Việt Nam : Hội thảo « Truyền thông phi Nhà nước » bị ngăn trở

Việt Nam : Hội thảo « Truyền thông phi Nhà nước » bị ngăn trở

RFI

Blogger Phạm Thanh Nghiên (thứ hai từ phải sang) trong buổi hội thảo ngày 30/07/2014.

Blogger Phạm Thanh Nghiên (thứ hai từ phải sang) trong buổi hội thảo ngày 30/07/2014.

FB

Thụy My

Nhiều nhà hoạt động được mời tham dự buổi hội thảo về đề tài « Truyền thông phi Nhà nước tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay » do đại sứ quán Úc tổ chức tại Hà Nội hôm qua 30/07/2014 đã bị ngăn trở bằng nhiều cách.

Được biết, do Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị trong cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong đó có lãnh vực truyền thông, Úc đã cùng với các đại sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tổ chức buổi hội thảo trên đây. Trong số khách mời tham dự có cả đại diện chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo Mạng lưới Blogger Việt Nam, một ngày trước hội thảo, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị công an Nha Trang bắt giữ. Hai thành viên khác bị ngăn chận tại Hà Nội, và blogger Phạm Thanh Nghiên sau khi tham gia hội thảo đã bị công an định đưa về đồn, nhờ có đại sứ quán Úc can thiệp mới được giải vây. Đại diện các tổ chức khác như Hội Cựu tù nhân lương tâm, Anh em Dân chủ cũng bị ngăn cản đến tham dự.

Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, blogger Phạm Thanh Nghiên kể lại sự việc :

Blogger Phạm Thanh Nghiên – Hải Phòng

 

31/07/2014
by Thụy My

 

Nghe (07:20)

 

 

 

 

Bí thư đảng đoàn kiêm chủ nhiệm đoàn luật sư TPHCM bị đảng khai trừ

Bí thư đảng đoàn kiêm chủ nhiệm đoàn luật sư TPHCM bị đảng khai trừ

RFA-31-07-2014

Ông Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư đảng đoàn kiêm chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư đảng đoàn kiêm chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh

hon-viet.uk

Ông Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư đảng đoàn kiêm chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh vừa bị Ban thường vụ thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khai trừ đảng. Báo Người Lao động đưa tin này ngày hôm nay.

Báo Người Lao Động trích kết luận của Ban thường vụ thành ủy thành phố cho biết từ năm 2012 đến nay ông Nguyễn Đăng Trừng đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của đảng đoàn đối với hoạt động của đoàn luật sư thành phố, không tổ chức cho đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng đoàn theo quy chế làm việc đã ban hành.

Ban thường vụ thành ủy cũng  kết luận ông Nguyễn Đăng Trừng đã xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn biểu đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đăng Trừng đã từng là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 12. Ông cũng từng tham gia vào vai trò ủy viên Ủy ban Tư pháp của quốc hội. Ông cũng là người từng bào chữa cho trùm xã hội đen Năm Cam và luật sư Lê Công Định.

 

Ngành hàng không Việt Nam đang đi vào ngõ cụt?

Ngành hàng không Việt Nam đang đi vào ngõ cụt?

Hoà Ái, phóng viên RFA
2014-07-31

07312014-impass-of-vn-airline.mp3

Nữ tiếp viên Vietnam Airlines

Nữ tiếp viên Vietnam Airlines

vietnamairlines

Ngành hàng không ở VN vừa lên tiếng thừa nhận chậm, hủy chuyến bay do năng lực yếu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải khắc phục tình trạng này. Câu hỏi đặt ra liệu rằng ngành hàng không sẽ đổi mới mình một cách hiệu quả qua chỉ đạo của Chính phủ?

Mong quý khách thông cảm

Trong khoảng 1 thập kỷ qua, ngành hàng không VN đóng vai trò quan trọng do nhu cầu đi lại của dân chúng ngày càng gia tăng. Thế nhưng, tất cả hành khách di chuyển bằng đường hàng không ở VN có một điểm chung ở cái lắc đầu ngao ngán khi thường xuyên phải nghe thông báo với nội dung “ vì lý do máy bay về muộn nên chuyến bay của quý khách sẽ chậm hơn lịch trình. Mong quý khách thông cảm”.

Mới đây, hôm 28/7/2014, tại cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, các hãng hàng không thừa nhận do năng lực yếu đã gây ra gần 73% số vụ chậm hoặc hủy chuyến bay. Tìm hiểu tâm lý khách hàng khi họ chọn lựa phương tiện đi lại nhanh nhất mà phải mất nhiều thời gian chờ đợi ở sân bay, những khách hàng đài RFA tiếp xúc đều tỏ thái độ bất bình vì cho rằng họ buộc phải mua một dịch vụ kém chất lượng mà không có lựa chọn nào khác hơn. Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị ở Sài Gòn cũng là khách hàng thường xuyên của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, nói:

Hiện nay không có phục vụ khách hàng, không có cạnh tranh bởi vì ‘no choice’(không có sự lựa chọn nào khác)

Ông Duy Lê

“Hiện nay không có phục vụ khách hàng, không có cạnh tranh bởi vì ‘no choice’ (không có sự lựa chọn nào khác)”.

Theo phân tích của ông Duy Lê, những khách hàng là doanh nhân thì thời gian đối với họ là tiền bạc nên họ phải chọn Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất ở VN hiện nay để giảm tối thiểu thời gian chờ đợi do các chuyến bay bị hoãn hay bị hủy. Còn về phía khách hàng đã chọn lựa các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific hay VietJet Air…làm phương tiện di chuyển như một hình thức tiết kiệm chi phí thì họ sẽ không chọn hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines làm gì.

Một trong những nhóm hành khách chủ lực của các hãng hàng không ở VN là du khách nước ngoài. Họ cũng không có chọn lựa nào khác hơn khi đến VN để tham quan từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Cô Soa, 1 hướng dẫn viên du lịch của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Saigontourist, cho đài ACTD biết:

“Đa phần các công ty du lịch không chọn hãng hàng không giá rẻ. Tại vì giá rẻ thì đồng nghĩa với ‘delay’ (hoãn chuyến bay) còn kinh khủng hơn cả của quốc gia. Thứ hai, giữa cái xấu và ít xấu hơn thì tình hình giao thông đường bộ của VN, ví dụ từ Sài Gòn đi Đà Lạt 300 cây số thì phải đi từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ, nên đa phần họ bắt buộc phải chọn tuyến hàng không thôi. Thường các ‘tour’ du lịch từ 10 đến 12 ngày đi cả 3 miền thì phải đi bằng máy bay”.

Khách chờ chuyến bay

Khách chờ chuyến bay

Đa phần các công ty du lịch không chọn hãng hàng không giá rẻ. Tại vì giá rẻ thì đồng nghĩa với ‘delay’ (hoãn chuyến bay) còn kinh khủng hơn cả của quốc gia

Cô Soa, Saigontourist

Trả lời câu hỏi du khách nước ngoài nói gì khi họ trải nghiệm thời gian chờ đợi các chuyến bay bị hoãn hay bị hủy ở các sân bay VN, cô Soa chia sẻ:

“Đặt trường hợp như mình thì mình phải chuẩn bị tâm lý cho khách trước. Hãng hàng không quốc gia tên là Vietnam Airlines nhưng thường hay đùa là ‘Delay Airlines’ (Hãng hàng không Chậm trễ). Mình chuẩn bị tâm lý trước thì khách cũng không nói gì hết”.

Tuy nhiên, cô Soa còn cho biết thêm yếu tố các chuyến bay bị chậm trễ hay bị hủy là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho du khách nước ngoài “một đi không trở lại” VN, đất nước có khẩu hiệu “điểm đến của thiên niên kỷ mới”.

Bài toán không đáp số

Trong cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cuối tháng 7 vừa qua, các hãng hàng không nêu lên nguyên nhân chủ quan, nội tại bao gồm năng lực bảo trì yếu kém, quá trình sắp xếp các chuyến bay chưa hợp lý, thời gian quay đầu máy bay quá ngắn, năng lực của bộ phận xây dựng kế hoạch bay bị hạn chế. Bên cạnh đó còn có tình trạng, dịch vụ và trang thiết bị yếu kém tại các sân bay, công tác quản lý điều hành bay còn nhiều bất cập. Ngoài ra, các yếu tố khách quan gây ra hậu quả ảnh hưởng đến lịch bay cũng gia tăng đáng kể. Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2014, có 145 vụ việc hành khách vi phạm, tăng đột biến hơn 95% so với cùng kỳ năm 2013.

Tham dự cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ngành hàng không VN phải áp dụng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, các hãng hàng không sớm khắc phục tình trạng chậm trễ, hủy chuyến bay được coi là “chuyện thường ngày” đang gây bức xúc trong dư luận để xứng danh niềm tự hào rằng VN có ngành hàng không rất an toàn.

100% ‘it doesn’t make sense’ (chẳng có ý nghĩa gì cả). Đơn giản năng lực mới là quan trọng chứ không phải mệnh lệnh là xong. Bây giờ ai cũng muốn tốt hơn nhưng phải tốt hơn như thế nào thì không có cách. Không có kỹ năng là thua

Ông Duy Lê

Qua lăng kính chuyên môn của 1 chuyên gia về quản trị, ông Duy Lê khẳng định chỉ thị của đại diện Chính phủ sẽ không mang lại hiệu quả nào để cải thiện tình trạng hiện nay của ngành hàng không VN. Ông Duy Lê đánh giá yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đối với ngành hàng không VN:

“100%  ‘it doesn’t make sense’ (chẳng có ý nghĩa gì cả). Đơn giản năng lực mới là quan trọng chứ không phải mệnh lệnh là xong. Bây giờ ai cũng muốn tốt hơn nhưng phải tốt hơn như thế nào thì không có cách. Không có kỹ năng là thua”.

Chuyên gia về quản trị Duy Lê cho rằng để cải tổ trong ngành hàng không VN có hiệu quả thì cần phải chú trọng vào yếu tố năng lực nhân sự trong cả hệ thống của ngành. Mỗi nhân viên từ vị trí thấp nhất cho đến người lãnh đạo cao nhất ở cấp thượng tầng đều phải có thực lực. Bên cạnh yếu tố nhân lực, ngành hàng không VN còn cần phải có chiến lược kinh doanh dài hạn để thay đổi và phát triển.

Nhiều chuyên gia trong ngành hàng không nhận định khoảng 100 năm nữa hàng không VN mới có thể sánh vai với ngành hàng không của các quốc gia trong Hiệp hội Đông Nam Á-ASEAN. Ngành hàng không VN vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sẵn sàng “đổi mới”. Dư luận đang chờ nghe câu trả lời có phải ngành hàng không VN đang đi vào ngõ cụt? Và nếu đúng, liệu có giải pháp nào để giải quyết hay không?

 

Một số lãnh đạo Đảng CSVN chỉ trích mối quan hệ Việt-Trung

Một số lãnh đạo Đảng CSVN chỉ trích mối quan hệ Việt-Trung

Giáo sư Tương Lai, một trong những người ký tên trong thư

Giáo sư Tương Lai, một trong những người ký tên trong thư

Marianne Brown

31.07.2014

HÀ NỘI —

Việt Nam, hôm thứ Năm nói chính sách ngoại giao nhắm mục đích bảo vệ nền độc lập của đất nước. Thông tín viên Marianne Brown tường trình cho đài VOA từ Hà Nội rằng nhận định này được đưa ra tiếp sau một bức thư của các đảng viên có uy tín của Đảng Cộng sản gởi các nhà lãnh đạo cấp cấp trong nước đề nghị cải cách chính trị và kinh tế để chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. .

Bộ Ngoại giao Việt Nam bênh vực chính sách ngoại giao của Hà Nội tiếp theo một câu hỏi liên quan đến một bức thư ngỏ của những đảng viên có uy tín của Đảng Cộng sản kêu gọi chấm dứt mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường lệ ở thủ đô, phát ngôn viên Lê Hải Bình nói chính sách hiện nay của Việt Nam nhắm mục đích “bảo vệ sự độc lập, hỗ trợ và đa dạng hóa” các mối quan hệ quốc tế.
Ông Bình nói:

“Việc thực hiện chủ trương nhất quán này đã mang lại một vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế cũng như đóng góp tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.”

Trước đây trong tuần, khoảng 60 đảng viên có uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gởi một bức thư ngỏ lên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nói rằng Hà Nội đã trả một giá quá cao vì đã nhượng bộ quá nhiều những đòi hỏi của Trung Quốc.

Bức thư này được đưa ra vài tuần lễ sau cuộc khủng hoảng ngoại giao, châm ngòi hồi tháng 5 năm nay khi Trung Quốc điều động một giàn khoan dầu đến vùng biển Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã di dời giàn khoan này trước đây trong tháng để tránh bão đến.

Giáo sư Tương Lai, cố vấn cho hai Thủ tướng, là một trong những người ký tên vào lá thư gửi các nhà lãnh đạo cao cấp. Ông nói:

“Lá thư này khác những lá thư trước, những kiến nghị, những tuyên bố trước vì lá thư này nhân danh những đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam gửi cho Ban chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Ngoại giao giữa hai nước căng thẳng trong vài tháng qua, đặc biệt sau khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây ra bạo động tại những Khu công nghiệp Việt Nam vào tháng 5 làm cho một số công nhân Trung Quốc thiệt mạng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Bức thư cũng gồm một đề nghị là Hà Nội kiện Trung Quốc ra Tòa án Luật Biển Quốc tế.

Giáo sư Tương Lai nói tiếp:

“Việc cúi đầu lệ thuộc Trung Quốc ấy nó đánh mất lý do mà đảng có thể tập họp được nhân dân, tức là đảng đánh mất ngọn cờ độc lập và dân chủ.”

Một người ký tên khác là bà Phạm Chi lan, 69 tuổi, cựu phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và là cựu thành viên của ủy ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Bà vẫn còn làm việc trong tư cách cố vấn cho một vài bộ.

Bà Chi Lan nói:

“Tôi nghĩ nếu Việt Nam hội nhập tốt hơn vào những nền kinh tế khác, ví dụ như phát triển đồng đều hơn ngoài Trung Quốc cùng với một nền kinh tế trong khu vực như Ấn Độ chẳng hạn hoặc các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nền kinh tế ASEAN thì sẽ đỡ hơn là lệ thuộc vào Trung Quốc.”

Bà Chi Lan nói thêm Việt Nam cũng cần thực hiện những cải cách định chế chẳng hạn như nếu đảng vẫn còn muốn phát triển “một nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” như hiện nay thì sẽ rất khó khăn vì định nghĩa thuật ngữ này không rõ rệt.

Giáo sư Tương Lai nói khái niệm không phải là lật đổ Đảng Cộng sản mà là xây dựng đảng. Nhưng xây dựng có nghĩa là cải cách. Ông nói:

“Nếu đảng không thay đổi, đảng sẽ sụp đổ vì sự tin tưởng của người dân rất thấp.”

 

Giới thân cận hé lộ ‘cuộc sống cô độc, hung hiểm’ của Putin

Giới thân cận hé lộ ‘cuộc sống cô độc, hung hiểm’ của Putin
July 31, 2014

Nguoi-viet.com

MOSCOW, Nga (NV) Hơn một tuần sau vụ chiếc máy bay MH-17 của Malaysia Airlines bị nghi bắn rớt ở Ukraine, thế giới vẫn tập trung sự chú ý vào tổng thống Nga, ông Vladimir Putin.

Mặc dù đóng vai trò lãnh đạo trên sân khấu chính trị thế giới, đời sống của ông vẫn còn đầy bí ẩn.



Tổng Thống Vladimir Putin, với cái nhìn lạnh như băng. (Hình: Alexei Nikolsky/AFP/Getty Images)

Cô Michelle Miller, đặc phái viên của CBS News, trích dẫn bài tường thuật mới đây nhất đăng trên tuần báo Newsweek, cho thấy nhiều hơn về cuộc sống của ông, khắc hẳn những gì công chúng thấy thường ngày.

Trước công chúng, ông Putin được biết qua cái nhìn lạnh như băng, dường như khó xuyên thấu được, không khác với cuộc đời mà ông đang dẫn dắt.

Một thông dịch viên nói với ký giả Ben Judah của Newsweek rằng: “Ông ấy không nói chuyện. Ông cảm thấy không cần phải cười.”

Người thông dịch viên này là một trong hàng chục nguồn thông tin cung cấp cho Newsweek khía cạnh khách của ông Putin mà công chúng chưa được trông thấy bao giờ.

Nhưng những người thân cận của ông lại vừa tiết lộ một vài chi tiết mới về ông, như thông thường mỗi sáng ông ăn điểm tâm trễ, rồi bơi lội một mình.

Trong văn phòng, ông tránh né những gì thuộc kỹ thuật tân kỳ mà chỉ để ý đến hồ sơ in trên giấy tờ và xem tài liệu về mìn bẫy thời Xô Viết.

Nhà báo Judah nói: “Ðiều đó cho thấy một đời sống quái gở, cô độc, hung hiểm, khốn khổ, trong đó ông Putin ít nói chuyện với một ai. Ông hết sức kín đáo.”

Ông luôn bị ám ảnh là cả thế giới đang nói về ông. Các phụ tá cắt sẵn những bài viết đăng trên báo trình cho ông xem vì ông không đụng tới Internet, để ông biết được “người ta chế giễu ông đến chừng nào.”

Khi du hành ra ngoại quốc, ông chỉ ăn thức ăn do nhà bếp của điện Kremlin làm, vốn được gửi đi trước cả tháng. Nói chung là chở theo một máy bay toàn đầu bếp, thợ giặt ủi, hầu bàn, mà không đụng đến những gì của nước chủ nhà.

Ông bám lấy quyền lực từ khi trở thành tổng thống vào năm 2000. Giới thân cận gọi ông là “Tsar,” ám chỉ một nhà cai trị sắt máu thời quá khứ của nước Nga.

Ông Putin đang bị áp lực phải ngưng ủng hộ những phiến quân bị cáo buộc bắn rơi chiếc MH-17 ở phía Ðông Ukraine, nhưng đến giờ phút này, ông vẫn chưa tỏ dấu hiệu đáp ứng các đòi hỏi của Tây Phương. (TP)

 

Tấm bánh liên đới

Tấm bánh liên đới

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo. Khi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo “mốt”. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: “Đem lại đây cho Thầy”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1.    Tục ngữ Việt nam có câu: Nhiều no ít đủ. Bạn nghĩ gì về nét văn hoá Việt nam trong câu này. Có gần với bài Tin Mừng hôm nay không?

2.    Càng cho đi càng phong phú. Bạn cảm nghiệm điều này bao giờ chưa?

3.    Ta có trách nhiệm với những người chung quanh. Những người nghèo chất vấn cách tiêu dùng của ta. Bạn có nghĩ thế không?

BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ TÂM HỒN BÌNH YÊN!

BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ TÂM HỒN BÌNH YÊN!

1- Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực và người tiêu cực.
2- Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ. Học cách quên lãng và biết tha thứ.
3- Đừng ganh tị với người khác.
4- Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi.
5- Hãy học kiên nhẫn hơn và tha thứ bao dung hơn với con người và sự việc.
6- Đừng nhìn sự vật, sự việc dưới quan điểm cá nhân, phiến diện từ 1 phía.
7- Đừng chìm đắm vào quá khứ mà bỏ quên hiện tại và làm ảnh hưởng đến tương lai.
8- Học cách thả lỏng tinh thần, trong một ngày hãy dành cho mình ít nhất là 10 phút để nhìn lại, để thư giãn tinh thần giữa nguồn sống hối hả. Không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn.(Nobody can bring you peace but yourself.)

Ralph Waldo Emerson

Xin thêm:

9) Phó thác mọi sự trong tay Thượng Đế

10) Mọi sự đểu Cầu nguyện và Cầu nguyện trong mọi sự .

Ngọc Nga & Anh chị Thụ Mai gởi

Người Việt tẩy chay hàng Trung Quốc sau vụ tranh chấp giàn khoan

Người Việt tẩy chay hàng Trung Quốc sau vụ tranh chấp giàn khoan

'Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam' là một phần của chiến dịch trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tinh thần dân tộc.

‘Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’ là một phần của chiến dịch trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tinh thần dân tộc.

Reasay Poch

29.07.2014

HÀ NỘI —

Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển tranh chấp ở biển Đông mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.  Nhưng vụ việc này vẫn còn tiếp tục tác động tới người tiêu dùng ở Việt Nam. Theo tường thuật của thông tín viên Đài VOA Reasey Poch từ Hà Nội, người Việt dường như đang có nỗ lực tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Cũng giống như phần lớn các cửa hàng trên khắp cả nước, các kệ tại cửa hàng này la liệt các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc; nhưng hiện giờ, phần lớn các mặt hàng đó không bán được vì nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tức giận vì Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Như mọi năm, chị Hương đưa các con tới mua đồ dùng học tập cho năm học mới. Chị cho biết là năm nay, chị chỉ mua đồ dùng sản xuất ở Việt Nam.

“Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chúng tôi là người Việt thì chúng tôi phải mua hàng Việt”.

‘Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’ là một phần của chiến dịch trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tinh thần dân tộc.

Tháng Năm vừa qua, Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa, dẫn tới các cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và thuyền đánh bắt cá của Việt Nam.

Mai là một sinh viên tại Hà Nội. Em cho biết vẫn sử dụng hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng sẽ không mua hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc trong tương lai.

“Sau sự việc vừa qua, có nhiều lời kêu gọi trên Internet về việc ‘không sử dụng hàng hóa Trung Quốc’. Nhiều người đã cố gắng vứt bỏ các đồ sản xuất ở Trung Quốc”.

Theo số liệu chính thức của chính phủ Việt Nam, năm 2013, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai chiều là hơn 50 tỷ đôla.

Gần 12 triệu người Việt Nam mắc bệnh gan

Gần 12 triệu người Việt Nam mắc bệnh gan
July 28, 2014

Nguoi-viet.com
VIỆT NAM (NV) – Phúc trình tại Hội Nghị Gan-Mật Toàn Quốc Việt Nam lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, Việt Nam là một trong chín quốc gia có số bệnh nhân nhiễm virus viêm gan cao nhất vùng Tây Thái Bình Dương.

Lá gan khỏe mạnh và lá gan người bị ung thư. (Hình: Internet)

Theo Việt Nam Plus, hội nghị trên được tổ chức trong hai ngày, 26 và 27 tháng 7, 2014, qui tụ khoảng 300 đại diện các bệnh viện, trường đại học y khoa, chuyên viên trong và ngoài nước. Theo ông Ðinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan-Mật, Việt Nam là một trong 9 quốc gia vùng tây Thái Bình Dương có tỉ lệ bệnh nhân viêm gan cao.

Phúc trình chi tiết của ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Ðới, khoảng 12% dân số Việt Nam bị nhiễm virus viêm gan B, và khoảng 4% dân số bị viêm gan C.

Phúc trình vừa được công bố hồi tháng 3, 2014 vừa qua còn cho biết, có 11.5 triệu người Việt Nam có nguy cơ bị ung thư gan. Mỗi năm, vẫn theo phúc trình này, có hàng ngàn trường hợp mới bị nhiễm.

Phúc trình được báo mạng Việt Nam Plus trích dẫn khẳng định rằng, viêm gan C là một chứng bệnh không báo trước vì bệnh nhân không nhận ra triệu chứng sau khi đã mắc bệnh từ 10 đến 20 năm. Dù diễn biến khá thầm lặng nhưng chứng bệnh này lại gây tử vong cao vì nhanh chóng biến thành xơ gan, dẫn tới ung thư.

Việt Nam Plus còn dẫn phúc trình của Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO nói rằng, mỗi năm thế giới có 1.4 triệu người qua đời vì bệnh ung thư gan, và xuất hiện thêm 500 người bị viêm gan, xơ gan, ung thư gan vì nhiễm virus.

Cũng theo WHO, người bị viêm gan mãn tính gặp nhiều nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh này chưa được thế giới coi là một trong những vấn đề y tế nghiêm trọng toàn cầu.

Còn theo báo Dân Trí, trung bình tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 22,000 người chết vì ung thư gan. So với số người tử vong vì tai nạn giao thông, số bệnh nhân chết vì bệnh gan cao gấp đôi. (PL)

Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556): Nhà Lãnh Đạo Theo Tinh Thần Phúc Âm

Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556): Nhà Lãnh Đạo Theo Tinh Thần Phúc Âm

Dòng tên Việt  Nam

http://dongten.net/wp-noidung/uploads/2014/07/saint-inhaxio-1.jpg

Theo một số nhà chú giải, khi viết về những đức tính mà vị Tổng Quyền phải có, Thánh Inhaxiô phác họa chân dung của chính mình.

Những đức tính mà vị TỔNG QUYỀN DÒNG TÊN phải có: những điều làm nên sự toàn thiện trong tương quan với Thiên Chúa, những điều hoàn thiện các đặc tính tâm hồn, trí tuệ và cách hành xử.

1. Điều ưu tiên phải có là những đức tính siêu nhiên.

“Đức tính thứ nhất, là sự kết hợp mật thiết cao độ với Thiên Chúa”.  “Sống thân mật thâm sâu với Chúa trong cầu nguyện và trong tất cả mọi sinh hoạt”.

Một con người được hướng dẫn và bao bọc bởi ân sủng huyền nhiệm. Tức là được Chúa ban ơn để thi hành sứ mạng Chúa giao phó.

2. Các nhân đức căn bản: bác ái và khiêm tốn. Đức ái là mối dây liên kết, hoà hợp các nhân đức khác:

“Nêu gương về mọi nhân đức cho các tu sĩ trong dòng. Nơi ngài, đặc biệt chói sáng lòng bác ái đối với tha nhân và cách riêng, đối với Dòng, cũng như sự khiêm tốn đích thực làm cho mình được Thiên Chúa yêu thương và mọi người quý chuộng”.

Thánh Augustinô viết: “Ubi humilitas, ibi caritas” (nơi đâu có sự khiêm tốn, nơi đó có bác ái). .

a/ Thoát khỏi những quyến luyến lệch  lạc, bằng cách nhờ ân sủng, biết chế ngự và hãm dẹp diệt chúng; nhờ thế, phán đoán bên trong của lý trí không bị  xáo trộn và bên ngoài luôn biết làm chủ chính mình; cách đặc biệt cẩn trọng, mực thước trong lời nói.

b/ Tuy nhiên, ngài nên học biết hoà hợp sự chính trực và sự nghiêm khắc cần thiết phải có với sự hiền lành dịu dàng. Không bị trệch hướng khỏi điều ngài nghĩ là đẹp lòng Chúa hơn hết, tuy nhiên cũng không thiếu lòng yêu thương thông cảm đối với con cái.

c/ Ngài cũng cần phải có lòng đại lượng và quả cảm, để gánh chịu sự yếu đuối của nhiều người và khởi xướng nhiều công việc lớn lao để phụng sự Thiên Chúa và cương quyết kiên trì khi cần thiết. Không thất đảm trước những chống đối (cả từ phía những người có quyền chức và địa vị), không nao núng bởi những dụ dỗ hoặc đe dọa từ họ, mà đi xa điều lý trí hoặc việc phụng thờ Thiên Chúa đòi hỏi. Ngài phải vượt trên mọi biến cố, không bị giao động trước những điều xảy ra: không vênh vang khi gặp thành công và quỵ ngã khi gặp thất bại. Sẵn sàng chịu chết vì quyền lợi của Dòng, để phụng sự Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa và là Chúa chúng ta.

3. Các đức tính thuộc trí tuệ.

“Có trí khôn minh mẫn và óc phán đoán tuyệt vời. Để có thể đương đầu với những điều trừu tượng cũng như giải quyết những vấn đề thuộc lãnh vực thực hành. Kiến thức thì rất quan trọng để lãnh đạo những người thông thái, nhưng sự khôn ngoan, cẩn trọng (prudence) và kinh nghiệm trong các thực tại thiêng liêng và nội tâm thì cần thiết hơn để có thể biện phân các loại thần và đưa ra những lời khuyên hay phương dược cho những ai đau khổ  và có nhu cầu thiêng liêng.”

“Cũng đặc biệt cần thiết đối với ngài là ân sủng biết phân định, cân nhắc trong những công việc bên ngoài và trong cách giải quyết nhiều công việc khác nhau, cũng như trong việc tiếp xúc với nhiều người khác nhau ở trong và ngoài Dòng.”

4. Luôn canh chừng, thức tỉnh và lưu tâm đến công việc từ đầu cho đến cuối.

“Đức tính thứ tư rất cần thiết cho việc quản trị hữu hiệu, đó là tình trạng tỉnh táo dè chừng và lưu tâm để ý đến công việc khi bắt đầu và nghị lực để đưa công việc cho đến khi hoàn tất và hoàn chỉnh, để không vì xao lãng hay bất lực mà không thể hoàn thành một công việc đã bắt đầu”.

5. Đức tính thuộc hình thể, dóc váng, tình trạng sức khoẻ thể lý.

“Đức tính thứ năm liên quan đến thân xác. Về sức khoẻ, hình dáng, tuổi tác, một đàng cần phải chú ý đến phẩm cách và uy tín (dignity and authority); đàng khác phải xem xét sức khoẻ thể lý như trách nhiệm đòi buộc, để có thể hoàn thành nhiệm vụ cho vinh quang Thiên Chúa, Chúa chúng ta.”

6. Danh thơm tiếng tốt và những điều làm nên uy tín cá nhân.

“Đức tính thứ sáu liên quan đến những yếu tố bên ngoài. Theo đó, những đức tính giúp xây dựng kẻ khác và phụng sự Thiên Chúa thì đáng quý chuộng hơn. Theo sự thường, đó là được kính trọng, danh thơm tiếng tốt, và tất cả điều gì tạo nên uy tín (authority) trước những người ở bên ngoài cũng như ở bên trong Dòng.”

7. Người có công trạng và được nhiều người biết đến.

“Cuối cùng ngài phải là một trong những người nổi bật về tất cả mọi đức hạnh, có công với Dòng và được biết như vậy trong Dòng từ nhiều năm nhất.

Nếu không có những đức tính trên, thì ít nhất không thể thiếu :

“Sự liêm chính lớn lao và tình yêu lớn lao đối với Dòng, phán đoán khách quan, chính xác cùng với kiến thức rộng rãi vững chắc, sâu sắc” (great probity and love for the Society, good judgment accompanied by sound learning).

Kết luận

Theo quan điểm của Thánh Inhaxiô, Linh Thao nhằm huấn luyện những con người được tuyển chọn để trở thành những hiệp sĩ của Chúa Kitô. Phải chăng Linh Thao cũng là nơi đào luyện các lãnh đạo tôn giáo -và cả lãnh đạo dân sự- theo tinh thần Phúc Âm?

(Lm. Antôn Ngô văn Vững, SJ)

ĐỢI CHỜ…& HƯỚNG VỀ,

ĐỢI CHỜ…

Biết đến bao giờ gặp lại nhau,
Cuối ngõ đường xưa nắng nhạt màu,
Trong tay nhắc nhớ tình năm cũ,
Mắt lệ hoen mờ dạ xót đau…

Mấy chục năm dài ước muốn thêm,
Đón gió thu sang nắng dịu mềm,
Lòng nghe khắc khoải vương đây đó,
Bạn hữu đêm nào …thức trắng đêm…

Cuối bến sông nay vắng dáng đò,
Nhuộm kín đôi bờ nét âu lo,
Về đâu ký ức ngày xưa ấy,
Chỉ chiếm hồn tôi vạn ý thơ…

Liverpool.30-7-2014.
Song Như.

HƯỚNG VỀ,

Thuyền neo bến cạn đợi chờ,
Người đi có nhớ vần thơ năm nào,
Xa khơi sóng vỗ lao xao,
Mây trời đẹp tựa đường vào thiên thai,
In mờ bóng núi lung lay,
Hồn hoang chất ngất tình hoài nước non,
Ra đi lúc tuổi chưa tròn,
Bao nhiêu tuế nguyệt vẫn còn tha hương,
Mẹ ơi nước mắt sầu vương,
Mơ ngày trở lại vì thương xóm nghèo,
Mong cho vững lái tay chèo,
Con về với mẹ bên đèo dệt thơ…

Liverpool.30-7-2014.
Song Như.

Hồ sơ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang

Hồ sơ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang

Ngô Ngọc Văn

BBC Tiếng Trung

Thứ ba, 29 tháng 7, 2014

Ông Chu Vĩnh Khang trước khi về hưu, tháng 11/2012

Chu Vĩnh Khang từng là một trong chín chính trị gia cao cấp nhất Trung Quốc cho tới năm 2012, nhưng giờ đã thất thế.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin ông đang bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, thường được dùng để nhắc tới tham nhũng. Thông tin này khép lại các tin đồn trong suốt mấy tháng qua về số phận của ông.

Các bài liên quan

Rất nhiều đồng minh và cộng sự thân cận của ông đã bị cách chức hoặc điều tra do các cáo buộc vi phạm kỷ luật đảng và các tội danh nhẹ hơn khác.

Ông Chu nổi lên từ một kỹ thuật viên ngành dầu khí từ những năm 60 và sau đó phụ trách bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc.

Sự xuống dốc của ông một lần nữa cho thấy quyết tâm nhổ rễ đối thủ của mình và làm thanh sạch hình ảnh đảng của chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng cũng gây ra nghi vấn về một hệ thống nuôi dưỡng tham nhũng ở mức chưa từng có.

Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942 ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1964 và tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh năm 1966 với bằng khảo sát địa vật lý và thăm dò.

Ông trải qua 32 năm tiếp đó trong lĩnh vực dầu khí, bắt đầu với vị trí kỹ thuật viên ở mỏ dầu Đại Khánh.

Ông dần được thăng chức và sau đó trở thành tổng giám đốc và bí thư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) vào năm 1998 – ngang với tầm bộ trưởng.

Rất nhiều cấp dưới của ông nay bị điều tra, nổi bật nhất là Tưởng Khiết Mẫn, người từng nắm chức tổng giám đốc và bí thư CNPC năm 2006 – 2013.

‘Thế lực thù địch’

Lưu Hán từng nằm trong danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc

Sau một năm làm việc ở Bộ Đất đai và Tài nguyên với vai trò bộ trưởng và bí thư năm 1998, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh Tứ Xuyên cho tới năm 2002.

Không có nhiều thông tin về những thành tựu của ông trong thời kỳ này, nhưng từ năm 2012, nhiều cấp dưới của ông trong thời kỳ này đã bị cách chức và điều tra, cáo buộc các tội từ vi phạm kỷ luật đảng cho tới nhận hay đưa hối lộ.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Lưu Hán, một doanh nhân rất giàu có ở Tứ Xuyên, được ông Chu Vĩnh Khang bảo trợ. Ông Lưu bị kết án tử hình hồi tháng Năm do “tổ chức và chỉ đạo tội phạm và giết người kiểu mafia”.

Năm 2002 đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của ông Chu khi ông được chỉ định trở thành thành viên của Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng thứ 16; đến cuối năm, ông trở thành Bộ trưởng Công an.

Năm 2007, Chu Vĩnh Khang được nâng lên thành thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị và cũng nhận vai trò phụ trách Ủy ban Chính pháp Trung Ương Trung Quốc.

Công việc của ông bao gồm bình ổn đất nước, và “phòng chống và đấu tranh lại các thế lực thù địch từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc”. Quỹ tài chính cho nhiệm vụ này lên tới 700 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 114 tỷ USD), hơn cả quỹ cho quốc phòng.

Mốc chính trong sự nghiệp và cuộc đời

  • 1942

Sinh ra ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô

  • 1964

Gia nhập Đảng Cộng sản và làm việc 32 năm trong ngành dầu khí Trung Quốc

  • 1998

Trở thành bí thư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc

  • 1999

Bổ nhiệm vào chức Bí thư Tứ Xuyên

  • 2002

Bổ nhiệm thành thành viên Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng 16; sau đó trở thành Bộ trưởng Công an trong cùng một năm

  • 2007

Thăng chức thành thành viên Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị

  • 2012

Cấp dưới của ông Chu bắt đầu bị cách chức và điều tra

  • 3/2012

Xuất hiện cùng Bạc Hy Lai trong kỳ họp Quốc hội

  • 12/2013

Con trai Chu Bình bị bắt giữ vì các tội danh tham nhũng

Là người phải đối phó với tình hình bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương, an ninh cho Olympic Bắc Kinh và ảnh hưởng của “Mùa xuân Ả Rập”, quyền lực của ông Chu lấn sang cả lĩnh vực tòa án, công tố, cảnh sát, dân quân và tình báo.

Các chính sách hà khắc được áp dụng: các nhà bất đồng chính kiến bị đối xử tàn nhẫn và dân khiếu kiện bị quấy nhiễu thường xuyên, với rất nhiều người bị giữ trong các trại giam phi pháp gọi là “hắc giam ngục”.

Đồng minh Bạc Hy Lai

Chu Vĩnh Khang cũng có quan hệ công việc rất thân thiết với chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai

Chu Vĩnh Khang cũng có quan hệ công việc rất thân thiết với chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai, nay đang trong tù.

Khi ông Bạc còn là Bí thư Trùng Khánh và phát động chiến dịch “hát nhạc cách mạng và đàn áp tội phạm” nhằm đẩy mạnh tên tuổi, ông Chu xuất hiện trong thành phố hồi năm 2010 để khen ngợi lãnh đạo.

Chỉ vài ngày trước khi thông báo cách chức ông Bạc Hy Lai được đưa ra hồi tháng Ba năm 2012, Chu Vĩnh Khang xuất hiện cùng đồng minh trong kỳ họp quốc hội, nói về sự lớn mạnh của kinh tế Trùng Khánh so với các địa phương khác ở Trung Quốc.

Trong phiên xử Bạc Hy Lai vào tháng 08/2013, ông Bạc nói trước tòa rằng ông nhận được chỉ dẫn từ Ủy ban Chính pháp cách giải quyết vụ đào tẩu của ông Vương Lập Quân vào lãnh sự Hoa Kỳ, để bảo vệ bản thân ông.

Lúc đó, ông Chu Vĩnh Khang là chủ tịch ủy ban.

Đoạn thú tội này của ông Bạc không được công bố, nhưng tin rỉ ra ngoài từ những người có mặt trong phiên tòa.

Chu Vĩnh Khang có hai đời vợ, và một trong những người con trai của ông với người vợ đầu tiên, Chu Bình, sinh năm 1972 là nhà điều hành cao cấp ngành dầu khí.

Theo báo Hong Kong, ông Chu Bình bị bắt vào tháng 12/2013 do tội tham nhũng.