Kỷ niệm chuyến đi “Chương Trình Y Tế Cho Việt Nam”

Kỷ niệm chuyến đi “Chương Trình Y Tế Cho Việt Nam”

                                                                                             Nguyên Vũ

 

WGPSG — Medical Aid For Vietnam là Chương Trình Y Tế Cho Việt Nam được thành lập năm 1994, khởi đầu cho những chuyến hành trình y tế từ thiện tại Việt Nam với số tiền, dụng cụ y tế và thuốc men quyên góp từ chính bàn tay và tâm huyết của những bác sĩ và thiện nguyện viên tham gia trong chương trình.  

Trong những năm đầu, đoàn chỉ tổ chức về Việt Nam mỗi năm một lần, nhưng từ năm 2000 với số thiện nguyện viên ngày càng gia tăng thì cứ mỗi 8 tháng là đoàn lại quy tụ các thiện nguyện viên khắp nơi trên thế giới cùng nhau về Việt Nam để khám chữa bệnh, phát thuốc, phát mắt kính, khám răng và phát quà cho những người dân nghèo tại các vùng hẻo lánh xa xôi. 

Ngoài việc khám chữa bệnh, đoàn còn có chương trình mổ tim cho các em từ 16 tuổi trở xuống, mổ mắt cườm cho người già, hỗ trợ cho các phòng phát thuốc từ thiện tại các làng xã nghèo, và trợ giúp việc chữa trị cho những bệnh nhân nghèo. 

Để tham gia chương trình năm nay, mỗi thiện nguyên viên đã tự mua vé máy bay từ nơi họ ở về Việt Nam và mỗi người cũng đóng góp 1.200 – 1.300 USD để lo cho các phương tiện đi lại và ăn ở trong suốt thời gian làm việc 2 tuần tại Việt Nam. Riêng số tiền Medical Aid For Vietnam quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm đều được dành trong công tác y tế và chữa trị cho người nghèo. 

93 thiện nguyện viên từ các nơi như Canada, Mỹ, Hồng Kong, Việt Nam bao gồm bác sĩ, nha sĩ, y tá, dược sĩ, sinh viên và thông dịch viên… đã có mặt tại Sài Gòn để bắt đầu cho chương trình y tế từ thiện từ ngày 8 đến ngày 21 tháng 7 năm 2012.  

Đoàn đã có buổi họp mặt và dâng Thánh lễ tại Trung tâm Mục vụ Giáo Phận Sài Gòn chiều ngày 8 tháng 7 năm 2012 và cùng chia sẻ bữa cơm tối tại nhà hàng Hương Biển. Sáng ngày 9 tháng 7 đoàn chia thành ba nhóm và tỏa đi làm việc tại các vùng miền khác nhau:

 

 

 

 

Nhóm 1 – Delta Team:  Khoảng 9 giờ sáng, 35 thiện nguyện viên trong nhóm đã hăng hái khuân vác hành lý, dụng cụ và thuốc men chất đầy trên xe buýt khởi hành đi Rạch Giá.  

Vẫy tay tạm biệt Sài Gòn, nhóm để lại sau lưng mình những con đường đầy nghịt xe cộ và ầm ĩ tiếng còi, vượt qua các sông rạch cùng những đám ruộng lúa xanh mượt mà để trực chỉ Miền Tây hướng đến vùng Rạch Giá, Cần Thơ và Long Xuyên.  Dù thời tiết mưa nắng bất thường, nhóm cũng đã phục vụ 4.888 bệnh nhân (khám chữa mắt 700 bệnh nhân, chữa răng 840 người, và khám tổng quát 3.348 người). Trong những ngày đầu làm việc, các thiện nguyện viện (dù đa số không biết Tiếng Việt) cũng đã học thuộc và hát vang bài ca “Anh em dô ta” để vượt qua cái mệt mỏi do thay đổi múi giờ và những cơn mưa bất chợt của Miền Tây. 

Nhóm 2 – Highland Central Team: Trên chuyến bay khởi hành lúc 14g20 đi Pleiku, 34 thiện nguyện viên nhóm Cao Nguyên đã sẵn sàng và hăng hái cho chuyến hành trình y tế tại vùng cao.

Khí hậu ôn hoà vùng cao nguyên đêm mưa ngày nắng đã giúp cho các thiện nguyện viên cảm thấy dễ chịu trong những ngày phục vụ anh chị em dân tộc Bana tại các thôn Kon Drei và Măng La (KonTum), thôn Plei Chuet và H’ra (Pleiku).  Sau 1 tuần làm việc tại vùng cao nguyên, nhóm đã hạ sơn tiến về vùng biển Nha Trang.  

Tại Nha Trang, nhóm đã làm việc 2 ngày tại Khánh Vĩnh, sau đó dành 1 ngày đi thăm và tặng quà cho 130 trẻ mồ côi tại Chùa Lộc Thọ, Khánh Hoà và 60 em khuyết tật tại Cơ sở Chăm sóc Giáo dục trẻ khuyết tật Hoàng Diệu. Nhóm đã phục vụ 3.889 bệnh nhân (mắt 843, răng 555, tổng quát 2.491) và tặng rất nhiều thuốc men cho hai cơ sở y tế từ thiện địa phương. 

Nhóm 3 – Northern Stars Team: Cái nóng oi bức của thành phố Vinh đã chào đón 24 thiện nguyện viên của Nhóm Miền Bắc vừa đáp chuyến bay 13g50 từ Sài Gòn đến Vinh để phục vụ tại giáo xứ Trung Song và giáo xứ Bình Thuận.  

Sau 3 ngày làm việc liên tục không ngơi tay, nhóm đã thấm mệt và đuối sức vì những cơn nóng cao độ. Một số thành viên vì sức khoẻ đã không tiếp tục tham gia được, nhưng những thiện nguyện viên còn lại vẫn hăng say lên đường đi Lạng Sơn, một tỉnh vùng núi phía Đông Bắc của Hà Nội, giáp biên giới Trung Quốc. Mỗi ngày nhóm đã lặn lội hàng trăm cây số, vượt qua những con đường núi ngoằn nghèo, gồ ghề để tới các buôn làng hẻo lánh tại xã Bằng Mạc và xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, phục vụ cho người dân nghèo hiếm khi được gặp bác sĩ. Nhóm đã phục vụ 3.600 bệnh nhân (mắt 650, răng 710, tổng quát 2.240) và tặng 2.800 phần quà (mỗi phần quà trị giá 100.000đ). 

Tổng cộng trong hai tuần làm việc ở Việt Nam đoàn đã khám 12.377 bệnh nhân (mắt 2.193 , răng 2.105, tổng quát 8.079), và tặng khoảng 8.000 phần quà cho người nghèo (400-500 phần cho mỗi nơi các nhóm đến làm việc), mỗi phần quà trị giá 100.000 VND. 

Sau những ngày làm việc, ngày 19 tháng 7, cả 3 nhóm đã tập trung về Nha Trang để gặp mặt tổng kết và nghỉ ngơi. Mọi người cùng chung vui trong bữa cơm tối với những tiết mục văn nghệ là các bài ca và điệu múa mà mỗi nhóm đã học hỏi được nơi mình đến phục vụ. 

Ngày 20/7 đoàn chia tay Nha Trang về Sài Gòn và các thiện nguyện viên đã lần lượt giã từ Việt Nam trở về xứ sở và công việc thường ngày của mình.  

Trong những ngày làm việc tại Việt Nam mặc dù phải đương đầu với cái nóng 40 độ C ở Vinh, hay những cơn mưa dầm ở Miền Tây và rào cản về ngôn ngữ ở Tây Nguyên (vì đa phần những anh em đồng bào ở đây không biết tiếng Kinh nên khi khám bệnh ở đây đoàn cần tới 2 thông dịch viên, từ tiếng đồng bào sang tiếng Kinh và từ tiếng Kinh sang tiếng Anh), mỗi thiện nguyện viên trong đoàn đều cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc vì đã được đi đến những nơi mà bình thường họ sẽ không đến, được phục vụ và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, nhất là được kết tình thân hữu với các thiện nguyện viên đến từ khắp các phương trời. Khó ai có thể quên được những bài Thánh Vịnh cùng những bài hát được ca vang trên xe buýt lúc đi đường, những lời cầu nguyện cho nhau và cho tha nhân, đặc biệt là những câu chuyện vui dí dỏm khiến mọi người cười vang, ai ai cũng thấy đoạn đường dài đã được rút ngắn lại. Tất cả đều là những trải nghiệm ý nghĩa khó quên và là hành trang tô điểm cho cuộc đời.

Nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Những bữa cơm nhân ái giữa Sài Gòn

 Những bữa cơm nhân ái giữa Sài Gòn

Cứ thứ đến thứ Bảy (2 tuần/lần), màu áo xanh mang tên Nhân Ái lại tràn ngập các nẻo đường phố Sài Gòn, trên tay là những hộp cơm còn nóng hổi. Họ nhanh chóng mang những phần cơm chay trao đến tay người lao động nghèo. Phần cơm trao đi, nụ cười của người phát và người nhận còn đọng mãi.

 Tường Vi đang phát cơm cho một cụ già.
Tường Vi đang phát cơm cho một cụ già.

Cơm trao đi nụ cười ở lại

Hơn 12 giờ trưa, cái nắng oi bức của đất miền Nam vẫn không ngăn các bạn trẻ xông xáo vào căn bếp chật ở 1 quán cơm chay nhỏ nằm trong làng đại học Thủ Đức. Mỗi người một việc, người nhặt rau, người rửa chén bát, người nấu cơm…

Tiếng cười nói râm ran át đi nỗi mệt nhọc, nóng nực. Thật lạ là ai đến đây rồi, người xa lạ cũng thành quen thân. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Sinh (NV quán cơm chay sinh viên) đang xào chảo đậu rồng lớn tâm sự “Đơn giản vì nó là việc thiện nên ai cũng nhiệt tình làm”.

Đến 16g 30 chiều, 200 phần cơm canh được xếp đều trong những chiếc thùng chuẩn bị lên đường. Đội quân chở cơm xuất phát thì đội quân phát cơm cũng khẩn trương lên xe buýt tới điểm hẹn.

Đó là những hoạt động ý nghĩa xã hội cao cả, diễn ra mỗi lần một tuần của một tổ chức quy tụ đông đảo các bạn sinh viên, kể cả công nhân viên chức tại TP.HCM – có tên gọi là, câu lạc bộ (CLB) Nhân Ái.

Mỗi đợt phát cơm có đến hàng chục người tham gia, chủ yếu là sinh viên. Địa điểm tập trung của họ thường là công viên Lê Thị Riêng, công viên 23/9, hay vỉa hè nào đó. Họ chia thành từng tốp 4 – 7 người, mỗi tốp phụ trách phát 1 khu vực hoặc 1 con đường.

Phương tiện chủ yếu là xe đạp, xe gắn máy hoặc đi bộ. Trần Thị Ngọc Huyền (Sinh viên Trường đại học KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ trên trang web của CLB rằng:

“Lần đầu tiên tôi được rong ruổi trên những con đường Sài Gòn về đêm, không phải để ngắm đèn quảng cáo, để hóng gió mà để cảm nhận, lắng lòng với những cơ cực đời thường của những cụ già, em nhỏ bơ vơ, của những phận người lam lũ và để thấy mình đang làm chút gì đó thật nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa cho cuộc sống.”

Tôi hỏi một người bạn trong nhóm đi bộ: “Làm sao biết người ta nghèo mà phát?”. Bạn cho biết: “Cần phải quan sát khắp nơi và thật kỹ càng. Hễ thấy người nào, nhất là phụ nữ và trẻ em, nhìn ôm ốm, cầm vé số hay một túi hành lý lang thang, hoặc công nhân vệ sinh môi trường thì mình lại hỏi thăm.

Mà tùy theo cảm nhận của chị, nếu nhìn người ta có vẻ khổ thì mình lại hỏi thăm”. Chúng tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh như vậy trong lúc phát cơm. Không chỉ trao cơm, tình nguyện viên còn tận tình thăm hỏi công việc, sức khỏe họ.

Nhìn thấy một cụ già ngồi ở gốc cây bán tăm, Lê Thị Tường Vi (SV trường đại học KHXH & NV TP. HCM) ân cần lại hỏi: “Ông ăn cơm chưa ạ?”. Ông cụ mắt nhắm, mắt mở nhìn Tường Vi bảo chưa ăn gì cả.

Nghe vậy, cô bạn lấy hộp cơm trao tận tay ông cụ: “câu lạc bộ của con có phần cơm tặng ông. Ông ăn cơm đi nhé.” Trước khi đi, Vi không quên chúc ông cụ ăn cơm ngon miệng.

Tường Vi là phụ trách chính chương trình thứ 7 Nhân Ái này. “Lần đầu tiên khi chương trình đi vào hoạt động, Vi hồi hộp, lo lắng nhiều lắm nhưng thấy tình nguyện viên tham gia nhiều, Vi rất vui. Phần cơm phát đi và nhận về nụ cười, trong lòng thấy ấm áp”, Tường Vi chia sẻ.

Theo chân tình nguyện viên vào những con đường nhỏ, ngõ hẻm, gầm cầu tôi không khỏi thán phục bởi đôi chân rắn rỏi và sự dũng cảm của các chàng trai, cô gái. Đội phát cơm đi bộ là đội vất vả nhất.

Mỗi lần đi bộ hơn chục cây số là chuyện thường, có khi phải đi đến địa điểm khá vắng vẻ, tối tăm. Những lúc đó, cả nhóm chỉ biết đi cùng nhau cho đỡ sợ.

Ngày mưa gió, việc phát cơm vất vả hơn nhiều. Đội mưa, lội nước, tê buốt với cơn lạnh nhưng nhiều khi chẳng phát được phần cơm nào. Không chịu thua trước thử thách của thời tiết, họ đi từ quận này đến quận nọ trong bộ quần áo ướt như chuột lột nhưng khi mỗi phần cơm đến tay dân nghèo, họ thấy ấm áp hơn.

Phát hết cơm, họ nhanh chóng quay về địa điểm ban đầu để sinh hoạt tập thể. Họ kể cho nhau nghe đoạn đường đã qua, những người đã gặp, câu chuyện họ biết. Tâm sự của 1người giờ thành của cả tập thể.

Đói, mệt nhưng nụ cười luôn hiện hữu trên môi. Nhìn cách họ quan tâm, thăm hỏi nhau tôi có cảm giác đây là một gia đình chứ không phải là một CLB. Khoảng cách giữa tình yêu cuộc sống ở họ không có khoảng cách nào.

Cuộc sống 2 màu sáng, tối

Đến nay, chương trình đã có gần 6 tháng hoạt động, hình ảnh chiếc áo xanh lá mạ không còn xa lạ với người đi đường và càng không xa lạ với những người lao động nghèo trên mỗi con đường, ngõ hẻm.

Với chuyến đi phát cơm như thế, mỗi bạn trẻ lại tìm cho mình bài học cuộc sống và những trải nghiệm của mỗi người một đầy lên.

Tham gia Thứ 7 Nhân ái ngay từ ngày đầu, Lê Thanh Trường (SV trường đại học Ngân hàng) đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Kỷ niệm đặc biệt nhất mà Thanh Trường kể lại là lần bắt gặp một người phụ nữ vận bộ đồ rách nát, khắp người đầy ghẻ bên quận 8.

Trong không khí se lạnh, cô ngồi co ro dưới một gốc cây tối với 3, 4 con mèo. Theo phản xạ tự nhiên, anh lại bắt chuyện và mời cơm người phụ nữ. Tâm sự hồi lâu mới biết cô không có người thân nào, gia đình là mấy con mèo ốm nhom.

Vậy mà cô từ chối phần cơm. “Cho mấy người kia đi, họ chưa có gì để ăn hết, còn tui ăn rồi”. Không thể nào quên được câu chuyện đó, hôm sau, tôi cùng Thanh Trường quay trở lại nơi cũ tìm người phụ nữ nọ.

Người phụ nữ ấy quên anh, nhưng bữa cơm chiều thì cô vẫn còn nhớ. Anh còn biết thêm rằng, ngôi nhà của cô chính là vỉa hè nơi cô ngồi. Cô làm nghề lượm ve chai và bán vé số. Anh quay đi, mắt như muốn nói điều gì…

Lê Hạ Ánh, trưởng CLB Nhân Ái chi nhánh Đồng Tháp, dù học tại Đồng Tháp nhưng thứ 7, cô lại tranh thủ lên thành phố tham gia cùng với mọi người. Điều đầu tiên mà bất cứ ai gặp Hạ Ánh cũng thấy đó là sự dễ mến, cởi mở của cô.

Những lần rong ruổi khắp các ngả đường phát cơm, Ánh cũng gặp gỡ nhiều câu chuyện đầy tình người. Đi cùng Ánh ở địa bàn quận 1, khi thành phố đã rực rỡ ánh đèn, chúng tôi thấy bên kia đường có hai cha con đang lượm ve chai trong thùng rác.

Vừa nhìn thấy Hạ Ánh, cô bé chạy núp phía sau lưng cha. Mời cơm hai cha con, cô bé từ chối. Chỉ khi cha gật đầu, cô bé mới đưa hai tay đón lấy hai hộp cơm, không quên cảm ơn các anh, chị. Cô bé tên Lan, làn da em rám nắng, mặt mày lem luốc.

Nhà nghèo, mới lớp 2 Lan phải theo cha đi nhặt ve chai đóng tiền học. Lan khoe: “Ba hứa ba cho con đi học rồi đó cô”. Hạ Ánh nhìn tôi, ánh mắt như rưng rưng…

Sài Gòn hào nhoáng xa hoa là vậy nhưng cũng không ít những mảnh đời hoàn cảnh. Khi người dân Sài Gòn dẫn nhau mua sắm, ăn uống những nơi sang trọng thì một bộ phận người lao động nghèo nhập cư phải vật lộn để mưu sinh.

Giữa đêm se lạnh của Sài Gòn, chúng tôi gặp 1 người phụ nữ khá trẻ. Khi nhận phần cơm từ tay các tình nguyện viên, chị xin thêm phần cơm nữa cho người em cũng chưa ăn gì. Khi các tình nguyện viên đưa chị phần cơm và hỏi “Sao giờ này chị còn làm việc vất vả quá vậy?”

Chị cười buồn: “Phải kiếm tiền sống chứ em”. Chị kể, quê chị tận ngoài Bắc, quê nghèo nên 2 chị em phải dắt nhau vào Sài Gòn làm công nhân môi trường kiếm sống.

Đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nhiều khi mệt quá chẳng buồn ăn gì cả. Cầm hộp cơm trên tay, chị vui mừng nói: “May quá! Nhờ các em mà tối nay hai chị em đỡ phải nhịn đói”.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều tình nguyện viên đến với Thứ 7 Nhân Ái. Hoạt động này đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của các bạn trẻ thích làm tình nguyện và việc thiện. Không chỉ có sinh viên, nhiều bạn trẻ có công ăn việc làm ổn định vẫn dành ngày thứ 7 để đến với Nhân Ái.

Làm marketing cho một công ty tận Gò Vấp, chị Sinh chia sẻ với tôi: “Vô facebook, thấy cái tên Nhân Ái hay hay nên ghé thăm mới biết đến chương trình này. Đây là một chương trình thiết thực, ý nghĩa. Mỗi lần đi về, mình thấy lớn hơn một chút trong suy nghĩ. Để thấy, bản thân mình phải yêu cuộc sống hơn nữa”.

Hiện nay CLB Nhân Ái đang tích cực mở rộng quy mô hoạt động đến các tỉnh khác như Đồng Tháp, Hà Nội… Anh Nguyễn Văn Tiến (Chủ nhiệm CLB Nhân Ái) cho biết:

“Dự án mang tính chất lâu dài, đòi hỏi kinh phí và nhân lực nhiều, CLB cũng gặp khó khăn không nhỏ. Nhưng với tinh thần hết mình vì cộng đồng, vận động tất cả khả năng có thể để dự án mang thật nhiều sự sẻ chia đến với mọi người, đúng với phương châm: thiết thực – hiệu quả – bền vững”.

Còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu và đam mê tình nguyện, tất cả các thành viên CLB vẫn luôn lạc quan, tin tưởng. Mỗi chuyến đi phát cơm là một lần các tình nguyện viên có cơ hội thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mình đến hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.

Giữa phố xá đông đúc, người qua lại trên các đường phố tấp nập, ngạc nhiên vì giữa Sài Gòn có những bữa cơm đầy tình người đến như thế.

Vượt Biên Sang Australia

Vượt Biên Sang Australia

(06/27/2012)                     trích Vietbao.com

Bạn thân,
Chuyện chỉ xảy ra tại thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam — nơi chỉ vài ngày trước đã được nhiều báo chí nhà nước dựa theo một bản xếp hạng nào đó đã mệnh danh Việt Nam là nơi hạnh phúc thứ nhì thế giới, chỉ sau có Costa Rica (thoạt đọc, tưởng hạnh phúc nhất phải là Bắc Hàn chứ?) – hàng chục người đã bị bắt vì tìm cách chuẩn bị vượt biên sang Australia bằng đường biển.

Thông tấn VietnamNet cho biết chuyện xảy ra tại “Bà Rịa- Vũng Tàu: Phá đường dây vượt biên trái phép, bắt giữ 25 người.”

Bản tin nói, có hàng chục người chuẩn bị vượt biên sang Australia bằng đường biển đã bị lực lượng chức năng bắt giữ tại khu vực Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu.

Bản tin viết rằng, vào ngày 25/06, công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, đã bất ngờ kiểm tra tàu cá BT 93700 TS do Nguyễn Ngọc Lợi (52 tuổi, quê Cần Thơ làm thuyền trưởng) khi tàu này đang neo đậu tại khu vực Bãi Dâu, TP.Vũng Tàu… Vào thời điểm trên, trong khoang tàu có 10 người đang ngủ lăn lóc cùng các vật dụng, nhu yếu phẩm cho một chuyến hành trình dài. Lực lượng chức năng ngay sau đó đã phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn Kính (46 tuổi, quê Nghệ An) là nghi can cầm đầu. Kính khai nhận đã cùng một đối tượng tên Tương tổ chức chuẩn bị đưa 25 người vượt biên trái phép sang Australia. Mỗi người có nhu cầu “vượt biên” mong đổi đời sẽ phải chi từ 11.000-14.000 USD cho Tương và Kính.

Truy xét nhanh, cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ 15 người khác đang chuẩn bị xuống tàu trong đường dây vượt biên bằng tàu cá BT 93700 TS. Lái tàu do Kính và Tương thuê với giá 250 triệu đồng cũng bị bắt giữ ngay sau đó.

Qua khám xét, cơ quan chức năng đã tạm giữ 17 phuy dầu 200 lít, 49 bình nước uống loại 20 lít, hàng chục thùng mỳ tôm, 3 bao gạo… là nhu yếu phẩm phục vụ cho những ngày vượt biên.”

Tại sao vượt biên từ VN sang Australia? Trên bảng chỉ số hạnh phúc hành tinh, Australia thua VN xa, đứng hạng thứ 76 lận, trên tổng số 151 nước được chấm điểm.

Trong khi đó, Hàn Quốc hạng 63, Canada hạng 64… Tại sao rời bỏ VN, nơi hạnh phúc thứ nhì thế giới? Ai giải thích giùm xem, VN là tầng thứ nhì thiên đường  mà… sao bây giờ vẫn còn thuyền nhân?

98,87%

98,87%

                                                         trích: Ephata 515

                                                                              Lm. VĨNH SANG, DCCT

Ngày thứ ba 19.6.2012, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông của cả nước là 98,87%, một con số gây ngỡ ngàng cho tất cả mọi người, những người còn lương tri. Ngỡ ngàng rồi chua xót !

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư ngay sau đó đã đăng trên trang nhất một tấm hình đầy tính mỉa mai, một tấm hình được lắp ghép bởi ba hình ảnh: cảnh quay cóp nhau ở Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang, biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây và cảnh thí sinh đi xem kết quả thi tốt nghiệp. Biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp cho thấy, năm 2006: 92%, năm 2007 66,72% ( năm này ông bộ trưởng tuyên bố hai không trong giáo dục: không gian lận, không thành tích ), năm 2008: 75,96%, năm 2009: 83,80%, năm 2010: 92,57%, năm 2011: 95,72%, năm 2012: 98,87%. Con số 98,87% ngay bên cạnh hình ảnh quay cóp !

 

Con số tỷ lệ 98,87% tốt nghiệp sau một kỳ thi quốc gia đã là một tiếng chuông thông báo về sự phá sản tan tành về giáo dục, con số này là chữ ký cuối cùng trong hồ sơ bệnh án của một thân thể thoi thóp rồi mất sức sống, là giấy chứng tử của nhân viên hộ tịch kết luận về một sự sống không còn.

Trong một cơ chế xã hội, giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất, nó quyết định tương lai của một dân tộc, là sự sống còn của dân tộc đó. Người Nhật trên đống đổ nát sau thế chiến thứ hai, họ đã xây dựng trở thành một quốc gia hùng mạnh bắt đầu từ sự chú trọng vào giáo dục. Ở các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, người ta thành công trên nhiều phương diện chính vì đã sở hữu một nền giáo dục hoàn chỉnh. Con người là chính, con người làm ra của cải, phát triển kiến thức và xây dựng xã hội, vì thế nếu không chú ý đến con người, không giáo dục con người cho xứng đáng thì con người không thể cất đầu đi lên được.

Báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ bảy 23.6.2012, loan tin nơi trang 13, bài “Thêm trẻ sơ sinh tử vong khi sinh mổ”. Bài báo cho biết: “Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 tại khoa sản Bệnh Viện Đa Khoa Quảng Ngãi kể từ đầu năm đến nay”. Chắc chắn đây là sản phẩm của những con người mang bằng tốt nghiệp phổ thông tỷ lệ cỡ 98,87% ! Đây chỉ là một trong vô vàn những sản phẩm khác mang nhãn hiệu 98,87%.

Trong một loạt các bài báo tham gia nhận định về con số này, người ta đọc thấy những câu chuyện của một số trường thông báo với thí sinh rằng hãy đi mà “xem kết quả ở bảng không tốt nghiệp” ! Hoặc táo tợn hơn có trường thông báo “không cần xem vì tỷ lệ tốt nghiệp 100%” ! Ngay Bộ Giáo Dục – Đào Tạo dám công bố tỷ lệ này thì cũng đã là một hành vi táo tợn và không còn… liêm sỉ ! Chúng ta sẽ không lấy làm lạ vì con số 98,87% khi có những “người thầy” như vậy. “Chuyện bây giờ mới kể” nhưng đã triền miên diễn ra từ rất nhiều năm.

Năm 1999, hai mươi bốn năm sau cuộc biến động 1975, tôi có dịp đi nước ngoài, ngày đầu tiên khi được đón về nhà, anh em bạn bè thăm viếng chào hỏi, khi trời buông màn tối, tôi giật mình nhắc chủ nhà dẫn tôi ra đăng ký tạm trú, mọi người lăn ra cười vì trên đất nước họ sinh sống làm gì có chuyện phải đăng ký tạm trú tạm vắng ! Một khi anh được chấp nhận vào quốc gia họ, anh có quyền đi đến bất cứ nơi nào người ta không cấm mà không phải trình báo với ai cả.

Tôi sống trong miền Nam suốt hai mươi hai năm không hề có việc đăng ký tạm trú tạm vắng, thế mà chỉ hai mươi bốn năm sau cái năm 75 ấy, nỗi sợ hãi phải đi đăng ký tạm trú tạm vắng ăn sâu vào máu huyết đến nỗi trở thành một thứ phản xạ tự nhiên. Tương tự như vậy, tôi muốn nói, những con người xuất thân từ “98,87%” nêu trên, không ít thì nhiều, dù hoàn toàn không hề muốn đi nữa, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi “con số” quái dị này.

Chúng ta còn phải chấp nhận thực tế bi đát khác, ấy là một số những người trẻ đi ra từ “con số 98,87%” đã, đang và sẽ là ứng sinh cho các Đại Chủng Viện và các Dòng Tu, chắc chắn trong một ngày không xa họ sẽ trở nên các “nhà lãnh đạo tinh thần”.

Chúa có cách làm của Chúa để dẫn dắt Dân của Người, chẳng nên dại dột muốn làm thay Chúa, chúng ta cần phải tin vào Chúa Thánh Thần và tin vào khả năng thay đổi của con người. Nhưng Chúa lại ban cho chúng ta khối óc, đôi bàn tay và con tim để làm dụng cụ của Chúa, trách nhiệm của chúng ta là phải làm những gì đây, trên những sản phẩm từ “con số 98,87%” này ?

Đặt câu hỏi về “sản phẩm 98,87%” nhưng cũng là đặt câu hỏi cho những người “làm thầy” của sản phẩm đó trong Giáo Hội.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.6.2012,
Lễ sinh nhật bậc làm thầy, Gioan Baotixita

Quan Lớn Viết Trật

Quan Lớn Viết Trật

(05/31/2012)    nguồn: trích Vietbao.com 

 Bạn thân,

Chuyện chỉ xảy ra tại Việt Nam: Quan lớn trong ngành giáo dục soạn thảo sách giáo khoa cho trẻ em bậc tiểu học, nhưng lại viết đầy các lỗi chính tả sơ đẳng.

Vấn đề là, quan lớn này từng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi vào Bộ Giáo Dục Đào Tạo, rồi giữ chức Vụ Phó Vụ Giáo Dục Tiểu Học. Nghĩa là, ít nhất, quan lớn này phải có bằng Thạc Sĩ.

Vấn đề còn là, lỗi chính tả quá sơ đẳng: thí dụ, bạn hãy hình dung xem có ai viết “giỗ Tổ Hùng Vương” thành ra “dỗ Tổ Hùng Vương” hay không? Hay có ai viết “cây nêu ngày Tết” thành ra “cây lêu ngày Tết” hay không?

Vậy mà cuốn sách giáo khoa này có giấy phép ở Đà Nẵng, và in tại Hà Nội…

Hóa ra, văn bằng Thạc Sĩ Hà Nội (nếu quan lớn này có, hay tệ nhất cũng là Cử Nhân) không bằng một em học trò trung học Sài Gòn (như thời chúng mình học xa xưa). Nghĩa là, văn bằng dỏm bậc Đại học Hà Nội.

Báo Người Lao Động nói là sách này bị thu hồi rồi. Bản tin hôm Thứ Ba 29/5/2012 viết:

“Thu hồi Vở luyện tập Tiếng Việt sai chính tả

Ngày 29-5, Nhà xuất bản Đà Nẵng cho biết đang tiến hành kiểm tra, xác minh các nguyên nhân gây lỗi sai chính tả không đáng có trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (tập 1) của tác giả Đặng Thị Lanh, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội).

Cuốn vở có các lỗi sai như viết “cây nêu” thành “cây lêu”, “giỗ” thành “dỗ”…

Được biết, tác giả Đặng Thị Lanh từng giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó sang công tác tại Bộ GD-ĐT, trước khi nghỉ hưu từng giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học.

Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Đà Nẵng, lỗi có thể từ bản thảo, khâu thẩm định, kiểm tra của biên tập viên hoặc lỗi do in ấn. Do sách đã in sai thì không thể đính chính nên Nhà xuất bản phải thu hồi.

Trước mắt, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã quyết định thu hồi toàn bộ số tập vở trên và liên hệ với biên tập viên, tác giả cuốn sách để tìm hiểu nguyên nhân.”

Chúng ta nêu ra như thế, không có nghĩa chê văn bằng Hà Nội, vì từ nơi đó đã xuất thân ra những học giả tuyệt vời, nhưng là muốn cho thấy hệ thống cơ cấu cán bộ tại VN có “lỗi hệ thống.” Học như thế, viết chừng vài trang giấy là lộ ra trình độ rồi.

Vậy mà lại chui sâu, trèo cao… lên tới Vụ Phó. Nước mình là thế.

Nữ Sinh Thác Loạn…

Nữ Sinh Thác Loạn…             Trích Việt Báo    Vietbao.com

 Bạn thân,

Cái thời nữ sinh e ấp bây giờ không còn bao nhiêu nữa. Chuyện đau lòng là, tình hình nữ sinh mất đạo đức ngày một tăng.

Báo Lao Động, ghi theo VnMedia, gọi đó là “Nữ sinh thường xuyên thác loạn vì lệch lạc,” trong đó ghi nhận tình hình nữ sinh quan hệ tình dục quá bừa bãi đang là tâm điểm của dư luận và gây không ít bàng hoàng với các bậc phụ huynh.

Bản tin nói, “Ngay cả trong lớp học những “trò chơi” tình cảm được các em công khai không hề ngại ngùng.”

Thê thảm tới mức, theo báo Lao Động:

“Chuyện nữ sinh mới chỉ học lớp 8, lớp 9 sinh con đã không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam mà mấy ngày gần đây, dư luận đang rất bất bình trước việc nhiều em học sinh có thai đã gần sinh nhưng lại không hề hay biết. Có em còn tưởng mình bị đau ruột thừa như trường hợp nữ sinh T ở Nghệ An hay như việc nữ sinh V ở Đồng Tháp sinh con trong toilet của nhà trường.

Tất cả những trường hợp trên đều cho thấy, những em nữ sinh vẫn chưa hiểu biết nhiều về quan hệ tình dục mà chỉ xuất phát từ nhu cầu muốn khám phá bản thân và để chứng tỏ ta đây là người chơi ngông, không thua kém bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài việc nữ sinh chưa hiểu hết về vấn đề tình dục nên để có thai ngoài ý muốn gây phẫn nộ trong dư luận, còn rất nhiều nữ sinh khác phải chịu cảnh mất đi sự trong trắng của người còn gái khi bạn tình phủ bỏ tránh nhiệm…

Còn đứng ở góc độ về y tế, bác sĩ Trần Danh Cường, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết về hậu quả của việc nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo bác sĩ Cường, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỉ lệ biến chứng sau nạo phá thai.”

Đó là chuyện sex. Còn chuyện nữ sinh đánh nhau nữa. Mà lại nữ sinh đánh nhau tập thể, ngay tại quê hương cụ Nguyễn Du.

Báo Giáo Dục VN nói ngay trên nhan đề, “Choáng với clip nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau tập thể” về chuyện xảy ra cuối năm 2011:

“Trong mấy ngày qua cư dân mạng lại lên cơn sốt với clip một nhóm nữ sinh khoảng 20 người đang đánh nhau tập thể.

Đoạn video trên được phát tán trên các trang mạng intenet đã thu hút hàng ngàn người xem mỗi ngày. Trong đoạn video có khoảng 20 nữ sinh mặc đồng phục và có vài nữ sinh mặc thường phục lao vào ẩu đả nhau bằng tay và chân.

Đoạn sau video còn là một cảnh hai nữ sinh một mặc đồng phục một mặc thường phục lao vào đánh tay đôi trong sự cổ vũ nhiệt tình của các nữ sinh bên ngoài. Hai nữ sinh này lao vào đánh nhau như những đô vật cấu véo, lôi tóc và đạp nhau ngay trên nền sân gạch đầy nước mưa….”

Tại sao như thế? Vì sao nữ sinh sex táo bạo như thế, vì sao bạo lực với nhau tàn khốc như thế?

Nhà thơ Nguyễn Du mà biết con cháu mình dùng bạo lực với nhau khốc liệt như thế tất sẽ than trời: Phồn hoa nhân vật loạn lai phi… (Dịch: Sau thời loạn lạc, nhân vật nơi chốn phồn hoa đã khác xưa rồi…)

Phải than là đúng vậy.

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

(05/06/2012)  Trích ViệtBao  vietbao.com

SAIGON (VB) — Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ vừa cảnh báo là đã tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này, như: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby’s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Colorv.v… Rất có thể các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, lẫn lộn với những loại sơn không nhãn hiệu, nhập lậu từ các nước Á châu và bày bán tràn lan ở các chợ.

Theo một bài điều tra của báo TN, chỉ riêng vùng Sài Gòn, rất dễ tìm thấy các loại sơn móng vô danh nói trên tại các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định, Thái Bình, v.v…  Tại chợ Thái Bình (quận 1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, lăn khử mùi, son môi, phấn, sơn móng tay chân… chất đống trong các khay, rổ nhựa đặt dưới đất. Nhờ giá rẻ, nhiều chủng loại, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ chọn mua. Các loại sơn móng này rất đa dạng, như loại hàng được người bán cho biết là đồ Trung Quốc, Hàn Quốc… đổ đống ngổn ngang, cũng bày đặt dán tem nhãn nhưng tem hết sức lem luốc, không thể đọc ra xuất xứ, thành phần hóa chất… Ngay các sạp có tủ kiếng đàng hoàng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ mơ hồ.

Nước sơn móng không nhãn hiệu đổ đống trong rổ nhựa, bày bán lẫn lộn với các thứ khẩu trang, găng tay và đồ dùng phụ nữ khác…(Photo VB)

Ngoài ra, các “tiệm” làm móng dã chiến ở các chợ và những chị thợ làm móng dạo ở các khu phố, đường hẻm… cũng sử dụng không gì khác hơn là các loại sơn móng đáng nghi ngại nói trên. Khách thì chỉ chọn màu nước sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ loại sơn mình chọn. Thực tế, cả thợ lẫn khách, hầu hết đều không biết chút gì về lai lịch của các sản phẩm làm đẹp này.