ĐTC Phanxicô đã khóc vì ngày nay vẫn còn nhiều Kitô phải tử đạo

ĐTC Phanxicô đã khóc vì ngày nay vẫn còn nhiều Kitô phải tử đạo

VRNs (04.05.2014) – Sài Gòn – Vaticaninsider cho biết, trong bài giảng thường nhật hôm 2 tháng Năm vừa qua tại nhà nguyện thánh Martha, ĐTC Phanxicô nói rằng ngài đã khóc khi xem những tin tức gần đây về việc các Kitô hữu bị đóng đinh. Ngài cho biết thêm trong bài giảng, “Ngày nay vẫn còn nhiều người phải thiệt mạng và chịu bắt bớ trong danh của Thiên Chúa.” Hiện vẫn còn quá nhiều “người kiểm soát lương tâm.” “Ở một số nước, có người vẫn phải đi tù chỉ vì sở hữu một quyển một Tin Mừng hay đeo thánh giá”

140503003

Trong những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông đã lan truyền hình ảnh của hai cá nhân bị treo trên một giá bằng gỗ mà theo cáo buộc là ở Syria. Danh tính và tôn giáo của những người trong hình chưa được xác nhận, và cũng chưa thể xác nhận họ đã thực sự thiệt mạng do bị đóng đinh hay chưa. Một số hình ảnh dường cho thấy, họ bị bắn vào đầu và sau đó bị treo trên thập giá.

Suy niệm dựa trên bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều, cũng như bài đọc từ sách Công Vụ Tông Đồ trình bày việc các môn đệ của Chúa Kitô bị đánh đập bởi Thượng Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin), ĐTC Phanxicô đã đề xuất ba hình ảnh biểu tượng.

“Đầu tiên là ‘tình yêu của Chúa Giêsu’ dành cho con người, sự chú ý ngài đến những vấn đề của dân chúng.” ĐTC nói rằng, Thiên Chúa không quan tâm đến việc có bao nhiêu người theo ngài, ngài sẽ “không bao giờ nghĩ đến việc thực hiện một cuộc điều tra dân số” để xem “Giáo Hội đã phát triển hay chưa… không ! Ngài nói năng, giảng dạy, yêu thương, đông hành, và đi trên đường cùng với con người, hiền lành và khiêm nhường.” Ngài nói năng có uy quyền, có nghĩa là ngài nói với “sức mạnh của tình yêu.”

ĐTC Phanxicô nói tiếp: “Hình ảnh biểu tượng thứ hai là sự ‘ghen tị’ của các các nhà chức trách tôn giáo thời bấy giờ: Họ không thể chịu đựng được thực tế rằng dân chúng đang đi theo Chúa Giêsu. Họ không thể chịu đựng được và họ ghen tị. Đây là một thái độ thực sự xấu. Ghen tị và đố kỵ, và chúng ta biết rằng cha đẻ của sự ‘đố kỵ’ là ‘ma quỷ’. Thông qua sự đố kỵ, sự dữ đã bước vào thế gian. Những người này biết Chúa Giêsu: họ biết ! Cũng chính những người này đã trả tiền cho các lính canh để nói rằng: các môn đệ đã đến trộm xác của Chúa Kitô!”

“Họ đã trả tiền để bịt miệng sự thật,” ĐTC nhấn mạnh,”con người đôi khi có thể trở nên rất xấu xa! Bởi vì khi chúng ta trả tiền để che giấu sự thật, chúng ta [đã phạm] một điều ác rất lớn. Và đó là lý do tại sao dân chúng biết họ. Dân chúng sẽ không theo họ, nhưng dân chúng chịu đựng họ vì họ có quyền lực, thẩm quyền tôn giáo, thẩm quyền trên kỷ luật của giáo hội tại thời điểm đó, thẩm quyền trên người dân … và dân chúng theo họ. Chúa Giêsu đã từng nói rằng, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Những người này không thể chịu đựng được sự hiền lành của Chúa Giêsu, họ không thể chịu đựng được sự hiền lành của Tin Mừng, họ không thể chịu đựng được tình yêu. Và họ trả giá đắt cho sự ghen tị, sự căm thù.”

“Trong cuộc họp của Thượng Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin), có một ‘người đàn ông khôn ngoan’ đó là Gamaliel, người đã yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo phóng thích các tông đồ.” Do đó, ĐTC khẳng định, “có hai biểu tượng: Chúa Giêsu, Đấng đã xúc động khi thấy dân chúng như bầy chiên ‘không người chăn dắt’ và các nhà chức trách tôn giáo. Những người này, với thủ đoạn chính trị và thủ đoạn tôn giáo, họ tiếp tục thống trị dân chúng… Và như vậy họ cho điệu các tông đồ ra, sau khi người đàn ông khôn ngoan lên tiếng, để đánh đập và ra lệnh cho các tông đồ không nói về danh của Chúa Giêsu. Sau đó, họ phóng thích các tông đồ. ‘Chúng ta phải làm điều gì đó, chúng ta sẽ đánh đập chúng thật mạnh tay và thả chúng về! Thật bất công ! Nhưng họ đã làm điều đó. Họ là những người kiểm soát lương tâm [cảnh sát của tư tưởng], và cảm thấy họ có quyền làm như thế. Những người kiểm soát lương tâm … Thậm chí ngày nay trên thế giới, có rầt nhiều người như thế.”

ĐTC Phanxicô sau đó thú nhận: “Tôi đã khóc khi biết tin tức về việc các Kitô hữu bị đóng đinh tại một quốc gia không phải Kitô giáo. Ngày nay vẫn còn nhiều người bị giết và bị bắt bớ trong danh của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn thấy nhiều người như các tông đồ, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.”

Hình ảnh “biểu tượng thứ ba hôm nay là Niềm vui nhân chứng.”

ĐTC Phanxicô kết luận bài giảng bằng cách tổng hợp ba biểu tượng. Ngài nói: “biểu tượng đầu tiên: Chúa Giêsu với dân chúng, tình yêu của ngài, con đường mà ngài đã dạy chúng ta, cái mà chúng ta nên đi theo. Biểu tượng thứ hai: sự đạo đức giả của những vị lãnh đạo tôn giáo, họ giam giữ dân chúng với rất nhiều điều răn, với sự vô cảm, đồng thời họ còn là những người trả tiền để che giấu sự thật. Biểu tượng thứ ba: niềm vui của các vị tử đạo Kitô giáo, niềm vui của rất nhiều anh chị em của chúng ta đã cảm nghiệm được theo dòng lịch sử, niềm vui bởi họ được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Kitô. Và hôm nay vẫn còn rất nhiều người như thế! Chỉ cần nghĩ đến một số quốc gia, anh chị em có thể vào tù vì chỉ mang theo một quyển Tin Mừng. Hoặc là anh chị em sẽ bị phạt chỉ vỉ đeo thánh giá. Ba biểu tượng: chúng ta hãy nhìn vào chúng. Đó là một phần của lịch sử cứu độ của chúng ta.”

Pv. VRNs

 

Caritas Nigeria cảnh báo nguy cơ đất nước bị chia rẽ bởi nước ngoài

Caritas Nigeria cảnh báo nguy cơ đất nước bị chia rẽ bởi nước ngoài

Chuacuuthe.com

140503002

VRNs (04.05.2014) – Sài Gòn – Hãng thông tấn Fides cho biết, đã có ít nhất 19 người thiệt mạng và 80 người bị thương. Đây là số thương vong tạm thời trong vụ đánh bom diễn ra hôm 1 tháng Năm, tại nhà ga Nyanya, ở thủ đô Abuja của Nigeria. Vụ nổ xảy ra cách 50 mét từ địa điểm của một vụ nổ trước đó, diễn ra ngày 14 tháng 4, gây ra cái chết của 75 người.

Hành động khủng bố trên được qui cho giáo phái Hồi giáo Boko Haram thực hiện. Nhóm này hiện đang giam giữ hơn 100 nữ sinh bị bắt cóc vào giữa tháng Tư, tại một trường trung học ở Chibok, thuộc bang Borno ở phía bắc Nigeria. Theo báo chí Nigeria, một số nữ sinh đã được đưa đến Cameroon và Cộng Hòa Chad, nơi họ bị bán trong các hợp đồng hôn nhân để đổi lấy một khoản tiền.

Tình trạng bạo lực mà Boko Haram đang tạo ra một cuộc tranh cãi nóng bỏng ở Nigeria, đến mức mà những lực lượng chính trị khác nhau đã buộc tội lẫn nhau trong việc khai thác hoặc thậm chí hỗ trợ cho các hoạt động của nhóm khủng bố. Tổ chức Caritas Nigeria cũng chỉ trích mạnh mẽ thái độ đó trong một tuyên bố.

Ngoài ra, Caritas còn kêu gọi chính phủ nên xem xét nguyên nhân gốc rễ của sự phục hồi các cuộc nổi dậy và lưu ý rằng, việc cho rằng Boko Haram chỉ nhận được tài trợ bởi các chính trị gia liều lĩnh muốn tiếp quản quyền lực là chưa đủ thuyết phục. “Mức độ tinh vi, việc tập hợp vũ khí, sự hỗ trợ hậu cần cho thấy nguồn tài chính là không nhỏ, thêm vào đó là quy mô của những chiến dịch. [Những việc này] vượt quá khả năng của các thực thể [chính trị] địa phương”.

Tuyên bố tiếp tục, chính phủ Nigeria cũng nên xem xét các suy đoán cho rằng, một số quốc gia nước ngoài không hài lòng với tiềm lực của Nigeria và đang có ý định chia cắt quốc gia này bằng cách lợi dụng cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2015.”

Pv. VRNs

 

Kiev tiếp tục tấn công để giành lại quyền kiểm soát miền Đông Ukraina

Kiev tiếp tục tấn công để giành lại quyền kiểm soát miền Đông Ukraina

Chốt kiểm soát Slaviansk : Kiev dồn lực lượng để giành lại miền Đông Ukraina - REUTERS /Baz Ratner

Chốt kiểm soát Slaviansk : Kiev dồn lực lượng để giành lại miền Đông Ukraina – REUTERS /Baz Ratner

Thanh Phương

Hôm nay, 04/05/2014, chính quyền Kiev tiếp tục các cuộc tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát miền Đông Ukraina, hiện đang nằm trong tay phiến quân thân Nga, cho thấy là tình hình vẫn căng thẳng cho dù hôm qua, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu bị phe ly khai cầm giữ từ nhiều ngày qua đã được trả tự do.

Về phía phe thân Nga cũng ra lệnh tổng động viên để đối đầu với quân đội chính phủ Kiev. Từ Donetsk, miền Đông Ukraina, thông tín viên RFI Daniel Vallot gởi về bài tường trình :

« Rõ ràng là phe thân Nga từ hôm qua quyết tâm tạo ra thêm những điểm căng thẳng ở toàn bộ vùng này. Chẳng hạn như tại Lougansk, họ đã tấn công vào một đơn vị quân đội và vào một điểm tuyển quân. Theo bộ Nội vụ Ukraina, hai binh lính đã bị thương trong cuộc tấn công này.

Tại Donetsk, những người biểu tình thân Nga đã chiếm giữ trụ sở cơ quan an ninh Ukraina địa phương. Các vụ nổ súng và xung đột cũng đã diễn ra ở Mariupol và Konstantinovska.

Các lãnh đạo phe thân Nga ở Donetsk đã nói rõ đây chính là chiến lược mà họ vạch ra và họ cũng đã kêu gọi tổng động viên những người tình nguyện. Những người này sẽ được huấn luyện và trang bị vũ khí.

Hai mục tiêu của phe phiến loạn thân Nga là thứ nhất, chứng tỏ họ vẫn huy động lực lượng cho dù chính quyền Kiev tiếp tục tấn công và thứ hai, mở ra các mặt trận mới ở miền Đông nhằm ngăn cản quân đội Ukraina tập trung mọi lực lượng vào hai thành phố Sloviansk và Kramatorsk. »

 

Blogger Điếu Cày được đề cử nhận giải nhân quyền Vaclav Havel

Blogger Điếu Cày được đề cử nhận giải nhân quyền Vaclav Havel

Blogger Điếu cày (G) từng biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh tư liệu (Nguồn rsf.org)

Blogger Điếu cày (G) từng biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh tư liệu (Nguồn rsf.org)

Thụy My

Blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải hiện đang thụ án 12 năm tù giam về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Ngày 01/05/2014, ông đã được đề cử tặng thưởng giải Vaclav Havel. Trong khi đó thân nhân ông Nguyễn Văn Hải hôm nay 03/05/2014 cho biết, ông đang bị bệnh tật đe dọa nặng nề mà không được chữa trị trong nhà tù.

Giải Vaclav Havel là giải thưởng của Hội nghị các Nghị viện Hội đồng châu Âu dành cho các hoạt động kiệt xuất của xã hội dân sự trong việc bảo vệ nhân quyền tại châu Âu cũng như các châu lục khác, được đặt ra từ năm 2013.

Năm nay trong số những người được đề cử có ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, một tù nhân lương tâm đã bị lãnh án 12 năm tù giam vào tháng 9/2012 vì tội danh tuyên truyền chống Nhà nước. Tháng 3/2013, ông đã tuyệt thực đến một tháng để phản đối điều kiện giam giữ.

Trong số các cá nhân và tổ chức đứng ra đề cử ông Nguyễn Văn Hải, có sáu cựu thành viên nhóm Hiến chương 77 của Cộng hòa Séc, và bảy tổ chức của người Việt trong và ngoài nước. Đó là nhóm Văn Lang ở Praha với tôn chỉ « Vì một xã hội dân sự », nhóm Đàn Chim Việt ở Ba Lan, và các tổ chức tại Việt Nam là Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hội Tù nhân Lương tâm Việt Nam, Mạng lưới Blogger Việt Nam, nhóm No-U FC và Nhà xuất bản Giấy Vụn.

Trả lời RFI Việt ngữ, anh Nguyễn Trí Dũng, con ông Nguyễn Văn Hải cho biết :

Nguyễn Trí Dũng tại Việt Nam

 

03/05/2014
by Thụy My

 

Nghe (03:01)

 

 

 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á đến Hà Nội vào tuần tới

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á đến Hà Nội vào tuần tới

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)

Trọng Nghĩa

Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua 02/05/2014 thông báo : Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ ghé Hà Nội trong hai ngày 07-08/05. Mục tiêu được loan báo là tham gia cuộc họp của cơ chế Đối thoại Mỹ-Việt vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được hai bên thảo luận.

Trong bản thông cáo báo chí ngắn gọn về chuyến công du Việt Nam của ông Russel, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm là Trợ lý Ngoại trưởng sẽ tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, đồng thời giao lưu với các cựu sinh viên từng tham gia các chương trình trao đổi cấp chính phủ.

Theo giới quan sát, chuyến công du Việt Nam của người trực tiếp nắm hồ sơ Đông Nam Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ ít lâu sau khi đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm hai nước Đông Nam Á khác là Malaysia và Philippines.

Điều này phản ánh mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo 10 quốc gia trong khối ASEAN chuẩn bị họp Hội nghị Thượng đỉnh tại Miến Điện trong hai ngày 10-11/05.

Trong thời gian qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á – Thái Bình Dương đã không ngần ngại có những lời lẽ rất cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu bật một số hành vi sách nhiễu của Trung Quốc nhắm vào Philippines chẳng hạn, đặc biệt là tại hai bãi ngầm đang tranh chấp là Scarborough và Second Thomas ngoài Biển Đông.

Ví dụ cụ thể nhất là bản điều trần của ông Daniel Russel trước Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 05/02 vừa qua, trong đó ông đã cảnh cáo Trung Quốc về những yêu sách lãnh thổ đáng quan ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Về Biển Đông, ông Russel là một nhà ngoại giao Mỹ hiếm hoi công khai phê phán tính chất không phù hợp với luật pháp quốc tế của tấm bản đồ « Chín đường gián đoạn » mà Trung Quốc sử dụng để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Ông cũng đã chỉ trích các quy định mới đây của Trung Quốc về đánh đánh bắt cá trên một phần Biển Đông, và cảnh cáo Bắc Kinh về ý đồ muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông.

30-4: Để tang, ăn mừng, hay cơ hội để hòa hợp hòa giải?

30-4: Để tang, ăn mừng, hay cơ hội để hòa hợp hòa giải?

Hoài Hương-VOA

02.05.2014

Ngày 30 tháng Tư là một dấu mốc lịch sử đối với người Việt Nam, cả ở trong lẫn ở ngoài nước. Tại Việt Nam, ngày này thường được đánh dấu với những lễ mừng chiến thắng, nhưng ở hải ngoại, các cộng đồng người Việt khắp nơi tụ tập để đánh dấu Ngày Quốc Hận, biến cố đau thương khi Sài Gòn sụp đổ đưa đến sự cáo chung của chính phủ Việt nam Cộng hòa. Năm nay, các lễ lạc ấy dường như đượm thêm một số sắc thái phức tạp hơn.

“Ngày một triệu người vui, một triệu người buồn”, theo lời cố Thủ Tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một tiếng nói lạc lõng đi trước thời đại, chủ trương cải cách hướng tới hòa hợp hòa giải. Năm nay, lại có thêm hai quan chức Việt Nam khác lên tiếng theo cách riêng của họ, tỏ thái độ hòa hoãn hơn nhân cơ hội ngày 30 tháng Tư.

Một bà mẹ và ba người con miền Nam Việt Nam chạy khỏi Việt Nam trên một chiếc tàu của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, 29/4/1975 (Ảnh tư liệu.)

Một bà mẹ và ba người con miền Nam Việt Nam chạy khỏi Việt Nam trên một chiếc tàu của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, 29/4/1975 (Ảnh tư liệu.)

Quan chức thứ nhất là Thứ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, cách đây vài ngày ông Sơn đã đưa ra những phát biểu tỏ ý muốn “xóa hố sâu thù hận” giữa hai bên, và lần đầu tiên nói tới những người bỏ nước ra đi là “những nạn nhân chiến tranh”, thay vì mô tả những người vượt biên vượt biển ra nước ngoài tỵ nạn cộng sản sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 là những kẻ phản động, đi theo đế quốc.

Mặc dù rất nhiều người không đồng ý với ông Nguyễn Thanh Sơn đã gán cho họ cái nhãn “nạn nhân chiến tranh” vì cho rằng họ không phải là nạn nhân bởi vì chiến tranh lúc đó đã chấm dứt, mà họ là những người tỵ nạn không thể, hoặc không muốn sống dưới chế độ cộng sản.

Quan chức thứ nhì là ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, người đã dẫn đầu cuộc thương thuyết để Việt Nam gia nhập WTO. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân ở Hạ Long hôm 29 tháng Tư, ông Trương Đình Tuyển nói “Đã đến lúc nên thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước là quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nói phát biểu của ông Trương Đình Tuyển, mà báo chí Việt Nam cho là khá táo bạo vì đã đề cập tới xã hội dân sự, một đề tài lâu nay vẫn cấm kỵ, có liên hệ tới hiệp ước thương mại xuyên Thái bình dương TPP mà Việt Nam đang ráo riết thương thuyết với Hoa Kỳ và các đối tác khác để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói:

“Ngày hôm qua (29/04) tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân ở Hạ Long, chính ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương Mại Việt Nam, đã phải nói rằng vòng đàm phán TPP đang có vẻ như vẫn bế tắc. Khó khăn lớn nhất tại vòng đàm phán này chính là Việt Nam. Ông Tuyển cũng kêu gọi đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Xã hội dân sự là cái gì, chính là quyền đi lại, quyền được xuất cảnh tự do, được nhập cảnh tự do của các công dân. Nếu nhà nước Việt Nam chưa tôn trọng điều đó, thì làm sao có thể nghĩ tới một quy chế thị trường để có thể vào TPP được.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng, người vừa được Tổ chức Ký Giả Không Biên giới vinh danh là một trong 100 “Anh Hùng Thông Tin” của thế giới, đã bị nhà nước tịch thu hộ chiếu, không cho sang Hoa Kỳ dự buổi điều trần tại Quốc hội về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Lời bình luận của hai quan chức Việt Nam ngay trước ngày 30 tháng Tư tuy khác biệt về đối tượng nhắm tới- người Việt ở hải ngoại hay giới hoạt động dân chủ trong nước; về nội dung, cũng như về động cơ -chính trị hay kinh tế, nhiều người cho là những thông điệp đó có thể được coi là để bày tỏ thiện chí, muốn hàn gắn những chia rẽ sau thời chiến, và hòa giải với những người không đồng quan điểm với chính quyền, tham gia các tổ chức xã hội dân sự để đấu tranh cho các quyền tự do căn bản của công dân.

Điển hình như blogger Ngô Nhật Đăng, đang có mặt tại Washington trong cuộc quốc tế vận về tự do báo chí cho Việt Nam, anh chia sẻ trải nghiệm về ngày 30 tháng Tư:

Xe tăng quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào cổng Dinh Độc Lập, 30/4/1975 (Ảnh tư liệu.)

“Ngày 30 tháng Tư năm 75, khi đó chúng tôi mới 17 tuổi, ở Hà Nội sau một đêm rất là vui mừng vì đất nước được hòa bình, lúc đó chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, chúng tôi không phải cầm súng bắn giết nhau và không phải bị chết nữa. Đó là cảm giác đầu tiên vào ngày 30 tháng Tư, cách đây đã 39 năm. Sau đó có một thời gian tôi đi làm, vào trong miền Nam có rất nhiều bạn bè, thậm chí những người anh rất thân là những người trong quân lực Việt nam Cộng hòa, qua đó tôi hiểu được rất nhiều.

Còn về vấn đề hòa hợp hòa giải thì ý kiến của tôi như thế này, là nhân dân không có thù hận, cho nên tôi không nghĩ tới việc hòa giải giữa nhân dân, giữa trong nước và nước ngoài. Sang đây tôi càng thấy rõ điều đó. Tôi gặp rất nhiều người, tình cờ gặp ở ngoài đường thì tất cả mọi người rất là gần gũi như là anh em. Chúng tôi đều đồng ý rằng là những người anh em chưa được gặp nhau vì những ngăn cản do nhà cầm quyền ngăn cản. Vấn đề hòa hợp hòa giải, cái gốc sâu xa của vấn đề là ai gây ra những mối hận thù, thì người đó phải đứng ra mà xin lỗi nhân dân, chứ còn nhân dân từ xưa và đến cả bây giờ đều không có chuyện thù hận lẫn nhau.”

Cũng có mặt trong phái đoàn đi vận động tự do báo chí tại Quốc hội Hoa Kỳ, nghệ sĩ Kim Chi trả lời câu hỏi của Ban Việt ngữ VOA:

“Bây giờ trong lòng tôi nó lạ lắm. 30 Tháng Tư thì tôi cũng thương nhớ đồng đội của tôi vô cùng, nhưng mà tôi cũng thương những người lính Việt nam Cộng hòa, và tôi nhận ra rằng cái cuộc chiến này người thắng người thua cũng đều đau, đều mất mát, đều đổ máu hết cho nên thật lòng mà nói thì tôi cảm thấy nó rưng rưng mà xót xa lắm chị à.”

Ttrong khi đó tại Việt Nam đã diễn ra một cuộc biểu tình vào đúng ngày 30 tháng Tư. Cuộc biểu tình đó do Phong trào Liên đới Dân Oan Tranh đấu tổ chức tại Sài Gòn đã bị công an thẳng tay đàn áp. Tin tải lên trang mạng của Danlambao.com cho biết đoàn biểu tình khởi hành từ công viên Lê Văn Tám đến hết đường Hai Bà Trưng thì một số người tham gia bị công an hành hung.

Cô Hồ Giang Mỹ Lệ, dân oan quận 4 Sài Gòn, là nạn nhân bị hành hung mạnh tay nhất, theo những hình ảnh và những chia sẻ của cô trên YouTube.

Nhưng một số người cho rằng ngày 30 tháng Tư có thể là một cơ hội để khởi sự tiến trình hòa hợp hòa giải, không những giữa những người dân thường ở cả ba miền Bắc Trung Nam, mà còn giữa những người đã cầm súng ở cả hai bên cuộc chiến. Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, chia sẻ quan điểm của ông:

“Tôi tin là trong số hơn ba triệu đảng viên cộng sản cũng có rất nhiều người yêu nước, muốn nhìn thấy đất nước Việt Nam phát triển một cách vững mạnh, muốn nhìn thấy một xã hội công bằng hơn, một đất nước không có tham nhũng, một xã hội lành mạnh. Tôi nghĩ rằng cái ước mơ đó là ước mơ chung của tất cả mọi con dân Việt Nam, bất kể thuộc đảng phái nào. Và cũng nhân ngày 30 tháng Tư đánh dấu 39 năm, tôi nghĩ đây là cái khởi điểm để tất cả mọi người Việt chúng ta cố gắng đoàn kết lại với nhau, cố gắng làm sao để tranh đấu trong tinh thần ôn hòa để đem lại một sự thay đổi tốt đẹp cho đất nước.”

 

Lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế Việt Nam từ chức

Lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế Việt Nam từ chức

Chuacuuthe.com

VRNs (03.05.2014) – Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam xác nhận lập trường: Không tin tưởng rằng việc từ chức của một bộ trưởng trong thể chế độc tài có thể thay đổi diện mạo nền y tế tồi tệ ở Việt Nam.

Nhưng về nguyên tắc phân chia quyền lực và phân công nhiệm vụ trong Nội các chính phủ của một quốc gia, những thất bại của ngành y tế Việt Nam tất nhiên được quy vào trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế đương nhiệm là bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tuy dịch sởi lan tràn khắp cả nước nhưng hiện nay Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa cho công bố dịch một cách chính thức. Nhiều trẻ em đã chết và rất nhiều số khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; ngay cả người lớn cũng mắc bệnh. Sự hoang mang và căm phẫn đang dâng cao.

Nhiều nhà hoạt động Nhân quyền, nhà báo tự do, những người dùng mạng xã hội đã thể hiện sự bức xúc của mình bằng những hình ảnh và lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế từ chức vì sự thất bại của bà trong việc nhiều trẻ em đã chết vì bị tiêm vaccine không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và tình trạng dịch sởi lan tràn không thể kiểm soát do các giới, các ngành vẫn chủ quan khi dịch sởi chưa được công bố.

Là những người phụ nữ đang hoặc sắp có con nhỏ, tất cả thành viên Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam rất bất bình vì tình trạng nêu trên và yêu cầu chính quyền Việt Nam nên áp lực bà Nguyễn Thị Kim Tiến phải hành xử như một người văn minh và có tri thức đúng như địa vị và học vị mà bà đang mang.

Mọi sự ngoan cố, tham quyền cố vị và coi thường dân chúng sẽ càng tạo nên sự bất mãn trong lòng người dân Việt Nam, và tất nhiên đưa đến hệ lụy bất ổn xã hội. Chính nhà cầm quyền Việt Nam là tác nhân gây ra bất ổn xã hội khi giới cầm quyền đã và đang hành động một cách bất xứng như thế.

Ban Điều hành Hội PNNQVN

Ngày 1 tháng 5 năm 2014

 

KÝ ỨC THÁNG 4: MỘT THOÁNG THIÊN THU

KÝ ỨC THÁNG 4: MỘT THOÁNG THIÊN THU

Bs. VĨNH CHÁNH

Trích Ephata 608

Tác giả là bác sĩ Vĩnh Chánh, thuộc Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tháng Tư 2013, bài “Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè” ông góp cho Viết về nước Mỹ, hiện đã có hơn 285.000 lượt người đọc. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh, ông là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù cấp tiểu đoàn và gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sàigòn ngày 30 tháng Tư.

Chỉ vài tháng sau lần thăm nuôi duy nhất kể từ ngày bước chân vào trại cải tạo, và ngay sau Tết 1977, nhiều nhóm tù ở trong trại Xuân Lộc chúng tôi được sàng lọc, phân loại, rồi bất ngờ chở đi giữa đêm khuya. Riêng nhóm chúng tôi khoảng chưa đến 40 người được tập trung cũng vào nửa đêm, đưa lên một xe bịt bùng chở đến một khu rừng hoang dã rộng lớn.

Trong nhiều ngày kế tiếp, láng trại chúng tôi tiếp nhận nhiều toán tù cải tạo từ nhiều trại tập trung khác chở dồn đến, toán đến trước trộn chung với các toán đến sau, lập thành 10 đội.

Mỗi đội có 50 người, chia làm 10 tổ, ở chung trong một căn nhà dài do đội tự cất lấy theo mẫu chỉ định. Tổ chúng tôi có 5 người, gồm một giáo sư biệt phái, một dược sĩ, 2 nha sĩ độc thân cùng một lớp và cùng một khóa trưng tập, và một bác sĩ, là tôi. Bốn người kia sinh trưởng từ Miền Nam, chỉ một mình tôi trọ trẹ tiếng Huế. Bốn người kia thuộc Bộ Binh, tôi lại của Nhảy Dù. Nhìn quanh cả đội, có lẽ tôi là đứa “ác ôn” nhất. Nhưng không vì thế mà các bạn trong tổ “né” hay lạnh nhạt với tôi. Ngược lại, theo thời gian, chúng tôi có với nhau một liên hệ rất mật thiết, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, người này sẵn sàng choàng qua làm giùm công việc cho người khác, nấu nướng cho nhau, chuyện trò tâm sự cùng nhau…

Lán trại của chúng tôi nằm sâu trong rừng, cách con đường xe lửa khoảng một cây số. Một lán trại tù tương tự nằm phía bên kia đường sắt, đối diện với láng chúng tôi. Những khi đi lao động tự giác, như để cắt tranh, chặt tre, đốn cây, làm rẫy, chúng tôi đều bước dọc theo con đường rầy xe lửa, ngang qua một trạm ga nhỏ mang tên Ga Trảng Táo trước khi tiến vào một cánh rừng ở xa hơn và rộng lớn hơn.

Càng về sau, những chuyến đi càng it có hoặc không có lính cảnh vệ đi kèm theo ra bên ngoài trại. Rất nhiều lần, chúng tôi gặp những chuyến tàu chợ chạy ngang, nhiều gói bánh cốm của bá tánh quăng xuống cho tù cải tạo chia nhau ăn. Có một lần tổ chúng tôi nhận được cả chục cây cà rem khi đang còn ì ạch gánh tranh gần con đường sắt. Phải nói là thần tiên khi mút được một cây cà rem mát lạnh giữa nắng trưa trong lúc người ướt cả mồ hôi.

Nương theo bìa rừng, cách đường xe lửa khoảng ba bốn trăm thước hay vào sâu hơn bên trong, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài bạn tù cải tạo được vợ lén tìm thăm. Không biết họ liên lạc với nhau như thế nào mà hay vậy, tôi tự hỏi. Một đôi khi, chính các anh em chúng tôi được nhờ vả canh me cho các cặp vợ chồng ấy để họ an tâm gặp gỡ, tâm tình. Chúng tôi thường tình nguyện đi chặt tre, cắt tranh thế cho phần của các bạn may mắn đó để họ có thêm được thì giờ riêng tư bên vợ hay người yêu.

Các chị thường hẹn hò rủ nhau đi từng nhóm nhỏ hai ba người. Đi cầu may, không chắc gì sẽ gặp hay kiếm được người mình muốn tìm. Dù không gặp gỡ được, rất ít khi các chị nhờ chúng tôi trao giùm quà lại cho chồng. Phần chúng tôi cũng né tránh chuyện nguy hiểm đó, vì quản giáo trong trại thường xuyên lục soát chúng tôi trong những lần điểm danh khi về đến trại.

Sau giờ lao động, trong những lúc rảnh rỗi, cùng với cả trăm bạn tù khác, năm anh em chúng tôi thường hay đứng xa xa, chờ chuyến xe lửa cuối của ngày từ hướng Phan Thiết về Sàigòn đi qua, nhìn cảnh các cô các bà trên xe lửa thảy các gói quà xuống cho thân nhân của họ hay cho các tù nhân đang đứng dọc theo đường xe lửa. Hiện tượng này ngày càng xẩy ra nhiều và khó cấm cản được. Chính nhờ một chút liên hệ với thế giới bên ngoài, dù vẫn có khoảng cách, phần nào đã giúp các bạn tù bớt căng thẳng vì cảnh chim lồng cá chậu, quên đi nỗi nhọc nhằn của lao động cùng cực.

Được tập trung với hành trang đủ cho 7 ngày, để rồi không biết đi về đâu và không biết ngày về, ngoài chuyện thương nhớ gia đình, lo âu cho vợ con không biết xoay sở trong cuộc sống mới, nỗi sợ hãi tận cùng cho mọi người cùng hoàn cảnh là bị lãng quên, bỏ rơi, phụ bạc theo thời gian. Khi niềm hy vọng đoàn tụ quá mơ hồ, những bạn tù được thân nhân lén tìm thăm, tiếp tế, là những kẻ hạnh phúc nhất đời, vì biết mình còn được yêu thương. Tuy nhiên, những gói quà nhỏ do lòng từ tâm của những người có cùng niềm đau, đôi khi gây ra cảnh giành giật hỗn độn, khiến lính cảnh vệ quát tháo ầm ỹ, lăm le bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.

Trong một xế chiều của tháng 4, có đến gần cả trăm người đang chờ chuyến tàu hàng chạy qua. Tôi bỗng rời nhóm bạn cùng tổ và bước vội qua phía bên kia đường sắt để tránh hướng mặt trời đang gay gắt chiếu vào mắt, một điều tôi chưa hề làm trước đây vì lệnh trên cấm tù của hai láng trại qua lại chuyện trò với nhau.

Theo sau tiếng còi hú, con tàu giảm dần tốc độ vượt qua ga Trảng Táo. Nhưng khi đến gần chỗ những tù cải tạo đứng hai bên đường, tốc độ tàu tăng nhanh hơn để tránh chuyện tù cải tạo nhảy tàu trốn trại. Tiếng xình xịt, xình xịt nặng nề của con tàu và tiếng ken két của bánh xe nghiến trên đường sắt dội mạnh dần, rung động mặt đất, khiến nhịp tim tôi đập mạnh. Không tính trước và như bị con tàu hút vào, tôi thấy tôi từ từ tiến sát gần đường rầy, gần nhất từ trước đến nay, hình như chỉ cách mươi thước. Tôi bắt đầu nhìn thấy nhiều cô nhiều bà nhoài cả nửa người ra khỏi cửa sổ hay chen chúc đứng trên các thềm nối giữa các toa tàu.

Con tàu chạy ngang trước mặt tôi. Nhiều cánh tay đưa ra, nửa như vẫy chào, nửa như muốn vói nắm lấy những bàn tay bên dưới. Những khuôn mặt đăm chiêu, lo lắng. Những con mắt mở lớn tìm kiếm. Những ánh mắt sáng lên khi nhìn thấy người thân. Những cái nhìn đau buồn xót xa như chia xẻ với người tù trong bộ quần áo lao động thùng thình, bạc màu, rách rưới. Có những cái miệng cười méo trong nghẹn ngào vì chợt thấy một thân hình ốm yếu hao gầy quen thuộc. Có những đôi môi mấp máy như thầm nhắn gởi bao lời. Có những bàn tay đưa lên bịt miệng để kịp ngăn tiếng khóc nức nở. Và có cả những giọt nước mắt rơi xuống, hạnh phúc lẫn chua xót trong một thoáng nhìn thấy nhau.

Một loạt bì thư cột trong viên đá nhỏ để tránh gió thổi bay xa được quăng xuống, cùng với hàng chục gói quà to nhỏ khác nhau, kèm theo là những tiếng gọi tên thật lớn. Người đứng bên dưới chạy dọc theo đường sắt, vẫy vẫy, nói nói, cười cười với người trên tàu. Người nhanh chóng cúi lượm gói quà lẩn mất trong đám đông. Vài người chạy theo thu lượm những bức thư bỏ vào túi… Cảnh tượng cứ thế hiện ra trước mắt tôi, thực nhanh, có khi rõ ràng từng chi tiết nhỏ, có khi chợt đến chợt đi như trong một cảnh phim quay nhanh, hỗn độn.

Chừng mươi giây nữa cái đuôi con tàu sẽ chạy ngang chỗ tôi đứng. Vừa một chớp mắt, qua khung cửa, tôi thấy ba cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn đứng cạnh nhau trên toa tàu, nhìn chăm chú vào đám người bên dưới. Từ trong tiềm thức, tôi nhận ra dáng hình và đầu tóc quen thuộc của nàng. Trời ơi, đúng là vợ của tôi, bằng xương bằng thịt, trong chiếc áo ngắn tay màu xanh da trời, bên cạnh cô em và người bạn gái. Dưới ánh sáng vàng rực của cuối ngày, chúng tôi nhìn thấy nhau trong tích tắc, kẻ ở trên tàu, người dưới đất, khoảng cách không xa nhưng tưởng như vạn dặm. Tôi la lớn, gọi tên nàng, và xoay người vội vã chạy theo con tàu.

Em chồm hẳn thân hình ra phía bên ngoài, tay nắm chặt song sắt, đôi mắt mở lớn mừng rỡ như muốn thu nhận tất cả hình ảnh của chồng. Tôi đau đớn nhìn thấy em gầy gò. Đôi mắt của em, ôi con mắt đã từng nhốt hồn tôi vào trong đó, vẫn còn nét tinh anh trong sáng và đoan trang của ngày nào. Tôi bỗng cảm thấy thân hình mình nhẹ hẫng như được đôi tay thiên thần nâng đẩy, tim tôi như ngừng đập trong đê mê, bước chân tôi như đang chạy trên mây, tay tôi rộng với về nàng như thể muốn níu ôm lấy em vào lòng.

Tất cả xung quanh tôi như chậm lại, mơ hồ. Cả hai chúng tôi tròn mắt nhìn nhau trong vô tận. Chỉ có em và tôi hiện hữu trong khoảnh khắc thần tiên này. Qua ánh nhìn, em gởi đến tôi thông điệp: “Anh an tâm. Mọi việc ở nhà bình yên. Em yêu anh. Anh phải sống. Em sẽ chờ đợi với tất cả lòng trung tín”.

Có lẽ tôi đã chạy theo con tàu chừng mấy mươi bước, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, rồi tôi thấy mình dừng lại. Đứng yên tại chỗ để nhìn nàng được rõ hơn khi con tàu từ từ đưa nàng xa dần tôi. Dù con mắt có đui, dù cái nhìn kéo dài đầy nuối tiếc, rồi cũng đến lúc mờ khuất bóng nhau. Tôi muốn em biết tôi đã yêu em đến chừng nào, tôi ước mong có cánh để bay đến bên em, ôm chặt vào lòng, truyền cho nhau sức sống. Như hiểu tôi sắp oà khóc vì quá xúc động, nàng thoáng nhẹ lắc đầu, ánh nhìn thầm nhắc nhở dặn dò đừng bao giờ bày tỏ sự yếu đuối trước kẻ hành hạ mình. Em đã cho tôi nguồn hy vọng.

Cùng lúc, em gái nàng và cô bạn ngoắc vẫy tôi liên tục, miệng cười tươi rói. Cả hai ra dấu muốn đầy giỏ quà xuống, nhưng có lẽ thấy nàng và tôi không có lấy một cử chỉ đồng thuận, nên cả hai cứ mãi do dự cho đến lúc không còn có cơ hội nữa.

Con tàu xa dần. Tiếng còi tàu báo hiệu sắp quẹo phải và lên dốc con đồi nhỏ đàng trước như xé lòng. Nàng vẫy tay chào tạm biệt trong giây phút phân ly. Văng vẳng tiếng khua động của các toa tàu đưa tôi về với thực tại.

Tôi lặng người trong một trạng thái nữa tỉnh nữa mê, ngẩn ngơ, tâm trí hoàn toàn bị tràn ngập bởi hình ảnh của nàng. Tinh thần tôi rối loạn với cảm giác vừa diễm phúc đê mê trong hạnh ngộ, vừa cay đắng ngậm ngùi với chia ly. Thể xác như lâng lâng ngây ngất của hoan lạc, choáng váng xây xẩm như một triệu chứng mất máu. Sự tình cờ may mắn thấy mặt nhau ngày hôm nay nói lên được định mệnh ràng buộc giữa chúng tôi, làm chúng tôi càng thêm gắn bó. Chỉ trong một thoáng mà cuộc tình ngỡ như thiên thu bất tận. Chỉ một lần nhìn thấy nhau trong đớn đau là cả một ghi nhận nghìn năm không phai. Tuy xa nhau mà tình vẫn còn đầy !

Quay trở về hướng các bạn đứng chờ bên kia con đường sắt ở tuốt phía xa, bước chân tôi lúc đầu chậm nhưng rồi vụt nhanh dần. Trong một kích thích khó dằn lòng, tôi vội vã kể ngay chuyện vừa mới bất ngờ thấy được vợ mình đứng trên toa xe lửa cuối cùng. Nghe qua, bạn nào cũng sững sờ, quá ngạc nhiên trước câu chuyện khó tin vừa xảy ra. Mà phải, khó tin thật, ngoại trừ đây là thiên định.

Không thể nào giải thích vì sao bỗng nhiên trong chiều hôm nay tôi lại nhảy sang đứng phía bên kia đường sắt. Các bạn tỏ vẻ vui mừng cho tôi và không tiếc lời khen vợ tôi chịu khó lặn lội đi tìm chồng, rằng đây thật là một cuộc hạnh ngộ quá đặc biệt. Một bạn còn ý kiến nếu giỏ đồ ăn được quăng xuống, không chắc gì tôi đã lấy được vì khó chứng minh với những người lượm được cái giỏ là của mình.

Hân hoan với niềm vui bất ngờ và diệu kỳ ngoài sự tưởng tượng, cũng như muốn chia sẻ hạnh phúc của mình có được trong chiều hôm nay, tôi kéo các bạn đến ga Trảng Táo, móc hết tiền túi còn lại mua ngay 5 trứng vịt lộn đem vào trại để cùng nhau ăn mừng.

Tối hôm đó, 5 chúng tôi quây quần ngồi ăn chung với nhau, gồm đồ ăn do nhóm ẩm thực của đội phân chia cho tổ, chút cơm bo bo và chút canh bí đỏ nấu với muối, dọn chung với chút đồ ăn riêng của nhau dành dụm qua lần thăm nuôi trước. Để dành món ngon nhất cho cuối bữa, sau một vài câu mở đầu, tôi trịnh trọng đặt từng cái trứng vịt lộn vào tay mỗi bạn. Mọi người ăn một cách chậm rãi, ăn luôn cả cục mề cứng và khen trứng vịt lộn ngon quá.

Không khí vui nhộn hơn nữa, khi nhiều bạn tù khác trong đội biết tin vui của tôi đã không ngần ngại mang nước trà ( nấu bằng các loại lá lấy trong rừng ), cà phê ( pha chế với râu bắp, trộn chung với rễ tranh và cơm cháy ), vài miếng đường tán chặt nhỏ, thuốc lào… đến chung vui với tổ chúng tôi. Một chương trình văn nghệ bỏ túi không chuẩn bị, không hẹn trước, tự nhiên thành hình trong đêm. Trong tình thân ái. Ấm cúng. Cảm động. Khó quên. Bạn nào hát cũng mở đầu bản nhạc với câu gởi tặng cho vợ hay người yêu ở nơi xa, cho các bạn tù, và cho tôi, mà các bạn bông gọi đùa là Dr. Zhivago, một biệt danh dính theo tôi trong thời gian kế tiếp.

Tôi ngồi nghe hát mà lòng xúc động cho thân phận. Tê tái nhớ lại giây phút nhìn thấy em. Nhớ ánh mắt, khuôn mặt, đầu tóc của em. Khi đến bản nhạc Như Cánh Vạc Bay, với đoạn: “Nơi em về ngày vui không em. Nơi em về trời xanh không em. Ta nghe nghìn giọt lệ rớt xuống thành hồ nước long lanh” tôi đã không cầm được lòng và đã khóc nức nở.

Đó là những giọt nước mắt chưa một lần đổ xuống từ ngày vào tù, dù qua bao nhiêu đọa đày bầm dập thể xác, qua bao nhiêu nhẫn tâm chà đạp lên nhân phẩm, qua sự chứng kiến cái chết tức tưởi của những bạn tù khác, nay được dịp vỡ bờ. Một bạn khác ngâm một bài thơ của Hàn Mạc Tử có câu “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” khiến tôi lại càng xúc động mạnh và để mặc cho nước mắt tuôn trào.

Trong đêm, tôi thao thức khó ngủ, dù sau khi đọc một kinh Lạy Cha và 3 kinh Kính Mừng – như Mạ tôi vẫn thường làm trong những lúc tuyệt vọng sau khi Ba tôi mất. Tôi cầu nguyện, thầm nhớ đến những lúc quấn quýt đắm đuối bên nàng. Chuyện nàng bị sẩy thai sau khi cả chồng và cha đều đi tù. Tôi cuộn mình như con sâu nằm trong cái vỏ ngập đầy hình ảnh và tình yêu thương của nàng, cái vỏ luôn cho tôi sức mạnh tinh thần để nâng đỡ tôi vượt qua nhọc nhằn thử thách khi nản lòng đuối sức.

Sau đó nàng còn tìm thăm lén tôi được thêm mấy lần, khi ghé nhà một người làm rẫy không quá xa lán trại, lúc tôi đang lao động ở trong rừng tranh… Khoảng hai tháng sau khi nàng có phép thăm và ở lại đêm với chồng, tôi được thả về nhà trong đợt đầu tiên của trại vào ngày 24.8.1977. Sau phân ly thì đến tương phùng. Cứ như thế chúng mình đã sống chết bên nhau, vượt biển đến bến bờ tự do…

Em yêu dấu, khi ở xứ người, có những lúc tâm hồn anh bị chìm đắm trong bóng tối, có những lúc anh chạy theo phù du mê muội, những lạc lối đáng trách, hình ảnh của em trên chuyến xe lửa ngang qua trại tù cải tạo đã làm anh sực tỉnh, đưa anh về lại con đường chính trực. Con đường của chúng mình, của hạnh phúc trời ban và của thứ tha.

Qua bài viết này, xin vinh danh các bà vợ, các người yêu và gia đình đã yêu thương và mang hy vọng đến cho các tù cải tạo qua những năm tháng đen tối của đời người.

Bs. VĨNH CHÁNH

 

Lạy Chúa, Con Đây!

Lạy Chúa, Con Đây!

Lạy Chúa,

Thân con bé nhỏ như con ốc

Chúa lại đặt con giữa biển cả mênh mông.

Rồi Chúa cũng muốn con có một tấm lòng

bao la rộng lớn như đại dương kia vậy.

Có ngày con chẳng có lấy một niềm an ủi

bởi những hiểu lầm và bao lời ra tiếng vào,

thế mà Chúa lại dạy con

phải yêu ngay cả người làm con đau khổ.

Có lúc con cũng buồn, cũng mệt, cũng khổ tâm

thế mà Chúa lại muốn con

luôn đem niềm vui cho những nơi con đến.

Có khi lòng con cũng đầy những bối rối hoang mang

thế mà Chúa lại mong con

luôn đem đem bình an cho những người con gặp gỡ.

Lắm lúc con yếu đuối

đến nỗi khó có thể nói một câu cho hẳn hoi tử tế

thế mà Chúa lại mời con

rao giảng Tin Mừng mọi nơi mọi lúc.

Ôi lạy Chúa,

Thân con bé nhỏ như con ốc

Chúa lại đặt con giữa biển cả mênh mông.

Những phong ba bão tố, dù có mạnh mẽ đến đâu

cũng chỉ là những xao động nhất thời trên bề mặt.

Dù sóng xô bão táp hay phong ba nghiêng ngả

thì con vẫn ở trong vòng tay yêu thương của Chúa đấy thôi.

Xin dạy con biết thinh lặng và chìm sâu

vào đáy đại dương Tình Yêu của Chúa,

để giữa những xao động chênh chao trên lòng đời

tâm hồn con luôn là một vùng trời bình an

đầy ánh sáng và niềm vui nội tâm

của một người có Chúa

Tác giả: Anh Kim

Anh chị Thụ Mai gởi

10 Điều Suy Ngẫm

10 Điều Suy Ngẫm

1. Cầu nguyện không phải là “bánh xe dự phòng” để lấy ra khi gặp khó khăn, nhưng là “tay lái” để lái đi đúng đường suốt cuộc tạm hành trên đất này.

2. Tại sao xe hơi có KIẾNG TRƯỚC lớn hơn nhiều so với KIẾNG CHIẾU HẬU? Vì QUÁ KHỨ của chúng ta không quan trọng so với TƯƠNG LAI. Vậy, hãy nhìn thẳng phía trước và đi tới.

3. Tình bạn như một QUYỂN SÁCH. Chỉ cần vài phút để đốt đi, nhưng cần vài năm để viết.

4. Tất cả những điều mình có trong đời sống nầy đều tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài.

5. Bạn cũ là Vàng! Bạn mới là Kim Cương! Nếu ta có Kim Cương, đừng quên Vàng! Vì muốn giữ được Kim Cương, ta luôn cần Vàng để bọc Kim Cương!

6. Thường khi ta mất hy vọng và nghĩ đây là đoạn cuối đường, Thượng Đế ở trên cao cười và nói: “Hãy thư giãn, con yêu của ta. Đó chỉ là khúc quanh, chứ không phải là đường cùng”.

7. Khi Thượng Đế giải quyết những vấn đề của ta, ta đặt niềm tin nơi Ngài. Khi Thượng Đế không giải quyết những vấn đề của ta, Ngài đặt niềm tin vào khả năng của ta.

8. Một người mù hỏi thánh Anthony: “Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?” Ông thánh trả lời: “Có, lúc ngươi mất định hướng!”

9. Khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, Thượng Đế lắng nghe và ban phước cho người đó. Và đôi khi chúng ta bình an, hạnh phúc, hãy nhớ rằng một người nào đó đã cầu nguyện cho ta.

10. Sự LO LẮNG không dẹp bỏ được sự KHÓ KHĂN ngày mai, nhưng nó lấy đi sự BÌNH AN hiện tại.

Lm Trần Đình Long

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

ĐÔI ĐIU SUY NGHĨ

LM Nguyễn Tầm Thường

Chúa đem con vào đời, nhưng mục đích chính yếu của cuộc sống lại là chờ đợi một chuyến đi.  Sân ga không phải là quê hương của con để con bám víu và xây đắp, nhưng chỉ là bến tạm để đợi chờ con tàu. Khi nào thì con tàu sẽ đến để đem con đi?  Khi nào con từ giã cuộc sống?  Con chẳng biết được thời giờ định mệnh này.  Thưa Chúa, có điều con muốn nói là trong khi chờ đợi, trong lúc nhìn thời gian tiến về điểm mốc trọng đại ấy, con luôn luôn cần hạnh phúc.

* * *

Con đã cảm nghiệm được nhiều thứ hạnh phúc.  Hạnh phúc khi nhận được tin vui.  Hạnh phúc đến từ một tâm hồn biết thông cảm.  Hạnh phúc đến từ sự thành công trong công ăn việc làm.  Nhưng, những hạnh phúc ấy vẫn chẳng làm con an lòng.  Con vẫn lo âu.  Những hạnh phúc ấy vẫn là bấp bênh.  Quá khứ minh chứng rằng nhiều lần con đã mất hạnh phúc ấy.

Vì những hạnh phúc ấy có thể mất nên cũng có những ngày tháng con sống không niềm vui, chung quanh con là sa mạc.  Mà đời người thì chẳng thể sống không niềm vui.  Nên con đi tìm niềm vui mới. Có khi con oán giận Chúa, bỏ đời sống đức tin để tìm bất cứ một an ủi nào đó.  Trong những giây phút ấy con thường tìm hạnh phúc trong tội lỗi.  Con không nhìn thấy những tàn phá của tội mà con chỉ thấy những hứa hẹn và bóng mát của tội mà thôi.  Thật sự con chẳng muốn bỏ Chúa bằng con đường chủ tâm sống trong tội.  Con vẫn biết con không thể sống thiếu Chúa, nhưng trong yếu đuối của đời mình, con đã thấy quyến rũ nơi tội mạnh hơn hạnh phúc do đời sống đức tin đem lại.

Hạnh phúc thật thì chỉ có một định nghĩa.  Nếu con đi tìm bất cứ hạnh phúc nào ngoài thứ hạnh phúc thật đó, con sẽ hoang mang và hụt hẫng.  Hạnh phúc thật đó chỉ có Chúa mới cho con được mà thôi. Chúa là nguyên ủy của tất cả, thì hạnh phúc cũng phải do Chúa là nguyên nhân.  Bởi đấy, khi con đi tìm niềm vui ngoài nguyên nhân tối thượng là Chúa, con sẽ gặp thất vọng

Khi con phạm tội, tội cũng cho con một chút “niềm vui”.  Nhưng tội làm con xa Chúa.  Niềm vui hay hạnh phúc là lúc trầm mình thưởng thức trong dòng nước chảy của dòng sông.  Mức độ và sắc thái khác nhau của hạnh phúc tùy thuộc vào nguồn gốc của dòng sông ấy.  Chúa là nguyên nhân của một thứ hạnh phúc.  Tội cũng sinh ra một dòng hoan lạc.  Nguyên nhân khác nhau thì hạnh phúc hay hoan lạc đến từ các nguyên nhân đó phải khác nhau.  Từ sự khác nhau ấy, con chọn lựa cho mình một dòng sông.  Dòng sông hạnh phúc của Chúa hay đôi bờ hoan lạc của tội.

Con là một tạo vật hữu hạn.  Thứ hạnh phúc của tội cũng là một sản phẩm hữu hạn, bởi vì chính con tạo nên nó.  Vì con tạo nên nó, do đấy, nó chẳng bao giờ thỏa mãn con được.  Hạnh phúc của con hệ tại bám vào hạnh phúc tự thể là Chúa.  Nên khi con mất cái tự hữu để ký sinh thì con chênh vênh và hao hụt ngay.

Tội làm con xa Chúa.  Chúa xa con không phải vì Chúa bực mình, ghen tức.  Dù con thánh thiện tới đâu đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà sự trọn hảo của Chúa thêm trọn hảo hơn.  Dù con có cầu nguyện thiết tha đến đâu đi nữa thì chẳng vì thế mà Chúa được cao cả hơn.  Tự Chúa đã tràn đầy tất cả.  Chúa chẳng cần gì.  Nếu con cầu nguyện là con bám vào sự trọn hảo của Chúa để được thương ban mà thôi.

Tội là thái độ tự do để lựa chọn một đối tượng ngoài Chúa.  Khi phạm tội là con nghe theo một tiếng gọi khác, chấp nhận một đối tượng khác.  Khi con chấp nhận một đối tượng khác rồi thì lẽ dĩ nhiên là Chúa phải xa con.  Chúa không áp bức con bằng sức mạnh, bằng quyền năng, nhưng Chúa kính nể sự tự do của con.  Khi con phạm tội, khi con lựa chọn một đối tượng rồi thì Chúa muốn ở với con cũng không được vì con đã dành khoảng trống của lòng mình cho một chủ khác

Khi con kiếm tìm niềm vui nơi tội là con tạo nên cơn bão táp cho chính vườn rau của mình.  Càng để tội lỗi làm chủ con tim mình thì Chúa càng phải ở xa.  Mà Chúa càng xa thì hạnh phúc thật càng mù tăm, khuất bóng.  Lý tưởng cuộc đời con là kiếm tìm và quy về nguồn cõi hạnh phúc thật đó.  Do vậy, càng xa nguồn hạnh phúc thật thì con càng đánh mất ý nghĩa cuộc sống.  Mà không còn ý nghĩa thì cuộc sống trở nên man dại, tính toán, lo âu, giành giật, hận thù và chán chường.

Khi con phạm tội là con phá hủy hết tất cả tự do của con.  Cơn bão táp ấy xóa nhòa nhân phẩm của con.  Tội là điều xấu.  Con không muốn để người khác biết những điều xấu xa của con.  Từ đó, con có hai khuôn mặt.  Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt để “show up”, trình diễn để tha nhân nhìn vào.  Khi con giấu kín khuôn mặt thật tội lỗi để phô bày khuôn mặt giả cao thượng là con xây dựng giá trị của mình trên sự lầm lẫn của tha nhân.  Con lừa dối kẻ đối diện.  Nếu con còn may mắn để nhìn thấy rằng mình có hai khuôn mặt mỗi khi xét mình thì con còn lương tri để biết rằng mình chỉ lừa gạt người chứ không lừa dối mình.  Nhưng ngày nào đó, con lẫn lộn giữa thực và hư.  Ngày nào đó, con người để trình diễn kia rợp bóng đến nỗi con chỉ thấy nó là chính mình và con tin nó là khuôn mặt thật của mình, con không còn thấy bóng khuôn mặt thật của con đâu nữa thì ngày đó con chẳng còn gì.  Con đã là nạn nhân của sự giả tạo.  Gian dối với tha nhân đã nên lừa đảo chính mình.

Khi tha nhân tưởng con là gương mẫu của đời mà con không là gương mẫu thì con sẽ lo âu cho cái ngưỡng mộ kia bị đổ vỡ nếu tha nhân nhận ra con người thật tội lỗi của con, cho nên con lại càng phải cất giấu con người đó kỹ hơn.  Bởi đấy, tội cướp mất tự do.  Sống trong tội, con phải sống trong hồi hộp, gian dối, lo âu.

Chẳng có người cha nào không mủi lòng khi thấy đứa con mình sắp xuống tắm trong dòng sông ngầu vẩn rác đục.  Vì kính trọng tự do Chúa đã ban cho con, nên Chúa biết con xa Chúa là đời con sẽ chán chường, Chúa cũng đau khổ, nhưng Chúa chẳng thể cưỡng bách con chọn Chúa được.  Mà thật sự con cũng không muốn mất tự do.  Hành vi chọn lựa là một thú vui chan chứa của tự do.  Không có tự do sẽ là gỗ đá.  Nếu con không phải là gỗ đá, nếu con có tự do, thì con phải biết lo âu biết bao về sự tự do của mình.

LM Nguyễn Tầm Thường

 

 

GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG

GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG

Lm. VĨNH SANG, DCCT

Tôi có một người quen, anh là giảng viên của một trường đại học công lập nổi tiếng ở thành phố này. Cách đây mấy ngày, anh hốt hoảng điện cho tôi xin cầu nguyện, đứa con trai đầu của anh mê man lên cơn co giật, cháu được đưa vào phòng cấp cứu nhưng tình hình rất xấu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm não !

Vài giờ sau tôi liên lạc lại với anh, trong nỗi âu lo anh cho biết tình hình không sáng hơn, anh đang phải ngồi bóp bóng giúp cháu thở, nhà thương không còn máy trợ thở cho cháu dùng. Tôi đã có nhiều năm giúp các cha các thầy già đau yếu, tôi thấu hiểu nỗi khổ và mệt mỏi của người thân ngồi bóp bóng hàng giờ cho bệnh nhân.

Cách đây mấy năm, khi cha của anh biết anh cộng tác với tôi trong ngành chuyên môn của anh để giúp việc cho Nhà Thờ, ông mừng lắm vì ông mơ ước những điều thật tốt đẹp mà ông dành cho người con trai đầu lòng, ông bày tỏ ý định không muốn con mình bước vào thương trường, nhưng muốn con ông là một nhà giáo, anh chiều lòng cha tiếp tục sau đại học để theo đuổi điều cha muốn. Công trình anh làm với tôi, ông tham gia ý kiến một cách sôi nổi, thế rồi bất ngờ Chúa gọi ông đi sau một cơn tai biến mạch máu não. Ngôi nhà thật xinh, trong một con hẻm im ắng, có những giàn cây do ông chăm sóc, chỉ còn một mình bà, người góa phụ áo đen trong nỗi thương nhớ về chồng từng là một sĩ quan phi công lãng mạn một thời, một nghệ sĩ với những tác phẩm để lại chất chứa nhiều ý tưởng sâu lắng. Từ ngày đó bà âm thầm gắn bó với Nhà Thờ nhiều hơn.

Tôi cầu nguyện và dâng Lễ theo ý anh xin, tôi cầu cho gia đình anh được bình an, mọi sự theo thánh ý Chúa. Tôi đề nghị anh chị cầu nguyện với hai vị Thánh Giáo Hoàng vừa được tuyên phong, Đức Gioan 23 nhân hậu và Đức Gioan Phaolô 2 can đảm nhiệt thành, tôi cũng xin anh em trong Tu Viện cầu nguyện cho gia đình anh chị, đặc biệt cho cháu bé. Giữ lời hứa với anh, tôi nhớ đến cháu trong mỗi giờ kinh nguyện trong ngày của tôi.

Sáng qua, anh liên lạc với tôi, vui mừng báo tin: cháu bé đã qua cơn nguy kịch, cháu đã hồi sinh ! Mặc dầu vướng nhiều dây nhợ y khoa nên không nói được, nhưng cháu đã tỉnh, đã nhận biết mọi người, và bác sĩ đã đánh giá rất lạc quan. Chúng tôi cùng cất lời tạ ơn Chúa.

Niếm tin rất đơn giản, dù là ai, trí thức hay bình dân, chuyên gia hay người thợ, có một liên lạc nào đó với Thiên Chúa, cái liên lạc ấy nằm sâu trong tiềm thức, nó trổi dậy bất cứ lúc nào, từ bất cứ lý do nào, để mang con người lên một tầm cao tâm linh, một tầm nhìn xa hơn hẳn tầm nhìn thường ngày mà chạm đến một Thiên Chúa nhân từ yêu thương, một Thiên Chúa gần gũi nhân hậu, một Thiên Chúa rất đời thường ở ngay bên cạnh mỗi người chúng ta trong âm thầm, trong thinh lặng, nhưng không kém phần mãnh liệt. Khi ấy người ta đi tìm Chúa chứ không đi tìm điều gì khác, tìm một sự tựa nương cho dẫu có ý thức hay không.

Cũng sáng hôm qua, tôi đi thăm một người già quen biết, bà đau lâu ốm dài, bệnh tật nhiều năm làm bà sợ hãi đủ điều, một tiếng động mạnh, một người lạ cũng làm bà lo âu. Khi thăm bà, bà nói với tôi về một niềm tin và một lòng tạ ơn. Tuy bà không theo Công Giáo, nhưng hơn 40 năm trước, khi ông còn đang làm việc ở Huế, bà đã theo người ta chỉ dẫn ra đến Quảng Trị để cầu nguyện với Mẹ La Vang, trong ngôi Vương Cung Thánh Đường đã phải đổ nát do chiến tranh, bà thưa với Mẹ Maria về nỗi ước ao có một người con trai mà bà mong muốn lâu nay, và Mẹ đã ban cho bà, người con trai ấy bà đặt tên là Thiện, đứa con của Mẹ La Vang.

Sáng sớm nay, cha Quang Uy chia sẻ với tôi một thông tin, một đảng viên lão thành 82 tuổi, một nhà trí thức nổi tiếng, lúc cuối đời đã được tràn đầy ơn Chúa, cụ đã ra khỏi Đảng, nhận thức và tự do đón nhận ân huệ Chúa ban, cụ hiểu biết giáo lý về tình thương cách nào đó ngay từ thiếu thời khi được học trường Dòng ngoài Hà Nội. Và bây giờ cụ bày tỏ lòng tin và mong muốn được trở thành Kitô hữu. Kể từ ngày cụ nói với chúng tôi về ý định xin theo Chúa Giêsu, anh em tôi đã đến tận nhà thăm viếng chuyện trò với cụ và gia đình cụ, cầu nguyện với cụ và giúp cụ chuẩn bị mọi sự. Trong Nhà Nguyện Nhà Dòng, chúng tôi ghi lên bảng để mọi người cùng nhớ đến cụ, gia tăng cầu nguyện cho cụ cũng như biết bao nhiêu người thành tâm thiện chí đang khao khát tìm kiếm Chúa…

Thiên Chúa thật lạ lùng, giữa những sóng gió hiểm nguy, Thiên Chúa lại củng cố chúng tôi bằng muôn vàn ánh diệu quang. Một cái ngước nhìn của người cùng khốn hướng về Chúa, một ước mơ nhỏ bé của một người phụ nữ ngoại đạo dâng lên Chúa, một sự chọn lựa sau cả một đời dài tìm kiếm bỗng gặp Chúa giữa cơn lao xao cuối đời… Tất cả như đan thành một bài tụng ca về tình Chúa giàu lòng xót thương.

Như hai Môn Đệ trên đường về Emmau ( Lc 24, 13 – 35 ), được gặp gỡ Chúa Giêsu rồi, ngay trong đêm tối đang vây bủa cuộc đời, chúng tôi buông rơi tất cả mọi phiền muộn lo sợ, trỗi dậy, quay trở về Giêrusalem, cũng chính là quay trở về với sứ vụ Chúa Giêsu đã trao phó cho chúng tôi, sứ vụ loan báo cao rao về một Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót cho mọi người…

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

3.5.2014