Kỷ niệm 35 năm Tàu Cap Anamur ra khơi cứu người vượt biển

Kỷ niệm 35 năm Tàu Cap Anamur ra khơi cứu người vượt biển

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-08-08

thanhtruc_08082014.mp3

capanamur4-305.jpg

Tàu Cap Anamur.

File photo

Đại Hội 35 Năm Cap Anamur, kỷ niệm ngày tàu Cap Anamur bắt đầu ra khơi cứu người vượt biển Việt Nam 35 năm trước, sẽ diễn ra trưa thứ Bảy ngày 9 tháng Tám, giờ địa phương tại cảng Hamburg thuộc thành phố Hamburg Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức

Thành phố Hamburg rộng thứ nhì nước Đức có nhiều người Việt sinh sống, có hai tượng đài thuyền nhân Việt Nam, một trong nghĩa trang thành phố từ năm 2006 và một tại cảng Hamburg từ năm 2009. Cảng Hamburg là nơi 35 năm trước tàu Cap Anamur bắt đầu ra khơi để thực hiện công tác nhân đạo tìm kiếm và vớt người vượt biên Việt Nam:

“Ngày 9 tháng Tám năm 1979 con tàu Cap Anamur bắt đầu khởi hành từ Hamburg, chuyến cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Hamburg tháng Tám năm 1986. Ngày 9 tháng Tám năm 2014 kỷ niệm 35 tàu Cap Anamur cứu vớt thuyền nhân được làm ở tại Hamburg. Cộng đồng người Việt tị nạn toàn nước Đức nói chung và ở tại Hamburg nói riêng chân thành cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức đã mở lòng nhân đạo, cứu vớt và nhận cho thuyền nhân Việt Nam được cư ngụ tại nước Đức.”

” Cap Anamur là con tàu của tình thương, đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và không chỉ đơn giản 11.300 người này mà 11.300 người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang.
-Lê Ngọc Tùng”

Đó là lời ông Nguyễn Đình Phúc, một thành viên trong ban tổ chức Đại Hội 35 năm Cap Anamur, có người anh cả được tàu Anamur vớt hồi năm 1980.

Cap Anamur là kết quả vận động của một nhà hảo tâm người Đức, tiến sĩ Rupert Neudeck, sau khi nghe thấy tin tức và những hình ảnh thương tâm về thuyền nhân vượt thoát khỏi Việt Nam bằng cách ra biển trên những chiếc ghe mong manh nhỏ bé.

Từ năm 1979 cho đến 1987, những chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur, đã vớt tổng cộng 11.300 thuyền nhânViệt rồi đưa họ về bến an toàn. Trong mắt thuyền nhân Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, tàu Cap Anamur, tiến sĩ Rubert Neudeck, Ủy Ban Cap Anamur là những vị cứu tinh, những tên tuổi gắn liền với giòng lịch sử vượt biên gian nan của người Việt sau 1975.

Theo ông Lê Ngọc Tùng, cựu thuyền nhân, hiện là hội trưởng Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hamburg, nếu không có những chiếc tàu Cap Anamur đi vớt người vượt biên từ 1979 đến 1987 thì:

“Thống kê cho biết khoảng hai trăm ngàn người Việt Nam đi tìm tự do đã chết giữa biển. Nếu không có con tàu Cap Anamur thí chắc chắn số người chết giữa biển vì gặp hải tặc, bị sóng cuốn, bị thiếu lương thực vân vân sẽ rất là nhiều. Cap Anamur là con tàu của tình thương, đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và không chỉ đơn giản 11.300 người này mà 11.300 người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang nữa để có một cuộc sống tự do.”

capanamour-250.jpg

Nhà hảo tâm người Đức, tiến sĩ Rupert Neudeck. File photo.

Chính vì thế năm 2009 thêm một tượng đài tri ân chính phủ và người dân Đức được dựng lên tại cảng Hamburg. Đại Hội 35 năm Cap Anamur hôm nay cũng được tổ chức tại cảng này.

Một cư dân Hamburg trong Ủy Ban Cap Anamur, ông Nguyễn Hữu Huấn, từng được tàu Cap Anamur vớt, sau trở lại làm việc trên những chuyến tàu ra khơi cứu người này, kể lại:

“Năm 1980 tôi đi vượt biên lần thứ ba, ghe của tôi bị hải tặc cưới hai lần. Khi ghe lênh đênh ngoài biển và không còn dầu nhớt nữa, máy đã bị hư, thì chúng tôi được tàu Cap Anamur cứu.

Lúc đó trên tàu Cap Anamur có chiếc trực thăng, thấy được ghe của tụi tôi và tàu đã đến cứu, đó là khoảng tháng Ba năm 1980. Lúc đó cảm giác như là được sống lại, nhìn thấy con tàu đồ sộ, cái ghe của mình quá nhỏ nà con tàu thì quá to thì chúng tôi rất bàng hoàng, có thể nói là được một lần nữa tái sinh.

Thật tình mới đầu chúng tôi không biết đó là tàu của người Đức, nhưng sau khi biết chắc chắn đó là tàu của Tây Đức thì chúng tôi rất mừng. Tôi đã ôm chầm những người thủy thủ và tôi rớt nước mắt. Một số các em nhỏ thì chúng tôi phải bê lên từng người bởi vì đã bị say sóng hoặc là bị bọn hải tặc hiếp. Những người còn khỏe mạnh cũng vậy, trong ghe có một bà cụ lúc đó đã quì lạy từng người một. Cho đến ngày hôm nay những người được tàu Đức vớt, cũng như cá nhân tôi, đều biết ơn chính phủ Đức và những người đã tạo ra Ủy Ban Cap Anamur cứu sống cả đời chúng tôi.”

Hoàn tất sứ mạng cứu người

Thực tế, vì được tài trợ bởi chính phủ và người dân Tây Đức lúc bấy giờ, Ủy Ban Cap Anamur do tiến sĩ Rupert Neudeck thành lập đã có được 4 chiếc tàu trang bị như một bệnh xá di động. Cả 4 tàu Cap Anamur đều hoàn tất ngoạn mục sứ mạng vớt người trên biển cho đến khi chấm dứt năm 1987. Vẫn lời ông Nguyễn Hữu Huấn:

” Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc.
-Nguyễn Hữu Huấn “

“Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc. Tôi được chuyến Cap Anamur số 1 vớt. Tàu Cap Anamur số 1 đi vớt người từ 1979 đến 1982, chia thành 29 chuyến thì đã vớt được 199 chiếc ghe. Tôi được chính phủ của tiểu bang Hamburg cho đi học tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Cuối năm 81 tôi bắt đầu trở thành thành viên của Ủy Ban Cap Anamur, lên tàu đi vớt người ta tiếp và tôi đã đi liên tục trong 5 năm rưỡi. Cho đến khi chấm dứt vào năm 1987 thì chính thức ra năm 87 là tàu Cap Anamur số 4.

Rồi sau khi các trại tị nạn đã đóng cửa tất cả rồi, nghĩa là không được vớt người nữa và các nước không nhận người nữa thì những con tàu về sau là Năm và Sáu không vớt người mà chỉ dẫn dắt và cứu hộ trên con đường vượt biển, tìm cách đưa họ vào trại tị nạn thôi.”

Được biết những năm trước thì lễ kỷ niệm tàu Cap Anamur vẫn diễn ra tại thành phố Troisdorf mà tiến sĩ Rupert Neudeck đang sinh sống, cũng là nơi một chiếc ghe của người vượt biển được kéo về và trưng bày ở đó. Lý do Đại Hội 35 Năm Cap Anamur lần này được tổ chức tại cảng Hamburg là vì:

“Đây là lần đầu tiên tổ chức tại Hamburg, thứ nhất tại cảng Hamburg cách đây 5 năm đã có một bia biểu tượng tị nạn được đặt ngay tại cảng của Hamburg, đánh dấu nơi phát xuất và trở về của tất cả các con tàu Cap Anamur.

Lý do thứ hai, cũng là yêu cầu của tiến sĩ Rupert Neudeck người sáng lập Ủy Ban Cap Anamur hiện tại đã 75 tuổi và rất yếu, nói rằng đây có thể là lần cuối cùngthì ông mong muốn tổ chức ngày kỷ niệm 35 năm tại cảng đó.”

Ban tổ chức Đại Hội 35 năm Cap Anamur ước lượng khoảng một nghìn người Việt khắp nơi cũng như ở Hamburg về tham dự sự kiện đặc biệt này. Buổi lễ chính sẽ bắt đầu lúc 1 giờ rưỡi trưa ngày 9/8, giờ địa phương, với sự hiện diện của cựu phó thủ tướng Muetefering và đương kim phó thủ tướng người Đức gốc Việt Philipp Roesler, bên cạnh một số viên chức chính phủ liên bang hoặc tiểu bang trước kia cũng như hiện nay. Ngoài ra còn có vị tổng giám mục của tiểu bang Hamburg trong dịp này.

Đại Hội Cap Anamur lần thứ 35 sẽ kết thúc bằng một chương trình văn nghệ ca nhạc vào buổi chiểu, đánh dấu sự tri ân và dịp hội ngộ của những thuyền nhân may mắn được những chiếc tàu Cap Anamur cứu thoát từ đại dương mênh mông.

Đạp trên mọi danh vọng

Đạp trên mọi danh vọng

Chuacuuthe.com

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

VRNs (10.08.2014) – Từ tạo thiên lập địa, con người đã phải đối diện với những thách đố của cuộc sống. Nỗi sợ hãi không ngừng vây quanh cuộc sống của họ. Tự bản thân, chẳng ai có thể chống trả được với những thế lực của sự dữ và bóng tối. Nếu không cậy dựa vào Thiên Chúa, con người hoàn toàn buông xuôi trước sức mạnh của quyền lực ác thần.

Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay là một bằng chứng sống động về quyền năng Thiên Chúa. Chỉ cần có Ngài bên mình, chỉ cần tin vào sức mạnh của Ngài, thì không một quyền lực nào có thể đánh gục, ngay cả việc thể hiện được phép lạ ngoài sức bản thân. Vấn đề không do Thiên Chúa nhưng là con người. Chỉ tại thế giới không chịu tin vào Ngài, không chịu nhìn nhận quyền năng của Ngài, cho nên con người khước từ Thiên Chúa. Nếu như ai đó cũng có thể nghe được chính lời Thiên Chúa nói với mình: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ.” (Mt 14, 27) thì cuộc sống có lẽ sẽ khác hơn. Việc Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ hôm nay không chỉ là phép lạ Đức Giêsu tỏ lộ quyền năng của Ngài cho các tông đồ nhưng còn là một mặc khải cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa.

Khổ nỗi, mỗi khi gặp khó khăn, thất bại, gian truân hay thử thách, nhân loại lại tìm đến bói toán, đến cầu cơ hoặc những thế lực của đồng tiền, của ác thần. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình là điều ngu muội nhất trong thế giới này. Ngày nay, người ta hầu như đã không còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa nữa rồi. Phải chăng vì Ngài quá im lặng, những tiếng im lặng quá kì diệu khiến con người không đủ khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa? Hay vì sức mạnh của đồng tiền đã làm đảo lộn mọi trật tự tâm linh, xã hội?

Hoài nghi, ngờ vực là khó khăn lớn nhất của nhân loại. Chỉ vì kém tin, gặp chút thất bại, thua thiệt là bỏ cuộc… còn đâu kín múc được sức mạnh từ Thiên Chúa. Ở với Thiên Chúa bao lâu, kề cận thân tín với Ngài thế nào, mà ngay cả các môn đệ vẫn không thể nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời mình: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” (Mt 14, 28)

Thách thức Thiên Chúa cũng là một cám dỗ lớn của con người chúng ta. Đặt điều kiện với Thiên Chúa, ra đòi hỏi với Ngài là một trong những tật xấu lớn của nhân loại. Thiên Chúa luôn luôn bao dung, không hà khắc, tính toán với nhân loại, Ngài đã dùng mọi cách để chỉ muốn cho con người nhận biết Thiên Chúa và tin vào Ngài mà thôi. “Cứ đến” (Mt 14, 29). Đang khi đang đi trên mặt nước mà đến với Đức Giêsu như yêu cầu thì môn đệ Phêrô lại ngã lòng, ngờ vực. Khi thấy sóng to, gió lớn thì ông lại hoảng sợ, bắt đầu chìm: “Thưa Ngài, xin cứu con với.” (Mt 14, 30)

Kinh nghiệm của môn đệ Phêrô cũng chính là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta, mỗi khi không đặt niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa. Mỗi khi nắm lấy tay Ngài rồi mà lại vẫn buông ra khi gặp thử thách, gian truân. Con người cứ mãi kêu gào Thiên Chúa ở đâu trong khi Ngài luôn ở bên cạnh mình, cho ta hơi thở, cho ta sự sống.

Lạy Chúa, không tin vào quyền năng Thiên Chúa là một tội lớn, tin mà còn hoài nghi lại là tội lớn lao hơn. Xin giúp con nếu đã tin, thì tin một lần cho đủ, cho trọn và cho dứt khoát. Đừng dùng dằng hoài nghi hay ngờ vực mà mất cả cuộc đời. Xin giúp con hiểu rằng nếu thế giới này đầy dẫy bóng tối và sự dữ, thì quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa cũng luôn hằng mãi ở bên mình. Chỉ cần đừng kém tin, đừng hoài nghi, đừng ngờ vực. Nhân loại cho nhau gian dối, còn Thiên Chúa có thất tín bao giờ. Nếu đã từng khao khát được bảo bọc, chở che cho thoát khỏi quyền lực ác thần, thì chẳng phải con đang thủ đắc nguồn sức mạnh vô song bên mình mãi sao. “Cứ yên tâm, đừng sợ”, xin giúp con luôn mãi an tâm và đừng sợ, chỉ cần tín thác tuyệt đối vào tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, chí ít sẽ có một phép lạ biến đổi hoàn toàn cuộc đời con, không đi trên mặt nước thì cũng đạp trên mọi danh vọng mà đến với tha nhân.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

Chuẩn bị cho Đại hội La Vang lần thứ 30

Chuẩn bị cho Đại hội La Vang lần thứ 30

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-08-10

08102014-30th-lavang-mari-day.mp3

Lễ khai mạc Tháng Hoa (1/05/2014) tại Linh đài Mẹ La Vang

Lễ khai mạc Tháng Hoa (1/05/2014) tại Linh đài Mẹ La Vang

melavang.info

Đại hội La Vang lần thứ 30 sẽ diễn ra trong 3 ngày 13, 14 và 15 tháng 8 này. Kỳ đại hội ba năm một lần như thế là một sinh hoạt lớn, quan trọng đối với hầu hết các tín hữu Công giáo La Mã tại Việt Nam.

Chuẩn bị và phối hợp

La Vang là vùng đất linh thiêng đối với người Công giáo La Mã tại Việt Nam. Theo họ Đức Maria, mẹ Chúa Giê su, từng hiện ra tại đó hồi tháng 8 năm 1798. Lúc ấy là thời điểm mà vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn ban hành lệnh bách hại người theo Công giáo gắt gao khiến nhiều người phải trốn vào rừng để trốn. Họ đã nguyện cầu và được Đức Mẹ hiện ra che chở.

Riêng vào những dịp đại hội ba năm một lần số tín hữu hành hương về La Vang khá đông, trung bình chừng nửa triệu người. Do đó công tác chuẩn bị để dung nạp một lượng người như thế, tại một khu hoang vắng, khô hạn, thiếu nước.. là một việc làm không dễ dàng gì.

Linh mục Gia cô bê Lê Sĩ Hiền, chánh xứ La Vang, cho biết việc chuẩn bị cho kỳ đại hội lần thứ 30 này như sau:

” Chúng tôi cũng theo khả năng và điều kiện cũng cố gắng hết sức nơi ăn chốn ở cho bà con giáo dân: các lán trại, lều bạt, các nhà tiền chế tạm thời như thế. Bà con giáo dân họ cũng thông cảm điều kiện khó khăn, nhà cửa không có đủ

Linh mục Gia cô bê Lê Sĩ Hiền”

Chúng tôi cũng theo khả năng và điều kiện cũng cố gắng hết sức nơi ăn chốn ở cho bà con giáo dân: các lán trại, lều bạt, các nhà tiền chế tạm thời như thế. Bà con giáo dân họ cũng thông cảm điều kiện khó khăn, nhà cửa không có đủ.

Năm nay chúng tôi cũng tiến hành đại hội nhằm việc Hội đồng Giám mục Việt Nam đang khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang ở phần sau của đất La Vang. Việc khởi công được gần hai năm rồi. Xây xong móng và lên tầng hầm rồi; nên vừa lo tổ chức đại hội, đón rước, vừa lo công việc xây dựng Vương cung Thánh đường đang còn tiếp tục, chúng tôi khá vất vả.

Mấy ngày hôm nay trời cũng hạn hán, nên nước trong lòng đất cũng cạn đi nhưng chúng tôi cũng cố gắng hết sức khoan thêm giếng, xây thêm những bể lớn để lấy nước từ trên núi về. Nhưng năm nào cũng thiếu thốn về nước.  Cố gắng hết sức thôi!

Một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá tại khu vực La Vang cho biết công tác của những người như bà vào dịp đại hội như thế:

Lu bu luôn: phải lo phụng vụ bên Nhà Thờ và phải lo phục vụ mọi người.

Ông Vũ Văn Hòa, trưởng ban Tuyên Huấn, Dân tộc và Tôn giáo thuộc Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng trị cho biết việc hổ trợ từ phia chính quyền cho kỳ đại hội La Vang hằng năm cũng như năm nay:

” Chính quyền luôn có sự hợp tác chặt chẽ giữa Ban giám đốc Trung tâm Hành hương với địa phương. Những hoạt động này luôn làm thường xuyên và đảm bảo.

Ông Vũ Văn Hòa”

Địa phương các cấp, đặc biệt các ngành liên quan bao giờ cũng có sự hỗ trợ thật tốt sau khi có đề xuất của Trung tâm Hành Hương La Vang. Ví dụ chính quyền tạo điều kiện tốt từ các khâu đảm bảo an toàn giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống chữa cháy, cung cấp các dịch vụ như điện, nước, các hệ thống phục vụ ăn, ngủ nghỉ.

Chính quyền luôn có sự hợp tác chặt chẽ giữa Ban giám đốc Trung tâm Hành hương với địa phương. Những hoạt động này luôn làm thường xuyên và đảm bảo.

Cản trở thành phần phản kháng

Theo những người từng tham gia công tác phục vụ khách đến La Vang vào những dịp đại hội hay những kỳ hành hương thường niên, thì mỗi lúc việc hành hương càng trở nên dễ dàng hơn vì phía cơ quan chức năng không còn gây khó khăn như những năm đầu sau thời điểm 1975.

Một giáo dân Công giáo cho biết lại thời kỳ mà chuyện đi hành hương La Vang không phải là chuyện dễ dàng, nhưng rồi mọi người vẫn quyết tâm thực hành cho được những cuộc hành hương như thế:

Trước đây hành hương La Vang rất khó vì thời đó chính quyền họ hay ngăn chặn. Lúc đó tôi còn nhỏ, vào những năm 82, 84, 85 khó quá nên cha mẹ đâu có cho đi. Nhưng những người trong xứ như cha me, anh chị tôi cũng đi đến La Vang.

Họ cũng bị chặn xe làm khó. Có những linh mục đi nhưng phải trốn tránh bằng cách đi bằng xe đạp để tới nơi. Có những linh mục đi xe đò với con chiên cũng bị chặn lại. Chắc mọi người còn nhớ một năm nào đó cha Nguyễn Văn Lý cùng đoàn giáo dân của ngài bị chặn lại tại cầu Mỹ Chánh và ngày quì xuống đọc kinh, hướng về La Vang cầu nguyện.

” Trước đây hành hương La Vang rất khó vì thời đó chính quyền họ hay ngăn chặn. Lúc đó tôi còn nhỏ, vào những năm 82, 84, 85 khó quá nên cha mẹ đâu có cho đi. Nhưng những người trong xứ như cha me, anh chị tôi cũng đi đến La Vang.

Một giáo dân Công giáo”

Một số giáo dân Công giáo gần đây tham gia công khai lên tiếng đấu tranh đối với những bất công mà nhà cầm quyền Hà Nội gây ra đối với người giáo dân Công giáo cũng như nhiều đồng báo khác. Họ bị an ninh, công an theo dõi thường xuyên. Ngay cả khi đến hành hương La Vang, một lần họ đã nêu lên ý nguyện của họ:

Thực tình vào đầu năm 2011 khi bế mạc Năm Thánh, chúng tôi có mặc những chiếc áo để có ý cầu nguyện cho những nơi bị bách hại như Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu, đặc biệt giáo xứ Loan Lý nơi chúng tôi ở; nhưng lực lượng an ninh đã sách nhiễu chúng tôi trong những ngày lễ đó. Từ đó mỗi lần chúng tôi đến với La Vang đều bị lực lượng an ninh đeo bám rất kỹ.

Dấu tích tử đạo bị xóa

Lịch sử cho thấy không chỉ dưới triều vua Cảnh Thịnh, Tây Sơn mà sang đến đời các vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức việc bách hại đạo Công giáo La Mã tiếp tục được tiến hành.

Những người Công giáo kiên vững với niềm tin của họ không chịu bỏ đạo theo yêu cầu của triều đình đã chịu những khổ hình cho đến chết hay bị xử tử bởi không chịu bỏ đạo. Họ trở thành những vị tử đạo làm chứng cho niềm tin tại Việt Nam.

Vết tích của những nơi giam cầm và xử tử những người Công giáo như thế còn lại rất ít. Tuy nhiên, số ít ỏi đó cũng bị thời gian và ý đồ của nhà cầm quyền xóa đi.

Tại Huế, trước đây có một cây cầu nơi mà nhiều người Công giáo bị mang đến để xử chém vì không chịu bỏ đạo; mục đích nhằm đe dọa, làm gương cho dân chúng không được theo đạo Thiên Chúa. Tại đó trước đây có bảng nói lại điều đó nhưng gần đây nhà cầm quyền địa phương đã cho tháo dỡ như một giáo dân địa phương cho biết:

Ở Huế có một cầu gọi là Cầu Cổng Chém. Nơi đó tất cả những ai không bỏ đạo bị đưa ra đó chém. Những năm gần đây, Nhà Nước dở bảng đó ra không để Cầu Cổng Chém nữa.

Từ chỗ không được khuyến khích, nay các đại hội và kỳ hành hương La Vang được diễn ra theo định kỳ.Vào năm 2008, tỉnh Quảng Trị cấp lại cho La Vang 21 héc ta trong số 23 héc ta mà giáo xứ này sở hữu trước năm 1975, để phục vụ hoạt động tín ngưỡng- tôn giáo. Hội đồng Giám mục Việt Nam có quyết định xây lại khu vực linh địa La vang với những đề án lớn.

THÁNH CLARA ĐỒNG TRINH

THÁNH CLARA ĐỒNG TRINH

Thánh Clara sinh năm 1193 tại Assisi miền Umbria, thuộc dòng họ danh giá Offreducciô.  Người ta nói thánh nữ sinh ra với nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Ngài dành nước mắt để tưới chân Chúa Giêsu chịu đóng đinh.  Khi nghe biết một thanh niên giàu có đã trở nên người nghèo thành Assisi, người thiếu nữ danh giá cảm kích trước mẫu gương của thánh nhân – thánh Phanxicô Assisi.  Trong khi gia đình nhắm cưới gả cho nàng, thì nàng chỉ nhắm đến cuộc sống sám hối khiêm hạ.  Sau khi nghe bài giảng của thánh nhân, Ngài đã đi tới quyết định dâng hiến đời mình cho Chúa.

Khi ấy thánh Clara 18 tuổi.  Vào ngày Lễ Lá, 18 tháng 3 năm 1212, thánh nữ ăn mặc sang trọng tới nhà thờ chính tòa dự lễ.  Theo thói quen, các bà tiến lên nhận lá từ tay Đức Giám mục.  Hôm ấy Clara quá xúc động, khiến chính Đức Giám mục phải rời ghế đưa lá đến cho Ngài.  Chiều về, Ngài đã cùng với một người bạn lén bỏ nhà theo lối cửa hậu rồi theo ánh đuốc tới gặp thánh Phanxicô tại Porsiuncula…  Giai thoại thật cảm động, một cô gái 18 sang trọng đã bỏ tất cả những gì là quen thuộc và an toàn để đi theo Đấng vô hình, còn Phaxicô 30 tuổi không có lấy một xu dính túi đã nhận lấy trách nhiệm về cả tinh thần lẫn vật chất đối với cô.  Giữa đêm xuân trong rừng cây và dưới ánh đuốc của đoàn anh em, Clara buông xõa mái tóc huyền trên bàn thờ cho Phanxicô cắt bỏ.  Hành động hoàn toàn ngoại lệ và không một chút quyền hạn theo giáo luật.  Phanxicô đã lãnh bản ly biệt của Clara đối với thế gian, rồi gởi cô vào một nữ tu viện Beneđictô gần đó.

Biến cố nổ lớn làm cả thành phố xúc động.  Thế gian kết án Clara.  Ông Monaldo, cậu của thánh nữ đến nhà dòng bắt thánh nữ về, nhưng Ngài ôm cứng chân bàn thờ quyết chọn Chúa mà thôi.  Phanxicô dẫn thánh nữ tới một nữ tu, tu viện Bênêdictô khác, cùng với em của mình là Anê.  Sau cùng Phanxicô thiết lập cộng đoàn cho Clara.  Một tu viện tại San Đamianô, nơi đây bà Ortolanta, mẹ của thánh nữ cũng nhập dòng.  Trong một thời gian cộng đoàn độc lập như những người hành khất đầu tiên. Phanxicô viết cho cộng đoàn một bản luật sống vắn gọn, đòi kỷ luật gắt gao và chay tịnh khắc khổ. Năm 1215 Phanxicô đặt Clara làm tu viện trưởng và có lẽ đã trao cho Ngài một bản luật dòng thánh Bênêđictô.

Vào những năm cuối đời thánh Phanxicô, mọi liên hệ với San Đamianô bị gián đoạn.  Câu chuyện hay về bữa ăn tối với Clara không được chính xác lắm.  Nhưng cơn đau cuối cùng Phanxicô đã được Clara cho trú ngụ trong một mái chòi bằng lá cây ở cổng tu viện Đamianô, nơi Phanxicô trước tác bài ca mặt trời.  Ngài ban phép lành cuối cho Clara rồi về Porsiuncula và qua đời tại đó.  Ngài cũng xin anh em đưa xác về Assisi qua ngả San Đamianô.  Thánh Clara và chị em tiếp rước và có dịp chiêm ngưỡng các vết thương ở tay và chân Ngài.

Clara thực hiện đúng lý tưởng của người nghèo thành Assisi.  Đức Innôcentê III đã đích thân ban phép cho Ngài được giữ đức nghèo khó tuyệt đối.  Nhưng Đức Grêgôriô IX nguyên là hồng y Ugôlinô đã muốn cải sửa luật cho phép nhà dòng có đất đai nhà cửa.  Clara cưỡng lại và năm 1228 đã được hưởng đặc ân như sở nguyện.  Ngài đã thưa với Đức Grêgôriô:

– Thưa Đức Cha, xin tha tội cho chúng con, nhưng đừng tha cho con khỏi theo Lời Chúa.

Năm 1247, một lần nữa Đức Innocentê IV kiểm soát lại luật thánh Phanxicô, muốn sống đời khó nghèo tuyệt đối.  Luật này được Đức Innocentê chấp thuận vội vã, hai ngày trước khi thánh nữ qua đời.  Năm 1893 người ta tìm thấy sắc chỉ nguyên thủy trong mộ thánh nữ.

Trong cơn bệnh của Ngài, Đức hồng y Rainalđô, tức là Đức Giáo hoàng Alexandrô sau này, đã đến trao mình Thánh Chúa và khuyên nhủ thánh nữ, thánh nữ trả lời:

– Từ khi nếm thử chén đắng và cuộc tử nạn của Chúa, con thấy không còn gì làm con đau đớn nữa.

Sau khi chúc lành cho các nữ tu đến thăm, Ngài nói với chính mình:

– Hãy an tâm, ngươi đã theo đúng đường, cứ tin tưởng vì Chúa tạo thành đã thánh hiến và không ngừng gìn giữ ngươi, đã yêu ngươi với tình mẹ thương con, ôi lạy Chúa xin chúc tụng Chúa vì đã dựng nên con.

Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253 và năm 1255 được tôn phong hiển thánh.

Thánh nữ Clara đã vì Chúa mà bất chấp tất cả những khó khăn, những cản ngăn…để được toại nguyện với ơn gọi dâng hiến. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nữ sống trọn vẹn cho tình yêu Chúa Kitô bằng việc mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ngài.

Sưu tầm

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

 

Nam Hàn phát hành tem và đồng xu đặc biệt cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô

Nam Hàn phát hành tem và đồng xu đặc biệt cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô

Chuacuuthe.com

VRNs (09.08.2014) -Sài Gòn-  Như chúng tôi đã đưa tin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Nam Hàn từ ngày 14 đến 18.08. Ngài sẽ tham dự Đại hội giới trẻ Châu Á và làm cử hành Thánh lễ Phong Chân Phước cho 124 Vị Tử Đạo Công Giáo Nam Hàn.

Hôm thứ 4 và thứ 5 vừa qua, Bưu chính và ngân hàng trung ương Nam Hàn đã phát hành 1,3 triệu con tem và một loạt các đồng xu mang tính kỷ niệm để chào mừng chuyến thăm sắp tới của ĐTC.

1

Tem được thiết kế dựa trên thông điệp mong muốn của ĐTC cho hòa bình và hòa giải trên bán đảo Nam Hàn. Gồm 2 mẫu thiết kế, một mẫu tem là hình chân dung của ĐTC, còn lại là hình ảnh Ngài với chú chim bồ câu trên tay. Những con tem này sẽ được bán tại các bưu điện trên toàn quốc từ thứ Sáu.

Hai thiết kế của các đồng xu đã được kết hợp biểu tượng hoà bình của Công Giáo và các biểu tượng truyền thống của Nam Hàn, ngân hàng này nói. 30.000 đồng xu bạc, với mệnh giá 50.000 won (48 USD), sẽ mang biểu tượng “taegeuk”, một biểu tượng chính của quốc kỳ Nam Hàn, với các thánh giá và một con chim bồ câu mang theo một nhành ôliu. Một thánh giá được tô điểm bằng các biểu tượng như bông huệ, nhành ôliu, bồ câu và bông hồng Sharon là quốc hoa của đất nước này, sẽ được khắc lên 60.000 đồng xu bằng đồng, với mệnh giá 10.000 won.

Pv. VRNs

XIN CHO CON ĐI TRÊN MẶT NƯỚC

XIN CHO CON ĐI TRÊN MẶT NƯỚC

Giữa lúc dân chúng định tôn Đức Giêsu làm Vua, sau khi đã được no nê bánh và cá, thì Ngài lại giải tán họ, và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia. Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.

Chỉ còn một mình Đức Giêsu cầu nguyện.  Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Đấng sai Ngài.  Nhưng Đức Giêsu không quên các môn đệ.  Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình.  Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.

Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến.  Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi.  Đức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”

Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.

Phêrô có thể chỉ cần nói: Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng.  Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều.  Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.

Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.

Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.

Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: “Cứ đến.”

Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Đức Giêsu.

Thật không thể tưởng tượng nổi, mặt nước trở nên cứng như đá, hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.

Phêrô đi được bao xa, ta không rõ, nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi: “Đúng là Thầy rồi!”

Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước, nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.

Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô, những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.

Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đi với sóng, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.  Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.

“Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!”

Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và nhận chìm ông xuống.

Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối chỉ vì Chúa buộc phải ra đi, khi dám xin đi trên mặt nước dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.

***********************************************

Lạy Chúa Giêsu,

Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.

Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.  Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con hầu chìm.

Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa.  Amen.

Trích trong ‘Manna’

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

‘Trăm năm trồng người…’

‘Trăm năm trồng người…’
August 03, 2014

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Một bản tin ngắn, rất tầm thường ở Việt Nam, không chắc làm cho bạn quan tâm, đau lòng, đó là bản tin từ Hà Nội, cho biết nạn bẻ kính chiếu hậu xe hơi bắt đầu tràn lan. Chỉ với một chiếc Porsch Panamera giá $200,000 đã được quân gian chiếu cố, chỉ trong hai năm, đã bị bẻ kính bảy lần. Ngay một sinh viên trường Cao Ðẳng Văn Hóa-Thể Thao Hà Nội, Ðặng Huy Việt, trước đây cũng từng là thủ phạm loại ăn cắp vặt này. Theo tôi, trong cái thời buổi tệ mạt này, rõ ràng là chuyện “trăm năm trồng người” đã có kết quả hay hậu quả đau lòng.

Một trong những “danh ngôn” của Hồ Chí Minh được CSVN ca tụng nhất là câu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người,” nhưng trẻ em “quàng khăn đỏ” ít đứa nào biết tới ông Quản Trọng bên Trung Quốc là tác giả chính hiệu danh ngôn này, đã bị “bác” bứng nguyên cây về trồng trong vườn nhà “bác.” Câu này lấy từ ý của Quản Trọng trong sách Quản Tử, nguyên văn là: Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc, thập niên chi kế, mạc như thụ mộc, chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. (Kế sách cho một năm, lấy việc trồng lúa làm đầu; kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu; kế sách cho trăm năm, lấy việc trồng người làm đầu).

Những gì “bác” đã gieo giống, chăm sóc, tưới nước bón phân, ngày nay rõ ràng là đã có kết quả. Sách Minh Tâm Bảo Giám, chương Kế Thiện, có câu: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. (Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu). Không ai gieo hạt chanh chua mà lại hái được giống cam ngọt, nói đơn giản, gieo nhân nào thì gặt quả nấy!

Hạt giống độc địa ấy từ ngày được Hồ Chí Minh mang về gieo trong khu vườn nhà đã như là “loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh; là loài trùng độc, sinh sôi nảy nở trên rác rưới của cuộc đời” như câu nói của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Tây Tạng, khi nhận xét về chủ nghĩa cộng sản. Sau ngày cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, nơi Bắc Việt gọi là vùng tạm chiếm, tệ nạn xã hội càng ngày càng gia tăng, làm băng hoại đạo đức xã hội, luân thường đạo lý, như những chuyện băng đảng nhóm xã hội đen, cướp của giết người, mại dâm, ma túy, cờ bạc, hiếp dâm trẻ em, loạn luân, lừa gạt, chiếm đoạt tài sản.

Lúc đầu, nói về tình hình trật tự xã hội, đề cập đến những điều xấu xa đầy rẫy này, đảng cộng sản tránh né trách nhiệm, đổ lỗi cho đó là hậu quả, tàn dư của chế độ cũ để lại, chỉ đích danh là Mỹ, Ngụy, nhưng rõ ràng là sau hơn 39 năm “làm chủ” đất nước, thực tế ngày nay không thể còn đổ lỗi cho ai.

Sau nữa là cả nước từ 60 năm nay, dưới sự cai trị của đảng, do chủ trương của đảng, là “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!” Vậy thì những gì được ghi nhận hôm nay là thành quả chiếu sáng từ tấm gương ấy, đó là chân lý, mà chân lý này không bao giờ thay đổi. Không ai dám hỏi Hồ Chí Minh thực sự có đạo đức hay không, và cả đất nước mù quáng tin theo những gì đảng nhồi nhét từ những đứa trẻ, làm đông đặc đầu óc thanh niên, bắt người ta tin vào những chuyện không có thật.

Hậu quả là ngày nay cả nước nói dối như cuội.

Hậu quả là ngày nay cả nước ai cũng gian dối để sống.

Hậu quả là ngày nay, lý tưởng của cuộc sống là đồng tiền.

Ở xã hội ấy cái gì cũng mua được bằng tiền, cái gì cũng được đem bán, và người ta sẵn sàng bán đi những cái gì quý nhất.

Ở xã hội ấy, người ta không biết hổ thẹn vì nhân cách, nhưng cảm thấy hổ thẹn khi thua sút những người chung quanh vì cái nhà, cái xe, cái điện thoại, cái xách tay…

Ở xã hội ấy, ai cũng muốn bỏ đi, những ai còn ở lại là không đi được, hay đang còn kiếm được tiền để chuẩn bị đi hay lo cho những người đã đi.

Con người là vốn quý như ai đó đã từng nói, nhưng một mạng người không đáng giá bằng một con chó!
Con người là vốn quý, nhưng người ta coi rẻ sinh mạng của nhau, cầm dao giết nhau chỉ vì một cái nhìn, một chuyện tranh cãi hay để cướp đoạt tài sản của người khác.

Con người là vốn quý, nhưng công an, thế lực của chế độ, sẵn sàng đánh chết dân vì dân không chịu nhận tội mình không làm.

Xã hội chủ trương mình sống vì mọi người, nhưng người vá xe sẵn sàng rải đinh trên đường để cho tiệm mình đông khách, thêm lợi nhuận.

Xã hội chủ trương mình sống vì mọi người nhưng bọn phục vụ cho dân, ăn gian, làm dối, sống chết mặc bay.

Cộng sản đã từng ca tụng: “Chủ Nghĩa Xã Hội là đỉnh cao trí tuệ loài người!” Hà Nội là lương tri của nhân loại! Báo Quân Ðội Nhân Dân đã ca tụng “đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam,” nhưng ngày nay nhân dân Việt Nam đi đến đâu đều được mọi người có những cái nhìn thiếu thiện cảm. Nhật, Thái Lan, Nam Hàn, Singapore… kết án người Việt trộm cắp, ăn tham, xả rác, bán dâm… khiến hình ảnh Việt Nam đang dần trở nên xấu xa. Cả nhân viên nhà nước cũng buôn lậu, ăn cắp, hối lộ, vậy người Việt ra nước ngoài còn dám ngẩng mặt nhìn ai?

Ở trong nước dân Việt đã bày tỏ dân trí bằng cách ẩu đả, chửi bới nhau để chen lấn mua bánh Trung Thu ở Hà Nội, giành giật đạp lên nhau để giành được kiếm một miếng sushi miễn phí ở một cửa hàng mới khai trương, hỗn loạn trèo lên đầu nhau lên nhau để mua bằng được lá ấn trong lễ khai ấn đền Trần, hôi của khi có tai nạn qua đường như rơi tiền, đổ bia… Người ngoại quốc và các tòa đại sứ ở Việt Nam thì bắt đầu “sợ” dân Việt khi những cây anh đào được đem từ Nhật đến bị đám đông nhào đến vặt sạch, chính phủ Hòa Lan tổ chức phát 3,000 chiếc áo mưa cho dân chúng để tỏ tình hữu nghị thì đám đông ào ạt, hung dữ nhào lên sân khấu cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.

Chính giới trí thức trong nước, như Giáo Sư Nguyễn Thanh Giang đã viết rằng, “Phải nói rằng kể từ khi đưa Chủ Nghĩa Mác vào Việt Nam thì con người Việt Nam bấy giờ còn tha hóa hơn con người Việt Nam hồi thời phong kiến. Và tư chất, đạo lý của con người Việt Nam bây giờ còn thua cái thời Pháp thuộc. Cho nên điều đó là do ảnh hưởng của chế độ chính trị và của tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội mà chủ yếu đẩy con người vào tình trạng không cạnh tranh lành mạnh, không cạnh tranh dựa trên đạo lý, không dựa trên pháp luật, mà bằng phe nhóm, ỷ thế, ỷ quyền, ỷ vào giai cấp, ỷ vào thành phần lý lịch, ỷ vào con ông cháu cha. Hơn nữa, kể từ khi đưa cái Chủ Nghĩa Mác vào, lấy chuyên chính vô sản vào, thì người ta không tôn trọng pháp luật nữa. Cho nên người ta sẵn sang giẫm đạp lên pháp luật, lên đạo lý, từ đấy ảnh hưởng đến tâm tính của con người Việt Nam. Rồi đời sống không cần đạo lý, không cần pháp luật. Thì đó là cái tội của chế độ chính trị và tổ chức xã hội này.”

Ai đưa Chủ Nghĩa Mác vào Việt Nam, phải chăng là công ơn “bác Hồ,” cho nên hôm nay, chưa đến một trăm năm, mà việc trồng người của “bác” đã có kết quả “khả quan,” đưa đất nước vào chỗ lụn bại, tha hóa. Muốn gieo lại hạt giống tốt thì phải quét sạch, khai quang, đào xới lại cả khu vườn, thay đất mới, và phải mất trăm năm nữa, con người hôm nay mới trở lại được cái tử tế, văn hóa, chỉ mong được tương đối như người miền Nam trước 1975, hay nói xa hơn là cả cái thời Pháp thuộc.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật đau lòng, đừng mang ảo tưởng quê hương giàu đẹp, văn minh, trí tuệ, có ai đụng vào thì giãy lên như đỉa phải vôi, kêu la là chống phá tổ quốc, tay sai ngoại bang, thù nghịch với nhân dân.

Họp ASEAN căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông

Họp ASEAN căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông
August 08, 2014

Nguoi-viet.com


NAY PYI TAW (NV)
Cuộc họp cấp ngoại trưởng của ASEAN và các đối tác khu vực sẽ căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông, hậu quả của tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Tại thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Ðiện, mười nước ASEAN họp riêng trong ngày 8 tháng 8, 2014, rồi sau đó họp chung với các đối tác gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga, Hoa Kỳ và Liên Âu trong Diễn Ðàn khu vực Ðông Nam Á ( ASEAN Regional Forum) gọi tắt là ARF diễn ra hàng năm.



Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh (phải) của Việt Nam tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Miến Ðiện hôm 8 tháng 8, 2014. (Hình: Getty Images)

Dự trù trong các cuộc họp này, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ sẽ hô hào giảm đối đầu hay gây căng thẳng ở các khu vực tranh chấp trên Biển Ðông. Ðể đạt được mục đích, cần phải dừng ngay các hoạt động xây dựng từ xây cơ sở dinh thự, bến tàu, hay quy mô hơn, hút cát làm đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang làm.

Một bên là những nước tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia với sự ủng hộ của các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ, một bên là Trung Quốc với sự theo đuôi của Cambodia và một hai nước khác sợ mất lợi lộc kinh tế từ Bắc Kinh. Ðề tài được chú trọng đặc biệt ở kỳ họp này là thúc đẩy giảm căng thảng Biển Ðông, vì thế, sẽ trở thành đề tài nóng giữa những quan điểm đối chọi, theo giới phân tích thời sự quốc tế.

Những hành động ngang ngược gần đây của Bắc Kinh như mang giàn khoan khổng lồ tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Hoàng Sa, hút cát xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, và mới một ngày trước, báo chí Bắc Kinh loan tin nước này sắp xây dựng hải đăng tại 5 đảo và bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa.

“Hoa Kỳ đang vận động các nước tham dự ARF tuân thủ luật lệ quốc tế để giữ cho tình hình ở Biển Ðông được yên bình.” Ông Carl Thayer, chuyên viên về Việt Nam và Á Châu của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc đưa nhận xét với thông tấn AFP. “Họ ủng hộ việc dừng lại các hoạt động khiêu khích.”

Tuy nhiên, theo ông Bắc Kinh nhiều phần sẽ giữ lập trường cứng rắn, chống lại sự can dự của Hoa Kỳ.

Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel nói với báo chí ở Hoa Thịnh Ðốn hôm Thứ Năm trước khi Ngoại Trưởng John Kerry tới thủ đô Miến Ðiện rằng trong khi chính sách đối với khu vực Ðông Á của Hoa Kỳ là “không đối địch hay kềm chế Trung Quốc,” các cuộc thảo luận sẽ thẳng thắn nhằm giảm căng thẳng.

Giới phân tích thời sự tin rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ các lời kêu gọi dừng các hoạt động xây dựng trên Biển Ðông và cũng chống chế rằng các hoạt động đó không phải là khiêu khích. Bắc Kinh vẫn lập luận là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần hết khu vực Biển Ðông dù họ chỉ năm ở hướng bắc, bao gồm tất cả các bãi đá ngầm, nhóm đảo nhỏ gần với các nước khác hơn.

Mối quan hệ gihữa hai nước cộng sản láng giềng Việt Nam và Trung Quốc chùng xuống hẳn sau nhiều năm khăng khít vì Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mò tìm dầu khí, phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Hành động ngang ngược của Bắc Kinh đã tạo ra cuộc đối đầu ngày đêm từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua giữa hai nước.

Rất nhiều chuyên gia quốc tế cũng như không ít người ở Việt Nam tin rằng việc Bắc Kinh rút giàn khoan HD981 không phải là mọi chuyện trở lại bình thường mà chỉ là rút lui chiến thuật của Trung Quốc trước phản ứng bất lợi của dự luận quốc tế và phản ứng của Việt Nam.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế và chế độ Hà Nội cũng đã bắn tiếng chuẩn bị tài liệu để kiện nhưng đến nay, người ta vẫn không thấy gì xảy ra từ phía Việt Nam.

Cuối tháng trước, hơn 60 đảng viên đảng CSVN, phần lớn đều là những người có nhiều tuổi đảng và từng nắm nhiều chức vụ quan trọng ký tên chung trong một bức thư kêu gọi nhà nước kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng không thấy nhà cầm quyền ra một tín hiệu gì. (TN)

 

Tại sao người Việt Nam vô cảm?

Tại sao người Việt Nam vô cảm?

Theo Triết Học Đường Phố

Gần đây, báo chí và những người trên mạng chỉ trích lẫn nhau, và phê phán những người trẻ khá nhiều về chuyện vô cảm, vô tâm, thờ ơ với thời cuộc, người xung quanh, xã hội. Họ nói như thể đấy là một đặc tính cố hữu của người Việt Nam, và cũng như mọi khi, chỉ trích chỉ để mà chỉ trích, tức là không phân tích tại sao lại như thế, cũng không nói phải làm thế nào để thay đổi. Tất cả cứ như một dàn đồng ca, thi nhau xỉa xói rằng người Việt vô tâm, người Việt lạnh lùng đến tàn bạo. Các bác người lớn đĩnh đạc trong nhà nước thì thường nói, giới trẻ ngày nay biến thái, vô cảm vì ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của văn hóa phương tây, của các trang mạng xã hội độc hại, những câu các bác lải nhải bao nhiêu năm qua mà có khi cũng chẳng hiểu mình đang nói gì. Bản chất của cái việc phê bình mà không đưa ra nguyên do đấy khiến mình khó chịu không kém việc phải chứng kiến những biểu hiện của việc vô cảm kia.

Theo mình thì việc người ta thờ ơ, không dám lên tiếng khi chứng kiến cái xấu, không dám quan tâm khi nhìn thấy người bị nạn, bịt mắt trước những tổn thương của người khác, có mấy nguyên do thế này.

Thứ nhất, ngay từ bé, người ta đã không được phép quan tâm. Một đứa trẻ dám hỏi những câu mà cô giáo không biết sẽ bị quát bắt ngồi xuống, thay vì được khuyến khích hỏi tiếp. Một đứa trẻ dám thắc mắc khi nhìn thấy người lớn đưa bó hoa kẹp phong bì sẽ bị kéo đi, thay vì được trả lời. Có quá nhiều thứ một đứa trẻ lớn lên ở thành phố trong xã hội Việt Nam hiện đại (đối tượng bị phê phán chủ yếu, mấy người nông dân làm ruộng hoặc công nhân may chảy máu ngón tay có thấy bị chê là vô cảm bao giờ đâu), phải học cách hiểu và chấp nhận trong im lặng.

Từ cấp một lên cấp ba, mình bao nhiêu lần phải ngồi chép mỏi tay những bài thi tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu Đoàn gì gì đó đơợc phát động mà không hiểu tí gì mình đang chép, chỉ biết là phải nộp cho xong. Rồi một đứa làm chi đội trưởng, liên đội trưởng, trong Đội Thiếu Niên Tiền Phong (đội ngũ kế cận của Đoàn, tức đội hậu bị của Đảng) cũng biết cách bịa đặt từ bé để ghi vào sổ những buổi sinh hoạt chi đội không diễn ra. Lúc đầu cô tổng phụ trách đọc cho viết, sau này đã quen thì tự bịa ra dựa vào các tháng trước. Tất cả những việc không đúng sự thật đó diễn ra như nước thấm dần, có thể đứa trẻ cắc cớ hỏi một hai lần, nhưng rồi nó cũng sẽ nhanh chóng học được cách im lặng. Mà để im lặng trước những điều không hiểu, không hợp lý, thì người ta phải lờ đi, phải giả như không biết, không nghĩ đến, lâu dần sẽ quen.

Đó là chưa kể sức ép phải giống như mọi người của một xã hội đã hàng nghìn năm vận động theo mô hình làng bản, tức là “lệ làng” là quyền uy tối thượng. “Phép vua” – tức là pháp luật quy chuẩn của nhà nước phải thua, thì tất nhiên cái tôi cá nhân bị đè bẹp dúm. Nếu lệ làng là nhìn thấy người ăn xin phải quay mặt đi, xua tay, thì ai không làm như thế sẽ bị coi là kỳ dị. Lệ làng là đi ngoài đường phải chen vào bất cứ khoảng trống nào, nếu không chen mà cứ nhường thì sẽ chôn chân mãi ở một chỗ. Mình nhớ hồi mới từ Canada về, quen thói lịch sự giữ cửa cho mọi người qua, không những không có ai nói câu cảm ơn mà tất cả mọi người cắm đầu đi qua, mình cứ đứng giữ mãi cuối cùng đành bỏ ra để cắm đầu đi giống mọi người.

Cũng là hồi mới về, mình hay có cảm giác khá khó chịu là thấy mọi người như đang di chuyển trong một quả bóng trong suốt, không ai tchạm vào ai. Có lẽ cảm giác đấy đến từ quá nhiều những xét nét (đi xe đạp thì sẽ không dám vào cửa hàng mua quần áo, mặc quần ngố thì không dám vào cửa hàng buffet) mà mọi người phải giữ kẽ để sống cho đúng khuôn khổ của nhau, và từ việc không ai dám quan tâm đến những điều có vẻ khác thường.

Nguyên nhân thứ hai của sự vô cảm (vô thưởng vô phạt) là do thiếu thông tin. Những thông tin đáng bàn nhất, đáng để gây tranh cãi nhất, đáng lẽ ở nước khác có thể gây ra bao nhiêu cuộc bút chiến hay khẩu chiến sâu sắc, thì ở nước ta đều bị bưng bít. Ví dụ như chẳng ai được phép nói về việc dân ở chỗ này chỗ kia đang khởi kiện chính quyền vì thu đất không đúng, dân đang vật vã bệnh tật vì nhà máy sản xuất xả chất thải công nghiệp vào nguồn nước mà kêu không ai xử lý, dân bị đàn áp, dân bị mất mùa vì tính toán sai của những doanh nghiệp thu mua nguyên liệu nhà nước, dân đánh cá đang bị Trung Quốc bắn tỉa.

Tất cả những vấn đề không thể được nói đến đó đương nhiên tạo ra một khoảng trống lớn trên báo đài, và những cơ quan này lại phải lấp vào bằng những tin chẳng ảnh hưởng đến ai, những vụ việc mà dù có đấu khẩu hăng hái cỡ nào cũng không gây nguy hại cho nhà cầm quyền. Nào là ngực to ngực khủng, thằng bé này tí tuổi mà hợm hĩnh, con bé kia dám viết sách bịa đặt, anh ca sĩ nọ diễn trò trên sân khấu. Người dân bị dắt mũi bởi truyền thông, cũng cứ thế là đâm đầu vào bới móc, mổ xẻ, hăng hái tranh đấu vì ý kiến của mình, trong khi những tin tức thật sự cần tranh luận, phản biện, thì hoàn toàn vắng bóng.

Sự bưng bít thông tin này, mà thường là những thông tin đa chiều, dẫn đến việc người dân không có khả năng và thói quen nghĩ ngược lại với những gì mình được dạy, hay còn gọi là tư duy phản biện. Chính vì không thể nghĩ ngược, nên khi gặp cái gì không quen, họ không nghĩ, ngại nghĩ, sợ nghĩ, vì thế lảng tránh để khỏi phải nghĩ. Sự vô cảm là thói quen, vì từ bé đã không được dạy cách lên tiếng, cách thể hiện suy nghĩ cá nhân, và cũng là kết quả của sự bất lực, vì không biết làm thế nào để suy nghĩ độc lập. Vì các thông tin đều phập phù như thế, biết hay không biết cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình xã hội, hôm nay có thằng bé to mồm này để dân tình chửi bới thì mai phải có con bé ngu xuẩn khác để bà con lên án cho xôm.

Mình rất thích TED, nhưng khi TED về đến Việt Nam, tất nhiên không dám vơ đũa cả nắm, nhưng qua những video youtube mình xem các bạn quay lại các sự kiện đã tổ chức, thì mình khá thất vọng. TED ở Việt Nam không khác gì những sự kiện diễn thuyết các bạn trẻ tổ chức, mời một số người nổi tiếng nói những bài dài lê thê, không có trọng tâm, thậm chí nhạt nhẽo. Mình cứ tự hỏi nếu những người, tạm coi là có tầm ảnh hưởng đến công chúng, được quyền nói những thông tin có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, mà không bị kiểm duyệt, được bàn luận về những cái xấu và cái tốt của bộ máy cầm quyền một cách tự do, được đưa ra chính kiến của họ mà không bị bỏ tù, thì liệu các bạn trẻ đang lắng nghe hau háu kia có học được cách suy nghĩ độc lập và nhìn sự việc từ nhiều phía, để từ đó bớt vô cảm hơn được không?

Cuối cùng, nguyên nhân gốc rễ của cả hai nguyên nhân trên, mình nghĩ là do thể chế chính trị. Nếu có sự đối thoại trong nhà nước, thì cũng sẽ có sự đối thoại trong nhân dân. Nếu người dân cảm thấy rằng họ có quyền chất vấn, và thật sự có khả năng xoay chuyển tình thế, họ sẽ quan tâm nhiều hơn. Những nước phương Tây người dân của họ phê phán chính phủ rất nhiều, họ sẵn sàng phản đối khi có điều gì không vừa lòng, tại sao nước họ vẫn mạnh, vẫn giàu? Còn ở nước mình, quyền phê phán của người dân chỉ gói gọn trong mấy bộ ngực và mấy nhân vật vô thưởng vô phạt, mỗi lần túm được vụ việc nào là báo chí không chịu để nguôi ít nhất vài tuần vì có thứ để giật tit, câu view; thì nước vẫn yếu, vẫn nghèo?

Mình không tin có cái gọi là “tính cách cố hữu” của người Việt Nam. Mọi thứ là do thể chế và cách tổ chức xã hội mà ra. Như Hàn Quốc và Triều Tiên, cùng một dân tộc, tiếng nói, văn hóa, tại sao một nước giàu có thịnh vượng, một nước nghèo dân đói đến mức phải ăn thịt người? Những sự bất lực, thờ ơ, vô tâm, đều có căn nguyên sâu xa của nó. Bạn mình bảo cứ về Việt Nam là thấy không khí ngột ngạt và bi quan, thấy người ta không chịu hành động, chỉ ngồi một chỗ than thở và nêu ra các lý do mình không thể làm được cái mình muốn. Ở một xã hội không khuyến khích sự khác biệt và tính phản kháng, mọi người khuyên nhau “lo cho cái thân mình yên ấm đã” hoặc tự nhủ “có cố cũng chẳng khác được gì, con vua rồi lại làm vua.”. Chẳng phải chính Marx, người mà đi vào phòng họp của các UBND đều thấy đang ngồi sừng sững trên bệ, đã viết là “không có mâu thuẫn thì không có phát triển” sao?

Mâu thuẫn bị bóp chết, thành ra cái gì cũng xam xám, nhờ nhờ, trôi đi vô nghĩa, kể cả những người đang sống trong xã hội này.

Thuốc Lá

Yên tĩnh tạm thời và nguy cơ thì càng nặng nề hơn

Yên tĩnh tạm thời và nguy cơ thì càng nặng nề hơn

Song Chi –

Theo FB Song Chi

Khi giàn khoan HD-981 còn đang sừng sững cắm sâu trong vùng biển thuộc lãnh hải của VN, nhà văn lão thành Nguyên Ngọc có nói một câu đại ý: Sợ nhất là giàn khoan lẳng lặng rút đi và mọi chuyện chìm, lại rơi trở lại trạng thái cũ.

Và bây giờ, quả thật, khi giàn khoan của Tàu Cộng tạm thời rút đi, từ nhà cầm quyền cho đến báo chí, người dân… “xẹp” hẳn xuống, tưởng như không hề có sự cố Trung Cộng công khai xâm phạm chủ quyền VN nghiêm trọng vừa qua, tưởng như “biển Đông lại trở vể yên tĩnh, không có gì mới”. Và tất nhiên, chuyện của ta mà ta còn cố quên đi thì thế giới, với bao nhiêu sự kiện nóng hơn đang xảy ra, lại càng quên.

Trong khi đó thì Trung Cộng vẫn tiếp tục lẳng lặng thực hiện chiến lược của họ, tiếp tục xây cất các công trình dân sự và quân sự trên những quần đảo đã chiếm được của VN, đặc biệt là Hoàng Sa, theo chủ thuyết “chủ quyền thực tế”, đặt các bên liên quan trước “sự đã rồi”, tiếp tục xua hàng ngàn hàng vạn tàu cá ra chiếm lấy biển Đông, đầu tư càng ngày càng lớn vào quốc phòng, nhất là hải quân, đóng thêm các giàn khoan khủng khác… Mặt khác, tiếp tục mua chuộc lẫn khống chế nhà cầm quyền VN bằng kinh tế và những đe dọa về quân sự để VN không dám thoát ra khỏi quỹ đạo của họ và hướng về phương Tây…

Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mộng chiếm hữu biển Đông, bành trướng sức mạnh ra bên ngoài, việc rút giàn khoan vừa rồi của Trung Cộng chỉ là tạm lùi một bước để rồi sẽ quay trở lại bất cứ khi nào có thể. Còn VN, nếu vẫn không tự cải cách thể chế, không thể hùng mạnh hơn về kinh tế, không thể so sánh với Trung Cộng về sức mạnh quốc phòng, cũng vẫn không có những thay đổi trong đường lối ngoại giao để có thêm đồng minh thì sự yên tĩnh trên biển chỉ là tạm thời, mối nguy cơ mất biển, mất nước vẫn còn nguyên. Và khi Trung Cộng trở lại với những giàn khoan khủng mới, những chiến lược mới, nhà cầm quyền VN chỉ còn nước bó tay đầu hàng. Mà thực tế qua vụ HD-981 vừa rồi thì họ đã đầu hàng rồi đó thôi!

Song Chi