HÃY GIỮ LẤY LỜI THẦY

HÃY GIỮ LẤY LỜI THẦY

Chúa Nhật VI Phục sinh A

Tác giả: Lm. Vinh Sơn, scj

 

Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế anh chia sẻ với Phanxico  rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được…

Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường.

Ngài dừng lại hỏi người hành khất:

“Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không?”.

Người hành khất trả lời:

“Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn:

“Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?”.

Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta với Đấng tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài, và đã yêu thương, hiến mạng sống của mình cho chúng ta, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: Chúa Giêsu yêu chúng ta trước đến nỗi Người đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là những người tội lỗi (x. Rm 5, 8). Một tình yêu vĩ đại, như Người đã tự hiến “Không ai có tình yêu cao trọng hơn tình yêu này, là hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Những lời mời gọi yêu mến trong Tin mừng Gioan 14, 15-21 ghi nhận những tâm tình được trích từ diễn từ giã biệt các môn đệ của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bị bắt và chịu chết (x. Ga 13, 31 – 16, 33). Có thể nói đó như là những lời di chúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ -những người đặt niềm tin vào Ngài. Trong đoạn Tin Mừng Gioan 14, 15-21, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ thân thiết, thẳm sâu giữa môn đệ và Thầy, Yêu mến đưa đến sự hoà nhập nên một với thầy: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20). Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào: “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (Ga 14,19) như Lời Người đã khẳng định mãnh liệt : Ngài đến để chúng ta sống và sống dồi dào hơn (x. Ga 10, 10). Hơn nữa Thầy sẽ mặc khải bí nhiệm nước Trời cùng sứ mạng của Thầy :“Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy (Ga 14, 20 – 21).

Yêu là tuân giữ Lời của Thầy: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm suông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết… Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như Thánh Grégoire le Grand đã khẳng định “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”( homélie XXX).

Giữ các giới răn là chúng ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Người theo Chúa Kitô làm thành đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao.

Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Gần nhất, và quan trọng nhất, giới răn mà Ngài mời gọi tuân giữ, theo văn mạch của Tin Mừng Gioan, Ngài vừa trao ban cho các môn đệ, và qua các ông cho tất cả chúng ta qua mọi thời đại : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34), và Ngài nhắc lại rất trang trọng (x. Ga 15, 12). Đức Kitô nhấn mạnh : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Cho nên, yêu thương anh chị em và tất cả những người lân cận là người giữ giới răn Chúa và thật sự yêu mến Ngài. Mến Chúa dẫn đến yêu anh em, Thánh Gioan diễn giải nhân qủa sự yêu mến này rõ hơn nữa khi xác tín: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Đức Giêsu khẳng định : “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14, 21). Chính sự yêu mến và giữ giới răn làm thành tương quan thẳm sâu giữa chúng ta với Chúa Giêsu: tình yêu gắn bó và tình yêu Thầy – trò cấu tạo nên tương quan với Chúa Cha trong chính Chúa Giêsu.

Tình yêu gắn bó và đồng hóa với Chúa Kitô và nên một với Chúa Cha trong Chúa  Thánh Thần. Chính Ngài là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu hứa ban, đặt trong chúng ta tâm tình con thảo, sức sống tình yêu gắn bó mà Chúa Cha mong đợi nơi chúng ta – những người yêu mến Con Ngài và giữ lời của Ngài trở nên chính người con như thánh Phaolô nói: “ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14)”.

Người con nhận lấy Thần Khí, để không phải trở nên nô lệ, bị sợ hãi ; nhưng mang tinh thần của Thần Khí (x. Rm 8, 15) mà Thánh Phaolô đã viết: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Ngài còn khẳng định : “….Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 15b- 16).

Như vậy, với yêu mến Chúa Kitô, sống tương quan với thầy, qua thầy với cha, được trao Thần Khí, chúng ta trở nên con, thì đời sống vĩnh cửu đã bắt đầu. Cuộc sống ngừơi con  như lời khẳng định của hai tác giả M.E.Boismard và A. Lamouille : “ngay trên trần gian này đã tương đương với cuộc sống của Đấng Phục Sinh, đã thông phần với cuộc sống của chính Thiên Chúa, với cuộc sống của Chúa Ba Ngôi. cuộc sống họ là một sự hiệp thông, trong tình yêu, với từng ngôi Thiên Chúa đang ở trong họ.” (M.E.Boismard và A. Lamouille, “Tin Mừng thánh Gioan” Cerf, p.360). Đó là cuộc sống ngập tình yêu…

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định Tình yêu dẫn tới hạnh phúc và tự do: “Con người được giải thoát bởi tình yêu. Điều này đúng ngay cả đối với thế giới ngày nay. Khi một người cảm nghiệm được một tình yêu cao đẹp trong đời, đó là giây phút người ấy được ‘ giải thoát’, là giây phút đem đến một ý nghĩa mới cho cuộc đời… »

Xin cho chúng con, một tình yêu sắc son, theo lệnh truyền của Đức Kitô : yêu Chúa là tuân giữ Lời, là sống bằng con tim với đời, với anh em bằng một tình yêu sắc son và mãnh liệt như xác tín của thánh Phaolô : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta… » (Rm 8, 35. 37).

Thật thế, tiếng thì thầm luôn vang vọng trong tâm:

Ngày đó người nói với riêng tôi,

Rằng thiếu tình-yêu thì vô-nghĩa,

Cuộc đời sẽ chỉ là một nhánh sông khô.

Những bước chân lữ-hành tuyệt-vọng.

Và, đời khao-khát nụ hoa tình đẹp nhất.

(Cát Biển – Ngày Đó Người Trao Tôi)

Thánh lễ online: http://tinvui.info/?language=vi&nv=news&op=Nghe-Truc-Tuyen/Nghe-Thanh-le-Chua-Nhat-VI-Phuc-Sinh-10800

Lm. Vinh Sơn scj

Ðức Giáo Hoàng ủng hộ giải pháp hai quốc gia ở Trung Đông

Ðức Giáo Hoàng ủng hộ giải pháp hai quốc gia ở Trung Đông

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, ngày 25/5/2014.

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, ngày 25/5/2014.

Tin liên hệ

Scott Bobb

26.05.2014

JERUSALEM — Đức Giáo hoàng Phanxicô chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm 3 ngày đến Trung Đông với một loạt các cuộc họp với những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở Israel. Hôm qua, trong ngày thứ nhì của chuyến đi tới Vùng Đất Thánh, nhà lãnh đạo Vatican đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp hai quốc gia trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chào đón Đức giáo hoàng Phanxicô ngày hôm qua. Người đứng đầu giáo hội Công giáo đã phát biểu như sau:

“Đã đến lúc mọi người cần can đảm thể hiện sự hào phóng và sáng tạo vì lợi ích chung, cần can đảm để thúc đẩy hòa bình dựa trên sự thừa nhận của mỗi người về hai quốc gia, về quyền được tồn tại và hưởng hòa bình, an ninh trong biên giới được quốc tế công nhận.”

Đức giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện tại bức tường ở Bethlehem.

Đức giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện tại bức tường ở Bethlehem.

Đức giáo hoàng đã có chặng dừng chân không báo trước và cầu nguyện tại bức tường bao quanh phần lớn khu vực Bethlehem.

Tổng thống Palestine Abbas chào đón Giáo hoàng, và nói rằng người Palestine đánh giá cao nỗ lực của Ngài cho quyền lợi của người Palestine.

Ông Abbas nói: “Chúng tôi đã cho Đức giáo hoàng thấy tình hình bi thảm hiện thời ở Jerusalem, Đông Jerusalem, thủ đô của chúng tôi kể từ năm 1967, kế hoạch của Israel nhằm thay đổi danh xưng, hiện trạng và nhằm cô lập các cư dân Palestine, tín đồ Thiên chúa giáo và Hồi giáo, nhằm buộc họ phải dời cư.”

Đức giáo hoàng sau đó đã cử hành thánh lễ với sự tham gia của hàng nghìn người tại Quảng trường Máng Cỏ, gần nơi mà người Thiên chúa tin rằng Chúa Jesus chào đời.

Ông Praveen Dsouza, một tu sĩ từ Ấn Độ, là một trong các tín đồ tham dự buổi cầu nguyện.

Ông Dsouza nói: “Đức giáo hoàng hiện thời là một người đại diện mạnh mẽ cho Chúa. Tôi nghĩ Ngài có thể chạm tới trái tim và khối óc của những người tại đây. Tôi chắc chắn như vậy.”

Bà Shankhshir Azza, một tín đồ Hồi giáo sinh sống ở Nablus, phát biểu cảm tưởng như sau:

“Ngài tới đây đồng nghĩa với việc Ngài đặt lòng tin vào trường hợp của chúng tôi. Ngài ủng hộ chúng tôi. Ngài ủng hộ người dân Palestine, trẻ em Palestine và quyền sống trong hòa bình giống như bất kỳ các sắc dân nào khác.”

Đức Giáo hoàng cầu nguyện tại sông Jordan.

Đức Giáo hoàng cầu nguyện tại sông Jordan.

Đức Giáo hoàng thăm Jordan hôm thứ Bảy. Ngài đã cầu nguyện tại sông Jordan, nơi nhiều người tin rằng Chúa Jesus đã chịu phép rửa và gặp gỡ những người tị nạn Syria.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Chúng tôi thực sự xúc động vì những bi kịch và nỗi đau phát xuất từ các cuộc xung đột ở Trung Đông. Tôi nghĩ đến trước hết là đất nước Syria yêu quý. Cuộc chiến khởi đầu giữa những người anh em đã kéo dài 3 năm qua và đã biến nhiều người thành nạn nhân, buộc hàng triệu người trở thành người tị nạn.”

Trước đó, tại một buổi cầu nguyện ở Amman, Đức giáo hoàng kêu gọi sự khoan dung tôn giáo ở Trung Đông và khắp nơi trên thế giới.

Phía Sau Ông Thủ Tướng Có Ai

Phía Sau Ông Thủ Tướng Có Ai

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

RFA

Không đánh đổi chủ quyền lấy ngoại giao viển vông.

T.T. Nguyễn Tấn Dũng

Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy hơi cường điệu (và cũng có phần hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ dành cho hai tác giả này, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời.

Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng điệp viên James Bond vẫn 007 sống mãi trong sự nghiệp của … giới làm phim và trong … lòng khán giả. Tương tự, nhiều nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số người Việt, kể cả giới lãnh đạo cộng sản hiện nay. Ngôn ngữ hàng ngày của họ (nghe) có “mùi” tiểu thuyết Kim Dung thấy rõ:

– Sau nửa tháng im lặng, ngày16 tháng 5 năm 2014: “Trong  cuộc gặp cử tri Sài Gòn … ông Sang nhìn nhận Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, cần phải bình tĩnh, có bình tĩnh mới sáng suốt. Bên cạnh sự cương quyết phải hết sức kiên nhẫn, song không ‘thay đổi mục tiêu’ là bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao nội lực quốc gia.”

– Trước đó không lâu, T.T Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi “phải phát huy nội lực để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài hay “phát huy nội lực để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.”

Và người vận dụng nội lục đều đều là TBT Nguyễn Phú Trọng:

– Hôm 11 tháng 7 năm 2013, ông khuyến cáo nhân dân Hải Phòng “cần phát huy nội lực để phát triển.”

– Qua ngày 21 tháng 8 năm 2013, ông chỉ thị nhân dân Bắc Giang cũng “phải phát huy nội lực địa phương để vươn lên phát triển, không thua kém các tỉnh bạn.”

– Bữa 18 tháng 3 năm 2014 vừa rồi, trong chuyến đi công tác miền Trung, TBT lại nhắc nhở giới công nhân địa phương “tiếp tục phát huy truyền thông thi đua lao động sản xuất và tích cực … phát huy nội lực.”

Người tiền nhiệm của Nguyễn Phú Trọng – bác Lê Khả Phiêu – cũng  hễ mở miệng ra là đòi … “phát huy nội lực” liền liền. Ông còn giải thích (một cách văn hoa) rằng đó là “sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam, đạo đức trí tuệ Việt Nam… để chúng ta vượt mọi khó khăn trong những thời điểm gian nguy nhất…” –  khi trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 16 tháng 6 năm 2000.

Dù nghe có hơi kiếm hiệp, kêu gọi dân chúng “phát huy nội lực” – nói nào ngay – là chuyện phải làm khi hữu sự. Ðiều đáng phàn nàn là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất hiếu sự nên đất nước “hữu sự hoài hoài. Kể từ khi giành được quyền bính đến nay, họ luôn luôn tìm mọi cách để đưa dân tộc này vào những hoàn cảnh “khó khăn” hay những “thời điểm gian nguy.” Nếu không phải đấu tố lẫn nhau cho đến chết thì người dân cũng bị nhà nước Việt Nam lôi kéo, lê lết hết từ trận chiến này qua trận chiến khác. Không tử thương thì cũng bị thương vô số kể.

Thôi tạm gác lại chuyện đã cũ đi, và chỉ nhìn lại vài những sự kiện nho nhỏ vừa mới xẩy ra –  trong thời gian cầm quyền của bộ ba Sang, Trọng, Dũng mà coi:

– Khi kêu gọi người dân Hải Phòng “cần phải phát huy nội lực để phát triển,” họ quên bẵng đi rằng sau vụ cầm tù anh em Đoàn Văn Vươn (cùng với chuyện thăng tướng của ông đại tá Đỗ Hữu Ca) người dân nơi đây đã gần tiêu ma nội lực, và đã mất ráo niềm tin vào chính quyền – từ địa phương tới trung ương – rồi.

– Nếu biết qua về mức sống khốn cùng ở Bắc Giang, chắc chắn, họ cũng sẽ không đủ mặt dầy mày dạn kêu gọi người dân miền núi “phát huy nội lực để vươn lên” đâu.

– Hãy nhìn qua hình ảnh một góc chợ ở địa phương này, qua ghi nhận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó. Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao, mình  hình dung được  nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…

Ảnh: Nguyễn Ngọc Tư

Hình ảnh vài “bó củi co ro,” hay “nụm nịu hai ba nải chuối,” và “lèo tèo mấy bó rau xanh” – ở một phiên chợ ở Bắc Giang – chỉ khiến cho tôi muốn rơi nước mắt, và không thể nghĩ đến chuyện họ có thể “phát huy nội lực để vươn lên.”  Vươn lên gì nổi, mấy cha? Tôi cũng không tin rằng giới công nhân Việt Nam còn có nội lực để phát huy sau những ngày làm việc tăng ca (liên tục) mà đồng lương chưa chắc đã đủ mua một cái bánh kẹp thịt ở cửa tiệm McDonalds.

Vắt cạn kiệt sức dân, đẩy trăm họ tới mức khốn cùng rồi vẫn thản nhiên kêu gọi vận dụng “nội lực” của mọi người khi đất nước lâm nguy chắc (chắn) không phải là điều khôn ngoan, nếu chưa muốn nói là bất nhẫn. Bởi vậy, khác với nhà báo Huy Đức, tôi không “bảo đảm” là dân chúng sẽ đứng sau giới lãnh đạo Việt Nam trong tình cảnh hiện nay:

“Giàn khoan 981 xuất hiện trước thềm Hội nghị ASEAN ở Myanmar và Diễn đàn kinh tế Manila như một trái banh được đặt vào chân Thủ tướng khi ông đang ở gần khung thành nhất. Những tuyên bố đúng lúc, ngang tầm nguyên thủ, đã khiến ông trở thành một người hùng. Thưa Thủ tướng, ông đã cùng bước, cùng dùng một ngôn ngữ sục sôi với người dân Việt Nam. Ông đã đi một đoạn đường khá xa. Đừng quay lại vì phía sau là dân chúng.”

Huy Đức, có thể, vì may mắn chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ. Người Việt, thuộc những thế hệ trước ông (hẳn) không mấy ai lạc quan như vậy. Trong cuốn Hồi Ký Vi Đức Hồi, tác giả đã nhắc đi nhắc lại (đến chục lần) rằng  “Đảngluôn luôn nói một đằng,làm một nẻo.” Có gì bảo đảm là ông TT sẽ không tiếp tục cái “chiến thuật” cố hữu và vô liêm sỉ này của Đảng?

Tuyên bố đúng lúc, ngang tâm nguyên thủ (e) chưa đủ đâu. Dân Việt ở cả ba miền, cũng như miền ngược – hiện nay – đều đã thuộc nằm lòng: Đừng tin những gì cộng sản nói hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Yêu cầu ông Dũng thử làm vài việc trong tầm tay, và ngay trước mắt coi:

-Nếu không thể phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm tức khắc, và cùng lúc, ít nhất hãy trả tự do cùng với lời xin lỗi cho hai người tù Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần. Họ không có tội gì ngoài tội thấy sớm hơn các ông cái thứ “ngoại viển vông” Hoa-Việt.

– Ngưng ngay cái chủ trương lớn (và ngu) của Đảng về chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên.

– Trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, quyền tự do ngôn luận cho những người cầm bút, và quyền thành lập công đoàn cho công nhân. Đến đón Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương tại cửa nhà tù để ôm xin họ tha lỗi. Cùng lúc, cũng phải công khai về chuyện “mất tích” của Lê Trí Tuệ (Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam) người đã bị “bắt cóc” ở Cambodia vào từ hôm 16 tháng 5 năm 2007.

– Trả lại tài sản và quyền tự do tín ngưỡng cho tất cả những giáo hội và giáo phái.

– Xin làm hoà với người Việt nước ngoài bằng cách xin phép xây lại Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân ở Mã Lai và Nam Dương. Vứt cái Nghị Quyết rẻ tiền 36 vào thùng rác, đuổi việc những nhân viên ngoại giao lấc xấc và lấc cấc như Nguyễn Thanh Sơn đi cho thiên hạ đỡ bực mình.

– Nếu chưa có thể công bố thời điểm chính xác để huỷ bỏ điều bốn hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử tự do vào lúc này thì ít nhất cũng phải ngưng ngay cái cung cách cầm quyền như một đạo quân chiếm đóng như hiện nay, để người dân toàn quyền tự do làm những gì mà luật pháp không cấm, và trừng phạt nghiêm khắc mọi hành vi lộng quyền hay lạm quyền của viên chức các cấp.

Những điều trên trước sau gì cù̃ng phải được thực hiện ở Việt Nam thôi nhưng nếu không làm ngay hôm nay thì trước mặt ông T.T.  là kẻ thù, và sau lưng sẽ chả có ai đâu. Hai bên cũng không có bạn bè đồng minh nào ráo. Nhân loại văn minh tiến bộ giờ đây không ai muốn làm bạn với những kẻ độc ác, trí trá, giáo dở lươn lẹo, ngu (lâu) và ngoan cố. Hãy chứng tỏ thiện chí và nỗ lực muốn thoát cộng đi thì mới có hy vọng thoát Tầu. Nếu không là đi tầu suốt.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁC THƯỜNG

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁC THƯỜNG

TRẦM THIÊN THU

(Đây là chuyện có thật do Richard D. Ryan viết lại và đăng trên báo Christian Reader Magazine. Bạn có thể liên lạc với Richard D. Ryan qua email: onevoice_47112@yahoo.com)

Một ngày bất thường trong tháng Năm. Mùa Xuân đã qua mà mọi thứ vẫn sống động qua màu sắc. Nhưng cái lạnh từ miền Bắc đã đưa cái lạnh của mùa Đông trở lại khu của người Ấn độ. Tôi ngồi với 2 người bạn trong một nhà hàng cổ ở một góc phố. Đồ ăn ngon và người ăn cũng ngon. Khi chúng tôi nói chuyện, bên ngoài kéo sự chú ý của tôi, ở bên kia đường. Một người đàn ông đang bước đi với vẻ nặng nhọc, rất buồn và thất vọng. Lòng tôi chùng xuống. Tôi nói bạn tôi nhìn, và tôi thấy những người khác cũng nhìn về phía đàn ông kia. Chúng tôi tiếp tục ăn nhưng hình ảnh người đàn ông kia cứ lởn vởn trong đầu tôi.

Ăn xong, ai về nhà nấy. Tôi cứ nhìn ra ngoài với hy vọng gặp lại đàn ông kia, nhưng không thấy. Tôi lo lắng. Trong tâm trí tôi luôn vang tiếng nói: “Đừng quay trở lại”. Với chút lưỡng lự, tôi quay lại. Tôi thấy anh ta đang ngồi trên bậc thềm một ngôi thánh đường. Tôi dừng lại, nửa muốn nói gì với anh ta, nửa muốn đi. Tôi xuống xe, lại gần anh ta và hỏi:

– Anh muốn gặp mục sư hả?

– Không hẳn vậy.

– Anh ngồi nghỉ hả? Hôm nay anh ăn gì chưa?

– Tôi ăn hồi sáng rồi.

– Anh ăn trưa với tôi nha? Anh có việc gì cần tôi giúp không?

– Không có việc gì.

– Tôi thường đi qua đây, nhưng tôi muốn mời ông ăn trưa.

Anh ta cười:

– Được.

Khi cùng ăn, tôi hỏi:

– Anh đi đâu vậy?

– Đi St. Louis.

– Anh từ đâu đến?

– À, từ khắp nơi, thường là từ Florida.

– Anh đã đi bộ bao lâu?

– Mười lăm năm.

Tôi biết mình đang gặp một ngườ khác thường. Chúng tôi ngồi đối diện nhau. Anh tên Daniel, có mái tóc dài và bộ râu được tỉa gọn gàng. Da rám nắng. Nhìn mặt khoảng gần 40 tuổi. Có vẻ già trước tuổi. Mắt đen và sáng. Ăn nói hoạt bát và rõ ràng. Anh ta nói:

– Chúa Giêsu là câu chuyện không kết thúc.

Câu chuyện của anh bắt đầu mở ra. Anh đã chọn lựa sai và lặp lại hậu quả. Mười bốn năm trước, trên bước đường lãng du, anh đã dừng lại trên một bãi biển ở Daytona. Anh và mấy người khác dựng căn lều với ít dụng cụ để cứu hộ những người tắm biển. Nhờ đó anh hiểu rõ cuộc đời mình hơn. Anh phó thác cuộc đời cho Chúa. Anh nói:

– Không gì giống nhau kể từ đó. Tôi cảm thấy Thiên Chúa bảo tôi cứ đi bộ, và tôi đi bộ hơn 14 năm rồi.

– Anh có nghĩ mình sẽ dừng chân không?

– Thi thoảng, khi tôi cảm thấy cần. Nhưng Thiên Chúa cho tôi ơn gọi này. Túi xách tôi có cuốn Kinh thánh. Tôi làm việc để có tiền sinh sống và mua Kinh thánh. Tôi tặng người khác khi Thánh Thần soi sáng.

Tôi ngồi lặng người và ngạc nhiên. Người bạn vô gia đình của tôi không hề vô gia đình. Anh đang có sứ vụ và sống theo cách mình đã chọn. Tôi hỏi:

– Điều đó như thế nào?

– Cái gì chứ?

– Vào thành phố với ba lô trên lưng và thể hiện dấu hiệu của anh thế nào?

– Ồ, mới đầu thấy mắc cở. gười ta nhìn và đàm tiếu. Có lần người ta ném cho tôi mẩu bánh mì ăn dở và tỏ vẻ khinh thường. Bị coi thường và tôi thấy Chúa dùng tôi để làm người ta tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời những người như tôi.

Cuộc đời tôi cũng đang thay đổi. Chúng tôi ăn xong. Ra đến cửa, anh nhìn tôi và nói:

– Hỡi người được Chúa Cha chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã được chuẩn bị cho bạn. Vì khi Tôi đói, bạn đã cho ăn, khi Tôi khát, bạn đã cho uống, Tôi là khách lạ mà bạn đã đón tiếp.

 

Tôi thấy mình như ở trên đất thánh. Tôi hỏi:

– Anh có thể dùng lời Kinh thánh khác?

– Tôi đã đọc hết cuốn Kinh thánh 14 lần.

Anh mỉm cười. Tinh thần của anh tỏa sáng sự chân thật. Trên đường về, trời đổ mưa. Chúng tôi dừng lại nơi chúng tôi gặp nhau. Anh nói:

– Ông ký tên vào sách tôi được không? Tôi muốn giữ sứ điệp của những ngườ tôi đã gặp.

Tôi viết trong cuốn sổ của anh rằng việc anh tuân giữ ơn gọi của anh đã làm tôi xúc động. Tôi khuyến khích anh cứ vững mạnh. Tôi chia tay anh với câu Kinh thánh: “Ta biết những dự định của Ta dành cho ngươi, những dự định làm phong phú ngươi chứ không làm tổn hại người. Những dự định đó cho người tương lai và hy vọng” (Gr 29:11).

– Xin cảm ơn. Chúng ta sẽ gặp lại nhau như những người lạ, nhưng tôi yêu ông.

– Tôi hiểu. Tôi cũng yêu anh.

– Thiên Chúa tốt lành.

– Đúng. Ngài tốt lành.

– Hẹn gặp lại ở thành thánh Giêrusalem mới.

– Hẹn gặp lại.

Anh lại tiếp tục bộ hành. Chợt anh quay lại nói:

– Khi có điều gì làm ông nhớ đến tôi, hãy cầu nguyện cho tôi nhé!

– Tôi hứa. Xin Chúa chúc lành cho anh.

TRẦM THIÊN THU

(Lược dịch)

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa.”

(Trịnh-Lâm-Ngân – Xuân Này Con Không Về)

(Lc 24: 32)

Trần Ngọc Mười Hai

Xuân về rồi, mà sao bạn và tôi cứ hát những gì mà buồn đến thế? Buồn rũ rượi, cả vào khi tôi và bạn không kịp lắng nghe câu hỏi của ai đó vừa đưa ra, nên nghệ-sĩ nhà ta lại cứ hát tiếp những chi-tiết, rất như sau:

“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào.”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Hôm nay đây, mãi ở tận xứ sở này, chốn miền cùng tận mạn Nam bán cầu, lầu xầu nhiều suy nghĩ. Có những nghĩ suy về nhiều thứ trong đó có cả những thứ và những điều khiến tôi và bạn, ta cứ miên-man thả hồn theo giòng chảy của bạn hiền ở đâu đó, tuy chưa quen nhưng đã biết. Biết rằng: trên đời này còn có những người đã suy và đã nghĩ về những chuyện như sau:

“Họ mới bảo nhau:

“Dọc đường, khi Người nói chuyện

và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,

lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
(Lc 24: 32)

Bừng cháy thế nào được, khi bạn bè gặp lúc xuân về, lại cứ nhắn với mẹ hiền rằng:

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường.”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Trong đời thường, bạn và tôi hẳn cũng sẽ gặp những bạn hiền, sẽ không hát những câu buồn phiền “như cơm bữa” giống thế nữa. Mà, lại cứ tìm đến những lời người nhận-định khác vững tin như sau:

“Suy và niệm, có lẽ sẽ giúp ta đạt tình-trạng kết-hiệp với Chúa, cho tốt hơn. Tựa hồ như đọc các sánh vở lành mạnh có ghi lại những câu nói khiến mình niệm suy, cũng rất lợi. Lợi lộc, ít nhất ở chỗ: nó khiến tâm can ta bừng cháy lên với những tư-tưởng hạnh-đạo, rất phấn chấn.

Tại Tu viện không tường rào ở John Main, tôi đọc được cuốn sách nói về chuyện để mất đi tính vị-kỷ và thấy mình đang ở trong lòng bàn tay kết-hiệp với Chúa, để trở nên một với Chúa và nên một với tất cả mọi người anh em. Rồi cứ như thế, cũng sẽ mất đi cái cảm-giác chia cách những người anh em. Tuy nhiên, có người lại suy-nghĩ ngược-ngạo là: gần gũi với anh em nhiều quá, rồi dần dà sẽ xa rời Chúa, vì không còn thì giờ để nguyện-cầu, gần gũi Chúa hơn.

Làm sao Chúa có thể thương yêu tôi cách đặc biệt được trong khi Chúa có hàng tỷ người để Ngài thương xót? Là thành viên của gia đình đông con, hẳn ai cũng biết thật khó lòng thương yêu cách đặc biệt, chỉ một người. Và trong mọi trường-hợp, bao giờ cũng thế, thương yêu riêng biệt cá nhân nào thôi, cũng đã không phải rồi. Có người lại còn nói: Chúa chỉ có thể đếm tới số 1 chứ làm sao đếm được con số 7, 8 tỷ người? Và, câu trả lời, phải thế này: khi ta có cảm giác là Chúa yêu mình, là ta kết-hiệp mật thiết với Chúa và với mọi người. Có như thế, ta mới hiểu thế nào là tình Chúa yêu thương chúng ta qua và trong tất cả mọi người, bởi ta chỉ là một tế-bào bé nhỏ trong thân mình lớn lao của Chúa. Ngài thương yêu tất cả chúng ta, còn vì ta thuộc vào mọi cơ-phận trong thân mình Ngài hệt như ta yêu quí mọi phần trong thân xác của ta chứ không chỉ từng bộ phận một, mà thôi” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).

Lời xác-chứng của tác-giả ở trên có khi càng làm ta thêm xác-tín về tình thương-yêu ta cần có với người anh em, chị em của ta; dù đôi khi mình chẳng bao giờ thấy được người ấy. Xem như thế, thì bí-kíp và ý-nghĩa của tình thương yêu người cận thân và cận lân, đều như thế.

Đó là, lý-chứng của tình thương yêu người đồng-loại ở nhà Đạo. Ở đời thường, cũng có những lý-chứng giống hệt thế, nhưng được diễn-tả một cách thơ mộng, như lời ca ở nhạc bản ta thường vẫn nghe vào độ xuân về:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Mẹ chờ em trông”, và “bạn bè thương mong”, lại là tâm-tư người nghệ sĩ vẫn thường hát. Tâm-tư ấy, tình thương này, còn dàn trải cả nhiều nơi, nhiều chốn, rất chân phương, thời thượng mà người viết còn diễn ta-tả thêm là:

“Vấn-đề là làm sao ta kết-hiệp được với Thiên-Chúa? Hay nhất, vẫn là qua suy-tư và chiêm-ngắm, tức con đường dễ đi và cũng rất quen trong nhiều loại đường dẫn ta đi về nhiều hướng để đến với Chúa, như con người ở địa-cầu này từng khá-phá. Đường và lối thân quen nhất, được tác-giả John Main giới thiệu và đề-nghị vẫn là để ra chừng 20 hoặc 30 phút mỗi ngày hai lần như thế và sử-dụng các câu kinh, lời ngắm như để ta không bị lo ra chia-trí với những thực-tế của đời thường, rất cuốn hút.

Kết-hiệp với Chúa có thể thực-hiện ngang qua việc kiểm-soát hơi thở trong lúc ta tâm-niệm và nguyện cầu. Hít thở, là cung-cách mà cơ-thể của ta thường bị ý-chí của ta kiểm-soát chặt chẽ, dù ta có muốn thế hay không. Ta quan sát hơi thở qua từng cái hít vào và thở ra như thể ngắm nhìn giòng chảy ở sông ngòi vẫn thường thế.

Kết-hiệp với Chúa như thế rồi, ta còn khuyến-khích người khác tham gia cùng với ta làm cuộc hành hương vào tận tâm can của mỗi người và mọi người. Đó là khoảng cách xa xôi nhất ta có thể làm được. Xa xôi, còn hơn cả khoảng cách từ đầu chạy về tim, là khoảng cách dài nhất trong cuộc đời mà ít người nghĩ tới. Bởi, khi nghĩ chỉ là động tác suy-tư có ở trong đầu chứ chưa đến điểm tới ở tâm can tuy rất gần về không gian nhưng lại xa về thời gian, nên cứ xa mù tắp. Xa hơn nữa, còn là đi từ cái “tôi” của mỗi người mà mọi người đều đeo bám để sống sót và sống còn, để rồi mới trải dàn ra bên ngoài không giới-hạn, tức sự tự-do của Thần Khí. Cái khoảng cách rất ghê gớm từ nỗi hãi sợ và sở hữu để đi tới bình-an, yêu thương và vui vẻ. Chính đó, là ý-nghĩa thâm-căn của vấn-đề “bừng cháy trong tâm can”, với mọi người, trong kết-hiệp” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan Family, số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).

Xem thế thì, suy-tư nguyện cầu kết hiệp với Chúa, và với người khác, là sự việc rất cần-thiết cho mọi người, ở đời vào lúc này. Chí ít, là thời buổi có quá nhiều thứ hấp-dẫn hơn những việc buồn-chán như thế, sau cách mạng truyền-hình và vi-tính, rất hiện-đại.

Suy-tư nguyện cầu có kết-hiệp, cũng tựa như nhu-cầu đọc sách và/hoặc nghiên-cứu những thứ khô khan/nhàm chán, như thần học.

Còn nhớ về câu chuyện-trò ngắn-ngủi được trao-đổi giữa Đức Phanxicô và chủng-sinh nọ thuộc Dòng Tên ở Rôma, khi Đức Giáo Hoàng hỏi ông thày dòng trẻ này đang tập-trung vào việc gì hơn cả, thì thày trẻ trả lời: là mình đang học thần-học căn bản, Đức Phanixô liền cười đùa và bảo rằng: “Tôi nghĩ trên đời này không có thứ gì còn nhàm và chán hơn cái môn khô khan này!” (x.Matthew Boudway, phỏng vấn Đức Hồng Y Walter Kasper hôm 7/5/2014 ở Rôma).

Đức Giáo Hoàng nói bông đùa cho vui thì nói thế, chứ vị đại diện cho ngài đã trả lời câu hỏi của cùng một phóng viên về nền thần-học thực-hành/thực-tiễn, lại vẫn bảo:

“Tôi không thấy có sự mâu-thuẫn nào giữa nền thần học tín-lý –là thứ tôi đã từng học biết- và thần học mục-vụ hết. Thần-học mà lại không có tầm-kích mục-vụ sẽ trở thành thần-học trừu-tượng. Thời của tôi, đó là điều quan-trọng rất cần-thiết mỗi khi tôi đi thăm các giáo-xứ, nhà thương hoặc các nơi như thế. Và khi tôi phụ-trách việc bang giao-giữa Công giáo và Thế Giới Thứ Ba, tôi có đi thăm rất nhiều khu ổ chuột ở Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh và châu Á và đối với tôi, các kinh-nghiệm ấy đều rất cần, là bởi Lời của Chúa không phải chỉ là tín-lý/tín-điều. Nhưng, còn là lời ngỏ với chúng dân. Công-việc thừa-sai/mục-vụ mà không có căn bản tín-lý vững-chắc thì không thể nào xảy ra. Bởi, thần-học ấy sẽ chuyên-quyền/độc-đoán, và chỉ là cung-cách hành-xử của người có bản-chất tốt lành, thôi. Thế nên, nền thần-học tín-lý và thần học mục-vụ lại tương-tác với nhau. Cả hai đều cần đến nhau và giúp nhau” (xem Matthew Boudway, bđd).

Nói khác đi, suy-tư nguyện cầu, bao giờ cũng cần có cơ-sở để kết-hiệp/hiệp-thông trong thương-yêu. Kết hiệp mà không yêu-thương chỉ là kết-hiệp giả hiệu. Cũng thế, suy-tư mà không có căn-bản, cũng chẳng là việc nguyện-cầu, kết-hiệp với ai hết. Chí ít, là với Chúa, với ta với cả bạn bè

Để minh-hoạ việc này, không gì bằng ta cứ trở lại với Lời Vàng, làm bằng chứng, như trình-thuật ở Tin Mừng thánh Luca, từng nói đến:

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy,

quay trở lại Giê-ru-sa-lem,

gặp Nhóm Mười Một

và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.

Những người này bảo hai ông:

“Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”

Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường

và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”

(Lc 24: 32-34)

Kết hiệp, là như thế. Suy-tư là như vậy. Như thế, tức là cốt lõi của Đạo Chúa nằm nơi sự thể người người đều suy-tư nguyện-cầu, có kết hiệp. Suy-tư nguyện cầu cùng với nhau, tức: có Chúa ở cùng. Và cũng là sinh-hoạt hành-xử để thực-hiện điều Chúa truyền-dạy cho mỗi dân con đồ-đệ khi Ngài về cùng Cha, để rồi lại sẽ gửi Thần Khí Chúa đến với dân con mọi người mà kết-hiệp hài-hoà rất suy-tư và nguyện cầu.

Kết-hiệp với nhau, trong nguyện cầu, là kết và hiệp trong vui tươi hoà hoãn suốt mọi thời, như truyện kể để minh-hoạ, minh-chứng và xác-thực điều cần-thiết rất như sau:

“Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ:

-Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”

Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.

Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai:

-Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!

Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp:

-Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?

Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da

trắng ấy sẽ trả lời thế nào.

Người mẹ nói:

-Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của

chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?

-Vâng! Đúng ạ!

-Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?

Đứa bé nghĩ ngợi một lúc:

-Đúng thế mẹ ạ! Toàn là màu đen hết.

-Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?

-Vâng!

Con trai đột nhiên ngộ ra và nói:

-Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.

Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ:

-Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều!

Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói:
-Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là

người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của

bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành-tựu khác. (trích truyện kể ê hề ở trên mạng)

Da trắng hay da đen. Có cầu-nguyện hay không nguyện cầu, cho nhau. Vẫn là chuyện thường ngày xảy ra ở huyện dân đen, ngoài phố chợ. Huống chi là ở nhà Đạo chốn phố-phường sầm-uất rất bận rộn.

Cầu-nguyện ê-a tà tà đầy kinh kệ, hoặc nguyện-cầu chốn im ắng đầy kết hiệp, lại là hành-xử riêng-tư của mỗi người, và mọi người. Cũng như thế, lân-la kết-hiệp với thi-ca/âm nhạc cũng là con đường tắt để ta kết-hiệp với Chúa và với người phàm, vẫn là động-thái tư riêng như tôi như bạn, vẫn cứ bảo. Quyết thế rồi, xin bạn và tôi, ta cứ thế mà cùng người nghệ sĩ, lên tiếng hát nốt ý/lời của câu kết, rằng:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Hát thế rồi, ta cứ thế hiên ngang đi vào nguyện-cầu, cùng Chúa, với anh em.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn nhắn mình

và nhắn người

rất như thế.

 

“Ta trơ trọi như một người lữ thứ,”

“Ta trơ trọi như một người lữ thứ,”

“quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.”

(Dẫn từ thơ Tế Hanh)

Mt 28: 16-20

Mai Tá lược dịch

Như người lữ-thứ, cứ trơ trọi một mình. Trơ trọi, còn là tâm-trạng của nhà thơ, nhạc sĩ, cả ngài Hillary lừng danh tên tuổi một thời, từng leo núi. Nhưng trơ trọi, chẳng bao giờ là tâm-trạng của người nhà Chúa vẫn hân-hoan với mọi người, trong kinh-nghiệm sống, rất yêu-thương.

Kinh nghiệm sống, lại cũng có trường-hợp những thăng quan tiến chức; hoặc, những tháng ngày dù có xuống cấp, tủi nhục, người từng trải vẫn có thể ngồi cạnh bên để kể cho nhau rất nhiều chuyện suốt hàng giờ, không biết mệt. Nhưng, kinh nghiệm kề cận giới thần linh siêu thoát thì số

người như trên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như truyện kể về ngài Edmund Hillary nước Tân Tây Lan, ở bên dưới:

Hồi còn là chú học trò nhỏ mài đũng quần nơi ghế nhà trường, tôi đã được vinh dự cùng trường với lớp đón tiếp ngài Hillary đến ghé thăm để kể cho nhau nghe kinh nghiệm đời ông.

Tôi còn nhớ, bầu khí hôm ấy thật huyên náo vì chuyến viếng thăm độc nhất vô nhị này. Đây là buổi nói chuyện thân mật của người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, chốn non cao vời vợi ấy. Ngày nay, người ta có cả một trường dạy leo núi gồm các lực sĩ nổi tiếng như Tenzin Norgay của Tây Tạng, từng đè bẹp kỷ lục nhỏ của vị quán quân người Tân Tây Lan, từ lâu rồi. Nhưng hào quang sùng bái kia, vẫn chưa rời thoát khỏi người anh hùng trên “đỉnh mùa đông” ấy.

Một số giáo sư nghiêm khắc của tôi khi trước, vẫn hết lòng bái phục ngài Edmund Hillary. Vì, lúc bấy giờ dân chúng có thói quen tôn sùng các vị anh hùng nhỏ như thế. Có điều kỳ lạ, là: trong chuyến ghé thăm trường làng, ngài Edmund tuyệt nhiên không đả động gì đến các cuộc leo núi ngọan mục.

Ngược lại, ông chỉ chú ý đến những gì chúng tôi đang làm ở chốn đồng bằng miền xuôi này. Hôm ấy, quả là ông nói nhiều đến công lý, hòa bình và nhân phẩm con người, hơn là các kỷ lục thần thánh. Tôi nhớ rất rõ, vào phút cuối buổi chuyện trò hôm ấy, ngài quý tộc đã gửi đến chúng tôi lời khuyên nhủ, là: ta nên tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, cho mọi người, ở mọi nơi trên chốn trần gian này.

Vào giây phút giải đáp thắc mắc sau đó, có người hỏi ngài Edmund rằng: “Khi leo lên đến chóp đỉnh của địa cầu trần thế, ông có cảm giác gì như gần gũi Đức Chúa không?” Rõ ràng, tôi nghe tiếng ông trả lời là: “Có chứ!” Tuy câu trả lời là như thế; nhưng, ông vẫn nhấn mạnh đến khoảnh khắc cuộc đời đầy những thăng trầm/đổi thay, lúc lên cao, khi xuống thấp.

Ông nói: Ông có cảm giác rất thực, về sự sống năng động và về cái chết gần kề, vào những lúc leo lên/trèo xuống chốn non cao, nơi ấy. Chính đó, là lúc ông thấy rõ, có sự hiện diện của Đức Chúa. Và, Ngài đồng hành với ông vào những lúc thăng trầm, trên núi cũng như suốt đời mình.

Chuyến ghé thăm của ngài Hillary thật ra không xa cách là bao, đối với những gì xảy đến với môn đệ của Đức Chúa trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.

Thánh sử Matthêu, hôm nay kể rằng: mười một người con thân yêu lâu nay sùng kính Đức Kitô, đã được Thầy Chí Thánh sai phái ra đi đến với thế giới nhân trần. Và, Thầy hứa: Thầy sẽ lưu lại với con Thầy mọi ngày cho đến thế tận. Và, Thầy vẫn giữ lời hứa ấy.

Tôn thờsùng bái, là cụm từ ít được người Công giáo ta sử dụng, hằng ngày. Trong khi các tôn giáo khác, mô tả nghi tiết tế tự của họ, như một “tôn thờ và sùng bái”, thì ta lại có khuynh hướng chỉ sử dụng cụm từ này theo cách thế phàm trần như tôn sùng các anh hùng/thần tượng siêu sao thể dục/phim ảnh. Tuyệt nhiên, không ở trên bàn thờ, nơi đó có nghi lễ sùng bái, có tế tự.

Tuy thế, ý niệm nằm phía sau ngôn từ, là một ý niệm hệ trọng. Tôn kính và phượng thờ Đức Chúa, có nghĩa là: ta công nhận ta chẳng là thần linh – Chúa tể, của riêng ai. Ta chỉ là tạo vật, nên việc phụng thờ sùng bái được hướng đến Tạo Hoá, Đấng dựng nên ta. Đấng Cứu Độ muôn người. Và, cũng là Đấng Bảo vệ ta, luôn mãi.

Dù có công nhận hay không, ta vẫn được sai đi đến với thế giới nhân trần vào mỗi lần kết thúc nghi thức phượng thờ: “Anh chị em ra đi bình an để phụng sự Chúa”. Khẩu lệnh này, làm đổi thay việc ta tôn sùng, và phượng thờ. Nghĩa là: tham dự Tiệc Thánh, không phải để ta đạt được điều gì đó, có lợi cho chính mình.

Cụm từ “Tiệc Thánh Thể” ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa của khẩu lệnh “được sai đi”, rồi. Điều này chứng tỏ, rằng: nghi lễ phụng vụ của ta cốt là để mừng kính những điều mà Đức Giê-su đã làm cho thế giới nhân trần. Ngài vẫn ở trong ta. Và, ngang qua ta, vẫn đến với người khác, nữa. Đây là một chuẩn bị mà Đức Chúa vẫn muốn kiện toàn.

Cuối cùng, ta vẫn tiếp tục có được kinh nghiệm cuộc đời, về sự hiện hữu của Đức Giêsu trong cuộc sống hiện thực. Bằng không, sẽ chẳng có lý do gì chánh đáng, để ta tụ tập nhau đây. Nơi bàn tiệc này. Đức Chúa, qua mạc khải nơi Đức Kitô, không bao giờ cách xa cuộc sống đời thường, của chúng ta. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra thản nhiên/lãnh đạm, trước nhu cầu của mỗi người, rất riêng lẻ. Chúng ta tin vào Chúa, Đấng luôn đồng hành với ta, trong mọi khoảnh khắc, giữa cuộc đời. Ngài không ngưng tháp tùng ta. Và, mong ta kề cận bên Ngài. Và, Ngài cũng mong ta luôn có nhu cầu được Ngài cận kề.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cảm tạ Chúa đã để cho sự việc diễn tiến ở chốn non cao, miền đồi núi ấy. Ở nơi đây, có Đức Giêsu tiến thẳng về với Cha. Sự kiện này xảy ra, là để nâng ta lên khỏi cuộc sống đời thường. Khi ta mừng kính sự kiện này, là để chứng tỏ ta chính là tạo vật, chứ không phải kẻ tạo dựng ra mọi vật.

Bởi thế, hãy lắng tai nghe cho kỹ, lời Đức Kitô mời gọi, là lời khích lệ mỗi người hãy rời quán xá/trần tục những vênh vang, tự mãn. Hãy ra đi, đến với Hội thánh trong cố gắng thay đổi toàn bộ thế giới này.

Hãy cứ vui và hy vọng, vì có Đức Kitô hiện diện ở bên ta. Ngài luôn trung thành cận kề, trước sau như một. Ngài luôn ở trên ta. Và, trong ta. Ngài luôn sống cùng và sống với ta. Ngài vẫn hiện diện nơi ta, bây giờ và mãi mãi, suốt đời sau. Vui và hy vọng, vì Ngài đã hứa và Ngài giữ lời. Lời Ngài hứa, là lời thề sẽ ở mãi với ta và với mọi người. Cả những người đã để luột mất sự thủy chung dịu dàng.

Trong tinh thần an vui, hy vọng ta lại hướng về lời thơ/ý nhạc, vẫn ngâm rằng:

“Ta trơ trọi như một người lữ thứ,

Quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.

Ta thơ thẩn, như một cô trinh-nữ,

Lở mộng đầu, rã rượi khóc tình thương.”

(Tế Hanh – Trăng Tàn)

Trơ trọi như người lữ thứ, hay thơ thẩn như cô trinh-nữ, cũng chỉ vì “rã rượi khóc tình thương”. Xem như thế, thì tình thương mới là tất cả, cho con người. Dù người đó, hay tôi đây là con dân nhà Đạo hay chỉ là người thường ở ngoài đời, rất tình đời.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Ra đường dạy con

Ra đường dạy con

Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư

Con gái của người mẹ trẻ đã năm tuổi. Ngần ấy thời gian bà mẹ trẻ ngấm dần những trải nghiệm, rằng mang nặng đẻ đau không cực bằng đút cơm cho con bé, sau lại thấy cảnh lúp xúp cầm chén cơm rượt theo nhỏ con (vốn biếng ăn kinh khủng) không cực bằng dạy nó nhận thức việc tốt xấu ở đời.

Bà mẹ nghĩ thế hệ mình còn nghèo, tất bật kiếm miếng ăn nên bỏ qua việc sống bặt thiệp, lịch sự, văn minh. Thôi để con nó làm những điều ấy thay mình (điều đó làm mẹ đôi lúc buồn cười, tham vọng mình lớn vậy sao, định cải sửa cả một thế hệ à?). Buổi sáng mẹ chở con đi học, mẹ dạy, “con đừng khạc nhổ ngoài đường, làm vậy người ta cười, nói mình không lịch sự”. Tức thời có chú ăn mặc tử tế chạy xe đằng trước ngoẹo đầu phun cái vèo, may mà né được nếu không bị gió tạt nước miếng vô mặt. Mẹ thấy… bối rối, lanh trí nói, “Đọ, như chú đó mọi người không ai thích hết”. Vẻ mặt nhỏ con có vẻ ngờ ngợ, có lẽ nó thấy kỳ vì nhiều người lớn không cần được yêu. Mẹ nhận thấy những bài học ngoài đường hay kèm theo… rủi ro. Mẹ nói với con rằng bỏ rác vào thùng mới ngoan, nên đứa bé khư khư cầm vỏ kẹo trong tay chờ mẹ chạy xe lòng vòng tìm cho được thùng rác. Qua mấy khúc đường đó, hai mẹ con thấy có một chị quét hắt rác từ nhà ra đường, một người thả lắt lay theo gió tấm giấy gói bánh mì, và ai đó đổ tháo ra đường một vũng… cặn heo. Mẹ thấy bất lực vì trong mắt con đầy hoài nghi. Khi rác được quăng vô thùng, con thở khì một cái, thỏ thẻ, “Mẹ thấy con giỏi không. Nhưng giỏi làm chi mắc công quá hà, mẹ”. Mẹ im lặng, thấy buồn.

Ai đâu dè dạy con khó dữ vậy. Dặn con đừng nói lời thô tục, nên lần nào vợ chồng cặp bên vách đánh nhau, mẹ phải lật đật đi mở nhạc, vặn to volume cho át đi tiếng chửi thề xoi xói. Biểu con đừng quăng vỏ chuối, hay mảnh giấy xuống sông nhưng nước sông đã ngầu, lúc nhúc rác rưởi. Khuyên con giữ lời hứa, nó day lại nói, hôm trước đi thi bé khoẻ bé ngoan cô giáo biểu hát hay cô cho kẹo, “mà con đâu có thấy”. Rồi mai rồi mốt, bà mẹ biết việc dạy con sẽ dần dần khó khăn hơn. Làm sao để thuyết phục nó rằng ăn mặc kín đáo, giản dị là đẹp trong khi các cô gái đang vòng cổ vòng tay dây nhợ lòng thòng diêm dúa, ngược lại, áo quần thì chỉ một vài mảnh vải đắp thờ ơ, hở trước hở sau, hở trên hở dưới. Làm sao để con nó tin được rằng vẻ đẹp tâm hồn mới quan trọng khi người ta treo bảng rao, cần tuyển nhân viên, ngoại hình đẹp… Nói về sự sâu sắc của tâm hồn khi người đời đang nhìn nhau, đánh giá nhau bằng quần áo, trang sức, bằng xe, bằng nhà… không biết đứa con có nghe không. Nó có tin mẹ không khi mẹ nói về sự trung thực trong khi bạn nó quay cóp luôn luôn được điểm cao, xếp hạng đầu. Câu chuyện của mẹ về lòng nhân từ sẽ chìm lỉm giữa cảnh chiếc ô tô dấn ga cán bừa lên sọt cà chua – gia tài của người nông dân lỡ đổ ra đường, vì chở nặng. Chẳng ai đỡ giúp chiếc xe, hay nhặt giúp trái cà…

Vậy mà, lái con tàu hoang dã thơ dại ấy về cái bến đầy hoa cỏ chẳng dễ dàng gì. Mẹ biết phải nỗ lực nhiều, nhưng chỉ tấm lòng người mẹ thôi không biết có chống chọi được với muôn mặt cuộc sống để dẫn dắt con mình vào con đường tử tế?

Tiếng đàn Piano nửa đêm…

Tiếng đàn Piano nửa đêm…

NỖI NIỀM

(Piano solo Quỳnh Tín)

http://nguyentran.org/NT/Hinh/TiengDanPiano.jpg

Một người bạn gởi cho tôi câu chuyện này, không rõ tác giả, một câu chuyện thực sự cảm động và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về cuộc sống. Bài viết gần như hoàn chỉnh tôi chỉ sửa một số lỗi chính tả và hiệu chỉnh lại một số đoạn cho rõ nghĩa hơn. Tựa do tôi đặt lại. ( NĐH).

– Một ngày anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen.

Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt :- Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây ?

Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong sự hổ thẹn :

– Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm !

Chị sầm mặt xuống :

– Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc lên đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy ?

Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều mà anh muốn nhờ chị.

Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh :

– Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa !

Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối :

– Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.

Chị thở dài :

-Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau.

Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn.

Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi, tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

* Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội . Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây Đức. Chị tốt nghiệp đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.

Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.

Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán, chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta.

Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được.Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn.

“Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng…”, đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ.

Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.

Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.

Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.

Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố.

Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.

Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm.

Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được. Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm,.. đàn..đàn…klavia….con muốn… Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần.Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm.

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì. Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: “…Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo…sống với cha êm như làn mây trắng…nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con….với tháng năm nhanh tựa gió…..ôi cha già đi cha biết không…”.

Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó. Nó chìa cho chị một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát. Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ.

Chị hỏi, bốn tháng rồi hả. Nó gật đầu.

Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng:

-” Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con..”

Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg….

Đoạn kết :

Tôi nghe người ta kể lại câu chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát “Người Cha Yêu Dấu” bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

* Lời phụ của Nguyễn Đại Hoàng : Câu chuyện đơn giản, không nhiều tình tiết, đã lấy đi nước mắt của nhiều người đọc. Tôi hình dung được cảnh người cha Việt Nam gầy ốm bệnh tật và đứa con gái tật nguyền tội nghiệp của anh trên đất khách quê người.

Tôi như thấy được hình ảnh đứa con gái tưởng nhớ người cha – mà em biết đã mất rồi – qua tiếng đàn Piano. Tôi biết tiếng đàn ấy đau đớn biết bao. Tôi nghe được cả lời ca nghẹn ngào của em …

–         Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo…sống với cha êm như làn mây trắng…nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con….với tháng năm nhanh tựa gió..ôi cha già đi cha biết không…”.

Em bé Việt Nam ở phương trời xa lạ kia ơi em thật là vĩ đại ! Tôi hãnh diện vì em biết bao !

–         NGUYỄN ĐẠI HOÀNG

 

Bầu cử Ukraine 2014: xong rồi, có tân tổng thống, an tâm hơn

Bầu cử Ukraine 2014: xong rồi, có tân tổng thống, an tâm hơn

Nguyễn Khanh, RFA
2014-05-26

RFA

Các ứng cử viên Petro Poroshenko và Yulia Tymosheko

 

Các ứng cử viên Petro Poroshenko và Yulia Tymosheko

Kết quả những cuộc thăm dò cử tri sau khi họ vừa rời phòng phiếu cho thấy người dân Ukraine đã chọn được tổng thống.

Đúng như dự đoán được đưa ra từ những ngày đầu tiên của cuộc vận động tranh cử, người được chọn không ai khác hơn, chính là nhà tỷ phú Petro Poroshenko, nổi tiếng trong chính trường vì từng giữ nhiều vai trò quan trọng khác nhau như vai trò của ngoại trưởng hay vai trò bộ trưởng kinh tế, đồng thời cũng nổi tiếng trong thương trường với biệt danh “Vua Chocolat”, đang làm chủ những hãng xưởng sản xuất kẹo ở nhiều quốc gia, kể cả những cơ xưởng do ông dựng lên trên lãnh thổ Liên Bang Nga, kẻ thù không đội trời chung với những người bỏ phiếu chọn ông làm người lãnh đạo và điều khiển một quốc gia đang gặp quá nhiều khó khăn.

Mặc dù lực lượng dân quân thân Nga tìm đủ mọi cách để gây cản trở cho cư dân miền Đông muốn tham gia cuộc bầu cử (không đầy 20% phòng phiếu miền Đông mở cửa), nhưng hình ảnh ghi nhận được ở thủ đô Kiev và những nơi khác cho thấy cử tri đứng xếp hàng chờ đến lượt để làm nhiệm vụ công dân là bằng chứng xác nhận người dân Ukarine nôn nóng muốn thấy một chính phủ chào đời, thay thế cho chính quyền lâm thời được dựng lên hồi tháng Hai vừa rồi sau cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga Viktor Yanukovych.

Hội Đồng Bầu Cử Trung Ương Ukraine cho biết có tới 60% cử tri đi bầu, những cuộc thăm dò cho thấy hơn 55% bỏ phiếu cử tri chọn ông Poroshenko, đủ để ông tự tin “vui mừng đón nhận tin chiến thắng và trách nhiệm đầy khó khăn” đi kèm với lời cam kết sẽ dựng một chính phủ như ý người dân trông chờ, cho biết việc đầu tiên ông sẽ làm sau ngày tuyên thệ nhậm chức là đến vùng Donetsk Luhansk, nói chuyện trực tiếp với lực lượng thân Nga đang làm chủ tình hình, muốn tách rời khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên Bang Nga như cư dân Crimea mới làm cách đây chỉ một vài tháng trời.

Bằng tất cả tấm lòng, tôi xin cám ơn người dân Ukraine đã đi bầu với con số kỷ lục…Tôi biết chắn chắn sự hỗ trợ của người dân sẽ giúp xây dựng một chính phủ vững mạnh, tạo cơ hội để (chúng ta cùng) giải quyết những trở ngại đang phải đương đầu

Petro Poroshenko

“Bằng tất cả tấm lòng, tôi xin cám ơn người dân Ukraine đã đi bầu với con số kỷ lục” vị Tổng Thống đắc cử mới 48 tuổi của Ukraine nói trong bài diễn văn chiến thắng đọc tối Chủ Nhật, chỉ vài giờ đồng hộ sau khi phòng phiếu đóng cửa. “Tôi biết chắn chắn sự hỗ trợ của người dân sẽ giúp xây dựng một chính phủ vững mạnh, tạo cơ hội để (chúng ta cùng) giải quyết những trở ngại đang phải đương đầu”.

Các quan sát viên bầu cử. RFA

Các quan sát viên bầu cử. RFA

Những trở ngại ông nói tới là “bát ổn, chấm dứt cuộc chiến và đem lại hòa bình cho đất nước” và chắc chắn, “sẽ làm việc với Liên Bang Nga” để giải tỏa những bất đồng như ông từng nói lúc còn vận động tranh cử. Nói rõ hơn, ông muốn bắt đầu thảo luận để đi đến một hiệp định mới về an ninh với đại cường quốc láng giềng, nơi thành phần lãnh đạo một mặt vẫn gọi cuộc bầu cử của người dân Ukraine là cuộc bầu cử bất hợp pháp, nhưng mặt khác cho hay sẵn sàng công nhận kết quả của cuộc bầu cử, “tôn trọng quyết định của người dân Ukraine”.

Đại đa số cử tri cho biết có nhiều lý do để họ bỏ phiếu chọn ông Poroshenko làm tân tổng thống. Bà Natalia dẫn theo 2 cậu con trai còn nhỏ đi bầu ở trung tâm thủ đô Kiev cho biết chọn ông Proshenko “vì ông ta có kinh nghiệm làm việc, đồng thời cũng là người thực tế, biết phải làm gì và biết tương nhượng khi thấy cần thiết”. Bà đưa ra dẫn chứng “ông ta từng làm bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng kinh tế và nhất là một thương gia rất thành công, điều đó chứng tỏ ông ta có tài ăn nói, khôn khéo, biết cách giải quyết vấn đề”, giúp Ukraine qua được khó khăn “chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế”.

Tôi bỏ phiếu chọn ông Poroshenko vì tôi tin ông ta học được kinh nghiệm của những chính phủ xấu xa cũ, ông ta biết nghe tiếng nói của người dân hơn, biết một chính quyền tham nhũng là một chính quyền không thể nào tồn tại được

Natalia

Một bà -cũng tên Natalia- đang làm việc cho trường đại học của thủ đô Kiev nói rằng từ năm 2001 đến giờ đã có 4 cuộc bầu cử diễn ra, “nhưng không kỳ bầu cử nào quan trọng cho kỳ bầu cử này”. Bà giải thích “chẵng ai ngờ những cuộc bầu cử trước đây lại đẩy Ukraine đến vực thẳm vì thành phần lãnh đạo không biết nghe dân, họ chỉ biết chia chác quyền hành và tham nhũng”. Bà hy vọng “tôi bỏ phiếu chọn ông Poroshenko vì tôi tin ông ta học được kinh nghiệm của những chính phủ xấu xa cũ, ông ta biết nghe tiếng nói của người dân hơn, biết một chính quyền tham nhũng là một chính quyền không thể nào tồn tại được”.

Các thùng phiếu có đánh số. RFA

Các thùng phiếu có đánh số. RFA

Ngay chính một số người Việt Nam đang sinh sống ở Ukraine cũng chia sẻ nhận xét tương tự. Hầu như không ai ngạc nhiên khi được tin ông Poroshenko đắc cử, “vui mừng vị không phải bầu cử vòng hai” như lời ông Thông nói với bạn bè trong bữa cơm -vừa ăn vừa bàn tán và theo dõi tin tức bầu cử-. “Tôi thấy an tâm hơn, tôi mong chính phủ của ông Poroshenko sớm ra mắt mọi người, may quá chỉ bầu có vòng đầu đã xong chứ phải bầu vòng hai trong tình huống quốc gia đang sôi bỏng như thế này thì khó lắm”. Khó ở đây, ông Thông giải thích, là “ngày nào còn chính quyền lâm thời là ngày đó còn mệt với Nga”.

Một người Việt khác, ông Tiến, mong ước “chính phủ mới phải nghe dân”, nhắc lại các chính quyền cũ “có lối làm việc cứ như là Sa Hoàng của Nga thời xưa, không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của dân chúng cả”. Ông Tiến cho biết lý do tại sao đoàn biểu tình đã lật đổ được chính quyền cũ của ông Viktor Yanukovych nhưng đến bây giờ họ vẫn không rời những điểm đóng chốt ngay tại trung tâm thủ đô Kiev “vì họ chờ xem chính phủ mới sẽ làm việc như thế nào, có thật sự là một chính quyền của dân và vì dân hay lại giống như các chính phủ cũ, chỉ hứa mà không bao giờ giữ lời hứa”.

Những cuộc thăm dò cũng cho thấy về nhì trong cuộc bầu kỳ này là bà Cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko với khoảng gần 13% tổng số phiếu. Trong bài diễn văn đọc sau khi biết tin không thành công, người từng điều hành chính phủ Kiev nói rằng bà “xin được chúc mừng nhân dân Ukraine đã hết lòng tham gia cuộc bầu cử bất chấp đe dọa lẫn thái độ hung hăng của Kremlin” cho biết thêm “cuộc bầu cử diễn ra công bằng và dân chủ”, kêu gọi ông Poroshenko “xây dựng đoàn kết quốc gia”.

Cũng cần nói thêm sau khi bỏ phiếu, bà Tymoshenko có nói rằng một trong những việc vị tân tổng thống phải làm là tiến hành thủ tục để gia nhập NATO, xem đó là “cách duy nhất có thể giúp giải quyết áp lực nặng nề đến từ Moscow”.

TQ lại nhắc Công hàm Phạm Văn Đồng

TQ lại nhắc Công hàm Phạm Văn Đồng

Thứ ba, 20 tháng 5, 2014

Trung Quốc nói không có tranh chấp với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

Một nhà ngoại giao và một học giả Trung Quốc nói Công hàm 1958 là bằng chứng Việt Nam công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.

Công hàm 1958 gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại được Trung Quốc đề cập trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đối đầu vì vụ giàn khoan HD-981.

Căng thẳng Việt – Trung đã gia tăng, với việc nổ ra các cuộc bạo động ở Việt Nam, sau khi Việt Nam lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại khu vực biển Hoàng Sa.

Hôm 20/5, đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post để biện hộ cho Trung Quốc.

Ông Lưu Hồng Dương nói quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc dùng để chỉ Hoàng Sa) là “lãnh thổ vốn vẫn thuộc về Trung Quốc”.

“Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai.

“Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc.”

Ông Lưu Hồng Dương cáo buộc “việc chính phủ Việt Nam gần đây thay đổi và từ chối công nhận Tây Sa là của Trung Quốc thật vô cùng gây sốc”.

“Việt Nam rõ ràng vi phạm nguyên tắc ‘estoppel’ [không được nói ngược],” ông Lưu cáo buộc.

Bày tỏ lập trường chính thức của Trung Quốc, ông Lưu nói tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ tồn tại ở quanh quần đảo Trường Sa.

Ông Lưu cáo buộc Việt Nam có “tiêu chuẩn kép” khi đã “đánh dấu 57 lô dầu khí ở trong vùng biển tranh chấp”.

Nói về cuộc đối đầu quanh giàn khoan HD-981, ông Lưu nói Việt Nam “phải bỏ mọi ảo tưởng và tiến hành hai biện pháp quyết định”.

“Một, ngay lập tức dừng mọi hoạt động nguy hiểm chống lại giàn khoan Trung Quốc và rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển thuộc Trung Quốc.

“Hai, thực thi lời hứa dừng mọi bạo lực trong nước để bảo vệ công dân và tài sản công ty Trung Quốc ở Việt Nam.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về bài báo của ông Lưu Hồng Dương.

Trong một diễn biến liên quan, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có bài trả lời phỏng vấn hãng tin Đức Deutsche Welle (DW), được đăng trên mạng hôm 20/5.

Ông này cũng nhắc lại về Công hàm Phạm Văn Đồng.

“Năm 1958, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa trong công hàm gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

“Hà Nội chỉ thay đổi lập trường sau khi đất nước thống nhất năm 1975,” tiến sĩ Ngô nói.

“Nhưng theo nguyên tắc estoppel, Trung Quốc không tin rằng Việt Nam có thể thay đổi lập trường về vấn đề chủ quyền.”

Công hàm Phạm Văn Đồng vẫn gây tranh cãi sau 50 năm

Công hàm tranh cãi

Công hàm ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958 để phúc đáp tuyên bố của CHND Trung Hoa hôm 04/9 năm 1958 về hải phận 12 hải lý của nước này.

Viết trên BBC, Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, cho rằng công hàm “không liên quan gì đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, càng không có nghĩa là Việt Nam thừa nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”.

“Bởi thời điểm này 2 quần đảo đang do chính thể Việt Nam Cộng hòa, đại diện cho nhà nước Việt Nam quản lý, thực thi chủ quyền,” ông Trục giải thích.

Tuy vậy, tranh luận trên BBC, ông Lý Thái Hùng, một lãnh đạo của đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, lại nói công hàm “vẫn đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay”.

Nói như một nhà nghiên cứu khác, Dương Danh Huy, công hàm có gây ra nghĩa vụ ràng buộc cho Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa hay không là một vấn đề “còn tranh cãi”.