Nhân viên Amazon đình công từ Black Friday đến Cyber Monday

Ba’o Nguoi-Viet

November 29, 2024

SEATTLE, Washington (NV) – Nhân viên Amazon tại 20 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, công bố đình công từ Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Một, đến Thứ Hai, 2 Tháng Mười Hai, vì cách làm việc không bảo vệ nhân viên và không dân chủ.

Theo đài KTLA hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một, nhân viên Amazon đình công vào giai đoạn nhiều người mua sắm nhất là “Black Friday” và “Cyber Monday.”

Nhân viên Amazon. (Hình minh họa: Ina Fassbender/AFP via Getty Images)

Đây là năm thứ năm mà nghiệp đoàn UNI Global Union dẫn dắt hoạt động “Bắt Amazon Trả Giá” với mục đích kêu gọi tập đoàn đó chịu trách nhiệm vì “vi phạm quyền lao động, làm hư hại môi trường làm việc và gây nguy hiểm cho nền dân chủ.”

Bà Christy Hoffman, tổng thư ký UNI Global Union, cho biết: “Tập đoàn của Jeff Bezos bỏ ra đến mấy triệu đô la để ngăn chặn nhân viên đình công mà không ai biết, nhưng những cuộc đình công sẽ xảy ra khắp thế giới, không ai ngăn chặn được cho thấy nhân viên muốn đòi công lý và có sự đại diện của nghiệp đoàn. Chúng tôi kêu gọi Amazon đối xử với nhân viên công bằng, tôn trọng quyền cơ bản của họ, và không làm hại đến những hệ thống bảo vệ họ.”

Phát ngôn viên Eileen Hards của Amazon cho rằng UNI Global Union đang đưa ra nhiều thông tin sai trái.

“Amazon trả lương thỏa đáng, cho phúc lợi và nhiều cơ hội tốt từ ngày đầu tiên cho nhân viên. Chúng tôi đã tạo ra hơn 1.5 triệu việc làm khắp thế giới và đang tiếp tục tạo ra nhiều việc làm nữa. Chúng tôi còn tạo ra môi trường làm việc an toàn và tân tiến cho những người làm việc tại văn phòng hay các nhà kho,” bà Hards cho biết.

Theo UNI Global Union, nhân viên Amazon sẽ đình công tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật và Brazil. (TL) [qd]


 

5 thứ nên mua trước khi Trump tăng thuế quan

Ba’o Nguoi-Viet

November 28, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ về chính sách thuế quan của ông Donald Trump, tổng thống đắc cử, nhưng ít nhất có một điều khá chắc chắn: Thuế quan sẽ tăng. Và nếu dựa trên lịch sử, như vậy nghĩa là giá cả có thể sẽ tăng theo, theo CNN hôm Thứ Tư, 27 Tháng Mười Một.

Hồi đầu tuần, Tổng Thống Đắc Cử Trump tuyên bố, ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ áp thuế mới 25% lên toàn bộ hàng nhập cảng từ Mexico và Canada và 10% lên hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Tủ lạnh “Whirlpool” bày bán tại siêu thị Lowe’s Home Improvement ở Austin, Texas. (Hình: Brandon Bell/Getty Images)

Và lúc vận động tranh cử, ông Trump hứa sẽ đánh thuế 60% toàn bộ hàng nhập cảng từ Trung Quốc và 10% tới 20% hàng nhập cảng từ tất cả nước khác.

Sau đây là năm thứ nhiều phần sẽ tăng giá theo bất cứ mức thuế quan mới nào của ông Trump, và người tiêu dùng nên cân nhắc mua trước khi ông nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng, 2025.

Đồ gia dụng lớn

Nếu toàn bộ hàng nhập cảng bị đánh thuế 10% và hàng nhập cảng từ Trung Quốc bị đánh thuế thêm 60%, đồ gia dụng trung bình sẽ tăng giá 19.4%, giả sử công ty bán lẻ đẩy hết chi phí đó sang người tiêu dùng, theo Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia, nghiệp đoàn đại diện nhà bán lẻ.

Lúc đó, giá tủ lạnh loại bình thường từ khoảng $650 sẽ tăng lên $776.

Ai đang cần máy giặt đồ hoặc máy sấy đồ thì nên mua ngay bây giờ, ông Scott Lincicome, phó chủ tịch viện nghiên cứu chính sách Cato Institute, khuyên.

Máy điện toán xách tay (laptop) và máy tính bảng (tablet)

Nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng hiện đang được miễn thuế quan nhưng có lẽ sẽ không “thoát” được mức thuế quan mới của Tổng Thống Đắc Cử Trump, theo ông Ed Brzytwa, phó chủ tịch nghiệp đoàn Hiệp Hội Kỹ Thuật Tiêu Dùng (CTA).

Nếu toàn bộ hàng nhập cảng bị đánh thuế 10% và hàng nhập cảng từ Trung Quốc bị đánh thuế thêm 60%, giá máy điện toán xách tay và máy tính bảng có thể tăng 45%, theo CTA. Như vậy nghĩa là giá laptop sẽ tăng trung bình $357, còn giá tablet sẽ tăng trung bình $201.

Tuy nhiên, hàng nhập cảng từ Mexico bị đánh thuế 25% thậm chí sẽ đẩy giá hàng điện tử tiêu dùng lên cao hơn nữa vì nhiều mặt hàng này được sản xuất ở Mexico, CTA cho CNN hay.

“Tăng thuế quan đối với đồng minh và đối tác thương mại gần chúng ta nhất, như Canada và Mexico, là phản tác dụng và chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ,” ông Gary Shapiro, chủ tịch CTA, cho biết trong thông báo của nghiệp đoàn này hôm Thứ Tư.

Máy chơi video game

Nếu những mức thuế nêu trên được áp dụng, giá máy chơi video game có thể tăng gần 40%, CTA ước tính, nghĩa là sẽ tăng trung bình $246.

Đó là vì Trung Quốc là quốc gia chính xuất cảng máy chơi video game, chiếm 87% lượng máy chơi video game nhập cảng vào Mỹ năm ngoái, theo CTA. Trong khi đó, hiện tại, không có nhiều nước khác mà nhà sản xuất có thể dời nhà máy tới.

Điện thoại iPhone bày bán tại cửa hàng Apple ở Corte Madera, California. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Điện thoại

Giá điện thoại sẽ tăng trung bình $213, tương đương 26%, và có thể tăng nhiều hơn nữa nếu hàng nhập cảng từ Canada và Mexico bị đánh thuế 25%, theo CTA. Cũng như máy chơi video game, rất ít điện thoại được sản xuất ở Mỹ. Điện thoại từ Trung Quốc hiện chiếm 78% toàn bộ điện thoại nhập cảng vào Mỹ, theo CTA.

Dời nhà máy sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang nước khác, như Mỹ, có thể càng đẩy giá lên cao hơn nữa.

Xe đạp điện

Một món đứng đầu danh sách những thứ có thể tăng giá theo mức thuế quan mới của Tổng Thống Đắc Cử Trump là xe đạp điện, ông Lincicome nói với CNN. “Tôi khá chắc chắn người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại.”

Đó là vì hiện tại, hầu hết xe đạp điện bán ở Mỹ là hàng nhập cảng từ Trung Quốc và đã bị đánh thuế, ông Lincicome giải thích. Hơn nữa, “ông Donald Trump có vẻ không thích xu hướng thân thiện với môi trường và không thích xe đạp điện.” (Th.Long) [qd]


 

Ông Trump Có Thể Tái Khởi Động Đàm Phán Trực Tiếp Với Bắc Hàn: Cơ Hội và Thách Thức

Ba’o Dat Viet

November 27, 2024

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc việc nối lại đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, với mục tiêu làm dịu mối quan hệ song phương và giảm nguy cơ xung đột. Theo nguồn tin từ Reuters ngày 27/11, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đang xem xét cách tiếp cận này như một chiến lược phù hợp, dù kế hoạch chi tiết vẫn chưa được định hình.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ 2017-2021, ông Trump đã tiến hành ba cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un, bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Triều. Tuy nhiên, những nỗ lực này không mang lại kết quả cụ thể, với các cuộc đàm phán đình trệ từ năm 2019.

Ông Trump từng thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Hàn thông qua đối thoại trực tiếp, thay vì sử dụng các biện pháp áp lực truyền thống. Ông Alex Wong, vừa được ông Trump đề cử làm Phó cố vấn an ninh quốc gia, từng là người đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ngoại giao này.

“Tôi lạc quan rằng việc mở lại đối thoại có thể cải thiện quan hệ song phương,” Thượng nghị sĩ Bill Hagerty nhận định, nhấn mạnh rằng ông Trump có khả năng cởi mở hơn với các cuộc tiếp xúc trực tiếp.

Mục tiêu trước mắt của ông Trump là tái thiết lập các cam kết cơ bản giữa Mỹ và Bắc Hàn. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận đột phá ngay lập tức là điều khó xảy ra.

Hy vọng nối lại đối thoại: Ông Kim Jong-un từng tuyên bố “đã tiến xa nhất có thể” trong đàm phán với Mỹ, nhưng Bắc Hàn có thể cân nhắc đề nghị mới nếu đối thoại được mở lại.

Vai trò của ông Alex Wong: Kinh nghiệm của ông Wong trong các cuộc đàm phán trước đây có thể giúp xây dựng chiến lược hiệu quả để thúc đẩy các cuộc gặp song phương.

Bất chấp tiềm năng, đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Hàn đối mặt với nhiều trở ngại:

Bắc Hàn đang mở rộng tổ hợp sản xuất vũ khí, hỗ trợ Nga trong việc lắp ráp tên lửa tầm ngắn sử dụng tại Ukraine. Điều này gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Âu và châu Á.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden trước đó đã đề nghị Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng để kiềm chế Bắc Hàn. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh có thể bị hạn chế nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi các chính sách cứng rắn với Trung Quốc, bao gồm việc tăng thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu.

Việc tái khởi động đối thoại Mỹ-Triều có thể là cơ hội để làm tan băng quan hệ song phương và giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ông Trump cần cân nhắc kỹ các thách thức nội tại và quốc tế, đồng thời xây dựng lộ trình rõ ràng nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực.


 

KIẾN TRÚC SƯ NGÔ VIẾT THỤ: VÌ SAO SÀI GÒN NGẬP NẶNG ?

Nghệ Lâm Hồng

Trương Văn Khoa

Với kiến thức uyên bác về kiến trúc và xây dựng, kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ đã tiên đoán về Tp Sài Gòn sau này, đồng thời căn dặn với đồng nghiệp rằng: “Không được phát triển thành phố về hướng Nam & Đông Nam. Nếu muốn mở rộng thành phố thì hãy mở rộng về hướng Tây và Tây Bắc. Vì hướng Nam và Đông Nam là nơi duy nhất thoát nước cho thành phố Sài Gòn.”

Thế nhưng, những cơ quan chức năng trong nhiều thập kỷ qua đã bất chấp những nguyên tắc cơ bản, phát triển thành phố về hướng Nam và Đông nam khiến Sài Gòn ngập lụt, vô phương cứu chữa cho dù là một cơn mưa nhỏ.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926 tại tại làng Lang Xá, tỉnh Thừa Thiên – Huế, con của ông Ngô Viết Quang và bà Nguyễn Thị Trợ.

Trong giai đoạn 1950-1955, ông là sinh viên ngành kiến trúc tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia ở Paris. Năm 1955, ông nhận giải khôi nguyên La Mã. Sau đó ông nhận bằng tốt nghiệp kiến trúc sư D.P.L.G.

Từ năm 1955-1958, ông lưu trú tại Biệt thự Medicis của viện hàn lâm Pháp tại Roma để làm nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc, thành viên Hội Kiến trúc Sư Pháp SADG (Société des Architectes Diplômés par le Gouvernement).

Năm 1962, ông là người châu Á đầu tiên trở thành Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (H.F. A.I.A.) cùng với một số kiến trúc sư, danh tiếng cùng thời. Ông đã thiết kế nhiều công trình xây dựng lưu dấu ấn đầy giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nổi bật là dinh Độc Lập (1961-1966), Viện Đại học Huế (1961-1963), Viện Hạt nhân Đà Lạt (1962-1965), Làng Đại học Thủ Đức (1962), chợ Đà Lạt (1962), khách sạn Hương Giang 1 tại Huế (1962)….

Sau năm 1975, ông là cố vấn Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cố vấn Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư TP HCM các nhiệm kỳ I, II, III, và IV. Ông là thành viên tổ chuyên gia tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời gian đương nhiệm của ông Kiệt.

Ông qua đời năm 2000 tại Tp HCM, do tai biến.

Tiếc thay, những điều tiên đoán và lời căn dặn quý giá ấy đã không được những kẻ hậu thế lưu tâm, để Tp HCM ngập lụt vô phương cứu chữa như bây giờ !

Hình ảnh: Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Sài Gòn sau cơn bão số 9.


NGƯỜI SÁNG TẠO RA ÁO DÀI VIỆT NAM HÔM NAY

Họa sỹ Nguyễn Cát Tường (1912-1946) chính là cha đẻ của chiếc áo dài Việt Nam.  “

Từ kiểu áo Lemur của Nguyễn Cát Tường, chiếc áo dài tiếp tục được cải tiến và dần dần trở thành trang phục truyền thống tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ nước ta.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, một trong những người đầu tiên góp công phô diễn chiếc áo dài của họa sỹ Nguyễn Cát Tường, chính là vợ ông – bà Nguyễn Thị Nội
Họa sỹ Nguyễn Cát Tường sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây – Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sỹ Nguyễn Cát Tường cộng tác với báo Phong Hóa do nhà văn Nhất Linh làm chủ biên.
Bằng con mắt liên tài, nhà văn Nhất Linh nhận ra chàng họa sỹ trẻ ấy ngoài vẽ tranh minh họa còn có khả năng đưa ra những ý kiến bỏ ích để tư vấn làm đẹp cho phái nữ.
Vì vậy, trên báo Phong Hóa số 85 ra ngày 11/2/1934, nhà văn Nhất Linh mở chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà, các cô” và giao cho họa sỹ Nguyễn Cát Tường phụ trách.

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường

Sau 4 số báo nhẩn nha phân tích về trang phục phụ nữ Việt, họa sỹ Nguyễn Cát Tường nhấn mạnh:

“Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Bộ quần áo rồi sẽ phải như thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn.
Sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ thẩm mỹ lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn”.

Với quan niệm ấy, trên báo Phong Hóa số 90 ra ngày 23/3/1934, họa sỹ Nguyễn Cát Tường đã công bố bản vẽ chiếc áo dài đầu tiên, đặt tên là áo dài Lemur.
Nhà văn Thạch Lam đã lên tiếng ủng hộ áo dài Lemur rất nồng nhiệt: “Sự cải cách y phục của phụ nữ ta có thể bởi cái nguyên nhân sau: cái dáng điệu tự nhiên của thân thể người ta mà các họa sỹ biết thưởng thức. Biết sự mềm mại tha thướt của dáng điệu, rồi làm thế nào cho cái ống quần, cái tà áo theo cái mềm mại tha thướt đó, để làm tăng vẻ đẹp của thân hình cô thiếu nữ trẻ trung”.
Để chiếc áo dài Lemur bước từ trang báo ra cuộc đời, họa sỹ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu may Cử Chung ở số 100 phố Hàng Bông – Hà Nội và hiệu may Phạm Tá ở số 23 phố Bờ Hồ – Hà Nội. Đích thân họa sỹ Nguyễn Cát Tường đã đi tìm những phụ liệu nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc áo dài.
Và một lần ra ga Hàng Cỏ để gặp một ông chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh lên, họa sỹ Nguyễn Cát Tường đã nhận được món quà nhân duyên lớn nhất đời mình!

Bà Nguyễn Thị Nội – sau này trở thành vợ họa sĩ Cát Tường

Khi tàu từ Bắc Ninh vào ga Hàng Cỏ, nhưng họa sỹ Nguyễn Cát Tường chờ mãi không thấy ông chủ xưởng dệt ren đã có hẹn với mình. Đang mắt trái mắt phải ngó nghiêng kiếm tìm, họa sỹ Nguyễn Cát Tường sửng sốt khi phát hiện một cô gái đi ngang. Không trang điểm, trên đầu lại chít khăn xô đại tang, nhưng nhan sắc của cô gái làm họa sỹ Nguyễn Cát Tường ngơ ngẩn.
Sau mấy phút choáng váng, họa sỹ Nguyễn Cát Tường hoàn hồn và chạy theo cô gái. Lễ nghi lúc ấy không cho phép trai gái làm quen sỗ sàng, họa sỹ Nguyễn Cát Tường dò la biết được cô gái ấy tên Nội cũng ở Bắc Ninh và là con gái một chủ xưởng dệt ren vừa qua đời.
Họa sỹ Nguyễn Cát Tường xã giao với người kéo xe của Nội để nhờ đưa thư.
Sau mấy lần thư đi thư lại và thưởng không ít bạc cho người kéo xe, họa sỹ Nguyễn Cát Tường được thông báo rằng cô Nội hẹn ông ở chuyến tàu Bắc Ninh – Hà Nội dịp cuối tuần.
Đúng giờ, họa sỹ Nguyễn Cát Tường chưng diện bảnh bao để đứng đợi cô Nội ở ga Hàng Cỏ.
Cô Nội xuống tàu thật, với hai chiếc va li thật to . Họa sỹ Nguyễn Cát Tường nhào đến, cúi chào cô Nội rất điệu đàng kiểu quý ông. Cô Nội hơi ngơ ngác nhưng vẫn không tỏ thái độ gì, chỉ nhìn xuống… hai cái va li.
Dù không phải loại người khỏe mạnh, nhưng họa sỹ Nguyễn Cát Tường cũng tỏ ra ga- lăng, hai tay nhấc bổng hai cái va li lên.

Cứ thế, nàng nhẹ nhàng đi trước, chàng hổn hển theo sau.
Ra khỏi cổng ga, nàng đi thẳng vào… đồn cảnh sát. Hơi khó hiểu, nhưng chàng cũng vào luôn và… hồn xiêu phách tán khi nghe nàng tố giác tội phạm: “Ông này lấy cắp hai cái va li của tôi!”.

Nhân chứng và vật chứng đều có đủ, họa sỹ Nguyễn Cát Tường không biết cách nào biện hộ cho bản thân, đành lấy mấy lá thư của cô Nội mà mình lúc nào cũng mang bên mình để chứng minh cả hai có quan hệ với nhau.

Những mẫu áo dài do họa sĩ Cát Tường vẽ

Cô Nội khăng khăng “không phải chữ của tôi”, và mượn giấy bút của cảnh sát để biểu diễn chữ viết hoa mỹ gấp trăm lần thứ chữ viết mà họa sỹ Nguyễn Cát Tường nhận được.
Trời đất như sụp đổ dưới chân họa sỹ Nguyễn Cát Tường.
Cô Nội thì nhận lại hai cái va li để đi xa rồi, còn họa sĩ Nguyễn Cát Tường phải ngồi ở đồn cảnh sát để tường trình sự việc và chờ người của báo Phong Hóa đến bảo lãnh.
Tất nhiên, lúc ấy nhà văn Nhất Linh – chủ báo Phong Hóa cũng là nhân vật có quyền lực, nên họa sỹ Nguyễn Cát Tường nhanh chóng thoát nạn.
Bấy giờ, họa sỹ Nguyễn Cát Tường mới vỡ lẽ bị người kéo xe giở trò lừa đảo.
Cái gọi là thư của cô Nội, đều do người kéo xe tự viết để mong có mấy đồng tiền thưởng từ họa sỹ Nguyễn Cát Tường.
Oan gia ngõ hẹp, mấy ngày sau họa sỹ Nguyễn Cát Tường nhận được trát của tòa án.
Lý do, cô Nội về nhà kể lại cho mẹ nghe những điều đã xảy ra trên Hà Nội. Và bà góa chủ xưởng thêu ren ở Bắc Ninh quyết không buông tha kẻ đã bôi nhọ thanh danh con gái cưng của mình bằng sự vu vạ “viết thư cho trai”.
Thủ phạm là người kéo xe bị vạch mặt, nhưng họa sỹ Nguyễn Cát Tường vẫn thua kiện và phải “bồi thường một đồng danh dự” cho cô Nội!
Hình ảnh cô Nội ngỡ đã tan thành mây khói trong giấc mộng của họa sỹ Nguyễn Cát Tường, thì cái câu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” lại ứng nghiệm.
Tuy chồng đã qua đời, nhưng cam kết cung cấp nguyên liệu cho việc may áo dài vẫn được người vợ thừa kế xưởng dệt ren thực hiện, Họa sỹ Nguyễn Cát Tường được mời xuống Bắc Ninh gặp mặt cho một thương vụ êm thắm.

Đám cưới của họa sĩ Cát Tường (đứng bên trái, đang giang tay) và bà Nguyễn Thị Nội (mặc áo dài trắng đang đi bên phù dâu). Tất cả dâu và phù dâu đều mặc áo dài Lemur.

Thật bất ngờ, cô gái của bà chủ xưởng thêu ren thay mẹ rót trà mời khách, không ai khác chính là cô Nội.

Không giống như sự giận dữ trước đây đối với kẻ xúc phạm cô gái mình, mẹ của cô Nội hết sức khen ngợi tài năng của họa sỹ Nguyễn Cát Tường và không giấu giếm ý muốn nhận họa sỹ Nguyễn Cát Tường làm con rể.
Cuối năm 1936, sau khi mãn tang thân phụ, Nguyễn Thị Nội xuất giá. Đám cưới được tổ chức tưng bừng ở Bắc Ninh, và trong ngày vu quy, cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc chiếc áo dài do tân lang Nguyễn Cát Tường thiết kế.
Vốn có gien kinh doanh của gia tộc, Nguyễn Thị Nội đã giúp chồng phát triển thương hiệu áo dài Lemur rất thịnh vượng tại Hà Nội. Hiệu may Lemur với đặc sản áo dài được mở tại số 16 phố Lê Lợi, trở thành địa chỉ nổi tiếng nhất về y phục phụ nữ.
Bà chủ Nguyễn Thị Nội không chỉ khéo léo chiều chuộng khách hàng, mà còn là người mẫu thuyết phục nhất để người ta yêu thích chiếc áo dài.��

Phu nhân họa sỹ Cát Tường (đội mũ trắng) trong một mẫu áo dài Lemur (1940)

Cũng nhờ người mẫu Nguyễn Thị Nội, họa sỹ Nguyễn Cát Tường có cảm hứng sáng tạo rất nhiều mẫu áo dài, để in thành cuốn sách “50 mẫu y phục phụ nữ Lemur” do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành.
Năm 1939, hiệu may Lemur chuyển về số 14 phố Hàng Da. Và tại địa chỉ này, bà Nguyễn Thị Nội đã mở phòng trà Thiên Hương quy tụ những nghệ sỹ lừng lẫy nhất thủ đô hội ngộ hàng đêm.
Bà Nguyễn Thị Nội sinh cho họa sỹ Nguyễn Cát Tường cả thảy 5 người con, 3 trai 2 gái.

Cô Hòa Vân trong bộ y phục tân thời mùa Thu của Lemur 1938 (Trịnh Bách)

Ngày 17-12-1946, họa sỹ Nguyễn Cát Tường qua đời, hiệu may Lemur cũng đóng cửa. Sau này,bà Nguyễn Thị Nội đưa gia đình vào Sài Gòn, và một mình làm lụng nuôi các con khôn lớn.
Sưu tầm.

From: Anh Dang & KimBang Nguyen


 

Vì sao cử tri Việt ở Little Saigon vẫn ‘trung thành’ với Cộng Hòa?

Ba’o Nguoi-Viet

November 26, 2024

Trà Nhiên/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Ba tuần sau cuộc tổng tuyển cử 5 Tháng Mười Một, kết quả sơ khởi cho thấy đa số cử tri gốc Việt vùng Little Saigon, Orange County, bầu cho các ứng cử viên đảng Cộng Hòa, vì hầu như các ứng cử viên gốc Việt thuộc đảng “đỏ” có số phiếu áp đảo hoặc đang dẫn trước ứng cử viên đảng “xanh.”

Bảng tranh cử của các ứng cử viên gốc Việt cắm tại Asian Village, Westminster. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Kết quả bầu cử sau ba tuần

Theo kết quả của Cơ Quan Bầu Cử Orange County (ROV), tính đến tối ngày 25 Tháng Mười Một, Phó Tổng Thống Kamala Harris của đảng Dân Chủ nhỉnh hơn 2.65% với 49.73% (689,018 phiếu) so với đối thủ thuộc đảng Cộng Hòa là Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump với 47.08% (652,215 phiếu).

Xét về bầu cử tổng thống, theo kết quả của ROV, trong tám năm qua, từ năm 2016, đảng Dân Chủ chiếm thế thượng phong ở Orange County khi cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton hơn ông Trump tới 8.6%. Vào năm 2020, Tổng Thống Biden cũng hơn ông Trump 9.04%.

Đó là bầu cử tổng thống, còn các chức vụ khác thì dù quận hạt đang chuyển sang “màu tím,” đa số các ứng cử viên đảng Cộng Hòa vẫn có số phiếu áp đảo so với đối thủ.

Ở bầu cử Hạ Viện Hoa Kỳ, Địa Hạt 45, cuộc đua đắt giá nhất quốc gia, và là nơi có Little Saigon, khu vực có nhiều cử tri gốc Việt nhất hải ngoại, Dân Biểu Michelle Steel (đương nhiệm) của đảng Cộng Hòa dẫn trước ứng cử viên Luật Sư Derek Trần (Dân Chủ) 3,633 phiếu với 50.65% (142,219 phiếu) so với 49.35 % (138,586 phiếu), theo kết quả cập nhật của ROV tính đến tối ngày 25 Tháng Mười Một.

Trong khi đó, các thành phố trong địa hạt thuộc Los Angeles County thì Luật Sư Derek Trần dẫn trước với 56.2% (19,036 phiếu) so với 43.8% (14,822 phiếu) của ứng cử viên đảng Cộng Hòa.

Tính chung toàn Địa Hạt 45, ông Derek Trần có 157,622 phiếu và bà Michelle Steel có 157,041 phiếu, tức ông Derek dẫn trước nữ dân biểu đương nhiệm 581 phiếu.

Luật Sư Derek có cú lội ngược dòng gay cấn khi rút ngắn dần khoảng cách và cuối cùng “qua mặt” đối thủ sau mỗi ngày đếm phiếu, mặc dù Dân Biểu Michelle Steel dẫn trước 11,363 phiếu ngay sau đêm bầu cử.

Về các cuộc bầu cử cấp địa phương, theo kết quả của ROV, đa số các ứng cử viên gốc Việt đảng Cộng Hòa dẫn trước đối thủ khá xa, điển hình như cuộc đua tranh ghế giám sát viên Orange County, Địa Hạt 1, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn thắng áp đảo với 61.24% (159,495 phiếu) so với đối thủ là Nghị Viên Cypress Frances Marquez với 38.76% (100,933 phiếu).

Ở cuộc đua vào Hạ Viện California, Địa Hạt 70, Dân Biểu Trí Tạ (đương nhiệm) thuộc đảng Cộng Hòa dẫn trước khá xa với 54.70% (95,686 phiếu) so với Luật Sư Jimmy Phạm với 45.30% (79,244 phiếu).

Bầu cho đảng Cộng Hòa, khuynh hướng “phù thịnh” 

Orange County vốn là “thành trì” của đảng Cộng Hòa từ nhiều thập niên và đa số dân cử gốc Việt thuộc hoặc có khuynh hướng nghiêng theo đảng này.

Lý giải cho khuynh hướng này, cô Ngọc Nguyễn, cư dân Westminster, cho biết: “Các cô chú ở đây mà tôi nói chuyện thường nghĩ đảng Cộng Hòa là Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta hồi xưa nên cứ trung thành bầu cho đảng.”

“Tôi là cử tri độc lập, tôi không bầu theo đảng phái,” cô Ngọc nói. “Tôi thấy mỗi đảng có cái hay riêng nên chú trọng bầu theo chính sách. Chọn người, không chọn đảng.”

Việc không phân biệt được giữa thể chế quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và đảng Cộng Hòa của Hoa Kỳ khiến nhiều người Việt lầm tưởng và có thiện cảm với cái tên “Cộng Hòa.”

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Kim Bình, phó chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California, một bộ phận người Việt tị nạn sang Mỹ sau thập niên 1980 “thần tượng” hai vị tổng thống Cộng Hòa là cố Tổng Thống Ronald Reagan và cố Tổng Thống George H.W. Bush, và việc Orange County vốn là “gốc rễ” của đảng Cộng Hòa càng khiến đa số người Việt ngã theo.

“Tâm lý người Việt mình là ‘phù thịnh hơn phù suy,’ cộng thêm thời thế nên cử tri nghiêng theo đảng Cộng Hòa từ mấy chục năm nay,” ông Bình nói.

Kết quả ở Orange County cho cuộc bầu cử tổng thống, tính đến ngày 25 Tháng Mười Một. (Hình: ROV)

Đảng Cộng Hòa và “tiêu chuẩn kép”

Bác Sĩ Ngô Bá Định, cũng là một nhà hoạt động vùng Little Saigon, và thường theo dõi chi tiết các cuộc bầu cử, cho biết dù bất bình với kết quả bầu cử tổng thống và địa phương nhưng ông nhận định “cuộc bầu cử năm 2024 rất dân chủ, rất công bằng.”

“Nếu xét theo khảo sát thì những người trình độ học vấn chưa có bằng đại học đi bầu nhiều ở cuộc bầu cử tổng thống. Nếu xét về cử tri Việt thì tôi nghĩ họ chú trọng đến ‘cơm áo gạo tiền,’ lo về giá xăng và giá thực phẩm nên dễ bị lung lay khi đảng Cộng Hòa tuyên truyền ‘các chất xám’ là họ sẽ lo cho kinh tế phát triển,” Bác Sĩ Định nói.

“Tâm lý người Việt bầu cho ông Donald Trump vì cho rằng ông mạnh mẽ, và tin vào lời mị dân chống Trung Quốc, chống Cộng Sản Việt Nam, dù cho ông độc tài và phi dân chủ,” ông Định thêm.

“Cộng Hòa bây giờ không phải là đảng Cộng Hòa truyền thống như thời Tổng Thống Reagan nữa. Đa số cử tri chỉ thấy lợi trước mắt là được trừ thuế, giảm chi phí nhưng hệ lụy vài năm sau mới hiện rõ,” ông Định nêu quan điểm.

Về việc vì sao ông Trump và đảng Cộng Hòa có ý định sẽ cắt giảm bảo hiểm y tế như Obamacare, các phúc lợi xã hội có thể ảnh hướng lớn đến cộng đồng mà cử tri vẫn bỏ phiếu cho đảng, ông Định nhận xét:  “Người Việt không thích những người mới qua hưởng trợ cấp chính phủ vì nghĩ là bòn rút tiền thuế của họ nên khi đảng Cộng Hòa lên dù có cắt giảm trợ cấp thì họ cũng chấp nhận.”

Dù các chính sách và các nguồn lực về y tế và kinh tế cho cộng đồng thiểu số đến từ ngân sách do đảng Dân Chủ vận động, cử tri Việt ít quan tâm tới vấn đề này, mà lại suy tư việc giảm thuế và giảm chi phí sinh hoạt.

Và, cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa thì có lập luận riêng.

Bà Janet Thái, cử tri ở Garden Grove, cho biết bà bắt đầu đi bỏ phiếu từ năm 1990.

“Tôi là người dân đi làm đóng thuế, không thể chấp nhận cho người mới qua không đi làm mà được đảng Dân Chủ kéo dài ngân sách cho hưởng phúc lợi. Các bác sĩ, dược sĩ thì thích đảng Dân Chủ vì cho phúc lợi Medicare và MediCal nên bệnh nhân tới khám thì lợi cho việc kinh doanh,” bà nói.

Về việc ông Trump và đảng Cộng Hòa ra các dự luật ảnh hưởng đến di dân và tuyên truyền các ngôn từ có ý xúc phạm cộng đồng gốc Á, bà Janet cho biết: “Tôi chưa từng nghe ông Trump miệt thị người gốc Á.”

“Trong đại dịch COVID-19, ông Trump đóng cửa khẩu với Trung Quốc vì virus từ bên đó, ông nói không nên để người Trung Quốc vào Mỹ rất có lý vì phòng ngừa cho Mỹ thôi. Ông Trump cái gì đúng thì ông làm,” bà cho biết.

Bà cũng nhận xét về cuộc bầu cử Hạ Viện Hoa Kỳ, Địa Hạt 45, và cho biết: “Tôi bầu theo giá trị con người và khả năng chứ không phải lúc nào cũng bầu cho đồng hương người Việt”

Khi được hỏi về “scandal” biển thủ tiền ăn của người cao niên của cựu Giám Sát Viên Andrew Đỗ (Cộng Hòa) của Orange County, bà nói là vì người dân cứ bầu cho đồng hương nên mới ra cớ sự như vậy.

Về việc bà Michelle Steel, dân biểu đương nhiệm và cũng là ứng cử viên cho Địa Hạt 45, cũng dính vào “scandal” biển thủ 1.2 triệu và bị truyền thông phanh phui vào 1 Tháng Mười Một, bà Janet Thái cho biết bà không tìm hiểu kỹ việc này nên không nắm vững.

“Dù bà Michelle cùng làm giám sát viên chung thời ông Andrew Đỗ nhưng con người mà, ‘gió chiều nào theo chiều ấy’ nên không trách được,” bà nhận xét.

Bà tiếp: “Quan trọng là bà Michelle cũng là người Á Đông mà còn có kinh nghiệm, biết cách mang ngân sách về cho địa hạt, và có lên tiếng về nhân quyền ở Việt Nam.”

Bà Janet nói bà không biết Luật Sư Derek Trần là ai.

“Ông Derek được người ta đẩy ra thôi, tôi chưa hề nghe các hoạt động gì của ông, hoàn toàn là một con số không lớn,” bà nói.

Kết quả bầu cử Hạ Viện Hoa Kỳ, Địa Hạt 45, giữa Luật Sư Derek Trần và Dân Biểu Michelle Steel, tính đến tối 25 Tháng Mười Một, 2024. (Hình: Chụp từ trang web của NBC)

Tâm lý sợ di dân, sợ trộm cướp

Bà Thanks Mary, cử tri gốc Việt ở Westminster, hay thường được gọi là Mary, cho biết bà bỏ phiếu cho ông Trump vì ông giữ lời hứa trục xuất di dân bất hợp pháp.

“Ông Trump làm gì cũng đàng hoàng, đâu ra đó. Ông sẽ giữ lời hứa cho người dân làm thêm mà không đóng thuế, đem việc làm về cho nước Mỹ,” bà nói. “Di dân qua đây trộm cướp, ăn cắp tràn lan làm tôi sợ lắm.”

Về việc chính quyền ông Trump sẽ có thể cắt giảm bảo hiểm Obamacare, ảnh hưởng đến nhiều người cao niên và thu nhập thấp, bà Mary cho biết: “Obamacare là do đảng đối lập lợi dụng để bắt dân đóng thuế rồi lấy tiền đó để nuôi các xứ chiến tranh.”

“Ông Trump cắt Obamacare là đúng!,” bà nhận định.

Bà nói thêm rằng nhiều gia đình mà bà biết giao hết tiền cho các con để được chứng minh thu nhập thấp để lấy tiền trợ cấp từ chính phủ và được hưởng chế độ Medi-Cal (bảo hiểm giá rẻ cho người thu nhập thấp) và Cal-Fresh (food stamp).

“Hai vợ chồng tôi làm quần quật từ lúc qua Mỹ đến giờ nên lương cộng lại cao, không ăn trợ cấp chính phủ, hoàn toàn không bám víu ai,” bà chia sẻ.

Sang “scandal” của Dân Biểu Michelle Steel, bà Mary nói: “Lúc đầu bà Steel làm bậy nhưng sau việc đó, bà Steel đã thức tỉnh và lo lại cho người dân nên ai cũng bầu cho bà là đúng rồi. Bà không mê muội như ông Andrew Đỗ.”

Bà Linda Phạm, ở Westminster, cũng cùng chung ý kiến.

“Tôi thấy bà Michelle Steel năng nổ lo cho cộng đồng. Tôi và các cao niên khác hay đi tập nhảy và yoga ở văn phòng cộng đồng của bà Steel. Tôi nghe các cô sinh hoạt chung nói bà Steel cũng lên tiếng về nhân quyền ở Việt Nam.”

Bà Linda khẳng định không bầu theo đảng phái nhưng mong muốn có sự thay đổi.

“Tôi thấy bốn năm vừa qua trộm cướp nhiều quá nên ra đường không yên tâm, hồi hộp lắm. Mấy người di dân làm cho tình hình tồi tệ hơn, rồi tình trạng vô gia cư nhiều quá,” bà nói.

Bà cho biết tuy ông Trump có tật nóng nảy và hay nói nhiều điều không đúng nhưng ông sẽ giải quyết được vấn đề di dân.

“Bốn năm qua tôi thấy tình hình không khá hơn nên năm nay tôi bầu cho các ứng cử viên thật sự xứng đáng,” bà Linda thêm.

Các nhân viên ROV đang kiểm phiếu hôm 21 Tháng Mười Một. (Hình:Trà Nhiên/Người Việt)

“Thành trì” Cộng Hòa và các “gà nhà”

Bác Sĩ Ngô Bá Định cũng nhận xét rằng kế hoạch tuyên truyền của đảng Cộng Hòa ở Orange County rất mạnh.

“Nhiều dân cử phải nằm trong liên minh Cộng Hòa thì mới được kéo lên và thành công đắc cử,” ông Định cho biết.

Ông Nguyễn Kim Bình cũng cùng nhận định rằng đảng Cộng Hòa “nuôi dưỡng” cho các ứng cử viên trẻ của đảng từ lúc chập chững vào chính trường.

“Đảng Cộng Hòa đầu tư mạnh vào các ứng cử viên và các dân cử này rất thành công ở các cuộc bầu cử cấp thành phố, quận hạt và cả tiểu bang như ông Trần Thái Văn, bà Janet Nguyễn, ông Trí Tạ…nên họ tiếp tục đắc cử trong nhiều năm,” ông Bình nhận xét.

Vì nền tảng của đảng Cộng Hòa “bám rễ” mạnh mẽ trong nhiều thập niên ở Orange County và vì có các dân cử “gà nhà” hùng hậu nên cử tri có khuynh hướng bầu cho người họ “quen mặt đặt tên.”

Ông Bình cũng cho biết thêm rằng các cử tri gốc Việt thích ông Trump nên quyết tâm bầu các ứng cử viên Cộng Hòa để hỗ trợ vị tân tổng thống.

Cô Ngọc Nguyễn cũng cùng quan điểm.

“Theo tôi thấy các cô chú ở đây bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng Hòa vì các cử tri này thích ông Trump và muốn ông Trump thắng cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện,” cô nói.

Cô Ngọc cũng cho biết một số cử tri nghe các đài YouTube mà không kiểm chứng thông tin kỹ càng nên bầu theo cảm tính.

“Có nhiều người bạn của tôi thì cả gia đình bầu cho các ứng cử viên Cộng Hòa vì nghe tên ông này, bà này quen quen, và nghe các đài nhắc tới tên nhiều chứ các cử tri này chưa tìm hiểu kỹ về các vị dân cử này là ai, đường lối và chính sách thế nào,” cô Ngọc kể.

Cô tiếp: “Một điều nữa là một khi đã thích ông Trump thì nhóm cử tri đó cứ bầu vô tội vạ.” [đ.d.]

Liên lạc tác giả: [email protected]


 

Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trữ

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Thị Cỏ May

25/11/2024

An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng và hung hãn. Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần.

Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẩn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.

Tăng cường phòng thủ dân sự và quân sự Âu châu

Hôm 30 tháng 10 vừa qua, cụu Tổng thống phần-lan, ông Sauli Niinistö, đã trao cho bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy hội Âu châu, bản Báo cáo về sự tăng cường phòng thủ dân sự và quân sự cho Âu châu.

Đó là bước đầu tiên về chiến lược Âu châu chuẩn bị đối phó tình hình chiến tranh e khó tránh sẽ lan rộng và những tai vạ khủng khiếp của nó. Ai cũng thấy Âu châu đang đối đầu với những khủng hoảng ngày thêm mới và nghiêm trọng hơn do những xung đột địa chánh với Nga, cả với khủng hoảng năng lượng, những tấn công thường xuyên mạng thông tin, và nhứt là sự yếu kém của hệ thống tiếp tế lương thực.

Trước tình hình khẩn trương như vậy, hôm 20 tháng 3/2024, bà Chủ tịch Ủy hội Âu châu, Ursula von der Leyen, và vị Đại diện cao cấp Âu châu về Ngoại vụ và An ninh, ông Josep Borrell, đã ủy nhiệm ông Sauli Niinistö soạn thảo một bản báo cáo về sự chuẩn bị dân sự và quân sự cho Âu châu.

Bản Báo cáo có tựa là  Cùng an toàn hơn: tăng cường chuẩn bị và tăng cường tình trạng chuẩn bị dân sự và quân sự cho Âu châu». Báo cáo nhằm cho thấy những khủng hoảng hiện nay không thể tách rời giữa Dân sự và Quân sự nên cần phải đưa ra một cách tiếp cận trọn vẹn, thuần nhứt để có thể bảo đảm an ninh cho Âu châu.

Bản Báo cáo gồm 150 trang nhấn mạnh một số điểm quan trọng như: tăng cường hợp tác dân sự và quân sự, khai triển khả năng chịu đựng và phục hồi cấp quốc gia và Âu châu, cải thiện sự chuẩn bị chống lại tấn công mạng thông tin, tăng cường hệ thống tiếp tế lương thực lúc khủng hoảng, tăng cường hợp tác giữa Âu châu và Otan (NATO).

Để chuẩn bị hữu hiệu, Âu châu phải gia tăng đóng góp tài chánh cho quốc phòng với một tốc độ mau hơn nhiều nữa, nhứt là để riêng ra một ngân khoản dành cho ngân sách Quốc phòng và phòng thủ Dân sự Âu châu .
Khoảng này đã được Tòa án Kiểm toán Âu châu chấp thuận với khuyến cáo hảy phối hợp ngân khoản, thời điểm và mục tiêu cho thật hợp lý và khả thi.

3 nước Âu châu chuẩn bị dân sự

Hôm 18 tháng 11/2024, đài BBC và cả báo chí pháp đều loan tin các nước Bắc Âu như Phần- lan, Na-uy và Thụy-điển, thi hành lệnh chánh phủ, đã bắt đầu lo chuẩn bị đề phòng chiến tranh mà họ tin sẽ xảy ra nay mai đây thôi.

Chánh phủ phổ biến tới từng nhà dân bản hướng dẩn chi tiết « Nếu một cuộc khủng hoảng hay chiến tranh xảy tới » kê ra những chuẩn bị cần phải làm để đối phó khi chiến tranh xảy ra . Họ tin chắc chiến tranh sẽ tới nay mai . Những việc phải làm ngay là dự trữ nước, lương thực như đồ họp, bánh mì khô, gạo, … thuốc men và cả những viên « iode » phòng trường hợp bị phóng xạ nguyên tử.

Âu châu phản ứng sau khi TT.Biden tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiển tầm xa của mỹ bắn vào trong lảnh thổ Nga . Tiếp theo là phản ứng mạnh của Poutine trên TV nga hôm thứ năm 21 tháng 11/2024 theo đó, Poutine hăm dọa sẽ đánh các nước Âu châu đã đưa võ khí cho Ukraine đánh Nga và nói rỏ đã có kế hoạch sẽ đánh Estonie, một nước vùng biển Baltique sau khi đã bắn một hỏa tiển đạn đạo nhằm một nhà máy kỷ nghệ quan trọng ở Dnipro của Ukraine từ thời Liên-xô để lại. Anh liền trả lời Poutine là Anh gởi quân qua Baltique đánh Nga không khoang nhượng.

Nhiều người nhận xét Poutine trên TV lúc tuyên bố, lời nói thì dữ dằn nhưng thái độ thì thiếu tự tin, đầy vẻ lo âu.

Các nước Bắc Âu lúc nào cũng cảnh giác hiểm họa Nga, ngoài những lý do như tham vọng chánh trị, còn tiếp cận lảnh thổ với một chiều dài rất lớn . Thế mà cho tới nay, 2024, Thụy điển mới chịu bỏ qui chế trung lập cố hũu, gia nhập Otan . Với Thụy điển, việc phòng thủ là bình thường . Phổ biến bản hướng dẩn đề phòng dân sự đã có từ thời Đệ II Thế chiến, qua thời chiến tranh lạnh, nay được cập nhựt lại . Và nay, làm mới thêm một lần nữa và dài 2 lần hơn .Ở Phần-lan và Na-uy, để cho đỡ tốn kém, chánh phủ gởi tới người dân bản hướng dẫn qua Internet .

Ngoài những thứ như lương thực, nước uống, thuốc men, bản hướng dẩn của Phần-lan và Na- Uy còn có thêm một chi tiết đáng quan tâm « Nếu Thụy-điển bị Nga tấn công, chúng ta sẽ không khoanh tay . Và hãy để ý khi có tin nói cuộc chống Nga nay ngưng thì đừng tin, hãy tiếp tục đánh vì đó là tin thất thiệt ».

Từ thời Chiến tranh lạnh, người Phần-lan vì có chung biên giới dài hơn cả ngàn km với Nga nên lúc nào cũng thấy việc đánh với Nga xâm lược để bảo vệ lảnh thổ là thực tế. Còn Thụy- điển, nay trong tình hình bất ổn do Poutine ngang ngược xô quân qua đánh chiếm Ukraine, nên mới giựt mình thấy rằng chiến tranh với Nga không còn là điều mơ hồ nữa.

Năm 2024, quốc phòng của Nga lên tới 388 tỷ đô-la (tính theo giá mua) trong lúc đó, quốc phòng của Âu châu là 428 tỷ. Cách đây mươi năm, Poutine nhìn thấy Âu châu yếu kém. Vậy nay chúng ta phải thay đổi cái nhìn của Poutine, cụu Tổng thống Phần-lan Niinistö cảnh báo.

Ông còn nói tiếp ngụ ý về đống minh Huê kỳ ngày nay « Nếu chúng ta không ráng hết mình để bảo vệ an ninh của chúng ta, chúng ta sẽ không thể chờ đợi ở kẻ khác làm giúp chúng ta ». Thật ra, chánh phủ các nước Âu châu đều thấy huê kỳ sẽ khó can thiệp khi Ấu châu bị Nga tấn công.

Đối với chế độ độc tài nhìn thấy Âu châu yếu, chúng ta, Âu châu, phải chứng minh cho chúng thấy chúng ta dư sức chống cự bảo vệ sự toàn vẹn lảnh thổ của chúng ta.

Bản Báo cáo Niinistö đặt nền tảng là một sự thống nhứt chuẩn bị. Ngân sách thực hiện bản Báo cáo sẽ cao nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn cái giá thiếu chuẩn bị.

Nguyễn thị Cỏ May


 

Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Khai trừ Đảng và xử lý nhân sự cấp cao

Ba’o Dat Viet

November 26, 2024

Ngày 25/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã bất ngờ tổ chức một hội nghị ngắn gọn trong một ngày để đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến nhân sự và kỷ luật. Hội nghị đã kết thúc với việc khai trừ Đảng ba cựu Bí thư Tỉnh ủy và cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng đối với hai quan chức cấp cao là ông Nguyễn Văn Thể và ông Bùi Văn Cường.

Khai trừ Đảng ba cựu Bí thư Tỉnh ủy

Theo thông cáo báo chí được báo Tin tức đăng tải, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết định thi hành kỷ luật ba cựu Bí thư Tỉnh ủy gồm:

Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Ba cựu lãnh đạo này bị cáo buộc suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống. Họ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cũng như trong công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Những hành vi này bị đánh giá gây hậu quả nghiêm trọng, làm dư luận bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Đồng ý cho thôi chức hai Ủy viên Trung ương Đảng

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chấp thuận đề nghị cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII đối với:

Nguyễn Văn Thể, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Bùi Văn Cường, cựu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Hai quan chức này đã có các vi phạm riêng, gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến thất thoát tài sản Nhà nước, làm giảm uy tín của Đảng và chính quyền. Trước đó, cả hai đã chủ động gửi đơn xin nghỉ công tác và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Hội nghị cũng xem xét và đề xuất nhân sự để Bộ Chính trị giới thiệu lên Quốc hội khóa XV phê chuẩn các chức danh quan trọng như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, và Tổng Thư ký Quốc hội. Đây là những vị trí có tầm ảnh hưởng lớn trong quản lý kinh tế và hành chính quốc gia.

Nhà báo độc lập Nam Việt từ Sài Gòn nhận định rằng các quyết định kỷ luật này không đơn thuần là xử lý cá nhân vi phạm mà còn phản ánh những chuyển động quyền lực phức tạp trong nội bộ Đảng.

Theo ông, việc khai trừ Đảng và xử lý các nhân vật thuộc “vùng xám” – những cán bộ không thuộc phe cánh rõ ràng – là chiến lược của Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhằm củng cố quyền lực trước những biến động trong cuộc đấu tranh nội bộ giữa các phe phái, đặc biệt là giữa công an và quân đội.

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí, với tư cách công dân, kêu gọi các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, truy tố và xét xử các quan chức vi phạm. Ông nhấn mạnh rằng việc bảo đảm thượng tôn pháp luật là nguyên tắc bất biến, mọi công dân phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, bất kể địa vị hay chức vụ.

Những quyết định mạnh tay tại hội nghị này cho thấy nỗ lực của ĐCSVN trong việc tái thiết uy tín tổ chức. Tuy nhiên, động thái này cũng làm dấy lên những tranh luận về mức độ minh bạch trong xử lý kỷ luật, cũng như sự phức tạp của các mối quan hệ quyền lực trong nội bộ Đảng.


 

Thống đốc Texas ra lệnh cấm đầu tư và thoái hết vốn ra khỏi Trung Quốc

Ba’o Dat Viet

November 22, 2024

Thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott, đã ban hành một chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước của bang ngừng đầu tư vào Trung Quốc và nhanh chóng bán các tài sản hiện có tại quốc gia này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, ảnh hưởng không chỉ đến chính trị mà còn đến dòng chảy vốn đầu tư toàn cầu.

Lý do của lệnh cấm: An ninh và rủi ro tài chính

Trong lá thư được đăng trên trang web chính thức vào ngày 21.11, ông Abbott, một thành viên Đảng Cộng hòa, nhấn mạnh rằng “các hành động hiếu chiến” của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể rủi ro cho các khoản đầu tư của Texas tại quốc gia này. Ông khẳng định:

“Tôi chỉ thị các cơ quan đầu tư của Texas không được thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới nào vào Trung Quốc. Đối với các khoản đầu tư hiện có, quý vị phải thoái vốn ngay khi có cơ hội đầu tiên.”

Lệnh này được xem như một phần trong chiến lược của bang nhằm bảo vệ lợi ích tài chính và an ninh, đồng thời gửi đi thông điệp cứng rắn trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng phức tạp.

Trước đó, vào đầu năm nay, Thống đốc Abbott đã yêu cầu Công ty Quản lý Đầu tư Đại học Texas/Texas A&M (UTIMCO), cơ quan quản lý quỹ gần 80 tỉ USD, rút toàn bộ khoản đầu tư của họ tại Trung Quốc.

Ngoài UTIMCO, bang Texas còn có các cơ quan quản lý tài chính lớn khác như Hệ thống Hưu trí Giáo viên Texas, đơn vị kiểm soát quỹ trị giá hơn 210,5 tỉ USD (tính đến cuối tháng 8). Tuy nhiên, hiện chưa rõ mức độ ảnh hưởng của lệnh thoái vốn này đối với các quỹ và kế hoạch thực hiện cụ thể từ các cơ quan liên quan.

Lệnh cấm đầu tư vào Trung Quốc của ông Abbott phản ánh sự leo thang căng thẳng không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ, và quân sự mà còn mở rộng sang lĩnh vực tài chính. Động thái này có thể gây áp lực lớn hơn đối với mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, đồng thời có khả năng tạo ra làn sóng thoái vốn tương tự từ các bang khác hoặc các tổ chức tài chính tại Mỹ.

Hiện tại, vẫn chưa có phản hồi chính thức từ phía UTIMCO hay các cơ quan quản lý quỹ khác của Texas. Phía Trung Quốc cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về động thái này. Tuy nhiên, với giá trị tài sản khổng lồ mà các quỹ của Texas đang quản lý, quyết định này có thể gây ra những tác động không nhỏ đối với cả hai phía.

Trong khi lệnh cấm được đưa ra với mục tiêu bảo vệ lợi ích của bang, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu việc thoái vốn nhanh chóng có gây tổn thất tài chính cho Texas hay không. Đồng thời, động thái này cũng làm nổi bật sự phân cực trong chiến lược kinh tế giữa các bang tại Mỹ khi một số tiểu bang khác vẫn giữ quan hệ đầu tư với Trung Quốc.

Dù vậy, với tầm nhìn cứng rắn của Thống đốc Abbott, Texas đang định vị mình như một trong những bang tiên phong trong việc đối đầu với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, bất chấp các rủi ro tiềm ẩn.


 

 “Điểm nghẽn của điểm nghẽn”

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Đắc Kiên

22-11-2024

Khi TBT Tô Lâm nói “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, thực ra ông đã chạm vào một điểm nghẽn khác, rất vi tế, nhưng lại cực kỳ hệ trọng, nếu không muốn nói là hệ trọng bậc nhất trong số các điểm nghẽn hiện nay.

Trước tiên, thử phân tích xem từ đâu lại có lối tư duy “không quản được thì cấm”?

Nguyên nhân sâu xa, lối tư duy này xuất phát từ sự tuyệt đối hóa nhà nước, xem nhà nước như một “ông chủ” với quyền hành bao trùm, độc đoán và tuyệt đối. Do đó, ở đâu, khi nào mà “ông chủ” cảm thấy bàn tay của mình không vươn tới hoặc bao trùm hết được, thì cách đơn giản là ngay lập tức đóng sập nó lại: “Cấm tiệt!” Tất nhiên, trong lối tư duy này, người dân sẽ chỉ được xem như những kẻ ít nhiều vô năng, luôn cần phải được bàn tay của “ông chủ nhà nước” dìu dắt, hướng dẫn.

Một cách trực tiếp hơn, nguyên nhân của “tư duy không quản được thì cấm” có thể đến từ sự ưa thích dễ dãi. Khi nhà nước cảm thấy ở đâu, lĩnh vực nào vượt ra ngoài tầm với, ngoài năng lực quản trị của mình thì cách ngắn nhất là “cấm chỉ”. Như thế, nhà nước không cần bất cứ sự cải thiện năng lực, thay đổi quản trị nào, vẫn có thể giữ mọi sự trong khuôn phép, quy củ cũ (Bất kể việc cấm đoán này có thể gây ra xung đột, căng thẳng hay kéo lùi sự phát triển xã hội như thế nào).

Bây giờ, ta mới thử phân tích xem “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” có nghĩa là như thế nào?

Một cách ngắn gọn, nó có nghĩa là, khi người dân, doanh nghiệp mở ra những hoạt động mới, những lĩnh vực, hình thức kinh doanh mới mà nhà nước cảm thấy hệ thống quản trị của mình nhất thời chưa thể theo kịp, thì thay vì đẻ ra luật mới để “cấm chỉ” ngay tức khắc (cho nhẹ việc), nhà nước đầu tiên sẽ phải giữ một thái độ tôn trọng, sau đó sẽ phải tìm cách thấu hiểu, rồi từ từ tìm cách thay đổi luật pháp, cải thiện năng lực, thay đổi quản trị để đáp ứng, để theo cho kịp với những “cuộc chơi mới” mà người dân, doanh nghiệp vừa mở ra.

Tất nhiên, như vậy thì thật quá vất vả và đau đầu, do đó, để thực sự có thể làm được như vậy thì một lần nữa cần phải xuất phát từ những sự thay đổi căn bản, nếu không muốn nói là đảo ngược, trong tư duy, nhận thức về vị thế và vai trò của nhà nước với người dân. Nhà nước bây giờ không phải là một “chủ nhân ông tuyệt đối” đứng ở trên, ở cao ban phát quyền hành và “chăn dắt” nhân dân nữa, mà ngược lại, nhà nước sẽ chỉ là những đại diện được người dân (những người chủ đích thực) tín nhiệm, trao quyền và trả công để làm công việc quản trị đất nước, để phục vụ nhân dân.

Chỉ bao giờ và khi nào tư duy, nhận thức này được thấm nhuần trong cả người dân lẫn chính giới, thì khi đó, ở trên mới có các nhà làm luật “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, ở dưới mới có nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, thực sự coi người dân (những người nộp thuế nuôi nhà nước) là những “ông chủ” phải phục vụ, chứ không phải để “hành là chính”.

Như vậy, về bản chất, điểm nghẽn này nằm sâu trong nhận thức về quyền làm chủ, quyền tự do, tự trị và phẩm giá của nhân dân. Nó không dễ để nhận diện và thay đổi. Còn tháo gỡ được nó, thì quả thực là một cuộc cách mạng chứ chẳng chơi.


 

Giải Nhân quyền Việt Nam 2024 vinh danh ba tù nhân lương tâm: Đỗ Nam Trung, Bùi Văn Thuận, và Đặng Đăng Phước

Ba’o Dat Viet

November 19, 2024

Ngày 18/11, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (MLNQVN) đã công bố ba khôi nguyên của Giải Nhân quyền Việt Nam 2024, gồm các tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung, Bùi Văn Thuận và Đặng Đăng Phước. Cả ba được trao giải vì những đóng góp của họ trong việc thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam, dù hiện đều đang thụ án tù với tổng cộng 26 năm cho tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Bà Trịnh Thị Nhung, vợ ông Bùi Văn Thuận, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

“Đây là một món quà tinh thần to lớn dành cho anh Thuận và gia đình. Phần thưởng này như sự công nhận những đóng góp của anh Thuận cùng hai khôi nguyên khác trong những năm qua.”

Theo bà Nhung, sự kiện này là nguồn động viên không chỉ cho gia đình mà còn cho các tù nhân lương tâm khác, khi những nỗ lực của họ được cộng đồng quốc tế và người dân ghi nhận.

Giải Nhân quyền Việt Nam năm nay đi kèm phần thưởng trị giá 3.000 USD cho mỗi người. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hành MLNQVN, nhấn mạnh rằng giá trị tinh thần của giải thưởng quan trọng hơn phần vật chất.

Cả ba tù nhân lương tâm được vinh danh đều có những hoạt động gây tiếng vang trong lĩnh vực nhân quyền:

Đỗ Nam Trung, một nhà hoạt động trẻ tuổi, bị bắt và kết án vì các bài viết chỉ trích chính sách của nhà nước trên mạng xã hội.

Bùi Văn Thuận, một giáo viên và nhà bất đồng chính kiến, nổi bật với các bài viết về các vấn đề chính trị – xã hội, đã tuyệt thực cùng bạn tù tại Trại giam số 6 để phản đối điều kiện giam giữ hà khắc.

Đặng Đăng Phước, nhà giáo và nhà hoạt động vì quyền con người, thường xuyên lên tiếng về các vấn đề môi trường và công lý xã hội.

Các cơ quan truyền thông nhà nước lên tiếng chỉ trích giải thưởng này. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong một bài viết hồi tháng 11/2023 gọi đây là “một trò lố,” cho rằng việc vinh danh những người bị kết án vì “chống phá Nhà nước” đi ngược lại tiêu chuẩn pháp luật quốc tế.

VOV lập luận rằng MLNQVN đã chọn “những đối tượng có tư tưởng bất mãn” để trao giải, từ đó kích động sự chống đối và làm ảnh hưởng đến sự ổn định của quốc gia.

Trong suốt 22 năm qua, Giải Nhân quyền Việt Nam đã trao thưởng cho 63 cá nhân và 6 tổ chức có đóng góp vào việc thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam. Đây là một giải thưởng độc lập, thường được trao cho những người đang phải đối mặt với áp lực hoặc bị giam cầm vì hoạt động nhân quyền.

Việc MLNQVN tiếp tục trao giải cho các tù nhân lương tâm cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với các tiếng nói bất đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực từ phía nhà nước cũng phản ánh căng thẳng kéo dài giữa các tổ chức dân sự quốc tế và chính quyền về vấn đề nhân quyền tại quốc gia này.

Giải thưởng năm nay không chỉ tôn vinh những nỗ lực cá nhân mà còn nêu bật thách thức của phong trào nhân quyền tại Việt Nam. Dù bị chỉ trích, giải thưởng này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với quyền tự do ngôn luận và các giá trị dân chủ.

Dư luận tiếp tục chờ đợi phản hồi từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong bối cảnh các tổ chức nhân quyền quốc tế theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền tại quốc gia này.


 

Vợ xin số diện thoại bạn, chồng ghen tuông đâm chết người tại quán ăn ở Sài Gòn

Ba’o Nguoi-Viet

November 18, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thấy vợ nói chuyện, xin số điện thoại của bạn học đang ngồi ăn uống ở bàn bên cạnh trong quán tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, ông chồng quê Cần Thơ đã nổi cơn ghen kiếm chuyện rồi cầm dao đâm chết người.

Hôm 18 Tháng Mười Một, Công An Huyện Nhà Bè đã bắt giữ nghi can Nguyễn Văn Vĩ, 30 tuổi, quê Cần Thơ, để điều tra về tội “giết người.”

Hiện trường xảy ra án mạng trong quán ăn tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trước đó tối 16 Tháng Mười Một, ông NHT, 41 tuổi, ở huyện Nhà Bè, cùng một số người bạn tới quán ăn tại xã Nhơn Đức để ăn uống.

Cùng lúc này, ông Vĩ và vợ tới dự tiệc tại quán và ngồi bàn cạnh bàn ông T.

Tại đây, vợ ông Vĩ nhận ra người ngồi cùng bàn với ông T. là bạn học cũ. Khi tan tiệc, cô này sang bàn ông T. để trao đổi số điện thoại liên lạc với bạn.

Thấy vợ đi sang bàn bên cạnh nên ông Vĩ bực tức chửi bới. Khi ông T. phản ứng lại thì hai bên xảy ra mâu thuẫn cự cãi lớn tiếng. Được mọi người can ngăn, ông Vĩ chở vợ về nhà.

Tưởng mọi việc chỉ có vậy, nào ngờ khi mọi người đang tính tiền chuẩn bị ra về thì ông Vĩ quay trở lại, trên tay cầm theo con dao xông vào quán. Dù được mọi người can ngăn nhưng ông Vĩ hung hăng, lao đến bàn nhậu, tấn công đâm vào ngực ông T. khiến nạn nhân gục tại chỗ.

Người dân đã hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng vết thương hở, sâu ở ngực trái, mất nhiều máu và đã chết sau đó.

Nhận được tin báo, công an đến khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng và bắt giữ nghi can.

Tại cơ quan công an, bước đầu nghi can Nguyễn Văn Vỹ khai do ra ghen tuông dẫn đến việc hai bên xảy ra cãi vã và rồi xảy ra án mạng như trên. (Tr.N)