Dấu vết nhục hình của người ‘tự tử” ở trụ sở Công an

Dấu vết nhục hình của người ‘tự tử” ở trụ sở Công an
Friday, April 18, 2014

Nguoi-viet.com

ĐÀ NẴNG (NV) .- “Con ơi, chính mẹ đã giết con.” Đó là lời vật vã kêu khóc của bà Lê Thị Thu, mẹ của thanh niên Đỗ Văn Bình chết tại trụ sở Công an huyện Hòa Vang với dấu hiệu bị nhục hình.

Bà mẹ nạn nhân Đỗ Văn Bình kêu khóc, mong mọi người giúp tìm công lý cho con trai bị giết chết oan ở đồn Công an huyện Hòa Vang. (Hình: FB Ha Thanh)

Bà Thu cho hay bà đã khuyên con trai đi đầu thú vì bị Công an truy nã với nghi vấn cùng nhiều người khác “hành hung, bắt giam người trái pháp luật”. Tuy nhiên, bà cho hay lý do con bà bị bắt giam là “nghe theo lời bạn bè đi đánh nhau với con trai của một cán bộ Công an huyện”.

Facebooker Ha Thanh thuật lại trên mạng xã hội như trên khi cùng với một số người tới chia buồn và an ủi bà và gia đình. FB Ha Thanh kể rằng “Công an huyện Hoà Vang, Đà Nẵng đến đưa cho gia đình em 35 triệu đồng. Gia đình không nhận thì họ vứt lại giữa bàn và đe doạ gia đình em. Mẹ em than khóc đến hết cả hơi, lạc cả giọng. Bà cứ khẩn nài: “Xin ai giúp con tôi với, ai đòi công lý cho đứa con vô tội của tôi với. Xin hãy giúp tôi!”

Các đầu ngón tay của Đỗ Văn Bình bầm tím, chứng tỏ bị tra tấn rất dã man. (Hình: Facebook Ha Thanh)

Fcaebooker Ha Thanh đưa ra một số tấm hình do gia đình cung cấp với các dấu vết bầm tím, tụ máu trên thân thể của Đỗ Văn Bình, chứng tỏ đây là các chứng cứ của tra tấn nhục hình dẫn đến chết người chứ không phải “hoen ố tử thi” khi chết vì “tự tử” như lời thượng tá  công an CSVN Trần Phước Hương lấp liếm.

Ngày 10/4/2014, bà Lê Thị Thu chở con trai là Đỗ Văn Bình, 18 tuổi, tới trụ sở Công an trình diện thay vì trốn tránh lệnh truy nã. Ngày 14/4/2014, gia đình được thông báo là Bình đã “tự tử”. Một số báo ở Việt Nam tường thuật theo lời chánh văn phòng công an Đà Nẵng là Trần Phước Hương cho hay “Chiều 14/4, khi đưa cơm, cán bộ trại phát hiện Đỗ Văn Bình (SN 1996, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) treo cổ tự tử bằng dây cột màn trong phòng giam.”

Ông thượng tá Công an Hương được thuật lời: “Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an, pháp y công an TP.Đà Nẵng và thân nhân phạm nhân Bình đã tiến hành các thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và kết luận, nạn nhân chết ngạt do treo cổ tự tử, trùng khớp với nhiều biểu hiện bên ngoài.”

Không những vậy, ông này giải thích: “Tiếp tục khám nghiệm chuyên sâu và các dấu vết trên cơ thể, cơ quan công an không phát hiện dấu vết bị đánh đập hay dấu vết lạ như một số nguồn tin đã đưa. Các dấu vết tím tái là do hoen ố tử thi gây nên do nạn nhân treo cổ tự tử”.

Ngang lưng của Đỗ Văn Bình đầy những bầm của tra tấn. (Hình: Faceboo Ha Thanh)

Một tấm hình có giá trị bằng ngàn lời nói. Đối chiếu các tấm hình trên thi thể của Đỗ Văn Bình của gia đình chụp được với lời chống chế của ông thượng tá  Công an Trần Phước Hương, người ta nhìn ra ngay ông công an này đã chống chế gượng gạo lấy được, bất chấp sự thật.

Đỗ Văn Bình là nạn nhân thứ 7 chết dưới bàn tay hung ác của Công an  dù chưa hết 4 tháng đầu năm 2014. Trong số này, có 3 nạn nhân bị Công an vu cho người ta “tự tử” dù thân thể của họ đầy vết bầm tím, ứa máu vì bị tra tấn liên tục nhằm ép người ta nhận tội, kể cả tội không có.

Mông, đùi và chân của Đỗ Văn Bình từ trên xuống dưới đều bầm tím, dấu hiệu của nhục hình. (Hình: Facebook Ha Thanh)

CSVN ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn từ tháng 11-2013 nhưng từ đó đến nay đã có ít nhất 10 người dân đã chết khi bị tạm giam tại các trụ sở Công an với các chứng cớ bị tra tấn nhục hình. Vu cho nạn nhân “tự tử” hay chết bệnh dù trước khi bị bắt ít giờ hay ít ngày, người ta vẫn khỏe mạnh, bình thường, là cách chối tội giết người rất quen thuộc của công an.

Tại Việt Nam, không có nền tư pháp độc lập, không có pháp y độc lập. Đảng CSVN nắm trọn mọi quyền lực từ trên xuống dưới nên người dân dù oan ức cũng không thể tìm thấy công lý ở đâu. (TN)

 

RFA Breaking News: 3 nhà hoạt động từ Việt Nam đến Mỹ vận động tự do báo chí

RFA Breaking News: 3 nhà hoạt động từ Việt Nam đến Mỹ vận động tự do báo chí

2014-04-18

kimchi-305.jpg

Nữ Nghệ sĩ Kim Chi

RFA file photo

Theo tin từ các tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam, ba nhà hoạt động gồm nữ nghệ sĩ Kim Chi, cùng các ông Ngô Nhật Đăng và Nguyễn Đình Hà đang trên đường từ Việt Nam đến Hoa Kỳ nhằm vận động cho quyền tự do báo chí trong nước.

Tin tức do Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do có được cho biết, 3 nhà hoạt động này sẽ đặt chân đến phi trường quốc tế Dulles của thủ đô Washington DC vào lúc 5:50 chiều nay thứ Sáu 18/04/2014.

Được biết, chuyến đi được thực hiện theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ và một số tổ chức cổ súy cho quyền tự do thông tin, nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới.

Nhóm các nhà hoạt động Việt Nam bao gồm các nhà báo độc lập và blogger đến Hoa Kỳ lần này sẽ tham gia vào một chuỗi sinh hoạt để thảo luận về những thử thách đồng thời đưa ra những đề nghị cho việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam.

Theo chương trình, phái đoàn sẽ có các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao, Liên Hiệp Quốc, các văn phòng dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, một số tổ chức nhân quyền và một số công ty internet. Các nhà hoạt động cũng sẽ tham dự khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh điện tử.

Các nguồn tin thân cận với hoạt động này cũng cho biết thêm là ngoài 3 nhà hoạt động đến được Hoa Kỳ là nghệ sĩ Kim Chi, Ngô Nhật Đăng và Nguyễn Đình Hà, một số nhà hoạt động khác đã bị ngăn chận không cho xuất cảnh sang Mỹ đợt này gồm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, blogger Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội, và  cô Anna Huyền Trang, phóng viên truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế.

VỀ HƯU

VỀ HƯU

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

“Tôi nghỉ hưu trong việc làm chứ không về hưu trong cuộc sống”
VÔ DANH

Việt Nam Tự Điển định nghĩa hưu trí là hồi hưu hay về hưu, thôi việc khi đúng hạn hay đúng tuổi theo quy chế và mỗi tháng hay mỗi ba tháng được lãnh một phần lương để dưỡng già.
Tự điển American Heritage định nghĩa hưu trí (Retire) là rời khỏi nghề nghiệp hay đời sống công cộng để sống nhàn rỗi (leisure) với lợi tức, tiền tiết kiệm hay tiền hưu của mình.
Định nghĩa gọn, ngắn nhưng có nhiều điều cần được giải thích rõ ràng hơn, trước khi quyết định rời bỏ công việc. Vì nghỉ việc, về hưu là điều mà người công, tư chức nào cũng phải nghĩ đến ít nhất một lần trong cuộc đời.

1- Cảm nghĩ về sự nghỉ hưu
Có ý kiến cho rằng nghỉ hưu là cần thiết và là phần thưởng sau nhiều năm làm việc khó nhọc.
Có người cho rằng đây là một cuộc nghỉ hè bất tận và không gián đoạn. Ta tự do quyết định và kiểm soát cách sử dụng thời giờ trong ngày. Ngủ dậy giờ nào cũng được. Không còn sáng thứ hai đầu tuần uể oải chẳng muốn đi làm.
Sáng ra, uống ly cà phê, vào giường nằm đọc tờ báo từ trang nhất tới trang cuối. La cà ở các trung tâm thương mại vào lúc vắng người. Đi du lịch, thăm viếng bạn bè gần xa. Làm những việc mà trước đây muốn làm nhưng không có thời giờ.
Đồng thời cũng để vui hưởng cuộc đời khi còn sức khỏe, kẻo mai mốt chống gậy run rẩy đi chơi hoặc phải nhờ vợ con xốc nách dìu đi thăm danh lam thắng cảnh thì cũng chẳng vui gì.
Cũng có ý kiến dè dặt, cho rằng “điên à, về hưu thì chỉ chết sớm”.
Với những vị này, thời gian nghỉ hưu sẽ kéo dài vô vị và tẻ nhạt. Trước đây, đến sở đều đặn mỗi ngày, dù trong lòng vui hay buồn, thời gian nó qua mau. Bây giờ dư ra mỗi tuần hơn 60 giờ, làm gì cho hết. Không nhẽ hết rửa xe rồi lại lau nhà. Coi chừng kẻo lại mắc chứng buồn phiền, đau ốm.
Thống kê cho hay số người không làm việc, không có sinh hoạt gì, tự tử bốn lần cao hơn ở các nhóm khác, vì trầm cảm, căng thẳng thần kinh do quá nhàn rỗi gây ra.
Nghỉ hưu mà không có sinh hoạt, chương trình thì nào có khác gì người thất nghiệp, và đã được xếp loại vào một trong chín nguyên nhân gây căng thẳng tâm thần trong đời sống. Nhất là đối với người đã giữ chức vụ cao, quan trọng thì khi về hưu cảm thấy như mình rơi vào khoảng không: mất uy quyền, địa vị trong xã hội, không còn là một thành phần của guồng máy lãnh đạo, bị lãng quên. Nếu không có một chương trình sống thì những người này dễ rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm, rất trầm trọng ngay trong năm vừa mới về hưu và là môi trường màu mỡ cho bệnh tật tới thăm.
Ý kiến khác lại cho rằng về hưu là một quan niệm không thực tế, hoang tưởng, ít người thực hiện được. Một trong những lý do chính là khi hoàn toàn nghỉ việc ở tuổi 65, khoảng 80% dân hưu sẽ bị thiếu hụt về tài chính. Trung bình, ta cần 70-80% lợi tức lúc đi làm để đủ chi dùng khi về hưu và sống thêm 15 hay 20 năm nữa.
Họ cũng cho là công thức: thanh thiếu niên đi học để có kiến thức, trung niên đi làm, lập gia đình, nuôi con; già về hưu hưởng nhàn, cần được xét lại. Nó không giúp cho kinh tế quốc gia, là nguy cơ làm ngắn tuổi thọ, và làm thất thoát tài năng kinh nghiệm.
Khi một người tiếp tục đi làm thì sẽ có thêm tiền đóng vào quỹ hưu bổng, thay vì rút ra; sẽ tăng lợi tức ở tổng số người cao tuổi; số người nhận an sinh xã hội và hưu bổng sẽ giảm đi.
Về mặt tâm lý, người cao tuổi đi làm cảm thấy hãnh diện là còn hữu dụng cho xã hội. Về tuổi thọ, thì dân vùng Capcase được tiếng là thọ lâu, họ không hoàn toàn nghỉ việc, trừ khi bị bất lực thể chất.
Thống kê cho biết, người có nghề chuyên môn ít về hưu nhất, tiếp đến lớp lao động trí thức, thợ có tay nghề, rồi lớp lao động chân tay, không nghề chuyên môn.
Những năm gần đây, khuynh hướng của nhiều người là về hưu đợt một, đợt hai rồi vĩnh viễn.
Sẽ có người nghỉ từ việc căn bản đã đeo đuổi gần suốt cuộc đời, để chuyển sang một công việc khác: việc trước đây muốn làm mà không có thì giờ, việc mới học do tiến bộ của kỹ thuật, khoa học. Họ có thể làm bán thời gian, làm việc tại nhà, làm theo giờ uyển chuyển, làm theo lối khế ước lãnh tiền theo dịch vụ, làm chung dịch vụ với người khác.
Cũng có người nghỉ phép định kỳ ở công việc chính để đi du lịch, học hỏi kiến thức mới, dung hòa được giữa làm việc và giải trí, nhàn rỗi.

2- Những sửa soạn trước khi về hưu
Khi đã quyết định về hưu thì phải sửa soạn cho chu đáo, nếu không hưu sẽ trở thành một nếp sống với nhiều căng thẳng vì ta sẽ chuyển từ giai đoạn năng động, có trật tự, đầy đủ vật chất, sang thời kỳ ngược lại: Nhiều thời gian nhàn rỗi, lợi tức giảm, liên lạc ít, trách nhiệm trong xã hội xuống dưới mức trung bình.
Theo ý kiến chung, có 4 vấn đề ta cần cân nhắc kỹ càng: Ổn định tài chính, duy trì sức khỏe, đặt mục tiêu cuộc sống và sắp xếp nơi ở.
Xin lần lượt tìm hiểu từng tiết mục qua kinh nghiệm của các nhà chuyên môn.
a-Ổn định tài chính.
Đây là điểm then chốt vì tài chính có thăng bằng thì mọi sắp xếp khác mới hanh thông. Phải có một kế hoạch cho nhu cầu vật chất của giai đoạn về già, không cần cao lắm, nhưng khi thiếu, nó sẽ là một thảm họa cho đời sống tâm thần, thể xác, đồng thời sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong gia đình.

b-Duy trì sức khỏe.
Ngoại trừ khi mới sinh ra, ta trông cậy ở cha mẹ trong vấn đề duy trì sức khỏe và đời sống, dịch vụ này là việc ta phải tự thực hiện trong suốt cuộc đời, nhất là khi về già.
Hãy đừng để cho mình trở nên một gánh nặng cho người thân yêu vì sự đau ốm của mình.
Không phung phí sức khỏe, ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập luyện cơ thể, giữ vững triết lý sống, tránh những thói quen gây hại, quan tâm đến vấn đề y tế.
c-Mục tiêu đời sống.
Khi về hưu, ta sẽ có 60 giờ trống mỗi tuần, nên cần thiết lập một chương trình với mục đích, ý nghĩa cho khoảng trống đó.
Có những mục giải trí, những việc làm tình nguyện, những sinh hoạt cộng đồng.
Có những khóa học ngắn hạn với nhiều chương trình hợp với tuổi già.
Tiêu dùng thời gian trống đó một cách hợp lý, không phí phạm. Thích nghi với thì giờ của người bạn đời. Vui hưởng tuổi già với con cháu.
d-Sắp xếp nơi ở.
Khi tính đến việc về hưu là vợ chồng đã phải suy nghĩ coi xem ở lại căn nhà hiện tại hoặc dọn đi nơi khác, mà dọn thì dọn đi đâu?

Khi xưa, tam tứ đại đồng đường, con cháu không cùng nhà cũng cùng tỉnh, vui buồn có nhau.
Nay vì công việc, sinh kế, con cái mỗi đứa một nơi, thế là bố mẹ chỉ lăm le là khi về hưu, ta sẽ dọn về ở gần chúng nó. Tình cảm người mình đối với gia đình, ruột thịt sao mà sâu đậm.
Nhưng trước khi dừng lại ở quyết định này, ta cũng nên nghĩ là liệu sống chung có thích hợp với lối sống của vợ chồng mình không; mình giúp chúng baby sitting bầy cháu nhưng cách mình nuôi có trái ngược với cách mà chúng được học qua sách vở, nhà trường?
Hơn nữa, các con còn trẻ, ngộ nhỡ vài năm nữa, vì công ăn việc làm, chúng di chuyển đi nới khác, thì mình sẽ ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com
http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/videos

CẦU NGUYỆN

CẦU NGUYỆN

Minh Sư không ngừng đả kích những ý niệm khôi hài của người đời về Thượng Đế.

Ngài thường nói: ” Nếu Thượng Đế của bạn đến cứu giúp bạn thoát khỏi cảnh ngặt nghèo thì đã đến lúc bạn nên bắt đầu truy tầm vị Thượng Đế đích thực.”

Khi người ta xin ngài dẫn giải thêm, ngài thuật lại câu chuyện sau đây:

Một người lơ đễnh để chiếc xe đạp mới toanh của mình trước chợ rồi vào chợ mà mua sắm.

Ngày hôm sau ông mới sực nhớ đến chiếc xe đạp- thế là ông cắm đầu cắm cổ chạy ra chợ, đinh ninh là xe đạp đã bị mất trộm. Chiếc xe đạp vẫn còn ở ngay nơi ông đã để quên.

Rất đổi vui mừng, ông chạy ù vào đền thờ gần đó để cảm tạ Thượng Đế đã giữ gìn xe đạp của ông khỏi bị mất cắp- để rồi khi ra khỏi đền thờ, ông nhận ra là chiếc xe đạp đã biến mất.!

Anthony de Mello,S.J.

Trích sách: “Một Phút Minh Triết”

Dịch giả: Đỗ Tân Hưng và Trần Duy Nhiên

Ngân hàng VN ‘dư tiền chẳng ai muốn vay’

Ngân hàng VN ‘dư tiền chẳng ai muốn vay’

Thứ ba, 15 tháng 4, 2014

Báo Hà Nội Mới dẫn lời Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng trong tháng Ba chỉ đạt 1.35%, trong đó phần lớn xuất phát từ việc bán trái phiếu chính phủ. Tăng trưởng tín dụng đã giảm 0.55% và 0.65% trong hai tháng đầu năm, trong khi đó mục tiêu của chính phủ là 12-14% trong năm 2014.

Báo trong nước trích lời đại diện của các ngân hàng nói rằng vốn đang dư thừa do tiền tiết kiệm từ dân cư và như tổ chức vẫn tăng, trong khi các doanh nghiệp thì không dám vay vì sợ “nợ lại chồng nợ” bởi cầu của nền kinh tế còn quá yếu.

Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất huy động từ 7% xuống 6% và lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6.5% vào tháng trước, trong một nỗ lực vực dậy tăng trưởng tín dụng.

Tuy vậy, một báo cáo của Ngân hàng Anh Quốc HSBC cho biết lãi suất “không phải là vấn đề” vì đã được đưa về khung hợp lý và “tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa”.

“Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được. Điều đó có nghĩa rằng nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục trì trệ khiến cho tăng trưởng sẽ vẫn nằm dưới mức khuynh hướng chỉ khoảng 5,6% trong năm 2014,” HSBC cho biết.

‘Cố tình giấu nợ xấu’

“Các ngân hàng và doanh nghiệp cố tình giấu đi rất nhiều vì sợ mất uy tín và quỹ dự phòng. Chính vì vậy có nhiều con số khác nhau về nợ xấu”

PGS. TS Phạm Quý Thọ

Trao đổi với BBC hôm 10/4/2014, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển (ADP) thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói ở nhiều nơi tỷ lệ nợ xấu chỉ được kê khai ở mức bằng 50% con số mà chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá.

Chuyên gia về chính sách khẳng định đang có việc ‘né tránh nợ xấu’ trong các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và đề xuất Chính phủ có những biện pháp để xử lý.

“Nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chưa minh bạch, chưa đi theo các tiêu chuẩn quốc tế như của IMF và World Bank. Các ngân hàng và doanh nghiệp cố tình giấu đi rất nhiều vì sợ mất uy tín và quỹ dự phòng. Chính vì vậy có nhiều con số khác nhau về nợ xấu. Ngân hàng thì nói là 3-4%, Thống đốc (Ngân hàng Nhà nước) nói là 7-9%, còn các tổ chức quốc tế như Moody’s lại cho rằng ít nhất là 15%,” ông Thọ cho biết.

“Sau khi thành lập công ty xử lý‎ nợ xấu thì đến nay đã mua lại một số nợ nhưng hướng giải quyết vẫn chưa rõ ràng. Kế hoạch thì nhiều, nhưng khả năng làm vẫn còn hạn chế.”

Hồi tháng Hai Ngân hàng Nhà nước và hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã có cuộc tranh cãi xung quanh con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Moody’s lúc đó ước tính tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng Việt Nam ít nhất là 15%, hơn gấp ba lần so với con số chính thức 4.7% của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng này sau đó đã ra thông báo phản bác, cho rằng nhiều lắm nợ xấu toàn hệ thống “chỉ là 9%” nếu “tính toán thận trọng.”

Nếu ước tính của Moody’s là chính xác, con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam gần bằng với quốc gia đang chìm trong khủng hoảng của Châu Âu là Hy Lạp (17%), và cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (2.7%), Indonesia (2.1%), hay Trung Quốc (0.9%), theo số liệu của World Bank.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác cũng có chung nhận định với ước tính của Moody’s.

Rabobank, tập đoàn tài chính-ngân hàng của Hà Lan, cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào khoảng 8-16%.

Chuyện Sâu & Trùng Ở Bến Tre

Chuyện Sâu & Trùng Ở Bến Tre

RFA

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

“Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng.”

Đại Biểu Quốc Hội Lê Như Tiến

Bằng giờ này tháng 4, mấy năm về trước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (“một mình, đất lạ, đường xa”) đã lên đến tận Hà Giang. Trong blog saurieng, bà có viết đôi dòng chữ ngắn về chuyến đi “ấn tượng khủng khiếp” này:

”Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó. Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao, mình hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời… “

Những sản phẩm mà Nguyễn Ngọc Tư ghi nhận qua ống kính – ở chợ Hà Giang – chỉ là nụm nịu một hai nải chuối, lèo tèo mấy mớ rau xanh, ủn ỉn vài ba rọ lợn, hay đôi ba bó củi co ro …

Ảnh: Nguyễn Ngọc Tư

Ngó mà thương muốn đứt ruột luôn!

Để có thể ra “hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…” của cư dân ở một địa phương, nhà báo Văn Quang lại có một sáng kiến khác. Ông đưa chúng ta đi xem dinh thự của những vị quan đầu tỉnh:

Hà Giang luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng núi rừng ở VN với hơn quá nửa là những gia đình thuộc “diện nghèo”. Nhưng đối nghịch lại tình cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng”, phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” của các lãnh đạo tỉnh.

Nhà của chủ tịch UBND Hà Giang Đàm Văn Bông

– Ngôi nhà “khủng” bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông. Hiện ngôi nhà sàn này đang “hùng cứ” tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP. Hà Giang). Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày. Vật liệu làm ngôi nhà này hầu hết là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.

– Sang gần bằng nhà chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của phó bí thư thường trực, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng.

Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30a là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà “tọa” tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang. Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có vài chục tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng. Ngôi nhà này độc đắc bởi nó chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!

– Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn của ông giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến.

Ngôi nhà này “độc” vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai. Một thứ gỗ hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước chừng cũng phải “vứt xuống” vài tỷ đồng… Chỉ ở một tỉnh xa xôi “hẻo lánh” mà nhà quan đã bề thế như vậy thì các nơi khác, các thành phố khác còn “loạn” đến đâu!

Rảnh, nên tui ghé luôn qua một thành phố khác – ở dưới miền xuôi: Bến Tre. Địa danh này, hơn mười năm trước, cũng đã khiến dư luận người Việt (ngoài nước)  “nóng” lên chỉ vì đôi dòng chữ ghi thêm dưới một bài thơ của nhà sư Nhất Hạnh – in trên trang quảng cáo của báo New York Times, số phát hành hôm 24 tháng 9 năm 2001:

“I wrote this poem during the Vietnam war after I heard about the bombing of Ben Tre city. The city of 300,000 was destroyed because seven guerrillas shot several rounds of unsuccessful anti-aircraft gunfire and then left. My pain was profound.” (“Tôi viết bài thơ này trong thời gian chiến tranh Việt Nam sau khi nghe Bến Tre bị bỏ bom. Thành phố 300,000 người đã bị hủy diệt vì bẩy du kích quân bắn vài tràng súng phòng không vu vơ rồi bỏ đi. Nỗi đau của tôi sâu lắng.”)

Sơ sót, lỗi lầm nơi con số 300,000 chắc (chắn) là  do cái cậu đánh máy chứ ai. Dù vậy, Nhất Hạnh vẫn cứ bị dư luận lùm xùm trách cứ (“oan ức”) về chuyện vọng ngôn hay vọng ngữ.

Cơn bão dư luận ấy đã qua từ lâu. Bến Tre, một trong những nơi được mệnh danh là thành đồng tổ quốc, đâu có dễ gì bị suy suyển hay sứt mẻ bởi bom đạn Mỹ. Tuy thế, phần đất này đang có nguy cơ bị “hủy diệt” bởi chính những kẻ đã bỏ chạy (sau khi bắn vài tràng súng, không trúng đâu vô đâu) hồi năm 1968.

Gần năm mươi năm đã qua, những cô cậu bé du kích dũng sĩ diệt Mỹ của tỉnh Bến Tre nay đều đã trở nên những vị cán bộ lão thành cách mạng. Họ đang cùng con cháu nắm giữ hầu hết những chức vụ, cũng như nguồn lợi béo bở ở tỉnh lỵ này. Theo như cách nói ví von của ông Trương Tấn Sang thì họ đã trở thành những “bầy sâu,” đang ngày đêm (ngoem ngoém) đục khoét và làm ruỗng mục “Chủ Nghĩa Mac Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô địch Muôn Năm.”

Năm 2007, phó chủ tịch UBND Bến Tre, bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết tỉnh đã thanh tra 108 cuộc, phát hiện sai phạm về tài chính 4,46 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2005. Dù số tiền được “phát hiện” chỉ là phần nổi của một tảng băng sơn nhưng cứ theo cái đà tăng “gấp đôi” hàng năm như thế nên đến nay, năm 2014, Bến Tre lại làm dư luận “nóng” lên lần nữa – sau khi “những dinh thự ngất ngưởng, bề thế, nguy nga” của ông Trần Văn Truyền (cựu Bí Thư tỉnh ủy Bến Tre, cựu Tổng Thanh Tra Chính phủ Việt Nam) được phơi bầy trên mặt báo Người Cao Tuổi.

Dinh thự của ông Trần Văn Truyền. Ảnh: Người Cao Tuổi

Ông Trần Văn Truyền, tất nhiên, không phải là quan chức duy nhất bị tai tiếng như vậy ở vùng đất này, vẫn theo như thông tin cơ quan ngôn luận vừa nêu:

Kì này, mời bạn đọc đến thăm “Vườn hoa phố Thường vụ” nằm ngay Khu Trung tâm Thương mại (TTTM) thành phố Bến Tre của hàng chục “quan tri phủ” hầu hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Nhiều năm nay người dân địa phương và cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu ở đây bức xúc về quá nhiều dinh thự của “Tập đoàn quan tỉnh” tại khu vực chợ TTTM của thành phố chiếm đất, làm nhà lầu mặt tiền thông thoáng làm của riêng rồi cho thuê hoặc đem bán giá cao thu lợi lớn.

Đi đầu “phong trào” này là ông Huỳnh Văn Be (Ba Phương Hùng), cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Gia đình ông đã có “dinh thự” tọa lạc trong khu đất vườn rộng hàng chục nghìn mét vuông nằm cạnh con sông gió lộng tứ bề. Hằng ngày, ông tự lái xe hơi đi ăn sáng, uống cà-phê, dạo mát…

Ông Trần Công Ngữ (Bảy Hoàng), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã có nhà và đất ở rộng rãi, nhưng cũng được “bán rẻ” một căn nhà lầu hai mặt tiền nằm ngay ngã tư đường Chi Lăng – Nguyễn Du thuộc phường 2, kế bên TTTM. Do không có nhu cầu ở nên ông Hoàng đã bán thu lợi 7 tỉ đồng. Các trường hợp còn lại như ông Trần Văn Cồn, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Văn Láng, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thái Xây (Chín Tâm), cựu Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Sang (Tư Sang), cựu Giám đốc Công an tỉnh; ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh đều là những thành viên được làm giàu theo gương ông Huỳnh Văn Be. Hàng chục căn nhà lầu nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường, xoay quanh khu TTTM thành phố Bến Tre được “bán rẻ” cho “Tập đoàn quan tỉnh” này…

Cùng lúc, trên báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh (phảt hành hôm 30 tháng 3 năm 2014) người ta đọc được lời kêu gọi “những nhà hảo tâm xa gần giúp đỡ” để làm một con đường nho nhỏ – cũng ở Bến Tre:

Do điều kiện ngân sách eo hẹp nên đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể đáp ứng được mong muốn của người dân. “Chúng tôi hi vọng các nhà hảo tâm xa gần chung tay giúp đỡ kinh phí xây dựng tuyến lộ Bờ Gồng để bà con không còn phải lặn lội vất vả mỗi ngày, nhất là những lúc mưa gió trở trời!” Ông Trần Văn Chận – Chủ tịch UBND xã An Hiệp chia sẻ.

Sự kiện những quan chức Việt Nam thản nhiên, sống trên nỗi khốn cùng (“phải lặn lội vất vả mỗi ngày”) của bà con – thực ra – không chỉ giới hạn ở Hà Giang hay ở bến Tre, và cũng chả phải là chuyện mới mẻ gì ráo trọi. Hơn hai mươi năm trước tác giả Thái Như đã nói đến hiện tượng “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục: Chỉ có loài sâu trong thân con sư tử mới ăn được thịt của con sư tử!”

Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang lại vừa nhắc lại điều này, trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện:

“Trong vòng 25 năm qua, bọn sâu bọ tham nhũng ngày một đông, ngày mỗi mạnh và đã trở thành bầy đàn! Nó như căn bệnh ung thư đã di căn tới nhiều bộ phận của cơ thể con sư tử. Nếu Đảng không quyết tâm chữa trị, không dũng cảm cắt bỏ những bộ phận cơ thể đã thối muỗng thì quốc nạn tham nhũng này, đến một lúc nào đó sẽ có kết cục như nhà báo Thái Như đã cảnh báo 23 năm về trước:’Đương nhiên điều không tránh khỏi là con sư tử đó nó sẽ ngã quỵ một khi những con sâu trong cơ thể ngày một nhiều và lớn mạnh!’ Vâng, nếu Đảng không quyết tâm diệt trừ tận gốc (giết sạch) bọn sâu bọ tham nhũng của Đảng thì chính bọn này, một ngày nào đó không xa – có thể là cuối năm nay,có thể là sang năm hoặc sang năm sau nữa(2016)- sẽ là thủ phạm “giết sống” Đảng Cộng sản Viêt Nam!

Tôi thấy tình thế đã rất cấp bách! Thời gian không còn nhiều. Rất mong Đảng hãy dũng cảm, thực tâm và kiên quyết cứu vãn tình thế trước khi nó trở nên quá muộn!”

Khác với đại tá  Nguyễn Đăng Quang, tôi e rằng tình thế đã muộn màng rồi. Vấn đề chỉ còn là chuẩn bị sao để mồ yên mả đẹp mà thôi. Sau hai phần ba thế kỷ phạm hết tội ác này sang tội ác khác, gây oán hận cho muôn dân trăm họ, chuyện “an táng” đảng Cộng Sản trong tương lai gần (rõ ràng)  không phải là việc dễ dàng chi. Với truyền thống lấy nhân nghĩa chống bạo tàn của dân tộc Việt, chỉ mong sao mọi người đều đồng thuận với nhau là oán thù – nghĩ cho cùng –  chỉ nên cởi, chứ không nên buộc.

 

Ai đã thắng trong cuộc chiến Việt Nam?

Ai đã thắng trong cuộc chiến Việt Nam?

Michel Chossudovsky

Ngọc Thu dịch

30-4: Ai đã thắng trong cuộc chiến Việt Nam?

Bạn có biết: Việt Nam đã từng trả nợ chiến tranh cho Mỹ? Việt Nam đã trả các khoản vay của chính quyền Sài Gòn thời chiến tranh, để đổi lấy các khoản vay mới của Mỹ và phương Tây và đó cũng là điều kiện để Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với VN.

Đó là cái giá mà chính phủ CSVN, hay nói đúng hơn là người dân VN đã phải trả, do chính phủ CSVN không chịu bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay sau khi chiến tranh kết thúc, cứ khăng khăng đòi bồi thường chiến phí 3,25 tỉ Mỹ kim. Tiền bồi thường của Mỹ ở đâu không thấy, chỉ thấy sau đó phía VN phải bỏ tiền ra bồi thường chiến phí.

Thắng trong chiến tranh, nhưng chỉ 20 năm sau chính phủ CSVN đã phải đầu hàng Mỹ về kinh tế.

Đây là bài viết của GS Michel Chossudovsky về những thỏa thuận bí mật giữa chính phủ CSVN với các tổ chức tài chính quốc tế trước năm 1995.

Ngọc Thu

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc bằng lực lượng cộng sản chiếm giữ Sài Gòn và sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh và nội các của ông ấy trong Dinh Tổng thống. Khi đội quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Sài Gòn, các nhân viên Hoa Kỳ và lính thủy quân lục chiến Mỹ cuối cùng đã vội vã sơ tán từ nóc tòa nhà Đại Sứ quán Mỹ. Hai mươi năm sau, một câu hỏi cơ bản vẫn chưa có lời giải đáp: Ai đã thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam?

Việt Nam chưa bao giờ nhận được khoản tiền bồi thường nào cho chiến tranh từ Mỹ về các tổn thất nhân mạng rất lớn và sự tàn phá [của chiến tranh], nhưng một thỏa thuận đã đạt được ở Paris vào năm 1993, yêu cầu Hà Nội nhận các khoản nợ của chính quyền Sài Gòn, một chính quyền không còn tồn tại nữa của Tướng Thiệu. Bản thoả thuận này có nhiều chỗ tương đương với việc bắt buộc Việt Nam bồi thường cho Washington các phí tổn chiến tranh.

Ngoài ra, việc áp dụng sâu rộng cải cách kinh tế vĩ mô dưới sự giám sát của các định chế Bretton Woods cũng là một điều kiện cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ. Những cải cách thị trường tự do này hiện đã định đoạt học thuyết chính thức của Đảng Cộng sản.

Qua việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Washington vào năm 1994, việc nhắc đến vai trò tàn bạo của Mỹ trong chiến tranh đang ngày càng được xem như không đúng lúc và không thích hợp. Không ngạc nhiên, Hà Nội đã quyết định dịu giọng trong lễ kỷ niệm Sài Gòn đầu hàng để không phải xúc phạm đến kẻ thù trong chiến tranh trước đây của họ. Lãnh đạo Đảng Cộng sản gần đây đã nhấn mạnh “vai trò lịch sử” của Hoa Kỳ trong việc “giải phóng” Việt Nam từ chế độ Vichy (Pháp) và sự chiếm đóng của Nhật Bản suốt Đệ Nhị Thế chiến.

Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đặc vụ Mỹ của Cục Tình báo Chiến lược (OSS: tiền thân của CIA ngày nay) đã có mặt bên cạnh Hồ Chí Minh. Trong khi Washington đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho phong trào kháng chiến Việt Minh, chiến lược này phần lớn được thiết kế để làm suy yếu Nhật Bản trong giai đoạn cuối của Đệ Nhị Thế chiến, mà không có cam kết gửi lực lượng bộ binh Mỹ tới với số lượng lớn.

Ngược lại với bầu không khí dịu giọng và hạn chế trong kỷ niệm đánh dấu chiến tranh Việt Nam kết thúc, lễ kỷ niệm 50 năm ngày độc lập được cử hành long trọng, với một loạt các nghi lễ và các hoạt động chính thức bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến Tết âm lịch.

Việt Nam bồi thường chiến tranh

Trước khi “bình thường hóa” quan hệ với Washington, Hà Nội đã bị buộc phải trả các khoản nợ xấu phát sinh của chế độ Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn. Tại hội nghị các nhà tài trợ tổ chức ở Paris hồi tháng 11 năm 1993, các khoản vay và số tiền viện trợ tổng cộng gần 2 tỷ Mỹ kim đã được cam kết để hỗ trợ cho cải cách thị trường tự do ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay sau khi hội nghị, một cuộc họp bí mật đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Câu lạc bộ Paris (Paris Club).

Tại cuộc họp này, có sự góp mặt của đại diện các chính phủ phương Tây. Về phía Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Oánh, cố vấn kinh tế cho Thủ tướng, đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán.

Tiến sĩ Oánh, một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và sau đó là Quyền Thủ tướng trong chính quyền quân sự của Tướng Dương Văn Minh, mà Mỹ đưa vào hồi năm 1963 sau vụ ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và em trai. Tiến sĩ Oánh, trong khi giữ vai trò trung gian, chính thức thay mặt chính quyền cộng sản, dù sao cũng đã đáp ứng được nhu cầu của các chủ nợ phương Tây.

Các thỏa thuận đã được ký kết với IMF (đã được công bố) phần lớn chỉ là tượng trưng. Số lượng không đáng kể: Hà Nội buộc phải trả cho IMF 140 triệu đô (thuộc sở hữu của chính quyền Sài Gòn) như một điều kiện để nối lại các khoản vay mới. Nhật Bản và Pháp, những chủ nhân thuộc địa cũ của Việt Nam giai đoạn Vichy, hình thành cái gọi là “Những người bạn của Việt Nam” để cho Hà Nội vay số tiền cần thiết để hoàn trả cho IMF.

Tuy nhiên, sự sắp xếp gia hạn các khoản nợ song phương (của chế độ Sài Gòn) không bao giờ được tiết lộ. Nhưng cuối cùng thì thỏa thuận bí mật này (đạt được dưới sự bảo trợ của Câu lạc bộ Paris) là công cụ quyết định để Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa các quan hệ ngoại giao. Việc sắp xếp này cũng là yếu tố quyết định trong việc tháo khoán các khoản vay đã được cam kết tại hội nghị các nhà tài trợ năm 1993, do đó Việt Nam bị đặt dưới sự ủy thác của các chủ nợ Nhật Bản và phương Tây. Như vậy, chỉ 20 năm sau chiến tranh, Việt Nam đã đầu hàng về mặt kinh tế.

Bằng cách công nhận hoàn toàn tính hợp pháp của các khoản nợ, Hà Nội đã đồng ý hoàn trả các khoản vay đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Mỹ. Hơn nữa, chính phủ của ông Võ Văn Kiệt cũng đã chấp nhận thực hiện đầy đủ các điều kiện thông thường (giảm giá, tự do hóa thương mại, tư nhân hóa, v.v.) của một chương trình điều chỉnh cơ cấu do IMF tài trợ. Những cải cách kinh tế này ra mắt vào giữa thập niên 1980 với các định chế Bretton Woods, trong hậu quả chiến tranh tàn khốc, đã khởi đầu một giai đoạn mới về sự tàn phá kinh tế và xã hội: lạm phát đã dẫn đến phá giá liên tục, bắt đầu từ năm 1973 dưới chế độ Sài Gòn, năm theo sau sự rút lui của quân đội Hoa Kỳ. Ngày nay, một lần nữa Việt Nam tràn ngập các ghi chú bằng đô la Mỹ, đã thay thế phần lớn tiền đồng Việt Nam. Với giá cả tăng cao, thu nhập thực tế đã giảm xuống tới mức thấp nhất.

Lần lượt những cải cách đã ồ ạt giảm năng lực sản xuất. Hơn 5.000 trong số 12.300 doanh nghiệp nhà nước đã bị đóng cửa hoặc được chỉ đạo phá sản. Các hợp tác xã tín dụng đã bị loại bỏ, tất cả các khoản tín dụng dài hạn và trung hạn cho ngành công nghiệp và nông nghiệp đã bị đóng băng. Chỉ tín dụng ngắn hạn là có sẵn, với lãi suất 35%/ năm (năm 1994). Ngoài ra, thỏa thuận IMF đã cấm nhà nước cung cấp hỗ trợ ngân sách, hoặc cho nền kinh tế nhà nước hoặc cho một khu vực tư nhân mới chớm nở.

Chương trình nghị sự về những cải cách đã bị che giấu này bao gồm nền tảng công nghiệp mất ổn định ở Việt Nam. Các ngành sản xuất công nghiệp nặng, dầu khí, tài nguyên thiên nhiên và khai thác khoáng sản, xi măng, sắt thép sẽ được tổ chức lại và được thực hiện dựa trên số vốn nước ngoài. Tài sản nhà nước có giá trị nhất sẽ được chuyển giao để củng cố và duy trì cơ sở công nghiệp, hoặc để phát triển một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thuộc sở hữu và kiểm soát bởi dân chúng.

Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, hơn một triệu công nhân và hơn 20.000 công nhân viên chức (trong đó đa số là nhân viên y tế và giáo viên) đã bị sa thải. Lần lượt, nạn đói địa phương đã nổ ra, ảnh hưởng đến ít nhất một phần tư dân số cả nước. Những sự đói khát này không giới hạn ở các khu vực thiếu lương thực. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, 25% số dân trưởng thành tiêu thụ chưa tới 1.800 calories mỗi ngày. Ở các thành phố, sự mất giá của tiền đồng cùng với việc loại bỏ trợ cấp và kiểm soát giá cả đã dẫn đến giá gạo và các nhu yếu phẩm khác tăng vọt.

Những cải cách này đã dẫn đến việc cắt giảm mạnh mẽ các chương trình xã hội. Với việc áp dụng học phí, ba phần tư trong số một triệu trẻ em bỏ học khỏi hệ thống trường công trong vài năm (từ 1987-1990). Các trạm y tế và bệnh viện sụp đổ, sự hồi sinh của một số bệnh truyền nhiễm như sốt rét, lao phổi và tiêu chảy được Bộ Y tế và các nhà tài trợ nhận ra. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận rằng, số người tử vong do bệnh sốt rét tăng gấp ba lần trong bốn năm đầu của thời kỳ cải cách, cùng với sự suy sụp của việc chăm sóc sức khỏe và giá cả các loại thuốc chống sốt rét tăng vọt. Chính phủ (dưới sự hướng dẫn của các nhà tài trợ quốc tế) cũng đã ngưng hỗ trợ ngân sách để cung cấp các thiết bị y tế và bảo trì, dẫn đến tình trạng tê liệt toàn bộ hệ thống y tế công cộng. Tiền lương thật sự của nhân viên y tế và điều kiện làm việc đã giảm đáng kể: tiền lương hàng tháng của các bác sĩ y tế tại một bệnh viện huyện thấp tới mức $15 một tháng.

Mặc dù Mỹ đã bị đánh bại trên chiến trường, nhưng hai thập niên sau đó Việt Nam dường như đã đầu hàng kẻ thù chiến tranh trước đây của mình về mặt kinh tế.

Không có những quả bom viên bằng thép hay màu cam, không có bom napalm, không có hóa chất độc hại: một giai đoạn mới của sự hủy diệt kinh tế và xã hội đã diễn ra. Những thành tựu của cuộc đấu tranh trong quá khứ và nguyện vọng của một quốc gia toàn vẹn chưa hoàn thành và đã bị xóa gần như với một nét bút (chữ ký).

Điều kiện nợ và điều chỉnh cơ cấu dưới sự ủy thác của các chủ nợ quốc tế tạo ra do hậu quả của chiến tranh Việt Nam, một công cụ thuộc địa bất bạo động chính thức và hiệu quả như nhau và sự bần cùng hóa ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người.

——

Tác giả: Michel Chossudovsky là giáo sư kinh tế tại Đại học Ottawa và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa.

Bài viết trên đã được viết năm 1995, đầu tiên được đăng tải vào ngày 30 tháng 4 năm 1995, trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm “Giải phóng Sài Gòn”.

Một bài phân tích sâu hơn dựa trên những nghiên cứu thực tế được tiến hành ở Việt Nam, tập trung vào những cải cách tân tự do của Hà Nội, sau đó đã được đăng trong cuốn sách của Michel Chossudovsky, The Globalization of Poverty, ấn bản đầu tiên năm 1997, ấn bản thứ hai vào năm 2003.

Nguồn bản gốc: http://www.globalresearch.ca/who-won-the-vietnam-war/172

Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/BasamVN/posts/619964634763977

Thống kê sơ về người treo cổ trong trụ sở công an.

Thống kê sơ về người treo cổ trong trụ sở công an.

Người Buôn Gió

Xứ sở lạ đời, dân thích chọn đồn công an để tự tử?

Chỉ cần một sinh viên Bouazizi phải đi bán rau, bị phạt và hành hung nên đã tự thiêu mà toàn dân Tunisia phẫn nộ, biểu tình khiến cho Tổng thống Ben Ali phải chạy biệt xứ. Mạng một con người thiêng liêng như vậy đấy (xin nhấn mạnh là Bouazizi tự thiêu chứ không bị đánh chết).

Lại so thời thực dân phong kiến, chỉ vì để cấp dười đánh chết người mà ông quan trong triều Nguyễn Sinh Sắc bị cách tuột hết chức tước và phải biệt xứ vào nơi tận cùng đất nước! Trong khi ở một xứ “hạnh phúc thứ nhì thế giới”, “dân chủ gấp vạn lần”, “luôn lấy con người là trung tâm, là mục đích” mà hàng chục trường hợp công dân bị chết ngay trong tay “thanh kiếm và lá chắn”, trong tay những người được nhân dân nuôi và vũ trang đến tận răng để bảo vệ nhân dân, thì cái giá đáng lý phải trả là gì? Nếu cả 13-14 ông Tổng thống phải chạy biệt xứ thì chắc chắn vẫn chưa tương xứng.

Vậy mà hệ thống không mảy may suy suyển, những chiếc ghế vua quan ở đây chỉ càng thêm lì, thêm chắc, kẻ giết người không bị trừng trị thích đáng, trừng trị qua loa thì khác chi khuyến khích giết người? Mà khuyến khích thật khi còn dự kiến cho phép công an bắn chết ngay kẻ nào chống người thi hành công vụ! Thế nào là chống? Công vụ sai thì có được chống không? Dân có quyền tự vệ không? Chết rồi thì còn đâu mà cãi.

Với mười ba trường hợp thống kê “sơ sơ” dưới đây, là con người ai cũng phải giật mình, giật mình về cái khoảng cách giữa tuyên ngôn và thực tế đối lập nhau như thiên đàng và địa ngục. Biết đâu sẽ chẳng đến lượt mình, nhỡ lơ đãng mà phạm luật giao thông thôi chẳng hạn… Luật chống tra tấn chỉ trên giấy thôi sao? Mười ba nhân mạng chết tức tưởi trong tay công quyền liệu đã đủ làm mười ba tiếng nổ để rút ngắn bớt cái khoảng cách kinh hoàng giữa lời nói và việc làm chưa, hay cần nhiều thêm?

Hà Sĩ Phu

Và đây câu trả lời…

Điểm danh 1 số vụ án xảy ra sau khi bị giải lên đồn công an

2014.04.14 Đỗ Văn Bình – Đà Nẵng – treo cổ

2014.03.18 Bùi Thi Hương – Bình Phước – treo cổ

2014.03.18 Nguyễn Minh Dũng – trọng thương

2013.12.24 Đỗ Duy Việt – Thanh Hóa – treo cổ

2013.12.20 anh Đinh Ngọc H – Bình Duơng – treo cổ

2013.10.10 Trần Thị Hải Yến – Phú Yên – treo cổ

2013.08.19 Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi) – Lâm Đồng – treo cổ

2013.01.02 Trần Văn Tân – Hải Dương – treo cổ

2012.09.14 Hồ Long Giang – Long Khánh – treo cổ

2012.05.13 Ngô Thanh Kiều – Phú Yên – bị đánh chết

2012.03.19 Lê Quang Trọng – Hà Tĩnh – treo cổ

2012.02.15 Nguyễn Công Nhựt – Bình Dương – treo cổ

2011.03.15 Đặng Ngọc Trung – Bình Phước – treo cổ

….

Đây chỉ là thống kê sơ bộ, chưa phải đầy đủ, nhưng cũng đủ làm giật mình bất cứ ai. Hãy nhớ đến câu nói của người tù oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn: “lúc đó tôi sợ họ đánh chết” – “tôi không chịu nổi nữa” – nếu nhìn vào số những nạn nhân TREO CỔ trong nhà tạm giam kia thì phải rùng mình mà công nhận ông Chấn đã quyết định đúng, nếu ông treo cổ chết rồi thì cần gì phải đau đầu với vụ án oan 10 năm của ngày hôm nay.

N. B. G.

” Bộ trưởng Y tế nên từ chức”

” Bộ trưởng Y tế nên từ chức”

Nhạc sỹ Tuấn Khanh

gửi cho BBC từ TP HCM

Thứ năm, 17 tháng 4, 2014

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tới thăm bệnh nhi ở Viện Nhi Trung ương

Chỉ trong một buổi chiều 17-4 ở trong nước, ngoài những tiếng kêu la của trẻ con, tiếng khóc nấc của nhiều phụ huynh mất con, cùng sự im lặng của các bệnh viện cũng như của những tuyên bố thản nhiên của người cầm đầu ngành kiểm soát sự sống còn của con người, là những cơn bão dậy lên trên các trang mạng đòi hỏi Bộ Y tế Việt Nam phải có một thái độ đúng trước đại dịch.

Thông tin ngày một nhiều về đại dịch khiến dân chúng đi từ trạng thái này đến trạng thái khác.

Từ tức giận, đòi hỏi, giờ thì đã rất nhiều người nghĩ bằng sự tỉnh táo và hoàn toàn mang giá trị cấp bách của một xã hội dân sự đòi hỏi: người không có đủ khả năng kiểm soát tình thế, có cần phải ra đi ngay để tìm một ai đó thế chỗ, giải quyết vấn đề?

Đây không phải là sĩ diện của một con người, của một chế độ khi sắp đặt nhân sự, mà tiếng kêu của đám đông đòi hỏi được thấy nhịp đập của một trái tim có thật từ một hệ thống lãnh đạo.

Từ chức giờ đây là một thái độ văn hóa và cũng là cho thấy một phản ứng đầy nhân đạo, trao lại quyền quyết định cho một ai khác để có những giải pháp tức thì, cứu lấy sinh mạng của hàng ngàn gia đình đang đang thấp thỏm về sinh mạng của con mình.

Con số 108 trẻ em chết trong đợt dịch sởi này được công bố, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Vì diễn biến mỗi ngày vẫn diễn ra, và Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa có một công bố nào mang tính minh bạch rằng dịch sởi đã được kiểm soát, ít nhất ở một vài thành phố.

Đóng cửa thông tin

Trong một thói quen thích dùng quyền lực hơn giải pháp thực tế cho vấn đề, tin tức về đại dịch đã bị ngăn chận.

Cũng trong buổi chiều ngày 17-4, đại dịch sởi đang bùng lên cao điểm, thì các bệnh viện được lệnh phải đóng cửa thông tin, thậm chí phóng viên vào đưa tin, ghi hình là chuyện đặc cách, phải có giấy phép riêng.

Tin tức nói bệnh viện quá tải, thiếu trang thiết bị chữa trị và nhiều cháu nhỏ phải chung giường

Bản tin của báo Một Thế Giới cho biết ngay cả lao công, bảo vệ… của bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội cũng được lệnh ngăn trở người tác nghiệp.

Trên các trang mạng, dấy lên không biết bao nhiêu thông tin về cái chết của con mình, của con bạn bè mình.

Uất nghẹn, và đè nén, nhưng họ chỉ được trả lời bằng những phát biểu vô hồn của bà bộ trưởng như “chưa đủ điều kiện để công bố dịch sởi” hoặc “muốn công bố dịch phải xin ý kiến”.

Những hình ảnh tràn ngập trẻ em nằm không đủ chỗ ở các bệnh viện Nhi vẫn giúp cho nét chân mày được trang điểm rất đẹp của bà bộ trưởng nhíu lại.

Trên một trang facebook, một người có bạn làm trong ngành y nói rằng sẽ khó mà có chuyện công bố dịch, vì nghe nói rằng y tế Việt Nam đã cam kết với W.H.O là sẽ thanh toán dịch sởi vào năm 2017 bằng văn bản, ngân sách tài trợ… nên việc công bố không kiểm soát được bệnh sởi sẽ làm mất mặt ngành y tế Việt Nam.

Tin tức này đang lan nhanh, cùng với việc Bộ Y tế vẫn im lặng về số lượng hàng ngàn trẻ em nhiễm bệnh, lại dường như là một điều xác tín im lặng.

Rõ ràng Bộ Y tế VN hoàn toàn xa dân đến mức không nghe được những lời kêu to như vậy chung quanh mình, cho dù những thông tin đó có thật hay không.

Không phải vô lý khi nhiều tờ báo đã phải kêu lên vào ngày 16-4 rằng “cần phải công bố dịch” hoặc “Bộ Y tế giấu dịch sởi”.

‘Lãnh đạo vô cảm’

Hiện thực là giá trị lớn nhất, nó giới thiệu sự cấp bách mang giá trị nhân tâm con người, và cũng giới thiệu hiện thực về khả năng của bà bộ trưởng như một người đang cầm lái chiếc tàu Bộ Y tế đi qua sóng gió nhưng trong tiếng gió bão gầm rú, còn có tiếng kêu thét của các sinh linh vô tội bị cố ý nhấn chìm.

“Tôi chính thức mở lời kêu gọi bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức ngay… để những người thật sự có khả năng bước vào vị trí này để cứu người. Từ chức vào lúc này để nhận được sự trân trọng, và để đánh động toàn bộ ngành y dốc lực vào sự kiện đang quá cấp bách này.”

Nhạc sỹ Tuấn Khanh

Mới đây, người dân Việt Nam nhìn thấy lời tuyên bố của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là “Chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bào giờ dại cho vào đây”.

Câu phát biểu này của bà Tiến đã làm bùng lên sự phẫn nộ trong các phụ huynh.

“Người ta sẽ đem vào đâu, nếu không là bệnh viện?” một phụ huynh đã viết lời bình như vậy. Câu nói của bà bộ trưởng làm mọi người sững sờ vì mang đầy sự vô trách nhiệm cũng như thiếu khả năng hành động của một quan chức.

Nếu dịch sởi không thể kiểm soát như bà Tiến mô tả, rõ ràng cần thiết phải lập trại cách ly khẩn cấp ở các thành phố lớn. Cần triệu tập các chuyên gia y tế để giải quyết vấn đề mà các bệnh viện thông thường đang không còn đủ sức.

Hàng ngàn trẻ nhiễm bệnh ở mọi nơi đủ là lý do để hành động nhanh, với y đức, với tình người.

Thật lòng, ngành y cũng đã tạo điều kiện để bà Tiến chứng minh tấm lòng của mình với các bệnh nhi, nhưng cũng đủ cẩu thả đến mức cho thấy bà Tiến không có khả năng đội mũ nón y tế cho đúng cách cơ bản khi đi thanh sát. Nhiều người đã bật cười về điều đó.

Ngành y tế bất lực?

Sự hỗn loạn bắt đầu xuất hiện. Trên các trang mạng xuất hiện nhiều lời quảng cáo chữa bệnh sởi gia truyền, thuốc trị sởi đặc biệt… theo nguyên tắc bình thông nhau, nhưng cũng là một lời tố cáo về sự bất lực của hệ thống y tế Việt Nam lúc này.

Chắc chắn không ít các bậc phụ huynh của 7000 đứa trẻ đang mắc bệnh, đang sốt ruột vì con mình, đã liên lạc với những chỗ như vậy. Sẽ là may mắn nếu đó là những lời quảng cáo tốt. Còn nếu đó lại là cách kiếm tiền nhanh của những kẻ cơ hội, mọi việc sẽ bùng nổ và trở thành một đại họa quốc gia.

Giấu diếm và giữ ghế, giữ mặt mũi cho giới lãnh đạo không phải là chuyện mới thấy trong ngành y tế Việt Nam.

Năm 2003 đã có chuyện giấu diếm dịch Sars. Năm 2008, lại cố ý nói trại đi dịch tả là “tiêu chảy cấp” để làm nhẹ đi tình hình. Những tiền lệ đó, nếu tiếp tục nối dài đến đại dịch sởi này, gọi đúng tên, là ô nhục.

Tôi không biết ai có suy nghĩ gần với mình, nhưng tôi chính thức mở lời kêu gọi bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức ngay.

Ở đây không phải là sự tức giận đòi hỏi bà phải bị trừng phạt vì những sai lầm vẫn có từ trước, hay đang đang diễn ra, mà lời kêu gọi bà nên từ chức để những người thật sự có khả năng bước vào vị trí này để cứu người.

Từ chức vào lúc này để nhận được sự trân trọng, và để đánh động toàn bộ ngành y dốc lực vào sự kiện đang quá cấp bách này.

Cũng không riêng gì bà Nguyễn Thị Kim Tiến mà nhiều quan chức khác cũng nên tập dần cách hành xử văn minh này, vì so với nhân dân, chính họ là người đang được thụ hưởng những giá trị văn minh nhiều nhất.

Tai nạn phà Sewol : Hàn Quốc bị sốc mạnh, khoảng 300 người vẫn mất tích

Tai nạn phà Sewol : Hàn Quốc bị sốc mạnh, khoảng 300 người vẫn mất tích

24 tiếng đồng hồ sau thảm họa, lực lượng cứu hộ ráo riết tím người mất tích. Nhiều người còn kẹt trong phà Sewol. Ảnh chiếc phà chìm ngày 16/04.

24 tiếng đồng hồ sau thảm họa, lực lượng cứu hộ ráo riết tím người mất tích. Nhiều người còn kẹt trong phà Sewol. Ảnh chiếc phà chìm ngày 16/04.

REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Anh Vũ

RFI

Một ngày sau vụ tai nạn chiếc phà biển Sewol bị đắm, cả đất nước vẫn trong cơn sốc mạnh. Hôm nay 17/04/2014, các lực lượng cứu hộ tiếp tục nỗ lực tối đa để tìm kiếm những người còn sống sót ngoài khơi Hàn Quốc. Các gia đình nạn nhân và dư luận bắt đầu trút phẫn nộ lên chính phủ và thủy thủ đoàn trong cách giải quyết vụ tai nạn.

Theo lực lượng bảo vệ bờ biển, hiện tại đã vớt được 9 thi thể nạn nhân. Vẫn còn 287 người mất tích trên tổng số 475 hành khách trên phà, trong đó có 325 học sinh trung học, theo thông báo mới.

Các đội cứu hộ tiếp tục làm việc trong cả đêm hôm qua dưới ánh đèn pha cực mạnh với hy vọng tìm được người sống sót, nhưng dòng biển chảy mạnh và tầm nhìn dưới nước hạn chế đã khiến các thợ lặn không thể vào được bên trong phần thân tàu bị chìm. Ba cần cẩu nổi khổng lồ đã được triển khai tại hiện trường để dựng lên lại chiếc tàu.

Vụ tai nạn khiến cả đất nước Hàn Quốc bàng hoàng, nhất là đa số nạn nhân là các học sinh nhỏ tuổi. Sau cơn sốc mạnh, các gia đình nạn nhân trút phẫn nộ lên chính phủ và thuỷ thủ đoàn về cách xử lý thảm hoạ

Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul tường trình:

‘ Cả Hàn Quốc vẫn còn bàng hoàng trong cơn sốc mạnh. Nhật báo Chosun Ilbo chạy tựa : « Trong 140 phút cả đất nước chứng kiến cảnh những người con bị chết ngay trước mắt mình ».

Các sự kiện chính thức đều bị hoãn lại, Quốc hội cũng ngừng hoạt động. Tâm trạng chủ yếu của các gia đình lúc này là phẫn nộ. Phẫn nộ về cách xử lý vụ tai nạn của chính phủ. Ban đầu chính quyền đưa ra những con số để trấn an. Họ đã thông báo sai là tất cả các trẻ nhỏ đều đã được cứu sống.

Một phụ huynh còn ném cả chai nước vào mặt Thủ tướng khi ông đến gặp gỡ các gia đình nạn nhân. Nỗi phẫn nộ chủ yếu đổ lên thủy thủ đoàn.

Trong lúc xảy ra đắm tàu, thủy thủ đoàn đã nhiều lần ra lệnh cho hành khách phải ngồi yên, thế nhưng chính những người không chịu nghe lệnh thì lại sống sót.

Thủy thủ đoàn cũng đã chần chừ 18 phút sau vụ va chạm mới gọi điện kêu cứu. Cuối cùng, cũng giống như vụ đắm tàu Concordia ở ven biển nước Ý trước đây, thủy thủ đoàn và thuyền trưởng là những người đầu tiên rời khỏi chiếc phà. Viên thuyền trưởng đã bị cảnh sát thẩm vấn.

Trong số những nguyên nhân của thảm hoạ, người ta ngày càng thiên về khả năng phả va chạm với dải đá ngầm. Một số cơ quan truyền thông khẳng định, vì khởi hành muộn nên thuyền trưởng quyết định cho tàu đi đường tắt để đến nơi nhanh hơn.’

Xin xem thêm:

Nam Hàn tiếp tục tìm hành khách mất tích (BBC)

Phụ huynh học sinh trường Danwon thắp nến cầu nguyện

Căn phòng lưu niệm kỷ vật của vị Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận

Căn phòng lưu nim k vt ca v Tôi T Chúa c Hng Y Phanxico Xaviê Nguyn văn Thun


Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Hộp thuốc chữa bệnh

Căn phòng lưu niệm kỷ vật của Vị Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận ở Tu viện Cellitinnen thuộc Tổng giáo phận Köln (Cologne), đã được Đức Hồng Y Gioakim Meisner, Tổng giám mục Cologne làm phép khánh thành hôm 26.10.2013.

Căn phòng kỷ niệm này lưu giữ bảo quản những vật lưu niệm, mà đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận sau khi qua đời đã trối lại cho nhà Dòng. Mối liên hệ của đức cố Hồng Y với nhà Dòng có bề dầy lịch sử từ những năm 50 của thế kỷ trước. Số là khi còn là linh mục trẻ sang du học bên Roma, vào những dịp nghỉ hè, ngài hay sang nhà Dòng Cellitinnen bên Đức để học tiếng Đức cùng giúp việc mục vụ linh hướng dâng Thánh lễ Misa cho nhà Dòng.

Mối dây liên lạc đó đức cố Hồng Y nhà ta luôn quan tâm chăm sóc đều đặn cả sau sau khi trở về quê hương Việt Nam làm giáo sư chủng viện làm giám đốc Chủng viện, làm Cha Chính Tổng giáo phận Huế, làm Giám mục Nha Trang, thời kỳ bị tù giam giữ và thời gian sang sinh sống lưu vong bên Roma cho tới khi đước Chúa gọi trở về đời sau ngày 16.09.2002.

Mối dây liên lạc tình nghĩa con người đó giữa ngài với nhà Dòng thật linh thiêng đạo đức cùng thắm thiết. Chính vì thế, ngài đã trối lại cho nhà Dòng những kỷ vật cá nhân của ngài, như lời cám ơn mối thịnh tình nhà Dòng đã trao tặng ngài từ mấy chục năm qua.

Trong tiến trình Gíao Hội lập dự án phong Á Thánh cho ngài, nhà Dòng đã dành một căn phòng 40 mét vuông chỉ để trưng bày trong tủ kính bảo quản những di vật của Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận đã để lại.

Căn phòng này không chỉ để tôn vinh Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận, nhưng còn hơn thế nữa. Đến thăm căn phòng kỷ vật này, người hành hương còn học hỏi được gương sống nhân đức của vị Tôi Tớ Chúa còn lưu lại qua chứng từ những vật dụng ngài đã dùng để thờ phượng kính mến Chúa.

Một di vật qúi báu không phải chỉ theo khía cạnh lịch sử, nhưng ẩn chứa thâm sâu lòng đạo đức của ngài là chiếc hộp với hai lọ hộp dầu cù là đựng rựơu lễ, chiếc khăn lễ, chiếc muỗm, mà thân nhân gia đình ngày xưa gửi vào nhà tù tiếp tế nuôi ngài.

Năm 2000 trong tuần tĩnh tâm mùa chay cho Giáo triều Roma với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị, mà bây là Á Thánh và ngày 27.04.2014 sắp tới sẽ được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, ngài đã giảng nói về những chiếc hộp thăm nuôi đó như sau. „ Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã sống giờ phút tột đỉnh trong cuộc đời trần thế của Ngài: món qùa tuyệt vời biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha và với chúng ta được bày tỏ qua hy tế trao ban chính Mình và Máu Ngài.

Chúa để lại cho chúng ta giờ phút tột đỉnh ấy để tưởng niệm Ngài, chứ không phải giờ phút khác, cho dù giờ phút đó có chói sáng rạng ngời thế nào đi nữa, như lúc Chúa hiển linh hoặc một trong những phép lạ của Ngài. Nghĩa là Ngài để lại trong Hội Thánh sự hiện diện tưởng niệm của giờ phút tột đỉnh của tình yêu thương và đau khổ trên thập gía mà Chúa Cha đã biến nó thành vĩnh cửu và để sống nhờ Ngài, để sống và chết như Ngài.

Chúa Giêsu muốn Hội Thánh tưởng niệm Ngài và sống những tâm tình cũng như những đòi hỏi của việc tưởng niệm ấy qua sự hiện diện sinh động của Ngài. „ Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy“ ( cf 1 Cr 11,24)

Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem đánh răng…Tôi viết:“ Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh đường ruột“. Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi mội chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi „ thuốc chữa bệnh đường ruột“, còn bánh lễ thì họ giấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.

Giám thị hỏi tôi:

– „ Ông bị bệnh đường ruột_

– Phải.

– Đây, có ít thuốc cho ông đây.“

Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ, và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi.

Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: „ Thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu“ , như Thánh I-Nha-xiô thánh Antiokia đã nói.

Mỗi làn như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào Thập gía với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi.“ ( Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma, mùa chay 12.- 18. tháng Ba năm toàn xá 2000, Dân Chúa Âu châu 2001, trang 166 )

Những di vật lịch sử của người tù Tổng Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận hiện còn được lưu để cho tham quan cùng học nhớ đến gương sống đức tin vào Chúa của một chứng nhân niềm hy vọng trong căn phòng kỷ niệm ở nhà Dòng Cellitinnen, Koeln.

„ Con phải cố gắng không ngừng để mỗi ngày con đổi mới, để máy thu thanh của thế gian bắt được làn sóng Tin Mừng do con phát âm, đem tiếng con vào tận mỗi tâm hồn, mỗi gia đình. Con hãy nên người của thời đại.“ ( Phanxico Nguyễn văn Thuận, Đường hy vọng số 661.)

Địa chỉ liên lạc tới thăm Căn phòng

Stiftung der Celittinen zur hl. Maria

Graseggerstrasse 105

50737 Koeln- Longerich

Tel. 0049 (0) 221-974514-51

Herr Diakon W. Allhorn: 0221- 97451420

Email: [email protected]

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

JOHN RIORDON GIẢI CỨU 105 NGƯỜI VIỆT 30/04/1975

JOHN RIORDON GIẢI CỨU 105 NGƯỜI VIỆT 30/04/1975

httpv://www.youtube.com/watch?v=HBqj6Jla3FQ

Câu chuyện rất cảm động nói về một người Mỹ vào cuối tháng 4/75 đã di tản ra khỏi Việt Nam rồi, nhưng ông ta đã trở lại để cứu 105 người Việt Nam làm việc tại Ngân Hàng Citibank còn kẹt lại.

Lòng dũng cảm của ông JOHN RIORDON đã làm cho nhiều người khóc. Nhận thấy đây là một Video Clip rất hay, cần phổ biến. THÙY TRANG ĐÃ LÀM XONG PHẦN SUBTITLE TIẾNG VIỆT. Khi xem trên Youtube, bạn nhớ bấm vào chữ CC (CAPTION) để đọc tiếng Việt.