Nữ sinh viên bán thân để tồn tại

Nữ sinh viên bán thân để tồn tại

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-04-21

TTVN04202014.mp3

ATT00043-305.jpg

Một nữ sinh viên làm thêm tại một quán cà phê, hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

RFA

Chuyện các cô gái đứng đường giả làm nữ sinh, đeo kính cận, thắt tóc bím và nói năng nhí nhảnh, nhút nhát khi mời khách qua đêm hoặc tạo ra một đường dây cò mồi mà ở đó, các cô gái đóng vai khù khờ để câu tiền khách là chuyện vốn xảy ra rất nhiều khắp Việt Nam. Nhưng chuyện chính các cô đang là sinh viên năm thứ hai, thứ ba đại học làm gái đứng đường để cứu quá trình học tập của mình và để tồn tại là một chuyện hết sức đau lòng hiện nay.

Chi phí quá cao

Một bạn sinh viên đại học sư phạm Đà nẵng chia sẻ, chuyện các bạn sinh viên có điều kiện gia đình khó khăn, sống xa nhà và thiếu tiền nộp học phí cũng như tiền sinh hoạt hằng ngày, phải bươn bả làm đủ công việc nhưng gặp nhiều trở ngại, cuối cùng chấp nhận bán thân nuôi miệng là chuyện xảy ra khá nhiều ở đại học sư phạm Đà Nẵng.

Vì có hai vấn đề hiện nay tại các đại học Đà Nẵng khiến các cô gái dễ dàng sa ngã, đó là thành phố này tuy hiện đại nhưng lại có quá ít cơ hội cho người lao động phổ thông, đặc biệt, số trường đại học khá nhiều nhưng lại không có nhiều cơ hội làm thêm cho sinh viên. Đó là chưa muốn nói đến nhiều trường hợp các sinh viên đi làm thêm, đi dạy thêm vất vả nhưng đến cuối tháng bị chủ nợ lương, nợ kéo dài từ tháng này qua tháng nọ rồi cuối cùng phải bỏ việc.

Chính một phần rất lớn môi trường làm thêm việc quá khắc nghiệt đã đẩy nhiều nữ sinh đi đến lựa chọn hoặc là tìm một bạn trai cùng học, con nhà khá giả, để cả hai cùng sống, cùng nấu chung, cùng chia sẻ mọi khó khăn nhưng trên thực tế là bạn nữ sinh đang ngầm phục vụ cho bạn nam sinh để được ăn cơm, được chia sẻ nhiều khoản chi phí.

Bung-be-_-cac-quan-an-250.jpg

Sinh viên làm thêm tại một quán ăn, hình ảnh minh họa. RFA PHOTO.

Trường hợp khác, các bạn nữ sinh chấp nhận bán thân để trang trải mọi thứ chi phí trong quá trình học tập và dành một ít số dư mang về biếu cho cha mẹ, san sẻ bớt nỗi khó khăn cho cha mẹ. Và cũng theo bạn nữ sinh trên tiết lộ thì phần đông các sinh viên Bắc miền Trung rơi vào hoàn cảnh này. Cứ tối đến, người ta dễ dàng nhận thấy một số nữ sinh viên đại học sư phạm Đà Nẵng đứng trước cổng trường, trên đường Trường Chinh, Đà Nẵng để bắt khách.

Một bạn trẻ khác chia sẻ: “Bây giờ mấy bạn sinh viên sống loạn xà ngầu lên, cũng do nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó không có tiền trang trải học tập, cha mẹ chạy vay chạy mướn để đi học, đến năm thứ ba, năm cuối mà vẫn thấy tương lai mù mịt mà tiền nợ thì thúc vào hông cha mẹ, nghe cha mẹ than phiền, họ buộc phải kiếm việc làm thêm, làm đâu cũng thiếu nợ, đủ thứ hết, thì họ đi đứng đường. Họ đáng thương lắm, có khi trước đây mà hình dung con đường vào đại học như thế, họ đã ở nhà làm nông, có chồng lại bình yên hơn!”..

Theo bạn trẻ này tiết lộ, thường thì các sinh viên ngoại trú có gốc gác từ Quảng Bình, Quảng Trị và các vùng quê hẻo lánh ở Thừa Thiên Huế chiếm số nhiều trong các cô gái đứng đường ở đại học sư phạm Đà Nẵng.

Không tìm thấy lý tưởng trong việc học?

Và không riêng gì đại học sư phạm, hầu như mọi trường đại học ở Đà Nẵng nói riêng và một số thành phố lớn nói chung đều có nhiều nữ sinh viên chọn việc bán dâm bằng nhiều hình thức để cứu quá trình học tập của họ. Và có một vấn đề khá lạ là riêng trường đại học sư phạm là trường được ưu tiên miễn học phí nhưng các nữ sinh viên lại chọn việc bán dâm nhiều nhất.

Giải thích vấn đề trên, cô bạn sinh viên này nói thêm rằng trên thực tế, tuy ngành sư phạm là ngành được ưu tiên miễn giảm học phí nhưng lại là ngành học khắc nghiệt nhất cho cả đâu vào và đầu ra. Về phần đầu vào, nghĩa là thi vào đại học sư phạm, dường như bất kì một sinh viên nào chọn ngành sư phạm đều ý thức được rằng đây là ngành có nhiều tiêu cực thuộc vào bậc nhất và tương lai của sinh viên sư phạm hầu như mịt mù. Cơ hội dành cho sinh viên sư phạm khi ra trường rất thấp, số lượng sinh viên  sư phạm thất nghiệm đang ngày một nhiều thêm.

Cac-n_-sinh-dang-lam-them-250.jpg

Sinh viên làm thêm tại một quán ăn, hình ảnh minh họa. RFA PHOTO.

Chính vì thế, muốn vào được các trường để dạy, cử nhân sư phạm phải chạy vay chạy mướn một khoản tiền lớn để mua chỗ dạy. Và có một điểm tế nhị nữa là có trên 90% sinh viên chọn ngành sư phạm đều là con nhà nghèo, vì không đủ tiền trang trải nên họ chọn ngành sư phạm để nhẹ bớt phần học phí và họ chấp nhận đánh đổi tương lai bằng khoản học phí miễn giảm này.

Một khi nhận thức được tương lai của mình, các nữ sinh viên nhà nghèo buộc phải bán mình để kiếm thêm thu nhập, dành dụm vốn liếng để khi ra trường còn có cái để bôi trơn chỗ làm, để mua một công việc ở các trường. Đó là một thực tế đau lòng của ngành sư phạm Việt Nam hiện tại mà chính bạn nữ sinh viên vừa trình bày cũng nhận ra là tương lai của mình quá mịt mù, việc kiếm con chữ ở trường sư phạm cũng chỉ mang tính chất ghi nhớ những giáo án để sau này truyền đạt, không có yếu tố sáng tạo, giả sử có sự thay đổi lớn về giáo dục, các sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ rơi vào lạc hậu ngay tức khắc.

Vào vai một khách làng chơi hạng xoàng, nghĩa là loại khách ăn bánh trả tiền và có một chút tiền típ cho các cô gái nhưng không đáng kể, chúng tôi gặp một nữ sinh tên Hoa, đương nhiên cái tên này không bao giờ thật khi các cô giới thiệu với khách. Hoa cho biết cô người Hướng Hóa, Quảng Trị, cô đang học năm thứ ba khoa lịch sử. Đối với Hoa, việc học lịch sử để dạy sau nay chỉ đơn thuần là ghi chép, thảo luận những gì mình ghi chép và học thuộc lòng để dán nó vào não rồi sau này ra dạy lại học sinh.

Đương nhiên, Hoa vẫn nhìn thấy những điểm phi lý của lịch sử nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng, vì nó phi lý hay hợp lý chăng nữa cũng không giúp cho cô thoát khỏi cồn cào bao tử và vấn đề hiện tại của Hoa là vắt óc suy nghĩ làm sao để bán dâm lâu dài mà không bị bắt, để dành dụm một ít vốn và mở một quán nhậu sau khi ra trường, đến một lúc nào đó đủ điều kiện kinh tế, Hoa sẽ dễ dàng xin vào một trường để dạy học, sống cuộc đời của một nhà giáo thanh liêm.

Cái ước mơ sống một cuộc đời nhà giáo thanh liêm sau những sóng gió và đau khổ, vùi dập của cuộc đời được thốt ra từ miệng một cô sinh viên khoa lịch sử và giấc mơ nhà giáo thanh liêm được nuôi nấng bởi những đồng tiền đau khổ, trả giá, thậm chí đôi khi trơ nhục khiến cho chúng tôi giật mình và đau buồn về tương lai đất nước!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nữ Việt kiều Mỹ bị bác đơn kiện báo Người Ðưa Tin

Nữ Việt kiều Mỹ bị bác đơn kiện báo Người Ðưa Tin
Monday, April 21, 2014

Nguoi-viet.com
HẢI DƯƠNG (NV) – Người đứng đầu Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra của công an tỉnh Hải Dương vừa ký một văn bản cho hay, đơn tố cáo của bà Phạm Thị Thanh Ngọc, Việt kiều Mỹ nhắm vào báo Người Ðưa Tin là “không có căn cứ.”

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc cũng đã ngay lập tức lên tiếng cho rằng “không phục” lập luận trên và dọa sẽ kiện báo Người Ðưa Tin đến cùng.

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc tại cuộc họp báo ở Hà Nội đầu năm 2014. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Trước đó, bà Phạm Thị Thanh Ngọc đã gửi đơn đến công an tỉnh Hải Dương yêu cầu điều tra vụ báo Người Ðưa Tin tung loạt bài gán ghép cho bà biệt danh “Kiều nữ Hải Dương.”

Bà Ngọc nói rằng báo Người Ðưa Tin đã mô tả bà là một phụ nữ cuồng dâm, đã ép một số tài xế taxi quan hệ tình dục ngoài ý muốn trong thời gian bà lưu trú tại một ngôi biệt thự ở thị trấn Hải Dương.

Ðơn của bà Phạm Thị Thanh Ngọc nói rằng vì lý do này mà bà phải bay đi bay về từ Mỹ và Việt Nam, để đòi làm sáng tỏ loạt bài báo bịa đặt, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà.

Bà Thanh Ngọc tố các phóng viên báo Người Ðưa Tin dựng chuyện giật gân bịa đặt khi nói rằng bà, trong bài báo được gọi là “kiều nữ Hải Dương,” dụ dỗ các bác tài được gọi đến tận nhà để đưa đón bà đi công việc. Thay vì lên xe, bà lại tìm cách cho họ uống thuốc kích thích, ép họ “lên giường.”

Báo Tuổi Trẻ cho biết, không chỉ đâm đơn kiện báo Người Ðưa Tin, bà Phạm Thị Thanh Ngọc còn yêu cầu Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam can thiệp để bảo vệ nhân phẩm của công dân mình.

Từ đầu năm nay, trong chuyến về nước, luật sư đại diện của bà Phạm Thị Thanh Ngọc còn trực tiếp đến tòa soạn báo Người Ðưa Tin để khiếu nại, đòi báo này phải cải chính và xin lỗi bà công khai trên báo, đồng thời bồi thường cho bà số tiền 360 triệu đồng, tương đương 18,000 đô la.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi bà Phạm Thị Thanh Ngọc mới đây, Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra của Công an tỉnh Hải Dương nói rằng, loạt bài của báo Người Ðưa Tin không hề nêu đích danh, họ tên, địa chỉ rõ ràng của nhân vật mà họ gọi là “nữ dâm tặc,” “kẻ cuồng dâm.” Vì vậy, theo công an tỉnh Hải Dương, không có căn cứ để cho rằng báo Người Ðưa Tin đăng tin xâm phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà Thanh Ngọc.

Theo báo Tuổi Trẻ, bà Thanh Ngọc cho biết, đã nhận được bản thông báo của công an tỉnh Hải Dương. Bà nói “không phục cách trả lời” của công an tỉnh Hải Dương và cho hay sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện để đưa báo Người Ðưa Tin ra tòa về tội vu khống, xuyên tạc. (PL)

 

Chương trình Obamacare vẫn còn nhiều trở ngại

Chương trình Obamacare vẫn còn nhiều trở ngại
Monday, April 21, 2014

Nguoi-viet.com
SACRAMENTO, California (AP) – Chương trình cải tổ y tế của chính phủ liên bang, mục đích cung cấp dịch vụ y tế cho hằng triệu người Mỹ không có bảo hiểm, đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

Tuần trước, Tổng Thống Barack Obama loan báo có 8 triệu người đã ghi danh theo chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, tuy nhiên vẫn còn nhiều chướng ngại khiến hằng triệu người trên toàn quốc vẫn chưa nhận được dịch vụ săn sóc y tế.

Tổng Thống Obama. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)

Có vô số lý do cho thấy tại sao nhiều người vẫn chưa có bảo hiểm sức khỏe của chính phủ.

Một số tuy đủ điều kiện để được mua bảo hiểm giá rẻ nhưng vẫn không đủ khả năng để đóng tiền hằng tháng. Có người thu nhập cao nên không được hợp lệ. Nhiều di dân sống bất hợp pháp cũng bị loại ra khỏi chương trình bảo hiểm chính phủ.

Ngoài ra, hằng chục tiểu bang vẫn chưa chịu mở rộng chương trình Medicaid. Và một số chủ nhân doanh nghiệp giảm bớt giờ làm việc của nhân viên để khỏi phải mua bảo hiểm cho họ như đòi hỏi của chính phủ.

Theo Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ, trước khi đạo luật Affordable Care Act (ACA) được áp dụng, có khoảng 48 triệu người, hay 15% dân số không có bảo hiểm y tế.

Số người mới ghi danh gần đây bao gồm người đã có bảo hiểm từ chương trình khác chuyển sang, hiện chưa rõ bao nhiêu người trước đây không có bảo hiểm nhưng nay đã được vào chương trình.

Số người tuổi trưởng thành không có bảo hiểm giảm xuống còn 15.6% trong ba tháng đầu, so với 17.1% vào cuối năm ngoái.

Các nhà vận động cho chương trình y tế nói rằng công việc của họ vẫn chưa hoàn tất. Ông Anthony Wright, giám đốc điều hành của tổ chức Health Access California nói: “California có nhiều tiến bộ trong chương trình của ACA. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm thêm nữa.” (TP)

 

Trốn trong gầm bánh phi cơ bay từ California đi Hawaii

Trốn trong gầm bánh phi cơ bay từ California đi Hawaii
Monday, April 21, 2014

Nguoi-viet.com
HONOLULU, Hawaii (AP) – Giới hữu trách cho hay một thiếu niên 16 tuổi “rất may mắn” khi sống sót và không bị thương tích gì sau khi trốn trong gầm bánh phi cơ bay từ California đến Hawaii, chịu đựng độ lạnh gay gắt ở cao độ 38,000 feet (khoảng 11,582 m) và thiếu dưỡng khí.

“Người này cũng không nhớ gì về chuyến bay,” theo lời phát ngôn viên FBI, ông Tom Simon, ở Honolulu cho báo chí hay tối Chủ Nhật. “Việc cậu ta sống sót là điều hết sức ngạc nhiên.”

Một chiếc máy bay của hãng hàng không Hawaiian Airlines. (Hình: Getty Images)

Thiếu niên bị FBI thẩm vấn sau khi tìm thấy lang thang trên phi đạo ở phi trường Maui sáng Chủ Nhật mà không có giấy tờ, theo ông Simon.

Ông Simon cũng cho hay các hình ảnh video an ninh ghi nhận được tại phi trường San Jose cho thấy thiếu niên này, sống ở Santa Clara, tiểu bang California, leo qua hàng rào để đến gần chiếc phi cơ thuộc chuyến bay Flight 45 của hãng hàng không Hawaiian Airlines vào sáng ngày Chủ Nhật.

Thiếu niên này bỏ nhà đi sau cuộc cãi cọ, phát ngôn viên Simon cho hay.

Ông nói rằng khi chiếc Boeing 767 đáp xuống Maui, thiếu niên nhảy khỏi gầm bánh phi cơ và đi lang thang trên phi đạo.

“Cậu ta bất tỉnh trong phần lớn thời gian của chuyến bay,” theo ông Simon. Chuyến bay này kéo dài khoảng 5 tiếng rưỡi đồng hồ. (V.Giang)

 

Số người chết trên phà Sewol đã hơn 100

Số người chết trên phà Sewol đã hơn 100

Thứ ba, 22 tháng 4, 2014

Thi thể các nạn nhân đang được đưa lên bờ

Số người thiệt mạng được xác nhận trong vụ lật phà ở Nam Hàn hôm 16/4 đã vượt quá con số 100, trong lúc có thêm nhiều thi thể được các thợ lặn đưa ra khỏi chiếc phà chìm.

Tổng cộng 104 người bị xác nhận là đã chết, trong khi 198 người vẫn còn mất tích và được cho là kẹt bên trong phà.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào khiến chiếc phà bị lật úp và chìm hai tiếng sau đó.

Bảy thành viên thủy thủ đoàn đã bị bắt giữ. Những người này đang bị dư luận chỉ trích dữ dội vì đã không sơ tán hành khách khi phà bị nghiêng.

Các hành khách đã được yêu cầu ở yên tại chỗ do thủy thủ đoàn bối rối không biết có nên ra lệnh cho họ rời phà hay không.

Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye hôm 21/4 đã lên án hành động của một số thành viên thủy thủ đoàn và gọi đó ‘không khác gì sát nhân’.

Robot sẵn sàng

Tổng cộng 174 người đã được giải cứu khỏi phà Sewol, vốn đang trên đường từ thành phố Incheon ở tây bắc đến đảo Jeju ở phía nam.

Có 476 hành khách ở trên tàu, trong đó có 339 học sinh và giáo viên đang trên đường đi dã ngoại.

Nhiều người trong số này đã bị kẹt bên trong phà khi nó nghiêng sang một bên và chìm sau đó.

Các thợ lặn vẫn đang lùng sục phần thân tàu bị chìm

Các thợ lặn hải quân đang lùng sục trong phà để tìm kiếm những người thiệt mạng. Thi thể các nạn nhân đang được đưa về cảng ở đảo Jindo một cách đều đặn, phóng viên BBC Jonathan Head tường thuật từ Jindo.

Mặc dù đã tiến vào được nhiều nơi trên phà lật úp, các thợ lặn vẫn đang cố gắng tiếp cận khu vực nhà hàng, nơi nhiều hành khách bị cho là còn bị mắc kẹt.

Một robot hoạt động dưới nước cũng đã được đưa đến cảng Jindo sáng 22/4 để sẵn sàng triển khai trục vớt phà lên mặt nước, cũng theo phóng viên Jonathan Head.

Giới chức cứu hộ nói họ sẽ tiếp tục cùng các thợ lặn tìm kiếm thêm hai ngày nữa, nhưng gia đình các nạn nhân đã đồng ý cho phép trục vớt phà sau đó.

Cuộc điều tra đang tập trung vào việc phà quay đầu đột ngột, vốn được cho là làm phà mất thăng bằng dẫn đến bị lật và khả năng nhiều người có thể đã được cứu sống nếu lệnh sơ tán được đưa ra kịp thời.

Thuyền trưởng Lee Joon-seok không có mặt trong phòng điều khiển vào thời điểm chiếc phà bắt đầu nghiêng.

Người cầm lái lúc đó là một tài phụ không có kinh nghiệm trên các vùng biển nhiề̉u sóng gió, phía công tố cho biết.

 

VN coi tử vong vì sởi như bị thiên tai?

VN coi tử vong vì sởi như bị thiên tai?

Nguyễn Giang

Thứ ba, 22 tháng 4, 2014

Dư luận rùng mình vì dịch sởi gây tử vong cao ở Hà Nội

Câu chuyện cả trăm trẻ em chết vì dịch sởi ở Việt Nam cho thấy một xu hướng rất đáng ngại tại quốc gia đông dân đang trên đà phát triển này: tính chịu trách nhiệm của giới chức rất yếu, gần như không có.

So với một nước như Ả Rập Saudi thì làm quan ở Việt Nam là nghề dễ hơn nhiều: quyền chức lớn, lợi ích cao nhưng tính giải trình thật thấp.

Vì cùng thời gian, Bộ trưởng Y tế của Ả Rập Saudi, nước vẫn còn theo chế độ phong kiến, đã bị cách chức chỉ vì virus Mers làm 81 người dân nước này tử vong.

Theo tin tức từ Trung Đông hôm nay 22/4/2014, chỉ vài ngày sau khi thăm các bệnh viện ở Jeddah để “trấn an dư luận” về vụ virus đường hô hấp gây chết người, Bộ trưởng Bấm Abdullah al-Rabiah đã bị nhà vua cách chức.

Cho đến nay, có 261 vụ nhiễm virus này được ghi nhận ở Vương quốc Hồi giáo gần 30 triệu dân.

Đổ tại thời tiết

Còn tại Việt Nam, báo chí đưa tin hôm 21/4 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng “đi thị sát một số bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Hà Nội”.

Bà chẩn thật đúng bệnh:

Bộ trưởng Y tế của Ả Rập Saudi bị cách chức vì dịch virus làm chết hơn 80 người dân

“Bệnh nhi dồn vào một chỗ, thời tiết miền Bắc ẩm ướt thuận lợi cho virus phát triển là hai trong số nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát mạnh.”

Nhưng sự chẩn bệnh quá đúng này nghe lại cứ như từ miệng một người ngoài cuộc, không hề liên quan gì tới nạn quá tải ở các bệnh viện vốn không phải là chuyện mới và những gì Bộ Y tế đã có thể làm những tuần qua.

Bà Tiến còn nói: “Giá mà truyền thông từ mấy tháng trước thì tốt,” theo trang VnExpress tường thuật lại câu chuyện.

Như thế, lỗi hóa ra là ở chỗ báo chí chưa đưa tin nhanh kịp để Bộ Y tế có hướng giải quyết, giãn các ca nhập viện ồ ạt vào vài bệnh viện chính ở Hà Nội.

Bộ Y tế hóa ra vô can và lỗi chính nay chỉ còn thuộc về thời tiết.

Quan chức né trách nhiệm trong ngành của mình không phải là chuyện gì mới nhưng điều đọng lại là vị đắng của câu chuyện hơn 100 trẻ em chết vì dịch sởi ở Hà Nội.

Đắng vì cả sự bất lực của nhiều người không làm gì để thay đổi cơ chế và thái độ coi mạng người không ra gì kiểu như vậy.

Thông thường, ngoài lỗi chuyên môn, quan chức ở đâu cũng còn phải chịu trách nhiệm để uy tín của ngành mình, của chính quyền bị tổn hại.

Và ở cả hai điểm này, không chỉ so với Ả Rập Saudi mà so với Trung Quốc, tính chịu trách nhiệm của quan chức Việt Nam cũng quá thấp.

Chẳng hạn Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang và Thị trưởng Bắc Kinh, Mạnh Học Nông đều bị cách chức hồi tháng 4/2003 vì “xử lý kém” các diễn biến của dịch SARS, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền.

Còn so với các nước như Anh thì ngành y tế ở Việt Nam ngay từ nền tảng đã thiếu một số tiêu chuẩn cơ bản để tăng tính chịu trách nhiệm của cả hệ thống.

Chuyện bệnh nhân chết ở đâu cũng xảy ra.

Nhưng theo những gì tôi biết ở Anh thì các vụ chết trong bệnh viện và chết sau khi xuất viện 30 ngày đều được thống kê đầy đủ, công khai.

Các ngành khác cũng có quyền giám sát ngành y tế.

Chẳng hạn như ở Anh, sau vụ bệnh nhân chết tại bệnh viên Stafford, giới chức tư pháp đã mở cuộc điều tra vì lợi ích công chúng và đã ra một loạt khuyến nghị bắt buộc hệ thống bệnh viện phải thống kê đầy đủ những vụ chết tương tự.

Các bệnh viện cũng được xếp hạng ‘rủi ro’ theo bảng mà trang Bấm BBC News đăng tải dưới ở đây.

Anh Quốc có bảng thống kê các vụ tử vong ở tất cả các bệnh viện

Việt Nam rất cần những số liệu như thế và trách nhiệm của quan chức y tế, giới bác sỹ cần được ràng buộc vào những con số cụ thể như vậy.

Ngoài ra, thân nhân người bệnh cũng cần được nói rõ rằng họ hoàn toàn có quyền kiện dân sự đòi bồi thường trong trường hợp có người nhà tử vong.

Ở Anh cũng mới trong tháng này có thêm một vụ như vậy.

Gia đình bà Bấm Sheila Acott , 67 tuổi vừa kiện ngành y tế sau vụ bà chết vì bị ngã mà không được trợ giúp kịp thời khi đang ở trong bệnh viện Maidstone, quận Kent hồi tháng 2/2013.

Bò cừu và báo chí

Cũng tại Anh, không chỉ chuyện con người mà dịch bệnh xảy ra với bò và cừu cũng tạo trách nhiệm cho chính quyền.

Hồi năm 2001, bệnh lở mồm long móng (foot and mouth disease – FMD) đã khiến chính phủ Tony Blair gặp khủng hoảng.

Về mặt chính trị, đảng Lao Động cầm quyền khi đó phải cho hoãn bầu cử toàn quốc vì nhiều vùng nông thôn Anh bị phong tỏa, và nền kinh tế bị thiệt hại hàng tỷ bảng vì 3,5 triệu đầu cừu, bò và lợn bị chết.

Nhưng về cơ chế, tổ chức, Anh Quốc cũng đã có những quyết định cụ thể, dứt khoát.

Bộ Nông nghiệp – Ngư nghiệp và Thực phẩm (Ministry of Agriculture, Fisheries and Food – MAFF) bị giải thể và chính phủ lập ra Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) để thay thế.

Nhiều nhân vật cao cấp trong ngành thú y bị cách chức và một hệ thống giám sát hoàn toàn mới được đưa vào áp dụng.

Giới y tế và đại học cho đến nay vẫn có các nghiêm cứu về chuyện chỉ liên quan đến gia súc này.

Dù ở Việt Nam, bà Bộ trưởng Y tế có vẻ trách cứ báo chí, tôi nghĩ truyền thông đã đóng vai trò tốt trong việc báo động về vụ dịch sởi ở Hà Nội.

“Vụ Hoài Đức làm mất mặt ngành y tế nhưng các quan chức cao cấp của ngành này vẫn không sao”

Thực ra chính phủ nào cũng khó chấp nhận ‘tin dữ’ nhưng nghề báo ở đâu cũng thế, người đưa tin luôn cần nhìn nhận lợi ích của công chúng cao hơn của quan chức.

Chẳng hạn như BBC hồi 2001 đã có vai trò lớn trong việc buộc chính phủ Anh vào cuộc ngăn khủng hoảng bệnh dịch lở mồm long móng.

Vào lúc nhà chức trách vẫn nghĩ số bò và cừu ‘chết chính thức’ mới chỉ có 773 ca nên chuyện chưa nghiêm trọng, phóng viên BBC Robert Hall đã bay trực thăng qua vùng nông thôn ‘tan hoang vì dịch’ và phóng sự truyền hình của anh hôm 29/3/2001 đã làm thay đổi toàn bộ cách nhìn của dân Anh và chính phủ về chuyện này.

Không có báo chí Việt Nam, người dân cũng không thể biết được vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.

Cũng chính báo chí trong nước viết rõ ra rằng vụ Bấm Hoài Đức làm ‘mất mặt ngành y tế’ nhưng các quan chức cao cấp của ngành này vẫn không sao và các bị cáo cấp thấp chỉ bị án treo hoặc cảnh cáo.

Cứ như thế, vấn đề ở Việt Nam không phải là báo chí không nói đủ, mà là vì có một hệ giá trị coi nhẹ các chuyện gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người.

Không thể để các chuyện ‘nhân tai’ được coi như thiên tai, rơi vào ai thì ráng chịu.

Nếu như quan chức y tế vẫn tiếp tục bình chân như vại, giới chức các ngành khác ở Việt Nam vẫn có thể vào cuộc như tại Anh Quốc vì sự an toàn chung của cộng đồng.

NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH

NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH

TGM Ngô Quang Kiệt

Chúa Kitô đã phục sinh.  Ðó là niềm vui của chúng ta.  Còn hơn thế nữa, đó là đức tin của chúng ta, đó là niềm hi vọng của chúng ta.  Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh của chúng ta có cơ sở vững chắc ở những bằng chứng khác nhau.

Có bằng chứng tiêu cực của các lính canh mộ.  Khi an táng Chúa Giêsu, các thượng tế đã cẩn thận xin Philatô cho đóng cửa mộ bằng một phiến đá lớn rất nặng rồi cho niêm phong và cắt cử lính canh cẩn thận.  Nhưng khi Chúa sống lại, ánh sáng rực rỡ chiếu lên chói lòa, cửa mộ bật tung, lính canh hoảng sợ chạy trốn.  Sau đó lính canh đi loan tin rằng: Trong khi chúng tôi ngủ, các môn đệ đến lấy trộm xác Chúa.  Ai cũng biết đó là tin giả.  Vì các môn đệ còn đang rất sợ hãi, trốn chạy, làm sao dám lấy trộm xác.  Thánh Augustinô đã bài bác điều này khi nói: Lính canh ngủ hay thức.  Nếu họ thức thì làm sao họ để cho các môn đệ lấy trộm xác Chúa.  Nếu họ ngủ, làm sao họ biết là các môn đệ lấy trộm xác Chúa.

Có những bằng chứng tích cực của các môn đệ.  Sáng sớm, ba người đầu tiên đã đến mộ và không thấy xác Chúa.  Bà Mađalêna hốt hoảng cho rằng người ta đã lấy mất xác Chúa.  Phêrô vào trước nhưng chưa có ý kiến gì.  Gioan vào sau.  Ông đã thấy và đã tin.  Ông thấy gì?  Ông thấy khăn che đầu và khăn liệm xếp đặt gọn gàng trong mộ.  Là người môn đệ được Chúa yêu thương ông có một trực giác đặc biệt.  Hơn nữa ông đã biết rõ thói quen của Chúa.  Nhìn khăn liệm xếp đặt gọn gàng, ông nhận ra thói quen đó.  Tuy nhiên niềm tin ban đầu còn mơ hồ.  Niềm tin chỉ chắc chắn nhờ được củng cố bằng việc trực tiếp nhìn thấy Chúa.

Sau ngày phục sinh, Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người.  Hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín.  Hiện ra với Tôma và cho ông xem các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn.  Hiện ra với hai môn đệ đi đường Emmaus.  Hiện ra trên bờ biển và chỉ dẫn cho các môn đệ đánh một mẻ cá lạ lùng.  Nhưng có lẽ cuộc hiện ra có tác động mãnh liệt nhất là với Phaolô.  Thuở ấy Phaolô còn có tên là Saolê, một người Do Thái thù ghét Chúa Giêsu, hăng say đi tìm bắt những người tin Chúa.  Ở Damas, ông bị một làn ánh sáng chói lọi chiếu vào khiến mù mắt.  Con ngựa hất ông ngã lăn xuống đất.  Và có tiếng từ trời phán bảo: “Saolê, Saolê, tại sao ngươi tìm bắt ta”.  Hoảng sợ Saolê thưa: “Thưa ngài, ngài là ai”.  Tiếng từ trời trả lời: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt”.  Từ đó Saolê tin vào Chúa Kitô Phục sinh, trở thành Phaolô, một tông đồ nhiệt thành đi loan Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.

Những kết quả của việc Chúa Phục sinh được thấy rõ ràng.  Trước hết là sự đột biến nơi các môn đệ. Ngày Chúa chịu chết, các ông là những người nhút nhát, trốn chạy, thậm chí còn phản bội, chối Chúa. Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, các ngài thay đổi một cách mãnh liệt.  Ðang nhút nhát, ẩn trốn bỗng hiên ngang xuất hiện ở chốn công khai.  Ðang phản bội, chối Chúa bỗng hăng hái ra đi làm chứng cho Chúa.  Ðang sợ hãi bỗng trở nên can đảm lạ thường.  Không những vui mừng được chịu đau khổ vì Chúa mà còn sẵn sàng chịu chết vì Chúa.  Chắc chắn các ngài đã được gặp Chúa nên con người các ngài đã biến đổi tận gốc rễ.  Chắc chắn các ngài đã gặp Chúa nên lời chứng của các ngài có sức thuyết phục.

Thật vậy, làm sao những người tín hữu đầu tiên tin vào lời chứng của các tông đồ đến nỗi sẵn sàng bỏ của cải làm của chung, sẵn sàng chịu sống chui rúc, trốn chạy cuộc bách hại của đế quốc La mã, sẵn sàng chịu chết vì đức tin của mình.  Làm sao Giáo hội có thể tồn tại 2,000 năm, qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách do những người muốn tiêu diệt đạo gây nên.  Nếu Chúa không Phục sinh, không thể giải thích được những việc đó.

Chúa Phục sinh, đó là nền tảng của đức tin.  Ðó là sự vững chắc của Giáo hội.  Và đó là chính là niềm hi vọng lớn lao của chúng ta.  Chúa phục sinh biến đổi thân phận chúng ta.  Từ thân phận phải chết sẽ được sống lại với Chúa.  Từ thân phận tội lỗi được trở nên trong sạch.  Từ cát bụi phàm trần được trở lại làm con Chúa.  Từ định mệnh mong manh phù du được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời.

Lễ Chúa Phục Sinh đem lại cho ta niềm vui lớn lao.  Vì thế mừng lễ Chúa Phục Sinh mời gọi ta biến đổi đời sống nên tươi mới cho xứng đáng với niềm tin, xứng đáng với phẩm giá của con người được Chúa yêu thương cứu chuộc.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

From: langthangchieutim & Anh chị Thụ Mai gởi

Ba lý do người Uighur tới Việt Nam

Ba lý do người Uighur tới Việt Nam

Nguyễn Hùng

BBC Tiếng Việt

Thứ hai, 21 tháng 4, 2014

Người Uighuir chờ ra tòa ở Thái Lan hồi tháng Ba năm 2014

Nhiều người Uighuir cũng bị Thái Lan kết tội nhập cảnh trái phép trong tháng Ba

Vụ việc vượt biên trái phép của người Trung Quốc qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh hôm 18/4 cuối cùng đã làm bảy người chết và nhiều người bị thương.

Một trong những lý do mà một nhà báo Việt Nam đưa ra là sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Người Uighur, hay còn gọi là Duy Ngô Nhĩ, có vẻ không hiểu những gì mà lính biên phòng Việt Nam và Trung Quốc nói với họ khi buộc họ phải trở về Trung Quốc ngay lập tức.

Sĩ quan phiên dịch của cuộc gặp, Thiếu tá Nguyễn Minh Đãi, 43 tuổi, người được điều động từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái xuống Bắc Phong Sinh đã chết cùng Thiếu úy Lê Vũ Việt, 24 tuổi trong vụ đụng độ trưa ngày 18/4.

Năm người Uighur bị chết và lý do được quan chức Quảng Ninh nói với BBC là họ nhảy từ tầng cao của đồn biên phòng xuống.

Số người còn lại được phía Việt Nam ngay lập tức trao cho phía Trung Quốc.

Những bức hình được truyền thông Việt Nam đăng tải cho thấy lính Trung Quốc mặc đồ rằn ri và mang mũ có biển ‘Công an Quảng Tây’, tỉnh giáp ranh với Quảng Ninh đã có mặt ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh để nhận bốn phụ nữ mang khăn trùm đầu cùng hai trẻ nhỏ.

Những người đàn ông hoàn toàn không xuất hiện trong các bức ảnh được đăng tải chính thức cho dù trên mạng xã hội cũng có những ảnh được cho là chụp thi thể của những người Uighur, có người nằm đè lên nhau, trên xe gia súc kéo.

Việc Việt Nam ngay lập tức trao trả người Uighur mà không qua xét xử và tìm hiểu nguyên nhân họ phải bỏ nhà mang theo trẻ nhỏ ra đi đã gây ra chỉ trích.

Công dân mạng cũng bất bình với hình ảnh các thi thể người Uighur nằm ngổn ngang.

Chính sách ‘Hán hóa’

Một đồng nghiệp của BBC tiếng Trung nói anh có nói chuyện với một người Uighur đang sống lưu vong ở London và những người Uighur hải ngoại biết rất ít về hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ sống ở tỉnh biên giới Vân Nam.

Đồng nghiệp BBC cũng nói thường mỗi khi có chuyện gì xảy ra với người Uighur ở Tân Cương, nơi có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, người Uighur hải ngoại thường lên tiếng ngay lập tức và cũng thường gắn thêm động cơ chính trị cho những gì xảy ra.

Nhưng trong trường hợp này chưa có tuyên bố gì từ hội người Uighur hải ngoại.

Mặc dù vậy anh cũng nói sau vụ tấn công bằng dao ở Côn Minh khiến gần 30 người chết và hàng trăm người bị thương hồi tháng Ba, Trung Quốc đã trục xuất người Uighur ở nhiều tỉnh về lại Tân Cương.

Phái đoàn Uighur từ Tân Cương ở Quốc hội Trung Quốc đầu tháng Ba

Trong tháng Ba cũng diễn ra vụ tấn công bằng dao của người Uighur ở Côn Minh

Ngoài Việt Nam, người Uighur cũng tới Thái Lan

Năm nay cũng là kỷ niệm năm năm vụ bạo động ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương hồi tháng Bảy năm 2009 làm hơn 200 người chết và hàng ngàn người bị thương.

Mỗi trường hợp ra đi của người Uighur đều có những lý do cá nhân.

Nhưng có ba lý do bao trùm cho mọi cuộc “bỏ phiếu bằng chân” từ khi Trung Quốc kiểm soát toàn diện Tân Cương hồi năm 1949.

Đó là: đói nghèo, phân biệt đối xử và bị đẩy ra rìa xã hội.

Chính sách ‘Hán hóa’ của Trung Quốc, với mục tiêu người Hán chiếm đa số ở mọi nơi, khiến cho số người Hán ở Tân Cương chiếm tới 40% theo thống kê từ vài năm về trước.

Trong những vụ ra đi gần đây, người ta thấy người Uighur thường kéo cả gia đình đi theo.

Riêng trong những ngày cuối tuần qua, số người Uighur vượt biên vào Việt Nam và Thái Lan đã là 51 người trong đó có năm người thiệt mạng ở Bắc Phong Sinh.

Các quan chức Việt Nam không tiết lộ gì về danh tính 21 người vượt biển vào Việt Nam mà Hà Nội nói phía Trung Quốc đã bắt giữ.

Nhưng nhóm 16 người vào Việt Nam ở Bắc Phong Sinh và nhóm 15 người bị bắt ở Sa Kaeo, Thái Lan có cả thảy bảy phụ nữ và chín trẻ em.

Báo Phnom Penh Post nói những người Uighur cảm thấy họ không thể sống nổi ở quê hương do chính sách hà khắc của chính quyền Trung Quốc.

‘Tị nạn’

Trên thực tế chuyện người Uighur vào Việt Nam để tới nước thứ ba, có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có cộng đồng lớn người Uighur, đã từng xảy ra.

Sau bạo động ở Tân Cương hồi năm 2009, một nhóm 22 người Duy Ngô Nhĩ cũng đã băng qua Việt Nam để tới Campuchia nộp đơn xin tị nạn.

Tuy nhiên Phnom Penh đã trả họ về Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh cho dù không phải là trả vội vàng qua biên giới như Việt Nam.

Ngay cả Thái Lan, nước cởi mở hơn với người tị nạn so với Việt Nam và Campuchia, hồi tháng trước cũng kết án hàng chục người Uighur xâm nhập trái phép cho dù Hoa Kỳ kêu gọi Bangkok bảo vệ những người này.

Cảnh sát bán quân sự ở Tân Cương nơi gần như năm nào cũng có bất ổn

Cách hành xử của Việt Nam, dù nay đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, là điều khó tránh khỏi.

Sức ép của Trung Quốc với Việt Nam, cả về chính trị, thương mại và quân sự, luôn hiện hữu.

Người ta cũng đã đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc thông báo cho phía Việt Nam về cả hai vụ người Uighur toan vượt biên vào Quảng Ninh nhưng vì lý do nào đó bản thân phía Trung Quốc lại không thể chặn được những người này rời Trung Quốc.

“…Nếu Trung Quốc gặp vấn đề với người Hồi giáo Tân Cương và phật tử ở Tây Tạng thì Việt Nam cũng từng có vấn đề với người Thượng ở Tây Nguyên và người H’Mong ở Mường Nhé, Điện Biên. “

Và nếu Trung Quốc gặp vấn đề với người Hồi giáo Tân Cương và Phật tử ở Tây Tạng thì Việt Nam cũng từng có vấn đề với người Thượng ở Tây Nguyên và người H’Mong ở Mường Nhé, Điện Biên.

Những người Thượng và người H’Mong cũng từng vượt biên qua Lào, Campuchia để tới Thái Lan với hy vọng được đi tỵ nạn và thực tế rất nhiều người đã tới được Hoa Kỳ.

Hiện chưa rõ động cơ cá nhân của nhóm hơn 50 người Uighur mới nhất bỏ nước ra đi và một luật sư ở Việt Nam nói đáng ra Hà Nội cần điều tra rõ ràng vụ việc trước khi có quyết định trao trả những người Duy Ngô Nhĩ muốn vào Việt Nam.

Khi bạo động Tân Cương xảy ra hồi năm 2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã coi những gì xảy ra là “hành động diệt chủng” cho dù Bắc Kinh nói hầu hết trong số 200 người chết ở Urumqi là người Hán.

Với đợt bỏ trốn mới nhất này, Trung Quốc không công khai lý do tại sao người Uighur phải ra đi và những lời kêu gọi những nước như Việt Nam điều tra không phải không có lý.

Nhưng thực hiện theo những lời kêu gọi đó lại bất khả thi với chính sách hiện nay của Việt Nam về nhân quyền và cách tiếp cận ngoại giao hiện có của Hà Nội đối với Bắc Kinh.

 

NẺO ĐƯỜNG TÌM CHÚA PHỤC SINH

NẺO ĐƯỜNG TÌM CHÚA PHỤC SINH

Hôm nay Lễ Phục Sinh, bài Tin Mừng của Thánh sử Gioan, chỉ có 9 câu ngắn ngủi, nhưng gói ghém thật cô đọng hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh của ba người: Bà Maria Mácđala, ông Phêrô và Gioan, Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến.

Nẻo đường của ông Phêrô

Ông Phêrô sau khi chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, đã kịp thời ăn năn khóc lóc thảm thiết, ngay khi gặp cái nhìn đầy yêu thương trìu mến và thương xót của Chúa Giêsu (Lc 22, 61). Ông vẫn theo Chúa xa xa.  Vẫn nhận thức vai trò Đá Tảng mà Chúa Giêsu trao phó.  Vẫn hăng hái và nhiệt thành.  Nên nghe bà Mácđala báo tin ngôi mộ trống, bèn cùng ông Gioan, chạy đến ngay.

Sự mau mắn của ông biểu lộ lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm cao độ.  Ông vẫn hăng hái hành động, như từng rút kiếm, tấn công quân dữ đến bắt Chúa Giêsu, nhưng lóng ngóng, chỉ dám chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế. Đáng tiếc thay, ông Phêrô đã mất thói quen cầu nguyện, nên thay thế vào đó cách xử dụng hung bạo, làm mất cơ trí đi, và lòng nhiết thành của ông trở thành một thứ hăng say trái mùa (ĐGM Fulton Sheen).

Thậm chí, sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra an ủi, chúc bình an, thổi hơi, ban Đức Chúa Thánh Thần, ông vẫn chưa mấy biến chuyển.  Vẫn vô tư rủ bạn chài đi đánh cá.  Nhọc nhằn thâu đêm chẳng được gì, thì tảng sáng Chúa hiện đến, chỉ các ông thả lưới  bên phải mạn thuyền.  Tức thời trúng thật đậm.  Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến mới nhắc ông: “Chúa đó!” (Ga, 21, 7) Ông Phêrô chỉ biến đổi hoàn toàn, sau ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi đã được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần.

Hành trình tìm Chúa Phục Sinh thật gian nan với ông Phêrô, tuy ông cũng được thấy Chúa hiện ra, nhưng đúng hơn là Chúa chủ động tìm đến với ông, thay vì ngược lại.  Những tấm khăn liệm, băng vải, khăn che đầu đã che khuất tầm nhìn của ông, những hoạt động hăng say quá bận rộn bên ngoài, đã khuấy động tâm hồn ông, vốn rất ngay lành, đâm ra u mê, tăm tối.

Như thế, nếu tôi cũng chỉ nhiệt thành giữ đạo theo thói quen, chỉ hành động xuông như tập quán, kinh sách đọc rổn rảng, vô hồi kỳ trận, mà thiếu mất tâm tình cầu nguyện sốt sắng, mật thiết, và còn thiếu lòng ăn năn thống hối như Phêrô, thiếu ý chí và cố gắng nên tốt lành hơn.  Bởi vì những thứ trên chỉ là phương tiện giúp nên thánh, mà phải có ý chí sửa đổi thì ân sủng Chúa mới hoạt động, ân sủng Chúa chỉ sinh hoa trái, khi có sự hợp tác của linh hồn mà thôi.  Hơn nữa, tôi còn thiếu cả Thánh Thể, Của Ăn Đi Đàng, lẫn thiếu Lời Chúa dẫn dắt, làm sao tìm và gặp được Chúa Sống Lại trong tôi?

Nẻo đường của ông Gioan

Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến trái lại, trẻ trung, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chạy đến ngôi mộ trống trước ông Phêrô.  Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào (Ga 20, 5).   Ông Gioan được cho là chàng thanh niên đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt (Mc 14, 51).  Nhưng sau đó, vẫn can đảm theo Chúa vào dinh cựu thượng tế Khanan, rồi còn giúp đỡ ông Phêrô lọt vào bên trong (Ga 18, 16).  Cho đến khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ông Gioan cũng đứng dưới chân thánh giá cùng với Đức Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlopat, và bà Maria Mácđala.

Tuy đến ngôi mộ trước, ông chỉ cúi xuống, nhìn thấy băng vải trong đó, không vào ngay, mà nhẫn nại chờ đợi đại huynh Phêrô đến.  Có nhiều cách giải thích sự chờ đợi này.  Có thể vì kính trọng quyền huynh thế phụ, không dám vô lễ qua mặt ông Phêrô, bậc đàn anh?  Có thể còn nghi ngại sợ hãi, nhát đảm, sợ bóng vía chăng?  Hoặc là sợ đụng chạm vào khăn liệm, băng vải lỗi phạm lề luật chăng?

Nhưng chắc chắn là ông Gioan đã theo cùng ông Phêrô vào mộ. “Thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi…  Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 7- 8).

Khi nhìn thấy băng vải và khăn che đầu xếp lại gọn ghẽ, tươm tất, đâu đó, cách xa nhau, ông Gioan có lẽ liên tưởng ngay đến thói ngăn nắp thứ tự thường nhật của Đức Giêsu, mà trước đây ông vẫn thường chứng kiến và đã quá quen thuộc.  Ông liền nhận ra dấu chỉ kín đáo đó và đã mạnh dạn tin tưởng Chúa Phục Sinh.

Tuy chưa được gặp Chúa sống lại, nhưng lòng trung thành, tâm hồn tỉnh thức, nhạy bén, đã giúp hành trình ông gặp Chúa Phục Sinh đạt kết quả mỹ mãn.  Ông đã gặp được Chúa ngay trong tâm hồn, mặc dù ông cũng chưa hiểu lời Kinh Thánh đã tiên báo mầu nhiệm này.

Ngày nay, Chúa vẫn ban phát rộng rãi những dấu chỉ, để nhận ra, và hiểu được Thánh Ý Chúa.  Nhưng tôi có biết mở mắt, mở tai, mở lòng ra dón nhận hay không?  Hay chỉ biết chạy theo dư luận, chạy theo những thông tin, những điềm báo kỳ dị, quái gở, ma thuật, có thể đe dọa, lấn át, khuynh đảo đức tin của tôi, vốn đang rất mong manh, yếu đuối?

Nẻo đường của bà Maria Mácđala

Bà Maria Mácđala đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ dữ (Lc 8, 3).  Sau đó bà theo Chúa Giêsu và dùng tiền của giúp Ngài, cũng như các môn đệ đi truyền giáo.  Bà đã âm thầm, can đảm đi theo Chúa suốt cuộc khổ nạn.  Bà cũng hiện diện dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và bà Maria, vợ ông Cơlopat, cùng ông Gioan, để chia sẻ nỗi đau khổ tận cùng Chúa Giêsu (Ga 19, 25).  Bà Mácđala cũng tham dự mai táng Chúa Giêsu trong huyệt mộ (Lc 24, 55).

Vào ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối, bà đã vội chạy ra mộ Đức Giêsu để xức dầu thơm trên thi thể Ngài.  Nhưng phát hiện ngôi mộ trống, tảng đá chắn mộ đã lăn ra.  Bà hốt hoảng, tức tốc về báo tin ngay cho các môn đệ, ông Phêrô và Gioan.

Thoạt tiên, tưởng chừng tảng đá chặn ngôi mộ đã cản trở bà Mácđala tìm thấy Chúa Phục Sinh.  Nhưng không, bà đã kiên trì đi trở lại ngôi mộ trống lần nữa để nhớ nhung, tiếc thương và than thở khóc lóc. Bà đã cầu nguyện theo cách riêng cũa bà, biểu lộ công khai lòng yêu mến Chúa tột cùng.  Thậm chí bà cũng chẳng để ý hai thiên sứ đột nhiên xuất hiện.  Bà quay lại thấy Chúa Phục Sinh, lại tưởng người làm vườn.  Nhưng khi nghe Chúa thân thương gọi: “Maria!” bà liền nhận ra ngay Chúa Giêsu đã sống lại (Ga 20, 16).

Bà Mácđala được Chúa ủy thác loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ, để các ông đi rao truyền khắp thế gian “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là của Cha của anh em. Lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).

Bà Mácđala đắm mình vào cầu nguyện, tâm tình với Chúa Giêsu, không còn bận tâm đến môi trường chung quanh, không chia lòng chia trí, dù các thiên thần tận tình hỏi han.  Chính nhờ sự chuyên tâm và khát khao Chúa tột độ, bà là người đầu tiên so với các tông đồ, được diễm phúc thấy Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển. Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh của bà Macđala rất thực tiễn, viên mãn và hiệu quả nhất, so với hai nẻo đường vòng vo kia.

Người hy vọng là người cầu nguyện.  Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng.  Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa.  Ngài tìm họ đề hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài (Đường Hy Vọng, 964).

Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm kiếm Chúa mọi nơi, mọi lúc, qua những lời cầu nguyện chân thành, để con được sống lại với Ngài.  Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trong mầu nhiệm khổ nạn, xin Mẹ dẫn dắt, chỉ bảo và cầu bầu cho con, cảm nhận được Chúa Sống Lại trong tâm hồn, để con được cứu rỗi, đồng thời trở nên Chứng Nhân, phục vụ mọi người. Amen.

AM Trần Bình An

langthangchieutim & Anh chị Thụ Mai gởi

 

 

Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng?

Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng?

LS Nguyễn Văn Đài

Gửi tới BBC từ Hà Nội

Thứ hai, 29 tháng 4, 2013

Người vui, người buồn trong dịp 30/4

Mỗi dịp 30-4 hàng năm, tôi lại nhận được câu hỏi của những người đồng bào Việt Nam ở hải ngoại là “anh nghĩ và có cảm xúc gì khi sắp tới ngày 30-4?”. Tôi lại có dịp kể cho họ nghe về suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Từ nhỏ cho đến năm mười chín tuổi, mỗi dịp 30-4 tôi thực sự vui mừng và tự hào bởi đó là ngày chiến thắng và thống nhất của đất nước. Việt Nam đã chiến thắng cường quốc số một thế giới về quân sự và kinh tế.

Cuối năm 1989, tôi có cơ hội được sang CHDC Đức (cũ) và được chứng kiến người dân Đông Đức lật đổ chế độ cộng sản để thống nhất với chế độ tư bản, dân chủ ở Tây Đức. Tôi lại có dịp may mắn được sang Tây Berlin để xem cuộc sống sung túc và tự do của chế độ tư bản, dân chủ. Và tôi hiểu tại sao người dân Đông Đức đã không cam chịu sống dưới sự cai trị độc đoán, phi lý, lạc hậu của chế độ cộng sản.

Cùng thời điểm đó, tất cả người dân các nước Đông Âu đã vùng lên đập tan sự cai trị của các chế độ cộng sản. Và họ đã xây dựng lại từ đầu chế độ tư bản, dân chủ. Cho đến nay, tất cả các nước Đông Âu, người dân đều có cuộc sống sung túc và hạnh phúc trong một chế độ chính trị tự do và dân chủ mà không có sự cai trị của chế độ cộng sản.

Hoài nghi, nuối tiếc

Cuối năm 1990, tôi trở lại Việt Nam, kể từ đó cứ mỗi dịp 30-4, tôi không còn cảm xúc vui mừng, mà thay vào đó là sự hoài nghi và nuối tiếc.

“Nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.”

Năm 2001 và 2003, tôi có dịp được sang thăm Hàn Quốc và thấy đó là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Ở đó không bao giờ có sự hiện diện và tồn tại của đảng cộng sản. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ cộng sản. Mỗi năm có cả trăm ngàn người chết đói mặc dù họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Tôi cảm thấy buồn và nối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Nhìn lại Việt Nam chúng ta, sau ngày 30-4-1975, trong chế độ quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhân dân phải chịu đói khổ, lầm than. Khi tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế có phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, đủ ăn, đủ mặc, có được phương tiện sinh hoạt và đi lại hiện đại. Nhưng tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của dân tộc. Sự suy thoái đạo đức và lối sống diễn ra một cách toàn diện, trên mọi phương diện của đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, ngành tư pháp, cơ quan hành chính,… và trên mọi cấp độ từ trung ương đến địa phương.

Nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh doanh nghiệp, quan chức chính quyền, các lực lượng vũ trang và xã hội đen hợp sức với nhau để cưỡng chế người nông dân lấy đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất của họ là ruộng đất. Biết bao người dân vô tội khi bước vào đồn công an thì khỏe mạnh, nhưng chỉ ít giờ sau, họ chỉ còn là một cái xác không hồn. Và còn biết bao nhiêu những người dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ đã bị sách nhiễu, đánh đập, và bị cầm tù. Thật sự đau lòng và xót xa.

Giờ đây, mọi người lại hỏi tôi “anh nghĩ và có cảm xúc như thế nào về ngày 30-4?”

Tôi trả lời: Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.

Hà Nội muốn tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Mỹ-Việt

Hà Nội muốn tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Mỹ-Việt

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng.

21.04.2014

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan lập pháp hai nước Việt-Mỹ nên tăng cường trao đổi-hợp tác để Mỹ sớm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Đề nghị được ông Hùng đưa ra tại buổi tiếp đón Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, Patrick Leahy, tại Hà Nội hôm 17/4 nhân dịp phái đoàn nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ tới thăm Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 20 tháng này.

Truyền thông trong nước ngày 21/4 dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói rằng Quốc hội Việt-Mỹ nên tăng cường trao đổi các phái đoàn, tìm cơ chế đối thoại thích hợp, chia sẻ thông tin, và trao đổi kinh nghiệm.

Ông Hùng đề nghị hai nước bắt tay cùng làm việc trong các các cuộc thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP để đảm bảo các thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả đôi bên, tránh những điều có thể ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế-thương mại song phương.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội Mỹ dành ngân sách thỏa đáng để giải quyết các vấn đề nhân đạo tại Việt Nam.

Tờ Thanh Niên thuật lại lời Thượng nghị sĩ Leahy cho biết Hoa Kỳ đang tìm các cơ hội tăng cường quan hệ giữa hai nước cũng như quan hệ giữa Quốc hội đôi bên.

Trong các cuộc tiếp xúc dịp này, lãnh đạo Việt Nam khẳng định Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ ở các cấp cũng như thúc đẩy Hoa Kỳ giảm các hàng rào thuế với hàng hóa Việt Nam, sớm đúc kết các cuộc đàm phán TPP.

Hoa Kỳ và Việt Nam đang tham gia các cuộc thương lượng giữa 12 quốc gia về Hiệp định TPP do Mỹ dẫn đầu.

Hà Nội muốn Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam vào TPP giữa lúc xuất hiện các lời kêu gọi từ các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ yêu cầu đặt nặng vấn đề quyền của người lao động, cải thiện nhân quyền, và phóng thích tù nhân lương tâm trong các cuộc thương lượng với Việt Nam.

Trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ, Hà Nội, trong một đợt ‘ân xá’ tù nhân lương tâm hiếm thấy, đã trả tự do trước thời hạn cho 5 nhà đấu tranh dân chủ bao gồm các ông Đinh Đăng Định, Vi Đức Hồi, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tiến Trung, và tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.

Nguồn: ThanhNien, Vietnam Briefing