Chữ Hiếu

Chữ Hiếu

Chỉ một câu thôi – Người đàn bà nhà quê chân chất đã vươn mình đứng cao hơn hết thảy những người con . Cao hơn bởi trái tim nhân hậu , sẵn sàng trao tặng, cho đi “vô điều kiện” !

Một câu chuyện ngắn, ý nghĩa về chữ hiếu.

Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng:
– ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba “.
Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối:
– Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”.
Một cậu con trai khác cau cau lông m … ày:
-Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ?
Cô con dâu trưởng phán một câu:
-Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện.

Chữ hiếu

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ. Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?…

Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời:
Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền ?
Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

Bloggers Việt Nam yêu cầu Nhà nước huỷ bỏ điều luật 258

Bloggers Việt Nam yêu cầu Nhà nước huỷ bỏ điều luật 258

RFA
2013-07-19

pvdao-blogger

Blogger Phạm Viết Đào, 1 trong 3 blogger bị bắt gần đây nhất

Screen caption from Channel tiengnoidautranh

Mạng lưới blogger Việt Nam ra tuyên bố yêu cầu Nhà nước sửa đổi pháp luật, huỷ bỏ điều 258, Bộ luật Hình sự, như hành động đáp ứng điều kiện ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

69 người nêu tên và ký tên trong văn bản viết rằng khi muốn ứng cử vào cơ chế này, Việt Nam phải chứng minh việc thực hiện những điều cam kết của mình về việc duy trì những chuẩn mực cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền.

Họ kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét lại điều 258, Bộ luật hình sự 1999, để bãi bỏ hay sửa đổi điều luật ấy, hầu chứng minh việc thực hiện cam kết như trên; các thành viên Đại hội Đồng LHQ cũng được yêu cầu thúc đẩy Việt Nam thi hành việc ấy trong thời gian Việt Nam vận động tranh cử vào HĐNQ/LHQ.

Việt Nam đã sử dụng điều luật 258 để bắt giam 5 blogger hoạt động cho nhân quyền và dân chủ trong tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Mạng lưới blogger Việt Nam coi đó là hành động vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điểu khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến.

69 bloggers Việt Nam nhân danh những người vận động cho quyền tự do tư tưởng và biểu đạt ở Việt Nam, kêu gọi sự xem xét lại và huỷ bỏ điểu 258, đồng thời coi việc ứng cử vào HĐNQ như cơ sở để thảo luận với tính xây dựng về nhân quyền tại Việt Nam.

Văn bản cũng nêu tên 17 tổ chức quốc tế nhận bản tuyên bố này của Mạng lưới blogger Việt Nam

Đức Giáo Hoàng tới Brazil

Đức Giáo Hoàng tới Brazil

Dân chúng chào mừng Đức Giáo Hoàng, 22/7/13

Dân chúng chào mừng Đức Giáo Hoàng, 22/7/13

22.07.2013

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã đến Brazil hôm thứ Hai trong chuyến thăm kéo dài một tuần, trở lại Châu Mỹ La Tinh lần đầu tiên kể từ khi được bầu làm người đứng đầu giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã thứ 266 hồi tháng Ba.

Vị Giáo Hoàng 76 tuổi gốc Argentina đặt chân đến quốc gia Thiên Chúa Giáo lớn nhất thế giới, nơi có nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ trong những tuần lễ mới đây.

Vị Giáo Hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên đã được Tổng thống Dilma Rousseff nghênh đón.

Trên chuyến bay từ Rome, Ngài nói với các nhà báo rằng Ngài lo ngại là thế giới “đang đứng trước nguy cơ nguyên một thế hệ không có việc làm,” vì giới trẻ đang có tỷ lệ thất nghiệp cao, mặc dù việc làm đem lại phẩm giá.

Ngài cũng chỉ trích loại văn hóa “bác bỏ” những bậc trưởng thượng, và nói rằng họ không thể bị “ném đi” bởi những nền văn hóa chỉ tập trung vào mọi thứ mới mẻ.

Hơn một triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo trẻ tuổi sẽ đổ về Rio de Janeiro để đón mừng Giáo hoàng Phan-xi-cô.

Chương trình của ngài bao gồm những cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp địa phương và quốc gia cùng những sinh hoạt liên quan tới đai hội Giới Trẻ Thế Giới.

Số người chết tăng trong trận động đất ở Trung Quốc

Số người chết tăng trong trận động đất ở Trung Quốc

Nhà cửa đổ nát sau trận động đất trong tỉnh Cam Túc, 22/7/13

Nhà cửa đổ nát sau trận động đất trong tỉnh Cam Túc, 22/7/13

22.07.2013

Báo chí Trung Quốc đưa tin, công tác cứu hộ trong trận động đất mạnh ở Cam Túc gặp khó khăn vì đất sạt lở, và số người chết bây giờ ít nhất là 89.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho hay trận động đất thứ nhất đo được 5,9 trên địa chấn kế, xảy ra vào sáng thứ Hai, gần thành phố Định Tây thuộc tỉnh Cam Túc. Trận thứ nhì mạnh 5,6 độ xảy ra 90 phút sau đó, và tiếp theo là hàng trăm cơn hậu chấn.

Nhà chức trách nói rằng đất sạt lở làm cho xe cảnh sát, xe cứu hỏa và xe quân sự khó tiến vào miền sâu, nơi có hàng ngàn căn nhà thô sơ bị hư hại hoặc phá hủy.

Các nhà dự báo nói rằng thời tiết trong những ngày tới tiếp tục mưa, tạo thêm nhiều vụ đất sạt lở và gây phức tạp cho công tác tiếp cứu.

Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh cho nhân viên cứu hộ phải làm mọi cách để cứu sinh mạng.

Tại các khu vực thị tứ không gặp thiệt hại quan trọng vì nhà cửa được xây chắc chắn.

Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã gửi hàng tiếp tế như áo khoác và lều bạt đến vùng gặp nạn.

Giờ của bệnh tật

Giờ của bệnh tật


Dương Kim Hằng

7/17/2013

Thỉnh thoảng mình cảm thấy cơ thể suy nhược và rất yếu… Có thể đó là thời khắc mà bệnh tật để phát sinh….Do tạo hóa, thời tiết và những ngày trong năm…

Vào một số khoảng thời gian, thể trạng con người đặc biệt yếu, dễ bị “đánh gục” bởi mầm bệnh hoặc bệnh tái phát. Chuyên gia giải thích mối liên quan giữa quy luật thời gian và biến hóa của sức khỏe.

*Một ngày

Một ngày có hai giờ “ma quỷ”. Từ 6-9h sáng, các bệnh về tim mạch và não như thiếu máu cơ tim, co thắt ngực, loạn nhịp tim, tai biến… thường phát sinh. Tổ chức Y tế thế giới điều tra 4.769 người bệnh tử vong vì nhồi máu cơ tim, trong đó 28% phát bệnh từ 6-10h sáng. Người già và người mắc bệnh tim mạch sau khi dậy sớm nên tránh đột ngột ra khỏi nhà hoặc mở cửa sổ ngay, có thể vận động nhẹ nhàng trong phòng để lưu thông máu, để cơ thể quen với thời tiết giữa bên ngoài và trong phòng. Thời gian nguy hiểm cho sức khỏe tiếp theo là, sau chập tối, lúc này tỷ lệ phát tác của bệnh tim lại tăng lên. Nếu uống rượu khoảng 7h tối, thì sẽ cần nhiều thời gian để gan bài tiết rượu, so với các thời điểm khác trong ngày. Do đó, khoảng 7h tối uống rượu sẽ khiến gan dễ bị tổn hại, và người uống dễ bị say hơn. Sức sống của con người về đêm là rất thấp, huyết áp, thân nhiệt, hô hấp, nhịp mạch đều chậm dần, tuần hoàn máu cũng chậm theo, nồng độ hormone xuống thấp, cơ bắp giãn, phản ứng chậm chạp. Vì thế, cần hạn chế làm việc thâu đêm và thời điểm cuối ngày cần để cơ thể nghỉ ngơi, tránh căng thẳng…

*Một tuần

Các nhà khoa học Đức và Phần Lan phát hiện, vào thứ hai, số người bị đột quỵ cao nhất trong tuần và nguy cơ tử vong cũng cao hơn ngày thường 40%. Do đó, các chuyên gia sức khỏe Đức đã gọi thứ hai là ngày thứ hai đen. Điều này liên quan tới đồng hồ sinh học trong một tuần của cơ thể. Thứ hai thường được coi là ngày khởi đầu một tuần làm việc, học tập, nên khá nhiều người thấy căng thẳng khi đến ngày này, đặc biệt lại sau hai ngày cuối tuần được thư giãn. Đây cũng là ngày các căn bệnh dễ phát sinh và trầm trọng.

*Một tháng

Sau và trước ngày trăng tròn trong một tháng là thời điểm thể trạng con người dễ yếu, điều này liên quan đến khí tượng thiên văn. Sự lên xuống của thuỷ triều liên quan đến sức hút Mặt trăng, lực hút này cũng tác động đến lượng máu trong cơ thể của con người, khiến áp lực của dòng máu trong mạch giảm xuống, dẫn đến áp lực trong và ngoài thành mạch chênh lệch, khi sự chênh lệch này lớn sẽ dễ dẫn đến các bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não.

*Một năm

Mỗi năm có hai thời điểm dễ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đó là tháng cực lạnh hay cực nóng. Những năm có mùa đông với nhiều đợt lạnh kéo dài, số bệnh nhân nội trú tại viện tăng cao, tỷ lệ tử vong cũng tăng. Thời tiết lạnh sâu thường khiến sức đề kháng giảm, tinh thần dễ trầm cảm, trao đổi chất chậm. Thời tiết nắng nóng kéo dài lại dễ gây các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch (trời nóng dễ mất nước, không bù đủ nước, máu có thể bị cô đặc lại tăng gánh nặng cho tim và dòng máu khó lưu thông).

Bí quyết Sống Vui Hạnh Phúc.

Nhiều tiền ít tiền , không phung phí là được
Ai phải , ai sai , mình không sai là được
Biết ít biết nhiều , làm xong việc là được
Người già người trẻ , mạnh khỏe là được
Người giàu người nghèo , hoà Thuận là được
Ông xã về sớm về trễ, miễn về là được ,
Bà xã cho ăn cơm , cơm nóng cơm nguội có ăn là được
Người xấu người đẹp , có duyên là được
Nhà lớn nhà nhỏ , ấm no là được
Sung túc hay nghèo nàn , bình an là được
Xe mới xe cũ , chạy là được
Và……phải nhớ rằng …
Vui cười không mệt , buồn phiền mới mệt
Yêu thương không mệt , ghen ghét mới mệt
Chân thật không mệt , gian dối mới mệt
Tương ái không mệt , tương tàn mới mệt
Rộng rãi không mệt , ích kỷ mới mệt
Khoan dung không mệt , khó khăn mới mệt
Khiêm nhường không mệt, khoe khoang mới mệt
Mỉm cười không mệt, tức giận mới mệt,
Đơn thuần không mệt, phức tạp mới mệt
Tương tư không mệt, đơn phương mới mệt
Chung tình không mệt, Đa tình mới mệt
Tình bằng hữu không mệt, tư tình mới mệt
Chân thành không mệt,giả dối mới mệt
Được mất không mệt, tính toán mới mệt
Thể chất mệt không phải mệt,tâm can mệt mới mệt
Đọc những điều này không mệt , thực hành mới mệt

Người Mỹ gốc Việt có tên trong danh sách ‘tài năng trẻ’ của Forbes

Người Mỹ gốc Việt có tên trong danh sách ‘tài năng trẻ’ của Forbes

Danh sách có tên gọi ’30 under 30’ của Forbes gồm 30 cá nhân xuất sắc nhất dưới 15 tuổi trong 15 lĩnh vực như tài chính, marketing hay công nghệ.

Danh sách có tên gọi ’30 under 30’ của Forbes gồm 30 cá nhân xuất sắc nhất dưới 15 tuổi trong 15 lĩnh vực như tài chính, marketing hay công nghệ.

VOA Tiếng Việt

15.01.2013

Anh Nam Nguyễn, 29 tuổi, mới được tạp chí Forbes chọn vào danh sách những thanh niên tài năng dưới 30 tuổi, có khả năng tạo nên sự thay đổi trên toàn thế giới.

Danh sách có tên gọi ’30 under 30’ gồm 30 cá nhân xuất sắc nhất dưới 15 tuổi trong 15 lĩnh vực như tài chính, marketing hay công nghệ.

Anh Nam Nguyễn dứng ở vị trí thứ 19 trong danh sách hơn 30 thanh niên xuất sắc nhất trong lĩnh vực marketing và quảng cáo.

Trả lời VOA Việt Ngữ, anh Nam cho biết anh rất bất ngờ khi được Forbes lựa chọn.

Anh Nam cho biết: “Đây không phải là điều tôi từng mong đợi, nhất là một giải thưởng có quy mô như vậy. Forbes là một tạp chí danh tiếng, với lượng người đọc có khả năng xuất sắc. Vì vậy nên khi được nêu tên trong danh sách ‘30 under 30’, tôi thực sự bị choáng ngợp, nhưng đồng thời cũng cảm thấy hết sức vinh dự.”

Chàng thanh niên gốc việt 29 tuổi là giám đốc phụ trách về nội dung của công ty 360i.

Anh quản lý nội dung theo thời gian thực, tận dụng các dữ liệu về người tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm đa phương tiện cho các công ty lớn như Coca-Cola hay Kraft Foods.

Anh Nam Nguyễn sinh ra và lớn lên tại California.  Nhưng anh cho biết Việt Nam có một vị trí quan trọng trong anh và đó chính là lý do vì sao anh đã giữ tên họ Việt Nam.

Anh Nam cũng mới cùng cha trở lại Việt Nam, và anh gọi đó là một ‘ước mơ đã thành sự thật’.

Anh Nam nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, tôi luôn luôn tự hỏi về nguồn gốc Việt Nam của mình. Dù là một người Mỹ nhưng tôi luôn tự hào là một người gốc Việt. Tôi thất rất hạnh phúc khi được cảm nhận văn hóa Việt Nam từ âm thanh của đường phố, quang cảnh, con người và ẩm thực của Việt Nam. Tôi thật sự xúc động được trở về nơi đã sinh ra cha mẹ tôi.”

Anh Nam nói với VOA Việt Ngữ rằng anh hy vọng sẽ có dịp quay trở lại Việt Nam trong tương lai.

CẦU NGUYỆN MỚI LÀ VĨ ĐẠI

CẦU NGUYỆN MỚI LÀ VĨ ĐẠI

( Chúa Nhật XVI / C Thường Niên )

Ông Ampère là một nhà khoa học

Chuyên môn nghiên cứu về Khoa Điện từ

Đem bao lợi ích cho nhân loại chúng ta

Nhưng Ông không cho đó là vĩ đại

“Khi Cầu nguyện chúng ta mới vĩ đại”

Là một vị Thánh Mẹ Têrêxa

Đều cầu nguyện một giờ trước lúc đi ra

Đến giúp đở , phục vụ người nghèo khổ

Cầu nguyện – hoạt động ,khuôn vàng thước ngọc

Của tất cả những người làm Tông đồ

Mátta cần song hành cùng Maria

Đó nguyên lý của người Đồ đệ Chúa

Cầu nguyện là Linh hồn của hoạt động

Nhờ Cầu nguyện ! mà hoạt động thành công

Nhưngđừng vì hoạt động mà thỏa thuê lòng

Vì được khen ! được người ta ca ngợi

“Xin Thầy bảo em con giúp con với ”

Chúng ta cầu cứu người khác giúp ta

Cũng để phục vụ cho chương trình mình

Lạy Chúa ! hãy giúp con hy sinh vì Chúa

Sao em nó để mình con bận rộn …?

Đó là cầu nguyện thân thương bên Cha

Sao con lo lắng chi vậy Matta

“Nhưng phần tốt nhất em con đã chọn

Xin dạy cho con biết chuyên lo Cầu nguyện

Để chuyện vãn ,bình tâm lắng nghe Ngài

Đừngđể con ham lợi, háo danh nha

Khi Phục vụ vì yêu , đừng vụ lợi …

Cao Trí Dũng

ƠN CỨU CHUỘC CHỨA CHAN NƠI NGƯỜI

ƠN CỨU CHUỘC CHỨA CHAN NƠI NGƯỜI

LỄ CHÚA CỨU THẾ Ga 3, 13-18.21

Anmai, CSsR


Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.  Như ông Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.  Ai tin vào Con của Người, thì không bị luận phạt; nhưng kẻ không tin, thì bị luận phạt rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.  Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Trong dòng chảy lịch sử cứu độ, chúng ta bắt gặp được Lời Chúa nói với chúng ta. Chúa hiện diện với chúng ta qua lời của Ngài.

Trong kho tàng Thánh Kinh, ta thấy được tâm tình của dân Thiên Chúa. Lúc thì như có vẻ trách móc sao Thiên Chúa bỏ dân nhưng có những lúc dân lại cảm nghiệm được tình thương của Ngài.

Đặc biệt trong lúc chơi vơi, trong lúc kêu cứu, tâm tình tin tưởng của Dân Chúa đã được biệu lộ rõ ràng. Có một số Thánh vịnh đề cao đặc biệt tâm tình này, khiến chúng ta gặp được một nền đạo đức thiêng liêng thật siêu thoát. Có lẽ loại Thánh vịnh này phát xuất từ môi trường Lêvi. Qua các bài thơ, bài hát, chúng ta như được chia sẻ sự an bình, thanh thản và niềm vui nội tâm bất tận của những con người đã chọn Chúa làm gia nghiệp, tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngoài chiều kích nội tâm sâu xa, chúng ta còn thấy được niềm tin kiên vững của vịnh gia giữa bao gian truân, uẩn khúc của cuộc đời. Niềm vui, sự an bình của những con người có đời sống nội tâm kết hợp với Thiên Chúa còn được phơi bày ra qua lòng yêu mến, gắn bó của họ với đền thờ, nơi Chúa ngự. Từ đó họ thường kết thúc bài Thánh vịnh tin tưởng bằng cách mời gọi mọi tìn hữu hãy tìm cách nương thân nơi Thiên Chúa bằng cách ẩn náu nơi nhà Chúa.

Dừng lại một chút để chúng ta nghe, đọc, suy gẫm Thánh Vịnh 130.

Thánh Vịnh 130 (129) (Psalm 130, cũng được dùng làm Kinh Vực Sâu – De Produndis) là một trong 15 Thánh Vịnh Lên đền (Từ thánh vịnh 120 cho đến 134) và là một trong 7 Thánh Vịnh Sám hối. Bản Thánh Vịnh này cũng nằm trong Kinh Thần vụ, thường được đọc hay hát trong giờ kinh chiều và luôn luôn được đọc hay hát trong kinh Thần vụ cầu cho người qua đời.

Nội dung của Thánh Vịnh này là cầu xin Thiên Chúa khoan dung, cũng như tỏ bày lòng tín nhiệm vào Thiên Chúa. Thánh vịnh này nói lên niềm hy vọng ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Ở một số nơi, người ta đọc Thánh Vịnh này trước 9 giờ tối, khi chuông nhà thờ đổ. Còn ở Ireland, Thánh Vịnh này thường được đọc trong thánh lễ sau bài Phúc Âm cuối lễ để cầu cho các nạn nhân bị bắt/bách đạo trước kia.

Theo “Chỉ nam các ân xá” mới được duyệt lại thì Giáo hội Công giáo đồng ý ban ơn tiểu xá cho tín hữu mỗi khi đọc Thánh Vịnh 130 này.

Tiếng kêu từ vực thẳm

Ca khúc lên Đền.
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,
muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.
Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.
Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Hơn lính canh mong đợi hừng đông,
trông cậy Chúa đi, Israen hỡi,
bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
Chính Người sẽ cứu chuộc Israen
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Giê-su)” (Dt 1,1-2).

Thánh Tử Giêsu không chỉ phán dạy bằng lời mà phán bằng chính cuộc đời của Ngài.

Sinh ra vì tình yêu, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.

Trên đồi cao, trong gió lao xao gọi mời tình yêu
Giêsu gục ngã, treo thân thập giá dang cánh tay ôm tội đọa đầy
Thân tàn hơi con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi
Ôi nhân loại hỡi, sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi
Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian
Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu
Để cứu muôn người lỗi tội
Đưa về trời đẹp tươi
Trên đồi cao trong tiếng ngân chuông chiều vọng tình yêu
Giêsu lặng lẽ, môi khô bờ hé, tim nát tan gai nhọn bạo tàn
Ân tình sâu ai có mau quay về nguồn yêu thương
Ôi Cha Người hỡi xin tha lầm lỗi những tháng năm ru đời biệt tăm

Chúa đã chết cho tình yêu.

Vì tội lỗi, vì kiêu căng, con người đã treo Đấng Cứu Độ trần gian trên cây thập giá nhưng chính từ cây thập giá, ơn cứu độ lại trào tràn cho muôn dân.

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe thánh Gioan thuật lại : Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.  Như ông Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.  Ai tin vào Con của Người, thì không bị luận phạt; nhưng kẻ không tin, thì bị luận phạt rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.  Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Họ sẽ nhìn lên chính Đấng mà họ đâm thâu. Như xưa con rắn đồng được treo lên để ai bị rắn cắn sẽ được chữa lành thì con người tội lỗi ngày hôm nay nhìn lên cây thập giá hay nói đúng hơn là nhìn lên Đấng treo trên thập giá và tin và Đấng ấy thì sẽ được cứu độ.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa trào tràn từ cây thập giá, từ Đấng chịu treo trên đó : “Ơn cứu độ chứa chan người Người”

Chúng ta còn nhớ hình ảnh của anh trộm lành trên đồi Gôngôta ngày xưa. Ý thức được thân phận tội lỗi của mình để rồi anh xin với Chúa Giêsu : “Khi nào Ngài vào Thiên Đàng, xin hãy nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu quay qua bên anh và nhìn anh, thỏ thẻ nói với anh: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta”.

Lời hứa cứu độ được trao ban cho người trộm lành, cho con người tội lỗi.

Ơn cứu độ từ cây thập giá lan tràn.

Thâp Giá Đức Ki-tô, niềm vinh dự của ta.

Thập giá Đức Ki-tô, đã khơi nguồn ơn thánh hóa.

Nhờ máu nước tim Ngài, từ khổ giá tuôn trào mà Ngài thương giải thoát cứu độ ta.

Chính Thánh Phaolô đã xác nhận niềm tin vào ơn cứu độ đó qua tâm tình của Ngài gửi cho Timôtê : Đây là lời đáng tin đáng nhận, Chúa Giêsu đã chết và sống lại để cứu những người tội lỗi và người đầu tiên đó là tôi.

Trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô : “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên thập giá” (1Cr 2, 2).

“Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng Thiên Chúa để xử sự với anh em” (2Cr 13, 4).

“Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8 nhưng chính vì thế mà Đức Giêsu Kitô được siêu tôn là Chúa. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19).

“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”(Cl 1,24).

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”(Gl 6,14).

Nhìn lại chặng đường đã qua, dân Do Thái trong Cựu Ước tiêu biểu qua các vịnh gia, trên đỉnh đồi thập giá qua người trộm lành và qua người môn đệ đầy yếu đuối như Phaolô chúng ta lại có quyền tin nhận và hy vọng ơn cứu độ chứa chan nơi Người từ Người treo trên Thập giá, Người bị thiên hạ đâm thâu.

Ngày hôm nay, chúng ta dừng lại, chúng ta nhìn lên cây thập giá, nhìn lên Đấng Cứu Độ trần gian, nhìn lên Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người đó tâm tình chúng ta như thế nào ? Có hy vọng, có tin vào nguồn ơn cứu độ đó hay lại cứ loay hoay mãi đi tìm cái gì khác ngoài ơn cứu độ.

Dĩ nhiên, trong cái thời đại chạy theo danh vọng, chạy theo đồng tiền, chạy theo chức quyền mà nói về ơn cứu độ quả là khó. Khó nói lắm bởi lẽ thực tế cái người ta đi tìm là đi tìm vinh quang của thế gian, lợi lộc của trần gian chứ người ta không đi tìm cái Đấng mà người ta treo trên thập giá nữa. Nếu thật lòng người ta đi tìm Đấng mà người ta treo trên thập giá, tìm Nguồn Ơn Cứu Độ chứa chan nơi Người thì cuộc sống của ta sẽ khác.

Vẫn là con người mang trong mình phận yếu đuối của con người để chúng ta vẫn còn lần bước trong những thực tại của trần gian, của cơm áo gạo tiền. Dĩ nhiên tất cả những thứ đó cần cho cuộc sống của chúng ta nhưng nó không phải là căn cốt, là cùng đích của đời ta.

Chuyện quan trọng, chuyện căn cốt của cuộc đời này đó là được cứu độ hay bị hư mất mà thôi. Giàu sang, phú quý, nghèo hèn, cuối cùng cũng phải trở về với cát bụi mà thôi. Và vì thế, chuyện quan trọng, chuyện căn cốt là ta có tin vào Đấng Cứu Độ trần gian để được cứu hay bị hư đi mà thôi.

Dòng Chúa Cứu Thế ! Rất hãnh diện được mang tên Chúa Cứu Thế, được ghi dấu Chúa Cứu Thế trên đời mình.

Tất cả tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế trong tu viện cũng như những ai hay lui tới với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng được gọi là những người con của Chúa Cứu Thế ngoài tu viện cũng hãnh diện về danh hiệu, về tước hiệu Chúa Cứu Thế trên đời mình.

Chúng ta có quyền hãnh diện nhưng chúng ta cũng phải dừng lại để xét lại niềm tin, niềm trông cậy, niềm hy vọng của chúng ta vào ơn cứu độ chứa chan nơi Người.

Đừng mang tên Dòng Chúa Cứu Thế, con cái Chúa Cứu Thế như là cái nhãn, cái mác hay là cái tên như để trang trí bên mình nhưng hãy sống hãy diễn tả niềm tin vào Ơn Cứu Chuộc chan chứa nơi Người bằng chính đời sống đượm tình bác ái yêu thương của chúng ta.

Hãy cùng với tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cất lên lời nguyện xin :

Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội, Chúa đã muốn cho gia đình Dòng Chúa Cứu Thế được khai sinh như một cây nho chính tay Chúa trồng và săn sóc từ thuở ban đầu cho đến ngày nay.

Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này. Bao lần, Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại. Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn. Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho tay phải, Chúa đã vun trồng, xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh, hoa tốt để mang lại cho thế giới những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.

Xin Chúa thương gìn giữ anh em tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế trong tu viện cũng như ngoài tu viện trong tình yêu thương chan chứa của Ơn Cứu Chuộc Chúa Chan nơi Đức Kitô.

Anmai, CSsR

CẦU CHỮ Y,

CẦU CHỮ Y,

Về thăm lại chốn xưa,
Buồn biết mấy cho vừa,
Ba mươi năm biệt xứ,
Cảnh cũ màu gió mưa…

Loang lổ cầu chữ Y,
Đón người đến rồi đi,
Có người không trở lại,
Xót xa buồn biệt ly…

Ngày tôi vừa lớn khôn,
Giữa cuộc sống không hồn,
Tôi cúi đầu tỵ nạn,
Cho cuộc tình đã chôn…

Đứng trên cầu đắng cay,
Lệ khốn khổ lăn dài,
Trái tim nào chai đá,
Bởi dòng đời tàn phai…

Liverpool.20/7/2013.
Song Như.

Kính gởi quý Thầy Cô và các bạn LVC.
Kính chúc sức khỏe.
KT.

Những Người Tù Ngoại Trú

Những Người Tù Ngoại Trú

Tưởng Năng Tiến


Cái sự coi mỗi công dân là một người tù dự khuyết mở đầu cho một thời đại khốn nạn. Rồi đây chúng ta sẽ phải trả giá cho sự thất nhân tâm này.
Vũ Thư Hiên – Đêm Giữa Ban Ngày
————————————————————-

Từ Hà Nội, Zoe Daniel, ABC News, tường thuật:

“Vụ xét xử một luật sư nhân quyền đang làm dấy lên những lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích những người chỉ trích chính quyền khỏi nhà tù. Chỉ trong năm nay, hơn 50 người đã bị kết án và tống giam trong các phiên toà chính trị.”

Con số “hơn 50 người đã bị kết án và tống giam trong các phiên toà chính trị” trong năm nay, ngó bộ, hơi nhiều à nha. Đã vậy, còn có “tin đồn vỉa hè là số blogger có thể bị bắt giữ lên đến 20” mạng – theo như bản tin của Thuỳ My, qua RFI :

“Hiện nay các blogger tại Việt Nam thường xuyên liên lạc với nhau để biết ‘ai còn, ai mất’, cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần để ‘lên đường’ khi có tin xấu nhất.”


Dù giọng nói của thông tín viên Thuỳ My nghe rất nhẹ nhàng và khả ái, nội dung bản tin mà bà vừa chuyển tải (vào hôm 3 tháng 7 năm 2103 vừa qua) vẫn khiến người ta lên tưởng đến cái không khí đe doạ nặng nề đã bao chụp lên đời sống của những người bất đồng chính kiến – vào những năm cuối thập niên 1960 – ở miền Bắc Việt Nam:

“Bình bàng hoàng khi biết mình có ‘đuôi’….  Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù. … Đó là đòn đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là cuộc đời nữa.

Trời đất đảo lộn. Cuộc sống dù sao cũng là cuộc sống. Vẫn có trời. Có gió. Có mây. Có cánh đồng, có đường phố. Có lúc giận vợ. Có lúc nô đùa với các con. Và viết. Nay sắp mất tất cả… Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng lồ để hại mình.”

(Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).

Cái “guồng máy khổng lồ” của nhà nước Việt Nam, vào thời điểm này, đã mang đến nỗi sợ hãi (cũng như phẫn uất) cho rất nhiều người nằm trong vòng quay của nó:

“Hôm ấy là ngày 24-12 hôm trước của Nô-en 1967.

Từ sớm đã có báo động máy bay. Trẻ con nhà tôi đã đi sơ tán cả, ở nhà chỉ còn có hai vợ chồng. Hai chúng tôi nhảy xuống cái hố cá nhân ở mảnh sân con trước cửa nhà. Đứng nép hai người dưới cái hố cá nhân chật chội, nghe tiếng bom nổ, tôi nói:

– Ước gì một quả bom rơi xuống trúng hố cho chúng mình chết luôn. Có đôi.

Nghe tôi nói, vợ tôi mỉm cười buồn rầu. Vợ tôi hiểu tâm trạng của tôi là tâm trạng của một con thú bị săn đuổi không có đường chạy tháo thân.

Thế là sau đợt bắt bớ thứ nhất hồi tháng 7, đến tháng 10 đã diễn ra đợt bắt bớ thứ hai. Số người bị bắt bao nhiêu tôi không rõ, chỉ biết là nhiều hơn lần trước và trong đó có Kiến Giang.

Thông báo số 1, Thông báo số 2… Nghe ghê cả người!

…..

Tối hôm đó vợ tôi chuẩn bị cho tôi một ba lô đầy chăn màn, quần áo ấm. Sáng sớm lại chạy đi mua một đôi bánh mì cặp nhân đầy lên, đút cả vào ba lô. Vừa xong thì báo động máy bay. Đạn cao xạ ầm ầm…

Một lát lâu sau có tiếng commăngca đỗ xịch ngoài sân. Tôi chưa kịp định thần đã thấy xuất hiện hai viên thiếu úy trẻ tuổi nai nịt chỉnh tề, một người dừng lại trấn giữ cửa, người kia bước xộc vào. Tôi giật thót mình.

Viên thiếu úy thứ hai nói như ra lệnh:

– Anh đứng nghiêm nghe lệnh!

Anh ta rút trong sắc cốt ra một tờ giấy nhỏ bằng trang vở học trò, tuyên đọc:

Lệnh bắt giam.

Ra lệnh bắt: Tên phản cách mạng

Trần Thư.

Vì tội: có hành động nguy hại đến nền an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nơi giam: Hỏa Lò.

Ký tên

Đại Tá Kinh Chi. Cục Trưởng Cục Bảo Vệ

Lệnh vắn tắt một cách đanh thép, không có những câu thừa như căn cứ điều khoản bao nhiêu của bộ luật nào đó v.v… Bắt, thế thôi, không oong đơ (un deux) gì cả…

Âu thế cũng là xong. Chứ sống như những ngày tháng vừa qua thì tôi không chịu nổi nữa rồi.

Tôi có cảm giác được giải thoát.

Cái cảm giác được giải thoát ấy nó mạnh đến nỗi khi hai cánh cổng nặng chịch của nhà tù Hỏa Lò mở ra cho chiếc xe chở tôi từ từ bò vào trong sân, tôi không có gì xao xuyến, lo âu.”

[Trần Thư. Tử Tù Xử Lí Nội Bộ (Hồi Ký Của Anh Cả Cò). Văn Nghệ, Westminster, CA:1995]

Nhà báo Trần Thư bị bắt vào cuối năm 1967. Từ đó đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Nhà giam Hoả Lò vẫn vẫn trơ gan cùng tế nguyệt, và vẫn lầm lì đe doạ như xưa. Nhà nước Việt Nam cũng thế.

Chỉ có thái độ của lớp người cầm bút thuộc thế hệ tiếp thì hoàn toàn đổi khác. Họ coi “cái guồng máy khổng lồ” của nhà nước toàn trị hiện nay không có kí lô nào hết trơn hết trọi, còn nhẹ hơn bông nữa. Blogger Mẹ Nấm là một trong số những người có thái độ (bông lơn) như vậy đó:

“Vừa nhận được một email của bà bạn, gửi cho mình ngắn gọn thế này: ‘Tui báo cho bà biết, bà nằm trong danh sách mà người ta gọi là Top 20. Hai mươi người này được phía bạn giao cho chính phủ để ‘nhập kho’. Liệu mà viết.

Hi hi… Xem cái thư này mình không thể nhịn cười…

Hai mươi con người với hàng ngàn bài viết có thể làm chế độ lo sợ và lung lay. Họ không phải là những con số nằm im để cho nhà nước ném vào thống kê tội phạm. Hai mươi con người ấy dù không làm được gì lớn lao nhưng chắc chắn là họ không hề thiếu niềm tự hào vì đã dám nghĩ và viết những điều mà 17 ngàn nhà báo Việt Nam không dám.

17 ngàn là con số. Hai mươi người là những con người, những con người cầm viết.

Con người, hai mươi cái tên trong danh sách Top 20 kia thật đáng tự hào. Mình sẽ thật sự kiêu hãnh nếu được nằm trong cái danh sách ấy.”

Ý trời, đất, qủi, thần, thiên địa ơi! Còn “tự hào” với “kiêu hãnh” nữa chớ. Không biết con cái nhà ai mà ăn nói (nghe) bán mạng vậy cà? Con nhỏ “khiêu khích” thấy rõ. Và cái thái độ “gây gỗ” tương tự cũng có thể tìm thấy ở một “con nhỏ” khác, blogger Còn Huỳnh Thục Vy:

“Bấy nay yên lặng vì bận thôi chứ không phải sợ đâu.“

Thiệt là quá đáng, và … quá đã!

Còn đối với những blogger thuộc lớp trước nữa thì sự kiện đã được họ đón nhận một cách… nhẹ nhàng hơn và cũng giễu cợt hơn – theo như cách bầy tỏ của ông Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những nhân vật (“đang nằm”) trong cuộc và … trong rọ:

“He he, ngày xưa có rừng để trốn, bây giờ thì có chỗ nào chui? Thôi thì… ‘hãy cứ vui như mọi ngày, dù ngày mai không ai thăm nuôi’ như Đỗ Trung Quân vẫn nghêu ngao hát.

Hôm qua nghe Nguyễn Trọng Tạo nói về danh sách lên đến 20 người thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, từ Hà Nội bay vào với tâm trạng phơi phới rủ chúng tôi đi nhậu. Nghe nói anh cũng có tên trong danh sách nầy.

Rượu vào rồi thì chuyện tới trời cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên.

Nguyện vọng thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh trăng qua cửa sổ…để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi cho vui. he he.”

huynh ngoc chenh

Nguồn ảnh: huynhngocchenh.blogspot

Tính tôi vốn (vô cùng) đa cảm nên nhìn mấy vị xồn xồn (từ phải qua trái: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Ngọc Chênh) có tên trong danh sách top 20 mà không khỏi sinh lòng ái ngại. Không phải tôi ái ngại vì cái bàn rượu  quá hoành tráng so với tình trạng sức khoẻ (chắc) đã hom hem của họ mà là ái ngại khi nghĩ đến thân phận của những người cầm viết ở Việt Nam, trước đó.

Trước đó, chỉ mới nằm “trong tầm ngắm” mà nhà văn Nguyên Bình đã cảm thấy “bàng hoàng,” cùng với cái “cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được.” Và giữa hoàn cảnh cùng quẫn, tuyệt vọng này thì nhà báo Trần Thư ước chỉ ước mong sao có “một quả bom rơi” để được chết chung với người thân, cho nó xong đời.

Còn bây giờ thì những kẻ “ở trong tầm ngắm” vẫn cứ ngồi nhậu lai rai, với “tâm trạng phơi phới” cứ y như là họ đang còn ở tuổi đôi mươi và vừa có tên trong sanh sách thi đậu tú tài vậy.

Thiệt là hết thuốc!

Sẵn trớn đang ái ngại, tôi cũng cảm thấy ái ngại (luôn) cho tướng Trần Đại Quang, vị Bộ Trưởng Công An đương nhiệm, khi chợt nhớ đến người tiềm nhiệm của ông: Trần Quốc Hoàn. Nhân vật này – rõ ràng – đã sinh ra đời dưới một ngôi sao cực tốt, và ở vào một thời đại cực thịnh của chế độ công an trị. Muốn bắt ai thì bắt, muốn hiếp ai thì hiếp, và muốn giết ai rồi vứt xác ra đường cũng được mà cả nước vẫn cứ im thin thít.

Cái thời vàng son đó, tiếc thay, không còn nữa. Giờ đây, ông Quang mới đổi có mấy cái bảng số xe (từ trắng ra xanh) và đổi tên tuổi mình (chút xíu) thôi mà trên diễn đàn Dân Luận đã có lắm điều tiếng eo xèo rồi: “cơ hội, thoái hoá, đổi trắng thay đen, thao túng luật pháp…

Dân tình, rõ ràng, mỗi lúc một thêm khó dạy và… khó chịu. Đưa ra nguyên một cái danh sách dài thòng (Top 20) mà không thấy dư luận “rúng động” gì ráo trọi, chỉ nghe có những tiếng cười (“he he”) hồi đáp – từ bàn nhậu – thôi hà.

Những tiếng cười giễu cợt tương tự đã vang lên từ mọi ngõ ngách ở đất nước Việt Nam, và mọi người đều nghe thấy – trừ ông Trần Đại Quang, và những người thuộc giới lãnh đạo của đất nước này. Họ vẫn cứ hành xử như thể là “chưa” có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra. Họ không có khả năng thích nghi với tình thế và thời thế; bởi thế, họ sẽ không thể tiếp tục tồn tại nữa.

Tưởng Năng Tiến

ĐỂ LỜI CHÚA SOI DẪN CUỘC ĐỜI

ĐỂ LỜI CHÚA SOI DẪN CUỘC ĐỜI

LM. Ignatiô Trần Ngà

Hôm ấy, các đệ tử của Thầy hăng say thảo luận về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.  Người thì nói là do lòng tham vô đáy của con người thúc đẩy, kẻ thì cho là do tính ích kỷ thâm căn cố đế hoặc tính kiêu căng và óc thống trị xui khiến, một số khác cho là do sự chia rẽ chủng tộc hay tôn giáo phát sinh…

Sau cùng, các đệ tử quay sang hỏi ý kiến Thầy, Thầy nói: “Mọi đau khổ đến từ việc con người thiếu khả năng ngồi yên lặng một mình để lắng nghe…” (Phỏng theo Cha Anthony de Mello)

*******************************

Yên lặng để lắng nghe!  Để nghe Chúa nói, để nghe lời khôn ngoan…  Đó cũng là điều mà Cô Maria thể hiện qua đoạn Tin Mừng hôm nay.

Hôm ấy, Chúa Giêsu đến thăm gia đình Mácta.  Mácta tất bật lo việc nấu dọn để hầu hạ Chúa, hy vọng Chúa sẽ rất hài lòng về sự tiếp đãi ân cần, chu đáo và tận tình như thế.  Vậy mà Chúa Giêsu lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe của Maria hơn và trách Mácta:

“Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 41-42)

Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người rằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa là điều tối cần thiết và quan trọng nhất.

Lắng nghe Lời Chúa là chuyện cần thiết nhất vì Lời Chúa là đèn soi cho loài người tiến bước trong đêm tối và vượt qua bao giông tố của cuộc đời. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (TV 119,105).  Nhờ ngọn đèn nầy, người lầm lạc thấy được chân lý, người tội lỗi được hoán cải để sống đời thánh thiện, người thất vọng được tìm thấy niềm tin và hy vọng tràn trề… Thiếu Lời Chúa, nhân loại như đang chìm trong tối tăm.

Một chiếc xe vượt qua nhiều đoạn đường đèo quanh co, cheo leo hiểm trở trong đêm tối mà xe lại chạy không đèn thì chắc chắn sẽ lao xuống vực.  Đời người với bao nhiêu thăng trầm thách thức của cuộc sống khác gì chiếc xe vượt đèo kia, nếu không được ánh sáng của Lời Chúa soi dẫn, thì sẽ không thoát khỏi tai ương.  Đối với những ai biết đón nhận Lời Chúa và nhận lấy ánh sáng Lời Chúa soi dẫn cho hành động, người ấy sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trong đời mình.  Lời Chúa thật sự đã mang lại giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề của cuộc sống.

Trong thời kỳ đất nước Việt Nam của chúng ta bị đặt dưới ách đô hộ của người Pháp thì tại nam Á, một quốc gia khác to lớn hơn nhiều cũng bị đặt dưới ách thống trị của người Anh.  Đó là quốc gia Ấn-độ.  Đế quốc Anh cũng hùng cường không thua kém gì đế quốc Pháp.  Cả nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Ấn đều đứng lên để lật đổ chế độ thực dân và giành độc lập cho xứ sở mình.

Trong cuộc đấu tranh nầy, nhân dân Việt Nam phải dùng đến bạo lực, đến khí giới và đã trả giá cho nền độc lập bằng vô vàn sinh mạng và máu xương!

Trong khi đó, tại Ấn-độ, dưới tài lãnh đạo của thánh Gandhi, vị anh hùng của nhân dân Ấn và là người được dân Ấn gọi là thánh, người dân Ấn đấu tranh bằng đường lối ôn hoà bất bạo động mà thánh Gandhi học được từ Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi… Ai vả má bên nầy thì hãy chìa má bên kia ra…” Bằng đường lối bất bạo động học từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, Gandhi và nhân dân Ấn-độ đã lật đổ được đế quốc Anh, bẻ gảy ách thống trị của người Anh, giành lại độc lập cho quê hương xứ sở mà không cần đến khí giới.

Vài chục năm, tại đất nước Hoa-kỳ, Mục sư Martin Luther King cũng đã dùng Lời Chúa soi sáng cho cuộc đấu tranh bất bạo động của mình, và ông đã đạt được thắng lợi vẻ vang, buộc người da trắng nhìn nhận, tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của người da đen mà không cần đến khí giới.

Như thế, Lời Chúa quả đã đem lại những giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề và thách thức trong cuộc sống.  Hôm nay, Chúa Giêsu lại đem Tin Mừng của Ngài trao tặng miễn phí cho chúng ta để làm đèn soi cho chúng ta trong cuộc sống nhiều mây mù u tối nầy.

Cuộc đời chúng ta như những chuyến xe phải vượt những chặng đường đèo cheo leo hiểm trở giữa màn đêm.  Lời Chúa vẫn mãi mãi là đèn soi dẫn.  Ước gì chúng ta đón nhận Lời Chúa để soi sáng cho hành trình còn lại trong cuộc đời chúng ta.

LM. Ignatiô Trần Ngà

KHÔNG THỂ TÁCH RỜI HOẠT ĐỘNG VÀ CHIÊM NIỆM

KHÔNG THỂ TÁCH RỜI HOẠT ĐỘNG VÀ CHIÊM NIỆM

Lm. Jude Siciliano, OP

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có  chín người con. Ông ngoại tôi là một người lao động chân tay; bà ngoại tôi thì làm việc quần quật suốt cả ngày và kiêm luôn việc nhà. Còn mẹ tôi, mẹ đã nuôi nấng chúng tôi mà không hề có máy giặt, máy sấy hay máy rửa chén. Mẹ phải làm việc quần quật suốt cả ngày như thế. Tôi không nhớ là mẹ có bao giờ đi tĩnh tâm hay không. Mẹ tôi không đọc Kinh thánh nhiều lắm, nhưng một Chúa nhật nọ, sau khi nghe câu chuyện về cô Mácta và Maria như hôm nay tại nhà thờ, thì mẹ về nhà và nói: “Nếu mẹ xé đi một trang Kinh thánh thì Maria và Mácta sẽ thế nào nhỉ !” Với lịch làm việc rất bận rộn, mẹ sẽ đứng về phía Mácta và cho rằng Maria là một đứa em gái hư hỏng.

Câu chuyện Phúc âm này chỉ có  trong Tin mừng theo thánh Luca, và được dùng để so sánh đời sống hoạt động của người Kitô hữu (Mácta) với đời sống chiêm niệm (Maria). Như thế, hình thức của đời sống Kitô hữu này được đặt tương phản với hình thức kia. (Thêm nữa, dường như dùng một phụ nữ để đem ra so sánh với người khác, hoặc hai chị em tranh cãi với nhau về công việc nhà, không phải là một hình ảnh lấy làm hãnh diện về người phụ nữ trong Tin mừng). Cách hiểu vội vàng có lẽ sẽ cho rằng việc lắng nghe Lời Chúa thì có giá trị hơn là hoạt động. Tuy nhiên, trong toàn bộ Tin mừng, các môn đệ đều hội tụ cả việc lắng nghe lẫn hành động (6,47; 11,28).

Cũng như trình thuật Tin mừng này đã từng chọc giận mẹ tôi, thì nó cũng xảy ra tương tự như thế với những phụ nữ hiện đại nữa, những người coi vai trò của cô Mácta như một ví dụ điển hình về các yêu cầu đưa ra cho họ khi cố gắng để cân bằng trách nhiệm giữa công việc trong gia đình với việc bên ngoài. Có vẻ Đức Giêsu không khen ngợi những người “băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện”, vì họ muốn phải được trở thành như thế này như thế nọ.

Nguyên nhân nào dẫn đến người ta chỉ trích Đức Giêsu? Có phải là do thái độ phục vụ của cô Mácta không? Đó có phải là một lời phê bình các Kitô hữu trong cộng đoàn của thánh Luca, và xa hơn nữa, là những người đang phục vụ người khác ở bên ngoài, nhưng lại không làm việc với cả tấm lòng hay không? Hoặc chỉ đơn giản là do cô Mácta đã chuẩn bị bữa ăn với nhiều món quá thịnh soạn cầu kỳ, trong khi đó, nếu một bữa ăn đạm bạc hơn sẽ giúp cô có cơ hội cùng với em gái của mình, giống như một người môn đệ, ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe lời Người?

Một số nhà chú giải cho rằng câu chuyện về Mácta và Maria không phản ánh được thái độ của Đức Giêsu, nhưng đã có một cuộc xung đột xảy ra sau đó trong Hội thánh tiên khởi về vai trò của phụ nữ trong công tác tông đồ. Ủng hộ cho quan điểm này, chúng tôi lưu ý rằng Mácta đã gọi Đức Giêsu là “Chúa”, tước hiệu này chỉ có sau ngày Đức Giêsu phục sinh. Điều này cho thấy đây là một bối cảnh và tranh luận diễn ra sau này. Ngoài ra, hạn từ “diakonia” cũng được dùng để nói về việc phục vụ của cô Mácta và ám chỉ đến công tác tông đồ.

Trong nhiều bối cảnh Tân ước, phụ  nữ đóng nhiều vai trò quan trọng như: giảng dạy, truyền giáo, và lãnh đạo. Chẳng hạn như Hội thánh ở Kenkhơrê có chị Phêrê là một “nữ trợ tá” (Rm 16,1). Nhưng trong Giáo hội tiên khởi, không phải tất cả mọi người đều đồng ý về vai trò của phụ nữ. Trong khi đó, thánh Phaolô đã tán thành vai trò hỗ tương của người nam và người nữ trong cuộc hội họp phụng vụ (1 Cr 11,3-4), chèn vào tiếp sau đó là bản văn hướng dẫn người phụ nữ phải biết giữ thinh lặng  (1 Cr 14,3-4). Dường như tình tiết trong câu chuyện về cô Mácta và Maria cho thấy một cuộc xung đột tương tự đang diễn ra trong cộng đoàn của tác giả Luca. Liệu câu chuyện về cô Mácta và Maria có phản ánh nỗ lực của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đang muốn bịt miệng phụ nữ lại hay không?

Cũng nên lưu ý: có một quan niệm khác về cô Maria và Mácta trong Tin mừng theo thánh Gioan. Khi em trai của hai cô này là Ladarô qua đời, cô Mácta đã nổi bật như một trọng tâm và đã thốt lên cùng một lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu (11,25-27) như ông Phêrô đã tuyên xưng trong ba Tin mừng nhất lãm [Mátthêu, Máccô và Luca]. Người ta cũng có thể tìm thấy luận cứ để chứng tỏ rằng những phụ nữ trong Tin mừng theo thánh Gioan thì mạnh mẽ và nổi bật hơn trong Tin mừng theo thánh Luca.

Phần mở đầu tình tiết câu chuyện hôm nay cho thấy Đức Giêsu đang đi trên hành trình. Từ (9,51), Người đã lên đường đi Giêrusalem. Thánh Luca cũng đã nói cho chúng ta những sự cố xảy ra trên đường đi; mỗi câu chuyện là một lời nhắc nhở về những đòi hỏi đối với những người trung thành bước theo Đức Giêsu. Hôm nay, chúng ta được nhắc nhở về những khó khăn phải chịu hầu giữ được cân bằng trong cuộc sống giữa hành động và sự suy tư, lắng nghe Lời Chúa và đem Lời ấy ra thực hành. Đối với người môn đệ thì sự cân bằng giữa chiêm niệm và hoạt động là điều cần thiết khi chúng ta diễn tả việc phục vụ tha nhân.

Đoạn mở đầu câu chuyện chính là kiểu mẫu cho một đời sống phát triển không ngừng của Giáo hội. Chúng ta nghe nói rằng cô Mácta đã đón tiếp Đức Giêsu. Cô đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng ở vùng Trung Đông, nơi có nhiều lễ nghi; nhiều nghi thức tẩy rửa tay chân; có dầu dùng để xức trên đầu và dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng trổi vượt hơn phong tục ấy, cô Mácta đang “phục vụ” Chúa, đây cũng là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu. “Phục vụ” là một từ ngữ thiêng liêng đối với các Kitô hữu; từ này diễn tả ơn gọi của chúng ta như những thừa tác viên của Tin mừng, chúng ta “phục vụ” Chúa qua việc phục vụ tha nhân.

Trong câu chuyện cô Mácta và Maria, chúng ta có được sự hướng dẫn để làm một người Kitô hữu. Hãy lưu ý đến bối cảnh của câu chuyện, câu chuyện không xảy ra trong Đền thờ. Đức Giêsu đến thăm và giảng dạy ngay trong một gia đình. Thật ra, hầu hết những hoạt động và việc giảng dạy của Đức Giêsu đều diễn ra ở bên ngoài Đền thờ. Đó là cuộc sống thường nhật của chúng ta, nơi đó ta tìm thấy, học hỏi và có thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta có xu hướng tạo ra sự phân chia rạch ròi giữa “nơi thánh thiêng” và “chốn thế tục”. Đức Giêsu giảng dạy ngay trong nhà cô Mácta và Maria, và đó cũng là nơi hai người phụ nữ này tìm thấy những nghĩa vụ của người môn đệ phải thực thi, đó là: phục vụ và lắng nghe Lời. Việc Đức Giêsu sửa lỗi cho cô Mácta không phải là một bản án, nhưng là một lời mời gọi: trong lúc phục vụ, chúng ta cần được bén rễ trong Lời của Người.

Cũng như cô Mácta, chúng ta có những mối bận tâm chính đáng thúc bách hằng ngày. Chúng ta sẽ giống như cô Mácta nếu lo tiếp đón và phục vụ Chúa trong nhà mình và những nơi khác nữa. Ta lại sẽ bắt chước như cô Maria một khi chăm chú lắng nghe và tìm kiếm sự hướng dẫn phát ra từ môi miệng Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu cũng bận rộn trăm bề. Bối cảnh câu chuyện hôm nay rất quan trọng. Tình tiết câu chuyện về  cô Maria và Mácta diễn ra sau dụ ngôn người Samari Nhân hậu, câu chuyện nói về những việc tốt lành mà Đức Giêsu đã dạy bảo với lời kết: “Hãy đi và làm như vậy”. Tiếp sau đó là phần lắng nghe và học hỏi hôm nay. Ngay sau bối cảnh này, Đức Giêsu cầu nguyện và đáp ứng yêu cầu của các môn đệ khi dạy các ông cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”. Hãy lưu ý tới trình tự của những câu chuyện này: trước tiên là hướng dẫn cho việc phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người thân cận, và tiếp sau đó là việc dạy cầu nguyện. Chèn vào giữa hai câu chuyện này là câu chuyện hôm nay nhằm kết nối tầm quan trọng của việc phục vụ được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời.

Đức Giêsu cũng có thừa tác vụ hoạt động của mình, nhưng Người vẫn dành thời gian để cầu nguyện và Người hằng kỳ vọng các môn đệ cũng làm như vậy. Trong Tin mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện để xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm việc. Chúng ta không phải chỉ đơn thuần được kêu gọi để trở nên như cô Mácta không ngớt lo việc phục vụ, hay nên như cô Maria chỉ biết ở yên một chỗ để lắng nghe Lời, nhưng phải là cả hai. Chúng ta được kêu gọi lắng nghe Lời Chúa và tiếp sau đó là đem ra thực hành trong những hoạt động tích cực.

Chúng ta nhớ đến thánh Catarina Siena (1347-1380), người chị em Đaminh của chúng ta. Thánh nữ sống trong thời hỗn loạn xảy ra bệnh dịch hạch và chiến tranh do các đoàn quân đánh thuê đánh chiếm nhiều nơi. Đức giáo hoàng đã để lại sự hỗn loạn cho Rôma và đi đến Avignon, Pháp. Những viên giám quản triều đình thì lại bỏ mặc cho Rôma điều khiển Giáo hội.

Thánh nữ Catarina đã dâng hiến chính mình cho Chúa Kitô và đón nhận tu phục người giáo dân Đaminh (“Dòng ba”). Thánh nhân bắt đầu sống đời chiêm niệm ngay trong nhà mình, dành ra ba năm cầu nguyện và chiêm niệm chuyên chăm trong một căn phòng nhỏ bé dưới gầm cầu thang. Sau đó, thánh nữ nghe Đức Kitô mời gọi ra khỏi căn phòng kín ấy để đi phục vụ tha nhân. Ngài dành ra một năm sau đó để phục vụ bệnh nhân, bố thí cho người nghèo, thăm viếng các tù nhân và nạn nhân của bệnh dịch hạch. Ngài cũng phục vụ trong vai trò một sứ giả hòa bình giữa các gia đình thù hằn với nhau ở Siena và các tiểu bang thành phố dọc khắp Italia. Thánh Catarina Siena đến Avignon, gặp Giáo hoàng Gregory XI đang phải sống lưu vong, và thuyết phục ngài trở về Rôma. Năm 1970, thánh Catarina Siena đã được tuyên phong tiến sĩ Hội thánh.

Mặc dù thánh nữ Catarina khởi đầu “phục vụ” Thiên Chúa qua việc dành ra ba năm sống trong cô  tịch, và tiếp sau đó là hoạt động với lòng tràn đầy nhiệt huyết. Thậm chí trong những thời gian bận rộn nhất, thánh nữ vẫn cầu nguyện và tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa. Cũng giống như cả những Kitô hữu lừng danh hay bình dị, thánh Catarina đã kết hợp tài tình giữa Maria và Mácta trong cuộc sống. Chúng ta, những người Đaminh, có một phương châm kết hợp cả hai khía cạnh minh họa cho trình thuật Tin mừng hôm nay: “Chia sẻ cho tha nhân những thành quả chiêm niệm của mình.”

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp

Từ Têrêsa  Ngọc Nga &

Anh chị Thụ &Mai gởi