VN lên án TQ tại LHQ

VN lên án TQ tại LHQ

Thứ sáu, 4 tháng 7, 2014

Tàu hai nước tiếp tục va chạm hàng ngày tại vùng biển đặt giàn khoan

Việt Nam đề nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) lưu hành hai văn bản về lập trường của Việt Nam về vụ giàn khoan Hải Dương – 981 và chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Diễn biến mới nhất xảy ra hôm 3/7, khi Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, một lần nữa gửi thư cho Tổng thư ký Ban Ki-moon.

Đại sứ Trung đề nghị lưu hành hai văn bản “như là những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Văn bản thứ nhất “bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý” hai văn bản của Trung Quốc gửi cho Tổng thư ký Ban Ki-moon ngày 22/5 và 9/6.

Theo thông cáo của Việt Nam, văn bản gửi LHQ nói Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế”.

“Tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam,” Việt Nam nói.

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đã tấn công cả tàu thực thi pháp luật và tàu của ngư dân.

Hành động của Trung Quốc “không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo đối với những người đi biển”.

Việt Nam cũng nói với LHQ rằng Trung Quốc “khước từ” các “nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng”.

Theo phía Việt Nam, từ ngày 2/5, Việt Nam đã “gửi công hàm, giao thiệp trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau” để phản đối Trung Quốc.

Chủ quyền Hoàng Sa

Văn bản thứ hai của Việt Nam nói Việt Nam “hoàn toàn bác bỏ” yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam cho biết trong các trao đổi gần đây, Trung Quốc dẫn ra một số “bằng chứng lịch sử”, nhưng Việt Nam nói chúng “không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được Trung Quốc diễn giải một cách tùy tiện”.

“Các ghi chép lịch sử cho thấy Trung Quốc hiểu rằng chủ quyền của họ chưa bao giờ có quần đảo Hoàng Sa,” phía Việt Nam nhấn mạnh.

“Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa”

Văn bản của Việt Nam cũng bác bỏ những tư liệu gần đây được Trung Quốc dẫn ra để nói Việt Nam từng công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Việt Nam nói Trung Quốc “cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975”.

“Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa,” văn bản nói.

Việt Nam cũng nhấn mạnh vào tháng 9 năm 1975, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng “với nguyên tắc thông qua Hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”.

Việt Nam cho rằng đây là bằng chứng Trung Quốc nhận thức được “vấn đề chủ quyền không được dàn xếp có lợi cho phía Trung Quốc qua các phát biểu hay thỏa thuận trước đây”.

Gần đây các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, từ Tổng Bí thư đến Thủ tướng, đều đề cập khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì vụ giàn khoan.

Thù trong giặc ngoài từ đâu ra?

Thù trong giặc ngoài từ đâu ra?

RFA

Song Chi.

Trong suốt bao nhiêu năm dài độc quyền lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản VN đã có quá nhiều sai lầm xuất phát từ mô hình thể chế chính trị độc tài cho tới vô số chính sách cụ thể. Cho đến bây giờ, những ai có hiểu biết đều nhận ra sự tồn tại của đảng cộng sản thực sự đã gây nên những hậu quả nặng nề như thế nào cho đất nước, cho dân tộc VN.

Còn đối với chính đảng và nhà nước cộng sản, những sai lầm đó đã tạo nên hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa nhà cầm quyền và nhân dân, đã đẩy hàng vạn hàng triệu người VN tự giác đứng về phía đối lập, trong đó có không ít người từng tin yêu đảng, từng đứng dưới lá cờ của đảng.

Từ những năm tháng đầu tiên khi mới cướp được chính quyền, thay vì thành lập một chính phủ cởi mở, dân chủ với sự tham gia đóng góp của rất nhiều nhân vật thuộc nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau như sự hứa hẹn ngon ngọt lúc đầu, đảng cộng sản đã tìm mọi cách triệt tiêu mọi tổ chức, đảng phái đối lập như VN Quốc dân đảng, Đại Việt Quốc dân đảng, Việt Quốc, Việt Cách…; truy lùng, thanh trừng, ám sát trong bí mật những khuôn mặt nổi bật cũng như bắt bỏ tù hàng trăm đảng viên của các đảng phái khác.

Rồi phong trảo Cải cách ruộng đất nhân danh cuộc đấu tranh giai cấp đã giết hại hàng trăm ngàn người vô tội, và đẩy hàng triệu người khác, là thân nhân, con cháu của những người bị quy là địa chủ, cường hào ác bá vào vòng khổ ải. Vụ án Nhân văn Giai Phẩm đã hủy hoại tài năng và cuộc sống của bao văn nghệ sĩ, vụ án xét lại những năm 60 của thế kỷ XX khiến hàng chục trí thức, cán bộ cách mạng cao cấp phải vào tù…

Đáng chú ý là phong trào Cải cách Ruộng Đất với những cuộc đấu tố, thanh trừng man rợ luôn luôn có bàn tay chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng, còn bản thân phong trào này hay những vụ như Nhân Văn Giai phẩm, vụ án xét lại đều là học hỏi hoặc chịu ảnh hưởng từ Liên Xô và Trung Cộng, cho thấy ngay từ hồi đó đảng cộng sản VN đã bị lệ thuộc bởi ngoai bang như thế nào.

Đến khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, đảng lại bỏ lỡ một cơ hội thứ hai để đoàn kết dân tộc cùng xây dựng lại đất nước. Thay vì có những chính sách rộng lượng, văn minh, nhân ái với “bên thua cuộc”, đảng cộng sản đã tiến hành những biện pháp trả thù hẹp hòi mà tinh vi.

Dưới danh nghĩa đi “học tập cải tạo” đã đẩy hàng vạn dân quân cán chính của chế độ VNCH vào tù 5, 10.. năm và hơn nữa, trong đó có không ít người phải bỏ xác nơi trại vì chế độ giam giữ, lao động quá khắc nghiệt. Cùng với họ là bao nhiêu gia đình bị chia đàn xẻ nghé, vợ xa chồng con xa cha.

Rồi chủ nghĩa lý lịch, sự phân biệt trong đối xử, công ăn việc làm, cơ hội học hành khiến sự bất mãn trong lòng người dân miền Nam lớn dần. Chưa hết, đảng cộng sản đã tiến hành những chiến dịch lùa dân miền Nam đi kinh tế mới để cướp nhà cướp đất của họ, phá nát nền kinh tế miền Nam và móc sạch túi dân miền Nam qua những lần đổi tiền, những cuộc cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp, và những chính sách sai lầm khác trong kinh tế, văn hóa, xã hội.

Kết quả là người miền Nam, vốn chỉ mong kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại và sẵn sàng cùng với chính quyền mới xây dựng lại đất nước đã từ thất vọng não nề chuyển sang chán ghét, căm thù chế độ và lần lượt bỏ nước ra đi.

Không lâu sau ngày VN thống nhất, thế giới đã được chứng kiến một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử cận hiện đại, kéo dài trong nhiều năm, với hàng triệu người liều mạng ra đi bằng mọi giá, hàng trăm ngàn người khác bỏ mình dưới đáy biển, bởi bàn tay hải tặc, hoặc vì vô số lý do khác.

Và cho đến tận bây giờ, gần 40 năm sau, người Việt vẫn đang tiếp tục tìm mọi cách để ra đi.

Những chính sách đó đã gây ra nỗi căm hận trong lòng hàng triệu người. Đảng cộng sản đã thắng một cuộc chiến nhưng không thu phục được nhân tâm của “bên thua cuộc”. Gần bốn thập kỷ qua đi nhưng nhà cầm quyền vẫn cứ phải nói về cụm từ “hòa hợp hòa giải” và vẫn không làm được.

Không chỉ các thế hệ dân miền Nam trong chiến tranh buộc lòng phải trở thành kẻ thù ý thức hệ của đảng cộng sản, tiếp theo là các thế hệ dân miền Nam thời hậu chiến do hậu quả của những chính sách sai lầm nói trên. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc XHCN, nhiều người từng đứng dưới lá cờ của đảng, hoặc con cái trong những gia đình có truyền thống cách mạng ba đời, lý lịch “đỏ như son”, hoặc những người sinh ra sau ngày 30 tháng Tư, không hề biết và dính dáng gì đến chế độ VNCH…cũng trở thành “kẻ thù” trong mắt nhà cầm quyền.

Từ nhà bất đồng chính kiến Hoàng Minh Chính, tướng Trần Độ, những người trong vụ án xét lại năm xưa, đến thế hệ của hòa thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà báo Bùi Tín, nhà văn Dương Thu Hương, nhà thơ Bùi Minh Quốc, các ông Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Tân…Tiếp theo là thế hệ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Công Định, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, doanh nhân Lê Thăng Long, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, nhà báo-luật gia Tạ Phong Tần, luật gia Phan Thanh Hải, 3 nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy…Và còn nhiều, rất nhiều nữa, chưa kể những anh chị em Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, hội Phật giáo VN thống nhất…

Đặc biệt kể từ khi mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, Bắc Kinh ngày càng lộ rõ mưu đồ thôn tính VN trong khi Hà Nội cũng ngày càng lộ rõ bộ mặt hèn với giặc ác với dân, thì con số người thức tỉnh ngày càng nhiều, và tất nhiên, số lượng người theo nhau vào các nhà tù nhỏ cũng tăng lên.

Ai đã làm cho họ trở thành “phản động”, thành kẻ thù của đảng, của chế độ? Có phải do các thế lực thù địch bên ngoài xúi giục họ như nhà cầm quyền VN thường rêu rao?

Không, chính là nhà nước này, với những sai lầm, tội ác và hệ lụy mà họ gây ra cho đất nước, dân tộc đã tạo nên những bức xúc, phẫn nộ trong lòng mọi người. Chính những điều luật 79, 88, 258 phi lý phi nhân của Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hòng bịt miệng dân, những phiên tòa bỏ túi, những bản án bất công, những thủ đoạn bẩn thỉu chống lại những ai dám mở miệng nói lên sự thật, cộng với những bằng chứng ngày càng lộ ra về quá trình bán nước của đảng cộng sản VN…đã làm cho người dân thức tỉnh.

Và cứ mỗi một người bị xách nhiễu, bị hành hạ, bắt bỏ tù vô lý, nhà cầm quyền không chỉ đẩy người đó mà cả gia đình, người thân, bạn bè của họ về phía đối lập. Từ khi anh Điếu Cày phải nhận bản án bất công, gia đình thường xuyên bị khủng bố, xách nhiễu, chị Dương Thị Tân vợ cũ của anh và con trai mới hiểu ra những việc làm của bố, cộng thêm việc tiếp xúc với bạn bè những người cùng chí hướng với chồng, cha mình, đã khiến chị và con trai trở nên ủng hộ anh tuyệt đối, dũng cảm đấu tranh vì anh.

Mẹ của Phương Uyên, Nguyên Kha…từ chỗ là những bà mẹ nông dân không quan tâm, không biết gì về tin học, nhưng vì muốn lên tiếng cho con, đã làm quen với email, facebook, internet…để liên lạc với những người tốt khác, vận động cho con, đã tìm hiểu với các điều luật để gửi thư phản đối lại các bản án của tòa. Mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh đã bôn ba khắp các nước Âu Châu để lên tiếng về trường hợp của con và những người khác, mong thế giới gây sức ép buộc nhà cầm quyền phải thả những tù nhân lương tâm ra…

Trong quá trình đó họ lại gặp thêm những người khác có cùng hoàn cảnh, để củng cố thêm niềm tin rằng cha, chồng, con mình đã làm đúng, rằng lẽ phải đang ở về phía mình, phía nhân dân VN. Và cứ thế, người gọi người, tiếp nối nhau, như những con sóng, người này bị bắt thì lại có người khác…

Đó là chưa kể đến “kẻ thù tiềm tàng” của đảng còn là hàng triệu dân oan bị cướp đất, hàng triệu công nhân bị bóc lột như nô lệ với đồng lương chết đói ngay trên quê hương của mình, đội ngũ những người bị đàn áp vì tôn giáo…

Bất cứ một đảng cầm quyền nảo nếu khôn ngoan muốn được tồn tại lâu dài, sẽ lựa chọn con đường thay vì dùng bạo lực đàn áp người dân thì nên sửa chữa, thay đổi để tháo bớt những ngòi nổ chậm từ nhân dân có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, thay đổi chính sách sở hữu đất đai để không còn cảnh nông dân bị cướp đất, không còn dân oan, bỏ những điều luật phi nhân, cho tự do ngôn luận, tự do báo chí là sẽ bớt đi được rât nhiều những người bất đồng chính kiến đòi hỏi quyền tự do căn bản này, thay đổi đường lối ngoại giao chọn bạn, chọn đồng minh khác, cương quyết thoát khỏi vòng kểm tòa của Trung Cộng là đã được lòng dân rất nhiều v.v…

Cho đến bây giờ, có lẽ nhà cầm quyền VN mới thấm thía nhận ra họ cô đơn như thế nào giữa lòng dân tộc và giữa thế giới văn minh, dân chủ, tự do, trước sức ép đòi hỏi phải thay đổi từ người dân và sức ép từ âm mưu xâm lược của Trung Cộng cùng lúc tăng lên.

Ngay cả kẻ thù Trung Cộng, suy cho cùng, cũng do chính đảng và nhà nước cộng sản VN, trước sau chỉ đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, đã tự chọn lựa làm đồng minh, bạn bè suốt bao nhiêu năm. Đảng cộng sản VN đã mắc nợ Trung Cộng từ thời chiến sau đó lại quỵ lụy Trung Cộng quá mức, cộng với sự điều hành quản lý kinh tế xã hội kém cỏi và nạn tham nhũng nên ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Nam Hải, khiến cho cả dân tộc phải lãnh bao nhiêu hậu quả đau thương.

Thù trong giặc ngoài như vậy đều do chính đảng và nhà nước cộng sản tạo ra. Với Trung Cộng, tất nhiên khó mà tiếp tục là bạn một khi Bắc Kinh vẫn duy trì tham vọng độc chiếm biển Đông, thôn tính VN và các nước khác, nhưng còn với nhân dân, tiếp tục đối đầu hay cùng đi một đường là sự lựa chọn của đảng. Và cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa để chọn lựa!

 

MƯỜI LĂM ĐIỀU THƯỢNG ĐẾ SẼ KHÔNG HỎI

MƯỜI LĂM ĐIỀU THƯỢNG ĐẾ SẼ KHÔNG HỎI

FIFTEEN THINGS GOD WON’T ASK

Từ EPHATA 617

1. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn lái xe hơi hiệu gì, nhưng sẽ hỏi bạn đã chở giúp được cho bao nhiêu người không có phương tiện đi lại. ( God won’t ask which car you drive, but will ask how many people you drove who didn’t have transportation ).

2. Thượng Đế sẽ không hỏi nhà bạn lớn cỡ nào, nhưng sẽ hỏi bạn đã chào đón bao nhiêu người đến nhà. ( God won’t ask how big is your house, but will ask how many people you welcomed into your home ).

3. Thượng Đế sẽ không hỏi về quần áo thời trang trong tủ áo của bạn, nhưng sẽ hỏi bạn bao nhiêu trong số quần áo ấy đã được đem giúp cho người thiếu thốn. ( God won’t ask about the fancy clothes in your wardrobe, but will ask how many of those clothes helped the needy ).

4. Thượng Đế sẽ không hỏi về địa vị xã hội của bạn, nhưng sẽ hỏi bạn đã thể hiện tư cách thế nào đối với tha nhân. ( God won’t ask about your social status, but will ask what kind of class you displayed with others ).

5. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn có bao nhiêu của cải tài sản, nhưng sẽ hỏi liệu những thứ ấy có điều khiển chi phối cuộc đời bạn hay không. ( God won’t ask how many material possessions you had, but will ask if they dictated your life ).

6. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn mức lương cao nhất của bạn là bao nhiêu, nhưng sẽ hỏi liệu bạn có đánh mất chính mình để có được mức lương ấy hay không. ( God won’t ask what your highest salary was, but will ask if you compromised your character to obtain that salary ).

7. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn làm thêm ngoài giờ bao nhiêu thời gian, nhưng sẽ hỏi bạn có làm thêm giờ vì gia đình và những người yêu dấu của bạn hay không. ( God won’t ask how much overtime you worked, but will ask if you worked overtime for your family and loved ones ).

8. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn đã được cấp trên đề bạt bao nhiêu lần, nhưng sẽ hỏi bạn đã đề bạt người khác ra sao trong đời mình. ( God won’t ask how many promotions you received, but will ask how you promoted others ).

9. Thượng Đế sẽ không hỏi chức vụ nghề nghiệp của bạn là gì, nhưng sẽ hỏi bạn có cải tiến công việc bằng khả năng tốt nhất của bạn hay không. ( God won’t ask what your job title was, but will ask if you reformed your job to the best of your ability ).

10. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn đã làm gì để tự giúp chính mình, nhưng sẽ hỏi bạn đã làm gì để giúp người khác. ( God won’t ask what you did to help yourself, but will ask what you did to help others ).

11. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn có bao nhiêu người bạn, nhưng sẽ hỏi bạn là bạn chân thành của bao nhiêu người. ( God won’t ask how many friends you had, but will ask how many people to whom you were a true friend ).

12. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của bản thân, nhưng sẽ hỏi bạn đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của người khác. ( God won’t ask what you did to protect your rights, but will ask what you did to protect the rights of others ).

13. Thượng Đế sẽ không hỏi bạn sống ở khu nhà nào trong thành phố, nhưng sẽ hỏi bạn đã đối xử với hàng xóm ra sao. ( God won’t ask in what neighborhood you lived, but will ask how you treated your neighbors ).

14. Thượng Đế sẽ không hỏi về màu da của bạn, nhưng sẽ hỏi về các nhân cách của chính bạn. ( God won’t ask about the color of your skin, but will ask about the content of your character ).

15. Thượng Đế sẽ không hỏi bao nhiêu lần bạn đã hành động đi đôi với lời nói, nhưng sẽ hỏi bao nhiêu lần bạn đã không hành động khớp với lời bạn đã nói. ( God won’t ask how many times your deeds matched your words, but will ask how many times they didn’t ).

Theo PRAVS WORLD, bản dịch của Huỳnh Huệ
Nguồn: dotchuoinon.com

Nhà đấu tranh Lư Văn Bảy vừa mãn hạn tù

Nhà đấu tranh Lư Văn Bảy vừa mãn hạn tù

Tường An, thông tín viên RFA
2014-07-03

tuongan07032014.mp3

2681287-305.jpg

Ông Lư Văn Bảy tại phiên tòa ngày 22/8/2011 ở Kiên Giang.

Courtesy toaan.gov.vn

Ngày 26 tháng 6 vừa qua, lại có thêm một nhà hoạt động nữa vừa được trả tự do sau 4 năm tù. Đó là ông Lư Văn Bảy, Thông tín viên Tường An gửi những thông tin về nhà hoạt động này như sau:

Chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận

Cùng một ngày ra khỏi tù với nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh là một nhà đấu tranh thầm lặng ít được biết đến hơn, đó là ông Lư Văn Bảy. Ông được giảm án 2 lần = 9 tháng và ra tù ngày 26/6 vừa qua.

Sinh năm 1952, quê tại Kiên Giang, ông Lư Văn Bảy nguyên là chuyên viên kỹ thuật không quân trước năm 1975. Sau thời gian tù cải tạo, ông về quê làm ruộng. Tháng 9 năm 1977, ông tham gia “Mặt Trận Liên Tôn” bị bắt vào tháng 12 cùng năm đó, bị kết án 6 năm tù. Mãn hạn tù giam, ông trở về nhà vào tháng 9 năm 1983.

Những tưởng sẽ an bình với cuộc đời làm ruộng, nhưng rồi, bức xúc trước sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam, từ năm 2006 ông đã bắt đầu viết những bài viết dưới những bút hiệu khác nhau như: Chánh Trung, Nguyền Hoàng, Hoàng Trung Việt, Hoàng Trung Chánh… gửi đến các mạng truyền thông nước ngoài, có những bài ông gửi thẳng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng, cho Quân đội Nhân dân Việt Nam hoặc cho ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông cho biết lý do thôi thúc ông, từ một người nông dân chỉ quen với ruộng vườn trở thành tác giả của những bài viết với chủ đề nhạy cảm như: dân chủ đa nguyên, chủ quyền lãnh hải…v.v

Tôi viết những bài, trước nhất là để lên án Trung Quốc đồng thời phản đối chính quyền Việt Nam quá mềm yếu đối với Trung Quốc.
-Lư Văn Bảy

“Tình cờ tôi đọc được trong một cuốn sách “Sự thật về chiến tranh biên giới năm 1979” do đó tôi được biết được những cảnh tàn ác của Trung Quốc, do đó lòng yêu nước của tôi, lòng thương dân tộc của tôi trỗi dậy. Tiếp theo đó là tôi coi được đoạn phim về đảo Gạc Ma, nó ngang nhiên chiếm năm 1988 và tôi cũng đã nhìn thấy cảnh 64 chiến sĩ hải quân ở đó, nó dàn hàng ngang nó bắn từng người. Còn trong nước thì hàng hoá của Trung Quốc là chất độc mà biểu tình thì không được, lên tiếng nói Trung Quốc cũng không được. Do tự do ngôn luận của tôi, tôi mới viết những bài, trước nhất là để lên án Trung Quốc đồng thời phản đối chính quyền Việt Nam quá mềm yếu đối với Trung Quốc.”

Tháng 1 năm 2008, ông bị công an tịch thu máy tính với nhiều bài vở. Sau đó ông được thả với lời hứa sẽ không viết nữa. Tuy nhiên, một thời gian sau, bức xúc trước sự xâm lấn của Trung quốc và chính sách mềm yếu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, ông lại tiếp tục viết dưới bút hiệu khác là Trần Bảo Việt với nội dung kêu gọi một nền Dân chủ đa nguyên, lên án Trung Quốc xâm lược, xin chút tình thương cho Người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, người tù Trương Văn Sương… Về nội dung của những bài viết này, ông khẳng định:

“Tôi chỉ viết ra những bài về nền Dân chủ Đa nguyên thôi chứ tôi không chủ trương lật đổ chính quyền, tôi cũng không chủ trương chống đối chính quyền gì hết mà tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo điều 69 của tôi là thực hiện một chế độ đa nguyên để đất nước có một sự đoàn kết toàn dân, nhưng mà chuyện thực hiện đa nguyên bây giờ ở Việt Nam lại rơi vào điều 88 là tuyên truyền chống nhà nước.”

Không muốn đất nước bị lệ thuộc

Lu-van-Bay-tranh-cua-hoa-si-Tran-Thuc-Lan-250.jpg

Chân dung tù nhân lương tâm Lư Văn Bảy qua nét vẽ của hoạ sĩ Trần Lân – Paris. Courtesy Hoạ sĩ Trần Lân.

Ngày 26/3/2011 ông lại bị bắt và trong phiên tòa kéo dài nửa ngày tại tỉnh Kiên Giang ngày 22/8/2011, ông bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “Truyền truyền chống nhà nước XHCNVN” theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam. Ông bị Thẩm phán tòa án Kiên Giang buộc tội đã viết trên 10 bài kêu gọi đa nguyên đa đảng đăng trên các mạng truyền thông hải ngoại từ năm 2007 đến 2011. Mặc dù trước áp lực của tòa án, ông Bảy đã nhận việc mình làm là không đúng với luật pháp Việt Nam nhưng ông vẫn tin rằng việc lên tiếng cho một xã hội đa nguyên là phù hợp với điều 69 về Tự do Ngôn luận của pháp luật Việt Nam. Ông bày tỏ:

“Trước phiên tòa tôi cũng nói là tôi không quen biết bất cứ một ai, tôi cũng không tham gia bất cứ một tổ chức nào mà tôi chỉ thực hiện cái quyền tự do, cái quyền của một người công dân của tôi thôi. Trong phiên tòa đó thì họ nói là tôi “Truyền truyền chống nhà nước XHCNVN”, điều 88. Họ nói tôi viết những bài lên án như vậy tức là không đi đúng theo đường lối của nhà nước, nói xấu nhà nước. Trong lúc làm việc với công an điều tra, tôi nói rằng tôi chỉ thực hiện quyền 69, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do chính trị. Nhưng bây giờ bắt tôi vi phạm điều 88 thì tôi cũng chịu thôi tại vì tôi quá cô đơn, tôi không có ai bênh vực, tôi chỉ bộc phát cá nhân của mình thôi. Nhưng nói đúng ra, họ đối xử với tôi cũng đàng hoàng, có sao tôi nói vậy, tôi là một phật tử. Cái quan trọng của tôi, là một con người, tôi không muốn đất nước của mình phải bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc một bọn bá quyền Trung Quốc.”

Qua những bài viết của ông, người ta nhận thấy ở đó một con người luôn luôn đau đáu trước vận mệnh đất nước, một người yêu nước thầm lặng và chấp nhận trả giá cho lòng yêu nước đó bằng những ngày tù tội. Thân sinh ông chết trước ngày ông ra tù 3 tháng, hậu quả của 4 năm tù là một người vợ bệnh hoạn vì tần tảo nuôi ông trong những năm tháng bị giam cầm. Vẫn không ân hận về những việc đã làm, ông nói:

Trước phiên tòa tôi cũng nói là tôi không quen biết bất cứ một ai, tôi cũng không tham gia bất cứ một tổ chức nào mà tôi chỉ thực hiện cái quyền tự do, cái quyền của một người công dân.
-Lư Văn Bảy

“Hối hận thì tôi không hối hận đâu, nhưng mà bản án quá nặng, tại vì tôi không biết bất cứ một tổ chức nào hết mà tôi cũng không tham gia một tổ chức nào hết, cũng không ai xúi dục tôi hết mà tôi chỉ bộc phát cá nhân của tôi thôi, nhưng mà cái bộc phát cá nhân của tôi mà cái bản án này thì nó quá nặng. Đối với đất nước, đối với tổ quốc, đối với nhân dân thì tội không thẹn với lương tâm của mình. Bản án 4 năm tù, tôi thấy quá nặng đối với tôi, nhưng mà tôi cũng không ân hận vì tôi đã nói lên được tiếng nói của mình mặc dầu tiếng nói của tôi quá bé nhỏ, nó không đủ sức để cảm hoá ai hết, nhưng mà đối với đất nước tôi cũng chỉ làm được thế thôi, biết sao bây giờ !”

Sau 4 năm, tình thế hình như có nhiều thay đổi, đã có những lên tiếng mạnh mẽ hơn từ phía nhà cầm quyền, mặc dù vẫn còn những ngần ngại đâu đó. Những thông tin từ báo chí nhà nước đã cho ông một chút hy vọng:

“Khi tôi ra tù, tôi nói với mấy anh công an như thế này: Trước đây khi Trung Quốc lấn lướt chúng ta mà chính phủ có những hành động như bây giờ thì tôi không ở từ. Và bây giờ tôi hy vọng rằng tất cả những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng, của chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của tất cả những nhà lãnh đạo Việt Nam là đúng sự thật. Tôi rất mong rằng những lời nói của mấy ông này không phải là lời nói suông. Tôi hy vọng rằng những lời nói này sẽ biến thành sự thật, tôi rất mừng. Nhưng nếu những lời nói đó chỉ là những lời nói suông thì nói thật, tôi không biết những gì sẽ xảy ra…”

Khi mà mọi quyền uy chỉ tập trung vào một cá nhân, khi mà một nhóm độc tài lăm le đem quê hương ra làm miếng mồi để thủ lợi. Để được an toàn, người dân chỉ còn biết thể hiện lòng yêu nước trong những giấc mơ. Từ Kiên Giang, người chiến sĩ thầm lặng gửi đến quý thính giả đài Á châu Tự do một niềm ước vọng:

“Tôi xin cám ơn tất cả những người đã quan tâm đến tôi trong thời gian tôi ở tù, và tôi gửi đến tất cả quý khán thính giả của Đài Á Châu Tư Do những lời chúc tốt đẹp và tôi mong rằng đất nước Việt Nam của chúng ta thoát khoải sự xâm lăng của Trung Quốc.”

 

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-07-03

giaminh07042014.mp3

hnbdl0703.jpg

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.

Courtesy HNBĐLVN

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một tổ chức mới được hình thành và chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.

Một tiếng nói độc lập

Tiến sĩ Phạm  Chí Dũng, một trong những thành viên sáng lập, có cuộc nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do về những thông tin liên quan hội này trong ngày chính thức ra đời. Trước hết ông cho biết:

TS Phạm Chí Dũng: Ngày hôm nay là một ngày vui và theo một số anh em thì đó là ngày lịch sử của Việt Nam vì lần đầu tiên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời.

Có thể nói đây là một tiếng nói độc lập với công luận, độc lập với các hội đoàn dân sự. Có một sự thú vị, một sự ngạc nhiên thú vị, như anh Bùi Minh Quốc nói, là ngày thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam lại rơi đúng vào ngày 4 tháng 7- ngày của Bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, và điều đó quá xứng đáng cho tính chất độc lập của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng như thế này.

Gia Minh: Vừa qua đã có Hội Nhà Văn Độc Lập ra đời, nay có Hội Nhà Báo Độc Lập ra đời thì sẽ có những hoạt động khác với Hội Nhà Văn Độc Lập cũng như các tổ chức xã hội dân sự ra đời trong thời gian vừa qua như thế nào?

” Chúng tôi là một hội nghề nghiệp, và phục vụ cho các nhà báo, cũng như các cộng tác viên báo chí độc lập, và kể cả những nhà báo quốc doanh.
-TS Phạm Chí Dũng”

TS Phạm Chí Dũng: Chắc cũng có một số khác biệt nhất định. Trước hết chúng tôi là một hội nghề nghiệp, và phục vụ cho các nhà báo, cũng như các cộng tác viên báo chí độc lập, và kể cả những nhà báo quốc doanh muốn tham gia vào trong hội của chúng tôi.

Thứ hai chúng tôi hướng đến những hoạt động thực chất thay cho tính chất hình thức của những hội đoàn dân sự mà vẫn bị dư luận phàn nàn trong thời gian gần đây. Thực chất có nghĩa là chúng tôi sẽ hướng đến những hoạt động cụ thể như tạo ra diễn đàn tự do ngôn luận cho các hội viên. Diễn đàn này sẽ được thể hiện bằng các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị liên quan đến một số chủ đề và vấn đề nóng bỏng của đất nước như luật lập hội, luật biểu tình, luật trưng cầu dân ý, và một số vấn đề khác liên quan đến vấn đề thời sự rất nóng bỏng trong tình hình hiện nay là vấn đề truyền thông và vấn đề thoát Trung.

Hoạt động thứ hai là chúng tôi phải có ngay một trang báo để phục vụ cho nhu cầu của độc giả; và chúng tôi kỳ vọng trong 10 năm, nó phải trở thành một tờ báo có đẳng cấp quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và ít nhất có thể sánh ngang với tờ Bangkok Post và có thể tiến lên so sánh với tờ  Strait Times của Singapore.

Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức đào tạo cho các phóng viên trẻ vốn xuất thân từ giới blogger hiện nay. Đó là một hoạt động hết sức quan trọng vì đó là lớp kế thừa, kế cận cho lớp nhà báo lớn tuổi hiện nay.

pham-chi-dung-250.jpg

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một trong những thành viên sáng lập trả lời phỏng vấn VRNs, tháng 7 năm 2014. Screen Capture.

Gia Minh: Để có thể trở thành tờ báo có thể so sánh với những tờ như Bangkok Post và Strait Times mà ông vừa mới nói, thì ai là người viết đóng góp cho tờ báo (của Hội Nhà báo Độc Lập)?

TS Phạm Chí Dũng: Hiện nay chúng tôi bắt đầu từ con số không tròn trĩnh, nhưng như anh biết để có thể tạo ra một tờ báo chuyên nghiệp và có đẳng cấp quốc tế thì phải có những cây viết và những nhà làm báo chuyên nghiệp. Mà muốn có những cây viết và những nhà làm báo chuyên nghiệp thì phải đào tạo. Có hai nguồn có thể tiếp sức cho Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam và trang báo độc lập này, chúng tôi hy vọng nhất là nguồn các tay viết có kinh nghiệm từ giới báo chí quốc doanh. Đó là những người viết mà theo chúng tôi là những người có trình độ, có năng lực, có nhu cầu để thể hiện nhưng chưa có nhu cầu để thể hiện. Và chúng tôi hy vọng trong thời gian tới họ có điều kiện để tham gia và để thể hiện trên trang báo độc lập này.

Thứ hai là nguồn đào tạo từ lớp trẻ. Đây là nguồn mà báo chí Việt Nam từ lề phải lẫn lề trái đều đang thiếu hụt trầm trọng và thậm chí đang bị khủng hoảng. Chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo.

Thứ ba, chúng tôi cố gắng gửi những người trẻ được đào tạo đi nước ngoài để học hỏi dựa vào một số tổ chức phi chính phủ quốc tế về báo chí như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hay Tổ chức Bảo vệ Ký giả Quốc tế, hay Văn bút Quốc tế, hoặc Freedom House…

Chúng tôi hy vọng với tất cả những biện pháp, giải pháp như vậy, chúng tôi có thể làm cho tờ báo có tiếng nói không chỉ là tự do và độc lập mà còn nâng cao về mặt chuyên môn của nó và dần dần có thể vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Không phân biệt thành phần hội viên

Gia Minh: Đó là những cây bút, như ông nói, ở trong nước. Hiện trên khắp thế giới có những người Việt Nam sinh sống, lâu nay có những người đã viết và có đưa bài lên mạng, vậy lực lượng đó có được sử dụng cho tờ báo của Hội Nhà Báo Độc Lập không?

” Theo điều lệ của hội không phân biệt người trong nước và người ngoài nước. Tất có thể trở thành hội viên, và chúng tôi dự kiến có thể xây dựng một vài chi hội của Hội Nhà báo Độc Lập VN ở nước ngoài.
-TS Phạm Chí Dũng”

TS Phạm Chí Dũng: Đó là những cây viết đáng giá nhưng chúng tôi không dám hy vọng họ tham gia vào hội một cách toàn phần. Có lẽ họ còn chờ chúng tôi hoạt động và chứng tỏ hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên theo điều lệ của hội không phân biệt người trong nước và người ngoài nước. Tất có thể trở thành hội viên, và chúng tôi dự kiến có thể xây dựng một vài chi hội của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam ở nước ngoài nếu có điều kiện. Cho tới nay đã có vài ba anh chị là nhà báo ở nước ngoài tham gia Hội Nhà báo Độc Lập. Chúng tôi hy vọng từ những người đó sẽ lan tỏa ra và sẽ thu hút một lực lượng cây viết hải ngoại đóng góp cho trang báo và cho Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Gia Minh: Qua kinh nghiệm lâu nay, bao giờ có những trang web và đặc biệt bây giờ tờ báo tên Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập ( Việt Nam) ra đời, đều bị sự đánh phá từ phía chính quyền; vậy hội có những biện pháp gì để có thể đưa tờ báo đến độc giả thường xuyên, không bị gián đoạn do những hoạt động đánh phá như thế?

TS Phạm Chí Dũng: Trong Ban lãnh đạo Hội đã giao cho nhà báo độc lập, linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn phụ trách về trang báo và cùng với anh Ngô Nhật Đăng, cũng là một nhà báo độc lập trị sự trang báo này.

Chúng tôi cũng đã tính tới những phương án kỹ thuật chặt chẽ và có mối quan hệ, liên hệ chặt chẽ với hệ thống Facebook. Và vấn đề kỹ thuật, nếu cần thiết thì anh có thể hỏi thêm linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh vì đây là người nắm chắc vấn đề kỹ thuật và làm sao bảo đảm trang báo không bị xâm nhập, không bị hack trong quá trình hoạt động và vẫn chó thể phục vụ được cho độc giả.

Gia Minh: Là một trong những thành viên của ban biên tập và thành viên của ban sáng lập Hội Nhà báo Độc lập, trong ngày ra mắt ông muốn nhắn gửi gi đến người đọc và người xem tại Việt Nam và trên thế giới?

TS Phạm Chí Dũng: Tôi chỉ xin nói ngắn gọn là chúng tôi sẽ cố gắng làm thế nào để Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam hoạt động một cách có thực chất và đại diện cho tiếng nói độc lập của báo giới Việt Nam, không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Và làm thế nào để những hội viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam trong tương lai không xa có thể và hoàn toàn có quyền tự hào rằng họ là những nhà báo độc lập đầu tiên của Việt Nam và có tiếng nói quốc tế, được quốc tế nể trọng.

Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một trong những thành viên khởi xướng Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, trong ngày ra mắt có những chia sẻ với khán thính giả của Đài chúng tôi.

TỪNG CHÚT MỘT THÔI…

TỪNG CHÚT MỘT THÔI…

Nhìn một vận động viên đứng trên bục cao nhận giải thưởng, ta trầm trồ thán phục.  Ta ước mong mình có thể trở thành một vận động viên xuất sắc như thế.  Đọc một kiệt tác văn học, ta thích thú ngưỡng mộ ngòi bút xuất thần của nhà văn.  Ta ước mong mình có thể viết được hay như thế.  Nghe gương sống thánh thiện của một vị thánh, ta thấy mình bừng cháy khát khao nên thánh.  Ta ước ao đời mình cũng thánh thiện như thế.  Rồi ta lên kế hoạch cho mình, ta sẽ làm thế này, ta sẽ làm thế kia… cuối cùng, được vài ngày, ta lại…nản.  Tất cả lại trở về như cũ.

Ở đời, tất cả những gì thành công, xuất chúng, đáng giá đều không thể gặt hái một sớm một chiều. Chúng là kết quả của những nỗ lực bền bỉ, bước đi trong khiêm tốn, kiên nhẫn và…từng chút một.  Ta nên biết rằng đằng sau tấm huy chương vàng óng ánh là những kiêng khem, tập luyện vất vả, không phải ngày một ngày hai, mà có khi mất nhiều năm trời luyện rèn bền bỉ.  Đằng sau những áng văn bất hủ là những bản thảo miệt mài viết đi viết lại, sửa tới sửa lui.  Có khi nó là công trình của cả một đời người, bắt đầu từ những nét chữ nguệch ngoạc cho đến những câu chữ chỉn chu rõ ràng.  Đằng sau một mẫu gương thánh thiện, là cả một đời rèn luyện nhân đức.

Mọi sự đều có tiến trình riêng của nó.  Một chú nhộng bướm phải mất hàng giờ kiên nhẫn cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu trên cái kén.  Tiến trình tự nhiên mà ta tưởng là mất giờ này giúp cho cơ thể chú nhộng nhỏ gọn và đôi cánh cứng cáp để có thể bay khi chú thoát thai thành bướm.  Nếu ta thương tình can thiệp để tiến trình ấy diễn ra nhanh hơn, chú “nhộng bướm” sẽ chỉ là chú “bướm nhộng” bò loanh quanh với thân hình phồng rộp và đôi cánh nhăn nhúm.  Tôn trọng tiến trình của cuộc sống và chấp nhận quy luật ấy cũng là lẽ khôn ngoan ở đời.  Một bạn trẻ thành công quá sớm trong khi chưa chín chắn trưởng thành trong nhân cách có thể hủy hoại tương lai và cả thành công hiện tại. Macaulay Culkin, diễn viên nhí trong bộ phim nổi tiếng “Ở nhà một mình” là một thí dụ điển hình. Thành công quá sớm đã khiến cho Macaulay Culkin nhanh chóng sa ngã, sự nghiệp tuột dốc và cuối cùng chết mòn vì ma túy.  Chấp nhận mọi thành công đều cần một quá trình, ta từ tốn khôn ngoan bước đi từng bước vững chắc.

Thường thì nói và nghĩ bao giờ cũng dễ, bắt tay vào làm mới khó.  Nghĩ tưởng về thành công trong tương lai, khơi lên trong ta bao nhiêu động lực hiện tại, nhưng thực tế, khi bắt đầu hành trình và nhìn về chân trời xa xăm phía trước lại có thể khiến ta thoái chí nản lòng.  Ta không biết liệu mình có làm được như vậy không?  Ta không biết liệu dự phóng của mình có quá ảo tưởng không?  Và cái tiến trình xa vời vợi ấy có thể là một cám dỗ giục ta bỏ cuộc.  Lúc mới hoán cải với tâm trí tràn ngập những dự phóng sẽ thực hiện cho Thiên Chúa, thánh Inhaxio cũng đã từng bị cám dỗ như vậy.  Khi ấy, tâm trí ngài nổi lên một ý nghĩ: “Liệu ngươi có thể sống nổi cuộc sống này suốt 70 năm không?” Ý nghĩ ấy khiến ngài nản chí, nhưng khi nhận ra đó là một cám dỗ, ngài hiểu rằng 70 năm ấy có thể đạt được, chỉ cần lúc này ngài sống từng giờ trọn vẹn.

Cuối cùng, ở mỗi tiến trình ta phải nhận thức đúng về mình và quý trọng những thành quả tương xứng với tiến trình ấy.  Một con sâu róm xấu xí không nên tự trách mình không đẹp đẽ tươi xinh như chú bướm bay lượn trên các khóm hoa.  Những so sánh như vậy đều là khập khiễng và dễ dàng khiến ta thất vọng về mình.  Ta đang tập viết, không thể đòi mình có khả năng xuất khẩu thành thơ, hay sáng tác những áng văn kiệt xuất.  Điều khiến lòng ta an ủi là, dù có là cây bút đại tài đi nữa, thì cũng từng phải mài đũng quần tập viết từng câu chữ như ta.  Nhận thức đúng về mình giúp ta vững vàng trước những tiếng đời dư luận.  Chú sâu róm sẽ thất vọng buồn rầu đến chết được, vì ai nhìn chú cũng khiếp sợ.  Người ta khiếp sợ một con sâu mà không thể thấy rằng nó sẽ trở thành một con bướm.  Người ta thích thú nhìn ngắm một con bướm mà quên mất rằng nó đã từng là một con sâu.  Người đời cũng vậy, họ có thể chỉ nhìn thấy bạn như là một “con sâu” mà không thấy được nỗ lực của bạn để trở thành một “con bướm”.  Vậy nên bạn đừng để nhận xét của họ làm mai một ý chí vươn lên của mình.

Bạn thân mến, một tòa tháp cao bắt đầu từ một viên gạch nhỏ.  Một hành trình dài ngàn dặm khởi đi từ một bước chân ngắn.  Bạn là kiến trúc sư cho tòa tháp cuộc đời mình.  Trở nên một con người như thế nào, tương lai ra sao, cống hiến được gì cho đời, tất cả được đặt trên đôi vai của bạn.  Chính bạn là thuyền trưởng của cuộc đời mình.  Từ tốn, kiên nhẫn, trung thành sống từng chút nhỏ thôi, bạn sẽ lái cuộc đời mình về đến đích, như lời vị tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Chấm một chấm cho thẳng, chấm này nối tiếp chấm kia… đường sẽ thẳng.  Sống một phút cho tốt, phút này nối tiếp phút kia… đời sẽ thánh’’.
Dominic Vũ Chí Kiên, SJ.

http://dongten.net

From: KittyThiênKim & Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Tách cà phê

Tách cà phê

Dongten.net

ca phe

Một nhóm bạn học nay thành đạt rủ nhau về thăm thầy cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời học trò cũ của mình.

Ông đem ra rất nhiều những chiếc tách khác loại: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thủy tinh, chiếc thì bằng pha lê, một vài chiếc trông rất đơn sơ, vài chiếc đắt tiền, vài chiếc khác lại được chế tác cực kỳ tinh xảo. Người thầy bảo những “người thành đạt” tự chọn tách và rót cà phê cho mình.
Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy đáng kính mới bắt đầu từ tốn:
– Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: ai cũng chọn những chiếc tách đắt tiền, chẳng ai thèm màng đến những chiếc tách nhựa giá rẻ cả. Có lẽ các em sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn cơn của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em.
Các em à, những chiếc tách kia đâu có làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Tất cả những gì các em cần là cà phê chứ không phải là tách. Thế mà thường thì các em chỉ chăm chăm lo kiếm những chiếc tách tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không.
Hãy suy ngẫm điều này nhé: cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Và những “chiếc tách” này không hề xác định hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi do cứ mãi để ý vào những “chiếc tách hư danh” mà chúng ta bỏ lỡ việc tận hưởng cuộc sống.
Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải tách. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và thưởng thức mùi vị đậm đà của nó – thứ đựng trong chiếc tách chứ không phải là chiếc tách.

(Sưu tầm)

 

LINH HỒN NGƯỜI CHẾT HIỆN VỀ

LINH HỒN NGƯỜI CHẾT HIỆN VỀ

– CÂU CHUYỆN 1: XIN LỄ CẦU NGUYỆN

LM Trịnh Ðức Hòa, DCCT khi giảng về đề tài Tứ Chung, cha Hòa kể lại câu chuyện mà cha cố Vũ Tuấn Tú thuật:

“Năm 1996, tôi được một gia đình ở giáo xứ nhà thờ St. Barbara mời đến tư gia để dâng Thánh Lễ. Ở đấy có một hiện tượng lạ. Một cô con gái trẻ bị một linh hồn nhập vào và nói giọng đàn ông. Tôi bèn xin gia đình ấy cùng đọc chuỗi kinh Mân Côi Năm Sự Thương. Khi đọc đến chục kinh thứ tư thì linh hồn ở trong cô gái nói rằng:
“Con là người con trai trong gia đình. Con bị tai nạn ở vùng San Jose (thuộc miền bắc California). Xin gia đình đừng nghĩ là con tự tử. Hôm nay, Chúa cho phép con về để xin cha mẹ và cha Tú dâng 3 Thánh Lễ cầu nguyện cho con để con được về với Chúa.”
Tôi hỏi:
“Chỉ cần có 3 Thánh lễ thôi à?”
“Vâng, con chỉ cần ba Thánh lễ thì sẽ được lên Thiên Ðàng. Xin gia đình tiếp tục cầu nguyện cho một số linh hồn người thân đang còn ở luyện ngục.”
Nói xong thì linh hồn ấy xuất đi và cô gái trở lại tình trạng bình thường, không còn nói tiếng đàn ông nữa.”

Suy niệm:
-Phải kể đây là một thanh niên thánh thiện, giữ đạo hẳn hoi, không phạm tội trọng. Vì thế, khi bị tai nạn chết bất thình lình, không kịp xưng tội, chịu Mình Thánh Chúa, mà anh chỉ cần 3 Thánh lễ để lên Thiên Ðàng. Ðó là tấm gương sáng cho tất cả chúng ta. Xin tạ ơn Chúa!

CÂU CHUYỆN 2: XIN GIA ÐÌNH THA THỨ, ÐỪNG THƯA KIỆN BÁC SĨ.

Ðây là câu chuyện thật đã xẩy ra cho một gia đình nổi tiếng về thương mại ở vùng Quận Cam (Orange County), California.
– Một cô gái 18 tuổi bị bịnh nên được đưa vào nhà thương nhưng vì sự chữa trị chậm trễ của các bác sĩ mà cô gái ấy qua đời.
Cả gia đình đau buồn vì cái chết của cô. Họ định sau tang lễ thì sẽ nhờ luật sư thưa kiện các bác sĩ vì đã không chữa trị kịp thời và chu đáo nên con của họ chết.
Một đêm kia, cha mẹ của cô gái quá cố nằm mơ thấy con gái hiện về mặc áo trắng đẹp đẽ và vui vẻ nói với cha mẹ rằng:
“Xin bố mẹ đừng buồn, đừng thưa kiện người ta vì con được hưởng phước Thiên Ðàng rồi.”
Ðược con gái báo mộng là cô đang ở Thiên Ðàng thì cha mẹ cô mừng rỡ nên không còn nghĩ đến việc kiện tụng nữa.

Suy niệm:
Người trẻ khi chết mà lên Thiên Ðàng ngay, đó là một hồng ân. Như vậy người trẻ này là một người thánh thiện và đạo đức. Ðó là phúc lớn cho bản thân cô và gia đình cô. Cô là tấm gương sáng cho mọi người, đặc biệt là cho giới trẻ. Cảm tạ Chúa!

Kim Hà

Anh chị Thụ Mai gởi

Đan Mạch bỏ tù băng cần sa người Việt

Đan Mạch bỏ tù băng cần sa người Việt

Thứ năm, 3 tháng 7, 2014

Một tòa án ở Đan Mạch vừa ra mức án nặng cho một nhóm nhỏ tội phạm chuyên sản xuất, buôn lậu ma túy do một người gốc Việt cầm đầu, trang mạng Bấm Berlingske theo khuynh hướng trung hữu có nhiều ảnh hưởng tại Đan Mạch nói.

Theo Berlingske, chín người, gồm tám nam giới và một phụ nữ, hầu hết là người gốc nước ngoài, phải ra hầu tòa Kolding hôm 2/7 trong vụ án lớn về chất gây nghiện.

Từng bị cáo bị kết tội liên quan tới hoạt động sản xuất cần sa quy mô lớn và buôn lậu chất gây nghiện từ nước ngoài vào Đan Mạch.

Người bị cho là cầm đầu đường dây này là một người gốc Việt, 32 tuổi, thường trú tại vùng Kolding. Ông ta bị kết tội điều hành 13 trại trồng cần sa ở Jylland và Fyn, với tổng công suất cho ra được gần một tấn sản phẩm bất hợp pháp này.

Ông này có một công ty tại Kolding chuyên bán phân bón hóa học và các thiết bị làm vườn, và thực hiện hoạt động trồng cần sa thông qua công ty này.

Ông ta cũng bị kết tội buôn lậu 10kg chất amphetamines hồi tháng Giêng 2013 và 4,9kg hồi tháng Hai 2013.

Mức án dành cho bị cáo chủ chốt này là 16 năm tù và trục xuất vĩnh viễn khỏi Đan Mạch.

Hai đồng phạm là các công dân Đan Mạch, 46 và 66 tuổi, bị mức án nhẹ hơn, một người 13 năm, một người 11 năm, và cũng bị trục xuất vĩnh viễn.

Hai người đàn ông khác, cùng 27 tuổi và cùng thường trú tại Kolding, mỗi người bị tám năm tù và trục xuất vĩnh viễn.

Một người đàn ông nữa, 34 tuổi, được xác định là cư trú bất hợp pháp tại Đan Mạch, bị án tù một năm và trục xuất vĩnh viễn.

Người phụ nữ 32 tuổi chung sống với bị cáo cầm đầu đường dây bị án tù sáu năm.

Hai bị cáo cuối cùng, một công dân Đan Mạch, một công dân Hà Lan, được tha bổng.

Trung Quốc lập tòa án đặc biệt xử các vụ gây ô nhiễm

Trung Quốc lập tòa án đặc biệt xử các vụ gây ô nhiễm

Hệ quả trên môi trường của công nghiệp phát triển bừa bãi. Ảnh chụp trên một cánh đồng ở Hồ Nam, ngày 04/06/2014.

Hệ quả trên môi trường của công nghiệp phát triển bừa bãi. Ảnh chụp trên một cánh đồng ở Hồ Nam, ngày 04/06/2014.

REUTERS/Jason Lee

Thụy My

Tòa án tối cao Trung Quốc hôm nay 03/07/2014 thông báo vừa thành lập một tòa án đặc biệt chuyên xét xử các vụ án về môi trường, trong lúc Bắc Kinh đang cố gắng đưa ra những biện pháp xoa dịu công chúng hiện rất bất bình trước mức độ ô nhiễm tăng vọt.

Ba thập kỷ công nghiệp hóa nhanh chóng và bừa bãi đã gây thiệt hại nặng nề cho môi trường, khiến các lãnh đạo cộng sản phải đối phó với sự phẫn nộ của dân chúng, biểu thị qua số lượng các cuộc biểu tình ngày một tăng lên.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy gần hai phần ba diện tích mặt đất Trung Quốc bị ô nhiễm, và 60% lượng nước ngầm bị nhiễm bẩn không thể uống được. Chưa nói đến bầu không khí bị ô nhiễm trầm trọng, thường xuyên tạo ra nạn khói mù, nhất là tại các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Tòa án môi trường vừa được thành lập sẽ có chi nhánh ở các địa phương, chuyên phụ trách các vụ ô nhiễm không khí, nước và đất, bảo vệ hầm mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên như các khu rừng, sông ngòi…Tôn Quân Công (Sun Jungong), phát ngôn viên của tòa án đặc biệt này trong cuộc họp báo cho biết như trên.

Trịnh Học Lâm (Zheng Xuelin), chủ tịch « Tòa án môi trường » độc đáo này nói thêm : « Các tòa án muốn xử lý những vụ liên quan đến các trường hợp gây ô nhiễm nhưng lại không dám vì bị chồng chéo ». Theo ông, từ 2011 đến 2013 mỗi năm có dưới 30.000 vụ liên quan đến môi trường được đưa ra xử, so với số lượng bình quân 11 triệu vụ hàng năm. Các chính quyền địa phương thường coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng Ba đã loan báo rằng Bắc Kinh « khai chiến » với ô nhiễm. Một loạt các biện pháp đã được đưa ra, nhưng vấn đề là việc thực thi như thế nào. Không có lịch trình tiến hành cụ thể, và các luật lệ về môi trường tuy gần đây đã cứng rắn hơn, nhưng chỉ được áp dụng một phần.

Các thị trấn biên giới Texas giúp di dân

Các thị trấn biên giới Texas giúp di dân

Nhà thờ Thiên Chúa giáo Sacred Heart, ở McAllen, Texas, cho di dân tạm trú

Nhà thờ Thiên Chúa giáo Sacred Heart, ở McAllen, Texas, cho di dân tạm trú

Greg Flakus

03.07.2014

Hàng vạn di dân từ Trung Mỹ đã vượt biên giới Mexico sang tiểu bang Texas của Mỹ trong những tháng gần đây và các nhân viên liên bang đã tăng cường những nỗ lực để thanh lọc những người không có lý lịch tội phạm và cho phép họ được ở lại với gia đình tại Mỹ trong khi chờ ngày ra tòa. Theo tường trình của Thông tín viên Đài VOA từ Houston, Texas, Greg Flakus, các cộng đồng địa phương đang ra sức giúp đỡ cho những di dân kiệt sức và đói khác này.

Tuần này, sở cảnh sát quận Hildago, Texas phát hiện tử thi rữa nát của một bé trai trong một bụi rậm gần Sông Rio Grande, phân chia ranh giới với Mexico.

Nhờ những  thông tin được viết nguệch ngoạc trên dây nịt của cậu bé, các nhân viên cảnh sát tiếp xúc với một người đàn ông tại Guatemala tự nhận là cha của nạn nhân. Cảnh sát viên Eddie Guerra nói ông này cung cấp những tin tức giúp xác định lý lịch của cậu bé.

“Một phần của lời khai của người được xem là cha của cậu bé đã chết, đã cho cho chúng tôi biết những chi tiết rõ ràng về áo quần của em này.”

Theo giấy khai sanh thì em bé xấu số này chỉ có 11 tuổi, nhưng theo các thân nhân trong gia đình thì em đã được 15 tuổi.

Trong những tháng gần đây, làn sóng di dân từ Trung Mỹ đến phía nam Texas đã tăng mạnh. Nhà chức trách liên bang câu lưu các thiếu niên không có cha mẹ đi kèm, nhưng họ đã thanh lọc và trả tự do cho hàng trăm người với trẻ em đi cùng đến các nơi khác trong nước Mỹ nơi họ có thân nhân.

Nhiều người đến trạm xe buýt tại thị trấn McAllen, Texas, nơi hiện phải vất vả đối phó với một số lượng đông đảo di dân.

Ông Teclo Garcia, phát ngôn viên của thị trấn McAllen, nói nhà cầm quyền địa phương, các nữ tu, và những người tình nguyện địa phương đang cung cấp dịch vụ tại bãi đậu xe của nhà thờ Thánh Tâm. Ông cho biết:

“Quận đã dựng các lều tạm và các sơ đang làm việc để đảm bảo là những người đến đây được nuôi ăn và chăm sóc, và những nhân viên y tế của quận đã khám sức khỏe và những di dân này sau đó lên xe buýt đi các nơi khác.”

Ông Garcia nói thành phố đã tiêu hết 58.000 đô la cho dịch vụ khẩn cấp này, nhưng ông nói thêm là cuối cùng có thể phải tốn nửa triệu đô la vào cuối năm nay nếu tình hình không được cải thiện. Ông nói:

“Trong khi chúng tôi đối phó với tình hình hiện nay, chúng tôi muốn chính phủ liên bang chịu tránh nhiệm. Chúng tôi không gây ra tình trạng này, chúng tôi chỉ muốn đối xử với mọi người một cách nhân đạo. Nhưng chúng tôi tự hỏi và chúng tôi lo ngại là không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Chúng tôi không muốn tiêu 500.000 đô la tiền thuế cho hoạt động này hàng năm.”

Hoạt động tại nhà thờ ở McAllen và một hoạt động khác được thực hiện cách đây vài ngày tại Brownsville được Hội Từ Thiện Công Giáo đảm trách. Bà Brenda Riojas, đại diện của hội, nói hoạt động cứu trợ do các cư dân địa phương bắt đầu.

Họ để ý thấy có nhiều người đến trạm xe buýt cần được giúp đỡ, do đó từ các thùng xe của họ, họ trợ giúp cho các di dân và khi con số người mới đến quá đông, trạm xe buýt nói rằng nơi đây không phải là nơi để làm việc này.”

Bà Riojas nói nơi tạm trú của nhà thờ cung cấp cho di dân thực phẩm, nơi tắm rửa, giường ngủ trong vài ngày và những sự trợ giúp khác trước khi họ đoàn tụ với thân nhân, đôi khi ở những nơi xa như New York hay California. Bà nói những người tình nguyện cũng cho họ những vật phẩm cần thiết để đi đường:

“Chúng tôi cũng cung cấp cho họ một hành trang đi đường. Chúng tôi muốn đảm bảo là họ có tả cho trẻ em, thức ăn cho các em bé và nước uống.”

Một số người cho rằng những trợ giúp như thế là giúp đỡ những người vi phạm luật pháp và khuyến khích thêm những người vượt biên giới bất hợp pháp. Tuy nhiên, bà Riojas nói nhà thờ và những tổ chức từ thiện khác ở nam Texas chỉ trợ giúp nhân đạo cho những người đã có mặt tại đây và cần được giúp đỡ.

Một số dân biểu, nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng chỉ trích việc thả những di dân bất hợp pháp và kêu gọi nhanh chóng trả họ về nước để làm nản lòng những người khác muốn đến Mỹ một cách bất hợp pháp.