Mùa thu cuộc tình

Mùa thu cuộc tình

Tiểu Tử

Bữa ăn trưa đó của ông Năm thật giản dị : một trái cà tô-mát không dầu không dấm và một miếng thịt bò nhỏ bằng bàn tay nướng trên vỉ sắt không muối không bơ. Quá giản dị ! Nhứt là hôm nay thứ bảy, không phải đi làm. Nghĩa là có dư dả thì giờ để làm một món gì đó cho có vẻ một bữa ăn cuối tuần. Cho nó khác với ngày thường ăn vội ăn vàng cái gì cũng được. Thật quá giản dị ! Nhứt là ông Năm sống một mình, không bị phiền toái bởi những chuyện vụn vặt lỉnh-kỉnh phải làm vào cuối tuần của người có gia đình. Ở Paris này mà sống một mình như ông Năm thì thời gian không biết phải làm gì cho hết chớ đừng nói không có thì giờ để làm một bữa ăn cho tươm tất vào trưa thứ bảy.

Nói rằng ông Năm không biết làm bếp cũng không đúng. Hồi xưa, hồi còn ở bên nhà, thật tình ông Năm không biết chiên một cái trứng gà. Ông chỉ biết đi làm ngày hai buổi, còn việc bếp núc có bà Năm lo hết. Bây giờ thì khác. Ông cũng biết nấu vài món thông thường và lâu lâu cũng biết ” làm ” một nồi phở để đãi đôi ba ông bạn già  cùng lứa tuổi và cùng thân phận lưu vong…

Như bình thường thì trưa thứ bảy, ông hay thả xuống khu 13 la-cà ở nhà sách Khai Trí một lúc rồi sang qua mấy cửa hàng nho nhỏ trên lầu Paris Stores để coi có gì lạ không. Sau đó, ông mới tấp vô tiệm phở để ăn trưa, có khi một mình,nhưng thường thì với một vài người bạn gặp nhau ngoài phố. Ở khu 13 vào trưa thứ bảy, không gặp người này cũng gặp người nọ, bởi vì ai cũng đến đó để mua đồ, nói là ” đi chợ Tàu ” chớ thật ra là để tìm lại một chút gì hơi hướm của quê hương : những  khuôn mặt gần gũi (gặp ai cũng thấy quen quen !), những món hàng còn giữ nguyên nét cũ  (đòn chả lụa vẫn phải có màu xanh của lá, con vịt quay vẫn phải đỏ ao màu mật…) và những cái tên chỉ cần đọc lên là đủ để gợi nhớ…

Hồi sáng này, ông Năm cũng đã đóng bộ để đi khu 13. Trời đã sang thu, nhưng nắng còn thật ấm. Cây marronnier nhà hàng xóm nằm ngay dưới cửa sổ nhà ông Năm đã trở màu vàng. “Chắc lá đã rụng đầy”, ông Năm nghĩ vậy khi đứng thắt cravate gần khung cửa sổ. Chỗ ông cư ngụ là một studio nhỏ ở lầu ba khu nhà cũ nằm sâu phía sau nhà thờ Sacré Coeur. Cây marronnier che hết phía dưới thành ra từ cửa sổ nhà ông Năm nhìn thẳng ra chỉ thấy bức tường cao của khu nhà đối diện chắn ngang, chừa phía trên bầu trời bị đóng khung hình chữ nhựt bởi hai dẫy nhà dài. Trên nền trời đó, tuốt phía xa, là nóc nhà thờ với cây thánh giá. Thành ra, thế giới bên ngoài nhìn từ phòng ông Năm chỉ còn lại vỏn vẹn có cây thánh giá để cái nhìn còn có một điểm tựa ! Ông Năm theo đạo Phật, nhưng từ ngày dọn về đây – năm sáu năm gì rồi – cứ nhìn cây thánh giá riết mà ông có cảm tưởng như mình đã thành con chiên của Chúa ! Nhiều khi ông thấy cây thánh giá thật là sinh động. Ông không hay rằng niềm suy tư của ông đã gởi trên đó từ lâu…

Có lần, trong thư gởi về Việt Nam cho bà Năm, ông viết : “Anh thừơng nhìn cây thánh giá đứng cao vòi vọi một mình trên kia mà tự hỏi không biết anh và cây thánh giá, ai cô đơn hơn ai ? Nhưng cây thánh giá hãy còn giang tay ngạo-nghễ chớ anh thì từ lâu rồi anh đã buông tay đầu hàng số mệnh ! Tuy nhiên, ở đây anh còn có cây thánh giá trứơc mắt để hứơng về đó mà cầu nguyện, chớ ở bên nhà giờ đây muốn cầu nguyện em phải hứơng về đâu hả em ? Anh bỗng ứa nứơc mắt thương em vô cùng… Ở ngay trong lòng quê hương mà thiếu thốn đủ thứ, đến nỗi điểm tựa cho niềm tin mà còn không có thì em sống ra sao, em hả ?” Đối với ông Năm, cây thánh giá trên chót nhà thờ Sacré Coeur mặc nhiên đã trở thành một vật gì thật gần gũi, thật trần gian, thật ngừơi, và là động cơ khơi nguồn kỷ niệm…

Hồi xưa, ông làm việc cho Air France ở Sàigòn. Đời sống rất thoải mái, nhưng hai vợ chồng lại không có con. Chạy thầy chạy thuốc mãi rồi mới biết tại vì tử cung của bà Năm nằm lệch. Điều này làm bà Năm khóc hết nứơc mắt. Tuy nhiên, hồi đó còn trẻ nên cũng dễ nguôi, hai vợ chồng chẳng quan tâm cho lắm. Lần hồi, tuổi đời chồng chất, sự không có con đã trở thành một vấn đề cho hai vợ chồng. Mặc dù ông Năm không bao giờ nhắc đến chuyện đó, bà Năm vẫn khơi ra để nhận lỗi về mình. Mặc cảm đó làm cho bà lúc nào cũng ân hận, áy náy. Rồi cái gì hư, cái gì trật, cái gì bậy ở trong nhà dù là do lỗi những ngừơi giúp việc, bà cũng nhận hết. Ông Năm phải mất một thời gian dài để giải thích, khuyên lơn, an ủi bà Năm mới lấy lại đựơc quân bình. Có hôm, trong lúc hai vợ chồng đi dạo trên bãi biển Vũng Tàu, nhìn thấy mấy gia đình đông con đùa giỡn vui vẻ, bà Năm chợt thở dài than : “Nếu không phải tại em thì bây giờ hai đứa mình đâu có bơ vơ như vầy !”. Ông Năm choàng tay ôm vai vợ xoay ngừơi lại để nhìn sâu vào mắt : “Em à! Mình không có con, nhưng mình còn có nhau. Đó là Trời thương lắm rồi, em còn đòi hỏi gì nữa ? Thử tưởng tượng một ngày nào đó không còn có nhau nữa thì sao ?”. Bà Năm gật gật đầu nhưng chẳng bao giờ tưởng tượng đến “cái ngày không còn có nhau” đó.

Vậy mà cái ngày đó đã đến cho ông bà Năm. Hai năm sau ngày mất nước, trong chuyến vượt biên ở Cà Mau, ông Năm đi thoát, bà Năm bị bắt lại với một số người không may khác ! Ông Năm sang Pháp, làm việc lại cho hãng Air France. Bà Năm nằm tù hết mấy tháng. Được thả ra thì nhà cửa đã bị tịch thu, đành về quê ở Gò Công làm công nhân cho nhà máy xay lúa của gia đình mà trong đợt đánh tư sản đầu tiên, Nhà Nước đã tịch thu để biến thành hợp tác xã. Từ đó, là những chuỗi dài thương nhớ, là những lo âu dằn vặt, là những lá thư nhiều ẩn nghĩa cho đúng “văn phạm Nhà Nước”. Còn chuyện vượt biên lần nữa là chuyện mà bà Năm không bao giờ dám nghĩ đến ! Bên này, ông Năm chạy mãi rồi cũng được nhập cảnh gởi về, nhưng phía bà Năm thì gặp quá nhiều khó khăn trong hồ sơ xin xuất cảnh, cứ bị kéo dài, kéo dài bằng những chầu chực, bằng những lời hứa hẹn suông và bằng mấy lần bị lường gạt… Để cuối cùng, mấy năm sau, mới biết là hồ sơ đã bị bác từ lâu ! Tin đó đến với ông Năm bằng tờ giấy tập học trò vàng như giấy súc mà trên đó bà Năm chỉ còn đủ sức viết có mấy hàng… Vậy là vĩnh viễn không còn có nhau nữa ! Ông Năm mất tinh thần hết một thời gian dài. Sau đó, dọn về khu phố này tình cờ cửa sổ mở về hướng nhà thờ Sacré Coeur, để mỗi sáng trước khi đi làm ông nhìn cây thánh giá một lúc, giống như một tín đồ ngoan đạo…

Khi ông Năm mặc xong quần áo thì trời cũng đã gần trưa. Đốt điếu thuốc để lên môi, ông đóng cửa bước chậm rãi xuống cầu thang, giống như đo từng nấc thang một ! Thật ra, tại tánh ông Năm vốn đã trầm thêm tuổi đã gần sáu mươi bắt ông phải cẩn thận khi bước lên bước xuống. Ngoài ra, có gì phải vội phải gấp khi mà chẳng có ai đợi ai chờ ? Đi khu 13 vào trưa thứ bảy đã thành một thói quen, chẳng có gì phải náo nức. Bỗng nhiên, ông Năm nhận thấy cuộc đời mình sao thật vô vị. Giống như tờ giấy trắng mênh mông trải dài, thẳng băng, chẳng có một dòng mực, chẳng có một đốm màu, cũng chẳng có một vết hoen ố. Hình ảnh đó làm cho ông Năm dừng lại ở giữa cầu thang, ngẩn ngơ một lúc như vừa khám phá ra một điều gì quá rõ-rệt nằm ngay trước mắt mà sao lâu nay ông không nhận thấy ! “Mình đi làm đều đặn. Mỗi tuần xuống khu 13 cũng đều đặn vào trưa thứ bảy. Mỗi tối thứ hai đi ciné một lần vì giá vé hạ. Đêm nào cũng coi télé vào 8 giờ tối để theo dõi tin tức, rồi đọc sách đọc báo đến 11 giờ rưỡi là tắt đèn ngủ. Đều đặn. Đều đặn. Đến như cái cầu thang này, mình cũng đều đặn trèo xuống trèo lên đến nỗi biết nó có bốn mươi tám nấc ! Vậy rồi thôi ! Rồi cứ như vậy cho tới về hưu,tới chết !”. Ông Năm hít hơi thuốc thật sâu để thở khói ra thật dài. Ông làm mấy lần như vậy, giống như đang tìm một đáp số ! Rồi ông vỗ nhẹ bàn tay lên thành lan can gỗ, tự nhủ “Thôi ! Đừng nghĩ tới nữa” Ông tiếp tục bước xuống, nhưng bây giờ sao thấy bước chân nặng hơn hồi nãy nhiều…

Khi đi qua trước phòng gác-dang, có tiếng gọi :

– Ông Georges ! Ông Georges !

Georges cũng là tên của ông Năm. Người Pháp phát âm Năm thành Nam, nghe lơ lớ chói lỗ tai, nên ông lấy đại tên Georges cho dễ gọi dễ kêu. Bà gác-dang bước ra trao cho ông một điện tín, nói :

– Vừa mới tới. Tôi định lên nhà đưa cho ông thì ông xuống đây.

Ông Năm run tay mở bức điện tín. Giòng chữ ngắn ngủn hiện lên nhảy múa : “Đã có xuất cảnh. Lo vé máy bay cho em. Mai”. Điếu thuốc trên môi bỗng rơi xuống đất. Ông Năm có cảm giác như mình đang lên cơn sốt. Ông đọc lại điện tín một lần nữa, hai tay phải gồng cứng lại mới kềm được tờ giấy đứng yên căng thẳng dưới mắt. Ông nói cho mình nghe : “Đúng rồi ! Bả được xuất cảnh rồi !”. Bà gác-dang nghiêng đầu lo lắng :

– Có sao không ? Có chuyện gì không ? Ông Georges ?

Tiếng bà ta lôi ông Năm về thực tại. Ông nhìn bà ta, mỉm cười, rồi nắm lấy tay bà ta lắc mạnh :

– Cám ơn bà ! Cám ơn bà nhiều ! Tôi thật không biết nói gì cho phải. Bà thật tốt bụng ! Quá tốt bụng ! Cám ơn ! Cám ơn !

Giọng ông thật thành khẩn, làm như chính bà đã cho giấy xuất cảnh ! Bà ta không hiểu gì cả, vừa ngạc nhiên vừa buồn cười trước thái độ của ông Năm. Bà ấp úng “Nhưng mà… Nhưng mà…” trong lúc ông Năm buông bà ra để chạy lên cầu thang. Nữa chừng, sực nhớ ra, ông dừng lại nghiêng người nói vói xuống :

– Điện tín của vợ tôi ở Việt Nam. Bả nói bả sẽ qua đây ở với tôi ! Cám ơn ! Cám ơn nhiều !

Rồi ông phóng lên cầu thang, nhảy hai bậc một, nhanh như sóc, nhẹ như hưu. Làm như ông mới có hai mươi tuổi !

Vào phòng, ông ngã người lên giường, thở hổn hển. Cái tuổi hai mươi bất thần tìm lại chỉ đủ giúp ông trèo hết bốn mươi tám nấc thang thôi ! Một lúc sau, ông cầm điện tín lên, đọc lại một lần nữa. Thật rõ ràng mà ! Đây nè, hàng chữ không bỏ dấu “Da co xuat canh. Lo ve may bay cho em. Mai” Đọc là hiểu ngay ! Còn Mai là tên của bả rồi, chớ còn ai vô đây nữa ! Cái tên dễ thương mà mình đã thương từ mấy chục năm, không còn lộn với ai được. Vậy là chỉ còn có vé máy bay nữa là xong. Ông nhỏm người lên nhìn tấm lịch tháng treo gần đó để thấy rằng mình bỗng quên mất hôm nay là thứ bảy ! Vậy phải đợi thứ hai mới vào sở lo vụ này được. Ông lại nằm xuống. Dễ thôi ! Nhờ thằng Durand đánh cái télex là xong ngay. Ờ… nhưng mình cũng phải gởi cái điện tín về cho bả mừng. Tội nghiệp ! Không biết ai chạy lo cho bả cái xuất cảnh, chớ bả thì lo khỉ gì được với cái tánh hiền khô và nhát hít của bả. Nghĩ đến đó, ông Năm bỗng thấy thương vợ vô cùng. Cái người đàn bà hiền khô và nhát hít đó đã về làm vợ ông từ hơn ba mươi năm, trước sau như một, theo chồng như một cái bóng. Ngoài chuyện không có con, chẳng thấy bao giờ bà làm bận tâm ông. Con nhà giàu ở Gò Công, học ở Marie Curie, vậy mà cô gái có cái tên Trần thị Lệ Mai đó đã có một quan niệm sống thật cổ điển, thật Á đông. Và khi trở thành bà Trần văn Năm, luôn luôn bà đối xử với bên chồng thật vuông tròn và xem việc nội trợ như một thiên chức ! Hồi xưa, bạn bè vẫn nói là “thằng Năm trúng số độc đắc” hoặc “đẻ bọc điều mới có người vợ như vậy”. Ông thì nghĩ rằng tại vợ mình hiền khô và nhát hít nên chẳng dám làm phiền ai bao giờ. Có lẽ nhờ vậy mà ai cũng thương… Ông lại nhỏm dậy nhìn tấm lịch. Trên đó ông có ghi bằng marker đỏ con số 10 to bằng nửa bàn tay ở gốc trái. Vậy mà cũng đã mười năm xa nhau ! Mỗi năm mua lịch, mình ngồi nắn nót viết con số lên đó giống như người tù bị lưu đày ghi số năm mà mình biệt xứ. Có khác là người tù còn biết ngày được thả chớ còn mình thì mù tịt. Đã tưởng vĩnh viễn sống một mình rồi… chết cũng một mình trên đất lưu vong này, nào ngờ Trời còn thương mình nhiều quá !

Ông ngồi hẳn dậy đốt điếu thuốc, khói thuốc thật thơm thật ngọt. Vậy mà cũng đã mười năm xa nhau ! Mười năm… lâu lắm chớ ! Vậy mà sao vẫn thấy còn thương còn nhớ. Lạ quá ! Có phải như vậy người ta gọi là chung thủy hay không ! Rồi ông nhìn quanh. Nhà cửa thiệt là lượm thượm, phải dọn dẹp laị coi cho nó được một chút. Vậy là ông đứng lên đẩy ghế, đẩy bàn, quên mất là mình còn mặc bộ đồ lớn để đi khu 13 và làm như bà Năm sắp qua tới bây giờ ! Vừa làm vừa nói một mình, lâu lâu ông ngừng lại hít một hơi thuốc thật sảng khoái. Hai cái fauteuils này cho sát vào tường, kê gần nhau để cùng ngồi coi télé. Cái télé nằm đó được rồi. Cái bàn ăn nhích qua một chút để có chỗ kéo cái nệm dưới gầm giường ra. Bả trên giường, mình dưới đất, tạm ổn trong khi chờ đợi kiếm nhà khác rộng hơn. Cái tủ búp-phê đẩy tới một chút là nằm ngang với bàn ăn. Mẹ nó ! Coi vậy mà cũng nặng ớn ! Ông đứng lên thở hổn hển, nhìn quanh. Bây giờ coi có nét rồi đó. À ! Cái màn cửa sổ, phải tháo xuống đem giặt, cho nó “sáng” ra mới được. Rồi ông vào buồng tắm thay đồ. Đồ đạc ở đây thì sạch sẽ rồi, khỏi lo. À ! Còn cái tủ quần áo ở bên phòng ngoài nữa. Phải thu gọn lại cho có chỗ để bả để quần áo chớ ! Ông bỗng phì cười. Làm như mình sắp cưới vợ vậy ! Mà thiệt ! Sau mười năm xa cách, gặp lại nhau cũng giống như cưới nhau lần nữa chớ gì ! Ông soi gương chải lại tóc. Tóc mình mới có mấy sợi bạc thôi. Mặt mũi hãy còn “nét” lắm, ai mà nói mình sắp sáu mươi ? Cô dâu qua đây thấy chú rể như vầy là nhìn… rớt con mắt ! Ông Năm bỗng nghe lòng vui rộn rã, giống như tâm trạng ngày xưa, thuở còn trẻ, lúc sửa soạn đi đến nơi hẹn với người con gái tên Trần thị Lệ Mai…

…Vậy là trưa thứ bảy này ông Năm không thấy đói ! Tuy vậy, cũng phải “bỏ bụng” một cái gì,vì thói quen hơn là vì nhu cầu. Ông mở tủ lạnh lấy một trái cà tô-mát và một miếng thịt bò. Cà xắt khoanh, không dầu không dấm, thịt nướng trần trên vỉ sắt không muối không bơ. Làm cho “lấy có” và ăn cũng cho “lấy có”. Bởi vì tâm hồn ông đang mãi phiêu bồng ở đâu đâu xa lắm, hình như là ở Gò Công quê vợ, ở Gia Định quê mình, ở những ngày đầu “hai đứa gặp nhau” (Tiếng nói của tình yêu là một chuỗi dài im lặng !),ở rạp hát bóng Đại Nam là nơi “hai đứa hẹn hò” (Dù trời mưa anh cũng tới. Em nghe không ?), ở Đà Lạt ít lâu sau đó. Chao ôi ! Đẹp quá ! Dễ thương quá ! Tình yêu là cái gì mà sao mãi mãi vẫn còn nguyên, như mới hôm qua hôm kia…

-oOo-

Ông Năm lái xe lên phi trường Charles de Gaulle lần này là lần thứ hai. Hồi sáng, đã lên đó một lần, đợi cả tiếng đồng hồ để được thông báo là chuyến bay Air France từ Thái Lan qua sẽ đến trễ gần tám tiếng. Nhờ là nhân viên của hãng nên ông Năm được biết là máy bay bị trục trặc kỹ thuật ở Karachi. Trở về sở làm, ông ngồi đứng không yên, lâu lâu cứ nhìn đồng hồ. Bạn bè trong sở thấy vậy thương hại, mỗi người một câu an ủi trấn an. Có người ngồi lại gợi chuyện tán dóc cho ông đỡ thấy sốt ruột. Có người đặt tay lên vai ông bóp mạnh :

– Georges ! Đợi chờ nhau mười năm mà mày còn chịu nỗi huống gì chỉ có mấy tiếng đồng hồ nữa thôi. Can đảm lên chớ !

Vậy rồi thời gian cũng qua, chiều cũng xuống, để ông Năm lái xe đi phi trường, lòng náo nức xôn xao trong sự đợi chờ kỳ diệu.

Vào phi trường, ông gắn thẻ nhân viên lên ngực áo rồi đến quầy Air France hỏi thăm. Mô phật ! Lần này máy bay sẽ đến đúng giờ. Hai cô tiếp viên trong quầy không quen ông Năm nhưng thấy đeo thẻ Air France, nên cũng hỏi đẩy đưa :

– Ông chờ đón bạn à ?

Ông mỉm cười, vừa bước đi vừa trả lời :

– Không ! Tôi đón nhà tôi. Chào hai cô.

Phi trường giờ này nhiều chuyến bay cùng đến một lúc nên người đi kẻ lại tấp nập. Ông Năm ngồi uống cà phê, hút thuốc, nhìn thiên hạ. Ông thấy ai cũng dễ thương hết ! Ông muốn họ uống với ông một tách cà phê, hút với ông một điếu thuốc lá. Cà phê expresso thật ngon. Khói thuốc Dunhill thật ngọt. Tâm hồn ông Năm được trải rộng mênh mông…

Lại nghĩ đến bà Năm. Bả  điệu” lắm ! Lúc nào cũng sạch sẽ gọn ghẽ. Tóc lúc nào cũng chải gọn về phía sau rồi cuốn thành một vòng kẹp lại phía trên ót, thành ra khuôn mặt trái soan và cái cổ tròn lúc nào nhìn cũng rõ nét. Còn về quần áo thì bả chẳng bao giờ mặc loại có màu sắc sặc sỡ loè loẹt, luôn luôn hoặc đen hoặc xanh đậm và nếu có bông thì cũng phải tiệp màu với nền vải và hình dáng phải nhã nhặn, nho nhỏ tương xứng với tầm vóc của bả. Hà ! Bả hiền khô và nhát hít vậy mà về vấn đề ăn mặc bả khó dàng trời ! Người ta nói bả có “gout”. Mình cũng nghĩ như vậy, nhưng nếu bả không có thân hình đều đặn cân đối thì không biết cái “gout” để vào đâu cho nó nổi ! Ông hít một hơi thuốc dài sảng khoái. Hồi đó sao mà mình mê bả quá, nhứt là đôi bàn tay có ngón thon dài sang trọng và cặp mắt đen to như mắt đầm làm cho cái nhìn của bả lúc nào cũng có vẻ như ngạc nhiên. Điều lạ là sau này khi đã đứng tuổi, bả vẫn còn giữ nguyên đường nét thời con gái. Thành ra lắm khi nhìn bả, mình muốn trêu chọc bằng câu “Gái không con mà nom cũng mòn con mắt”, nhưng vì sợ bả buồn nên mình nín thinh luôn !

Ông Năm ngừng suy tư trên hình ảnh đẹp của bà vợ, mỉm cười vu vơ. Lại hút thuốc, lại nhìn thiên hạ. Hớp cà phê cuối cùng đã nguội ngắt mà sao vẫn còn thấy ngon lạ lùng. Bỗng ông bật cười. Sau bảy mươi lăm, sống với Việt Cộng mà bả vẫn tiếp tục “điệu” như thường ! Trong lúc người ta lôi quần áo cũ rách ra bận  và để mặt mũi tóc tai lôi thôi lếch thếch cho có “tác phong cách mạng” thì bả vẫn gọn ghẽ sạch sẽ như thường, vẫn chút đỉnh má hồng, chút đỉnh son, vẫn quần dài áo ngắn tươm tất, mặc dù phải đạp xe đi làm công nhân ở tổ may thêu xa bảy tám cây số. Mình hay trêu chọc bả bằng câu nói của Việt Cộng “Song chân lý ấy vẫn không bao giờ thay đổi”, bả cười không nói. Vậy mà có hôm, bả trả lời bằng một câu… xanh dờn : “Đàn bà phải biết tự trọng. Làm như mấy bà cách mạng tóc tai xủ xộp, quần áo xốc xếch rộng rinh hoặc ngắn ngủn như mặt đồ khín, em làm không được”…

Có tiếng nhạc chuông dìu dặt, tiếp theo là giọng bổng trầm của cô tiếp viên thông báo chuyến bay Air France số AF 199 đến từ Thái Lan đã đáp xuống sân bay. Ông Năm đứng lên trả tiền, xong đi vào phía trong qua ngã văn phòng trực của hãng. Ông nghe lòng vừa náo nức vừa hồi hộp giống như ngày xưa khi đứng chờ xem kết quả thi tú tài ! Ông ra đón tận cổng vào. Có hai chuyến bay đến từ hai nơi khác nhau nhưng đổ hành khách xuống cùng một lúc, nên sân bay đầy người. Giữa cái lao xao lộn xộn đó, ông Năm nghểnh cổ tìm vợ trong luồng người thoát ra từ cổng F, cổng của chuyến bay Air France.

Ông nhìn từng khuôn mặt, từng người. Ông nhìn, ông chớp mắt để nhìn cho rõ hơn. Những gương mặt Á đông phờ phạc. Những gương mặt Á đông hốc hác. Những gương mặt Á đông xanh xao. Ông nhìn, ông chờm tới, nhích tới để nhìn. Bả dễ nhìn lắm. Lúc nào cũng sạch sẽ gọn ghẽ. Lúc nào cũng điệu. Trong đám đông, bả nổi hơn người ta nhờ nước da trắng hồng của gương mặt trái soan và đôi mắt lớn, cho nên dễ nhận ra lắm. Không phải bà này. Bà này già quá cũng không phải. Bà này coi ngờ ngợ nhưng đi chung với bầy con nít, không phải bả. Ông nhón chân lên để cái nhìn được đưa ra xa thì tai thoáng nghe hình như có tiếng người gọi nhỏ : “Ông Năm !” Ông vẫn tiếp tục nhìn từng người, từng khuôn mặt. Lại có tiếng người gọi nhỏ, lần này tiếng gọi lạc đi : “Ông Năm…”

Nghe rõ có tiếng ai gọi mình, ông nhìn lại. Ngay phía trước, đứng cách ông chỉ mấy bước, người gọi ông là một bà già tóc muối tiêu hớt bom bê ngắn như mấy bà Tàu Chợ Lớn, mặc áo len nâu rộng thùng thình, ống tay dài phủ mất hai bàn tay đang xách mỗi bên một túi vải. Chỉ mới nhìn tới đó thôi, linh tánh bắt ông nhìn lại gương mặt : khuôn mặt gầy xạm nắng với những nếp nhăn trăng trắng ở khoé môi và đuôi mắt. Ngần đó thứ giống như miếng cau khô, chỉ trừ có hai con mắt là sinh động, là mở to như có vẻ ngạc nhiên, là nói lên, là nhắc nhở, là… là… Trời ơi ! Là vợ tôi đây mà ! Ông Năm nghẹn ngào bước tới, hai tay đưa về phía bà già và chỉ còn đủ sức gọi có một tiếng : “Mai !” Ông ôm lấy vợ mắt nhắm nghiền đau đớn. Tội nghiệp ! Người vợ chỉ dám gọi chồng bằng hai tiếng “Ông Năm” như người xa lạ, và chỉ dám gọi có hai lần. Và khi chồng nhìn ra mình, ôm chầm lấy mình, người vợ đó chỉ còn nói được bằng nước mắt !

Ông Năm buông vợ ra để nhìn lại lần nữa. Ông nghe nghẹn lời và nghẹn cả lòng. Ông chỉ còn nói được bằng hai bàn tay… Hai bàn tay vuốt làn tóc bạc bây giờ sao quá thẳng quá ngắn. Hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt bây giờ sao không lấp đầy hai lòng bàn tay. Hai bàn tay đặt xuống bờ vai bóp nhẹ. Dưới lớp áo len, ông cảm rõ nét gầy của bờ vai bây giờ. Bây giờ… Hồi đó… Từ trong sâu thẳm của lòng ông, nỗi đau khổ tột cùng bỗng bật lên thành tiếng, một thứ tiếng nói lệch lạc méo mó vì uất nghẹn : “Sao vầy nè ?”. Rồi, không kềm chế nổi nữa, không cần giữ gìn ý tứ gì nữa, trong cái rừng người xào xạc đó, ông ôm lấy vợ, ngửa mặt lên trời thét lên một cách thống thiết : “Sao vầy nè… Trời ?”. Tiếng “Trời” nặng trĩu thoát ra từ lòng ngực ông như tất cả sinh lực trong người được trút ra hết… Rồi ông ôm lấy vợ, nước mắt ràn rụa. Bà Năm cũng khóc nhưng vẫn không buông rời hai cái túi vải. Hơn mười năm sống với Việt Cộng, đã trở thành một bản năng : nắm chặt, giữ chặt những gì còn thuộc về mình, những gì mà “tụi nó” chưa kịp chiếm lấy, cướp lấy !

Một lúc lâu sau, phải một lúc lâu sau, ông Năm mới lấy lại bình tĩnh. Ông nói :

– Thôi mình về đi em !

Tiếng “em” thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng. Tiếng “em” mà đã mười năm, bà không còn nghe thấy ! Bà cắn môi để kềm xúc động, nhìn chồng mà đuôi mắt nheo lại mỉm cười. Bà nghe một cái gì mát rượi đang len vào lòng, một cái gì đã làm rơi mất từ hơn mười năm, bây giờ mới tìm gặp lại. Mãi đến bây giờ, ông Năm mới thấy trong đôi mắt vợ, nét cũ ngày xưa : to tròn như mắt đầm, trồng đen lay láy. Đôi mắt đó đang nhìn ông, cái nhìn ngời lên như muốn nói thật nhiều… Ông cúi xuống định xách hai túi vải. Bà Năm lắc đầu :

– Để em xách !

Tiếng “em  cũng thật tự nhiên thật nhẹ nhàng. Giọng nói thật dịu dàng, trong trẻo. Làm như nước mắt đã tẩy sạch dấu vết của mười năm…

Ông vói tay cầm lấy quai túi :

– Để anh xách cho.

Bà Năm vừa bước đi, vừa nói, tay vẫn nắm chặt hai túi vải :

– Không sao. Em xách được. Ở bển, em gánh lúa mỗi ngày cho nhà máy, có sao đâu.

Ông Năm bỗng nghe lòng quặn thắt. Thì ra “tụi nó” đày đọa bả đến nước đó ! Bả tội gì ? Tội gì ? Tội vượt biên ? Thì đã ở tù trên ba tháng rồi còn gì nữa ? Vậy tội gì ? Ông Năm nghiến cái câm thù trong răng để đừng chửi đổng, nhưng rồi ông cũng bật ra : “Quân khốn nạn !”

-oOo-

Về đến nhà thì trời đã xâm xẩm tối. Lần này thì chính ông Năm xách hai túi vải, đi trước dẫn đường, lòng vui như mở hội. Đến chân cầu thang, ông nói :

– Ở từng lầu ba lận. Em leo nổi không ?

Bà Năm trả lời, giọng vẫn trong trẻo :

– Gì không nổi ? Bây giờ em làm cái gì cũng nổi hết.

Rồi bà bước lên cầu thang, bước đều đặn. Ông Năm theo sau, nhìn dáng dấp nhỏ thó với mái tóc bạc hớt bom-bê cao ông bỗng thương vợ vô cùng. Mười năm… Mái tóc huyền mà ngày xưa hay kéo sát về phía sau để cuốn tròn kẹp gọn một vòng trên ót… bây giờ chỉ còn là như vầy ! Cái cổ tròn dẫn xuống bờ vai thon thon của hồi đó… bây giờ gầy nhom như vầy ! Mười năm… Chắc bả phải khổ ghê lắm, phải chịu đựng ghê lắm mới ra nông nỗi này ! Tội nghiệp ! Người đàn bà hiền khô và nhát hít đó chưa làm phiền lụy ai bao giờ, vậy mà Việt Cộng vẫn moi ra một cái cớ nào đó để hành hạ. Và như vậy suốt mười năm. Lam lũ quá nên bả già trước tuổi, chớ bả cũng còn giữ được cái nhìn, giọng nói và tâm hồn… những thứ mà Việt Cộng không cưỡng chiếm được !

Vào nhà, ông Năm bật đèn lên, bà Năm nhìn quanh mỉm cười, không nói. Ông Năm đặt hai túi lên bàn ăn, rồi cũng nhìn quanh :

– Nhà của anh đó. Nhỏ như cái lỗ mũi. Tạm một thời gian rồi mình sẽ kiếm nhà khác rộng hơn.

Bà Năm dịu dàng :

– Như vầy cũng được. Có hai đứa mà gì…

Bỗng nhiên hai người nhìn nhau. Tiếng “hai đứa” nhắc cho họ nhớ tới hoàn cảnh bây giờ, một hoàn cảnh mà từ lúc gặp lại nhau bao nhiêu thống hận dập dồn đã làm họ quên đi : bây giờ “hai đứa” vẫn còn có nhau, thật sự còn có nhau. Rồi sẽ không còn gì chia cách. Rồi sẽ đi bên nhau, đi hết đoạn đường còn lại, một đoạn đường không còn bao nhiêu xa… Bởi vì họ biết : họ đang bước vào mùa thu của cuộc đời… Cho nên họ nhìn nhau mà yêu thương dâng đầy trong mắt.

Bà Năm bước lại cửa sổ. Ngoài xa trên nền trời trắng đục, hiện lên thật rõ cây thánh giá và nóc nhà thờ Sacré Coeur. Bà Năm hỏi :

– Cây thánh giá này đây ?

Câu hỏi trống không nhưng hai người cùng hiểu : cây thánh giá mà ông Năm viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần trong thư gởi về Việt Nam. Ông bước lại khoác vai vợ, gật gật đầu. Hai người yên lặng nhìn cây thánh giá như đang tạ ơn, giống như đang rước lễ, giống như cô dâu chú rể sau khi được kết hợp thành vợ chồng… Thời gian bỗng như dừng lại, để hình ảnh trở thành bất diệt, nói lên cái cao cả của tình yêu, cái huyền diệu của niềm tin… những thứ mà Việt Cộng muốn xoá bỏ để biến con người thành gỗ đá.

Một lúc lâu sao, bà Năm như sực tỉnh :

– Để em soạn đồ ra.

Rồi bà bước lại bàn mở hai túi vải. Ông Năm đốt điếu thuốc, khói thuốc lâng lâng nhẹ. Ông ngồi cạnh giường nhìn vợ soạn đồ bằng đôi bàn tay xạm nắng với những đường gân nổi lên ngoằn ngoèo. Đôi bàn tay đã từng có ngón tay thon dài khéo léo từ đường kim mũi chỉ… bây giờ là như vậy ! Ông thấy thương vợ vô cùng.

Bà Năm soạn đồ ra để trên bàn : vài bộ quần áo, mấy cái khăn lông, một cái mền nhỏ…

Vừa làm bà vừa nói :

– Có bao nhiêu, em đem theo hết. Nói là đi chánh thức chớ không biết lúc nào tụi nó bắt mình lại. Có nhiều người lên máy bay rồi mà còn bị lôi xuống, không biết vì cớ gì. Rồi khi được thả ra là trắng tay.

Bà lấy trong túi ra một khuôn hình, trao cho ông Năm :

– Em đem hình ông già bà già qua để lâu lâu mình thắp một cây nhang.

Ông Năm nhìn hình cha mẹ, lòng bồi hồi xúc động. Hình này, hồi đó, để trên bàn thờ nhà cũ. Nhà bị tịch thu, không hiểu bả làm sao lấy được để mang qua đây ? Ông đứng lên nhìn quanh, rồi treo khuôn hình lên cây đinh trên tường đối diện.

Có tiếng bà Năm nói :

– Em có đem qua cho anh chai rượu nếp than nữa. Nhớ hồi đó anh ưa lắm.

Ông quay lại, cầm chai lên mở nút. Chưa đặt miệng chai lên mũi mà mùi rượu ngọt ngào thơm phức tỏa ra thật nồng nàn. Ông hít một hơi dài, đóng nút lại, rồi nhìn chai rượu mà ứa nước mắt. Nỗi nhớ quê hương nằm sâu trong tìm thức, bây giờ, mùi rượu nếp than, màu rượu nếp than đã làm bật dậy, vô cùng mãnh liệt. Ông tưởng chừng như vừa hưởi thấy mùi thơm quê hương. Có mùi ngọt ngọt của lúa chín, có mùi nồng nồng của rơm của rạ, có mùi hăng hăng của đống un đốt cạnh chuồng trâu chuồng bò… Ông tưởng chừng như đang giữ trong tay một mảnh trời quen thuộc. Ở đó có màu tím lờn lợt của hoa bằng lăng, có màu tím nâu nâu của vỏ măng cụt, có màu tím học trò của trái mồng tơi, và những tà áo tím phất phơ theo gió qua cầu, với những chiều tím quê ngoại, đứng ngẩn ngơ bên sông Vàm Cỏ khi tuổi vừa mới lớn… Chao ơi ! Ngần đó thứ, tưởng quên nhưng vẫn nhớ. Ngần đó thứ bây giờ xa thật xa. Xa, không phải vì cách biệt, mà xa vì không còn thuộc về mình nữa !

Ông Năm cầm chai lắc lắc, bột nếp than tím ngát dợn lên trong lòng chai. Ông mở nút rót thẳng vào miệng một hớp. Chất rượu béo ngậy ngọt ngào cay cay nhắc ông nhớ những quán nhậu ở Hóc Môn, những món thịt rừng ở Biên Hoà, những con cá mú sửa kho tộ ở Vũng Tàu bãi sau bãi trước… Ông ngậm lấy hớp rượu để nghe rõ chất rượu đang thấm vào nướu răn, đang thấm vào các thớ thịt cổ, đang thấm lên nóc giọng, đang nồng lên mũi. Ôi ! Mùi vị quê hương là đây… ông không cầm được nước mắt !

Bà Năm vẫn âm thầm soạn đồ đạc. Bà hiểu ông Năm lắm và nghe thương chồng vô cùng. Tội nghiệp ! Mười năm xa quê hương…

Ông Năm vào phòng tắm rửa mặt rồi ra chỉ chỗ cho vợ xếp quần áo. Xong ông bảo :

– Anh đã làm sẵn mấy món ăn cho hai đứa. Để anh đem ra hâm. Em đặt bàn đi. Đồ đạc trong tủ búp-phê đó.

Bà Năm nghi ngờ :

– Anh mà làm bếp cái nỗi gì ? Mua ở tiệm thì có.

Ông Năm cười sảng khoái :

– Em lầm rồi ! Bây giờ, anh làm cái gì cũng được hết. Nấu bếp, giặt đồ, làm ménage … đủ thứ. Rồi em coi ! À… đặt bàn em nhớ để một dĩa sâu cho món súp légume và một dĩa trẹt cho món gà nấu rượu, nghe !

Bà Năm mỉm cười, thấy chồng sung sướng mà lòng cũng thênh thang trải rộng.

Một lúc sau, hai vợ chồng ngồi vào bàn ăn. Trên bàn cũng có hai cây nến. Cũng khăn trải bàn trắng phau, cũng khăn ăn màu xám lợt, cũng dĩa trắng chạy chỉ vàng, cũng nĩa dao cáng gỗ có nét vẽ cong cong nhè nhẹ. Và không quên hai ly rượu có chân, đựng chút rượu nếp than có màu tím đậm đà và hương thơm mời mọc.

Ông vui vẻ :

– Như vầy mới đúng là nuit de noces chứ, phải không em ?

Bà Năm nhìn chồng không nói, nhưng vành tai bỗng đỏ bừng. Bà nói lảng :

– Súp ngon chớ ! Anh học nấu ở đâu vậy ?

Ông để ngón tay trỏ lên môi, vẻ bí mật :

– Hùm… Không nói đâu ! Ông Tiên người Tàu chuyên nấu đồ Tây chỉ đó, dặn anh đừng nói cho ai biết !

Rồi cả hai cùng cười vì hình ảnh ngộ nghĩnh đó, cái cười hồn nhiên tìm lại sau mười năm xa nhau…

Bữa ăn kéo dài bằng những chuyện kể cho nhau nghe, nhớ đâu kể đó, không mạch lạc đầu đuôi, bởi vì trong thời gian mười năm có biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra để mà nhớ cặn kẽ cái nào sau cái nào trước ! Dọn dẹp xong thì trời đã khuya. Hai vợ chồng chia nhau, bà nằm trên giường, ông nằm trên nệm dưới đất.

Tắt đèn đã lâu mà hai người vẫn còn trằn trọc. Làm như còn thèm nói chuyện với nhau nữa ! Bóng tối dầy đặc vây quanh. Không khí trong nhà êm êm mát mát. Mùi rượu nếp than và mùi thuốc lá Dunhill còn phản phất thơm thơm. Bỗng bà Năm nghe một bàn tay của chồng đặt lên mình mình. Toàn thân bà run lên nhè nhẹ. Hơi thở của bà bỗng trở nên phập phồng. Một cảm giác dường như thật cũ, mà cũng dường như thật mới, dìu dịu ngây ngây… Bà không biết nữa ! Rồi, không tự chủ được, bà cầm bàn tay chồng áp lên má, lên mũi, lên môi. Bàn tay này tưởng đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy, cầm lấy. Da thịt này tưởng đã vĩnh viễn không còn đụng chạm sờ mó được. Mười năm… Mười năm… Nước mắt bỗng chảy dài xuống hai bên tai, bà Năm thốt lên nho nhỏ : “Mình !”. Chỉ có một âm đơn độc, nhưng sao tiếng “mình” nói lên thật nhiều, diễn tả thật nhiều. Tiếng “mình” mà mười năm nay ông Năm không còn nghe. Tiếng “mình” gợi lên tình nghĩa vợ chồng, nỗi niềm chia xẻ. Tiếng “mình” cũng là tiếng nói của yêu đương, của hài hoà sum họp. Và tiếng “mình” ở đây, trong hoàn cảnh này, sao nghe thật mời mọc dâng hiến… Người đàn bà mười năm khổ hận đó, vợ ông, cần được yêu thương thật nhiều để bù lại. Tiếng “mình” gọi nhỏ trong đêm bỗng nghe tiếp nối… Bồi hồi xúc động, ông Năm chồm lên ôm xóc lấy vợ, hôn tràn lên tóc, lên má, lên môi. Ông nghe trong tay, run lên như đang cơn sốt, thân xác gầy còm của vợ. Và tai ông còn nghe những tiếng “mình” đứt quãng ú ớ như tiếng nói trong chiêm bao…

Cuộc tình của tuổi vào thu âm thầm như lá rụng bên ngoài nhưng cũng nồng nàn ngọt lịm như hớp rượu nếp than cùng chia nhau khi nãy. Có mùa chớm thu nào mà không thấy còn sót lại vài tia nắng hạ ?

-oOo-

Tôi muốn câu chuyện này chấm dứt ở đây cho cuộc tình được đẹp như bài thơ, được vuông tròn như trong tiểu thuyết. Nhưng trên thật tế không phải như vậy. Bởi vì…

…Một tháng sau đó, bà Năm ngã bịnh, phải vào nằm nhà thương. Bà bị ung thư phổi, ở thời kỳ chót. Bà đã giấu ông Năm, lâu nay, bây giờ bà mới cho biết : hồi còn ở Việt Nam, nhờ khám thấy ung thư nên bà mới xin được chiếu khán xuất cảnh. “Nhà nước Cách Mạng vốn khoan hồng nhân đạo, nên cho phép chị sang thăm chồng đấy ! Chớ chị không nằm trong diện được cứu xét nào cả. Rõ chưa ?”. Gã cán bộ trao giấy phép cho bà Năm, mà nói như thật ! Tụi nó dư biết rằng có giữ bà lại cũng chỉ tốn gạo tốn khoai thêm vài tháng nữa và là một miệng ăn phi sản xuất, chẳng lợi lộc gì cho “nhân dân”. Thà tống đi gấp để khỏi phải chôn thêm một người, chật đất !

Ông Năm đã ngồi bên giường vợ suốt thời gian cuối cùng. Ông đã cầm bàn tay còn mang tỳ vết của mưòi năm gian khổ. Ông đã ôm gương mặt phong trần chưa kịp đổi hồng sau mấy tuần sống đầy hạnh phúc. Và cuối cùng, ông đã chải lại mái tóc bạc chưa kịp dài để được cuốn tròn kẹp lên sau ót, như ngày xưa…

Ông đã gục lên thân xác gầy khô, khóc với tất cả nước mắt còn lại.

Mùa thu đó, lá rụng thật nhiều…

Tiểu Tử

 

Tham nhũng, bệnh ung thư của chế độ

Tham nhũng, bệnh ung thư của chế độ

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-08-02

namnguyen08022014.mp3

026_c0023257ts-305.jpg

Ảnh minh họa nạn hối lộ, tham nhũng

AFP photo

Tham nhũng được ví như loại bệnh nan y ở Việt Nam, gần đây các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã không còn né tránh vấn đề này và có sự nhìn nhận trực diện.

“Giặc nội xâm”

Lâu nay nhiều người tự hỏi, với mức lương quá thấp cán bộ công chức làm thế nào trang trải cuộc sống. Thế nhưng trên thực tế những thành phần này vẫn sống khỏe, tài sản tích góp từ các bổng lộc khác ngoài lương mới là phần quan trọng của sự nghiệp làm cán bộ công chức.

Hồi đầu tháng 7/2014 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội rằng tham nhũng chính là “giặc nội xâm” của đất nước. Theo lời ông Tổng Bí thư, nạn tham nhũng liên quan đến người có chức có quyền, đến lợi ích nhóm đã tồn tại và ăn sâu trong guồng máy nên không thể giải quyết dễ dàng.

Người đứng đầu đảng Cộng sản nói cần có thời gian để triệt phá tham nhũng. Nhưng người dân tự hỏi sẽ còn cần bao nhiêu thời gian nữa, trong khi đảng Cộng sản đã thực tế nắm chính quyền và độc quyền cai trị một đất nước thống nhất gần 40 năm qua.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, được biết tới như một nhà hoạt động chống tiêu cực trong thi cử và giáo dục từ Hà Nội phát biểu:

” Chuyện công khai tài sản của quan chức có từ mười mấy năm nay họ còn chưa thực hiện được thì còn đợi đến bao giờ nữa.
-Thầy Đỗ Việt Khoa”

“Chuyện công khai tài sản của quan chức có từ mười mấy năm nay họ còn chưa thực hiện được thì còn đợi đến bao giờ nữa. Là một người dân thường chúng tôi bao giờ cũng mong muốn mọi việc của đất nước phải được công khai minh bạch, giám sát được mọi quyền lực của cơ quan nhà nước, ngăn chặn và xử lý được nạn tham nhũng tiêu cực.”

Tham nhũng ở Việt Nam muôn hình vạn trạng, từ phụ phí cho công an khu vực hay viên chức ở phường, lót tay cảnh sát giao thông cho đến lại quả phần trăm của những dự án trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la. Tham nhũng dẫn đến oan sai trong vấn đề thu hồi đất từng là tiền đề của khiếu kiện đông người, của hàng chục ngàn vụ án mỗi năm.

Câu chuyện tham nhũng trong xây dựng cơ bản, rút ruột công trình là thứ mà người dân dễ cảm thấy mình là nạn nhân, vì họ là người đóng thuế. Trước đây các ngành các cấp có liên quan thường chống lưng cho nhau vì tất cả cùng có bổng lộc, có ăn chia. Âm vang của những PMU 18 vẫn còn đây hay mới nhất là vụ ăn hối lộ của ngành đường sắt liên quan tới dự án do Nhật Bản tài trợ.

000_DV272185-250.jpg

Bà Lê Hiền Đức, một khuôn mặt tham gia chống tham nhũng có tiếng lâu nay tại Việt Nam. AFP photo

Một thí dụ điển hình về tham nhũng rút ruột công trình là vấn đề nhiều xa lộ mới xây dựng ở Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn là bị lún, bị lằn bánh xe. Thí dụ quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng hay đại lộ Đông Tây ở TP.HCM. Ban ngành có trách nhiệm đổ lỗi cho xe chở quá tải làm đường lún và đề nghị giảm tải. Nhưng các chuyên gia đã chứng minh rằng, cũng những xe tải đó lưu thông trên xa lộ Biên Hòa hay xa lộ Đại Hàn do chế độ cũ xây dựng cách đây hơn 40 năm mà đường không bị lún. Nhưng khi các xe tải này đi vào Đại lộ Đông Tây mới hoàn thành chưa lâu mà lại lún lên lún xuống.

TS kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập từ TP.HCM nhận định:

“Trong xây dựng cơ bản không chỉ là giao thông mà còn các công trình hạ tầng và nhà cửa kiến trúc… cách đây 20 năm tỷ lệ tham nhũng thất thoát ở trong lãnh vực xây dựng cơ bản được báo cáo ở mức còn khiêm tốn là 10%. Nhưng sau đó các số liệu dần dần được công bố và do báo chí phát hiện từ người dân cung cấp cho thấy tỷ lệ này lên tới 30% và đã được một số đại biểu qua một số kỳ họp quốc hội xác nhận. Tuy nhiên 30% vẫn được coi là tỷ lệ bình thường, thậm chí có những công trình tỷ lệ thất thoát lên tới 50%. Trong một số vụ án gần đây không thể tưởng tượng nổi, có lẽ Việt Nam trở thành một nước vô địch về nâng khống giá, có một doanh nghiệp đã nâng khống giá lên 1.300 lần, tức là mua một mà quyết toán là 1.300. Điều đó cho thấy khi vấn đề đã thành bản chất thì rất khó thay đổi và không biết làm sao để thay đổi.”

Rút ruột để có khoản chi

“Trong một số vụ án gần đây không thể tưởng tượng nổi, có lẽ Việt Nam trở thành một nước vô địch về nâng khống giá, có một doanh nghiệp đã nâng khống giá lên 1.300 lần.
-TS Phạm Chí Dũng”

Cũng hiếm có quan chức nào như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chẳng ngại vạch áo cho người xem lưng. Theo báo Dân Trí điện tử bản tin trên mạng ngày 28/7/2014,  khi đi thực tế tại dự án nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói với các giới chức ban ngành về tình trạng chậm tiến độ thi công xin trích một đoạn: “Nếu thực sự là công khai minh bạch thì ký duyệt được ngay, đằng này các ông còn thích lượn rồi lại bày trò giảm cái này tăng cái kia thì phải như thế nào, có khi còn phải ăn chia xong mới ký…” Bộ trưởng Thăng còn vạch rõ thủ đoạn của tư vấn giám sát “vòi tiền” rồi mới ký nghiệm thu công trình. Phê phán đơn vị tư vấn giám sát Bộ trưởng Thăng nói: Nhà thầu làm đến đâu phải giám sát chất lượng cho họ, xong thì phải ký thanh toán! Các ông là hay ‘đánh võng’ lắm đấy, thậm chí còn mặc cả với nhà thầu về khối lượng để ký trước rồi tính lãi suất, khi có thay đổi biện pháp thi công thì ngồi tính toán ăn chia với nhau xong mới ký…”

Có lẽ vì phải hối lộ dày dặc nên các nhà thầu phải rút ruột công trình để có khoản chi. Hoặc bỏ thầu thấp để được tham gia dự án nên để có lời phải rút ruột, và đã rút ruột thì chất lượng công trình không bảo đảm và đương nhiên phải hối lộ để được nghiệm thu. Cả hai hình thái xem ra đều có lý.

Dù rằng tham nhũng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng tham nhũng ở Việt Nam có thể ví là bệnh ung thư không có thuốc chữa. Các chuyên gia phản biện cho rằng, chưa thể có giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng ở Việt Nam một khi  đất nước chưa có nền dân chủ đích thực.

Nổ nhà máy ở TQ, hơn 60 người chết

Nổ nhà máy ở TQ, hơn 60 người chết

Thứ bảy, 2 tháng 8, 2014

Nhiều người bị thương phải đứng bên ngoài nhà máy đang cháy để đợi lực lượng cứu hộ

Ít nhất 65 người đã thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương trong vụ nổ một nhà máy ở thành phố Côn Sơn, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin.

Những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều người bị bỏng đang đứng chờ được trợ giúp bên ngoài khu tổ hợp nhà máy, nơi những cột khói đen đang bốc lên.

Các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành, trong lúc nhà chức trách điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ.

Đài CCTV của Trung Quốc cho biết nhà máy này là của Zhongrong Plating, công ty chuyên sản xuất phụ tùng ôtô với khoảng 450 lao động.

Các khách hàng của công ty này bao gồm cả tập đoàn General Motors của Hoa Kỳ, CCTV cho biết thêm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết sự cố xảy ra bên trong một phân xưởng đánh bóng vành xe.

Khoảng 200 công nhân được cho là đang làm việc tại nhà máy vào thời điểm xảy ra vụ nổ.

Hơn 200 công nhân được cho là đã có mặt tại nhà máy vào thời điểm xảy ra vụ nổ

 

Những Người Viết Láo & Những Người Viết Báo

Những Người Viết Láo & Những Người Viết Báo

RFA

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Bây giờ các anh phải sống theo cách khác cái lũ già hèn nhát chúng tôi, phải học chia một véc-bờ khác : Tôi đếch sợ anh, anh đếch sợ tôi, chúng ta đếch sợ chúng nó…

Nguyễn Tuân

Tôi giao thiệp hơi (quá) rộng. Trong số mấy triệu người Việt tị nạn đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tôi quen biết dám chừng hơn nửa. Còn với qúi đồng hương hay đồng bào (ở quê nhà) chắc cũng khoảng một phần mười, nghĩa là cỡ đâu mười triệu – bất kể thành phần xã hội, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, hay chính kiến … – anh Tiêu Dao Bảo Cự và chị Phạm Thị Bạch Yến là hai trong (vô số) những người này.

Người trông xa, ma trông gần. Bạn bè, tất nhiên, cũng không nên thân cận quá. Bởi vậy, khi nghe tin anh Bảo Cự và chị Bạch Yến sẽ ghé Mỹ (chơi) độ … nửa năm, tôi “hết hồn hết vía” và “băn khoăn” cả buổi!

Hoa Kỳ không phải là nơi để chơi. Ghé qua sáu ngày e thiếu nhưng ở tới sáu tháng thì sợ là dư. Tôi thực sự lúng túng không biết làm gì khoảng thời gian (dài đến một trăm tám chục ngày) khách ở California.

May mà cả anh Tiêu Dao Bảo Cự lẫn chị Bạch Yến (chắc) đều tuổi Ngọ nên rất “chịu” đi. Trong tập bút ký Gặp Gỡ Trên Đất Mỹ, ông cho biết hai người đã “phiêu lưu” qua mười hai tiểu bang và Washington D.C.

Xin xem qua một đoạn văn tác giả viết về Viện Bảo Tàng Báo chí (Newseum) nơi mà hầu như mọi du khách đến thủ đô nước Mỹ cũng đều đã dừng chân:

“Có một bức tường tưởng niệm các nhà báo trên thế giới đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, được coi như những anh hùng của nền dân chủ, với tên tuổi và hình ảnh dày đặc từ gần dưới nền lên cho đến tận trần nhà. Nhiều câu nói về sự cao quý của nhà báo và nghề báo ghi trên các bức tường được chọn lọc cẩn thận, đáng suy ngẫm.

Tôi thích nhất các câu: ‘The free press is the cornerstone of democracy,’ ‘Free press, at its best, reveals the truth’ và điều xác tín của Rod Dreher, nhà bình luận báo chí: ‘There are three kinds of people who run toward disaster, not away: cops, firemen and reporters.’ Dĩ nhiên đây phải là báo chí và nhà báo chân chính. Trong thế giới hiện nay, cũng không hiếm các báo chí và nhà báo đi ngược lại thiên chức cao quý của mình…”

Nhà báo là một trong ba loại người chạy đến nơi xảy ra tai

họa chứ không chạy đi. Ảnh và chú thích: TDBC.

Chả hiểu sao cứ mỗi khi nghe nói đến danh xưng “nhà báo chân chính” và “thiên chức cao qúi” của họ là tôi lại nghĩ ngay đến “cung cách tác nghiệp” của những người làm báo ở xứ sở của mình, cùng với một tiếng thở dài – cố nén!

Chớ có người làm báo nào ở Việt Nam chạy đến nơi xẩy ra tai họa không vậy, Trời? Sao không: trong vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, hai nhà báo của chúng ta đã có ngay mặt tại hiện trường – và bị công an đánh cho bầm dập, đánh cho tơi tả,  “đánh cho chết mẹ mày đi” – dù họ chỉ đến “với tinh thần ủng hộ chủ trương của tỉnh,” và cho công tác “tuyên truyền có định hướng” của nhà nước, chứ không phải để lên tiếng bênh vực cho  những nông dân đang bị đẩy vào bước đường cùng.

Biếm họa: Babui

Toa rập với cường quyền để áp bức lương dân không phải là “sở trường” duy nhất của những người làm báo ở Việt Nam. Họ còn sẵn sàng đánh bóng hay nói theo bất cứ chủ trương hoặc chính sách nào của Nhà Nước – kể cả những chủ trương ngu xuẩn nhất – bằng những lời lẽ hoàn toàn dối trá và trơ trẽn:

Do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp mà từ hôm đến Đắk Nông, hỏi bất cứ người dân nào người ta đều ủng hộ các dự án về bô-xít, chắc chắn nó sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tỉnh Đắk Nông trong tương lai.

Từ nhà già làng Điểu Sơn, chúng tôi sang nhà ông Điểu Lônh (Lôi). Nhờ có tiền đền bù đất mấy trăm triệu, ông xây cho con gái, con rể ngôi nhà khang trang lát gạch men bóng lộn, xa lông, tủ chè, ti-vi, quạt điện… làm chúng tôi ngỡ mình đang ngồi ở thành phố chứ không phải là một bon hẻo lánh của người H’Mông. (Nguyễn Hữu Nhàn.  Bô-xít Tây Nguyên, Thấy Gì Ghi Nấy).

Làm sao mà “thấy” một buôn làng của người H’Mông ở Đắc Nông được mà “ghi” đại vậy, cha nội? Ông Nguyễn Hữu Nhàn, tuy thế, chưa trơ tráo bằng ông bạn đồng nghiệp Lã Thanh Tùng:

Bauxit của chúng ta khai thác dễ đến nỗi, chỉ cần gạt lớp đất mặt đi (khoảng 0,9 mét) là đến ngay vỉa quặng dày đến 4 mét. Theo các chuyên gia, trữ lượng bauxit của Việt Nam có thể khai thác hàng trăm năm, đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ USD… (“Bô-xít Và Những Điều Khác”, Văn nghệ số 44, phát hành ngày 31 tháng 10 năm 2009).

Thiệt là quá đã, và… quá đáng nhưng vẫn chưa đáng tởm bằng cái thói ngậm máu (hay ngậm cứt) phun người của những người làm báo ở xứ sở của tôi:

– Thích Quảng Độ móc nối các tổ chức cực đoan lưu vong ở hải ngoại để dùng “oán trả ơn” bằng cách thông tin vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, không cho tự do tôn giáo. (Sài Gòn Giải Phóng, ngày 28 tháng 8 năm 2007).

– Ông Thích Quảng Độ, người đứng đầu tổ chức không được các tăng ni, phật tử ở Việt Nam công nhận, là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà cho rằng việc khai thác bôxít sẽ dẫn đến “nguy cơ huỷ hoại màu xanh Tây Nguyên và đời sống của người Việt cũng như hàng chục dân tộc ít người”. Tiếp theo, ông ta “khẩn cấp báo động công luận thế giới về đại nạn sinh thái Tây Nguyên Quả là không thể hiểu nổi, một vị tu hành đến chức Hoà thượng mà lại làm những việc phản dân hại nước đến vậy. (Công An Nhân Dân, ngày 18 tháng 4 năm 2009).

Rồi sau khi người “người đứng đầu tổ chức không được các tăng ni, phật tử ở Việt Nam công nhận” được đề cử nhận giải Nobel Hoà Bình thì Ban Tuyên Giáo Trung Ương hốt hoảng cho ra ngay một bức công điện (khẩn và mật) nguyên con như thế này đây:

Công điện chỉ đạo đối phó với tình huống Hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải

Nobel Hòabình do ông Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 9 tháng 10 năm 2008. Ảnh và chú thich: RFA

Ông Vụ Trưởng Báo Chí hùng hổ lên án là một vị tu sĩ (tay không tấc sắt) là “phản dân, hại nước, đi ngược lại ước nguyện hoà bình, hạnh phúc, tiến bộ của nhân dân Việt Nam…” nhưng trước chuyện lãnh hải bị xâm phạm, và hành vi khiêu khích trắng trợn của ngoại nhân thì ngôn ngữ cũng như thái độ của ông Nguyễn Thế Kỷ lại hoàn toàn khác hẳn:“Sao đã có chủ trương chỉ nói là tàu Trung Quốc lỡ làm đứt cáp thôi, mà có một số báo lại đưa là nó cố tình cắt cáp, để gây ra kích động nhân dân biểu tình.”

Chủ trương của nhà nước không chỉ hèn hạ mà còn bất nhất, cứ sáng đúng, chiều sai, đến trưa lại đúng. Và đây là nét chung của bất cứ chế độ cộng sản nào, theo nhận xét của George Orwell:

“Nhà thờ ở châu Âu thời Trung cổ buộc bạn vào một tín số điều, nhưng ít nhất nó cũng cho phép bạn giữ những tín điều ấy từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết. Nó không bao giờ bảo bạn thứ Hai phải tin một điều, thứ Ba lại phải tin vào một điều hoàn toàn khác. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với các tín đồ Công giáo, đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi ngày nay. Chế độ toàn trị hoàn toàn ngược lại. Đặc trưng của nhà nước toàn trị là tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác dịnh dứt khoát tư tưởng ấy là gì. Nó đưa ra một số tín điều không được tranh cãi, nhưng các tín điều ấy lại thay đổi hàng ngày. Chế độ cần tín điều vì cần các thần dân phục tùng một cách tuyệt đối, nhưng nó không thể không thay đổi theo các nhu cầu của tầng lớp nắm quyền.”

Tại sao cái loại nhà nước toàn trị có thể “đưa ra một số tín điều không được tranh cãi … nhưng lại thay đổi hàng ngày” mà những người cầm viết vẫn “chịu phục tùng một cách tuyệt đối” như vậy?

Xin thưa, giản dị, chỉ vì họ … sợ!

Nỗi sợ hãi này đã ám ảnh Nguyễn Tuân cho đến lúc cuối đời:“ Bây giờ các anh phải sống theo cách khác cái lũ già hèn nhát chúng tôi, phải học chia một véc-bờ khác : Tôi đếch sợ anh, anh đếch sợ tôi, chúng ta đếch sợ chúng nó…”

Tuy muộn màng, cuối cùng, ước nguyện của ông đã trở thành hiện thực. Ngày 3 tháng 3 năm 2014, thay mặt sáu mươi bạn đồng nghiệp nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Bốn tháng sau, BBC đi tin:

“Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức dân sự mới, vừa tuyên bố thành lập hôm thứ Sáu 4/7… Mục đích của Hội Nhà báo Độc lập được tuyên bố trước hết là: ‘Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước; Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí và Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước’.

Tổ chức này cũng cam kết ‘Lên tiếng và có hành động cần thiết để bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ Luật Hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí như Điều 258, 88…”

Nguồn ảnh:anhbasam.wordpress

Theo dư luận chung thì sự có mặt của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là một đáp ứng can đảm và cần thiết trước thời cuộc hay tình thế. Với riêng tôi, đây còn là một đáp ứng tình cảm đã (bị) mất mát từ lâu. Mối hảo cảm mà một người dân miền Nam như tôi vẫn dành cho giới người cầm viết cho đến … tháng 4 năm 1975!

Tôi không dám kỳ vọng gì nhiều vào những hoạt động của hội, trong tương lai gần, vì biết rằng phần lớn hội viên đang phải sống trong vòng vây của một bầy lang sói. Nhưng chỉ cần đọc Tuyên Bố Đầu Tiên Của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam Về Việc 6 Ngư Dân Việt Nam Bi Trung Quốc Giam Cầm cũng đủ khiến cho một độc giả bình thường như tôi cảm thấy vô cùng an ủi và ấm lòng khi nhận ra một điều vô cùng giản dị: các anh các chị “đếch sợ chúng nó” nữa.

 

Lời nói và hành động của nhà lãnh đạo

Lời nói và hành động của nhà lãnh đạo

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-08-01

namnguyen_08012014.mp3

TTg_lam_viec_2-305

Buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội hôm 29/7/2014.

Courtesy chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có phát biểu được cho là khác thường khi ông nói chính phủ muốn lắng nghe thật nhiều phản biện từ mọi giới.

Sẽ thực hiện trong thực tế?

“Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn.” Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào chiều ngày 29/7 trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội làm cho người nghe liên tưởng tới giáo khoa chính trị học ở phương Tây.

Nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện những gì mà người đứng đầu phát biểu với các nhà khoa học chuyên gia như vừa nêu, thì Việt Nam chắc hẳn đã có vị trí cao trên thế giới.

Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam từ Hà Nội nhận định:

” Một đất nước phát triển lành mạnh là phải có sự đóng góp của người dân vào việc xây dựng các chính sách phát triển, các chương trình dự án phát triển, đặc biệt của giới trí thức.
-PGS Hồ Uy Liêm”

“Tôi nghĩ rằng, một đất nước phát triển lành mạnh là phải có sự đóng góp của người dân vào việc xây dựng các chính sách phát triển, các chương trình dự án phát triển, đặc biệt của giới trí thức. Lâu nay câu chuyện đóng góp ấy chưa thật là nhiều nhất là hoạt động tư vấn phản biện giám định xã hội, tuy có nhưng chưa thật là nhiều. Bây giờ thủ tướng nói như vậy, hy vọng chuyện Thủ tướng khẳng định sẽ được thực hiện trong thực tế.”

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 29/7/2014 không giống như tinh thần quyết định 97 mà ông ký và ban hành vào năm 2009, nhằm quản lý chặt chẽ các ý kiến phản biện. Trước và sau Quyết định 97 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ cho phép chứ chưa nói đến lắng nghe và tiếp thu những phản biện có tính cách độc lập xuất phát từ những tổ chức nghiên cứu độc lập. Chính vì vậy Viện Nghiên cứu phát triển IDS, một tổ chức nghiên cứu chính sách qui tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã phải tự giải thể. Thật ra Chính phủ không đóng cửa Viện Nghiên cứu phát triển IDS do TS Nguyễn Quang A và Giáo sư Hoàng Tụy lãnh đạo. Nhưng nếu Viện này tiếp tục hoạt động, không tự giải thể, thì sẽ không còn mang tính nghiên cứu phản biện độc lập nữa.

Nhà báo Phạm Thành chủ blog Bà đầm xòe từ Hà Nội nhận định:

“Ông Thủ tướng có lẽ rơi vào cái thế bị kẹt trên nhiều phương diện thì ông lại đưa ra cái ý thế thôi. Tôi không tin rằng lời nói của ông ấy đi đôi với việc làm. Trong Thông điệp đầu năm ông ấy nhấn mạnh việc đổi mới thể chế, nói những câu rất hùng hồn như người dân có quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm, cái đó rất hạp với lòng dân. Đến bây giờ ông lại kêu gọi cái phản biện. Những lời nói của ông ta rất là hay chứ thực tế xã hội Việt Nam để thay đổi theo hướng đó mà ông ấy nhúng tay vào trực tiếp để làm, nổ tiếng máy đầu tiên để khởi động thì ông ấy chưa làm bất kỳ một điều gì hết.”

Hy vọng Đảng sẽ lắng nghe?

image00225-250x188-boxitvn-250

Trên công trường nhà máy Bauxit Nhân Cơ, Đăk Nông. Photo courtesy of boxitvn

Theo dõi thời sự Việt Nam, cũng có lúc dư luận báo chí sôi nổi với các phản biện, điển hình là vấn đề khai thác bauxite Tây nguyên hay vấn đề phát triển thủy điện ồ ạt. Nhưng thực tế các tiếng nói phản biện không được lắng nghe một cách nghiêm túc, phải đến khi những dự án bauxite tự thân bộc lộ những hiểm họa không thể che dấu thì lúc đó Chính phủ mới có một vài điều chỉnh. Hoặc sự phát triển thủy điện bậc thang ở miền Trung lợi bất cập hại, các phản biện nghiêm túc bị đè bẹp bởi lợi ích nhóm. Khi vấn đề phát triển thủy điện được xét lại, thì những công trình hiện hữu đã là họa lớn cho người dân ở vùng hạ du với những trận lũ kinh hoàng.

Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm nhận định:

“Phải nói là lâu nay, ý kiến tâm huyết của nhiều nhà khoa học có trình độ cũng chưa thực sự được lắng nghe và nhất là chưa có sự đối thoại. Nếu với sự khẳng định của Thủ tướng, hoạt động tư vấn phản biện giám định của xã hội nói chung và đặc biệt của giới trí thức mà phát triển điều ấy ra được thì rất tốt.”

” Nếu với sự khẳng định của Thủ tướng, hoạt động tư vấn phản biện giám định của xã hội nói chung và đặc biệt của giới trí thức mà phát triển điều ấy ra được thì rất tốt.
-PGS Hồ Uy Liêm”

Trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nhà khoa học tham gia tư vấn, đánh giá các dự án hết sức quan trọng như tổng kết 30 năm đổi mới; chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12…

Đáp câu hỏi về khả năng đổi mới mang tính đột phá của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016, đặc biệt trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị phương Bắc đe dọa. Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm nhận định:

“Tình hình bây giờ bức xúc cả trong đối nội lẫn đối ngoại, tôi nghĩ là nếu có sự đổi mới là rất tốt, chúng tôi hy vọng là sẽ có sự đổi mới về hướng tích cực. Nếu không đổi mới tất nhiên phát triển kinh tế xã hội sẽ khó khăn hơn, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế sẽ yếu hơn. Nước mình có mạnh thì thực sự mới bảo vệ được chủ quyền. Chứ còn chỉ có tuyên bố không thì không ăn thua, bởi vậy muốn mạnh thì phải đổi mới, làm sao tăng trưởng phát triển, làm sao hiệu quả phát triển cao, nền kinh tế xã hội càng ngày càng mạnh lên thì khả năng tăng cường an ninh quốc phòng của đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo lãnh thổ nói chung sẽ được chắc chắn hơn, bền vững hơn.”

Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm nhấn mạnh rằng ông là một trong 61 đảng viên vừa gởi thư ngỏ cho Ban chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể đảng viên với quan điểm rõ rệt. Đó là kêu gọi Đảng từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, chuyển đổi ôn hòa từ thể chế toàn trị sang dân chủ để tránh cho đất nước khỏi suy vong. Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm bày tỏ hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ lắng nghe những ý kiến này.

Tổng thống Obama, Putin điện đàm về tình hình Ukraine

Tổng thống Obama, Putin điện đàm về tình hình Ukraine

obama putin

obama putin

01.08.2014

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và ông Obama nhắc lại ông “quan ngại sâu sắc” về việc Nga gia tăng hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết Tổng thống Obama nhấn mạnh ông mong muốn một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, và rằng cả hai nhà lãnh đạo “đồng ý để ngỏ các kênh giao tiếp.”

Tòa Bạch Ốc nói ông Obama cũng bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ của Nga đối với hiệp ước tên lửa đạn đạo tầm trung ký kết năm 1987 mà Washington nói là Moscow đã vi phạm.

Về phần mình, Điện Kremlin cho hay ông Putin nói với Tổng thống Mỹ trong cuộc điện đàm rằng những chế tài mới nhắm vào Nga ban hành trong tuần này là “phản tác dụng” và sẽ gây ra “thiệt hại nghiêm trọng cho hợp tác song phương và ổn định quốc tế.”

Trước đó trong ngày, vài chục điều tra viên quốc tế đã bắt đầu làm việc địa điểm máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine.

Các nhà điều tra của Hà Lan và Australia, cùng với các quan chức của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, đã bắt đầu rà soát khu vực giờ được xem là hiện trường án mạng.

Họ sẽ tập trung vào việc thu hồi hàng chục thi thể vẫn còn mất tích cũng như tìm lại tư trang của 298 người thiệt mạng khi máy bay Boeing 777 bị bắn rơi hồi tháng trước.

Cũng trong ngày thứ Sáu, 10 lính nhảy dù Ukraine thiệt mạng trong một cuộc phục kích của quân ly thân Nga gần thị trấn Shakhtarsk, cách nơi xảy ra vụ tai nạn không xa.

Quyền chỉ huy binh chủng lính nhảy dù của Ukraine nói với phóng viên ở Kiev rằng 13 lính nhảy dù khác bị thương và 11 người mất tích.

Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây quy trách cho phiến quân về vụ bắn rơi máy bay. Các nhà phân tích Mỹ cho biết chiếc máy bay phản lực có thể đã bị quân ly thân Nga bắn hạ bằng tên lửa do Nga cung cấp. Không có ai sống sót trong vụ tai nạn này.

Quyết thành lập những nước cộng hòa tự trị gần biên giới Nga, quân nổi dậy đã chiến đấu quân đội Ukraine trong suốt ba tháng qua.

 

SỐNG ĐỜI KITÔ HỮU KHÔNG DỄ !

SỐNG ĐỜI KITÔ HỮU KHÔNG DỄ !

Trích EPHATA 621

Sr. Jean Berchmans MINH NGUYỆT

Vào lúc 2 giờ sáng, một thiếu nữ duyên dáng gọn gàng trong chiếc áo len và quần jeans, trượt ống thải đồ từ lầu 4 xuống đất. Nhưng khi vừa đặt chân xuống, cô gái chạm trán với nhân viên cảnh sát đi tuần. Ông nhìn thẳng cô gái và nói: “Khám phá bất ngờ ! Thay vì đi ăn trộm có lẽ cô nên ghi tên vào một gánh xiệc !” Lúng túng vì sợ vị cảnh sát to tiếng đánh thức thân phụ đang ngủ, cô gái vội vàng giải thích hành động “đi đêm” của mình… Thiếu nữ ấy là Sally Trench sống với cha mẹ ở Luân Đôn, thủ đô Anh Quốc.

Vào một buổi tối, khi trở về nhà sau nửa đêm, lúc bước xuống ga Waterloo nằm ở ngoại ô, Sally đụng phải vật gì mềm mềm, động đậy… Giật mình, Sally cúi xuống nhìn kỹ thì thấy đó là một phụ nữ cao tuổi, chung quanh người quấn một tấm chăn rách nát. Bà nằm trên mấy tờ báo. Nhưng không chỉ có mình bà. Dọc theo bờ tường nhà ga, còn có nhiều người khác. Đàn ông nằm lẫn lộn với đàn bà. Tất cả đều ăn mặc rách rưới bẩn thỉu. Người nào may mắn hơn thì có chiếc áo khoác bằng len, quấn chung quanh mình cho đỡ lạnh…

Sally thật đau lòng khi trông thấy cảnh tượng đó. Cô có thể lạnh lùng làm ngơ bỏ đi, như thầy tư tế trong Phúc Âm khi trông thấy người bị thương nằm bên vệ đường. Nhưng Sally bắt chước người Samaritano nhân lành. Cô đến bên những người này, cho tay vào túi, lấy tất cả tiền và phân phát cho họ. Một người trong nhóm cất tiếng nói: “Đây không phải là chỗ của cô ở giữa những người quá dơ bẩn. Cô quá ngây thơ duyên dáng ! Tốt hơn cả là cô nên trở về nhà.”

Sally trở về nhà và khi cầm trên tay ly sôcôla nóng hổi uống trước khi lên giường ngủ, cô gái tự nhủ: “Thiên Chúa cho mình quá nhiều, không thiếu thốn sự gì. Lẽ nào mình chỉ giữ riêng cho một mình mình thôi ?”

Ngay đêm hôm sau đó, lần đầu tiên, Sally thức dậy vào lúc 2 giờ sáng. Cô bỏ vào xách mấy gói thuốc lá và một bình cà phê nóng. Xong, cô đi rón rén để không đánh thức cha mẹ dậy. Thay vì mở cửa chính, cô dùng ống chuyển đồ và trượt từ lầu bốn xuống đất. Cô đi thẳng ra nhà ga Waterloo. Cô đến bên những người nghèo ngủ trên nền nhà ga và phân phát thuốc lá cùng cà phê nóng cho họ. Cô mang đến cho họ hơi ấm của cà phê và của tình người, trong những đêm mùa đông giá buốt.

Từ đó, cuộc viếng thăm những người không nhà cửa ở nhà ga Waterloo trở thành thông lệ. Cứ vào 2 giờ sáng, Sally thức giấc, mặc quần jeans, khoác áo len, xách cà phê nóng và thuốc lá đến thăm những người nghèo nơi nhà ga Waterloo. Vào lúc 4 giờ sáng, cô lại có mặt ở nhà, lên giường ngủ tiếp.

Thỉnh thoảng, trong những chuyến “đi đêm” như thế, Sally gặp lại vị cảnh sát của đêm đầu tiên. Ông vừa bắt tay Sally vừa nói: “Tất cả những gì cô làm đều thật đẹp và có tinh thần Kitô nữa !”

Sau một thời gian giúp đỡ những người sống lang thang không nhà không cửa, Sally lại khám phá ra một nhóm trẻ bụi đời, sống bất cần gia đình và xã hội. Họ sống vô kỷ luật và ưa chuộng tự do, nhưng là một thứ tự do bệnh hoạn, làm những điều không được phép làm như xìke, ma túy. Sally đến sống với nhóm bạn trẻ này, để tìm hiểu và chia sẻ nếp sống với họ. Nhiều người trẻ bụi đời sau đó khám phá ra ý hướng ngay thẳng và bác ái của Sally liền tặng nàng danh hiệu ”Sally, Người Công Giáo”.

Một hôm, một bạn trẻ bụi đời nói với Sally: “Tôi thật khâm phục lòng tốt của cô. Nhiều người cũng mang danh Công Giáo nhưng không làm một công tác bác ái nào giúp người khác.” Sally khiêm tốn trả lời: “Tôi không chỉ trích ai hết. Với kinh nghiệm riêng tư thì tôi biết rằng: sống đúng danh nghĩa tín hữu Công Giáo không phải là chuyện dễ. Phải thực thi tinh thần Kitô suốt cuộc đời mình…”

Sr. Jean Berchmans MINH NGUYỆT

 

THỬ NGHĨ XEM…

THỬ NGHĨ XEM…

Trích EPHATA 621

Khi con chim còn sống, nó ăn kiến. Khi chim chết, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này. Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay, nhưng đừng quên rằng thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn. Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm, nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây. Hãy là người tốt và làm những điều tốt.

Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý. Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài ?

Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.

Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.

Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.

Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

KHUYẾT DANH, từ quehuongngaymai.com

 

Đảng hãy mau thoát khỏi nghịch cảnh “hồn Trương Ba da Hàng thịt”!

Đảng hãy mau thoát khỏi nghịch cảnh “hồn Trương Ba da Hàng thịt”!

Mạc Văn Trang

Câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da Hàng thịt chỉ dài hơn một trang sách in và có mấy nhân vật rất giản dị, nhưng với tính nhạy cảm thời đại và tài năng siêu việt, Lưu Quang Vũ đã biến thành vở kịch tầm cỡ nhân loại.

Tình cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời tới nay, giữa lý luận và hành động cũng chẳng khác nào tình cảnh “Hồn Trương Ba da Hàng thịt”, hay “Hồn Các Mác, xác Bần nông”! Có điều khác là “hồn” của Trương Ba hay của Các Mác (Karl Marx) vào cái xác Đảng Cộng sản Việt Nam thì nó bị cái thân xác Bần nông làm lộn tùng phèo, bát nháo, chỉ còn là những khẩu hiểu, những ước muốn viển vông, huyễn hoặc; mà “hồn” ông Trương Ba hay “hồn” Các Mác thật cũng chẳng hiểu nổi cái mớ bòng bong trong đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – thân xác Bần nông, nó là cái quỷ quái gì!

Ngay từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, chả biết cái “hồn” lý luận “Đấu tranh giai cấp” của ông Mác cao siêu thế nào mà vào cái “xác phàm” Đảng Cộng sản Việt Nam lại thành ra “Trí, Phú, Địa, Hào – đào tận gốc, trốc tận rễ”! Rồi đến cải cách ruộng đất “long trời lở đất” khiến hàng vạn người chết tức tưởi, vì cái mồm tố điêu, cái tay quen cướp của, giết người!

Khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, ước mơ ngàn đời của người bần, cố nông vừa có, chưa kịp sướng, thì Đảng thu gom luôn ruộng đất vào hợp tác xã… cho trắng tay! Kết thúc hơn 20 năm cao trào hợp tác hóa nông nghiệp, thắng lợi của “Đấu tranh giữa hai con đường” là “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” khủng khiếp. Hợp tác xã tan vỡ, Đảng phải “Đổi mới”, “cởi trói”, chia ruộng cho nông dân để khuyến khích nông nghiệp phát triển. Nhờ đó Việt Nam không còn phải “vác rá đi xin bo bo và ngô cho súc vật” về ăn, mà còn xuất khẩu gạo nhất nhì châu Á… Thế rồi đùng cái, Đảng lại “thu hồi đất”, cưỡng chế khắp nơi, để trao đất cho các “tư bản mới nổi” và nông dân “thi đua” khiếu kiện thấu trời!?…

Cái lý luận “Làm chủ tập thể”, “Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”, “Toàn dân bàn việc nước, sắp xếp lại giang sơn”… thành ra là nhập tỉnh, huyện, xã tùm lum, sau mươi năm tranh giành, đấu đá mệt nhoài, lại ăn mừng “Tái lập” tỉnh, huyện, xã “vũ như cẫn”! Nhưng cơ mà… nhập cũng vớ bẫm, tách càng bẫm hơn, nên “cái thân xác” khỏe re, càng hăng hái tư duy “lý luận mới”… “Làm chủ thiên nhiên” thì “về cơ bản đã chặt phá xong rừng”, bô-xit, than, vàng, ti-tan đến cát, đá… cũng bị các loại “tặc” đào bới tung tóe, tan hoang; hầu hết các dòng sông bị chặt khúc ra làm thủy điện vô tội vạ; hầu hết ao hồ, sông suối bị ô nhiễm, bị “bức tử”! “Làm chủ xã hội” thì cả xã hội như chợ trời, đầy “con phe”, kẻ cắp, ma cô… “Làm chủ bản thân” thì càng “phê, tự phê” thì “bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” thành “bầy sâu” lúc nhúc càng nhiều thêm! “Chủ nghĩa tập thể” lại biến thành những phe nhóm lợi ích phá nát đất nước và kỷ cương xã hội, tạo nên lối sống cá nhân tham lam vị kỷ trắng trợn chưa từng thấy trên đất nước này.

Cái lý luận về “Bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội – giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản – bằng tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng”… hóa ra lại là sau khi phá nát nền kinh tế – xã hội thì tái lập chế độ tư bản sơ khai ở Việt Nam; các quan chức cùng với những nhóm lợi ích của họ trở thành tầng lớp “tư bản đỏ”, còn nông dân, công nhân, ngư dân, diêm dân… là tầng lớp bị bóc lột tàn tệ. Nhóm người bị tha hóa, lưu manh hóa ngày càng gia tăng, hệt như F. Engels mô tả trong “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” (năm 1844).

Cái mồm leo lẻo “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” thì kéo nhau đến Hội nghị Thành Đô (1990) xin làm đồ đệ cho đại ca Trung Cộng. Mồm nói “Đạo đức là gốc”, nhưng quan chức suy thoái đạo đức tuột dốc không phanh! Mồm nói “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” nhưng quan chức đua nhau ăn cắp, ăn cướp, xây nhà lầu, sắm xe hơi, ăn chơi theo kiểu các ông hoàng, bà chúa… Của công bòn rút từ mồ hôi, nước mắt của dân thì chi tiêu như phá, thất thoát hàng trăm tỉ, nghìn tỉ, chẳng coi ra gì! Ông Cụ nói: “Quân đội trung với nước…” thì nó bẻ queo thành: “Quân đội trung với Đảng…” (?), “Công an nhân dân” thành “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình”. Tòa án Nhân dân thì xử dân như kẻ thù, xử quan chức phạm tội như người trong nhà đóng cửa bảo nhau. “Đảng ta là đạo đức là văn minh…” thì “bộ phận không nhỏ” ngày càng to, biến thành “bầy sâu” lúc nhúc mê tín, dị đoan, dắt nhau “dò đá qua sông”, đi vào ngõ cụt! Cụ bảo “Chính phủ không làm được việc thì dân đuổi đi”, nhưng nó cứ trơ ỳ ra bảo “Đảng phân công”, “Đảng quy hoạch” nên không thể từ chức! Cụ bảo: “Dân chủ là cho dân mở miệng ra” thì nó còng tay, bịt miệng ai dám “mở miệng” phê phán những sai lầm, tội lỗi của nó! Cụ bảo “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, nó cứ làm ngược lại!… Thế mà quanh năm suốt tháng cứ phát động, chăng đầy pa-nô, khẩu hiệu rồi sơ kết, tổng kết, nêu gương… học tập, làm theo Hồ Chí Minh!

Mồm xoen xoét: “Phải phát triển nhanh và bền vững” mà làm đường giao thông đắt gấp 3-4 lần của Mỹ, vừa khánh thành đã lún sụt; đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội hơn một năm vỡ 9 lần, khiến bao người dân khốn đốn trong mùa hè; các công trình “Nghìn năm Thăng Long” thì mới mấy năm đã sập sệ. Biết bao nhiêu công trình ào ạt xây kém chất lượng, tranh thủ rút ruột ăn chia, nay mai hư hỏng hàng loạt, con cháu tha hồ “phá đi làm lại” và trả nợ còng lưng!… Tâm lý nhiệm kỳ chộp giựt, “bóc ngắn cắn dài”, “cái gì cũng ăn”, “ăn không biết chán”, cốt “làm giàu cho con em nhóm ta, kệ cha con em chúng nó” phơi bày ra trên mọi lĩnh vực của đời sống, trước mắt bàn dân thiên hạ một cách trơ trẽn, sống sượng, lố bịch… Phát triển bền vững là những gì làm ngày hôm nay sẽ để lại cho muôn đời con cháu được hưởng phúc, hưởng lộc và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ mai sau. Thế mà môi trường bị hủy hoại, các công trình xuống cấp từng ngày, nợ chồng chất và “vấn đề chủ quyền đời ta không giải quyết được thì đời con, đời cháu, chắt ta tiếp tục giải quyết”!

Mồm lẻo lẻo ta khác tư bản ở chỗ “Nền kinh tế của ta là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước”, nhưng chẳng ai chỉ ra “cái định hướng xã hội chủ nghĩa” nó tròn méo ra sao! Lại láu cá ở chỗ, cứ cái gì “suy thoái”, “tệ nạn”, “thoái hóa, biến chất”, tóm lại là tất cả cái gì xấu xa của chế độ là đổ tại “mặt trái của cơ chế thị trường” (?). Nhưng lạ hơn nữa là, đã biết cái “mặt trái” của nó đen đúa, bẩn thỉu như thế, mà các nhà lãnh đạo đến nước tư bản nào cũng khẩn khoản xin công nhận cho Việt Nam có cái “cơ chế thị trường đầy đủ”.

Lý luận “Ba dòng thác cách mạng của thời đại…” thì dòng thác chủ đạo “cách mạng xã hội chủ nghĩa” tan rã rồi. Mấy “nước anh em cùng ý thức hệ” thì Triều Tiên vừa cha truyền con nối kiểu vua chúa, vừa như Chí Phèo, thoát chết đói nhờ viện trợ lương thực, nhưng chỉ thích dọa đánh nhau; Cuba cũng đang “giành nhiều thắng lợi” bằng cách “cập nhật mô hình kinh tế” (rón rén theo kiểu tư bản) để xóa đói giảm nghèo; ông anh Trung Cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Đại Hán bá quyền, ban cho Việt Nam “4 tốt” + “16 chữ vàng” để Đảng Cộng sản Việt Nam ngoan ngoãn thần phục, nhưng trước sự phẫn nộ của nhân dân, ông Thủ tướng phải nói “Quyết không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy cái thứ hữu nghị viển vông”… Thì ra suốt bao nhiêu năm nay toàn ra sức bảo vệ, gìn giữ trân trọng, ôm hôn cái thứ hữu nghị viển vông với Trung Cộng, còn thực tế lại là “sống trong vòng tay của bầy yêu quái”!

Cái nhãn “Đảng Cộng sản”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là phấn đấu cho lý tưởng “Cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới”, mà “mục tiêu của giai đoạn đầu là Chủ nghĩa xã hội” mới lãng mạn, mịt mùng làm sao! Còn trong thực tế thì dân bảo: “Chúng nó ăn như Rồng cuốn, nói như Rồng leo, làm như Mèo mửa!”. Trở lại với Đảng (của những người) lao động và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi theo con đường dân chủ để sống cho tử tế, chân thật với nhân dân…

Tóm lại, hồn vía Đảng ta toàn mung lung huyễn hoặc, trong khi hành động thì theo kiểu Hành vi chủ nghĩa: Thấy Kích thích thì Phản ứng (S – R). Kích thích là “phong bì”, “chỉ thị” – phản ứng là ký đại, vơ đầy túi tham; là cưỡng chế, đàn áp không cần nghĩ đến hậu họa!

Chỉ có thoát ra khỏi nghịch cảnh “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”, “Hồn Các Mác, xác Bần nông” mới thoát được “ngôn – hành bất nhất”, mới trở thành người BÌNH THƯỜNG để có suy nghĩ đúng đắn và nhất quán với hành động. Không “phi thường, vĩ đại, vô địch, quang vinh, muôn năm nữa”! Chỉ mong nó BÌNH THƯỜNG thôi! BÌNH THƯỜNG mới hòa đồng được với nhân dân, mới không trở thành “đứa con hoang đàng” giữa lòng dân tộc!

Hà Nội, 30/7/2014

M. V. T.

HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT

HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trên các trang mạng, khi vào google.com và đánh típ: “Vị Tổng thống nghèo nhất thế giới” chỉ trong 18 giây, chúng ta đã có ngay kết quả lên tới 1.210.000 chuyên mục liên quan đến vị tổng thống này. Ông là ai? Thưa ông là Mujica, Tổng thống Uruguay.

“Dinh thự” của Tổng thống Uruguay là ngôi nhà cũ nát nằm ở ngoại ô thủ đô Montevideo, Uruguay. Ông đã sống ở đó gần hết cuộc đời với người bạn thân thiết là 1 chú chó 3 chân. Tài sản giá trị nhất của vị tổng thống này là chiếc ô tô cũ kỹ có giá chưa đến 2 ngàn đô la Mỹ. Ông là vị Tổng thống không thích sống trong nhung lụa.

Tuy nhiên, Mujica được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ không hẳn vì ông sống giản dị và nghèo, nhưng vì đã dành 90% tiền lương của mình, cho công tác từ thiện.

Chúng ta không cần biết ông có theo đạo Công Giáo hay không! Nhưng chúng ta biết chắc rằng: “ông là người biết ‘thương xót’ người nghèo”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã “thương xót” dân chúng. Ngài đã chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi họ. Qua đó, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ và cả chúng ta hãy tiếp bước trên con đường “thương xót” của Ngài, để làm toát lên vẻ đẹp của Thiên Chúa là Tình Yêu nơi hành động của chúng ta.

1. Đức Giêsu là Đấng “thương xót”

Trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu luôn yêu thương, quan tâm đến con người, nhất là những người ốm đau, bệnh tật, những người thấp cổ bé họng và đói khát.

Khởi đi từ việc rời bỏ vinh quang Thiên Quốc để nhập thế và sinh ra trong cảnh nghèo, lớn lên trong sự thiếu thốn, hẳn Đức Giêsu hiểu rõ hơn ai hết nỗi bần cùng của con người. Vì thế, đã nhiều lần, Tin Mừng cho thấy: khi dân chúng đến với Ngài, mang theo những bệnh tật trên thân xác, Ngài đã “thương xót” và chữa lành họ.

Không chỉ chữa lành bệnh tật thể lý, Ngài còn đi xa hơn để chữa trị tâm hồn cho những ai đang hoang mang, bất hạnh và thất vọng.

Vẫn tình thương đó, hôm nay, khi thấy dân theo mình nghe giảng, và khi trời đã xế bóng, Đức Giêsu không nỡ để dân chúng bụng đói ra về, nên Ngài đã ra tay để làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng.

Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu đã làm, đã nói và hành động, Ngài không muốn để các môn đệ ngoài cuộc, bởi vì mai đây chính các ông là những người sẽ thay Ngài để thi hành lòng “thương xót” của Thiên Chúa cho dân. Vì thế, khi được hỏi: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Như thế, qua câu nói của Đức Giêsu, không phải vì vô lý, cũng chẳng phải Ngài thách thức các ông, nhưng:

Trước hết, Đức Giêsu muốn các ông hãy ra khỏi sự ích kỷ của bản thân, sự an phận của vật chất để biết chia sẻ với những ai bất hạnh, nghèo đói, vì: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ(Gaudium et Spes, số 1).

Thứ đến, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các ông về sứ mạng của chính mình, Đấng đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10).

Cuối cùng, Đức Giêsu cũng dạy cho các ông bài học về sự tin tưởng, cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Còn chúng ta, những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người cũng được mời gọi để thi hành công việc mà chính Đức Giêsu đã làm và muốn các môn đệ thi hành khi xưa. Vậy chúng ta phải làm gì?

2. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôn nay mời gọi mỗi chúng ta hãy vươn xa tầm nhìn để thấy được trong xã hội loài người gồm hơn 7 tỷ người, trong đó có hàng ngàn trẻ em mồ côi, bệnh tật, bị bóc lột sức lao động và buộc làm nô lệ cho tình dục…

Số người chết vì đói, vì thiếu thuốc chữa bệnh cũng lên cả triệu người trên năm. Hàng triệu người vô gia cư, thất nghiệp, mù chữ… Rồi những người mắc phải những căn bệnh thế kỷ, nạn buôn bán phụ nữ để làm gái bán dâm, buôn bán ma túy và tham nhũng cũng tăng lên từng ngày.

Tình trạng loạn luân, phi đạo đức nhan nhản trong xã hội hiện nay. Những chuyện như: cha giết con, con giết cha; vợ giết chồng và ngược lại. Nhiều nạn nhân chết oan uổng chỉ vì một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu”, hay chỉ là một câu nói vô tình nào đó…

Như vậy, ngày nay, người ta “bội thực” đủ thứ… nhưng lại “đói khát” đời sống đạo đức và tâm linh hơn bao giờ hết.

Sự thật thà dường như vắng bóng trong học đường, và ngoài xã hội. Niềm tin tưởng lẫn nhau có lẽ quá xa vời đối với thương trường. Sự tương thân tương ái có lẽ không còn mấy ý nghĩa, mà thực ra chỉ là lợi dụng. Đạo đức gia đình, nghề nghiệp là thứ gì đó xa xỉ phẩm đối với giới trẻ, các ông chủ và ngay cả những người được coi là mang danh đạo đức… Tình trạng thờ ơ, vô cảm và ngăn cấm tôn giáo là điểm “hot”; “nhạy cảm” tại nhiều nơi.

Tất cả những hiện tượng đó, Đức Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phóng tầm nhìn để có một tấm lòng biết “thương xót”. Đồng thời, hãy ra khỏi sự yên thân để cùng nhau lên đường nhằm góp chút men, chút muối và trở thành ánh sáng để ướp đời và soi sáng thế gian.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Thực ra, chúng ta không thể nào làm thay đổi nổi màu đen trên thế giới!!! Thế nhưng, ngay thời điểm hiện tại và nơi chúng ta sinh sống, không thiếu gì những con người tương tự.

Họ là những người đang đi lạc hướng trong niềm tin, lệch lạc trong lối sống, cách nhìn và suy nghĩ; những người sống trong tội; ham tiền, mê bạc và hám dục… sống dửng dưng, vô cảm với anh chị em đồng loại. Vì thế, không thiếu những Lazarô nghèo ngay bên cạnh người Phú hộ giàu có…

Những hình ảnh trên có thể là chính chúng ta. Nếu quả là vậy, thì chúng ta hãy hối cải và trở về với Chúa. Bằng không, đó là hình ảnh mà người anh chị em chúng ta đang mang trên mình, thì không phải ai, mà là chính chúng ta hãy bắt tay vào việc dù chỉ là một cái gì đó bé nhỏ như:

–         Một cái nhìn thân thiện, cảm thông;

–         Một ly nước cho người đỡ khát, một chén cơm cho khách qua đường;

–         Một hành động khước từ sự bất chính như cờ bạc, rượu chè, trai gái;

–         Một thái đội khẳng khái với sự bất công, tham nhũng;

–         Một lời cầu nguyện, hy sinh để xin Chúa “thương xót” và làm động lòng những người dư giả, để họ giúp cho những người đói khát, bần cùng, để kẻ giàu không no và người nghèo không đói.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có được “con mắt của Chúa” để chúng con có cái “nhìn giống Chúa”. Xin cho chúng con “con tim của Chúa” để chúng con cũng biết “chạnh lòng thương” như Chúa. Amen.

Tác giả: Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

10 bí quyết sống hạnh phúc của Đức Thánh Cha Phanxicô

10 bí quyết sống hạnh phúc của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuacuuthe.com

ĐTC trong một buổi tiếp kiến chung vào thứ 4 hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô

VRNs (01.08.2014) -Sài Gòn- Trong một cuộc phỏng dành cho tuần báo “Viva” của Argentina vào ngày 27.07 vừa qua, Đức Thánh Cha đã đưa ra 10 chỉ dẫn để mang lại niềm vui cho cuộc sống của mình:

ĐTC trong một buổi tiếp kiến chung vào thứ 4 hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô

1. “Sống và hãy sống”. Tất cả mọi người nên làm theo nguyên lý này. Ở Rôma có một câu nói thời danh tương tự: “tiến lên và giúp người khác tiến lên.”
2. “Hãy trao ban bản thân cho người khác.” Mọi người cần mở ra và quảng đại với người khác. Nếu bạn co cụm vào chính mình, bạn có nguy cơ trở thành ích kỷ. Nước không thông sẽ trở nên hôi thối.

3. “Giữ điềm tĩnh trong cuộc sống.” Đức Thánh Cha, sử dụng hình ảnh nước trong một cuốn tiểu thuyết của Ricardo Guiraldes, Argentina, trong đó nhân vật chính Gaucho Don Segundo Sombra nhìn lại cuộc sống của mình như sau: “Tuổi trẻ tôi sống sôi động như một dòng thác lũ; khi trưởng thành nó trôi đi như một dòng sông, và khi tuổi già nó lặng lẽ như mặt hồ.” ĐTC nói rằng, ngài thích hình ảnh của mặt hồ vì “nước trôi cách tử tế và khiêm nhường, một sự điềm tĩnh trong cuộc sống.”

4. “Một cảm thức về nghệ thuật.” Tìm niềm vui nơi nghệ thuật, văn học và vui chơi với con cái. Ngài nói “Xã hội tiêu thụ làm cho chúng ta lo lắng quá nhiều và căng thẳng, khiến mọi người mất đi một “nền văn hóa lành mạnh của giải trí.” Thời gian dường như “nuốt chửng” con người để rồi họ không còn có thể chia sẻ cho nhau được nữa.

Dù các bậc cha mẹ làm việc nhiều giờ, nhưng phải dành thời gian để chơi với con cái; ngài nói: lịch làm việc dầy kín, nhưng bạn phải dành thời gian cho con cái. Các gia đình cũng phải tắt TV để trò chuyện khi ngồi ăn chung với nhau. Dù truyền hình rất hữu ích cho việc cung cấp thông tin nhưng “không thể thay thế việc giao tiếp” với nhau.

5. “Nghỉ ngơi ngày Chủ nhật.” Công nhân còn được nghỉ ngày Chủ nhật vì vậy “Chủ nhật là dành cho gia đình”.

6. “Tìm những sáng kiến để tạo công ăn việc làm tốt cho người trẻ.” Chúng ta cần giúp cho người trẻ có công việc. Nếu người trẻ không có cơ hội làm việc sẽ dễ đi vào nghiện ngập, dễ bị tổn thương đưa đến việc tự sát. Tạo công việc cho họ không chưa đủ. Cho họ nhận ra phẩm giá từ đôi bàn tay lao động của chính mình.

7. “Tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.” Suy thoái môi trường là một trong những thách đố lớn nhất của chúng ta. Tôi nghĩ đến một câu hỏi mà chúng ta phải chất vấn luôn mãi là: Con người sẽ tự hủy diệt mình bằng việc sử dụng bừa bãi và độc tài trên thiên nhiên?

8. “Ngăn chặn tiêu cực.” Nói xấu về người khác là hạ thấp lòng tự trọng của mình. Mang nghĩa là: Tôi cảm thấy yếu kém thay vì tự thân vươn lên tôi hạ người khác xuống bằng cách nói những điều tiêu cực về người khác.

9. “Không chiêu dụ người khác theo đạo; tôn trọng niềm tin của người khác.” Chúng ta có thể truyền cảm hứng cho những người khác bằng việc làm chứng để cùng lớn lên qua sự liên hệ giao tiếp. Nhưng điều tồi tệ là chiêu dụ người khác theo tôn giáo mình. Đừng bàn chuyện để thuyết phục người khác. Mỗi người có một bản sắc và cá tính riêng của mình. Giáo Hội phát triển nhờ sự ảnh hưởng chứ không phải là chiêu dụ người khác theo đạo.

10. “Kiến tạo hòa bình.” Chúng ta đang sống vào thời điểm của nhiều cuộc chiến, lời kêu gọi hòa bình phải được la lên. Hòa bình đôi khi cho cảm giác là tĩnh lặng, nhưng không phải là thụ động hòa bình luôn luôn là chủ động và năng động.

Hoàng Minh