‘Vua rác’ David Dương và con trai bị truy tố tội hối lộ

Ba’o Nguoi-Viet

January 17, 2025

OAKLAND, California (NV) – Ông David Dương, thường được biết đến với tên “vua rác,” và con trai ông, Andy Dương, vừa bị một đại bồi thẩm đoàn truy tố tội hối lộ giới chức thành phố, theo các công tố viên liên bang công bố hồ sơ trong một cuộc họp báo ở Oakland, California, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng.

Cùng bị truy tố với hai cha con ông David Dương là bà Sheng Thao, cựu thị trưởng Oakland, và ông Andre Jones, người sống cùng nhà với bà.

Ông Andy Dương (trái), con trai ông David Dương (phải), bước vào tòa án liên bang ở Oakland hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng. (Hình: Chụp từ X của Dan Noyes và VTC News)

Tại cuộc họp báo, ông Patrick Robbins, công tố viên liên bang, khẳng định: “Đây mới chỉ là tố cáo. Mọi bị cáo đều được coi như vô tội cho tới khi bị kết tội một cách chắc chắn.”

Ông Robbins mô tả âm mưu hối lộ và tham nhũng của những người liên quan giống như trong phim mafia, trong đó, các tay anh chị “đút lót” cho giới chức để có lợi cho mình.

Theo hồ sơ truy tố dài 22 trang, đề ngày 9 Tháng Giêng, trước và sau cuộc bầu cử thị trưởng năm 2022, bà Sheng Thao và ông Andre Jones có dính tham nhũng liên quan đến ông David Dương và ông Andy Dương.

Bà Sheng Thao bị tố cáo, trong vai trò thị trưởng, sẽ hành động có lợi cho hai cha con ông David Dương. Đổi lại, cha con ông David Dương sẽ có lợi từ bà Sheng Thao và ông Andre Jones.

Bà Sheng Thao hứa sẽ mua những căn nhà tiền chế của cha con ông David Dương, kéo dài hợp đồng thu gom rác trong thành phố, và bổ nhiệm giới chức cao cấp thành phố do cha con ông David Dương và “Đồng Phạm số 1” chọn. “Đồng Phạm số 1” là một doanh gia địa phương và là một cộng sự lâu năm của ông David Dương và ông Andy Dương.

Hai cha con ông David Dương hứa và chi ra $75,000 để quảng cáo chống lại đối thủ của bà Sheng Thao trong cuộc bầu cử, và đưa cho ông Andre Jones $95,000 và hứa sẽ đưa thêm nữa, tổng cộng là $300,000 để “đút lót” cho bà Thao và ông Jones.

“Vua rác” David Dương là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc California Waste Solutions, một công ty thầu rác ở Oakland và San Jose. Ông cũng là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Gia Việt Mỹ (VABA), một tổ chức có mục đích vận động, hỗ trợ, và liên kết các doanh nhân gốc Việt. Ông David Dương cũng là chủ tịch kiêm sáng lập viên và đồng sở hữu chủ công ty nhà tiền chế.

Hồi Tháng Tám, 2023, ông David Dương là người thuyết phục và sắp xếp cho bà Sheng Thao và phái đoàn doanh gia Oakland thăm Việt Nam, được ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, và ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng Ngoại Giao, đón tiếp tại Hà Nội. Trong phái đoàn còn có ông Andre Jones.

Bà Sheng Thao bị cử tri Oakland bãi nhiệm trong cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một, 2024.

Hồ sơ tài chính cho thấy, trước khi ông Andre Jones nhận tiền hối lộ, bà Sheng Thao trả toàn bộ hoặc chia đôi tiền nhà với ông. Tuy nhiên, bắt đầu từ Tháng Giêng, 2023, sau khi ông Andre Jones nhận tiền của cha con ông David Dương, ông này trả toàn bộ tiền nhà.

Ngoài ra, bắt đầu từ Tháng Giêng, 2023, ông Andre Jones gia tăng đóng góp, hoặc trả toàn bộ chi phí, trong nhà – ví dụ như tiền điện, gas, nước, và điện thoại – sống với bà Sheng Thao.

Các bị cáo bị tố cáo thực hiện một số hành động để che giấu âm mưu hối lộ. Ví dụ, theo chỉ thị của bà Sheng Thao, số tiền hối lộ đưa ông Andre Jones để tránh sự liên lụy của bà. Ngoài ra, các bị cáo còn tạo một công việc “giả tạo” cho ông Andre Jones ở công ty nhà tiền chế để che giấu số tiền hối lộ. Họ còn tạo ra ngân phiếu giả để công ty California Waste Solutions trả tiền cho ông Andre Jones. Tất cả các khoản tiền này đều không được khai báo theo luật bầu cử.

“Công chúng được quyền công khai biết những gì xảy ra tại thành phố. Khi dân cử đồng ý nhận ‘đút lót’ để có lợi cho mình, thay vì làm việc có lợi cho cử tri, họ đã làm mất lòng tin của người dân,” công tố viên Robbins nói tại cuộc họp báo. “Truy tố này tái khẳng định quyết tâm của Bộ Tư Pháp xóa bỏ, điều tra, và truy tố tham nhũng trong chính quyền địa phương.”

Hồ sơ truy tố bà Sheng Thao, ông Andre Jones, ông David Dương, và ông Andy Dương. (Hình: Người Việt)

Bản tin của đài truyền hình ABC cho biết cả bốn người đã trình diện Chánh Án Kandis Westmore tại tòa liên bang ở Oakland lúc 10 giờ 30 phút sáng Thứ Sáu.

Bà Sheng Thao không nhận tội, được thả, và bị giới hạn du lịch. Nếu bị kết tội, bà có thể bị tối đa 95 năm tù. Sau đó, bà có tham dự một cuộc họp báo với luật sư của bà là ông Jeff Tsai bên ngoài tòa án.

Hiện chưa biết tình trạng của ba người còn lại ra sao.

Hình ảnh đài ABC cho thấy ông Andy Dương mặc một bộ veston màu trắng đi vào tòa án.

Nếu bị kết tội, ông David Dương và con trai có thể bị mỗi người tối đa 35 năm tù. Riêng ông Andy Dương có thể bị tối đa thêm năm năm tù vì tội nói dối nhân viên liên bang.

Hôm 20 Tháng Sáu, 2024, nhân viên liên bang khám nhà của những bị cáo này tại Oakland và vùng lân cận.

-Nhà của ông David Dương và vợ là bà Linda Dương trên đường Skyline Boulevard.

-Nhà của ông Andy Dương, trên đường View Crest Court trong khu Ridgemont. Ông Andy Dương là giám đốc California Waste Solutions.

-Văn phòng California Waste Solutions ở khu Embarcadero.

-Nhà bà Sheng Thao, lúc đó là thị trưởng Oakland, trên đường Maiden Lane trong khu Oakland Hills.

Cuộc điều tra do ba cơ quan liên bang tiến hành gồm FBI, Bưu Điện Hoa Kỳ (USPS), và Đơn Vị Điều Tra Tội Phạm của Sở Thuế (IRS-CI). (Đ.D.)


 

Vụ Đại Ninh: Trần Văn Hiệp khai ăn hối lộ $165,000 để ‘làm từ thiện’

Ba’o Nguoi-Viet

January 17, 2025

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quan chức được cho là ăn hối lộ nhiều nhất trong vụ Đại Ninh – bị cáo Trần Văn Hiệp, cựu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng – khai trước tòa rằng nhận hối lộ 4.2 tỷ đồng ($165,500) để “làm từ thiện.”

Bị cáo Hiệp cùng với đồng phạm, Trần Đức Quận (cựu bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng) và Mai Tiến Dũng (cựu bộ trưởng, chủ nhiệm chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ) là ba gương mặt nhận được nhiều sự chú ý nhất trong phiên tòa xử vụ Đại Ninh.

Bị cáo Trần Văn Hiệp (trái), cựu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, tại phiên tòa. (Hình: Giang Long/Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 17 Tháng Giêng, số tiền nêu trên được “đại gia” Nguyễn Cao Trí đưa cho bị cáo Hiệp để nhờ ông này “tạo điều kiện” cho dự án Đại Ninh được giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng.

Bị cáo Hiệp thừa nhận đã bảy lần gặp bị cáo Trí để nhận quà “cám ơn” tổng cộng 4.2 tỷ đồng.

“Bị cáo giúp đỡ không vì động cơ vụ lợi. Bị cáo cũng không đòi hỏi, vòi vĩnh và có ba lần từ chối nhận tiền, đề nghị anh Trí mang tiền đi làm từ thiện. Bị cáo đã sai lầm nên chịu trách nhiệm,” bị cáo Hiệp nói trước vành móng ngựa.

Bị cáo Hiệp cho hay “chịu nhiều sức ép từ lãnh đạo cấp cao,” cụ thể là từ ông Trần Văn Minh (cựu phó tổng Thanh Tra Chính Phủ, người đã tự tử tại tư gia) trong vụ Đại Ninh.

Đáng nói, tuy khẳng định đã dùng 4.2 tỷ đồng “làm từ thiện” nhưng sau khi bị bắt, bị cáo Hiệp đã nhờ gia đình nộp lại toàn bộ số tiền này để mong được nhẹ tội tại phiên tòa.

Cùng bị cáo buộc ăn hối lộ với bị cáo Hiệp nhưng nhận chỉ một nửa số tiền nêu trên, bị cáo Trần Đức Quận khai rằng “không đòi hỏi, ép buộc doanh nghiệp đưa tiền.”

Bị cáo Trần Đức Quận (trái), cựu bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng, tại phiên tòa. (Hình: Giang Long/Tuổi Trẻ)

“Mỗi lần lên Lâm Đồng làm việc với Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, Trí đều qua phòng tôi chào hỏi đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ triển khai dự án Đại Ninh. Nếu ở nhà tôi không cho gặp, nhưng ở cơ quan tôi cho gặp. Bị cáo không đòi hỏi nhưng việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai,” bị cáo Quận nói.

Cũng trong vụ án này, theo báo Dân Trí, bị cáo Mai Tiến Dũng thừa nhận được bị cáo Nguyễn Cao Trí đưa hối lộ 200 triệu đồng ($7,881) và “trả giùm” 380 triệu đồng ($14,973) tiền Văn Phòng Chính Phủ mua quà. (N.H.K) [qd]


 

Nghi can phóng hỏa ở Los Angeles khai thích mùi lá cháy, cảnh hỗn loạn, tàn phá

Ba’o Nguoi-Viet

January 15, 2025

LOS ANGELES, California (NV) – Những nghi can phóng hỏa bị bắt ở Los Angeles County có người khai thích mùi lá cây cháy, có người nói thích cảnh hỗn loạn, tàn phá, theo OC Patch hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng.

Từ khi những đám cháy rừng tàn khốc bùng lên ở quận hạt này cách đây hơn một tuần tới Thứ Tư, cảnh sát bắt giữ ít nhất bốn người vì tội cố ý phóng hỏa, gồm hai nghi can bị bắt tuần này.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân giữa những căn nhà bị cháy rụi trong đám cháy rừng Eaton ở Altadena, California, hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Khoảng 5 giờ 15 phút chiều Thứ Hai, cảnh sát tới khu vực gần ngã tư đường Glen Oaks với Van Nuys, nơi một cư dân đang tạm giữ nghi can phóng hỏa, ông Jim McDonnell, cảnh sát trưởng Sở Cảnh Sát Los Angeles (LAPD), cho hay.

“Khi tới nơi, cảnh sát bắt giữ nghi can, và cư dân đó đã dập tắt đám cháy trên cây gần đó,” ông McDonnell cho biết. “Nghi can thú nhận gây ra đám cháy đó vì ‘thích mùi lá cây cháy.’”

Nghi can đó bị truy tố tội cố ý phóng hỏa.

Tối hôm đó, khoảng 9 giờ rưỡi, ở khu vực đường Santa Monica với Vermont, lính cứu hỏa nhận được tin báo một phụ nữ đang đốt hàng loạt đống rác, theo ông McDonnell.

Lính cứu hỏa nhanh chóng dập tắt đám cháy đó, và nghi can bị bắt.

“Nghi can thú nhận gây ra nhiều đám cháy hôm đó, và khai rằng bà thích gây hỗn loạn và tàn phá,” ông cho hay.

Nghi can đó cũng bị truy tố tội cố ý phóng hỏa.

Ông Nathan Hochman, chánh biện lý Los Angeles County, tuyên bố sẽ đề nghị hình phạt cao nhất cho kẻ cố ý phóng hỏa.

Giới chức chưa biết nguyên nhân hai đám cháy rừng lớn nhất ở vùng Los Angeles hiện tại – đám cháy Eaton và đám cháy Palisades.

Tính tới chiều Thứ Tư, hai đám cháy rừng này lan ra tổng cộng gần 38,000 mẫu, làm ít nhất 25 người thiệt mạng và thiêu rụi hàng ngàn căn nhà. Trong khi đó, hơn 30 người vẫn còn mất tích. (Th.Long) [qd]


 

Jimmy Carter  Vị TT Nghèo Nhất Mỹ    

Ông là vị Tổng thống ( 1977 – 1981 ) nghèo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông sống trong một ngôi nhà tồi tàn và thường mua đồ giảm giá tại Siêu thị.

Ông là Jimmy Carter, vị Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất không có dinh thự. Sau khi rời Nhà Trắng, ông và vợ sống trong một ngôi nhà nhỏ chỉ có giá trị 167.000 đô la. Tất cả đồ đạc của họ đều là đồ cũ được cha mẹ ông truyền lại mà họ phải sửa chữa hầu như hàng tháng. Chất lượng cuộc sống của ông có lẽ còn tệ hơn hầu hết mọi người.

Thu nhập duy nhất của ông bà là lương hưu của Tổng thống, chỉ vọn vẹn 217.000 đô la một năm. Carter không sử dụng máy bay phản lực riêng. Ông bay hạng phổ thông, ngay cả khi đã già, ông vẫn xếp hàng để lên máy bay, từ chối được đối xử đặc biệt.

Carter và mẹ, Lillian Carter,
17 tháng 2 năm 1977

Ông đã lái một chiếc Ford Taurus cũ trong nhiều năm, một chiếc xe đã hơn 25 năm tuổi.

 Vậy tiền của ông đã đi đâu?

 Ông là người sáng lập Trung tâm Carter và cũng đã chi không dưới 30 triệu đô la để chống lại bệnh mù sông và bệnh giun Guinea. Ông đã đích thân giúp xây nhà cho các gia đình thu nhập thấp và thậm chí còn tự tay xây hàng chục ngôi nhà, tiếp tục làm như vậy khi đã về già. Provided by www.cartercenter.org

 Ông cũng đã quyên góp nhiều khoản phí diễn thuyết và các khoản thu nhập khác của mình cho tổ chức từ thiện, đóng góp hàng triệu đô la.

Jimmy Carter at Habitat for Humanity Through the Years

 Cựu Tổng thống này đã qua đời tại nhà riêng ở Georgia vào khoảng 3:40 chiều theo giờ miền Đông vào ngày 29 tháng 12 năm 2024. 

 Trích Từ Quora

From: haiphuoc47 &: tranminhman1962 & Nguyen NThu 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ra trình diện cơ quan điều tra, lệnh bắt giữ được thực thi

Ba’o Dat Viet

January 15, 2025

Vào sáng ngày 15 Tháng Giêng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra trình diện tại Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với các quan chức cấp cao (CIO) sau khi lệnh bắt giữ được thực thi lúc 10h33 giờ địa phương. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn tại Hàn Quốc, liên quan đến các cáo buộc rằng ông Yoon áp đặt thiết quân luật trái phép vào tháng 12-2024.

Theo Hãng tin Yonhap, đoàn xe chở Tổng thống Yoon Suk Yeol đã rời khỏi dinh thự tổng thống ở trung tâm Seoul vào sáng ngày 15 Tháng Giêng, và ông xuất hiện tại văn phòng CIO ở Gwacheon vào khoảng 11h.

Trước đó, ông Yoon cho biết:
“Tôi quyết định ra trình diện để tránh đổ máu sau khi chứng kiến hàng loạt hành động bất hợp pháp của cơ quan thực thi pháp luật tìm cách bắt giữ tôi.”

Vào sáng sớm 15 Tháng Giêngcác nhà điều tra Hàn Quốc từ Văn phòng CIO đã bắc thang, vượt qua hàng rào an ninh và tiến vào khu dinh thự của Tổng thống Yoon Suk Yeol ở trung tâm Seoul để thực thi lệnh bắt giữ.

Đây là nỗ lực lần thứ hai của CIO nhằm bắt giữ ông Yoon sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại do lực lượng an ninh tổng thống cản trở.

Theo Reuters, các nhà chức trách đã bao vây khu vực dinh thự và tìm cách ép buộc ông Yoon ra trình diện, dẫn đến việc ông đồng ý rời đi để chịu thẩm vấn.

Lệnh bắt giữ liên quan đến vụ áp đặt thiết quân luật

Tòa án quận phía tây Seoul đã ban hành lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol sau khi ông từ chối ba lần triệu tập của cơ quan điều tra, liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật vào ngày 3 Tháng Mười Hai, 2024.

Thiết quân luật ngày 3-12-2024

Theo cáo buộc, ông Yoon Suk Yeol đã ra lệnh áp đặt thiết quân luật tại một số khu vực của Hàn Quốc vào đầu tháng 12-2024, sau khi có các cuộc biểu tình phản đối luật an ninh mới do chính quyền ông ban hành.

Việc này đã dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, khiến nhiều người bị thương.

Lệnh bắt giữ có hiệu lực đến ngày 21-1

Lệnh bắt giữ mới nhất được gia hạn và sẽ có hiệu lực cho đến ngày 21 Tháng Giêng, theo thông tin từ Tòa án quận phía tây Seoul.

Lý do ban hành lệnh bắt giữ

Tòa án cho rằng việc bắt giữ là cần thiết vì ông Yoon:

  • Không hợp tác với cơ quan điều tra
  • Từ chối ba lần triệu tập
  • Có nguy cơ gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra nếu không bị bắt giữ

Phản ứng từ luật sư và cố vấn của ông Yoon

Luật sư của ông Yoon cho biết ông sẵn sàng chấp nhận thẩm vấn nhưng vẫn phản đối cáo buộc từ CIO.

Một cố vấn của ông Yoon nói với Hãng tin Reuters:

“Tổng thống đã đồng ý ra trình diện sau khi các nhà điều tra rời khỏi dinh thự. Ông Yoon muốn tránh xung đột đẫm máu giữa lực lượng an ninh và cơ quan điều tra.”

Khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc

Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bị bắt giữ là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc, làm gia tăng khủng hoảng chính trị sâu sắc tại nước này.

Nhiều nhà phân tích chính trị lo ngại rằng tình hình có thể leo thang, khi phe đối lập chỉ trích hành vi lạm quyền của ông Yoon, trong khi phe ủng hộ cho rằng ông đang bị đàn áp chính trị.

Dù vậy, Tòa án Hiến pháp vẫn đang tiến hành phiên tranh tụng luận tội Tổng thống Yoon, và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong vòng 180 ngày.

Kịch bản tiếp theo: Điều gì sẽ xảy ra?

Nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết ủng hộ việc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống sớm.

Trong khi đó, nếu ông Yoon được minh oan và giữ chức, khả năng xảy ra biểu tình diện rộng và bất ổn chính trị tại Hàn Quốc là rất lớn.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, dù kết quả điều tra ra saoniềm tin của công chúng vào hệ thống chính trị Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian tới.


 

2 vợ chồng sản xuất thuốc chữa bệnh bằng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Ba’o Nguoi-Viet

January 14, 2025

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 14 Tháng Giêng, Công An TP.HCM đã khởi tố, bắt giữ hai vợ chồng bị can Ngô Kim Diệu, giám đốc công ty Kingpharm, và Nguyễn Thị Ngọc Hương, giám đốc công ty Kiến Lâm, cùng 20 người khác về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.”

Báo Thanh Niên dẫn điều tra ban đầu cho biết từ năm 2018 đến nay, hai bị can Diệu, Hương sử dụng tên hai doanh nghiệp là công ty Kingpharm ở quận Bình Tân và công ty Kiến Lâm ở quận 8 để làm bình phong kinh doanh dược phẩm, nhưng thực tế là âm thầm lập kho, xưởng, máy móc để sản xuất các loại Đông y, tân dược giả điều trị các bệnh đau xương khớp, viêm mũi, trĩ, phong ngứa, dạ dày, tim mạch, thần kinh…

Bị can Ngô Kim Diệu (trái) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Hương lúc bị bắt. (Hình: VNExpress)

Dù không có chuyên môn về y dược, nhưng hai bị can đã tìm hiểu, mua nguyên liệu Đông y, hoạt chất tân dược có cùng công dụng chữa một số bệnh đem về trộn lẫn, nghiền thành bột rồi dùng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng lọ thành phẩm.

Cá biệt, có các hoạt chất được nhập cảng, phân phối phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng được bán trôi nổi ra thị trường được bị can Diệu mua về để sản xuất thuốc uống cho con người.

Để giữ bí mật, vợ chồng bị can Diệu thuê các xưởng in ấn bao bì, tem, nhãn; tuyển 16 nhân viên là người thân, họ hàng để sản xuất, quản lý kho nguyên liệu, thành phẩm và tách ra riêng biệt.

Đáng nói, vợ chồng bị can Diệu, Hương không làm giả thương hiệu thuốc nào đang lưu hành trên thị trường Việt Nam mà tự vẽ ra các thương hiệu như Xương Khớp Khắc Tinh, Tỷ Thống An Khang, Xạ Hương Linh Chi Đơn, Ngứa An Khang, An Trĩ Khang, Khang Vị An, Tọa Cốt Thần Kinh Thống… của một công ty “ma” nào đó ở Malaysia, Singapore… để in trên bao bì, nhãn mác nhằm dễ dàng bán ra thị trường cho người bệnh.

Hồi cuối năm ngoái, Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Kinh Tế, Tham Nhũng, Buôn Lậu và Môi Trường Công An TP.HCM phát hiện có đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc Đông y kết hợp tân dược.

Vào cuộc điều tra, công an xác định, vợ chồng Diệu, Hương có vai trò cầm đầu.

Sau khi có đủ chứng cứ, Công An TP.HCM lập nhiều tổ công tác đồng loạt ập vào bốn địa điểm là nơi chứa nguyên liệu, hàng giả thành phẩm, bắt vợ chồng Diệu, Hương và những người liên quan.

Một phần tang vật là thuốc giả bị công an thu giữ. (Hình: VNExpress)

Tại hiện trường, công an thu giữ gần 1,200 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại, trong đó có hơn 56,000 sản phẩm giả (còn lại là hàng chưa thành phẩm); năm hệ thống máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, đóng lọ, cán nóng ép miệng túi bao bì… và 1.6 tấn bột để sản xuất viên nén, bao bì, tem mác, các loại…

Nhà chức trách phải dùng 11 xe vận tải mới chở hết số thuốc giả và các tang vật khác.

Công an xác định chỉ trong năm 2024, vợ chồng bị can Diệu, Hương đã sản xuất thuốc Tây giả trị giá hơn 45 tỷ đồng ($1.7 triệu). Trong đó, riêng ba bị can Đỗ Thành Mỹ, 44 tuổi, ở quận 12; Đỗ Thanh Hải, 52 tuổi, ở huyện Bình Chánh; và Nguyễn Mộng Điền, 37 tuổi, quê Trà Vinh, tiêu thụ số thuốc giả trị giá gần 35 tỷ đồng ($1.3 triệu)

Hiện cơ quan hữu trách đang tiếp tục mở rộng vụ án. (Tr.N) [qd]


 

Ảo tưởng giải phóng miền Nam-Tác Giả: Nguyễn Tường Tâm

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Tường Tâm

15/01/2025

 Anh bộ đội trở về nhà ở miền Bắc với món quà búp bê cho con và bóp đầm cho vợ. Ảnh Flickr

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), có dịp tìm hiểu tinh thần chiến đấu của bộ đội miền Bắc, người ta dễ dàng nhận thấy, mặc dù không phải người bộ đội nào cũng có tin thần hăng say khi được/bị gửi vào chiến trường miền Nam đầy hiểm nguy, nhưng cũng rõ ràng đại đa số những bộ đội đi Nam chiến đấu đều tin tưởng rằng nhân dân miền Nam đói khổ vì bị Mỹ Ngụy kềm kẹp; và họ có tinh thần cao đẹp của những người chiến sĩ đi giải phóng quê hương thực sự. Nhà văn Dương Thu Hương, trong lần trả lời phỏng vấn của Đinh Quang Anh Thái, đã cho biết “khi tham dự cuộc chiến chống Mỹ, tôi nghĩ rằng đây là cuộc chiến chống xâm lược, tôi đã từ bỏ cuộc sống ở hậu phương mà tôi cho là hèn hạ, hoặc đi ra nước ngoài là hèn hạ, để rồi tôi dấn thân vào chốn chông gai như thế.”

Nhưng ngay sau khi chiếm được miền Nam, không hiếm người “chiến sĩ giải phóng” đã thất vọng, và cảm thấy họ bị đảng lừa gạt khi nhìn thấy đường xá to rộng, nhà cao cửa rộng, đời sống sung túc, phong phú và thoải mái của người dân miền Nam. Chỉ vài tuần sau chiến thắng miền Nam, nhà văn Dương Thu Hương khi vào Nam đã nhận định, “Theo tôi, cái mô hình xã hội của cái miền đất bại trận mới chính là mô hình của nền văn minh, và chúng tôi là người trong đội ngũ chiến thắng thì thực ra chúng tôi đã chiến đấu cho một mô hình xã hội man rợ. Và điều đó khiến tôi hết sức cay đắng.” DTH kể tiếp, “xã hội chủ nghĩa hồi đó mỗi năm họ bán cho 5 mét vải. Khi tôi còn thiếu nữ thì cái tuổi thiếu nữ của tôi chỉ được diện toàn cái đồ rách của mẹ tôi. Tại vì có 5 mét vải thì làm sao mà đủ cho một người được. Nhất là trẻ con thì lại chỉ được 4 mét thôi cơ. Mẹ tôi mới được 5 mét. Thì tôi nhớ lúc đó 16, 17 tuổi tôi vẫn còn mặc quần vá bởi vì những cái quần nào mà, mẹ tôi đi dậy học thì phải mặc tử tế rồi, thì tất nhiên chúng tôi thì quần áo chữa đi chữa lại. Tôi cũng không nhớ hình dung là giải phóng tôi vào nhà bác tôi tôi mặc gì. Tôi chỉ biết là mọi người, chắc chắn trước mắt mọi người tôi là một con nhà quê, đen đủi, gầy gò, đại loại là không ra người; đại loại là, nhiều năm đói khổ, nhiều năm ở trong rừng ăn những thứ, nói thật là thức ăn của súc vật. Bởi vì lúc đó chính phủ Việt Nam có bán một thứ sữa mà sau này tất cả mọi người ăn đều bị kiết lỵ; sữa đấy là sữa cho trâu của Ấn độ; trước khi trâu đẻ người ta cho ăn. Thì sau này cả thế hệ của tôi đã bị rất nhiều bệnh là vì ăn những thứ đồ ăn của súc vật. Mà lúc đấy nó là quí lắm vì ít ra nó còn là thực phẩm. Còn bình thường thì rau là rau dại. Còn gạo trong chiến trường thì là gạo chuyển ra gạo tốt. Còn gạo bán cho cán bộ là gạo để lâu rồi. Tóm lại, đó là một thời rất khổ… Nhưng điều mà tôi thấy một cái sự mà không thể nào chấp nhận được là ở miền Nam lúc đó sách bán tứ tung, tất cả mọi nhà đều có television (truyền hình), và có radio, người ta có thể tự do để mà tiếp xúc với tất cả mọi nền văn minh khác. Người ta có thể tự do nghe tất cả các đài báo khác. Và do đó mà trí óc con người, ít nhất, dù là người Việt Nam, tức là cái nền rất thấp, là cái nền xuất phát từ chế độ phong kiến nô lệ, vẫn có thể có điều kiện tiếp xúc với ánh sáng, là các nền văn minh, kiến thức. Trong khi đó thì ở miền Bắc chỉ có một thứ đài được phát ong ỏng trên cái loa công cộng thôi, là được nghe. Còn dân chúng như chúng tôi thì không bao giờ được phép nghe đài nước ngoài.” DTH kể tiếp, “Sách báo cũng vậy. Khi tôi vào miền Nam, tôi mua đến hàng bao nhiêu tạ sách…và tôi đọc như điên và tôi hiểu rằng đây chính là nền văn minh, nơi con người có tự do tiếp xúc với ánh sáng, tiếp xúc mọi thứ thông tin; đó là nền văn minh. Còn xã hội miền Bắc là sao? Là cấm tiệt tất cả những nền văn minh, những nền thông tin khác, để dìm dân chúng trong sự tối tăm và ngu dốt; đó là địa ngục, và đó là một chế độ man rợ… Trong khi đó thì ở miền Bắc, với cái chế độ cộng sản trại lính, người ta phân phối cho mỗi người, ví dụ như học sinh như tôi ấy, một tháng được 1 lạng đường, 1 lạng thịt; mẹ tôi thì 250 gram, hay 2 lạng rưỡi thịt. Tôi nhớ là với cái chế độ ấy con người biến thành súc vật; vì sao? Tất cả tuổi thơ của tôi, ngày nào tôi cũng phải ra đồng. Bởi vì nếu tôi không ra đồng kiếm tôm, kiếm cá, mò cua bắt ốc thì bản thân tôi cũng còi xương. Còn những đứa em tôi và bà ngoại cũng không có gì ăn cả. Bởi vì là một lần mua thịt trong một tháng thôi. Mẹ tôi được 2 lạng rưỡi, trong nhà mỗi người 1 lạng nữa thì tôi phải dậy xếp hàng từ 3 giờ sáng. Rồi số thịt ấy bố tôi bảo mẹ tôi yếu cho nên là phải để mẹ tôi ăn. Thế còn tất cả các bà cháu chỉ trông vào rỏ cua rỏ cá ngoài đồng thôi. Cho nên là khi mà người ta bị đánh vật với miếng ăn thì người ta biến thành con vật. Cho nên nhà nước điều khiển con người bằng sự tối tăm, ngu dốt và sự đói khổ. Và đó là cái vòng luẩn quẩn… Và lúc đó tôi đã bảo rằng chế độ này cần phải bị lật đổ; đấy là ý nghĩ khởi đầu của tôi. Tôi bảo là đây là chế độ lừa đảo, gian manh và cần phải bị lật đổ.”

Trong cuốn hồi ký “Để Gió Cuốn Đi”, nữ ca sĩ xinh đẹp Ái Vân, một người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vào Sài Gòn lần đầu tiên vào đúng dịp 30/04/1975. Thời điểm 1975, Ái Vân mới 19 tuổi, đang là sinh viên năm 2 khoa Thanh Nhạc của Nhạc Viện Hà Nội. Cô kể lại: “Được vào Nam, lại được làm xướng ngôn viên (Miền Bắc gọi là phát thanh viên) cho Đài Truyền Hình Sài Gòn những ngày đầu tiên của hòa bình, còn vinh dự nào hơn. Trước đây cứ nghe nói đồng bào Miền Nam “bị Mỹ ngụy kìm kẹp” khổ lắm, rất cần sự giúp đỡ từ Miền Bắc, cứ hình dung dân Sài Gòn đói khổ lắm. Mới vào Sài Gòn tôi rất ngỡ ngàng. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc, trang điểm, đi lại, ăn nói nhẹ nhàng; chỉ cần ra chợ mua gì cũng có câu cảm ơn và túi ni lông đựng đồ đủ biết mình không cùng đẳng cấp văn minh với người ta rồi. Biết mình bị ngộ nhận với thông tin lệch lạc. Theo địa chỉ ba cho từ ngoài Bắc, tôi tìm đến nhà cô Hà Thị Tuyết, ở nhà gọi là cô Cả, là chị lớn của ba. Khi đến thăm cô Cả, cô sinh viên nghèo Ái Vân cũng mang biếu gia đình chút quà từ tiêu chuẩn ăn của mình. Con dâu trưởng của cô Cả hỏi: “Cô mang cho chúng tôi quà gì thế?”  Tôi trịnh trọng vừa mở bọc ni lông vừa nói: “Em biếu gia đình 2 cân gạo ạ, chắc nhà mình cũng đang cần.” Ối giời, cả nhà cười nghiêng ngả: “Giời ạ. Lại mang gạo cứu trợ cho chúng tôi nữa cơ đấy. Khổ thân em.” Rồi chị dắt tôi tới mở thùng gạo to tướng bằng nhựa, bên trong đầy ắp gạo, thứ gạo trắng muốt và thơm phức, nõn nà. Bây giờ tôi mới để ý trong nhà ngoài ti vi, tủ lạnh, còn có máy giặt và nhiều thứ lạ lẫm khác cho thấy một cuộc sống rất tiện nghi, không thể có bất kỳ nhà nào ở Miền Bắc tại thời điểm đấy, dù là nhà ông Thủ Tướng.”

Ở trên là nhận xét, so sánh giữa hai miền Nam-Bắc trong thời chiến của hai nữ nghệ sĩ nổi tiếng nhất miền Bắc thời đó. Nhà văn Nguyễn Quang Lập thì kể, sau 30-4, gia đình ông vào Nam thăm ông bác, được ông bác cho bố ông 20 cây vàng, “hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời diệu kì.”

Tác giả Trần Hiếu, trong bài “Cảm Ơn Từ Đáy Lòng” viết, “Nhờ có Giải Phóng mới biết được gói bột gặt VISO hòa vào nước để ngâm cho dễ giặt chứ không phải luộc quả bồ hòn để lấy nước giặt hay dùng bánh xà phòng 72% của Liên Xô thâm-xì cứng-ngắc đáp chết chó mèo. Mới biết được dân miền Nam đi xe máy và ô tô nhiều hơn xe đạp. Mới có được những đồ chơi bằng nhựa như búp bê nhắm mở mắt, ô tô, máy bay, chú ếch xanh chạy cót tinh xảo cho trẻ em. Và đặc biệt hơn là mới biết được có cái nhà xí rất hay có thể làm chung cùng nhà tắm và chỉ cần xả nước một cái là sạch sẽ không mùi, chứ không như cái nhà xí lộ thiên đầy ruồi nhặng mà mỗi lần đi đại tiện xong lại phải ra đầu gió đứng 15 phút để gió thổi bớt mùi đi rồi mới dám vào nhà, không thì mọi người lại tưởng mình vừa đi ăn lẩu thập cẩm đó là chưa nói tới cái khoản phải có kỹ năng vò nát tờ giấy vở để nó tơi và mềm ra thì mới có cái mà chùi các bác ạ ! Vì làm chó gì có giấy chuyên dùng cho vấn đề này. Trước 30/4 /1975 ngồi nhà đèn dầu nghe loa phát thanh tuyên truyền các bác miền Nam khổ lắm bị chính quyền dồn vào ấp chiến lược khống chế quyền tự do đi lại rồi bị áp bức đói khổ mà chúng tôi đau lòng và cứ thương các bác miền Nam quá! Té ra chúng tôi ăn khoai sắn nằm ổ rơm hút thuốc lào nghe loa công cộng tối ngủ nóng hết cả bụng lẫn cổ họng lại đi thương các bác ăn cơm thịt bò, cá kho tộ, nằm đệm mút, máy lạnh, xem ti vi, nghe nhạc trữ tình.”
Người ta không thể giải phóng một thành phần dân chúng giầu có sung túc gấp trăm lần mình. Người ta cũng không thể giải phóng thành phần dân chúng có trình độ văn hóa cao gấp chục lần minh. Nhiều thành phần dân chúng sinh sau 1975, nhìn hình ảnh thành phố hiện nay đã tưởng rằng trước 1975, miền Bắc cũng có hình ảnh gần tương tự như vậy và việc giải phóng miền Nam là chính đáng. Không phải đâu, miền Bắc trong chiến tranh chỉ là những căn nhà ổ chuột, sống chen chúc chục hộ gia đình, mỗi người được chỉ tiêu 4 mét vuông, không bếp, không cầu tiêu, nhà tắm riêng. Hai hình ảnh dưới đây do nhà báo quốc tế chụp hình hai anh bộ đội mang về miền Bắc sau chiến tranh những chiến lợi phẩm không giá trị của miền Nam thời đó nhưng đối với miền Bắc là những món quà quí giá chứng tỏ sự chênh lệch giầu nghèo giữa hai miền Nam Bắc, chứng tỏ lý tưởng “chiến tranh giải phóng miền Nam” là điều đảng bịa đặt để thúc đẩy người dân miền Bắc đi vào cuộc chiến vô nghĩa, nếu không muốn nói là phi nghĩa, làm thiệt mạng mấy triệu người dân hai miền trong 20 năm huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.

Nguồn: Soldier on the road, back from Saigon, 1976 – Photo by Marc Riboud by manhhai, on Flickr) Anh bộ đội miền Bắc từ Saigon trở về nhà sau chiến tranh, 1976 mang theo các chiến lợi phẩm chứa trong hòm và con búp bê cầm ở tay.


 

Ở Mỹ chỉ cần làm 2 ngày rưởi, còn ở Việt nam phải làm 3 tháng để trả tiền phạt vì vượt đèn đỏ

Ở Mỹ chỉ cần làm 2 ngày rưởi, còn ở Việt nam phải làm 3 tháng để trả tiền phạt vì vượt đèn đỏ

Trong quý đầu tiên của năm 2024, mức lương trung bình hàng tuần của người lao động tại Mỹ là 1.139 USD, theo Cục thống kê lao động Mỹ (BLS).  Điều đó tương đương với thu nhập hàng tháng là 4.935 USD hoặc 59.228 USD mỗi năm.  https://ditruglobal.com/muc-luong-trung-binh-o-my/

Thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng …

Aug 25, 2024 — Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng, …

Lỗi vượt đèn đỏ ở Mỹ. (từng tiểu bang có mức phạt khác nhau). Cao nhất California, mức phạt cho lỗi này có thể lên đến $490.- trung bình dao động từ 8-12 triệu. Xe máy ôtô như nhau, Mức lương Mỹ trung bình 5.000 đô 1 tháng, tương đương với 110 triệu, Thì người lao động cần làm 2,5 ngày để đóng phạt vì lỗi này

Trong khi ở Việt Nam, sau ngày 1-1-2025 lỗi vượt đèn đỏ của VIỆT NAM là 18-20 triệu (luơng 7 triệu 1 tháng), thì nếu bác nào vi phạm thì phải mất gần 3 tháng lương cho lỗi vượt đèn đỏ


 

Kế hoạch 419A tối mật tấn công vào dân Đồng Tâm?

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Đàn Chim Việt

14/01/2025

Cụ Lê Đình Kình- người bị sát hại trong chiến dịch Đồng Tâm

Trong 3 lần họp báo với giới truyền thông trong nước sau sự kiện hơn 3 nghìn công an đủ các lực lượng tấn công đẫm máu vào Đồng Tâm, thì ông Tô Ân Xô và Lương Tam Quang là 2 quan chức cao cấp của Bộ Công An đã lên tiếng để giải thích điều gì đã xảy ra vào giấc rạng sáng ngày 9 Tháng Một 2020 tại Đồng Tâm.

Ban đầu, một cách đầy chủ quan, họ định một tay che mặt trời khi cho rằng việc tấn công xảy ra tại khu vực Miếu Môn, nơi đang tranh chấp, cách thôn Hoành, Đồng Tâm hơn 2km. Với lý do dân làng đã kéo đến đấy để ngăn cản lực lượng quân đội xây dựng tường rào Miếu Môn.

Sau sự vạch trần của nhiều Facebooker, thì họ đã phải điều chỉnh dần sự gian dối và trong lần họp báo sau cùng, họ đã phải thừa nhận việc tấn công xảy ra tại nhà của gia đình cụ Lê Đình Kinh tại thôn Hoành, Đồng Tâm.

Tuy vậy, họ vẫn cho rằng khi đơn vị chức năng đi băng ngang cổng thôn Hoành, thì dân làng Đồng Tâm đã chủ động tiến ra, dùng hung khí tấn công vào lực lượng công an?!

Với cách thông tin như vậy, họ muốn công chúng tin rằng lực lượng chức năng chỉ thực hiện việc tự vệ và sau đó là truy bắt nhóm dân làng đã vi phạm pháp luật vì chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng mà thôi.

Thông tin này hoàn toàn trái ngược lại với các nhân chứng tại làng Đồng Tâm, kể cả những dân làng bị bắt giữ, rằng dân làng bị lực lượng công an chủ động tấn công khi đang ngủ trong phạm vi nhà cụ Lê Đình Kình.

Vậy thực tế, ai đã chủ động tấn công?

Nếu dân làng chủ động tấn công lực lượng công an, đó là hành vi vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên và dĩ nhiên, dân làng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Nhưng nếu lực lượng công an tấn công cấp tập vào nhà dân bằng súng đạn, pháo sáng, drone không người lái, chó nghiệp vụ? Thì cơ sở pháp lý nào cho phép họ làm việc đó?

Cho đến khi nhóm luật sư tiếp cận với hàng chục nghìn trang hồ sơ vụ án, trong đó, vô tình có 2 lời khai nhắc đến bản kế hoạch tối mật 419A của cơ quan công an, mà có vẻ như đó là bản kế hoạch tấn công vào dân làng Đồng Tâm. Thế nhưng, trong hồ sơ vụ án lại không có lưu bản kế hoạch mật 419A đó.

Thế nên, trước phiên tòa và nhắc lại rất nhiều lần trong phiên tòa, với tư cách người bào chữa, chúng tôi đã yêu cầu tòa án thu thập bản kế hoạch 419A này để xem xét.

Vì lẽ, nếu đây là bản kế hoạch có nội dung tấn công vào dân làng Đồng Tâm, thì rõ ràng, chính lực lượng công an đã thực hiện theo bản kế hoạch để chủ động tấn công vào dân làng Đồng Tâm vào giấc rạng sáng ngày 9 Tháng Một 2020.

.Nhưng nếu bản kế hoạch 419A chỉ có nội dung cho phép lực lượng công an đi tuần tra để bảo đảm trật tự trị an trong tại địa phương và bảo vệ cho việc quân đội xây dựng tường rào Miếu Môn. Thì theo đó, sẽ giúp loại bỏ khả năng lực lượng công an chủ động tấn công và dân làng Đồng Tâm.

.Không chỉ thế, nếu bản kế hoạch được bạch hóa, sẽ còn giúp cho công chúng thấy rõ việc chính quyền điều động lực lượng công an đi vào thôn Hoành có phải là công vụ hay không. Nếu có, phạm vi công vụ là gì, và liệu có bao gồm việc cho phép tiến hành các biện pháp có thể dẫn đến chết đến 4 người hay không?

.Khi làm rõ về những điều nêu trên cũng sẽ làm sáng tỏ là những bị cáo là dân làng Đồng Tâm có chống người thi hành công vụ?

.Trong phiên tòa, hội đồng xét xử đã bác yêu cầu của luật sư đòi thu thập bản kế hoạch 419A này vì 2 lý do: Không cần thiết và đây là văn bản tối mật của ngành công an.

Thật ra, đối với bản kế hoạch 419A này, chỉ có thể đọc nội dung kế hoạch thì mới có thể đánh giá được rằng nó cần thiết phải thu thập hay không? Song song đó, với quy định tố tụng hình sự, thì văn bản tối mật cũng không phải là lý do để từ chối thu thập, làm mất cơ hội xem xét, làm sáng tỏ sự thật của một vụ án tày trời.

.Cuối cùng, cho dù vụ án đã tuyên đến 2 hình phạt tử hình đầy bất công cho các con của ông cụ Lê Đình Kình để khép lại các thủ tục tố tụng. Đồng thời, bản kế hoạch tối mật 419A chưa từng được hé lộ. Thế nhưng, việc tòa án kiên quyết từ chối thu thập và bạch hóa về bản kế hoạch này cũng đã giúp công chúng đoán được nội dung của bản kế hoạch đó. Tất nhiên là bản kế hoạch tấn công vào dân làng Đồng Tâm. Nếu không, sao phải giấu diếm?

Có lẽ, lập kế hoạch với hàng nghìn công an để tấn công vào nhà dân, trên thế giới chắc chỉ có mỗi công an Việt Nam. Đổi lại, với người dân chỉ có vài con dao, gậy gộc và lựu đạp lép để tự vệ, thì lực lượng hùng hậu kia phải bỏ xác đến 3 mạng người…

.DC, ngày 10 Tháng Một 2025

Luật sư Đặng Đình Mạnh


 

‘Một tay cầm khẩu AK, một tay viết luật chết cha đồng bào’-Trần Thế Kỷ 

Ba’o Nguoi-Viet

January 13, 2025

Trần Thế Kỷ 

Nghị định 168, có hiệu lực kể từ ngày 1 Tháng Giêng năm 2025, bị nhiều người dân cho là chỉ làm giàu cho Cảnh Sát Giao Thông (CSGT).

Theo nghị định này, một số lỗi vi phạm bị tăng nhiều lần so với qui định cũ, trong đó có lỗi vượt đèn đỏ và đi ngược chiều. Cụ thể là xe hơi vi phạm hai lỗi này bị phạt từ 18 tới 20 triệu đồng thay vì 4 tới 6 triệu đồng theo qui định cũ. Còn xe gắn máy bị phạt từ 4 tới 6 triệu đồng thay vì vài trăm ngàn như trước đây.

Ghi hình người vi phạm giao thông. (Hình: Báo Thanh Niên)

Nhiều người dân cho rằng với nghị định 168, CSGT phen này trúng mánh, ăn Tết to. Phạt nặng như vầy nên không cho dân quay phim giám sát là hiểu rồi. Chắc Đảng nghĩ tiền, vàng trong dân còn nhiều nên cứ thẳng tay vét. Người nghèo mà lỡ vi phạm thì mệt lắm đây. Đồng lương còm của dân thì không tăng, phạt thì tăng. Chắc phạt nặng để nhà nước ăn bò dát vàng, còn thằng dân ăn cám.

Người dân trách nhà nước không lo nâng cấp đường sá mà chỉ lo phạt cho sướng tay, dân khóc kệ dân. Dân nghèo lo đi làm bằng xe đạp hoặc xe buýt cho chắc cái túi tiền còm. Mà cũng chưa chắc, xe đạp vi phạm vẫn bị phạt như thường. Chỉ ngồi nhà uống nước thay cơm là không lo bị phạt. Mức lương trung bình của người dân Việt Nam chỉ khoảng 7 triệu đồng một tháng, nhưng một lỗi vượt đèn đỏ có thể bị phạt tới 6 triệu đồng. Điều này khiến nhiều người lâm cảnh khốn đốn, trong đó có những người không cố tình vi phạm.

Mặt khác, dù ông Đại Tá Nguyễn Quang Nhật của Cục CSGT khẳng định Luật Trật Tự Và An Toàn Giao Thông không có qui định CSGT được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Đó là Quốc Hội hàng năm đều thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách, qua đó Bộ Công An được sử dụng 85% số tiền từ xử phạt vi phạm giao thông để chi cho các hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có việc bồi dưỡng cho lực lượng CSGT. Điều này được cho là sẽ khuyến khích CSGT tìm cách xử phạt thật nhiều để tăng thu nhập.

Mà sao nhà nước nổi hứng phạt nặng vậy? Chắc để tăng nguồn thu cho ngân sách vốn bị bọn tham ô làm thất thoát. Nhưng đã thế thì nên giảm biên chế đám công an để khỏi trả lương. Không đâu nhiều công an như ở Việt Nam, ăn lương vô cùng nhiều, mà lương vốn từ tiền dân đóng thuế cho nhà nước. Có báo Đảng nói dân ủng hộ nghị định này. Thật vớ vẩn vì dựa vào đâu mà nói như thế. Dân đâu có điên mà ủng hộ cái nghị định chỉ chăm bẵm túi tiền của dân mà móc. Theo báo Đảng, nghị định 168 ra đời từ việc lấy ý kiến của dân. Nhưng chẳng người dân nào biết gì về cái gọi là “lấy ý kiến” này. Nhà báo nói láo ăn…

Chưa hết, Cục CSGT còn hăm he rằng nếu người vi phạm bỏ xe thì sẽ không được cấp hoặc đổi giấy phép lái xe. Ngoài ra, nếu không có giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Dân cho rằng cục này hăm thế là rất bất nhân. Bởi bỏ xe chỉ là chuyện chẳng đặng đừng của dân khi mức phạt cao hơn giá trị xe. Người dân cho rằng mức phạt phải tương ứng với thu nhập bình quân của dân. Và rằng dân không có tiền nộp phạt thì đành bỏ xe cho nhà nước sung công thanh lý. Nhà nước không nên triệt luôn quyền tham gia giao thông của dân. Mặc kệ dân ra sao thì ra, sống sao thì sống thì có đáng là chính quyền “của dân, do dân, vì dân” không?

Đề nghị rằng đã có nghị định 168 thì cũng nên có nghị định 169 qui định bắn bỏ thằng cán bộ nào tham ô từ 1 tỷ đồng trở lên làm ngân sách thâm hụt, khiến nhà nước đẻ ra cái nghị định chó chết này để bù cho sự thâm hụt đó. Tự dưng lại nhớ mầy vần thơ của Bùi Giáng:

Một tay cầm khẩu AK

Một tay viết luật, chết cha đồng bào!


 

Cổ Tích Đời Thường: Cô Gái Xinh Đẹp bỏ thanh xuân cho người đàn ông nằm một chỗ

Phong Bụi 

Cổ Tích Đời Thường: Cô Gái Xinh Đẹp bỏ thanh xuân cho người đàn ông nằm một chỗ

Có những câu chuyện tưởng như chỉ xuất hiện trong cổ tích, nhưng lại xảy ra quanh ta, giản dị và thiêng liêng.

Câu chuyện về chị Thoa, một cô gái trẻ đẹp, đã quyết định gác lại thanh xuân của mình để chăm sóc một chàng trai xa lạ – anh Tuấn – là một câu chuyện như thế.

Chị Thoa, quê ở Đồng Nai, vô tình xem được đoạn video về anh Tuấn, một chàng trai bại liệt nằm bất động ở Tây Ninh. Trong video, anh cất giọng hát yếu ớt nhưng đầy cảm xúc, khiến lòng chị trào dâng một niềm thương xót khó tả. Không chần chừ, chị vượt hơn 100 cây số tìm đến nhà anh.

Khi tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của anh – sống lặng lẽ bên người cha già bị tai biến, không người chăm sóc – chị càng không thể quay lưng. Dẫu biết con đường phía trước đầy khó khăn, chị vẫn quyết định gác lại tuổi trẻ của mình, gác lại những dự định cá nhân, để ở bên cạnh anh, làm đôi tay, đôi chân và cả niềm hy vọng cho anh.

Thời điểm ấy, giữa họ chỉ là tình bạn thanh khiết. Nhưng những gì chị làm không phải ai cũng đủ dũng cảm để thực hiện: hy sinh cả thanh xuân, cả tương lai rực rỡ của mình để chăm lo cho một người xa lạ.

Chị đã chứng minh rằng, không phải tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ sự lãng mạn, mà có những tình yêu xuất phát từ lòng trắc ẩn, từ ánh sáng trong tâm hồn. Đó là tình yêu không cần đáp lại, chỉ cần biết rằng mình đã làm điều đúng.

Chuyện đời của chị Thoa và anh Tuấn là lời nhắc nhở về sức mạnh của lòng nhân ái, về việc đôi khi, phép màu không đến từ thần thánh, mà đến từ chính trái tim của con người.

Thanh xuân gửi lại

Tuổi xuân chị bỏ sau lưng,

Đổi lấy nụ cười, niềm tin một người.

Dẫu rằng đời lắm chơi vơi,

Tay chị nâng đỡ, giữa trời giông mưa.

Người đời ngợi chị nhân từ,

Mà đâu ai hiểu, nỗi nhọc lòng riêng.

Một đời chăm sóc, dịu hiền,

Chỉ mong người ấy trọn niềm bình an.

Thanh xuân gửi lại thời gian,

Chị mang ánh sáng dịu dàng cho anh.

Một đời, dù ngắn hay dài,

Chỉ cần trọn nghĩa, chẳng hoài tiếc chi.

Phong Bụi