Giới trẻ, định hướng cho cuộc đời

Giới trẻ, định hướng cho cuộc đời

Tâm Thương

WGPSG — Người em cùng quê với tôi sắp thi tốt nghiệp ngành điều dưỡng.
Chỉ còn mấy ngày nữa thi nên tôi thấy em miệt mài học bài đến khuya. Tối nay có
sinh nhật nhỏ bạn nên em gác lại chuyện học bài để đi mừng sinh nhật. Tối hôm
trước khi thi môn thứ hai em cũng lai rai một két bia với mấy người bạn. Em
bình tĩnh dường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hình như chuyện thi cử đối với
em cũng bình thường thôi. Em học bài ôn thi kiểu cuốn chiếu. Hoàn toàn không có
sự đầu tư thật kỹ càng từ xa.

Bạn thân mến, câu chuyện trên đây làm tôi liên tưởng đến lối sống của
nhiều bạn trẻ hôm nay. Dường như họ không xác định được cái gì chính và cái gì
là phụ trong cuộc sống thường ngày. Dường như họ chỉ biết sống như lục bình
trôi sông hoàn toàn không có mục đích và định hướng. Bởi vậy mới có hiện tượng
học “cuốn chiếu”, gian lận trong thi cử, hay thi rớt và nợ môn không thể ra
trường được. Điều này dẫn đến biết bao tai hại cho chính bản thân người trẻ,
cho gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy, nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng
tiêu cực như thế là gì? Làm thế nào để người trẻ hôm nay sống một cuộc đời có ý
nghĩa và có định hướng? Còn đối với giới trẻ Công giáo chúng ta thì sao?

Nhiều bạn trẻ không biết mình đang muốn cái gì?

Trước tiên, nhiều người trẻ hôm nay sống không có định hướng. Nguyên nhân
sâu xa là do họ không biết mình đang muốn cái gì. Thật vậy, họ có thể biết
nhiều thứ văn minh hiện đại, nhưng không biết được chính mình. Nào là điện
thoại di động đắt tiền hiện đại với nhiều chức năng. Nào là nhiều nhà hàng nổi
tiếng với những món ăn đắt tiền. Nào là vi tính xách tay trị giá mấy chục
triệu. Nào là facebook, yahoo messenger hay những kỹ thuật vi tính như đồ họa,
lập trình, tạo trang web. Nào là sưu tầm những game thật hot v.v… Giá trị của
người trẻ phải chăng hệ tại ở những phương tiện vật chất như thế?

Người em cùng quê với tôi cũng rơi vào vết xe đổ như đã nêu trên. Tôi
nhận thấy em không có một định hướng và động cơ học hành nghiêm túc. Cứ tà tà
rồi cũng qua. Như vậy không được. Hơn nữa nghe nói rằng cái ngành điều dưỡng mà
em đang học là do cha mẹ của em chọn. Đã có lần em muốn bỏ cuộc giữa chừng cuốn
gói về quê làm thợ hồ phụ cha. Vậy đó, em làm cái điều mà mình không thích thì
làm sao có được động lực dấn thân cho ngành điều dưỡng được. Hơn nữa, cái ngành
này đòi hỏi cái Tâm và sự khéo léo tỉ mỉ của đôi bàn tay thầy thuốc. Nếu em
không muốn học thì hậu quả sẽ tai hại biết bao!

Thế nên, sống có mục đích và định hướng là chìa khóa dẫn con người dẫn
tới thành công. Thế nhưng, thực tế nơi phần đông những người trẻ thì ngược lại.
Bởi vậy, một tác giả đã nhận định thế này: “Ngày nay, khi chúng ta đang ở vào
thời điểm cạnh tranh gay gắt, nhiều người vẫn không biết mình sẽ làm gì ở tương
lai. Bởi vì họ chưa từng lên kế hoạch cho cuộc đời của mình. Hoạch định cuộc
đời là yếu tố quan trọng để bạn có một phương châm và đường đi đúng đắn rõ ràng
trong cuộc sống.” Quả thật, từ việc không biết chính mình dẫn đến việc đánh mất
chính mình. Lối sống không có định hướng dẫn đến những lệch lạc và mất định
hướng cho cuộc đời. Đó là lối sống chỉ biết hưởng thụ và lệch lạc nơi phần đông
người trẻ hôm nay.

Nhiều bạn trẻ chỉ biết sống hưởng thụ và lệch lạc

Bạn tôi không thích học hành và làm việc. Xu hướng của bạn ấy thích nhiều
thứ vui tiêu khiển như rượu chè, cờ bạc, hát karaokê, tiệc tùng, chở bạn gái đi
ăn uống vui chơi v.v… Anh ta chỉ biết đến cái nhất thời mà quên đi cả một tương
lai dài phía trước. Anh lấy cái phụ làm cái chính cho cuộc sống của mình. Anh
đánh bài thua sạch hết tiền. Anh đã từng bị mất hai chiếc xe. Ở Sài Gòn này
toàn người dưng nước lã nên biết mượn ai bây giờ. Anh chỉ biết điện về nhà cầu
cứu bà mẹ làm nghề đan lát ở dưới quê. Anh nói dối mẹ rằng anh bị mất tiền, mất
xe…Anh kéo lê cuộc đời trong những thú vui hưởng thụ lệch lạc như thế. Rồi cuộc
đời anh sẽ đi về đâu? Hoàn toàn không định hướng. Hoàn toàn không có một tương
lai ở phía trước.

Thực tế lối sống của phần đông người trẻ hôm nay là thế. Có mấy ai chịu
đầu tư cho chuyện học hành thi cử? Có mấy bạn trẻ ưu tư chọn cho mình một ngành
nghề hợp với sở thích, khả năng và có thể kiếm được nhiều tiền để nuôi sống bản
thân và gia đình? Thật vậy, nhiều người trẻ hôm nay lãng phí quá nhiều thứ.
Lãng phí thời gian. Lãng phí sức khỏe. Lãng phí tiền bạc. Lãng phí tuổi trẻ
v.v… Như lục bình trôi lênh đênh trên dòng nước, nhiều người trẻ sống không có
mục đích và định hướng cho đời mình. Họ không tìm ra được ý nghĩa và giá trị
của cuộc sống này là gì. Giá trị của con người là gì? Giá trị của tiền bạc là
gì? Giá trị của tình yêu là gì? Tôi sẽ là ai và làm gì trong tương lai? Thực tế
cho thấy họ thích sống tự do và hưởng thụ tối đa. Vậy lối sống ấy có làm cho
cuộc đời họ hạnh phúc, bình an không?

Phải chăng khởi đi từ những thực tế trên đây mà nhạc sĩ Ý Vũ đã sáng tác
những lời ca như sau: “Ta đi, ta đi tìm lại màu xanh. Cho hôm nay tuổi trẻ tràn
dâng sức sống” (Bài hát Xanh Lên Màu Mạ Non). Còn một tác giả nào đó đã mời gọi
người trẻ thế này: “Hãy định hướng cho tương lai của bạn ngay từ khi còn học
phổ thông theo đúng năng lực và sở trường để bạn không phải hối hận. Tiếp đó,
bạn nên hoạch định cụ thể cuộc đời của mình. Mất bao nhiêu năm để bạn tìm kiếm
điều mình muốn? Hãy biết nắm giữ tương lai của mình, đừng bao giờ sợ những gì
trong tương lai bởi vì chúng ta không hề biết tương lai sẽ là gì!” Còn đối với
những người trẻ Công giáo chúng ta phải sống thế nào?

Vậy, giới trẻ Công giáo phải làm gì để sống có ý nghĩa?

Bạn thân mến, mỗi người trẻ Công giáo chúng ta ít nhiều cũng bị lây nhiễm
những khuynh hướng xấu của xã hội. Sống không định hướng. Sống lệch lạc và
buông thả. Sống tự do muốn làm gì thì làm. Lối sống ấy nguy hại đến đời sống
đức tin và cuộc đời mỗi người trẻ chúng ta. Bởi thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ
chúng ta rằng: “Anh em đừng có rập khuôn theo đời này, nhưng hãy cải biến con
người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên
Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm
12,2). Vậy, một cuộc đời có ý nghĩa đối với mỗi chúng ta là một cuộc đời có
Chúa. Không để lạc mất Chúa trong đời sống thường ngày.

Cuối cùng, cái gọi là “hoàn hảo” mà thánh Phaolô nói tới là gì? Xin mượn lời một bài hát để chúng ta suy nghĩ và tự trả lời cho mình: “Tuổi trẻ hôm nay, không biết hận thù. Tuổi trẻ vô tư, tâm hồn cao cả… Tuổi trẻ hôm nay, không sống riêng mình. Tuổi trẻ thênh thang, tâm hồn trời biển. Tuổi trẻ hôm nay, sống cho lý tưởng. Hiến dâng chính mình, dệt thắm màu xanh” (Bài hát Xanh Lên Màu Mạ Non, Ý Vũ).

Maria Thanh Mai gởi

Gia đình… Ôi! hai tiếng yêu thương.

Gia đình… Ôi! hai tiếng yêu thương.

Xóm tôi là một xóm lao động nghèo. Trước kia, nơi đây là những cánh đồng ruộng, nhà cửa thưa thớt. Thế nhưng, kể từ khi có chính sách mở cửa, nhiều nhà đầu tư đến biến đồng ruộng thành  khu chế xuất, khu công nghiệp, thế là cư dân địa phương đua
nhau cất nhà trọ.
Những người thuê nhà trọ đa số là công nhân, cũng có một số ít, họ làm nghề tự do như: thợ hồ, bán vé số, bán băng dĩa (dĩ nhiên là băng dĩa lậu).
Tập tục của người Việt Nam là “buôn có bạn, bán có phường”, vì thế, những người làm
nghề tự do, họ quy tụ lại với nhau mướn những căn phòng trọ gần nhà tôi. Hơi
dài dòng, nhưng đó là mấu chốt vấn đề mà tôi sẽ kể sau đây.
Vâng, sống gần họ, có nhiều điều hết sức bực bội, nhất là những khi họ đi bán về, nào là tiếng hò hét bởi nhóm người ăn nhậu, tiếng chồng chửi vợ, tiếng vợ cãi chồng, tiếng karaoke ầm ĩ. Đó là chưa nói tới lâu lâu lại xảy ra một vụ “đánh ghen”. Nói chung là rất mất trật tự.
Thế nhưng, hôm giữa tuần vừa qua, khoảng từ ngày 17 đến ngày 19/12/2012, tự nhiên, xóm tôi yên ắng hẳn. Theo nguồn tin của thông tấn xã “bà tám” cho biết, họ, những người ở trọ, lần lượt rủ nhau về quê.
Về quê làm gì? Đã tết đâu mà về quê? Xin thưa, cũng với nguồn tin trên, thì ra, vì họ sợ, sợ ngày 21/12/2012 sắp tới sẽ là “ngày tận thế”. Họ nói với nhau rằng, về quê, nếu có chết thì cùng chết chung với gia đình.
Cùng-chết-chung-với-gia-đình!…  Gia đình…  Ôi! hai tiếng yêu thương. Nhớ về biến cố 30/04/1975, nhiều người đã từ bỏ cơ hội di tản cũng chỉ vì: Ôi! yêu thương hai tiếng “Gia đình”.
“Gia đình”. Vâng, Thiên  Chúa, trong chương trình sáng tạo, Người đã tạo dựng một gia đình hoàn thiện, gia đình Ađam-Eva. Người đã đặt gia đình Ađam-Eva vào một nơi gọi là vườn Eđen. Tại đây, Thiên Chúa đã cho họ làm bá chủ “cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
Nhưng than ôi! Gia đình Ađam-Eva đã phạm tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Sự phạm tội của Ađam-Eva không chỉ dẫn đến sự chìa lìa với Thiên Chúa mà còn xảy ra biết bao sự khủng hoảng trong gia đình.
Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, Ađam và Eva mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Mất đi sự gắn bó, gia đình Ađam-Eva mất đi “hai tiếng yêu thương”. Mất đi hai tiếng yêu thương, “gia đình Ađam-Eva” trở thành “chiến trường Cain-Abel”…  để rồi kết thúc là một án mạng.
Kể từ đó, khi nói tới hai tiếng “gia đình”, người ta thường tự hỏi. “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục?” (Honoré de Balzac)
***
Không! Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh chép, Người “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới dất” (Ep 3,14). Cho nên, gia đình vẫn là nơi được Thiên Chúa chúc phúc, như xưa kia Người đã chúc phúc cho Ađam, rằng “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Gia đình vẫn là nơi được Thiên Chúa ban phúc lành, như xưa kia Người đã“ban phúc lành cho ông Noe và các con ông” (St 9,1).
Chính vì thế, “gia đình… hai tiếng yêu thương” vẫn nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.  Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của
Người đến thế gian, không như một “Ngộ Không huyền thoại” với bảy mươi hai phép
thần thông biến hóa, nhưng bằng hình hài một hài nhi được sinh ra tại Belem bởi
một Trinh Nữ tên là Maria và người cha là Giuse.
Vâng, sự vâng lời của Đức Maria “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” và sự vâng phục của Thánh Giuse, sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy” đã gây chấn động toàn cõi Giêrusalem, chấn động bởi, Nadarét, nơi được cho là “làm sao có cái gì hay được” lại có một “Gia Đình Thánh – Thánh Giuse, Thánh Maria và Thánh Tử Giêsu”.
Gia-Đình-Thánh – không “thánh” bởi những “vầng hào quang” mà các vị họa sĩ, khi vẽ, thường tô điểm trên khuôn mặt các Ngài. Gia-Đình-Thánh – không “thánh” do những lời đồn đãi bởi những “ngụy thư” mang tính chất “huyền thoại”.
Gia-Đình-Thánh – “thánh” bởi chính đời sống đức tin, đức cậy và đức mến.
Vâng, hãy trở về làng Nadarét cổ kính năm xưa mà xem, có gia đình nào “sống đức tin” như gia đình Giuse-Maria-Giêsu!
Thật vậy, dẫu biết rằng Giêsu, “Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”,  nhưng không vì thế mà Maria-Giuse lại có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng
anh”.  Trái lại, các Ngài vẫn trung thành với lề luật do “Đấng Tối Cao”, qua Apraham hoặc Mosê, đã công bố.
Luật Đấng-Tối-Cao dạy rằng “mọi đàn ông con trai… sẽ phải chịu cắt bì”, Hài Nhi Giêsu-Con Đấng Tối Cao, khi đủ tám ngày, đã “làm lễ cắt bì” (Lc 2, 21).
Luật Đấng-Tối-Cao dạy “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, ông bà Giuse-Maria đã giữ đúng luật “đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng
cho Chúa”.
Thế nhưng, chính hôm cả gia đình Giuse-Maria-Giêsu “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” người ta mới có thể thấy đức tin, đức cậy và đức mến nơi Gia-Đình-Thánh vững mạnh như thế nào.
Chuyện kể lại rằng, hôm đó, sau khi “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêsusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).
Ôi! Phải chăng cha mẹ Đức Giêsu vô tâm, thiếu trách nhiệm với con cái?
Thưa không. Chuyện là thế  này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích. Cho nên, việc ông bà Giuse-Maria “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành” là điều không có gì đáng trách.
Mà có gì phải đáng trách chứ! Hãy nhìn xem, sau khi tìm kiếm con giữa đám bà con và người thân thuộc… “Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2, 45). Hãy nhìn xem, cha mẹ Đức Giêsu đã phải “cực lòng tìm con” như thế nào!
Nếu…  nếu cần trách… Vâng, thưa quý vị,  hãy trách những “ai đó” đã dùng lời con trẻ Giêsu nói với Mẹ Maria rằng, “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”,  để lấy đó như là lý lẽ biện minh cho việc “không cần coi ‘bà Mari và ông Giôsép’ như là mẫu mực của đức tin, đức cậy và đức mến”.
Đúng… đúng là “bà Mari và ông Giôsép”  đã “không hiểu lời Người vừa nói”, nhưng, liệu điều đó có tác động xấu đến đức tin của hai ông bà?  Thưa không, hãy nhìn xem,
Đức Maria và Thánh Giuse tuy không hiểu, nhưng các Ngài vẫn đặt niềm tin vào
lời “Con Đấng Tối Cao”… Bởi tin, nên các Ngài đã  “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, …51).
Khép lại câu chuyện gia đình Giuse-Maria-Giêsu “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”, thánh sử Luca ghi lại rằng, Đức Giêsu đã “cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”.  Người “càng ngày càng  thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”…
Vâng, một gia đình như thế, quả là một  gia-đình-thánh, một gia đình gói ghém trong “hai tiếng yêu thương”.
****
Là một Kitô hữu, một người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta  đã nhìn, đã lấy gia
đình Giuse-Maria-Giêsu như là  mẫu mực cho cuộc sống gia đình của chúng ta?
Hay chúng ta cho rằng, mô hình “gia đình Giuse-Maria-Giêsu”  thật khó thích hợp với chúng ta, chỉ là những phàm nhân, đầy yếu đuối và tội lỗi, làm sao có thể so sánh với một gia đình có hai “vị thánh Maria-Giuse” và một vị là “Con Đấng Tối Cao”?
Ôi! Nghĩ như thế có quá thiển cận không? Có đấy.  Chữ “thánh” được đứng trước tên Maria và Giuse là do chúng ta “nhét” vào, sau khi các Ngài không còn ở trần thế. Đối với các tông đồ, Đức Maria và thánh Giuse chỉ là cha mẹ Đức Giêsu, là ông bà Giuse-Maria.
Bàn tới, bàn lui cho vui vậy thôi. Chứ các Ngài quả là “thánh” nhưng cách trở nên “thánh” của các Ngài, chúng ta không thể nói là không noi theo được. Vâng, rất giản dị, chỉ hai chữ “vâng lời” đối với Đức Maria và “vâng phục” đối với Thánh Giuse.
Đừng nghĩ rằng, Thiên Chúa cũng sẽ bắt chúng ta “vâng lời và vâng phục” Người giống như cách Đức Maria và thánh Giuse xưa kia đã “vâng lời và vâng phục” .
Hôm nay, điều chúng ta cần vâng lời và vâng phục, chính là “tuân giữ các điều răn của (Thiên Chúa) và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3, …22).
Thế nào là làm đẹp ý Người? Vâng, tác giả sách Huấn Ca cho biết rằng, đẹp-lòng-Đức-Chúa, đó là, đừng bao giờ làm cho gia đình mất đi bầu không khí yêu thương “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25,1).
Chúng ta ước ao có được cả ba điều đó trong gia đình chúng ta? Nếu chúng ta thật sự ước ao, chắc chắn khi nói tới “Gia đình”, chúng ta sẽ không ngần ngại mà thốt lên rằng, “Gia đình… Ôi! Hai tiếng yêu thương”.
Petrus.tran nguồn:
Maria Thanh Mai gởi

Giấc Mơ Nước Mỹ

Giấc Mơ Nước Mỹ

(12/10/2012)

nguồn: Vietbao.com

Bài dự viết về nước Mỹ gửi từ Sài Gòn bằng email, được đăng nguyên văn, không thêm bớt. Bài viết ngắn, tác giả 30 tuổi, cho biết đây là những câu hỏi mong được các chú bác anh em ở Mỹ trả lời.

Tôi muốn được đặt chân tới Mỹ!

Đó là điều mơ ước cháy bỏng của tôi từ khi biết nhận thức sau khi rời Trung Học
để bước vào đời. Vì sao ư? Để tôi tìm hiểu về nền văn hóa, chính trị, giáo dục,
kinh tế của nước này. Để tôi tự trả lời cho nhiều câu hỏi cứ thôi thúc trong
đầu mình bao nhiêu năm qua từ khi tôi biết nhận thức về đời sống.

Tôi muốn đến Mỹ, để tôi hỏi vì sao đồng bào tôi có mặt ở đây, và sự ra đi này kéo dài hơn một thế hệ rồi, mà đến bây giờ hằng ngày đi ngang Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn lũ lượt người chờ đợi một tấm vé đặt chân vào Mỹ, dù đất nước Việt tôi đã im tiếng súng đã lâu, từ khi tôi chưa chào đời.

Tôi muốn đến Mỹ xem coi có phải đó là Thiên Đường không mà đồng bào tôi, bạn bè
tôi sau khi định cư vài năm có trở về thăm quê họ như một con người khác, lịch
sự nhã nhặn, có kiến thức giỏi giang hơn rất nhiều. Tôi tự hỏi điều gì đã làm
nên đôi hia bảy dăm đó?

Tôi muốn đi để hỏi các cô gái lấy chồng “Việt Kiều Mỹ” niềm vui rạng ngời hơn các cô gái phải bán thân đi Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia?

Tôi muốn đi để thấy, để biết Tổng Thống Mỹ có phải ông Trời không mà sao cả thế
giới phải nghe ngóng, chờ đợi mỗi mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ?

Và tôi muốn đi để hỏi các Chú Bác những chiến hữu của Ba tôi ngày xưa được chìa
khóa HO để đến thiên đường nước Mỹ, có còn nhớ đến bạn bè chiến hữu, quê hương
hay không. Mà sao ai cũng chen chân bỏ lại “chùm khế ngọt” mà hân hoan làm kẻ
lưu vong?

Tôi muốn gặp những người cùng lứa tuổi tôi là Người Mỹ Gốc Việt để thử xem cách
xa hai nửa bán cầu, tuổi trẻ có gì giống và khác nhau.

Cuối cùng tôi muốn đi để xem vì sao, hấp lực gì mà hàng triệu người miền Nam đổ
xô ra biển không định hướng những năm sau 1975 đến những năm 1990 và tiếp tục
đến bây giờ bằng nhiều cách.

Nhưng đường đến nước Mỹ với mình chắc xa diệu vợi. Thôi thì các Chú, Bác anh em
đồng bào ở Mỹ có ai còn tâm tình với những người bên này vui lòng trả lời dùm
tôi, một thanh niên 30 tuổi những câu hỏi vừa nêu, để tôi khỏi khắc khoải về
một nước Mỹ vô cùng lạ lẫm, và thần kỳ. Nếu vậy thì âu cũng là một niềm vui lớn
rồi, chứ chưa dám nghĩ ngày nào đó mình đạt chân đến Mỹ quốc!

Mong lắm thay!

Nguyên Giang

 

Những Câu Hỏi Của Thượng Đế

Những Câu Hỏi Của Thượng Đế

Lucie Thảo chuyển

Thượng Đế sẽ không hỏi

về số quần áo bạn có trong tủ,

mà sẽ hỏi bạn đã giúp

bao nhiêu người có quần áo?

Thượng Đế sẽ không hỏi

bạn có bao nhiêu tài sản vật chất,

mà sẽ hỏi chúng có được tạo ra

từ lao động của bạn không?

Thượng Đế sẽ không hỏi

mức lương cao nhất của bạn bao nhiêu,

mà sẽ hỏi bạn có bán rẻ nhân cách của mình

để đạt được nó không ?

Thượng Đế sẽ không hỏi bạn làm thêm bao nhiêu giờ,

mà sẽ hỏi thời gian làm thêm đó bạn

có dành cho gia đình của bạn hay không?

Thượng Đế sẽ không hỏi bạn đã nhận được bao nhiêu lời khuyến khích,

mà sẽ hỏi bạn đã khích lệ người khác như thế nào?

Thượng Đế sẽ không hỏi nghề nghiệp của bạn là gì,

mà sẽ hỏi bạn thực hiện công việc của mình với khả năng tốt nhất chưa?

Thượng Đế sẽ không hỏi bạn làm gì để giúp cho bản thân,

mà sẽ hỏi bạn đã làm gì để giúp đỡ mọi người?

Thượng Đế sẽ không hỏi bạn đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình,

mà sẽ hỏi bạn đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của người khác?

Thượng Đế sẽ không hỏi bạn sống cạnh láng giềng nào,

mà sẽ hỏi bạn đối xử với những người hàng xóm của bạn như thế nào ?

Thượng Đế sẽ không hỏi về màu da của bạn,

mà sẽ hỏi về phẩm chất của bạn.

Và Thượng Đế sẽ không hỏi bạn có bao nhiêu bạn hữu,

mà sẽ hỏi có bao nhiêu người mà đối với họ bạn đích thực là một người bạn.

Bạn thân mến,

Tất cả chúng ta đều có chung một Cha trên Trời, và mọi người đều là anh chị em

chúng ta hãy đối xử với nhau như đối xử với những bức tranh,

nghĩa là chúng ta hãy đặt họ ở những góc độ có nhiều ánh sáng nhất.

nguồn: http://chiaseloichua.com/

GIA ĐÌNH – ƠN GỌI YÊU THƯƠNG

GIA ĐÌNH – ƠN GỌI YÊU THƯƠNG

Nam Giao

 

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành,

Gia đình con được song hành yêu thương.
Tình yêu kết trái ngát hương,
Vợ chồng con cái vấn vương tình Trời.

Gian nan khốn khó không rời,
Qua đời tạm gởi, tung lời ngợi ca
Tình yêu Thiên Chúa bao la,
Thánh Gia gương sáng, con đà vững tin.

Gia đình là nơi đào tạo cho ta tình yêu và cuộc sống vui tươi. Thiên Chúa luôn chúc phúc cho gia đình, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, biết kính thờ và ngày đêm nguyện cầu Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.

Gia đình là nơi được chúc phúc nhiều nhất.

Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu nhân độ thế, không ngự xuống trên tòa sen,
hay trong cung điện, lâu đài vua chúa, mà lại chọn vào cung lòng trinh nữ đồng
trinh làm mẹ, như bao nhiêu con người được sinh ra trên gian trần, để rồi lãnh
nhận sự dưỡng dục dưới mái ấm gia đình Thánh Gia, cho chúng ta nhận thấy gia
đình thật là một hồng ân.

Mừng lễ Thánh Gia, Giáo Hội dạy cho ta điều gì?

Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi thực hành ngay trong cuộc sống gia đình.

Việc sinh hạ Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa được diễn ra một cách đặc biệt. Ngài
có cha và mẹ đàng hoàng: Mẹ Ngài là một trinh nữ có tên là Maria và cha Ngài là
bác thợ mộc tên là Giuse.

Kinh Thánh gọi Giuse là người công chính: Sau khi được Thiên Chúa báo mộng,
Giuse không còn thụ động nữa, ông tỉnh giấc và tuân hành lời thiên thần truyền.
Giuse mau mắn thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa liên quan đến Con Thiên
Chúa xuống thế làm người, qua việc ngài làm bạn với Đức Maria và là cha nuôi
của Chúa Giêsu.

Thiên Chúa thấu suốt ngọn ngành,
Chọn làm dưỡng phụ liền cành Cây yêu (Giê-su)
Tay bồng bé thánh Giê-su,
Giu-se nhánh huệ chăm tu Nước trời.

Bên người vợ thánh huyền mơ,
Hai tâm hồn đẹp nên thơ cho đời.
Ngôi Lời xuống thế làm người,
Có cha, có Mẹ như người trần gian.

Gia đình nơi chốn hòa vang,
Cất lên tiếng hát âm vang trung thành.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành,
Cho người gia trưởng an lành hào quang.

Giu-se gương mẫu người cha, Một đời sống thánh hoan ca Nước Trời. Hướng lòng
lên Chúa cao vời, Quyết tâm dâng hiến nên lời cậy tin.

Huệ thơm khiết tịnh hồn trinh, Gương soi sáng quá anh minh trần đời. Khiêm
nhường sâu thẳm dâng lời, Niềm tin cậy mến Chúa Trời tình yêu.

Sống đời quả thật cô liêu, Ngày ngày thợ mộc, sáng chiều cầu kinh. Dâng lên
Chúa Cả Thiên Đình, Lòng thành trung tín thấm tình con thơ.

Chúa Cha nhìn đến hồn thơ, Chọn làm dưỡng phụ thiên cơ Ngôi Lời. Lắng nghe Lời
Chúa gọi mời, Xin vâng lãnh nhận không lời đắn đo.

Nhiều đêm cảm thấy giằng co, Mộng lành của Chúa lắng lo nỗi gì.

Giu-se Đức Mẹ liên chi,
Mối tình thánh hiến ngọc chi Nước Trời.
Gia đình Con Chúa Ngôi Lời,
Dạy ta cách sống nên lời ngợi ca,

Hai tâm hồn thánh song ca ngày đời, cho người yêu Chúa bài học niềm tin, gẫm
suy cảm mến mà say thực hành.

Giu-se Đức Mẹ tuyệt vời,
Giu-se nhánh huệ Nước Trời đẹp xinh.
Hoa hồng của Mẹ quang minh,
Hai tâm hồn thánh quên mình hy sinh.

Mộng lành như ánh bình minh,
Phó dâng, dâng hiến trung trinh lòng thành.
Chúa Trời nhìn đến chúc lành,
Ngôi nhà tình ái liền cành cây yêu. (Giê-su)

Nhiều đêm suy nghĩ đăm chiêu,
Quyết tâm dâng Chúa lắm điều ước mơ.
Sống bên người vợ huyền mơ,
Cùng chung chí hướng nương nhờ Chúa thôi.

Tâm hồn thánh hiến sáng ngời,
Nhẹ nhàng thoang thoảng dâng lời tạ ơn.
Sa-tan quỷ quái chờn vời,
Nhưng không rủ được, thôi thời tránh xa…

Nguyện cầu Thiên Chúa gia ân, cho đời đôi lứa yêu thương chân thành, gia đình
thánh hiến trung thành bên nhau.
Nhìn gương Thánh Gia, Ba tâm hồn thánh nêu gương cho đời, trải bao cay đắng
trên đời, gẫm suy mới thấy niềm tin tuyệt vời.

Ngày nay quá lắm thương đau, gia đình đổ vỡ, con thơ lạc đường, không người
canh giữ đoạn trường nuôi con, bỏ quên trách nhiệm tạo thành, say mê tình quỷ
để rồi vong ân. Gia đình hết chốn liền cành cây yêu…

Thuyền tình gia trưởng tuyệt vời,
Mẹ cha ánh sáng cho đời con thơ.
Quỷ ma nhìn thấy ngẩn ngơ,
Người Ki-tô hữu tôn thờ Chúa thôi.
“Có Chúa ở với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có Chúa ở với tôi, tôi còn lo
sợ nỗi gì?”
Gia đình ơn gọi yêu thương,
Chúng con quyết sống hiền lương chân thành.
Tay đan tay, nhịp bước song hành,
Cùng nhau dâng tiếng vinh danh Cha hiền.

Nam Giao

Maria Thanh Mai gởi

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (27)

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (27)

Đăng bởi lúc 1:33 Sáng 29/12/12

nguồn: Chuacuuthe.com

VRNs (29.12.2012) – Sàigòn –

Cụ Nguyễn Văn Huyền và Mặt trận Tổ quốc

Cần Giờ, ngảy 30 tháng 9 năm 1994

Anh chị thương,

Sáng nay, Chân Tín về Cần Giờ như thường lệ, mỗi tháng 3, 4 ngày. Thêm vào đó, ngày mai là lễ Thánh Têrêxa, bổn mạng nhà xứ và ca đoàn, nên càng phải xuống. Về đây, rảnh rỗi hơn; không có khách, không đi kẻ liệt, không đi ăn cưới, ăn giỗ, ăn sinh nhật của ai hết. Thế là có thời giờ viết thơ cho các anh chị.

Cũng như mỗi tháng, Chân Tín đến giải tội và ban Mình Thánh cho cụ Nguyễn Văn Huyền, bị tim đã 5, 6 năm nay. Tôi có hỏi cụ sao lại có cái kỳ cục là tên cụ nằm trong danh sách Ủy ban Mặt trận Trung ương. Cụ bảo rằng hôm tết, ông Nguyễn Hữu Thọ (ngày trước hai người cùng làm luật sư) đến thăm và nói xa gần việc mời cụ vào Mặt trận. Cụ lờ đi nói chuyện khác. Rồi cách đây vài tháng, ông Phan Khắc Từ đến thuyết phục cụ. Cụ từ chối vì cụ nằm giường không thể nằm Mặt trận. Rồi 10 ngày trước Đại
hội Mặt trận, ông Hanh và một vị khác trong Mặt trận Thành Phố đến mời cụ, và
họ đến mỗi ngày làm áp lực. Họ bảo: “Nếu cụ bệnh, Nhà nước sẽ cho một bác sĩ
tháp tùng”. Cụ bảo: “Bao nhiêu bác sĩ cũng chẳng làm gì được, tôi chết là tôi
chết”. Không thuyết phục cụ đi được, nên sau Đại hội, họ để tên cụ Huyền vào
danh sách Ủy ban Trung ương Mặt trận. Thật hề và thật dã man. Họ coi mạng sống
con người không ra gì. Chỉ cần có một uy tín trong Giáo hội và là Phó Tổng
thống chế độ cũ vào Mặt trận, để reo hò đoàn kết và đại đoàn kết. Cụ Huyền lắc
đầu tỏ vẻ rất buồn. Có lẽ có nhiều cụ cũng đã “bị bắt nằm với Mặt trận”. Một vụ
cưỡng hiếp tinh thần. Ôi đoàn kết, đại đoàn kết! Ôi đổi mới! Ôi dân chủ!

Sắp có bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Mấy ‘Anh Nông Dân’ tuyên bố: “Kỳ này sẽ bầu cử dân chủ, tự do, thực sự, có tự do ứng cử”. Bầu cử Quốc hội vừa rồi cũng nói thế, nhưng mấy ‘ứng cử tự do’ phải rút lui vì bị áp lực chỉ còn vài người làm “cò mồi” rồi
cũng rơi đài . Kỳ này trên báo chí cũng cho biết 5, 10 người gì đó cũng ‘tự do
ứng cử’. Chắc rồi cũng vậy. Bao lâu còn độc đảng, độc tôn, độc quyền, thì họ
vẫn trắng trợn bảo đảm 100% người của Đảng hay tay sai. Buồn cho Đất nước.

Ngày 28/9, lễ đám tang của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, 73 tuổi, 53 năm tu Dòng. Trong bài giảng (lại giao cho Chân Tín giảng), Chân Tín có đề cập đến tình trạng bi đát của gia đình thầy ở Bến Tre. Tôi đặt hoàn cảnh của thầy ấy trong bối cảnh Đất nước: Sau 75, cả nhân dân miền Nam phải chịu nhiều đau khổ và bất công. Hàng trăm ngàn người trí thức và người của chế độ cũ phải đi học tập cải tạo mười mấy năm, có người chết trong trại, đa số đói khát bệnh tật, để lại vợ con ở ngoài nheo nhóc thiếu
chồng, thiếu cha; hàng triệu người đi di tản, và hàng trăm ngàn người chết trên
biển; tư sản bị bóc lột hết cả tiền bạc cơ sở; ở nông thôn không có đấu tố như
54 ở miền Bắc, nhưng nông dân mất hết ruộng đất. Nhà thẩy Bernard Thái Văn
Hưởng có nhiều ruộng đất trước 75, nhưng trong chín anh em thì bảy người đã
chết, thầy Hưởng là trai trưởng cũng như cô gái út đi tu. Trước 75, hai anh em
yên tâm đi tu, vì cha mẹ già với ruộng đất có thể tự túc được. Sau 75, gia đình
thầy mất hết ruộng đất, chỉ còn hai ông bà già, thầy Hưởng và cô em đành phải
về quê để lấy lại vài công ruộng, tự tay cày cấy để nuôi cha mẹ già. Lúc ấy
thầy đã 57 tuổi, không quen làm ruộng, thời tiết xấu, không đủ ăn. Dòng Chúa
Cứu Thế cũng đã yểm trợ, nhưng dòng cũng mất nhiều tiền của, cơ sở làm ăn, nên
sự giúp đỡ gia đình thầy cũng có giới hạn. Trong hoàn cảnh bi đát của Đất nước,
cũng như của riêng thầy, thầy đã can đảm vừa tiếp tục ơn gọi tu sĩ vừa phụng
dưỡng cha mẹ già. Thầy đã ra đi. Khi mẹ già trên 90 tuổi vẫn còn đó.

Sau bài giảng này, có người bảo Chân Tín thù dai! Chân Tín không thù, như Chúa dạy và riêng Chân Tín không có gì để thù. Trái lại rất yêu thương người Việt dù cộng hay không cộng. Nhưng chúng ta “không có quyền quên” những người nằm xuống và những người  đau khổ vì chế độ hả khắc. Lai rai, Chân Tín vẫn nhắc nhở, kẻo có người thấy phồn vinh giả tạo với những khách sạn khổng lồ, với đàn khách sộp đến ăn và chơi, đến hốt tiền và con cái nhà lành, rồi quên đi những nhân quyền đã bị chà đạp và
đang bị chà đạp.

Người ta khéo bày trò  dân chủ và đoàn kết, như vụ cụ Huyền, để lừa dối thế giới tự do. Nhưng than ôi! Thế giới tự do cũng nhắm mắt, để thủ lợi trong cái chợ chiều đang nhộn nhịp bán đất bán nước.

Mến thương.

Lm. Chân Tín

Tái bút: Cần Giờ, 1/10/94

Anh chị thương,

Hôm qua, mới về Cần Giờ đã viết thư cho anh chị. Hôm nay, Chân Tín viết thêm vài hàng về “kế hoạch hóa gia đình” để bớt dân số.

Hôm 8/9/94, tại nhà thờ Phaolô 3, cha sở chúc mừng 50 năm khấn Dòng của thầy Tôma (Dòng Chúa Cứu Thế) đã phục vụ ở đó cả chục năm nay. Chân Tín được mời giảng, vài phút trước thánh lễ. Được mời đột xuất, vì cha giám tỉnh mời cha sở và cha sở mời giám tỉnh giảng, rốt cuộc không ông nào giảng cả, chẳng đặng đừng, Chân Tín được mời. Chân Tín nói với cha sở là Chân Tín có giảng sao ở tù ráng chịu. Cha sở chịu chơi. Cứ giảng.

Tự nhiên, Chân Tín không giảng về 50 năm khấn Dòng, mà giảng về tình trạng bất thường của đời sống tu ở Việt Nam. Nhà nước rất dễ dãi với việc ăn chơi trác táng, còn những người dấn thân phục vụ con người như người đi tu thì gặp nhiều khó khăn. Các Dòng tu bị cấm hoạt động xã hội giáo dục, cấm chiêu sinh, phải sống chui đời sống tu trì, vv và vv…

Phần hai: mấy tháng nay, trên thế giới, báo chí nói nhiều về việc phá thai để bớt dân số. Bản thảo của Liên Hiệp Quốc đang nhóm họp ở Cairô như vấn đề phá thai lên hàng đầu. Vatican và các Hội đồng Giám mục khắp thế giới lên án mạnh mẽ chủ trương đó. Nhưng biện pháp đó đã được chế độ Cộng sản Việt nam thực thi triệt để lâu năm rồi. Ở miền Nam sau ngày giải phóng, chủ trương phá thai để bớt dân số: một thai nhi được sống và một thai nhi phải chết. Phá thai ở mọi lứa tuổi. Ở các nước Âu Mỹ, có phá thai cũng chỉ dưới sáu tuần. Ở VN sáu tháng tuổi vẫn cứ phá. Và nay, chủ
trương ‘một sống, một chết’. Thế nhưng ở Cairô, đại diện VN đã chối leo lẻo và
bảo VN không chủ trương phá thai làm phương tiện giảm dân số. Chân Tín kết thúc
bằng đề nghị một phương thế hiệu nghiệm để giảm bớt dân số VN: Nhà nước thôi áp
lực trên các dòng tu, cho mở nhiều tu viện nam nữ, nhiều thanh niên nam nữ đi
tu, tức không sanh đẻ là phương thức tuyệt hảo bớt dân số ở VN. Anh em gọi
phương pháp của Chân Tín là “Cairotin”! Chắc nay mai ông Nhà nước sẽ tháo gỡ
việc tu hành?!

Lm. Chân Tín

(Tin Nhà số 17, trang 11-12)

 

Lời chứng về Lòng Thương Xót Chúa

Lời chứng về Lòng Thương Xót Chúa
15/12/2012                               nguồn: Thanhlinh.net
Tác giả: Paul Nguyễn

LỜI CHỨNG VỀ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.
Vào những ngày cuối tháng 09/2012, trong một buổi sáng tôi chợt cảm thấy mắt
phải của tôi xuất hiện một đốm đen lớn. Tiếp theo một màn đen  kéo nhanh
xuống trên mắt sau hai đến ba ngày. Tôi vội tới BS tư chuyên khoa mắt để khám,
BS chẩn đoán thoái hóa pha lê thể (do trước đó tôi cũng đã điều trị Lasik do
mắt cận 8 độ và phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể) đồng thời cho thuốc nhỏ và
thuốc uống .
Nhưng hai ngày sau màn đen trong mắt kéo nhanh hơn che gần phân nửa mắt, tôi
quyết định tới BV mắt Sài gòn. Sau khi kiểm tra, BS kết luận mắt tôi bị bong
võng mạc, một chứng bệnh khá nguy hiểm có thể gây mù nếu không chữa trị sớm. BS
giải thích cặn kẽ và yêu cầu tôi phải phẫu thuật sớm.
Quả thật tôi rất lo, nhưng niềm tin vào Cha trên trời và Mẹ Maria đã giúp tôi
luôn cầu nguyện với Người. Tôi mong muốn gặp được vị BS giỏi để chữa trị, vì
qua thông tin trên mạng Internet, bong võng mạc là do các yếu tố: cận thị nặng,
tiểu đường, tiền sử chấn thương và có khi phải phẫu thuật tới lần thứ hai hoặc
ba hoặc hơn, nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt ở các tư thế sau khi mổ. Phẫu
thuật nhiều lần thật sự là mối lo về thời gian và chi phí.
Tôi trở lại phòng khám BS tư lúc ban đầu, vì BS cũng là người nhà của người bạn
giới thiệu, dẫu sao cũng là BS giỏi chuyên khoa khúc xạ tại BV mắt TP. Mang
chứng từ y tế của BV mắt Sài gòn tới, sau khi xem xét BS đề nghị tôi tới BV mắt
TP kiểm tra. Hai ngày sau tôi có mặt tại BV và BS viết giấy giới thiệu gặp BS D
hội chẩn, đây là vị BS chuyên khoa Dịch kính – võng mạc, nổi tiếng và đã tu
nghiệp tại ngoại quốc.
Kết quả chẩn đoán: Bong võng mạc và BS yêu cầu hôm sau phẫu thuật ngay.
Cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã yêu thương giúp cho tôi gặp được một BS giỏi điều
trị.
Ngày 04/10/2012 tôi vào BV để phẫu thuật và làm giấy cam kết cho việc phẫu
thuật lần hai hoặc lần ba nếu kết quả không tốt, trước đó tôi nhờ các anh chị
trong nhóm LTX của Chúa thuộc nhà thờ Tân Định và DCCT cầu nguyện. Tôi cũng tới
trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại nhà thờ DCCT và trước tượng Thánh Giuse tại GX
của tôi để cầu nguyện cho ca mổ được kết quả tốt đẹp.
Nằm trên giường mổ, sau khi đã gây tê, hồi hộp lắm nhưng vẫn cẩu nguyện với
Chúa và Mẹ bằng chuỗi kinh LTX và kinh Mân côi. Khoảng 1giờ 10 phút ca mổ kết
thúc, trong lúc phẫu thuật tôi minh định rằng chính Từ mẫu Maria qua bàn tay
của vị BS nữ kia đã mổ và xử lý các tình huống trong mắt tôi, còn người nam kỹ
thuật viên kia lúc khâu, đóng vết mổ là hiện thân qua bàn tay của Cha Jesus rất
kính yêu. Và mọi sự kết thúc tốt đẹp.
Những lần tái khám và sử dụng thuốc, đến nay đã hơn hai tháng, mắt phải đã ổn
định dù thị lực có thể không bằng lúc trước. Đôi khi tôi rất lo lắng vì võng
mạc không dính do sự co kéo của pha lê thể hoặc sự phát triển của mô xơ trong
mắt sẽ làm bong võng mạc. Có những lúc như vậy tôi chợt tỉnh và tự trách mình .
Tại sao lại yếu đức tin như vậy, miệng thì nói “ Lạy Chúa Giêsu con tín thác
vào Chúa” nhưng sao lòng cứ vẫn băn khoăn, tại sao tôi không tin vào một Thiên
Chúa quyền năng nhưng giàu lòng thương xót, tại sao tôi không tìm sự bình an
nơi Mẹ Maria rất kính yêu luôn bảo vệ và hằng che chở cho tôi mỗi khi tôi đến
với Người.
Lạy Thiên Chúa và Mẹ Maria của con, con thành tâm cầu xin sự tha thứ vì thân
phận thụ tạo hèn mọn nơi con người yếu đuối của con.
Và bây giờ tôi tìm lại sự lạc quan và tín thác trong tình yêu thương nơi hai
Đấng.
“Thánh Thánh Thánh chí Thánh.
Đấng đã có , hiện có và đang đến.
Amen! xin kính dâng Thiên Chúa lời chúc tụng và Vinh quang
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn
Danh dự uy quyền và sức mạnh
Đến muôn thưở muôn đời. Amen”
Ngợi khen Đấng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Cảm tạ Mẹ Maria, Đấng ban phát mọi ơn lành Amen.
Xin gửi đến anh chị và các bạn những lời nguyện sau đây, hãy tin tưởng và hãy
đến với Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong những khi  thể xác bệnh tật và đau đớn.
KINH NGUYỆN CHỮA LÀNH
Lạy Cha chí thánh, Đấng toàn năng, hằng hữu. Con chúc tụng và ngợi khen Cha
Đấng ngự trên trên trời đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu yêu dấu đến thế gian
để cứu chuộc con. Chúa Giêsu khi còn ở thế gian đã chữa lành mọi bệnh tật và
giải thoát những người bị quỷ ám. Giờ đây, con cậy nhờ Danh Chúa Giêsu cao cả
và quyền năng vô biên của Ngài giải thoát con khỏi mọi bệnh tật thể xác.
Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương xót nhìn vào mắt con với đôi mắt nhân từ của
Chúa, xin chạm vào thương tích của con với bàn tay chữa lành của Chúa, hầu thân
xác con được lành mạnh. Xin cho con một trái tim luôn biết tạ ơn và ca ngợi
tình thương của Chúa. Xin Chúa dùng con là nhân chứng sự chữa lành của Chúa, và
cho con luôn biết loan truyền kỳ công của Chúa đến muôn đời. Amen.
KINH NGUYỆN ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Vô Nhiễm. Mẹ Của Lòng Thương Xót, là Sức Khỏe của những người bịnh, là Nơi Trú Ẩn Của những người tội lỗi, nguồn An ủi của những người mang thương tích. Mẹ biết những nhu cầu, những khó khăn và nỗi thống khổ của con.
Xin Mẹ thương xót nhìn đến con.
Khi Mẹ hiện ra tại hang đá Lộ Đức, Mẹ đã vui lòng chọn nơi ấy làm đền thánh cao cả. Để qua đó Mẹ ban muôn vàn ơn huệ, và đã có nhiều người đau khổ nhận được ơn chữa lành, Cả về phần tâm linh và thể xác. Lạy Mẹ, vì thế nay con đến với lòng tin tưởng vô biên, Để khẩn xin lời cầu bầu Từ Mẫu của Mẹ.
Lạy Mẹ yêu dấu, xin Mẹ ban cho con những ơn con xin, Qua Chúa Giêsu KiTô, Con Mẹ, Chúa chúng con. Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, xin cầu cho chúng con. Amen.
Ngày 15/12/2012

Paul Nguyễn.

CỨU-CHÚA RA ĐỜI

CỨU-CHÚA RA ĐỜI

“Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con,

rồi đặt nằm trong máng cỏ…”.

(Lu-ca 2:7)

Giê-su Cứu-Chúa ra đời

Bọc trong tã trắng Mẹ Người hân hoan

Giu-se quỳ cạnh lo toan

Mục đồng chạy tới nhịp khoan tôn thờ

Ích-Diên ngóng đợi mong chờ

Hôm nay toại nguyện bến bờ mừng vui

Tương lai sẽ hết tối thui

Phận thân đâu phải lui cui tháng ngày

Tội khiên xóa sạch vơi đầy

Trần gian là chốn lưu đày vượt qua

Hồng ân huyền nhiệm bao la

Quê Trời hạnh phúc diễm ca vĩnh hằng!

* Nguyễn Sông Núi

(Tu Viện Thánh Gioan Neumann, Dallas, TX

Ngày thiên hạ phao đồn Tận Thế, Dec. 21, 2012)

Đức Thánh Cha ân xá cho ông Paolô Gabriele

Đc Thánh Cha ân xá cho ông Paolô Gabriele

Linh Tiến Khải

12/23/2012

VATICAN – Trong buổi họp báo sáng ngày 22-12-2012 Cha Federico Lombardi giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ân xá cho ông Paolo Gabriele cựu quản gia.

Cha Lombardi nói với các nhà báo rằng: ”Sáng nay Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã vào tù thăm ông Paolo Gabriele, cựu quản gia của ngài để xác định với ông rằng ngài đã tha thứ cho ông và đích thân báo cho ông biết ngài đã chấp thuận lời xin của ông và ân xá cho ông. Đây là một cử chỉ hiền phụ đối với một người mà Đức Thánh Cha đã chia sẻ vài năm sống tình gia đình mỗi ngày. Tiếp theo đó ông Paolo Gabriele đã được ra khỏi tù và trở về nhà. Mặc dù không được tiếp tục làm việc, nhưng ông được trú ngụ trong nội thành Vaticăng. Tin tưởng nơi sự chân thành xét lại của ông Tòa Thánh cống hiến cho ông khả thể tiếp tục cuộc sống với gia đình trong sự thanh thản”.

Như đã biết ông Gabriele đã bị bắt hồi tháng 5 năm 2012 vì tội đánh cắp nhiều
tài liệu mật của Tòa Thánh, một thỏi vàng và một ngân phiếu 100.000 mỹ kim của
Đức Thánh Cha. Ông đã bị kết án ba năm tù ngày mùng 6 tháng 10 vừa qua, và được
giảm còn một năm rưỡi (SD 22-12-2012)

Xem phim hay muà Noel: Les Miserables (Những kẻ khốn cùng).

Xem phim hay muà Noel: Les Miserables (Những kẻ khốn cùng).

Trần Mạnh Trác
 
12/28/22012

nguồn: Vietcatholic.net

‘Les  Miserables’ (1862 ) là một cuốn truyện lừng danh cuả nhà đại văn hào Victor  Hugo bên Pháp, đã được nhà văn Hồ Bửu Chánh phóng tác sang truyện Việt Nam  với tựa đề ‘Ngọn cỏ gió đùa’, từng là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ cải lương  và phim truyện ở Việt Nam. Truyện kể về một nhân vật Jean Valjean (Lê văn Ðó)  nghèo nàn dốt nát, vì ăn cắp một ổ bánh mì (trã cháo heo ) để nuôi đứa cháu  gái sắp chết đói mà bị bắt. Anh ta lại vi phạm luật tại ngoại do đó bản án bị  tăng lên tới 20 năm. Sống ngoài vòng pháp luật, cả đời cuả anh lo quanh việc  lẩn trốn khỏi bàn tay cuả ông thanh tra cảnh sát Javert (Phạm Kỳ)…20 năm  sau, hai người đụng độ nhau tại Paris giữa bối cảnh cuả cuộc Cách Mạng  Pháp…

Năm nay, một phiên bản Ca Nhạc cuả Anh Quốc sẽ được trình chiếu tại các rạp hát bên Mỹ vào dịp Giáng Sinh (từ ngày 25 tháng 12.)

Đây là một tác phẩm Âm Nhạc sáng tác năm 1980 cuả hai nhạc sĩ Alain Boublil and Claude-Michel Schönberg. Hai nhạc sĩ đã từng hợp tác với nhau và sáng tạo ra nhiều tác phẩm nổi danh khác cho Broadway và London’s West End, trong đó có Miss Saigon (1989).

Thành phần đạo diễn và tài tử cũng hùng hậu. Đạo diễn là Tom Hooper. Kịch bản do William Nicholson, Boublil, Schönberg và Herbert Kretzmer. Diễn xuất gồm có Hugh Jackman, Russell Crowe và nhiều vai phụ do Anne Hathaway, Amanda Seyfried, Eddie Redmayne, Samantha Barks, Sacha Baron Cohen, Helena Bonham Carter, và Aaron Tveit.

Cảnh trí trong phim được quay ở các vùng Winchester và Portsmouth ở
Hampshire, Anh Quốc, và ở Paris Pháp Quốc.

Ngay cả trước khi ra mắt, cuốn phim đã được đề nghị 4 giải thưởng Golden
Globe là giải Phim Hay Nhất, Nhạc Hay Nhất, Tài Tử Hay Nhất (Hugh Jackman ) và Vai Phụ Hay Nhất (Anne Hathaway).

Qua nhãn quan Công Giáo, cuốn phim đề cao nhiều thông điệp quan trọng về Sự Tha Thứ và Tình Yêu, rất cần cho hoàn cảnh hiện tại cuả thế giới ngày nay.

Thí dụ một anh Jean Valjean (Lê văn Ðó) cay đắng hận đời đã được một vị Giám Mục nhân từ cảm hoá. Ngài không những bảo vệ anh khỏi cảnh tù đày vì tội ăn cắp tiền bạc và chén thánh cuả nhà Thờ, ngài còn tặng cho anh số tiền anh đã ăn cắp với chỉ một lời khuyên là anh ta phải sử dụng những tặng phẩm đó để “trở thành một người lương thiện.”

Lòng thương xót cuả vị giám mục đã biến đổi Valjean. Anh đã quỳ xuống trước bàn thờ, vật lộn với lòng hận thù của mình và phát hiện ra sự tha thứ. Cuối cùng anh đã cho phép sức mạnh của lòng thương xót ấy hoán cải anh trở thành một con người mới.

Ngược lại với Valjean là viên thanh tra cảnh sát Javert (Phạm Kỳ). Javert
không phải là hiện thân của cái ác, nhưng là hiện thân của những gì phải xảy
ra khi công lý bị tách rời khỏi lòng thương xót.

Javert không tham lam vì lợi ích riêng, ông ta chỉ nghiêm chỉnh chấp hành
pháp luật và không tin rằng con người có khả năng cải hoá. Do đó khi cái trớ
trêu cuả cuộc đời đã làm cho ông ta rơi vào bàn tay cuả Valjean, ông đã không thể hiểu tại sao mình được kẻ thù tha cho. Ông không thể hiểu được sự tha thứ.

Trong cuộc đối đầu cuối cùng giữa hai người, Javert cũng không hiểu được tại sao ông không thể bấm cò kết liễu cuộc đời cuả Valjean. Sự giằng co giữa nhiệm vụ và lòng biết ơn đã dẫn đến sự hủy hoại của nhân vật Javert. Tấm bi kịch cuả nhân vật Javert là một hậu quả điển hình của một nền công lý không dựa vào nhân bản.

…Trong phim còn nhiều thí dụ khác về Tình Yêu, sự Hy Sinh, lòng Vị Tha qua
nhiều nhân vật đáng chú ý khác nữa.

Cuốn phim được xếp hạng PG-13 vì có nhiều cảnh ‘khá nặng’ về mãi dâm và bạo lực.

Nhưng đây là một cuốn phim có chiều sâu. Là một làn gió mới khác hẳn với
những cuốn phim nông cạn mà Hollywood sản xuất gần đây.

Với hình ảnh rực rỡ, diễn xuất sôi động và âm nhạc thanh thoát, Les Misérables là một câu chuyện của sự cứu rỗi và ân sủng tái sinh, có thể nhắc
nhở cho chúng ta một chân lý rất đơn giản là: “Yêu người khác tức là nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa.”

Nỗi niềm Giáng sinh

Nỗi niềm Giáng sinh

Huỳnh Thục Vy

Không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp địa cầu. Các thành phố lớn trên thế giới trong những đêm trước Noel đã được trang hoàng lộng lẫy: Stockholm lung linh với cây thông Noel cao 36m, Lisbon sặc sỡ với quả cầu khổng lồ, đại lộ Chams Elyses Paris sáng bừng trong hàng ngàn bóng đèn rực rỡ. Khắp nơi người ta hân hoan đón chào thêm một mùa mua sắm- vui chơi mới lại đến.

Mặc cho những khốn đốn kinh tế và những bế tắc về chủ quyền quốc gia, ở các thành phố lớn của Việt Nam như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, khung cảnh Noel cũng không kém tưng bừng . Rồi sẽ có những tiệc tùng tụ hội…những cây  thông Noel lớn được dựng lên, những hang đá đẹp rực rỡ đã được bài trí sang trọng trong những gia đình khá giả.

Quả tình tôi không có ấn tượng đặc biệt với những rộn ràng, xa hoa đó. Những chốn ồn ào hoang phí như nhà hàng, tiệc tùng, lễ hội đối với  tôi là những thứ xa lạ. Tất nhiên giàu có và hưởng thụ không có gì là xấu, hơn nữa nó còn là một quyền chính đáng với sự lao động tương xứng. Nhưng là một cô gái sinh ra trên một miền quê nghèo của một đất nước bất hạnh với những bất công vẫn diễn ra hằng ngày, tôi luôn có cái cảm giác ngậm ngùi vô cớ đối với những xa hoa lễ lạc. Khung cảnh vui chơi tốn kém đó dường như đối lập một cách tàn nhẫn với những mảnh đời cô đơn, nghèo khó, thiếu mặc đói ăn trên khắp đất nước này. Sự đối lập đó làm rỉ máu những trái tim biết rung cảm trước nỗi đau của đồng loại.

Chúng ta kỷ niệm ngày Chúa cứu thế sinh ra đời. Nhưng không giống như cách chúng ta đang mừng đón, ngày xưa Chúa Jesus đã khởi đầu Công cuộc ở trần gian của Ngài bằng việc sinh ra trong một máng cỏ tồi tàn ở Bethlehem . Và như chúng ta đã biết, Kitô giáo lúc sơ khởi đã là tôn giáo của những người nô lệ bần cùng, đau khổ, trước khi nó trở thành quốc giáo của Đế chế La Mã. Tượng Chúa đã ở trong những túp lều rách nát của những nô lệ châu  Âu trước khi hiện diện ở Roma trong những vương cung Thánh đường tráng lệ.

Một thông điệp “Yêu Thương và Hòa Giải” được đem đến với nhân loại từ một Người Thanh Niên xuất thân bần hàn rồi chấp nhận cái chết đau đớn trên Thập Giá chắc phải để lại trong chúng ta điều gì đó hơn là những thú vui phù phiếm chứ?! Dù không cổ vũ cho sự khó nghèo, cũng không coi thường sự giàu có, nhưng sự hiện diện của chúng ta trong cuộc đời này phải mang ý nghĩa gì đó thiêng liêng hơn là hưởng thụ chứ?!

Mỗi dịp Giáng sinh về, bên cạnh những niềm vui sum họp, ký ức về câu chuyện “Cô Bé Bán Diêm” vẫn như là tiếng chuông ngân lên nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là những người kém may mắn. “Cô bé bán diêm” của Andersen hôm nay chính là mỗi một người dân quê tôi trong những ngôi nhà tồi tàn trên sườn núi rét mướt ở Bắc Trà My, vì họ đã rời bỏ những ngôi nhà nứt đổ do động đất Sông Tranh 2. “Cô bé bán diêm” của Đan Mạch ngày xưa, ngày hôm nay đang hiện diện trong những bà con dân oan mất đất, mất nhà, phải chịu cái giá rét của Hà Nội mà đi đòi Công lý (dù Công lý từ lâu không có mặt trên xứ sở này). “Cô bé bán diêm” ấy đang là những tù nhân lương tâm trong nhà tù Cộng sản ở vùng xa xôi, hẻo lánh. Cô bé cũng hiện diện trong những nông dân bỏ con thơ, mẹ già, từ quê lên thành phố làm công nhân trong các nhà máy bóc lột, cuối năm không có tiền về quê…

Mùa Giáng Sinh, mùa của lòng nhân ái, xin tất cả chúng ta hãy dành cho những người cùng khổ, tù đày trên đất nước này một chỗ khiêm tốn trong tim; để chúng ta còn biết thổn thức, âu lo; để bên những dạ tiệc linh đình, chúng ta còn nhận thức sống động rằng, trong cái đất nước đầy bất công đau khổ này, sự may mắn mà chúng ta đang có được đã không đến với đại đa số người khác.

Một mùa Noel và một năm mới nữa lại đến trong những sự kiện đáng đau buồn của đất nước, xin cầu chúc cho chúng ta, dù là Phật tử hay Kitô hữu, biết sống để làm nhân chứng cho những giá trị mà chúng ta tôn thờ, biết sống như các Ngài đang sống trong chúng ta, biết sống như một Thái Tử rời bỏ cung vàng điện ngọc và như một vị Vua không ngồi trên ngai vàng thế gian.

Xin kính chúc cô chú bác anh chị em, cùng quý độc giả một mùa Giáng sinh an lành và một Năm mới với nhiều thắng duyên.

Huỳnh Thục Vy

Buôn Hồ ngày 16 tháng 12 năm 2012

 

Lễ Các Thánh Anh Hài

Lễ Các Thánh Anh Hài

28 Tháng Mười Hai

Hêrôđê “Ðại Ðế”, là vua xứ Giuđêa nhưng không được dân chúng mến chuộng vì ông làm việc cho đế quốc La Mã và ông rất dửng dưng đối với tôn giáo. Vì lý do đó ông luôn cảm thấy bất an và lo sợ bất cứ đe dọa nào đối với ngai vàng của ông. Ông là một chính trị gia giỏi và là một bạo chúa dám thi hành những việc tàn bạo. Ông giết chính vợ ông, anh của ông và hai người chồng của cô em, đó chỉ là sơ khởi.

Phúc Âm theo Thánh Mátthêu 2:1-18 kể cho chúng ta câu chuyện sau: Hêrôđê “thật bối rối” khi các nhà chiêm tinh đến từ đông phương hỏi về “vị vua mới sinh của người Do Thái,” mà họ đã thấy ngôi sao của người. Và các vị chiêm tinh được cho biết
trong Sách Thánh Do Thái có đề cập đến Bêlem, là nơi Ðấng Cứu Tinh sẽ chào đời.
Một cách xảo quyệt, Hêrôđê dặn họ là hãy báo cho ông biết sau khi tìm thấy vị
vua ấy để ông cũng “đến thần phục.” Các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Hài Nhi Giêsu, họ dâng Ngài các lễ vật, và được thiên thần báo mộng về ý định thâm độc của Hêrôđê và khuyên họ hãy thay đổi lộ trình trên đường về. Sau đó Thánh Gia trốn sang Ai Cập.

Hêrôđê vô cùng tức giận và “ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận.” Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát và sự tuyệt vọng của các cha mẹ đã
khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình…” (Mt 2:18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama là nơi người Do Thái bị tập trung lại sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.

Lời Bàn

Hai mươi trẻ em thì chỉ là số ít, so với sự diệt chủng và sự phá thai trong thời đại chúng ta. Nhưng dù đó chỉ là một người, chúng ta cũng phải nhớ đến tạo vật quý trọng nhất mà Thiên Chúa đã dựng trên mặt đất — đó là con người, được tiền định để sống đời đời và được chúc phúc nhờ sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu.

Lời Trích

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự sống ngay cả trước khi chúng con có thể hiểu biết” (Lời Nguyện Trên Lễ Vật, Lễ Các Thánh Anh Hài).alt

Maria Thanh Mai gởi