‘Tôi sẽ tiếp tục con đường mình đã chọn’

‘Tôi sẽ tiếp tục con đường mình đã chọn’

Thứ ba, 1 tháng 7, 2014

BBC


 

Bà Hạnh được trả tự do hôm 26/6

Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh khẳng định sẽ tiếp tục con đường đấu tranh của mình, trong lúc Ân xá Quốc tế gọi quyết định trả tự do cho bà là một ‘bước đi tích cực’.

Bà Hạnh bị tuyên án 7 năm tù hồi năm 2010 vì hành vi “xúi giục” công nhân một nhà máy giày ở Trà Vinh đình công.

Bà được trả tự do hôm 26/6 sau khi nhận quyết định ‘đặc xá’.

Trả lời BBC ngày 1/7, bà Hạnh khẳng định đã được phóng thích ‘vô điều kiện’.

“Giấy xác nhận đặc xá không nêu lý do vì sao tôi được trả tự do,” bà cho biết.

“Họ nói là không hề có điều kiện nào cả”.

Khi được hỏi về điều kiện giam giữ, bà cho biết những năm qua đã bị một số trại giam “đánh đập, sử dụng bạo lực”.

“Nhà tù cộng sản Việt Nam vô cùng mất nhân đạo, đặc biệt là đối với những tù nhân chính trị, và tôi chỉ là một trong những người bị đối xử tàn bạo như vậy,” bà nói.

‘Không dừng lại’

Bà Hạnh, sinh năm 1985, bị bắt giữ hồi đầu năm 2010 cùng với hai người khác là các ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Cả ba bị cáo buộc “xúi giục” công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công.

Tòa sơ thẩm ngày 26/10/2010 tuyên án ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Đoàn Huy Chương 7 năm tù giam vì tội ‘Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.

Tòa phúc thẩm tỉnh Trà Vinh sau đó quyết định y án đối với cả ba nhà hoạt động trong phiên tòa ngày 18/03.

“Thực sự tôi cảm thấy rất lo lắng cho cả hai anh”, bà Hạnh nói.

“Tuy nhiên, việc được trả tự do cũng nhóm lên cho tôi hy vọng rằng các anh sẽ sớm được chính phủ xem xét để trao trả tự do. Không những hai anh mà còn các tù nhân chính trị khác nữa.”

Bà cũng khẳng định những năm ở trong tù không làm bà thay đổi con đường mình đã chọn.

“Trước khi tôi được biết mình đặc xá, có hai người giấu tên của Bộ Công an xuống trại giam gặp tôi và đe dọa ‘nếu tiếp tục con đường này thì biết hậu quả xảy ra sẽ thế nào rồi đấy’.”

“Những tôi không bao giờ dừng lại trên con đường mình đã chọn. Vì nó đã ăn sâu vào trong máu, trong tim tôi.”

“Tuy nhiên, tôi cần có thời gian để thu thập, học hỏi những thông tin đã bỏ lỡ trong thời gian bị cầm tù để có định hướng chính xác nhất cho con đường của mình, nhằm góp phần xây dựng quê hương đất nước.”

‘Bước đi tích cực’

Nhiều nhà hoạt động vẫn đang bị giam giữ tại Việt Nam

Trong một tuyên bố ngày 30/6, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế gọi quyết định trả tự do cho bà Hạnh là một ‘bước đi tích cực’.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam cần “tiếp tục trả tự do cho nhiều nhà hoạt động ôn hòa khác đang bi giam giữ”.

“Chúng tôi tất nhiên là phấn khởi trước việc trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh. Tuy nhiên việc bắt giữ bà lẽ ra không nên có ngay từ đầu,” ông Rupert Abbott, Phó giám đốc của Ân xá Quốc tế tại châu Á Thái Bình Dương nói.

“Thật quái gở khi một người bị tuyên án 7 năm tù vì rải truyền tờ rơi. Đó là một minh chứng đáng buồn về hành động đàn áp tiếng nói bất đồng đã có từ lâu nay của chính quyền Việt Nam.”

“Nhà cầm quyền cần tiếp tục trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ chỉ vì đã thực thi quyền con người của mình một cách ôn hòa.”

Ông Abbott cũng kêu gọi Hà Nội “hủy bỏ những đạo luật hà khắc mà họ đang sử dụng để trừng phạt những tiếng nói bất đồng ôn hòa”.

“Chỉ sau khi chính quyền trả tự do cho những người mà họ đã cầm tù chỉ vì cất lên tiếng nói riêng, đất nước này mới có thể bắt đầu gỡ bỏ những tai tiếng của một trong những quốc gia đàn áp quyền tự do biểu đạt tồi tệ nhất Đông Nam Á,” tuyên bố của Ân xá Quốc tế nói.

 

Kế hoạch xâm lấn Việt Nam theo kiểu “tằm ăn dâu” của Trung cộng, và sự tiếp tay đồng lõa của CSVN

Kế hoạch xâm lấn Việt Nam theo kiểu “tằm ăn dâu” của Trung cộng, và sự tiếp tay đồng lõa của CSVN

Chuacuuthe.com

VRNs (01.07.2014) – Texas, USA – Trước việc Trung Cộng ngang nhiên đặt giàn khoan dầu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều người dân nhận thấy Trung Cộng đang dần dần xâm chiếm đất nước ta từng bước một. Sở dĩ Trung cộng làm được điều này là nhờ Đảng và nhà nước CSVN tiếp tay đồng loã.

Thời nay, Trung cộng không thể xâm chiếm đất nước ta bằng cách tràn quân qua biên giới để tiến sâu vào nội địa Việt Nam như thời nhà Nguyên, nhà Minh ngày xưa đã từng làm. Thế giới hiện nay được tổ chức lại một cách có quy củ và trật tự hơn, việc xâm lăng như thế sẽ bị thế giới kết án và sau đó là tẩy chay, chế tài. Vì thế, để thực hiện mộng bành trướng, Trung cộng xâm chiếm các nước nhỏ theo một hình thức mới, vừa an toàn, vừa hữu hiệu, lại vừa tránh được sự kết án của thế giới.

Đó là xâm chiếm một cách tiệm tiến theo kiểu “tằm ăn dâu”, hay theo kiểu “luộc ếch chậm”. Phương cách này lợi hại ở chỗ nó làm cho dân tộc bị xâm chiếm không cảm thấy nguy hiểm quá đột ngột khiến dân tộc ấy phải phản ứng chống lại ngay. Ngược lại, nó làm cho dân tộc ấy nếu không chống lại ngay được thì sẽ tự thích ứng tình trạng hiện tại, cứ thích ứng như thế cho tới khi “con tằm ăn hết lá dâu” hay “con ếch bị luộc chín trong nồi nước sôi” ([1]), hay tới khi Việt Nam chính thức trở thành một tỉnh của Trung cộng.

Muốn thực hiện thành công phương cách xâm chiếm này, Trung cộng rất cần sự tiếp tay đồng lõa của thế lực cầm quyền đang điều hành bộ máy nhà nước của dân tộc ấy. Thiếu sự tiếp tay đồng lõa này thì việc xâm chiếm không thể thực hiện được.

Để thực hiện việc xâm chiếm Việt Nam, Trung cộng đã phải chuẩn bị nhiều thập niên trước để có được một bộ máy nhà nước nội gián, làm công cụ, sẵn sàng tiếp tay đồng lõa với Trung cộng như nhà nước CSVN hiện nay. Và tới nay, họ đã thành công. Bằng chiến thuật đơn giản và cổ điển là “cây gậy và củ cà-rốt”, hay nói cụ thể hơn là “thưởng và phạt”, họ đã biến đảng CSVN thành một tập đoàn tay sai, giúp họ thực hiện mộng thôn tính toàn Việt Nam theo kế hoạch “tằm ăn dâu” như đã nói trên.

Đảng CSVN sở dĩ chấp nhận một việc ngu xuẩn và bán nước như vậy chính vì tham vọng muốn nắm quyền độc tôn trường trị dân tộc Việt Nam, không chấp nhận nhường quyền cai trị cho bất cứ một đảng hay một thế lực nào khác cho dù có xứng đáng hơn mình gấp trăm lần hay có thể làm đất nước tiến bộ, giàu mạnh trên thế giới hơn mình. Nỗi sợ lớn nhất của đảng CSVN là bị mất quyền cai trị, nên với bất cứ giá nào, cho dù phải hy sinh cả dân tộc này, họ phải giữ cho bằng được “cái ghế quyền lực” mà họ đang ngồi trên đó. Trung cộng nắm được tham vọng cũng như nỗi sợ đó, nên tha hồ đe dọa lẫn dụ dỗ, mua chuộc cũng như lũng đoạn cả bộ máy cai trị của CSVN.

Kế hoạch xâm chiếm Việt Nam theo kiểu “tằm ăn dâu” này là gì? Để hiểu rõ kế hoạch này, chúng ta cần xét việc làm của hai phía: Trung cộng và CSVN.

140701002

1. Phía Trung cộng

Trung cộng chủ trương thực hiện việc xâm chiếm dần dần từng bước lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam theo đủ mọi cách, và dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi thì ký mật ước xác định lại các mốc ranh giới phía bắc Việt Nam khiến Việt Nam mất đi hàng ngàn cây số vuông dọc theo biên giới phía bắc. Khi thì ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ khiến Việt Nam mất đi hàng chục ngàn cây số vuông biển. Khi thì ký hợp đồng với CSVN để lập những khu công nghệ ngay trên lãnh thổ Việt Nam như khai thác bauxit ở Tây Nguyên (một vùng có tầm chiến lược hết sức quan trọng cho sự tồn vong của Việt Nam), thuê rừng đầu nguồn để khai thác một nguồn lợi nào đó. Khi thì chấp nhận cho dân của Trung cộng được tự do nhập cư vào Việt Nam không cần visa, từ đó phát sinh những China town, những trung tâm du lịch của Tầu ở rải rắc khắp nơi tại Việt Nam… Khi thì đòi CSVN phải chấp nhận cho những khu China town kia được tự trị. Khi thì dùng sức mạnh quân sự đánh chiếm một số hải đảo của Việt Nam như đảo Gạc Ma, đảo Len Đao, đảo Chữ Thập, v.v… Còn nhiều sự việc khác không tiện kể dài dòng ở đây.

Trung cộng thì cứ việc từ từ lấn tới, chiếm dần lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cũng như dần dần điều khiển bộ máy lãnh đạo của đảng và nhà nước CSVN. Hiện nay tuy mới chỉ chiếm được một số lãnh thổ và lãnh hải, nhưng rõ ràng là Trung cộng đã nắm trong tay bộ Chính trị, Quốc hội CSVN nên Việt Nam cứ càng ngày càng bị mất đất mất biển dần dần vào tay Trung cộng.

2. Về phía Việt Nam

Công việc mà Trung cộng đòi buộc bọn tay sai CSVN phải làm được là làm sao giúp Trung cộng giữ được, bảo vệ được những thành quả đã đạt được, nghĩa là Trung cộng chiếm được bất kỳ phần đất hay phần biển nào của Việt Nam, thì CSVN phải làm sao tiếp tay để Trung cộng giữ được hay bảo vệ được nguyên trạng vừa mới thành hình.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, trước hết CSVN phải che dấu để người dân không nhìn thấy được bản chất của mình là bán nước, là đang tiếp tay giúp Trung cộng xâm lược tổ quốc mình theo kiểu “tằm ăn dâu”. Kế đến, CSVN phải hoàn toàn kiểm soát được phản ứng của người dân trong nước đối với việc Trung cộng chiếm đất hay chiếm biển của Việt Nam, không được để dân chúng phản ứng quá mạnh.

– Để che dấu trước người dân bản chất bán nước và hành động tiếp tay giúp Trung cộng xâm lược, CSVN phải giả bộ phản đối Trung cộng mỗi khi Trung cộng chiếm được một phần đất hay phần biển, hoặc mỗi khi Trung cộng xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách nghiêm trọng như trường hợp cắt cáp tàu Bình Minh hay cắm dàn khoan khổng lồ HD-981 và giàn khoan NH-9 ngay trong thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung cộng cho phép CSVN được đóng kịch, nghĩa là được phép phản đối Trung cộng trong mức độ vừa phải, miễn sao không đến nỗi buộc Trung cộng phải rút lui hay lùi một bước so với những gì đã đạt được. Nếu không giả bộ phản đối trước những hành vi xâm phạm quá trắng trợn và nghiêm trọng của Trung cộng, thì người dân sẽ thấy quá rõ ràng và có thể xác định được chắc chắn bản chất đồng lõa tiếp tay của CSVN. Điều này khiến người dân quá phẫn nộ, có thể nổi dậy lật đổ đảng CSVN; điều này sẽ gây bất lợi cho cả Trung cộng (vì không còn tay sai để tiếp tay Trung cộng xâm lược Việt Nam nữa).

Thật vậy, có những lúc CSVN mua vũ khí, tàu ngầm, máy bay như thể đang chuẩn bị chống lại Trung cộng, hay tổ chức những buổi hội thảo về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng-Trường Sa, hay có lúc CSVN phản đối Trung cộng khá mạnh mẽ đến nỗi nhiều người dân “mừng húm”, những tưởng CSVN đã thay đổi, đã từ bỏ hẳn lập trường thân Trung cộng mà trở thành chống đối. Nhưng sau đó thì dường như tình hình chẳng có chuyện gì thay đổi cả. Tất cả chỉ là đóng kịch để lòe bịp dân chúng, để dân chúng nghĩ rằng CSVN cũng chống lại Trung cộng, chứ đâu có tiếp tay cho giặc.

– Để hoàn toàn kiểm soát được phản ứng của người dân trong nước đối với việc Trung cộng chiếm đất hay chiếm biển của Việt Nam, CSVN đành phải chấp nhận cho người dân biểu tình phản đối Trung cộng trong mức độ mà họ có thể kiểm soát được. Sự cho phép này có thể đánh lừa người dân thơ ngây cho rằng CSVN cũng thực tình muốn chống Trung cộng. Tuy nhiên, nếu cuộc biểu tình có nguy cơ lớn mạnh hơn, vuột khỏi mức độ kiểm soát được của CSVN, hoặc biến thành biểu tình chống lại chế độ, thì họ sẵn sàng thẳng tay đàn áp không nhân nhượng.

Nếu hiểu được phương pháp xâm chiếm Việt Nam của Trung cộng được sự tiếp tục đồng lõa của CSVN thì chúng ta sẽ không bị CSVN lừa dối. Chúng ta sẽ không “mừng húm” khi thấy CSVN đóng kịch giả phản đối Trung cộng cách mạnh mẽ, giả bộ bắt tay với Hoa Kỳ để nhờ Hoa Kỳ chống lại Trung cộng, giả bộ lên tiếng sẽ kiện Trung cộng ra trước tòa án quốc tế, v.v… Chắc chắn còn nhiều trò giả bộ, đóng kịch khác…

CSVN nhiều lần cho vài ba chiếc tàu hải giám bằng gỗ hay bằng sắt nhỏ gấp nhiều lần tàu của Trung cộng ra vùng giàn khoan HD-981 để mang danh giám sát việc làm của Trung cộng. Thế rồi cả hàng chục chiếc tàu sắt lớn của Trung cộng ra xông ra nghênh chiến, phun vòi rồng và đâm vào tàu Việt Nam khiến tàu Việt Nam bị hư hại nặng nề, thậm chí phía Việt Nam có người bị thiệt mạng hoặc bị trọng thương. Chắc chắn đây chỉ là trò đóng kịch lố lăng của CSVN, vừa tốn tiền thuế của dân (do những chiếc tàu Việt Nam bị hư hại), vừa hy sinh nhân mạng người Việt cách phí phạn. CSVN làm như thế chỉ là để cho người dân thấy rằng CSVN cũng tìm cách… giám sát, phản đối, đối phó Trung cộng chứ đâu phải không làm gì.

Nhưng việc cần làm hơn và ích lợi hơn gấp bội là chính Quốc hội CSVN, trên danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, phải ra một nghị quyết phản đối Trung cộng, thì CSVN lại không chịu làm. Điều này chứng tỏ Quốc hội CSVN hoàn toàn vô trách nhiệm trước nguy cơ mất nước của cả dân tộc. Nếu Quốc hội không làm thì Chủ tịch nước hay Bí thư đảng phải lên tiếng phản đối chính thức bằng văn bản. Hay việc cần làm gấp là kiện cáo Trung cộng về vụ Hoàng Sa và Trường Sa ra trước tòa án Quốc tế, vì mình đã đầy đủ bằng chứng thuyết phục để có thể thắng kiện. Những việc hết sức cần thiết phải làm, tại sao đến giờ này CSVN vẫn chưa chịu làm?

Việc thật sự cần làm thì không làm, khiến cho những việc không cần làm kia chỉ lộ ra tính “đóng kịch” của chúng mà thôi.

Sau khi Trung cộng cắm giàn khoan HD-981 vào hải phận Việt Nam, với sự phản đối chiếu lệ và đóng kịch của CSVN, thì Trung cộng chẳng những không dời HD-981 đi mà còn tiến hành bước kế tiếp là đưa thêm giàn khoan NH-9 vào nữa. Nếu CSVN cứ tiếp tục phản đối cách yếu sìu như thế thì Trung cộng sẽ còn tiếp tục cắm nhiều giàn khoan khác nữa, sẽ còn nhiều màn lấn tới nữa… Cuối cùng Việt Nam sẽ ra sao?

Điều quan trọng là người Việt trong và ngoài nước nhận thức được ác tâm của Trung cộng quyết xâm lấn Việt Nam theo kiểu “tằm ăn dâu” và dã tâm của CSVN muốn tiếp tay giúp Trung cộng thực hiện việc xâm lấn ấy bằng cách phản đối một cách chiếu lệ, hầu tạo điều kiện thuận lợi cho Trung cộng tiến hành bước xâm lấn kế tiếp.

Nhận thức được như thế, chẳng lẽ chúng ta lại chấp nhận thích ứng với tình trạng hiện tại như kiểu con ếch trong thí nghiệm “luộc ếch chậm”, nó sẵn sàng thích ứng với nước đang nóng lên rất từ từ, cho tới khi không chịu được mới quyết định nhảy ra, thì lúc ấy… đã quá muộn! Năng lực cần thiết để có thể nhảy ra thì đã tiêu thụ hết trong việc thích ứng với nhiệt độ nóng dần rồi, nên cuối cùng đành chấp nhận bị luộc chín! Không hành động kịp thời, e rằng khi thấy mất nước tới nơi mới hành động thì… đã quá muộn!!!

Nguyễn Chính Kết

1] Trong một trang facebook nọ có kể về một thí nghiệm thật ý nghĩa và thích hợp để minh họa cho kế hoạch tiệm tiến của Trung cộng trong việc xâm chiếm Việt Nam.

Khởi đầu, người ta bỏ một con ếch vào một nồi nước nóng khoảng 70 độ C. Con ếch lập tức nhẩy phóng ra ngoài liền, nhờ phóng ra mà nó tiếp tục sống. Sau đó, người ta bỏ con ếch đó vào một nồi nước lạnh, con ếch thấy không có gì nguy hiểm nên ngồi yên trong đó. Người ta bắt đầu đun từ từ cho nước nóng lên thật chậm. Khả năng thích nghi với môi trường của loài ếch rất cao, nên khi nước nóng lên từ từ nó vận dụng khả năng thích ứng đó và cảm không thấy có gì nguy hiểm đến nỗi phải nhẩy ra khỏi nồi nước cả. Đến khi nước nóng tới độ không chịu được nữa nó mới quyết định nhảy ra. Nhưng lúc này nó nhảy ra không nổi vì năng lực của nó đã cạn kiệt do tiêu hao quá nhiều vào việc thích ứng với nhiệt độ tăng dần của môi trường. Chú ếch đành ở lại trong nồi để rồi cuối cùng bị luộc chín.

Nguồn: http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2014/06/kehoachtamandaucuatrungcong.html

Mệnh lệnh từ Quảng Đông?

Mệnh lệnh từ Quảng Đông?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-06-30

06302014-quangdong-kh.mp3

truongtansang-305.jpg

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ông Hồ Xuân Hoa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Trung Quốc tại Phủ Chủ Tịch hôm 14/4/2014

Courtesy of truongtansang.net

Giữa lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh việc giàn khoan dầu của Trung Quốc được hạ đặt trong thềm lục địa Việt Nam, một công văn đến từ bộ ngoại giao Việt Nam đề ngày 3/6/2014 gửi cho một số cơ quan, bộ, tỉnh và thành phố trong nước được tiết lộ.

Nội dung của công văn này đề cập đến chuyến làm việc tại Việt Nam của ông Hồ Xuân Hoa, bí thư đảng cộng sản Trung Quốc tỉnh Quảng Đông vào tháng tư năm 2014. Theo công văn này thì sau chuyến làm việc ở Việt Nam ông Hồ Xuân Hoa có gửi cho Bộ ngoại giao Việt Nam một công văn đề ngày 25/4/2014, tức là 3 tuần sau khi giàn khoan Trung Quốc được kéo vào thềm lục địa Việt Nam.

Nguyên văn đọc được trong công văn của Bộ ngoại giao Việt Nam như sau:

Ngày 20/5/2014, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao bản Danh mục các công việc cần làm sau chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (13 -17/4/2014).

Hai mục đầu tiên trong danh sách những việc cần làm này là thúc đẩy những người đứng đầu đảng cộng sản tại Hà nội và TP HCM sang thăm Quảng Đông, và xúc tiến đào tạo cán bộ cộng sản cho đảng cộng sản Việt Nam tại Trung Quốc.

Theo những lời bình phẩm từ các trang mạng có đăng tờ công văn này thì lời lẽ được dùng ở đây không mang tính chất ngoại giao mà mang tính chất một chỉ thị của cấp trên, và trong trường hợp này là chỉ thị của bí thư đảng tỉnh Quảng Đông cho Bộ ngoại giao nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Anh Văn, một cựu đảng viên đảng cộng sản, hiện sống ở Nha Trang cho biết ý kiến của anh:

“ Nếu đó là sự thật thì quan điểm của tôi là không đồng tình. Rõ ràng mang tính chất bắt tay quá trong tình hình nóng như thế này.”

Anh cho biết thêm là chuyện quan hệ giữa hai đảng cộng sản từ trước tới nay là chuyện bình thường.

“…cười…tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam từ trước đến nay rất mật thiết, họ giúp đỡ nhau trong việc xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ.”

Một cựu đảng viên khác, dạy học tại TP HCM nói:

Lúc này họ phải công khai công văn này với những cán bộ công chức ở TP HCM. Khi thấy công văn đó, tôi có cảm giác về những ngày cuối của chính quyền này.”

Không phải ai ở Việt Nam cũng quan tâm đến những vấn đề có liên quan về chính trị. Một nữ họa sĩ trẻ tại Hà nội nói rằng chị chưa nghe đến việc này, và cũng có nhiều nguwofi như chị không quan tâm đến chính trị, sở dĩ có việc đó là vì người ta thấy rằng chuyện quan tâm không đem lại thay đổi gì.

Trước nay họ vẫn được tập luyện là không nên quan tâm, còn bây giờ tới mức này rồi thì họ cũng chỉ quan tâm đến mức độ ở quán bia thôi. Rất đáng buồn là như thế.”

Chị cho rằng sự quan tâm đến thời sự của cư dân Việt Nam hiện nay là ở thành phố lớn, còn ở nông thôn thì người dân không quan tâm gì.

Một người đàn ông tuổi trung niên ở TP HCM cho biết:

Tình hình hai nước căng thẳng mấy tháng vừa qua thực ra là căng thẳng lâu lắm rồi. Tình trạng bắn giết ngư dân đã từ lâu rồi. Nay lại thêm cái giàn khoan. Thực sự cái giàn khoan đó là cái bung xung thế thôi. Hai bên chính phủ chắc nói với nhau hết rồi, không có gì lạ. Còn bây giờ cái chuyện đi qua Quảng Đông thì đi để làm gì? Để làm phiên thuộc hay là nghe chỉ thị? Hay thực sự làm đối tác, hay đối tác kiểu gì?”

Sự tiết lộ công văn trên đây của Bộ ngoai giao lại cũng làm nhiều người liên tưởng đến công hàm Phạm Văn Đồng hồi năm 1958, rằng có quá nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai Quốc gia cộng sản bị giấu diếm.

Người hoạ sĩ trẻ ở Hà nội nói tiếp:

Có quá nhiều sự bị bưng bít. Những lợi ích giữa những nhóm giữa hai đảng thì người ta không cho người dân biết. Ví dụ như cái công hàm Phạm Văn Đồng thì cho đến gần đây người dân mới được biết nhiều hơn.”

Trao đổi với chúng tôi cách đây không lâu Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến trong nước có nói rằng quan hệ giữa hai Quốc gia cộng sản thực ra chỉ là quan hệ giữa hai đảng cộng sản mà thôi.

Và người đàn ông trung trung niên ở thành phố Hồ Chí Minh nói rằng những việc xảy ra gần đây cho thấy rằng đảng cộng sản Việt Nam không phải đi đồng hành cùng dân tộc.

Mới đây, chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói rằng việc Việt Nam được Trung Quốc giúp đỡ trước đây thì Việt Nam sẽ mang ơn nhưng Trung Quốc đừng áp đạt. Không rõ chủ tịch nước sẽ nói gì nếu như được hỏi về nội dung của công văn Bộ ngoại giao về những việc mà các cơ quan tỉnh thành Việt Nam phải làm này.

 

Khi ‘thế hệ thứ hai’ ‘ghét làm người Việt’

Khi ‘thế hệ thứ hai’ ‘ghét làm người Việt’
June 28, 2014

Nguoi-viet.com
Thiên An/Người Việt


CALIFORNIA (NV) –
Với những người trẻ thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên ở một nước ngoài Việt Nam, việc tự nhận diện nguồn gốc xuất thân là một tiến trình phức tạp. Có người cho rằng họ “không hãnh diện làm người Việt Nam,” có người cho rằng đã và đang có sự mâu thuẫn trong tiến trình “tự nhận diện,” còn với một số khác, đó là hệ quả của sự va chạm văn hóa giữa các thế hệ.

 

Thế hệ thứ hai” “ghét làm người Việt” hay “tự hào làm người Việt”? (Hình: Thiên An/Người Việt)

Giá trị cộng đồng đối với cá nhân

“Tôi ghét làm người Việt. Vì những người đàn ông Việt tôi biết, nếu không hút thuốc, đánh bài, thì uống rượu, chè chén, bỏ mặc tôi để dành thời gian cho riêng họ. Như họ hàng tôi, cậu tôi, anh tôi, bạn tôi, và cha tôi…”

“Tôi ghét làm người Việt. Vì làm người Việt là ghét tất cả những người khác. Ghét người Hmông, ghét người Lào, ghét người Miên, ghét người Khmer, ghét người Mỹ đen. Ghét tất cả. Tự ghét luôn người mình. Vậy, có lẽ tôi cũng ‘Việt Nam’ nhiều như tôi chối bỏ.”

Fong Trần, một sinh viên cao học tại UC Davis từng được tờ Sacramento Bee phỏng vấn về các bài thơ anh viết, nói như trên trong bài thơ “Tôi ghét làm người Việt Nam.” Anh viết tặng riêng bài này cho lễ tốt nghiệp 2011 của các sinh viên khóa sau.

Fong từng tốt nghiệp bậc cử nhân tại UC Berkeley, trước khi trở về Sacramento, nơi gia đình sinh sống, để làm việc với cộng đồng và vận động cải thiện giáo dục cho thanh thiếu niên, và bắt đầu học cao học tại Đại Học UC Davis. Theo lời anh, viết thơ, văn nói (spoken word) vừa là sở thích, vừa là cách anh chia sẻ các thông điệp của mình. Đoạn kết của bài “Tôi ghét làm người Việt Nam” là sự thay đổi hoàn toàn trong suy nghĩ của Fong Trần.

Anh nay nhận mình là “một thanh niên Mỹ gốc Đông Nam Á – Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai,” nhưng cho biết sự khẳng định mạnh mẽ này không tồn tại trước đây.

“Tôi đã đi một đoạn đường dài trước khi nhận ra là một người Việt có ý nghĩa như thế nào cho bản thân. Lớn lên trong một khu phố nghèo ở South Sacramento, một phần trong tôi luôn ghét làm người Việt vì những gì tôi nghĩ là gắn liền với thanh niên Việt: rượu chè, ít học, bài bạc, nghiện ngập, đánh nhau, nghèo khổ… Nhiều bạn học của tôi tham gia băng đảng vì họ không kiếm được việc làm.”

“Phải đến khi vào đại học, tôi lấy lớp về văn hóa người Mỹ gốc Á cùng các sinh viên khác, tôi mới nhận ra cộng đồng lớn hơn rất nhiều so với những cá nhân tốt, xấu. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam như nghèo đói, thiếu trình độ học vấn, không có người hướng dẫn, kỳ thị chủng tộc… Ví dụ, có nhiều tiệm rượu và casino trong khu vực của chúng ta hơn là trường học, bệnh viện… Và phải đến khi tôi đi Việt Nam tôi mới hiểu hết được nét đẹp của người Việt, hiểu được truyền thống, quan niệm khiến người Việt tốt bụng, mạnh mẽ.”

Fong Trần đọc bài thơ “Tôi ghét làm người Việt” trước sinh viên gốc Á tốt nghiệp năm 2011 ở UC Davis. (Hình: Fong Tran)

Người Mỹ, hay Người Mỹ Gốc Việt?

Fong Trần không phải là người duy nhất thuộc “thế hệ thứ hai” của người Việt từng “ghét làm người Việt.”

Chia sẻ cảm xúc tương tự có thể là hàng ngàn người đọc và đồng cảm với bài thơ của anh, hay có thể là các bạn trẻ chưa từng biết Fong Trần nhưng có những chia sẻ giống hệt.

“Thế hệ thứ hai” “ghét làm người Việt” hay “tự hào làm người Việt”? Có thể nói, qua lời nhận xét của các bạn sau đây trong đoạn phim tài liệu với đề tài “Cùng làm người Việt” (Being Vietnamese Together) của Hội Sinh Viên Việt Nam UVSA, là phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, từng thời điểm và từng quan điểm cá nhân.

“Khi nghe nhóm chữ  ‘người Mỹ gốc Việt’, các bạn liên tưởng đến điều gì?”, câu hỏi được đặt ra.

Tâm Nguyễn nói: “Đó là sự pha trộn giữa việc làm một người Mỹ và làm một người Á Châu. Tùy người ít nhiều khác nhau. Tôi nghĩ mình “Mỹ nhiều hơn.” Tôi cố giữ gốc Á Châu của mình, nhưng tôi lớn lên ở đây, không hiểu được nhiều nếu người ta nói tiếng Việt.”

Huy Trần nói: “Tôi rất là Mỹ, rất thực dụng (materialistic). Tiếc là tôi không được biết nhiều về văn hóa Việt Nam. Tôi nói Tiếng Anh từ bé. Với tôi, ‘người Mỹ gốc Việt’ là người biết về văn hóa Việt Nam của cha mẹ. Nhưng không hẳn họ sẽ nối tiếp dòng văn hóa đó.”

Jenifer Nguyễn nói: “Họ lớn lên trong văn hóa Việt, giữa những người Việt khác, nhưng là tại Mỹ, nên ăn mặc và nói chuyện cũng khác, ví dụ như theo kiểu “hiphop”. Với tôi, tôi là người Việt Nam, tôi thấy tiếng Anh của mình dở, vì tôi phải nói Tiếng Việt với người lớn khi về nhà.”

Denise Trần nói:  “Tôi thấy trong họ là sự giằng co nội tâm, như khi tôi lớn lên. Đi học, tôi nói Tiếng Anh với thầy cô và bạn bè, khi về nhà, thì hoàn toàn khác. Tôi thấy trong ‘người Mỹ gốc Việt’ là những người kẹt giữa nền văn hóa họ đang sống và nền văn hóa của cha mẹ họ.”

Michelle Nguyễn nói: “Khi nghe ‘người Mỹ gốc Việt’, tôi cảm thấy đồng cảm. Tiếng Việt  là thứ ngôn ngữ đầu tiên trên vành môi. Khi tôi về Việt Nam, họ hàng nói tôi là người Mỹ. Khi tôi ở đây, bạn bè nói ‘mày là người Việt.’ Mẹ tôi bảo tôi rằng: ‘Con chính là người quyết định con là ai.’ Tôi tự cho mình là một ‘người Mỹ gốc Việt’ vì tôi sinh ra ở Mỹ nhưng tôi có thể nói được Tiếng Việt.”

“Có người thích nói nhiều về xuất thân của mình, có người thì không. Trước đây tôi không bao giờ nhắc về gốc gác của mính. Tôi chỉ nói Tiếng Việt khi tôi không thể nói chuyện với gia đình vì họ không biết Tiếng Anh. Khi tôi vào đại học, nghe bạn bè nói Tiếng Việt rất vui. Họ hài hước lắm. Tôi nhận ra rằng văn hóa Việt cũng có thể rất hiện đại, gần gũi với chúng tôi, và không chỉ thuộc về thời của cha mẹ chúng ta,” Michelle tiếp tục chia sẻ.

“Làm người Việt cũng không xấu. Nó là một phần làm nên cá tính của bạn. Giờ thì tôi rất tự hào về văn hóa, gốc gác của mình,” cô khẳng định.

Đi tìm giá trị cho bản thân là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành thông thường của mọi thanh niên, thiếu nữ. Riêng với “thế hệ thứ hai” của người Việt, việc “định giá” của riêng bản thân sẽ gắn liền với việc “định giá” chung cho hai từ: “người Việt.”

-Xem bài “Tôi ghét làm người Việt” của Fong Tran tại:
https://www.youtube.com/watch?v=FJAecUKJ–8
Xem đoạn phim “Cùng làm người Việt” của UVSA tại:
https://www.youtube.com/watch?v=gvwIvhxCVZc
https://www.youtube.com/watch?v=ok8OtoSx1UY


Liên lạc tác giả: [email protected]

 

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa theo ghi chép của các giáo sĩ phương Tây

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa theo ghi chép của các giáo sĩ phương Tây

Phạm Huy Thông

Theo giaó sử thì giáo sĩ nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Việt Nam là Francesco Buzomi (1575-1639), người Ý, tới Cửa Hàn ngày 18-1-1615. Sở dĩ, Việt Nam chưa được chú ý đến sớm vì do có sự phân chia thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha qua sắc chỉ của Giáo hoàng Alexandre VI năm 1494 mà Việt Nam thuộc quyền khai thác của người Bồ Đào Nha. Nhưng một số giáo sĩ người Bồ đến nước ta lại không biết tiếng bản xứ – một thứ tiếng mà người ngoại quốc mô tả là rất khó học vì “líu lô như chim hót” nên đành chịu thất bại quay về. Những giáo sĩ của dòng Tên có khả năng ngoại ngữ lại chỉ nhắm đến Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên. Chỉ đến khi hoàng đế Nhật Bản Daifusama ra lệnh trục xuất các giáo sĩ và cấm đạo gắt gao năm 1614, các giáo sĩ nước ngoài mới chạy về Ma Cao và từ đó mới tìm đến Việt Nam để rao giảng đạo Công Giáo. Đã có nhiều nghiên cứu về đóng góp của đạo Công Giáo với văn hóa Việt và một trong những đóng góp đó là những ghi chép của giáo sĩ nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ai cũng biết rằng, dưới thời phong kiến, nước ta hầu như không có tên trên bản đồ thế giới. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cũng ngạc nhiên khi đặt chân lên Việt Nam. Ông viết:

“Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới. Vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tí gì và cũng không ghi trên bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (1).

Chính ông, người có công lớn trong việc xây dựng nên chữ quốc ngữ ngày nay khi công bố bộ 3 tác phẩm: Từ điển Việt- Bồ -La, Phép giảng tám ngày và Ngữ pháp tiếng Việt ở Rôma năm 1651 cũng đã kịch liệt chống lại các quan niêm sai lầm lúc đó như “ ngoài châu Âu ra thì hoàn toàn là man di mọi rợ” hay “ Trung Quốc là tất cà những gì đẹp đẽ nhất trái đất”. Ông đã nhiều lần ca ngợi đất nước, con người, xã hội Việt Nam. Ông viết:

“ Tôi có thể nói, họ chẳng thua gì các bác sĩ của ta và hơn nữa, trong một vài môn họ giỏi hơn ta nữa…Họ luôn dùng ba ngón tay để bắt mạch và thực ra họ rất thành thạo. Thuốc của họ không khó uống như của ta, hơn nữa không đắt tý nào bởi vì thứ đăt nhất cũng chằng giá hơn 5 xu… Pháp luật ở đây còn hơn cả các nước phương Tây vì không có giấy tờ rườm rà, nghi thức lôi thôi làm tổn phí thời giờ và tiền bạc của đôi bên”(2).

Điều ngạc nhiên là ngay vị giáo sĩ đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam là F. Buzomi cũng đã có ghi chép về việc người Việt đã khai thác hải sản và quản lý Hoàng Sa. Ông viết:

“ Hải cảng đông nhất, nơi mà tấ cả những người ngoại quốc đều đến và cũng là nơi có hội chợ đông đúc là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Hoa tự chọn một địa điểm thuận tiện để lập một thành phố chuyên cho việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo tức Hội An…Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại nơi này thích cập cảng Hội An hay những cảng gần thủ đô Huế. Những người đi biển của 3 cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến quần đảo và bãi đá lô nhô có tên Hoàng Sa (Paracels) nằm cách biển Đàng Trong khoảng 20-30 dặm” (3).

Không ít người kể cả các nhà khoa học cũng nghĩ rằng Việt Nam bị đô hộ bởi Trung Quốc cả ngàn năm nên bị Hán hóa nhưng sau khi nghe những tài liệu nghiên cứu về Việt Nam của linh mục Leopold Cadiere, giáo sư Condominas đã phát biểu trong cuộc hội thảo “Tuần lễ dân tộc học tôn giáo” ở Luxembourg năm 1928:

“ Một dân tộc biết tiếp nhận vô vàn yếu tố Trung Hoa, bị áp đặt và thu nạp một cách tự nguyện, để dựng lên một thế giới của riêng mình, và giữ gìn bản sắc độc đáo của mình” (4).

Chính F. Buzomi cũng nhận ra sự khác biệt của tính cách và con người Việt Nam khác với các dân tộc quanh vùng. Ông viết:

“ Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục…Người Việt không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tầu… Cả về tầm thước, họ không cao như người Tầu, cũng không thấp như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tầu” (5).

Năm 1511, một thuyền buôn của người Bồ Đào Nha do thuyền trưởng Fernad Piado cùng với một giáo sĩ dòng Tên đã ghi lại chuyến công du qua biển Đông. Ghi chép này được xuất bản trong cuốn “Du ký Feraginacao”, xuất bản ở Lisbon năm 1614. Trong sách Piado đã mô tả quần đảo Hoàng sa khá chi tiết mà ông gọi là Pulo Pracelar. Theo tiếng Bồ Đào Nha thì Pulo là cù lao còn Pracelar nghĩa là san hô. Trong cuốn nhật ký của tàu Amphitrite, khi chở các giáo sĩ dòng Tên qua quần đảo Paracels (tức Hoàng Sa) năm 1701 có ghi: “ Người ta cho nhổ neo, gió rất tốt. Và sau đó chỉ một thời gian đi đến quần đảo Paracels. Paracels là một đảo thuộc về An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, chạy dài xuống phía nam, chạy dọc theo bờ biến xứ Cochinchine (Đàng Trong), rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó” (6).

Có lẽ địa hình hiểm trở của bãi đá ngầm Hoàng Sa là nỗi ám ảnh với những thuyền buôn qua đây. Nhật ký tàu Amphitrite ghi tiếp: “ Tàu Amphitrite là tàu đầu tiên hành trình đến Trung Quốc suýt bị đắm. Nhiều chỗ cạn chỉ có 4-5 sải nước. Thoát được nguy hiểm ở đây thì chỉ có phép lạ. Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc phương hướng khi không còn một một nguồn dự trữ nào thì cũng nguy hiểm như nhau mà thôi” (7).

Một giáo sĩ tên là Jean Baptiste Shaipeau (1769-1825) được vua Gia Long yêu quý đặt cho một tên Việt là Nguyễn Văn Thắng trong cuốn hồi ký có tên là “ La memoire sur la Cochinchine” đã viết:

“ Nước Cochichine ( tức An Nam) mà nhà vua bây giờ xưng đế hiệu Hoàng đế gồm xứ Đàng Trong, xứ Đông Kinh, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có dân cư không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những bãi đá nhỏ, đá ngầm và một số mỏm đá không dân cư. Cho đến năm 1816, đương kim Hoàng đế mới lấy chủ quyền trên quần đảo ấy (8)”.

Giám mục Jean Louis Taberd trong cuốn biên khảo “ Univers historire et des cription de tous le peuples” xuất bản ở Paris 1833 ghi rõ: “ Chúng tôi không đi vào việc kê khai những đảo chính yếu của xứ An Nam. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng, từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa cũng có nghĩa là cát vàng, gồm nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những hòn đá nhô lên giữa những bãi cát làm cho những kẻ đi biển rất e ngại đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong… Có điều chúng tôi biết chắc chắn là hoàng đế Gia Long đã ngự tàu ra biển để chiếm cứ các đóa hoa lạ để cài lên vương miện của ngài. Vì vậy mà ngài xét thấy đã đến lúc phài thân chinh vượt biển để tiếp thêm quân đến Hoàng Sa vào năm 1816. Ngài đã trịnh trọng cắm lá cờ đỏ, lá cờ của xứ Đàng Trong”.

16 năm sau, tức năm 1849, J.L. Taberd lại cho công bố bằng tiếng Anh tại Ấn Độ: “Năm 1816, vua Gia Long đã tới và còn long trọng cắm cờ quốc gia của ông khẳng định chủ quyền trên các quần đảo này và hình như không một ai tranh giành với ông”. Chính vị giám mục này, trong cuốn từ điển tiếng Việt “Từ điển La- Việt” của ông in ở Serampore năm 1838 và cũng đã cho công bố tấm bản đồ rất có giá trị lịch sử. Đó là “ An nam đại quốc họa đồ”khổ 80 x 40 cm bằng 3 thứ tiếng Latinh, Quốc ngữ và Hán ngữ mà các nhà sử học nước ta hiện nay thường trưng dẫn để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (ảnh trên). Trong bản đồ trên được in bằng giấy chuyên dụng, giám mục J.L. Taberd đã ghi rất rõ vị trí của Paracel tức Cát Vàng là thuộc Việt Nam, trong khi đó lại không ghi đảo Hải Nam trên biển Đông. Một số giáo sĩ khác như A. de Rhodes cũng đã cho in bản đồ Việt Nam có ghi đảo Hoàng Sa mà lúc đó ông gọi là Pulosisi. Một giáo sĩ người Hà Lan trong bản đồ “Việt Nam với Đàng Ngoài, Đàng Trong và biển Đông với quần đảo Paracels” in trong Carte de L’Indonechine 1658-1659 cũng ghi rõ Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam.

Trên tạp chí Journal of Asiasic society of Bengal, số 6-7 tháng 9 năm 1837, giám mục J.L Taberd cũng viết: “ Paracel hoặc Paracels tức quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn cát lớn,nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn là lợi. Vua Gia Long đã mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đảo buồn này. Năm 1816, ông đã long trọng cắm cờ và chính thức khẳng định chủ quyền các quần đảo đá này mà không một ai tranh giành với ông”.

John Barrow, một giáo sĩ quốc tịch Anh khi đi đến Trung Quốc, cũng đi qua vùng biển có quần đảo Hoàng Sa. Ông ghi lại trong hồi ký “ Một chuyến du hành tới Đàng Trong vào năm 1792-1793”, xuất bản ở London năm 1806 có đoạn: “ Các thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, đánh bắt hải sản và tổ yến. Họ ra tận quần đảo có tên là Paracels và thu được nhiều hải sản khác nhau”.

Tóm lại, các ghi chép của các giáo sĩ nước ngoài đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ rất sớm, chí ít cũng là từ thế kỷ XVII.

Chú thích:

1,2- A. de Rhodes: Hành trình truyền giáo, Tủ sách Đại Kết 1994, tr.143,tr.89

3- Theo trang Biendong.net, ngày 23-8-2013

4- L. Cadiere: Về văn hóa, tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nxb VHTT 1997, tr.10

5- Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, Nxb Hiện Tại Sài Gòn 1951, tr.55

6,7- Dẫn theo Biendong.net ngày 23-8-2013

8- Dẫn theo Biengioilanhtho.gov.vn ngày 28-8-2013

KỂ CHUYỆN TRUYỀN GIÁO : MÙA WORLD CUP TẠI NAM MỸ 2014

KỂ CHUYỆN TRUYỀN GIÁO : MÙA WORLD CUP TẠI NAM MỸ 2014

Lm. Anton Trần Xuân Sang, SVD.

Thế là mùa World Cup đã đi qua đúng 15 ngày và vừa kết thúc vòng I với kết quả thật bất ngờ vì phần lớn các đội bóng mạnh Âu châu như Tây Ban Nha, Anh, Italia, Bồ Đào Nha… đều phải xách va-li về nước sớm trong tiếc nuối, và có lẽ những người thua đậm nhất trong mùa này là những người cá độ bóng đá. Trong 16 đội được đi tiếp vòng II thì có đến 8 đội của châu Mỹ nhưng 7 đội bóng thuộc Châu Mỹ La-tinh là Brazil, Argentina, Colombia, Uruguay, Chile, Mejico và Costa Rica. Nói như thế để chứng tỏ rằng tuy là giải bóng đá thế giới nhưng các châu lục khác dù dân số đông như Trung Quốc, Ấn độ hay các quốc gia giàu có và văn minh như các nước châu Âu cũng không thể qua mặt được các anh chàng da đỏ thuộc châu Mỹ La-tinh, và nhất là Nam Mỹ.

Hình như bóng đá đã ăn vào máu người dân châu Mỹ La-tinh nên đối với họ dù là dân Công Giáo chiếm đa số (tính bình quân thì người Nam Mỹ có khoảng 85% người Công Giáo) nhưng họ mê bóng đá hơn tôn giáo và bóng đá được xem là thứ tôn giáo mới của họ. Họ có thể bỏ tiền và công việc để đi xem bóng đá mà không hề hối tiếc nhưng chuyện thực hành nghĩa vụ tôn giáo thì là một chuyện chẳng đặng đừng.

Trong hơn hai tuần vừa qua tính từ ngày khai mạc, người dân Nam Mỹ đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của và giờ giấc để xem các trận bóng đá và nhiều người đã bỏ cả công ăn việc làm để dán mắt vào các trận đấu mỗi ngày từ 3 đến 4 trận. Có lẽ người thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ, là những người mẹ, người vợ vì trong khi những ông chồng và mấy đứa con xem bóng đá quên cả giờ giấc thì họ vẫn phải làm việc và lo mỗi ngày 3 bữa ăn. Những người ham mê bóng đá ấy lại thêm cái tật là vừa xem, vừa ăn nhậu, vừa cá độ nên xảy ra những chuyện lục đục trong gia đình và đã có những điều đáng tiếc xảy ra. Những vụ trộm cắp, giết người, cướp của cũng đã xảy ra trong mùa World Cup này thật thương tâm do nguyên nhân là thua độ bóng đá hay do nhiều nguyên nhân khác nữa cũng liên quan đến việc xem bóng đá.

Hôm 17/6 vừa qua tại cộng đoàn nơi chúng tôi phụ trách lại xảy ra một vụ án mạng thật thương tâm. Một người mẹ trẻ trên đường về nhà từ công ty cấp thoát nước khi trời vừa chập tối khoảng hơn 18h.00, chỉ cách nhà vài chục mét thì bị 2 tên cướp đi Mô-tô chặn lại và đâm tới tấp rồi cướp đi chiếc điện thoại và túi xách của chị ta vì chị đi bộ. Người mẹ đơn côi này đã chết tại chỗ và để lại đứa con thơ 5 tuổi thật tội nghiệp. Chiều ngày hôm sau chúng tôi cử hành nghi thức an táng cho chị trong tiếc thương vì mới hôm qua chị còn nói cười vui vẻ nhưng nay trở thành người thiên cổ vì luật Paraguay chỉ cho phép để xác người chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

World Cup 2014 đang đến hồi căng thẳng và đây là cơ hội cho những kẻ nghiện ngập, cướp giật và tội phạm tung hoành. Chỉ thương cho những người vô tội tự nhiên trờ thành nạn nhân bất đắc dĩ không biết mình bị tấn công bất kỳ lúc nào.

Mấy ngày nay người dân ở đây tổ chức cuộc tuần hành hòa bình để yêu cầu chính quyền bảo vệ sự bình an cho người dân vô tội. Xin Chúa thương đón nhận linh hồn người mẹ trẻ vừa mới qua đời và xin cho đất nước nhỏ bé này được bình an và bớt đi những cái chết đáng tiếc.

Thật tình mà nói, bóng đá chẳng có tội tình gì và những người hâm mộ bóng đá cũng không có gì là xấu xa vì ngay cả Đức Giáo Hoàng đương kim từng là một cổ động viên nhiệt thành của câu lạc bộ San Lorenzo khi ngài còn ở Argentina. Chính bản thân chúng tôi cũng là fan hâm mộ của đội tuyển Manchester United, Anh quốc nhưng không phải là người quá cuồng nhiệt để rồi mất ăn, mất ngủ vì bóng đá và quên đi nhiệm vụ. Người ta thường nói bất cập hay thái quá đều không tốt nhưng cần phải chừng mực và điều độ trong các hoạt động và giải trí của mình thì có thể giữ được thăng bằng trong cuộc sống. Chúng tôi có đứa em ruột nghiện thuốc, nghiện rượu từ lúc 15 tuổi rồi từ đó sinh ra nhiều tật xấu và đến giờ đã ngoài 30 mà không thể nào thay đổi được. Bản thân chúng tôi cũng rất buồn vì trong gia đình mình có người như vậy và đôi khi thầm trách Chúa là tại sao Ngài không nhậm lời cầu khẩn của người Mẹ quá cố và ngay bản thân chúng tôi đã liên lĩ cầu nguyện cho đứa em ngỗ nghịch này. Nhưng ngẫm nghĩ lại chúng tôi thấy hình như Chúa muốn thử thách lòng tin và sự kiên nhẫn của chúng tôi đến đâu vì nếu trong gia đình mình tất cả đều hoàn hảo thì dễ sinh ra kiêu căng và an phận. Chính bản thân chúng tôi nhận thấy mình tội lỗi, nhiều thành viên trong gia đình chúng tôi cũng trong tình trạng bất toàn nên đây là cơ hội để chúng tôi mỗi ngày phải phấn đấu nhiều hơn trong việc thánh hóa bản thân vì trong một cuộc chiến mà không có thương vong thì cuộc chiến chẳng vinh quang gì mấy.

Chủng viện và các cộng đoàn nơi chúng tôi đang phụ trách mấy tuần qua cũng sôi nổi bàn tán về các trận bóng đá vì các em tu sinh đến từ các nước Ecuador, Argentina, Brazil, Mejico, Colombia, Chile, Bolivia và Paraguay xem bóng đá và cổ động khá cuồng nhiệt cho các đội bóng quốc gia của mình. Là những nhà huấn luyện Á châu nhưng chúng tôi cũng phải nhập gia tùy tục và để các em xem một số trận tiêu biểu vì cấm cản các em không phải là điều hay ho và bị cho là thiếu hội nhập. Các giáo dân cũng đi lễ thưa thớt vì các trận bóng hấp dẫn đều rơi vào những ngày cuối tuần. Thời tiết mấy ngày nay lại bị mưa bão và hệ thống thoát nước cũng như đường xá ở Paraguay không mấy ngon lành nên đâu đâu cũng bị ngập lụt và nhiều người phải di dời trong cảnh màn trời, chiếu đất. Chỉ có những gia đình giàu có mới được yên phận trong khi những gia đình nghèo thì lại càng te tua hơn. Nhìn những con đường nhà quê bị ngập lún đến nỗi xe đò cũng không thể qua được mà thấy chạnh lòng cho những dân nghèo vừa thiếu thốn tinh thần lẫn vật chất.

Mấy ngày qua trong những giờ rãnh rỗi, chúng tôi có vào Internet để xem một Show tiếng Việt của VTV6 với chương trình “Người Giấu Mặt 2013” do một người bạn gởi đường link. Tuy không được xem trọn chương trình vì thời giờ bị động, chúng tôi nhận thấy đây là một chương trình khá hay để chuyển tải những thông điệp cho giởi trẻ trong việc sống và làm việc chung. Phần thưởng của chương trình này nghe nói là một ngôi nhà trị giá khoảng 2 tỉ đồng tiền Việt Nam, một phần thưởng khá lớn nhưng không phải dễ để nhận được giải thưởng này vì trước khi bước vào “Ngôi Nhà Chung” này thì nghe nói hơn cả ngàn thí sinh thuộc thuộc Ba Miền của đất nước phải qua vòng sơ khảo và chỉ chọn được 12 người xứng đáng để bước vào “Ngôi Nhà Chung” để sống trong vòng 65 ngày cách biệt với thế giới bên ngoài với sự giám sát và hướng dẫn của một nhân vật được gọi là “Người Giấu Mặt”. Cứ tưởng tượng xem trong 12 người sống trong “Ngôi Nhà Chung” ấy gồm 6 nam và 6 nữ thuộc thế hệ 8x và 9x, tuổi đời trẻ nhất là 21 và lớn nhất là 30 rất xinh xắn với nghề nghiệp ngon lành lại phải sống trong điều kiện không điện thoại, không Internet dù “Ngôi Nhà Chung” rất đẹp nhưng lại hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài và mỗi cử chỉ, lời nói, cảm xúc đều “bị” Ca-ma-ra và “Người Giấu Mặt” theo dõi từng chi tiết. Các thí sinh ấy đều là người Việt Nam, tuy chỉ có một em là Việt kiều nhưng cá tính, giọng nói, suy nghĩ lại hoàn toàn khác nhau thì không mấy dễ dàng hội nhập. 65 ngày so với đời tu thì chẳng là gì vì đã có rất nhiều linh mục, tu sĩ đã sống đến 70 năm trong đời tu, nhưng đối với các bạn trẻ thế hệ 8, 9x thì đây là một thời gian khá dài dù các em biết rằng sau 65 ngày ấy các em sẽ nhận được một phần thưởng quí giá. Chúng tôi rất thích chương trình này trong cách giải quyết các vấn đề khi nhân vật được cho là “Người Giấu Mặt” không hề ép buộc và ra lệnh những thí sinh ‘phải’ làm điều này hay điều kia để giải quyết các mâu thuẫn nội bộ nhưng chỉ đưa ra những lời hướng dẫn và để chính các thí sinh tự chọn những giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề trong đời sống chung.

Gần 6 năm trong tư cách là nhà huấn luyện các linh mục truyền giáo tương lai ở một đất nước và văn hóa xa lạ đã giúp chúng tôi khám phá ra nhiều điều mới lạ dù công việc “trồng người” không mấy dễ dàng chút nào. Ở bên này những nhà đào tạo là những người đồng hành và hướng dẫn những người được đào tạo và để các em tự giải quyết vấn đề vì chính các em sau này sẽ là những người thay thế chúng tôi và có thể làm bề trên chúng tôi nữa, nên không có khoảng cách giữa người đào tạo và người thụ huấn.

Tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su và hôm nay là ngày cao điềm để tôn kính Thánh Tâm Chúa. Xin Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng uốn lòng trí chúng con nên giống như Chúa. Xin loại bỏ sự kiêu căng, hiểm độc khỏi lòng trí chúng con và thay vào đó là sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa để qua đó chúng con biết yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương người thân cận như chính mình. Amen.

Paraguay, 27/6/2014 – Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su,

Lm. Anton Trần Xuân Sang, SVD.

XIN LỖI, TÔI CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI CHUYỂN QUÀ!

XIN LỖI, TÔI CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI CHUYỂN QUÀ!

Tác giả: Lm. Jos.Tuấn Việt,O.Carm

Vào một buổi sáng Chúa Nhật, với ly cà phê nóng bên khung cửa sổ của căn nhà cuối phố, Viễn chợt nhận ra một sự thật. Mới đầu nó nhẹ nhàng, rồi bỗng phũ phàng, rồi chợt bẽ bàng, nhưng cuối cùng thì giải thoát rộn ràng.

Quán cà phê nhỏ cuối phố có cái tên ngắn ngủn mà hay hay: Quà. Viễn thắc mắc tại sao tên quán lại như vậy vì chưa thấy chủ quán tặng quà cho khách hàng hay khách hàng tặng quà cho chủ quán bao giờ. Chắc phải có một ý gì đó.

Thong thả nhấp miếng cà phê nóng đang tỏa ra thơm phức, Viễn nhìn qua khung cửa sổ. Bóng dáng của người ăn xin mà anh mới “tặng một chút quà” đang khuất xa dần. Hồi trước khi cho ai chút tiền thì Viễn gọi đó là bố thí như nhiều người vẫn còn làm hôm nay. Nhưng sau lần chính bản thân Viễn, một thằng đàn ông đầy tự hào, ngay tại cái quán nước này, phải ngửa tay xin giúp đỡ thì anh đã thay đổi hẳn. Cũng may anh đã trải qua kinh nghiệm đó nên mới thấu hiểu được nhiều việc để rồi bây giờ mỗi khi giúp đỡ ai thì anh tìm cách giúp thế nào để người được giúp không cảm thấy mặc cảm. Nghĩ lại, cái khó cái nhục hóa ra là cái cần cái phúc mà trời cao gửi cho anh để giúp anh lớn lên về mặt nhân cách. Một món quà cuộc sống vậy.

Thả hồn theo làn hơi nóng thơm của ly cà phê đang nghi ngút tỏa, Viễn tận hưởng những dòng ký ức tươi sáng của những năm tháng gần đây. Có lần Viễn mua giúp một bà cụ bán vé số trong chợ năm tấm vé liền rồi tặng lại cho bà, cầu chúc bà may mắn. Bà cụ ngạc nhiên. Nụ cười của bà cụ gầy guộc làm vui tâm hồn Viễn. Có lần anh đứng ra hòa giải cho một gia đình hàng xóm. Sau này họ cho biết nhờ lời khuyên sáng suốt của anh mà họ đã khắc phục được bất hòa trong nhà. Rồi có lần cha xứ gọi điện cảm ơn Viễn đã quảng đại hiến tặng cho nhà thờ một bức tượng thánh Giuse bằng đá cẩm thạch thật đẹp giúp bà con cầu nguyện sốt sắng hơn…. Những điều thiện ích khác thi nhau chảy về trong lý ức khiến anh cảm thấy vừa tự hào vừa vui mừng. Mình cũng khá lắm đấy chứ, anh tự nhủ. Làm ơn cho người này người kia. Người này người khác biết ơn mình. Có ý nghĩa! Hay! Viễn mỉm cười, gật gù, toại nguyện với cuộc sống. Nhấp thêm miếng cà phê thơm phức nữa cái coi. Ái chà, ngon! Không, theo ngôn ngữ trẻ thời nay thì chính xác phải nói: Đó là một cái ĐÃ không hề nhẹ!!!

Bỗng nhiên Viễn nheo mày, nhăn mặt. Một sự việc cách đây bảy tháng chen ngang vào dòng xúc cảm đang lâng lâng. Nhớ lại mà tức sôi cả máu. Viễn dành dụm bao nhiêu ngày tháng mới để được một số tiền tính cuối năm cưới vợ và xây dựng sự nghiệp. Hôm đó thằng Nhân bạn học nói có việc gấp cần mượn tiền. Nó hứa sẽ trả lại trong vòng một tháng. Chỗ quen biết, lúc bạn có nạn thì ra tay tương trợ. Nó mượn ba ngàn đô la, tức là hơn một nửa số tiền Viễn đã dành dụm suốt bốn năm trời. Một tháng không thấy nó trả. Đòi thì nó khất. Muốn gặp mặt thì nó tránh. Dọa nạt thì nó trốn biệt tăm luôn. Mất. Tiền bạc mất. Tình nghĩa mất. Mồ hôi nước mắt và tín nhiệm. Mất hết.

Trong tích tắc, ly cà phê bỗng trở nên đắng ngắt. Người hành khất ban nãy cũng không còn thấy bóng dáng nữa. Tiếng nhạc du dương chỉ còn là những âm thanh rời rạc vô nghĩa vô tâm. Bàn tay Viễn nắm chặt lại vì tức giận. “Đúng là cái thứ vong ơn bội nghĩa, ăn cháo đá bát”, anh lẩm bẩm.

Xét cho cùng, Viễn đâu phải người nhẫn tâm đến nỗi phải lấy lại bằng được số tiền đó khi bạn bè còn túng quẫn. Thậm chí Viễn có thể cho nó luôn nếu thật sự nó rơi vào hiểm nghèo bế tắc. Nhưng tức lắm, tức ở chỗ nó vô ơn. Viễn là bạn mà nó đối xử như một kẻ chỉ có giá trị lợi dụng. Viễn càng tức thêm vì thấy mình đặt lòng tốt sai chỗ để bây giờ bị rơi vào tình thế khó khăn. Tiền mất tật mang. Nếu biết trước thì Viễn đâu có ngu gì giúp đỡ nó. Nhưng đâu có ai biết trước được mọi chuyện. Ai mà biết trước mọi việc chứ! Viễn tự nhủ như thế để bớt trách mình. Ý nghĩ này bỗng làm dịu sự tức giận của Viễn. Ừ nhỉ, có ai biết trước được mọi chuyện bao giờ. Biết đâu thằng bạn đáng trách này cũng bị rơi vào tình thế không thể ngờ trong hoàn cảnh của nó.

Cơn giận từ từ hạ xuống. Hương cà phê thơm phức cũng dần trở về lại trong ly. Tuy vậy, Viễn vẫn làu bàu: “Chúa, tại sao nó phụ ơn của con?”

“Ơn của con?” một hồi âm vọng lại trong tâm trí Viễn. Có một điều gì đó tự nhiên làm Viễn bối rối, khó chịu, suy nghĩ.

Chính đây là khoảnh khắc vừa bẽ bàng vừa giải thoát. Anh bắt đầu nhận ra điều không ổn trong tâm thức của mình xưa nay. Nói rõ hơn, anh bắt đầu nhận ra một sự thật, một sự thật về bản thân con người anh và về Chúa. Kể cũng lạ, mỗi một giải thoát của con người đều xuất phát từ việc nhận ra mình và nhận ra Chúa.

“Ơn của con?” Câu hỏi ấy lại dội về trong tâm trí Viễn.

Đúng là anh đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để có một số tiền quý giá. Đúng là anh đã đưa số tiền ấy cho thằng Nhân. Đúng là anh đã thực hiện những hành động ý nghĩa để giúp đỡ những người cơ nhỡ trong cuộc đời này. Nhưng, “ơn của anh”, đúng không nhỉ? Nếu anh gọi những việc mình làm cho người khác là “ơn” thì cũng được thôi vì người ta ở đời vẫn nói đến “làm ơn”, “mang ơn”, “biết ơn”, “trả ơn”… Nhưng, nguồn gốc của cái gọi là “ơn” nằm ở đâu? Ở con người? Không. Lý luận ấy không ổn tí nào. Nhưng tại sao lại không ổn?

Trong lúc loay hoay với chính suy nghĩ đang bối rối của mình, Viễn nhận ra câu trả lời trong những câu hỏi gợi lên trong đầu: Nếu Chúa không ban cho sức khỏe, làm sao tôi có thể làm việc kiếm tiền sinh sống, nói chi đến việc có cơ hội giúp đỡ người khác? Nếu không có Thần Khí của Ngài hoạt động trong tâm hồn, làm sao tôi có thể tự mình trở nên tốt bụng mà sẻ chia? Nếu Chúa không gửi người túng thiếu đến thì làm sao tôi có được cơ hội rộng mở lòng mình và cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của chia sẻ? Nếu Ngài không ban trí thông minh, làm sao tôi có sự  sáng suốt mà khuyên giảng cho người khác? Nếu Ngài không tha thứ trước cho tôi cả trăm vạn lần, làm sao tôi có khả năng thứ tha cho người khác vài ba lần? Nếu Ngài đã không làm tất cả cho tôi trước thì tôi sẽ chẳng thể làm được bất cứ điều gì cho chính mình hay tha nhân.

Người ta vẫn quen dùng từ “làm ơn” cho nhau nhưng sự thật thì chẳng có ai làm ơn cho người khác cả. Con người là thân phận thụ tạo không có khả năng tự tạo ra bất cứ một ơn gì. Sự thật không thể phủ nhận được là: tất cả mọi người từ cổ chí kim, từ lớn đến nhỏ, đều là những kẻ đã nhận ơn trước từ một Đấng Ban Ơn. Không có ai ngoại lệ đối với điều này. Trước khi tôi có thể làm được một việc gì đó cho người khác, tôi đã nhận lãnh biết bao nhiêu ơn lành từ Đấng Yêu Thương rồi. Ơn là từ Chúa chứ không phải từ tôi. Tôi có điều kiện và cơ hội để làm được điều gì cho người khác thì trước hết đó cũng là một ơn huệ Chúa ban cho tôi. Nghĩ đến đây, bên ly café nóng, Viễn chợt giật mình tự nhủ: “Úi, mình phải cẩn thận để không giành công của Chúa!”

Việc nhận ra rằng ơn không phải là từ thân phận con người của mình khiến Viễn bẽ bàng vì đó cũng là lúc anh thấy ‘quyền’ mong đợi người khác biết ơn mình bị vuột mất khỏi tầm tay. Ai giúp người mà chẳng mong nhận lại ít là một thái độ biết ơn nào đó chứ. Nhưng, dù thế nào đi nữa thì chân lý vẫn không hề thay đổi: Chỉ có một Đấng Ban Ơn và xứng đáng nhận sự biết ơn mà thôi. Viễn nhớ lại lời Thầy đã dạy: “Anh em đã lãnh nhận một cách nhưng không thì cũng phải cho đi một cách nhưng không.” (Mt 10:8) Chân lý này giải thoát Viễn khỏi sự hụt hẫng vừa luẩn quẩn vừa vô lý khi gặp phải thái độ vô ơn. Nó đem lại tự do cho tâm hồn Viễn.

Anh tự rút ra một hướng sống cho mình: Cứ cố gắng làm cho người khác điều tốt đẹp theo tinh thần của Chúa nhưng sẽ không còn chờ mong bất cứ một sự biết ơn nào. Nếu họ thể hiện một thái độ biết ơn nào đó thì mừng cho họ vì họ đang sống điều cần thiết cho tâm hồn. Còn nếu họ vô ơn thì mong lời ông bà đã dạy sẽ cảnh tỉnh nhân cách họ:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mình trồng

Những người phụ nghĩa quên công

Dẫu đeo trăm đóa hoa hồng cũng vẫn chẳng thơm.

Về khía cạnh công bằng xã hội, khi mượn thì cần phải trả, khi nhận thì cần phải thể hiện sự trân trọng biết ơn, biết ơn Đấng Ban Ơn và người làm ơn. Đó là một điều đúng và tốt. Bản thân Viễn còn muốn đi xa hơn vì anh là một Kitô hữu: Ai đã giúp cho anh bất cứ điều gì thì anh sẽ luôn ghi lòng tạc dạ và cầu nguyện cho họ, ngay cả trong trường hợp bây giờ họ không còn tốt với anh nữa hoặc đang gây khó gây khổ cho anh. Kitô hữu là thế! Một khi đã biết Thầy thì con đường cần đi là con đường hướng lên những tầm vóc mới của tình yêu thương quảng đại, cho dù trước mặt là đồi cao của lòng người hiểm trở.

+++++

Reng reng reng…

Điện thoại di động của Viễn trên bàn cà phê rung rung. Số này lạ nên Viễn không trả lời. Đến lần thứ ba thì Viễn bắt máy. Hơi bực mình.

“Alô. Ai vậy?”

“Alô.  Anh Viễn phải không ạ?”

“Vâng, tôi đây.”

“Tôi tên là Tâm, mẹ của cháu Phúc. Cách đây mấy tháng, con tôi gặp nạn trên đường bị gãy chân. Anh nhớ không?”

Viễn nghe mơ hồ, chẳng nhớ ra chuyện như thế. Chị Tâm tiếp tục:

“Lúc ấy anh đã tốt bụng xuống xe, gọi taxi và yêu cầu chở con tôi vào bệnh viện để chữa trị. Anh còn đưa cho cháu Phúc một trăm đô-la để chữa trị. Thật không thể ngờ thời buổi này mà có người tốt như anh! Hôm nay thì cháu Phúc đã đi lại được. Tôi xin lỗi đã không thể gọi điện cám ơn anh sớm hơn. Vô cùng cảm ơn anh!”

Viễn không nhớ đã giúp ai bị tai nạn. Chắc là có sự nhầm lẫn nào đó.

“Dạ, xin cho hỏi làm sao chị biết số điện thoại và tên tôi?”

“Dạ, cháu Phúc nói hôm ấy lúc anh lấy tiền trong túi ra để giúp cháu thì anh đã làm rơi một tấm giấy có tên và số điện thoại này của anh. Cháu nói là chú Viễn tuy đi chiếc xe cũ nhưng đeo kính cận nhìn hiền lành lắm.”

“Ồ! Kính cận! Chẳng lẽ là thằng Nhân?” Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Viễn. Chị Tâm nói tiếp:

“Một lần nữa, vô cùng biết ơn anh đã ra tay cứu giúp con tôi! Nhà chúng tôi ở gần quán Quà cuối phố. Tôi xin chân thành mời anh ghé ăn bữa cơm đạm bạc và xin được gửi lại món quà anh đã rộng lượng giúp cháu lúc hoạn nạn.”

“Dạ, chị đừng lo nghĩ gì nhé. Cháu bình phục thì mừng rồi.”

“Dạ, tôi hiểu khi anh đã quyết định giúp đỡ thì không có nghĩ đến chuyện lấy lại hoặc được báo đáp nhưng món quà đó là một món tiền lớn mà anh cũng có nhiều thứ để trang trải trong thời buổi khó khăn này.”

“Ồ, không cần đâu chị.” Viễn cảm thấy một ánh sáng trong lòng soi chiếu.

Người phụ nữ đầu dây bên kia có vẻ hơi ngạc nhiên, chưa biết nên ứng xử thế nào gì thì Viễn nói tiếp:

“Xin lỗi chị, tôi không thể nhận lại vì tôi cũng chỉ là một người chuyển quà mà thôi. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc. Xin chào chị nhé!”

Viễn cúp điện thoại.

Chị Tâm: …

+++++

Dòng đời tiếp tục trôi như mọi ngày nhưng có người đã được biến đổi.

Quán nước Quà vẫn ở gần nhà chị Tâm. Viễn thỉnh thoảng vẫn đến đó để uống một ly cà phê ấm. Chẳng ai biết ai nhưng có ai biết một lúc nào đó họ cùng có mặt trong quán và cùng chiêm ngẫm về những điều kỳ diệu vẫn diễn ra trong cuộc sống. Biết đâu lúc Viễn đang ngồi nhìn ra khung cửa sổ cuối phố nghĩ về những món quà do Đấng Yêu Thương nhờ anh chuyển giúp thì đâu đó trong quán nước này có một người khác đang thầm nghĩ: Người chuyển quà đúng là một lời tỏ tình đặc biệt của Người Tặng Quà gửi đến trong dòng đời. Và một nụ cười nhẹ nở trên môi.

Giuse Việt

[200A+V614]

Blog: http://only3minutes.wordpress.com/

BTT CGVN xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm “Ngủ Trên Sóng” của tác giả Cát Thường.

Tác giả Cát Thường chính là bút hiệu của Lm. Giuse Tuấn Việt, O.Carm, một linh mục rất gần gũi với các ban trẻ, và luôn hướng lòng về với các bạn trẻ. Ngủ trên Sóng không phải chỉ là một kinh nghiệm sống của một đời thường, nhưng là của một tâm hồn có niềm tin mãnh liệt vào Đức Kito, Đấng đã làm nên mọi sự và vẫn còn đang tiếp tục đồng hành với bất cứ ai tin theo Ngài.

Các bạn có thể tìm gặp tập sách nhỏ rất dễ thương này tại các nhà sách công giáo. Nếu bạn thực tâm muốn đi tìm bình an hạnh phúc trong cuộc đời luôn đầy biến động này, hãy cùng với Cất Thương  chia sẽ “Ngủ Trên Sóng”

Chúc nhau bình an và thật nhiều may mắn.

BBT CGVN

Chiếc giày đánh rơi của Gandhi

Chiếc giày đánh rơi của Gandhi

Gandhi

Gandhi đã có một hành động thật cao quý bởi trong sự mất mát của bản thân như thế, ông vẫn có thể nghĩ đến người khác.

Mint

(Dịch từ Indiachild)

Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Gandhi nhảy vội lên tàu. Một chiếc giày của ông rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để nhặt nó trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Trước sự sững sờ của mọi người, Gandhi đã tháo luôn chiếc giày còn lại và ném về phía chiếc giày kia.

Hành khách trên tàu lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và giải thích: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ xài được đôi giày của tôi”.

Chúng ta thường ít nghĩ đến người khác mà chỉ nghĩ về bản thân mình. Khi chúng ta bị mất mát, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình. Chúng ta mất quá nhiều thì giờ cho sự tiếc nuối, than thở, chán nản, thậm chí trở nên cáu gắt và bực bội vì những rủi ro xảy ra. Gandhi đã có một hành động thật cao quý bởi trong sự mất mát của bản thân như thế, ông vẫn có thể nghĩ đến người khác.

Hành động của Gandhi chứng tỏ việc nghĩ đến người khác đã trở thành một phần trong tư tưởng và nguyên tắc sống của ông. Nếu trong những lúc bình an và thành công mà chúng ta còn không quan tâm lo lắng cho những kẻ bất hạnh hơn mình thì liệu khi gặp khó khăn, mất mát, ta có thể làm được điều đó hay không?

Xung quanh ta có biết bao nhiêu người khó khăn. Họ đang cần sự giúp đỡ. Những gì họ thiếu thốn không phải lúc nào cũng là vật chất, mà đôi lúc chỉ là một lời động viên an ủi. Thế giới của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi người không chỉ chăm lo về lợi ích riêng của mình mà còn chăm lo về lợi ích của người khác nữa

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT SỢ

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT SỢ

Nói đến hai thánh Tông Đồ cả Phêrô và Phaolô, người ta thường chăm chú đến những khác biệt nơi hai Ngài để rồi hướng đến quyền năng của Thiên Chúa.  Đây là một cái nhìn truyền thống có căn bản thần học đã góp phần cho đoàn tín hữu xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mạo muội có một cái nhìn về những điểm chung của hai Ngài xem ra khá táo bạo, thế nhưng nếu có cơ sở thì cũng đáng cho ta ghi nhận điều gì đó.  Xin được chia sẻ một nét chung nơi tính cách của hai “cột trụ” của Hội Thánh đó là “không biết sợ”.

1. Không sợ sai để dám nói: Những người quá cẩn trọng thì thường tự biện minh là “nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít.”  Tuy nhiên cũng có thể nếu cẩn trọng cách quá đáng như kiểu luôn thủ thân thì rất dễ đi đến chỗ “không nói gì” để khỏi phải sai lầm.  Có ngờ đâu, không nói gì cả khi cần phải nói thì lại là một sự sai lầm rất tai hại.
Đọc Tin Mừng thì không ai lại không chân nhận tính “mau miệng” của tông đồ Phêrô.  Không thể nói là Chúa Kitô đã minh nhiên đặt Ngài làm đầu nhóm 12 trong thời gian rao giảng, vì cũng trong thời gian này nhóm 12 luôn tranh giành nhau về vị thế làm đầu.  Chưa chính thức làm đầu, thế mà Phêrô thường là người thay mặt anh em để lên tiếng.  Có khi nói đúng thì được Thầy khen, nhưng cũng có khi chệch choạc thì bị Thầy lên tiếng quở trách nặng nề (x. Mt 16, 13-23).  Thế nhưng Phêrô vẫn cứ lên tiếng.  Đúng là không biết sợ.

Thánh Phaolô thì sao đây?  Có thể nói Ngài là vị “nhỏ người mà lớn miệng.”  Ngài đã nhiều lần tự biện hộ cho mình về việc lên tiếng quá nhiều và hình như không biết “kiêng dè.”  Ngay cả với Phêrô mà Ngài cũng chẳng tha (x. Gal 2, 11-14).  Có khi hăng say rao giảng đạt kết quả và cũng có khi nhiệt tình lý luận thì bị mời đi chỗ khác chơi ( x.Cvtđ 17, 22-34).  Thánh nhân vẫn không ngừng lên tiếng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi.  Thật chẳng biết sợ là gì.

2. Không sợ thất bại để dám làm: Dù biết rằng thất bại là mẹ thành công nhưng sự thường không ai là không ngại thất bại.  Không chỉ ngại thất bại mà người cơ hội thường thích ẩn mình để chờ thời cơ. Không làm gì cả thì chẳng mất lòng ai và nếu có bầu bán vị trí vai trò quan trọng nào trong các tổ chức xã hội hay tôn giáo cũng dễ kiếm nhiều phiếu hơn.  Một sự thật không thể nói là cá biệt hay đặc thù chút nào nếu không muốn nói ngược lại.

Nếu là Thầy, xin truyền cho con đi được trên nước… và Phêrô mạnh dạn bước đi trên sóng biển (x. Mt 15, 22-33).  Trước đám đông quân lính hùng hổ, Phêrô dứt khoát rút gươm bảo vệ Thầy.  Dù cho bạn đồng môn tìm cách trốn lánh thì Phêrô vẫn quyết định dõi theo chân Thầy vào sân vị Thượng tế.  Làm nhiều ắt gặp thất bại không ít, nhưng Phêrô vẫn quyết tâm đi tới.

Việc làm của Phaolô thật khó có ai bì.  Ba chuyến hành trình truyền giáo cùng với bao gian khó vất vả là một minh chứng rõ ràng.  Bị đòn roi, bị ném đá, bị ngồi tù hay lênh đênh trên biển cả… tất cả không ngăn được bước chân của vị Tông đồ nhiệt thành.  Thành công rất nhiều và thất bại cũng chẳng thiếu, nhưng Phaolô bỏ tất cả đằng sau để một mực lao về phía trước.  Ngài đã từng khẳng định “bất cứ những gì người ta dám làm thì Ngài cũng dám làm” (2 Cor 11, 21).

3. Không sợ thua thiệt để dám yêu:  Đây chính là nền tảng căn bản để hai thánh Tông đồ dám nói, dám làm không sợ hãi.  Yêu là chết trong lòng một ít.  Câu ngạn ngữ trên một cách nào đó nói về sự hy sinh trong tình yêu.  Đã yêu là không thể thiếu sự quảng đại hy sinh và quên mình vì người mình yêu.

Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18).  Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8)

Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt.  Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người.  Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8).

Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh.  Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa.  Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương.  Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.  Đã yêu thì không còn e ngại sự gì.  Đã yêu thì không ngại các thiệt thua.  Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói.  Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

VietCatholic.net

From: KittyThiênKim & Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

PHÊRÔ, PHAOLÔ, BẠN VÀ TÔI

PHÊRÔ, PHAOLÔ, BẠN VÀ TÔI

Tại sao hai thánh tông đồ cả lại mừng lễ chung với nhau?

Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, nên được mừng lễ trùng ngày với nhau hoặc sát gần nhau. Vậy thánh Phêrô và thánh Phaolô tương quan với nhau thế nào mà lại có ngày lễ kính cùng với nhau?

Đức Tổng Giám Mục Patrick Flores đã từng đặt câu hỏi này với giáo dân trong bài giảng của mình.  Và rồi ngài tự trả lời cách hóm hỉnh: “bởi vì hai thánh nhân không thể sống chung với nhau được trên thế gian, nên Chúa bắt các ngài phải chung với nhau trên thiên đàng.”(!)

Câu chuyện hài hước này rất có cơ sở. Thánh kinh cho thấy hai ông thật sự khác biệt nhau về tính cách, chênh lệch nhau về đẳng cấp:

·     Người kém văn hóa, kẻ trí thức cao

·     Người đã có vợ, kẻ vẫn độc thân

·     Người rút gươm bảo vệ Chúa, kẻ phóng ngựa truy giết những ai theo Chúa

·     Người giảng dạy cho giới đã cắt bì, kẻ loan Tin Mừng cho dân ngoại.

Chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galata đã thừa nhận sự đụng độ với thánh Phêrô ở Antiokia.  Ông đã cự lại thánh Phêrô vì đã không dám công khai dùng bữa với lương dân như trước khi nhóm cắt bì đến (từ cự lại là nguyên văn của Phaolô trong Gl 2, 11).

Điều rất dễ thương là, trong tất cả sự khác biệt cũng như cãi vã đó, thánh Phaolô luôn nhìn nhận vị trí quan trọng của thánh Phêrô với tư cách là người đầu tiên được Chúa Giêsu cho thấy Người đã phục sinh (1Cr 15, 5), một tư cách xứng đáng với cương vị thủ lĩnh.  Một sự trân trọng rất tuyệt đến nỗi tính cách khác biệt không hề làm cản trở sứ mạng và lý tưởng của hai thánh nhân.  Phần mình, thánh Phêrô cũng không kém cao thượng khi bắt tay Phaolô để tỏ dấu hiệp thông (Gl 2,10).  Điểm độc đáo này được Giáo Hội đưa vào kinh tiền tụng trong ngày lễ 29/06: “các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô.”  Để rồi từ những khác biệt tính cách và mâu thuẫn đường lối đó, các ngài đã trở thành:

Hai người tiên phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng.

Thế còn anh và em?  Còn bạn và tôi thì sao?

Dĩ nhiên chúng ta thế nào cũng có các điểm khác biệt, và dĩ nhiên chúng ta đã từng cãi vã, giận hờn.  Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao người mà mình trọn niềm tin tưởng lại cư xử như thế.  Đã nhiều lần ta như muốn buông một bàn tay thân yêu, rời xa một bờ vai thân thiết, phớt lờ một ánh mắt thân thương.  Chỉ vì chúng ta khác biệt nhau, không hiểu nhau.

Phải chăng ta khác biệt nhau và rồi ta so đo tính toán với nhau?  Để rồi ta hát mãi điệp khúc sau đây:

·     Đúng là anh giầu có hơn tôi thật, tôi không quên được đâu vì anh thường xuyên nhắc tôi về điều đó, nhưng anh cũng biết tôi có rất nhiều tài, còn về sắc đẹp thì không cần bàn cãi là ai hơn nhé!

·     Dĩ nhiên em chu đáo tỉ mỉ, nhưng cũng vì thế em thường sa đà vào các tiểu tiết và chi li, tính toán, phê bình đến mức nhỏ nhen.

·     Anh nghĩ chuyện to lớn trên trời, nhưng chuyện trước mắt, ngay trong nhà, anh có thấy đâu?

·     Sao em nói nhiều như vậy mà anh cứ ngồi im thin thít thế kia?

·     Và còn bạn nữa! Chúng ta có còn là bạn nữa không, mà sao khi lòng dạ mình rối bời lên thì bạn cứ trơ trơ như không cảm xúc vậy?

·     Có nhiều điều mình muốn nói, nhưng không nói ra vì mình nghĩ bạn chẳng thể nào hiểu được.

Khác biệt giữa Phêrô và Phaolô làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên phong phú hơn.  Các khác biệt của chúng ta lẽ ra là để bổ sung cho nhau và để làm cho đời ta thêm màu hương sắc, cũng như các giới hạn của cá nhân là để chúng ta cần đến nhau hơn trong cuộc trần này.  Điều quan yếu là ta biết trân trọng người khác và chiến thắng cái tôi ích kỷ.

Phêrô và Phaolô, hai ngôi sao “chỏi” đều tỏa sáng trên bầu trời Thiên quốc, hai con người Phêrô và Phaolô trở thành đồng trụ và bàn thạch cho tòa nhà Giáo Hội.  Tình yêu đối với Chúa Giêsu làm nên điều kỳ diệu này.  Chỉ có tình yêu đủ lớn mới có thể làm cho các bất đồng giữa vợ chồng, giữa bạn bè trở thành một liên kết phong nhiêu, một tương giao phong phú.  Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn ở lại.

Anh và em, bạn và tôi đã giận hờn, tranh cãi, thậm chí căm thù nhau trong quá khứ.  Có những điều cứ tái đi tái lại nhiều lần như một căn bệnh mãn tính, nan y.  Chúng ta có quá nhiều khác biệt mà.  Vẫn biết gương vỡ khó lành, vẫn biết ly nước đổ ra không thể lấy lại hết, nhưng tình yêu sẽ bù đắp tất cả và tình yêu sẽ làm cho tấm gương và ly nước lấy lại sau đó trở nên kỳ thú hơn, ngon lành hơn.

Có bao giờ chúng ta trân trọng nhau cho đúng mức không?  Có bao giờ anh và em cầu nguyện cho nhau rồi nói với Chúa về những lỗi lầm, yếu đuối của nhau chưa?  Có bao giờ bạn và tôi, chúng mình cùng cầu nguyện với nhau để chấp nhận các khác biệt của nhau mà mưu cầu công ích, mà lo cho đại cuộc không?  Đã bao giờ tôi nhìn ra được khía cạnh tốt đẹp của sự khác biệt, để yêu mến những gì “bất thường” nơi anh em, và phát huy những gì “cá biệt” của tôi nhằm hướng tới những điều cao quý hơn chưa?

Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cầu cho chúng con.

Pr. Nguyễn Đức Thắng

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

Người Việt chống Trung Quốc khắp nơi

Người Việt chống Trung Quốc khắp nơi

Hòa Ái, phóng viên RFA
2014-06-26

hoaai06262014.mp3

protest-at-china-embassy-305.jpg

Người Việt biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC hồi đầu tháng 6 năm 2014.

RFA

Sau cuộc gặp gỡ chính thức giữa đại diện lãnh đạo VN và Trung Quốc để giải quyết vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN hôm 18/6, người Việt trong và ngoài nước bày tỏ sự thất vọng với Chính phủ Hà Nội cũng như đẩy mạnh các hành động tự phát để thể hiện tinh thần chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông.

Thắng lợi ngoại giao?

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ giữa đại diện cấp cao của VN và ông Dương Khiết Trì-Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc tại Hà Nội, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã VN rằng Trung Quốc đã đơn phương vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển cũng như vi phạm luật pháp quốc tế; nói thêm rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân VN kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm.

Tuy nhiên, trong cùng ngày 20/6, truyền thông Trung Quốc mô tả chuyến đi của ông Dương Khiết Trì đến VN là một thắng lợi ngoại giao lẫn thắng lợi tinh thần. Tờ The Diplomat trích dẫn tờ Hoàn Cầu của Hoa Lục viết về cuộc gặp gỡ hôm 18/6 với câu chữ “Trung Quốc thúc giục ‘đứa con hoang đàng hãy trở về nhà’”. Thông điệp truyền thông Trung Quốc gửi đi là VN nên đáp ứng một cách đúng đắn với những đề nghị của Trung Quốc bằng cách chấm dứt quấy rối và phản kháng với giàn khoan HD 981.

Khi Trung Quốc xâm lược cảm nhận được đúng tinh thần bất khuất của người Việt thì nó sẽ nản chí thôi, tức là đến hơi thở cuối cùng thì người Việt vẫn cứ chống.
-Anh Tuyến

Trong khi không một đại diện nào của Chính phủ VN lên tiếng về giọng điệu của truyền thông Trung Quốc về cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện 2 quốc gia thì người Việt trong và ngoài nước bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động “vừa ăn cướp vừa la làng’ của người hàng xóm xấu bụng nhưng là đồng chí “4 tốt-16 chữ vàng” của Đảng CSVN.

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 hôm mùng 2/5 cho đến nay, người Việt trong và ngoài nước đã và đang lên tiếng mạnh mẽ để chống trả hành động ngang tàng của Trung Quốc ở biển Đông. Cộng đồng người Việt hải ngoại biểu tình khắp nơi ở các nước họ định cư. Nhiều người dân trong nước dù không được biểu tình ôn hòa sau cuộc bạo động ở Bình Dương và Hà Tĩnh, họ thể hiện tinh thần chống đối Bắc Kinh bằng cách ký tên vào các tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược lãnh thổ VN và yêu cầu Nhà nước VN kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Có người đã chọn cách biến mình thành ngọn đuốc như bà Lê Thị Tuyết Mai đã tự thiêu tại Sài Gòn hôm 23/5 và ông Hoàng Thu vừa tự thiêu hôm 20/6 tại Bang Florida, Hoa Kỳ.

Vào ngày 22/6, anh Đinh Quang Tuyến một mình cầm biểu ngữ “Chần chừ kiện Trung Quốc ra tòa là phản bội dân tộc” tại khu vực Nhà thờ Đức Bà. Anh Tuyến hô to “Đả đảo Trung Quốc Xâm lược” thì bị công an đến xiết cổ và bị đưa lên xe chở về tạm giữ ở phường Bến Nghé. Trao đổi với Hòa Ái, anh Tuyến cho biết động cơ khiến anh đơn độc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc:

976260_DSC_0304-305.jpg

Hàng ngàn công nhân ở Đồng Nai xuống đường phản đối Trung Quốc hôm 13/5/2014.

“Đó là xuất phát từ lòng yêu nước, từ sự thất vọng đối với Chính phủ. Bây giờ nhân dân làm và mình sẽ làm, 1 người cũng làm”.

Hành động đơn phương thể hiện tinh thần yêu nước của mình khiến anh Tuyến bị câu lưu hơn 5 giờ đồng hồ. Dù được công an giải thích hành động biểu tình ôn hòa của mình là gây rối trật tự nhưng anh Tuyến quả quyết sẽ có rất nhiều người trong số 90 triệu dân ở trong nước VN hành động giống như anh. Anh Tuyến lập luận tinh thần yêu nước của người Việt như anh hùng Nguyễn Trung Trực đã tuyên bố “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” thì chỉ khi nào Trung Quốc nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người VN chống Trung Quốc. Anh Tuyến nói:

“Trong cái rổ trứng ấp thì có 1 con nở ra, thấy có 1 con thôi nhưng phải hiểu rằng là có rất nhiều con sắp nở. Dĩ nhiên gà mẹ có ấp thì trứng sẽ nở thôi. Cái trứng này nở trước, cái trứng kia nở sau, rồi tất cả các con gà con đều sẽ nở và sẽ lên tiếng gáy. Khi Trung Quốc xâm lược cảm nhận được đúng tinh thần bất khuất của người Việt thì nó sẽ nản chí thôi, tức là đến hơi thở cuối cùng thì người Việt vẫn cứ chống”.

Gây tiếng vang cho thế giới

Có phải những hành động tự phát thể hiện tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm phương Bắc trong suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm qua như của bà Lê Thị Tuyết Mai, của ông Hoàng Thu hay của anh Tuyến là đơn độc hay thực sự lan tỏa đến tâm hồn của mỗi người con đất Việt? Từ Úc, cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một trong những người phát động chiến dịch “Selfie for Vietnam” qua hình thức chụp hình mỗi gương mặt với biển hiệu “ChinagetoutofVietnam”, cho biết tất cả các bức hình khắp năm châu gửi về được đăng tải qua trang mạng xã hội như Facebook, Youtube để gây một tiếng vang cho thế giới về tinh thần đoàn kết chống Trung Quốc của người VN. Cô Thanh Nhàn chia sẻ:

Hành động chụp hình này chỉ là một trong những phương thức thúc đẩy sự đoàn kết của mọi người và gây nên tiếng vang tất cả người VN đều đoàn kết trong việc chống Trung Quốc.
-Cô Thanh Nhàn

“Tôi nghĩ những hình ảnh này chắc chắn không thể nào đem giàn khoan ra khỏi bờ biển của VN được nhưng quan trọng một trong những mục đích chính là thúc đẩy sự đoàn kết của những người trẻ ở khắp năm châu, ai cũng có thể tham gia được hết. Đó là tinh thần đoàn kết mà những người Cộng Sản VN và Trung Quốc, họ đều sợ sự đoàn kết của tất cả người Việt ở năm châu. Hành động chụp hình này chỉ là một trong những phương thức thúc đẩy sự đoàn kết của mọi người và gây nên tiếng vang tất cả người VN đều đoàn kết trong việc chống Trung Quốc qua xâm lược VN”.

Ở trong nước, lên tiếng với báo giới, Anh hùng quân đội Nhân dân VN, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng lâu lắm mới thấy được lòng dân thể hiện tình yêu đối với biển đảo quê hương như thế. Thiếu tướng họ Lê khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì con đường đấu tranh hòa bình, không bao giờ chủ động tấn công Trung Quốc trước. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh bản thân ông cùng với 4 triệu cựu chiến binh sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước một khi Trung Quốc gây hấn bằng võ lực. Kiến trúc sư Trần Thanh Vân ở Hà Nội kể lại ghi nhận này với đài RFA sau khi tham dự cuộc hội đàm về tình hình biển Đông do Trung tâm Minh Triết Việt tổ chức, có sự tham dự của Thiếu tướng Lê Mã Lương:

“Thiếu tướng- Anh hùng quân đội Lê Mã Lương đến và có nói rằng hiện nay có 4 triệu cựu chiến binh sẵn sàng xông ra mặt trận bất cứ lúc nào, và quân đội sẽ theo họ chứ không theo ông Phùng Quang Thanh. Dân mạnh lắm”.

Qua những hành động thực tiễn của mỗi cá nhân hay một tập thể ở trong và ngoài nước cho thấy người Việt sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Và câu hỏi đặt ra liệu Chính phủ VN có đứng cùng chiến tuyến với người Việt hay chăng?

Đỗ Thị Minh Hạnh đã về nhà

Đỗ Thị Minh Hạnh đã về nhà

Chuacuuthe.com

VRNs (28.06.2014) – Sài Gòn – Tổ chức Freedom House, tại Hoa Kỳ cho biết: “Cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã được trả tự do trước thời hạn 3 năm, trong một bản án bị tuyên 7 năm vào năm 2010, tại Trà Vinh”.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cũng cho biết, hai đồng nghiệp khác của cô Hạnh là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Đoàn Quốc Hưng vẫn chưa được trả tự do, và do vậy nổ lực đấu tranh của các tổ chứ nhân quyền quốc tế và quốc nội tuy đã có kết quả, nhưng không thể dừng lại ở đây. Ngoài những người bị giam giữ vì hoạt động cho công nhân, còn có rất nhiều người dân Việt Nam bị kết án bởi những điều luật vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh sinh năm 1985, nguyên là sinh viên Cao đẳng Kinh tế. Cô tham gia các phong trào công nhân biểu tình và đình công để đòi tăng lương và bảo đảm an toàn lao động. Cô bị bắt vào tháng 02.2010 vì rải truyền đơn kêu gọi công nhân một công ty giày da ở Trà Vinh đình công. Ngày 27.10.2010 bị kết án 7 năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam.

Từ sáng sớm hôm qua, gia đình của cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã cho biết VRNs biết: “Chính Hạnh đã gọi điện thoại về báo cho ba biết đã được ra tù”. Tuy nhiên gia đình cũng tránh tình trạng bị nhà cầm quyền cộng sản đánh lừa như đã làm cách đây hơn 10 ngày, nên đã đề nghị chậm đưa tin về sự việc này.

140627002

Tổ chức Freedom House cho biết: “Chúng tôi đang nhẹ nhõm khi biết tin cô Đỗ không còn bị giam giữ, nhưng cộng đồng quốc tế không được quên các đồng nghiệp của mình, và nhiều công dân Việt Nam khác, những người vẫn còn bị giam cầm bởi các quy định vi phạm rõ ràng của luật pháp quốc tế”, ông Maran Turner, giám đốc Freedom Now đã nói. “Trong khi các điều khoản chính xác của thông cáo về việc phóng thích cô Đỗ chưa được công bố, chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ cải thiện tất cả các hạn chế về quyền tự do”. Ông Greg McGillivary, một đối tác của công ty luật Woodley & McGillivary, nói: Cô Hạnh đã trải qua bốn năm trong nhà tù Việt Nam do tổ chức công nhân đình công. Chính phủ phải cho phép công nhân và những người ủng hộ công nhân lập tổ chức và chính phủ phải dừng ngay các vi phạm về quyền lao động quốc tế cơ bản”.

Tổ chức Lao Động Việt nhận định: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên danh nghĩa là một nhà nước của Liên Minh Công Nông song trong thực tế đã phản bội quyền lợi của hai khối dân đông nhất này trong cộng đồng dân tộc. Bằng chứng là hàng triệu dân oan lây lất trên toàn quốc và người lao động Việt Nam chưa bao giờ bị bóc lột như ở qui mô hiện tại, phơi bầy ra một sự cách biệt giàu nghèo chưa từng có trong lịch sử Việt Nam

Bởi Tổng Liên Đoàn Lao Động VN, cũng trên danh nghĩa là đại diện trực tiếp cho quyền lợi của người lao động, nhưng vì là một tổ chức ngoại vi tức công cụ của Đảng CSVN nên không thể bảo vệ nổi những lợi ích của giai cấp công nhân Việt-nam nên:

1/ Từ ngày 20.10.2006, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đã ra đời.

2/ Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam cũng đã thành hình ngày 30.12.2006 tại Việt Nam.

3/ Phong Trào Lao Động Việt cũng đã được lập ra ngày 29.10.2008 tại Việt Nam.

Mặc dầu bị đàn áp, tù đầy (như trường hợp Luật sư Lê Thị Công Nhân của Công Đoàn Độc Lập VN, toàn ban lãnh đạo của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông VN, và ba người chủ chốt trong Phong Trào Lao Động Việt là Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh) ba tổ chức trên đã kết hợp với Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (được thành lập ngày 29.10.2006, tại Ba Lan) thành Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, viết tắt là Lao Động Việt (LĐV), ra mắt tại Đại Hội lần thứ 1, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17.01.2014″.

Tại Việt Nam, hiện rất cần những tổ chức công đoàn độc lập, như một tổ chức xã hội dân sự, không thuộc đảng cầm quyền và hệ thống tổ chức của chính phủ. Đây cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các nước tham gia Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà Việt Nam đang rấtmuốn được tham gia.

PV. VRNs