“Đi Ăn Ở Hà Nội” – Đỗ Duy Ngọc
Đỗ Duy Ngọc
Hà Nội có nhiều món ngon; chuyện ấy ít người cãi. Nhưng món ăn ngon Hà Nội tập trung ở Phố cổ; mà nhà ở Phố cồ thì bé tẻo teo, thế nên hàng quán bày bán đầy vỉa hè, muốn ăn thì ngồi ngay đường đi, ghế thấp lè tè, toàn ghế nhựa. Món ăn cũng bày tràn ra đường mặc cho bụi đường và vi trùng ồ ạt. Hà Nội nổi tiếng là thành phố ô nhiễm bậc nhất cho nên thức ăn cũng thế thôi.
Ra Hà Nội tìm món ăn ngon của một thời trong văn của Thạch Lam, của Vũ Bằng và cả ông Nguyễn Tuân, những người được cho là sành ăn, thế nhưng khi thấy mọi người chen chúc ở vỉa hè và món ăn bày tràn cả lề đường thì ngại ngùng. Cũng có một số quán bán trong nhà, nhưng chật chội và bẩn cộng với muỗng đũa nhầy nhụa cả mỡ. Căn nhà ám khói và tràn giấy lau bay như bướm, trắng cả sàn. Chủ tiệm và người phục vụ có lẽ đắt khách quá nên chẳng cần lịch sự với khách. Họ trả lời cứ nhấm nha nhấm nhẳng. Chủ và tớ nhễ nhại mồ hôi cứ thế mà bưng bê thức ăn. Đặc biệt khi đi ăn ở các quán ăn Hà Nội, nhớ tuyệt đối đừng bao giờ đi vệ sinh, bởi đã vào đấy đi ra thì không thể ra ăn tiếp được vì nhà vệ sinh quá xá bẩn, bẩn tới phát khiếp.
Một lần tui vào Phở Thìn ở Phố Lò Đúc, ngồi một lát chẳng thấy ai hỏi mà quán thì nóng hầm hập, người chen chúc. Bàn ăn của quán là một dãy dài, ngồi chung chạ nhau. Đợi một hồi thấy chả có ai hỏi dù đã ra dấu nhiều lần với người phục vụ, nhưng các cậu ấy cứ tảng lờ. Ông khách ngồi chung bàn thấy thế mới bảo:
– “Ông phải ra ngoài kia gọi phở và trả tiền thì nó mới bưng vào.”
À ra thế! Gọi mấy bát phở, bảo chín, gầu. Cậu phục vụ lắc đầu:
– “Ở đây chỉ có một món tái lăn. Một bát 60 ngàn.”
Khi tô phở bưng ra, tui thử một muỗng nước lèo, đầy bột ngọt, thế là chỉ ăn được một vệt. Nhìn lui, một cặp vợ chồng trẻ và đứa con đang đứng chờ ngay sau lưng, tui đành đứng dậy. Ở đây không bán nước uống. Thôi thì để miệng nham nháp bột ngọt mà đi ra khỏi quán.
Người ta bảo Phở Bát Đàn ngon, tui lại không thích quán đó, dù có ngon, bởi cái kiểu cầm tô xếp hàng và thái độ khinh khi khách của tên lùn múc phở là tui không chịu được. Lại nghe Phở Dư, Phở Sướng, Phở Hàng Da… ăn cũng được lắm (?) Tui thuê xe đi ngang qua các quán này lại không dám vào vì quán nào cũng chen chúc, chỗ nào cũng chật chội.
Không ăn phở thì ăn bánh cuốn vậy! Nghe bảo ở Hàng Gà có bánh cuốn ngon, chợt nhớ cô bạn nhắn bảo ở phố Hàng Cót có quán bánh cuốn ăn được lắm. Tui hí hửng đi lộn về, gọi một dĩa nhưng rất thất vọng. Chạy qua Thanh Vân ở Hàng Gà, quán sạch sẽ, có quầy thu tiền ở cửa. Được giới thiệu “dĩa combo” gồm bánh cuốn và hai miếng chả cắt xéo giá 60 ngàn. Tui gọi ngay một đĩa, rồi cũng đành bỏ vì ăn không ngon; có lẽ khẩu vị của tui khác chăng? Tui bị cái tật là cảm thấy không ngon là bỏ, không ăn. Thà nhịn đói chứ không chịu ăn thứ dở.
Tui đành kêu cuốc xe trở về khách sạn. Đi ngang hàng quán bún, miến, cháo, gà, vịt, ngan, bún thang, bún ốc, chân gà, lòng lợn, cua, ốc, giò, nộm, chả cá… đẩy phố, nhưng thấy quán chiếm chật vỉa hè đành nhịn mà đi.
Một tối tui đi ăn bún chả gần khách sạn tui đang ở, đương nhiên là ngồi vỉa hè rồi. Đang ăn chợt thấy trước mặt, chị giúp việc rửa tô bằng cách nhúng vào một xô nước lợn cợn bún và rau, rồi cầm một cái khăn đã ngã màu theo tháng năm lau quanh, sắp thành chồng. Nhìn thế, tui phát nhợn, không ăn tiếp được.
Buổi sáng thức dậy sớm, một anh bạn người Hà Nội đem xe chở tui đi về làng Ước Lễ, nơi còn có cái cổng làng chụp hình. Anh bảo ghé Lý Thường Kiệt mua mấy gói xôi xéo ăn sang. Theo anh, đây là nơi bán xôi ngon nhất Hà thành. Tới nơi, thấy xôi, hành phi, giò chả để ngay dưới đất trên lối đi của người đi bộ, không sạp, không bàn ghế là đã thấy oải. Có ngon cũng thành dở.
Hà Nội vẫn có nhiều nhà hàng lịch sự và vệ sinh, nhưng người Hà Nội bảo rằng các món ăn ở đó không ngon, không đúng chất Hà Nội. Ăn ở các nơi đó là chưa thưởng thức được món ăn Hà Nội và chứng tỏ là không biết ăn.
Có lẽ Hà Nội là nơi có nhiều quán lề đường nhất nước và cũng có lẽ đó là phong cách ẩm thực của người Hà Nội. Tui ra Hà Nội rất nhiều lần từ thập niên 90 đến nay, nhận thấy cung cách mua bán hàng ăn ở Hà Nội không đổi mà ngày càng xô bồ và nhếch nhác hơn.
Đây là ý kiến và cách nhìn của một cá nhân, có thể chưa bao quát hết, nhưng cũng là nhận định của một người phương xa yêu Hà Nội viết vội về việc ăn ở Hà Nội.
Đỗ Duy Ngọc
Trần Văn Giang (ghi lại)
From: Tu-Phung
Sách và lửa! – Đoàn Xuân Thu
Nếu lửa là phát minh vĩ đại nhất giúp con người thoát khỏi thời mông muội, thì sách chính là phát minh vĩ đại giúp nhân loại bước vào kỷ nguyên của tri thức và văn minh.
- Ông Khai Trí
Trước khi Internet “qua mặt không bóp kèn” mọi thứ, trước khi Facebook “dạy đời” mỗi ngày, và trước cả khi những cuốn sách biến thành đồ trang trí bàn cà phê, ông Nguyễn Hùng Trương – tức ông Khai Trí – đã tiên phong đi trước thời hiện đại. Ông mở nhà sách để người ta “khai trí” bằng cách đọc: đọc ké, đọc kín, đọc chùa, đọc không trả tiền. Cái bất tiện hơn so với chui vô thư viện là ngồi đọc, thì ở đây… phải đứng đọc!
Ở Sài Gòn những năm 60, khi xã hội còn đang mải mê với những bộ phim “nghệ thuật” Hollywood, dân mình lại dịch theo kiểu Tàu là “Hồ Ly Vọng”. Nghe “Hồ Ly” là tôi lại tưởng đến Liêu trai chí dị của chú ba Bồ Tùng Linh chớ?!
Khờ câm từ đêm buồn tỉnh lẻ Mỹ Tho tui lên Sài Thành hoa lệ dùi mài kinh sử lại không lo, vì bận ngơ ngẩn trông vời áo tiểu thư. Tiểu thư đây là những em mặc jupe soirée (váy dạ hội), từ trong quán cà phê Givral bước ra, miệng parler français – nói tiếng Pháp – như ca sĩ Thanh Lan học trường Đầm Marie Curie.
(Viết tới đây tui lại nhớ giáo sư Nguyễn Anh Bổn dạy môn Pháp văn sinh ngữ hai lớp đệ nhứt trường Trung học Công lập Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường. Thầy chạy xe đạp đòn dông, tóc bạc nên đám học trò tụi tui gọi thầy là: “ông ngoại”. Một hôm, ông ngoại biểu tui chia động từ avoir. Chia xong, thầy nói: “Đoàn quân (chàng họ Đoàn, tức là tui): Parlez français same same Vietnamien!” He he!)
Trong khi đó, ông Khai Trí bán sách không dễ tiêu hóa đâu, rất khó gặm: triết học cổ điển, văn học nước ngoài, công trình khoa học… Đọc để khai trí, chứ đâu phải đọc giải trí!
Ông Khai Trí
Ở Footscray, ngoại ô cách Melbourne CBD về hướng Tây – nơi tôi,30 năm trước, từ sông nước miền Tây trôi dạt đến – có tiệm tên Khai Trí ở đường Droop. Khai Trí này không bán sách mà bán băng Paris by Night của ông Tô Văn Lai, hoặc Asia của ông Trúc Hồ. Sau băng, đĩa lậu tràn lan, tiệm nghỉ luôn, không thèm “khai trí” nữa. Cho tụi bây ngu… ráng chịu!
Nhà sách Khai Trí ở thủ đô Sài Gòn yêu dấu xưa là một kho tàng tri thức mà thư viện quốc gia chưa chắc có. Ngay cả nhà biên khảo Sơn Nam muốn tìm tài liệu cũng phải chịu khó lội bộ mấy cây số đến đó mà chép.
Rồi đến năm 1975, CSBV vào, “giải phóng” – không bị ‘phỏng…’ vì đó là trận bão tuyết lạnh giá văn hoá của Lenin từ Siberia thổi tới. Sách của ông bị tịch thu đem đốt, ông Khai Trí bị nhốt vì “tội bán quá nhiều sách đồi trụy của bọn Mỹ Ngụy”.
Ra tù, nhà sách của ông thì họ quên trả. Nhà lầu mặt tiền đường Lê Lợi, trung tâm Quận Nhứt Sài Gòn, trả sao được? Ông Khai Trí sống lưu vong ở Mỹ. Sách ông thì chẳng ai còn nhớ đến nữa.
2.Nguyễn Hiến Lê.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ có những tiếng hô vang “giải phóng miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước). Giải phóng bằng cách… đốt sách!
Những cuốn sách, dù là kỹ thuật, văn học của Nguyễn Du, của Lê Quý Đôn, hay các tác phẩm cổ điển phương Tây – tất cả đều trở thành “kẻ thù”, chỉ vì in ở Sài Gòn, mang “mầm mống phản động”.
Không cần lý lẽ, chỉ cần “tổ trưởng tổ dân phố” ra phán quyết là đốt sạch sành sanh.
Muốn đọc? Phải xin phép. Muốn viết? Phải được duyệt. Mà viết không được đăng thì chỉ có nước… đi học lại những đề cương về văn hoá cách mạng của Trường Chinh – tay đao phủ cải cách ruộng đất, từng bắt nông dân tố cha, tố mẹ, chỉ vì có vài mẫu đất trồng khoai nuôi heo ở miền Bắc năm 1956. Người ta vẫn nói: “Con người là những gì họ đọc.” Vậy sau bao nhiêu chiến dịch đốt sách, kiểm duyệt, cấm đoán, thì người dân trong chế độ Cộng sản còn đọc gì? Một dân tộc không còn thói quen đọc, không chỉ vì lười biếng, mà vì không còn sách để đọc – ấy mới là bi kịch.
Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê chỉ cần liệt kê tên sách ông viết và dịch đã đủ làm một chồng sách cao hơn đầu. Nhưng sách ông cũng bị đốt sạch.
Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê
Nếu sách là con tinh thần của ông, thì bọn vệ binh đỏ của trùm CS Lê Duẩn đã giết hàng trăm đứa con ông ngay trước mặt ông. Lòng đau như dao cắt, như muối xát kim châm, mà ông Nguyễn Hiến Lê chỉ dám nhẹ nhàng còm len (complain): “Người ta đốt sách như thời Tần Thủy Hoàng. Tôi buồn, nhưng không ngạc nhiên.”
Ông dùng chữ “người ta”? Người ta gì mà mọi rợ vậy chớ?! Hay là ông Nguyễn cũng sợ bị nhốt như ông Khai Trí?
Đối với tất cả các chế độ độc tài: sách là kẻ thù của họ. Không phải vì sách có thể bắn ra đạn, mà vì sách chứa đựng một thứ không ai cấm được: tư tưởng.
Lịch sử từng chứng kiến những vụ đốt sách “vĩ đại”: Tần Thủy Hoàng đốt sách để độc quyền tư tưởng. Stalin đốt sách để xóa “tư tưởng lệch lạc”. Hitler đốt sách Do Thái. Mao Trạch Đông đốt luôn cả văn hóa, cả lịch sử – để tái tạo Trung Hoa XHCN từ đầu. Pol Pot xé sách dạy chữ, quay về thời đồ đá.
Và ở Việt Nam, sau 1975, sách bị thiêu rụi trong những cuộc “giải phóng tư tưởng”. Cái mất không chỉ là sách – mà là cả một nền văn hoá, cả một dân tộc biết suy nghĩ.
o O o
Nhưng ngọn lửa đốt sách của lịch sử vẫn lởn vởn, sẵn sàng bùng lên mỗi khi quyền lực cảm thấy tri thức là mối đe dọa. Ngày nay, có ai còn đọc? Có ai còn viết mà không bị mạng xã hội “ném đá” hoặc “báo cáo vi phạm cộng đồng”?
Trong các chế độ độc tài, trong đó có độc tài Cộng sản, nếu muốn sống: cấm khai trí, cấm đọc, cấm phản biện. Hãy ngu đi! Animal Farm (Trại súc vật) của George Orwell thì phẻ re như con bò kéo xe, hay con ngựa thồ ngoại ô xa vắng, bị che hai bên mắt – chỉ được nhìn về một hướng như Trịnh Công Sơn. Hướng đó là: Thiên đường mù của Dương Thu Hương! Khè khè!
nguồn The New York Times
Người đàn ông ở Đồng Nai treo cổ tự tử sau bản án oan
June 2, 2025
Một người đàn ông ở tỉnh Đồng Nai đã kết thúc cuộc đời mình trong uất ức, chỉ vài giờ trước khi bị cưỡng chế đi thi hành án tù hai năm. Cái chết của ông Trần Anh Tú, 49 tuổi, không chỉ là một bi kịch cá nhân mà còn là hồi chuông cảnh báo về sự lỏng lẻo, bất cập và thiếu công bằng trong hệ thống tư pháp dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Theo báo VN Express hôm 1 Tháng Sáu, ông Trần Anh Tú ban đầu là nhân chứng trong một vụ án “cố ý gây thương tích” liên quan đến người em ruột là Trần Anh Tài. Tuy nhiên, qua một chuỗi điều tra đầy khuất tất, ông Tú bất ngờ trở thành bị cáo và bị kết án hai năm tù, dù ông không trực tiếp gây thương tích cho bất kỳ ai trong vụ việc.
Câu chuyện bắt đầu vào cuối Tháng Ba năm 2022, khi ông Tài – người em của ông Tú – bị ông Trần Thanh Hải và ba người khác đến tận nhà đòi nợ. Ông Hải mang theo bình xịt hơi cay và xịt vào mặt ông Tài, khiến ông này chạy sang nhà anh ruột kêu cứu.
Thấy em mình bị tấn công, ông Tú cầm dao lao ra định ngăn cản. Trong lúc hỗn loạn, ông Tài chém vào mặt ông Hải, gây thương tích. Con riêng của vợ ông Tài cũng xông vào và gây thêm thương tích cho ông Hải. Cuối cùng, ông Tú cùng người trong nhà trói tay ông Hải lại và báo công an. Ông Tú sau đó ra đầu thú, được tại ngoại điều tra, và tiếp tục hợp tác với tư cách nhân chứng tại phiên sơ thẩm vào Tháng Chín năm 2023.
Tòa án huyện Nhơn Trạch tuyên ông Tài sáu năm tù. Riêng ông Tú và con trai riêng của vợ ông Tài chỉ được mời đến tòa với tư cách nhân chứng. Thế nhưng đến Tháng Tư năm ngoái, tòa phúc thẩm lại bất ngờ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung hành vi của cả hai người này.
Chỉ vài tháng sau, ông Tú bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, và đến đầu năm 2024 thì bị tuyên án hai năm tù. Trong mắt người dân, ông Tú chỉ là người can thiệp để bảo vệ em trai, không có hành vi cố ý gây thương tích. Thế nhưng, dưới tay bộ máy tư pháp địa phương, ông bị biến thành tội phạm.
Sáng 30 Tháng Năm, ông Tú treo cổ tự tử tại nhà riêng – đúng vào ngày ông bị cưỡng chế đi thi hành án.
Cái chết của ông không phải chỉ là kết thúc của một bản án. Nó phơi bày một sự thật cay đắng: trong hệ thống pháp lý của Cộng Sản Việt Nam, người dân có thể bị cuốn vào guồng máy tố tụng một cách vô lý, oan sai, và hoàn toàn bất lực.
Khi nhân chứng có thể bị biến thành bị cáo, khi người đứng ra can ngăn một vụ hành hung lại bị truy tố vì “cố ý gây thương tích,” thì công lý – nếu còn tồn tại – cũng đã bị bóp méo đến không nhận ra.
Và cái chết của ông Trần Anh Tú, giờ đây, không chỉ là một vụ tự tử. Nó là một bản cáo trạng.
PHÁT NGÔN GÂY SỐC VÀ XÚC PHẠM HÀNG TRIỆU NGƯỜI DÂN SÀI GÒN
Việt Tân
PHÁT NGÔN GÂY SỐC VÀ XÚC PHẠM HÀNG TRIỆU NGƯỜI DÂN SÀI GÒN
Phát ngôn của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan rằng: “Ngập là một đặc điểm rất tự nhiên của thành phố. Ngập thành phố phần nào là một hình ảnh rất đẹp” không chỉ gây sốc mà còn là một sự xúc phạm trắng trợn đối với hàng triệu người dân Sài Gòn đang ngày đêm oằn mình chống chọi với nước ngập. Đây có phải là cách mà một quan chức của một Đảng độc quyền lãnh đạo toàn diện thể hiện trách nhiệm của mình? Như thế rõ ràng là nỗi khổ của dân bị biến thành “vẻ đẹp”
Trong khi người dân phải lội bì bõm trong nước cống dềnh lên, xe cộ chết máy, tài sản hư hại, cuộc sống đảo lộn, thì vị Phó Chủ tịch lại có thể nhìn thấy “hình ảnh đẹp” từ cảnh tượng đó. “Đẹp” ở chỗ nào khi cả thành phố biến thành sông, giao thông tê liệt, hàng quán đóng cửa, và hàng trăm gia đình phải vật lộn với cảnh ngập úng triền miên sau mỗi trận mưa? Phát ngôn này không chỉ vô cảm mà còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm đến kinh ngạc của những người nắm quyền. Thay vì đưa ra giải pháp, thay vì nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề để tìm cách cải thiện đời sống người dân, họ lại chọn cách biện minh bằng những lời nói vô bổ, thậm chí là lố bịch.
Chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là “độc quyền lãnh đạo toàn diện” nhưng lại không thể giải quyết được một vấn đề cơ bản như ngập lụt, một vấn đề đã tồn tại dai dẳng hàng thập kỷ. Việc không chống ngập hiệu quả sau những trận mưa không phải là “đặc điểm tự nhiên”, mà là hậu quả của sự yếu kém trong quy hoạch, quản lý và thiếu trách nhiệm của bộ máy. Lời nói của ông Võ Văn Hoan là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy người dân Việt Nam đang cần một sự thay đổi cấp bách. Chúng ta cần một chính quyền không chỉ biết hô hào khẩu hiệu mà phải thực sự bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho đời sống của người dân. Chúng ta cần một chính quyền biết lắng nghe, thấu hiểu nỗi khổ của dân, chứ không phải nói những lời vô cảm, biện minh cho yếu kém của mình. Chúng ta cần một chính quyền minh bạch trong quy hoạch, đầu tư, và thực thi các dự án chống ngập, chứ không phải để hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào những dự án kém hiệu quả.
Và trên hết, chúng ta cần tự do dân chủ để người dân có thể lên tiếng, chất vấn và giám sát những người đang nắm giữ quyền lực. Chỉ khi có tự do dân chủ, quyền lợi của người dân mới được đảm bảo, và những phát ngôn “tuyệt vời” như “ngập là đẹp” mới không còn đất để tồn tại. Đã đến lúc người dân Việt Nam phải cùng nhau đòi hỏi một chính quyền thực sự vì dân, chứ không phải một bộ máy chỉ biết “lãnh đạo toàn diện” trên giấy tờ nhưng lại bất lực trước những vấn đề cơ bản của cuộc sống.
Lão Thất
Ông xích lô ở Nha Trang ‘giật tiền’ của nữ du khách ngoại quốc
June 2, 2025
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Một ông chạy xích lô du lịch ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bị cho là “có thái độ phản cảm” khi giật tiền trên tay nữ du khách ngoại quốc.
Theo báo Dân Trí, chiều 31 Tháng Năm, trên mạng xã hội Facebook lan truyền video clip dài gần 30 giây ghi lại cảnh một ông chạy xích lô chở hai mẹ con nữ du khách ngoại quốc.
Hình ảnh ông chạy xích lô giật tiền trên tay nữ du khách ở Nha Trang. (Hình: Dân Trí)
Khi đến nơi, nữ du khách đưa ra một số tờ tiền, sau đó giữa ông chạy xích lô và du khách xảy ra cự cãi.
Trong lúc lời qua tiếng lại, bất ngờ ông chạy xích lô đã giật các tờ tiền trên tay của nữ du khách. Thấy ông này tỏ vẻ hung hăng, nữ du khách này vội dắt tay con gái rời đi.
Ngay khi đoạn clip lan truyền, nhiều người đã bày tỏ bất bình cho rằng, ông xích lô đã cư xử không đúng mực với du khách và đề nghị giới chức địa phương “chấn chỉnh.”
Sáng 2 Tháng Sáu, nói với báo Dân Trí, ông Lê Quang Nhất, chủ tịch Nghiệp Đoàn Xích Lô Du Lịch Nha Trang kiêm phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động Thành Phố Nha Trang, cho biết đã xác định được danh tính người chạy xích lô là ông Đào L., 57 tuổi, quê huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, đồng thời đang yêu cầu người này viết bản tường trình, kiểm điểm “để có cơ sở xử lý theo quy định.”
Ông Nhất cho biết qua làm việc, ông L. cho rằng trước khi thực hiện “cuốc” xe hơn 1.5 km đi từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, ông đã thông báo với khách giá phải trả là 50,000 đồng ($1.9). Tuy nhiên khi đến nơi, nữ du khách chỉ trả 35,000 đồng ($1.3).
“Vì vội nên người chạy xích lô đã có những hành động giật tiền gây phản cảm,” ông Nhất biện minh.
Ông Đào L. (thứ hai, trái qua) làm việc với Nghiệp Đoàn Xích Lô Du Lịch Nha Trang. (Hình: Thái Tĩnh/Người Lao Động)
Theo ông Nhất, một số hình thức xử lý đang được Nghiệp Đoàn Xích Lô Du Lịch Nha Trang xem xét là cho ông L. ra khỏi nghiệp đoàn, thu hồi thẻ thành viên.
“Thời gian qua, nghiệp đoàn đã nỗ lực kết nối với các đơn vị để phối hợp tuyên truyền về các quy tắc ứng xử với du khách, tránh xa tệ nạn xã hội, học ngoại ngữ… Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp không tuân thủ, dẫn đến ảnh hưởng tới hình ảnh của đa số đoàn viên thực hiện tốt,” ông Nhất cho biết thêm.
Ngoài vụ “giật tiền” trên, trước đó tại thành phố Nha Trang cũng đã từng xuất hiện nhiều vụ du khách tố cáo bị hành hung, thu các khoản phí bất hợp lý. (Tr.N) [kn]
Có một nỗi buồn rất khẽ, mang tên: cha mẹ đã già
An Nhiên Giữa Dòng Đời
Có một nỗi buồn rất khẽ, mang tên: cha mẹ đã già.”
Tôi không biết từ lúc nào, bàn tay cha bắt đầu run khi cầm đôi đũa. Mẹ thì hay quên, vừa kể chuyện xong lại hỏi: “Má nói chưa con?”
Lúc đầu, tôi bật cười nhẹ. Sau đó là im lặng.
Rồi một ngày, tôi chợt thấy dáng cha đứng ở cửa… nhỏ bé đến lạ.
Và bỗng hiểu: chúng ta đang chứng kiến người từng là bức tường vững chãi nhất trong đời mình… lùi dần vào phía hoàng hôn.
Người già không cần gì nhiều.
Chỉ mong con cái bớt cao giọng.
Chỉ mong có ai ngồi cạnh, nghe họ kể chuyện cũ mười lần như mới.
Chỉ mong mỗi lần lỡ tay làm rơi bát, không bị thở dài.
Họ từng là người đỡ ta qua những ngày chập chững.
Giờ đến lượt ta dắt họ đi qua những bước cuối cùng của kiếp người.
Làm người tử tế không cần điều gì cao xa.
Chỉ cần đủ dịu dàng với người đã từng vì ta mà gồng lên cả một đời.
Vì mai này, khi họ đi rồi… sẽ chẳng ai còn hỏi ta ăn chưa, hay nhắc ta mặc thêm áo khi trở trời.
Hãy thương khi còn kịp.
Đừng đợi đến lúc chỉ còn được gọi tên họ trong gió…
MDang
‘Nghịch tử’ ở Hải Phòng giết mẹ, chém bố trọng thương
June 1, 2025
HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Nghi can Lê Văn Cường, 30 tuổi, ở phường Lưu Kiếm, thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, bị bắt với cáo buộc sát hại mẹ ruột và đâm cha mình trọng thương.
Theo báo VietNamNet hôm 1 Tháng Sáu, nhà chức trách công bố nguyên nhân ban đầu là do nghi can đi uống rượu về muộn, bị cha mắng, không cho ngủ.
Căn nhà nơi xảy ra vụ án mạng tọa lạc tại thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. (Hình: Hoài Anh/VietNamNet)
Trong sự việc xảy ra vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày, nghi can Cường lấy dao đuổi chém cha.
Mẹ của nghi can chạy ra can ngăn thì bị con trai dùng dao đâm chết ngay tại nhà. Người cha bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu.
Công an sau đó đến hiện trường khống chế nghi can, đưa ông này đi xét nghiệm nồng độ cồn và chất kích thích.
Trong một bi kịch gia đình tương tự, báo Bảo Vệ Pháp Luật hồi đầu Tháng Tư cho hay, bị can Đặng Khánh Linh, 16 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội, bị bắt, truy tố với cáo buộc dùng dao đâm cha mẹ ruột suýt chết.
Theo cáo trạng, bị can Linh là học sinh một trường trung học tại quận Cầu Giấy, thường xuyên bỏ học, chơi bời lêu lổng nên bị cha mẹ cho chuyển trường đến trường nội trú IVS ở huyện Thanh Oai.
Do không chịu được áp lực học tập, hồi Tháng Năm năm ngoái, thiếu nữ bỏ học và nghỉ ở nhà. Hồi đầu Tháng Mười Một năm ngoái, bị can Linh bỏ nhà đi chơi lang thang, lêu lổng với bạn bè trong ba ngày.
Mẹ thiếu nữ đã chửi bới con gái và cấm em này đi chơi, cũng như không cho sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Tiếp đó, cha thiếu nữ đe dọa gửi con gái vào trường giáo dưỡng.
Vụ việc xảy ra tại thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. (Hình: Dân Trí)
Do bất bình, vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 Tháng Mười Một cùng năm, bị can Linh nảy sinh ý định dùng dao đâm cha mẹ đang ngủ say. Bị can Linh đâm một nhát dao vào cổ cha, một nhát vào cổ mẹ, khiến hai người này hét lên kêu cứu.
Người cậu của thiếu nữ sống cùng nhà, kịp thời đưa cha mẹ bị can Linh đi cấp cứu kịp thời nên hai người này giữ được mạng sống, chỉ bị tổn hại 2-12% cơ thể.
Sau khi gây án, bị can Đặng Khánh Linh ra công an đầu thú. Kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu nữ dương tính với chất ma túy. (N.H.K)
Ngày 1-6-1975: Lệnh gọi “học tập cải tạo”, một vết chém cay nghiệt!
31/05/2025
Bùi Anh Thư
31-5-2025
Tháng 5, miền Nam vừa trải qua một tang thương của một cuộc chiến kết thúc không bằng tiếng súng mà bằng một sự im lặng ngột ngạt. Và ngày 1 tháng 6 năm 1975, lệnh trình diện “học tập cải tạo” được ban hành.
Tưởng chừng chỉ là một thông báo hành chính, nhưng đối với hàng trăm ngàn gia đình, đó là bản án treo lơ lửng không tuyên bố, một vết chém lạnh lùng rạch ngang đời sống của bao con người vừa bừng tỉnh sau cơn địa chấn lịch sử.
Từ sáng sớm hôm ấy, cả miền Nam rúng động. Loa phóng thanh vang lên khắp ngõ phố Sài Gòn – Gia Định, Huế, Cần Thơ, Vũng Tàu… Mỗi từ, mỗi chữ trong thông báo đều như mang theo hơi lạnh của rừng sâu, của dây thép gai, của cái đói chưa đến mà đã thấy trong ánh mắt những người đọc qua:
“Sĩ quan, viên chức, cảnh sát, công chức chế độ cũ… phải trình diện học tập cải tạo trong 10 ngày…”
Chỉ “mười ngày” – một lời hứa nhẹ nhàng đến cay nghiệt. Người dân biết: đó là lời tiễn biệt, không phải cuộc hẹn trở về.
mẹ – lệ chảy dài
thu xếp bọc hành trang
cha – nhìn đàn con thơ
mắt ngậm lời vĩnh biệt
Các bà mẹ lặng lẽ khâu tên con vào ống quần lính cũ, vợ gói gạo rang, muối hột, viên thuốc cảm cuối cùng. Không ai khóc, nước mắt đã cạn khô, chỉ còn đôi môi mím chặt như muốn gào lên nhưng không dám. Không tiếng khóc, nhưng từng mái nhà rền rĩ những uất ức không lời. Phút giây đó, mọi ngôn ngữ đều trở nên bất lực.
Tôi ngỡ ngàng sợ hãi:
HẠNH PHÚC – phải chăng là ra đi mất bóng
và TỰ DO
là giam đời trong trại tập trung?
Và rồi, từ ngày 1 tháng 6 ấy, những trại cải tạo mọc lên khắp rừng núi phía Bắc, Tây Nguyên, rìa biên giới. Không ai biết chính xác bao nhiêu người bị đưa đi. Họ trở thành những cái bóng không tên, sống trong đói khát, bệnh tật, cô lập, và thời gian bị tước mất.
Ở quê nhà, người thân của họ sống từng ngày như trong tang lễ kéo dài không hồi kết. Những đứa con bị khước từ tương lai chỉ vì cái họ mang danh “con ngụy”. Những người vợ gầy rạc, chống gậy bước qua năm tháng, vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa làm chứng nhân cho một nỗi đau bị cấm gọi tên.
Ngày 1 tháng 6 năm 1975 – không phải chỉ là một ngày trong lịch sử, mà là khởi đầu của một chương bi tráng và tàn khốc, nơi quyền lực không cần đến súng đạn nữa – chỉ cần một thông báo và sự im lặng của cả một xã hội.
Đó là ngày mà hàng trăm ngàn con người bước vào bóng tối – lặng lẽ, không tiếng khóc, không huy chương, không kháng cự – chỉ còn lại niềm kiêu hãnh bị nghiền nát, và nỗi đau ngấm sâu, không thể gột rửa bằng thời gian.
Ngày 1 tháng 6, ngày bắt đầu cho những nghiệt ngã đau thương!
Cựu Biệt Kích Chung Tử Ngọc bị giam cầm 6 năm ở những trại tập trung
May 31, 2025
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Cựu chiến sĩ Biệt Kích Chung Tử Ngọc tuy ở trong quân ngũ không dài nhưng vẫn lo tròn nhiệm vụ của người lính. Ông có những chuyến công tác đặc biệt cận kề với tử thần theo tinh thần chiến đấu cho quốc gia, dân tộc với phương châm “Vào sinh ra tử.”
Ông Chung Tử Ngọc (giữa) cùng con gái và cháu ngoại tại nhà ông ở Westminster, California. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Chung Tử Ngọc là Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Khóa 3/73 Trừ Bị Thủ Đức, nhập ngũ năm 1972. Ra trường Tháng Mười Hai, 1973, ông được về đơn vị Biệt Kích của Nha Kỹ Thuật, thuộc Toán 729 Đoàn Công Tác 72 của Nha Kỹ Thuật.
Thời gian quân ngũ của ông chỉ khoảng hơn một năm thì biến cố cuối Tháng Tư, 1975 ập tới. Chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà ở Westminster, một thành phố trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, cựu chiến sĩ Biệt Kích Chung Tử Ngọc tâm tình cuộc đời quân ngũ đến giờ phút cuối cùng khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Miền Nam bị thất thủ, lúc ông bị bắt làm tù binh trong những trại tập trung của Cộng Sản hết sáu năm, rồi vượt biên ra hải ngoại.
Nhờ dân làng nên thoát chết
Khoảng đầu Tháng Ba, 1975 là chuyến cuối cùng công tác của Biệt Kích Chung Tử Ngọc trong rừng của phạm vi Đà Nẵng. Sau khi đối đầu với Việt Cộng, ba toán Biệt Kích còn sống sót và hai chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến vào rừng, khi thấy không còn địch đuổi theo nữa, họ mới tìm cách đi ra khỏi khu rừng trong đêm.
Ông kể: “Lúc đó có người nói với chúng tôi là Cộng Sản đã chiếm Đà Nẵng, khoảng cuối Tháng Ba, 1975, và có rất nhiều người lính VNCH đã ra trình diện với Việt Cộng rồi, nên người dân mới khuyên chúng tôi phải ra trình diện. Không còn đường nào để đi, buộc lòng chúng tôi phải ra trình diện Cộng Sản.”
Sau khi ra trình diện tại một xã nhỏ, thì Việt Cộng mới đưa ba toán Biệt Kích và hai chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến về nhốt tại một trại giam nhỏ. Lúc đó một số lính xe tăng Bắc Việt ghé vào để xem số tù binh, khi họ biết nhóm này là lính Biệt Kích thì họ chĩa súng vào những Biệt Kích, nói: “Đem ra bắn bỏ hết mấy tên lính Biệt Kích này ngay.”
“Khi họ mang chúng tôi ra ngoài sân để tử hình thì những người dân thấy vậy mới ùa tới ngăn cản không cho mấy tên lính Bắc Việt giết chúng tôi,” ông Ngọc kể tiếp.
Cũng may, có một cán bộ Việt Cộng miền Nam đến nói với mấy tên lính xe tăng Bắc Việt rằng: “Các đồng chí tránh ra chỗ khác, nơi này là chỗ chúng tôi đang làm việc, các đồng chí không được muốn bắn ai thì bắn. Tôi biết mấy ông lính ngụy đã từng đi ngang qua đây và chưa bao giờ bắt gà bắt vịt của dân làng gì hết. Tại sao các đồng chí phải giết họ? Đây là nhiệm vụ của chúng tôi, phải để chúng tôi xử lý. Tôi xin mời các đồng chí hãy đi khỏi địa bàn của chúng tôi đang làm việc.”
Chuẩn Úy Chung Tử Ngọc (ở trần) và các chiến hữu vào cuối Tháng Ba, 1975. (Hình: Chung Tử Ngọc cung cấp)
Ông Chung Tử Ngọc kể tiếp: “Sau khi đoàn xe tăng rời khỏi thì có một ông đến nói nhỏ với tôi, ‘Thôi mấy anh cứ ra Đà Nẵng trình diện với Ủy Ban Quân Quản đi, ở đây không phải nhiệm vụ của chúng tôi.’ Mừng quá vì được thoát chết, chúng tôi cám ơn và tức tốc rời nơi đó ngay. Tại Đà Nẵng, tôi đến nhà chị dâu là vợ của ông anh cả đang bị ở tù ngoài Bắc Việt, tá túc chỉ vài ngày, rồi nhờ mấy người bạn cho tôi tá túc hết nhà người bạn này đến nhà người bạn khác để tìm cách về Sài Gòn. Đến ngày 15 Tháng Sáu, 1975 thì tôi mới đi xe đò về Sài Gòn.”
Khi về đến Sài Gòn thì nhà cầm quyền Cộng Sản kêu gọi những cựu sĩ quan cấp tá của VNCH trình diện trước đó một tháng, còn những cựu sĩ quan cấp úy trở lên thì trình diện vào Tháng Bảy, 1975. Còn ông Ngọc là cấp chuẩn úy, được họ cho là hạ sĩ quan, nên đến Tháng Tám mới trình diện.
Họ kêu gọi những người lính VNCH ai là Biệt Kích, Chiêu Hồi, An Ninh Quân Đội, Quân Cảnh Tư Pháp thì chỉ đi trình diện học tập cải tạo trong tám ngày thôi. Nhưng thật ra trong những người này, có người bị đi cải tạo hết tám năm, còn Chuẩn Úy Chung Tử Ngọc bị đi cải tạo sáu năm.
Ông Ngọc cho hay, từ cấp chuẩn úy trở xuống hàng hạ sĩ quan của những binh chủng khác, người nào bị họ cho đi học tập cải tạo ba tháng là nhiều lắm rồi. Nhưng thành phần lính Biệt Kích bị họ xem như là những đơn vị “ác ôn” nên họ mới giam cầm lâu đến thế.
Ông Ngọc tiếp tục kể: “Đến ngày tôi trình diện thì họ đưa vài tù nhân trong đó có tôi ra Phú Quốc. Họ đưa chúng tôi xuống tàu ‘há mồm’ đang đậu tại bến Tân Cảng, chiếc tàu này đã bị hư không thể ‘há mồm’ được, nên chúng tôi phải đi bên hông để xuống tàu. Tàu lúc đó có khoảng 10 tù nhân. Tôi đem theo thức ăn dự trữ tám ngày để đi học cải tạo theo lời họ nói. Tôi ăn xong rồi nằm ngủ để chờ họ đưa mình đi đâu. Nghe có tiếng ồn ào, tôi tỉnh giấc thì thấy họ đã đưa thêm hơn trăm tù nhân xuống chiếc tàu này. Theo tôi biết là trong số này có những cựu sĩ quan cấp tá và tướng của VNCH.”
Chiếc tàu đi khoảng ba ngày ba đêm thì không biết tàu bị hư như thế nào nữa, nên không thể chạy đến Phú Quốc. Thế là họ quay tàu đưa nhóm tù binh vào trại Suối Máu. Rồi khoảng ba tháng sau, họ đưa tù binh Chung Tử Ngọc và một số tù nhân nữa xuống tàu ra trại giam Phú Quốc.
Ông Chung Tử Ngọc (giữa) trong Đại Hội Nha Kỹ Thuật tại Washington, DC. (Hình: Chung Tử Ngọc cung cấp)
Ông Ngọc cho biết thêm: “Tàu đưa chúng tôi ra Phú Quốc được an toàn, rồi tống chúng tôi vào trại giam tù binh ngày xưa của VNCH. Khoảng năm tháng sau thì xảy ra vụ quân Khmer tại Cambodia tấn công Phú Quốc, nên họ mới đưa các tù nhân chúng tôi về trại tù Long Giao giam cầm khoảng năm tháng, rồi họ đưa tôi về trại tù ở Phước Long.”
“Một hôm, tại trại Phước Long, các cán bộ giữ tù bắt chúng tôi phải đi đào củ mì để về trại tù trồng. Từ trại giam đến nơi trồng mì cũng xa khoảng 5 cây số. Khi đào mì xong thì họ bắt chúng tôi phải vác những bao khoai mì về trại. Đi khoảng nửa đoạn đường thì ông cán bộ canh giữ chúng tôi mới cho mọi người nghỉ mệt. Lúc đó có ông cán bộ tâm tình với một số anh em tù binh rằng, ‘Các anh biết không, mấy thằng lính Biệt Kích của ngụy chúng nó lội rừng nhanh lắm, họ đi một lèo là đến ngay. Mà mấy tên lính Biệt Kích này chúng nó như hồn ma vậy, khi ẩn khi hiện trong rừng sâu, và gan lì lắm.’”
Lúc đó có một tù nhân ngẫu hứng chỉ ngay ông Ngọc, nói: “Đó đó, ông Biệt Kích đang ngồi đó.” Tức tốc mấy cán bộ Việt Cộng liền đến chĩa súng ngay nơi ông Ngọc đang ngồi. Nhưng họ chỉ chĩa súng vào ông thôi chớ không làm gì ông hết. Hành động này là vì ngày xưa Việt Cộng đi rừng rất sợ Biệt Kích mai phục.
Qua những ngày sau đó, nếu có đi làm công tác lao động thì những người giữ tù nhân này bảo ông Ngọc đi trước, rồi họ mới đi theo sau. “Bởi vì họ vẫn còn sợ lính Biệt Kích,” cựu Chuẩn Úy Chung Tử Ngọc nói.
Cưới vợ lúc đang ở tù
Cả ông Ngọc và anh trai của ông đều bị Việt Cộng giam cầm sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Mẹ ông phải tần tảo đi thăm hai con trai, người anh thì ở tù ngoài Bắc, còn ông Ngọc thì ở tù miền Nam. Thấy con mình bị ở tù khổ quá, nên mẹ ông Ngọc mới về lo tiền để chuộc ông ra khỏi tù.
Ông Ngọc nói: “Vì lúc đó mẹ tôi có làm ăn và cũng kiếm tiền được. Nhưng việc dùng tiền để đưa tôi ra khỏi tù không thành công, lý do vì tôi là lính Biệt Kích Lôi Hổ. Thấy thương con mình, nên mẹ tôi đã cưới vợ cho tôi lúc tôi đang ở tù.”
“Cô dâu là người hàng xóm của mẹ tôi, và chấp nhận làm đám cưới mà không có chú rể. Rồi sau đó, mẹ tôi cũng đưa vợ tôi ra trại tù Phước Long thăm tôi nhiều lần,” ông nhớ lại.
Tượng anh linh Chiến Sĩ Biệt Kích trong Đại Hội Nha Kỹ Thuật tại Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Tôi bị họ giam cầm tại Phước Long hơn một năm, thì họ đưa tôi về lại trại tù Suối Máu. Lúc này tôi đã ở tù gần bốn năm. Rồi từ Suối Máu họ lại đưa tôi về trại tù ở Xuyên Mộc, đây là trại tù khổ sai hạng nhất tại miền Nam. Tôi bị giam cầm ở đây khoảng hai năm một tháng là đủ sáu năm tù,” ông kể thêm.
Vượt biển đến Hoa Kỳ
Đến Tháng Chín, 1981, cựu chiến sĩ Biệt Kích Chung Tử Ngọc được mãn tù. Sau đó, ông sống bằng nghề sửa xe đạp bên lề đường Tô Hiến Thành, quận 10, Sài Gòn, để nuôi vợ con. Nhưng không đủ tiền để lo cho gia đình, ông chuyển sang phụ mẹ đi bán hàng hóa ở chợ Vườn Chuối, quận 3.
Đến năm 1989, ông cùng gia đình vượt biên bằng đường biển tại Nha Trang. Chuyến vượt biên đầu tiên được thành công, nên năm ngày sau ông được đến Philippines vào Tháng Sáu, 1989.
Lúc đó vì vấn đề núi lửa ở Philippines bùng phát, nên Liên Hiệp Quốc mới đình chỉ rước những người tị nạn Cộng Sản đang ở các trại tập trung chuyển tiếp tại Bataan và Palawan, Philippines. Do đó gia đình ông phải ở lại Philippines gần bốn năm.
Đến Tháng Sáu, 1993, gia đình ông mới được định cư tại California, Hoa Kỳ.
Hiện giờ gia đình của cựu Biệt Kích Lôi Hổ Chung Tử Ngọc cư ngụ tại thành phố Westminster, California. (Lâm Hoài Thạch) [qd]
Hoa Kỳ : Donald Trump tiếp tục tấn công đại học Harvard
Cuộc đối đầu giữa Donald Trump và đại học Harvard tiếp diễn. Nhà Trắng muốn buộc cơ sở giảng dạy đầy danh tiếng này phải tuân theo đòi hỏi chính sách của họ. Để làm được điều đó, chính quyền Trump tiếp tục đánh vào túi tiền của trường,
Đăng ngày: 28/05/2025
Một góc khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ, ngày 23/05/2025. REUTERS – Faith Ninivaggi
Thông tín viên RFI Guillaum Naudin tại Washington tường trình :
100 triệu đô la là con số mà chính quyền Mỹ ước tính giá trị các hợp đồng ký kết giữa các cơ quan của chính phủ với trường Harvard. Chính quyền yêu cầu các cơ quan này nghiên cứu cách thức có thể hủy hoặc chuyển sang ký kết với các cơ sở khác.
Đây không phải lần đầu tiên Nhà Trắng xem xét lại các mối liên hệ tài chính với Harvard. Hơn hai tỷ đô la trợ cấp đã bị đóng băng, 9 tỷ khác đang được rà soát lại. Ngoài ra, chính quyền còn bãi bỏ quyền của trường được tuyển dụng sinh viên và giáo sư nước ngoài. Đây cũng là một nguồn tiền quan trọng đồng thời cũng là uy tín và tinh hoa của trường.
Chính quyền chỉ trích trường đại học này đã để cho các hệ tư tưởng cấp tiến cũng như bài Do Thái nảy nở mạnh trong khuôn viên nhà trường.
Đó cũng là lý do tại sao bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố tạm dừng cấp thị thực cho tất cả sinh viên nước ngoài ở tất cả các trường đại học Hoa Kỳ trong thời gian xem xét lại các bài đăng trên mạng xã hội của họ. Hiệu trưởng trường Harvard Alan Garber kêu gọi tất cả các trường đại học kiên định, không nhượng bộ trước cuộc tấn công của chính phủ.
Theo AFP, hôm qua, 27/05/2025, hàng trăm sinh viên của trường Harvard đã biểu tình đế phản đối hành động tấn công mới của Nhà Trắng. Mặc dù tư pháp Mỹ quyết định tạm ngừng áp dụng việc bãi bỏ quyền tuyển sinh viên ngoại quốc, các sinh viên Mỹ và nước ngoài đều tỏ ra quan ngại trước việc chính quyền Trump tấn công Harvard.
Theo trang web của trường, đại học Harvard đóng tại Cambridge, bang Massachusetts (phía đông bắc). Hàng năm, trường đón khoảng 6.700 sinh viên quốc tế, chiếm 27% tổng số.
Harvard được xếp hạng là một trong những trường đại học tốt nhất thế giới và theo thống kê, 162 giải Nobel đã qua học tại trường. Học phí mỗi năm của Harvard lên tới hàng chục nghìn đô la, là trường đại học giàu nhất Hoa Kỳ, có ngân quỹ trị giá 53,2 tỷ đô la vào năm 2024.
Những Tỷ Phú Cam Kết Từ Thiện Hết Tất Cả Tài Sản Của Mình Cho Cộng Đồng
Nghĩ Giàu – Làm Giàu
- Chuck Feeney – Người tỷ phú “vô hình”
Người sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers, từng sở hữu khối tài sản hơn 8 tỷ USD. Ông âm thầm quyên góp toàn bộ tài sản của mình vào giáo dục, y tế và nhân quyền – đến mức khi qua đời năm 2023, ông chỉ còn vài triệu để sống giản dị trong căn hộ thuê nhỏ. Câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi muốn tặng hết tiền khi còn sống – để được thấy tác động của nó.”
- Bill Gates – Tỷ phú đi đầu trong làn sóng từ thiện hiện đại
Ông cùng vợ cũ Melinda thành lập Quỹ Bill & Melinda Gates, chi hơn 100 tỷ USD cho các chương trình chống đói nghèo, bệnh tật và giáo dục. Gates cũng là người khởi xướng phong trào The Giving Pledge, kêu gọi giới siêu giàu cam kết cho đi ít nhất 50% tài sản. Riêng ông – tuyên bố sẽ cho đi 99% tài sản trong đời.
- Warren Buffett – “Huyền thoại phố Wall” nhưng sống như người bình thường
Buffett cam kết hiến tặng hơn 99% tài sản của mình – khoảng 150 tỷ USD – cho hoạt động từ thiện, phần lớn thông qua quỹ của Bill Gates. Dù là tỷ phú hàng đầu, ông vẫn sống trong căn nhà mua từ năm 1958, ăn sáng ở McDonald’s và đi làm bằng xe hơi cũ.
- MacKenzie Scott – Người phụ nữ thay đổi bộ mặt từ thiện toàn cầu
Vợ cũ của Jeff Bezos không chỉ nhận được khoản ly hôn trị giá 38 tỷ USD, mà còn lập tức cam kết cho đi gần hết số tiền ấy. Chỉ trong vòng vài năm, bà đã quyên góp hơn 19 tỷ USD cho hàng nghìn tổ chức nhỏ lẻ, hỗ trợ phụ nữ, giáo dục, cộng đồng thiểu số – với nguyên tắc: “Trao quyền mà không đòi hỏi sự công nhận.”
- Ông trùm mạng xã hội Mark Zuckerberg
Khi con gái đầu lòng tên Max ra đời vào năm 2015, Mark Zuckerberg cùng vợ là Priscilla Chan đã gây chú ý khi tuyên bố không để lại khối tài sản khổng lồ cho cô bé. Thay vì lập kế hoạch thừa kế hàng tỷ USD, hai vợ chồng quyết định thành lập tổ chức từ thiện mang tên Chan Zuckerberg Initiative – một dự án đầy tham vọng nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như khoa học, giáo dục, năng lượng sạch và kết nối cộng đồng.
“Chúng tôi cam kết dành 99% số cổ phiếu Facebook mà mình sở hữu trong suốt cuộc đời để phục vụ cho sứ mệnh này. Dù biết rằng đóng góp của chúng tôi chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh lớn, nhưng chúng tôi vẫn muốn dùng những gì mình có để góp phần thay đổi thế giới, cùng với hàng triệu con người đang nỗ lực mỗi ngày,” vợ chồng nhà sáng lập Meta bày tỏ.
#nghigiaulamgiau #typhu #tuthien