CẦN XÓT THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”.

Một bà mẹ đến gặp Napoléon, xin ông tha cho con mình. Hoàng đế trả lời, “Con bà phạm tội hai lần và công lý đòi nó phải chết!”. “Tôi không cầu xin công lý; tôi cầu xin lòng thương xót”. “Nó không đáng được thương xót!”. “Thưa ngài, sẽ không có cái được gọi là ‘lòng thương xót’ nếu con tôi xứng với cái đó! Thương xót là tất cả những gì tôi xin!”. “Vậy thì tôi sẽ thương xót!”. Ông tha cho con bà, vì con người cần xót thương hơn cần công lý!

Kính thưa Anh Chị em,

Lý luận tuyệt vời của bà mẹ kia được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Các biệt phái bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa để ăn trong ngày Sabbat; Ngài phản đối, “Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”; Ngài muốn nói, con người ‘cần xót thương’ hơn công lý!

Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi xót thương! Dân Chúa cần những nhà lãnh đạo xót thương! Vậy mà các biệt phái đã chôn sâu luật Chúa bên dưới lớp ‘luật nhân tạo’ đến nỗi người đói không được phép bứt một gié lúa để dạ khỏi giày vò trong ngày Sabbat. Ngớ ngẩn! Liệu Thiên Chúa có thực sự bị xúc phạm vì ai đó đưa tay bứt lúa khi họ đang đói? Không đâu! Với các biệt phái, lề luật – đã trở thành mục đích – ưu tiên hơn con người; ở đây, những người nghèo! Và như thế, làm sao dân Chúa có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường cứu rỗi mà không vướng phải gai góc từ những luật lệ tuỳ tiện của con người? Giới lãnh đạo quên rằng, con người ‘cần xót thương’ hơn công lý!

Tại sao họ lại cư xử như vậy? Câu trả lời thật rõ ràng, họ đã tách rời ‘tình yêu và công lý’ vốn là hai chị em sinh đôi! Công lý không có tình yêu, sẽ chỉ giết chết; tình yêu không có công lý, sẽ chỉ mị dân! Các biệt phái chú tâm vào luật và coi thường nhân ái; họ chi tiết hoá lề luật, bất chấp tình yêu. Điều này dẫn đến khép kín, ích kỷ và vong thân; chủ nghĩa vị kỷ, thành kiến và kiêu ngạo; coi sự thánh thiện là một cái gì hoàn toàn bên ngoài. Trái với họ, Chúa Giêsu dạy một đường lối hoàn toàn khác; con người ‘cần xót thương’ hơn công lý! Công lý của Ngài là xót thương – con đường tình yêu – dẫn đến công lý và tất nhiên, dẫn đến Thiên Chúa, dẫn đến sự hiểu biết, nhân ái và biết phân định; dẫn đến sự viên mãn, thánh thiện và cứu rỗi; dẫn đến Thiên Chúa Tình Yêu cứu độ và xót thương!

Anh Chị em,

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”. Không chỉ vậy, Con Thiên Chúa còn xuống thế cho loài người! Ngài đã chết vì luật của con người, để con người khỏi bị ràng buộc bởi luật mà sống trong luật tự do của con cái Chúa. “Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra”- bài đọc một. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sống luật tình yêu, luật của Nước Trời. Napoléon – dù chỉ là một ông vua trần thế – đã không nỡ xét xử với luật của loài người nhưng xét xử với lòng thương xót; ông ý thức con người ‘cần xót thương’ hơn công lý, phương chi Thiên Chúa, Đấng “luôn nhớ mãi giao ước đã lập ra” – Thánh Vịnh đáp ca – Ngài sẽ xét xử con người theo lòng thương xót; và như vậy, nhân ái hơn nhường nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đáng chết bội phần, con không xứng đáng với lòng thương xót Chúa; cho con đừng quá khắt khe với anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************************

Thứ Ba Tuần II Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” 25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”


 

Chúa Giêsu coi Luật Cựu Ước có giá trị thế nào? Cha Vương

Houston lạnh quá bà con ơi! Ngoài lạnh nhưng rán giữ lòng cho ấm nhé. Chúc một ngày bình yên tràn đầy hy vọng vào Chúa.

Cha Vương

Thứ 2: 20/1/2025

GIÁO LÝ: Chúa Giêsu coi Luật Cựu Ước có giá trị thế nào? Chúa nói trong bài giảng trên núi: “Ta không đến hủy bỏ Luật, và các tiên tri, nhưng để làm hoàn tất.”—Mt 5,7, (YouCat, số 336)

SUY NIỆM: Chúa Giêusu đã sống như một người Do Thái có lòng tin hoàn toàn theo quan niệm và các quy định của thời Người. Nhưng qua một chuỗi suy nghĩ, Người rời xa lối giải thích Luật theo nghĩa đen và chỉ vụ hình thức. (YouCat, số 336 t.t.)

Chúa Giê-su kiện toàn luật Mô-sê bằng chính sự hiến dâng thân xác của mình, để đưa con người vào sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phá bỏ mọi gánh nặng của lề luật trói buộc con người. Ngài kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới đó là tình yêu thương.

Làm một người Kitô hữu, bạn phải sống trọn vẹn tinh thần của luật Tin Mừng, để làm chứng cho nước Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Bạn giữ luật không chỉ với mục đích thánh hóa bản thân, mà còn tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô qua việc nêu gương và dạy cho người khác bằng chính đời sống của mình.

LẮNG NGHE: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:34-35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết mặc lấy tâm tình của Chúa và sống như Lời Chúa dạy để trở thành hiện thân của Chúa trong môi trường sống hàng ngày.

THỰC HÀNH: Tập sống giới luật yêu thương và tha thứ.

From: Do Dzung

********************

HƠI ẤM BÌNH AN || Lm. Xuân Đường

 

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3)

Chúc bình an! Bạn biết không, mỗi ngày ai cũng có những “phép lạ” diễn ra xung quanh, nhưng đến 99% là chúng ta không nhận ra. Mời bạn hãy tạ ơn Chúa vì Ngài mới cho bạn một “phép lạ” đó là một ngày mới. Vui lên nhé!

CN: 19/1/2025

TIN MỪNG: Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3)

SUY NIỆM: Dường như con người ngày nay gặp quá nhiều sóng gió, khó khăn, bệnh tật, lo lắng làm cho tinh thần họ bất ổn, sợ hãi đến mức phải cậy dựa, phải tìm đến những điều được cho là “phép lạ” để tự an ủi và tìm lấy một tia hy vọng cho chính mình. Vậy phép lạ là gì trong đạo Công Giáo? Dựa trên căn bản thì “phép lạ” được hiểu là:

+ Những hiện tượng siêu nhiên, chẳng hạn như việc ông Mô-sê giơ tay trên biển khiến nước biển rẽ làm hai (Xh 14,21-22), hoặc việc ông Giô-suê khiến mặt trời dừng lại (Gs 10,12-13).

+ Những hiện tượng xảy ra trái với quy luật tự nhiên, chẳng hạn như việc Đức Giê-su đi trên mặt biển (Mt 14,25), kẻ chết sống lại (2 V 4,32-35; Ga 11,1-44; Cv 9,39-40).

+ Những hiện tượng xảy ra không theo tiến trình của tự nhiên, ví dụ như hoá bánh ra nhiều (2 V 4,42-44; Mc 6,41-43), chữa lành người bại liệt (Mt 9,2-7; Cv 3,1-8 ; 9,34; 14,8-10), nước hoá thành rượu. (Ga 2:1-11)

Theo thiển ý của mình thì các phép lạ đã xảy gồm có bốn bước sau đây:

Xác định nhu cầu riêng hoặc chung—họ đang cần rượu

Cộng tác của bạn vào công trình của Chúa—Tục ngữ Pháp có câu: “Aide-toi, le Ciel t’aidera”: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn.

Tin vào sức mạnh của Chúa và để thánh ý Chúa được thể hiện.

Công bố việc làm của Chúa

❦  Không nơi nào trên trần gian đã có một phép lạ lớn như trong chuồng bò nhỏ ở Betlem: ở đây Thiên Chúa và con người trở thành một. (Thomas a Kempis-1380-1471, nhà thần bí Đức, tác giả sách Gương Chúa Giêsu).

LẮNG NGHE: Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu của THIÊN CHÚA đối với chúng ta. (1 Ga 4:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì những đam mê hào nhoáng bên ngoài nên con đã quên đi những “phép lạ” nho nhỏ mà Chúa đã và đang thể hiện trong con. Xin giúp con biết hoán cải và cộng tác với Chúa trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

THỰC HÀNH: Đối với những người đang nằm trong phòng cấp cứu, hơi thở cũng là một phép lạ mang lại nhiều hy vọng. Còn bạn thì sao? Tập đếm phép lạ trong đời mình mà tạ ơn Chúa nhé.

From: Do Dzung

Nước hóa rượu nồng

MÙA THƯỜNG NIÊN= Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Lịch Giáo hội có những mùa đặc biệt để kỷ niệm: Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh, Mùa Chay và lễ Phục Sinh, nhưng ngoài những mùa đặc biệt này, Giáo hội mời chúng ta sống và cử hành mùa Thường niên.

Mùa Thường niên.  Với hầu hết chúng ta, tôi nghĩ mùa này không nói lên một cái gì đặc biệt – nó nhạt nhẽo, tẻ nhạt, thường ngày, nhàm chán.  Trong lòng, chúng ta có cảm giác đó là những gì đè nặng lên chúng ta, nhận chìm chúng ta, đẩy chúng ta ra khỏi môi trường hữu ích của đam mê, lãng mạn, sáng tạo và ăn mừng.

Chúng ta dễ dàng chê bai chuyện bình thường.  Tôi nhớ một cô sinh viên trẻ chia sẻ trong lớp nỗi sợ lớn nhất đời cô là không thể chống chọi với những điều tầm thường, “là người nội trợ bình thường, người hài lòng làm quảng cáo thuốc giặt!”

Nếu bạn là nghệ sĩ hoặc có khiếu nghệ thuật, bạn dễ là đề tài của chê bai kiểu này vì các nghệ sĩ có xu hướng sáng tạo ngược với những gì bình thường.  Chẳng hạn, văn sĩ Doris Lessing đã từng nhận xét lẽ ra George Eliot (1819-1880) có thể là nhà văn giỏi hơn “nếu bà không quá đạo đức.”  Điều mà Lessing muốn nói là Eliot đã quá bám vào những điều bình thường, quá an toàn, quá chắc chắn, quá xa khỏi các bờ vực.  Trong tác phẩm tiểu sử Cô gái đồng trinh của Bennington (The Virgin of Bennington), bà Kathleen Norris chia sẻ khi còn là nhà văn trẻ, bà là nạn nhân của hệ tư tưởng này như thế nào: “Tôi nghĩ các nghệ sĩ quá nghiêm túc để sống một cuộc sống lành mạnh và bình thường.  Bị thúc đẩy bởi những thế lực không thể lay chuyển trong một thế giới lạnh lùng, họ đã phải đương đầu với cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi, đôi khi chết người, nhưng luôn cao cả để chống buồn bã và bất hạnh.”

Cuộc vật lộn cao quý với buồn bã và bất hạnh.  Nghe có vẻ quyến rũ, đặc biệt với những người trong chúng ta tự cho mình là nghệ sĩ, trí tuệ hoặc tâm linh.  Đó là lý do vì sao một ngày nào đó, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể cảm thấy thương hại cho những người có hạnh phúc đơn giản.  Chúng ta nghĩ quá dễ với họ, nhưng họ phải đấu tranh để có.  Đó là người nghệ sĩ bên trong chúng ta đang lên tiếng.  Chúng ta chưa bao giờ thấy một nghệ sĩ bằng lòng làm quảng cáo thuốc giặt!

Xin quý vị đừng hiểu lầm tôi.  Có một số xứng đáng cho việc này.  Chính Chúa Giêsu đã nói, chúng ta không chỉ sống bằng cơm bánh.  Không nghệ sĩ nào cần giải thích ý nghĩa của câu này.  Trong số những điều khác, họ biết điều Chúa Giêsu muốn nói, đó là thói quen đơn giản, không nhất thiết đó là thiên đàng.  Chúng ta cần cơm bánh, nhưng chúng ta cũng cần vẻ đẹp và màu sắc.  Doris Lessing là nghệ sĩ vĩ đại, bà vào đảng cộng sản khi còn trẻ nhưng khi trưởng thành bà bỏ đảng.  Vì sao?  Một câu nói lên tất cả.  Bà nói, bà bỏ đảng cộng sản, “vì họ không tin vào sắc màu!”  Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta, cuộc sống không có nghĩa là sống đơn giản như một chu kỳ bất tận: thức dậy, đi làm, làm việc có trách nhiệm, về nhà, ăn tối, chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôm sau và sau đó đi ngủ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều để nói về một thói quen có vẻ kịch tính của sự bình thường.  Cuối cùng, nhịp điệu của sự bình thường là nguồn gốc sâu sắc nhất để rút ra niềm vui và ý nghĩa.  Tác giả Kathleen Norris sau khi kể cho chúng ta nghe cám dỗ thời trẻ của bà, bà đã vượt lên những điều bình thường để dự vào cuộc chiến cao quý chống buồn bã và bất hạnh, bà chia sẻ cách mà người cố vấn tuyệt vời Betty Kray đã giúp bà thoát khỏi cạm bẫy này như thế nào.  Kray khuyên bà viết ra niềm vui cũng như nỗi buồn của mình.  Bà Norris nói: “Betty cố hết sức thuyết phục tôi về điều mà những người bạn của bà, những người từng bị điên biết rất rõ: sự trân trọng đơn giản và trong sáng với những gì bình thường trong cuộc sống hàng ngày là kho báu không có gì so sánh trên trái đất này.”

Đôi khi phải có một căn bệnh mới dạy chúng ta điều này.  Khi chúng ta lấy lại sức khỏe và năng lượng sau khi bị bệnh, sau khi bị nghỉ việc, sau khi bị ra khỏi nhịp sống và thói quen bình thường, không có gì ngọt ngào cho bằng trở lại với đời sống bình thường – với thói quen của công việc, với những điều bình thường của cuộc sống hàng ngày.  Chỉ sau khi bị lấy đi và sau khi được trả lại, chúng ta mới quý sự đơn giản và trong sáng của những việc bình thường hàng ngày, một kho báu tối thượng.

Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn đúng một phần.  Những điều bình thường có thể đè nặng chúng ta, loại chúng ta khỏi môi trường sáng tạo, khỏi môi trường lãng mạn, khỏi môi trường hoang dã, những môi trường làm chúng ta vui vẻ.  Nhưng phải công nhận, sự bình thường chính là điều giúp chúng ta không bị cuốn trôi.  Nhịp điệu của những điều bình thường giữ vững chúng ta, làm chúng ta tỉnh táo.

Nghệ sĩ Paul Simon trong một bài hát của thập niên 1970 có tựa đề An American Tune, hát về việc đương đầu với những bối rối, sai lầm, phản bội và những sự kiện khác làm khuấy động bình an của chúng ta.  Ông kết thúc bài hát khá buồn với những lời: “Ngày mai lại một ngày làm việc và tôi cố gắng nghỉ ngơi một chút.  Nghỉ ngơi một chút, đó là tất cả những gì tôi đang cố gắng.”

Đôi khi việc giữ mệnh lệnh này lại giúp chúng ta tỉnh táo hơn.  Có rất nhiều điều để nói về việc trở thành một người nhỏ bé, hài lòng, gắn bó với nhịp sống bình thường và thậm chí có thể làm quảng cáo cho thuốc giặt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

SỐNG ĐỘNG, VUI TƯƠI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Ngài và các môn đệ cũng được mời tham dự!”.

“Một nhóm kỹ sư điện ảnh phân loại mười âm thanh ấn tượng nhất: tiếng khóc chào đời, còi hụ, sấm phá đá, cháy rừng, còi tàu trong sương, nước rầm rì, vó ngựa, còi tàu rời bến, chó tru và tiếng ồn tiệc cưới. Nhưng âm thanh giàu cảm xúc nhất – sâu sắc hơn bất cứ loại nào – có sức mạnh thể hiện ‘mọi cảm xúc’ vẫn là âm thanh tiệc cưới!” – James Flora.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, ngay nơi phát ra loại “âm thanh giàu cảm xúc nhất” đó, Chúa Giêsu, các môn đệ và mẹ Ngài được mời tham dự! Thông điệp của các bài đọc thật rõ, Kitô giáo là một tôn giáo ‘sống động, vui tươi!’.

Là người Công giáo, “Có bao giờ bạn ‘cảm thấy tồi tệ’ khi sống đời sống Kitô hữu?”. Vì với một số người, để trở thành một người Công giáo ‘tốt lành’, họ phải luôn từ bỏ chính mình; nghĩa là phải luôn ‘hy sinh’ điều này, điều kia. Nếu được dịp nghỉ ngơi – dừng hết mọi công việc – thì khi quay về, họ cảm thấy tội lỗi. Hoặc nếu họ nghĩ, họ đang ‘tận hưởng’ cuộc sống, thì có điều gì đó không ổn; vì họ đã quá ‘mê say thế gian!’.

Nếu quả như thế thì Tin Mừng hôm nay thật khó chấp nhận! Kìa, Chúa Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ dự tiệc cưới. Lẽ ra, Ngài chỉ nên dự ‘phần nghi lễ’ và tránh xa tiệc tùng; hoặc không nên chút nào khi họ thưởng thức một hai ly rượu vang? Không phải thế! Ngược lại là khác, bằng chứng là khi hết rượu, Ngài là người tiếp rượu, tiếp đến mức thừa thãi. Với Ngài, Thiên Chúa mở cho nhân loại một xa lộ thênh thang, bất tận trong Vương Quốc. Nước biến thành rượu cho thấy Thiên Chúa lập hôn ước vĩnh viễn với nhân loại; để từ nay, con người không chỉ ‘sống động, vui tươi’ trong sự sung mãn của con cái Thiên Chúa mà còn là niềm vui cho chính Ngài!

Để con cái Chúa có thể luôn ‘sống động, vui tươi’, chính Thánh Thần luôn ban cho Hội Thánh các đặc sủng, ‘Người thì làm thầy dạy, kẻ làm tiên tri, kẻ khác được ơn chữa bệnh, làm phép lạ…’ – bài đọc hai, để qua con cái Hội Thánh, tất cả người tin hay không tin được hưởng nhờ; “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân!” – Thánh Vịnh đáp ca. Những quà tặng này chỉ nhằm xây dựng Hội Thánh ngày càng viên mãn hơn. Vì thế, Kitô hữu là người hạnh phúc, ‘giàu có’ nhất, dẫu không miễn cho họ một thử thách nào. Hội Thánh đó là Hiền Thê của Chúa Kitô. Thật tuyệt vời, Isaia đã tiên báo, “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ!” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Mọi sự một khi được Đức Kitô chạm tới đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống” – Phanxicô. Sáu chum nước dùng để tẩy uế được Chúa Giêsu chạm tới đã trở nên của uống làm vui say lòng người; cũng thế, cho dù cuộc đời bạn và tôi có nhạt nhẽo, vô vị đến đâu, nhưng được Chúa Giêsu chạm đến, chúng ta vẫn có khả năng sống trong hy vọng, trải nghiệm một cuộc sống mới, hạnh phúc mới, bình an mới, một mối tương quan mới ‘sống động, vui tươi’ với Chúa, với người. Ước gì bạn và tôi có thể tận hưởng niềm vui con cái Chúa; đồng thời, đem chia sẻ niềm vui ấy cho những người có ít niềm vui!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ủ dột u sầu vì bất cứ lý do gì; xin Chúa chạm đến con mỗi ngày để cuộc sống con không nhạt nhẽo, vô vị, nhưng luôn ‘sống động, vui tươi!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*************************************************

CHÚA NHẬT TUẦN II THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.


 

KINH CẦU CHO TUỔI GIÀ

Nguồn: Dòng Ba Carmelo

Lạy Chúa, xin ban cho con một tuổi già an bình và thanh thản.

Xin gìn giữ con khỏi một tuổi già tự khép mình trên con và trên những nuối tiếc vô ích.

Và nếu sự ngờ vực tấn công con, xin Chúa hãy soi sáng con.

Nếu sự cô đơn làm tâm hồn con sầu buồn, xin Chúa viếng thăm con.

Nếu bệnh tật hành hạ thân xác con, xin Chúa ban sức mạnh cho con.

Nếu giờ chết tới gần làm con kinh hoàng, xin Chúa hãy làm lắng dịu sự kinh hãi cho con.

Dù sự chết chộp con cách bất ngờ hay tiến tới từ từ, xin Chúa đừng bỏ rơi con.

Nếu một mai bệnh tình xâm phạm tới trí óc con, khiến con mất sự minh mẫn, thì ngay từ bây giờ, trước mặt Chúa đây, con xin hứa trước sẽ vâng chịu, và vâng chịu trong thái độ yên lặng kính thờ.

Nếu mai này con bị chìm đắm trong tình trạng hôn mê kéo dài, thì con mong rằng mỗi giờ phút còn lại của cuộc đời con sẽ đều là những thời gian liên tục chúc tụng tri ân Chúa, và chớ gì hơi thở sau hết của con cũng sẽ là một hơi thở của lòng mến yêu.

Con ước ao cậy trông rằng, vào giờ đó, con sẽ được Đức Mẹ nắm tay dẫn dắt đến trình diện trước Thiên Nhan để ca tụng ngợi khen Chúa đến muôn đời. Amen.

KHÔNG DO DỰ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Khi Abraham Lincoln chuẩn bị ký Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ, ông cầm bút, di chuyển đến dòng chữ ký, dừng lại một lúc rồi thả bút xuống, đi đi lại lại. Khi được hỏi tại sao, tổng thống trả lời, “Nếu tên tôi đi vào lịch sử, thì đó sẽ là vì đạo luật này; và nếu tay tôi run khi ký, sẽ có người nói rằng ‘ông ấy đã do dự!’”. Sau đó, quay lại, Lincoln cầm bút và mạnh dạn ký tên mình.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Lincoln do dự khi ký vào bản tuyên ngôn thì Lêvi – trong Tin Mừng hôm nay – đã ‘không do dự’ khi ký thác cả cuộc đời của mình vào tay Chúa Giêsu – người gọi ông, “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi đang ngồi ở đó. Người bảo ông, “Anh hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Khi cảm thấy một điều gì đó giá trị hơn, người ta dễ rời công việc cũ. Lêvi rời công việc cũ để bắt đầu một công việc mới. Trước đó, Lêvi ‘mê tiền’, nay ‘mê Chúa’. Những đồng xu La Mã có thể đã rơi từ tay anh; hoặc có thể, anh đã nuốt một ngụm nước bọt, nhanh chóng chỉnh lại chiếc áo, rồi ‘không do dự’, loạng choạng bước theo đám bụi mờ bởi đôi dép của con người ấy đập xuống mặt đường khô khốc! Từ đó, cuộc đời Lêvi đổi thay, anh trở thành Matthêu – một người bạn, một môn đệ, một tông đồ của Chúa Giêsu!

Chúa Kitô đi qua mọi cuộc đời và mọi người đều có cơ hội nói ‘có hoặc không’, ‘ở lại hoặc đi theo’, ‘thay đổi hoặc giữ nguyên trạng’; khoảnh khắc ấy có thể chỉ đến một lần! Khoảnh khắc ấy được Caravaggio vẽ lại như một thước phim quay chậm. Một trục ánh sáng xuyên qua căn phòng; ngón tay xương xẩu của Chúa Giêsu chỉ vào một ‘quý ông’ bảnh trai đang ‘với tay trên đống tiền’. Khung cảnh diễn ra trong một phòng nhá nhem. ‘Ánh sáng và bóng tối nô đùa’; ‘tội lỗi và đức hạnh ẩu đả’; ‘quá khứ và tương lai bỡn nhả’. Rồi sẽ ra sao? Nào ai biết! Nhưng Matthêu đã đáp lại người gọi anh, ‘ngặt nghèo nhưng hào hiệp’, ‘chóng vánh nhưng yêu thương’, ‘liều lĩnh nhưng tín thác!’. Để rồi anh được nhớ đến mỗi khi Tin Mừng thứ nhất được đọc chỉ vì khoảnh khắc ‘không do dự’ ấy!

Từ đó, Matthêu miệt mài suy ngẫm, chiêm ngắm, ghi ghi, chép chép về vị Thầy của mình. Matthêu đã cống hiến những gì tự tay mình viết ra, góp phần làm nên Tin Mừng – “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” – bài đọc một; vì lẽ “Lời Chúa là thần khí và là sự sống!’ – Thánh Vịnh đáp ca. Nhờ đó, con người thuộc mọi thời biết Chúa Giêsu, được kêu gọi “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần!” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Ông đứng dậy đi theo Người!”. Chúa gọi bạn và tôi. Khoảnh khắc ấy không chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể từng ngày, từng giờ, trong từng biến cố. Dầu muốn hay không muốn, khoảnh khắc ấy cũng sẽ xảy ra, hoặc đã xảy ra; chỉ có điều, chúng ta không nhận biết! Với trái tim của người Thầy; đúng hơn, của một người yêu, Chúa Giêsu vẫn đang đợi chờ, khát khao giây phút ấy sớm xảy đến, hầu chúng ta không còn loạng choạng ‘trong hiện trạng đáng thương’ của mình nhưng có thể mạnh mẽ bước đi ‘không do dự’ để trở nên con người mới, một con người mà Chúa muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì con ‘chóng vánh’ với những lần Chúa gọi, khi dám đứng lên, ‘không do dự’ đi tới một ‘chân trời mới’ – chân trời hoán cải, chân trời rao giảng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

********************************************

Thứ Bảy Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

13 Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

15 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”


 

Luật Cựu Ước quan trọng thế nào ?- Cha Vương

Một ngày ấm áp trong yêu thương và zui zẻ nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 17/1/2025

GIÁO LÝ: Luật Cựu Ước quan trọng thế nào ? Trong Luật Cựu Ước và nhất là 10 điều răn, Thiên Chúa tỏ ý Người cho dân Israel là nếu tuân giữ, họ sẽ được cứu rỗi. Kitô hữu biết rằng họ phải giữ Luật, nhưng cũng biết rằng không phải Luật cứu độ họ. (YouCat, số 335)

SUY NIỆM: Theo kinh nghiệm, mỗi người cảm thấy như mình được “khuyên bảo” làm điều tốt. Nhưng ta thường thiếu sức mạnh để hoàn thành, vì khó quá, vì ta thấy mình yếu đuối (xem Rm 8,3 và Rm 7,14-25). Ta thấy cái phải làm, nghĩa là Luật Cựu Ước, nhưng lại cảm thấy muốn phạm tội. Chính nhờ sự hiểu biết này về Luật cũ chứng tỏ cho ta, ta cần có một sức mạnh bên trong để hoàn thành. Vì thế, Luật Cựu Ước dù tốt và quan trọng cũng chỉ có để sửa soạn cho ta sống bằng đức tin với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ta, như Người được mặc khải trong Tin Mừng. (YouCat, số 335 t.t.)

❦  Luật cũ là tiên báo và thầy dạy về các thực tại tương lai. (Thánh Irênê ở Lyon)

LẮNG NGHE: Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. (Xh 20:2-3)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con để con biết giữ luật Chúa cho chọn trong ơn gọi.

THỰC HÀNH: Xin “Ơn Kính Sợ Chúa” để được tràn đầy lòng tôn kính Chúa, và ghê sợ bất cứ điều gì làm buồn lòng Ngài.

From: Do Dzung

*************************

Lắng Nghe Lời Chúa – Nguyễn Hồng Ân & Hiền Thục

DUN DỦI THẦN THÁNH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng!”.

Năm 1794, nhà sinh vật học Lazzaro Spallanzani phát hiện ra rằng, loài dơi có khả năng tự phát sóng âm – có tần số cao – để điều chỉnh hướng bay. Sóng phản hồi giúp chúng định hình khoảng cách và kích thước của vật cản; từ đó, dơi chọn cho mình những hướng bay phù hợp. Đây là ý tưởng nền tảng của ngành siêu âm!

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu trong tự nhiên, dơi có khả năng định hướng bay nhờ sóng phản hồi mà không cần thị giác; thì trong đời sống siêu nhiên, con người có khả năng đến với Chúa Giêsu nhờ sự ‘dun dủi thần thánh’ của Chúa Thánh Thần mà không cần những tính toán thế tục!

Tin Mừng hôm nay kể lại cảnh người ta chen chúc đến với Chúa Giêsu khi “Ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng” khiến một người bất toại ước ao tiếp cận Ngài phải được thòng xuống từ trên mái nhà. Hành động này bên ngoài xem ra thật hồn nhiên nhưng bên trong mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc; rằng, ai khát khao đến với Chúa Giêsu, người ấy đã nhận trước cho mình một loại hình ân sủng của Ngài, ân sủng này có tên ‘Dun Dủi Thần Thánh’ của Chúa Thánh Thần!

Tại sao Chúa Giêsu không thấy tình thế khó xử này? Tại sao Ngài không di chuyển đến một nơi rộng hơn mà mọi người có thể thấy và nghe Ngài? Thật khó để trả lời cho các câu hỏi này, nhưng có một điều chúng ta có thể đoan chắc là, cả khi không thấy, không nghe Ngài, người bất toại và những người bạn của anh vẫn được đền đáp ‘xứng với lòng tin của họ’. Lời Chúa bất ngờ tiết lộ cho chúng ta một nguyên tắc tâm linh tối quan trọng; rằng, ai khao khát đến gần Chúa Giêsu, người ấy đã được dun dủi bởi Thánh Thần. Vì vậy, trong trường hợp không nghe không thấy Ngài, chúng ta đừng bao giờ nản lòng, vì đây là một ‘trải nghiệm thiếu vắng’ cần thiết biểu lộ một niềm khát khao thực sự. Thực tế của vấn đề là, ‘khát khao Chúa’ – tự nó – đã là một ân phúc, một quà tặng; và còn hơn thế, nó có khả năng ‘tự sức biến đổi bên trong’ linh hồn những ai tìm kiếm Ngài.

Trong cuộc đời, nhiều lúc Thiên Chúa dường như ở rất xa và chúng ta không tài nào gặp Ngài. Khi điều này xảy đến, bạn hãy biết đây là cách Ngài mời chúng ta đến gần Ngài hơn; và đây cũng là cách Ngài quyến rũ, hấp dẫn và thu hút sự chú ý nhiều hơn của mỗi người, “Chúa đã quyến rũ con; và con đã bị Ngài quyến rũ!” – Giêrêmia. Hoặc nếu đây thực sự là một ‘cuộc chiến’, bạn cứ bình tĩnh hướng sự chú ý đến Ngài, ra sức tìm kiếm Ngài nhiều hơn nữa!

Anh Chị em,

“Ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng!”. Với ai khao khát Chúa, đây là sự xa xôi ‘trong đức tin’, một sự xa xôi ‘đầy yêu thương’ ‘tự sức biến đổi bên trong’. Bởi lẽ, ‘Đấng xa xôi’, thường chỉ nói trong im ắng và chỉ những ai đói khát Ngài mới có thể nghe thấy Ngài. Hãy để cơn đói lớn lên trong bạn! Ước mong gần Chúa vẫn có thể tạo ra những “sóng âm” cần thiết vốn sẽ nhận lại những “sóng phản hồi” tuyệt vời là hoa trái thiêng liêng vốn đôi khi sẽ lớn hơn, phong phú hơn, so với việc chúng ta được thấy, được nghe tiếng Ngài cách rõ ràng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘vật cản thì nhiều, sóng âm thì yếu’ khi con đến với Chúa. Xin khơi dậy nỗi khát khao trong con, hầu con có được sự dun dủi khôn nguôi của Thánh Thần!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************

Thứ Sáu Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Người nói lời Thiên Chúa cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, tội con được tha rồi.” 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy? 9 Trong hai điều : một là bảo người bại liệt: ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn? 10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt-, 11 Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”


 

 Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?- Cha Vương

Chúc bình an! Xin phép lành và sức mạnh của Chúa ở lại trong lòng bạn hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 5: 16/1/2025

GIÁO LÝ: Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?  Luật Cựu ước diễn tả những sự thật mà lý trí có thể biết một cách tự nhiên, và những sự thật đó được mặc khải và chính thức công nhận như Luật của Chúa. (YouCat, số 334)

SUY NIỆM: Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. (Mt 5,19) (YouCat, số  t.t.) (YouCat, số  t.t.)

❦  Thiên Chúa đã viết Luật trên bảng đá thế mà con người lại không đọc thấy trong lòng họ. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. (Tv 19:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết chuyên tâm thực thi những gì Chúa dạy, thực hành những điều hay lẽ phải, dẫu cho có bị bách hại thì xin giúp con giữ vững niềm tin theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang.

THỰC HÀNH: Trong 10 Điều Răn của Chúa, giới răn nào thực là một thách đố cho bạn trong lúc này? Xin Chúa ban cho bạn ơn can đảm nhé.

From: Do Dzung

***********************

Đường Lối Chúa (Đinh Công Huỳnh) – Ca đoàn Ngôi Ba

HÔN ƯỚC THẦN LINH – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Sau lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, hôm nay, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” thứ ba: đó là phép lạ tại tiệc cưới Ca-na.  Quả vậy, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giê-su diễn tả quyền năng thiên linh của Người, và vinh quang Thiên Chúa cũng được thể hiện qua biến cố đó.  Qua phép lạ làm cho nước biến thành rượu, Đức Giê-su khẳng định: Người đến trần gian để thiết lập một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ân sủng và bình an.  Cũng như nước với rượu hoàn toàn khác nhau, kỷ nguyên Người thiết lập khác xa với thời của Cựu ước.

Sự kết hợp gắn bó giữa Thiên Chúa và con người được so sánh với một hôn lễ.  Cách diễn tả này đã có trong thời Cựu ước.  Thiên Chúa yêu thương con người, không phải là tình yêu của ông chủ đối với đầy tớ; cũng không như một người thợ đối với tác phẩm mình làm ra.  Thiên Chúa yêu thương con người đến “phát ghen.”  Ngài mong muốn cho con người được hạnh phúc.  Ai phản bội Ngài, cũng giống như người vợ hay người chồng phản bội bạn đời của mình vậy.  Chúng ta có thể đọc thấy điều này trong ngôn sứ I-sa-i-a và nhất là ngôn sứ Hô-sê.

“Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.”  Bảy thế kỷ trước Chúa Giê-su, ngôn sứ I-sa-i-a đã say sưa chiêm ngắm cảnh huy hoàng của Giê-ru-sa-lem trong tương lai, khi Đấng Cứu tinh xuất hiện.  Đó cũng là lúc Ít-ra-en được phục hồi, không còn cảnh hoang tàn như xưa nữa.  Những hình ảnh được dùng để minh họa giúp chúng ta mường tượng một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc chan hòa.  Giê-ru-sa-lem và dân tộc Ít-ra-en sẽ là niềm vui cho Thiên Chúa.

Niềm vui và vinh quang ấy đã thành hiện thực trong tiệc cưới Ca-na.  Thánh Gio-an là tác giả duy nhất thuật lại sự kiện này.  Trong tác phẩm của mình, vị tác giả này rất “tiết kiệm” khi kể lại các phép lạ.  Ông chỉ tường thuật bảy phép lạ của Chúa Giê-su mà ông gọi là “dấu lạ.”  Mỗi dấu lạ đều diễn tả một khía cạnh trong sứ vụ của Chúa Giê-su và đều kèm theo một thông điệp quan trọng.  Tác giả Phúc âm thứ bốn đã làm độc giả ngỡ ngàng khi tả lại việc Đức Giê-su và các môn đệ đi dự tiệc cưới.  Qua sự kiện này, thánh Gio-an muốn khẳng định: Đức Giê-su là Thiên Chúa mang thân phận con người.  Người là một Con Người như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.  Người tôn trọng tất cả những gì là tốt đẹp và hợp pháp trong cuộc sống đời thường.  Sự hiện diện của Người có sức thánh hóa mọi mối quan hệ, tình cảm và những niềm vui.  Không có điều gì thuộc cuộc sống con người mà lại xa lạ đối với Người.

Nếu thánh Gio-an diễn tả một tiệc cưới, thì chúng ta lại thấy vai trò của cô dâu chú rể rất mờ nhạt, trong khi thông thường, hai nhân vật này là trung tâm của bữa tiệc và của mọi lời chúc tụng.  Chính Chúa Giê-su là nhân vật chính trong trình thuật này.  Phải chăng tác giả muốn ngầm giới thiệu với chúng ta: Đức Giê-su là Chú Rể.  Người đến để dẫn đưa nhân loại sang một kỷ nguyên mới.  Người thiết lập mối thân tình giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Nơi chính bản thân Người, là sự kết hợp kỳ diệu giữa nhân tính và thiên tính.  Chính vì vậy, kết quả của dấu lạ Ca-na, theo thánh Gio-an, là: Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người.  Đây là mục đích chính của dấu lạ và đây cũng là chủ ý của tác giả, khi thuật lại sự kiện này.

Nếu Đức Giê-su đã làm phép lạ năm xưa để tỏ bày vinh quang của Người, thì hôm nay, vinh quang Thiên Chúa vẫn tỏ hiện nơi cuộc đời chúng ta.  Thánh Phao-lô đã khẳng định như thế trong Bài đọc II: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.  Thánh nhân đã liệt kê những đặc sủng (tức là ân sủng đặc biệt, thể hiện qua những khả năng phi thường): ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định…  Thiên Chúa vẫn tỏ hiện quyền năng và vinh quang của Ngài nơi chúng ta.  Với thiện chí nỗ lực, chúng ta đang cộng tác với Ngài để làm cho hiệu quả của những ơn chúng ta đã lãnh nhận lan tỏa mọi nơi trong cuộc đời trần thế.

Sự kiện Ca-na có sự can thiệp của Đức Trinh nữ Ma-ri-a.  Hôm nay, Đức Mẹ vẫn đang nói với chúng ta: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  Quả vậy, lắng nghe và thực hiện ý Chúa, sẽ đem lại cho chúng ta bình an hạnh phúc.  Hơn thế nữa, việc thực hiện ý Chúa sẽ đem lại những điều lạ lùng trong cuộc đời.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim