Câu chuyện của một Tiến sĩ toán học Harvard University

Câu chuyện của một Tiến sĩ toán học Harvard University

Ngày 28/9/1997, An Kim Bằng, học sinh lớp 12 trường Trung học số 1 của Thiên Tân (Trung Quốc) đã đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 38 tại Argentina. Sau lưng của An Kim Bằng và tấm Huy chương Vàng làm cả Thiên Tân tự hào là một câu chuyện về mẹ.

 

 Người mẹ nông dân của tôi

Ngày 5/9/1997, là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở Đại học Bắc Kinh, khoa Toán.

Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.

Bưng bát mì, tôi đã khóc.

Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất… Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.

Nhà tôi vô cùng nghèo khó.

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm.

Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác.

Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó, mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi.

Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.

Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm; khi học Tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán Lý Hoá của bậc Trung học Phổ thông; Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc Trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu.

Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.

Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày.

Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu.

Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời.

Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa. Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ.

Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi.

Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi: “Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?”

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi:

“Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học…”

Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học t
iếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu?

Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: “Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.

Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!

Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch.

Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to…

Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc…

Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: “Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu…”. Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường.

Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ (tương đương 120-160.000 VND), thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa.

Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn. Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali – chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào.

 

 Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: “Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa.”

Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì.

Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tiếng Anh đã thành người giỏi thứ 3 của lớp.

Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập.

Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý.

“Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới!” Tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi.

Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống.

Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng!

Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng.

Tháng 1 năm 1997, tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường.

Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi:

“Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?”

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: “Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa – trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clintơn em cũng chẳng thấy ngượng.”

Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc.

Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; Sau đó công bố Huy chương Bạc, cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi.

Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ…

Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi.

Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt…

Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng.

Ngày 12/8, trường Trung học số Một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

“Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách “Đại từ điển Anh-Trung” để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi.

Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ.

Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 18 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: “Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ.”

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh.

Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa..

Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi.”

Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn…

 

Bánh bột nướng

 Trang Hạ 

(tổng hợp các báo Trung Quốc, cuốn “Tâm hồn cao đẹp”, tự truyện của An Kim Bằng, tự truyện của Lưu Lệ Quyên)

nguồn từ Đinh Việt Nữ gởi

Đôi Mắt Người Cha

Đôi Mắt Người Cha

                                                  tác giả: Hoài Việt

 

                        Xin cho, Chúa chẳng hẹp hòi

               Gõ Ngài mở cửa, tìm soi thấy liền.

 Một người cha chỉ có một đứa con trai duy nhất sống chung với ông, hai bố con đều say mê môn túc cầu trái na (football), nên hai người rất  hợp tính tình và thương yêu nhau thật là mật thiết. Ngay từ khi ở trung học đệ nhất cấp (lớp 7 đến lớp 9), người con xin ghi danh chơi “Football” cho trường, ông bố ưng thuận liền.

 Để khích động tinh thần con mình ông luôn luôn tham dự các trận đấu, vỗ tay hoan hô cổ võ tinh thần cho đội của con ông. Tuy biết đứa con chưa từng được tham dự các trận đấu, nhưng ông không nản vẫn luôn luôn đến xem không bỏ sót một trận đấu nào của nhà trường.

 Biết con trai mình có thân hình nhỏ nhất so với đồng đội trong lớp, nên ông luôn luôn khuyến khích và cầu nguyện. Tuy nhiên để an ủi con, ông khẳng định với con là không cần thiết phải chơi môn thể thao này nếu người con không thích. Ông khuyên nhủ:

      – Nếu con muốn, hãy đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, đối với Chúa không một điều gì không làm được. Lời khuyên của Cha giúp người con niềm tin tưởng. Nên anh rất mê say, tiếp tục ghi danh tham dự khi chuyển lên trường trung học đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) trong suốt ba niên học. Anh đã cầu nguyện và vận dụng tất cả khả năng của mình trong các buổi thực tập, hy vong sẽ được chơi khi bắt đầu lên lớp 12. Dù anh chưa bao giờ bỏ một buổi tập dợt hoặc một trận đấu nào của trường, nhưng trọn ba năm trung học anh vẫn chỉ là người ngồi dự khuyết. Thân phụ của anh tiếp tục tham dự các trận đấu cổ võ anh.

Rời ngưỡng cửa trung học, anh tiếp tục ghi danh vào đại học. Anh quyết định cố gắng theo đuổi một lần nữa môn thể thao mà anh ưa chuộng bằng cách tự do tình nguyện chơi cho nhà trường không đòi hỏi học bổng. Trong thời gian thực tập tuyển chọn, mọi người nghĩ rằng anh sẽ bị loại; nhưng khi niêm yết danh sách cuối cùng các sinh viên chính thức được chọn cho niên khóa trong đó có tên anh. Có lẽ nhờ anh đã tận tụy và nỗ lực trong mọi cuộc tập dợt, đồng thời anh cũng có một tinh thần đồng đội rất cao như khuyến khích, giúp đỡ trông nom tận tình những đồng đội bị thương vì những thoi húc quá mạnh.

 Khi nhìn thấy tên mình trong danh sách cầu thủ chính thức, anh mừng rỡ vội vàng điện thoại báo tin cho Thân Phụ biết. Ông rất vui mừng và để cùng chia sẻ nỗi vui mừng với con, ông đã nhận mua vé tất cả các trận chơi của trường.

 Trong bốn năm ở đại học, anh rất chăm chỉ không vắng mặt một buổi tập dợt nào, nhưng anh chưa bao giờ được chính thức ra sân. Đã tới hồi chấm dứt mùa giao đấu của năm học chót. Vào chiều Thứ Hai tuần chót của mùa giao đấu, anh cùng với các cầu thủ đang tập dượt chuẩn bị cho trận đấu vòng loại rất quan trọng; nghe thày gọi, anh hoảng hốt rời sân tập và vội vã chạy tới trình diện thày huấn luyện viên trưởng. Ông trao anh bức điện tín. Anh đọc điện tín rồi như chết đứng trong yên lặng. Cố nghẹn ngào nuốt buồn tủi, lập cập nói với thày: 

 – Cha con vừa qua đời sáng nay! Xin thày cho phép con vắng mặt buổi tập dượt hôm nay được không? Huấn luyện viên nhẹ nhàng đặt tay trên vai anh ôn tồn chia buồn cùng anh và nói:

 – Con hãy nghỉ trọn tuần, và cũng không cần phải tới tham dự trận đấu Thứ Bảy này.

 Anh lặng lẽ vội vàng về phòng thu xếp những gì cần thiết rồi lên đường về lo thu xếp ma chay cho người Cha. Sau khi an táng cha xong vào 10 giờ sáng Thứ Bảy, anh vội vã trở lại trường hy vọng kịp xem trận đấu khai mạc vào 5 giờ chiếu. Khi anh tới nơi thì trận đấu đã qua hiệp nhì. Trước đối thủ có hạng cao, đội của anh đã tận dụng khả năng nhưng vẫn chưa thay đổi tỷ số dầu chơi ở sân nhà. Gần hết bán hiệp nhì, đội của anh đã bị gác 10 điểm. Anh lặng lẽ lẻn vào phòng thay quần áo, đổi y phục cầu thủ, rồi anh chạy ra vỉa sân chơi phía đội nhà đang đứng, Các huấn luyện viên và các đồng đội rất sửng sốt khi nhìn thấy cầu thủ nhiệt thành tý hon đã trở lại quá sớm sau tang lễ của bố. Anh ta nói:

 – Thưa thày, đây là trận chót, xin thầy cho phép con được chơi hôm nay, con ước ao được chơi để biểu diễn khả năng của con ngày hôm nay? Ông giả vờ như không nghe anh hỏi. Ông thầm nghĩ, không thể nào để một cầu thủ kém cỏi nhất ra sân trong trận đấu vòng loại quan trọng như thế này được. Nhưng anh ta năn nỉ hoài, làm ông mủi lòng nhất là khi nghĩ đến cái đại tang bất hạnh của anh , và nhận thấy cũng không hy vọng có thể trở thắng nổi nên ông gật đầu:

 – Thôi được, ta thuận để con chơi.

 Thế là anh được phép ra sân. Chỉ trong giây lát, các cầu thủ và huấn luyện viên đứng ngoài nhìn, mọi người đều ngạc nhiên không thể tin vào con mắt của họ. Vì một cầu thủ vô danh tiểu tốt chưa từng giao đấu một trận nào trước đây, nhưng anh ta đã thi thố tài năng biểu diễn rất chính xác trong tất cả vị trí.

 Các địch thủ không làm sao chặn anh ta nổi. Ôm banh chạy, chuyền banh, chặn đường húc, bắt banh, ngăn địch thủ thật hữu hiệu và chính xác hơn cả những cầu thủ từng danh tiếng lỗi lạc của đội. Khiến đồng đội của anh phấn khởi, chơi rất hăng say. Chỉ trong mấy phút đã gỡ hòa. Rồi vào giây chót của trận đấu, đối thủ có banh, định làm kiểu bất ngờ “Hail Mary!” liệng banh thật xa để tránh bị mất banh ở sân nhà. Anh tiên đoán được và nhanh chân đuổi theo rồi nhảy lên chặn bắt được banh, chạy ngược lại như bay xuống cuối sân đặt trái banh kết thúc trận đấu với chiến thắng bằng 6 điểm. Cả đội tràn ra sân ôm anh và kiệu trên vai, hoan hô như chưa từng thấy bao giờ!

 Cuối cùng, sân không còn một người, các cầu thủ đã tắm rửa, thay quần áo và rời phòng. Riêng thày huấn luyện viên trưởng nhìn thấy cầu thủ “tý hon” khác thường kia đang ngồi yên lặng một mình trong góc tường. Ông đến và nói:

– Này con, ta không thể nào tin được. Con tuyệt diệu như vậy ! Hãy nói cho ta biết, đã có phép lạ gì trong con? Làm sao con có thể biểu diễn được những điều lỗi lạc đó như vậy hôm nay? Anh ta nhìn lên thày huấn luyện viên với hai dòng lệ tuôn trào từ khóe mắt nói:

 – Vâng, Thày biết Thân Phụ con đã ra đi vĩnh viễn!  Nhưng có điều . . . Thày chưa từng biết, Cha con . . . mù hai mắt! Anh cố nuốt nghẹn rồi mỉm miệng cười, bước theo thày huấn luyện viên và tiếp:

 – Thiên Chúa đã mở mắt Cha con, Người đã đến xem và mục kích trận đấu của con hôm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Cha con được nhìn thấy con chơi, nên Chúa muốn con chứng tỏ cho Cha con rằng con có thể làm được những việc đó!

                   Cảm Đề

 Có người hãnh diện vì ta

Yêu thương cầu nguyện cho ta vững lòng

Cậy trông  Thiên Chúa quan phòng

Để ta luôn được sống trong an bình.

                          ***

 Mắt mù tâm sáng lại anh linh

Hiện tượng siêu nhiên vượt trí mình

CHÚA muốn ban cho đều được cả

Người cầu nhận thức tuyệt vời xinh

Cha luôn khích lệ lòng trông cậy

Con quyết vâng tuân ý tiến trình

Kết quả phô bày thành tích lập

Hồng ân nhắc mãi rực Tân Kinh.

(Mt 21:22)

   Hoài Việt

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Cái Chết Của Một Y Sĩ

Cái Chết Của Một Y Sĩ  

(06/08/2012)                                                    trích Vietbao.com

                                                           Tác giả : Chu Tất Tiến

Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là  nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam.Ông đã góp nhiều bài giá trị  và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

Buổi sáng nay, trong khi đang tập khí công ngoài vườn, thấy một đôi chim lạ xà xuống trên cành hoa vàng Golden Rain ở giữa vườn rồi tung tăng nhẩy múa với nhau, tôi chợt liên tưởng đến những mối tình đẹp của con người, đến những yêu thương mà người ta dành cho nhau, đậm đà tha thiết, làm cho đời sống mỗi ngày một phong phú hơn. Không có tình yêu, nhân loại sẽ ra sao? Có lẽ chỉ là những bóng ma vô hồn, hay những Robot ngớ ngẩn, chỉ biết phá hoại cho đến khi nào thế giới này tàn lụi. Vì những liên tưởng đẹp đẽ đó, tôi say mê nhìn ngắm đôi chim non kia và muốn được ôm chúng vào lòng và thưởng cho chúng một nụ hôn thật dịu dàng.

Từ khi sang Mỹ, nhận thức của tôi về tình yêu và hôn nhân đã thay đổi rất nhiều. Trước đó, tôi vẫn tưởng những biến cố ly dị trong cộng đồng Việt ở Mỹ rất hiếm họa, vì người Việt vẫn có khuynh hướng trung thành với nền văn hóa cổ kính nhưng thanh bạch của mình, các cặp vợ chồng vẫn hay nhịn nhường lẫn nhau, cho dù người đàn ông Việt thường hay nắm vai trò chủ động trong gia đình, và đa số các ông chồng có tính áp đảo người vợ.

Nhưng sau khi sang định cư ở quốc gia này rồi, tôi mới bàng hoàng thấy rằng các quan niệm về gia đình, vợ chồng đã thay đổi rất nhiều, và người vợ ở xứ Mỹ này lại chủ động hơn các ông chồng, nhất là trong lãnh vực ly dị. Theo một luật sư cho biết, thập niên 70, hầu như rất hiếm có vụ li dị, đến thập niên 80, thì tỷ lệ ly dị trong cộng đồng Việt là từ 5-7%, nhưng sau năm 1990, tỷ lệ này tăng cao dần, đến giữa thập niên 90 thì ngang ngửa với Mỹ, nghĩa là 50%. Điều ngạc nhiên nữa là tỷ lệ người vợ xin ly dị chồng nhiều hơn chồng xin ly hôn từ 20% đến 30% tùy theo năm, nghĩa là số người “bợ vỏ” (vợ bỏ) khá cao. Sự kiện đó làm cho tinh thần người đàn ông suy sụp nặng nề, lúc nào cũng lo ngại bị “bợ vỏ”, nên cách sinh hoạt cũng thay đổi nhiều lắm.

Trên hết, là các hậu quả đau thương của việc ly dị, nghiêng về phần phái mạnh. Một trong những chuyện đau thương đó, đã xẩy đến cho người bạn của tôi, bác sĩ Phạm Thanh Nh.

Nh. nội trú cùng trường và trên tôi hai lớp, nhưng không biết nhau, chỉ nhận ra nhau sau khi tôi chuyển vào K.30, là trung tâm y tế của trại tù Suối Máu. Ngay ngày đầu gặp nhau ở trong trại, chúng tôi đã thấy muốn gần nhau, và sau vài câu chuyện xã giao về học hành, và sinh hoạt, tôi mới biết anh đã từng ở nội trú Đắc Lộ, Bẩy Hiền rồi đi khỏi đó để vào học Y Khoa, trước khi tôi bước vào đó. Từ đó, chúng tôi thân nhau, và thường ăn chung với nhau để tâm sự. Sau khi ăn tối xong, anh và tôi thường tản bộ quanh nhà, nói chuyện đời, chuyện tình yêu thời trai trẻ, và chuyện lính tráng… Anh cho tôi hay là vợ anh và các con đã vượt biên và đang định cư ở Mỹ. Tôi cũng mừng cho anh, và chúng tôi cùng tin tưởng rằng một ngày nào đó, anh được tha về và được đi Mỹ, xum họp với vợ con. Nhiều câu chuyện tưởng tượng đã được nói ra, nhiều nụ cười vang đã nở khi câu chuyện đến chỗ tiếu lâm vui vui.

Cứ thế, chúng tôi thân nhau, và cả nhóm anh em trong trại đều biết tình thân của chúng tôi. Dĩ nhiên, tình đồng đội, chiến hữu, và tình bạn tù làm cho chúng tôi cũng thân thiện với tất cả các anh em khác, nhất là nhóm y sĩ được trách nhiệm coi sóc trung tâm y tế này, trong đó, có các Bác sĩ Lê Hồng Khánh, Lương Tấn Lộc, Trương Đông, Thân Trọng Đàm, Nguyễn Trọng Dực, “cụ Bác Sĩ” Phạm Văn Triển, và Nha Sĩ Bùi Duy Đào. Riêng với Phạm Thanh Nh. thì tôi thân một cách riêng, và tình cảm của chúng tôi không qua mắt được anh em, đến nỗi, có một lần, không biết vì lý do gì, một buổi trưa, có lẽ vì sự căng thẳng của nhà giam và sự mong đợi được về nhà, tự nhiên, chúng tôi cãi nhau lớn tiếng, rồi giận nhau, hầm hầm hừ hừ, không thèm nhìn mặt nhau, thì ngay chiều tối đó, một cuộc họp giữa một nhóm bạn y sĩ khác được tổ chức, và các anh gọi tôi và Nh. ra, mỗi tên đứng một đầu nhà. Các anh bảo với tôi:

-Tụi tôi thấy hai ông thân nhau quá, mà tự nhiên nóng giận như thế thì không nên. Bây giờ, tôi đếm 1, 2, 3, ông từ từ đi vòng từ đầu nhà này, qua phía trái, còn Nh. sẽ đi từ đầu nhà bên kia, vòng qua phải, tới giữa nhà thì gặp nhau, hai ông bắt tay nhau, huề nhe!

Tôi lẳng lặng nghe lời, đi vòng qua đầu nhà, tới khi đụng Nh. thì nhe răng cười, rồi bắt tay nhau. Anh em đứng chờ, thấy chúng tôi ôm nhau, thì mọi người cùng vỗ tay ầm ĩ, vui vẻ.

Từ đó về sau, chúng tôi không bao giờ giận nhau nữa, ngay cả khi vì tôi, mà anh mất quyền lợi. Vì K.30 là trung tâm y tế của toàn trại, nên các tù nhân “cải tạo” bị bệnh nặng được chuyển vào đây và giao cho các bác sĩ “chế độ cũ” điều trị. Mỗi sáng, cô Đại Úy Y Sĩ Công An Nguyễn Thị H., là Y Sĩ Trưởng của cả trại tù Suối Máu, đến “giao ban” với các y sĩ và ra những quyết định quan trọng, hoặc cho bệnh nhân ra bệnh viện Biên Hòa để tiếp tục điều trị, hoặc tha về. Điều bất ngờ là cô H. lại có cảm tình đặc biệt với tôi, một tù nhân bình thường, không thuộc giới y khoa. Một hôm, cô H. gọi anh Nh. ra ngoài và xì xào nhờ anh đưa mấy cuốn sách và bút vẽ tặng tôi, anh gọi tôi đến, cười ha hả:

-Tiến! Tiến! Phen này cậu chết rồi! “Cán Bộ” H. mê cậu rồi!

Theo thủ tục, mỗi khi có một bệnh nhân phải chuyển viện ra ngoài thì Y Sĩ trách nhiệm chính của tù nhân ấy phải cầm hồ sơ bệnh lý đi theo Y Sĩ H. ra đến bệnh viện Biên Hòa và trình bầy bệnh lý của tù nhân ấy. Hôm ấy, tới phiên Nh. phải đi theo một bệnh nhân của anh ra ngoài, anh đã chuẩn bị hồ sơ bệnh lý và đứng chờ “cán bộ” Y sĩ H, hy vọng có một cơ hội được hưởng chút không khí tự do và nhìn thấy … loài người, không phải bọn “khỉ giam giữ tù nhân!  Bất ngờ, H. trầm giọng:

-Anh Nh. ở lại trại. Anh Tiến đi theo tôi!

Nh. chỉ gật đầu, rồi quay vào, gọi tôi ra đi theo “nàng”. Đến buổi chiều, khi thấy tôi về, Nh. cười ha hả:

-Cậu phải đưa tớ khám xem còn trinh không?

Và, sau này, khi tôi cương quyết không chấp nhận mối tình ấy (đã viết trong “Chuyện Tình của Cô Công An trong tuyển tập “Bôn Sa có gì lạ không, em?”), Nh. cười hoài:

-Thật lẩm cẩm! Mỡ để miệng mèo, mà mèo lại không chịu ăn!

Tình thân của chúng tôi còn tăng thêm vì ra tù cùng lượt vào cuối năm 1980. Nh. về nhà ở Hàng Xanh, và vượt biên luôn. Nhưng xui xẻo, bị bắt lại ngay. Ở tù thêm một thời gian, Nh. không còn muốn vượt biên nữa, và chờ vợ ở Mỹ bảo lãnh. Trong khi chờ đợi, anh mở phòng mạch tại tư gia. Anh nhờ tôi vẽ cho anh cái bảng hiệu, tôi nắn nót vẽ xong, thì đem lại treo trước cửa cho anh. Tôi hỏi:

-Có giấy phép không, mà dám mở phòng mạch?

Anh lắc đầu:

-Phép mẹ gì! Cứ đút cho Phường một tí là xong ngay.

Rồi vừa mở phòng mạch, anh vừa xin đi làm tại Bệnh Viện Grall. Tôi thỉnh thoảng đến thăm anh tại bệnh viện. Thấy tôi, là anh cười liền và lẳng lặng đi trước dẫn đường tôi xuống câu lạc bộ, làm hai chén chè đậu đen. Hai đứa vừa nhâm nhi ly chè vừa nói khe khẽ chuyện tương lai. Khi nghe tin tòa Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan nhận đơn của tù “cải tạo” xin đi Mỹ, anh đến nhà tôi, nhờ tôi viết giùm đơn:

-Cậu đọc giùm tớ xem cái “Questionaires” này nó viết gì mà lằng nhằng quá. Rồi trả lời giùm tớ luôn. Viết giùm thêm một cái đơn bằng tiếng Anh nữa. Cho nó trịnh trọng.

Nh. tâm sự với một nửa hy vọng:

-Vợ tớ đang ở Mỹ với mấy đứa con. Tuy cô ấy không hề gửi thư, gửi quà gì cho tớ từ nhiều năm nay, nhưng qua một đứa em, cô ấy nói sẽ làm giấy bảo lãnh cho tớ qua Mỹ.

Giọng Nh. trầm buồn:

-Thôi, kệ, nếu cô ấy không thương yêu gì tớ nữa, mà cứ bảo lãnh cho tớ đi, thì cũng được rồi. Ở xứ này như ở với chó lợn, chỗ nào cũng có cặp mắt chó sói theo dõi, thở không nổi! Nói to tiếng cũng có thể bị tù giam.

Sau đó, một thời gian, Nh. cho tôi hay là có nhờ một anh bạn bác sĩ người Pháp, qua Mỹ tìm giùm vợ con anh. Anh bạn bác sĩ kia, sau khi trở lại Việt Nam, cho Nh. biết là ông ấy có đến gặp vợ anh và bà ấy hình như đang sống chung với một người ngoại quốc nào đó, cho nên không thư từ gì cho Nh. được. Điều làm cho Nh. tươi tỉnh lên là vợ Nh. hứa sẽ bảo lãnh cho Nh. sang rồi mới ly dị.

Hy vọng của Nh. cứ tăng lên khi số người được bảo lãnh đi Mỹ cũng tăng lên. Nh. yêu đời hơn  một chút. Một ngày, tôi rủ anh đến xem tranh của một người bạn họa sĩ của tôi, anh nhận lời liền và còn rủ một cô y tá làm cùng phòng anh đi xem. Buổi sáng ấy, anh và cô y tá kia đến nhà tôi, cười nói vui vẻ. Ba người chúng tôi được một ngày đầy ắp tiếng cười.

Chừng một tuần lễ sau, tôi ghé vào Grall thăm anh. Nh. hôm đó vui quá, rủ tôi xuống câu lạc bộ, làm hai ly chè đậu đen. Anh thì thầm:

-Này, chủ nhật này, tớ đến nhà cậu, hai đứa đi ăn phở! Tớ bao.

Tôi hỏi:

-Có tin gì vui vậy?

Nh. nói nhỏ:

-Hôm qua, tớ nhận được giấy mời của phòng Xuất Nhập Cảnh, mời lên gặp họ vào Thứ Sáu này. Có lẽ tớ được đi…

Tôi vui quá:

-Thế thì mừng cho cậu. Cậu đi trước, tớ đi sau.

Và tôi dặn đi dặn lại:

-Nhớ chủ nhật này, đúng 9 giờ nghe. Tớ chờ….

Rồi tôi chờ, chờ mãi… Nh. không đến! Nh. chưa bao giờ thất hẹn với tôi trong mấy năm qua. Lòng tôi bồn chồn kỳ lạ. Có chuyện gì? Có chuyện gì vậy?

Suốt ngày, tôi cứ lặp đi lặp lại với vợ tôi:

-Anh Nh. hẹn anh 9 giờ sáng mà giờ này chưa tới? Lạ quá!

Tối Chủ Nhật trôi qua thật mệt mỏi.Tôi đi ngủ mà mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà…

Sáng thứ Hai. Mới 8 giờ sáng. Có tiếng đập cửa..”Anh Tiến! Anh Tiến! Mở mau!”

Tôi hốt hoảng ra mở cửa. Cô y tá của Nh. vừa trông thấy tôi là khóc òa:

-Anh ơi! Anh Nh. chết rồi! Chết thật rồi!

Tôi bàng hoàng, chẳng hiểu sao:

-Cô.. cô.. nói cái gì? Ai.. chết? người nào chết?

Cô y tá càng khóc to hơn, nức nở mãi mới nói lên lời:

-Anh Nh. chứ ai! Bác sĩ Nh.! Anh hiểu chưa? Anh Nh. chết sáng hôm qua rồi!

Tôi lặng người như có ai đập búa vào đầu mình, thều thào:

-Sao?…. Tại sao? …Sao lại… chết?

Chữ “chết” thật nhỏ, tưởng như không thốt ra được! Mãi một lúc sau, cô y tá mới từ từ kể:

-Sáng nay, lẽ ra anh Nh. phải có mặt từ 6 giờ vì có công tác khẩn. Không thấy anh ấy tới, em phải phóng đến nhà thì thấy anh ấy chết từ hôm qua rồi!

Tôi muốn té ngồi xuống đất vì hai chân run quá. Không biết nói sao hơn, tôi rủ cô y tá cùng đi đến nhà Nh.

Tới nơi, thấy Nh. nằm thẳng, hai tay chắp để trên bụng, khuôn mặt bình thản. Mẹ Nh., bà cụ lưng còng vì nuôi con, cho biết:

-Tối thứ Sáu, nó về nhà, chẳng nói chẳng rằng gì, chỉ gọi mấy đứa cháu gần nhà đến chơi, bảo tụi chúng nó hát múa cho chú xem, đến sáng thứ Bẩy, tự nhiên mua vé lên Bảo Lộc thật sớm, gặp em cháu ở đó, chừng 1 tiếng đồng hồ, rồi lại về liền. Sáng Chủ Nhật, không thấy nó đi lễ sớm với nhà, cứ tưởng nó mệt, khi lễ về, lay gọi mãi, không thấy động, thì ra nó chết rồi!

Tôi đứng nhìn Nh. nằm bất động, miệng lẩm bẩm gọi anh:

-Nh.! Nh.! Tại sao? Tại sao? Có gì mà không nói với tớ? Sao phải ra đi đột ngột như vậy?

Nh. vẫn im lặng. Hình như anh có mỉm một nụ cười buồn.

Đám tang Nh. có rất nhiều bạn y sĩ cùng khóa 68 (?) của anh. Bác Sĩ K. nói nhỏ vào tai tôi:

-Nh. tự tử đấy! Bà cụ gọi tôi, tôi đến ngay, thấy Nh. nằm ngay ngắn như vậy, bên cạnh, còn cái ống chích không. Chắc Nh. tự chích cho mình xong thì nằm xuống! Không hiểu sao Nh. lại tự tử như thế?

Riêng tôi thì hiểu mà không nói ra được. Vì theo lời ba của Nh. kể cho tôi biết, thứ Sáu hôm đó, khi Nh. lên phòng Xuất Nhập Cảnh, thì thay vì nhận thông hành, lại được cho hay là vợ Nh. thông báo hủy vụ bảo lãnh cho Nh. vì đã lập hôn thú với người mới rồi!

Nh. thất vọng não nề. Bao nhiêu hy vọng rời khỏi đất nước mà ma quỷ ở chung với người đã tiêu tan theo mây khói. Với bản tính ngay thẳng, hiền lành nhưng cương trực, anh không chịu nổi sự phản bội phũ phàng của người vợ tham tiền, ích kỷ, đốn mạt và phản bội kia, đành tìm đến cái chết.

Đám tang của anh được cử hành trong nước mắt. Chiếc xe tang đưa anh đến nơi an nghỉ ở ngọa ô, nơi có những cây dừa bao quanh, đất bùn nhão nhẹt. Tôi đứng lặng nhìn người ta dựng nên tấm bia lạnh lẽo dưới chân Nh. mà hồn như đang bay ở nơi nào đó, có tiếng cười sảng khoái của Nh.

Nắng đã lên. Cành hoa vàng Golden Rain giữa vườn rạng rỡ hơn. Đôi chim lạ vẫn hồn nhiên nhẩy múa, chẳng e dè thấy tôi đứng nhìn chúng. Bất ngờ, một chú chim vùng lên, tíu tít trong giây phút rồi vụt mất tăm vào không gian mênh mông để lại bạn đứng ngỡ ngàng, hụt hẫng vài giây rồi cũng tung cánh bay biến vào một phương trời khác.

Đột nhiên, tôi lại nghĩ đến những mối tình dang dở, đến các cuộc chia ly giữa những kẻ đang yêu nhau, có thể có nước mắt hoặc hoàn toàn khô lạnh.

Thôi, tạm biệt bạn hiền. Nhất định rồi mình sẽ lại gặp nhau, làm một ly chè đậu đen…

Chu Tất Tiến

Cô Giáo Là Mẹ

Cô Giáo Là Mẹ 

                                   Ví mà tôi đổi thời gian được,

                              Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.

                                                  (Thơ Trần Trung Đạo)

  Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tại trường tiểu học của thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp năm, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái, cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. “Teddy trông thật khó ưa.”
Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thật rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những gì đọc được. Cô giáo lớp 1 nhận xét Teddy như sau:“Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan… Em là nguồn vui cho người chung quanh”. Cô giáo lớp 2 nhận xét: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống trong gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu”.

Giáo viên lớp 3 ghi: “Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ”.Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 nhận xét: “Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp”.
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những gói quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hoá. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất một vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt ít nước hoa trong chai lên cổ.
Hôm đó Teddy đã nén lại cho đến cuối giờ để nói với cô: “Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa”. Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học sinh cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa.

Teddy viết: “Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em”. Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng 3 trong lớp và “Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em”. Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng “Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời”. Rồi bốn năm sau nữa, cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sỹ và quyết định học thêm lên. “Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em”, nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn.

Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard – giáo sư tiến sỹ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây.

Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị  trí vốn thường dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra?
Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: “Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ”.

Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: “Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp được em.”

ST

Hai câu chuyện nên đọc.

Hai câu chuyện nên đọc.

Có rất nhiều Quân nhân can trường trong thế chiến thứ Hai.Một trong những anh hùng đó là Trung Tá Phi Công Hải Quân Butch O’Hare.Trung Tá O’Hare là Phi Công khu trục tùng sự trên Hàng Không Mẫu Hạm Lexington trong vùng biển khu vực Nam Thái Bình Dương. 

Chuyện thứ nhất

 Một hôm toàn thể phi đoàn của ông được giao phó thi hành một phi vụ quan trọng. Sau khi cất cánh và gia nhập đội hình bay, liếc nhìn bảng phi cụ, ông nhận ra có chuyện không ổn, hoặc là đồng hồ báo xăng bị hư hoặc là ai đó không bơm đẩy xăng cho ông. Với tình trạng này, ông không đủ xăng để hoàn thành nhiệm vụ và trở về tầu được. Trung tá O’Hare báo với Phi ĐoànTrưởng và được lệnh phải quay về. Ông miễn cưỡng rời khỏi đội hình của phi đoàn và quay trở lại hàng không mẫu hạm.

 Trên đường về tầu, bỗng nhiên, trung tá O’Hare thấy một cảnh tượng làm ông dựng tóc gáy: dưới thấp xa xa trước mặt ông là nguyên một phi đoàn oanh tạc cơ của Nhật đang trên đường tìến về hải đội Hoa kỳ. Phi đoàn khu trục của Hoa Kỳ đã bay đi thi hành nhìệm vụ và hải đội không còn ai bảo vệ cả. Dù có gọi, phi đoàn khu trục cũng không thể trở về kịp để cứu và cũng không còn thời gian để báo với hải đội những nguy hiểm sắp đến. Việc duy nhất còn có thể làm là bằng bất cứ giá nào cũng phải xua đuổi phá tan và chuyển hướng đội oanh tạc cơ Nhật.

 Không còn nghĩ đến an nguy cho mình, trung tá O’Hare lao thẳng vào đội hình đoàn oanh tạc cơ Nhật, với bốn nòng súng 50 ly gắn trên cánh đỏ rực, ông tấn công tới tấp bắn hết chiếc này đến chiếc khác. Đến khi hết đạn, ông vẫn tiếp tục tấn công, liều lĩnh đâm thẳng vào các phi cơ Nhật, cố gắng cắt đuôi chiếc này, hay cắt cánh chiếc kia mong cho họ không điều khiển và bay được. Trong đáy cùng tuyệt vọng, ông làm bất cứ gì có thể làm để các oanh tạc cơ Nhật không đến được hải đội Hoa kỳ.

 Cuối cùng, đoàn phi cơ Nhật bối rối và chuyển hướng. Thở ra nhẹ nhõm, trung tá O’hare lê lết chiếc máy bay tả tơi của mình về lại hàng không mẫu hạm. Ông báo lại sự việc, chiếc máy quay phim gắn trên phi cơ là bằng chứng hùng hồn nhất.Nỗ lực trong tuyệt vọng để bảo vệ hải đội Hoa kỳ, ông đã hạ 5 chiếc oanh tạc cơ Nhật.

 Đó là ngày 20 tháng 2 năm 1942. Trung tá O’Hare là phi công Hải Quân đầu tiên trong quân chủng được trao tặng Huân Chương Danh dự của Quốc Hội Liên Bang Hoa kỳ.

Năm 1943, trung tá O’Hare tử trận trong một cuộc không chiến lúc ông 29 tuổi. Để không ai có thể quên được người anh hùng này, phi trường của thành phố Chicago , quê hương ông, đã được đặt tên là phi trường O’Hare. Dịp nào đó nếu dừng chân tại phi trường O’Hare, xin hãy đi thăm khu kỷ niệm O’Hare, nhìn tận mắt Huân Chương Danh Dự đã gắn lên ngực áo của ông. Khu lưu niệm này nằm giữa Terminal 1 và Terminal 2.

 Chuyện thứ hai

 Hơn mười lăm năm trước đó, tại thành phố Chicago có một người mang biệt danh là Easy Eddie. Trong thời gian này, Trùm tội ác Al Capone hầu như làm chủ thành phố. Capone nổi tiếng không do các hành động anh hùng mà vì các việc làm bóc lột, tàn nhẫn và hung ác. Thành phố Chicago , qua Capone, tràn ngập những nơi bán rượu lậu, các động mãi dâm và các vụ giết người không gớm tay.

Easy Eddie là luật sư của Al Capone. Chắc chắn Eddie rất giỏi. Việc rành rẽ và biết lợi dụng các kẽ hở pháp luật của Eddie đã giúp Capole nhởn nhơ ngoài vòng tù tội. Để tỏ lòng biết ơn, Capole trả công Eddie rất hậu. Không chỉ về tiền bạc mà còn chu cấp về tài sản nữa. Chẳng hạn như gia đình Eddie sống trong một lâu đài lớn, kín cổng cao tường và thừa mứa các tiện nghi của lúc đó với kẻ hầu người hạ ngay trong nhà. Lâu đài này lớn đến độ chiếm nguyên một đoạn đường của thành phố Chicago . Dĩ nhiên với cuộc sống giầu có quyền thế của kẻ đương thời, làm sao Eddie có thể nhận và hiểu được những khốn cùng của xã hội chung quanh.

 Như mọi người, Eddie có một yếu điểm. Có một con trai và Eddie thương con vô cùng. Cậu bé có đủ thứ ở trên cõi đời, toàn những loại thượng hảo hạng: quần áo, xe cộ ngay cả trường học nồi tiếng vì giá cả tiền bạc không thành vấn đề, không gì có thể ngăn cản được. Mặc dù liên hệ chặt chẽ và chìm ngập trong tội ác, Eddie cũng đã có những cố gắng dậy con thế nào là phải và trái.

 Vâng, Eddie đã cố dậy cậu con trai vượt lên từ cuộc sống nhớp nhúa của chính mình, ước mong con sẽlà người tốt.. Cho dù giầu có và quyền thế xiết bao nhưng vẫn có hai thứ Eddie không thể cho con được, hai thứ mà chính Eddie đã chót bán cho Capone: làm gương và để lại cho con niềm danh dự.

 Qua nhiều đêm trằn trọc thao thức, Eddie quyết định việc để lại danh dự cho con cần thiết, quan trọng và có ý nghĩa hơn là cho con cuộc sống giầu có với những đồng tiền từ máu và nước mắt của người khác. Phải thay đổi hoàn toàn những việc làm lầm lỡ trước kia, phải báo với chính quyền những sự thật vế Al Capone. Eddie cố gắng rửa sạch những nhơ nhớp trên cái tên của mình, ngõ hầu cho con biết thế nào là trung thực và ngay thẳng.

 Để hoàn tất mọi chuyện, Eddie phải ra trước toà làm nhân chứng chống lại ông Trùm, biết rằng giá phải trả sẽ không nhỏ. Hơn tất cả mọi chuyện trên đời, Eddie muốn phục hồi tên tuổi mình, hy vọng sẽ để lại cho con tấm gưong và niềm danh dự.

Eddie ra trước toà làm nhân chứng, Trùm Al Capone vào tù. Vài tháng sau, Eddie gục ngã trong cơn mưa đạn trên một con đường lẻ loi ở Chicago . Eddie đã để lại cho con trai một món quà lớn nhất trên thế gian này, mua bằng giá cao nhất là sinh mạng của chính mình.

 Hai câu chuyện này có liên hệ gì với nhau ? Trung tá phi công Hải Quân Butch O’Hare là con trai của Easy Eddie. Ước mong bạn cũng ngậm ngùi và cảm khái như tôi khi đọc những giòng này.

nguồn do chị Lý Bạch Yến gởi