Bạn và thù

Bạn và thù
Sunday, May 18, 2014

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Tháng Mười Một, 1991, sau khi Trung Cộng và Việt Cộng thực hiện bình thường hóa quan hệ, các nhà lãnh đạo cấp cao hai đảng cộng sản liên tiếp đi thăm lẫn nhau, hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa. Hai nước cho là vì lý do địa lý, con người và chế độ chính trị, nên giới cầm quyền hai nước cần gần gũi, gắn bó với nhau vì cùng chung bốn chữ “tương.” “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, và vận mệnh tương quan.”


Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (trái) gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. (Hình minh họa: Kim Kyung-Hoon-Pool/Getty Images)

Trong tuyên bố chung, từ Tháng Hai, 1999, tổng bí thư Trung Cộng Giang Trạch Dân đã đề ra phương châm 16 chữ và tổng bí thư Ðảng CSVN Lê Khả Phiêu đã tán dương là “16 chữ vàng.”

“Ổn định lâu dài (trường kỳ ổn định), hướng tới tương lai (diện hướng vị lai), láng giềng hữu nghị (mục lân hữu hảo), hợp tác toàn diện (toàn diện hợp tác),” đã xác định tư tưởng chỉ đạo về sự phát triển và quan hệ hai nước, và cùng ca tụng lẫn nhau 4 cái tốt là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Nhưng thật ra không phải đến bây giờ mà từ khi đảng CSVN được thành lập, đã dựa hẳn vào Trung Cộng, nhận vũ khí, lương thực để đánh miền Nam, cùng ca tụng thế “môi hở, răng lạnh” và địa dư “núi liền núi, sông liền sông!” Tố Hữu đã diễn ý của Hồ Chí Minh “sông liền sông, núi liền núi, hai mà một,” thành thơ:

“Bên này biên giới là nhà –
Bên kia biên giới cũng là quê hương!”

Vậy thì đâu còn cần phân chia ranh giới, dựng cột mốc làm chi, của ta cũng là của Tàu, chỉ tiếc là của Tàu chưa hẳn đã là của ta!

Trên Tạp Chí Da Màu – 2009, theo bài viết của Nguyễn Tất Trung, một cán bộ cộng sản 44 năm tuổi đảng (không liên hệ gì với Nguyễn Tất Thành), thì suốt đời Hồ Chí Minh luôn luôn coi nguồn cội của dân tộc Việt là Trung Quốc. Ông này cũng cho người Việt Nam còn “Tàu” hơn cả Tàu Tây Tạng, Tàu Tân Cương, Tàu Duy Ngô Nhĩ… vì nguồn gốc của dân Việt khởi thủy ở sông Dương Tử của Trung Quốc.

Theo bài viết này thì Mao Trạch Ðông là thần tượng của Hồ Chí Minh và ông này luôn luôn trung thành, thương yêu Trung Cộng, “bác” học tiếng Quan Thoại thật thuần thục để viết những bài thơ đầu tiên trong tù tặng anh em, bác mặc áo “đại cán của Tàu,” yêu cầu đọc tên bác theo kiểu Tàu (người Việt gọi là ông Minh, chứ không gọi là ông Hồ), thậm chí trước lúc trút hơi thở cuối cùng, “bác” nói muốn nghe một bài hát Tàu và nhờ một y tá Tàu tên Vương Tinh Minh hát cho nghe. Nghe xong “bác” mới chịu ra đi.

Chúng ta đang nghi ngờ luận cứ của “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” nói ông này sau là người Tàu đóng vai, nhưng liệu những hành động của một người đứng đầu một nước có thể hành sử một cách mất quốc thể như thế không?
Ông Nguyễn Tất Trung này dùng hai chữ “giáng bút” để ca ngợi “chân lý của trí tuệ sáng ngời” của thiên tài bợ đỡ Chế Lan Viên trong hai câu thơ:

“Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao.”

Xa hơn nữa, năm 1958, thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Ðồng đã gửi bản công hàm “Thưa đồng chí Chu Ân Lai,” để ghi nhận và tán dương bản tuyên bố, ngày 4 Tháng Chín, 1958, của Trung Cộng: “Tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt biển.” Và năm 1974, Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã cho rằng nhờ bạn bè giữ hộ Hoàng Sa hơn là để vào tay “ngụy.” Bây giờ trên pháp lý Hoàng Sa có còn là của Việt Nam không? Chuyện đã lỡ!

Sau này Lê Duẩn đã “yêu cầu Phó Thủ Tướng Ðặng Tiểu Bình đàm phán về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa,” Phạm Văn Ðồng cũng đã gửi đến Trung Cộng thông điệp của Việt Nam về hai quần đảo ấy, tuy nhiên, trước sau Bắc Kinh đều một mực “yêu cầu Việt Nam trở lại lập trường trước năm 1974.” “Lập trường trước năm 1974” chính là “Tuyên bố của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng năm 1958.” Theo Ðặng Tiểu Bình: “Vấn đề này không cần thiết phải đàm phán… (đó) là lãnh thổ Trung Quốc.” (theo Huy Ðức)

Việt Nam thần phục và sợ Trung Cộng không dám có một hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ như Nhật hay Philippines, không có đồng minh, ASEAN, Hoa Kỳ can thiệp cũng chỉ bằng tuyên bố. CSVN không được lòng dân, bao nhiêu người yêu nước chống Tàu còn nằm trong tù, vì ai chống Tàu đều bị kết tội “phản quốc.” Việt Nam hôm nay chỉ có một láng giềng, một ông bạn, một đồng chí, một đối tác quá tốt như thế, đã từng cho Việt Nam một bài học vì “tính phản phúc” thì bây giờ kêu ca với ai! Ðồng chí tốt đã cắt cáp, đuổi bắt, đánh đập ngư dân ngay trong vùng biển Việt Nam, mà không ai dám lên tiếng phản đối. Trước tình trạng tồi tệ như hôm nay, Việt Nam cũng không dám triệu hồi đại sứ, cắt đứt ngoại giao, tệ hơn nữa, theo New York Times, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng xin sang Bắc Kinh gặp Cập Tận Bình nhưng bị từ chối.

Công nhân, con buôn Tàu tràn ngập Việt Nam. Chỉ với 10 công trình lớn dưới đây do nhà thầu Tàu đảm trách, và hàng nghìn cơ sở sản xuất của Tàu được phép kinh doanh, đã có bao nhiêu người Tàu đang bén rễ, nằm vùng trên đất Việt Nam:

1- Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông.

2- Dự án xa lộ Hà Nội-Hải Phòng.

3- Ðường xa lộ Nội Bài-Lào Cai.

4- Bô xít Tây Nguyên.

5- Nhà máy gang thép Lào Cai.

6- Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I.

7- Nhiệt điện Mông Dương 2.

8- Nhà máy thủy điện Sông Bung 4.

9- Chung cư Golden Westlake.

10- Nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Lai Vu.

Phía Trung Cộng đã yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm tài sản cho người Tàu, nếu có bạo động, công an Việt Nam không giữ được tài sản và mạng sống của họ, thì chuyện gì sẽ ra. Máu người Tàu đã đổ, việc Trung Cộng dùng xe tăng, vũ khí, quân lính tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ kiều dân của mình là chuyện sẽ xảy ra không sao tránh được.

Ðất nước hiện nay lâm vào tình trạng “dầu sôi lửa bỏng,” nhưng ngay tại Hội Nghị 9 Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng bế mạc vào ngày 14 Tháng Năm, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ phô trương chữ nghĩa, nói qua quít, tránh né:

“Tình hình Biển Ðông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc…”

Không biết cương quyết cách nào và từ lâu nay có cương quyết hay không, hay chỉ là một lũ hèn, “há miệng mắc quai.”
Mất độc lập, mất rừng, mất biển, họa mất nước đã gần kề!

Môi hở răng lạnh, nhưng có ngày không ngăn được răng cắn môi.

Bạn đâu không thấy, hóa ra là thù.

 

Hà Nội thay đổi chiến thuật đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Hà Nội thay đổi chiến thuật đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Công an và lực lượng dân phòng bao vây người biểu tình chống Trung Quốc tại TP HCM, ngày 18/5/2014.

Công an và lực lượng dân phòng bao vây người biểu tình chống Trung Quốc tại TP HCM, ngày 18/5/2014.

Marianne Brown

18.05.2014

HÀ NỘI — Các cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu trong lãnh hải của Việt Nam đã bị công an giải tán hôm Chủ nhật. Động thái này của chính quyền diễn ra tiếp theo sau một tuần lễ để cho các cuộc biểu tình phản đối diễn ra tại Việt Nam, trong đó có một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo động.

Thông tín viên Marianne Brown của đài VOA, chứng kiến các diễn tiến ở thủ đô Hà Nội, tường trình rằng rất nhiều công an có mặt bên ngoài Ðại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội sáng Chủ nhật, và công viên mà người biểu tình đã tụ tập hồi tuần trước cũng bị phong tỏa.

Một số người biểu tình đến nơi liền bị công an bao vây và giải tán, và không để cho họ nói chuyện với các phóng viên báo chí.  Ông Lê Thiện Nhân, một người thường tham gia biểu tình chống Trung Quốc, nằm trong số những người biểu tình này.

Ông Nhân nói với đài VOA: “Mọi người không tham gia cuộc biểu tình hôm nay được vì rất nhiều lực lượng an ninh, công an …quây những người muốn tham gia biểu tình từ tại nhà. Họ bố trí một lực lượng rất đông. Có những trường hợp họ bố trí bảy, tám người, để chống giữ, không cho những người biểu tình xuống đường.”

Biểu tình chống Trung Quốc tại TPHCM, ngày 18/5/2014.

Biểu tình chống Trung Quốc tại TPHCM, ngày 18/5/2014.

​Nhiều người biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh bị công an bắt giữ.Tại Hà Nội, một người biểu tình, 22 tuổi, bị công an mặc thường phục xô đi trong lúc đang nói chuyện với phóng viên đài VOA. Họ chỉ ngưng lại khi đã thực sự kéo thanh niên biểu tình này và các bạn của anh ra xa.

Một nữ công an nói rằng tụ tập tại khu vực này là ‘bất hợp pháp’.

Đây là một sự quay ngược đầy kịch tính của chính phủ, trong khi chỉ mới tuần trước họ cho phép những cuộc biểu tình quy mô lớn trên cả nước. Tuy nhiên, trong tuần qua, các vụ bạo loạn có liên quan đến biểu tình đã nổ ra tại các khu công nghiệp ở miền nam và miền trung, dẫn đến việc 2 công nhân Trung Quốc thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương.

Một số nhà quan sát bình luận rằng những nguyên nhân rốt cuộc dẫn đến bạo loạn là do điều điện làm việc kém ở các công xưởng nhiều hơn là tinh thần bài Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy, các giới chức tìm cách trấn an các nhà đầu tư. Các giới chức nói rằng tình hình hiện đang được kiểm soát và những công ty bị ảnh hưởng sẽ được đền bù.

Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, nói với các phóng viên báo chí rằng hàng trăm người đã bị bắt giữ.

Trung tướng Hoàng nói: “Như tôi đã thông báo ngay ban đầu là hoàn toàn chủ động và rất tích cực. Cho nên các lực lượng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an đã khẩn trương triển khai và thực hiện vác biện pháp kiên quyết, quyết liệt, vi vậy mà đã hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tác hại xảy ra.  Phải nói là chúng tôi hết sức chủ động, chứ không phải là bị động, không phải là chậm chạp.”

Nhân viên an ninh Việt Nam canh gác bên ngoài khu vực của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 18/5/2014.

Nhân viên an ninh Việt Nam canh gác bên ngoài khu vực của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 18/5/2014.
Vụ tranh chấp ở giàn khoan dầu không có dấu hiệu hạ giảm. Việt Nam cho biết Trung Quốc đã tăng số tàu trong khu vực này lên đến 130 chiếc, trong đó có 4 tàu hải quân.

Tân Hoa Xã đưa tin rằng Bắc Kinh đã di tản hơn 3.000 công dân Trung Quốc ra khỏi Việt Nam sau các vụ bạo loạn.

Cũng trong ngày thứ Bảy, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gởi một loạt tin nhắn trên điện thoại di động đến những người thuê bao các mạng điện thoại di động của nhà nước, kêu gọi người dân thể thiện lòng yêu nước, nhưng không tham gia vào những cuộc biểu tình ‘bất hợp pháp’. Tin nhắn đầu tiên loại này được gởi đi hôm thứ Năm.

Chính xác những gì cấu thành một cuộc biểu tình ‘bất hợp pháp’ hiện không được rõ. Tuy nhiên thông điệp phát đi từ hành động của công an hôm Chủ nhật cho thấy rằng chính phủ sẽ không cho phép có thêm các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nữa trong những ngày sắp tới.

Tình Lỡ – Dậu Nguyễn

Tình Lỡ – Dậu Nguyễn

httpv://www.youtube.com/watch?v=CsQG2zjdjgc&list=UUBoUB-hqnQqJw-dGnS_a09g

Thương nhớ với “Tình Lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình. Ca sĩ: Hạ Vy. Hình ảnh: Internet. Nhạc cảnh: Dậu Nguyễn.

Việt Nam : Chính quyền cấm biểu tình phản đối Trung Quốc

Việt Nam : Chính quyền cấm biểu tình phản đối Trung Quốc

Tuần hành phản đối Trung Quốc trong vòng vây của công an, Sài Gòn, 18/05/2014.

Tuần hành phản đối Trung Quốc trong vòng vây của công an, Sài Gòn, 18/05/2014.

REUTERS/Peter Ng

Trọng Thành

Sáng nay, Chủ nhật 18/05/2014, tại Việt Nam, theo lời kêu gọi của các hội nhóm xã hội dân sự, nhiều người đã tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hôm nay đều bị chính quyền ngăn chặn.

Lệnh cấm « tuần hành », « biểu tình trái pháp luật » được ban bố trong bối cảnh đầu tuần này, một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng phát tại các khu công nghiệp, kèm theo làn sóng bạo động chưa từng có, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài. Ít nhất một người chết trong các bạo động.

Hôm nay, tại Hà Nội, phần lớn những người thường tích cực tham gia biểu tình đã bị các nhân viên chính quyền ngăn cản ngay tại nhà. Gần khu vực đại sứ quán Trung Quốc, chỉ có vài nhóm tập hợp, mỗi nhóm khoảng hai ba chục người, nhưng phải giải tán ngay sau đó. Blogger Lã Việt Dũng, có mặt vào khoảng 9 giờ sáng nay, tại khu vực đại sứ quán Trung Quốc cho biết không khí tại chỗ:

Blogger Lã Việt Dũng (Hà Nội)

 

18/05/2014

 

Nghe (01:08)

 

 

 

« … Cuộc biểu tình lần này bị bao trùm bởi không khí bạo lực ở Bình Dương và Hà Tĩnh, nên mọi người cũng hoang mang, nhưng chúng tôi nghĩ rằng việc biểu tình yêu nước là quyền của người dân…

Có khoảng 10 anh em bị bắt, đặc biệt là một số bạn mặc áo ”Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”…. Cuộc biểu tình hôm nay, tôi đánh giá là không nổ ra được, vì chính quyền chặn rất là quyết liệt.

Việc chính quyền họ đề phòng cuộc bạo động cũng là điều đúng thôi. Bất cứ một chính quyền nào khác cũng phải làm. Nhưng tôi nghĩ họ cần có một phương án tốt hơn là chặn quyền biểu tình của dân thế này. Qua đây ta thấy rằng, khi những người quyết tâm, thì dù có tin nhắn, bảo rằng đó là tin nhắn của Thủ tướng yêu cầu không biểu tình trái phép, thì người dân họ vẫn ra, họ thể hiện lòng yêu nước. Thì cũng phải thấy rằng sự căm thù của nhân dân Việt Nam với việc Trung Quốc xâm lấn rất là lớn… Chính quyền nên để cho người dân thể hiện nguyện vọng, và sau đó có biện pháp nghiêm trị những kẻ quá khích ».

Còn tại Sài Gòn, số người tập hợp để chuẩn bị biểu tình có thể lên đến vài trăm người, nhưng không lâu sau cũng bị giải tán. Công an dầy đặc tại khu vực Nhà hát lớn, Công viên 30-4, Nhà văn hóa Thanh niên, thường là những địa điểm xuất phát của các cuộc tuần hành, và một số ngã tư xung quanh. Blogger Nguyễn Thiện Nhân cho biết :

Blogger Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh)

 

18/05/2014

 

Nghe (01:58)

 

 

 

«… Bây giờ dân vẫn chưa có niềm tin nào cho thấy có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhứt là trong dài hạn. Cho nên lòng dân không yên. Họ cứ muốn đi biểu tình để biểu thị tinh thần của mình là Nhà nước phải có biện pháp đủ mạnh và lâu dài, chứ không thể hòa hoãn với Trung Quốc được. Vì hòa hoãn bữa nay, thì ngày mai Trung Quốc lấn tới… Nếu ngăn cản được hôm nay, chứ liệu ngay mai có được hay không. Người dân ấm ức khắp nơi, họ rất là bực tức rồi. Cứ ngăn cản hoài thì rất là nguy hiểm cho đất nước ».

Ngày 02/05/2014, có tin chính thức Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí đặt tại vùng thềm lục địa và khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Chủ nhật tuần trước 11/05, các cuộc tuần hành lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. Lần này, chính quyền Việt Nam đã ra chỉ thị ngăn chặn biểu tình. Hà Nội là địa phương đầu tiên ra công văn cấm tuấn hành phản đối Trung Quốc.

 

Bắt bớ khắp nơi công an trấn áp mọi cuộc biểu tình

Bắt bớ khắp nơi công an trấn áp mọi cuộc biểu tình

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-05-18

 

RFA

Đường phố bị chặn khắp nơi, nhiều người bị bắt khi mới ra khỏi nhà ngày 18 tháng 5, 2014

Đường phố bị chặn khắp nơi, nhiều người bị bắt khi mới ra khỏi nhà ngày 18 tháng 5, 2014

Courtesy dongchuacuuthe

Nghe bài này

Sáng hôm nay Chúa Nhật 18 tháng 5, theo lời kêu gọi của 20 tổ chức dân sự dự kiến sẽ có nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, tuy nhiên mọi sự hoàn toàn khác với cuộc biểu tình tuần trước, 11 tháng 5 khi nhà nước cho phép đoàn viên thanh niên tham gia biểu tình chung với dân chúng.

Thay vì khuyến khích biều tình trong tầm kiểm soát, tại Hà Nội đã có bắt bớ và mọi người bị phân tán, chia chắn ra từng nhóm nhỏ. Vào lúc 9 giờ sáng một blogger cho biết một người tên Trung đã bị bắt:

Có một xe 7 chỗ biển xanh em chụp được biển xe khi Trung không lên xe thì họ tràn xuống, họ mặc thường phục bắt đầu đánh và kéo đẩy Trung lên xe và đưa về phường Điện Biên Phủ.

Nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh cho biết công an dày dặc và không ai có thể tập trung được:

Hôm nay họ như ruồi, dày đặc. Chúng tôi ra bờ hồ, Đại sứ quán thấy công an dày đặc nên mấy anh em ngồi uống cà phê xong rồi tính.

Blogger vừa rồi cho biết hiện tình theo quan sát của anh:

Chung quanh Đại sứ quán thì lực lượng an ninh và công an vây quanh rất đông ít nhất con số phải đến vài nghìn người.  Ở trong Hoàng Thành có ít nhất một tới hai trung đoàn đang ém quân trong ấy. Có xe cơ động các thứ đang được điều đến rất đông.

Tại Tp Hồ Chí Minh một thanh niên khi được hỏi cuộc biểu tình có diễn ra hay không câu trả lời của anh khiến chúng tôi không biết anh có mai mỉa hay không:

Tình hình ổn lắm anh ơi, tình hình ngon lắm. Thủ tướng chính phủ thông báo rồi mọi người dân đều chấp hành hết tốt lắm anh. Người dân Sài Gòn bây giờ tẩy chay biểu tình rồi. Chung quanh đây không có ai ra biểu tình hết anh ơi, im ắng lắm.

Lúc 12 giờ trưa ngày Chúa Nhật 18 tháng 5 ông Huỳnh Kim Báu, một trong số 54 người ký tên yêu cầu được biểu tình tuần trước ngày hôm nay ông và nhóm 54 người đều bị an ninh cô lập tại nhà, ông Báu kể:

Hôm nay tụi tôi được bảo vệ một cách chặt chẽ cứ mỗi người thì có ba người kèm. Họ công bố thẳng là không được ra khỏi nhà, ra là bị giữ lại thôi và tình hình tới giờ này thì bên ngoài cũng vậy, cũng im ắng không thấy có hiện tượng gì. Hôm nay nhà nước làm chủ tình hình bằng bạo lực.

Trong vài ngày qua đều các lãnh đạo cao cấp đểu phát ngôn ủng hộ biểu tình như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Giám đốc công an Hà Nội hay chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đều có chung ý kiến “biều tình là thể hiện tình yêu nước” Thủ tướng cũng gửi hàng ngàn tin nhắn tới cho những người thường xuyên biểu tình trước đây yêu cầu phải biểu tình trong ôn hoà và tránh bạo động để thế lực thù địch lợi dụng.

 

CHỈ CÓ NGÀI

CHỈ CÓ NGÀI

Ôi Giêsu ! Lòng từ bi nhân ái

Tội tình gì Ngài đã phải hy sinh

Trên đồi cao năm xưa chịu khổ hình

Chết đớn đau treo mình trên thập giá

Xin dạy con lòng sắt son vàng đá

Biết hy sinh như Chúa đã hy sinh

Biết từ tâm sống bác ái, công bình

Biết yêu người như chính mình con vậy

Ôi Giêsu Ngài là nguồn trông cậy

Lúc đớn đau con chạy đến van xin

Lúc gian nguy con xin Chúa giữ gìn

Lúc u buồn xin ủi an che chở

Chỉ có Ngài là nguồn vui muôn thuở

Về bên Ngài lòng rạng rỡ hân hoan

Tạ ơn Ngài đã ban phước tràn lan

​C​ho ​đời con nguồn ủi an, hy vọng

Lệ Thu

Anh chị Thụ Mai gởi

Mười ngày hành hương đất Thánh

Mười ngày hành hương đất Thánh

bước theo dấu chân Chúa trên dương thế.

Phái đoàn khoảng 50 người  do Thầy Phó tế Nguyễn Kim Khánh hướng dẫn có hai Cha  là Đức Ông Lê Xuân Thượng và Linh mục Nguyễn Đức Vượng làm Tuyên úy của đoàn.

Người lớn nhất của đoàn 78 tuổi và nhỏ nhất của đoàn hành hương 39 tuổi. Trong 10 ngày hành hương chúng tôi đi rất nhiều nơi bước theo chân Chúa Kitô đã đi qua. Hiện nay chúng tôi đi bằng xe hơi trong khi trước đây hai ngàn năm Chúa chỉ đi bộ mà thôi.

Ngày đầu tiên chúng tôi viếng làng Nazareth nơi Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria sinh sống. Chúng tôi chỉ nhìn được ngôi nhà của Thánh cả Giuse từ bên ngoài hàng rào và nhìn từ bên trên nhìn xuống dưới hầm. Chúng tôi đến nơi có tiệc cưới Ca na nơi hóa nước thành rượu, nhìn thấy được bình rượu bằng đá nơi có dấu tích phép lạ Chúa đã làm.

Ngày thứ hai đến viếng núi Tabor nơi Chúa Giê su gặp gỡ tiên tri Elia và Môsé, nơi các môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacobê xin Chúa dựng lều ở lại luôn trên đó vì thấy ánh sáng rực rỡ nơi Chúa và các tiên tri và hạnh phúc bình an tuyệt vời ở trên núi này. Chúng tôi được đi thuyền trên biển hồ Galilêa nơi mà các môn đệ đã từng làm nghề đánh cá để sinh sống. Chúng tôi được dự lễ tại Thánh đường trên đồi Tám Mối Phúc Thật nơi mà Chúa Giê Su đã công bố “Hiến Chương Nước Trời” nền tảng chính của Kitô giáo .

Ngày thứ ba chúng tôi đến viếng thành Jêricô, xem cây Sung cháu mấy đời? nơi mà ông Giakêu trèo lên để nhìn thấy Chúa vì ông vốn lùn. Từ đó ông được Chúa đến nhà dùng bửa và chính ông là người thu thuế là loại người mà dân chúng không ưa. Ông đã sám hối ăn năn, ông hứa sẽ đền bù gấp đôi số tiền ông đã lấy từ dân chúng và dâng cúng đa phần số tiền ông đã lấy từ dân nhờ nghề thu thuế của ông. Và Chúa Giêsu đã nói: “Hôm nay gia đình này đã được cứu độ.” Chúng tôi viếng thăm sông Jordan nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chúng tôi lên núi cám dỗ nơi Chúa Giêsu nhịn đói 40 ngày đêm bị quỉ dữ cám dỗ nhưng Chúa không rơi vào bẫy của chúng. Chúng tôi nghỉ đêm và xuống tắm ở biển chết, người sẽ tự động nổi lên không cần bơi vì nước biển quá mặn.

Ngày thứ tư đến viếng núi Masada, hang Qumran, làng Bethany và thăm mộ thánh Lazarô.

Ngày thứ năm thăm núi cây dầu, có cây sống đã hơn ba ngàn năm ở nơi đây, nơi Chúa cầu nguyện. Thăm nguyện đường Chúa lên Trời nơi đây Chúa đã lên Trời sau khi Chúa phục sinh và tiếp tục giảng dạy các tông đồ. Thăm Thánh đường Kinh lạy cha, nơi đây có bản văn Kinh Lạy Cha bằng tiếng việt.

 

 

Cây Olive trong vườn cây dầu

Chúng tôi được viếng thăm “Bức tường than khóc” kỹ niệm nơi mà dân Do Thái bị La mã đánh bại, tàn phá thành này vào năm 60 và dân Do Thái mất nước phải đi lang thang khắp nơi trên thế giới mãi đến năm 1948 mới lập quốc được. Nơi đây lúc nào cũng có người Do Thái tay cầm cuốn kinh?  đến đây gục đầu vào bức tường đọc kinh và than khóc.

Chúng tôi được đi lại 14 chặng đường thương khó mà Chúa đã đi qua nhưng bây giờ hai bên đường người ta buôn bán rất sầm uất. Con đường dốc mà Chúa đã vác thánh giá đi lên đồi Golgotha ngày xưa chắc là vừa dốc vừa gập ghềnh mà Chúa còn vác thánh giá nặng nề nữa. Chúng tôi đi thật sớm khoảng 5 giờ sáng nên dân chúng chưa có buôn bán vừa mát mẻ vừa rộng rãi để đoàn chúng tôi vừa đọc kinh vừa suy niệm con đường vác thánh giá chịu đau khổ của Chúa đã trải qua để chuộc tội và cứu rỗi chúng ta.

Chúng tôi viếng đồi Golgotha nơi Chúa bị đóng đinh xem vết tích lỗ cột trong đá còn lưu lại.

Chúng tôi được viếng mộ Chúa đi ngang qua một tảng đá lớn bằng phẳng dài khoảng hai thước ngang 4 tấc, Chúa đã được tắm rửa sạch sẽ ướp dầu thơm trước khi táng xác Chúa. Chúng tôi sắp hàng gần hai giờ mới vào được mộ Chúa, đi từng hai người một xuống nhà mồ, hôn lên mộ Chúa, nên mất rất nhiều thời giờ do đó phải chờ đợi rất lâu.

Chúng tôi cũng được qua thăm thành phố Istanbul của nước Thổ Nhĩ Kỳ, viếng nhà thờ

chánh toà Anthony of Padua và viện bảo tàng Hagia Sophia.

Lược ghi của Phùng Văn Phụng

Mời thưởng thức và suy niệm:

Nhạc Phẩm: Con Đường Chúa Đã Đi Qua – Lm. Nhạc Sĩ Văn Chi – Ca Sĩ Như Ý trình bày

httpv://www.youtube.com/watch?v=N23FhExVgqA

Đầu Tư & Kinh Doanh Tình Cảm

Đầu Tư & Kinh Doanh Tình Cảm

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Đi nghe Hương Lan và Tuấn Vũ hát thử một đêm, giữa lòng Hà Nội, cũng tựa như được đi ăn  một bữa phở chui vào thời bao cấp. Dù “nhạc sến” không “chất lượng” gì cho lắm chăng nữa, nó vẫn có thể khiến cho thiên hạ bùi ngùi, xuýt xoa hay hít hà chỉ vì họ đã (lỡ) phải ăn quá nhiều những tô phở quốc doanh – không người lái – thế thôi!

Giữa những đêm khuya nơi xứ lạ – đôi lúc – tôi vẫn nghe có tiếng kêu thất thanh, hay hốt hoảng vọng đến từ đất nước của mình. Lần này, may quá, chỉ là tiếng la làng (hơi) đùa cợt của một nhà văn, ông Nguyễn Quang Lập:

Không ổn rồi anh Tư ơi!

… mình quá ngạc nhiên khi Chép sử Việt “bật mí”: Thông báo số 319-TB/TW ngày 1/4/2010 Kết luận của Ban Bí thư do đồng chí Trương Tấn Sang ký về việc tổ chức “Ngày âm nhạc Việt Nam”. Trong Thông báo có đoạn:

…Đồng ý lấy ngày 03 tháng 9 hàng năm, ngày Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” tại công viên Bách Thảo, Hà Nội (1960) là Ngày âm nhạc Việt Nam …

Thế này không ổn đâu anh Tư ơi!

Tại sao lấy ngày Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài hát của Tàu làm “Ngày âm nhạc Việt Nam”? Chúng ta có thể mượn nhạc Tàu làm bài hát của ta.  Có thể lấy ngày Bác chỉ huy dân chúng hát bài Kết đoàn làm ngày Toàn quốc đoàn kết  chứ không thể lấy ngày phổ biến nhạc Tàu làm “Ngày âm nhạc Việt Nam”, nó vừa sai vừa lố anh Tư à.

Anh Tư ơi nghĩ lại đi!

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Ảnh: PL TPHCM Online

Nhìn vần trán ngắn của bác Sang, dù không phải là thầy tướng, tôi cũng đoán được ông không phải là người (vốn) hay suy nghĩ. Nghĩ đi đã không mấy khi, còn mong chi đến chuyện “anh Tư nghĩ lại.” Thôi thì cứ lấy đại cái ngày mà Đảng và Nhà Nước ra nghị định, nghị quyết hay sắc lệnh (gì đó) cho giăng loa khắp miền Bắc – hồi giữa thế kỷ trước – làm ngày “Âm Nhạc Việt Nam” cho nó xong đi.

Nhạc của ta (chủ yếu) phát từ loa ra, chớ còn chỗ nào khác nữa? Nghe lại thử xem: Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Mà sắt với gan còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động. Ta đập tan hoang... Coi: sắt thép, hung hăng, hùng hục, hùng hổ…  tới cỡ đó thì có cái gì thích hợp hơn – ngoài hệ thống loa phường?

Ở một mức độ khác, dù nghe ít sắt máu và nhẹ nhàng hơn (chút xíu) âm nhạc cách mạng cũng chỉ chuyên chở một thứ tình cảm rất không bình thường và có lẽ cũng chỉ thích hợp với hệ thống loa phường thôi – theo như ghi nhận của nhạc sĩ Lê Dinh:

Chỉ một mình nhạc sĩ Thuận Yến thôi mà cũng có đến 26 bài ca ngợi bác Hồ. Ngoài ra còn có những Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Vân An, Trần Hoàn, Lưu Cầu,Trọng Loan, Phong Nhã, Huy Thục, Lê Lôi, Chu Minh v.v… Nội cái áo của bác và đôi dép của bác thôi mà cũng có đến 5 bài hát nói về áo và dép này.

Đó là chưa kể đến râu tóc, vớ giầy, chăn chiếu, hay thắt lưng …  của Bác. Những vật dụng cá nhân này mà xồng xộc mang vào phòng riêng của dân chúng coi sao cho tiện, mấy cha? Thôi cứ để ngoài phường đi, cho nó đỡ kỳ.

Những chiếc loa bị hỏng và dây điện bị người dân “liều mình” cắt đứt.

Ảnh và chú thich của báoAn Ninh Thủ Đô.

Sức chịu đựng của con người, cũng như của hệ thống loa phường – tất nhiên – đều có hạn. Bởi vậy, gần đây có hiện tượng dân Hà Nội “liều mình”cắt dây điện nối loa và (cùng lúc) họ đâm ra say mê nhạc … sến – theo như lời phàn nàn của giáo sư âm nhạc Đặng Hữu Phúc:

“Hồi cuối tháng 8 vừa qua, show diễn hát theo yêu cầu của họ ở Nhà Hát Lớn giá 1 triệu rưỡi đến 1 triệu 7 cho 1 vé. Biểu diễn hàng nửa tháng trời mà vẫn kín chỗ, không có vé mà mua. Mà hình như họ ăn khách Thủ đô đến ngỡ ngàng, vượt cả sự tưởng tượng của chính họ, nên họ lại đã quảng cáo biểu diễn tiếp tại Nhà hát lớn sau Đại lễ 1000 năm. Như vậy, ‘sự kiện âm nhạc’ nổi bật trong thời gian trước thềm Đại lễ lại là những đêm nhạc ‘Sến’ của Hương Lan, Tuấn Vũ (!!!) …Vậy văn hóa Hà nội đang xuống cấp so với chính ta?” (“Khi Đặng Thái Sơn không thể ‘địch’ lại Hương Lan, Tuấn Vũ” – Tuần Việt Nam 04/10/2010).

Tôi không hiểu sao ông Đặng Hữu Phúc lại lôi Đặng Thái Sơn vào một trận chiến “giả” với Hương Lan và Tuấn Vũ như vậy. Ba nhân vật này không có chuyện gì để phải đối “địch” với nhau hết trơn hết trọi. Họ cũng chả liên quan chi đến việc dân Hà Nội ùn ùn kéo nhau đi nghe nhạc sến. Đây, chả qua, chỉ là tình cảm tự nhiên (hay nói theo ngôn ngữ “đương đại” là “tự phát”) của con người thôi.

Không lẽ suốt ngày cứ bâng khuâng “nhớ đôi dép đơn sơ đôi dép bác Hồ,” suốt đêm cứ chợp mắt lại mơ thấy “râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ,” và suốt đời lúc nào cũng chỉ có mỗi một ước mong duy nhất là được dịp “dâng lên cho Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời” sao?

Hát hò kiểu đó hoài, ớn chết mẹ luôn, ai mà chịu nổi? Lâu lâu cũng phải cho con người ta có vài Giọt Lệ Đài Trang, mấy cánhHoa Sứ Nhà Nàng, hay một cái Lâu Đài Tình Ái … cho nó đỡ ớn (chè đậu) chớ – đúng không?

Đi nghe Hương Lan và Tuấn Vũ hát thử một đêm, giữa lòng Hà Nội, cũng tựa như được đi ăn  một bữa phở chui vào thời bao cấp. Dù “nhạc sến” không “chất lượng” gì cho lắm chăng nữa, nó vẫn có thể khiến cho thiên hạ bùi ngùi, xuýt xoa hay hít hà chỉ vì họ đã (lỡ) phải ăn quá nhiều những tô phở quốc doanh – không người lái – thế thôi!

Đó là cảm nhận chung của một số người dân Việt. Đối với số khác (không nhỏ) thì nhạc sến hay nhạc vàng còn là những chuẩn điểm thời gian của những tháng ngày xa xưa cũ. Lúc mà họ còn trẻ trung, còn một cuộc sống (tương đối) an lành, và đời còn có những chiều Thu Vàng khi hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương, những Đêm Thu vườn khuya trăng chiếu hoa đứng yên như mắt buồn, hay những trưa Hạ Trắng chân em bước nhẹ trời buồn gió cao…

Và có lẽ vì thế nên Khánh Ly vẫn có thể “ru hồn” thính giả Việt Nam – theo như tin loan của báo Dân Trí, số ra vào ngày hôm 10 tháng 5 năm 2014:”Sau 60 năm chờ đợi, cuối cùng ngày về của Khánh Ly đã tới. Trong không gian âm nhạc sâu lắng và những ca khúc nhạc Trịnh, Khánh Ly đã có cơ hội dãi bày tiếng lòng của mình.”

Nhìn lại mới thấy cả Khánh Ly lẫn Trịnh Công Sơn không chỉ có tài mà còn có… thời nữa kìa. Họ không những đã hay mà còn… hên (dữ) lắm! Cuối thập niên sáu mươi, đúng lúc họ vừa xuất hiện thì mấy cái máy Akai cồng kềnh cũng theo chân nguời Mỹ tràn vào nước Việt. Chính cuộn băng to đùng này đã mang họ đến với thính giả khắp mọi nơi, ở miền Nam.

Qua cuối thập niên bẩy mươi, khi dân chúng và cán bộ miền Bắc ào ạt vào Nam thì những cái cassette xinh sắn lại lặng lẽ mang sáng tác của Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly đi theo chiều ngược – từ Nam ra Bắc. Không bao lâu, họ đã chinh phục được luôn không ít thính giả của nửa phần quê hương còn lại.

Từ đây, trai gái bên kia vỹ tuyến bắt đầu chào hỏi hay trò chuyện với nhau theo cách khác: Nơi em về trời xanh không em? Thay vì: Đang công tác ở đâu thế? Đã phấn đấu vào Đoàn chưa?

Bởi vậy,vẫn theo báo Dân Trí:

“Sân khấu chứa hơn 4000 người của Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối qua chật kín người. Không chỉ người hâm mộ ở Hà Nội mà ở rất nhiều tỉnh thành của cả nước, họ đã vượt hàng trăm km đến đây để được gặp lại thần tượng và được phiêu bồng cùng những tình khúc của Trịnh. Với nhiều người, Khánh Ly không chỉ một nghệ sỹ mà còn gắn với họ như một phần kí ức của đời mình.”

Phạm Duy cũng thế. Những sáng tác của ông cũng là “một phần ký ức” của biết bao người. Và đó cũng là lý do tại sao nhạc của ông đã được hân hoan đón nhận tại quê nhà, nơi ông đã cương quyết bỏ đi và (rồi) nhất định phải quay về, bất chấp bao nhiêu điều tiếng.

Ca sĩ Khánh Ly. Ảnh: Dân Trí

Những “điều tiếng” quanh ngày về của Phạm duy, cũng như của Khánh Ly, khiến tôi chợt nhớ đến nhà văn Gabriel Marquez – người được tặng giải văn chương Nobel năm 1982 – vừa mới qua đời vào ngày 17 tháng 4 năm 2014 vừa qua.

Cuộc đời của nhân vật này, theo ký giả Hồng Nguyên Hoàng:

…nếu tóm gọn, có lẽ nổi bật hai thứ: tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn và người bạn… Fidel Castro. Tác phẩm ấy đã đem đến cho ông sự kính trọng của mọi người trên thế giới về văn tài. Ngược lại, tình bạn ấy đã khiến nhiều người trên thế giới… khinh bỉ ông. Thậm chí, một người từng là bạn của ông, cũng từng được giải thưởng Nobel về văn chương, là Mario Vargas Llosa người Peru, đã gọi ông là một “con điếm cao cấp” của Fidel Castro. Nhà độc tài Cuba thì gọi ông là “bạn tri kỷ” và nói rằng luôn được đọc bản thảo trước khi những tác phẩm của ông xuất bản…

Cả Phạm Duy lẫn Trịnh Công Sơn đều không được “cao cấp” như Gabriel Marquez (và họ cũng không được cấp lãnh đạo nào của nhà nước Việt Nam coi là “tri kỷ” cả) nói gì đến cỡ Khánh Ly.

NIỀM TIN VÀO ĐỜI SAU

Chúa Giêsu đã hứa rằng: “Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy.”  Đây là một lời hứa thật đẹp.  Đẹp vì nó mở ra cho chúng ta một khung trời hy vọng vì ngày mai tốt đẹp hơn.  Đẹp vì cuộc sống của chúng ta không đi vào ngõ cụt.  Cuộc sống của chúng ta từ nay đã có một lối đi về.  Cuộc sống của chúng ta không dừng lại ở cái chết là hết một kiếp người.  Cuộc sống vẫn tiếp diễn.  Cuộc sống được nối dài vĩnh viễn trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là Cha, là cội nguồn sự sống.

Người ta kể rằng: Có một gia đình kia.  Chồng là người ngoại đạo.  Ông không tin vào Chúa.  Ông còn luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa.  Ngược lại, bà vợ thì rất sùng đạo, luôn dạy con giữ đạo sốt sắng.  Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện.  Dù sống giữa hai niềm tin trái ngược nhau, nhưng đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với cha mẹ.  Cho tới một hôm, em lâm bệnh hiểm nghèo.  Em biết rằng mình chẳng còn sống được bao lâu ở dương gian.  Em đã mạnh dạn hỏi bố rằng: “Bố ơi, trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian nữa!  Con xin bố hãy dạy cho con biết, con phải tin theo ai?  Theo bố hay theo mẹ?  Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng để tiếp tục sự sống, chẳng có Chúa hay có Mẹ để yêu thương và bảo vệ cho con được hạnh phúc đời đời?  Còn tin theo mẹ, thì có Thiên Chúa là cha nhân lành sẽ ban thưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu và có Mẹ Maria luôn bầu cử chở che.”

Ông bố nghe mà tái tê lòng.  Ông ôm con vào lòng và nói: “Con hãy tin theo mẹ”.  Đứa bé lại nói tiếp: “Nhưng nếu bố không tin theo mẹ, thì làm sao con có thể chờ đợi bố ở trên thiên đàng được?”  Trước lời nói đơn sơ và chân thành của em bé, ông bố đã không kiềm nổi những giọt nước mắt ứ tràn nơi khoé mắt, và để mặc cho nó tuôn tràn trên gò má già nua của ông.  Kể từ ngày đó, ông đã đổi đời, ông chọn Chúa là lẽ sống và là cùng đích của đời mình.

Vâng câu nói: “Con hãy tin theo Mẹ” của người cha là câu nói hay nhất trong cuộc đời của ông.  Câu này đã giúp cho con ông cảm thấy thanh thản khi bước vào đời sau.  Câu này cũng giúp ông thay đổi đời sống mà từ trước tới nay ông đã cố tình không sống theo.  Ông biết rằng phải có đời sau.  Ông biết rằng là người thì hơn muôn loài muôn vật, vì con người có sự sống thần linh, con người có hồn thiêng bất tử.  Thế nhưng, vì lười biếng và cố chấp ông đã không dám nhìn nhận sự thật từ trong sâu thẳm lòng mình là tin có Trời, có thần thánh, có hồn thiêng và cả đời sau.  Ông lừa đối chính mình và lừa dối tha nhân.  Hôm nay, ông đã phải nuốt những giọt nước mắt mặn đắng để nói lên sự thật của lòng mình trước mặt đứa con yêu dấu, sắp sửa từ giã ông tiến vào đời sau.

Thực vậy, là người ai cũng tin có đời sau.  Là người ai cũng tin có quả phúc.  Có thưởng có phạt đời sau.  Từ trong sâu thẳm tâm hồn luôn có tiếng nói của Thượng Đế nhắc nhở con người phải sống ngay lành, sống thánh thiện như tình trạng ban đầu là “nhân chi sơ tính bản thiện.”  Sống đúng theo lề luật tối thượng của Thượng Đế, con người mới được bình an và hạnh phúc.  Người khôn ngoan phải biết sống thuận theo ý trời mới được trời chúc phúc cho cuộc sống an khang hạnh phúc.  Đạo lý đó đã được cha ông ta gom lại thành đạo lý tam tài: “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.”

Chúa Giêsu trong tư cách là một con người.  Ngài đã luôn tìm kiếm ý Cha trên trời để thực thi.  Cuộc sống của Ngài luôn mang hai chiều kích: hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân.  Ngài phục vụ tha nhân để tôn vinh Thiên Chúa.  Ngài phụng sự Thiên Chúa qua việc phục vụ nhân loại theo thánh ý Chúa Cha.  Có thể nói, Ngài đã sống cả cuộc đời vì yêu thương nhân loại và tôn vinh Chúa Cha.  Vì Chúa Cha mà Ngài đã nhập thể làm người.  Vì Chúa Cha mà Ngài đã hy sinh chịu chết cho con người được sống dồi dào.

Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi.  Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng.  Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình.  Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve.  Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như thầy Chí Thánh Giêsu.  Và như thế, đó chính là con đường duy nhất để chúng ta tiến vào nhà Cha, nơi đó, Chúa đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.  Xin Người nâng đỡ những yếu đuối của chúng ta.  Xin Người chỉ đường dẫn lối để chúng ta luôn tiến bước về nhà Cha trong an bình và thanh thoát với những bận rộn của cuộc sống bon chen hôm nay Amen!

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Từ  Anh chị Thụ Mai gởi

 

AI LÀ NGƯỜI YÊU CHÚA HƠN (phần 2) ?

AI LÀ NGƯỜI YÊU CHÚA HƠN (phần 2) ?

Phan Sinh Trần

Trong những ngày tháng u tối của nước Trung Hoa , khi mà cách mạng văn hóa còn đang ảnh hưởng , trong cả nước , không tìm ra 1 quyển Kinh Thánh vì tất cả sách báo cũ đã bị thiêu đốt công khai theo lệnh của Đảng Cộng Sản, các nhà truyền đạo đều bị bách hại rũ tù. Người ta còn nhớ vào năm 1970, khi một đoàn đại biểu Ki tô giáo đến thăm Trung Hoa, quay về lại Mỹ, họ đã báo cáo rằng , “ Không còn lại dù chỉ một người có Đạo ở Trung Hoa”.

  • Có thực là cuộc cứu độ của Chúa Giê Su đã hoàn toàn thất bại ở Trung Cộng không ?
  • Chúa có quên dân Trung Hoa và bị Bà Giang Thanh của Cách Mạng văn hóa xóa tên của Chúa trên toàn nước Trung Hoa không ?

Ông Lưu Chấn Dinh kể, trong một làng quê hẻo lánh đói nghèo , rách rưới cùng cực , lúc đó là vào năm 1972, Dinh ở tuổi 16, Cha ông bị bệnh ung thư và đang hấp hối, Mẹ con ông Dinh đang quýnh quáng kêu gào một thần linh nào đó có thể đến để cứu Bố của Dinh trong giờ khắc cuối , ông Bố đã bị Bệnh Viện trả về vì  hết cách chữa. Hàng xóm đều biết Bố của Dinh sẽ chết nay mai nhưng họ không thể cứu giúp gì. Cả gia đình còn đang khóc, chợt có tiếng nói trong tâm linh của Bà Mẹ , “ hãy kêu cầu danh Jesus” thế là Bà nói ra và cả nhà tiếp tục kêu gào “Lạy Giê Su , xin Ngài cứu bố con” . Mấy đứa con vốn không biết Đức Giê Su là ai , nhưng mà họ cứ danh ấy kêu gào hàng giờ đồng hồ bên cạnh người Cha đang cạn thở dần . Và… Chúa không bao giờ quên những người dân khốn khổ này,  Ngài ra tay cứu người Bố , bệnh thuyên giảm ngay lúc đó , ông đã có thể thở được trỏ lại và mấy ngày sau thì khỏi hẳn. Tuần lễ sau, cả nhà mời hàng xóm lại , trong đêm khuya, họ đóng cửa vì sợ công an thôn rình rập và bắt bớ. Cả nhà làm chứng về Chúa bằng cách kể lại sự việc và làm cho hàng xóm cùng tin vào Chúa Giê Su và dâng đời mình theo Chúa. Tới đây thì cả chủ nhà và hàng xóm gặp một bế tắc , Ngoại trừ Bà Mẹ võ vẽ nhớ lại vài câu Kinh Thánh , còn chả ai biết Chúa Giê Su là người như thế nào ,  tính cách Ngài ra sao ? Chúa Giê Su dậy bảo những gì ?  Làm sao mà theo Ngài đây? Bà Mẹ nói , Chúa dậy hết về Ngài và về vạn vật trong Kinh Thánh, “Chúa và Lời của Chúa ở trong đó”, nhưng mà làm sao có Kinh Thánh bây giờ ?

Túng kế , Anh Dinh , chạy qua làng bên cạnh , hỏi một cụ già , cụ vốn là một nhà truyền đạo , bị cầm tù 30 năm vì bị nhà Nước kết cho tội “truyền bá đạo ngoại lai, mê tín dị đoan”,

Cụ lấm lét dòm trước , ngó sau và nói nhỏ với cháu Dinh , “ con về cầu xin bền lòng , Chúa sẽ đáp lại lời cầu xin ” . Anh Dinh hăng hái về nhà , tìm ngoài vườn , anh tha một tảng đá xù xì vào cạnh gường, mỗi đêm anh quì lên tảng đá hàng giờ , anh xin Chúa cho mình một quyển Kinh Thánh “vì Chúa và Lời của Chúa ở trong đó”. Cầu xin 30 đêm như vậy , nhưng mà chả có chuyện gì xảy ra . Không hề nản , Dinh lại chạy qua cụ già ở làng bên, hỏi cụ:

–      Con cần cầu nguyện làm sao để có được kinh thánh ?

Cụ lại len lén , nói khẽ :

–      Cầu nguyện và ăn chay sẽ được Chúa nhận lời.

Anh Dinh hăng hái hơn nữa , anh tăng giờ cầu nguyện đêm và dù đói khó quanh năm, anh chỉ ăn hai bữa , một chén cơm vào buối sáng , một tô cơm vào buổi chiều sau khi làm việc ngoài cánh đồng. Về nhà , đêm nào anh cũng cầu xin Chúa cho một quyển Kinh Thánh “vì Chúa và Lời của Chúa ở trong đó”, được mấy tháng thì anh bắt đầu cảm thấy khó lòng, anh than khóc với Chúa rằng anh và mọi người cần Kinh Thánh “vì Chúa và Lời của Chúa ở trong đó” . Một đêm, khóc chán anh thiếp đi, trong giác ngủ anh mơ thấy một Lão trượng, tóc bạch kim sai hai người nhà mang Kinh Thánh cho Dinh, một người mặc áo khoác màu đỏ, một người mặc áo khoác xám. Bừng tỉnh dậy, anh kể cho Mẹ nghe, cả nhà càng hoảng hồn vì tin rằng Dinh đã mất trí, nhưng chỉ có mấy hôm sau thì trong đêm khuya có hai người , một mặc áo khoác đỏ , một mặc áo khoác xám,  gõ cửa nhà và giao cho Dinh quyển Kinh Thánh, họ giao xong thì vội vã đi ngay , đây là quyến Kinh Thánh cổ , do vị trưởng lão ở một làng xa xôi đem giấu trong một lon thiếc và chôn xuống đất đã nhiều năm, họ được thị kiến của Chúa và được Chúa thôi thúc trong lòng ngày đêm, vị trưởng lão đã sai hai người thân cận đêm khuya , đi giao Kinh Thánh cho Dinh theo địa chỉ mà Trưởng Lão đã nói.

Từ khi có được Kinh Thánh, “ Chúa và Lời của Chúa ở trong đó”, Anh Dinh học thuộc lòng và đi khắp các làng, đến nơi, ông liên lạc với 1 Tín hữu nhờ tụ họp người làng, trong đêm khuya, từ 12 giờ trỏ đi , khi dân làng bí mật tụ lại, Dinh  đọc nằm lòng các chương của Tin Mừng Tân Ước , Công Vụ Tông Đồ cho họ nghe. Làm chứng về Chúa và mời họ tin nhận Chúa làm đáng cứu độ cho cuộc đời mình. Khi bắt đầu hành động là lúc anh Dinh chỉ mới 16 tuổi đầu , nhưng Dinh đi đến đâu thì Lời của Chúa đánh động lòng dân làng quê tới đó , họ đàu phục Chúa Giê Su và nhờ Ngài chữa lành bệnh, tật nguyền. Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của Dinh, nụ cười rạng rỡ kéo dài từ mang tai này qua mang tai kia của anh có sức thu hút và truyền cảm hứng. Chỉ trong vẻn vẹn mấy năm , đã có 2000 nông dân tin Chúa. Nhà cầm quyền truy nã Lưu Chấn Dinh khắp các nơi, lệnh truy nã dán đầy các bến ga xe lửa. Ông phải ngủ ngoài đồng , trốn trong hang động, từ làng này qua quận lỵ khác , đêm thì Ông đọc nằm lòng Kinh Thánh trong các nhà dân, khi mà mọi người tụ lại. Thế là có sự khai sinh thêm của các “giáo hội hầm trú”. Giáo Hội hầm trú từ thời đó bắt đầu bùng phát khắp Trung Hoa qua các vị truyền đạo dân gian trong các trường Đại học, trong các làng mạc , trong các thị xã , thành phố …

Cám ơn Chúa, quả thực Ngài không bao giờ quên dân tộc Trung Hoa đã và đang chịu quá nhiều bách hại, đau khổ.

Về phần của Dinh, vào tù ra khám đã 3 lần, ông trón thoát nhiều lần lùng bắt bủa vây, mấy lần vượt ngục ,  vào lần tù cuối, giống như Thánh Phê rô, Chúa làm cho cửa ngục giam cầm trọng tội, nhà tù Trịnh Châu, kiên cố nhất của Bộ An Ninh Công Cộng mở ngỏ, và còn hơn thế nữa, Chúa làm cho hai chân bị đánh đến tàn liệt của Dinh được lành lặn để có thể bước qua nhiều lớp cửa, các lính canh nhìn trừng trừng mà không thấy ông, bước qua sân tù đến cánh cổng lớn với nhiều lính canh nghiêm nhặt bố trí. Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thân ông đã bước ra khỏi tù. Trong báo cáo điều tra của Chính phủ Trung Quốc, kết luận rằng Dinh đã trốn thoát mà không có sự giúp đỡ của con người. Trong lich sử của nhà tù Trịnh Châu, chưa có ai từng trốn thoát thành công khỏi nó.

(trích dấn : http://en.wikipedia.org/wiki/Brother_Yun)

Brother Yun.jpg

Brother Yun in 2010.

Ngày hôm nay , Ông Lưu Chấn Dinh định cư tại Đức và có dịp đi khắp nơi làm chứng về “Chúa và Lời của Chúa ở trong Kinh Thánh”, Ông ước ao cả thế giới biết về một Chúa Giê Su giống như Ông biết về Ngài, không phải là cái biết về một nhân vật lich sử xa vời vợi, nhưng là một Chúa Giê Su đang sống, đầy ắp yêu thương, đầy quyền năng của một vị Thiên Chúa. Chúa Giê Su mà mỗi lời hứa của Ngài trong Kinh Thánh là một sự thật sống động đã ứng nghiệm trong cuộc đời Ông và Đồng bào theo Chúa của Ông, Ông nói:

–      Mỗi một lời hứa trong Kinh Thánh là một sự thật .

Chính thức, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một quốc gia vô thần nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Một trong những mục tiêu lớn nhất của Mao Trạch Đông là dập tắt Kitô giáo từ đất của Trung Quốc, nhưng chưa đầy bốn thập kỷ sau khi ông chết Trung Quốc đã sẵn sàng để trở thành quốc gia có nhiều Kitô hữu nhất thế giới.

Số công bố chính thức của Kitô hữu là gần 100 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Trung Quốc , tuy nhiên, Tín hữu trong các nhà thờ của Hội Thánh thầm lặng, (hội thánh không được Cộng Sản cấp phép) là nơi mà sự hồi sinh của phong trào Thiên Chúa Giáo bùng phát. Chúng ta có thể dễ dàng chứng minh rằng những con số này thực chất cao hơn con số 100 triệu nhiều và có thể lên đến 160 triệu tín hữu.

Ngay cả khi ước tính này là sai, thì với tốc độ tín đồ mới gia tăng hiện nay ở Trung Quốc, được cho là tăng gần 1 triệu tín đồ mới mỗi tháng thì chỉ cần  một vài năm nữa mà thôi,  Trung Quốc sẽ có thể công khai chứng minh rằng họ có số các Kitô hữu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Cám ơn Chúa kính yêu, vì Chúa không để một con Chiên nào hư mất đi mà không được có cơ hội được biết về Chúa.

Trich lược từ “ the Heavenly Man”  (Brother Yun, Paul Hattaway)

Con đường Giêsu

Con đường Giêsu

Chuacuuthe.com

VRNs (17.05.2014) – Hằng ngày, chúng ta đã đi trên rất nhiều con đường để thực hiện mục đích của mình. Mỗi con đường, một tên gọi. Người đi chợ, kẻ đi làm… ai ai cũng cần có đường để đi. Không phải bất kỳ con đường nào cũng có thể cho ta đạt được mục đích của mình. Chẳng phải con đường nào cũng mang lại hạnh phúc. Có những đường mà chỉ đi một lần và không bao giờ trở lại. Đó là con đường tội lỗi, những hố sâu, cạm bẫy của danh vọng, bạc tiền, của sa đọa, tù đày.

Nhưng cũng có rất nhiều con đường đưa ta đến niềm vui, hạnh phúc. Đó là con đường của những người công chính, họ đến và đi để mang hữu ích đến cho cộng đồng, nhân loại. Tuy nhiên, không con đường nào tuyệt mỹ cho bằng con đường Giêsu.

Đó chính là đường Chân lý, đường Sự thật, đường Cứu độ: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha, mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6) Con đường ấy được nối từ trời xuống đất, hầu mặc khải cho thế giới nhận biết sự thật về Thiên Chúa Cha, tình yêu và ơn cứu độ của Người. Đó cũng chính là con đường đưa nhân loại từ đất về trời, về với cội nguồn của mình, về với nơi mình được sinh ra.

Có rất nhiều tiên tri, có rất nhiều mặc khải về Thiên Chúa, về Nước trời, nhưng không mặc khải nào trọn vẹn, tròn đầy bằng mặc khải của Đức Giêsu, sau Ngài không còn mặc khải nào khác hơn nữa. Đức Giêsu chính là mặc khải của Thiên Chúa Cha và Ngài cũng chính là Thiên Chúa. Không ai có thể nói về trời nếu như không bởi trời mà đến. Không ai có thể cho chúng ta biết về Thiên Chúa nếu không phải Đấng là Thiên Chúa tỏ lộ. Ai đã từng lên trời để biết sự thật về trời? Chỉ có Đấng từ trời mà đến mới biểu lộ trọn vẹn về trời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14, 9)

Việc Đức Giêsu giáng thế, đến trần gian để thi hành sứ vụ Chúa Cha trao phó là loan báo Tin mừng về ơn cứu độ và mặc khải mầu nhiệm Nước trời cho nhân loại thấy mà tin, đó là sự kiện có thật trong lịch sử. Ngài đã làm người, đã sống và rao giảng, đã tử nạn và phục sinh, đem niềm vui, đem con đường cứu độ cho toàn thế giới. Con đường đã bị tổ tông loài người cắt đứt ngay từ giây phút phạm tội phản nghịch trong vườn địa đàng. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, thế giới vẫn không tin, nhân loại vẫn từ khước.

Phải chăng con đường Đức Giêsu đã chọn đến với thế gian là con đường hẹp, con đường khổ giá, nên bị từ khước? Con người chẳng ưa thích tự do, hưởng thụ hay sao? Hay niềm hạnh phúc mà Đức Giêsu khai mở không là hạnh phúc mà con người tuyển chọn, nó đã nằm ngoài nhu cầu nhân loại!

Giữa một thế giới xô bồ, đầy bạo động và tội lỗi này, bạn đang tìm cho mình đường để đi? Bạn đang mất phương hướng? An tâm, có rất nhiều con đường cho bạn chọn lựa. Chọn chưa đúng, không sao, còn thời gian, cơ hội cho bạn chọn lại. Nhưng sẽ không bao giờ là hạnh phúc nếu đó không đúng đường Giêsu. Giữa thời đại nhiễu nhương sự ác, dối giá và gian xảo này, bạn đang tìm cho mình cội nguồn Sự thật? Sẽ không bao giờ có Sự thật, chẳng ai cho bạn Sự thật nếu không là Thiên Chúa. Bạn đang khao khát sinh tồn, bạn đang cần sống hoài, sống mãi? Sẽ không bao giờ được sống, nếu sự sống ấy không bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Ngày nào cũng vậy, nhân loại theo nhau ngày ngày lao đầu vào chốn ăn chơi cực lạc, tiêu xài hoang phí vào chốn hưởng thụ, bài bạc, rượu chè, đàn điếm… Con đường ấy sao mà ngày nào cũng đông nghẹt, lúc nào cũng ồn ào, tấp nập. Những con đường của bác ái, chia sẻ, hy sinh, thờ phượng sao vắng teo, vắng tắt… Nhân loại đi đâu hết cả rồi, thế giới trốn biệt nơi đâu, sao lại loại trừ đường cho mình hạnh phúc thật cơ chứ?

Lạy Chúa, ngày nào con cũng đi trên đường. Những con đường dài thật dài, miệt mài cả hàng chục cây số. Dài đến nỗi quen thuộc vì chúng cho con cơm ăn, áo mặc, danh vọng, bạc tiền… Những con đường ấy quan trọng, cần thiết thật vì chúng bảo tồn cuộc sống của con. Nhưng quan trọng thế nào cũng đầy nước mắt, đắng cay và chua xót. Chỉ có một con đường Giêsu, một con đường hạnh phúc thật. Chẳng phải bao lần con từng khao khát một sự sống yên bình, thanh khiết, trong sạch và tràn đầy niềm vui, thì hôm nay Thiên Chúa đã chẳng tỏ lộ cho con rồi. Xin giúp con biết cố gắng bước đi nếu như còn đang bước và can đảm trở về khi con đang lạc lối. Amen.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.