“Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”

“Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .-“Hệ thống pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới.” Bộ trưởng Bộ Tư pháp CSVN, ông Hà Hùng Cường thú nhận như vậy tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hôm Thứ Tư 11 tháng 6 năm 2014.

Dân oan xã Dương Nội huyện Thanh Trì biểu tình ở trung tâm thành phố Hà Nội đòi trả tự do cho vợ chồng bà Cấn Thị Thêu bị bắt khi chống cưỡng chế bất công ngày 25/4/2014 vừa qua (Hình: Thanh Niên Công Giáo)

Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam chồng chéo ngang dọc, phức tạp như một khu rừng từng được giới đầu tư ngoại quốc phàn nàn suốt nhiều năm qua. Các định chế tài trợ quốc tế cũng từng khuyến cáo rất nhiều lần, kể cả viện trợ ngân khoản để chế độ Hà Nội cải tổ hệ thống luật pháp cho minh bạch và tương ứng với luật lệ quốc tế, nhưng không bao nhiêu tác dụng.

Nay thì chính ông Bộ trưởng Tư pháp phải nhìn nhận sự thật như thế. Và không thấy các tờ báo tường thuật phiên chất vấn ở Quốc hội cho biết ông hay bộ tư pháp của ông có làm gì để làm cho luật pháp của chế độ bớt “phức tạp nhất thế giới” hay không. Hoặc cái rừng luật ở Việt Nam tiếp tục rậm rạp, chồng chéo hơn theo nhu cầu cai trị của chế độ.

“Từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con”. Ông Hà Hùng Cường nhìn nhận trong buổi chất vấn.

Bà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy của thành phố Đà Nẵng nêu nghi vấn, qua “dư luận người dân, báo chí”, các văn bản quy phạm pháp luật, trên thực tế, chỉ là “cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân”.

Ông Hà Hùng Cường, cho hay cái Bộ của ông chỉ chịu trách nhiệm “thẩm định, phát biểu ý kiến” với các dự thảo luật “từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ.”

Ông giải thích thêm rằng nhiệm vụ của cái bộ của ông xem xét những dự thảo đó “có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không”. Nói khác, bộ tư pháp không đặt quyền lợi của công dân, của đất nước lên trên quyền hành thống trị của Đảng.

Hiến pháp thì nói công dân có quyền tự do cư trú tại bất cứ đâu trên cả nước. Nhưng từng có những dự luật dù trái hiến pháp vẫn được thông qua như “Luật Cư Trú” trong đó đòi hỏi người dân phải có sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nhà cầm quyền các địa phương thường sách nhiễu, vòi vĩnh hối lộ là chuyện “thường ngày ở huyện” với cái luật như thế.

Những năm gần đây, người ta thấy thỉnh thoảng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật của Bộ Tư Pháp loan báo hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật bị thu hồi hay cấm ban hành vì trái luật. Tình trạng vẫn không có bao nhiêu cải thiện. Trong cuộc chất vấn nói trên, ông chủ tịch Quốc hội CSVN nêu ra con số “312 văn bản sai pháp luật rất nghiêm trọng”.

Ông Hà Hùng Cường giải thích rằng bất cứ cấp nào từ trung ương xuống tới ông chủ tịch xã ở địa phương cũng là “chủ thể” ban hành nhiều loại văn bản khác nhau có tính ràng buộc pháp luật, cho nên… “pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ”.

Bởi vậy mới có cái thông tư của Bộ Y tế cấm người phụ nữ “ngực lép lái xe”, người có bàn tay, bàn chân 6 ngón không được thi lấy bằng lái xe; bộ công an đòi ký giả phải xin phép trước mới được chụp hình, phỏng vấn khi cảnh sát giao thông đánh dân hay đang nhận tiền “chung chi” trên phố.

Mới đây, ngày 10/6/2014, luật sư Trần Vũ Hải gửi một kiến nghị thư tới Quốc hội CSVN yêu cầu giải thích điều luật 258 của Bộ Luật Hình Sự. Điều luật này kết án từ 6 tháng đến 7 năm tù cho những ai bị vu cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Theo Luật sư Hải, điều luật hình sự 258 trái ngược với Hiến Pháp (thông qua bản sửa đổi năm ngoái) ở các điều 12, 14, 15 và 25 cũng như trái với điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam công nhận từ thập niên 1980. Luật sư Trần Vũ Hải đã gửi nhiều kiến nghị thư chất vấn quốc hội, thủ tướng nhiều vụ nhưng ông không hề được phúc đáp thỏa đáng. (TN)

 

VN nói TQ điều tàu chiến, TQ bác bỏ

VN nói TQ điều tàu chiến, TQ bác bỏ

BBC

 

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc hung hăng

Việt Nam cho biết giàn khoan của Trung Quốc trên Biển Đông dường như đang dịch chuyển một lần nữa trong khi Trung Quốc bác cáo buộc của Việt Nam rằng họ triển khai tàu chiến đến khu vực.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa xác nhận thông tin này.

Hàng chục tàu Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm các tàu tuần duyên, đã đối đầu nhau xung quanh một giàn khoan tại vùng biển có tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra đây hồi đầu tháng Năm.

Cáo buộc qua lại

Hội nghề cá Việt Nam ra thông cáo báo chí cho biết giàn khoan này ‘có dấu hiệu di chuyển về phía đông và đông nam’, hãng tin Anh Reuters cho biết.

Cũng theo cơ quan này thì Trung Quốc đang duy trì 119 tàu trong khu vực, trong đó có sáu tàu chiến cùng bốn máy bay quân sự quần thảo trên bầu trời.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng thông tin về tàu chiến là ‘hoàn toàn sai sự thật’ và bản chất hoạt động của giàn khoan Trung Quốc chỉ là ‘thương mại’.

“Bởi vì Việt Nam vẫn cứ cố can thiệp một cách phi pháp, chúng tôi đã điều tàu chính phủ ra để đảm bảo an ninh tại chỗ nhưng chúng tôi không điều tàu chiến,” bà Hoa nói trong một cuộc họp báo.

“Bởi vì Việt Nam vẫn cứ cố can thiệp một cách phi pháp, chúng tôi đã điều tàu chính phủ ra để đảm bảo an ninh tại chỗ nhưng chúng tôi không điều tàu chiến.”

Hoa Xuân Oánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bà Hoa còn cáo buộc ngược lại Việt Nam ‘đã đưa tàu vũ trang ra để quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan’.

Tuy nhiên bà không xác nhận việc giàn khoan có di chuyển hay không.

Bà nói rằng giàn khoan này sẽ tiếp tục hoạt động cho đến giữa tháng Tám.

“Chúng tôi hy vọng rằng giàn khoan sẽ hoàn thành công việc một cách suôn sẻ và an toàn.”

Nữ phát ngôn nhân này còn nhắc lại vụ bạo động hồi tháng trước ở Việt Nam và cáo buộc chính phủ Việt Nam ‘đã kích động một số phần tử phạm pháp trong nước đập phá và đốt cháy các công ty nước ngoài trong đó có công ty Trung Quốc’ và cho đến nay ‘Việt Nam vẫn chưa bồi thường’.

Trong một thông cáo riêng rẽ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ kích động căng thẳng trong khu vực nhất là với việc tập trận chung và gửi ‘thông điệp sai’ về các tranh chấp lãnh thổ.

“Điều này đã làm cho hòa bình và ổn định khu vực thêm hỗn loạn,” thông cáo viết khi đề cập đến bản báo cáo của Lầu Năm Góc về chi tiêu quân sự và tham vọng của Trung Quốc hồi tuần trước.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì Hoa Kỳ mới là ‘mối đe dọa thật sự’ với các dẫn chứng như chiến tranh mạng của Mỹ, việc nước này phòng thủ tên lửa và việc ngân sách quốc phòng của Mỹ vượt xa Trung Quốc.

TQ đưa vụ tranh chấp lên Tổng thư ký LHQ, Việt Nam phản bác

TQ đưa vụ tranh chấp lên Tổng thư ký LHQ, Việt Nam phản bác

VOA

Tàu Trung Quốc dùng vòi ròng tấn công tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.

Tàu Trung Quốc dùng vòi ròng tấn công tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.

10.06.2014

Trung Quốc hôm qua đã gửi một bản tuyên cáo lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, trong đó cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền của nước này, cũng như cản trở hoạt động của công ty dầu khí của Trung Quốc.

Ông Vương Dân, Phó trưởng phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng kêu gọi ông Ban chuyển văn bản trình bày quan điểm của Bắc Kinh tới tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ về giàn khoan dầu nằm cách quần đảo Hoàng Sa 32 km và cách bờ biển Việt Nam hơn 270 km.

Theo bản tuyên cáo này, Tổng công ty dầu khí hải dương của Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất tại khu vực này trong vòng 10 năm qua và giàn khoan vừa kể ‘thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc’.

Trung Quốc cũng cáo buộc Việt Nam ‘đưa người nhái cũng như các vật cản’ tới khu vực gần giàn khoan, đồng thời coi đây là ‘các mối đe dọa nghiêm trọng’ đối với các nhân viên trên giàn khoan cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.

Sau khi Trung Quốc công bố bản tuyên cáo, phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng gửi cho báo giới các bức thư đề ngày 7/5 và 28/5 mà đại diện thường trực của Việt Nam gửi cho Tổng thư ký Ban Ki-moon, trong đó có đề cập tới các diễn biến ban đầu liên quan tới giàn khoan cũng như khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Đại sứ Lê Hoài Trung ‘phản đối hành động của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, và máy bay đến hoạt động tại vị trí đặt giàn khoan’.

Đại sứ Lê Hoài Trung ‘phản đối hành động của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, và máy bay đến hoạt động tại vị trí đặt giàn khoan’.
Theo báo chí trong nước, mới đây nhất, hôm 2/6, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, để tiếp tục thông báo với LHQ về những diễn biến mới liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Tại cuộc gặp, ông Trung đã ‘phản đối hành động của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, và máy bay đến hoạt động tại vị trí đặt giàn khoan’.

Trong cuộc họp báo ngày hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc có quyền giải thích cho cộng đồng quốc tế về điều bà nói là sự thật đằng sau các diễn biến ở biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) đồng thời cáo buộc Việt Nam ‘vu khống’ Trung Quốc bằng những chỉ trích ‘vô lý’.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc Việt Nam ‘vu khống’ Trung Quốc bằng những chỉ trích ‘vô lý’.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc Việt Nam ‘vu khống’ Trung Quốc bằng những chỉ trích ‘vô lý’.
Bà Hoa nói rằng Việt Nam đã không cho thấy bất kỳ sự kiềm chế nào, và đã gia tăng sự can thiệp với những hành động phá hoại trên thực địa. Bà cũng nói rằng Trung Quốc cần phải giải thích cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ các thực tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng trước những cáo buộc mới nhất từ phía Trung Quốc.

Nhưng trước đây, Hà Nội cũng đã lên tiếng ‘kiên quyết bác bỏ những phát biểu sai sự thật của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc’ sau khi bị Bắc Kinh cáo buộc ‘xuyên tạc lịch sử, bác bỏ thực tế và nuốt lời’ liên quan tới quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, còn Việt Nam gọi là Hoàng Sa.

Sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình, đẩy hai nước láng giềng vào thế đối đầu, giới lãnh đạo Việt Nam đã có các tuyên bố được một số nhà quan sát cho là ‘không kiêng nể’ khi nói về mối quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố ‘không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông’ cũng như cho báo giới biết rằng Hà Nội có thể xem xét hành động pháp lý chống lại các hành động của Trung Quốc ở biển Đông.

 

Vụ giàn khoan: TQ tố cáo VN ra LHQ

Vụ giàn khoan: TQ tố cáo VN ra LHQ

Thứ ba, 10 tháng 6, 2014

Tàu hai nước tiếp tục va chạm hàng ngày tại vùng biển đặt giàn khoan

Trung Quốc đã đưa tranh cãi với Việt Nam xung quanh việc họ đặt giàn khoan trên Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai ngày 9/6, hãng tin Mỹ AP tường thuật từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Theo đó, Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội ‘xâm phạm chủ quyền’ của họ và ‘cản trở một cách phi pháp’ hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Trung Quốc.

Trung Quốc nói văn kiện lập trường kèm theo bản đồ vị trí tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc “cũng như tài liệu liên quan mà Việt Nam lâu nay công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa”.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi ‘thư bày tỏ lập trường’ của họ về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 9/6 và yêu cầu người đứng đầu tổ chức này cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng.

Trong văn bản này, Trung Quốc nói đã có bốn công dân Trung Quốc ‘bị giết hại dã man’ và hơn 300 người bị thương trong các cuộc bạo loạn ở Việt Nam.

Lá thư cho biết Công ty dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc đã có các hoạt động thăm dò địa chất ở khu vực này trong vòng 10 năm qua và việc đưa giàn khoan ra đây chỉ là ‘sự tiếp tục công việc thăm dò thường xuyên’ và giàn khoan này ‘nằm hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc’.

Bắc Kinh nói Hà Nội đã cản trở hoạt động của giàn khoan ‘một cách phi pháp và cưỡng ép’ với việc điều tàu có vũ trang ra khu vực và đâm tàu Trung Quốc.

“Việt Nam cũng triển khai người nhái và các thiết bị hoạt động dưới nước ra vùng biển này và thả xuống biển rất nhiều chướng ngại vật bao gồm lưới cá và các vật trôi nổi,” lá thư viết.

Văn bản lên án các hành động của Việt Nam ‘đã xâm phạm chủ quyền Trung Quốc’, ‘đe dọa nghiêm trọng đến các công dân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan và vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển’.

Trung Quốc cũng đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa ‘là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc mà không có bất kỳ tranh chấp nào’.

AP đã tìm cách gọi cho phái bộ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và phát ngôn nhân của nước này để hỏi về phản ứng nhưng không có ai trả lời.

Trước đó, phái bộ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cùng công hàm lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon để phản đối giàn khoan và các tàu hộ tống của Trung Quốc ‘trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam’.

Hội thảo làm thế nào để “Thoát Trung”?

Hội thảo làm thế nào để “Thoát Trung”?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-06-07

thanhtruc06072014.mp3

photo5-305.jpg

Các vị học giả và người dân tham dự Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 tại 53 đường Nguyễn Du thành phố Hà Nội.

Courtesy Nguyễn Xuân Diện Blog

Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 vừa qua do Quĩ Văn Hóa Phan Chu Trinh và Nhà Xuất Bản Trí Thức tổ chức, đã qui tụ một số đông học giả, trí thức và đặc biệt nhiều người trẻ đến với vấn đề làm thế nào để thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, đất nước đang gây khó khăn cho Việt Nam về nhiều mặt mà nhất là vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 từ tháng trước.

Nhiều người hưởng ứng

Buổi hội thảo ngày 5 tháng 6 diễn ra tại 53 đường Nguyễn Du thành phố Hà Nội, được coi là diễn đàn của giáo sư Chu Hảo và Quĩ Văn Hóa Phan Chu Trinh.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, nguyên trưởng nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao, nói rằng buổi hội thảo “Thoát Trung” này là một sự kiện đặc biệt:

“Sở dĩ nó đặc biệt vì ngày cả cái đề tài đã gây tranh luận, chưa bao giờ có chuyện là có người đứng cả dưới sân, chúng tôi đã phải chuyển từ tầng ba lên tầng bốn. Người đến rất đa dạng, những vị trí thức hàng đầu, đặc biệt lần này rất đông đảo các sinh viên học sinh. Sự hưởng ứng của mọi người nói lên cái bức xúc, cái khát vọng của mọi người Việt Nam muốn được có thông tin, muốn được biết thông tin trong những ngày nước sôi lửa bỏng này.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương là diễn giả chính, giáo sư Trần Ngọc Vương, tiến sĩ Minh và tôi là người phản biện.”

“ Sự hưởng ứng của mọi người nói lên cái bức xúc, cái khát vọng của mọi người VN muốn được có thông tin, muốn được biết thông tin trong những ngày nước sôi lửa bỏng này.
-TS Đinh Hoàng Thắng”

Thoát Trung, theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, là một đề tài rộng lớn, sâu sắc, liên quan đến nhiều lãnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, triết học, tư tưởng… mà nếu chỉ bàn có một buổi thì không thể nói hết được.

Nhìn vấn đề từ góc độ là thoát những ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc, diễn giả Giáp Văn Dương cho rằng thoát Trung ở đây không phải là bài Trung, càng không phải là chống Trung. Ông nói một đất nước như Việt Nam với lịch sử với tiền nhân như đã biết thì Việt Nam đã quá gắn bó với văn minh Trung Hoa, quá gắn bó với tư tưởng Trung Hoa mà trên thức tế nền văn minh đó có rất nhiều điều hay đẹp cần nghiên cứu cần học hỏi.

Còn cái mà Việt Nam cần thoát ra ở đây, cần bài ở đây, tiến sĩ Giáp Văn Dương khẳng định, chính là bài cái tư tưởng bành trướng, bá quyền, nước lớn của ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc. Nói một cách khác, buổi hội thảo không bàn đến tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, không bàn đến những giá trị tư tưởng hay giá trị văn minh của nền học thuật Trung Hoa.

Về quan điểm của diễn giả Giáp Văn Dương, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhận xét:

“Tiến sĩ Giáp Văn Dương là một PhD candidate còn rất trẻ, tôi cho rằng Giáp Văn Dương có một bước rất trưởng thành, bởi vì cách đây năm 2011 thì lúc bấy giờ anh đã nhấn mạnh những vấn đề cấp bách của nhu cầu phải thoát Trung. Từ 2011 đến giờ, nghĩa là sau 4 năm, với 3 tiên đề và 7 trụ cột mà anh nêu lên như là bảy biện pháp để thoát Trung thì tiến sĩ Giáp Văn Dương đã xây dựng được một luận án để thoát Trung. Tóm lại, kết luận của diễn giả chính là nêu lên được một luận án để thoát Trung.”

photo7-250.jpg

TS Phạm Gia Minh (trái) và Tiến sĩ Giáp Văn Dương tại Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 ở Hà Nội. Courtesy Nguyễn Xuân Diện Blog.

Trong tư cách người phản biện, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng khẳng định khát vọng thoát Trung và quyết tâm thoát Trung đặt ra lúc này là đúng lúc:

“Nhưng với bối cảnh hiện nay thì nó vẫn là một nhiệm vụ phải nói là đội đá vá trời. Tôi cho rằng những người đang thúc đẩy chuyện này chính là người đang đội đá vá trời. Bảy cái trụ cột mà tiến sĩ Giáp Văn Dương nêu ra thì hôm nay cũng đã có nhiều người nêu lên trong hội thảo, là chỉ cần một trong hai hay ba trụ cột trong đấy: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân… chưa chắc đã được nhà nước hoan nghênh. Ba cái trụ cột đấy nếu mà làm được thì Việt Nam có thể bước lên trên con đường phát triển, và ý của tiến sĩ Giáp Văn Dương là muốn thoát Trung thì phải phát triển, muốn thoát Trung là Việt Nam phải tiếp cận đến ngưỡng của các nước phát triển. Còn nếu chúng ta lạc hậu nghèo nàn nghèo đói thì mãi mãi thoát Trung chỉ là một giấc mơ.”

Sau khi trình bày ý nghĩa tiêu cực trong phần phản biện của mình, ông Đinh Hoàng Thắng chuyển sang mặt tích cực liên quan thời điểm mà Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981:

“Ngay như chiều qua là Trung Quốc đe dọa sẽ đặt HD 982 hiện nay đang ở cảng Đại Liên mà sắp tới đây sẽ đặt tiếp. Thế thì tôi nói rằng động cơ nào đằng sau việc Trung Quốc đặt giàn khoan và tôi gợi một ý để có thể suy nghĩ tích cực về vấn đề thoát Trung. Đó là hãy xem trả lời phỏng vấn ở trên báo Tuổi Trẻ của Phùng đại tướng nói về cảng Cam Ranh, hãy xem những tin cũng trên báo chí lề phải khi nói về dự án Phú Quốc. Đây là những sự kiện riêng lẻ nhưng mà đối lại đây chính là hướng thoát Trung rất tích cực, rất thực tiễn.”

Có thể thay đổi?

Lên tiếng tại buổi hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Vương, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, nhấn mạnh rằng sự lệ thuộc, sự ràng buộc vào Trung Quốc không phải là định mệnh của dân tộc của cộng đồng Việt:

“Nghĩa là điều đó có thể thay đổi được, bằng chứng là trong các nước gọi là đồng văn truyền thống như Nhật Bản như Hàn Quốc thì người ta đã thoát khỏi cái sự ràng buộc ấy một cách ngoạn mục để trở thành những nước công nghiệp phát triển hoặc là những nước có trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa rất cao. Cho nên chuyện bị lệ thuộc vào Trung Quốc quyết không phải là đinh mệnh của Việt Nam.

“ Thoát đầu tiên là thoát khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung Hoa chứ không phải tình hữu nghị hoặc là quan hệ giữa hai cộng đồng láng giềng, hai chuyện đó khác nhau.
-GS Trần Ngọc Vương”

Đấy là ý thứ nhất. Ý thứ hai, thoát Trung là thoát cái gì? Văn minh Trung Quốc là một nền văn minh có sức sống dẻo dai nhất trong lịch sử nhân loại cùng với nền văn minh Ấn Độ, có những thành tựu rất là kỳ vĩ. Chúng ta cũng không đặt vấn đề thoát khỏi cái đó, không quay lưng lại với nó. Đây không phải là bài Trung nhưng cái cần thoát ra thì đầu tiên tôi khẳng định thoát ra khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử. Cái xứ sở ngày nay là Việt Nam, cho đến tận ngày nay chưa bao giờ giới cầm quyền trên đất Trung Hoa, kể cả giới cầm quyền cộng sản, muốn có bên cạnh mình một quốc gia phát triển bình đẳng ngang tầm chứ chưa nói là vượt trội với Trung Quốc.

Tôi cho rằng cái thoát đầu tiên là thoát khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung Hoa chứ không phải tình hữu nghị hoặc là quan hệ giữa hai cộng đồng láng giềng, hai chuyện đó khác nhau.”

Mỗi một người Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Vương cả quyết, phải chống chọi lại âm mưu đồng hóa của giới cầm quyền Trung Quốc.

“Cho nên ý thứ ba mà tôi nói đến thoát Trung là thoát khỏi cái chất Trung Hoa ở trong mỗi người Việt Nam, thí dụ cái tâm lý “Nam Nhân Bắc Hướng”, ở phương Nam nhưng bị tuyên truyền rằng cội nguồn của anh giá trị của anh ở phương Bắc.”

Với câu hỏi liệu điều ông đang trình bày có dễ thay đổi không, giáo sư Trần Ngọc Vương phân tích rằng tất cả nằm trong ý chí khẳng định cái nguồn gốc thực sự của mình:

“Những thiết kế tư tưởng, những thiết kế quyền lực trong đó có những cái hướng theo Trung Hoa nhiều quá thì đánh mất bản tính và điều kiện kiến tạo nhân dạng hay căn cước của mình.

Tham dự buổi hội thảo thoát Trung do Quĩ Văn Hoa Phân Chu Trinh và Nhà Xuất Bản Trí Thức tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn Đàn Các Xã Hội Dân Sự, phát biểu ông tâm đắc với việc làm của hai tổ chức xã hội dân sự này:

“Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng điểm mấu chốt có cùng với nhau là không một cách nào khác để thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc từ xa xưa cho đến bây giờ bằng cách phải tự thoát được khỏi sự suy nghĩ của chính mình.”

Điều quan trọng nhất rút ra được từ buổi hội thảo này, tiến sĩ Nguyển Quang A kết luận, một chính thể dân chủ và đa nguyên thì mới mong thoát được tầm ảnh hưởng xấu của Trung Quốc.

Trung Quốc tố cáo bị tàu Việt Nam đâm hơn 1.400 lần

Trung Quốc tố cáo bị tàu Việt Nam đâm hơn 1.400 lần

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, khoảng 210 km (130 dặm) ngoài khơi Việt Nam.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, khoảng 210 km (130 dặm) ngoài khơi Việt Nam.

Trà Mi-VOA

09.06.2014

Trung Quốc tố cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.416 lần gần khu vực Bắc Kinh đặt giàn khoan 981 trong vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/6 đăng bài viết cáo buộc Việt Nam ‘gây hấn’ và khẳng định lập trường không thay đổi của Bắc Kinh trong việc bảo vệ giàn khoan và chủ quyền tại đây.

Bắc Kinh cáo buộc Việt Nam đã đưa nhiều tàu kể cả tàu quân sự vào khu vực, quấy nhiễu, tấn công tàu Trung Quốc và rằng lúc cao điểm có tới 63 tàu Việt tới gần địa điểm giàn khoan và đâm vào tàu của chính phủ Trung Quốc hơn 1.400 lần.

Giới hữu trách Việt Nam khẳng định chỉ có hơn 30 tàu của cả lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tại thực địa, làm nhiệm vụ tuyên truyền thuyết phục Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

” Tôi không thể tin vào con số Trung Quốc đưa ra là tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc trên 1.400 lần. Thứ nhì, tàu cá lẫn tàu chấp pháp của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với các tàu của Việt Nam. Cho tới nay, tôi chưa từng thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào bằng hình ảnh video cho thấy tàu của phía Việt Nam tìm cách đâm húc tấn công tàu Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer, cuyên gia quốc tế về Biển Đông.”

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Oai, nói với VOA Việt ngữ  các tố cáo của Việt Nam đều dựa trên bằng chứng thực tế:

“Việt Nam nhấn mạnh theo đuổi phương pháp đấu tranh ôn hòa, không đáp trả các hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc. Giới chức Việt Nam nói các tàu chấp pháp của Việt Nam lùi bước chạy đi chỗ khác mỗi khi bị Trung Quốc xua đuổi, tấn công để tránh va chạm, xung đột.”

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư, hầu hết lực lượng tàu chấp pháp của Việt Nam tại thực địa đều bị tàu Trung Quốc đâm hỏng.

Cáo buộc ngược lại của phía Trung Quốc được đưa ra sau khi phía Việt Nam hôm 5/6  trưng bằng chứng bằng hình ảnh video tố cáo tàu Trung Quốc húc chìm một tàu cá Việt.

Trước đó, Việt Nam đã từng đưa các bằng chứng hình ảnh tố cáo tàu Trung Quốc tấn công đe dọa tài sản và tính mạng của các tàu Việt kể cả tàu đánh cá lẫn tàu chấp pháp của nhà nước.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế được biết tiếng về vấn đề Biển Đông, nhận xét cáo giác của Trung Quốc không có cơ sở thuyết phục so với  tố cáo của phía Việt Nam:

“Trước tiên, tôi không thể tin vào con số Trung Quốc đưa ra là tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc trên 1400 lần. Thứ nhì, tàu cá lẫn tàu chấp pháp của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với các tàu của Việt Nam. Cho tới nay, tôi chưa từng thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào bằng hình ảnh video cho thấy tàu của phía Việt Nam tìm cách đâm húc tấn công tàu của Trung Quốc. Theo tôi, đây là cách điển hình mà Trung Quốc sử dụng cuộc chiến thông tin để hoàn toàn lật ngược mọi chuyện. Số lượng tàu của Trung Quốc tại thực địa cũng nhiều hơn lực lượng tàu Việt Nam gấp nhiều lần. Tôi không thấy Việt Nam được lợi gì khi đâm đầu vào tàu Trung Quốc. Việt Nam không thể hy vọng đẩy lùi phía Trung Quốc bằng cách gây thương tích cho phía Trung Quốc. Thực tế cho thấy phía Việt Nam, để duy trì sự hiện diện của tàu họ ở đây, đã gặp nhiều khó khăn. Nhìn vào bài viết của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua chúng ta thấy rõ sự mâu thuẫn của họ khi họ nêu lên các giải pháp có thể giải quyết vấn đề theo luật quốc tế nhưng rốt cuộc lại nói rằng không điều nào sẽ được áp dụng vào trường hợp này vì Bắc Kinh sẽ không hề lùi bước.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói dù các vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực chưa được vạch rõ nhưng các vùng biển này không bao giờ trở thành vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Thayer cho rằng mọi chuyện hiện nay chỉ là bước đầu trong chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc trong vấn đề khẳng định chủ quyền tại khu vực.

Xe tải cán bể nắp mương, lòi cốt tre

Xe tải cán bể nắp mương, lòi cốt tre

June 08, 2014


ĐỒNG NAI 8-6 (NV) .-
Khi bị một xe tải cán qua, nắp mương thoát nước bị vỡ mới lộ ra cốt tre nhỏ bé bên trong đã khô mục chứ không phải là bê tông cốt sắt một cách bình thường.

Nắp mương thoát nước bị xe tải cán qua nên vỡ và lòi cốt tre bên trong, không phải sắt. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đây là chuyện mới xảy ra ở khu vực tổ 25B, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai mà người dân mới tình cờ khám phá ra sự gian dối trong công trình xây dựng công cộng ở địa phương. Cái đau cho người dân ở đây là cái công trình “bê tông cốt tre” này được thực hiện với tiền mà nhà cầm quyền xã bắt dân đóng góp, các quan thuê người thực hiện.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật thì buổi sáng ngày 6/6/2014, “một chiếc xe tải 5 tấn khi đi vào khu tái định cư cùng ấp thì làm vỡ hai tấm đan mương thoát nước được làm bằng bêtông. Trong đó có một tấm đan dày khoảng 7cm bị vỡ ở giữa một lỗ lớn, bên trong lõi bêtông thấy nhiều thanh tre đã khô, mục.”

Vì sợ nguy hiểm cho mọi người dân khi đi qua lại khu vực này nên “một số người đã lấy cây xanh làm tín hiệu để kịp phòng tránh”, báo Tuổi Trẻ nói. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy hệ thống mương thoát nước trên dài khoảng 100m, ngoài tấm đan bị vỡ lòi thanh tre ra còn nhiều tấm đan mương thoát nước có dấu hiệu nứt nẻ. Và cũng không biết chúng đều có “cốt tre” bên trong hay cái cốt gì khác.

Nói chuyện với ký giả báo Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 7-6, một cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Bàu Hàm 2 xác nhận “đây là công trình do nhân dân đóng góp tiền làm, UBND xã chỉ chịu trách nhiệm kêu người đến xây dựng. Sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã đến hiện trường quan sát và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.”

Nguồn tin nói rằng khi hỏi thông tin thêm về chất lượng và giám sát công trình này thì “vị cán bộ trên từ chối, và cho biết UBND xã sẽ làm việc với báo về vụ việc trên vào ngày 9-6-2014”

Nhiều công trình xây dựng lớn như sử dụng vốn vay ngoại quốc ODA cho đến các công trình nhỏ bé của các địa phương đều đầy những gian dối để đám quan chức các bộ các cấp rút ruột hay ăn hối lộ. “Bê tông cốt tre” từng thấy tại nhiều dự án từ bắc chí nam suốt nhiều năm qua.

Ngày 15/5/2013, người dân khu vực 10, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ liên tục chứng kiến đơn vị thi công công trình xây dựng hệ thống cống thoát nước thải lớn nhất Cần Thơ làm rớt bể tấm đan. Người ta ngạc nhiên thấy, khi bị rớt xuống vỡ thì bên trong các tấm đan này là hai miếng cốt tre mỏng manh.

Theo sự tường thuật của tờ Tuổi Trẻ ngày 17/5/2013, hàng chục tấm đan như vậy đã được hối hả chở đi nhưng khi khiêng lên khiêng xuống thì đều nứt vỡ, lòi cốt tre bên trong.

Công trình xây dựng hệ thống cống trên thuộc dự án gom và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Cần Thơ có công suất xử lý 30,000 m³/ngày đêm, xử lý nước thải cho quận Ninh Kiều. Đây là dự án do Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước của nhà cầm quyền Cần Thơ làm chủ đầu tư, ký hiệp định vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết của CHLB Đức.

Theo hiệp định vay vốn, dự án có vốn đầu tư 14.3 triệu euro (220 tỉ đồng), trong đó vốn đối ứng của thành phố chiếm 30%. Tuy nhiên do thi công chậm chạp, đến năm 2006 dự án được điều chỉnh tăng vốn lên 363 tỉ đồng, tăng hơn 140 tỉ đồng so với mức phê duyệt ban đầu.

Ngày 19/3/2010, báo Tuổi Trẻ cho biết Cầu Khe Dầu được xây dựng với số tiền 1.45 tỉ đồng từ nguồn vốn ADB của Dự án giảm nghèo khu vực Miền Trung tỉnh Quảng Bình. Dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 8-2008 nhưng hiện nay cầu này đã bị hư hỏng nặng nề.

Tờ Tuổi Trẻ kể: “Từ đầu tháng 3-2010, người dân địa phương lại cho biết ở phía dưới gầm cầu, đặc biệt là dầm cầu có nhiều chỗ bê tông bị bong tróc, nứt ra làm lộ cả cốt thép. Nhiều chỗ bê tông không có độ kết dính cao nên chỉ cần dùng tay bẻ vào là bê tông đã rã ra khỏi khối. Nhiều chỗ mặt bê tông bị nứt tạo ra khoảng rỗng với độ sâu 30-40cm. Tại một vài chỗ rỗng như vậy, chúng tôi đã quan sát và thấy phía bên trong khối bê tông có những thanh tre và cót ép…”

Không thấy có ông bà quan chức lớn nhỏ nào liên quan đến các vụ việc bị mất chức hay bị truy tố. (TN)

 

Không phải dàn khoan. Gạc Ma mới là chuyện lớn!

Không phải dàn khoan. Gạc Ma mới là chuyện lớn!

Nguyễn Khắc Mai

Cả tháng nay, chúng ta tập trung vào vụ dàn khoan HY981. Dùng dư luận lên án, phản đối, dùng cảnh sát biển, kiểm ngư để ngăn cản… Trung Hoa cứ lì lợm, tăng thêm lực lượng, tăng cả thủ đoạn hành động, tăng cả đấu khẩu, bất chấp lý lẽ, mặc kệ thiên hạ chê cười. Vì sao?

Nay đang có thêm một hướng phán đoán mới, để trả lời câu hỏi vì lý do gì mà Trung Hoa đem giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Vấn đề là Gạc Ma!

Có vẻ như “Tàu Khựa” đang dùng mẹo Tôn Tử, dương Đông kích Tây, đưa giàn khoan xuống để dư luận tập trung vào đây, còn chúng lại cấp tập, ráo riết đổ vật liệu, biến Gạc Ma thành một căn cứ, một sân bay quân sự.

Khi Gạc Ma đã trở thành một căn cứ không quân, bấy giờ mới là vấn đề. Chúng sẽ tuyên bố về một “Vùng phòng ngự không phận” trên Biển Đông, như chúng đã làm tại biển Hoa Đông. Còn Việt Nam sẽ nghẽn đường ra Trường Sa. Bởi Gac Ma sẽ như một cứ điểm nằm ở yết hầu của con đường huyết mạch quan trọng ấy

Từ năm 1988 sau khi Trung Hoa dùng vũ lực, tranh cướp Gạc Ma trên tay của Việt Nam, phía Việt Nam chỉ lên tiếng “bóng gió” rằng Việt Nam có đầy đủ chứng lý, Trường Sa là của Việt Nam. Tuồng như ban lãnh đạo Việt Nam âm thầm, mặc nhiên công nhận việc chiếm đóng Gạc Ma của Trung Hoa. Chưa hề có một tố cáo rành mạch, cương quyết việc chiếm đóng trái phép của phía Trung Hoa. Hơn nữa, hễ ai tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ Gạc Ma còn bị bắt bớ, cấm đoán, gây khó dễ.

Thâm độc và nguy hiểm đấy, hành động của Trung Hoa ở Gạc Ma.

Bộ Chính trị, Chính phủ, Nhà nước không thể tiếp tục lầm lỗi của mình, để phó mặc cho Trung Hoa làm gì thì làm ở Gạc Ma. Chính đây mới là chỗ để khởi kiện Trung Hoa ra Tòa án quốc tế. Hãy tập trung khởi kiện hành động dùng vũ lực quân sự để tranh chấp biển đảo với Việt Nam – một điều bị cấm trong công ước về Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng đây là sự vi phạm trắng trợn về luật biển của phía Trung Hoa, một bên đã ký công ước!

Hãy ngăn cản không để cho Trung Hoa lộng hành, làm việc đã rồi ở Gạc Ma. Hãy chặn đứng hành động nham hiểm, thâm độc của Trung Hoa ở Gạc Ma.

Bỏ mặc, để Trung Hoa biến Gạc Ma thành căn cứ không quân của chúng là tội lỗi muôn đời không thể tha thứ!

Không được mắc mưu Trung Hoa đang dương Đông kích Tây!

N. K. M.

VN muốn TQ ‘rút giàn khoan vô điều kiện’

VN muốn TQ ‘rút giàn khoan vô điều kiện’

Cập nhật: 13:05 GMT – thứ bảy, 7 tháng 6, 2014

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói Trung Quốc phải rút giàn khoan ‘vô điều kiện’ (ảnh chụp 2012)

Một Phó Thủ tướng Việt Nam tuyên bố Trung Quốc phải rút giàn khoan “vô điều kiện”, và nói Việt Nam “không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì”.

Ông Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hải Phòng sáng 7/6 nhân Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014.

Quan hệ Việt – Trung tiếp tục căng thẳng, với việc Việt Nam nói tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu của Việt Nam từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa.

Tương tư như tuyên bố của một số lãnh đạo Việt Nam, ông Hoàng Trung Hải nói Trung Quốc đã có “hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế”.

“Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn, tấn công tàu chấp pháp và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển nước ta.”

“Hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam mà còn bị nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới lên án mạnh mẽ,” ông Hải phát biểu.

Ông Hải nhấn mạnh Việt Nam “kiên trì đấu tranh thông qua các biện pháp hòa bình” nhưng “hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền”.

“Chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào.”

Phó Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam “yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

Bài phát biểu của phó thủ tướng Việt Nam dường như nhận được sự tán thưởng của dư luận trong nước.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết trên Facebook của ông: “Phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khá hay, mềm mỏng nhưng khảng khái.”

Việt Nam tổ chức họp báo hôm 5/6 để lên án Trung Quốc

“Lần đầu được nghe một quan chức chính phủ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan vô điều kiện,” ông Lập nhận xét.

Trước đó, người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố đã ‘chuẩn bị’ và ‘sẵn sàng’ có hành động pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Giàn khoan Hải Dương 981.

 

Nỗi sợ hãi của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Nỗi sợ hãi của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-06-06

namnguyen06062014.mp3

thien-an-mon-vne-305B.jpg

Bài báo đánh dấu 25 năm sự kiện Thiên An Môn trên báo mạng VNExpress trước khi bị gỡ xuống hôm 4/6/2014.

RFA Screen Capture

Trong bối cảnh Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam hạ đặt giàn khoan HD 981 đã hơn một tháng, ngày 4/6/2014 hàng loạt thông tin và hình ảnh kinh hoàng đánh dấu 25 năm sự kiện Thiên An Môn trên các báo mạng đã đồng loạt bị gỡ xuống.

Nhận định về sự kiện này, TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội dân sự phát biểu:

“Rất ngạc nhiên trong việc báo chí đưa tin về một sự thực đã xảy ra đúng một phần tư thế kỷ và người ta không bịa đặt bất kể cái gì, mà cảnh sát tư tưởng ở Việt Nam, tức bên tuyên giáo của đảng cộng sản lệnh cho các báo đã đăng phải rút bài đó xuống. Điều đó chứng tỏ rằng những thế lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam còn gắn rất chặt với Trung Quốc. Tôi tin chắc chắn là họ nghe theo lệnh của Bắc Kinh để họ làm như vậy.”

Thái độ của nhà cầm quyền VN

Tin ghi nhận các báo điện tử như VnExpress, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiền Phong, Giáo Dục và nhiều trang mạng khác đã phải gỡ bỏ những bài về vụ thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989. Bức ảnh 200.000 người biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn đầy ấn tượng, hoặc hình ảnh hàng trăm xe tăng mở trận càn giải tán người biểu tình, hình ảnh xác người chết chồng chất trên xe tải, xe kéo, trên đường phố dường như đã chỉ xuất hiện được trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó người đọc không còn truy cập được nữa.

Nhận định về sự kiện báo chí Việt Nam bị gỡ bài và hình ảnh vụ thảm sát Thiên An Môn, nhà báo Nguyễn Quốc Thái nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp từ Saigon phát biểu:

“Sự kiện Thiên An Môn sau 25 năm được nhớ lại, nhắc lại và đưa trên báo chí và bị gỡ xuống là một điều cần phải suy nghĩ về sự chọn lựa và thái độ của nhà cầm quyền VN trong quan hệ với TQ.
-Nguyễn Quốc Thái”

“Vụ Thiên An Môn là một vết nhơ trong lịch sử của Trung Quốc. Những người Trung Quốc tử tế và có lương tâm khi nhớ lại sự kiện này họ đều xấu hổ. Xấu hổ vì văn minh của loài người bị chà đạp, tự do của con người đã bị phỉ nhổ một cách tàn tệ. Việc báo chí Việt Nam mà không đưa được lâu dài thời lượng về vụ Thiên An Môn, tôi nghĩ rằng có thể vì nhà cầm quyền Việt Nam vẫn nói đó là tình hữu nghị giữa hai nước. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói là không thể có sự hữu nghị viển vông. Sự kiện Thiên An Môn sau 25 năm được nhớ lại, nhắc lại và đưa trên báo chí và bị gỡ xuống là một điều cần phải suy nghĩ về sự chọn lựa và thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.”

Bên cạnh việc sợ mất lòng Trung Quốc, có những ý kiến cho rằng Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lo ngại hình ảnh hàng trăm ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn và bị đập tan bằng vũ lực, còn có thể tác động lên phong trào biểu tình vừa phản kháng Trung Quốc vừa đòi dân quyền ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhận định:

“Ông nghĩ là những hình ảnh đó che dấu được nhân dân Việt Nam sao? Không một tờ báo, không một mạng truyền thông nào đưa hình ảnh đó lên thì từ 25 năm qua những hình ảnh đó vẫn không rời khỏi tâm trí người Việt Nam yêu tự do và dân chủ. Tôi không nghĩ đưa hình ảnh đó lên hay không đưa hình ảnh đó lên là một sự lựa chọn khôn khéo của nhà cầm quyền. Bởi vì nhà cầm quyền biết rằng không thể nào che dấu được hình ảnh bi tráng đó ở quảng trường Thiên An Môn cách đây 25 năm, nghĩ rằng những hình ảnh đó được chuyển tải lại trong lúc này thì không thích hợp với tình hình ở Việt Nam. Tôi nghĩ suy nghĩ đó là một suy nghĩ non nớt.”

Không tuân thủ hiến pháp?

thien-an-mon-vne-250B.jpg

Màn hình sau khi chính quyền Việt Nam cho gỡ Bài báo đánh dấu 25 năm sự kiện Thiên An Môn trên báo mạng VNExpress hôm 4/6/2014. RFA Screen Capture.

Một ngày sau thời điểm 25 năm sự kiện Thiên An Môn mà báo chí bị gỡ bài, chiều 5/6/2014 Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế ở Hà Nội để cập nhật tình hình Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam kéo dài đã hơn 1 tháng. Người phát ngôn Lê hải Bình cho biết phía Trung Quốc vẫn tiếp tục và có hành vi hung hăng hơn và cũng đưa ra những luận điệu sai trái về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, các giới chức Việt Nam đã trả lời vòng vo câu hỏi của các nhà báo nước ngoài, về việc chính quyền ngăn cản người dân biểu tình phản kháng Trung Quốc. Ông Lê Hải Bình phủ nhận việc này và nói rằng người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền biểu thị lòng yêu nước của mình theo đúng qui định pháp luật. Khi được hỏi thế nào là biểu tình đúng pháp luật ông Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam có những qui định pháp luật về biểu tình.

Nhận định về vấn đề vừa nêu TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội phát biểu:

“Sở dĩ mà họ phải nói lắt léo như vậy là vì họ không dám thừa nhận rằng họ không muốn có bất kể một cuộc biểu tình nào. Trong khi quyền biểu tình được hiến định rành rành từ các Hiến pháp trước chứ không phải chỉ từ Hiến pháp bây giờ. Thay vì họ phải ra Luật để tạo điều kiện cho người dân được biểu tình một cách văn minh thì họ không làm như vậy. Họ ra một Nghị định mà Nghị định ấy thực sự là cấm biểu tình, họ gọi là tụ tập đông người. Như vậy lỗi hoàn toàn thuộc về nhà cầm quyền họ đã coi thường người dân, coi thường quyền của người dân. Họ đã không làm được chức năng chính của họ là tuân thủ Hiến pháp tuy rằng còn chưa ra gì do chính họ thông qua.”

Đáp câu hỏi của chúng tôi, nghĩ gì về những lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình xác định là nhà nước không cấm dân chúng biểu tình, khi mà cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc dự kiến vào ngày 18/12014 đã bị dẹp từ trong trứng nước. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái thuộc nhóm nhân sĩ trí thức TP.HCM, người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc và bị trấn áp phát biểu:

“Tôi không nhắc đến ngày 18/1/2014 hôm đó không có một cuộc biểu tình nào xảy ra ở Việt Nam, bởi vì trước đó nhà nước đã dùng tất cả các phương tiện truyền thông sẵn có trong tay và cơ quan an ninh khuyến cáo nhân dân không xuống đường vào ngày đó. Nhưng những cuộc xuống đường trước ngày 18/1/2014 và trong ba năm trở lại đây không có một cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào được lực lượng an ninh của Việt Nam yểm trợ cả. Chắc ông có thể nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị đàn áp đánh đập, thậm chí chưa đi biểu tình cũng bị đàn áp đánh đập như cá nhân tôi chẳng hạn. Như vậy nói không có đàn áp người biểu tình là nói dối nhân dân. Bởi nhân dân họ chứng kiến những người xuống đường bị đàn áp, bị đánh đậy bị bắt giữ, hà cớ gì phải chối những điều mình đã dám làm, thiếu một sự dũng cảm đó là điều đáng khinh.”

” Họ đã coi thường người dân, coi thường quyền của người dân. Họ đã không làm được chức năng chính của họ là tuân thủ Hiến pháp tuy rằng còn chưa ra gì do chính họ thông qua.
-TS Nguyễn Quang A “

Tại cuộc họp báo ngày 5/6 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn nước ngoài là phía Việt Nam có kỳ vọng vào Mỹ sẽ đóng vai trò hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình. Người phát ngôn Lê Hải Bình đáp lời rằng: “Việc duy trì ổn định, an ninh và an toàn hàng hải của khu vực là lợi ích, là nghĩa vụ của tất cả quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực.

Mỹ là cường quốc của thế giới, cùng với cộng đồng quốc tế, Mỹ cũng có tiếng nói nhằm ổn định an ninh khu vực. Chúng tôi mong muốn Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn, đóng góp vào an ninh, an toàn hàng hải khu vực, giải quyết tranh chấp của khu vực thông qua luật pháp quốc tế.”

Có mặt trong cuộc họp báo ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khi trả lời bao chí đã hàm ý cho thấy ít có khả năng Việt Nam khởi động biện pháp lý đối với Trung Quốc. Ông Hải nói các vụ kiện quốc tế đều rất phức tạp, nếu chủ tàu Đà Nẵng kiện Trung Quốc là vụ án dân sự. Nhưng vụ giàn khoan liên quan đến chủ quyền, cần chọn phương án nào tối ưu nhất bảo vệ quyền lợi đất nước.

Nhận định về vấn đề vừa nêu, TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội phát biểu:

“Cũng tương tự như chuyện về Thiên An Môn, tôi nghĩ rằng chắc chắn phải có ý kiến của Bắc Kinh thì người ta mới run sợ và người ta bảo báo chí phải rút xuống. Có lẽ cũng tương tự như thế Bắc Kinh như ông tướng Vịnh đã nói, Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Việt Nam là không được đưa ra kiện. Tôi không hiểu giữa Bắc Kinh và Hà Nội có những điều gì ngầm với nhau hay không và có thể có cái gì đó mà họ dọa là họ sẽ đưa ra, thì có thể rất là mất mặt…Và chần chừ ngày nào về việc khởi kiện Trung Quốc thì Việt nam thực sự đầu hàng từ ngày đó.”

Công luận Việt Nam đang đặt câu hỏi với đảng Cộng sản và nhà nước về các biện pháp tiếp theo mà cho đến nay chưa hé lộ. Vì đã hơn 5 tuần lễ, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, đã khoan thăm dò và dịch chuyển đến vị trí khác vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Người dân lo ngại nhịn nhục mãi, coi chừng chẳng còn tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển nào lành lặn mà chấp pháp trên biển.

Giới học giả và trí thức nói rằng, những biện pháp tiếp theo có gì bí mật đâu mà không thể công bố, hay nó cũng bí mật như thỏa thuận Thành Đô 1990 giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bí mật gì ghê gớm đến vậy, khiến Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc đó từng phải thốt lên: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự.”

Trung Quốc gom sạch gạo miền Tây của Việt Nam

Trung Quốc gom sạch gạo miền Tây của Việt Nam
June 06, 2014

Nguoi-viet.com

CẦN THƠ (NV) Một sự kiện lạ lùng chưa từng có, tàu vận chuyển gạo tấp nập ra-vào tại cảng Cần Thơ trong những ngày qua. Số lượng tàu bốc dỡ gạo tại đây đếm được trung bình mỗi ngày khoảng 30 chiếc.

Báo Một Thế Giới dẫn lời ông Trương Thanh Phong, cố vấn Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, viết tắt là VFA nói rằng, có thể vì lo ngại tình hình căng thẳng ở biển Ðông mà thương nhân Trung Quốc hối hả mua gạo Việt Nam để dự trữ. Họ có mặt tại cảng Cần Thơ đích thân chỉ huy việc thu mua, gom vét gạo thường và cả gạo tấm của nông dân Việt Nam. Gạo được chuyển đến cảng Cần Thơ, bốc lên tàu rầm rộ chuyển ra biên giới phía Bắc.

Gạo Việt Nam ồ ạt xuống tàu sang Trung Quốc. (Hình: báo Một Thế Giới)

Báo Một Thế Giới cho hay, việc thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua gạo của Việt Nam những ngày qua đã làm giá gạo tại thị trường nội địa vọt lên 2.5%, từ 8,100 đồng, lên 8,300 đồng, tương đương 41 cent một kí. Theo ông Trương Thanh Phong, cố vấn Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, đây là hiện tượng lạ chưa từng xảy ra tại Việt Nam suốt thời gian qua.

Dư luận đồn rằng thương nhân Trung Quốc sợ tình hình biển Ðông căng thẳng ảnh hưởng đến lưu lượng gạo nhập cảng từ Việt Nam nên lo vét mua gạo đưa về nước.

Một số thống kê cho thấy, Trung Quốc đang dẫn đầu các quốc gia nhập cảng gạo Việt Nam nhiều nhất thế giới 5 tháng đầu năm 2014. Tổng số gạo Việt Nam được nước này nhập cảng 5 tháng qua lên tới xấp xỉ 1 triệu tấn, trị giá hơn 10 tỉ đồng, tương đương 500,000 đô la. Riêng trong năm 2013, Việt Nam đã bán cho Trung Quốc 2.2 triệu tấn gạo chính ngạch, chiếm 33% tổng lượng gạo của Việt Nam xuất cảng khắp thế giới.

Theo tài liệu của VFA, số lượng gạo của Việt Nam xuất cảng trong 5 tháng đầu năm 2014 đã tăng thêm 50% so với cùng giai đoạn của năm 2013. Ðó là chưa tính số lượng gạo xuất cảng qua con đường phi mậu dịch qua các cửa khẩu phía Bắc, sang Trung Quốc.

Dư luận cho rằng, tín hiệu trên là không đáng mừng. Thực tế cho thấy, các thị trường truyền thống của hạt gạo Việt Nam là Châu Phi, nay đã rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh, nhất là Thái Lan. Tình trạng này xảy ra vì gạo Việt Nam không còn chiếm ưu thế về giá cả cũng như về phẩm chất, so với các quốc gia lân bang thuộc vùng Ðông Nam Á. (PL)