Mandela: người luật sư nhân quyền

Mandela: người luật sư nhân quyền

image

Cuộc đời ông Mandela

1918 Sinh tại Eastern Cape

1944 Gia nhập Đại hội Dân tộc Phi (ANC)

1956 Bị xử tội phản quốc nhưng tòa bác cáo trạng

1962 Bị bắt và xử vì tội phá hoại, án 5 năm

1964 Bị xử lần nữa, nhận án chung thân

1990 Được thả khỏi tù

1993 Nhận giải Nobel

1994 Trúng cử tổng thống da đen

1999 Rời chính trường

Đến thăm nhà tù trên đảo Robben, nơi chính quyền Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc đã giam ông Nelson Mandela 18 năm, Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama bày tỏ cảm xúc rằng đây là một trải nghiệm sâu sắc.

Sau đó, đến thăm Đại học Cape Town, ông Obama phát biểu:

“Nelson Mandela cho chúng ta thấy lòng dũng cảm của một người có thể thay đổi thế giới.”

Tại học đường từng chỉ dành cho người da trắng, ông Obama gặp mặt những sinh viên nhiều màu da, biểu hiện của viễn kiến ‘quốc gia cầu vồng’ mà ông Mandela từng nêu ra và phấn đấu cả đời để Nam Phi đạt được.

Sự nghiệp chính trị của Nelson Mandela, 94 tuổi, người hiện đang trong bệnh viện ở tình trạng rất yếu nhưng ổn định, không chỉ là giai đoạn thắng cử và tự nguyện rời bỏ chính trường, mà còn cả một thời kỳ đấu tranh lâu dài.

Luật sư nhân quyền

image

Thăm xà lim trên đảo Robben, tổng thống Barack Obama ca ngợi lòng quả cảm Nelson Mandela

Tổng cộng trong cuộc đời nhiều biến động, ông đã bị tù 27 năm và trong những giai đoạn không bị bắt giam hoặc ngồi tù, Nelson Mandela làm luật sư đấu tranh cho các bị cáo người da đen.

Xuất thân từ nông thôn, vài nămn 1942 ông nhận được việc hành chính tại một văn phòng luật sư da trắng có thiện chí cho người da đen làm việc.

Cùng lúc, Nelson Mandela ghi danh học luật bán trú tại Đại học Witwatersrand.

Luôn trung thành với tư tưởng nhà nước và xã hội pháp quyền, và tin rằng đấu tranh bằng con đường pháp lý là cách tốt nhất để thúc đẩy quyền lợi của người da đen, ông Mandela lập ra công ty luật đầu tiên của người châu Phi bản địa vào giữa thập niên 1950.

Cùng Oliver Tambo, người sau trở thành một lãnh đạo của ANC, ông Mandela đã nhận nhiều vụ bào chữa của giới đấu tranh nhân quyền.

Chính quyền apartheid đã dùng nhiều cách để ngăn cản hoạt động của công ty luật nằm tại trung tâm Johannesburg.

Các vụ phá phách, khám văn phòng chỉ là chuyện nhỏ.

Nelson Mandela và cộng sự bị hăm dọa, dọa giết, bị đánh, bắt và bỏ tù nhiều lần trong suốt thập niên 1960.

Chính quyền cũng tìm cách xóa tên ông khỏi danh sách Luật sư đoàn Nam Phi với lý do các hoạt động chính trị của ông thuộc loại ”vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Nhưng niềm tin của Mandela vào sự công bằng của hệ thống pháp luật, dù bị ảnh hưởng của ý thức hệ chủng tộc, phần nào được củng cố khi một thẩm phán da trắng đã bác bỏ đơn của Hội Luật gia Nam Phi.

Nelson Mandela không chỉ hành nghề luật mà còn vận động cho các hoạt động nhân quyền của người đa den và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho ANC.

Đòi công lý cho người da đen Nam Phi, nhóm công dân chiếm đa số nhưng bị tước các quyền chính trị, kinh tế và quyền sở hữu đất dù họ sống chủ yếu bằng nghề nông, ông cũng thách thức cả hệ thống chính trị apartheid.

Theo luật sư Sir Jeffery Jowell từ Anh và Giáo sư luật Hugh Corder từ Đại học Cape Town, Nelson Mandela trong lần bào chữa cho chính mình bị buộc tội “kích động biểu tình” trước tòa án ở Pretoria năm 1962 đã đặt câu hỏi về tính chính danh của chế độ.

Ông nói:

“Tôi e ngại rằng tôi sẽ không có một phiên tòa công bằng và chính đáng vì bản thân tôi cũng không bị ràng buộc cả về đạo đức và pháp luật bởi một Quốc hội tôi không có đại diện.”

Ông kết thúc bằng lời nói nêu bật tinh thần dân chủ và bình quyền như truyền thống của xã hội châu Phi và “tính luân lý nội tâm” của con người mà theo hệ thống apartheid đã không chấp nhận.

Sau khi lên cầm quyền, ông Nelson Mandela tiếp tục đề cao tinh thần pháp quyền và tuân thủ các quyết định của Tòa Bảo hiến kể.

Hai ông Mandela và De Klerk được giải Nobel Hòa bình vì tinh thần hòa giải

Kể cả khi tòa thách thức quyết định của ông ở cương vị tổng thống trong vụ xử năm 1994 là do Đảng cũ của ông, ANC nêu ra chống lại nghị viện, ông Mandela vẫn tỏ thái độ tôn trọng tòa, lúc này đã thuộc hệ thống tư pháp dân chủ.

Chính quyền của ông Mandela đã lập ra Ủy ban Sự thật và Hòa giải nhằm nói cho hết các vấn đề của xã hội Nam Phi thời apartheid nhưng nhằm hàn gắn, chứ không trả thù những đối thủ chính trị cũ.

Ngày nay, sự nghiệp đấu tranh của ông Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng đấu tranh cho nhân quyền toàn cầu, các nhân vật từ phe tả và phe hữu đều có thể rút ra bài học, hoặc lấy cảm hứng từ cuộc đời ông.

Lý do là những gì ông Nelson Mandela nêu ra luôn mang tính phổ quát và vượt lên các lằn ranh chủng tộc, gia cấp, đảng phái và quốc gia.

image

Thông điệp của ông, cùng lúc, lại mang tính riêng tư cho mọi nhà hoạt động, điều được Barack Obama kể lại khi ông nói rằng cuộc đời Mandela đã khiến ông có dũng khí bước vào hoạt động cộng đồng và hành nghề luật ở Chicago.

Việt Nam điều tra về vụ nổi loạn ở trại Xuân Lộc

Việt Nam điều tra về vụ nổi loạn ở trại Xuân Lộc

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thanh Phương

RFI

Công an Việt Nam thông báo sẽ điều tra về vụ hàng trăm phạm nhân phân trại I, trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai nổi dậy ngày 30/06/2013, giữ làm con tin giám thị trại, để đòi thực hiện những yêu sách của họ về điều kiện giam giữ.

Thông tin từ các tù nhân đưa ra hôm Chủ nhật cho biết vụ nổi loạn ở trại giam Xuân Lộc là để phản đối việc ngược đãi, đánh đập tù nhân, cắt xén các phần ăn của tù nhân. Theo báo chí trong nước ngày 02/07/2013, Tổng cục trưởng Tổng cục 8 (Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ Tư pháp), tướng Cao Ngọc Ánh đã phủ nhận thông tin nói trên. Quan chức này khẳng định cán bộ trại giam Xuân Lộc vẫn « tôn trọng nhân phẩm, quyền con người » đối với tù nhân. Ông còn cho rằng các phạm nhân cần đầu vụ « gây rối » trong trại giam Xuân Lộc đều là « lưu manh chuyên nghiệp, không có quyết tâm cải tạo ».

Về phần tướng Hồ Thanh Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục 8, thì cho biết sẽ « sàng lọc » những người cầm đầu và tham gia vụ nổi loạn, để xử lý theo luật hoặc xử lý theo kỷ luật trại. Đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam Xuân Lộc thì thông báo là công an tỉnh Đồng Nai sẽ khởi tố vụ án « gây rối trật tự, phá hũy tài sản » tại trại giam Xuân Lộc.

Trại giam Xuân Lộc cũng là nơi giam giữ khoảng 10 tù chính trị, trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Cường, Phan Ngọc Tuấn, Việt Khang…. Chính Nguyễn Ngọc Cường đã dùng điện thoại di động gọi ra ngoài để thông báo về vụ nổi loạn của phạm nhân trại Xuân Lộc. Anh Cường cùng với bốn tù chính trị khác là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Phan Ngọc Tuấn, Huỳnh Ngọc Trí ngay trong đêm 30/06/2013, tức là sau vụ nổi loạn, đã bị chuyển sang trại khác.

VẾT CHÉM !

VẾT CHÉM !

TIEU HO,

trích EPHATA số 568

Tai ương lắm lúc tựa như con dao sắc, chém chặt vào những mảnh đời, để lại những vết đau khôn lường. Nó dai dẳng làm tấy máu, bầm dập, lâu ngày tưởng lành nhưng vết thẹo còn sót lại lặn vào trong một nỗi đau sẵn sàng mưng mủ lở loét bất cứ lúc nào.

Con hẻm nhỏ bé này cứ mãi là những câu chuyện nối dài của những mảnh đời nghiệt ngã, nó khắc đậm một vết khắc của làng quê Việt Nam vốn dĩ hiền hòa chân chất, chân lấm tay bùn, chật vật ngoi lên giữa biển đời đầy giông bão luôn ập xuống.

Ngước mặt nhìn lên những tòa nhà cao ngất nơi phố thị để tận hưởng một chút phồn vinh rồi nhìn nhanh lại những mảnh đời rã nát nơi đây, lòng mênh mang từng sợi cảm xúc, có cái gì đó như thắt chặt, như đau nhói tận sâu thẳm con tim, nơi chất chứa những rung động, nơi khơi nguồn những xúc cảm để cùng chia sẻ với cuộc đời.

Bước chân chiều lòng vòng dẫn tôi ghé thăm nhà anh Trần Văn Quỳnh và chị Phạm Thị Bảy cùng sinh năm 1956, tại ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Anh Quỳnh và Chị Bảy trước đây là một gia đình nông dân chí thú làm ăn. Ngoài việc canh tác 6 công ruộng, chị Bảy còn hàng ngày chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm, ngồi chợ để kiếm thêm đồng rau đồng cá bổ sung thêm cho bữa ăn gia đình. Anh chị sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Con cái anh chị do được thừa hưởng gien di truyền chăm chỉ làm ăn của anh chị, nên từ nhỏ đã biết cật lực làm việc. Con cái lớn, anh chị vui với niềm vui dựng vợ gả chồng cho con, cho con ra riêng, cơ ngơi lập nghiệp.

Chỉ còn duy nhất đứa con trai út, em Trần Thanh Dũng, sinh năm 1990. Học xong lớp 9 do cảm nỗi vất vả của cha mẹ già, cha em bị tai biến nhẹ nên không thể lao động, mẹ nặng vai gánh gồng, em đã xin phép cha mẹ cho nghỉ học và xin lên Sàigòn tìm việc làm và đã được nhận vào làm tại Công Ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam.

Niềm vui chưa tròn trịa, buổi sáng định mệnh ngày 15.12.2009 tai nạn ập xuống đời em khi đang trên đường từ nơi trọ đến công ty. Chị Bảy kể chuyện, đôi mắt như còn cô đọng lại vẻ thất thần, nhìn sâu vào đôi mắt người phụ nữ ấy tôi như sờ mó được những vết chém ngang dọc cuộc đời chị, để rồi hằn cộm lên vết đau. Tin dữ báo về con bị tai nạn xe, chị quơ vội nắm tiền chắt chiu, chân ướt chân ráo ngơ ngác lên bệnh viện tìm con. Tim chị co thắt lại khi nhìn con bất động cộng với lời khuyên của bác sĩ nên đưa con về. Chị gào khóc van xin các bác sĩ cứu con chị. Cảm thương với tấm lòng bao la như biển cả của người mẹ như chị.

Bác sĩ đã mời chị vào ký giấy cam kết vì tình trạng nguy cấp của con chị. Theo chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng trán đỉnh phải. Mười phần chết chín chỉ còn may mắn một phần. Giọng điệu chất phác chị kể: “Bác sĩ nói tui ký giấy, có gì chịu trách nhiệm. Còn nước còn tát. Còn 1% cũng cố gắng. Rồi người ta bóp bong bóng ba ngày ba đêm, con tui từ từ thở được…”

Hai mươi lăm ngày con chị nằm ở tầng 2 nhà thương Chợ Rẫy là khoảng thời gian đau khổ nhất trong cuộc đời chị, sinh mạng con chị như ngàn cân treo sợi tóc. Bao nhiêu tiền dành dụm phút chốc tan biến nhanh, bao nhiêu món đồ quí giá trong nhà lần lượt chia tay gia đình chị. Tình nghĩa máu mủ các con chị trút hết những giọt máu cuối cùng có thể được để san sẻ cho em mình. Sau 25 ngày em được chuyển sang Quận 8, ba tháng ở Quận 8, mỗi ngày ít nhất phải chi năm triệu tiền thuốc, cơm thì chị xin của hội từ thiện.

Một số tiền quá lớn, họ hàng rồi cũng chỉ biết ngồi nhìn mà ngậm ngùi. Anh chị bán dần 6 công ruộng, rồi bán luôn căn nhà hai trăm rưỡi triệu, cũng không thấm vào đâu. Con trai thứ của chị vì thương em cũng bán luôn căn nhà 150 triệu để phụ lo cho em. Cả nhà về tá túc ở ngôi nhà của bà nội. Bốn năm nay anh chị phải chuyển con từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, cho đến bây giờ phế quản vẫn chưa đóng lại được.

Ngôi chợ chồm hổm buổi sáng cảm thương với gia đình chị, người chia sẻ bó rau, người cho miếng xương heo, người cho con cá giúp em Dũng. Thương vì em là đứa con có hiếu, biết nghĩ cho cha mẹ, thương vì chị phải gánh nỗi đau quá lớn. Nhà cửa tiêu tan, bốn năm nay chị kề cận chăm sóc Dũng, không làm gì ra tiền, gia đình lùi dần vào con đường bế tắc. Em Dũng còn đang chờ đợi để đương đầu với một cuộc phẫu thuật rút ống thông thanh quản ra. Đôi mắt chị xa xăm tìm kiếm một điều gì đó trong vô vọng…

Nhìn cách em Dũng bắt đầu bình phục, nghe hiểu rồi viết được tên mình, ai cũng vui mừng. Nhìn sâu trong mắt chị Bảy ai cũng đọc được sự hy sinh cao cả, tình mẫu tử thiêng liêng. Còn anh Quỳnh thì lặng lẽ âm trầm với nỗi đau quá lớn của gia đình. Anh thở dài vì anh cũng đang bệnh, mọi thứ chất hết lên vai chị. Các anh chị em Dũng thì cố sức làm việc, bên cạnh cái gánh gia đình còn cái gánh ruột thịt không bỏ vào đâu được. Sức nặng đang đè nặng trên vai mọi người, không ai nói với ai, nhưng tất cả đều cảm nhận từ nhịp đập con tim.

Tôi đưa tay bắt lấy tay Dũng hỏi em có muốn ngồi trên xe lăn tôi đẩy em ra khỏi con hẻm này cho vui không ? Em gật đầu vui vẻ, nhưng ngồi trên xe lăn đôi chân em run lên bần bật, em bấu chặt tay tôi. Chắc có lẽ tai nạn khủng khiếp vẫn còn ám ảnh trong em, nỗi sợ hãi run lên theo từng vòng bánh xe lăn. Tự dưng giọt nước mắt tôi rớt xuống, lòng tôi lại dậy lên niềm khao khát, không phải chỉ đẩy em ra khỏi con hẻm này để tìm nguồn vui mà luôn cầu mong mọi người hãy chung tay đẩy gia đình em thoát khỏi cơn khốn khó. Hãy cùng nhau dùng tình thương xoa dịu nỗi đau, tìm lại cho em nụ cười và tiếng nói trong trẻo. Hãy san sẻ với một người mẹ vì trái tim bà vẫn sáng như một kỳ quan của thế giới.

Chia tay gia đình anh chị Bảy, con hẻm nhỏ khuất sau lưng tôi nhưng hình ảnh thương tâm của em Dũng và ánh mắt sâu thẳm của anh Quỳnh và chị Bảy theo tôi, như thúc giục tôi hãy cố gắng làm một điều gì đó, ít ra là hãy đưa vào em vào thế giới yêu thương của mọi người. Để tình thương của mọi người đấp ấm làm lành vết chém mà cuộc đời vô tình đã đánh trúng vào gia đình em.

TIEU HO, 6.2013

THEO CHÚA

THEO CHÚA

M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG

Trích EPHATA số 568 ngày 30-06-2013

Cuộc sống nhiễu nhương không biết bao nhiêu là ngã rẽ, vậy đâu chính là con đường để nhân loại thủ đắc được cuộc sống hạnh phúc đích thực ? Ai cũng muốn hạnh phúc, muốn được tồn tại cách an toàn nhất. Thế nên, người ta thao thức truy tìm cho mình con đường không phải quá vất vả đấu tranh, đối mặt với cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, có lối mòn trần thế nào không vướng đầy bụi của vật chất, danh vọng, tiền tài. Càng lo cơm ăn áo mặc, người ta càng tranh giành chém giết lẫn nhau. Muốn mình chiến thắng, tất yếu kẻ bên cạnh thành chiến bại. Chỉ có một con đường duy nhất, có thể giải thoát nhân loại thoát khỏi cám dỗ của dục vọng, của tham sân si đó là đường thập giá.

Trớ trêu, trong khi nhân loại khóc than, oán trách cuộc đời đã không cho mình lối thoát để không bị bóng tối thế trần xâu xé chỉ bởi cơm áo, thì con đường Đức Giêsu vạch ra lại chẳng mấy ai theo. Cuộc sống trần thế này phức tạp thật đấy, nhiễu nhương thật đấy những cạm bẫy khiến con người khó có thể tìm được hạnh phúc đích thực, nhưng lại chẳng mấy ai muốn bước theo con đường thập giá, con đường phải từ bỏ chính mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân.

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được nguyên nhân. Không nguyên nhân nào khác hơn ngoài nhu cầu chủ nghĩa cá nhân được đề cao đến mức tuyệt đối. Ai cũng muốn sống cho mình, và là chính mình. Ai có thể từ khước bản thân để chỉ có thể sống cho Thiên Chúa và tha nhân cách nhưng không được ?

Nói trúng hơn, nhân loại chẳng phải không muốn trở nên tốt lành, nhưng khổ nỗi, cái thực tế cuộc sống với những nhu cầu tối thiểu đã khiến cho thế giới bị điên đảo trong những vòng lẩn quẩn của mất niềm tin và phương hướng. Đời sống tâm linh thực sự quan trọng nhưng thực tế cuộc sống lại phũ phàng hơn rất nhiều. Cứ thế, cứ thế… nó cấu xé nhân loại, để rồi con người bị cuốn vào vóng xoáy của đam mê và tham vọng. Thiên Chúa còn bị lãng quên, nói gì đến chân lý mà Ngài muốn để đời cho nhân loại.

Giữa muôn vàn lựa chọn bởi lý tưởng cuộc sống, các tông đồ phân vân tự hỏi không biết mình nên đi đâu về đâu, không biết phải làm gì để sống, phải theo ai giữa cái thế giới xô bồ đầy vất vả truân chuyên này. Sự hiện diện của Đức Giêsu với đường lối và những giáo huấn của Ngài như một mở ngỏ dẫn các ông bước sang một thế giới khác. Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Các ông tin rằng, khi theo Đức Giêsu, các ông sẽ tìm được nơi nương tựa vũng chắc cho cuộc sống đầy bấp bênh này: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” ( Lc 9, 58 ). Nhưng Đức Giêsu đã trả lời rất chân thật: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” ( Lc 9, 58 ). Mặc dầu đã khẳng định như vậy, nhưng Đức Giê su vẫn mời gọi: “Anh hãy theo tôi” ( Lc 9, 59 ).

Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ hiểu giá trị Nước Trời mà các ông đang muốn theo đuổi, giá trị ấy không tùy thuộc về bất kỳ điều gì trên thế gian này, nhưng chỉ đặt nền tảng trên sự tôn kính Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Nhân loại ai cũng ngỡ rằng theo Chúa sẽ được tất cả, cơm đủ no, áo đủ ấm, địa vị xã hội được cải thiện… thế nhưng tất cả mọi việc thuộc về thế gian này đều không quan trọng bằng việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa, tất cả đều không quan trọng bằng việc làm chứng cho thế giới này hiểu rằng Thiên Chúa chính là tất cả, quan trọng hơn tất cả.

Đường lối Thiên Chúa và nhân loại khác nhau xa quá. Trong khi con người ngày càng cố gắng xây đắp của cải vật chất và địa vị vững chắc, thì Đức Giêsu lại dẫn đưa họ đến một lối sống khác biệt, sự sống ấy hoàn toàn không được xây nên bằng của cải thế gian này nhưng bằng tình yêu và lòng mến. Tình yêu với Thiên Chúa và lòng mến đối với tha nhân. Sự đòi hỏi ấy dường như vượt quá khả năng nhân loại, để rồi người thì tiếc xót, kẻ thì níu kéo và những thái độ ấy đều bị Đức Giêsu khiển trách: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 62 ).

Lạy Chúa, “đi theo Ngài”, cụm từ ấy với con trải qua bao năm rồi nhưng vẫn không hề thay đổi. Ở tận đáy lòng, khi nào con chỉ cũng muốn theo Chúa và bước đi với Ngài mà thôi. Vì chưng, ngoài con đường ấy, con còn biết đặt chân đến nơi nào khác hơn. Chỉ có điều, có những giai đoạn trong cuộc đời con đã phải dừng lại, rẽ ngang, rẽ dọc… Thế nhưng, cho dù con có đi đến đâu, cũng không đi ra khỏi cõi lòng, nơi có con đường đưa con đến gặp Ngài. Dẫu hiện tại có phải mang gánh nặng nề bởi kế sinh nhai, nhưng niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa đã giúp con vượt qua mọi thử thách.

Xin giúp con luôn hiểu rằng cho dù cuộc sống có cam go đến đâu, cũng đừng từ bỏ “đường theo Người”, để mà can đảm buông tay gửi mọi phù hoa cho thế trần.

M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG

Tất Cả Là Hồng Ân.

Tất Cả Là Hồng Ân.

Giuse Thẩm Nguyễn

nguồn:vietcatholic.net

Khi nghĩ về những hồng ân, người đời thường nghĩ về những điều phúc, điều lành, chứ không ai coi cái họa, cái xui là hồng ân cả. Tuy nhiên, câu thành ngữ : “tái ông thất mã, an tri họa phúc”, có nghĩa là “ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc” thì chứng tỏ phúc hay hoạ là do chúng ta thôi.

Chuyện Tái Ông Mất Ngựa trong sách Hoài Nam Tử như thế này: Ông lão ở nước Hồ bị mất một con ngựa, tưởng là xui. Ai ngờ vài tháng sau, con ngựa kéo thêm cho ông con ngựa khác, tưởng là phúc. Có ngựa nên con trai ông cưỡi ngựa bị gãy chân, tưởng là hoạ. Bị gẫy chân nên con trai của ông được miễn đi lính, tưởng là phúc….

Cái vòng luẩn quẩn phúc và họa ấy sẽ chấm dứt khi con người chết.Chết là hết chuyện. Thật vậy đối với đời sống con người cái chết là kết thúc mọi chuyện. Dù khi sống người ấy có là ông này bà kia, có giàu sang phú quý, hay nghèo hèn thế nào thì chết cũng là hết. Bởi thế không bản án nào nặng bằng bản án tử hình, tức là cướp đi sự sống của một người. Nói một cách khác, sự sống là món quà quý nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Chết quả là sự cay đắng cho những ai chỉ cậy dựa và muốn hưởng thụ thế gian này, nhưng chết đối với người tin Chúa thì lại là niềm hy vọng được trở về hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra mình.

Đối với đức tin Công Giáo, thì sống cũng là hồng ân mà chết cũng là hồng ân, nếu cái chết ấy được chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng về hưởng Tôn Nhan Chúa. Thánh Phaolô quan niệm sự sống và sự chết của Ngài như thế này “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi “. (Pl 1,21

Theo quan niệm nhân gian, thì điều gì mình thích thì gọi là phúc, điều gì mình không thích thì gọi là họa. Sống thọ, có sức khỏe tốt, được người ta kính trọng, được giàu có thì ta gọi là phúc (hên). Ngược lại chết chóc, bệnh tật, bị hiểu lầm, bị nghèo đói thì gọi là họa (xui).

Cho nên trong các lời rao đầu lễ Chúa Nhật, tôi thường nghe thấy những lễ xin tạ ơn như được khỏi bệnh, được thăng chức, được thi đỗ, được có việc làm, được bằng an.. chẳng bao giờ tôi nghe thấy xin lễ tạ ơn vì đã bị bệnh, đã bị hiểu lầm, đã thất nghiệp, đã bị đau khổ… mà thực ra những điều chúng ta không thích cũng là hồng ân Chúa ban để giúp ta đến gần Chúa.

Suy tư về điều phúc và họa, tôi giật mình khi thấy đã bao lần tôi cất tiếng trong nhà thờ đọc kinh ‘Tám Mối Phúc Thật” mà chẳng ý thức về những điều Hội Thánh dạy.

Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó, người hiền lành, người sầu khổ, người đói khát sự công chính, người từ tâm, người có tâm hồn trong sạch, người kiến tạo hòa bình, người bị bách hại vì sự công chính, người bị xỉ nhục, bị bắt bớ, bị nói xấu, bị đặt điều vì Danh Chúa.

Tôi không biết có bao nhiều người hiện diện trong nhà thờ cầu mong những điều phúc này. Toàn là những điều mà thế gian gọi là tai họa, thế mà những người Công Giáo đích thực lại cho là có phúc?

Cái phúc ở đây ,theo người tin Chúa, là những cơ hội dẫn đưa ta về với Chúa là hạnh phúc cùng đích của đời sống. Sống không phải chỉ là sống mà là chuẩn bị cho sự sống bất diệt sung mãn cùng với Chúa Yêu Thương trong nước của Người.

Lần tìm trong Sách Giáo Lý Công Giáo, tôi được hiểu thêm: “Những phúc thật này vẽ lên khuôn mặt Chúa Kitô và mô tả đức bác ái của Người. ..Các phúc thật là những lời hứa nghịch lý để nâng đỡ niềm hy vọng trong những lúc gian truân, loan báo nhưng phúc lành và những phần thưởng mà các môn đệ của Chúa đã âm thầm đạt được.” (GLCG, câu 1717)

Người đời cho rằng trúng xổ số là có phúc, vậy mà theo báo Houston, ông Bille đã tự tử vì những đồng tiền từ trên trời rớt xuống ấy. Phóng viên Steve viết trong báo Houston rằng: ông Bille Bod Harrel Jr đã trúng 31 triệu dollars độc đắc bang Texas. Lúc đầu mọi sự đều tuyệt vời…Ông dùng tiền mua nhà, xe, làm từ thiện. Ông có thêm rất nhiều bạn… nhưng chỉ 20 tháng sau, gia đình ông tan tác, ông bị vỡ nợ và đã tự tử. (From A Treasury of Terribly sad Stories of Lotto Winners)

Có ai khổ cực trăm bề bằng những người Công Giáo bị bắt đạo thời xa xưa. Họ bị hành hạ thể xác, hành hạ về tinh thần và phải chịu chết một cách dã man. Thế mà đối với chúng ta, các Ngài đã được phúc tử đạo.

Tôi đã nghe và rất thích bài hát “ Tất Cả Là Hồng Ân”, tác giả cho rằng có những biến cố chúng ta cho là phúc, có những điều khác chúng ta cho là họa thì đối với Thiên Chúa Tất Cả Là Hồng Ân.

Những phúc/họa này có mục đích hướng chúng ta nhận biết sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình và giúp chúng ta yêu mến Chúa nhiều hơn, giúp chúng ta đạt được mục đích đầu tiên khi được sinh ra trong cõi đời này là “ thờ phượng và yêu mến Chúa”. Như thế trong đời sống đức tin Công Giáo không có gì là họa, mà tất cả là hồng ân. Chúng ta phải cảm tạ Chúa về mọi hồng ân Chúa ban cho mình.

Một bài thánh ca khác “ Khúc Ca Tạ Ơn”, tác giả cho rằng cuộc đời chúng ta được dệt bằng những niềm vui hân hoan hoà lẫn với những nỗi buồn da diết, những phút cười vui an bình pha lẫn những thử thách, long đong. Tất cả dệt thành Khúc Ca Tạ Ơn.

Nếu đời của chúng ta găp toàn chuyện may lành, thì chúng ta không biết giá trị của đau khổ, ngược lại nếu đời toàn là đắng cay thì cuộc sống chưa trọn vẹn. Một bức tranh đẹp do người hoạ sĩ tài ba là Chúa Giêsu vẽ lên cho đời ta phải điểm muôn màu muôn sắc. Tạ ơn Chúa vì chính Ngài đã dùng những nét chấm phá phúc-họa để vẽ lên con giống Chúa hơn.

Chúa đã dẫn tôi qua mọi biến cố của cuộc đời. Chúa đã cho tôi được gia nhập đạo Thánh Chúa khi vừa chào đời, Chúa đồng hành với tôi qua những tháng ngày tăm tối trong trại cải tạo, Chúa vui với tôi qua những tháng ngày bơ vơ nơi xứ người và Chúa nâng đỡ, kề cận tôi trong lúc tuổi già. Tôi đã phó thác trong tin tưởng để bước đi theo Chúa. Con đường quanh co, lúc thì phúc, lúc thì họa là con đường “Thánh Ý Chúa”.

Lạy Chúa, con đường phúc-hoạ nào Chúa đã đi qua, xin cho con được bước đi theo Ngài. Xin dạy con nhận ra sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa qua những biến cố trong đời con. Xin cho con biết chấp nhận để kiên trì vác thánh giá theo chân Chúa suốt đời con vì có Chúa thì “ Tất Cả Là Hồng Ân “. Amen.

Giuse Thẩm Nguyễn

CÓ THƯỢNG ĐẾ!!!

CÓ THƯỢNG ĐẾ!!!

Tác giả: Gs. Phan Văn Phước

nguồn:conggiaovietnam.net

(Bài viết cũ, có bổ sung, vào ngày 27.6.2013, bằng tài liệu về Kỳ Công của Đấng Tạo Hóa.)

I- Lời dẫn nhập:

Có ”kẻ” cho rằng con người LÀM nên tất cả, chẳng hạn: vô số ”nhà LÀM RA Khoa Học” đáng được cả thế giới khâm phục!!! Tôi bèn hỏi: ”Vậy AI LÀM RA vũ trụ?” Và đây là câu trả lời của lắm người KHÔNG tin có Thượng Đế: ”Đó là DO TỰ NHIÊN!” Tôi liền nói: ”Chữ ”tự” có nghĩa là MÌNH, TỰ MÌNH; chữ ”nhiên” có nghĩa là NHƯ VẬY. Cả hai chữ ấy có nghĩa: KHÔNG DO sức người LÀM RA! Mà có MUỐN LÀM chăng nữa, con người cũng CHỊU THUA!!! Thua AI, ông biết không? Thua ĐẤNG LÀM ĐƯỢC. Đấng ấy xưng MÌNH là TA như trong Kinh Thánh vì Ngài TỰ MÌNH phán THÌ có vũ trụ. Ngoài ra, chữ TỰ NHIÊN đồng nghĩa với THIÊN NHIÊN. Mà THIÊN là TRỜI!!! Như vậy, THIÊN NHIÊN có nghĩa là DO TRỜI LÀM RA! (Xin xem từ điển của Cao Đài.) Chữ ”tự nhiên; thiên nhiên” (nature; Natur”) là do từ Latinh: NATURA, có nghĩa: ĐƯỢC SINH RA: BE BORN!!!

Cho nên, thật là VÔ LÝ và BẤT CÔNG, BẤT CHÍNH, VÔ ƠN khi con người ”mở miệng” CA TỤNG hết lời ông A ”CHẾ RA” đủ loại máy móc, nhưng QUÊN rằng kim loại (mà ông ấy sử dụng) là DO TRỜI LÀM RA, tức THIÊN NHIÊN như đã định nghĩa.

Nhắm giúp ”nhân-vô-tri-bất-mộ” được sáng mắt, sáng lòng, tôi xin giới thiệu, ở cuối bài viết, Video ”Birds of Paradise; Winged Seduction Birds Of Paradise ” là phần trích từ bộ phim dài mà ”thiên hạ” (40 cameramen: người quay phim) phải bỏ ra hết 3000 ngày, tới 200 địa điểm trên khắp thế giới để khám phá Quyền Năng của Đấng Tạo Hóa. Ngoài ra, còn có Truyền Hình của Việt Nam (VTV2) giới thiệu con người HỮU HẠN đi TÌM HIỂU về THIÊN CƠ (thang máy) DO Ông TRỜI làm ra.

II- BÀI VIẾT:

Những người vẫn ”khư khư chủ trương KHÔNG CÓ Thượng Đế” sẽ CHẲNG bao giờ chứng minh được rằng ”không có Ngài” CHO DÙ họ dựa vào những phát minh mới về Khoa Học! Tại sao vậy?

Bởi vì ”Khoa Học” (1) KHÔNG PHẢI DO con người LÀM RA. Ví dụ: Sức đẩy của nước (định luật Archimède) KHÔNG DO ông ấy ”sáng chế” VÌ nó ĐÃ CÓ từ thuở ”TẠO THIÊN, LẬP ĐỊA”! Càng ”khám phá” phần nào đó ”Khoa Học CỦA ĐẤNG Tạo Hóa” (The Science OF The Creator) qua vũ trụ, con người, BỊ ”giới giạn bởi thời gian và không gian”, vẫn THẤY mình quá NHỎ BÉ và còn ”DỐT” trước ”Tri Thức CỦA Kiến Trúc Sư Tuyệt Đối” LÀM RA ”thiên cơ” (then máy của Trời) mà mình KHÔNG tài nào HIỂU THẤU được hết.

Ban đầu, đào đất, tôi tạo được một cái lỗ nhỏ. Càng đào đất ngày nầy qua ngày nọ, tôi KHÔNG còn thấy cái lỗ, mà quanh mình lại là một ”cái hố” rất rộng. Trong Lĩnh vực Khoa Học, cũng thế! Với ”viễn vọng kính” hiện đại, tối tân, sự hiểu biết CỦA con người (VỀ vũ trụ) CHỈ LÀ một phần ”tri thức” QUÁ NHỎ nên nhiều nhà nghiên cứu Khoa Học phải khẳng định rằng ”vũ trụ bao la, không cùng” là điều chứng minh CÓ ”Đấng Lạ Lùng” chế ra thiên cơ. Xin đơn cử trường hợp như sau:

Ngoài mặt trời, ngôi sao ”gần chúng ta nhất” được gọi là ”Proxima” nằm trong ”chòm Alpha Nhân Mã” (Alpha du Centaure), CÁCH chúng ta chừng 41 NGÀN TỶ cây số!!! Các nhà thiên văn phải ”tính gọn” khoảng cách ấy bằng NĂM-ÁNH-SÁNG (l’année lumière)! Mà vận tốc của ánh sáng trong mỗi giây là 300 NGÀN cây số! Vậy, trong một năm, ánh sáng đi được là 9,5 NGÀN TỶ cây số. Muốn ”bay” nhanh BẰNG ánh sáng để lên tới sao Proxima, tôi phải mất 4 năm và 3 tháng!!!

Quả Đất là hành tinh trong thái dương hệ (solar system) gồm có: Mercure, Venus, Terre, Mars, Jupiter, Saturne, Uranus (được khám phá năm 1781), Neptune (năm 1846) et Pluton (năm 1930). Thái dương hệ lại nằm trong ”Giải Ngân Hà” (Voie Lactée / Milky Way / Galaxy) có chừng 200 TỶ (200.000.000.000) ngôi sao! Các nhà thiên văn CHỈ mới khám phá được chừng 100 tỷ Ngân Hà trong một phần nhỏ của vũ trụ bao la! Cho nên ”chiêm tinh gia” nọ phát biểu và đặt câu hỏi như sau: ”Mới khám phá NGẦN ẤY về vũ trụ bằng viễn vọng kính TƯƠNG ĐỐI, mà tôi đã CHÓNG MẶT. Vậy, nên thư giãn tí xíu bằng cách tính kích thước ngắm được, thật KINH HOÀNG của Vũ Trụ, theo tỷ lệ KHIÊM TỐN của loài người! Phải chăng số NGÂN HÀ trong Vũ Trụ NHIỀU HƠN CÁT trên Địa Cầu?

Big Bang (Sự Bùng Nổ Lớn: Gigantesque Explosion) KHÔNG phải là chân lý (2), mà CHỈ là giả thuyết thuần túy siêu hình (une pure hypothèse métaphysique) bắt NGUỒN từ Cựu Ước nói về việc Sáng Thế từ HƯ VÔ (La création ex nihilo: Creation out of nothing) DO Quyền Năng của Thiên Chúa. CHẲNG chứng minh được rằng ”không có Thượng Đế”, còn DÈ DẶT vì lý do này, lý do kia, một số nhà nghiên cứu Khoa Học BÈN phát biểu: ”Do KHÔNG thể thấy Vũ Trụ ra sao trước Big Bang, chúng ta cũng CHẲNG biết được điều gì trong giai đoạn ẤY. Nhưng một số lý thuyết cho rằng có thể Vũ Trụ của chúng ta ‘chào đời giữa lòng Vũ Trụ khác’ ĐÃ CÓ TRƯỚC (préexistant).”

Như vậy, xét cho cùng, khái niệm ”Vũ Trụ Đà CÓ TRƯỚC” không phải là thiên cơ hữu hình, MÀ LÀ ”Đấng Vô Hình, Toàn Năng, Tuyệt Đối, Toàn Tri, Toàn Hảo…” Ngài có TRƯỚC thời gian và không gian, TỨC Đấng Tự Hữu (The Self-Existing) CHÍNH LÀ Thượng Đế. Cựu Ước nói ngắn gọn về việc Ngài khởi sự TẠO DỰNG vũ trụ như sau:

BAN ĐẦU, Thiên Chúa SÁNG TẠO trời và đất. Ðất còn trống không, mông quạnh, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa là là trên mặt nước. Và Thiên Chúa PHÁN: “Hãy có ánh sáng.” Và có ánh sáng. Và Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp và Thiên Chúa phân tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Và Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm. Đã có buổi chiều và buổi sáng: ngày thứ nhất.” (Sáng Thế Ký 1,1-5)

Gottfried Wilhelm Leibniz, nhà Toán Học, Triết Gia Đức, phát biểu: ”Thượng Đế tính toán, sử dụng ý tưởng của Ngài, cho nên thế giới đã được tạo thành. Trước hết mọi sự, Thượng Đế là VỊ tính toán vĩ đại, Nhà luận lý VĨNH HẰNG.” (Dieu calcule, il exerce sa pensée, et le monde est créé. Dieu est avant tout le grand Calculateur et l’éternel Logicien.)

Ông ta còn nói: ”KHÔNG gì CHẲNG gì mà KHÔNG lý do.” (Rien n’a rien sans raison.) Câu ấy phải được hiểu như thế này: Mọi sự đều CÓ nguyên nhân. Nhưng Thiên Chúa KHÔNG phải là ”sự, cái gì” VÌ Ngài là Nguyên Nhân CỦA mọi sự, mọi loài, TỨC Đầu Hết, LÀ Alpha bởi vì, trước chữ Alpha của mẫu tự Hy-lạp, KHÔNG CÓ chữ nào cả!

Tên đao phủSaulô đi lùng người tôn thờ Chúa Giêsu, đã được Ngài cho mù mắt để sáng lại, trở thành ‘‘Thánh Phaolô” đã cảnh cáo hạng người TƯỞNG mình là trí thức, nhưng vẫn MÊ MUỘI như sau: ”VÌ những gì thiên hạ có thể BIẾT về Thiên Chúa thì đã được mạc khải CHO HỌ. Từ thuở tạo thành vũ trụ, những việc tốt lành của Ngài mà mắt người đời không thấy được, TỨC là Quyền Năng vĩnh cữu và Thần Tính của Ngài. DO ĐÓ, họ VÔ phương chạy tội. VÌ đã BIẾT Thiên Chúa, NHƯNG họ KHÔNG tôn vinh Ngài là Thiên Chúa và cảm tạ Ngài. Trái lại, họ suy luận LẦM LẠC và tâm trí ngu si của họ trở thành TỐI TĂM. Họ tự KHOE là khôn ngoan, NHƯNG đã trở nên điên rồ.” (Roma 1,19-22)

Thật vậy, NHÌN cái ”máy vũ trụ” QUÁ LẠ LÙNG, vượt sức tưởng tượng của mình LÀ thọ tạo HỮU HẠN, ai CÒN ngoan cố, CÒN tự cao và CÒN KHÔNG TIN có Thượng Đế THÌ người ấy CŨNG nên làm kẻ ”điên rồ” bằng CÁCH lý luận rằng chiếc đồng hồ đeo tay chẳng có người nào làm ra!!!

Đaminh Phan văn Phước

Đức Quốc, 27 và 28.5.2012, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ban Ơn cho Kitô hữu mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin.

Ghi chú:

1. Chữ ”science” là cách biến âm của từ Latinh ”scientia” vốn là danh từ của động từ ”scire”: savoir; know; biết! Có bản dịch dùng chữ ấy trong thành ngữ ”l’arbre de la science du bien et du mal”: cây biết điều lành và sự dữ. Như vậy, chữ ”science” đồng nghĩa với ”connaissance; knowledge”. Cây ẤY ở Vườn Eden LÀM biểu tượng NHẮC Adam-Eva nhớ tới Lời của Thượng Đế LÀ Đấng Toàn Tri. (L’OMNISCIENT) ”Cây” gậy của Mosê đập đá để lấy nước nuôi Dân Chúa khỏi chết khát trong sa mạc. Vì Adam-Eva muốn được BẰNG CHÚA, ”Cây” Vườn Eden đã biến loài người trở thành nô lệ của Satan! Nhưng ”CÂY” Thập Giá giúp loài người đè đầu NÓ!!!

2. Bài khác sẽ nói về Big Bang.

Đức Quốc, 27 và 28.5.2012, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ban Ơn cho Kitô hữu mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin.

Đaminh Phan văn Phước

Kính mời xem Video về Kỳ Công của Đấng Tạo Hóa:

Birds-of-Paradise Project – YouTube

Winged Seduction Birds Of Paradise – YouTube

Khám phá thế giới – Kính thiên văn Hubble – YouTube

Tác giả: Gs. Phan Văn Phước

Tuần hành tại Hong Kong đòi dân chủ toàn diện

Tuần hành tại Hong Kong đòi dân chủ toàn diện

VOA

Người biểu tình ủng hộ dân chủ tuần hành qua các đường phố ở Hong Kong, ngày 1/7/2013.

Người biểu tình ủng hộ dân chủ tuần hành qua các đường phố ở Hong Kong, ngày 1/7/2013.

Hàng chục nghìn cư dân Hong Kong đã tham gia một cuộc tuần hành đòi dân chủ toàn diện nhân kỷ niệm 16 năm chủ quyền của đặc khu này được chuyển giao cho Trung Quốc.

Bất chấp mưa to do một cơn bão nhiệt đới gây ra, người biểu tình vẫn tới tham gia cuộc xuống đường thường niên vào ngày 1/7.

Cuộc tuần hành bắt đầu tại công viên Victoria và sau đó tiến tới quận thương mại trung tâm của thành phố.

Nhiều người biểu tình hô vang các khẩu hiệu đòi nhà lãnh đạo không được bầu của thành phố là ông Leung Chun-ying phải từ chức và kêu gọi chính phủ phải đảm bảo một cuộc bầu cử tự do và công bằng đối với vị trí trưởng đặc khu của ông Leung vào năm 2017.

Ông Leung nhậm chức ngày 1/7 năm ngoái sau khi được chọn lựa bởi một ủy ban của Hong Kong gồm đa phần những người trung thành với chính quyền và Bắc Kinh.

Kể từ đó, uy tín của ông sụt giảm vì các vụ bê bối liên quan tới nội các của ông, cách hành xử của ông trước khi nhậm chức cũng như sự bất mãn của công chúng về giá cả nhà đất tăng và con số người Hoa đại lục tới đặc khu.

Trung Quốc đã đồng ý để cho cư dân Hong Kong trực tiếp bầu trưởng đặc khu khi hết thời hạn nắm quyền của ông Leung vào năm 2017.

Ba điều ước của Alexander

Ba điều ước của Alexander

Đăng bởi lúc 1:00 Sáng 30/06/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (30.06.2013) – Đồng Nai – Alexander là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sĩ quan của mình:

– “Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo”.

Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.

– “Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái hòm rỗng của ta về một mình”.

Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp:

– “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường đến nấm mồ của ta khi các ngươi mang quan tài của ta ra nghĩa địa”.

Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp:

– “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.

Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị cận tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi:

– “Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?”.

Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời:

– “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được:.

– “ Mong ước thứ nhất của ta, để người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình, là để cho người ta nhận ra rằng một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng, phải trân quý cuộc sống của họ.

– “Mong ước thứ hai của ta, là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên giống như ta, theo đuổi mộng giàu sang. Nếu ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian quý báu của đời người.

– “Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng, ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”.

Nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.

Người Việt Nam có câu: “Khôn dại cùng chung ba thước đất”. Vâng, với kinh nghiệm của mình, chúng ta thấy rằng: cho dù khi còn sống người đó là ai, làm gì đi chăng nữa, thì đến khi từ giã cõi đời cũng chỉ còn lại “ba thước đất”. Cũng chính vì thấy rõ sự giới hạn của thế giới vật chất mà tác giả sách Giảng Viên đã nói: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không”. Và tác giả đã nêu lên lý do tại sao ông cho rằng tất cả là hư không, đó là “vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không”.

Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài đã sống thật thanh thoát với của cải. Ngài không để danh lợi thú cản trở bước chân của Ngài. Ngài đã từng nói: Cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”. Ngài không lệ thuộc vào phương tiện vật chất. Vì phương tiện chỉ hữu dụng khi con người làm chủ nó, còn khi con người phải lệ thuộc vào phương tiện thì lúc đó con người mất tự do và để phương tiện làm chủ mình. Ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, cho dù phải uống chén đắng cuộc đời, Ngài vẫn xin vâng ý Cha trọn đời.

Thế nhưng, những người môn đệ Chúa hôm nay vẫn còn có những người thích tích lũy của cải trần gian. Vẫn còn có những linh mục sợ phải vào rừng sâu, phải đến những nơi thiếu thốn mọi bề. Cuộc sống của họ đang đầy đủ phương tiện nhưng bây giờ phải đối diện với thiếu thốn họ sợ hãi và muốn lẩn tránh.

Nhưng cũng có nhiều linh mục biết dấn thân mà không quản ngại khó khăn. Họ đến những vùng rừng núi hoang vu. Họ sống giữa bản làng thiếu thốn tư bề. Họ vẫn sống thanh thoát bình an. Đây là những hình ảnh đẹp của người môn đệ. Thanh thoát, nhẹ nhàng trong cuộc đời. Không để vật chất làm cản trở bước chân truyền giáo. Không để những tình cảm níu kéo làm mất đi tinh thần hăng say phục vụ.

Cuộc đời người ky-tô hữu cũng chỉ đẹp khi biết sống thanh thoát với của cải trần gian. Đừng vì ham mê của cải mà sống ti tiện, sống tham lam, bất công và bất chính. Cuộc đời người ky-tô hữu phải để Chúa làm chủ linh hồn và thân xác mình, đừng để những lạc thú làm mê hoặc lòng người. Hãy bước theo Chúa trong tin yêu phó thác. Hãy buông mình trong vòng tay quan phòng của Chúa để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Viết bằng đức tin

Viết bằng đức tin

TRẦM THIÊN THU

Đăng bởi lúc 1:56 Sáng 30/06/13

nguồn: chuacuuthe.com

VRNs (30.06.2013) – Sài Gòn – Ngày 9-5 là Ngày Quốc Tế Nhà Báo (OIJ, thành lập năm 1946) và ngày 21-6 là Ngày Nhà Báo Việt Nam, liên quan chuyện viết lách (bài viết, thời sự, phóng sự, cảm nhận, văn, thơ, nhạc,…). Với người Công giáo còn liên quan Đức Tin. Sự cân bằng giữa việc viết lách và Đức Tin là gì? Đâu là điểm phải dừng lại và suy nghĩ xem mình có tập trung quá nhiều vào việc viết lách mà quên Sự Thật? Tôi có thực sự nhìn thẳng vào các vấn đề? Tôi có nghĩ về các điều không thực tế? Tôi có lãng phí tài năng Chúa ban? Tôi tin mình tìm thấy sự cân bằng đó, và câu trả lời đó có thể gây ngạc nhiên!

Nghệ thuật không có giới hạn, không có quy luật, không có cách đúng hay sai. Nhưng, đối với người Công giáo chúng ta, chúng ta đang sống sự thật mà chúng ta muốn giữ là điều quan trọng ngay cả khi chúng ta viết lách lúc rảnh rỗi. Truốc khi tôi bị thu hút vào các lĩnh vực mà tôi tạo ra trong đầu, tôi vẫn cầu nguyện hằng đêm. Tôi thức dậy và tìm cuốn Kinh thánh, tôi không hiểu sao mình lại để không đúng chỗ. Làm sao tôi chọn giữa 2 điều tôi thích nhất – Thiên Chúa và sự viết lách – khi Thiên Chúa ban cho tôi năng khiếu viết lách?

Tôi thấy các nhạc sĩ có vẻ tìm thấy sự cân bằng nào đó, đặc biệt là các nhạc sĩ Công giáo. Họ biết mình là Kitô hữu, nhưng vẫn lắng nghe những giai điệu. Đôi khi họ còn làm cho những giai điệu đó được nhiều người biết đến. Mất nhiều thời gian để đọc một cuốn sách hơn là nghe một bản nhạc, cho nên tôi thấy ít hy vọng khi chú ý vào bí ẩn của một nhạc sĩ. Cả hai dạng nghệ thuật đó đều kể lại một câu chuyện và và thu hút những đối tượng khác nhau. Các nghệ sĩ là Kitô hữu thu hút vì cá tính của họ, vì phong cách của họ, hoặc có thể vì bút chiến. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về điều đó. Tôi không biết cách tìm ra sở trường của tôi trong các bài viết khi tôi vừa là Kitô hữu vừa là người viết lách. Cuộc đời luôn bắt tôi chọn lựa: Thiên Chúa và viết lách.

Đừng để bị cuộc đời lừa dối

Tôi thường cảm thấy không thoải mái trong ngày vì tôi cứ miên man suy nghĩ về những câu chuyện của tôi, đặt mình vào các nhân vật và các tình huống, tìm cách giải quyết cho họ hoặc đơn giản là diễn đi diễn lại cảnh tượng đó. Đôi khi trong đầu tôi vang lên lời thúc giục đọc Kinh thánh hoặc Giáo lý thay vì chia trí vì những chuyện vặt. Dĩ nhiên tôi nên dành nhiều thời gian để đọc Kinh thánh, và tôi đang làm vậy để có lợi cho tôi và những bài viết của tôi.

Vấn đề là tôi cảm thấy có lỗi vì chú tâm nhiều về những gì tôi biết và tôi viết. Người ngoại giáo có làm như thế? Nếu vậy, tất cả các văn nghệ sĩ đều không là Kitô hữu. Trong tôi luôn có sự giằng co như Thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7:19-20).

Văn là người. Người viết luôn đặt tâm trí vào điều họ viết. Bài viết hay phải có trải nghiệm thực tế. Tưởng tượng cũng phải dựa vào thực tế. Người viết hay phải đổ tâm huyết vào bài viết, không được bỏ chi tiết cần thiết nào, và tạo được “nét riêng” của mình. Nét riêng đó là dấu vết tâm hồn, là dấu vết riêng. Tìm được sự cân bằng giữa tư cách một Kitô hữu và tư cách một người viết liên quan việc sống và nghĩ với tư cách một Kitô hữu. Đó là đặt Thiên Chúa ở mức cao nhất. Ưu tiên Ngài thì chúng ta sẽ không gặp rắc rối nào!

Tôi muốn bạn nhận thức rằng bạn có thực sự là một Kitô hữu hay không. Nếu bạn thực sự là một Kitô hữu, bạn đang sống đức tin của mình một cách có thể trọn vẹn nhất. Nếu bạn là một Kitô hữu, hoặc bạn có niềm tin tôn giáo khác, điều đó sẽ tỏ rõ trong cách viết của bạn. Nếu bạn có lương tâm đúng đắn và có kinh nghiệm sống đời thường, nếu bạn biết điều gì làm nên một câu chuyện hay và bạn biết các giáo huấn của Chúa Giêsu, nếu bạn chưa bao giờ bỏ qua một ngày mà không cầu nguyện với Ngài một lúc, bài viết của bạn sẽ phản ánh điều đó – dù chỉ là ngẫu nhiên.

Có thực sự là ngẫu nhiên?

Như một người thích biển, xung quanh họ là biển với nhiều cát và những cách hải âu bay lượn, chắc chắn họ sẽ phản ánh điều đó bằng cả tâm huyết trong bài viết. Kitô hữu cũng thể hiện đức tin tôn giáo trong bài viết của mình, tâm hồn họ đầy những điều về Đức Kitô. Hãy biết ưu tiên điều gì trong cuộc sống, và hãy tập trung công việc vào Thiên Chúa – Đấng quan trọng nhất. Hãy tập trung vào Nguồn Sáng Tạo là Thiên Chúa, và những gì liên quan Ngài. Bài viết của bạn sẽ làm chính bạn ngạc nhiên vì có Chúa Thánh Thần tác động. Đừng sợ và hãy tin tưởng, vì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta nếu chúng ta làm những điều đẹp Tôn Ý Ngài!

MARIELLA HUNT

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Ủy ban đối ngoại Hạ viện thông qua Dự luật nhân quyền VN

Ủy ban đối ngoại Hạ viện thông qua Dự luật nhân quyền VN

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-06-28

20130508_093722-305.jpg

Dân biểu Ed Royce phát biểu tại buổi đệ trình lên Quốc Hội bản dự thảo “Đạo luật Nhân Quyền VN năm 2013” ở tòa nhà Hạ viện Rayburn hôm 8/5.

RFA

Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam H.R.1897, đồng soạn thảo bởi dân biểu Christopher Smith và dân biểu Ed Royce, được Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đồng loạt thông qua trưa thứ Năm 27 tháng Sáu vừa qua.

Thông qua với đa số áp đảo

Ngay sau buổi điều trần kết thúc, dân biểu Ed Royce trả lời phần phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, trước tiên ông cho biết:

DB Ed Royce: Trong bao năm qua Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện đã mở nhiều cuộc điều trần về Việt Nam. Nếu những cuộc điều trần ấy có cùng một tiếng nói ố chung thì đó là nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng giảm sút. Những kẻ thừa hành trong chính phủ đó đã mạnh tay đàn áp người bất đồng chính kiến. Những ai dám dưa lên trang blog hoặc loan tải những tài liệu liên quan đến dân chủ, hoặc bất cứ điều gì có tính cách phê bình chỉ trích đảng cộng sản đương quyền, đều phải đối diện những năm tù giam và bị hành hạ đánh đập. Dự Thảo Luật Về Nhân Quyền Cho Việt nam được Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện thông qua hôm nay là một thông điệp dứt khoát đối với đảng cộng sản Việt Nam là phải thay đổi phải cải thiện nếu muốn nhận thêm những nguồn viện trợ nằm ngoài tính cách nhân đạo từ Hoa Kỳ.

Thanh Trúc: Thưa ông dân biểu ED Royce, khi trình bày những điều này có phải ý ông muốn nói đó là lý do khiến Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, mà ông là chủ tịch, đã đồng loạt thông qua H.R.1897 với đa số áp đảo như thế?

DB Ed Royce: Là vì ai cũng phải sửng sốt và quan ngại trước cách hành xử của chính phủ Việt Nam. Chỉ trong vòng sáu tuần lễ đầu năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ 40 người bất đồng chính kiến, buộc tội họ bằng những phiên tòa nặng phần trình diễn hơn là công lý. Chỉ hơn sáu tuần lễ thôi mà số người bất đồng chính kiến bị bắt giữ đã ngang bằng con số toàn năm ngoái. Nhà nước cộng sản Việt Nam đánh đập hành hung những ai dám lên tiếng bảo vệ nhân quyền.

20130508_093934-250.jpg

Dân biểu Chris Smith phát biểu tại buổi đệ trình lên Quốc Hội bản dự thảo “Đạo luật Nhân Quyền VN năm 2013” ở tòa nhà Hạ viện Rayburn hôm 8/5. RFA PHOTO.

Một lý do nữa mà tôi muốn trình bày là dự luật phải được thông qua bởi vì ở Việt Nam đề cập đến tự do tôn giáo là một cái tội, nói những gì nhà nước không thích cũng là phạm tội mà hậu quả là nhiều năm bị giam cầm. Đã có nhiều buổi điều trần tại quốc hội Mỹ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, bằng chứng, hình ảnh và danh sách tên tuổi những người bị hành hạ bị đánh đập được trưng lên cho các vị dân biểu thấy.

Cộng đồng thế giới từng nói về những điều tệ hại này, và bây giờ chúng tôi cảm thấy đến lượt quốc hội phải lên tiếng, bước tiếp nữa là trình dự luật, đã được Ủy Ban Đối Ngoại nhất trí thông qua hôm nay, ra trước hạ viện để biểu quyết.

Thanh Trúc: Thưa ông, bao giờ thì H.R.1897 sẽ được đưa ra trước toàn thể hạ viện để biểu quyết?

DB Ed Royce: Tôi nghĩ vài tuần lễ nữa thì dự luật, vừa được Ủy Ban Đối Ngoại chúng tôi thông qua hôm nay, phải được trình ra trước toàn thể hạ viện để biểu quyết. Theo tôi có thể khoảng cuối tháng Bảy chứ không lâu hơn.

Thanh Trúc: Vậy ông có tiên liệu những khó khăn hay trở ngại có thể xảy ra khi Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được mang ra trước toàn thể hạ viện sắp tới?

DB Ed Royce: Việc Dự Luật được Ủy Ban Đối Ngoại có các dân biểu lưỡng đảng thông qua hôm nay với đa số áp đảo tôi thấy không có sự khó khăn nào khi nó được đưa ra trước hạ viện lần này.

Thanh Trúc: Thưa trong quá khứ Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam từng được thông qua hai lần ở hạ viện cũng với đa số áp đảo, nhưng đã bị khựng lại khi lên tới Thượng Viện? Liệu năm nay có điều gì khác hơn?

DB Ed Royce: Là vì khi đó thượng nghị sĩ John Kerry, trong tư cách chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại trên thượng viện, đã tìm cách ngăn chận Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam lại. Hiện tại ông John Kerry không còn là chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện nữa mà là ngoại trưởng Hoa Kỳ, thay vào chỗ ông ta là thượng nghị sĩ Robert Menendez.

Ông Robert Menendez cũng là người dễ bất bình về chuyện nhân quyền bị vi phạm. Từ Cuba di cư sang Hoa Kỳ, gia đình thượng nghị sĩ Robett Menendez từng trải nghiệm những hình thức vi phạm chà đạp quyền con người trong chế độ cộng sản Cuba, cũng là kinh nghiệm thực tế mà các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi ở Việt Nam đang nếm trải khi tìm cách phổ biến, liên lạc, nối kết và giao lưu với nhau trên Internet.

Chính vì vậy tôi tin rằng lần này H.R.1897 sẽ được sự ủng hộ của trước nhất và quan trọng nhất là Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện mà thượng nghị sĩ Robert Menendez đang là chủ tịch như vai trò chủ tịch hiện thời của tôi trong Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện mà đã đồng loạt thông qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam hôm nay trước khi đưa ra hạ viện sắp tới.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông dân biểu Ed Royce.

7 Differences Pope Francis has made

 

7 Differences Pope Francis has made

 

In these two photos there are 6 differences…

 

Fun & Info @ Keralites.net

 

1. Changed the golden throne by a wooden chair …
something more appropriate for
the disciple of a carpenter.

 

Ngài ngồi trên ghế gỗ chứ không ngồi trên một ngai Vàng

 

2. Did not want the gold-embroidered red stole,
heir of the Roman Empire, nor the red cape…

 

Ngài không mặc áo choàng ngắn màu đỏ và khăn quàng cổ có thêu chỉ Vàng


3. Uses same old black shoes, not the classic red.

 

Ngài vẫn mang đôi giày màu đen thường nhật chứ không mang màu đỏ.

 

3. Uses a metal cross, not of rubies and diamonds.

 

Thánh giá đeo trên ngực bằng kim loại thường chứ không cẩn đá quý hoặc diamond.


5. His papal ring is silver, not gold.

 

Nhẫn Giáo Hoàng của Ngài bằng Bạc chứ không phải Vàng.


6. Uses the same black pants under the cassock,

to remember that he is a another priest.

 

Bên trong áo choàng trắng của GH, Ngài vẫn mặc quần đen để nhớ là Ngài vẫn là một Linh Mục.

 


Have you discovered the 7th?

 

Bạn đã tìm ra điểm thứ Bảy chưa ?

 

Removed the red carpet ..

 

Bục ghế ngồi của Ngài không trải thảm đỏ.

.

He is not interested in fame and applause …

Every day I like more
Pope Francis !!!