Thời kỳ đồ đểu

No photo description available.
Chau Nguyen Thi

 

Thời kỳ đồ đểu

Hắn đem gia đình sang du lịch Paris. Khi hắn vừa tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, và mọi người trở thành thất nghiệp. Hắn may mắn thừa hưởng một miếng đất rất rộng ở ngay ngoại ô Saigon , hắn canh tác miếng đất đó, trồng rau quả, nuôi gà vịt, mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.

Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp là philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Năm 1980, hắn nhờ tôi tìm mối bán nhà và đất lấy mười lượng vàng vượt biên. Tôi tìm không ra, và hắn ở lại. Không ngờ như thế mà lại may. Gần đây nhà đất vùn vụt lên giá, hắn bán một phần khu đất và trở thành triệu phú đô la.

Hắn bảo tôi :
– Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Cái nhà mày hơi bị nhỏ đấy. Tao là một sản phẩm của tệ đoan xã hội. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, nhờ thế mà tao giàu sụ. Tao bán hơn năm ngàn mét đất được vài ngàn cây, sau khi lịch sự mất vài trăm cây.
– Lịch sự ?
– À, đó là một tiếng mới – hắn cười to. Bây giờ người ta không nói là đút lót hay đưa hối lộ nữa, xưa rồi ! Bây giờ người ta nói là “lịch sự”. Lịch sự trở thành một động từ. Làm cái gì cũng phải lịch sự mới xong; không biết lịch sự thì không sống được. Tao nhờ một thằng bạn lanh lẹ lịch sự giùm mới bán được miếng đất đấy.

Thằng bạn nhờ đó được một trăm cây tiền lùi.
– Tiền lùi ?
– Đó cũng là một từ; mới nữa. “Lùi” có nghĩa là tiền mà kẻ được lịch sự bớt cho, còn gọi là tiền lại quả, cũng một tiếng thời thượng mới. Nó đ̣i năm trăm cây nhưng lùi cho một trăm cây.

Hắn tặng vợ tôi một cái túi xách tay Louis Vuiton và nói đó là là một túi mố. Hắn giải thích “mố” cũng là tiếng mới xuất hiện, dùng thay cho “thời trang”, hay “mốt” trước đây. Hắn cho tôi một sơ-mi lụa và nói đó là lụa thực chứ không phải lụa đểu.

Tôi hỏi lụa đểu là gì thì hắn phá lên cười :
– Mày lỗi thời quá rồi.. Bây giờ trong nước người ta không nói là “giả” nữa mà nói là “đểu”. Hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu.
Tôi, sực nhớ ra hắn là một nhà ngôn sử, bèn hỏi hắn:
– Thế mày nghĩ gì về những từ mới này ?

Hắn bỗng trở thành nghiêm trang, trầm mặc một lúc rồi nói :
– Ngôn ngữ của dân tộc nào cũng gắn liền với lịch sử. Cái gì thường trực và lâu dài cũng trở thành ám ảnh rồi đi vào ngôn ngữ. Mày thử xem, ngôn ngữ của nước nào cũng xoay quanh hai từ “có” và “là”, être et avoir, to be and to have. Người Việt thì không có gì cả mà cũng chẳng là gì cả, chỉ có cái thân phận nô lệ, bị bóc lột và đói triền miên, vì thế mà động từ căn bản của tiếng Việt là “ăn”.

Thắng bại thì gọi là ăn thua, thằng nào thắng thì có ăn, thằng nào thua thì đói; sinh hoạt nghề nghiệp thì gọi là làm ăn, vợ chồng ăn ở, ăn nằm với nhau, nói chuyện là ăn nói, rồi ăn ý, ăn ảnh, ăn khớp… Ngay cả lúc chửi nhau cũng cho ăn cái này cái kia, rủa nhau là đồ ăn mày, ăn nhặt, ăn cắp, ăn giật. Cái gì cũng ăn cả vì đói quanh năm, lúc nào cũng bị miếng ăn ám ảnh. Bây giờ cũng thế, cái gì cũng đểu cáng cả. Chính quyền đểu, Nhà Nước đểu, nhà trường đểu… Cái gì cũng đểu cả nên đểu hiện diện một cách trấn áp qua ngôn ngữ.

Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp :
– Nhân loại tiến triển qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Chúng ta còn có thời kỳ đồ đểu. Nước mình đang ở thời kỳ đồ đểu.
ST

NGƯỜI MẸ CỦA THIÊN TÀI

Le Tu Ngoc
đọc lại bài hay, nhân đầu năm học mới #GOTA

 

NGƯỜI MẸ CỦA THIÊN TÀI

Đó là một ngày đẹp trời vào những năm 1854~1855, khi cậu bé Thomas mới khoảng 7 tuổi. Hôm ấy, Thomas chạy từ trường về nhà và nói với mẹ: “Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!”

Bà Nancy Elliott cẩn thận mở ra đọc, bên trong là lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Thomas. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người ra vì kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?

Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình:

“Con trai của ông bà là một Thiên Tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.

Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại. Một ngày khi Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình, cậu vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thomas tò mò đã mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết:

“Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.

Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, cậu viết trong nhật ký rằng:

“Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, mà, nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.

Câu chuyện trên là một giai thoại nổi tiếng về thiên tài sáng chế Thomas Edison. Việc thầy giáo gọi Edison là đứa trẻ “rối trí” là có thật, việc Edison bị đuổi học là có thật, và việc Edison được mẹ kèm cặp riêng tại nhà cũng là có thật.

Ngày nay chúng ta nhắc về Thomas Edison như một nhà phát minh lỗi lạc, một biểu tượng của trí tuệ và thành công. Thế nhưng tuổi thơ của ông lại gắn liền với một chuỗi những thất bại. Các giáo viên trong trường ruồng bỏ và coi Edison là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được”; cha của ông thì cho rằng Edison có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển, mãi tới 4 tuổi mới bắt đầu biết nói; bác sĩ gia đình thì e ngại rằng trí não của Edison bị tổn hại từ thuở lọt lòng; bản thân ông cũng là đứa trẻ yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành…

Thế nhưng, khi tất cả mọi người đều quay lưng và nói rằng Edison là không có triển vọng, thì vẫn có một người luôn đặt trọn niềm tin vào ông. Đó chính là “người mẹ của Thiên tài” bà Nancy Elliott – người không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con trai mình. Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại ấy đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong ông, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái. Và nếu không có một người mẹ như bà Nancy Elliott, có lẽ nhân loại chúng ta sẽ vắng bóng những chiếc bóng đèn điện, những chiếc máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm, và hàng ngàn phát minh ưu việt khác.

Trong cuốn tiểu sử cuộc đời mình cũng như rất nhiều bài phỏng vấn khác nhau, Edison luôn nhắc về mẹ với tấm lòng thành kính. Đối với ông, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời, người đã khiến ông tự hứa với bản thân rằng cần phải làm điều gì đó để bà luôn tự hào về con trai mình. “Mẹ có sức ảnh hưởng sâu sắc trong suốt cuộc đời tôi. Tôi đã luôn là một đứa trẻ bất cẩn, và với một người mẹ có tính khí khác nhau thì đáng lẽ tôi đã trở nên hư hỏng. Nhưng chính sự kiên định, ngọt ngào, và dịu dàng của mẹ đã tạo nên sức mạnh to lớn để giữ tôi bước đi trên con đường ngay chính. Chính mẹ đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy rằng tôi có điều gì đó để sống, một ai đó mà tôi không thể làm cho thất vọng.”

Dưới đây là bộ phim ngắn dựa trên giai thoại kể trên về Thomas Edison và mẹ ông, bà Nancy Elliott:

https://www.facebook.com/songdeptv1/videos/1500345386715528/?hc_location=ufi

Lời bàn:

Có rất nhiều giai thoại khác nhau về Edison, và mỗi câu chuyện trong số đó đều để lại dư âm khó phai mờ trong chúng ta. Nhưng riêng trong câu chuyện kể trên, tôi lại cảm nhận được giá trị to lớn của niềm tin và tình yêu thương.

Niềm tin không hình dáng, vậy mà có sức mạnh để giúp ta làm nên những điều lớn lao. Niềm tin cho ta thêm quyết tâm để theo đuổi giấc mơ, thêm nghị lực để vượt qua gian khó, và thêm động lực để biến những điều không thể thành có thể. Cũng như cậu bé Thomas năm nào, ai dám khẳng định đứa trẻ chậm nói và yếu ớt ấy lại là người mở đầu cho những phát minh khoa học sau này? Vậy nhưng đó lại là sự thật, để chúng ta tự nhìn lại bản thân: Bạn có dám tin tưởng vào chính mình hay không?

Bài học thứ hai là tình yêu thương. Ai đó nói tình yêu của người mẹ là vĩ đại nhất trên cuộc đời này, và đúng như vậy. Tình yêu ấy không chỉ nâng đỡ, mà còn có thể thay đổi một con người.

Và điều cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến, đó là sức mạnh của những lời nói đẹp. Một lời nói có thể vùi dập tinh thần, nhưng cũng một lời nói lại có thể nâng đỡ và cổ vũ con người. Bởi vậy, hà cớ gì chúng ta cứ phải buông ra những lời than phiền, oán trách, hay chê bai một ai đó? Chỉ cần thay đổi một chút thôi, hãy nói về khuyết điểm bằng những lời khuyên nhủ, nói về ưu điểm bằng những lời động viên, và nói về thành tựu bằng những lời khích lệ, biết đâu bạn sẽ góp phần tạo ra một kỳ tích trong tương lai?

Hồng Liên.

Bức tượng Thomas Edison và mẹ tại quê nhà ở Milan, Ohio

Image may contain: 1 person, standing, sky and outdoor

Thư Gửi Người Chồng Cũ

Thư Gửi Người Chồng Cũ

Hương Thủy

Mình biết nhau từ thời mới lớn, cùng đi trên một con đường đến trường, chỉ khác lớp. Gặp nhau có cười – cùng xóm mà – nhưng không thân. Tuổi dậy thì có nhiều rung động nhưng không cùng tần số. Bên ni biết bên tê “bồ” ai.

Anh nghèo – lạ thiệt, em quen ai cũng nghèo – Cha chết năm Mậu Thân 1968, tìm ra xác ở Thành Lồi sau ba tháng. Từ Huế, anh ra Quảng Trị nhờ ông chú nuôi dưỡng. Nhà ở trong xóm Hói, đi học trời lạnh chỉ có cái áo khoác mong manh.

Con nhà nghèo thường học chăm. Anh thuộc loại cần cù, chịu khó. Mặt xương, ngực lép do thiếu ăn. Em nhìn thấy tội. Nhưng phải công nhận anh có đôi mắt đẹp.

Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, trường Nguyễn Hoàng tan tác. Nhà em chạy vào Đà Nẵng, ở trại tạm cư bên Non Nước một thời gian rồi chuyển về đường Đống Đa. Em thi đậu vào Đại Học Sư Phạm Huế. Ba và anh chị thương con út, gởi vào Internat Jeanne D’Arc của các Soeur dòng Saint Paul, một cư xá thuộc loại quý tộc. Ăn có người dọn, giặt ủi có người lo, thậm chí buổi chiều có cả gouter. Em học thêm tiếng Pháp với Soeur Madelaine. Cuộc sống hồn nhiên, vô tư lự.

Em gặp lại anh ở Huế. Anh học trường Luật. Mặt mày sáng sủa nhưng vẫn phải sống nương nhờ vào bà dì đại lý gạo ở đường Quỳnh Lưu. Mạ và các em sống trong ngôi nhà tranh ở làng Đốc Sơ ngoài cửa An Hòa. Mình hỏi thăm nhau như những người bạn cùng xóm, cùng quê. Anh vẫn có một chút mặc cảm trước em. Mỗi mùa hè, em bay về Đà Lạt. Ở đó có anh chị của em, có người yêu em…

Có một lần, em tình cờ bắt gặp người yêu em đi cùng một cô gái trên chuyến xe đò An Cựu trong đợt công tác Chiến Tranh Chính Trị ở Quân Khu I. Lòng kiêu hãnh của em bị tổn thương. Anh ấy cũng không kịp giải thích. Em cắt thư từ. Em đi chơi với Kim Chi, Tường Vy, với nhóm quý tộc… Tất cả những nơi sang trọng ở Huế đều có dấu chân em.

Em lại gặp anh. Em biết anh có tình cảm với em. Anh tháp tùng em cùng Ma Soeur Chantal trên chiếc xe Jeep của Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc điều phái ra Quảng Trị theo lời xin của em với ông anh kết nghĩa. Chúng ta đã đến căn nhà xưa của em, đã ngậm ngùi nhìn đống gạch ngói đổ nát. Chúng ta nhắc tên những người hàng xóm cũ. Chúng ta xem trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn. Em có đến thăm anh ở căn nhà của bạn anh trên đường Nguyễn Công Trứ nhưng sau đó chúng ta chia tay nhau.

Năm 1975, em bước xuống cuộc đời. Nhà em hai anh rể và hai anh trai đi cải tạo. Ba em đã già, mất tiền gởi ngân hàng, mất luôn tiền hưu trí công chức chưa kịp lãnh. Nội trú xưa trở thành doanh trại Quân Đội Nhân Dân. Từ giã cuộc sống phồn hoa, em ở cùng bạn thân Kim Chi trong một căn phòng trọ đường Trương Định. Hai đứa ăn một phần cơm, phần gạo tiêu chuẩn bán đi lấy tiền chi dụng. Người yêu em “nghìn trùng xa cách”. Còn anh, thỉnh thoảng em gặp đi với một cô bé cũng dễ thương, ở đâu trong Thành Nội.

Em ra trường đổi về tỉnh Lâm Đồng. Không phải ngẫu nhiên mà em chọn đây. Đà Lạt, thành phố tuổi nhỏ thân quen; Đà Lạt, nơi chị em đang sống; Đà Lạt, dấu ấn mối tình đầu của em với cái nắm tay trong một đêm tối có tiếng rì rào của rặng thông trước hiên nhà.

Một lần nữa chúng ta gặp nhau. Có phải bàn tay định mệnh? Trường Luật bãi bỏ, anh vào Sài Gòn sống nhờ bè bạn, chuyển sang trường Kinh Tế. Ra trường cũng đổi về Lâm Đồng.

“Tha hương ngộ cố tri”, một hạnh phúc mà bài thơ xưa đã nói. Mạ anh đã mất, các em anh ly tán. Em bùi ngùi. Chúng ta thân nhau hơn. Em xác xơ với cái ngành sư phạm, quần áo rộng thênh. Anh thi thoảng được mua hàng tiêu chuẩn đặc lợi của ngành nhưng cũng chỉ đủ tiền đóng cơm tập thể và hút thuốc..

Rồi chúng ta quyết định lấy nhau. Từ tình yêu ư? Không hẳn thế. Do thời cuộc thì đúng hơn. Chúng ta không có những cuộc hẹn hò thơ mộng.. Chúng ta cũng không có những bức thư tình ngọt ngào đằm thắm. Nhà cô người yêu cũ của anh chê anh “tứ cố vô thân”. Sau bao năm bặt tin, em cũng biết người yêu xưa của mình đã có vợ ở quê. Số mệnh! Thôi thì đành. Đám cưới của em không có xe hoa, không có pháo nổ, không có ảnh màu. Ba em thở dài, cho hai chỉ vàng làm vốn.

Chúng ta đã trải qua thời bao cấp khốn khó. Con chúng ta đặt tên Chou và Beurre. Nghe cứ như Tây nhưng thực sự đó là món ăn thường nhật của gia đình ta. Mãi đến bây giờ em còn phát sợ cái món su xào. Những lần về Sài Gòn thăm chị, em xách theo ba kí lô trà khô lèn chặt để kiếm thêm chi phí. Những lần cơ quan kiểm kê, anh nhặt nhạnh giấy vụn về bán kiếm cho con hộp sữa Ông Thọ vàng khè. Chúng ta sống bình thường, cũng có những giận hờn nhưng không trầm trọng. Tất cả đều cắm mặt vào mưu sinh, hơi đâu mà cãi cọ khi tiêu chuẩn hàng tháng là 7 kg gạo hẩm và 3 kg bo bo. Gia tài của chúng ta là những đứa con và hai chiếc xe đạp. Em không hề than thân trách phận khi biết hai cô bạn thân của mình đều có được những ông chồng giàu có. Em dặn mình nhìn xuống chớ nhìn lên. Dù rằng nếu không sự thay đổi thời cuộc, chúng ta khó lấy nhau.

Bắt đầu có những biến chuyển về chính trị, về kinh tế. Đời sống dễ thở hơn. Với khả năng của anh, đã có con mắt xanh nhìn đến. Anh bỏ ngân hàng với cái Phòng Kế Hoạch qua Kho Bạc Huyện với chức vụ giám đốc. Anh mừng, em vui. Con chúng ta có hộp sữa Liên Sô Simillac, rồi sữa Meiji của Nhật.

Nhưng từ đó anh cũng về khuya hơn, miệng nồng nặc hơi men. Ngôn ngữ, phong thái anh cũng dần thay đổi, thay đổi đến độ em ngạc nhiên nhưng nghĩ chắc nghề nghiệp tạo tính cách. Đàn ông Huế ai cũng có chút máu gia trưởng. Anh có lần bảo em, nếu có dịp về Huế sẽ cho gia đình người yêu cũ biết thế nào là thằng “tứ cố vô thân”. Em im lặng cảnh cáo anh “Kho Bạc Nhà Nước nhưng Tòa Án Nhân Dân”.

Không chỉ dừng ngang đó. Những cuộc giao tiếp kéo dài với những quan hệ phức tạp. Đàn ông ai cũng có máu chinh phục, thích được ngợi ca, thích nghe những lời ngon ngọt, thích được người khác tôn vinh. Em thì ngây thơ. Hơn nữa nghề giáo, cứ nghĩ ai cũng nghiêm túc. Anh có những chuyến đi giao lưu, những cô em kết nghĩa và kết luôn tình. Đã có những lời đồn đãi đến tai em. Em nhớ lời giảng của Père Nguyễn Thế Huynh dòng Sulpice trong giờ Tâm Lý Học Đường. Một người đàn ông nghèo khổ khi thành đạt, anh ta sẽ có hai khả năng. Một là anh ta sẽ vô cùng kỹ càng để chắt bóp; hai là anh ta sẽ tự tôn để giã từ dĩ vãng đời mình. Anh ở trạng thái nào đây?

Em không như những người phụ nữ khác. Hay là em chủ quan? Những người vợ thông thường chắc họ sẽ ghen tuông, khóc lóc, cấu xé, sẽ áp dụng các biện pháp thắt chặt. Đằng này, với cá tính kiêu hãnh em im lặng, tự ái, cười nhếch môi. Ôi chao! Cái complex supériorité hay do một cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu???

Em không biết nhưng rõ ràng căn nhà gỗ chắp vá của chúng ta không còn là tổ ấm. Anh ít về nhà, có một căn phòng trên cơ quan và tuyệt đối em không hề bén mảng. Anh đã có điện thoại di động đem phô trương một cách buồn cười, tự hào biết hát Karaoke, nhậu rượu ngoại thay vì bia nặng bụng… Lâu rồi, chúng ta không còn ngủ chung. Anh có một chìa khóa riêng và em cũng không còn kiên nhẫn để chờ đợi thứ giờ giấc bất thường ấy.

Và cứ thế. Sợi dây càng lúc càng căng. Anh tự tôn, em tự ái. Em đã đọc được bức thư của cô em “kết nghĩa” Nha Trang. Cô ta còn gọi điện thoại đến nhà. Em dững dưng. Lòng nguội lạnh. Cô ta đòi happy ending; anh muốn làm quân tử cứu vớt đời hồng nhan. Em biết anh từ những ngày ốm đói hàn vi; cô ta biết anh khi chối bỏ quá khứ một cách phũ phàng. Muốn, em nhường!

Ba em đau, anh không hề quan tâm. Anh ở hẳn trên cơ quan. Ơn trời, anh chị ở nước ngoài gởi tiền về chu cấp, Ba không phải lệ thuộc vào ai. Có một lần Ba bảo với em “Hình như nhà con có tình nhân?”. Ôi, ba em vẫn giữ thứ ngôn ngữ lịch sự của một nhà giáo có nhân cách. Em tránh né trả lời. Anh xúc tiến việc lo cho cô em “kết nghĩa” nhỡ nhàng một chỗ làm.

Thái độ cao ngạo của em như chọc tức anh. Cả tỉnh lẻ biết anh có bồ. Em lặng lẽ đi về mặt nhìn đất hoặc nhìn trời. Không tâm sự, không than van.

Ngày ba em mất, anh không có mặt. Đám tang cử hành, anh không chít khăn tang. Thiên hạ đàm tiếu, anh giải thích sao đó, em không quan tâm. Bao uất hận em chôn kín trong lòng. Anh xử sự như một tên vô văn hóa và gia đình em không bao giờ chấp nhận. Tháng sau ta chính thức chia tay. May mắn là ba em đã không còn thấy để đau lòng. Cuộc ly hôn lặng lẽ. Do quen biết chúng ta chỉ ra tòa một lần. Các con ở với em như một sự tất nhiên và em cũng cay đắng mà hiểu rằng vì sao anh không giành giật. Ba tháng sau anh lấy vợ. Đám cưới ở Nha trang, chắc chắn là to hơn cái đám cưới nghèo nàn trong quá khứ mà anh đã không đủ tiền mua cho em một cái nhẫn. Anh cũng khá khôn ngoan khi không tổ chức trong cái thị xã này.

Em khô nước mắt, ghi một câu trên bàn làm việc: “Revenge by work, work and work“.

Ngành giáo dục cũng có những thay đổi. Cái mà người ta hô hào cải cách chính là cái mà em đã học, đã am tường thời cũ. Em viết những bài nghiên cứu về đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình. Em được chú ý với những bài tham luận phê phán cách học, cách dạy duy ý chí. Em được mời tham dự các hội thảo khoa học trên toàn quốc. Và em nhận ra rằng mình phải có một cái học vị với đời và cũng để mưu sinh.

Biết bao nhiêu khổ cực mà em đã cắn răng chịu đựng. Sau những buổi học, em đón chuyến xe đêm đi về nhà, giặt đống áo quần lớn, kho cho con một nồi thức ăn rồi trở lại trường, vào thư viện nghiên cứu đề tài mình bảo vệ.

Và em đã đạt được điều em muốn. Luận án có điểm cao nhất.

Em, người đàn ông trong thân xác người đàn bà. Em, cây liễu không núp được bóng tùng quân đành tự mình trở thành cây thông trong gió bão.. Với mối quan hệ tốt em có thể về Sài Gòn dạy một trường đại học như có giáo sư đã đề nghị. Sau bao đêm suy nghĩ, em đã quyết định ở lại đây để ngạo nghễ nhìn anh và nhìn đời.

Cùng môt lúc em dạy bốn trường: Công lập, bán công, dân lập và trung tâm giáo dục. Em mở thêm ba cours luyện thi đại học. Ăn toàn cơm hộp và fast food cho qua bữa. Có những buổi từ trường về, em nằm xoài ra giường 15 phút để thở rồi trở dậy dạy, dạy và dạy… Bây giờ nghĩ lại em còn rùng mình, không hiểu mình tìm đâu ra sức lực. Hay nói cách khác em không dám đau. Em vắt kiệt sức mình để chứng minh không có anh, em vẫn sống tốt.

Trời thương. Em dạy nhiệt tình, có uy tín, ra đề trúng tủ, phụ huynh tin tưởng gởi gắm, học sinh càng lúc càng đông, chỗ ngồi chật kín. Có tiền em vẫn không dám tiêu vì dư âm những ngày cùng khổ đè nặng. Em mua miếng đất nhỏ hộ thân.

Rồi thời buổi kinh tế thị trường, đất lên giá. Em đổi miếng nhỏ mua miếng lớn, đổi miếng xấu qua miếng đẹp, từ một miếng lên hai miếng… “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ“ hay hương hồn ba mẹ phò trợ, em thoát cảnh “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Em mua căn nhà nhỏ ở Quận I thành phố cho hai con học đại học; em đập căn nhà chắp vá từng là tổ ấm của đôi ta để xây nhà mới. Và em là một trong những cô giáo đầu tiên mua xe hơi trong thành phố này.

Em hận anh vô cùng. Em làm là để trả hận. Mỗi lần cầm xấp tiền trong tay em nhớ lời anh nói với anh trai em “Không có tôi, bà ấy sẽ lê la đầu đường xó chợ”; em nhớ những lời anh đi thanh minh thanh nga sau cuộc ly hôn. Anh là đàn ông mà sao không có cái trượng phu khí phách; em nhớ đến món nợ em phải trả ngân hàng khi anh đi cầm cái sổ nhà để lập tổ uyên ương. Chồng cũ của em, anh còn nhớ chăng anh??? Ngày em biết mình trọng bệnh, em đã lập một cái di chúc có dòng chữ in đậm “Khi Mẹ chết tuyệt đối không cho Ba có mặt ở đám tang”.

Đám cưới con trai dù đau nhưng em rực rỡ với nụ cười mỹ mãn. Mọi chuyện đều do em thu xếp. Anh chỉ là nhân vật phụ. Trưởng nam của chúng ta đó. Cháu đích tôn của dòng họ anh đó nhưng anh không thể tổ chức ở nhà mình như em đề nghị. Em chủ động cầm tay anh đi lên khán phòng. Mọi người vỗ tay khen em lịch sự như quý bà mà không biết chân em đang run rẩy vì bệnh. Em cố đứng vững với những cơn thở dốc. Nhưng cái em muốn là anh phải thấy sự thành đạt của em. Em muốn anh thấy sự sai lầm của mình. Em muốn anh nhớ lại thứ ngôn ngữ cay nghiệt như của một poissonnier mà anh đã từng buông thả. Bao giờ em cũng vẫn lịch sự hơn anh.

Trong cái xã hội “Đảng làm chủ” thì cái lý lịch đen ngòm của anh là rào cản lớn. Ba lần thẩm định vẫn không giúp anh tồn tại trên ghế giám đốc. Anh chỉ là một trái chanh bị thải loại sau khi vắt cạn kiệt. Anh về hưu non, ngôn ngữ nhuộm màu bất đắc chí. Phải chăng theo thuyết nhà Phật gọi là “Quả báo nhãn tiền”?

Sỹ diện của một người đàn ông khiến anh không nói ra nhưng em biết chắc anh đã ân hận. Anh không còn chê bai em nữa. Anh đã khen em với người khác. Anh đã cười với em một nụ cười ngượng ngập. Nhưng tim em đã chết.

Gần hai mươi năm. Thời gian như nước trôi qua cầu, cái gì mà chẳng cũ. Cô vợ mới của anh chắc cũng cũ theo tháng năm. Đã có lúc em muốn hỏi cô ta “Có hạnh phúc không em?” nhưng nét mặt sầu thảm của cô ta đã là câu trả lời. Câu hỏi của em có thể trở thành sự mai mỉa.

Anh không có con với người vợ mới. Các con dù ở với em nhưng sợi dây huyết thống vẫn ràng buộc. Chưa bao giờ em ngăn cản hoặc phản đối chuyện các con chu cấp và trả cả nợ cho anh. Em vẫn tự hào chúng là những đứa con có hiếu.

Các con rồi sẽ bay xa. Chỉ còn lại em với nỗi ngậm ngùi. Em đã hy sinh tất cả những gì mình có, kể cả cuộc hôn nhân có thể diễn ra với một gentleman luôn theo dõi cuộc đời em gần hai mươi năm. Anh đã làm em “Kinh cung chi điểu”. Em không dám mạo hiểm. Đêm đêm em chỉ có thể sống đẹp với mối tình đầu qua hồi ức.

Chúng ta đều đã già. Lục thập nhi nhĩ thuận. Em không hận anh nữa. Tout homme est sujet à l’erreur. Em cũng đã có những sai lầm.

Chồng cũ của em. Đêm qua em đã châm vào lửa bản di chúc cay nghiệt ấy. Em đã thật sự buông xả. Dù sao anh cũng là ba của những đứa con em. Dù sao em cũng cám ơn anh đã giúp em tự khẳng định mình./.

Hương Thủy

From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen

NỢ NGƯỜI DỄ TRẢ HƠN NỢ CHÍNH MÌNH

NỢ NGƯỜI DỄ TRẢ HƠN NỢ CHÍNH MÌNH

Câu chuyện cuộc đời…

Năm nay tôi đã hơn bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi.

Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được.

Tôi viết lá thư này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó. Hy vọng, câu chuyện của tôi nếu được in lên, sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.

Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hóa. Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho, để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường.

Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường, và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi. Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ. Cuộc khám xét không thành công. Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng. Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy,   nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm

vụ trộm đó là S. 

Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một bao tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc. Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình. Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống, đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ, thì nhà trường sẽ xem xét

giải quyết trường hợp của S.

Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác. Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa.

Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh. Anh là một người được xã hội biết đến.

Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó.

Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: “Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính”.

Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi

mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương. Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.

Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm   chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.

Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: “Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này”. Khác với những lần gặp gỡ

trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: “Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó đã trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp

tôi để xin lỗi”.

Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: “Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh”. Nói xong, H như ngã đổ vào tôi và khóc rống lên. Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi.

Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu. Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi. Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.

Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói: “Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp”.

Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói: “Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào”. S mỉm cười và nói: “Ông đã trả hết nợ rồi”. Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói: “Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình”. Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này.

Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế. Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.

Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời.

Nguồn sưu tầm

Truyện ngắn: Anh em

        Đọc truyện ngắn Anh em của Nguyễn thị thanh Dương như uống tách trà thơm ….

Theo tôi , quê hương đất nước chúng ta có qúa nhiều năm chiến tranh loạn lạc, khổ đau nghèo đói lừa lọc … vv … cho nên oan trái nhiều lắm, chui vào bụng mẹ chung nhau dưới 1 mái nhà làm sao tránh khỏi tiền oan nghiệp chướng ? 

Ngay cả vợ chồng người dưng nước lã đem lòng nhớ thương , nhưng ” có biết đâu niền vui đang nằm trong thiên tai ? ” Cái gì phải đến sẽ đến lúc lừa gạt nhau , phụ bạc nhau xé bỏ tình nghĩa phu thê tàn nhẫn khủng khiếp … Có thể nói cộng đồng người Việt khắp thế giới đầy rẫy , một chồng 1 vợ là chuyện lạ , rất lạ Nhưng hạnh phúc nghiến răng ? 

  Sự khác biệt chỉ khác nhau có phước hay không có phước ? Vì cũng có nhiều gia đình anh em thuận thảo không kình chống nhau có chứ , Nhưng sau biến cố ‘ 75 thì nhiều gia đình anh em hận thù không nhìn mặt nhau là có thực … 

    Ngay cả vợ chồng cũng vậy cũng lừa lọc thủ đoạn  tỉnh bơ mà chúng ta thường thấy ngay trong cộng đồng chúng ta ở … Người bị phụ bạc chỉ còn biết than thân Vàng rơi không tiếc …

   Hôm wua anh đến nhà em, ra về mới biết rằng wuên 5.000 , anh wuay trở lại vội vàng , em còn ngồi đó 5 ngàn mất tiêu , 5 ngàn em lấy em tiêu , em mua vé số chờ chiều sổ chơi , ai dè trúng thiệt trời ơi , trúng cả bạc triệu em trả anh 5 ngàn … Ô mai bu đa .    

   ANH EM.

  Nguyễn Thị Thanh Dương.

Ông Tùng hỏi Vợ:

–   Tôi muốn biết chắc có phải tháng tư đầu xuân năm nay Tiên sẽ làm đám cưới cho Sen Hồng Con Gái nó không ?

–     Đúng thế Ông à, vài người trong họ hàng đã kể lại.

Nét mặt Ông Tùng thoáng hiện niềm vui:

–    Dịp này nó không thể từ mặt tôi được nữa. Gần một năm trời Anh Em không đối diện nhau rồi…

Bà Tùng cũng vui vui như Chồng:

–   Tôi cũng chờ đợi dịp này. Vợ Chồng mình sẽ đến chung vui thế là Anh Chị Em huề ngay ấy mà.

Tháng tư đến, thiệp mời đám cưới Con Gái của Tiên Bà Con họ hàng nhận đủ cả, nhưng Anh Tùng của Tiên thì không. Cả hai Vợ Chồng đều sốt ruột chờ mong và bàn tán:

–   Hay là nó đang ngại ngùng chưa dám mang thiệp đến nhà Anh Trai ?

–   Hay là thiệp mời được gởi bằng bưu điện và…thất lạc ?

Mặc bao lời suy đoán, cuối cùng tấm thiệp mời đám cưới vẫn bặt tăm, mà ngày cưới thì cận kề ngày một ngày hai.

Bà Tùng chép miệng :

–   Em gái Ông chẳng coi Anh Chị nó ra gì.

Ông Tùng vẫn giữ vẻ thản nhiên, có lẽ điều này đã nung nấu trong lòng Ông mấy ngày nay rồi:

–   Tôi và Bà vẫn đi dự đám cưới…

Bà Tùng ngạc nhiên:

–  Không mời mà đến.. Mình mang mặt mo đến dự đám cưới nhà nó à ?

Ông Tùng dịu dàng và cương quyết:

–    Tôi xin Bà hãy nghe lời tôi, người ta có thể từ bỏ mọi thứ nhưng từ bỏ ” tình máu mủ ruột thịt ” thì không dễ. Anh Chị Em sống cùng một mái nhà từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành biết bao nhiêu thân thương kỷ niệm….

Ông không dám nói ra suy nghĩ của mình sợ Vợ chạnh lòng. Trong cuộc sống, Vợ Chồng tưởng như hai là một, cùng chia ân xẻ ái, cùng muốn bên nhau suốt cuộc đời, có bao gắn bó, bao ràng buộc Con Cái thế mà người ta vẫn li dị, vẫn là hai kẻ người dưng nước lã.

Còn Anh Chị Em ” ruột thịt ” khi trưởng thành mỗi người một cuộc sống riêng, tình thân dù nhiều hay ít nhưng Anh Chị Em có  từ bỏ, chia lìa nhau  nhiều như Vợ Chồng đâu.

Nhìn sắc mặt Chồng cương quyết là thế mà vẫn phảng phất đau buồn, Bà Tùng thương hại không nỡ nói gì thêm. Bà vốn hiền dịu và hết mực thương yêu Chồng và thương yêu cả bên nhà Chồng từ bấy lâu nay.

Bà đành chiều Ông, đồng ý cuối tuần này cùng Ông đi dự đám cưới mà không thể đoán nổi chuyện gì sẽ xảy ra thêm nữa giữa Anh Em Ông Tùng khi Ông Bà bất ngờ xuất hiện trong ngày vui của gia đình Tiên.

Buổi chiều Ông Tùng pha một ấm trà sen mang ra Patio trầm ngâm ngồi uống một mình. Mùa Xuân đến hoa hồng nở đầy vườn, cảnh đẹp êm đềm thế mà lòng Ông thì đang dậy sóng một nỗi buồn tênh.

Ông giận và trách Cô Em Gái của Ông lắm nhưng không nói ra với Vợ, chẳng khác nào bắc cầu cho Bà nói leo vào làm tình hình càng thêm buồn và căng thẳng.

Tiên đã không ưa thích Vợ Ông từ ngày Ông mới cưới về làm Vợ, Tiên chê Chị Dâu con nhà nghèo, học vấn thấp, đáng lẽ người Anh có học và đẹp trai của Cô phải lấy một Cô Gái tương xứng hơn, như đứa bạn thân mà Tiên đã từng giới thiệu cho Anh.

Suốt bao nhiêu năm qua Tiên vẫn có vẻ không nể phục Chị Dâu, dù tình cảm Anh Chị Em vẫn đề huề.

Chuyện xích mích vừa qua bắt đầu từ…hạt bụi trở thành to tát, Chị Dâu Em Chồng nói chuyện phiếm vui vẻ dẫn đến tranh cãi lời qua tiếng lại thế là Tiên nặng lời chê trách Chị Dâu biết gì mà đúng với sai. Ộng Tùng có mặt tại chỗ đã cho Em Gái một cái tát tai nên thân, với Ông đôi khi Tiên vẫn là Cô Em Gái bé bỏng như ngày nào.

Tiên khóc tức tưởi và cho là Anh bênh Vợ đánh Em Gái Ruột của mình, là coi Vợ hơn tình Anh Em. Cô hằn học tuyên bố ngay lúc đó:

–  Từ nay chúng ta không còn Anh Em gì nữa.

Ông Tùng đã xuống nước:

– Anh xin lỗi đã nóng nảy, nhưng Em không được hỗn với Chị như thế.

Tưởng đã có lời xin lỗi, tưởng chỉ là lời thề lúc tức giận, thế mà gần một năm qua Tiên vẫn làm mặt lạnh với Anh mình, Anh Em Ông Tùng chưa chuyện trò, chưa gặp mặt.

Ông Tùng vẫn chờ đợi Cô Em Gái suy nghĩ lại, cho đến ngày hôm nay chuyện trọng đại đám cưới Con Gái nó, nó cũng không mời.

Ngày xưa ở chung một nhà Anh Em có xích mích giận dỗi nhưng rồi đâu lại vào đấy, vẫn thương yêu nhau.

Phải chăng khi người ta lớn lên, mỗi người một ngã, một gia đình riêng thì tình Anh Chị Em Ruột Thịt cũng bị chia sớt và dễ nhạt phai ?

Nhà chỉ có hai Anh Em, Tùng hơn Tiên 8 tuổi, một đứa Em kế Tùng qua đời lúc còn bé nên tuổi của Tùng và Tiên mới cách nhau khá xa.

Khi Tùng lên 12 đã phụ giúp Mẹ trông Em, bế Em, cõng Em đi chơi. Tùng chơi cùng đám bạn trai cũng có Em theo, để Em ngồi một chỗ Tùng chơi đá banh, chơi tạt lon, chơi trò đuổi bắt v..v  ..nhưng mỗi khi Em khóc thì Tùng dừng cuộc chơi chạy lại chỗ Em, dỗ dành Em. Đứa bạn nào dám trêu chọc Em là Tùng không tha.

Con Bé luôn được Anh thương yêu và bảo vệ nên rất gần gũi Anh, Tùng đi đâu nó cũng đòi theo, khó mà Tùng có thể đi chơi một mình trừ khi Tiên đang ngủ hay khi Tùng đánh lừa được Tiên và ra khỏi nhà. Có lần chưa ra khỏi nhà đã bị nó túm áo lại gào khóc đòi theo Tùng bực mình qúa la lên đe dọa:

–  Sao mày cứ bám theo tao hoài vậy Tiên ? mai mốt lớn tao đi lính xa nhà luôn đó…

Lớn lên Tùng không đi lính mà là sinh viên môn Toán Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tốt nghiệpÁ Khoa mà nhiệm sở mãi Cần Thơ miền Tây sông nước thì hai Anh Em mới xa cách, nhưng mỗi mùa hè về thăm nhà Tùng lại chỉ dạy Tiên bài vở, khi Tiên chưa hiểu bài Tùng thường nóng nảy nhéo tai Em Gái đau điếng hoặc cốc lên đầu Tiên và mắng “ ngốc thế ” làm nó khóc và giận hờn, nhưng có giận nhau lâu đâu.

Một hôm, thằng bạn học cấp hai cùng lớp, vốn sợ oai Anh Tùng của Tiên nên không dám vào nhà chỉ thập thò trước cửa chờ gặp Tiên để mượn quyển vở chép bài, Tùng tưởng hai đứa ranh con bồ bịch hẹn hò nhau nên quát mắng Em Gái và cho Tiên một bạt tai như trời giáng. Bị oan ức Tiên khóc và giận anh lắm, nhưng cũng chẳng được bao lâu.

Tiên thừa biết Anh mình tính nóng nảy nhưng rất thương Em Gái.

Cứ thế khi Tiên lên cấp ba, bị bao cú nhéo tai, bao cái cốc lên đầu kèm theo câu Anh mắng “ Ngốc thế ” thì căn bản các môn Toán Lý Hóa cũng bao vững vàng. Tiên thi đậu vào Đại Học Sư Phạm dễ dàng như Anh, Cô cũng thích làm nghề giáo như Anh.

Qua Mỹ hai Anh Em ở cùng thành phố, khi Tiên sinh Con Gái đầu lòng Tiên nhường quyền đặt tên Con Gái cho người Anh mà Cô qúy mến, Ông Tùng đã âu yếm chọn tên Sen Hồng cho Cháu.

Ông nhớ hồi nhỏ có lần theo Cha Mẹ du ngoạn miền quê, Tùng đã lội xuống một ao sen hái một đóa sen hồng mà Tiên thích, bị Cha Mẹ mắng vì sợ rủi ro tai nạn.

Tiên cũng nhớ kỷ niệm ấy. Cả hai Vợ Chồng Tiên đều thích qúa cái tên Sen Hồng.

******************

Vợ Chồng Ông Tùng ăn mặc chỉnh tề, ngày trọng đại, ngày cưới của Cháu Gái mà. Hai Vợ Chồng Ông đến nhà Em Gái thật sớm.

Vừa bước chân vào nhà, Vợ Chồng Ông Tùng còn đang ngơ ngác thì Cô Dâu Sen Hồng đang bận rộn sửa soạn khăn áo cũng đã chạy ra ôm chầm lấy Ông Tùng reo vui:

–   Hai Bác ơi, Cháu sung sướng quá vì hai Bác đã đến.

Lúc ấy Vợ Chồng Tiên cũng có  mặt, Tiên còn đang sững sờ, Ông Tùng nhanh chóng lấy lại vẻ điềm nhiên nói với Sen Hồng mà như nói với mọi người:

–  Cha Mẹ mất rồi, Bác là Anh của Mẹ cháu, nhà chỉ có hai Anh Em. Đám cưới Cháu khác gì đám cưới Con Gái Bác, hai Bác không đến sao được.

 Sen Hồng nũng nịu đứng sát vào Vợ Chồng Bác Tùng:

– Tên Sen Hồng của Cháu là do Bác đặt cho. Sen Hồng vừa là Cháu vừa là Con của hai Bác mà.

 Tiên vẫn ngỡ ngàng nhìn Ông Anh và từ từ hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã trang điểm phấn hồng. Ông Tùng quay ra ôm vai Em gái vỗ về :

–  Em vẫn là Cô Bé Tiên hay nhõng nhẽo của Anh thôi, cũng như Anh vẫn là Anh Tùng nóng tính của Em ngày xưa. Tình Anh Em này không bao giờ xa lìa được phải không Tiên…

Tiên òa khóc bên vai Anh, Cô nghẹn lời:

–   Anh Tùng ơi… Em đã đắn đo mấy lần cầm tấm thiệp cưới định đến nhà Anh Chị, rồi Em lại tự ái, lại lo ngại biết Anh Chị đã nguôi giận Em chưa. Mặc cho Chồng Con khuyên nhủ và lo buồn Em vẫn quyết định không và làm mình làm mẩy bắt Chồng Con phải nghe theo. Cái tính bướng bỉnh này được Anh Chị bao dung tha thứ, đến đây tham dự đám cưới Cháu Sen Hồng thật bất ngờ và thật hạnh phúc cho Em. Em càng hiểu Em đã sai và hối hận lắm… xin Chồng Con tha lỗi, xin Anh Chị tha lỗi.

Ông Tùng trìu mến nhìn Em Gái:

–   Anh Em mình thần giao cách cảm, quá hiểu tính nết nhau, Anh cũng từng đoán thế khi chờ đợi tấm thiệp mời của Em, Em có tự ái cao hơn núi lại cố chấp nếu Anh Chị cũng tự ái cao thì khoảng cách kia bao giờ nối lại được. Anh tệ quá, đáng lẽ là Anh thì phải làm hòa với Em sớm hơn kìa…

Chồng Tiên vào trong phòng cầm ra một tấm thiệp cưới và kể:

–  Đây là thiệp mời Anh Chị, chính Tiên đã nắn nót ghi lời, thế mà vẫn không gởi. Cho đến sáng nay Tiên vẫn còn buồn và ray rứt, đám cưới Con Gái mà không có Anh Chị mình.

Vợ Ông Tùng cũng kể:

–   Suốt thời gian Anh Em giận nhau Anh Tùng đã buồn lo trăn trở biết bao nhiêu. Hai Anh Em nhà Cô đúng là “ Thương nhau lắm cắn nhau đau ”.

Tiên mỉm cười với Chị Dâu:

–   Em cám ơn Chị đã hiểu tình Anh Em này.

Và lau nước mắt, Cô ríu rít nói:

–  Để Em vào trong trang điểm lại một chút cho gương mặt Bà Mẹ Vợ hết lem nhem. Chốc nữa nhà trai đến rước dâu Anh Tùng làm chủ hôn và đại diện nhà Gái tiếp hai họ nhé, Em biết Anh có tài ăn nói xuất khẩu thành văn lại có chút… toán học đúng nghề Anh nữa, nói chính xác đâu ra đấy, hợp lý hợp tình.

Chồng của Tiên góp lời:

        –  Cô ấy cứ bắt Em phải nói, Em tập từ mấy hôm nay mà vẫn vấp váp chưa quen. May quá có Anh rồi, nhờ Anh giúp chúng Em.

Ông Tùng mỉm cười sung sướng và hãnh diện:

–   Đương nhiên rồi. Không là Anh thì còn ai vào đây nữa.

  Nguyễn Thị Thanh Dương.

   (August, 26, 2018)

 From: Ansong Hoang

Phép màu của tình mẫu tử

Phép màu của tình mẫu tử

Vong linh người mẹ bảo vệ và kêu cứu cho con


Câu chuyện sống sót kì diệu của một em bé 18 tháng tuổi được ví như một phép màu. Nhiều người tin rằng, vong linh người mẹ đã ở lại để bảo vệ và kêu cứu cho con gái bé bỏng của mình.


Cô Lynn Jennifer Groesbeck cùng con gái Lily.
(Ảnh: Internet)

Tối ngày 6/3/2015, bà mẹ trẻ Lynn Jennifer Groesbeck 25 tuổi, lái xe trên đường lộ dọc theo bờ sông Spanish Fork River bang Utah, chở con gái Lily 18 tháng tuổi ngồi băng sau trong chiếc ghế an toàn. Chẳng may cô bị lạc tay lái, đụng vào thành cầu làm chiếc xe bị lộn ngược và đâm xuống sông. Chiếc xe chìm xuống, nước sông lạnh như đá ngập kín chiếc xe, chỉ còn 2 bánh sau ló lên trời, lại bị che khuất sau đám lau sậy nên từ đường lộ không ai nhìn thấy. Mãi đến sáng hôm sau (7/3), một người dân địa phương ra sông câu cá mới phát hiện, ông lội lại gần xem nhưng không thể làm gì được nên vội gọi cứu hộ đến.

Khi 4 nhân viên cứu hộ đầu tiên đến hiện trường thì đã sau 12 tiếng kể từ khi chiếc xe bị nạn. Nhìn tình hình xe ngập sâu dưới nước với độ lạnh cắt da, họ đoán là không còn ai sống sót nổi nên định quay đi lên để gọi xe cần cẩu đến câu xe, thì đột nhiên họ nghe tiếng phụ nữ kêu cứu vọng ra từ trong chiếc xe: 

“Cứu tôi với!”.

Cả 4 nhân viên cứu hộ đều nghe rõ ràng, họ sửng sốt nhìn nhau rồi lật đật quay lại, liều ngâm mình dưới nước lạnh để đập kính xe cứu người bên trong. (Nước lạnh đến nỗi sau đó cả 4 người phải nhập viện chữa trị vì bị hạ thân nhiệt quá thấp).

Khi họ đập được kính xe thì kỳ diệu thay, tuy bà mẹ Lynn Groesbeck đã chết, nhưng bé gái Lily, bị đeo dính trong ghế an toàn vẫn còn sống, mặc dù bé bị treo ngược đầu, hôn mê bất tỉnh và đã phải chịu cái lạnh gần 0 độ suốt 12 tiếng. Một điều kỳ diệu nữa là mặc dù toàn bộ chiếc xe ngập trong nước, và nước tràn theo khe cửa kính vào bên trong, nhưng chỉ vừa ngập sát đến đầu bé Lily là ngừng lại.

Bé Lily được cứu và sau khi nằm viện vài ngày, đã trở về nhà và được dì của bé nuôi nấng. Người dì cho biết bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị di chứng gì.

Còn 4 người cứu hộ vẫn thắc mắc không nguôi vì những điều chính mắt họ thấy, chính tai họ nghe nhưng không thể lý giải.

Nhân viên cảnh sát thành phố Spanish Fork Tyler Beddoes (trái) và Lee Mecham (phải),
hai trong số những nhân chứng nghe thấy tiếng kêu cứu từ trong xe.
(Ảnh: Internet)

“Cả bốn chúng tôi nghe thấy một giọng nói khác biệt từ bên trong chiếc xe”, nhân viên Jared Warner nói với CNN, “Tai tôi nghe đó không phải là tiếng kêu của một đứa trẻ”.

Nhân viên Tyler Beddoes cho biết ông cũng nghe thấy một giọng nói từ trong chiếc xe.

“Từ bên trong chiếc xe đó có người nói ‘cứu tôi với’. Trong hai đêm tôi đã thao thức cố gắng tìm ra chính xác những gì đã xảy ra. Tất cả những gì tôi biết là có tiếng kêu đó, tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng nói đó”, ông nói.

“Như thể tôi nghe được ai đó nói với tôi, ‘Tôi cần sự giúp đỡ’, nhân viên Bryan DeWitt nói với CNN.

Theo lý bình thường thì nước ngập vào 1 chiếc xe lật ngược như vậy không thể chỉ ngập 1/2 rồi ngừng, một em bé chưa đầy 2 tuổi không thể bị treo ngược trong cái lạnh cắt da suốt 12 tiếng đồng hồ mà vẫn còn sống, và nhất là họ không thể giải thích tiếng người phụ nữ kêu cứu vọng ra từ trong xe mà cả 4 người đều nghe rõ mồn một!


Chiếc xe sau khi được lật ngửa để giải cứu bé Lily.
(Ảnh: Internet)

Phải chăng vong linh người mẹ vì thương con nên tuy đã lìa trần vẫn không đi, ở lại để bảo vệ cho đứa con thân yêu, và để kêu cứu cho con mình? 

Tình mẫu tử thiêng liêng, có thể nào vượt qua cả ranh giới của sự sống và cái chết?

Đối với những người đã từng có những trải nghiệm tâm linh thì câu chuyện nói trên vô cùng dễ hiểu và hoàn toàn đáng tin cậy, rằng tiếng kêu cứu mà các nhân viên cứu hộ nghe thấy chính là tiếng kêu của người mẹ.

 Đúng quá với tựa bài “Phép mầu của tình mẫu tử “. Phải tin đây là một chứng tích tâm linh mầu nhiệm @ thế kỷ 21.

From: Lucie 1937

Louis Pasteur – Nhà bác học thiên tài – Một tâm hồn khiêm tốn và cầu nguyện

Louis Pasteur – Nhà bác học thiên tài – Một tâm hồn khiêm tốn và cầu nguyện

Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội.

Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng: “Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?”

Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?” Người thanh niên xấc xược trả lời: “Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.”

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: “Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?” Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời: “Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.”
 
Cụ già từ từ rút ra trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris

TRÁI TIM BỒ-TÁT!

( Mời đọc câu chuyện hay muốn rướm lệ )

TRÁI TIM BỒ-TÁT!!!

Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.

Ra trường đại học Stanford với số điểm khá cao, sau vài năm lăn lóc với những tờ báo địa phương, Jenny được thâu nhận làm phóng viên tại một tòa báo nổi tiếng tại Chicago!

Chuyến đi xa làm phóng sự đầu tiên của cô là bay sang Nhật, để viết về sự hồi sinh và công cuộc trùng tu của thành phố Miyako, một thành phố đã phút chốc bỗng trở thành bình địa khi cơn sóng thần Tohoku Tsunami khủng khiếp ập tới vào tháng 3, 2011.

Cô đã đi lòng vòng khắp nơi, điều làm cô sửng sốt nhất, là ở nhiều nơi, từ trong thư viện cho đến các nhà hàng, trên những bức tường, người ta vẽ hình một cậu bé Nhật với câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp của cậu trong những ngày tang thương của thành phố!

Jenny vẫn còn nhớ đó là chuyện một cậu bé khoảng trên 10 tuổi, trong khi cậu bé đang xếp hàng chờ đợi tới phiên mình được lãnh hàng cứu trợ thì bỗng một người lính cứu hỏa đến bên cạnh và đưa cho cậu một gói khá to với dấu Red Cross đóng bên trên, Đó là một gói hàng cứu trợ nhưng có đầy đủ những đồ gia dụng cần thiết và có cả một ít hiện kim cho một cá nhân! Khẽ nghiêng mình kính cẩn cám ơn, và trước đôi mắt ngạc nhiên của người Lính Cứu Hỏa, cậu bé bước tới góc phố, nơi người ta đã đặt sẵn một thùng giấy to để quyên góp những phẩm vật sẽ được gởi đi cho những người kém may mắn khác! Nhón chân đặt gói quà vào trong thùng, cậu bé lặng lẽ bước về chỗ cũ và kiên nhẫn sắp hàng chờ đợi.

Câu chuyện thật đơn giản nhưng vô cùng xúc động đó đã nhanh chóng được loan truyền trên khắp thế giới! Hằng trăm hằng ngàn ý kiến, những lời cảm thông chia xẻ, cùng những câu ca ngợi nghĩa cử của cậu bé đã được gởi tới tấp trên internet, trên truyền thông truyền hình như những lời an ủi động viên trước những bất hạnh và khổ đau sau thảm họa sóng thần Tohoku Tsunami!

Sau một ngày lang thang trên đường phố Miyako, Jenny cảm thấy thật phí công khi cô phải viết bài phóng sự về sự hồi sinh và công cuộc xây dựng tái thiết của thành phố Miyako, Jenny thầm nghĩ: “Người Nhật rất quật cường và dũng cảm, họ là một dân tộc biết biến đau thương thành sức mạnh, viết lời ca ngợi hoặc tán dương họ cũng bằng thừa! “Cho nên cô chợt nẩy ra ý tưởng mới, là viết về tầm ảnh hưởng từ hành động cao cả của cậu bé đó với những người trẻ hôm nay!

Kết quả: Bài viết của Jenny khi phổ biến làm người đọc xúc động, tòa báo hài lòng! Ông chủ bút vui vẻ gợi ý cô có thể viết thêm về những người trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Wow, cô mừng rỡ và quyết định cô sẽ tới Việt-Nam!

Việt-Nam, một đất nước tuy xa mà lại rất “g”Gần” với cô! Rất gần vì Brittney Nguyen, người bạn thân nhất của cô trong 4 năm đại học, là người Việt-Nam. Năm đầu tiên cô và Brittney cùng chia xẻ chung một phòng trong đại học xá. Brittney rất giỏi và rất lanh lẹ, nhưng điều mà Jenny cảm phục ở cô không phải sự thông minh, mà chính là tinh thần lạc quan của Brittney! Trong bất cứ tình huống nào, cô bạn này luôn tin rằng “Tomorrow will be better than today / ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”! Lỡ tình trạng vẫn chưa “Khá” hơn, thì Brittney lại cắt nghĩa hoặc bằng một câu khôi hài nào đó, hay bằng một câu chuyện tiếu lâm mà cô luôn có sẵn trong đầu!

Brittney thì dễ thương như vậy, mà gia đinh cô thì càng tuyệt vời hơn nữa! Những ngày cuối tuần Jenny vẫn theo Brittney về nhà cô, một căn hộ chung cư 3 phòng ngủ cho 5 người! Dù căn nhà khá chật chội và hơi thiếu tiện nghi nếu so với căn nhà rộng thênh thang của Jenny ở Chicago, nhưng chính nơi đây Jenny mới hiểu được thế nào là tình gia đình! Cô đã được thưởng thức những món ăn Việt-Nam, được hưởng những sự thương yêu, chăm sóc, lo lắng từ những người thân của Brittney! Cô đã rưng rưng nước mắt khi gọi gia đình Brittney là gia đình thứ hai của cô!!!

Khi nghe Jenny nói như thế, Brittney trả lời với một nụ cười tươi tắn trên môi:

– Nếu đây là gia đình thứ hai, thì Jenny sẽ có thêm một đất nước thứ hai, đó là Vietnam, right?

Đúng như vậy, và bây giờ Jenny đang ngồi trên một chuyến bay, bay về Việt-Nam, một đất nước tuy xa xôi, nhưng lại rất gần gũi với cô! Trước ngày đi, ông chủ bút tờ báo đã nhấn mạnh là cô chỉ có một tuần. Trừ ngày bay đi, bay về, chỉ còn đúng ba 3 ngày thôi đấy nhé!!!***

•••

Sau gần 2 tiếng đồng hồ chờ đợi thủ tục để lấy được hành lý, Jenny chậm chạp kéo lê chiếc vali bước ra phía cổng phi trường. Cô thắc mắc tại sao mọi người cứ phải xô đẩy, chen lấn không sắp hàng? Chính điều này càng khiến mọi công việc trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian hơn!!!0

Khi cánh cửa phi trường vừa bật mở, Jenny gần như dội ngược về phía sau bởi hơi nóng hừng hực từ bên ngoài như táp vào mặt cô. Ngần ngừ vài giây, cô bước ra, bên ngoài khung cảnh thật tấp nập, xô bồ, mọi người bước đi vội vã như ma đuổi!

Hình như 24 tiếng đồng hồ vẫn không đủ cho người VN, đó là cảm nhận đầu tiên của Jenny về đất nước này. Cảm thấy thật mệt mỏi vì chuyến bay quá dài, cộng với sự chờ đợi không cần thiết nơi cửa phi trường, Jenny giơ tay vẫy chiếc taxi, cô quyết định về nghỉ tại khách sạn đêm nay, ngày mai sẽ bắt đầu một ngày mới cho bài phóng sự của cô về những người trẻ Việt-Nam!

Bây giờ Jenny đang ngồi trong phòng ăn của khách sạn để dùng bữa điểm tâm với một người thông dịch.

Trước khi lên đường sang Việt-Nam, cô bạn Brittney đã khăng khăng bắt Jenny phải có một hướng dẫn viên, vừa phải là người bản xứ, vừa phải biết tiếng Anh, để giúp cô đi thăm viếng thành phố, và Brittney đã giúp bạn tìm được người đó. Bà Hằng, một phụ nữ trung niên tuổi trên 50, khuôn măt khả ái với nụ cười dịu dàng đằm thắm trên môi, và nhất là cách phát âm tiếng Anh của bà khá chính xác khiến Jenny thật hài lòng! Khi Jenny nói điều này, bà Hằng chỉ mỉm cười khiêm tốn khẽ đáp:

– Tôi là giáo sư Anh văn của một trường đại học thành phố!

Jenny ngạc nhiên:

– Giảng sư dạy đại học mà tại sao bà lại làm thêm công việc này?

Hơi bất ngờ vì câu hỏi của Jenny, bà Hằng ngập ngừng vài giây rồi nói:

– Thật ra đây là cơ hội cho những người dạy Anh văn như chúng tôi luyện giọng! Ngày xưa, khi tôi còn là học sinh, ngoài giờ học chính, chúng tôi thường ghi danh học thêm những course Anh Văn bên ngoài. Trước đây trung tâm Hội Việt Mỹ thường có những phòng thính thị cho chúng tôi luyện giọng, bây giờ thì khộng còn nữa!

Rồi bà bỗng đổi giọng vui vẻ nói:

– Dù sao đi nữa đây là một công việc vừa giúp tôi trau giồi nghiệp vụ, vừa được trả lương, còn gì bằng!

Vừa nghe xong câu đó, Jenny bật cười thoải mái.

Khi nắng chiều đã nhạt dần và cái nóng đã bớt gay gắt, Jenny và bà Hằng đang ngồi nơi quán ăn ở một góc đường. Cô đã đi lang thang qua nhiều dãy phố, đã thu vào ống kính của cô nhiều hình ảnh của đất nước này. Là một phóng viên, cô đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều làm cô kinh ngạc hơn hết là sự tương phản rất rõ nét giữa cái giàu và cái nghèo tại đây!

Trên đường phố chật hẹp, cô luôn nhìn thấy vài chiếc xe hơi thật đắt giá sang trọng đang cố luồn lách, chèn lấn để vượt qua những dòng xe hai bánh, lẫn lộn cả những chiếc xe đạp trầy sơn cũ kỹ. Ở đây tất cả mọi người đều hối hả, hấp tấp, vội vàng khiến Jenny cảm thấy chóng mặt, và cổ họng cô thật khô rát, Jenny quay lại nhờ bà Hằng gọi cho mình một “Ly chanh đường”. Cô phát âm bằng tiếng Việt 3 chữ đó khá rõ ràng khiến bà Hằng thoáng ngạc nhiên! Có gì đâu, Jenny mỉm cười kể:

– Nhiều lần Brittney vẫn nói nếu có dịp trở về Sài-Gòn, cô sẽ gọi một “Ly chanh đường”! Vì cô vẫn thường nghe các ông nhạc sĩ rên rỉ “.. Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…”! Nên cô muốn thử xem sao?!?

Bà Hằng bật cười thành tiếng, nhưng hình như trong đáy mắt bà chợt thoáng hiện một chút tiếc nuối xót xa!

Jenny nhìn quanh quan sát, cũng vẫn chỉ là khung cảnh cũ với những cụ già hay những em bé mệt mỏi với xấp vé số trên tay đang cố mời chào mọi người mua giúp! Những người hành khất già nua, bệnh hoạn ngồi la liệt chờ sự bố thí của người qua lại, chợt Jenny bắt gặp hình ảnh khiến cô khựng lại. Nơi cuối dãy bàn sát tường, một cậu bé đang ngồi bó gối im lìm, cạnh cậu bé là một chú chó nhỏ!

Hình ảnh này khiến Jenny chợt nhớ đến phim Charlie Chaplin cô vẫn coi ngày còn bé. Cái anh chàng Charlie này thường đóng cảnh nghèo khổ với một khuôn mặt rầu rĩ, thiểu não, bên cạnh cũng có một chú chó con! Đua máy ảnh lên chụp cậu bé qua vài góc cạnh, Jenny quay sang bà Hằng ngỏ ý cô muốn gặp cậu bé. Khẽ gật đầu, bà Hằng lặng lẽ bước về hướng cậu nhỏ đang ngồi!

***

Bước tới và đứng sát cạnh bàn Jenny, nhưng cậu bé vẫn cúi gằm mặt và hai tay buông thõng, chỉ có chú chó con vẫn hồn nhiên vẫy đuôi chạy loanh quanh. Jenny lặng lẽ kín đáo quan sát, cô thấy tim mình nhói đau khi nhìn thân hình gầy gò của cậu bé trong chiếc áo thun rộng thùng thình và rách lỗ chỗ. Cậu bé chắc chỉ khoảng trên 10 tuổi, Jenny thầm nghĩ, cô khẽ rút trong túi áo một khoản tiền và nhẹ nhàng nhét vào tay cậu bé. Cô nhờ bà Hằng nói với cậu những câu vỗ về an ủi. Bây giờ cậu bé mới ngẩng mặt lên lý nhí cám ơn, Jenny thoáng giật mình, vì trên khuôn mặt lem luốc xanh xao, là đôi mắt sáng, trong veo, đen láy toát lên sự linh hoạt, thông minh! “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, Brittney thường hay đùa nói với cô như thế!!!

Sẵn trên bàn còn vài chiếc bánh bao, Jenny với tay đưa cho cậu bé hai chiếc bánh, đưa hai tay đón nhận, cậu cúi đầu thật thấp thay cho lời cám ơn và quay bước trở về góc tối nơi cậu ngồi lúc nãy! Jenny đưa máy hình lên, cô đã sẵn sàng chụp những bức hình cậu bé và chú chó nhỏ cùng ngẫu nghiến ăn chiếc bánh, nhưng ô kìa, Jenny bỏ máy hình xuống sững người nhìn…

Cậu bé mở chiếc túi ny lông cậu vẫn đeo bên hông, bỏ một chiếc bánh vào. Tần ngần vài giây, cậu lại bẻ chiếc bánh còn lại làm đôi, bỏ trở lại bao và cột lại cẩn thận! Còn nửa chiếc bánh trên tay, cậu bé vừa ăn vừa đút cho chú chó nhỏ nãy giờ vẫn ngoan ngoãn đứng chờ!!!

Bây giờ Jenny cảm thấy thật tức giận, tại sao cậu bé có thể “Ăn chận” phần bánh của chú chó bé nhỏ như vậy? Cô nhớ tới bên Mỹ, nhà cô có hai chú chó, hằng tuần Mẹ cô vẫn phải khệ nệ bưng về những bao thức ăn được biến chế đặc biệt cho từng loại chó khác nhau với những “Khẩu vị” khác nhau, khi thì cá, lúc thì bò hay gà. Rồi cứ hai tuần một lần, Mẹ cô phải chở hai chú chó nhỏ này đến những trung tâm để họ chăm sóc, o bế bộ lông và cắt tỉa bộ móng của chúng, “Pets are people too! Thú vật cũng là con người!” Jenny luôn đươc nhắc nhở và bảo ban như vậy!!!

Nhìn chú chó vẫn đang liếm láp thèm thuồng, không dằn lòng nổi, Jenny cầm nguyên chiếc bánh bước về phía cậu bé, trước đôi mắt ngỡ ngàng của bà Hằng và cái nhìn sững sờ của cậu, cô đút cho chú chó trọn vẹn chiếc bánh, nhưng Jenny cũng kịp nhìn thấy đôi môi mím chặt của cậu bé, trước khi cậu quay mặt nhìn về hướng khác!

Trời đã bắt đầu tối đen, Jenny vẫn ngồi nói chuyện với bà Hằng, nhưng cô mơ hồ cảm thấy bà trở nên tư lự và khép kín hơn, giọng nói của bà không còn cởi mở, vồn vã như lúc ban đầu! Bây giờ cậu bé đang đứng trước mặt Jenny, cậu nhờ bà Hằng cám ơn cô về những cái bánh, và nhất là cô đã cho chú chó nhỏ của cậu một bữa tối no nê, đêm nay chắc chắn nó sẽ ngủ yên không làm phiền cậu!!!

Khẽ mỉm cười, Jenny giảng nghĩa cho cậu bé hiểu chó là người bạn vừa thân thiết, vừa trung thành với con người, cho nên cậu phải thương yêu và đối xử vừa đặc biệt, vừa công bằng với chúng! Bà Hằng thông dịch những câu nói đó cho cậu bé, nhưng đôi mắt bà xót xa như muốn nói thật nhiều những ý nghĩ trong đầu bà, nhưng bà đành khẽ thở dài cúi mặt!

Cúi đầu chào Jenny, cậu bé và chú chó quay bước, hối hả băng qua đường. Chăm chú nhìn theo bóng dáng vội vã của cậu bé, bỗng Jenny nẩy ra một ý định táo bạo, cô quay sang vắn tắt nói với bà Hằng cô sẽ đi theo và tìm xem chỗ ở của cậu bé và chú chó nhỏ? Không kịp chờ ý kiến của bà, Jenny đã đứng bật dậy và phóng theo cậu bé!!!

Khẽ thở dài, bà Hằng đành lật đật tất tả bước theo bóng Jenny. Không mấy khó khăn, Jenny đã bắt kịp cậu bé, nhưng không muốn cậu biết có người theo dõi, cô cố giữ một khoảng cách khá xa!

Sau khi băng qua hai góc phố, vài con đường, cuối cùng cậu bé và chú chó nhỏ dừng lại dưới mái hiên của một tiệm sách đã đóng cửa. Jenny và bà Hằng vội ngồi thụp xuống bên lùm cây cách đó không xa, cô cố nhướng mắt nhìn về phía trước. Hình như cậu bé đang tìm ai? Cậu nhớn nhác ngó quanh, chú chó cũng sủa lên vài tiếng!!!

Bỗng từ trong góc tối một bóng người xuất hiện, đúng ra là một người đàn ông, nhưng ông lê “Bước” ra bằng hai bàn tay, bởi đôi chân ông đã cụt qua quá khỏi đầu gối! Bên cạnh ông là một bé trai nhỏ khoảng 3, 4 tuổi. Cậu bé vội bước tới khẽ dìu ông và dắt tay người em trai nhỏ. Họ cùng ngồi xuống bên vệ đường, cậu mở vội chiếc túi và lôi ra chiếc bánh cậu để dành ban nãy đưa cho người đàn ông, xong cậu quay sang ôm người em nhỏ vào lòng, cậu từ tốn đút từng mếng bánh nhỏ cho em. Điều kỳ lạ là chú chó nhỏ vẫn đứng yên lặng vẫy đuôi, dường như đây là hình ảnh rất quen thuộc mà nó thấy mỗi ngày!

Jenny gần muốn như ngã khụyu khi nhìn hình ảnh đó, cô phải ngồi bệt ngay xuống bên vệ đường. Cô chợt nhớ lại lời khuyên của cô với cậu bé khi nãy là hãy thương yêu loài vật, rồi cô lại liên tưởng những tháng ngày cô còn bé. Chỉ một bữa ăn sáng không đúng ý, chỉ vì không có đôi giầy đồng mầu với chiếc váy, cô đã giận Mẹ cô cả tuần, không nói năng, thậm chí có lúc cô còn muốn “Run away from home”, bỏ nhà đi bụi đời! Những lời cô vừa cao giọng giảng giải cho cậu bé thật lố bịch biết bao! So sánh với cậu bé, Jenny cảm thấy mình chỉ như là một giọt nước trước một đại dương bao la!!!

Thò tay vào túi vét hết tất cả những đồng tiền cuối cùng, Jenny quay sang bà Hằng. Bà vẫn ngồi bó gối im lìm, đầu cúi thấp, bóng tối che khuất nên Jenny không thể nhìn thấy khuôn mặt bà cũng đang nhạt nhòa nước mắt!

Vừa dúi vào tay bà những tờ tiền, có tờ còn hơi ướt vì thấm nước mắt của cô, Jenny thổn thức nói:

– Hãy nói với cậu bé ấy là tôi xin lỗi, hãy tha thứ cho tôi!

Trước khi bà Hằng kịp trả lời, cô đã vụt đứng lên và chạy ngược về phía khách san!

Suốt ngày hôm sau, Jenny và bà Hằng đã ngồi chờ cậu bé tại quán ăn, cô cũng quay lại góc phố đêm qua, đi loanh quanh mong sao gặp lại được cậu bé và chú chó! Nhưng cậu bé vẫn biệt tăm!!!

Sáng nay khi chia tay với bà Hằng, cô đã để lại số phone riêng của cô, hy vọng bà sẽ tìm ra cậu nhỏ và chú chó!

Khi nghe Jenny hứa sẽ quay lại đây và sẽ ở lại lâu hơn, bà Hằng nhẹ nhàng nói:

– Đến với VN, đôi khi một ngày cũng quá đủ! Nhưng lắm lúc một trăm ngày vẫn cảm thấy thiếu!!!

Nói xong bà khẽ xiết chặt tay cô và chúc lời thượng lộ bình an!

Đưa tay cột lại giây an toàn, Jenny khẽ tựa đầu vào ghế. Cô chợt nhớ đến hình ảnh cậu bé người Nhật của Miyako, và cậu bé Việt-Nam của Sài-Gòn. Cả hai đều có một tấm lòng vị tha bao la, nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến mình, cả hai đúng là có trái tim thật nhân ái tuyệt vời! Nhưng rồi cô bỗng so sánh, cùng bằng nhau số tuổi, nhưng 2 hình ảnh, 2 cuộc đời sao quá khác biệt!

Cậu bé người Nhật rất có thể ngay ngày hôm đó, cậu sẽ được đưa tới một nơi tạm trú, cậu có thể vẫn có những bữa ăn nóng sốt, chăn ấm nệm êm, từ những trung tâm cứu trợ, hay từ chính những người hàng xóm tốt bụng đầy lòng nhân ái!

Có thể cậu phải hứng chịu những sự đau thương, mất mát những người thân yêu của cậu, nhưng chắc chắn Cậu bé vẫn được sống lại trong vòng tay che chở, ấp ủ thương yêu của những người thân còn lại trong gia đình! Cậu rồi sẽ vẫn chân sáo đến trường, những khổ đau rồi cũng sẽ chìm dần vào quá khứ! Cậu bé vẫn có một tương lai tươi sáng trước mặt!!!

Còn cậu bé Việt-Nam đáng thương kia, đừng nói đến tương lai với cậu, với cậu chỉ có ngày mai là làm sao kiếm đủ thức ăn cho người cha già tàn tật và cho cậu em nhỏ dại! Cậu bé là cần câu cơm cho cái gia đình khốn khổ! Dù cậu chỉ mới hơn 10 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ cậu chỉ biết học hành vui chơi! Đôi mắt trong sáng đầy ắp tình thương kia liệu có biến đổi trước những tàn bạo khắc nghiệt của đường phố, hay những bầm dập của cuộc đời?!?

Jenny cảm thấy như có bàn tay ai đang bóp nát trái tim cô. Nước mắt đoanh tròng, Jenny khẽ kéo tấm che cửa sổ máy bay lên, bên ngoài mặt trời vừa ló dạng, ánh lên những tia sáng ban mai trên những đám mây vàng rực rỡ, chợt Jenny nhớ đến một bài nhạc mà cô đã hát bao lần trong đại học:

We are the World, We are the children, We are the ones who’ll make a righter day, So let’s start giving . . . It’s true we’ll make a better day! Just YOU and ME!!!

Phải, chính BẠN và TÔI, chúng ta sẽ tạo nên những ngày tươi đẹp hơn. Jenny cảm thấy như chợt có một làn hơi ấm áp đang len nhẹ vào hồn cô! Cô chưa biết mình sẽ phải viết thế nào về Cậu Bé Việt-Nam nhưng biết rõ đây là nơi cô sẽ còn trở lại! Chắc phải rủ cô bạn thân Brittney cùng trở lại và ở lại lâu hơn!!!

Jenny nhè nhẹ khép đôi mắt và chìm dần vào giấc ngủ thật êm đềm có lẽ vì “Con tim đã vui trở lại!”

Thật ra khi Jenny ca ngợi cậu bé người Nhật và cậu bé VN, cô gọi đó là những người có Trái Tim Nhân-Ái Tuyệt-Vời! Nhưng cô đâu biết, chính cô cũng là người có Trái Tim Thật Từ-Bi!!!

Cô cũng không biết người Việt chúng ta thường gọi những Tấm Lòng Nhân-Ái, Từ-Bi là ‘TRÁI TIM BỒ-TÁT”!!!

Phan-Lê

Trên Đỉnh Phù Vân copy from email.

Biết đủ

Biết đủ

Thanh sang Mĩ được hơn ba mươi năm rồi. Anh lớn lên từ một vùng đất nghèo. Ngày rời quê hương, anh hi vọng sẽ hạnh phúc hơn vì sẽ có một sự nghiệp rực rỡ.

Sau khoảng hai mươi năm bươn chải, làm việc chăm chỉ, anh mua được một căn nhà rộng có 4 phòng ngủ với nội thất toàn đồ đạc sang trọng và một chiếc xe Mercedes hạng sang. Trong xã hội, nhiều người mơ ước giống anh nhưng không được. Có thể nói anh đã ổn định về mặt vật chất và địa vị xã hội. Tuy thế, Thanh vẫn cảm thấy không thỏa mãn với những gì mình đang có. Anh tự hỏi tại sao lại chưa thấy hạnh phúc: Có phải vì tôi chưa có nhiều nên chưa thoải mái? Tôi sẽ hạnh phúc hơn khi có thêm một cái nhà bên bờ biển để cuối tuần đi thư giãn? Tôi sẽ cảm thấy an vui hơn nếu ngồi được vào vị trí cao hơn trong công ty?

Thế là anh tiếp tục lao vào cuộc tích góp của cải vật chất và phát triển tiếng tăm. Cuối cùng, sau gần mười năm, anh có được những điều mình mơ ước. Nhưng anh vẫn không thấy mình thật sự hạnh phúc. Rõ ràng là anh đã có rất nhiều, nhiều hơn rất nhiều người. Câu hỏi tại sao tiếp tục treo lơ lửng trong tâm trí anh.

Một Chúa Nhật kia, gia đình Thanh đi Lễ chung. Đã lâu lắm rồi, cả nhà chưa có dịp cùng đi Lễ với nhau như vậy. Việc đi Lễ đối với Thanh nhiều năm nay chỉ là một bổn phận phải làm theo thói quen mà cha mẹ đã truyền lại. Nhưng không hiểu sao ngày hôm ấy Thanh cảm thấy xúc động mạnh bởi các bài Lời Chúa mà đã nghe khá nhiều lần. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giảng Viên mở đầu thế này: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”” (Gv 1:1)

“Không. Không thể như thế được.” Thành tự nói trong tâm trí mình như muốn phủ nhận những gì anh đang nghe.

Tiếp theo, bài đáp ca bằng Thánh vịnh 90 được xướng lên:

Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,

Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”

Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi !

“Ừ nhỉ. Câu này nghe có lí vì con người đến trong và ra đi khỏi cuộc đời này như một làn gió thoảng qua.” Thành bắt đầu ngẫm nghĩ sâu hơn.

Trong bài đọc thứ 2 trích từ thư của Thánh Phao-lô, Thanh nghe rõ nhất câu này: “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5) Anh chợt thấy … nhột nhột.

Cuối cùng bài Tin Mừng được vị phó tế vĩnh viễn đọc vang lên. Thầy Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.“

Chữ “tham lam” làm Thanh suy nghĩ. Anh tự hỏi bản thân có tham lam không. Không, anh không nghĩ mình là kẻ tham lam vì anh chẳng lấy của ai cái gì. Những gì anh có là do bàn tay lao động của anh làm ra.

Thánh Lễ kết thúc. Đang trên đường ra lấy xe để về nhà, Thanh nhìn thấy phía trước mình anh chàng nhân viên lau dọn trong công ty. Bỗng nhiên Thanh nhận ra sự khác biệt rất rõ giữa anh và người ấy. Khác biệt thứ nhất: Xe hơi của Thanh đắt tiền hơn xe hơi của anh ta. Khác biệt thứ hai: Nhà của Thanh mới và rộng hơn nhà anh ta. Khác biệt thứ ba: Thanh tướng tá đẹp trai hơn anh ta. Khác biệt thứ tư: Thanh có bằng cấp cao hơn anh ta. Nhưng khác biệt thứ năm mới làm Thanh để ý nhất, đó là: Thanh cười không tươi bằng anh ta. Nói cách khác, Thanh cảm thấy mình không bình an như người ấy.

Chiều hôm ấy, Thanh quyết định gọi điện với lý do thăm hỏi anh nhân viên nọ nhưng thực ra là đang loay hoay đi tìm câu trả lời cho khúc mắc trong lòng mình. Trong câu chuyện giữa hai người, Thanh nhận ra thêm những thua kém vật chất danh vọng của anh nhân viên. Cuối cùng, Thanh nói người ấy:

“Cậu có cần giúp đỡ gì thì cứ cho tôi biết.”

Người ấy đáp lại một cách chân tình: “Cám ơn sếp. Em thấy mình như vậy là đủ để hạnh phúc rồi.”

Thanh chợt giật mình khi nghe “đủ để hạnh phúc”. Phải rồi, đây là chìa khóa giải gỡ khúc mắc bấy lâu nay. Anh nhân viên lau chùi có thể không đủ tiền để mua cái nhà lớn hơn, không đủ bằng cấp để xã hội phải cung kính, không đủ quyền lực để sai khiến thiên hạ,… nhưng anh ta biết xem những gì mình đang có là đủ để tâm hồn thanh thản hạnh phúc.

Các ý nghĩ bỗng dồn về rất nhanh trong tâm trí giúp Thanh phản tỉnh. Rõ ràng là Thanh đang có “đủ để hạnh phúc”. Anh có một mái ấm gia đình quý giá mà anh lâu nay bỏ lơ. Đức tin cho anh ý nghĩa cuộc đời và bình an, vậy mà bấy lâu nay anh chẳng hề để ý chăm sóc. Của cải anh đang có là những hồng ân, vậy mà anh vẫn nghĩ là đương nhiên. Bầu trời trong veo mùa thu xinh đẹp thế mà hôm nay anh mới thấy…. Nguyên nhân của việc anh cảm thấy mình không hạnh phúc thật sự rất đơn giản: vì anh chưa biết ĐỦ. Vì chưa biết đủ nên anh chưa biết thưởng thức trọn vẹn. Đến lúc này thì anh nhận ra rằng không biết đủ là một dạng tham lam tinh tế. Hóa ra bấy lâu nay anh là một kẻ tham lam ngu ngốc mà không biết. Biết đủ không phải là dậm chân tại chỗ khước từ sự cầu tiến và phát triển, nhưng biết đủ là khôn ngoan tận hưởng những gì mình đang có trong tay một cách trân trọng và đầy tròn nhất.

Cuộc nói chuyện hôm ấy kết thúc bằng những tiếng cảm ơn được lặp đi lặp lại liên tục từ miệng Thanh. Anh nhân viên không hiểu sao sếp lại cảm ơn mình, mà lại cảm ơn nhiều lần nữa chứ. Còn Thanh thì vui mừng như tìm được một kho tàng chôn giấu bấy lâu nay. Thanh tự nhủ sẽ tìm cách “đền ơn” người nhân viên của mình.

Hôm nay, nhờ sống hai chữ BIẾT ĐỦ mà Thanh là một người hạnh phúc hơn nhiều. Anh có thêm không gian và thời gian để thưởng thức những điều quan trọng nhất của cuộc đời. Tốt hơn nữa, Thanh nhận ra một chân lý mà Thánh Tê-rê-xa thành Avila đã khám phá cách đây mấy trăm năm: có Chúa là có đủ.

Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm

15/08/2019 Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt

From: Xuan Nguyen

Người thợ mộc nghèo dành dụm cả đời được gần 3 triệu đô la để tài trợ các bạn trẻ vào đại học

Tác giả Hồng Phúc NguồnĐại Kỷ Nguyên TV Ngày đăng: 2019-08-17
Dale Schroeder – một người đàn ông ở tiểu bang Lowa, Hoa kỳ đã dành cả đời làm việc và tiết kiệm từng xu kiếm được để thực hiện điều ước cuối cùng: Tài trợ cho các em học sinh của thị trấn nhỏ Lowa được đi học đại học.
Có lẽ sẽ là không ngoa nếu nói ông Dale Schroeder là một “Triệu phú khu ổ chuột”. Bởi ông thậm chí chỉ có 2 chiến quần jean, nhưng đã chi tới 3 triệu đô la để tài trợ cho những đứa trẻ đi học.
“Ông ấy là một người lao động phổ thông điển hình, tay cầm hộp cơm trưa”, Steve Nielsen, một người bạn của Dale Schroeder, tại đài truyền hình trực thuộc CBS KCCI cho biết. “Ông ấy làm việc chăm chỉ mỗi ngày và sống đạm bạc như nhiều người trong khu vực”
Lớn lên trong nghèo khó và không thể đi học đại học.
Dale Schroeder không kết hôn, không có con và không học đại học. Ông làm thợ mộc trong một doanh nghiệp suốt 67 năm. Đó là một công việc vất vả và không có nhiều tiền, thế nhưng ông đã tiết kiệm từng xu trong suốt cả cuộc đời công nhân của mình với số tiền lên đến 3 triệu đô la!

Kira Conrad là một trong những “đứa con thừa hưởng của Dale Schroeder “

Trước khi qua đời, ông nói với một người bạn rằng ông muốn dùng tiền đó để giúp đỡ những người kém may mắn như ông đã không được học đại học.
Ông ấy muốn giúp đỡ những người trẻ tuổi, những người có lẽ sẽ không có cơ hội học đại học vì không có tiền, giống như ông trước kia”, Nielsen nói với kênh truyền hình.
Một người tự xưng là đồng nghiệp của ông Schroeder đã bình luận như dưới đây.
“Tôi đã làm việc với Dale 8 năm tại Moehl Millwork,” Deb Sanders Harre nói. “Thật là một người đàn ông tuyệt vời. Ông ấy đã giúp rất nhiều bạn trẻ được đi học đại học”

Đài truyền hình đã đưa tin về câu chuyện của ông Schroeder

“Chúa phù hộ trái tim hào phóng của ông ấy”, người khác bình luận. “Ông ấy đã làm thay đổi những số phận”
ABC Action News cho biết, nhờ sự giúp đỡ hào phóng của Schroeder, 33 sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Cô Kira Conrad – một trong những “đứa con của Dale” xúc động chia sẻ: “Tôi đã bật khóc ngay lập tức”
Conrad từng mơ ước được đi học đại học, nhưng là con gái út trong một gia đình mẹ đơn thân, cô không có tiền để trả học phí ở trường đại học. Nhờ quỹ học bổng của ông Dale Schroeder, cô đã tốt nghiệp và giờ đây đang bắt đầu sự nghiệp của mình để cống hiến cho xã hội, như “cha” cô đã từng làm.
“Tất cả những gì chúng tôi muốn các bạn trẻ làm là hãy lan tỏa lòng tốt cho người tiếp theo. Đó là cách “trả nợ” tốt nhất”, Nielsen nói. “Bạn không thể trả lại tiền cho Dale vì ông ấy đã mất. Nhưng bạn có thể nhớ đến ông ấy và giúp đỡ người khác như cách ông đã từng làm.”

Dale Schroeder – người đàn ông khiêm tốn đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều người

Câu chuyện về Dale Schroeder đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ độc giả.
Mọt người xúc động viết:
Ông ấy quả là một con người tuyệt vời. Tôi hy vọng những bạn trẻ này sẽ làm được nhiều điều tốt.
“Thật là một người đàn ông kỳ diệu! Khi bạn nghĩ rằng mình đã mất niềm tin vào nhân loại, ai đó sẽ đến để chứng minh với bạn rằng những người tốt vẫn còn tồn tại. Tôi hy vọng rằng những “đứa con” của ông ấy sẽ tiếp tục lan toả những hành động tử tế”.Một người khác chia sẻ.
“Một người đàn ông khiêm tốn đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều người”, một người khác viết. “Ông ấy đã để lại một di sản đáng quý và tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục! Chúa phù hộ ông ấy.”

 

Chúng ta không cần phải giàu có để làm điều tử tế. Bất kể là ai, ở thân phận nào, bạn đều có thể làm nên những điều kỳ diệu. Tôi yêu những câu chuyện đẹp như thế này, và tôi hi vọng bạn cũng thế.

from Đại Kỷ Nguyên – Feed – https://ift.tt/317lDm5

————
Ý kiến độc giả :
Cũng là chết, chết để người tưởng nhớ
Để tiếng lành thơm ngát mãi muôn sau
Cũng là chết, chết có ngàn hoa nở
Vì từ tâm làm tươi lại địa cầuNgô Minh Hằng 

Đừng làm gì khi đang giận dữ

Ngo Thu
Một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”

Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”

Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!” Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”

No photo description available.

Cuộc sống đã quá mệt mỏi, cớ sao phải nói lời tuyệt tình, ác khẩu với nhau?

Cuộc sống đã quá mệt mỏi, cớ sao phải nói lời tuyệt tình, ác khẩu với nhau?

Trong đời, một câu nói có thể mở ra đường sống cho một người và một câu nói cũng có thể đẩy người khác vào tuyệt lộ. Đúng như câu cổ ngữ: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.

Nữ tài xế taxi trên đường đi làm gặp một tên cướp. Hắn rút dao đe dọa chị phải nộp ra toàn bộ tiền mặt. Chị bình tĩnh giao tất cả số tiền trong người cho hắn, mỉm cười nói: “Hôm nay tôi chỉ kiếm được một chút này, mong rằng cậu không chê ít!”.

Tên cướp hơi sững người vì thái độ của chị, lặng lẽ cầm lấy số tiền trong tay chị, đoạn châm điếu thuốc hút một hơi dài. Nữ tài xế nhìn vẻ mặt đăm chiêu của tên cướp một hồi rồi nói: “Nhà cậu ở đâu? Tiện có xe ở đây, tôi sẽ đưa cậu về. Đã muộn như vậy rồi, đừng để người nhà phải lo lắng!”.

Tên cướp vẫn lặng lẽ châm thuốc đốt từng điếu, từng điếu, mắt vẫn không nhìn nữ tài xế, đột nhiên thu con dao nhọn lại đút vào túi quần. Nữ tài xế tiến lại gần hơn nói: “Tôi hiểu nỗi khổ tâm của cậu. Ngày trước nhà tôi cũng rất nghèo, tôi phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Sau này tôi theo người ta học lái xe mới có chút nghề như hôm nay. Dù không kiếm được quá nhiều tiền nhưng cũng không đến nỗi phải bán lương tâm. Mà này, cậu là nam nhi sức dài vai rộng, tứ chi lành lặn, sao không tìm lấy một nghề tử tế mà kiếm sống. Đi vào con đường này để cả cuộc đời bị hủy hoại sao? Năm nay tôi đã ngoài 40, tôi nom cậu còn trẻ lắm, chắc chưa đến 20, tương lai phía trước còn dài”.

Tên cướp lặng thinh chẳng nói một lời, hình như có tiếng thở dài khe khẽ ở phía ghế sau… Đi được một đoạn, tên cướp xin xuống. Nữ tài xế lấy hai chiếc bánh bao vẫn còn nóng để trong cốp xe dúi vào tay hắn mỉm cười: “Tiền của tôi coi như biếu cậu, nhớ dùng nó mà làm chút việc đúng đắn, sau này đừng đi làm cái việc không ra người thế này nữa. Bánh bao còn nóng, chắc từ tối đến giờ cậu cũng chưa ăn gì đúng không?”.

Đến lúc này, tên cướp không thể kìm nổi, đột nhiên bật khóc nức nở, hai tay ôm lấy khuôn mặt, nấc lên thành tiếng. Hắn lấy toàn bộ số tiền vừa cướp được khi nãy nhét vào tay chị tài xế, đoạn nói: “Chị ơi, sau này em có chết đói cũng nhất quyết không làm cái việc này nữa!”. Đường phố chẳng có một ai, người tài xế nữ mỉm cười đầy bao dung, lấy khăn tay lau từng hàng nước mắt không ngừng tuôn rơi trên khuôn mặt chàng thanh niên hiền lành vừa khi nãy vẫn còn là kẻ cướp hung tợn.

***

Lời nói có thể cảm hóa lòng người, cũng có thể đẩy một người vào tuyệt lộ. Lời nói thực sự có năng lượng, đôi lúc là mũi dao nhọn sát thương, đôi khi lại là dòng suối mát tưới tắm tâm hồn. Lời nói xuất phát từ một nội tâm thuần chính, lương thiện thực sự có thể làm tan chảy cả trời đất, có thể cải biến một nhân cách, cứu rỗi một cuộc đời. Ôi, sức mạnh của lời nói lớn đến độ như vậy sao!

Cuộc sống đã quá mỏi mệt rồi, tại sao người ta cứ phải dành những lời “ác khẩu”, cay nghiệt với nhau, tại sao không thể lùi một bước lắng nghe nhau, tại sao không thể trao cho nhau những lời thiện ý? Thiện niệm, lòng từ bi có thể cứu vớt một tên tội phạm trở thành người lương thiện, có thể mở ra ánh sáng cuối đường hầm cho một cuộc đời đầy bi kịch, có thể chiếu rọi ánh Mặt Trời vào những nơi u ám, tối tăm.

Văn Nhược

Image may contain: night and outdoor