Yêu tuyệt vời

Yêu tuyệt vời

Khi bà Clavia Novicova mất ở tuổi 94 tại làng Progress (Tiến bộ) vùng Viễn Đông, Nga, tiễn đưa bà chỉ có dăm ba người, không có người thân, không có bạn bè vì tất cả đã từ lâu về bên kia thế giới.

 Chỉ ở Nhật Bản, các hãng truyền hình lớn nhất đã đưa tin đậm: Người vợ Nga của ông Yasaburo đã mất!

 Ở đất nước mặt trời mọc, bà Clavia đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sự hy sinh: sống chung 37 năm, bà đã khuyên chồng trở về nước, về với người thân, về với người vợ Nhật đã chờ ông hơn nửa thế kỷ… 

 Clavia và Yasaburo gặp nhau năm 1959 khi cả hai đều trải qua trại tập trung của Stalin. Bà bị kết án 7 năm tù vì tội “hoang phí tài sản XHCN”, còn ông phải 10 năm “bóc lịch” vì là “gián điệp Nhật”. 

Cả hai lại cùng có nỗi đau riêng: bà đã có chồng, sinh con trai và chờ chồng trở về từ mặt trận. Nhưng khi bà bị kết án đưa đi vùng khỉ ho cò gáy là Kolyma thì chồng bà trở về đã lập gia đình khác. Ông cũng không kém bi kịch: sau khi cưới vợ ở Nhật Bản đã cùng vợ trẻ đến sống ở Triều Tiên và ở đó họ sinh 2 con, 1 trai, 1 gái

Vào mùa thu năm 1945, hồng quân Liên Xô tiến vào Triều Tiên, đã bắt gần như tất cả người Nhật và đưa về Liên Xô cải tạo với tội danh “làm gián điệp chống Liên Xô”. Yasaburo ngồi tù cùng Clavia ở gần thành phố Magadan. Khi ông ra tù, người ta lại quên không đưa ông vào danh sách tù binh chiến tranh để trao trả về Nhật. Thêm nữa, ông tuyệt vọng vì cứ nghĩ vợ con mình đã chết  và sợ hãi không biết đi đâu về đâu, nên rốt cục quyết định nhận quốc tịch Liên Xô, đổi tên thành Yakov Ivanovich.

 Họ gặp ngẫu nhiên. Nàng Clavia thấy một người đàn ông gày gò với  khuôn mặt không có nét Nga, mắt thì ngập tràn nỗi buồn mênh mang nên trái tim bỗng thắt lại vì thương cảm. Sau đó, bạn gái bà rủ bà đến sống ở làng Tiến Bộ, vùng Viễn Đông. Bà tạm biệt ông rời đi.

 Yasaburo viết thư cho bà, nài nỉ đến sống cùng bà ở nơi mới. Ban đầu bà từ chối vì sợ liên lụy khi quan hệ với một hàng binh Nhật, nhưng rồi tình yêu đã thắng và họ sống chung gần 40 năm. Ông làm nghề cắt tóc, chụp ảnh và châm cứu, bà thì trồng cà chua, dưa leo, nuôi dê. Cả hai sống cơ hàn, nhưng êm ấm, hạnh phúc. Ông không bao giờ to tiếng với bà, nhưng chỉ tiếc là hai ông bà không có con. 

Bà thổ lộ: “cả vùng không thể kiếm ra người đàn ông thứ hai: không uống rượu 🍷, không hút thuốc lá 🚬”.

 Yasaburo đã mua về 2 cỗ quan tài để nếu có chết cả hai sẽ cùng chết một ngày.

 Khi bắt đầu Cải tổ và tấm màn sắt buông xuống, một người thân đã kể cho các bạn hàng Nhật về một người Nhật kỳ lạ sống với vợ Nga ở làng Tiến Bộ. Họ về Nhật kiếm tìm người thân của ông Yasaburo, tìm thấy em trai ông, con gái ông và sau đó là người vợ Nhật tên là Hisako. Bà Hisako đã từ Triều Tiên về nước và vẫn chung thủy chờ chồng (con trai họ đã mất ở Triều Tiên). Bà hành nghề y tá và cả đời ky cóp đồng lương ít ỏi để xây cho mình và cho người chồng thất lạc một căn nhà nhỏ. Dù không chắc chắn ông còn sống hay đã mất, bà Hisako vẫn để tên chồng là người sở hữu nhà và tài khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Khi tìm ra thì con gái họ đã ngoài 50 tuổi.

 Sau đó, em trai và con gái ông sang Nga đến làng Tiến Bộ khuyên ông về nước, song ông đã từ chối nói với người vợ Nga “anh không bỏ em, em là tất cả với anh”.

 Bà Clavia đã quyết định đưa ông về lại Nhật vì ở đó điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn với người già và nhất là thương cảm người vợ Nhật mòn mỏi chờ chồng, mòn mỏi sống với mong ước được thấy lại mặt chồng, được ôm chồng lần cuối… 

 Một mình bà Clavia đã xoay sở làm cho ông hộ chiếu xuất ngoại, tự bà rút tiền tiết kiệm đổi ra đô la mua vé máy bay và chi phí ăn ở, đi lại cho ông… Và lại còn ly dị ông để ở Nhật Bản ông có lương hưu cũng như có quyền sở hữu và thừa kế tài sản.

Tháng 3 năm 1997, bà mãi mãi chia tay với người chồng Nhật. Yasaburo vẫn thường gửi đồ từ Nhật về cho bà, hàng tuần cứ vào thứ bảy ông lại gọi điện thăm bà…

 Sau khi biết được mối tình xuyên biên giới qua báo chí và cả phim tài liệu, truyện ký, người Nhật đã tổ chức quyên góp tiền cho chuyến đi tới Nhật của “bà Clavia”.

 Bà đến Nhật lúc đã ngoài 80 tuổi và lập tức trở thành nữ anh hùng ở đất nước này. Bà gặp người vợ Nhật của ông, cả hai ôm nhau khóc, họ hiểu nhau không cần phiên dịch.

 Sau đó, bà còn 2 lần đến Nhật, lần cuối là có mặt dự ra mắt vở kịch viết dựa trên câu chuyện về mối tình giữa người phụ nữ Nga và một hàng binh Nhật. Ông Yasaburo và bà Hisako đều muốn Clavia ở lại Nhật Bản, song bà đã từ chối vì muốn Yasaburo của mình “được sống đàng hoàng” và bà đã quen với cuộc sống đạm bạc ở Nga.

Hay tin bà mất, chàng Yasaburo lúc đó đã rất yếu viết thư gửi về làng bằng tiếng Nga

 “Clavia! Anh biết em đã mất và nỗi buồn tràn ngập trong anh. Anh đã định gọi điện cho em ngày 30/8 nhưng anh không còn sức. 40 năm sống cùng em ở Nga, em luôn bên anh, chăm sóc cho anh. Cảm ơn em về tất cả. Anh về được Nhật là nhờ những nỗ lực của em. Anh cám ơn em vô ngần. Anh còn nhớ chúng mình đã đóng quan tài cho cả hai. Giá còn sức khỏe, anh đã lao về bên em, ôm chặt em…nhưng anh không còn sức lực. Hãy ngủ ngon, Clavia yêu dấu! 

Yakov của em”

From: TU-PHUNG

Đôi mắt…

Đôi mắt…

Cuối cùng thì Linda Birtish đã hiến tặng toàn bộ cơ thể mình.

Linda là một  giáo viên rất nổi bật, cô nghĩ nếu có thời gian rảnh rỗi, cô sẽ năng vẽ những bức tranh tuyệt đẹp và sáng tác những bài thơ thật hay. Nhưng đến  năm 28 tuổi, cô bắt đầu bị hành hạ bởi những cơn đau đầu dữ dội. Rồi một  ngày nọ, bác sĩ phát hiện một khối u rất to ở trong não của cô. Họ bảo  rằng cơ hội sống sót sau khi phẫu thuật chỉ khoảng hai phần trăm.

Vì  vậy, thay vì phải tiến hành phẫu thuật ngay, các bác sĩ quyết định trì  hoãn thêm sáu tháng nữa.

Hơn ai hết, cô biết rõ mình có năng  khiếu thiên bẩm về hội họa. Vì thế, trong thời gian sáu tháng chờ đợi cơ  hội chiến thắng tử thần, cô lao vào làm thơ và vẽ tranh không mệt mỏi.

Tất cả những bài thơ của cô, trừ duy nhất một bài, đều được đăng trên các tạp chí nổi tiếng.

Tất cả các bức tranh của cô, trừ duy nhất một  bức, đều được đem triển lãm và bán cho rất nhiều người tại một số phòng  tranh danh tiếng.

Cô gửi gắm vào những bức tranh gam màu tươi sáng của  mình một khát vọng sống mãnh liệt, và gieo vào những vần thơ một cách  nhìn lạc quan, cho dù số phận có quay lưng lại với cô.

Sau sáu  tháng dài chờ đợi, Linda cuối cùng cũng được phẫu thuật. Đêm trước ngày  định mệnh ấy, cô quyết định sẽ cho đi tất cả những gì thuộc về mình. Cô  viết một bản “di chúc” rằng nếu chết đi, cô xin được hiến tặng toàn bộ  các bộ phận trên cơ thể mình cho bất kỳ ai đang cần chúng hơn cô.

Rủi  thay, cuộc phẫu thuật thất bại. Thế là đôi mắt của cô được chuyển đến  một ngân hàng mắt ở Bethesda, Maryland, và từ đó chuyển đến cấy ghép cho  một bệnh nhân sống ở tận vùng phía Nam Carolina. Và một chàng thanh  niên 28 tuổi mù lòa đã có thể nhìn thấy được.

Người thanh niên  và cả gia đình anh ấy đều rất đỗi vui mừng, anh gởi đến ngân hàng mắt  một lá thư cảm ơn vì đã giúp anh được sáng mắt trở lại. Đó chỉ là lá thư cảm ơn thứ hai mà ngân hàng mắt nhận được sau khi đã cho đi hơn 30.000  đôi mắt!

Hơn thế nữa, chàng thanh niên nọ cũng muốn gửi lời cảm  ơn đến gia đình của người đã hiến tặng anh đôi mắt. Anh nghĩ rằng họ  phải là những người vĩ đại lắm mới có được người con sẵn sàng cho đi đôi  mắt của mình.

Các bác sĩ cho anh địa chỉ của gia đình Linda và anh  quyết định bay ngay sang Stalen Island để gặp mặt bằng được những người  đã ban ơn cho mình. Không hề báo trước cho gia đình Linda, anh dò tìm  được địa chỉ của ngôi nhà, đến trước cửa và bấm chuông.

Sau khi nghe anh  thanh niên giới thiệu về mình và mục đích của anh trong chuyến đi này,  bà Birtish xúc động dang đôi tay ôm chầm lấy anh thanh niên nọ và nói:

“Này  chàng trai trẻ, nếu con chưa tìm thấy chỗ nào để nghỉ, vợ chồng ta rất  vui mời con ở lại chơi cùng chúng ta vào dịp cuối tuần này, con nhé!”

Anh  thanh niên rất vui được ở lại cùng gia đình họ. Khi bà Birtish dẫn anh  tham quan căn phòng của Linda ngày trước, anh thấy một cuốn sách của  triết gia Plato trên kệ sách của Linda. Anh cũng đọc Plato bằng chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị).

Rồi anh nhận ra cô gái ấy  rất thích đọc Hegel và một lần nữa, anh cũng từng đọc Hegel bằng chữ  Braille.

Buổi sáng hôm sau, bà Birtish nhìn anh thanh niên với vẻ dịu dàng và nói:

“Con trai ạ, ta chắc chắn là đã gặp con ở đâu đó trước đây rồi, nhưng ta lại không tài nào nhớ được.”

Rồi  bà chợt nhớ ra điều gì đó. Bà chạy vội lên lầu và lấy ra bức tranh cuối  cùng cũng là bức duy nhất mà Linda không bao giờ chịu bán đi khi cô ấy  còn sống. Đấy chính là bức chân dung người đàn ông lý tưởng mà cô đã gặp  trong những giấc mơ của mình.

Thật ngạc nhiên, khuôn mặt trong bức họa kia giống hệt với khuôn mặt người thanh niên đã nhận đôi mắt của Linda.

Sau đó, người mẹ của Linda đọc cho anh nghe một đoạn trong bài thơ cuối cùng mà cô đã viết trên giường bệnh:

“Trong giấc mơ, có 2 trái tim vô tình gặp gỡ họ yêu nhau… nhưng mãi mãi trong cõi thực, họ sẽ không gặp nhau…!”

From: Helen Huong Nguyen

Chuyến taxi cuối cùng của đời người

Chuyến taxi cuối cùng của đời người

Hai mươi năm trước đây, tôi lái xe tắc xi để kiếm sống.

Một đêm kia, có người gọi xe ở khu chung cư vào lúc 2 giờ 30 sáng. Tôi đến nơi, các dẫy nhà đều chìm lẫn trong bóng đêm ngoại trừ ánh sáng mù mờ từ khung của sổ kéo màn kín. Trong trường hợp này, các người lái xe thường nhấn còi một hay hai lần và chờ khoảng một phút, nếu không thấy động tĩnh gì là họ lái xe đi…

Nhưng tôi cũng biết rất nhiều người nghèo không có xe cộ gì cả và tắc xi là phương tiện di chuyển duy nhất mà họ trông cậy trong những hoàn cảnh đặc biệt hay trong những giờ giấc bất thường…. Trừ khi linh cảm có gì nguy hiểm ngăn cản, tôi thường ra khỏi xe và đi đến tận cửa, tự nhủ biết đâu có người đang cần tôi giúp…

Nghĩ như thế tôi bước tới gõ cửa.

“Xin chờ một chút” giọng nói rõ ràng là của một người già nhưng vẫn có phần trong trẻo và tôi có thể nghe tiếng của các vật dụng dường như đang bị kéo đi trên sàn nhà… Vài phút sau, cửa mở, một bà cụ khoảng 80 tuổi đứng ngay trước mặt tôi. Cụ mặc chiếc áo đầm dài in hoa, đội cái mũ trắng xinh xắn với dải lụa gài chung quanh, trông giống y như một người nào đó từ cuốn phim của những năm 1940 chợt bước ra, với chiếc va ly vải bên cạnh. Sau lưng cụ, căn phòng chung cư trống trải như quanh năm không có ai cư ngụ, tất cả bàn ghế đều được phủ kín bằng những tấm trải giường. Liếc nhìn qua vai cụ, không có bất kỳ vật dụng nào trên quầy trong bếp hay trên tường cả và sát chân tường trong góc phòng tôi có thể thấy mấy cái thùng giấy đầy những ly tách và khung ảnh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

– Phiền ông mang giúp tôi cái va ly này ra xe…

Tôi đem chiếc va ly cất ở thùng xe phía sau và quay trở lại giúp bà cụ. Cụ nắm cánh tay tôi và từng bước một, tôi dìu cụ xuống đường hướng về chiếc xe… Cụ luôn miệng nói cám ơn… “Không có chi, thưa cụ” – tôi nói, “cháu coi những người lớn tuổi như là mẹ của cháu vậy… ” – Cụ trả lời: “Ông tử tế lắm…. ”.

Sau khi giúp cụ yên ấm trên băng ghế sau, tội ngồi vào ghế lái và nổ máy xe. Cụ đưa cho tôi tờ giấy ghi địa chỉ nơi cụ muốn đến và hỏi tôi, rất nhỏ nhẹ:

– Ông có thể chạy ngang qua dưới phố cho tôi một chút không…

Liếc mắt vào tờ giấy ghi địa chỉ, tôi buột miệng:

– Nếu lái xuống phố thì đường xa hơn và lâu hơn nhiều…

– Cứ thong thả, ông à, không có gì vội vã cả, Tôi chỉ đi tới hospice thôi…

(hospice: nhà dành cho những người sắp từ giã cuôc sống).

Tôi ngước mắt nhìn, qua tấm gương chiếu hậu, đôi mắt cụ long lanh trong bóng tối.

– Tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này, và bác sĩ đã nói tôi cũng chẳng còn bao lâu nữa, hai hay ba tuần là nhiều…

Vói tay tắt cái máy ghi khoảng cách và tính tiền, tôi hỏi một cách nhỏ nhẹ:

– Thưa cụ muốn đi qua đường nào trước…

Trong hơn hai giờ kế tiếp, chúng tôi hầu như đi lanh quanh qua từng con đường trong các khu phố.

Cụ chỉ cho tôi toà nhà nhiều tầng mà một thời cụ đã làm người điều khiển thang máy.

Tôi lái xe qua một khu phố với những căn nhà nhỏ đã cũ nhưng xinh xắn, cụ nói với tôi ngày trước khi mới lập gia đình cụ đã ở trong khu này, và chỉ cho tôi căn nhà loang loáng dưới ánh đèn đêm…

Nhìn ánh mắt lưu luyến của cụ, tôi như thấy một trời quá khứ thương yêu đằm thắm của đôi vợ chồng trẻ.

Cụ ra hiệu cho tôi ngừng xe trước nhà kho của cửa tiệm bán giường tủ, bàn ghế, nhẹ nhàng bảo tôi trước đây chỗ này là một vũ trường sang trọng và nổi tiếng, cụ đã từng hãnh diện đến đây khiêu vũ lần đầu khi là một thiếu nữ mười sáu tuổi…

Trong giọng nói cụ tôi thấy thấp thoáng hình ảnh một thiếu nữ trẻ trung sáng ngời với bộ dạ phục xinh đẹp và nụ cười tươi tắn hân hoan… Đôi khi, cụ bảo tôi đậu xe trước một toà nhà nào đó hay ở một góc phố khuất nẻo không tên…. và cụ im lặng thẫn thờ trong bóng tối như đắm chìm với cả một dĩ vãng xa xăm bao la và sâu thẳm…

Khi trời chập choạng trong ánh sáng đầu tiên của ban ngày, cụ nói với tôi khẽ khàng như một hơi thở nhẹ:

– Thôi, mình đi…

Tôi lái xe trong im lặng đến khu nhà hospice. Đó là một dẫy nhà thấp, kín đáo, ngăn nắp và gọn gàng. Tôi vừa ngừng xe là đã có hai người xuất hiện với chiếc xe lăn như là họ đã chờ đợi từ lâu rồi. Tôi bước xuống mở thùng xe phía sau để lấy chiếc va ly nhỏ của cụ mang tới để ngay cửa chính, xong quay trở ra đã thấy cụ đã được đỡ ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn.

– Bao nhiêu tiền vậy cháu? – Cụ vừa hỏi vừa mở cái bóp nhỏ…

– Cháu không lấy tiền bác đâu… – tôi trả lời.

– Nhưng cháu phải kiếm sống chứ…

– Đã có những khách hàng khác, thưa bác…

Gần như không tính toán so đo, tôi cúi xuống ôm lấy bờ vai cụ. Đáp lại, cụ ôm tôi thật chặt:

– Cám ơn cháu đã cho cụ già này khoảng thời gian thật quý giá và đầy ý nghĩa.

Tôi xiết chặt tay cụ và quay bước đi trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày mới đến. Sau lưng tôi có tiếng cửa đóng. Tôi cảm thấy như cả một cuộc đời vừa được khép lại phía sau.

Tôi không có thêm người khách nào khác trong buổi sáng đó. Tôi chạy xe loanh quanh không có mục đích và dường như tôi cũng chẳng biết mình đi đâu nữa…

Suốt cả ngày hôm đó hầu như tôi không thể nói được với ai lời nào cả… Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu cụ già gặp phải một người tài xế đang ở cuối buổi làm, nóng nẩy chỉ muốn chóng xong việc để còn về nhà… Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tôi từ chối không nhận đón người khách là cụ hay tôi không bước xuống gõ cửa mà chỉ ngồi trên xe nhận kèn một lần rồi lái xe đi…

Tự nhiên, tôi bỗng nghiệm thấy trong quãng đời trẻ trung ngắn ngủi của mình, dường như là tôi chưa làm được chuyện gì có ý nghĩa hơn là chuyện tôi đã làm trong buổi sáng hôm ấy.

Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng cuộc đời sẽ có những khúc quanh quan trọng, đánh dấu bằng những sự việc to lớn, dễ dàng ghi nhớ…

Nhưng thật ra, đẹp nhất vẫn là những phút giây nhỏ bé bất ngờ nhưng có xúc cảm mãnh liệt khiến ta phải bàng hoàng đến tê dại cả tâm hồn…

Xin chia xẻ câu chuyện nhỏ này với các bạn, hy vọng vì thế cuộc đời chung quanh chúng ta sẽ ấm cúng và có ý nghĩa hơn.

Cung Nhật Thành – lược dịch.

Một cơn giận 

Một cơn giận 

Thạch Lam

(Nhà văn Tự Lực Văn Đoàn)

Một truyện ngắn thật hay, thật xúc động, của Thạch Lam

Một buổi tối mùa đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình.

Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:

– Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.

Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:

– Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.

– Thầy cho sáu xu.

– Không, bốn xu là đúng giá rồi.

Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: “Bốn đồng xu từ đây về nhà bò”. Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:

– Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.

Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:

– Lại đây đi mà.

Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:

– Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.

Anh xe cãi lại:

– Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!

– Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.

Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.

Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu “con lợn” cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.

– Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.

– Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!

Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:

– Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.

Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.

Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.

– Ê! Đứng lại!

Người kéo xe dừng chân… Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:

– Lạy thầy… thầy nói giúp con… thầy làm ơn…

Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.

Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:

– Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!

Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.

– Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?

Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:

– Tôi đi từ phố hàng Bún.

– Vậy phiền ông xuống xe.

Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:

– Allez! Đi về bót!

Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.

Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?

Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.

Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.

Tôi nhất đinh đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.

Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:

– Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

– Bác Dư có nhà không ?

– Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

– Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

– Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:

– Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không đuợc nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

– Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

– Thế bây giờ bác ta đâu?

Bà cụ trả lời:

– Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.

Tôi yên lặng, trong lòng náo nức

Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

– Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?

Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, măt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thỏang lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.

– Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rướm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bươc ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.

Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà.

Đứa bé con đã chết.

Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi nói tiếp:

– Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi.

THẠCH LAM

From: Tu-Phung

Đến chó nó cũng hổng tin…

Le Tu Ngoc

Đến chó nó cũng hổng tin…

Có ông già nọ đang bị bệnh nan y mà nhà thì rất nghèo nên bà vợ ông lo lắm; tiền đâu thuốc thang cho ông, nếu rủi như ông qua đời thì tiền đâu lo hòm quách, tang lễ cho ông. Một hôm ông nói với vợ điện thằng con đang đi học xa về gấp để ông bàn ít việc trước khi qua đời. Khi thằng con về, ông nói:

– Con đem giấy bút ra; ba nói, con viết cái di chúc cho ba, rồi con đem lên Phường ký; chứ ba qua đời đột ngột thì sẽ khó cho con sau này!

Thằng con nghe vậy, đem giấy ra; ông bảo thằng con viết:

“Khi tôi qua đời, tài sản, nhà cửa, ruộng nương, cây cối, vườn tược và 1000 cây vàng tôi giao hết lại cho đứa con trai độc nhất của tôi…!”.

Khi ông nói đến đây, thằng con hết sức ngạc nhiên nói:

– Ba điên rồi hả ba! Vàng, ba mẹ hiện ko có một phân, ở đâu 1000 cây mà ba nói vậy!

– Mầy điên thì có, mầy khờ thì có! Mầy cứ viết vào; biết đâu sau này mầy làm quan, mầy xây biệt phủ… Họ có kiểm tra thì có cơ sở để nói, chứ mầy nói nuôi gà, nuôi vịt, nấu diệu, làm giày; làm chổi đót thì đến chó nó cũng không tin !!!???

#Gota chia sẻ từ Xuanphung Pham

ảnh minh hoạ từ fb Phan Lê Long

BỮA TIỆC ĐÊM.

BỮA TIỆC ĐÊM.

Chị là Oshin… giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có.
Đêm xuống, xong việc, chị vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo:
-Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không?
– Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi.
Ông chủ ân cần:
– Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé!

Chị mang theo con trai đến.
Đi đường nói với nó rằng :
-Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm.
Thằng bé rất háo hức.
Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ…
Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện.
Chị rất bận nên không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người.
Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách: đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ nhà ,đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay.
Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với con:
– Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu!
Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi khi xong việc chị đón về.
Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà nó chưa từng được biết.
Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.

Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng:
– Không biết nó đã chạy đi đằng nào…
Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói.
Ông lặng lẽ đi tìm…
Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người:
– Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ?
Thằng bé hồ hởi:
– Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!

Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp:
– Con hãy đợi ta nhé!
Rồi ông quay​ lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay.
Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự…
Thằng bé mở cửa…
Ông bước vào:
– Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé!
Thằng bé vui sướng lắm.
Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ…
Mọi người cũng đã biết.
Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ…
Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!

Nhiều năm tháng qua đi…
Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội… nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ.

Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…!!!

From: ngocnga_12 & ThuNNguyen

Lời nói của đứa trẻ nghèo khiến người giàu xấu hổ

Lời nói của đứa trẻ nghèo khiến người giàu xấu hổ

Nhà từ thiện người Mỹ Kenneth Behring đã từng nói: “Đừng bao giờ phán đoán bừa bãi về người khác”…

Vào những năm 1990 của thế kỷ 20, Behring đang đi ngang qua vùng Vịnh San Francisco thì bất ngờ phát hiện chiếc ví của mình bị mất. Người trợ lý lo lắng nói: “Có lẽ nó đã bị mất khi đi bộ qua khu ổ chuột ở Berkeley vào buổi sáng. Vậy phải làm sao bây giờ?”

Behring tỏ ra bất đắc dĩ nói: “Chúng ta chỉ có thể chờ người nhặt được ví liên lạc tới mà thôi”.

Hai giờ sau, người trợ lý thất vọng nói: “Mất rồi, đừng đợi nữa. Chúng ta không nên hy vọng vào những người ở khu ổ chuột”.

“Không, ta vẫn muốn chờ thêm một chút”. Behring bình tĩnh nói.

Nhà từ thiện người Mỹ Kenneth Behring 

Người trợ lý cảm thấy rất khó hiểu, nói: “Trong ví có danh thiếp, người nhặt được nếu như muốn trả lại cho chúng ta thì họ chỉ cần mất vài phút gọi điện thoại. Nhưng chúng ta đã đợi cả buổi chiều, rõ ràng là họ không có ý định trả rồi”. 

Behring vẫn kiên trì chờ đợi. Khi trời sắp tối, chuông điện thoại đột nhiên vang lên. Chính người nhặt ví đã gọi điện và yêu cầu họ đến nhận ví tại một địa điểm trên phố Kata.

Người trợ lý càu nhàu: “Đây lẽ nào là một cái bẫy? Chẳng lẽ họ bắt cóc tống tiền?”

Behring không để ý đến lời nói của người trợ lý, lập tức lái ô tô đến khu phố Kata. Khi đến nơi hẹn, một cậu bé mặc quần áo rách rưới đi tới, trên tay cầm chiếc ví của Behring. Người trợ lý cầm chiếc ví, ông mở ra và đếm đếm, phát hiện thấy trong ví không thiếu một đồng tiền nào. 

“Cháu có một thỉnh cầu”. Cậu bé nghèo nói. “Các ông có thể cho cháu một chút tiền không?” 

Lúc này, người trợ lý cười ha hả: “Ta biết ngay…” Behring vội ngắt lời người trợ lý rồi mỉm cười hỏi cậu bé muốn bao nhiêu tiền.

Cậu bé nghèo không suy nghĩ nhiều liền nói: “Chỉ cần một đô la là đủ”. “Cháu mất rất nhiều thời gian mới tìm được nơi có điện thoại công cộng, nhưng cháu không có tiền, vì vậy cháu phải mượn một đô la của người khác để gọi điện. Giờ cháu cần phải trả lại số tiền này cho người ta”. 

Nhìn vào đôi mắt trong veo của cậu bé, người trợ lý cúi đầu xấu hổ. Behring hào hứng ôm cậu bé.

Ngay lập tức, Behring đã thay đổi kế hoạch từ thiện trước đó của mình. Thay vào đó, ông đầu tư vào việc xây dựng một số trường học ở Berkeley để trẻ em nghèo từ các khu ổ chuột dù không có tiền vẫn được đến trường.

Trong buổi lễ khai giảng, Behring nói: “Đừng phán đoán bừa bãi về người khác. Chúng ta cần cho mỗi người một cơ hội, chào đón một trái tim nhân hậu thuần khiết. Một trái tim như vậy đáng để chúng ta đầu tư”.

San San biên dịch

From: Helen Huong Nguyen

VỢ LỚN – VỢ NHỎ…!

Những Câu Chuyện Thú Vị – Ncctv.net

Đinh Trực    

VỢ LỚN – VỢ NHỎ…!

Cưới nhau được hơn hai tháng thì ông đi tập kết, bỏ lại cho người vợ trẻ 20 tuổi và nhà cửa, ruộng vườn cùng cha, mẹ già yếu nay bệnh mai đau…! Khi ông còn xa miệt mù bên chiến tuyến, thì ở quê nhà song thân của ông lần lượt qua đời…!

Mồ yên mả đẹp cho Ba, Má chồng xong, cô vợ tiếp tục thủ tiết chờ chồng, lo canh tác ruộng vườn, giữ gìn đất cát, thờ cúng, chăm sóc mồ mã tổ tiên bên chồng, bỏ hết những lời ngọt ngào yêu thương của những người đàn ông xa gần vây quanh ngỏ ý…

Sau ngày 30/4/1975, bà càng thấp thỏm mong ngóng ông về. Bộ lư hương trên bàn thờ được bà lau chùi không biết bao nhiêu lần, màu đồng đã lên nước sáng choang, cơ ngơi trên dưới, trong nhà ngoài vườn luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Bà sợ ông về mà nhà cửa bộn bề thì bị trách chưa tròn phận vợ hiền…!

Nghe trong xã có ai đi tập kết trở về là bà tới hỏi thăm ngoài đó có gặp ông không, nhưng chỉ nhận lại lắc đầu từ họ…, nhưng họ nói không có giấy báo tử thì cứ yên tâm chờ ông về…

Bà mừng lắm…, tối nằm nhẩm tính năm nay bà 41 tuổi, còn ông 43 không biết có còn đẻ con được hay không, nếu ông trở về thì bà sẽ sinh cho dòng họ chồng một, hai đứa con nói dõi tông đường, có người đốt nhang thờ tự trước bàn thờ…!

Bà cảm thấy nóng ran mặt mũi vì mắc cỡ với ý nghĩ đó nhưng nỗi khát khao được làm vợ, làm mẹ vẫn âm ỉ hơn trong lòng suốt 20 năm qua, chẳng dám nói cùng ai…, nay đang bùng lên dữ dội trong lòng bà…

Sáng bà dậy sớm đón xe lam xuống Bệnh viện, Bác sỹ khám xong, nói bà vẫn còn khả năng làm mẹ, như lượm được vàng, trên đường về bà ghé chợ mua vài món đồ riêng của đàn bà mà lâu nay vì xa chồng bà đã không nhớ tới, về nhà bà tìm chỗ kín đáo để cất, sợ chị em bạn nhìn thấy thì chỉ có nước độn thổ…

Tháng 10 âm lịch trời lập đông, gió bấc thổi ù ù trên đọt cây vú sửa sau vườn…, thì bỗng ông trở về nhưng không phải một mình mà với bà vợ, người một tỉnh miền Trung và hai đứa con, một trai một gái đã gần 20 tuổi…

Chỉ vài ngày sau, khi sự đau đớn, hụt hẫng tận cùng vẫn còn nguyên, chưa kịp hoàn hồn để tính toán được gì cho mình thì bà đã bị mẹ con vợ nhỏ thẳng tay đuổi ra khỏi nhà, ông có can ngăn nhưng rất yếu ớt vì hình như ông đã bị lép vế trong cái gia đình đó từ lâu.

Bà vốn ăn nói nhỏ nhẹ, kính trên nhường dưới nên không phải là đối thủ của bà vợ sau, miệng ào ào tuôn những ngôn từ đanh đá có vần có điệu cướp lời không cho ai nói, cùng sự phụ họa của hai đứa con cũng chanh chua không thua gì mẹ.

Nghĩ tại ông Trời bắt mình bạc phận, vô duyên, bà nước mắt ngắn dài lo thu dọn áo quần dù chưa biết sẽ đi đâu khi Ba, Má ruột cũng đã mất, còn đứa em trai duy nhất thì ở bên vợ xa quê…

Nhưng bà con lối xóm và dòng họ bên chồng thì không chịu thua, họ đồng lòng lên tiếng phản đối, cuối cùng bà cũng được chia ba công ruộng gò, giáp ranh nghĩa địa của xã. Còn lại một mẫu ruộng tốt và mảnh vườn gần hai công có căn nhà thờ trong xóm phải giao lại cho ông và mẹ con vợ nhỏ.

Làng xóm xúm nhau đào đất đắp nền dựng một căn nhà lá ngoài ruộng để bà ở, rồi người này cho cái lu, người kia cho cái chén, đôi đũa…. Mỗi tối vài chị em bạn tới ngủ qua đêm để bà làm quen từ từ với chuyện nhà ở sát bên nghĩa địa.

Người vợ lớn thực tế không chồng, không con từ đó làm lụng sinh sống trên đám ruộng của mình…

Ông chồng không dám, dù chỉ một lần đến căn nhà lá của bà, còn bà thì bị mẹ con vợ nhỏ cấm bước vô căn nhà thờ do bà giữ gìn, chăm sóc hơn 20 năm nên bà dành dụm mua một cái tủ thờ để cúng kiếng Ba Má chồng…!

Thời kinh tế thị trường, mẹ con vợ nhỏ bán sạch ruộng vườn tổ tiên của ông để lấy tiền về “xây dựng kinh tế” ngoài quê, chỉ chừa mỗi căn nhà thờ cho ông ở vì không hiểu sao lần này Ông nhất định không theo vợ nhỏ về tỉnh ngoài Trung đó…?

Càng lớn tuổi ông càng nhiều bệnh nên đi đứng, vệ sinh rất khó khăn nhưng chỉ sống một mình, không vợ, không con, không cả tiền chi tiêu trong căn nhà thờ đã bắt đầu hoang tàn, đổ nát và nồng nặc mùi xú uế do ông thải ra lâu ngày không ai dọn rửa.

Cám cảnh cô đơn của chồng xưa…!

Bà lại sớm sớm chiều chiều chăm lo cho ông. Ngôi nhà thờ nhờ vậy lại được gọn gàng, sạch sẽ, nhang khói ấm cúng chứ không lạnh lẽo như trước…!

Nghĩa địa giải tỏa để xây chợ, Xã lên Phường, lên Quận, mấy đám ruộng gò có vị trí xấu của bà tự nhiên có hai mặt tiền mà mặt tiền, giáp với ngôi chợ mới, dài hơn trăm mét nên có giá hàng ngàn lượng vàng… Biết tin này, Mẹ con vợ nhỏ tức tốc “Nam tiến”, họ kéo nhiều người đồng hương tới chửi bới, la lối hăm dọa buộc bà phải “trả ngay đất của tổ tông cho con của bà…?”.

Chuyện chia đất lúc bà bị đẩy đuổi năm xưa được một người am hiểu giúp làm giấy tờ đúng qui định nên bà đã được cấp giấy đỏ, nhân chứng sống còn nhiều, ông giờ cũng cứng rắn bảo vệ lẽ phải chứ không yếu đuối mặc cho vợ nhỏ muốn làm gì thì làm. Mẹ con vợ nhỏ bị lập Biên bản gây rối trật tự công cộng, đám người lạ mặt bị buộc phải lập tức giải tán nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, lại thêm bà con mỗi người một câu chê bai, đàn ông trai tráng trong phường biết chuyện kéo tới rần rần, tỏ rõ thái độ sẵn sàng ra tay bảo vệ bà nếu bên kia dám làm liều nên mẹ con vợ nhỏ cùng đám đồng hương đành phải vội vã rời khỏi hiện trường…

Ngày ông về với tổ tiên…, chỉ có bà và ít người bên họ chồng đứng cạnh quan tài, bà vẫn để tang chồng dù chỉ được làm vợ một lần nữa với ông khi chưa đầy 6 tháng…!

Nhưng may mắn thay, bà đã có giọt máu của ông đã chảy trong huyết quản…!

Bà có tìm được số điện thoại rồi nhờ người gọi báo nhưng vợ nhỏ của ông, bà vợ nhỏ không còn sức để đi xa vì đã nhiều năm bệnh tật triền miên, hai đứa con của vợ nhỏ đã đi khỏi xứ từ lâu, không biết làm ăn ra sao mà không thấy về, cũng rất ít khi gọi điện dù chúng biết rõ mẹ đẻ đang sống quạnh quẽ một mình với tuổi già ốm yếu ở quê nhà…!

Ngẫm ra, bà là một người có tình người trong thiên hạ…!

(Đinh Trực sưu tầm)

KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ THÍ MẠNG SỐNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH.

Ngỗng Canada

 Ngỗng Canada

(Hien Pham Facebook)

Bài PHẠM HIỀN

Ngày đó mới về nông trại ở, thấy cái gì hay con gì cũng ngắm.

Hãng cho làm ở nhà, giờ giấc không cần thiết phải theo giờ hành chính nhưng phải hoàn tất project đúng kỳ hạn. Mình tranh thủ làm nên có nhiều thời giờ rảnh để ngắm.

Buổi chiều nọ đi lại một gốc bụi cây thì thấy con ngỗng Canada đang nằm trong tổ. Mình lại gần nên nó bay đi. Nhìn vào tổ thấy có ba trứng ngỗng to nên cầm ra ngoài khoe. Sau đó bỏ trứng lại nhưng con ngỗng không bay về tổ nữa. Sau này mình mới biết ngỗng mẹ ngửi mùi tay người là nó bỏ. Buộc mình phải đem trứng bỏ trong lò ấp. Khi nở ra thì chỉ có hai con. Còn một trứng thì bị hư.

Từ đó mình làm mẹ ngỗng Canada. Lúc nào cũng để nó theo mình. Cặp đôi lớn như thổi lúc nào cũng quanh quẩn bên mình. Lớn xác nhưng chưa biết bay dù mình thấy hai đứa nó cũng có thân xác to bằng những con ngoài trời.

Rồi tháng ngày qua đi, con mình nó cũng biết bay. Mỗi lần thấy ngỗng trời bay đậu gần nhà thì mình bò theo để con mình nó ra gặp bà con cùng giống của nó. Biết đâu nó sẽ theo bầy. Mình quan niệm của thiên nhiên trả về thiên nhiên nếu hợp với hoàn cảnh ưa thích của nó. Cặp con mình cũng bay lại làm quen với bầy. Rồi một ngày cặp con của mình nó vỗ cánh theo bầy. Con nó lượn một vòng nhìn mình lần cuối rồi mất dần về hướng Bắc.

Nuôi hơn một năm trời, bắt từng con trùng, hái từng ngọn cỏ đút nó ăn nên tình cảm cũng dính liền với nó. Nhớ và thương nó nhiều.

Rồi tháng ngày bận rộn nên mình cũng quên, thì hai đứa con mình nó bay về. Hơi ngờ ngợ vì nó dẫn thêm năm con khác nữa (con của nó). Lúc đó mình mới biết hai con của mình là đực cái.

Hai đứa nó lại gần và để mình ôm nó vuốt ve nó. Tuyệt nhiên năm đứa con của nó đứng xa xa nhìn. Mình đem bắp cho hai đứa ăn nhưng con nó không ăn từ tay mình, ngay cả lúc mình giục bắp gần tụi nó, nhưng tụi nhỏ không ăn. Nó lòng vòng bay đi và về trong một tuần rồi bay mất.

Hàng năm vào cuối tháng 11 thì hai đứa nó về và dẫn theo một bầy ngỗng mỗi năm mỗi nhiều hơn. Cứ thế hai đứa ở nhà một tuần rồi mất dạng.

Mỗi năm mỗi về và năm thứ 14 thì về chỉ một con, nguyên đàn của nó chỉ bay lạng về ngày đầu rồi bay mất. Lính cảm cho mình biết là một đứa bị chết.

Mình bắt đầu đọc sách về loại ngỗng Canada. Loài này chỉ một vợ, một chồng. Nếu một trong hai con chết thì con kia sẽ không bao giờ tìm bạn tình. Trước khi chết bao giờ nó cũng về nơi nguyên thủy của nó.

Nó ở với mình một năm. Nó bay đi bay về và tối ngủ lại nhà. Rồi bỗng nhiên nó chỉ nằm trong tổ không bay đi đâu, mình đem cỏ tươi và nước nhưng nó không ăn. Được ba ngày như vậy thì mình tính đưa đi bác sĩ thú y. Mình nghĩ nó bệnh…. nhưng tối đó mình lại, nó chúi đầu vào lòng mình. Mình ôm nó thật lâu rồi mới vào nhà. Đêm đó nó qua đời , thọ 15 năm… không ngờ nó nhịn đói, khát để chết.

Buồn mấy tháng trời. Giờ mỗi lần thấy ngỗng Canada là nhớ nó.
Tuổi thọ của ngỗng Canada là 25 năm.
Nhớ con quá!

(Nguồn: Hien Pham Facebook. Tác giả ghi chi tiết trên Facebook là đã về hưu ở Arlington, Texas, từng làm kỹ sư tại hãng Fujitsu Americas, dạy toán ở đại học DeVry University.)

Một câu chuyện về lòng kiên trì 

Một câu chuyện về lòng kiên trì 

Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở DeMoines. Tôi luôn kiếm được lợi tức từ công việc dạy đàn dương cầm _ đó là một công việc mà tôi đã làm suốt 30 năm qua. Trong thời gian đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em có những khả năng về âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi chưa bao giờ có hứng thú trong việc có học sinh thuộc dạng “cần nâng đỡ” mặc dù tôi đã từng dạy một vài học sinh tài năng. Tuy nhiên tôi cũng dành thì giờ vào những học sinh mà tôi gọi là “trơ nhạc”. Một trong những học sinh đó là Robby.

Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu thả vào lớp trong bài học dương cầm đầu tiên. Tôi thích những học sinh (đặc biệt là những cậu bé) bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn, và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy tôi đã nhận cậu vào học. Thế là Robby bắt đầu những bài học dương cầm đầu tiên và tôi nghĩ rằng đó là sự cố gắng vô vọng. Robby càng cố gắng, cậu càng thiếu khả năng cảm thụ âm nhạc cần thiết để tiến bộ. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc sơ đẳng mà tôi yêu cầu cất cả các học sinh của mình đều phải học. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn nói: “Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn”. Nhưng điều đó dường như vô vọng. Cậu không hề có một năng khiếu bẩm sinh nào. Tôi chỉ thấy mẹ cậu (một phụ nữ không chồng) ở một khoảng cách khá xa khi thả cậu xuống xe và chờ cậu trong một chiếc xe hơi cũ mèm khi đến đón cậu. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu.

Thế rồi một ngày nọ Robby không đến học nữa, tôi định gọi điện cho cậu nhưng thôi, bởi vì cậu không hề có chút năng khiếu nào, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Tôi cũng vui khi cậu không đến nữa. Cậu làm cho sự quảng bá trong việc dạy dỗ của tôi mất ưu thế! Vài tuần sau đó, tôi gởi đến nhà những học sinh của mình các tờ bướm thông báo cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby (cũng đã nhận một tờ bướm) hỏi xem cậu có được tham dự biểu diễn hay không. Tôi bảo với cậu, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học, vì cậu đã thôi học nên cậu sẽ không đủ khả năng thực hiện. Cậu nói rằng mẹ cậu đang ốm và không thể chở cậu đi học nữa, nhưng cậu vẫn luôn luyện tập. “Cô Hondorf… cô cho em diễn một lần thôi…”, cậu nài nỉ. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi cho phép cậu chơi trong buổi trình tấu đó. Có thể là cậu đã tha thiết quá, hoặc là một điều gì đó trong tôi đã bảo mách tôi rằng điều đó là đúng. 

Đêm biểu diễn đã đến. Trong hội trường đông nghịt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình trước khi tôi xuất hiện để kết thúc và cảm ơn những học sinh đã trình diễn. Tôi nghĩ rằng tất cả những rủi ro mà cậu có thể gây ra cũng là lúc kết thúc và nếu có bề gì thì tôi cũng có thể “chữa cháy” cho sự biểu diễn yếu kém của cậu bằng tiết mục “hạ màn” của tôi. Và buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. A? quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ.

“Tại sao cậu lại không ăn vận như những học sinh khác nhỉ? Tôi nghĩ “Tại sao ít ra mẹ cậu lại không chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ?” 

Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu tuyên bố rằng cậu chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím ngà. Cậu đã chơi những giai điệu từ nhẹ nhàng êm dịu đến hùng tráng… thật có hồn và đầy điêu luyện trong sự phối âm tuyệt diệu của nhạc Mozart. Chưa bao giờ tôi nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế. Sau 6 phút rưỡi cậu đã kết thúc trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu và vòng tay ôm lấy Robby trong hạnh phúc: “Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó?”. Robby giải thích qua chiếc micro “Thưa cô Hondorf… cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt”.

Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở Trại Xã Hội đưa cậu từ sân khấu trở về trại mồ côi tôi nhận thấy mắt họ đỏ và sưng mọng. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng nhận một học sinh như Robby. Không, tôi chưa bao giờ nhận một học sinh nào “cần nâng đỡ”, nhưng đêm đó tôi trở thành người được nâng đỡ bởi Robby. Cậu là thầy của tôi và tôi chỉ là một học trò. Bởi vì cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta và điều đó có thể tạo ra cho người khác một cơ hội mà chúng ta không biết vì sao. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi sau này tôi biết Robby bị chết trong vụ nổ bom điên rồ tại tòa nhà Alfred P. Murrah Federal ở thành phố Oklahoma vào tháng 4 năm 1995 nơi cậu đang biểu diễn.

( Từ Reader’s Digest)

From: Tu-Phung

Tôi cay đắng vì không thể tha thứ cho mình

Le Tu Ngoc

Dưới đây là tâm sự của 1 vị giáo sư già kể về mối tình ngoài luồng của mình lúc còn trẻ, đăng trên trang Chuyện Khó tin nhưng có thật

Tôi cay đắng vì không thể tha thứ cho mình

Phải giấu đi một sự thật điều đó đã là quá sức đối với con người. Mang mặc cảm tội lỗi mà mình dù đã tìm mọi cách để tha thứ cho mình rồi mà không thể được, điều đó còn kinh khủng hơn. Thực sự tôi vô cùng cay đắng vì tôi không thể tha thứ cho mình…

Điều cay đắng nhất của tôi là không thể tha thứ cho chính bản thân mình.

Mặc dù chuyện của tôi rất ít ai biết, nếu không nói rằng chỉ tôi mới biết tội lỗi của tôi. Nếu ai đó cho rằng, thời gian có thể tha thứ cho tất cả, sự sám hối bản thân có thể gột rửa đi tất cả, than ôi đó chỉ là sự ngụy biện, sự lừa dối chính mình thêm một lần nữa.

Tôi đã giấu mình trong bóng tối quá lâu, và tôi bất lực, tôi cay đắng nhận ra rằng không có cách gì cứu chữa lành được vết thương trong tâm hồn tôi.

Tôi năm nay đã ngoài 60, là một vị giáo sư khả kính, sống ở một thành phố lớn.

Cách đây vài chục năm, xảy ra một chuyện hết sức đau khổ.

Tôi công tác ở một viện nghiên cứu, tôi đã có vợ và con ở quê. Tôi phải lòng một nhân viên cấp dưới của tôi ở viện. Phải nói một cách trung thực là cô gái đó rất mê tôi, tôn thờ tôi như một thần tượng. Chính cô đã chủ động bày tỏ tình cảm với tôi và dâng hiến cuộc đời trong trắng của cô ấy cho tôi mà không một đòi hỏi.

Đó là một mối tình đau khổ và ngang trái, vì thật lòng trước tình yêu si mê và cuồng nhiệt của một thiếu nữ trong trắng và ngây thơ, tôi không thể không đắm mình ngây ngất, nhưng tôi luôn cảm thấy đau khổ vì tôi không còn cơ hội để tiến tới hôn nhân với cô ấy được.

Cô gái ấy là một người rất thông minh, lòng tự trọng cao. Biết tôi dằn vặt và đau khổ vì yêu, cô luôn an ủi động viên tôi rằng cô ấy chỉ yêu tôi chứ không có ý định cưới tôi, không có ý định lấy tôi làm chồng.

Tôi và cô gái yêu nhau lén lút được 5 tháng thì tôi có giấy mời đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Tôi thở phào vì có lẽ cuộc chia tay khá dài trong năm tới có thể sẽ giúp cả tôi và cô gái chấm dứt được mối tình tội lỗi không có đoạn kết.

Nhưng nghĩ đến chuyện phải xa người mình yêu, lòng tôi đứt đoạn.

Tôi đã đi âm thầm một mình trong đêm trên những con phố vắng, nước mắt chảy đầm đìa vì bất lực, vì tất cả dường như đắm chìm trong ngõ cụt. Đúng vào lúc tôi đang làm thủ tục để đi học thì cả cơ quan choáng váng vì phát hiện ra người yêu tôi đã lùm lùm một cái bụng chửa.

Không chồng mà chửa ở thời bao cấp năm xưa thì khủng khiếp đến chừng nào. Dư luận rủa nguyền, đồng nghiệp khinh bỉ, xóm giềng miệt thị.

Đau đớn cho tôi là lúc đấy tôi vừa được quy hoạch từ trưởng ban lên viện phó (mới quy hoạch chứ chưa bổ nhiệm) tương lai đang vô cùng sáng sủa, con đường thăng tiến đang rộng mở ở phía trước, lại là ủy viên ban chấp hành Đảng ủy cơ quan và vì vụ việc xảy ra trong ban của tôi nên tôi phải trực tiếp đứng ra xử lý kỷ luật cô gái nhân viên cấp dưới của tôi vì cô ta phạm tội sinh hoạt không lành mạnh, xấu xa dẫn đến chửa hoang.

Khốn thay, trong quá trình yêu đương, tôi không hề phát hiện ra cô ấy có thai. Cô ấy cũng không hề nói gì, không đả động tới việc có thai với tôi. Cô ấy không bao giờ biểu hiện sẽ làm một cái gì đó để bó buộc tôi với cô ấy.

Tóm lại là tôi hết sức bất ngờ, choáng váng và bản thân cũng không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Việc có thai là do Hội Phụ nữ cơ quan phát hiện ra và làm đơn tố cáo gửi lên Đảng ủy cơ quan và Viện trưởng.

Chao ôi, khó có thể mô tả được tâm trạng của tôi lúc đó. Hoang mang cực độ, sợ hãi đến cực độ, lo lắng đến cực độ. Ngay sau khi cả cơ quan phát giác chuyện cô ấy có mang, tối hôm đó, một cuộc họp cơ quan bất thường xảy ra.

Tôi như người mất hồn với bản án tử hình lơ lửng trước mặt. Thú nhận hay không thú nhận, nếu thú nhận tôi có tình yêu nhưng mất hết tất cả, đạo đức, danh vọng và sự nghiệp. Không thú nhận, tôi thành kẻ đê hèn trong mắt người tôi yêu.

Thực ra mọi chuyện diễn biến quá nhanh, tôi không còn đủ thời gian, sức lực và sự tỉnh táo để mà suy nghĩ.

Cuộc họp hôm đó, dưới sự chủ trì của Viện trưởng, Hoa, cô gái tôi yêu sẽ phải khai nhận tác giả của cái bào thai trong bụng cô và chấp nhận án kỷ luật của cơ quan, bị khai trừ khỏi Đảng và nguy cơ bị đuổi việc là chắc chắn, ngoại trừ người yêu của cô đứng ra nhận và xin cưới cô.

Cuộc họp diễn ra trong căng thẳng tột cùng.

Hoa tuyệt đối tránh mặt tôi. Không nhìn tôi dù chỉ một ánh mắt. Tôi nhớ năm đó là mùa đông, giữa tiết đông hàn mà mồ hôi tôi vã ra như tắm. Mặc cho ông Viện trưởng và bà Hội trưởng Hội Phụ nữ cơ quan kiên quyết tra khảo, Hoa vẫn một mực cúi đầu im lặng.

Sau hơn một tiếng nghe lời thóa mạ và chỉ trích về mặt đạo đức của bà Hội trưởng Hội Phụ nữ cơ quan và của Viện trưởng, đến cuối cuộc họp, bất ngờ Hoàng, một nhân viên cấp dưới của tôi lúc này mới vụt đứng lên nói: “Tôi xin nhận hết mọi tội lỗi. Cái thai trong bụng cô ấy là của tôi. Tôi xin phép được cưới cô ấy làm vợ”.

Cả căn phòng lặng đi. Tất cả ai có mặt lúc đấy đều quay lại đổ dồn ánh mắt vào Hoàng. Hoàng đứng đầu hơi cúi, gương mặt tái đi vì căng thẳng.

Chuyện là thế. Sau cuộc họp khủng khiếp ấy, tôi khăn gói sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh đúng như lịch trình. Thực lòng, tôi rất sợ hãi khi phải đối diện với Hoa, với Hoàng, đều là nhân viên cấp dưới của tôi.

Trước khi bay, tôi có tranh thủ gặp Hoa để xin lỗi cô ấy và mong cô ấy tha thứ.

Thật bất ngờ, Hoa đã bình thản thú nhận với tôi một tin sét đánh: “Anh hãy yên tâm đi học và phấn đấu cho sự nghiệp. Em không dám nói cho anh biết. Đứa con trong bụng chính là con của Hoàng. Em không thể làm gì được, em không biết nói với anh thế nào để anh hiểu, em không có lý do gì để cho anh biết sự thật này. Chính em mới là người có lỗi với anh. Chính em mới là người mong được anh tha thứ”.

Năm đó là một mùa đông buồn thê lương nhưng trong lòng tôi hết sức nhẹ nhõm. Tôi đau đớn và buồn đến tê người, nhưng đó là một nỗi buồn thanh khiết, nó làm cho tôi thanh thản hơn. Tôi đã bay sang Nga và bỏ lại phía sau những dông gió cuộc đời.

Thời gian tôi học tập ở Liên Xô tất cả tổng cộng gần chục năm. Tôi đón vợ và các con sang Liên Xô để gia đình được gần gũi bên nhau. Thú thực tôi đã hoàn toàn quên được Hoa và mối tình ngang trái ấy.

Thế nhưng, 10 năm sau, khi về nước, tôi đã xin chuyển công tác sang một viện khác để tránh những ký ức đau buồn. Tôi không hề biết rằng cả Hoa và Hoàng đều không công tác ở viện cũ nữa. Oái oăm thay, khi trở về nước, những ký ức về mối tình và cuộc họp kỷ luật người tôi yêu lại hiện lên rõ mồn một.

Trong thi thoảng những lần trở về của ký ức đau nhói, tôi đã thoáng nghĩ Hoa và Hoàng nói dối tôi. Tôi đã nghĩ cái thai trong bụng Hoa là của tôi chứ không thể là của ai khác. Và thế là tôi đã bí mật đi tìm kiếm Hoa.

Sau một thời gian kiếm tìm, cuối cùng tôi cũng gặp được Hoa. Gia đình Hoa bây giờ sinh sống ở Sài Gòn. Chồng của Hoa là Hoàng. Sau khi bỏ việc ở viện, Hoa và Hoàng dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp và khá thành công trong kinh doanh.

Gặp lại Hoa sau 20 năm xa cách, Hoa không thay đổi là bao, vẫn đôi mắt ấy, nụ cười ấy, chỉ có điều là tất cả trở nên đằm thắm hơn xưa. Từ xa tôi đã nhận ra Hoa, còn cô ấy có vẻ như không nhận ra tôi là ai.

Sau khi tôi giới thiệu và khơi gợi lại những kỷ niệm, Hoa mới vỗ trán ồ lên ra chiều kinh ngạc vì nhớ ra chuyện cũ. Tối hôm đó, vợ chồng Hoa mời tôi đi ăn tối cùng với gia đình cô trên danh nghĩa tôi là sếp cũ của hai người.

Một bữa tối lòng tôi quặn thắt khi xuất hiện bên cạnh vợ chồng Hoa là hai cậu con trai và một cô con gái nhỏ. Cậu cả, đứa con mà tôi khắc khoải nhớ, khắc khoải nghi ngờ giờ đã tròn 20, đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học.

Cậu mang một vóc dáng khác, một gương mặt khác biệt hoàn toàn so với bố và hai em, nếu không nói rằng đó là nguyên bản thời trẻ của tôi. Suốt cả bữa cơm, tôi như người không hồn vía. Hoa lặng lẽ cười nói bên Hoàng, còn Hoàng thì tự hào kể cho tôi nghe về cậu con trai cả, về những thành tích học tập của con.

Hoàng còn vỗ vai con và nhắc lại chuyện cũ một cách âu yếm: “Con biết không, ngày trước bố mẹ yêu nhau, lỡ ăn cơm trước kẻng, mẹ con có con nhưng bố mẹ chưa kịp cưới nhau. Cả cơ quan bố và mẹ họp lại để kỷ luật mẹ. Có bác đây chứng kiến. Suýt nữa bố không nhanh mồm thú tội là cả hai bố mẹ đi đứt đấy”.

Hoa âu yếm ngả đầu lên vai chồng cười. Tôi nghe những lời Hoàng nói mà chết lặng, trong lòng tê tái.

Vợ chồng Hoàng và các con của họ tiễn tôi về Bắc trong quyến luyến. Đứng trên máy bay, đôi mắt tôi nhòa lệ. Còn Hoa, cô ấy mỉm cười rất tươi và thanh thản bên chồng.

Khó có thể nói hết tâm trạng của tôi ngày ấy. Tôi đã vô cùng xấu hổ với lương tâm, xấu hổ với Hoa, Hoàng và tất cả mọi người.

Có lẽ không một ai biết tôi và Hoa từng yêu nhau ngoài tôi và cô ấy. Không ai biết để mà phán xét tôi, mà khinh bỉ tôi. Thế nhưng kể từ ngày đó, tôi cảm thấy danh vị giáo sư mà tôi khoác lên mình đêm ngày trở thành một tấm áo giáp nặng trĩu.

Tất cả những sự tôn kính của đồng nghiệp, bạn bè, con cháu gia tộc đối với tôi trở thành một gánh nặng đáng sợ.

Phải giấu đi một sự thật điều đó đã là quá sức đối với con người. Mang mặc cảm tội lỗi mà mình dù đã tìm mọi cách để tha thứ cho mình rồi mà không thể được, điều đó còn kinh khủng hơn. Thực sự tôi vô cùng cay đắng vì tôi không thể tha thứ cho mình.

***

Ps: anh chị có điều gì u uất mà muốn giãi bày cho nhẹ lòng, gửi cho em, em đăng lên fb; em hứa giữ bí mật danh tính, sống để bụng chết mang đi …