Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012

Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012

                                                                          Nguyễn Long Thao

                                                                                                         8/11/2012


 

London, England, 10/08/ 2012. –

 Những ai có dịp theo dõi chương trình truyền hình của hệ thống NBC tại Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 đều thấy cảnh nữ lực sĩ người Ethiopia, Meseret Defar, đã biểu lộ đức tin của mình ngay sau giây phút vượt qua lằn ranh cuối để chiếm huy chương vàng trong cuộc thi chạy 5000m tại Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 tại Luân Đôn.

Khi được biết mình thắng huy chương vàng trong cuộc tranh tài Thế Vận Hội, các lực sĩ thường biểu lộ xúc động của mình bằng cách ôm mặt khóc. 

Nhưng nữ lực sĩ Meseret Defar đã biểu lộ cách khác. Nàng lấy hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để sẵn trong áo chạy đua, úp lên mặt mình, hôn hình Đức Mẹ. Nàng khóc với Đức Mẹ và thành khẩn cảm ơn Mẹ. Nàng đã đưa hình Đức Mẹ cho các ống kính truyền hình ghi hình Đức Mẹ như một cử chỉ vinh danh Mẹ Hằng Cứu Giúp

Nữ lực sĩ Meseret Defar là người Kitô Giáo, nàng đã phó thác cuộc tranh tài của mình vào quyền năng của Chúa. Khi Uỷ Ban Thế Vận Hội giới thiệu về nàng, ống kính truyền hình cho thấy nàng đeo ảnh Thánh Giá và trước khi chạy đua, nàng đã làm dấu Thánh Giá và thầm thĩ cầu nguyện.

Trước khi cuộc đua, nhà bình luận thể thao của hệ thống truyền hình NBC cho biết 3 vận động viên người Kenya và 2 tay đua khác người Ethiopia, nhất là cô Tirunesh Dibaba là đối thủ sừng sỏ nhất có nhiều cơ hội thắng huy chương vàng.Tuy nhiên, Cô Defar đã đoạt huy chương vàng trong cuộc chay đua 5000m với thành tích 15 phút 04 giây 24 sao (15:04:24). Huy chương Bạc về tay cô Vivian Cheruiyot người Kenya và huy chương đồng về tay cô Dibaba, người Ethiopia.

Tưởng cũng nên nói thêm về thành tích chạy đua của cô Defar: Cô đã hai lần vô địch thế giới trong môn chay đua 3000m. Ở cự ly 5000m, tại Hy Lạp năm 2004 cô đoạt huy chương vàng và ở Bắc Kinh năm 2008 cô đoạt huy chương đồng.

Vào năm 2006, ở cự ly 5000m, cô đã phá kỷ lục thế giới với thời lượng 14 phút 24 giây 53 sao

Nguyễn Long Thao

Thánh Maximilian Mary Kolbe

Thánh Maximilian Mary Kolbe
(1894-1941)

14 Tháng Tám

 

Không hiểu tương lai của con sẽ ra sao!” Ðó là câu mà nhiều cha mẹ từng than thở với đứa con hay đau yếu. Nhưng với Thánh Maximilian Mary Kolbe thì khác. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, “Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không — mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, ‘Con muốn cả hai.’ Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất.” Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilian Kolbe không còn giống như trước.

Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập “Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm” – Niepolalanow — mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.

“Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

“Mày là ai?”

“Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.

Lời Bàn

Cái chết của Cha Kolbe không phải là một hành động anh hùng bất chợt, bốc đồng vào giây phút cuối. Cả cuộc đời ngài đã chuẩn bị cho giây phút đó. Sự thánh thiện của ngài được thể hiện qua niềm khát khao muốn hoán cải cả thế giới mà động lực là tình yêu của ngài dành cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

Lời Trích

“Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao? Chúng ta phải trả một giá quá rẻ. Thật may mắn biết chừng nào! Ðiều bây giờ chúng ta phải làm là chú tâm cầu nguyện để chiếm đoạt càng nhiều linh hồn càng tốt. Và sau đó, chúng ta sẽ thưa với Ðức Trinh Nữ là chúng ta rất mãn nguyện để ngài muốn làm gì với chúng ta tùy ý” (Lời Thánh Maximilian Mary Kolbe trong lần bị bắt đầu tiên).

LỜI NGUYỆN CỦA MỘT THANH NIÊN BỊ SIDA

LỜI NGUYỆN CỦA MỘT THANH NIÊN BỊ SIDA
Một thanh niên 28 tuổi, mắc bệnh SIDA, sống trong tuyệt vọng. Từ ánh mắt cảm thông thương yêu của một người bạn, chàng trai bất hạnh ấy đã biến đổi. Xin mọi người đừng nghĩ SIDA là “Chiếc roi trừng phạt” của Thiên Chúa, nên cũng thôi, đừng “trừng phạt” nhau bằng sự khinh miệt và thái độ xa lánh ghê tởm… Dưới đây là lời tự bạch, cũng là một lời cầu nguyện chân thành của anh với Thiên Chúa…

“Hôm nay, ngày 11 tháng 8, tôi cảm thấy trong người tương đối khỏe. Bỗng nhiên tôi quên rằng mình đã mắc căn bệnh SIDA quái ác. Ngồi trên sân thượng, tôi cảm nhận giây phút này, trong ánh mặt trời ấm áp. Chắc không phải vì đời tôi sắp đến kỳ hạn kết thúc mà tôi mới thấm thía thế nào là một cuộc sống bình thường đơn sơ. Tôi vẫn tỉnh táo, hiểu ra những con người đáng yêu và cuộc sống đời thường dung dị. Tôi chợt nghĩ, phải chi mọi người biết được giây phút kết thúc đời mình, chắc thế giới này sẽ sống trong tình huynh đệ thắm thiết…

Số phận tôi đã bị SIDA kết án, nhưng tôi không cho rằng Thiên Chúa đã trừng phạt tôi. Tôi tin Thiên Chúa là Tình Yêu, và Người không hề muốn những nỗi khổ đau bất hạnh lan tràn trên mặt đất này. Nếu có ai đó lớn tiếng bảo rằng SIDA là chiếc roi Thiên Chúa dùng để trừng phạt những kẻ hư đốn, thì họ đã lầm to ! Chẳng lẽ họ lại có thể quên rằng Đức Giê-su đã từng được rao giảng là một vị Thiên Chúa Tình Yêu, Người không thể lại đi ủng hộ mọi sự khổ đau đang xẩy đến cho loài người. Những kiểu diễn tả sự đau khổ là chiếc roi trừng phạt chỉ có thể đánh lừa những ai kém lòng tin vào Thiên Chúa ! Xin hãy rao giảng về một Đức Giê-su, Đấng yêu thương, an ủi, vỗ về…

Tôi vốn không phải là một Ki-tô hữu, nên tôi chưa từng bao giờ tin Thiên Chúa. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp được Chúa. Bắt đầu từ một ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Không phải vì sợ chết mà tôi đã tiến lại gần Chúa đâu. Tôi không biết Người có chữa lành bệnh tật cho tôi hay không, tôi không xin điều đó. Tôi chỉ xin Người hãy cứ làm cho tôi biết cảm nhận những ngày sống đơn sơ bình thường như hôm nay. Và tôi cũng xin Người đồng hành với tôi trong những nỗi đau đớn tột cùng tôi đã và đang gánh chịu, cho tôi nhận ra sự hiện diện của Người…

“Lạy Chúa, con tin Chúa cũng đau khổ

Khi thấy những gì đang diễn ra trong thế giới này,

Một thế giới mà Chúa đã tạo dựng với biết bao yêu thương.

Phần con, không biết Chúa có thể tha thứ

Cho cuộc đời xấu xa của con,

Một cuộc đời trộm cắp và nghiện ngập ma túy hay không ?!?

Nhưng con tin, tin rằng: Chúa là Tình Yêu, là sự tha thứ khoan dung”

LÒNG TIN

 

                                    LÒNG TIN

                                                                                               Đaminh Nguyễn Ngọc Hiên

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

       Thứ bảy, ngày 7 tháng 7 năm 2012, một ngày nắng đẹp như bao ngày thứ bảy khác…

       Tôi đang lúi húi trong phòng áo Nhà thờ, có ba người hớt hơ hớt hải đến gặp tôi, nhìn hai người phụ nữ với một cháu gái khoảng chừng 14 tuổi, tôi đoán chừng có việc chi hệ trọng đây. Chị trẻ tuổi hơn rụt rè lên tiếng :

-Thưa Cha, tụi con muốn gặp Cha để trình bày một việc…

Tôi vội vàng đính chính:

-Thưa chị, chị nhầm rồi, tôi chỉ là người giúp việc trông coi Nhà thờ ở đây thôi, các chị có điều gì xin trình bày, tôi sẽ nói thưa lại với Cha vì các Ngài không có ở đây.

       Nhìn nét mặt vừa lo lắng vừa xa lạ của ba người, tôi mời họ ngồi vào bàn nước cạnh mái hiên Nhà thờ và họ kể câu chuyện như sau:

-Thưa chú, tụi con là người không có đạo, chị đây là Phật tử, vừa rồi con của con bị một thanh niên tên là Hiếu 17 tuổi, chết nhập vào nó- chị nói và chỉ vào bé gái. Cháu đưa nó đi khắp nơi để chạy chữa nhưng không hiệu quả, có người mách bảo đưa đến đài Đức Mẹ, chúng con vội vàng đưa cháu đi và Đức Mẹ đã chữa lành cho cháu, hồn anh thanh niên kia đã xuất khỏi con của cháu, trước khi ra khỏi anh ta cho biết anh là người Công giáo, linh hồn còn mắc tội nên chưa được siêu thoát, anh ta nhờ mọi người cầu nguyện cho anh ta…con nhờ chú nói với Cha xin Chúa tha thứ cho anh ta…

       Nói xong chị này xin một phong bì và bỏ tiền vào xin lễ rồi đưa cho tôi, tôi hỏi anh ấy có nói tên Thánh là gì không? Chị ta trả lời con sợ quá nên không dám hỏi gì,với lại con không phải là người trong đạo nên không biết.

       Tôi quay sang hỏi cháu gái, cháu có biết việc này như thế nào kể cho bác nghe, cháu lắc đầu và nói:con không biết gì hết, con bị bất tỉnh không biết bao lâu, sau đó tỉnh lại thấy mình đang đứng ở đài Đức Mẹ…tôi hỏi thêm cháu tên gì? học lớp mấy, trường nào?cháu trả lời rất mạch lạc.

       Tôi nhận giúp chị chiếc phong bì để chiều nay chuyển cho Cha dâng Thánh lễ cầu cho một linh hồn không biết tên Thánh, chỉ biết tên là Hiếu.

      Câu chuyện còn dài nhưng tôi tạm dừng ở đây,chợt nhớ trong tuần qua rất nhiều bài Phúc Âm nói về “Lòng tin”,nhất là lòng tin của viên Đại đội trưởng,của người đàn bà bị băng huyết…cả sự trừ quỷ của Chúa Giêsu…được Linh mục chia sẻ thật thấm thía…

      Rồi tôi ngẫm lại, nhiều người tin Chúa tin Mẹ nhưng không biết chạy đến cùng Mẹ, trái lại nhiều người bên ngoại kể tôi nghe hằng ngày, họ được ban ơn của ĐứcMẹ, của Thánh cả Giuse vì họ biết chạy đến kêu cầu với lòng xác tín chân thành xuất phát từ trong lòng họ…và họ vẫn thường lui tới với một bó hoa tươi, một nén hương tạ ơn bằng cách của họ.

     Còn những người Công giáo thì sao? Có người hỏi tôi: “Đài Đức Mẹ, đài Ông Thánh nào linh nhất để họ đến cầu xin”.Tôi chỉ cho họ:” Đấy! tại Giáo họ Giuse có cả hai nơi linh thiêng sao chị không không đến?”chợt nghĩ câu tục ngữ:” Bụt nhà không thiêng”…thiêng hay không do lòng tin được tín thác, bởi lẽ chúng ta chỉ có một Chúa, một Mẹ mà thôi.

     Thánh lễ chiều thứ bảy hôm nay sao thật ấm lòng khi nghe Cha chủ tế dâng lời cầu nguyện cho một linh hồn chỉ có tên thật ngoài đời, do một người ngoại đạo xin, tôi tự xét lại lòng mình, có mấy lúc mình nhớ đến các linh hồn của người thân mình, trừ ngày giỗ để xin lễ cho họ.Tối nay tôi sẽ đọc kinh cầu cho các linh hồn…

                                                                                  Đaminh Nguyễn Ngọc Hiên

                                                            

Kỷ niệm chuyến đi “Chương Trình Y Tế Cho Việt Nam”

Kỷ niệm chuyến đi “Chương Trình Y Tế Cho Việt Nam”

                                                                                             Nguyên Vũ

 

WGPSG — Medical Aid For Vietnam là Chương Trình Y Tế Cho Việt Nam được thành lập năm 1994, khởi đầu cho những chuyến hành trình y tế từ thiện tại Việt Nam với số tiền, dụng cụ y tế và thuốc men quyên góp từ chính bàn tay và tâm huyết của những bác sĩ và thiện nguyện viên tham gia trong chương trình.  

Trong những năm đầu, đoàn chỉ tổ chức về Việt Nam mỗi năm một lần, nhưng từ năm 2000 với số thiện nguyện viên ngày càng gia tăng thì cứ mỗi 8 tháng là đoàn lại quy tụ các thiện nguyện viên khắp nơi trên thế giới cùng nhau về Việt Nam để khám chữa bệnh, phát thuốc, phát mắt kính, khám răng và phát quà cho những người dân nghèo tại các vùng hẻo lánh xa xôi. 

Ngoài việc khám chữa bệnh, đoàn còn có chương trình mổ tim cho các em từ 16 tuổi trở xuống, mổ mắt cườm cho người già, hỗ trợ cho các phòng phát thuốc từ thiện tại các làng xã nghèo, và trợ giúp việc chữa trị cho những bệnh nhân nghèo. 

Để tham gia chương trình năm nay, mỗi thiện nguyên viên đã tự mua vé máy bay từ nơi họ ở về Việt Nam và mỗi người cũng đóng góp 1.200 – 1.300 USD để lo cho các phương tiện đi lại và ăn ở trong suốt thời gian làm việc 2 tuần tại Việt Nam. Riêng số tiền Medical Aid For Vietnam quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm đều được dành trong công tác y tế và chữa trị cho người nghèo. 

93 thiện nguyện viên từ các nơi như Canada, Mỹ, Hồng Kong, Việt Nam bao gồm bác sĩ, nha sĩ, y tá, dược sĩ, sinh viên và thông dịch viên… đã có mặt tại Sài Gòn để bắt đầu cho chương trình y tế từ thiện từ ngày 8 đến ngày 21 tháng 7 năm 2012.  

Đoàn đã có buổi họp mặt và dâng Thánh lễ tại Trung tâm Mục vụ Giáo Phận Sài Gòn chiều ngày 8 tháng 7 năm 2012 và cùng chia sẻ bữa cơm tối tại nhà hàng Hương Biển. Sáng ngày 9 tháng 7 đoàn chia thành ba nhóm và tỏa đi làm việc tại các vùng miền khác nhau:

 

 

 

 

Nhóm 1 – Delta Team:  Khoảng 9 giờ sáng, 35 thiện nguyện viên trong nhóm đã hăng hái khuân vác hành lý, dụng cụ và thuốc men chất đầy trên xe buýt khởi hành đi Rạch Giá.  

Vẫy tay tạm biệt Sài Gòn, nhóm để lại sau lưng mình những con đường đầy nghịt xe cộ và ầm ĩ tiếng còi, vượt qua các sông rạch cùng những đám ruộng lúa xanh mượt mà để trực chỉ Miền Tây hướng đến vùng Rạch Giá, Cần Thơ và Long Xuyên.  Dù thời tiết mưa nắng bất thường, nhóm cũng đã phục vụ 4.888 bệnh nhân (khám chữa mắt 700 bệnh nhân, chữa răng 840 người, và khám tổng quát 3.348 người). Trong những ngày đầu làm việc, các thiện nguyện viện (dù đa số không biết Tiếng Việt) cũng đã học thuộc và hát vang bài ca “Anh em dô ta” để vượt qua cái mệt mỏi do thay đổi múi giờ và những cơn mưa bất chợt của Miền Tây. 

Nhóm 2 – Highland Central Team: Trên chuyến bay khởi hành lúc 14g20 đi Pleiku, 34 thiện nguyện viên nhóm Cao Nguyên đã sẵn sàng và hăng hái cho chuyến hành trình y tế tại vùng cao.

Khí hậu ôn hoà vùng cao nguyên đêm mưa ngày nắng đã giúp cho các thiện nguyện viên cảm thấy dễ chịu trong những ngày phục vụ anh chị em dân tộc Bana tại các thôn Kon Drei và Măng La (KonTum), thôn Plei Chuet và H’ra (Pleiku).  Sau 1 tuần làm việc tại vùng cao nguyên, nhóm đã hạ sơn tiến về vùng biển Nha Trang.  

Tại Nha Trang, nhóm đã làm việc 2 ngày tại Khánh Vĩnh, sau đó dành 1 ngày đi thăm và tặng quà cho 130 trẻ mồ côi tại Chùa Lộc Thọ, Khánh Hoà và 60 em khuyết tật tại Cơ sở Chăm sóc Giáo dục trẻ khuyết tật Hoàng Diệu. Nhóm đã phục vụ 3.889 bệnh nhân (mắt 843, răng 555, tổng quát 2.491) và tặng rất nhiều thuốc men cho hai cơ sở y tế từ thiện địa phương. 

Nhóm 3 – Northern Stars Team: Cái nóng oi bức của thành phố Vinh đã chào đón 24 thiện nguyện viên của Nhóm Miền Bắc vừa đáp chuyến bay 13g50 từ Sài Gòn đến Vinh để phục vụ tại giáo xứ Trung Song và giáo xứ Bình Thuận.  

Sau 3 ngày làm việc liên tục không ngơi tay, nhóm đã thấm mệt và đuối sức vì những cơn nóng cao độ. Một số thành viên vì sức khoẻ đã không tiếp tục tham gia được, nhưng những thiện nguyện viên còn lại vẫn hăng say lên đường đi Lạng Sơn, một tỉnh vùng núi phía Đông Bắc của Hà Nội, giáp biên giới Trung Quốc. Mỗi ngày nhóm đã lặn lội hàng trăm cây số, vượt qua những con đường núi ngoằn nghèo, gồ ghề để tới các buôn làng hẻo lánh tại xã Bằng Mạc và xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, phục vụ cho người dân nghèo hiếm khi được gặp bác sĩ. Nhóm đã phục vụ 3.600 bệnh nhân (mắt 650, răng 710, tổng quát 2.240) và tặng 2.800 phần quà (mỗi phần quà trị giá 100.000đ). 

Tổng cộng trong hai tuần làm việc ở Việt Nam đoàn đã khám 12.377 bệnh nhân (mắt 2.193 , răng 2.105, tổng quát 8.079), và tặng khoảng 8.000 phần quà cho người nghèo (400-500 phần cho mỗi nơi các nhóm đến làm việc), mỗi phần quà trị giá 100.000 VND. 

Sau những ngày làm việc, ngày 19 tháng 7, cả 3 nhóm đã tập trung về Nha Trang để gặp mặt tổng kết và nghỉ ngơi. Mọi người cùng chung vui trong bữa cơm tối với những tiết mục văn nghệ là các bài ca và điệu múa mà mỗi nhóm đã học hỏi được nơi mình đến phục vụ. 

Ngày 20/7 đoàn chia tay Nha Trang về Sài Gòn và các thiện nguyện viên đã lần lượt giã từ Việt Nam trở về xứ sở và công việc thường ngày của mình.  

Trong những ngày làm việc tại Việt Nam mặc dù phải đương đầu với cái nóng 40 độ C ở Vinh, hay những cơn mưa dầm ở Miền Tây và rào cản về ngôn ngữ ở Tây Nguyên (vì đa phần những anh em đồng bào ở đây không biết tiếng Kinh nên khi khám bệnh ở đây đoàn cần tới 2 thông dịch viên, từ tiếng đồng bào sang tiếng Kinh và từ tiếng Kinh sang tiếng Anh), mỗi thiện nguyện viên trong đoàn đều cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc vì đã được đi đến những nơi mà bình thường họ sẽ không đến, được phục vụ và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, nhất là được kết tình thân hữu với các thiện nguyện viên đến từ khắp các phương trời. Khó ai có thể quên được những bài Thánh Vịnh cùng những bài hát được ca vang trên xe buýt lúc đi đường, những lời cầu nguyện cho nhau và cho tha nhân, đặc biệt là những câu chuyện vui dí dỏm khiến mọi người cười vang, ai ai cũng thấy đoạn đường dài đã được rút ngắn lại. Tất cả đều là những trải nghiệm ý nghĩa khó quên và là hành trang tô điểm cho cuộc đời.

Nguồn: Maria Thanh Mai gởi

THÁNH ÐA-MINH , LINH MỤC

THÁNH ÐA-MINH , LINH MỤC

 

                                                                       Ngày 08/8

                                                             Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Mỗi vị thánh đều có những nét đặc biệt trong cuộc sống làm người, trong cuộc sống dấn thân theo Chúa Kitô.

  • Thánh Phanxicô khó khăn sống một cuộc đời nghèo tột cùng để làm chứng cho Chúa Kitô.
  • Thánh Anphongsô rao giảng Tin Mừng cho những linh hồn bơ vơ tất bạt.
  • Còn thánh Ðaminh , Giáo Hội tôn kính hôm nay ngoài những nhân đức tuyệt hảo là trở nên giống Chúa Kitô, thánh nhân còn lừng danh là một vị thánh của kinh mân côi. 

Thánh Ðaminh được sinh ra trong một gia đình quí tộc. Cuộc đời của ngài có nhiều triển vọng sẽ trở nên một người có công danh, có địa vị trong xã hội.   

Thánh nhân mở mắt chào đời tại Tây Ban Nha vào năm 1170.  Ảnh hưởng mẹ là  Joanna d’Aza, xuất thân từ gia đình cao quý là người rất đạo đức nên thánh nhân, ngay từ nhỏ dù gia đình giầu sang phú quí, ăn uống dư thừa, ngài đã có lòng đạo đức và sốt sắng hãm mình để sống kết hợp với Chúa Giêsu trong sa mạc.  Ngài có đức tính cương trực, khẳng khái, thích làm việc có lớp lang, khoa học, hệ thống.  Thánh nhân luôn chú tâm đến việc trau dồi kiến thức, văn hóa chuẩn bị cho bước đường tương lai.  Con đường Chúa dẫn dắt Ðaminh quả thực diệu kỳ.

Ngài thụ phong linh mục triều để coi xứ, rồi lên chức kinh sĩ, kinh sĩ có bổn phận chuyên lo đọc kinh thay cho toàn giáo phận, nhất là thay cho các linh mục hoạt động.  Chúa đưa Ðaminh hết nẻo đường này tới nẻo đường khác, Ngài như nghe được tiếng gọi từ đáy thâm sâu tâm hồn: ra đi truyền giáo cho các bộ lạc bên nước Nga.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Ðức Giáo Hoàng Innocentê III lại sai ngài tới miền Toulouse, nước Pháp, nơi đang có nhiều làn sống ly giáo, lạc giáo xâm lấn, phá phách, lung lạc đức tin của nhiều người Kitô hữu, nhất là nhóm Albigensê. 

Cũng nên biết từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, nhóm Albigensê đã rất thành công trong việc thuyết phục người khác theo họ.  Vào thời đại mà giáo-hội Công-giáo miền nam nước Pháp bị tục hóa, khi các giám mục xa cách dân chúng, ăn mặc sang trọng, đi trên xe tứ mã, sống đời xa hoa, thì triết lý của Albigensê, dựa theo tinh thần lạc giáo Manikêu, quả là hấp dẫn với một số người.  Gọi họ là Albigensê vì nhóm này khởi nguồn từ một thành phố miền nam Pháp tên là Albi.  Họ chủ trương nơi con người có hai thái cực : – tốt do Chúa tạo nên, – xấu do Satan chiếm đoạt.  Để loại trừ Satan, con người cần diệt dục, không nên lấy vợ, lấy chồng, không ăn thịt, cá và chỉ ăn rau cỏ.  Cuộc sống càng đơn sơ, càng trở về với thiên nhiên càng tốt.  Trong khi các giám mục địa phương, linh mục Công-giáo ăn mặc sang trọng, thì giáo sĩ nhóm Albigensê ăn vận đơn sơ, đi chân không, mặc quần áo đơn giản.  Do đó, họ có một bề ngoài gần gũi với đức khó nghèo của Thánh Kinh hơn.  

Điều quan trọng hơn cả là về tín lý họ chối bỏ BA Ngôi Thiên Chúa.  Miền nam Pháp, Ý và Tây ban nha bị ảnh hưởng rất mạnh của nhóm này.  Ngài ý thức, công việc rao giảng Tin Mừng và khuyên nhủ các người lạc giáo trở về với Giáo Hội không phải là việc một sớm một chiều có thực hiện được.  Nhưng nó đòi hỏi lời nói phải đi đôi với cuộc sống.  Thánh Ðaminh đã lập Dòng Ðaminh. Ngài cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa : “Hãy sống hiền lành và khiêm nhượng”.  Thánh nhân đã thúc giục các anh em của mình hăng say truyền bá Tin Mừng và sống khó nghèo như các môn đệ của thánh Phanxicô khó khăn.

Vào năm 1216,  Ðức thánh Cha Honoriô III đã chấp thuận và châu phê luật Dòng của Ngài.  Thánh Ðaminh đã luôn xác tín lời giảng dậy và cuộc sống theo 3 lời khuyên của Tin Mừng chính là linh hồn của mọi hoạt động, mọi công việc loan báo Tin Mừng.  Thánh nhân chỉ được sống vỏn vẹn có 5 năm để chu toàn sứ mệnh của Ðấng sáng lập Dòng. 

Cuộc đời tại thế của thánh nhân là gương sáng tuyệt vời để nhiều người noi theo, bắt chước.  Một trong những nét đẹp trong cuộc đời của thánh Ðaminh là hy sinh và cầu nguyện.  Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa.  Ngài đã rảo quanh nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý và Tây Ban Nha để nhờ ơn Chúa giúp đưa vô số những người lạc giáo trở về với Giáo Hội.   Ðể làm được công việc đó, thánh Ðaminh đã thành lập Dòng nữ Ðaminh với tôn chỉ sống tuyệt đối theo 3 lời khuyên Phúc Âm, đồng thời loan truyền lòng tôn sùng Ðức Mẹ và truyền bá tràng chuỗi mân côi.  Thánh Ðaminh đã bám chặt lấy Ðức Mẹ vì Ngài hiểu Mẹ Maria ở đâu, Chúa Giêsu cũng ở đó.  Kinh Mân-côi là sợi dây xuyên suốt để các tu sĩ nam và nữ Dòng Ðaminh bền dỗ trong ơn gọi tận hiến của mình.  Thánh nhân đã truyền bá lòng sùng kính Ðức trinh nữ Maria và khuyên siêng năng lần hạt mân côi.   Biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, ăn năn trở lại, sám hối nhờ tôn kính Ðức Mẹ và nhờ việc siêng năng lần hạt mân côi .

Ngày 6/8/1221,thánh nhân qua đời tại Bologne nước Ý.  Năm 1234, Ðức Thánh Cha    Grêgoriô IX tôn phong Ðaminh lên bậc hiển thánh.

Cuộc đời của thánh Ðaminh không dài lắm từ 1170-1221, thánh nhân đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống dựa theo Tin Mừng và ngài đã loan truyền cách rất thành công lòng tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria và khuyến khích, thúc giục mọi người năng lần chuỗi Mân-côi vì tràng Chuỗi Mân-côi là khí giới của sự an bình, là giây bền đỗ cho con người .

 Xin thánh Ðaminh cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào Chúa.

Xin cho chúng con luôn biết tôn sùng Ðức Mẹ và siêng năng lần chuỗi Mân-côi để ơn bền đỗ được bảo toàn.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

KHI TÌNH YÊU ĐƯỢC GỌI LÀ “ĐẠO”

KHI TÌNH YÊU ĐƯỢC GỌI LÀ “ĐẠO”      August 11, 2012                                         Maria Túc Lynh

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

Đã có lần con được nghe ai đó nói rằng: Con người sinh ra là để yêu và được yêu, nếu có ai đó không được nếm cảm giác ấy thì quả thật là bất hạnh cho cuộc đời mình. Câu nói đó quả thật không sai chút nào.

Và hôm nay khi con lại được nghe và hiểu thêm về cách đón nhận và chia sẻ tình yêu của một người biết cách và sử dụng đúng cách để vừa có được và cho được. Con cảm thấy là mình cần chia sẻ để quý vị có thể tham khảo thêm.

Điều ưu tiên nhất trong việc làm sao để nhận biết là mình đang được yêu và mình yêu. Đó là trái tim chúng ta phải luôn biết rộng mở, mềm mại. Thứ đến là phải tỉnh táo nhận biết đối tượng mà chúng ta nhắm đến mà đón nhận.

Tình Yêu này tuyệt vời lắm, những điều đặc biệt mà con nhận được từ “đối tượng” này là, trong thứ tình cảm đây không hề có chút gì vụ lợi, mà tình yêu được trao tặng không chút đắn đo, suy tính.

Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện, biết cách để đón nhận và chia tặng cho mọi người.

Sở dĩ con dám gợi lên vấn đề này vì con và những anh chị em thân thương của con, gần như đã thành công và tìm thấy một sự yên bình và hạnh phúc trọn vẹn. Khi áp dụng một phương pháp cực kỳ đơn giản nhưng không kém phần thú vị này.

Đó là một nơi có một trái tim rất nồng nàn chào đón, một trung tâm giải phẫu tất cả các bệnh lý của nhân loại, đương nhiên là không loại trừ sắc đẹp. Nơi ấy càng đặc biệt hơn khi lại ưu tiên tuyệt đối, cho những ai nhận biết sự bất tài và nhỏ bé của mình. Và cũng từ nơi ấy những con người đó được tìm thấy và nhận biết giá trị đích thực của mình.

Từ những ngày đầu tiên, khi chưa biết trái tim đó thuộc về ai mà mới nghe sao lạ tai và kỳ lạ thế. Tại sao mình phải biết để trái tim của mình vào trái tim của Người đó. Trái tim của mình phải biết rộng mở, phải để nó luôn biết thẩm thấu hòa tan trong một “biển tình yêu”, trong cội nguồn yêu thương. Cuối cùng thì chính Con Người sở hữu trái tim đó đã dẫn đưa con đến. Đến vì tò mò, đến vì muốn tìm một cái phao giữa lúc con đang chơi vơi, đến chỉ vì đơn giản là tìm cứu cánh mà thôi.

Rồi đến một ngày không xa, con đã biết nói những lời nói dịu dàng, thỏ thẻ, êm ái, nũng nịu để nói lên những câu nói âu yếm thiết tha với Người sở hữu trái tim đặc biệt đó.

Con Người đặc biệt đó là một chuyên gia tâm lý rất tài ba, chỉ cần nhìn thấy ánh mắt của con là Người đã biết con cần gì và mong muốn điều gì. Người ấy thấu suốt tâm cang của chúng con một cách kỳ lạ, rồi Người từ từ chọn từng trường hợp, từng ca bệnh mà chữa trị cũng như ban tặng.

Chỉ với những câu nói ngây ngô, đơn sơ nhưng được xuất phát từ đáy lòng của chúng con, đều được Người đáp trả một cách hoàn hảo.

Không để quý vị phải thắc mắc lâu, con xin trân trọng giới thiệu. Đó là Thiên Chúa Tình Yêu và đạo mà Người Ấy sáng lập và bảo trợ đời đời cho những ai đón nhận. Con gọi đó là Đạo Tình Yêu chính là Đạo Công Giáo.

Khi muốn Người ấy là Cha thì chúng con thường nhõng nhẽo bằng những câu: “Cha ơi! con sợ lắm rồi, nhưng vì con nhận thức rằng Cha là Đấng có đầy uy quyền sẽ bảo vệ và gìn giữ con. Cho dù tình huống trước mắt có hiểm nguy và gian khổ tới đâu, con luôn vững tin mà đón nhận và đi tới”.

Lúc cô đơn thì muốn Người ấy là Người Yêu thì: “Giêsu ơi! Em đang rất cần một lời nói tình tứ của Người lấp đầy khoảng trống trong trái tim em bằng cách cụ thể là cho em được rước Người vào lòng”.

Lúc bị người khác ăn hiếp thì, Anh Ấy là một Người Anh Cả đầy bản lĩnh của một đàn em thơ dại. Với câu kêu cứu rằng: “Anh ơi cứu em và làm chủ trong sự việc này cho em vì họ đang muốn ăn hiếp em”.

Khi đau yếu bệnh tật cho dù là thể xác hay tâm hồn, thì chúng con liền nghĩ tới một vòng tay dịu dàng ấm áp vuốt ve, và thế là: “Giêsu ơi! Con đau lắm. Con xin Người sờ chạm và xoa diệu vết thương này cho con”.

Càng tiếp cận, càng thâm nhập vào Con Người tuyệt diệu này thì con càng thấy con người thế gian quả thật rất may mắn và diễm phúc. Diễm phúc vì trong cuộc sống đầy những gian dối của người đời (có lần con được nghe một linh mục chia sẻ trong bài giảng là “thế gian” là “gian thế đấy), lại có một tôn giáo. Mà Người đứng đầu được xưng tụng là nguồn cội tình yêu và luôn luôn mong muốn ban phát tình yêu bằng mọi cách. Ban phát trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp và bất kể người xin thuộc dân tộc nào và tôn giáo nào.

Từ ngày con quyết định chọn Người là Đấng Bảo Trợ cho cuộc đời con và những người thuộc về con. Con cảm thấy là con được quá nhiều điều, từ bình an trong mọi hoàn cảnh, từ hạnh phúc đích thực khi sống hòa nhập và phó thác vào Người một cách trọn vẹn.

Nhân đây con cũng xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện rất dễ thương từ một người đã trưởng thành trong đức tin. Anh ta đã cảm nghiệm được tình Cha quá trọn vẹn khi trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời mình.

Anh ấy kể rằng. Đời sống sẽ con người ta sẽ thật hạnh phúc và bình an, nhất là khi người ta biết sống phó thác vào lòng thương xót Chúa, tình yêu Chúa, có một trái tim mềm mại và dễ thấm nhuần như một cục bông. Còn những người chưa nhận ra và quyết không chịu nhận tình yêu mà tự sống chiều theo bản thân và tự kiêu, ảo tưởng rằng mình có thể có tất cả như viên đá khi không cần biết Chúa thì sẽ luôn sống trong cô độc và bất hạnh.

Sau đây là tâm sự của hai nhân vật chính là: Một miếng bông và một viên đá.

Vào một ngày đẹp trời, trên một cánh đồng có nhiều hoa cỏ. Một miếng bông sau một chuyến bay bổng tham quan theo cơn gió nhè nhẹ một cách khoan khoái nhẹ nhàng đầy vẻ đáng yêu đã chạm nhẹ vào một viên đá đang cô độc một mình bên khóm hóa xinh đẹp. Tuy đang cận kề bên một tuyệt tác của đấng tạo hóa nhưng viên đá kia lại có gương mặt rất thảm sầu và mang trong mình đầy tâm trạng cô độc.

Thấy vậy, miếng bông thắc mắc, bèn lân la đến hỏi chuyện và mong được an ủi chia sẻ người bạn bên đường cô đơn.

Bông hỏi đá: Bạn ơi! Bạn đang sở hữu một vẻ ngoài rắn chắc và đầy bản lĩnh, sao bạn lại mang một nét mặt đầy vẻ ưu tư lo lắng. Điều làm cho mình càng thắc mắc hơn, là bạn đang cận kề bên một vẻ đẹp tuyệt vời, mà bạn lại không thấy hạnh phúc và yêu đời.

Viên đá liền ngước đôi mắt đầy vẻ mệt mỏi và thất vọng trả lời một cách đầy bi quan, nhưng cũng không kém phần kiêu kỳ: “Tôi chẳng thấy gì là thú vị, hoa đẹp rồi cũng đến khi héo rũ và xấu xí. Tôi tự biết mình là kẻ đầy bản lĩnh vì tôi biết có thể làm tất cả. Tôi không cần ai giúp, thi thoảng tôi còn gặp người vì vô ý vấp phải tôi để rồi xuýt xoa than đau vì vết thương do tôi gây ra. Người ta còn dùng tôi để trả thù bằng cách ném tôi vào đối phương, hòng gây thương tích. Nói tóm lại là cuộc đời tôi là những chuỗi ngày, chuỗi sự kiện không hiện hữu danh từ tình yêu. Nói tóm lại là cuộc đời tôi không cần sự sẻ chia, không cần một thứ tình yêu mà bạn đang có… Vì tôi đang rất tự hào về mình, măc dù nhiều lúc cũng cô đơn trống vắng. Nhất là mỗi khi nghe ai đó nói câu: “…ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

Miếng bông rất đau lòng về lời chia sẻ cuộc đời của viên đá, bông khẩn khoản đến gần nhẹ nhàng đặt lên viên đá một vòng tay êm ái. Bông thỏ thẻ, dịu dàng mang nét mặt tràn đầy vui tưoi, hạnh phúc để sẻ chia cùng viên đá.

Bông nhỏ nhẹ bên tai của viên đá: “Bạn đáng mến của tôi ơi! Mình xin bạn chỉ một chút thời gian quý báu của bạn, để chia sẻ cảm nhận của mình khi mình biết trao phó cuộc đời mình cho một tình yêu vĩ đại. Bạn biết không, mình luôn sẳn sàng chịu thấm đẫm những giọt nước từ trời yêu thương, mình luôn chuẩn bị sẳn tư thế để bay bổng trong vùng trời đầy yêu thương và bình an với một tâm hồn thật nhẹ nhàng và hạnh phúc. Mình luôn được những cơn gió mát dịu dàng đầy yêu thương đưa đến bất cứ khắp nơi. Từ những cánh đồng hoa xinh đẹp, để mình được tung tăng chiêm ngắm vẻ đẹp tuyệt tác của Đấng Tạo Hóa. Đến những nơi đầy những niềm đau như bệnh viện hay nơi xảy ra những cuộc giao tranh. Ở những nơi đó, đồng loại của chúng tôi dùng sự êm ái nhẹ nhàng của mình, mà xoa dịu nõi đau từ những vết thương bằng cách lau rửa thật nhẹ nhàng. Chúng tôi còn được dùng làm cái gối cho người ta tựa đầu, mong tìm một giấc mơ đẹp. Người ta cũng có thể dùng chúng tôi để ôm ấp trong những đêm lạnh khi cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì cuộc đời.

Nói tóm lại cuộc đời của mình, mình cảm thấy rất hạnh phúc khi mình biết rằng đang được một cái bóng tình yêu vĩ đại bao bọc, khi mình biết sống hòa tan vào tình yêu ấy trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Mình rất mong bạn hãy suy xét lại tình trạng của bạn hiện tại, bạn cũng thú nhận là cuộc đời bạn là những chuỗi ngày cô độc. Bạn cứ mãi co cụm bản thân, không hòa mình, không phó thác mà bạn cứ tự ru mình bằng những suy nghĩ không tích cực thì mình nghĩ điều bạn được ở cuộc đời này chỉ là bất hạnh và đau khổ.

Bây giờ thì mình xin tạm biệt bạn. Cơn gió tình yêu của mình đang tới và mình đang chuẩn bị sẳn sàng để cùng tình yêu của mình mang những thông điệp yêu thương, những sự bình an đích thực và hòa bình đến khắp nơi trên cõi đất này, theo tiếng gọi của Một Tình Yêu Vĩ Đại. Mình xin chúc bạn sớm tìm thấy hạnh phúc, ý nghĩa tình yêu đích thực và sự bình an đúng nghĩa của cuộc đời mình.”.

Vì con thấy câu truyện này có một ý nghĩ khá nhẹ nhàng và dễ thương, nhất là ý nghĩa của truyện cũng là mục đích của bài viết của con. Là nếu ta biết sống phó thác, hòa tan trong tình yêu với trái tim mềm mại và luôn biết rung động trước những tín hiệu của Thiên Chúa Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa. Thì điều ta được sẽ là những bình an, hạnh phúc, sự tự do đúng nghĩa, vì thế nên con xin hầu cùng quý vị.

“..Thiên Chúa là Tình Yêu…”(1Ga 4,8). Đây là một câu nói khẳng định chỉ có Thiên Chúa, ở nơi Thiên Chúa và hòa tan trong Chúa thì con người mới cảm nhận hết được như thế nào là sự bình an đích thực, sự tự do đúng nghĩa và niềm hạnh phúc tuyệt vời…,mà chúng con là những tân tòng bé nhỏ đã nhận ra, những người được gọi là người Công Giáo cũng nhận ra.

Trong bài viết này, con cũng xin phép được dành tặng riêng cho những quý vị không thuộc đạo Công Giáo. Cho dù quý vị đang thuộc tôn giáo nào, có một niềm tin vào đấng vô hình nào. Thì con cũng mong quý vị hiểu rằng Thiên Chúa muôn đời là Thiên Chúa Tình Yêu. Một Tình Yêu không biên giới, không phân biệt dân tộc nào, hay bất cứ tôn giáo nào. Tình Yêu đó luôn sẳn sàng trao tặng cho quý vị, chỉ cần quý vị mở rộng trái tim. Hãy để trái tim mình mềm mại như miếng bông thì quý vị sẽ thấy chúng con nói không hề sai.

Con rất mong quý vị đón nhận bài viết cùng câu truyện trên và xin quý vị cầu nguyện cho những tân tòng nhỏ bé chúng con. Chúng con cũng đang cố gắng một cách tối đa, để cho trái tim của mình biết mềm dịu như miếng bông, hòng ngày càng được hòa tan trọn vẹn trong biển tình yêu của Thiên Chúa.

Cuối bài viết con xin Thiên Chúa Tình Yêu chúc lành và luôn ban tràn đầy hồng ân trên quý vị.

Con

Maria Túc Lynh

PHÉP LẠ CHỮA LÀNH CỦA CUỘC ĐỜI NỮ TU BRIEGE McKENNA

PHÉP LẠ CHỮA LÀNH CỦA CUỘC ĐỜI NỮ TU BRIEGE McKENNA

13/10/2011                                                   nguồn: thanhlinh.net

Chuyện về cuộc đời của Nữ Tu Briege McKenna là một điều huyền diệu. Các bác sĩ đã báo cho biết Sơ sẽ phải di chuyển bằng xe lăn do căn bệnh thấp khớp. Sơ đã được chữa lành bởi phép lạ. Giờ đây, Sơ dùng quyền năng chữa lành Chúa ban cho Sơ để giúp nhiều người khác.

Chúng ta thường nói điều gì Chúa cũng làm được. Riêng với Sơ Briege Mckenna, Sơ biết rằng Chúa có thể thực hiện điều mà con người cho là bất khả thi (không thể làm được). Nhiếu người tin rằng những phép lạ chỉ có trong lý thuyết mà thôi, nhưng với Sơ Briege, Sơ tin thực sự có phép lạ vì chính Sơ đã nhìn thấy phép lạ xẩy ra.

Sơ Briege đã chứng kiến Chúa can thiệp bằng những cách nhiệm mầu nhất từ khi Sơ được chữa lành khỏi bệnh thấp khớp vào năm 1970. Sự việc Sơ được chữa lành đã dẫn Sơ đi đến nhiều vùng xa xôi trên trái đất này, từ những cuộc tụ họp rất đông người tại các quốc gia Châu Mỹ La tinh đến những buổi tĩnh tâm trong các vùng xa xôi hẻo lánh ở Đaị Hàn.

Sơ Breige sinh ra tại làng Co Armagh miền bắc Aí Nhĩ Lan, đúng vào ngày Chúa Nhật lễ Chuá Thánh Linh Hiện Xuống năm 1946.

Mồ côi mẹ vào năm mới 13 tuổi. Sơ nhớ rất rõ và thuật lại rằng: “đêm đó tôi khóc rất nhiều và tôi nghe thấy có giọng nói với tôi: “đừng sợ, ta sẽ che chở cho con”. Sáng hôm sau thức dậy, tôi biết tôi muốn được trở thành một nữ tu.”

Sơ Briege gia nhập Dòng Nữ Tu Saint Clare tại tỉnh nhà. Sơ nhớ như in lễ khấn đầu tiên của sơ: ”Khi tôi qùy trong nhà nguyện đợi được gọi tên, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu mặc áo chăn chiên đến cầm tay tôi và Chúa nói: “con hãy theo Ta”.

Sơ Briege được sai đến làm việc tại nhiều tu viện khác nhau, nhưng đến năm 1965 Sơ đau đớn biết được mình đang bị chứng bệnh thấp khớp. Năm 1967, Sơ đến Florida trong lúc bệnh trạng càng tồi tệ trầm trọng, “Trong cơn đau, tôi khóc rất nhiều, bác sĩ nói tôi không có hy vọng được khỏi và chẳng bao lâu nữa tôi sẽ phải di chuyển bằng xe lăn.” Khi đó, Sơ Briege bắt đầu kinh nghiệm nỗi đau tâm linh kinh khủng, và lòng khô cháy. Sơ tiết lộ: ”Tôi còn tự hỏi “ Tôi có thực sự tin vào Chúa Giêsu hay không?“.

Những gì kế tiếp xẩy ra sẽ bắt đầu một giai đoạn khác thường trong cuộc đời của người phụ nữ phi thường này. Sơ Briege giải thích: ”Tháng 12 năm 1970, tôi tham dự một cuộc tĩnh tâm. Tôi lắng nghe những chia sẻ về sức mạnh của lời cầu nguyện và quyền năng của Chúa Thánh Linh. Trong cuộc tĩnh tâm, tôi nhớ đã nhìn vào đồng hồ rồi nhắm mắt lại. Lúc đó là 9:15 sáng ngày 9 tháng 12 năm 1970. Lời cầu nguyện của tôi chỉ đơn giản như sau: ”Chúa Giêsu ơi, xin cứu chữa con.” Ngay lúc đó tôi cảm thấy như có một bàn tay đặt lên đầu tôi, tôi mở mắt và chẳng thấy ai cả, nhưng có một nguồn sức mạnh chạy trong toàn thân tôi . Tôi nhìn xuống. Các ngón tay tôi vốn bị cứng đờ nhưng không bị vặn vẹo như chân tôi. Các khuỷu tay tôi đau đớn. Tôi nhìn vào thân mình. Các ngón tay tôi trở nên mềm mại, đau đớn biến mất và khi nhìn xuống 2 bàn chân bị tật đang mang dép đã được chữa lành. Tôi nhẩy lên sung sướng và la lên: ”Giêsu, Chúa thực sự đang ở đây!”

Từ ngày đó Sơ Briege không còn bị thấp khớp nữa và đi thực thi sứ mạng tông đồ đầy nhiệt tình và hăng hái ít ai sánh ví kịp.

Sự việc được chũa lành của Sơ Briege làm các bác sĩ không thể hiểu được, nhưng Sơ Briege không cần một sự giải thích nào cả, vì với Sơ, đó là do sự tác động của bàn tay chữa lành của Chúa.

Sự khỏi bệnh một cách kỳ diệu chỉ là khởi đầu một cuộc sống mới của Sơ Briege. Chẳng những Sơ đã được chữa lành mà lại còn được Chúa ban cho ơn chữa lành nữa.

Sơ Briege không muốn thi hành việc chữa lành, và trong thâm tâm hoàn toàn không hề nghĩ đến điều đó, nhưng Chúa chẳng hề trả lời không cho câu trả lời của Ngài. Sơ nói:  “Trong một buổi cầu nguyện, tôi không hề nói về chữa ơn lành, nhưng khi tôi đứng dậy, một phụ nữ chạy lên và nói: ”Xin lỗi Sơ, tôi có đôi lời muốn nói với sơ. Đó là Sơ đã được ban cho ơn chữa lành. Sơ biết như vậy nhưng Sơ sợ không được người ta chấp nhận mà đúng lý ra là Sơ phải sợ ý Chúa mới phải.” Tôi nhìn bà ta và nói: ”Suốt đời tôi chưa từng gặp bà, xin cho biết bà là ai?” Người đàn bà đã được Chúa Thánh Linh tác động để nói lên điều đặc biệt về Sơ Briege.

Sơ Briege thực sự hân hoan quý nhận những đặc sủng của Chúa ban, và qua Sơ, Ngài đã làm nhiều điều kì diệu. Con người rất dễ kiêu hãnh về những đặc sủng như vậy, nhưng Sơ Briege lại hạ mình xuống khi nói cách khiêm tốn: ”Tôi chẳng làm được điều gì, tất cả đều do quyền năng chữa lành của Chúa. Ngài đã dùng tôi như một công cụ của Ngài.”

Bất cừ đi tới đâu, Sơ cũng gặp rất nhiều người cần được chữa lành. Chúa ban nhiều ơn rất đặc biệt qua các việc tông đồ của Sơ, và sơ có một chương trình làm việc rất bận rộn trên khắp thế giới, để đem quyền năng Chúa đến cho những người Sơ gặp gỡ. Trước cuộc họp đông đủ các Giám mục tại Tòa Thánh cũng như trước hàng ngàn người tập trung tại một sân banh thể thao ở Châu Mỹ La Tinh, Sơ nói rất tự tin an bình.

Trong công tác tông đồ của mình, Sơ chú trọng đến các linh mục khi nói: ”Bởi vì thiên chức linh mục đang bị tấn công tàn ác, có lẽ hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự khuyến khích và nâng đỡ các linh mục.”

Khi làm việc tông đồ, Sơ Briege có dịp đến thuyết giảng tại các chủng viện nơi đào tạo giới trẻ để trở thành linh mục.

Tất cả những nơi Sơ đặt chân tới đều có một mục đích như thế, một chủng sinh đã mô tả Sơ như “một bảng chỉ đường dẫn đến Chúa”

Trong một lần cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, Sơ đã được mặc khải về chức linh mục. ”Lúc đó, Chúa cho tôi thấy rằng tôi không thể chỉ ngồi yên để phê phán về thiên chức linh mục”.

“Khi nhận bí tích truyền chức thánh, linh mục tuyên hứa với Chúa xin vâng để trở nên ling mục cho tôi, cho bạn và cho tất cả mọi người chúng ta”.

Chúa Giêsu dẫn tôi nhìn thấy hình những hình ảnh lần lượt diễn ra trước nhà tạm. Rồi tôi thấy trong ánh mắt Chúa lễ truyền chức một linh mục.”

“Khi chúng ta nhìn vào một tấm tranh thảm thêu đẹp đẽ treo trên tường, chúng ta chỉ nhận ra kết quả công lao của người nghệ sĩ”.

Chúng ta đâu có thấy được công lao và lòng yêu nghệ thuật đặt vào tấm thảm đó. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt trái của tấm thảm chúng ta sẽ thấy nhiều sợi màu, nhiều mũi khâu và nhận ra phải mất nhiều công lao để hoàn tất công trình nghệ thuật đó.”

Cũng vậy, khi chúng ta nhìn vào một linh mục, chúng ta thấy có cả sức mạnh cũng như yếu đuối. Nhưng chúng ta không nhận ra đằng sau con người đó, Thiên Chúa bằng tình yêu và trung tín đánh động tâm hồn bằng ơn gọi và dẫn dắt người đó đến khi được nhận lãnh thiên chức linh mục. Khi được mặc khải những diễn tiến về chức linh mục tôi đã phải khóc òa.”

Tôi có cảm tưởng, tất cả các thần thánh trên trời đều ca ngợi lòng nhân hậu của Chúa đối với nhân loại bằng cách từ muôn thế hệ đã chọn người thay mặt Chúa ở giữa muôn dân của ngài.”

Qua kinh nghiệm này, tôi có một sự hiểu biết mới về chức linh mục. Tôi có một tình yêu mới và sự ngưỡng mộ sâu xa đối với bí tích truyền chức thánh. Tôi nhận ra rằng các linh mục cần được rất nhiều lời cầu nguyện và an ủi”. Điều này làm cho Sơ Briege bắt đầu sứ mạng loan truyền linh mục trong ơn gọi. “Sơ nói nhiều khi các linh mục nản chí vi các ngài không được hỗ trợ đầy đủ, linh mục cũng là con người với đầy đủ những yếu đuối, các ngài cần sự trợ giúp liên tục của chúng ta.”

Sơ Briege McKenna là một phụ nữ tuyệt vời, một người đặt Chúa Giêsu trên hết trong đời mình, và phần thưởng cao qúy nhất của Sơ là đem nhiều người về với Chúa.

Chính Sơ  đã nói: ”Tôi nhận ra rằng không ai có thể làm điều gì hơn là trở nên một bảng chỉ đường dẫn người ta đến với Chúa, giúp tha nhân nhận ra Chúa trong tâm hồn họ và để Chúa ban muôn ơn lành cho họ.”

Sơ Briege quả thực là một nhân chứng tuyệt vời về quyền năng Chúa giữa thế giới văn minh; Chúa đã làm nhiều việc trọng đại cho nhân loại qua công tác tông đồ của Sơ.

Bánh bởi trời

Bánh bởi trời

                                                                                ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

                                                                                       nguồn: thanhlinh.net

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.

Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời.

Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

Bánh trường sinh.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Một ngôn sứ dũng cảm như Êlia trên núi Các-men cũng có lúc chán nản, thất vọng, chỉ muốn xin được chết. Giữa sa mạc, Êlia nằm ngủ dưới gốc cây. Ông không còn đủ sức tiếp tục cuộc hành trình. Một thiên thần đã đem đến cho ông bánh và nước, nhờ đó ông có sức đi đến núi của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời, với bao thách đố, ngờ vực, hiểm nguy… Chúng ta cần được dưỡng nuôi, nâng đỡ, để có sức đi hết cuộc hành trình về quê thật. Có thiên thần nào hiện ra đem bánh cho ta không? Có thứ manna nào từ trời rơi xuống?

Thiên Chúa Cha muốn ban cho ta tấm bánh từ trời, đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa (Ga 6,32-33). Đức Giêsu là Tấm Bánh Cha ban cho nhân loại, và chính Ngài cũng muốn tặng bản thân mình cho ta: “Tôi là Bánh trường sinh” (c.48). “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống” (c.51). Khi nói đến Bánh hằng sống, Bánh trường sinh, chúng ta thường nghĩ ngay đến bí tích Thánh Thể và ít khi nghĩ đến Tấm Bánh Lời Chúa.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực cần thiết cho tín hữu.

Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ thì Chúa Giêsu “hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội”. Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ (PV 33). Ngài vẫn trao cho ta Tấm Bánh là Lời của Ngài.

Con người sống đâu chỉ nhờ cơm bánh vật chất, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Đức Giêsu là Lời viết hoa của Thiên Chúa. “Thầy có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Lời Chúa là thức ăn khó nuốt. Cuốn Tân Ước tôi cầm trên tay là một bản văn cổ, thuộc nền văn hóa xứ Pa-lét-tin cách đây hơn 2000 năm. Phải học hỏi, đào sâu mới hiểu đúng và hiểu đủ. Lời Chúa cũng là thức ăn khó nuốt, vì là một lời mời gọi tôi ra khỏi mình, bỏ lại những tính toán khôn ngoan và hợp lý. Tiếng Chúa đụng đến con người tôi, ở đây, bây giờ, và mời tôi dấn thân vào một cuộc mạo hiểm. Nhưng Lời Chúa sẽ là tấm bánh thơm ngon nếu tôi biết lắng nghe và đem ra thực hành. Càng sống Lời Chúa, tôi càng gặp được ánh sáng và sức mạnh, nhất là được hiệp thông với con người Đức Giêsu.

Hãy hưởng dùng Tấm Bánh Chúa trao cho bạn, và hãy chia sẻ cho nhau kho tàng Lời Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ

·        Có câu Lời Chúa nào đã soi sáng cho bạn khi bạn đứng trước một chọn lựa? Có câu Lời Chúa nào đã ảnh hưởng trên đời sống của bạn?

·        Theo ý bạn, để hiểu các bài Sách Thánh trong Thánh Lễ có dễ không? Thế nào là một bài giảng Lời Chúa “đạt yêu cầu”, theo ước mơ của bạn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa dưới muôn ngàn dáng vẻ. Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, những người sống không ra người. Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa. Chúa hiện diện nơi Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, bất toàn, và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vũ trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa. Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa. Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường. Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa. Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trên bước đường đời của con. Amen.

ĐTC: Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất

 ĐTC: Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất


                                                                                          Linh Tiến Khải

8/8/2012                                                                  nguồn: Vietcatholic.net

Cần cầu nguyện với thân xác và tâm hồn để bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiên diện của Thiên Chúa. Vì lời cầu nguyện và tương quan cá nhân với Thiên Chúa giúp chúng ta đương đầu với cả những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 8-8-2012 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới gương mặt của thánh Đaminh mà Giáo Hội mừng nhớ hôm qua. Thánh Đaminh Guzman là linh mục sáng lập dòng các Anh em thuyết giáo gọi là các tu sĩ Đaminh. Trong một bài giáo lý trước đây Đức Thánh Cha đã trình bày vai trò quan trọng của thánh nhân trong việc canh tân Giáo Hội thời người. Hôm qua ngài đã đề cập tới đời sống cầu nguyện của thánh Đaminh. Đức Thánh Cha nói:

Thánh Đaminh đã là con người của cầu nguyện. Say mê Thiên Chúa, người đã không có khát vọng nào khác hơn là sự cứu rỗi các linh hồn, đặc biệt các linh hồn đã rơi vào lưới của lạc giáo. Là người noi gương Chúa Kitô, thánh nhân nhập thể một cách triệt để ba lời khấn phúc âm, kết hiệp chứng tá cuộc sống khó nghèo với việc rao giảng Lời Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người tiến tới trên con đường trọn lành kitô. Trong mọi lúc lời cầu nguyện đã là sức mạnh ngày càng canh tân và khiến cho các công tác tông đồ của người được phong phú.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Chân phước Giordano thành Sassonia (+1237) người kế vị thánh Đaminh cai quản dòng Đaminh đã viết về thánh nhân như sau: “Ban ngày, không ai tỏ ra lịch thiệp hơn người, và ngược lại ban đêm không ai kiên trì trong việc canh thức cầu nguyện như người. Ban ngày người dành cho tha nhân, nhưng ban đêm người dành cho Thiên Chúa” (P. Filippini, S. Domenico visto dai suoi comtemporanei, Bologna 1982, tr. 133). Nơi thánh Đaminh chúng ta có thể trông thấy mẫu gương việc hội nhập hài hòa giữa việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoạt động tông đồ. Theo các chứng tá của những người sống gần thánh nhân nhất, “thánh nhân luôn luôn nói chuyện với Thiên Chúa hay nói về Thiên Chúa”. Nhận xét này ám chỉ sự hiệp thông sâu xa của thánh nhân với Thiên Chúa, và đồng thời ám chỉ sự dấn thân liên lỉ dẫn đưa người khác tới sự hiệp thông ấy. Tuy đã không để lại các bút tích về lời cầu nguyện, truyền thống đaminh đã thu thập và truyền lại kinh nghiệm sống động của người trong tác phẩm tựa đề “Chín kiểu cầu nguyện của thánh Đaminh”. Được sáng tác giữa các năm 1260-1288  bởi một tu sĩ Đaminh, nó giúp chúng ta hiểu một chút về cuộc sống nội tâm của thánh nhân.

Mỗi một kiểu cầu nguyện, luôn luôn trước mặt Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh, diễn tả một thái độ của thân xác và tinh thần, được thấm nhập một cách thân tình chúng trợ giúp sự cầm trí và lòng sốt mến. Đức Thánh Cha giải thích chín kiểu cầu nguyện của thánh Đaminh như sau:

Bẩy kiểu đầu tiên theo một đường nét đi lên, như các bước đi của một con đường hướng tới sự hiệp thông thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Đaminh đứng cúi đầu cầu nguyện để diễn tả sự khiêm tốn, nằm dài dưới đất để xin ơn tha thứ các tội lỗi, qùy hãm mình để tham dự vào các khổ đau của Chúa, đôi tay giang ra nhìn lên Chúa Chịu Đóng Đanh để chiêm niệm Tình Yêu Tột Đỉnh, hướng nhìn về trời để cảm thấy bị lôi cuốn vào trong thế giới của Thiên Chúa.

Hai kiểu cuối cùng, trái lại, tương đương với hai thói quen đạo đức mà thánh nhân thường sống. Trước hết là suy niệm riêng trong đó lời cầu nguyện chiếm hữu đựơc một chiều kích thân tình, sốt mến và thanh bình hơn nữa.

Sau khi đọc Kinh Thần Vụ và sau khi dâng Thánh Lễ, thánh Đaminh kéo dài việc nói chuyện với Thiên Chúa, không giới hạn thời gian. Người ngồi yên tịnh, cầm trí trong thái độ lắng nghe, đọc một cuốn sách hay chăm chú nhìn lên Chúa Chịu Đóng Đanh. Người đã sống những lúc tương quan này với Thiên Chúa một cách sâu đậm như thế, và cả bên ngoài người ta cũng có thể nhận ra các phản ứng tươi vui hay tiếng khóc của người. Các chứng nhân kể lại rằng có lần ngưới xuất thần với gương mặt biến hình, nhưng ngay sau đó lại khiêm tốn trở về với các sinh hoạt thường ngày, được bồi dưỡng bởi sức mạnh đến từ Trên Cao. Thế rồi lời cầu nguyện trong các chuyến du hành từ tu viện này sang tu viện khác; người đọc Kinh Sáng, Kinh Giờ Ba, Kinh Chiều với các anh em khác, và khi đi qua các thung lũng và núi đồi người chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo vật. Khi đó từ trái tim người vọt lên một bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn lành, nhất là vì sự tuyệt diệu lớn lao nhất là ơn cứu độ do công trình của Chúa Kitô.

Các bạn thân mến, thánh Đaminh nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng nguồn gốc chứng tá đức tin – mà mỗi kitô hữu phải làm trong gia đình, trong công ăn việc làm, trong dấn thân xã hội và cả trong những lúc nghỉ ngơi nữa – là nơi lời cầu nguyện, nơi sự tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa. Chỉ có sự tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sự mạnh mẽ sống sâu đậm mỗi biến cố, đặc biết trong những lúc khổ đau nhất.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: vị thánh này cũng nhắc nhớ cho chúng ta biết tầm quan trọng của các thái độ bề ngoài trong lúc cầu nguyện. Qùy gối, đứng trước mặt Chúa, chăm chú nhìn Chúa Chịu Đóng Đanh, dừng lại cầm trí trong thinh lặng, không phải là phụ thuộc, nhưng chúng giúp chúng ta đặt mình với tất cả con người vào trong tương quan với Thiên Chúa. Tôi muốn nhắc nhở một lần nữa sự cần thiết cho cuộc sống tinh thần của chúng ta, đó là hằng ngày phải tìm ra những lúc để cầu nguyện trong yên lặng. Chúng ta phải lấy cho mình thời giờ ấy đặc biệt trong mùa hè, có một chút thời giờ để nói chuyện với Thiên Chúa. Đó sẽ là một kiểu giúp những ai ở gần bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiện diện của Thiên Chúa, đem lại an bình và tình yêu mà chúng ta cần có.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp ngài khuyến khích tín hữu noi gương thánh Đaminh trở thành những người say mê Thiên Chúa, noi gương Chúa Kitô, để trở thành những con người của lời cầu nguyện, nhựa sống cho các hành động và chứng tá của chúng ta.

Trong tiếng Anh ngài nhắn nhủ tín hữu biết noi gương thánh Đaminh hòa hợp lời cầu nguyện với các sinh hoạt hằng ngày, và tươi vui làm chứng cho Chúa.

Bằng tiếng Đức ngài nói khi cầu nguyện thân xác cũng cần có các thái độ cầm trí và môi trường thinh lặng chung quanh giúp bước vào tương quan với Thiên Chúa.

Bằng tiếng Tây Ban Nha ngài nhắc cho tín hữu biết rằng nguồn gốc của mọi chứng tá là lời cầu nguyện và tương quan liên lỉ với Chúa trao ban sức mạnh cho tín hữu.

Bằng tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha khuyên tín hữu bắt chước thánh Đaminh năng nói chuyện với Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, vì nó giúp tín hữu trưởng thành trong tinh thần.

Chào các tín hữu Slovac Đức Thánh Cha xin ánh sáng Lời Chúa soi chiếu mọi bước đường cuộc sống của họ.

Chào các tín hữu nói tiếng Ý ngài cám ơn sự hiện diện của họ và cầu chúc họ được tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần để canh tân nhiệt huyết tông đồ và lòng sốt mến.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Một hành động của lòng nhân ái

Một hành động của lòng nhân ái


Trong suốt thời gian xảy ra nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln vẫn thường đến các bệnh viện để thăm hỏi và trò chuyện với những thương binh đang điều trị ở đó. Một lần, các bác sĩ dẫn Lincoln đến bên giường một người lính trẻ đang gần kề cái chết.

“Tôi có thể làm cho anh được điều gì ngay bây giờ không?” Tổng thống hỏi.

Người lính trẻ rõ ràng không nhận ra Lincoln. Anh cố thều thào: “Xin ông hãy giúp tôi viết một lá thư cho mẹ!”

Bút và giấy được mang tới, và vị Tổng thống bắt đầu nắn nót viết từng chữ mà người lính trẻ có thể đọc được bằng hơi sức yếu ớt còn lại của mình:

“Mẹ yêu quý! Con bị thương rất nặng trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Con e rằng con không thể qua khỏi được. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng quá đau buồn vì con nhé. Xin hãy hôn em Mary và John giúp con. Xin ơn trên phù hộ cho bố mẹ.”

Người lính đã quá yếu sức và không thể tiếp tục được nữa, nên vị Tổng thống ký tên giùm anh vào cuối bức thư và thêm vào dòng chữ: “Viết thay cho con trai bà – Abraham Lincoln.”

Người lính trẻ nhìn vào bức thư, và anh thật sự ngạc nhiên khi đọc thấy tên người đã giúp anh thực hiện nguyện vọng cuối cùng của mình.

“Ngài chính là Tổng thống ư?” anh hỏi.

“Vâng, tôi đây!” Lincoln trả lời một cách bình thản, và lại tiếp tục hỏi rằng ông có thể làm thêm được gì cho anh.

“Xin ngài hãy nắm lấy tay tôi!” anh nói. “Điều đó sẽ giúp tôi rất nhiều khi phải đối mặt với cái chết!”

Và trong căn phòng tĩnh lặng, vị Tổng thống cao gầy nắm chặt tay anh lính trẻ trong bàn tay mình, nhẹ nhàng nói những lời an ủi, động viên cho đến khi anh ra đi trong thanh thản.

– The Best of Bits & Pieces

ST

Thánh Laurensô, Phó Tế Tử Đạo

 Thánh Laurensô, Phó Tế Tử Đạo

                                                                                      Ngày 10/8

 

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức Giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Thời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.

Laurensô là ai mà được tôn kính cách đặc biệt như vậy ?

Thánh Laurensô sinh tại Huescô nước Tây Ban Nha. Cha mẹ Ngài là những người đạo hạnh. Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để đi du học bên Roma và đã sống trót cuộc đời trần thế tại đây. Ngài được chọn thành một trong bảy phó tế của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và Ngài được giao cho trách nhiệm “quản lý tài sản của Giáo hội”. Khi sự cấm đạo dưới thời Hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế khác. Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô đi theo khóc lóc nức nở, Ngài hỏi “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?” Ðức Giáo hoàng trả lời, “Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta.” Nghe thấy thế, Laurensô thật vui mừng, Ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Khi những điều này tới tai Hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn khôi hài nói với hoàng đế:

– Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.

Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 158.


Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo Hội, hết lòng yêu thương người nghèo. Xin cho mỗi chúng ta cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân. Trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu thiệt thòi về phần xác.

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi