BẤT AN

BẤT AN                                             

                                                                             Huỳnh Ngọc Chênh

Trước 75, ngay khi sống trong thời chiến, tôi vẫn luôn cảm thấy an lành. Những năm chiến tranh ác liệt ấy, gia đình tôi tách ra làm hai. Ba tôi xuống thành phố, còn mẹ tôi vẫn ở lại quê bám trụ. Tôi đi đi về về cả hai nơi. Đêm ngủ ở quê, thường xuyên nghe tiếng đại bác nổ ven rìa làng do lính Mỹ bắn cầm canh từ phi trường Đà Nẵng. Thỉnh thoảng cũng có vài quả đại bác bay lạc vào nhà dân gây ra cảnh tang thương chết chóc thế nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn không cảm thấy bất an. Đêm ngủ ở Đà Nẵng thỉnh thoảng lại nghe hú còi báo động có pháo kích của Việt Cộng bắn về thành phố, nhiều người phải chạy vào nấp dưới hầm, riêng tôi vẫn nằm tỉnh queo trên giường, không chút lo sợ.
Bây giờ sống trong hòa bình, mà hòa bình đã gần 40 năm rồi sao trong lòng cứ thắc thỏm bất an. Do tuổi già ư? Không phải như vậy.
 
Làm sao mà yên ổn được khi bước ra đường phải lo sợ trước bao nhiêu điều hiểm nguy đang rình rập. kẹt xe, khói bụi ô nhiễm, tai nạn giao thông, đinh tặc, cướp giật, va quẹt xe đưa đến bị hành hung, cây đổ, dây điện đứt, sụp hố cống…. Một ngày ở thành phố lớn như Sài Gòn, xảy ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, bao nhiêu vụ cướp giật, hành hung, đâm chém…thấy tận mắt hoặc đọc báo, nghe đài mà oải cả người.
Hầu như mọi thứ thức ăn đều có nguy cơ chứa chất độc hại do dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, do chất kích thích hoặc do làm ra gian dối. Không thể nào yên tâm với thức ăn ở các hàng quán. Cà phê hóa chất, phở ngâm formol, dầu ăn từ cống rãnh, chế biến thức ăn bên cạnh nhà vệ sinh… Thực phẩm mua ở chợ về tự chế biến cũng hoàn toàn không yên tâm. Rau, giá, trái cây đầy rẫy chất kích thích cực độc (nhất là trái cây Trung cộng), cá thì bị ướp hàn the, thịt thì không kiểm định hoặc thịt bị dùng chất tăng trưởng độc hại. Bất an với món ăn ở hàng quán nhưng cũng không thể nào an tâm với bửa ăn tự nấu nướng ở nhà.
Tình trạng ô nhiểm thì kinh hồn. Đường xá thì khí thải và bụi bẩn bay mù mịt, cống rãnh và kênh rạch thì đen ngòm vì chất thải bẩn. Rồi ô nhiểm âm thanh mới kinh hồn.
Trong công việc mưu sinh, bất an khắp mọi nơi. Vật giá liên tục leo thang, quá nhiều công ty nợ nần phá sản, chiếm dụng vốn và lừa đảo khắp mọi nơi. Khuyến mãi lừa đảo, bán hàng đa cấp lừa đảo, thế chấp vay lừa đảo…Sụ bất an do suy thoái kinh tế làm người có vốn không dám bỏ tiền ra đâu tư, người làm công cứ thắc thỏm lo mất việc từng ngày.
Khi bị ngã bệnh, phải đến bệnh viện thì người dân hoàn toàn không yên tâm. Chỗ nằm thiếu, phương tiện y tế lạc hậu, tay nghề cũng như lương tâm thấp kém của y bác sĩ có thể làm cho bệnh nhân không những không được cứu chữa thích đáng mà còn gây ra tử vong vô lý nữa. Biết bao nhiêu cái chết oan khiên được nêu ra và không được nêu ra do sự tắc trách của bệnh viện.
Hành chính thì nhũng nhiễu, thường gây ra sự phiền hà cho dân để công chức ăn hối lộ thay vì tận tụy phục vụ dân. Có việc đến cơ quan công quyền như thuế vụ, hải quan, nhà đất, ủy ban các cấp, công an…người dân phải khúm núm quỵ lụy và lo lót thì sự việc mới trơn tru. Có lỗi bị tạm giữ trong đồn công an, người bị tạm giữ hoàn toàn không yên tâm. Chuyện bị chết trong đồn công an đã trở nên quá phổ biến.
Chuyện an ninh quốc phòng thì được nghe nói đã có đảng và nhà nước lo nhưng người dân hoàn toàn thấy bất an. Ngư dân ra khơi là bị Trung cộng đuổi bắt hoặc đâm chìm tàu. Tàu chiến, tàu hải giám, tàu cá của Trung Cộng hầu như đã chiếm lĩnh toàn bộ biển Đông. Trong đất liền thì chỗ nào, lãnh vực nào cũng có mặt người Tàu.
Cơ quan chức năng và ban bệ rất nhiều, người dân phải è lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy nhà nước vô cùng cồng kềnh, nhưng bộ máy ấy hoàn toàn không làm cho người dân an tâm.Bất ngờ đau ốm không dễ dàng có xe cấp cứu đến, bị cướp bóc trấn lột không dễ gì gọi được công an. Thức ăn nhiểm bẩn hầu như không có cơ quan nào quan tâm….Người dân cảm thấy bị bơ vơ đơn độc giữa cuộc đời.
Một nhà nước yếu kém, bất lực và vô trách nhiệm  như vậy mà sao vẫn tồn tại lâu vậy nhỉ? Đây có lẽ là nỗi bất an lớn nhất mà người dân phải mang nặng trong lòng.

Khởi tố hai bị cáo trong vụ án đánh cắp tài liệu mật của Tòa Thánh

Khởi tố hai bị cáo trong vụ án đánh cắp tài liệu mật của Tòa Thánh

Minh Đức

 

 WHĐ (14.08.2012) – Hai nhân viên Tòa Thánh là Paolo Gabriele, cựu quản gia của Đức giáo hoàng và Claudio Sciarpelletti, kỹ thuật viên tin học của Phủ Quốc vụ khanh, đã được Tòa án Nhà nước Vatican triệu tập, trong vụ án rò rỉ tài liệu mật của Phủ giáo hoàng.

Phán quyết của thẩm phán điều tra của Tòa Thánh Vatican, Bonnet Piero, đã được công bố vào trưa thứ Hai. Cha Federico Lombardi, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã trình bày các kết quả của giai đoạn thẩm tra này, theo đó có một bị cáo thứ hai cũng bị bắt vào đêm vào cuối tháng Năm. Cả hai sẽ bị xét xử bởi Tòa án Vatican: Paolo Gabriele về tội đánh cắp và Sciarpelletti Claudio về tội tàng trữ tài liệu bị đánh cắp.

Paolo Gabriele bị bắt ngày 23 tháng Năm. Nhiều tài liệu đã được tìm thấy tại nhà của ông. Ông thừa nhận đã chiếm đoạt tài liệu của Tòa Thánh, sao chụp các tài liệu này và trao cho nhà báo Italia Gianluigi Nuzzi một bản. Ông nói rằng ông đã hành động một mình, để phục vụ Đức giáo hoàng và không nhận bất cứ khoản tiền nào cho việc này.

Về phần Claudio Sciarpelletti, một phong bì gửi cho Paolo Gabriele đã được tìm thấy trong văn phòng của ông. Nhưng các nhà điều tra không đưa ra được bằng chứng kết luận Sciarpelletti đồng lõa trong vụ này. Tuy nhiên trong quá trình thẩm vấn họ cũng ghi nhận có những mâu thuẫn và những điều không ăn khớp.

Phán quyết này tạm khép lại cuộc thẩm tra. Trong bản cáo trạng của công tố viên còn có một số nhân vật khác không được tiết lộ danh tính. Những người này có thể được điều tra thêm.

Phán quyết này cho thấy viên cựu quản gia đã được giám định về tâm lý và được kết luận là có thể chịu luận tội như bình thường. Ngoài ra, phán quyết cũng cho biết một ngân phiếu 100.000 euro đã được tìm thấy tại nhà của ông và một bản sao quý giá của tác phẩm Aeneis.

Cuối cùng, người ta được biết sẽ có một phiên toà hình sự với ba thẩm phán. Ngày mở phiên tòa này chỉ được công bố sau ngày 20 tháng Chín.

(Vatican Radio, 13-08-2012)

Nguồn:  WHĐ

Maria Thanh Mai gởi

Bị tù vì hành động si tình

Bị tù vì hành động si tình

                                                                                                                 PT. Nguyễn Mạnh San
 
                                                                                    nguồn: http://baomai.blogspot.com
 
Người ta vẫn thường nói nửa đùa nửa thật với nhau rằng lấy vợ là đi ở tù hay lấy vợ là lãnh bản án chung thân khổ sai. Câu nói đùa này có thể đúng với ông chồng hiền lành lấy phải bà vợ thuộc loại phù thủy. Chứ ở trên đời này, nếu muốn đạt được tình yêu chung thủy trọn vẹn và một niềm hạnh phúc lâu bền thì không hẳn có tiền mua tiên cũng được, mà người ta phải trả bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự hy sinh, nhẫn nại, và chịu đựng.
Tình yêu là một vấn đề rất phức tạp, đôi khi trở nên vòng lẩn quẩn không lối thoát. Bằng cớ là có trường hợp người ta yêu mình thì mình lại không yêu người ta, mà lại đi yêu một người khác không yêu mình. Rốt cuộc, người thứ nhất chạy theo người thứ hai, người thứ hai chạy theo người thứ ba… Và nếu cứ để tình trạng này kéo dài hoài mà không chinh phục được con tim của người mình yêu, thì tình yêu dễ trở thành tình tuyệt vọng. Trong giây phút quẫn trí, tình tuyệt vọng có thể đưa đến chỗ tự kết liễu đời mình hoặc thúc đẩy mình có những hành động điên cuồng, đe dọa đến tính mạng của người mình yêu, vì không muốn thấy người mình yêu đi yêu người khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp dưới đây, một nam sinh viên yêu say đắm một nữ sinh viên cùng lớp. Anh không hề có lời nói hăm dọa, hay hành động nào nguy hại đến tính mạng của người anh yêu cho dù anh không được cô này yêu lại. Nhưng thật không may cho anh, chỉ vì một vài hành động si tình của anh đối với cô mà anh đã bị coi là vi phạm đến điều luật tiểu hình nên đã bị tống giam. Câu chuyện xảy ra như sau:
Hình minh họa
Chàng sinh viên trẻ tuổi này, tính tình rất dễ thương, hiền lành với giọng nói thật truyền cảm. Anh ta đang theo học gần hết năm thứ 4 tại một trường đại học tư và anh đã yêu thầm một nữ sinh viên cùng học chung với anh trong một vài lớp, trong khi cô sinh viên này hoàn toàn không hay biết gì. Vài tháng trước ngày ra trường của hai người, anh mạnh dạn yêu cầu cô ở lại lớp học vài phút để anh có chuyện muốn nói với cô.
Thế là ngay buổi chiều tan học học hôm ấy, anh đã mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng của anh yêu cô từ ngày đầu tiên khi anh nhìn thấy cô bước vào trong lớp học, và tình yêu đó càng ngày càng bùng cháy trong tim anh, đến nỗi anh không thể nào giữ kín trong lòng được nữa, mà hôm nay anh phải nói cho cô biết là đời anh sẽ vô nghĩa nếu không lấy được cô làm vợ. Vậy mong cô hãy chấp nhận tình yêu chân thành này của anh. Anh cũng hứa với cô là ngay sau lễ ra trường của hai người, anh sẽ mua tặng cho cô chiếc nhẫn đính hôn tuyệt đẹp để chờ tới ngày anh tìm được việc làm thì anh sẽ tổ chức lễ cưới trọng thể tại Nhà Thờ, mời bà con bạn bè hai họ đến tham dự thánh lễ và chung vui tiệc cưới.
Nghe anh tâm sự xong, cô bạn ôn tồn trả lời rằng cô rất cảm động được nghe thấy những lời nói chân thành, phát xuất từ con tim của anh, và cô rất cám ơn anh về tình cảm cao quý dành cho cô trong suốt 3 năm qua; nhưng rất tiếc, cô phải nói lên sự thật là cô đã có người yêu rồi, xin anh thông cảm cho tình trạng hiện tại của cô. Mặc dầu tin và hiểu rõ những lời cô bạn vừa giải thích là sự thật, chàng sinh viên vẫn nuôi hy vọng có thể thuyết phục được cô lìa bỏ người yêu, để đáp lại tình yêu của anh một ngày nào đó.
Thế rồi, vào những buổi chiều có lớp học chung với cô, sau giờ tan học, anh đều lái xe theo sau xe cô và cho tới khi nhìn thấy xe cô chạy vào lối đậu xe riêng của nhà cô, thì anh mới lái xe về nhà anh. Còn những buổi chiều nào không có cô học chung lớp, thì ngay sau khi tan học, anh cũng lái xe qua nhà cô để xem cô đã về tới nhà hay chưa? Đã có vài lần cô bất chợt nhìn vào kính xe chiếu hậu thì thấy anh đang lái xe theo sau xe của cô về tới nhà cô và lần này cô không thể kiên nhẫn chịu đựng lâu hơn nữa cái cảnh anh cứ theo dõi cô như theo dõi kẻ gian, làm cô rất bực mình, nên cô điện thoại báo cho cảnh sát biết tình trạng như thế để nhờ cảnh sát can thiệp dùm. Ngày hôm sau, khi cô vừa lái xe về tới nhà thì cô trông thấy một xe cảnh sát đang đậu sẵn ở đầu đường nhà của cô và khi xe của anh vừa đi qua ngã tư nhà của cô thì xe cảnh sát chạy theo sau xe anh, hú còi báo hiệu cho anh phải ngừng xe lại. Cảnh sát đến giải thích cho anh biết là kể từ hôm nay anh không được quyền lái xe theo sau xe cô bạn học của anh và không được lái qua nhà của cô ta. Nếu anh còn tái phạm hành động này nữa thì anh sẽ bị tống giam và bị truy tố. Sau khi nghe những lời cảnh báo của cảnh sát, anh không còn dám lái xe theo sau xe cô và cũng không còn dám lái xe qua nhà cô nữa, và một tuần lễ sau, anh cũng nhận được án của Tòa là kể từ nay cấm anh không được bén mảng đến gần hoặc bất cứ có một hành động hay lời nói nào làm phiền hà đến đương cáo. Nếu vi phạm án lệnh này, bị cáo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc trước pháp luật.
Hình minh họa
Tuy nhiên, đúng là ma đưa lối quỷ đưa đường, anh đã tìm ra được số điện thoại nhà của cô và anh đã gọi điện thoại phân trần với cô rằng anh không hề có bất cứ một âm mưu nào nhằm ám hại cô mà chỉ vì quá yêu cô, quá nhớ cô, nên anh mới dám có hành động như thế. Cô trả lời anh là cô không cần biết, cũng không muốn nghe thêm những điều anh giải thích và kể từ nay anh phải chấm dứt ngay việc gọi số điện thoại này. Khổ một nỗi, khi con người si tình thì cũng giống như một kẻ điên không biết nhớ nhưng vẫn nhớ tới người mình yêu và như một kẻ say không biết buồn nhưng vẫn biết thốt ra những điều phiền muộn ở trong lòng. Nên, chỉ một tuần lễ sau, anh lại gọi điện thoại cho cô lần thứ hai. Lần nay, cô liền báo cho cảnh sát biết sự việc vừa xảy ra và cảnh sát đã đến nhà còng tay anh đưa vào trại giam.
Theo một số điều khoản qui định trong các Bộ Luật Tiểu Hình của nhiều tiểu bang, hành động liên tiếp theo đuổi một người dưới mọi hình thức khác nhau, gây phiền hà cho người ta, cho dù vì tình yêu đi chăng nữa, làm cho người ta bị hồi hộp, lo sợ, tinh thần bị căng thẳng, và cảm thấy tính mạng của mình đang bị đe dọa bởi hành động như vậy, thì bất cứ ai vi phạm điều khoản này, sẽ bị lãnh án tù ở hay tù treo cộng thêm tiền phạt vạ. Hai hành động vừa kể trên của anh chàng si tình đã làm cho người anh yêu cảm thấy bị phiền hà lẫn lo sợ, nên anh đã bị bỏ tù 1 năm cộng 5 năm tù treo, mà may mắn anh không bị đóng tiền phạt vạ. Nhưng trong thời gian án treo, nếu anh còn tái phạm những hành động tương tự như vậy nữa thì anh có thể bị phạt vạ từ hai ngàn năm trăm đến mười ngàn Mỹ kim và có thể bị ở tù từ 5 đến 10 năm.
Hình minh họa
Trong suốt thời gian anh ở tù, cứ mỗi lần tôi gặp riêng anh, anh lại tâm sự cho tôi biết thêm chi tiết là anh không hề cảm thấy hối hận gì về hành động của anh đối với cô bạn học này. Việc anh lái xe theo dõi và gọi điện thoại cho nàng, trước tiên là vì anh quá yêu, quá nhớ nàng, sau nữa là mong tìm một cơ hội để cố gắng thuyết phục được con tim của nàng về cho anh. Anh nhấn mạnh, chính nhờ ở tù mà anh đã có những đêm thức tới sáng để suy ngẫm lại cuộc đời của anh, giúp anh tự hiểu lòng mình nhiều hơn và cảm thấy tình yêu của anh đối với nàng càng cao đẹp bao nhiêu thì lại càng làm anh nhớ nàng bấy nhiêu. Cao hứng, anh đã đọc cho tôi nghe 4 câu thơ do anh mới sáng tác đêm trước:
“Yêu em trên hết mọi điều.
Yêu em anh bị ở tù vẫn yêu.
Số em là số đào hoa.
Số anh là số nhà pha mới về.”
Anh còn cho tôi biết là sau khi ra khỏi tù, anh sẽ không bao giờ đi tìm kiếm nàng nữa, sẽ luôn luôn nhớ nàng trong lời cầu nguyện của anh và anh sẽ hiến dâng cuộc đời của anh cho Chúa. Tôi quên đi mất không hỏi xem anh hiến dâng cuộc đời anh cho Chúa như thế nào?
Gần 4 năm sau ngày ra khỏi tù, anh có viết cho tôi một lá thư khá tỉ mỉ. Kể rằng anh đang theo học môn Thần Học tại một trường Đại Học Tin Lành để trở thành một Mục sư, và anh rất vui mừng được tin giáo phái nhà thờ của anh sẽ sai anh đi truyền giáo cho những người mắc bệnh AIDS tại Phi Châu sau ngày anh được chịu chức Mục sư.
Câu chuyện si tình trên đây nhắc tôi nhớ lại cách đây hơn 2 năm, cũng có một thanh niên đẹp trai, dáng người cao ráo, ăn nói rất có duyên. Anh si mê một cô gái rất thùy mỵ, duyên dáng và cô là một trong những học trò cũ của lớp dự bị hôn nhân do tôi giảng dạy trước đây. Anh gặp cô này tình cờ trong bữa tiệc cưới của người em gái bạn anh. Lẽ dĩ nhiên, cô em gái bạn anh đã cho anh biết rõ cô này đã có người yêu rồi nhưng chưa làm đám hỏi. Mặc dầu biết được như thế, anh vẫn tìm cơ hội để tỏ tình với cô, nhưng bị cô từ chối bằng những lời lẽ cảm ơn ngọt ngào, vì rất tiếc cô đã có bồ rồi, và sắp sửa làm đám hỏi.
Người si tình thì cũng tương tự như người điên hay người say rượu, trí óc đâu còn đủ minh mẫn để nhận xét điều nào nên làm và điều nào không nên làm? Cũng cùng một niềm hy vọng thuyết phục được người mình yêu như anh chàng si tình vừa kể ở trên, chỉ có khác nhau cách thức. Thay vì lái xe theo dõi và gọi điện thoại, anh này lại gửi thư 2 lần cho người anh yêu với những lời lẽ van xin, kèm theo những bông hoa tươi thắm đến nàng ở sở làm.
Lần thứ nhất anh gửi hoa đến qua bưu điện, nàng từ chối không nhận hoa, còn lá thư nàng mở ra đọc, rồi xé bỏ. Lần thứ hai, anh tận tay mang hoa đến với lá thư tình, nhưng đã được dặn trước nên người tiếp đãi viên của sở nàng đã từ chối không nhận cả hai thứ. Lần này, cô được ông xếp của cô ở sở khuyên nên thông báo cho cảnh sát biết sự việc để ngăn ngừa những điều bất lợi có thể xảy ra cho cô trong tương lai. Ông còn cho cô biết là theo một thống kê của một hãng tư nhân, cứ 1 trong 12 người trong số 8 triệu người đàn bà Mỹ là nạn nhân của những vụ bị hành hung bằng vũ lực, bị quấy nhiễu tình cảm, bị hăm dọa tính mạng, bị quấy nhiễu tình dục v.v… và ông khuyên cô nên đề phòng.
Trước khi gọi điện thoại cho cảnh sát, cô có điện thoại hỏi ý kiến tôi xem có cách nào khác giúp cô để giải quyết vấn đề này được không? Tôi khuyên cô đừng vội gọi điện thoại cho cảnh sát, hãy để tôi giúp cô bằng cách nói chuyện riêng với anh chàng về vấn đề này trước đã. Nếu không có hiệu quả thì khi đó báo với cảnh sát cũng chưa muộn. Ngay ngày hôm sau, anh ta và tôi gặp nhau tại một địa điểm hẹn trước, và tôi đã kể lại cho anh nghe những gì tôi biết được câu chuyện của anh với cô nàng mà anh đang yêu. Nghe xong, anh xác nhận với tôi những gì tôi vừa kể ra là đúng sự thật, và anh yêu cầu tôi cho anh một lời khuyên.
Tôi liền kể lại cho anh nghe về câu chuyện si tình ở trên, và tôi khuyên anh nên chấm dứt ngay vấn đề gửi thư, gửi hoa cho người anh yêu, nếu anh muốn tránh không bị liên lụy đến pháp luật như anh chàng si tình kia đã bị. Anh cần nên nhớ rằng bất cứ hành động nào để tỏ bày tình yêu với đối tượng mình yêu mà không được chấp nhận, thì phải nên chấm dứt ngay, bằng không người thực hiện hành động sẽ bị chế tài theo luật pháp Hoa Kỳ, nếu có lời khiếu nại của đối tượng.
Luôn tiện đây, tôi có dẫn chứng một câu chuyện tình yêu của một thanh niên khác cho anh này thấy rằng tình yêu chỉ nên cho đi mà không cần nhận lại, vì nhận lại chưa chắc đã có hạnh phúc, mà đôi khi chỉ chuốc lấy nhiều nỗi phiền muộn cho riêng mình hoặc cho cả hai người, và có một điều đừng quên rằng lấy được người mình yêu về làm vợ hay làm chồng, có thể trở nên rất hối tiếc nếu không chiếm được trái tim của người mình yêu.
Như một anh thanh niên kia yêu say đắm một nữ sinh trung học duyên dáng. Khi anh ta ngỏ ý muốn cưới cô ta về làm vợ, cô trả lời anh là hãy chờ đợi cô thêm một năm nữa để cho cô học xong rồi hãy tính đến chuyện trăm năm. Trong suốt một năm chờ đợi, anh đã chiều chuộng cô đủ mọi thứ từ tinh thần đến vật chất để làm vừa lòng cô. Đúng một năm sau, cô ra trường, đám cưới của hai người được tổ chức trọng thể tại Nhà Thờ, với sự có mặt đông đủ họ hàng, bạn bè của cả hai bên đến tham dự Thánh Lễ. Nhưng ba năm sau, tình cờ tôi gặp lại anh ta, anh tâm sự với tôi rằng: “Thầy ơi, con rất buồn vì con được biết vợ con yêu thương một người khác trước khi lấy con. Mặc dầu nàng đã có một đứa con với con rồi, thân xác nàng thì ở bên cạnh con thật đấy, nhưng con tim nàng thì vẫn gửi lại cho người nàng yêu ở một phương trời xa cách. Con chẳng biết phải giải quyết tình trạng này ra sao? Về mặt tôn giáo thì không được phép ly dị vợ, còn về đời sống lứa đôi thì nhiều lúc con cảm thấy như con đang sống với một người vợ là người máy chỉ biết nói, nhưng không biết xúc động vì không có trái tim; chứ không phải là người vợ bằng xương bằng thịt, có trái tim biết rung động để hòa nhịp với trái tim của người chồng nữa.”
Hình minh họa
Nghe xong câu chuyện này, anh chàng tặng hoa nói với tôi rằng anh sẽ chấm dứt, không còn dám tìm cách này hay cách khác để liên lạc với cô gái nữa và trong tương lai, anh sẽ đi tìm một lẽ sống hướng thượng, có ý nghĩa hơn đối với cuộc sống hiện tại của anh để cố quên đi mối tình tuyệt vọng này. Trước khi chia tay với anh, tôi nhắc nhở cho anh nhớ lại một câu mà người ta thường nói:
“Thời gian là một liều thuốc nhiệm màu, sẽ làm cho người ta quên dần đi những kỷ niệm đau buồn trong quá khứ.”
Nhất là khi người ta biết hy sinh thì giờ của mình để làm những công việc hữu ích chung cho tha nhân, như tình nguyện đi làm những công tác xã hội, hoạt động cho những cơ quan thiện nguyện, làm những công việc tông đồ mục vụ cho Nhà Thờ hay cho Nhà Chùa thì họ đâu còn có thì giờ rảnh rang để ngồi ôn lại những dĩ vãng đau buồn, xa xưa của đời mình nữa.
Hơn một năm sau, tôi gặp lại anh chàng tặng hoa, anh cho tôi biết anh đang tình nguyện làm công tác xã hội cho một Nhà Thờ vào cuối tuần, để đưa đồ ăn đến tận nhà cho những cụ già ở một mình trong những căn nhà riêng, không có họ hàng, con cháu đến trông nom chăm sóc, và ngoài ra anh còn đi thu góp những đồ đạc, quần áo cũ của người ta, mang về cho Nhà Thờ để phân phát cho những người nghèo khổ. Nhờ vậy, anh không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện xưa của anh nữa và đôi lúc nếu có nghĩ tới thì chỉ biết cầu nguyện cho người anh yêu được sống hạnh phúc bên chồng con của nàng, chứ không như trước kia, tối ngày anh chỉ ngồi nghĩ đến mưu kế, làm thế nào chinh phục được con tim của nàng. Giờ đây, anh xin cúi đầu tạ ơn Chúa đã ban cho anh bình an trong tâm hồn, để anh tiếp tục làm những công việc ích lợi cho tha nhân và cho chính bản thân anh nữa.
Quả thật, tình yêu chỉ biết cho đi mà không cần nhận lại thì bao giờ cũng cao đẹp, đáng được quý trọng nhất trên đời vì nó biểu tượng cho tấm lòng vị tha, chỉ biết thương yêu tha nhân một cách bất vụ lợi, giống như một đại dương tràn đầy sóng nước bao la, trôi đi không thấy bến bờ. Hơn thế nữa, tình yêu còn là món ăn tinh thần vô giá, để bồi bổ và nuôi dưỡng tâm hồn lẫn thể xác con người được sống vui vẻ về phần hồn và khoẻ mạnh về phần xác. Chả thế mà một bản nhạc tình ca lãng mạn, nổi tiếng khắp Năm Châu qua nhiều thế hệ, đã vang lên những lời ca yêu đương thắm thiết, cộng với những âm điệu trầm bổng thánh thót, rót vào tận lòng người nghe, để ngợi khen tình yêu với tựa đề “Tình Yêu Là Vật Đẹp Muôn Màu.”
Cho dù màu sắc có bị phai lạt theo dòng thời gian trôi mau, nhưng tình yêu muôn đời vẫn là một báu vật hữu hình, luôn luôn ngự trị ở trong mọi trái tim con người và ngay cả ở trong mọi trái tim những sinh vật nào sống trên trái đất, biết yêu thương, biết nhớ nhung và biết giận hờn. Tình yêu làm cho người ta cảm thấy sung sướng nhất khi yêu cũng như khi được yêu, nhưng đồng thời nó cũng làm cho người ta cảm thấy đau khổ nhất khi tình yêu bị khước từ. Vậy tình yêu cao thượng nhất trên đời là tình yêu vị tha, có nghĩa là khi mình yêu ai thì không đòi hỏi người ấy phải yêu lại mình mà sẵn sàng chấp nhận sự đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc, và hãy coi hạnh phúc của người mình yêu cũng là hạnh phúc của mình.
Những hành động si tình của hai người vừa mới được kể ở trên nếu xảy ra ở Việt Nam, có lẽ hai đương sự sẽ không hề bị liên lụy đến pháp luật. Vì tôi còn nhớ hồi tôi ở Việt Nam, tôi được biết có một vài cô em gái của bạn tôi, mỗi lần nhận được thư bày tỏ tình yêu của người ta gửi đến cho các cô thì các cô mở thư ra đọc một cách thích thú và còn mang khoe những lá thư đó cho bạn bè cùng đọc, lấy làm hãnh diện là có nhiều kẻ yêu say đắm mình mà mình chẳng thèm để ý đến họ, hoặc còn khoe với bạn bè là tao có nhiều thằng cứ lẽo đẽo mỗi ngày đạp xe đạp theo sau xe tao về đến tận cửa nhà như những tên giữ an ninh cho tao, và mặc dù chẳng yêu thương gì người ta, nhưng vẫn nhận hoa, nhận quà gửi đến, rồi mang đi khoe với bạn bè để ra cái điều là ta xinh đẹp đến nỗi có nhiều kẻ phải si mê và tặng quà cho ta.
Ngược lại ở Hoa Kỳ, người ta luôn phải tôn trọng đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, không ai có quyền dòm ngó hay xâm phạm đến đời tư của người khác, cho dù sự xâm phạm đó không hại gì nhau.
Để kết thúc, si tình là một trong những hiện tượng thường thấy xảy ra trong mọi thời đại và ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu. Có phải vì con tim quá yêu một người mà trở thành si tình chăng? Vậy nếu cảm thấy tình yêu cứ mỗi ngày mỗi gia tăng mạnh mẽ ở trong tâm hồn, thì người si tình cần phải thận trọng những dự tính hành động của mình đối với người mình yêu, để tránh khỏi bị liên lụy đến pháp luật.

PT. Nguyễn Mạnh San

Chuyện khôn, dại

Chuyện khôn, dại

 lúc 12:09 Sáng 16/08/12

VRNs (16.08.2012) – Sài Gòn – Ngay trong cuộc sống đời thường cũng luôn có nhiều “chuyện lạ”, nhưng mỗi chuyện đều có những mức độ “lạ” khác nhau, thậm chí là khác hẳn. Tốt cũng “lạ”, xấu cũng “lạ”. Vì vậy mà cần phải tỉnh táo, biết phân biệt cái gì đúng hoặc cái gì sai. Đó là người thông minh và khôn ngoan. Chúa Giêsu dạy cách xử sự: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16).

Sự khôn ngoan rất quan trọng trong mọi trường hợp. Kinh thánh cho biết: Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi. Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” (Cn 9:4). Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9:5-6).

Đường lối Chúa luôn cao siêu và kỳ diệu, vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thầm nhủ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Ngài chẳng ngớt trên môi” [Tv 33 (34):2], đồng thời còn nói cho người khác biết: “Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Ngài” [Tv 33 (34):3-4], rồi giải thích lý do: “Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Ngài đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng” [Tv 33 (34):5]. Tình yêu của Thiên Chúa bao la, lòng thương xót của Ngài vô biên, chắc chắn rằng “ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi” [Tv 33 (34):6]. Sự thường thì “vô tri, bất mộ”. Nhưng một khi đã “nếm thử” sự ngọt ngào của Ngài rồi, người ta sẽ khiêm nhường khi làm chứng về Ngài: “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn” [Tv 33 (34):7].

Thánh vịnh 33 (34) muốn nhắc nhở chúng ta một điều: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” [Tv 33 (34):9]. Nghiệm ra Chúa rồi thì người ta sẽ thêm khôn ngoan, biết sống theo lời khuyên tốt lành: “Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành, lánh dữ;, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” [Tv 33 (34):14-15].

Tục ngữ Việt Nam khuyên: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đó là phép lịch sự cơ bản nhưng lại thể hiện sự ý tứ, tinh tế và khôn khéo. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep 5:15-16). Thánh nhân “vuốt mặt” mà không cần “nể mũi”, cứ nói thẳng nói thật: “Anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là Ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5:17-18). Đó mới là cách sống khôn ngoan, mà người nào có “sống khôn” thì mới có thể “chết thiêng”. Hệ lụy lô-gích!

Ngày xưa, những người có “máu nhạc” bị coi là “xướng ca vô loài”, nghĩa là “không giống ai” theo dạng “kỳ quặc”, kiểu như “con giáp thứ 13” không hề có trong số các con giáp. Thế nhưng Thánh Phaolô lại khuyên: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5:19). Đặc biệt hơn, thánh nhân nhấn mạnh: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5:20). Tạ ơn khi vui mừng và may mắn thì đó là điều dễ dàng, không có gì đáng nói; nhưng tạ ơn khi buồn rầu và kém may mắn thì đó mới là điều đáng nói. Khó lắm! Nhưng Thánh Gióp đã làm được điều đó, dù đời ông là bản “trường ca đau khổ”. Chúng ta phải nỗ lực noi gương Thánh Gióp vậy!

Nếu lần đầu nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Liệu chúng ta có thể tin “chuyện động trời” như vậy? Chắc là không! Người Do-thái khi nghe Chúa Giêsu nói vậy, họ liền tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52). Ăn thịt sống của động vật đã là “điều lạ”, huống chi là “ăn thịt và uống máu người”. Phải nói là kinh dị! Chắc là Chúa Giêsu cười thầm trong bụng. Biết họ không thể tin vì “chói tai”, nhưng Ngài vẫn xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” (Ga 6:53-55). Chắc là lúc đó ai cũng trố mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn há hốc mồm miệng và vểnh tai nghe “điều lạ”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:56-57).

Chúa Giêsu là nhà hùng biện vĩ đại. Họ im lặng tức là có cảm giác “khác” rồi. Đúng là “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Ngài tiếp tục tái xác định: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:58).

Có lý lắm. Chắc hẳn lúc đó có nhiều người đang “mềm” lòng như sáp nến gặp lửa nóng vậy. Trong số những người khôn thì chắc cũng không thiếu những người dại. Họ dại vì họ cố chấp, biết đúng mà cứ muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình; họ dại vì quá tự ái, cái “tôi” lớn hơn cái “chúng ta”; họ dại vì không muốn tin vào quyền năng của “chàng trai trẻ” Giêsu.

Và chúng ta ngày nay cũng thế thôi, có người khôn và cũng có người dại!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con được đức khôn ngoan và đức khiêm nhường để sống tốt lành ngay trên trần gian này, để chúng con được mãi mãi “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15:9). Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Nhà mù Bừng Sáng: Ánh sáng nơi đâu?

Nhà mù Bừng Sáng: Ánh sáng nơi đâu?

16/08/2012                            nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (16.08.2012) – Sài Gòn – Ngày 15.07 vừa qua, Christine Hà, cô gái Mỹ gốc Việt đến từ Houston (Texas) đã vượt qua khoảng 30.000 người sáng mắt để lọt vào top 36 thí sinh dự chung kết cuộc thi truyền hình nổi tiếng MasterChef tại Mỹ. Cô gái này mắc một chứng bệnh về thần kinh, bắt đầu giảm thị lực từ năm 19 tuổi và bị mù hoàn toàn vào năm 27 tuổi. Hà đã làm lay động bao trái tim của khán giả khi thể hiện niềm đam mê nấu nướng cháy bỏng của mình với đôi mắt hầu như không nhìn thấy gì. Thiếu ánh sáng từ đôi mắt, Hà lấy ánh sáng từ trái tim.

50 em khiếm thị tại mái ấm Bừng Sáng sẽ phải làm gì để hội nhập và còn vươn lên hơn nữa với những người bình thường trong một xã hội còn quá nhiều phân biệt đối xử và khắc nghiệt với người khiếm thị?

Mái ấm của tình thương

Chị Hạnh, 24 tuổi, dáng người gầy ốm nhưng nói chuyện vui vẻ và thân thiện, chị bị khiếm thị do một tai nạn. Chị Hạnh dẫn chúng tôi quẹo vào một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, Sài Gòn (266/5 Nguyễn Tri Phương, P.4, Q.10). Trước mắt chúng tôi hiện lên một căn nhà nhỏ hẹp, khoảng 25 m2 và có một căn gác nhỏ. Dân chung quanh quen gọi là “nhà mù”.  

Mái ấm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 50 em nhỏ. Mái ấm Bừng Sáng do thầy giáo khiếm thị Đào Khánh Trường sáng lập. Ông bị khiếm thị từ nhỏ do hậu quả của căn bệnh đầu mùa. Đồng cảm với những người khiếm thị, đặc biệt là các em thiếu nhi, năm 1977, thầy Trường nhận các em khiếm thị về nuôi. Đến ngày 16.09.1986, mái ấm Bừng Sáng chính thức thành lập. Cơ sở hoạt động đến nay đã được 25 năm.

Thầy Trường là giáo sư Âm Nhạc trường Khiếm Thị, cũng như các em, đôi mắt của thầy không thấy gì ngoài một màu đen. Để duy trì ngôi trường này miễn phí cho các em, thầy đã đi dạy và làm việc vất vả để có nguồn kinh phí ổn định cho nơi này. Cơ sở là một căn nhà chật hẹp, nằm trong con hẻm nhỏ, đang có 43 em khiếm thị sống ở đây, được giáo dục bởi người những người thầy khiếm thị. Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng thiện nguyện viên trong và ngoài nước.

Đến nay, trường Bừng Sáng đã xây dựng xong cơ sở 2 khang trang hơn ở gần ngay cơ sở 1 và có đầy đủ nhạc cụ, máy vi tính và những máy móc, phần mềm tin học dành riêng cho các bạn khiếm thị.

Từ khi thầy Trường mất, sơ Nguyễn Thị Hoàng,  (điện thoại: 0909681611), Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, đảm nhận công việc Chủ Nhiệm của trung tâm. Sơ Hoàng chia sẻ: “Lúc thầy Trường sinh thời, sơ và công đoàn thường xuyên lui tới thăm hỏi chia sẻ và giúp sức. Sau khi Thầy Trường mất, vì thương các em nhỏ không ai lo chăm sóc, nên sơ Hoàng xin chuyển về điều hành công việc, chăm lo cho các em về mặt tinh thần, giáo dục kiến thức, giúp các em tự tin vào bản thân, khuyến khích các em học tập nếu cám em ham muốn đi học, còn các em khác tùy vào khả năng sơ dạy làm đồ thủ công, bên cạnh đó còn có các bạn sinh viên, những nhà hảo tâm và các bạn đã rời mái trường trở về giúp duy trì và phát triển ngôi trường.”

  

Khó khăn không làm vơi ý chí

Những trẻ em nơi đây được sơ Hằng và sơ Hoa chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ. Còn cô Loan, quê ở Tây Ninh, phụ trách công việc bếp núc cho các em.

Ban đầu còn khó khăn nhưng sau thời gian được các sơ chăm sóc, dạy dỗ và rèn luyện thói quen nên các em có thể thích nghi với cuộc sống thường ngày phần nào. Chị Hạnh tự hào cho biết: “Các bạn có thể tự nấu cơm bằng nồi cơm điện, nấu những món chiên xào đơn giản bằng bếp điện.”

Anh Hòa, 31 tuổi, sống tại mái ấm hơn 20 năm. Anh đang giảng dạy tin học cho các em. Anh kể về chính mình: “Khi mới tiếp cận với bất cứ công việc gì thì cũng khó khăn, nhưng dần dần quen rồi thì thấy mọi việc cũng bình thường. Tôi đã được Thầy Trường đón nhận và dạy dỗ, bây giờ tôi cũng phải dạy lại cho các em bằng chính những kinh nghiệm tôi anh có được”.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với người khiếm thị chính là vấn đề học hành và đi lại. Mỗi lần các bạn muốn đi đâu thường phải nhờ người chở, hoặc phải có người dắt đi. Gần “nhà mù” có một vài công trình đang xây dựng và sửa chữa, nên việc di chuyển bất tiện và nguy hiểm. Chị Hạnh, khi đi cùng chúng tôi, không chú ý nên va phải các song sắt và cây gỗ từ một trong những công trình này.

Một số em được học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, trường học dành riêng cho người khiếm thị, và một số thì được học tại các trường hòa nhập. Ngoài ra, sơ Hoa, các em nhỏ hay gọi sơ là “cô giáo Bông” đến tận nhà giảng dạy chữ Braille (loại chữ nổi dành cho người mù) và dạy toán cho các em. Đôi khi, các em học bằng cách thâu âm và sau đó về nghe lại những đoạn âm thanh đã thâu được. Ngoài ra, học tin học, học đánh đàn, học nghề… và những thứ khác đều trở nên khó khăn với các em.

Các giảng viên ở trung tâm Bừng Sáng cũng chính là những thành viên trong mái ấm này. Những người được đi học và về hướng dẫn lại cho nhau, chẳng hạn như thầy Phú, thầy Huyến dạy nhạc… Bên cạnh đó, các bạn còn được học nghề massage, học cách kết cườm, làm hoa, làm móc chìa khoá, đan giỏ… Sau khi học xong các lớp phổ thông thì các em còn được học tiếp lên đại học và cao đẳng.

Vào thời gian rảnh, chị Hạnh cho biết những trẻ em hay kiếm công việc làm thêm, chẳng hạn như massage, công việc thủ công, kết cườm, làm hoa, móc chìa khoá, làm giỏ. Khi chúng tôi hỏi các em làm việc này như thế nào khi không nhìn thấy ánh sáng, chị trả lời: “Các em vận dụng những giác quan khác và luyện tập nhiều lần để làm công việc này. Thí dụ như việc kết cườm, các em dựa vào cảm giác để phân biệt những hạt cườm theo kích thước to nhỏ khác nhau trong các hộp riêng biệt. Còn massage thì đi học ở trung tâm và làm theo hướng dẫn của thầy, tiền công là khoảng 15.000đ/tiếng.”

Nhờ những công việc ấy mà các bạn có thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân cũng như để phụ giúp với mái ấm trong việc lo cho các em nhỏ.

Tuy nhiên, công việc massage cũng có nhiều bất trắc. Chị Hạnh kể, có một chị bị khiếm thị từ thuở nhỏ, khách hàng gọi đến nhà để massage cho khách và cuối cùng là bị khách cưỡng hiếp.  “Cơ sở bên mình thì nữ làm cho nữ, nam làm cho nam. Những cơ sở khác thì không quan trọng điều này”.

Luôn có niềm hy vọng

Thời gian đầu khi mới vào ngôi nhà nhỏ bé này, các em đều mặc cảm với chính mình và xa lánh mọi người xung quanh. Các em nhỏ luôn luôn có cảm giác là mình bị bố mẹ bỏ rơi, Bé Vi 9 tuổi khiếm thị do di truyền vừa khóc vừa nói: “Sao mẹ lại quên em, có phải mẹ đã bỏ em rồi không chị, tại em bị mù phải không chị, tại em không giúp được gì cho mẹ phải không chị, tại em không ngoan phải không chị, tại em, tại em… ”. Hầu như các em nhỏ ở đây đều cảm thấy mình đã bị mất tình thương yêu của những người thân trong gia đình.

Theo thời gian, khi đã thích nghi được với mọi thứ thì nỗi buồn vơi đi, những niềm vui đã bắt đầu nhen nhóm trong tâm trí các em lúc này đã bừng sáng, các em cố gắng rất nhiều trong việc học hành, giao tiếp, vui chơi, thân thiện với mọi người. Anh Hòa 31 tuổi vui vẻ chia sẻ: “Cũng bình thường thôi, mọi việc đã trở thành thói quen”.

Niềm vui khiến các em nhiệt tình hơn, hăng say với các công việc hơn, trong các hoạt động giải trí ngoài công viên, tại các nhà thờ. Chúng tôi được nghe bé Đức kể chuyện diễn cảm, nghe bé Khang đàn một vài bài nhạc ưa thích và được bé Vy chia sẻ về ước mơ trở thành cô giáo giống như sơ Hoa, “cô giáo Bông”.

Trên thế giới có khoảng 161 triệu người mù lòa, trong đó có 124 triệu người khiếm thị (người vẫn còn nhìn thấy được, nhưng thị lực rất yếu, dưới mức 3/10) và 37 triệu người mù (người hoàn toàn không nhìn thấy gì) (theo thông kê vào năm 2002). Cứ 5 giây trôi qua lại có thêm một người bị mù và cứ một phút trôi qua lại có một đứa trẻ vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Hàng năm cả thế giới phải tiêu tốn hơn 42 tỷ đôla Mỹ cho việc chữa trị các bệnh về mắt.

Theo khảo sát của RNIB trên những người khiếm thị về tuổi khởi phát bệnh, thì khoảng 75% trong số các bệnh gây mù có thể tránh được bằng các phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa. Thống kê riêng ở Anh về tuổi khởi phát bệnh mù lòa cho thấy 31% người trả lời nói rằng bắt đầu mắc bệnh khi còn ở độ tuổi lao động (từ 17 đến 59 tuổi), nhưng 56% cho rằng bệnh khởi phát từ khi 60 tuổi trở về sau. Chỉ có 8% bắt đầu bị bệnh khi mới dưới 16 tuổi.

Riêng ở Việt Nam hiện nay có khoảng 900.000 người (1,2% dân số) bị khiếm thị, 5,1 triệu người có khuyết tật về mắt. Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khuyết tật về mắt là bị khiếm thị từ thuở nhỏ và do tai nạn.

Chẳng hiểu sao, tôi chợt nhớ đến sơ Hoàng, sơ Hằng, sơ Hoa với dáng người bé nhỏ nhưng yêu Chúa và thương các em vô vàn…

Những em ở mái ấm Bừng Sáng và những em khiếm thị ở các nơi khác luôn xứng đáng được hưởng một tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Ánh sáng, phải chăng ở chính ước mơ của các em, sự hy sinh phục vụ của các sơ, lòng nhiệt huyết của những người thầy và ở ngay mỗi người trong chúng ta?

Teresa Đinh Trần Hoàng Vi – Anna Nguyễn Thị Thanh Xuân

Maria Đặng Thị Kim Huệ – Teresa Trần Ngọc Bích

Hãy Luôn Cảm Tạ Thiên Chúa!

Hãy Luôn Cảm Tạ Thiên Chúa!

(CN 20TN, Năm B)

                                                                                    Tuyết Mai

“anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự”. (Ep 5, 15-20).

Suốt hai ngày hôm nay tinh thần và cơ thể của tôi nó ra mệt nhoài, thưa vì con gái lớn của tôi, cháu bị người ta ăn cắp xe, đó là tôi đã cầu nguyện thật nhiều và trao mọi sự việc cho Chúa định liệu.   Sau giờ nghỉ ăn cơm trưa và cũng xong giờ làm việc trong ngày của cháu thì bạn đồng nghiệp cùng rủ nhau đi ăn trưa, sau đó cháu có chương trình phải đi tập Coast Guard đến khuya mới về nhà.   Ra khỏi nhà hàng ở Garden Grove thì cháu phát giác xe cháu đã bị ăn cắp.   Thưa lạ lắm anh chị em ạ! Vì không ai có thể nghĩ rằng xe của cháu ai lại muốn phiền hà mà lấy cắp xe của cháu, trong khi chung quanh là những xe tốt và đẹp hơn của cháu rất nhiều.

Xe của cháu thuộc loại cổ lỗ xĩ lắm rồi! Xe đời “91” đã 20 tuổi già.   Xe già thì mọi thứ cũng già, ai lại lấy cắp làm chi để lỡ có gặp anh cảnh nào thì vừa vào tù ngồi mà lại chẳng bõ cho cái công ăn cắp?.   Nhưng ở đời đôi khi cái cũ rích của người lại là cái kho tàng cho người khác; thật đúng vậy, tuy cái xe cũ rích cũ rơ, nhưng cháu nhà tôi không có tiền để đi mua liền chiếc xe cũ khác, thưa có phải?.   Ngẫm nghĩ ra chắc Chúa tránh dùm cho cháu tai nạn gì đó tối hôm qua chăng?.   Như người mình thường nói “của đi thay người” là vậy?.   Cháu mất cả giấy tờ vì để trên xe.   Thẻ tín dụng thì nhờ bố gọi dùm để bỏ (cancel).

Cháu nhà tôi vì có tâm hồn rất trẻ thơ, tôi không nghĩ rằng cháu khổ sở vì cái xe đã mất, nhưng chắc hiểu rằng sau đó không có cái chân để đi làm, và mùa nhập học cũng sẽ nhanh chóng đến nội trong tuần tới đây!.   Cháu chỉ tiếc vì có thể mất bộ đồ đồng phục mặc đi Coast Guard mỗi tuần.   Trong khi hai bố mẹ đang lo lắng để làm những gì sau đó?.   Mua xe khác cho cháu để nó đi làm và đi học, nhưng tiền đâu mà có ngay để mua xe?.   Đưa xe của hai vợ chồng tôi cho cháu đi đỡ, rồi hai vợ chồng cùng cụt chân hay sao?.   Cháu bắt buộc phải đi xe buýt một ngày mấy chuyến vừa đi vừa về, sợ không kịp giờ làm và giờ đến trường?.   Rồi thì bao nhiêu thủ tục trình báo mất xe, rồi thì bao nhiêu phiền phức sẽ xẩy đến khi mất xe?.   Có sẽ tìm được không?   Tìm được rồi thì cái xe có còn chạy được không hay chỉ còn lại cái sườn, mà tiền lãnh xe ra vẫn phải trả, gần 200 đô la???.

Trao mặc mọi sự cho Chúa thì là lẽ đương nhiên đó, nhưng không tránh được những phiền muộn và những giấy tờ phải khai báo.   Sau thời gian khai báo là những giờ đồng hồ cháu gái nói chuyện với cảnh sát và chờ tin tức của chiếc xe, cũng làm hao mòn và hao tổn sức khỏe của vợ chồng chúng tôi rất nhiều.   Thật may cho chúng tôi không phải chờ lâu! Qua một đêm thì gần trưa hôm nay, có một nữ cảnh sát người Việt gọi điện thoại cho chúng tôi, báo rằng chiếc xe đã tìm thấy, hiện đang nằm trong nghĩa địa xe bảo quản của cảnh sát ở thành phố Santa Ana, và bình điện xe đã bị lấy cắp.   Thế là chúng tôi vợ chồng con cái đến lãnh xe ngay, không quên đem theo một bình điện mượn của bạn con trai của chúng tôi.  

Tôi bảo tất cả hãy cầu nguyện cùng Chúa đi cho cái xe nó còn đầy đủ và còn chạy được, chứ không thì tiền mất tật mang, vì họ không cho mình xem cái xe mà bắt phải trả tiền trước mới được coi xe và làm gì thì làm???.   Ôi lậy Chúa, sau khi trả tiền để lấy xe là gần $ 200 đô la, tôi hồi hộp chờ đợi, họ mới kéo cái xe ra hẳn ngoài đường mà trao cho chúng tôi.   Nhìn cái xe mà tôi không khỏi không cảm tạ Chúa rất nhân lành.   Ngoài cái bình điện xe ra thì ở góc của xe có bị cọ quẹt bể cái bóng đèn nhưng xe vẫn chạy được và không hề mất gì khác thuộc về chiếc xe nữa cả!.   Sau khi cài bình điện mượn vào và charge điện thì xe đã nổ ngon lành.   Bây giờ thì mọi việc kể như đã xong và đã trở lại trạng thái bình thường, vì chúng tôi đã ghé mua bình điện mới và lắp vào chạy ngon lành rồi!.

Lời khuyên nhủ trên của Thánh Phao lô gởi các anh em tín hữu rất chí lí chí tình là luôn sống cảm tạ Thiên Chúa của chúng ta, có thế chúng ta sẽ luôn tiếp nhận Ơn Chúa Thánh Thần, hướng dẫn chúng ta làm những điều tốt lành để luôn đẹp lòng Chúa.   Nhờ Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng nên chúng ta hết thảy biết những điều gì là tốt cần nên làm và những điều gì là xấu để tránh xa, nhất là dịp tội.   Tôi luôn dậy con cái hãy luôn sống một ngày tràn đầy yêu thương và cho người sự vui vẻ.   Vì cho người sự vui vẻ ấy, thực tình là muốn cho chính mình được vui vẻ.   Vì điều gì mình cho, sẽ nhận lại được gấp đôi hay gấp ba.   Có thể sự nhận lại đó nó đến rất từ từ như hạt giống chúng ta chôn vùi trong lòng đất vậy!.   Có hạt sau này sẽ cho 100, 50, 20, 10, hay ngay cả 1 cũng là công lao và mộng ước của người trồng trọt mong cho cây sẽ cho sai trái để mọi người cùng được hưởng lộc.   Lộc đây là cây cho bóng rợp để che nắng, cho có trái để ăn, và vườn trái cây đó sẽ muôn đời được nhắc đến tên người trồng như câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” …. Như mẹ thánh Têrêsa bên nước Ấn và như tất cả các thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại ….

Bởi thế nếu chúng ta để sự khôn ngoan của Chúa đâm rễ trong tâm hồn chúng ta thì đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự”.    

Có Chúa trong cuộc đời có phải là điều khôn ngoan cần thiết nhất mà chúng ta luôn chọn lựa để Chúa làm trung tâm và là chủ trong cuộc sống ngày qua ngày của chúng ta?.   Sống theo Thánh Ý Chúa có phải là điều khôn ngoan để chúng ta có được Bình An thật sự?.   Tri Ân, Cảm tạ Thiên Chúa từng giờ từng phút một là điều không thể thiếu và rất nên làm; để chúng ta luôn cảm thấy cần phải mang ơn Người cho ta cuộc sống dư đầy và trọn hảo trong suốt cuộc đời làm người của chúng ta hôm qua, hôm nay, và mãi mãi.   Amen.

** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=CILVKqh7urQ

     (Cảm Tạ Chúa Đến Muôn Đời)

      

      

Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

08-15-12

Đàn ông Việt ‘thăng tiến trên bàn nhậu’?

Đàn ông Việt ‘thăng tiến trên bàn nhậu’?

 

                                                                                                     Hà Mi

                                                                                                                           BBCVietnamese.com

Thứ tư, 15 tháng 8, 2012

 Uống bia 

Nhậu sau giờ làm đã trở thành thói quen không thể thiếu của nhiều người tại Việt Nam

Cảnh các quán bia rượu, nhà hàng luôn đông đúc, đặc biệt sau giờ tan tầm ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành quá quen thuộc với người dân tại Việt Nam.

Tình trạng ăn nhậu đã trở nên rất phổ biến này ban đầu chỉ là một phần của văn hóa ẩm thực, giải trí, thậm chí trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nhưng đang có tác động xã hội sâu rộng.

Việc các ông chồng đi nhậu sau giờ làm đã trở thành điều rất nhiều bà vợ chấp nhận và coi đấy là bình thường. Thậm chí hình ảnh cả gia đình quây quần bên bữa ăn tối mỗi ngày giờ đây trở thành ước mơ của nhiều bà vợ.

Tác động xã hội

Chi phí cho bia rượu, được VnExpress trích thuật từ khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, lên tới 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu mỗi năm, tức là chi tiêu hàng năm lên tới cả nghìn tỷ đồng cho bia rượu.

Đó là chưa kể tới những phí tổn cho bệnh tật từ rượu hay tai nạn giao thông do lái xe sau khi uống rượu.

Lý do cho các cuộc ăn nhậu rất đa dạng, vì công việc làm ăn, tiếp đối tác, ăn mừng sinh nhật, khao lương, đón người mới hay tiễn người cũ.

Ông Hùng, một trí thức, hiện làm giám đốc một công ty sửa chữa tàu biển tại thành phố Hồ Chí Minh, cho BBC hay mỗi lần đi ăn nhậu tiếp khách đối với ông là “cực hình” nhưng “vẫn phải đi vì nó là thủ tục nghiễm nhiên, chứ có quí báu gì đâu, uống vào có khi về đến nhà lại cho ra hết!”.

Chị Thi, vợ một giám đốc công ty cung cấp thiết bị truyền thông, trực thuộc công ty VTC tại Hà Nội cho biết chị và hai con thậm chí rất ngạc nhiên nếu có chiều nào đó thấy chồng về nhà ăn cơm với vợ con mà không đi ăn nhậu.

Điều làm phụ nữ này lo lắng là việc chồng thường lái xe sau mỗi lần đi nhậu sau giờ làm bất kể uống ít uống nhiều.

Một nghệ sĩ ưu tú khá nổi tiếng trong ngành điện ảnh không muốn nêu tên cho biết ông sẽ không bao giờ ra sống ở nước ngoài vì “ở nước ngoài làm gì chuyện hô một tiếng là chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ đã có thể tụ tập cả đám ăn nhậu như thế này!”

Với ông, những buổi ăn nhậu là để xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng.

Thị trường mở rộng

Theo một khảo sát nhanh với 5 ngàn phiếu trả lời do tờ báo mạng VnExpress thực hiện và công bố hôm 15/8 thì “số người ra quán để ‘giải quyết công việc’ chỉ chiếm 16%, trong khi gần 40% số người được hỏi nhậu theo kiểu ngẫu hứng, nghĩa là thích thì ra quán, không có mục đích gì cả”.

Tờ báo này cũng viết “Ngoài ra, cứ 10 người thì có gần một người thừa nhận ra quán chỉ để trốn việc nhà”.

Trong khi một khảo sát nhanh khác cũng của VnExpress với hơn 6 ngàn phiếu cho thấy hơn 50% nam giới đi nhậu sau khi tan sở, trong đó 13% ngày nào đi nhậu và 14% trả lời không bao giờ đi nhậu sau giờ làm.

 Uống bia

Tỉ lệ sử dụng rượu bia cao nhất ở nam giới và dân công sở

Một cuộc điều tra trên diện rộng của Viện Chiến lược và Chính sách y tế về tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam hồi năm 2006 cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất là ở nam giới và nhóm cán bộ nhà nước, tiếp đến là công nhân trong các doanh nghiệp, người hưu trí và nông dân.

Điều đáng chú ý những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất, tới 63%.

Vẫn theo nghiên cứu này thì mức độ tiêu thụ rượu bia gia tăng trong cả nước là kết quả của nhiều yếu tố, mà chủ yếu là do mức sống tăng, tập quán truyền thống và thêm vào đó là thị trường rượu bia mở rộng.

Hiệp hội sản xuất rượu whisky của Scotland (SWA) cho biết xuất khẩu sang Việt Nam đạt gần một triệu bảng mỗi năm, và Việt Nam được coi là một thị trường mới nổi được ưu tiên cao đối với ngành công nghiệp rượu Whisky.

Tại Việt Nam luôn có tình trạng chuốc rượu hay khích nhau uống để chứng tỏ nam tính với những tiếng hô “trăm phần trăm” và “zô zô” ồn ào để rồi nhiều người gục bên bàn nhậu vì say xỉn.

Có một số phụ nữ cho biết buộc phải tham gia các cuộc nhậu vì làm doanh nghiệp nên không thể không có mặt khi tiếp đối tác làm ăn, hay vì muốn đi theo để “kèm chồng cho chồng đỡ say xỉn” hoặc buộc phải đi theo chồng hay người yêu những khi không thể từ chối.

‘Thăng tiến trên bàn nhậu’?

Nhiều người nước ngoài khi tới Việt Nam làm việc đã không khỏi ngạc nhiên khi được mời uống bia rượu vào bữa trưa – tức vẫn trong giờ làm việc.

Ở Anh chẳng hạn, dân công sở cũng thường có thói quen chiều thứ Sáu tan làm rủ nhau ra quán uống một hai ly bia chừng 1-2 tiếng đồng hồ để thư giãn và họ tin rằng nó tạo cơ hội có quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp.

Hiệu vẫn còn những ý kiến khác nhau về “văn hóa nhậu” tại Việt Nam.

Một số cho rằng nếu chỉ uống 1,2 ly để tiếp khách hay giải stress thì có thể chấp nhận được, rồi “nam vô tửu như kỳ vô phong” – đàn ông mà không uống rượu thì không thể hiện nam tính, và chỉ khi uống theo kiểu thách đố đến say xỉn mới thôi thì như thế mới có thể coi là một tệ nạn.

Trong khi một số khác thì lập luận rằng nếu ai cũng biết kiềm chế khi uống và biết dừng khi nên dừng thì đã không có chuyện phải bàn về “văn hóa nhậu”.

Phải chăng lề thói văn hóa của Việt Nam từ xưa theo kiểu “miếng trầu làm đầu câu chuyện” đã dẫn tới “chuyện làm ăn là phải nói trên bàn nhậu, thăng quan tiến chức, lương bổng …cũng trên bàn nhậu” như hiện nay?

Và để thay đổi được “văn hóa nhậu” này có lẽ sẽ là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi có những thay đổi căn bản cách nhìn nhận trong xã hội về giá trị hạnh phúc gia đình, quan điểm về vai trò của người vợ và người chồng ở nhà và trong xã hội, và có thể cần tới cả những quy định hạn chế chi phí cho việc tiếp đãi khách của các công ty.

PHÉP LẠ ĐÊM VỌNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

PHÉP LẠ ĐÊM VỌNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
                                                        

                                                                                             14/08/2012

                                                                              nguồn: vietvatican.net

… Câu chuyện xảy ra tại thành phố Milano, miền Bắc nước Ý.

Cách đây đúng 90 năm – tối ngày 14-8-1922 – vào khoảng 11 giờ đêm cô Elvira Mazzoli vẫn còn miệt mài làm việc nơi tòa báo. Vị chủ nhiệm tờ tuần san ”Squilli di Risurrezione – Hồi Chuông Phục Sinh” rời văn phòng lâu lắm rồi, để lại công việc dang dở cho cô thư ký. Cô Elvira phải kết thúc số báo đặc biệt trước nửa đêm để giao cho nhà in. Tờ tuần báo phải lên khuôn ngay đêm nay, để sáng mai, lễ trọng Đức Mẹ MARIA Hồn Xác Lên Trời, tờ báo sẽ được phân phối cho các sạp bán báo.

Lý do chậm trễ trong vội vã là vì vào phút chót, tờ báo nhận tin:
– Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA được long trọng tuyên phong làm Chủ Tịch Hội Giới Trẻ Phụ Nữ Công Giáo.

Tin quan trọng đáng được thay đổi toàn bộ tờ báo để làm nổi bật vai trò của Vị Nữ Tân Chủ Tịch Thiên Quốc.

Giờ đây chỉ còn vỏn vẹn một tiếng đồng hồ để kết thúc bài viết trước khi người thợ in đến nhận bản thảo. Đôi mắt nặng trĩu vì quá mệt, cô Elvira Mazzoli cố gắng đánh máy những hàng cuối cùng:
– Chúng con xin lập lại lời dâng hiến của toàn thể Hội Đoàn cũng như của từng người chúng con cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Rất Thánh MARIA. Chúng con xin phó thác cho Mẹ cuộc sống nội tâm và công tác tông đồ của chúng con. Xin Mẹ thanh luyện chúng con. Xin Mẹ ban cho chúng con các nhân đức. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con ơn yêu mến Đức Chúa GIÊSU Con Mẹ. Cùng lúc, xin Mẹ cho chúng con biết làm cho những ai có dịp tiếp xúc với chúng con cũng được tăng thêm lòng kính mến Đức Chúa GIÊSU. Xin Mẹ cho chúng con ngày hôm nay biết sống trọn vẹn tư cách là giới trẻ Công Giáo để chuẩn bị cho mai ngày trở thành người vợ, người mẹ, người nữ tu và Phụ Nữ Công Giáo Tiến Hành.

Vừa đánh máy, cô Elvira Mazzoli như nếm trước niềm vui của toàn thể độc giả cũng như của các Hội Viên Giới Trẻ Phụ Nữ Công Giáo, vào ngày mai, khi mỗi người hân hoan mân mê trong tay tờ tuần báo thân yêu. Nhưng nhất là, vui chừng nào khi biết rằng Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA trở thành Vị Bảo Trợ Phong Trào Giới Trẻ Phụ Nữ Công Giáo vào chính ngày lễ trọng của Đức Mẹ, 15-8!

Miên man với ý nghĩ này, cô Elvira Mazzoli ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Trong giấc ngủ, cô làm ngã chiếc đèn dầu đặt trên bàn viết. Dầu chảy lan trên giấy và rơi xuống áo. Cùng với dầu, ngọn lửa theo nhanh bốc cháy. Trong khoảng ngắn, ngọn lửa có thể thiêu rụi căn phòng, biến cô Elvira Mazzoli thành ngọn đuốc sáng và bản thảo tờ Hồi Chuông Phục Sinh tan thành tro bụi!

Thế nhưng, Vị Nữ Bảo Trợ Thiên Quốc của Phong Trào không mảy may cho phép điều này có thể xảy ra. Đức Mẹ MARIA ra tay uy quyền can thiệp. Và Phép Lạ đã xảy ra. Cánh cửa sổ đang đóng kín bỗng bị mở tung. Một luồng gió nhiệm mầu ùa vào, kịp thời thổi tắt ngọn lửa bắt đầu bốc cháy, trước khi ngọn lửa có thể thiêu rụi tất cả người và vật trong phòng.

Nghe tiếng động của cánh cửa sổ bật mở, cô Elvira Mazzoli giật mình tỉnh thức.

Rất nhanh sau đó, cô định trí và hoàn hồn khi thấy mình vừa thoát khỏi bàn tay tử thần trong đường tơ kẽ tóc! Không đợi chờ lâu, cô quỳ gối xuống đất, dâng lời cảm tạ Hiền Mẫu MARIA Thiên Quốc đã gìn giữ mạng sống cô an toàn.

Mấy phút sau có tiếng chuông cửa reo. Đồng hồ cũng điểm 12 tiếng. Đúng nửa đêm. Người thợ in đến lấy bản thảo tờ Hồi Chuông Phục Sinh để cho lên khuôn. Khi cô Elvira Mazzoli trao bản thảo cho người thợ, tay cô vẫn còn run vì xúc động. Người thợ in nhận ra nét lúng túng xúc động của cô thư ký. Ông ân cần hỏi:
– Cô Elvira, cô đang run rẩy! Cô có bị gì không? Cô có muốn tôi đưa cô về nhà không?

Cô Elvira ôn tồn đáp lại:
– Thưa ông Monti, tôi không bị gì hết. Ông đừng lo lắng cho tôi. Tôi chỉ mệt một chút thôi. Nhưng tôi muốn ở lại văn phòng chờ trời sáng. Tôi đã sẵn đề tài cho bài viết của số báo vào tuần tới!

Ông Monti nhã nhặn nói:
– Tùy ý cô! Nhưng cô nên cẩn thận đóng cửa sổ lại, kẻo bị gió độc nguy hiểm.

Nói xong, người thợ in tốt lành cầm bản thảo mang đi.

Còn lại một mình, cô Elvira Mazzoli đến đứng bên cửa sổ ngước mắt chiêm ngắm bầu trời đầy sao. Vừa nhìn trời, cô vừa sốt sắng đọc những lời kinh Kính Mừng MARIA, dâng lên Hiền Mẫu MARIA Thiên Quốc, với trọn tâm tình tri ân thảo hiếu. Sau đó, cô lặng lẽ ngồi vào bàn làm việc. Cô bắt đầu đánh máy bài viết cho số báo tuần tới:
– Câu chuyện phép lạ xảy ra vào một đêm mùa hè, đêm đẹp nhất: đêm vọng lễ Đức Mẹ MARIA Hồn Xác lên Trời ..

ĐỨC TRINH NỮ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

Lạy Đức Trinh Nữ MARIA,
Đức Bà Hồn Xác Lên Trời,
nơi Mẹ, trong xác Mẹ và trong hồn Mẹ,
hoàn tất chiến thắng của THIÊN CHÚA trên cái chết.
Mẹ sống trong ánh sáng của Con Mẹ Sống Lại
và Mẹ mở cho chúng con con đường Phục Sinh của Người.
Lạy Đức Bà Hồn Xác Lên Trời,
xin Mẹ canh giữ chúng con
đưa cái nhìn và lòng chúng con
hướng về chân trời của Vương Quốc THIÊN CHÚA,
nơi Tình Yêu Chúa CHA sẽ chiến thắng
mọi bạo lực, mọi biến dạng và mọi sợ hãi.
Xin Mẹ ban cho Giáo Hội của Mẹ đang trên đường lữ thứ,
giữa tăm tối và thử thách,
biết cùng với Mẹ nhìn về Đức Chúa KITÔ
để học biết tái sinh từ THIÊN CHÚA
và để cho hành trình của chúng con được nâng đỡ
bởi niềm hy vọng của cuộc sống mới này
được hứa ban cho chúng con và đang chờ đợi chúng con.
Lạy Đức Trinh Nữ MARIA,
xin làm cho Chúa Thánh Linh có thể đặt
trong xác và hồn chúng con
niềm ước muốn thanh sạch, niềm ước muốn mạnh mẽ
về cuộc sinh ra mới này mà Mẹ từng kinh nghiệm.
Amen.

(”Il Settimanale di Padre Pio”, 7 giorni di formazione e informazione cattolica, n.33, 10+17/8-2003, trang 25).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chân dung Mẹ Maria

Chân dung Mẹ Maria

                                                               Lm Jos Tạ duy Tuyền

                                                                                             Sáng 14/08/12

VRNs (14.08.2012) – Đồng Nai – Văn chương Việt Nam thường diễn tả hình ảnh về người mẹ thật mộc mạc chất phác, đơn sơ và giản dị. Người mẹ Việt Nam luôn gắn bó với ruộng rẫy nương dâu, nơi đồng chua nước mặn, ăn mặc giản dị nâu sồng, không phấn sáp xa hoa, mà tâm hồn hiền hòa, đôn hậu. Những bà mẹ sống cuộc đời bình lặng như mặt nước hồ thu, nhưng vẫn giữ tiết kiên trung, cao cả. Chính những bà mẹ ấy đã đem những giọt mồ hôi tưới mát ruộng đồng, làm đẹp cuộc đời và đẹp cả quê hương:

Mẹ Việt Nam không son, không phấn,
Mẹ Việt Nam chân lấm, tay bùn,
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm,
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng”.
(Phạm Duy, Trường ca Mẹ Việt Nam)

Hình ảnh của người mẹ Việt Nam thật cao đẹp, công ơn của mẹ đối với con thật bao la. Công ơn ấy đã được khắc ghi sâu đậm vào tâm não của con, bộc phát thành những lời ca, tiếng nhạc hết sức dạt dào:

“Rủi mai này mẹ hiền mất đi, thì con côi…
Như đóa hoa không mặt trời
Như tuổi thơ không nụ cười
Như đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.
Mẹ là dòng suối dịu hiền.
Mẹ là bài hát thần tiên,
Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.
Mẹ là lọn mía ngọt ngào,
mẹ là nải chuối, buồng cau,
Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu,
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”.

Vâng, khi nói về người mẹ trần thế chúng ta thường nói đến công lao trời bể, những hy sinh trải rộng suốt dọc dài cuộc đời của mẹ, thế nhưng, còn người Mẹ thiên quốc thì sao? Xem ra ít ai nhìn thấy những đắng cay mà Mẹ phải chịu trong đời, sau lần thưa xin vâng ấy! Chúng ta quá đề cao ân sủng của Chúa nơi Mẹ mà quên rằng: Mẹ chỉ được ơn phước đó nhờ đời sống luôn nở hoa yêu thương, hoa hy sinh, hoa khiêm nhường, hoa bác ái trong đời sống thường ngày của Mẹ, đến nỗi từ trời cao Thiên Chúa đã nhìn thấy Mẹ “hằng đẹp lòng Thiên Chúa”.

Thực vậy, Mẹ hằng đẹp lòng Chúa qua cung lòng thanh khiết không vấn vương tội lỗi, rất xứng đáng nên cung điện cho Con Chúa Trời ngự trị

 Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa khi Mẹ từ bỏ con đường riêng của mình để thưa xin vâng cho ý Chúa được thực hiện.

Mẹ hằng đẹp lòng Chúa khi Mẹ vội vã băng đồi lội suối, thăm viếng và phục vụ bà chị họ, sinh con trong lúc tuổi già.

Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa khi tiếp tục xin vâng trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực nhất: sinh con trong nghèo khó, chốn chạy qua Ai Cập, trở về Nagiaret với đôi tay tần tảo may vá thêu thùa.

Mẹ hằng đẹp lòng Chúa khi Mẹ đồng công thưa xin vâng với thánh ý Chúa Cha qua cái chết Cứu độ của Chúa Giê-su con Mẹ.

Vâng, Mẹ Maria với tư cách là người mẹ trần thế, mẹ cũng trải qua những gian truân, vất vả để nuôi con khôn lớn như bao bà mẹ khác. Mẹ Maria cũng trải qua những tháng ngày tần tảo một nắng hai sương để gồng gánh gia đình đi qua những thăng trầm của dòng đời. Mẹ Maria còn đau khổ hơn bao bà mẹ khác vì con của Mẹ luôn phải đối đấu với nghi nan và nhất là không ai khổ bằng Mẹ, một người mẹ đau khổ phải ôm thân xác tả tơi, bất động của con yêu quý vào lòng với nỗi niềm xót xa, mà cha ông ta diễn tả rằng: “Lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời chăng hỡi trời?”.

Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Mẹ được Chúa đưa cả hồn và xác về trời. Đây là phần thưởng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ sau một  đời nỗ lực sống theo thánh ý Chúa. Đây là vinh quang mà Mẹ nhận lãnh sau hành trình dương thế luôn lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa.

Mừng Mẹ về trời cũng là dịp nhắc nhở chúng ta hãy noi gương bắt chước Mẹ trên con đường tìm kiếm và thực thi ý Chúa. Mừng Mẹ về trời để giúp chúng ta hiểu rằng những khốn khó, gian truân đời này chẳng là gì so với hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người có phúc vì Mẹ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và sống cho thánh ý Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con cũng tìm được cõi phúc như Mẹ khi buông mình trong sự tín thác vào Thiên Chúa quan phòng và mau mắn thi hành thánh ý Chúa với trọn niềm mến yêu. Amen

Lm Jos Tạ duy Tuyền

 

Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012

Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012

                                                                          Nguyễn Long Thao

                                                                                                         8/11/2012


 

London, England, 10/08/ 2012. –

 Những ai có dịp theo dõi chương trình truyền hình của hệ thống NBC tại Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 đều thấy cảnh nữ lực sĩ người Ethiopia, Meseret Defar, đã biểu lộ đức tin của mình ngay sau giây phút vượt qua lằn ranh cuối để chiếm huy chương vàng trong cuộc thi chạy 5000m tại Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 tại Luân Đôn.

Khi được biết mình thắng huy chương vàng trong cuộc tranh tài Thế Vận Hội, các lực sĩ thường biểu lộ xúc động của mình bằng cách ôm mặt khóc. 

Nhưng nữ lực sĩ Meseret Defar đã biểu lộ cách khác. Nàng lấy hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để sẵn trong áo chạy đua, úp lên mặt mình, hôn hình Đức Mẹ. Nàng khóc với Đức Mẹ và thành khẩn cảm ơn Mẹ. Nàng đã đưa hình Đức Mẹ cho các ống kính truyền hình ghi hình Đức Mẹ như một cử chỉ vinh danh Mẹ Hằng Cứu Giúp

Nữ lực sĩ Meseret Defar là người Kitô Giáo, nàng đã phó thác cuộc tranh tài của mình vào quyền năng của Chúa. Khi Uỷ Ban Thế Vận Hội giới thiệu về nàng, ống kính truyền hình cho thấy nàng đeo ảnh Thánh Giá và trước khi chạy đua, nàng đã làm dấu Thánh Giá và thầm thĩ cầu nguyện.

Trước khi cuộc đua, nhà bình luận thể thao của hệ thống truyền hình NBC cho biết 3 vận động viên người Kenya và 2 tay đua khác người Ethiopia, nhất là cô Tirunesh Dibaba là đối thủ sừng sỏ nhất có nhiều cơ hội thắng huy chương vàng.Tuy nhiên, Cô Defar đã đoạt huy chương vàng trong cuộc chay đua 5000m với thành tích 15 phút 04 giây 24 sao (15:04:24). Huy chương Bạc về tay cô Vivian Cheruiyot người Kenya và huy chương đồng về tay cô Dibaba, người Ethiopia.

Tưởng cũng nên nói thêm về thành tích chạy đua của cô Defar: Cô đã hai lần vô địch thế giới trong môn chay đua 3000m. Ở cự ly 5000m, tại Hy Lạp năm 2004 cô đoạt huy chương vàng và ở Bắc Kinh năm 2008 cô đoạt huy chương đồng.

Vào năm 2006, ở cự ly 5000m, cô đã phá kỷ lục thế giới với thời lượng 14 phút 24 giây 53 sao

Nguyễn Long Thao

Thánh Maximilian Mary Kolbe

Thánh Maximilian Mary Kolbe
(1894-1941)

14 Tháng Tám

 

Không hiểu tương lai của con sẽ ra sao!” Ðó là câu mà nhiều cha mẹ từng than thở với đứa con hay đau yếu. Nhưng với Thánh Maximilian Mary Kolbe thì khác. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, “Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không — mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, ‘Con muốn cả hai.’ Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất.” Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilian Kolbe không còn giống như trước.

Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập “Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm” – Niepolalanow — mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.

“Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

“Mày là ai?”

“Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.

Lời Bàn

Cái chết của Cha Kolbe không phải là một hành động anh hùng bất chợt, bốc đồng vào giây phút cuối. Cả cuộc đời ngài đã chuẩn bị cho giây phút đó. Sự thánh thiện của ngài được thể hiện qua niềm khát khao muốn hoán cải cả thế giới mà động lực là tình yêu của ngài dành cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

Lời Trích

“Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao? Chúng ta phải trả một giá quá rẻ. Thật may mắn biết chừng nào! Ðiều bây giờ chúng ta phải làm là chú tâm cầu nguyện để chiếm đoạt càng nhiều linh hồn càng tốt. Và sau đó, chúng ta sẽ thưa với Ðức Trinh Nữ là chúng ta rất mãn nguyện để ngài muốn làm gì với chúng ta tùy ý” (Lời Thánh Maximilian Mary Kolbe trong lần bị bắt đầu tiên).

Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời

**~* Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời *~**
                                                          (Thơ và Nhạc của Tuyết Mai)
Mẹ nhân loại của chúng con ơi! Quả tuyệt diệu thay!
Quả nhân đức tuyệt vời của Mẹ thay!
Quả Mẹ đáng được Thiên Chúa Cha,
Tác tạo và yêu thương cách riêng,
Quả Mẹ đáng được Thiên Chúa Cha,
Chọn làm Mẹ của Thiên Chúa Con Giêsu,
Là Chúa Con duy nhất của Đức Chúa Cha,
Đấng muôn đời quyền năng của trên Trời và dưới đất.

Không ngày Lễ Nào của Mẹ lại quan trọng cho bằng,
Hạnh phúc cho bằng Mẹ được Thiên Chúa đón Mẹ trở về,
Một Nơi mà Mẹ sẽ muôn đời được ở cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mẹ sẽ muôn đời không xa cách Chúa Con Giêsu của Mẹ nữa!
Mẹ sẽ muôn đời được ấm áp bên tình yêu vô cùng và vô tận, Của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mẹ Maria của chúng con ơi!
Chúng con là con cái Mẹ trên khắp cùng trái đất,
Hết thảy chúng con muốn được cùng chung vui với Mẹ,
Trong ngày vui trọng đại của Mẹ.
Vì Mẹ được Thiên Chúa tưởng thưởng,
Vì hết thảy trên Trời, Từ Ba Ngôi Thiên Chúa,
Toàn thể các đạo binh, Các tổng lãnh Thiên Thần,
Triều Thần, Quản Thần,
Các Thánh Nam Nữ,
Cùng tất cả anh chị em chúng con trên Trời.
Đang nôn nao trông chờ để được chào đón Mẹ.

Mẹ có nghe tiếng chúng con đang cùng hợp dâng lên Mẹ
Những ca khúc vui tươi,
Những vũ điệu nhẹ nhàng, và
Những Lời Kinh có giai âm điệu trầm bổng,
Cùng khí cụ nhịp nhàng hòa theo tiếng hát xướng
Của chúng con không!?

Chúng con là con cái Mẹ cùng khắp nơi trên địa cầu!
Xin được dâng lên Mẹ tất cả tấm chân tình,
Của những đứa con đau yếu đang rất cần đến Mẹ,
Vì chúng con có mỗi một Mẹ,
Vì thiếu vắng Mẹ chúng con biết bám víu vào ai!?
Vì thiếu vắng Mẹ chúng con biết cậy nhờ ai!?
Vì thiếu vắng Mẹ chúng con biết nương nhờ ai đây!?

Mẹ ơi! Hãy luôn thương hãy ghé mắt đến chúng con Mẹ nhé!
Không bao giờ chúng con có thể sống thiếu Mẹ được đâu!
Bởi không có Mẹ chúng con sẽ không có người dậy dỗ.
Bởi không có Mẹ chúng con sẽ cấu xé lẫn nhau.
Bởi không có Mẹ chúng con sẽ vô cùng có cơ nguy.
Bước vào con đường của nguy hiểm của chết chóc.

Bởi chúng con như đàn gà con khờ dại,
Thiếu vắng Mẹ chúng con sẽ tan tác lạc mất Mẹ ơi!
Xin Mẹ đừng bỏ chúng con đi lâu Mẹ nhé!
Nếu có thể được, Mẹ xin phép Chúa cho được trở về,
Cùng chung sống với chúng con.
Hay ít nhất thỉnh thoảng hãy về lại thăm chúng con.
Vì chúng con chưa được trưởng thành!?
Vì chúng con đã quen sống trong hư hỏng,
Trong sự ỷ lại vì luôn có Mẹ bên cạnh.
Nay Chúa gọi Mẹ về Trời chúng con cũng buồn lắm Mẹ ơi!

Biết khi nào chúng con mới được đoàn tụ lại với Mẹ được đây!?
Để hưởng mọi phúc vinh và sự sống muôn đời!?
Biết đến khi nào. … biết đến khi nào!??

Mẹ Maria ơi!
Chúng con luôn là những đứa con yếu đuối,
Trong ngày Trọng Đại và vui vẻ của Mẹ,
Chúa ban cho Mẹ Hồn Xác được Lên Trời.
Chúng con chẳng có gì đáng để dâng lên Mẹ!?
Ngoài tấm lòng chân thật và tâm hồn rách nát của chúng con.
Để Mẹ hiểu rằng chúng con luôn cần đến Mẹ.
Dẫu biết rằng bây giờ Mẹ không còn ở với chúng con nữa!
Chẳng phải bằng xương bằng thịt,
Nhưng mắt Mẹ vẫn mãi dõi trông chừng chúng con.
Nhất là những đứa con có nhu cầu.
Nhất là những đứa con không cha không mẹ,
Tật nguyền khốn khổ, thiếu thốn tình thương, suốt cả một đời.
Là những đứa con sống lạc loài giữa chợ đời,
Thiếu thốn đủ mọi thứ mọi điều.
Lại còn bị xã hội khi dể, coi rẻ, và đuổi xua.

Chúng con toàn thể con cái nhân loại của Mẹ!
Chúc Mẹ Maria mãi mãi luôn luôn tuyệt vời,
Trong tình yêu hải hà của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Để Mẹ luôn được Chúa thương.
Để Mẹ cùng xin với Chúa cho tất cả chúng con,
Cũng được thứ tự về Trời,
Cùng được hưởng cuộc sống hạnh phúc miên viễn
Muôn đời bên Mẹ, Mẹ ơi!. Amen.

** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=1bY2LtsyP9M

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi đem đến những phương trời xa để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai