Mỹ Hết Lý Do Giúp VNCS

Mỹ Hết Lý Do Giúp VNCS

Vietbao.com

Kiểu tráo bài ba lá của CSVN đã bị bể mánh. Kiểu đi du dây của CSVN cũng bị đứt dây. Mỹ không còn lý do gì nữa để giúp VNCS lấy lại biển đảo bị Trung Cộng chiếm cứ. Đừng nói Ngoại Trưởng Kerry người “nhiệt tình” ủng hộ Mỹ bình thường hoá bang giao và giao thương với CS Hà nội, ngay Đệ Nhứt Phu Nhân Mỹ Michelle Obama đầu ấp tay gối với TT Obama giả sử có năn nỉ, ỉ ôi TT Obama và dù Mỹ có tung hạm đội, tăng cường tàu chiến tuần tra vùng Biển Đông, chống TC lập vùng nhân dạng phòng không đi nữa — Mỹ cũng không giúp VN giành lại chủ quyền ở Biển Đông. Lý do:

Một, về tâm lý chánh trị, chánh quyền Mỹ không thể thuyết phục công luận để Mỹ giúp VNCS. Chánh quyền Mỹ là chánh quyền của dân, vì dân, do dân, do dân bầu. Mà CSVN chửi mắng Mỹ thậm tệ thì làm sao chánh quyền có thể đi ngược lại lòng dân, lấy tiền thuế của dân giúp, đưa quân nhân Mỹ giúp bảo vệ Biển Đông của CSVN là chế độ đã chửi mắng Mỹ thâm tệ gần đây.

Thực tế đã cho thấy CSVN đã theo đuôi TC một cách rõ ràng như hai với hai là bốn rồi. Bằng cớ rõ rệt nhứt là sau chuyến đi của Tổng bí thư CSVN sang Bắc Kinh, diện kiến Tâp cận Bình, thì CSVN chuyển hướng ngoại giao với Mỹ ngược 180 độ. Tiêu biểu nhứt là Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đọc bài diễn văn 30/4 tại Saigon trong cuộc duyệt binh, chửi mắng Mỹ là “đế quốc”, là “dã man” và cám ơn CS Nga Tàu giúp CS Bắc Việt đáng cho “ Mỹ cút, Nguỵ nhào”, chửi còn bạo hơn thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước nữa.

Theo tinh lý hiến pháp, luật pháp Mỹ, Mỹ chưa bao giờ giúp quân sự cho một chế độ CS. Nhưng mấy năm nay vì vấn đề TC bành trướng lấn chiếm Biển Đông, Mỹ gia giảm có phát triễn họp tác toàn diện với VNCS, chỉ hứa bán vũ khí sát thương từng vụ cho CSVN. Bây giờ CSVN chửi mắng Mỹ như vậy, hỏi có tổng thông, ngoại trưỏng, bộ trưởng quốc phòng, đại sứ, nghị sĩ, dân biểu nào giả câm, giả điếc mở miệng đề nghị Mỹ giúp VNCS trong vấn đề biển đảo ở Biển Đông.

Hai, về hiện tình tương quan quân sự, nếu Mỹ giúp cho VNCS là nối giáo cho TC. Hiện nay hai bộ trưởng quốc phòng của CS TQ và VN tuy hai nhưng là một rồi. Ngày 15/5 vừa qua Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh của VNCS và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn của TC “ hồ hởi, phấn khởi” gặp nhau ở biên giới, ca ngợi hai Quân đội “quyết tâm hợp tác, đoàn kết hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển triển kinh tế của nhân dân ở hai nước.” Cả hai hôn hít nhau, siết chặt tay như hai người đồng tinh luyên ái, chứng tỏ hợp tác chiến lược hết súc toàn diện và thấm thía”. Tin VOA cho biết hai người còn còn trồng cây lưu niệm, chứng kiến cuộc tuần tra chung của lực lượng biên phòng hai phía, Tướng Toàn còn tặng cho Tướng Thanh một chiếc bình gốm mà báo chí của Đang Nhà Nước CSVN ca ngợi đó là “đặc trưng phong cách Trung Hoa”.

Với tình thế đó, nếu Mỹ chia xẻ tin tình báo với quân đội, cảnh sát biển, bán vũ khí kỹ thuật cao và mật cho VNCS là giao trứng cho ác, nhắm con mắt cũng biết là quân đội VNCS sẽ chia xẻ, chuyển giao bí mật cho TC.

Ba, về tình hình Biển Đông, VN không có một vai trò kinh tế, chánh trị, quân sự, ngoại giao nào thiết yếu cho Mỹ trong chiến lược chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương. Vị trí địa lý vhiến thuật của VN có thể thành tiền đồn kiểm soát đường hàng hải huyết mạch từ Eo Biển Mã Lai đi lên, Cảng Cam Ranh Mỹ cần thời Chiến tranh VN bây giờ đã lỗi thời vì chiến lưọc, chiến thuật đã thay đổi, chánh yếu là dùng không lực và hải lực của hàng không mẫu hạm, Mỹ có cả thảy 11 chiếc và dự trù chuyển 60% về đây.

Về kinh tế, VNCS cần thị trường Mỹ, chớ Mỹ không cần VN làm nơi bỏ vốn đầu tư. Trong khi VNCS qua lệ thuộc kinh tế của TC. VNCS không thể thoát Trung về kinh tế. Bất chấp cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, kim ngạch thương mại Việt-Trung tăng 17% hồi năm ngoái, lên tới 58,77 tỉ đôla, theo các dữ liệu của nhà nước Việt Nam. Nhưng mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc gia tăng lên tới gần 29 tỉ trong năm 2014, so với năm trước đó chỉ có 23,7 tỉ đôla.

Bốn, Mỹ ngăn cản TC ở Biển Đông của VN, hoàn toàn không phải vì VN. Mỹ chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương và ngăn chận TC chiếm cứ Biển Đông vì quyền lợi tự do hàng hải trước tiên là của Mỹ và đồng minh của Mỹ, Nhựt, Nam Hàn, chớ không phải vì muốn giúp cho VN tái chiếm lại biển đảo. Có thế thấy trong suốt 7 ngày USS Fort Worth, tàu chiến cận duyên lớp Freedom của Mỹ tiến vào gần khu vực quần đảo Trường Sa mà TC đang xây cất các công trình, Mỹ cũng tự chế không đi sâu vào bên trong hải phận quá 12 hải lý của các đảo và bải đá mà TC đang chiếm. USS Fort Worth cũng thông báo qua radio để nhắc nhở phía Trung Quốc rằng chiến hạm Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế. TC cũng vậy, tàu Yancheng Type 054A của TC theo dõi chặt chẽ nhưng không có hành dộng cản trở nào. Tin mới đây hai bên tàu của Mỹ và TC đều biết và tỏ ra tuân thủ hiệp ước của Mỹ và TC đã ký để tránh đối đầu trong những tao ngô, bất trắc.

Và quan trọng nhưt là Mỹ lúc nào cũng tuyên bố không đứng phía bên nào trong các tranh chấp, chỉ khuyên dùng biện pháp ngoại giao và luật biển như chính Mỹ cũng không có ký gia nhập luật biển, thử hỏi khuyên ai.

Trong khi Á châu Thái bình dương căng thẳng vì TC xây Vạn lý Trướng Thanh Bắng cát ở Biển Đông, và toan lập vùng nhân dang phong không trên không phận vùng này, Ngoại Trưởng Mỹ Kerry đi Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Tâp cận Bình, hai bên không có một lời nào về Biển Đông. Quyền lợi của Mỹ và TC vạn lần lớn hơn đối với Biển Đông, hai siêu cường nương nhau làm bá chủ trong vùng, có lợi hơn để đụng chạm vì một vấn đề nhỏ.

Năm và sau cung, CSVN ắt phải đi với TC. Ắt phải đi với TC vì con đường CSVN đi không phải do CSVN chọn, mà do Đảng CS Trung Quốc sấp sếp, vạch ra, dàn dựng. CSVN về ý thức hệ như đệ tử đối với quan thầy TC, về tổ chức chánh quyền như thần tử đối với long nhan là Hán Triều. Hai đảng, nhà nước CS tách người dân Việt qua một bên, nhà cầm quyền hoàn toàn của đảng, vì đảng, do đảng. Người dân hoàn toàn không có tiếng nói trong thương lượng và đảng nhà nước không cần mất thì giờ giải trình một thoả ước quốc gia đại sư như thế cho quốc dân.

Khi Tổng bí Thư Đảng CSVN đi triều kiến TC, cùng đi theo gần hết những người nắm quyền bính của Đảng Nhà Nước CSVN. Trọng đi với 1/3 thành viên của Bộ Chánh trị gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân.

Mỹ hoàn toàn hết lý do giúp VNCS dù TT Obama quen thuật hùng biện nói đạo lý nghe cho êm tai, là chống kẻ mạnh TC hiếp VN yếu. Nhưng bây giờ kẻ yếu ấy đã theo phe mạnh là TC và chửi mắng Mỹ công khai, trịch thượng, thì dù có uống cả kí lô thuốc liều, TT Obama, Quốc Hội Mỹ cũng thể liều mạng chánh trị giúp cho một chế độ CS chửi mắng Mỹ thậm tệ hơn thời Chiến tranh VN nữa./.

(Vi Anh)

Nhà nước khủng bố

Nhà nước khủng bố

Nguyễn Hưng Quốc

Ở Việt Nam, từ mấy năm nay, dư luận thường xôn xao trước hiện tượng công an bắt người trái phép, mang vào đồn và đánh đập đến chết. Thi thể được mang vào bệnh viện xét nghiệm, người ta thấy người thì giập phổi, người thì toàn bộ nội tạng đều bị nát nhừ. Có trường hợp công an thừa nhận dùng nhục hình để tra tấn; có trường hợp chúng chối phăng, cho là nạn nhân hoặc tự tử hoặc bị bệnh từ trước hoặc lén lút dùng ma tuý quá liều.

Tổ chức Human Rights Watch ghi nhận được 31 trường hợp bị đánh chết trong các trại tạm giam của công an trong bốn năm (2011-2014). Con số này chắc chắn không đầy đủ. Theo một báo cáo của Bộ Công an mới đây, trong khoảng bốn năm, từ ngày 1/10/2011 đến 30/9/2014, tổng cộng có 226 người bị chết trong các nhà tạm giam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có lý do là nhục hình. Điều cần lưu ý là công an chỉ thừa nhận việc dùng nhục hình khi không thể chối cãi được nữa nên những lý do vớ vẩn họ đưa ra như tự tử hay bị bệnh đều có thể không đúng sự thật.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý không phải chỉ việc công an tra tấn nhiều người đến chết mà còn một khía cạnh khác không kém quan trọng: khi việc tra tấn bị phanh phui, không thể giấu nhẹm được nữa, phải mang ra toà xét xử, các bản án dành cho công an phạm tội tra tấn dẫn đến cái chết của những người dân vô tội đều rất nhẹ, người thì được tha bổng, người thì bị tù treo, chỉ hoạ hoằn mới có một số công an bị tù giam, nhưng ngay trong trường hợp ấy, án tù cũng chỉ vài ba năm, nói theo luật sư Võ An Đôn, hoàn toàn không có tác dụng răn đe để công an đừng tái phạm.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao công an lại càng ngày lại càng tra tấn người dân một cách dã man như vậy? và tại sao các bản án dành cho các công an tra tấn dân chúng đến chết lại nhẹ nhàng đến như vậy? Trả lời câu hỏi trên, chúng ta tiếp cận một sự thật: chính phủ không hề đưa ra chủ trương và hình thức kỷ luật nào để hạn chế các hành động tra tấn đến chết. Trả lời câu hỏi dưới, chúng ta tiếp cận một sự thật: chính phủ cũng không hề muốn trừng phạt những công an phạm tội dùng nhục hình để bức cung. Hai câu trả lời ấy lại dẫn đến một sự thật khác: Chính phủ muốn dùng sự khủng bố để đe doạ mọi người.

Khủng bố là hành vi bạo động nhằm gây hoang mang, lo lắng và sợ hãi trong dân chúng. Về phạm vi, có hai hình thức khủng bố chính: Khủng bố thuộc tổ chức (organization terrorism) và khủng bố thuộc nhà nước (state terrorism).

Tiêu biểu nhất cho loại khủng bố thuộc tổ chức gần đây là sự khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan: Họ sống rải rác trên nhiều quốc gia khác nhau nhưng có chung một nỗi hận thù đối với văn hoá và văn minh Tây phương, chung một tham vọng muốn phát triển nhà nước Hồi giáo khắp nơi trên thế giới và chung một biện pháp: sử dụng bạo lực để giết càng nhiều người càng tốt, gây tiếng vang càng lớn càng tốt và càng làm cho càng nhiều người khiếp hãi càng tốt.

Khủng bố thuộc nhà nước thì có hai mức độ: Một, ủng hộ và tài trợ cho các tổ chức khủng bố để chúng gieo rắc tội ác ở những nơi khác và hai, bản thân nhà nước đóng vai trò khủng bố đối với dân chúng trong chính nước của họ. Thuộc loại trên, Tổng thống Mỹ George W. Bush, vào năm 2002, cho có ba quốc gia chính được gọi là “trục ma quỷ” (Axis of evil), bao gồm Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên. Thuộc loại dưới, tất cả các quốc gia độc tài, với những mức độ khác nhau, đều là những nhà nước khủng bố: Họ sử dụng bạo lực để làm dân chúng sợ hãi, từ đó, triệt tiêu mọi ý định phản kháng, hoặc thậm chí, phản biện.

Trong ý nghĩa đó, không còn hoài nghi gì nữa, nhà nước Việt Nam hiện nay là một nhà nước khủng bố.

Thật ra, tính chất khủng bố ấy đã xuất hiện ngay từ khi nhà nước Việt Nam (cộng sản) vừa mới ra đời. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, họ đã có chính sách tiêu diệt những người đối lập và đối kháng, qua đó, gây khiếp hãi trong quần chúng để không ai dám chống lại họ nữa. Chính sách này càng trở thành phổ biến trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1954-75. Chính sách gọi là “trừ gian diệt bạo” thực chất là một sự khủng bố. Theo Anthony James Joes, trong cuốn “The War for South Vietnam 1954-75” (New York: Fraeger, 1989, tr. 46), trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, Việt Cộng đã giết khoảng 20% các cán bộ làng xã ở miền Nam. Chỉ trong năm 1960, họ giết khoảng 1.400 công chức và thường dân; năm 1965, con số bị họ giết lên đến 25.000 người. Theo Walter Laqueur, trong cuốn “Guerrilla, a Historical and Critical Study” (London: Weidenfeld and Nicolson, 1977, tr, 262-271), những sự khủng bố của chính quyền miền Bắc có quy mô và mức độ tàn độc hơn cả Trung cộng trong cuộc chiến chống lại Tưởng Giới Thạch trong thập niên 1940.

Đó là thời chiến tranh. Tại sao bây giờ, thời bình, chính quyền lại tiếp tục sử dụng các biện pháp khủng bố như vậy đối với dân chúng?

Câu trả lời, theo tôi, là vì họ sợ.

Chính quyền Việt Nam hiện nay thừa biết dân chúng không còn tin họ, không còn phục họ, và sẵn sàng đứng dậy chống lại họ khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm. Bởi vậy, chính quyền quay mặt làm ngơ, nếu không muốn nói là âm thầm khuyến khích, việc công an dùng nhục hình đối với dân chúng. Chính quyền không hề có ý định răn đe công an. Chính quyền chỉ muốn răn đe dân chúng: Chống lại chính quyền thì chỉ có chết!

Bất cứ chế độc tài nào cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng: tuyên truyền và khủng bố. Công việc tuyên truyền của chính quyền Việt Nam gần đây rõ ràng là đã thất bại: Họ không còn thuyết phục được dân chúng về tính chính nghĩa của họ, đặc biệt trước hai vấn nạn: dân chủ và chủ quyền (đặc biệt ở Biển Đông). Thất bại về tuyên truyền, họ chỉ còn cách duy nhất là gia tăng mức độ khủng bố.

Mục tiêu của khủng bố là làm cho dân chúng sợ. Nhưng động cơ thực sự của sự khủng bố là sợ dân chúng nổi dậy chống lại chính quyền.

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người” (Bài 2)

II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng

Đoàn Thanh Liêm

Trước khi đề cập đến nội dung của chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” của Paulo Freire, người viết xin được kể sơ lược về cái duyên hạnh ngộ với nhà tư tưởng nổi danh này, xuất thân từ xứ Brazil là quốc gia đông dân nhất của Châu Mỹ La Tinh. Đó là vào cuối năm 1970, trong dịp tham dự một hội nghị quốc tế tại Paris, nhằm thành lập Institut Oecuménique au service du Développement des Peuples ( INODEP = Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), tôi đã được gặp đích thân Paulo Freire là một thuyết trình viên chính của Hội nghị, mà ông cũng còn được bàu là vị chủ tịch của INODEP nữa. Người tầm thước với bộ râu tóc dài đã điểm muối tiêu của người đã bước vào tuổi ngũ tuần, Paulo Freire có lối nói thật say mê sôi nổi, lôi cuốn như là một thi sĩ, mà lại diễn giải quan điểm lý luận của mình với niềm xác tín sâu sắc của một triết gia. Cử tọa gồm nhiều nhân vật đại diện từ khắp năm châu đều chăm chú theo dõi bài nói chuyện quan trọng, mà đày nhiệt tình của ông. Rồi qua năm 1972, lúc tôi đến Geneva để trao đổi gặp gỡ với một số vị tại văn phòng trung ương của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (WCC World Council of Churches), thì tôi cũng gặp lại Paulo Freire đang phụ trách về vấn đề giáo dục của tổ chức này.

Mùa hè năm 1971, vào dịp đến tham dự một cuộc hội thảo khác nữa tại Mindanao Philippines, thì tôi thấy sinh viên ở đây chuyền tay bán cho nhau cuốn sách “The Pedagogy of the Oppressed”, ấn bản địa phương đơn giản, chỉ có ruột sách, chứ không có bìa riêng theo kiểu tự làm lấy, cho nên giá rất rẻ, có 2 US$ một cuốn thôi. Và dĩ nhiên là tôi cũng đã mua vài cuốn để đem về cho các bạn ở Việt nam. Chuyện nhỏ này lại càng khiến tôi chăm chú theo dõi tư tưởng và đường lối giáo dục của Paulo Freire suốt từ hồi năm 1970 cho đến nay.

A – Nét chính yếu của tư tưởng và hành động của Paulo Freire.

Có thể nói Paulo Freire luôn nhất quán về cả phần lý thuyết, cũng như thực hành trong đường lối Giáo dục, nhằm giúp khối quần chúng bị áp bức tìm ra cho mình một phương cách cụ thể, hữu hiệu để tự giải thóat khỏi thân phận của người bị áp bức, bị tha hóa do các điều kiện khách quan của môi trường xã hội, cũng như chủ quan nội tại của bản thân mình. Quan điểm của ông có tính chất triệt để, dứt khóat là : Xã hội đương thời ở châu Mỹ La tinh, cũng như ở nhiều nơi khác đều do bao nhiêu bất công, áp bức bóc lột tạo ra nỗi lầm than cơ cực triền miên cho đa số quần chúng nhân dân. Và không khi nào mà giới thống trị lại chịu tự nguyện đứng ra chủ động việc cải thiện các định chế xã hội vốn bảo vệ các đặc quyền đăc lợi cho riêng họ.

Như vậy, chỉ khi nào chính cái đại khối quần chúng là nạn nhân của sự áp bức thống trị tệ hại đó, mà nhất quyết dấn thân vào công cuộc giải phóng kiên trì để tự cứu thóat lấy mình, thì xã hội mới có cơ may được xây dựng tốt đẹp, và con người mới phục hồi được nhân phẩm cao quý cho từng cá nhân được. Nói khác đi, chỉ khi nào chính quần chúng nhân dân mà được thức tỉnh giác ngộ về vai trò làm chủ nhân đích thực của xã hội, và cùng đồng lòng lăn xả vào cuộc tranh đấu giải phóng đó, thì họ mới có được một tương lai tươi sáng viên mãn, như từng mơ ước từ bao nhiêu thế hệ xưa nay.

Với niềm xác tín như thế, Paulo Freire đã nhập cuộc với xã hội quê hương mình, bằng cách phát triển phương thức giáo dục tráng niên, thúc bách cho các học viên cần phải có sự suy nghĩ với thái độ phê phán (critical thinking = conscientization) về hiện trạng xã hội, mà họ là nạn nhân của bao nhiêu áp bức bất công. Và rồi từ đó, chính họ sẽ ra tay hành động, nhằm biến đổi xã hội hủ lậu đó đi (transformative action). Do lối suy nghĩ và hành động cụ thể, cấp tiến như vây, mà ông đã bị phe quân nhân cầm quyền ở Brazil bắt giữ, rồi trục xuất đi ra khỏi nước vào năm 1964.

Trong thời gian sống lưu vong, ông có dịp đúc kết các suy nghĩ và hoạt động của mình, để rồi trình bày trong 2 cuốn sách xuất bản hồi cuối thập niên 1960, và được nhiều người đánh giá rất cao. Đó là cuốn sách đầu tiên có nhan đề  “ Education, the Practice of Freedom”, và đặc biệt là cuốn “The Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ phân tích chi tiết rành mạch hơn về tác phẩm quan trọng này trong một đoạn sau. Và ông đã kiên trì tiếp tục tìm kiếm trong suốt cuộc đời còn lại, nhất là kể từ ngày được trở về lại quê hương vào năm 1980, để khai triển cho thêm phong phú hơn nữa cái chủ trương giáo dục có tính cách khai phóng và nhân bản cao độ này.

Tác giả Henry A Giroux nhận định về Freire rằng : “ Thực ra, ông là người đã kết hợp được điều mà tôi gọi là cả hai thứ ngôn ngữ phê phán với thứ ngôn ngữ khả thể” (In effect, Freire has combined what I call the language of critique with the language of possibility).

B – Giới thiệu tác phẩm “ Giáo dục của Người bị Áp bức”.

Trong cuốn sách 160 trang ngắn gọn, xúc tích với chỉ có 4 chương này, Paulo đã phân tích khá rành mạch, dứt khoát về chủ trương kiên quyết không thỏa hiệp với nền thống trị đàn áp, vẫn ngự trị lâu đời trong xã hội đương thời, đặc biệt là tại châu Mỹ La tinh là quê hương bản quán của ông. Và sau khi cuốn sách ấn bản tiếng Anh ra đời vào năm 1970, tác giả lại còn có nhiều dịp trao đổi với các thức giả khắp thế giới, và từ đó ông đã hoàn chỉnh hơn quan điểm và lý luận của mình, như được trình bày trong nhiều cuốn sách và bài báo xuất bản vào thập niên 1980-1990 nữa. Ta có thể tóm gọn tư tưởng của ông trong mấy khía cạnh chính yếu sau đây :

1 / Giáo dục đại chúng cốt yếu là một cuộc đối thoại giữa” người dậy” và “người đi học” ( a dialogue between the educator and the learner), trong đó phải có sự tương kính lẫn nhau giữa hai phía (mutual respect). Paulo Freire đặc biệt phê phán cái lối dậy học “nhồi nhét”, mà ông gọi là “banking concept”, tức là chỉ có người dậy chủ động chuyển mớ kiến thức vào đầu óc của học viên, y hệt như việc ký gửi các số tiền vào nơi chương mục tại ngân hàng (making deposits). Như vậy, thì người học viên hoàn toàn đóng vai trò “thụ động” của một đối tượng, chứ không hề được khuyến khích để chủ động phát huy óc sáng tạo và sự suy nghĩ có tính cách phê phán (critical thinking), để mà có thể tự mình khám phá ra hoàn cảnh bị áp bức của mình và rồi đưa đến một hành động thích đáng.

Thay vào đó, tác giả đề ra cái khái niệm “Giáo dục đặt vấn đề” (problem-posing concept of Education), trong đó cả hai phía người dậy và người học đều cùng hợp tác với nhau trong một quá trình hỗ tương (a mutual process), nhằm cùng nhau khám phá thế giới, và chung với nhau cố gắng vươn tới một mức độ nhân bản viên mãn hơn (their attempt to be more fully human).

2 / Cuộc đối thoại này không phải chỉ nhằm đào sâu sự hiểu biết, mà còn là một phần làm thay đổi nơi thế giới. Tự bản thân, sự đối thoại là một loại hoạt động có tính hợp tác bao gồm sự tôn kính (a co-operative activity involving respect). Quá trình này quan trọng, vì nó giúp tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và đồng thời lại xây dựng nên nguồn vốn xã hội  (enhancing community and building social capital), mà lại đưa dẫn chúng ta đến hành động cho công lý và phát triển nở rộ về phương diện nhân bản (human flourishing) nữa.

Cơ sở cụ thể cho hệ thống giáo dục căn cứ vào sự đối thoại này chính là nơi các“câu lạc bộ văn hóa” (culture circle), trong đó các học viên và người phối trí hợp cùng nhau bàn thảo về những” chủ đề khởi sinh” (generative themes), mà có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống thực tiễn của người học viên. Các chủ đề này liên hệ tới thiên nhiên, văn hóa, công việc làm và các tương quan xã hội, thì đều được khám phá ra qua sự tìm kiếm chung nhau giữa nhà giáo dục với học viên. Rồi các chủ đề đó được sử dụng làm căn bản cho cuộc đối thoại trong phạm vi sinh họat nội bộ của câu lạc bộ. Từ đó, mà dần dần diễn ra quá trình cấu tạo được ý thức phê phán (critical consciousness) nơi các học viên tham gia, với tư cách là chủ thể của xã hội, mà chính họ đang cùng nhau ra sức xây dựng với quyết tâm của cả tập thể của mình.

3 / Tính chất độc đáo trong tư tưởng của Paulo Freire chính là việc ông đã khôn khéo tổng hợp đến độ nhuần nhuyễn được kinh nghiệm của những nhà tư tưởng tiền bối, và đem áp dụng vào đường lối giáo dục của ông. Điển hình là phép biện chứng của triết gia Hegel giữa “ông chủ và đày tớ”, thì đã được Freire áp dụng trong lối “giải thóat khỏi các hình thức độc đóan trong giáo dục”(liberation from authoritarian forms of education). Chủ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre và của Martin Buber, triết gia Do Thái đã giúp Freire đưa ra khái niệm về “ sự tự biến đổi của người bị áp bức để tiến vào trong lãnh vực của tình trạng liên chủ thể tiến bộ” (the self-transformation of the oppressed into a space of radical intersubjectivity). Kể cả thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Freire về lịch sử tính của các mối quan hệ xã hội (historicity of social relations).

Và chủ trương “Thần học giải phóng” cũng ảnh hưởng rõ rệt đến quan điểm của Freire, khi ông cho là “Tình yêu thương là điều kiện thiết yếu cho một nền giáo dục đích thực”. Rồi quan điểm cách mạng chống đế quốc của Ernest Che Guevara và Frantz Fanon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Les Damnés de la Terre”, cũng ảnh hưởng đến sự phân tích của Freire về tình trạng trầm đọng (sedimentation) của tư tưởng của giới áp bức thống trị, mà vẫn còn hằn sâu nơi não trạng của chính bản thân lớp người nạn nhân bị áp bức. Và rồi từ đó, ông đã dấn thân hết mình vào công cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân đế quốc ở khắp mọi nơi.

C – Ảnh hưởng của tư tưởng Paulo Freire trên thế giới.

Có thể nói Paulo Freire là mẫu “con người tri hành hợp nhất” theo lối nói của Vương Dương Minh là nhà tư tưởng nổi danh của Trung quốc ngày xưa. Ông không chỉ đơn thuần là một lý thuyết gia, mà còn là một con người dấn thân hoạt động hết mình cho lý tưởng giải phóng con người. Chủ trương Giáo dục của ông tuy rất cương quyết dứt khoát, triệt để tiến bộ, nhưng đày tính nhân bản ôn hòa, khác hẳn với khuynh hướng quá khích, bạo hành của lớp người cộng sản Marxist tại châu Mỹ La tinh, cụ thể như Che Guevara, Fidel Castro. Vì thế mà đại bộ phận quần chúng nhân dân tại khu vực quê hương ông, vốn theo Thiên chúa giáo, thì đã tiếp nhận tư tưởng của Freire một cách nồng nhiệt, phấn khởi.

Tại Phi châu cũng vậy, trong nhiều dịp đến làm việc tại châu lục này, nhất là tại mấy nước trước đây cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, như Angola, Mozambique, Guinea Bissau, Paulo Freire đã được đón tiếp một cách rất thân tình trân trọng, bởi lẽ ông cùng chia sẻ cái thân phận của người dân đã từng phải sống dưới sự thống trị hà khắc của các chánh quyền thực dân đế quốc trước kia, cũng như của các chế độ độc tài bản xứ trong giai đoạn độc lập tự chủ hiện nay.

Tại Á châu, ông cũng được đón tiếp tại nhiều nơi như Ấn độ, Papua New Guinea, và có nhiều dịp trao đổi với các giới chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục, cũng như hoạt động cộng đồng.

Đã có nhiều quốc gia thiết lập các Viện Nghiên cứu Paulo Freire (Paulo Freire Institute = PFI) nhằm cổ võ và quảng bá tư tưởng của ông về lãnh vực cải cách giáo dục tráng niên, cũng như thúc đảy công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như PFI tại Nam Phi, tại Tây Ban Nha, tại Phần Lan, tại đảo quốc Malta, và dĩ nhiên tại Brazil là quê hương của ông.

Riêng tại Mỹ, thì có FPI đặt tại đại học UCLA ở thành phố Los Angeles California. Viện nghiên cứu này được thiết lập năm 2002 và rất hoạt động với việc xây dựng những mạng lưới liên kết giới học giả, nhà giáo,  nhà họat động xã hội, nghệ sĩ và các thành viên của cộng đồng. Thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tất cả các thành viên và các thân hữu của Viện FPI đều dồn nỗ lực vào việc xây dựng công bằng xã hội, và sử dụng giáo dục như là một phương tiện để tạo sức mạnh cho khối quần chúng bị áp bức, bị khuất phục tại khắp nơi trên trái đất.

Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các Diễn Đàn Paulo Freire ( bi-annual PF Forums) được tổ chức mỗi năm 2 lần, nhằm mở rộng và nâng cao sự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của những thức giả vốn theo đuổi đường lối giáo dục tiến bộ do Paulo Freire đã dày công khai phá từ trên nửa thế kỷ nay.

D – Thay lời kết luận.

Có thể nói Paulo Freire là một con người tòan diện, vừa có trình độ suy tư lý luận rất thâm hậu, mà cũng vừa là con người dấn thân họat động suốt đời, không bao giờ mệt mỏi. Ông được quần chúng mến phục, không những do các tác phẩm sâu sắc về triết lý giáo dục, về phương pháp vận động khích lệ cho tầng lớp người bị áp bức bóc lột, mà còn vì cái nhân cách sáng ngời, cái tinh thần khiêm cung hòa ái, và nhất là vì tấm lòng tha thiết yêu mến tột cùng đối với nhân quần xã hội nữa.

Quả thật, Paulo Freire là một tiêu biểu rất xứng đáng, là niềm tự hào cho tầng lớp sĩ phu trí thức của xứ Brazil, cũng như của tòan thể châu Mỹ La tinh vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

( Paulo Freire : 1921 – 1997)

Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên, nhằm gây ý thức cho đại chúng phải mạnh dạn tự giải thoát  mình ra khỏi tình trạng áp bức nặng nề, tàn bạo của xã hội đương thời. Vì có tư tưởng và hành động cấp tiến như vậy, nên ông bị giới quân nhân cầm quyền bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, từ năm 1964, mãi cho đến năm 1980, ông mới có thể trở về quê hương mình được.

Tại nước Chi lê, ông đã làm việc cho tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc, và Viện Cải cách Ruộng đất của chánh phủ Chi lê. Ông còn được mời tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển và Biến đổi xã hôi thuộc đại học Harvard ở Mỹ (Center for Studies in Development and Social Change). Rồi sau này làm giám đốc chương trình giáo dục của Hội đồng Tôn giáo thế giới (World Council of Churches) tại Geneva, Thụy sĩ.

Năm 1970, ấn bản tiếng Anh “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức) của Paulo Freire đã gây một tiếng vang lớn trong giới giáo dục và hoạt động xã hôi khắp thế giới. Sau trên 40 năm, thì đã có hàng triệu cuốn được phổ biến rộng rãi qua nhiều lần tái bản, và hàng mấy chục bản dịch ra các thứ tiếng khác nữa. Ông là người đã cổ võ cho ý niệm “ Conscientizacao’ nguyên văn tiếng Bồ đào nha, mà bây giờ đã trở thành thông dụng khắp thế giới với tiếng Anh là “Conscientisation” (= Consciousness Raising, Critical Conciousness). Ta có thể diễn tả ý niệm này là :  Sự thức tỉnh Ý thức và Suy nghĩ có tính cách phê phán.

Quả thật, chủ trương giáo dục có tính chất cách mạng triệt để của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào giáo dục và xã hội cùng khắp thế giới. Và tư tưởng triết học của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành học thuật như thần học, xã hội học, nhân chủng học, sư phạm, ngữ học thực hành và nghiên cứu văn hóa (applied linguistics & cultural studies).

Có thể nói : Paulo Freire là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về bộ môn giáo dục vào cuối thế kỷ XX ( the most influential thinker about education).

Bài viết này nhằm giới thiệu tư tưởng độc đáo và dứt khoát của ông. Đồng thời cũng lược qua về ảnh hưởng của tư tưởng này trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại các quốc gia vốn xưa kia là thuộc địa của thực dân Tây phương ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Paulo Freire, là một nhân vật tiêu biểu của trào lưu thức tỉnh và vận động xã hội tại Châu Mỹ La tinh là quê hương của ông, người viết xin được dàn trải việc trình bày trong 2 bài như sau :

Bài 1 / – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX.

Bài 2 / – Cốt lõi chủ trương “Giáo dục giải phóng” & Ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.

I – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh.

Châu Mỹ La tinh (Latin America) là khu vực nằm ở phía nam của nước Mỹ, mà xưa kia hầu hết đều là các lãnh thổ nằm dưới sự cai trị của hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha. Hiện nay khu vực này có chừng 30 nước với tổng số dân là trên 560 triệu. Chỉ có Brazil với dân số trên 190 triệu là nói tiếng Bồ đào nha. Còn lại, thì tất cả đều nói tiếng Tây ban nha. Trừ một số rất nhỏ xưa kia là thuộc địa của Pháp, Anh, Hòa lan, thì vẫn còn nói tiếng như tại “mẫu quốc” cũ của họ.

Có tới 70% dân chúng trong khu vực theo đạo Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic). Và chừng 15% theo đạo Tin lành.

A – Tình trạng bất ổn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Kể từ thập niên 1960 trở đi, khu vực này đã trải qua nhiều biến động về chính trị kinh tế, cũng như về mặt văn hóa xã hội thật sôi động, nhiều khi đưa đến những tranh chấp tàn bạo đẫm máu, do các chế độ độc tài thiên hữu, quân phiệt hay thiên tả gây ra. Nhiều cuộc đảo chính đã liên tục xảy ra, khiến cho xã hội luôn bất ổn định, và chế độ độc tài quân phiệt dễ có cơ hội được củng cố, và người dân bị dồn vào thế bị động, không thể hợp nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia được.

Lại nữa, vào giữa thời chiến tranh lạnh, nên phía Liên Xô đã tìm nhiều cách để gây ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản tại đây; điển hình là tại Cuba từ khi Fidel lên nắm chánh quyền năm 1959 và đã ngả hẳn về phía Liên Xô. Chúng ta hẳn đều còn nhớ việc Liên Xô cho đem thiết trí lọai hỏa tiễn tại Cuba nhằm hướng vào nước Mỹ, khiến xúyt gây nên cảnh chiến tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1962, trước sự đối đầu nẩy lửa của hai lãnh tụ Kruschev và Kennedy.

Mà phía Mỹ, thì cũng tìm mọi cách can thiệp nhiều khi rất nặng tay tàn bạo, để bảo vệ toàn thể khu vực được gọi là“cái sân sau” (backyard) của riêng nước Mỹ; điển hình như có bàn tay của CIA trong việc lật đổ chế độ thiên tả của Tổng thống Salvador Allende tại Chi lê năm 1973. Rồi sau này vào thập niên 1980, thì phe Sandinista khuynh tả đã lên nắm được chánh quyền ở Nicaragua, với sự trợ giúp đắc lực của Cuba cộng sản cũng như của Liên Xô. Và chánh quyền Mỹ dười thời Tổng thống Reagan đã ra tay can thiệp mạnh bạo, để giúp phe đối lập Contras lập lại thế cờ tại đây. Đại khái đó là vài nét đại cương về ảnh hưởng của chiến tranh lạnh tại khu vực Châu Mỹ La tinh, từ hồi thập niên 1960 cho đến khi khối Liên Xô bị tan rã kể từ 1990.

B –  Sự nhập cuộc của Giáo hội công giáo La mã.

Về phía Thiên chúa giáo, thì do ảnh hưởng của tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2, trong giới tu sĩ và giáo dân tại khu vực đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong sự nhận thức, cũng như trong hành động của Giáo hội công giáo. Điển hình như trường hợp của Tổng giám mục Helder Camara của Brazil; ông là người rát năng động trong việc phục vụ và tranh đấu cho khối đa số nghèo túng, đến nỗi bị chụp mủ là “vị giám mục đỏ” (the red bishop). Ông nói chua chát như sau : “Khi tôi cho người nghèo ăn, thì người ta gọi tôi là một ông thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo lại không có thực phẩm, thì người ta gọi tôi là một người cộng sản!” Giám mục Camara và cầu thủ Pele’ là hai người xứ Brazil mà được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lại có trường hợp vị Giám mục cấp tiến Oscar Romero ở nước El Salvador, ông còn bị chánh quyền cho dùng tay chân ám sát, ngay giữa lúc ông  đang cử hành thánh lễ an táng cho bà mẹ của một người bạn vào năm 1980. Và đã có đến 250,000 người đến tham dự lễ an táng của vị mục tử kiên cường này, mà họ coi như là một vị thánh tử đạo (Martyr).

Cũng tại El Salvador, vào cuối năm 1980 đã xảy ra việc sát hại 4 nữ tu người Mỹ, do bàn tay của nhân viên công lực nhà nước. Sự kiện này đã gây sự phẫn nộ tột cùng của báo chí và công luận nước Mỹ, đến độ tạo thành áp lực buộc chánh phủ Mỹ phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với chánh quyền tàn bạo của El Salvador.

Cũng phải kể thêm về trường hợp của vị linh mục Camilo Torres ở nước Colombia, ông là một tu sĩ cấp tiến, được đào tạo tại đại học công giáo nổi tiếng Louvain bên nước Belgium ở Âu châu. Vì áp lực nặng nề từ phía chánh quyền Colombia, ông phải thóat ly theo hẳn phe du kích chống chánh phủ, và đã bị hạ sát vào năm 1966 trong một cuộc đụng độ với quân đội. Tên tuổi của Camilo Torres, cũng như của Che Guerava bị hạ sát năm 1967 tại Bolivia, thì đã trở thành một huyền thoại lôi cuốn giới trẻ trong toàn thể khu vực Châu Mỹ La tinh từ trên 40 năm nay.

Nhân tiện, cũng cần phải ghi lại cái thủ đọan cực kỳ độc ác là “làm mất tích” (disappearance), bằng cách thủ tiêu những người chống đối, mà cơ quan an ninh tại nhiều nước trong khu vực sử dụng, để đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ tự do tại các nước này. Điển hình là tổ chức Các Bà Mẹ có con bị mất tích ở Argentina, đã liên tục trong nhiều năm tháng đến tụ hợp với nhau tại một quảng trường Plaza de Mayo trong thành phố thủ đô, để đòi hỏi chánh quyền phải cho công bố về các vụ mất tích này. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng đã thâu thập được khá nhiều chứng từ về các trường hợp “ người bị mất tích” (disappeared persons) tại nhiều quốc gia trong vùng, mà có nơi con số này lên tới nhiều ngàn người. Rõ ràng chế độ độc tài nào dù theo phe tả như cộng sản, hay theo phe hữu như chế độ quân phiệt, thì cũng đều tàn bạo độc ác như thế cả.

C – Nền Thần học Giải phóng.

Châu Mỹ La tinh này lại còn là nơi phát sinh một trào lưu tư tưởng đặc biệt sôi nổi sinh động, đó là nền “Thần học giải phóng”          ( Liberation Theology). Đó là cả một phong trào của các giáo sĩ và giáo dân phản ứng không khoan nhượng trước thực trạng xã hội đày rẫy bất công áp bức, bóc lột trong xã hội các quốc gia trong khu vực. Họ lục tìm trong Kinh thánh và trong Giáo huấn chân truyền của Giáo hội công giáo từ xưa nay, để xây dựng được một nhận thức đứng đắn, trung thực về vai trò dấn thân nhập cuộc của Giáo hội trong công trình giải thoát con người và xã hội khỏi các định chế chính trị xã hội hủ lậu, phản động và vô luân trong xã hội đương thời. Trừ một số nhỏ thiên về phía marxit cộng sản quá khích, còn đa số giáo sĩ và giáo dân đều giữ vững lập trường tranh đấu ôn hòa, bất bạo động của tôn giáo. Hệ thống tư tưởng tiến bộ này luôn được sự hưởng ứng của quần chúng giáo dân và giới chức sắc của giáo hội, mà tiêu biểu sáng ngời nhất là “Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh (CELAM = the Latin American Episcopal Conference). Dưới sự thôi thúc của những vị lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình như Helder Camara, Hội Đồng này đã biểu quyết thông qua chủ trương rất tiến bộ là : “ Giáo hội phải dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo” ( Church’s Option for the Poor).

D – Vai trò của giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Trong khi đó, thì giới hàn lâm đại học (Academia), cũng như giới văn nghệ sĩ, đều sôi nổi góp phần vào công cuộc dấn thân phục vụ xã hội, mà điển hình là sự đóng góp thật là vĩ đại của Paulo Freire với chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” như đã được trình bày rất khúc chiết trong cuốn “Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ đề cập chi tiết vế tư tưởng này trong một bài sau.

Cũng cần phải ghi thêm về ảnh hưởng của phong trào trí thức tả phái phát xuất từ Âu châu, đặc biệt là từ thập niên 1950, đối với tư tưởng và hành động của học giới và văn nghệ sĩ tại Châu Mỹ La tinh. Khuynh hướng “Bài Mỹ” (Anti-Americanism) từ Âu châu đã làm tăng thêm sự hậm hực, ân óan vốn có sẵn từ lâu đời đối với sự thống trị và khuynh lóat của chánh sách bá quyền (hegemony) của nước Mỹ đối với tòan thể các quốc gia và lãnh thổ yếu thế, mà lại bị chia rẽ, phân tán ở phía Nam bán cầu (hemisphere). Lâu lâu, người ta vẫn nghe thấy dân chúng tại đây hô thật to cái khẩu hiệu “Yankees, Go Home” (Người Mỹ, Hãy Cút Đi!) mỗi khi có phái đòan cao cấp của Mỹ đi qua một số thành phố lớn. Điển hình là vụ phản đối rầm rộ, đến độ xô xát bạo hành đối với Phó Tổng thống Nixon của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1958.

Lại nữa, chánh phủ Mỹ vì luôn bênh vực che chở cho giới tài phiệt Mỹ làm ăn buôn bán khai thác tại các nước trong khu vực, nên đã cho thiết lập và ủng hộ các chánh quyền cực hữu, độc tài mà được đặt tên một cách mỉa mai là “Banana Republics”, vì chuyên làm tay sai cho các đại gia chuyên môn khai thác trồng chuối để xuất cảng về Mỹ, hoặc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên khác, để thu về được một số lợi nhuận khổng lồ cho các tập đòan kinh tế có độc quyền khai thác, mà điển hình là United Fruit.

Trước tình trạng bất ổn căng thẳng như thế, ta không lạ gì với sự chống đối quyết liệt như của những lãnh tụ mới đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela đối với nước Mỹ. Và qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về phản ứng dứt khóat và triệt để của giới trí thức như Paulo Freire trong bối cảnh chung của khu vực Châu Mỹ La tinh vậy./

( Bài 2 :  Giáo dục Giải phóng : Nội dung và Ảnh hưởng)

Bài diễn văn của ông Trọng nhiều hàm ý’

Bài diễn văn của ông Trọng nhiều hàm ý’

Nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang đấu đá để tranh quyền lãnh đạo?

Một nhà quan sát từ trong nước cho rằng bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lần thứ 11 hôm 7/5 của ông Trọng nêu ra một loạt các tiêu chuẩn để được vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới là ‘có nhiều hàm ý’.

Hội nghị trung ương 11 đã bàn bạc về các tiêu chí lựa chọn những người vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng trong khóa tới.

Nhiều tiêu chí

Trong diễn văn bế mạc, ông Trọng đã nêu một loạt các ‘khuyết điểm’ mà theo ông Đảng ‘kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương’, trong đó có: cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị từ Tp HCM, nhận định rằng ông Trọng đề cập đến tiêu chí ‘không tham vọng quyền lực’ là ‘muốn đề cập đến người vì tham vọng quyền lực mà gom góp cho cá nhân mình’.

“Tham vọng quyền lực thật ra không xấu nếu nó có thể giúp giải quyết những vấn đề cho nhân dân,” ông Dũng giải thích, “Còn tham vọng quyền lực để củng cố địa vị độc tôn cho mình để gom góp lợi ích cho cá nhân, gia đình mình thì điều đó hoàn toàn xấu.”

“Ở Việt Nam bây giờ có quá nhiều nhóm lợi ích.”

” Sắp tới còn có chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ và nếu như ông Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp và thậm chí tiếp đón trọng thị thì lúc đó uy tín của ông Trọng và uy tín của người được ông Trọng đề cử (cho vị trí tổng bí thư) sẽ được nâng lên đáng kể.

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng “

“Đối với nhiều người dân đánh giá Đảng Cộng sản chỉ là nhóm lợi ích mà thôi chứ không phải cái gì mang tính chất ý thức hệ như hồi xưa,” ông nói thêm.

Hàm ý nữa mà ông Trọng muốn đề cập tới là ‘cuộc tranh giành đấu đá nội bộ trong Đảng’, theo ông Dũng.

“Những người phe này không chấp nhận những người phe kia tham vọng quyền lực trong khi những người phe này cũng có tham vọng quyền lực,” ông nói.

Không còn giằng co?

Theo nhận định của ông Dũng thì bài diễn văn này cho thấy cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng ‘không còn ở thế tương quan giằng co lực lượng như giữa năm trước nữa’.

“Dường như sau diễn văn kỷ niệm ngày 30/4 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau Hội nghị trung ương 11 thì vấn đề tương quan lực lượng khó mà giằng co được nữa mà bên Đảng đang chiếm ưu thế,” ông Dũng nói.

“Theo nhiều người quen của tôi làm trong Nhà nước thì hiếm khi nào họ chứng kiến bài diễn văn nêu ra những từ ngữ như cơ hội, xu nịnh, mị dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản rõ đến như vậy,” ông nói thêm, “Điều đó làm cho người ta có cảm giác ông Trọng nếu không phải ở thế thượng phong thì cũng là đang chiếm ưu thế trong nội bộ Đảng.”

“Sắp tới còn có chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ và nếu như ông Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp và thậm chí tiếp đón trọng thị thì lúc đó uy tín của ông Trọng và uy tín của người được ông Trọng đề cử (cho vị trí tổng bí thư) sẽ được nâng lên đáng kể,” ông Dũng nói.

Chiến tranh Việt Nam có thực sự cần thiết?

Chiến tranh Việt Nam có thực sự cần thiết?

Nguyễn Hưng Quốc

28.04.2015

Liên quan đến biến cố 30 tháng Tư 1975, có một câu nói của một quan sát viên quốc tế mà tôi rất tâm đắc: “Không có ai chiến thắng cả. Tất cả đều là nạn nhân” (There were no winners, only victims).

Nhưng tại sao lại không có người chiến thắng?

Trước hết, không còn hoài nghi gì nữa, người miền Nam chắc chắn là những người thua cuộc và từ đó, là những nạn nhân không những của chiến tranh mà còn của hoà bình với hàng trăm ngàn người bị bắt đi cải tạo, hàng triệu người liều mạng vượt biển để tìm tự do và hầu như tất cả đều sống trong cảnh vừa lầm than vừa bị áp bức.

Mỹ cũng không phải là những kẻ chiến thắng. Nói cho đúng, họ thắng trong cuộc chiến tranh lạnh với khối xã hội chủ nghĩa bằng việc phân hoá Trung Quốc và Liên Xô đồng thời bằng cách vô hiệu hoá hiệu ứng liên hoàn, gắn liền với thuyết domino vốn là nguyên nhân chính khiến họ tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Về phương diện quân sự, họ không thắng không bại: họ đã rút quân ra khỏi Việt Nam mấy năm trước khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên, về phương diện chính trị, họ đã thất bại trong nỗ lực bảo vệ một đồng minh là chế độ Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam. Sau đó, về phương diện tâm lý, họ là những nạn nhân với hội chứng Việt Nam, một ám ảnh đầy day dứt trong lương tâm của những người từng tham chiến. Đó là chưa kể hơn 58.000 người lính bỏ mình tại Việt Nam cũng như hàng mấy trăm ngàn người bị thương tật trở thành một gánh nặng trong xã hội Mỹ.

Thế còn miền Bắc?

Đương nhiên họ là những người thắng cuộc. Thắng về quân sự: đánh bại được quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thắng về chính trị: thống nhất được đất nước sau 20 năm chia cắt. Tuy nhiên, bên cạnh những chiến thắng ấy, họ cũng gánh chịu không ít thất bại. Những thất bại ấy làm cho chiến thắng của họ trở thành một tai hoạ cho mọi người.

Trước hết, như là hệ quả của việc chà đạp lên hiệp định Paris, xua quân cưỡng chiếm miền Nam, Việt Nam phải gánh chịu sự cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trừ Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa, họ không có một người bạn nào cả. Ngay cả với một nước đồng minh thân cận từng giúp đỡ họ cả mấy chục năm, Trung Quốc, cũng biến thành kẻ thù với hậu quả là, ngay sau chiến tranh Nam -Bắc chấm dứt, Việt Nam phải chịu đựng thêm hai cuộc chiến tranh mới: chiến tranh với Campuchia và chiến tranh với Trung Quốc.

Hệ quả của tất cả những điều vừa nêu là, về phương diện kinh tế, Việt Nam hoàn toàn kiệt quệ. Lạm phát tăng nhanh; nạn đói lúc nào cũng lởn vởn trước mắt mọi người. Trong nhiều năm, ngay cả lúa gạo, nguồn thực phẩm chính và cũng là điểm mạnh của miền Nam, cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Dân chúng phải thường xuyên ăn độn hoặc ăn bo bo để thế cơm. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo khó và chậm phát triển nhất thế giới.

Về phương diện xã hội, hầu như mọi người đều bị lâm vào cảnh khốn cùng. Mâu thuẫn giữa hai miền Nam và Bắc càng lúc càng sâu sắc. Sự thống nhất chỉ có trên phương diện chính trị và hành chính, nhưng về tâm lý, nhìn nhau, dân chúng giữa hai miền vẫn đầy những nghi kỵ và đố kỵ.

Về phương diện chính trị, dân chúng không còn chút tự do nào cả. Tự do tư tưởng: Không. Tự do ngôn luận: Không. Tự do cư trú và tự do đi lại: Không. Tất cả các quyền tự do căn bản của dân chủ, từ tự do hội họp đến tự do thành lập và tham gia vào đảng phái đều bị tước sạch.

Có thể nói, trong hơn mười năm, từ 1975 đến 1985, khi phong trào đổi mới xuất hiện, ở Việt Nam, dân chúng trong cả nước đều chia sẻ nỗi bất hạnh chung xuất phát từ việc miền Bắc thắng miền Nam. Không có gì quá đáng nếu chúng ta nói, trừ giới lãnh đạo cộng sản, tất cả mọi người đều là nạn nhân của biến cố 30 tháng Tư 1975. Không phải chỉ những người bị bắt đi học tập cải tạo hoặc bị lùa đi kinh tế mới mới là nạn nhân: Tất cả mọi người đều là nạn nhân. Không phải chỉ những người bị bỏ mình trên biển mới là nạn nhân, ngay cả những người may mắn vượt thoát và được định cư ở nước ngoài cũng là nạn nhân: họ phải xa lìa tổ quốc để sống tha hương, không lúc nào nguôi nỗi khắc khoải trông ngóng về đất nước cũ.

Nhưng nếu mọi người đều là nạn nhân, cuộc chiến tranh Nam Bắc vốn kéo dài hai mươi năm có thực sự cần thiết hay không?

Bộ máy tuyên truyền của miền Bắc trước năm 1975 cũng như trong cả nước sau năm 1975 nêu lên ba lý do chính tại sao miền Bắc phát động cuộc chiến tranh ấy: Một, để giải phóng miền Nam; hai, để phát triển chủ nghĩa xã hội sang nửa phần lãnh thổ còn chịu khổ nạn dưới ách “áp bức” của Mỹ và “nguỵ”; và ba, để đánh bại sự “xâm lược” của “đế quốc” Mỹ.

Xin nói về nguyên nhân thứ ba trước. Đó chỉ là một nguỵ biện. Việc Mỹ đổ cả nửa triệu quân vào miền Nam chỉ là để giúp miền Nam chống lại sự xâm lấn của miền Bắc. Như vậy, nó chỉ là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân. Nói cách khác, nếu miền Bắc không mưu toan đánh chiếm miền Nam, chả có lý do gì để Mỹ đổ quân vào miền Nam cả.

Về nguyên nhân thứ hai, người ta dễ dàng nhận thấy là hoàn toàn không chính đáng. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản tại Đông Âu, hầu như ai cũng biết chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với áp bức và nghèo đói. Mở rộng chủ nghĩa xã hội từ miền Bắc sang miền Nam, do đó, thực chất là việc xuất cảng áp bức và nghèo đói. Đó là một tai hoạ.

Chỉ có nguyên nhân thứ nhất là cần phân tích kỹ. Trước hết, không ai có thể phủ nhận sự cần thiết của việc thống nhất đất nước, một di sản của tổ tiên từ ngàn đời trước. Đó là một mệnh lệnh của lịch sử, của đạo lý và của tình cảm. Tuy nhiên, vấn đề là: sự thống nhất ấy có thể được thực hiện bằng cách nào và được trả bằng giá nào? Nó có cần thiết để cả nước phải trải qua hai chục năm chiến tranh tàn khốc với trên ba triệu người bị giết chết? Lịch sử cung cấp hai bài học chính:  Thứ nhất, Đông Đức và Tây Đức đã được thống nhất mà không cần phải trải qua cuộc chiến tranh nào cả. Thứ hai, Nam và Bắc Triều Tiên đến nay vẫn bị chia cắt. Nhưng sự chia cắt ấy được đền bù bằng mức phát triển cực nhanh và cực cao của Nam Triều Tiên. Sự thống nhất không sớm thì muộn, không bằng cách này thì bằng cách khác cũng sẽ xảy ra, nhưng khi nó xảy ra, Đại Hàn cũng đã có một nền tảng kinh tế và chính trị vững chắc là Nam Triều Tiên (như trường hợp của Tây Đức và Đông Đức). Ở đây, sự chia cắt không có gì đáng phàn nàn hay ân hận cả.

Chúng ta tưởng tượng: nếu miền Bắc đừng phát động chiến tranh thì tình hình chính trị Việt Nam hiện nay sẽ ra sao? Thì tất cả những tai hoạ nêu lên ở phần đầu bài viết này sẽ không có. Thì cả hai miền sẽ có hoà bình và nhờ hoà bình, sẽ được phát triển nhanh chóng. Ngay cả khi hai miền Nam và Bắc chưa được thống nhất thì, tuy về phương diện tình cảm, vẫn là một nỗi nhức nhối, nhưng trên mọi phương diện khác, đó lại là một điều may mắn.

“Không thể hòa giải vì VN vẫn độc tài”

“Không thể hòa giải vì VN vẫn độc tài”

Các lãnh đạo chính trị của cộng đồng người gốc Việt ở Hoa Kỳ khẳng định ‘sẽ không có chuyện hòa giải’ chừng nào chính quyền trong nước vẫn duy trì các chính sách đàn áp dân chủ, nhân quyền đối với người dân trong nước.

Trao đổi với BBC tại Nam California, ông Trí Tạ, thị trưởng thành phố Westminster và ông Andrew Đỗ, giám sát viên Quận Cam, nói cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ không hợp tác với chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam để chống lại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Quận Cam và thành phố Westminster thuộc tiểu bang California là nơi có đông người gốc Việt sinh sống và được xem là ‘thủ đô của người Việt tị nạn ở hải ngoại’.

‘Vẫn giữ căn cước tị nạn’

“Trong 40 năm vừa qua, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn giữ được căn cước tị nạn của mình,” ông Trí Tạ nói.

“Chúng tôi hiểu được chúng tôi đến Mỹ với lý tưởng tự do và chúng tôi bảo vệ lý tưởng đó,” ông giải thích, “Chúng tôi luôn tiếp tục cùng với đồng bào trong nước đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ tự do.”

Theo ông Trí Tạ thì ngày 30/4 năm 1975 ‘luôn là ngày đau thương của cộng đồng người Việt tị nạn’ vì ngày này đánh dấu ‘hàng triệu đồng bào trong nước phải bỏ ra đi và có vài trăm ngàn người Việt xấu số đã chết trên biển cả’.

” Tập thể người Việt tị nạn tại hải ngoại lúc nào cũng quan tâm đến việc Trung Quốc xâm lấn và có âm mưu chiếm biển đảo Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt tại hải ngoại sẽ không bao giờ đồng quan điểm với chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Trí Tạ, thị trưởng Westminster”

Khi được hỏi về vấn đề hòa hợp, hòa giải với chính quyền trong nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, ông Trí nói rằng ‘không thể làm được’ do ‘trong 40 năm qua nhà cầm quyền cộng sản vẫn giữ chính sách độc tài’.

“Người Việt tị nạn tại hải ngoại lúc nào cũng muốn cho Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường,” ông nói và cho biết bản thân ông chỉ về Việt Nam khi nào đất nước này ‘có tự do, dân chủ thật sự’.

Khi được hỏi liệu sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông có khiến cho cộng đồng người gốc Việt tại Mỹ đoàn kết với chính quyền trong nước hay không, ông Trí Tạ nói: “Tập thể người Việt tị nạn tại hải ngoại lúc nào cũng quan tâm đến việc Trung Quốc xâm lấn và có âm mưu chiếm biển đảo Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt tại hải ngoại sẽ không bao giờ đồng quan điểm với chính quyền Cộng sản Việt Nam.”

“Toàn thể người Việt tại hải ngoại vẫn đang vận động chính giới Hoa Kỳ, dân biểu, thượng nghị sỹ liên bang để nêu lên sự quan tâm về sự xâm lấn của Trung Quốc đối với Việt Nam và chúng tôi hy vọng tập thể người Việt khắp nơi trên thế giới sẽ tiếp tục đưa sự quan tâm này lên để quốc tế và Hoa Kỳ có phản ứng thích hợp,” ông nói.

‘Mong thế hệ sau tiếp tục sứ mạng’

Ông Trí cũng cho biết thế hệ người gốc Việt sinh ra ở Mỹ sau năm 1975 nhờ tham gia vào các trường Việt ngữ và các sinh hoạt cộng đồng nên ‘vẫn hiểu được vì sao thế hệ thứ nhất đến Mỹ, hiểu được vì sao cộng đồng Việt Nam tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới vẫn quan tâm về hiện trạng nhân quyền Việt Nam’.

Ông nói ông mong rằng các thế hệ người gốc Việt ở Mỹ sau này ‘sẽ tiếp tục theo sứ mạng của thế hệ đi trước tiếp tục quan tâm và tranh đấu cho Việt Nam tự do và dân chủ’.

Ông Trí cho biết sau 40 năm hình thành và phát triển, hiện cộng đồng người Việt ở Mỹ ‘rất thành công ở mọi lĩnh vực’ và ‘có rất nhiều bác sỹ, chuyên gia, kỹ sư, khoa học gia, phi hành gia’.

Ông Andrew Đỗ, giám sát viên Quận Cam, thì nói rằng đấu tranh cho dân chủ, tự do trong nước là ‘trách nhiệm của mỗi người Việt tị nạn tại hải ngoại’.

“Trước khi muốn nói đến vấn đề gì về hợp tác cùng nhau để bảo vệ đất nước thì vẫn phải đòi hỏi chính phủ coi trọng nhân quyền trong nước.

Andrew Đỗ, giám sát viên Quận Cam “

Ông Andrew Đỗ cũng có ý kiến giống ông Trí Tạ là phải tách bạch giữa hai vấn đề là việc Trung Quốc có tham vọng trên Biển Đông và chính phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền lợi của người dân.

“Trước khi muốn nói đến vấn đề gì về hợp tác cùng nhau để bảo vệ đất nước thì vẫn phải đòi hỏi chính phủ coi trọng nhân quyền trong nước,” ông nói.

“Cho đến khi chính quyền trong nước coi trọng cái đó thì chúng ta vẫn phải nghi ngờ mình có thể tin tưởng một chính phủ như vậy hay không,” ông nói thêm.

Khi được hỏi có nhìn nhận về ý nghĩa thống nhất đất nước ngày 30/4 của hay không, ông Andrew Đỗ nói: “Thống nhất có nhiều cách làm. Những người độc tài cũng thống nhất đất nước của mình vậy. Đất nước thống nhất rồi đặt dưới chế độ độc tài thì đâu phải việc mình coi là đúng đâu.”

Khi được hỏi về việc tranh đấu cho tự do, dân chủ trong nước của cộng đồng người Việt tại Mỹ có đem lại kết quả gì hay không, ông trả lời: “Phần lớn việc coi trọng suy nghĩ của thế giới và họ (chính quyền Việt Nam) biết sẽ phải chống lại cộng đồng Việt Nam trên nước Mỹ và cả thế giới thì phần nào đó họ cũng phải e dè trong hành động của họ.”

Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với ông Trí Tạ, thị trưởng thành phố Westminster và ông Andrew Đỗ, giám sát viên Quận Cam được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.

Việt Nam và Trung Quốc không thể là bạn’

Việt Nam và Trung Quốc không thể là bạn’

Ông Tiến là thượng nghị sỹ dưới thời Việt Nam Cộng hòa

Một vị cựu thượng nghị sỹ dưới thời Việt Nam Cộng hòa nói ông ‘bi quan về tình hình đất nước hiện nay’ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nói tương lai đất nước chỉ có thể thay đổi khi giáo dục phát triển và ý thức người dân được nâng cao.

Trao đổi với BBC Việt ngữ từ nhà riêng tại miền Nam California, bác sỹ Nguyễn Hữu Tiến, hiện nay đã 86 tuổi, cũng so sánh sự khác biệt trong nền chính trị của Việt Nam Cộng hòa và của nước Việt Nam thống nhất hiện nay.

‘Biết trước miền Nam sẽ mất’

Ông Tiến nói ông đã ‘tiên đoán được Việt Nam Cộng hòa sẽ mất từ nhiều năm trước năm 1975’ và khi thấy ở Ban Mê Thuột và các nơi khác rút quân từ từ thì ông đã chuẩn bị rời khỏi Việt Nam.

“Tôi chạy ngược chạy xuôi, ngày nào cũng tìm đường dây, tổ chức nào đó để họ đưa mình ra ngoài,” ông kể và cho biết cuối cùng khi vào được sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 25/4 thì gia đình đã được một tổ chức có tên là ‘Food for the Hungry’ cho lên máy bay di tản của họ.

Tình hình Sài Gòn vào lúc đó, theo lời ông Tiến, thì ‘không có gì hỗn loạn lắm’ nhưng ‘tình hình thay đổi hàng giờ’.

“Tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất thấy người ra người vô, trật tự lắm. Tôi vô căn cứ của Mỹ ở Tân Sơn Nhất thì thấy đã đầy người làm việc cho Mỹ ở đó rồi,” ông nói.

“Ngày 25/4 ra vô (sân bay Tân Sơn Nhất) thong thả mặc dù có kiểm soát một chút,” ông nói thêm, “Nhưng ngay ngày hôm sau thì không vào được nữa. Có những người bạn bè khác mà tôi muốn giúp lại không vào được.”

Ông mô tả cảm giác ra đi của ông và gia đình lúc đó là ‘nhục nhã’.

” Tôi nghĩ tại sao mình sống trong hoàn cảnh tủi nhục như thế này: đi như một con chó hoang không biết đi đâu cả để tìm sự sống. Tôi nhớ tôi ngồi khóc. Nhưng mình còn may mắc còn đi được còn biết bao nhiêu người không đi được.

Nguyễn Hữu Tiến, cựu thượng nghị sỹ Việt Nam Cộng hòa

“Tôi nghĩ tại sao mình sống trong hoàn cảnh tủi nhục như thế này: đi như một con chó hoang không biết đi đâu cả để tìm sự sống,” ông kể, “Tôi nhớ tôi ngồi khóc. Nhưng mình còn may mắc còn đi được còn biết bao nhiêu người không đi được.”

“Nhưng nếu mình không đi thì mình bị đi tù rồi, Đi tù rồi thì cái gì xảy ra không biết được.”

Tuy nhiên, ông Tiến không cho rằng ngày 30/4 năm 1975 là ngày ‘mất nước’ như nhiều người dân Việt Nam Cộng hòa trước đây.

“Đối với tôi, tôi không dùng từ mất nước bởi vì nước Việt Nam vẫn còn, dân tộc Việt Nam vẫn còn nhưng thời cuộc thay đổi, vận nước thay đổi,” ông giải thích.

“Trong giai đoạn này Đảng Cộng sản độc tài đang cai trị,” ông nói thêm, “Nhưng tôi hy vọng trong thời gian tới thời cuộc biến chuyển, dân mình ý thức được nhân quyền, quyền tự do căn bản của con người thì họ sẽ đoàn kết và họ sẽ có sự chống đối.”

‘Không có Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ khác’

“Cuộc chiến là một bất hạnh mà người gieo rắc là Hồ Chí Minh,” ông Tiến phân tích, “Nói thẳng thừng như vậy. Nếu Việt Nam không có Hồ Chí Minh và không có Đảng Cộng sản thì Việt Nam vẫn giành được độc lập từ lâu rồi, từ năm 1943.”

“Họ (những người cộng sản) lèo lái cuộc đấu tranh sang bình diện khác,” ông nói.

Theo lời ông thì Đảng Cộng sản đã ‘lợi dụng tình trạng ngu dân do thực dân Pháp tạo ra’ để lên nắm quyền.

“Đảng Cộng sản lợi dụng tình trạng đó để lên với danh nghĩa đuổi thực dân để lòng người đi theo,” ông nói.

Ông dẫn chứng là vào thời kỳ năm 1945 khi ông còn là một thiếu niên đã ‘bị cộng sản lừa’.

“Lúc đó tôi không có ý thức chính trị, chỉ đến trường học thế thôi. Lúc Đảng Cộng sản lên năm 1945 thấy hợp lý quá. Thấy bảo gia nhập tổ chức tổ chức nhân dân tự vệ thì tôi cũng vác vậy, đội mũ, đeo ba lô đi gác,” ông nói.

” Nếu có một chính quyền quốc gia (không theo đường lối cộng sản) nghĩ đến dân đến nước thì nước Việt Nam bây giờ khá rồi chứ không ở trong tình trạng như thế này.

Nguyễn Hữu Tiến, cựu thượng nghị sỹ Việt Nam Cộng hòa

“Thật sự bất kỳ người dân Việt Nam cũng có tinh thần yêu nước nhưng thời còn trẻ mình cũng không biết thế nào là cộng sản,” ông nói thêm.

Ông cũng kể lại việc ông bị những người cộng sản ‘bắt và giữ một đêm’ khi đem nói câu chuyện mà ông nghe người quen kể lại ở Hà Nội lúc đó ngoài Đảng Cộng sản còn có những đảng khác như đảng của ông Nguyễn Hải Thần ở phố Quán Thánh.

“Sau năm 1954, đất nước chia đôi, ngoài bắc do cộng sản kiểm soát. Tôi biết ngay kinh nghiệm của tôi mình không thể sống với Đảng Cộng sản được nên cả nhà tôi di cư vào Nam,” ông kể.

‘Miền Nam còn non nớt’

Vị cựu thượng nghị sỹ này cũng cho rằng miền Nam lúc đó ‘không có ý thức chính trị’ và ‘vẫn còn non nớt trong vấn đề dựng nước’.

Sau khi tốt nghiệp y khoa ra trường vào năm 1957 và bị trưng tập vào bác sỹ quân y, ông Tiến kể ông thấy ‘đất nước thanh bình’ và ông đi từ ‘Sài Gòn đến Châu Đốc, từ Châu Đốc đến Rạch Giá’ vào ban đêm mà không sợ gì cả.

“Ngô Đình Diệm là người ái quốc nhưng lối cai trị của ông ấy là của một vị quan. Ông ấy nói ra mọi người chỉ nghe có thế thôi,” ông Tiến nhận xét về vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, “Ông ấy có hơi thiên vị những người lương với người giáo và tin tưởng những người dòng dõi con ông cháu cha.”

“Ông ấy thiên vị gia đình và đưa toàn những người thân tín trong gia đình lên. Những người ấy không cho ông ấy biết sự thực,” ông giải thích, “Lúc mới đầu không sao nhưng về sau ông ấy không nắm vững tình hình đất nước cho nên mới xảy ra vụ thượng tọa (Thích Quảng Đức) tự thiêu.”

Khi được hỏi về tình trạng tham nhũng dưới thời Việt Nam Cộng hòa, ông Tiến thừa nhận là có.

“Tham nhũng thì ở đâu cũng có cả. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa cũng có tham nhũng nhưng tham nhũng chỉ có tính giới hạn và mang tính cá nhân. Không có tập thể nào, lãnh đạo nào hay đảng nào tham nhũng cả,” ông Tiến nói với hàm ý ám chỉ Đảng Cộng sản hiện nay.

‘Con cờ trên bàn cờ’

Ông Tiến nhận định hai miền Việt Nam lúc đó chỉ là ‘con cờ trên bàn cờ mà người đánh cờ là các cường quốc’.

“Họ chơi nước cờ nào mình đâu có biết?’

“Chính bấy giờ người đàn anh đánh cờ là Mỹ với kế hoạch domino xem miền Nam là nút chặn cộng sản nên muốn đưa quân vào. Lúc Mỹ đưa quân vào thì chiến tranh Việt Nam không do người Việt Nam chỉ huy nữa,” ông nói.

“Khi đánh nhau súng đạn, xăng nhớt hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ thì khi bị cắt đi lấy gì mà đánh?”, ông nói, “Thành ra là mình bị bức tử.”

” Khi đánh nhau súng đạn, xăng nhớt hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ thì khi bị cắt đi lấy gì mà đánh?Thành ra là mình bị bức tử.

Nguyễn Hữu Tiến, cựu thượng nghị sỹ Việt Nam Cộng hòa

“Phía cộng sản không có Nga, Tàu đi kèm hoặc có đi kèm thì không có lộ liễu,” ông phân tích sự khác biệt trong chiến thuật hai miền, “Còn đằng này Mỹ rất lộ liễu. Nó đến chiếm chỗ nào thì bom napalm cháy hết cỡ.”

“Thành ra quân đội mình (Việt Nam Cộng hòa) đánh anh dũng nhưng cơ quan chỉ huy cuộc chiến không phải là sỹ quan Việt Nam,” ông nói, “Khi thấy dùng Việt Nam chặn Trung Quốc không cần thiết nữa thì Mỹ cử Kissinger qua (Paris để hòa đàm với Bắc Việt).”

Ông Tiến thừa nhận rằng sau ngày 30/4 năm 1975 đất nước Việt Nam có sự thống nhất, quy về một mối.

Tuy nhiên, ông chỉ trích những chính sách của Đảng Cộng sản sau đó là ‘không có lương tâm’.

“Thay vì nâng người bại trận lên thì lại trù yểm và diệt bằng cách này hay cách khác,” ông phân tích, “Nếu có một chính quyền quốc gia (không theo đường lối cộng sản) nghĩ đến dân đến nước thì nước Việt Nam bây giờ khá rồi chứ không ở trong tình trạng như thế này.”

Tương lai đất nước

Về tương lai đất nước, ông Tiến nói: “Bây giờ Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng họ không thể cầm quyền mãi được.”

Theo lời ông Tiến thì những người trong Đảng Cộng sản ‘cấu kết với nhau vơ vét tài nguyên của đất nước’ về cho bản thân và gia đình mình.

Theo ông phân tích thì hai cường quốc hiện nay có thể can thiệp trực tiếp vào Việt Nam là ‘Trung Quốc và Mỹ’.

“Mỹ thì bị chiến tranh Việt Nam đã ê càng lắm rồi. Bây giờ họ có thể giúp được về kinh tế, cả về mặt quân sự nhưng họ đòi hỏi thể chế Việt Nam phải có sự cải thiện. Ít nhất phải có bộ mặt dân chủ.”

“Đáng quan tâm là Trung Quốc – kẻ thù truyền kiếp của người Việt Nam,” ông nói, “Người Việt Nam với người Trung Quốc không thể nào là bạn được.”

“Cá lớn bao giờ cũng nuốt cá bé. Nó (Trung Quốc) ở thế mạnh. Nó cần kiếm chỗ kiếm lương thực, tài nguyên về nuôi dân nó. Nếu nó còn trục lợi được, còn ăn hiếp được thì mình vẫn bị ăn hiếp chưa nói đến chuyện nó có thể đô hộ mình.”

“Khi đó thì ai cứu mình? Phải có một cường quốc có một lực tương đương. Việt Nam phải trông vào Mỹ. Lãnh đạo Việt Nam họ biết cả,” ông phân tích.

 

Tương lai Việt Nam rất là đen tối. Tôi bi quan nhưng không đến nỗi. Tôi nghĩ dân tộc mình đến lúc nào đó bị nhấn quá thì sẽ nổi lên.Nguyễn Hữu Tiến, cựu thượng nghị sỹ Việt Nam Cộng hòa “Muốn chống lại sức mạnh của Trung Quốc thì phải có điều kiện mình có dân. Dân đồng lòng thì mình không sợ gì cả,” ông nói thêm và cho biết dân chủ ở Việt Nam hiện nay ‘rỗng tuếch’ và ‘thực quyền trong tay Đảng’.

Tuy nhiên, theo ông Tiến thì Đảng Cộng sản ‘không bao giờ thay đổi cả’.

“Cho nên Việt Nam chỉ khá lên chỉ khi nào Đảng Cộng sản bị thay thế,” ông nói, “Nếu chính quyền Đảng Cộng sản thay đổi được thì quá tốt nhưng tôi nghĩ họ không bao giờ thay đổi mà chỉ càng sa lầy thêm.”

“Tương lai Việt Nam rất là đen tối,” ông nói, “Tôi bi quan nhưng không đến nỗi. Tôi nghĩ dân tộc mình đến lúc nào đó bị nhấn quá thì sẽ nổi lên.”

“Trong tương lai gần thì tôi bi quan nhưng về lâu dài nếu vận nước xoay chiều thì mình sẽ không thua gì các nước láng giềng,” ông nói.

“Bây giờ tình trạng văn hóa xã hội nước mình quá suy sụp nếu muốn khôi phục lại đòi hỏi vài thế hệ. Để thay đổi văn hóa chỉ có vấn đề giáo dục là ưu tiên.”

“Người Việt Nam không thua kém ai về sự thông minh, nhẫn nại, cố gắng,” ông phân tích, “Nếu mình được lãnh đạo tốt có thể khá lên được.”

 

40 năm sau Chiến tranh Việt Nam: Ai vui, ai buồn?

40 năm sau Chiến tranh Việt Nam: Ai vui, ai buồn?

Nhiều người tị nạn Việt Nam lúc đầu đã đặt chân tới một trại tị nạn dựng lên tại căn cứ thủy quân lục chiến Camp Pendleton ở miền nam California.

Nhiều người tị nạn Việt Nam lúc đầu đã đặt chân tới một trại tị nạn dựng lên tại căn cứ thủy quân lục chiến Camp Pendleton ở miền nam California.

VOA Tiếng Việt

21.04.2015

Sau khi phải hủy bỏ kế hoạch kỷ niệm ngày 30/4 tại một căn cứ thuỷ quân lục chiến ở Nam California, người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang California giờ đã tìm được một địa điểm mới, nơi họ có thể treo cờ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa.

Hàng nghìn người đã bỏ chạy khỏi tổ quốc để tới Mỹ, và nhiều người trong số đó ban đầu đã đặt chân tới một trại tị nạn dựng lên tại căn cứ thuỷ quân lục chiến gọi là Camp Pendleton ở miền nam California.

Ông Jason Johnston, phát ngôn viên của căn cứ này, cho biết các quan chức tai trụ sở của lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ nói rằng lá cờ của miền nam Việt Nam trước đây không thể được treo lên tại các cơ quan liên bang vì chính phủ Mỹ chỉ công nhận chính quyền Việt Nam hiện thời.

Trong chương trình buổi lễ tại địa điểm mới này quốc kỳ và quốc ca Việt Nam (Cộng hòa) sẽ được tôn trọng và tôn vinh với các nghi thức nghi lễ của chương trình. Mục đích chính nữa là muốn cho giới trẻ Việt Nam biết và hiểu rõ rằng từ đâu mà người Việt Nam có mặt ở Hoa Kỳ, và hiểu rõ hơn về những thành quả, những đóng góp của người Việt trong 40 năm.

Ông Nguyễn Khanh, phát ngôn viên ban tổ chức lễ kỷ niệm 30/4.

Nay thì buổi lễ sẽ được tiến hành tại một trường trung học ở thành phố Garden Grove vào ngày 25/4 tới đây.

Ông Nguyễn Khanh, phát ngôn viên của Ban tổ chức sự kiện này cho VOA Việt Ngữ biết thêm chi tiết:

“Ban tổ chức dời địa điểm về trường trung học Bolsa Grande ở thành phố Garden Grove. Đề tài của chương trình đã đổi từ “Hành trình đến tự do và vươn tới” thành “Ngày tưởng niệm quốc hận năm thứ 40”, năm thứ 40 sau chiến tranh Việt Nam, miền nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản và hàng trăm người tị nạn Việt Nam đã rời Việt Nam để tìm đến bến bờ tự do. Chắn chắn trong chương trình buổi lễ đó tại địa điểm mới này quốc kỳ và quốc ca Việt Nam (Cộng hòa) sẽ được tôn trọng và tôn vinh với các nghi thức nghi lễ của chương trình. Mục đích chính nữa là muốn cho giới trẻ Việt Nam biết và hiểu rõ rằng từ đâu mà người Việt Nam có mặt ở Hoa Kỳ, và hiểu rõ hơn về những thành quả, những đóng góp của người Việt trong 40 năm.”

Ban tổ chức cho biết, dự trù sẽ có từ 5.000 tới 10.000 người tham gia lễ kỷ niệm đánh dấu sự kiện mà nhiều người ở Mỹ gốc Việt hiện gọi là “ngày quốc hận”.

Trong khi đó tại Việt Nam, chính quyền sẽ tổ chức diễu binh và diễu hành với sự tham gia của hàng nghìn người tại TP HCM để đánh dấu ngày được gọi là “thống nhất đất nước”.

Ngoài ra, kế hoạch kỷ niệm được đích thân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt còn bao gồm các hoạt động văn hóa và bắn pháo hoa tại nhiều địa điểm ở nơi từng được gọi là ‘Hòn ngọc Viễn Đông”.

Bình luận về các hoạt động rầm rộ này, luật sư Lê Công Định viết trên trang Facebook cá nhân: “Chiến thắng đồng bào ruột thịt mà diễu binh lớn để làm gì, hoà giải dân tộc kiểu này ư? Nói và làm khác xa nhau bởi suy nghĩ không đúng như lời, nó thể hiện ở hành động”.

Nhà bất đồng chính kiến này viết tiếp: “Cứ gợi nhớ quá khứ đau thương bằng những buổi lễ hống hách như vậy, thì trách chi bên kia luôn nhắc đến ngày ấy như ngày quốc hận. Muốn người khác quên thù hận và gác lại quá khứ, thì chính mình phải vượt qua sự cao ngạo của kẻ chiến thắng”.

Chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia, đã chia người Việt ra làm hai phía, và vì vậy đã xảy ra cuộc chiến. Vì vậy, bây giờ là lúc các anh chị em nên ngồi lại với nhau để mà cùng khôi phục lại đất nước. Nhưng muốn có tự do dân chủ, và khôi phục đất nước thì phải đấu tranh để chấm dứt sự độc tài của chính quyền cộng sản. Lúc đó mới hy vọng được rằng chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước được,

Blogger Điếu Cày.

​Trong khi đó, nhận định về tiến trình hòa giải dân tộc, blogger Điếu Cày nói với VOA Việt Ngữ từ Mỹ:

“Cái chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia, đã chia người Việt ra làm hai phía, và vì vậy nó đã xảy ra cuộc chiến. Vì vậy, bây giờ là lúc các anh chị em nên ngồi lại với nhau để mà cùng khôi phục lại đất nước. Nhưng muốn có tự do dân chủ, và khôi phục đất nước thì phải đấu tranh để chấm dứt sự độc tài của chính quyền cộng sản. Lúc đó mới hy vọng được rằng chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước được, bởi vì hiện nay họ vẫn cho rằng chỉ có họ mới có quyền lãnh đạo đất nước. Như ông Võ Văn Kiệt đã nói, nước Việt Nam là của tất cả người dân Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam đều có quyền đóng góp và tham gia điều hành đất nước. Nước Việt Nam không phải của riêng một cá nhân hay tổ chức chính trị nào.”

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm ngoái, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của Việt Kiều tại Mỹ trong mối quan hệ song phương.

Tổng thống Obama nói cộng đồng này là ‘một trong những nguồn sức mạnh lớn giữa hai nước’ và là ‘chất keo dính bền chặt cho quan hệ của bất kỳ hai quốc gia nào’.

Đáp lại, ông Sang cũng ngỏ lời cảm tạ chính phủ Hoa Kỳ về ‘sự chăm sóc hết sức chu đáo’ đối với người Mỹ gốc Việt hàng chục năm qua.

Trong khi hai nhà lãnh đạo phát biểu, bên ngoài Tòa Bạch Ốc, hàng trăm người gốc Việt hô to các khẩu hiệu phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền ở trong nước – một vấn đề ông Sang thừa nhận rằng Hà Nội và Washington vẫn còn nhiều điểm khác biệt.

Trả lời VOA Việt Ngữ khi ấy, nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ mong muốn rằng người Mỹ gốc Việt sẽ làm “cầu nối” nhằm thúc đẩy mối quan hệ Hà Nội – Washington.

Về phát biểu của PGS TS Vũ Quang Hiển: Một “truth denier” của Việt Nam

Về phát biểu của PGS TS Vũ Quang Hiển: Một “truth denier” của Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

Các bạn phải chuẩn bị tinh thần! Phải bình tĩnh để đọc phát ngôn sau đây: “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi đối với mọi người. Bởi vì chính sách lúc ấy của nhà nước Việt Nam là chính sách hòa hợp dân tộc. […]Thế còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ. […] Chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy” (1). Nếu có thì giờ, nên nghe cái tape phỏng vấn và những phát biểu của ông thì sẽ rõ hơn, nhưng ý chính là như trích dẫn trên. Ai nói thế? Xin thưa, đó là Tiến sĩ Vũ Quang Hiển, phó giáo sư, sử gia của Đại học Quốc gia Hà Nội (2). Xin nhắc lại để khỏi nhầm lẫn: sử gia của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhìn qua lí lịch khoa học (2) thì thấy đây là một sử gia rất tiêu biểu của “triều đình” (còn gọi là sử gia cung đình). Tôi nghĩ chỉ riêng câu nói đó đã đủ để ông có thêm một chức danh nói theo tiếng Anh là “truth denier”, tức là kẻ phủ nhận sự thật. Rất nhiều người, không phải là sử gia, có thể thấy ngay rằng ông đã sai lầm. Tù cải tạo là một thực tế đã xảy ra. Nhục hình, có khi tra tấn đã xảy ra. Có nhiều người chết trong các trại tù cải tạo. Tất cả những điều đó là sự thật. Ấy thế mà ông phó giáo sư sử học lại phủ nhận thì chúng ta có lí do để chất vấn tính trung thực của ông ấy, dù là tính trung thực của người làm khoa học xã hội.

Có bao nhiêu người đi tù cải tạo?

Con số tù cải tạo chính xác thì rất khó có được vì phía chính quyền nắm giữ và họ chưa tiết lộ. Nhưng trang wikipedia có hẳn một entry dành cho tù cải tạo (3). Dò theo nguồn này, chúng ta sẽ thấy một số nguồn ước tính, và con số tù cải tạo rất lớn. Đáng chú ý là một bài trên thuvienhoasen.info thấy tác giả trích dẫn tài liệu mang bí số TN/QP-14 ngày 14/2/1977 tại Cục lưu trữ Quốc phòng thì: “Tổng số tù nhân tham gia học tập cải tạo để trở thành con người mới sau khi chế độ Sài Gòn đầu hàng là 1.321.506 người. Trừ những số trốn trại, bị chết trong lúc cải tạo và già yếu trả về với gia đình, bộ quốc phòng giao lại cho bộ nội vụ quản lý là 1.236.569 người” (4). Rất tiếc là tác giả không cho thấy hình ảnh, nhưng hãy tạm xem đó là một nghi vấn. Tài liệu đó (4) cũng có trích dẫn tài liệu từ Viện bảo tàng VN tại San Jose với vài thống kê từ phía VNCH như sau:

  • Năm 1975, miền Nam VN có 980 ngàn quân nhân; trong số này có khoảng 9600 cấp tá + tướng, 80000 là cấp uý.
  • Cấp tướng tính đến này 30/4/1975 là 112 người, trong số này bị bắt làm tù cải tạo là 32 người, còn 80 thì di tản ra nước ngoài.
  • Cấp đại tá có 600, trong số này bị bắt cải tạo là 366 người.
  • Cấp trung tá có 2500 người, tù cải tạo là 1700 người.
  • Thiếu tá có 6500 người, tù cải tạo là 5500 người.
  • Cấp uý có 80000 người, bị bắt đi tù cải tạo là 72000 người.

Theo tác giả cuốn “Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Repression” của Robert Laffront thì “Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Theo đó Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo bắt giữ con số người phải trải qua giam giữ sau này 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện. Tính đến năm 1980 thì chính phủ Việt Nam công nhận còn 26.000 người còn giam trong trại. Tuy nhiên 1 số quan sát viên ngoại quốc ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam. Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam” (trích từ #4). Một tài liệu tổng hợp khá công phu từ những chứng nhân và học giả từ Đông Nam Á, nhóm tác giả đi đến những ước tính là có khoảng 1 triệu người bị giam giữ không được xét xử; trong số này có đến 165 ngàn người chết trong các trại tù cải tạo (5). Theo báo cáo của Quĩ Aurora thì năm 1983 có hơn 1 triệu người miền Nam đã bị bắt đi “cải tạo”. Lúc đó, Việt Nam có trên 150 trại cải tạo. Trong số trên 1 triệu đó, có khoảng 500 ngàn người được trả tự do trong vòng 3 tháng; 200 ngàn bị tù từ 2-4 năm; và 240 ngàn bị tù trên 4 năm; và vài chục ngàn tù trên 10 năm. Có thể nói thời đó, gia đình nào ở miền Nam cũng có người bị bắt đi tù cải tạo.

Địa ngục trần gian

Trại cải tạo thường được các trại viên mô tả là “địa ngục trần gian”. Có người còn nói rằng những trại ở Siberia của Stalin chưa chắc thấm gì so với trại tù cải tạo ở Việt Nam, vì thiếu thốn đủ thứ. (Thời đó thì cả nước thiếu thốn lương thực, thực phẩm và thuốc men & thiết bị y tế, chứ chẳng riêng gì trại tù.) Đã có hàng ngàn tài liệu viết về tù cải tạo, và thông tin thường rất nhất quán với nhau. Tôi không thể nào kể hết, nhưng những cuốn sách nổi bậc nhất mà tôi từng đọc qua là “Đại học máu” của Hà Thúc Sinh, “Đáy địa ngục” của Tạ Tỵ, “AK và Thập giá” của Phan Phát Huồn, sách của Duyên Anh, những bài viết của sử gia Tạ Chí Đại Trường, và các cựu sĩ quan VNCH. Riêng cuốn “Trại cải tạo” của Phạm Quang Giai có phác hoạ bằng tay những nhục hình được các nhà tù sử dụng thời đó. Những gì mà các cựu tù nhân kể qua thì thấy họ bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Như tôi nói trên, họ kể một cách rất nhất quán. Rất nhiều hồi kí kể rằng trong tù quản giáo ít khi tra tấn tù nhân, nhưng họ có cách làm cho tù nhân chết dần chết mòn: đày đoạ và bỏ đói. Như tác giả Phạm Quang Giai mô tả (có lẽ hơi quá), “Họ lôi cái máy này đến mọi nơi, mọi chốn có tù nhân chính trị miền Nam để trả thù, trả hận mà vẫn không mang tiến là ác độc, là giết người.” Trong thực tế, đi tù cải tạo cũng là một cuộc tẩy não. Các tù nhân bị bắt buộc phải viết kiểm điểm liên tục, và lần nào cũng phải viết “Ðả phá chủ nghĩa đế quốc Mĩ, kẻ thù của nhân dân Việt Nam và thế giới. Sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc Mĩ; Ðế quốc Mĩ là con đỉa hai vòi: một vòi hút máu mủ nhân dân trong nước, còn vòi kia vươn sang các nước khác để hút máu mủ nhân dân các nước này bằng cách bán súng đạn, tạo ra các cuộc chiến tranh diệt chủng. Tội ác của ngụy quyền ngụy quân miền Nam, bán nước, tay sai. Chính sách khoan hồng của Ðảng, nghĩa vụ của người có tội, lao động là vinh quang. Những thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam.” Theo Hà Thúc Sinh, trong cuốn “Đại học Máu” nổi tiếng, thì khi tù nhân nhập trại họ được đưa “chỉ tiêu” như sau: ”Tôi không bao giờ quên rằng tôi là kẻ có tội với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân. Tôi cũng không quên rằng Đảng đã khoan hồng tha tội chết cho tôi, lại tập trung tôi lại, tạo điều kiện cho tôi học tập cải tạo để trở nên người công dân lương thiện. Để đền ơn Đảng, tôi nhất trí:1. Tích cực học tập cải tạo lao động tốt.

  1. Giải phóng mọi tình cảm gia đình yếu đuối và tình nguyện ở lại trại học tập lao động cho dến khi nào được cách mạng công nhận tiến bộ cho về phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân. 3. Trong thời gian học tập tại trại, tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội quy quy định. Khắc phục mọi khuyết điểm tồn tại. Đấu tranh sai trái để thủ tiêu mọi mặt yếu của các bạn cải tạo khác hầu biến trại ta trở thành trại cải tao tiên tiến về mọi mặt. 4. Tố giác kịp thời với Cách mạng bọn xấu trong và ngoài trại đang còn ý đồ chống phá cách mạng. 5. Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối khoan hồng trước sau như một của cách mạng.” (6)

Có khá nhiều trường hợp bị hành hạ đến chết ở trong trại tù, nhưng không ai biết con số chính xác là bao nhiêu. Một trong những người bị chết trong tù là đồng nghiệp và đàn anh của ông Vũ Quang Hiển: sử gia Phạm Văn Sơn, người nổi tiếng với bộ Việt Sử Tân Biên. Một số thì sau khi ra tù một thời gian ngắn cũng chết do những di chứng từ thời còn bị giam trong tù. Ông Hồ Hữu Tường (một học giả nổi tiếng ở miền Nam) chết sau khi bị thả ra khỏi tù. Tạ Tỵ, một nhà văn và hoạ sĩ có tiếng là điềm đạm, mà cũng viết trong sách là “Rồi mai đây, nếu vì may mắn nào đó, tôi được sống trong môi trường khác, tôi có bổn phận phải nhớ và nhớ thật kỹ tất cả những gì đã xẩy ra, đã khắc xâu vào tâm khảm tôi những chứng tích khổ đau, hờn hận!” (7) Có những chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn như những mẫu đối thoại sau đây cho thấy cán bộ quản giáo rất ngô nghê như thế nào. [trích] Chỉ huy trại là một người miền Nam tập kết, cấp bậc Đại úy mà các tù binh vẫn quen gọi là “ông Răng Vàng” vì nguyên hàm răng trên của ông là “kim loại màu vàng” – nói theo cách nói của “cách mạng”. Một tù binh khai: “Cấp bậc: Đại úy, chức vụ: Quyền Tiểu Đoàn Trưởng” bị “ông Răng Vàng” đập bàn, hét: “Mẹ bố, quân ngụy các anh là láo lếu: ai chẳng biết các anh là Đại úy, là có quyền, còn bày đặt khoe khoang.” Nói xong, ông ta lấy viết gạch bỏ chữ “Quyền” trước ba chữ “Tiểu Đoàn Trưởng”. Một tù binh khác khai: “Cấp bậc: Đại úy. Binh chủng: Biệt Cách Nhảy Dù” bị “ông Răng Vàng” chỉnh: “Mẹ bố, ngụy các anh là ưa khoe khoang: ai chẳng biết các anh “biết cách” nhảy dù. Nói xong, “ông Răng Vàng” lấy viết sổ toẹt hai chữ “Biệt Cách”. Một tù binh khác khai địa chỉ: “… đường Huỳnh Tịnh Của – Đa Kao”, đã phải dở khóc, dở cười khi bị một ông sĩ quan bộ đội người miền Trung “dạy dỗ” như sau: “Ngụy các anh là ưa rắc rối: “Huỳnh Tịnh – Đa Kao” là người ta hiểu rồi. Còn bày đặt là “Huỳnh Tịnh của Đa Kao” làm gì cho rắc rối.” Nói xong, ông ta bèn gạch bỏ chữ “Của” một cách ngon ơ! [hết trích]

Người phủ nhận sự thật

Câu nói của ông sử gia, phó giáo sư Vũ Quang Hiển làm tôi nhớ đến một sử gia người Anh tên là David Irving. Tôi nhớ đến ông này vì vào đầu thập niên 1990s báo chí Úc làm ồn ào khi Chính phủ Úc không cho ông nhập cảnh Úc. Rất rất hiếm khi nào Úc không cho người Anh nhập cảnh, nhưng họ cấm cảng ông Irving thì đủ biết sự việc nghiêm trọng như thế nào. Ông Irving nhiều lần kiện Chính phủ Úc về việc cấm cảng, nhưng ông không thành công. Ông Irving nổi tiếng là một người mà tiếng Anh gọi là “Holocaust Denier”, tức là không chịu tin rằng cuộc tàn sát Holocaust đã xảy ra. Ông viết nhiều sách để lí giải rằng không có những cái gọi là hầm ga mà Hitler dùng để giết người Do Thái. Sau này, ông bị toà án Áo phạt tù 3 năm vì hành vi phủ nhận cuộc tàn sát Holocaust, và xuyên tạc lịch sử. Tôi chỉ kể chuyện xưa để biết rằng ở nước ngoài sử gia mà phát ngôn theo kiểu phủ nhận sự thật lịch sử được xem là một trọng tội và có thể đi tù. Dĩ nhiên, luật ở nước ngoài không giống như luật ở Việt Nam, và đó là một điều may mắn của ngài phó giáo sư vậy. Nhưng nhìn một cách tích cực, tôi vẫn tin vào lòng tốt của ông, và hi vọng rằng một ngày nào đó ông sẽ tịnh tâm và nhìn nhận sự thật. Tuy số người bị giam giữ và chết trong tù cải tạo sau 1975 không bằng số người Do Thái bị Hitler tàn sát, nhưng nếu người Đức đủ can đảm để nhìn nhận sự thật, thì Việt Nam không nên tỏ ra can đảm nhìn nhận rằng tù cải tạo là một thực tế đã xảy ra. Chứ như hiện nay thì sự phủ nhận sự thật của ông rất bất lợi cho chính sách hoà hợp – hoà giải dân tộc của Nhà nước. ====

(1) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2015/04/150418_vuquanghien_vietnamwar?SThisFB

(2) http://ussh.vnu.edu.vn/profile/vu-quang-hien

(3) http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Dc_t%E1%BA%ADp_c%E1%BA%A3i_t%E1%BA%A1o

(4) http://www.thuvienhoasen.info/tvhsvn_tintucthoisuvn/ttts_vn-giam-giu-tu-chinh-tri-nhieu-nhat-tren-the-gioi.htm

(5) http://dartcenter.org/content/camp-z30-d-survivors#.VTNIUZSUcmc

(6) Hà Thúc Sinh, Đại Học Máu trang 100. (7) Tạ Tỵ, Đáy Địa Ngục, trang 152. Một số hình được vẽ lại trong tù cải tạo (trích từ sách của tác giả Phạm Quang Giai):

H1

Xin xem thêm:

Thư gửi ông giáo Vũ Quang Hiển (Danlambao)

Hàng loạt nhà tù trắng trợn, nhà tù trá hình được dựng lên để cùm kẹp, để cải tạo, để giáo dục, để chỉnh huấn…với đằng đẵng thời gian và muôn vàn phương thức đày ải. Cho đến con cháu, họ hàng của những người tù, những ‘cải tạo viên’ cũng bị phân biệt đối xử, bị tước bỏ bớt nhân quyền so với cái nhân quyền chung của dân tộc Việt Nam vốn đã như ‘miếng da lừa’. Đến nỗi hàng vạn, hàng triệu người phải cắn môi, gạt nước mắt giã từ bè bạn, chia tay họ hàng, từ bỏ tài sản, rời bỏ quê hương đi biệt xứ”. (Thông Luận online ngày 14-11-2007)

2015: Trật tự thế giới mới

2015: Trật tự thế giới mới

Nguoi-viet.com

Việt Nguyên/Người Việt

Bốn mươi năm trước, Hoa Kỳ không giữ lời hứa với chánh quyền VNCH để Việt Cộng vi phạm hiệp định Paris 1973, kết quả là quân Cộng Sản tiến chiếm Sài Gòn và Miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4, 1975.

Sau chiến thắng, đảng CSVN huênh hoang: Ðế quốc Mỹ đại bại, chiến tranh Việt Nam báo hiệu ngày tàn của Ðế Quốc Mỹ, chiến lược toàn cầu của Mỹ phải thay đổi, xã hội chủ nghĩa sẽ toàn thắng trên khắp thế giới với chủ thuyết tất thắng Mác Lê Nin.


Sức mạnh quân sự và văn hóa Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trấn áp các quốc gia trên thế giới. (Hình: Getty Images)

Hoa Kỳ bỏ đồng minh VNCH năm 1975, tái phối trí để nhắm về khối Xô Viết. Thất bại ở Việt Nam là thất bại tạm thời của Hoa Kỳ. Việt Nam Cộng Hòa bị tư bản Hoa Kỳ bán đi như bán cổ phần của một công ty bị thua lỗ trong thị trường chứng khoán để giữ lại các cổ phần các công ty tốt. Huênh hoang sau chiến thắng, Cộng Sản Việt Miên Lào bị cô lập. Mười bốn năm sau các chính quyền Ðông Âu sụp đổ bắt đầu từ Ðông Ðức với bức tường ô nhục Bá Linh bị giật sập. Hai năm sau Xô Viết tan rã. Mười năm sau, biến cố 11/9 ở Nữu Ước đưa đến chiến tranh A Phú Hãn năm 2001, tiếp theo là chiến tranh Iraq năm 2003. Hoa Kỳ lún sâu ở Trung Ðông năm 2015, Nga với Putin làm lộng ở vùng Hắc Hải, Trung Cộng đang lên với quyền lực quân sự và kinh tế đi dọa các nước làng giềng ở biển Ðông và Nam Thái Bình Dương, một lần nữa thế giới lại đặt vấn đề “Ðế Quốc Mỹ đang giãy chết như Ðế Quốc Anh sau Thế Chiến Thứ Hai.”

Từ sau Thế Chiến Thứ Nhất, hơn 100 năm bộ mặt chánh trị Hoa Kỳ không thay đổi dù chánh quyền dưới sự lãnh đạo của các tổng thống đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Từ sau Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ vẫn đứng vững dù Xô Viết biến thành Nga hay chiến tranh nóng tiếp diễn trên nhiều phần đất trên thế giới dưới nhiều hình thức tôn giáo, chủng tộc, độc tài, v.v… Hoa Kỳ chỉ bị đứng khựng hay thối lui nhiều lần trong các thập niên 1960, 1970, 1980 ngoài thất bại ở Việt Nam năm 1975. Bước lùi rõ rệt nhất là ở Nam Mỹ từ Nicaragua, Venezuela, Brazil, Ecuador, Bolivia hay Mexico nhưng những bước lùi ấy nặng về chánh trị và ý thức hệ hơn là về kinh tế. Các quốc gia Brazil, Venezuela nghiêng về dân chủ xã hội chủ nghĩa nhưng không đối đầu được với nền kinh tế tư bản của anh Hoa Kỳ khổng lồ ở Bắc Mỹ nói chi là các nước nhỏ như Ecuador hay Bolivia. Ngay đến Mexico một nước lớn cũng không đứng độc lập được với Hoa Kỳ.

Sức mạnh quân sự và văn hóa Hoa Kỳ trấn áp các quốc gia trên thế giới. Giới trẻ yêu chuộng văn hóa Mỹ từ phim ảnh, văn chương cho đến âm nhạc. Hoa Kỳ vẫn giữ các căn cứ quân sự trên toàn thế giới với con số không ai rõ ngay cả đến ông Ron Paul cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa chỉ ước tính 900 căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên toàn thế giới trong 130 quốc gia ngược với thống kê khác trên 148 quốc gia với hơn 160,000 lính thường trực can thiệp bất cứ lúc nào bất cứ nơi nào khi quyền lợi của Hoa Kỳ bị thách thức, những căn cứ quân sự trong thới chiến tranh lạnh không bị hủy bỏ cũng như quân Hoa Kỳ vẫn chiếm đóng vùng phi quân sự giữa Nam và Bắc Hàn dù hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương lúc nào cũng sẵn sàng can thiệp vào Bắc Hàn.

Khối Liên Hiệp Âu Châu với 28 thành viên tạo được một hệ thống liên quốc gia với các cơ sở tài chánh và chánh quyền như Hội Ðồng Liên Hiệp Âu Châu, Tòa Án Âu Châu, Ngân Hàng Trung Ương từ năm 1993 có cả công dân Âu Châu với đồng Âu Châu vẫn không độc lập với Hoa Kỳ. Chủ quyền của các nước Âu Châu chỉ đứng trên bề mặt. Sau Chiến Tranh Lạnh, Ðức trở thành quốc gia hùng mạnh nhất Châu Âu về mặt kinh tế và chiến lược với bà Angela Merkel làm thủ tướng vẫn bị Hoa Kỳ chi phối trên nhiều lãnh vực nhất là lãnh vực quân sự. Bà Angela Merkel đã nhũn nhặn từ chối lãnh đạo liên hiệp Âu Châu dù Ðức đang dẫn đầu Châu Âu về kinh tế. Bà đứng trung gian hòa giải giữa Hoa Kỳ và Nga, một phần bà học bài học của Hilter hồi Thế Chiến Thứ Hai một phần vì sức mạnh quân sự của Ðức đứng dưới cả Nam Hàn.

Anh vẫn tự hào độc lập với Hoa Kỳ, là đồng minh xuyên Ðại Tây Dương, nhưng qua các trận chiến ở A Phú Hãn và Iraq, thủ tướng Tony Blair đi theo sự lãnh đạo của Hoa Kỳ như một nước chư hầu.

Khối Âu Châu với đồng Euro tùy thuộc Hoa Kỳ khi cơn khủng hoảng tiền tệ xảy đến cho Hy Lạp. Trong hồi ký mới năm 2014, cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner đã tiết lộ là các nhà lãnh đạo Âu Châu đưa giải pháp cứu Hy Lạp với số tiền rất nhỏ, Hoa Kỳ phải ra lệnh Âu Châu “bơm” 500 tỷ Euros vào kinh tế Hy Lạp. Với cơn khủng hoảng mới ở Hy Lạp của chánh quyền Syriza, liên hiệp Âu Châu tiếp tục làm theo những gì Hoa Kỳ yêu cầu.

Chiến tranh A Phú Hãn và Iraq, được gọi là chiến tranh chống khủng bố từ thời T. T. George W. Bush. Chiến tranh ấy cho thấy Hoa Kỳ lún sâu ở Trung Ðông. Chương trình xây dựng quốc gia A Phú Hãn và Iraq của Hoa Kỳ thất bại ngay từ bước đầu khi Hoa Kỳ giải tán quân đội Iraq sớm. Các nền tảng xã hội căn bản bị phá vỡ. Giống như ở Việt Nam trước 1975, chánh phủ Hoa Kỳ kết tội chánh quyền A Phú Hãn tham nhũng. Hoa Kỳ không thành công trong việc xây dựng quốc gia dân chủ tự do nhưng Hoa Kỳ đã thành công chia rẽ thế giới Hồi Giáo và Á Rập, chấm dứt tinh thần quốc gia của của khối Á Rập.

Chiến tranh chống khủng bố thất bại. Bin Laden bị giết nhưng nhóm quốc gia quá khích khủng bố Hồi Giáo ISIS xuất hiện lớn mạnh. Quốc gia Hồi Giáo Iraq (Islamic State of Iraq, ISI) sau thêm Syria vào thành ISIS đôi khi gọi là ISIL (Levant, bao gồm rộng hơn gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Do Thái, bán đảo Á Rập và Lebanon) cầm đầu bởi Abu Musab al – Zarqawi người Jordan phụ tá cho Bin Laden, khối Hồi Giáo Sunni chủ trương giết hết Hồi Giáo Shia. Zarqawi muốn thành lập quốc gia Hồi Giáo thay cho đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) từ khi đế quốc nay sụp năm 1912. Ða số Hồi Giáo muốn có quốc gia Hồi Giáo kể cả Nam Dương (62% ủng hộ). ISIS đã kiểm soát được diện tích vùng Tây Iraq và Bắc Syria lớn hơn cả nước Anh, quân đội gia tăng dù Hoa Kỳ tăng gia đánh bom. Từ 15 tháng sáu, ISIS kiểm soát thành phố Mosul lớn thứ hai sau thành phố Baghdad, Iraq. ISIS cai trị bằng chánh sách đàn áp, công an trị cùng các biện pháp dã man như Cộng Sản vào thời kỳ quá độ Mao, Stalin, Hồ Chí Minh. Dân Iraq thích ISIS vì thuế đánh nhẹ 2.5%, không còn thấy hỗn loạn và tham nhũng như chánh quyền Iraq.

Trung Ðông tan vỡ từ sau Thế Chiến Thứ Nhất lại tan vỡ hơn từ khi Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq. Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập bây giờ đã vào quá khứ. Syria có thể chia 3, Iraq cũng có thể thành 2 hay 3 quốc gia. Hoa Kỳ ủng hộ Hồi Giáo Shia ở Iraq chia rẽ Sunni. Xem Iran (đa số Hồi Giáo Shia) là quỷ chỉ có hại cho Hoa Kỳ vì không có sự ủng hộ của Iran Hoa Kỳ không cai trị được Iraq, chỉ có Iran ra lệnh cho lãnh tụ Shia Muqtada al – Sadr cộng tác với Sunni, không có sự cộng tác của Iran Hoa Kỳ không ổn định được A Phú Hãn và Iraq. Hiệp ước về nguyên tử với Iran ngày 2 tháng 4, 2015, có nhiều điều khoản khó thực hành nhưng hiệp ước phá vỡ chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Iran trong 36 năm. Chấm dứt chiến tranh lạnh với Iran, Hoa Kỳ bớt lệ thuộc vào dầu hỏa của Saudi Arabia và nội chiến Syria và Yemen ở Trung Ðông có thể kết thúc. Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn giữ tiêu chuẩn kép ở Trung Ðông, với hiệp ước nguyên tử Israel không độc quyền vũ khí nguyên tử, một vũ khí quốc gia nào cũng muốn nhưng có rồi không ai dám xài! Hoa Kỳ gây rối ở Trung Ðông mở cánh cửa cho Trung Cộng. Trong khi Putin đã bớt áp lực quân sự ở Ukraine vì giá dầu xuống và vì áp lực của Âu Châu, Trung Cộng thừa nước đục thả câu nhảy vào Trung Ðông. Sau khi TT Obama gia tăng thời hạn rút quân ở A Phú Hãn, TT Ghani qua Bắc Kinh được Tập Cận Bình gọi “Ghani là bạn cũ của Dân Trung Hoa,” thời đại cộng tác mới bắt đầu với 327 triệu Mỹ Kim viện trợ cho A Phú Hãn đến năm 2017. Công ty đồng (China Corporation Copper) ký khế ước 4.4 tỷ trong khi 70 công ty Mỹ chỉ có khế ước 75 triệu Mỹ kim. Trung Cộng biểu diễn quyền lực mềm với sức mạnh kinh tế gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng đang phát triển nhưng cái họa da vàng Trung Quốc còn xa. Kinh tế Hoa Kỳ và Trung Cộng tùy thuộc lẫn nhau, giới lao động làm việc cho tư bản Mỹ nằm ở Trung Hoa. Tất cả con số về kinh tế cho thấy Trung Cộng vẫn thua xa Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trên các lãnh vực dược phòng, không gian, điện toán, dụng cụ y khoa. 100 đại công ty trên thế giới không có tên công ty Trung Hoa. Công ty xuất cảng hàng đầu của TH do ngoại quốc làm chủ. Ở Hoa Kỳ số triệu phú là 42.5%, Nhật 10.6%, Trung Hoa 9.4%, Anh 3.7%, Thụy Sĩ 2.9%, Ðức 2.7%, Ðài Loan 2.3%, Ý 2%, Pháp 1.9%. Sức mạnh mềm thua Hoa Kỳ còn tiềm lực quân sự của Trung Cộng chỉ dọa các nước láng giềng như Việt Nam, chưa so được với tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ.

“Trong cái mạnh, có cái yếu.” Trung Cộng đang lên nhưng Tập Cận Bình trong bụng đã có mối lo. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là nền kinh tế đang có chiều đi xuống. Trong quí chót năm 2014, có nhiều hãng xưởng đã không trả tiền cho công nhân, biểu tình chống đối đình công 3 lần nhiều hơn so với cùng thời kỳ năm 2013. Kinh tế Trung Hoa có thể đi xuống nhanh hơn dự tính mặc dù hãng xưởng sản xuất vẩn đứng đầu thế giới, công nhân già nhanh kém sản xuất vì chính sách một con, nhiên liệu nguyên liệu ít dần mặc dù chánh quyền Trung Cộng khai thác tài nguyên ở Phi Châu. Tiền vay của các hãng lên cao hơn lợi tức trong khi Tập Cận Bình thành lập ngân hàng phát triển, quỹ xây dựng hạ tầng đường lụa, (Silk Road) ngân hàng xây dựng hạ tầng Á Châu tổng cộng 240 tỷ Mỹ Kim, với sự cổ võ của Henry Kissinger, để thay thế ngân hàng và quỹ tiền tệ thế giới.

Cầm đầu đảng Cộng Sản với hơn 80 triệu đảng viên, Tập Cận Bình được gọi là Tập Ðại Ðại, như đại ca của Mafia, giữ hơn 10 chức vụ từ chủ tịch nhà nước, tổng bí thư Ðảng, chủ tịch ủy ban quân quản, chủ tịch ủy ban ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng, công an nhân dân, mạng thông tin. Sự rối loạn đến từ trong nội bộ. Như Người hùng của họ Tập là Tống Giang trong truyện Thủy Hử, có tinh thần cầm đầu đảng cướp Tập Cận Bình chống dân chủ hóa như Hoa Kỳ. Trong hai lần họp với phó Tổng Thống Joe Biden năm 2011 và 2012 Tập Cận Bình đã tuyên bố không chấp nhận giá trị dân chủ Tây Phương và nhân quyền. Thanh trừng nội bộ đảng, họ Tập nhà độc tài nhất từ sau Mao Trạch Ðông đã điều tra trên 10,000 cán bộ, trong năm 2014 hơn 100,000 đảng viên cao cấp mất chức vì tội tham nhũng nhưng thật sự tham nhũng chỉ là cớ để loại chân tay bè đảng không trung thành.

Trong nội bộ chủ tịch Tập Cận Bình cảnh cáo “Mỹ đang toa rập lật đổ chế độ CSTQ qua diễn tiến hòa bình” nên từ đầu năm 2015 Tập Cận Bình đã cho thấy bàn tay sắt, đóng mạng lưới chống đối nhiều hơn năm 2014, đối lập không có chỗ đứng trong “xã hội hài hòa.” Các cơ quan vô vị lợi NGO bị xem là tay chân của bọn Mỹ, các hãng Microsoft, Cisco, Intel là “chiến sĩ của chánh quyền Hoa Kỳ,” CIA và cơ quan dân chủ NED đứng đằng sau các cuộc biểu tình đòi Dân Chủ ở Hồng Kông (cách mạng Dù) và ở Ðài Loan. Tập Cận Bình độc tài đứng một mình vì “Xô Viết đã sụp đổ năm 1991 là vì không có kẻ nào mạnh đứng đối đầu chống lại bọn phản động.”

Ðối ngoại, với các nước láng giềng Tập Cận Bình như bọn cướp Lương Sơn Bạc. Cộng tác với Nga nhưng từ từ bỏ Putin sau khi Nga gây chiến tranh ở Ukraine, trục lợi qua chánh sách cô lập kinh tế của Putin, Tập Cận Bình quay mặt về Hoa Kỳ yêu cầu TT Obama “lập quan hệ song phương bình đẳng mới” nhưng TT Obama đã từ chối không chấp nhận chánh sách của Trung Cộng chiếm những hòn đảo và tranh chấp biển Ðông. Chánh sách cướp dần từ không phận, hải phận, xây giếng dầu, xây phi trường trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các đảo trên vùng Nam Thái Bình Dương, đã bị TT Obama chánh thức phản đối.

Hiểm họa độc tài của Tập Cận Bình đã khiến các đảng viên CSTQ trung kiên lo sợ, theo chu kỳ Trung Hoa sẽ có một cuộc cách mạng đẫm máu. Họ chủ trương thay vì đóng cửa với thế giới bên ngoài và đe dọa các nước láng giềng, Trung Hoa cần thay đổi chế độ bằng phương pháp hòa bình biến đảng CSTQ thành đảng xã hội cánh tả như các đảng xã hội ở các nước Tây Phương. Giai cấp trung lưu đang lên ở Trung Hoa không phải là đối tác đáng tin cậy cho đảng CS.

Thế giới cố dự đoán “Ðế quốc Mỹ đang giãy chết” nhưng như Frederick Hayek, kinh tế gia giải Nobel, nhận định: “kinh tế chỉ huy luôn luôn thất bại.” Con đường kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa của TC đang giẫy chết trước khi đế quốc Mỹ giẫy chết.

Cuộc tái định cư của cựu tù nhân chính trị

Cuộc tái định cư của cựu tù nhân chính trị

Nguoi-viet.com
Nhìn lại quãng đường tị nạn và hội nhập


Huy Phương & Võ Hương-An

(Chân Dung H.O. & Những Cuộc Ðổi Ðời)

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cộng Sản Bắc Việt, tức nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, núp dưới ngụy danh Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, đã cưỡng chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa và cai trị đến nay vừa đúng 40 năm (1975-2015).

Trong 40 năm độc tài toàn trị, Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã lập nên nhiều “thành tích” đáng xấu hổ trong lịch sử dân tộc cũng như trước mắt quốc tế, trong đó có hai “thành tích” lớn tới mức đánh động lương tâm dân tộc các nước dân chủ văn minh, khiến họ phải ra tay can thiệp. Ðó là việc bỏ tù hàng trăm ngàn người thua cuộc trong các nhà tù khổ sai, ngụy danh là trại cải tạo, mà không xét xử; và tạo nên một xã hội áp bức trong đói kém, bần cùng, khiến cả triệu người phải bỏ nước ra đi để tìm tự do, bất kể hiểm nguy đến tính mạng.

Gia đình H.O. Phan Cảnh Cho và H.O. Hoàng Văn Ngọ được nhân viên
thiện nguyện Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị Nam Cali đón tiếp
ngày 20 tháng 7, 1993 tại phi trường John Wayne. Chú ý đến chiếc
rương sắt (X) phía dưới, vật dụng lên đường quen thuộc của nhiều
gia đình H.O. (Ảnh tài liệu do Huy Phương cung cấp)

Chưa có một nước nào trên thế giới mà sau một biến động quân sự và chính trị lại đưa tới những làn sóng di dân tị nạn ào ạt lên đến hàng triệu người như Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, khiến thế giới phải phát sinh ra những từ ngữ mới để nói lên thực trạng bi thảm đó. Họ gọi những người liều chết ra biển lớn tìm tự do trên những con thuyền mỏng manh bất chấp sóng gió, hải tặc, là những boat people (thuyền nhân) và thời đại này của Việt Nam là the age of uprooting (thời đại trốc rễ). [1] Họ học được những từ ngữ mới, như trại tù khổ sai thì Cộng Sản gọi là trại học tập cải tạo, re-education camps và tù nhân được gọi là học viên! Thật là mỉa mai chữ nghĩa!

Lịch sử tị nạn Việt Nam hoặc lịch sử cộng đồng người Việt hải ngoại vào hậu bán thế kỷ XX là một đề tài lớn, đòi hỏi sự nghiên cứu lâu dài và rộng rãi. Cuộc tái định cư của cựu tù nhân chính trị (ex-political prisoners) hay cựu tù cải tạo (ex-reeducation camp detainees) và gia đình, thường được gọi một cách dung dị là “đi H.O.” (đọc: hát-ô).

“Tại sao và từ bao giờ chúng ta có mặt trên nước Mỹ?” Tại Hoa Kỳ, sau tháng 4 năm 1975, mới chỉ có khoảng 125,000 người Việt, là số tị nạn đầu tiên do Hoa Kỳ giúp di tản hoặc tự tìm đường thoát thân khi Sài Gòn hấp hối; đến năm 1980, con số này lên 231,000 người; và đến năm 2012, cộng đồng Việt Nam tại Mỹ lên đến gần 1.3 triệu, trở thành di dân Châu Á đông vào hàng thứ 4 của nước Mỹ, chỉ sau Ấn Ðộ, Philippines và Trung Quốc. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa tổng số người Việt có mặt trên thế giới và 72% trong số này đã mang quốc tịch Hoa Kỳ.[2]

Thành phần tạo nên cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ gồm có:

– Thuyền nhân (vượt biên, vượt biển);

– Ðoàn tụ gia đình;

– Con lai;

– Cựu nhân viên chính phủ Mỹ, cựu nhân viên sở Mỹ;

– Cựu tù nhân chính trị (cựu tù cải tạo), thường được gọi là thành phần H.O.

Có thể nói rằng nước Mỹ là xứ sở của di dân và tị nạn. Ðầu thập thập niên 1990, sự nhập cư của lớp cựu tù chính trị và gia đình đã đẩy số người Việt di dân lên cao rõ rệt, và sau vài năm bở ngỡ, lúng túng ban đầu trong việc điều chỉnh cuộc sống mới trên đất mới, những gia đình H.O. bắt đầu đi vào ổn định nơi ăn chốn ở, học hành và công ăn việc làm. Lần hồi, bước vào thế kỷ 21, di dân tị nạn H.O. bắt đầu vươn vai đứng dậy, có những đóng góp cho quê hương mới cả về vật chất cũng như trí tuệ, khi lớp con cái H.O. được trang bị kiến thức đầy đủ ngang tầm cở bản xứ, đã hội nhập một cách tự tin và bình đẳng.

Mỗi một tù cải tạo là một số phận. Ðến khi được trở thành một H.O. và cùng gia đình đi tái định cư tại Hoa Kỳ cũng là mỗi H.O. một số phận. Có thể nói cuộc đời của mỗi H.O. mang dấu ấn hai lần “cải tạo” với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau.

Lần đầu, CSVN “cải tạo” trong ý đồ tiêu diệt bằng cách đầy đọa tù nhân cho chết dần chết mòn trong tù để khỏi mang tiếng tàn bạo, dã man, đối với thế giới. Nếu người tù may mắn sống sót trở về với gia đình thì ý chí tự do, quật cường cũng đã bị thui chột để chỉ còn là một kiếp sống thừa; thêm vào đó, chính sách cải tạo cũng gián tiếp bần cùng hóa gia đình tù cải tạo bằng sự phân biệt đối xử ngoài xã hội.

Lần “cải tạo” thứ hai, do Hoa Kỳ chủ trương, nhằm giúp đở tái tạo người cựu tù chính trị và gia đình, tái lập một cuộc đời mới, đầy đủ nhân cách và phẩm giá, với mọi điều kiện thuận lợi trong xã hội mới để khả dĩ vươn lên.

Trong khi cùng chịu chung một chính sách ngục tù nhưng mỗi một tù nhân là một số phận, mỗi một trại cải tạo là một thế giới, thậm chí, cái thế giới bé nhỏ đó khi thay đổi người điều hành hay thay đổi nơi chốn, cũng có thể trở thành là địa ngục trần gian hay một nơi giam giữ còn tính người, có thể sống qua ngày, nghĩa là có đa dạng tù đày.


Chú thích:

[1]: Hataipreuk Rkasnuam and Jeanne Batalova, Vietnamese Immigrants in the United States, http://www.migrationpolicy.org/article/vietnamese– immigrants- united- states

[2]: http://www.vietnam.ttu.edu/resources/vietnamese– american.php