KỶ YẾU MỘT “H O”

 

KỶ YẾU MỘT “H O”

PHƯỚC AN THY.

Cha Mẹ tôi vốn là phú nông, còn buôn bán thêm từ Huế ra Vinh.

Hồi nhỏ, tôi học trường Don Bosco tại Quảng Trạch – Quảng Bình, do các Cha và các Thầy dòng dạy.

Tháng Bảy 1954, hiệp định Genève ngừng bắn, gia đình tôi Di cư vào Nam lập nghiệp tại Kim Long – Huế.

Vào Nam tôi học các trường Nguyễn Công Trứ – Phan Thanh Giản

– Sao Mai.

Ra trường đi làm và tự lập.

Năm 1959, Cha Mẹ từ Huế vào cưới vợ cho tôi tại Ðà Nẵng.

Ðến năm 23 tuổi, tôi được động viên học khóa 12 Trần Hưng Ðạo – Sĩ quan Thủ Ðức.

Tháng Tám 1960 ra trường với cấp bậc Chuẩn úy.

Ðược tuyển chọn một trong số 10 người trên 1250 sinh viên, về ngành An Ninh Quân Ðội ANQĐ – Bộ Quốc Phòng.

Ðậu thủ khoa trên 25 Sĩ quan và trên 100 Hạ sĩ quan, tôi được Ðại tá Ðỗ Mậu – Giám đốc Nha ANQÐ – Bộ Quốc Phòng, sau là Thiếu tướng thông tin, trao bằng Danh dự cùng quà tặng trước sự hiện diện của Quân nhân, gia đình binh sĩ và ban Văn nghệ bậc nhất thời bấy giờ.

Ra trường, tôi được Ðại úy Dương Tiến, sau là Trung tá Chánh Sở I ANQÐ, giới thiệu về làm việc ở Sở I ANQÐ.

Tôi được chỉ định làm Trưởng Ban I/ Phòng Nhân viên, theo dõi điều chỉnh hồ sơ, vẽ sơ đồ..

Sau một thời gian, tôi nhận được công điện thuyên chuyển về cục ANQÐ tại Saigon, được “bố trí” trưởng ban I, phòng bảo vệ do Ðại úy Phạm Thành Kiếm làm Trưởng phòng.

Tại Cục ANQÐ, tôi được yêu cầu huấn luyện cho Sĩ quan, Hạ sĩ quan về đề tài bảo vệ Cơ sở.

Sau đó lại được hoán đổi về Sở I ANQÐ tại Ðà Nẵng, Sở yêu cầu tôi tổ chức liên tục các khóa An ninh căn bản cho Sĩ quan, Hạ sĩ quan An ninh trong đơn vị, trong số học viên khóa tu bổ tại Ðà Nẵng có Trung tá Tài là cấp bậc lớn nhất.

Mỗi khóa học một tháng, số học viên từ 40 đến 50 người, bằng cấp do Trung tá chánh Sở ký, với kiến thị của Trung tướng Tư lịnh Quân đoàn I.

Sau đó tôi được theo học hai khóa cấp I và cấp II tình báo tại trường Quân báo Cây Mai, rồi Du học tại trường phản tình báo Okinawa – Nhật Bản, tốt nghiệp hạng ưu.

Ðại tá Chu Văn Sáng về làm Chánh Sở I ANQÐ, gia đình tôi được cho ở trong dãy nhà Sĩ quan tại sở.

Trong 17 năm làm việc tại Sở I ANQÐ, tôi đã giữ các chức vụ:

Phụ tá Trưởng ty ANQÐ Quảng Trị, phụ tá Trưởng Phòng An Ninh Quân đoàn cho Thiếu tá Hồ Văn Thống, Trưởng phòng Ban Khai Thác, Chánh văn phòng.

Ngày 1 tháng 3, Ðại tá Sáng vào Nha Trang nhận chức Chánh Sở II ANQÐ, tôi vào nhận chức Trưởng chi ANQÐ Ninh Hòa.

Sau đó tôi làm Trưởng ban phản tình báo Cam Ranh – Khánh Hoà cho tới ngày “mất nước”, thầy trò dắt nhau đi ở tù “cải tạo.”

Sau 30/4/1975, vợ và các con tôi không nhà, không nơi nương tựa phải đi “kinh tế mới”.

Mấy mẹ con lên kinh tế mới được một năm thì vợ tôi bị bịnh sốt rét, và qua đời tại bịnh viện Khánh Hòa.

Cha Mẹ tôi đưa xác về chôn cất tại Cam Ranh.

Một người vợ hiền lành, mảnh mai, lâm cảnh cơ hàn, chết bơ vơ trong cảnh đổi đời.

Các con mồ côi, đào bới đất đá nơi núi rừng mà sống.

Còn tôi trong trại tù, lao động cực khổ, sắn ăn cầm hơi. Tôi lãnh “ba nhiệm kỳ”, chín năm tù, ra trại bị quản chế tại kinh tế mới ở Khánh Hòa ba năm.

Ở trại tù miền Bắc, tôi được cho đi làm ngoài, toán sáu người đi chặt nứa. Anh em lo chặc nứa phần của tôi, để tôi vào nhà dân mua bán đổi chác giùm anh em. Anh em đưa áo quần cho tôi nhờ đổi con gà luộc hoặc ký đường cát.

Nhờ vậy mà mỗi ngày tôi có điều kiện luộc sắn cho anh em ăn, còn đem về trại cho một hai anh em bạn thân khác, trong số có người bạn quê Lệ Thủy là ưu tiên.

Về sau, hắn đổi qua láng khác, tôi vẫn cho đồ ăn, nhưng hắn ghen tỵ nên báo cáo để cán bộ bắt quả tang.

Thật ra, mua bán đổi chác chỉ nhốt năm ba bữa, nhưng tôi bị xui là buổi sinh hoạt đêm qua, tôi phát biểu về mánh khóe bớt xén gạo nhà bếp của Thượng úy Tẩu làm hậu cần, quê ở Quảng Nam.

Tên này, do tôi tố cáo với Thượng úy Huệ, Sĩ quan thanh tra liên trại, nên bị sa thải tại chỗ. Tuy nhiên đêm trước đó, hắn đã ra lệnh nhốt tôi phòng cách biệt, phòng cách biệt rộng khoảng 1 thước vuông, làm bằng nứa, đổ đất ở giữa.

Đêm đến hắn cho lính canh vào đánh tôi, may là tụi lính canh thương hại nên chỉ đánh đá vào vách tường.

Tuần đầu tôi bị nhốt, do Trung sĩ Phát trông coi rất dễ chịu. Tuần thứ hai, tên Trung sĩ Minh đổi toán thay cho Trung sĩ Phát. Bàn giao xong, tên Trung sĩ Minh đi một mình xuống trại giam, bắt trói hai tay tôi ra sau, vào cột nhà.

Hắn đánh đập vào đầu, đá vào ngực tôi liên tục nhiều giờ.

Biết tên này hung dữ, lỡ đánh chết mình thì oan, hắn mang lòng thù oán vì có hai người anh tử trận ở miền Nam, tôi giả vờ nói:

“Qua một tuần lễ suy nghĩ, tôi biết việc làm sai trái, cán bộ để tôi cung khai, cả người mua lẫn người bán”.

Hắn tin, đưa tôi lên bàn ăn ngoài láng, đưa bút giấy cho tôi khai. Hắn giao cho tên Ngọc là Tàu lai đứng trên chòi, canh chừng tôi. Hết giờ làm việc, tên Ngọc quay mặt ra ngoài, chậm rãi đánh kiểng.

Đây là giờ khởi sự cho việc trốn trại của tôi.

Tôi vội chạy vào trại thay bộ đồ đi rừng, chụp cái nón lá, đạp hàng rào ra ngoài, rồi lẻn quay ngược lên khu vệ binh riêng biệt cạnh trại để trốn.

Bọn chúng không ngờ tôi còn ở trong trại, nên rải quân hàng ngang từ lính chí quan, lần lượt từ đồi sắn này đến đồi sắn khác, cán bộ dùng loa kêu gọi bảo lãnh tánh mạng cho tôi.

Ðến khoảng 2 giờ, mệt lả, đói bụng, chúng kéo nhau về.

Tôi xuống đồi, đến nhà anh Triệu Mai Tân, vợ anh người Tày tên Nghĩa. Anh cho tôi bộ bà ba đen, một dao phay và một cái nón cối. Trước giờ chia tay, tôi nhờ anh lên đồi đốn cho năm cây nứa cỡ bằng cườm chân để vượt hồ Thác Bà rộng chừng hai cây số.

Trời tối đen, tôi vượt hồ Thác Bà.

Ra giữa hồ tôi phải tránh né những bè mảng của dân câu cá. Trong lúc đó, trại cũng cho đốt đuốc truy lùng.

Tôi lên núi, đi bốn ngày đêm, ăn sắn tươi, bắp sống.

Công an, du kích, dân làng các xóm truy lùng tôi ngày đêm. Khi họ cầm đèn bão, bao vây chỉ còn cách nơi tôi trốn khoảng 50 mét, tôi biết mình sẽ bị bắt và sẽ bị đánh đến chết, tôi đọc kinh cầu nguyện dọn mình chịu chết. Bỗng trời đổ cơn mưa gió dữ dội, chịu không nổi vừa mưa gió vừa lạnh, nên họ từ từ rút dần xuống đồi.

Cảm tạ ơn Chúa, Mẹ đã cho tôi thoát chết.

Qua một ngày lội theo ven suối, vào khoảng sáu giờ chiều, tôi vào trình diện liên trại. Tôi được mấy ông Trung tá, Thiếu tá ở liên trại chỉ thị nhà bếp cho tôi một dĩa cơm.

Ăn xong, Thượng úy Huệ dùng đèn pin dẫn qua cánh đồng đưa đến trại 4. Ông này lấy thêm lời khai của tôi vụ Thượng úy Tẩu bớt xén gạo nhà bếp, chi tiết do anh Châu đầu bếp cho tôi biết.

Anh này bị lật mảng, chết đuối tại hồ Thác Bà khi mang cơm cho anh em lao động ăn trưa tại chỗ.

Trung tá Luyện ở trại cũ mang tư trang lên cho tôi, có tên Ngọc gác cổng dẫn đi. Tên Ngọc đi lên với hy vọng đánh tôi vài báng súng. Thiếu úy Huệ ở liên trại bảo hắn ra ngoài chờ bàn giao nên tôi thoát bị đòn.

Tôi được chuyển về trại 3 Tân Kỳ – Nghệ Tĩnh, được chỉ định làm tổ trưởng tổ chuyển vận gồm 10 người từ năm 1982.

Đến năm 1984 tôi được thả về.

Tôi về, ở cùng các con vùng kinh tế mới làm ruộng rẫy, chặt lồ ô về chẻ hom đem ra chợ bán.

Cuộc sống cha con khổ cực, cơm độn khoai sắn, mắm muối qua ngày.

Tại đây, người ta tổ chức một cuộc tập trung nhân dân toàn xã, bắt tôi đọc tiểu sử.

Trưởng công an huyện nói:

“Tiểu sử của anh rất huy hoàng, nhưng anh sống trên xương máu của nhân dân”.

Tôi trả lời:

“Sống chế độ nào, phục vụ chế độ đó, chính phủ trả lương, tôi chẳng bóc lột xương máu nhân dân bao giờ”.

Kết luận, hắn khuyên tôi hòa mình với nhân dân, xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Tôi bị trưởng Công an huyện, tù ở đảo về, coi “trọng” vì tôi là Sĩ quan ngành An ninh phản tình báo. Hắn buộc tôi phải ghi vào một quyển sổ những gì đã học tập, lao động, sinh hoạt hằng ngày… Trình diện, báo cáo cho Công an xã hàng tuần, Công an huyện hàng tháng, suốt ba năm.

Mấy năm sau, nhiều người lo thủ tục giấy tờ đi Mỹ diện “H.O”.

Cái khó khăn bấy giờ của chúng tôi là tiền đâu để lo thủ tục và ở ngoài Trung xa Saigon.

Tôi chạy đến anh em, bà con họ hàng xin xỏ vay mượn, được chừng nào thì lo chừng đó.

Thật tình thì cha con chúng tôi cũng không hy vọng gì mấy, làm hồ sơ thì làm chứ không có đủ tiền để lo lót đến nơi đến chốn, chỉ cầu may.

Chờ đợi mấy năm, chúng tôi nhận được giấy báo, rồi giấy phỏng vấn. Chúng tôi lại chạy vay tiền bạc vào Saigon phỏng vấn, khám sức khỏe. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được ngày được đi Mỹ.

Từ chốn núi rừng đói rách, đặt chân lên đất Mỹ văn minh, nhà cao, đường lớn, tâm trạng chúng tôi thật háo hức và cũng đầy âu lo.

Gia đình tôi đến Mỹ năm 1994.

Sau 16 năm định cư tại Hoa Kỳ, các con tôi ai cũng từ độc thân, tay trắng, nay đều đã có gia đình, con cái, nhà cửa, xe cộ.

Cuộc sống chúng tôi mọi sự thật đầy đủ, hạnh phúc, duy chỉ có điều buồn là tôi sắp lìa xa các con cháu vì tôi bị ung thư giai đoạn cuối.

Nằm nhà thương, như cây đèn cạn dầu, tôi thở, ăn uống bằng những ống dây, không nói được lời nào đã gần hai năm nay.

Thân xác tôi ốm yếu, nhỏ thó như một đứa con nít thiếu ăn, tinh thần yếu kém, mọi chăm sóc cá nhân đều nhờ người khác.

Bác sĩ nói, tôi không còn sống được bao ngày nữa.

Thế là hết một kiếp người.

Cảm tạ ơn trên đã quan phòng, che chở cho gia đình tôi bình yên.

Cám ơn các ân nhân đã giúp cha con tôi được định cư tại Hoa Kỳ.

“H.O” – 26, viết trên giường bệnh trước khi từ giã gia đình và bằng hữu…..

Phuoc An Thy

CHUYỆN CỤ LOUIS CẦU HÔN

 

CHUYỆN CỤ LOUIS CẦU HÔN

Cụ ông Louis và cụ bà Rose cùng sống trong một viện dưỡng lão.

Họ đã góa vợ và góa chồng từ lâu.

Một ngày nọ, họ ngồi đối diện nhau trong bữa ăn tối, cụ Louis đưa mắt nhìn ấm áp về phía bạn gái. Cuối cùng, lấy hết can đảm, cụ ông hỏi:

– Bà Rose, bà có muốn kết hôn với tôi không?

Sau vài giây suy nghĩ cẩn thận, cụ bà đáp:

– Vâng. Vâng. Tôi đồng ý!

Rồi họ tiếp tục trò chuyện vui vẻ.

Sau bữa tối, ai về phòng nấy ngủ.

Sáng hôm sau, cụ ông Louis thức dậy, rất băn khoăn.

– Không biết bà ấy nói “có” hay “không” nhỉ?

Ông không thể nhớ được.

Càng cố gắng nhớ, ông cũng không thể nhớ một điều gì cụ thể.

Tuổi già đã làm cho trí nhớ đã trở nên yếu đi như vậy.

Cuối cùng, không chịu được, cụ Louis quay lại điện thoại và gọi cho cụ bà Rose.

Đầu tiên, ông giải thích với bà rằng tuổi tác sẽ có một số vấn đề về trí nhớ, rằng đêm qua thật tuyệt vời, và chỉ sau đó, lấy hết can đảm, ông hỏi:

– “Và khi tôi hỏi bà lấy tôi làm chồng, bà có nói đồng ý hay không nhỉ?”

– Có! Tôi nói có mà. Và tôi rất vui khi nghe ông hỏi đó thôi.

Cụ Louis thở phào nhẹ nhõm.

Cụ bà Rose nói tiếp:

– Và tôi cũng rất vui vì ông đã gọi điện, chớ tôi đã không thể nhớ chính xác, ai đã cầu hôn tôi ..

St.& dịch Svi Doan

Thương tiếc bạn tôi

Viện Đhđl ViệtNam TD is with Huethuongvntd Paris and Tan Loc Le.

Thương tiếc bạn tôi

Phạm Tín An Ninh  

(Văn Cường 2011)

(và để chia sẻ cùng Văn Thị Xuân Thùy, cô em gái yêu thương, thân thiết nhất của bạn tôi)

Phạm Tín An Ninh

Đang lang thang với mấy người bạn trên bờ biển Alicante ở Tây Ban Nha, tôi bàng hoàng khi nhận được tin nhắn từ cô em gái của Cường: “Anh Cường vừa mới ra đi! Thùy đang khóc đây.”

Tôi không nghĩ là bạn tôi lại trút bỏ cuộc đời phiền muộn này nhanh như thế. Vì chỉ cách đây vài hôm, khi biết Cường vừa phải vào bệnh viện, tôi gọi thăm. Hai thằng vui vẻ chuyện trò, cười đùa với nhau, và tôi rất mừng khi nghe Cường khoe là bác sĩ bảo nằm dưỡng sức để chờ giải phẫu.

Cùng trang lứa bọn tôi, ai cũng biết đã đến lúc xếp hàng để lần lượt chờ đến phiên mình rời khỏi thế gian này. Bởi đó là luật trời, không ai ngăn được. Chỉ mong sao được ra đi một cách thanh thản nhẹ nhàng, như ngủ một giấc rồi không bao giờ thức dậy nữa, đừng phải ốm đau để làm khổ vợ con. Nhưng riêng sự ra đi của Cường làm bọn tôi cảm thấy đau lòng, tội nghiệp. Bởi vì bạn tôi chỉ mới vừa tìm lại được chút ít niềm vui, yên ả sau bao đắng cay nghiệt ngã gần cả một đời. Chưa kịp hưởng được khoảnh khắc hạnh phúc muộn màng thì đã phải bỏ lại tất cả cho trần gian.

Tôi quen biết Cường khi hai thằng cùng vào học lớp đệ lục trường Văn Hóa. Khi ấy nhà Cường ở trong một con hẻm lớn trên Phường Củi, gần nhà trọ của mấy người bạn đồng hương Vạn Giã với tôi, nên những ngày nghỉ tôi thường ghé lại đây thăm bạn cùng quê và chơi với Cường. Nhà Cường ở gần tư gia bà Lâm Thị Khương, chủ nhà hộ sinh lớn nhất ở Nha Trang. Không biết đó có phải là nguyên nhân để sau này Cường có ông anh rể mang họ Trần Lâm?

(Văn Cường 1960)

Ông cụ thân sinh của Cường là một công chức cao cấp trong ngành Quan Thuế, nên thời gian sau đó, gia đình Cường được cấp một ngôi biệt thự trên đường Duy Tân, ngay bờ biển, bên cạnh Viện Pasteur. Khu vườn khá rộng, nên ông cụ cho cất thêm một căn nhà tôn phía sau để các cậu con trai thoải mái sinh hoạt, đùa giỡn, học hành. Lúc ấy tôi đang trọ học ở nhà ông chú, một tiệm buôn ở đầu đường Quốc Lộ 1, gần Ty Thông Tin, bên cạnh nhà Thầy Võ Thành Điểm, nhưng hầu hết những ngày nghỉ và cả những lúc chuẩn bị thi cử, tôi thường xuống ở với Cường. Thực ra để học thì ít mà tắm biển và đi chơi thì nhiều, nhất là tránh bị ông chú tôi sai vặt.

Gia đình Cường có khá nhiều anh chị em, tất cả đều rất vui vẻ dễ thương. Hầu hết đều học ở trường Võ Tánh và Nữ Trung Học. Ông anh cả lớn hơn bọn tôi nhiều tuổi và đã sớm nhận lấy trách nhiệm “quyền huynh thế phụ”, hết lòng lo lắng, dạy dỗ, làm gương cho em út. Bà chị kế, học trên bọn tôi hai lớp, rất thùy mị, hiền lành chăm học, đặc biệt lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, vì dường như đang lúc có tình yêu, cô em kế của Cường là một trong những giai nhân của Trường Nữ, nên mới năm đệ lục mà cũng đã có khối chàng si tình, lại toàn là những “anh hùng hào kiệt”, nên bọn tôi cũng được hưởng “phước” lây. Cô em này còn giới thiệu cho tôi làm quen với cô bạn học cùng lớp thân thiết, ở trên đường Hoàng Tử Cảnh. Cường còn mấy đứa em nữa, và bà cụ còn cưu mang nuôi một đứa cháu mồ côi. “Ông cụ rất đẹp trai và nổi tiếng đào hoa”, Cường thường khoe với tôi như thế. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ rồi Cường sẽ thừa hưởng cái “nghiệp” này của ông cụ. Vì Cường trông cũng phong độ lắm. Bà Cụ người Huế, là ái nữ của một vị đại thần triều Nguyễn, nhưng rất bình dị, hiền lành, phúc hậu, sẵn sàng chấp nhận mọi hệ lụy từ cái giá của sự đào hoa mà ông trời đã phú cho chồng mình. Bà rất thương con, lo lắng cho con từng ly từng tý. Đúng là một bà mẹ mẫu mực đáng kính của truyền thống Việt nam.

Biết tôi thân thiết với Cường, bà xem tôi như con cháu trong nhà, thường nhắc tôi, mỗi lần tôi đến chào bà để đi về: “Con nhớ xuống đây ở chơi và học với thằng Cường nghe!”

Lúc còn học đệ nhất cấp ở trường Văn Hóa, có lẽ nhờ vào lòng yêu thương của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Bá Mậu, đặc biệt là Cô Tùng Linh, phu nhân của Thầy, cô giáo hướng dẫn lớp tôi, cũng có thể lúc ấy tôi chưa tập tành yêu đương, chưa hề “chết ở trong lòng một ít”, nên luôn chăm chỉ và học hành khá giỏi, tháng nào cũng đươc lãnh bảng danh dự. Cường khoe “thành tích” này của tôi với bà cụ, cốt để cho bà yên lòng mà “giao” Cường cho tôi. Tôi được bà cụ và các anh chị em của Cường quí mến. Thỉnh thoảng Cường theo về quê Vạn Giã của tôi chơi, khi trái tim chàng ta bắt đầu đập lạc nhịp mỗi khi nhìn con gái đẹp. Lúc ấy ở quê tôi có cô Hồng N, cũng là một trong những giai nhân bên trường Nữ, học sau bọn tôi hai lớp, mà Cường mới làm quen, có lẽ nhờ cô em gái giới thiệu.

Đầu năm Đệ Tứ, một số học sinh từ các trường tư thục khác “đầu quân” vào lớp tôi. Trong số này có hai cô có cùng tên Phương nhưng khác họ. Đễ dễ phân biệt,trong lớp gọi Phương Hòa và Phương Huế. Hai cô lại là đôi bạn thân nhau từ trước và ở chung một nhà ngay trước chợ Đầm. Cả hai đều thuộc hạng “mỹ nhân” và Cường bắt đầu trồng cây si Phương Hòa. Lúc ấy tôi nghĩ bọn tôi vẫn là những thằng con nít, bắt chước các nhân vật trong Hồn Bướm Mơ Tiên hay Đoạn Tuyệt của mấy ông nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, hoặc ảnh hưởng mấy bài thơ của TTKh và ông Xuân Diệu, nên đóng vai “si tình” cho có vẻ người lớn vậy thôi, chứ biết yêu đương là cái gì đâu.

Nhưng tôi đã lầm, bạn tôi si tình thiệt. Chưa học được cách tỏ tình như thế nào, Cường thiết tha làm sao tìm được một tấm hình của Phương Hòa để có cớ làm quen và treo trên đầu giường cho đỡ nhớ.

Và đúng như là chuyện được ông tiên cho chiếc đèn thần. Một hôm ghé thăm anh bạn Cao Minh Thống, cũng ở Phương Sài, gần nhà cũ của Cường, bất ngờ tôi thấy Phương Hòa từ trong nhà anh Thống đi ra. Tôi “rồ ga” đi thẳng để Phương không nhìn thấy, rồi quẹo vào nhà anh Thống bằng một con hẻm khác. Tôi khá thân tình với anh nên hỏi anh quen biết thế nào với Phương Hòa. Anh bảo hai ông bà già là bạn thân thiết kết nghĩa huynh đệ tự ngày xưa, nên đám con xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Tôi thực thà trình bày tự sự, và hỏi anh có tấm hình nào của Phương Hòa. Anh Thống đi lấy tập Album gia đình và chỉ cho tôi mấy tấm hình của Phương Hòa. Anh còn cho tôi được quyền tuyển chọn. Dĩ nhiên tôi chọn tấm chân dung đẹp nhất, và hứa ngày mai sẽ mang trả lại, mặc dù anh bảo “toa cứ giữ luôn cũng được!”

Cường trố mắt ngạc nhiên khi tôi đến tìm và chìa ra tấm hình của Phương Hòa. Tôi lên mặt ra lệnh cho Cường “mày chỉ có đúng hai tiếng đồng hồ để làm bùa phép gì đó mà thôi!” Chàng ta ríu rít tuân lệnh, bảo tôi chở ra tiệm ảnh Mai Ngôn trên đường Phan Bội Châu, năn nỉ ông chủ sang gấp ra ba tấm cỡ lớn, và sẵn sàng trả tiền phụ trội. Ông chủ mỉm cười, hiểu ý, bảo đúng hai giờ nữa ghé lại lấy. Cường rủ tôi ra Hưng Hoa thưởng công hai cái paté chaud và một ly sữa đậu nành, ngồi đấu láo để chờ đợi. Thời ấy tôi được ông chú giao cho một chiếc Lambretta mới toanh để chở bà thím đi đòi nợ, và giao dịch các nhà thầu, nên tôi thường lợi dụng “công vụ”, xách xe xuống đón Cường đi chơi. Sau đó, không biết Cường đã nhờ tay họa sĩ nào vẽ lại tấm hình của Phương Hòa rất đẹp, mang tới lớp tặng nàng. Phương Hòa trố mắt ngạc nhiên, tra hỏi tấm ảnh này ở đâu ra, Cường gãi đầu cười:

– Đêm nào cũng nằm mơ thấy Phương nên nửa đêm thức dậy vẽ thôi mà!

Phương Hòa nhìn vào mắt Cường với một chút cảm động và nở nụ cười.

Khi hai đứa ra ngoài, tôi đập vai Cường:

– Không ngờ mày cũng có tài tán gái, chắc mày học ông già?

Phương Hòa từ quê vào trọ học ở nhà Phương Huế. Một ngày Chủ nhật, Cường rủ tôi ghé lại thăm. Bọn tôi đến bất ngờ, bước vào cửa thì gặp ngay ông bà già của Phương Huế. Nhìn thấy bọn tôi, hai nàng xanh mặt. Cường lóng ngóng, ấp úng không ra lời. Nhờ không có tình ý gì, nên tôi bình tĩnh, bảo đến mượn bài tập, vì hai đứa bị bệnh, vắng mặt ngày hôm qua. Hai nàng biết ngay là tôi nói dối, nhưng cũng ríu rít đi lấy sách vở. Ông bà già tưởng bọn tôi hiếu học quá, nên vui vẻ rút lui để bọn tôi nói chuyện. Mà thực ra cũng có biết chuyện gì để mà nói! Chỉ vờ hỏi một vài câu không đâu vào đâu, rồi tôi kéo tay Cường đi, không dám ở lâu, sợ lộ tẩy. Vậy mà sau cái lần “đột nhập gia cư bất hợp pháp” này, bọn tôi và hai cô bạn tên Phương lại thân tình nhau hơn.

Cường nắn nót viết thư nhờ tôi thêm mắm muối, nhưng rồi “lá thư cứ còn hoài trong vở giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Cuối cùng phải cầu cứu tôi, vờ mượn sách của Phương Hòa rồi bỏ cái thư của Cường vào. Tôi nghĩ tối hôm ấy cả hai cô nàng đọc thư Cường mà tha hồ cười khúc khích. Không biết là Phương Hòa có tình ý gì, hay chỉ có chút cảm tình với Cường như một người bạn nhỏ. Vì thời ấy, dù học cùng lớp, nhưng các cô đều như lớn trước tuổi, và nhiều cô đã lấy chồng. Ngay trong lớp tôi cũng có cả hai cặp vợ chồng.

Không hiểu có thể gọi đó là cuộc tình đầu đời của Cường hay không, nhưng rồi cũng sớm kết thúc sau khi bọn tôi thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp. Cường có rủ tôi ra quê tìm Phương Hòa mấy lần nhưng không gặp. Bà cụ của Phương bảo nàng đi chơi trên Đà Lạt với bạn bè, nhưng không biết ở đâu. Giá mà biết thì chắc chắn tôi cũng đã có dịp đi Đà Lạt với Cường.

Sau Hè, mỗi người một ngả. Tôi vào Võ Tánh, Cường vào Bá Ninh, còn hai cô Phương không biết đi đâu. Đùng một cái, nghe tin Phương Hòa lấy chồng. Cường buồn đứt ruột, và dường như đó là lần đầu tiên trong đời, Cường biết tương tư!

Dù học khác trường nhưng bọn tôi vẫn thường xuyên gặp nhau ở nhà Cường như lúc trước.Vào thời điểm này, ông bà già Cường mới mua được khu nhà số 5 Lê Lợi, chung một hàng rào dâm bụt với nhà bác sĩ Nguyễn Gia Quýnh. Bọn tôi thường được bà Quýnh gọi sang đánh bóng bàn với bà ở sau vườn. Bà rất đẹp, quí phái, tốt bụng và vui vẻ. Nhiều lúc hai thằng cứ mải lo nhìn bà mà không thấy quả banh đang ở đâu!.

Rồi nhờ cao ráo đẹp trai, và cũng có thể nhờ mai mối của cô em gái, nên không lâu sau đó Cường quen biết thêm vài cô bạn nữa. Cô nào cũng xinh đẹp. Nói tên các cô nàng này thì trong đám học trò chắc ai cũng biết. Dù vậy hình ảnh của Phương Hòa vẫn còn trên vách, trên các tập bìa sách của Cường và chắc chắn là vẫn còn rất đậm nét trong trái tim Cường.

Bọn tôi nhập ngũ khi chiến trường miền Nam bắt đầu sôi động. Tôi ra Bộ Binh đánh đấm ở khắp Vùng 2, Cường vào lính sau và được chọn vào Nhảy Dù, nên đi khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Thỉnh thoảng hai đứa mới có dịp liên lạc được, hẹn một lần gặp lại ở Nha Trang.

Nhưng rồi cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, chúng tôi không còn cơ hội để rời khỏi chiến trường. Mãi đến ngày 20.4.75, khi tôi lái xe xuống Bến Bạch Đằng để đón một số quân nhân của đơn vị di tản, thất lạc từ miền Trung, được tàu Hải Quân chở về đây, bất ngờ gặp Cường trong một quán ăn, đang ngồi với vợ. Đây là lần đầu tiên tôi biết bà xã của Cường, mặc dù tôi đã gởi quà mừng đám cưới hơn hai năm trước đó. Vợ chồng khoe với tôi đã có đứa con gái đầu lòng ba tháng tuổi, đang gởi cho bà ngoại. Uống với Cường một ly bia, tôi phải vội vã chia tay, trở về đơn vị đang hành quân ở Cần Giuộc, Long An. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng này, tôi bắt tay và ôm lấy Cường mà lòng dạ thật bùi ngùi, thầm nghĩ sau này không biết có còn gặp lại.

Lúc tiễn tôi ra xe, Cường ôm vai tôi hỏi:

– Mày biết tao đặt tên con bé con tao là gì không?

Tôi ngần ngừ chưa kịp trả lời thì Cường cười:

– Mỵ Cơ.

Tôi biết đó cũng là tên của một người con gái đẹp, nhưng hỏi Cường:

– Tao cứ tưởng mày đặt tên cháu là Phương Hòa chứ?

Cường cười to và siết tay tôi thật chặt.

Sau ngày 30.4.75, nỗi bất hạnh của đất nước đã kéo bọn tôi theo với bao cuộc trầm luân. Bạn bè kẻ tù tội người ra đi, tản mát khắp bốn phương trời.. Nhớ tới lần bất ngờ gặp nhau ở Bến Bạch Đằng, tôi lại hy vọng là vợ chồng Cường đã tìm đường ra đi, không phải tù tội như tôi.

Mùa hè 1984, chỉ vài tháng ra tù, tôi cùng vợ con vượt biển. Được tàu Na Uy vớt trước khi một cơn bão lớn ập tới, nên gia đình tôi đến định cư ở một nước tận Bắc Âu xa xôi. Một xứ thiên đường nhưng đầy băng giá và quanh năm tĩnh mịch.

Hai năm sau, trong một buổi tiệc Giáng Sinh, tôi có dịp quen biết vợ chồng một anh chị bạn, lớn tuổi hơn tôi. Khi nghe anh chống giới thiệu chị vợ tên là Nga, có họ là Văn, và bảo là khi vào quốc tịch NaUy, sở dân số thắc mắc bảo Văn là tên lót của đàn ông Việt Nam chứ sao lại là họ. Nghe họ Văn tôi bỗng nghĩ ngay đến Cường, bởi những người mang cái họ này không nhiều lắm. Tôi hỏi chị:

– Chị Nga họ Văn, vậy chị có biết bác Văn Thưởng ở Nha Trang?

– Ô, đó là ông chú ruột của tôi mà. Ba tôi thứ hai, còn chú ấy thứ năm.

Rồi chị ngạc nhiên, hỏi lại tôi:

– Mà sao anh biết chú Thưởng?

Tôi cười:

– Em là bạn thân của Văn Cường và biết gần như cả nhà bác Thưởng.

Chị Nga trố mắt khi nghe tôi kể từng người trong nhà Cường, và kể cả việc anh Nguyễn Mộng Giác cũng từng vào Nha Trang học và ở trọ nhà Cường. Anh Nguyễn Mộng Giác là anh, em cô cậu với Cường và chị Nga.

Chị cho biết Cường vừa sang Mỹ theo diện HO, và đang ở gần chị Như Khuê, rồi mở điện thoại gọi ngay. Tôi nói chuyện với chị Khuê và chị cho tôi số điện thoại của Cường.

Tối hôm đó, Cường và tôi tâm tình hơn hai tiếng đồng hồ. Cô vợ mà tôi gặp trong quán ăn với Cường ở bến Bạch Đằng vài ngày trước 30.4.75, đã lẵng lặng dắt đứa con gái ra đi, khi Cường vừa mới ra tù trong cảnh khốn cùng. Và từ ngày ấy không còn liên lạc với Cường. Cháu Mỵ Cơ giờ đã hơn 20 tuổi, nhưng Cường chưa hề gặp lại. Chỉ có XuânThùy, cô em gái của Cường liên lạc với cháu đôi lần, nhưng đã bặt tin từ lâu lắm.

Những ngày ra tù và khốn khó, Cường tập tành đi buôn bán với đám bạn học ngày xưa, thỉnh thoảng đến Bưu Điện nhận quà của bà chị và cô em từ Mỹ gởi về, lúc ấy chưa gởi được tiền nên chỉ là các thùng thuốc Tây và một ít vải vóc. Và tại Bưu Điện, Cường có cơ hội quen biết một phụ nữ trẻ làm việc ở đây. Cô ta đã ly dị chồng và có một cô con gái. Hai người làm đám cưới khi Cường có danh sách sang Mỹ theo diện HO. Cuộc hôn nhân chắp nối lần này cho Cường một thằng con trai.

Nhưng rồi sóng gió bất ngờ ấp xuống. Cuộc hôn nhân lại gãy đổ trong đau đớn mà tác nhân lại là cô con gái riêng của vợ, muốn hãm hại Cường nên đã dàn cảnh để truy tố Cường . Ra tòa, Cường không hề có lỗi. Vợ chồng chia tay, đường ai nấy đi. Cường nhường ngôi nhà cho vợ và cậu con trai, dọn ra, share phòng một người đồng hương và cũng là đồng nghiệp, làm chung sở với Cường.

Mùa hè 2011, theo lời hẹn, từ Bắc Âu tôi sang gặp Cường ở San Jose khi Cường về đây tham dự cuộc họp mặt Nhảy Dù. Chúng tôi có hơn một tuần bên nhau, rong chơi, đùa giỡn, tâm tình. Thỉnh thoảng có cả Xuân Thùy, cô em gái gần gũi và thân thiết nhất của Cường, từ Sacramento xuống. Trải qua nhiều thăng trầm, mất mát, Cường có gầy và già đi, nhưng vẫn còn ít nhiều phong độ. Cường nhắc tới Phương Hòa và bất ngờ cho tôi xem hình ảnh của Phương Hòa trên mặt chiếc điện thoại của Cường. Tấm ảnh ngày xưa, tôi mượn của anh Cao Minh Thống đưa cho Cường sao lại ở tiệm Mai Ngôn. Tôi ngạc nhiên, không ngờ thời gian đã quá lâu và trải qua quá nhiều sóng gió trong đời mà Cường vẫn còn nhớ tới cô bạn học xinh đẹp ngày xưa.

***

Một hôm, rất tình cờ tôi gặp lại Phương Hòa. Qua một người bạn thân, Phương Hòa biết tôi đang ở Cali, nên nhờ đưa đến thăm tôi. Tuổi đã lớn, nhưng Phương Hòa là một người đàn bà vẫn còn mặn mà nhan sắc, tính tình vui vẻ, yêu đời và gần gũi, dễ mến. Phương Hòa kể cuộc đời mình khá lao đao với một cuộc hôn nhân sai lầm, không hạnh phúc. Có lẽ hồng nhan thì thường bị đa truân. Bây giờ Phương Hòa sống một mình. Định cư ở Mỹ khá lâu và kinh doanh khá thành công, nhưng từ hai năm nay Phương Hòa về sống ở Nha Trang, chỉ thỉnh thoảng trở lại Mỹ thăm con cháu. Bọn tôi ngồi kể chuyện xưa, Phương Hòa tỏ ra luyến tiếc một thời son trẻ, nhất là lúc cắp sách đến trường. Tôi cười, nhại một câu ca cũ“Ai bảo lấy chồng sớm làm gì cho lời ru thêm buồn!” Phương Hòa cười rất tươi, nhưng vội nhìn lên trần nhà, long lanh đôi mắt. Phương Hòa cũng cho biết cô bạn Phương Huế vẫn sống cùng chồng con ở Ninh Hòa, và “hai cô Phương ngày xưa” vẫn thường gặp nhau ở đó. Chồng Phương Huế vốn là một giáo sư dạy Anh Văn ở trường Lê Quí Đôn, “phải lòng” khi Phương Huế còn là cô học trò đệ nhị.

Tôi nhắc lại những ngày Cường si tình rồi tương tư, khi nghe tin Phương Hòa đi lấy chồng, và kể cho Phương Hòa nghe về những phong ba, bất hạnh trong cả cuộc đời Cường. Sau một thoáng bùi ngùi, Phương Hòa nhắc tới chuyện tấm ảnh ngày xưa, hỏi tôi ở đâu mà có. Tôi khai thật là đã mượn của anh Cao MinhThống để cho Cường sao, vẽ lại. Tôi còn nói thêm, tấm ảnh ấy của Phương Hòa, lúc nào Cường cũng mang theo, và bây giờ đang nằm trên mặt chiếc điện thoại của Cường. Phương Hòa cảm động, bảo tôi gọi Cường để hai người nói chuyện.

Qua lời tâm tình, tôi biết Cường rất xúc động khi gặp lại Phương Hòa (dù chỉ qua Facetime) và được nghe Phương Hòa nói những lời thân ái. Tôi nghĩ hình bóng của Phương Hòa, một cô bạn cùng lớp đệ tứ ngày xưa, đang thức dậy mãnh liệt trong lòng Cường. Tôi hình dung tới những ngày đi học, khi bọn tôi vẫn còn là những thằng con trai mới lớn, tập tễnh chuyện yêu đương. Tôi nhớ tới tấm hình của Phương Hòa với mái tóc thề, khuôn mặt thơ ngây xinh đẹp như một thiên thần mà tôi đã mượn của anh Thống để cho Cường dùng “làm bằng cớ yêu thương”.

Đầu tháng 6/2016, theo lời hẹn, Cường về lại Việt Nam thăm Phương. Hai người bạn học ngày xưa, giờ tóc ai cũng bạc Họ dành nhiều thời gian cho nhau. Cùng đi thăm lại ngôi trường xưa, những con đường kỷ niệm cũ. Không biết những dấu tích ngày xưa có lấp được phần nào khoảng trống từ những bất hạnh của cuộc đời họ?

Sau hai tuần, Cường trở về lại Mỹ. Đi làm được vài hôm, thấy trong người mỏi mệt, Cường đến gặp bác sĩ gia đình và được đưa vào bệnh viện, phát hiện có dấu hiệu ung thư.

Tôi đang nghỉ hè ở Tây Ban Nha thì nhận hung tin này. Nói chuyện mấy lần với Cường qua điện thoại. Nghe Cường nhắc tới những ngày ở Nha Trang với Phương Hòa, cười vui và hy vọng bệnh tình sẽ sớm được chữa trị, tôi mừng. Nhưng chỉ hơn hai tuần sau đó, tôi ngỡ ngàng khi nhận được tin nhắn của Xuân Thùy:“Tình hình anh Cường tệ lắm rồi, ung thư lá lách đã lan ra gan, chắc không có gì cứu vãn được. Bác sĩ cho biết thời gian không còn nhiều nữa. Cả nhà đang giấu, không cho anh Cường biết sớm. Anh Cường quí anh lắm, nhắc anh luôn nên anh nhớ thường gọi sang thăm, an ủi anh Cường nghe!”

Cô em gái thân thiết nhất của Cường đã từ Sacramento (CA) lên tận Easton (PA) chăm sóc, ở bên cạnh an ủi anh mình.

Điều bất ngờ và như một phép mầu, mò mẫm trên Facebook mấy ngày liền, Xuân Thùy liên lạc được với cháu Mỵ Cơ, cô con gái lớn mà trên 50 năm rồi Cường chưa bao giờ gặp lại, giờ đã là một bác sĩ trung niên. Cô Thùy tâm tình, báo tình trạng của Cường, và khuyên cháu nên nói với ba nó một đôi lời trìu mến. Trước giờ phút lâm chung, Cường vẫn còn tỉnh táo để được nghe cô con gái đầu lòng gọi tiếng “Daddy” và cả hai cha con cùng khóc. Không biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc hay xót xa, mà Thượng Đế đã dành cho con người, khi đã trải qua bao chia lìa, tang thương dâu bể? Và chỉ mấy giây sau đó, Cường ngả đầu sang một bên, lặng lẽ ra đi, để lại trên gò má hai dòng nước mắt.

Hiểu được anh mình, nên hôm ấy Xuân Thùy đã tìm những bộ quân phục và mấy chiếc nón sắt, nón đỏ Nhảy Dù mặc vào cho tất cả mọi người trong gia đình, tạo niềm vui cuối cùng cho Cường, một người lính Nhảy Dù bất hạnh, nhưng luôn hãnh diện, hết lòng với binh chủng và đồng đội của mình.

(Văn Xuân Thùy 19-8-2016)}

Tôi phân vân mãi chưa dám gọi về Nha Trang báo tin buồn này cho Phương Hòa. Liệu Phương Hòa có còn “dư nước mắt để khóc người ngày xưa”, khi cuộc hôn nhân của chính Phương Hòa vẫn còn để lại nhiều vết thương đau đớn trong lòng mình?

***

Văn Cường ơi, thằng bạn thân thiết nhất của tao cả một thời đi học! Tới tuổi bọn mình thì ai cũng đã đến lúc sẽ phải lần lượt rời khỏi thế gian vô thường đầy đớn đau phiền muộn này. Bọn mình vốn là những thằng lính chiến, lăn lóc trên khắp chiến trường rồi bất ngờ phải buông súng, bị tù đày khổ ải, mà sống được tới hôm nay cũng đã là may mắn lắm. Mày đi trước một bước. Tao buồn vì từ nay trong đám bạn bè thân thiêt sẽ thiếu vắng mày, nhưng tao cũng mừng cho mày, hy vọng là trước lúc ra đi, mày cũng đã tìm lại những gì mất mát mà mày từng tha thiết, cho dù không toàn vẹn. Mà trên đời này có cái gì là toàn vẹn đâu, hả Cường? Hãy yên nghỉ nghe Cường!

Hẹn gặp lại mày.

Phạm Tín An Ninh

(Alicante – Spain 23.8.2016)

LƯƠNG THIỆN KHÓ HƠN THÔNG MINH!!!

 

LƯƠNG THIỆN KHÓ HƠN THÔNG MINH!!!

Một vị sư lên rừng hái củi, trên đường về gặp 1 cậu bé đang chạy chơi đùa, hái hoa bắt bướm.

– Vị sư đến gần hỏi: Trên tay con cầm gì thế?

– Thằng bé (láu cá): Đố sư biết đó, nhưng nói sai sư phải mất cho con bó củi nhé!

– Một con bướm đã chết đúng không?

– Haha sai rồi, con bướm còn sống nhé sư! Nói rồi cậu tung con bướm bay lên trời.

Vị sư cười nói: Củi của con đây, cầm về đi!

Thằng bé hí hửng đem bó củi về khoe cha, ông tái mặt bước đến nhéo tai thằng con: Đem bó củi lên chùa trả rồi xin lỗi người ta ngay. Thằng bé vừa đi vừa la: Nhưng con thắng mà!?

Đến chùa 2 cha con chắp tay xin lỗi, vị sư chỉ nhẹ mỉm cười gật đầu. Trên đường về cậu bé vẫn hậm hực.

Người cha nhẹ nhàng nói: Nếu sư nói con bướm còn sống con cũng bóp cho nó chết đúng không? Từ đầu ngài đã định đem bó củi để đổi lấy một mạng sống rồi đó.

Thằng bé lặng lẽ cúi đầu.

***Sự ngạo mạn và hiếu thắng luôn lấy đi bao lý trí của mỗi chúng ta. Đừng thấy ai lùi mà vội bảo họ thua.

Lương Thiện khó hơn là thông minh. Bởi vì thông minh là thiên phú, còn Lương thiện là một sự lựa chọn (chỉ có được ở những trái tim nhân hậu).💗

Hổ và người: Cuộc tranh đấu đẫm máu không khoan nhượng

Hổ và người: Cuộc tranh đấu đẫm máu không khoan nhượng

 Minh Bảo

Bản thân Hổ là một sinh vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, là vị vua đúng nghĩa của rừng xanh. 

Bản thân Hổ là một sinh vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, là vị vua đúng nghĩa của rừng xanh. Thiên nhiên ban tặng cho Hổ rừng già để săn bắn và ngự trị từ nhiều triệu năm qua. Tuy nhiên sự phát triển quá nhanh của chủng loài cai trị mới của thế giới, loài người, đã đẩy Hổ vào một cuộc chiến đẫm máu không cân sức.

Kết quả của cuộc chiến này là sự tổn thất về sinh mệnh cho cả hai chủng loài, mà nặng nhất là hổ. Cho đến nay hổ đã ở bên bờ vực tuyệt chủng sau nhiều năm tranh đấu cùng con người. Ấy vậy mà ngày nay từ rất nhiều người vẫn sợ hổ ăn thịt người, do ảnh hưởng từ trong truyền thuyết và sách vở.

Trên thực tế, con người không phải là con mồi lý tưởng nhất của hổ và nó cũng không quan tâm đến con người trừ khi người ta đi lạc vào lãnh địa của nó. Đã từng có báo cáo hổ giết người xâm phạm lãnh địa của nó nhưng không hề ăn thịt. Ngoài ra khi giải phẫu xác của những con hổ giết người nổi tiếng trong lịch sử, người ta phát hiện rằng chúng đều là những con hổ đã già, bị gãy răng, móng, và bị thương tật, khiến chúng không thể nào săn bắt những động vật khác. Khi đó con người với dân số đông ven bìa rừng và lại khá chậm chạp, trở thành món thay thế để đáp ứng nhu cầu sinh tồn của nó.

Còn một lý do nữa khiến hổ ăn thịt người là vào những năm chiến tranh (đặc biệt là chiến tranh Đông Dương), các con hổ bị đạn pháo làm mất môi trường sống và món mồi phổ biến của nó là tử thi của các chiến sĩ xấu số. Khi đã ăn quen mùi, nó đương nhiên sẽ tìm bắt con người như một loại thức ăn bổ sung mới.

Tuy vậy các câu chuyện huyền thoại về Hổ dưới đây vốn đã đi vào lịch sử có thể làm cho cuộc nói chuyện thâu đêm bên nồi bánh chưng của chúng ta huyền bí và thú vị hơn.

Hổ xám thành tinh ở rừng Thạch Thành, Thanh Hóa
Theo truyền thuyết của người dân Thạch Thành thời trước thì những con hổ khi ăn thịt người nhiều thì cứ mỗi một mạng người trên tai nó sẽ xuất hiện một nốt đỏ. Thời TK19 cho đến trước những năm 1960, vùng rừng Thạch Thành Thanh Hóa xuất hiện một con hổ xám có hơn trăm nốt đỏ trên tai tượng trưng cho số nạn nhân nó giết. Khu này có rất nhiều thợ săn hổ thiện nghệ nhưng suốt cả trăm năm vẫn chưa ai có thể giết con hổ xám này.

Do tuổi thọ loài hổ khoảng 25 năm mà con hổ này hoành hành quá lâu nên dân làng cho rằng nó đã thành tinh nên sống rất lâu không chết. Những nhân chứng cho biết con hổ này có da lông màu vàng xám chứ không vàng đen như những con hổ bình thường khác. Con hổ này được dân chúng địa phương thờ làm Thần Hổ cho đến ngày nay. Dù rằng năm 1958, nó đã bị giết chết bởi 1 thợ săn nổi tiếng tên Trương Văn Tiện, mệnh danh là Võ Tòng, người vì báo thù cho hai cháu gái đã quyết tìm diệt hổ dữ.

Thợ săn nổi tiếng tên Trương Văn Tiện, mệnh danh là Võ Tòng, người vì báo thù cho hai cháu gái đã quyết tìm diệt hổ dữ.
Là thợ săn thiện nghệ, nên nhìn ánh mắt đỏ rực thành tia đó, ông Tiện biết ngay là hổ. Ông tiến về phía bên phải tránh vật cản là bụi lau để quan sát rõ hơn. Không phải đoán mò gì nữa, đó chính là thần hổ xám, con hổ bị chột một mắt bởi thợ săn khét tiếng xứ Thành Yên.

Thần hổ xám đã ăn thịt cả trăm người, giết chết 2 cô cháu gái yêu quý tuổi mới 17-18 của ông Tiện. Biết đó là thần hổ xám, ông Tiện khá sợ hãi, nhưng nghĩ đến mối thù, ông bình tĩnh hơn, tìm cơ hội giết thần hổ, trừ hại cho dân.

Tiếng súng nổ đinh tai, xé toạc màn đêm yên tĩnh. Tiếng hổ gầm khiến cả làng Lệ Cẩm thức giấc. Khói súng tan, nhìn về phía bụi lau, không thấy màu đỏ rực như hòn than của mắt hổ đâu nữa. Như vậy, phát đạn của ông đã trúng mắt, xuyên vào đầu thần hổ xám.

Tuy nhiên, quan sát kỹ lại, thì ông Tiện thấy khối xám xịt đang phi về phía mình với tốc độ vũ bão. Ông Tiện quăng súng, rút cây lao, nhằm thẳng về phía thần hổ khổng lồ đang đà lao tới, phóng một cú trời giáng.

Cây lao xé gió, cắm phập vào ức hổ xám khổng lồ. Thần hổ xám như một đống thịt khổng lồ, theo đà lao, cắm vào gốc cây lim già, nằm giãy đành đạch, thở hồng học, máu tuôn xối xả.

Quyết không để thần hổ xám có cơ hội nào, ông Tiện rút dao đâm thủng tim, phổi, cắt đứt họng thần hổ xám. Thần hổ xám hôi rình nằm chết thảm khốc trên vũng máu.

Ông Tiện dùng dao cắt đứt đầu hổ, quăng xuống vũng Cồ Cáp. Ông đo bằng bước chân, thấy mình hổ dài 4 bước, tức khoảng 4 mét. Đó là con hổ to chưa từng có. Nó chính xác là thần hổ xám. Giết hổ xong, ông Tiện chạy về làng báo với mọi người. Tuy nhiên, không ai dám vào rừng lúc trời đang tối. Sáng hôm sau, phải đến 8 giờ, mọi người mới tổ chức vào vũng Cồ Cáp.

Thế nhưng, điều lạ lùng là không thấy xác thần hổ xám đâu, mà chỉ thấy vũng máu đen sì. Mọi người nhảy xuống vũng nước mò, cũng không thấy đầu thần hổ. Quanh vũng nước, có rất nhiều dấu chân hổ lớn, phải đến cả chục con. Mọi người tin rằng, bầy hổ đã tha xác thần hổ xám đi nơi khác. Câu chuyện diệt thần hổ xám của cụ Tiện có người tin, người không, nhưng có một sự thực, là từ năm 1959 về sau, người dân khắp vùng Thạch Thành không gặp thần hổ xám nữa, và cũng không có ai bị thần hổ xám ăn thịt.
(Trích bài viết “Thần hổ báo thù” của nhà báo Phạm Dương Ngọc)

Hổ ba móng chiến khu D miền Đông
hổ ba móng là một con hổ ăn thịt người nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp khoảng năm 1948 ở chiến khu D, Đông Nam Bộ. Nó hoành hành ở hữu ngạn sông Đồng Nai và đã vồ chết ăn thịt khoảng 128 người. Nó được xem là con hổ sát nhân nhiều nhất trong tất cả các câu chuyện về hổ ở Việt Nam. Con hổ này gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vùng chiến khu D, đến nỗi Ủy ban Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa mất ăn, mất ngủ vì nó và treo thưởng cao cho ai tiêu diệt được nó.

Đây là một con hổ hung hãn và tinh quái chỉ có ba móng, xuất hiện sau trận đánh La Ngà, có lẽ nó đã ăn quen xác tử sĩ và bản thân lại bị thương ở chân nên chỉ có thể vồ người riết thành quen. Sau một thời gian dài hoành hành, hổ ba móng đã bị bộ đội chiến khu D gài mìn vào xác mồi bẫy và dùng súng tiêu diệt. Sau khi đo đạc, con hổ này dài đến 3m, nặng gần 200kg, phải đến 8 người mới khiêng nổi.

Con hổ cuối cùng ở rừng U Minh Hạ
Thời khai hoang mở cõi, rừng U Minh là thiên đường của muông thú và dĩ nhiên đó cũng là vương quốc của loài hổ. Người dân vùng này trong quá trình khai hoang lập ấp phải tranh đấu sinh tồn rất khó nhọc nơi rừng thiêng nước độc đầy dã thú và các loài thú dữ như mãnh hổ này.

Đến nay câu ca dao: “Dưới sông đỉa lội, trên rừng hổ um” vẫn là hình tượng sống động nhất để miêu tả về rừng U Minh thời xưa. Đến nay, người dân nơi này vẫn còn kể lại cho nhau nghe câu chuyện về trận chiến với con hổ cuối cùng của rừng già U Minh Hạ, với một phần tôn trọng và cũng một phần nuối tiếc những ngày sống giữa thiên nhiên trù phú khi xưa khi chúa sơn lâm giờ chỉ còn được thờ nơi miếu Hổ và trong các câu chuyện trà dư tửu hậu.

Lần đặt bẫy tóm Ông Chảng (tên con lợn rừng độc chiếc nặng 180kg, rất hung dữ, do ông Ba Hiến, ba của thợ săn Tám Ảnh đặt), vô tình bẫy đã đóng phải hổ con. Chiếc bẫy nghiến mạnh, nát bấy chân hổ con. Mấy ngày sau ông Tám Ảnh mới vào rừng thăm bẫy, nên hổ con đã chết. Hổ mẹ nằm bên xác hổ con gầm “cà um” vang động cánh rừng.

Anh Tạ Văn Bình (Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau), con trai cố thợ săn Tám Ảnh nhớ lại: “Ba tui kể rằng, khi vào rừng thu bẫy, thì nghe thấy tiếng hổ cà um vang động cả rừng. Bầy chó săn hung dữ của ba tui nghe tiếng hổ thì mất hết hồn phách, lủi sau lưng chủ. Tiến lại gần, ba tui thấy hổ con đã chết. Hổ mẹ nằm canh xác con. Thấy ba tui, hổ mẹ đứng dậy, mắt đỏ vằn nhìn ba tui. Con hổ đó thân dài 3 mét, nặng tới 2 tạ”.

Dù đối mặt với hổ đã nhiều, giết hổ vô số, nhưng ông Tám Ảnh cũng cảm thấy chờn chợn trước con hổ quá lớn này. Dù không cố ý, nhưng cái chết của hổ con là do ông, nên ông đã chọn đường rút lui.

Dù đối mặt với hổ đã nhiều, giết hổ vô số, nhưng ông Tám Ảnh cũng cảm thấy chờn chợn trước con hổ quá lớn này.
Vài hôm sau, con hổ tìm đến cánh rừng ven ấp Tân Ân, nơi sinh sống của cha con Tám Ảnh. Cứ đêm xuống, nó lại về sát ấp “cà um” vang động núi rừng. Tiếng gầm của nó cất lên ai oán. Người dân sợ hổ không sao ngủ được. Cả ngày lẫn đêm người dân đóng cửa ở trong nhà, không dám vào rừng, làm rẫy. Biết rằng lỗi này do Tám Ảnh, nên dân làng kéo đến bắt vạ. Họ yêu cầu cha con Tám Ảnh phải giết hạ con hổ này, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm nếu ai đó bị hổ vồ.

Không còn cách nào khác, cha con thợ săn Tám Ảnh phải vào rừng đối mặt với con hổ dữ.

Chuẩn bị đồ nghề kỹ càng, hai cho con Tám Ảnh chèo thuyền dọc mép sông Cái, tìm vào nơi con hổ “cà um” suốt đêm. Hai cha con tính trực tiếp dùng thân thể làm mồi, dụ con hổ ra khỏi rừng.

Thuyền vừa cập bờ, chưa kịp đi tìm đối thủ, thì con hổ khổng lồ đã lừ lừ bước ra từ bãi lau lác. Chỗ đó là mép sông, là bãi đất trống. Hổ săn mồi thích nơi có lùm cây để ẩn nấp, tấn công bất ngờ, nhưng khi đùa giỡn, hành hạ con mồi thì nó tìm nơi đất trống.

Chỗ đất trống này rất hợp với nó. Có lẽ nó muốn kẻ thù phải chết trong đau đớn. Nhưng với ông Tám Ảnh, chỉ chỗ đất trống mới phát huy được hết thế võ hiểm. Vác giáo trong tay, ông Tám Ảnh nhảy phóc lên bờ, mặt đối mặt với hổ. Hai kẻ gườm nhau tìm điểm yếu. Ông Ba Hiến cầm cây gỗ đứng dưới thuyền, sẵn sàng nhảy lên hỗ trợ con.

Con hổ nhìn đối thủ chừng 10 giây, thì đập đuôi, phóng thẳng lên không trung chụp tới. Biết rõ hướng tấn công của nó, nên Tám Ảnh né sang một bên, đồng thời vung lao vụt thẳng vào lưng hổ.

“Lẽ ra cha tui có thể hạ nó ngay, nhưng ổng muốn táng vào lưng để cảnh báo nó. Tuy nhiên, con hổ không bỏ chạy, mà càng hung dữ hơn, quyết ăn thua với ba tui. Vậy nên nó phải mất mạng” – anh Bình kể lại.

Bị vụt cú trời giáng vào lưng, con hổ đau đớn nên càng sôi máu. Nó lấy lại thế và tấn công lập tức. Biết rằng không hạ hổ không xong, nên ông Tám Ảnh quay mũi giáo. Hổ chụp tới, ông tránh sang bên, dùng hết sức bình sinh đâm mũi giáo trúng nách hổ.

Cú đâm cực mạnh khiến mũi giáo sắc nhọn xuyên lớp da hổ, thấu tim. Một dòng máu đỏ tươi nóng hổi phụt thẳng vào mặt Tám Ảnh. Con hổ lảo đảo, đổ kềnh xuống đất. Máu trào thành vũng. Cha con ông Tám Ảnh vần hổ xuống thuyền chở về ấp Tân Ân. Dân ấp kéo đến xem xác hổ khổng lồ đông như hội.

Anh Bình bảo: “Sau vụ ấy, ba tui thề sẽ không bao giờ giết hổ nữa. Thế nhưng, ba tui bảo, sau vụ đó, ổng chẳng gặp thêm con hổ nào. Có lẽ đó cũng là con hổ cuối cùng của U Minh Hạ”.

Minh Bảo

From: TU-PHUNG

Bức Thư 6 Chữ Của Cô Bé 6 Tuổi Đã Làm Thay Đổi Cuộc Đời Tôi

Van Pham

GÓC SUY GẪM…

Bức Thư 6 Chữ Của Cô Bé 6 Tuổi Đã Làm Thay Đổi Cuộc Đời Tôi

Ngày hôm ấy, nếu tôi niềm nở hơn với cô bé thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Phía dưới bức tranh của cô bé 6 tuổi gửi tặng tôi chỉ có 6 từ, nhưng chúng đã thay đổi cuộc đời tôi.

Cứ mỗi lần cảm thấy khó chịu hay bức bối, tôi lại thường lái xe đến nơi này, đó là một bãi biển vắng, cách nhà tôi 5 – 6 km bởi khi được ngắm biển, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và mọi muộn phiền dường như đều tan biến.

Lần ấy, khi đang đi dạo, tôi thấy một cô bé đang ngồi xây lâu đài trên cát hay cái gì đó, bỗng nhiên cô bé ấy ngẩng lên, đôi mắt xanh như màu nước và mở lời:

– “Chào chú”.

Tôi gật đầu, không muốn bị một đứa trẻ làm phiền

– “Cháu đang xây đây này!”, cô bé nói tiếp.

– “Chú thấy rồi! cháu xây gì vậy…”, tôi hỏi, dù chẳng quan tâm là mấy.

– “Cháu có biết đâu, cháu chỉ thích cảm thấy cát trong lòng bàn tay thôi!”.

Tôi nghĩ thầm “Nghe có vẻ hay đấy!”. Ngay lập tức, tôi cởi giày đi chân trần và cảm nhận những hạt cát li ti mát lạnh đang dưới chân mình.

– “Đó là niềm vui đấy!”, cô bé nói .

– “Mẹ cháu bảo cát mang niềm vui đến”.

Trong đầu tôi chợt nhớ đến câu nói: “Tạm biệt niềm vui, quay lại với nỗi buồn”.

Cuộc sống tôi đang bấp bênh, lòng tôi đang xao động và mọi thứ đối với tôi dường như là một sự mất cân bằng.

– “Tên chú là gì…?”, con bé này đúng là không chịu tha cho người ta!

Tôi đáp:

– “Ruth…Ruth Peterson”.

– “Cháu là Wendy, cháu 6 tuổi!”, cô bé nhanh nhảu tiếp lời tôi.

– “Ừ! Chào Wendy”.

– “Chú vui tính thật!”, cô bé cười một cách giòn giã rồi nói nhỏ:

– “Lần sau chú lại đến đây nhé, chú sẽ vui cho xem”.

Những tuần sau đó tôi bận rộn với nhiều việc khác, họp hành, bạn bè và mẹ tôi ốm. Đau đầu và mệt mỏi. Một buổi sáng, tội tự thấy mình cần có lại cảm giác của cát và tiếng sóng biển. Tôi lái xe đến bãi biển quen thuộc.

– “Chào chú!” (Không biết tự bao giờ cô bé cũng có mặt ở đó)

– “Chú có muốn chơi cát không…?”.

– “Cháu nghĩ gì thế…?”, tôi hỏi, cảm giác hơi khó chịu vì cứ bị làm phiền.

– “Cháu không biết”.

– “Cháu sống ở đâu…?”.

– “Đằng kia ạ!”, cô bé chỉ tay về phía những nhà nghỉ mùa hè.

– “Lạ thật!”, tôi nghĩ (vì bây giờ là mùa đông).

– “Thế cháu không đến trường à….?”.

– “Không ạ, mẹ nói cháu đang được nghỉ”.

Sau khi nói chuyện với cô bé tôi ra về. Trước khi tạm biệt, Wendy chia sẻ rằng cô bé rất vui, và đúng là chính bản thân tôi cũng thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

Ba tuần sau đó, tôi lại đến bãi biển trong tâm trạng tồi tệ, thậm chí không muốn chào Wendy. Tôi nghĩ nếu tôi gặp mẹ cô bé, tôi sẽ bảo bà ấy giữ cô bé ở nhà cho tôi nhờ.

– “Hôm nay chú muốn ở một mình!”, tôi nói ngay khi Wendy thấy tôi và chạy lại gần.

– “Tại sao ạ… mặt cô bé có vẻ tái xanh”.

Tôi quay sang gào lên:

– “Mẹ chú mất rồi!”.

– “Ôi!!!”, Wendy lẩm bẩm: “Thế thì hôm nay là một ngày xấu!”.

– “Đúng, cả hôm qua và hôm kia và …thôi cháu đi đi”.

Tôi không hiểu sao lại nổi giận với cô bé và chính bản thân mình.

– “Điều đó có buồn không ạ?”, Wendy vẫn hỏi.

– “Cái gì có buồn không…?”. Tôi nổi cáu khi không hiểu cô bé đang cố gắng hỏi điều gì.

– “Khi mẹ chú mất ấy!”.

– “Tất nhiên là có chứ!”. Tôi thở dài, đứng dậy ra về bỏ mặc lại cô bé nhỏ.

Một tháng sau tôi quay lại bãi biển, cô bé không còn ở đó chờ tôi nữa. Cảm thấy có chút xấu hổ vì lần nóng nảy trước và tự thừa nhận là tôi rất nhớ cô bé, tôi đi về phía mấy cái nhà nghỉ.

Sau khi hỏi được nơi cô bé ở, tôi gõ cửa và một phụ nữ bước ra. Tôi chắc mẩm là mẹ của Wendy.

– “Chào chị!”, tôi nói. “Tôi là Peterson. Bé Wendy đâu rồi ạ…?”

– “À! Anh Peterson, mời vào. Wendy hay nhắc đến anh. Tôi sợ rằng nó làm phiền anh, rất xin lỗi anh”.

– “Không ạ! Wendy là một cô bé tuyệt vời”.

Trong vài giây im lặng, mẹ cô bé bỗng rơi nước mắt và nói:

– “Wendy mất tuần trước rồi anh Peterson ạ. Nó bị bệnh bạch cầu. Chắc nó không nói với anh”.

Quá hụt hẫng, tôi phải tìm ngay một cái ghế để ngồi xuống. Tôi phải cố gắng để thở.

– “Nó rất thích bãi biển này nên tôi đưa nó đến đây. Nó khỏe lên, và nói là nó đã có những ngày vui vẻ. Nhưng vài tuần trước, nó đã nói về một ngày xấu và từ hôm ấy suy sụp rất nhanh”. Giọng người phụ nữ chùng xuống:

– “Nó có gửi lại một bức tranh cho anh, để tôi đi tìm. Anh chờ một chút”.

Một lát sau, người phụ nữ đưa cho tôi một chiếc phong bì nhỏ, ở ngoài viết chữ: “Gửi chú Peterson” bằng nét chữ trẻ con.

Bên trong là một bức tranh: Bãi biển, trời xanh và cát. Dưới bức tranh có viết: “Cát mang niềm vui cho chú!”. Tôi khóc.

Tôi nắm lấy tay mẹ Wendy nói: “Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi!”, và chúng tôi cùng khóc, nước mắt dường như thay cho lời nói, tôi cảm thấy trái tim mình như chết lặng. Thì ra cô bé bị mắc bệnh bạch cầu và sự sống chỉ còn tính bằng ngày, ấy vậy mà nó vẫn vui vẻ và lạc quan quá!

Bức tranh nhỏ, quý giá ấy bây giờ đã được lồng vào khung và treo trong phòng tôi. Sáu từ mà Wendy viết trong bức tranh – mỗi từ như một năm tuổi của cô bé – luôn nhắc nhở tôi bình tĩnh và luôn động viên tôi.

Một món quà từ cô bé mắt màu xanh biển và tóc màu cát đã dạy tôi biết coi trọng thời gian của cuộc sống và biết nhận thấy sự yêu thương.

Trích dịch từ tạp chi Mama’s Journey

Năm hổ kể chuyện hổ: Hổ trả ơn người

Năm hổ kể chuyện hổ: Hổ trả ơn người

 Nguyễn Quốc Văn

Chiều, bố tắt rừng, băng về phía những ngọn khói lam, hy vọng có thể mua hoặc đổi ở đấy một vài con gà. Đang lách người trong một lối đi hẹp, cỏ gianh cao quá đầu người, bố bỗng giật mình, đứng sững lại. Vừa kinh sợ, vừa ngạc nhiên! Trước mặt người là hai con hổ con đang ngậm vú của con hổ mẹ bị thương nặng, mắt đã nhắm nghiền lại…

Bố tôi bảo, mèo, báo, hổ vốn là anh em ruột trong một nhà. Ban đầu, chúng là bạn tốt, sống thân thiện với người. Đi săn về, chúng thường chia thịt các con mồi kiếm được cho người dùng làm thức ăn. Mèo là em út nhưng tinh ranh, suốt ngày nằm cạnh bếp chờ hai anh. Hắn ít vận động nên thân thể cứ teo dần. Chỉ có tính nịnh người thì ngày càng lớn.

Chính cụ tằng tổ một trăm lẻ tám đời nhà tôi, vì tin lời mèo bé mà lần lượt đuổi hai con mèo lớn vào rừng. Trở về rừng xanh, sống cuộc đời của kẻ tự do đích thực, hai con mèo kia đã trở thành hổ và báo, chúa tể chốn sơn lâm.

Tuy nhiên, những con vật ấy không quên nổi những gì đã học được ở con người. Vì vậy, vợ chồng hổ báo cũng biết yêu thương nhau thắm thiết; hổ báo con cũng được sống trong sự chở che, nuôi dạy chu đáo, tận tình của cha mẹ chúng… Có lẽ vì thế chăng mà cả nhà tôi đã thoát chết?

Bố tôi kể, năm Canh Dần 1950, nhà tôi tản cư vào Thanh Hoá. Bố u tôi bỏ tôi và anh Trung vào hai cái thúng, quảy bộ tắt qua rừng Nho Quan. Lúc ngồi nghỉ, u tôi vạch vú cho tôi bú. Bố tôi ẵm anh Trung, dỗ anh ăn vài miếng cơm muối vừng cho đỡ đói.

Bỗng một mùi hôi đến lợm giọng theo gió thoảng tới. Mùi hôi mỗi lúc một nồng nặc, cùng những tiếng sột soạt trong rừng cỏ gianh ở ngay phía trước. Bố tôi líu cả lưỡi vì bất chợt thấy một cặp hổ vằn ló đầu ra, liếm liếm những cái lưỡi đỏ ngòm. Nhưng lạ lùng làm sao, hai con hổ, sau khi chăm chắm nhìn u tôi cho con bú, đều khẽ lắc đầu, gầm gừ như nói với nhau một điều gì đấy, rồi quay đầu từ từ lẫn vào cỏ dại. Bố tôi bảo, chúng không nỡ ăn thịt những người đang nuôi con thơ!

Bố tôi líu cả lưỡi vì bất chợt thấy một cặp hổ vằn ló đầu ra, liếm liếm những cái lưỡi đỏ ngòm.

Sau đó, trên đường đi, lúc lương đã cạn, bố u tôi đã mừng rỡ đến chảy cả nước mắt khi thấy trên một tảng đá, ai đó đã bày sẵn cho một đùi thịt nai dang dở, còn tươi nguyên. Nhìn kỹ, bố giật mình, nhận ra những dấu chân hổ hút vào rừng rậm. Ông bán tín bán nghi, nghĩ thầm, phải chăng chính những con hổ này, là hậu duệ của những con mèo mà ông cụ tằng tổ nhà tôi đã từng nuôi vào một thời xa lắc?

Sau chiến tranh, phần vì đã quá sợ bom đạn, phần bị con người săn lùng ráo riết để kiếm lợi to, loài hổ báo sống trong các dải rừng ở miền Bắc nước ta có nguy cơ tuyệt chủng. Nghe nói, để thoát được hiểm hoạ, chúng buộc phải chạy vào những miền rừng hoang vu nhất, dọc theo biên giới giữa hai nước Việt – Lào. Bố tôi kể, trong một vài lần xuôi bè trên sông Đà, ở đoạn sông chảy qua địa phận tỉnh Hoà Bình, ông còn thấy vài cặp vợ chồng hổ ra sông uống nước. Nhưng cứ thoáng thấy bóng người là chúng đã bỏ chạy…

Lần ấy, cũng là lần cuối cùng bố đi bè. Nghe tiếng súng săn nổ, bố bảo chú Thả và cánh lái neo bè gỗ vào bờ, may ra thì mua được một ít thịt rừng cải thiện. Vì cả chục hôm rong ruổi qua bao thác ghềnh, mà chỉ ăn độc một món rau bí, thèm chất tươi quá!

Vừa lúc đó, có ba người súng ống lăm lăm chạy qua, nói là bắn trọng thương một con hổ cái lớn lắm. Họ hỏi bố có thấy con thú bị thương vừa chạy qua đây không…

Chiều, bố tắt rừng, băng về phía những ngọn khói lam, hy vọng có thể mua hoặc đổi ở đấy một vài con gà. Đang lách người trong một lối đi hẹp, cỏ gianh cao quá đầu người, bố bỗng giật mình, đứng sững lại. Vừa kinh sợ, vừa ngạc nhiên! Trước mặt người là hai con hổ con đang ngậm vú của con hổ mẹ bị thương nặng, mắt đã nhắm nghiền lại. Nằm trên vũng máu của mẹ, hai con hổ nhỏ hầu như chưa ý thức được cái chết đang chờ mẹ con chúng.

Thấy cảnh ấy, chợt nhớ tới đùi thịt nai ngày tản cư năm nào, bố quên hết cả sợ hãi, vội ngồi xuống, lấy mấy cái lá dấu tẩm thuốc quý luôn đem theo bên mình để phòng thân, dịt vào vết thương trên bụng hổ mẹ. Máu từ vết thương dần dần ngừng chảy…

Song vừa ngẩng lên, bố run lên bần bật, kinh hãi nhận ra một con hổ đực đang nhìn từng cử chỉ của ông. Nó đã kịp tha về một tảng thịt heo rừng cho vợ con. Bố chắp hai tay lại để lấy can đảm, đi giật lùi. Con hổ đực nheo nheo mắt, khẽ vẫy đuôi về bên trái, đầu hơi nghiêng về bên phải, tư thế báo hiệu nó sẽ không tấn công người…

Con hổ đực nheo nheo mắt, khẽ vẫy đuôi về bên trái, đầu hơi nghiêng về bên phải, tư thế báo hiệu nó sẽ không tấn công người…

Quay trở lại bè, bố bảo mọi người chuẩn bị nhổ neo. Đúng khi ấy, có ba tên thợ săn xuất hiện, chĩa súng về phía bố, bắt phải lên bờ ngay. Không có cách nào khác, bố đành phải làm y theo lời chúng. Bọn thợ săn khăng khăng nói bố đã lấy được con hổ! Chúng bảo, lần theo vết máu, chúng cũng tới được chỗ con hổ mẹ bị thương. Chỉ lạ là con vật đã bị kẻ nào đó đem đi mất. Xem kỹ dấu chân người còn in trên máu khô, chúng thấy bàn chân rất nhỏ, ngón chân hơi chụm. Không phải dấu bàn chân người bản xứ! Bàn chân người đi rừng nhiều thường to và thô, ngón chân hơi choãi như rễ cây bám vào đá. Vậy thì, chỉ còn cánh lái bè! Không thể khác được!

Một tên thợ săn lăm lăm súng trên tay canh chừng mọi người. Hai tên kia nhào xuống bè, lục soát tất cả mọi thứ đồ đạc. Không thấy gì, chúng lên bờ, xúm vào đánh bố. Những quả đấm, những cú đá hiểm hóc tới tấp giáng xuống, khiến người rũ rượi như một tàu lá héo. Một trong hai tên thợ săn độc ác ôm lấy bố, dựng đứng lên cho tên kia đấm đá tiếp. Hự, hự… Bố tôi ngã vật xuống, kéo cả kẻ ôm mình ngã nhào theo.

Chính vào lúc không ai ngờ đó, bỗng một bóng xám vụt qua. Y như một tia chớp! Sau tiếng gầm man rợ như vọng về từ thời tiền sử, tên thợ săn ngã gục xuống, mặt bị cào nát thành nhiều mảnh. Rồi con hổ nhào lên, hai chân trước quắp chặt lấy tên đang đè lên người bố tôi. Miệng nó ngoạm lấy tay kẻ ác. Hai chân sau của nó co lại, đẩy bố tôi ra. Song có lẽ, do cú đẩy quá mạnh, trên ngực bố hằn rõ cả những vết vuốt sắc. Tên cầm súng hết hồn, leo tót lên cây, run rẩy nổ được một phát lên trời…

Sự việc diễn ra chỉ trong chớp mắt. Bởi thế, khi trả lời các nhà chức trách, bố tôi chỉ dám dè dặt cho rằng, con hổ đã hạ cùng một lúc hai người thợ săn kia, hình như là con hổ đực mà bố tôi đã từng gặp khi xuống tay cứu con hổ cái bị thương. Ông còn mô tả thêm, nó rất giống một con mèo…

Nguyễn Quốc Văn

From: TU-PHUNG

Lấy yêu thương xóa bỏ hận thù

Lấy yêu thương xóa bỏ hận thù

(Câu chuyện có thật)

Tại một nơi sâu hun hút trong khu rừng Hürtgen, một phụ nữ Đức tên Elisabeth Vincken dẫn theo cậu con trai 12 tuổi Frisbey lánh đến đây dựng một căn nhà gỗ ở tạm, bởi tiệm bánh của họ trong thành phố đã bị những trận oanh tạc trên không của quân đồng minh phá hủy tan tành.

Đêm giáng sinh, hai mẹ con Frisbey rất mong chồng và cha của họ đang làm việc trên thị trấn về nhà đoàn tụ, cùng đón Chúa sinh ra đời. Thế nhưng hôm đó tuyết rơi nhiều bao trùm cả ngọn núi nên có thể bố của Frisbey khó trở về nhà.

Đột nhiên, tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Cậu bé Frisbey ngỡ rằng cha về, vội chạy ra mở cửa song mẹ cậu đã nhanh hơn. Elisabeth vừa hé cửa thì thấy có 2 binh sĩ đội mũ cối sắt đứng ngoài, còn 1 người khác đang nằm trên tuyết nhìn như đã chết.

Elisabeth ý thức ngay được rằng đó là lính Mỹ – đối thủ không đội trời chung của quân Đức thời điểm đó.

Họ thuộc sư đoàn 8 binh đoàn bộ binh 121, bị lạc mất đội và loanh quanh trong rừng sâu suốt 3 ngày, vừa phải tìm cách tránh quân Đức, vừa phải tìm lối thoát. Vừa đói vừa rét, người họ thâm tím, trong đó 1 người bị trúng đạn ở chân, mất rất nhiều máu, có thể sống được hay không chẳng ai có thể nói được vào lúc đó.

Mặc dù có súng trong tay song họ vẫn gõ cửa nhà Elisabeth một cách lịch sự.

Người mẹ dù không hiểu họ nói gì những cô hiểu ý của những binh sĩ Mỹ. Trầm ngâm một lúc, cô mời họ vào nhà và đưa người bị thương lên giường của Frisbey nghỉ ngơi, giúp anh ta làm ấm tay, đồng thời sai con đi bắt gà, lấy thêm vài củ khoai tây để làm cơm giáng sinh.

Không lâu sau, mùi gà nướng thơm phức đã bay ngào ngạt khắp nhà. Cùng lúc đó, Elisabeth nhận ra cô có thể nói chuyện với một lính mỹ bằng tiếng Pháp, không khí căng thẳng trong nhà lập tức giảm đi rất nhiều.

Một lúc sau, lại có tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Frisbey chạy ra mở cửa. Thấy 4 lính Đức đứng ngay trước cửa, cậu bé quá đỗi sợ hãy, người như bị đóng băng. Dù là trẻ con, Frisbey cũng biết rõ quy định của Đức quốc xã khi đó, rằng cứ chứa chấp quân địch là giết ngay, không cần giải thích.

Elisabeth điềm tĩnh bước ra, nói với viên sĩ quan chỉ huy trong nhóm: “Giáng sinh an lành!”

Viên sĩ quan nói anh ta và cấp dưới của mình bị lạc đường, muốn ở nhờ trong nhà Elisabeth một đêm.

Người phụ nữ này vẫn bình tĩnh trả lời: “Mời các anh vào nhà cho ấm, và cũng mời các anh ăn cơm giáng sinh với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những vị khách khác, họ không phải là bạn của các anh, hi vọng các anh có thể chấp nhận họ.”

Viên sĩ quan người Đức lập tức cảnh giác và hỏi dồn: “Ở trong nhà có người? Chúng là người Mỹ?”

Elisabeth đáp: “Vâng, hôm nay là đêm giáng sinh, không ai được phép động thủ, mời các anh để vũ khí ở bên ngoài.”

Viên sĩ quan Đức nhìn Elisabeth một cái, rồi ra hiệu cho những người khác để vũ khí ngoài cửa trước khi bước vào nhà.

Những viên lính Mỹ trong phòng bỗng chốc trở lên căng thẳng, vội vã cầm chắc súng trong tay. Một người thậm chí còn rút súng lục, chuẩn bị bắn lính Đức đang tiến vào. Thế nhưng Elisabeth đã ngăn cản anh ta và lặp lại những câu nói mà cô vừa nói với lính Đức: “Hôm nay là đêm giáng sinh, không được phép tàn sát, hãy đưa súng cho tôi.”

Và như thế, người phụ nữ thu hồi cây súng trong tay viên lính Mỹ đang lo lắng hơn là chủ động.

Elisabeth sắp xếp để khách ngồi quanh một cái bàn. Vì ngôi nhà khá chật hẹp nên lính Mỹ, lính Đức phải ngồi sát cạnh nhau, không khí rất căng thẳng. Hai bên, ai cũng nâng cao cảnh giác, đề phòng vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Chỉ có nữ chủ nhà là vừa cười nói, vừa bận rộn chuẩn bị bữa tối giáng sinh.

Vài phút sau, mùi thức ăn hấp dẫn cộng thêm thái độ nhiệt tình của chủ nhà nên trạng thái căng thẳng dần dần được thả lỏng.

Một lính Mỹ lấy ra một hộp thuốc lá mời những viên lính Đức, trong khi một viên lính Đức lại rút ra một bình rượu vang và một cái bánh mỳ trong chiếc ba lô trên lưng ra chia cho mọi người. Một viên lính Đức thậm chí khi thấy viên lính Mỹ bị thương còn lại gần kiểm tra vết và xử lý lại vết thương cho người mà nếu ở chỗ khác, anh ta sẽ là kẻ thù không đội trời chung.

Vì được học qua trường y nên viên lính này có chút kinh nghiệm về y tế, lại có thể nói được tiếng Anh nên anh ta nói với viên lính Mỹ rằng vì trời lạnh, vết thương không bị nhiễm trùng nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Đến lúc này, sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai nhóm lính mới bắt đầu tan biến.

Đồ ăn được đưa ra bàn. Elisabeth bắt đầu cầu nguyện trước bữa ăn. Cô cầu nguyện trong nước mắt:

“Cảm ơn Chúa đã ban ơn để mọi người có thể ngồi ăn chung một bữa trong trận chiến khủng khiếp này. Trong đêm giáng sinh hôm nay, chúng con đã hứa sẽ không coi nhau là kẻ thù mà sẽ đối xử hữu hảo với nhau, cùng thưởng thức bữa cơm giáng sinh đơn giản; chúng con cầu mong cuộc chiến đáng sợ này sẽ kết thúc trong thời gian sớm nhất để mọi người có thể bình an trở về quê hương của mình.”

Elisabeth nói xong cũng là lúc nước mắt lăn dài trên má những người lính. Họ bị những lời cầu nguyện của nữ chủ nhà lay động, thù hận trên chiến trường bỗng chốc tiêu tan, lòng họ hướng về quê nhà, về người thân, ai nấy cũng đang mong hòa bình sẽ lập lại.

Dùng xong bữa tối cũng là 12h đêm, mọi người ra ngoài đi dạo. Lúc này, tuyết ngừng rơi và gió cũng đã ngừng thổi, trên trời sao sáng lấp lánh.

Sau đó, 7 viên lính vốn không đội trời chung vào nhà cùng ngủ một giấc thoải mái cho đến sáng hôm sau.

Chủ nhà làm một ít canh trứng gà cho viên lính Mỹ bị thương. Viên sĩ quan Đức thì lấy bản đồ ra chỉ cho lính Mỹ sơ đồ trận mạc và nhắc họ những nơi không nên đi tới. Thậm chí những viên lính Đức còn làm tặng cho viên lính Mỹ bị thương một cái cáng.

Hai bên cảm kích chào tạm biệt mẹ con Elisabeth rồi đường ai nấy đi.

Vào năm 1958, cậu bé Frisbey đã 26 tuổi, sau khi kết hôn và di dân sang Mỹ, anh đã cư trú tại Hawaii và mở một tiệm bánh Pizza. Nhờ có bạn bè cổ vũ động viên, Frisbey đã viết lại câu chuyện trên và gửi cho nhà xuất bản “Reader’s Digest”.

Năm 1995, chương trình truyền hình “Unsolved mysteries” đã đem câu chuyện của Frisbey quay thành phim.

Không lâu sau, một nhân viên dưỡng lão viện ở thị trấn vùng Maryland gọi điện thoại cho người phụ trách tiết mục, nói rằng ở chỗ họ có một người lính già hay kể chuyện hệt như vậy.

Người lính đó là một trong ba người lính Mỹ đêm hôm đó, ông tên là Ralph. Rất nhanh, họ bố trí cho hai người gặp mặt.

Sau 52 năm xa cách, vào năm 1996, Frisbey và Ralph lại gặp nhau, hai người ôm nhau cảm động đến phát khóc. Ralph nức nở:” Mẹ cậu đã cứu sống chúng tôi”.

Về sau, Frisbey lại tìm được thêm một người lính Mỹ, nhưng chưa tìm lại được ai trong số những lính Đức năm xưa.

Năm 2002, Frisbey qua đời, cùng năm ấy, Hollywood đã sản xuất bộ phim có tên “The Silent Night” dựa trên chính câu chuyên đầy chất nhân văn này.

Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã dùng câu chuyện trên để tổng kết lại những gì ông có thể cảm nhận từ thế chiến thứ II, rằng “Cái thiện nhất định sẽ đẩy lùi cái ác, tự do nhất định sẽ đẩy lùi bá quyền!”. Câu nói cho đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của nó.

Con người chúng ta ai cũng lấy thiện làm gốc, để đẩy lùi hiểm ác.

Lòng Tự Trọng Của Chú Bé Đánh Giày.

Lòng Tự Trọng Của Chú Bé Đánh Giày.

Chiều đi làm về, trời nóng, anh tạt vào quán ngay gần công ty uống một ly cafe, chờ cho vãn người rồi về cho đỡ đông. Nhìn người đi trên đường ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, anh chẳng muốn chen chúc làm gì cho mệt.
– Chú ơi đánh giầy không chú?
– ưmmm… Anh vùa cúi ngậm ống hút vừa lắc đầu.
– Rẻ mà chú, con chỉ xin cái bánh mì ăn cho đỡ đói thôi…
– Giầy chú sắp cho vào bảo tàng đến nơi rồi, thử hỏi người khác xem nhé!
Anh cười nhìn nó, nó xị mặt nhìn anh, buông thõng 2 vai có vẻ mệt mỏi rồi thất thểu đi ra mé cửa ngồi.
Bà chủ quán ngồi ngay đó cất giọng chua ngoa:
-Đi chỗ khác kiếm ăn đi 2 cái thằng kia! Chúng mày ngồi đó án ngữ thì ai dám vào hàng nhà tao nữa. Hãm tài vừa chứ!!! Đúng là cái miệng xinh không đồng nghĩa với những lời nói đẹp.
Sao có thể hắt hủi thân phận của một chú bé như vậy chứ. Anh với tay lấy chùm chìa khoá trên bàn gọi thanh toán, “từ giờ mình sẽ không bao giờ quay lại cái quán này nữa”, anh lầm bầm.
Lao xe theo hướng 2 đứa nhỏ đi để tìm mà mãi không thấy. Bỗng anh nghe thấy tiếng thất thểu:
-Chú ơi… Anh giật mình, quay lại thấy thằng bé con đang ngồi sát ngay sau vách tường lúc nãy chìa tay ra.
-Sao lại ngồi đây? Anh cháu đâu?
– Anh đi kiếm đồ ăn rồi, chú ơi…đói…!!!
Tội nghiệp, thằng bé còm nhom, chắc chỉ tầm 3 – 4 tuổi, bằng đứa cháu con ông anh trai anh là cùng.
Đáng lẽ ra bây giờ nó phải đang được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, được đi mẫu giáo, có bố và có mẹ bên cạnh như bao đứa trẻ khác.
Thế mà… Anh lần túi quần ra được hơn 30k đưa cho nó:
-Này cháu, cầm bảo anh đi mua đồ ăn cho nhé!
-KHÔNGGG!!!…
Chưa kip đưa đến tay thằng bé thì thằng anh từ đâu chạy lại giật tay thằng em vào.
– Con cám ơn chú nhưng anh em con đâu phải ăn xin. Chú có lòng tốt thì để con đánh giầy cho chú.
Giọng nó có vẻ dứt khoát.
– Thế mày định để cho em nó đói chết à???
Nó cúi gằm mặt xuống không nói gì. Thằng em thì cứ cầm lấy tay anh giật giật. Anh bước gần đến ấn tiền vào tay thì nó lại hẩy ra, rồi nó quay ra ôm lấy đứa em.
– Thôi được rồi, thế qua quán nước mía kia ngồi chú trả công đánh giầy và mời 2 thằng nước mía. Được chưa?
Nó lí nhí:
_ Vâng, thế thì được ạ.
Vừa đặt cốc nước mía xuống bàn 2 đứa nó hút 1 mạch hết sạch, còn toàn đá. Anh quay qua chị bán nước giơ 2 ngón tay ý ra hiệu thêm 2 cốc nữa, chị hiểu ý, gật lia lịa.
Đơi 2 cốc nước nữa đến, anh bắt đầu chuyện.
_ Uống từ từ thôi không lạnh cổ, về đau họng đấy. Ngon không?
_ Dạ ngon ạ! Thằng bé con mút chùn chụt rồi quay sang anh.
_ Nước mía ngon quá anh hai, thế mà hôm trước anh bảo đắng lắm!
Nó cười hề hề rồi xoa đầu em. Thấy cốc thằng em đã gần hết, nó lấy cốc của mình đổ sang cho em.
_ Ơ, anh hai không uống à?
_ Không, anh không thích uống nước mía. Em uống nốt đi.
Nó nhìn xuống chân anh.
_ Giầy chú bẩn quá rồi, con đánh giầy cho chú nha.
_ OK! hy vọng nó còn đánh được. Không cần sạch quá đâu.
Anh vừa tụt đôi giầy vừa xỏ đôi dép tổ ong nó đưa. Mặt nó đen nhẻm, nhưng nhìn kỹ khá sáng sủa.

_ Cháu bao nhiêu tuổi?
_ Tám tuổi chú ạ.
_ Tám?
_ Dạ
_ Quá nhỏ!

Nó cười trừ: Con lớn rồi mà.
_ Mà sao cháu cứ xưng con với chú thế? Chú đâu quen cháu nhỉ.
_ Mẹ con bảo ra đường gặp người lớn phải xưng con hết, phải lễ phép với người lớn tuổi, mình không có gì thì cũng không để người ta coi thường được. Xưng con để thấy con người gần gũi nhau hơn chú ạ.
Anh lấy tay chống cằm thở dài. Mình còn cố chấp hơn một đứa con nít.
_ Thế mẹ cháu… à con đâu? Nhà ở đâu?
_ Mẹ con mất rồi ạ, gần 2 năm nay rồi. Nhà con ở đằng kia, nhưng bị phá rồi chú ơi. Người ta giải toả rồi, giờ tụi con ngủ ở sau chợ.
_ Thế bố của con ở đâu?
_ Con không có bố. Lúc sinh ra đến giờ con chỉ biết có mẹ thôi.
Con không được đến trường, mẹ dạy con viết, dạy con làm toán, cái gì mẹ cũng dạy con hết.
Nó vừa nói, 1 tay luồn vào trong giầy, 1 tay quệt xi thoăn thoắt, mặt chùng xuống. Anh cũng thôi không hỏi thêm nữa, quá khứ của mẹ chắc nó cũng chẳng biết đâu mà hỏi làm gì… Nhưng có điều, anh chắc chắn đó là một bà mẹ tốt. Cứ nhìn cách thằng bé ăn nói và đối xử với người khác thì biết, hẳn nó đã học rất nhiều từ mẹ.
Anh bế thằng bé con lên cho ngồi lên đùi, nó cười, nụ cười như chưa từng được một lần như thế. Nó còn bé quá, còn chưa biết điều gì đang đợi chờ ở phía trước.
_ Con định tích góp tiền để bữa nào nó lớn cho nó đến trường chú ạ, con không muốn nó giống như con. Nhưng mà sao giờ người ta khó quá, trước 1 ngày con đánh được 20 chục đôi giầy mà giờ chỉ được năm, sáu… Hôm mưa thì có khi chẳng có đôi nào. Không có cái cho nó ăn nên nó còm nhom.
_ Mà sao nhìn 2 đứa chả giống nhau nhỉ?
_ Dạ con nhặt được nó ở góc chợ, nó khóc to lắm, con không biết ai để nó ở đấy nữa.
_ Sao không đem nó trả lại, con có nuôi nổi nó đâu.
_ Biết người ta ở đâu mà trả chú? Người ta đâu có thương nó, bỏ nó giữa chợ thế kia còn gì. Ít ra con còn có chỗ ngủ, kiếm được cái ăn cho nó. Nó chẳng có gì.
_ Xong rồi. Có mấy chỗ con chà mãi không sạch.
_ Ừ, nó nát rồi thì sạch sao được, thế này là tốt lắm rồi, chú cảm ơn.
Hết bao nhiêu chú gửi tiền nào?
_ Dạ, 7 ngàn chú. Nhưng thôi ạ, chú cho anh em con uống nước mía coi như hoà rồi ạ.
_ Hoà là hoà thế nào, nước mía là chú mời bọn con. Đây, ví chú còn có ngần này, cầm lấy đưa em đi ăn cơm đi. Tối rồi.
_ Sao nhiều thế chú, con không dám cầm đâu. Mẹ con mắng đấy!
_ Sao con bảo mẹ con mất rồi? Không được nói dối nha, xấu lắm đấy.
_ Con không nói dối, mẹ con vẫn ở đây mà.
Nói rồi nó thò tay vào túi áo lôi ra cái ảnh be bé đen trắng có hình người phụ nữ tóc dài, đôi mắt buồn nhìn rất hiền.
Lần đầu tiên anh thấy những tia nắng vàng cuối ngày nặng trĩu trên khoé mắt đến thế… Anh xoa đầu nó:
_ Cầm lấy, coi như chú đặt trước cả tháng, mai lại đánh giầy cho chú nhé.
Nó lưỡng lự một hồi, cuối cùng chịu cầm rồi lí nhí:
_ Thế mai con sẽ đánh giầy cho chú nữa. Con cảm ơn chú!
_ Ừa…
Thằng anh cầm tay thằng em lững thững đi theo.
_ Bữa nào mình kiếm được tiền mình đi uống nước mía nữa nha anh hai, ngon lắm!!!
Anh nghe mà chẳng nhấc chân đươc lên. Giá mà ngay lúc này chú có thể làm được điều gí đó tốt hơn cho 2 đứa.

Cảm ơn con, hôm nay là ngày may mắn của chú, con đã chỉ lại cho chú một con đường mà chú dường như đang mất dần niềm tin vào cái xã hội này. Chú vẫn tin là có điều kỳ diệu trên thế giới này, và con là một ví vụ. Cố gắng lên nhé! Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi…

From: TU-PHUNG

Phi Châu Đến Thương về Nhớ

Phi Châu Đến Thương về Nhớ

(Hình ảnh của Ánh, Trâm và Frank)

Khi cô cháu rủ đi Phi Châu với nhóm bạn của cô, tôi rất ngại đường xa, hơn nữa Phi Châu rừng rú, ngà voi, sừng tê giác, vốn không phải là những thứ hấp dẫn hay gợi trí tò mò của tôi. Cháu rủ mãi, tôi nhận lời, xong lại hủy bỏ. Frank hơi thất vọng vì anh muốn đi lắm. Cô cháu tôi la oai oải trong phôn: “Cô không thích, nhưng chú thích thì cô phải cho chú đi.” Ừ, thì nể chồng, nể cháu, đi vậy.

Chao ôi là con đường dài… Từ Seattle bay 5 tiếng tới Atlanta, rồi đợi ở phi trường 3 tiếng, bay sang Johannesburg (Nam Phi) 14 tiếng qua vùng biển Atlantic (Đại Tây Dương) đến Johannesburglúc 6 giờ chiều, lấy khách sạn ở ngay phi trường ngủ qua đêm, sáng hôm sau 11 giờ gặp nhóm đi Tour chung đến từ Los Angeles, cùng bay tiếp gần hai tiếng nữa tới Cape Town. Tổng cộng mất gần hai ngày từ lúc ra khỏi nhà. Tôi ngao ngán máy bay lắm rồi, nói với Frank, khi quay về lại Seattle tôi sẽ walk home, chứ không lên máy bay nữa.

Bây giờ ngồi đây, viết những dòng chữ này, tôi nghĩ lại vẫn “ngán” những giờ ngồi trên máy bay lắm. Nhưng chuyến đi Phi Châu vừa qua thật sự đã cho tôi một đoạn thời gian “có giá trị” trong đời sống mình. Những điều nhìn thấy, cảm nhận được ở đất, ở rừng, ở thác, ở sông, ở con người của Phi Châu hoàn toàn khác hẳn ở những nơi khác trên thế giới như: Pháp, Ý, Na Uy, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Tầu, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Cam Bốt, Mỹ, v.v mà tôi đã sống hay đã đi qua.

Người hướng dẫn Tour luôn luôn nhắc nhở du khách là không bao giờ được đi một mình, ban ngày luôn luôn phải đi thành nhóm, ban đêm dù có nhóm cũng phải đi taxi, không được đi bộ dù chỉ một, hai đoạn đường. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở thành phố này là 50%. Lợi tức của người có việc là US$2.00/ một ngày, nên không tránh được việc cướp giựt và nguy hiểm tính mạng, nhất là cho du khách. Tiếc thay cả nước sống nhờ vào du khách là chính. Người hướng dẫn cho biết: Cứ mỗi một du khách tới Phi Châu nuôi được năm người bản xứ trong một năm.

Tôi chỉ có thể kể ra những điểm chính trong rất nhiều sinh hoạt của chuyến thăm Nam Phi này. Chúng tôi được đi qua các nước:Zambabwe, Swaziland và South Africa. (Tổng số nước trên lục địa Châu Phi là 54 quốc gia được công nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc.Chưa kể đến 9 lãnh thổ không có chủ quyền.Diện tích của toàn Phi Châu là: 30.521.332 cây số vuông. Dân Số chiếm 1/7 trên thế giới.)

Mặc dù thành phố, viện Bảo Tàng cũng hấp dẫn nhưng phong cảnh thiên nhiên, tìm xem các loài thú vật trong cánh rừng hoang dã Phi châu và thăm thác Victoria Fall là những điểm chính của Tour Du Lịch này.

Thiên Nhiên ở Phi Châu

Hãy nói đến những con vật nhỏ nhất trước tiên.

Những con Chim Cánh Cụt (Penguins Colonies) ởBoulder Beach nơi duy nhất loại chim baby Penguins này hiện diện. Con lớn nhất to chưa bằng một con vịt trung bình. Phần đông chỉ bằng con chim bồ câu. Chim tí teo đi xiêu vẹo như em bé mang cái tã nặng trông thật đáng yêu. Chúng nhào ra sóng chơi một lúc, chìm nghỉm, rồi lại trôi vào bờ, đào những lõm cát nông, nằm phơi nắng. Mỗi gia đình như tự chiếm lấy một chỗ cho riêng mình.

Chim Cánh Cụt-Penguins

Thiên nhiên Phi Châu cho ta rất nhiều kỳ bí, ngoài vẻ đẹp dọc theo bờ Biển Đại Tây Dương, chúng tôi được đi thuyền hai giờ trên hồ Saint Lucica, phía Bắc KwaZulu-Natal,hồ có diện tích 350 cây số vuông, ở Nam Phi.

Xem cá sấu và những con Hippo từng đàn trồi lên, hụp xuống trong nước hay nằm phơi nắng ấm trên bãi bùn và xa xa trong cánh rừng tiếp mặt nước, thỉnh thoảng gặp gia đình nhà voi đủng đỉnh đi qua đi lại.

Hà Mã – Hippo

Được đi bằng xe jeep vào rừng xem Thú Hoang (Game Drive) hai ngày, ở Kruger Park và Unfolozi Game Reserve.

Buổi sáng tinh mơ, trước khi mặt trời mọc, chúng tôi mặc quần áo thật ấm với mũ trùm kín đầu, sẵn sàng đứng trước của khách sạn chờ được đưa vào rừng. Ngồi trên những chiếc xe Jeep dài (3 hàng ghế) hai bên không có cửa, mỗi xe chở được mười du khách và tài xế. Máy ảnh sẵn trên tay, chúng tôi đi tìm gặp những con thú thức dậy sáng sớm đi kiếm mồi. Người tài xế lái xe cũng là người hướng dẫn Tour Trong Rừng, anh ta thông thạo từng nhánh cây, ngọn cỏ. Anh biết đón đầu thú vật, biết chụm tay lên miệng làm thành tiếng gọi Chúa Sơn Lâm.

Một con sư tử từ đâu bỗng xuất hiện, đàn trâu rừng hơn mười con đang đi rải rác vội chụm lại với nhau, đứng im bất động. Chúng nín thở, chờ cho con sư tử đi qua. Chúng sợ Chúa Sơn Lâm ngang với loài người sợ Bạo chúa.

Cả buổi sáng kéo dài tới trưa chúng tôi thích thú để cả tâm trí vào việc ngắm nhìn thú rừng tự do thong thả đi rất gần tầm mắt mình, từ sư tử, trâu rừng, hươu cao cổ, ngựa vằn, voi, chó rừng (với chân như chân nai, những cái đuôi trắng dựng lên như cỏ lau,trước đây mình chưa thấy bao giờ);những con tê giác (Rhino), heo rừng, khỉ, vượn… và nhất là chim rừng, với những bộ lông xanh biếc, hoặc đỏ rực.

Xe Jeep và Du Khách sửa soạn vào rừng.

Thú rừng muôn vẻ

Chúa Sơn Lâm

Chó Rừng

Tê Giác- Rhino

Hảo Vọng Giác và Núi Bàn

Trong buổi chiều đầu tiên ở Cape Town chúng tôi được đi xem Cape of Good Hope. Nhớ lại ngày nhỏ được học Địa Lý Thế Giới gọi làHảo Vọng Giác. Đây là một góc biển Đại Tây Dương. Hôm đó bầu trời xanh lam biếc, nước biển xanh ngọc bích, sóng trắng như tuyết lở từng khối. Đẹp đến nín thở vì sự hoàn hảo và hùng vĩ của hóa công. Trong tiếng gọi nhau ơi ới, nao nứcchụp hình của cả nhóm, tôi đứng xa xa một chút nghe tiếng sóng và chiêm ngắm biển trời, chỉ nghĩ đến biển và biển trong khỏanh khắc đó: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương. Tôi đã đứng mấp mé ở những Đại Dương nào? Có lẽ Thái Bình Dương là bờ biển thân yêu và nghĩ đến là đau xót nhất, nơi cả triệu người dân tôi bỏ xác trong lòng biển.

Hảo Vọng Giác

Chúng tôi được đi bằng xe cáp (Cable car) kéo lên đỉnh của Table Mountain để nhìn xuống biển, nơi đỉnh núi bằng phẳng như một chiếc bàn dài, nơi đón mời mình ngồi xuống dự bữa tiệc thiên nhiên, nơi thức ăn là mây, là gió là biển xanh với sóng bạc đầu. Muốn dùng bao nhiêu cũng được. Có thể Thượng Đế sẽ tính vào hóa đơn của tuổi đời, có thể không, nào ai biết được?

Theo tài liệu lưu truyền: António de Saldanha, gốc Bồ Đào Nha, người Âu Châu đầu tiên đến vùng biển này. Ông leo lên ngọn núi hùng vĩ ấy vào năm 1503 và đặt tên cho núi là Taboa do Cabo (tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là bàn của mũi đá). Mỏm núi, đứng xa nhìn ở một góc cạnh nào đó của biển từ chân núi hất lên thì lại thấy có hình dáng giống như đầu con sư tử, vị thuyền trưởng này có khắc vào đó một cây thập giá, cho đến nay nếu nhìn kỹ, vẫn có thể tìm ra dấu vết. Thật tuyệt! (*)

Trên đỉnh núi Bàn với bạn

Tú trên Đỉnh Núi Bàn 

Thác Victoria Fall.

Nằm giữa ranh giới của Zambabwe và Zambia, đã có lúc Victoria Fall được coi là một trong bảy kỳ quan của Thế Giới.

Chúng tôi đứng ở Zambabwe, phía bên này thác, mặc dù có áo mưa vẫn ướt sũng đầu tóc và hai chân. Không gì đẹp bằng đứng ngắm bức tường thác hùng vĩ bắn những tia nước như mưa trong ánh nắng, hắt sang bờ bên một chiếc cầu vồng bẩy sắc, trên thân thể du khách, trên mặt cỏ hay trong lùm cây. Cầu vồng ban ngày đã đẹp lắm rồi, nhưng có du khách nói, nếu bạn đi ngắm thác vào một đêm trăng tròn, bạn sẽ thấy một Cầu Vồng Trăng (Moonbows) một cầu vồng ánh sáng lung linh bóng trăng huyền ảo.(*)

Chiều ngang của thác 1708 mét được coi như một tấm màn bằng nước dài nhất thế giới. Thác buông xuống từ độ cao 90 đến 100 mét qua bờ xuống lòng thác (Zambezi Gorge) một lượng 550,000 thước khối nước mỗi phút.

Có người tới đây chụp cả trăm tấm hình vẫn chưa thỏa lòng. Dịch vụ trực thăng bay trên đỉnh thác nước cho du khách nhìn xuống cũng được cung cấp. Tôi thì xin hàng, không dám thử môn giải trí này.

Trắng Xóa Đất Trời 

Con Người Phi Châu.

Mặc dù tháng bảy Dương Lịch là mùa đông ở Phi Châu, buổi sáng tuy phải mặc áo ấm ra đường, nhưng đến trưa là bắt đầu nóng, trên xe bus của du khách luôn luôn mở máy lạnh. Những con đường ra ngoài thành phố, hai bên cát bụi đỏ au, thỉnh thoảng có người đàn bà địu con sau lưng, đội thúng trên đầu đứng bên đường chờ xe, có những thanh niên đi nhóm hai ba người, ăn mặc cũng tươm tất, đi như đi từ trong rừng ra, có một vài em bé đi đến trường hay đi học về, có em mặc đồng phục hẳn hoi (Được biết những đồng phục này được chuyển từ gia đình nọ, tới gia đình kia.) Màu sắc xanh đỏ trên y phục của họ tương phản với mặt đất, với hoang vu của núi rừng. Họ đi bộ xa giỏi lắm, đôi chân họ thanh mảnh và vững chắc. Nếu để ý sẽ thấy phần đông đàn ông gầy hơn đàn bà.

Quán Bên Đường

Học Trò Tới Trường 

Khu Langa Township ở Cape Town

Bạn không thể tự mình đến đây được, vì sẽ không an toàn. Du khách phải trả tiền riêng cho chuyến thăm viếng này, nhờ người địa phương hướng dẫn cho được an toàn.

Xe bus tới Trung Tâm Cộng Đồng. Nơi đây chúng tôi được hướng dẫn xem công việc thủ công như: làm đồ gốm, vẽ tranh, đẽo gỗ, đan, tết, những đồ dùng và những con thú bán cho du khách. Được xem và đánh trống cùng thổ dân. Mua một vài món vừa lưu niệm vừa giúp quỹ cho Trung Tâm.

Trung Tâm Cộng Đồng và Hình phòng vẽ

Được đi tới khu những ngôi nhà ổ chuột (Township), nơi con người vẫn ở trong những cái nhà, nếu gọi là nhà, thật ra là những cái Container cũ, bằng tôn hay gỗ,những cái hộp được quây bằng những tấm thiếc đã gỉ sét, có diện tích bằng khoảng hai mét vuông. Những cái thùng này kê sát nhau, chen chúc bên cạnh những con đường đất đỏ, những rãnh nước và những vòi nước rỉ rả chẩy. Những quầy hàng xếp lèo tèo vài mớ rau héo, trái cây rụng cuống và những mảng thịt tái ngắt để lẫn vào nhau. Bụi cát thản nhiên thổi trên mặt người và mặt hàng. Ở khu này có người giơ tay ra xin tiền nhưng bị người hướng dẫn nạt, và gạt đi.

Khu Dân Nghèo Sinh Sống -Township

Chúng tôi dừng lại nơi có những người đàn bà da đen vẽ mặt đang ngồi đốt những chiếc đầu cừu, móc chút thịt còn sót lại; có người đàn ông cầm chai rượu vừa đi chân thấp chân cao vừa ngã vào đống lửa, lồm cồm tự đứng dậy, rồi lại lăn quay xuống. Chẳng ai để ý nhìn, ngay cả những đứa trẻ đang ngồi gần đó cạnh mẹ. Chỉ có du khách chú ý thôi. Ruồi ở đâu về mở hội trên những chiếc đầu cừu không còn một hột máu. Rùng mình!

Nướng Đầu Cừu

Chúng tôi được đưa tới một trong những khu chung cư của nhà nước. Một căn nhà cho một hay hai gia đình, tùy theo mỗi gia đình có mấy người. Theo người hướng dẫn, chui qua những giây phơi quần áo dài từ đầu bãi rác to tới con đường ra ngoài khu chung cư, chúng tôi vào một căn nhà (được chọn cho du khách thăm) Đồ đạc, bếp núc sơ sài gần như không có gì, người đàn bà nét mặt thản nhiên (như đã quen khách như thế), không nói, không cười, đang đứng cạnh cái bếp giữa nhà. Một người đàn ông bước ra từ phía trong, rồi đi hẳn, khuất sau cánh cửa chính. Một đứa bé bên trong cái buồng ngủ duy nhất, ngước đôi mắt như hai viên ngọc đen, nó ra khỏi buồng, nhìn chiếc đĩa giấy để trên mặt cái bàn gỗ tạp giữa nhà ngoài, trên đĩa có ghi chữ Donation. Một con ruồi bay vào từ bên ngoài, đậu trên đó, thằng bé xua xua tay, đuổi con ruồi. Có một vài du khách đặt trên chiếc đĩa đó những tờ giấy bạc mỏng cho nhẹbớtđi những điều mình vừa thấy, kéo hồn mình trĩu nặng.

Cuối cùng, khi chúng tôi chụp hình, cũng xin được một nụ cười ngập ngừng của người đàn bà.

Giây phơi quần áo công cộng

Trường Học Ở Swaziland

Ở Swaziland chúng tôi cũng được đi thăm lớp học Mẫu Giáo Ezulwini cho trẻ mồ côi. Với tôi đây là nơi đáng nhớ nhất.

Xe bus của du khách vừa tới, các em từ một tuổi, còn cầm bình sữa đến các em lên 5, lên 6, được các cô giáo dắt ra tận nơi. Như đã quen với du khách mang dụng cụ học trò, quần áo, trái cây và kẹo tới,các em hân hoan, tươi cười, dạn dĩ chạy ào ra nắm tay du khách. Những bàn tay bé bỏng, đen như gỗ mun, đặt vào những bàn tay to lớn, xa lạ, khác màu da, không ngượng ngập. Những đôi mắt như ngọc đen sáng bóng, ngước nhìn khách tràn đầy hạnh phúc. Khách phương xa, kẻ trào lệ, kẻ khóc trong lòng.

Các em hát bằng thổ ngữ, bằng tiếng Anh, vừa hát vừa nhìn vào những túi kẹo trên tay khách. Hát xong các em được phát kẹo. Sau đó là màn du khách ôm ấp, chụp hình với các em,rồi trao sách tô màu, chì màu, tập, vở học trò, quần áo và nói chuyện với mấycô giáo.

Các em đẹp như những viên sỏi đen bóng, hai con mắt tròn đen, nụ cười rạng rỡ. Tôi nhìn các em tự hỏi, rồi tuổi thơ này cuối cùng sẽ ra sao? Tôi đã nhìn thấy các em lớn tuổi hơn, các thanh niên mười tám, đôi mươi đang làm tất cả những công việc ngoài kia để kiếm được hai Mỹ kim cho một ngày.

Tôi đã thấy ở những khu chợ trời, những thanh niên trẻ lắm, bầy những con thú bằng gỗ, bằng đá trên mặt đất bán cho du khách. Người mua ít hơn người bán. Những chàng thanh niên luôn luôn có đôi mắt rất buồn. Đôi mắt chứa cả một bầu trời đen như màu da đen của họ.

Không Mang Được Em Về Với Tôi

Như Những Viên Sỏi Đen

Máu và Kim Cương Phi Châu

Chúng tôi cũng được đi xem một tiệm bán Kim Cương ở Nam Phi, nhưng hầu như cả nhóm hơn hai mươi người cũng chỉ đi lướt qua từ cánh cửa vào tới cánh cửa đi ra. Những người du lịch ở tuổi ngoài sáu mươi hay có trẻ hơn cũng trên năm mươi, không ai nghĩ đến việc cần mua nữ trang nữa, nhất là khi du lịch. Người hướng dẫn thương mại cũng cho chúng tôi xem những tấm hình Mỏ Kim Cương, nhưng không ai đả động đến những phu đào mỏ. Họ có thể là một em bé Phi Châu ở tuổi lên 9, lên 10. Cũng không ai nói cho chúng ta biết rằng, món nữ trang chúng ta đang đeo trên cổ lấp lánh ánh sáng huyền ảo đó có nhuộm máu trẻ thơ. Đó là những viên kim cương máu (Blood diamonds). Con đường chuyển Kim Cương từ quốc gia này tới quốc gia khác, phần đông không ai biết xuất xứ từ hầm mỏ nào.(*)

Không phải chỉ có người Phi Châu mới là những nô lệ đào mỏ. Có những nô lệ của các nơi trên thế giới cũng được đưa tới đây làm phu đào mỏ này. Họ được những chủ nhân ông thu thập từ các nơi đến, và ở đây họ tự tạo ra một ngôn ngữ riêng để những phu mỏ hiểu nhau. (*)

Phu Đào Mỏ Kim Cương hay Vàng ở Phi Châu, em trong hình 11 tuổi.

(Hình trên net) 

Neilson Mandela

Phi châu nghèo và bị những người da trắng đến cai trị quá lâu, nên họ đã có những anh hùng đứng lên tranh đấu. Đó là Bishop Tutu và Neilson Mandela. Hai người anh hùng này đã cùng được trao giải Nobel Hòa Bình.

Chúng tôi được đi thăm hai ngôi nhà của Neilson Mandela. Một ngôi ở khu da đen trước khi ông làm cách mạng và bị tù. Một ngôi nhà ở khu da trắng giầu có sau khi ông làm Tổng Thống. Trước cửa ngôi nhà sau này, dân chúng làm những mảnh vườn nhỏ, trồng những cây cọ thấp. Nơi đó ai muốn viết những lời trò truyện, lời cám ơn cho ông thì viết lên một viên đá cuội đặt xuống chung quanh cây cọ.

Tú và Trâm ngồi trước nhà Mandela

Nam Phi còn biết bao nhiêu điều chưa nói hết trên những trang giấy hạn hẹp này.Tôi ra về trên chuyến bay dài, chập chùng mây, chập chùng biển.

Cái thân nhỏ bé bềnh bồng nhớ đến những căn nhà ở gần bãi biển giá năm, mười triệu, nhớ những khu phố của người giầu, phần lớn thuộc về người da trắng. Nhớ đến khu ổ chuột của người da đen, những cái thùng, cái hộp quây bằng thép gỉ được gọi là nhà, những đôi mắt đen nhánh ngây thơ của các em bé, đôi mắt buồn bã của những thanh niên ngoài chợ trời.

Nhớ đến những điều được nghe, được đọc, được nhìn về một Nam Phi Châu:

Những bệnh viện cho dân nghèo ở Nam Phi luôn luôn bị quá tải vì quá nhiều bệnh nhân so với khả năng. Cả nước có tới 5 triệu người đang sống với HIV/AIDS.

Nghĩa là mười người thì có hơn một người nhiễm bệnh (more than one in ten). Đã có 3 triệu người chết do truyền bệnh sang nhau, phần đông là người lớn nên bỏ con lại thành trẻ mồ côi và tuổi thọ trung bình của dân Phi Châu là dưới 50.

Tình trạng sức khỏe của dân Nam Phi rất kém so với các dân tộc da màu khác hay da trắng. Do đó tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ tử vong càng cao theo tỷ lệ thất nghiệp và lạm dụng ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Có 14% Nam Phi da đen bị bệnh so với 2% da màu hoặcchỉ có 0,3 % da trắng và Ấn Độ.

Nam Phi là một trong số các nước trên thế giới, nơi có các bà mẹ và trẻ em tử vong tăng từ năm 1990 bởi HIV/AIDS, (trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 1/3.)

Trong suốt mười hai ngày chúng tôi ở Nam Phi Châu, người hầu hạ phục dịch hoàn toàn là người da đen. Chưa hề nhìn thấy một người da đen nào được ngồi vào bàn ăn có người da trắng đứng hầu. (không biết tôi có thể hy vọng được nhìn thấy cảnh ấy trong một thành phố khác ở Nam Phi?).

Ở đâu thì cũng vậy thôi, nơi nào cũng bất công, cũng phân biệt giữa giầu và nghèo. Nhưng tôi vừa thăm một dân tộc trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa ra khỏi cánh rừng, và dưới một góc nhìn nào đó, vẫn là nô lệ, vẫn phải phục dịch người từ xa tới phần đất của tổ tiên mình.

Có ai đó nói: người Phi Châu với đầu óc đơn sơ chậm chạp họ không tự khai thác được gì ở thiên nhiên ngoài sinh sống với thú rừng. Có lẽ vì thế Thượng Đế đã cho họ những thác nước hùng vĩ, những cánh rừng âm u đầy thú; mỏ kim cương, mỏ vàng như những tặng phẩm, để quyến rũ những con người thông minh hơn, tàn ác hơn đến cai trị họ,và sau hết để quyến rũ du khách mang công việc đến cho họ. Những công việc làm bằng tay chân mà thôi.

Tôi nhắm mắt lại nhớ đến những khuôn mặt ngây thơ của các em bé trong trường Mẫu Giáo Mồ Côi. Tờ báo The Times phát hành ở Botswana- Phi Châu, ra ngày 11 tháng 7 úp trên mặt tôi.

Newborn baby left alone to fight for his life in cold hospital sluice room.

Đó là một em bé da đen. Khi mẹ sanh em (với 26 tuần 5 ngày) không có bác sĩ trong buồng sanh, em cân nặng dưới 1 kilo, y tá cho mẹ ôm em 15 phút, rồi mang em đi, nói là em không sống được. Họ quấn sơ sài trong một tấm chăn, để trong một phòng lạnh lẽo,căn phòng chỉ dùng để rửa thau, chậu của bệnh viện, không có ai săn sóc. Em chết sau khi ra đời được hai tuần. Ba em nói:

“Đứa con trai bé bỏng của tôi là đứa bé phấn đấu, nó muốn sống nhưng người ta đã giết nó.”

Được hỏi tại sao em bị bỏ không săn sóc, bệnh viện trả lời không được săn sóc vì em quá nhẹ kí, trước sau rồi cũng chết.

Ôi Phi Châu! Đến thương về nhớ.

Trần Mộng Tú.

From: TU-PHUNG

RUỘT THỊT TÌNH THÂM

RUỘT THỊT TÌNH THÂM

Song Nhi

Tin chị Thơm bị chồng bỏ lan ra nhanh chóng đầu trên xóm dưới.
Có người nói tội nghiệp chị đẹp người đẹp nết, con nhà ăn học mà số long đong.
Nhưng có người lại mừng dùm và họ coi đó như giải pháp mà ông trời giải thoát cho chị khỏi cảnh khổ.
Chị Thơm là con gái duy nhất trong ba người con của thầy giáo Thức ở xứ này.
Thời sinh tiền lúc còn sống thầy và ông chủ tiệm vàng Kim Vinh là bạn tâm giao nối khố có nhau dù một người làm buôn bán một người theo nghiệp chử nghĩa thánh hiền.
Ngay khi chị Thơm chỉ là trẻ thơ lúc nghe ông Vinh muốn kết thông gia cho hai gia đình càng thân hơn, thầy giáo Thức đã đồng ý ngay.
Thơm từ nhỏ đã sáng dạ học đâu nhớ đó, thương con nên lớn lên ba chị cho chị lên ở nhờ nhà người cô ruột trên Sài Gòn để tiếp tục việc học.

Năm đó tự nhiên ông Vinh bị một căn bệnh lạ, chạy chữa nhiều thầy thuốc mà bệnh có vẻ không thuyên giảm.

Khi thầy giáo Thức sang thăm ông bèn nhắc chuyện xưa và muốn tiến tới hôn nhân cho con trai mình. Trước là được yên lòng nhắm mắt vì con nên bề gia thất do ông Vinh biết rất rõ Thơm là cô gái rất tốt. Thêm vào cái hy vọng là biết đâu hôn lễ xua đi được cái vận hạn xui xẻo đang đè ám gia đình ông.

Năm 19 tuổi Thơm được ba mình gọi về quê và lấy chồng trong cái không khí gấp rút của đám cưới đang chuẩn bị. Lúc đầu Thơm phản đối bằng cách bỏ ăn và khóc lóc không ngừng. Nhưng đến khi ba chị dọa thắt cổ tự vận nếu chị dám từ hôn làm trái ngược lại lời hứa mà ông coi trọng như núi. Đến nước đó thì Thơm hết cách đành theo ý ba mình về làm vợ Huân.

Cứ tưởng Huân, chồng chị Thơm lấy được người vợ như chị, anh ta hẳn vui mừng mới đúng. Nhưng vốn tính nhỏ nhen thêm vào chất gia trưởng Huân thấy chướng mắt vì sự học vấn của vợ. Trong khi chị vận dụng cái giỏi giang của mình để gánh vác việc nhà chồng thì Huân sau khi tỏ rõ đường đi lối về với cô vợ trẻ anh ta lại miệt mài với những thú vui tình ái bên ngoài. Từ khi sinh Thu con gái đầu lòng chị Thơm nhiều lần khuyên chồng nên để đức cho con đừng đi gạt gẫm những cô gái khác nhưng Huân gạt bỏ ngoài tai. Thậm chí nhiều lần còn hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với chị khi say. Nhất là sau khi ba chồng chị là ông Vinh qua đời thì Huân không còn phải e dè, kiêng kỵ̣ ̣một ai.

Một lần đoàn gánh hát của ông bầu Tám Ít về đây hát, Huân đi xem và đâm ra mê mệt Hai Như, cô đào nhì của gánh.
Khác với những lần trước lần này Huân trong mắt Hai Như là con mồi lớn nên Hai Như quyết không buông, cô xỏ mũi Huân một cách nhanh chóng. Vốn xuất thân lang bạt nên Hai Như không dể dàng gì trở thành trò chơi của Huân, cô buộc Huân phải cho cô danh chính ngôn thuận khi cô có mang.

Thế là sau 9 năm, chị Thơm đành chịu tiếng bị chồng bỏ bởi không chịu nổi sự cay nghiệt cũng như những trận đòn thừa sống thiếu chết của Huân gần đây. Thầy giáo Thức ba của chị cũng qua đời vài năm trước đó nên chị cũng không muốn níu kéo.

Chị đồng ý ra đi với hai bàn tay trắng không làm phiền Huân cưới vợ mới nhưng bù lại Huân phải để chị dẩn bé Thu lúc này được 5 tuổi đi theo mình.
Buồn cho phần số dang dở của mình và cũng không muốn ở lại quê nơi có nhiều kỷ niệm gợi chuyện phiền lòng chị Thơm dẫn con gái lên lại Sài Gòn.
Ban đầu chị tá túc ở nhà cô ruột như trước. Sau đó chị mang số tiền cha mẹ ruột cho phòng thân khi xuất giá lấy chồng làm vốn mua bán.
Chị mở một sạp bán trái cây và thuê căn nhà nhỏ gần đấy cho tiện việc đi về mẹ con chị sống yên ả vui vẻ với nhau.

Dạo gần đây có một anh chàng người Mỹ thường ghé mua trái cây chổ chị. Anh ta gây sự chú ý cho Thơm bởi anh ta nói được tiếng Việt rất rành khác với những anh chàng Mỹ lớ ngớ thỉnh thoảng vẩn ghé chổ chị mua hàng.
Anh chàng người Mỹ John Smith ấy cũng thật bất ngờ khi thấy cô chủ hàng nói rất chuẩn thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và là một người có ăn học.
Lúc đầu chỉ là trò chuyện xã giao lâu dần họ thành bạn. Dù hai người cách xa nhau về hình thức lẩn nơi sinh trưởng nhưng họ lại khá hợp nhau trong nhiều cách nghĩ. Hơn một năm sau John ngỏ lời với muốn cưới Thơm làm vợ.
Phần Thơm thật sự chị dành rất nhiều cảm tình cho John nhưng chị cũng e ngại sự cách biệt và tiếng đời thường mĩa mai những người phụ nữ lấy Mỹ thời đấy nên chị còn lưỡng lự chần chừ. Nhưng tấm chân tình của John khiến chị cảm động. Hai năm từ ngày họ quen biết chị dẹp cửa hang, về làm bà Smith.

Mười mấy năm trôi qua gia đình chị Thơm có thêm một trai hai gái. Peter được 13 tuổi, Mary 11 tuổi và Ann 9 tuổi.
Ngoài xã hội John là người khá thành công về kinh doanh nhưng khi về nhà John là người chồng có trách nhiệm. Anh ta đối xử với Thu cũng như những đứa con khác của mình hết mực yêu thương không hề có sự phân biệt. Gia đình họ sống đầm ấm hạnh phúc ngoài những lúc đến trường ở nhà chị Thơm vẩn gọi con bằng những cái tên tiếng Việt là Phú, My và Ái.
Khác biệt nhau về mái tóc và cả màu da nhưng bốn chị em Thu lại quấn quít hòa thuận, luôn gắn bó bên nhau không rời.

Năm 1975 lúc này Thu đã 21 tuổi đang theo học một trường Dược ở Sài Gòn.
Một ngày chị Thơm nhận được tin Huân chồng cũ của chị tức là ba ruột của Thu ở quê qua đời đột ngột vì một cơn đột qụy. Đúng ra chị Thơm không muốn về bởi tình hình lúc đó có nhiều thay đổi và Huân từ lâu không hề nhắc nhở hay đá động gì tới đứa con gái của mình là Thu. Nhưng cuối cùng chị cũng dẫn Thu về chịu tang cho đúng phép tắc dù gì họ cũng là cha con. Phần chị thì xem như nghĩa tử nghĩa tận đến thắp một nén hương cho phải đạo làm người, hơn nữa chị không an tâm để Thu về một mình.

***

Sau đám tang ngay lúc chị chuẩn bị trở về Sài Gòn thì thời thế thay đổi trong một đêm phải chờ đến cả tuần sau và bằng nhiều cách mẹ con chị mới lặn lội trở về được Sài Gòn. Nhưng khi chị Thơm và Thu lên tới Sài Gòn thì mọi chuyện đã khác lạ hoàn toàn.
Dâu bể đổi dời chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chị không thể vào được nhà cũ bởi chúng bị tịch thu nên chị không lấy được thông tin hay địa chỉ liên quan gì tới chồng mình ở Mỹ.
Cũng không thể hỏi thăm ai giữa cái lúc hỗn loạn ấy chị dành dẫn Thu nương náu, mưu sinh ở một quận gần đó và cố gắng hết khả năng để nghe ngóng liên lạc với chồng và con của mình trong vô vọng.

Ngày xưa vì người ở quê hay kỳ thị, dè bĩu và lo cho sự an toàn của chồng vào thời còn chiến tranh. Chị Thơm chỉ dẫn duy nhất Peter về quê ngoại chơi hai lần mà thôi. Không cho John cùng hai con gái nhỏ về thăm quê lần nào. Bởi má chị vẫn lên thăm gia đình chị ở Sài Gòn thường xuyên. Do chị cũng ỷ y đâu có dè cuộc đời có những thay đổi như vậy.
Thời gian dần trôi không một tin tức nào về họ dù là sống chết. Phần lo lắng thương nhớ con nên sức khoẻ chị Thơm mỗi ngày một kém. Rồi chị qua đời vào một đêm mưa sau cơn bệnh trong tay vẫn còn nắm chặt tấm ảnh gia đình của mình.
Lúc lâm chung không biết có phải còn tiếc nuối hay ấm ức mắt chị mở trừng trừng khiến Thu khóc than tức tưởi khấn nguyện rằng sẽ cố gắng tìm được những đứa em và mang chúng về.

Phần John Smith vào lúc mọi người nhốn nháo rồng rắn di tản dù không muốn bỏ vợ mình lại nhưng John không còn cách nào khác hơn đành dẫn ba người con của mình lên máy bay về Mỹ trong nổi đau đáu lo lắng. Khi về đến xứ sở anh ta cũng cố gắng liên lạc với vợ mình nhưng ngoài tên họ của vợ và con gái. John chỉ biết thêm địa danh quê vợ là Xào Bân chứ không hề có thông tin gì khác. Đường phố còn thay đổi tên thì nói chi muốn tìm một con người giữa cái đất Sài Gòn mênh mông ấy.
Ba năm sau trên đường đi làm về John qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Những đứa con của anh được chuyển về sống với ông bà nội ở bang Texas.
Gia đình họ lạc nhau từ đó…

***
Ba mươi lăm năm sau.
Thu bây giờ tóc đã bạc hơn phân nửa và lên chức bà Ngoại chị lấy chồng có được ba người con. Chồng chị là người đàn ông tốt và hiền lành.
Các con chị vẫn sống và làm việc ở Sài Gòn. Còn chị và chồng về sống ở quê vào 5 năm trước trên mảnh đất hương hỏa của bà Ngoại chia cho mẹ chị ngày xưa, vui thú cùng vườn cây ao cá, như bao người có tuổi khác.
Cuộc sống chị êm đềm, hạnh phúc như bao gia đình an phận bình thường nhưng dù bao năm trôi qua trong lòng Thu vẫn không quên được nỗi nhớ về những người em của mình.
Thỉnh thoảng nhìn những tấm ảnh cũ đã úa vàng mà chị lưu giữ như một báu vật, chị lại chảy nước mắt.

Chị khóc khi hồi tưởng cái khoảng khắc ngày xưa đút cơm cho những đứa em của mình. Chị nhớ rõ đứa nào thích ăn gì, tính nết ra sao.
Nhớ lúc chạy giỡn trong khoảng sân nhỏ cùng nhau giờ không biết họ lưu lạc phương trời nào và có bình an không ?.
Hiểu nỗi khổ tâm bao năm của chị Thu các con chị cũng giúp mẹ bằng mọi cách họ có thể.
Từ những phương tiện thông tin hiện đại đến nhờ cả đại sứ quán giúp đỡ, nhưng thông tin qúa ít ỏi và trôi qua nhiều năm nên sự tìm kiếm của họ cũng rơi vào im lặng.

Peter, Mary và Ann hiện tại cũng đã có gia đình và con cái họ khác xưa hoàn toàn. Vốn Việt Ngữ của họ gần như là mất hết, ngoại trừ Mary do làm quản lý ở một hãng có nhiều người Việt nên cô còn nói được chút ít.
Nhưng ba người họ vẫn không quên người mẹ và chị của mình. Họ về Việt Nam rất nhiều lần nhờ sự giúp đỡ của nhiều nơi.
Nhắn tin trên báo để tìm kiếm nhưng tất cả vẫn không có tin tức gì, họ cũng không có nhiều manh mối để mở rộng việc tìm kiếm…

Năm 2010 Peter lúc này đã 48 tuổi nhân dịp nghỉ thường năm anh ta dẫn theo cô vợ người Mỹ của mình là Jessica về Sài Gòn du lịch.
Lần đó khi đang ngồi trên chuyến xe tham quan của một đoàn du lịch chuẩn bị đi đến điểm vui chơi theo lịch trình.
Là người vui tính Peter trò chuyện cùng anh hướng dẫn viên là ngày xưa mình được sinh ra ở Sài Gòn.
Nhắc về kỷ niệm vô tình Peter nói rằng quê ngoại ở Xào Bân bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ. Có một vị khách lớn tuổi trong đoàn nghe được. Ông ta nói là ông ta biết một nơi trước kia gọi là Xẻo Bần chứ không phải là Xào Bân.
Đó là một làng nhỏ do dân địa phương tự đặt tên ấy vì có cái rạch nhỏ chảy cắt ngang qua. Mà bây giờ không còn ai gọi là Xẻo Bần nữa họ gọi bằng tên một thị trấn khác.

Không biết có cái gì xui khiến Peter vội lấy giấy bút ra và nhờ ông ta ghi lại chính xác nơi đó bằng cái tên hiện hành ngày nay.
Bỏ dở chuyến đi chơi Peter cùng vợ ngược về Sài Gòn tìm đến trung tâm lữ hành du lịch và ngỏ ý muốn thuê một hướng dẫn viên thông thuộc miền Tây để đi đến địa danh mà vị khách lạ cho.

Khi họ đến nơi thì gần như không còn vết tích nào giống trong ký ức của Peter. Anh ta nhớ ngày xưa phải đi bằng thuyền nhỏ và cây cỏ hoang dại. Còn nơi anh ta đến ngày nay là thị trấn sầm uất đông đúc xe cộ chạy xuôi ngược.
Thấy vẻ thất vọng của Peter, anh hướng dẫn viên cũng không biết làm sao hơn đành cùng người tài xế chở hai vợ chồng ông khách người Mỹ đi loanh quanh cho đúng theo trình tự một chuyến tham quan.
Xe chạy dọc những con lộ nhỏ và anh hướng dẫn viên giảng giải đây là một vùng chuyên về trồng trái cây.

Chợt lúc đó chuông nhà thờ đổ hồi chuông ban trưa thông lệ. Như có một thứ giác quan mách bảo Peter đòi được đến nơi đó.
Cả nhóm họ rời xe đi bộ trên con đường làng khi đứng trước căn nhà thờ có tuổi thọ gần cả trăm năm được xây từ thời Pháp đô hộ.
Peter gần như là không kèm được sự xúc động bởi anh ta nhận ra đây đúng là quê ngoại mình mà ngày xưa anh được mẹ dẫn về.
Qua bao nhiêu năm nhưng cũng may là cái nhà thờ ấy vẫn không thay đổi hình dáng kiến trúc cũ. Nhất là cái vị trí nằm ngay ngã ba sông rất đặc biệt.

Peter nhớ một cách rõ ràng như vậy do có một lần khi về quê chị lớn là Thu dẫn em trai mình đến đây chơi. Đang vui đùa chợt Peter tự nhiên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân khiến Thu hốt hoảng cầu cứu. Chính một vị ma-soeur hiền lành đã kêu Peter nằm ngay xuống trước sảnh nhà thờ và ngước mặt lên ngay cho máu ngừng chảy. Trong khi bà đặt chiếc khăn lạnh trên trán của Peter để hạ nhiệt độ.
Theo trong trí nhớ của Peter nhà bà ngoại đi bộ cách đó một đoạn nhưng hướng nào thì anh ta mơ hồ không nhớ nổi.

Vốn nhạy bén sau một hồi suy tính Peter nhờ anh hướng dẩn viên hỏi thăm những ai nhiều tuổi từng sống nơi đó về người đàn bà có tên Ba Thơm có con gái tên Thu.
Nhưng già trẻ không một ai biết bởi ngày trước chị ba Thơm chỉ thỉnh thoảng về thăm quê rồi đi. Số người còn lại họ đến ở nơi đây mới độ hai, ba chục năm thì làm sau biết chuyện ngày xưa cũ.
Thêm nữa ở quê người ta thường gọi theo thứ ít ai gọi tên nên chẳng ai biết người đàn bà mà Peter muốn kiếm là ai.

Cuối cùng Peter chỉ còn cách ghi lại địa chỉ khách sạn ở Sài Gòn nơi mình trú ngụ cùng số điện thoại cá nhân đang tạm dùng trong thời gian ở Việt Nam. Peter hứa sẽ hậu tạ cho bất cứ ai có tin tức về hai người mình đang cần tìm .
Đúng lúc kẻ ghi người viết thì có một người đàn bà đứng tuổi đi chợ về ngang do tò mò bà ta rẽ đám đông vào xem .
Khi biết rõ câu chuyện bà ta chậm rãi nói:
-Tui biết có chị kia ở cạnh nhà bà sui gái của tui .
Nghe đâu tên của chỉ là Hai Thu mà tui không nghe chỉ có anh chị em chi hết.
Chị mới về đây sống độ mấy năm thôi không biết có phải chị Thu gì mà ông ấy muốn kiếm không ?
Nhà chị ấy tuốt dưới xóm dưới đường hơi khó đi một chút.

Sau khi nghe anh thông dịch nói lại, không bỏ sót một tia hy vọng vào, Peter vội khẩn khoản bà ấy giúp mình.
Họ chọn ra giải pháp cả nhóm sẽ ngồi ở quán cafe đầu chợ. Trước là chờ gặp người tên Thu mà người đàn bà ấy vừa nói.
Sau là uống ít nước và nghĩ ngơi tạm bởi vì nhóm họ điều thấm mệt sau hàng nửa ngày trời đi tới đi lui.
Người đàn bà kia thì lên một chiếc xe honda ôm đã được Peter trả tiền tới nhà chị Thu và nhắn chị ấy có người cần gặp ngồi chờ nơi quán nước trước cổng chợ.

Buổi xế trưa, sau bữa cơm chị Thu đang cho mấy con gà ăn trước sân như thường nhật chợt có tiếng xe honda dừng trước cửa.
Khi nghe nói có ông tóc vàng mắt xanh cần gặp một người tên Thu trước sống ở Sài Gòn và cở bằng độ tuổi của chị vì có chuyện cần, chị hai Thu đã luống cuống tay chân, buông luôn cái thau đựng cơm nguội xuống sân nhà.
Chị không kịp cám ơn người đàn bà tốt bụng mà vội chạy vào lấy cái nón lá và lên tiếng gọi ông chồng mình đang lui cui sau vườn.
Tay chị run rẩy đến nổi không thay nổi cái áo bà ba nên chị mặc nó tròng đôi vào cái áo đang bận.
Chị lập cập không giấu được vẻ hồi hộp của mình khi ngồi lên chiếc xe do chồng mình nổ máy chờ sẳn chạy vội ra chợ.

Ở quán cafe mọi người không dấu được ánh mắt tò mò trước hai vị khách ngoại quốc đang ngồi chờ như ngóng trông ai đó.
Xe ngừng trước quán chị Thu bươn bả đi vào, đám đông khẽ nhích ra nhường lối cho chị.
Nãy giờ đi ngoài trời chói nắng nên chị lột vội cái nón lá quẳng vô góc để nhìn cho rõ, Peter cũng vội vã đứng lên.
Không cần phải nói hay hỏi han điều gì chỉ cần nhìn mặt Peter, chị Thu đã biết đó chính là em trai của mình bởi Peter giống cha anh ta John Simth thuở xưa như tạc.
Chị Thu khóc ngất nói trong tiếng nấc:
-Em ơi ….Phú ơi ….
Cơn xúc động dâng lên cao độ khiến chị Thu loạng choạng như muốn ngất.
Peter vội đỡ lấy chị mình dìu chị ngồi xuống ghế anh ta cũng khóc khi nhìn gương mặt của chị Thu với những đường nét của mẹ mình ngày xưa.
Nhoài người tới ôm lấy người chị của mình Peter lắp bắp bằng một thứ tiếng Việt ngọng nghịu :
-Chị … chị Hai … Phú nè … chị chị Hai …
Tiếng chị Thu miếu máo ngắt quãng từng chập :
-Mẹ mong chờ mấy em biết bao nhiêu… hu..hu …mẹ mất rồi em ơi.
Trong khi Jessica vợ của Peter nhẹ đưa cánh tay vỗ vỗ lên lưng chồng mình như sẻ chia dù cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng như người đàn bà kia nói gì .
Thì chồng chị hai Thu biết rõ câu chuyện hơn do vợ mình thường kể nên anh cố giấu đi vẻ xúc động bằng cách nói như phân bua:
-Em của vợ tui, chị em ruột ấy thất lạc mấy chục năm rồi không tin tức chi hết.

Nhìn thấy một ông ngoại quốc cao lớn nắm chặt tay một người đàn bà Việt Nam mãnh mai miệng chỉ lắp bắp được vài chữ ”chị ơi…”.
Một số người trong quán hôm ấy khẽ lén lau đi giọt nước mắt vừa ứa ra.
***

Một buổi tối của hai tháng sau.
Nhà chị Thu đèn đuốt mở sáng choang nhiều người đi tới đi lui. Mấy bà chị thì nhỏ to dưới bếp bên cạnh nồi cháo gà và vài món ăn nhẹ .
Họ lo không biết những ông bà người Mỹ ở nhà trên có ăn được những món ăn Việt Nam không và nêm nếm như vậy có vừa khẩu vị của họ chưa.
Vài người trẻ trong xóm ngồi ngoài mấy cái ghế tre trước hiên của nhà chị Thu.
Đôi ba ông cụ bà cụ lớn tuổi một chút ngồi trong phòng khách cùng chị hai Thu, Peter, Mary và Ann.
Họ tới mừng cho chị khi nghe được tin chị em trùng phùng sau bao năm và tò mò chờ nghe câu truyện có phần hơi ly kỳ của họ.

Bốn chị em của chị Thu ngồi trên bộ đi văng nói chuyện với nhau.
Mary còn nói được chút ít tiếng Việt, Peter và thì nhớ được một vài câu xã giao ngọng nghịu.
Riêng Ann thì không nhớ một câu nào, cả ba người họ phải nói qua người phiên dịch đang ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh đó.
Chị Hai Thu đưa khăn lên lau nước mắt khi nghe Peter kể sau khi ba chết họ về sống cùng ông bà ở nơi mới.
Đi học Peter hay bị bọn trẻ chọc ghẹo kỳ thị vì là con lai.
Khiến cậu ta đánh nhau đến nổi chút nữa thì bị đuổi học.
Chị lại cười khi Mary nói lúc về Mỹ muốn ăn trứng ấp thảo với cháo trắng như ngày xưa mẹ nấu ở Việt Nam nhưng đành chịu vì không biết cái trứng đó tên là gì.
Bao nhiêu năm Mary luôn cảm thấy tủi thân và không vui khi ai đó hỏi về nguồn cội bởi Mary không biết trả lời họ ra sau.

Ra vẻ ái ngại Ann nhìn họ rồi khẽ nói, qua người thông dịch rằng :
”Lúc đầu khi nhìn những tấm ảnh cũ ố vàng ngày xưa và nghe anh Peter thông báo tìm được chị và nhắn thu xếp về gặp nhau .
Cô được một vài người khuyên nên cẩn thận để tránh sự nhầm lẩn thậm chí biết đâu chừng đó là sự giả trá, lường gạt.
Vì khi đi cô là người nhỏ tuổi nhất rồi sống ở môi trường không có người Việt nên ký ức về chị trong cô không còn được rõ nét như hai anh chị mình.
Nên cô thật sự có phần dè dặt, không tin lắm nhưng trên đường về đây khi ghé qua quán ăn tạm ở dọc đường, chị hai Thu đã ngăn cô lại khi cô định ăn một bát súp.
Chị ấy nói rằng súp đó được nấu bằng tôm mà chị biết rõ Ann từ nhỏ đã dị ứng với đồ biển. Rồi chị nhờ người thông dịch hỏi giúp chị vết sẹo trên đùi Ann có biến mất theo thời gian không hay là to hơn.
Ann cố ý hỏi vặn lại vết sẹo gì ?
Chị Hai Thu nói ngày trước Ann từng bị té vào chậu hoa sau vườn nhà nên đùi có một vết thẹo khá dài , chính chị đã băng lại giúp cô.
Ann đưa khăn giấy chậm nước mắt bằng vẻ bối rối, xúc động cô ngỏ lời xin lỗi chị mình vì những nghi ngờ trước đó.
Bởi bây giờ cô đã tin chị thật sự là chị Hai của cô ngày xưa.
Ann hứa với chị khi về Mỹ sẽ cố gắng học thêm ít tiếng Việt để có thể trực tiếp nói chuyện với chị mà không cần phiên dịch.”

***
Sáng hôm sau khi tia nắng bình minh vừa hiện ra ở chân trời , gió dìu dịu mùi sương sớm.
Trước ngôi mộ của dì Ba Thơm nơi phần đất hương hỏa giữa đồng.
Bốn mái đầu rấm rức khóc và cuối lặng thật lâu .
Trong mùi hương trầm và những bó hoa thơm lan tỏa lãng bãng, tiếng chị hai Thu nghèn nghẹn khấn :
-Má … con dẫn mấy em đến thăm má. Xin má linh thiêng phù hộ độ trị cho chị em con và xin má an lòng yên nghỉ.

Một ngày cuối chiều ở sân bay, khi tiếng loa thông báo nhắc nhở tên ba vị khách còn lại của chuyến bay về Mỹ nhanh chóng ra cửa khởi hành.
Vòng tay của chị em họ lại vội vã ôm lấy nhau giữa khóc – cười họ hứa sẽ quay lại sớm vào một ngày nào đó cùng gia đình của mình.
Mary vội nói cùng chị bằng cái âm chưa chuẩn và quơ tay như minh họa cho lời nói:
-Em biết Việt Nam gọi ngày chết là đám giỗ rồi.
Đám giỗ má vào mùng 9 sau tết Việt Nam.
Tụi em sẽ về vào ngày đó hằng năm .
Chị Hai yên tâm giữ sức khoẻ .

Mắt chị Hai Thu vẫn còn đỏ và đầy nước nhưng miệng chị cười tươi.
Chị đưa cánh tay lên lưu luyến vẩy theo dáng những đứa em của mình đang khuất dần sau cánh cửa kiếng

Có một dịp tình cờ nào đó sau tết âm lịch trong cái không khí hãy còn Xuân .
Bạn chợt ngang qua một thị trấn nhỏ xinh đẹp thuộc một tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long .
Đi tới cái xóm nhỏ mà địa danh ngày xưa gọi là Xẻo Bần vô tình bạn nhìn thấy một nhóm người trên đường làng hay trong cái quán Phở ở chợ .
Nhóm người đó trung niên có, trẻ có, tây ta lẫn lộn .
Đôi khi cô gái trẻ tóc vàng mắt xanh cao lớn đang cố trọ trẹ học câu tiếng Việt từ một cô Việt Nam cũng còn khá trẻ.
Rồi cũng có lắm lúc cô gái Việt Nam nói những câu Anh Ngữ để giải thích sự việc gì đó cho cô gái kia .
Thỉnh thoảng hai người trung niên lại nói tiếng Việt bằng một âm điệu chưa chuẩn lắm làm bà chị của họ bật cười.
Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên bởi đó chính là đại gia đình của chị em họ và con cái thuộc thế hệ kế .

Những người họ khác biệt nhau về ngôn ngữ, chủng tộc, tập quán và ở cách xa nhau nửa quả địa cầu, hàng chục giờ bay.
Nhưng họ có chung một thứ, đó chính là dòng máu chảy trong huyết quản của họ có sự hiện diện của cái gọi là ruột thịt tình thâm.
Cuối cùng thì tất cả các dòng sông đều trở về biển như một quy luật muôn đời ….

Song Nhi

From: Dương Phong