Lòng tin và sự xấu hổ

Lòng tin và sự xấu hổ

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn trong phiên họp khai mạc cuộc họp Shangri-La bàn về an ninh khu vực Đông Nam Á, ngày 31/5/2013.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn trong phiên họp khai mạc cuộc họp Shangri-La bàn về an ninh khu vực Đông Nam Á, ngày 31/5/2013.

Nguyễn Hưng Quốc

13.06.2013

nguồn:VOA

Nhân nhắc đến khái niệm lòng tin chiến lược trong bài nói chuyện của ông Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta thử bàn về chuyện lòng tin trong chính trị nói chung. Nói đến lòng tin, ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào sự tin cậy (trust, chứ không phải faith hay belief) và chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị đối nội, trong nội bộ một quốc gia.

Trước hết, hầu như ai cũng biết sự tin cậy là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mọi người có thể sinh hoạt chung với nhau trong xã hội, từ phạm vi nhỏ và riêng tư nhất là gia đình và bạn bè đến những phạm vi lớn hơn như các cơ sở làm ăn buôn bán hoặc các đoàn thể và cuối cùng, sinh hoạt chính trị trong cả nước. Nền tảng của cái gọi là đạo đức công dân, thật ra, là vấn đề tin cậy: mình tin người khác và làm cho người khác tin mình bằng cách, trước hết, tự mình làm cho mình đáng tin cậy. Nền tảng của dân chủ, nghĩ cho cùng, cũng là sự tin cậy: tin cậy vào thiện chí của người khác và vào quyết định của đa số (biểu hiện cụ thể nhất là qua các lá phiếu).

Trong chính trị đối nội, lòng tin có ba loại: tin vào các nhà lãnh đạo, tin vào các tổ chức công quyền và tin vào cơ chế.

Trong các tổ chức công quyền, nổi bật nhất là lập pháp (tập trung vào Quốc hội – ở một số nước, có hai hình thức chính Thượng viện và Hạ viện), hành pháp (tập trung vào phủ Tổng thống và/hoặc văn phòng Thủ tướng) và tư pháp (qua hình ảnh của toà án cũng như công an). Ranh giới giữa lòng tin vào các nhà lãnh đạo và các tổ chức công quyền không hoàn toàn rạch ròi: Ở các cơ quan hành pháp, người ta có khuynh hướng nhìn vào người lãnh đạo cao nhất (tổng thống hoặc/và thủ tướng); còn ở các cơ quan khác, từ lập pháp đến tư pháp, vai trò tập thể nổi bật hơn vai trò của cá nhân, do đó, người ta có thói quen nhìn vào cả cơ quan hơn hơn là từng người cụ thể, ngay cả là người lãnh đạo cao nhất.

Đối với các nhà lãnh đạo, lòng tin cũng có nhiều loại: Một, tin vào cá tính và đạo đức của họ; và hai, tin vào lý tưởng cũng như các chính sách mà họ theo đuổi. Trong hai loại lòng tin ấy, cá tính của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng đầu tiên, có vai trò thu hút quần chúng nhất. Không có cá tính mạnh và không có sức cuốn hút quần chúng, không ai có thể trở thành lãnh tụ được, nhất là ở các quốc gia dân chủ, nơi để trở thành lãnh tụ, người ta phải trải qua những cuộc tranh cử và bầu cử gay gắt, trước hết, trong nội bộ đảng, và sau đó, trong phạm vi quốc gia. Nhưng yếu tố đầu tiên này tức khắc trở thành thứ yếu khi người ta trở thành lãnh tụ thực sự. Khi trở thành lãnh tụ, yếu tố được quần chúng quan tâm nhất lại là lý tưởng và từ đó, chính sách của họ. Lý tưởng, vốn thường lớn và chung chung, là yếu tố đầu tiên để gây chú ý và sự đồng cảm. Tuy nhiên, yếu tố chính để quần chúng đánh giá giới lãnh đạo chính là đường lối và chính sách, tức những khía cạnh nhằm hiện thực hoá lý tưởng mà họ tuyên truyền. Đối với đường lối và chính sách, ba điều kiện căn bản nhất là: một, rõ ràng; hai, nhất quán; và ba, hiệu quả. Xuyên suốt từ đầu đến cuối, vấn đề đạo đức của nhà lãnh đạo luôn luôn là một vấn đề quan trọng. Có điều, ở đây là đạo đức công dân chứ không phải là đạo đức cá nhân. Những cái gọi là hiền lành, khiêm tốn, hòa nhã, dễ thương, mau nước mắt, v.v. đều thuộc loại đạo đức cá nhân. Là đạo đức cá nhân, chúng chỉ có ý nghĩa trong phạm vi liên-cá nhân, giữa người này và người khác, trong một không gian có giới hạn. Điều người ta quan tâm nhất ở nhà lãnh đạo là thứ đạo đức công dân, trong đó, nổi bật nhất là sự trong sạch, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật, bởi vậy, ba cái xấu thường dễ bị theo dõi và lên án nhất chính là tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm dụng quyền hành.

Đối với các tổ chức, nội dung của cái gọi là lòng tin chỉ tập trung chủ yếu vào khía cạnh thực hành với hai nội dung chính: năng lực và tính hiệu quả. Tiêu chí để đánh giá việc thực hành là hiến pháp và luật pháp. Nói đến năng lực và tính hiệu quả của các cơ quan, người ta phải đối chiếu việc thực hành của các cơ quan ấy so với các quy định ghi trong hiến pháp và luật pháp. Nếu nhiệm vụ chính của công an, chẳng hạn, là bảo đảm an ninh và an toàn trong xã hội thì năng lực và tính hiệu quả của công an cần phải được đo lường và đánh giá trên mức độ tội phạm các loại trong xã hội.

Đối với cơ chế, lòng tin chủ yếu tập trung vào tính lý tưởng, tính hiệu quả và sự bền vững của nó.

Qua ba loại lòng tin ở trên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các xã hội dân chủ và các xã hội phi dân chủ.

Ở các xã hội dân chủ, từ Mỹ đến Úc và toàn bộ các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, dân chúng có thể mất lòng tin vào giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền, nhưng họ luôn luôn tin tưởng vào cơ chế. Cơ chế dân chủ mà họ thiết lập và hoàn thiện suốt cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa không những có tính lý tưởng cao, phù hợp với những bảng giá trị phổ quát của nhân lại (tôn trọng tự do cá nhân và sự bình đẳng giữa mọi người cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật) mà còn có tính hiệu quả trong việc vận hành kinh tế, an sinh xã hội và đặc biệt, quản trị đất nước. Hơn nữa, mọi người còn tin tưởng vào sự bền vững của nó: Một mặt, giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền có thể thay đổi, nhưng cơ chế dân chủ thì không; mặt khác, chính cơ chế ấy bảo đảm mọi sự thay đổi quyền lực đều diễn ra một cách êm thắm, không gây nên bất cứ một xáo trộn nào trong xã hội. Chính vì vậy, ở hầu hết các nước dân chủ, tâm lý quần chúng thường khá an tâm sau các cuộc bầu cử. Trong bầu cử, người ta có thể tranh đấu với nhau một cách dữ dội nhưng bầu cử xong, tuy có kẻ thắng người thua và tuy sẽ có những chính sách khác nhau, mọi người vẫn biết rõ một điều: tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp chế vẫn được tôn trọng và duy trì. Dưới chính phủ mới, một số người có thể bị cắt bớt một phần trong các trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội, chẳng hạn, nhưng chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ đói, bị tước đoạt đất đai hay bị bắt bỏ tù một cách vô lý vì một số phát ngôn hay vì tham gia một cuộc biểu tình nào đó.

Cũng chính vì tin cậy vào cơ chế nên ở các quốc gia Tây phương, hầu như không ai nghĩ đến chuyện gây bạo loạn để lật đổ chính quyền. Mọi sự thay đổi, nếu có, đều diễn ra bên trong cơ chế, với các luật chơi gắn liền với cơ chế.

Ở các nước phi dân chủ, ngược lại, điều người ta ít tin nhất, lại là cơ chế. Thoạt đầu, chế độ phi dân chủ nào cũng khuếch đại tính lý tưởng của nó để thu phục nhân tâm. Nhiều người sẵn sàng tin và có người sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực hiện các lý tưởng ấy. Nhưng cái thiếu nhất của các chế độ độc tài là tính hiệu quả. Khái niệm hiệu quả ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn trải rộng ra mọi phạm vi khác, từ luật pháp đến xã hội, văn hóa, chính trị và nhân quyền. Cứ nói mãi đến tự do nhưng đi đâu cũng đối đầu với công an, lúc nào cũng có nguy cơ bị công an còng tay hay đạp vào mặt; cứ nói mãi đến dân chủ, nhưng tranh cử thì hạn chế, bầu cử thì gian lận, bộ máy công quyền đều được giao phó cho những kẻ bất tài nhưng có nhiều “quan hệ”… dần dần người ta sẽ mất hết niềm tin. Chính vì có sự trái ngược giữa tính lý tưởng và tính hiệu quả như vậy, mọi chế độ độc tài đều thiếu hẳn tính ổn định và bền vững. Kiểu tuyên truyền ưu tiên cho ổn định ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam, là một lối ngụy biện đầy nghịch lý, bởi, tự bản chất, đã độc tài thì không thể ổn định, và vì không ổn định, nó cũng không thể bền vững.

Đó chính là tình trạng ở Việt Nam hiện nay.

Lần lượt, nhiều người, ngay cả những kẻ từng cúc cung phục vụ chế độ gần như cả đời, đều nhận ra một điểm: tất cả các khuyết điểm ở Việt Nam đều bắt rễ từ một cái lỗi chính, có người gọi là “lỗi hệ thống”. Lỗi hệ thống tức là lỗi ở cơ chế. Lỗi ở cơ chế chủ yếu là lỗi ở ba khía cạnh: một, phương thức lên cầm quyền (thường, một cách chính đáng, phải gắn liền với các cuộc bầu cử tự do); hai, ở phương thức phân quyền (yêu cầu tối thiểu là tính chất độc lập của tư pháp, và đằng sau nó, lực lượng công an); và ba, phương thức kiểm soát quyền lực (chỉ đáng tin cậy khi, thứ nhất, người kiểm soát độc lập với người bị/được kiểm soát; và thứ hai, từ nhiều nguồn khác nhau. Ở Tây phương, cơ cấu kiểm soát quyền lực thường chằng chịt nhiều tầng và từ nhiều góc độ khác nhau, từ tư pháp đến truyền thông, các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức phi chính phủ và, bàng bạc khắp nơi, dân chúng).

Lâu nay, dường như chính quyền Việt Nam cảm thấy tuyệt vọng trong việc củng cố lòng tin của dân chúng vào cơ chế nên bộ máy tuyên truyền của họ thường hiếm khi đề cập đến cơ chế, vốn gắn liền với chế độ. Họ chỉ sử dụng biện pháp tiêu cực là cấm đoán việc phê phán cơ chế hoặc lâu lâu vẽ vời vài chuyện nhăng nhít (trong đó, mới nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo) để mị dân hoặc lừa dân với ảo tưởng là cơ chế ấy đang trong tiến trình tự hoàn thiện. Nhưng cố gắng xây dựng lòng tin dựa trên lời hứa hẹn là nó đang tự thay đổi và hoàn thiện chỉ là một trò chơi nửa vời của những kẻ đang biết là mình thua cuộc. Nó thiếu hẳn tự tin. Và cũng thiếu lòng tin ở cơ chế.

Trước đây, bộ máy đảng và chính quyền tập trung thật nhiều công sức vào việc gây dựng lòng tin vào các nhà lãnh đạo bằng cách thần thánh hóa, hoặc ít nhất, thần tượng hóa một người nào đó, trước là Hồ Chí Minh, sau là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Nhưng với giới lãnh đạo thuộc các thế hệ sau, các nỗ lức ấy bị biến thành tuyệt vọng ngay cả trước khi họ bắt đầu thực hiện. Lý do chính, tôi nghĩ, là do sự phát triển của truyền thông. Với thế hệ lãnh đạo đầu tiên, việc thần thánh hóa tương đối dễ: dưới mắt dân chúng, ông Hồ Chí Minh, chẳng hạn, lâu lâu mới thoáng qua một lần. Toàn bộ hình ảnh của ông là do các cán bộ tuyên truyền hoặc chính ông vẽ ra. Không ai có thể kiểm tra được cả. Giới lãnh đạo gần đây, đi đâu cũng có các ống kính chĩa vào ghi hình và ghi âm, rất dễ bộc lộ những sự hớ hênh trong cả trí tuệ lẫn nhân cách. Huống gì hầu hết các nhà lãnh đạo gần đây đều thuộc loại kém cỏi. Họ khó đủ sức để giữ được lòng tin của quần chúng.

Dĩ nhiên, nói đến lòng tin của dân chúng đối với lãnh đạo Việt Nam, chúng ta khó tìm ra một bằng chứng cụ thể nào để phân tích. Bầu cử thì gian lận; các cuộc điều tra dư luận thì bị cấm đoán, mọi cố gắng tìm kiếm số liệu đều trở thành vô vọng. Nhưng ít nhất cũng có một số người biết chắc chắn là dân chúng không tin giới lãnh đạo: Đó chính là giới lãnh đạo hiện nay. Biết, nên họ sợ và tìm mọi cách để tránh né việc đối đầu với việc bày tỏ cách đánh giá của dân chúng. Họ biết chắc chắn một điều: nếu để dân chúng tự do bộc lộ lòng tin, họ sẽ chỉ đạt được số âm.

Như vậy, ở đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác: Ở Việt Nam, không phải chỉ có việc dân chúng mất lòng tin vào cơ chế, cơ quan công quyền và giới lãnh đạo mà còn có hiện tượng bản thân giới lãnh đạo cũng không tin vào cơ chế và đặc biệt, vào quần chúng. Họ không bao giờ dám để dân chúng phát biểu một cách tự do và trung thực. Họ cũng không dám để dân chúng được tự do lựa chọn. Đây đó, họ giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đa đảng: đa đảng sẽ gây nên hỗn loạn. Tại sao đa đảng, ở các nơi khác không gây nên hỗn loạn mà ở Việt Nam thì có? Họ trả lời: Tại dân trí Việt Nam còn thấp! Nói thế tức là không tin vào trí tuệ, vào phán đoán, và cuối cùng, sự lựa chọn của dân chúng.

Trên diễn đàn quốc tế, giới lãnh đạo Việt Nam nói đến lòng tin, nhưng một trong những bi kịch lớn nhất ở Việt Nam là không ai tin ai cả. Trong quan hệ xã hội, người ta không tin nhau. Trong quan hệ chính trị, dân chúng không tin nhà cầm quyền và nhà cầm quyền, ngược lại, cũng không tin dân chúng. Khi lòng tin bị đánh mất, yếu tố thống trị mọi quan hệ xã hội và chính trị chỉ còn là sự giả dối.

Giả dối thì ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, sự giả dối có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, nó không phải chỉ hiện diện, thậm chí, không phải chỉ phổ biến mà còn thống trị mọi sinh hoạt và mọi loại quan hệ; và thứ hai, chính vì tính chất thống trị ấy, nó trở thành một điều bình thường, không còn làm cho ai xấu hổ cả.

Không có một xã hội nào có thể lành mạnh nếu thiếu sự tin cậy và không có một nền đạo đức nào có thể đứng vững nếu thiếu sự xấu hổ.

Tiếc, Việt Nam thiếu cả hai.

Blogger Phạm Viết Đào bị “bắt khẩn cấp”

Blogger Phạm Viết Đào bị “bắt khẩn cấp”

Blogger Phạm Viết Đào (DR)

Blogger Phạm Viết Đào (DR)

Thanh Phương RFI

Tại Việt Nam, hôm qua 13/06/2013, lại có thêm một blogger bị bắt giữ, đó là nhà văn Phạm Viết Đào. Đây là blogger Việt Nam thứ hai bị bắt giữ trong vòng chưa tới một tháng, trong bối cảnh chính quyền Hà Nội gia tăng trấn áp những người viết bài trên mạng chỉ trích chính phủ.

Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam, hôm qua, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Viết Đào, hiện sống tại Hà Nội. Blogger này bị xem là có hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Thông tấn xã Việt Nam cho biết thêm là trong quá trình thực hiện lệnh khám xét, bắt khẩn cấp, ông Phạm Viết Đào “có thái độ chấp hành”.

Nguyên là một quan chức Bộ Văn hóa và Thông tin, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đảng viên, ông Phạm Việt Đào đã trở thành một trong những nhà bình luận nổi tiếng về tình hình Việt Nam và trang blog của ông thu hút rất nhiều độc giả. Những bài viết của ông thường chỉ trích các lãnh đạo cao cấp của Đảng và chính phủ, cũng như đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp lãnh hải Biển Đông.

Trang mạng nguyentandung.org ngay từ hôm qua đã có bài giải thích các lý do bắt giữ blogger Phạm Viết Đào, trong đó có việc ông bị xem là đã “ nói sai sự thật nhằm gây bất ổn chính trị, hoang mang, làm mất niềm tin của nhân dân vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước (chửi bới Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nay là Trưởng ban Nội chính Trung Ương), chửi bới chế độ, đòi đa nguyên đa đảng.”

Kể từ tối hôm qua, trang blog của ông Phạm Viết Đào không thể được truy cập nữa. Vụ bắt giữ ông Phạm Viết Đào xảy ra tiếp theo sau vụ bắt giữ một blogger nổi tiếng khác của Trương Duy Nhất, chủ trang blog “Một góc nhìn khác”, ngày 26/05, cũng với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Theo nhận định của hãng tin AP, vụ bắt giữ nhà văn Phạm Viết Đào cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lo ngại trước nguy cơ từ các hoạt động thông tin trên mạng. Cho tới gần đây, đảng vẫn nắm độc quyền thông tin, nhưng nay vô số trang blog và Facebook chuyển tải rất nhiều thông tin về các đấu đá nội bộ, các thất bại về chính sách đến hàng triệu người, khiến dân chúng thêm bất mãn với sự cầm quyền của đảng.

Trả lời hãng tin AP, tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng vụ bắt giữ ông Phạm Viết Đào nhằm buộc mọi người phải “câm miệng lại” và vụ này cho thấy chính quyền đang “suy yếu”.

Theo thống kê của AP, cho đến hiện giờ trong năm nay đã có 38 blogger và nhà hoạt động dân chủ bị bắt ở Việt Nam, gần bằng với số người bị bắt của cả năm 2012

Việt-Mỹ hợp tác hỗ trợ nhân đạo

Việt-Mỹ hợp tác hỗ trợ nhân đạo

  • Một bệnh nhân được đo mắt ở thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình trong Chương trình Operation Pacific Angel 2013. (U.S. Air Force photo by Staff Sgt. Sara Csurilla)

Một bệnh nhân được đo mắt ở thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình trong Chương trình Operation Pacific Angel 2013. (U.S. Air Force photo by Staff Sgt. Sara Csurilla)

13.06.2013

VOA

Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu tiến hành một hoạt động nhân đạo vào ngày 10 tháng 6 trong khuôn khổ chương trình gọi là Operation Pacific Angel.

Chương trình này đang bước vào năm thứ 6 và là hoạt động nhân đạo chung giữa hai nước, do Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương dẫn đầu.

Trung tá Tom Laitinen, chỉ huy hoạt động hỗ trợ năm nay, cho biết họ đã cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và giúp xây cất.

Ông nói những hoạt động này hướng đến việc xây dựng một mối quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp hơn, vừa giữa quân đội với quân đội, và quân đội với thường dân, phòng khi xảy ra những thảm họa thiên nhiên hay khủng hoảng an ninh.

Các chuyên gia y tế trong của chương trình này đã dựng một trạm y tế tạm thời để khám răng, khám mắt, khám sức khỏe phụ nữ, làm vật lý trị liệu và cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho ít nhất 2.500 bệnh nhân.

Ráng Chiều Đẹp Hơn Nắng Bình Minh!

Ráng Chiều Đẹp Hơn Nắng Bình Minh!

Thứ sáu đầu tháng sáu là lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục. Tháng Sáu cũng có “Ngày của Cha”. Nhận lời uỷ thác của người linh mục lãng tử, tôi đến thăm một nơi như nắng đang dần tắt, những người cha già ở đó khi đời xế bóng trong âm thầm mà rất bình an. Niềm bình an chỉ có được khi họ tin tưởng phó thác vào lòng thương xót của Chúa, chứ không phải vào những ảo ảnh phù phiếm thế gian…

Như nắng đang dần tắt….

Chỉ cách thế thôi, một hàng rào, mà thế giới hình như đã chia hai. Kể từ khi đặt chân vào và chạm hai gốc sứ với nhiều hoa trắng đang tỏa hương, tôi lạc vào một thế giới khác. Thế giới của những người như nắng đang dần tắt.

Tĩnh lặng. Tĩnh lặng tưởng như không người. Cái yên tĩnh khiến chính bản thân khách lạ cũng không dám bước bình thường, phải rón rén nhẹ nhàng, kẻo làm vỡ mất một bầu khí rất mỏng manh, rất bình lặng.

Có một căn phòng cửa mở, có lẽ cả tòa nhà ba tầng cổ xưa này duy nhất có một phòng này mở cửa, khiêm nhu phía trên gắn hai chữ xanh cũng quá cũ theo thời gian : Văn Phòng.

Không có người chăng ? À ! Một sơ đang lúi húi làm một việc gì đó. Màu áo xám động đậy theo cử động đôi tay. Hóa ra khi làm cái việc tỷ mỉ ấy, người nữ tu đã bỏ lại sau lưng mình cả một cuộc đời. Mới đó mà cũng đã mấy chục năm với màu áo xám này. Sơ đã quên đi đời thiếu nữ để trở thành một người mẹ vô cùng đặc biệt.

Khi phát hiện ra khách,mỉm cười nhẹ nhàng : “Con ngồi chờ chút nhé ! Để sơ đóng nốt chỗ sữa chua này cho xong. Phải làm luôn chứ thứ thực phẩm này ngưng lại bỏ ngang là hỏng ăn luôn con ạ !”

Chút kiên nhẫn của tôi có đáng là bao so với sự kiên nhn của đôi vai gy tưởng như rất nhỏ nhắn của sơ. Người nữ tu ấy đã gắn bó với mái ấm này cùng với hai cộng sự để chăm sóc những người “đặc biệt”. Những người làm “cha”, có “con”, mà vĩnh viễn không bao giờ lập gia đình !

– Đấy con à ! Cha T. mới mất, còn cha H. thì vừa nhập viện. Sơ vừa giặt xong áo cho ngài. Coi nè, sạch không ? Để chiều còn đem vào viện.

Mặt bàn khách, dưới tấm kiếng dày, có nhiều ảnh các linh mục rạng rỡ cười, là các cha hưu dưỡng tại đây. Các ngài đã ra đi bình an hoan hỉ trong Chúa.

Hiện giờ ở đây chỉ còn 12 cha già thôi con ạ ! Cha lớn tuổi nhất là cha V. Thiếu một năm nữa là đầy trăm tuổi rồi đó ! Ờ… Con nhận xét rất đúng. Ở đây tĩnh lặng quá đúng không ? Thì già cả rồi mà ! Có cha giờ luôn trong phòng, chẳng còn bước xuống cầu thang được nữa, nói chi ngó ra đời sống ngoài kia. Chúa sắp đặt rồi con. Ừ, đợi sơ, sơ sẽ dắt con đi thăm từng cha. Chắc các ngài mừng lắm đấy !

·       Như hoa rã cánh rơi không tiếng-chẳng hái mà hoa cũng hết dần

Tôi muốn mượn hai câu thơ của Xuân Diệu để viết tiếp về nơi này, “Như hoa rã cánh rơi không tiếng – chẳng hái mà hoa cũng hết dần.” Theo chân người nữ tu, tôi lần lượt vô thăm một số cha già. Gõ cửa cho đúng phép tắc vậy thôi, khi nghe tiếng mời vào là khách chủ động đẩy ca vônhiều cha rất yếu, chỉ mấy bước chân từ ghế ra cửa cũng đã là rất khó.

Cha già đầu tiên tôi gặp, đầu cạo trọc, móm mém rất dễ thương. Cha mặc sẵn áo chùng đen. “Để lỡ có ai vào mình phải chỉnh tề, không làm xấu danh Chúa!” Cha cho biết thế. Rồi cha tự xoa cái đầu láng o, cười móm mém : “Ở nhà Chúa mà làm một sư cụ xem sao. Nói đùa con đó. Cha mới đi bệnh viện về. Người ta cạo đầu truyền nước biển và tiện chăm sóc cho đỡ cực vậy mà !”

Tôi xúc động chẳng biết nói gì, khi chính người mục tử 96 tuổi đời ấy nhắc tôi : “Con ráng đi thăm từng cha nha ! Ông này thì điếc. Ông kia thì mắt mờ rồi nè. Còn cụ kia thì không nói được nữa, cấm khẩu rồi. Chắc vài hôm nữa Chúa đón về thôi con ạ…

Khi tôi nói người linh mục dòng không về nơi này được, có ý ủy thác tôi tới thăm các cha già, thì cha rưng rưng lệ và nói : “Ừ, trước đây ông đó ghé cha hoài. Cha biết ông đó vẫn được người ta gọi là linh mục lãng tử, thế thì nhắc ổng phải ráng ra đi. Đức Giêsu cũng là lãng tử vì Người phiêu bạt khắp chốn, không có nơi tựa đầu. Lãng tử là người sống “an nhiên tự tại”, không bám trụ vào cái gì, không bám vào chức tước địa vị, vào quyền lực thế gian, cũng không bám vào ai cả ngoại trừ Thiên Chúa. Cả chúng con cũng phải ra đi. Phải để tình Chúa xót thương đến với nhiều người, nhất là người nghèo khổ. Muốn cách nào thì cách !”

Có những căn phòng cửa đóng, sơ cho biết cha mệt, đang ngủ rồi. Chúng tôi lặng lẽ đi qua. Người già giấc ngủ hiếm hoi, để các ngài chợp mắt

Tôi vô phòng thăm cha V. là người lớn tuổi nhất trong nhà hưu dưỡng này. Cha không thể nằm được mà ngồi trên một ghế được chế tạo như một cái giường. Nửa nằm nửa ngồi thế mới duy trì được hơi thở mong manh như sương khói.

Tôi run run nắm tay cha già. Bàn tay gần như đã khô, làn da chẳng khác nào loại giấy gió mà người ta vẽ tranh đông hồ, mỏng đục và trong suốt, nhìn rõ từng tĩnh mạch. Cha nằm đó bất động, không thể nói được gì nữa, chỉ nằm thế thôi. Cha sống đời thực vật, để duy trì sự sống cho cha, các sơ phải cạy miệng nhỏ từng giọt sữa.

Tôi khóc. Vâng, tôi đã khóc. Để những giọt lệ lăn trên gò má, tôi cố ngăn tiếng nấc nghẹn ngào. Chẳng phải trước mặt tôi là những con người đã từng “một thời vang bóng” đó sao ? Có những cha đã xây bao nhiêu nhà thờ, trường học, coi sóc bao nhiêu giáo xứ, nhà trường, bệnh viện, trung tâm. Có những cha đã từng đi du học nhiều nước, từng đọc thiên kinh vạn quyển, viết bao nhiêu sách, dạy bao nhiêu học trò. Có những cha bước chân truyền giáo đã đi khắp vùng đất nước, lặn lội hang cùng ngõ hẻm, đưa bao nhiêu người vào Đạo, thực hiện biết bao chương trình bác ái xã hội. Học trò của các cha bây giờ có người làm giám mục, bề trên, giám đốc, cha sở… Giáo dân của các ngài bây giờ nhiều người thành danh, con đàn cháu đống, nhà cao cửa rộng, nắm chức vụ cao cấp trong nước cũng như tản mạn ở nhiều nước trên thế giới. Bây giờ có mấy người còn nhớ đến người thầy, người cha của mình năm xưa ? Bao tinh hoa học vấn cùng sức khỏe các cha đã vắt hết, vắt cạn, đã dâng trọn để làm vinh danh Chúa. Những người mục tử đã sống hết mình vì đoàn chiên, hết lòng với giáo hội, giờ biết mình tuổi già sức yếu lặng lẽ rút vào bóng tối để cho lớp đàn em tiến lên. Những ngọn đèn dầu leo lắt ấy vẫn tiếp tục đóng góp cho giáo hội bằng lời cầu nguyện âm thầm, bằng những hy sinh chịu đựng đau ốm bệnh tật và nỗi cô đơn quạnh hiu…

Muốn tôi vơi bớt nỗi xúc động trào dâng, sơ đưa tôi tới một phòng khá đặc biệt. Phòng toàn sách là sách, lọt thỏm trong nhà sách tựa như cái kho đó là một cụ già đôi mắt tinh anh. Cụ có thói quen rất lạ lùng : 89 tuổi nhưng có thể đứng trò chuyện với khách cả tiếng đồng hồ. Ngay cả khi tôi lấy ghế mời cha ngồi, cha vẫn không chịu mà đứng thế như một cách rèn bản thân. Cha đã 89 tuổi.

Cha già nói với tôi : “Con ạ ! Uống nước phải nhớ nguồn. Không có cha mẹ là không có mình. Các con phải nhớ điều đó !”

Cha cập rập lấy ra bức ảnh phụ mẫu của ngài tặng cho tôi và tiếp lời : “Nghe cha dặn nè. Đi đâu thì đi. Làm gì thì làm. Vào nhà thờ là giản dị, dùng tiếng mẹ đẻ của mình. Cha vẫn nhắc các linh mục trẻ rằng giảng dạy bớt pha tạp tiếng Tây. Nếu trích dẫn bằng tiếng nước ngoài là phải chú giải ngay cho bà con người ta hiểu. Giảng gì thì phải đơn giản thực tế dễ hiểu. , mà cha quên… Con là giáo dân, đâu có phải là linh mục chớ !”

Rồi cha đọc cho tôi một câu thơ cổ, chắc là thơ từ thuở người ta còn học tam tự kinh :

“Trai thì chữ hiếu làm đầu,

Gái thì đức hạnh làm câu sửa mình.”

Bỗng như là khói sương, cha dặn tôi : “Con ghé hết các cha chưa ? Nhớ ghé cha Xuyên. Ngài không được khỏe.”

Tôi cắn chặt môi, nén tiếng khóc nức nở : “Cha ơi! Cha Xuyên mới qua đời rồi ! Hóa ra con người tinh thông, tài giỏi trước mặt tôi dù có thể đứng cả tiếng đồng hồ không mỏi lại không thể đi lại bình thường, không thể xuống ba tầng cầu thang bộ, và trí nhớ đã lẫn khi quên mất người bạn mới qua đời. Thế giới của cha là kho sách nhuốm bụi này với bao tinh hoa trí tuệ. Cha rất vui khi ai đó tới chơi để cha có dịp trò chuyện.

Khi tôi chuẩn bị ra về, sau khi đã gửi lại đầy đủ các phần quà do người linh mục lãng tử ủy thác đến từng người trong tòa nhà cổ kính này, thì có một anh giáo dân ghé thăm.

Sơ mừng rỡ : “Ồ may quá! Sơ đang đợi anh đây. Chịu khó vào giúp sơ một tay, chứ mình sơ loay hoay không làm được !”

Thì ra có những món đồ bị hỏng : vài cái bàn long chân, những vòi nước cũ kỹ hoen rỉ đã hư mục, mấy bóng đèn chập chờn, ổ khoá bị hóc, cây quạt bị hỏng…

Vâng, nơi này không chỉ là nỗi cô đơn của người già. Nơi này còn là khó khăn của những người phục vụ phải loay hoay nuôi các cha già, mà tuổi tác bệnh tật giờ giống như trẻ thơ, rất và rất cần được nâng niu chăm sóc kỹ lưỡng.

Thầm lặng trước đài Đức Mẹ, tôi ao ước. Một ao ước rất giản dị là có nhiều giáo dân và các mục tử tới nơi này như con cháu về nhà thăm viếng chính cha mẹ mình, để những nơi cô tịnh này được rộn ràng bước chân, tíu tít lời thăm hỏi và rộn rã nụ cười. Đó là cách tri ân những hạt lúa đang chấp nhận mục nát dần đi để cánh đồng truyền giáo trổ sinh nhiều hoa trái. Sự mục nát ấy thật có giá trị và rất đáng nâng niu.

Cảm ơn ông, người linh mục lãng tử, cảm ơn một tấm lòng lặng lẽ sẻ chia. Rời nhà hưu dưỡng, khi nắng chiều đang dần tắt, vài cánh hoa sứ rơi rụng trên vai, vẳng nghe tiếng kinh từ trong ngôi nhà nguyện, thấy những bóng hình già yếu, run run tay chắp, mắt nhắm nguyện cầu, tôi chợt thấy “đôi khi ráng chiều đẹp hơn nắng bình minh…”

THU HƯƠNG

Từ bỏ… để gặp gỡ , Hay gặp gỡ… rồi từ bỏ???

Từ bỏ… để gặp gỡ

Hay gặp gỡ… rồi từ bỏ???

Lung Linh

Tôi là một cô gái điếm nổi tiếng trong vùng với nhan sắc trời cho duyên dáng mặn mà.

Khách hàng của tôi khá đa dạng trong đó có cả những ngài biệt phái đạo mạo, nhà luật sĩ nghiêm trang, thậm chí một vài tư tế có vẻ cao siêu thánh thiện nữa đấy…

Ban ngày, họ lên mặt đạo đức xa lánh, khinh rẻ những người hè hạ như tôi…Nhưng ban đêm, với bóng tối đồng lõa, họ tìm tới tôi như con hổ đói mồi… ngấu nghiến ăn một món fast food cho thỏa ‘con lợn lòng’…rồi mau chóng lẻn đi vào ngõ hẻm tối hù… nơm nớp lo sợ bị người khác bắt gặp…

Thỉnh thoảng, lúc nửa đêm về sáng, tôi trằn trọc.. không tài nào ngủ được. Những câu hỏi liên tục tra tấn tâm trí tôi:

–  Tại sao cũng là con người mà tôi lại phải mang thân phận nhơ nhớp như thế này?

–  Tại sao cũng là con người mà tôi lại bị coi như một món đồ chơi cho những kẻ thừa tiền rửng mỡ??

–  Tại sao cũng là con người mà tôi không thể ngẩng mặt lên với đời. mọi người khinh bỉ tôi, tìm cách xa lánh tôi???

Và tôi không thể nào tìm ra câu giải đáp cho cuộc đời khốn khổ của mình.

Bất ngờ một hôm, tôi nghe người ta kháo láo với nhau về một chàng Giêsu nào đó. Kẻ khen, người chê…khiến cho tôi càng thêm tò mò. Tôi ăn mặc thật kín đáo, trộn lẫn vào đám đông để tìm hiểu xem chàng Giêsu này thế nào.

Quả thực, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chàng rất khác người.

Những lời chàng nói thực mãnh liệt và tràn đầy tình thương:

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.
Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Thực thế sao??? bấy lâu nay tôi cứ tưởng đã làm thân gái điếm bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.. thì chỉ có một con đường duy nhất đó là ngưỡng cữa hỏa ngục đang mở rộng để một ngày nào đó lũ quỷ dữ hè nhau lôi tôi vào đó.

Nay lại nghe chàng nói như thế lòng tôi bừng lên một niềm hy vọng sáng ngời.

Cụ thể hơn, một hôm tôi nghe chàng tuyên bố:

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.
Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

Tôi có cảm tưởng không phải chàng nói cho các môn đệ của chàng…mà dường như chàng nói với chính tôi đây. Chàng đang kêu gọi tôi sám hối ăn năn.

Khi chữa bệnh cho người bị bệnh phong, chàng giơ tay đụng vào anh ta và bảo:

“Tôi muốn, anh sạch đi.”

Thế là tôi bắt đầu xây mộng… hy vọng một ngày nào đó chàng cũng chạm vào tôi và nói: Tôi muốn, cô sạch đi.”

Mới tuần trước đây, tôi âm thầm theo chàng và chứng kiến một cảnh tượng đầy cảm động trong đám con con trai bà góa thành Naim. Chàng lại gần, sờ vào quan tài và nói:

Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !

Lại một lần nữa ước mộng của tôi rực sáng hơn.

Đúng rồi. tôi cũng phải chỗi dậy thôi.

Và thời cơ đã đến. tôi nghe nói chàng sẽ dự tiệc tại nhà ông Simon, một người Pha ri sêu. Thế là tôi chuẩn bị một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.

Thấy tôi vừa bước vào, nhà mấy tay Pharisêu tính ra chận lại..không ngờ trong đó có hai ‘khách hàng’ của tôi, tôi khẽ kín đáo liếc mắt. Họ dội lại, nhường lối cho tôi bước vào.

Thấy chàng, nước mắt tôi trào ra…người ta cứ tướng đó là những giọt lệ ăn năn. Không phải vậy.. mà đó là niềm vui gặp gỡ người mà tôi âm thầm quý mến từ lâu.

Rồi tôi lấy dầu thơm mà đổ lên chân chàng.

Tay Giuđa, một môn đệ của Thầy, có vẻ tiếc cho bình bạch ngọc dầu thơm. Nhưng tôi, lúc đó được ở bên Thầy, tôi sung sướng quá, chẳng còn thiết bất cứ sự gì nữa.

Tuy Phúc âm không không nói rõ, nhưng từ đó tôi bỏ hẳn nghề ăn sương tệ hại này và quyết tâm âm thầm làm môn đệ Thầy….

Những lời Thầy nói quả thực là khó hiểu… thậm chí khó có thể chấp nhận nổi.

–  Có ngươi báo tin rằng có Mẹ thầy và anh em thầy ở ngoài kia. Thầy liền chỉ ngay những người ngồi chung quanh

Ai là mẹ tôi ai là anh em tôi?

Trời!!! nghe có vẻ bất hiếu thế không biết?

–  Khi nói về Áp-ra-ham, Thầy dám tuyên bố:

“Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham,

thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”

Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ

Xin lỗi… không biết Thầy có Nổ quá không?? Bị ném đá cũng phải thôi!!!

–  Kinh khủng hơn nữa thầy dám sánh mình ngang bằng Thiên Chúa

“Tôi và Chúa Cha là một.”
Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.

Bị ném đá cũng phải thôi!!!

Bởi vì ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.

Nhưng trước khi chịu khổ hình, Thầy đã để lại cho các môn đệ những lời thật tuyệt vời, êm ái và ngọt ngào…

Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con,

Sau khi Thầy về trời, tôi thường lui vào góc vườn khuất kín để vừa nhớ Thầy vừa nghiền ngẫm những lời cuối cùng cực kỳ thân thương này.

Thật kỳ diệu thay!!! sau nhiều năm tháng, tôi dần dần nhận ra rằng:  quả thực mình đang ở lại trong tình thương của Thầy. Tôi ở trong Thầy và Thầy ở trong tôi.

Thì ra… nhờ được gặp gỡ Thầy rồi…tôi mới từ bỏ.

Trước hết là từ bỏ nghề ăn sương..

Rồi từ bỏ những tư tưởng tiêu cực: tự ti mặc cảm tội lỗi, hỏa ngục, hình phạt,

Bắt đầu đón nhận tư tưởng tích cực: tập vui sống với Chúa trong lòng mình….

Vào cửa quan

Vào cửa quan

Nguyễn Tường Thuy

Lần đầu tiên làm cái việc đi đút lót mà trên sách báo, văn bản người ta hay gọi là hối lộ, đối với hắn quả là khó khăn. Việc này trước đây hắn thường đùn đẩy cho vợ.

Nhưng hôm qua, vợ hắn bảo:

– Tới đây cái Ly đẻ, em sẽ đi Sài Gòn một thời gian trông con cho vợ chồng nó. Anh phải thay em làm tất cả nên tập lo dần là vừa. Ngày kia, anh đi nộp đơn, em đã chuẩn bị tiền nong đầy đủ.

Hắn ngạc nhiên:

– Đi nộp đơn, lít xăng, chén nước cùng lắm là vài cốc bia, có gì mà phải chuẩn bị.

– Giời ạ. Anh như người trên mây ấy. Bây giờ đi làm cái gì cũng phải có tiền, không thì đừng nghĩ đến chuyện được việc gì.

Hắn vẫn chưa thông:

– Nhà thằng Manh chiếm đất nhà mình, phạm pháp rõ ràng mà kiện nó vẫn phải mất tiền là sao. Tưởng nó muốn giảm tội thì mới phải đút lót chứ?

– Anh chẳng hiểu gì cả. Thằng bị kiện phải đút, thằng đi kiện cũng phải đút, đứa nào đút nhiều hơn thì mới mong thắng. Đúng sai là ở họ chứ đâu phải ở pháp luật. Người ta coi luật pháp là cái gì đâu.

Hắn tìm cách thoái thác:

– Anh không đi đâu, ngượng lắm. Người ta làm việc đã được trả lương. Mình làm thế, chẳng hóa ra coi thường người ta, xúc phạm đến nhân phẩm của họ, coi uy tín, danh dự cán bộ nhà nước chỉ bằng mấy triệu đồng sao?

Vợ hắn cáu:

– Chúng nó làm quái gì có nhân phẩm mà xúc phạm. Anh mà biết ngượng thì đừng sống ở cái xã hội này nữa.

Độ này vợ hắn ăn nói bừa bãi quá, mở miệng ra là nói đến tiêu cực xã hội. Hắn đi học, người ta dạy hắn rằng đó là tàn dư của chủ nghĩa tư bản. Thế mới phải trải qua thời kỳ quá độ. Vợ hắn suốt ngày lo chạy chợ rồi chúi đầu vào việc hầu hạ chồng con, làm sao hiểu được những điều sâu xa ấy.

Từ trước đến nay, bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra làm thiệt hại cho nhà hắn mà toàn do người khác gây nên cả. Vợ chồng hắn gửi đơn từ đi khắp nơi nhưng cuối cùng không cơ quan nào giải quyết. Hỏi riết thì họ trả lời rằng nội dung đơn kiện của nhà hắn “không có cơ sở” hoặc là chuyển đơn về chính cái cơ quan bị nhà hắn kiện để trả lời hắn. Những ai thạo đời thì bảo nhà hắn thua bên kia vì tiền.

Lần này, nhà hắn bị hàng xóm phá tường chiếm mất chục mét vuông đất. Vợ chồng hắn lại phải làm đơn kiện. Chẳng lẽ cứ để cho đứa nào muốn làm gì nhà hắn thì làm.

Hôm đi nộp đơn, vợ hắn dặn dò thật kỹ, còn lường trước tất cả những tình huống có thể xảy ra. Cô làm sẵn cho hắn mấy cái phong bao mỏng để xử lý ở các cửa.

Hắn tới cổng cơ quan, thấy mở liền dắt xe vào. Một tiếng gọi giật giọng:

– Anh kia! đi đâu?

Hắn giật mình đánh thót:

– Dạ! em vào nộp đơn …

– Đơn gì?

Nhớ đến lời vợ dặn, hắn vội móc ra chiếc phong bì nhét vào túi anh gác cổng. Anh ta chẳng cần đọc xem đơn gì, trả hắn rồi chỉ cho cho hắn lối vào nơi cần nộp đơn tên người cần gặp một cách cặn kẽ.

Hắn nhận chiếc vé gửi xe làm bằng vỏ bao thuốc lá vinataba, rụt tè hỏi:

– Thế để xe ở đâu anh.

Tay gác cổng nhìn cái dáng vẻ ngờ nghệch của hắn, thương hại:

– Anh mới đến lần đầu à. Cứ đi vào, để ở đâu cũng được.

Thế thì tiện, chứ cơ quan rộng mênh mông thế này, đi bộ có mà chết. Xung quanh lại có tường bao, thật an toàn. Cổng thì đã có bảo vệ kiêm thu tiền. Hắn thấy nhiều người ra vào nhưng không lấy vé, chắc là người trong cơ quan. Hắn nghĩ: vậy là cái vé của hắn là vé vào cổng chứ đâu phải là vé gửi xe. Hắn có tự trông được thì người ta vẫn bắt lấy vé cơ mà. Chẳng lẽ cả cơ quan này là một bãi giữ xe. Nhưng thôi, đấy là việc của họ, mấy nghìn đồng tiền vé chưa ảnh hưởng gì đến bát cơm nhà hắn. Hắn đang lo một việc quan trọng hơn nhiều cơ.

Hắn dựng xe trước phòng tiếp dân rồi ngồi chờ. Lúc này có sáu người ngồi ở hàng ghế kê ngoài hành lang. Cửa phòng tiếp dân bịt bằng kính trong suốt nhưng bên trong lại được che bằng rèm màu xanh lơ dìu dịu, cứ mấy phút lại hé cho một người ra để người tiếp theo vào. Kể cũng nhanh. Chừng 30 phút sau thì đến lượt hắn.

Lúc này thì hắn đã có chút kinh nghiệm. Tránh bị quát phủ đầu, hắn kẹp luôn cái phong bì vào tờ đơn. Cán bộ tiếp dân nhìn đơn đọc tên, địa chỉ của hắn rồi ghi vào giấy biên nhận. Không thấy anh ta hỏi giấy tờ tùy thân. “Chắc cái phong bì đã thay cho chứng minh thư” – tự nhiên hắn có ý nghĩ đen tối thế.

Hắn thăm dò:

– Đơn của em giải quyết có nhanh không ạ?

– Cái đó còn tùy, có thể nhanh, có thể chậm.

Hắn hiểu ý, đặt lên một chiếc phong bì nữa.

Anh ta ra chiều suy nghĩ một lúc:

– Thôi được, đơn của anh tôi sẽ trình ngay. Chắc chỉ trong vòng dăm ngày anh sẽ nhận được giấy mời.

***

Bốn ngày hôm sau thì hắn nhận được giấy mời đến phòng số 21 tầng 2 nhà D3 gặp ông Lưu để giải quyết. Trước khi đi, vợ hắn nhét 300 đô la vào phong bì đưa cho hắn.

Tới nơi, hắn lại bị hỏi y như lần trước. Hắn ranh mãnh:

– Sếp gọi em đến để giải quyết cái đơn hôm trước mà. Chắc anh quên em rồi.

Tay gác cổng nhớ ra, giúi vào tay hắn chiếc vé gửi xe rồi cho hắn vào.

Đến chân cầu thang, hắn gặp thằng Manh, cái thằng đã cướp đất của hắn sáu hôm trước đi xuống. Không biết nó đi đâu. Chẳng lẽ nó cũng đi kiện hắn, vừa ăn cướp, vừa la làng chăng. Nó nhìn hắn, vẻ mặt vênh váo đầy thách thức. Tất nhiên chẳng đứa nào hỏi đứa nào.

Hắn tới cửa phòng làm việc có gắn số 21, gõ nhẹ hai tiếng rồi đứng chờ.

Một tiếng nói lạnh lùng và đanh gọn:

– Mời vào.

Hắn run run đẩy cửa vào:

– Dạ, chào anh … báo cáo anh, em …

Rồi khúm núm đưa giấy mời ra, lập bập trình bày nội dung sự việc.

Ông cán bộ tên Lưu hỏi:

– Đất nhà anh có sổ đỏ chưa?

– Dạ chưa, nhưng là đất ở lâu năm. Chúng em vẫn đóng thuế nhà đất hàng năm đầy đủ …

Ông ta phẩy tay ra hiệu cho hắn ngừng nói:

– Vấn đề là ở chỗ ấy. Anh chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nghĩa là nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất cho anh. Thằng kia nó chiếm đất của anh, ai cũng biết. Nhưng về mặt pháp luật, bảo là đất của nhà anh thì không có cơ sở.

-“Lại không có cơ sở” , hắn chán nản nghĩ. Vậy là mình dại rồi. Đúng ra hôm ấy, hắn phải đánh nhau với nhà thằng Manh không cho nó chiếm đất. Nó có kiện nhà hắn đánh nhà nó thì dựa trên cơ sở nào. Ai quay phim, chụp ảnh để làm bằng chứng.

Ấy là lúc điên điên lên thì hắn nghĩ thế thôi chứ làm sao mà hắn dám đi đánh nhau với người khác vì hắn là con người được giáo dục tử tế. Và chính cái sự tử tế ấy đã hại hắn, làm hắn khốn khổ bao nhiêu rồi.

Ông Lưu mở luôn phong bì ra. Đếm xong, ông ta đặt xuống bàn rồi lấy trong ngăn bàn một cái phong bì khác, rút ra xòe cho hắn xem sáu tờ bạc mệnh giá 100 đô là Mỹ:

– Của thằng kia đấy. Nó sai nhưng cái lý của nó (ông vỗ ba đầu ngón tay vào cái phong bì của thằng kia) gấp đôi lý của anh (vỗ vào phong bì của hắn). Cái chỗ đất ấy anh bảo của anh nhưng nó cũng cãi là của nó. Thế thì tốt nhất là nên hòa giải, hai bên chia đôi. Nếu anh đồng ý thì tôi cho gọi cả hai bên đến. Vậy là mỗi bên được một nửa mà tiền nó lại mất nhiều hơn anh, thế là coi như anh thắng nó. Được cái thuận cho các anh là hai bên đều biết “giá thị trường”. Nếu phải quay về lấy thêm thì mất một lần đi lại nữa. Còn nếu anh không nghe, đi kiện đâu thì đơn cũng về đây thôi. Tôi thấy anh có vẻ thật thà nên tôi cũng nói thật.

Trước khi hắn về, ông ta còn cẩn thận sờ hai túi quần của hắn xem có máy ghi âm, máy ảnh gì không rồi đẩy hắn ra, đóng sập cửa lại.

Hắn khoe với vợ:

– Thắng rồi em ạ. Mà nó lại phải mất nhiều tiền hơn mình. Tưởng thế nào chứ đút lót cũng dễ. Hết bao nhiêu, người ta nói thẳng, may mà hôm nay vừa đủ. Nếu thừa chắc họ trả lại. Đỡ phải băn khoăn. Thế mà em cứ dạy anh mãi.

Vợ hắn toe toét:

– Em đã bảo mà. Cái gì cũng có giá của nó. Giá cả rõ ràng như vậy lại hóa hay. Những lần trước mình thua chỉ tại vì không biết giá. Hóa ra cơ chế bây giờ cũng thoáng thật. Nói toạc, không úp mở.

Rồi cô bắt hắn kể tỉ mỉ diễn biến đưa đến cái chiến thắng hôm nay như thế nào. Nghe hắn kể xong, cô rít lên:

– Giời ơi! thế mà bảo thắng là sao?

Hắn nhớ đến lời phân tích của ông Lưu, liền giải thích lại cho vợ:

– Thì nó được năm mét vuông, mình cũng được năm mét vuông. Mà tiền nó lại mất gấp đôi mình, chả thắng là gì.

– Nó bịp anh rồi. Sao đầu óc anh tối tăm thế. Cả mười mét vuông ấy là đất của mình. Mình sử dụng ổn định từ trước khi có Luật đất đai. Nó chỉ mất sáu trăm đô mà được năm “mét”. Còn mình mất không năm “mét” cho nó lại còn tiền phong bao mấy hôm nay nữa. Vậy thắng ở đâu?

Ừ nhỉ. Tại lúc ấy hắn sợ quá nên không nghĩ ra. Hắn tức lắm. Chợt nhớ tới lời ông Lưu nói, hắn thách lại vợ:

– Nếu em không nghe thì cứ việc kiện đâu thì kiện. Cuối cùng đơn cũng về tay ông ta thôi.

Sự thật cay đắng đó không phải là vợ hắn không biết vì chính nhà hắn đã từng nhiều lần gặp phải cũng như biết bao dân oan khác. Nhưng việc hắn nhắc lại lời ông Lưu đã làm cho cô nhụt chí.

Vợ chồng hắn ngao ngán nhìn mảnh đất nhà hắn ngày càng bé đi. Liệu rồi hắn có giữ nổi phần đất còn lại không? Ai là người bênh vực hắn?

Hắn chợt nghĩ: ”hay là bán nhà đi chỗ khác ở” . Nhưng hắn vội gạt ngay: đi đâu bây giờ? Tài cán của hắn chỉ cho phép hắn loanh quanh trong biên giới này thôi. Thôi thì đành cố chịu, chờ cho qua cái thời kỳ gọi là quá độ.

Nhưng chờ đến bao giờ?

Đằng Sau Những Lần Về Thăm Quê Hương

Đằng Sau Những Lần Về Thăm Quê Hương

(06/11/2013)

nguồn: Vietbao.com

Tác giả : Trần Mỹ Duyệt

Trần Mỹ Duyệt
(Theo lời kể và phần hiệu đính pháp lý của Pt. Nguyễn Mạnh San.)

Những lần về Việt Nam có nhiều chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện buồn đầu tiên là gặp rắc rối với hải quan tại phi trường. Tuy nhiên chuyện buồn này cũng có thể dễ dàng giải quyết khi biết được thủ tục “đầu tiên” là tiền đâu. Tâm lý chung sau nhiều giờ mệt mỏi trên phi cơ, ai cũng mong có chút thời gian thư dãn, gặp lại người thân đang chờ ngoài kia. Rầy rà với mấy anh chị hải quan chỉ thêm bực mình, nên thôi đành chịu mất năm ba đồng cho xong chuyện. Nhưng cũng có những chuyện buồn mà tiền bạc không giải quyết được. Không những thế hậu quả của nó còn có thể kéo theo đổ vỡ của cả một gia đình.

Câu chuyện tưởng như mơ nhưng lại là câu chuyện có thật đã xảy ra cho một người sau chuyến về thăm quê hương. Câu chuyện tưởng như rất tầm thường nhưng kết luận lại hết sức quan trọng. Nó quan trọng không phải ở chỗ sự việc đã xảy ra rất thực tế, nhưng quan trọng ở chỗ là nếu như nó đã không được giải quyết một cách trưởng thành, hiểu biết, và thông cảm thì hậu quả của nó đã kéo theo hạnh phúc của một gia đình. Câu chuyện đó đã xảy ra nhau sau:

Anh ta là con thứ trong một gia đình có hai anh em trai. Ba của anh qua đời trong trại tù cải tạo khi anh còn rất nhỏ. Năm 1980, anh tìm đường vượt biên và sau 1 tuần thuyền anh lênh đênh trên biển cả, bị hải tặc Thái Lan cướp hai lần, anh đã đến được trại tị nạn Thái Lan. Sống ở trại tị nạn gần một năm, anh đã được định cư tại Hoa Kỳ. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại thêm trí thông minh, bốn năm sau anh đã tốt nghiệp kỹ sư Computer và kiếm được một việc làm cách rất dễ dàng. Thời gian đó những ai có bằng về Computer đều dễ dàng kiếm việc, được trả lương cao và đời sống kinh tế rất ổn định.

Việc đầu tiên sau khi ra trường, kiếm được việc làm anh lo chuẩn bị cho ngày thành hôn của mình. Người yêu của anh Mộng Bình không ai khác chính là người mà anh đã gặp trong thời gian còn ở trại tị nạn, nhưng tình cờ sau này lại học cùng trường với anh tại Hoa Kỳ. Sau đám cưới một năm anh lại hạnh phúc được làm cha. Đứa con đầu lòng của anh là một bé trai rất dễ thương. Thượng Đế như ưu đãi anh, hai năm sau đó vợ anh đã sinh cho anh một bé gái. Có trai và có gái. Chồng làm kỹ sư computer, vợ là y tá. Gia đình anh như vậy được gọi là một gia đình tương đối lý tưởng và hạnh phúc: Vợ chồng đều có công ăn việc làm, tài chánh gia đình ổn định, và với bầu khí yêu thương đầm ấm của một gia đình một vợ, một chồng và hai con nhỏ.

Hạnh phúc gia đình anh tưởng như không ai có thể chen vào và phá vỡ nổi. Con trai đầu của anh đang chuẩn bị ra trường y khoa, còn con gái thì hiện là một sinh viên xuất sắc với hy vọng sau này sẽ trở thành một nha sĩ.

Năm trước đây nhận tin mẹ đau nặng anh đã về Việt Nam lo cho mẹ, đồng thời giúp người anh tu sửa lại ngôi nhà của mẹ anh tại Việt Nam. Phí tốn cho lần trở về và tu sửa nhà cửa trên dưới 30.000$. Vợ anh đã rất rộng rãi, tin tưởng và lo đủ số tiền để anh về. Sau một thời gian ở Việt Nam trở lại Hoa Kỳ, anh rất vui vẻ. Đời sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc, mọi chuyện đều êm đềm xuôi chảy, bỗng nhiên tính tình anh thay đổi một cách lạ thường. Anh hay thở dài, khó ngủ và thường hay bẳn gắt vợ con những chuyện rất vô cớ. Vợ anh gạn hỏi thì anh chống chế và cho là do sức ép của công việc. Những bẳn gắt, cáu giận của anh cứ ngày càng lên cao khiến vợ anh và các con thấy có gì không ổn. Đặc biệt nhất là sau những ngày tháng nóng nảy ấy, anh nhất định đòi về Việt Nam với lý do không rõ ràng. Anh nói mình phải về thăm mẹ già và đôn đốc việc xây cất nhà cửa. Trước thái độ đứng ngồi không yên của anh, và trước sự đòi hỏi của anh, vợ anh không còn lựa chọn nào khác đành lại thu xếp và chuẩn bị tiền bạc để anh về. Vé máy bay đã mua và ngày về Việt Nam đã được ấn định. Nhưng bất chợt một sự kiện không ngờ đã xảy tới.

Như mọi lần, cứ mỗi cuối tuần chị đều giặt quần áo chồng và trước khi bỏ quần áo vào máy giặt, chị có thói quen luôn luôn lục soát lại các túi áo và túi quần, để xem anh có bỏ quên tiền hay giấy tờ gì quan trọng không, vì đã nhiều lần chị đã tìm thấy tiền bạc hoặc giấy thông tư tin tức của sở làm gửi cho anh ở trong túi áo hoặc ở trong túi quần của anh. Nhưng lần này chị thấy có một phong bì thư đã mở sẵn, tên một người con gái lạ, từ Việt Nam gửi đến đích danh tên chồng chị, qua địa chỉ hộp thư riêng tại ty bưu điện, nên chị liền mở ra đọc.  Mắt chị như nhẩy nhót trên những hàng chữ: “Cái bầu đã lớn và em gần ngày sinh rồi sao không thấy anh động tĩnh gì? Nếu anh không về thì gửi tiền về cho em để lo sinh nở và nuôi con chứ. Còn việc anh ly dị với người vợ của anh đến đâu rồi sao anh lặng thinh. Anh đừng nghĩ đến chuyện “quất ngựa truy phong” chơi cho qua đường nha. Anh không nghĩ đến em thì cũng phải nghĩ đến giọt máu của anh chứ. Đừng đùa giỡn. Anh không chạy thoát khỏi bàn tay em đâu!”.

Không còn chịu đựng được hơn nữa, chị tìm đến với một phó tế kinh nghiệm về đời sống gia đình và kiến thức luật pháp để xin ý kiến. Thâm tâm chị là muốn làm lớn chuyện này để rồi đến đâu thì đến. Chị không thể ngờ được một người đàn ông như chồng chị lại phạm vào cái lỗi khốn nạn ấy. Niềm tin của chị lung lay và hầu như sụp đổ. Sau khi xem xong lá thư, vị phó tế đã khuyên chị cần phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề.

Trước hết ông khuyên chị hãy bình tĩnh và cần phải hành động theo một tiến trình có suy nghĩ, có lý luận dựa trên tâm lý và luật pháp bằng cách:

1- Nhờ người trong gia đình hay người quen ở Việt Nam dò hỏi xem đó có phải là địa chỉ thật không? Và nếu là địa chỉ thật thì làm quen hỏi xem có người trong nhà mang tên theo tên trên bì thơ không? Nếu có thì liên hệ gì với người ở Mỹ? Nhất là xem coi cái bụng bầu gần ngày sanh ấy có thật sự đúng hay chỉ là giả tạo?

2- Đặt giả thiết mọi chuyện đều đúng, có nghĩa là người thiếu nữ ấy thật sự có bầu, thì bước kế tiếp là chờ coi xem đó có thật sự là con của chồng mình hay con của một ai khác. Điều này có thể thực hiện được qua thử nghiệm DNA.

3- Và sau cùng, theo dõi để tìm cách làm ngãng trở mối liên hệ giữa chồng chị với người phụ nữ tự xưng là tình nhân của chồng chị.

Sau khi đã nhờ người nhà dò hỏi, chị được biết rõ là có một thiếu nữ tên gọi đúng như tên ngoài bì thơ ở địa chỉ đã ghi ngoài bì thơ, và người này nói mình có thân nhân bên Mỹ nhưng không cho biết người thân nhân ấy ở đâu. Điểm đặc biệt nhất là thiếu nữ ấy là một cô gái bán bar và không mang bầu. Như vậy trong trường hợp thứ nhất đã có câu trả lời. Vì người thiếu nữ đó không mang bầu nên những vấn nạn về gửi tiền cho nàng sinh con, nuôi con và việc thử DNA không cần thiết. Còn lại là tìm cách làm ngãng trở mối liên hệ giữa chồng chị với thiếu nữ tình nhân đó.

Theo đúng từng bước đã được hướng dẫn, chị giả bộ đòi về Việt Nam cùng với chồng viện lý để tiện dịp thăm mẹ chồng, cũng như giúp anh sớm hoàn tất công việc tu sửa nhà cửa. Mục đích là không để chồng chị gặp lại người thiếu nữ đó nữa. Thoạt đầu chồng chị nhất định không cho về chung với lý do giá phí tổn đi về quá cao, rất đắt đỏ, và gấp quá không kịp chuẩn bị, không dễ mua được vé máy bay. Sau những màn tranh cãi và giận dữ. Linh cảm một điều gì đó có thể làm lộ tẩy ý định của anh khi về Việt Nam, chồng chị đã hủy bỏ chuyến bay với số tiền phạt là 100$.

Tuy không về Việt Nam, nhưng anh vẫn lén lút trấn an người tình ở Việt Nam. Xem ra càng ngày anh càng tỏ ra lúng túng, sợ hãi. Có lẽ anh sợ người tình anh sinh con mà không có tiền bạc rồi làm đổ bể câu chuyện. Nghĩ vậy, nhưng anh cũng không dám giử tiền bạc về. Nghi rằng vợ anh đã biết chuyện, nên anh lo lắng tìm cách dò hỏi, và cuối cùng vợ anh đã cho anh biết rằng anh không thể về Việt Nam một mình được vì anh đã có bồ tại Việt Nam. Anh thề sống, thề chết, nhất định từ chối hành động ngoại tình của mình.

Sau khi biết được người đã đứng sau lưng phá đám cuộc tình tay ba của mình, anh đã gọi điện thoại đến văn phòng của thày phó tế tranh luận và chửi bới ông này thậm tệ. Kết luận cuộc tranh luận này, vị phó tế đã nói với anh qua điện thoại:

“Tôi không có tội gì trong vấn đề hạnh phúc của anh và gia đình anh. Tôi cũng không xen vào việc gia đình anh, nhưng với lương tâm của một người hiểu biết và quan tâm đến hạnh phúc hôn nhân của gia đình, tôi đã khuyên chị tế nhị theo dõi, đồng thời nếu cần về Việt Nam với anh, chị nên về. Đó là sự tiên liệu khôn ngoan và cần thiết. Bởi vì không ai dám tự cho mình là “vững vàng” trước những cám dỗ tình cảm như vậy. Tóm lại, nếu anh thật lòng về Việt Nam chuyến này chỉ để lo lắng cho bà mẹ, và xem xét lại việc tu sửa nhà cửa mà không hề có một ý đồ gì khác thì tại sao không cho vợ anh cùng về. Biết đâu chị ta chẳng giúp anh một tay. Hay là anh có chủ ý nào khác? Vậy nếu anh trong sạch và vô tội trong lần về này, ngày mai mời anh lên văn phòng tôi. Tôi sẽ đóng cửa văn phòng và quì xuống trước mặt anh để xin lỗi anh. Còn nếu như anh có một ý định gì khác, tôi tin là anh đã biết.”

Nghe vậy, anh tự động gác máy.

Sự thật câu chuyện đã bắt đầu trong lần về Việt Nam năm trước. Anh đã theo một số bạn bè rủ rê vào mấy quán bia ôm, mấy nơi đấm bóp để cho biết mùi đời và thư dãn. Đám bạn anh đã gài anh với một cô tuổi bằng con gái của anh mà cái tên đã có trên bì thư gửi qua cho anh. Nhưng trên thực tế, cô này không hề có thai, và vẫn tiếp tục bán bar, tiếp khách như cô đã từng làm đối với anh. Anh chỉ là một nạn nhân của thói ăn chơi đàng điếm, của tính nhẹ dạ, cả nể, và không muốn bị bạn bè chê là thứ chết nhát. Anh là con nai vàng ngơ ngác không hơn không kém trước những cạm bẫy xã hội.

May mắn cho anh, với bản tính thật thà và hiền lành. Cộng thêm còn một chút lương tâm đạo đức, anh đã nhận lỗi và làm hòa với vợ. Mặc dù sự tha thứ và làm hòa đã có, nhưng vết thương lòng vẫn chưa hoàn toàn được lành.

Đừng vội cho rằng đàn bà “forgive but not forget”, nhưng một vết thương như vậy, một tình huống như vậy cũng cần phải có thời gian để lành. Trên thực tế, vợ anh có quyền giận anh và đau khổ vì anh, bởi vì đối với vợ anh, anh vẫn là tất cả. Tình yêu vợ anh dành cho anh là một tình yêu không chia cắt. Riêng anh, anh cũng cần thời gian để minh chứng sự thành thật thống hối của mình. Anh đã làm cho con tim vợ anh bị tan nát, và thiếu một chút nữa cả gia đình anh tan nát, hạnh phúc hôn nhân của anh bị đổ bể.

Trở lại người chồng, sau khi đã có cơ hội làm hòa với vợ, anh đã gọi điện thoại đến văn phòng thày phó tế và lần này chính anh đề nghị:

“Con cám ơn thày đã giúp gia đình con. Con có lỗi trong vụ này, vậy xin thày cho một cái hẹn, để con đích thân đến văn phòng và quì gối xin lỗi thày.”

Dĩ nhiên lời đề nghị của anh không được chấp nhận, vì niềm vui của phó tế đó là giúp đem lại hạnh phúc cho gia đình anh, chứ không chờ lời xin lỗi của anh. Ông đã được trả công rồi!

Quan câu chuyện này, độc giả có thể rút ra được những bài học khác nhau tùy từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, một vài điểm chung có thể sẽ giúp ích cho nhiều người đó là:

Khi du lịch về Việt Nam, nhất là đi với nhóm bạn bè, hoặc một mình thì dù là phái nam hay phái nữ cũng cần tự chủ. Thật sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình sau những giây phút yếu lòng. Có thể là nhiễm HIV. Có thể là sẽ làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ bất đắc dĩ. Thông thường những phút giây lãng mạn, tình tứ ấy chỉ mang tính nhất thời, mau qua. Chúng chỉ làm cho con tim nặng nề, và lương tâm thêm bất ổn.

Nếu! Nếu như vì yếu lòng mà trót “ăn vụng” thì nhớ phải biết thống hối. Coi đấy như một bài học để đời, đừng huênh hoang, tự cao, tự đại cho mình là “hoàng tử”, là “công chúa” để rồi có ngày thần tượng sụp đổ và kéo theo sự đổ vỡ của cả gia đình. Những mối tình qua đường ấy chưa đủ để thẩm định và đo lường sự chung thủy, tính chất trưởng thành, và chính đáng của tình yêu. Để mình là tác giả của những ngậm ngùi nuối tiếc “anh đã lầm đưa em sang sông”, hoặc “em đã lầm đưa anh sang đây” là việc làm thiếu ý thức, không cần thiết. Hai chữ “lợi dụng” trong những trao đổi tình cảm kiểu này không chỉ làm ta thân bại, danh liệt, mà còn phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình nữa. Đáng buồn là nó vẫn tiếp tục xảy ra cho nhiều người đằng sau những lần về thăm quê hương!

Sau đây là phần pháp lý tổng quát, có liên quan đến nội dung của câu chuyện trên đây:

1. Nếu câu chuyện trên đây xẩy ra tại tiểu bang Oklahoma, theo như Đạo Luật Gia Đình của tiểu bang này, điều luật số 21, đoạn 871, quy định bất cứ ai vi phạm tội ngoại tình (Adultery Offense), hoặc còn gọi là hành động chuyển nhượng tình cảm (Alienation of Affection) của mình là người đã có vợ hoặc đã có chồng cho người khác, nếu bị truy tố ra tòa với bằng chứng hiển nhiên, có thể lãnh án tù ở không quá 5 năm, hoặc chỉ bị phạt vạ tối đa là $500 Mỹ kim, hoặc vừa lãnh án tù ở lẫn đóng tiền phạt vạ. Nhưng hiện nay, rất may là đạo luật này đã được đa số các tiểu bang bãi bỏ, trong đó có tiểu bang Oklahoma, ngoại trừ còn một số rất ít, không đáng kể, như tiểu bang Hawaii, Illinois, North Carolina v.v.. vẫn con duy trì đạo luật này.

2. Mặc dầu điều luật phạm tội ngoại tình được bãi bỏ, nhưng hành động ngoại tình vẫn được áp dụng trước công lý, để dùng làm bằng cớ được quyền giữ con cái còn nhỏ tuổi (Custody of Minor Children) và được quyền hưởng tiền cấp dưỡng nuôi con cái (Child Support), cho tới khi con cái tới tuổi trưởng thành, trong các vụ án ly dị trước tòa án hay trong sự thỏa thuận của đôi bên, mà không cần có phiên tòa xét xử.

3. Trường hợp trên đây, vì Hoa Kỳ đã ký hiệp ước bang giao quốc tế với Việt Nam, mà người chồng phạm tội ngoại tình ở đây và giả sử cô bồ nhí ở đây có con với người chồng ngoại tình này ở Hoa Kỳ, thì trước quốc tế công pháp của hai nước đã ký kết với nhau, cô bồ nhí vẫn có thể tiến hành các thủ tục pháp lý, đòi hỏi người chồng ngoại tình ở Hoa Kỳ phải cấp dưỡng cho cô tiền nuôi con hàng tháng, cho tới khi đứa trẻ khôn lớn đến tuổi trưởng thành.

Nói tóm lại, đã có một vài trường hợp xẩy ra trong quá khứ tại Việt Nam, không bị người vợ ở Hoa Kỳ khám phá ra là chồng mình đang có bồ nhí ở Việt Nam, tương tự như câu chuyện vừa kể trên, nhưng tới ngày mấy ông chồng này sắp sửa quay trở về lại Hoa Kỳ đoàn tụ với vợ con, thì bị công an địa phương ở đây, đột nhập vào căn phòng trong lúc hai người đang hưởng giây phút trăng mật, nên đương sự bị buộc vào tội mua dâm. Vì không muốn bị liên lụy đến vấn đề pháp lý và bị ngồi tù, hơn thế nữa hạnh phúc gia đình có thể bị đổ vỡ nếu bị tiết lộ trước công chúng, nên các đương sự đành phải ngậm đắng nuốt cay, đóng tiền phạt vạ khá nặng, để được lên đường trở về Hoa Kỳ an toàn.

Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này, đối với những đương sự nào chưa nhập tịch Hoa Kỳ, vẫn còn là thường trú nhân, thì cần phải thận trọng, vì nếu chính quyền cộng sản thông báo cho Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam biết, là những đương sự này, đã bị bắt giữ về tội mua dâm và đã nhận tội, bằng lòng đóng tiền phạt, để khỏi bị truy tố ra tòa, thì vấn đề xin nhập tịch Hoa Kỳ trong tương lai chắc chắn sẽ bị trở ngại lớn.

VINH QUANG ?

VINH QUANG ?

Anmai, CSsR

Con người khi bước vào trần gian này, còn bé thì chỉ lo chơi, lo ăn, lo học chứ chẳng nghĩ gì đến danh và đến phận. Lớn lên một tí, khi bước vào đời, dần dần theo năm tháng, con người lại đi vào cái vòng danh lợi quanh quanh để tìm chút danh chút phận gì đó ở đời.

Ước mơ, hoài bão có danh có phận trong cuộc đời cũng là ước mơ hợp tình hợp lẽ thôi bởi lẽ là người thì ai cũng mong thế. Thế nhưng mà cái vinh quang, cái danh dự mà ta có được nó đến tự đâu thì ta cũng nên xét lại.

Thi thoảng, cha anh trên cũng khá xa lớp. Năm nay anh cũng có “tí tuổi”, anh được trao gửi để giúp cho những mầm non của nhà dòng. Thi thoảng có dịp gặp nhau anh em lại hàn huyên tâm sự. Gặp anh, anh truyền cho những cảm nghiệm sống trầm lắng và bước đường khá dài trong đời tu trong những môi trường anh đã đi qua.

Thời còn trẻ, anh đi thanh niên xung phong, lớn lên vào nhà tu. Ở đâu cũng có chung có đụng, có va, có chạm để rồi những lần chung đụng, những lần va chạm ấy là bài học lớn cho đời của anh.

Khá nhiều lần, anh chia sẻ về những lần lên lớp của anh. Anh kể rằng : “Mình hay nói với mấy đứa nhỏ là phải cẩn thận. Bởi vì ngay từ bé, chúng cứ thứ Hai đầu tuần đều hát rất to câu này : “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Mình dặn mấy đứa là làm gì thì làm, sống trong nhà tu, cố gắng đừng kiếm vinh quang bằng con đường xây xác anh em”.

Anh kể lại tâm tình khi anh lên lớp đó như nhắc nhớ tôi rằng đừng bao giờ kiếm vinh quang bằng con đường xây xác anh em cả.

Lời anh dặn vẫn còn đó vì lẽ trong cuộc sống, tôi phần nào cũng nếm được những cái vinh quang mà người ta có đó đã xây xác anh em đồng loại của mình. Không phải xây xác một cách bình thường mà là một cách mãnh liệt và bất chấp. Người ta đi tìm vinh quang cho người ta bằng mọi giá, kể cả tán tận lương tâm và che đậy sự thật.

Tối nay, lang thang xem tin tức, bỗng dưng thấy có vị đại biểu tên là Huỳnh Thành, không biết vị đại biểu này có lòng yêu mến Chúa Giêsu hay là đã có cơ duyên nào đó bắt gặp tâm tình của Giêsu hay chăng mà ông đã đề nghị cần thay lời  “Đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác.

Góp ý cho điều 13 (chương 1) dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 4/6, đại biểu Huỳnh Thành cho rằng giai điệu quốc ca hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Không biết có đổi, có thay hay không nhưng ông đã can đảm nói lên tiếng lòng của mình. Chắc có lẽ ông cũng đã nghiệm được sự đau đớn của đồng loại là vinh quang của một người hay của một nhóm người nào đó.

Vinh quang mà Chúa Giêsu mời gọi cách riêng cho những ai theo Chúa không phải vinh quang theo kiểu thế gian vẫn tìm. Vinh quang của Chúa Giêsu đó chính là thập giá. Với thế gian, thập giá là điên rồ nhưng với Thiên Chúa lại là vinh quang. Vương miện của Chúa Giêsu chính là mão gai, ngai vàng của Chúa Giêsu chính lại là cây gỗ giá. Thế nhưng chính từ vòng gai nhọn và cây gỗ giá đó chính lại là nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian để rồi những ai tin vào Đấng Cứu Độ trần gian thì được cứu.

Hóa ra là cái vinh quang mà con người vẫn ngày đêm mày mò đi tìm ở cái địa vị quyền cao chức trọng đó cũng chỉ là vinh quang của thế gian mà thôi.

Ít ai nghĩ đến và cũng ít ai dám nghĩ đến như Thánh Anphongsô. Trong tác phẩm Chân Lý Đời Đời, thánh Anphongsô không ngần ngại nói thẳng cho con người về cái thân phận mà chỉ sau 3 ngày thì giòi bọ nó bâu. Dù giàu sang phú quý nhưng khi nằm xuống và chôn trong lòng đất thì con người cũng chỉ là mồi cho giòi bọ mà thôi.

Ở đời, mấy ai được vinh quang như Anphongsô nhưng : Thế gian ơi, ta biết mi rồi ! Và từ ngày ấy, Ngài đã rời bỏ pháp đình chỉ để đi tìm vinh quang của Thiên Chúa mà thôi. Từ bỏ vinh quang thế gian, Anphongsô đã được hưởng vinh quang thật mà Thiên Chúa hứa cho những ai đi theo Ngài.

Hôm nay, một lần nữa nghe một người nhắc đến việc sửa đổi “Đường vinh quang xây xác quân thù” lại một lần nữa nhắc tôi về vinh quang.

Dĩ nhiên trong cuộc sống ai cũng muốn vinh quan nhưng đừng chỉ vì một chút lợi danh để đi tìm vinh quang bằng việc xây xác anh em của mình.

Ngày mỗi ngày, mở mắt ra ta đều thấy được biết bao nhiêu xác của anh em phải nằm xuống để cho vinh quang của một người và một nhóm người được tỏa sáng.

Là người kitô hữu, là người môn đệ chân chính và đích thực của thầy Chí Thánh Giêsu chắc có lẽ không có con đường nào khác là con đường thập giá mà Thầy mình đã đi. Nếu không đi theo con đường thập giá thì kitô hữu chỉ là một cái nhãn, một cái mác mà người ta gắn vào bao bì cho thêm phần bắt mắt mà thôi. Thực chất bên trong như thế nào mới là điều quan trọng.

Giật mình chợt nhìn ra mình là người môn đệ đang đi theo con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu để rồi đừng đi tìm vinh quang của thế gian, vinh quang phù vân, vinh quang hão huyền. Tất cả những vinh quang đó dù cho có đi chăng nữa nhưng nó cũng trở về với cát bụi mà thôi. Sống ở đời, căn cốt là vinh quang Thiên Chúa chứ không phải là vinh quang của người đời.

Xin những ai đang muốn xây pháo đài vinh quang của mình thì cứ xây nhưng xin đừng xây xác anh em đồng loại của mình. Vinh quang của mình mà xác hại anh em đồng loại thì đau lắm.

Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho

Anmai, CSsR

Ai có thể đánh bại được Cộng sản?

Ai có thể đánh bại được Cộng sản?

Nguyễn Hưng Quốc

10.06.2013

VOA

Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có thể đánh bại được Cộng sản.

Nhận xét ấy được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:

Thứ nhất, trên phạm vi toàn cầu, trong 70 năm đầu tiên, chủ nghĩa Cộng sản phát triển cực nhanh, nhanh đến độ dường như không có ai và không có cái gì có thể ngăn cản được. Ra đời tại Nga năm 1917, năm năm sau, 1922, Liên bang Xô Viết được thành lập với vai trò nòng cốt của Nga, châu tuần bởi các nước láng giềng nhỏ của Nga, như Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia và Azerbaijan. Sau đó, một số nước khác bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, như Estonia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đến giữa thập niên 1980, Liên bang Xô Viết, với diện tích trên 22 triệu cây số vuông và đường biên giới trên 60.000 km, chiếm đến một phần sáu diện tích trái đất, rộng bằng cả Bắc Mỹ. Năm 1945, sau Đệ nhị thế chiến, một số nước thuộc Trung Âu và Đông Âu lần lượt rơi vào tay Cộng sản: Albania, Ba Lan, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Đông Đức, Hungary, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tiệp Khắc, Nam Tư. Sau đó nữa là các nước thuộc châu Á và châu Phi, như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Campuchia, Congo, Mông Cổ, Yemen, Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Somalia, Eritrea và Mozambique. Vào giữa thập niên 1980, khối Cộng sản rất mạnh, chiếm một phần ba dân số thế giới. Cho đến lúc ấy, câu khẩu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc chủ nghĩa Cộng sản bách chiến bách thắng vang lên khắp nơi. Dân chúng ở các nước Cộng sản, vốn bị nhồi sọ, tin điều đó, đã đành. Ngay phần lớn dân chúng ở Tây phương, tuy biết tất cả những mặt trái đầy tiêu cực của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không tin là Tây phương có thể đánh bại được Cộng sản.

Thứ hai, dù cả hai bên, tư bản và Cộng sản, lúc nào cũng cố gắng tự kiềm chế, nhưng ít nhất cũng có hai nơi cuộc chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng: Ở Triều Tiên trong ba năm, 1950-1953, và ở Việt Nam, từ 1954 đến 1975. Ở trận chiến đầu, hai bên hòa nhau, Triều Tiên bị chia đôi, Nam và Bắc. Điểm phân cách vẫn là vĩ tuyến 38, đúng với quyết định của phe Đồng Minh trong hội nghị Potsdam vào tháng 8 năm 1945. Ở trận chiến sau, Mỹ tự nhận là thua sau khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. (Về điểm này, tôi có phân tích khá kỹ trong bài “1975: Việt Nam có thắng Mỹ?”. Ở đây, tôi tạm thời chấp nhận cách nhìn quen thuộc và phổ biến để khỏi bị gián đoạn mạch lý luận trong bài viết này.)

Có điều, từ nhận xét nêu ở đầu bài viết, không ai có thể đánh bại được Cộng sản, người ta lại chứng kiến một sự kiện oái oăm vào thời điểm bản lề giữa hai thập niên 1980 và 1990: chủ nghĩa Cộng sản đã bị sụp đổ trên phạm vi toàn cầu. Cái gọi là “sụp đổ” ấy có hai mức độ: sụp đổ hoàn toàn và sụp đổ một phần, hơn nữa, phần lớn. Nhưng dù sụp đổ hoàn toàn hay sụp đổ một phần thì cũng vẫn là sụp đổ. Một sự sụp đổ lớn lao, nhanh chóng, và đặc biệt, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của mọi người ở mọi phía.

Sự sụp đổ hoàn toàn diễn ra ở Nga, Đông Âu, Trung Âu, Trung Đông, Trung Mỹ và châu Phi.

Trước hết, ở châu Âu, chỉ trong vòng chưa tới ba năm, toàn bộ các đảng Cộng sản đang nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối ở Đông Âu và Trung Âu đều mất sạch quyền hành; chế độ độc đảng trở thành đa đảng; bầu cử tự do được tổ chức khắp nơi, các thành phần đối lập hoặc lên cầm quyền hoặc được chia quyền (ở Ba Lan, ngày 4/6/1989; Turkmenistan 7/1/1990; Uzbekistan 18/2/1990; Lithuania 24/2/1990; Moldova 25/2/1990; Kyrgyzstan 25/2/1990; Belarus 3/3/1990; Nga 4/3/1990; Ukraine 4/3/1990; Đông Đức 18/3/1990; Estonia 18/3/1990; Latvia 18/3/1990; Hungary 25/3/1990; Kazakhstan 25/3/1990; Slovenia 8/4/1990; Croatia 24/4/1990; Romania 20/5/1990; Armenia 20/5/1990; Tiệp Khắc 8/6/1990; Bulgaria 10/6/1990; Azerbaijan 30/9/1990; Georgia 28/10/1990; Macedonia 11/11/1990; Bosnia & Herzegovina 18/11/1990; Serbia 8/12/1990; Montenegro 9/12/1990; và Albania 7/4/1991). Liên bang Xô Viết tan rã. Hầu hết các quốc gia trước đây bị sáp nhập vào Liên bang đều tuyên bố độc lập hoặc tự trị. Ngay cả ở Nga, đảng Cộng sản không những bị mất quyền mà còn bị khinh bỉ và tẩy chay, không còn đóng vai trò gì trên bàn cờ chính trị quốc nội.

Xin lưu ý; sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở các nước trên đều diễn ra rất gọn gàng, không gây xáo trộn và đặc biệt, không đổ máu, trừ Romania, nơi Ceaușescu bị lật đổ và giết chết, kéo theo cái chết của khoảng 1.100 người khác.

Sự sụp đổ ấy nhanh chóng lan sang các vùng khác, đặc biệt các vùng Trung Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Năm 1990, ở Nicaragua, sau một cuộc bầu cử tự do, đảng Cộng sản mất quyền; ở Angola, cuộc chiến giữa Cộng sản và phe chống Cộng chấm dứt; năm 1991, ở Ethiopia, Trung tá Mengistu Meriam, nhà độc tài Cộng sản từng thống trị đất nước suốt gần 15 năm, chạy trốn khỏi đất nước, và Eritrea tuyên bố tách khỏi Ethopia, trở thành độc lập và từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Ở Trung Đông, năm 1990, chế độ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Yemen bị sụp đổ, sau đó, hợp nhất với Nam Yemen, thành lập nước Cộng hòa Yemen; ở Afghanistan, chế độ Cộng sản của Najibullah sụp đổ vào mùa xuân 1992.

Sự sụp đổ một phần diễn ra ở Trung Quốc, Lào, Cuba và Việt Nam.

Chế độ Cộng sản, như nó từng tồn tại từ năm 1917 đến cuối thập niên 1980, dựa trên ba nền tảng chính: Về ý thức hệ, dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin; về kinh tế, dựa trên chính sách quốc hữu hóa và nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung; và về bộ máy quyền lực, dựa trên sức mạnh độc tôn của đảng, công an và quân đội. Ở cả bốn quốc gia kể trên, từ đầu thập niên 1990, nền tảng ý thức hệ coi như đã bị phá sản; nền tảng kinh tế cũng bị biến chất theo chiều hướng tư bản hóa. Trên cái thế kiềng ba chân của chế độ, hai chân đã bị sụp. Chỉ còn một chân là bộ máy quyền lực. Gọi chế độ Cộng sản ở bốn quốc gia này bị sụp đổ một phần, thậm chí, phần lớn, là vậy.

Trên thế giới hiện nay, chỉ có một quốc gia duy nhất còn giữ được chế độ Cộng sản chính thống và “truyền thống” trước năm 1990, đó là Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, không ai xem đó là điều đáng tự hào. Ngược lại. Nó chỉ bị xem là một thứ quái thai.

Như vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý: một mặt, có cảm tưởng như không ai có thể đánh bại được Cộng sản; mặt khác, chỉ trong vòng mấy năm thật ngắn ngủi, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều thi nhau ngã gục. Vậy thì ai đánh bại nó?

Có nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Nhưng câu trả lời được nhiều học giả đồng tình nhất là: Không có ai đánh bại Cộng sản cả. Chỉ có Cộng sản mới đánh bại được Cộng sản.

Cộng sản đánh bại Cộng sản bằng cách nào?

Bằng nhiều cách. Thứ nhất, bằng các sai lầm có tính hệ thống trong kinh tế khiến nước Cộng sản nào cũng nghèo đói xơ xác. Giữa thập niên 1980, phần lớn các cửa hàng quốc doanh, kể cả cửa hàng thực phẩm, ở phần lớn các nước Cộng sản, bao gồm cả Liên Xô, đều trống không. Nợ nước ngoài chồng chất. Riêng Ba Lan, nơi chế độ Cộng sản sụp đổ đầu tiên, nợ các nước Tây phương đến trên 100 tỉ đô la và đối diện với nguy cơ không thể trả được. Thứ hai, tình hình kinh tế tồi tệ ấy càng tồi tệ thêm nữa do nạn tham nhũng tràn ngập ở mọi cấp. Thứ ba, những thất bại về kinh tế, sự hoành hành của tham nhũng và những chính sách độc tài tàn bạo của chính quyền làm dân chúng bất mãn và nổi dậy tranh đấu đòi thay đổi chính sách, đặc biệt, dân chủ hóa. Cuối cùng, đối diện với tất cả các vấn đề ấy, hầu như mọi người, kể cả các cán bộ cao cấp nhất, đều mất hẳn niềm tin vào chủ nghĩa Cộng sản. Họ biết chắc chắn một điều: họ không thể tiếp tục tồn tại được nếu họ không tự thay đổi. Chính sách glasnost và perestroika của Mikhail Gorbachev ra đời là để đáp ứng lại nhu cầu đó. Nhưng ngay cả khi đưa ra chính sách cải tổ và tái cấu trúc như vậy, giới lãnh đạo vẫn không an tâm hẳn. Họ biết đó chỉ là những biện pháp vá víu. Tự thâm tâm, tất cả đều mất niềm tin vào chế độ.

Chính vì mất niềm tin như vậy nên ở những thời điểm quan trọng nhất, mọi người đều đâm ra hoang mang, không ai dám quyết định điều gì. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi dân chúng đổ xuống đường biểu tình trước bức tường Bá Linh, bộ đội và công an, dù đông hơn hẳn, không biết đối phó thế nào. Họ gọi điện thoại lên cấp trên. Các cấp trên của họ sợ trách nhiệm, cứ đùn qua đẩy lại với nhau: Cuối cùng bức tường bị đổ. Ở Nga cũng vậy, trước các cuộc xuống đường của dân chúng, không ai dám ra lệnh quân đội hay công an nã súng vào dân chúng: cuối cùng, chế độ sụp.

Không phải cán bộ, công an hay giới lãnh đạo bỗng dưng nhân đạo hơn. Không. Ở đây không phải là sự thay đổi trong tính khí. Mà ở nhận thức. Tất cả đều nhận thức được sâu sắc mấy điểm chính: Một, ngày tàn của chế độ Cộng sản đã điểm; nó không thể tồn tại thêm được nữa. Hai, nó cũng không thể cứu được. Mọi nỗ lực cứu vớt đều tuyệt vọng và chỉ gây tai họa không những cho đất nước mà còn cả cho chính bản thân họ. Cuối cùng, như là hệ quả của hai điều ấy, chọn lựa tốt nhất mà họ nên làm là buông tay bỏ cuộc.

Cả ba nhận thức ấy đều không thể có nếu không có hai điều kiện: Thứ nhất, người ta có dịp so sánh với sự giàu có, tự do và dân chủ ở Tây phương và thứ hai, các nỗ lực tranh đấu không ngưng nghỉ của dân chúng, đặc biệt giới trí thức, trong việc vạch trần các sai lầm và tội ác của chế độ. Cả hai điều kiện đều quan trọng, nhưng điều kiện thứ nhất chỉ có thể phát huy được tác dụng là nhờ điều kiện thứ hai. Những sự phê phán và tranh đấu cho dân chủ liên tục càng ngày càng làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa tự do và toàn trị, càng làm lung lạc niềm tin ngay cả ở những kẻ cuồng tín và mê tín nhất, cuối cùng, cô lập những kẻ lì lợm bám víu vào bộ máy độc tài. Khi sự cô lập đến mức độ nào đó, người ta chỉ còn hai lựa chọn: hoặc trở thành Gorbachev hoặc trở thành Ceaușescu (hay gần hơn, Muammar Gaddafi ở Libya).