NÂNG TÂM HỒN LÊN

NÂNG TÂM HỒN LÊN

1 THÁNG BẢY

Đấng Cầm Quyền Tối Cao

Luôn Ân Cần Săn Sóc

Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.

Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.

Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.

2 THÁNG BẢY

Quyền Bính Đặt Điểm Tựa Trên Lòng Nhân

Quyền bính của Thiên Chúa được diễn tả qua mối quan tâm từ phụ. Một cách nào đó, chân lý này chứa đựng chính cốt lõi của chân lý về sự quan phòng thần linh. Thánh Kinh sử dụng hình ảnh của một Mục Tử Tốt Lành để diễn tả sự thật về lòng từ phụ của Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi; tôi sẽ không còn phải thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Thật là một hình ảnh độc đáo!

Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.

Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.

Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.

3 THÁNG BẢY

Nguồn Thiện Hảo Bất Tận Của Thiên Chúa

Vị Thiên Chúa hằng săn sóc chúng ta ấy là ai vậy? Sách Gióp mô tả Ngài là Đức Chúa của mọi tạo vật: “Hãy xem: Thiên Chúa cao cả khi bày tỏ quyền năng, tôn sư nào sánh được với Ngài? … Các giọt nước mưa, Ngài gom góp lại, rồi đem nghiền nát thành sương mù. Các tầng mây đổ mưa xuống trên phàm nhân hết thảy… Quả thật, Ngài dùng nước mà nuôi dưỡng chư dân – cho họ có lương thực dồi dào” (G 36,22.27-28.31).

“Ngài dùng hơi nước tạo thành mây, và từ mây, Ngài làm cho chớp lóe. Mây lang thang xoay đủ mọi chiều, theo đúng chương trình Ngài hoạch định, để trên toàn cõi đất chúng thực thi mọi lệnh Ngài truyền” (G 37,11-12).

Sách Huấn Ca âm vọng lại những lời của Sách Gióp – và nói về Thiên Chúa của tạo vật: “Ngài ra lệnh truyền, tuyết liền sa xuống. Ngài phóng những tia chớp làm phán quyết của Ngài” (Hc 43,13). Tác giả Thánh Vịnh cũng tán dương “sức mạnh đáng sợ của Ngài”, “sự tốt lành vô lượng của Ngài”, “uy phong rạng rỡ của Ngài”, Ngài là “Đấng thành tín và đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm”. Tác giả Thánh Vịnh thốt lên: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê. (Tv 145,6-7.15-16).

Hơn thế nữa, tác giả Thánh Vịnh nhắc đến tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho tất cả những gì mà Ngài đã dựng nên: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tuơi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104,14-15).

4 THÁNG BẢY

Biến Cái Hỗn Mang Thành Trật Tự

Trong nhiều bản văn, Thánh Kinh ca ngợi sự quan phòng thần linh như là quyền bính tối cao của thế giới, quyền bính đầy quan tâm đối với mọi tạo vật, nhất là đối với con người. Thiên Chúa, trong tư cách là chủ nhân đầy tình yêu thương đối với tất cả những gì mà Ngài đã tạo dựng, vẫn luôn luôn làm việc trong mọi sự.

Thiên Chúa, bằng sự khôn ngoan đầy sức sáng tạo của Ngài, dự liệu mọi sự và làm việc trong mọi sự. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan và cẩn trọng của con người. Thật vậy, Thiên Chúa – Đấng siêu việt trên mọi sự – làm cho thế giới có thể biểu hiện trật tự lạ lùng theo ý Ngài ở nhiều cấp độ khác nhau.

Chính sự quan phòng và khôn ngoan này của Đấng Tạo Hóa làm cho thế giới có thể vận hành như một vũ trụ có hệ thống và trật tự chứ không phải như một mớ hỗn mang. “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Thánh Kinh trầm trồ về sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa.

5 THÁNG BẢY

Tính Tự Trị Của Các Vật Thụ Tạo

Mặc dù cách diễn tả của Thánh Kinh gán quyền cai quản mọi loài trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt giữa hành động của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – và hoạt động của các thụ tạo. Đó là sự khác biệt giữa nguyên nhân đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhị. Đây là vấn đề rất thường được đặt ra bởi con người thời nay: Thế giới thụ tạo có được sự tự trị và sự tự do đến mức nào? Đâu là vai trò của con người trong việc phát minh, sáng tạo và xây dựng thế giới?

Theo đức tin Công Giáo, sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa làm cho sự quan phòng của Ngài có thể hiện diện trong thế giới – trong khi thế giới thụ tạo vẫn có được một sự tự trị nào đó theo quyền của mình. Công Đồng Vatican II đã đề cập đến mầu nhiệm này. Một đàng, Thiên Chúa giữ gìn mọi sự và làm cho mọi sự có thể là chính chúng: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực, tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng” (MV 36). Đàng khác, nhờ cách thế mà Thiên Chúa cai quản thế giới, các tạo vật – nhất là con người – có thể có được sự tự trị nào đó “theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo” (MV 36).

Sự quan phòng của Thiên Chúa được diễn tả một cách chính xác trong “tính tự trị của các loài thụ tạo”, trong đó cả sức mạnh lẫn sự ân cần của Thiên Chúa đều được thể hiện. Chúng ta nhận ra rằng – đối với con người – sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ vẫn luôn luôn còn là một sự khôn ngoan nhiệm mầu bao trùm hết thảy mọi sự (“từ chân trời này đến chân trời kia”). Sự quan phòng ấy được nhận ra nơi mọi sự với đầy sức sáng tạo và với trật tự rõ ràng của nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn chừa lại nguyên đó vai trò của con người trong việc xây dựng và phát triển thế giới. Đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chúng ta.

6 THÁNG BẢY

Đâu Là Vai Trò Của Chúng Ta

Trong Tư Cách Là Thụ Tạo?

Con người có một vai trò đặc biệt trong việc phát triển thế giới. Và đó vốn là vai trò của con người ngay từ thuở ban sơ. Vai trò đó cho thấy con người là gì trong tư cách là người con được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Theo Sách Sáng Thế, con người được dựng nên để “thống trị tạo vật” và để bắt mọi tạo vật “qui phục” mình (St 1,28).

Bằng cách tham dự vào quyền cai trị của Thiên Chúa trên thế giới, xét như là một chủ thể có lý trí và tự do song vẫn đồng thời là một tạo vật, một cách nào đó chính con người trở nên một “sự quan phòng”, theo cách diễn tả tuyệt vời của Thánh Tô-ma (Tổng Luận Thần Học I,22,2&4). Con người được mời gọi để bảo vệ và cai quản mọi tạo vật với một tình yêu và mối quan tâm mục tử. Cũng chính vì thế mà con người mang một trách nhiệm đặc biệt đối với Thiên Chúa và đối với tạo vật.

7 THÁNG BẢY

Đừng Lo Lắng !

Nhận thức của chúng ta về sự quan phòng thần linh trong Cựu Ước được củng cố và được làm cho phong phú thêm trong Tân Ước. Trong tất cả những lời nói của Đức Giêsu về chủ đề này, những lời được ghi lại bởi hai Thánh Sử Matthêu và Luca sau đây đặc biệt cho ta nhiều ấn tượng: “Vậy, anh em đừng băn khoăn về những vấn đề như mình sẽ ăn gì uống gì hay mặc gì. Những kẻ không tin luôn luôn theo đuổi những thứ ấy. Nhưng Cha của anh em trên trời biết anh em cần gì. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi thứ khác sẽ được ban cho anh em” (Mt 6,31-33; Lc 12,29-31).

“Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi.Vậ anh em đừng sợ; anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,29-31; Lc 21,18).

“Hãy xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quí giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,26-30; Lc 12,24-28).

Với một giáo huấn mạnh mẽ như vậy, Chúa Giê-su không chỉ củng cố giáo huấn của Cựu Ước về sự quan phòng thần linh mà thôi. Người còn cho thấy tại sao chúng ta không bao giờ được phép nghi ngờ sự quan phòng ấy. Người bảo chúng ta đừng lo lắng, bởi vì chúng ta có thể ung dung thanh thản trong tình yêu của Cha trên trời dành cho chúng ta.

8 THÁNG BẢY

Dưới Bóng Đấng Toàn Năng

Không ai có thể phủ nhận vẻ hùng tráng của những vần thơ trong Thánh Vịnh tán dương Thiên Chúa như là nơi trú ẩn, như là sự bảo vệ và là đồn lũy cho con người. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 91:

“Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao

và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,

hãy thưa với Chúa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa,

Ngài là nơi con trú ẩn, là đồn lũy chở che,

con tin tưởng vào Ngài’…

Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn,

có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân…

Chúa phán: ‘Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,

người nhận biết Danh Ta sẽ được sức phù trì.

Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại;

lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên” (Tv 91,1-2.9.14-15).

Những diễn tả ấy thật rất đẹp và rất đánh động. Nhưng những lời của Đức Kitô còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa. Thật vậy, đó là những lời được nói lên bởi chính Chúa Con, Đấng thấu suốt mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Lời Đức Kitô mang lời chứng hoàn hảo về mầu nhiệm Chúa Cha: mầu nhiệm quan phòng và mối quan tâm từ phụ đối với mọi tạo vật, ngay cả đối với cỏ dại ngoài đồng và con chim sẻ bé nhỏ. Sự quan phòng ấy càng đặc biệt hơn biết mấy đối với con người chúng ta! Và đây chính là điều mà Đức Kitô nhấn mạnh trước hết.

9 THÁNG BẢY

Con Người Chiếm Một Chỗ Đặc Biệt

Trong Trái Tim Thiên Chúa

Đối với tạo vật nói chung, Thiên Chúa còn dành cho mối quan tâm như thế, thì đối với các con trai con gái của Ngài trong loài người – cao trọng hơn các tạo vật khác nhiều – Thiên Chúa còn muốn săn sóc ân cần hơn biết mấy! Trong bản văn Tin Mừng này nói về sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra bậc thang các giá trị rất rõ ràng của thế giới tạo vật: con người chiếm địa vị ưu tiên trên mọi tạo vật khác. Sở dĩ thế bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người chiếm địa vị ưu tiên bởi vì Cha trên trời ưu tiên quan tâm săn sóc con người. Thiên Chúa dành chỗ đặc biệt trong cung lòng Ngài cho con người.

Đức Giêsu xác quyết rằng con người – vì chiếm chỗ ưu tiên trong cung lòng Thiên Chúa như thế – nên có trách nhiệm phải cộng tác với ân huệ mà mình đã nhận được từ sự quan phòng ấy. Con người không thể hài lòng duy chỉ với những giá trị của thế giới này. Con người phải trước hết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi tất cả những giá trị khác (của đời này) sẽ được ban cho con người (Mt 6,33).

Lời của Đức Kitô dẫn chúng ta tới chỗ suy tư về sự săn sóc quá đỗi ân cần và yêu thương của Thiên Chúa – tức sự quan phòng. Một cách thiết yếu, sự quan phòng này tôn trọng bản chất của người ta xét như là một tạo vật có lý trí và tự do.

10 THÁNG BẢY

Hậu Quả Cay Đắng

Của Sự Tự Do Sai Quấy

Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?

Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).

Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.

11 THÁNG BẢY

Con Đường Tiến Tới Thành Toàn

Sự quan phòng bao trùm một cách đặc biệt những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài – tức con người. Con người nhận được “sự tự trị của những hữu thể thụ tạo” trong ý nghĩa đầy đủ nhất theo diễn tả của Công Đồng Vatican II (MV 36). Nhưng không chỉ con người mà thôi – vì còn phải kể đến các tạo vật có bản tính tinh thần thuần túy nữa. Nhưng chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau – vấn đề liên quan đến thế giới vô hình.

Trong thế giới hữu hình, đối tượng đặc biệt của sự quan phòng thần linh là con người. Theo ngôn ngữ của Công Đồng Vatican II, “con người là tạo vật duy nhất trong thế giới được Thiên Chúa yêu thương vì chính nó” (MV 24). Vì thế, “con người không thể hoàn thành chính mình nếu không chân thành trao hiến chính mình” (MV 24).

12 THÁNG BẢY

Không Có Gì Giấu Ẩn Đối Với Thiên Chúa

Vâng, con người là triều thiên của thế giới tạo vật hữu hình! Điều này mở ra cho chúng ta một nhận thức hoàn toàn mới về mầu nhiệm quan phòng thần linh. Công Đồng Vatican I đã nhấn mạnh đến giáo huấn đức tin này khi xác quyết rằng trong ánh nhìn khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa, tất cả đều phơi bày trần trụi – kể cả những hành vi tự do của các tạo vật có lý trí, tức những hành vi đến từ một sự chọn lựa có ý thức và một sự quyết định tự do.

Sự quan phòng của Thiên Chúa – một cách đầy ân cần và yêu thương – đưa dẫn con người tiến về mục tiêu của mình, đồng thời vẫn tôn trọng sự tự do của con người. Đó chính là quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa Quan Phòng.

13 THÁNG BẢY

Sự Tự Do Của Con Người

Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa

Ở đây, khi đối diện với kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành động của Thiên Chúa và những quyết định của con người.

Chúng ta biết rằng sự tự do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của những gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma mô tả sự tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự khôn ngoan xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng Luận Thần Học I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự hướng dẫn này, và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).

Qua con người – được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng. Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là điều kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV các số 35,43,57,62).

14 THÁNG BẢY

Được Trao Ban Những Ân Sủng Đặc Biệt

Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, con người là tạo vật hữu hình duy nhất mà Đấng Tạo Hóa “nhắm đến vì chính nó” (MV 24). Thiên Chúa – Đấng cai quản thế giới với sự khôn ngoan và quyền lực siêu việt của Ngài – trao cho con người mục tiêu để đạt đến trong cuộc sống này. Nhưng con người cũng là một cứu cánh nơi tự thân mình, không giống như các tạo vật khác. Con người cần đạt đến sự thành toàn trong tư cách là một nhân vị được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài.

Được làm cho phong phú với một ân huệ đặc biệt – và cũng là một trách nhiệm – con người có quan hệ mật thiết với mầu nhiệm quan phòng thần linh. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… Ngài mặc cho nó sức mạnh… để chúng thống trị muông chim cầm thú. Ngài ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Ngài làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Ngài đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Ngài… Ngài còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống” (Hc 17,1.3.5-7.9).

15 THÁNG BẢY

Con Người Tự Viết Nên

Lịch Sử Của Chính Mình

Được ban cho trí khôn và linh hồn bất tử, con người bắt đầu hành trình của mình trong thế giới. Con người bắt đầu viết nên lịch sử của chính mình. Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – luôn luôn sát cánh với con người mọi nơi mọi lúc trong cuộc hành trình ấy. Cũng trong sách Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: “Đường lối của chúng luôn luôn ở trước mặt Ngài, và không bao giờ giấu mắt Ngài được” (Hc 17,15).

Tác giả Thánh Vịnh cũng thốt lên cùng ý nghĩa này:

“Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,

cánh tay hùng mạnh giữ lấy con…

Hồn con đây Ngài biết rõ mười mươi;

xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì” (Tv139, 9-10.14-15).

16 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Trên Đường Đời Ta

Sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của con người và trong lịch sử thế giới. Thiên Chúa có mặt đó: trong suy nghĩ của con người, trong tự do của con người, trong trái tim và trong lương tâm con người.

Nơi con người và cùng với con người, sự hiện diện đầy năng lực cứu độ của Thiên Chúa đạt được một chiều kích lịch sử. Sự quan phòng của Thiên Chúa đồng hành với cuộc sống con người và đi vào trong nhân tính. Tuy nhiên, sự quan phòng ấy cũng luôn luôn bất khả dò và bất biến.

Vâng, sự quan phòng của Thiên Chúa là một sự hiện diện vĩnh cửu trong lịch sử của con người – cả của các cá nhân lẫn của các cộng đồng. Lịch sử của các quốc gia và của toàn nhân loại diễn tiến dưới ánh nhìn đầy quan tâm của Thiên Chúa và trong hành động toàn năng của Ngài. Mọi tạo vật đều được bảo vệ và được cai quản bởi sự quan phòng đầy lòng từ phụ của Thiên Chúa. Ngài cũng hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người trong tư cách là những hữu thể có lý trí và tự do – được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.

17 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Đặt Trước Mặt Chúng Ta:

Lửa Và Nước

Việc tôn trọng sự tự do của tạo vật thì khẩn thiết đến nỗi Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – thậm chí cho phép xảy ra sự tội nơi con người và nơi các thiên thần. Các tạo vật có lý trí – quả thật cao cả song cũng vẫn giới hạn và không hoàn hảo – có thể lạm dụng tự do của mình và bất tuân phục Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Chính khả năng ấy đã gây rắc rối cho tâm trí con người.

Sách Huấn Ca suy tư về thực tại này rất sâu sắc: “Từ nguyên thủy, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy. Nếu con muốn, thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Ngài. Trước mặt con, Ngài đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó. Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Ngài mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Ngài để mắt nhìn xem những ai kính sợ Ngài, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Ngài không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,14-20).

18 THÁNG BẢY

Tiếng Nói Cuối Cùng

Là Tiếng Nói Yêu Thương

“Ai có thể giải thích sự tội?” – tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên như thế (Tv19,13 theo bản La tinh). Sự quan phòng của Thiên Chúa soi rọi ánh sáng trên sự phản nghịch bi đát của con người, để chúng ta có thể học biết tránh tội.

Con người được tạo dựng trong tư cách là một hữu thể có lý trí và tự do trong một thế giới mà sự tội không những có thể xảy ra mà còn được thấy như là một thực tại ngay từ đầu. Tội lỗi là sự chống đối triệt để đối với Thiên Chúa. Nó là điều mà Thiên Chúa dứt khoát không muốn. Tuy nhiên, Ngài vẫn cho phép nó xảy ra khi tạo dựng con người có tự do. Ngài cho phép xảy ra sự tội – là kết quả của sự lạm dụng tự do đã được Ngài ban cho.

Từ thực tế không thể đảo ngược này (được chúng ta biết đến nhờ mạc khải và được chúng ta kinh nghiệm trong thế giới đã sa ngã của chúng ta), chúng ta biết rằng rất cần có sự tự do trong thế giới thụ tạo này, cho dù nó có thể bị lạm dụng, hơn là chúng ta bị tước mất tự do – nhằm để khỏi có nguy cơ phạm tội. Đó là góc nhìn thích đáng đối với sự khôn ngoan có tính quan phòng của Thiên Chúa – trong đó Thiên Chúa nhìn thấy cứu cánh của mọi sự.

Đành rằng Cha nhân lành của chúng ta cho phép tội xảy ra, nhưng Ngài đã nhìn thấy trước từ đời đời con đường cứu độ bằng tình yêu của Ngài. Thật vậy, sự tự do được ban cho con người là để con người có thể yêu thương. Người ta không thể yêu thương nếu không có tự do đích thực. Và trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và ơn cứu độ, tình yêu luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng.

19 THÁNG BẢY

Rồi Tôi Sẽ Đi Về Đâu?

Vấn đề định mệnh con người là một nỗi khắc khoải của mọi con tim. Đây là một vấn đề vừa quan trọng vừa gay go: “Rồi ngày mai tôi sẽ ra sao?” – chúng ta thường băn khoăn tự hỏi như thế. Và chúng ta thường dễ có nguy cơ hài lòng với một câu trả lời không thích đáng, và bị lung lạc bởi một thuyết định mệnh yếm thế nào đó, hoặc bị đánh lận bởi một cảm giác yên ổn giả tạo. “Đồ ngu! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống ngươi” (Lc 12,20).

Nhưng cũng chính ở đây, chúng ta nhận ra lòng từ bi và ân sủng khôn cùng của Thiên Chúa Quan Phòng. Vì Đức Giêsu không đưa ra lời cảnh báo đó để tố cáo chúng ta. Trái lại, khi Người đề cập đến sự quan phòng thần linh trong Bài Giảng Trên Núi, Người đã kết thúc với giáo huấn rất sáng tỏ này: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt 6,33; Lc 12,31).

Chúng ta đã suy tư về mối quan hệ thâm sâu giữa sự quan phòng thần linh và sự tự do của con người. Chính bởi vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã đề cập với con người về Nước Thiên Chúa và sự khẩn thiết phải ưu tiên tìm kiếm Nước ấy trước hết.

Mối liên kết này giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và mầu nhiệm về Vương Quốc của Ngài – vốn phải được thực hiện trong thế giới thụ tạo – giúp chúng ta nghĩ đến định mệnh của con người trong Đức Kitô: đó là, con người được tiền định ở trong Đức Kitô. Sự kiện con người và thế giới được tiền định ở trong Đức Kitô càng xác nhận mạnh mẽ hơn nữa giáo thuyết về sự quan phòng thần linh: đó là, sự quan phòng của Thiên Chúa nhằm hướng đến việc bảo đảm ơn cứu độ dứt khoát và chung cuộc cho con người. Chính Đức Giêsu có ý nói đến điều này trong cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

20 THÁNG BẢY

Ước Gì Mọi Miệng Lưỡi Đều Ngợi Khen

Ân Sủng Rạng Ngời Của Ngài

“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Lời ấy của Đức Giêsu làm nên cốt lõi của giáo thuyết về sự tiền định. Chúng ta nhận ra giáo thuyết này trong giáo huấn của các Tông Đồ, nhất là trong các Thư của Thánh Phao-lô.

Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Thư Ê-phê-sô: “Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, … đã tuyển chọn chúng ta trong Người, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử trong Đức Kitô – để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời mà Ngài ban tặng cho chúng ta trong người Con yêu dấu” (Ep 1,3-6).

Những xác quyết ấy về định mệnh của chúng ta trong Đức Kitô giải thích hùng hồn yếu tính của điều mà chúng ta gọi là “tiền định”. Thật vậy, cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa của thuật ngữ này để phòng tránh mọi nguy cơ ngộ nhận khi người ta sử dụng nó – điều khá thường xảy ra. Chẳng hạn, người ta có thể ngộ nhận rằng sự tiền định đồng nghĩa với một số mệnh mù quáng nào đó – hay là “cơn giận” thất thường của một vị chúa hay ghen tị. Trong mạc khải thần linh, từ ngữ “tiền định” có nghĩa là sự chọn lựa đời đời của Thiên Chúa. Sự chọïn lựa đó luôn luôn tích cực, sáng suốt và đầy lòng tư øphụ. Đó là một sự chọn lựa của tình yêu.

21 THÁNG BẢY

Hồng Ân Nghĩa Tử

Sự chọn lựa đầy yêu thương của Thiên Chúa và hệ quả nhất định của nó luôn luôn gắn liền với sự sống mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống đầy sống hoạt trong tình yêu này liên quan đến Chúa Cha cũng như Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Con người chia sẻ sự sống thần linh này vì con người được mời gọi tham dự vào kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Con người được tiền định ơn tuyển chọn thần linh này ngay cả trước khi vũ trụ được tạo thành (Ep 1,5).

Con người – ngay cả trước khi được dựng nên – đã được Thiên Chúa “chọn lựa”. Sự chọn lựa này xảy ra nơi Người Con Đời Đời (Ep 1,4). Nghĩa là, nó xảy ra nơi Ngôi Lời Vĩnh Cửu, nhờ Ngài mà thế giới được tạo thành. Như vậy, con người được tuyển chọn trong Chúa Con để nhờ chức phận làm con của Người mà con người được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử. Đây chính là cốt lõi của mầu nhiệm tiền định. Và đây chính là sự biểu lộ tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đối với chúng ta. Như Kinh Thánh nói: “Vì yêu thương, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Đức Giê-su Kitô” (Ep 1,5).

Như vậy, sự tiền định cho thấy từ đời đời Thiên Chúa kêu gọi con người tham dự vào bản tính của Ngài. Đó là một ơn gọi tiến tới sự thánh thiện thông qua ơn nghĩa tử – trở thành những người con “tinh tuyền thánh thiện trước thánh nhan Ngài” (Ep 1,4).

22 THÁNG BẢY

Chính Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước

Sự tiền định đi trước cả sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của ngôn ngữ con người vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết Thiên Chúa muốn thông truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con người, bởi vì con người được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như Ngài trong thế giới thụ tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên Chúa chọn con người để con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng. Rồi, Thiên Chúa muốn thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức Kitô.

Như vậy, mầu nhiệm tiền định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Mạc khải về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc này – ở đó chúng ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn gì.

23 THÁNG BẢY

Thông Dự Vào Ánh Sáng

Chúng ta đọc thấy trong Thư Cô-lô-sê: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Ngài đã giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào Vương Quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,12-14).

Vương Quốc của Thiên Chúa là Vương Quốc của “Thánh Tử chí ái”, theo một nghĩa rất đặc biệt, bởi vì chính nhờ công cuộc của Người mà “ơn cứu chuộc” và việc “thứ tha tội lỗi” được hoàn thành. Những lời của Tông Đồ Phao-lô ám chỉ đến tội lỗi của con người. Vì thế, sự tiền định tác động hiệu năng không duy chỉ do mối quan hệ của con người với việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của con người trong thế giới. Một cách căn bản, sự tiền định đối với con người có liên hệ với công cuộc cứu chuộc của Chúa Con – là Đức Giê-su Kitô.

Công cuộc cứu chuộc ấy trở thành một diễn tả cụ thể sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, cai quản mọi sự một cách đầy quan tâm, nhất là đối với những thụ tạo mà Ngài đã trao ban cho sự tự do.

24 THÁNG BẢY

Tạo Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô

Trong Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).

Ở đây chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).

Sự viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.

25 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Muốn Mọi Người Được Cứu Độ

Giờ đây chúng ta hiểu một khía cạnh nền tảng khác của sự quan phòng thần linh. Đó là, công cuộc cứu độ của Đức Kitô và sự hoàn thành cuối cùng của công cuộc đó vào hồi tận thời khi Đức Kitô đến lại. Thật vậy, “Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ và nhận thức được chân lý” (1Tm 2,4).

Chúng ta cần điều chỉnh quan điểm nhiễm màu tự nhiên chủ nghĩa của chúng ta về sự quan phòng – trong đó quan phòng chỉ được giới hạn trong sự sắp xếp tốt đẹp của thiên nhiên hay ngay cả trong sự ứng xử theo luân lý tự nhiên. Thực ra, sự quan phòng thần linh được diễn tả xuyên qua kế hoạch cứu độ từ đời đời của Thiên Chúa gắn kết với công cuộc cứu độ của Đức Kitô. Nhờ “sự viên mãn” của Đức Kitô, chúng ta biết rằng trong Người và qua Người chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi của chúng ta – và tội lỗi tự yếu tính của nó chống lại sự hoàn thành công cuộc của Đức Kitô, chống lại sự hoàn thành mà thế giới và con người sẽ tìm thấy nơi Thiên Chúa.

Đề cập đến sự viên mãn nơi Đức Kitô, Tông Đồ Phao-lô tuyên bố: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người – cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

26 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Muốn Thiết Lập Vương Quyền

Của Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta

Từ những suy tư rút ra từ các Thư của Thánh Phao-lô như trên, chúng ta có thể hiểu hơn giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng bao trùm mọi sự của Cha trên trời (Mt 6,25-34 và Lc 12,22-31): “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33; Lc 12,31).

Nói “trước hết”, Đức Giêsu cho thấy rõ Thiên Chúa muốn gì trước hết nơi mỗi chúng ta. Điều mà Thiên Chúa nhắm đến trước hết trong công cuộc sáng tạo thế giới, điều mà Ngài ao ước ở chung cuộc của thế giới chính là thiết lập “Nước của Ngài và sự công chính của Ngài” trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới đã được tạo thành trong định hướng qui về Vương Quốc này. Thế giới được tiền định để đạt tới sự viên mãn của nó nơi con người và nơi lịch sử của con người trong thời gian của Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, đó là điều mà thế giới và con người được tiền định từ đời đời trong Đức Kitô.

27 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Kiên Quyết Cứu Độ Chúng Ta

Cùng với nhãn quan của Thánh Phao-lô về sự tiền định, chúng ta cũng bắt gặp những lời của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ của Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Ngài cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1Pr 1,3-5).

Vâng, “chúc tụng Thiên Chúa” – Đấng mạc khải cho chúng ta sự quan phòng rất kiên thủ và đầy yêu thương của Ngài vì ơn cứu độ của chúng ta. Sự quan phòng ấy luôn luôn hoạt động cho đến đích điểm cuối cùng. Như vậy, sự tiền định dành cho chúng ta trong Đức Kitô sẽ được hoàn thành trọn vẹn nhờ “sự sống lại của Đức Giê-su Kitô”, Đấng là “An-pha và Ô-mê-ga” của định mệnh con người chúng ta (Kh 1,8).

28 THÁNG BẢY

Những Người Chiến Thắng Trong Đức Kitô

Và Còn Hơn Thế Nữa

Chúng ta hãy xem lại bản văn trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em…” (1Pr 1,3-4).

Liền sau đó, Tông Đồ Phê-rô nhấn mạnh một điểm vừa rất sáng tỏ vừa đầy khích lệ: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế khi Đức Giê-su Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,6-7).

Vâng, chúng ta có thể an tâm tin tưởng qua sứ điệp ấy! Vì sự tiền định của thế giới thụ tạo và nhất là của con người trong Đức Kitô là nền móng tất yếu cho mối quan hệ giữa sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa và thực tại sự dữ và đau khổ. Ở đây chúng ta có một niềm hy vọng vững chắc về chiến thắng cuối cùng của mình trên sự dữ và đau khổ. Nhờ sự chiến thắng của Đức Kitô, chúng ta sẽ chiến thắng sự dữ và đau khổ dù thuộc hình thức nào đi nữa. Chúng ta được tiền định trong Đức Kitô để toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 8,37).

29 THÁNG BẢY

Vấn Đề Đau Khổ

Đối với nhiều người, thực tại sự dữ và đau khổ là trở ngại chính khiến họ khó chấp nhận sự thật về sự quan phòng của Thiên Chúa trên đời sống của họ. Trong một số trường hợp, trở ngại này được thấy là rất lớn lao. Người ta chua cay nguyền rủa Thiên Chúa vì những sự dữ và những đau khổ tung hoành trên thế giới, đến độ họ từ chối sự thật về Thiên Chúa và phủ nhận chính sự hiện hữu của Ngài. Đây là quan điểm của tư tưởng vô thần.

Một cách ít triệt để hơn, nhưng không kém nhũng nhiễu, đó là trường hợp nhiều người chất vấn Thiên Chúa và những ý định của Ngài. Khi người ta cố gắng dung hòa giữa chân lý về sự quan phòng thần linh với thực tại sự dữ và đau khổ mà họ cảm nghiệm, thì bao nhiêu ngờ vực, cật vấn, hay những mâu thuẫn lồ lộ bật lên.

Để thấu hiểu vấn đề này, chúng ta cần trở lại với Thánh Kinh. Cái nhìn về thực tại sự dữ và đau khổ được trình bày đầy đủ trong những trang Thánh Kinh. Thánh Kinh tiên vàn là một quyển sách vĩ đại nói về đau khổ. Vì đau khổ là một trong những thực tại mà Thiên Chúa dạy cho con người nhận hiểu “bằng nhiều cách … qua các tiên tri; và trong những ngày sau hết … qua chính Con của Ngài” (Dt 1,1). Ý nghĩa của đau khổ bật ra trong mạc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cũng như bật ra trong chính Tin Mừng cứu độ. Đó là lý do vì sao con đường duy nhất thích hợp để tìm câu trả lời cho vấn nạn về sự dữ và đau khổ trên trần gian này không nằm ở đâu khác ngoài Thánh Kinh.

30 THÁNG BẢY

Sự Dữ Có Nhiều Bộ Mặt

Trước hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự do của con người.

Sự dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực tiếp tác hại.

Nhưng chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.

Đối diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).

31 THÁNG BẢY

Ngay Cả Sự Chết Cũng Phục Vụ Cho Sự Sống

Chúng ta nhận thấy Cựu Ước – trong khi nhìn nhận sự có mặt của nhiều loại sự dữ và đau khổ trong đời – đã làm chứng hùng hồn rằng sự khôn ngoan và lòng từ ái của Thiên Chúa (biểu hiện qua sự quan phòng thần linh của Ngài) tất thắng trên mọi sự dữ và đau khổ.

Cảm nhận này được trình bày trong Sách Gióp, cuốn sách xoáy trọn vào chủ đề sự dữ và tiếng kêu ai oán thất vọng. Cuốn sách quan trọng này (về chủ đề sự dữ) đôi khi được thấy như một kiểm nghiệm hùng hồn ‘đo lòng’ người công chính. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh phụ thuộc của quyển sách mà thôi. Cốt lõi của quyển sách chính là sự đúc kết vừa rõ ràng vừa công phu của tác giả rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Qua Sách Gióp, chúng ta nắm bắt những giới hạn và bản chất phù du của mọi tạo vật. Chúng ta nhận ra rằng một số hình thức của sự dữ thể lý có thể là do bản chất sa ngã của thế giới gây ra.

Chúng ta cũng ý thức rằng tất cả những gì thuộc vật chất đều ở trong một mối quan hệ hỗ tương gần gũi nhau – như câu nói xưa: “Đây chết thì kia sống”. Như vậy, xét một mức nào đó, ngay cả sự chết cũng phục vụ cho sự sống. Qui luật này cũng không loại trừ con người – vì con người vừa là xác thịt vừa là tinh thần, vừa khả diệt vừa bất tử.

Trong chiều hướng này, những ý tưởng của Thánh Phao-lô càng vén mở các chân trời rộng hơn nữa: “Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4,16). Rồi ngài nói thêm: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).

NGƯỜI KHÁCH MUỐN GÌ?

NGƯỜI KHÁCH MUỐN GÌ?

(Luca 10,38-42 – CN XVI TN – C)

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem. Vì có lý để nghĩ rằng hai chị em Mácta và Maria chính là những nhân vật của Ga 11,1tt, tức ở Bêtania, gần Giêrusalem, chúng ta phải tự hỏi tại sao tác giả Luca lại đặt truyện này ở đây, vì đến lúc này truyện vẫn gần với Galilê hơn Giêrusalem. Hơn nữa, ngài lại bỏ tên Bêtania đi, mà chẳng lẽ ngài lại không biết? Như thế, hẳn ngài có ý gì đó khi đặt truyện này ở đây chứ không phải ở chỗ khác (chẳng hạn ở ch. 19 hoặc 20).

Chúng ta xem truyện này liên hệ với các bản văn trước thế nào. Maria được mô tả như người “lắng nghe lời” Đức Giêsu. Đức Giêsu công bố rằng chính việc “lắng nghe lời” này sẽ không bị lấy mất. Trước đó, Đức Giêsu mới nói đến quan hệ sâu sắc, duy nhất, mà Người đang có với Chúa Cha (10,22). Quan hệ này được nói đến vì nó liên hệ đến các môn đệ Đức Giêsu: họ được chúc phúc bởi vì họ được Người mạc khải Chúa Cha cho; họ được nghe và thấy những điều Người biết về Chúa Cha. Như thế, các môn đệ có một đặc quyền lớn lao là được thấy và nghe những điều mà thậm chí các ngôn sứ và các vua chúa ước ao hết sức mà không được.

Ở đây, tác giả Lc nhắc lại đặc quyền đó. Ngài mô tả Maria trong tư thế tốt đẹp nhất: lắng nghe lời dạy của Đức Giêsu. Khi lắng nghe Người, Maria nghe Người mạc khải về Chúa Cha. Chính vì thế, tác giả đã nhắc lại động từ “lắng nghe” (cc. 24.39) như để nối kết các ý tưởng của hai đoạn văn. Sau đó, Lc trình bày cuộc đối thoại về “điều răn lớn” (10,25-37), với câu kết: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Mục đích của ngài khi bố trí truyện Mácta-Maria ở đây là để nêu bật tầm quan trọng tối hậu của giáo huấn của Đức Giêsu trong Lc 10,25-37: giáo huấn này là một mạc khải mà “các vua chúa và ngôn sứ” không được đón nhận.

Truyện Mácta-Maria cũng có thể được đặt ở đây để điều chỉnh một sự hiểu lầm có thể có đối với dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Ông này đã “chạnh lòng thương” (esplanchnisthê): vậy, hành vi luân lý của chúng ta rất có thể được hướng dẫn bởi các tình cảm của con người! Lc muốn sửa lại: chính giáo huấn của Đức Giêsu mới điều hành hành vi luân lý.

Và để dùng truyện hai chị em Mácta-Maria này mà hỗ trợ cho dụ ngôn Người Samari nhân hậu, mà dụ ngôn này thì được đặt tại ch. 10, trong khi đến 19,28 thì mới “tiến lên Giêrusalem”, để khỏi gây ra một điểm thiếu hợp lý trong lộ trình, tác giả bỏ tên làng “Bêtania” đi.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Phần tường thuật: Khung cảnh và các nhân vật (10,38-40a);

2) Phần đối thoại: Mácta và Đức Giêsu (10,40b-42).

3.- Vài điểm chú giải

– một làng kia (38): Trong TM III, làng này không có tên (x. 9,56). Cứ theo bản văn, “làng” này còn gần Galilê hơn là Giêrusalem. Theo Ga 11,1; 12,1-3, ta biết rằng Mácta và Maria, hai chị của Ladarô, ở tại Bêtania, một làng gần Giêrusalem.

– Maria (39): Cô này cũng được xác định là em gái của Mácta trong Ga 11,1. Không được đồng hóa cô này với Maria Mácđala ở 8,2.

– ngồi bên chân Chúa (39): Đây là tư thế của người môn đệ đang lắng nghe (x. 8,35).

– Chúa (39): Ngoại trừ c. 38 (không dùng tên “Giêsu” như trong Bản dịch CGKPV, mà dùng đại từ chủ ngữ “Người” [autos]), trong những câu sau, Đức Giêsu được gọi bằng danh hiệu “Chúa” (Kyrios). Như vậy, ở đây, chúng ta đang gặp một bài tường thuật có chất liệu của mầu nhiệm Phục Sinh. Tác giả chuyển các độc giả vào kinh nghiệm của cộng đoàn tín hữu về sự phục sinh của Chúa Giêsu.

– Cô tiến lại (40): Động từ ephistêmi có nghĩa là “tự trình diện”, “dừng lại bên cạnh”, “đưa mình ra trước”.

– giúp con một tay (40): Động từ synantilambanô có nghĩa là “cộng tác với”, dạng trung bình synantilambanomai có nghĩa là “đến trợ giúp”, “cứu trợ”. Trong Tân Ước, động từ này chỉ được dùng ở đây và ở Rm 8,46 nói về vai trò của Chúa Thánh Thần.

– chị băn khoăn lo lắng (41): Merimnâs do động từ merimnaô, “băn khoăn lo lắng”; thorybazô, “xáo trộn; mất sự thinh lặng”. Thorybos là “sự ồn ào”; trong Hy-ngữ hiện đại, thorybos là “xe cộ giao thông”.

– Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi (42): dịch sát: “Chỉ cần một điều mà thôi”. Lời Đức Giêsu đáp lại yêu cầu của Mácta dường như lúc đầu nhằm trấn an cô, bằng cách bảo cô rằng cô chỉ cần dọn một món thôi. Nhưng khi nghe trọn câu nói của Đức Giêsu, ta mới hiểu ra rằng “một điều” không chỉ là “một món” mà còn có ý nghĩa khác. “Một điều” đây chính là “phần tốt nhất” (= lắng nghe lời Chúa). Và Đấng là thành phần của “phần tốt nhất” ấy bảo đảm là Maria sẽ không bị lấy mất.

– phần (42): “Meris” có thể là phần lương thực, nhưng ưu tiên dùng để chỉ phần gia tài, phần của cải.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Phần tường thuật: Khung cảnh và các nhân vật (38-40a)

Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem (x. 9,51). Đức Giêsu đã dừng lại tại một làng kia (hẳn là Bêtania, nhưng tác giả không nêu tên, để khỏi gây một nét thiếu hợp lý trong lộ trình của Đức Giêsu), để thăm gia đình những người bạn thân. Các độc giả được mời chiêm ngưỡng Người không chỉ như là “Giêsu Nadarét”, mà là “Đức Chúa Phục Sinh” (Kyrios). Cô chủ Mácta đón Người vào và tất bật phục vụ. Còn cô em Maria thì cứ bình thản ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe Người giảng dạy. Theo truyền thống của các kinh sư, chỉ phái nam mới được ban cho những lời giảng dạy và những huấn thị; các phụ nữ bị loại ra bên ngoài. Nhưng Đức Giêsu nhìn nhận các phụ nữ có cùng một phẩm giá như phái nam, nên Người  ngỏ lời cả với phụ nữ. Ở đây tác giả đã không ngần ngại mô tả một người nữ như là môn đệ ngồi bên chân Đức Giêsu. Thái độ của Đức Giêsu cũng khiến chúng ta nhớ đến Cn 31,26.

“Cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ” (c. 40a). Có hai từ nói lên tất cả lòng hiếu khách của Mácta: hypodechomai, “đón vào nhà mình” (c. 38b) và diakonia, “sự phục vụ” (c. 40a, tăng cường bằng động từ diakonein ở c. 40b). Với những ý hướng tốt nhất và phù hợp với thói tục thời đó, Mácta tất bật (periespato) phục vụ người khách, nhưng sự bận bịu này đang sa sút thành sự phân tán. Vì bận tâm phục vụ, cuối cùng cô lại không chăm sóc người khách.

* Phần đối thoại: Mácta và Đức Giêsu (40b-42)

Bấy giờ Mácta mới lên tiếng nhận định về Maria và về bản thân mình: thái độ của cô rất tự tin, cô “đưa mình ra trước, cô tiến lại” (epistasa) mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” (c. 40b). Lời trách của cô có lý, vì hoàn cảnh quá rõ: một người khách quý vừa đến nhà. Phải làm mọi sự để đón tiếp người ấy cho chu đáo; nhất là hẳn là còn cả đoàn môn đệ của Đức Giêsu nữa! Nhà chỉ có hai chị em; thế mà Maria cứ để cho chị phải xoay sở một mình. Mácta có lý khi yêu cầu em giúp mình. Tuy nhiên, một đàng Mácta nghĩ mình có lý đến độ dám gợi cho Đức Giêsu cách thức cư xử (“Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”), nhưng đàng khác, dường như cô cũng hoài nghi về chính cô, dường như cô đang tự hỏi là phải chăng cô đã can thiệp quá đáng (điều này được gợi ra bởi động từ rất mạnh, rất phong phú, gắn kết chặt chẽ với ân ban Thánh Thần, là synantilambanomai, “cộng tác với”). Mácta can thiệp hầu như với vũ lực, nhưng phong thái của cô dường như lại diễn tả một tình trạng yếu đuối cùng cực. Điểm mấu chốt trong lời của cô được diễn tả bằng sự tương phản giữa “(phục vụ) nhiều” (c. 40a: pollên diakonian) và “một mình (con)” (c. 40b: monên me): nhiều/phức tạp là việc phục vụ, còn một mình là Mácta. Khôi hài là Mácta can thiệp vì nghĩ rằng Đức Giêsu cũng chia sẻ cái nhìn đó với cô, nhưng sự thật lại không phải thế!

Mácta có lý, nếu vấn đề là phải tiếp đãi người khách cho tươm tất. Nhưng nhận định của Đức Giêsu khiến chúng ta phải tự hỏi: vấn đề phải chăng là như thế? Người khách phải chăng chỉ muốn được tiếp đãi ân cần chu đáo? Đối với Người, điều gì quan trọng nhất? Những câu hỏi này, Mácta không hề đặt ra cho mình. Ngay từ đầu, hầu như là do thói quen, cô tưởng là mình biết tình thế cần cái gì. Không hề tự hỏi là người khách thật sự muốn gì, cô áp đặt cho người khách ấy điều cô nghĩ là hợp lý hơn, cần thiết hơn, vào lúc này. Chắc chắn Mácta có hảo ý. Nhưng cô không mấy quan tâm đến các sở thích và ý hướng của người khách. Đức Giêsu giúp cô hiểu rằng trước tiên Người không muốn được đón tiếp, không muốn được phục vụ. Sau này Người sẽ nói: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (22,27). Ở đây, Đức Giêsu đang muốn một điều hết sức quan trọng.

Đức Giêsu hiểu, Người không trách mắng Mácta, Người trả lời bằng giọng khuyên dạy, chứ không thân tình như thánh Âutinh nghĩ: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và làm ầm ĩ về nhiều chuyện quá” (c. 41). Mácta bị ngột ngạt vừa do các lo lắng về trách nhiệm (merimnâs), vừa do thứ tiếng ồn liên tục (thorybazô) không cho cô sống trong thinh lặng, lại vừa do cô tự hào (epistâsa) về tất cả những chuyện cô đang sống, đang làm. Tất cả và chuyện đó chỉ là tương đối, là phụ thuộc; trước tiên hãy tìm Nước Thiên Chúa (x. 12,31), rồi tất cả những chuyện còn lại sẽ đến theo. Tìm kiếm Nước Thiên Chúa cũng có nghĩa là trước tiên, tìm kiếm ân huệ Thánh Thần, tìm làm sao để nhận được ân ban Lời Chúa, rồi các thứ khác sẽ đến sau. Chúng ta ghi nhận chính Đức Chúa (Kyrios) trả lời Mácta. Ở đây có một nét khôi hài: Mácta dùng mà không ý thức danh hiệu Kyrios mà bây giờ tác giả lấy lại với sắc thái thần học để đưa lại nét long trọng và dứt khoát cho câu trả lời. Mácta nại đến “Chúa” vì mong được Người yểm trợ, nhưng “Chúa” lại bác bỏ các chờ đợi của Mácta. Mácta nói đến “việc phục vụ nhiều/phức tạp (pollê)”, nay Đức Giêsu nói đến “nhiều chuyện (polla): như thế, cô không chỉ bận bịu, mà là bị phân tán. Mácta phản ứng do sự tương phản giữa “nhiều” và “một mình”, các lời của Đức Giêsu lấy lại sự tương phản này, nhưng chuyển dịch sang sự đối lập giữa “nhiều chuyện (polla)” và “một chuyện (henos)”. “Một chuyện” này là gì? Phần kết của bản văn sẽ cho biết.

Còn Maria chỉ là em của Mácta, tức là được xác định trong tương quan với chị mình. Maria ý thức về sự nghèo nàn, về tình trạng bất lực, về sự yếu đuối  của mình. Cô chỉ còn có thể làm một việc: ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe Người dạy (c. 39). Đây là điều duy nhất cần thiết và là điều luôn luôn đúng: lắng nghe Chúa. Đức Giêsu đến nhà Mácta và Maria trước hết không phải để được đón tiếp vào bữa tiệc, nhưng là để được lắng nghe. Với tất cả thiện chí, Mácta đã sao nhãng ý muốn này của Đức Giêsu. Chỉ có Maria là đã gắn bó với điều Đức Giêsu muốn. Trước hết, Người muốn cống hiến, chứ không muốn đón nhận. Trước hết, Người không muốn có một sinh hoạt chuyên chăm cần cù, qua đó người ta chứng tỏ người ta luôn biết điều gì là đúng và điều gì phải làm; nhưng Người muốn người ta suy nghĩ và ở yên để lắng nghe, suy tư và để cho Đấng khác nói với mình điều thật sự quan trọng và điều thật sự mình phải làm.

Thái độ của Maria, nếu nhận định hời hợt, là giải pháp thoải mái, lười biếng, thật ra lại là một sự chọn lựa (eklegomai). Sự chọn lựa này phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa trong tương lai cánh chung (“sẽ không bị lấy đi”): thái bị động thần học kết thúc bài tường thuật gợi ý gián tiếp đến sự xét xử của Thiên Chúa.

+ Kết luận

Khi viết 10,38-42, tác giả Lc không hề muốn phân biệt giữa đời sống tu trì chiêm niệm và đời sống tu trì hoạt động, cũng không hề coi thường việc phục vụ người khác. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến “phần duy nhất cần thiết” là: làm môn đệ Đức Giêsu, là lắng nghe giáo huấn của Người, để Người tiếp tục hướng dẫn.

Nhìn lại ngữ cảnh rộng, chúng ta có thể cho rằng Lc đặt bản văn 10,38-42 ở đây nhắm nêu bật giáo huấn của Đức Giêsu ở 10,25-37 (Điều răn lớn) như là đáng để mọi người lưu ý, như là thuộc về “điều duy nhất cần thiết”, và như mạc khải về Chúa Cha, Đấng mà không ai biết như Đức Giêsu, đồng thời để dạy rằng động lực của mọi hành vi luân lý Kitô hữu phải tuyệt đối là giáo huấn của Đức Giêsu. Chỉ nhờ nghe lời giáo huấn của Đức Giêsu, trong lòng người nghe mới phát sinh tình yêu đối với người lân cận. Bản văn này còn cho thấy có những liên hệ đầy ý nghĩa với lời giải thích dụ ngôn hạt giống/Lời Thiên Chúa (Lc 8,11-15): sự bận rộn thái quá của Mácta khiến ta nhớ đến loại đất thứ ba (8,14), còn sự chọn lựa của Maria nhắc nhớ đến mảnh đất tốt, tại đó Lời sẽ sinh hoa trái (8,15).

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đối với Mácta, tiếp khách là chuyện quan trọng nhất. Thường thường chúng ta gặp nguy cơ bị thu hút bởi mối bận tâm đối với các nhu cầu vật chất, đối với đồ ăn thức uống, chuyện ăn mặc, nhà cửa trú ngụ, những tiện nghi, và chúng ta dùng hết năng lực và thì giờ cho những chuyện ấy. Dĩ nhiên, cần phải quan tâm đến những điều ấy. Nhưng cũng phải thấy rằng chỉ lo chừng ấy chuyện thì chưa đủ. Phải có một bậc thang các giá trị để đi theo.

2. Các Kitô hữu cần thường xuyên xét lại hệ thống các xác tín và các thói quen của mình để sẵn sàng điều chỉnh. Người tín hữu cần được thanh thoát, không bị ràng buộc bởi những thói quen cá nhân, khuynh hướng hưởng thụ, mức sống. Không phải chỉ đơn giản chấp nhận những gì môi trường chung quanh coi là thông thường, cần thiết và đúng đắn, là đã đủ. Người Kitô hữu còn cần phải suy nghĩ về những gì là thật sự cần thiết và đúng đắn. Đức Giêsu đặt việc lắng nghe lời Người vào chỗ nhất. Như thế, Kitô hữu chúng ta cần có một thời gian yên tĩnh và suy tư để cầu nguyện. Chúng ta cần phải thường xuyên lắng nghe Đức Giêsu và để Người chỉ đường. Khi đó, chúng ta không được tránh né cố gắng và thậm chí đau khổ để có thể tái định hướng và thay đổi.

3. Trong đời sống chung (cộng đoàn tu trì, gia đình, giáo xứ…), cần biết thường xuyên đặt câu hỏi: “Những người khác đang muốn gì? Họ đang cần gì, ngoài những của cải vật chất?”. Khi đó, hẳn là ta sẽ thấy rằng những người ấy đang đặc biệt cần được chúng ta quan tâm và cần có thì giờ của chúng ta. Các em bé không chỉ cần được ăn cái gì mà thôi. Các cha mẹ phải có giờ cho chúng, để chơi với chúng, để trả lời những câu hỏi của chúng, để giúp chúng kể những kinh nghiệm của chúng. Những người già cũng muốn xin chúng ta có thì giờ cho họ, muốn chúng ta lắng nghe họ, chúng ta hiệp thông vào các suy tư, các mối bận tâm, và cả những kỷ niệm của họ. Những người thợ trong một hãng xưởng không chỉ cần một đồng lương hậu hĩ; họ cũng cần được quan tâm và nhìn nhận, cần một lời khen và một lời nói nhân ái. Giúp đỡ về vật chất mà thôi thì chưa thỏa mãn được nhu cầu số một là có giờ cho nhau, lắng nghe nhau trong kiên nhẫn và yêu thương và sống cho nhau.

4. Không nên dựa vào những nhận định của Đức Giêsu mà chê Mácta. Dĩ nhiên, đến một lúc nào đó, Mácta sẽ ngưng việc bếp núc để lắng nghe Đức Giêsu, cũng như đến một lúc nào đó, Maria sẽ ngưng việc lắng nghe Đức Giêsu để tiếp tay với chị mà dọn cơm đãi khách. Nhưng nói như thế là đơn giản cho rằng truyện này phản ánh một hoàn cảnh lịch sử chính xác với những đường nét được tường thuật. Trong thực tế, truyện này là một mẩu sinh hoạt được cắt khỏi khung cảnh thực tế để biến thành một dụ ngôn nói về việc ưu tiên lắng nghe giữ Lời Chúa. Đàng khác, theo Tin Mừng Luca, và phải nói là theo truyền thống Kinh Thánh nữa, lắng nghe có nghĩa là tuân giữ, là vâng phục. Ngày lễ thánh Mácta 29-7 chính là một cách cho thấy truyện này như là một tấm huy chương duy nhất có hai mặt: một bên, ta có Maria, và bên kia, ta có Mácta.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

BIỆT LY,

BIỆT LY,

Thăm thẳm rừng chiều một sắc hoa,
Dáng xưa còn đó nét kiêu sa,
Người đi có nhớ ngày xưa ấy,
Hai đứa kề vai dưới trăng tà…

Bây giờ chia cách ôi xót xa,
Hoa tàn héo úa trăng kém ngà,
Vì đâu chiếc bóng sầu cô quạnh,
Bước nhẹ mà đau chết tình ta…

Bến ấy thuyền neo ngập sắc hoa,
Trăng sáng lung linh nét ngọc ngà,
Tương tư một góc tình vật vả,
Nhớ quá người ơi… buổi chia xa…

Liverpool.18/7/2013.
Song Như.

Kính gởi quý Thầy Cô và các bạn LVC.
Kính chúc sức khỏe.
KT.

Đức Tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ

Đức Tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ.Ý Nghĩa

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài chia sẻ cho Tối Tĩnh Tâm Mùa Vọng Thứ Hai ngày 10/12/2012

ở Cộng Đoàn Westminter Giáo Xứ Blessed Sacrament,

và đã được Nguyệt San Hiệp Nhất phổ biến ở số báo Tháng 1/2013)

Mùa Vọng hay Advent có 2 ý nghĩa chính: ý nghĩa thứ nhất, nếu căn cứ vào 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm trông đợi Đấng Thiên Sai của Cựu Ước thì Mùa Vọng là Mùa Phụng Vụ Chờ Mong Chúa đến; ý nghĩa thứ hai, nếu căn cứ vào chính chữ “Advent – Đến” thì Mùa Vọng là Mùa Phụng Vụ về Mầu Nhiệm Chúa Đến trên gian nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh như một EmmanuelThiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thế nhưng, lịch sử cho thấy Chúa Kitô đã đến rồi. Bởi thế, hai ý nghĩa trên đây của Mùa Vọng liên quan đến Cựu Ước nhiều hơn Tân Ước. Tuy nhiên, vì Phụng Niên của Giáo Hội là để cử hành tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô, từ khi Người Nhập Thể Giáng Sinh đến thế gian lần thứ nhất cho tới khi Người đến lần thứ hai trong vinh quang “để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”, mà Phụng Niên không thể thiếu Mùa Vọng.

Do đó, việc cử hành Mùa Vọng của Giáo Hội theo ý nghĩa Tân Ước đây bao gồm một ý nghĩa lưỡng diện bất khả phân ly, ở chỗ Mùa Vọng liên quan chẳng những đến Mầu Nhiệm Giáng Sinh mà còn đến cả Mầu Nhiệm Tái Giáng: Thiên Chúa “đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14) nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh, và cũng là Đấng “sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mathêu 28:20) khi Người Tái Giáng.

Đó là lý do ngay Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, các bài đọc của phần Phụng Vụ Lời Chúa, nhất là bài Phúc Âm, bao giờ cũng mang ý nghĩa của Mầu Nhiệm Tái Giáng, một mầu nhiệm mà chung con người và riêng Kitô hữu cần phải mong đợi trong “tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể thoát được những việc sẽ xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Luca 21:36; xem cả Mathêu 24:42 và Marco 13:33,37).

Dụ ngôn sâu xa của cuộc Chung Thẩm cũng đã chất chứa cả hai Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Tái Giáng: Tại sao khi Tái Giáng trong vinh quang Chúa Kitô lại phán xét kẻ sống và kẻ chết theo tiêu chuẩn bác ái liên quan đến thành phần anh chị em hèn mọn nhất của Người – nếu không phải là vì Người là Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người, đã nên giống nhân loại mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, đã trở thành một con người khốn cùng nhất hay sao?

Tuy nhiên, trong Cuộc Chung Thẩm này, cả hai thành phần chiên và dê, tiêu biểu cho thành phần “kẻ sống (chiên) và kẻ chết (dê)” được Chúa Kitô Tái Giáng phán xét, đều thưa cùng Người một câu giống nhau, đó là chúng tôi có thấy Chúa đâu (xem Mathêu 25:37,44). Vậy tại sao chỉ có chiên mới được rỗi còn dê lại bị hư đi, nếu không phải cả hai khác nhau ở chỗ “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gallata 5:6), tức không thấy mà cứ sống bác ái!

Đúng thế, đức ái là dấu hiệu của đức tin, là hoa trái của đức tin và là tầm mức của đức tin, và phần rỗi của chung con người và riêng Kitô hữu hoàn toàn lệ thuộc vào đức tin. Trong Năm Đức Tin nói về đức tin thì rất thích hợp, nhưng tại sao đức tin lại liên quan đến vấn đề bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ, một đề tài dường như rất lạ lùng trong Mùa Vọng là thời điểm Giáo Hội đang hướng tới và long trọng tưởng niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô?

Thật ra Đức Tin là Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ là đề tài rất hay trong Mùa Vọng là thời điểm sửa soạn cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Bởi vì, nếu Mầu Nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm “Lời đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14), đã mặc xác làm người thì sức khỏe và sự sống thể lý của con người trần gian chúng ta đã không hề liên quan gì với Mầu Nhiệm Giáng Sinh hay chăng, hay cả hai còn có một chiều kích thần linh và có một giá trị vô giá hơn nữa!

Chính vì sức khỏe và sự sống của con người chúng ta đã được thần linh hóa hết sức cao trọng như vậy nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Vị Thiên Chúa đã Hóa Thân Làm Người nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta cần phải trân trọng sức khỏe và sự sống thể lý, chẳng những của chính bản thân mình mà còn của cả tha nhân nữa, nhất là thành phần anh em hèn mọn nhất về thể lý được liệt kê trong cuộc Chung Thẩm (xem Mathêu 25:35-36,42-43).

Sống trong xã hội Hoa Kỳ này, nhiều người trong chúng ta, nhất là những người đi làm cho các hãng xưởng, đều có bảo hiểm sức khỏe, và không ít mua thêm bảo hiểm nhân thọ. Thế nhưng, thực tế cho thấy không một hãng bảo hiểm sức khỏe hay nhân thọ nào có thể bảo đảm sức khỏe và sự sống của chúng ta. Do đó, không thể nói các hãng ấy bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm nhân thọ mà chỉ có thể nói họ bảo hiểm về sức khỏe hay về nhân thọ.

Trong khi đó, đức tin không phải chỉ là một thần đức hay một nhân đức đối thần, hoàn toàn có tính chất siêu nhiên và thần linh, không hề có liên quan dính dáng gì tới thể lý, tới đời sống tự nhiên, tới thân xác của con người. Trái lại, nếu Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh là để cứu chuộc cả linh hồn lẫn thân xác của con người vướng mắc nguyên tội thì Đức Tin quả thực là một thứ Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ đúng nghĩa nhất và tác hiệu nhất.

Không phải hay sao, chính nhờ đức tin mà con người Kitô hữu mới có thể chẳng những sống mạnh khỏe ngay trên trần gian là nơi sinh lão bệnh tử này mà còn được hưởng sự sống vinh phúc trong cõi vĩnh hằng nữa. Thực tế đã không cho thấy hay sao đã có những con người Kitô hữu nhờ đức tin đã sống thật khỏe mạnh hầu như không bệnh nạn, thậm chí khỏe mạnh ngay cả khi mắc bệnh, đôi khi còn được khỏi bệnh, và cải tử hoàn sinh.

1- Đức tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe

Tôi có một người bạn mà trong suốt 16 năm quen biết (1966-1982), hầu như không bị bệnh gì hết, ngoại trừ một lần duy nhất hơi bị cảm, cho dù hằng năm cộng đồng chúng tôi chung sống có nhiều người bị cúm rất hay lây lan. Cho tới này, sau 30 năm gặp lại, những người sống gần với con người này vẫn làm chứng rằng chẳng thấy anh ấy bị bệnh nạn gì. Trong khi đó, anh có một thân xác gầy gầy, nhỏ nhắn, ăn ít, ngủ không nhiều mà lại làm việc nhiều. Đặc biệt là lúc nào cũng cười, không một ai bắt gặp anh có bất cứ một phản ứng tự ái nào, với bất cứ một ai, dù người đó trẻ hơn anh hay cố ý chọc tức anh. Trong số bạn bè, người tôi khâm phục nhất là anh về đời sống thánh thiện của anh, một đời sống thánh thiện có thể nói đã chi phối cả đời sống tự nhiên liên quan đến thâm xác hầu như phi bệnh nạn của anh.

Kinh nghiệm tu đức nơi đời sống đạo của Kitô hũu chứng thực cho thấy rằng đức tin quả thực là một thứ bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ cho họ trong cuộc hành trình đức tin của họ trên trần gian này nữa. Ở chỗ, nhờ đức tin, họ có thể sống bình an trong tâm hồn, không bị các chứng bệnh tâm thần (mental health) thường xẩy ra như căng thẳng (stress) hoặc lo âu (anxiety) hay trầm cảm (depression) v.v.

Và cũng nhờ đức tin, họ sống khỏe mạnh cả về phần xác, chẳng những ăn được ngủ được mà còn dồi dào nghị lực để hăng say hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi nữa. Kết quả của một con người có được một hồn an và xác mạnh như thế là ở chỗ họ sẽ được hưởng một tuổi thọ hơn bình thường, bởi ít bị bệnh trầm trọng, hay cho dù có bị bệnh nan y, họ cũng có sức chịu đựng và chết một cách an bình.

Thật vậy, trong đời sống đạo của Kitô hữu, đức tin là bảo hiểm về sức khỏe, ở chỗ, họ nhận biết sức khỏe là vàng, là tặng ân Chúa ban cho, cần phải trân quí và gìn giữ hết sức cẩn thận, để nhờ đó có thể phụng sự Ngài trong đời sống cộng đồng của xã hội trần thế cũng như của Giáo Hội hiện thế. Nếu Kitô hữu chỉ gìn giữ và trau dồi sức khỏe với mục đích duy nhất để khỏe mạnh và đỡ bệnh tật hơn là để phục vụ thì cũng chưa đủ, vì sức khỏe của họ chẳng khác gì như nén bạc còn nguyên, không bị con người chủ thể lạm dụng và tác hại, nhưng vẫn không sinh lợi nên vẫn bị trừng phạt (xem Mathêu 25:26-27).

Do đó, về phương diện tiêu cực, họ tránh những gì gây nguy hại cho sức khỏe của họ, chẳng hạn họ không bao giờ nghiện ngập gây tác hại cho sức khỏe của họ, hay không bao giờ chạy xe ẩu kẻo bất ngờ gây ra tai nạn khiển bản thân bị thương tật hay thậm chí mất mạng cho cả bản thân mình lẫn người khác, hoặc cầm hãm những đồ ăn thức uống, cho dù rất ngon miệng đến đâu chăng nữa, nhưng không hợp với tình trạng sức khỏe của họ, nhờ đó có thể tránh được những chứng bệnh nguy tử rất thông dụng ngày nay như cao máu (high blood pressure), cao mỡ (cholesterol) hay tiểu đường (diabetes)…

Trái lại, về phương diện tích cực, họ liên lỉ bảo tồn và trau dồi sức khỏe của mình, không phải chỉ để đỡ bệnh tật mà nhất là để có sức làm việc cho Chúa và phục vụ gia đình, xã hội cùng cộng đồng Dân Chúa. Việc bảo tồn và trau đồi sức khỏe của họ có thể kể đến những việc rất thực tế như ăn uống và ngủ nghỉ điều độ, tập thể dục thể thao hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ để kịp phòng bệnh hơn chữa bệnh (nhất là các thứ ung thư hầu như bất khả kiểm soát) v.v.

Như thế, chính khi Kitô hữu ăn uống và ngủ nghỉ điều độ, tập thể dục thể thao hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ, ở một ý nghĩa nào đó, là việc họ sống đức tin, chứ không phải chỉ là những việc thuần túy bảo tồn và trau dồi sức khỏe về phần xác mà thôi. Thậm chí, chính khi họ thực hiện những việc làm để bảo trì và trau dồi sức khỏe có vẻ thuần phần xác như thế, ở một nghĩa nào đó, họ đồng thời cũng thực sự sống bác ái yêu thương đối với gia đình của họ, và đang âm thầm gián tiếp làm việc tông đồ đối với cộng đồng xã hội và Giáo Hội của họ.

Đức tin chẳng những giúp Kitô hữu sống khỏe mạnh phi bệnh nạn mà còn khỏe mạnh khi bị bệnh hoạn nữa. Ở chỗ, sau khi họ đã cố gắng hết sức tránh lánh tất cả những gì có thể gây nguy hại cho sức khỏe của mình, và liên lỉ bảo trì cùng trau dồi sức khỏe cho công ích, chẳng may họ bị tai nạn khiến họ bị thương tật, hay mắc phải một chứng bệnh nguy tử, với đức tin sẵn có được áp dụng vào mọi lãnh vực của cuộc sống đời thường như thế, họ vẫn có thể sống một cách hềt sức an bình và vui tươi, cho dù thân xác của họ có quằn quại đớn đau đến thế nào chăng nữa, và họ chấp nhận một cái chết tự nhiên khi tới giờ của Chúa chứ không chấp nhận một cái chết triệt sinh trợ tử hay triệt sinh an tử.

Đúng thế, trong khi xã hội văn minh vật chất theo cá nhân chủ nghĩa, duy nhục dục và phá thai, thì không phải là hiếm thấy trường hợp thai mẫu sẵn sàng chịu khổ và chịu chết cho thai nhi của mình được sống. Thành phần Kitô hữu thai mẫu hiếm hoi này không phải là đã nhờ đức tin sống khỏe mạnh hơn những người chị em thai mẫu đương thời của mình không bị đớn đau vì thai nhi nhưng vẫn sát hại đứa con trong bụng của mình hay sao!?

Tôi có quen với một nam Kitô hữu, nay vẫn còn sống ở Orange County . Ông là một trong những thân chủ của tôi khi tôi còn làm việc cho Vietnamese Community of Orange County (1982-1985), với vai trò là Counselor for Handicapped – Cô Vấn cho Người Khuyết Tật. Vào năm 1983, tôi đã giúp ông xin tiền Trợ Cấp Tật Nguyền SSI và sau 3 lần ông mới được hưởng tiền này cho tới nay. Tuy nhiên, trước khi được hưởng tiền SSI, ông mượn tiền GR (General Relief) của Orange County để có thể sống tạm. Mỗi tháng County này cho ông mượn tiền trả tiền nhà, và cho mượn thêm 85 Mỹ kim để ăn uống và tiêu xài các thứ khác trong tháng. Với 85 Mỹ kim này, ông chỉ được tiêu pha 3 Mỹ kim một ngày cho 3 bữa ăn, chưa kể tiền mua sắm quần áo v.v. Trong khi đó, ông bị đủ mọi thứ bệnh tật, nhất là những thương tật từ khi còn ở trên trại tỵ nạn Thái Lan gây ra bởi đám dân địa phương ở đây. Ông sống cuộc đời tỵ nạn ở Hoa Kỳ rất cô đơn (vợ con chết hết trên biển) và khổ sở (bởi bệnh tật hành hạ). Thế mà, có lần, ông đã trích ra 20 Mỹ kim, gửi về Đền Thánh Khiết Tâm Đức Mẹ ở Carthage Missouri của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ để xin khấn. Không phải xin cho được khỏi bệnh nạn tật nguyền mà là xin cho được giữ vững đức tin.

Đức tin chẳng những là một thứ bảo hiểm sức khỏe trong đời thường của Kitô hữu mà còn được chứng thực trong Thánh Kinh nữa, nhất là trong Phúc Âm, điển hình nhất là hai trường hợp sau đây:

Trước hết là trường hợp được Phúc Âm Thánh Marcô, ở đoạn 5 từ câu 25 đến câu 34, thuật lại rõ nhất (trong bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm, dù cũng được thuật lại ở Phúc Âm Thánh Mathêu 9:20-22 và Luca 8:43-48) về “một người đàn bà trong miền bị bệnh loạn huyết suốt 12 năm trường” (câu 25), không bác sĩ nào chữa khỏi, trái lại bệnh trạng “càng trở nên tồi tệ hơn nữa” (câu 26), cho đến khi bà nghe về Chúa Giêsu thì cố gắng chen đến cho bằng được “ở đằng sau của Người giữa đám đông” (câu 27), với ý nghĩ trong đầu rằng: “Chỉ cần tôi sờ vào áo của Người thì tôi sẽ được lành mạnh” (câu 28), và quả nhiên “lập tức máu cầm lại và bà cảm thấy toàn thân được lành mạnh” (câu 29).

Và tác dụng vô cùng thần hiệu “đức tin của con đã cứu con” này nơi người phụ nữ bị bệnh loạn huyết 12 năm ấy đã được chính Đấng cảm thấy có một lực gì đó xuất ra khỏi mình và tìm kiếm trong đám đông chen lấn chung quanh Người xem “ai đã chạm đến áo của Thày?” (câu 30), đến độ cái đụng chạm nhẹ nhàng hết sức kín đáo ấy có thể gây ra cái biến động đột xuất nơi cơ thể của Người như vậy, cho tới khi ánh mắt của Người “thấy người phụ nữ đã làm điều này” (câu 32), khiến bà hoảng sợ và “phục xuống trước mặt Người mà thú thật tất cả mọi sự” (câu 33), để được Người khẳng định rằng: “Chính đức tin của con đã chữa cho con được khỏi – your faith that has cured you” (câu 34).

Sau nữa là trường hợp cũng được Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại ở đoạn 10 từ câu 46 đến 52, với một số chi tiết đặc biệt hơn đoạn cũng được Thánh Luca thuật lại (18:35-43), về “một người ăn xin mù loài tên là Bartimê ngồi ở vệ đường” (câu 46) lúc “Chúa Giêsu đang rời thành Giêrico” (câu 46), và “khi nghe thấy đó là Đức Giêsu Nazarét thì bắt đầu kêu lên rằng: ‘Ngài Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi‘” (câu 47), để rồi càng bị “nhiều người nạt nộ bảo im lặng thì anh ta lại càng la lớn hơn nữa: ‘Ngài Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi‘” (câu 48). Có lẽ vì tiếng la to của anh ta được Chúa Giêsu nghe thấy nên Người “đã dừng bước mà bảo: ‘Hãy gọi ông ta tới đây‘” (câu 49).

Khi nghe thấy “Người gọi anh kìa!” (câu 49) thì “anh ta đã lập tức quẳng chiếc áo khoác qua một bên, nhẩy chồm ngay đến với Chúa Giêsu” (câu 50), Đấng đã lên tiếng hỏi anh ta rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh đây?” (câu 51), và anh đã bày tỏ ước vọng sâu xa của mình rằng: “Lạy Thày, tôi muốn được nhìn thấy” (câu 51). Niềm ước mong chính đáng này của anh, sau khi anh chân thành bày tỏ cùng Chúa Giêsu bằng thái độ tin tưởng mảnh liệt của của anh bất chấp áp lực của đám đông, vứt bỏ những gì mình đang có và hớn hở đến với Đấng anh van xin, đã được toại nguyện “lập tức lấy lại nhãn quan của mình” ngay sau lời Người phán: “Anh hãy đi. Đức tin của anh đã chữa lành cho con – Your faith has healed you” (câu 52).

Đức tin là bảo hiểm sức khỏe được tỏ hiện một cách hiển nhiên nhất trong thời đại văn minh về khoa học và kỹ thuật duy thực dụng này ở chỗ các phép lạ chữa lành phần xác nhờ đức tin của thành phần bệnh nhân bất khả trị hay nguy tử ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Âu Châu. Chẳng hạn như đã xẩy ra 68 phép lạ được Giáo Hội chính thức công nhận trên tổng số 1858 trường hợp (từ năm 1858 là năm Đức Mẹ hiện ra cho tới năm 2012) ở Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức. Hay như ở các trường hợp tin tưởng nhờ lời chuyển cầu của các vị đáng kính trước khi được phong chân phước, như của Chân Phước Têrêsa Calcutta hay của Chân Phước Gioan Phaolô II.

3- Đức tin: Bảo Hiểm Nhân Thọ

Trên đây là hai trường hợp điển hình cho thấy Đức Tin quả thực là một thứ bảo hiểm sức khỏe – health insurance, ở chỗ không phải đóng vai tác nhân (agent) trong việc chi trả cho vấn đề tốn kém từ những thứ chữa trị bệnh tật, mà là một năng lực phi thường có thể chữa lành được cả các thứ bệnh tật về phần xác, như thbệnh loạn huyết nơi người đàn bà trong Phúc Âm mà các bác sĩ đã bó tay, hay thứ tật mù lòa bất trị nơi người đàn ông chỉ còn biết ngồi ăn xin bên vệ đường.

Sau đây là một trường hợp cho thấy đức tin còn là bảo hiểm nhân thọ – life insurance nữa, không phải ở chỗ như là một tác nhân cần phải chi trả một số tiền tượng trưng nào đó theo hợp đồng qui định cho thân nhân của người quá cố, mà là một quyền lực siêu việt có thể cải tử hoàn sinh cho cả  thân xác con người đã chết 4 ngày bắt đầu xông mùi rữa nát, như nơi trường hợp của Lazarô, người anh em của Matta và Maria trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 11 từ câu 1 đến 44.

Thật thế, trong trường hợp Lazarô được cải từ hoàn sinh, đức tin không xuất phát từ chính bản thân Lazarô, vì Lazarô bấy giờ đã chết và đang ở trong mồ, vào lúc Chúa Giêsu xuất hiện trước mồ của anh. Vậy thì đức tin nào đã giúp anh nhờ đó được cải tử hoàn sinh, nếu không phải là đức tin nơi bà chị ruột Matta của anh, người chẳng những tin thân xác của loài người sẽ phục sinh vào ngày tận thế (xem Gioan 11:24), mà còn tin Chúa Kitô “là sự sống lại và là sự sống, và ai tin vào (Người) thì dù có chết cũng được sống…” (Gioan 11:25-26), cho dù người chết đã được chôn cất trong mồ “4 ngày, hẳn là xông mùi hôi thối” (xem Gioan 11:39-40).

Vấn đề mua bảo hiểm nhân thọ, thực tế ở xã hội Hoa Kỳ hiện nay cho thấy, nếu là thành phần cao niên và có tiền, thì do chính họ tự lo, để khỏi phiền nhà đến con cái, nhưng nếu là thành phần con cái thì được bố mẹ mua cho. Trong trường hợp đức tin của Matta đã giúp cho người em Lazarô của chị nhờ đó được cải tử hoàn sinh cũng có thể so sánh với trướng hợp người thân trong gia đình mua bảo hiểm nhân thọ cho nhau. Tuy nhiên, đức tin là bảo hiểm nhân thọ trong trường hợp của Lazarô không phải là một số tiền bồi hoàn 10 ngàn hay 100 ngàn Mỹ kim từ một tác nhân bảo hiểm nào đó cho cái chết của anh mà là chính sự sống về phần xác của anh đã được thực sự hồi sinh “bước ra khỏi mồ” (Gioan 11:44).

Vào giữa thập niên 1990, khi còn làm cho Regional Center of Orange County, cơ quan phục vụ thành phần chậm phát triển (serving developmentally disabled population) ở Orange County, với vai trò là một Phối Hợp Viên Dịch Vụ (Service Coordinator), tôi đã đến thăm một gia đình Việt Nam ở Orange để thăm một trong cả trăm thân chủ (client) lớn nhỏ của tôi. Thân chủ này là một em gái bấy giờ 7 tuổi, bị chậm phát triển, gây ra bởi tình trạng trục trặc ngay lúc được sinh vào trần gian.

Theo lời của cha mẹ trẻ trung khoảng ngoài tam thập nhi lập của cháu kể lại thì bấy giờ gia đình cháu còn ở bên Louissiana, khi mẹ cháu chuyển bụng thì gọi xe đến đưa gấp vào nhà thương. Tuy nhiên, mãi hai tiếng đồng hồ sau xe mới tới. Trong thời gian đó, nước ối trong bào thai đã tuôn ra hết nhưng thai nhi vẫn còn trong tử cung của người mẹ. Tức là cho tới khi người mẹ sinh con thì bào thai bị ngộp vì không còn nước ối như khi được cưu mang, do đó bộ óc của thai nhi đã bị hư hại ngay trước khi sinh ra, và trở thành một bé gái bị chậm phát triển, khờ khạo, cả đời chỉ ở trong tình trạng đơn sơ hồn nhiên như trẻ nhỏ. Tôi đã an ủi cha mẹ em là người Công giáo rằng: Nước Trời đã thuộc về em ngay trên trần gian này, vì em vĩnh viễn là một trẻ nhỏ không biết đến tội lỗi là gì!

Thế nhưng, vấn đề ở đây liên quan tới đề tài Đức Tin: Bảo Hiểm Sức Khỏe và Nhân Thọ không phải là bé gái thân chủ bị chậm phát triển này của tôi mà là đứa em trái của cháu. Tiện kể lại câu chuyện về đứa con gái đầu lòng hết sức tội nghiệp của mình, cha mẹ cháu còn kể cho tôi nghe cả câu chuyện về đứa con trai của anh chị nữa. Theo anh chị thì khi cháu được cưu mang, bác sĩ sản phụ khoa của mẹ cháu khuyên cha mẹ cháu phá thai. Lý do là vì chị cháu bị dị tật bẩm sinh chậm phát triển thì cháu cũng sẽ bị như thế. Theo tâm lý, như được thấy nơi một số gia đình có con bị chậm phát triển tôi được hân hạnh phục vụ, thường không dám có thêm đứa thứ hai, vì chỉ sợ lại sinh ra một đứa con bị “tàn tật” nữa, vừa tội nghiệp cho nó vừa nặng gánh cho mình.

Cảm thấy lo âu về tương lai của đứa con thứ hai của mình trước lời khuyên của bác sĩ, hai vợ chồng cảm thấy buồn và suy nghĩ cầu nguyện rất nhiều, để rồi, khi nghe bác sĩ (Công giáo!) của mình khuyên giục đến lần thứ 3, anh chị đã nhã nhặn nhưng cương quyết trả lời rằng: “Chúng tôi là người Công giáo, chúng tôi không được phá thai!” Và chính nhờ quyết định mãnh liệt rất Công giáo này mà đứa con trai thứ hai của anh chị, bầy giờ đứng trước mặt tôi, quả thật là một cháu trái kháu khỉnh và khỏe mạnh tốt lành. Như thế, trong trường hợp này, nều nhờ đức tin của bố mẹ mình mà cháu trai này đã được thoát chết, thì đức tin không phải là một thứ bảo hiểm nhân thọ hay sao?

Thực tế cũng cho thấy đức tin quả thực là một thứ bảo hiểm nhân thọ nữa nơi những Kitô hữu sống bởi đức tin. Thật vậy, vào ngày mùng 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy một người đàn ông 40 tuổi nằm chết trong một chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong một sân chùa ở Miền Nam California, bỏ lại 1 người vợ … và 2 con trai. Người đàn ông tự tử này chính là Thi sĩ … có tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung và Khu Tiểu Sài Gòn nói riêng. Anh rời Việt Nam năm 1980 ở Pháp và sang Mỹ năm 1981, định cư ở Orange County . Thi Sĩ … bắt đầu làm thơ từ thiếu thời, … từ năm 1966 khi mới lên 14 tuổi…  Thế nhưng, thơ của anh chỉ nổi tiếng khi thơ của anh được một số thầy giáo gửi đăng báo của nhà văn Mai Thảo, và được nhạc sĩ Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang phổ nhạc… Thế rồi, cuộc đời của một thi sĩ trẻ khá tiếng tăm như vậy đã kết thúc bằng một cái chết được coi là tự tử vì thất tình!

Sau thời gian này một thời gian khoảng 4 năm, tôi có một người bạn khá nổi tiếng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, lớn hơn thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên 6 tuổi. Cũng có vợ và 2 người con trai, thế nhưng bị vợ bỏ ở vào tuổi ngũ tuần. Ở trong tình trạng mất cả vợ lẫn con, lại long đong lận đận về nghề nghiệp, anh đã cảm thấy buồn khổ đến cùng tận. Có đêm anh không ngủ được và đã gọi đến nói chuyện với tôi để tâm sự trong nước mắt đầy những nghẹn ngào, tìm một chút an ủi nơi tôi là người bạn hết sức thông cảm với anh và tìm cách an ủi nâng đỡ tinh thần cho anh.

Anh đã thú nhận với tôi rằng: “Tâm lý chẳng giúp gì mình được, chỉ có đức tin mà thôi!”. Đúng thế, trong trường hợp của người bạn này, đức tin quả thực là bảo hiểm nhân thọ cho anh ta, bằng không, anh cũng có thể rơi vào trường hợp của Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên khi số phận oan khiên đầy nghiệt ngã đẩy anh vào ngỏ cụt “no way out” của cuộc sống bằng cái chết đáng thương như người thi sĩ ấy. Đức tin trong trường hợp của anh bạn này phải nói là một thứ super therapy – siêu trị liệu, nhờ đó, anh bạn của tôi chẳng những không nản chí buông xuôi tất cả mọi sự, mà còn nhờ đó biết mình hơn và biết Chúa hơn bao giờ hết, bằng lời tuyên xưng sâu xa rằng: “Con biết Chúa nghe con!”.

Thế nhưng, để làm sao có được một đức tin là bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ như thế, là một thứ siêu trị liệu – super therapy như vậy, là một quyền lực có thể ảnh hưởng đến cả phương diện thể lý của Kitô hữu, nếu không phải ở chỗ Kitô hữu sống đức tin của mình bằng chính việc hết lòng trân quí, cẩn thận bảo trì và nỗ lực trau dồi sức khỏe của mình được trời ban cho để nhờ đó nó trở thành phương tiện hữu dụng và đắc lực phục vụ Chúa và Giáo Hội của Ngài!?

Tuy nhiên, cho dù con người có cẩn thận gìn giữ và trau dồi sức khỏe là vàng mấy đi nữa, bởi hậu quả của nguyên tội và định luật đào thải của thiên nhiên theo bản tính hữu hạn của tạo vật, con người cũng vẫn không thể nào trường thọ bất diệt trên trái đất và trần gian mau qua tạm gửi này được. Trong khi đó, tận thâm tâm của con người, qua nỗi lo sợ bị chết đi, hằng khao khát được trường sinh vĩnh phúc.

Bởi thế, một con người dồi dào sức khỏe và sống lâu trăm tuổi mà làm gì cuối cùng không được sống vinh phúc trong cõi vĩnh hằng thì chỉ là vô nghĩa và đáng tiếc. Không có một hãng bảo hiểm nào có thể bồi thường cho tình trạng đời đời hư đi vô cùng khốn nạn của họ. Chỉ có một bảo hiểm duy nhất có thể bảo đảm sự sống đời đời của chung con người và riêng Kitô hữu mà thôi, đó là đức tin, một thứ bảo hiểm nhân thọ không phải về phương diện tự nhiên mà là về lãnh vực siêu nhiên, một thứ bảo hiểm cần phải được họ mua bằng đức bác ái của họ: vì “đức tin hoạt động qua đức mến” (Galata 5:6), để nhờ đó họ được bồi hoàn 100% trong cuộc chung thẩm cho cả thành phần chiên lẫn dê (xem Mathêu 25:31-46).

Việt Nam trước ngã ba đường

Việt Nam trước ngã ba đường

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang

Hoài Hương-VOA

19.07.2013

Chuyến đi thăm Hoa Kỳ sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, được loan báo vội vã, đã khiến truyền thông quốc tế chú ý tới hướng đi tương lai cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tin của Vietnamnet hôm nay xác nhận ông Trương Tấn Sang đi thăm Hoa Kỳ từ ngày 24 tới ngày 26 tháng 7 thể theo lời mời của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Mục đích của chuyến đi là để thảo luận về hướng đi tương lai của các quan hệ song phương.

Vietnamnet trích lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm qua nói rằng chuyến đi Mỹ khẳng định “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, tích cực hội nhập quốc tế” của Việt Nam.

Trong khi đó, trên trang mạng của Đại học Yale, YaleGlobal, một nhà cựu ngoại giao Mỹ và giờ là một nhà báo, tải lên một bài viết với hàng tít “Vietnam Between Rock and a Hard Place”, nói lên vị thế rất tế nhị của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tác giả David Brown nêu nghi vấn: “Liệu có phải nỗi thất vọng với Trung Quốc là nguyên do khiến Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vội vã lên đường sang Washington?”

Ông David Brown là một nhà ngoại giao đã phục vụ tại Việt Nam trong nhiều năm. Ông nhận định rằng các chuyến đi thăm của các nguyên thủ quốc gia thông thường cần nhiều tháng để chuẩn bị, nhưng chuyến đi của Chủ tịch nước Việt Nam lần này được loan báo vội vã, và sau một cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc “rõ rệt đã gây sốc” cho giới lãnh đạo tại Hà nội.

Bài báo đặt câu hỏi phải chăng ông Trương Tấn Sang và giới lãnh đạo hàng đầu khác của Việt Nam đã quyết định “trả cái giá mà Hoa Kỳ đã đòi để thiết lập quan hệ chiến lược?”

Trong một cuộc điều trần trước một tiểu ban quốc hội Hoa Kỳ hồi đầu tháng 6, các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc siết chặt các quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là việc bán vũ khí cho Việt Nam, sẽ được hoãn cho tới khi nào có những “cải thiện lâu dài, có thể chứng minh được trong tình hình nhân quyền tại Việt Nam.”

Tác giả nhận định rằng làm như thế, các giới chức chính phủ Mỹ đã công khai ghi lại những vấn đề họ đã đặt ra trong các cuộc tiếp xúc riêng tư, không ồn ào, với các giới chức Việt Nam trong vài năm qua.

Thông điệp đưa ra trong cuộc điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ dường như không được Hà nội lắng nghe. Theo hãng tin AP, nội trong năm nay, 43 nhân vật bất đồng chính kiến đã bị bắt giữ, gấp đôi số người bị bắt giữ trong năm 2012.

Ngoài ra, còn có chứng cớ cho thấy cánh an ninh mạng của cảnh sát Việt Nam đã tung ra công nghệ theo dõi mạng FinFisher, để cài đặt phần mềm theo dõi hoạt động của dân mạng khi họ truy cập các trang blog của các nhân vật bất đồng.

Hà nội vẫn tỏ thái độ bực dọc trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ, hối thúc Việt Nam cải thiện nhân quyền. Tác giả cho rằng một số thành phần trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cản trở việc nới rộng các quyền dân chủ vì lo sợ mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ là lật đổ chế độ đương quyền.

Chiến dịch đàn áp và bắt bớ giới blogger, không ngừng gia tăng trong thời gian qua, theo ông Brown, dường như biểu hiện xu hướng ngả về Trung Quốc, trong khi giới bất đồng trong mấy năm gần đây ngày càng lớn tiếng đả kích điều mà họ cho là sự thất bại của nhà cầm quyền tại Hà nội trong việc bảo vệ các lợi ích của quốc gia trước thái độ gây hấn của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Nhà cựu ngoại giao Mỹ nói rằng mặc dù các lực lượng không quân và hải quân của Việt Nam không phải là không đáng kể, nhưng còn lâu mới có thể được coi là đối thủ của các lực lượng hải, không quân Trung Quốc. Do đó, thay vì tăng nguy cơ xảy ra xung đột trong cuộc tranh giành lãnh thổ lãnh hải với Trung Quốc, nhà cầm quyền tại Hà nội đã tìm cách kiềm hãm thái độ khiêu khích của Trung Quốc bằng cách dựa vào các đối tác khu vực trong khối ASEAN, và thiết lập “các quan hệ chiến lược” với Hoa Kỳ và các cường quốc ngoài khu vực khác.

Tác giả nhận định kết quả của các nỗ lực ngoại giao đó của Việt Nam cho tới nay, tương đối khiêm nhường. 10 nước hội viên ASEAN vẫn chưa thành lập được một mặt trận thống nhất để đương đầu với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Trước tình hình đó, Washington và đa số các nước ASEAN khác tuyên bố “không ngả về phe nào”, và tìm cách lảng tránh, không trực tiếp thách thức tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các vùng biển giữa Hong Kong tới Singapore.

Trước tình hình ngày càng cấp bách, một số nhân vật ngoài Đảng và một phe phái đáng kể trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hối thúc Hà nội hãy thiết lập quan hệ kinh tế và quân sự –trên thực tế- với Hoa Kỳ.

Mặc dù nhiều giới chức cao cấp trong Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tỏ thái độ hoài nghi trước “những động cơ ”của Washington, nhưng trong 4 năm trở lại đây, các cuộc tham khảo giữa Hà nội với các lực lượng quân sự Mỹ đã gia tăng một cách có thể nói là ngoạn mục. Chẳng hạn, hồi tháng 6, các giới chức quân sự cấp cao Việt Nam đã đi tham quan các căn cứ quân sự Mỹ.

Ông David Brown nhận định rằng sau chuyến đi thăm Trung Quốc, ông Trương Tấn Sang đã không mang về thành quả nào, ngoại trừ lời hứa Trung Quốc sẽ đề ra những bước hành động “hiệu quả và triệt để để giải quyết sự bất quân bình trong cán cân thương mại song phương” tới 16 tỉ đôla, nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc.

Tác giả gợi ý rằng quyết định của Bộ Chính Trị, gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Hoa Kỳ là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Việt Nam đã bị chấn động vì những gì Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Trương Tấn Sang trong vòng riêng tư, và đó là lý do đã khiến Hà nội tỏ ra sẵn sàng hơn trong cố gắng xích lại gần Hoa Kỳ, với mục đích “thiết lập các  quan hệ quốc phòng mật thiết hơn với Washington”.

Tuy nhiên tác giả cảnh báo rằng Tổng Thống Obama sẽ không hài lòng với những cử chỉ thiện chí có tính cách hời hợt, như hoãn lại vụ án xét xử một nhân vật bất đồng nổi tiếng, luật sư Lê Quốc Quân, vì như chính phủ Mỹ đã thừa nhận trước diễn đàn quốc hội hồi tháng trước, “nhân dân Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ việc nâng cấp các quan hệ song phương với Việt Nam, trừ phi có những tiến bộ có thể chứng minh được trong lĩnh vực nhân quyền.”

Nguồn: Yale Global, Vietnamnet, Asia Sentinel, Time

Mạng lưới blogger Việt Nam yêu cầu Nhà nước sửa luật để gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ

Mạng lưới blogger Việt Nam yêu cầu Nhà nước sửa luật để gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ

RFI

Các blogger Tạ Phong Tần - Nguyễn Văn Hải - Phan Thanh Hải

Các blogger Tạ Phong Tần – Nguyễn Văn Hải – Phan Thanh Hải

@danlambao

Trọng Thành

Hôm qua, 18/07/2013 đã xuất hiện « Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam » nhằm kêu gọi Nhà nước Việt Nam “phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”. Một trong những yêu cầu chủ yếu của các blogger là chính quyền cần hủy bỏ điều 258 của bộ Luật Hình sự. Đây là điều luật thường được dùng để buộc tội và bắt bớ những người khác chính kiến.

Trong bản tuyên bố của các blogger có đoạn : « Là một ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam phải chứng minh các cam kết của mình nhằm hợp tác với HĐNQ và duy trì “những chuẩn mực cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền”.

Những nghĩa vụ và trách nhiệm này không chỉ được áp dụng trên bình diện quốc tế, mà còn trong nội bộ Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cũng cần xem xét lại tình trạng vi phạm nhân quyền trên đất nước họ và nhân dân Việt Nam cũng phải có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt, kể cả các vấn đề nhân quyền. »

Trong vài năm trở lại đây, hàng chục blogger Việt Nam đã bị kết án tù, vì phổ biến trên mạng các bài viết thể hiện quan điểm một cách ôn hòa. Ngày 10/07, Tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố một thỉnh nguyện thư, kêu gọi lấy chữ ký, để yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho 35 blogger đang bị giam giữ.

Một trong những yêu cầu chủ yếu của các blogger là chính quyền cần xem xét lại điều 258, bộ Luật Hình sự, để bắt giữ tùy tiện những người bất đồng chính kiến, cũng như các điều luật liên quan. Bản Tuyên bố cũng khẳng định các blogger sẽ tiếp tục phổ biến các thông tin về nhân quyền và giám sát việc tôn trọng nhân quyền. tại Việt Nam.

Sau đây mời quý vị nghe tiếng nói của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một trong 65 blogger đã ký tên vào bản tuyên bố trên.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh – Việt Nam

19/07/2013
by Trọng Thành

Nghe (02:16)

 

Kỳ vọng gì vào chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch VN?

Kỳ vọng gì vào chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch VN?

Chân Như, phóng viên RFA

RFA
2013-07-18

TruongTanSangOBama-HaNoi.jpg

Chủ tịch VN Trương Tấn Sang gặp gỡ TT Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội nghị cấp cao APEC 19 tháng 11/2011

AFP photo

Vào ngày 25 tháng 7 tới đây, chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Thông cáo của Nhà trắng cho biết cuộc gặp này là cơ hội để hai bên thảo luận nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác liên quan đến các vần đề chiến lược trong khu vực và cải thiện hợp tác giữa Mỹ và khối Asean. Cũng như vấn đề về nhân quyền, thay đổi khí hậu và thảo thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ được thảo luận.

Giới blogger và các nhà dân chủ trong nước đánh giá sao về chuyến đi này của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang? Chia sẻ với chúng tôi, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, từ Hà nội cho rằng ông không đặt nhiều kỳ vọng lớn lắm cho cuộc gặp này vì khó lòng để có được 1 sự thay đổi sau chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang:

Theo cách  nghĩ của tôi , việc ông Trương Tấn Sang đi thăm Mỹ thì chúng tôi là những người trong nước và chúng tôi cũng biết được việc viếng thăm của các ông ấy nhưng chúng tôi cũng không đặt một kỳ vọng nào lớn lắm về những chuyến viếng thăm như vậy.

Tôi còn nhớ năm 2007, ông Nguyễn Minh Triết sang Mỹ, thậm chí người ta còn đề cập đến những phiên tòa như phiên tòa xử “bịt mồm linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý”. Và ông ta khẳng định những phiên tòa mà bịt mồm như thế là không thể chấp nhận được. Thế rồi trở lại Việt Nam thì  có những  phiên tòa không chỉ bịt mồm mà có  bịt  tất cả các lối vào các phiên tòa ấy. Cho nên những vấn đề ấy vẫn như thế đối với những bloggers, những người phát biểu những chính kiến không vừa lòng nhà nước vẫn bị bắt bớ và bắt bớ hàng loạt.


“Chúng tôi là những người trong nước và chúng tôi cũng biết được việc viếng thăm của các ông ấy nhưng chúng tôi cũng không đặt một kỳ vọng nào lớn lắm về những chuyến viếng thăm như vậy.
– JB Nguyễn Hữu Vinh”

Đây là một quá trình dài chứ không phải là một cá nhân hay một nhân vật hay một chuyến đi thăm của một ông Chủ tịch nước, một ông Tổng bí thư hoặc ông nọ, ông kia mà nó có thể tạo ra một sự thay đổi để mà hy vọng. Chúng tôi không có hy vọng như vậy bởi vì đây là sản phẩm của một chế độ, một thể chế, một chính sách của một đảng lãnh đạo chứ không phải một cá nhân nào làm nên điều đó.

Do vậy việc ông Trương Tấn Sang sang Mỹ hay như vừa rồi ông sang Trung Quốc, tôi cảm thấy càng ngày càng thấy nản hơn vì chính sách đối ngoại như thế nên tôi không quan tâm để mà hy vọng có một cái gì đó cho vấn đề nhân quyền hay những vấn đề khác.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một tiếng nói đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam cũng đồng quan điểm như blogger JB Ngyễn Hữu Vinh, bà cho rằng với chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, người dân trong nước cũng không có một động thái gì để tin tưởng rằng sẽ có mục tiêu tốt đẹp, bà cho biết:

Liên tiếp trong những ngày vừa qua thì những nhà lãnh đạo của Việt Nam thi nhau đi công du các nước. Trước chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì ông ta đã qua thăm Trung Quốc trước.

Rõ ràng người dân Việt Nam thấy rất thất vọng bởi vì ngay sau chuyến viếng thăm Trung Quốc thì đã có  câu trả lời cho nhân dân Việt Nam : đấy là những cuộc tấn công của những tàu Trung Quốc vào ngư dân Việt Nam. Điều đó cho ta thấy là nhà cầm quyền Việt Nam đã bị lún quá sâu vào sự quị lụy đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.


“Theo đánh giá của tôi thì chuyến đi của ông Sang sang Hoa Kỳ sẽ nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam và cân bằng quan hệ với Trung Quốc.
– LS Nguyễn Văn Đài “

Trong chuyến đi Mỹ tới đây, nhân dân Việt Nam ở trong nước có lẽ sẽ không có một động thái gì để mà tin tưởng là sẽ có một mục tiêu tốt đẹp; sẽ không có một sự thay đổi nào đối với xã hội Việt Nam trong tình cảnh hiện nay. Những động thái cho thấy là họ hoàn toàn không muốn thay đổi theo cái hướng dân chủ và tốt đẹp đối với người dân. Do vậy trước chuyến đi của chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì người dân đều có những dư luận phán đoán nó sẽ là những cuộc mặc cả về dân chủ thì đúng hơn là sự cải thiện về dân chủ.

Đối với những người hoạt động nhân quyền như LS Nguyễn Văn Đài thì ông mong rằng chuyến đi này của ông Trương Tấn Sang sẽ giúp cải thiện nhân quyền cho Việt Nam, ông chia sẻ:

Theo đánh giá của tôi thì chuyến đi của ông Sang sang Hoa Kỳ sẽ nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam và cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, một trong những trở ngại chính trong quan hệ giữa Việt nam và Hoa Kỳ là vấn đề nhân quyền. Trong suốt từ năm 2007 đến nay thì mỗi một năm trôi qua, Việt Nam lại gia tăng đàn áp nhân quyền đối với người dân rất là cao.

Đặc biệt trong những tháng đầu năm nay thì đã có đến khoảng 40 người bị xét xử và cầm tù, có ngưới với mức án cao nhất là chung thân và tổng cộng lên đến hàng trăm năm tù. Đối với những người hoạt động nhân quyền và thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Việt Nam như chúng tôi thì chúng tôi cũng mong rằng việc ông Sang sang Hoa Kỳ sẽ nhằm mang lại sự cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, nhằm giúp cho tất mọi người dân Việt Nam có được bầu không khí chính trị cởi mở hơn và từ đó sẽ là bước đệm để mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế cũng như là cải cách dân chủ.

Được biết nhân chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, đã có ít nhất 2 thỉnh nguyện thư đã được phát động trên mạng, nhằm thu hút chữ ký của hàng ngàn người cả trong lẫn ngoài nước, để kêu gọi TT Hoa Kỳ đặt nhân quyền Việt Nam là ưu tiên trên các vấn đề về mậu dịch với Việt Nam. Ngoài các thỉnh nguyện thư trên mạng, còn có chiến dịch kêu gọi mọi người viết thư tay gửi thẳng đến các lãnh đạo Hoa Kỳ, đề nghị nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp cấp cao Việt-Mỹ tại Tòa Bạch Ốc vào tuần tới.Đây là lần đầu tiên ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ trong cương vị Chủ tịch nước, và cũng là lần thứ hai một Chủ tịch Việt Nam tới Washington.

Mỹ: Texas thêm luật hạn chế phá thai

Mỹ: Texas thêm luật hạn chế phá thai

Thống đốc tiểu bang Texas Rick Perry

Thống đốc tiểu bang Texas Rick Perry

18.07.2013

Thống đốc tiểu bang Texas, ông Rick Perry đã ký một luật có những giới hạn mới về phá thai, có thể đóng cửa nhiều trạm y tế ở tiểu bang này.

Luật mới cấm phá thai sau khi đã mang thai sang tháng thứ năm và quy định khi nào thì thuốc giúp phá thai có thể sử dụng.

Nhưng luật cũng đòi hỏi các bác sĩ bệnh viện phá thai phải có ưu tiên vào bệnh viện và chỉ có các trung tâm phẫu thuật mới được phá thai. Chỉ có năm trong số 42 trạm phá thai của Texas đáp ứng những đòi hỏi mới.

Luật này bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10, và các bệnh viện sẽ có một năm để nâng cấp cơ sở.

Khi ký ban hành luật này hôm thứ Năm, Thống đốc Perry nói, luật này sẽ cải tiến phẩm chất chăm sóc cho phụ nữ, bảo đảm các thủ tục được tiến hành trong điều kiện sạch sẽ, vệ sinh, và an toàn, bởi những người có khả năng. Ông nói rằng đạo luật này “được xây dựng trên cam kết của chúng ta là bảo vệ cuộc sống.”

Những người chỉ trích coi luật này là quá nhiều quy luật, có ý định làm cho các vụ phá thai khó thực hiện.

Các thẩm phán liên bang đã ngăn chặn các luật tương tự tại các tiểu bang khác, dựa trên tính cách hợp hiến của đạo luật này.

Những người chống đối sẽ nộp đơn kiện tại Texas.

Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới

Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới

WHĐ (11.07.2013) – Trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha và các bạn trẻ đến từ bốn phương, đại diện giới trẻViệt Nam sẽ có mặt trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Braxin, từ ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2013. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp này. Ngài sẽ chủ sự giờ canh thức cầu nguyện đêm thứ bảy 27-07 và thánh lễ sáng 28-07.

Với chủ đề “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!” (Mt 28,19), các bạn trẻ được mời gọi học hỏi và suy tư về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đồng thời cũng là sứ mạng của người trẻ trong xã hội hôm nay.

Rio là thành phố lớn thứ hai của Braxin, đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón các tham dự viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

Phái đoàn Việt Nam gồm 3 giám mục (Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên) và 24 thành viên, trong đó có 14 linh mục và 10 giáo dân. Hiện nay phái đoàn đang hoàn tất những thủ tục để xin visa nhập cảnh và sẽ lên đường vào ngày Chúa nhật 21-07-2013.

Chúng ta cầu nguyện cho sự thành công của Ngày Giới trẻ Thế giới và cho phái đoàn Việt Nam thực sự mang đến cuộc gặp gỡ này những nét văn hóa rất riêng của người công giáo là con cháu Lạc Hồng.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Ngày Giới trẻ Thế giới Rio 2013 qua những con số

WHĐ (17.07.2013)– Những ngày này, khi hàng trăm ngànbạn trẻ Công giáo lũ lượt tuốn về Brazil, cũng là lúc các điều phối viên Ngày Giới trẻ Thế giới (GTTG) Rio de Janeiro đang hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng cho Đại hội dự kiến sẽ đón tiếp đến 2,5 triệu người.

Tính đến ngày 15 tháng Bảy, hơn 320.000 người đã ghi danh tham dự sự kiện này. Điều phối viên truyền thông Carol Castro cho biết nhiều người sẽ ghi danh khi đến nơi, và sẽ có nhiều người tham gia các sự kiện mà không ghi danh.

Các quốc gia có số người ghi danh đông nhất là Brazil, Argentina và Hoa Kỳ, nhưng cũng có những bạn trẻ đến từ những nơi xa như Slovakia, Philippines và Việt Nam.

Hơn 8.400 linh mục từ khắp nơi trên thế giới đã xin xác nhận để tham gia sự kiện này. Khoảng 5.500 phóng viênđã được cấp phép để tường thuật chuyến tông du quốc tế đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong số người tham dự đã ghi danh có 55 phần trăm là nữ và 60 phần trăm trong độ tuổi từ 19 đến 34. Khoảng 300.000 giường tại các gia đình, trung tâm thể thao và trường học ở Rio được dành sẵn cho các tham dự viên Ngày GTTG.

Ban tổ chức cho biết có hơn 270 địa điểm giảng dạy giáo lý bằng 26 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ba Lan, Latvia, Quan Thoại và Flemish.

Trong suốt tuần lễ Đại hội, sẽ có 60.000 tình nguyện viên, trong đó 7.000 là người nước ngoài, sẵn sàng giúp đỡ và hướng dẫn khách hành hương đến các địa điểm diễn ra các sựkiện ở Rio. Gần 800 ca sĩ, vũ công, diễn viên và nhạc sĩ sẽ tham gia vào những sự kiện chính.

Ban tổ chức đã chuẩn bị 4 triệu bánh lễ và 100 tòa giải tội.

Ngày 25 tháng Bảy, Đức Thánh Cha sẽ chào đón khách hành hương trên một lễ đài nhìn ra bãi biển Copacabana. Để phục vụ những người không thể đến được khu vực chính, ban tổ chức đã đặt 2 màn hình lớn và 16 màn hình nhỏ hơn cùng với 26 tháp âm thanh.

Đêm canh thức 27 tháng Bảy được tổ chức bên ngoài thành phố, tại một khu vực rộng tương đương 150 sân bóng đá, được gọi là Campus Fidei (Cánh đồng Đức Tin). Đây cũng là nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánhlễ bế mạc vào ngày 28 tháng Bảy. Có 33 màn hình lớn ngoài trời giúp mọi người dễdàng tham dự Thánh lễ.

Những người nghỉ qua đêm tại khu vực này sẽcó thêm tiện nghi thoải mái với 4.673 phòng tắm di động, trong đó có 270 phòng thiết kế cho người khuyết tật.

Hơn 12 triệu lít nước được cung cấp cho cáckhách hành hương, phân bố ở 177 địađiểm trên khắp khu vực.

Lực lượng vũ trang của Brazil chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho những người hành hương tại Campus Fidei. 1.500 binh sĩ sẽ đóng quân bên trong CampusFidei trong khi lực lượng an ninh quốc gia có 1.300 người tuần tra cả bên trong và bên ngoài khu vực canh thức.

Trong suốt thời gian diễn ra Đại hội, hơn 10.200 đơn vị quân đội sẽ phụ trách giữ an ninh cho khách hành hương. Sốthành viên của các lực lượng vũ trang được huy động để bảo đảm an ninh cho khách hành hương đã tăng thêm (từ 8.500) sau các cuộc biểu tình chính trị-xã hội gần đây tại một số thành phố ở Brazil. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được 600 nhân viên quân sự và 80 người thuộc cảnh sát liên bang Brazil bảo vệ, không kể cảnh sát Vatican cùng đi với ngài.

(Theo CNS)

Minh Đức

TÌM HIỂU SỨ ĐIỆP NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI

H. Ngày Giới Trẻ Thế Giới còn được gọi là ngày gì?

T. Ngày Giới Trẻ Thế Giới còn được gọi là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

H. Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) năm 2013 sẽ diễn ra khi nào và ở đâu?

T. Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) năm 2013 diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 7 năm 2013 tại thành phố Rio de Janeiro thủ đô Bra-xin.

H. Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) năm 2013 là Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ bao nhiêu?

T. Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) năm 2013 là Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) lần thứ 28, kể từ ngày được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II thành lập.

H. Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) 2013 là của Đức Giáo Hoàng nào?

T. Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) 2013 là của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI. Ngài công bố Sứ điệp này vào ngày 16/11/2012 khi Ngài còn tại chức Giáo Hoàng.

H. Đức Giáo Hoàng nào sẽ hiện diện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) tại Rio de Janeiro?

T. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ hiện diện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ)  tại Rio de Janeiro.

H. Chủ đề của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) 2013 của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI là gì?

T. Chủ đề của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) 2013 của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI là:  “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”

H. Chủ đề của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) 2013 có xuất xứ từ đâu?

T. Chủ đề của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) 2013 có xuất xứ từ chính Lời của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh nói với các Tông đồ, trong Tin Mừng Mát-thêu, chương 28 cầu 19.

H. Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI triển khai chủ đề như thế nào?

T. Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI triển khai chủ đề qua lời mở đầu và 6 số

Số 1:  Một lời mời gọi cấp bách

Số 2:  Trở nên môn đệ của Đức Ki-tô

Số 3:  Các con hãy ra đi

Số 4:  Hãy qui tụ muôn nước

Số 5:  Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ

Số 6:  Hãy kiên vững trong đức tin

Số 7:  Với toàn thể Giáo Hội

Số 8: “Lạy Chúa, này con đây”

Và lời kết thúc

H. Trong “lời mở đầu” của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ

T. Trong “lời mở đầu” của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) gửi lời chào đầy niềm vui và yêu thương đến tất cả các người trẻ,

(b) mời gọi các người trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) lần thứ 28 tại Rio de Janeiro (Bra-xin) từ ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2013,

(c) nhắc đến tượng Chúa Giê-su Ki-tô Chúa Cứu Thế tại Rio de Janeiro là một biểu tượng nhiều ý nghĩa,

(d) mời gọi các người trẻ chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 tại Rio de Janeiro (Bra-xin) bằng việc suy niệm trên chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ) năm 2013: “Hãy đi và làm cho muôn đân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

H. Trong tựa đề “một lời mời gọi cấp bách” (số 1) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “một lời mời gọi cấp bách” (số 1) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) nhắc đến nhiều người đã đóng góp cho việc mở mang Nước Chúa:

“với sự quảng đại bỏ mình, đã có những đóng góp lớn lao cho Nước Thiên Chúa và sự phát triển của thế giới này ngang qua việc công bố Tin Mừng. Được đổ đầy với lòng nhiệt thành, họ đã mang Tin Mừng Tình Yêu được biểu lộ nơi Đức Kitô; họ sử dụng những phương thế và những khả năng yếu kém hơn nhiều so với những gì chúng ta có hôm nay.

(b) nhắc lại tầm quan trọng của đức tin:

Đức tin giúp chúng ta hiểu rằng đời sống của mỗi người là vô giá vì mỗi người trong chúng ta là hoa trái của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương mọi người, kể cả những ai đã rời xa hay xem thường Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi. Thực vậy, Thiên Chúa đã cho con một của mình chết và sống lại để giải phóng chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Đức Kitô đã sai các môn đệ của mình lên đường để mang niềm vui cứu độ và sự sống mới này đến với muôn dân trên khắp muôn nơi.”

(c) khẳng định sự trông chờ của Giáo Hội nơi người trẻ:

“Tiếp nối sứ mạng Phúc Âm Hoá này, Giáo hội trông chờ nơi các con. Các bạn trẻ thân mến, các con sẽ là những nhà truyền giáo tiên phong trong thời đại của các con.”

(d) nhắc lại sứ điệp của Công Đồng Vatican II và Đức Thánh Cha Phao-lô VI gửi các người trẻ ngày 12 tháng 8 năm 1965:

“Các bạn trẻ nam và nữ thân mến, chính các con là những người mà Công đồng muốn nhắn nhủ những thông điệp cuối cùng của mình. Vì chính các con là những người đã lãnh nhận ngọn đuốc từ tay những người đi trước, là những người sống trong một thế giới có những sự biến chuyển lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Chính các con, khi đón nhận các mẫu gương sống động cũng như những lời khuyên nhủ của cha mẹ và thầy cô, các con sẽ là những người khuôn đúc nên xã hội mai sau. Một xã hội mà các con có thể được cứu hay bị diệt vong trong đó. Thông điệp kết thúc với những từ ngữ: “Với lòng nhiệt thành, các con hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”

(e) nhấn mạnh rằng:

“hôm nay đây lời gọi này vẫn còn cần thiết”

H. Trong tựa đề “trở nên môn đệ của Đức Ki-tô” (số 2) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “trở nên môn đệ của Đức Ki-tô” (số 2) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) nhắc nhở các người trẻ nhớ kỹ: “ơn gọi truyền giáo gắn liền với hành trình phát triển đức tin”.

(b) khẳng định với các người trẻ điều tối quan trọng:

Trở nên một nhà truyền giáo nghĩa là gì? Trên hết, nó có nghĩa là trở nên môn đệ của Đức Ki-tô. Nó có nghĩa là lắng nghe sự mới mẻ trong lời mời gọi theo Ngài và cậy dựa vào Ngài: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Một người môn đệ là người chú ý đến lời của Đức Giê-su; người hiểu rằng Đức Giê-su là Thầy và là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến mạng sống mình vì chúng ta. Vì thế, mỗi một người trong chúng ta nên để cho mình được khuôn đúc bởi lời của Thiên Chúa mỗi ngày. Điều này làm cho chúng ta trở thành bạn của Thiên Chúa, Đức Giê-su, và có thể dẫn những người trẻ khác đến và trở nên bạn với Ngài.”

(c) khuyến khích các người trẻ:

Cha khuyến khích các con hãy nhớ đến những quà tặng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để đến lượt mình, các con cũng có thể trao ban cho người khác. Hãy đọc lại lịch sử cá nhân đời mình. Hãy ý thức về những di sản tuyệt các con đã lãnh nhận được từ các thế hệ trước. Có rất nhiều người, được đổ đầy bởi niềm tin, đã can đảm để trao ban đức tin cho dẫu phải đối diện với bao nhiêu thử thách và hiểu lầm. Chúng ta đừng bao giờ quên mình là những mắt xích quan trọng trong một dây chuyền vĩ đại nơi đó những người nam và người nữ đã thông truyền chân lý đức tin và họ cần chúng ta để có thể thông truyền nó cho người khác. Trở nên một nhà truyền giáo giả thiết một sự hiểu biết về di sản này, đức tin của Giáo Hội. Thật cần thiết để ý thức rằng các con tin vào điều gì để có thể công bố điều đó.”

H. Trong tựa đề “các con hãy ra đi” (số 3) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “các con hãy ra đi” (số 3) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giê-su Ki-tô:

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16).

(b) nêu một cách hiểu chính xác và sâu sắc về Phúc Âm hóa:

Phúc Âm hoá có nghĩa là mang Tin Mừng Cứu Độ đến cho người khác và giúp họ hiểu rằng Tin Mừng chính là một con người: Đức Giê-su Ki-tô. Khi tôi gặp gỡ Ngài, khi tôi khám phá ra Thiên Chúa đã cứu độ tôi và Ngài yêu tôi biết dường bao. Lúc đó, tôi cảm thấy không chỉ khao khát nhưng còn là một nhu cầu để làm cho Thiên Chúa được người khác biết đến. Khởi đầu Tin Mừng của Thánh Gio-an, chúng ta thấy Anrê, sau khi gặp Đức Giê-su đã lập tức dẫn người em mình là Simon đến với Ngài (Ga 1,40-42). Phúc Âm hoá luôn khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những người đã đến với Đức Giê-su và đã kinh nghiệm về tình yêu của Ngài, lập tức họ sẽ muốn chia sẻ vẻ đẹp và niềm vui phát sinh từ tình bạn có được với Đức Ki-tô. Càng biết về Đức Giê-su, chúng ta càng muốn nói về Ngài. Càng thưa chuyện với Đức Ki-tô, chúng ta càng khao khát để nói về Ngài. Càng để Đức Giê-su chiếm đoạt mình, chúng ta càng khao khát lôi kéo người khác về với Ngài.”

(c) nhắc đến tầm quan trọng của các Bí Tích và Chúa Thánh Thần:

Ngang qua Bí Tích Rửa Tội, Bí tích mang cho chúng ta sự sống mới, Chúa Thánh Thần cư ngụ nơi chúng ta và Ngài thắp lên ngọn lửa trong tâm trí và con tim ta. Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa và giúp chúng ta đi sâu với tình bạn với Đức Ki-tô. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khích lệ chúng ta làm điều thiện, phục vụ người khác và từ bỏ mình. Qua Bí Tích Thêm Sức, chúng ta được trở nên mạnh mẽ nhờ ơn huệ của Thánh Thần để có thể làm chứng cho Tin Mừng một cách trưởng thành hơn. Do đó, chính Thánh Thần của tình yêu là nguồn trợ lực cho sứ mạng chúng ta. Thánh Thần thúc đẩy chúng ta biết “đi ra” khỏi mình và “ra đi” để loan truyền Tin Mừng”.

(d) khuyên các người trẻ:

“Các con hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi tình yêu Thiên Chúa. Hãy để cho tình yêu đó giúp các con vượt qua mọi khuynh hướng khép kín lại nơi thế giới, nơi các vấn đề và thói quen của mình. Hãy can đảm để “đi ra” khỏi mình, “để đến” với người khác và chỉ cho họ thấy con đường gặp gỡ Thiên Chúa.”

H. Trong tựa đề “hãy qui tụ muôn nước” (số 4) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “hãy qui tụ muôn nước” (số 4) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) lưu ý các người trẻ về nhu cầu truyền giáo và kêu gọi họ ra đi:

“Các con hãy mở mắt và nhìn xem xung quanh mình vẫn còn đó biết bao nhiêu người trẻ không tìm thầy ý nghĩa của cuộc đời. Hãy ra đi! Đức Giêsu cần các con. Hãy để cho chính mình bị bắt chộp và bị lôi kéo bởi tình yêu của Ngài. Hãy ở lại để phục vụ tình yêu lớn lao này vì nhớ đó tình yêu này có thể vươn tới mọi người, đặc biệt là những người “ở xa”.

(b) lưu ý các người trẻ về các lãnh vực cần họ dấn thân:

Các quốc gia” mà chúng ta được mời gọi để đi đến, không chỉ là những quốc gia trên thế giới nhưng cũng chính là những lãnh vực khác nhau trong đời sống chúng ta, như gia đình, cộng đoàn, môi trường học đường và làm việc, các nhóm bạn và những nơi chúng ta trải qua thời gian rảnh rỗi của mình. Việc công bố Tin Mừng trong niềm vui có nghĩa là Tin Mừng được công bố cho mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta, không có một loại trừ nào.”

(c) cách riêng hai lãnh vực:

“truyền thông xã hội, cụ thể là thế giới mạng” vàdu lịch và di dân”

H. Trong tựa đề “hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (số 5) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (số 5) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) nhắc lại lời của chính Chúa Ki-tô:

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

(b) kêu gọi các người trẻ tự vấn về hành động truyền giáo:

Con đường để làm cho muôn dân trở thành môn đệ là thông qua Phép Rửa và việc học giáo lý. Như vậy, để dẫn người khác đi vào cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su trước hết phải là một cuộc gặp gỡ sống động ngang qua Lời và các Bích Tích. Theo cách này, họ có thể tin vào Ngài; họ có thể đi đến việc biết Người và sống trong ân sủng của Ngài. Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Ki-tô giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng e ngại đề nghị một cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô cho con người trong thời đại hôm nay. Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các bạn con đường để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, và để trở nên đầy sáng tạo trong việc công bố Tin Mừng.”

H. Trong tựa đề “kiên vững trong đức tin” (số 6) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “kiên vững trong đức tin” (số 6) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) mời các người trẻ đi sâu vào cầu nguyện và các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể:

Vì thế cha mời gọi các con hãy bén rễ trong cầu nguyện và trong các Bí Tích…. Các con hãy biết tìm đến Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống đức tin và của chứng tá Ki-tô hữu của chúng con. Hãy trung thành tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và bất cứ khi nào có thể. Năng chạy đến với Bí tích Hòa Giải: là một cuộc gặp gỡ quý báu với Lòng Thương Xót Chúa, hằng đón nhận chúng ta, thứ tha và đổi mới con tim chúng ta trong tình yêu. Nếu chúng con chưa lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, đừng ngần ngại để lãnh nhận Bí tích ấy, chuẩn bị mình với việc quan tâm và dấn thân. Giống như Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm Sức là bí tích của sứ mạng, bởi lẽ Bí tích ấy trao cho chúng ta sức mạnh và tình yêu của Thần Khí, để chúng ta tuyên xưng đức tin mà không còn sợ hãi. Cha khuyên các con hãy thực hành chầu Thánh Thể. Thời gian các con lắng nghe và thưa chuyện với Chúa Giê-su hằng hiện diện trong Mình Thánh sẽ trở nên nguồn lực mới mẻ lòng hăng say mới trong truyền giáo.”

(b) khuyến khích các người trẻ kiên trì trong đức tin:

Cha khuyến khích các con hãy kiên trì trong đức tin, tin chắc rằng Đức Ki-tô hằng ở cạnh bên các con trong mọi cơn gian nan thử thách. Ngài hằng lặp đi lặp lại với các con rằng “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người đời sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 11-12).

H. Trong tựa đề “với toàn thể Giáo hội” (số 7) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “với toàn thể Giáo hội” (số 7) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) nhắc các người trẻ nhớ đến chiều kích cộng đoàn của ơn gọi:

“Không ai có thể làm chứng cho Tin Mừng một mình. Đức Giê-su đã sai các môn đệ vào sứ vụ cùng với nhau. Ngài nói với họ trong số nhiều, khi nói: “Các con hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Chứng tá của chúng ta thường được trao ban với tư cách là thành viên của một cộng đoàn, và sứ mạng của chúng ta chỉ sinh hoa trái nhờ vào sự thông hiệp với Giáo Hội.”

(b) diễn tả lòng biết ơn của ơn gọi của Người đối với các nhà truyền giáo:

Tại đây, cha không thể không diễn tả lòng biết ơn của mình đối với món quà lớn lao của những nhà truyền giáo, những người đã dâng hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho công cuộc công bố Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Cha cũng tạ ơn Chúa vì các linh mục, các tu sĩ, những người đã dâng hiến mình trọn vẹn để Đức Giê-su Ki-tô được biết đến và được yêu thương. Ở đây, cha cũng muốn khuyến khích những người trẻ, những người được Thiên Chúa kêu gọi hãy nhiệt thành dấn thân vào sứ mạng: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Vì đối với những ai từ bỏ mọi thứ để theo Ngài, Đức Giêsu đã hứa ban cho họ gấp trăm ở đời này cùng với sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Mt 19,29).

Cha cũng tạ ơn Chúa vì tất các những người giáo dân nam nữ, những người đã nỗ lực hết mình để trở thành nhà truyền giáo bất cứ nơi nào họ đến, dù là ở nhà hay công sở, để Đức Giê-su Ki-tô được yêu mến và được phục vụ và để Nước Thiên Chúa được lớn lên. Một cách đặc biệt, cha nghĩ về những người đang làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, chính trị và tài chính, và trong nhiều lĩnh vực khác của tông đồ giáo dân. Đức Giê-su cần sự dấn thân và sự làm chứng của các con. Cho dẫu là khó khăn hay thiếu sự hiểu biết, các con đừng để mình bị nản chí trong việc mang Tin Mừng của Đức Giê-su đến bất cứ nơi đâu mà các con hiện diện. Mỗi người trong các con là một mảnh ghép quý giá trong bức tranh Mosiac của công cuộc loan báo Tin Mừng.”

H. Trong tựa đề “lạy Chúa này con đây” (số 8) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI viết/nói gì với người trẻ?

T. Trong tựa đề “lạy Chúa này con đây” (số 8) của Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28 Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI

(a) nhắc lại lời của ngôn sứ I-sai-a thưa với Chúa, để các người trẻ làm theo:

“Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con!” (Is 6,8).

(b) nói/viết “lời kết thúc” cho Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (hay Ngày Quốc Tế  Giới Trẻ) lần thứ 28, gồm 2 việc:

(*) Đức Thánh Cha dâng lên lời cầu xin với Đức Maria là Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa, để xin Mẹ đồng hành với mỗi người trong sứ mạng làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa.

(*) Đức Thánh Cha ban phép lành Tòa Thánh cho từng người trong Giới Trẻ.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội trình bày.

LÊN THIÊN ĐÀNG KHÓ HAY DỄ ?

LÊN THIÊN ĐÀNG KHÓ HAY DỄ ?
Phan Sinh Trần
image
Câu hỏi hệ trọng mà bất cứ Người Tín Hữu nào cũng tự hỏi đó là , Ta có được lên thiên đàng hay không ?
Vâng , đây thực là một câu hỏi rất quan trọng và cần thiết, nó cũng đầy tính tò mò về một điều mà hầu như không được mấy ai biết trước ngoại trừ Chúa và Các Thánh. Ngay cả đối với người đời, họ cũng tự hỏi nhau: “Có thiên đàng hay không , nó có xa vời thực tế của mặt đất quá hay không ?”

Còn quan niệm của Bạn về Thiên đàng ra sao ?

Có thể bạn đã từng trải cảm nghiệm rằng khi xa Chúa thì bạn thấy Thiên đàng thật là xa vời, trái lại khi gần Chúa thì bạn bỗng nhiên quan tâm tới Thiên đàng hơn.
Thực ra Thiên đàng là một thực tế , KInh Thánh nói : Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Kitô, họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì họ đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt (1Ga 3,2)…
Thiên đàng được Chúa Giê Xu minh xác khi Ngài nói, trên Thánh Giá với người trộm lành :”Ngay hôm nay, con sẽ ở trên Thiên đàng với Ta” ( Lc 23,43). Chúa còn hứa với con cái của Chúa rằng: “Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở , chẳng vậy, Ta đâu có nói với các ngươi là Ta đi dọn chỗ cho các ngươi”. (Gioan 14:2)
Với các Thánh thì thiên đàng là mục tiêu tối hận và rất gần bên. Thánh Phao lô trong thư Phi Lip đã minh xác rằng:
… nước quê ta là trời cao, tự đó sẽ đến vì Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Yêsu Kitô. 21 Ngài sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của ta, sao nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài, … (Phi 3: 20)
Thánh nữ Faustina, được thị kiến về Thiên Đàng , Ngài đã ghi lại trong nhật ký của mình,
Hôm nay ngày 27 tháng 11 năm 1936, tôi được ở trên Thiên đàng cách thiêng liêng. Tôi thấy những sự đẹp đẽ không thể diễn tả, và những hạnh phúc đang chờ chúng ta sau khi chết. Tôi thấy các tạo vật đang dâng lời ca tụng và tôn vinh Chúa không ngừng. Tôi thấy hạnh phúc trong Chúa lớn lao chừng nào, hạnh phúc lan ra mọi thụ tạo, làm cho họ sung sướng. … mà không bao giờ có ai hiểu hết hoặc đo lường hết được.
Nguồn mạch hạnh phúc này không thay đổi trong bản tính nó, nhưng lại luôn luôn đổi mới trong cách diễn tả, nó lan tràn ra hạnh phúc cho mọi linh hồn. Giờ đây tôi hiểu lời thánh Phaolô đã nói :”Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa cảm thấy những gì Chúa đã dọn sẵn cho kẻ kính mến Người”. (Thánh Faustina, Nhật ký Tình Thương, số 777).

Thực ra niềm vui của Thiên đàng phải được bắt đầu từ hôm nay , ngay trong lòng bạn

Thật là tuyệt vời nếu Bạn có thể cảm được Thiên Đàng ngay từ bây giờ khi đang còn ở trên trái đất này, thậm chí có vị Thánh đã cho rằng Thiên đàng cao xa sẽ không có được nếu như ta không bắt đầu nó từ trên đất. NIềm vui Thiên đàng khi còn ở thế gian này chỉ là hình bóng mờ nhạt của một niềm vui vô cùng lớn lao và khôn tả sẽ đến trong tương lai , điều đó rất tốt và rất cần thiết phải không ? Bằng những cách rất thiết thực , Ta đi tìm và sẽ gặp được “niềm vui Thiên đàng trên đất”:
  • · Ta hãy có niềm vui của Thiên Đàng qua sự đón nhận Chúa một cách trọn vẹn trong đời mình thì rồi một bằng an , mãn nguyện xen lẫn phấn khởi sẽ âm thầm trào dâng một cách mãnh liệt trong tim , đó chính là một hình ảnh nhỏ, mờ của Thiên đàng ,
  • · Ta hãy chân thành tha thứ cho người mà mình giân hờn nhiều năm thì niềm vui của cảm thông sẽ triển nở , đó là thứ phấn khích xuất xứ từ Thiên đàng,
  • · Ta hãy ca ngợi Chúa hết sức , hết con tim, hết linh hồn thì niềm vui Thiên đàng sẽ đọng lại trong những giọt nước mắt sung sướng và trong nụ cười mãn nguyện của mình, nhất là sự hoan lạc trong Chúa Thánh Linh khi ta kết hợp với Chúa trong bí tích Thánh Thể , trong các buổi cầu nguyện lâu giờ và rất thân thiết với người bạn thân của mình tên là Gie xu.
  • · Ta hãy cầu nguyện không bao giờ mệt mỏi cho những nhu cầu cấp thiết của người Anh Em với một đức tin mạnh mẽ rồi thì Chúa sẽ mau mắn đáp lời , khi đó ta có niềm vui được thấy quyền năng, vinh quang của vị Chủa Tể Vũ trụ ban ơn lành xuống cho Anh Em, ta vui hưởng sự phấn khích khi mục kích vinh danh Chúa tỏ ra trên đất, vinh quang này vốn quá đầy dẫy trên Thiên đàng. Chúa hứa rằng: “Hãy xin và các ngươi sẽ được,hầu các ngươi được vui mừng trọn vẹn”. (Gioan 16: 24b)
… vâng, thưa bạn, tất cả những điều đơn sơ đó đều là niềm vui tập sự về Thiên Đàng . Cứ kết hợp với Chúa đi rồi bạn sẽ cảm thấy Thiên đàng !
Còn Thiên đàng của người thân của tôi thì sao ?
Chỉ cần Vợ Con , Cha Mẹ, Anh Em của Bạn bị một tai nạn xe , tai nạn té ngã thì mình hớt ha hớt hãi cứu giúp và quặn đau lòng nếu họ bị đau đớn dày vò. Thế còn hình phạt đời đời nếu họ sa hỏa ngục thì sao , hình phạt này đáng phải kinh hoàng , hoảng sợ hơn đến thế nào. Bằng mọi cách ta hãy mau mau, gấp gáp cứu giúp họ, cách tích cực nhất để cứu Anh Em mình khỏi sa hỏa ngục là hãy chia xẻ cho họ , một khi Bạn đã có và cảm nghiệm được, về một ” niềm vui Thiên đàng trên đất “của bạn. Hãy làm chứng cho Chúa về một Thiên đàng có thể cảm nghiệm được . Thiên đàng đó bắt đầu bây giờ , ngay hôm nay. Khi đó bạn và người thân sẽ không còn “mối lo hỏa ngục” nữa
Một lời sau hết , nếu bạn vẫn còn “ghiền” chuyện Thiên Đàng thì xin mời đọc thêm, nghe thêm ở đây:

SAI LẦM CỦA NGƯỜI THẦU KHOÁN

SAI LẦM CỦA NGƯỜI THẦU KHOÁN

Cha Mark Link, S.J.

Chủ đề: “Trong cuộc đời, chúng ta cần thời gian thinh lặng cầu nguyện
nếu chúng muốn quân bình và biết nhìn xa”

Vào buổi tối kia, một người cha đến dự phiên họp giữa thầy cô và phụ huynh trong một trường trung học ở Chicago. Trong bài nói chuyện của một thầy giáo, người cha này đã bật khóc nức nở.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, người cha xin lỗi và nói: “Con tôi không còn sống với tôi nữa. Nhưng tôi vẫn yêu thương cháu và tôi muốn biết việc học hành của cháu như thế nào.”

Sau đó người cha cho biết vợ ông và bốn đứa con đã bỏ ông chiều hôm đó.

Ông là một thầu khoán xây cất và nhiều khi làm việc đến 16 giờ một ngày. Đương nhiên, ông ít gặp gia đình hơn, và dần dà họ càng xa ông hơn nữa.

Sau đó người cha nói lên một điều thật buồn thảm. Ông nói: “Tôi muốn mua cho vợ con tôi những gì mà tôi hằng mơ ước mua cho họ. Nhưng rồi tôi quá bận tâm làm ăn đến độ tôi quên đi điều mà gia đình tôi cần đến nhất: đó là một người cha có mặt trong gia đình hằng đêm để yêu thương và nâng đỡ vợ con.”

Câu chuyện có thật này cho thấy điểm quan trọng của bài phúc âm hôm nay. Đó là:

Chúng ta có thể quá bận tâm làm việc đến độ quên đi lý do tại sao chúng ta làm việc. Chúng ta có thể quá bận tâm đến đời sống đến độ quên đi mục đích của đời sống. Chúng ta có thể quá bận tâm theo đuổi những gì có thể mua được bằng tiền bạc mà quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.

Đó là một loại sai lầm mà cô Máctha đã vấp phạm trong bài phúc âm hôm nay. Cô quá bận tâm đến việc nấu nướng cho Chúa Giêsu đến độ cô quên đi lý do tại sao Chúa đến nhà cô. Người đến không vì miếng ăn; Người đến vì tình bạn.

Giả như khi chúng ta còn nhỏ, sống với cha mẹ và nếu Đức Giêsu cho biết Người sẽ đến thăm gia đình, chúng ta biết các bà mẹ sẽ làm gì. Họ sẽ động viên toàn thể nhân lực trong gia đình từ nhiều ngày trước để dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Họ sẽ sai con cái đi chợ mua thứ này thứ kia. Nói tóm, họ sẽ hành động giống như cô Máctha.

Nhưng mẹ chúng ta cũng giống như cô Maria. Họ luôn dặn dò để biết chắc là con cái ăn mặc đàng hoàng tử tế, đến ngồi chung quanh Đức Giêsu, chú ý đến những gì Người nói. Mẹ chúng ta sẽ quân bình giữa sự lưu tâm đến miếng ăn cho Đức Giêsu và lưu tâm đến tình cảm mà gia đình dành cho Người.

Đó là những người mẹ có tài giữ quân bình mọi sự, từ việc cơm nước trong nhà đến việc giặt giũ lau chùi. Nhưng các bà mẹ còn cần đến các người làm cha có khả năng quân bình mọi sự, từ việc kiếm tiền cho đời sống vật chất đến việc giáo dục con cái, nâng cao giá trị tinh thần của đời sống.

Ngày nay, không may, chúng ta sống trong một thế giới thật khác biệt.

Thật dễ để đánh mất sự quân bình trong thế giới ngày nay. Thật dễ để đánh mất cái nhìn xa trông rộng. Thật dễ để xáo trộn những gì là ưu tiên. Thật dễ để đánh mất khả năng nhận ra những gì cần làm và tại sao chúng ta làm công việc ấy.

Trong Thế Chiến II, một người lính trẻ trấn đóng ở hòn đảo Saipan thuộc Nam Thái Bình Dương cho biết trong thời gian nghỉ ngơi, anh và bạn hữu đến bơi ở một chỗ vắng vẻ kín đáo, ngay ở mé hòn đảo. Đó là một nơi thật đẹp có núi đá bao quanh.

Khi đến nơi, họ thấy nước thật trong đến nỗi có thể nhìn thấy cá bơi lội sâu dưới nước cả 10 feet. Tuy nhiên, sau khi họ bơi lội chừng một tiếng đồng hồ, nước trở nên đục ngầu vì cát bị khuấy động, họ không còn thấy được dưới đáy dù chỉ cách có một feet.

Nhưng hôm sau, khi họ trở lại, cát đã lắng đọng. Nước lại trong trẻo như trước.

Tâm trí chúng ta cũng như vũng nước đó. Nó cũng có thể vẩn đục vì những biến động trong cuộc sống hằng ngày khiến chúng ta không còn nhìn thấy rõ ràng. Chúng ta mất khả năng nhìn thấy mọi sự: quan điểm của chúng ta trở nên mù mờ; những ưu tiên của chúng ta trở nên hỗn độn; sự quân bình của chúng ta đã bị mất.

Khi điều này xảy ra, điều chúng ta cần thi hành là tạm ngừng và để nước đục của tâm trí trở nên trong trẻo lại. Chúng ta cần thi hành điều mà cô Maria đã làm trong bài phúc âm hôm nay. Chúng ta cần ngồi dưới chân Đức Giêsu trong sự thinh lặng cầu nguyện. Chúng ta cần để Người dạy chúng ta biết điều gì là quan trọng và điều gì không đáng kể.

Bài phúc âm hôm nay là một lời mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy dừng lại ở dưới chân Đức Giêsu trong sự cầu nguyện, cũng như cô Maria đã làm trong phúc âm.

Điều này nêu lên một câu hỏi. Nếu chúng ta quá bận rộn đến độ mất cả thói quen cầu nguyện thì sao? Nếu chúng ta không biết thinh lặng cầu nguyện dưới chân Đức Giêsu thì sao? Chúng ta có thể làm gì để biết cách cầu nguyện?

Thật may mắn là có chúng ta có thể thi hành vài điều gì đó. Và chúng ta có thể bắt đầu ngay tối nay. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện đơn giản đã từng giúp đỡ nhiều người như chúng ta làm lại thói quen cầu nguyện và biết được nghệ thuật cầu nguyện.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng ta cần ba phút để làm ba điều.

Thứ nhất, chúng ta thinh lặng và nhớ lại những gì xảy ra trong ngày. Chúng ta nhớ đến các điều tốt đẹp khiến chúng ta vui sướng, tỉ như nhận được thư của người bạn cũ. Sau đó, chúng ta thành thật nói với Đức Giêsu về điều đó. Sau cùng, chúng ta cảm tạ Đức Giêsu vì lá thư ấy.

Trong phút thứ hai, chúng ta cũng nhớ đến những gì xảy ra trong ngày. Lần này, chúng ta nhớ đến điều không tốt, những điều làm chúng ta hối hận, tỉ như la hét cha mẹ, vợ chồng hay con cái. Chúng ta nói với Đức Giêsu về khuyết điểm này và xin Người tha thứ, chữa lành cho chúng ta.

Sau cùng, trong phút thứ ba, chúng ta nhìn đến ngày hôm sau, nghĩ đến một số điều quan trọng phải thi hành, tỉ như việc nói chuyện ôn hòa với cha mẹ, vợ chồng hay con cái về một vấn đề đã xảy ra. Chúng ta nói với Đức Giêsu về điều đó và xin Người soi sáng, thêm sức để chúng ta có thể thi hành cách tốt đẹp.

Phương cách cầu nguyện đơn giản này đã giúp nhiều người lấy lại thói quen cầu nguyện và học được nghệ thuật cầu nguyện. Điểm tuyệt vời của phương cách cầu nguyện này là không những giúp chúng ta quan hệ đến đời sống thực tế mà còn giữ liên lạc với Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá bận tâm đến đời sống mà quên đi lý do tại sao Ngài đã ban sự sống cho chúng con.
Xin giữ chúng con quá bận tâm đến đời sống mà quên đi mục đích của nó.
Xin giữ chúng con đừng quá theo đuổi những gì mà tiền bạc có thể mua được rồi quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.