XIN THỜI GIAN QUA MAU -Lam Phương -Hoàng Oanh & Ngọc Lan
httpv://www.youtube.com/watch?v=7a1mE0_pQ1Y
httpv://www.youtube.com/watch?v=7a1mE0_pQ1Y
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, xin kính mời quý vị xem lại Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần và những Hoa Quả Thần Khí Chúa.
Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần:
1. Ơn Khôn Ngoan (Wisdom) – Giúp ta phân biệt điều phải, điều trái.
2. Ơn Hiểu Biết (Understanding) – Giúp ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dậy.
3. Ơn Biết Lo Liệu (Counsel) – Giúp ta giải quyết mọi khó khăn trong đời sống, nhất là đời sống thiêng liêng.
4. Ơn Sức Mạnh (Fortitude) – Giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.
5. Ơn Thông Minh (Knowledge) – Giúp ta nhận ra thánh ý Chúa.
6. Ơn Ðạo Ðức (Peity) – Giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em.
7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa (Fear of the Lord) – Giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài.
Mười hai Hoa Quả Chúa Thánh Thần:
1. Bác Ái (Charity): Giúp ta làm mọi việc vì mến Chúa.
2. Vui Vẻ (Joy): Giúp ta nhận biết lòng nhân từ của Chúa.
3. Bình An (Peace): Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái.
4. Kiên Nhẫn (Patience): Giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên.
5. Nhân Từ (Benignity): Thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người.
6. Hòa Nhã (Goodness) : Phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm.
7. Nhẫn Nại (Longanimity): Làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài.
8. Hiền Lành (Mild): Kìm hãm nóng giận.
9. Trung Tín (Faith): Giúp ta trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người.
10. Nhã Nhặn Khiêm Tốn (Modesty): Làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bền ngoài.
11. Tiết Ðộ (Continence): Chế ngự những dục vọng.
12. Trong Sạch (Chastity): Giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.
KittyThiênKim & Chị Nguyễn Kim Bằng gởi
Gặp gỡ với ĐTC: Ơn Đạo Đức
VRNs (05.06.2014) – Sài Gòn – Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm qua (04.06), ngài tiếp tục bài giáo về bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần. Tuần trước vì vừa kết thúc chuyến hành hương Đất Thánh nên ĐTC ôn lại chuyến đi của Ngài đến Đất Thánh. Tuần này ngài trở lại bài giáo lý về ơn Đạo Đức trong bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần.
Dưới đây là bài giáo lý đầy đủ của ĐTC
Anh Chị em thân mến,
Hôm nay tôi muốn dừng lại ở ơn Đạo Đức là một trong bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần mà thường bị hiểu sai và bị xem một cách hời hợt; thay vì nó đụng chạm đến tâm hồn và cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Là điều cần thiết để làm rõ hơn về ý nghĩa của Ơn ban này, nó không phải là việc có chút lòng lòng từ bi đối với một ai đó, có lòng trắc ẩn với người hàng xóm chẳng hạn, nhưng nó cho thấy chúng ta thuộc về Thiên Chúa và sự gắn kết sâu thẳm của chúng ta với Ngài, một sự gắn kết mang lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta và giữ chúng ta trong sự kiên định, trong sự hiệp thông với Ngài, cũng như trong những lúc khó khăn nhất.
1. Sự gắn kết này với Chúa không phải là một nhiệm vụ hay một sự áp đặt. Nó là một sự gắn kết đến từ bên trong. Đó là một mối liên hệ sống động trong tâm hồn: đó là tình bạn với Thiên Chúa, ban cho chúng ta Chúa Giêsu; một tình bạn mà thay đổi cuộc sống của chúng ta và đổ đầy nơi chúng ta sự nhiệt tình và niềm vui. Vì vậy, ơn Đạo Đức gợi lên trong chúng ta, trước hết, lòng biết ơn và ca khen. Thực ra động lực và ý nghĩa đích thực nhất của hành vi chúng ta là thờ phượng Thiên Chúa. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta và đưa dẫn chúng ta gần hơn đến việc cầu nguyện và ca tụng Chúa một cách rất tự nhiên. Do vậy Ơn Đạo đức đồng nghĩa với tinh thần tôn giáo đích thực, là lòng con thảo đặt hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa, là khả năng để cầu nguyện với Ngài bằng tình yêu và sự đơn sơ mà chỉ có nơi những ai khiêm tốn trong lòng.
2. Ơn Đạo Đức làm cho chúng ta phát triển trong mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta sống như con thảo của Ngài, đồng thời nó giúp chúng ta trao ban tình yêu cho tha nhân và nhận ra họ là anh chị em với mình. Chúng ta được thúc đẩy bởi lòng đạo đức – không phải là chủ thuyết duy đạo đức – trong việc cư xử với những người xung quanh và những ai chúng ta gặp mỗi ngày. Tại sao tôi nói là lòng đạo đức chứ không phải chủ thuyết duy đạo đức?
Bởi vì một số người nghĩ rằng để có sự đạo đức là nhắm mắt lại, nghiền ngẫm và làm cho khuôn mặt mình trở nên siêu thoát như một vị thánh. Trong một tác phẩm nào đó mô tả đạo đức như thể là nhắm mắt lại, đầu lắc lư như lên đồng. Đó không phải là ơn Đạo Đức của Chúa Thánh Thần. Ơn Đạo Đức có nghĩa là có khả năng vui với những người vui, khóc với người khóc, để giúp đỡ những người cần trợ giúp. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa ơn đạo đức và sự hiền lành. Ơn Đạo Đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta làm cho chúng ta trở nên nhu mì, điềm tĩnh, kiên nhẫn, bình an trong Thiên Chúa, và phục vụ người khác bằng sự hiền lành.
Anh chị em thân mến, trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Tông Đồ Phaolô khẳng định: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!”(Rm 8:14-15).
Chúng ta hãy cầu xin với Chúa xin Chúa Thánh Thần ban ơn Đạo Đức để chúng ta có thể khuất phục nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn, nỗi bồn chồn, tinh thần thiếu kiên nhẫn và làm cho chúng ta diễn tả niềm vui của Thiên Chúa và tình yêu của chính mình, cùng tôn thờ Chúa trong sự thật và trong việc phục vụ tha nhân, với sự hiền lành và nụ cười trên môi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn Đạo Đức.
Hoàng Minh
Mỹ-Nhật đối đầu Trung Quốc, Việt Nam kiên quyết cầu hòa
Việt-Long, RFA
2014-06-05
Hạm đội 7 Hoa Kỳ, lực lượng trấn thủ Thái Bình Dương
Courtesy of US Navy
“Bùng nổ như tạc đạn” là nhận xét về Diễn đàn Thượng đỉnh An ninh châu Á, danh xưng vắn tắt là Đối thoại Shangri-La, nhóm họp thường niên tại Singapore năm nay.
Nhân vật đem trưng bày ngòi nổ trước diễn đàn là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và người châm ngòi là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.
Thủ tướng Nhật cam kết sẽ yểm trợ tối đa cho các nước ASEAN để bảo đảm an ninh trên biển và trên không cho Đông Nam Á, bằng sự trợ giúp phát triển, xây dựng khả năng, hợp tác cung cấp kỹ thuật và khí cụ quốc phòng.
Ông kêu gọi tinh thần thượng tôn luật pháp của tất cả các chính phủ liên quan, nói rằng Nhật sẽ giữ vai trò lớn lao và năng động hơn hết từ trước tới nay, trong việc gìn giữ cho nền hoà bình châu Á và thế giới thêm vững chắc.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trên diễn đàn Đối thoại Shangri-La, 30 tháng 5, 2014 – Courtesy of IISS document
Ông cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ sẵn sàng củng cố hợp tác an ninh quốc phòng với Australia và khối ASEAN.
Đây có vẻ như một chính sách đã được Nhật bàn thảo trước cùng với Hoa Kỳ để tung ra trong cuộc đối thoại quốc phòng Shangri-La năm nay. Lập trường này rõ ràng đã phát khởi vì hành động xâm lấn của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam. Và Thủ tướng Nhật cho thấy Nhật, Mỹ và Úc đã đồng thuận về kế hoạch liên quốc gia để đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và toàn cầu. Duy chỉ có khối ASEAN là còn ngồi yên nghe ngóng ý định của các cường quốc, chưa bao giờ quyết định được điều gì có ý nghĩa.
Sau Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã châm ngòi nổ với những lời lẽ cứng rắn khác thường, mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, hướng vào Trung Quốc. Ông trực tiếp lên án hành động đơn phương của Trung Quốc gây bất ổn cho châu Á khi giành lấn chủ quyền trên biển Đông, gọi đó là hăm dọa, cưỡng ép, đe dọa dùng võ lực để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Bộ trưởng Chuck Hagel nhắc lại lời cam kết của Mỹ về kế hoạch tái quân bình lực lượng ở châu Á, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không ngoảnh mặt đi, mà sẽ duy trì luật pháp quốc tế, cương quyết đối đầu với hành động xâm lược, giúp tăng cường khả năng quốc phòng của các đồng minh và của chính nước Mỹ. Ông khuyên Trung Quốc nên đoàn kết với quốc tế cho một nền hoà bình toàn cầu, nếu không thì sẽ gây hại cho hòa bình và ổn định cho hằng triệu người ở châu Á và hằng tỉ người trên thế giới.
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ trên diễn đàn Dialogue Sangri-La, 31 tháng 5, 2014
Diễn tiến Đối thoại Shangri-La cho thấy rõ ràng đây là bài song ca đã được chuẩn bị, nếu không nói là bài hợp ca giữa Hoa Kỳ với Nhật và Úc, được gióng lên để cảnh cáo Trung Quốc một cách nghiêm khắc nhất, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, như Hoa Kỳ đang thi hành trong kế hoạch điều động lực lượng hải quân hướng về Đông Nam Á.
Điều đáng chú ý là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã thông báo Mỹ sẽ tăng ngân sách hoạt động quân sự lên 35% vào năm 2016, và tăng 40% ngân sách huấn luyện, đào tạo về quân sự.
Nước Mỹ có vẻ như vừa thức tỉnh do hành động xâm lược của Trung Quốc ở biển Đông. Mới hồi tháng 2 năm nay ông Chuck Hagel nói với giọng ảm đạm rằng Hoa Kỳ sẽ không còn thống trị trên trên không gian và biển cả vì phải cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng và hoạt động quân sự. Nay đột nhiên chính sách đảo ngược hẳn lại, chẳng phải nước Mỹ giựt mình tỉnh thức vì Trung Quốc bắt đầu gióng hồi trống trận hay sao?
Tiếp sau Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Vương Quán Trung, đã phản bác mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Nhật và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông nói lời lẽ của Bộ trưởng Hagel là nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng và đầy chủ nghĩa bá quyền. Nhưng có tin cho hay sau đó khi họp song phương với Mỹ về quốc phòng, tướng họ Vương đã đề nghị hai nước củng cố hợp tác quốc phòng vì quyền lợi chung ở châu Á và trên thế giới. Điều này có thể được hiểu là Bắc Kinh muốn bắt tay quân sự với Mỹ để chia chác quyền lợi trên vùng biển quanh Trung Hoa và xa hơn nữa. Nhưng Bộ trưởng Hagel vẫn giữ thái độ nghiêm khắc như trong hội nghị, không đáp ứng đề nghị, và cắt ngắn cuộc họp chỉ sau có 20 phút thảo luận.
Phó TTMT quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2014
Công luận của người Việt thì chú ý đến lời phát biểu trước Diễn đàn Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh. Có nhiều ý kiến chỉ trích ông Thanh vì lời phát biểu này.
Xem xét thực tế một cách khách quan, trước hết, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nhận định sự kiện đặt giàn khoan của Trung Quốc là sự va chạm gây căng thằng trong quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với nước bạn Trung Quốc.
Những từ ngữ “va chạm” và “nước bạn” là điều gây nhiều ý kiến chỉ trích là tại sao tướng Thanh lại gọi Trung Quốc là nước bạn, và sự kiện giàn khoan chỉ là va chạm gây cẳng thẳng, trong khi Nhật và Mỹ đã tố cáo đó là hành vi xâm lược đơn phương do chủ nghĩa bành trướng mà hai cường quốc Thái Bình Dương này tỏ ý sẵn sàng giúp ngăn chặn.
Nêu vấn đề một cách hòa hoãn không phải là điều đáng phải chỉ trích quá gay gắt. Vì ngay sau đó ông Phùng Quang Thanh nhấn mạnh rằng bảo vệ chủ quyền là thiêng liêng, nhưng Việt Nam chủ trương giải quyết hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cùng với những thỏa ước của khu vực với Trung Quốc, và các thỏa thuận song phương Việt Nam – Trung Quốc. Chủ trương của Việt Nam cho đến nay vốn được quảng bá là giải quyết vấn đề bằng đường lối hoà bình, thì cách trình bày lập trường với những ngôn ngữ ngoại giao như vậy là phù hợp với chủ trương đó.
Tướng Thanh có nói Việt Nam vẫn rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo… không đâm va, không phun vòi rồng. Lời lẽ đó nghe ra có ẩn ý tố giác Trung Quốc có hành vi hiếu chiến hơn khi cho tàu quân sự đến hiện trường, và tấn công bằng vòi rồng, húc bể tàu kiểm ngư Việt Nam và húc chìm tàu đánh cá của Việt Nam. Sau đó Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để cùng Việt Nam đàm phán.
Điều này cũng nói được lập trường hoà bình và nhũn nhặn của Việt Nam trước diễn đàn quốc tế. Đóng vai người yếu thế trước công luận quốc tế cũng là điều hay. Miễn là đằng sau những lời hoà bình đó đừng quên chuẩn bị đối đầu với chiến tranh!
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, tại Đối thoại Sangri-La 2014
Hiện tại, Việt Nam chưa thể nào nói đến chiến tranh, nhưng vẫn phải tìm biện pháp hoà bình để giải quyết. Vấn đề cần quan tâm là dùng biện pháp pháp lý cách nào, trong khi Việt Nam đã sẵn bị yếu thế về pháp lý trước Trung Quốc về chủ quyền của đảo Hoàng Sa và cả Trường Sa, vì công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhân vật lãnh đạo hành pháp của Việt Nam.
Đó mới là trở ngại khó vượt qua cho Việt Nam. Còn về Trung Quốc, diễn đàn này từng cảnh cáo Trung Quốc hãy coi chừng. Lịch sử thế giới xưa nay cho thấy chiến tranh đã nhiều lần xảy ra khi một quốc gia phát triển mạnh rồi bành trướng một cách nguy hiểm cho quyền lợi của các cường quốc khác.
Hoa Kỳ đột nhiên thay đổi hẳn chính sách quốc phòng. Nhật Bản đột nhiên phóng lên vũ đài quân sự quốc tế với vai trò năng động và chủ động nhất từ thời thế chiến II đến nay. Australia lên tiếng ủng hộ Nhật Bản, Ấn Độ từng ngỏ ý ủng hộ Việt Nam trong kế hoạch khai thác biển Đông, và là quốc gia hải dương hùng hậu có nhiều vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc, đang huấn luyện về tàu ngầm cho hải quân Việt Nam.
Liệu các quốc gia Thái Bình Dương ấy có muốn thực hiện bức tường chắn nam Trung Hoa bằng quân sự, và chỉ cần một lý cớ chính đáng từ một nước Đông Nam Á?
Chuyện “Cao Biền dậy non” (*) diễn ra trong thể kỷ 21 khi Bắc Kinh không tuân lời Đặng Tiểu Bình mà “thao quang dưỡng hối” cho đủ 30 năm, đã phát lộ dã tâm bành trướng quá sớm nên đương nhiên phải đụng đầu với các cường quốc Thái Bình Dương, y như lãnh tụ họ Đặng đã cảnh báo.
__________________
(*) Link để đọc chuyện “Cao Biền dậy non”: http://maxreading.com/sach-hay/su-tich-dat-nuoc-viet/lay-bay-nhu-cao-bien-day-non-12104.html
Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Hà Nội
June 04, 2014
HÀ NỘI (NV) .- Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Kelly E. Magsamen tới Hà Nội, gặp thứ trưởng Quốc phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh trong lúc Biển Đông đang căng thẳng.
![]() |
Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Kelly E. Magsamen đang có mặt ở Hà Nội. (Hình: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ) |
Theo TTXVN, bà Kelly E. Magsamen đã đến thăm Bộ Quốc phòng CSVN hôm Thứ Tư 4/6/2014 được nguồn tin thuật lại lời bà là “hai bên cần tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi đoàn quân sự cấp cao, thực hiện tốt bản ghi nhớ quốc phòng song phương mà hai bên đã ký kết, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng; đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.”
Nhiều phần, lý do chính mà bà Magsamen đến Hà Nội, theo TTXVN cho biết, là hai bên “trao đổi một số nội dung liên quan phục vụ các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam và chuẩn bị các nội dung cho hội nghị Đối thoại chính sách quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 9 năm 2014.”
Cấp cao hơn của bà Magsamen ở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiển nhiên là ông bộ trưởng Chuck Hagel. Bà Kelly E. Magsamen được cử làm Quyền phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách An Ninh khu vực Á Châu – Thái Bình Dương sau khi đã nhận lãnh nhiều nhiệm vụ khác nhau tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Bộ Ngoại Giao.
Theo tinh thần bản tin của TTXVN, rất có thể ông Bộ trưởng Hagel sẽ đến Việt Nam trước khi có cuộc “Đối thoại chính sách quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ” khi tình hình thời sự căng thẳng trên Biển Đông đang là nỗi quan ngại của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ, qua nhiều lời phát biểu của các viên chức ngoại giao và quốc phòng, xác định có “lợi ích quốc gia” trên khu vực Biển Đông nên không muốn có bất ổn tuy không chen vào tranh chấp chủ quyền của các nước liên quan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bên lề Diễn Dàn An ninh Khu vực Shangri-La cuối tuần qua. Tin tức nói rằng hai ông cũng đã trao đổi về các diễn biến liên quan đến sự kình chống giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến giàn khoan HD981 mà Trung quốc đem tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam dò tìm dầu khí, bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam.
Hồi Tháng 8-2013, khi hai ông gặp nhau ở Hội Nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác, tổ chức ở Brunei. Dịp này, ông Hagel đã nhận lời đến Việt Nam vào năm tới. Nay, bà Magsamen có vẻ đến để chuẩn bị cho nghị trình thảo luận giữa hai bên.
Tại Diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Hagel đã mạnh mẽ đả kích hành động của Trung quốc là khiêu khích và gây bất ổn ở khu vực trong khi ông Phùng Quang Thanh thì chỉ nhỏ nhẹ, coi chuyện kình chống trên biển giữa lực lượng Việt Nam với Trung Quốc là chuyện anh em trong nhà cãi nhau “khó tránh khỏi”.
Ông Phùng Quang Thanh còn khoe “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp”, dù thực tế có lúc tờ báo trung ương của đảng Cộng Sản Việt Nam chửi lãnh tụ Trung Quốc là có “máu Đại Hán”.
Việt Nam từng nêu vấn đề bãi bỏ cấm vận bán võ khí mỗi khi gặp mặt các viên chức cao cấp Hoa Kỳ nhưng đều được trả lời là phải cải thiện nhân quyền. Lần gặp Bộ trưởng Hagel tới đây, Mỹ có thay đổi quyết định hay không, người ta chờ tin tức của cuộc họp. (TN)
httpv://www.youtube.com/watch?v=RJU0lB7kl3w
Hoa Kỳ cần có vai trò tích cực hơn tại Đông Nam Á
Việt Hà, phóng viên RFA
2014-06-04
Các đại biểu tại Hội thảo Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6 năm 2014.
RFA
Một cuộc hội thảo có tên Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông vừa được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6. Cuộc hội thảo có sự tham dự của những diễn giả đến từ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc
Căng thẳng gần đây ở biển Đông giữa Trung Quốc và nước láng giềng Việt Nam xung quanh vụ giàn khoan HD 981 cho thấy sự bất đồng ngày càng lớn giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Đó là nhận định mở đầu buổi hội thảo của ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung Tâm Quốc tế Woodrow Wilson:
“Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến tranh chấp lâu nay đe dọa trở thành một khủng hoảng quốc tế. Những lo lắng của vụ tranh chấp, tương đương như những lo lắng về sự triển khai rầm rộ các loại tàu và sự kiên quyết trong khẳng định chủ quyền cũng tương đương như nỗi lo về một thực tế là hai nước lớn Mỹ, Trung Quốc không thể đồng ý với nhau về những điểm bất đồng. Chúng ta thậm chí cũng chưa bắt đầu thảo luận đến việc điều hòa những bất đồng này một cách hòa bình. Hai bên cũng chưa có được thống nhất về điểm nào bao gồm một thực tế, đâu là quy định chung về dẫn chứng, và cái gì bao gồm trong một lập luận hợp lý, và vai trò của luật quốc tế ra sao….”
Theo chuyên gia Robert Daly, Hoa Kỳ liên tục đưa ra những lập luận hợp lý mang tính xây dựng nhưng đều bị khước từ trong khi Trung Quốc tin là những lập luật của họ xung quanh cái gọi là chủ quyền mang tính lịch sử không thể chối cãi đã bị lờ đi.
Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến tranh chấp lâu nay đe dọa trở thành một khủng hoảng quốc tế.
-Ông Robert Daly
Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi đầu tháng năm vừa qua, giới chức Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc đây là hành động gây hấn đơn phương từ phía Trung Quốc gây bất ổn cho khu vực. Để đáp lại những lên án từ Hoa Kỳ, tại đối thoại Shangri-la, diễn ra cuối tháng 5 đầu tháng 6 tại Singapore, bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tiến sĩ Aileen San Pablo-Baviera, thuộc trường đại học Philippines, trong bài phát biểu tại hội thảo thì cho rằng những căng thẳng gần đây tại biển Đông cho thấy rõ hơn những thách thức về an ninh trong khu vực. Bên cạnh những thách thức liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền là thách thức về sự đối đầu giữa các cường quốc, nổi bật là Mỹ và Trung QUốc. Tiến sĩ Braviera cáo buộc các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc đã gây căng thẳng cho khu vực.
Tiến sĩ Baviera nói Trung Quốc đã gia tăng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực đường 9 đoạn với việc sử dụng đông đảo các tàu bán quân sự, trong khi các tàu quân sự sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết. Tiến sĩ Baviera cũng nhìn nhận Hoa Kỳ đã đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ hơn liên quan đến những hành động gần đây của Trung Quốc và bảy tỏ quyền lợi của Mỹ ở khu vực, cũng như khẳng định cam kết hỗ trợ cho đồng minh của mình tại khu vực, mà cụ thể là Philippines, trước những thách thức từ Trung Quốc.
Trung Quốc gây bất ngờ với ASEAN
Đến từ Việt Nam, diễn giả Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao cho rằng Việt Nam và các nước ASEAN đã hoàn toàn bất ngờ trước hành động mới của Trung Quốc tại biển Đông:
“Hành động của Trung quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước…”
Tiến sĩ Aileen San Pablo-Baviera, thuộc trường đại học Philippines (trái) và diễn giả Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Việt Nam tại Hội thảo Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6 năm 2014. RFA PHOTO.
Học giả Việt Nam đưa ra những bằng chứng về cơ hội cho sự phát triển quan hệ hai phía thời gian qua. Theo ông Tuấn, với một thị trường hơn 600 triệu dân và GDP hơn 2 ngàn 300 tỷ đô la, ASEAN có thể trở thành một thị trường lớn trên thế giới và là nền tảng cho sự phát triển quan hệ với Trung Quốc. Đó là chưa kể tiềm năng kim ngạch hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc ước tính ở mức 400 tỷ đô la có thể được đưa lên mức 1.000 tỷ đô la vào năm 2020. Mặt khác, học giả Việt Nam cũng nhìn nhận những tín hiệu tích cực từ những lãnh đạo mới của Trung Quốc thể hiện bằng các chuyến viếng thăm các nước ASEAN sau khi nhậm chức vào cuối năm 2012. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng những lời hứa về hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay đường dây nóng đã trở thành vô nghĩa khi nó không thể được thực hiện như mục đích ban đầu được đặt ra.
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở việc đặt giàn khoan tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam mà có thể dịch chuyển tới các vùng nước đang tranh chấp với các nước láng giềng khác. Học giả Việt Nam cho rằng vấn đề tranh chấp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa bây giờ không còn là vấn đề song phương mà là đa phương vì nó đe dọa đến an ninh chung của toàn khu vực.
Tại sao TQ hành động đơn phương?
Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác.
-Ô. Hoàng Anh Tuấn
Lý giải về những hành động gần đây của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là vụ giàn khoan HD 981, học giả Yun Sun, thuộc Trung tâm Stimson nói rằng Trung Quốc quyết định đưa ra các hành động bị các nước gọi là đơn phương và gây hấn là do Trung Quốc nhìn thấy việc kiềm chế hành động đơn phương trong quá khứ đã không cải thiện được vị thế của Trung quốc trong đòi hỏi chủ quyền của mình và với việc Trung Quốc không hành động gì chỉ khiến các nước khác trong khu vực có các hành động gia tăng chủ quyền của mình. Vì vậy đây là hành động nhằm cải thiện vị thế của Trung Quốc trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai.
Ngoài ra còn có một số lý do khác được học giả Yun Sun đưa ra là chiến lược xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc được đưa ra từ nhiều năm trước. Trong khi việc mở rộng tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc gặp trở ngại tại biển Hoa Đông từ phía Nhật Bản, biển Đông là một khu vực được cho là thuận lợi hơn để Trung Quốc thực hiện tham vọng này. Vấn đề tranh chấp biển đảo cũng liên quan đến vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn sử dụng chính sách ngoại giao để làm cải thiện hơn nữa hình ảnh của mình khi những chính sách cải tổ kinh tế và chống tham nhũng trong nước của ông gặp những trở ngại. Lý do cuổi cùng được đưa ra lý giải cho những hành động gần đây của Trung Quốc là việc Mỹ khó có khả năng can thiệp về mặt quân sự với dẫn chứng về cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây và nhất là vụ tranh chấp bãi Scarborough Shoal với Philippines vào năm 2012. Theo học giả Yun Sun, Trung Quốc cho rằng họ có khả năng thực hiện một khủng hoảng có thể kiểm soát được mà không phải đối đầu trực tiếp với Mỹ. Với vụ giàn khoan dầu, Trung Quốc càng có thể làm mạnh khi Việt Nam cũng không phải là đồng minh của Mỹ.
Theo học giả Yun Sun, Trung Quốc đã cân đong những mặt thiệt và hơn trong những hành động gần đây và họ cho rằng mặt lợi đã vượt hơn nhiều so với những thiệt thòi mà họ có thể gánh chịu.
Kêu gọi Mỹ tham gia tích cực hơn
Học giả Philippines và Việt nam cho rằng Mỹ cần đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực. Theo Tiến sĩ Braviera, ASEAN hiện vẫn còn chia rẽ về vai trò của Mỹ ở khu vực. Một số nước hoan nghênh Mỹ, một số thì lo ngại sự tham gia của Mỹ trong khu vực có thể làm tình hình thêm phức tạp.
Tiến sĩ Braviera cho rằng, Mỹ cần cho các nước ASEAN thấy vai trò tích cực của mình trên nhiều mặt bao gồm ngoại giao, kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu và quân sự, qua các diễn đàn đa phương, nhất là cần phải tỏ rõ lập trường của mình qua việc thông qua Công ước về luật biển 1982.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Hoa Kỳ giúp đoàn kết ASEAN hơn nữa và khuyến khích Trung Quốc tham gia đàm phán tích cực với ASEAN để giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
httpv://www.youtube.com/watch?v=OFGanVY_AmM
Tinh thần quốc tế cộng sản và xung đột lợi ích quốc gia
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-06-02
06022014-kinhhoa.mp3
TBT Đảng cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng (T) và ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói chuyện với nhau trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 19/5/2014.
AFP photo
Một trong những ý tưởng hấp dẫn nhất của học thuyết cộng sản là tinh thần quốc tế của học thuyết này. Theo lý tưởng ấy thì các tầng lớp lao động là công nhân và nông dân khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại chống những kẻ tư bản bóc lột, vì thế những người cộng sản từ những quốc gia khác nhau sẽ không phân biệt nhau, bỏ qua lợi ích của quốc gia nhỏ hẹp mà hướng tới một thế giới đại đồng, một quốc tế vô sản, một quốc tế cộng sản. Và dĩ nhiên các đảng cộng sản trên thế giới đều có biểu tượng chung là hình ảnh búa liềm trên nền đỏ.
Trong suốt thời gian tồn tại của phong trào cộng sản, lý tưởng quốc tế cộng sản đã được diễn dịch qua nhiều hành động khác nhau. Đầu tiên có lẽ đó là sự thành lập Đệ tam quốc tế thống lĩnh tất cả các đảng cộng sản trên thế giới. Sau đó là những cuộc chiến tranh, đối đầu, can thiệp, … nhân danh tinh thần quốc tế cộng sản như vụ can thiệp vào Hungary năm 1956, cuộc can thiệp của Quân giải phóng nhân dân Trung hoa vào Triều tiên, các cuộc phiêu lưu quân sự của Cuba ở châu Phi,…
Nhưng ngay cả trong thời kỳ thịnh vượng nhất của khối các quốc gia cộng sản, người ta cũng thấy rằng tinh thần quốc tế của những người cộng sản đôi khi không vượt qua được những ích lợi dân tộc. Một giáo viên người Việt học tập ở Ba Lan nói với chúng tôi rằng người Ba Lan vẫn bực tức về việc miền Đông của nước này bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm hồi năm 1939 và không hề được trả lại. Năm 1969 một cuộc xung đột ngắn nhưng cũng đẫm máu bùng nổ giữa hai nước lớn nhất khối cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc, xung đột Việt Nam Trung quốc đến ngày hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc…
Song thực nghiệm cộng sản đã thất bại, với sự kiện bức tường Berlin sụp đổ cách đây 25 năm. Cốt lõi chính trị công nông của nó thất bại, và các đảng cộng sản được cho là đã không bảo vệ được những người thợ và nông dân khi họ lên cầm quyền. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến nói về sự thất bại này một cách châm biếm:
“Đảng cộng sản cứ mà nhân danh cái gì đó thì cái đó chết, nhân danh công nhân là giai cấp tiền phong lãnh đạo thì bây giờ khổ nhất là công nhân. Lại nhân danh công nông, trong đó có nông dân thì nông dân bây giờ mất hết cả ruộng đất phải đi làm thuê.”
Đảng cộng sản cứ mà nhân danh cái gì đó thì cái đó chết, nhân danh công nhân là giai cấp tiền phong lãnh đạo thì bây giờ khổ nhất là công nhân.
– Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Một trí thức trẻ rời bỏ đảng cộng sản hồi năm 2013 cũng nói rằng ông cảm thấy những lý luận của đảng cộng sản cầm quyền là không ổn để điều hành quốc gia. Việc điều hành này bao gồm cả những chính sách đối ngoại trong thời đại mới mà Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng không thể được thực hiện bởi hai đảng cộng sản với nhau được.
Ông Robert Kaplan viết trong quyển Biển Nam Trung hoa (Biển Đông) nồi thuốc súng của châu Á, rằng những xung đột về địa chính trị và lợi ích quốc gia vẫn đang ngự trị nền chính trị của thế giới trong thế kỷ 21 này. Ông đặc biệt phân tích cách tiếp cận của nước Trung Quốc hiện đại về vai trò đế quốc của mình. Theo ông, nước Trung Quốc được dẫn dắt bởi đảng cộng sản hình dung trật tự mới trong vùng châu Á là một nơi mà Trung Quốc là trung tâm còn xung quanh là các quốc gia lệ thuộc. Một triết lý không khác mấy với đế chế Trung Hoa ngày xưa.
Trật tự này rõ ràng không phải là trong một tinh thần quốc tế cộng sản như lý thuyết cộng sản đề cao.
Nhưng có vẻ như đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn nghĩ tới tinh thần quốc tế vô sản ấy với những khẩu hiệu như Nghĩ tới đại cục mà bỏ qua những bất đồng, khi nói về quan hệ Việt Nam Trung Quốc.
Từ khi quan hệ Trung Quốc Việt Nam được bình thường hóa sau cuộc chiến đẫm máu 1979 đến nay, quan hệ hai đảng cộng sản Việt Trung thường xuyên được ca ngợi và dường như nó chỉ đạo mọi hoạt động đối ngoại của Việt nam.
Mâu thuẫn với lợi ích quốc gia
Sự kiện giàn khoan nước sâu của Trung Quốc kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đẩy những mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và cái gọi là tinh thần quốc tế cộng sản lên cao nhất. Một nguồn tin được các cơ quan truyền thông lớn trích dẫn nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã bị những người đồng lý tưởng cộng sản với ông ở Bắc Kinh từ chối gặp gỡ. Đây không phải là một tuyên bố chính thức, nhưng điều chắc chắn là từ khi cuộc khủng hoảng giàn khoan bùng nổ đúng một tháng trước đây, ông Trọng giữ một sự im lặng đáng ngạc nhiên.
Trong khi đó nhiều tiếng nói cất lên yêu cầu từ bỏ những lý tưởng cộng sản và quan niệm quốc tế cộng sản ấy để tìm kiếm một sự cân bằng quyền lực mà đối chọi với Trung quốc. Tiêu biểu cho những ý kiến đó là ông Cù huy Hà Vũ. Ông phát biểu với chúng tôi từ Washington DC rằng trong tình hình hiện nay chỉ có thể liên minh quân sự với Hoa Kỳ mới đương đầu được với Trung Quốc. Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà địa chất lâu năm rất quan ngại về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên cho Việt Nam trong lòng biển Đông cũng cùng quan điểm này với ông Vũ.
Nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ xướng trang Bauxite Việt Nam chống việc khai thác bauxite có liên quan đến các công ty Trung Quốc thì cho rằng ngay trong đảng cộng sản Việt Nam cũng có những người muốn thoát ra khỏi sự kiềm chế của Trung Quốc dưới lý tưởng quốc tế cộng sản
Cựu đại tá Bùi Tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chúng tôi thì nói rằng ông rất nghi ngại về việc đảng cầm quyền ở Việt nam vẫn đang kiên trì đường lối Mác Lê nin trong cuộc khủng hoảng giàn khoan đang diễn ra ngoài biển Đông:
“Tôi hoài nghi lắm! Bởi vì cái gánh nặng về giáo điều nó nặng quá. Muốn như vậy thì anh phải bỏ cái Mác-Lê Nin đi chứ”
Dĩ nhiên đường lối đối ngoại của một quốc gia sẽ bị chi phối bởi chính sách của đảng cầm quyền. Nhưng liệu xung đột lợi ích quốc gia có được giải quyết bằng tinh thần quốc tế vô sản xưa cũ đã được các nhà triết lý cộng sản nêu lên cách nay hơn 100 năm hay không? Nội dung này đã được ông Bùi Tín đề cập trong cuộc phỏng vấn dành cho chúng tôi và cũng là câu hỏi lớn mà nhiều người dân đang mong đợi câu trả lời từ đảng cầm quyền, và sẽ được minh chứng bằng những gì đang và sẽ diễn ra ngoài biển Đông.
G7 quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông (RFI)
Nhóm G7 chống lại “mọi ý định đơn phương đòi hỏi chủ quyền qua đe dọa hoặc vũ lực” – REUTERS /Francois Lenoir
Các căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông đã thu hút sự chú ý của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Hôm qua, 04/06/2014, trong ngày đầu nhóm họp tại Bruxelles, lãnh đạo các thành viên G7 đã ra thông cáo về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bản thông cáo viết : « Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông ». « Chúng tôi chống lại mọi ý định đơn phương của bất kỳ bên nào muốn khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ hoặc biển qua việc đe dọa, cưỡng ép hoặc vũ lực ». Đồng thời, G7 kêu gọi tất cả các nước liên quan hãy tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp.
Mặc dù bản tuyên bố của G7 không nêu tên một nước nào, nhưng rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Bởi vì Nhật Bản và Hoa Kỳ là thành viên của G7.
Đầu tháng Năm, tại hội nghị an ninh khu vực Châu Á – Đối thoại Shangri-la, ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh là các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc gây mất ổn định trong khu vực.
Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.
Còn tại Biển Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, Bắc Kinh còn có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan về chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Manila dự tính phản đối Bắc Kinh biến đổi nguyên trạng Biển Đông (RFI)
Ngoại trưởng Albert del Rosario họp báo về tình hình biển đảo Philippines – Reuters
Chính quyền Manila đang xem xét khả năng chính thức phản đối Bắc Kinh làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển đang có tranh chấp, sau khi Tổng thống Benigno Aquino, ngày hôm nay, 05/06/2014, nói rằng dường như Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện tại những nơi này.
Website thông tin Rappler của Philippines đưa tin, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói với các nhà báo rằng nếu khẳng định được là Trung Quốc tăng cường hiện diện trong vùng biển đang có tranh chấp với Philippines và có những hành động giống như Bắc Kinh đã làm trên đảo Mabini, xây dựng các cơ sở hạ tầng, thì điều này gây lo ngại.
Đảo Mabini – tên quốc tế là Johnson South Reef, Trung Quốc gọi là Xích quan tiều và Việt Nam gọi là đảo Gạc Ma – thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Theo lãnh đạo ngoại giao Philippines, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở những vùng biển đang có tranh chấp là vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002.
Bên lề Hội nghị Á-Âu (ASEM), được tổ chức tại Manila, Tổng thống Benigno Aquino cho biết là ông đã nhận được các báo cáo về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện trong vùng biển của Philippines và ông đã xem các bức ảnh chụp các tàu Trung Quốc trong khu vực bãi đá Gavin và Cuarteron thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo nguyên thủ Philippines, có thể đó là những con tàu mà Trung Quốc đã từng điều động tới đảo Mabini – Gạc Ma trong thời gian qua.
Về phần mình, Ngoại trưởng del Rosario giải thích rõ hơn : « Thực ra, nếu chúng tôi biết rõ là tình hình nguyên trạng trong khu vực này đang bị thay đổi, thì chúng tôi sẽ tính đến việc đưa ra phản đối chính thức. Nhưng cho đến nay, chúng tôi không chắc chắn và chúng tôi đang theo dõi sát việc này ».
httpv://www.youtube.com/watch?v=iYxcJc6S9bk
ĐÔI VỢ CHỒNG NÀY ĐÃ THƯA VÂNG VỚI CÂU HỎI CỦA ĐỨC KITÔ
Đan Quang Tâm dịch từ bản tiếng Anh
Báo L’Osservatore Romano ngày 24 tháng 10 năm 2001
Khi Con Người trở lại, liệu Ngài có còn tìm thấy lòng tin trên mặt đất không? Với tư cách một đôi vợ chồng, họ đã giữ ánh sáng đức tin rực sáng.
Đức Gioan Phaolô II đã hoàn thành một tâm nguyện ấp ủ đã lâu vào ngày Chủ nhật 21 tháng mười 2001 khi ngài tuyên chân phúc cho một đôi vợ chồng, để nhấn mạnh rằng sự thánh thiện là một phần của đời sống người giáo dân cũng như của cuộc sống tu trì và đời giáo sĩ.
Chân Phúc Luigi (1880-1951) và Maria (1884-1965) Beltrame Quattrocchi thành Rôma kết hôn được 50 năm và có 4 người con, ba người hiện còn sống và tham dự lễ tuyên chân phúc. Hai người con trai, các Linh Mục Pilippo và Cesare, đồng tế với Đức Thánh Cha. Người con gái Enrichetta của ông bà cùng tham dự thánh lễ với các tín hữu. Đức Thánh Cha diễn giải trong bài giảng rằng đôi vợ chồng đó “sống cuộc sống đời thường một cách phi thường”. Hội Thánh đã nhìn nhận sự thánh thiện của những đôi vợ chồng khác nhưng đây là lần đầu tiên một đôi vợ chồng được tuyên chân phúc cùng nhau. Việc tuyên chân phúc là cao điểm của ngày cuối tuần với những nghi lễ do Hội Thánh tại Ý tổ chức nhằm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 20 dịp công bố Tông Huấn Familiaris Consortio (Gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay). Đó là tài liệu quan trọng nhất của Đức Gioan Phaolô II về cuộc sống hôn nhân và gia đình.
1. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).
Câu hỏi mà Đức Giêsu dùng để kết thúc dụ ngôn về nhu cầu “phải cầu nguyện luôn đừng ngã lòng” khiến tâm hồn của chúng ta rúng động. Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời tức thời: thực vậy, câu hỏi dù được nêu ra như một thách đố chất vấn mỗi người, mỗi cộng đồng hội thánh, mỗi thế hệ loài người. Mỗi người trong chúng ta phải đưa ra câu trả lời. Đức Kitô muốn nhắn nhủ chúng ta rằng cuộc sống con người có định hướng là chung cuộc sẽ gặp gỡ Thiên Chúa; thế nhưng trước viễn cảnh ấy Ngài băn khoăn tự hỏi khi quay trở lại, liệu Ngài có tìm thấy các linh hồn đang sẵn sàng đợi chờ Ngài đến để cùng với Ngài đi vào nhà Cha. Bởi lí do đó Ngài nói với mọi người: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).
Đôi vợ chồng này đã tích cực trả lời câu hỏi của Đức Kitô.
Anh chị em thân mến! Các gia đình thân mến! Hôm nay chúng ta tập họp quây quần nơi đây để tiến hành lễ tuyên chân phúc cho một đôi vợ chồng: Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi. Bằng hành vi long trọng này của Hội Thánh, chúng ta nhắm đề cao một gương mẫu đã trả lời tích cực câu hỏi của Đức Kitô. Đôi vợ chồng này đã sống tại Roma vào nửa đầu thế kỷ 20, một thế kỷ trong đó niềm tin vào Đức Kitô bị thử thách mãnh liệt, và họ đã đưa ra câu trả lời tích cực. Thậm chí trong những năm tháng gian khó đó, hai vợ chồng, Luigi và Maria, đã giữ vững ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng — ánh sáng Đức Kitô — và đã trao lại cho bốn người con của ông bà, ba người có mặt hôm nay trong đại giáo đường này. Các bạn thân mến, đây là điều bà cụ thân sinh đã viết về các bạn: “Chúng tôi dạy bảo chúng trong đức tin, để chúng có thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa” (L’Ordito e la trama, tr. 9). Cũng chính cha mẹ các bạn đã trao ngọn đèn đang cháy cho bạn bè, thân bằng quyến thuộc, các bạn đồng nghiệp của mình…. Và bây giờ, từ trên thiên quốc, các ngài đang trao lại cho toàn thể Hội Thánh.
Cùng với thân quyến và bạn hữu của hai tân Chân Phúc, tôi xin chào mừng hàng giáo phẩm tham gia nghi lễ này, bắt đầu với Hồng Y Camillo Ruini và các vị Hồng Y khác, các Tổng Giám Mục và Giám Mục có mặt hôm nay. Tôi cũng chào mừng các vị trong chính quyền dân sự và, đặc biệt, xin đón chào Ngài Tổng Thống Cộng Hoà Ý và Hoàng Hậu Vương Quốc Bỉ.
Các đôi vợ chồng lĩnh nhận ân sủng bí tích để sống lời mời gọi nên thánh.
2. Có lẽ không có hạnh phúc nào lớn hơn cũng như không có dịp nào long trọng hơn hôm nay để kỷ niệm năm thứ 20 ngày ban hành Tông Huấn “Pamiliaris Consortio”. Văn kiện này, ngày hôm nay vẫn còn là ánh sáng hướng dẫn các gia đình Kitô giáo, trong khi đề cao giá trị của hôn nhân và sứ mạng của gia đình, đặc biệt mời gọi các đôi vợ chồng hãy đi theo con đường nên thánh bằng ân sủng bí tích, “không phải chỉ trút ban hết trong ngày cử hành bí tích hôn phối, nhưng vẫn còn tiếp tục đi theo nâng đỡ đôi vợ chồng trong suốt cuộc sống của họ” (Familiaris Consortio, số 56). Vẻ đẹp của con đường này tỏa sáng trong cuộc sống chứng tá của đôi Chân Phúc Luigi và Maria, một biểu hiện sáng ngời về dân tộc Ý, là những người đã chứng tỏ tầm quan trọng biết bao của đời hôn nhân và cuộc sống gia đình xây nền tảng trên hôn nhân.
Đôi vợ chồng này sống tình yêu hôn nhân và phục vụ cho đời trong ánh sáng Phúc Âm và đã cống hiến với cường độ lớn lao. Với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, ông bà đảm nhận nhiệm vụ cộng tác với Thiên Chúa trong sự truyền sinh, quảng đại hiến thân cho con cái, dạy bảo, hướng dẫn và định hướng để con cái mình có thể khám phá ra kế hoạch tình yêu của Ngài. Từ mảnh đất tâm linh mầu mỡ này đã nảy sinh ơn gọi linh mục và ơn sống đời thánh hiến, điều này cho thấy đời hôn nhân và đức khiết tịnh, đều có chung cội rễ là tình yêu phu phụ của Chúa Kitô, được gắn kết với nhau mật thiết và soi chiếu cho nhau ra sao.
Kín múc sức mạnh từ Lời Chúa và chứng tá của các thánh, đôi vợ chồng chân phúc sống một cuộc sống đời thường một cách phi thường. Giữa những vui mừng và âu lo của một gia đình bình thường, họ biết cách sống một cuộc sống tâm linh đặc biệt phong phú. Trung tâm cuộc sống của họ là đón nhận Thánh Thể hàng ngày và tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria, mà họ khẩn cầu mỗi tối bằng lời kinh Mai Khôi, và biết tham khảo, lắng nghe các vị linh hướng khôn ngoan. Bằng cách này họ có thể kèm cặp con cái của mình nhận thức rõ về ơn gọi, huấn luyện chúng biết đánh giá mọi thứ “từ mái nhà lên trên”, như họ thường hay nói một cách dí dỏm.
Luigi và Maria Quattrocchi minh chứng rằng có thể thực hiện nhân đức anh hùng trong cuộc sống hôn nhân và trong việc phục vụ đời sống.
3. Sự phong phú trong đức tin và tình yêu của vợ chồng Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi là một bằng chứng sống động về lời mời gọi của Công Đồng Vatican II rằng mọi tín hữu hãy nên thánh, nêu rõ người chồng người vợ cần phải vươn đến mục đích này, “propriam vi am sequentes”, “theo đuổi lối sống riêng của mình” (Lumen gentiưm, số 41). Hôm nay ước nguyện của Công Đồng đã thành toàn với biến cố lần đầu tiên một cặp vợ chồng được phong chân phúc: lòng trung thành với Phúc Âm và các nhân đức anh hùng của hai ông bà đã được chứng thực, tỏ bày ra trong cuộc sống của họ với tư cách là vợ chồng và cha mẹ.
Trong cuộc sống của họ, cũng như trong cuộc sống của biết bao cặp vợ chồng khác đang ngày này qua ngày khác tận tụy chu toàn sứ mạng của mình với tư cách là cha mẹ, ta có thể chiêm ngắm sự mạc khải bí tích của tình yêu Đức Kitô đối với Hội Thánh. Thực vậy, “nhờ sức mạnh của bí tích này, tất cả đời sống của họ được thấm nhuần tinh thần Đức Ki tô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả cuộc sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hoá lẫn nhau của họ, và bởi đẩy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (Gaudium et Spes, số 48).
Các gia đình thân mến, hôm nay chúng ta khẳng định rõ rằng con đường nên thánh trong đời vợ chồng là có thể thực hiện được, đẹp biết bao, hiệu quả biết bao, và là nền tảng xây dựng gia đình, Hội Thánh và xã hội.
Điều ấy nhắc nhớ chúng ta hãy cầu khẩn cùng Chúa sao cho ngày càng có nhiều đôi vợ chồng nữa có thể làm hiển lộ ra qua đời sống thánh thiện của họ, “mầu nhiệm vĩ đại” của tình yêu vợ chồng, bắt nguồn từ thuở tạo thành và được thành toàn trong sự kết hiệp của Đức Kitô với Hội Thánh của Ngài (x. Ep 5,22-33).
Hãy tìm kiếm trong Lời Chúa giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
4. Các đôi vợ chồng thân mến, như mọi con đường nên thánh khác, con đường của các bạn không phải êm xuôi, dễ dàng. Mỗi ngày các bạn phải đối mặt với các thử thách, khó khăn, để trung thành với ơn gọi của mình, để nuôi dưỡng hòa khí giữa các bạn và giữa con cái của mình, để thực hiện sứ mạng làm cha làm mẹ của các bạn và tham gia vào cuộc sống xã hội.
Các bạn có thể tìm thấy trong Lời Chúa câu trả lời cho những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16). Được bồi dưỡng, đỡ nâng bằng sức mạnh của các lời này và cùng nhau hành động, các bạn sẽ có thể kiên trì dạy bảo con cái của mình “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, thuyết phục, khiển trách, và khích lệ chúng “với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
Cuộc sống hôn nhân và gia đình có thể cũng phải trải qua các giây phút rối bời. Chúng ta biết có biết bao gia đình trong các trường hợp như thế này dễ bị thối chí nản lòng. Tôi đặc biệt muốn nói đến những ai đang phải trải qua bi kịch chia li; tôi đang nghĩ đến những ai phải đối mặt với bệnh tật và những ai đang chịu đựng cảnh tử biệt khi mà người chồng, người vợ hoặc một đứa con đã sớm ra đi. Trong các tình cảnh ấy, ta vẫn có thế làm chứng cho sự chung thuỷ trong tình yêu, điều này có ý nghĩa đặc biệt khi ta phải chịu tôi luyện trong khổ đau.
Với ân sủng bí tích, đừng bao giờ để gian khổ khuất phục; hãy giơ đôi tay lên trời.
5. Tôi phó thác mọi gia đình đang chiến đấu và lâm cơn thử thách cho Thiên Chúa quan phòng và cho tình thương từ ái của Đức Maria, gương mẫu nổi bật của người vợ và người mẹ đã biết thế nào là khổ đau và tình trạng cùng kiệt của sự dấn bước đi theo Đức Kitô đến dưới chân thập giá.
Các đôi vợ chồng thân mến, đừng chịu khuất phục bởi gian khổ: ân sủng của bí tích sẽ nâng đỡ các bạn và giúp các bạn không ngừng giơ tay lên trời, giống như Môsê, mà bài đọc thứ nhất đề cập đến (x. Xh 17,11-12).
Hội Thánh ở kề bên các bạn và giúp đỡ các bạn bằng lời cầu nguyện của mình, đặc biệt là vào những giờ phút khó khăn.
Đồng thời, tôi cầu xin mọi gia đình về phần mình hãy hỗ trợ Hội Thánh, để Hội Thánh không bao giờ ngưng thực hiện sứ mạng chuyển cầu, an ủi, hướng dẫn và khích lệ của mình. Các gia đình thân mến, tôi cám ơn các bạn về sự nâng đỡ mà các bạn đã dành cho tôi trong việc phục vụ Hội Thánh và phục vụ nhân loại của tôi. Hàng ngày tôi đều nguyện xin Chúa phù hộ mọi gia đình đang chịu cảnh nghèo khó, bất công và khẩn xin Ngài hãy làm tăng trưởng nền văn minh tình thương.
Hãy đón nhận và loan báo Tin Mừng ngay trong gia đình của mình.
6. Các bạn thân mến, để đương đầu với những thách thức đang chờ đợi Hội Thánh trong thiên niên kỷ mới, Hội Thánh tín nhiệm, tin tưởng các bạn. Giữa những nẻo đường sứ mạng của Hội Thánh, “gia đình chiếm vị trí hàng đầu và quan trọng nhất” (Thư gửi các gia đình, số 2); Hội Thánh đang đặt lòng trông cậy vào gia đình và kêu mời mọi gia đình hãy trở nên “một chủ thể đích thực của công cuộc Phúc Âm hoá và làm tông đồ” (sđd, số 16).
Tôi tin chắc các bạn sẽ trở nên ngang tầm với nhiệm vụ đang đợi chờ các bạn ở mọi lúc mọi nơi. Các người làm vợ làm chồng thân mến, tôi khuyến khích các bạn hãy đảm nhận vai trò và gánh vác các trách nhiệm của mình. Hãy làm mới lại lòng nhiệt thành truyền giáo của mình, hãy làm cho gia đình của mình trở thành nơi chốn cần ưu tiên loan báo và tiếp nhận Tin Mừng trong bầu khí cầu nguyện và trong việc thực thi tình liên đới Kitô giáo.
Nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đầy tràn tâm hồn Đức Maria để đến thời gian viên mãn, Mẹ đã có thể cưu mang Ngôi Lời sự sống và cùng với Giuse phu quân của mình, Mẹ đã đón tiếp Ngài ân cần, sẽ nâng đỡ các bạn và củng cố các bạn. Nguyện xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy tâm hồn của các bạn niềm vui và ơn bình an để hàng ngày các bạn biết ngợi khen Cha trên trời, nơi Người tuôn tràn chan chứa mọi ân sủng và phúc lộc.
Amen!
Tác giả: Augustinô Đan Quang Tâm (dịch)