Viết để những oan nghiệt như thế này đừng bao giờ lặp lại trên quê hương-Phan Thuý Hà

Ba’o Tieng Dan

25/01/2025

Phan Thuý Hà

Viết để những oan nghiệt như thế này đừng bao giờ lặp lại trên quê hương. Nếu vẫn lặp lại, việc viết chỉ có tác dụng an ủi cho những số phận kiếp người. Viết cho những hồn ma và cả cho người còn sống.Quê tôi, mấy ngôi làng nhỏ, mờ nhạt, bảy mươi năm trước. Hôm nay nhìn lại để suy ngẫm.

_____

Bấy giờ đang mưa lụt, nước dâng lên trắng đục cánh đồng và con đường đi từ làng nọ sang làng kia. Ở Châu Hạ, có mấy gia đình cố nông được chọn ra làm nơi ở cho các ông đội. Mỗi ngày, ông đội và cốt cán đi sang Hương Đồng làm việc phải đi bằng bè. Mùa lụt năm đó nước dâng cao. Nước lụt trắng xóa đồng Cồn Cừa, Cồn Chạo.

Một ông đội cải cách đến từ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau buổi đấu tố tại hội quán Hương Đồng, ông đội và hai cốt cán lên bè về nhà bên Châu Hạ.

Ông đội và chị dân quân lên một bè. Hai ông cốt cán lên bè đi trước.

Ông đội quàng tấm nylon che mưa. Loại nylon màu cánh gián này ở làng quê chưa ai có nên người ta nhớ mãi.

Mưa xối xả, gió mạnh. Bè mới lướt được một đoạn đã gặp sự cố. Đầu chiếc sào đẩy bè cắm sâu trong bùn, bị những thân rạ quấn chặt, giữ lại. Ông đội cố sức rút sào lên. Bè trôi nhanh theo gió. Ông đội chới với giữa mặt nước, tấm nylon trùm lên người. Ông đội không biết bơi. Cô dân quân kêu cứu. Hai ông cốt cán quay bè lại thì thấy ông đội đâu nữa.

Hai ngày sau xác ông đội mới được tìm thấy đưa lên bờ.

Ai đã giết ông đội? Đoàn cải cách, cán bộ huyện về làng Châu Hạ họp gấp. Rễ, chuỗi được gọi đến. Ban điều tra vụ án được thành lập.

Hai ông cốt cán đi bè lướt trước bị kết tội đã giết ông đội.

Một trong hai ông cốt cán là người bà con với ông Hóa. Một bà nông dân đứng lên nói: Chính mắt tôi đã nhìn thấy ông Hóa làm cho thật nhọn cái sào tre để bẫy chết ông đội.

Làm cho cái sào thật nhọn để khi sào cắm xuống mắc sâu vào trong bùn không nhấc lên được.

Ô Hóa bị vu cho là chủ mưu vụ giết người.

Người ta dựng lại hiện trường tại con sông làng. Ông đội là hình nộm ngồi trên bè. Hai ông cốt cán diễn cảnh đẩy ông đội rơi xuống bè, nhấn chìm ông đội xuống nước. Nhà báo ở Tỉnh lên chụp ảnh, viết bài.

Ông Hóa là cha tôi.

Cha tôi ngày thường vào rừng lấy măng, lấy nứa. Đợt này mưa lụt nên ở nhà. Cha đang ngồi bên bàn hút thuốc lào thì một đoàn người đến.

Hôm đội về họp phân chia thành phần. Gia đình tôi là “trung nông lớp dưới”. Nghĩa là khá hơn bần nông một chút và dưới mức trung nông. Với xếp thành phần như thế, gia đình tôi ở ngoài cuộc đấu tranh cải cách. Không đi kể khổ, đấu tố ai và cũng không là đối tượng bị đấu tố.

Nhưng xảy ra cái chết của ông đội.

Cha tôi bị bắt.

Nhà tôi chẳng có của cải gì mà tịch thu. Trong bếp có vài cái nồi. Mở vung nồi ra thấy có ít cơm nguội. Là phần cơm chiều mẹ để dành cho tôi nhưng bây giờ là cơm của nông dân. Mỗi người một vốc ăn hết ngay trong bếp. Ngoài vườn có cái sành đựng nước tiểu, họ đổ nước tiểu, lấy sành.

Chúng tôi đến ở dưới mái nhà hoang. Nửa tháng sau, thêm một gia đình cũng bị đuổi ra ở mái nhà bên cạnh. Gia đình tôi bị quy là phản động. Gia đình kia là địa chủ. Hai gia đình địa chủ và phản động ở sát nhau sẽ câu kết tạo sức mạnh chống phá. Gia đình tôi bị đuổi ra ở một căn lều gần ngoài đường tàu.

Tôi đi men theo đường tàu chọt rau má, kiếm lá tàu bay. Mẹ và chị đi bắt cua. Ngày hôm nay đi bắt cua, ngày hôm sau đi chợ. Tôi đang ngủ say thì mẹ thức dậy, con đi ra đầu đường cho mẹ gặp lấy may. Gặp lấy may là trên đường đi chợ không bị dân quân bắt. Đã có lần giỏ cua bị giật khỏi tay mẹ. Họ đổ cua ra bên đường, giẫm nát. Tôi nghe mẹ gọi, bật dậy, vừa đi vừa dụi mắt. Gọi là đường nhưng chỉ là lối đi giữa đồng lên đường tàu. Chờ một lúc chưa thấy mẹ đi ra, tôi ngủ lăn trên bãi cỏ. Tỉnh dậy mặt trời đã lên. Tôi đi vào nhà xem có gì ăn. Hôm thì mẹ để cho củ khoai hoặc đọi ngô, hôm chẳng có gì, nhịn đói chờ mẹ về. Chờ mãi, quá trưa rồi sang chiều, mẹ chưa về, chị cũng chưa về, tôi đói, tôi khóc. Mẹ và chị mỗi người đã xong việc nhưng về đến gần làng thì trốn trong núi, đợi tối mịt, đoán chừng dân quân không chặn nữa thì mới dám về nhà.

Sau mỗi phiên chợ, mẹ dành được một chút tiền, mẹ giấu tiền trong cái bạng tre. Bạng tre là cái ống tre, thông hết các mắt tre, mỗi buổi tối người ta mang vào nhà đi tiểu, sáng mai ra tưới cây, tưới rau hoặc đổ vào cái sành tích lại để dành tưới rau.

Mẹ đi chợ, dân quân đến nhà dỗ dành tôi, hỏi tôi mẹ giấu gạo, giấu tiền ở đâu không, có phải mẹ dắt tiền tiền trên cặp tranh không. Tôi lắc đầu, không phải trên cặp tranh đâu, mẹ giấu trong cái bạng. Họ đổ bạng ra, lấy hết rồi đi.

Tối mẹ về nghe tôi kể lại, mẹ buồn vì con còn dại quá.

Anh trai tôi đi chăn trâu cho một gia đình công giáo ở dưới Phương Mỹ, làng ven sông Ngàn Sâu. Ở Hương Mỹ chuyện đấu tố địa chủ cũng có nhưng không ghê gớm như ở Hương Châu. Anh trai tôi được nhà người ta thương. Khi anh về thăm mẹ, họ gửi cơm nếp, gạo, mắm. Nhận được quà của người giáo dân, đêm hôm mẹ lén lút mang chia cho mấy gia đình cùng cảnh ở lân cận.

Buổi chiều hôm đó mẹ và chị ra đồng chặt sim. Mẹ bị đau bụng. Cơn đau khiến mẹ nằm vật vã giữa đồng sim. Chị dìu mẹ về. Một người đi qua lều ném vào một nắm chè xanh. Chị vò chè đun sôi, rót nước ra cho mẹ một bát. Uống bát nước chè nóng, mẹ thấy ấm bụng, cơn đau dịu bớt.

Sáng hôm sau, chị tôi đi qua ngõ nhà người chị họ, nghe tiếng khóc. Chị lén vào nghe ngóng xảy ra chuyện gì. Thoáng thấy bóng chị, chị họ khóc to. Chú Hóa bị bắn chiều qua rồi.

Chị tôi đưa tay lên bịt miệng lao về nhà.

Chiều qua, khi mẹ tôi đang chặt sim.

Nơi bắn cha tôi là trường cơ bản ở bên Hương Đồng. “Oan quá trời ơi”. Cha kêu lên một tiếng. Một nắm giẻ nhét vào mồm. Cha không kêu chi được nữa.

Phát súng đầu tiên không nổ. Phát thứ hai không nổ.

Thứ ba không nổ.

Chỉnh lại súng. Thay một bà nông dân khác lên bắn. Cha tôi gục xuống. Tràng vỗ tay hoan hô. Có người sợ quá nhắm tịt mắt lại.

Một đoạn dây thừng tròng vào cổ. Xác cha tôi bị kéo đi từ trường cơ bản xuống Bến Nại. Đoạn đường đá lởm chởm sắc nhọn. Đá chọc vào da thịt. Da thịt găm vào mỏm đá sắc. Con mương dài là lối trâu đi ra đồng. Xác cha nằm đó. Trong lối trâu đi. Xác ông Long cũng nằm đó, ông mới bị bắn chết hôm qua.

Trong con mương lối trâu đi. Xác cha tôi và ông Long, hai người làng Châu Hạ. Úp mặt xuống đất.

Chị gái tôi điên dại khi nghe kể lại. Chị lên cơn đau tim. Chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Ông Thành, một trong hai ông cốt cán bị đưa ra nhà tù ngoài huyện Thanh Chương. Khi được ra tù, ông Thành mang một cơi trầu xuống gặp mẹ tôi. Ông khóc. Bác tha tội cho con. Con sợ bị bắn nên con khai bác Hóa là chủ mưu.

Ông Thành đã thuật lại cho chúng tôi biết buổi chiều mưa lụt ngày năm đó.

Đội đi rồi, những người tù còn sống về làng. Mẹ con tôi được về vườn cũ, dựng lại nhà. Anh trai tôi không đi ở nữa, anh đi học, hết lớp bảy, anh ra Hà Nội học in tráng phim, khóa học 1964-1967. Năm 1968 anh nhập ngũ đi B. Trên đường hành quân, qua nhà, anh và đoàn quân nghỉ một đêm ở làng, đêm đó anh về nhà, giữa đêm anh gánh cho mẹ đầy chum nước. Sáng sớm anh đi, tôi chạy theo anh một quãng đường, các anh trong đoàn quân bảo em gái về đi, đôi chân tôi vẫn không ngừng được, tôi cứ chạy theo, cho đến con dốc dài, tôi đứng dưới nhìn theo. Mười năm không có tin tức gì về anh. Chiến tranh xong rồi, ba năm sau giấy báo tử đến nhà. Mẹ không đi làm đồng được nữa. Đêm đêm mẹ tôi ngồi bó gối trên giường. Mẹ không tin anh đã chết. Một buổi sáng tôi đi làm đồng về thấy mẹ nằm bất động. Mẹ đã bay cao đi tìm anh.


 

Vinfast và sự ảo tưởng của chế độ cộng sản – Sonnie Tran

Ba’o Nguoi-Viet

January 23, 2025

Sonnie Tran

Báo chí tại Việt Nam, bao gồm cả báo nhà nước lẫn báo tư nhân, gần đây liên tục đăng tải các bài viết về VinFast.

Trước đó, các bài viết thường tập trung vào việc tung hô khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe, tuy nhiên, chiến dịch này dường như không mấy hiệu quả. Vì vậy, tuần qua, chủ đề lại xoay quanh luận điệu “tinh thần dân tộc” đã cũ. Điển hình như bài viết “Ông Phạm Nhật Vượng làm xe điện với tinh thần dân tộc” của Tiến Sĩ Phạm Chi Lan, và “VinFast giúp phá vỡ định kiến về trình độ và năng lực của người Việt” của Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Điều đáng bàn chính là cả hai học giả này đều không sở hữu chuyên môn sâu rộng về ngành công nghiệp xe hơi.

Thực tế, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, truyền thông trong nước đang che giấu rất nhiều thông tin.

Việt Nam không cần một thương hiệu xe hơi quốc gia

Có một luồng ý kiến cho rằng Việt Nam cần một thương hiệu xe hơi nội địa để thúc đẩy tiến bộ và ứng dụng công nghệ cao. Lập luận này hoàn toàn thiếu cơ sở. Ngành công nghiệp xe hơi vốn nổi tiếng là một lĩnh vực đầy thách thức, với biên lợi nhuận thấp nhưng tính cạnh tranh lại rất cao và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Đây là một ngành sản xuất đặt gánh nặng lớn lên chuỗi cung ứng. Một nền tảng xe hơi, trước khi được đưa vào sản xuất hàng loạt, phải trải qua hàng thập niên thử nghiệm nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ngay cả tại Hoa Kỳ, cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi, cũng chỉ có số ít các công ty khởi nghiệp xe điện như Tesla và Rivian trụ vững được. Hay tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới là Trung Quốc, những cái tên như Nio, Xpeng, BYD cũng chỉ có thể tồn tại nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Đáng chú ý, BYD, hãng xe điện có doanh thu hàng đầu thế giới, cũng chỉ đạt biên lợi nhuận khoảng 5%, cho thấy mức độ khó khăn và biên lợi nhuận mỏng manh của ngành này.

Các nước G7, cả Canada và Australia đều không sở hữu thương hiệu xe hơi riêng. Gần hơn, sự thất bại của thương hiệu Proton của Malaysia càng minh chứng rõ ràng cho việc ngành công nghiệp xe hơi không hề dễ dàng chinh phục và cũng không phải là chìa khóa vạn năng để thúc đẩy năng lực sản xuất quốc gia. Trong khi đó, hai thị trường xe hơi lớn nhất Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia, đã chọn hướng đi khác, trở thành “Detroit của Đông Nam Á” bằng cách tập trung vào gia công, sản xuất và lắp ráp cho các hãng xe hơi lớn của thế giới trong khu vực. Do đó, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy một quốc gia cần phải có thương hiệu xe hơi riêng để phát triển năng lực sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Việt Nam cũng không cần hãng xe hơi quốc gia để phát triển công nghệ cao.

Thế giới hiện nay vận hành theo mô hình kinh tế toàn cầu, tập trung vào chuyên môn hóa và tận dụng lợi thế cạnh tranh. Mỗi quốc gia đều sở hữu những thế mạnh riêng trong lĩnh vực công nghệ cao, như Trung Quốc và Ấn Độ nổi trội với năng lực phần mềm. Nhiều ứng dụng của Trung Quốc trong các lĩnh vực như bản đồ, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn có thể sánh ngang, thậm chí vượt trội hơn so với các sản phẩm phương Tây.

Đối với Việt Nam, công nghệ cao có thể nằm ở lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là AI, nơi sức mạnh trí tuệ đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, với lợi thế về thổ nhưỡng phì nhiêu ở hạ lưu sông Mekong, khí hậu nhiệt đới phía Nam và cận ôn đới phía Bắc có thể là nền tảng cho ngành nông nghiệp công nghệ cao đầy tiềm năng. Công nghệ sinh học và dược phẩm cũng là những lĩnh vực đáng được cân nhắc cũng như rất nhiều lĩnh vực thiết thực khác.

Suy cho cùng, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là xây dựng doanh nghiệp thành công và tạo ra lợi nhuận. Nông nghiệp, trong năm 2023 đã có giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều và rau quả và mang về cho Việt Nam hơn $16 tỷ – một nguồn thu thực tế và đáng kể. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng nguồn lực này để nhập khẩu xe hơi, rất nhiều xe hơi từ các hãng xe khác nhau với mức giá cạnh tranh. Đây chính là cách sử dụng vốn hiệu quả hơn. Trong khi đó, thị trường xe hơi Việt Nam có sức tiêu thụ quá nhỏ để có thể đạt hoà vốn và làm bệ đỡ cho một hãng xe hơi.

Quan điểm cho rằng Việt Nam cần một thương hiệu xe hơi quốc gia để phát triển và tạo dựng uy tín là thiếu cơ sở thực tiễn, tương tự như việc theo đuổi một thương hiệu điện thoại quốc gia. Nó cũng phản ánh tư duy sai lầm khi coi thường giá trị của các ngành như nông nghiệp hay may mặc. Đây chính là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân túy giả tạo được chính quyền cộng sản lan truyền, nhằm che đậy những thất bại mà họ gây ra và đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng.

Niềm tự hào dân tộc giả tạo

Cái gọi là “niềm tự hào dân tộc” xung quanh VinFast thực chất được xây dựng trên nền tảng suy nghĩ viển vông của chính phủ, hoàn toàn tách rời khỏi thực tế kinh doanh và chìm đắm trong ảo tưởng. Mặc dù nhiều chuyên gia sớm chỉ ra tính bất khả thi của dự án này, chính phủ và ông Phạm Nhật Vượng vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ xa vời ấy.

Những chiếc xe VinFast thực chất chỉ là sản phẩm chắp vá từ các studio thiết kế xe hơi kém tiếng tăm của Trung Quốc và Tata của Ấn Độ. Thậm chí, phần lớn dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc, không mang dấu ấn hay đóng góp trí tuệ nào từ đội ngũ Việt Nam, nhưng VinFast lại lên truyền thông khoe rằng tỷ lệ nội địa hoá hơn 60%, trong khi chất lượng kém và phớt lờ những cảnh báo an toàn như chính cựu kỹ sư Hazar Denli đã tiết lộ trên BBC.

Việt Nam đang nằm dưới sự lãnh đạo của một chính phủ cộng sản độc đảng, với những bất cập trong việc kiểm soát tham nhũng. Chính vì vậy, họ luôn tìm kiếm một “chất keo” để gắn kết người dân, và chủ nghĩa yêu nước giả tạo đã trở thành công cụ hữu hiệu, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. VinFast chính là minh chứng cho ảo tưởng của chính phủ và ông Vượng khi được vận hành theo kiểu phản thị trường đặc trưng của hệ thống cộng sản: đầy rẫy những lời lẽ khoa trương, lừa dối và kiểm duyệt.

Chỉ những người thiếu hiểu biết hoặc những “VinFan” mù quáng mới coi việc VinFast gánh khoản nợ khổng lồ cùng chiến lược tự tiêu thụ nhồi nhét cho GSM là một thành công, bởi họ không được tiếp cận với thông tin tự do để nhận thức được sự thật, ngoại trừ một số ít “VinFan” cố chấp bảo vệ quan điểm của mình. Thành công thực sự phải được định nghĩa bằng sản phẩm chất lượng cũng như hoạt động kinh doanh bền vững và sinh lời. Trong khi đó, xe VinFast lại tồn tại nhiều lỗi, thiếu an toàn, giá cả quá cao, không có khả năng cạnh tranh và trên hết, là một sự lãng phí tài nguyên to lớn của Việt Nam.

Cổ phiếu VinFast (VFS) trên thị trường chứng khoán Mỹ đang trở thành trò cười khi không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam vẫn ngộ nhận việc niêm yết trên sàn NASDAQ, bằng bất cứ giá nào, là một thành tựu to lớn. Thực tế, ông Phạm Nhật Vượng tham gia cuộc chơi này nhằm mục đích làm giàu cho bản thân, và việc chuyển hướng sang xe điện chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu đó thông qua IPO, đồng thời, có thể rút một phần tài sản ra khỏi Việt Nam.

Tóm lại, VinFast là sản phẩm của ảo tưởng chính phủ khi đặt niềm tin vào những lời hứa viển vông của ông Vượng. Toàn bộ hoạt động của VinFast được vận hành theo mô hình phản thị trường tự do, đặc trưng của hệ thống cộng sản, với những chiến dịch tuyên truyền, tiếp thị cường điệu và kiểm duyệt thông tin, tất cả đều phục vụ cho mục đích làm giàu cá nhân của ông Vượng, người đang nắm giữ 98% cổ phần VinFast.

VinFast không đại diện cho tinh thần Việt Nam. Người Việt chỉ là nạn nhân của hệ thống truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ và tư duy cộng sản đã ăn sâu, khiến họ đặt niềm tin mù quáng vào các nhà lãnh đạo mà không hề có sự phản biện hay chất vấn.


 

Tội phạm trở thành tổng thống, và bản án gây chia rẽ nước Mỹ-Bình Thiên

Ba’o Nguoi-Viet

January 24, 2025

Bình Thiên

Một người bị kết án 34 tội danh trọng tội lại nghiễm nhiên làm chủ Tòa Bạch Ốc, chuyện chưa từng có trong lịch sử chính trị nước Mỹ.

Ông Donald J. Trump, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, bị tuyên án trong vụ án tiền bịt miệng ở Manhattan, thay vì bị tống vào tù hay chịu một hình phạt thích đáng, lại được nhận bản án “tha bổng vô điều kiện.”

Phiên tòa xét xử ông Trump không chỉ là một sự kiện pháp lý thông thường, mà là cuộc đối đầu giữa quyền lực và công lý, giữa sự giàu có và trách nhiệm. Phiên tòa được mở ra sau khi một bồi thẩm đoàn kết luận ông Trump với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh. Những tội danh này bắt nguồn từ một khoản tiền $130,000 được trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels, một hành động nhằm che đậy mối quan hệ tình ái của ông, và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016. Các công tố viên chỉ ra rằng khoản tiền này được che giấu một cách có hệ thống thông qua các giao dịch kinh doanh giả mạo của Tập đoàn Trump.

Trump zipper

Hình ảnh bịt miệng ông Trump của báo cánh tả, tranh biếm của R.J Matson, báo Portland.

Thẩm phán Juan Merchan, người chủ trì phiên tòa, đã đưa ra một quyết định gây tranh cãi khi tuyên bố rằng một bản án “tha bổng vô điều kiện” là “lựa chọn hợp pháp duy nhất” để tránh xâm phạm đến vị trí tổng thống cao nhất của đất nước. Ông thừa nhận “tội nhân” với tư cách là tổng thống đắc cử, sẽ được hưởng những “biện pháp bảo vệ pháp lý đặc biệt.” Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng những biện pháp này không hề làm giảm đi mức độ nghiêm trọng của tội ác hay biện minh cho hành vi phạm tội dưới bất kỳ hình thức nào.

Bản án không có hình phạt này, mặc dù không có tính răn đe, lại là một bước ngoặt trong hành trình pháp lý đầy rắc rối của ông Trump. Nó cho thấy sự phức tạp và đôi khi là mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật Mỹ, nơi mà quyền lực chính trị và vị thế xã hội có thể làm mờ đi ranh giới giữa công lý và đặc quyền. Các chuyên gia pháp lý đã nhận định rằng bản án “tha bổng vô điều kiện” tuy không hiếm trong các vụ án cấp thấp, nhưng lại cực kỳ hiếm trong các vụ án trọng tội.

Trước khi phiên tòa tuyên án diễn ra, ông Trump và đội ngũ luật sư của mình ra sức tìm cách trì hoãn và hủy bỏ phiên tòa. Họ đưa ra những yêu cầu lên tòa phúc thẩm, tòa án cấp cao nhất của New York và thậm chí cả Tòa Án Tối Cao, lập luận rằng với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Trump nên được hưởng quyền miễn trừ truy tố như một tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu này đều bị bác bỏ.

Donald Trump's second impeachment, death penalty returns: Top columns

Phiên tòa không chỉ là một sự kiện pháp lý, mà còn là một câu chuyện kịch tính về sự trỗi dậy và sa ngã của một người đàn ông đã làm đảo lộn chính trường Mỹ. Bảy tháng trước đó, ông Trump phải đối mặt với các công tố viên và công chúng trong một phiên tòa hình sự chưa từng có đối với một cựu tổng thống. Toàn bộ sự chú ý của giới truyền thông và công chúng đổ dồn vào phiên tòa này, phơi bày những bí mật về các mối quan hệ ngoài luồng của ông và những nỗ lực che đậy trước cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump kiên quyết phủ nhận tất cả các cáo buộc này, nhưng bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết cuối cùng.

Bản án “tha bổng vô điều kiện” không phải là sự tha thứ hoàn toàn, mà là sự thỏa hiệp đầy tính toán, cách để hệ thống pháp luật Mỹ có thể “giải quyết” tình huống chưa từng có mà không làm suy yếu vị thế của tổng thống. Nhưng điều này cũng cho thấy quyền lực chính trị có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả của các vụ án pháp lý, đặc biệt là đối với những người có vị trí cao trong xã hội.

Trump Felony Guilty Verdicts: Darcy cartoon - cleveland.com

Ông Trump được tuyên trắng án về mặt hình phạt, không thể xóa đi thực tế rằng ông là một tội phạm, mà còn tới 34trọng tội, điều mà không một tổng thống Mỹ nào trong lịch sử từng trải qua. Bản án này là dấu ấn không thể xóa nhòa trong lý lịch của một người dân bình thường, huống chi là một tổng thống, một vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ, và một cái tát vào mặt công lý.

Hơn thế nữa, ông Trump bị kết án trước khi nhậm chức lần thứ hai tại Tòa Bạch Ốc, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: một tội phạm vẫn có thể trở thành tổng thống của một quốc gia. Điều này làm xói mòn niềm tin vào hệ thống pháp luật và chính trị của Mỹ, đặt ra câu hỏi: liệu nước Mỹ có đang hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực cao nhất hay không.

Nhiều người Mỹ và cả thế giới đã theo dõi phiên tòa xét xử ông Trump với sự bất bình và hoài nghi. Quyết định không áp đặt hình phạt với ông Trump, không phải là sự công bằng, mà là sự thỏa hiệp mang tính chính trị, gây tranh cãi gay gắt về việc liệu quyền lực chính trị có thể làm lu mờ công lý hay không. Trong trường hợp của ông Trump, dường như quyền lực của một tổng thống đắc cử đã vượt lên trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp.

Ông Trump trở thành tổng thống với một tiền án có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế. Các đồng minh của Mỹ có thể đặt câu hỏi về cam kết của nước Mỹ đối với pháp quyền và các giá trị dân chủ. Các đối thủ của Mỹ có thể lợi dụng tình hình này để tấn công và làm suy yếu vị thế của Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi và sự hoài nghi, một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ vẫn tin tưởng vào Trump và ủng hộ ông. Họ cho rằng phiên tòa là một cuộc “săn phù thủy” chính trị, một nỗ lực của phe đối lập nhằm làm mất uy tín của ông. Họ bỏ qua những sai phạm và chỉ trích đạo đức của ông để tập trung vào những chính sách và quan điểm mà họ ủng hộ.

Thực tế cho thấy, sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ không chỉ dừng lại ở quan điểm chính trị, mà còn lan rộng đến cách nhìn nhận về công lý và đạo đức. Ông Trump bị kết án hình sự mà vẫn được bầu làm tổng thống, cho thấy một bộ phận lớn người dân Mỹ sẵn sàng bỏ qua những hành vi sai trái của các nhà lãnh đạo, nếu họ đồng ý với những chính sách của người họ bỏ phiếu bầu. Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump chắc chắn sẽ đầy rẫy những thách thức và tranh cãi. Việc ông bị kết án sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng bỏng trong các cuộc tranh luận chính trị và có thể ảnh hưởng đến các chính sách và quyết định của chính quyền.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi khó: công lý có thể bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị? Đạo đức và trách nhiệm có còn là những giá trị quan trọng trong nền chính trị Mỹ? Một người bị kết án hình sự có thể trở thành tổng thống, có phải là điều bình thường? Những câu hỏi này không có câu trả lời dễ dàng, nhưng cần phải được đặt ra và thảo luận một cách nghiêm túc. Nếu không, nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Lời bình của Phan Sinh Trần – Kẻ Đi Tìm

  • Duy cái án 34 tội danh đã là vô lý rồi, chưa kể đến nó được moi ra từ một sự kiện cũ xì, “ăn bánh trả tiền” cho gái chơi, rồi trả thêm 130 ngàn để được yên thân. Sự kiện này đã được kiện tụng tơi bời từ 5,6 năm trước đây, có đang để phạt 34 tội hay đây là sự làm khó chính trị nhau một cách bất chấp luật lẽ thường? Nếu Trump không ra tranh cử nữa thì ông có bị tới 34 tội danh hay không? Các nhà luật pháp đều trả lời là không.
  • Bị ám sát hai lần, bị luận tội truất phế hai lần, bị vô số các lần âm mưu hãm hại về pháp lý, đó là thứ Công Lý mà những người phê bình nhân danh hay sao?
  • Nhân Dân Hoa Kỳ trong suốt mấy chục năm qua chưa bao giờ sai trong việc phân định và chọn người xứng đáng để cứu nguy nước Mỹ. Chả lẽ lần này họ chọn sai.
  • Thời gian sẽ trả lời nếu Tổng Thống Trump đi vào lịch sử như vị tổng thống phi thường như tiên đoán lúc đầu nhiệm kỳ một của Henry Kissinger hay không?
  • Chúng ta chờ xem có kỷ nguyên vươn mình cho nước Mỹ về tính minh bạch trong hành pháp, tư pháp, có sự vực dậy của công lý phi chính trị, hay không?

 

Mỹ Rút Khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)

Ba’o Dat Viet

January 21, 2025

Ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách y tế toàn cầu của Mỹ. Quyết định này không chỉ làm dấy lên những lo ngại về khả năng đối phó với các vấn đề y tế quốc tế, mà còn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến cơ cấu và hoạt động của WHO.

Phát biểu tại Nhà Trắng chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã đóng góp tài chính vượt xa Trung Quốc nhưng lại không nhận được sự minh bạch và công bằng từ tổ chức này.

“Tổ chức Y tế Thế giới đã bòn rút nước Mỹ. Chúng tôi không thể tiếp tục đầu tư vào một tổ chức thiếu trách nhiệm và chịu ảnh hưởng quá mức từ Trung Quốc,” ông Trump khẳng định.

Trong sắc lệnh mới, ông Trump chỉ đạo các cơ quan liên bang tạm dừng mọi khoản tài trợ và hỗ trợ cho WHO. Đồng thời, chính quyền Trump sẽ tìm kiếm các đối tác “đáng tin cậy và minh bạch” để đảm nhận những nhiệm vụ y tế quốc tế mà trước đây WHO đảm nhiệm.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, cung cấp khoảng 15% ngân sách hoạt động của tổ chức này, tương đương 400-500 triệu USD mỗi năm. Khoản tiền này đóng vai trò thiết yếu trong các chương trình y tế toàn cầu, bao gồm:

  • Phòng chống dịch bệnh, như lao, HIV/AIDS, sốt rét.
  • Đảm bảo tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ở các nước đang phát triển.
  • Tăng cường năng lực y tế cho các quốc gia nghèo khó và vùng sâu, vùng xa.

Việc Mỹ rút khỏi WHO không chỉ tạo ra lỗ hổng tài chính lớn mà còn đẩy tổ chức này vào tình thế phải tái cấu trúc và giảm quy mô hoạt động. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng các sáng kiến y tế quan trọng có thể bị gián đoạn, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ từ các đại dịch như cúm gia cầm H5N1 đang gia tăng.

WHO hiện đang trong quá trình đàm phán để xây dựng hiệp ước đầu tiên trên thế giới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, quyết định rút lui của Mỹ khiến quá trình này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi Mỹ vốn là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc đề ra các tiêu chuẩn y tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét và hủy bỏ Chiến lược An ninh Y tế Toàn cầu Mỹ năm 2024 do chính quyền Joe Biden thiết lập. Chiến lược này được thiết kế để tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu.

Quyết định này diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nguy cơ đại dịch từ virus cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm cho hàng chục người và gây tử vong tại Mỹ.

Quyết định của ông Trump đã làm dấy lên những câu hỏi lớn về vai trò dẫn dắt của Mỹ trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Các quốc gia thành viên WHO, vốn đang đàm phán về hiệp ước đại dịch, sẽ phải tìm cách tiếp tục tiến hành mà không có sự tham gia của Mỹ.

Một số nhà lãnh đạo quốc tế và chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng việc Mỹ rút lui có thể làm suy yếu khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế đối với các thách thức y tế toàn cầu, bao gồm đại dịch và các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm.

Đây là lần thứ hai ông Trump tìm cách cắt đứt quan hệ với WHO. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông từng cáo buộc tổ chức này chịu ảnh hưởng quá mức từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 và tuyên bố rút lui. Tuy nhiên, quyết định này đã bị đảo ngược khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, đưa Mỹ trở lại tổ chức.

Nhiều chuyên gia y tế và chính trị quốc tế nhận định rằng việc Mỹ rút khỏi WHO là một bước đi mạo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vẫn đang đối mặt với nguy cơ đại dịch.

Tiến sĩ Jeremy Farrar, cựu cố vấn WHO, cảnh báo:

“Việc Mỹ rút lui sẽ làm suy yếu khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề y tế toàn cầu. Đây là một bước đi khiến tất cả các quốc gia phải trả giá.”

Quyết định rút khỏi WHO của Tổng thống Trump thể hiện lập trường cứng rắn trong việc tái định hình các cam kết quốc tế của Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng lo ngại về khả năng ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai.

Với việc Mỹ không còn đóng vai trò chủ chốt trong WHO, thế giới sẽ cần tìm cách lấp đầy khoảng trống lãnh đạo và tài chính mà Mỹ để lại, trong khi đối mặt với nguy cơ gia tăng từ các đại dịch tiềm tàng.


 

“Điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế chính trị

Ba’o Tieng Dan

Hồ Phú Bông

20-1-2025

Đêm 3/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol ban lệnh thiết quân luật với lý do là quốc hội trong tình huống bị vô hiệu hóa nên công việc điều hành đất nước bị tê liệt.

Ngay trong đêm các đại biểu chống trả lực lượng đang bao vây, trèo rào vào tòa nhà quốc hội tổ chức họp khẩn cấp, phản đối quyết liệt. Lệnh thiết quân luật bị bãi bỏ khoảng 6 tiếng đồng hồ sau đó. Tiếp đến là tổng thống bị luận tội phản loạn, phải từ chức. Bị điều tra nhưng ông vẫn ở trong dinh, không hợp tác, nên Tòa tối cao ban hành lệnh bắt giam.

Ngày đầu lực lượng cảnh sát không thể vào dinh vì người ủng hộ cựu tổng thống biểu tình và đội bảo vệ an ninh quyết ngăn chặn. Lệnh Tòa cho tạm ngưng thi hành. Ngày kế tiếp ban lệnh mới, đội bảo vệ chấp hành. Cảnh sát vào dinh bắt cựu tổng thống, áp tải ra xe chở về nơi tạm giam.

Báo chí theo dõi, đưa tin và hình ảnh chi tiết từng khoảnh khắc.

Sau 48 tiếng, lệnh tạm giam hết hiệu lực, Tòa gia hạn thêm 20 ngày. Cựu tổng thống đang bị thẩm vấn có đội ngũ pháp lý của ông tham dự. Ngày đầu ông giữ quyền yên lặng. Ngày kế lấy lý do sức khỏe ông không tham dự cùng lúc bức tâm thư của ông được phổ biến đến người ủng hộ. Có tin, một người ủng hộ ông tự sát bên ngoài nơi ông bị tạm giam. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Tóm tắt nội vụ như thế cho thấy, với thể chế dân chủ mọi người đều bình đẳng, người dân được thông tin đầy đủ và căn cứ theo luật pháp để giải quyết vấn đề.

Xin tạm gọi biến cố chính trị nói trên là “chuyện cung đình” của Hàn Quốc. Một số báo tại Việt Nam lấy tin từ báo chí Hàn Quốc, tường thuật khá chi tiết.

Cũng là “chuyện cung đình” tương tự như thế nhưng nhà nước XHCN Việt Nam giải quyết hoàn toàn trái ngược. Đại biểu quốc hội thì im thin thít. Báo chí chỉ đưa tin vắn tắt khi được phép nên người dân vô phương biết sự thật. Hóa ra “chuyện cung đình” Hàn Quốc thì người Việt Nam biết rõ hơn “chuyện cung đình” của chính mình!

Xin dẫn chứng: Hàng loạt đảng viên cộm cán như phó thủ tướng, bộ trưởng bỗng dưng “được” làm đơn xin nghỉ việc hãy tạm để qua một bên. Chỉ nhìn cách đảng “cho thôi các chức vụ” hàng tứ trụ như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng sẽ thấy rõ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Dù khi nhấn mạnh về “điểm nghẽn” mục đích của ông Tô Lâm chỉ nói về phát triển kinh tế nhưng, sự thật, tất cả đều do cơ chế chính trị gây ra. Nói cách khác, chính cơ chế XHCN là điểm nghẽn cốt lõi của mọi “điểm nghẽn”.

Cả ba ông Huệ, Phúc và Thưởng đều “được phép” gửi đơn “xin thôi các chức vụ” sau khi bị bộ trưởng công an Tô Lâm phát hiện họ phạm pháp mà không ai biết cụ thể mỗi người bị tội gì. Hoàn toàn không có chuyện đưa ra tòa xét xử ngoài việc đảng chấp thuận đơn mà cũng không hề cho biết chi tiết. Chỉ biết sau đó ông Huệ bị kỷ luật cảnh cáo, còn ông Thưởng (giữ chức chủ tịch nước chỉ mới được một năm) thì đang “chữa bịnh” (?)

Trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc (giữ chức chủ tịch nước được 1 năm 288 ngày) có khác hơn. Là sau khi “được cho thôi các chức vụ” ông được phép tham dự một phiên họp có sự hiện diện của tứ trụ. Tranh thủ cơ may đó ông thanh minh chớp nhoáng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”.

Sau đó Huy Đức (đang bị giam vì tội là “nhà báo chân chính?”) đặt vấn đề: “Họ thực sự cần một ông chủ tịch nước bị truất phế đứng ra thanh minh?” Và “nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật“ [1].

Nói chung, vì đảng tự viết hiến pháp trao cho mình quyền lãnh đạo toàn diện là nguyên nhân cốt lõi của “điểm nghẽn”. Các chức vụ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội đều do đảng chỉ định trong khi thế giới văn minh họ tôn trọng những chức vụ đó vì do dân bầu. Điển hình là khi ông Tô Lâm, đã là Tổng Bí thư, lại phải “ăn bám” danh nghĩa chủ tịch nước để đủ điều kiện tham dự Đại Hội đồng LHQ, rồi đi thăm thêm vài nước khác trở về mới giao chức chủ tịch nước cho người đương nhiệm.

Gần đây ông Tô Lâm có vài phát ngôn rất thẳng thắn. Ví dụ có bài báo viết Việt Nam đứng hàng thứ “5, 6, 7 và 8 của thế giới về công nghệ thông tin” nghe thật là “vĩ đại” (!) [2]

Ông nhận xét: “Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không).”

Câu nói khác, cũng được cho là của ông Tô Lâm, ngày 9/1/2025, “Những năm 60, Sài Gòn – Tp Hồ Chí Minh là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng nhưng giờ đây tốc độ phát triển đã vượt rất xa”.

Sự thật đúng như thế. Hình ảnh Sài Gòn thời đó vẫn có đầy trên internet. Không những thế mà cả Hàn Quốc cũng thua VNCH khá xa. Thế nhưng từ sau khi cộng sản chiếm miền Nam, Sài Gòn bị đổi tên thành Tp Hồ Chí Minh, thì mọi thứ đều đảo lộn. Trong khi đất nước Singapore và Hàn Quốc vươn lên thành hai con rồng kinh tế thì Việt Nam lại tự hào lo “lót ổ cho đại bàng đẻ” để được làm công cho họ (?) Hiện người Việt Nam rất ngưỡng vọng nếu không muốn nói là bái phục họ!

Tại sao Việt Nam bị tụt hậu quá xa về mọi mặt so với họ? “Điểm nghẽn” nào đưa đến lạc hậu nếu không phải là điểm nghẽn về cơ chế chính trị? Vì cơ chế chính trị bao trùm lên tất cả mọi sinh hoạt của xã hội.

Do đó, dù báo chí Việt Nam đang hợp xướng về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà chỉ nghĩ thuần về mặt kinh tế thì, điều chắc chắn đúng, đó là sự “ngộ nhận”, sự “tự huyễn hoặc”, sự “tự ru mình” của chính ông Tô Lâm, vì ông vẫn chưa thấy được “điểm nghẽn” cốt lõi.

“Điểm nghẽn” cốt lõi đó là ngay sau khi trở thành tổng bí thư ông đã vội vã sang Bắc Kinh gặp họ Tập để tái xác nhận phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. Chấp nhận làm XHCN đàn em, vẫn trung thành trong vòng tay bá quyền phương Bắc để “ổn định chính trị”. Mặt khác lại đón mừng “bọn tư bản bóc lột” vào đầu tư để được làm công nhân “cổ xanh” giá rẻ cho họ!

Nếu thật sự muốn đất nước được vươn mình, sớm trở thành rồng, thành hổ so với thế giới chỉ có con đường duy nhứt là phải từ bỏ độc tài đảng trị. Các chính quyền Nhật, Thái, Đài, Hàn, Sing… đã thành công việc đưa đất nước và dân tộc họ lên tầm cao thế giới chưa phải là điển hình tiêu biểu, là bài học cụ thể cho VN hay sao?

________

Chú thích:

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-64529452.amp

[2] https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-cns-hay-tan-dung-the-manh-hao-khi-viet-nam-de-phat-trien-dat-nuoc-2363672.html


 

Để đương đầu với tình trạng thiên nhiên… ‘quái đản’

Ba’o Nguoi-Viet

January 19, 2025

Trúc Phương/Người Việt

Sự kiện hỏa hoạn tại Los Angeles, California, một lần nữa cho thấy chỉ những kẻ… “quái đản” cố chấp luôn báng bổ khoa học mới không tin biến đổi khí hậu đang biến trái đất thành nạn nhân của những trận bão tàn khốc hoặc những trận cháy rừng kinh hoàng…

Những căn nhà bị cháy rụi trong vụ cháy rừng Palisades Fire ở Los Angeles County, California, hôm 15 Tháng Giêng, 2025. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Cả thế giới hỗn loạn bởi thiên tai

Một lần nữa, giới khoa học khẳng định rằng biến đổi khí hậu đã khiến thực vật khô cằn làm bùng phát các đám cháy ở Los Angeles một khi có một mồi lửa rất nhỏ, do chập điện chẳng hạn. Những thay đổi nhanh chóng giữa điều kiện khô và ẩm ở Nam California những năm gần đây đã tạo ra một lượng lớn thảm thực vật khô dễ bắt lửa. Nhiều thập niên hạn hán ở California, tiếp nối bằng lượng mưa rất lớn trong hai năm 2022 và 2023, nhưng sau đó lại chuyển sang điều kiện rất khô vào mùa Thu và mùa Đông năm 2024, đã tạo ra điều kiện “lý tưởng” cho “bà hỏa” xuất hiện.

Trong một nghiên cứu mới, dẫn lại từ BBC, các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã thúc đẩy những gì họ gọi là điều kiện “gây cháy nhanh” trên toàn cầu, tăng từ 31-66% kể từ giữa thế kỷ 20. Giới nghiên cứu cho biết với mỗi một độ ấm lên, bầu khí quyển có thể bốc hơi, hấp thụ và giải phóng thêm 7% nước. “Miếng bọt biển khí quyển nở ra” này, như cách nói của các nhà khoa học, không chỉ dẫn đến lũ lụt khi mọi thứ ẩm ướt hơn mà còn hút thêm độ ẩm từ thực vật và đất khi điều kiện khô hơn xảy ra. Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy khí hậu ấm hơn khiến dễ dàng xảy ra cháy rừng.

Phần lớn miền Tây nước Mỹ, trong đó có California, đã trải qua một đợt hạn hán kéo dài hàng thập niên và chỉ mới kết thúc cách đây hai năm. Tình trạng ẩm ướt kể từ đó đã khiến cây bụi và cỏ phát triển nhanh chóng, trở thành “nhiên liệu” hoàn hảo cho các đám cháy. Cần nhắc lại, năm 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Với nhiệt độ tăng trên toàn cầu và các đại dương ấm lên bất thường, giới khoa học cảnh báo rằng thế giới đã bước vào kỷ nguyên mới đầy rủi ro khi việc hứng chịu lũ lụt, bão và hỏa hoạn sẽ ngày càng thường xuyên hơn.

Foreign Affairs nhắc lại: Tháng Bảy, năm 2024, là tháng nóng nhất kể từ khi việc ghi nhận này được thực hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 19. Giới khoa học về khí hậu thậm chí cho rằng đây có thể là tháng nóng nhất trong 120,000 năm qua! Ở Châu Âu, nắng nóng khắc nghiệt đã gây ra ít nhất 47,000 ca tử vong vào năm 2023, theo The New York Times.

Tại Mỹ, số ca tử vong liên quan nắng nóng đã tăng gấp đôi trong những thập niên gần đây. “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới,” theo nhận định của cựu Phó Tổng Thống Al Gore, người thường xuyên cảnh báo các mối đe dọa từ tình trạng nóng lên toàn cầu suốt nhiều thập niên. “Những sự kiện cực đoan liên quan khí hậu đang gia tăng, về tần suất lẫn cường độ, và tất cả diễn ra khá nhanh.”

Vào cuối Tháng Chín và đầu Tháng Mười, 2024, cơn bão Helene, một “sản phẩm” của biến đổi khí hậu, đã gầm rú và càn quét khắp Đông Nam nước Mỹ, gây ra lũ lụt và lở đất chết người ở một số tiểu bang, trong đó có North Carolina.

Cách đây vài tháng, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trận lũ lụt tàn khốc nhấn chìm Porto Alegre (Brazil) sẽ không nghiêm trọng đến vậy nếu không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Và Tháng Năm, 2024, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của biến đổi khí hậu trên một đợt nắng nóng khủng khiếp bao trùm Ấn Độ.

Trên toàn cầu, thế giới đang điêu đứng với thiên tai. Mùa Thu 2024, lũ lụt chết người đã tàn phá dọc vòng cung từ Tây Ban Nha đến Balkan và từ Morocco đến Libya. Hơn 200 người đã thiệt mạng ở Valencia (Tây Ban Nha) vào Tháng Mười, 2024; không lâu sau, một trận lụt lớn đã đổ lượng mưa gấp năm lần lượng mưa thông thường trong tháng trên khắp Châu Âu chỉ trong một tuần. Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng sức mạnh các cơn bão tàn phá Địa Trung Hải mà còn làm tăng tần suất, có nghĩa xảy ra thường xuyên hơn.

Các vùng ven biển lưu vực Địa Trung Hải luôn dễ xảy ra mưa lớn, đặc biệt ở những nơi có núi gần biển. Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mưa như trút nước xảy ra nhiều đến mức người ta bắt đầu “quen” dần. Một phần là do khu vực Địa Trung Hải đang nóng lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Và khi nhiệt độ không khí tăng lên, khả năng giữ nước của nó cũng tăng theo…

Thiệt hại cả ngàn tỷ!

Chỉ riêng số liệu thống kê về nhiệt độ đã nói lên toàn bộ câu chuyện về tác động của khí hậu. Nhiệt độ cao hơn có nghĩa là lũ lụt lớn hơn, nắng nóng kéo dài hơn, cháy rừng tàn phá nhiều hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và bão dữ dội hơn. Mức độ và sự kéo dài của nhiệt độ cao chỉ trong mùa Hè 2023 đã khiến giới khoa học kinh ngạc. Trong 31 ngày liên tiếp, Phoenix (Arizona) ghi nhận nhiệt độ trên 110 độ F (43.3 độ C), nóng đến mức vỉa hè cũng có thể làm bỏng da người lẫn vật nuôi khi tiếp xúc.

Trong cùng thời điểm, tại Tây Nam Iran, nhiệt độ lên tới 122 độ F (50 độ C) đã buộc chính phủ nước này phải cho người dân nghỉ làm việc. Trong khi đó, tình trạng ấm hơn, ẩm ướt hơn, khiến muỗi phát triển mạnh, đã làm bùng phát đợt sốt xuất huyết tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử Bangladesh, khiến toàn bộ hệ thống y tế quốc gia nước này lâm vào tình trạng khốn đốn.

Khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đã thiêu rụi khu vực có diện tích bằng Hy Lạp, buộc hàng triệu người Mỹ và Canada phải ở trong nhà để tránh các bệnh về đường hô hấp. Được “mồi” bởi gió mạnh, cháy rừng đã tàn phá đảo Maui của Hawaii, giết chết ít nhất 114 người, tàn phá thị trấn lịch sử Lahaina. Trận hỏa hoạn kinh khủng đến mức nhiều người dân địa phương phải nhảy vội xuống biển để thoát thân.

Ở New Delhi, vào Tháng Bảy, 2023, trận mưa tầm tã đã đổ xuống lượng nước cao 0.5 foot (15 cm) chỉ trong một ngày; và tiếp sau đó là các trận lở đất và lũ quét chết người. Tại Bắc Kinh vốn quanh năm khô hạn, một cơn bão đã đổ xuống lượng mưa lớn nhất trong 140 năm. Và trong đợt nắng nóng nghiêm trọng trên khắp châu Âu, người Ý đã chứng kiến ​mưa đá có kích thước gần bằng quả dưa lưới, có viên dài gần 8 inch (hơn 20 cm)!

Dĩ nhiên tất cả thảm họa thiên nhiên đều gây thiệt hại lớn về nhân mạng lẫn kinh tế. Nhà cửa bị phá hủy, trường học bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị phá vỡ… Năm 2022, các cuộc khủng hoảng khí hậu tàn khốc đã khiến Pakistan hứng chịu trận lũ lụt kỷ lục bao phủ một phần ba đất nước, ảnh hưởng 33 triệu người và khiến 1,500 người tử vong, trong đó có 552 trẻ em. Ước tính thiệt hại ít nhất $40 tỷ.

Trong cùng năm 2022, Nigeria cũng vật lộn đối phó trận lũ lụt lớn khiến hơn 1.4 triệu người phải di dời, hơn 600 người thiệt mạng và làm hư hại khoảng 440,000 ha đất nông nghiệp. Tại Mỹ, trận bão Ian (2022) trở thành cơn bão gây thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay ở Florida, với tổn thất ban đầu được bảo hiểm ước tính $47 tỷ. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, kể từ năm 1980 đến nay, nước Mỹ đã trải qua ít nhất 338 thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, với tổng tổn thất hơn $2.295 nghìn tỷ (dẫn lại từ Foreign Affairs).

Nhân quả, chuyện không đùa

Một lần nữa, cần nhắc lại, chính con người đã gây ra những đau khổ như vậy. Nhiệt độ cao tàn phá Châu Âu và nước Mỹ sẽ “gần như không thể” nếu không có tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch, theo phân tích của World Weather Attribution, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích dữ liệu để xác định cách mà biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến những sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Mối liên hệ nhân quả này xảy ra trên toàn cầu.

Bất chấp vô số thảm họa do con người gây ra ngày càng tốn kém, lượng khí thải nhà kính toàn cầu vẫn liên tục tăng. Sau một thời gian ngắn giảm do đại dịch COVID-19, tổng lượng khí thải nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng 5.3% vào năm 2021, một phần do công suất than tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nhật. Lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch tăng ở gần như mọi quốc gia vào năm 2021, với mức tăng lớn nhất đến từ Brazil (11%); Ấn Độ (10.5%); tiếp theo là Pháp, Ý, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (tất cả đều tăng khoảng 8%). Tại Mỹ và Liên minh Châu Âu, lượng khí thải tăng 6.5%.

Các cuộc đàm phán của nhóm G-7 và G-20 đã không thành công trong việc huy động tài chính chống biến đổi khí hậu. Vấn đề là bất chấp cảnh báo của giới khoa học, nhiều người vẫn không tin thảm họa thiên tai và sự bất thường của thiên nhiên là do con người.

David Malpass, người ngồi ghế chủ tịch World Bank (WB) từ 2019-2023 (được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm) đã nói rằng hiện tượng nóng toàn cầu chẳng liên quan gì đến yếu tố con người. Cá nhân Trump cũng từng nói biến đổi khí hậu là “trò bịp” và quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa Thuận Khí Hậu Paris (khi Trump ngồi ghế tổng thống nhiệm kỳ một).

Trong bài phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào Tháng Chín, 2021, Tổng Thống Joe Biden cam kết tăng gấp đôi viện trợ Mỹ cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó biến đổi khí hậu lên $11.4 tỷ mỗi năm vào năm 2024.

Điều đáng nói là Tổng Thống tân cử Donald Trump có thể phá nát các chương trình bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon của chính phủ tiền nhiệm. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã bãi bỏ hơn 100 quy tắc bảo vệ môi trường. Bây giờ, Trump tiếp tục dọa hủy Đạo Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) mà Tổng Thống Biden đã thông qua. Với những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào năng lượng sạch, IRA giúp giảm 40% lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030 nếu được thực hiện đúng kế hoạch trong những năm tới.

Trên The Republic, nhà phân tích chính trị Julie McClure viết: “Khi mọi người bỏ phiếu bầu tổng thống năm nay (2024), sao họ không nghĩ đến việc cứu thế giới cho các thế hệ tương lai, đặc biệt thế hệ trẻ?”; và “nếu muốn duy trì sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Mỹ không được bỏ qua tiềm năng công nghệ xanh. Đã đến lúc đảng Cộng Hòa đặt đất nước lên hàng đầu và phản đối Trump về vấn đề biến đổi khí hậu trước khi quá muộn để cứu môi trường đất nước chúng ta…” [kn]


 

Qua Cambodia vay tiền đánh bài, ông Yên Bái bị đánh chết thả trôi sông

Ba’o Nguoi-Viet

January 18, 2025

TÂY NINH, Việt Nam (NV) – Nhà chức trách xác nhận danh tính thi thể nam giới thả trôi sông tại thành phố BaVet, tỉnh Svay Riêng, Cambodia, là ông Trương Văn Hoan, 41 tuổi, quê Yên Bái, sống ở tỉnh Bình Dương.

Theo báo Công An Nhân Dân hôm 18 Tháng Giêng, thi thể ông Hoan được phát giác trong tư thế trói hai tay, hai chân hồi đầu Tháng Mười Hai năm ngoái.

Các nghi can trong băng nhóm cho người Việt Nam vay tiền đánh bài tại Cambodia rồi siết nợ hoặc giết chết. (Hình: Công An Nhân Dân)

Hồ sơ của Công An Tỉnh Tây Ninh cho biết, ông Hoan thường xuyên xuất cảnh qua Cambodia đánh bài.

Kết quả điều tra sơ bộ cho hay, ngày 29 Tháng Mười Một cùng năm, ông Hoan sang Cambodia đánh bạc tại casino gần cửa khẩu Thọ Mo, tỉnh Long An, và thua hết số tiền mang theo.

Thông qua một người môi giới, ông Hoan vay 100 triệu đồng ($3,947) của nhóm do Nguyễn Hoàng Long, 31 tuổi, quê Hà Nội, cầm đầu, và được đưa đến casino Mộc Bài đánh bài.

Tại đây, do ông Hoan tiếp tục bị thua hết số tiền đã vay, nhóm của nghi can Long đưa nạn nhân về giam giữ tại khu Titan do người Trung Quốc quản lý, cách casino Mộc Bài khoảng 500 mét.

Sau đó, các nghi can nhận ra ông Hoan là người đang nợ một người trong nhóm 200 triệu đồng ($7,895) chưa trả trước đó.

Ông Hoan bị ép gọi điện thoại về cho vợ để gia đình trả 100 triệu đồng tiền gốc và 20 triệu đồng ($789) tiền lãi nếu không thì ông sẽ bị giết.

Vào sáng 1 Tháng Mười Hai, ông Hoan bỏ trốn nhưng bất thành.

Vì vụ này, nhóm của nghi can Long bị phạt $5,000 với cáo buộc “gây rối” trong khu Titan.

Nhóm này bàn giao nạn nhân đang bị trói, dán miệng bằng băng keo cho một nhóm nghi can người Việt khác tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Riêng.

Do ông Hoan chống cự, nghi can Long dùng dao đâm nhiều nhát khiến máu nạn nhân loang đỏ, thấm đẫm cả sàn xe hơi.

Khoảng nửa giờ sau khi đến điểm hẹn, ông Long thiệt mạng.

Sau đó, các nghi can chở thi thể nạn nhân về phía cửa khẩu Tho Mo, rồi vứt xuống sông đoạn qua phường Ba Tì, thành phố Bavet.

Nghi can Ngô Phi Long cầm đầu đường dây. (Hình: Công An Nhân Dân)

Điều tra cái chết của ông này, nhà chức trách phát giác các băng nhóm người Việt Nam hoạt động tại Cambodia chuyên cho các con bạc là đồng hương, vay tiền với lãi suất cao để chơi bài tại casino.

Đến khi thua hết tiền, không có khả năng trả nợ, các con bạc bị băng nhóm này bắt giữ.

Các con bạc bị ép buộc gọi điện thoại cho người thân ở Việt Nam trả tiền chuộc mạng, nếu không sẽ bị tra tấn, thậm chí giết hại và phi tang thi thể.

Bộ Công An Việt Nam tiến hành bắt giữ bảy nghi can, trong số này Ngô Phi Long bị cáo buộc cầm đầu đường dây.

Nghi can Long chỉ đạo đàn em ở gần khu casino Mộc Bài cho vay tiền đánh bài và giám sát các con bạc để bảo đảm thu hồi cả gốc lẫn lãi số tiền vay.

Các con bạc được chỉ định đến đánh bài tại casino Mộc Bài, nếu thắng thì bị băng nhóm của nghi can Long thu 15% tiền “sâu,” nếu thua thì bị đưa về phòng trọ để giữ lại, đe dọa, ép gọi điện thoại cho người thân trả tiền chuộc mạng. (N.H.K) [qd]


 

Hai phụ nữ Việt bị bắt tại Nhật vì gian lận thi tiếng Nhật

Ba’o Dat Viet

January 18, 2025

Ngày 17.1, cảnh sát tỉnh Osaka thông báo bắt giữ hai phụ nữ Việt Nam với cáo buộc giả mạo danh tính trong bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật cơ bản. Đây là một phần trong cuộc điều tra nghi vấn có tổ chức liên quan đến gian lận thi cử để xin tư cách lưu trú tại Nhật.

Theo báo Mainichi, hai nghi phạm là Nguyen Thi Dieu (30 tuổi, không có việc làm và địa chỉ cố định) và Luong Thi Hue (30 tuổi, sống tại Kusatsu, tỉnh Shiga).

Dieu bị cáo buộc giả danh Hue để tham gia kỳ thi tiếng Nhật cơ bản tại thành phố Osaka vào tháng 12.2024. Cảnh sát nghi ngờ cả hai liên quan đến việc tạo và sử dụng trái phép dữ liệu điện tử cá nhân nhằm thực hiện hành vi gian lận.

Ngoài ra, vào tháng 12.2024, Dieu đã bị bắt và khởi tố vì vi phạm Đạo luật kiểm soát nhập cư và công nhận tị nạn, khi sử dụng thẻ cư trú của một phụ nữ Việt Nam khác để tham gia kỳ thi tương tự. Cô này được cho là đã thực hiện hành vi thi hộ nhiều lần từ mùa hè năm 2024, với mức phí dịch vụ hàng chục nghìn yen (khoảng vài trăm USD) cho mỗi lần thi.

Khi bị thẩm vấn, Dieu khai rằng:

“Tôi muốn giúp người Việt Nam”, thể hiện mục đích hỗ trợ đồng hương đạt được chứng chỉ cần thiết để xin tư cách lưu trú tại Nhật.

Bài kiểm tra tiếng Nhật cơ bản là một trong những yêu cầu cần thiết để xin tư cách lưu trú dạng “lao động có kỹ năng đặc định” tại Nhật Bản. Tư cách này cho phép người lao động nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực thiếu nhân lực tại Nhật như xây dựng, nông nghiệp, và điều dưỡng.

Cảnh sát nghi ngờ hành vi mạo danh này nhằm giúp những người không đủ trình độ tiếng Nhật đạt được chứng chỉ, từ đó mở ra cơ hội làm việc tại Nhật.

Cuộc điều tra còn phát hiện khả năng có một mạng lưới trung gian hỗ trợ cho hoạt động gian lận thi cử. Các nhà chức trách đang tiếp tục điều tra để xác định liệu có sự tham gia của các tổ chức hay cá nhân khác trong việc cung cấp thẻ cư trú, tổ chức thi hộ, và nhận phí dịch vụ.

Vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng người Việt tại Nhật mà còn làm tăng thêm sự giám sát của chính quyền đối với lao động nước ngoài. Nhật Bản, vốn đang nới lỏng các quy định nhập cư để thu hút lao động, có thể sẽ siết chặt quy trình kiểm tra sau vụ việc.

Hành vi gian lận không chỉ vi phạm pháp luật Nhật Bản mà còn làm giảm giá trị của những chứng chỉ hợp lệ, ảnh hưởng đến cơ hội của những người lao động chân chính. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với những người có ý định thực hiện các hành vi tương tự trong tương lai. 


 

Trịnh Văn Quyết ‘chung tiền’ mua án tù

Ba’o Nguoi-Viet

January 17, 2025

Thái Thiên Quốc 

Hôm 26 Tháng Mười Hai, 2024, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết xin hoãn phiên tòa phúc thẩm với lý do để điều trị bệnh lao, ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày… Có thể đây là kế sách của tập đoàn quan chức Thanh Hóa dùng để kéo dài thời gian “chung tiền,” “hối lộ” nhằm giúp Trịnh Văn Quyết thoát án tù dài.

Trước đó, ông Quyết và hai em gái ruột của ông, là bà Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng 22 bị cáo có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ án tù, miễn hoặc giảm mức bồi thường dân sự.

Đặc biệt, hai em gái của ông Quyết còn thêm đề nghị, tòa an “không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả” (theo báo Tuổi Trẻ). Không biết đây là chủ ý của ai, ai là người chống lưng cho anh em nhà ông Quyết “cả vú lấp miệng em” lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán nhưng vẫn cả gan đưa ra yêu sách, hay phải chăng anh em ông Quyết nghĩ có tứ trụ chống lưng, nên “rõ ràng là sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì”

Chủ tọa Võ Hồng Sơn nói: “Để mở được phiên tòa phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1,000 công văn, giấy mời cho các thành phần được triệu tập, với nhân sự 5 người, tòa đã mất tới 7 ngày làm việc…”

Như vậy, để mở một phiên tòa đặc biệt liên quan đến các đại án, tập đoàn tham ô hối lộ thì ngân sách nhà nước hay nói cách khác là tiền thuế của dân sẽ bị ném qua cửa sổ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Trịnh Văn Quyết dựa vào 3 lý do sau để hoãn phiên tòa:

Thứ nhất, sức khỏe bản thân không tốt, đang trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính với các triệu chứng ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày… và phải điều trị tích cực.

Thứ hai, các luật sư cần thêm thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ. Vụ án này ông Quyết có 7 luật sư bào chữa.

Thứ ba, ông Quyết khẳng định sẽ khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất”.

Ông Quyết còn mạnh miệng nói sẽ sử dụng nguồn tiền hỗ trợ từ người thân và giá trị các tài sản hiện đang bị kê biên, phong tỏa trong vụ án này, là đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả.

Ông Quyết đang nhắm tới Nghị quyết 164/2024 của Quốc Hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Phải chăng Nghị quyết 164 là con át chủ bài khiến ông quyết tâm đến cùng để “chung tiền” mua án? Đây là nghị quyết thí điểm trong thời hạn 3 năm, trong đó:

Điều 4 khoản 1 và 2 nêu rõ:

  1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc Hội có quyết định khác.
  2. Nghị quyết này không áp dụng đối với vụ việc, vụ án hình sự đã có quyết định xử lý hoặc bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Qua đó cho thấy ông Quyết và tập đoàn quan chức tham nhũng Thanh Hóa bằng mọi giá kéo dài vụ án qua năm 2025, lúc đó hiển nhiên ông sẽ là người đầu tiên hợp pháp và tiên phong cho việc thực hiện thí điểm nghị quyết này.

Trước đó, vào đầu Tháng Tám 2024, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt ông Quyết 21 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán cùng hai em gái của ông là bà Trịnh Thị Minh Huế 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm tù.

Tập đoàn chân rết của ông Quyết chiếm đoạt bỏ túi số tiền lên tới 3,600 tỉ VNĐ.

Riêng 3 anh em ông Quyết trong vụ án này phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu lên tới 1,700 tỷ VNĐ. Bản thân ông Quyết phải nạp lại hơn 680 tỷ VNĐ cho tòa án, đến nay ông đã “chung” được 600 tỷ VNĐ.

Nếu chung đủ với số tiền tòa án yêu cầu (chỉ còn 80 tỷ VNĐ), ông Quyết sẽ thoát. Đúng là ở Việt Nam và các nước độc tài, “có tiền mua tiên cũng được.” 


 

‘Vua rác’ David Dương và con trai bị truy tố tội hối lộ

Ba’o Nguoi-Viet

January 17, 2025

OAKLAND, California (NV) – Ông David Dương, thường được biết đến với tên “vua rác,” và con trai ông, Andy Dương, vừa bị một đại bồi thẩm đoàn truy tố tội hối lộ giới chức thành phố, theo các công tố viên liên bang công bố hồ sơ trong một cuộc họp báo ở Oakland, California, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng.

Cùng bị truy tố với hai cha con ông David Dương là bà Sheng Thao, cựu thị trưởng Oakland, và ông Andre Jones, người sống cùng nhà với bà.

Ông Andy Dương (trái), con trai ông David Dương (phải), bước vào tòa án liên bang ở Oakland hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng. (Hình: Chụp từ X của Dan Noyes và VTC News)

Tại cuộc họp báo, ông Patrick Robbins, công tố viên liên bang, khẳng định: “Đây mới chỉ là tố cáo. Mọi bị cáo đều được coi như vô tội cho tới khi bị kết tội một cách chắc chắn.”

Ông Robbins mô tả âm mưu hối lộ và tham nhũng của những người liên quan giống như trong phim mafia, trong đó, các tay anh chị “đút lót” cho giới chức để có lợi cho mình.

Theo hồ sơ truy tố dài 22 trang, đề ngày 9 Tháng Giêng, trước và sau cuộc bầu cử thị trưởng năm 2022, bà Sheng Thao và ông Andre Jones có dính tham nhũng liên quan đến ông David Dương và ông Andy Dương.

Bà Sheng Thao bị tố cáo, trong vai trò thị trưởng, sẽ hành động có lợi cho hai cha con ông David Dương. Đổi lại, cha con ông David Dương sẽ có lợi từ bà Sheng Thao và ông Andre Jones.

Bà Sheng Thao hứa sẽ mua những căn nhà tiền chế của cha con ông David Dương, kéo dài hợp đồng thu gom rác trong thành phố, và bổ nhiệm giới chức cao cấp thành phố do cha con ông David Dương và “Đồng Phạm số 1” chọn. “Đồng Phạm số 1” là một doanh gia địa phương và là một cộng sự lâu năm của ông David Dương và ông Andy Dương.

Hai cha con ông David Dương hứa và chi ra $75,000 để quảng cáo chống lại đối thủ của bà Sheng Thao trong cuộc bầu cử, và đưa cho ông Andre Jones $95,000 và hứa sẽ đưa thêm nữa, tổng cộng là $300,000 để “đút lót” cho bà Thao và ông Jones.

“Vua rác” David Dương là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc California Waste Solutions, một công ty thầu rác ở Oakland và San Jose. Ông cũng là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Gia Việt Mỹ (VABA), một tổ chức có mục đích vận động, hỗ trợ, và liên kết các doanh nhân gốc Việt. Ông David Dương cũng là chủ tịch kiêm sáng lập viên và đồng sở hữu chủ công ty nhà tiền chế.

Hồi Tháng Tám, 2023, ông David Dương là người thuyết phục và sắp xếp cho bà Sheng Thao và phái đoàn doanh gia Oakland thăm Việt Nam, được ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, và ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng Ngoại Giao, đón tiếp tại Hà Nội. Trong phái đoàn còn có ông Andre Jones.

Bà Sheng Thao bị cử tri Oakland bãi nhiệm trong cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một, 2024.

Hồ sơ tài chính cho thấy, trước khi ông Andre Jones nhận tiền hối lộ, bà Sheng Thao trả toàn bộ hoặc chia đôi tiền nhà với ông. Tuy nhiên, bắt đầu từ Tháng Giêng, 2023, sau khi ông Andre Jones nhận tiền của cha con ông David Dương, ông này trả toàn bộ tiền nhà.

Ngoài ra, bắt đầu từ Tháng Giêng, 2023, ông Andre Jones gia tăng đóng góp, hoặc trả toàn bộ chi phí, trong nhà – ví dụ như tiền điện, gas, nước, và điện thoại – sống với bà Sheng Thao.

Các bị cáo bị tố cáo thực hiện một số hành động để che giấu âm mưu hối lộ. Ví dụ, theo chỉ thị của bà Sheng Thao, số tiền hối lộ đưa ông Andre Jones để tránh sự liên lụy của bà. Ngoài ra, các bị cáo còn tạo một công việc “giả tạo” cho ông Andre Jones ở công ty nhà tiền chế để che giấu số tiền hối lộ. Họ còn tạo ra ngân phiếu giả để công ty California Waste Solutions trả tiền cho ông Andre Jones. Tất cả các khoản tiền này đều không được khai báo theo luật bầu cử.

“Công chúng được quyền công khai biết những gì xảy ra tại thành phố. Khi dân cử đồng ý nhận ‘đút lót’ để có lợi cho mình, thay vì làm việc có lợi cho cử tri, họ đã làm mất lòng tin của người dân,” công tố viên Robbins nói tại cuộc họp báo. “Truy tố này tái khẳng định quyết tâm của Bộ Tư Pháp xóa bỏ, điều tra, và truy tố tham nhũng trong chính quyền địa phương.”

Hồ sơ truy tố bà Sheng Thao, ông Andre Jones, ông David Dương, và ông Andy Dương. (Hình: Người Việt)

Bản tin của đài truyền hình ABC cho biết cả bốn người đã trình diện Chánh Án Kandis Westmore tại tòa liên bang ở Oakland lúc 10 giờ 30 phút sáng Thứ Sáu.

Bà Sheng Thao không nhận tội, được thả, và bị giới hạn du lịch. Nếu bị kết tội, bà có thể bị tối đa 95 năm tù. Sau đó, bà có tham dự một cuộc họp báo với luật sư của bà là ông Jeff Tsai bên ngoài tòa án.

Hiện chưa biết tình trạng của ba người còn lại ra sao.

Hình ảnh đài ABC cho thấy ông Andy Dương mặc một bộ veston màu trắng đi vào tòa án.

Nếu bị kết tội, ông David Dương và con trai có thể bị mỗi người tối đa 35 năm tù. Riêng ông Andy Dương có thể bị tối đa thêm năm năm tù vì tội nói dối nhân viên liên bang.

Hôm 20 Tháng Sáu, 2024, nhân viên liên bang khám nhà của những bị cáo này tại Oakland và vùng lân cận.

-Nhà của ông David Dương và vợ là bà Linda Dương trên đường Skyline Boulevard.

-Nhà của ông Andy Dương, trên đường View Crest Court trong khu Ridgemont. Ông Andy Dương là giám đốc California Waste Solutions.

-Văn phòng California Waste Solutions ở khu Embarcadero.

-Nhà bà Sheng Thao, lúc đó là thị trưởng Oakland, trên đường Maiden Lane trong khu Oakland Hills.

Cuộc điều tra do ba cơ quan liên bang tiến hành gồm FBI, Bưu Điện Hoa Kỳ (USPS), và Đơn Vị Điều Tra Tội Phạm của Sở Thuế (IRS-CI). (Đ.D.)


 

Vụ Đại Ninh: Trần Văn Hiệp khai ăn hối lộ $165,000 để ‘làm từ thiện’

Ba’o Nguoi-Viet

January 17, 2025

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quan chức được cho là ăn hối lộ nhiều nhất trong vụ Đại Ninh – bị cáo Trần Văn Hiệp, cựu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng – khai trước tòa rằng nhận hối lộ 4.2 tỷ đồng ($165,500) để “làm từ thiện.”

Bị cáo Hiệp cùng với đồng phạm, Trần Đức Quận (cựu bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng) và Mai Tiến Dũng (cựu bộ trưởng, chủ nhiệm chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ) là ba gương mặt nhận được nhiều sự chú ý nhất trong phiên tòa xử vụ Đại Ninh.

Bị cáo Trần Văn Hiệp (trái), cựu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, tại phiên tòa. (Hình: Giang Long/Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 17 Tháng Giêng, số tiền nêu trên được “đại gia” Nguyễn Cao Trí đưa cho bị cáo Hiệp để nhờ ông này “tạo điều kiện” cho dự án Đại Ninh được giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng.

Bị cáo Hiệp thừa nhận đã bảy lần gặp bị cáo Trí để nhận quà “cám ơn” tổng cộng 4.2 tỷ đồng.

“Bị cáo giúp đỡ không vì động cơ vụ lợi. Bị cáo cũng không đòi hỏi, vòi vĩnh và có ba lần từ chối nhận tiền, đề nghị anh Trí mang tiền đi làm từ thiện. Bị cáo đã sai lầm nên chịu trách nhiệm,” bị cáo Hiệp nói trước vành móng ngựa.

Bị cáo Hiệp cho hay “chịu nhiều sức ép từ lãnh đạo cấp cao,” cụ thể là từ ông Trần Văn Minh (cựu phó tổng Thanh Tra Chính Phủ, người đã tự tử tại tư gia) trong vụ Đại Ninh.

Đáng nói, tuy khẳng định đã dùng 4.2 tỷ đồng “làm từ thiện” nhưng sau khi bị bắt, bị cáo Hiệp đã nhờ gia đình nộp lại toàn bộ số tiền này để mong được nhẹ tội tại phiên tòa.

Cùng bị cáo buộc ăn hối lộ với bị cáo Hiệp nhưng nhận chỉ một nửa số tiền nêu trên, bị cáo Trần Đức Quận khai rằng “không đòi hỏi, ép buộc doanh nghiệp đưa tiền.”

Bị cáo Trần Đức Quận (trái), cựu bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng, tại phiên tòa. (Hình: Giang Long/Tuổi Trẻ)

“Mỗi lần lên Lâm Đồng làm việc với Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, Trí đều qua phòng tôi chào hỏi đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ triển khai dự án Đại Ninh. Nếu ở nhà tôi không cho gặp, nhưng ở cơ quan tôi cho gặp. Bị cáo không đòi hỏi nhưng việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai,” bị cáo Quận nói.

Cũng trong vụ án này, theo báo Dân Trí, bị cáo Mai Tiến Dũng thừa nhận được bị cáo Nguyễn Cao Trí đưa hối lộ 200 triệu đồng ($7,881) và “trả giùm” 380 triệu đồng ($14,973) tiền Văn Phòng Chính Phủ mua quà. (N.H.K) [qd]