Cảnh tù đày khắc nghiệt của tù nhân lương tâm

Cảnh tù đày khắc nghiệt của tù nhân lương tâm

Hòa Ái, phóng viên RFA
2014-07-09

vha07092014.mp3

duong-thi-ha-do-van-hoa-305.jpg

Bà Dương Thị Hà, vợ của tù nhân lương tâm Đỗ Văn Hoa.

Screen capture

Nhiều tù nhân lương tâm ở VN đang phải gánh chịu cảnh tù đày khắc nghiệt do không nhận tội. Hòa Ái ghi nhận trường hợp của tù nhân lương tâm Đỗ Văn Hoa là một trong những người như thế. Bà Dương Thị Hà, vợ ông Đỗ Văn Hoa có cuộc trao đổi với Hòa Ái sau chuyến đi thăm chồng mới nhất của bà.

Chế độ ăn rất hạn chế

Hòa Ái: Xin chào bà Dương Thị Hà. Bà có thể cho biết chuyến đi thăm chồng, tù nhân lương tâm Đỗ Văn Hoa ở nhà tù Ba Sao, Kim Bản lần mới nhất là khi nào và tình hình sức khỏe của chồng bà ra sao?

Dương Thị Hà: Tôi đi thăm vào hôm mùng 4/6 âm lịch. Anh ấy rất xanh, mắt trũng, da bủng ra, nhìn người rất yếu. Anh ấy bảo người yếu vì đang bị kỷ luật giam riêng. Chế độ ăn rất hạn chế cho nên anh ấy đang ở trong đấy rất khó khăn.

Hòa Ái: Bà có biết nguyên nhân vì sao chồng bà bị kỷ luật giam riêng? Có tin là ông Đỗ Văn Hoa bị kỷ luật cùng đợt với ông Vi Đức Hồi cách nay gần 1 năm? Thông tin này có chính xác không, thưa bà?

Dương Thị Hà: Anh ấy bị kỷ luật tới bây giờ là 1 năm rồi do anh ấy can ngăn công an đánh phạm nhân với lại anh ấy đấu tranh ở trong tù cho nên người ta kỷ luật anh ấy. Bác Hồi bị kỷ luật trước nhà em 1 tuần. Hạn đầu tiên là 6 tháng. 6 tháng xong, người ta không có một lý do gì lại ra tiếp thêm 1 hạn 6 tháng nữa. Bây giờ anh ấy đang bị kỷ luật hạn thứ 2.

Hòa Ái: Ông Hoa có nói được với bà về hoàn cảnh bị giam riêng kỷ luật như thế nào không?

Dương Thị Hà: Dạ có. Anh ấy bảo buồng giam kín, 1 mình 1 phòng, không có điện và gì cả, chỉ được 1 giờ đồng hồ ra ngoài ánh sáng mặt trời, còn lại là ở trong. Ngày trước không kỷ luật thì được gửi 7 cân đồ. Bây giờ chỉ được 3 cân. Đi thăm mang nhiều họ cũng không cho mang, họ vất hết ra đủ số cân mới cho mang vào. Ngày trước được gặp khoảng 20 phút, bây giờ chỉ được gặp khoảng độ 10 phút thôi. Chế độ uống nước trong đấy là uống nước cống rãnh, xả vòi ra cứ thế là uống. Anh ấy bảo là nước ở cống rãnh họ bơm lên, cứ thế là xả ra uống trực tiếp. Đến nỗi anh ấy để trong bát, nước lắng xuống 1 lớp bẩn bên dưới cho nên tôi phải gửi 2 cân bông vào để lọc từng giọt, từng giọt một để uống.

Hòa Ái: Về chế độ ăn thì sao, thưa bà?

Dương Thị Hà: Ngày trước thì chỉ được 1 năm cơm/ngày. Bây giờ thì được 2 năm/ngày. Bởi vì dạo trước anh ấy bị tiêu chảy 20 ngày, ốm lê liệt nên bây giờ được 2 nắm cơm/ngày.

Bị ép nhận tội

Hòa Ái: Bà còn biết thêm được thông tin nào khác từ ông Hoa không?

Dương Thị Hà: Người ta vẫn cứ muốn anh ấy nhận tội nhưng anh ấy cương quyết không nhận bởi vì anh ấy không có tội. Khi về, anh ấy còn mấy năm quản thúc nữa. Ở trong đấy, họ cứ tìm cách đàn áp, hãm hại anh ấy. Họ tìm đủ mọi cách để ép anh ấy, bảo anh ấy phải nhận tội thế nọ thế kia.

Hòa Ái: Theo như Hòa Ái biết là án tù ông Đỗ Văn Hoa đang thụ lý là 4,5 năm. Bà có thể nói lại vì sao chồng bà phải chịu bản án này?

Dương Thị Hà: Anh ấy chỉ là 1 người đi đấu tranh quyền lợi của gia đình. Gia đình mất một thửa ruộng 1 mẫu-1 sào-4 thước. Hôm trên Lục Ngạn có xảy ra quân đội và người dân đang đánh nhau, anh ấy lên phổ biến cho người dân biết về các quyền của cá nhân. Công an đã theo dõi và cho 3 người giả dạng là người dân đi xe máy va vào anh ấy, ngã ở đường, 2 bên xảy ra tranh chấp và họ đưa anh ấy vào trại ở Lục Ngạn. Họ khám thấy anh ấy có những giấy tờ ghi “không đàn áp người đi kiện”, “không cướp của dân”… nói chung là những khẩu hiệu để đi đấu tranh quyền lợi của gia đình. Cho nên họ vu tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN”. Sau công an trên Lục Ngạn về khám nhà, họ lấy hết những giấy tờ trong gia đình đi và vu cho anh ấy điều 88. Trong vụ án ấy có bác Nguyễn Kim Nhàn và Đinh Văn Nhượng. Có 3 người bị bắt. Nhà tôi bị bắt đầu tiên, 6/6/2011, sau đến bắt 2 người kia.

Hòa Ái: Trong chuyến thăm mới nhất vừa rồi, ông Hoa có nhắn gửi tâm tình ra bên ngoài về hoàn cảnh của ông không?

Dương Thị Hà: Anh ấy nhắn ra bảo là mọi người quan tâm giúp đỡ cho anh ấy thì lên tiếng để cho họ ở trong đấy dè chừng những việc làm phi pháp của họ. Anh ấy hiện giờ rất là khó khăn ở trong tù. Sức khỏe thì không được tốt. Trong đấy bây giờ ở trong buồn giam riêng trong thời tiết nóng nực rất là khổ. Nhờ vào rất nhiều sức ép, họ đã thả bác Hồi ra, anh ấy rất là mừng. Trong lúc này anh ấy rất khổ cho nên mong mọi người lên tiếng giúp đỡ gia đình nhà tôi. Chúng tôi rất mong như thế.

Hòa Ái: Cảm ơn bà Dương Thị Hà về cuộc trao đổi này với đài RFA.

Dương Thị Hà: Vâng, cảm ơn chị.

Làn gió mới lướt qua Xã hội dân sự VN

Làn gió mới lướt qua Xã hội dân sự VN

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Thứ năm, 10 tháng 7, 2014

Nguyễn Tiến Trung nay đã được trả tự do

Những người bạn trẻ mới ra tù như Nguyễn Tiến Trung và Đỗ Thị Minh Hạnh đều thốt lên với gương mặt rạng rỡ đến ngỡ ngàng “Thật không thể tin nổi!”.

Những ráng xuân bị lặng dập trong chốn lao tù cũng là những mùa xuân nở hoa ngoài đời. Sau vài ba năm nằm trong phòng giam kín mít và bị cô lập tuyệt đối với thế giới bên ngoài, người cựu tù nhân lương tâm bước ra cửa trại giam và không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến những vòng tay chan chứa rộng mở.

Khác vô cùng những năm trước, giờ đây không một cựu tù nhân lương tâm nào bị cô độc ở Việt Nam. Mối tình đang nở hoa trong lòng họ chính là xã hội dân sự.

Hoài niệm

Hãy hoài niệm.

Từ cuối năm 2012 trở về trước, chưa từng có khung cảnh ấm áp ân tình của số đông những người cùng cảnh và cả những người chưa có cơ hội rơi vào cảnh ngộ tù đày vì bất đồng chính kiến.

Cho đến tháng Chạp năm 2012, luật sư Công giáo Lê Quốc Quân còn bị bắt giam và sau đó bị xử án với tội danh trốn thuế, dù tất cả đều biết rõ anh chính là một cái gai nhọn chống Trung Quốc. Cũng vào thời điểm đó, cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ bị phía Hoa Kỳ đình hoãn vô thời hạn do “thành tích nhân quyền thụt lùi sâu sắc” của Hà Nội. Bầu không khí khi đó ngột ngạt, u ám và đầy đe dọa.

Còn giờ đây, mùa xuân của xã hội dân sự dường như đang bắt đầu tỏa nắng. Gần hai chục tổ chức dân sự độc lập từ Bắc vào Nam. Vào tháng 5/2014, lần đầu tiên 16 hội đoàn dân sự độc lập ngồi sát bên nhau trong một tinh thần thống nhất rất cao về chủ đề cần kíp phải xây dựng tổ chức công đoàn độc lập.

“Có thể so sánh giai đoạn này ở Việt Nam với thời kỳ bắt đầu xuất hiện Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 70…”

Rõ là xã hội dân sự ở Việt Nam đang hình thành những tiền đề của nó. Một cách nào đó, có thể so sánh giai đoạn này ở Việt Nam với thời kỳ bắt đầu xuất hiện Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 70, hay phong trào “Hiến chương 77” ở Tiệp Khắc cuối thập kỷ 70, và cuối cùng là con sóng dập dồn ở Liên bang Xô viết với phong trào dân chủ của Viện sĩ Sakharov – người từng hai lần giành giải thưởng Lenin – vào những năm cuối của thập kỷ 80 của thế kỷ 20.

Còn ở Việt Nam, nếu có thể nói về một phong trào dân sự quy tụ tương rộng rãi sự tham gia của các thành phần trong và ngoài nước thì đó chính là Phong trào “Kiến nghị 72” của giới nhân sĩ, trí thức vào đầu năm 2013. Vượt hẳn những biểu hiện cá lẻ của những năm trước, phong trào này đã tập hợp được gần 15.000 chữ ký trên mạng về những vấn đề động trời trong bối cảnh còn nguyên thể chế độc đảng ở Việt Nam, như yêu cầu hủy bỏ điều 4 hiến pháp, quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc chứ không phải với đảng…

Mọi chuyện đều có logic diễn biến từ quần thể xã hội sang tâm lý cá nhân. Thật đáng ngạc nhiên, nhưng lại không quá khó hiểu khi một cựu cán bộ tuyên giáo như ông Vi Đức Hồi lại rắn rỏi đến thế ngay sau khi ra tù vào đầu năm 2014. Tâm trạng lạc quan phơi phới ở con người này ngay lập tức làm cho người tiếp xúc hiểu rằng điều luật 88 về “tuyên truyền chống nhà nước” cùng những năm tháng đếm lịch đã chỉ khiến trong ông hun đúc hơn đức tin tìm đến sự thật. Ít nhất, sự thật đó là hình ảnh Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam đã sẵn lòng đón chờ ông bên ngoài, cánh cửa rỉ sét của trại giam, thay cho khuôn mặt nhàu nát của thể chế cầm quyền.

Không phải cổ tích

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam thành lập hôm 4/7

Thực ra, câu chuyện đơm hoa kết trái của xã hội dân sự không phải là cổ tích.

Vào tháng 8/2013, lần đầu tiên đã diễn ra một sự kiện làm cho giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước và hải ngoại phải bật lên vì kinh ngạc: nữ sinh Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa Long An vào buổi chiều phiên xử phúc thẩm, trong khi vào buổi sáng chính quyền và công an sở tại vẫn còn say sưa trấn áp những người biểu tình đòi trả tự do cho cô. Thật quá ít người có thể tin rằng mức án sơ thẩm đến 6 năm dành cho Phương Uyên lại có thể ra đi nhẹ bẫng đến thế.

Chỉ đến đầu năm 2014, một thông tin mới rò rỉ qua kênh ngoại giao đã lý giải cho câu chuyện lẽ ra đáng gọi là cổ tích trên: Phương Uyên nằm trong danh sách 5 tù nhân chính trị mà phía Hoa Kỳ đề nghị chính quyền Việt Nam thả. Vào thời điểm yêu cầu này được Washington nêu ra, Hà Nội lại quá sốt sắng săn tìm một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc cùng một chỗ ngồi trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mọi chuyện trên đời đều có cái giá riêng của nó. Để có được ít giây phút hàn huyên với nhau như giờ đây, xã hội dân sự đã phải câm lặng quá nhiều năm. Nhưng đến lượt giới cầm quyền Việt Nam, họ lại phải trả một cái giá tối thiểu khi ít nhất phải tự hạ thấp thể diện trong con mắt cộng đồng quốc tế. Chính sách thả tù nhân lương tâm cũng vì thế đã bắt đầu có hiệu lực một cách vô cùng kín đáo.

Liên tiếp trong hai tháng Hai và Ba năm 2014, 5 tù nhân lương tâm là Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Tiến Trung đã tạo nên một sự kiện thả người chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chế độ cầm quyền ở Việt Nam từ năm 1975. Trước đó một chút, Văn đoàn độc lập Việt Nam và Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam đã gần như đồng loạt ra đời. Một hội đoàn khác là Hội nhà báo độc lập Việt Nam cũng bắt đầu được bàn tới.

“Chính vào lúc này, giới dân chủ nhân quyền và cả những người quan tâm đến vận mạng chính trị nước nhà lại có thể cảm nhận về một giai đoạn mới có thể đang hình thành. “

Hẳn là chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 2/2014 của nữ thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã không hoài phí. Tiếp theo lời hứa hẹn “sẽ giúp đỡ” của Ngoại trưởng John Kerry cũng tại Hà Nội vào tháng 12/2013, bà Sherman thậm chí còn biểu cảm lãng mạn với nhận xét “Xã hội dân sự là một trong những điểm thú vị nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia”.

Mọi chuyện quả là khá thú vị, thú vị cho đến khi một trong những nhà hoạt động công đoàn độc lập đầu tiên ở Việt Nam là Đỗ Thị Minh Hạnh đã được đặc cách phóng thích trước thời hạn thụ án tù giam đến gần ba năm. Và cũng không có bất kỳ một điều kiện nào được chính quyền kèm theo. Hay nói cách khác, mọi điều kiện đều bị Minh Hạnh bác bỏ.

Chính vào lúc này, giới dân chủ nhân quyền và cả những người quan tâm đến vận mạng chính trị nước nhà lại có thể cảm nhận về một giai đoạn mới có thể đang hình thành. Có thể một lần nữa sau thời điểm tháng 7/2013 với cuộc tái giao thoa Việt – Mỹ tại Nhà Trắng, xã hội dân sự có cơ hội để nở hoa.

Một làn gió mới của mùa xuân đang mơn man trên mái đầu non trẻ của xã hội dân sự. Vào đúng ngày kỷ niệm Bản tuyên ngôn độc lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1776, Hội nhà báo độc lập ra đời.

Chẳng cần nhìn đâu xa xôi và cũng chẳng nên chờ đợi thêm một kích thích tố mới mẻ hơn, đã đến lúc có thể bàn về câu chuyện Công đoàn độc lập và Hội luật gia độc lập tại Việt Nam; và làm thế nào để xã hội dân sự Việt Nam thượng tôn một tinh thần độc lập dân tộc, lồng trong thời buổi phải dấy lên chút ý chí chống ngoại xâm còn sót lại, cho hiện tồn và cho cả những năm tháng mai sau.

Dân biểu Mỹ: Tình hình nhân quyền đang trở nên tệ hại hơn ở VN

Dân biểu Mỹ: Tình hình nhân quyền đang trở nên tệ hại hơn ở VN

Dân biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng Hòa, đại diện tiểu bang California.

Dân biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng Hòa, đại diện tiểu bang California.

09.07.2014

Trong cuộc điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền tại các nước Đông Nam Á, Dân biểu Ed Royce, thuộc đảng Cộng Hòa, đại diện tiểu bang California, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã nêu nhận định như sau về tình hình nhân quyền ở Việt Nam:

“Tại Việt Nam, chúng ta có rất nhiều bằng chứng cho thấy tình hình đang trở nên tệ hại hơn ở đó, qua việc chính phủ tiếp tục cuộc đàn áp nghiêm trọng nhắm vào những người chỉ trích chế độ. Chúng ta biết rằng chính phủ Việt Nam trấn áp gần như mọi ý kiến bất đồng, thông qua sự đe dọa, bạo lực, thông qua các án tù rất dài hạn; những blogger trẻ tuổi này thường lãnh án 7 năm tù nếu blog về các ý kiến như tự do phát biểu chẳng hạn. Trong những lần đi Việt Nam, tôi đã tận mắt chứng kiến mức độ công an chìm sử dụng để bóp nghẹt mọi hình thức tự do phát biểu hay tự do tôn giáo. Tôi đã gặp Hoà thượng Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như một lãnh tụ tôn giáo khác đang bị ở tù, và tận mắt chứng kiến những biện pháp được thi hành để bóp nghẹt tự do trong nước. Chúng ta đã có 18 cuộc họp trong khuôn khổ Đối thoại về Nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và vẫn không đạt được tiến bộ nào trong tình hình nhân quyền. Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam lập tức đình chỉ những vụ vi phạm nhân quyền. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị ở đó.”

 

Đứa con ngỗ nghịch và đứa con hoang, ai hơn ai?

Đứa con ngỗ nghịch và đứa con hoang, ai hơn ai?

Bình luận của GS Nguyễn Đăng Hưng

Cứ nghĩ Triều Tiên điên rồ cam phận chạy theo chủ nghĩa viễn vông làm tay sai cho Trung Cộng. Triều Tiên hiếu chiến, chỉ lo súng đạn khí giới hạch nhân, hoả tiễn công phá… Các hành động, chủ trương của chính quyền Triều Tiên những năm gần đây chỉ rõ sự xác đáng của những nhận định trên. Bởi vậy, đề xuất mới đây (http://www.kcna.co.jp/top-eng.html) của Triều Tiên thật bất ngờ!

Triều Tiên đã trở thành đứa con ngỗ nghịch!

Tuy nhiên, đối với những ai am tường địa chính trị, việc này đã có chuẩn bị từ một năm nay. Từ khi ông Kim Jong Un trẻ măng lên cầm quyền, ông ta đã tiêu diệt một cách khốc liệt nhóm thân Tàu đại diện không ai khác là cậu mình – ông Jang Song Thaek – một “nguyên lão công thần”, cánh tay phải của cố chủ tịch Kim Jong Il. Chính đám này là nhóm lợi ích, mấy chục năm nay đã bán rẻ tài nguyên thiên nhiên Triều Tiên cho Trung Cộng.

Ông Kim Jong Un đã chuẩn bị cho một sự xoay trục ngoạn mục!

Cứ tưởng Triều Tiên sẽ là nước cuối cùng ý thức được nguy cơ bá quyền Đại Hán, nhưng không, Triều Tiên đang đi trước một nước khác! Sao thấy có gì tương tự ở đâu đây? Một nước mà ngay cả khi giàn khoan của Tàu ô nghịch tặc ngang nhiên xâm phạm hải phận của mình, đâm vỡ tàu kiểm ngư của mình, bắt bớ hành hạ dân mình mà lãnh đạo gần như chưa tỉnh hẳn… Một nước mà lãnh đạo còn đặt quyền lợi phe phái mình lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc, một nước mà bọn Tàu ô đã khinh bỉ ra mặt tặng cho danh hiệu là đứa con hoang, mà tỉnh Quảng Đông của chúng dám ra lịnh cho lãnh đạo thủ đô, lãnh đạo thành phố kinh kế lớn nhất phải nhanh chóng gởi cán bộ sang học tập nhận lịnh từ chúng… Ôi nỗi nhục này nước biển Đông Nam Á làm sao rửa cho sạch hỡi trời?! Nước đó là nước nào? Mọi chuyện nay sáng như ban ngày…

Sài Gòn ngày 8/7/2014

N.Đ.H.

Nỗi buồn mùa Hạ

Nỗi buồn mùa Hạ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-07-07

07072014-diemblog-kh.mp3

000_Hkg9799983-600.jpg

Biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm ngày 11 tháng 5 năm 2014 nhằm phản đối TQ hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 tại vùng biển VN.

AFP photo

Mùa hè năm nay có lẽ sẽ được ghi dấu như một mùa hè đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước như đang đứng trước một khúc quanh với nhiều lối rẽ, rẽ về đâu? Về đâu là đúng, là sai? Hay là cứ con đường mòn cũ mà đi? Mà con đường mòn ấy cũng chẳng biết là đúng hay sai, chỉ biết là đi như vậy mấy chục năm nay, vô cùng quen thuộc! Cái ngả rẽ ấy và sự do dự ấy làm bồn chồn, thổn thức bao nhiêu tâm hồn người dân Việt. Cái bồn chồn ấy bao phủ những nỗi buồn trên khắp các trang blog trong mùa hè này.

Xin mượn hai câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh để bắt đầu và cũng xin mượn ý của cây bút Hạ Đình Nguyên mà đặt cho tựa bài điểm blog hôm nay.

Người phu quét lá bên đường

Quét cả nắng hồng, quét hạ buồn tênh

Tác giả Hạ Đình Nguyên là một sinh viên tranh đấu chống sự can thiệp của người Mỹ vào Việt nam trước đây. Ông đã âm thầm phục vụ cho chế độ mới sau năm 1975 lịch sử. Một ngày nọ ông xuống đường chống Trung quốc xâm lược dù biết rằng tình cảm ấy của ông không được những đồng chí cũ đang cầm quyền của ông tán thành. Trong những ngày tháng sáu này, chứng kiến những gì đang diễn ra tại Ba Đình, Hà nội, quanh đi quẩn lại có hai từ Kiện hay không Kiện, Kiện người láng giềng phương Bắc, hay vẫn sát cánh đồng chí anh em với người …lạ. ấy! ông ngao ngán mượn lời nữ văn sĩ Pháp Francois Sagan, Buồn ơi chào mi.

Lời chào ở đây không phải là lời chào tống tiễn, mà lại là lời chào đón nhận, không phải chỉ có một mà nhiều nỗi buồn!

Không buồn sao được khi năm trăm con người tiếng là quyền lực nhất đất nước đang yên lặng để cho những chiếc tàu cảnh sát biển nhỏ bé ra khơi đương đầu với giặc dữ, nỗi buồn lên tới nỗi bi hài khi blogger Cánh cò viết lời tựa cho bài viết mới của mình về những con tàu ấy là Tả tơi trong anh dũng

Con tàu ấy, cũng như con tàu Việt nam đang tả tơi, trong một hoàn cảnh không kém bi hài mà Cánh Cò mô tả:

Con tàu Việt Nam vậy là đã có hướng đi, quẹo trái, tránh phải, lùi một, tiến ba rốt cuộc gì cũng phải thực hiện bằng được mục tiêu Chủ Nghĩa Xã Hội. Khi đã tới được nơi muốn tới thì dân tộc sẽ quang vinh, đảng sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, là niềm tự hào khôn nguôi của dân tộc.

Từ miền Tây sông Hậu, Giang nam Lãng tử hỏi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:

TBT Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cử tri cần phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc…”. Nghĩa là ông Trọng khẳng định Nhân dân TQ khác với Đảng cộng sản TQ”, ĐCSTQ khác biệt và đối lập với nhân dân TQ. Vậy thì, vì sao ông còn đồng ý cử 300 cán bộ Đảng sang Quảng Châu để học tập bồi dưỡng công tác Đảng.

Quả là khó hiểu.

Trở lại với những nỗi buồn trong mùa hè này nhà văn Võ Thị Hảo cảm thán một cách đau đớn:

Trước họa xâm lăng đang chẹn cổ, nếu Việt Nam chậm cải cách thể chế nghĩa là tự sát.

Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!

Nhưng vì sao nhà văn lại nghĩ đến một đại bi kịch tập thể như vậy?

Trước họa xâm lăng

000_Hkg9789177-250.jpg

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (T) phun vòi rồng vào tàu VN trên vùng biển gần giàn khoan HD 981 hôm 07/5/2014. AFP photo

Tác giả Đào Tiến Thi nghiền ngẫm bốn câu thơ của Bế Kiến Quốc về ngày Hà nội thất thủ năm xưa:

Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ.

Đào Tiến Thi viết:

Tình cảnh đất nước hôm nay sao giống hệt vậy. Sỹ phu hôm nay sao cũng giống hệt vậy. Và bi đát hơn nhiều. Bơ vơ, ngơ ngác. Dường như chấp nhận. Dường như buông xuôi.

Bằng một ngôn ngữ ít trau chuốt hơn, Giáo sư Nguyễn văn Tuấn từ nước Úc cũng bày tỏ nỗi buồn của mình trên trang FB của ông:

Nói gì thì nói, tôi thấy chỉ có một số ít người ở VN quan tâm đến tình hình Biển Đông, tuyệt đại đa số chẳng ai quan tâm. Họ quá bận rộn bươn chải với cuộc sống mỗi ngày thì thì giờ đâu mà nghĩ chuyện xa xôi. Một số người thì không làm gì cả vì họ nghĩ là hoài công do VN chỉ là một phiên bản của Tàu và tự mình làm nô lệ cho Tàu, vậy thì nói làm gì cho mất công.

“ Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!
– Nhà văn Võ Thị Hảo “

Một số nhỏ thì nghĩ đã có Đảng và Nhà nước lo, nên họ thoải mái nhậu nhẹt. Nói chung, tôi gọi đó tình trạng– mỏi mệt cảm xúc. Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì, và sự chai lì đó cực kì nguy hiểm cho đất nước và dân tộc này.

Vâng, hãy trách mình trước khi trách kẻ thù.

Phải chăng trong lòng dân tộc này vẫn còn nhiều bất ổn, nhiều cái khó nói.

Đến xem một buổi trao giải thưởng văn chương của cộng đồng người Việt ở Berlin, Người buôn gió cho biết có những quyển sách không được trao giải vì thiếu tính….Đảng!

Anh nói rằng đã mấy mươi năm sống ở nước Đức tự do mà vẫn còn mùi đấu tố Hồng Vệ Binh.

Và rồi cũng tại nước Đức anh chứng kiến những đồng bào mình giương cao cờ đỏ sao vàng biểu tình chống Trung quốc. Anh viết:

Đã qua lâu rồi những thời phát động phong trào quần chúng, để diễn lấy điểm, để ghi công với cấp trên, dù tàn dư của nó chắc chắn đến bây giờ không hẳn đã dứt. Nhưng ở một thời đại thực dụng thế này, hàng ngàn con người bỏ công việc, thú vui để hăng hái đi tuần hành phản đối quân xâm lược, mạnh mẽ hét vang những lời đả đảo bằng hai thứ tiếng. Chắc chắn đó là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, một tinh thần truyền thống của dân tộc truyền lại trong mỗi tâm thức người Việt, dù bất kỳ ở đâu hay thời thế nào. Chỉ có tinh thần như thế mới làm nên thành công của các cuộc biểu tình.

Khi đưa hình ảnh những người Việt cờ đỏ biểu tình chống TQ nên trang của cá nhân tôi, nhiều bạn có lời lẽ khá nặng nề. Các bạn có lý do của các bạn, nhưng cũng nên để một cái nhìn nào đó riêng rẽ về tấm lòng những người dân tham gia trong cuộc biểu tình đó.

Mối rạn nứt cờ vàng cờ đỏ trong lòng người Việt vốn là một nỗi buồn mấy mươi năm chưa dứt.

Hàn gắn với nhau chưa xong, tìm đồng minh với bên ngoài cũng không dễ.

Đành buông xuôi?

000_Hkg8715299-250.jpg

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (T) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20 Tháng 6 năm 2013. AFP photo

Tổng bí thư Trọng nói với cử tri Hà nội rằng không thể làm cách nào khác vì phải sống gần láng giềng Trung Quốc. Ông nói điều đó như một định mệnh, mặc dù ông là người cộng sản. Blogger Bách Việt nhắn với ông rằng:

Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước, và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới “VN không liên minh với ai…”. Làm sao phải “chưa khảo mà xưng” như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược?

FBker Sông Hàn dường như cũng muốn nhắn lời tới ông Trọng và những đồng chí của ông đang điều hành đất nước:

Anh có thể còn nghèo nhưng anh hành xử như những kẻ nhược tiểu thì không xứng đáng để có đồng minh tin cậy và vì thế không chắc đã có thể tự định đoạt được chủ quyền. Cái ước mơ đứng một mình (độc lập) trong cảnh nghèo mà hạnh phúc chẳng khác gì một thứ hàng xa xỉ và viển vông.

Học giả Lê Tuấn Huy từ Việt Nam cũng khuyến cáo những người đang điều hành đất nước ở Ba Đình:

Nghĩ rằng có thể thắng Trung Quốc nhờ mặt trận lòng người mở ra bên trong nó và trong lòng nhân dân thế giới, như đã từng làm với nước Mỹ, là điều tuyệt đối không tưởng. Hoa Lục toàn trị của thế kỷ XXI không phải là Hoa Kỳ dân chủ của thế kỷ XX để mà phải chịu áp lực của công luận trong và ngoài nước và chịu sự phán xét trực tiếp của người dân nước mình.

Và thưa quí vị, dù sao trong mùa hạ này người Việt nam cũng có một tin vui vô bờ bến, người tù chính trị trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do.

Nhà báo Phạm Chí Dũng thốt lên rằng cánh chim báo bão đã tự do. Ông nói rằng:

Phía trước không chỉ là bầu trời tự do với riêng cô, mà một chân trời mới đang hé rạng cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này.

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long, sau khi bày tỏ nỗi đau buồn trước tình hình đất nước trong bài Quốc Thổ Trầm Luân dân tộc lụy của mình cũng cất lên lời hy vọng:

“ Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì…
– Giáo sư Nguyễn văn Tuấn “

Nếu xã hội chúng ta ngày càng đông những trang lứa trẻ ngày càng can đảm vượt qua được mọi nỗi “…hà sự phạ Côn Lôn” hay “…hà sự phạ Hoả Lò” thì đó là hồng phúc dân tộc vẫn còn và tôi vững tin giới trẻ Việt Nam hôm nay sẽ vực dậy được một QUỐC THỔ đang bị tả tơi hao hụt vì ngoại xâm lẫn cả nội xâm và cũng vực dậy được tinh thần của một dân tộc đã quá mệt mỏi vì những hệ luỵ bởi những trầm luân mà họ đã phải chịu đựng.

Đó cũng là niềm hy vọng của người cựu tù trẻ tuổi:

Điều đó làm Hạnh vô cùng hạnh phúc. Giới trẻ càng phát triển hơn là động lực khuyến khích, làm Hạnh càng tự tin, càng vững mạnh bước tiếp con đường mà mình đã lựa chọn.

Niềm hy vọng ấy cũng được một thủ lĩnh sinh viên bên nước Úc bày tỏ trong sự cố gắng hàn gắn những cộng đồng cờ vàng cờ đỏ trong cuộc biểu tình tại Melbourne ngày 11/5 vừa qua.

Tôi rất là đau lòng khi sang đây và thấy sự chia rẽ của người Việt chúng ta rất là lớn. Câu hỏi của anh cũng là sự trăn trở của tôi trong mấy năm qua. Vấn đề hòa giải là rất lớn và có thể có nhiều giải pháp.

Riêng đối với tôi thì cuộc biểu tình vừa rồi là một cố gắng để hòa giải. Trong đó chúng tôi nói rõ chúng tôi dùng cờ đỏ nhưng khuyến khích những người cởi mở đến với chúng tôi, và chúng tôi không dè dặt gì chuyện cờ vàng.

Và có giây phút rất xúc động khi chúng tôi và các cô chú cùng bỏ hết những biểu ngữ xuống, nắm tay nhau đưa lên trời cùng hát bài Nối vòng tay lớn.

Những cánh chim báo bão và sự hàn gắn có phải là niềm vui chớm nở sau bao nỗi buồn của mùa hè này?

Dân Indonesia đi bầu cử tổng thống

Dân Indonesia đi bầu cử tổng thống

Thứ tư, 9 tháng 7, 2014

Khoảng 190 triệu cử tri có đăng ký vừa bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống Indonesia, nền dân chủ lớn thứ ba thế giới.

Họ phải lựa chọn giữa đương kim Thị trưởng Jakarta Joko Widodo và Tướng Prabowo Subianto.

Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy ủng hộ cho hai ứng cử viên hiện ngang bằng nhau.

Ông Widodo, còn được biết với tên Jokowi, đã dẫn trước trong một số cuộc trưng cầu ý kiến ban đầu nhưng sau đó khoảng cách giữa hai ông đã thu hẹp dần.

Trong những tuần qua, báo chí Indonesia bị cáo buộc là ủng hộ cá nhân một số ứng viên, khiến Tổng thống sắp mãn hạn Susilo Bambang Yudhoyono phải lên tiếng kêu gọi tường thuật cân bằng hơn.

Ông Yudhoyono không thể tranh cử thêm lần nữa vì hiến pháp nước này quy định chỉ được hai nhiệm kỳ.

Giới bình luận cho rằng các cử tri hiện còn đang do dự sẽ có tiếng nói quyết định. Khoảng 1/5 người Indonesia nằm trong diện này, theo một điều tra thực hiện cuối tháng Sáu.

Siết chặt an ninh

Ông Widodo, lãnh đạo đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia (PDI-P), khá được lòng dân chúng.

Ông được giới trẻ cả nông thôn và thành thị ủng hộ, họ xem ông như một chính trị gia “sạch” trong một đất nước vốn bị điều tiếng về tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông còn được hỗ trợ của đảng lớn nhất ở Indonesia là đảng Hồi giáo, đảng Thức tỉnh Dân tộc (PKB), và đảng Dân chủ Quốc gia (NasDem).

Ứng cử viên Subianto, từ đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra), được xem như một nhà vận động thành công và người quyết đoán với hiểu biết thấu đáo về quốc phòng vì xuất thân là tướng lĩnh.

Tuy nhiên ông đang bị vướng một số cáo buộc về vi phạm nhân quyền trong thời kỳ độc tài Suharto, vốn kết thúc năm 1998.

Trong những ngày cuối của chế độ Suharto, đơn vị quân đội mà ông Subianto chỉ huy bị cho là đã bắt người, tra tấn và giết hại các nhà đấu tranh chống lại Suharto.

Ông Subianto được sự ủng hộ của Golkar, đảng lớn thứ hai ở Indonesia. Ông cũng được đảng Dân chủ (Demokrat) của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono ủng hộ.

Cả hai ứng viên đều sử dụng thông điệp dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh chống tham nhũng và giải quyết các vấn đề nội địa như hạ tầng và an sinh xã hội, làm nền tảng tranh cử. Tuy nhiên các chủ đề như chính sách việc làm và tăng trưởng kinh tế không được đề cập kỹ.

Trước cuộc bầu, quan chức bầu cử đã chuyển các thùng phiếu tới các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước, dùng thuyền chở chúng tới các đảo, dùng ngựa để tiếp cận các vùng núi và thậm chí dùng trực thăng để thả chúng tại các địa điểm xa xôi.

Ở thủ đô Jakarta chính quyền huy động 22.300 cảnh sát viên để giữ an ninh trật tự.

Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố ngày 21/7-22/7, nhưng các kết quả sơ khởi tối thứ Tư 9/7 đã có và chúng được cho là khá chính xác.

Tân tổng thống sẽ nhậm chức ngày 20/10 và trong vòng hai tuần sẽ phải lập ra nội các mới.

 

Nếu Đảng Cộng sản TQ không còn?

Nếu Đảng Cộng sản TQ không còn?

Nhà thơ Trần Tiến Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Thứ tư, 9 tháng 7, 2014

Vụ giàn khoan Hải Dương 981 thể hiện sự mạnh hay yếu của Trung Quốc?

Chỉ trong hơn nửa năm 2014, hàng loạt các diễn biến khủng hoảng gần đây ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á cho thấy chiến tranh tất yếu sẽ đến.

Động lực tham vọng tạo ra khủng hoảng, thúc đẩy tiến trình chiến tranh đều có đầu nguồn từ đệ nhị siêu cường Trung Quốc.

Qua thực hiện chiến lược cứng “Giấc mơ Trung Quốc”, việc đầu tiên của ông Tập Cận Bình và giới cầm quyền Trung Nam Hải là thay đổi nguyên trạng cân bằng chiến lược đã tồn tại trước những cửa ngõ sinh tồn của Trung Quốc.

Tranh chấp

Trung Quốc muốn đoạt cửa ngõ sinh tồn và khu vực tranh chấp sinh lợi bằng quyền lực cứng, ngay trong một thời đại mà quyền lực mềm tỏ ra hiệu quả hơn bao giờ hết.

Nước Mỹ và Khối EU dù chưa áp dụng tổng lực quyền lực mềm, nhưng qua sự kiện nước Nga sáp nhập Crimea của Ukraine, chỉ cần sử dụng quyền lực mềm có giới hạn, họ cũng đã làm nguội những cái đầu nóng ở điện Kremli

Với tốc độ và chất lượng từ các cổng thông tin điện tử toàn cầu như hiện nay, có thể nói công dân của từng quốc gia đều có cơ sở thông tin để trở thành nhà bình luận chính trị, quân sự có tầm cỡ.

Một trong những nhận định đáng chú ý nhất tại thời điểm này là Trung Quốc không chỉ đang bị bao vây, cô lập bởi những cánh cửa tự vệ từ các nước láng giềng.

Thực ra, Bắc Kinh đang chống chọi quyết liệt trước tiến trình sụp đổ.

Có nhận định cho rằng, Trung Quốc quyết không rút giàn khoan đang xâm lăng chủ quyền biển của Việt Nam, chính là một trong những bước sửa sai chiến lược cứng.

Và nếu cả khi họ thỏa hiệp để rút giàn khoan thì cũng thuộc sách lược toàn cục nhằm giữ cho Bắc Kinh phần nào đó khỏi thế cô lập để chống chọi, cầm cự giảm thiểu tốc độ tiến trình tan rã.

Mầm mống phát sinh tiến trình sụp đổ của Trung Quốc thuộc về những vấn đề bệnh lý nội tại toàn diện của chính quyền Bắc Kinh và xã hội của Trung Quốc.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khôi phục ‘Giấc mơ Trung Quốc’

Nhưng chính sự nôn nóng, quá chủ quan thể hiện chiến lược cứng để thực hiện tham vọng “Giấc mơ Trung Quốc”, cụ thể là kéo giàn khoan cùng binh đoàn giàn khoan hùng hậu xuống biển nam đã làm bít cửa sinh tồn của chính họ.

Nếu Bắc Kinh sụp đổ?

Diễn biến chuyện Bắc Kinh sụp đổ cụ thể ra sao?

Có lẽ cộng đồng quốc tế và từng công dân đa quốc gia sẽ đưa những chủ kiến riêng, nhưng ngay lúc này việc xây dựng những kế hoạch dự phòng cho từng dân tộc có chung biên giới với Trung Quốc là việc hết sức thiết thực.

Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, đồng minh lâu đời của Bắc Kinh, đã chủ động đề nghị Đại Hàn Dân Quốc hình thành một nhà nước liên bang.

Nước Nhật thông qua luật Quyền tự vệ tập thể và có những bước liên minh quân sự, an ninh chiến lược toàn diện kéo dài đến Úc, Tân Tây Lan…

Ngay cả khi chưa có vụ giàn khoan HD 981 xâm lăng chủ quyền biển Việt Nam, Miến Điện cũng đã thức tỉnh trước Trung Quốc.

Chính thể Hà Nội sẽ làm gì? Ngay cả khi Trung Quốc không tiến hành chiến tranh trên bộ với các nước láng giềng, sự sụp đổ của Bắc Kinh đồng thời sẽ có những binh đoàn hùng hậu mất chủ cùng với dân tị nạn tràn qua biên giới thì thể chế Hà Nội sẽ làm gì?

“Nếu chính thể Hà Nội hôm nay không có những quyết sách mạnh mẽ trước cận cảnh sụp đổ của Trung Quốc, thì chính sự sụp đổ của chính quyền Bắc Kinh sẽ biến thể chế Hà Nội thành bạn đồng hành.”

Dư luận cho rằng đó sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hồi thực địa chủ quyền Hoàng Sa, Gạc Ma… và các phần đất biên giới bị cướp. Nhưng liệu cơ hội đó có trong tầm suy nghĩ và dũng khí của chính thể Hà Nội không?

Thật khó trả lời cho các tiền đề hệ trọng, như làm cách nào giữ được chủ quyền nếu bùng nổ quá trình Trung Quốc sụp đổ mà họ vẫn nhất quyết không buông Việt Nam?

Làm cách nào ngay cả khi chính quyền cộng sản Bắc Kinh mất hết thực quyền và chạy xuống phía nam nắm chắc Việt Nam? Làm cách nào khi chính thể mới lập ở Bắc Kinh để cho Việt Nam thoát Trung?

Làm cách nào mà khi Trung Quốc tan rã thành nhiều quốc gia nhỏ, trong số những quốc gia đó vẫn ngang nhiên, phi pháp tuyên bố Giàn khoan và binh đoàn giàn khoan đang thực hiện quyền khai thác trên chủ quyền lãnh hải của họ?

Trong suốt quá lịch sử, các chính thể cầm quyền Việt Nam luôn luôn sáng rõ ý thức chủ, khách, bạn, thù của dân tộc Vận mạng dân tộc hiện sinh đến ngày nay đã là minh chứng mạnh mẽ nhất cho ý thức độc lập dân tộc.

Nếu chính thể Hà Nội hôm nay không có những quyết sách mạnh mẽ trước cận cảnh sụp đổ của Trung Quốc, thì chính sự sụp đổ của chính quyền Bắc Kinh sẽ biến thể chế Hà Nội thành bạn đồng hành.

Starbucks Coffee sắp mở thêm tiệm ở Hà Nội

Starbucks Coffee sắp mở thêm tiệm ở Hà Nội
July 08, 2014

Nguoi-viet.com
HÀ NỘI (NV) Sau khi mở tiệm và làm ăn thành công ở Sài Gòn, hệ thống Starbucks Coffee của Mỹ đang mở rộng thị trường ra Hà Nội.

Báo VNExpress cho biết, sau hơn một năm thâm nhập thị trường Việt Nam, Starbucks đã mở hơn 6 tiệm tại Sài Gòn. Mới đây, đại diện chi nhánh Starbucks Coffee tại Việt Nam cho hay, đã tìm được địa điểm “lý tưởng” tại phố Bà Triệu, Hà Nội để mở quán cà phê đầu tiên của hệ thống tại miền Bắc Việt Nam.



Nhân viên tại tiệm cà phê Starbucks ở Sài Gòn. (Hình: Getty Images)

Tuy không xác nhận sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào ngày nào, nhưng trang mạng xã hội của Starbucks đã đánh tiếng mời khách hàng, dùng thử món cà phê Starbucks Coffee vào cuối tháng 7 này.

Theo đại diện Starbucks Coffee, cả hệ thống cửa hàng này hiện có mặt tại 64 quốc gia, với hơn 23,000 tiệm.

Người đại diện Starbucks Coffee ở Việt Nam cho biết, một trong những đặc điểm “ăn khách” của họ là không gian thân thiện, đầm ấm, và là chỗ hò hẹn, tâm tình lành mạnh của giới trẻ Việt Nam.

Báo mạng VNExpress dẫn lời ông Schultz, tổng giám đốc điều hành hệ thống Starbucks Coffee tại Việt Nam cho hay, doanh thu của cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn đã vượt quá kỳ vọng, sau hơn hai tháng hoạt động.

Ðúng theo nhận định của Starbucks Coffee, giới khách hàng ở Việt Nam nói rằng, họ tìm đến cửa hàng Starbucks Coffee để được hưởng thụ một không gian, một môi trường văn minh, sạch sẽ, lành mạnh, chứ không phải để thưởng thức hương vị cà phê. (PL)

 

Brazil và World Cup: Thôi thế thì chia tay!

Brazil và World Cup: Thôi thế thì chia tay!
July 08, 2014

Nguoi-viet.com


Nguyễn Văn Khanh

Trên nguyên tắc, một trận banh phải kéo dài 90 phút đồng hồ. Về mặt kỹ thuật, những trận tranh tài giữa các vương quốc bóng tròn thường kết thúc sau 30 phút đá thêm hiệp phụ và đôi khi, thắng bại chỉ được giải quyết bằng những quả phạt đền.

Dự đoán đó được cả thế giới đưa ra trước khi banh lăn trên sân Estadio Mineirao ở Belo Horizonte, trước khi cả trăm triệu người ngồi trước màn ảnh truyền hình để xem trận bán kết giữa ông khổng lồ chủ nhà Brazil và ông khổng lồ Ðức tiêu biểu cho làng banh da Châu Âu. Chẳng ai ngờ trận banh kết thúc chỉ trong vòng 29 phút của hiệp đầu. Cũng chẳng ai tin Brazil lại vỡ trận quá dễ dàng, anh thủ môn Julio Cesar 7 lần lầm lũi vào lưới nhặt banh, trong đó phải kể tới 4 lần bị tung lưới trong thời gian kỷ lục: vỏn vẹn trong vòng 6 phút đồng hồ.



Thủ quân David Luiz (trái) và hậu vệ Thiago Silva của Brazil cùng khóc sau khi kết thúc trận thua Ðức 1-7 tại vòng bán kết World Cup 2014. Trong năm trận trước, Silva là thủ quân, và anh bị cấm đá trận với Ðức vì bị hai thẻ vàng trước đó. (Hình: Robert Cianflone/Getty Images)

Trận mưa banh khởi đầu ở phút 11 khi Mueller đưa chân tạt quả banh để ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Ðức, bàn thắng đó khiến cầu thủ lẫn khán giả Brazil giật mình, nhưng chỉ vài giây đồng hồ sau mọi người lấy lại được bình tĩnh, bảo nhau “chẳng có gì phải lo,” nhắc lại trận đầu vòng bảng đoàn tuyển thủ chủ nhà cũng bị Croatia dẫn trước 1-0 trước khi vùng lên san bằng cách biệt và chiến thắng vẻ vang với tỷ số 3-1.

Lời trấn an này quả có giúp cho những người ủng hộ đội tuyển áo vàng vững tâm, nhưng cũng chỉ được đúng 12 phút đồng hồ, trước khi họ chứng kiến pha dàn xếp tuyệt đẹp của dàn trung ứng và tiền đạo Ðức: bảy chiếc áo đỏ lừng lững như những cỗ xe tăng tiến thật nhanh và thật đều, Kroos đưa banh từ cánh phải vào vùng cấm địa của Brazil, bảy chiếc áo vàng đứng thủ thành không chỉ ngỡ ngàng với đường banh tuyệt chiêu đó, mà còn sửng sốt khi thấy banh từ chân Muller chuyền sang cho Klose, khẩu thần công của nước Ðức không bỏ lỡ cơ hội tung cú sút thật căng. Banh chạm tay thủ môn Cesar văng ra phía trước, Klose không chần chờ bắn phát súng ân huệ, ghi tỷ số 2-0 cho Ðức.

Cả cầu trường im lặng, khán giả khắp thế giới cũng im lặng, không tin những gì xảy ra trước mắt họ. Và những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên đất Brazil, những cậu bé và những cô thiếu nữ tiêu biểu cho sức sống của xứ sở với điệu Samba đều nước mắt lưng tròng, bặm môi lại, mắt nhắm nghiền không dám nhìn vào sự thật. Sự thật quá phũ phàng này không dừng ở đó, vì chỉ một phút đồng hồ sau đến lượt Philipp Lahm đưa đường banh thật độc để Kroos nâng tỷ số lên 3-0 cho đội tuyển. Trận bán kết World Cup Brazil 2014 kể như chấm dứt, ước mơ cầm chiếc cúp vô địch ngay tại sân nhà mà người dân Brazil đã nuôi trong suốt 7 năm trời qua bỗng dưng tan thành mây khói. Không còn ai muốn tiếp tục xem trận banh, cũng chẳng thèm chú ý đến bàn thắng thứ tư do công của Kroos, chẳng thèm để ý đến pha công thành và trái banh từ chân Khedira ghi bàn thắng thứ 5 cho Ðức (cầu thủ Ðức cũng không ôm nhau vồn vã mừng chiến thắng như họ đã làm sau những bàn thắng đầu tiên). Nếu có để ý, thì mọi người chỉ đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ: mới có 29 phút trôi qua, tức chỉ mới có 1 phần 3 thời gian tranh tài. Ðâu đó có người bảo: “coi như xong, Brazil có đá đến nửa đêm cũng không thể nào lật ngược được tình thế.”

Thất bại này từ đâu đến?

“Ðây là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi” ông huấn luyện viên Luis Filipe Scolari của Brazil trả lời câu hỏi đầu tiên trong cuộc họp báo sau khi trận banh kết thúc. “Thất bại này là lỗi của tôi,” ông nói tiếp, “tôi là người đưa ra chiến lược, tôi sắp xếp cầu thủ, tôi soạn thế trận, không thành công thì tôi phải nhận lỗi.” Trước đó ngay ở một góc sân, anh thủ quân David Luiz cũng nghẹn ngào nói “tôi xin lỗi mọi người dân Brazil. Tôi luôn muốn người dân Brazil tươi cười” ý muốn nói chính anh và các đồng đội cũng chẳng ngờ có ngày hôm nay, không tin có một trận banh kết quả thảm bại như thế. Trước ngày thua Ðức, Brazil đã đá 62 trận ở sân nhà mà chưa thua trận nào, chưa hề bị tung lưới quá 5 quả trong một trận World Cup (thắng Ba Lan 6-5 hồi 1938), và đây cũng là lần đầu tiên Brazil thua trận bán kết World Cup.

Thất bại này từ đâu đến?

“Tôi nghĩ họ chưa chuẩn bị đủ để so giầy với Ðức,” cựu cầu thủ Michael Ballack từng 3 lần đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất của làng bóng nhà nghề Ðức nhận định. “Trận banh này cho thấy Brazil chỉ là một đội tuyển trung bình, và lối đá của họ khiến người xem có cảm tưởng đang xem một trận banh giữa một đội nhà nghề và một đội banh hàng tài tử.” Ðiều đó được dẫn chứng: “đá ngay sân nhà mà Brazil để cho Ðức làm chủ tình thế, để cho Ðức quyết định mức độ nhanh chậm của trận banh. Với lợi thế đó, Brazil không thể nào địch lại với một đội tuyển Ðức vốn dĩ đã quá mạnh.”

“Không thể đổ lỗi thiếu Neymar” anh Hải, một nhà báo trẻ của Việt Nam chia sẻ cảm nghĩ khi được hỏi ý kiến về trận banh. “Không ai tin kết quả Ðức thắng tới 7-1, ngay cả cầu thủ Ðức cũng chẳng tin họ có thể thắng to đến thế, nhưng dù có cả chục Neymar thì cục diện trận bóng cũng chẳng đổi khác được. Ðội tuyển Brazil ra sân với những cầu thủ cần phải có, nhưng họ thiếu anh nhạc trưởng Di Silva. Anh David Luiz mang số 4 cố gắng đóng tròn vai trò đó nhưng cục diện trận bóng thay đổi quá nhanh, khiến anh ta không thể và cũng chẳng có kinh nghiệm để xoay xở.” Một yếu tố khác nữa: “sau vòng bảng cả thế giới bóng đá chẳng ai nể nang Brazil, trong lúc các cầu thủ Brazil ra sân mà cứ nơm nớp lo mình sẽ thua.” Yếu tố đó “đủ để Ðức trên chân Brazil, dù Brazil đá ở sân nhà, có cả trăm ngàn khán giả reo hò ủng hộ thì cũng chẳng có lợi ích gì.”

Bất kể lỗi do ai gây nên, từ đâu đến, Brazil cũng biết ước mơ chiến thắng đã vuột khỏi tầm tay, hay nói như ông huấn luyện viên Scolari “bây giờ chuyện phải làm là dồn mọi chú tâm cho trận tranh hạng ba” sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy tới đây trên sân Sao Paulo. Còn nhớ trước trận mở màn, ông Scolari có nói “chỉ cần đi 7 bước là đến thiên đàng” (nguyên văn: “seven steps to heaven”), ý nói chỉ cần thắng 7 trận là cầm chiếc cúp vô địch trong tay. Ðội tuyển chủ nhà đã đi được 6 bước thì vấp ngã. Phải nói cho đúng: bước vấp này quá đau, bước ngã này quá nặng, không biết phải mất bao lâu họ mới có thể đứng dậy để làm lại từ đầu?

 

Gieo và Gặt

Gieo và Gặt

(Chúa Nhật XV TN, năm A)

Tác giả: Trầm Thiên Thu

Muốn Gặt thì phải Gieo, trước khi Gieo thì phải có Hạt Giống. Hạt giống là thứ rất quan trọng trong nông nghiệp. Hạt giống phải là những hạt giống mẩy, chắc, có màu sáng. Hầu hết các loại hạt cây lương thực đều gồm ba phần là vỏ, phôi và phôi nhũ. Vỏ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hạt, không để phôi hạt bị hư hỏng, vì phôi là “sinh mệnh” của hạt, có nhiệm vụ nảy mầm để có thể trở thành cây con, còn phôi nhũ là phần chứa dưỡng chất của hạt, là phần nuôi cây con.

Hạt giống tốt mới có thể nảy mầm tốt, lớn thành cây tốt, và sinh hoa trái tốt. Chắc chắn là vậy, có lần chính Chúa Giêsu đã xác định: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12:33; Lc 6:44). Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Về tinh thần cũng cần có “hạt giống tâm hồn”. Tương tự, về tâm linh rất cần “hạt giống Lời Chúa”.

QUẢ và CÂY có hệ lụy với nhau. GIEO và GẶT có hệ lụy với nhau. NÓI và NGHE cũng vậy, vì NÓI là GIEO, NGHE là GẶT. Tương tự, LÒNG và MIỆNG cũng không thể tách rời: “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6:45). Một hệ lụy tất yếu: “Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12:37). Người Việt chúng ta cũng nói: “Có đầy mới tràn”.

Từ khi gieo và tới lúc gặt (thu hoạch) là một quá trình đầy gian khổ. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6). Nỗi buồn và niềm vui, đau khổ và sung sướng, nụ cười và nước mắt,… đó là các cặp tương đồng về hai trạng thái trái ngược nhau, cũng như GIEO và GẶT. Gieo là lúc vất vả, gặt là lúc tận hưởng. Thật vậy, không có niềm hạnh phúc nào mà không có ít nhiều nước mắt.

Trong quá trình Gieo và Gặt, vấn đề thời tiết cũng quan trọng. Không mưa thuận gió hòa thì con người cũng “bó tay”. Hoặc đến ngày thu hoạch, nhưng chỉ một cơn bão hoặc lũ lụt thì con người cũng đành chịu trắng tay. Điều đó cho thấy Đấng Vô Hình mới làm chủ mọi thứ, Đấng đó là Thiên Chúa. Vừa kinh ngạc vừa kinh sợ, người ta tự hỏi về Đức Giêsu Kitô: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8:27; Mc 4:41; Lc 8:25).

Đức Chúa tuyên lời qua miệng ngôn sứ Isaia: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11). Thiên Chúa dùng hình ảnh rất quen thuộc, rất thực tế đời thường. Lời Chúa rất kỳ diệu, rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105). Không chỉ vậy, Lời Chúa còn có sức mạnh phi thường, không ai có thể cưỡng lại.

Khả dĩ cảm nghiệm Lời Chúa, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65:10-12). Hồng ân Thiên Chúa chan hòa như mưa móc, Lời Chúa là nguồn giải khát thiết yếu, ước gì chúng ta cũng có thể nói được như tác giả Thánh Vịnh: “Con há miệng và con hớp lấy, vì khát khao mệnh lệnh của Ngài” (Tv 119:131). Hằng ngày ai sống được như vậy thì thật hạnh phúc biết bao!

Thiên nhiên tràn ngập hình ảnh chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa: “Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh, chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào, câu hò tiếng hát trổi cao” (Tv 65:13-14). Khi nhìn ngắm thiên nhiên, người ta có thể nhận biết Thiên Chúa hiện hữu. Ngay cả những người theo chủ nghĩa vô thần cũng không thể chối bỏ Ông Trời, dù họ không muốn công khai xác nhận, vì họ không thể nào “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” như họ muốn.

Hằng ngày, bằng cách này hoặc cách nọ, chúng ta cũng “gieo” nhiều thứ qua ánh mắt, thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động,… Có những thứ chúng ta có thể “gặt” ngay lúc đó, nhưng cũng có những thứ cần có thời gian. Dù lâu hay mau, trong khoảng “gieo – gặt” vẫn có một khoảng chờ đợi. Thánh Phaolô nhận xét: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:18-19). Đó là khoảng chờ đợi, khoảng hy vọng, luôn rất cần có sự kiên trì. Thánh Phaolô giải thích: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự dovinh quang” (Rm 8:20-21).

Được giải thoát là được tự do, có tự do là có hạnh phúc. Thánh Phaolô cho biết thêm: “Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siếtquằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:22-23). Đó mới là lúc thực sự được giải thoát, được thu hoạch chính những gì chúng ta đã “gieo” trong suốt cuộc đời. Ai gieo giống tốt thì bội thu, ai gieo giống xấu cũng có thu hoạch, nhưng là thu hoạch những cái xấu xa và nguy hại.

Một hôm, Đức Giêsu từ nhà ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng đứng trên bờ. Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều, một trong các dụ ngôn đó là “Dụ Ngôn Người Gieo Giống” (Mt 13:1-23; Mc 4:1-20; Lc 8:4-15).

Trong dụ ngôn này có bốn loại hạt: (1) Những hạt rơi xuống vệ đường, bị chim chóc ăn mất; (2) Những hạt rơi trên nơi sỏi đá, đất không nhiều, nó mọc ngay nhưng bị cháy khô khi nắng lên; (3) Những hạt rơi vào bụi gai, nó chết nghẹt vì bị gai mọc đè lên; (4) Những hạt rơi vào đất tốt nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.

Chúa Giêsu thản nhiên nói: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9). Một câu nói rất đáng để chúng ta suy nghĩ nhiều. Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói? Chúa Giêsu giải thích: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13:11-15). Ung thư là dạng xơ cứng cơ phận nào đó, “chai đá” là dạng xơ cứng tâm hồn, chứng ung thư linh hồn. Cứng lòng cũng là tội xúc phạm tới Chúa Thánh Thần, thế nên không đời nào được tha (x. Mc 3:29; Lc 12:10).

Chúa Giêsu đã xác định: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13:16-17). Chúng ta không diễm phúc như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta lại có một mối phúc khác mà chính Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).

Trong các dụ ngôn, có lẽ dụ ngôn Người Gieo Giống khó hiểu nhất. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải giải thích: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13:19-23). Lời giải thích của Chúa Giêsu quá chính xác và rõ ràng, chẳng cần chú thích chi nữa!

Có lẽ chúng ta chưa đến nỗi là “hạt gieo bên vệ đường”, nhưng rất có thể chúng ta là “hạt gieo nơi đá sỏi” và “hạt gieo vào bụi gai”, vì chúng ta có nhiều những nỗi sợ hãi và nỗi lo lắng. Vả lại, đôi khi chúng ta còn ảo tưởng, vì chúng ta có vẻ rất “ngoan ngoãn và hiền lành” khi ở trong nhà thờ, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì… “khác hẳn”, y như các ảo thuật gia có thể biến Chiên thành Cọp, thiết tưởng có lẽ chúng ta cũng nên “xem lại”. Sự thật thì vẫn hay phũ phàng thế đấy, nhưng chỉ có thuốc đắng mới “đã” tật!

Công thức là điều cần thiết, và nghi thức hoặc nghi lễ cũng vậy, vấn đề quan trọng là đừng quá câu nệ vào hình thức, chú ý số lượng mà coi thường chất lượng! Hạt giống là hạt đời, có nhiều dạng hạt lép và cũng có nhiều dạng hạt mẩy. Tính từ “mẩy” hoặc “lép” đôi khi còn do chính chúng ta gán ghép cho người khác, chứ không phải tại hạt. Chí Phèo cũng muốn sống tốt mà tại thành kiến của người đời khiến anh ta không thể “ngóc đầu” lên được. Hạt Chí Phèo muốn “mẩy” mà bị người đời làm cho “lép”. Vì thế mà có những dạng “cùi không sợ lở”. Lỗi tại ai? Lỗi tại tôi ba lần đủ chưa? Và chúng ta có thật lòng “đấm ngực” không? Ai thực sự can đảm mới có thể trả lời!

Ước gì mỗi chúng ta đều là “hạt gieo vào đất tốt” và sinh lời, nhiều hay ít cũng được, miễn sao là có sinh lời – cho chính mình và cho tha nhân.

Thánh Phaolô nói: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6:7-9).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết gieo giống tốt và trở thành những hạt giống gieo nơi đất tốt để chúng con “được hưởng tình thương Chúa và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài” (Tv 119:41). Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Ngài và xin củng cố việc tay chúng con làm (Tv 90:17). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng

Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng

Chuacưuthe.com

VRNs (09.07.2014) – Úc Đại Lợi – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 15 mùa Thường niên năm A 13.7.2014

“Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng”

Người thì không bắt bóng được bao giờ.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 13: 1-23

Tình nhà thơ, vẫn hững hờ/thờ ơ như chiếc bóng, người đeo đuổi. Tình nhà Đạo, vẫn lân-tuất ở đâu đó chốn thiên-đường, người thụ hưởng. Cuộc tình đời, người người vẫn viện-dẫn thi-ca để diễn-tả. Tình Chúa với con người, nhà Đạo xưa nay lại nhờ dụ-ngôn chuyển-tải để người nguời nhớ mà hiện-thực.

Hiện-thực Tin Mừng, thánh Mác-cô và Mát-thêu có thói quen diễn-tả bằng thể-thức dụ-ngôn để mọi người cảm-kích mà trải rộng tình thương suốt mọi thời.

Tin Mừng các thánh diễn-tả, ta như cảm-nghiệm được cả mùi cát bụi lẫn mồ hôi cùng mùi máu của các thánh tử-đạo khi xưa bị Nêrô giết hại. Tin Mừng còn diễn-tả sinh-hoạt của cộng-đoàn Rôma truyền-tụng từ thời tiên-khởi. Thánh Mác-cô, là tác-giả Tin Mừng từng suy-tư các diễn-biến thời Hội-thánh Chúa bị bách-hại, hầu hỗ-trợ, ủy-lạo cộng đoàn sống khốn-khổ, như thời Chúa.

Hôm nay, người đọc Tin Mừng lại thấy một loạt truyện kể do thánh Mát-thêu ghi, để mọi người biết sinh-hoạt cộng đoàn Hội-thánh sống vào buổi đầu. Đọc dụ-ngôn, nếu người đọc muốn biết ý của tác-giả, cũng phải tìm-hiểu kỹ đại ý nằm ở dưới truyện, rồi phải xét xem Tin Mừng muốn đưa ra điều gì gửi đến với ta và cho ta?

Suy cho kỹ, ta thấy cách viết của thánh Mát-thêu đã dựa trên cốt truyện do thánh Mác-cô viết trước nhất. Làm thế, thánh Mát-thêu mới đưa ý chính vào nội-dung rồi áp-dụng cho mỗi truyện. Nói chung thì, dụ-ngôn là lối kể truyện có lời nói lẫn ảnh-hình được diễn-tả để người đọc thấy “bí kíp” và ý nghĩa cuộc sống được các bậc thày người Do-thái sử-dụng để răn đời.

Nhiều lúc, tác-giả cũng sử-dụng câu đố hoặc ẩn-dụ thật cũng khó. Có khi, câu truyện lại giống trò chơi “ô chữ” cốt để người đọc đoán ý-nghĩa mỗi câu sao cho phù-hợp với lời kể. Nói tóm lại, tất cả là kiểu nói và kể cốt đòi người đọc phải bỏ giờ ra mà suy-tư cho thật kỹ, mới hiểu được.

Thánh Mác-cô là thánh-sử đầu tiên viết Tin Mừng, từng áp-dụng phương-cách này hầu diễn-bày Lời Chúa về các sự-việc tiêu-biểu. Chẳng hạn, khi Chúa nói: “Hãy trở thành hư không/trống rỗng đến độ anh em không còn giữ thứ gì trong mình”. Hoặc đoạn khác, Ngài lại bảo: “Thày ra đi một nơi mà anh em không thể tìm đến được!” Dĩ nhiên, những người nghe Ngài nói, đều không thể hiểu ý Ngài muốn diễn-tả. Thế nên, người bộc-trực như thánh Phêrô đã phải ra mặt phản-đối, nên mới làm phật ý Thày.

Thánh Mát-thêu thì lại khác. Là người sinh sau đẻ muộn những hai thập-niên sau tác-giả Mác-cô, thánh Mát-thêu biết ý của vị tiền-nhiệm và hiểu rõ mục-đích viết dụ-ngôn, hơn ai hết. Thế nhưng, thánh-nhân lại không theo khuôn-phép người đi trước vẫn làm, mà lại đã chỉnh-sửa cốt truyện cũng như ảnh-hình nằm trong đó. Là nhân-sĩ cao niên nhiều kinh-nghiệm, thánh Mát-thêu thêm vào đó cả sự khôn-ngoan lẫn thể-loại khác-biệt vào truyện hầu giúp người đọc hiểu dễ hơn.

Nơi dụ-ngôn người gieo giống, thánh Mát-thêu kể rõ từng loại đất trại, hầu nói lên một hình-thái thế-giới của mình, trong đó có Chúa gieo-vãi hạt giống màu-mỡ để nó dồi-dào, phong-phú hơn. Thánh-nhân còn kể rõ về “cỏ lùng” là loại cỏ dại mọc chen với lúa, vào độ gặt. Thành thử, ý của thánh-nhân muốn căn-dặn người Do-thái hãy kiên-nhẫn với cỏ dại kẻo làm hại vụ mùa đang tươi tốt.

Ở đoạn khác, thánh-nhân lấy ví-dụ về hạt cải tuy nhỏ nhưng vẫn trở-thành thứ gì đó quan-trọng hơn nhiều thứ khác, nếu nhận ra được thứ gì quí giá như viên ngọc quý nằm ẩn trong trai sò ốc hến. Thế nên, đừng loại bỏ thứ gì quí giá ẩn-tàng trong lớp vỏ xù xì, cũ kỹ. Cũng hệt thế, dân chài nào nhiều kinh-nghiệm thường sử-dụng “lưới cào” mắt nhỏ mới bắt được nhiều thứ có giá trị. Kể dụ-ngôn thông-thường, thánh Mát-thêu vẫn đặt vào đó tâm-hồn cao sang, hiền-dịu nên đã đánh động rất nhiều người.

Nói cách khác, thánh Mát-thêu ghi-chép lại rất nhiều điều, từ nội-dung truyện kể do thánh Mác-cô viết trước, và rồi đưa vào đó phong-thái tư-riêng của chính ngài. Thế nên, về người nhỏ bé kể ở dụ-ngôn, thánh-nhân biết họ không thể nắm bắt tại chỗ sứ-điệp thập-giá, cái chết hoặc việc Ngài ra đi về nơi không ai hay biết. Thánh Mát-thêu biết Đức Giêsu đã làm thế và Ngài đã lấy đi khỏi nơi ta nhu-cầu cấp-thiết sống trọn vẹn, đến như thế.

Thánh Mát-thêu cũng đã thấy nơi sự việc Chúa sống lại, là một chúc lành cho mọi đường-lối thông-thường ta vẫn theo. Thánh-nhân còn muốn dạy cho ta biết cách thấy và hiểu rằng ta được biết bao ơn lành từ Đức Giêsu và Thiên Chúa, nên từ đó mới có thể cảm kích biết ơn Ngài cho đủ.

Các dụ-ngôn do thánh Mát-thêu kể, lại vẫn là truyện kể rất hay và rất đẹp từng bộc-lộ “bí kíp” và “bí mật” của cuộc sống thường nhật, ta vẫn sống. Điều bí mật, nằm ở chỗ: cuộc sống của ta có Chúa cùng sống lại đẹp đẽ biết bao. Thiên Chúa rất thích điều đó. Và, thánh Mát-thêu đạt được cung-cách kể truyện dụ-ngôn qua việc tập-trung nơi những người bé nhỏ, trong đời thường.

Sống đời thường, đối với những người bé nhỏ, đòi hỏi phải theo cung-cách bình-thuờng là như thế. Thánh Mát-thêu lại đã khám-phá ra tính thực-tại của Mầu nhiệm Nhập Thể. Chúa không cần nền thần-học đầy khoa-bảng hoặc phương-án hùng-biện đầy kích-bốc để làm những việc Ngài muốn làm. Nhưng, Ngài lại chọn “lối sống bình thường” rất thông thường ở đời, cho mọi người.

Thánh Mát-thêu lại cũng tự thúc-bách chính mình để nói lên sự phong phú nơi quà-tặng Chúa ban cho con người, đẹp dường bao. Thánh-nhân tập-trung ý-nghĩa và hình-ảnh của sự phong-phú ấy nơi “đất màu-mỡ”, chí ít là dụ-ngôn truyện kể về đất đai, gieo vãi hạt giống tốt. Hạt giống gặp đất tốt tươi màu mỡ sẽ cho ra 30, 60 và cả đến trăm lần hơn ta kỳ-vọng hoặc trông ngóng nữa.

Thánh-sử Mát-thêu không chỉ nói về mùa gặt nơi mảnh ruộng. Ông còn nói về các giá-trị đang tăng-trưởng bên trong chúng ta khi ta sống vui tươi cảm kích thì sẽ biết được chiều sâu và các sự việc tốt đẹp trong đời người.

Người người thường vẫn ưa thích lắng nghe Lời của Chúa cả trong những sự việc nhỏ bé và hiểu được chúng rất rõ. Đó, còn là lời lẽ sử dụng trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng theo thánh Luca và Mát-thêu khi các thánh-sử đề cập đến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được diễn-tả là Đấng được chúc phúc hơn các phụ-nữ khác vì Mẹ biết nghe Lời Chúa, hiểu ý-nghĩa Lời Ngài và còn giữ kỹ trong tâm can của Mẹ và biến Lời Ngài thành hiện-thực nữa.

Hãy xin Mẹ dạy ta cung-cách được thánh Mát-thêu áp-dụng sống ân-nghĩa mình nhận lãnh, là thấy được những điều tích-cực nơi sự việc ở trước mắt. Và rồi, mỉm cười chấp-nhận như ta thường làm. Có như thế, ta cũng sẽ thấy nơi lời lẽ thánh-nhân ghi chép, là cả một giòng nhạc êm-ái, rất thương yêu.

Trong tâm tình đón nhận điều hay lẽ đẹp do thánh Mát-thêu ghi, ta cũng nên ngâm lên lời thi-ca vẫn ngân-nga rằng:

Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng”

Người thì không bắt bóng được bao giờ.

Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học,

Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.”

(Nguyễn Tất Nhiên – Sầu Khổ Dịu Dàng)

Sầu khổ dịu dàng, nhưng không là tình đuổi theo người như chiếc bóng, vẫn yêu thương. Thương người và thương mình, bởi tình Chúa vãi gieo nơi ta nay phong phú, màu-mỡ rất đa dạng. Yêu thương rồi, ta lại dàn trải tình thương ấy nơi mọi người, ở đời. Đó, vẫn là ý chính, thánh-sử viết khi kể truyện dụ-ngôn đầy âm-nhạc cho người bé nhỏ ở trên đời, vẫn ưa thích.

Lm Kevin O’Shea CSsR

Mai Tá lược dịch.