Song phương với Trung Quốc là vô phương cứu chữa

Song phương với Trung Quốc là vô phương cứu chữa

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-05-31

namnguyen05312014.mp3

000_Hkg8715299-305

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 6 năm 2013. (ảnh minh họa)

AFP

 

 

Nhà nước Việt Nam luồn lách giữa các giải pháp song phương và đa phương trong vấn đề biển Đông. Trong vụ giàn khoan Trung Quốc HD 981 xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam có vẻ nhà nước đang chuyển qua giải quyết đa phương.

Bảo vệ quyền lực?

Sau Hội nghị Thành Đô 1990, Việt Nam bình thường hóa bang giao với Trung Quốc và càng ngày càng yếu thế, lép vế trong quan hệ được tô vẽ là hữu nghị 4 tốt 16 chữ vàng. Từ khi Trung Quốc để lộ tham vọng chiếm cứ biển Đông với đường chủ quyền 9 đoạn gọi là đường lưỡi bò, Việt Nam luôn khẳng định giải quyết tranh chấp song phương với Trung Quốc cho vấn đề vịnh Bắc bộ, vùng biển Hoàng Sa Trường Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.

Giờ đây Việt Nam đang cố gắng tranh thủ vận động dư luận, vận động ngoại giao tìm sự ủng hộ của thế giới trong cuộc đấu tranh với kẻ xâm lăng là Trung Quốc. Tuy vậy nhà nước vẫn lập đi lập lại không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào, cũng không chống lại Trung Quốc.

TS Phạm Chí Dũng, nhà bình luận độc lập từ Saigon nhận định:

“Họ vẫn đang tính toán là làm sao có thể đi dây giữa các quốc gia các thế lực siêu cường trên thế giới mà không ảnh hưởng tới quyền lợi, quyền lực của họ.
-TS Phạm Chí Dũng”

“Tôi nghĩ Việt Nam không thay đổi đâu, họ từng có chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước cho nên là song phương lúc này đa phương lúc khác. Chuyện đó là điều gần như tất yếu đối với Việt Nam, chỉ có điều là song phương hay đa phương thì tôi cũng nghĩ họ không chủ động, họ gần như ở trong thế bị động. Và lúc này nếu có một câu chuyện đa phương giữa cả Tây Âu, Hoa Kỳ và với cả Trung Quốc thì tôi nghĩ là họ vẫn đang tính toán là làm sao có thể đi dây giữa các quốc gia các thế lực siêu cường trên thế giới mà không ảnh hưởng tới quyền lợi, quyền lực của họ.”

Trong việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào khoan thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, nguyên tắc giải quyết tranh chấp song phương sẽ làm cho Việt Nam đã yếu thế càng lép vế hơn nữa.

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Luật quốc tế ở TP.HCM, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông nhận định:

Chinh-phu-hop-1_29514-250.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 29/5/2014. Courtesy chinhphu.vn

“Trung Quốc đang muốn kéo vấn đề này trở thành song phương, nghĩa là về Hoàng Sa là tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng mà việc Việt Nam mong muốn tranh thủ công luận quốc tế, thì Việt Nam phải có một chiến dịch đối ngoại để cho thế giới thấy rằng, đây không phải là vấn đề song phương, mà Hoàng Sa liên quan đến vấn đề rộng hơn là toàn bộ khu vực Biển Đông, trong đó liên quan tới an ninh và an toàn hàng hải Biển Đông.”

Ngày 29/5 trong phiên họp thường kỳ của chính phủ ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiết lộ là lãnh đạo Việt Nam đề nghị gặp người tương nhiệm Trung Quốc để thảo luận giải quyết vụ giàn khoan HD 981, nhưng Bắc Kinh từ khước và trả lời “không phải thời điểm thích hợp.” Tuy ông Dũng không chỉ rõ lãnh đạo Việt Nam là vị nào nhưng thông tin trên các mạng xã hội cho biết người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Chính phủ kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc trên biển Đông, nhưng vẫn giữ quan hệ ngoại giao, kinh tế bình thường, tuyệt đối lên án các hành vi kích động, bài trừ người Hoa.

Kịch bản nào của lịch sử?

Giàn khoan HD 981 hạ đặt bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam đã bước sang tuần lễ thứ 5. Phía Trung Quốc đã khảo sát khoan thăm dò ở hai vị trí trên vùng biển ngoài khơi duyên hải tỉnh Quãng Ngãi. Trung Quốc đã triển khai hơn 100 tàu các loại kể cả tàu quân sự và máy bay yểm trợ để bảo vệ giàn khoan. Lực lượng chấp pháp Việt Nam với các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư vừa ít về số lượng vừa quá nhỏ bé so với các tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc. Có thể nói lực lượng tàu chấp pháp của Việt Nam bị kẻ thù trấn áp thô bạo với 30 tàu bị đâm va gây hư hỏng. Nhưng tàu chấp pháp Việt Nam được lệnh trên chỉ cố gắng hiện diện mà không phản ứng. Lệnh xua đuổi tàu Trung Quốc và giàn khoan HD 981 theo lệnh Thủ tướng nghe có vẻ mỉa mai. Tin ghi nhận trong 4 tuần qua chỉ có một lần duy nhất tàu kiểm ngư Việt Nam đáp trả tàu kẻ thù bằng vòi rồng, sự việc xảy ra vào sáng ngày 12/5.

“Một phép thử nho nhỏ mà Việt Nam chỉ từ thua tới thua thì sẽ làm sao đối với một chiến dịch dài hạn  Trung Quốc có thể đưa ra rất nhiều phép thử khác.
-TS Phạm Chí Dũng”

Việt Nam đang bị mất chủ quyền trên vùng biển của mình, các biện pháp đấu tranh hòa bình với Trung Quốc sẽ có kết quả như thế nào trong tình hình và tương quan lực lượng hiện nay. TS Phạm Chí Dũng từ Saigon nhận định:

“Tôi cho là không chỉ song phương mà là vô phương đối với giàn khoan HD 981 và tất cả những giàn khoan sau này mà Trung Quốc sẽ hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam. Bởi vì một phép thử nho nhỏ mà Việt Nam chỉ từ thua tới thua thì sẽ làm sao đối với một chiến dịch dài hạn  Trung Quốc có thể đưa ra rất nhiều phép thử khác. Và chúng ta thấy tàu cá Việt Nam bị đâm thủng, hai người ngư dân bị chết ở Quảng Ninh mà cho tới giờ một số tờ báo Việt Nam vẫn dùng từ tàu lạ, thì không hiểu nổi lòng tự trọng dân tộc và tình cảm đồng loại của họ để ở đâu.”

Lịch sử Việt Nam từng có một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, nhưng người Việt Nam vẫn quật khởi gìn giữ đất nước và không bị phương bắc đồng hóa. Sử sách ghi nhớ Việt Nam từng có những triều đại anh minh hùng cường biết chiêu hiền đãi sĩ, tôn trọng lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm. Thế kỷ 21 ngày nay những đại quốc đầy tham vọng có thể có sự đô hộ kiểu mới, đưa các tiểu quốc yếu hèn vào vòng lệ thuộc mà chẳng cần phải đem quân chiếm đóng. Câu hỏi đặt ra là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện sẽ rơi vào kịch bản nào của lịch sử?

 

Shangri-La : Trung Quốc lên án Mỹ-Nhật khiêu khích (RFI)

Shangri-La : Trung Quốc lên án Mỹ-Nhật khiêu khích

Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong).

Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong).

AFP

Thanh Hà / Tú Anh

Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) cực lực lên án bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và thủ tướng Nhật Bản đã có lời lẽ « khiêu khích », khi hai nhân vật này tố cáo Bắc Kinh « gây bất ổn » trong vùng Biển Đông và Hoa Đông. Thực sự là Vương Quán Trung đã quên lời cam kết của Tập Cận Bình.

Tại Diễn đàn An ninh khu vực Đông Nam Á Shangri-La (Singapore), quy tụ hàng trăm nhân vật lãnh đạo chính trị, ngoại giao, quân sự và chuyên gia quốc tế, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong bài phát biểu ngày hôm qua 31/06 tuyên bố Hoa Kỳ không chấp nhận « thái độ gây bất ổn » của Trung Quốc và « sẽ không điềm nhiên tọa thị » nếu trật tự thế giới bị đe dọa. Hoa Kỳ « mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành động đe dọa, cưỡng chế, uy hiếp bằng vũ lực để khẳng định yêu sách », bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi « mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp », khi nói về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông, một cách để gián tiếp để lên án Trung Quốc lấy sức mạnh đè người.

Hôm nay, trong phần phát biểu của phái đoàn Trung Quốc, trưởng đoàn Vương Quán Trung, Tham mưu phó quân đội Trung Quốc đáp trả một cách giận dữ :  « Hai ông Chuck Hagel và Shinzo Abe có những lời tuyên bố không thể chấp nhận được, là một hành động khiêu khích có phối hợp để thách thức Trung Quốc ».

CHA MẸ RẤT CẦN ĐƯỢC BIẾT CHỨNG BỆNH ADHD

CHA MẸ RẤT CẦN ĐƯỢC BIẾT CHỨNG BỆNH ADHD (Attention Deficit Hyperactive Disorder.)
Tuyết Mai

Tôi thiết nghĩ cái bệnh ADHD có rất nhiều người không ai được biết đến thế nên đã có rất nhiều người đã không được trị liệu và biết về căn bệnh này. Bệnh này được cho biết là có nhiều mức độ từ nhẹ cho đến nặng. Nhẹ nhất là không thể chú tâm trong việc học hành, không biết cách học, không kiên nhẫn, không ở yên được một chỗ và là những trẻ được liệt vào thành phần phá phách trong lớp học.

Còn nặng nữa là trong người luôn như có lửa đốt, như kim châm vào người, rất khó chịu khi phải ở trong lớp học lâu nên phải có thuốc uống để giúp cho cơ thể được bình tâm lại. Trong gia đình của chúng tôi Chúa ban cho có hai đứa con có chứng bệnh này mà đứa gái lớn nhất năm nay đã 25 tuổi rồi. Thời gian này là thời gian mà cháu nói là thời kỳ nặng nhất của cháu.

Cháu đang chờ cho bác sĩ gia đình xin phép vì thuốc rất mắc; một tháng thuốc mà giá có đến vài trăm đô-la. Cháu có người quen cho thuốc uống nhưng được khuyên là không nên uống vì liều lượng của mỗi người là mỗi khác. Phản ứng phụ của thuốc này có nguy cơ làm suy thận và hư thận nhưng người có bệnh thì cần phải uống thôi nếu không uống thì người bệnh sẽ không thể làm được việc gì theo ý muốn được.

Để có thể nhận diện được những người có chứng bệnh này thì họ rất thích chơi trò thể thao, bất cứ loại thể thao nào, ngay cả những trò chơi có tính cách rất mạo hiểm vì họ không thể ngồi yên trong nhà được. Sinh lực của họ dồi dào hơn người thường. Mong rằng sự chia sẻ của căn bệnh khó mà biết này có thể giúp cho cha mẹ, thầy cô nơi học đường thấy biết ngay rằng con trẻ cần có được sự để ý cách đặc biệt.

Thấy sao con cái hay học trò chúng thường phá phách, không chịu ngồi yên trong lớp học?. Ở bên Mỹ cho đến ngày hôm nay tại các trường học quý thầy quý cô mới bắt đầu học biết chứng bệnh ADHD này để biết cách dậy học trò nhỏ hay lớn của mình. Học để biết thông cảm cho chúng, giúp chúng học sao cho thích ứng với căn bệnh của chúng từ nhẹ cho đến nặng.

Như khi thi thì cho phép chúng được có nhiều thời giờ hơn, ngồi riêng rẽ một mình để không bị cảm thấy thúc hối. Nếu thấy chúng học trò khó ngồi yên trong lớp thì thầy cô hãy tìm cớ cho phép chúng ra khỏi lớp để sai chúng làm chuyện gì như lên văn phòng copy giấy, đến lớp nọ mượn đồ, v.v… thay vì để chúng ngồi trong lớp chúng sẽ quậy phá. Cho chúng thời gian nhiều hơn là học trò bình thường để nộp bài tập trong lớp cũng như đem về nhà làm. Sự thông cảm của cha mẹ và thầy cô sẽ giúp chúng học trò có bệnh sẽ có kết quả gần như sự mong muốn.

Thưa xin nhắc là những người có chứng bệnh này không phải là họ có bộ não học chậm đâu nhé mà Chúa lại ban cho họ có nhiều tài năng nổi trội hơn cả người bình thường nếu họ có được chữa trị đúng và thuốc men đầy đủ. Khi họ có được đúng thuốc uống thì họ là những học trò xuất sắc, luôn đứng hạng A, là những người rất thành công trong đời vì Thiên Chúa Người rất công bằng vô cùng.

Những người mang chứng bệnh ADHD này thường có tài hùng biện, rất giỏi nói và nhiều người chịu nghe. Xã giao rất là tự nhiên; có rất nhiều người yêu mến từ trẻ đến già. Phải nói những trẻ có bệnh này nếu không ai biết thì tất cả mọi người sẽ nghĩ rằng những trẻ này có đầu óc ngu xuẩn, sẽ không có cơ hội học tiếp và làm cho chúng càng tin rằng chúng ngu thật.

Con gái chúng tôi ở tuổi 25 mới xong được cái bằng Cử Nhân Luật nhưng cháu vẫn không chịu thua, cháu sẽ muốn học tiếp lên vì cháu biết có Chúa sẽ giúp cháu. Còn thằng con trai út của chúng tôi đang nghi rằng cháu cũng có cái bệnh ấy vì cháu học dở lắm suốt cả 4 năm trung học. Cháu nói lý do là vì cháu không chú tâm học, dễ buồn ngủ trong lớp, và chẳng cần học được hay không. Hầu hết tất cả thầy cô giáo phê trong học bạ là cháu không bao giờ nộp bài tập đầy đủ và đang có cơ hội bị điểm F.

Cái bệnh quái ác này chúng tôi cũng mới biết đây thôi, chính là nhờ do các cháu lớn chúng có học qua những khóa học trên đại học nên mới có cơ hội để tìm hiểu chứng bệnh này chứ bệnh này nó không thể hiện trên khuôn mặt hay trên thân thể để biết được. Nhìn các cháu thì rất bình thường không nói rằng xinh gái và điển trai; chúng tôi cứ nghĩ rằng sức học lực của các cháu quá yếu kém nhưng chúng tôi lại không có khả năng cho chúng đi học kèm thêm, đành chịu!.

Cả hai cháu chúng luôn nản học, chúng không có khả năng nghĩ sâu xa về tương lai chúng sẽ làm gì để nuôi miệng chúng nhưng làm cha mẹ già như chúng tôi thì chỉ biết ngày đêm chắp tay nguyện cầu. Luôn tin rằng Thiên Chúa Người đã thương yêu tác tạo ra chúng thì xin Chúa hãy ban cho chúng có được tương lai tốt đẹp. Trở thành người hữu ích, được hằng ngày dùng đủ và có Chúa ở cùng, trong trái tim to lớn luôn muốn giúp người giúp đời. Thiết nghĩ đó cũng là quá đủ vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc? Đâu là đường để chúng con bước đi?.

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
05-27-14

Tàu Trung Quốc hành xử như côn đồ trên biển Đông

Tàu Trung Quốc hành xử như côn đồ trên biển Đông
Friday, May 30, 2014

Nguoi-viet.com

QUẢNG NGÃI (NV) Tàu QNg 90045 bị hư hại do tàu Trung Quốc tấn công vừa về đến Quảng Ngãi. Ngày hôm trước, mười ngư dân trên tàu ÐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm cũng đã được đưa vào bờ.

Tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90045 do ông Võ Bá Nha, 29 tuổi, ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng.



Một ngư dân trên tàu đánh cá QNg 90045 với rổ đá được lượm lại sau khi tàu kiểm ngư của 306 của Trung Quốc ném vào. (Hình: Tuổi Trẻ)

Con tàu này nhổ neo rời cảng Tịnh Kỳ ngày 4 tháng 5. Ðến 9 giờ tối ngày 16 tháng 5, khi đang ở cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 4 hải lý thì tàu tàu kiểm ngư mang số hiệu 306 của Trung Quốc xuất hiện. Thuyền trưởng tàu đánh cá QNg 90045 ra lệnh cho năm ngư dân đang lặn dưới nước lên tàu. Tàu đánh cá QNg 90045 tắt đèn, tăng tốc nhưng vẫn bị tàu kiểm ngư 306 bám theo.

Cuộc rượt đuổi kéo dài khoảng một tiếng thì tàu kiểm ngư 306 bắt kịp tàu đánh cá QNg 90045. Nhân viên trên tàu kiểm ngư 306 dùng đá ném bể tất cả các cửa kính trên tàu đánh cá QNg 90045, sau đó dùng vòi rồng xịt vào tàu đánh cá QNg 90045. Nhiều ngư cụ bị thổi bay xuống biển, các thiết bị trong khoang lái bị hư hỏng.

Tuy nhiên ông Võ Bá Nha vẫn không giảm tốc độ mà tiếp tục cho tàu đánh cá QNg 90045 chạy hình chữ chi. Tàu kiểm ngư 306 của Trung Quốc thì tìm mọi cách để húc tàu đánh cá QNg 90045. Trong khi đó, các ngư dân trên tàu đánh cá QNg 90045 vừa ẩn núp để tránh đá, tránh vòi rồng, vừa sử dụng tất cả các thứ sẵn có trên tàu để bịt các cửa kính bị vỡ. Cuối cùng, sau ba giờ bị rượt đuổi, theo ông Võ Bá Nha, “nhờ may mắn và nhờ anh em trên tàu dũng cảm nên chúng tôi thoát được.”

Tàu đánh cá QNg 90045 cập cảng Tịnh Kỳ hôm 30 tháng 5 trong tình trạng toàn bộ kính cửa bị vỡ, phần lớn thiết bị (liên lạc, định vị) bị hư hỏng, phần lớn ngư cụ bị mất.

Trước đó, vào chiều 29 tháng 5, mười ngư dân của tàu đánh cá ÐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26 tháng 5 cũng đã được đưa vào bờ.

Chiều 26 tháng 5, khoảng 40 chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đã vây tàu đánh cá ÐNa 90152 của Việt Nam ở khu vực cách giàn khoan 984 khoảng 17 hải lý, rồi một trong 40 tàu đánh cá của Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá ÐNa 90152. May mắn là cả mười ngư dân trên tàu đánh cá ÐNa 90152 đã được các tàu của Việt Nam vớt kịp, không có ai thiệt mạng.



Tàu vận tải VT57 kéo xác tàu đánh cá ÐNa-90152 về đảo Lý Sơn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo ông Ðặng Văn Nhân, thuyền trưởng đánh cá ÐNa 90152 thì lúc đầu tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào mạn phải tàu của ông. Sau đó vòng qua bên trái đâm tiếp vào mạn trái, khiến tàu đánh cá ÐNa 90152 bị đắm.

Quan hệ Việt-Trung đã trở nên căng thẳng hơn sau khi tàu đánh cá ÐNa 90152 bị tàu đánh cá của Trung Quốc đâm chìm hôm 26 tháng 5, Phía Việt Nam lên tiếng đòi Trung Quốc phải “chấm dứt ngay những hành động vô nhân đạo như vậy” vì chúng “xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.” Ðồng thời đòi Trung Quốc phải “xử lý nghiêm những kẻ có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.” Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đến trụ sở để trao công hàm phản đối.

Phía Trung Quốc giải thích, con tàu đánh cá ÐNa 90152 bị chìm vì đã “quấy nhiễu” rồi “tự đâm vào một con tàu đánh cá của Trung Quốc.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố Việt Nam phải chịu toàn bộ trách nhiệm vì “tiếp tục quấy phá hoạt động bình thường của Trung Quốc.”

Trả lời VOA, ông Nhân mô tả, tất cả tàu đánh cá của Trung Quốc là tàu sắt. Tàu của ông bằng gỗ, nhỏ hơn nhiều, làm sao có thể đâm vào tàu Trung Quốc. Ông Nhân lên án Trung Quốc ngang ngược vì vào biển của Việt Nam, đâm chìm tàu của Việt Nam, cố tình giết ngư dân Việt Nam.

Cũng theo lời ông Nhân, cả ông lẫn 9 ngư dân trên tàu đánh cá ÐNa 90152 không “sợ Trung Quốc” chỉ sợ có anh em nào đó mất mạng. Khi tàu chìm, họ đã cố gắng tìm nhau, đến khi đã đủ cả mười người thì mới tính xem cần làm thế nào.

Ngoài việc đưa mười ngư dân vào bờ, một tàu vận tải của Việt Nam đã kéo xác tàu đánh cá ÐNa 90152 vào bờ. Ông Nhân hy vọng ông được giúp đỡ để khôi phục tàu đánh cá ÐNa 90152 nhanh, có thể ra biển sớm. (G.Ð)

Nước cờ hiểm của TQ với giàn khoan

Nước cờ hiểm của TQ với giàn khoan

Nguyễn Lễ

BBCVietnamese.com

Thứ năm, 29 tháng 5, 2014

Trung̣ Quốc định ngày rút giàn khoan là ngày 15/8

Các đợt xuống đường của người dân Việt Nam có thổi bay cái giàn khoan của Trung Quốc khỏi Biển Đông?

Câu trả lời, nhiều khả năng, là ‘Không’

Ít nhất những diễn biến trên thực địa cùng với những tuyên bố cứng rắn cho đến giờ cho thấy Trung Quốc quyết không lùi một bước.

Tôi không rành về khai thác dầu khí nhưng theo l‎ý mà suy thì chừng nào xong việc mới rút giàn khoan chứ làm sao biết được sẽ rút ngày nào?

Nhưng nếu Bắc Kinh không công bố trước thời hạn rút giàn khoan thì bất cứ lúc nào họ rút đi cũng sẽ bị cho là chịu thua sức ép của Việt Nam.

Đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh muốn quyết tâm khẳng định với thế giới rằng vùng biển xung quanh đó thuộc chủ quyền của họ.

Nhưng tại sao họ lại ra tay vào lúc này? Giàn khoan Hải Dương 981 là cách mà họ thách thức cam kết ‘xoay trục’ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa khẳng định với các đồng minh.

Obama vừa mới lên tiếng Senkaku nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh với Nhật và Manila cũng vừa k‎ý với Mỹ Hiệp ước tăng cường liên minh quân sự. Kiếm chuyện với Tokyo hay Manila khi Obama vừa rời đi thì quá ‘bựa’.

Để thách thức Mỹ nhưng vẫn tránh đối đầu trực diện, Bắc Kinh chọn mục tiêu mềm hơn là Hà Nội.

Nước cờ chắc ăn

Với lại khi có hành động mà Bắc Kinh biết rằng sẽ bị thách thức dữ dội thì họ phải chọn nước cờ chắc ăn nhất.

Họ không chọn vùng biển xung quanh các đảo mà họ đang nắm giữ ở Trường Sa hoặc một vị trí nào khác trong Biển Đông mà họ biết sẽ rủi ro hơn rất nhiều.

Quần đảo Hoàng Sa chỉ có tranh chấp với Việt Nam, trong khi Trung Quốc còn không thừa nhận là có tranh chấp và lâu nay vẫn cự tuyệt mọi đề xuất đàm phán của Hà Nội.

Về mặt thực tế, ‘Tây Sa’ đã nằm hoàn toàn trong tay Trung Quốc và cách nay không lâu họ còn gióng trống mở cờ thành lập thành phố ‘Tam Sa’ đóng trên quần đảo này.

Tổng thống Mỹ Obama vừa cam kết với các đồng minh châu Á về chính sách ‘xoay trục’

Về mặt pháp lý, họ có ‘bửu bối’ là công hàm Phạm Văn Đồng mà nếu Hà Nội có cãi lý thì họ sẽ dùng để đập lại.

Họ kiểm soát, họ không thừa nhận có tranh chấp, họ có bằng chứng Hà Nội ‘công nhận chủ quyền’, rõ ràng Bắc Kinh rất tự tin với ‘chủ quyền Tây Sa’ nên họ mới đưa giàn khoan ra đây.

Nếu Việt Nam có nói là giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì Trung Quốc sẽ cãi rằng giàn khoan này nằm cách ‘Tây Sa, lãnh thổ của họ’ chỉ 17 hải lý trong khi cách bờ biển Việt Nam đến 150 hải lý.

Trên thực tế đó là kịch bản mà báo chí và các quan chức Trung Quốc đã nói trong những ngày qua.

Một khi có bước đi liều lĩnh như thế chắc chắn Bắc Kinh đã tính toán hết mọi rủi ro mới dám thực hiện.

Nhìn vào động tĩnh của Trung Quốc trong những ngày qua thì sẽ thấy họ theo dõi chặt chẽ phản ứng của Việt Nam, của khối Asean và của Mỹ.

Ngay cả khi phản ứng chính thức của Mỹ chỉ dừng ở mức ‘quan ngại’ và chỉ trích Trung Quốc ‘gia tăng căng thẳng’ thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ đầu với tuyên bố ở Thượng Hải rằng ‘các thế lực bên ngoài không được can thiệp’ và ‘chống lập liên minh quân sự nhằm vào bên thứ ba’.

Còn với Asean, mặc dù còn không nêu tên Trung Quốc mà chỉ bày tỏ ‘quan ngại’ nhưng Trung Quốc đã rất nhanh chóng lấy quan hệ chung để nhắc nhở Asean không được dính vào tranh chấp riêng và cảnh báo Hà Nội về việc ‘lôi kéo’ Asean.

Làm chủ tình hình

Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam chắc chắn cũng đã nằm trong dự liệu của Trung Quốc.

Các lãnh đạo Asean không muốn mất lòng Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông

Mỹ can thiệp, Asean dính líu và Việt Nam ngả về phía Mỹ là ba nỗi sợ của Bắc Kinh khi đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông.

Về phía Mỹ thì Bắc Kinh biết rõ vào lúc này Washington không thể làm được gì nhiều để giúp Hà Nội ngoài hỗ trợ tinh thần.

Về phía Asean thì Bắc Kinh biết rằng với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của khối, các nước Asean sẽ hết sức thận trọng để tránh làm tổn thương quan hệ với Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, với quan hệ khắng khít giữa hai Đảng Cộng sản trong những năm qua, Bắc Kinh chắc hẳn nắm rõ suy nghĩ của Hà Nội.

Điều Bắc Kinh sợ nhất là Hà Nội ngả về phía Washington để họ thêm một mối họa ở phía Nam, nhưng một khi họ đã đưa giàn khoan ra thì có nghĩa họ tin rằng Hà Nội dù có bị o ép thế nào đi nữa thì cũng không tìm kiếm liên minh với Mỹ

Chỉ có điều với hành động này thì họ đã hủy hoại quan hệ với Việt Nam. Việt Nam sẽ không còn là ‘láng giềng thân thiện’ với Trung Quốc được nữa. Tuy nhiên, vì mục đích lớn ở Biển Đông, Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh.

Trong cái mục đích lớn đó, đảo thì họ đã nắm được một phần nhưng đường lưỡi bò thì đây mới là bước đi quan trọng đầu tiên để hiện thực hóa.

Nếu như Trung Quốc lùi trước sức ép của Việt Nam thì trước mắt người dân trong nước chính quyền là hèn nhát không đủ sức bảo vệ chủ quyền, trước dư luận quốc tế lập luận chủ quyền của họ không vững và nhất là đường lưỡi bò mới tiến được một bước đã phải lùi thì sau này sẽ vô vàn khó khăn.

Biển Đông là cánh cửa để Trung Quốc bành trướng ra ngoài và là chìa khóa để làm bá chủ ở Đông Á nhất là khi họ đã bị chặn bởi các nước lớn khác ở các hướng bắc, đông và tây nam.

Trung Quốc đang muốn biến đường lưỡi bò trên bản đồ thành sự thật

Chậm mà chắc

Năm 1947, đường lưỡi bò lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Trung Hoa.

Lúc đó, người Trung Quốc còn chưa có gì trên Biển Đông. Gần 70 năm sau, họ đã có ‘thành phố Tam Sa’ – tức là đã có chỗ đứng vững chắc để từ đó vươn ra Biển Đông.

Ai dám chắc sau 70 năm hoặc 100 năm nữa toàn bộ Biển Đông không trở thành ao nhà của Trung Quốc?

Từ chỗ không có gì đến có được như thế phải thấy tầm nhìn và sự khôn ngoan của Trung Quốc trên Biển Đông: họ xác định đó là công việc lâu dài, tiến dần từng bước một, tranh thủ thời cơ, sẵn sàng dùng vũ lực, sức mạnh đến đâu hiện thực chủ quyền đến đó.

Mặc dù có yêu sách đường chín đoạn từ rất lâu nhưng phải đến tận năm 2009 họ mới chính thức trình ra quốc tế. Chứng tỏ Bắc Kinh giỏi giấu mình chờ thời cơ đến mức nào.

Tuy nhiên điều này cũng cho thấy sự không trong sáng trong đòi hỏi chủ quyền của họ. Nếu có chủ quyền thật sự thì cần gì đợi thời cơ mới đưa ra?

Và cái cách mà họ vẽ đường chín đoạn trong tất cả các bản đồ của họ hiện nay, mặc dù chỉ là chủ quyền trên giấy, là nhằm in sâu vào tâm trí mọi người để rồi đến lúc ai cũng mặc nhiên thừa nhận ‘chủ quyền không thể chối cãi’ của Trung Quốc.

Họ cũng rất biết lợi dụng tình hình khi tranh thủ tối đa những lúc Việt Nam rối ren hay gặp tình hình quốc tế bất lợi để ra tay chiếm đảo.

Chính phủ Bắc Việt đã quá tin tưởng vào Trung Quốc?

Với một đất nước đã quen với ván cờ quyền lực và đấu tranh chính trị trong hàng ngàn năm thì Việt Nam không phải là đối thủ của họ trong cuộc đấu trí trên Biển Đông.

Họ có tầm nhìn cả trăm năm, có chiến lược thực hiện rõ ràng và nhất là luôn ở thế tấn công trong khi Việt Nam nằm ở thế bị động chống đỡ các bước đi của họ.

Trước phía nhiều mưu chước như Trung Quốc, Việt Nam chẳng khác nào một đứa trẻ ngây ngô liên tục bị gài bẫy.

Cái bẫy lớn nhất chính là công hàm năm 1958 công nhận Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc mà trong Tuyên bố này có khẳng định chủ quyền đối với ‘Tây Sa’ và ‘Nam Sa’.

Bắc Việt lúc đó chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là sự giúp đỡ của Trung Quốc chứ không lường được cái hại sau này trong khi Trung Quốc mưu tính chuyện lâu dài về sau.

Công luận quốc tế không cần biết ông Đồng suy nghĩ thế nào hay bối cảnh ra sao khi k‎y cái công hàm đó. Chỉ biết giấy trắng mực đen rành rành Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Việt Nam đang chứng kiến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lớn chưa từng thấy

Đành rằng ông Đồng không thể đem cho cái mà Chính phủ của ông không có, nhưng ông có thể thừa nhận quyền sở hữu của người khác đối với tài sản mà ông không có đó.

Và khi đã thừa nhận của người khác thì bây giờ sao lại nói ngược là của mình được?

Rõ ràng Việt Nam tin vào tình đồng chí còn Trung Quốc đã lợi dụng tình đồng chí đó.

Quan hệ quốc tế luôn dựa trên nền tảng lợi ích quốc gia – không có chỗ cho ‘tinh thần quốc tế vô sản trong sáng’. Bắc Kinh đã không đổ xương máu cho Hà Nội nếu không có lợi ích của mình trong đó.

Bắc Việt đã quá ngây thơ khi tin tưởng người đồng chí phương Bắc hơn đồng bào của mình ở miền Nam. Họ đã để ‎y thức hệ chi phối chính sách ngoại giao của mình.

Chính vì ý thức hệ mà khi Việt Nam hụt hẫng sau khi Liên Xô sụp đổ đã bất chấp những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ lại tìm đến Trung Quốc làm chỗ dựa. Và đất nước lại bị đặt trước miệng cọp.

Cũng vì ý thức hệ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sang thăm Trung Quốc đã chấp nhận lời khuyên lấy ‘đại cục’ làm trọng, tức là đặt lên trên tranh chấp.

Khi đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh có nghĩ đến ‘đại cục’ không?

Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ không thoát khỏi ‘đại cục’ với họ?

Rõ ràng ‘đại cục’ đó không phải để ràng buộc Bắc Kinh mà là để Bắc Kinh ràng buộc Hà Nội.

Thậm chí khi Bắc Kinh đã phá vỡ cam kết của lãnh đạo hai Đảng thì Thường Vạn Toàn vẫn tự tin nhắc nhở Phùng Quang Thanh về ‘đại cục’.

Và cho đến giờ cũng chính y thức hệ đã khiến Việt Nam mắc kẹt trong ‘đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên minh với ai’

Mạnh như Nhật mà còn cần hiệp ước an ninh với Mỹ, có vũ khí hạt nhân như Anh, Pháp vẫn cần Mỹ đồng minh trong khối Nato.

Trong khi đó, Việt Nam hiện nay vừa nhỏ yếu vừa bị đe dọa nghiêm trọng thì cứ nói là ‘độc lập, tự chủ’ mà thực ra chỉ thiệt cho mình mà thôi.

Thử cho Mỹ vào Cam Ranh xem? Bắc Kinh không sợ mới lạ.

Mỹ rất muốn nhưng Việt Nam ‘độc lập, tự chủ’ không làm được.

Chính vì thế Việt Nam mất đi một lá bài lợi hại trong cuộc đối đầu vốn dĩ không cân sức.

BỆNH ĐAU THẮT LƯNG CÓ TRỊ ĐƯỢC KHÔNG?

BỆNH ĐAU THẮT LƯNG CÓ TRỊ ĐƯỢC KHÔNG?

Chu Tất Tiến

Có lẽ “Bệnh Đau Thắt Lưng” là căn bệnh gây khó chịu và phiền toái nhất của tuổi trung niên và tuổi già. Theo tài liệu trên Internet, ở nước Mỹ có tới 90% người đã từng bị đau thắt lưng. Hơn 50% bị đau nhiều lần và điều phiền nhất là tới 85% người bị đau mà không tìm ra cách chữa bệnh. Mỗi năm, nước Mỹ này tốn tới 50 tỷ đô la cho việc điều trị bệnh đau thắt lưng, từ thuốc uống, thuốc chích, đến “vật lý trị liệu” và giải phẫu. Tuy căn bệnh này không làm chết người và cũng không bắt người bệnh phải uống thuốc hàng ngày như các bệnh cao mỡ, cao máu, yếu tim.. nhưng mỗi khi “trái gió, trở trời”, hoặc vô ý mà vặn mình sai, thì căn bệnh lại ập đến, làm mọi sinh hoạt hàng ngày phải ngưng lại, gây nên một nỗi bực bội, chán đời vô cùng, không kể những phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, thường bị đau thắt lưng mỗi khi đứng lên hay cử động mạnh. Những người đau thắt lưng kinh niên lê cái thân đi khám bệnh thì lần nào cũng như lần ấy, chỉ nhận được viên thuốc giảm đau như Tylenol, Ibuprofen, Motrin, Aleve, hoặc Celebrex và lời khuyên phải đi chụp X-Ray hoặc MRI xem có chấn thương hoặc có “gai” nơi đốt xương chữ “L” nào không, có bị “đĩa” xương nào thoát ra khỏi vị trí không. Có người đau lưng lại được cho uống thuốc trị bệnh căng thẳng “Stress” vì buồn bã và lo lắng thường xuyên cũng có thể làm đau thắt lưng. Nếu cơn đau lan xuống mông và chân làm cho mất khả năng đi đứng, thì được đề nghị giải phẫu. Trường hợp phải giải phẫu thì chỉ có 50% hy vọng khỏi đau, và 50% bị liệt, ngồi xe lăn mà vẫn không hết đau. Người đau quá thì năn nỉ “bác sĩ có thuốc gì chích cho tôi một mũi cho đỡ đau không?” Yêu cầu này lúc được đáp ứng, nhưng cũng có lúc không. Có người chấp nhận giải phẫu nhưng Bảo Hiểm lại từ chối vì vẫn đi bộ được một, hai “b-lốc” đường không cần gậy chống. Có người xin làm “Therapy” nhưng đôi khi bảo hiểm hay “Medicare” cũng từ chối. Thôi, vậy chỉ còn cách an ủi “số mệnh đã an bài”. Cố gắng chịu đựng cho đến hết đời. Đau khổ nhất là những ông trung niên và những ông bắt đầu bước vào tuổi lão niên vẫn đang tràn đầy sinh lực yêu đương mà bị đau lưng…

Cá nhân người viết cũng là một “bệnh nhân” của cơn đau thắt lưng kinh niên, mãn tính. Hai đĩa sụn bị chấn thương, lệch ra khỏi vị trí, bởi những lần đấu võ từ hồi trẻ, gẫy lưng nằm bệnh viện hai lần, mỗi lần cả tháng trời. Mấy đốt khác cong cong có thể vì những năm còn thanh niên, thích cong người trên xe gắn máy mà phóng… Các sự lệch lạc đó đã được tuổi xuân cho thông qua, không gây phiền hà nhiều, nhưng khi tuổi già đến, thì chúng nhào lên, đòi lại sự “công bằng” qua những cơn đau tấm tức, hạn chế nhiều loại cử động và đôi khi làm cho chân phải bị tê liệt đi, không nhấc nổi lên nếu ngồi làm việc trước máy ‘computer” khoảng 1 tiếng đồng hồ liên tục mà quên không ngồi thẳng lưng!

Vì thế, bài viết này chỉ mong giúp “giảm đau” cho những quý vị “đồng bệnh tương lân”, biết đâu, với những trường hợp nhẹ, thì sẽ hết đau luôn, tìm lại niềm vui và nụ cười đã tắt “khi cơn đau lên đầy, thì người như chới với”…

1-Điều KHÔNG nên làm:

-Ngồi cong lưng về đằng trước khi đánh máy, làm việc trước “computer”, khi ăn uống, lái xe…
-Ngủ trên nệm mềm, cả cái lưng cong lại, lọt xuống nệm.
-Ngồi trên sa-lông mềm để coi truyền hình, nói chuyện với bạn bè.
-Cúi xuống nhấc đồ vật nặng lên bằng cái lưng, nghĩa là cong người xuống nhấc vật nặng. Các ông đau lưng tuyệt đối không được nổi hứng, cúi xuống bế bổng người yêu lên, cho dù người yêu chỉ dưới 100 lbs!
-Tăng trọng lượng vì càng mập, càng lên cân thì sức nặng của chính cơ thể càng đè xuống các đốt xương đã va chạm vào giây thần kinh, làm đau hoài luôn.

2-Điều NÊN làm:

-Lót một chiếc gối sau lưng khi lái xe, ngồi xe của bạn, để ấn cái lưng mình ra đằng trước cho dù là đi xe đời mới, sang trọng có đủ “nút” để thay đổi vị trí lưng, vì chúng hạn chế, không đủ “support” cho người đau lưng đâu. Nên lót một chiếc gối trên ghế làm việc của mình, sao cho lưng luôn thẳng góc hoặc hơi ngửa về đằng sau.
-Ngủ trên nệm cứng, không cần cứng quá như tấm phản, nhưng phải cứng đủ để lưng không chùng xuống khi ngủ. Nên nằm ngửa, hai tay xuôi hai bên, vừa có lợi là làm cho cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi, vừa làm cho lưng được duỗi ra. Nếu phối hợp với phương pháp thở thì trở thành “Thiền”, lợi cho trí óc rất nhiều. Không bao giờ ngủ ở sa-lông! Nếu “bà chủ” giận thì thà nằm dưới sàn còn hơn là nằm trên sa-lông, sáng dậy không nổi vì đau!
-Nếu phải ngồi ở sa-lông thì chọn chỗ góc ghế, nơi cứng nhất mà ngồi và nhớ luôn ngồi thẳng. Có thêm được một cái gối dưới lưng thì rất tốt.
-Khi cúi xuống nhấc vật nặng lên (bao gạo, bình nước, người yêu..) phải dùng sức mạnh của hai đầu gối và bắp thịt đùi, nghĩa là giữ lưng cho thẳng, từ từ “ngồi” xuống, nhắc vật nặng lên, rồi đứng thẳng lên cũng dựa vào sức của bắp thịt đùi, không phải bằng bắp thịt lưng.

3-Tập luyện:
Người đau lưng phải tập những bài tập này mỗi ngày. Nếu đang bị đau, các cơn đau sẽ dịu ngay sau khi tập chừng 15 phút mà không phải uống một viên thuốc nào.

1-Hu-la-húp: Hai tay chống vào cạnh sườn, xoay vòng bụng mình như khi chơi vòng Hu-la-húp vậy. Khi xoay vòng như thế, phải cố gắng làm một vòng tròn rộng tối đa, nghĩa là lúc đưa bụng tới trước thì ưỡn hết ra phía trước để cho xương sống được bẻ dãn ra, ngược chiều với khuynh hướng của mình là hay ngồi cong người về phía trước. Chú ý là trong khi đang xoay, nếu có cảm giác đau nhói ở một bên, trái hay phải, thì nương nhẹ bên đó mà làm mạnh hơn bên kia. Thí dụ như thấy đau lói ở bên phải thì khi đưa vòng bụng qua tới cạnh bên phải thì làm nhẹ hơn là khi đưa vòng bụng qua bên trái. Trong khi xoay vòng như thế, nhớ điều quan trọng là hít thở thật chậm. Lý do: Động tác này giúp các khớp xương sống chuyển động đều, kích thích chất dịch tại các đầu xương cũng chuyển động, như khi ta cho dầu nhớt vào những khớp nối máy móc vậy.

2-Vươn người, kéo dãn xương: Đứng thoải mái, hai chân gần nhau, hít một hơi dài trong khi từ từ đưa hai tay lên trời, hai bàn tay ngửa lên trời, khi lên hết cỡ rồi thì cố đẩy hai bàn tay lên cao hơn nữa, trong lúc hai bàn chân cố bám chặt sàn, tưởng tượng như đang kéo dãn xương sống cho những khớp xương rời nhau ra. Lý do: Người ta càng lớn tuổi, xương càng thoái hóa, và vì sức hút của quả đất, cho nên các khớp xương dần dần sụp xuống, dính vào nhau, các miếng sụn từ từ bẹp đi, cho nên chiều cao của người lớn tuổi bao giờ cũng thấp hơn thời trẻ. Vì sự thoái hóa của xương như thế, nên có thể hình thành các “mụt” xương (spur) nhô ra giống như những mụn nhọt khác trên da, nhưng vì là xương nên chạm đến dây thần kinh gây nên đau nhức. Cũng có thể vì ngồi cong lưng về trước nhiều quá nên xương bị cong về phía trước. Cũng có thể vì té ngã, xương bị lệch, đụng chạm vào thần kinh. Nếu sự nhô ra của mụt xương nhiều thì sẽ kích thích cơn đau ở dây thần kinh chạy xuống đùi, nên thường cảm thấy đau bại một bên đùi, nhất là khi đứng dậy sau khi ngồi lâu. Người ta thường gọi cơn đau này là “đau thần kinh tọa”, rất khó lành, đôi khi phải giải phẫu mới hy vọng khỏi. Kết quả của những cuộc giải phẫu xương sống này cũng không thể được 100%, có trường hợp giải phẫu xong, là nằm liệt luôn.

3-Uốn lại xương lệch: Đứng thẳng, hai chân bằng nhau. Bước chân trái lên trước với một khoảng cách xa chân còn lại. Hai tay từ từ giơ lên đầu, đồng thời ưỡn bụng ra cho tới hết cỡ thì ngưng lại. Trong khi đưa hai tay lên đầu thì hít vào. Khi ngưng lại, thì nén hơi, đếm thầm chầm chậm trong miệng: 1, 2, 3. Hết số 3, thì rút chân trái về, buông hai tay xuống từ từ, và thở ra. Lại bước chân phải lên, làm giống như bên kia, ưỡn bụng về phía trước, hai tay để trên cao, hít vào, nén hơi và đếm 1, 2,3. Sau đó thì rút chân lại và đổi bên. Làm cả hai bên như thế, mỗi bên 5 lần sẽ bớt cơn đau ngay.

Mong rằng những bài tập này, nếu được chuyên cần khổ luyện, sẽ làm dứt các cơn đau lưng (từ nhẹ đến vừa) sau vài tháng và tim lại sinh lực đã thất thoát vì mấy cái “đĩa” lệch. Nếu phối hợp với phương pháp Thở dài và sâu, lại còn tăng cường được sinh hoạt óc não, chữa được bệnh Ưu phiền, căng thẳng (stress) một cách nhanh chóng không thể ngờ. Phương pháp này cũng tương tự như Yoga nhưng hiệu quả đặc biệt cho một phần cơ thể bị đau nhức.

Dĩ nhiên bài viết này chỉ là một sự góp ý với quý vị đau lưng, kết quả thì thay đổi tùy theo từng người, vì thế, người viết không mong có sự… đòi bồi thường nếu chẳng may mà việc tập luyện không đem lại kết quả như ý. Mà, nếu khi tập 1 tuần lễ mà không thấy bớt đau thì nên đến Bác Sĩ chuyên môn để chẩn bệnh.

Chu Tất Tiến.

Miền Đất Không Ai Chết

Miền Đất Không Ai Chết

Tác giả: Fr. Huynhquảng

Ngày xa xưa lắm có một anh nhà giàu tên là Plutôs. Anh có tất cả sự giàu sang phú quí trên dương thế, chỉ có điều là anh ngày càng yếu đi vì quá lo lắng là anh sẽ chết sớm trước khi hưởng dùng hết tài sản của mình. Anh đã tìm đến nhiều lương ý giỏi để tìm sự giúp đỡ, nhưng không ai có thể giúp anh giảm bớt đi sự lo lắng về cái chết của mình. Tất cả mọi lương y Plutôs gặp phải đều cho một lời khuyên như nhau: “Này Plutôs, không sớm thì muộn anh cũng chết, nhưng hãy đừng để cái chết đến sớm hơn bình thường vì sự lo lắng của anh.” Nghe như thế, Plutôs càng lo lắng thêm hơn. Anh không chấp nhận cuộc sống của mình bị giới hạn. Vì lẽ đó, anh nghĩ rằng nếu tìm được thần dược trường sinh thì anh sẽ vượt qua giới hạn của cái chết. Với tài sản có sẵn trong tay, anh quyết đi tìm thuốc trường sinh. Sau một thời gian lặn lội tìm kiếm, anh cũng nghe nói có vùng Đất Không Ai Chết, nếu ai sống ở đó sẽ vượt ra khỏi giới hạn của cái chết.

Plutôs thu xếp hết của cải và quyết đi tìm Miền Đất Không Ai Chết. Sau một thời gian kiếm tìm vất vả, anh đã tìm được Miền Đất Không Ai Chết. Người gác cổng là một ông lão trông như vị minh sư. Sau khi chào hỏi và được biết nguyện vọng của Plutôs. Ông lão cho biết, sau cánh cổng này sẽ là Miền Đất Không Ai Chết, trong đó người ta sẽ không bao giờ chết, nhưng những ai sống trong vùng đất này không có nghĩa là họ được tất cả những gì họ muốn, họ cũng sẽ gặp những giới hạn. Vì quá ham muốn cuộc sống trường sinh, Plutôs không cần để ý đến lời khuyên của ông lão; Plutôs chấp nhận bước qua cổng để vào Miền Đất Không Ai Chết.

Khi vào Miền Đất Không Ai Chết, Plutôs đã bắt tay vào việc xây dựng căn nhà của mình cho khang trang, tráng lệ. Thời gian thấm thoát trôi qua, Plutôs đã sống rất lâu, và như thế nối ám ảnh sợ chết cũng không còn. Dầu vậy, cuộc sống không chết của anh không mang lại hạnh phúc cho anh, nhưng lại tạo nên sự tẻ nhạt và đơn điệu. Plutôs từ từ cảm nghiệm rằng, nếu cuộc sống không thay đổi, không thăng trầm thì thật là tẻ nhật, đơn điệu, và buồn chán. Rồi một ngày kia, Plutôs chợt tự hỏi: “Một điều gì đó đáng lẽ phải xảy ra mà nó không bao giờ xảy ra, thì liệu rằng cuộc sống này có giá trị không? Và nếu nó thực sự không bao giờ xảy ra thì những giá trị mình đang sống có ý nghĩa gì?” Plutôs suy nghĩ tiếp, “Nếu hạnh phúc không bao giờ cạn, thì làm sao biết giá trị của hạnh phúc? Nếu tự do không có giới hạn, thì làm sao biết giá trị của tự do? Nếu đời sống tôi không bao giờ chết, thì đâu là giá trị của sự sống?” Những câu hỏi này như chìa khoá giúp anh tìm câu trả lời cho sự tẻ nhạt đơn điệu trong Miền Đất Không Ai Chết.

Plutôs đến tìm ông lão gác cổng và trút bầu tâm sự với sự buồn thảm âu lo. Ông lão hỏi lý do tại sao thì Plutôs cho biết, “Con cứ nghĩ là khi con không chết nữa, thì con sẽ mãi mãi hạnh phúc. Con sẽ không gặp bất cứ một giới hạn nào. Thế nhưng, sống trong Miền Đất Không Ai Chết này, con vẫn vị giới hạn, bằng chứng là con đã không cảm nghiệm được giá trị thật của hạnh phúc và tự do; con thấy cuộc đời đơn điệu không đẹp và thi vị như xưa.” Nghe xong, ông lão nhìn Plutôs và đưa cho Plutôs một mãnh giấy với câu hỏi: “Tôi thực sự khao khát điều gì?” “Con hãy suy nghĩ và quay trở lại đây gặp ta sau ba ngày” ông lão căn dặn.

Plutôs trở về đăm chiêu tìm câu trả lời cho chính mình trong suốt ba ngày. Cuối cùng, anh cũng tìm được câu trả lời ưng ý và thoã mãn cho anh  trước khi đi gặp ông lão, “Con muốn được tự do thật sự” Plutôs trả lời. Nghe như thế, ông lão nhìn Plutôs với vẻ trìu mến thân thương đáp, “Cuộc sống luôn có giới hạn, nhưng nhờ qui luật giới hạn này mà làm cho đời con thêm thi vị, hạnh phúc, và tự do.” Ông lão tiếp, “Để có được tự do thực sự, con không cần phải đến đây, nhưng hãy trở lại quê cũ và học chấp nhận giới hạn của con; con sẽ được tự do thực sự.”

* * *

Bạn thân mến, khi ta không chấp nhận giới hạn của chính mình, ta như bị những mũi tên bắn xé vào lòng ta và như cứ thúc giục ta tìm kiếm những điều gì đó rất mơ hồ, mông lung vượt quá tầm tay của mình. Sự tự do thật không phải như là một sự tích luỹ gom góp để rồi có, nhưng đó là sự thả lỏng và mở lòng để học chấp nhận.

Bởi đâu mà Plutôs lo lắng? Thưa bởi vì anh sợ chết sớm. Plutôs vì không chấp nhận giới hạn cái chết của phận người nên anh nghĩ là thuốc trường sinh sẽ giải quyết được vấn đề, tuy nhiên câu trả lời dành cho Plutôs không phải là thuốc trường sinh, nhưng là chấp nhận giới hạn của phận người. Bởi đâu ta lo lắng? Có phải vì ta không chấp nhận giới hạn của ta không? Vì bao lâu ta không chấp nhận giới hạn của ta, ta sẽ bị mất tự do vì bị thôi thúc kiếm tìm những điều vượt qua khỏi giới hạn của mình. Và khi đã vượt ra khỏi vòng giới hạn của mình, trong lòng ta lại tạo ra những luồng thúc đẩy mới để muốn làm chủ những cuộc phiêu lưu khắc khoải bất tật khác. Hãy dừng lại và chấp nhận giới hạn của mình, bạn ơi! Bạn sẽ được tự do.

Chúng ta cầu chúc cho nhau học chấp nhận giới hạn của chính mình và giới hạn của nhau, để nhờ đó mỗi ngày ta thêm khám phá rõ hơn quà tặng tự do mà chúng ta đang sở hữu. Nó không phải là sự gom góp thêm, nhưng là buông lỏng, thả rơi, để nó lộ ra.

Fr. Huynhquảng

Vụ giàn khoan HD–981 : Hà Nội tố cáo tàu hải quân Trung Quốc chĩa súng đe dọa tàu Việt Nam

Vụ giàn khoan HD–981 : Hà Nội tố cáo tàu hải quân Trung Quốc chĩa súng đe dọa tàu Việt Nam

RFI

REUTERS/Nguyen Minh

Đức Tâm

Ngày hôm nay, 29/05/2014, chính quyền Việt Nam tố cáo tàu hải quân Trung Quốc chĩa súng đe dọa các tàu dân sự của Việt Nam, trong khu vực mà Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan dầu thuộc vùng biển của Việt Nam.

Từ đầu tháng Năm đến nay, Trung Quốc đã liên tiếp điều nhiều tàu, trong đó có tàu chiến tới khu vực hạ đặt giàn khoan để bảo vệ. Các tàu của Trung Quốc đã phun vòi rồng, tấn công, đâm thẳng vào tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam.

Đồng thời, các tàu chiến của Trung Quốc còn đe dọa các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư cho AFP biết : « Khi chúng tôi tiến lại gần các tàu chiến Trung Quốc bảo vệ giàn khoan, họ đã mở bạt che súng, quay và chĩa súng vào các tàu Việt Nam ».

Truyền thông của Nhật Bản đưa tin là trong một vụ đối đầu, có ít nhất 8 tàu của Trung Quốc đã bao vây và chĩa súng vào một tàu cảnh sát biển của Việt Nam, chỉ cách giàn khoan dầu của Trung Quốc khoảng 6 cây số.

Một phóng viên của báo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản, có mặt tại hiện trường, tường thuật là một tàu của Trung Quốc đã tiến sát gần tàu Việt Nam và khi chỉ cách khoảng 200 mét thì chĩa súng về phía tàu Việt Nam.

Theo nguồn tin này, có ít nhất khoảng 100 tàu Trung Quốc có mặt trong khu vực hạ đặt giàn khoan.

Ngày 27/05, Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam.

Các vụ đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã làm 12 người Việt Nam bị thương và có ít nhất 30 tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm, gây hư hỏng.

 

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY

Nếu trời là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời.  Trời ở quanh ta, trời ở trong ta…  Trời vượt xa đất muôn trùng, nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự thì đất cũng mang dáng dấp của trời.

Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ thích ở trên trời.  Ngài thích con người, Ngài thương trái đất, nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.

Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất.  Đất chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.

Đất đã bắt đầu thành trời từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó.  Đất vẫn luôn thuộc về trời vì Đức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.

Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.

Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.

Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp, là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.

Trời cao đã gần bên, chỉ người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau.

Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.

Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.

Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được.  Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.

Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu bằng một cuộc sống ủ rủ, buồn phiền.

Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ.  Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.

Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy” (Ga 14, 24).

Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường… mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.

**********************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Trích trong “Manna

From: ngocnga_12 & Anh chi Thu Mai goi

CON TÔI ĐƯỢC THẤY CHÚA

CON TÔI ĐƯỢC THẤY CHÚA

Trong chuyến đi hành hương Roma vừa qua, Chúa đã cho phép chúng tôi được nghe những cảm nghiệm sống thực và cảm động đến nỗi người kể cảm nghiệm khóc mà những người nghe cảm nghiệm cũng khóc vì cảm nhận được tình yêu vô biên và sống động của Thiên Chúa.

Sau đây là cảm nghiệm của một người mẹ:

“Tôi có gia đinh và ba người con gồm hai trai và một gái. Vì cha mẹ tôi và các anh chị em tôi còn kẹt lại ở VN nên tôi phải làm việc cực nhọc hơn để có tiền gửi về giúp đỡ cho gia đình cha mẹ. Vì lẽ đó mà người chồng của tôi rất khó chịu và kiếm chuyện gây gổ với tôi hàng ngày. Thật sự, anh ấy cũng chỉ là người ăn bám vợ, không có việc làm, suốt ngày chỉ xem thể thao trên TV, đến cuối tuần thì nhậu nhẹt say sưa và tán dóc, nói phét.

Đến khi tôi bảo lãnh cho gia đình cha mẹ và các anh chị em tôi sang Mỹ ở với  gia đình tôi thì chồng tôi quyết định làm giấy ly dị tôi và đưa hai đứa con trai ra đi, còn tôi lúc ấy mới sanh một con gái được 20 ngày và đang bị bịnh nằm trong bịnh viện.  Trong những lúc khốn đốn ấy, tôi đau buồn và khóc với Chúa mỗi ngày. Tôi cứ hỏi Chúa một câu này suốt ngày:

“Chúa ơi, bao giờ thì Chúa cho con được chết?”

Lúc ấy, người con trai lớn của tôi đang tu trong chủng viện. Khi vợ chồng tôi ly dị thì cháu buồn nản và bỏ về nhà, không đi tu nữa. Từ đó, cháu bỏ đạo, không đến nhà thờ, không cầu nguyện. Cháu hoàn toàn mất đức tin nơi Chúa.

Sau một thời gian khủng hoảng và ly cách, cuối cùng các con tôi cũng trở về với tôi mà không ở với ba của chúng nữa.  Tôi đau khổ vì các con bỏ Chúa. Lúc ấy vì kinh tế khó khăn nên  gia đình tôi dọn đi tiểu bang khác mưu sinh. Một hôm tôi cho các con về California chơi và tham dự Thánh lễ chữa lành do LM Nguyễn Trường Luân, DCCT cử hành ở nhà Dòng tại Long Beach.

Khi tôi xin các con đi với tôi lên nhà Dòng thì cháu T. con trai lớn của tôi nói rằng cháu không tin và chỉ muốn lên đó với điều kiện là thâu hình để : “Vạch mặt sự gian trá của các linh mục chuyên xô đẩy cho người ta té ngã.”

Tôi làm thinh, không đôi co, không cãi cọ với con mà cứ âm thầm cầu nguyện xin Chúa chữa lành và đụng chạm đến các con của tôi mà thôi.

Đến nơi, tôi cất chìa khóa xe vào cái bóp để các con tôi không thể lái xe đi về được. Trong Thánh lễ tôi thấy con trai lớn của tôi cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Nó cứ loay hoay quay phim. Đến khi cuối lễ, đọc kinh xong thì có một người đàn ông đứng ở dưới nhà thờ nhưng khi cha Luân đứng ở bàn thờ giơ tay ra cầu nguyện thì ông ta té ngay xuống đất, dù ở cách xa cha Luân khoảng 5, 6 thước.

Khi con tôi lên xin cha đặt tay chữa lành thì nó cứ đứng trong thế thủ vì sợ bị xô té. Đến khi mọi người về gần hết thì tôi lên bàn thờ Đức Mẹ Maria và năn nỉ Mẹ ban cho con tôi đức tin và một dấu hiệu gì đó.

Lần thứ hai, khi cha Luân đặt tay cho con tôi thì nó cứ lắc tới lắc lui, nước mắt nó chảy ra và nó thay đổi thái độ hẳn. Nó không còn quay phim nữa mà nó đi theo cha Luân và năn nỉ cha cho nó được xưng tội. Thật là một điều kỳ diệu vì trước đó nó đã không chịu đi xưng tội trong nhiều năm rồi.

Khi ra xe thì con tôi nói rằng nó bị nhức đầu và nhờ tôi lái xe. Tôi cứ âm thầm lái mà không dám gợi chuyện. Một hồi lâu thì con tôi nghẹn ngào nói với tôi:

‘Mẹ ơi, chuyện lạ lắm. Con thấy Chúa Giêsu hiện ra trước mặt con khi cha Luân đang đặt tay cầu nguyện cho con. Trong lần cầu nguyện thứ hai thì cha Luân để hai tay xa ra khỏi hai cái tai con và cầu nguyện bằng tiếng lạ. Con thấy Chúa Giêsu hiện ra và mỉm cười với con, rồi Chúa giang tay choàng vào cổ con để ôm con vào lòng Chúa.  Lúc đó, con run sợ và vui mừng nên con cứ đứng yên mà tận hưởng những giây phút thần tiên ấy. Sau khi Chúa Giêsu biến đi thì con thấy mình quá tội lỗi và cần phải xưng tội nên con tự nguyện xin cha Luân giải tội cho con. Chúa thật gần gũi và linh thiêng vô cùng. Con xin lỗi Chúa vì con đã xúc phạm Chúa với những tội lỗi của con.”

Vừa kể con tôi vừa khóc. Tôi trân trọng lắng nghe và âm thầm cầu nguyện cảm tạ Chúa về hồng ân cao trọng mà Chúa Giêsu đã dành cho gia đinh tôi.

Khi trở về tiếu bang tôi ở, tôi vội gọi điện thoại cám ơn cha Luân và cha nói thêm:

“Cháu nó chưa nói hết cho chị nghe đâu. Chúa còn gọi tên của nó và đánh động trái tim nó nữa. Nói tóm lại, Chúa cho nó nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy sự hiện diện của Ngài.”

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa đã thương gia đinh con cách đặc biệt. Xin Chúa cũng thương xót những người trẻ trên toàn thế giới và cho họ nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, trong Nhà Tạm và trong linh hồn của mỗi người chúng con. Amen.

Kim Hà
24/5/2014

Nhạc sĩ Tô Hải, 1 cựu đảng viên Cộng sản, trở thành người Công giáo

Nhạc sĩ Tô Hải, 1 cựu đảng viên Cộng sản, trở thành người Công giáo

Sài Gòn- “Trên thế gian này, mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu bằng một sự giải phóng con người và đều kết thúc bằng một sự nô lệ hóa con người. Cuối cùng chỉ có Chúa mới làm cuộc cách mạng thường xuyên giải phóng chúng ta”, đó là một lời trích từ bài giảng hôm qua, 25 tháng 5, của cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng trong thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Vẫn như mọi khi, những ngọn nến lại được thắp lên để cầu nguyện cho một đất nước Việt Nam được thật sự hoà bình và phồn thịnh. Nhưng điểm nhấn của tối qua là niềm vui mừng của các tín hữu tham dự thánh lễ khi được đón chào một người anh em mới vào gia đình Công Giáo, nhạc sĩ Tô Hải.

Tưởng cũng nên nhắc lại một vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ này. Tên đầy đủ của ông là Tô Đình Hải, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927 tại Hà Nội, quê ở Tiền Hải – Thái Bình, hiện sống tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Tô Hải học nhạc lý và tham gia Ban đồng ca Saint-Joseph từ nhỏ, từng đoạt giải thưởng âm nhạc “Chim sơn ca” tại Rallye Kiến An của Hướng đạo sinh toàn Đông dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia vệ quốc đoàn, năm 1949 ông được kết nạp thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1951 ông về Đoàn văn công khu IV, năm 1954, ông làm trưởng đoàn.Từ năm 1961 ông về công tác tại Nhà xuất bản âm nhạc và mỹ thuật.

Tô Hải là nhạc sỹ đa phong cách, sáng tác nhiều thể loại như ca khúc, hành khúc, hợp xướng, nhạc kịch, nhạc phim, khí nhạc. Ngoài ra ông còn viết nhiều tiểu luận, và viết báo về âm nhạc.

Ông là một nhà cách mạng lão thành, nhận được rất nhiều huân chương của Nhà Nước, như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Sau khi từ bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ông cho ra đời một cuốn hồi ký nổi tiếng được xuất bản ở Mỹ có tên Hồi ký của một thằng hèn. Cuốn sách này gây ra nhiều tranh cãi và ngay sau đó đã trở thành một cuốn sách được tìm kiếm đọc nhiều qua Internet.

Tập hồi ký này được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia, Hoa Kỳ in ra năm 2009 dưới bản quyền của chính tác giả.

Một bài hát rất nổi của ông là “Nụ Cười Sơn Cước”. Trong đó có đoạn viết: “Tôi nhớ mãi một chiều xuân.. chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi, và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời.”

Có lẽ lòng của người nhạc sĩ tự gọi mình là “thằng hèn” này đã “mưa hơn cả ngoài trời” vào tối qua. Cả cộng đồng đã chứng kiến cảnh nhạc sĩ Tô Hải xúc động như thế nào khi được quay trở về quê nhà Giáo Hội của mình ở tuổi 87.

‘Trên chúng ta còn một thế giới lớn hơn’ giúp chúng ta dám đứng lên để nói điều phải và đúng

Người đỡ đầu cho nhạc sĩ Tô Hải, với vai trò nâng đỡ ông trong đời sống tâm linh là cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, cũng là linh mục giảng lễ hôm qua.

Chào đón nhạc sĩ Tô Hải vào gia đình chung Công Giáo, và nói về những trải nghiệm của ông trước khi nhận phép rửa tội, cha giảng lễ phát biểu dựa trên bài đọc sách Thánh:

“Thần ô uế là gì? Là thấy điều đúng không dám nói, thấy điều phải không dám bênh. Hay gian dối, thấy sự thật không dám nói. Không phải mình xấu đâu. Có những lúc mình sợ….Tự nhiên có lúc được ơn trong đời, mà mình thoát khỏi mình, thần sợ hãi, gian dối, ích kỷ đi khỏi mình. Khi đó mình nhận ra Chúa Giêsu và vui mừng đi theo người. Bắt đầu tìm thấy niềm tin lớn hơn mình và cứ con đường đó mà đi. Mỗi ngày thấy mình sinh hoa trái thêm.”

Linh mục Mátthêu Phụng nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau đông đúc, cầu nguyện cho công lý cho hoà bình, cho sự thật, cho quê hương, tôi trộm nghĩ không phải tất cả chúng ta đều mạnh đâu….chống lại như châu chấu đá xe. Nhưng tại sao lại có những con người dám đứng lên chịu bao bách hại chỉ để nói lên những điều mình cho là phải và đúng.”

“Tại sao? Bởi vì chúng ta nhận ra rằng: không chỉ cá nhân chúng ta với sức mạnh riêng tư mà trên chúng ta còn một cái lớn hơn bản thân chúng ta và các thế lực đang chi phối ở thế gian này.”

“Trên chúng ta có một thế giới mà chúng ta khám phá ra,“ vị linh mục nhấn mạnh: “đó là thế giới của Chúa Giêsu. Chúng ta vui mừng mà đi theo người.”

“Sự lành, sự chết, công lý, sự thật, không chỉ là cái máu anh hùng riêng tư của mỗi một người trong chúng ta mà nó là thế giới của Chúa.”

Một điểm rất đáng lưu ý nữa trong bài giảng này mà mỗi người trong chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc là thách thức nào đặt ra cho chúng ta trong thời đại này? Linh mục Mátthêu trả lời: “Thách thức thời đại ngày nay là với sự tiến bộ của thế giới ngày nay về mọi mặt, hỏi rằng tập thể cộng đồng xã hội của chúng ta có đủ sức để chấp nhận một thách thức, không phải là đi tìm chiến tranh, không phải là đi tìm đổ máu, nhưng là một cuộc đấu tranh hoà bình, vì công lý, một cuộc đấu tranh vì lẽ phải, trong sự hiệp nhất với tất cả những người thiện chí ở trên thế gian này. Thách thức này đặt ra trước lương tâm của nhân loại.”

“Và chúng ta tin rằng: cuối cùng lẽ phải và công lý và quyền sống của con người tuy có lẽ là nhỏ bé hơn người khác, tuy có thể là yếu hơn người khác nhưng không phải vì thế mà người mạnh có quyền chà đạp quyền sống và nhân phẩm của người yếu.”

Chúng ta phải hướng đến một thế giới mà theo linh mục Mátthêu Phụng, là một thế giới mà con người ta không còn lệ thuộc vào sự bắt nạt của kẻ mạnh. Con người ta không còn phải cúi đầu trước những nguyên tắc và chân lý áp đặt, nguỵ tạo của kẻ mạnh.

Đặt ra câu hỏi: liệu chúng ta có thể làm được hay không, câu hỏi trên cũng đã từng đưa nhạc sĩ Tô Hải rơi vào tình trạng mất hết niềm tin, kể cả niềm tin vào sự thay đổi của dân tộc Việt Nam.

Nhạc sĩ Tô Hải, có niềm tin thì mình sẽ phấn đấu để sống cho đến ngày cái ác nó phải đi

Cũng nên nhắc lại về câu chuyện của người con Tô Hải và con đường đưa ông về với Mẹ Hội Thánh, với Chúa Giêsu.

Linh mục Phụng gọi ông là con người đã đi cho đến cùng con đường của mình khi nhắc lại lời của linh mục quá cố Chân Tín: “Trên thế gian này, mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu bằng một sự giải phóng con người và đều kết thúc bằng một sự nô lệ hóa con người. Cuối cùng chỉ có Chúa mới làm cuộc cách mạng thường xuyên giải phóng chúng ta”.

“Ông Tô Hải đã khởi đi từ những cuộc cách mạng giải phóng con người, nhưng những cuộc cách mạng chính trị xã hội ấy của thế gian cũng giống như ông Adam và bà Eva trong vườn địa đàng: đang vui vẻ, tự nhiên ăn trái cấm vào và sự vui vẻ mất hết. Nhiều công trình thế gian cũng giống như vậy.”

Sau một thời gian phát hiện ra con đường mình đi cùng Đảng Cộng Sản Việt Nam là con đường sai lầm, ông Tô Hải đã muốn thoát khỏi nó nhưng vẫn e ngại, mà đúng hơn là lo sợ đến sự an nguy và sự nghiệp của bản thân và gia đình. Ông giằng co trong cái sự mất niềm tin to lớn, cho đến khi tưởng chừng như tuyệt vọng. Ông từng tâm sự:

“Sự mất niềm tin càng bám tôi. Tôi quay lại và hỏi tại sao mình không tìm ra một niềm tin gì? Một niềm tin mà ngày xưa mình nghĩ nó trừu tượng quá, nó khó với tới quá, thì ngay hôm nay, mình thấy rằng có cái niềm tin đó, niềm tin mà tôi viết trong bài hát này (ông đang nói đến bài hát do ông sáng tác: Lạy Chúa Cứu Vớt Kẻ Lạc Đường), rằng tôi là kẻ lạc đường, nếu mà có được cái niềm tin thì mình sẽ phấn đấu để sống cho đến ngày cái ác nó phải đi.”

Và sự chuyển đổi này không bao giờ là dễ dàng. Nó được ghi dấu bằng một quá trình đấu tranh kịch liệt trong ông mà về sau ông đã kể lại trong tập hồi ký của mình.

Xin đăng lại đoạn mở đầu trong tác phẩm “Hồi Ký một thằng hèn” để bạn đọc có thể hiểu được đôi chút về chặng đường khó khăn ông Tô Hải đã đi qua và những đấu tranh nội tâm mà ông đã vượt lên để lấy lại niềm tin vào cuộc sống ở cái tuổi ngoài tám mươi.

“Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn còn rụt rè, vẫn còn lấp lửng. Mới biết mình vẫn còn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền ‘chuyên chính vô sản’ mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình sẽ phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.

“Tôi thấy mình cần phải sửa lại cuốn sách – từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử – và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại.”

“Và viết thêm một chương ‘TÔI ĐÃ HẾT HÈN’!”

“Nhưng đã đến chưa, cái thời cơ có thể đưa cuốn sách mà tôi ấp ủ bấy lâu ra trình diện người đọc? Vẫn còn chưa phải lúc chăng? Ngẫm ra, tuy viết là ‘Tôi đã hết hèn’, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi!”

“Còn đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm!”

httpv://www.youtube.com/watch?v=iG8Zxm77eQI

Xem :

Nhạc sĩ Tô Hải, cựu đảng viên Cộng sản, gia nhập Đạo Công Giáo(Vietcatholic)

MÙA THU CHẾT…

MÙA THU CHẾT…

Em đi lịm chết nữa hồn,
Nữa kia còn lại vùi chôn nỗi buồn,
Trời mưa giọt ngắn chiều buông,
Tiếng chuông văng vẳng suối nguồn trong tim,
Mây mờ gió lặng im lìm,
Dáng xưa dần khuất cỏ dìm gót chân,
Nhớ người thờ thẩn bâng khuâng,
Mùa thu lá đổ bao lần sẽ quên,
Hay là chiếc bóng qua thềm,
Tương tư đốt cháy buồn thêm bốn mùa,
Thương sao ngọn cỏ gió lùa,
Duyên chưa se đặng đã thua mất rồi,
Bây giờ cách biệt muôn đời,
Nhớ sao là nhớ tình tôi với người…

Liverpool.28-5-2014.
Song Như.