi ở những dãy ghế, đang xếp hàng lên máy bay, đang ngồi ở những quày ăn uống, tất cả đều theo dõi tin tức trên tivi, một tin mới xảy ra ở tiểu bang Connecticut, một breaking news – 28 người bị thiệt mạng!, trong số đó có 20 trẻ em dưới 10 tuổi – là học sinh của trường tiểu học Sandy Hook Elementary school, một nguời thanh niên mang súng đột nhập vào truờng…., hàng chữ cứ chạy dài trên tivi, tôi thật bàng hoàng!

Tôi buớc vào trong máy bay, tìm số ghế, ngồi vào ghế lặng thinh nhìn qua cửa sổ, sáng nay thứ Sáu trời có mây đen âm u với những giọt mưa lẻ tẻ…Phi cơ cất cánh, âm thanh phát ra từ động cơ của chiếc phi cơ mà sao tôi nghe như tiếng thét của ai đó. Khi phi cơ bay ở tọa độ cao, nhìn qua cửa sổ thấy mây đen bao phủ, tôi có cảm tuởng như linh hồn của các nạn nhân sáng nay đang bay lơ lững trong không trung, họ như bị bơ vơ lạc lỏng trong mây đen dày đặc và tôi có cảm tưởng như những đứa trẻ đang thét lên hoảng sợ quơ tay tìm kiếm cha mẹ chúng nó trong bầu trời tối đen lạnh lẽo. Tôi cứ suy nghĩ về những nạn nhân, gia định của họ, mùa Giáng Sinh. ..và gia đình nạnh nhân sẽ có còn quây quần ăn uống đón mừng lễ Giang Sinh. Tôi tự hỏi gia đình tôi có còn gói quà cho nhau nếu một nạn nhân sáng nay chính là con của tôi?

Khi những đứa con tôi còn nhỏ, chúng nó mong mở quà Giáng Sinh, chúng nó đếm
từng ngày, mong Thánh lễ Giáng Sinh mau chóng kết thúc để về nhà mở qùa. Những
ngày trước Giáng Sinh, tụi nó hay lê la bên cạnh cây Giáng Sinh ngắm những món
quà, dò xem gói qùa nào có dán tên của nó, tụi nó húi đầu vào nhau lắc lắc gói qùa đóan ông bà, ba mẹ gói cái gì trong đó, có những lúc tôi lén nhìn tụi nó, thấy được tuổi thơ thật vô tư, hồn nhiên…

Chiều đáp chuyến bay trở về nhà, tôi vừa bước vào nhà, cây Giáng Sinh đã lên đèn, con tôi tuy không còn bé nhưng vẫn còn ngây thơ, chúng mừng thấy ba nó về nhà, chúng nó hỏi “Ba có mua qùa Giáng Sinh cho con chưa?”. Câu hỏi của chúng nó tôi cảm thấy sao dể thương quá, vô tư quá! Tôi nhìn cây Giáng Sinh, đèn chớp lung linh, có vài gói quà của ai đó đã bày ở dưới góc cây thông Giáng Sinh.

Tôi nhìn hai đưá con, tôi còn tất cả! Tôi thầm cảm tạ Thượng Đế đã cho tôi có thêm một ngày ấm cúng của mùa Giáng Sinh, đại gia đình tôi sẽ quây quanh bên nhau để mở quà, tiếng cười ngây thơ của con tôi sẽ pha với tiếng cười của ông bà, sẽ nhìn con trẻ tôi vội xé nát bao gói qùa, chạy tới ôm ba mẹ, ôm ông bà.
..

Gia đình tôi thì an lành, nghĩ lại cho gia đình nạn nhân. Những gia đình nạn nhân tại trường tiểu học Sandy Hook Elementary School sẽ có vui hưởng ngày Giáng Sinh năm nay không? Những món qùa dự định mua sẽ có đi mua không? Những món qùa gói cho con họ đang nằm phía dưới cây Giáng Sinh trong nhà của họ sẽ. ..sẽ mãi mãi gói kín?

Sự việc kinh hoàng, một bi thảm xảy ra trong chớp nhoáng. Một người thanh niên
20 tuổi sau khi bắn mẹ chết, tức khắc mang súng tới một trường tiểu học, khoảng
vào lúc 9:30 sáng, đã xông vào các lớp học, chỉ trong khoảng 3 phút bắn chết 26
nguời tại trường học, nạn nhân là thầy cô giáo và 20 học sinh, sau đó người thanh niên ấy tự sát. Thật là kinh hoàng – một hành động đã làm cả nước Mỹ bồi hồi, rung động và đau buồn, đến nổi tổng thống Obama ra lệnh toàn quốc hạ cờ Mỹ xuống một nửa, biến cố là một cái tang cho cả quốc gia Hoa Kỳ.

Những đứa học trò trẻ thơ vừa mới được cha mẹ đưa tới trường trong ngày hôm ấy,
những nụ hôn cha mẹ mới hôn con, mới dẫn con vô lớp và hứa là sẽ quay lại đón
chúng về nhà, thế nhưng chỉ vài chục phút sau, chúng hoảng sợ la hét khi thấy
có người mang súng vào lớp học, chỉ trong phút chốc chúng ngã gục lên nhau, mãi
mãi xa lià cha mẹ của chúng, mãi mãi sẽ không thấy hay sẽ không bao giờ mở được
món quà Giáng Sinh mà chúng đang mong đợi trong mùa Giáng Sinh năm nay. Nghĩ
tới chúng, tôi chỉ biết trách xã hội, chỉ biết cầu nguyện.

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Thưa Chúa, 20 đưá trẻ thơ tóc còn xanh lắm, chúng chỉ biết cuời đùa, tuổi của chúng không đủ hiểu “thiện tâm” là gì, nhưng chúng là những đưá trẻ vô tội, con suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu tại sao chúng phải vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới? Tại sao không cho chúng hưởng thêm một mùa Giáng Sinh nữa? Tại sao không cho những đứa trẻ này mở những món qùa Giáng Sinh mà chúng hằng mơ uớc? Chẳng lẻ quà Giáng Sinh của chúng năm nay là những viên đạn ác nghiệt…? Con cũng không hiểu nổi tại sao mùa Lễ Giáng Sinh mà người ta lại chúc “bình an” cho nhau?

“Bao giờ mẹ cho con mở gói quà Giáng Sinh hả mẹ?”…

Xin cầu nguyện cho các linh hồn nạn nhân, xin cầu nguyện cho gia đình nạn nhân.

Dec 15-2012

Chai Dầu Gió Xanh

nurseonairplane.jpg

Chai Dầu Gió Xanh

Võ Quách Thị Tường Vi

(Houston, Texas. USA)

Tôi  là người hành khách cuối cùng bước vào cửa phi cơ của chuyến bay #1490
Singapore Airline với hành trình sẽ đi về Việt Nam qua ngã Mạc Tư Khoa,
Singapore, rồi Tân Sơn Nhất. Cánh cửa phi cơ đóng ngay sau khi tôi đi
vào. Cả một ngày mệt mỏi, chạy đôn chạy đáo, sau khi quyết định sẽ về
Việt Nam lo cho một chương trình y tế và văn hoá giữa các trường đại học
bên Việt Nam và trường đại học nơi tôi giảng dạy; tôi đã đi tìm mua
những món quà hay đồ vật mà tôi nghĩ là những người bà con hay bạn bè
bên nhà sẽ ưa chuộng và thích thú.

Khi  vào đến ghế của mình, tôi lã người, mệt muốn ngất đi được. Thò tay vào
giỏ xách tôi lấy ra chai dầu gió xanh. Tôi nhón ngón tay trỏ vào đầu
chai, chấm một tí dầu và xoa vào hai đầu thái dương của mình. Trong chốc
lát, tôi đã thấy khoẻ lại. Thật cảm ơn chai dầu xanh này, nó đã theo
tôi từ không biết bao nhiêu năm nay rồi, như một người bạn chân thành,
nó lúc nào cũng có ở bên cạnh tôi. Mùi dầu xanh quen thuộc làm tôi chợt
nhớ đến những chuyện cũ năm xưa…

ooOoo

Mẹ  tôi mất khi tôi vừa 16 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Tôi
nhớ rất rõ nhà tôi lúc ấy ở gần phi trường quân sự Biên Hoà, đêm đêm
tiếng bom đạn pháo kích nghe rất gần. Ban đầu rất sợ, tôi đã tung mền và
trốn dưới …gầm giường và làm mồi cho những con muổi đói mà không biết
rằng với những tấm ván vạc giường mỏng manh đó sẽ không có hiệu quả gì
nếu mà bom đạn vô tình rớt xuống nhà tôi. Riết rồi cũng quen, mỗi lần
pháo kích thì tôi đã không nhảy xuống gầm giường nữa mà vẫn tỉnh bơ nằm
ngủ. Con người ai cũng có số, nếu tới số chết thì ở đâu cũng chết …
Tôi thầm  biện hộ cho cái tính làm biếng của mình như thế.

Rồi  một buổi sáng kia tôi giật mình thức dậy vì một tiếng động thật to. Mở
mắt ra thì thấy trời rất sáng và lổ tai đã ù lên, không nghe gì được
hết. Ngước thẳng lên thì trời ơi … hình như bầu trời trong xanh đang
ngó xuống nhìn ngay tôi và nhà tôi với những bức tường hình như đã bay
đi đâu mất rồi. Tiếng người la khóc và ồn ào chung quanh tôi. Tôi ngồi
dậy thì thấy ba tôi đang ôm mẹ tôi máu chảy đầy người ở nhà bếp, mà mới
ngó qua thì không biết là ở đâu nếu tôi không nhận ra cái tủ đựng đồ ăn
nay chỉ còn 2 chân bị gảy. Ngay giữa nhà bếp thì có một cái hố thật sâu,
khói vẫn còn bốc  bụi hơi nghi ngút. Bên cạnh cái hố này thì con chó Tô Tô của tôi cũng đang rên rỉ với máu chảy đầy người nó. Còn con chó Ki Ki thì đứng lẩn
quẩn kế bên, miệng nó kêu lên những tiếng gầm gừ rên rỉ nghe cũng thảm
thiết lắm. Đây là cặp chó mà ba tôi đã xin về nuôi được chừng 2 năm rồi.

Có  cái gì ươn ướt trên mặt tôi. Thò tay lên vuốt mặt thì bàn tay toàn là
máu. Thì ra tôi cũng bị thương trên trán và nhà của tôi cũng đã bị pháo
kích rồi…

Sau  đó, ba tôi đưa mẹ tôi vào nhà thương Biên Hoà, rồi lại chuyển lên nhà
thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận Sài Gòn vì bệnh không thuyên giảm, sau khi 2
tuần ở nhà thương Biên Hoà.

Tôi  ở lại trong nhà thương Cơ Đốc với mẹ tôi, có dịp tiếp xúc với các y tá
điều dưỡng và các vị bác sĩ hằng ngày đến chăm sóc cho mẹ tôi. Và tôi đã
bắt đầu có cảm tình với ngành y sĩ ngay từ dạo đó.

Bệnh  mẹ tôi cũng bớt dần nhưng mẹ không còn khoẻ mạnh như xưa. Mẹ tôi hay
đau lưng, nhức mỏi, người hay mệt và không làm được nhiều việc như lúc
chưa bị thương. Hình như mẹ tôi càng lúc càng yếu dần mà trong đầu óc
non nớt của tôi cũng bắt đầu nhận thức được. Trong túi áo bà ba của mẹ
tôi lúc nào cũng có một chai dầu gió xanh mà mỗi khi đau hay mệt trong
người mẹ thường lấy ra để xoa hay ngửi.

Tôi  thường hay tự hỏi là dầu này có công hiệu hay không, vì nói cho đúng
ra, tôi cũng “sợ” bị bôi dầu này lắm. Mỗi lần sổ mũi nhức đầu, mẹ tôi
hay đè mấy chị em tôi ra mà bôi lên người chúng tôi hay là cạo gió. Trời
ơi, mỗi lần thấy mẹ tôi với chai dầu “mắc dịch” này chúng tôi đã chạy
trốn, mặc cho mẹ tôi kêu tên từng đứa dỗ dành.

Đến  một hôm mà tôi không bao giờ quên được là ngày đó mẹ tôi rất mệt. Khuôn
mặt xanh xao, giọng nói yếu ớt, mẹ tôi sai tôi đi chợ, dặn dò mua thức
ăn rau cải và nhớ ghé qua hàng thuốc mua cho mẹ một chai dầu xanh, vì
chai ở nhà đã sắp hết rồi. Tôi tung tăng đi chợ mua thức ăn như lời mẹ
dặn. Trên đường về đầu óc tôi sao vẫn băn khoăn giống như mình đã quên
một chuyện gì rất quan trọng. Cá cơm kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu tôm,
rau muống xào, chuối tráng miệng … đâu còn quên gì nữa đâu. Khi đến
gần nhà, băng qua cầu Đúc, thì tôi đứng khựng lại vì chợt nhớ ra việc gì
mình đã quên. Tôi đã quên  mua chai dầu xanh cho mẹ tôi rồi! Tôi lật đật chạy vòng lại, đi lên chợ để mua chai dầu. Đường lên chợ sao bây giờ thấy quá xa, tôi chạy hoài
không tới … Rồi sau cùng tôi cũng về đến nhà, nhưng sao nhà tôi lại
đông người như vậy? Các người láng giềng đang bu chung quanh ba tôi. Khi
thấy tôi vào, các em tôi chạy lại nắm tay tôi và khóc. Ba tôi ôm tôi
vào lòng và nói với tôi trong tiếng nất “má con đã chết rồi” …Tôi sững
sờ nhìn chai dầu xanh mà tôi đang nắm chặt trong tay. Tôi đã về muộn
rồi …Mẹ tôi năm ấy chỉ có 38 tuổi mà thôi.

Rồi  từ đó, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” của mình tôi đã phải đối đầu
với thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ việc nhà, nấu cơm, giặt giũ
đến việc chăm sóc các em, tự lo cho thân mình, và vất vả ngược xuôi lo
việc chi tiêu trong nhà với đồng tiền công chức giới hạn và bấp bênh của
ba tôi. Tôi phải làm rất nhiều việc mà khi còn có mẹ tôi đã không bao
giờ phải bận tâm lo lắng. Và chai dầu này đã theo tôi khắp nơi …dù qua
nhiều dâu bể của cuộc đời, nó vẫn là người bạn đồng hành với tôi từ mấy
chục năm qua.

ooOoo

Nghe  có tiếng thầm thì tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là mấy giáo sư đồng
nghiệp cùng trường và cả đám sinh viên học trò của chúng tôi. Thấy tôi
mở mắt ra cả đám cùng vỗ tay và la lớn:

Chào  mừng giáo sư, chào mừng y sĩ. Chúng em vui lắm vì có cô đi cùng. Thật
là vui quá. Như vậy là chuyến đi này là hoàn toàn mỹ mãn rồi đó.

Donna, một cô học trò của tôi, gốc người Mễ và rất linh hoạt dễ thương hỏi.

– Cô ơi, khi tới Việt Nam, cô có hồi hợp không cô?

Một  em khác hỏi…rồi chúng nó thay phiên mà ôm tôi để chia niềm thương cảm.
Số là cách đây 1 tuần tôi có một tai biến rất to lớn trong đời đến nổi
tôi không biết chắc là có hoàn thành chuyến đi về Việt Nam này hay
không. Chuyến đi này đã có sự chuẩn bị từ lâu rồi. Từ các giáo sư đến
các em sinh viên ai nấy cũng nao nức đợi ngày đi. Còn tôi thì muốn về
Việt Nam để có dịp thăm lại quê hương bạn hữu và cùng đem lại một chương
trình nào đó có lợi ích cho nền y tế của quê nhà. Các sự xếp đặc cũng
đã xong, nhưng nếu tôi không đi thì cũng chắc buồn lắm vì kể như bước
đầu đã không trọn vẹn.  Vào giờ phút cuối, tôi đã quyết định đi nhưng vì mua vé trể, nên không còn chổ để ngồi chung với phái đoàn của mình. Cả đám lăn xăn nói cười
ríu rít. Có đứa thì nghe nhạc, coi TV, có đứa thì bắt đầu ngủ gà ngủ
gật, còn mấy đứa thì rất là kích động ghi chép trong nhật ký những chi
tiết về chuyến đi này hay chụp hình lưu niệm.

Nói  “mấy đứa” cho thân tình chứ thật ra phái đoàn chỉ có 12 em sinh viên là
trẻ, đang học chương trình cử nhân và phần lớn là dưới 30 tuổi. Trong
nhóm này thì có 3 em gốc Việt Nam. Còn bao nhiêu em khác là thành phần
lớn tuổi hơn với kinh nghiệm sống già giặn hơn. Có một em sắp xong y sĩ
và 17 các sinh viên khác trong phái đoàn đang học chương trình tiến sĩ.
Và có 5 em sẽ ra tiến sĩ sau khi trình luận án vào mùa Hè này. Trong
nhóm này thì có 2 em đang hành nghề y sĩ ở Dallas và Houston.

Dù  thầy bằng trò hay trò bằng thầy về tuổi đời nhưng các em rất lễ phép và
rất biết kính trên nhường dưới. Như vậy phái đoàn chúng tôi 33 người
cũng có vẻ rất hùng hậu. Hy vọng chuyến đi này sẽ thành công và không có
gì không hay sẽ xảy ra.

Từ  khi không làm bên bệnh viện nữa, tôi đã nhận làm giảng sư cho trường
đại học này đã được 5 năm rồi. Tôi cũng đã dạy bán thời gian cho trường
mấy năm trước nữa. Thấy không khí dạy học cũng vui vẻ, nhất là tiếp xúc
được nhiều các em sinh viên Việt Nam gồm có các em sinh bên này hay là
du học sinh, nên tôi cũng thích vì có dịp hướng dẫn và khích lệ các em.
Các em sinh viên người Việt hay gốc Á Châu hay thường tìm đến tôi để hỏi
ý kiến hay chỉ để than thở, về việc học hành hay những việc xảy ra
trong đời sống hằng ngày. Và không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một
giáo sư hướng dẫn cho các sinh viên gốc Á Châu ở trường đại học này. Tôi thật không ngờ mình lại trở thành một bà thầy “gỏ đầu trẻ” mà khi còn nhỏ tôi không bao giờ mơ
ước để trở thành.

Năm ngoái, tôi có khai giãng một lớp học mà tôi phụ trách dạy về văn hoá, y
học và người Việt Nam. Các sinh viên ghi tên học rất đông: Mỹ có, Việt
có. Các em gốc Việt Nam sau đó lại đến để cảm ơn tôi, vì các em đó đã có
cơ hội để tìm hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình.

ooOoo

Trạm đầu tiên xuống Moscow nghỉ ngơi chừng nửa tiếng thì chúng tôi lại sắp
hàng vào lại máy bay. Cả đám sinh viên vẫn còn hăng hái, tay cầm nhiều
túi quà kỷ niệm và nhộn nhịp bước vào máy bay. Máy bay lại cất cánh lần
nữa. Qua khỏi chuyến này thì tôi lại gần hơn với Việt Nam. Trong lòng
tôi hình dung những bạn bè, trường ốc và những chuyện mà tôi phải làm.
Một cảm giác vừa vui mừng, vừa hồi hộp làm tôi nao nao trong lòng. Tôi
từ từ thiếp đi với những lo nghĩ chập chờn trong đầu óc. Sáng mai là tôi
sẽ có mặt trên quê hương yêu dấu của mình, sẽ có dịp thăm viếng và gặp
gở nhưng nơi mà tôi đã hoạch định chương trình để bắt đầu một cuộc hành trình mới.

Bỗng lờ mờ qua cái loa trên trần mui của phi cơ, tôi nghe có lời của cô
chiêu đãi viên hàng không kêu gọi bằng tiếng Anh qua giọng Tàu lơ lớ:

– Trường hợp cấp cứu!! Trường hợp cấp cứu!! Chúng tôi đang cần một bác sĩ
đang ở trên máy bay gấp. Nếu có ai là bác sĩ xin đứng lên giúp chúng
tôi một tay …

Tôi tỉnh ngủ hẳn, quơ vội cái túi bóp nhỏ và đi lên cabin phía trên, hỏi cô chiêu đãi viên hàng không gần nhất:

– Trường hợp cấp cứu ở đâu vậy? Tôi là Dr. V, tôi sẽ giúp cô.

– Dạ, xin bác sĩ theo tôi. Bệnh nhân đang ở trên cabin hạng nhất phía trên.

Tôi đi theo cô này qua mấy dãy ghế dài đến khu hạng nhất của phi cơ. Những
cái ghế ở khu này rộng rãi hơn và phần lớn các hành khách đang ngủ với
những chiếc khăn che mắt phủ trên mặt cho dễ ngủ.

Bệnh nhân là một thanh niên trẻ, khoảng chừng 28-30 tuổi, đang nằm sóng sượt
trên nền thảm lối đi của phi cơ, cả người co quắp lại như hình con tôm,
hai mắt nhắm nghiền và trên mặt thì có những giọt mồ hôi đã bắt đầu
đọng lại.

– Hello. Tôi là Dr. V và tôi sẽ giúp anh. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

– Dạ em đang đau bụng quá, không chịu nổi. Chỉ nằm xuống như vầy mới bớt
một chút. Em bị cách đây gần một tiếng đồng hồ, tưởng là bị sình hơi ai
dè càng lâu càng nặng.

Em tên gì vậy? Tôi hỏi.

– Dạ em tên John. Em là chiêu đãi viên hàng không cho hãng máy bay này và thông thường em làm ở khu hạng nhất này.

Lúc này thì hai học trò y sĩ của tôi là Patti và Mai đã đến. Patti thì cặp
thuỷ đo nhiệt độ, còn Mai thì đo áp suất máu và hỏi về lượng đau của
John.

Tôi hỏi mấy người bạn đồng nghiệp của John:

– Đồ dự trữ cho trường hợp cấp cứu để đâu? Làm ơn đem ra để tôi coi có gì
dùng được không. Và cũng đem thêm mấy cái mền nữa để đắp cho John.

Quay qua mấy em y sĩ tôi bảo:

– Hãy giữ cho John ấm và đừng cho ăn uống gì hết. Có thể cho một vài giọt nước vào môi để giữ môi không bị khô mà thôi.

Dạ, nhiệt độ người của John là 99.8 F. Áp suất là 160 trên 100, nhịp tim 112 và độ đau là 9 trên 10. Mai báo cáo.

– Cảm ơn em. Cứ giữ cho John ấm và lấy áp suất như vậy cứ mỗi 10 phút nhé, hay nếu có sự thay đổi thì cho tôi biết.

Tôi và Patti kiểm soát cái túi cấp cứu mà cô chiêu đãi viên hàng không vừa
mới đem đến. Ngoài những giấy tờ lặt vặt, thì có những thuốc cấp cứu về
tim như Digoxin, Lasix nhưng không còn gì khác. Trong một túi khác cũng
nằm trong cái túi lớn này thì tôi thấy có mấy bịch nước biển se-rum và
những kim cùng dây để chuyền dung dịch này vào cơ thể.

– Patti, em chuẩn bị đồ chuyền dung dịch nếu cần nhé. Không làm ngay bây giờ nhưng nên chuẩn bị trước. Tôi nói.

Tôi khám cho John thì bộ phận nào cũng bình thường nhưng chỉ có đau phía
dưới bụng chổ tay mặt. Tôi chỉ nhấn hơi mạnh một chút thì John đã nhăn
mặt và cố gở tay tôi ra và than là quá đau. Đây có thể là trường hợp đau
ruột dư mà ở trên 50000 mét trên không trung, mình làm được gì, làm sao
bây giờ ?? Tôi suy nghĩ thật nhanh trong đầu mình. Tôi nói với Tim, xếp
của John, là tôi muốn nói chuyện với phi công trưởng của phi hành đoàn
là John bị đau ruột dư và phải cần đưa vào nhà thương để mổ và điều trị
gấp. Tim đi một lát rồi trở lại.

– Thưa y sĩ, phi công trưởng của chúng tôi nói là bây giờ máy bay đang
bay qua lãnh thổ của nước Afghanistan không thể đáp xuống được, mong y
sĩ thông cảm.

Như vậy nước tới là nước nào? Và mình có đáp xuống được không?

– Dạ, để tôi đi hỏi lại phi công trưởng. Tim trở lại lần nữa và nói.

Nước tới là Ấn Độ và việc đáp xuống có thể được, nhưng xin y sĩ xác định lại
việc cần đáp xuống vào lúc ấy, vì hiện thời bây giờ chúng ta phải bay 3
tiếng nữa mới qua khỏi biên giới của Afghanistan. Nếu đáp xuống theo
chuyện cấp cứu thì cũng phiền hà và không biết bao giờ thì mình mới bay
lên trở lại được.

Lúc ấy thì Patti gọi tôi lại:

– Dr. V, áp suất của John là 92 trên 60, nhịp tim 125 và độ đau là 10
trên 10. Em nghĩ là bệnh tình của John đang bị trở chứng đó giáo sư.

Tôi trở lại chổ John nằm thì đúng như lời Patti nói, John đang ở trong tình
trạng trở chứng, máu huyết tuần hoàn bị sụt xuống. Nếu tình trạng này
kéo dài thì rất là nguy hiểm cho tính mạng. Mồ hôi John đang ra nhễ
nhải, dù rằng Mai đang lau mồ hôi cho anh ta và tay chân thì rất lạnh.
Chung quanh John là những đồng nghiệp của anh ta đang quay quần. Ai nấy
khuôn mặt cũng rất là lo lắng. Có mấy người hành khách cũng tò mò hỏi
nhau coi thử có chuyện gì đã xảy ra.

Tôi nói Tim là nên mời hành khách về lại chổ ngồi để chúng tôi có chổ thở và làm việc.

– Bắt đầu chuyền nước biển vào đi, mở wide open rộng ra, giữ cho John ấm. Tôi nói với Patti. Quay qua John tôi bắt chuyện.

– Hi John, em sao rồi, có đau nhiều không?Bây giờ chúng tôi chuyền nước
biển cho em nhé. Mà trước giờ em có bị bệnh gì không? Có bị cao máu,
tiểu đường gì không?

– Dạ em đau quá Dr. V ơi. Em trước giờ khoẻ lắm không có bệnh gì hết.

– John có gia đình vợ con gì chưa?

John gượng cười.

– Dạ chưa Dr V. Nhưng em có bồ rồi và cô ấy đang ở Singapore đó.

– A như vậy thì em phải khoẻ lại cho mau để về gặp bạn đó nha.

Tôi nói đùa với John. Mục đích của tôi là làm John quên bớt cái đau và việc
cấp cứu bây giờ để có thể duy trì được tình trạng để John không bị nặng
thêm. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ một việc.

– John à, tôi có một vị thuốc mà khi nào cần thì tôi lấy ra dùng. Mà nó
giúp tôi rất nhiều, rất là hiệu nghiệm. Nếu em muốn thì tôi sẽ chia sẻ
với em nhé?

John gật đầu lia lịa.

Dạ bây giờ y sĩ có gì thì xin đưa ra cho em dùng. Em đau quá. Em đi đường
bay này thường lắm nên biết là mình sẽ không đáp xuống đây được đâu. Em
lo quá, không hiễu có qua nổi cơn bệnh này không.

Tôi mở cái xách tay nhỏ và lấy chai dầu gió xanh của mình ra và đưa cho John ngửi.

– Đây là chai dầu mà tôi hay dùng. Tôi đi đâu cũng có nó cả và nó rất là
hiệu nghiệm. John dùng thử nhé, nếu chịu được cái mùi hơi mạnh một chút
của nó.

Tôi đưa chai dầu lên mũi của John. John hít một hơi nhẹ và nói.

– Mùi này cũng dễ chịu lắm mà. Em cũng thích lắm.

– OK, như vậy thì tôi xức dầu cho John nhé.

Tôi bôi dầu này vào bụng ở chổ đau của John, vừa làm tôi vừa nói chuyện.
Tôi hỏi chuyện làm, chuyện bạn bè, chuyện đời sống ở Singapore hay Mỹ
như thế nào … Trong lúc nói chuyện thì Mai và Patti vẫn tiếp tục lấy
áp suất và nhiệt độ. John vẫn thích thú kể chuyện về đời mình cho chúng
tôi nghe.

Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau thì Patti báo cáo là áp suất của John đã
lên cao trở lại, khoảng 140 trên 90 và nhịp tim hạ xuống còn 100 nhịp
trong một phút và độ đau thì vẫn không thay đổi, vẫn ở khoảng 8 cho tới
10.

– Như vậy thì tốt quá, em cho nước biển chảy chậm lại một chút đi. Tôi nói chuyện với Patti.

Trong thời gian này thì John có vẻ không thay đổi mấy, sắc diện có phần hồng
hào hơn và tỉnh táo hơn một chút. Tôi khám lại John thì thấy không có gì
thay đổi lắm về phần ruột dư của John.

Tim, người xếp của John, trở lại.

– Thưa y sĩ, bây giờ chúng ta đang bắt đầu vào biên giới Ấn Độ. Chúng tôi
phải làm gì, ngừng lại hay đi thẳng? Nếu ngừng lại thì cũng phải xin
phép và cũng sẽ lâu lắm mà chưa biết chừng nào thì máy bay sẽ được cất
cánh trở lại.

– Sau Ấn Độ thì sẽ tới nước nào? Tôi hỏi.

– Dạ Miến Điện rồi Thái Lan trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa.

– Để tôi nói chuyện với John xong sẽ trả lời câu hỏi của anh.

Tôi trình bày rõ ràng với John về những chi tiết này. John trầm ngâm rồi hỏi lại tôi:

– Y sĩ nghĩ như thế nào, em có thể chịu nổi để về đến Singapore không?

Thật sự ra thì rất khó mà đoán trước cơ thể của John sẽ chuyển động như thế
nào, nhưng tôi nghĩ là sẽ được trong vòng vài tiếng nữa, ít ra thì mình
cũng có thể đến Thái Lan và việc chửa trị ở đó cũng tốt nhất nếu so với
những nơi khác. Tôi trả lời cho John.

– Như vậy thì y sĩ cứ quyết định cho em đi. Tôi quay lại nói với Tim.

– Cứ tiếp tục bay đi. Khi nào gần đến Thái Lan thì cho tôi biết.

Trong suốt mấy tiếng bay tiếp, John và tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau,
và tôi vẫn xoa dầu xanh cho John đều đều. Nhiệt độ và áp suất máu của
John vẫn không thay đổi. Chai nước biển vẫn nhỏ giọt đều nhưng chậm hơn
lúc trước vì áp suất của John đã cao hơn. Chúng tôi đã đưa John lên nằm
trên giường trong phòng dành cho phi công. John có vẻ khoẻ hơn lúc ban
đầu một chút.

Khi bay qua biên giới Thái Lan, tôi đã quyết định là không dừng lại nữa vì
từ nước này về Singapore thì chỉ còn một tiếng đồng hồ mà thôi và tình
trạng của John thì thấy không thay đổi mấy. Cả đêm ấy, 3 thầy trò chúng
tôi đã không chợp mắt một chút nào, nhưng vẫn không thấy mệt. Rốt cuộc
thì phi cơ cũng đáp xuống phi trường Singapore. Khi xe cứu thương vào
phi cơ để đưa John đi vào bệnh viện cứu cấp, cậu ấy đã nắm tay tôi và đã
ngập ngừng hỏi tôi:

Em cảm ơn Doctor V và phái đoàn của doctor nhiều lắm vì đã tận tình giúp
em. Em sẽ không bao giờ quên y sĩ V đâu. Chúc y sĩ và phái đoàn thành
công trong chuyến đi này. Nếu được, xin y sĩ cho em xin luôn chai dầu
gió xanh đó, có được không?

Tôi cảm động đến sững sờ và tự nhiên tôi muốn khóc.

Ở trên đời nếu ai cũng có một chai dầu gió xanh để đem theo bên mình làm
hành trang cho cuộc đời, chai dầu gió xanh của mỗi người có thể khác
nhau. Có thể là những kỷ niệm thời ấu thơ, một mối tình đơn phương,
những mối tình trọn vẹn hay không trọn vẹn, một ánh mặt, một nụ cười,
một dáng đi, một tà áo, một câu dỗ dành, bài hát hay một lời thơ … Đôi
khi bất chợt ngửi lại mùi hương thoang thoảng của những chai dầu gió
xanh này làm ta có thể sống lại những kỷ niệm thời xa xưa, mơ về dĩ vãng
trong giây phút để tâm hồn có thể dịu bớt đi một chút nào đó giữa cuộc
sống xô bồ. Những chai dầu gió xanh này, theo ngày tháng, cũng có thể chữa lành cho những vết thương trong lòng của mỗi người.

Trong hành trình dài của mỗi đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc
sống, mà mình còn giữ được chai dầu gió xanh làm bạn đồng hành thì âu
đó cũng là niềm vui và hạnh phúc vậy.

Võ Quách Thị Tường Vi

Đơn Giản và Phức Tạp

Thứ hai, ngày 10 tháng mười hai năm 2012

con duong va ban chan

Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp.
Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp.
Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp.
Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác phức tạp.
Thật ra, thế giới này rất đơn gỉan chỉ có lòng người là phức tạp.
Mà suy cho cùng thì lòng người cũng đơn giản, chỉ có lợi ích chi phối nên con
người mới trở nên phức tạp.
Đời người, đơn giản thì vui vẻ. Nhưng người vui vẻ được mấy người.
Đời người, phức tạp thì phiền não. Nhưng người phiền não thì quá nhiều.
Trong cuộc đời mỗi người đều không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền, lo lắng
thậm chí là đau khổ.
Người vui vẻ, không phải là người không có buồn phiền, mà là người không để
cho những nỗi buồn và niềm đau ấy khống chế.
Thật ra, đau khổ không hề đáng sợ, đáng sợ là ngay cả trái tim cũng phản bội
bản thân mà đứng về phía đau khổ.
Muốn quản lý tốt tâm trạng của bản thân thì cần phải quên đi những điều làm
mình không vui, đừng coi trọng những mâu thuẫn, hiểu lầm phát sinh trong cuộc
sống, mà hãy xem đó như là một yếu tố giúp chúng ta mài dũa đời sống tâm linh
của mình vững chắc hơn.
Chỉ có như thế thì nỗi đau khổ của mình như gió thoảng mây trôi mà thôi.
Chuyên mục : Nghệ Thuật Sống
nguồn: Anh chị Thụ & Mai gởi

Chân Phước Anthony Grassi

Chân Phước Anthony Grassi

(1592-1671)

18 Tháng Mười Hai

Anthony mồ côi cha khi lên 10 tuổi, nhưng ngài đã học được nơi người cha sự sùng kính Ðức Mẹ Loreto. Khi còn là học sinh trung học, ngài thường đến nhà thờ của các
cha Oratorian, và gia nhập dòng này khi mới 17 tuổi.

Từng nổi tiếng là một học sinh giỏi, nên không bao lâu ngài được mệnh danh là
“cuốn tự điển sống” trong cộng đồng tu sĩ, ngài có thể hiểu Kinh thánh và thần học cách mau chóng. Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc, nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể con người ngài.

Vào năm 1621, khi 29 tuổi, Anthony bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ ở Loreto. Ngài được đưa vào bệnh viện, và ai cũng nghĩ là ngài sẽ chết. Một vài
ngày sau, khi tỉnh dậy, ngài nhận ra rằng căn bệnh đau bao tử dai dẳng của ngài
đã biến mất. Quần áo cháy nám của ngài được tặng cho nhà thờ Loreto như một kỷ
niệm biến cố lớn trong đời.

Quan trọng hơn nữa, ngài cảm thấy cuộc đời mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đó, hàng năm ngài đều hành hương đến Loreto để dâng lời cảm tạ.

Ngài cũng nổi tiếng là cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội,
và chỉ bảo họ sống phù hợp với lương tâm. Năm 1635, ngài được chọn làm bề trên
Tu Viện Fermo, và được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ cho đến khi ngài qua đời. Ngài
là vị bề trên trầm lặng và hiền từ không biết thế nào là khắt khe. Nhưng quy luật của dòng luôn được ngài duy trì và buộc mọi tu sĩ phải tôn trọng.

Ngài từ chối các chức vụ dân sự ở ngoài xã hội, và dùng thời giờ để đi thăm người
đau yếu, người hấp hối hay bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Khi về già, ngài được Chúa ban cho ơn nhận biết tương lai, là một ơn sủng ngài dùng để cảnh giác hay khuyên bảo người khác. Nhưng tuổi tác cũng đem lại nhiều thử thách. Ngài phải chấp nhận sự mất mát các khả năng bên ngoài. Trước hết là khả năng rao giảng, là điều đương nhiên xảy đến khi ngài bị rụng răng. Sau đó, ngài không còn nghe xưng tội được nữa. Sau cùng, sau một lần bị ngã, ngài phải nằm  liệt giường. Chính đức tổng giám mục phải đến ban Mình Thánh cho ngài hằng ngày. Một trong những công việc sau cùng của ngài là hoà giải được sự tranh cãi kịch liệt giữa hai thầy dòng.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Đan viện Châu Sơn.

.Đan viện Châu Sơn.

Trên con đường lớn vào rừng quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình,  xuôi theo dòng sông Nho Quan không chỉ có khu bảo tồn thiên nhiên đầm Vân Long thu hút đông du khách nước ngoài với “tour’ du lịch xe trâu, mà còn có một công trình kiến trúc độc đáo được dựng nên hoàn toàn bằng bàn tay của những người tu hành – đó là Tòa Thánh đường Đan viện Châu Sơn. Theo Kỷ yếu của Đan viện, ngôi Thánh đường theo dòng Khổ Tu này được xây dựng vào năm 1939, cung hiến năm 1945  bởi sự khấn nguyện và tiền cúng của cha Phêrô Trần Đức Trưởng. Hiện tại có tấm bia khắc ngay dưới chân nhà thờ ghi nhận ca ngợi công đức của cha Phêrô.


Thánh đường Đan viện Châu Sơn là một trong những điểm đến ít người biết tới, bởi ngôi thánh đường này nằm ẩn sâu sau trục đường chính, trong một khoảng không gian hữu tình có núi, có sông, có hồ và có rất nhiều cây cối bao quanh. Khởi công xây dựng tháng 2-1939, mặc dù không hề có bản vẽ thiết kế trên giấy, mà hoàn toàn dựa vào sự nghiên cứu, hướng dẫn của Linh mục Placiđô Trương Minh Trạch – là chủng sinh của Đại Chủng viện Sài Gòn ra đây thành lập Đan viện; cũng không có các phương tiện hiện đại, xi măng cốt thép, chỉ có giàn giáo và bàn tay vài chục thày trò và thợ địa phương, công trình kéo dài đến cuối năm 1945 mới hoàn tất, song lập tức nổi bật giữa vùng núi non heo hút. “Vỏ bọc” Tòa Thánh đường toàn bằng gạch tự nung, không trát, độc đáo ở chỗ hơn 6 thập kỷ trôi qua không hề bị rêu phong, vẫn mộc mạc một màu đỏ son giống như công trình Nhà thờ lớn ở Sài Gòn.

Thánh đường Đan viện Châu Sơn quay về hướng Đông, thiết kế theo kiểu Gothique với bức tường bao quanh dày tới 0,6 m, chỗ có cột dày 1,2 m, tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hạ.

Nhìn từ hai bên, điểm nhấn xuyên suốt chiều dài 64 m chính là những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng. Tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh “chạm thủng” họa hình các Thánh, hình Chúa Giêsu vác Thánh giá và cầu nguyện.

Phía trong Thánh Đường, ánh sáng tự nhiên lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn, tôn lên những hàng cột tròn và họa tiết trang trí hay những bức phù điêu đơn giản, có tính khái quát cao.

Mái vòm trắng cao 21m là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc trong lòng Thánh đường Đan viện Châu Sơn, làm nổi bật gian cung thánh với các bức phù điêu màu tuyệt tác (biểu tượng Chúa Ba Ngôi, tượng Đức Mẹ, các Thánh).


Khuôn viên Đan viện được bao phủ một màu xanh đầy sức sống bởi rất nhiều loại cây khác nhau, hiện tại, các Thầy đang tìm kiếm và trồng thêm nhiều loại cây khác để tạo bầu không khí tự nhiên cho Đan viện.

Một góc khu vực vườn Con Voi, nằm giữa Thánh Đường và Nhà nghỉ dành cho khách hành hương, phía trước là một hồ nước lớn nuôi cá trê.


Một gốc cây trong vườn Con Voi, nhìn qua, chúng ta cũng có thể thấy nó giống con chim Thiên Nga.

Nhà nghỉ dành cho khách hành hương của Đan Viện, cũng là nơi tiếp khách của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt và các Cha. Phía cuối nhà nghỉ là dãy nhà ăn, gồm một phòng lớn và hai phòng nhỏ liền kề, phía sau là hồ nước nuôi cá chim và vườn cây xanh.

Một góc vườn thuộc khu vực Nội Vi (nơi sinh hoạt và học tập của các Tu Sĩ), tuy thuộc cùng một khối trong kết cấu Gothique với phần phía trước là Thánh Đường, nhưng không gian nơi đây cách biệt hoàn toàn với khu vực bên ngoài bởi những dãy tường nối tiếp và những hàng cây mọc khin khít nhau.

Con đường dành riêng cho các Tu sĩ trong khu vực Nội Vi, đi thẳng vào mạn trái Thánh Đường.


Nếu nói về “Của Lạ” trong tự nhiên thì có lẽ Đan Viện Châu Sơn không thiếu, đơn cử như gốc Dừa này, tuy đã bị đốn ngang tới gần sát gốc nhưng từ trong thân cây, nước vẫn tự động tuôn đổ thấm ướt cả thân Dừa


Tượng đài Đức Mẹ – một phần trong quần thể Vườn Fatima mà Đan Viện Châu Sơn hiện tại đang thi công, theo lời Đức Tổng và Cha Bề trên thì vườn Fatima sẽ hoàn thành vào năm 2013.

Cách tượng đài Đức Mẹ không xa là khu vực nuôi bốn cây Sồi và hai cây Olive, theo như lời giới thiệu của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt thì sáu gốc cây này được đích thân Ngài nhờ người đưa trực tiếp từ Mỹ về, để sau khi lớn lên sẽ đặt vào Vườn Fatima. Và vì khí hậu nơi cây sồi và cây Olive phát triển rất giống với khí hậu Việt Nam, nên khi đem về Đan Viện thì chỉ trong thời gian ngắn chúng đã phát triển rất nhanh.

Phía xa xa, trên đỉnh núi là tượng Thánh giá được đúc bằng xi Măng, mọi vật liệu như xi măng, sắt thép đều được các thầy chuyển lên thủ công.

Còn có hang Đức Mẹ Maria nằm phía sau nhà thờ. Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc cầu thang và dọc đường có rất nhiều thánh giá. Ở đây còn có nhiều ngôi mộ của các vị linh mục già mất đi được chôn cất tại đây.

Điều đặc biệt: Nơi đây luôn mở rộng cửa cho những người muốn về tĩnh tâm, hàng ngày Đan viện tiếp đón rất nhiều đoàn khách, chủ yếu là các tổ chức, hội đoàn, dòng tu và sinh viên giới trẻ thuộc khu vực miền Bắc về tĩnh tâm cũng như hành hương.

Không khí cực kỳ yên tĩnh và trong lành vào buổi sáng sớm. Được biết ở Đan Viện Châu Sơn, ngày mới bắt đầu vào lúc 3h40 sáng. lúc 4h00 các thầy sẽ cùng vào Thánh Đường đọc kinh và chúc tụng, vinh danh Thiên Chúa.

Về với Đan Viện Châu Sơn, chúng ta tìm được sự bình yên và thảnh thơi trong tâm hồn mỗi người…!

nguồn: Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Trong thảm kịch tại trường tiểu học Sandy Hook, giáo hội đem lại nguồn an ủi.

Trong thm kch ti trường tiu hc Sandy
Hook, giáo h
i đem li ngun an i.

Trần Mạnh Trác

12/15/2012

Người ta kéo đến hàng ngàn người, đứng tràn ra cả ngoài đường để tìm một câu trả lời và một nguồn an uỉ. Đó là cảnh tượng trong đêm thứ Sáu vừa qua tại nhà thờ St. Rose of Lima gần trường tiểu học Sandy Hook Elementary School ở Newtown, tiểu bang Connecticut, nơi mà một cuộc tàn sát thê thảm đã xẩy ra lúc 9:30 buổi sáng cùng ngày.
Adam Lanza, một thanh niên mới 20 tuổi còn ở với mẹ, đã bắt chết mẹ mình rồi vác 3 khẩu súng máy, lái xe tới trường, phá cửa kính xông vào và, không nói một lời, bắn giết 2 lớp học rồi tự sát. Có những thi thể bị bắn tới 11 viên đạn.
Bà hiệu trưởng Dawn Hochsprung, 47 tuổi, khi nghe tiếng nổ đầu tiên đã phóng mình ra khỏi văn phòng về phía tiếng súng và khi hiểu được sự việc đã khởi động hệ thống báo động cho toàn trường trước khi bị giết. Chuyên gia tâm lý, bà Mary Sherlach, 56 tuổi, cũng chạy theo bà hiệu trưởng bén gót, và tìm cách lý luận với tay súng trước khi bị bắn chết.
Cô giáo Victoria Soto, 27 tuổi, khi nghe báo động đã xua các em vào phòng áo rồi, khi tay súng xuất hiện đã nói lừa là các em đang ở phòng thể dục. Cô đã đổi mạng sống mình cho các em.
Một số giáo viên và phụ huynh đang ở một phòng họp, lo sợ co ro rút vào một góc phòng. một giáo viên đã lấy thân mình chặn lấy cửa không cho tay súng xông vào.
Nhiều viên đạn đã bắn qua cửa và cô giáo đã bị thương nặng ở tay và đùi.
Những hành động anh hùng trên đã cứu nhiều mạng sống.
Tử vong kể cả phạm nhân lên tới 28 người, trong đó có 20 con trẻ lớp 1 tuổi từ 6 cho đến 7, gồm 8 trai 12 gái. Nhiều em là giáo dân cuả giáo xứ St. Rose of Lima.
Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi 26 ngọn nến được đặt lên bàn thờ trong lúc cộng đoàn cùng nắm tay nhau hát bài thánh ca ‘silent night’.
Nhà thờ đã mở cửa xuốt đêm, cha xứ Đức Ông Robert Weiss, nhiều linh mục ở các giáo xứ kế cận và các nhân viên Y Tế Công Giáo quanh vùng đã được huy động đến để an ủi các gia đình nạn nhân.
Cho tới quá khuya, gia đình nạn nhân vẫn chưa được phép tới nhận xác chết cuả con em mình. Chính quyền còn phải điều tra, ghi chép chứng cớ và nhận diện từng người một.
Cha Weiss cho biết ngài đã dành trọn ngày để an ủi nạn nhân và gia đình, nhưng ngài không thể trả lời cho họ về lý do tại sao sự việc đã xẩy ra thế nào.
“Tôi biết rằng nhiều người sẽ hỏi ‘Tại sao Chúa lại để sự việc xẩy ra như thế này?’ Đây không phải là việc do bàn tay Chuá làm. Đây là việc do bàn tay cuả một người, một người có vấn đề,” Ngài nói.
Trong buổi lễ, ngoài những lời chia buồn phát biểu bởi các quan chức chính quyền, một lời an ủi còn đến từ một nơi rất xa, một điện thư gửi đến từ đấng Cha Chung là đức Giáo Hoàng Benedict XVI:
“Trước tình cảnh của thảm kịch vô nghĩa này, ta cầu xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban ơn an ủi cho tất cả mọi người đang phải khóc than và xin Chuá nâng đỡ cộng đồng bằng sức mạnh tinh thần để chiến thắng bạo lực với sức mạnh của sự tha thứ, hy vọng và tình yêu hòa giải,”
Thống đốc tiểu bang Dannel Malloy cũng đồng hoạ lời cuả Đức Thánh Cha trong bài chia buồn tại buổi lễ:
“Nhiều người trong chúng ta, ngày hôm nay và trong những ngày kế tiếp, sẽ sống nương tựa vào một điều đã được học và được tin, đó chính là Đức Tin sẽ mang lại cho chúng ta câu trả lời” (there is faith for a reason)  Được biết ngay từ những giây phút đầu tiên khi tin tức loan ra, thì Đức Ông Robert Weiss đã có mặt ở hiện trường. Trước một thảm hoạ vô cùng to lớn, ngài lập tức báo động cho tòa Giám Mục và các linh mục gần đó đến tiếp tay, và các giáo sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ cho đến nay.
Một chương trình Mục Vụ cấp tốc đã được giáo xứ St. Rose of Lima và giáo phận
Bridgeport tổ chức để hổ trợ các nạn nhân và gia đình không phân biệt tôn giáo chủng tộc.

Cảnh sát công bố tên nạn nhân vụ thảm sát tại trường học

Cảnh sát công bố tên nạn nhân vụ thảm sát tại trường học

Bức ảnh được đưa lên trang Facebook Emilie Parker Fund này là hình của Emilie Parker, 6 tuổi, một trong những em nhỏ bị bắn chết trong vụ thảm sát ở trường học hôm thứ Sáu tại Connecticut.

 

15.12.2012
nguồn: VOA

Cảnh sát bang Connecticut đã công bố tên 26 người – gồm có 18 em nhỏ – bị bắn chết hôm thứ Sáu trong một cuộc tàn sát tại trường học làm rúng động Hoa Kỳ và các nơi khác.

Một phát ngôn viên cảnh sát công bố tên các nạn nhân chiều ngày thứ Bảy, khẩn
khoản yêu cầu các nhà báo tại cộng đồng Newtown tôn trọng sự riêng tư của các
gia đình đang đau khổ. Danh sách gồm tên 12 em gái và 8 em trai – tất cả đều từ
6 đến 7 tuổi và học lớp một. Sáu nạn nhân người lớn đều là phụ nữ.

Trước đó một ít lâu, Giám định Y khoa trưởng của Connecticut, ông H. Wayne
Carver nói ông và các nhân viên làm việc suốt đêm để hoàn tất công tác giảo
nghiệm. Ông nói ông tin là tất cả nạn nhân trẻ em đều thuộc lớp một – lớp hầu
hết các em 6 tuổi theo học tại các trường học Mỹ.

 

Hung thủ Adam Lanza.

​​Ông Caver nói tất cả những nạn  nhân bị giết vì nhiều phát súng do một loại “vũ khí dài,” trước đó được xác nhận là súng liên thanh Bushmaster AR-15 gây ra. Phúc trình trước đó cũng cho biết có hai khẩu súng bán tự động nằm cạnh xác của hung thủ và một súng liên thanh khác trong xe của tay súng này. Các giới chức nói hung thủ chết tại hiện trường vì vết thương tự bắn.

Ông Carver cũng nói việc giảo nghiệm tử thi hung thủ, được nhận diện trước đó
là Adam Lanza 20 tuổi, và mẹ anh ta – bị con trai giết trước đó tại một địa
điểm khác – sẽ được thực hiện vào ngày Chủ Nhật.

Sáng thứ Bảy, cảnh sát nói hung thủ không phải được tự do đi vào Trường Tiểu
học Sandy Hook, hôm thứ Sáu như đã loan báo trước đây. Ông không nói rõ Lanza
đã vào trường như thế nào, nhưng cho biết là cuộc điều tra đang tiến hành.

Nhà chức trách Hoa Kỳ chưa xác định động cơ của vụ tàn sát, xảy ra cách thành
phố New York 130 kilômét về phía đông bắc.

NHỚ XƯA,

NHỚ  XƯA,

Nhà em khép kín bên kia bến,
Ẩn khuất con đò lúc nước lên,

Hàng cây phượng vĩ trồng ngay lối,

Lặng lẽ rung rinh liễu dịu mềm…

Sương tan lấp lánh ngàn tia sáng,

Lã lướt thân cò vụt cánh sang,

Con đường cuối xóm buồn heo hút,

Ngập lối muôn hoa nở muộn màng…

Nhớ quá chiều nào vội ghé thăm,

Mắt em ươn ướt ngõ thương thầm,

Cầm tay muốn nói lời tan hợp,

Chỉ ngại xa rồi…biệt mấy năm…!

Con thuyền viễn xứ nay như đã,

Bỏ lại thôn nghèo vạn dặm xa,

Người xưa vắng bóng vầng trăng cũng,

Héo hắt tàn canh … thiếu mặn mà…

Liverpool.16/12/2012.

Song Như.

Kính gởi Quý Thầy Cô và các bạn LVC .

Kim Trọng.