Giải Nobel Hòa Bình 2024 được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản-Vũ Ngọc Yên

Ba’o Tieng Dan

Vũ Ngọc Yên

11-10-2024

Giải Nobel Hòa bình năm nay vinh danh tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản,  tổ chức của những người chống việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổ chức này, còn được gọi là Hibakusha, với những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, như Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố tại Oslo.

Tổ chức Nihon Hidankyo được thành lập sau sự kiện hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến thứ Hai và các chiến dịch chống vũ khí hạt nhân trên thế giới. Với lời kể của các nhân chứng, những người sống sót đã truyền đi thông điệp “không bao giờ được sử dụng vũ khí hạt nhân nữa”.

Ông Jørgen Watne Frydnes, tân Chủ tịch Ủy ban Nobel ở Oslo phát biểu, giải thưởng này được trao trong bối cảnh “chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa” là “điều cấm kỵ” (taboo). Ông Frydnes cho biết, khi giải thưởng được công bố, họ vẫn chưa thể liên hệ với tổ chức Nihon Hidankyo để thông báo về giải thưởng. Tuy nhiên, một lúc sau, ông Toshiyuki Mimaki, chủ tịch tổ chức Nihon Hidankyo, đã lên tiếng. Ông yêu cầu vũ khí hạt nhân chắc chắn phải bị bãi bỏ.

Ảnh: Ông Toshiyuki Mimaki, chủ tịch tổ chức Nihon Hidankyo, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024. Nguồn: The Hindo

Một số tổ chức đang hoạt động ở Trung Đông cũng được coi là ứng cử viên tiềm năng, chẳng hạn như cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên Hiệp quốc UNRWA, tổ chức nhân quyền của người Palestine Al-Haq và nhóm nhân quyền B’Tselem của Israel. Tổng thư ký LHQ António Guterres và Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague cũng nằm trong số những ứng cử viên được yêu thích.

Trong những năm gần đây, Ủy ban Nobel đã nhiều lần trao giải Nobel cho các nhà hoạt động nhân quyền, thay vì những người hòa bình truyền thống. Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Iran đang bị cầm tù Narges Mohammadi. Bà được vinh danh “vì cuộc chiến chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran và các nỗ lưc̣ thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người“.

Lần này có tổng cộng 286 ứng viên được đề cử, trong đó có 197 cá nhân và 89 tổ chức. Con số đó ít hơn đáng kể so với những năm trước. Tên của những người được đề cử theo truyền thống được các tổ chức Nobel giữ bí mật trong 50 năm.

Lễ trao giải tháng 12

Những cá nhân được vinh danh ở các giải y học, vật lý, hóa học và văn học trước đó, đã được công bố trong tuần này.

Tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố giải Nobel Y Sinh 2024 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Victor Ambros và Gary Ruvkun, với việc phát hiện ra microRNA và vai trò của nó trong việc điều hòa gen.

Giải Nobel Vật lý được trao cho John Hopfield và Geoffrey Hinton qua công trình nghiên cứu AI.

Giải Nobel Hóa học được trao cho ba người: David Baker, nhà sinh hóa tại Đại học Washington ở Seattle; Demis Hassabis và John Jumper, hai nhà khoa học máy tính của Google DeepMind, một phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Anh – Mỹ, có trụ sở tại London.

Giải Nobel Văn học năm 2024 thuộc về nữ văn sĩ Hàn Quốc, bà Han Kang nhờ các tác phẩm được nhận định là “trực diện với những chấn thương lịch sử, phơi bày sự mong manh trong cuộc sống phận người”.

Thứ Hai tới sẽ công bố Giải Nobel về Khoa học Kinh tế. Đây là giải thưởng duy nhất không dựa vào di chúc của nhà phát minh thuốc nổ Alfred Nobel (1833 – 1896).

Theo truyền thống, các giải Nobel đều được trao vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông Nobel, ngày 10 tháng 12, trong đó Giải Nobel Hòa bình là giải duy nhất không phải ở Stockholm mà ở Oslo. Các giải thưởng có số tiền thưởng trị giá 11 triệu Thụy Điển (gần 970.000 euro) cho mỗi giải.


 

Thu nhập trung bình của người lao động ở Việt Nam chỉ đạt 306 đô la một tháng trong quý 3

Ba’o Dat Viet

October 11, 2024

Theo số liệu mới được công bố bởi Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam trong quý 3 năm nay đạt 7,6 triệu đồng mỗi tháng, tương đương khoảng 306 đô la Mỹ. Mức thu nhập này đã tăng nhẹ so với các quý trước, cụ thể là thêm 180.000 đồng so với quý 2 và gần 520.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nhiều tờ báo trong nước như Lao Động, Quân Đội Nhân Dân và Dân Việt cho rằng đây là mức tăng “không đáng kể”, nhất là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt không ngừng leo thang.

Tổng cục Thống kê cũng công bố các con số chi tiết về mức thu nhập giữa các nhóm khác nhau. Lao động nam có thu nhập trung bình 8,7 triệu đồng mỗi tháng, cao hơn lao động nữ, với mức thu nhập là 6,5 triệu đồng, tức là thấp hơn 1,3 lần so với nam giới. Ngoài ra, khoảng cách về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng khá rõ rệt. Người lao động ở thành thị có thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/tháng, cao hơn 1,4 lần so với mức 6,6 triệu đồng/tháng của người lao động tại các vùng nông thôn.

Mặc dù có sự tăng trưởng nhẹ về thu nhập, nhiều tờ báo lớn của Việt Nam, bao gồm Công An Nhân Dân và Lao Động, đều chỉ ra thực tế rằng với mức thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, người lao động đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Giá cả tăng cao làm cho việc trang trải các nhu cầu cơ bản như ăn uống, tiền xăng xe, điện nước và tiền thuê nhà trở nên ngày càng chật vật. Không ít người rơi vào tình cảnh “bữa no bữa đói” và không có khả năng tích lũy tài chính, đứng trước nguy cơ bị “nghèo hóa”.

Về lực lượng lao động, số liệu của Tổng cục Thống kê ước tính rằng Việt Nam hiện có 52,7 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3, tăng hơn 114.000 người so với quý trước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng người có việc làm đạt 51,4 triệu, tăng thêm 212.000 người so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 3 là 2,24%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình của 9 tháng đầu năm là 2,26%. Cả hai chỉ số này đều giảm nhẹ so với năm trước, nhưng mức giảm được cho là không đáng kể.

So sánh với các nước khác trong khu vực ASEAN, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động Việt Nam xếp thứ 7, cao hơn các nước như Lào, Campuchia, Myanmar và Đông Timor, nhưng thấp hơn so với Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Philippines và Indonesia. Điều này cho thấy mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến nhất định về phát triển kinh tế, thu nhập của người dân vẫn còn khoảng cách lớn so với một số quốc gia phát triển hơn trong khu vực.


 

Quốc Hội Việt Nam: Bằng tiến sĩ của Thích Chân Quang là ‘học giả bằng thật’

Ba’o Nguoi-Viet

October 9, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cơ Quan Quốc Hội Việt Nam đánh giá vụ cấp bằng tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt, tức Thượng Tọa Thích Chân Quang, là trường hợp “học giả bằng thật” làm “dậy sóng” dư luận xã hội năm 2024, song “chưa được xử lý thỏa đáng, minh bạch.”

Theo báo Thanh Niên hôm 9 Tháng Mười, trong buổi phúc trình “Thẩm tra về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2024” của chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, trong lúc nói về các vấn đề chính phủ “cần quan tâm trong lĩnh vực giáo dục,” đã nhắc đến vụ ông Vương Tấn Việt bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại Học Luật Hà Nội chỉ sau khoảng hơn hai năm từ khi tốt nghiệp cử nhân Luật “hệ vừa học, vừa làm” (hệ tại chức), thuộc trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất, khiến dư luận xã hội “dậy sóng.”

Ông Thích Chân Quang (thứ hai từ phải) nhận bằng tiến sĩ luật vào Tháng Tư, 2022, do Đại Học Luật Hà Nội cấp. (Hình: Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam/Tuổi Trẻ)

“Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận,” ông Thanh nói.

Theo xác minh của báo Tuổi Trẻ hôm 24 Tháng Sáu, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Luật hệ tại chức hôm 26 Tháng Giêng, 2019, thì đến ngày 2 Tháng Tư, 2022, đã nhận được bằng tốt nghiệp tiến sĩ Luật.

Vì vậy, công luận hoài nghi thắc mắc ông Vương Tấn Việt lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào chỉ trong hai năm sau khi tốt nghiệp đại học?

Để giảm áp lực từ công luận, Trường Đại Học Luật Hà Nội phát ra thông cáo khẳng định trường hợp ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ là “đúng pháp luật.”

Lý giải việc ông Việt nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng Trường Đại Học Luật Hà Nội, cho rằng ông Vương Tấn Việt “học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ, làm xong và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.”

“Thượng Tọa Thích Chân Quang [Vương Tấn Việt] đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ theo các bước theo quy định của Bộ Giáo Dục,” ông Hòa biện minh.

Thế nhưng sau đó, theo kết quả xác minh của Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM, ông Vương Tấn Việt “không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp cấp 3 năm 1989 ở Sài Gòn.”

Ông này cũng “không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa” khóa ngày 6 Tháng Sáu, 1989, tại Sài Gòn.

Ông Vũ Hồng Thanh (trái), chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, phúc trình thẩm tra tình hình kinh tế-xã hội năm 2024. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Trước đó, theo báo Thanh Niên hôm 19 Tháng Sáu, hơn 10 ngày sau khi bị đề nghị thẩm tra các bài thuyết giảng, Thượng Tọa Thích Chân Quang bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam kỷ luật bằng lệnh cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong hai năm.

Lệnh cấm nêu trên được coi là đòn giáng mạnh vào “thu nhập” của sư Chân Quang, người lâu nay gây tranh cãi với việc hù dọa Phật tử về thuyết nhân quả để họ cúng dường thật nhiều cho chùa của ông.

Chưa dừng lại, vài ngày sau khi bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cấm thuyết giảng, sư Thích Chân Quang tiếp tục bị một số sư cô tố giác ông ta lạm dụng tình dục.

Theo mô tả của các nạn nhân, bên cạnh những lời nói dụ dỗ, sư Chân Quang còn có các hành vi như sờ soạng ngực, cưỡng hôn, cầm tay sư cô đặt vào bộ phận sinh dục của ông, thậm chí xâm hại tình dục một sư cô rồi sau đó đưa nạn nhân 10 triệu đồng ($392) để đi phá thai tại bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn… (Tr.N) [qd]


 

Đổ thừa bệnh nhân chết do vaccine Covid, bác sĩ Little Saigon sắp bị kỷ luật

Ba’o Nguoi-Viet

October 10, 2024

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Một bác sĩ tuyên bố sai trái rằng một bệnh nhân qua đời vì đột quỵ tại nơi trước đây là Bệnh Viện Khu Vực Fountain Valley do chích vaccine Moderna Covid-19 nay bị buộc tội và phải đối diện với hình phạt kỷ luật từ Hội Đồng Y Khoa California, theo nhật báo Orange County Register.

Vào Tháng Chín, Tâm Kỳ Nguyễn, một bác sĩ nội khoa tại Garden Grove, bị Hội Đồng Y Khoa tố cáo các hành vi tắc trách nghiêm trọng và không lưu trữ đầy đủ hồ sơ liên quan tới tuyên bố được cho là sai trái, cũng như các chẩn đoán liên quan tới Covid-19 của hai bệnh nhân tại Bệnh Viện Fountain Valley.

Trước đó, BS Tâm từng bị tước quyền khám bệnh năm 2021 sau khi gửi tin tức về virus Covid-19 liên quan tới các viên chức tại Bệnh Viện Khu Vực Fountain Valley, nơi được Bệnh Viện University of California, Irvine (UCI Health) đàm phán mua lại vào Tháng Ba nhờ công ty Tenet Healthcare Corp. thương thảo, cùng với ba bệnh viện khác ở miền Nam California.

Hình minh họa: Pixabay/Pexels

BS Tâm được liên lạc qua điện thoại hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười, từ chối bình luận và chuyển các câu hỏi từ Southern California News Group cho luật sư đại diện, người này cũng không lập tức trả lời điện thư và cuộc điện thoại.

UCI Health từ chối bình luận về các cáo buộc từ Hội Đồng Y Khoa vì tất cả được đưa ra trước khi hoàn tất thương vụ mua lại bệnh viện.

“Hiện nay, Bác Sĩ Tâm Kỳ Nguyễn không phải là nhân viên của UCI Health và cũng chưa từng làm việc tại bệnh viện,” Phát ngôn viên John Murray cho biết. “Là một bác sĩ tổng quát hành nghề cá nhân, BS Tâm không có đặc quyền hành nghề hay khám bệnh tại UCI Health – Fountain Valley.”

BS Tâm được Hội Đồng Y Khoa cấp phép từ 1996, sẽ được phép tranh biện với các tội trạng do hội đồng đưa ra tại phiên điều trần tương tự như một phiên tòa xét xử và do một thẩm phán luật hành chánh chủ sự.

Sau phiên điều trần, thẩm phán sẽ viết một kiến nghị gửi cho hội đồng xem xét. Các thành viên hội đồng có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng về các hình thức kỷ luật và có thể thông qua, sửa đổi hoặc bác bỏ kiến nghị.

Sau cuộc điều tra do hội đồng khởi sự, nếu có quyết định kỷ luật, hội đồng có thể trách cứ công khai, quản chế, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề của BS Tâm.

Hội Đồng Y Khoa bắt đầu điều tra BS Tâm vào Tháng Chín 2021 sau khi Bệnh Viện Fountain Valley tố cáo ông không nộp đơn đánh giá tâm thần và không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra bệnh nhân trước khi cho nằm viện.

Cuộc điều tra gồm có xem xét hồ sơ của Bệnh Viện Fountain Valley cũng như thẩm vấn nhiều chứng nhân từng làm việc với BS Tâm.

Tháng Bảy 2021, BS Tâm mô tả chẩn đoán viêm phổi do Covid-19 của một phụ nữ 67 tuổi, theo hồ sơ bệnh nhân, là một phản ứng phụ có thể xảy ra liên quan tới vaccine Pfizer mà bà từng chích hai tháng trước đó, Hội Đồng Y Khoa cho biết.

BS Tâm bị tố cáo kê toa thuốc sốt rét Plaquenil cho nữ bệnh nhân nọ, giấy phép của loại thuốc này từng bị Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm FDA thu hồi khẩn cấp vào Tháng Sáu 2020, trước khi nữ bệnh nhân nằm viện vì thuốc không có tác dụng trong việc tăng tốc độ bình phục sau khi nhiễm Covid-19.

Một bác sĩ cố vấn bệnh truyền nhiễm từng khuyến cáo bệnh nhân ngừng dùng Plaquenil, theo hồ sơ bệnh án.

Đáp lại khuyến cáo của vị bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, thay vì lắng nghe lời khuyên, BS Tâm được cho là ghi chú trong hồ sơ bệnh lý là đã kê toa Plaquenil để chữa bệnh nhân bị viêm khớp dạng nhẹ mà không tham khảo ý kiến ​​từ các chuyên gia y tế, không những thế, còn với liều gấp đôi liều tối đa thông thường.

BS Tâm cũng bị tố cáo từng khuyên người phụ nữ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao rằng bà không nên tiếp tục chích vaccine Covid-19, đây là một khuyến cáo “rất xa rời” tiêu chuẩn chăm sóc, Hội Đồng Y Khoa cho biết.

Trong một trường hợp khác, BS Tâm còn bị tố cáo chẩn đoán một phụ nữ 58 tuổi nằm viện sau khi bị đột quỵ rằng bệnh nhân này đột ngột phản ứng bất lợi với vaccine Moderna. Sau khi bà qua đời vào ngày 19 Tháng Năm 2021, BS Tâm ghi trong hồ sơ nguyên nhân tử vong là suy hô hấp và suy đa cơ quan do vaccine Moderna mà không có bất kỳ “bằng chứng hay thông tin khách quan” nào, một hành vi cẩu thả nghiêm trọng, Hội Đồng Y Khoa cho biết.

Ngoài ra, BS Tâm còn bị tố cáo khi nêu trong hồ sơ y khoa rằng một người đàn ông 66 tuổi bị viêm phổi nằm viện tại Bệnh Viện Fountain Valley vào Tháng Bảy 2021, là do nhiễm trùng phổi, đồng thời bệnh nhân này còn ho ra máu và bị suy nhược tương tự như bệnh cúm, gặp phải “phản ứng tự miễn dịch bất lợi có thể xảy ra liên quan tới vaccine COVID-19.”

Hội Đồng Y Khoa cho biết hồ sơ cũng có một ghi chú từ BS Tâm khuyên bệnh nhân đừng chích thêm vaccine Covid-19. (TTHN)


 

FredHub: Công ty giáo dục khai phóng phải giải thể, khoảng 50 thành viên bị mời làm việc

RFA
2024.10.09

Hai nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành (trái) và Tiến sĩ Nguyễn Quang A

 Fb Thành Nguyễn

FredHub: Công ty giáo dục khai phóng phải giải thể, khoảng 50 thành viên bị mời làm việc

 

Một doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam cung cấp các khóa học “tự do và khai phóng” phải giải thể sau một năm hoạt động, cơ quan an ninh nhiều tỉnh thành liên tục triệu tập làm việc với hơn 50 học viên và cộng tác viên.

Ông Nguyễn Hồ Nhật Thành thành lập Công ty TNHH Giải pháp Giáo dục FredHub (viết tắt của Free Education Hub – Trung tâm Giáo dục Tự do) trong tháng 3/2022 theo hình thức công ty giáo dục để cung cấp các khoá học tại chỗ hoặc trực tuyến, giúp nâng cao năng lực tư duy độc lập, mở rộng tầm nhìn toàn diện và khai phóng tiềm năng cá nhân.

Theo giới thiệu trên trang chủ, công ty hoạt động theo hình thức một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận với sứ mệnh nâng cao năng lực cho cá nhân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, ông Thành phải giải thể công ty và tạm dừng các khóa học vì cộng tác viên và giảng viên của chương trình bị công an ở nhiều địa phương sách nhiễu.

Dù đã không còn hoạt động, trong mười tháng qua, cơ quan an ninh ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục mời làm việc khoảng 50 học viên và cộng tác viên để điều tra về FredHub.

Ông Thành cho biết, trong giấy mời làm việc những người này chỉ ghi lý do liên quan đến tạm trú, nhưng khi lên đồn công an lại bị tra khảo về các khóa học trong một đến hai ngày.

Cơ quan an ninh ép họ phải giao điện thoại, máy tính và cung cấp mật khẩu để kiểm tra nội dung trong đó. Ông Thành nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 7/10:

Học viên bị an ninh bắt viết bản kiểm điểm viết bản tường trình hoặc là tới nhà hỏi và de dọa là đang tham gia một chương trình của một tổ chức phản động.

Giáo viên cũng bị mời lên, phía an ninh nói đây là chương trình của một tổ chức phản động rồi xuyên tạc đủ thứ, sau đó đe dọa họ không được tham gia nữa.”

Một cộng tác viên của FredHub nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh cho RFA hay nhiều lần bị an ninh địa phương mời lên làm việc về chương trình giáo dục này, nhưng từ chối với lý do bận việc gia đình, sau đó không thấy bị mời tiếp nữa.

Một học viên khác, người cũng không muốn công khai danh tính, tiết lộ rằng ông liên tục bị công an địa phương mời lên làm việc hồi đầu năm 2024 về các lớp học xã hội dân sự của FredHub mà ông tham gia. Gần đây, một học viên trẻ khác cũng bị tra khảo tương tự.

Phóng viên gọi điện cho Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an với đề nghị bình luận về tố cáo của ông Thành nhưng sỹ quan trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở cơ quan để làm việc trực tiếp hoặc gửi yêu cầu bằng văn bản.

Khóa học đa chiều nhưng bị xem là “nguy hiểm với chế độ”

Ông Nguyễn Hồ Nhật Thành, hay còn gọi là Paulo Thành Nguyễn, sinh năm 1986, từng tổ chức các chương trình như Cà phê Nhân quyền- là dịp để giới hoạt động có thể gặp gỡ sau khi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bị cấm đoán, hội thảo “Cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ” hay Chương trình đào tạo người hoạt động trẻ ở nhiều tỉnh thành.

Trong trang chủ của mình, FredHub giới thiệu cung cấp các khoá học với chủ đề chính như triết học, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật… với mục tiêu trang bị cho người học một nền tảng tri thức liên ngành, là chất liệu căn bản kích hoạt khả năng tư duy đa chiều và đưa ra các quyết định phù hợp trong mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và xã hội.

Tuy nhiên, cho dù nội dung đào tạo rất nhẹ nhàng và không liên quan đến chính trị nhưng vẫn bị chế độ coi là không thân thiện. Ông Thành giải thích:

FredHub là một khóa học mang tính xã hội nhưng đa chiều. Nó làm cho bên phía an ninh e ngại và quy chụp là có âm mưu lật đổ.

Chế độ hiện nay là một cái chế độ độc tài tư tưởng, do vậy những luồng tư tưởng khác biệt đó đối với họ là nguy hiểm.”

Ông Thành cho biết để giảm sự sách nhiễu của an ninh đối với những người tham gia chương trình, ông đã lặng lẽ đóng cửa công ty. Tuy nhiên, an ninh vẫn tiếp tục sách nhiễu những người khác và có vẻ như chương trình này theo ông “đã trở thành mục tiêu mới của lực lượng an ninh để giải ngân tiền thuế nhà nước dành cho an ninh quốc gia.”

Ông cho rằng Bộ Công an dường như đang muốn biến FredHub thành một chuyên án lớn có tính tổ chức bằng việc gán ghép chương trình với các tổ chức bên ngoài vốn bị công an Việt Nam dán nhãn “thế lực thù địch.”

Một trong những nạn nhân bị thẩm vấn đã vô tình thấy hai tập hồ sơ với nội dung “Khóa học về phát triển của FredHub” và “Chuyên án V22.”

Đặc biệt, công an chỉ làm việc với các thành viên của FredHub mà chưa đụng chạm gì tới người đứng đầu. Ông Thành cho rằng cơ quan an ninh đã quá hiểu các hoạt động của ông trong hơn 10 năm qua, và giai đoạn này họ chỉ thu thập hồ sơ cùng chứng cứ để xây dựng hồ sơ để bắt giam, chứ không còn kiểu mời hỏi như những người mới nữa.

Trong thông báo đóng cửa FredHub đăng trên trang Facebook cá nhân cuối năm ngoái, ông Thành cho hay chương trình gặp nhiều trở ngại dồn dập sau khi tổ chức khóa học về Phát triển cộng đồng. Cùng với việc học viên bị an ninh mời làm việc, trang Facebook của FredHub bị đánh sập còn website bị nhà mạng Viettel chặn không truy cập được.

Trong hơn 10 năm qua, FredHub cung cấp hàng chục khoá học “Nhập môn Triết học phương Tây” với giảng viên là tiến sĩ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng, “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” với giảng viên là chuyên gia tham vấn tâm lý Lê Hoàng Long, “Kỹ năng tự vệ trong thời đại số” cung cấp những kiến thức và kỹ năng bảo mật quan trọng từ căn bản đến nâng cao giúp người học an toàn hơn trong thời đại kỹ thuật số, và “Nghiên cứu xã hội” nhằm hỗ trợ người học phát triển tư duy nghiên cứu và năng lực giải quyết vấn đề, đưa ý tưởng phục vụ cộng đồng ra thực tế…


 

Ai dùng ‘cháu nội’ Nguyễn Xuân Phúc để làm áp lực với Tô Lâm?

Ba’o Nguoi-Viet

October 9, 2024

Phí Đức Tuấn/SGN

Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội của người Việt, đang chia sẻ rộng rãi hình ảnh chàng trai mang tên Nguyễn Như Khôi, 18 tuổi, được cho là cháu nội của cựu Thủ tướng, cựu Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là điều bất ngờ, vì cho đến nay, người ta chỉ biết ông Bảy Phúc có 2 người con với phu nhân Trần Thị Nguyệt Thu. Đó là cô Nguyễn Thị Xuân Trang và cậu Nguyễn Xuân Hiếu. Với độ tuổi của Trang và Hiếu con ông Phúc, thì chưa thể có con lớn đến 18 tuổi, như Nguyễn Như Khôi. Như vậy, nếu thực sự Khôi là cháu nội của ông Bảy Phúc, thì có nghĩa là, ông Phúc có ít nhất 2 người vợ!?

Điều đáng nói là, chàng trai Nguyễn Như Khôi còn rất trẻ, nhưng trên Instagram đã thấy “khoe” các bức ảnh chụp chung với ông Phúc và nhiều lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam.

Ngoài ra, chàng trai này còn khoe bộ sưu tập hàng hiệu và cả tài khoản ngân hàng, được cho là có giá trị lên tới hàng triệu đôla. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực sự Khôi là cháu nội của ông Bảy Phúc, và có khối tài sản lớn như vậy, thì có liên quan gì đến hàng vạn người chết oan bởi kit test Việt Á hay không?

(Facebook)

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao, chuyện cháu nội của ông Bảy Phúc lại nổi lên tại thời điểm này, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang ở trong tình thế “thập diện mai phục”. Nhất là, cách đây chưa lâu, các nguồn thạo tin đã khẳng định răng, ông Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân Trần Thị Nguyệt Thu sắp bị khởi tố, bắt giam. Vợ chồng ông Phúc bị cáo buộc là “trùm cuối” trong vụ Việt Á, và nhận “quà khủng” của bà trùm Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát, lên đến 100 triệu đôla.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, chuyện mà dân tình “ai, ai cũng quan tâm”, bỗng chìm xuồng không sủi tăm.

Hơn thế nữa, tại sao, tin đồn liên quan đến một nhân vật từng giữ 2 cương vị trong bộ máy “Tứ trụ”, mà không thấy Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông bác bỏ hay cải chính. Nhất là có những đồn đoán khẳng định, gia đình ông Phúc đang sở hữu khối tài sản có thể lên đến cả trăm ngàn tỷ.

Đầu năm 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bị cho thôi chức, vì trách nhiệm của người đứng đầu. Từ sau đại dịch Covid-19, đã có những đồn đoán râm ran về việc bà Trần Thị Nguyệt Thu – vợ ông Phúc, là “trùm cuối”, đồng thời cũng là chủ sở hữu 80% cổ phần còn lại của Công ty Việt Á, do Phan Quốc Việt làm Tổng Giám đốc.

Khi đó, giới thạo tin vẫn khẳng định, vợ chồng ông Phúc bà Thu là “trùm cuối” trong đại án Kit Test Việt Á. Bộ Công an đã lập chuyên án, trong khuôn khổ của một đại án đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, Cơ quan Điều tra của Bộ Công an đã đưa ra các chứng cứ, ông Phúc, bà Thu, cùng thuộc cấp đã dính tới những sai phạm tày đình, không thể chối cãi.

(Facebook)

Trong một diễn biến khác, hồi tháng trước, mạng xã hội dấy lên tin đồn rằng, vợ chồng ông Phúc sắp sửa bị bắt với cáo buộc là “trùm cuối” trong vụ Việt Á. Tuy vậy, đến nay, tin đồn này được cho là không có cơ sở, vì theo luật bất thành văn ở Việt Nam, giới chức hàng “Tứ trụ” nghiễm nhiên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, và sẽ được “hạ cánh an toàn.”

Ngay sau đó, theo giới thạo tin, vụ việc vừa kể đã được ông Bảy Phúc và gia đình “dàn xếp” xong xuôi, bằng số tiền lên đến vài chục triệu đôla.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, sẽ tiếp chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm. Đó là lý do, công luận mong muốn ông phải ra tay, xử lý đến nơi đến chốn vợ chồng ông Phúc, để đáp ứng đòi hỏi của công luận.

Phải chăng, mối quan hệ của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cháu nội Nguyễn Như Khôi, đang được một thế lực chính trị trong Đảng sử dụng, như một âm mưu, để gây áp lực đối với ông Tô Lâm?hí 


 

ĐI HỌC ĐỂ LÀM GÌ?- Trần Trọng Kim)

Tôi xin gửi các bạn kho tàng quý báu trong link dưới đây. Từ link này, các bạn có thể đọc được nguyên bản Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư là 2 bộ sách lâu đời dạy trẻ tiểu học ở VN của cụ Trần Trọng Kim và các đồng nghiệp biên soạn.
Đây là sách giáo khoa có thể dạy con trẻ học tiếng Việt đàng hoàng, không sai ngữ pháp và chính tả, đọc thông viết thạo. Đồng thời dạy con cháu chúng ta trở thành người tử tế, biết hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu anh em, kính trọng thày cô, ra đường nên biết chọn bạn mà chơi, giúp đỡ người già yếu, tàn tật; lớn lên phải cố gắng làm người trung hậu, liêm chính.
➖Bài Đi học để làm gì?
“Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe.
Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.
Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.
Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành người con hiếu thảo và người dân lương thiện”.
(Quốc văn giáo khoa thư)
➖Bài Một nhà hòa hợp.
“Một người mẹ cho con một quả cam. Con cầm lấy, nhưng không ăn, chạy ngay ra sân đưa cho em bé. Thằng bé cầm lấy rồi nói rằng: “Tôi không ăn, để đem cho cha ăn cho mát ruột”. Nói rồi, nó chạy ngay ra đồng đưa cam cho cha nó. Người cha cầm lấy, nhưng cũng không ăn, lại đem về cho vợ.
Thành ra quả cam tự tay người mẹ cho, rồi lại về tay người mẹ. Cái cảnh một nhà âu yếm nhau như vậy, thật đáng quí.
Một nhà hòa hợp: Người một nhà phải âu yếm hòa thuận với nhau. Có âu yếm hòa thuận, thì mới có sức mạnh và làm ăn mới được thịnh vượng”.
(Luân lý giáo khoa thư)
Nhờ các bạn chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng giúp con em có sách hay học tập.
(Hình học giả Trần Trọng Kim)
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU
8saigon
No photo description available.

BAO GIỜ CHO TỚI NGÀY XƯA – Vương Hoài Uyên

Nghệ Lâm Hồng

Vương Hoài Uyên

Đầu thập niên 70, tôi bước chân vào giảng đường Đại Học. Từ miền Trung vào, Sài Gòn đối với tôi như một miền đất hứa vừa hấp dẫn, vừa hứa hẹn những điều mới lạ.

Hồi đó, đậu được mảnh bằng Tú Tài toàn phần cũng khó như thi đậu vào một trường Đại Học lớn bây giờ. Cả lớp 60 học sinh chỉ đậu có sáu đứa. Chín mươi phần trăm phải thi lại vào kỳ hai. Ở một thành phố nhỏ của miền Trung như quê tôi, con gái đỗ Tú Tài toàn phần có thể đếm trên đầu ngón tay.

Vào đến thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, tôi thấy cái gì cũng lạ lẫm. Từ những tòa nhà cao tầng, đến những con đường xe cộ tấp nập, đến những cô gái Sài Gòn ăn mặc theo mốt Hippy (1), rồi áo dài tay Raglan, mini jupe…

Ngày Văn Khoa khai giảng, số lượng sinh viên đông đến mức chóng mặt. Nữ sinh viên thì quá nhiều cô đẹp, cô nào cũng ăn diện ngất trời như đi dạ hội.

Sau này, tôi còn biết Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cũng là nơi nhiều ca sỹ nổi tiếng thời đó đang theo học như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Từ Dung… Và các nhạc sỹ như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng… thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện tại đây.

Ngay cả khí hậu Sài Gòn hồi đó cũng là một điều lạ lẫm. Những năm tháng đó chưa có biến đổi khí hậu như bây giờ. Trời nắng nóng quanh năm, thỉnh thoảng vào mùa Hè có những cơn mưa giông đến thật nhanh, thật ào ạt. Người đi đường chỉ cần tạt vào một mái hiên đứng trú mưa khoảng ba, bốn phút là cơn mưa dứt hẳn. Và nắng lại bừng lên chói chang gay gắt như chưa từng có cơn mưa bao giờ.

Mưa Sài Gòn khác hẳn với mưa miền Trung. Ngoài đó, mùa mưa kéo dài lê thê hết ngày nọ đến ngày kia, có khi kéo dài cả mươi ngày, tuần lễ là chuyện thường. Đi học hầu như lúc nào cũng mang áo mưa, hai vạt áo dài trắng bao giờ cũng gấp lên, hai ống quần trắng bao giờ cũng buộc túm bằng hai sợi dây thun, nếu không muốn bị dính đầy bùn nước. Mùa lạnh, đi học sớm hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, hai bàn tay tê cóng thu trong tà áo dài.

Vào Sài Gòn quanh năm không cần có áo mưa, cũng không cần mặc áo lạnh, tôi thấy hành trang đi học của mình đơn giản hơn nhiều. Và những người bạn Sài Gòn học cùng giảng đường cho tôi cảm nhận tính cách người Nam hồn hậu tự nhiên, ít rào đón như người miền Trung. Có khi họ giành chỗ cho bạn nhưng bạn chưa đến, họ vui vẻ vẫy tôi đến ngồi vào chỗ, khi thấy tôi đi trễ phải trải giấy dưới nền mà ngồi – chuyện thường ngày ở những giảng đường đông đúc như Văn Khoa Sài Gòn.

Nhà trọ cách trường không xa lắm, nên hàng ngày đi học tôi vẫn đi bộ. Hôm nào cũng đi qua cầu Phan Thanh Giản, (2) để đến trường. Những hôm có thời khóa biểu học cả ngày, tôi mua một ổ bánh mì, một chai nước. Buổi trưa, bạn bè ở lại giảng đường khá đông, người nào cũng gặm bánh mì, nói chuyện rôm rả, rồi ngả lưng xuống ghế giảng đường. Trước giờ vào học không quên rải sách vở ở các dãy ghế có tay quay để giành chỗ cho bạn.

Hồi đó, không hiểu sao khu trung tâm Sài Gòn có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi. Từ Đại Học Văn Khoa ở đường Đinh Tiên Hoàng, tôi đi bộ xuống chợ Bến Thành, lang thang qua những con đường như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ. Lê Lợi… như thể phải đến đấy mới thấy được linh hồn Sài Gòn.

Đến trung tâm Sài Gòn, thế nào tôi cũng ghé vào nhà sách Khai Trí để thấy cả một thế giới tri thức của con người Đông Tây kim cổ. Không có tiền mua thì tôi coi… cọp. Rồi sà vào những đống hàng hóa bán solde (3) đổ đống ven lề đường với vải vóc. giày dép… Túi tiền sinh viên chỉ cho phép tôi mua những món hàng như thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi ngạc nhiên không hiểu sao ngày xưa mình lại có thể đi bộ khỏe thế. Có lẽ vì vui nên không thấy đường dài.

Một lần vào ngày Chủ Nhật, tôi đi xe Velo- Solex lên nhà một người chị ruột ở đường Lê Đại Hành. Lúc đi ngang qua Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (4), do mất bình tĩnh khi tránh một người đi bộ ngang qua đường, tôi bị té xe ngã giữa đường, bị một vết thương rách da ở cằm. Mấy người dân sống ở gần đó chạy đến đưa dầu cho tôi thoa. Đau thì ít, sợ thì nhiều, tôi hoảng hốt chẳng biết phải làm gì.

Hồi đó, đâu có điện thoại để gọi người thân như bây giờ. Lúc đó, một anh thanh niên đi xe Honda dừng xe đỡ tôi dậy. Anh bảo tôi gởi tạm chiếc xe Velo cho một thanh niên đang ngồi sửa xe đạp ven đường trước Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, để anh chở tôi đến bệnh viện may vết thương ở cằm. Tôi đã gởi xe cho anh thanh niên không hề quen biết này, mà không hề có chút nghi ngại để cho anh thanh niên kia chở đến bệnh viện.

Vị bác sĩ vừa may vết thương ở cằm tôi, vừa nói: “Em mà không may chỗ vết thương này thì sẽ trở thành một cái sẹo to đấy.”

May xong vết thương, anh thanh niên tốt bụng kia lại chở tôi về chỗ cũ. Từ xa, tôi đã thấy chiếc xe Velo – Solex của tôi vẫn dựng bên đường.

Tôi cảm ơn hai người thanh niên không quen biết kia và nghĩ sao Sài Gòn lại có nhiều người tốt như vậy. Nếu là người gian, anh thanh niên kia có thể thu dọn đồ nghề rồi mang luôn chiếc xe của tôi đi thì ai biết đâu mà tìm. Hình ảnh hai con người tốt bụng đó vẫn mãi mãi ở trong ký ức tôi với lòng cảm mến và biết ơn sâu sắc.

Sau này, trải qua bao nhiêu năm, có dịp vào Sài Gòn đi ngang qua con đường Trần Quốc Toản, ngang qua Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (5) năm xưa, tôi vẫn nhớ về chuyện xưa với một chút ngậm ngùi dâu bể.

Bây giờ – mấy chục năm sau – khi đã sống định cư ở thành phố Sài Gòn, có dịp chứng kiến cảnh cướp giật, hôi của ngoài đường mỗi khi có tai nạn xảy ra, hoặc sự vô cảm, thờ ơ của người Sài Gòn mỗi khi có tai nạn thương tâm ngoài đường, tôi lại bồi hồi nhớ lại hình ảnh Sài Gòn năm xưa cách đây năm mươi năm, hơn nửa thế kỷ.

Mức độ văn minh hiện đại của cuộc sống tỷ lệ nghịch với sự băng hoại của thế thái nhân tình! Hai người thanh niên tốt bụng ngày xưa bây giờ làm gì? Ở đâu? Còn sống hay đã chết? Nếu còn sống, họ đã là những ông già trên dưới tám mươi tuổi.

“Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

(Vũ Đình Liên)

Trong lòng tôi, họ mãi mãi vẫn là biểu tượng cho một Sài Gòn nhân hậu năm xưa.

Vương Hoài Uyên


 

Hai nhà khoa học Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun đoạt giải Nobel Y học 2024-VOA

VOA Tiếng Việt

Hai nhà khoa học Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun đoạt giải Nobel Y học 2024 nhờ khám phá ra microRNA và vai trò quan trọng của nó trong quá trình phát triển và tồn tại của các sinh vật đa bào, theo thông báo của tổ chức trao giải hôm 7/10. Xem chi tiết ở phần bình luận.

Nếu không vào được VOA, xin hãy dùng đường link https://bit.ly/voatvfb4 để vượt tường lửa.


 

PAC của Musk hứa tặng $47 cho mỗi cử tri giới thiệu người ký kiến nghị trong các tiểu bang cạnh tranh cao

Báo Nguoi-Viet

October 7, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Tổ chức America PAC, do tỷ phú Elon Musk thành lập, đang mời công chúng ký vào một bản kiến nghị ủng hộ Tu Chính Án Thứ Nhất và Thứ Hai, và hứa trao tặng $47 cho mỗi cử tri đã ghi danh đi bầu tại các tiểu bang chiến trường quan trọng khi giới thiệu được người ký vào bản kiến nghị bảo đảm quyền tự do ngôn luận và quyền mang võ khí, tờ The Hill loan tin hôm Thứ Hai, 7 Tháng Mười.

Tỷ phú Musk, người ủng hộ cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của cựu Tổng Thống Donald Trump, đã khuyến khích những người theo dõi ông trên nền tảng xã hội X ký bản kiến nghị đó.

Ông Musk loan báo trên trang mạng X: “Khi bạn giới thiệu được một người tại một tiểu bang dao động ký vào bản kiến nghị nói trên thỉ bạn sẽ nhận được 47 Mỹ kim! Kiếm tiền dễ quá mà!”

PAC của Elon Musk tặng tiền $47 cho mỗi cử tri giới thiệu người ký thỉnh nguyện thư cải tổ Tu Chính Án Thứ Nhất và Thứ Hai trong Hiến Pháp Hoa Kỳ tại những tiểu bang đang tranh chấp từng lá phiếu giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris (Hình: @elonmusk/X)

Bản kiến nghị cam kết ủng hộ hai sửa đổi đầu tiên trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, mà theo lời mô tả trong bản kiến nghị là nhằm “bảo đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền mang võ khí.” Cơ hội kiếm được tiền này có hiệu lực trong hai tuần lễ tới mà thôi.

Tổ chức American PAC đưa ra kế hoạch ký vào kiến nghị nói trên nhằm thu thập chữ ký của 1 triệu cử tri đã ghi danh đi bầu tại bảy tiểu bang dao động chính — hay còn gọi là tiểu bang chiến trường, nơi hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa còn kèn cựa nhau chưa biết ai thắng ai. Đó là các tiểu bang Pennsylvania, Georgia, Nevada, Arizona, Michigan, Wisconsin và North Carolina.

Cuộc bầu cử tổng thống 2024 đã trở thành một cuộc chạy đua quyết liệt kể từ khi Phó Tổng Thống Kamala Harris tham gia tranh cử, đặc biệt là tại những bang dao động, nơi các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách biệt số phiếu giữa hai ứng cử viên thường là rất nhỏ.

Theo kết quả thăm dò dư luận toàn quốc của The Hill/Decision Desk HQ, ứng cử viên Harris đang dẫn trước ứng cử viên Trump 3.4 phần trăm, tức là 49,8% so với 46,4%.

Kết quả trung bình trong cuộc thăm dò của của Decision Desk HQ cho thấy ông Trump dẫn trước bà Harris 1.2 điểm ở Arizona và 0.7 điểm ở cả Georgia lẫn North Carolina.

Trong khi đó, bà Harris dẫn trước 0.2 điểm ở Michigan, 2 điểm ở Nevada, 0.8 điểm ở Pennsylvania và 1.3 điểm ở Wisconsin. (TTHN)


 

‘Mắc gì phải ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Đà Nẵng’ để làm đường sắt cao tốc?

Ba’o Tieng Dan

Blog VOA

Trân Văn

7-10-2024

Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội đăng infographic về đề án đường sắt cao tốc của Việt Nam, tháng 11/2023.

Dư luận lại dậy lên thành bão sau khi Ban Chấp Hành Trung Ương (BCH TƯ) đảng khóa này nhất trí đưa “Dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h” trình Quốc hội xem xét và thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc trong tháng này [1].

Ở Việt Nam, “Dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h” chẳng khác gì Miếng da lừa của Balzac (linh vật giúp thỏa mãn lòng tham vô đáy nhưng dùng nhiều chừng nào thì vòng đời thu hẹp chừng đó). Cho dù đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) không bất tử nhưng di hại của những quyết định như “Dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h” sẽ còn rất lâu và nhiều thế hệ phải trả giá rất đắt. Đâu phải tự nhiên mà suốt 20 năm qua, “Dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h” được lôi ra rồi bị buộc cất vào bốn lần vì không chỉ có các chuyên gia, dân chúng mà hồi tháng 5/2010, đa số đại biểu Quốc hội khóa 12 cũng thấy không thể gật đầu với dự án [2].

rước việc “Dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h” lại… đội mồ đứng dậy, ông Nguyễn Ngọc Chu nhắc nhở: Trong hơn 15 năm qua, đã có nhiều bài viết, nhiều ý kiến, nhiều tính toán chỉ ra sự vi phạm tiên đề trong đề xuất xây dựng đường sắt tuyến Hà Nội – TP.HCM tốc độ 320-350 km/h (ĐSCT – đường sắt cao tốc), chỉ chở khách mà không chở hàng nhưng dường như có một “dòng chảy ngầm” xuyên suốt ở Bộ GTVT và ở cấp cao hơn, không ngừng ủng hộ ĐSCT chở khách mà không chở hàng, đồng thời kiên trì loại bỏ đường sắt 200 km/h chở khách và 120 km/h chở hàng mà Bộ KHĐT và Hội đồng Thẩm định Nnà nước đã đề xuất. Lập luận ĐSCT tốc độ 320 km/h (mà vận hành thực tế chỉ trong khoảng 250-260km/h) sẽ cho người dân ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở TP.HCM, cạnh tranh được với máy bay, đi tắt đón đầu, không bị lạc hậu, ngang bằng với các nước tiên tiến. Còn vận tải hàng hoá thì dựa vào lý lẽ sẽ nâng cấp tuyến đường hiện hành (mà trên thực tế, không biết đến bao giờ mới có tài chính để thực hiện) là cố tình quên vận tải hàng không, vận tải đường sắt, bổ sung hỗ trợ cho nhau, chứ không phải cạnh tranh với nhau. Xây dựng ĐSCT tốc độ 320 km/h thì mười người chỉ có một người đủ khả năng tài chính để đi, chín người ngồi nhà, còn xây dựng đường sắt đường sắt 200 km/h thì cả mười người được đi. Hãy tính lưu lượng di chuyển giữa mười triệu người với 100 triệu người để thấy được sự khác biệt về kinh tế. Chưa kể đường sắt 200km/h chở khách, 120km/h chở hàng, giúp cho 70 triệu dân nông thôn được đi lại, nông sản không bị thối rữa, vận chuyển hàng hoá nhanh chóng, chi phí thấp, hỗ trợ cạnh tranh quốc tế và họ là đối tượng cần được quan tâm nếu muốn Việt Nam sớm vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới. ĐSCT tốc độ 320km/h để lại gánh nợ khổng lồ khoảng 70 tỷ USD, chưa biết lúc nào có thể vận hành toàn bộ, chưa biết lúc nào có thể cắt lỗ, không giúp gì được cho vận tải hàng hoá cũng như vận tải quốc phòng còn xây dựng đường sắt 200km/h chở khách, 120km/h chở hàng thì mười năm sau vận hành được, không bị lỗ [3]

Không chỉ có ông Nguyễn Ngọc Chu, nhiều người nêu thắc mắc theo kiểu nửa đùa, nửa thật như Đào Tuấn: Với suất đầu tư 43,7 triệu USD/km, tổng mức đầu tư trên dưới 70 tỉ USD, tương đương 1,7 triệu tỷ đồng, chưa tính đội giá có thể xảy ra. Theo phương án đang trình, giá vé tương đương 75% giá vé máy bay trung bình. Chẳng hạn chặng Hà Nội – TP HCM sẽ có ba hạng vé (6,9 triệu, 2,9 triệu và 1,7 triệu) thì anh em có muốn “đánh thức các nàng tiên”, có muốn sáng phở Paris chiều hủ tiếu Sing không [4]? Nhiều người trả lời như Thuan Vuong Tran: Mình ăn sáng, trưa, tối cùng một chỗ được mà, mắc gì phải ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Đà Nẵng để phải xây dựng đường sắt cao tốc [5]?

Từ Đức, ông Nguyễn Văn Lợi bình: Đức có hơn 40.000 km đường sắt. Trong đó 1.600 km đường sắt ICE có tốc độ cao nhưng không phải là đường sắt cao tốc. 140 km đường sắt từ trường cao tốc thử nghiệm và không làm tiếp nữa. Tàu ICE có tốc độ lý thuyết khoảng 330 km/h – 360 km/h nhưng thực tế, một số đạt đến 285 km/h, còn lại chỉ đạt khoảng 150-200 km/h. Khi thời tiết xấu thì hoặc là không chạy, hoặc 100 km/h. Tàu ICE ở Đức giá vé cao. Ví dụ từ Halle đến Berlin khoảng 240 km giá vé 75€, trong khi đi bằng Flixbus 14€. Dân Đức không thích tàu ICE vì không cần thiết, nếu cần nhanh vì công việc thì đi máy bay, trên thực tế nếu đặt mua trước thì giá vé máy bay chỉ rẻ bằng non nửa đi tàu ICE. Ví dụ, máy bay từ Berlin đến München chỉ hết 50€ còn tàu ICE đêm xuất phát lúc 0 giờ được giảm 50% có giá là 65€. Nếu đi ban ngày thì mất 130€. Vận tải hàng hoá không chạy trên cung đường có tốc độ cao, vận tải hành khách thì ICE lỗ nhiều. Đức làm đường sắt tốc độ cao không tốn nhiều tiền vì địa hình bằng phẳng không vòng vèo leo núi và cầu vượt sông như ở Việt Nam. Chỉ bỏ ra 70 tỉ đô la mà đòi làm gần 2.000 km đường sắt cao tốc với địa hình khấp khểnh, nhiều chỗ phải xuyên núi, lên dốc, băng sông là ảo tưởng. Lâu đến bao nhiêu mới hoàn thành thì lão già này không biết được nhưng nếu không đội vốn lên gấp ba, bốn lần thì lão không tin là sẽ làm xong [6].

***

So với trước, lần này, đặc điểm thời thế sẽ khiến các đại biểu quốc hội dám cưỡng lại chủ trương của đảng. Còn hậu quả? Ráng mà chịu. Cứ nhìn Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên mà ngẫm về thân phận người Việt.

Chú thích

[1] https://plo.vn/trung-uong-dong-y-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-350-kmh-bac-nam-post811131.html

[2] https://vov.vn/xa-hoi/ket-thuc-so-phan-long-dong-cua-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post1124946.vov

[3] https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid032WFt4RBXgKPPHDGw2orVvL353gcjuEnjr61WeZnFdDcfS5MTJRYZBBD58bYG5x2Fl

[4] https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/pfbid029xBd5xREyP2EUGzSFKgq47qSbQSv6zxm41G1hE2vsJUP9anfgRYjQNnkyDq9rsFJl

[5] https://www.facebook.com/thuan.tranvuong/posts/pfbid03aQ9pBRcnWsTEdFqYj6MhaYVmm6sAHC7BNYFChBRHzr9LZsh6yA7KxvADznimn6gl

[6] https://www.facebook.com/nguyenvan.loi1111/posts/pfbid02P3wjVAjGnDp5exj5mMAgmDeMzioyJE84fLRpo5Sou3AzSXrCBp5gBYt5E8nUjdRl


 

Bạo hành trẻ em trong một xã hội vô cảm, lạc hậu, quan liêu

Ba’o Nguoi-Viet

October 6, 2024

Minh Hải/SGN

Lại thêm vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại TPHCM, nạn nhân là bé N.T.K., 6 tuổi. Trước đó dư luận trong nước vẫn chưa nguôi cơn phẫn nộ vụ án bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng ở Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TPHCM, và nhiều vụ trước đó gây rúng động.

Mới đây vào ngày 2 Tháng Mười, truyền thông trong nước cho biết, Công An TPHCM ra quyết định tống giam Nguyễn Quốc Toàn, 24 tuổi, và Lê Thụy Thanh Tâm, 22 tuổi, cư trú tại Quận 8 với cáo buộc hành vi bạo hành dã man đối với bé N.T.K.

Bé trai bị bạo hành dã man. (Hình: báo Thanh Niên)

Thông tin ban đầu cho biết, vào năm 2017, Toàn chung sống với chị V., 25 tuổi, và có với nhau bé N.T.K. Tháng Tư năm 2021, Toàn và chị V. chia tay. Chị V. dắt bé N.T.K về Phú Yên sinh sống. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên vào Tháng Tám năm 2024, chị V. cho bé N.T.K về lại TPHCM sinh sống với Toàn và người vợ sau là Thanh Tâm.

Quá trình khai báo tại cơ quan Công An, Toàn và Tâm thừa nhận đã nhiều lần đánh đập bé N.T.K do bực tức việc học hành và vệ sinh cá nhân của bé.

Đỉnh điểm là vào ngày 25 Tháng Chín, Tâm dùng nước sôi đổ lên hai bàn chân của bé N.T.K. Kết quả giám định thương tích, bé N.T.K bị bỏng 11% và các thương tích rải rác trên cơ thể là 30%.

Hình ảnh thương tích của bé N.T.K được báo chí trong nước đăng tải trên các phương tiện đại chúng ngay lập tức đã gây phẫn nộ dư luận, như tiếp nối cơn phẫn chưa nguôi từ vụ bạo hành hơn 80 trẻ nhỏ trước đó, xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng bị phanh phui vào hồi đầu Tháng Chín vừa qua.

Mái ấm Hoa Hồng do bà Giáp Thị Sông Hương, 50 tuổi, quê Bắc Giang, ngụ tại Quận Gò Vấp, làm đại diện pháp lý. Vụ bạo hành bắt đầu được phanh phui bởi loạt video phóng sự điều tra của tờ báo Thanh Niên, với tựa đề “Tội ác ở mái ấm tình thương Hoa Hồng.”

Nội dung của loạt video mô tả cảnh các bé từ chưa tới một tuổi cho đến 12 tuổi được mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng phải sống trong khoảng thời gian dài như địa ngục trần gian.

Các bảo mẫu Tuyền, Cẩm, Loan, Ba và Huyền đã có vô số các hành vi hành hạ các bé như: mắng chửi, nhéo tai, quật người, bóp miệng, đánh đập, dùng đũa gõ liên tục vào lòng bàn chân các bé… bất kể thời gian từ đêm đến sáng, bất kể các bé có khóc hay không khóc, có lỗi hay không có lỗi.

Thậm chí có bé bị các bảo mẫu đánh đập mỗi ngày không dưới chục lần hoặc vài phút là bị đem nhốt vào phòng vệ sinh hoặc đem ra hành hạ đủ kiểu khiến nhiều bé bị đổ máu và mang thương tích trên người

Các bảo mẫu còn vô nhân tính, tàn ác và dã man hơn bằng việc cho các bé mới vài tháng tuổi uống một loại thực phẩm chức năng có tên Siro Ho Ong Vàng có thành phần Eucalyptol, theo khuyến cáo của cơ quan y tế là trẻ phải từ 2 tuổi trở lên mới được sử dụng.

Điều đáng nói ở đây là, trước khi vụ bạo hành bị phanh phui, mái ấm Hoa Hồng và bà Giáp Thị Sông Hương một thời được báo chí trong nước lăng xê đủ kiểu. Nào là Mái ấm địa chỉ tin cậy chuyên trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, người vô gia cư, người già neo đơn… Bản thân bà Sông Hương cũng không ít lần lên sóng truyền hình chia sẻ chuyện đời tư và nỗi bất hạnh của các bé tại mái ấm, ví bà như “Phật sống” giữa đời thường nhằm thu hút đông đảo các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ghé đến Mái ấm tài trợ, giúp đỡ.

Thế nhưng, sự thật đằng sau đó là những hoạt động trá hình và trục lợi bất chính, những khoản tiền tài trợ chưa rõ bà Sông Hương dùng vào mục đích gì, còn những phần quà như sữa thì được đưa đến các cửa hàng chuyên bán sữa, đồ dùng trẻ em để tiêu thụ. Ở mái ấm Hoa Hồng, các bé chỉ được ăn cơm với nước tương hoặc mì gói, miến và uống sữa thừa trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.

Hiện nay Công An Quận 12 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam, tạm giữ các bảo mẫu và bà Sông Hương theo cáo buộc tội “Hành hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ Luật hình sự.

Chưa hết, dư luận cũng chưa hẳn đã quên vụ án bé gái N.T.V.A., 8 tuổi ở Quận Bình Thạnh, TPHCM bị mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang, 29 tuổi, quê ở Gia Lai, và cha ruột Nguyễn Kim Trung Thái, 39 tuổi, cư ngụ tại Quận 1, TPHCM, bạo hành dẫn đến tử vong vào hồi cuối Tháng Mười Hai, 2021.

Cáo trạng vụ án này cho biết, trong khoảng thời gian sinh sống cùng cha ruột và dì ghẻ, bé V.A đã nhiều lần bị hai người dùng tay chân, vật kim loại, gậy gỗ…bắt cởi áo quần, giơ tay, quỳ gối để đánh đập, thậm chí cho chui vào chuồng chó đã dẫn đến tử vong. Trải qua hai phiên xét xử, Quỳnh Trang nhận bản án tử hình tội “giết người”, còn Trung Thái nhận bản án 8 năm tù giam.

Và cuối cùng thêm vụ án bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận hơn cả, là vụ bé gái Đỗ Ngọc Ánh, 3 tuổi, ở Hà Nội, bị cha dượng là Nguyễn Trung Huyên, 41 tuổi, bạo hành dã man, tra tấn như thời trung cổ dẫn đến tử vong vào hồi năm 2022.

Từ những vụ án kể trên, thật khó hiểu tại sao ở Việt Nam ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra nghiêm trọng đến vậy.

Khó hiểu nhưng có lẽ cũng dễ trả lời. Bởi lẽ, đầu tiên sẽ là yếu tố con người. Phải thừa nhận thẳng thắn rằng, xã hội Việt Nam ngày nay, nhiều người Việt sống rất vô cảm, sống rất độc ác với đồng loại. Vì một lời nói, một cái liếc mắt hay vì một chỗ ngồi, người Việt có thể đoạt mạng sống lẫn nhau. Cho nên, khi một vụ bạo hành trẻ em xảy ra, không ít người dù có quan tâm đến mấy chăng đi nữa thì khoảng thời gian ngắn thôi, sẽ lãng quên coi như chuyện thường tình, không liên quan.

Kế đến tư duy của bậc lớn tuổi ở Việt Nam vẫn còn nặng nề giáo dục thời phong kiến như “thương cho roi cho vọt” “đánh cho nên người”. Vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng nêu trên là một ví dụ, bà Sông Hương chủ cơ sở khai trước cơ quan chức năng việc các bảo mẫu bạo hành trẻ là hành động bộc phát, mất kiểm soát trong lúc chăm sóc hoặc bà bảo mẫu Cẩm khai trong quá trình chăm sóc các bé, đã nhiều đánh đập các bé để các bé sợ, không quấy phá và ngoan hơn. Một tư duy giáo dục trẻ em bằng bạo lực và lạc hậu hết sức nguy hiểm, hoàn toàn không còn phù hợp ngày nay nhưng vẫn được áp dụng.

Và kế đến nữa là tuy Việt Nam hiện đã có luật bảo vệ Trẻ em, ký nhiều Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhưng chính sự lỏng lẻo, buông lỏng quản lý của các Cơ quan chức năng vô tình biến các văn bản luật này chỉ hiệu lực ở trên giấy. Đâu đó ở Việt Nam, trẻ em hằng ngày vẫn đón nhận những bạo hành gián tiếp hoặc trực tiếp từ người lớn mà không có khả năng phản kháng, không có sự bảo vệ kịp thời đến từ pháp luật. Và đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì nhiều trường hợp, trẻ em bị bạo hành đã nhận những hậu quả, kết cục hết sức thương tâm.

Một xã hội vô cảm, một tư duy giáo dục bằng bạo lực và lạc hậu cùng với cơ chế quan liêu, buông lỏng, chưa thể hiện đúng sự nghiêm minh của pháp luật thì tình trạng trẻ em bị bạo hành cứ thể tiếp diễn là điều không tránh khỏi.