Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị

Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị

Thanh Phương

Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Công hàm Phạm Văn Đồng, mà nhiều người gọi là « công hàm bán nước », đã được đưa ra trong bối cảnh như thế nào ? Ngày 04/09/1958, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố với quốc tế quyết định của chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).

Sau đó, ngày 14/09/1958, Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng đã gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm ghi rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành” tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Quốc và “sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.

Từ đó cho đến nay, đối với Bắc Kinh, bức công hàm nói trên của Thủ tướng Việt Nam là đồng nghĩa với việc Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thật ra, từ lâu, nhiều chuyên gia đã phân tích rõ là công hàm Phạm Văn Đồng chẳng có giá trị nào về mặt pháp lý trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bởi một lý do đơn giản là hai quần đảo này vào thời đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Trong bài báo ngày 20/07/2011, tờ Đại Đoàn Kết cũng đã công nhận rằng vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” và chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Hơn nữa, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này.

Nhưng đó chỉ mới là ý kiến của một tờ báo chính thức, được đăng tải vào lúc đó để xoa dịu dư luận, không chỉ đang phẫn nộ về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn rất bất bình trước hành động đàn áp người biểu tình phản đối Trung Quốc. Nay, trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, lần đầu tiên chính phủ Hà Nội chính thức tuyên bố công hàm đó là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, 23/05/2014 ( lần thứ ba kể từ đầu vụ giàn khoan HD-981 ), phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải đã nhắc lại lập luận rằng công hàm ( mà ông gọi là công thư ) Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi lẽ hai quần đảo này lúc đó nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, được Pháp giao lại vào năm 1956, phù hợp với Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc có tham gia.

Việt Nam đã phải chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị trong bối cảnh mà chính phủ Hà Nội đang cố vận động sự ủng hộ của quốc tế bằng cách nêu rõ những cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Việt Nam.

Hà Nội cũng đang xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết, với tư cách thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.

Việt Nam cứu xét ‘giải pháp quốc phòng’ vụ TQ hạ đặt giàn khoan

Việt Nam cứu xét ‘giải pháp quốc phòng’ vụ TQ hạ đặt giàn khoan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập lại quyết tâm sẽ bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, kể cả chủ quyền các vùng lãnh hải và biển đảo, là quyền thiêng liêng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập lại quyết tâm sẽ bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, kể cả chủ quyền các vùng lãnh hải và biển đảo, là quyền thiêng liêng

23.05.2014

Việt Nam đang cứu xét giải pháp đưa Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế để giải quyết cuộc tranh chấp đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn về các vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông.

Báo Financial Times dẫn lời ông Ernie Bowers, một chuyên gia về các vấn đề Á Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), đánh giá khả năng Hà nội sẽ theo chân Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Quốc tế tại La Haye, là có xác suất 75% sẽ xảy ra.

Ông Bowers là người quen thuộc với cuộc tranh luận ở Việt Nam về liệu có nên tiến hành giải pháp pháp lý chống Trung Quốc hay không.

Cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã âm ỉ từ nhiều năm qua, nhưng căng thẳng tăng cao đáng kể trong 3 tuần qua, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu khổng lồ vào Biển Đông, và lần đầu tiên khởi sự khoan dầu trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vì chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 200 hải lý.

Hôm nay truyền thông báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát, dường như muốn đẩy mạnh phương án này. Trang bienphong.com đăng bài viết với hàng tít “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc.” Trang mạng này dẫn lời Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ khẳng định như vừa kể.

Ông Trục nói rằng nếu Hà nội không cương quyết ngăn cản bước leo thang của Trung Quốc lần này, thì nó sẽ tạo ra một tiền lệ để Trung Quốc sau này tiến sát vào bờ biển Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng để khai thác dầu khí. Ông Trần Công Trục cho rằng vụ hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một cuộc “xâm lược mềm”, rất nguy hiểm và rất khó đối phó.

Hơn 100 tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng gần giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trong vùng lãnh hải Việt Nam.

Hãng tin Reuters tường thuật, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói chính phủ của ông đang cứu xét một loạt “giải pháp quốc phòng” khác nhau chống Trung Quốc, kể cả giải pháp pháp ly, sau khi Bắc Kinh di chuyển giàn khoan dầu vào các vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Việt Nam ở Biển Đông.

Quyết định của Việt Nam theo chân Philippines đưa cuộc tranh chấp ra trước Tòa Án Trọng Tài quốc tế sẽ làm Bắc Kinh giận dữ. Trung Quốc vẫn muốn giải quyết tranh chấp qua các cuộc thương thuyết song phương, nhưng một số nước ASEAN, nhất là Philippines, tin rằng quốc tế hóa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là giải pháp duy nhất đối với các nước nhỏ trong cuộc đối đầu ở Biển Đông.

Trả lời một cuộc phỏng vấn do Reuters thực hiện qua email hôm thứ Năm, ông Nguyễn Tấn Dũng gạt giải pháp quân sự sang một bên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters, rằng liệu Việt Nam có nghĩ tới việc giải quyết những căng thẳng bằng các phương tiện quân sự. Ông Nguyễn Tấn Dũng viết:

“Quý vị hỏi về các biện pháp quân sự à. Không, Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều gian khổ và mất mát do các cuộc chiến xâm lược gây ra trong quá khứ rồi. Chúng tôi chỉ mong muốn có hòa bình và hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước.”

Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam sẽ không bao giờ là nước khởi sự một cuộc đối đầu quân sự, trừ phi bị buộc vào thế phải tự vệ.

Tuy nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng lập lại quyết tâm sẽ bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, kể cả chủ quyền các vùng lãnh hải và biển đảo, là quyền thiêng liêng.

Nhưng mặt khác, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào chống một nước khác.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã dùng những từ ngữ cứng rắn và quyết liệt hơn khi nói đến cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Ông Kurt Campbell, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đặc trách vùng Đông Á, nói rằng Hoa Kỳ đã quyết định đi theo một hướng tiếp cận mạnh mẽ hơn về cái gọi là đường 9 đoạn tại Biển Đông, vạch ra vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông, bởi vì ASEAN ngày càng bực dọc hơn về tình trạng thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Tuần trước, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, kêu gọi Trung Quốc hãy rời các vùng biển của Việt Nam để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở quần đảo Hoàng Sa. Lời phát biểu của Tổng thư ký ASEAN đã khơi lên một phản ứng mạnh từ Bắc Kinh, nói rằng ông Lê Lương Minh đã “làm ngơ sự thật, vi phạm lập trường trung dung của ASEAN, và đơn phương đánh đi những tín hiệu sai lạc.”

Ngoại trưởng Việt Nam sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông

Ngoại trưởng Việt Nam sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông
Friday, May 23, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .- Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để “trao đổi nhiều vấn đề,”phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN xác nhận như vậy hôm 23 tháng 5, 2014.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh khi hai người mở họp báo chung ở Hà Nội ngày 16/12/2013. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Hải Bình xác nhận rằng “hai bên đang sắp xếp thời gian đảm bảo phù hợp nhất” mà lý do chính yếu được hiểu là các bối rối của Việt Nam cần đồng minh trong việc đối phó khó khăn ở thế yếu với Trung Quốc. Tuy nhiên, không thấy nói hai ông ngoại trưởng sẽ gặp nhau ở đâu.

Khi được hỏi nội dung cuộc họp sẽ được chuẩn bị, ông Lê Hải Bình cho hay ngoài những vấn đề song phương và khu vực “tất nhiên sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam sẽ được nhắc đến.”

Hôm 21 tháng 5, 2014, ông Phạm Bình Minh có cuộc điện đàm với ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào lúc tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung quốc vẫn diễn ra ở khu vực giàn khoan HD981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tường thuật cuộc điện đàm cho biết, ông Phạm Bình Minh đã “thông báo (với ông Kerry) về những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cho biết Trung Quốc liên tục gia tăng số lượng tàu, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ lớn… khiến tình hình rất căng thẳng.”

Ông Phạm Bình Minh được tường thuật “Khẳng định Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực vì đây là hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa ổn định, an toàn trên biển, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.”

Theo hãng tin AP, nói chuyện với Ngoại trưởng CSVN, ông John Kerry “bầy tỏ quan ngại về những hành động khiêu khích của Trung Quốc khi đem dàn khoan và rất nhiều tàu bảo vệ tới vùng biển tran hchấp với Việt Nam. Vì vậy đã tạo ra căng thẳng ở khu vực và dẫn tới các vụ bạo động nhắm vào các hãng xưởng ngoại quốc tại Việt Nam.”, theo lời bà phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Jen Psaki.

Theo lời bà Psaki thuật lại, ông Kerry khuyến cáo hai bên nên kềm chế để làm giảm cường độ căng thẳng, bảo đảm cho tàu bè qua lại và giải quyết các tranh chấp xuyên qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Cách đây ít ngày, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã lên ánh hành động Trung quốc đem giàn khoan HD981 tới vùng biển tranh chấp với Việt nam là “khiêu khích” và là nguyên nhân của sự căng thẳng.

Trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Psaki nói ông Kerry mời ông Phạm Bình Minh đến Washington DC “để tham khảo một loạt rộng rãi về các vấn đề song phương và khu vực vốn là một phần của thỏa thuận Đối tác Toàn diện giữa hai nước”.

Nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế cho rằng Việt Nam đang cảm thấy cô đơn vì không có một đồng minh nào khi phải đối phó với một nước Trung Quốc to lớn, hùng mạnh kinh tế và quân sự và càng ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền bành trướng.

Một số nhà phân tích thời sự cũng cho rằng khi Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn, có thể sẽ được Washington bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương. Đây là điều các lãnh đạo Việt Nam khi gặp các giới chức cao cấp Hoa Kỳ đều kêu ca nhưng đến nay vẫn chưa thấy phía Mỹ nhúc nhích. Một trong những điều kiện được đặ ra là Việt Nam phải cải tiến nhân quyền mà điều này cũng không thấy Hà Nội nhúc nhích, nếu không muốn nói mỗi ngày một tệ hại hơn.

Khi đến Việt Nam hồi giữa Tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ loan báo chương trình viện trợ gần 40 triệu USD cho một số nước Đông Nam Á trong đó có 18 triệu đô la giúp Việt Nam mua 5 tàu tuần tra biển cỡ nhỏ. Tuy nhiên, cái mà Việt Nam đang muốn từ Mỹ là các máy bay tuần tra biển Orion P-3, các dàn radar và nhiều thứ khác. (TN)

 

Tình hữu nghị” nay là hiểm họa của kinh tế Việt Nam

Tình hữu nghị” nay là hiểm họa của kinh tế Việt Nam
Friday, May 23, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .-Mâu thuẫn về chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng có thể sẽ là lý do khiến Trung Quốc gây áp lực bằng cách cắt đứt quan hệ kinh tế, khiến kinh tế Việt Nam suy sụp.

Cửa khẩu Móng Cái. Mở rộng cửa để nhập cảng đủ thứ từ Trung Quốc, dễ dãi trong việc tiếp nhận đầu tư, nhà thầu từ Trung Quốc, khiến kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và nay, sự lệ thuộc đó trở thành nguy cơ khiến nền kinh tế có thể bị suy sụp. (Hình: Báo Quảng Ninh)

Đó là điều đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại bởi kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Kể từ năm ngoái, các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam đã liên tục cảnh báo về sự lệ thuộc Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, sau khi có hàng loạt dữ liệu đáng lo.

Ví dụ, năm 2013, xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 7% nhưng nhập cảng từ Trung Quốc tăng 28%. Tốc độ gia tăng của nhập cảng từ Trung Quốc gấp 4 lần so với tốc độ xuất cảng và chênh lệch về cán cân thương mại trong quan hệ với Trung Quốc càng lúc càng lớn.

Hồi trung tuần tháng 12 năm 2013, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương Việt Nam xác nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012.

Tháng 6 năm 2013, sau khi có thống kê cho biết, bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40.2 tỷ USD cho việc nhập cảng, trong đó có tới 10 tỷ USD chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc. Ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Lúc đó, ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.

Nay, những cảnh báo đó có nguy cơ trở thành hiện thực. Trò chuyện với BBC, ông Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách – Phát triển, cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”: Trung Quốc “cắt đứt quan hệ thương mại và đầu tư” do mâu thuẫn về chủ quyền.

Ông Thọ lo ngại là vì: Cán cân thâm hụt thương mại luôn luôn nghiêng về phía Việt Nam, khoảng 20 tỷ Mỹ kim/ năm. Hàng loạt những công trình rất quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam do Trung Quốc đầu tư và đảm nhận. Trong thương mại tiểu ngạch giữa hai bên, lợi thế cũng nghiêng về phía Trung Quốc.

Có những dấu hiệu cho thấy “kinh tế ngầm” – do các thế lực giấu mặt điều hành, thực hiện các thương vụ gây tổn hại cho kinh tế, tài nguyên Việt Nam, kết hợp rất chặt chẽ với đối tác Trung Quốc.

Bà Phạm Chi Lan, cựu Phó Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, xác nhận, “nếu Trung Quốc đình chỉ quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam, Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn” vì Trung Quốc là phía thực hiện rất nhiều dự án ở Việt Nam. Nếu Trung Quốc khiến cho các dự án đó không thể tiến hành bình thường thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển. Chưa kể việc trì hoãn hoàn thành các dự án đó còn gây thêm tốn kém.

Một chuyên gia kinh tế khác tên là Bùi Kiến Thành nói thêm, sự phụ thuộc về nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu vào Trung Quốc sẽ khiến nhiều ngành công nghiệp lớn, sử dụng nhiều nhân công như may mặc, tê liệt nếu Trung Quốc “cắt đứt quan hệ kinh tế”, bởi đa phần vật liệu của những ngành này nhập cảng từ Trung Quốc. Ông Thành lưu ý, Trung Quốc đang đảm nhận việc thi công tất cả những nhà máy điện lớn nhất tại Việt Nam nên phải xem xét chúng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, kinh tế Việt Nam như thế nào.

Để đối phó với “tình huống xấu nhất”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính quyền Việt Nam phải sớm có giải pháp phát triển nội lực của doanh giới, xã hội. Xây dựng, củng cố những mối quan hệ khác với các quốc gia trong khu vực, với Nhật, Nam Hàn. Xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu (EU). Tìm kiếm sự đồng thuận để trở thành một bên trong Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Phạm Qúy Thọ tin rằng, đó sẽ là một trong những nội dung chính trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ông Phạm Bình Minh đến Hoa Kỳ theo lời mời của ông John Kerry. (G.Đ)

 

Việt Nam họp báo công bố bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường sa

Việt Nam họp báo công bố bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường sa

RFA

23.05.2014

NDDD-305.jpg

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ông Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo công bố bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường sa hôm 23/5 tại Hà Nội.

Courtesy TNO

Việt Nam tổ chức cuộc họp báo quốc tế lần thứ ba về tình hình tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tin cho biết, cuộc họp báo được bắt đầu từ vào lúc 4 giờ chiều hôm nay. Chủ trì cuộc họp báo có ông Lê Hải Bình, quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, hàm vụ trưởng Vụ Luật Pháp Quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên Giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nội dung chính của cuộc họp báo quốc tế hôm nay của Việt Nam được cho biết công bố bằng chứng chứng minh Hoàng Sa, Trường sa là của Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải, phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại tại cuộc họp báo là từ nhiều thế kỷ nay các triều đại phong kiến Việt Nam đã khẳng định chủ quyền một cách hòa bình, liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau này Pháp thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông này cũng nhắc lại việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này tại Hội nghị San Francisco năm 1951 về chủ quyền biển đảo của các quốc gia sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Vào ngày 7 tháng 5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo quốc tế lần thứ nhất nói về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Ngày 17 tháng 5, cuộc họp báo quốc tế lần thứ hai cũng do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức nói về việc bảo đảm trật tự, trị an tại một đố địa phương trên cả nước, an toàn cho người dân và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài sau đợt bạo động vào các ngày 13 và 14 tháng 5 tại các khu công nghiệp như ở Bình Dương và Hà Tĩnh.

Tranh chấp biển đảo: Tư lệnh Mỹ tố cáo chiến lược « ăn cả » của Trung Quốc

Tranh chấp biển đảo: Tư lệnh Mỹ tố cáo chiến lược « ăn cả » của Trung Quốc

Đô đốc  Samuel Locklear, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương

REUTERS

Trọng Nghĩa

Nhân một diễn đàn về an ninh châu Á mở ra hôm nay, 23/05/2014 tại Manila, Tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương đã nhấn mạnh nhu cầu thỏa hiệp và đối thoại giữa các bên có tranh chấp lãnh thổ tại các vùng biển Châu Á. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đang căng thẳng giữa Trung Quốc với các láng giềng Việt Nam, Philippines và Nhật Bản tại Biển Đông và Hoa Đông, Đô đốc Samuel Locklear đã lên tiếng cảnh báo chống lại chiến lược được ông gọi là « ăn cả (winner-take-all) » hay là độc chiếm mà nhiều nước cho là Bắc Kinh đang sử dụng.

Là diễn giả trong phiên họp về chủ đề an ninh châu Á trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới khu vực Đông Á, tổ chức ở Manila, chỉ huy trưởng Hạm đội Mỹ vùng Thái Bình Dương đã thẩm định rằng châu Á đang biến thành một khu vực bị « quân sự hóa mạnh nhất » trên thế giới hiện nay, đồng thời là vùng có tăng trưởng kinh tế rất nhanh. Tình hình đó nêu bật tầm quan trọng của đối thoại để đảm bảo sao cho tranh chấp không dẫn đến xung đột vũ trang.

Sau khi cho rằng : « Điều quan trọng nhất là ý chí tôn trọng các quy định của luật pháp, tham gia các diễn đàn quốc tế để giải quyết các vấn đề và giải quyết tranh chấp… », Đô đốc Locklear kết luận : « Ta không thể có một thái độ người thắng ăn cả. (Giải pháp cho tranh chấp) sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp, sẽ đòi hỏi đối thoại ».

Trong phát biểu của mình, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương đã nói đến một loạt những tranh chấp chủ quyền khác nhau ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, tồn tại từ hàng chục năm nay, nhưng đã căng thẳng hẳn lên trong thời gian gần đây trước các hành động bị đánh giá là ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, ngay cả tại các vùng biển cách xa đất liền Trung Quốc cả ngàn cây số và nằm sát bờ biển của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Sau những chỉ trích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đô đốc Locklear dĩ nhiên đã lên tiếng bảo vệ nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng các liên minh an ninh ở châu Á, kể cả với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đối với vị Tư lệnh Mỹ, các liên minh, đó, mà một số có từ cuối Đệ nhị Thế chiến, đã bảo đảm cho an ninh toàn khu vực, và góp phần giúp khu vực cường thịnh về kinh tế. Theo ông chính Trung Quốc cũng được hưởng lợi nhờ tình hình an ninh đó, chứ không riêng gì Hoa Kỳ.

Vụ giàn khoan: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc

Vụ giàn khoan: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới - Đông Á, ở Manila, Philippines. Ảnh chụp ngày 22/05/2014.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới – Đông Á, ở Manila, Philippines. Ảnh chụp ngày 22/05/2014.

Reuters

Trọng Nghĩa

Sau vụ Bắc Kinh cắm giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam, trong một bài phỏng vấn dành cho hãng tin Anh Reuters hôm 21/05/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra trước quốc tế. Phủ Tổng thống Mỹ vào hôm qua, 22/05/2014, đã lên tiếng hậu thuẫn cho mọi giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, kể cả việc dùng đến các thủ tục pháp lý quốc tế.

Theo hãng tin Anh Reuters, trả lời câu hỏi của báo chí về các tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Việt Nam, ông Patrick Ventrell, một phát ngôn viên của Nhà Trắng, cho biết là Washington sẽ ủng hộ việc Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước các định chế quốc tế để giải quyết vụ Trung Quốc triển khai giàn khoan tại vùng Biển Đông mà họ đang tranh chấp với Việt Nam.

Đối với ông Ventrell : « Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ; tôn trọng luật pháp quốc tế ; thương mại hợp pháp không bị cản trở ; và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông ».

Trên cơ sở đó, phát ngôn viên Nhà Trắng xác nhận : « Hoa Kỳ ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hòa bình và ngoại giao khác nhau để quản lý và giải quyết các bất đồng, bao gồm cả việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác. »

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Anh bằng văn bản, khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước quốc tế đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi lên khi ông xác định rằng : « Việt Nam đang xem xét nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau, bao gồm cả các hành động pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Lời dọa kiện trên đây của Việt Nam, kèm theo tuyên bố ủng hộ của Mỹ sẽ làm Trung Quốc tức giận thêm. Ngay từ hôm qua, sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung Quốc đã tỏ thái độ phẫn nộ và tiếp tục cho rằng giàn khoan HD-981 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Trong thời gian qua, bất chấp các sức ép của Trung Quốc, Philippines vẫn tiếp tục xúc tiến vụ kiện Bắc Kinh ra tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Vụ kiện này của Manila cũng đã được Washington ủng hộ.

 

Mỹ yêu cầu Đài Bắc làm rõ ý nghĩa ‘đường lưỡi bò’

Mỹ yêu cầu Đài Bắc làm rõ ý nghĩa ‘đường lưỡi bò’

Biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Duy Ái

22.05.2014

Các học giả Đài Loan mới đây cho biết Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ ở Đài Bắc làm rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn mà Đài Loan vẽ ra năm 1947 và được Trung Quốc dùng để làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Các học giả này nói rằng yêu cầu mà Washington đưa ra 2 lần trong 3 tháng vừa qua vẫn chưa được thỏa mãn vì chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu e rằng việc đó sẽ làm bùng ra một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Giữa lúc cuộc đối đầu kịch liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc vì vụ giàn khoan đang tiếp diễn ở Biển Đông, các học giả Đài Loan cho biết Hoa Kỳ hồi gần đây đã yêu cầu chính phủ của đảo quốc tự trị này làm rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, mà họ vẽ ra năm 1947 và đang được Trung Quốc sử dụng để khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Theo tường thuật của thông tín viên Hải Nhan của ban Hoa Ngữ đài VOA tại Hồng Kông, việc này được giáo sư Trần Nhất Tân của Đại học Đạm Giang tiết lộ tại một cuộc hội thảo ở Hồng Kông về vấn đề Biển Đông hôm 19 tháng 5 vừa qua.

Ông Trần Nhất Tân cho rằng yêu cầu của Washington đối với Đài Bắc có mục đích làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh đối với đường 9 đoạn mà họ dùng từ năm 1949 để cho rằng hầu như toàn bộ Biển Đông là lãnh hải của mình.

Chính phủ Tổng thống Mã Anh Cửu e rằng việc 'làm rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn' sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Chính phủ Tổng thống Mã Anh Cửu e rằng việc ‘làm rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn’ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Giáo sư Trần Nhất Tân nói rằng Đài Loan không thể thỏa mãn yêu cầu của Mỹ vì họ e rằng làm như thế sẽ gây phương hại cho mối quan hệ hài hòa giữa hai bờ eo biển Đài Loan và tạo ra rất nhiều vấn đề chính trị vì Đài Loan sẽ phải tu chính hiến pháp.

Ông Tôn Dương Minh, Phó Chủ tịch Quỹ Viễn cảnh Giao Lưu Đài Loan-Trung Quốc, cũng tán đồng nhận định đó. Ông nói rằng việc thỏa mãn đòi hỏi mà Hoa Kỳ đã 2 lần đưa ra trong 3 tháng vừa qua là rất nguy hiểm, vì Đài Loan sẽ phải tu chính hiến pháp, xác định lại đường biên giới của Trung hoa Dân quốc; và như thế có thể bị diễn giải là một hành động tuyên bố Đài Loan độc lập trên pháp lý, làm phát sinh rất nhiều vấn đề chính trị phức tạp.

Vào cuối năm năm 1947, Trung Quốc, với quốc hiệu lúc đó là Trung Hoa Dân Quốc và do chính phủ Quốc Dân Đảng lãnh đạo, đã vẽ đường 11 đoạn trên biển Đông, gọi đó là quốc giới. Tháng 2 năm 1948, bản đồ lưỡi bò xuất hiện công khai lần đầu tiên với bốn nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Trong 4 quần đảo này, quần đảo vốn có tên Nam Sa được đổi thành Trung Sa và quần đảo Đoàn Sa được đổi thành Nam Sa.

Việt Nam gọi Tây Sa là Hoàng Sa và Nam Sa là Trường Sa và cũng dựa trên các yếu tố lịch sử và pháp lý để tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.

Việt Nam gọi Tây Sa là Hoàng Sa và Nam Sa là Trường Sa và cũng dựa trên các yếu tố lịch sử và pháp lý để tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Việt Nam gọi Tây Sa là Hoàng Sa và Nam Sa là Trường Sa và cũng dựa trên các yếu tố lịch sử và pháp lý để tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Trong khi đó, các nước khác ở Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Malaysia, Brunei và mới đây là Indonesia, cũng có yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo mà Trung Quốc gọi là Đông Sa và Nam Sa.

Từ khi công bố đường lưỡi bò tới nay, Đài Loan và Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ ý nghĩa của ranh giới đó là gì, dù hai chính phủ ở Đài Bắc và Bắc Kinh đã có nhiều hành động trên thực tế trong ranh giới này. Theo Bách Khoa Mở Trung Quốc, có 4 cách giải thích về ý nghĩa pháp lý của đường 9 đoạn: (1) đó là đường ranh giới quốc gia hay quốc giới: có nghĩa là các đảo và vùng biển bên trong lằn ranh là lãnh thổ của Trung Quốc và khu vực bên ngoài lằn ranh là thuộc về các nước khác hoặc là hải phận quốc tế; (2) đó là vùng biển lịch sử: Trung Quốc có quyền lợi lịch sử đối với tất cả các đảo và vùng biển bên trong lằn ranh; (3) đó lằn ranh trên biển, với các đảo trong lằn ranh thuộc chủ quyền Trung Quốc và Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với vùng biển và tài nguyên dưới đáy biển không thuộc vùng nội thủy bên trong lằn ranh; và (4) đó là đường ranh phạm vi các đảo, với các đảo bên trong lằn ranh và vùng biển lân cận là một phần lãnh thổ Trung Quốc, do Trung Quốc quản hạt và kiểm soát.

Chẳng những các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Đài Loan phản đối và bác bỏ đường 9 đoạn, nhiều nước khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, cũng không ngớt Trung Quốc yêu cầu làm rõ ý nghĩa của đường ranh mà chính các chuyên gia công pháp quốc tế của Bắc Kinh và Đài Bắc cũng không thống nhất ý kiến với nhau.

Tại một cuộc họp hôm 17 tháng 5 ở Đài Bắc, cựu dân biểu Lâm Trọc Thủy của Đảng Dân Tiến cho biết ngay cả các học giả về công pháp quốc tế của Quốc Dân Đảng cũng cho rằng các qui định của luật pháp quốc tế và luật biển hiện nay đều vô cùng bất lợi cho yêu sách về “vùng biển lịch sử”. Một học giả khác của Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa, cũng cho rằng đường chín đoạn không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý.

Bắc Kinh cho rằng hầu như toàn bộ Biển Đông là lãnh hải của mình.
Ông Lâm Trọc Thủy, lý thuyết gia nòng cốt của phong trào đòi Đài Loan tách khỏi Trung Quốc để độc lập, nói rằng đường lưỡi bò không hề có trong lịch sử Trung Quốc trước đây mà thật ra là bắt nguồn từ Quần đảo Tân Nam mà Nhật Bản tuyên bố đòi chủ quyền từ năm 1939 và đặt dưới sự quản hạt của huyện Cao Hùng ở Đài Loan, khi đó là một phần lãnh thổ của Đế quốc Nhật. Ông Lâm nói rằng sau khi Nhật Bản bị đánh bại trong thế chiến thứ hai, chính phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch mới thừa hưởng quần đảo mà Nhật Bản gọi là Shinnangunto và xem đó là vùng biển của Trung Quốc.

Ông Lâm Trọc Thủy cũng cho rằng Trung Quốc có thể tranh giành chủ quyền quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa), nhưng không thể đòi chủ quyền đối với quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa); và đó chính là lý do tại sao Bắc Kinh cực lực phản đối việc Philippines đưa vụ tranh chấp biển đảo này ra trước tòa án trọng tài quốc tế.

Cũng tại cuộc họp báo ở Đài Bắc, một học giả Đài Loan cho rằng chính quyền Tưởng Giới Thạch đã làm bừa khi đưa quân đến chiếm đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình) ở “Nam Sa”. Tiến sĩ Hứa Văn Đường, thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử Cận đại của Viện Nghiên cứu Trung ương (Academia Sinica) của Đài Loan, cho biết tại Hòa hội Cựu Kim Sơn năm 1951, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ Shinnangunto nhưng không nói là từ bỏ cho nước nào. Thế mà Đài Loan vào năm 1956 đã đưa quân đến chiếm hòn đảo “Thái Bình”, nơi mà ông nói không phải là ngư trường truyền thống của ngư dân Đài Loan.

Ông Hứa Văn Đường cũng tiết lộ là sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, quân đội của Tưởng Giới Thạch đã “tiện thể” tiếp thu Quần đảo Tân Nam từ tay Nhật Bản, nhưng lại không biết quần đảo này ở đâu, nên phải chạy tới Bộ Tư lệnh Mỹ ở Philippines để mượn bản đồ. Nhà sử học Đài Loan này nói rằng nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Nam Sa thật ra là nằm trong khu vực của nhóm đảo mà hiện nay có tên là Trung Sa.

Có người tự thiêu trước Dinh Thống nhất

Có người tự thiêu trước Dinh Thống nhất

Thứ sáu, 23 tháng 5, 2014

Hình từ video clip của một nhân chứng.

Một người đã ‘tự thiêu’ trước Dinh Thống nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng sớm ngày 23/5, theo báo trong nước nhưng cũng có tin nói hành động tự thiêu này là của một Phật tử vì ‘bức xúc với Trung Quốc’.

BBC đã liên lạc với Công an quận 1 ở TP Hồ Chí Minh và được biết “các chuyên viên đã vào cuộc để điều tra vụ việc”, nhưng không được cung cấp thêm chi tiết.

Nhân viên tại Dinh Thống nhất nói với BBC qua điện thoại rằng hiện di tích vẫn đang “hoạt động bình thường”, nhưng từ chối bình luận về sự kiện này.

Video quay lại hiện trường đã được một nhân chứng quay lại và đăng tải trên mạng xã hội.

Chủ nhân của video này viết trên tài khoản Facebook cá nhân rằng cô “không nhìn thấy rõ do trời lất phất mưa”, nhưng được tài xế taxi nói nạn nhân là một người phụ nữ.

Một video khác trên Youtube thì diễn tả: “Xác chết cháy khô, trong tư thế ngồi co chân dựa lưng vào cổng rào của Dinh.”

Báo Bấm Tuổi Trẻ vào chiều tối cùng ngày chạy bài với tựa Một phụ nữ tự thiêu phản đối Trung Quốc.

“Khoảng 5g58 phút, hai bảo vệ của Hội trường Thống Nhất phát hiện có ngọn lửa cháy tại khu vực cổng chính nên đã chạy lại xem thì thấy có người dùng xăng tự thiêu. Các bảo vệ trên đã dùng bình chữa cháy để dập lửa cứu người trong khoảng 3 phút thì ngọn lửa được dập tắt” theo Tuổi Trẻ.

Báo điện tử Soha của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam – VC Corp trước đó chạy tin và cho biết “người dân đã gọi điện cho công an địa phương để báo cáo về vụ việc, tuy nhiên đến 7h sáng, lực lượng này mới có mặt tại hiện trường nhưng bài báo này sau đó không truy cập được nữa.

‘Phật tử phản đối Trung Quốc’

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Phòng Thông tin Phật giáo tại Paris vừa ra thông cáo nói người tự thiêu hôm 23/5 là bà Lê Thị Tuyết Mai, Huynh trưởng Cấp Tấn, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Miền Quảng Đức, đơn vị trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ông Võ Văn Ái, Phòng Thông tin Phật giáo tại Paris nói với BBC tại London cuối giờ sáng ngày 23/5 qua điện thoại rằng Viện Hóa Đạo của Hòa thượng Thích Quảng Độ từ TP. HCM thông báo rằng về danh tính của người tự thiêu.

Ông cho biết thời gian qua, “rất đông” thành viên của Gia Đình Phật tử Việt Nam, một tổ chức trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin tự thiêu.

“Người ta rất bức xúc vì nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp Giáo hội, và đặc biệt gần đây, Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam,” ông Ái giải thích.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với người đứng đầu hiện nay là Hòa thượng Thích Quảng Độ, không được chính phủ Việt Nam công nhận.

Nội dung 6 trong số 7 biểu ngữ

  1. Yêu cầu đoàn kết đập tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc
  2. Ủng hộ Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam
  3. Yêu cầu Trung Quốc rút khỏi biển Việt Nam
  4. Trả lại biển đảo cho Việt Nam
  5. Đốt ánh sáng soi đường cho những người yêu nước
  6. Xưa kia cho bà Trưng và Triệu đứng lên đánh giặc

Nguồn: Báo Thanh Niên dẫn lời Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Q1 Tp HCM.

Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh Viện Hóa Đạo của Hòa thượng Thích Quảng Độ không đồng tình chủ trương tự thiêu.

“Bất cứ ai cũng phải sống để đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền,” ông Ái nói.

Ông Ái nói việc tự thiêu của bà Tuyết Mai là do “xúc cảm, phẫn uất”.

“Họ không xin phép, cũng không được phép của Giáo hội,” theo ông Ái.

Báo Bấm Thanh Niên tại Việt Nam cũng dẫn lời chính quyền xác nhận tên người phụ nữ là bà Lê Thị Tuyết Mai, 67 tuổi.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM, được báo Thanh Niên dẫn lời nói “theo điều tra ban đầu, nguyên nhân khiến người phụ nữ này tự thiêu là do bế tắc về cuộc sống và bức xúc việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, xâm phạm chủ quyền Việt Nam”.

Theo tờ báo, sau khi người phụ nữ tử vong, công an “thu giữ 1 cái can loại 5 lít, 1 quẹt ga và một bịch đồ chứa 7 biểu biểu ngữ viết tay phản đối Trung Quốc”.

Bài của báo An ninh Thủ đô không còn truy cập được nữa.

Ông Hiếu được báo Thanh Niên dẫn lời nói về 6 biểu ngữ như sau: “Yêu cầu đoàn kết đập tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc”; “Ủng hộ Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam”; “Yêu cầu Trung Quốc rút khỏi biển Việt Nam”; “Trả lại biển đảo cho Việt Nam”; “Đốt ánh sáng soi đường cho những người yêu nước”; “Xưa kia cho bà Trưng và Triệu đứng lên đánh giặc”.

Hiện chưa rõ số biểu ngữ là 7 (theo Thanh Niên) hay 6 (theo Tuổi Trẻ).

Báo An ninh Thủ đô (ANTĐ) trong tin sáng 23/5 dẫn lời các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết vào lúc 5h30 sáng, một phụ nữ trẻ đã “đi bộ đến trước cổng Dinh Thống Nhất sau đó lấy xăng rưới lên người rồi châm lửa đốt.”

“Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên, nhiều người đi đường không kịp dập lửa, ít phút sau thì nạn nhân đã bị ngọn lửa thiêu cháy đen, co quắp”.

Bài báo của An Ninh Thủ đô sau đó không còn truy cập được nữa.

Kịch bản chiến tranh Việt-Trung

Kịch bản chiến tranh Việt-Trung

Thứ năm, 22 tháng 5, 2014

Ông Carl Thayer cho rằng các cuộc đối đầu liên tiếp trên biển có thể gây ra thiệt hại về nhân mạng

Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ khác với cuộc chiến biên giới năm 1979.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22/5, ông cho rằng cuộc chiến sẽ ‘kết thúc rất nhanh’, với nhiều bất lợi nghiêng về phía Việt Nam.

BBC: Theo ông thì căng thẳng hiện nay có leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang hay không, và nếu điều đó xảy ra, hai bên sẽ triển khai những lực lượng gì cho cuộc chiến?

Giáo sư Carl Thayer: Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc đối đầu trên biển được cả hai phía tính toán rất kỹ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn tàu của Việt Nam tiếp cận giàn khoan, trong lúc Việt Nam tiếp tục duy trì sự hiện diện và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ để yêu cầu Trung Quốc rút lui.

Các chuyên gia mà tôi gặp gần đây cho rằng những cuộc đối đầu liên trên biển hiện nay có thể dẫn đến thiệt hại về nhân mạng hoặc khiến tàu của một bên nào đó bị chìm.

Một cuộc giao tranh theo tôi là khó xảy ra, nhưng nếu có, thì cuộc chiến đó sẽ không chỉ diễn ra trên một mặt trận như 1979.

Năm 1979, Trung Quốc đã chủ trương không sử dụng không quân vì e ngại trước hệ thống phòng không rất mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc giao tranh trong năm 2014 sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận, với sự tham gia của không quân, hải quân, bộ binh cho đến tàu ngầm và sẽ kết thúc rất nhanh.

Hải quân Việt Nam chủ yếu tập trung ở Nha Trang và Đà Nẵng.

Trung Quốc có thể tấn công các cứ điểm này rất nhanh chóng bằng thủy lôi, bằng không quân hoặc tên lửa hành trình từ chiến hạm và tiêu diệt hoàn toàn các hạm đội cũng như các cơ sở hậu cần của Việt Nam.

Đây là một yếu tố rất quan trọng. Vì nếu bị hư hại, tàu của Việt Nam có thể lui về cảng, thế nhưng nếu mất cảng, các chiến hạm sẽ không thể được tiếp nhiên liệu và sẽ trở thành vô giá trị.

Bên cạnh đó, một cuộc chiến kéo dài cũng khiến Việt Nam phải đứng trước câu hỏi là lấy nguồn tiếp tế vũ khí ở đâu? Việt Nam hiện có bao nhiêu nước sẵn sàng cung cấp những khí tài hiện đại cho họ?

Khó có khả năng Nga sẽ đứng ra để tiếp tế vũ khí và phụ tùng cho Việt Nam vì không muốn gây hấn với Trung Quốc. Thậm chí nếu Nga muốn giúp thì cũng đã quá trễ.

Việc Trung Quốc tăng ngân sách quân sự khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại

BBC: Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào nếu một cuộc chiến xảy ra, thưa ông?

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam đang sở hữu hệ thống tên lửa hành trình rất mạnh, có thể bắn đến tận đảo Hải Nam hoặc đảo Phú Lâm.

Nếu một cuộc giao tranh xảy ra, trên lý thuyết, các nước có thể lập một phòng tuyến nhằm cô lập đường hàng hải của Trung Quốc với mục tiêu ngăn Trung Quốc tiếp tục tấn công.

Trừ khi Trung Quốc muốn phải đối đầu với cả hải quân của Nhật và Hoa Kỳ, các đường cung cấp dầu khí trên biển của họ sẽ bị chặn. Và đây là điểm yếu mà các học giả Trung Quốc gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca”. Không chỉ riêng eo biển Malacca mà cả eo biển Hormuz cũng là một điểm yếu của Trung Quốc.

Tuy nhiên để duy trì một vùng cách ly như vậy sẽ rất khó khăn và cần đến sự tham gia của hải quân từ nhiều nước.

Nhật Bản cũng có thể sử dụng hải quân để khống chế không cho các hạm đội của Trung Quốc tiếp tục tấn công Việt Nam.

Tất nhiên, đây chỉ hoàn toàn là giả thiết vì đến nay hải quân Nhật Bản vẫn chỉ được sử dụng cho mục đích tự vệ. Tôi vẫn cho rằng Nhật Bản sẽ rất thận trọng trước các động thái gây hấn của Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng giàn khoan của Trung Quốc không phải để thăm dò dầu khí

BBC: Hiện Trung Quốc đang phải chi rất nhiều tiền để giữ cho giàn khoan hoạt động ở vị trí hiện nay, một số tin nói là hàng trăm nghìn đôla một ngày, có tin nói là cả triệu đôla một ngày. Nhưng Việt Nam nói những hoạt động thăm dò trước đây của họ cho thấy không có dầu ở đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga vừa ký với nhau một thỏa thuận khí đốt. Theo ông vì sao Trung Quốc lại chọn đặt giàn khoan ở vị trí hiện nay?

Giáo sư Carl Thayer: Trước hết thỏa thuận khí đốt Nga-Trung là vấn đề dài hạn. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu ngày một nghiêm trọng.

Khi có mặt ở Hà Nội vào thời điểm tranh chấp xung quanh giàn khoan mới bắt đầu, tôi đã nói chuyện với một số nhà ngoại giao nước ngoài và họ nói rằng các đồng nghiệp của họ ở Bắc Kinh cho biết Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ban đầu được yêu cầu tiến vào khu vực lô 142 – 143 và CNOOC đã từ chối với lý do quá tốn kém.

Tuy nhiên cuối cùng họ vẫn nhận được lệnh phải tiến vào đó và được cho biết nhiệm vụ thăm dò dầu khí không phải là vấn đề ưu tiên.

Trung Quốc đã dự phòng phương án tháo gỡ căng thẳng bằng cách tuyên bố sẽ chỉ đặt giàn khoan ở vị trí này từ ngày 2/5 đến ngày 15/8.

Tuy nhiên điều mà chúng ta chưa nghĩ đến là khi giàn khoan này thôi hoạt động và rời đi, Trung Quốc có thể đưa một giàn khác nhỏ hơn để thế chỗ dưới sự canh gác chặt chẽ.

Bên cạnh đó, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố sẽ rút lui giàn khoan vào tháng Tám có thể chỉ đơn thuần là do để tránh mùa bão thường xảy ra từ tháng Chín – Mười trong khu vực.

Trung Quốc rõ ràng là đang phải chi rất nhiều, không chỉ cho giàn khoan đắt tiền của họ, mà còn cho cả hơn một trăm tàu đang hoạt động quanh đó – quy mô chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Điều này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thăm dò dầu khí.

Một nhà phân tích nói với tôi rằng dầu khí tập trung chủ yếu ở phía nam của Biển Đông. Tuy nhiên với nhu cầu hiện nay của Trung Quốc, những mỏ này sẽ cạn rất nhanh.

Trung Quốc đã phải trải qua bao nhiêu phiền phức như hiện nay, chỉ để khai thác những nguồn nhiên liệu rất có hạn như thế, rõ ràng không phải là một cách huy động vốn hiệu quả. Từ đó có thể thấy điều này là nhằm một mục đích khác.

Tôi nghĩ là chúng ta đã không thấy hết được tính nghiêm trọng của việc thành lập Thành phố Tam Sa và đồn trú quân ở đó, cũng như ban hành luật đánh bắt trên các vùng biển quanh đảo Hoàng Sa và Phú Lâm.

Trung Quốc đang muốn có một điểm tựa vững chắc ở phía bắc Biển Đông để từ đó tiếp tục tiến về phía nam. Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam.

Có thể nói rằng hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông là để đánh dấu chủ quyền.

Căng thẳng sẽ hạ nhiệt sau khi Việt Nam bồi thường cho Trung Quốc và gửi phái đoàn ngoại giao sang Bắc Kinh?

BBC:Trung Quốc nói sẽ chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí vào tháng Tám. Tuy nhiên ông có cho rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi kế hoạch vì ngại Việt Nam sẽ nhân đó để tuyên bố chiến thắng trong tranh chấp lần này không?

Giáo sư Carl Thayer: Hiện chúng ta đang chứng kiến một sự đối đầu được tính toán rất kỹ lưỡng. Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền của mình và Việt Nam vẫn kiên quyết phản đối.

Từ khi tranh chấp xung quanh vấn đề giàn khoan xảy ra, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối.

Phía Việt Nam cũng đã hai lần đề nghị Bắc Kinh cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, nhưng cũng bị từ chối.

Các cuộc bạo động nhằm vào Trung Quốc lại càng làm cho vấn đề thêm rắc rối.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau khi Việt Nam đã giải quyết xong hậu quả của các cuộc bạo động, bồi thường cho Trung Quốc và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc quay trở lại sản xuất, Bắc Kinh sẽ sớm đón tiếp các phái đoàn cấp cao của Việt Nam.

Trong 4 năm qua, đã có hai phái đoàn đặc biệt như vậy được cử sang Trung Quốc để giải quyết xung đột trên Biển Đông và mỗi lần như vậy, căng thẳng đều được tháo ngòi.

Có thể là ngày 15/8 tới đây, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan, tuyên bố là đã hoàn tất mục tiêu, trong khi Việt Nam tuyên bố đã giữ vững lập trường chống đối của mình.

Tuy nhiên câu hỏi ở đây là Trung Quốc có mang một giàn khoan nhỏ hơn tới để thay thế cho giàn khoan hiện nay hay không? Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình, và Việt Nam sẽ khó thay đổi điều đó vì mỗi lần họ tìm cách tiếp cận, tàu của Trung Quốc sẽ quay trở lại.

Thế nhưng quan hệ giữa hai nước đã rất tốt và việc tìm một lối ra cho căng thẳng hiện nay sẽ phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.

Trung Quốc đang muốn xây dựng đường nối miền nam nước này với các nước ASEAN, và tuyến đường đó sé đi xuyên qua Việt Nam. Đó là chưa kể những quan hệ hợp tác của hai nước trong nhiều lĩnh vực khác.

Trung Quốc cũng sẽ không muốn đẩy Việt Nam về phía Hoa Kỳ hoặc tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Philippines và ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở đó.

Liệu Việt Nam có thể lấy Philippines làm trung gian để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ?

BBC: Ông nghĩ như thế nào về chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Philippines vừa qua? Ông có nghĩ là Việt Nam đang muốn sử dụng các đồng minh của Hoa Kỳ làm trung gian để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ hay không?

Giáo sư Carl Thayer: Đó là một câu hỏi thú vị. Trước chuyến thăm của ông Dũng thì quan hệ Việt Nam – Philippines vẫn đang tiến triển khá tốt. Tuy nhiên cả hai nước, đặc biệt là Philippines, đều là những nước yếu trong khu vực.

Cả hai đã lên kế hoạch cho hải quân diễn tập chung, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ trước sự phản đối của Trung Quốc.

Tuy nhiên bây giờ cả hai đang đối mặt với cuộc chơi hoàn toàn khác. Hành động của Trung Quốc hiện nay là chưa có tiền lệ và rất đáng lo ngại.

Việt Nam đã làm việc với ASEAN và việc tăng cường quan hệ với Philippines giữa lúc nước này đang thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ có thể sẽ giúp cả hai nước củng cố về an ninh.

Việt Nam có thể khuyến khích Hoa Kỳ tăng cường hiện diện và sử dụng Philippines làm trung gian với Hoa Kỳ nếu cảm thấy một mối quan hệ trực tiếp là quá khó.

Chính sách của Việt Nam có ba không, đó là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự và không cùng với một nước chống lại nước thứ ba. Chính sách đó vẫn không thay đổi.

Vấn đề ở đây là không có tàu nào của Hoa Kỳ, dù mạnh đến đâu, có thể đẩy lùi giàn khoan của Trung Quốc và vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, Việt Nam cần cùng với Philippines mở ra một mặt trận mới để Philippines có thể cùng Hoa Kỳ có hành động chống lại Trung Quốc.

Hiện cũng có tin nói rằng Việt Nam có thể áp dụng hành động pháp lý với Trung Quốc, theo như thông tin mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra, dù không rõ chi tiết. Điều này có thể sẽ củng cố cho lập trường pháp lý của Philippines hiện nay trong đơn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Nếu Trung Quốc thua kiện thì đường chín đoạn của họ sẽ bị tuyên là bất hợp pháp. Luật pháp quốc tế quy định phán quyết của tòa phải được thi hành ngay lập tức, không được kháng lại.

Trung Quốc có thể sẽ phản đối nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ bị cô lập vì đó là một quyết định của quốc tế.

Một quyết định như vậy cũng sẽ giúp các bên có yêu sách khẳng định chủ quyền của mình trên biển, ở những nơi mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, nhưng luật pháp quốc tế lại không xem như vậy.

Washington đã thỏa hiệp với Hà Nội về nhân quyền?

BBC: Lập trường của Washington là Hà Nội cần có một quan điểm chính trị cởi mở hơn và tôn trọng nhân quyền. Thế nhưng đối với Hoa Kỳ, căng thẳng hiện nay cũng là mối đe dọa đến ổn định trong khu vực và tự do hàng hải. Liệu Washington có chủ động thỏa hiệp hay không? Hay họ sẽ đợi sự thỏa hiệp từ Hà Nội?

Giáo sư Carl Thayer: Hoa Kỳ không chỉ là một, mà chúng ta có chính quyền Obama và Quốc hội. Và theo ý kiến của tôi, chính quyền Obama đã thỏa hiệp với Hà Nội rồi.

Chúng ta còn nhớ trước khi Chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ, các chính trị gia cao cấp của Hoa Kỳ đã đề nghị Hà Nội phải có tiến triển về nhân quyền.

Bất chấp những lời kêu gọi này, Việt Nam lại thực hiện thêm nhiều vụ bắt giữ khác.

Ông Sang sau đó vẫn sang Hoa Kỳ và mang về hiệp định đối tác toàn diện.

Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền, mặc dù nhận định rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang tiến triển một cách không đồng đều, nhưng cũng ghi nhận ngày càng có nhiều nhà thờ được phép hoạt động hơn.

Các nhà ngoại giao tôi gặp ở Hà Nội cũng cho rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiến triển và Hà Nội đang từng bước đáp ứng các chỉ tiêu do Hoa Kỳ đề ra.

Như vậy, chúng ta thấy là chính quyền Obama thì cho rằng Việt Nam đang đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khi Quốc hội lại dựa trên hàng loạt vụ bắt bớ các blogger và nhà bất đồng chính kiến gần đây để bác bỏ điều đó.

Tuy nhiên tôi cho rằng cuối cùng thì những lợi ích mang tính chiến lược vẫn sẽ được đặt lên trên nhân quyền.

Hành động của Trung Quốc, mặc dù ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng cũng đe dọa đến sự ổn định trong khu vực.

Điều này buộc Hoa Kỳ phải lựa chọn và tôi nghĩ rằng nhân quyền sẽ bị xem là phụ.

 

VN ‘xem xét hành động pháp lý’ với TQ

VN ‘xem xét hành động pháp lý’ với TQ

Thứ năm, 22 tháng 5, 2014

Ông Dũng tìm kiếm sự đoàn kết từ Philippines trên vấn đề Biển Đông

Việt Nam ‘đang xem xét’ hành động pháp lý với Trung Quốc, các hãng tin Reuters và AP đưa tin.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng viết trong email trả lời câu hỏi của hãng Anh Reuters hôm thứ Tư ngày 21/5 khi ông đang ở thăm Manila rằng chính phủ của ông đang xem xét “các phương án tự vệ khác nhau, trong đó bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.”

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển đảo, là thiêng liêng,” ông nói.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Dũng đánh tiếng cho biết phía Việt Nam sẽ có hành động pháp lý với Trung Quốc, động thái có thể sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận, Reuters nhận định.

Hãng tin Mỹ AP cũng nhận được câu trả lời của ông Dũng. Theo tường thuật của hãng tin này thì ông Dũng nói ‘Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng sẽ không bao giờ dùng đến hành động quân sự trừ khi chúng ta buộc phải có hành động tự vệ’.

Tuy nhiên ông Dũng không nói rõ Việt Nam sẽ có hành động pháp lý gì.

Khi được hỏi liệu Việt Nam có mạo hiểm chiến tranh với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp hay không, ông Dũng viết trong email gửi AP: “Giải pháp quân sự? Câu trả lời là Không.”

“Việt Nam đã chịu rất nhiều đau thương mất mát trong những cuộc chiến tranh xâm lược trong quá khứ. Chúng tôi sẽ không bao giờ dùng biện pháp quân sự trước tiên và sẽ không bao giờ đơn phương khởi đầu một cuộc xung động quân sự trừ phi chúng tôi bị buộc phải tự vệ,” email viết.

“Việt Nam đã chịu rất nhiều đau thương mất mát trong những cuộc chiến tranh xâm lược trong quá khứ. Chúng tôi sẽ không bao giờ dùng biện pháp quân sự trước tiên và sẽ không bao giờ đơn phương khởi đầu một cuộc xung động quân sự trừ phi chúng tôi bị buộc phải tự vệ.”

Email của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi AP

Cũng theo AP thì ít nhất hai nhà ngoại giao của Việt Nam đã nói với họ rằng Việt Nam sẽ đệ đơn kiện riêng rẽ hoặc tham gia vào vụ kiện của Philippines.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Philippines nói với AP rằng ông Dũng và các quan chức Việt Nam khác đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Philippines của họ trong các cuộc họp kín hôm 21/5.

Vụ kiện của Manila

Trước đó, Philippines cũng trình lên tòa án trọng tài ở The Hague yêu cầu xem xét đòi hỏi chủ quyền của Philippines ở Biển Đông cũng như xác nhận quyền của họ được quyền khai thác vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (Unlos).

Bắc Kinh đã từ chối tham gia vào vụ kiện và cảnh báo Philippines rằng việc này sẽ ‘làm tổn thương nghiêm trọng’ quan hệ giữa hai nước.

Nếu tòa ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh thì điều này có thể thúc đẩy các quốc gia có tranh chấp khác trên Biển Đông kiện Bắc Kinh, các chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên bất kỳ phán quyết nào cũng khó mà thực thi trên thực tế bởi vì không có cơ quan nào trong khuôn khổ Unclos giám sát các phán quyết này, theo các chuyên gia pháp lý.

Hôm 21/5, trong một động thái thể hiện tình đoàn kết trước Bắc Kinh, Thủ tướng Dũng nói Việt Nam và Philippines quyết tâm chống lại việc Bắc Kinh ‘xâm phạm vùng biển’ của họ và kêu gọi thế giới lên án hành động của Bắc Kinh.

Dưới Lớp Tro Tàn

Dưới Lớp Tro Tàn

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

RFA

“Cùng với các tổ chức Xã Hội Dân Sự khác, Lao Động Việt cần phải được công khai hoạt động tại VN để hướng dẫn cho công nhân, từng bước thành lập các nghiệp đoàn của mình.”

Trần Ngọc Thành (Chủ Tịch Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do)

Báo Người Việt, số phát hành vào ngày 14 tháng 5 năm 2014, có phóng sự (“Đến Bình Dương Sau Ngày Công Nhân Biểu Tình Bạo Động”) của ký giả Phùng Thức – gửi từ Việt Nam – với bức ảnh đính kèm, cùng với ghi chú: Những biểu ngữ đơn sơ và đống tro tàn bạo động đêm 13 tháng 5 của công nhân Bình Dương.

Hai hôm sau (xem chừng “đống tro tàn” đã nguội) nên cũng trên diễn đàn này, lại có bản tin ngắn, với sự “khẳng định” (nghe) chắc như bắp của một quan chức cao cấp của Việt Nam:

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư đã ký một văn bản gửi các sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp ngoại quốc, khẳng định: Bạo động trong thời gian vừa qua là tự phát và có yếu tố kích động. Nhà cầm quyền Hà Nội “rất lấy làm tiếc” và đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn ngay lập tức các hành động bạo động, bảo đảm điều đó sẽ không tái diễn.

Dân Việt vốn can đảm, và tôi cũng đã có hân hạnh quen biết rất nhiều người rất gan dạ nhưng chưa thấy ai “liều lĩnh” cỡ như nhân vật Bùi Quang Vinh này:

“Nhà cầm quyền Hà Nội ‘rất lấy làm tiếc’ và đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn ngay lập tức các hành động bạo động, bảo đảm điều đó sẽ không tái diễn.

Ông Bộ Trưởng – rõ ràng – đánh giá hơi quá cao về khả năng đàn áp của “nhà cầm quyền Hà Nội,” và dường như không biết gì ráo trọi về đời sống của giới công nhân Việt Nam hiện nay. Để rộng đương dư luận, xin xem qua đôi lời tâm sự của một độc giả (có bút danh là Rùa Vàng) đăng trên blog Hiệu Minh – vào hôm 13 tháng 5 vừa qua:

“Rùa làm việc tại công ty D.A gia công đồ gỗ xuất khẩu cho Plantation Grown Timbers của Úc, ông chủ lâu lâu xuống xưởng một lần, lần nào ông xuống lại nổi cơn lôi đình, quát mắng, chửi bới lung tung vì những lý do hết sức lãng xẹt. Một hôm ông ta chửi một công nhân có kinh nghiệm 10 năm làm gỗ, sau 30 phút lăng mạ ông ta đuổi việc người công nhân đó luôn. Gần như ko có ai trong số khoảng 150 người từ quản đốc đến công nhân không bị chửi.

Buổi sáng khi mặt trời còn đang bận tiễn chân chú Cua rời WB, thì ở Bình Dương công nhân đã lò mò thức dậy đi làm, tối mặt trời lặn lâu lắm rồi họ mới về nhà. Trên đường về ghé qua chợ đêm mua đại cái gì đó rồi nấu cơm, ăn uống tắm giặt nữa là đến 21h. Trong nhà ko ti vi, báo chí và chẳng có đồ đạc gì có giá trị, ngoài mấy chiếc xe đạp, một nồi cơm điện, một bếp ga mini, một bình nước lọc. Đời sống công nhân đơn điệu và buồn tẻ một cách kinh ngạc. Chỉ lâu lắm mới có một đoàn pê đê đến biểu diễn ở ven KCN họ mới có dịp kéo nhau đi chơi.

Về lương, em mới vào làm lương 870.000đ một tháng, ngày nào cũng tăng ca đến 20h tối mới về và làm 4 chủ nhật, tiền công tháng đầu tiên em kiếm đc 1.200.000đ. Tháng thứ 2 lương cơ bản sẽ lên 960.000 ngàn, những tưởng tháng này kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tháng đó giám đốc kêu công ty lỗ nay giảm lương, ai muốn làm thì làm không làm thì thôi, vậy là tháng thứ hai em cũng chỉ kiếm đc 1.200.000 ngàn.”

Số tiền lương quá khiêm tốn, như trên, đã khiến nhiều người phải trải qua những cảnh đời vô cùng nghiệt ngã:

“Tôi lấy vợ được 4 năm rồi. Cô ấy là người ở vùng núi Vĩnh Cửu (Đồng Nai), làm chung công ty với nhau. Vẫn biết đời sống khó khăn nên hai người chỉ biết nương nhau mà sống. Từ hồi bé Trà My ra đời, cuộc sống của hai vợ chồng càng cơ cực hơn nữa vì nhiều chi phí phải dành cho con như tiền sữa, tiền bột, tiền quần áo, đồ dùng cho trẻ… mà vợ thì phải nghỉ làm ở nhà trông con. Khi bé được đúng 1 tuổi, vợ chồng đành phải gửi con ở nhà trẻ tự phát gần khu trọ để đi làm chứ một mình tôi lo không xuể. Mấy ngày đầu, bé xa cha mẹ nên khóc suốt, lại không ăn uống gì nên người cứ lả đi, rồi ốm.

Thế là lại xin nghỉ, cả hai đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1 dưới quận 10 mà cả nhà chỉ còn hơn 600 ngàn đồng. Vừa đợi khám bệnh cho con, vừa lo lắng không biết có đủ tiền hay không nữa. Thấy vậy, cả hai chỉ biết quay đi, nhìn con mà rơi nước mắt. Như hiểu được nỗi lòng của vợ chồng tôi, có một bác bán cà phê cóc ở cổng bệnh viện bảo, nếu thiếu tiền khám bệnh cho con thì cứ sang bên Bệnh viện Chợ Rẫy mà bán máu kiếm tiền, dễ lắm. Hỏi kỹ ra mới biết, mỗi lần đi bán máu như vậy thu được gần 500 ngàn đồng mà cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người bán. (Khánh Hoà, “Nghiệt Ngã Phận Đời Làm Công Nhân,” báo Dân Việt 16 tháng 02 năm 2014).

Bán máu, tuy thế, vẫn chưa phải là bước đường cùng. Đôi lúc, không ít nữ công nhân còn phải bán dâm để sinh tồn – theo tường thuật của ký giả Nguyễn Bay, báo Tuổi Trẻ Online:

“Một ngọn đèn dầu, cái giỏ nhựa đựng đồ nghề đấm bóp, giác hơi, chiếu cói, gối hoa trải sẵn hoặc chỉ là một tấm áo mưa. Thợ giác hơi quanh KCN Tân Tạo đa số là nữ với các ‘chiếu’ trên vỉa hè, ven đường, thậm chí chỉ một mô đất giữa ruộng; hoạt động từ 18g30 đến 3-4 giờ sáng…”

“Gần một năm nay, các ‘chiếu’ giác hơi ngày một dài thêm hàng cây số (đường đi Long An, An Sương). Lúp xúp trong bụi cây, bờ cỏ, chúng tôi nhận ra nhiều thợ vốn là công nhân… Những khi tan ca, họ lẫn vào dòng thợ ‘chào hàng’…. Tiền công 10.000 – 15.000 đồng/lần, bằng nửa ngày công .. làm thợ.”

Dẫy chiếu “ngày một dài thêm” vì vật giá mỗi lúc một tăng mà đồng lương thì không. Lương bổng công nhân Việt Nam không thể nào nâng cao hơn vì những người lãnh đạo ở xứ sở này đã lựa chọn một … quốc sách thấp – theo lời ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM:

“Chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan và tư vấn cho họ hãy trả lương cao hơn để tránh đình công. Họ nói là rất muốn trả cao hơn nhưng không thể vì quy định lương của Chính phủ Việt Nam quá thấp, các đối tác nước ngoài dựa vào đó kềm giá đơn hàng nên có muốn cũng không thể tăng hơn được”.

Khu nhà trọ nam công nhân rách nát gần cổng Khu công nghiệp Tân Tạo –

“điểm hẹn” của những “chiếu giác hơi” công nhân – Ảnh và chú thich: N.B.

Từ nhiều năm trước Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra một nhận định rất buồn:

“Việt Nam đã bỏ cuộc trong cuộc chạy đua tri thức và kỹ thuật, hoạt động kinh tế chỉ còn tập trung trong các ngành đòi hỏi những kỹ năng thấp (đồ gỗ, may mặc, giầy dép, thực phẩm …). Những sản phẩm này đang bị cạnh tranh rất gay gắt từ những quốc gia chậm tiến sẵn sàng chấp nhận đồng lương rẻ mạt.”

Tôi còn không tin rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã từng có lúc cố gắng (trước khi bỏ cuộc) “chạy đua tri thức và kỹ thuật” với những quốc gia lân cận. Bằng chứng là hiện nay chúng ta vẫn chưa tự làm nổi cái đinh vít cho ra cái đinh vít – theo như tường thuật của ký giả Quang Đông, báo Tiền Phong!

Mọi chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước đều thiển cận (theo kiểu mì ăn liền) nên chỉ chuyên chú vào việc khai thác ngay mọi tài nguyên thô sẵn có, cũng như nhân nguồn lực rẻ mạt của công nhân – kể cả lao động nước ngoài – để “vét” cho thật nhiều và thật nhanh thôi.

Người bị vơ vét – lúc cần mua một cái toa thuốc cho con khi đau ốm, hay một món tiền nhỏ gửi cho bố mẹ già ở quê nhà – phải đi bán máu, hoặc bán dâm. Kẻ có quyền vơ vét thì mua được mọi thứ.

Họ mua  “rau sạch ở Thiên Đường Xanh; đồ Tây lấy ở cửa sau khách sạn Sofitel ; bánhngọt ở L’Indochine ; bánh bao hiệu Tâm Tâm, bánh mì ở Hilton cạnh Nhà hát lớn ; đường, dấm, muối, xì dầu và gạo Thái Lan ở Westside, ốc lại lên tận Tây Hồ, còn đồ khô đến chợ Hàng Bè…” – theo như lời của nhà văn Phạm Thị Hoài.

Họ cũng có thể thưởng thức những tách cà phê hay những tô phở trị giá (cỡ) … nửa triệu đồng, tương đương với tiền lương hàng tuần của một công nhân!

Tôi không tin rằng hiện trạng chênh lệch bất công này sẽ kéo dài được mãi. Tôi cũng không nghĩ rằng những đống tro tàn sau những đám cháy vì bạo loạn ở Bình Dương đã hoàn toàn nguội lạnh, và nhà đương cuộc Hà Nội vẫn cứ có khả năng “triển khai các biện pháp để ngăn chặn ngay lập tức các hành động bạo động, bảo đảm điều đó sẽ không tái diễn ” – như lời hứa hẹn của ông Bộ Trưởng Kế hoạch / Đầu Tư, vào hôm 16 tháng 5 vừa qua.

Bên dưới lớp tro tàn hiện nay (e) vẫn còn những hòn than vẫn đang âm ỉ cháy. Trong tương lai gần không cần đến cái một giàn khoan dầu, một cái “tầu lạ” xuất hiện ở lãnh hải Việt Nam (hay sự kích động của bất cứ “kẻ xấu” nào) mà chỉ cần một cơn gió thoảng cũng vẫn có thể bùng lên những ngọn lửa bạo loạn ở rất nhiều nơi.

Hơn mười năm trước tướng Trần Độ đã có lời cảnh báo:”Đổi mới hay là chết.” Dường như, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã nhất định tìm … cái chết!