NIỀM TIN CỦA MỘT “DÂN NGOẠI”

NIỀM TIN CỦA MỘT “DÂN NGOẠI”

Tác giả: JM. Lam Thy ĐVD.

Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa biểu lộ lời nói và hành động khó hiểu của Đức Giê-su. Miền Tia và Xi-đon vốn được người Do thái coi là dân ngoại. Người đàn bà từ Ca-na-an ở miền ấy tới gặp Đức Ki-tô, xin Người chữa bệnh cho con mình. Lần thứ nhất bà cầu xin, nhưng Đức Ki-tô không trả lời. Không trả lời thì cũng có nghĩa là không đáp ứng lời cầu xin của bà ta. Nhưng với một niềm tin vững vàng, bà vẫn tiếp tục năn nỉ. Các môn đệ có vẻ không hài lòng về bà và xin Đức Ki-tô đuổi bà ấy đi, thì Người lại nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” (Mt 15, 24). Câu nói này của Đức Ki-tô trái ngược hẳn với thái độ trước đó của Người, đồng thời còn cho biết bà Ca-na-an là dân ngoại và Người được sai đến với họ.

Sự kiện mâu thuẫn không dừng lại ở đây. Người đàn bà vẫn tiếp tục năn nỉ “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” và Đức Ki-tô đã nặng lời với bà ấy: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15, 26). Với câu trả lời này, Đức Ki-tô đã ví việc chữa bệnh như đem bánh cho người ta ăn và bánh đó không được cho “lũ chó con” ăn. Bà bị coi như chó và nếu giả thử gặp cỡ các kinh sư hay Pha-ri-sêu chắc chắn sẽ phản ứng rất mạnh. Nhưng bà này vẫn không buồn rầu bỏ đi, mà nhất định ở lại cầu xin cho bằng được. Lời cầu xin quả thật khiêm tốn và tin tưởng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15, 28). Tuyệt vời!

Phải nói rằng bà này là típ người thông mình, rất thông mình. Nếu không, bà sẽ thấy lời của Đức Ki-tô không dính dáng gì tới việc bà cầu xin, và sẽ xảy ra 2 trường hợp: Một là thấy người mình cầu xin không hiểu được ý mình. Đã không hiểu được mình, thì cầu xin cũng vô ích, bỏ đi cho rảnh. Trường hợp thứ hai, sẽ cho là Đức Ki-tô không nghe rõ lời cầu xin nên mới nói về bánh, và nếu còn tin tưởng, bà ta sẽ cứ một mực xin Người chữa bệnh cho con mình. Cả 2 trường hợp đều không đúng với bà, vì bà đã hiểu ngay Lời dạy của Người mà bà tin tưởng. Khẳng khái nhận mình là “lũ chó con” (Người Do-thái vẫn coi những dân ngoại như lũ chó con), không dám xin ăn bánh trực tiếp, mà chỉ khiêm tốn xin được ăn những mảnh vụn rơi vãi.

Thêm một đức tính đặc biệt của bà nổi bật lên: Tuyệt đối khiêm nhường! Dù có bị coi là chó, bà cũng xin vâng (“Thưa Ngài, đúng thế!”), vì bà nghĩ rằng Người mà bà đang cầu xin đích thị là Đấng Quyền Năng, là Thiên Chúa. Là Thiên Chúa mà chấp nhận xuống phàm trần làm một con người bình thường như bao người khác, thì mình có bị coi là chó cũng xứng đáng thôi. Đức tình khiêm tốn tuyệt vời ấy chắc chắn không thể có được nơi những thượng tế, những kinh sư, luật sĩ, những Pha-ri-sêu, những con người vẫn luôn miệng nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” và tự coi mình mới là “hàng nội” chính tông, là con dòng cháu giống của Thiên Chúa; những con người luôn kiêu ngạo tự cho mình là đệ nhất thông minh và chỉ thích được “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy” thiên hạ. Vậy đó!

Thông minh nhưng khiêm tốn,  người đàn bà Ca-na-an đã khiến Đức Giê-su Thiên Chúa động lòng trắc ẩn, buột miệng khen ngơi: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật”. Và thế là: “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt 15, 28). Quả thực, bài học rút ra được ở đây là đức tính khiêm nhường, đức tính đứng hàng đầu trong bảy đức tính căn bản của Ki-tô giáo. Phải luôn nghĩ rằng tất cả những gì con người có được nơi trần thế đều là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng. Những ân sủng đó Thiên Chúa ban cho mỗi người mỗi khác là vì ich chung (1Cr 12, 4-10). Không tự kiêu, tự mãn khi mình có được sự thông minh hơn người, hoặc có được những đặc ân khác những người xung quanh; nhưng cũng không tự ti mặc cảm khi thấy mình không có được những ân sủng như những người khác Tuy nhiên, bài học lớn nhất, bao trùm lên tất cả là đức tin của người đàn bà ở Ca-na-an.

Bà thực sự tin tưởng Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và bà vững tin rằng Thiên Chúa không thiên vị một ai, không phân biệt “nội hay ngoại”, nếu chân thành cầu xin với một niềm tin vững vàng, thì dù xin gì, Người cũng sẽ ban cho (“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” – Mt 7, 7-8). Bà không chỉ tin ở trên môi miệng, mà chính là ở chỗ đối diện với thử thách nghiệt ngã (bị dân Do thái coi là dân ngoại và chính Người mà bà tin tưởng mãnh liệt nhất lại coi bà và con gái bà là chó), vậy mà bà vẫn trung kiên với niềm tin của mình.

Với một người chưa được coi là Ki-tô hữu, mà đã có một niềm tin sắt đá như vậy, thiển nghĩ cũng rất đáng xấu hổ cho những người đã được coi là Ki-tô hữu (đã nhận lãnh Phép Rửa) mà chỉ hơi chạm đến tự ái, hoặc chỉ mới phỏng đoán mình sẽ bị “thử lửa”, đã vội vàng chối bay chối biến Chúa của mình một cách ngon lành. Hoá cho nên, chính trong cuộc sống đời thường, trong gian truân thử thách, trong tất cả mọi nghịch cảnh, người Ki-tô hữu vẫn sống đức tin một cách chân thực như bà mẹ người Ca-na-an trong bài Tin Mừng, không màu mè sáo rỗng, ấy mới thực sự xứng đáng với danh hiệu mà Đức Giê-su Ki-tô đã ban tặng: Ki-tô hữu (“Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà gọi anh em là bạn hữu” – Ga 15, 15).

Cho đến hôm nay, phần đông người Công Giáo Việt Nam vẫn giữ được đời sống đức tin rất tốt, được cụ thể hóa qua việc tham dự Thánh Lễ cũng như lãnh nhận các bí tích. Tuy nhiên, đời sống đức tin ấy nhiều khi chỉ là những thói quen do ảnh hưởng của gia đình, xứ đạo hơn là một chọn lựa và dấn thân cá nhân. Một đức tin như thế sẽ khó lòng đứng vững trong khung cảnh đô thị hóa và xã hội hóa đang và sẽ diễn ra mỗi ngày một nhanh hơn. Vì thế, cần xây dựng một đức tin mang tính cá vị, hiểu như một chọn lựa tự do và ý thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa (Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục VN về Năm Tân Phúc Âm Hóa, số 3). Đức tin là lời đáp trả của con người toàn diện trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người toàn diện ấy bao gồm cả lý trí, tình cảm, ước muốn và hành động. Vì thế, để sống đức tin, người tín hữu không chỉ ngừng lại ở những hiểu biết thuần lý, nhưng phải bước vào hành động – hành động và liên lỉ cầu nguyện – bởi vì “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17).

Xin đừng bao giờ quên Lời Thầy Chí Thánh: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17, 6); “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.” (Mt 21,21-22). Vâng, nhờ cầu nguyện, chúng ta gặp gỡ chính Đấng mà chúng ta tin. Và niềm tin đích thực được thể hiện qua đời sống hằng ngày là “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga. 2, 3). Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

KHI NGHỊCH CẢNH ĐẾN, BẠN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?

KHI NGHỊCH CẢNH ĐẾN, BẠN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong cuộc sống, rất nhiều người sợ lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Vì thế, họ luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Sao mọi thứ lại không trôi chảy?”; “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, trở ngại?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất công đến vậy?”; hay “Tôi đã làm gì để ra nông nỗi này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta sẽ thấy: nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh. Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống. Thật thế, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút. Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, nó vẫn tan thành mây khói.

Điều đáng bàn ở đây là: chúng ta sẽ phải ứng xử với những nghịch cảnh đó như thế nào cho đúng mực, hầu đem lại hiệu quả tối ưu!

  1. Những thái độ khác nhau khi gặp nghịch cảnh

Thật ra, mỗi khi thử thách đến trong đời, chúng ta thấy có rất nhiều thái độ khác nhau, mỗi người đối diện và phản ứng một kiểu, chẳng ai giống ai. Có người thì quay lưng lại với chúng. Có người lại không dám tiến lên vì sợ thất bại. Lại có người không bao giờ hành động… vì lo không đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên, cũng có những người khi thất bại đến, họ coi đó như là một điều kiện cần để tiến đến thành công. Lại có những người coi việc thất bại như là một phần của cuộc sống để làm cho cuộc đời này ý nghĩa, giá trị hơn. Những người đó, họ coi thất bại như là chút mắm, muối, gia vị… để làm cho “tô phở cuộc đời” được mặn mà, thơm ngon hơn. Ralph Waldo Emerson đã nói: “Vinh quang lớn nhất của chúng tôi không phải là không bao giờ thất bại, nhưng tăng lên mỗi khi chúng tôi thất bại”; “Chẳng ai trở nên hoàn hảo và tốt đẹp mà chưa từng mắc lỗi lầm nào cả” (William E. Gladstone).

Thật thế, những người có thái độ tích cực đối với thất bại thì trong đầu họ luôn nghĩ: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn” (Fanco Molinary).

“Thất bại chỉ là cách chúng ta học hỏi qua phương pháp thử và sai. Chúng ta không chỉ cần chấm dứt ngay nỗi sợ hãi thất bại mà còn cần sẵn sàng chấp nhận thất bại – thậm chí hào hứng đón nhận thất bại. Họ gọi phương pháp đón nhận thất bại này là ‘thất bại để tiến lên’. Bạn chỉ cần bắt tay thực hiện, phạm sai lầm và tiếp tục tiến về phía mục tiêu của mình. Tất cả những kinh nghiệm thu được đều là những thông tin hữu ích bạn có thể sử dụng cho những lần sau” (Jack Canfield – trích trong “những nguyên tắc thành công”). Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nếu nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ nhận ra những món quà quý giá bạn đang tận hưởng trong hiện tại lại “đâm chồi nảy lộc” từ nơi nghịch cảnh bạn phải hứng chịu trong quá khứ.

Tại sao thế? Thưa vì: “Bạn không thể học được ít hơn, bạn chỉ có thể học được nhiều hơn. Tôi có kiến thức sâu rộng chính là bởi tôi đã phạm rất nhiều sai lầm” (Buckínter Fuller – Nhà toán học và triết gia). Thất bại là chậm trễ, nhưng không đánh bại. Đó là một đường vòng tạm thời, không phải là một ngõ cụt.

Tuy nhiên, “nghịch cảnh chỉ mang đến lợi ích trong tương lai nếu bạn giữ được thái độ tích cực, chủ động tìm kiếm những cơ hội mới và không ngừng bước tới. Nếu bạn cho phép nghịch cảnh nhấn chìm bạn vào những suy nghĩ tiêu cực và thôi không phấn đấu thì đương nhiên, chẳng điều tốt đẹp nào đến với bạn cả” (trích trong “3 món quà đến từ nghịch cảnh” đăng trên: http://www.hoclamgiau.vn/skill/1641/mon-qua-den-tu-nghich-canh)

  1. Câu chuyện thành công từ những nghịch cảnh

Có một câu chuyện kể rằng:

Những nông dân ở miền Nam Alabama đã quen trồng chỉ mỗi một thứ là cây bông (dùng để se chỉ, dệt vải).

Một năm kia, những con sâu bọ đã tàn phá cả vùng. Năm sau những người nông dân đem nhà cửa của họ đi cầm cố để có tiền và lại tiếp tục trồng cây bông, hy vọng vào một kỳ gặt hái tốt đẹp. Thế nhưng, khi những cây bông bắt đầu mọc, những con sâu bọ đó lại đến và phá sạch hầu hết các cánh đồng.

Một số ít những người “sống sót” qua 2 năm đó đã quyết định trồng thử một thứ mà trước đây họ chưa bao giờ trồng, đó là cây lạc (đậu phộng). Và kết quả là cây lạc của họ nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi lợi tức của năm đó đủ để họ trả hết nợ của 2 năm trước. Kể từ đó họ trồng cây lạc và rất phát đạt.

Và rồi bạn biết những người nông dân đó làm gì không? Họ trích một phần trong tài sản của mình để dựng một đài kỷ niệm ngay giữa trung tâm thành phố để ghi công “những con sâu bọ”. Bởi nếu không vì những con sâu đó họ sẽ không bao giờ khám phá ra cây lạc. Họ sẽ mãi mãi đủ ăn với nghề trồng cây bông từ thế hệ này qua thế hệ khác.

  1. Đứng trước nghịch cảnh, người Công Giáo cần có thái độ nào?

Khởi đi từ nguyên tắc cứu độ của Đức Giêsu trong nguyên lý của hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24); rồi chính Đức Giêsu đã đi trên con đường tự hủy đó để cứu độ con người. Đỉnh cao của mầu nhiệm này là cái chết trên thập giá như Ngài đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8, 31). Tinh thần này đã được thánh Phanxicô Assisi lựa chọn và sống, ngài viết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Quả thật, con đường này là con đường nghịch lý của thập giá mà chính Đức Giêsu đã lựa chọn. Tuy nhiên, đằng sau sự mục nát của hạt lúa, chúng ta thấy trổ sinh nhiều cây và bông hạt khác. Cũng vậy, nếu không có thập giá hôm nào thì không có sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng của chúng ta. Chính Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV., số 41. 43).

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Trong hành trình sống đạo, hẳn không thiếu những nghịch cảnh. Tuy nhiên, khi đối diện với chúng, mỗi người chúng ta hãy kiên trì và trung thành với ơn gọi mà mình đã khám phá và cảm nghiệm. Mỗi khi khó khăn thử thách đến với chúng ta, đừng vì thất vọng mà buông xuôi. Nhưng hãy trung thành đến cùng. Nếu bỏ cuộc, chúng ta đã làm việc này việc nọ vì hứng chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.

Tuy nhiên, lòng yêu mến Chúa thì không phải là hứng mà làm, nhưng là vì cảm nghiệm. Khi đã cảm nghiệm thì không còn chuyện bàn tán nên hay không nên, mà tất cả đều có ích cho những người yêu mến Chúa.

Hình ảnh người trộm lành cho chúng ta thấy, anh ta hạnh phúc ngay trong sự thất bại. Anh ta được hạnh phúc là vì anh ta tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Còn Giuđa thì thất vọng khi đang sống trong tình yêu nhưng lại nghi ngờ, nên ông đã là người thất bại thê thảm.

Nếu không bền chí thì không phải là người tài đức song toàn. Người tài là người được lớn lên trong thử thách. Người có đức là người bền chí, trung thành và can đảm. Bền chí là dấu hiệu của người đang dồi dào ân sủng.

Nếu thiếu đi hai yếu tố trên thì không phải là mình “hiền” như mình vẫn lầm tưởng, mà là “hèn”. Cần hiểu và phân định rõ rằng: “hiền”“hèn” là hai lối sống và biểu hiện khác nhau.

Nếu không có lòng yêu mến Chúa, thì không thể kiên trì, trung thành được, bởi vì, họ sẽ không thể tìm ra ý nghĩa của đau khổ, thất bại. Họ sẽ không thấy sự sống trổ sinh từ cây thập giá chết. Họ sẽ không thể hy vọng về một tương lai tươi sáng khi đang phải đối diện với tối tăm mù mịt.

Giuđa và Gioan chỉ khác nhau ở lòng mến mà thôi. Trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn đó hai hình ảnh và hai lối sống lẫn lộn: Gioan và Giuđa. Bao lâu chúng ta còn kiên trung, bền chí, và hy vọng, ấy là dấu chỉ ta theo Gioan để đi trọn con đường tình yêu dưới chân thập giá. Còn giờ phút nào chúng ta nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, ham danh, ấy là lúc chúng ta đã chọn Giuđa làm quan thầy và thắp hương tôn thờ vị “quan thầy phản bội”.

Bạn thân mến,

Chúng ta thường than oán mỗi khi rơi vào nghịch cảnh. Thế nhưng, chúng ta quên rằng Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời, Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài biết trước những gì chúng ta cần, vì thế chúng ta nên phó thác trong tay Ngài. Hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng (x. Mt 6,25-34). Mỗi khi gặp nghịch cảnh , khó khăn xảy đến, chúng ta đừng quá bận tâm cho câu hỏi tại sao? Mà hãy chú tâm và khám phá ra ý định của Thiên Chúa trong nghịch cảnh đó.

Khi thinh lặng nội tâm, Ngài sẽ cho biết lý do tại sao, hay cần làm gì để chúng ta nhận biết được những hồng ân quý báu Chúa ban cho trong nghịch cảnh đó.

Thật vậy, mọi sự đều trở nên ích lợi cho những người yêu mến Chúa. Vì thế, không còn chuyện than thân trách phận hay buồn bực, chán nản và thất vọng vì những điều không hợp với ý của ta nữa. Các thánh là những người đã sống mầu nhiệm thập giá qua những nghịch cảnh cách xuất sắc. Có những đấng đã xin Chúa cho chịu thật nhiều đau khổ để đến vì tội mình. Lại có đấng sẵn lòng chịu khổ cực thay cho người khác. Và cũng có những đấng đón nhận mọi khổ cực đắng cay, hiểu lầm vì lòng yêu mến Chúa. Các thánh là những người phải chiến đấu với sự yếu đuối bản thân, với những nghịch cảnh từng ngày từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống.

Xin hãy nhớ rằng: những điều tốt đẹp ngày hôm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua.

Để kết thúc, xin bạn cùng với tôi, chúng ta cùng nhau suy ngẫm câu nói sau: ” ‘Khổ’. Đúng vậy. Thương khó, bỏ dễ. Khó mới quí, bỏ là quỉ” (ĐHV., số 60).

Vậy bạn và tôi, chúng ta muốn làm thánh hay là quỷ???

Jos. Vinc. Ngọc Biển

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

LM Ignatiô Trần Ngà

Norman Vincent Peale (1898-1993) là một mục sư danh tiếng trong Giáo Hội Tin Lành Methodist, đồng thời cũng là nhà tâm lý trị liệu danh tiếng ở Mỹ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thuộc hạng ăn khách nhất (best-selling books), trong đó có cuốn “sức mạnh của tư tưởng tích cực” (The Power of positive thinking) xuất bản năm 1952, được dịch ra đến 41 thứ tiếng, bán ra hơn 20 triệu cuốn và còn được thu vào băng dĩa để phát hành.

Cuốn sách nầy lôi cuốn được nhiều độc giả đến thế vì nó giúp cho người ta tìm thấy bí quyết tránh thất bại và đạt tới thành công.  Bằng cách nào?  Tác giả cuốn sách viết: người ta thất bại vì người ta thiếu lòng tin, thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào khả năng của mình.  Vậy muốn thành công, hãy gầy dựng cho mình một niềm tin mạnh mẽ.

Tác giả dùng một câu lời Chúa, trích trong Tin Mừng Mat-thêu làm nên bí quyết để thành công trong cuộc đời, để giành lấy thắng lợi.
Câu đó là:
“nếu bạn có lòng tin thì chẳng có việc gì mà bạn không làm được.” (Mt 17, 20)

Chân lý đó được chứng tỏ qua sự kiện sau đây:

Khi Chúa Giêsu vượt qua biên giới Do-thái qua miền Tia và Xi-đôn, có một người đàn bà xứ Canaan, là người ngoại bang đến gặp Chúa Giêsu và thống thiết nài xin Người: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!  Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Chúa Giêsu lặng thinh không đáp.

Nếu ở trong hoàn cảnh người đàn bà nầy, chắc chúng ta tức tối bỏ đi, thầm oán trách Chúa vô tâm.  Đó là bức tường thứ nhất người đàn bà Canaan đụng phải, nhưng bà không thối lui.

Bà cứ liên lỉ nài van, còn Chúa Giêsu thì cứ tiếp tục lặng thinh.  Bà kêu xin bền bỉ đến độ các tông đồ đi theo chịu hết nổi, nên mới xin Chúa Giêsu đáp lại ước vọng của bà: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”

Chúa Giêsu lại từ chối: “Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel”.

Sứ mạng của Chúa Giêsu vào thời điểm đó chỉ dành cho dân Israel mà thôi.  Chưa đến lúc, chưa đến giờ đem ơn cứu độ cho mọi dân tộc.

Bị từ chối thẳng thừng, bị đụng vào bức tường thứ hai, nhưng bà không nhụt chí.  Bà vẫn tiếp tục van xin.  Bà bái lạy Người cách thành khẩn: “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi”.

Lần nầy, Chúa Giêsu trả lời cách cứng cỏi và quyết liệt: “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con.”  Thế là bà lại đụng phải bức tường thứ ba, tưởng như còn cao hơn, dày hơn hai bức tường trước.  Vẫn không thoái chí, bà khiêm nhường chấp nhận thân phận thấp hèn của mình và khiêm tốn cầu xin: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Đến đây thì Chúa Giêsu không thể chối từ được nữa và nguyện vọng của người phụ nữ Canaan đã được đáp ứng hoàn toàn.  Con gái bà đã được cứu chữa.

Chúa Giêsu xác nhận rằng bà được như ý bà muốn là nhờ lòng tin: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.  Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Vì muốn cho chúng ta biết rằng lòng tin có sức cứu chữa và làm nên phép lạ, nên sau mỗi lần cứu bệnh nhân lành bệnh, Chúa Giêsu không nói: “Ta đã chữa lành con, hãy về bình an,” nhưng Ngài lại nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con.”

Tin Mừng Mátthêu cũng nhấn mạnh rằng nếu không có lòng tin, thì người ta chẳng đạt được gì cả, bằng chứng là khi Chúa Giêsu về thăm quê hương Ngài là Nadarét, người đồng hương không tin vào Ngài, nên không có phép lạ nào xảy ra. “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13, 58) hay như tường thuật của thánh Máccô: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó… Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 5-6)

Chúa Giêsu khẳng định rằng ai có lòng tin thì có thể làm được bất cứ việc gì.  “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17, 20)

Một sự kiện điển hình chứng tỏ niềm tin làm nên phép lại là khi Phê-rô thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, ông cũng muốn được như Thầy và đã xin Chúa Giêsu cho ông thực hiện điều đó.  Chúa Giêsu chấp thuận.  Tin vào quyền năng Chúa Giêsu, Phêrô làm nên được điều kỳ diệu: ông đi được trên mặt nước để đến với Thầy.  Thế nhưng khi thấy gió thổi mạnh, ông đâm ra lo sợ và nghi ngờ.  Chính vì mất niềm tin nên ông bị chìm đắm.  Ông hốt hoảng la lên.  Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô kéo lên và trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy!  Sao lại hoài nghi!”  (Mt 14, 22 – 33).

Lòng tin là bí quyết của thành công, đó là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu muốn gửi đến chúng ta hôm nay, tiếc thay chúng ta không biết tận dụng bài học đó để thu hoạch những thành quả tốt đẹp trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đề cao lòng tin, khen ngợi những người mạnh tin và chê trách các môn đệ yếu lòng tin.  Xin ban thêm Đức tin cho chúng con để nhờ đó, chúng con vững vàng thắng vượt gian nan thử thách và giành lấy những thành tựu tốt đẹp trong cuộc đời.

LM Ignatiô Trần Ngà

Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,

Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 16: 13-20

Chung trời đất, nhưng cuộc đời nào có chung. Tránh nhau hoài, là tư-thế của người đời thường ứng-xử với nhau trong đời người.

Trong đời người đi Đạo và sống Đạo cũng thế. Cũng có những cảnh người người tránh né nhau, như người dưng nước lã, khó làm thân. Chả thế mà, Đức GIêsu hôm nay cứ lần lữa hỏi đồ-đệ xem người người gọi Ngài là ai? Có biết gì về Đấng Mêsia không? Có biết Ngài là Đấng được gửi đến sống chung đụng, gần gũi trong trời đất, vẫn thương-yêu, gần cận biết bao người, như trình-thuật thánh Mát-thêu còn ghi chép.

Trình-thuật thánh Mát-thêu hôm nay ghi về cung cách sống rất chung đụng của người trần-thế, rất ở đời. Trong đời trần thế, sống đúng tư cách của người đi Đạo là sống cho ra sống. Dù cuộc sống có trần ai/bĩ cực, người tín hữu Đức Kitô vẫn phải sống có căn cước của nhà Đạo. Chứng tỏ căn cước nhà Đạo, là ưu tư của người đi Đạo.

Ở đây, “danh xưng” Kitô-hữu vẫn được coi như một căn cước. Ở đây, “căn cước” người tín hữu, vẫn nói lên cả một hiện tượng, thường xảy ở nhiều nơi.

Tại giáo phận miền quê hôm ấy, xảy ra một vụ nổ lớn về cách thức vị linh mục chánh xứ tổ chức buổi tĩnh tâm cuối tuần, cho các học sinh trung học. Đêm thứ sáu của tuần lễ trầm mặc, là đêm căng thẳng nhất, khi vị linh hướng thông báo với các người trẻ, rằng: họ phải có quyết định dứt khoát, về niềm tin tôn giáo của mình.

Nhiều phụ huynh đã sững sờ, khi biết là đám trẻ nhà mình, đã nhận được tối hậu thư rất gay, có thể dẫn tới hậu quả là chúng sẽ chối bỏ đức tin. Vị linh hướng hôm ấy, còn quả quyết rằng: người trẻ Kitô-hữu vẫn phải có quyết định chọn nghề, chọn lối sống; chọn nơi ăn chốn ở, môn học và các tương quan ở đời thường.

Vị chủ trì buổi tĩnh huấn, còn quả quyết: tôn giáo lâu nay bị đẩy lùi ra ngoài xã hội, và cuộc sống. Và, đây là chuyện khá quan trọng, để giới trẻ nên quan tâm suy nghĩ, hầu có quyết định chọn lựa trước khi bước vào cuộc đời đích thật. Và, nếu không có quyết định dứt khoát về niềm tin tôn giáo, thì Đạo của ta sẽ đắm chìm trong quên lãng. Hoặc, bị phủ vùi trong lớp ẩm mốc, cát bụi; để rồi, cuối cùng cũng làm mồi cho củi lửa, thiêu đốt.

Linh mục ấy còn thêm: đòi hỏi giới trẻ có thái độ như thế, vẫn chưa đủ. Sau 12 năm thấm nhuần nền giáo dục mang tính Kitô-giáo; và sau nhiều năm học hỏi giáo lý, Hội thánh vẫn kêu gọi giới trẻ phải có thái độ đối với niềm tin của mình. Một số người trẻ, đã quyết định một cách có ý thức, dứt khoát tiến bước dấn thân làm thành viên của Giáo hội.

Và, khi quyết định tạo cho mình một nghề đầy lòng tin như thế, nhiều bạn trẻ cho biết: họ đã phải đối đầu cả với Chúa. Họ đã kinh nghiệm trực tiếp giáp mặt với Ngài. Có người đã không ngại ngần phản chống lại Giáo hội, đến độ về sau, họ không thể nào rút lại quyết định của mình, được nữa.

Tiến-trình tĩnh tâm, cũng dựa trên nền tảng được nêu ra trong Tin Mừng, hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đáp lại câu hỏi này, các môn đệ muốn phản ánh kinh nghiệm mình đã sống với Đức Kitô, nên đã đưa ra những giải đáp khác nhau. Duy có Simôn Phêrô, lại quả quyết: Đức Kitô là sự mặc khải của Chúa gửi đến cho con người. Đây là tuyên ngôn nền tảng, mà qua đó Giáo hội của Chúa được thiết lập, chốn gian trần.

Những gì khi xưa là chân lý, nay vẫn là sự thật. Rất hoàn toàn. Có một vài điểm, nếu ta vẫn muốn cho niềm tin chuyển đổi từ lề luật, rất ý niệm hoặc những quan điểm riêng tư, thành những gì ta có thể cảm nghiệm được, thì ta phải gánh vác niềm tin mà Giáo hội hằng nuôi dưỡng ta, mãi đến hôm nay.

Và, phải coi đó như trọng trách hoặc nghề nghiệp, của chính ta. Làm thế, khi giáp mặt Đức Kitô, ta mới thực sự cộng tác vào công cuộc tái tạo Hội thánh, cùng với thế hệ đương đại.

Ý thức tận hiến đời mình, làm thành viên “cộng đoàn Hội thánh”, có lẽ là thách thức lớn Đức Chúa đem đến cho môn đệ, trong Tin Mừng. Như môn đệ xưa, chúng ta được kêu mời làm chứng tá cho tình yêu của Chúa tại nơi mình công tác hay làm lụng.

Hoặc, khi hòa mình sống với bạn bè/người thân trong gia đình. Còn lại, là chuyện nhắc nhớ: chúng ta vẫn đại diện cho Hội thánh. Một Hội thánh duy nhất. Thánh thiện. Mà, tất cả mọi người chúng ta đang giáp mặt, sống chan hòa.

Đường lối ta đeo đuổi, có thể sẽ cột thắt hoặc giải phóng mọi người, sẽ được đo lường bằng niềm tin yêu của ta. Mọi người sẽ nhìn qua ta, để phán đoán xem Hội thánh có còn phản ảnh Đức Kitô, sống với thế giới gian trần, hôm nay không. Mọi người sẽ tìm hiểu xem Hội thánh có còn là căn nhà chung, mọi người chúng ta đang sống.

Và, tất cả đều được coi như thực chất/bản-lề đặt ở câu hỏi gửi đến mỗi người, trong cộng đoàn. Câu hỏi, là: “Thế còn bạn, bạn bảo Tôi là ai?” Cách thức ta trả lời cho câu hỏi, sẽ bộc lộ thật nhiều điều. Và, điều rõ nét nhất, vẫn là:  Đức Kitô có còn lý tưởng ta yêu thích. Có còn là, đối tượng ta mê say, phục vụ, nữa hay không?

Một lần nữa, hỏi tức là trả lời. Một trả lời ở đâu đó, nơi lời kinh/nguyện cầu rất hăng say. Trong cảm-nghiệm về câu trả lời cho tình thương yêu gần cận với Thày, cũng nên ngâm lại lời thơ trên còn bỏ dở, rằng:

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,

Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.

Ta với người bắt buộc phải chia hai,

Làm sao em biết trời đau đớn

Làm sao em lớn bằng ta lớn.

Để chung cùng công việc: đứng than thân…”

(Nguyễn Tất Nhiên – Vài Đoạn Viết Ở Đinh Tiên Hoàng)

Viết ở đâu cũng là viết. Viết về tư thế của mưa với nắng, tránh nhau hoài. Đứng ở đâu, cũng là đứng trong trời đất, mà cứ bắt buộc tránh nhau hoài, thế đó đâu phải là đời người. Chí ít là đời của người đi Đạo và sống Đạo, vẫn có Chúa thương yêu ở chung cùng mình, rất an bình.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Đôi chim, là chim ríu rít trên cành,

Đôi chim, là chim ríu rít trên cành,

Em yêu là yêu tiếng gọi

Của Mình là Mình, Mình ơi!

(Diệu Hương – Mình Ơi)

(1Cor 9: 19-23)

Nếu ai đó, hiểu sâu và hiểu xa ý-nghĩa của từ-vựng “Mình” chỉ là “bạn tình” rất thường tình, chứ không là “bạn trăm năm”, thì chắc bạn và tôi, ta sẽ có rất nhiều điều để nói và để bàn, rất không chán.

Chuyện đáng nói và bàn, mà nhiều người cứ tưởng là chuyện trăm-năm-cuộc-tình-đôi-lứa như thế, nhiều lúc thấy cũng rất thường. Thường xảy đến, câu hát buồn từng nối đuôi theo, như:

“Đem qua thức giấc bùi ngùi

Nhìn quanh, là em không thấy mặt người.

Là, người mình thương.”

(Diệu Hương – bđd)

Ý-tưởng, được người viết nhạc diễn-tả ở đây muốn nói đến, có thể là tâm tình của người tình từng có “trăm năm một cõi đi về”, mà thôi. Nếu người đọc, lại diễn rộng thứ tình trăm năm hoặc nghìn năm mây bay thành tình bạn/tình người với mọi người, hẵn rằng lại khác!

Vâng! Sự thật lại rất khác. Cũng sẽ khác, nếu như ta lại cứ hát câu cuối của nhạc bản này và nghĩ đến người-tình-ngàn-năm sẽ thấy khác, cũng rất nhiều như những điều sau đây:

Đôi chim gẫy cánh giữa đường,

Từ nay là em thôi hết được

Gọi Mình là Mình, Mình ơi.”

(Diệu Hương – bđd)

Thế thì, nay có đề-nghị từ một người nghe nào đó, không phải là bần đạo bầy tôi đây, cứ hiểu chỉ một “tình mình” ngàn-năm-mây-bay không là tình bạn đôi lứa mà thôi, hẳn rằng bạn và tôi, ta lại sẽ có cả thiên/cả nghìn vấn-đề đặt ra cho riêng mình, và cho mọi người từ xưa đến nay.

Nói dông nói dài, là để dẫn vào câu chuyện xảy đến với nhà Đạo, rất không lâu. Muốn biết là chuyện gì vừa xảy đến không lâu, xin mời bạn/mời tôi ta đọc tiếp các “mẩu” thông-tin từ nhà Đạo mình, như sau:

“Trong lần gặp gỡ bạn bè xưa/cũ tại nhà thờ Caserta, Đức Phanxicô có nói: ngài biết chắc rằng: một số người đã tỏ ra sửng sốt khi thấy ngài thực-hiện chuyến đi thăm nhóm bạn-hữu thuộc giáo-phái Ngũ Tuần, xưa nay là bạn của ngài.

Đức Phanxicô có nói với nhóm Ngũ Tuần này, rằng: ‘Chúa Thánh Thần là nguồn-cội của sự đa-dạng trong Hội-thánh. Đa-dạng đây, là đặc-tính phong-phú, tốt lành, hạnh-đạo như mọi đạo. Chúa Thánh Thần là Đấng tạo sự hiệp-nhất hết mọi người. Theo cách này, Hội thánh vẫn là một trong Giáo hội đa-dạng ấy. Và Đức Phanxicô lại nói: ngài yêu-thích từ-vựng rất hay và rất đẹp vẫn được ghi trong Kinh thánh, đó là câu: Tính đa-dạng thực-hiện sự hoà-giải đích-thị là quà tặng của Chúa Thánh Thần.”

Trong buổi này, Đức Phanxicô lại đã dấy lên một đòi hỏi gửi đến cộng-đồng các vị Rao giảng Phúc Âm gốc Ý, là: thời Phát-xít lộng-hành, một số người Công-giáo đã là đồng-phạm trong vụ giết chết rất nhiều anh chị em Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần và Rao Giảng Phúc Âm, ở đây.

Thế nên, với tư-cách là mục-tử Đạo Chúa, tôi mong anh chị em hãy tha thứ cho những người anh/người chị của chúng ta, là những người Công giáo khi xưa vì không biết và do sự dữ cám-dỗ nên đã làm những chuyện xằng bậy mất đoàn-kết như thế…

Đồng thời hôm ấy, Đức Phanxicô cũng đem đến cho các linh-mục vài tư-tưởng về mối quan-hệ giữa người Công-giáo với các anh em Ngũ Tuần khiến mọi người thấy ngạc-nhiên. Đặc biệt là khi, Đức Giáo Hoàng cho biết: nhiều người Công-giáo ở Châu Mỹ La-tinh đã gia-nhập cộng-đồng tín-hữu Ngũ Tuần. Ngài kể lại câu chuyện nữ tín-hữu nọ là người Công giáo có nói: Giáo-hội Công-giáo đã bỏ rơi chị và cả bạn bè của chị theo Công giáo nữa. Chị nói: chị cần có Lời Chúa dẫn-dắt, nên đã phải gia-nhập sinh-hoạt của anh em Tin Lành này…

Để minh-hoạ và cũng kết thúc bài nói chuyện hôm ấy, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Bất cứ ai, dù nam hay nữ, vẫn có thể đem đến cho ta đôi điều làm quà-tặng. Đó, có thể là chuyện đời riêng hoặc tình-cảnh tư-riêng của họ. Dù thế nào đi nữa, cũng nên lắng nghe họ. Và, Chúa Thánh Thần là Đấng khôn-ngoan rất mực, sẽ chỉ dạy cho ta biết cách ăn/nói với người đó.

Đừng bao giờ hãi sợ khi đối-thoại với bất cứ ai. Đối-thoại, không phải để bảo-vệ niềm tin của mình, dù nó có nghĩa là giải-thích những gì mình tin. Và, cũng là cung-cách làm áp-lực để thuyết-phục người nghe gia-nhập Đạo mình. Đức Bênêđíchtô 16 có lý khi nói rằng: “Hội thánh lớn mạnh không do việc khuyến-dụ người khác gia-nhập Đạo mình, mà là ngang qua sự thu hút của mình bằng cuộc sống”. (X. Cindy Wooden, Pope, friends move in the Spirit, The Catholic Weekly 03/8/2014 tr. 7)

Nói gì thì nói, nếu cứ nói và hát theo ca-từ của nhạc-bản trích ở trên, người đọc lại sẽ như bầy tôi đây, sẽ hát những lời bức-bách rất như sau:

“Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn

Đôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn.

Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm,

Phòng không, phòng không là không không chiếu lạnh

Nhện sầu là sầu giăng ngang.”

(Diệu Hương – bđd)

Nếu hiểu chữ “Mình” theo ý của cố Linh mục DCCT người Canada là Lm Gérard Gagnon khi trước vẫn hiểu chữ “Mình” trong câu thơ Kiều: “Nghĩ Mình, Mình lại nên thương nỗi Mình” là Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiện-diện nơi mình/nơi người, trong đời, thì hôm nay chữ này còn mang nhiều ý-nghĩa hơn.

Nếu thế thì, xin bạn và tôi, ta cứ tiếp-tục hát thêm câu hát có những chữ “Mình” như sau:

“Mình ơi là Mình, Mình ơi!

Mình đi là đi đi mãi quên lời,

Lời xưa mà ta ước hẹn,

Một đời là một đời sắt son.

Cây xanh, là xanh lá vẫn tươi màu,

Riêng em là em héo tàn.

Nhạt nhoà, là nhoà tình xuân.”

(Diệu Hương – bđd)

Thật ra thì, khi nghe hát những ý/lời có chữ “mình” ở trên, bần-đạo đây lại cứ liên-tưởng đến những chuyện rất khác với ý-tưởng của tác-giả bài hát rất úi chà “Mình ơi, là mình!”

Vâng! Thật sự thì: trong đời mình, lại cũng có những “mình” và “mình” vốn liên-kết với nhau không chỉ ngang qua tình ruột thịt mà còn là tình-thân thương của những con cái Chúa, ở Nước Trời nhà Đạo.

Liên-tưởng đến những gì mang chữ “mình”, bần đạo đây lại bắt gặp những đoạn gọi là “tình mình bây giờ” và khi xưa, những kể rằng:

“Theo các cụ Zelmyra và Herbert Fisher, là cặp phối-ngẫu có 87 năm chung sống với nhau, thì: muốn cho hôn-nhân của mình kéo dài cả đời người, không có gì khó khăn cho lắm. Sau đây là một vài mẹo vặt do hai cụ đề-nghị hầu đảm-bảo cho hôn-nhân của mình được thành-công, toại nguyện:

Ly-dị, không phải là chọn-lựa. Điều này ít được nói đến, nhưng tôi tin chắc là ngày nay, càng có nhiều người tính chuyện ly-dỵ chỉ vì đó là chọn-lựa, ngay trước mắt. Nếu bạn nghĩ rằng ly-dị là chuyện khả-thi, thì nhiều khả-năng là: khi mọi sự đi đến khó-khăn, bạn sẽ “chọn” việc đó như con đường “dễ đi” hơn là làm hết mình để chỉnh-sửa tương-quan mình vẫn có.

Hãy nhớ rằng: hôn-nhân là cuôc “thi-đấu”, đừng bao giờ duy-trì số điểm mình đạt được. Bởi lẽ, bạn ở cùng chung một đội-ngũ quyết giành phần thắng lợi, chứ không chỉ riêng mỗi một mình.

Mẹo kế tiếp, là: Hãy đồng-ý với nhau là mình có thể bất-đồng về nhiều chuyện và chiến-đấu cho những gì thực sự thành vấn-đề. Hãy học cách cúi gập người mình xuống mà đồng-thuận chứ không phải phá đổ mọi sự. Theo tôi thì, những gì đi đến nền tảng của sự việc mình tin-tưởng, thì cũng là điều tốt nếu như người phối-ngẫu với mình ở trên cùng chiều dài của cơn sóng vỗ như mình vậy. Không có gì là xấu xa nếu ta bất-đồng với nhau về cả “chuyện nhỏ”. Thật sự thì, cũng là điều tốt nếu như ta học được nhiều điều từ những người đồng-thuận với mình. Thêm nữa, điều đó cho thấy mình thật sự thoải-mái đối với nhau, có thể trân-trọng ý-kiến/lập-trường của nhau và nhượng bộ nhau, nếu cần.

Mẹo cuối thêm nữa là: điều mà bạn nên có chung với nhau, đó là: hãy thăng-tiến hết mọi sự, bởi ta đều là tín-hữu Đức Kitô và cùng tin vào Chúa. Điều này không có ý bảo rằng: muốn thành vợ chồng thành-công trong hôn-nhân, thì phải là Kitô-hữu.

Không. Không phải thế. Điều này, chỉ muốn nói đến yếu-tố bảo rằng: hầu hết các cặp vợ-chồng hoà-hợp/đoàn-kết với nhau là những người cùng san-sẻ một niềm tin hoặc giá-trị đạo-đức. Tại sao thế? Bởi như thế, họ hiểu nhau hơn, họ có thể giúp đỡ nhau vững chí với niềm tin của họ và như thế sẽ không giáp mặt với những xung-đột lớn lao khi nuôi dưỡng giáo dục đàn con của họ”. (xem Tamara Rajakariar, A Happy Marriage is Simple, MercatorNet 21/5/2014)

Thế đó, cũng chỉ là lập-trường tư-riêng của ai đó. Có thể gọi họ là “các cụ giòng họ Fisher” ở Úc hay Mỹ Quốc. Có thể gọi họ là ông A bà B, rất đáng kể. Nhưng, gọi thế nào thì gọi, nói gì thì nói vẫn cứ nên nói cho có sách và mách cho có chứng. Những chứng cứ được ghi dấu ở Kinh Sách rất như sau:

“Phải, tôi là một người tự do,

không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người,

hầu chinh phục thêm được nhiều người.

Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái.

Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật,

dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật.

Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật,

dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô,

để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật.

Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu.

Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.

Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó,

để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.”

(1Cor 9: 19-23)

Sống thực tế, là sống với và sống bằng Lời khuyên dạy từ Tin Mừng. Sống, Lời dạy từ Tin Mừng, có là cùng sống và cùng tin với mọi thành-viên Hội-thánh, tức chính Hội thánh. Sống như thế, còn là sống rất thực bằng vào và ngang qua ý-kiến của nhiều người, trong đó có cả các bậc thày-dạy ở trường lớp rất thần-học.

Và hôm nay, bần-dạo bầy tôi lục-lọi xấp bài viết của một trong các bậc thày như thế, đã thấy được như sau:

“Trong mọi hoàn-cảnh, các vị quan-tâm đến nền thần-học của Giáo-hội thường có vấn-nạn trước nhất, hỏi rằng: “Thiên Chúa đang làm gì cho thế-gian?” Câu trả lời căn-bản từ nền thần-học thường vẫn bảo: Thiên-Chúa sống-động vẫn đang tiếp-tục công việc của Ngài nơi nhân-loại, ở mọi thời, để tỏ-lộ sự hiện-diện và quyền-uy của Ngài theo cách kín đáo, và gián-tiếp.

Thế nên, trách-nhiệm tiên-quyết của Giáo-hội, là nhận-thức cho rõ và ngoan-ngoãn ứng-đáp bằng niềm tin-tưởng đối với công-việc của Chúa, ở chốn gian trần. Nhận-thức cho rõ những gì Chúa đang làm và Ngài đã làm được tới đâu, cũng như những gì Chúa gọi mời Giáo-hội biết vâng lời, dù đôi lúc thấy việc ấy cũng không mấy dễ.

Bằng vào trao-đổi với tác-giả Duffy hôm trước từng có nhận xét, là: hiện có một số khá đông tín-hữu Công-giáo vẫn sống cuộc sống kết-hợp hôn-nhân “không theo qui-cách của Đạo”. Dù ta có chấp-nhận vụ việc được kể trong buổi trao-đổi ấy như kết-luận của tác-giả về yếu-tố mục-vụ mang ý-nghĩa như việc châm ngòi cho bom nổ chậm nào đó, thế thôi.

Tuy là thế, điều đó cũng không nhất-thiết cho thấy con số các vụ sống với nhau không theo qui-cách nhà Đạo, như thế, lại là dấu chỉ về đường-lối mà các giá-trị xã-hội lâu nay đặt-định cho sự sống và khả-năng nhận-thức của tín-hữu, hoặc dấu-hiệu hôn-nhân Công-giáo hoặc thể-chế hôn-nhân Công-giáo trên đà đi xuống.

Thật ra, ta cũng có thể đọc các dấu hiệu ấy như dấu chỉ về lời mời gọi hãy liên tục sống kết-hợp hôn-nhân như giao-ước, hoặc đặc-biệt hơn, là dấu chỉ về sự thể xảy đến với người từ-chối tính-cách pháp-lý đối với bí-tích hôn-phối mỗi khi cần có quyết-tâm.

Có lẽ, vấn-đề trên đã bộc-lộ động-lực tạo “kết-hợp sai qui-cách” có thể là việc coi thường Giáo-hội cùng các bí-tích mà Giáo-hội đề ra. Hoặc, để xác-tín rằng việc sống chung-thủy không là vấn-đề và tính thánh-thiêng của hôn-nhân nay đã là chuyện của quá-khứ.

Từ đó, ta kết-luận được rằng: những gì được bộc-lộ, là mô-hình hoặc hình-thức của tội lỗi. Trong trường-hợp này, Hội thánh cũng nên tự biện-hộ cách đúng-đắn về chuẩn-mực đề ra cho hôn-nhân như luật-định, với cái giá mà Giáo hội phải trả cho lập-trường khác biệt cũng biết sống lành thánh/hạnh đạo. Bởi thế nên, việc thích-nghi và chỉnh-sửa chuyện này, tức có đúng qui-cách hay không, cũng đưa đến động-thái không còn biết tin vào Giáo-hội nữa.

Có lẽ, các chuyện do người sống đời hôn-nhân sai qui-cách mà Giáo hội tạo thành luật vẫn có thể là sự thủy-chung đối với Chúa và là đáp-ứng lại ân-huệ lành, ngay trong hoàn-cảnh khó khăn này khác.

Thế nên, cũng có thể Chúa mặc-khải cho Giáo Hội biết nhu-cầu phải nhận ra và ứng-đáp công việc của Chúa trong cuộc sống bằng vào động-thái cho phép các người phối-ngẫu sống như thế được phép hiệp-thông san-sẻ các bí-tích của Giáo-hội.

Ngay Giáo-hội có thể cũng được mời xem xét lại một số điều-khoản “thể-chế hôn-phối” dựng ra lâu nay, vì vẫn chưa làm hài-lòng được nhiều người, hầu củng-cố và đáp-ứng với công-việc của Chúa như từng diễn-lộ nơi đời sống của những người được ơn lành Chúa ban. Trong trường-hợp này, đổi-thay sẽ là cung-cách để Giáo-hội chứng-tỏ mình cũng vâng lời bằng niềm tin ngoan-cường”. (xem thêm Luke Timothy Johnson, Sex, Marriage and the Church, The Corpus Blog, 2011-2012)

Thế mới biết, hễ nói chuyện sống đời hôn-nhân theo qui-cách rất qui-củ ở nhà Đạo, đều không là chuyện dễ nói, dễ làm. Chả thế mà, Đức Giáo Tông nhà mình đã cùng với Hội thánh chuẩn bị rất nhiều tháng, để sẽ có một hoặc hai buổi họp gọi là “Thượng Hội Đồng Giám Mục ở  Rôma” vào những tháng sắp tới, trong năm 2014 và 2015 này.

Thế mới biết, cứ ới gọi nhau qua câu hát “Mình ơi là mình” cũng không dễ, như các câu:

“Đôi chim gẫy cánh giữa đường,

Từ nay là chăn gối ngậm ngùi

Là ngùi tiếc thương.

Hò là hò ơi ới hò,

Mình đi mô mà mình đi miết rứa không về

Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm

Rứa em chẳng có ai nằm kề một bên.”

(Diệu Hương – bđd)

“Chim gẫy cánh giữa đường”, chăn gối ngậm ngùi”, “tiếc thương” cũng vẫn là những ý-tưởng và tư-tưởng về một thứ hạnh phúc nào đó trong sống đời chăn gối. Sống, với cả nhà Đạo định ra chuyện chăn gối với con dân mình, rất tận tình.

Tất cả vẫn cứ là những nhận-thức và lãnh-nhận ơn-huệ lành thánh Chúa tặng ban cho mọi người. Cả những người đã và đang hoặc cũng từng sống đời chăn gối theo qui-cách đạo-hạnh của nhà Đạo, lẫn người bình thường ở đời, rất khơi khơi.

Tất cả, chỉ là hành-trình kiếm tìm hạnh-phúc có bài-bản hay không, có nhờ vào sự dẫn-dắt của Hội-thánh hoặc cơ-quan, đoàn-thể nào đó ở đời, hay không.

Tất cả, sẽ qui vào và về một cung-cách kiếm tìm nào đó, giống như nhận-định sau đây:

“Nếu hạnh phúc là thứ tìm có thể thấy thì có lẽ con người chẳng phải nếm mùi khổ đau nhiều như vậy nhỉ.

Nếu hạnh phúc là thứ ẩn nấp để cùng con người tham gia trò trốn tìm thì cuộc sống này liệu có còn thời gian cho yêu thương?

Vì thế, hãy dừng cuộc tìm kiếm hạnh phúc ấy lại bởi nó không phải là đích đến mà nó là thứ luôn hiện hữu song hành bên ta, chỉ vì ta quá bận rộn với cuộc sống bộn bề mà ta quên mất nó đấy thôi.

Nếu đến đây mà bạn vẫn không thể tìm thấy hạnh phúc của mình ở nơi đâu thì tôi chỉ bạn nhé.

Hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn đấy.

Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người.

Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời, chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi “Vì sao tôi không thấy hạnh phúc“.

Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp, hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.

Hạnh phúc nằm ở sự tha thứ.

Chẳng có ai ôm trong lòng mối hận thù mà cảm thấy vui vẻ và thoải mái cả. Có thể, họ đã làm tổn thương bạn, họ đã phản bội lòng tin và hằn trong lòng bạn một vết thương sâu hoắm và nhức nhối nhưng hãy đặt tay lên ngực mình và dặn với chính mình “Cuộc đời này vốn không đủ dài để yêu thương thì tại sao lại phí hoài nó cho hận thù”.
Vì thế, bằng cách này hay cách khác, hãy quên đi những vết thương và quên đi người để lại vết thương ấy. Một khi bạn cho đi sự tha thứ thì cũng chính là cách bạn tự cho chính mình một món quà chứa đầy hạnh phúc và an nhiên.

Tôi không chắc chúng ta có thể lại tin, lại yêu người ấy như chưa có chuyện gì nhưng chỉ cần bản thân tha thứ được thì ta sẽ lại có thể mỉm cười khi giáp mặt nhau.

Như vậy, không phải sẽ tốt hơn sao.

Hạnh phúc nằm ở chữ Cho chứ không phải chữ Đòi.

Hãy cho đi những thứ bạn muốn nhận rồi cuộc đời sẽ trả lại cho bạn những điều mà bạn muốn, có thể nó không đến từ người bạn cần nhưng chắc chắn rằng trong dòng đời sau này, sẽ có người cho bạn lại những điều như thế.

Đừng đòi hỏi điều gì khi bản thân không làm được. Sự hụt hẫng khi điều mình muốn không được đáp lại rất dễ đẩy bạn vào hố sâu của thất vọng.

Vì thế, đừng tự giết cảm xúc của mình chỉ vì những đòi hỏi cho thỏa mãn cảm xúc của bản thân, hãy học cách cho đi thật nhiều, cuộc sống này, không để bạn chịu thiệt thòi đâu.

Hạnh phúc là khi bạn biết Đủ.

Nói theo kiểu dân gian là “cái gì quá cũng không tốt”.

Yêu thương quá sinh ra gò bó, quan tâm quá sẽ khiến mất tự do, ghen tuông quá cũng mất vị tình yêu và cái gì cũng thế, chạm đến chữ Đủ sẽ chạm được hạnh phúc tròn vị.

Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng đừng ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo, yêu thương vừa đủ, ấm áp vừa đủ, quan tâm vừa đủ và bên nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hon.

Và hạnh phúc chẳng nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong trái tim của chính ta, khi bản thân chông chênh mệt mỏi, hãy đặt tay lên tim và tự nỏi “Rồi mọi thứ sẽ ổn”.

Khi nỗi buồn xâm chiếm tâm trí và cô đơn thống trị lấn át hạnh phúc, hãy tìm một khoảng không gian riêng với những bản nhạc ta yêu, những món ăn ta thích và tự nói với lòng “Hết hôm nay thôi nhé, ngày mai ta sẽ lại mỉm cười”.
Đừng gắng gượng, hãy đối diện và tìm cách giải tỏa nỗi buồn và mang hạnh phúc quay về.
Hạnh phúc của ta nên tự ta xây lấy, đừng chạy theo người khác để thỏa mãn lòng họ và mang về thứ hạnh phúc ảo sẽ chết theo thời gian.”
(trích điện-thư bươm bướm trên mạng)

Điện-thư nhận-định như trên có thể là và vẫn là cung-cách sống của ai đó, có bài-bản hay không đó mới là vấn-đề. Và vấn-đề còn lại, vẫn xin dành cho bạn/cho tôi, là những người có quyết-định và quyết-tâm về đời mình. Cho chính mình.

Trần Ngọc Mười Hai

Và những đề-nghị cỏn con

Đề ra cho tôi và cho bạn

Để cho vui mà thôi.

Đức Phanxicô phong chân phúc cho 124 vị tử đạo Đại Hàn

Đức Phanxicô phong chân phúc cho 124 vị tử đạo Đại Hàn

Vũ Văn An

8/16/2014

Theo tin CNA, Đức Phanxicô, hôm nay, 16 tháng Tám, đã phong chân phúc cho các vị Tử Đạo Đại Hàn là Phaolô Yun Ji-chung và123 đồng bạn, ca ngợi các hy sinh vĩ đại của họ và lời kêu gọi “đặt Chúa Kitô lên trên hết” của họ.

Trong Thánh Lễ tại Cổng Gwanghwamun ở Hán Thành, trước hàng chục ngàn người, ngài nói rằng “Tất cả các vị đã sống và chết cho Chúa Kitô, và nay các vị đang trị vì với Người trong hân hoan và vinh quang. Chiến thắng của các vị tử đạo, chứng tá của các vị đối với sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, tiếp tục mang nhiều hoa trái hiện nay tại Đại Hàn, trong Giáo Hội từng nhận được sự lớn mạnh do chính các hy sinh của các vị”.

“Việc chúng ta cử hành Chân Phúc Phaolô và Các Bạn Tử Đạo đem lại cho chúng ta cơ hội trở về với những giờ phút đầu tiên, thời sơ sinh, có thể nói như thế, của Giáo Hội tại Đại Hàn. Nó mời gọi chúng ta, người Công Giáo Đại Hàn, nhớ tới các việc lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện tại đất nước này và trân qúi di sản đức tin và đức ái từng được các bậc cha ông ủy thác cho anh chị em”.

Kitô Giáo Đại Hàn có mặt từ thế kỷ 18, lúc các học giả Đại Hàn nghe biết sự phát triển đức tin tại Trung Hoa. Họ tới Trung Hoa để học hỏi Kitô Giáo nơi các nhà truyền giáo Dòng Tên. Rồi trở lại quê hương để giảng dạy đức tin, thu hút hàng ngàn tân tòng dù không có linh mục.

Các nhà cầm quyền Đại Hàn bắt đầu bách hại các Kitô hữu và ngăn cấm sách vở Công Giáo.

Phaolô Yun Ji-chung và Giacôbê Kwong Sang-yon, cả hai đều là người Công Giáo thuộc giai cấp quí tộc, bị chém đầu năm 1791 vì vi phạm lễ nghi Khổng Giáo. Việc xử trảm họ đánh dấu việc khởi đầu cuộc bách hại lớn hàng giáo dân Đại Hàn.

Chỉ có một linh mục duy nhất, xuất thân từ Trung Hoa, trong số 124 vị tử đạo được phong chân phúc hôm nay.

Lời tuyên bố chính thức của Đức Giáo Hoàng về việc phong chân phúc đã khiến công chúng hoan hô vang dội trong khi kèn đồng và trống phách trổi lên trong Công Trường Gwanghwamun. Những màn ảnh truyền hình khổng lồ dựng hai bên bàn thờ chiếu hình ảnh các vị tử đạo.

Bài giảng của Đức Phanxicô nói rằng nguồn gốc Kitô Giáo Đại Hàn chứng tỏ “tầm quan trọng, phẩm giá và vẻ đẹp” của ơn gọi làm người Công Giáo giáo dân.

Ngài nói: “Trong ơn quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, đức tin Kitô Giáo đã được mang tới các bờ biển Đại Hàn không qua các nhà truyền giáo; đúng hơn, nó đi thẳng vào tâm trí người dân Đại Hàn. Nó được dẫn khởi từ sự tò mò trí thức, muốn đi tìm sự thật tôn giáo. Nhờ gặp gỡ sơ khởi với Tin Mừng, các Kitô hữu Đại Hàn tiên khởi đã mở tâm trí mình cho Chúa Giêsu. Họ muốn hiểu biết nhiều hơn về Chúa Kitô, Đấng chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại từ cõi chết”.

Các vị tử đạo Đại Hàn đã được thừa nhận là Thánh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho 103 vị tử đạo Đại Hàn vào ngày 6 tháng Năm năm 1984 trong một cuộc viếng thăm Nam Hàn.

Trong bài giảng của ngài, Đức GH Phanxicô khẩn cầu các vị thánh này, Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo, cùng với các vị mới được phong chân phúc.

Ngài nói “Tất cả các vị đã sống và đã chết cho Chúa Kitô, và giờ đây, các vị đang hiển trị với Người trong hân hoan và vinh quang”.

Đức Giáo Hoàng thảo luận bài đọc Tin Mừng trích từ chương 17 Tin Mừng theo Thánh Gioan và sự liên quan của nó đối với các vị vừa được phong chân phúc.

Ngài cho hay: “…Điều có ý nghĩa là khi Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha thánh hiến và che chở chúng ta, Người không xin Chúa Cha lấy chúng ta ra khỏi thế gian này. Chúng ta biết rằng Người sai các môn đệ ra đi làm men thánh thiện và sự thật trong thế gian: làm muối đất, làm ánh sáng thế gian. Về điều này, các vị tử đạo chỉ đường cho ta”.

Các vị tử đạo Đại Hàn “đã phải chọn giữa việc theo chân Chúa Giêsu hay theo thế gian. Họ biết cái giá của việc làm môn đệ. Họ sẵn sàng thực hiện những hy sinh lớn lao và tự để mình bị tước đoạt bất cứ những gì tách biệt họ khỏi Chúa Kitô: của cải, đất đai, danh tiếng và vinh dự, vì họ biết rằng chỉ một mình Chúa Kitô mới là trân châu ngọc qúi thực sự của họ”.

Đức GH lưu ý sự cám dỗ “muốn thỏa hiệp đức tin, muốn hạ thấp các đòi hỏi triệt để của Tin Mừng và sống theo tinh thần thời đại. Ấy thế nhưng các vị tử đạo kêu gọi chúng ta đặt Chúa Giêsu lên trên hết và nhìn mọi sự khác trên thế gian này trong tương quan với Người và vương quốc đời đời của Người. Các vị thách thức chúng ta suy nghĩ về điều ta sẵn sàng chết cho”.

Đức Phanxicô kết thúc bài giảng của ngài bằng một lời cầu nguyện: “Ước chi lời cầu nguyện của mọi vị tử đạo Đại Hàn, kết hợp với lời cầu nguyện của Đức Mẹ, Mẹ Giáo Hội, giúp chúng ta nhận được ơn kiên nhẫn trong đức tin và trong mọi việc lành phúc đức, ơn thánh thiện và trong sạch tâm hồn, và lòng nhiệt thành tông đồ trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu trên quê hương yêu quí này, trên khắp Á Châu, và cho tới tận cùng trái đất”.

Xin xem thêm:

Đức Giáo hoàng phong chân phước cho 124 vị tử đạo Triều Tiên (RFI)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành thánh lễ phong chân phước trước cung của triều vua Chosun - REUTERS /Ahn Young-joon

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành thánh lễ phong chân phước trước cung của triều vua Chosun – REUTERS /Ahn Young-joon

Thảm họa đe dọa hàng không Việt Nam

Thảm họa đe dọa hàng không Việt Nam
August 15, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) – Hai phi cơ của Việt Nam lại vừa suýt đâm vào nhau khi đang bay trên Sài Gòn. Ðó là sự kiện mới nhất khiến người ta e ngại về an toàn hàng không tại Việt Nam.


Cả phi công lẫn kiểm soát viên không lưu tại Việt Nam liên tục phạm những sai lầm khó tưởng tượng. (Hình: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Cục Hàng Không Việt Nam vừa loan báo đã thu hồi bằng lái vô thời hạn đối với hai phi công điều khiển chuyến bay HVN 1203 của hãng quốc doanh Vietnam Airlines hôm 7 tháng 8, 2014. Lý do là vì cả hai đã không tuân lệnh của kiểm soát không lưu khiến phi cơ do họ lái suýt đâm vào một phi cơ của hãng hàng không VietJet.

Ngày 7 tháng 8, 2014, chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines bay từ Hà Nội vào Cần Thơ. Khi bay ngang khu vực thông báo bay Sài Gòn, kiểm soát không lưu ra lệnh cho phi công điều khiển chuyến bay này giảm độ cao xuống 32,000 feet để tránh một phi cơ đang bay ngược chiều.

Thay vì phải thực hiện ngay lệnh vừa kể thì phi công điều khiển chuyến bay của HVN 1203 của Vietnam Airlines cho phi cơ chuyển sang chế độ “giảm độ cao không xác định.” Do đó, độ cao của chiếc phi cơ thực hiện chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines hạ xuống độ cao 30,000 feet, cắt ngang đường bay của một phi cơ thuộc hãng VietJet.

May mắn là hệ thống cảnh báo va chạm của cả hai phi cơ cùng tự động kích hoạt và đưa ra các khuyến cáo để cả hai phi cơ tránh va vào nhau nên thảm họa không xảy ra.

Sau khi điều tra, Cục Hàng Không Việt Nam xác định, hai phi công điều khiển chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines đã “nhầm lẫn” khi sử dụng đồng hồ giảm độ cao. Sự “nhầm lẫn” này vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các máy bay, uy hiếp cao về an toàn bay.

Cả hai bị thu hồi bằng lái vô thời hạn song được hứa hẹn là nếu được huấn luyện lại, hội đủ điều kiện thì sẽ được cấp lại bằng lái. Ðáng chú ý là Cục Hàng Không Việt Nam không cung cấp tên hai phi công, đồng thời yêu cầu thanh tra hàng không xử phạt hành chính hai phi công này (?).

Trước sự kiện vừa kể chỉ hai ngày, vào hôm 5 tháng 8, 2014 từng xảy ra chuyện phi công điều khiển một phi cơ cũng của Vietnam Airlines vi phạm độ cao an toàn tối thiểu khi tiếp cận để hạ cánh tại phi trường Ðà Nẵng.

Tháng trước, vào ngày 27 tháng 7, 2014, một phi công điều khiển một phi cơ của hãng Jetstar Pacific đã không lấy độ cao đúng huấn lệnh của kiểm soát không lưu. Trước nữa một tuần, hôm 20 tháng 7, 2014, một phi công điều khiển một phi cơ của Vietnam Airlines cho phi cơ vào nhầm phi đạo.

Theo một thống kê của Cục Hàng Không Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đã xảy ra 173 sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm 2013.

Chẳng riêng phi công mà ngay cả lực lượng kiểm soát không lưu của Việt Nam cũng phạm vô số sai lầm, đe dọa an toàn hàng không. Chỉ trong vòng một tháng, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, 2014, hệ thống kiểm soát không lưu của Việt Nam phạm ba lỗi không thể tưởng tượng.

Hôm 23 tháng 7, một phi cơ của hãng Jetstar Pacific đã phải lượn hai vòng trên phi trường Vinh vì phi công bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu của phi trường này. Sau đó, Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, sở dĩ liên lạc giữa phi công với đài kiểm soát không lưu của phi trường Vinh bị gián đoạn là do Kiểm soát viên không lưu… bấm nhầm nút tắt liên lạc với phi cơ.

Vào ngày 27 tháng 6, trong khi một phi cơ của Vietnam Airlines vừa hạ cánh xuống phi trường Ðà Nẵng và đang chạy từ phi đạo vào bãi đậu thì một kiểm soát viên không lưu của phi trường này ra lệnh cho một phi cơ khác của Jetstar Pacific cất cánh ngay trên phi đạo đó. Trong vòng 4 giây, các phi công của cả hai phi cơ phát giác kiểm soát viên không lưu nhầm lẫn và báo lại cho đài kiểm soát không lưu Ðà Nẵng, yêu cầu hủy lệnh cất cánh. Nhờ vậy tai nạn thảm khốc do hai phi cơ đâm vào nhau ngay trên phi đạo đã không xảy ra.

Trước nữa vào ngày 19 tháng 6, khoảng 200 hành khách của hãng hàng không có tên VietJet Air, lên phi cơ ở Hà Nội để đi Ðà Lạt đã được chở đến Nha Trang. Còn 200 hành khách lẽ ra phải lên phi cơ để đến Nha Trang thì vẫn phải ngồi chờ ở Hà Nội.

Theo một vài tờ báo tại Việt Nam, những trục trặc đe dọa an toàn hàng không xảy ra thường xuyên nhưng thường xuyên bị ém nhẹm. Gần đây, Cục Hàng Không Việt Nam mới bạch hóa. Tuy nhiên nỗ lực minh bạch trong thông tin về những trục trặc liên quan tới an toàn hàng không được nhận định, không phải vì thiện chí mà để né tránh trách nhiệm do bưng bít thông tin, bởi tính chất, mức độ của các trục trặc càng ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng, thảm họa hàng không có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tại Việt Nam, hàng không là một lĩnh vực mà công việc ổn định, lương cao, nhiều cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Cách nay một vài thập niên, người ta chỉ chi tiền để được nhận vào các khóa đào tạo tiếp viên của trường hàng không. Gần đây, chạy chọt đã trở thành chuyện phổ biến để được nhận vào các khóa đào tạo những loại việc khác trong trường này, kể cả đào tạo phi công và kiểm soát viên không lưu – những công việc đòi hỏi phải có thể lực và tư chất phù hợp.

Có vẻ như hậu quả của việc nhận hối lộ để tuyển chọn, đào tạo những nghề vốn rất đặc biệt, bởi liên quan đến sinh mạng hàng trăm người đang bộc lộ càng ngày càng rõ. (G.Ð)

Thoát văn hóa Trung Quốc dễ hay khó?

Thoát văn hóa Trung Quốc dễ hay khó?

Mặc Lâm, BTV RFA
2014-08-15

image-600.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự một cuộc họp của thanh niên Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội hôm 22/12/2011.

AFP photo

Trong những lúc gần đây nhân sĩ trí thức Việt Nam đang cố vươn tới điều mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm cách nay nhiều thập niên đó là nỗ lực thoát ra khỏi ảnh hưởng văn hóa lâu đời của Trung Quốc. Liệu đây là nỗ lực có tỷ lệ thành công ra sao và vai trò nhà nước trong vận động này là gì?

Khi nói về văn hóa không những chỉ có yếu tố tích cực mà còn những tiêu cực, do hoàn cảnh lịch sử khiến cả một dân tộc trong nhiều thế kỷ phải theo đuổi một cách mù quáng đôi khi miễn cưỡng một triết thuyết do tập đoàn cầm quyền hay chế độ phong kiến muốn áp đặt cho dễ dàng trong việc cai trị.

Lệ thuộc văn hóa Trung Quốc đến từ đâu?

Văn hóa Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam đã hơn 1.000 năm, tại sao giờ này mới nảy sinh ý định thoát ra khỏi nó và hoàn cảnh Việt Nam hiện nay liệu có khác gì với Nhật Bản và Hàn Quốc hay không?

Ngoài nguyên nhân văn hóa, hệ thống chính trị của Trung Quốc đã làm cho Việt Nam không thể độc lập tự chủ, ít nhất trong các quyết sách chính trị mà lý tưởng cộng sản là kim chỉ nam cho mọi đường lối. Nguyên nhân ấy ăn sâu vào từng con người trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam khiến mọi nỗ lực thoát Trung gần như tuyệt vọng trong một giai đoạn kéo dài gần một thế kỷ.

Nhà văn Hoàng Hưng, một trong những người tổ chức buổi tọa đàm có tên “Thoát Trung về văn hóa” vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết quan điểm của ông:

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính người lãnh đạo đã đưa ra lý tưởng sống, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác Lê nin gì đó để truyền bá trong xã hội này và đến nay vẫn cứ kiên trì tuyền bá nó.
-Nhà văn Hoàng Hưng

“Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính người lãnh đạo đã đưa ra lý tưởng sống, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác Lê nin gì đó để truyền bá trong xã hội này và đến nay vẫn cứ kiên trì tuyền bá nó. Họ đưa vào điều lệ đảng, đưa vào hiến pháp các thứ.

Trong xã hội thì ai cũng biết rằng bản thân người lãnh đạo Việt Nam cũng như Trung Quốc đều đang tìm cách để thoát dần dần ra khỏi nó. Thí dụ như về kinh tế thì rõ ràng họ đã thoát ra và chấp nhận kinh tế thị trường chứ không còn chấp nhận cái đuôi Xã hội chủ nghĩa, cái cách mà nhà nước nắm quyền chi phối. Nếu mà nói đúng thì nó phải là một nền chuyên chính vô sản của công nhân, của nông dân. Thế nhưng ai cũng biết công nhân và nông dân hiện nay là tầng lớp khổ nhất trong xã hội. Đất đai không được ai bảo vệ, nghèo khổ bị đàn áp. Cái được gọi là chủ nghĩa Mác Lênin thực chất chỉ là cái vỏ đễ giữ lại nội dung chuyên chính độc tài toàn trị của một giới đặc quyền nắm quyền cai trị. Cái giả dối lớn nhất là giả dối về lý tưởng rao truyền trên xã hội. Những điều giả dối như vậy thì làm sao xã hội không giả dối theo trên tất cả mọi lãnh vực?”

Khổng giáo và ý thức nữ quyền

Nhà báo Lê Phú Khải nhìn nguyên nhân ở một góc độ khác: sự lệ thuộc Khổng Mạnh một cách mù quáng đã khiến xã hội Việt Nam rơi vào quỹ đạo mà vua quan phong kiến thiết lập ra cho dễ bề thao túng quyền con người, đặc biệt là ở người phụ nữ:

“Khổng giáo nó ngấm vào mạch máu, nó ngấm vào từng con người và người ta xem đó là chân lý. Chẳng hạn người ta nói người phụ nữ chồng chết thì phải theo con. Tại sao phải theo con mà không lấy chồng khác? Nhưng người phụ nữ Việt Nam lại xem đó là chân lý, là lẽ phải. Trinh tiết, tiết tháo, thủy chung với chồng. Những chân lý mà người ta tiếp thu giống như người khát nước mà lại uống thuốc độc để giải khát. Cái nguy hiểm của văn hóa Khổng Mạnh tức là anh khát nước mà lại uống thuốc độc để giải khát. Điều này nó ngấm vào tiềm thức của xã hội Việt Nam và rất khó cho phép con cãi lại cha. Cha có thể sai chứ? Cấp trên có thể sai chứ? Thứ văn hóa bầy đàn mà chúng ta không thể thoát ra vẫn đi theo con đường toàn trị. Cho nên cái gốc của nó là như thế.”

Giáo sư Ngô Đức Thọ, người nghiên cứu văn hóa Trung Quốc trong hàng chục năm trời cho biết kinh nghiệm của ông về nguyên nhân chính khiến Việt Nam lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc là do nhà cầm quyền cố ý tránh né sự thật lịch sử Việt Nam bị nô lệ hàng ngàn năm từ cái gọi là giao lưu văn hóa hai nước:

035_pau501998_05-305.jpg

Một chi nhánh của Viện Khổng tử Trung Quốc quảng bá văn hóa tại thành phố Blagoveshchensk, Nga hôm 22/5/2011.

“Ba cuộc chiến tranh dẫn đến thời kỳ Bắc thuộc thì mọi người Việt Nam học lịch sử đều thuộc cả, ta gọi là ba lần Bắc thuộc. Chính xác phải là 13 thế kỷ hơn 1.300 năm. Như vậy nó là một trang sử rất u tối của chúng ta. Nói đến 1.000 năm Bắc thuộc thì mọi người nói rất nhiều mà sử sách thì viết không biết được bao nhiêu phần trăm? Lướt qua một cách thoải mái.

Thực ra trong một nghìn năm đó lịch sử Việt Nam đau thương vô cùng mà lớp trẻ bây giờ không rõ. Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư của chính phủ Trần Trọng Kim thời trước khi chúng tôi còn đi học thì người ta vẽ một vài tấm tranh trong thời kỳ đó rất tang thương. Những ngôi mộ thời Đường như thế nào, cảnh hoang tàn của quân Nam Chiếu ở trên Vân Nam nó tàn sát như thế nào. Thế hệ bây giờ thì không có nữa, rõ ràng là rất thiếu. Cứ nghiên cứu trên quan niệm là giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nên mới có chuyện người Việt học chữ Hán…

Rất nhiều lĩnh vực của xã hội đen tối dưới thời Bắc thuộc, tội ác của những thái thú đối với người dân Việt Nam thế nào trong suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc đấy tàn sát bao nhiêu vụ? bóc lột thu thuế má vượt sản như thế nào, bắt quân dịch các đợt như thế nào …nhưng lịch sử chính thức của nước ta bây giờ hỏi số liệu đó thì hoàn toàn không có, không một trang nào viết cả, đó là một thiếu sót rất lớn.”

Nô bộc chính trị

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khẳng định tính chất nô bộc chính trị của lãnh tụ đã biến Việt Nam thành một nước lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Sự coi thường văn hóa nước nhà đã gây ra hậu quả ngày nay:

“Có một thời gian dài mình đã gửi cái hồn phách cho Tàu còn cụ Hồ thì nói là gửi hồn sang Mạc Tư Khoa thì đều không đúng. Vấn đề là phải gửi gấm cái hồn dân tộc vào văn hóa của mình vào lòng người, vào văn hóa. Đấy là những cái mà chúng tôi muốn nói đến. Hai nữa văn hóa nó phải bồi đắp cho một sức sống mới của một dân tộc cho nên vấn đề quốc văn quốc sử phải xem xét lại. Vấn đề quốc sử chẳng hạn: hiện nay có một điều là giới sử học, chính trị thì đã đành rồi, nhưng giới sử học ngay vấn đề lịch sử ¼ thế kỷ của Việt Nam Cộng Hòa chả ai nghiên cứu cả mặc dù nó là một thực thể lịch sử, nó có cái hay, cái dở, cái đúng cái sai nhưng trong ¼ thế kỷ ấy không có nghiên cứu, tức là một khoảng trống của một nửa nước.

Và bây giờ rõ ràng về mặt chính trị người ta muốn thừa kế nó thì phải thừa nhận tính chính thống trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình nhưng các mặt khác thì mình có thừa kế không và làm sao bỏ nó đi được?”

Thói quen theo đuôi hữu nghị

Mình học nó quá nhiều, mình bắt chước nó quá nhiều! Mình bắt chước cả thói xấu như chợ luận án, thuê người viết luận văn, quan chức phải có bằng Ph.D, mua bán bằng cấp, mua bán chức danh giáo sư nữa … tất cả điều đó tôi qua Tàu và thấy hết, nhưng nó xảy ra trước mình!
-GS Nguyễn Văn Tuấn

Từ Úc châu, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết những quan sát của ông về thói bắt chước một cách mù quáng của lãnh đạo Việt Nam đã khiến đất nước này biến thành một phiên bản của Bắc Kinh từ ngôn ngữ hành chánh cho tới sinh hoạt khoa học và thậm chí trong cả lãnh vực quốc phòng, ông nói:

“Những motif về tham nhũng, phong trào các quan lớn có bồ nhí… tất cả đều xuất phát từ bên Tàu, Việt Nam chỉ rập khuôn theo Tàu mà thôi. Nếu xem lại các tàu kiểm ngư của Việt Nam mình thì sẽ thấy nó có màu trắng có vẽ mấy cái gạch xéo xéo xanh đỏ trên sườn tàu. Nếu nhìn những cái gạch đó của tàu cảnh sát biển Việt Nam và cảnh sát biển Trung Quốc thì giống y chang nhau! Hóa ra trước đó có mấy ông cảnh sát biển của Tàu nó qua giao lưu với Việt Nam và 4 tuần sau thì xảy ra xung đột.

Trong khoa học, khi qua thăm Trung Quốc trong mấy năm gần đây mình thấy Việt Nam quan tâm tới vấn đề như phòng thí nghiệm trọng điểm hay các chương trình có những con số như 322 này nọ… khi mình qua Tàu mình thấy cũng y như vậy. Nó cũng có chương trình trọng điểm, những chương trình khoa học 917 …như vậy thì mình học nó quá nhiều, mình bắt chước nó quá nhiều! Mình bắt chước cả thói xấu như chợ luận án, thuê người viết luận văn, quan chức phải có bằng Ph.D, mua bán bằng cấp, mua bán chức danh giáo sư nữa … tất cả điều đó tôi qua Tàu và thấy hết, nhưng nó xảy ra trước mình!”

000_Hkg9837260-305.jpg

Phó Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Thị Doan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải vào ngày 21 tháng 5 năm 2014 (hình ảnh minh họa).

Nguyên nhân dẫn đến sự lệ thuộc chính trị kéo theo sự bất động của cả nước trước sự xâm lấn văn hóa của phương Bắc ngày càng trầm trọng. Nỗ lực thoát ra khỏi những hệ lụy ấy đang là đầu đề của các buổi thảo luận căng thẳng đầy khó khăn.

Câu hỏi đặt ra trước mắt:

Thoát Trung, phải thoát điều gì?

Nhà văn Hoàng Hưng cho biết những suy nghĩ của ông trước câu hỏi hóc búa này:

“Khi ta bàn thoát Trung về Văn hóa là phải thoát cái gì. Tôi nghĩ rằng có một nét văn hóa tồi tệ vì giới cầm quyền Maoist của Trung Quốc đã xây dựng trên xã hội của họ và truyền sang xã hội Việt Nam do quan hệ được gọi là môi răng. Một nền văn hóa mà tôi đặt là “văn hóa giả dối”. Bây giờ nó đã thành một cái nạn rất là tệ hại, nghiêm trọng đối với toàn bộ đời sống tinh thần của tất cả các tầng lớp trong xã hội từ quan cho đến dân. Về lâu dài tôi cho nó là một tội ác. Nó phá hoại nền tảng tinh thần của Việt Nam rất là nguy hiểm. Tôi cho đó là một trong những tội ác lớn nhất của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao và nó gây hại cho dân tộc Việt Nam.”

Văn hóa quỳ lạy

Nền “văn hóa giả dối” ấy theo nhà báo Lê Phú Khải cần phải nâng lên một tầng nấc khác, đó là “văn hóa quỳ lạy” do Khổng Mạnh cấy vào xã hội Trung Hoa từ hàng ngàn năm về trước. Sự quỳ lạy mà cộng đồng ngấm ngầm chấp nhận và thực hiện như một ước mơ đã tạo ra hàng trăm thế hệ hư đốn mà không nhận ra sự nô dịch của mình. Văn hóa quỳ lạy ấy đã tràn sang Việt Nam và nở rộ như nấm dưới mưa trong thời đại cộng sản:

“Văn hóa nào thì nó chọn cái chính trị đó. Văn hóa Khổng Mạnh là văn hóa quỳ lạy tức là anh chí thú đi học để làm quan, để quỳ lạy trước nhà vua, để được hậu thưởng bổng lộc và chỉ có vua là đúng còn tất cả bàng dân đều là số không. Chỉ có anh ta đúng thôi. Ý vua là ý trời! Trong khi đúng vào cái thời kỳ đó thì ở phương Tây Aristos nói rằng có tranh luận, có đi tìm chân lý thì mới có chân lý.

Thoát Trung là thoát khỏi văn hóa Khổng Mạnh của Trung Quốc, ảnh hưởng giới trí thức Việt Nam. Căn bản nhất là phải thoát khỏi cái văn hóa chỉ có trên đúng còn dưới thì sai. Chỉ có vâng lời không có đối thoại. Tôi cho cái đó là quan trọng nhất.”

Chủ nghĩa cộng sản

Giáo Sư Ngô Đức Thọ trong khi công tác tại Viện Hán Nôm ngoài kinh nghiệm về lịch sử giữa hai nước, ông phân tích sự lệ thuộc một cách mù quáng của lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã bất cứ giá nào để đạt được mục đích ngay cả phải hy sinh con người trong những phong trào đấu tố diệt chủng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắm mắt theo lời Stalin để cải cách ruộng đất và từ đó đất nước thấm đẫm oan khiên. Lịch sử này nếu không thoát ra hôm nay liệu Việt Nam còn có cơ hội nào khác nữa?

“Về mặt tư tưởng ta phải thoát Trung. Thoát Trung là gì? Đó là thoát tư tưởng đấu tranh giai cấp, tư tưởng Mao Trạch Đông, những tư tưởng này rất ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta đã biết những tư tưởng này là cách mạng chuyên chính của Mao được các cán bộ tầm cỡ của ta mang về từ Diên An. Kể cả Đề cương Văn hóa của đồng chí Trường Chinh viết năm 1943 cũng đậm màu sắc Trung Quốc trong đó văn học đại chúng không khác gì các đề cương văn hóa của Trung Quốc ở Diên An cả. Cuộc nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Diên An  gần như được mô phỏng trong đề cương Văn hóa Việt Nam, tôi ví dụ như vậy.

Cái tư tưởng này là gì thì mọi người đều biết rồi. Tư tưởng của anh Tàu rất tai hại. Theo tôi nghiên cứu tài liệu thì trước đây chỉ có mỗi Tàu nhưng sau này đọc lại thì thấy cũng ảnh hưởng quốc tế cộng sản từ Nga. Vấn đề “Cải cách ruộng đất” không hẳn của Tàu, chính Stalin chỉ thị cho Chủ tịch Hồ Chí Minh về Việt Nam cải cách ruộng đất còn nếu không làm cải cách thì không công nhận đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên đảng cộng sản ra đời phải thực hiện cuộc cải cách ruộng đất này. Những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng rằng thời gian rồi nó sẽ qua, lấy thời gian làm vũ khí nhưng vũ khí thời gian không nghĩa gì cả bởi vì tai nạn này, kiếp nạn này là rất lớn.”

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh sự lệ thuộc về văn hóa từ mỗi cá nhân do tác động từ các việc làm của hệ thống chính trị. Cá nhân phải tự thân ý thức sự lệ thuộc văn hóa Trung Quốc của mình có hại cho quốc gia dân tộc như thế nào mới may ra cải đổi khuôn mặt văn hóa Tàu trong lòng từng người như hiện nay:

“Muốn hay không muốn thì văn hóa của Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tàu rất lâu. Một ngàn năm bị đô hộ, sống chung với họ thì rất là khó để mình gột rửa nét văn hóa của họ đặc biệt dưới sự cai trị khắc nghiệt như thế này thì nó lại càng khó hơn. Cả Việt Nam mình hiện nay nó như một phiên bản của Trung Quốc, rập khuôn Tàu trên tất cả mọi lãnh vực từ chính trị cho đến tổ chức xã hội, kinh tế, khoa học và khá là ngạc nhiên vì tôi mới phát hiện nhiều cái rập khuôn về khoa học nữa. Thậm chí có những cái tên nhiều khi mình không để ý. Những cái tên mình đang dùng hiện nay cũng là bắt chước, xuất phát từ Tàu.

Nếu muốn thoát Trung Quốc thì không phải chỉ thoát về hệ thống chính trị hay các thiết chế và tổ chức xã hội mà còn phải thoát từ trong tư tưởng của mỗi người, thậm chí thoát những cái bắt chước từ Trung Quốc. Tôi nghĩ nó không phải bắt đầu từ chính quyền mà bắt đầu từ mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân cần phải gột rửa những ý tưởng, những cách hành xử mà lâu nay mình tưởng là của truyền thống văn hóa Việt Nam nhưng là của Tàu.”

Nhà văn Thùy Linh, người luôn có mặt trong các cuộc biều tình chống Trung Quốc cho biết quan sát của bà về vấn đề này mà theo nhà văn chính Khổng giáo là nguyên nhân sâu xa nhất nhưng được nhà cầm quyền hiện nay muốn nó tồn tại để dễ dàng thao túng:

000_Hkg9637658-250.jpg

Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 24/03/2014. AFP PHOTO.

“Đời sống văn hóa Việt Nam sau năm 1945 đến giờ gần như đã bị chính trị hóa cho nên không còn đời sống văn hóa thật sự nguyên bản. Ngay cả tín ngưỡng dân gian cũng đã bị chính trị hóa. Đầu tiên người ta dẹp bỏ và cho đấy là mê tín dị đoan nhưng sau khi mở cửa thì tất cả những tín ngưỡng dân gian đều bị biến màu. Không có cái gì trong đời sống văn hóa mà không bị ảnh hưởng trong đời sống chính trị. Chính trị Việt Nam và Trung Quốc thời gian gần đây, cận hiện đại, hai nước có sự giao thoa ảnh hưởng rất sâu sắc, nhưng lui về trước nữa thì đạo Khổng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội Việt Nam.

Chính Khổng giáo làm méo mó nhân cách, méo mó tất cả đời sống tự nhiên của con người và Việt Nam bị ảnh hưởng trong cái vòng ảnh hưởng đó. Sau khi chủ nghĩa cộng sản nắm quyền thì đạo Khổng rất có lợi cho sự tồn tại của họ. Mới đầu thì họ chống ở một chừng mực nào đó nhưng thật ra họ bị ảnh hưởng của Khổng giáo mà chính họ không biết bởi vì nó ăn vào trong máu. Hiện tại Khổng giáo đang làm cho chính quyền hưởng lợi chính vì vậy việc thoát Trung tại Việt Nam hết sức cam go.”

Câu hỏi đặt ra, nếu sự lệ thuộc văn hóa Trung Quốc sẽ làm đất nước trì trệ, lạc hậu và không có cơ hội phát triển như các nước lân cận liệu chính quyển có đủ can đảm từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa nay đã mịt mùng cộng với sự mê đắm vào Khổng giáo làm mê muội trí thức hầu củng cố quyền lực của mình hay không?

Nhật hay Hàn, bài học nào cho Việt Nam?

Nếu cho rằng thoát Trung là một ý tưởng hoàn toàn không thể thực hiện được người lạc quan có ngay một motif để chứng minh ngược lại, đó là sự thành công của hai nước lân cận với Trung Hoa là Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ không những đã thoát được vòng kểm tỏa của văn hóa Khổng Mạnh mà còn vượt ra khỏi hủ lậu của cả Châu Á nữa là đằng khác.

Nhật Bản có lẽ là nước sâu sát với Trung Quốc hơn ai hết nhưng sau thế chiến thứ II nước này ý thức được muốn đứng lên bằng đôi chân của mình phải chịu đau đớn rời bỏ hai thanh nạng mà Trung Quốc ép vào tay trong suốt hàng ngàn năm qua chủ thuyết Khổng Mạnh mà nói theo nhà báo Lê Phú Khải là văn hóa quỳ lạy.

Tinh thần Samurai không cho phép người Nhật quỳ lạy dù bất cứ trước thần tượng nào để đổi lấy miếng đỉnh chung như triết lý Khổng Mạnh của người Trung Quốc. Thiêng Hoàng của Nhật được thần dân kính trọng và tôn sùng như thần thánh vì là hiện thân của con cháu Thái Dương Thần Nữ trong phạm trù tín ngưỡng và sự tôn sùng ấy vẫn được gìn giữ cho tới ngày nay.

Ngược lại, Nhật Hoàng luôn tỏ ra là một minh quân hết lòng chăm lo cho dân chúng đã khiến niềm tin của người dân thêm được củng cố. Khổng Mạnh không chiếm giữ được văn hóa Nhật Bản mặc dù chủ nghĩa này được du nhập rất sớm vào xứ sở Phù tang.

Việc du nhập văn hóa văn minh phương Tây và chủ trương các trường quốc học Kokugaku là nỗ lực thành công thoát ra khỏi quỹ đạo văn hóa Trung Quốc vào cuối thế kỷ 17 đã mang Nhật đến gần hơn niềm mơ ước tự lực tự cường.

Nam Bắc Triều và Hà Nội- Sài Gòn

Hàn Quốc gần với tình trạng Việt Nam hơn nhưng họ vượt qua được cũng từ ý chí muốn đất nước thoát ra nghèo đói và nhục nhã.

Thoát Trung nảy sinh trong lòng người dân Hàn Quốc phát sinh từ sự phân ranh Nam Bắc mà phía bên kia là Trung Quốc, một thế lực lớn lao công khai ủng hộ, giúp đỡ cho Bình Nhưỡng chống lại Seoul. Hoàn cảnh lịch sử này ngược lại với Việt Nam khiến người dân và chính phủ Hàn Quốc ý thức rõ rằng, thoát nền văn hóa Trung Quốc là tiền đề cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Lý do thứ hai làm cho thoát Trung thành một sự hiển nhiên là sự vận động dân chủ của Hàn Quốc đã tới mức cao nhất có thể. Một đất nước có dân chủ thật sự sẽ không thể chịu nổi bản chất độc tài đảng trị mà thể chế cộng sản theo đuổi. Không ai bỏ căn nhà tiện nghi của mình để chấp nhận vào hang động trú thân nhằm tìm cho ra chủ nghĩa xã hội là gì như Việt Nam đang lần mò trên con đường vạn dặm.

Nhà văn Thùy Linh tự hỏi không biết Việt Nam rồi đây sẽ làm gì và bằng cách nào có thể theo chân hai nước đồng văn đồng chủng với Trung Quốc này:

“Nhật hay Hàn quốc họ cũng bị ảnh hưởng của Khổng giáo nhưng tại sao họ thoát được? Họ phải xây dựng một nền văn hóa thoát được Khổng giáo, họ xây dựng được một bản sắc rất độc đáo vậy thì tại sao chúng ta không làm được điều đó? Gần đây chúng ta mới đặt ra việc thoát Trung, chặng đường ấy tôi nghĩ rất dài nhưng chúng ta phải làm. Việt Nam bị ảnh hưởng Trung Quốc gần như một số phận khiến chúng ta phải ở cạnh một đất nước như thế nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể thoát nỗi sự ảnh hưởng của gã khổng lồ đó. Muốn phát triển phải có con đường đi riêng giống như Hàn Quốc hay Nhật.”

Hãy giải phóng chính mình

Nhà báo Lê Phú Khải cổ vũ cho một tư duy độc lập trước khi có được một thái độ độc lập đối với sự cai trị nếu muốn thoát Trung như Nhật và Hàn Quốc đã làm:

“Như Nhật Bản, Hàn Quốc chẳng hạn họ còn muốn thoát Á nữa. Nó đã dân chủ, văn minh rồi tại sao vẫn muốn thoát Á? Bởi vì nó muốn thoát hẳn cái văn hóa Khổng Tử, cái văn hóa không có tranh luận, văn hóa bầy đàn mà họ muốn phải giải phóng cá nhân. Giải phóng cá nhân rất quan trọng. Mỗi một con người đều là một tiềm năng nếu giải phóng được thì giống như phản ứng hạt nhân còn không có nó thì không có sức mạnh của cả dân tộc. Con số 1 đứng trước 6 con số 0 thì thành hàng triệu nhưng nếu mất con số 1 rồi thì 6 số không kia cũng vô nghĩa. Nhưng nếu con số 0 ấy là số 1 thì nó không cần ai chăn dắt cả.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khẳng định một chính sách đứng đắn của nhà nước tạm gọi là “quốc chính” phải được đặt ra nếu muốn thoát Trung. Tấm gương của Hàn Quốc rất rõ trong trường hợp này, ông cho biết:

“Quốc chính” là một nền chính trị để nó cầm nhịp cho bước phát triển mới tiến bộ nhân văn…thế nhưng hiện nay nền quốc chính của ta có nhiều điều rất lạc hậu. Một đội ngũ công chức đáng lẽ là lực lượng cầm nhịp cho sự phát triển xã hội thì tham nhũng là chính, hành dân là chính, làm sao mà đưa dân tộc phát triển được, đấy là các vấn đề phải đặt ra. Khi nói văn hóa mà quên đi vấn đề làm sao đưa giá trị văn hóa để cho nền chính trị của đất nước nó tử tế hơn lên, làm thăng hoa giá trị con người. Nhân văn, nhân ái, tình thương, dân chủ, tôn trọng con người….những vấn đề ấy văn hóa phải đóng góp và sửa đổi sớm những lệch lạc của cái được gọi là nền quốc chính, tức là nền chính trị của đất nước.”

Những ý kiến tư duy cũng như trăn trở cho một tương lai đất nước vẫn đang được nhiều người, nhiều giới hưởng ứng, đồng tình. Tuy nhiên nếu mọi cố gắng thoát văn hóa Trung Quốc này không được nhà nước quan tâm kể như 3 phần 4 câu chuyện sẽ không có hồi kết thúc.

‘Mỹ có thể giúp hải quân VN’

‘Mỹ có thể giúp hải quân VN’

Thứ bảy, 16 tháng 8, 2014

Đại tướng Mỹ Martin Dempsey và Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đại tướng Mỹ Martin Dempsey nói Mỹ có thể giúp tăng cường năng lực hải quân Việt Nam nếu lệnh cấm vũ khí được xóa bỏ.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là quan chức quân đội cao cấp nhất của Mỹ thăm Việt Nam từ nhiều thập niên.

Ông tiết lộ “trong tương lai gần” Mỹ sẽ có một thảo luận về việc dỡ bỏ hay không lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vì lo ngại nhân quyền.

Phát biểu tại TP. HCM trong chuyến thăm bốn ngày, Đại tướng Dempsey nhấn mạnh “lĩnh vực hàng hải là quan tâm chung lớn nhất hiện nay”.

Ông nói trong các cuộc gặp, ông không yêu cầu Việt Nam “chọn làm bạn của Mỹ hay Trung Quốc”.

“Chúng tôi nói rõ rằng Mỹ không về phía ai trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng rất quan tâm về cách giải quyết.”

Đại tướng Mỹ nói “thật không may” khi Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc tạm ngừng các hành động khiêu khích trên biển.

‘Xây dựng niềm tin’

Bản tin trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ nói “xây dựng niềm tin” là chủ đề của chuyến thăm Việt Nam.

Phía Mỹ cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ năm 1971.

Giới chức Mỹ nói chuyến thăm của ông Dempsey là “tín hiệu gửi khu vực rằng Mỹ nghiêm túc về việc tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, trang web chính phủ Việt Nam đưa tin ông Dempsey nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng nhiều người tại Mỹ ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí.

“Hiện số lượng những người trong chính phủ, quốc hội, giới ngoại giao và quân đội ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ngày càng lớn,” phía Việt Nam dẫn lời tướng Mỹ.

Tàu cá Lý Sơn bị ‘tàu TQ tấn công’

Tàu cá Lý Sơn bị ‘tàu TQ tấn công’

Thứ bảy, 16 tháng 8, 2014

Tàu cá của thuyền trưởng Trần Hiền tại cảng Lý Sơn tối 15/8

Truyền thông Việt Nam cáo buộc Trung Quốc ‘đập phá, cướp tài sản’ một tàu cá thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi tàu này đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Báo Người Lao Động đưa tin ông Trần Hiền trình báo với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi hôm 15/8 rằng tàu của ông “bị những người trên tàu Trung Quốc đập phá, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa”.

Ông nói ngày 14/8, một tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện khi tàu ông đang thả lưới ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông, phía Trung Quốc đã thả xuồng số hiệu 2002 cùng 12 người “dùng dùi cui, búa dồn ngư dân về phía mũi rồi đập phá cabin, thuyền thúng, cắt dây hơi”.

Ông Trần Hiền trình báo rằng thiệt hại lên tới 200 triệu đồng.

Trả lời BBC ngày 16/8, ông Trần Bút, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nói đã xảy ra vụ việc, nhưng cho biết tọa độ nơi xảy ra vụ tấn công “đang được làm rõ”.

“Tàu chỉ vừa mới về đến bờ vào lúc 9h tối ngày 15/8, chúng tôi đang thống kê thiệt hại và xác minh vụ việc,” ông nói.

“Điều kiện sức khỏe của các ngư dân vẫn ổn, riêng thuyền trưởng thì bị thương do kính vỡ đâm vào tay.”

Trong khi đó trang VTC News dẫn lời ngư dân Nguyễn Văn Hùng, một thuyền viên trên tàu: “Sau khi nhảy lên tàu cá, họ bắt chúng tôi giơ tay sau gáy, rồi tiến hành phá phách, vừa đập phá họ vừa sử dụng búa và dùi cui đe dọa, anh em trên tàu ai cũng hoảng hồn bởi sự hung hăng thô bạo của họ.”

Hồi cuối tháng Sáu, phía Trung Quốc cũng đã bắt giữ hai tàu cá từ Quảng Trị và Quảng Ngãi với cáo buộc các tàu này đã “phạm pháp”, khi khai thác cách lãnh hải Trung Quốc bảy hải l‎ý phía nam thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.

Cùng thời gian này, Cục kiểm ngư Việt Nam thông báo đã có 27 tàu kiểm ngư của Việt Nam bị Trung Quốc đâm hỏng, khiến 15 kiểm ngư viên bị thương trong các vụ đụng độ xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 suốt hơn hai tháng.

Hôm 26/5, phía Việt Nam cáo buộc tàu kiểm ngư Trung Quốc đã cố ý đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng gần khu vực đặt giàn khoan.