TRI ÂN CŨNG BỊ BẮT

TRI ÂN CŨNG BỊ BẮT

FB Sương Quỳnh

10-3-2017

TƯỜNG TRÌNH VIỆC BỊ BẮT TẠI CÔNG AN PHƯỜNG 2 – VŨNG TÀU

Khoảng 8g sáng ngày 10-3-2017, lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988 tại bờ biển Vũng Tàu, mở đầu ngày đầu tiên trong 7 ngày tưởng niệm từ ngày 10 -3 đến ngày 17-3-2017, theo thông báo của CLB Lê Hiếu Đằng. Sau khi kết thúc, chúng tôi lên đường chờ xe đón đi ăn sáng thì thấy công an, CSCĐ, dân phòng đến đặc kín nơi chúng tôi vừa làm lễ xong, khoảng hơn gần 50 người. Xe đến đậu quãng hơi xa nên mọi người đi bộ đến chỗ đậu. Tôi đi cuối cùng thì nhìn thấy công an, dân phòng chạy rầm rập khoảng gần 20 người vây kín một thanh niên đang ngồi trên xe gắn máy (sau này được thả, gặp mọi người nói mới biết tên cậu thanh niên này là Tâm Kế).

Lúc đó mọi người đã lên xe, tôi nghĩ mình không thể để Tâm kế một mình bị bắt được, tôi vừa chụp hình cảnh bắt Tâm kế, tôi vừa đi lại gần Tâm Kế. Đúng lúc đó, gần chục công an thường phục, dân phòng, công an mặc quân phục xúm quây lấy tôi, bốn năm người bẻ tay, cướp điện thoại của tôi.

Một người mặc áo đen, tôi đoán là AN thành phố chỉ xe đỏ nói: lên xe về đồn. Đúng lúc đó một xe thùng màu trắng, loại xe hay đi hốt đồ của những người bán hè phố đến. Họ bắt tôi lên xe này. Tôi nói, tôi lên xe đỏ, không lên xe này. Một công an già, lùn, nói giọng Nghệ An đeo hàm trung tá (sau này tôi biết là đồn phó phường 2 khi ông này xưng danh với các thành viên CLB LHĐ đến đồn đòi tự do cho tôi) ông này quát tôi: Mày phải lên xe này! Và mấy AN mặc thường phục xúm vào lôi tôi lên xe. Tôi vằng ra nói: để tôi tự lên, rồi tôi tự bước lên xe. Lên ngồi cùng tôi là một công an mặc sắc phục và một phụ nữ. Họ đưa tôi về công an phường 2 – Vùng Tàu.

Tôi thản nhiên xuống xe và hỏi: Vô phòng nào? Người thì chỉ tôi vào phòng tiếp dân, người thì chỉ phòng bên cạnh. Đúng lúc đó, ông phó công an phường ra chỉ lên lầu: mày lên đó, lên cho biết (Chả biết ông ta muốn tôi biết cái gì?) Tôi thấy cách xưng hô vô văn hóa, nên khinh bỉ nhìn ông ta. Ông quát theo: mày nhìn cái gì? Tôi thủng thẳng lên lầu trong đầu nghĩ: Đã lùn, xấu lại ăn nói mất dạy, thế đích thị công an cấp chỉ huy.

Lên theo tôi là một cô trẻ, khá xinh, mặc thường phục, nhưng nói trong điện thoại (Đang chuẩn bị hỏi con này). Tôi lại nghĩ: Xinh đẹp thế mà cũng mất dạy, vô văn hóa giống tên lùn, xấu kia. Chán cho công an Vũng Tàu. Tôi không ngạc nhiên về cách nói vô văn hóa của họ, vì tôi biết lâu rồi.

Nhưng khi làm việc thì cô này xưng chị em lịch sự, chứ không mày tao giống ông CA phó phường kia. Cô ta bắt tôi tường trình, tôi nói tôi đang đứng trên đường tự dưng bắt tôi về đây thì tường trình cái gì? Cô này cãi: Mời chị về. Tôi không chịu tường trình. Cô này chạy xuống gọi lão lùn lên. Ông ta quát tôi: Giấy tờ đâu. Tôi thủng thẳng nói: Tôi để trên xe, đang đứng thì bắt tôi về đây làm sao tôi có? Trả tôi điện thoại tôi gọi mọi người mang giấy tờ đến. Ông ta nói: vậy thì tường trình toàn bộ sáng nay làm gì, đi từ đâu thì mới xem xét được chứ. Tôi nói: Tường trình vậy thì tường trình, tôi làm sai đâu mà sợ. Ông ta quát lên: Không sợ thì tường trình đi. Rồi đi xuống.

Tôi viết ngắn gọn cái việc tường trình. Đại loại, ghi rất đầy đủ những thành viên CLB đi xuống làm lễ và nói rõ là hàng năm vẫn làm, nhưng năm nay muốn thả vòng hoa tại Vũng Tàu mở đầu trong 7 ngày tưởng niệm … Nói chung như thế nào mình viết như thế, vì thấy chẳng có gì phải che giấu việc làm chính đáng của chúng tôi. Trong đó tôi ghi rõ công an Vũng Tàu cướp điện thoại của tôi. Cô gái sau khi đọc bản tường trình lớn giọng: Công an Vũng Tàu cướp hồi nào? Tôi nói: bốn người xúm lại bóp tay và cướp điện thoại trên tay tôi là cướp chứ còn gì nữa. Cô này im lặng.

Cô gái này nói tôi phải khai lý lịch vì tôi không có giấy tờ tùy thân, để còn xác minh. Khai thì khai. Khai đến đâu, cô ta đọc theo tới đó, mặt cô ta từ từ hạ cái mặt vênh váo xuống dần. Sau đó một thanh niên mặc thường phục cùng cô ta ghi biên bản nói tôi ký. Tôi bảo có gì mà phải biên bản? Người thanh niên kia nói: Chị cứ xem, nếu không đúng thì chị ghi không đúng, sau khi chúng tôi hỏi và trả lời. Câu cuối cùng họ hỏi tôi: Việc làm của chị sáng nay có sai trái và phạm pháp không? Tôi nói: Tôi không thấy việc tôi làm có gì sai trái và phạm pháp. Tôi làm việc này vì đó là quyền công dân và đúng với lương tâm tôi. Họ nói tôi xem và ký.

Đang lúc viết thì AN mặc áo đen có mặt lúc bắt tôi và cướp điện thoại của tôi ở bãi biển chạy lên, tay cầm điện thoại của tôi hỏi: Chị cho passwork. Tôi nói: Tôi không cho, đó là quyền riêng tư của tôi. Anh ta lớn giọng dọa: Được, chị không cho Passwork đó nhé, rồi đi xuống. Rồi cũng một cậu beo béo sau này áp tải tôi về, tôi biết tên là Nam, hỏi thẻ nhà báo, rồi hỏi làm báo nào. Tôi nói tôi khai cả trong bản tường trình rồi. Và tôi nói: Tôi khai trong đó là nhà báo tự do thì hà cớ gì chất vấn tôi thẻ. Cậu này đuối lý đi xuống. Rồi lúc sau một công an mặc sắc phục lên hỏi tôi và nói để ông ta chụp hình. Tôi nhìn thẳng vào ông ta và ngẩng cao đầu với ánh mắt coi thường, cho chụp. Ông ta chụp 2 phát. Lúc đó cũng muốn chọc: có đẹp không dzậy? mà thôi vì nói với hắn làm gì phí lời.

Họ để mặc tôi ngồi đó. Tôi sáng giờ chưa ăn sáng, chiếc áo đầm của tôi ướt sũng vì khi tôi mang vòng hoa xuống biển thả, sóng to đã làm ướt hết cả. Tôi vừa đói và lạnh hết cả người, nhưng cố ôm chặt mình để bớt lạnh. Trong lúc ngồi thì cậu như CS chống bạo động canh tôi phía ngoài đợi mãi có vẻ sốt ruột, hỏi tôi: bao giờ họ cho chị về? Tôi nói: Chị biết đâu. Rồi tôi đứng dậy ra hành lang đứng nhìn xuống đường, hy vọng có anh em nhìn thấy và biết tôi bị bắt đưa về đây. Tôi thấy AN thường phục và ông CA phó phường ngồi rất đông quanh cái bàn dưới sân. Ông phó phường nói chuyện điện thoại rất to: Chúng tôi không bắt ai ở đây, không có 3 người nào cả. Hỏi TP họ có bắt không, chứ tôi không bắt ai cả. Tôi đứng nhìn xuống và nhếc mép cười: Lũ hèn hạ, bắt mà không dám nhận. Họ đang xúm lại xem một xấp giấy, tôi đoán là đang tra luật để tìm xem ghép tôi vào tội nào. Nhìn lên thấy tôi, một người chạy lên nói cậu canh tôi, bắt tôi vô phòng lại.

Khoảng hơn 12 giờ trưa, một an ninh thường phục và ông CA phó phường lên nói: Chị đi xuống nhà. Ông ta còn hỏi tôi: Có đói không thì mua cơm hộp về cho ăn. Tôi nói: OK. Giọng ông ta đã không còn quát nạt và mày tao với tôi nữa. Nhưng tôi ngồi đợi mãi không thấy ai mang cơm cho tôi. Tôi thấy cậu AN Nam đi qua tôi đòi cơm của tôi. Cậu này nói: Chắc có người đi mua sắp về. Tôi gục xuống bàn để nghỉ thì ông phó CA phường lại chạy vào hỏi: Chị có biết cái xe thuê đó không biển số thế nào, ai thuê không? Tôi nói: không biết, tôi đi lúc trời còn tối nên không để ý. Anh ta lại đi ra. Tôi nghĩ: à, giờ biết xuống giọng rồi, xưng chị cơ đấy.

Lúc sau tôi thấy phòng bên kia có tiếng nam hét lớn: có chịu ký không? Rồi sau đó là tiếng đấm liên tiếp. Tôi đoán chắc chắn cậu thanh niên bị bắt lúc sáng với tôi bị đánh. Nhưng sau này mới biết đó là Vinh Lê cũng bị bắt lên phường này và bị đánh vì không ký biên bản.

Lúc sau hai người vào nói tôi làm cam kết, không ra Vũng Tàu tụ tập gây mất trật tự nữa. Và hứa làm xong sẽ cho tôi về. Tôi viết: Tôi cam kết không tụ tập đông người gây rối trật tự (Tôi không phẩy vì có dụng ý). Rồi viết tiếp: mà sáng nay chúng tôi tụ tập không hề gây rối. Rồi ký.

Anh công an này chấp nhận. Rồi bắt tôi ký biên bản vi phạm với lỗi: Tụ tập đông người. Tôi nói tôi không ký, dưới biển người ta tụ tập cả mấy chục người, sao không bắt, lại bắt tôi. Lúc này họ kéo vào đông chật cả phòng, chắc cố tình gây áp lực với tôi bằng quát tháo rầm rầm, nhất là cậu mặc áo đen, mặt lúc nào cũng sát khí đằng đằng. Cô gái sáng giờ tra hỏi tôi nói: Tại chị cầm vòng hoa, chị thắp nhang mới bắt chị chứ. Tôi, cười thầm, vì cố tình để cô ta phải nói lý do bắt tôi do đi tưởng niệm, mà trong biên bản họ cố né tránh viết vào. Tôi cầm bút viết vào chỗ ký: Tôi không gây rối trật tự, rồi mới ký.

Họ bắt tôi viết lên trong biên bản. Tôi ghi: Chúng tôi tụ tập 5 người, là thành viên CLB LHĐ, họ bắt tôi viết tiếp và một số người nữa. Cậu mặc áo đen quát: Có muốn xem ảnh không? Chị nói chị không quay phim, thế sao phim đầy trên phây? Tôi thản nhiên nói: cậu xem phim thấy tôi thắp nhang, bê vòng hoa không? Vậy thì làm sao tôi quay? Cậu này tịt. Nhưng vẫn bắt tôi ghi: cùng vài người. Tôi ghi thêm: cùng vai người làm tưởng niệm. Họ đi ra, mặt cô gái có vẻ hỉ hả, đắc thắng. Sau đó hơn nửa tiếng, cô này gọi tôi ra xe và nói: Đi về chị.

Trên xe có hai người ngồi sẵn, một người mặc sắc phục, một người mặc áo trắng ngồi ghế sau một chiếc xe 7 chỗ. Họ bắt tôi ngồi giữa, một bên cô gái kia, một bên là an ninh mập tên Nam. Phía trên là cậu an ninh mặc áo đen. Họ chở chúng tôi về phía Bà Rịa. Cậu mặc áo trắng nói: Phải trả tôi đồ chứ. Cậu mặc áo đen ngồi trên nói: yên tâm sẽ trả đầy đủ. Tôi quay lại nhận ra Tâm Kế, người bị bắt với tôi sáng nay. Chắc em nói cố để tôi nhận ra em ngồi sau.

Hình ảnh tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma ở Vũng Tàu hôm qua. Ảnh: Facebook

Đến gần Bà Rịa họ rẽ vào đường Trường Sa, tôi hơi ngạc nhiên không biết họ đưa chúng tôi đi đâu? Đến chỗ vắng họ dừng xe, bắt Tâm kế xuống. Cậu mặc áo đen đưa gói đồ và điện thoại cho Tâm Kế. Tôi thấy hai an ninh chỉ mặt Tâm Kế nói, tôi đoán họ dọa nạt, dằn mặt Tâm kế.

Họ lên xe và quay xe lại, đưa mình tôi về phía Bà Rịa. Tôi quay lại nhìn Tâm Kế, ánh mắt Tâm Kế nhìn tôi đầy lo lắng, bất lực nhìn chúng đưa tôi đi. Tôi nhìn em và gật đầu như để động viên em yên tâm. Em cứ đứng giữa đường trời nắng chang chang nhìn theo tôi mãi. Lúc đó tim tôi thổn thức, tôi cố kìm nước mắt, nhưng cảm thấy thật ấm tình người trong ánh mắt đó.

Anh Hoàng Hưng – VĐĐL viết đơn đòi tự do cho SQ.

Họ đưa tôi ra lộ 51, đến đúng cây số ghi: 3 KM Bà Rịa Vũng Tàu thì người áo đen ra dấu dừng lại. Lái xe tấp vào, an ninh tên Nam nói với: Xuống đi. Cậu áo đen xuống và đưa tôi điện thoại và gằn giọng: Đừng nói lòng yêu nước, tôi thừa biết mấy người làm vì tiền. Chúng tôi không đón chào chị, tôi hy vọng không gặp lại chị, đừng để tôi phải gặp chị lần nữa. Tôi im lặng và nhìn anh ta bằng con mắt mắt kinh bỉ. Anh ta lên xe, và chiếc xe đi mất, để tôi đứng giữa đường. Cái loại ngồi xổm lên pháp luật, cái bọn cư xử như cầm thú mà còn lên giọng dạy đạo đức? Nghe mà tôi lợm cả giọng muốn ói.

Tôi biết chắc điện thoại bị phá, nhưng cũng thử bấm và đúng như vậy. Tôi đứng vào một cây ven đường và quyết đinh đón xe taxi về SG. Nhưng không có chiếc nào, 15 phút sau tôi đón đại một chiếc xe đò. Tài xế dừng lại, tôi nói hoàn cảnh của tôi không có tiền vì bị công an bắt bất ngờ và điện thoại bị công an phá hỏng nên không thể liên lạc với bạn bè đang còn ở VT đón tôi về. Anh ta cho tôi lên đi nhờ và dặn tôi về đến SG thì bắt xe ôm về nhà thì trả tiền. Tôi mừng lắm, lên xe kể lý do vì sao tôi bị bắt cho cả xe nghe. Cả xe ngồi nghe tôi kể chuyện. Rồi tôi thấy một cậu đang lướt nét. Tôi mượn cậu vào phây và liên lạc được với Trần Hoàng Hận. Hận nói tôi xuống và chờ mọi người chạy đến rước về. Anh lái xe nghe vậy nói: Tôi sẽ để chị ấy lại gần Chùa (tên quên mất rồi) cho dễ tìm. Anh ta đi đọan nữa, thấy bảng tên Chùa rồi dừng cho tôi xuống. Tôi nói anh tài xế cho tôi số điện thoại để tôi gửi tiền lại. Anh ta đáp: Tôi cho chị đi nhờ thôi. Tôi cảm động lắm, cảm ơn anh ta và tất cả khách trên xe rồi xuống.

Ngồi ngay quán nước ven đường để mọi người dễ thấy. Tôi nói chị chủ quán cho tôi một ly sữa cà phê. Chị này sau khi nghe câu chuyện của tôi tức quá nói: Tụi chúng nó nói: Đất Nước này của Dân, Vì Dân, nhưng mà là của chúng nó chứ Dân nào?

Lúc sau có một bạn thanh niên tới hỏi tôi: Chị có phải là chị Sương Quỳnh không? Tôi giật mình nghĩ: AN nhanh thế, ngồi đây mà cũng tìm ra. Nhưng cậu này nói: Em là bạn của Hận, Hận nhờ em ra tìm chị vì nhà em gần đây. Sau đó Hận đã gọi inbox để tôi gặp mọi người. Tôi nhìn thấy Hận, anh Ngãi, chị Kim Chi, chị Ánh Hồng mà mừng vui khôn xiết. Trong lòng cảm tạ ơn Chúa đã gìn giữ tôi thoát khỏi sự dữ và cho tôi gặp toàn người tốt trong một đọan đường bơ vơ không tiền, không điện thoại liên lạc. Ngài đã cho tôi gặp toàn những người đã tận tâm giúp đỡ tôi trong lúc hoạn nạn.

Hận đưa tôi về nhà và nấu cho tôi ăn nhẹ, vì tôi nói tôi mệt không muốn ăn. Hận và tôi kiểm tra điện thoại thì công an Vũng Tàu đã nhúng nước và lấy đi sim điện thoại và thẻ nhớ của tôi. Hận nói điện thoại vứt đi rồi chị ạ, vì chúng nhúng nước như thế này cơ mà. Những trò đê tiện này cũng không làm tôi ngạc nhiên. Tuy gặp biến cố này nhưng tôi vẫn vui vì toàn bộ buổi lễ tưởng niệm sáng nay tôi đã streamlive và thành công tốt đẹp.

Gần 5 giờ rưỡi chiều thì mọi người về tới, gặp nhau mừng vui tíu tít. Hận – CĐVN phỏng vấn streamlive luôn trên xe để tôi tường thuật lại vụ việc bị bắt sáng nay và cũng cho cộng đồng phây biết tôi đã an toàn. Rồi mọi người tìm quán cho tôi ăn và xót xa khi biết tôi không được ăn từ sáng tới giờ. Mọi người kể cho tôi nghe đã lên công an thành phố Vũng Tàu đòi người ra sao, sau đó buổi chiều đến công an phường 2 đòi, thấy họ chở Vinh lê về nhà. Gặp ngay ông phó CA, phó phường nói giọng sấc sược, bị chị Kim Chi quạt cho: tại sao nói với Dân với giọng như vậy? Ông này chuồn mất vào trong. Mọi người tính ngồi lỳ cho đến khi đòi được tôi mới thôi, thì nhận được tin từ Hận báo tôi đã bị đưa về Bà Rịa.

httpv://www.youtube.com/watch?v=8H0b1gRDn6Q

Bà Sương Quỳnh kể lại vụ việc tưởng niệm Gạc Ma bị CA Vũng Tàu sách nhiễu.

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH TÀI XẾ, HÂN VÀ ANH CHỊ EM CÙNG ĐI VÀ MỌI NGƯỜI ĐÃ QUAN TÂM, LO LẮNG CHO SƯƠNG QUỲNH TRONG SUỐT THỜI GIAN SƯƠNG QUỲNH BỊ BẮT.

SG 11 giờ 30 PM ngày 10-3-2017

Được và mất sau cuộc biểu tình ngày 5 tháng 3

Được và mất sau cuộc biểu tình ngày 5 tháng 3

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-03-09
Người dân Hà Nội biểu tình phản đối tập đoàn Formosa Đài Loan trước tượng đài vua Lý Thái Tổ hôm 1/5/2016.

Người dân Hà Nội biểu tình phản đối tập đoàn Formosa Đài Loan trước tượng đài vua Lý Thái Tổ hôm 1/5/2016.
AFP photo

Biểu tình vì môi trường nổ ra vào ngày chủ nhật 5/3. Vài ngàn ngư dân vào giáo dân Công giáo miền Trung xuống đường có trật tự, vài chục người trẻ tuổi bị giải tán tại Sài Gòn.

Thách thức của mạng xã hội

Cũng như những lần trước, lời kêu gọi biểu tình được đưa ra trên mạng xã hội nhiều ngày trước đó, chỉ có điều lần này những cư dân mạng xã hội và blogger Việt Nam phải đương đầu với một chuyện chưa có tiền lệ mà mạng xã hội đem lại, đó là không rõ lời kêu gọi biểu tình xuất phát từ đâu. Có những nguồn tin nói rằng chính Linh mục Nguyễn Văn Lý, người vốn được những nhà hoạt động dân chủ kính trọng kêu gọi, nhưng cũng có những thông tin cho rằng ai đó, tổ chức nào đó muốn lợi dụng sự phẫn nộ của người dân về môi trường và sự thờ ơ đàn áp của chính quyền để trục lợi.

Blogger Nguyễn Tường Thụy nhận xét:

Nhưng, điều này mới là chính. Người xuống đường biểu tình là do nhu cầu của bản thân chứ không phải xuống đường vì người kêu gọi. Họ bức xúc, họ cần cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền làm người, thì họ xuống đường. Họ biết cả cái giá phải trả. Cha Lý hay ông Quân, ông Thanh không thể xúi giục họ được. Đừng chê người biểu tình ngu dại nghe theo lời kêu gọi viển vông. Không thể cho rằng mấy ông kêu gọi đẩy người dân vào chỗ chết. Mà nói thế chẳng hóa ra các bạn khuyên người ta đừng đi biểu tình nữa, ở nhà cho an toàn?

Những tranh cãi đã diễn ra trước và sau khi biểu tình. Luật sư Lê Công Định cho rằng những tranh cãi đó chỉ làm yếu đi cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam mà thôi, ông nêu lên so sánh rằng nếu hơn 80 năm trước những người cộng sản chỉ lo cãi, chửi và dè bỉu nhau về ai tổ chức biểu tình và kết quả thành bại của biểu tình, thì ngày hôm nay có lẽ họ đã không ngồi trên đầu, trên cổ cả dân tộc này.

Blogger, nhà báo Đoan Trang nhấn mạnh rằng muốn đấu tranh loại bỏ sự độc tài thì những người đấu tranh cần nhất là sự chân thật và liêm chính:

Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội… muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được, và lấy lòng dân được.

Mà những gì đang diễn ra ở Việt Nam đây, nếu kể đúng sự thật cũng đã dữ dội và gây ấn tượng lắm rồi, và đủ để chính quyền lúng túng lắm rồi, còn phải bịa đặt thêm làm gì nữa hả các bạn?

Cuộc biểu tình ở miền Trung

Cuộc biểu tình vẫn diễn ra và xem như là thành công ở miền Trung, khi người dân tuần hành trong trật tự, phản đối công ty Formosa, ngay tại trụ sở của họ, và lực lượng chức năng không đàn áp, mặc dù được huy động rất đông đúc cùng với những hàng rào kẽm gai để canh chừng những người biểu tình.

Chính hình ảnh những người Việt Nam mặc sắc phục canh chừng đồng bào họ và bảo vệ quyền lợi cho công ty Formosa, gây nên những cảm giác bất an nơi blogger, nhà báo Trương Duy Nhất:

Một lần bất tín vạn lần bất tin. Nguy cơ hàng đoàn ngư dân đói kém bỗng nổi dậy chống đối chính quyền là rất cận kề.
-Bauxite Việt Nam

Dù hôm nay không máu đổ. Nhưng những hàng thép gai kia còn buốt đau hơn máu. Những hàng thép gai luôn khiến ta gợi nhớ… chiến tranh.

Nhưng đây là cuộc chiến khác. Cuộc chiến mà chính quyền đã coi nhân dân như kẻ thù của họ.

Những hàng thép gai như thể một cuộc chiến. Vâng. Một cuộc chiến mà chính phủ đã như chính thức đứng hẳn về phía Formosa, dùng những hàng kẽm gai kia để chặt đứt “nhân dân” của mình.

Mất đất, mất biển. Lại thêm mất dân.

Chọn cách dựng rào thép gai chặn dân, không khác gì chọn đường tự sát.

Nhìn thấy những sợi dây kẽm gai, Luật sư Lê Công Định nhớ lại một bài thơ cách mạng của chính những người cộng sản:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Nhưng dù sao, cuộc biểu tình của dân miền Trung đã không bị đàn áp như lần trước, khi hàng ngàn người tuần hành từ Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào Hà Tĩnh phản đối Formosa.Trang Bauxite Việt Nam nhận định, và đưa ra lời cảnh báo nhà cầm quyền:

Rõ ràng, cuộc đàn áp mang tính thăm dò của đảng đã thất bại về hiệu ứng dư luận và truyền thông. Càng đàn áp lại càng khiến phản ứng của giáo dân bùng nổ.

Hiện thực khốn quẫn, quá khốn quẫn. Giờ đây, cho dù đảng có mang Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai ra xử lý hình sự cùng án tù cho số này, phần lớn hậu quả vụ “cá chết Formosa” vẫn còn sừng sững. Cá vẫn chết và biển vẫn đầy đe dọa tính mạng con người, quá nhiều thuyền tàu vẫn nằm bờ và ngư dân vẫn treo niêu, ngay cả tiền được xem là “hỗ trợ”, “bồi thường” cho ngư dân cũng mới chỉ nhỏ giọt và chưa hề được minh bạch…

Một lần bất tín vạn lần bất tin. Nguy cơ hàng đoàn ngư dân đói kém bỗng nổi dậy chống đối chính quyền là rất cận kề.

075_smit-notitle160501_npvRE-400.jpg
Người dân Hà Nội biểu tình phản đối tập đoàn Formosa Đài Loan ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Các nhân vật Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai là những người chịu trách nhiệm trong việc cho phép nhà máy Formosa vận hành, và người dân đã chờ đợi rất lâu những bản án kỷ luật nặng dành cho họ. Cả hai mới vừa bị kỷ luật trước cuộc biểu tình có vài ngày.

Bàn về những cuộc xuống đường liên tục của giáo dân và ngư dân miền Trung, blogger Chim Báo Bão viết rằng:

Có phải Giáo dân miền Trung nổi loạn chống lại luật pháp hay không? Không, bởi họ chỉ phản kháng lại một thảm họa môi trường, gây ra bởi một tập đoàn tư bản bất lương là Formosa, và được che chắn bởi hàng nghìn lính cơ động, dưới sự giật dây của thành phần tư bản dã man đã trà trộn vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành phần này muốn rút ngắn thời gian đưa đất nước “đi lên” bằng cách bán rẻ môi trường.

Không còn cách nào khác, Bộ chính trị Đảng Cộng sản phải ngay lập tức đối thoại với dân. Nhưng bây giờ họ cũng đã khó mà đối thoại trực tiếp với dân được nữa, vì bảy mươi hai năm sống dưới chế độ này, bà con đã sáng mắt ra cả rồi.

Cũng như những lần khác, báo chí chính thống im lặng về nghững cuộc biểu tình, và có thể cũng như những lần trước họ sẽ lên án những người tổ chức biểu tình, một thời gian sau đó. Song song với cách đưa tin như vậy, khi có một sự biến xã hội tại một địa phương nào đó, báo chí chính thống cũng sẽ có những bài viết ca tụng nhân dân của vùng đất ấy. Blogger Nguyễn Hữu Vinh bình luận về cách viết bài đưa tin như thế của báo chí địa phương tỉnh Nghệ An:

Rằng thì là “Đặc trưng cơ bản trong tính cách người Nghệ là thông minh, ham học hỏi, cần cù, chịu thương, chịu khó và thường hay đi tiên phong trong mọi việc”. Rồi thì “Trong các tiềm năng của Nghệ An, tiềm năng con người là vốn quý nhất. Con người Nghệ An cần cù, thông minh, nổi tiếng cả nước với tinh thần cách mạng và truyền thống hiếu học”.

Nói riêng về giáo xứ Song Ngọc, tờ báo đảng này viết: “Song Ngọc là một xứ đạo ven biển thanh bình, yên ả, người dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Đó là những lời lẽ mà nhà cầm quyền dùng khi muốn người dân nghe theo họ để xây dựng đảng, phát triển đảng trong dân, đưa tiền của góp vào cho đảng hoặc nuôi đảng tiêu, con cháu tứ phương đưa tiền của về Nghệ An mà đầu tư, mà nộp thuế…

Thì ngay lập tức, chính những người dân “thông minh, ham học hỏi, cần cù chịu khó” và “sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành chủ trương chính sách” đó đã trở thành những người “nhẹ dạ, cả tin” để rồi “bị dẫn dắt, bị biến thành con rối, bị xúi giục…”

Cuộc biểu tình tại Sài Gòn

Cuộc biểu tình tại Sài Gòn đã bị dẹp tan ngay từ những giây phút đầu tiên. Nhưng có một điều đặc biệt là cho dù những nhân vật đối kháng sống ở Sài Gòn đã bị giam lõng ngày hôm trước, không tham gia xuống đường được, nhưng một đám đông những người phản kháng cũng hình thành, và đặc biệt họ toàn là những người trẻ tuổi, có thể là lần đầu tiên trong đời họ tham gia một cuộc phản kháng.

Nhiều người cho rằng cuộc biểu tình tại Sài Gòn đã thất bại, nhưng tác giả Phạm Thanh Giao không nghĩ như vậy. Ông cho rằng những thất bại liên tục sẽ dẫn đến thành công, cũng như một cuộc biểu tình thành công mà chế độ độc tài vẫn còn đó thì sự thất bại vẫn còn đó. Ông nhắn gửi những bạn trẻ đã tham gia cuộc biểu tình tại Sài Gòn trong ngày 5 tháng 3:

Bước đường tranh đấu cho lẽ phải và chính nghĩa nó không đơn giản, nó không phải cứ chỉ muốn là được, muốn là sẽ tung tăng nhảy chân chim trên cánh đồng hoa cỏ thênh thang.
-Ông Phạm Thanh Giao

Bước đường tranh đấu cho lẽ phải và chính nghĩa nó không đơn giản, nó không phải cứ chỉ muốn là được, muốn là sẽ tung tăng nhảy chân chim trên cánh đồng hoa cỏ thênh thang. Nhưng ngược lại, nó dẫn đến những gì không đoán trước được cho từng người. Sẽ có nhiều người ngã quị trong đớn đau, tủi nhục, qua việc tấn công đến từ nhiều phía, nhưng nếu nhất định không ngồi lại, nhất định kiên quyết đứng lên tiếp tục, thì cái đích đó, sớm muộn cũng phải tới.

Ngày nào còn độc tài đảng trị đàn áp, và người dân vẫn phải xuống đường lên tiếng chống lại sự tàn phá môi trường, chống lại bạo quyền phục vụ nhóm thiểu số, thì NGÀY ĐÓ CŨNG VẪN CHỈ LÀ THẤT BẠI.

Chú cũng biết các cháu dư trí khôn, thừa suy nghĩ để chẳng thể bị ai lợi dụng, xúi dục được. Đánh giá các cháu như thế, thiệt là coi thường các cháu quá. Các cháu đã học được bài học của ông bác nhân cơ hội nhảy lên cướp chính quyền năm 1945 rồi, chẳng lẽ kém đến độ, lại để cho ông thủ tướng, ông tổng thống cầu bơ cầu bất, ở mãi đâu đâu, xúi giục xuống đường để ăn đòn?

Trong đoạn viết trên đây ông ám chỉ sự kiện những người cộng sản cướp chính quyền vào năm 1945, và những kẻ trục lợi muốn lợi dụng sự phẫn nộ của người dân trong nước hiện nay.

Tuy ngắn ngủi, nhưng một lần nữa cuộc biểu tình tại Sài Gòn cũng dẫn đến những cảnh bắt bớ đánh đập. Ông Nguyễn Khoa Văn cảnh báo rằng bạo lực chi dẫn đến sụp đổ mà thôi:

Tư tưởng làm sao nhuộm sắc máu?
Bạo lực chỉ nhuốm màu bi ai!

Vâng, tư duy của người dân không thể bị đánh đập cho rướm máu, dập nát, méo mó hay tàn tạ. Càng bạo lực chỉ càng nhuộm thêm ánh vàng vọt tàn phai; như chỉ dấu báo hiệu ngày sụp đổ của trang trại súc vật quý hiếm đã điểm!

Những dòng người ra đi và sự cảnh báo

Từ Thái Lan, blogger Tưởng Năng Tiến quan sát những người Việt Nam lại tiếp tục bỏ xứ ra đi, đến cư trú trên đất Thái, một xứ chẳng phải là giàu có gì cho cam:

Tuy thế, trông người Thái nào tôi cũng cảm được là họ đang sống rất bình an. Nỗi an bình của một của cả một dân tộc chưa từng “dám” đánh thắng một đế quốc to nào ráo, đế quốc nhỏ cũng chưa!

Dân Thái – chắc chắn – chưa bao giờ nghe nói đến những thứ (thổ tả) đại loại như chủ nghĩa mác xít lê nin nít vô địch muôn năn, cải cách ruộng đất, hợp tác xã, đánh công thương nghiệp, đổi tiền, vượt biên, trại cải tạo, nợ công, lạm phát, vỡ qũi bảo hiểm xã hội, sự cố môi trường biển, Hội Nghị Thành Đô …

Cộng lại tất cả những cái “chưa” này của dân tộc Thái Lan thì thành một giấc mơ xa vời (và mỗi lúc một thêm xa) của người dân Việt!

Đồng bào hay đồng hương của tôi thì vẫn vậy – vẫn cứ tiếp tục ra đi bằng mọi giá và mọi cách. Ủa, chớ “bến bờ tự do” có gì quyến rũ mà dân Việt –  từ thế hệ này sang thế hệ khác – cứ mãi khát khao đi tìm mãi thế?

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cho rằng mối lo cho tương lai ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên để tránh những tương lai u ám, không phải gia đình người Việt Nam nào cũng có thể lánh ra nước ngoài, vì vậy anh cho rằng người dân phải hành động để thay đổi xã hội trước khi quá muôn.

Ý thức hành động đó cũng là điều mà blogger Viết từ Sài Gòn suy nghĩ, chứ không phải chỉ có đổ máu và nước mắt mới có thể dành được một xã hội tự do dân chủ. Nhưng về phía nhà cầm quyền thì Lê Dung cảnh báo rằng đến lúc nào đó, sự phẫn uất lên cao độ thì chẳng cần những nhóm tổ chức, người dân cũng sẽ xuống đường thì khi ấy liệu cơ quan an ninh có đủ người mà ngăn chận hay không?

Tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975

Tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975

11/03/2017  
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975.

 

Các ca khúc bị tạm dừng phổ biến dù đã được cấp phép trước đó bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết qua xem xét nội dung ca từ một số bài hát do Sở VH-TT TP.HCM cung cấp, hội đồng nghệ thuật thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức thẩm định lại và thống nhất tạm thời dừng việc lưu hành một số bài hát đã cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc.

xem :RFA

“ĐƯỢC” BẮT

From facebook: Suong Quynh with Huynh Ngoc Chenh and 19 others.
“ĐƯỢC” BẮT

 

Khi tôi gặp anh chị em, mọi người hỏi tôi có sao không? Tôi cười: Tất cả thời gian ngồi trong đồn công an phường 2 Vũng Tàu em không hề sợ mà chỉ thấy thú vị. Và trong đầu nghĩ rằng: Bắt như vậy thì công an Vũng Tàu càng lộ rõ bộ mặt phản Dân, phản Quốc và càng bôi nhọ cái chính danh mà nhà cầm quyền này đang cố gắng nhồi nhét vào những sọ não công an và những kẻ thuộc cấp để như con thiêu thân lao vào che chắn bảo vệ họ, mà không chút suy nghĩ đúng sai hay vi phạm pháp luật của chính họ đề ra. Họ cũng tự bôi tro chát chấu vào mặt chế độ này, thì việc bắt mình càng có dịp để tố cáo những hành vi phạm pháp của họ trước quốc tế chứ.,….vui mà.
Mình chỉ có một sự lo lắng và xót xa cho mọi người vì biết rằng anh chị em ở ngoài rất lo lắng vì chưa thể có tin tức gì từ mình và không biết nhốt ở đâu. Cái sự lo lắng cho người bị bắt mình đã từng trải nghiệm nhiều lần, nên rất hiểu tâm trạng của anh chị em. Nên việc đầu tiên khi chúng thả gần Bà Rịa là mình nghĩ cách để liên lạc báo tin cho mọi người sớm nhất. vậy nên khi lên được xe, gặp bạn trẻ mình mượn phây báo tin liền. Mà mình biết thông tin ngay lập tức loan trên phây.

Tối qua có người nói mình: Việc gì phải làm việc với những người không mặc sắc phục công an, hay không đeo bảng tên? Cứ bắt đúng quy định thì mới làm việc. Mình trả lời. Cái bọn bắt cóc mình bất kể sai pháp luật, ăn mặc thì tùm lum. Khi chúng đưa về sào huyệt của chúng dù cái tên có chính danh hay không chính danh thì có khác nào bọn IS hay bọn bắt cóc đâu? Hà cớ gì mình phải lăn tăn người này là công an hay côn đồ, kẻ kia có phải giả dạng công an hay bọn khủng bố hay không? Khác gì nhau ? mà đã vào tay bọn vô pháp này thì các thành phần kia đứa nào mà chả giống nhau ?

Image may contain: 5 people, people standing and outdoor

Thật buồn cho một đất nước.

From facebook:  Linh Võ shared Hà Hải Ninh‘s post.
Thật buồn cho một đất nước
Image may contain: 1 person, standing

Hà Hải Ninh

 Đất nước tôi vừa mới vinh danh một cụ ông, người có thời gian gánh nước thuê lâu nhất Việt Nam.

Và tôi biết, một đất nước mà toàn kỷ lục buồn như Việt Nam thì chúng tôi luôn có những điều trái ngược với thế giới. Cũng may là người ta không chú ý đến lượng cô dâu được xuất khẩu hằng năm với giá nhỉnh hơn chiếc xe máy một tý xíu, hay những thanh niên trai tráng phải bán xới khỏi quê hương để làm culi nơi xứ người. Tôi đoán chắc rằng, nếu có con số thống kê chính xác, thì kỷ lục này chắc khó thoát khỏi cái tên Việt Nam.

Đất nước chúng tôi có gần 3000km bờ biển mà giờ phải nhập khẩu muối, có vàng đen mà giờ phải nhập khẩu cả than, có nền nông nghiệp từ nghìn đời nay mà giờ cũng phải nhập cả trứng, và có cây tre huyền thoại làm biểu tượng nhưng cũng phải nhập cả tăm xỉa răng.

Sự tài tình sáng suốt của những người lãnh đạo đã biến Việt Nam mà theo lời ông Lý Quang Diệu thì “xét về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam phải có vị trí số 1 Đông Nam Á”  thành một đất nước lẹt đẹt và sắp bị vượt mặt bởi các nước lạc hậu như Lào, Cam.

Tôi nhớ đến câu nói của ai đó, nếu bạn giao sa mạc cho người cộng sản quản lý, sớm muộn gì sa mạc ấy cũng phải nhập khẩu cát.

Nhật hứng 2 quả bom nguyên tử và họ trở nên vĩ đại, Myanma mới từ bỏ độc tài và đang có dấu hiệu sắp vượt qua Việt Nam, còn chúng ta hứng trọn cái chủ nghĩa chết tiệt này để rồi sau mấy chục năm mò mẫm mà cuối cùng chẳng biết đi đâu và bao giờ thì đến đích.

Ôi! Nỗi niềm biết tỏ cùng ai đây Việt Nam ơi.

Nguồn: Nhân Thế Hoàng.

TÔI THẤY ĐẤT NƯỚC MÌNH THẬT LẠ.

From facebook:  Hằng Lê

TÔI THẤY ĐẤT NƯỚC MÌNH THẬT LẠ.

Dân đóng thuế nuôi đảng, đảng làm sai dân góp ý thì đảng bảo dân là phản động, là nếu không thích thì ra nước ngoài mà sống.

Cũng lại là dân, mua vé để giúp nghệ sỹ có nhà lầu, xe hơi; thế mà khi nghệ sỹ diễn quá lố, dân lên tiếng thì bảo, nếu thấy nhảm quá thì hãy tắt tivi.

Thân phận người dân nước tôi quả thật quá đáng thương. Đến như việc để có được miếng ăn ngon, mà họ vẫn chấp nhận làm kẻ chầu chực như văn hoá bún mắng cháo chửi ở xứ đàng ngoài. Buồn hơn nữa là dân tôi hình như họ không thấy nhục vì điều đó, họ không hiểu được rằng khi họ bỏ tiền ra để được phục vụ là họ đang ở vị trí của thượng đế chứ không phải là thân phận của kẻ ăn xin.

Ở một đất nước mà chỉ một đảng phái độc quyền dẫn dắt, đảng phái ấy lại nắm trong tay toàn bộ truyền thông và nhồi nhét vào đầu người dân những điều dối trá từ năm này qua năm khác thì người dân nước đó luôn mặc định rằng, mình chính là kẻ chịu ơn.

Và khi mang trong mình sự biết ơn thì họ sẽ luôn bằng lòng với sự ban phát mà kẻ có ơn kia bố thí cho họ. Đến như ông già gánh nước thuê dù đã đến tuổi nghỉ ngơi mà vẫn ơn đảng, ơn bác khi nhận kỷ lục thì đủ hiểu dân tộc này thèm khát sự ban phát từ những người cai trị đến nhường nào.

(Nhân Thế Hoàng)

Hình công an tra tấn phụ nữ gây căm phẫn trên mạng xã hội

Hình công an tra tấn phụ nữ gây căm phẫn trên mạng xã hội

Bức ảnh thứ nhất, người phụ nữ bị còng tay và ấn đầu xuống. (Hình: Facebook)

Có thể hợp lực ngăn chặn tra tấn tại Việt Nam hay không?

VIỆT NAM (NV) – Hai tấm ảnh ghi nhận chuyện “công an nhân dân” Việt Nam tra tấn nghi can được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và làm nhiều người căm phẫn.

Tấm thứ nhất được một người ẩn danh đưa lên Facebook vào ngày 9 Tháng Ba. Ảnh cho thấy một phụ nữ bị còng một tay vào cửa sổ và một “công an nhân dân” vừa lấy tay ấn đầu cô xuống, vừa dùng chân đạp vào gáy cô.

Trong khi người sử dụng Internet tại Việt Nam chưa hết bàng hoàng thì sáng ngày 10 Tháng Ba, người ẩn danh đưa lên Facebook tấm ảnh thứ hai cho thấy “công an nhân dân” trong tấm ảnh trước vừa dùng tay bóp gáy người phụ nữ, vừa dùng đầu gối đè cô xuống sâu và mạnh hơn, bất kể tay cô vẫn bị còng dính vào cửa sổ và bả vai bị xoay theo hướng ngược lại.

Chưa biết người ẩn danh có đưa thêm những tấm ảnh khác hay không nhưng đây là lần đầu tiên hình ảnh về chuyện tra tấn nghi can của “công an nhân dân” được công bố.

Bố cục ảnh cho thấy ảnh được chụp lén từ bên ngoài cửa sổ và mục đích là để tố cáo.

Bắt đầu có một số facebooker kêu gọi mọi người hỗ trợ xác định nơi chụp, tên và số phận hiện giờ của nạn nhân và danh tính kẻ tra tấn.

  • Cứ vào đồn công an là chết?
Hình công an tra tấn phụ nữ gây căm phẫn trên mạng xã hội
Bức ảnh thứ hai, người phụ nữ bị viên công an bóp gáy, dùng đầu gối đè cô xuống trong khi tay vẫn đang bị còng vào cửa sổ. (Hình: Facebook)

Cách đây 2 năm, do áp lực của dư luận, Tháng Ba năm 2015, Bộ Công An Việt Nam phải công bố, từ 1 Tháng Mười năm 2011 đến 30 Tháng Chín năm 2014, tại Việt Nam có 226 nghi can chết khi đang bị tạm giữ, tạm giam nhưng đa số là do “bị bệnh” hoặc “tự sát.”

Sau đó, con số chết do “bị bệnh” hoặc “tự sát” lúc đang bị tạm giữ, tạm giam tăng không ngừng.

Cũng vào thời điểm đó, công chúng sững sờ khi Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Ðỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc, cùng ngụ tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng, từng cùng thú nhận đã “giết” ông Lý Văn Dũng hồi Tháng Bảy năm 2013, hoàn toàn vô tội.

Thủ phạm tước đoạt tính mạng ông Dũng là hai cô gái. Còn cả 6 nhận đã “giết” ông Dũng chỉ vì bị các điều tra viên của Ðội Cảnh Sát Ðiều Tra Án Xâm Phạm Nhân Thân của công an Sóc Trăng dùng còng treo lên cửa sổ, rồi dùng tay, dùi cui, đánh họ, thậm chí còn dùng khăn bàn, bọc nước đá vào hạ bộ các nạn nhân, ép họ khai theo ý của các điều tra viên.

Ðể gia tăng mức độ tin cậy của những lời nhận tội, Ðội Cảnh Sát Ðiều Tra Án Xâm Phạm Nhân Thân của công an Sóc Trăng còn bắt thêm một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Bé Diễm và truy cứu trách nhiệm hình sự vì “không tố giác tội phạm”…

Trước những hình ảnh vừa được công bố về hoạt động tra tấn của “công an nhân dân,” ngoài chuyện bày tỏ sự thương cảm, phẫn nộ, người Việt sống ở bên ngoài Việt Nam có nên hợp lực hành động, kêu gọi các tổ chức bảo vệ nhân quyền, chính quyền các quốc gia nơi mình cư trú chính thức phản kháng, đòi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra, ít nhất là về số phận nạn nhân và kẻ thủ ác trong hai tấm ảnh rất rõ ràng này hay không? (G.Ð)

HÀN QUỐC: DÂN CHỦ VÀ CÔNG LÝ ĐÃ THẮNG

HÀN QUỐC: DÂN CHỦ VÀ CÔNG LÝ ĐàTHẮNG

FB Nguyễn Anh Tuấn

10-3-2017

Sáng nay khi thấy cô bạn mình là một người hoạt động Hàn Quốc viết trên FB rằng “Dân chủ và công lý thắng thế” (Democracy and justice prevail), mình biết bà Tổng thống Park Geun Hye đã chính thức bị Tòa án Hiến pháp phế truất, sau khi đã bị luận tội bởi Quốc Hội cuối năm ngoái.

Vậy là, không giống như người cha gây nhiều tranh cãi của bà, Tổng thống Park Chung Hee, dưới nền độc tài của chính ông ta, đã bị lật đổ bằng một cuộc ám sát đậm mùi thuốc súng và để lại sau đó 10 năm xáo trộn quốc gia, bà Park hôm nay đã được nền dân chủ và pháp trị Hàn Quốc cho ‘về vườn’ một cách ôn hòa, văn minh, không tiếng súng. Nền quản trị quốc gia, nhờ được thiết kế tốt (với sự phân biệt rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành pháp công vụ) nên vài tháng sau khi bà Tổng thống bị đình chỉ quyền lực, vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ rơi vào khủng hoảng.

Sự kiện này thêm một lần nữa chứng tỏ những luận điểm như “đa đảng thì loạn”, “chuyển tiếp chính trị dẫn đến mất ổn định” chỉ là con ngáo ộp mà những kẻ nắm quyền khắp mọi nơi đưa ra để hù dọa người dân nhằm duy trì trật tự hiện hành – thứ trật tự bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ.

Chiến thắng của nền dân chủ Hàn Quốc, cũng như những diễn biến củng cố dân chủ gần đây của một quốc gia Đông Á khác là Đài Loan, còn cho thấy hạt giống dân chủ hoàn toàn có thể bắt rễ, trổ mầm và đơm hoa kết trái ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo với xã hội nặng tính thứ bậc. Đây cũng là những dẫn chứng có sức nặng chống lại quan điểm rằng tự do-dân chủ chỉ là những giá trị Tây phương nên không phù hợp với các nước Á Đông, vốn đặt trên nền tảng một hệ giá trị khác.

Viết tới đây, bỗng nhớ tới cảm nghĩ hai năm về trước lúc ở Seoul dự Hội nghị Phong trào Quốc tế vì Dân chủ mà Hàn Quốc lần đầu tiên đăng cai xin được chia sẻ lại bên dưới:


“Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn phát biểu tại Hội nghị: “Chúng ta ở đây […] để tái khẳng định dân chủ là mô hình chính trị tốt nhất”

Cách đây 30 năm, nghĩa là cho đến trước Phong trào Dân chủ Tháng Sáu 1987, ở một đất nước như Hàn Quốc – chìm đắm trong gần 40 năm độc tài quân phiệt kể từ khi lập quốc sau Thế chiến II – đa số người dân hẳn chẳng bao giờ tưởng tượng nổi có một ngày Thủ tướng của họ sẽ phát biểu ngợi ca dân chủ như vậy, trong diễn đàn dân chủ vào hàng lớn nhất thế giới (Phong trào Toàn cầu vì Dân chủ – World Movement for Democracy) mà họ là nước đăng cai lần thứ 8.

Nhưng lúc đó đã có một số người mơ mộng (dreamers) và họ lan truyền giấc mơ đó đến cả triệu người khác để cùng xuống đường xoá sổ Nền Cộng hoà thứ 5, xây dựng một Hiến pháp dân chủ được toàn dân phúc quyết, mở ra Nền Cộng hoà thứ 6 thực sự dân chủ cho đến tận hôm nay.

Giờ đây thì người Hàn đã có thể ngẩng mặt, không chỉ nhờ vào Samsung, LG mà còn bởi trách nhiệm họ đang nhận lãnh: thúc đẩy dân chủ cho những nơi vẫn còn phi dân chủ như họ đã từng.

Chúng ta có đủ mơ mộng?”

Nhà báo “hô hào” việc vi phạm luật thì nhà báo đã phạm luật

Nhà báo “hô hào” việc vi phạm luật thì nhà báo đã phạm luật

FB Trương Nhân Tuấn

10-3-2017

Đảng CSVN cai trị người dân bằng “luật rừng” trong khi hệ thống pháp lý VN có cả “rừng luật”. Nguyên nhân là do VN không có “tam quyền phân lập”. Thậm chí quyền tư pháp ở VN không hiện hữu. Quyền này “hiện diện” trong một số trường hợp, nhưng lại đứng ở dưới, rất xa, các quyền thuộc về “hành pháp”.

“Hành pháp”, đại diện là công an, sau đó là UBND các nơi… có quyền làm đủ thứ, kể cả những thứ bị pháp luật cấm.

Còn “đệ tứ quyền”, cách nói khác của báo chí, cũng là một “quyền” phụ thuộc “hành pháp”. Họ ăn lương nhà nước, lãnh lương hưu trí của nhà nước… thì làm sao họ nói khác, hay nói ngược các chính sách của nhà nước?

Nhà nước làm sai (luật), hành pháp làm sai (luật), cũng được báo chí bênh vực.

Người dân, trên danh nghĩa thì được luật pháp bảo vệ. Các quyền tư hữu, các quyền tự do cá nhân (như buôn bán, làm ăn sinh sống… nói chung là quyền cơ bản: quyền được sống)… trên danh nghĩa thì được pháp luật bảo vệ. Nhưng họ luôn là nạn nhân của luật (rừng).

Các thí dụ: bà bán vé số lẻ bị kết vào tội “kinh doanh sổ số”. Vụ bồi thường Formosa. Hay vụ “giải phóng vỉa hè” đang xảy ra tại Sài gòn.

Ta thấy luật pháp đã bị bóp méo, giải thích, áp dụng một cách tự tiện. Bên “có lợi” là bên nắm quyền lực.

Ở các nước “bình thường”, ngành “tư pháp” có vị trí trung tâm trong các sinh hoạt điều hòa và quản lý xã hội.

Vụ Formosa làm ô nhiễm biển. Ở một xứ sở “bình thường”, việc truy tìm nguyên nhân, xử lý đúng sai, tuyên bố mức độ bồi thường cho các nạn nhân… là trách nhiệm của “tư pháp”. Formosa có quyền khiếu nại lên tòa án, nếu thấy bị xử oan. Người dân cũng có quyền khiếu nại (lên tòa án), nếu thấy việc bồi thường không tương xứng.

Vụ “giải phóng vỉa hè” ở Sài gòn, theo “luật”, tất cả các vụ xử lý vi phạm hành chánh đều thuộc trách nhiệm của “tư pháp”. UBND đại diện hành pháp, nhưng thẩm quyền của cơ quan này là “làm theo lệnh của tư pháp”.

Ở hai thí dụ này ta thấy “tư pháp” không hề hiện hữu.

Tư pháp là gì? đó là “justice”, tức là “công lý”. “Cour internationale de Justice (CIJ)” được dịch là “Tòa án Công lý quốc tế”.

Các thí dụ trên, vụ Formosa hay vụ “giải phóng vỉa hè”, “công lý” không hiện hữu.

Khi không có công lý, người dân không phục. Để thiết lập công lý, người dân có quyền biểu tình. Việc này được hiến pháp và luật pháp bảo vệ.

Hôm trước báo chí đăng tải, dân Hà nội tụ tập trương biểu ngữ biểu tình phản đối chủ đầu tư “ngăn chặn lối ra vào” của họ. Ở đây “quyền lợi” của số đông dân chúng bị “chủ đầu tư” vi phạm. Nhà nước “ngó lơ”. Dân biểu tình là đúng.

Còn dân Sài gòn, có lẽ đã quen “học gồng”, nên họ gồng mình chịu đựng. Còn dân Nghệ An, cái nôi của cách mạng, vụ Formosa hứa hẹn như phim “nhiều tập”.

Riêng “nhà báo”, nếu không hô hào được việc “trọng luật” thì cũng đừng a dua với kẻ mạnh để bức hiếp người dân.

Nhà báo hô hào vi phạm luật thì nhà báo cũng phạm luật.

Phố Tàu đang được lén lút xây tại Đà Nẵng

Phố Tàu đang được lén lút xây tại Đà Nẵng

2017-03-10
Khu phố Trung Quốc xây dựng lén lút sau bức tường bê-tông che chắn kín đáo.

Khu phố Trung Quốc xây dựng lén lút sau bức tường bê-tông che chắn kín đáo.

Courtesy of giaoduc.net
Báo Giáo dục Việt Nam đưa tin vào sáng ngày 10 tháng 3, cơ quan chức năng đã phát hiện nguyên một khu phố nằm gọn trong bức tường xây chung quanh tại khu vực giao nhau giữa đường Phạm Hùng – Hoàng Đạo Thành  thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bức tường cao hơn 10 mét kéo dài hơn nửa cây số trên phần đất của Công ty VietMay Home Tổng kho miền Trung, thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Trong khuôn viên này có hơn 10 căn nhà kiên cố đã được xây lên, hình dáng và kiểu cách đặc trưng văn hóa Trung Quốc bao gồm phố đi bộ, những ghế đá, cột đèn kiểu Thượng Hải cũng được phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư phường Hòa Xuân cho biết vào thời điểm cơ quan chức năng xuống kiểm tra hiện trường thì phát hiện có 5 người mang quốc tịch Trung Quốc đang đứng chỉ đạo, xem xét việc xây dựng.

Một trong năm hộ chiếu của họ có in hình lưỡi bò trên đó, đây là những tấm hộ chiếu Trung Quốc từng bị hải quan Việt Nam gạch bỏ khi phát hiện tại các cửa khẩu.

Trong thời gian gần đây báo chí và người dân Đà Nẵng liên tục tố cáo việc người Trung Quốc có những vi phạm nghiêm trọng về lao động bất hợp pháp, xây dựng trái phép cũng như nhiều đoàn du lịch người Trung Quốc gây phản cảm khi tới Đà Nẵng tham quan.

Bắt 3 người yêu nước đi tưởng niệm Liệt Sỹ Gạc Ma!

From facebook: Trần Bang‘s post.
Image may contain: 7 people, people standing and outdoor
Image may contain: 5 people, people standing and outdoor
Image may contain: people standing, sky, shoes and outdoor
Trần Bang added 3 new photos — with Vinh Le.

Bắt 3 người yêu nước đi tưởng niệm Liệt Sỹ Gạc Ma!

Ngày 10-3-2017, Một số tổ chức XHDS ở SG-VT đã ra bãi biển VT, thắp nhang, thả hoa Tưởng niệm 64 Liệt Sỹ VN bị giặc Trung Cộng xâm lược thảm sát tại đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam ngày 14-3-1988 ( ảnh 1,2).

FB NSUT Chi Kim Nguyễn

“Khi Đoàn tưởng niệm các chien sĩ Gac Ma chúng tôi vừa xong việc thì công an đã xuất hiện. Đây là hình ảnh của họ (3). Chúng tôi đã kịp thời lên xe.

Nhưng nhà báo Suong Quỳnh đã bị công an bắt đi.
Vinh Lê cũng bị công an VT đến tận nhà bắt…
Tâm Kế cũng bị bắt với Sương Quỳnh….

Chúng tôi đang chuẩn bị đi đòi người.
Se thong báo các bạn sau.
Chế độ cộng sản hay quá!! Họ cấm không cho người dân yêu nước. Họ cấm những người yêu nước bảo vệ tổ quốc.
Các bạn nghĩ gì trước những hành động bất thường này?”

500 Anh Em Sài Gòn- VT chuẩn bị đi đòi người, nếu công an VT còn giữ 3 người yêu nước trên.

– Bổ sung: Lúc khoảng 14h 45 ( 10-3-2017) công an VT đã trả tự do cho Suong Quỳnh và Vinh Lê

Ảnh 1,2, FB Suong Quynh Vinh Le , Nguyễn Nữ Phương Dung

Xin ngã nón chào những người phụ nữ

 Xin ngã nón chào những người phụ nữ

 TUAN KHANH

Tháng 12/2015 khi có tin tức nhạc sĩ Việt Khang mãn hạn tù. Tôi đón nghe được trên đài phát thanh giọng nói của bà Vân, mẹ của Khang về ngày được tự do của con mình. Đó là một giọng nói gây nhiều xúc động, dễ làm người nghe nghĩ ngợi.

Bà Vân có giọng nói đặc trưng của một người phụ nữ miền Tây Việt Nam. Chân chất và hiền hậu. Bà mừng và run run nói về đứa con trai của mình, rằng bà tôn trọng những quyết định của Khang. Với hai bài hát của mình, nhạc sĩ Việt Khang phải chịu bản án 4 năm tù và 2 năm quản chế và bị coi là tội phạm nguy hiểm khi dám đặt câu hỏi với ngành công an Việt Nam rằng “Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi – tôi làm điều gì sai?” Thế nhưng khi nói trên sóng radio, dẫu có chút ngập ngừng, bà vẫn nhỏ nhẹ rằng “tôi nghĩ Khang nó thấy cái gì đúng thì nó làm”.

Rất nhiều ngày sau đó, thậm chí cho đến khi gặp được bà, tôi vẫn không thể hiểu rằng sức mạnh nào trong người phụ nữ nhỏ bé và không cậy nhờ nhiều đến chữ nghĩa đó, lại có thể nói một điều hết sức giản đơn nhưng có một sức mạnh như sấm động, rằng cái đúng thuộc về trái tim và lý trí. Cái đúng vẫn y như vậy dù người đứng về phía nó có phải chịu tù đày. Cái đúng nằm trọn trong nhân dân, nằm trọn trong trái tim của người mẹ phủi chiếc áo nâu, đứng dậy và kiêu hãnh về con mình.

Nhưng trong giọng nói đó. Tôi biết bà có sợ hãi. Cũng không khác gì giọng nói và gương mặt của mẹ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Khi đến vấn an bà, khi biết Bình chịu mức án 6 năm tù cùng 2 năm quản chế. Gương mặt của bà im lặng, lạnh giá như mặt hồ tháng Giêng. Khó ai biết được bên dưới làn nước ấy là nỗi buồn hay sự tức giận. Bà nắm chặt tay tôi không nói gì khi tôi hỏi về Bình. Tôi nghĩ rằmg bà đã sợ hãi và chắc là đã vừa gượng qua một cơn sốc nào đó.

Làm sao mà không sốc, khi ngôi nhà nhỏ trên đường Kỳ Đồng bị xô cửa với những người hung hãn xông vào, lục tung và mang Trần Vũ Anh Bình đi vì những bài hát của anh. Vài ngày sau, những tờ báo của nhà nước giương hàng tít lớn, đưa tin có những nhạc sĩ bị bắt giữ vì tội “chống nhà nước”.

Năm trước, khi đến chuyển quà tết cho Bình, tôi ngồi nghe chị Mỹ – chị ruột của Bình – nói một cách rắn rỏi rằng “Bình chỉ có tội yêu nước”. Mẹ của Bình, gật đầu và nhắc lại “Vâng, Bình nói nó chỉ mang tội vì yêu nước”.  Giọng nói của bà hết sức tương phản với mẹ của Việt Khang, bởi đó là một giọng miền Bắc còn đậm chất thôn quê. Nhưng cả hai bà mẹ đều có chung một bí ẩn kỳ lạ: Dù sợ hãi nhưng họ không từ chối bảo vệ con mình vì chúng yêu quê hương, sống bằng danh dự và trách nhiệm trước lẽ phải.

Khi tôi nói vậy, chắc bạn sẽ nói rằng “mẹ nào mà không bảo vệ con mình?” Nhưng bạn à, lịch sử thương đau của người Việt từ sau 1945 từng cho thấy rằng khi sợ hãi và thiếu tự do, người ta có thể đấu tố cha mẹ mình, thậm chí giết hại, phản bội cả dòng họ để bảo vệ bản thân mình. Chỉ mới vài ngày trước, tôi còn chứng kiến việc một đảng viên lão thành xô đứa con bệnh tật của mình ra khỏi nhà với lý do không cùng tư tưởng chính trị. Xã hội chúng ta vẫn có những điều điên rồ như vậy đó, âm ỉ trong những tiếng vỗ tay ngợi ca quốc gia hạnh phúc.

Ngày 8 tháng 3 năm nay, tôi thật hạnh phúc khi gặp lại mẹ của Trần Vũ Anh Bình. Thật khác. Bà mạnh mẽ và hoạt bát – không giống với những gì tôi từng quặn thắt chứng kiến của vài năm trước. Gương mặt ấy vẫn hằn nét khổ đau nhưng không còn sợ hãi nữa, thay vào đó là một niềm tin.

Nhưng vẫn còn những điều khác mà tôi chưa kể với các bạn, về ngày 8 tháng 3 năm nay.

Tôi được gặp người phụ nữ bí ẩn đã thản nhiên bước qua hàng rào dày đặc mật vụ, công an, trật tự đô thị, bọn côn đồ giả danh… để bước tới thắp hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, nhân ngày 17/2, ngày nhớ về 60.000 con người Việt Nam đã chết năm 1979 vì cuộc xâm lược của Trung Quốc. Khi tôi chào chị, một nụ cười hiền lành đáp lại với tôi. Sự mỏng manh và an nhiên đó khiến tôi liên tưởng đển những vụ đánh đập dã man, lôi kéo những người phụ nữ lên xe bus vào ngày 5/3/2017. Chắc lô nhô kẻ ác cũng sẽ không từ nan để đập nát sự hiền lành và mỏng manh ấy, dẫu tên gọi đó, là quê hương, là nước Việt.

Tôi cũng may mắn được gặp Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh… và nghe kể về chị Cấn Thị Thêu, Thúy Nga… những người phụ nữ đó tựa như những cuốn sách giáo khoa sống động về tổ quốc trong những cơn đau chuyển mình sang ngày mới. Nước Việt hôm nay có thật nhiều những cái tên phụ nữ như vậy, không còn đếm xuể nữa. Tôi sẽ không quên dạy cho con cháu mình, qua những gì được thấy từ họ: rằng đất nước tuyệt đẹp của chúng ta không những bị cầm tù bởi bọn tham nhũng, bọn phản bội và bọn trục lợi sẳn sàng tàn phá thiên nhiên, mà đất nước Việt Nam còn có hàng hàng những người phụ nữ bị cầm tù, đày đọa chỉ vì yêu công lý và yêu dân tộc này.

Thật trớ trêu. Thế kỷ này, dường như dành cho phụ nữ trên đất nước Việt. Trong đoàn người đi kiện, đi kêu oan, hay trong những cuộc tranh đấu cho môi trường, cho quyền con người… những gương mặt phụ nữ luôn ở hàng đầu. Cô đơn và kiêu hãnh, những người phụ nữ Việt sãi bước đi trong tiếng rầm rập bao vây của dùi cui và còng sắt mà không kêu đòi được vinh danh hay chia chác lợi quyền.

Thomas Campbell, nhà thơ Scotland từ thế kỷ 18 từng viết “máu của người yêu nước là hạt giống cho cây tự do” (The patriot’s blood is the seed of Freedom’s tree). Những hạt giống hôm nay được gieo xuống đất này, từ bàn tay của những người phụ nữ. Và bất luận chướng ngại thế nào, cây tự do rồi sẽ vươn cao. Trong niềm hổ thẹn của mình, tôi chỉ còn biết ngã mũ chào với lòng kính trọng những người phụ nữ như vậy – những người đang gieo hạt và chỉ nhìn về tương lai. Một ngày với họ có lẽ không đủ, mà phải là một chương trong lịch sử dành cho họ, về một dân tộc soi mình trước khốn cùng và mỉm cười cùng những người phụ nữ của hy vọng.

Tuấn Khanh

http://www.boxitvn.net/bai/47283