Con cá, chủ nghĩa dân tộc với những lằn roi

Con cá, chủ nghĩa dân tộc với những lằn roi

Tuấn Khanh

7-6-2016

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong phút chốc, con cá ở Việt Nam trở thành một hình tượng mang tính cấm kỵ. Từ cuối tháng 4, khi khu công nghiệp luyện thép Formosa, Hà Tĩnh, đầu độc biển Việt Nam và quan chức các cấp của chính phủ bày tỏ một thái độ che đậy đến kỳ cùng, con cá bỗng nhiên trở nên là một thứ dễ khích động cảm giác của người dân. Vì vậy, trong danh sách của muôn vàn thứ khác bị điểm danh, con cá bị chụp ảnh, lăn tay và đánh số như một tội phạm mới mẻ.

Trong tạp chí Đẹp số tháng 6/2016, diễn viên Hứa Vĩ Văn được mời chụp ảnh với chiếc áo có hình con cá. Thế nhưng sự tinh ý trước thời cuộc của những người kiểm duyệt, họ đã biến con cá thành con ốc. Dĩ nhiên, lý do ngụy trá ấy là “cho đỡ phần nhạy cảm”.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại xiết bao, hơn 10 năm làm báo của mình trong hệ thống truyền thông nhà nước, mà cách kiểm duyệt – hay nói đúng hơn là sự sợ hãi dẫn đến điểm trung thành hèn hạ của rất nhiều người có chức vụ, khiến đời sống luôn trở thành những diễn tiến thô bỉ qua lưỡi hái kiểm duyệt.

Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie). Dù là một tài năng vượt bậc của nước Nga thời Cộng sản, nhưng kể từ khi có ý kiến minh bạch về cuộc đời, về bạn bè mình, ông bị trục xuất khỏi Viện văn học Liên bang Xô Viết vì tư tưởng “chủ nghĩa cá nhân” vào năm 1956. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1965, Yevtushenko bị cấm xuất cảnh vì dám mở lời khen ngợi Boris Pasternak, cũng như vì quan điểm chính trị của ông. Tên ông cũng bị đục khỏi báo chí Nga Sô, kiểm duyệt không khác gì những con cá vô danh của Việt Nam.

Quả thật, khi người ta im lặng, hay sự im lặng được diễn đạt bằng cách nói vòng vo, hăm dọa… đó cũng chính là dấu hiệu của sự lừa dối.

Cũng như những lời cấm kỵ về nhiều thứ mà trước nay không hề có văn bản chính thức nào, con cá Việt Nam trở thành tội phạm. Mọi ngày trong thành phố, những ai mặc những chiếc áo có hình cá, vẽ lên mặt một con cá hoặc diễn đạt một hình thức nào đó, có khái niệm cá, đều bị các thành phần an ninh chìm, lực lượng áo xanh, áo cứt ngựa nhìn ngó như kẻ thù. Không ít những người trong đó bị bắt giữ, đánh đập, ép nhận tội nào đó vu vơ cho thích hợp hoàn cảnh.

Năm 2014, trong tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo đặt gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Thế Thanh, cựu giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn, cho in một loạt áo thun có in chữ Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Công an văn hóa đã đến gặp và yêu cầu bà nếu đã lỡ in rồi, thì không được phát tán rộng rãi nữa. Hôm sau, Anh H., một người làm việc trong báo Sài Gòn Tiếp Thị, vui mừng mặc chiếc áo đó đi làm. Vừa đi được một đoạn, anh bị 2 thanh niên to khỏe, ép xe chặn lại giữa đường và buộc phải cởi chiếc áo đó ra. Giằng co được một lúc, anh H. sợ trễ giờ làm nên phải quay về thay chiếc áo khác.

Một chương trình ca nhạc được dự định tổ chức để gom quỹ cho các gia đình các liệt sĩ Gạc Ma, với các bài hát đã cố làm làm nhạt nhẽo, bởi chỉ hát loanh quanh về biển, cũng bị người phụ trách kiểm duyệt ở Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn là Võ Trọng Nam từ chối, với lý do “nhạy cảm lắm”. Trong suốt 74 ngày giàn khoan HD981 ngạo nghễ trụ trên biển, những người tức giận với cách ngang ngược của Trung Quốc đã xuống đường phản đối. Kết quả là họ bị bắt, bị đánh, bị công an đến nhà sách nhiễu, triệu tập… với mục đích để làm giảm sự nhạy cảm – mà cần hiểu ở đây là nhạy cảm phiền lòng cho Bắc Kinh.

Trớ trêu thay, lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc lại phải nhận những lằn roi. Trong lịch sử Việt Nam, đi qua mọi thời kỳ, việc vẫn tồn tại được quốc gia hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương suốt hàng ngàn năm dù vô vàn lần bị xâm lược từ nhiều phía, cũng chỉ bởi người Việt có được một tài sản trân quý vô giá, đó là chủ nghĩa dân tộc. Thật đau lòng khi hôm nay, mỗi ngày lại nhìn thấy lòng yêu nước, con người với chủ nghĩa dân tộc sôi sục từ ngàn năm trước truyền lại, vẫn không từ nan để dấn thân, mỗi ngày lại nhận những lằn roi càng nặng nề thú tính hơn.

Chủ nghĩa dân tộc là hành trang không ai bị bắt phải mang vác. Nhưng nếu là người của một quốc gia, nếu không có chủ nghĩa dân tộc chảy trong dòng máu,  ắt phận người chỉ là kẻ ăn bám, trục lợi, vong bản hoặc lưu cư cho một âm mưu. Đâu ai buộc Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Nguyễn Thái Học… phải chọn hy sinh thân mình vì những người không quen biết, vì những bờ cõi của tổ quốc mà họ chưa hề đặt chân đến. Thậm chí, Trương Công Định còn quyết liệt tuyên bố vào năm 1862, về một chế độ đã chấp nhận đầu hàng và thuận làm kẻ dưới của ngoại bang, rằng “Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.

Chủ nghĩa dân tộc cuộn trào trong dòng máu, khiến mỗi con người chỉ cần biết yêu cuộc sống và đất nước này thôi, cũng đã lẫm liệt, vượt lên mọi thứ quan lại với bổng lộc và những lời xảo trá.

Tháng 4/2016, tôi có nhận lời thiết kế giúp cho một chiếc áo thun, giúp cho một phong trào kêu gọi ý thức tiết kiệm nước ở nông thôn miền Tây. Áo sẽ phát cho nhiều sinh viên tham gia mặc trong ngày vận động về bảo vệ nguồn nước trong tình trạng hạn, mặn. Bản logo thiết kế in áo, tôi viết khẩu hiệu “Giữ nước như người miền Tây”, sau khi đưa đi cho ban giám đốc một trường đại học duyệt, đã bị đổi lại vô cùng đơn điệu là “Hãy tiết kiệm nước”. Khi dò hỏi, tôi ngẩn người khi biết được một vị trí thức, có chức có quyền, nói rằng “nghe giữ nước có vẻ nhạy cảm quá”.

Từ Hoàng sa, Trường sa rồi đến con cá, đến nguồn nước… những gì của quê hương này cứ như đang tuột dần ra khỏi bàn tay nắm tuyệt vọng của ý thức dân tộc. Hôm nay, đến “giữ nước” mà đã là nỗi sợ hãi của người có học thuộc chính quyền, thì mai sau, dân tộc này sẽ về đâu?

Tháng 5/2016, tôi nhìn thấy trên mạng xã hội, những thanh niên khỏe mạnh được chính quyền nuôi dạy, bịt mặt, giấu mình trong đám đông và xông vào đánh đập dã man những người biểu tình, chỉ vì họ đòi minh bạch một môi trường sống của những người cách xa họ cả ngàn cây số. Những người bịt mặt đó, nghiến răng, hét vào bộ đàm “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”.

“ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. Mẹ của ai? Mẹ của những người yêu nước? Mẹ của những người đã thề không phản bội quê hương này cần phải bị đập chết?

Trong các lý luận về sự hình thành các nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc là đối trọng gay gắt với chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx đề ra. Bản chất của thuyết Karl Marx là dựng một nhà nước từ sự phân hóa giai cấp và cai trị, không cần phân biệt gì khác. Còn Chủ nghĩa dân tộc dựa trên tinh thần quốc gia và giống nòi để hình thành nhà nước phục vụ. Hôm nay, những lằn roi đang giáng xuống ở Việt Nam, có phải là chỉ dấu của sự xung đột đến hồi khốc liệt giữa Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa dân tộc?

Có thể những thanh niên yêu nước xuống đường hôm qua và hôm nay rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó trong cuộc sống rất đỗi phù du này. Nhưng trước họ, những người mẹ miền Trung cũng mòn mỏi chết với bờ biển đầy chất độc ngoại bang. Cá giẫy chết. Người thoi thóp. Những lằn roi hận thù tự dàn dựng vào cá-vào đảo-vào biên giới-vào ý thức-vào người cứ quất vào lịch sử đất nước này, có phải là những cú tát như cơ hội để người người cùng sực tỉnh, rằng, nếu không có ý thức về đất nước, tổ tiên, dân tộc, như những con cá vô danh vô định, mai này rồi chúng ta sẽ trôi dạt về đâu?

Hoa Kỳ lại “đi đêm” với Hà Nội

Hoa Kỳ lại “đi đêm” với Hà Nội

Nguyễn Dư (Danlambao)  Những người làm chính trị hoặc theo dõi chính trị trong giai đoạn gần cuối của hiệp định Paris năm 1973 chắc không ai mà không biết đến hai chữ “đi đêm”. Đi đêm là tiếng lóng mà Dinh Độc Lập thường dùng để ám chỉ sự mờ ám và khuất tất của hai nhân vật chủ chốt trong Hiệp định Paris: ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ.

Người ta kể rằng: trong giai đoạn cuối, trước và sau khi Hoa Kỳ ép ông Thiệu ký vào bản hiệp định nhượng bộ, người của bộ ngoại giao Hà Nội và ông Kissinger thường hay lui tới những nơi vũ trường, nhà hàng vào những đêm cuối tuần để tiệc tùng ăn chơi. Họ thương lượng, ngã giá trên sự đau khổ, mất mát, rồi bán đứng luôn người lính Việt Nam Cộng Hòa và người dân miền Nam Việt Nam sống trong giai đoạn đó; chưa kể hơn năm mươi tám ngàn quân lính Mỹ đã hy sinh. Rồi hơn hai năm sau thì Sài Gòn sụp đổ, là chuyện đương nhiên phải đến. Có thể, đến bây giờ chắc người Mỹ nhận ra rằng bỏ rơi đồng minh miền Nam Việt Nam và rút quân khỏi Philippines là một sai lầm lớn về chiến lược ở Đông Nam Á chăng?

Lần này ông tổng thống Mỹ lại… đi đêm bằng chuyên cơ đến Hà Nội, là có một sự sắp xếp và tính toán trước trong nhiều năm giữa hai bên. Hà Nội đón tiếp tổng thống Mỹ trong sự dè dặt và im lặng của tiếng đại bác thường dành cho các nguyên thủ quốc gia, nhất là một quốc gia có thể nói là đứng hàng đầu thế giới. Rồi với bộ mặt sáp cứng đờ và cặp mắt láo liên của Trần Đại Quang ra vẻ như lạnh nhạt, mất tự nhiên làm cho người ta có cảm tưởng khách chủ động đến hơn là nước chủ nhà mời. Người Mỹ không cần đòi hỏi nghi thức đón tiếp danh dự trong cách thức ngoại giao. Cái mà họ cần là quyền lợi chiến lược của họ to lớn hơn nhiều trong tương lai mà quốc gia họ hướng tới.

Qua cách thức ngoại giao, làm cho người ta biết thêm là có một sự thỏa thuận ngầm. Cộng sản Việt Nam sợ cộng sản Trung Quốc giống như thỏ sợ sói. Sợ đến nỗi phải tránh né, không dám gọi đúng tên! Và trong chuyến đi này, ông tổng thống Mỹ cũng bóng gió, nhưng không đích danh chỉ trích Trung Quốc. Không sợ sao được khi mà nếu có xung đột xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam, đặt trường hợp có đầy đủ vũ khí tối tân trong tay, nhưng đối đầu với Trung Quốc trong lúc này thì cũng giống như lấy trứng chọi đá. Việt Nam sợ mất lòng Trung Quốc trong lúc thế cô, sức yếu; đồng thời muốn đi đêm với Mỹ để được nhìn nhận làm đồng minh và được che chở.

Còn một cái mà họ sợ nữa là sợ… nhục. Sợ nhục với người lính Quốc gia, người miền Nam; và đến bây giờ thì họ lại sợ nhục với cả một dân tộc mà họ đang lãnh đạo. Đối với cộng sản, việc trở cờ theo Mỹ là một nỗi nhục của lịch sử, là một cái nhục cho những thế hệ mai sau.

Lần này người Mỹ lại “đi đêm”, bán đứng những người hoạt động về dân chủ, nhân quyền chỉ vì quyền lợi nước Mỹ. Tại sao phải gọi là “bán đứng”. Bởi lẽ, trước đây chính quyền Mỹ lúc nào cũng đưa ra điều kiện về nhân quyền, đặt lên hàng đầu với nhà cầm quyền Việt Nam: muốn bãi bỏ cấm vận vũ khí thì trước tiên phải tôn trọng nhân quyền. Đùng một cái tổng thống Mỹ tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí, và có thể trong tương lai sẽ đi đến hợp tác quân sự giữa hai bên. Không phải đơn phương mà người mỹ dễ dàng quyết định như thế, mà là có sự cân nhắc, có thăm dò và có chuẩn bị ngầm từ nhiều năm qua.

Qua một thời gian dài, Hà Nội bị Trung Quốc đè đầu cỡi cổ, người Mỹ nắm rõ điều đó cho nên trong lúc này là đúng thời điểm, tổng thống Mỹ đến Việt Nam khơi dậy lòng yêu nước dân tộc là thượng sách và cũng để người cộng sản nhận ra đâu là bạn đâu là thù. Qua cách đón tiếp, chào đón của người dân Sài Gòn – Hà Nội thì đã trả lời rõ ràng với người Mỹ điều đó.

Điều kiện về nhân quyền hay giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh của người Mỹ, hai bên đặt ra chỉ là một bước để hai nước cựu thù tiến lại gần nhau; để thăm dò và có thể đi thêm những bước tiếp theo; đến khi đạt được mục đích chung thì những cái đó trở thành thứ yếu. Nhưng chúng ta điều biết, khi mà cộng sản đạt được những gì trên bình diện ngoại giao có lợi, thì họ nuốt lời cam kết rất dễ dàng; đôi khi cũng thực thi những cam kết cầm chừng chỉ để qua mắt thiên hạ mà thôi.

Cái hơi hướng của việc “đi đêm” còn làm cho người ta dễ nhận ra thêm nữa là lời phát biểu đại khái của tổng thống Mỹ: “Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ và không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của họ lên các bạn hoặc quyết định số phận của các bạn”. Tức là phải hiểu ngầm rằng người Mỹ sẽ không “áp đặt ý chí của họ”, không can thiệp vào chuyện nội bộ của mỗi quốc gia; số phận (về nhân quyền) của các bạn phải tự quyết định. Thế thì tại sao trước đây người Mỹ lại can thiệp, “áp đặt ý chí của họ” lên Hà Nội về nhân quyền mà giờ đây lại phớt lờ?! Lời lẽ, đại ý của ông tổng thống Mỹ trong câu nói này, các nhà ngoại giao Hà Nội cũng thường sử dụng để trả lời về nhân quyền khi có bất cứ một quốc gia nào muốn chỉ trích, chất vấn họ vi phạm.

Hà Nội biết Mỹ cần Cam Ranh hơn là điều kiện về nhân quyền, cho nên đã có sự thỏa thuận ngầm giữa hai bên. Thế thì họ đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền thậm tệ mà bất cần đến liêm sỉ trước mặt người Mỹ và quốc tế đang hướng về Việt Nam theo dõi trong chuyến đi này của tổng thống Mỹ là chuyện đương nhiên. Và rồi đây Mỹ sẽ không còn can thiệp “áp đặt ý chí của họ” lên nhà cầm quyền Việt Nam nữa!

Việc thả cha Lý, một người tù nổi tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội là một màn kịch ngoại giao “rửa mặt”, phô trương tính cách nhân đạo rẻ tiền, không thuyết phục được ai bởi vì cha Lý không còn bao lâu nữa cũng sẽ mãn hạn tù.

Người dân ai cũng biết, cộng sản Việt Nam hiện thời nợ như chúa chổm, thế thì tiền đâu cho họ mua vũ khí trang bị đủ để chống lại Trung Quốc?

Có thể Hà Nội chọn Mỹ làm đồng minh trong lúc này, sẽ đặt ra điều kiện với người Mỹ khác hơn ngày xưa Mỹ là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa.

Người cộng sản thường hay luận rằng: “Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền”. Đúng, thế cho nên nếu có hợp tác với Mỹ thì cùng lắm cho mướn quân cảng Cam Ranh để đổi lấy vũ khí chứ không để “mất chủ quyền”. Và người Mỹ cũng đã học được bài học lịch sử từ quá khứ: Can thiệp sâu, đổ quân vào miền Nam Việt Nam là một việc làm sai lầm, sa lầy về chính trị. Người Mỹ không chiếm lãnh thổ hay đất đai của bất cứ một quốc gia nào cả; khác với ông “bạn vàng” của Hà Nội xa lắm.

Nguyễn Dư

danlambaovn.blogspot.com

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận xét về Trung Quốc và vấn đề biển Đông

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận xét về Trung Quốc và vấn đề biển Đông

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016-06-06

000_BJ18Q.jpg

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, tổng giám đốc và giám đốc điều hành của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) John Chipman, và phó tham mưu trưởng của Trung Quốc Đô đốc Sun Jianguo trong một đối thoại Shangri-La 15 tại Singapore vào ngày 5 tháng 6 năm 2016.

AFP PHOTO

00:01/06:49

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Vấn đề Biển Đông lại trở thành đề tài nóng ở Đối thoại Shangri-la vừa kết thúc vào ngày hôm qua 5 tháng 6.

Việc đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo như thế có hứa hẹn những chuyển biến tích cực gì cho tình hình tranh chấp lâu nay là nội dung cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn ngày 3 tháng 6.

Gia Minh: Có thể đánh giá Trung Quốc đã thành công khi đặt những sự việc đã rồi không?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi tán thành với anh. Năm 1974 khi Trung Quốc chiếm phần còn lại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam Cộng Hòa và một số nước nhưng rồi từ từ Trung Quốc cũng xác lập vùng chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa đến nay hơn 40 năm.

Trong cuộc chiến ngăn chặn ảnh hưởng, sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông thì không thể một hai Shangri-la có thể giải quyết được.
– Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Rồi vấn đề Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 7 cụm đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam xong biến chúng thành các đảo nhân tạo; Mỹ, Nhật cũng lên tiếng và Liên hiệp quốc cũng cảnh báo…; và việc tôn tạo đó cũng ‘là sự đã rồi’. Rồi tiến đến Trung Quốc đưa máy bay quân sự, đưa tàu và đưa các lực lượng dân sự chuyển đến sinh sống trên các đảo này thì cũng là sự đã rồi và cũng không thấy có sức mạnh nào kiềm chế hành động của Trung Quốc. Do đó Trung Quốc cảm thấy rằng quốc tế đã bất lực trước hành động của mình, vì Trung Quốc bao giờ cũng cho đồng tiền đi trước với lợi thế là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Do đó trong cuộc chiến ngăn chặn ảnh hưởng, sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông thì không thể một hai Shangri-la có thể giải quyết được mà đây là sự quyết tâm, sự đồng lòng của các siêu cường trên thế giới, của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Gia Minh: Mới ngày hôm qua (2/6), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, cho biết vào ngày 9 tháng 6 tại Hạ Long sẽ có cuộc họp cấp cao ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện DOC (Tuyên bố các bên về ứng xử tại Biển Đông). Là một nhà nghiên cứu thì ông thấy có thêm một hoạt động như thế nữa sẽ có tín hiệu gì cho tình hình tại Biển Đông?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Nếu Trung Quốc đồng ý họp với ASEAN về Tuyên bố Ứng xử tại Biển Đông cũng chỉ nhằm hòa hoãn và kéo dài thời gian mà thôi. Còn COC (Bộ Quy tắc về ứng xử tại Biển Đông) thì tương lai rất mù mịt, vì các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, bao giờ cũng yêu cầu giữ nguyên trạng, không làm phức tạp tình hình, không đe dọa, không dùng vũ lực; nhưng nguyên trạng là nguyên trạng lúc nào, nguyên trạng của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hay là nguyên trạng về thể hiện chủ quyền, quá trình thực hiện chủ quyền, hay là nguyên trạng ‘ở đâu, ở đó’ như tình hình hiện nay mà Trung Quốc mong muốn?

Gia Minh: Ông cũng có ý kiến Liên hiệp quốc phải tham gia vào vấn đề này, và người ta dự đoán Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế trong thời gian sắp đến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện do Philippines đệ nạp hồi đầu năm 2013. Thế nhưng có những diễn tiến như Đài Loan vừa lên tiếng, rồi Philippines có tổng thống mới mà đường lối có vẻ khác với vị tiền nhiệm; tất cả những điều đó có ý nghĩa gì trong tình hình hiện nay?

000_BJ0OG.jpg

Đô đốc Sun Jianguo của Trung Quốc, phó tham mưu trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), phát biểu trong Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 5 Tháng 6 năm 2016. AFP PHOTO

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Trước hết nói về thái độ của tân tổng thống Philippines muốn hòa hoãn, muốn đối thoại với Trung Quốc, tôi cho rằng đây là một bước lùi trong đường lối đấu tranh của Philippines với Trung Quốc.

Còn vấn đề Tòa sắp sửa phán quyết về đơn kiện của Philippines thì tôi nghĩ rằng có khả năng tòa cũng sẽ tuyên bố đường lưỡi bò ‘vô giá trị’. Bao nhiêu đó cũng đủ để Trung Quốc mất mặt trên thế giới dù Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không thực hiện phán quyết của Tòa.

Nhưng đây là dịp may để chúng ta đấu tranh chính trị và đấu tranh pháp lý trên toàn thế giới để cho cộng đồng trên toàn thế giới thấy được bộ mặt thật của Trung Quốc.

Còn nói đối với Liên hiệp quốc, hay cụ thể là Hội Đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì chúng ta thấy có hai nhân tố: Trung Quốc và Nga là thành viên Hội Đồng Bảo an; mà Nga bao giờ cũng đứng ngoài ‘tọa sơn quan hổ đấu’ tìm cho mình cái lợi nhiều nhất. Nga có quyền phủ quyết cũng như Trung Quốc nên vấn đề tiếng nói của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ cũng dừng lại ở mức độ ‘bảo vệ hòa bình, tránh chiến tranh, không đe dọa sử dụng vũ lực’… dù có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay muốn đấu tranh chặn đứng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là các nước ASEAN phải nhất trí, phải quyết tâm cùng thống nhất phương án đấu tranh; còn nếu cứ để Trung Quốc xé lẻ ra từng nước – quan điểm của Lào, quan điểm của Campuchia, quan điểm của Philippines như hiện nay, thì Biển Đông mất về tay Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian!

Gia Minh: Như vậy không có gì sáng sủa lắm. Trong thực tế vừa rồi Lào cũng tuyên bố nên đàm phán song phương, Campuchia đường lối của họ lâu nay cũng như vậy; khả năng đoàn kết ASEAN theo ông thấy ra sao?

Muốn đấu tranh chặn đứng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là các nước ASEAN phải nhất trí, phải quyết tâm cùng thống nhất phương án đấu tranh.
– Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Là một người nghiên cứu về ASEAN trong mấy mươi năm qua, tôi thấy ASEAN không phải như Châu Âu, không phải như Bắc Mỹ, không phải khối NATO. Trong lòng bản thân các nước ASEAN có quá nhiều mâu thuẫn và xung đột giữa các quốc gia với nhau.

Có một điều cụ thể chúng ta nhìn thấy trong hơn 40 năm hình thành và phát triển của ASEAN chưa có một công trình, chưa có một thành tựu nào mang dáng dấp của ASEAN, có hay chăng chỉ là từng nước ASEAN riêng biệt; do đó đừng mong ASEAN trong một sớm một chiều đoàn kết, nhất trí để đối phó lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Vì họ cần ổn định chính trị, họ cần phát triển kinh tế mà hiện nay người ra tay đầu tư, đổ tiền cho họ nhiều nhất là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

Chính vì vậy, ASEAN sẽ bị xé lẻ, ASEAN sẽ tiếp tục mất đoàn kết và ASEAN sẽ không có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.

Gia Minh: Theo ông thì thái độ của Việt Nam trong thời gian sắp đến phải thế nào để có thể giữ được những cái có thể giữ?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi nghĩ chiến lược của Việt Nam hiện nay là đi luồn lách giữa các thế lực siêu cường trên thế giới để giữ vững những phần đất chưa mất và tìm cách đấu tranh pháp lý với Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ những biện pháp đó cũng chưa phải là biện pháp tối ưu.

Tôi mong muốn rằng Nhà nước Việt Nam phải xác định được Trung Quốc là ai? Bạn hay thù! Nếu xác định được bạn hay thù thì mới có được một đối sách hoàn toàn hữu hiệu với Trung Quốc; nhất là nếu trong thời gian gần tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không; thậm chí dẫn đến vùng cấm bay, thậm chí đe dọa tất cả các tàu thuyền của Việt Nam di chuyển trên Biển Đông và trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì lúc đó bạn – thù sẽ rõ và lúc đó sẽ dễ có phương pháp đối phó với Trung Quốc hơn.

Gia Minh: Cám ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải xuất khẩu nhiều hàng hoá “Ma dzê in Việt Nam”!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải xuất khẩu nhiều hàng hoá “Ma dzê in Việt Nam”!

 httpv://www.youtube.com/watch?v=-nL4JBVimU4

Bạn đọc Danlambao – Tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc chữ tiếng Anh “Made in Vietnam” thành “Ma dzê in Việt Nam” khi yêu cầu các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu hàng hoá ở nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” hôm 29/4/2016 ở Sài Gòn, ông Phúc tỏ ra nghiêm nghị và nói một cách hùng hồn:

“Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập để không những phát triển kinh tế trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài, mang thương hiệu mà ta hay gọi là “Ma dzê in Việt Nam”

 
Đất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được?”
Không rõ cách đọc như trên là do ông Phúc vô tình theo thói quen, hay ông cố tình đọc như vậy để chọc cười cho các doanh nghiệp?

Những gì diễn ra trong video cho thấy đã không có tiếng cười nào vang lên sau màn trình diễn tiếng Anh ngớ ngẩn của ông Phúc.

Theo tiểu sử chính thức được đăng trên website Cổng thông tin điện tử chính phủ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chứng chỉ B Anh văn, tương đương với trình độ trung cấp.

Lời của hai tấm hình

Lời của hai tấm hình

HINH 1

Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) – Người dân Việt Nam ở hai thành phố lớn đứng đầy hai bên lề đường, dưới trời mưa lớn, vẫy tay chào đón tổng thống Hoa Kỳ đi ngang qua, với những tiếng reo hò đồng thanh “Obama! Obama!”. Tên của ông tràn ngập cả trên vỉa hè, quán café, quán nhậu,… trong những ngày qua.

Hình ảnh đó quả thật là một sự bất ngờ, khó có ai có thể hình dung được người dân Việt Nam lại bày tỏ tình cảm nồng nhiệt như vậy đối với tổng thống Hoa Kỳ, một quốc gia thù địch như chế độ ra rả tuyên truyền cho tới ngày 30/04 vừa qua. Trong khi đó, chánh quyền Việt Nam dành cho quốc khách một sự đón tiếp với nghi thức tối thiểu phải có.

Về phía khách, ông Obama vẫn thản nhiên, hoàn toàn không để ý đến nghi lễ ngoại giao, vẫn thoải mái, chân tình, cười hồn nhiên, ngồi lê hàng quán, bắt tay mọi người đứng gần một cách thân thiện,… Trọng tâm thật sự của ông là muốn đo lường thái độ của người dân đối với chánh phủ Hoa Kỳ và dân huê kỳ. Có ý kiến cho tất cả đó là sự giàn cảnh tinh vi của Holywood nhưng thực tế là đã thu hút nhân tâm của mọi từng lớp người dân Việt Nam. Ngoại trừ nhà cầm quyền bởi theo biện chứng hể cái gì dân hoan nghênh thì họ đề cao cảnh giác. Do từ nguyên lý nhà cầm quyền cộng sản là không phải do dân và vì dân.

Obama đã đi rồi

Giới cầm quyền ở Hà Nội, cũng như đồng chí vàng của họ ở Bắc Kinh, khi tới thăm viếng Hoa Thịnh Đốn hay Paris, chẳng những không được kiều bào của họ đón tiếp nồng nhiệt, mà còn bị la ó, phản đối sự thăm viếng, tố cáo những hành động dã man của chế độ ở trong nước, làm cho họ nhiều lúc đã phải ra về bằng cửa hậu.

Trái lại, ông Obama, sau bốn ngày viếng thăm Việt Nam, ra về còn để lại trong lòng người Việt Nam, nhất là tuổi trẻ, những tình cảm trân quí.

“Hỏi vì sao dân tôi mến mộ ngài

Có phải vì ngài là tổng thống

Hay vì xứ ngài đôla chất đống

Không! Chúng tôi yêu vẻ đẹp tỏa từ ngài.

…Nụ cười tươi và những cái bắt tay… dệt lối chân tình

…Mà rung động hàng triệu con tim người Việt

Ngài bàn việc đại sự bằng lời chân thành tha thiết

Chẳng buộc tội ai… nhưng bao kẻ phải cúi đầu”…(Thơ của Thương Hoài )

Và người phụ nữ Phượng Trần bị sự chơn tình của khách đã làm cho trái tim của bà rung động sâu xa:

“…Em như đang trong mơ

Khi nghe Anh nói đến

Nam Quốc Sơn Hà ấy

Chỉ có Nam Ðế cư 

Anh muốn nói gì ư?

Dẹp dã tâm Khựa nhé!

Anh ơi lời Anh khẽ

Chạm đến triệu lòng dân!”… (Thơ của Phượng Trần)

Và cả chân dung của ông cũng được sinh viên hội họa tự ý thực hiện với lời ghi chú đầy thiết tha quí mến.

Obama và tấm hình ở Tòa Bạch Ốc

Ông Obama có gốc gác từ một gia đình da màu nghèo, cha mẹ xa nhau, thuở nhỏ từng sống ở Nam Dương, một xứ Đông Nam Á kém mở mang, tức ý muốn nói ông thuộc thành phần xã hội không lấy gì làm khá hơn đám cộng sản lãnh đạo ở Hà Nội nhưng ông lại hoàn toàn không cùng bản chất với họ. Nhờ hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, tự do.

Chính giáo dục đào tạo con người. Nhìn tấm hình dưới đây để hiểu tại sao ông Obama qua Việt Nam lần đầu tiên mà được dân chúng dành cho ông những tình cảm quí trọng sâu xa như vậy. Thực tế này là phản ứng nghịch lý của những điều mà dân chúng tiếp thu được từ truyền thông chánh quyền. Cũng là kết quả trái chìu của sự giáo dục quần chúng về bạn và thù của chế độ.

TT 1

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Pete Souza/The White House

Nhiều thập kỷ qua, Nhà Trắng treo rất nhiều ảnh chụp các đời tổng thống, hoặc làm việc hoặc vui chơi. Tấm mới thay chỗ tấm cũ. Nhưng tấm ảnh này chụp Tổng thống Barack Obama đã yên vị suốt 3 năm qua, không bị tháo xuống.

Bé trai trong ảnh là Jacob Philadelphia, sống ở Columbia, bang Maryland. Khi chụp tấm ảnh này vào tháng 5 của ba năm trước, Jacob mới 5 tuổi. Lúc đó, cha cậu là ông Carlton Philadelphia, một cựu lính thủy, rời Nhà Trắng sau hai năm làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia. Như nhiều nhân viên khác, ông Philadelphia cũng đề nghị tổng thống chụp ảnh cùng gia đình ông trước khi ra đi.

Ảnh chụp xong, gia đình Philadelphia sắp giã từ thì ông Carlton nói với ông Obama rằng hai con trai của ông có hai câu hỏi tổng thống, mỗi đứa một câu.

Jacob nói trước: “Cháu muốn biết tóc cháu có giống tóc tổng thống không?”. Cậu bé nói nhỏ đến nỗi ông Obama phải bảo nhắc lại. Sau khi nghe rõ, ông Obama trả lời: “Sao cháu không sờ thử đi, xem có giống tóc cháu không”? Rồi Obama hạ thấp đầu ngang tầm với của Jacob. Cậu bé ngần ngừ, tổng thống khuyến khích: “Sờ đi, anh bạn!”.

“Cháu thấy sao? – ông Obama hỏi.

“Dạ, cũng giống nhau”, Jacob đáp lời.

Cậu bé Isaac, nay đã 11 tuổi, thì hỏi ông Obama tại sao lại loại trừ chiến đấu cơ F-22. Ông Obama cho biết vì quá tốn kém.

Theo thông lệ có từ thời Tổng thống Gerald R. Ford, mỗi tuần các phóng viên ảnh Nhà Trắng lại chọn ảnh ấn tượng để trình bày. Tuần đó, tấm ảnh của Jacob là số một. (Theo Bằng Vy, The New York Times)

DM

 

 

 

 

 

 

 

Đỗ Mười và nhà Toán học Ngô Bảo Châu

Đỗ Mười, cựu Bộ trưởng, cựu Thủ tướng và cựu Tổng Bí thư đảng cộng sản Hà Nội, khi tiếp thanh niên Ngô Bảo Châu vừa kết thúc Trung học với thành tích học tập xuất sắc, thể hiện rõ thái độ căm thù những người có học và học giỏi. Theo quan điểm của ông thì chính cách mạnh mới nâng cao con người chớ không gì khác hơn hết cả. Quan điểm này phát xuất từ bản thân của ông và từ quá trình học tập giáo lý của người cách mạng.

Đỗ Mười tên thiệt là Nguyễn Duy Cống, người làng Đông Phủ, gọi quen thuộc là làng Nhót, Thanh Trì, Hà Đông. Giáo sư Đại Học Khoa học Sài Gòn, ông Nguyễn Trọng Ba, nhỏ hơn Nguyễn Duy Cống vài tuổi, cùng làng nên quen biết Nguyễn Cống và kể chuyện lại (Bảo Giang). Cụ Tiên chỉ là thân sanh của Giáo sư Ba, có mở lớp chống mù chữ miễn phí dành cho trẻ trong làng. Thù lao thầy giáo do sự đóng góp vì lòng hảo tâm của viên chức và những nhà có tiền trong làng. Nhờ đó Nguyễn Cống tới học được ít lâu.

Người được làng mời dạy học là thầy giáo Dư. Vốn đã được bổ làm giáo học, Dư hoạt động cho Việt Minh, bị bắt, sau hơn một năm tù, được tha và trở về làng Nhót, không có công ăn việc làm.

Dư được đề nghị lãnh dạy trẻ con nhà nghèo, với thù lao khiêm tốn của dân làng đóng góp nhưng với điều kiện không được hoạt động và tuyên truyền cho Việt Minh nữa.

Vài năm sau, Cống đã biết đọc, biết viết và có thể làm được những bài toán cộng, toán trừ đơn giản. Khi ấy, mẹ Cống ngửa mặt lên trời: trước là cám ơn Trời Phật, sau là cám ơn các viên chức làng đã cho bà một niềm vui ngoài sự ước mong của bà.

Cũng từ dạo ấy, bà không bao giờ ngớt lời khuyên Cống phải biết ơn, phải giữ lễ nghĩa đối với những người đã ban ơn cho gia đình nó. Và bà cũng tính đến việc, vì Cống đã biết làm toán cộng toán trừ, sẽ mua chịu phần thịt thặng dư và lòng lợn của bà phó Hồi để mẹ con bà gánh đi bán, thay vì tiếp tục gánh thuê bán mướn như trước giờ.

Phần Cống, từ ngày được đi học, nó vẫn không thấy thiết tha việc học. Tuy nhiên, nó cảm thấy cũng dễ chịu phần nào vì được ra khỏi nhà trong những giờ giấc nhất định mà mẹ không thể la mắng nó. Hơn nữa, nó nhờ những con số cộng trừ giúp mẹ trong việc bán thịt như một lá bùa cho phép nó tự do rong chơi với bè bạn, và mặc tình đi sớm, về trễ.

Riêng thầy giáo Dư, tuy đã có lời cam kết với viên chức trong làng là sẽ chuyên tâm dạy dỗ cho lũ trẻ thoát nạn mù chữ, nhưng cứ mỗi khi nhìn thấy thầy Thông, thầy Phán hoặc các viên chức và những nhà phú hộ trong làng là uất khí hận thù giai cấp vụt bốc lên nghẹn cổ. Do đó, thay vì dạy cho trẻ chữ nghĩa, lễ phép, Dư lại lén tuyên truyền Việt Minh cho chúng. Đám trẻ được Dư sớm nhồi sọ lòng thù hận, dạy dùng mã tấu để giành lấy phần cơm ăn áo mặc từ những người có chút ăn, chút để ngay trong làng.

Học được những điều mới mẻ này, Cống như mở bừng con mắt. Trí nó linh động nghĩ đến ngày đi làm Việt Minh, với mã tấu trong tay. Quả thật, chỉ ít lâu sau đó, nó liền hăng hái đứng dậy, đi theo bọn thằng Chân, thằng Khắc, cùng bỏ học, đi làm cách mạng dưới sự dìu dắt của thầy Dư.

Trong khi ấy, bà đậu Tiến, tức mẹ của Cống, lại không thể hiểu và cũng không bao giờ biết cậu con trai của mình đang nuôi dưỡng giấc mơ đi làm cách mạng. Bà nghĩ đến việc phải cưới vợ cho Cống. Bà chọn được một người con gái trong làng, báo tin mừng cho con. Nghe qua, Cống chẳng vui và cũng chẳng buồn. Nó chỉ muốn bỏ nhà đi theo Việt Minh. Nhưng chưa đi được nên đành tạm nghe lời khuyên của mẹ. Cưới vợ xong, Nguyễn Cống giữ lấy một phản thịt heo trong chợ cho mẹ. Nhơn đi tìm heo mua đem về làm thịt, Cống lãnh luôn thiến heo. Thiến con nào chết, Cống mua đem về làm thịt cho mẹ bán. Lúc nào không có heo, Cống đi lãnh sửa ống khóa và cửa nhà cho người trong làng. Giá cả do Cống đề nghị. Nhưng sau này, khi thật sự cán bộ đảng viên, Cống thường lấy bản thân minh chứng giới lao động bị tư bản, cường hào bốc lột!

Một hôm, vợ Cống hớt hải để đôi quang gánh xuống trước cửa, chạy bay vào trong nhà báo tin cho bà đậu Tiến:

– U ơi! thầy thông Ký chết rồi! Tất cả mọi người ở chợ đều chuyền tai, bảo nhau rằng chồng của con và đám thằng Khắc, thằng Chân, đã giết ông ấy! Anh Cống đã bỏ đi từ nửa đêm… Lợn thì đêm qua không mổ.

Nhờ thành tích giết “cường hào” trong làng, Cống được sớm kết nạp vào đảng. Và đời Cống cũng phất lên từ đây, dưới tên Đỗ Mười.

Hai tấm hình, mỗi tấm có lời nói của nó. Người đọc hiểu chắc không khác nhau lắm.

Trung tâm bảo trợ xã hội, nơi giam người để được “bảo trợ”

Trung tâm bảo trợ xã hội, nơi giam người để được “bảo trợ”

FB Võ Phi Long

6-6-2016

Một bà cụ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1. Nguồn: FB Võ Phi Long

Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 có địa chỉ tại Thôn Đồng Dầu – xã Dục Tú – Đông Anh – Hà Nội. Là nơi giam người để được “Bảo trợ”.

Trung tâm bảo trợ Xã hội ở VN là nơi giam giữ người trái pháp luật, nơi dễ tham ô và là nơi lừa đảo tiền dân.

Cách đây gần 1 năm nhờ mạng xã hội Facebook đăng tải hình ảnh cuộc sống sinh hoạt khó khăn của các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương) gây bức xúc trong dư luận.

Chúng đã cùng nhau ăn chặn gần 800 triệu đồng của người nghèo mà chúng “bảo trợ”.

Hình ảnh những người được bảo trợ ngồi chồm hổm dưới sàn nhà, ăn bốc trong thau cơm chỉ có 3 miếng thịt mỡ.

Hôm nay ngày 05/6/2016 cụ Tạ Trí Hải người Nghệ sỹ đường phố luôn đồng hành với những cuộc biểu tình xuống đường vì đất nước, biển đảo, môi trường đã bị côn đồ, công an, an ninh bắt đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 có địa chỉ tại Thôn Đồng Dầu – xã Dục Tú – Đông Anh – Hà Nội.

Những người yêu mến cụ, họ gọi cụ bằng bố đã đến tận nơi để “giải cứu” cụ ra khỏi nơi tù ngục này.

Cũng chính lúc này mọi người phát hiện có rất nhiều người già, trẻ đang bị giam cầm nơi đây.
Một ông già bị nhốt nơi đây cho biết, ông đã 86 tuổi có công “đánh Mỹ cứu nước”, bị mấy ông trên Bộ không trả tiền hưu vì thế ông đã cắt tay phản đối. Ông chưa kịp kể nốt câu chuyện thì một gã thanh niên và 1 ả phụ nữ đã hoảng sợ đến mời mọi người đi cho lẹ.

Trên hành lang dẫn đến phòng “giải quyết” mọi người nghe tiếng kêu khóc thảm thiết của cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Bà nói thật nhanh như biết rằng sẽ không còn cơ hội nào nữa. Bà cho biết bà bị bệnh tiểu đường. Tay đã lở loét. Sau lưng bà là 1 cô gái vẻ mặt khờ khạo, tay quệt nước mắt. Mọi người vội vã ra đi còn nghe văng vẳng tiếng bà Xuân: Bác khổ quá con ơi, báo cho bác ra khỏi đây. Dọc hành lang phòng kế bên còn có 1 cô gái quê ở Nam Định kêu cứu.

Tiếng kêu khóc thảm thiết quá.

Phải công nhận rằng những người nơi đây được “nuôi nhốt” rất cẩn thận. Họ chẳng khác nào những con thú chứ chẳng phải Người cần được bảo trợ.

Những bức tường màu vàng cao trên 2 mét, người ta còn rào cao thêm bằng rào sắt nhọn hoắc hơn 1 mét. Chẳng khác gì nhà tù.

Trong TT BTXH 1 này có nhà chức năng gọi là Dạy nghề nhưng đổ nát như bị pháo kích.

Gọi là Trung tâm nhưng số người được bảo trợ nơi đây chỉ khoảng 20 người kể cả 3 cháu bé sơ sinh.

Tại sao phải khóa cửa phòng nhốt họ? Tại sao được bảo trợ nhưng họ lại khóc lóc thảm thiết cầu xin được giải cứu?

Nguyễn Đức Chung, ông và người tiền nhiệm là tôi đồ. Ông phải trả lời những câu hỏi này.

httpv://www.youtube.com/watch?v=7nfh_ovg70c

ĐI BIỂU TÌNH ĐƯỢC GÌ?

ĐI BIỂU TÌNH ĐƯỢC GÌ?

FB Nguyễn Anh Tuấn

5-6-2016
Ảnh: FB Nguyễn Anh Tuấn

Ảnh: FB Nguyễn Anh Tuấn

Tôi là một người có trình độ đại học, có công việc thu nhập ổn định, có bố mẹ, có vợ, và hai con.

Đến giờ này thì chẳng có kẻ nào dám mở mồm nói tôi là đi biểu tình được tiền. Vì hầu như ko có sự ngu xuẩn nào đến mức ấy. Và các kênh thông tin mở của mạng xã hội, không cho phép những vu cáo ngu xuẩn ấy tồn tại.

Để tham gia được vào các cuộc biểu tình ôn hoà vì môi trường, tôi thường phải chia tay vợ con mình từ hôm trước, vạ vật ở nhà anh em thân thiết, nếu không muốn bị công an chặn ở nhà, không cho đi đâu hết.

Nếu cuộc biểu tình diễn ra như mong đợi, tôi sẽ được đi bộ một vòng bờ hồ HK dưới nắng nóng. Xong thì về nhà với cái cổ họng khản đặc, cùng đói và khát.

Như mấy lần gần đây, chưa kịp giơ biểu ngữ, hô khẩu hiệu vì môi trường thì đã bị cưỡng chế về Phường, CA Quận. Thế là phí bao công sức tránh né công an để tham gia.

Đến mức như hôm nay:

Chúng tôi mặc quần áo đẹp, lịch sự. Tuần hành ôn hoà. Cố gắng đi thành hàng, gọn nhất có thể, để không cản trở giao thông. Biểu tình, đòi các bên liên quan phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về bảo vệ môi trường biển, trong Ngày Môi Trường Thế Giới – ngày mà Chính Phủ VN cũng đã cho treo băng rôn khắp nơi là:

TIẾNG GỌI THIÊN NHIÊN
HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

Ấy thế mà, Chính phủ lại dùng công an đàn áp hoạt động biểu đạt văn minh này của chúng tôi.

Tôi đã có lúc quá thất vọng, mà thốt lên:

Tôi nản lắm rồi! Tại sao Chính Phủ không thể tôn trọng tiếng nói của chúng tôi? Cứ dập tắt tiếng nói và bưng bít thông tin thế này, thì mắm muối độc sẽ ngày càng chui nhiều vào mâm cơm, và đầu độc cả đất nước mất thôi!

Đến bao giờ thì Chính phủ thôi là một lực lượng cai trị, mà trở lại đúng nghĩa là “Của Dân”, tôn trọng tiếng nói của người Dân, như đã ghi trong Hiến Pháp?

Cứ thế này, thì bao giờ mới có văn minh?

Tôi thất vọng quá mà thấy các nỗ lực của bản thân, và những người khác hôm nay chẳng được việc gì cả!

Nhưng không phải như thế.

Lúc này, khi đã về nhà. Dù là những điều nhỏ nhưng tôi cũng đã nhận ra. Việc chúng tôi làm hôm nay, ko phải là vô ích.

Hôm nay trên xe Bus tôi đã thấy có 1 chiến sĩ cảnh sát trẻ, đã cư xử nhã nhặn, tôn trọng chúng tôi. Có 1 sĩ quan An Ninh tươi cười, đối thoại với tôi… Họ đã hiểu, và chọn cách đối xử với chúng tôi không như kẻ thù. Không một bịa đặt, bôi xấu nào có thể khiến họ hiểu lầm chúng tôi nữa.

Tại CA Quận LB, các anh cảnh sát, cùng tôi, đã nhanh chóng tìm thấy sự thấu hiểu và tôn trọng. Các anh thừa nhận việc tôi làm, và tôi tôn trọng, việc các anh ấy phải hoàn thành nhiệm vụ, trên giao.

Quá trưa, công An phường nơi tôi ở, đến đón, và đưa tôi về tận nhà. Mấy cậu Công An canh cửa nhà tôi, thì chào, hỏi thăm, và nói chuyện thân tình cùng tôi.

Cho dù đây chỉ là những gì tôi thấy, và có thể nó ko phải là như tính chất chung, của những gì đang diễn ra, thì tôi cũng thấy nó, như một chỉ dấu cho nhiều cái được:

Chúng tôi đã được làm hết khả năng của mình, theo đúng tinh thần Hiến Pháp, cho môi trường sống.

Các anh công An đã thêm một lần gặp gỡ, và hiểu thêm, để dần ứng xử đúng mực hơn với người Dân đi biểu tình ôn hoà.

Nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn sinh viên, tương lai của đất nước, đã thấy chúng tôi không sợ hãi, trước sự đàn áp suốt mấy tuần qua. Để rồi, sẽ ko bao lâu nữa, chính các bạn, rất đông, sẽ thấy thôi không phải sợ nữa.

Sẽ không có gì phải sợ, nếu làm điều đúng đắn cho Đất nước, cho Nhân Dân, cho tương lai của tất cả.

Chính Quyền cũng dần quen với việc người dân tìm mọi cách để lên tiếng, để dần phải chịu lắng nghe, và đáp ứng một cách văn minh, nếu không muốn bị cả thế giới văn minh tẩy chay, không ai chơi với.

Điều lớn lao nhất, tôi nhận ra:

Dù ít một, nhưng chúng ta, đang tiến thêm một bước gần hơn đến một ngày, mà việc lên tiếng của đông đảo người Dân, đặc biệt là giới trẻ, về các vấn đề hệ trọng của đất nước, sẽ như những cơn gió lớn, đẩy cánh buồm đất nước tới văn minh.

Khi ấy, Cảnh sát thì bảo đảm an toàn cho người Dân, An ninh thì đề phòng những kẻ phá hoại tính ôn hoà, còn Quốc Hội thì đồng hành cùng người Dân, Chính phủ thì lắng nghe và nỗ lực!

Ngày đó, người với người tôn trọng và tin cậy, ứng xử với nhau thượng tôn Pháp Luật. Và nước Việt sẽ trở lên văn minh, hùng cường!

Một số hình ảnh biểu tình. Nguồn: FB Nguyễn Anh Tuấn:

H1

H1

 

H 3

 

 

 

 

 

 

HINH @

 

 

 

Nghệ sỹ Tạ Trí Hải ‘được giải cứu’

Nghệ sỹ Tạ Trí Hải ‘được giải cứu’

 Nghệ sĩ Tạ Trí Hải thường xuất hiện trong các cuộc biểu tình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải cáo buộc bị công an bắt và đưa vào cơ sở “bảo trợ xã hội” ở Hà Nội hơn hai ngày trước khi được các nhà hoạt động ‘giải cứu’.

Từ nhiều năm qua, người ta thường thấy ông Hải, 77 tuổi, chơi vĩ cầm trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, vì môi trường và cùng dân oan xuống đường đòi đất.

Hôm 6/6, trả lời BBC qua điện thoại từ Hà Nội, ông Hải nói: “Tôi bị công an bắt lúc 1:00 hôm 3/6, và bị đưa về giam tại công an phường Hàng Bạc và sau đó đưa sang Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 ở huyện Đông Anh, Hà Nội”.

Ông Hải nói với BBC: “Tôi bị công an bắt lúc đang chơi đàn ở bờ hồ Hoàn Kiếm như mọi lần. Dù tôi phản đối quyết liệt, những công an mặc thường phục vẫn tống tôi lên xe cùng xe đạp và cây đàn của tôi”.

“Khi bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1, tôi tiếp tục phản đối vì tôi không phải là đối tượng lang thang của cơ sở này nhưng họ không quan tâm”.

“Trưa 5/6, tôi được một số nhà hoạt động đến trung tâm phá chốt phòng giam, giải cứu. Lúc đó, trung tâm chỉ có một nhân viên thường trực”.

Website của trung tâm này cho hay: “Chức năng chính của trung tâm là tập trung, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục các đối tượng bảo trợ xã hội, người lang thang trên địa bàn thành phố [Hà Nội]”

“Nhiệm vụ của trung tâm là tập trung, tiếp nhận người lang thang xin ăn trên địa bàn, trẻ mồ côi bị mất nguồn nuôi dưỡng; phân loại đối tượng, đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng hoặc chuyển các trung tâm bảo trợ xã hội khác của Sở nuôi dưỡng, giáo dục và chuyển trả về gia đình, địa phương theo quy định”, website viết.

‘Ngăn đi biểu tình’

Bốn cuộc biểu tình vì môi trường gần đây, tôi đều tham gia hết. Họ bắt tôi về tội ‘lang thang’ có lẽ là để ngăn tôi tham gia cuộc biểu tình hôm 5/6Ông Tạ Trí Hải

Trong đoạn clip ghi lại vụ giải cứu được chia sẻ trên mạng xã hội, người ta thấy nhiều tiếng kêu “Bố Hải ơi” và cảnh tranh cãi tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1.

Ông Hải cũng cho hay là ông “đã có một tiết mục chơi đàn ngay trong trại hôm 4/6 và nhiều người trong trại nhận ra tôi thường chơi đàn ở bờ hồ”.

“Bốn cuộc biểu tình vì môi trường gần đây, tôi đều tham gia hết. Họ bắt tôi về tội ‘lang thang’ có lẽ là để ngăn tôi tham gia cuộc biểu tình hôm 5/6“.

“Tôi đang đợi nhận lại xe đạp và cây đàn. Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tôi vẫn sẽ tham gia”, ông nói.

Hôm 6/6, BBC đã gọi ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 1 nhiều lần nhưng ông không nghe máy.

Hôm 15/5, ông Hải là một trong những người bị nhắc tên trong phóng sự “Nhận diện những mưu đồ nhân danh lòng yêu nước” phát trong chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Phóng sự này cáo buộc những nhà hoạt động “kích động người dân tuần hành, biểu tình dưới danh nghĩa “vì môi trường”.

Hồi tháng 12/2015, trang blog Tiếng Nói Trẻ có hình huy hiệu Đoàn Thanh Niên, đang một bài viết về ông Hải có đoạn: “Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi, sống đến đầu bạc răng long rồi, gần được trở về với ông bà tổ tiên rồi, mà sao Tạ Trí Hải vẫn không biết phải sống sao cho xứng đáng một con người?”

“Những ai trước đây đã từng nghe, từng xem ông biểu diễn, chắc hẳn cũng có cảm nhận rằng bị phản bội, rằng thật dối trá lọc lừa. Cái tuổi của Tạ Trí Hải là cái tuổi được nhiều người kính trọng, ấy vậy mà tất cả đã sụp đổ”, trang này viết.

Những Mặt Trái Khủng Khiếp Và Đáng Sợ Nhất Việt Nam

httpv://www.youtube.com/watch?v=3OrOxxFZ8-s

Những Mặt Trái Khủng Khiếp Và Đáng Sợ Nhất Việt Nam

Những sự thật về cái xấu, mặt trái khủng khiếp và đáng sợ nhất Việt Nam.
Việt Nam trong con mắt du khách quốc tế có hàng tá những điều thú vị và hấp dẫn. Người nước ngoài ca ngợi thanh niên ta cũng lắm, như cần cù, nhạy bén, có chí tiến thủ nhưng đồng thời cũng phê phán ta nhiều điều. “Thuốc đắng dã tật”, chịu khó nghe người ta nói về những khiếm khuyết của mình cũng là một cách học hỏi. Vì vậy ngày hôm nay, Khám Phá Thế Giới tiếp tục làm 1 video về chủ đề Việt Nam sau video Những Sự Thật Thú Vị Về Việt Nam Qua Con Mắt Du Khách Quốc Tế. để mọi người có cái nhìn toàn diện nhất, từ đó đưa Việt Nam ngày càng tiến bộ, văn mình và phát triển hơn nữa.

Dép & Giầy Sau Những Cơn Mưa

  Dép & Giầy Sau Những Cơn Mưa

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

tuongnangtien's picture

tuongnangtien

Theo thứ tự (a/b/c/d) xin được phép mượn lời của một nhà văn để nói về dép trước:

“Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép.

Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu, tôi tắt máy. Nghe tiếng cái Eymo 35 đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).

Nhờ “lòng kính trọng” của tác giả đoạn văn thượng dẫn nên màn “chưng  dép” của ông Hồ Chí Minh đã không gây ra điều tiếng gì đáng tiếc. Thiệt là qúi hoá và may mắn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự may mắn tương tự. Mới đây, một ông quan cách mạng (khác) chỉ vì sợ ướt giầy mà bị “ném đá” tơi bời hoa lá – theo như tin loan của Tuổi Trẻ Online:

Từ chiều 25-5, trên mạng xã hội lan truyền tấm ảnh một người đàn ông vừa rời khỏi chiếc xe con biển xanh được một anh bảo vệ cõng đưa lên bậc tam cấp của hội trường.

Ảnh: Facebook

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tấm ảnh được chụp trước bậc tam cấp của hội trường 1 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (cổng 135 Nguyễn Phong Sắc – Hà Nội), sáng 25-5, nơi chuẩn bị tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng, dành cho trên 850 lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Úy Trời, Đất, Quỷ/Thần ơi, báo Tuổi Trẻ có “sắp chữ lộn” không ta?  Không lẽ chỉ nội trong “25 tỉnh, thành phố phía Bắc” mà có tới “trên 850 lãnh đạo các cơ quan báo chí” lận sao? Lãnh đạo ở đâu ra mà nhiều dữ vậy cà? Đã thế, ông nào cũng dùng “xe con bảng xanh” và tài xế riêng nữa chớ!

Hèn gì mà công luận cứ hậm hực hoài về chuyện thuế/phí ở Việt Nam:

Nói nào ngay thì khỏi cần ra ngõ, cứ ở nhà vẫn bị “thu phí” như thường – theo như lời than phiền của công dân mạng Nguyễn Đắc Quyền:

Anh bạn quen mới cho hay ảnh nhận được cái tờ thu tiền của khu phố mà không có mộc hay hóa đơn gì hết. Tụi nó lại kiếm tiền ăn tết đây. Bà con nhớ không đóng cái mả mẹ gì hết nha nếu gặp cái tờ giấy lộn này, dù đich thân ông tổ trưởng xuống vòi hay đứa CAKV xuống kiếm cũng phải đòi cho ra cái hóa đơn mộc đỏ của phường hay đại loại tờ giấy có giá trị chút nha. Tiên sư cuối năm lắm cô hồn.

Ảnh: F.B

Thảo nào mà Việt Nam được báo Dân Trí vinh danh là “đất nước cao nhất khu vực … về thuế khóa.” Tuy “thuế chồng lên thuế” và “cao gấp 3 so với các nước khác trong khu vực” nhưng Việt Nam lại là nơi duy nhất mà người có thể bắt cá (ngay trước cửa nhà) sau những cơn mưa, hay phải uống “nước sạch có giun ngoe nguẩy” xả từ vòi.

 Ảnh: Dân Trí

Như vậy là cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có vấn đề mà nguyên do, theo Thanh Niên Online (đọc được vào hôm 21 tháng 3 năm 2016) chỉ vì “tổng thu ngân sách không đủ chi tiêu và trả nợ.”

Ô, thì ra thế!

Và nếu thế thì chỉ cần rà soát và khắc phục ở khâu thu/chi cho nó quân bằng là mọi việc sẽ đâu ra đó thôi. Về “thu” thì đã … “tận thu” rồi, không còn gì cần phải bàn thêm nữa. Vấn đề chỉ còn ở khoản “chi” thôi. Tôi e là đất nước đã “tiêu” hơi quá nhiều cho những chuyện hoàn toàn không cần thiết nên dân chúng mới bắt được cá ngay trước nhà, và uống nước có giun đang ngoe nguẩy.

Để chấm dứt tình trạng này tôi xin có một “đề xuất” nhỏ bằng cách tiếp tục câu chuyện còn đang bỏ dở, chuyện “850 lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc… học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng.”

Vụ này có thể thực hiện online, chớ cần gì phải có tài xế đưa đến Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh làm chi – hả Trời? Vừa tốn săng, vừa tốn công, và còn phiền những đồng chí bảo vệ phải cõng từng ông vô phòng họp nữa. Cứ gửi cho tất cả một cái email, đính kèm Nghị Quyết của Đảng, cùng với lời phụ chú “phải quán triệt cấp kỳ” là xong ngay. Trước giờ, có ông/bà “lãnh đạo các cơ quan báo chí” nào dám nói “không” hay nói khác ý Đảng đâu – đúng không?

Mô hình “quán triệt online” cũng có thể áp dụng cho rất nhiều sinh hoạt chính trị khác, kể cả những kỳ họp quốc hội. Đảng lãnh đạo hết trơn, hết trọi cả ba ngành (lập pháp – hành pháp – tư pháp) Quốc Hội Việt Nam chỉ còn mỗi việc là  “đồng thuận” mọi đường lối, chính sách, và chủ trương (lớn) thôi thì bầy chuyện họp hành làm chi, cho má nó khi, và thêm tốn kém.

Hãy nghe lại câu nói để đời của đại biểu Dương Trung Quốc về chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết rồi thì bây giờ ta chỉ bàn làm sao cho tốt, cho an toàn thôi.” Thế là tất cả các bạn đồng viện đều im phăng phắc. “Làm sao cho tốt, cho an toàn” là việc của những chuyên viên khai thác hầm mỏ và môi trường, chớ mắc mớ gì tới quốc hội – cha nội?

Mới đây, mới tháng trước, tôi nhận được youtube trên qua email của một anh bạn, cùng lời bình và lời nhắn: “Quá tuyệt vời … xem nhanh kẻo bị kéo xuống!” Vô coi  thì thấy  Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Nam – sau nhiều năm “cố gắng ép suy nghĩ của mình” – trước khi chấm dứt nhiệm kỳ (và vì tuổi tác “sẽ không có cơ hội làm đại biểu nữa”) mới dám “lên tiếng” về hai vấn đề khiến ông “bức xúc” từ lâu: Chủ quyền quốc gia bị xâm phạm và nạn tham nhũng tràn lan!

Trời, đất, tưởng gì? Nguyên một nhiệm kỳ dân biểu kéo dài năm năm mà ông Lai chỉ phát biểu có ba phút thôi, về những điều mà … bà nội trợ Việt Nam nào cũng biết hết trơn. Tuy thế, cả nước vẫn vỗ tay tán thưởng và suýt xoa không ngớt là “quá tuyệt vời” rồi!

Mà nghĩ cho cùng thì cũng “tuyệt” thiệt, nếu so với hàng chục ngàn ông bà dân biểu từ khóa này đến khoá khác chưa bao giờ dám mở miệng lần nào, về bất cứ chuyện gì. Với loại quốc hội câm của VN thì cứ ngồi nhà bấm nút online cũng vậy thôi. Đã là nghị gật thì ngủ (gật) ở đâu không được, cần chi phải đến nghị trường ngồi ngáy, mấy cha?

Và khi không còn cần đến nghị trường thì cũng khỏi phải bận tâm về ngân sách để xây cất và bảo trì toà nhà quốc hội nữa. Đúng là … lưỡng tiện, và đỡ được cả đống tiền chứ không phải chuyện chơi.

Bữa rồi, ngồi nhậu với Trương Duy Nhất.  Rượu vào (lời ra) tôi hăm hở trình bầy “đề xuất” (online ) của mình. Nghe xong, ông nhà báo mặt buồn rười rượi rồi nhỏ giọng tâm sự:

Trong thành phần Chính phủ, tôi cũng có quen vài người. Hôm nọ ngồi tiếp chuyện một vị, ổng bất chợt hỏi:

          – Nghe nói chú có nhiều bài viết hay lắm, tìm thế nào để đọc được?

          Tôi thật thà:

          – Ôi, anh nhiều việc thế chắc nói dài dòng không nhớ nổi đâu. Tốt nhất cứ vào gút- gồ gõ chữ  Trương Duy Nhất là ra hết !

          Vậy mà ổng trợn tròn mắt:

          – Gút- gồ là cái chi rứa ?

Rứa là “bótay.com.” Rứa là nhân dân Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục bắt cá trước nhà, và nhân viên bảo vệ sẽ vẫn tiếp tục phải cõng lãnh đạo vào phòng họp (cho khỏi ướt giầy) sau những cơn mưa.  Mưa ơi, sao thảm vậy?

NGHỆ AN: Hàng ngàn người tham gia tuần hành Vì Môi Trường, và yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch trong thảm họa môi trường

NGHỆ AN: Hàng ngàn người tham gia tuần hành Vì Môi Trường, và yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch trong thảm họa môi trường

 |

13321969_283104845364369_5583547630583116765_n#GNsP (05.06.2016) Trong khi truyền thông tập trung vào các cuộc xuống đường ở Hà Nội và Sài Gòn, thì hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở Nghệ An. Khoảng hơn 1.2 ngàn giáo dân đã diễu hành ôn hòa phản đối thảm họa môi trường và đòi công lý cho Đức Cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong ngày 05.06.2016 – Ngày Môi Trường Thế Giới.

Sau thánh lễ sáng Chúa Nhật, tất cả mọi người đã cùng nhau tuần hành quanh các con đường xung quanh giáo xứ Phú Yên với rất nhiều băng rôn biểu ngữ ấn tượng. “Bảo vệ môi trường là mệnh lệnh của lương tâm”, “Đừng giết con cháu bằng chất độc Formosa”, “bảo vệ môi trường là bảo vệ lương tâm người Kitô hữu”, hay “chúng con đồng hành với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp”, hoặc như “bảo vệ môi trường, giống nòi và đất nước Việt Nam”…

20160605_btmt_4Điều đặc biệt của cuộc biểu tình này là sự kết hợp giữa các biểu ngữ cầm tay và các băng rôn giăng trên các ngả đường trong khắp giáo xứ.
Rất nhiều em thiếu nhi và thanh niên mặc sắc phục áo xương cá với thông điệp “chúng tôi không muốn chết như cá”.
Cuộc biểu tình diễn ra trong trật tự. Người già trẻ nhỏ đều xếp thành hai hàng vừa đi vừa hát thánh ca và hô khẩu hiệu. Đoàn người diễu hành kéo dài trên cung đường khoảng hơn 400 mét.

Khi tới khu vực tàu ghe, mọi người đã dừng lại và cầu nguyện cho người dân sớm thoát khỏi cảnh lầm than do thảm họa môi sinh và nạn “thủy triều đỏ” – cộng sản.
Trong thánh lễ sáng nay và tối hôm qua, linh mục Antôn Đặng Hữu Nam đã có bài giảng sâu sắc trong đó ngài chia sẻ về những vấn nạn mà dân tộc Việt Nam đang trải qua. Cha Nam đã mời gọi mọi người “Mở rộng tấm lòng trước nỗi đau của nhân loại để gió cuốn đi xoa dịu nỗi đau của anh chị em đồng loại. Là Kitô hữu, chúng ta phải dùng chính đời sống bác ái yêu thương để diễn tả tình yêu, để dám sống và dám chết cho công lý và sự thật.”
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cho rằng cuộc tuần hành diễn ra thành công bởi vì đó chính là tâm tư của người dân nơi đây và sự hiệp nhất với nhau theo tinh thần Thư Chung của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp.
20160605_btmt_6
20160605_btmt_1
13336036_282119635469566_5609268494917304563_n
Pv. GNsP

Liệu Việt Nam có quyết định rời khỏi Trung Quốc?

Liệu Việt Nam có quyết định rời khỏi Trung Quốc?

Bùi Quang Vơm

4-6-2016

Quan hệ Mỹ – Việt – Trung. Ảnh: Internet.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, vị Tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, đã kết thúc chuyến thăm được đánh giá làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù, trước hết đem lại nhiều chờ đợi trong dân chúng về một triển vọng sáng sủa hướng về phía tiến bộ. Chính sách ngoại giao của Việt Nam hứa hẹn sẽ có ít nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đơn giản. Quan hệ Việt – Mỹ dù các cố gắng tăng cường, không thể tách hẳn đường lối các chính sách ngoại giao của Việt Nam khỏi những nguyên tắc truyền thống. Từ sau năm 1991, khi khối XHCN thế giới tan vỡ, Việt Nam theo đuổi con đường cải cách, trong đó có chính sách ngoại giao độc lập trong đa dạng và đa hướng, với quan điểm xây dựng một môi trường hợp tác và hòa bình với bên ngoài, tạo điều kiện theo đuổi các lợi ích quốc gia như phát triển kinh tế, chủ quyền quốc gia, duy trì chế độ độc đảng cầm quyền, phát triển kinh tế và xã hội. Nhưng những nguyên tắc này thường được rút gọn lại bằng bốn chữ, “chế độ và tăng trưởng”. Đó là những thứ mà lãnh đạo Việt Nam gọi là “nhị bất biến, ứng với vạn biến”. Trước hết là chế độ, chống mọi thế lực thù địch và âm mưu diễn biến. Tiếp đến là tăng trưởng kinh tế nhằm tìm kiếm chính danh và sức mạmh đảm bảo ổn định cho chế độ.

Ưu tiên chế độ trở thành ưu tiên ý thức hệ dẫn đến ưu tiên quan hệ Trung Việt. Sau ba mươi năm, quan hệ Trung Việt phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bề ngoài, có vẻ như chế độ có một chân đế vững chắc. Không có gián điệp Trung Quốc gây bạo loạn, không có Trung Quốc làm diễn biến hoà bình. Không có Mặt Trận kháng chiến phục Việt do Trung Quốc giật dây, nuôi dưỡng. Không có “dân chủ và nhân quyền tư bản”.

Nhưng, sau ba mươi năm, biên giới hầu như thông thương, mọi thứ, cả con người lẫn phương tiện qua lại như anh em trong nhà, không thể phân biệt ngay, gian. Rừng biên giới có người Trung Quốc rào chắn, làm đường, đào hầm, lập làng, cưới vợ, gả chồng sinh con, đẻ cái. Công ty Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi, thuê dài hạn và chiếm những vị trí xung yếu, trên suốt chiều dài đất nước, đặc biệt vùng đất hẹp miền Trung. Nền công nghiệp què quặt của Việt Nam, phần lớn sản xuất bằng công nghệ lỗi thời của Trung Quốc, sử dụng nguyên liệu nhập từ trung Quốc, sẵn sàng tê liệt khi mất nguồn cung từ Trung Quốc. Người ta không thể quên, những lãnh tụ Trung Quốc từng tổng kết rằng, có ba con đường để Trung Quốc mở rộng lãnh thổ, một là đồng hoá các dân tộc trong cùng biên giới, hai là dồn dân tới các vùng giáp ranh để lấn đất, ba là gây chiến tranh.Với Bôxít trên nóc cao Nguyên, khu công nghiệp Vũng Áng trấn tại đèo ngang Hà Tĩnh, một khi chiếm trọn Trường Sa, thì cả biển lẫn đất có nguy cơ không có cách gì giữ được?

Chủ trương chế độ trên hết đã bộc lộ là một chủ trương sai lầm. Càng gần Trung Quốc, càng phát triển rộng và sâu với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam càng mất dần khả năng kiểm soát đất nước, chủ quyền biển đảo càng có nguy cơ không giữ được. Đây mới chính là thực chất của mối đe dọa chế độ.

Việt Nam tìm kiếm trước hết sự hỗ trợ từ ASEAN, hy vọng tạo ra được một tiếng nói chung khả dĩ đa phương hoá nguy cơ chèn ép nước lớn của Trung quốc. Nhưng cộng đồng chung này chưa có gì chung ngoài ý chí, thực chất đã bị phân hoá trước thủ đọan chia rẽ bằng lợi ích kinh tế ích kỷ của từng quốc gia thành viên, trong khi cộng đồng tồn tại với một cơ chế đồng thuận lỏng lẻo.

Nhật Bản là một lựa chọn. Việt Nam biết Nhật Bản, với những ràng buộc chưa thể gỡ bởi luật pháp quốc tế đối với một quốc gia nguyên tội phạm chiến tranh, không cho phép Nhật triển khai một cách tự do tiềm lực quân sự và hỗ trợ quân sự các quốc gia khác. Chưa nói, bản thân tiềm lực quân sự của Nhật bản dẫu mạnh, vẫn chưa thể đối đầu với Trung Quốc. Nhưng Nhật Bản có một điểm đặc biệt. Nhật không có đối kháng về thể chế chính trị với chế độ cộng sản độc đảng. Nhật Bản không có yêu cầu nhân quyền kèm theo các hợp tác kinh tế. Vì vậy, Việt Nam gắn kết toàn tâm bằng sự tin cậy hoàn toàn với Nhật Bản. Nhật Bản là một quốc gia dân chủ và là đồng minh đặc biệt của Mỹ. Quan hệ gắn bó và sâu sắc, tin cậy hoàn toàn với Nhật bản, Việt Nam có cơ hội quen dần và thích nghi với chuỗi giá trị khác với hệ thống giá trị truyền thống của chế độ XHCN. Qua Nhật Bản, vốn từng là cựu thù chiến tranh, vì thế, cách nhìn nhận một cựu thù như Mỹ đối với lãnh đạo cộng sản Việt Nam, có phần bớt gay gắt.

Trước một thách thức lớn đến từ sự trỗi dậy, tiềm tàng một tham vọng bành trướng mang tên “giấc mộng Trung Hoa”, biển Đông có nguy cơ biến thành ao riêng của Trung Quốc. Khu vực biển có lưu lượng hàng hoá luân chuyển gần 50% tổng lượng hàng hoá lưu chuyển toàn cầu và trên 5000 tỷ đôla giá trị sản lượng hàng năm, tự do hàng hải, tự do hàng không phía trên vùng biển và an ninh trật tự khu vực có lợi ích gắn với lợi ích của Mỹ.

Sau tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia với tự do hàng hải và luật pháp quốc tế tại biển Đông của bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton năm 2010 tại ASEAN, Tổng thống OBAMA tuyên bố chuyển trục chiến lược sang Đông Á.

Việt Nam vốn biết, đàm phán song phương với Trung Quốc chỉ đem lại thất bại. Đàm phán là thủ đọan hoãn binh và trói tay đối phương trên bàn, bằng mồi nhử kinh tế, để Trung Quốc lấn lướt, một mình tự tung, tự tác trên thực địa, tạo ra việc đã rồi, từng bước, từng lát cắt cho đến khi độc chiếm. Việt Nam tìm cách đa phương hoá tranh chấp. Việt Nam tìm kiếm chỗ dựa, tìm hỗ trợ cho cuộc chiến quá chênh lệch với Trung Quốc.

Và Việt Nam đã thấy ở chiến lược chuyển trục Đông Á của Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải và trật tự an ninh khu vực theo luật pháp quốc tế, có lợi ích ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc đồng nhất với lợi ích bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt nam.

Tháng 7/2013, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác toàn diện”, thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực, tạo sự tin cậy gắn kết từng bước tới thực chất.

Cũng bắt đầu từ sau chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang, Trung Quốc tăng cường trả đũa Việt nam bằng áp lực Hoàng, Trường Sa. Hai nước Việt Mỹ càng tiến lại gần nhau, quan hệ hợp tác giữa hai nước càng phát triển thì thái độ lấn chiếm biển đông càng kiên quyết, tốc độ xây dựng và quân sự hoá theo hướng tăng cường khả năng tấn công càng bộc lộ rõ. Dường như thông điệp mà Trung Quốc muốn chuyển tới lãnh đạo Hà Nội là việt Nam không còn lối thoát bất chấp mọi cố gắng tìm kiếm đồng minh.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định “nếu tình hình Trung Quốc quân sự hóa biển Đông không được can thiệp, biển Đông sẽ biến thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030.” Điều này có nghĩa là không có can thiệp Mỹ, sau 2030, Việt Nam sẽ không còn biển? Nếu đường lưỡi bò trở thành hiện thực, ra cách bở khảng 44km, Việt Nam đã lọt vào biển Trung Quốc.(12 hải lý lãnh hải + 12 hải lý giáp ranh lãnh hải), nếu không có phép, tàu thuyền Việt Nam sẵn sàng bị bắn hạ.

Báo Guardian (Anh) tuần trước dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Michael Hayden cảnh báo nếu Mỹ không xử lý tốt đà trỗi dậy của Trung Quốc trong 10 năm tới thì hậu quả sẽ là thảm họa với Mỹ và với cả thế giới. Theo ông Michael Hayden, “Mỹ cần soạn ra một kế hoạch chặt chẽ và lâu dài cho khu vực Thái Bình Dương trong thập niên tới và cả sau này”.

Mỹ đã có một chiến lược, đương nhiên. Nhưng điều đáng quan tâm là Việt Nam ở đâu trong kế hoạch này? Việt Nam rõ ràng không có nhiều lựa chọn.

Quan hệ Việt – Mỹ phát triển không ảnh hưởng tới các mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thay vì phải chọn một bên nào, Việt Nam đang cố gắng hết sức để tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, và coi quan hệ với hai nước này là quan hệ các bên đều có lợi.

Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam coi trọng Mỹ như nguồn chính về thị trường, đầu tư, công nghệ và phát minh sáng chế. Các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đều đã củng cố quan hệ với Mỹ vì lý do tương tự. Tăng cường quan hệ Việt – Mỹ cũng đem lại cho Việt Nam các nguồn lực ngoại giao và chiến lược mạnh hơn. Mỹ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc định hình các cấu trúc an ninh khu vực tại Châu Á – Thái Bình Dương và hỗ trợ các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, xây dựng năng lực hàng hải để cải thiện khả năng cảnh báo trong lĩnh vực hàng hải và các năng lực an ninh biển.

Tháng 9/2011, Việt Nam và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong 5 lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, và hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và viện nghiên cứu. Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Obama đã thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, Việt Nam luôn nhấn mạnh không đồng nghĩa với kiềm chế và chống lại Trung Quốc. Việc dỡ bỏ lệnh cấm trên chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự và đạn dược.

Hình ảnh độc lập của chính sách đối ngoại của Việt Nam chủ yếu dựa vào chính sách quốc phòng, theo đó Việt Nam theo đuổi nghiêm ngặt “nguyên tắc ba không” – Việt Nam sẽ không tham gia một hiệp định quân sự và trở thành một đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho phép bất kỳ nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, và không dựa vào bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác.

Gần đây, Việt Nam đang chịu sức ép trong nước phải xem lại nguyên tắc này, tuy nhiên, việc kiên trì theo đuổi nguyên tắc này vẫn là cố gắng trong chính sách của chính phủ Việt Nam, mặc dù giới lãnh đạo Việt Nam thừa biết, không có sự can thiệp của Mỹ, Việt nam dẫu có quyền mua vũ khí ở bất kỳ đâu, hy sinh thu nhập cho trang bị quốc phòng đến mức nào, cũng không cản được bước tiến của Trung Quốc tới chiếm đọat hoàn toàn.

Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nỗ lực của Hiệp hội trong việc thu hút tất cả các nước lớn thông qua các cơ chế hợp tác do ASEAN đứng đầu, với chủ trương ASEAN không phải là một hiệp định quân sự hay nằm dưới sự ảnh hưởng của một nước lớn nào, mà là một tổ chức thúc đẩy ngoại giao để giải quyết những bất đồng.

Việc nghiêng về một bên nào đó là không hợp lý và không khả thi, vì cả Mỹ và Trung Quốc, bất chấp những bất đồng của họ, đều đang phối hợp dựa trên một quan hệ kiểu mới coi trọng việc tránh đối đầu quân sự, đồng thời thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực.

Là một nước nhỏ theo dõi sát diễn biến trong quan hệ Mỹ – Trung, Việt Nam không thể không lo ngại các kịch bản Bắc Kinh và Washington trực tiếp đối đầu hoặc thỏa hiệp với nhau.

Lo ngại của Việt Nam không phải là không có cơ sở, vì lịch sử đã cho thấy Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong quan hệ Mỹ – Trung trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vả lại Trung Quốc sẵn sàng làm mọi việc để đạt được thoả hiệp với Mỹ, nhằm chủ yếu dạy bài học cho các quốc gia nhỏ yếu khác. Một chính sách như vậy sẽ đẩy Mỹ đối diện với thử thách không dễ vượt qua, khi Quốc hội Mỹ chỉ lựa chọn lợi ích của người dân Mỹ.

Vì vậy, lựa chọn chính sách là bạn với cả Mỹ và Trung Quốc, chủ động trong ASEAN, và tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu của luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực khu vực đã được thiết lập về cách hành xử và bộ quy tắc ứng xử, có thể là lựa chọn chiếm ưu thế trong các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sự cải thiện trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ củng cố xu hướng này.

Nhưng liệu chủ trương này của Việt Nam có khả thi không? Với Mỹ, dù không gắn kết bằng một hiệp định đồng minh, Việt Nam vẫn có thể phát triển quan hệ đối tác toàn diện với đầy đủ sự tin cậy và tôn trọng bình đẳng, căn cứ trên luật pháp quốc tế và văn minh nhân quyền. Với Trung Quốc, ngược lại, quan hệ thân thiện hoặc đối tác toàn diện chỉ đem lại thiệt hại. Ngay cả khi là đồng minh, Trung Quốc luôn lợi dụng các hiệp định hợp tác để tạo ra sự trói buộc và lệ thuộc tới mức Việt nam mất khả năng kiểm soát. Trong trường hợp không còn là đồng minh, hoặc có biểu hiện ngả sang phía đối thủ, Trung Quốc sẽ gây áp lực và đe dọa an ninh chế độ, nuôi lửa xung đột buộc Việt nam phải chạy đua quốc phòng, dẫn tới tình trạng chảy máu, kiệt sức.

Làm thế nào để chặn được tất cả các vòi bạch tuộc đang len lách ở khắp mọi nơi. Cách ly hoàn toàn thì có nguy cơ xung đột, gây đổ vỡ lập tức, không thể kịp ứng phó. Nhưng nếu không cách ly, để ngỏ cửa, thì nguy cơ có thể đến chậm, nhưng cũng không có cách nào ngăn chặn được.

Có thể phải lựa chọn cặp đôi với Mỹ, cho dù không tránh khỏi những điều không thể tránh khỏi, nhưng nguy cơ mất nước thì không.