Người Việt Gốc Mỹ

Người Việt Gốc Mỹ

Nguyễn Thế Thăng 

Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon. Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá. (Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO)..

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một người bạn cựu chiến binh Mỹ tự xưng là “người Việt gốc Mỹ”. 

Tôi biết Mike khoảng hai năm sau ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Dù hành trang sẵn có chút ít tiếng Anh từ trước 1975, tôi vẫn phải vất vả hội nhập vào xã hội mới bằng những bước chân chập chững, e dè trong độ tuổi “bất hoặc”. 

Thật may mắn, tôi tình cờ được gặp và quen biết Mike. Anh đã cho tôi một cái nhìn khá bao quát nước Mỹ từ phong tục tập quán đến văn hóa xã hội lẫn chính trị. Mike đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cả vật chất tinh thần để tôi có được một nghị lực, niềm tự tin, sự phấn khởi tràn trề khi bắt đầu nửa cuộc đời còn lại nơi tha phương, đất khách.

Trong buổi họp mặt cựu Chiến Binh nhân dịp Memorial Day của State Guards Association of U.S (SGAUS), bàn của tụi tôi rất ồn ào với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, vui nhất là những chuyện tiếu lâm xoay quanh đời sống thường nhật của người Mỹ, đặc biệt lớp tuổi về hưu phải đương đầu với nhà dưỡng lão, bệnh tật, nhất là bệnh lãng trí Alzheimer…

Hôm ấy, tôi kể chuyện một đôi vợ chồng già, Bác Sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khỏe ông nhà ngày càng khá hơn khi ông tìm được niềm vui nơi Thượng Đế, tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Quan Phòng, đến nỗi, ông nghĩ Chúa đang theo giúp đỡ ông trong mọi việc, trong từng bước chân đi. Ông nói với tôi, đêm qua, khi ông vừa mở cửa nhà vệ sinh để đi tiểu thì Chúa bật đèn lên cho ông liền…

Bà vợ la lên, ngắt lời Bác Sĩ:

– Ôi lạy Chúa tôi, ổng lại đái vào tủ lạnh của tôi rồi!!!

Cả bọn cười bò lê bò càng. Cười lớn nhất là một chàng cao lớn, tóc vàng tên là Mike.

Anh vỗ vai tôi:

– Ê, bạn người gốc nước nào?

– Việt Nam.

Mike bật đứng dậy, bàn tay như hộ pháp chụp lên đầu tôi, nói thật lớn, nguyên văn bằng tiếng Việt đặc sệt giọng miền nam:

– Đ.M. nãy giờ sao hổng nói?

– Ủa, anh biết tiếng Việt hả?

Mike vênh mặt lên, tay phải vỗ bồm bộp vào cái ngực đang ưỡn, vẫn dùng tiếng Việt:

– Hai lần công tác Việt Nam, đem về Mỹ một cô giáo dạy tiếng Việt tại gia từ 1972, học và nói tiếng Việt từ hồi đó đến giờ, bộ ngu lắm sao mà không biết, biết rành quá đi chứ!!

Không ngờ trong bàn lại có một số cựu chiến binh Việt Nam khác, đua nhau xổ ra những câu tiếng Việt họ còn nhớ lõm bõm:

– Chòi đắt ui (trời đất ơi)

– chào cắc Ong, mành giỏi? (chào các Ông, mạnh giỏi)

– Con gái Viết Nàmdde.p lám (con gái VN đẹp lắm)

– Ngùi Viết Nàmtót lám, đi đi mao, đin – kí đàu (người VN tốt lắm, đi đi mau, điên cái đầu !)…

Riêng Mike nói tiếng Việt rất lưu loát, không hề sai một âm nào (giống như ca sĩ Delena hát tiếng Việt vậy), kể cả cách dùng chữ rất trí thức, đôi khi dí dỏm, có lúc thật tiếu lâm.

Tôi đã gặp một nhân viên Bộ Ngoại Giao rành tiếng Việt đến nỗi khi tôi đùa hỏi “Anh người gì mà nói tiếng Việt ngon lành vậy” Anh trả lời tỉnh bơ “Tôi người Bắc !”.

Tôi cũng đã gặp một số người Mỹ chính gốc, thuộc giáo phái Mormon, họ thảo luận Kinh Thánh, đi truyền đạo Tin Lành bằng tiếng Việt thật trôi chảy, nhưng đó là nghề của họ.

Còn Mike, anh nói tiếng Việt bằng cả tấm lòng: tên Mỹ của tôi là Micheal, tên Việt của tôi là Mai, theo giọng Việt Nam có nghĩa là hên, là may mắn, còn giọng Việt Bắc (?) hay Việt Trung (?) có nghĩa là hoa mai, một loài hoa rực rỡ mùa xuân!

Vợ tôi vẫn thích kêu tôi là Mai Cồ, hay Anh Cồ, hoặc Cồ ơi chỉ vì tôi bự con! Con rể của nước Đại Cồ Việt mà! Một ông thày bói VN nói số tôi phải cưới vợ họ Trần vì cả đời tôi không thích mặc áo..vv và vv … tôi há hốc miệng ngồi nghe một chàng mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng 100% Anglo-Saxon đang chơi chữ bằng chính ngôn ngữ của tôi !!!

Một đêm hội ngộ tuyệt vời, vui như chưa từng thấy từ ngày sống kiếp lưu vong.

Một tuần sau, Mike điện thoại mời tôi đến nhà..

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: gia đình Mike gồm vợ chồng và 2 con hoàn toàn sinh hoạt theo truyền thống Việt Nam và tự nhận là người VN. Mike nói: đúng ra tôi là người Việt gốc Mỹ! Người bản xứ khi nghe tôi giới thiệu là người VN, nói tiếng VN thì họ vui lắm, vài người lúc đầu cứ tưởng nước VN ở đâu đó bên Đông Âu nên mới tóc vàng, mắt xanh!

Người gốc VN lại tưởng tôi là Mỹ lai, càng vui hơn, gần gũi hơn vì có 50% máu Việt Nam trong người mà, ai cũng vui. Mike dùng chữ “vui cả làng”!

Cả gia đình dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính.

Sống trên đất Mỹ, Mike tâm sự, nói tiếng Anh là việc đương nhiên, thế mà nhiều gia đình VN từ vợ chồng con cái đều ra vẻ hãnh diện với mớ tiếng Mỹ đôi khi trật giọng, sai văn phạm….hoặc nói đệm, câu nào cũng chêm thêm chữ Mỹ vào, trong khi cố tình lơ lớ tiếng mẹ đẻ của mình, dễ mất gốc quá, tủi hổ ông bà tổ tiên quá, uổng phí quá.

Lại có cả vài người viết văn, nhiều chữ thông thường không biết, hay giả vờ không biết, lại phải dùng tiếng Anh mới thấy dổm làm sao.

Tôi rất khâm phục những gia đình còn giữ vững truyền thống tốt đẹp VN. Tôi thấy những em bé VN thật dễ thương với tiếng Việt líu lo như chim hót nhưng tôi nhìn các em với cặp mắt bình thường nếu các em nói tiếng Anh, thật bình thường vì đây là nước Mỹ, sau này khi lớn lên phải học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, họ sẽ hối hận. Tiếc quá, Mike chặt lưỡi, lập đi lập lại, tiếc quá !!

Anh có biết “bà lang kẹt” là ai không? Thế mà một ông VN đã tuyên bố tự nhiên như người Sàigòn, vào mỗi mùa Đông, trên giường của ông phải có ít nhất hai bà lang kẹt ngủ mới đã, mới đủ ấm !?!?

Mai Liên, vợ anh, một sinh viên Đại Học Cần Thơ sinh quán Sóc Trăng.

Hai người quen nhau khi Mai Liên đi học thêm Anh ngữ trong một lớp do chính Mike phụ trách phần đàm thoại và luyện giọng. Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì gia đình hai bên đều không tán thành.

Mike phải xin trở lại Việt Nam lần thứ hai, kiên trì thuyết phục cha mẹ Mai Liên bằng chính tiếng Việt anh đã học được từ người tình. Cuối cùng không những cha mẹ, anh chị em của Mai Liên mà cả bà con xóm giềng cũng hài lòng với “thằng Cồ” vui tánh dễ thương lúc nào, nơi nào cũng pha trò được.

Riêng gia đình Mike lúc đầu vẫn chưa mấy thiện cảm với người dâu dị tộc. Hai vợ chồng son cố gắng sống hòa hợp với mọi người, không tỏ ra khó chịu mà còn thấy vui vui với cái tên Liên vài người cố tình đọc trại thành Alien (=người lạ).

Chẳng bao lâu sau tình thế hoàn toàn đảo ngược. Khi cha mẹ Mike dọn vô nhà dưỡng lão chỉ có vợ chồng Mike thăm viếng thường xuyên.

Ông bà rất cảm động, thỉnh thoảng lại công khai ngỏ lời xin lỗi Mai Liên và giới thiệu với mọi người Liên là đứa con gái yêu quý nhất.

Bốn gia đình anh chị của Mike tan vỡ hết ba, sự kiện phổ thông với trên 60% gia đình Mỹ bị rắc rối trong hôn nhân. Cứ một lần li dị lại một lần chia gia tài, riết giống như chuyện thường tình. Tuy nhiên, có điều lạ là sau khi chia tay, họ vẫn liên lạc qua lại với nhau, coi nhau như bạn, không ai ghen tuông gì hết.

“Tạ ơn trời đất (Mike không dùng chữ Chúa) tôi có được một bà vợ tuyệt vời. Liên lo lắng chăm sóc tôi kỹ lắm từ mọi sinh hoạt đến từng miếng ăn hàng ngày. Tôi đã quen và rất thích thức ăn Việt Nam. Rất hợp lý nếu ta không biết kiêng cữ, cứ ăn tầm bậy là đưa đủ thứ bệnh tật vào thân thể mình thôi. Anh ăn cái gì anh sẽ như thứ ấy.

Ăn nhiều rau, đậu, trái cây tươi, da thịt anh sẽ tươi. Anh ăn mỡ, cơ thể anh sẽ phải đeo mỡ.

Tốt nhứt nên ăn chay. Gia đình tôi ăn chay mỗi tuần một lần, nhiều nhất là các loại rau. Đồ chay Liên làm ngon lắm. Món nào cũng ngon, cũng tốt cho sức khỏe vì Liên chỉ dùng dầu olive thay cho mỡ động vật, không mặn lắm, không ngọt quá như đồ ăn Mỹ, nhất là hoàn toàn không dùng bột ngọt. Đặc biệt nước mắm ăn riết rồi mê luôn nhưng điều cần thiết nước mắm mua ở chợ về phải đem nấu cho sôi lên rồi đổ lại vô chai xài vì trong nước mắm có thể có nhiều siêu vi trùng, nhất là siêu vi bệnh gan, các loại mắm cũng vậy..

Chế độ ăn uống như thế làm sao bị phát phì như ba phần tư dân Mỹ hiện nay. Đến như con nít trên 6 tuổi thì phân nửa đã vượt quá trọng lượng được coi là mập rồi. Còn về thẩm mỹ, Anh thấy không, thông thường da người Mỹ trắng lại quá trắng, trắng nhễ nhại (?!)trắng như Bạch Tuyết nên trông có vẻ yếu đuối, bệnh tật, vì vậy họ phải đi phơi nắng ngoài biển hay vô các phòng nhuộm da trong các tanning clubs để cho da họ có màu đồng nâu hay màu bánh mật, nhìn rất khỏe mạnh, thể thao hơn, mốt thời thượng mà! Bà xã tôi được Trời Đất thương cho cái màu tự nhiên đó từ bé nên Ông Bà Ngoại sắp nhỏ mới đặt cho cái tên Mai Liên, anh đọc lái lại coi?!”

Nghe đến đây chính tôi đã phải kêu lên: chu choa mệ tổ ơi, mần răng mà cái chi mô anh cũng biết hết rứa chừ hết biết luôn.

Mike hiện nguyên hình một “chú Sam” há hốc miệng “Wh…what? What d’you say?”

Ngay sau khi dành thắng lợi đem được Mai Liên về Mỹ, Mike giải ngũ. Liên đi làm 2 nghề khác nhau cho phép Mike trở lại Đại Học lấy xong bằng Kỹ Sư Điện Tử.

Mike rất vui mỗi lần nhắc lại giai đoạn này:

tôi sướng như Ông Trời con, ngày ngày đi học, còn Liên cực lắm, hy sinh vừa đi làm vừa lo cho tôi còn hơn Ba Má tôi ngày xưa, dĩ nhiên tôi yên tâm học xong rất nhanh.

Bên Mỹ này anh muốn học là phải được, muốn học gì cũng được, muốn lấy bằng gì cũng có, chỉ cần anh có ý thích và có ý chí. Anh có thể học toàn thời gian, bán thời gian, học hàm thụ hay học ngay cả trên online. Không có tiền thì Chánh Phủ hoặc một cơ sở, một công ty hay một tổ chức nào đó ứng tiền cho mượn nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi nộp đơn xin việc làm, người chủ chỉ căn cứ một phần trên bằng cấp, còn phần lớn dựa trên kinh nghiệm việc làm đã qua và sự giới thiệu, phê bình của các chủ cũ.

Tôi là cựu chiến binh, gần lấy xong bằng Kỹ Sư thì hãng Điện Tử Intel đã nhận trước rồi.

Năm đầu tiên tôi đi làm Liên chỉ còn làm một nghề, đến năm thứ hai Liên nghỉ việc hoàn toàn để đi học ngành Y tá. Đó là lý do chúng tôi chậm có con và chỉ có hai đứa.

Bên Mỹ này nghe nhà nào có 3,4 con là thiên hạ lắc đầu, le lưỡi liền. Có bầu, sanh con thật dễ dàng nhưng khó nhất, đau đầu nhất là vấn đề giáo dục, không dạy dỗ con được thì lại đổ thừa “cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh”, chưa chắc vậy đâu !

Có rất nhiều gia đình nuôi con đến 18 tuổi là bắt nó phải tự lập, nghĩa là đẩy nó ra ngoài xã hội, xét cho cùng điều này cũng có phần tốt..

Vì vậy, cũng rất công bằng khi bố mẹ già yếu, đến phiên chúng nó sẽ đẩy bố mẹ vô nhà hưu dưỡng thôi!

– Mai Lan ơi, ra chào chú đi con, Mike gọi.

Một cô gái Mỹ đẹp như tài tử điện ảnh Hollywood tươi cười bước ra, hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống, nói bằng tiếng Việt rất chuẩn:

– Cháu tên Mai Lan, cháu chào chú.

Tôi đứng dậy, Mai Lan bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay:

– Chú tên là Long, Chú rất hân hạnh được biết cháu, được quen biết gia đình cháu, một gia đình tuyệt vời, cháu là một cô gái tuyệt vời.. Cháu có về VN lần nào chưa?

– Dạ, cám ơn lời khen của Chú. Cháu đã về VN hai lần. Năm rồi cháu đi VN miễn phí.

– Sao vậy?

– Cháu có hai người bạn, hai chị em, bố mẹ họ là người Việt, hai bạn cháu không rành tiếng Việt nên bao cháu đi chung về VN để làm thông ngôn. Vui quá chừng. Bà con chòm xóm dưới quê cứ nhìn cháu chằm chằm: sao kỳ quá hè, Mỹ nói tiếng Việt còn Việt đặc thì bù trất, kỳ hén!

Lại nữa, Mỹ thì tên Việt còn Việt lại lấy tên Mỹ, ngộ ghê!

Cháu dịch lại cho hai đứa bạn nghe, tụi nó mắc cỡ quá, về đến Mỹ bắt đầu học tiếng Việt ngay.

Ba má tụi nó kèm riết, cháu cũng dạy thêm, bây giờ nói được hơi nhiều rồi. Hè năm nay tụi cháu lại về VN nhưng lần này cháu phải trả tiền vé máy bay vì bạn cháu không cần thông ngôn nữa, thông ngôn thất nghiệp rồi !

Ông bà ngoại cùng gia đình mấy Cậu, mấy Dì thương cháu lắm. Cũng có thể sẽ có anh Liêm đi cùng.

– Liêm là ai?

– Anh Hai cháu. Ảnh tên là Uy Liêm.

– Có phải đó là phiên âm tiếng Việt của chữ William không?

– Dạ đúng

– Thế anh cháu thích tên nào?

– Cả nhà cháu thích tên Uy Liêm hơn vì đa số tên riêng của Mỹ không có ý nghĩa gì hết, thường được bắt chước từ trong Kinh Thánh. Còn tên VN có lồng nghĩa trong đó, có khi mang cả ước vọng của cha mẹ đặt ở người con.

– Vậy Uy Liêm nghĩa là sao? Tôi giả vờ hỏi..

– Uy là uy phong, uy nghi, uy quyền, uy lực… còn Liêm là liêm chính, liêm sỉ, thanh liêm.

Người có quyền uy thì phải liêm chính. Người ta khi có chút quyền chức thường hay sanh tật xấu, rồi tham nhũng, rồi phách lối..

Ba má cháu muốn anh Hai khi nào có địa vị lớn thì phải sống thanh liêm..

– Anh hai cháu đã có địa vị lớn chưa?
– Dạ ảnh chỉ mới là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu ở Iraq. Còn 4 tháng nữa ảnh sẽ xong nghĩa vụ, khi trở lại Mỹ, được nghỉ phép, anh Hai sẽ theo tụi cháu về thăm Ngoại.
– Anh Hai có biết tiếng Việt không?
– Hết sẩy Chú ơi, dù dở nhứt nhà nhưng cũng gần ngang tầm với Ba cháu …

Mike ngồi nghe tôi khảo hạch cô con gái, miệng cứ tủm tỉm cười.

Tôi thật sự cảm động, nếu không nói là choáng váng, cứ ngây người ra. Giả sử có ai đó kể tôi nghe về một gia đình như thế này, về một cô gái Mỹ thế này, về một Đại Úy Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ như vậy… chắc chắn tôi không thể tin vì tôi đã phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh trái ngược.

Có lần, vừa bước vô nhà một người bạn VN, ngay tại phòng khách treo một tấm bảng bằng carton với chữ: “No Vietnamese!” tôi ngập ngừng, hơi tái mặt, rồi lẳng lặng, chẳng nói chẳng rằng bước ra ngoài. Chủ nhà chạy theo đon đả.

Tôi nuốt nước miếng cho dằn cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng rồi chậm rãi: có phải ông không muốn tiếp khách người VN hay ông không cho phép ai ngồi trong phòng đó nói tiếng Việt?

Anh ta phân bua: tôi chỉ muốn bà Xã và các cháu luyện tiếng Anh cho thật nhuyễn để mau thành dân Mỹ thôi !?!?

Vậy nếu ông vào một nhà hàng, một công viên, lên máy bay, xe lửa, xe buýt hay vô nhà một người Mỹ nào đó, ông thấy hàng chữ này, ông hiểu nó thế nào?!?!

Cách đây vài chục năm, khi tình trạng kỳ thị chủng tộc còn tồn tại trên đất nước Mỹ, người ta thường thấy trên xe buýt hay công viên có đeo bảng: No dogs and negroes (cấm chó và người da đen). Đến thập niên 60 mới chấm dứt. Bây giờ ông treo “No Vietnamese” trong phòng khách nghĩa là làm sao?!?!

Ông ta gỡ bảng xuống liền..

Ông bà này nghe nói qua Mỹ có mấy năm đã về VN xum xue, bà con bên nhà ngạc nhiên thấy ông và gia đình lột xác nhanh quá, sức mạnh một đại cường quốc có khác. Bên này cả hai ông bà đi làm vệ sinh, quét dọn trường học, về VN khoe làm trong ngành giáo dục nên rất ít nói tiếng Việt.

Riêng dân Mỹ hay người VN tại Mỹ chỉ nghe âm Mít đặc, không cần nhìn, đều biết ngay ông chánh gốc là “dân địa phương” Alaska vì, mười câu hết chín, ông đều nhắc đến tên một thành phố lớn của Tiểu Bang này: Du nô.

Nhưng thôi, đây là đất nước tự do mà! Tự do dân chủ với lưỡng đảng đàng hoàng.

Mike thường nói đùa với tôi “coi dzậy chứ hổng phải dzậy mà còn quá cha dzậy nữa” khi đề cập đến hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ hiện nay.

Cứ nhìn vô gia đình Thống Đốc Tiểu Bang California: Ông chồng Schwarzenegger thuộc đảng Cộng Hòa trong khi bà vợ lại theo Dân Chủ.. Khi làm việc, hai đảng kiểm soát lẫn nhau như vợ theo dõi chồng, như chồng để ý coi chừng bà vợ.

Nhưng khi có những sự kiện trọng đại liên quan đến an ninh đất nước, đến sự tồn vong của quốc gia, đến sự sống còn của dân tộc Hoa Kỳ thì hai đảng chỉ là một như sau vụ 9/11 mấy năm trước đây. Hình như có một thứ siêu chính quyền đâu đó quyết định tất cả, tương tự ảnh hưởng nội ngoại trên hai vợ chồng giữ cho hạnh phúc lứa đôi bền vững, từ đó nuôi dạy con cái thành công, kinh tế gia đình thịnh vượng, cho nước Mỹ chỉ mới hơn 200 năm lập quốc đã tiến lên bá chủ hoàn cầu. Nước Mỹ đang đứng nhất trên toàn thế giới về mọi phương diện nhưng rất tiếc, nhất luôn về vô luân thường, vô đạo lý và nhất luôn về cả lãnh vực tội phạm!

Đấy, Mike hướng dẫn cho tôi nhiều, rất nhiều điều, nhiều chuyện.

Chúng tôi ngày càng thân hơn khi biết tôi ngày xưa cũng có một thời gian đi dạy học. Vợ chồng Mike và cháu Lan lại thích tìm hiểu sâu xa tiếng Việt hơn qua những từ ngữ Hán Nôm mà tôi đã được Ông Ngoại, một Cử Nhân Hán Văn, khoa thi cuối cùng, dạy dỗ.

Nhờ vợ chồng Mike, tôi thực sự hội nhập vào xã hội Mỹ lúc nào không hay. Từ sự nhiệt tình giới thiệu của Mike, tôi được một chân Technician trong hãng Merix ở Forest Grove. Một năm sau, Mike khuyến khích và hướng dẫn vợ chồng tôi mua một cơ sở kinh doanh riêng ngay trung tâm thành phố Tigard đến nay đã tròn 12 năm.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh như những áng mây ngoài khung trời rộng. Thênh thang như giấc mơ Hoa Kỳ của gia đình tôi liên tiếp nở hoa.

Cho đến một ngày… Tin như sét đánh ngang tai. Hai vợ chồng Mike vừa qua đời trong một tai nạn xe! Cháu Lan gọi báo cho tôi bằng tiếng được tiếng mất, tức tưởi, nghẹn ngào.

Một anh Mễ nhập cư bất hợp pháp say rượu lái xe vào đường cấm ngược chiều. Xe Toyota Camry của vợ chồng Mike nằm bẹp dí dưới gầm chiếc xe tải F350 chở đầy đồ nghề làm vườn cắt cỏ.

Toán cấp cứu phải cưa xe mới đem được hai người ra nhưng cả hai đều đã tắt thở vì sức va chạm quá mạnh và vì vết thương quá nặng…

Lại thêm một nhức nhối của người Mỹ trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp… lại thêm một vết đen tệ nạn say rượu, say xì ke lái xe DUI ngày càng nhiều…

Tang lễ thật đơn giản gồm đa số người quen gia đình, bạn bè làm chung Intel với Mike và đồng nghiệp trong bệnh viện của Mai Liên.

Cháu Uy Liêm được thông báo từ Iraq về để vừa kịp nhìn cha mẹ lần cuối trước khi đóng nắp quan tài..

Trời Oregon chiều nay mưa buồn day dứt. Nghĩa trang Finley Sunset Hills với những dốc thoai thoải quay về hướng Tây, về hướng Thái Bình Dương mà tận cùng bên kia bờ có một vùng đất mang tên VN, quê hương yêu dấu của Mike và Mai Liên suốt cả đời người. Gió buốt miên man như xoáy sâu vào tận xương tủy. Như chưa bao giờ.

Vài tia sáng yếu ớt long lanh trên những ngọn cỏ đầm đìa. Mắt tôi nhạt nhòa trong cái lạnh tái tê. Cũng xong một kiếp trong vô lượng luân hồi. Một chút gì đó có lẽ hai người đang hài lòng là vẫn còn được đi chung với nhau, vẫn còn được tay trong tay, cùng qua một thế giới khác, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.

Ít nhất về vật chất bây giờ xác hai người vẫn còn được nằm bên nhau, hai ngôi mộ song song, cùng nhìn về quê hương VN tít mù xa thẳm cuối chân trời.

Riêng tôi lòng trĩu nặng mối ân tình chưa thanh thỏa.

Trong suốt cuộc đời còn lại, dù còn sống trên đất Mỹ này, hay giang hồ đó đây, hình ảnh tươi vui khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, gương mặt dễ thương, cử chỉ ân cần, lời nói nhã nhặn nhiệt tình và đặc biệt ân nghĩa của vợ chồng Mike đã dành cho gia đình tôi chắc chắn sẽ khó phai mờ.

Cám ơn Michael Erickson. Cám ơn Mai Liên Trần. Xin tạm biệt. 

Nguyễn Thế Thăng

From Lucie 1937

Cảm ngộ

Cảm ngộ

 Câu chuyện thứ 1:

Nelson Mandela từng bị giam giữ và xúc phạm trong suốt 27 năm. Đến khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi, ông đã mời 3 người cai ngục từng canh giữ ông trong thời gian chốn lao tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 vị này thì mọi người có mặt và trên toàn thế giới đều phải tĩnh lặng.
Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu không thể để nỗi đau của riêng mình và oán giận ở lại đằng sau, thì tôi vẫn là còn ở trong tù”.

Cảm ngộ:

Tha thứ cho người khác, nhưng thực ra là giải thoát chính mình.

Câu chuyện thứ 2:

Có một người hỏi vị nông phu: “Trồng loại lúa mì nhé?”. Nông phu đáp: “Mỗi ngày đều phải chăm sóc nó thật tốt! Không, tôi sợ rằng trời sẽ không mưa”. Người kia lại hỏi: “Vậy ông trồng bông không?”, nông phu nói: “Không, tôi lo lắng sâu sẽ ăn bông”. Người kia hỏi tiếp: “Vậy ông sẽ trồng loại cây gì?”. Nông phu nói rằng: “Cây gì cũng không được, tôi muốn đảm bảo chắc chắn an toàn”.

Cảm ngộ:
Mọi điều đều không muốn nỗ lực, đều không muốn mạo hiểm, luôn sợ rủi ro, những người vô tích sự như vậy đương nhiên sẽ không làm nên việc gì.

Câu chuyện thứ 3:

Có một con quạ đang bay trên đường thì đụng phải một ngôi nhà chim bồ câu. Bồ câu hỏi:“Bạn muốn bay đi đâu?”. Quạ nói: “Thực ra là tôi không muốn đi, nhưng vì mọi người đều

lo ngại rằng tiếng kêu của tôi không tốt lành, cho nên tôi phải rời đi”. Bồ câu nói với quạ: “Vậy thì tốt nhất là bạn đừng phí công vô sức! Nếu bạn không thực sự thay đổi tiếng kêu của mình thì cho dù bạn đi đến chỗ nào cũng sẽ đều không được chào đón”.

Cảm ngộ:

Nếu bạn mong muốn hết thảy mọi thứ xung quanh mình trở nên tốt đẹp, thì trước tiên hãy thay đổi chính mình.

Câu chuyện thứ 4:

Một gia đình có 3 người con trai, lũ trẻ từ nhỏ đã phải lớn lên trong tiếng cãi vã giữa cha mẹ, mẹ của chúng thường xuyên bị đánh tới mức thương tích khắp người. Người anh cả nghĩ:“Mẹ của mình thật đáng thương! Ta sau này nhất định sẽ đối xử tốt với vợ của mình”. Người anh thứ 2 nói: “Hôn nhân thật vô nghĩa, ta khi trưởng thành nhất định sẽ không kết hôn”.Người em út nói:“Hóa ra, làm chồng là có thể đánh đập vợ mình như vậy!”

Cảm ngộ:
Với cùng một hoàn cảnh nhưng sẽ có những lối suy nghĩ khác nhau, cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này. Vì vậy, là cha mẹ ngoài việc giáo dục con cái bằng những hành động gương mẫu của mình, thì lời nói cũng vô cùng quan trọng.

Câu chuyện thứ 5:

Có một vị tiểu hòa thượng phụ trách quét dọn lá rụng trong chùa, mỗi ngày phải cần rất nhiều thời gian mới có thể quét xong. Một người nói với anh ta: “Ngươi hãy rung cái cây thật mạnh cho lá rụng xuống rồi hãy quét, như vậy ngày mai sẽ không phải quét nữa!”. Tiểu hòa thường nghe vậy thấy cũng có lý, liền cao hứng làm theo, nhưng ngày hôm sau lá lại vẫn rụng khắp sân chùa như cũ. Mặc cho người này hôm nay ra sức rung mạnh cây, ngày mai lá vẫn lại rụng xuống như vậy.

Cảm ngộ:

Mọi việc đều không thể nóng lòng làm cho xong, làm tốt việc của ngày hôm nay, chính là có trách nhiệm với cuộc sống của mình vậy.

 From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Bỏ qua oán hờn

Bỏ qua oán hờn

Một thương gia trong một thị trấn nhỏ nọ, có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai cùng làm việc tại cửa hàng của cha mình. Khi ông qua đời, họ thay ông trông coi cửa hàng đó. Mọi công việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất.

Người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách hàng. Khi anh quay lại, tờ giấy bạc đã biến mất.

Người em hỏi người anh: – Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không?
Người anh đáp:
-Không.

Tuy thế người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi:
– Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó !Sự buộc tội phảng phất trong giọng nói của người em. Căng thẳng bắt đầu tăng lên giữa hai anh em họ. Sự oán giận cũng theo đấy mà len vào. Không lâu sau một hố ngăn cách gay gắt và sâu thẳm đã chia cách hai chàng trai trẻ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào.

Cuối cùng họ quyết định không làm chung với nhau và một bức tường ngăn cách đã được xây ngay giữa cửa hàng. Sự thù địch và oán giận cũng lớn lên tiếp theo 20 năm sau đó, lan đến cả gia đình của họ.

Một ngày nọ, một người đàn ông đỗ xe ngay trước cửa hàng. Ông ta bước vào và hỏi người bán hàng:
-Anh đã ở đây bao lâu rồi?

Người bán hàng đáp rằng anh đã ở đây cả cuộc đời. Vị khách nói tiếp:
-Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước tôi đã đi xe lửa và tạt vào thị trấn này. Lúc đó tôi đã không ăn gì suốt ba ngày. Khi tôi đến đây bằng cửa sau và thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh thứ lỗi.
Người đàn ông lạ mặt ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này.

Anh ta đề nghị:
-Ông có vui lòng sang cửa bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không?
Rồi người đàn ông lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ.

Trong cuộc sống có những điều nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra và vô tình chia cắt con người với nhau, những lời nói vội vàng không suy nghĩ, những lời chỉ trích, buộc tội hay những lời trách cứ oán hờn. Và khi đã bị chia cắt, họ có thể không bao giờ quay lại với nhau được nữa. phương cách tốt nhất để tránh những tình huống gây tổn thương này là bỏ qua những lỗi lầm nhỏ của nhau.

Điều này không dễ dàng nhưng cũng chẳng phải là quá khó khăn. Bỏ đi những bực dọc rồi bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy mình chẳng mất bao nhiêu năng lượng để xây dựng sự gắn bó với những người bạn yêu mến.

Sưu Tầm

 From: Cam Tuyet & KimBang Nguyen

Mối Tình Thiên Thu

Image may contain: one or more people, sky and nature
Image may contain: text
Van H Pham

Chúng ta thường nói với nhau: “sẽ yêu thương nhau suốt cuộc đời. Nhưng liệu chúng ta đủ can đảm để cùng nắm tay ra đi về bên kia thế giới???”.
**************

Mối Tình Thiên Thu…

Verona, New York: (Theo New York Daily News): Vào hôm Chúa nhật 27 tháng 4 năm 2014, ông Earl Myatt và bà vợ Mary, cả hai cùng ở lứa tuổi 59, đã hiên ngang đứng trên đường rầy ở nhà ga Verona , New York, khi một đoàn tàu tốc hành đang chạy tới.

Cả hai đã chết ngay tại chỗ.

Các nhân viên điều tra, sau đó, đã tìm thấy lá thư tuyệt mệnh của ông Earl, trong chiếc xe hơi đậu gần đó.

Vài phút trước khi ông và bà vợ ra đứng trước đoàn tàu chạy đến, ông Earl đã điện thoại cho một người con trai, nói là ông ta thương yêu con và xin lỗi con về chuyện mà ông sắp sửa làm.

Ông Earl quen bà vợ Mary từ khi hai người còn học ở trung học và mới có 17 tuổi. Cả hai đã sống với nhau hạnh phúc trong 42 năm, có hai đứa con trai và bốn đứa cháu nội.

Vào đầu năm nay, bà Mary bị chứng phù não (brain aneurysm) đã làm cho bà này không thể tự tự săn sóc , và khó khăn trong việc phát âm.

Ông Earl làm việc cho một tiệm sách trong trường cao đẳng cộng đồng Mohawks Valley và đã phải đi làm từ lúc 3.30 sáng mỗi ngày, để có thì giờ còn lại trong ngày, săn sóc cho bà vợ.

Ông Earl đã suy thoái tâm thần khi nhìn thấy sự suy sụp về sức khỏe của bà vợ. Và họ đã quyết định cùng chết cho Mối tình đầu cũng là mối tình cuối.

Lạy Chúa, xin tha phần phạt cho hai linh hồn này. Amen.

Tự hứa và quyết tâm làm hòa

Tự hứa và quyết tâm làm hòa

 Câu chuyện có thật rất cảm động

 Vậy nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5, 23-24)

Những buổi chiều tối mùa đông ở thành phố Dalat thật lạnh, càng về đêm cái lạnh càng se sắt cắt da, sương mù giăng dầy đặc… Phố xá đã lên đèn từ bao giờ, tia sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường tỏa chiếu lung linh trên mặt đường, xuyên qua màn sương thật đẹp, thật dịu dàng… trong khi nhà mình thì vẫn tối tăm kể từ ngày đổi đời (1975).

Tôi dắt bốn đứa con nhỏ đến nhà thờ chánh tòa để tham dự Thánh Lễ đêm. Đêm nay khắp thế giới đang tưng bừng kỷ niệm mừng đón Chúa Giáng Sinh.

Hàng cây anh đào hai bên đường ủ rũ đứng lặng im trong sương đêm. Mẹ con tôi dắt díu nhau co ro đi trên phố vắng thật vắng, tự nhiên tôi rùng mình, cảm tưởng có một chút gì rờn rợn trong tâm tư thật tê tái như sợ sợ, như buồn buồn, như thảm thảm… khung cảnh sao mà buồn da diết,  tâm hồn tôi cũng da diết buồn và tủi thân tủi phận… „người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“.

Nhìn bốn đứa con gầy guộc, hốc hác, ăn mặc không đủ ấm so với những ngày bình yên trước 1975, lòng tôi đau như cắt, nước mắt lúc nào cũng đoanh tròng chỉ chực rơi.

Mừng Chúa Giáng Sinh mà mẹ con cũng chả được một bữa ăn cho no, nói chi đến đầy đủ calorie, nói chi đến gà nướng, bánh Noel và những gói quà dưới gốc cây thông như đã từng, và v.v…

Miền Nam đổi chủ, Dalat thơ mộng của chúng tôi cùng cả miền Nam Việt Nam đón tiếp những hoảng hốt, những nghi ngờ, những hoang mang, đầy sự sợ hãi. Nhìn vẻ mặt thất thần của những em bé thơ ngây, những học sinh mới lớn đến các cụ già đều hằn sâu nét nhẫn nhục, chịu đựng, sợ sệt.

Nhất là chị em chúng tôi, những người vợ lính cô đơn cô độc, bơ vơ giữa đời lạ, ngay nơi mình được sinh ra, sống và lớn lên… Người phối nhẫu của chúng tôi  bị nhà cầm quyền ghép là „những người có tội với nhân dân“ lùa vào trại cải tạo.

Chính sách đổi tiền của nhà nước cộng thêm sự càn quét của cải ở miền Nam đem ra miền Bắc khiến dân miền Nam rơi vào cảnh đói nghèo khốn khổ. Chúng tôi cũng không ngoại lệ,

Từ ngày chồng tôi được nhà nước kêu đi trình diện mang theo lương thực cho 10 ngày. Thế mà cho đến nay đã bốn năm rồi, mẹ con tôi chờ đợi mòn mỏi, trong thất vọng rồi trong tuyệt vọng (tôi nghĩ chắc là không bao giờ còn được gặp mặt nhau nữa). Cảnh sống bữa đói, bữa lưng lửng thường trực ngự trị hằng ngày giữa mẹ con tôi. Nỗi cô đơn, bơ vơ, lẻ loi, sợ sệt luôn bao trùm cuộc sống của chúng tôi trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ… mấy mẹ con không có chút niềm vui hay hy vọng và bình an nào.

Trong tháng 3.1975 khi cả miền Nam sôi xục hốt hoảng chạy, mẹ con chúng tôi theo đoàn người di tản về Saigon vì hy vọng chồng tôi cũng từ đơn vị đóng ở Pleiku sẽ theo đoàn quân di tản về Saigon, nên „đồ tuế nhuyễn, của riêng tây“ trong nhà bị mất sạch. Tháng 5.1975 chúng tôi trở về Dalat thì may mắn còn căn nhà trống không, đôi đũa, cái chén cũng không còn. (may mắn vì nhà ở đường hẻm) cỏ trong vườn cao ngập đầu người.

Để tồn tại, tôi cố gắng tập tành buôn thúng bán bưng nuôi 4 đứa con vị thành niên. Tôi ra chợ Dalat tìm những người quen của ba mẹ tôi xưa kia bán hàng ngoài chợ xin họ cho tôi lấy trái cây đem đi bán lẻ để kiếm chút tiền lời đong gạo nuôi con mà cũng không nên thân. Đêm về thì luôn luôn hồi hộp lo sợ, không bao giờ được ngủ yên giấc vì bụng đói cồn cào, vì lo lắng không biết sống ra sao, vì sợ nhỡ công an đang đêm đập cửa, nói là khám xét nhà, rồi vô cớ bắt tôi đi tù cải tạo nữa thì các con tôi còn quá nhỏ sẽ ra làm sao đây (vì tôi là công chức của Việt Nam Cộng Hòa), cứ nghĩ đến đó là rùng mình, rởn tóc!

Thời gian này có cô hàng xóm sống bằng nghề buôn bán rau trái, trước kia sống gần bên cạnh nông trại của ba mẹ tôi ở ấp Đa Thiện, nhìn thấy tôi khổ sở quá nên động lòng thương, rủ tôi đi buôn chung với cô.

Tôi không có một đồng xu lận lưng thì làm sao buôn chung được. Cô tự nguyện bỏ tiền ra, mỗi buổi sáng sớm tôi và cô ta, hai chị em ra chợ găp nhau, rồi cùng đi vào các làng trồng rau quả xem có gì thì mua nấy và đem ra chợ bán kiếm lời. Những nhà vườn ở Dalat rất nhân đức, khi chúng tôi không có tiền trả thì họ cho đem hàng ra chợ bán xong hôm sau đem tiền về đưa cho họ cũng được. Đây là một truyền thống của tất cả những nhà vườn trồng rau và trái cây ở Dalạt, Ba mẹ tôi thời còn nông trại cũng sống như vậy.

Ngày nào lời được chút tiền thì hai chị em được ăn phần cơm trưa, cũng có chút tiền mua gạo cho con và vài cục đường hay gói bột bích chi để dành cuối tháng đi thăm chồng trong tù cải tạo.Tạ ơn Chúa, cho thiên thần là cô bạn quý này đến giúp mẹ con tôi trong lúc khốn khổ tột cùng, kéo dài cuộc sống.

Trong lúc mẹ con tôi sống cơ cực, túng quẫn và khốn khổ như thế, mà cô bạn thân bị người tình phụ bạc quất ngựa truy phong, bây giờ mang cái bào thai oái oăm đến xin tá túc, nhờ tôi nâng đỡ. Thương bạn nhiều mà thương mình nhiều hơn nên cứ dùng dằng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thời buổi này nhà nước họ kiểm soát gắt gao lắm. Cứ vài ngày ông tổ trưởng dân phố và chàng công an khu vực lại ghé thăm mà mắt thì láo liên dòm từng ngõ ngách, dù nhà đã trống trơn không bàn, không ghế, không tủ… làm sao tôi dám chứa cô bạn mình ở nhà đây!?

Phần thì cơm gạo đâu mà nuôi thêm hai miệng ăn nữa chứ, trong khi mẹ con tôi còn phải hàng ngày nhịn bớt để có chút đỉnh tiền mà đi thăm nuôi chồng trong tù cải tạo.

Ôi! Gánh tôi sao mà nặng thế này!!! Bạn mình không dám về nhà vì sợ ba mẹ, sợ thiên hạ xầm xì, phỉ nhổ, cười chê gia đình nên cứ liều ở lì nhà tôi. Tôi cũng liều cưu mang bạn mình. Tôi dấu bạn tôi ở trên gác, chỉ thỉnh thoảng vào lúc đêm tối mới dám đưa bạn ra ngoài đi dạo một chút.

Vài tháng sau tôi trở thành con nợ như chúa chổm. Tối nào cũng có người đến đòi nợ, cô bạn tôi có chút tiền dành dụm cũng tiêu tan hết. Chúng tôi chả còn biết trong cậy vào đâu?

Cô bạn tôi đánh liều sai tôi đi Saigon thú thật hết mọi việc cho hai cụ thân sinh của bạn để xin viện trợ.Thế là tôi chạy vạy, vay mượn đủ tiền mua một vé xe đò đi về Saigon gặp hai cụ để ca bài „con cá nó sống vì nước“.

Sau khi trình bày ngọn ngành tình trạng khó khăn của mẹ con tôi và tình trạng đau thương của cô bạn, cụ bà liền phán một câu: „Cho nó chết đi chứ sống làm gì mà làm nhục gia phong như thế à“. Tôi chỉ biết cúi đầu và ngậm câm. „Thôi được rồi, bây giờ bác đưa cho con ít tiền để con cưu mang nó trong lúc này, con cứ để nó ở trên Dalat và dấu kỹ nó dùm cho bác, chứ nó mà chường mặt ra cho dân Dalat trông thấy hay vác cái bầu ấy về đây thì bác độn thổ con ạ“.

Thế là từ đó thỉnh thoảng cạn tiền tôi lại được sai đi Saigon. Nhờ món tiền này của mẹ bạn, tôi thanh toán một số nợ nần khi tôi mua chịu thức ăn nuôi bảy  miệng ăn trong gia đình, và nuôi sống chúng tôi trong lúc khốn quẫn quá chừng quá đỗi.

Để lo tìm người quen và tin cẩn gởi đứa bé. Tôi phải mất nhiều thời gian dò hỏi và may mắn tìm được người hàng xóm trước kia của chúng tôi. Anh chị đều là nhân viên cảnh sát, đã nhanh chân chạy về Saigon khi di tản và đổi tên, đổi họ ở lại Saigon, anh chị sống bằng cách nhận đan áo len cho các tiệm bán quần áo và sinh sống ở Tân Định.

Gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa của bạn, tôi đưa bạn mình về Saigon và gởi ở nhà anh chị cho đến khi sanh nở. Bây giờ đến lượt anh chị săn sóc cho bạn tôi song tôi vẫn là người liên lạc với các cụ, để các cụ cứ nghĩ là tôi còn dấu con và cháu gái của cụ ở Dalat.

Khi bé gái được đầy tháng tôi về Saigon đưa bạn tôi về nhà xin lỗi hai cụ và xin hai cụ chu cấp hàng tháng cho hai mẹ con cách kín đáo. Hai cụ đồng ý chu cấp qua anh chị nuôi cháu bé, song vẫn còn giận con gái nên không cho con bước vào nhà và  không cho phép được bén mảng đến nhà. Tôi biết cụ còn giận con gái lắm chứ, nhưng thương thì vẫn thương nhiều lắm.

Nhân dịp này bà cụ đòi tôi phải đưa trả lại nửa số tiền cụ đưa cho tôi hàng tháng để lo cho con gái cụ. Trong người tôi không có một đồng xu dính túi lấy tiền đâu mà trả cho cụ. Đồng tiền như miếng chín, có thì tiêu, nhất là „tiền vào nhà khó như gió vô nhà trống“. Tôi buồn và giận lắm, không kềm chế được, tôi khóc và chào hai cụ rồi quay về Dalat ngay.

Hai cụ chỉ biết quý đồng tiền mà không hề nghĩ đến công khó cùng sự vất vả của tôi trong mấy tháng cưu mang bạn mình trong lúc hoạn nạn. Hai cụ cũng không biết thương hại mẹ con tôi trong hoàn cảnh khốn khó trong lúc đổi đời như thế này mà chồng tôi còn trong tù cải tạo.

Tôi buồn lắm, giận mình, giận bạn, giận đời và tủi cho thân phận, mà không biết tâm sự cùng ai…chỉ biết khóc… Vài tháng sau, tôi đi Saigon đem cuốn sổ ghi tất cả những chi phí cho bạn mình trong thời gian tôi giúp đỡ bạn cho đến nay, trao cho cụ. Tôi buồn giận hơn nữa là cô bạn thân từ ngày về Saigon cũng chẳng liên lạc gì với mình.

*    *     *

Đêm nay, trong ngôi Vương Cung Thánh Đường Dalat, với không khí thật trang trọng, thiêng liêng trong Thánh Lễ. Tôi lắng nghe đoạn Tin Mừng:

Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5,23-24).

Vị linh mục chủ tế giảng:

Đâu là bác ái của người Kitô hữu?

Anh chị em thể hiện tình bác ái thế nào với tha nhân?

Nếu mình có lỗi với anh em mà mình biết lỗi và đến xin lỗi thì chuyện rất bình thường. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, cả tôi và anh chị em, con cái của Ngài phải thể hiện tình bác ái bằng cách, khi người anh em có lỗi với mình, mình đến với họ, xin lỗi họ, làm hòa với họ“,

 như thế mình mới thể hiện lòng bác ái của Chúa Kitô. (cha chủ tế nay là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Việt Nam)

Âm vang của đoạn Phúc Âm và lời giảng của cha đánh động tâm tư tôi rất mạnh. Nhìn lại mình tôi thấy mình thật có lỗi lớn trong chuyện này. Mình đã không tế nhị, không chút khiêm nhường, không kính trọng bậc trưởng thượng như cha mẹ mình.

Tôi có lỗi đã không chịu nhẹ nhàng và tế nhị giải thích cho hai cụ hiểu mà thương đến hoàn cảnh khó khăn của hai chúng tôi, cả tôi và bạn tôi đều có lỗi bất hiếu với hai cụ và thiếu tình thương với bạn mình.

Trong tim, tôi tự hứa với mình sẽ phải đến xin lỗi hai cụ. Nhưng thật khó khăn làm sao!

Chúa ơi, xin Ngài giúp con để con can đảm thực hành việc này. Tôi đắm chìm trong cầu nguyện, tha thiết xin Chúa giúp.

Cho đến lúc rước Thánh Thể Giêsu vào lòng,

tôi tự hứa với Chúa Giêsu :

tôi sẽ nhất quyết đến làm hòa với bạn mình

và xin lỗi hai cụ.

Tuần sau đó, vào một buổi tối ở Saigon, tôi đến nhà bạn. Người ra mở cửa là cô em bạn tôi. Vừa nhìn thấy tôi, cô ta quay vào nhà la thật lớn:

Chị V. ơi, chị T…. Rồi cầm tay tôi lôi vào nhà.

Bạn tôi từ trên lầu chạy  xuống ôm chầm lấy tôi, hai đứa không nói được lời nào. Chỉ có nước mắt đã nói thay tất cả. Hai chúng tôi khóc, cô em gái khóc và ông cụ đang đau ốm, nằm trên giường bệnh đã mấy năm nay cũng khóc.

Tôi được biết cụ bà đã qua đời cách đây vài tháng vì bệnh tim.Trong khi nằm bệnh viện và trước lúc qua đời cụ cứ nhắc đến tôi với lòng thương cảm và chút ân hận.

Tạ ơn Chúa đã thêm sức cho con, đã đồng hành với con để giúp con biết làm hòa với anh chị em con như Lời Chúa dạy. Phần thưởng Chúa ban cho chúng tôi là tình thân gia đình và tình bạn của chúng tôi lại thắm thiết hơn xưa.

Cụ ông cứ nắm tay tôi thật lâu không buông và nói đi nói lại hoài một câu:

Bác thương con lắm… thương con lắm.

Tôi sung sướng tràn ngập đón nhận tình thương của gia đình bạn và tình thương này đã nâng đỡ đời sống tôi rất nhiều. Tạ ơn Chúa và Ngợi Khen Ngài.

Elisabeth Nguyễn

From: Tramtubensuoi gởi

Bức thư đầu tiên của người vợ

Image may contain: one or more people
No automatic alt text available.

Van H Pham

Đọc câu chuyện này, một số bạn cho là hư cấu hoặc thời buổi này tìm đâu ra mẫu nguời như thế?!!! Nhưng nếu chúng ta là những người biết trân trọng qúa khứ thì sẽ hiểu vì sao?

************

TRUYỆN NGẮN….

Bức thư đầu tiên của người vợ

Vào một buổi tối, nhìn vào cơ thể thon thả, mảnh mai của người con gái đang nằm bên cạnh anh. Giây phút đó, anh thề rằng, anh nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho cô. Anh ta từ một kỹ sư xây dựng mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi cánh cổng trường đại học,và sau đó xây dựng đội ngũ kỹ thuật của riêng mình.

Bây giờ, đã trở thành ông chủ một công ty xây dựng có tiếng tăm trong thành phố. Bên cạnh anh có quá nhiều cám dỗ. Trong khi đó, vợ anh ngày càng xấu đi, thân hình trở nên xồ xề, da dẻ cũng không hồng hào, mịn màng như trước. So với vô vàn kiều nữ bên cạnh anh, vợ anh thật quê mùa, ảm đạm. Sự hiện diện của vợ nhắc nhở quá khứ tầm thường, thấp kém của anh.

Anh nghĩ cuộc hôn nhân này nên chấm dứt ở đây. Anh gửi vào tài khoản của vợ 500 triệu, mua cho cô một ngôi nhà ở trung tâm thành phố nhộn nhịp. Anh không phải người đàn ông vô lương tâm. Vì vậy, nếu như không sắp xếp cuộc sống ổn thỏa cho vợ anh sau này, anh sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi…

Cuối cùng, anh chủ động đề nghị ly hôn. Vợ anh ngồi đối diện, trầm tư nghe anh giải thích lý do ly hôn. Đôi mắt ấy rất đỗi dịu dàng. Nhưng 20 năm làm vợ chồng, anh quá hiểu rõ về cô, đằng sau đôi mắt hiền dịu ấy, anh biết rằng trái tim cô đang rỉ máu. Anh chợt nhận ra mình thật tàn nhẫn.

Ngày vợ anh đồng ý rời khỏi nhà. Công ty phải giải quyết một vài vấn đề, anh bảo cô đợi ở nhà,trưa về anh sẽ giúp cô chuyển nhà,chuyển đến căn hộ chung cư anh mua cho. Đồng nghĩa với việc cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm sẽ kết thúc tại đây.

Buổi sáng ngồi trong phòng làm việc ,anh bồn chồn,thấp thỏm . Đến trưa, anh vội vã về nhà. Căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, vợ anh đã đi mất rồi. Trên bàn đặt chiếc chìa khóa nhà anh mua cho cô , sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và một bức thư cô viết cho anh.

Đây là bức thư đầu tiên mà cô viết cho anh: “ Em đi đây, em về nhà mẹ. Chăn em giặt phơi khô rồi đấy, cất ở ngăn cuối cùng bên trái tủ quần áo. Trời lạnh anh nhớ lấy ra đắp. Giày da tất cả em đều đánh xi rồi nhé, nếu anh không tự mình đánh được thì mang đến tiệm ông Tư đầu ngõ ấy. Sơ mi treo ở phía trên, vớ, thắt lưng ở trong ngăn kéo phía dưới tủ.Mua gạo nhớ mua gạo tám thơm của Thái Lan, anh nhớ vào siêu thị mua nhé, mua bên ngoài anh không thạo người ta bán hàng giả cho đấy. Dì Hai mỗi tuần đều đến dọn dẹp nhà cửa một lần, cuối tháng anh nhớ gửi tiền cho dì ấy. Còn nữa, đồ cũ cứ cho ông Tư đầu ngõ nhé, ông ấy gửi về quê cho bọn trẻ con,chắc chúng nó sẽ vui lắm. Dạ dày anh không tốt, em đi rồi anh nhớ uống thuốc đều đặn. Thuốc em nhờ người ta mua từ Quảng Bình, có lẽ cũng đủ dùng nửa năm. Anh ra ngoài thường quên mang theo chìa khóa nhà, em gửi một chùm ở chỗ bảo vệ , lần sau nếu quên thì đến đấy lấy nhé. Buổi sáng đi ra ngoài anh nhớ đóng cửa sổ, mưa tạt vào sẽ làm ướt nhà đấy. Canh cá lóc – món mà anh thích em để ở trong tủ lạnh. Anh về nhớ hâm lại rồi hãy ăn nhé. Gửi anh , người em yêu nhất”.

Những dòng chữ xiêu vẹo nhưng tại sao nó cứ như những viên đạn bắn vào trái tim anh, mỗi viên đều mang theo tấm chân tình xuyên thẳng vào ngực – đau nhói. Anh từ từ đi vào nhà bếp.Mỗi đồ vật ở đây đều lưu giữ dấu tay, hơi thở của cô. Anh chợt nhớ về 20 năm trước, anh làm ở công trường xây dựng dầm mưa dãi nắng. Những ngày tháng bần hàn của cuộc đời đều có cô bên cạnh. Nhớ lại bát canh cá lóc nóng hổi đã sưởi ấm trái tim anh trong những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, nhớ lại giây phút anh đã từng hứa với lòng mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc suốt đời cho cô.

Anh quay người , nhanh chóng khởi động xe. Nửa tiếng sau, cuối cùng anh cũng tìm thấy cô đang đợi tàu trở về quê. Anh giận dữ nói: “ Em muốn đi đâu? Anh làm việc mệt mỏi cả ngày, về đến nhà ,đến cơm nóng cũng không có mà ăn. Em làm vợ như vậy à? Về nhà với anh ngay” Anh trông rất hung dữ và thô lỗ. Đôi mắt cô ướt nhòe, cô đứng lên, ngoan ngoãn theo sau anh đi về nhà . Giọt nước mắt xen lẫn niềm vui …… Cô không biết rằng, lúc này đi trước cô, anh đang dằn lòng cố kìm nén những giọt nước mắt…

Suốt quãng đường từ nhà đến đây, anh thực sự rất sợ, sợ không tìm thấy cô, sợ từ đây sẽ mất cô mãi mãi. Anh tự trách mình sao lại ngu ngốc đến vậy, hóa ra đánh mất cô ấy cũng giống như anh đánh gãy xương sườn của mình…Hai mươi năm đồng cam cộng khổ, hai người đã buộc chặt cuộc đời mình vào nhau, mãi mãi không thể tách rời.

Tại thời điểm sai lầm, địa điểm sai lầm, chỉ cần gặp được đúng người, tất thảy mọi thứ đều sẽ đúng!

Giàu có thực sự không phải số tiền trong thẻ ngân hàng, mà là nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt bạn. Tiền nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là tìm được một người toàn tâm toàn ý yêu thương bạn.

Trên thế giới này , hạnh phúc nhất là 3 từ “ta yêu nhau”. Hiểu được bản thân mình muốn gì, thế giới mới có thể hiểu được bạn

Tàu đắm, chồng bỏ mặc vợ.

Tàu đắm, chồng bỏ mặc vợ.

Tàu đắm, chồng bỏ mặc vợ tìm cách thoát thân, người vợ nói một câu ai nghe cũng kinh ngạc. Người vợ trong câu chuyện này đã cố nói gì với chồng, trước khi tàu chìm xuống biển?

Lựa chọn của người chồng.

Một câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trên ứng dụng Wechat của Trung Quốc. Nội dung câu chuyện như sau:

Có một chiếc tàu lớn đang trên đường chở du khách ra biển tham quan thì gặp nạn. Trên tàu đó có một cặp vợ chồng, khó khăn lắm họ mới đến gần được chiếc thuyền cứu sinh.

Nhưng tiếc thay, trên thuyền cứu sinh khi đó chỉ còn duy nhất một chỗ ngồi. Và không do dự quá lâu, người chồng quyết định đẩy vợ lại phía sau, còn mình nhảy xuống thuyền cứu sinh trở về đất liền.

Người vự đứng trên chiếc tàu lớn đang chìm dần, cố hết sức hét lên một câu…

Nói đến đây, thầy giáo dừng lại hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ đã hét lên câu gì với chồng của cô ấy?”

Các nhóm học sinh tỏ ra khá bực tức, nhiều em đồng thanh trả lời: “Tôi hận anh, tôi có mắt mà như mù!”

Khi đó, thầy giáo chú ý đến một học sinh nãy giờ ngồi im không nói gì. Thầy liền nhắc lại câu hỏi với chính em học sinh đó và nhận được câu trả lời: “Thưa thầy, em nghĩ rằng người phụ nữ đó đã hét lên rằng: “Hãy chăm sóc con của chúng ta thật tốt!”

Thầy giáo kinh ngạc hỏi: “Em nghe câu chuyện này rồi phải không?”

Em học sinh lắc đầu: “Không ạ. Nhưng trước khi mẹ em bệnh nặng qua đời, đã nói với bố em như vậy ạ!”

Thầy giáo cảm động nói: “Đáp án chính xác.”

Chiếc thuyền chìm dần phía sau lưng, người đàn ông đem theo nỗi đau tột cùng trở về nhà, nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Nhiều năm sau, người đàn ông lâm bệnh qua đời. Con gái ông trong lúc sắp xếp lại di vật của bố, đã phát hiện cuốn nhật ký của ông.

Thì ra, khi bố và mẹ cô đi thuyền ra biển chơi, là lúc mẹ cô đã bệnh nặng không thể cứu chữa. Vào thời khắc sinh tử, bố cô đã quyết định chọn cơ hội sống sót cho mình.

Trong nhật ký, ông viết: “Tôi đã rất muốn cùng mình, cùng chìm xuống đáy biển, nhưng tôi không thể. Vì con gái, tôi chỉ có thể để mình một mình an giấc dài dưới đáy biển sâu.”

Thầy giáo kể xong câu chuyện, cả lớp học trầm lắng không một tiếng động. Thầy giáo biết các em học sinh có lẽ đều đã hiểu ý nghĩa của câu chuyện này, rằng:

Sự thiện, ác trên đời có nhiều khi thật phức tạp, khó có thể phân biệt rạch ròi. Vì thế, với mọi hiện tượng, chúng ta không nên chỉ nhìn vẻ ngoài, mà khinh suất trong việc phán xét người khác.

Cùng ngẫm

Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì họ nhiều tiền, mà bởi họ coi trọng tình bằng hữu hơn tiền bạc.

Người chủ động làm nhiều hơn trong công việc, không phải họ ngốc nghếch, mà họ sống với tinh thần trách nhiệm cao.

Người xin lỗi trước sau khi cãi nhau, không phải vì họ nhận ra họ sai, mà bởi họ hiểu cách trân trọng những người xung quanh mình.

Người tình nguyện giúp đỡ bạn, không phải họ nợ bạn, mà họ coi bạn là bạn thực sự.

Người thường xuyên nhắn tin thăm hỏi bạn, không phải họ rảnh không có việc gì làm, mà bởi trong lòng họ có bạn.

From: Xuan Nguyen  

CHẾT TRONG ĐỒN

Đỗ Cao Cường was with Đỗ Cường.

(Tôi viết là để tưởng nhớ những thân phận được mời lên đồn công an làm việc và bị chết một cách mờ ám …)

Trời mưa tầm tã, mưa thối đất thối cát, cứ thế này thì làm sao mà mang hàng đi bán được, bơ thối phân nửa rồi, mà không bán thì chỉ có nước chết đói, cứ cái đà này rồi sẽ phải ngủ ngoài đường, cuối tháng lão chủ trọ sẽ tống cổ mẹ con lão ra khỏi đây.

Tay chắp sau đít, mân mê điếu thuốc sắp tàn, lão hết ra lại vào, trong căn phòng vỏn vẹn chưa đầy 10m2, tiếng nước rơi lả tả trên mái tôn như có thằng nào rắc lựu đạn xuống, lão lẩm bẩm chửi một mình, nhưng chả có ai nghe, chửi thì cứ chửi, mà mưa thì vẫn cứ mưa.

Sấm kèm theo sét, giật đùng đùng vang cả một góc trời, hễ nghe thấy tiếng sấm là con Mác nhà lão lại chạy cong đít, nó rúc đầu vào gầm giường, đuôi nó vẫy vẫy, miệng nó rên ư ử, một số con ve chó rơi ra nền đất, bò lổm ngà lổm ngổm.

Mặc kệ, hắn phải đi, phố xá lúc này ngập ngụa với đủ thứ rác thải, băng vệ

sinh, xác chuột chết nổi trương phình.
– Việt ơi, ngoài đường còn ngập, mới hôm nọ cống sập có đứa rơi xuống chết, con ở nhà đi, thằng Nam ỉa đùn ra quần rồi.
– Không đi thì cuối tháng tất cả ra đường ở, bu cứ để mặc tôi!

Bà cụ Uột rơm rớm nước mắt, mặt cụ méo xệch đi. Ngay lúc này, cụ chỉ muốn chết quách đi cho xong, sắp chết rồi mà còn phải chứng kiến cảnh con, cháu mình lay lắt cực nhọc, sống thế này thì khổ quá.

Mà thử hỏi, có ai khổ bằng cái nhà cụ Uột không, cứ tưởng người xưa nói “ai giàu ba họ, ai khó ba đời” là đúng. Nhưng đến nay đã là đời thứ 5 rồi mà vẫn còn nghèo, nhà cũng toàn người chịu cày, chịu cuốc, chứ có quậy làng quậy xóm gì cho cam.

Ngoài kia, sét vẫn đánh tưng bừng, mưa vẫn còn nặng hạt, thi thoảng lại nổ lên một thứ âm thanh rùng rợn, ánh sáng chiếu thẳng vào phòng trọ, nước cống, nước rác tràn theo, ngồi trên tấm phản tựa vai vào tường, tay quyệt nước mắt rồi cụ Uột nhớ về những ngày trẻ, những ngày còn sống ở quê nhà có mồ mả tổ tiên, đang yên đang lành thì người ta tới bắt vợ chồng cụ đi xa làm kinh tế mới, từ khi cái khu rừng chết tiệt này còn là nơi trú ngụ của bọn hổ, rắn, cáo, chồn, hết năm này qua năm khác, nhờ công đốt rừng làm nương rẫy, bỏ biết bao công sức, mồ hôi, chết lên chết xuống mấy lần mới có được quả đồi cà phê tươm tất. Ấy vậy mà đùng một cái, chả biết giải phóng, giải pháp cái con mẹ gì mà chính quyền thu luôn cả ruộng vườn, nhà cửa của cụ.

Gào mồm đi kêu cứu khắp nơi chẳng được, ông chồng còn bị bắt về tội gây rối làm mất trật tự an ninh, uất quá, ông đứng trước cổng Ủy ban tỉnh tự thiêu rồi lăn đùng ra chết, bà vợ đến nơi thấy chồng mình toàn thân cháy xạm, tóc tai quăn tít, khét lẹt, nhưng mắt chồng cụ thì vẫn mở thao láo.

Cụ Uột có mỗi thằng con trai, lấy được cô vợ thì cuối cùng vợ bỏ, đến giờ vẫn không có tăm hơi gì, ả đi bỏ lại đứa con tật nguyền, tức thằng cháu đích tôn của cụ, nó cứ nằm một chỗ, nằm để chờ chết.
Cuối cùng, ba bà cháu bồng bế, dắt díu nhau lên cái thành phố đông đúc, ô nhiễm này để bấu víu, cụ đi rửa bát trong quán phở, lão con lết ra ngoài vỉa hè đánh giày, bán hủ tiếu, bánh canh rồi giờ chuyển sang bán bơ sáp, bơ do lão nhập từ Đắk Lắk về.

Sau bao nhiêu năm, tưởng sẽ dành dụm được ít tiền, nào ngờ tiền thuốc điều trị cho thằng cháu giờ còn chả có, lại còn nghe đâu chỗ bán thuốc cho nó, ông chủ hiệu thuốc mới bị bắt vì tội nhập thuốc tây giả, thảo nào bệnh thằng cháu cụ ngày càng nặng thêm. Năm nay cụ Uột cũng đã 80 tuổi, lưng còng, mắt mỏi, chân què, thôi thì cứ ngồi chờ chết chứ còn biết làm sao.
Lão cũng đã ngoài 50, ngày trước còn tươi cười hớn hở lắm, nhưng mấy năm nay lão cứ lầm lầm lì lì, ai hỏi cũng không nói, chủ yếu là lắc với gật. Ngày hai bận, lão lại lôi rượu ra tu, không mồi, không bạn, lão ngồi tu một mình.
 

*  *  *

Vậy là cuối cùng lão cũng lết ra được vỉa hè, chỗ mà ban ngày lão đứng, tối phải nhường chỗ cho mấy cô nàng bán thân. Hôm nay là một ngày tồi tệ đối với lão, gần đến nơi thì lão và và nhiều trái bơ của lão lăn đùng ra, không biết cái thằng bỏ bà nào phóng xe như điên khiến sóng đường như sóng biển, làm cho chiếc xe đạp Phượng Hoàng bị nghiêng sang một bên, khiến nhiều trái bơ bị dập.

Lão tới nơi lúc 9 giờ 21 phút sáng, đến 4 giờ chiều mới bán được 5 ký, che miếng nilon nham nhở nên người ướt như chuột lột, trời vừa mới tạnh nhưng đường vẫn đang còn ngập, lão tính đứng một lúc nữa rồi dắt xe về thì tự nhiên một chiếc xe tải đỗ ngay trước mặt lão, hai thanh niên to khỏe, một người mặc sắc phục công an, một người mặc áo đen, đeo kính râm chạy đến, trên xe có một thằng cũng mặc sắc phục bụng phệ, nó quát:
– Đứa nào không làm luật thì cứ thu hết đồ cho tao.

Nghe xong, thằng mặc sắc phục nháy mắt ra hiệu cho thằng kính đen, cả hai thằng lao vào nhấc, khiêng bổng chiếc xe đạp của lão lên, lão giằng lại, thằng mặc sắc phục giả vờ ngã, vừa lăn qua lăn lại nó vừa hét:
– Chống người thi hành công vụ, bắt nó lại!

Lập tức, hai thằng ngồi trên xe tải chạy đến tiếp ứng, chúng túm tóc, quật ngã lão bán bơ nghèo khổ, một thằng bẻ tay lão ra sau, nước dãi từ miệng lão chảy xuống, xong chúng còng tay, ấn đầu và lôi lão đi, đến nơi chúng quẳng cả người, xe lên thùng xe tải, chỉ có mấy trái bơ dập là chúng bỏ lại. Lúc đó, cũng có rất nhiều người tò mò vây quanh, nhưng không một ai dám lên tiếng.

Khi trời đã tối sầm, nước trên đường rút hết mà không thấy con trai về, bà cụ Uột nóng ruột chạy ra chỗ lão đứng bán bơ, hỏi mãi mới được một người đàn ông vá xe di động, vừa rải đinh trên đường ông này vừa cho biết con cụ đã bị công an phường giải đi từ chiều rồi. Bà cụ Uột lại chống gậy lọ mọ lên đồn. Khi đến nơi thì người ta thông báo con cụ vừa mới chết xong, nguyên nhân là do lão lấy dao lam cắt cổ, tự tử trong đồn.

Vừa nghe thấy vậy, bà cụ Uột hoảng quá, tay run lẩy bẩy, rồi cụ khụy dần xuống, cụ nằm lăn ra nền nhà ẩm thấp, toàn thân giật giật, sùi bọt mép một lúc rồi cụ tắt thở, ngoài kia màn đêm buông xuống, những đèn điện cao áp sáng rực lên, tiếng còi xe inh ỏi cho thấy có rất nhiều người đang di chuyển, trên bầu trời thi thoảng có tiếng chim lợn kêu, như đang báo hiệu một mùa chết chóc lại bắt đầu.

MỘT VIỆC NHỎ THÔI

MỘT VIỆC NHỎ THÔI

Một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ . Dịp hè họ cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển . Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây dựng những tòa lâu đài trên cát . Cha mẹ chúng thuê một cái lều ngồi uống nước trên bờ , dõi nhìn các con chơi đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt

Thế rồi họ trông thấy một bà cụ già nhỏ nhắn ăn mặc xuềnh xoàng , trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại . Tóc bà đã bạc trắng , bị gió biển thổi tóc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà thêm khó coi . Bà cụ đang lẩm bẩm một điều gì đó , dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển , bỏ vào cái túi

Hai vợ chồng không hẹn mà vội chạy ra gọi các con lại , căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia . Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta nên đi chỗ khác kiếm ăn

Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm , chỉ thấy bà cụ cứ từ từ tiến về phía họ . Thế rồi bà cụ dừng lại nhin mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình . Bà mỉm cười với họ nhưng không ai đáp lại , chỉ gỉa vờ ngó lơ đi chỗ khác . Bà cụ lại lẳng lặng làm tiếp công việc khó hiểu của mình . Còn cả gia đình kia thì chẳng hứng thú tắm biển nữa , họ kéo nhau lên quán nước phía trên bờ biển

Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán , hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ …. sững sờ . Bà cụ ấy là người dân ở đây , từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển , vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng , sốt cao , đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván .

Từ dạo ấy , thương cháu đến ngẩn ngơ , bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển , tìm nhặt những mảnh chai , mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe ( ồ tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà , để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi )

Nghe xong câu chuyện , người chồng vội chạy ngay xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành , nhưng bà cụ đả đi rất xa rồi . Bóng bà chỉ còn là một chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống.

Đừng tưởng cứ nghèo là hèn 
Cứ sang là trọng , cứ tiền là xong

Đời người lúc thịnh , lúc suy ,
Lúc khỏe , lúc yếu , lúc đi , lúc dừng

Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay , muối mặn , xin đừng quên nhau

Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước , tình sâu , nghĩa bền

Đừng tưởng cứ đợi , là chờ
Cứ âm là nhạc , cứ thơ là vần

Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than !!!.

AI ƠI NHỚ LẤY ĐỪNG QUÊN
( sưu tầm )

THẦY LƯƠNG

  Một bài viết thật vui. Trong nước hiện nay đang ầm lên về vụ sửa điểm thi tốt nghiệp của con em “các quan” và 1 số học sinh học dốt nhưng bố mẹ giầu có , bỏ tiền ra mua điểm. Bài viết này vui và có tính cách thời sự nữa.

 

THẦY LƯƠNG

Tôi bắt đầu được học tiếng Anh từ khi vào lớp 10, và thầy Lương là thầy giáo dạy tiếng Anh đầu tiên của tôi. Thầy Lương tốt nghiệp sư phạm khoa tiếng Pháp, do có người quen trong ban giám hiệu nên thầy được nhận về trường tôi. Nhưng trường tôi khi đó không có môn tiếng Pháp, chỉ có Anh và Nga, mà Anh thì biên chế hết rồi, không chen vào được nữa, nên thầy đành học cấp tốc một khóa tiếng Nga rồi vào trường làm giáo viên dạy Nga. Thật may cho thầy Lương là vài năm sau, một bà giáo viên tiếng Anh của trường tôi bị đi tù, nên thừa ra một suất biên chế tiếng Anh, thế là thầy Lương lại học cấp tốc một khóa tiếng Anh để chuyển sang làm giáo viên Anh. Thành ra, thầy Lương nói tiếng Anh nghe rất giống tiếng Nga, còn nói tiếng Nga thì lại như là tiếng Pháp…

Có lẽ vì thế mà hôm đầu tiên học từ mới, thầy không đọc mà viết phiên âm lên bảng rồi chỉ từng từ, chúng tôi ngồi dưới ngoan ngoãn đọc theo: “Ai là tôi, tôi là ai, họ là dây, chúng ta là ớt, say là nói, nói là say, hiếp là giúp, giết là kêu, trẻ con là cứt…”. Tôi đọc theo rất hăng, nhưng trong lòng lại có đôi chút thất vọng, bởi trước đó, tôi vẫn nghĩ tiếng Anh nó phải văn minh, lịch sự lắm, ai ngờ lại toàn hiếp với giết, lại còn coi trẻ con như cứt”.

Thầy Lương cũng dạy cho chúng tôi một số phương pháp học từ mới rất hay. Chẳng hạn như từ Security: thầy phiên âm nó thành Sờ-cu-rờ-ti. Ai hay sờ cu rờ ti? Chính là mấy bác bảo vệ đứng canh ở chợ, khi nghi ngờ ai đó ăn cắp đồ, bác sẽ sờ cu rờ ti khắp người để kiểm tra. Bởi thế, Security nghĩa là “bảo vệ”. Với từ “ant” – tức là “kiến” – thì thầy dặn chúng tôi hãy liên tưởng tới tên một quận của Hải Phòng: quận Kiến Ant. Liquid thầy phiên âm thành Ly-cứt, và thầy bảo chúng tôi liên tưởng tới bạn Ly – lớp phó lao động của lớp tôi, Ly bị tiêu chảy kinh niên, cứt thường xuyên ở dạng lỏng, bởi vậy, Liquid nghĩa là “chất lỏng”. Với từ December – thầy phiên âm thành “Đi xem bơi” – thầy kể là làng thầy có hội thi bơi diễn ra vào đúng tháng mười hai, bởi vậy, “Đi xem bơi” là “tháng mười hai”…

Lần ấy tôi đi thi tin học, phần soạn thảo văn bản, hì hục làm cả tiếng đồng hồ, lúc gần xong thì cái máy tính nó hiện lên cái câu hỏi tiếng Anh gì đó tôi không dịch được, chỉ biết là nó bắt tôi chọn giữa “Yes” và “No”. Tôi đang băn khoăn không biết phải chọn cái gì thì may quá, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy thầy Lương đang đi về phía nhà vệ sinh. Tôi liền gọi giật thầy lại và nhờ thầy giúp xem là tôi nên chọn click vào đâu. Thầy bảo: “No, No”, rồi ôm bụng chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Tôi nghe lời thầy, chọn “No”: thế là xong, toàn bộ bài của tôi mất sạch. Hoá ra, câu đó là máy tính nó hỏi tôi có muốn lưu lại nội dung tôi vừa làm hay không. Bị trượt môn tin, tôi bực quá, trách thầy, thì thầy bảo là lúc đó thầy đang đau bụng buồn ỉa, thầy bảo “No, No” tức là thầy đang vội, không giúp được đâu, chứ có phải là thầy nhắc đâu.

Rồi cả cái lần lớp tôi có đoàn cán bộ trên phòng giáo dục về dự giờ. Thầy Lương đặt một câu hỏi tiếng Anh đại ý là sau này lớn lên bạn mơ ước làm nghề gì. Câu này với tôi quá dễ, vì từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ chú Tuấn – người giàu nhất làng tôi. Tất cả các quán ghi lô đề ở làng tôi đều là chi nhánh tay chân của chú Tuấn. Đánh bao nhiêu điểm, thậm chí cắm cả nhà, cả xe để đánh thì chú Tuấn cũng sẵn sàng ôm hết. Nói chung, chú Tuấn là một chủ đề rất có uy và được dân chơi trong và ngoài làng kính nể, nên không chỉ tôi mà rất nhiều đứa trẻ trong làng tôi đều ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một chủ đề giống như chú.

Tôi giơ tay xung phong rồi đứng lên dõng dạc trả lời: “I want to be a topic”. Trả lời xong thì tôi thấy thầy Lương cũng như mấy cán bộ của phòng giáo dục mặt cứ nghệt ra như ngỗng đực, chắc là không hiểu gì. Tôi lại phải giải thích cặn kẽ rằng “topic” là chủ đề – một nghề nhàn hạ, nhanh giàu, và rất được nể trọng. Thầy Lương cùng các cán bộ nghe xong thì vỗ tay rào rào, khen tôi đặt câu hay quá. Tôi được cho điểm 10, còn lớp tôi tiết ấy được cho giờ Tốt.

Hồi ấy tôi cũng biết là muốn nói tiếng Anh tốt thì phải chịu khó thực hành với Tây, nhưng quê tôi thóc lúa, lợn gà nhiều, chứ Tây thì bới đâu ra? Ấy thế mà hôm ấy, khi lớp tôi đang lao động dọn cỏ trước cổng trường thì tự nhiên có hai thằng Tây lạc đường tiến lại gần hỏi thăm gì đó. Nhìn thấy Tây, mắt tôi sáng lên như một thằng cuồng dâm bị nhốt trong cũi sắt lâu năm vừa được thả ra và thả đúng vào căn phòng có Ngọc Trinh đang tắm. Tôi lao đến đứng trước mặt hai thằng Tây, rồi phọt ra một tràng tiếng Anh với giọng đầy tự tin. Tôi nói xong, hai thằng Tây nhìn nhau lắc đầu hoang mang. Cũng may, lúc ấy thầy Lương xuất hiện, thầy bắt tay hai thằng Tây, rồi nói câu gì đó rất dài. Đúng là thầy nói có khác, hai thằng Tây không còn hoang mang nữa mà chúng nhăn mặt, cau mày lại, xong lắc đầu vẻ ngán ngẩm rồi bỏ đi. Trước khi đi, chúng còn lẩm bẩm câu gì đó tôi không hiểu, vì chỉ nghe được hai từ là “shit” với “fucking” gì đó…

Tôi hỏi thầy là sao mình nói mà bọn Tây nó không hiểu vậy, thì thầy ân cần giảng giải: “Tiếng Anh nó cũng giống tiếng Việt mình vậy: Tiếng Việt có giọng Bắc, giọng Nam, giọng Nghệ An, Quảng Bình, giọng của đồng bào dân tộc Khơ Me miền núi. Cùng là người Việt nhưng em nghe mấy bà con Khơ Me nói em có hiểu gì không? Thì mấy thằng Tây ấy cũng vậy: chúng nó nói tiếng Tây, nhưng là Tây thuộc dân tộc thiểu số miền núi, còn chúng ta nói tiếng Tây phổ thông, chúng nó không hiểu là đúng”.

Năm ấy thi tốt nghiệp, trường tôi có 114 bạn bị trượt – trong đó có tôi, và lý do trượt hầu hết là bị điểm liệt môn tiếng Anh của thầy Lương. Thầy Lương buồn lắm, ôm chúng tôi, bảo: “Thầy có một ước mơ cháy bỏng đó là có thể sửa điểm tốt nghiệp để cho 114 em đỗ sạch”. Sau năm ấy, thầy bị cho nghỉ việc. Từ đó, chúng tôi không biết thầy đi đâu, và cũng không nhận được tin tức gì về thầy nữa…

Cho đến hôm nay, khi đọc báo nghe tin có ông Lương nào đó đã sửa điểm tốt nghiệp cho 114 học sinh thì chúng tôi mới giật mình sững sờ. Thầy ơi, liệu có phải đó là thầy không? Thầy đã luồn lách và leo lên được chức vụ cao như vậy sao? Chúng em rất tự hào và xin chúc mừng vì thầy đã thực hiện được mơ ước cháy bỏng năm nào!

Võ Tòng Đánh Mèo
P/s: Bảng điểm sau khi chấm lại của các “nhân tài” Hà Giang: Cột bên phải là điểm công bố, cột bên trái là điểm sau khi thanh tra, rà soát lại.

No automatic alt text available.
Bản Tin An Ninh

ĐÂY: 
Điểm thực của 16 thí sinh đều là con nhà lãnh đạo, có tiền. Mục đích chạy vào các trường công an, quân đội.

Thông cảm, tha thứ ắt được phước báo

Thông cảm, tha thứ ắt được phước báo

Vào thời nhà Minh, có vị đại thần tên là Hạ Nguyên Cát. Hôm nọ, ông ta thấy một viên quan do bất cẩn làm mực bắn vào tờ thánh chỉ của vua. Hạ Nguyên Cát biết anh ta quá sợ tội nên có thể tự sát, liền vội an ủi: “Anh đừng quá sợ hãi, tôi sẽ nghĩ cách giúp anh.”

Hôm sau, Hạ Nguyên Cát vào triều tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần sơ ý đã làm bẩn thánh chỉ, tội thần thật đáng chết.”

Hoàng thượng cười và nói: “Vậy ta phạt khanh chép lại một lần.”

Về sau, Hoàng thượng biết được sự tình, khen ông ta là người biết thông cảm, tha thứ cho thuộc hạ. Không bao lâu, Hạ Nguyên Cát lại được thăng làm Hữu thừa tướng. Thật là có lòng tốt cứu người ắt được phước báo.

Làm một người chủ, một người có quyền, nếu thường xuyên quan tâm giúp đỡ những kẻ thuộc hạ, biết dùng các phương tiện để khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì vị ấy tất sẽ được mọi người kính mến, dầu có gặp việc xấu cũng sẽ được hoá giải trở nên an lành. Đó chính là nhờ phước đức mà họ đã tạo vậy.

LÀM THIỆN THÌ CON CHÁU ĐƯỢC HƯỞNG

Vào thời nhà Minh, tại huyện Duyên Bình tỉnh Phúc Kiến có một thương nhân họ Chúc lên Nhiễm, là người rất thành đạt trên đường kinh doanh và rất rộng lượng. Hễ người nào gặp phải khó khăn, cực khổ là ông la tận tuỵ giúp đỡ. 

Có những năm mất mùa, người dân rơi vào tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thế là ông ta liền bỏ tiền của ra để cứu giúp mọi người. 

Một năm nọ, trong khi con trai ông ta lên kinh dự thi thì ở nhà những người hàng xóm đều nằm mộng thấy cậu ta đỗ trạng nguyên. Và quả đúng như điềm mộng của mọi người, về sau con trai ông ta đã đỗ trạng nguyên. Do vậy ai ai cũng đều cho rằng: Người có lòng tốt chắc chắn sẽ có phước báo.

Ông Chúc Nhiễm cả đời dùng đức để làm thiện, con ông lại được thi đỗ trạng nguyên. Thế mới biết, người làm thiện được hưởng phước báo chẳng phải là chuyện hoang đường vậy.

NGƯỜI NHẪN NHỤC SẼ ĐƯỢC TRƯỜNG THỌ.

Huyện Chuẩn An tỉnh Giang Tô có một người họ Cường tên Phú. Ông ta là một người hiền từ nhân hậu, đối đãi với mọi người rất ư độ lượng khoan dung.

Năm nọ, vào đêm giao thừa, bỗng ngoài cửa có một người lớn tiếng chửi mắng ông ta. Gia nhân thấy vậy rất tức giận toan mở cửa ra đánh nhưng ông ta ngăn lại và dạy rằng: “Do mừng năm mới, anh ta quá chén nên không tự chủ được bản thân. Vì vậy anh ta chưởi mắng người khác là chuyện bình thường, các ngươi không nên tranh cãi làm gì.”

Mặc dầu nghe theo lời dạy của chủ nhưng bọn gia nhân vẫn thấy tức giận và bất bình. 

Ngay đêm hôm đó, ông Cường Phú nằm mộng thấy một vị thần đến trước mặt mình khen rằng: “Giao thừa là đêm quan trọng mà ngươi nhẫn được việc người khác khó có thể nhẫn. Vì thế trên trời rất tán dương, đặc biệt ban thêm phước thọ cho ngươi.” 

Ông Cường Phú nhờ thường thực hành hạnh nhẫn nhục, biết khiêm nhường trong mọi việc, tuy trước mắt thấy bị thiệt thòi, song trên thực tế thì được lợi vô cùng. Về sau, ông ta hưởng tuổi thọ rất cao và con cháu cũng được giàu có. Đây thật là phước báo của người có hạnh nhẫn nhục vậy.

Anh chị Thụ & Mai gởi

Một Câu Chuyện Rất Ngắn, Nhưng Lại Là Một Bài Học Giá Trị Cho Triệu Người

Một Câu Chuyện Rất Ngắn,

 Nhưng Lại Là Một Bài Học Giá Trị Cho Triệu Người

Trên thế gian này, chỉ có cha mẹ mới toàn tâm toàn ý yêu thương ta mà không đòi hỏi gì. Vì con, họ có thể làm tất cả mà không cần báo đáp. Nhưng liệu chúng ta mấy ai ý thức được điều đó, hay chỉ nhận ra khi mọi chuyện đã quá muộn màng.

Tôi lên giường ngủ lúc 11 giờ khuya, bên ngoài trời đang có tuyết rơi. Tôi co ro rúc vào trong chăn, cầm chiếc đồng hồ báo thức lên xem thì phát hiện nó đã ngừng hoạt động từ lúc nào, tôi đã quên không mua pin cho nó.

Bên ngoài trời lạnh như thế, tôi quả thực không muốn phải ngồi dậy, liền gọi điện thoại cho mẹ: “Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi, ngày mai con có cuộc họp công ty, khoảng 6 giờ mẹ gọi điện đánh thức con dậy nhé!”.
Mẹ ở đầu dây bên kia giọng như đang ngái ngủ, nói: “Được rồi, mẹ biết rồi!”.

Sáng hôm sau, điện thoại báo thức vang lên trong lúc tôi còn đang mộng đẹp. Ở đầu dây bên kia, mẹ nói: “Con gái mau dậy đi, hôm nay con còn có cuộc họp đấy”.
Tôi mở mắt nhìn đồng hồ, mới có 5h40, liền cảm thấy khó chịu mà cằn nhằn mẹ: “Chẳng phải con nói 6 giờ mới gọi con dậy sao? Con còn muốn ngủ thêm một lát nữa, lại bị mẹ làm phiền rồi”.
Mẹ ở đầu dây bên kia lặng im không nói gì, tôi cũng cúp điện thoại…i
Tôi ngồi dậy rửa mặt, chải đầu rồi ra khỏi nhà. Thời tiết thật lạnh, khắp nơi toàn là tuyết, trời đất chỉ một màu.

Tại ga xe bus tôi không ngừng dậm chân cho đỡ lạnh, trời vẫn còn tối đen như mực, đứng bên cạnh tôi là hai ông bà lão tóc bạc trắng.
Tôi nghe ông lão nói với bà: “Bà xem xem, cả đêm ngủ không yên giấc, mới sáng sớm đã thúc tôi dậy rồi, nên giờ mới phải chờ lâu như thế”.

Năm phút sau, cuối cùng xe bus cũng đã tới. Tôi vội bước lên xe, tài xế là một người thanh niên còn rất trẻ, anh ta chờ tôi lên xe rồi vội vã lái xe đi.
Tôi nói: “Khoan đã! Anh tài xế, phía dưới còn có hai ông bà lão nữa, thời tiết lạnh như thế mà họ đã đợi từ rất lâu rồi, sao anh không chờ họ lên xe mà đã đi rồi?”.
Anh ta ngoảnh đầu lại, cười nói: “Không sao đâu, đó là cha mẹ của tôi đó. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi lái xe bus, nên họ đến xem tôi đấy”.
Tôi đột nhiên rơi lệ, nhìn lại dòng tin nhắn của cha tôi: “Con gái, mẹ của con cả đêm ngủ không được, mới sáng sớm đã tỉnh dậy, bà ấy lo con sẽ muộn giờ”…

-***-

Người Do Thái có một câu ngạn ngữ: “Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con đều nở nụ cười; lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”. Cả đời này, người có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp chỉ có cha mẹ, vậy nên, dù thế nào cũng đừng phàn nàn họ, hãy thông cảm cho họ, quan tâm tới họ.
Hãy trân trọng từng phút giây bên cha mẹ, bởi không ai biết được khi nào họ sẽ rời xa ta mãi mãi. Khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ, đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn thấy hình bóng của bạn.

Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, chỉ có cha mẹ là người hạnh phúc nâng niu bạn trong vòng tay, cũng chỉ có cha mẹ là người ngày đêm bỉm sữa, chăm sóc bạn từng miếng ăn giấc ngủ.

Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.

Khi bạn đau ốm, chỉ có cha mẹ là người mất ăn mất ngủ, ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Vì bạn, dẫu phải bán đi khối tài sản cuối cùng trong tay, họ vẫn sẵn sàng.

Khi bạn gặp khó khăn trắc trở, hay khi cả thế giới đều quay lưng với bạn, thì cha mẹ vẫn luôn ở bên che chở bạn, vỗ về bạn. Thời gian có thể làm lòng người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành cho bạn.

Nhưng nếu một ngày cha mẹ buộc phải ra đi, họ sẽ không thể báo trước cho bạn một lời nào, không thể tiếp tục gọi tên bạn, cũng không thể cùng bạn ăn cơm và quan tâm tới bạn được nữa…

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo hiếu mà cha mẹ đâu còn? Giá như ta đã có thể bớt xem một bộ phim, bớt chơi một ván cờ, bớt đi dạo cùng bạn bè, để dành thời gian ở bên cha mẹ, ta sẽ cảm thấy bản thân đỡ ân hận phần nào!

Bởi vậy, nhân lúc cha mẹ còn đang khỏe mạnh, hãy an ủi tinh thần cho họ, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh họ, cố gắng đáp ứng hết nguyện vọng của họ, đừng khiến cho bản thân sau này phải hối hận.

Hãy yêu thương cha mẹ như yêu thương chính bản thân mình, bởi vì họ cũng cần được yêu thương… Và nếu có một ngày thực sự họ rời đi, chúng ta sẽ không phải ngậm ngùi về những tháng ngày đã qua…
 

Tuệ Tâm biên dịch

From TU PHUNG