Ông Nguyễn Quang A đứng đầu cuộc bầu chọn Giải Nhân Quyền Hòa Lan

Ông Nguyễn Quang A đứng đầu cuộc bầu chọn Giải Nhân Quyền Hòa Lan

Nguoi-viet.com

Ông Nguyễn Quang A được 13,805 phiếu bầu chọn. (Hình: Getty Images)

Ông Nguyễn Quang A được 13,805 phiếu bầu chọn. (Hình: Getty Images)

HÀ NỘI (NV) – Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, một nhân vật đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam được bầu chọn với số phiếu bầu cao nhất cho Giải Nhân Quyền của chính phủ Hòa Lan.

Cuộc bầu chọn một nhân vật hoặc một tổ chức đấu tranh bảo vệ nhân quyền trên thế giới hàng năm được chính phủ Hòa Lan trao giải thưởng vừa chấm dứt ngày 8 tháng 9, 2016.

Kết quả sơ khởi của tổng số 45,467 phiếu bầu gồm: ông Nguyễn Quang A được 13,805 phiếu, bà Nighat Dad được 12,401 phiếu, trung tâm El Nadim Centre được 7,940 phiếu, trung tâm Centro de Derechos Humanos de las Mujeres được 2,994 phiếu, bà Nahid Gabralla được 2,927 phiếu và Pierre Claver Mbonimpa được 2,651 phiếu.

Hồi tháng trước, Bộ Ngoại Giao Hòa Lan cho hay họ đã chọn lọc ra 6 tổ chức và 4 cá nhân hoạt động nhân quyền trên thế giới trong số 91 tổ chức và cá nhân được đề cử Giải Nhân Quyền hàng năm do chính phủ nước này thành lập. Mục đích của giải thưởng là yểm trợ các cá nhân và tổ chức can đảm đầu tranh bảo vệ nhân quyền cho dù bị nhà cầm quyền khủng bố, sách nhiễu.

Mười cá nhân và tổ chức được đưa vào chung kết để Bộ Ngoại Giao Hòa Lan quyết định lựa chọn là: Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Mwatana (Yemen), ông Pierre Claver Mbonimpa (Burundi), bà Nighat Dad (Pakistan), Trung Tâm El Nadim (Egypt), Trung Tâm Centro de Derechos Humanos de las Mujeres (Mexico), Tổ Chức Cộng Ðồng Người Bản Xứ Santa Clara de Uchunya (Peru), Trung Tâm Prodh (Mexico), ông Nguyễn Quang A (Việt Nam), bà Nahid Gabralla (Sudan) và Hội Người Lebanon cho Bầu Cử Dân Chủ (LADE) (Lebanon).

Chính phủ Hòa Lan giành quyền bầu chọn những người xứng đáng nhất để nhận lãnh giải thưởng cho nhân dân các nước bầu chọn qua Internet. Kết quả như trên sẽ được Bộ Ngoại Giao thẩm xét lại và tuyên bố sẽ trao giải thưởng cho cá nhân hay tổ chức nào trong số ba ứng viên nhiều phiếu bầu nhất.

Giải thưởng sẽ được trao tặng vào ngày Nhân Quyền Quốc Tế, 10 tháng 12 tới đây. Hoa Tulip là biểu tượng của Hòa Lan nên giải thưởng nhân quyền của chính phủ Hòa Lan còn được gọi là Giải Nhân Quyền Tulip.

Giải thưởng là một bức tượng bằng đồng hình hoa tulip, biểu tượng của nước Hòa Lan, và 100,000 Euros hiện kim.

Ông Nguyễn Quang A, 70 tuổi, tiến sĩ khoa học, từng là một trong những người kiên trì vận động dân chủ hóa đất nước và nhân quyền tại Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Ông là cựu chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Nam-Hungary, nguyên chủ tịch Hội Tin Học Việt Nam, nguyên tổng giám đốc công ty 3C, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, đồng sáng lập ngân hàng VP Bank.

Ông là thành viên của diễn đàn xã hội dân sự, một tổ chức trong phong trào quần chúng “trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị” của Việt Nam “từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.”

Ông là một trong số hơn chục người thuộc các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam được mời tham dự cuộc tiếp xúc với Tổng Thống Mỹ Barack Obama ngày 24 tháng 5, 2016 nhưng khi vừa ra khỏi nhà đã bị công an bắt cóc. Họ tống ông kên xe chở đi lòng vòng, ngoạn cảnh bất đắc dĩ ở một khu vực ngoại thành Hà Nội chờ cuộc tiếp xúc của Tổng Thống Obama qua đi rồi ông mới được cho về nhà.

Ông cũng đã bị công an bắt cóc ngày 2 tháng 6, 2016 khi đến điểm hẹn theo lời mời của đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam. Trước khi bị chặn không cho gặp tổng thống Mỹ, ông Nguyễn Quang A có cuộc gặp với ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, cũng đã bị chặn.

Ông Nguyễn Quang A từng ra ứng cử đại biểu Quốc Hội đơn vị Hà Nội hồi tháng 4 vừa qua. Cũng như mấy chục ứng cử viên độc lập khác và không phải là đảng viên cao cấp được chế độ cài cắm vào làm đại biểu, ông bị ủy ban bầu cử gạt ra ngoài. (TN)

Cựu ĐBQH khai ‘bỏ 1,5 triệu USD chạy vào QH’

 Cựu ĐBQH khai ‘bỏ 1,5 triệu USD chạy vào QH’

BBC

HOANG DINH NAM AFP

Bà Châu Thị Thu Nga đã bị Quốc hội Việt Nam khóa 13 bãi nhiệm

Bà Châu Thị Thu Nga, đã mất tư cách đại biểu quốc hội Việt Nam, khai với công an rằng từng chi 30 tỉ (1,5 triệu đôla) để lo các thủ tục ứng cử ĐBQH khóa 13.

Thông tin được công bố hôm 7/9 sau khi Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ bà Thu Nga và đồng phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phía công an tiết lộ bà Nga khai đã chi 30 tỉ cho một doanh nghiệp vàng bạc ở Hà Nội để lo thủ tục ứng cử đại biểu quốc hội khóa 13.

Doanh nghiệp này, không được công bố tên, đã phủ nhận cáo buộc, theo truyền thông Việt Nam.

Ngày 8/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói ông chưa biết thông tin này.

Nhưng ông Phúc khẳng định: “Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội.”

Tháng Giêng 2015, bà Thu Nga bị khởi tố và bị bắt vì cáo buộc có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án xây dựng nhà ở tại khu B5 Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tháng Sáu năm đó, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu bãi nhiệm bà.

Bà Thu Nga cùng sáu người khác bị đề nghị truy tố hồi tháng Tư 2016.

Cùng khóa 13 có một đại biểu Quốc hội khác bị bãi nhiệm là doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến vào năm 2012.

Ở Quốc hội khóa 14 vừa được bầu năm nay, đã có hai đại biểu bị bãi nhiệm là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Vì sao du học sinh Việt nam “một đi không trở về”?

Vì sao du học sinh Việt nam “một đi không trở về”?

 Trong số 13 nhà vô địch chương trình đường lên đỉnh Olympia được đi du học thì 12 người đã không trở về, hầu hết các sinh viên du học sau khi tốt nghiệp đều muốn ở lại nước ngoài làm việc.

Phan Mạnh Tân – quán quân năm thứ 2 chương trình đường lên đỉnh Olympia (học sinh từ trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh), đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ và đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia.

Huỳnh Anh Vũ – quán quân năm thứ 8 chương trình đường lên đỉnh Olympia, có điểm số rất cao trong trận chung kết (325 điểm), là một trong hai người hiếm hoi được giữ lại làm giảng viên ngành kinh tế trường ĐH Swinburne, Australia.

Con số thống kê cho thấy, có 70% số du học sinh sau khi tốt nghiệp đã chọn ở nước ngoài chứ không về nước.

Vì sao du học sinh không muốn về nước?

Các sinh viên khi du học ở các nước tự do, việc đầu tiên là cần thích nghi với môi trường cởi mở nơi đây. Nhưng sau khi thích nghi cuộc sống nơi đầy rồi họ lại không còn muốn về nước nữa, bởi họ không muốn về nước lại phải đối mặt với những thủ tục chạy chọt xin việc, ngay cả du học về nhiều khi vẫn phải có tiền mới mong xin được việc.

Môi trường ở nước ngoài khác biệt hoàn toàn ở trong nước, các du học sinh ra nước ngoài đã quen với cung cách “dám nghĩ dám làm”, nói những điều thực với lòng mình, còn ở trong nước, nói ra điều gì cũng phải dè chừng xem ý lãnh đạo thế nào mới dám nói, không thể sống thực với chính mình.

Nếu về nước làm việc nhiều khi không phát huy được sở trường sở học của mình, trang thiết bị trong nước yếu kém và thiếu thốn, dữ liệu phục vụ nghiên cứu không có. Chưa kể cần phải có những mối quan hệ thì mới tồn tại và phát triển được.

Thực tế cho thấy có những trường hợp sau khi du học về nước lại phải làm những việc trái với sở trường, lại phải lo lắng xây dựng các mối quan hệ với lãnh đạo cho tốt, khiến tài năng cũng như ước mơ hoài bão bị thui chột theo thời gian.

Chưa kể nếu về nước, thu nhập thấp không tương xứng với cống hiến, lại phải đối mặt với tệ nạn con ông cháu cha đầy rẫy trong các cơ quan, DN nhà nước.

Các du học sinh nói gì?

Một sinh viên kiến trúc học tại Pháp, 28 tuổi, sắp lấy bằng tiến sỹ cho trang Ngoisao biết: “Em không biết khi về có một môi trường tốt để làm việc không? Ở đây, em đang có cơ hội việc làm. Một năm làm việc ở đây có thể bằng nhiều năm làm việc tại VN. Vấn đề không chỉ là thu nhập cao, mà là sự rút ngắn thời gian trưởng thành và cơ hội sáng tạo”.

du-hoc-sinh

A.Đ – một trong những sinh viên hiếm hoi có được tấm bằng tiến sĩ khi mới ngoài 20 tuổi chia sẻ với Ngoisao rằng: “Những gì chúng em được học và muốn làm thì rất khó thực hiện ở Việt Nam. Sự thiếu thốn các điều kiện thực hiện, và hàng loạt những vấn đề tế nhị khác về vấn đề thủ tục hành chính, về kinh phí, về con người và đặc biệt là sự nhìn nhận thiếu công bằng đối với những trí thức trẻ đã khiến những sinh viên giỏi không muốn trở lại môi trường làm việc ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp”.

Thanh Tuấn – là một du học sinh tại Mỹ cho RFA biết: “Vấn đề xin việc làm hay vào công ty của Việt Nam thì phải là con ông cháu cha, phải đút lót. Bên này, vấn đề đó dựa vào thực lực của mình nhiều hơn. Và bên này, tốt nghiệp ra đi làm với đồng lương căn bản mới bắt đầu thì mọi người vẫn sống đủ chứ không phải quá chật vật như bên Việt Nam. Còn với một số bạn nhà có cơ sở ở Việt Nam muốn quay về làm cho nhà thì cũng tốt, nhưng đa số mọi người muốn ở lại chứ không muốn đi về tại vì cuộc sống bên này tốt và thoải mái hơn. Hơn nữa là tự do hơn và được thể hiện hơn”.

Một du học sinh nữa ở Mỹ cũng cho biết: “Lý do khiến đa số muốn ở lại Mỹ là về Việt Nam chính quyền không biết trọng dụng nhân tài. Giống như anh có tiền nhiều anh sẽ được chức cao hoặc công việc tốt; còn nếu anh không có tiền cho dù có tài cũng không có được”.

Anh Trung Kiên – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học của Canada đã chia sẻ ý kiến của mình trên Vnexpress rằng: “Trước khi sang đây, tôi cũng đã làm công tác giảng dạy khá lâu tại một trường đại học của Việt Nam. Ở cơ quan tôi cũng có nhiều cán bộ được đi đào tạo tại các nước trên thế giới, kể cả châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Khi mới về nước mọi người đều rất hăm hở với các vấn đề khoa học mà họ đã được đào tạo, nhưng dần dần tôi nhận thấy mọi người đều phải chuyển sang làm thêm những việc khác mặc dù không thích vì lý do thu nhập đơn thuần. Một số bạn bè cùng công tác với tôi đã được đào tạo tiến sĩ hoặc thạc sĩ ở nước ngoài nhưng khi về nước xin đi làm cho một số tổ chức phi chính phủ và chịu nộp một phần thu nhập hằng tháng cho cơ quan. Do vậy việc giảng dạy vẫn chủ yếu tập trung vào một số cán bộ cũ hoặc những người mới ra trường không có điều kiện đi làm thuê bên ngoài. Thực chất vấn đề là ở chỗ việc trả lương và sắp xếp công việc cho các cán bộ khoa học chưa hợp lý. Lương thấp buộc mọi người phải tìm các công việc có thu nhập cao hơn. Chính vì vậy việc giảng dạy và nghiên cứu lúc này trở nên là việc phụ đối với họ.

Còn việc trang thiết bị của một trường đại học đối với chúng ta hiện nay thực sự là vấn đề bức xúc, mặc dù trong các năm gần đây đã được sự đầu tư nhiều hơn từ nhà nước, trang thiết bị của chúng ta còn quá ít ỏi và quá lạc hậu so với nhiều nước trong vùng, chứ chưa nói tới các nước đã phát triển”

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng từ Canada cũng chia sẻ với Vnexpress rằng:“Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào ở Việt Nam bởi lẽ điều kiện ở đây còn quá thấp. Các trường đại học chưa có hoặc chỉ mới sơ sài những ngành nghề mà chúng tôi được học ở nước ngoài. Thêm vào đó là trường đại học lại không tiếp nhận và tin tưởng những cái mới của chúng tôi. Nói cách khác nếu trở về Việt Nam, thật sự chúng tôi không có điều kiện để phát triển khả năng. Với tình hình như vậy xin hỏi có người trí thức nào muốn trở lại Việt Nam làm việc không?”

Anh Nguyễn Hải Nam – hiện đang công tác ở Mỹ chia sẻ: “Nhiều đề tài cấp nhà nước tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng về giá trị khoa học cũng như thực tiễn nó chỉ giúp đánh bóng hoặc làm dày thêm ngăn kéo vốn đã đầy của Bộ KHCN&MT. Mặt khác sự quản lý lỏng lẻo trong việc quyết toán đề tài đã biến nguồn kinh phí này trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự tham nhũng (ví dụ: như sự mua bán hoá đơn chứng từ, những hợp đồng khoa học khống…). Trong khi đó ở đại đa số các trường đại học, nhiều cán bộ khoa học rất cần nguồn kinh phí của nhà nước, dù là rất nhỏ để hoạt động và tồn tại. Điều này dẫn đến thực trạng là đa số máy móc trong phòng thí nghiệm ở Việt Nam hiện nay hết sức cũ kỹ và lạc hậu, nhiều cán bộ có điều kiện ra nước ngoài thực tập không biết cầm pipet thí nghiệm như thế nào”.

Vậy để thu hút du học sinh trở về nước làm việc, thì cần phải có môi trường tốt để thu hút du học sinh và những người tài trở về, nếu không những tài năng của đất nước sẽ “một đi không trở lại”.

Chương trình đường lên đỉnh Olympia, mỗi năm tổ chức một lần, được xem là sân chơi đỉnh cao trí tuệ trẻ ở Việt Nam, được ĐH Kỹ thuật Swinburne Úc trao tặng 100% học bổng. Vì thế đừng để những chương trình như vậy chỉ để sàng lọc học sinh giỏi và nhân công cho nước ngoài, khi mà chỉ 1 trong số 13 quán quân của chương trình này trở về nước.

Ngọn Hải Đăng

Anh chị Thụ & Mai gởi

Công an cưỡng chế đất của nông dân làng Dương Nội

Công an cưỡng chế đất của nông dân làng Dương Nội

RFA
2016-09-06

  •  duong-noi-1-620.jpg

Dân Dương Nội lập bàn thờ và dàn hỏa tự thiêu để chống công an cưỡng chế đất, ảnh minh họa chụp trước đây.

File photo

02:19/06:50

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Sáng nay (6/9) lực lượng công an đã đến làng Dương Nội, ngoại thành thủ đô Hà Nội để cưỡng chế đất đai của nông dân tại đây.

Một dân làng là anh Trịnh Bá Phương cho chúng tôi biết:

“Sáng nay vào khoảng sáu giờ sáng, một lực lượng công an rất đông khoảng 300 người đến đây, có cả xe chở tù nữa. Lực lượng cưỡng chế gồm bên Ủy ban, bên công an. Họ đã huy động để cưỡng chế một số gia đình, trong đó có hai gia đình thường đi khiếu kiện ở Hà Nội. Hai gia đình đó cùng các gia đình khác bị ủi phá lúa và hoa màu. Phá đến đâu họ cho công nhân quay tôn đến đó. Bà con lên đây có rất ít, một số người đã bị công an ngăn chận ở vòng ngoài khu vực cưỡng chế không vào được bên trong. Thái độ của công an rất là hung hãn nên bà con đã quyết định rút lui.

Anh Trịnh Bá Phương cũng nói thêm là đã không xảy ra xung đột, không có người dân nào bị bắt sáng nay, và hiện nhóm của anh gồm hơn 300 hộ gia đình nhất quyết không nhận tiền đề bù để đi nơi khác.

Xin nhắc lại là vào năm 2011, một công ty tên là công ty Nam Cường được giao đất ở làng Dương Nội, và số đất đai này được nói là dùng vào việc phát triển giao thông, nhưng dân chúng làng Dương Nội cho rằng công ty này lấy đất để phát triển đô thị, phân lô bán nền đất, và hơn nữa số tiền đền bù để cho họ đi nới khác cũng ít ỏi không đủ để tạo dựng cuộc sống mới.

Nhiều người dân Dương Nội phản đối biện pháp thu hồi đất không theo đúng qui định luật pháp và khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Thanh tra chính phủ có kết luận một số sai trái trong việc thu hồi đất; nhưng yêu cầu của dân Dương  Nội vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Một số người dân Dương Nội bị tù vì phản đối cưỡng chế đất của họ; trong số này có bà Cấn Thị Thêu. Sau khi bị tù lần thứ nhất, hiện bà đang bị giam với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.

Phúc Nổ – S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Phúc Nổ

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Ảnh của tuongnangtien

Tuongnangtien

RFA

Xế chiều, tôi mới để ý tới ca dao:

Buồn vì một nỗi tháng Giêng
Con chim cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn vì một nỗi tháng Hai
Đêm ngắn ngày dài thua thiệt người ta
Buồn vì một nỗi tháng Ba
Mưa dầu nắng lửa người ta lừ đừ
Buồn vì một nỗi tháng Tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn vì một nỗi tháng Năm
Chưa đặt mình nằm gà đã gáy kêu
Bước sang tháng Sáu lại đều

Vậy mà qua tới tháng Chín rồi  nhưng sao tôi vẫn chưa cảm thấy “lại đều” gì ráo, vẫn cảm thấy nặng lòng vì những nỗi buồn ngun ngún từ vài tháng trước. Hồi tháng Tư (cái tháng “lừ đừ cơm chả muốn ăn”) nghe ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, tại Hội Nghị Doanh Nghiệp Việt Nam, khiến tôi thiếu điều còn muốn bỏ uống luôn nữa kìa:

“Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập để không những phát triển kinh tế trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài, mang thương hiệu mà ta hay gọi là ‘Ma dzê in Việt Nam’. Đất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được? ”

Tôi hoàn toàn không phiền hà gì cái thứ tiếng Anh ba rọi, và ba trợn của ông Phúc, vì đó chỉ là tiểu tiết. Một vị thủ tướng không nhất thiết phải thông thạo ngoại ngữ (bất kể là thứ tiếng nào) nhưng ít nhất thì cũng phải biết về tình trạng kinh tế của nước mình chớ bộ. Ông cho biết: “Dù bận cỡ nào, hằng ngày… tôi cũng đọc tin tức trên các báo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp …” mà chả lẽ không rõ những mẩu tin sau:

– 58,2% doanh nghiệp FDI phải chi phí “bôi trơn” để được việc

– Làm được 10 đồng, thuế ‘ăn’ 4 đồng

– Gần 29.000 doanh nghiệp “chết lâm sàng” trong 5 tháng

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 5 tháng đầu năm nay là 4.643 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh chú thíchvneconomy

Là người đứng đầu chính phủ hiện hành mà ông Phúc không thấy rằng ngành doanh nghiệp Việt Nam đang sống dở (và chết dở) sao? “Chúng ta chưa tự làm được cái đinh vít,” đã đành; “tăm tre, đũa tre cũng phải nhập khẩu cả chục ngàn tấn mỗi năm.”  Vậy lấy cái gì ra “để xuất khẩu lớn,” ngoài thân xác của người dân Việt!

Đếm tháng Bẩy, vào ngày 18, báo Dân Trí đưa tin:

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể chăm lo cho những Việt kiều nghèo từ Campuchia về nước, sống ở đầu sông Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh…”

Mẹ ơi! Việt kiều về từ Campuchia đâu phải chỉ có một nhóm nhỏ ở đầu sông Sài Gòn – cha nội! Họ đang sống vất vưởng tại rất nhiều nơi khác nữa: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, và Kiên Giang.

Những đứa trẻ ở xóm “liều” biên giới không được đi học như những người bạn cùng trang lứa khác vì không có giấy khai sinh, hộ khẩu, quốc tịch và không thuộc quốc gia nào.  Ảnh: Thuận Thắng. Chú thích: Tuổi Trẻ Online

Tình trạng Biển Hồ cạn nước, và tình hữu nghị Việt/Miên cũng đang đang từng bước cạn theo thì số lượng người Việt buộc phải hồi hương sẽ mỗi lúc một tăng. Theo luật lệ hiện hành của Việt Nam thì những người Việt “không có một manh giấy lận lưng này” sẽ phải chờ hai mươi năm sau mới được nhập tịch, nếu họ được cấp chứng minh thư và hộ khẩu.

Và không có quốc tịch thì họ sẽ không có việc làm, không được hưởng bất cứ phúc lợi xã hội nào, con cái cũng không được đến trường. Nếp sống khốn cùng và bấp bênh này sẽ kéo dài qua đến thế hệ kế sau, nếu không có sự tu chính về luật lệ di trú đối với những người dân bất hạnh này.

Đây là một vấn đề lớn, ở tầm mức quốc gia. Trong cương vị Thủ Tướng, ông Phúc cần phải có cái nhìn toàn diện và cách giải quyết rốt ráo. Chớ đâu phải bạ đâu nói đó (“Chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể chăm lo cho những Việt kiều nghèo từ Campuchia về nước, sống ở đầu sông Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh…) là xong!

Còn “những Việt kiều nghèo từ Campuchia về nước” ở những nơi khác thì sao? Không lẽ thây kệ họ! Đó là chưa kể đến những công dân, cũng chả có giấy khai sinh hay căn cước gì ráo trọi, đang sống trong những “xóm liều” giữa lòng Hà Nội mà ông Phúc (dám) chưa nghe ai nói đến bao giờ.

Xóm Liều giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Báo Mới

Qua tháng Tám, tại Hội Nghị Ngoại Giao Lần Thứ Hai Mươi Chín, ông T.T. lại “nổ” một phát nghe cũng phát ù tai: “Khắc phục tình trạng nói không ai nghe.”

Ông Phúc à, ráng “khắc phục” chuyện gì dễ hơn chút xíu đi. “Khắc phục tình trạng lạm thu phí visa” của Bộ Ngoại Giao thử coi có được không?

Được chết liền!

Nếu không lạm thu, và không buôn lậu thì các sứ quán Việt Nam sẽ phải đóng cửa ráo trọi vì tất cả nhân viên ngoại giao sẽ chết đói hết trơn. Họ sống sao nổi, ở nước ngoài, với cái đồng lương đốn mạt của nhà nước Việt Nam ?

Ông nói chi đến chuyện viển vông (“khắc phục tình trạng nói không ai nghe”) nghe sao mệt quá hà! Dối tránói lấy đượcnói cho qua chuyện, nói một đằng làm một nẻo đều là những nét văn hoá đặc trưng – đậm đà bản sắc dân tộc – của những quốc gia theo CNXH mà:

  • “Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy ‘nói vậy mà không phải vậy’! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế.” (Nguyễn Khải –  Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
  • “Nói dối mãi thành quen, thành tự nhiên, thành ‘mày phải’… nói dối. Không nói dối không thành gì cả, không được gì cả. Một xã hội ứng xử bằng nói dối là một xã hội đang đứng bên bờ vực thẳm hay đang rơi tự do xuống vực thẳm.” (Nguyễn Trọng Tạo – Ngày Nói Thật Cho Việt Nam).
  • “Người nói cứ nói. Thừa hiểu mình nói dối, chẳng ai tin, nhưng cứ nói. Rất thành thật thiết tha. Thuyết giảng chân lý, thuyết giảng con đường. Người nghe làm ra vẻ chăm chú, rất chăm chú, mê say. Nhận thức đường đi. Sáng lòng sáng mắt. Tuy biết tỏng rằng người nói cũng chẳng mảy may tin những điều họ nói, thì mình tin sao được. Nhưng vẫn làm ra vẻ tin, tin thật, tin lắm. Xuýt xoa, tấm tắc dù biết ngời nói nhìn thấu ruột gan mình. Vở diễn vẫn cứ kéo dài năm này sang năm khác. Vì không ai dám nói ra sự thật nên vở vẫn cứ diễn. Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng”. (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
  • Nhà nước hiện hành được thiết lập, xây dựng trên một thứ nền móng xảo trá và tồn tại tại được là nhờ vào dối gạt triền miên: “Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng …” Đòi “khắc phục tình trạng” này là đi ngược lại với chính sách cùng chủ trương của Đảng và Nhà Nước chớ đâu phải chuyện giỡn chơi, cha nội.

Nổ nhỏ và nổ bớt chút xíu đi, ông Phúc. Mỏng mỏng thôi. Nổ hoài và nổ quá Trời dễ bị ù tai lắm; đã vậy, có bữa còn bị trúng miểng (uổng mạng) như không.

Fanpage báo VN trên Facebook ‘biến mất’

Fanpage báo VN trên Facebook ‘biến mất’ 

REUTERS

Trang fanpage trên mạng Facebook của ít nhất bốn tờ báo Việt Nam đã tạm dừng hoạt động từ ngày 7/9.

Không rõ nguyên nhân vì sao Zing News, VnExpress và Dân Trí đã biến mất khỏi Facebook.

Nhưng báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có thông báo nói rằng: “Trong thời gian vừa qua, một số fanpage của các cơ quan báo chí đã bị các đối tượng xấu lợi dụng đưa các hình ảnh, thông tin không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thậm chí làm sai lệch thông tin, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”

Vì vậy, tờ báo này nói họ tạm dừng trang fanpage trên Facebook để “ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, đồng thời cũng chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng”.

Bình luận của độc giả vẫn đang được phép đưa lên, sau khi đã duyệt, trên trang mạng chính thức của bốn tờ báo.

Mới hôm 6/9, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam loan báo thu hồi thẻ nhà báo của một người thuộc Báo điện tử Infonet và ba người của báo Dân Trí.

Nguyên nhân không được công bố, tuy Bộ Thông tin – Truyền thông nói những người này trước đó đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Rộ nghi vấn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài sau khi ‘xin ra Đảng’

Rộ nghi vấn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài sau khi ‘xin ra Đảng’

VOA

Khánh An

7-9-2016

Ông Trịnh Xuân Thanh gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản trong thời gian đang bị điều tra khiến dư luận nghi ngờ cựu giới chức của tỉnh này đã ‘hạ cánh’ an toàn ở nước ngoài sau khi gây ra những thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản trong thời gian đang bị điều tra khiến dư luận nghi ngờ cựu giới chức của tỉnh này đã ‘hạ cánh’ an toàn ở nước ngoài sau khi gây ra những thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Báo Thanh Niên hôm nay cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho phóng viên của báo này vào chiều 6/9 và khẳng định đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản. Cùng lúc, trên mạng xã hội cũng đang lan truyền lá đơn xin ra khỏi đảng được ký tên Trịnh Xuân Thanh. Trong đơn nêu lý do xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”, tức ông Nguyễn Phú Trọng.

Tờ đơn cũng đề cập đến việc “chỉ đạo Bộ Công an vào điều tra là sai các quy định của Đảng, gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật” và việc “dùng báo chí nói sai sự thật, một chiều” khiến cho đương đơn “không có khuyết điểm, không vi phạm cũng thành vi phạm”.

Đương đơn cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài” và “do các cơ quan chịu áp lực chỉ đạo, tôi thấy rất khó để có được sự thật”.

Cũng theo báo Thanh Niên, ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy vào giữa tháng 7 để xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 vì lý do không còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nữa nên việc giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là “không cần thiết”.

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cho biết Ban Tổ chức tỉnh ủy Hậu Giang nói họ chưa nhận được đơn xin ra khỏi đảng, rút khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh của ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép một tháng để đi chữa bệnh nhưng ông này đã không quay trở lại cơ quan khi hết phép vào ngày 3/9.

Cùng với sự xuất hiện của lá đơn xin ra khỏi đảng, báo VnExpress dẫn nguồn tin từ các lãnh đạo địa phương cho biết đã không thể liên lạc với ông Thanh qua số điện thoại ông này thường sử dụng, khiến dư luận nghi ngờ ông này đã ‘hạ cánh an toàn’ ở nước ngoài trong thời gian đang bị điều tra.

Trước đó hôm 31/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong văn bản trả lời báo chí Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ điều tra các vi phạm dẫn đến thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ các cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại đây.

Mặc dù gây thua lỗ nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được nhận các giải thưởng, huy chương và leo lên nhiều chức vụ tới ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Dư luận Việt Nam cho rằng nếu điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tới cùng sẽ lộ diện các “nhóm lợi ích” và đường dây chạy chức, chạy quyền.

Tuy nhiên việc có truy tới cùng được vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh hay không vẫn là câu hỏi mà dư luận không đặt nhiều hy vọng vì vụ này “còn liên quan người khác”, Báo Thanh Niên hôm 6/8 trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA rằng việc đi tới cùng vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ giúp lấy lại lòng tin trong dân chúng:

“Việc đó thì toàn xã hội quan tâm, quốc hội quan tâm và cá nhân tôi là đại biểu quốc hội cũng quan tâm xem việc thực thi pháp luật như thế nào. Còn trong quá trình điều tra thì có thể có những yêu cầu khác nhau thì chưa biết được. Còn đương nhiên tôi nghĩ người dân họ rất quan tâm vì nếu làm tốt chuyện đó thì có thêm lòng tin nơi người dân, mà lúc này lòng tin là hết sức quan trọng”.

Ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu bị “săm soi” vào tháng 6 vừa qua khi bị dư luận phản ứng vì sử dụng xe mang biển số xanh [biển số xe công vụ] cho chiếc xe Lexus cá nhân. Vụ việc trên đã dẫn tới những điều tra về những sai phạm trong công tác quản lý cũng như công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ Việt Nam hôm 31/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết  Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã được giao điều tra về những bê bối trong việc đề bạt, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa đưa ra báo cáo chính thức.

Việt Nam nợ ngập đầu nhưng tiền vẫn được xả như rác

Việt Nam nợ ngập đầu nhưng tiền vẫn được xả như rác

Nguoi-viet.com

Tòa cao ốc ngốn hết hai tỷ đồng cho việc lắp camera giám sát an ninh. (Hình: Dân Trí)

Tòa cao ốc ngốn hết hai tỷ đồng cho việc lắp camera giám sát an ninh. (Hình: Dân Trí)

HÀ NỘI (NV) – Năm trước, tổng số nợ của Việt Nam là 2,607,960 tỉ đồng, năm nay dự trù sẽ tăng thêm 385,375 tỉ đồng và có thể trở thành ba triệu tỉ đồng nhưng tiền vẫn được xả như rác.

Báo chí Việt Nam vừa cho biết, chủ tịch tỉnh Long An mới yêu cầu Sở Nội Vụ của tỉnh này “tham mưu” về việc xử lý trách nhiệm của các viên chức lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Long An do vi phạm hàng loạt các qui định về lập-thẩm định-giám sát-thanh toán cho nhà thầu xây dựng building là nơi làm việc của bốn cơ quan: Trung Tâm Giám Ðịnh Y Khoa, Trung Tâm Giám Ðịnh Pháp Y, Trung Tâm Kiểm Nghiệm Dược Phẩm-Mỹ Phẩm, Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm.

Trước đó, thanh tra tỉnh Long An đã kết luận vi phạm của các viên chức lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Long An đã khiến công quỹ mất 735 triệu bởi trả lố cho công ty Ðông Nam Á – nhà thầu nhận phần việc lắp camera giám sát an ninh cho building vừa kể.

Theo thanh tra tỉnh Long An thì các viên chức lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Long An đã thuê công ty Ðông Nam Á lắp 15 camera giám sát an ninh của Nhật và Hoa Kỳ với giá khoảng hai tỉ đồng. Ba tháng sau, công ty Ðông Nam Á xin thay đổi nguồn gốc thiết bị, dùng tivi của Malaysia, ổ lưu trữ hình ảnh của Thái Lan, camera của Trung Quốc và các viên chức lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Long An không chỉ đồng ý, mà còn giữ nguyên giá trị hợp đồng.

Tính ra chi phí lắp đặt camera giám sát an ninh cho building là nơi làm việc của bốn cơ quan thuộc Sơ Y Tế tỉnh Long An cao hơn chừng… 30 lần so với giá thị trường, gây thiệt hại cho công quỹ hơn 700 triệu nhưng thay vì chuyển cho công an điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyện chủ tịch tỉnh giao cho Sở Nội Vụ “tham mưu” về việc xử lý trách nhiệm cho thấy, các viên chức lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Long An sẽ chỉ bị khiển trách, cảnh cáo,… rồi thôi.

Báo chí Việt Nam cũng vừa cho biết, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đang cất một chiếc Land Cruiser loại bảy chỗ, trị giá 3.7 tỷ đồng trong kho vì… chưa tiện dùng tới (theo qui định hiện hành, bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố cũng không được mua công xa mà giá trị quá mức 1.1 tỉ đồng).

Theo báo chí Việt Nam thì tiền mua chiếc Land Cruiser được lấy từ số tiền dành cho việc thực hiện dự án cấp-thoát nước cho thị xã Hồng Lĩnh. Dự án này trị giá 257 tỉ, trong đó có 9 triệu Mỹ kim (khoảng 223 tỉ đồng) là tiền đi vay của… Na Uy. Chưa rõ tại sao qui định hiện hành chỉ cho phép Ban Quản Lý các dự án mua công xa với giá không quá 720 triệu đồng nhưng chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn phê duyệt đề nghị mua công xa trị giá tới 3.7 tỉ của Ban Quản Lý dự án cấp-thoát nước cho thị xã Hồng Lĩnh.

Do gần đây, dân chúng và báo giới quan tâm một cách đặc biệt đến việc dùng công quỹ mua sắm các loại công xa đắt tiền nên sau khi mua, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh – chủ đầu tư dự án cấp-thoát nước cho thị xã Hồng Lĩnh không đăng ký để lấy biển số mà ra lệnh cất xe vào kho, trùm mền để đó. Cần nhắc lại rằng dự án cấp-thoát nước cho thị xã Hồng Lĩnh thuộc loại dự án phát triển hạ tầng nên chính quyền Việt Nam sẽ phải xuất công quỹ để trả cả vốn lẫn lãi. (G.Ð)

Phạm Quỳnh và Việt Nam trong giai đoạn thoát Hán ngữ

Phạm Quỳnh và Việt Nam trong giai đoạn thoát Hán ngữ

 

PHAM QUYNH

 

 

 

 

 

 

Phạm Quỳnh khi còn làm quan nhà Nguyễn

   Trong bài Khảo về chữ quốc ngữ của Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, Phạm Quỳnh đã khẳng định một niềm tin, và lời ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam hay hay là dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ”.
Nói đến chữ quốc ngữ hiện chúng ta đang dùng, phải ngược về thế kỷ 17, thời nó được khai sinh. Nhưng ở thời điểm ra đời, loại chữ viết dùng mẫu tự Latinh ghi âm tiếng Việt ấy chỉ sử dụng trong phạm vi nhỏ hẹp để truyền giáo. Phải đến đầu thế kỷ 20, khi người Pháp hiện diện ở nước Nam, chữ quốc ngữ mới dần được dùng nhiều hơn, phổ biến cho đến nay.

Lần hồi về cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cái thuở mà những nhà nho cựu học chưa quen với cảnh “vứt bút lông đi viết bút chì”. Ấy là lúc Nho học dùng Hán – Nôm với tân học dùng chữ quốc ngữ, chữ Pháp có sự va chạm mạnh mẽ. Còn nhớ như cụ đồ Chiểu, từng xem đây là thứ chữ của “Tây xâm”, bài bác kịch liệt lắm.

Ấy nhưng, dần dà qua thời gian, ngoài việc người Pháp đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy trong hệ thống trường học Việt, thì nhiều trí thức Tây học, nhận thấy sự thuận tiện của loại chữ ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh này, vừa dễ đọc, dễ viết, dễ truyền tải văn hóa, không như chữ Hán, chỉ phổ biến trong giới nho học là đọc thông, viết thạo, còn bình dân thì đa phần một chữ bẻ đôi chưa tỏ. Riêng chữ quốc ngữ, chỉ dăm bữa nửa tháng là có thể tập đọc, tập viết được.

Nhận thấy đây là lợi khí to lớn, nhiều trí thức Tây học bấy giờ đã ra sức hô hào, vận động và đi tiên phong trong việc phổ biến học chữ quốc ngữ. Ta còn nhớ, Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã gây một hiệu ứng lớn cho dân Việt trong việc học thứ chữ này. Rồi những hoạt động của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Trương Minh Ký… trong địa hạt báo chí quốc ngữ đã có những tác dụng đầu tiên ở cuối thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, góp vào tiếng nói ấy, chính là những hoạt động sôi nổi của “Tứ kiệt Hà thành” cho công cuộc dùng chữ quốc ngữ. Ở đây, ta bàn riêng về nhà văn hóa Phạm Quỳnh với chữ quốc ngữ mà thôi.

Sinh thời, họ Phạm có một câu nói rất nổi tiếng về chữ quốc ngữ, mà ngày nay, hậu thế vẫn còn ghi nhớ: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Dẫu giỏi Pháp ngữ, rồi sau này bồi bổ cả vốn Hán ngữ, nhưng Phạm Quỳnh nhận thức rõ vai trò của Việt ngữ. Trong Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, ở bài Bảo tồn Nam ngữ, ông chỉ rõ vai trò quan trọng của thứ tiếng mà ông gọi là Nam ngữ: “Muốn cho được tỉnh, muốn cho được khôn, thì chỉ có một không hai, là phải học chữ quốc ngữ, phải trau dồi tiếng quốc âm nước nhà, là phải học hành tra cứu cho cao thẳm thuần túy vậy”, hay trong bài Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An Nam được không? đăng trên Nam Phong tạp chí số 22, tháng 4.1919, ông cho rằng Việt ngữ “đủ dùng cho người nước Nam, phàm cái trí người An Nam ta nghĩ được đến đâu, tiếng An Nam phải nói được đến đấy”. Quan điểm của Phạm Quỳnh là người Nam phải dùng Việt ngữ – Nam ngữ, tức là quốc ngữ bây giờ vậy.

Đề cao tầm quan trọng của Nam ngữ, cũng là thể hiện bản sắc, linh hồn, văn hóa dân tộc. Phạm Quỳnh mặc dù giỏi ngoại ngữ, nhưng ông không đề cao tuyệt đối Pháp ngữ hay Hán ngữ. Trong quan điểm của học giả họ Phạm, việc học ngoại ngữ cũng rất quan trọng, bởi “Học chữ ngoại quốc để bồi bổ cho chữ nước nhà” (bài Bảo tồn Nam ngữ) nhưng ông không tuyệt đối hóa vai trò của ngoại ngữ. Tỉ như việc học Pháp ngữ, ông cho rằng đó là phương tiện để mình tiếp cận, thu thái văn minh phương Tây, nghĩ là lấy nó làm cầu nối để mình tiếp thu cái tiến bộ của nhân loại: “Chữ Pháp là văn tự hay, người mình nên học tập, nghiên cứu cho thâm để nhờ đó mà thâu nhập lấy những kết quả tốt cho văn minh đời nay”. Còn Hán ngữ, theo ông là để bảo tồn văn hóa cổ chứ không phải là dứt hẳn nó. Quan điểm của học giả họ Phạm, đến nay ta vẫn thấy còn giá trị khi dân Việt chỉ một bộ phận nhỏ hẹp biết tiếng Hán, nhiều di sản vật thể, phi vật thể có liên quan đến thứ chữ này dần lụi tàn theo thời gian.

Để chăm chút cho Nam ngữ lan tỏa nhiều hơn nữa trong dân Việt, Phạm Quỳnh liên tục viết bài phân tích điểm hay, cái lợi của việc học chữ quốc ngữ trên báo chí, đặc biệt là trên Nam Phong tạp chí. Bình sinh, ông đã thực hiện nhiều lần đăng đàn diễn thuyết về vấn đề học chữ quốc ngữ. Không chỉ dùng công cụ báo chí từ tờNam Phong tạp chí ông lập năm 1917 là vũ khí truyền thông tuyên truyền cho vai trò của Nam ngữ, mà trên tờ báo ấy, văn chương quốc ngữ, những bài luận, bài sử… bằng quốc ngữ đã góp phần làm nên tên tuổi của những Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy Tốn, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Tương Phố…

Năm 1919, ông cùng nhiều nhà trí thức tham gia lập Hội Khai Trí Tiến Đức và là Tổng thư ký của Hội. Phạm Quỳnh chính là một trong mười người tham gia biên soạn cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc… toàn những tay “anh hùng hảo hán” trong lĩnh vực văn chương thuở ấy. Ông còn là Hội trưởng Hội Trí Tri với chủ trương hoạt động “tiên trí kỳ tri, trí tri, tại cách vật (trước hết để biết, biết tường tận là do biết nguyên lý sự vật).  Trong thời gian 1924 – 1932, theo Tác gia văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa  thế kỷ XX) cho hay, Phạm Quỳnh còn trực tiếp tham gia giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Hán Việt tại Trường cao đẳng Hà Nội.

Hoạt động văn chương, báo chí, mà đặc biệt qua tờ Nam Phong tạp chí ông nắm, Phạm Quỳnh đã góp phần to lớn cho thứ chữ dân tộc, như trong Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 ghi: “tạp chí Nam Phong đã xây dựng nên một nền văn học căn bản và vững chắc cho văn chương chữ quốc ngữ”. Nhờ hoạt động cũng như uy tín bấy giờ của Phạm Quỳnh, ông đã góp thêm một tiếng nói trong công cuộc vận động đưa Việt ngữ thành quốc ngữ. Trong bài Khảo về chữ quốc ngữ của Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, Phạm Quỳnh đã khẳng định một niềm tin, và lời ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam hay hay là dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ”. Và năm 1945, khi nước Việt Nam mới ra đời, Việt ngữ chính thức trở thành chữ viết của dân tộc. Trước đó vào năm 1939, Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ còn xuất bản một cuốn sách giúp dân Việt học Việt ngữ hết sức giản tiện mang tên Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới do Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác biên soạn, hết sức giản tiện, mà ta có thể ngâm nga qua mẹo học như:

i, t giống móc cả hai,

i ngắn thêm mũ, t dài có ngang.

Hay:

a, o hai chữ khác nhau,

vì a có cái móc câu bên mình…

Trần Đình Ba

CISDI Trung Quốc, Formosa Đài Loan và Tôn Hoa Sen Việt Nam

CISDI Trung Quốc, Formosa Đài Loan và Tôn Hoa Sen Việt Nam

FB Bạch Hoàn

5-9-2016

CISDI Group là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép… có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc.

Ngày 15-11-2012, Văn phòng đại diện của CISDI Group tại Việt Nam được cấp phép, trụ sở đặt tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Thực tế ra sao?

Khi tuyên bố bỏ 10,6 tỉ USD làm siêu dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị Hoa Sen Group khẳng định sẽ không để một giọt nước ô nhiễm nào xuống biển. Dự án thép Cà Ná sẽ sử dụng công nghệ hiện đại Tây Âu.

Ngày 30-6-2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựnv tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách. Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế. Danh sách những người này có trong văn bản post kèm phía dưới.

Ngày 24-7-2015, Hoa Sen tiếp tục cử ông Nguyễn Văn Quý dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với lãnh đạo Tập đoàn CISDI tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

CISDI là tập đoàn công nghệ luyện thép của Trung Quốc. Vậy công nghệ của họ ra sao?

Tại Việt Nam, CISDI đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng lò cao số 1, lò cao số 2 – những hạng mục quan trọng nhất trong dự án luyện thép – của Formosa Hà Tĩnh. Máy móc thiết bị, công nghệ của dự án này đều đến từ Trung Quốc. Hậu quả là vùng biển 4 tỉnh miền Trung nhiễm độc, dù Formosa mới chỉ chạy thử.

(Còn tiếp…).

H1

H1H1_____

Mời xem lại: Siêu dự án thép Cà Ná: Sự thật về công nghệ xử lý nước biển (Bạch Hoàn/ BS).

Thím Ngân

 Thím Ngân

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

RFA

Ảnh của tuongnangtien

tuongnangtien

Hồi nẳm, không hiểu thi sĩ Bùi Giáng si mê kịch sĩ Kim Cương cái điểm nào; chớ còn bây giờ thì tui chết mê chết mệt chỉ vì nhan sắc khuynh thành của thím Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ Tịch Quốc Hội ăn mặc cách chi tôi ngó cũng xinh, chụp hình kiểu nào tui coi cũng đặng. Ngay cả cái cách bà ấy đổ (mẹ) nguyên cả sô bắp xuống ao cá bác Hồ tui cũng thấy (sao) nhí nhảnh, ngây thơ và dễ thương hết sức!

Một phụ nữ xinh đẹp và khả ái quá cỡ như vậy, tất nhiên, không thể nào tránh được lòng ghen ghét hay đố kỵ của bàn dân thiên hạ. Chả trách thím Ngân bị nhiều người (trong cũng như ngoài nước) mắng nhiếc và xỉ vả không tiếc lời, dù hổng có làm điều chi sai trật cả.

Coi: Quốc Hội khoá XIV tiếp tục lùi luật biểu tình thì có gì bất ngờ hay mới lạ đâu nào? Cả chục khoá trước cũng đều “bàn lùi” hết trơn hết trọi mà.

Thím Ngân chỉ nói lên là một sự thật hiển nhiên, khi bầy tỏ quan ngại về tình trạng “rối loạn đất nước” thôi. Chớ hơn bẩy mươi năm qua, kể từ khi mà cách mạng cướp được quyền bính, có ngày nào mà xứ sở này được an bình đâu mà không lo “rối loạn” ?

Có xét nét lắm thì cũng chỉ nên phiền trách thím Ngân về một chuyện nhỏ thôi, nhỏ còn hơn con thỏ nữa, đó là việc Quốc Hội khoá XIV đã dùng phiên họp khai mạc để thảo luận về một dự luật mà tôi e là hoàn toàn không cần thiết – Luật Cảnh Vệ.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 29 điều. Xin trích dẫn vài khoản trong điều 10 để rộng đường dư luận:

 Đối với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ sau đây:

  1. a) Bảo vệ tiếp cận;
  2. b) Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc;
  3. c) Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng;nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.

Thảo nào mà đã có lúc ông Tôn Đức Thắng la làng là trong nhà toàn là “lính kín” không hà:

“Một người bạn tôi quen thân với cụ, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào: ‘mày có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy?’ Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu:’Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao .Trong nhà tao nè, lính kín không có thiếu.” (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).

Bác Tôn (chắc) bị bệnh hoang tưởng? Đảng bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc của lãnh tụ mà ổng lại tưởng “lính kín” đang rình rập nhà mình.  Tổng Bí Thư Đặng Xuân Khu cũng vậy, cũng đa nghi dữ lắm:

“Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập II. Người Việt, Westminster, CA: 2014).

Cũng ở tác phẩm dẫn thượng, nơi trang 194, tác giả còn cho biết thêm là Thủ Tướng Phạm Văn Đồng có thói quen “thì thào” với khách quen ở ngoài vườn vì ổng sợ trong nhà … có rệp!

Coi: Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư, Thủ Tướng đều không dám ăn, cũng không dám nói, vì sợ bị đầu độc hay nghe lén. Nếu Dự Luật Cảnh Vệ có điều “ngăn cấm các đồng chí không được rình rập và hãm hại lẫn nhau” thì hay biết chừng nào. Hay nhất là qúi ông Dương Bạch MaiPhạm Quí NgọNguyễn Bá ThanhPhạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn … đã không uổng mạng!

Luật Cảnh Vệ chỉ chuyên chú vào việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo khỏi bị những thế lực thù địch ám sát thôi hà. Thiệt là suy bụng ta ra bụng người. Rảnh, xem qua vài đoạn trong cuốn hồi ký (Gió Mùa Đông Bắc) của bác sĩ Trần Ngươn Phiêu coi:

Lúc Pháp chưa trở lại chiếm Sài Gòn, ngày 09-09-1945 người của Trần Văn Giàu là Lý Huê Vinh thuộc Quốc gia Tự vệ Cuộc, đã bao vây trụ sở Việt Nam Độc lập Vận động Hội để bắt Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, Huỳnh Phú Sổ ở biệt thự đường Miche (tức Đường Phùng Khắc Khoan). Ông Huỳnh Phú Sổ đã thoát, nhờ sang được một nhà bên cạnh.

 Quốc gia Tự vệ Cuộc với sự trợ giúp của Mai Văn Bộ, đã dàn cảnh để bêu xấu Ông Huỳnh Phú Sổ bằng cách ngụy tạo chưng bày một rương đầy hình ảnh phụ nữ khỏa thân mà họ phao vu là đã bắt gặp trong khi lục soát nhà.

Trong đêm 23 tháng 9 năm 1945, ngày lịch sử mở màn cuộc Kháng chiến Cách mạng Mùa Thu ở Nam bộ, người bị giết đầu tiên, thây phơi trên đường Albert 1er (Đường Đinh Tiên Hoàng) là ông Lê Văn Vững, bí thư vùng Sài Gòn-Chợ Lớn của nhóm Tranh Đấu và cũng là người phụ trách phát hành lại báo Tranh Đấu. Như vậy người Việt Nam đầu tiên đã bỏ mình trong cuộc Kháng chiến chống Pháp không do thực dân giết mà lại do Tự vệ Cuộc miền Nam thanh toán…

Vài ngày sau 23 tháng 09, 1945 nhà giáo Nguyễn Thi Lợi phụ trách báo Tranh Đấu cũng bị thủ tiêu ở Cần Giuộc, Chợ Lớn. Cuộc khủng bố trắng, săn bắt, ám sát các nhân sĩ  ái quốc có uy tín nhưng không thuộc Đảng Cộng sản từ đó đã xảy ra hằng ngày, bắt đầu từ Bùi Quang Chiêu đến Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Luật sư  Hồ Vĩnh Ký và vợ là Bác sĩ Nguyễn Thị Sương (nguyên Thủ lãnh Phụ Nữ Tiền Phong) v.v…

Đối với bọn tay sai Mỹ/Ngụy, bán nước cầu vinh thì Đảng còn mạnh tay hơn nữa. Báo Dân Việt, số ra hôm 30 tháng 4 năm 2011, có bài viết (“Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn”) của chiến sĩ đặc công Vũ Quang Hùng. Xin trích dẫn đôi đoạn:

Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông – Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ…

Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch.

Ảnh: Blog Sự Đời

Giáo sư Nguyễn Văn Bông không phải là người “trí thức có uy tín” đầu tiên, hay duy nhất, bị cách mạng … trừ khử bằng chất nổ và lựu đạn. Hai năm trước đó, G.S.  Lê Minh Trí cũng bị giết chết theo cùng một cách.

Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí bị ám sát năm 1969. Ảnh: Minh Đức

Cách ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông và Lê Minh Trí, tuy thế, “văn minh” hơn thấy rõ nếu so với kiểu “trừ khử” học giả Phạm Quỳnh – theo lời kể của ông Phạm Tuân:

Thầy tôi bị giết trước, bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc, sau đó còn bị bắn bồi thêm 3 phát đạn… Cụ Khôi cũng bị bắn 3 phát… ông Huân hoảng sợ, vùng chạy thì bị bắt lại và bị bắn một phát ngay vào đầu… Cả 3 thi hài bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.”

Cuối bài tiểu luận (Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể) nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu hạ bút:

“Những người bị giết đều là những tinh hoa, là  danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan: Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ  đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ  nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi  mãi không về; vị bồ tát Thiếu Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận…”

Tính gồm luôn mạng sống của những thường dân vô tội bị xử tử trong Cải Cách Ruộng Đất (ở miền Bắc) Chiến Cuộc Mậu (ở miền Trung) và vô số viên chức xã ấp bị lôi ra khỏi nhà bắn chết giữa đêm (ở miền Nam) thì con số nạn nhân của cách mạng dám lên tới hàng triệu mạng. Thay vì bàn thảo về Dự Luật Cảnh Vệ, nếu Quốc Hội khoá XIV khai mạc phiên họp đầu tiên bằng dự luật phục hồi danh dự cho những nạn nhân kể trên thì chắc chắn thím Ngân sẽ để lại một dấu ấn tốt đẹp hơn trong lòng người.

Nói qua nói lại gì chăng nữa thì chuyện cũng dĩ lỡ hết trơn rồi.  Chủ Tịch Quốc Hội cùng các bạn đồng viện, nói nào ngay, cũng đã làm việc hết sức mình theo cái tâm và cái tầm của họ.

Chúng ta không nên khắt khe và kỳ vọng nhiều quá vào một cơ quan lập pháp mà nhà nước hiện hành chỉ đặt ra để làm kiểng, ngó cho nó đẹp mắt thôi. Mà đã nói đến cái đẹp thì nhan sắc của phụ nữa là điều rất đáng quan tâm, mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ và là đồ bỏ!