Tin thêm về bà Ngô Đình Lệ Quyên,

Tin thêm về bà Ngô Đình Lệ Quyên.

Con gái út ông bà Ngô Đình Nhu qua đời vì tai nạn giao thông – Xin thêm lời cầu nguyện cho linh hồn của Bà

 17.04.2012 ROME, Ý (NV) – Bà Ngô Đình Lệ Quyên, con gái út ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân, qua đời trong một tai nạn giao thông tại Rome, Ý, hôm 16 Tháng Tư, một nguồn tin thân cận với gia đình xác nhận với nhật báo Người Việt.

 
Luật Sư Trương Phú Thứ, người duy nhất phỏng vấn bà Nhu thời gian sau chiến tranh, và là một người thân của gia đình nạn nhân, nói: “Tôi vừa nói chuyện với Ngô Đình Quỳnh, anh trai của Lệ Quyên, và được biết cô ấy qua đời trong tai nạn giao thông hôm Thứ Hai. Hôm đó, cô đi làm bằng xe gắn máy, bị té, đập đầu xuống đường. Lúc đó, cô không đội nón an toàn.”
Bản tin trên trang blog caritas.org của Caritas of Rome cho biết, “Ngô Đình Lệ Quyên qua đời trong một tai nạn giao thông ở Rome vì va vào một xe bus chở học sinh.”
Caritas of Rome, một tổ chức thiện nguyện thuộc Tòa Thánh Vatican, là nơi bà Ngô Đình Lệ Quyên, 53 tuổi, tiến sĩ luật, làm việc với vai trò giám đốc phụ trách di dân.
Thân phụ của bà Quyên là em ruột và là cố vấn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết chết tại Sài Gòn, một ngày sau cuộc đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một, 1963 tại miền Nam Việt Nam.
Luật Sư Trương Phú Thứ cho biết, bà Ngô Đình Lệ Quyên có khuôn mặt rất giống cha, và là một người cương quyết, có cá tính rất đặc biệt.
“Tôi có thể nói, lúc 20 tuổi, cô có khuôn mặt giống ông Nhu, như hai giọt nước. Người ta thường nói ‘gái giống cha, giàu ba họ.’ Nhưng bây giờ cô không còn nữa, rất tội nghiệp, rất thương,” luật sư này nói.
Ông nói thêm: “Cô là người rất ‘cứng đầu.’ Ở Ý, nếu không có quốc tịch thì không được giảng dạy trong đại học. Cô có bằng tiến sĩ luật, nhưng không chịu nhập quốc tịch. Đã thế, dù có chồng người Ý, cô lại đặt tên con trai là Ngô Đình Sơn, tức là lấy họ bên ngoại.”
“Nói là ‘cứng đầu,’ chứ thực ra, ‘con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.’ Cô là người đạo đức, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết,” Luật Sư Trương Phú Thứ nhận xét.
Đức Ông Enrico Feroci, giám đốc Caritas of Rome, ra thông cáo trên trang web bày tỏ đau buồn sâu xa về sự qua đời của bà Ngô Đình Lệ Quyên.
“Bà Lệ Quyên là một tấm gương cho chúng tôi,” Đức Ông viết. “Trong nhiều năm, bà làm việc giúp người nghèo và khốn cùng. Bà làm việc với lòng hăng say và tin tưởng, và là một chỗ dựa cho chúng tôi trong công việc.”
Ông Gianni Alemanno, đô trưởng Rome, cũng gởi thư đến Đức Ông Enrico Feroci để chia buồn và nhắc nhiều lần bà Lệ Quyên đối thoại với chính quyền để bênh vực quyền lợi người di dân, theo Caritas of Rome.
Trang blog của Caritas of Rome tại www.caritas.org viết: “Lệ Quyên đóng vai trò rất lớn trong chính sách của Caritas ở mọi mức độ. Bà được nhiều nhân viên ở Caritas biết. Đồng sự của bà khắp thế giới luôn nhớ đến bà trong vai trò một người dấn thân cho người nghèo.”

Bà Martina Liebsch, giám đốc chính sách quốc tế của Caritas, được trang blog trích lời nói: “Chúng tôi xin chia buồn với gia đình, bạn bè và nhân viên của Caritas of Rome… Sự ra đi của bà là một mất mát lớn đối với cộng đồng di dân tại Rome.”
Tại Caritas of Rome, từ năm 1992 đến năm 1996, bà Ngô Đình Lệ Quyên phụ trách một trung tâm chăm sóc người ngoại quốc.
Từ năm 2000 đến năm 2007, bà Lệ Quyên đặc trách việc điều hợp toàn quốc liên quan đến người tị nạn. Bà cũng là thành viên ủy ban di dân thuộc Caritas Châu Âu, và sau đó làm chủ tịch ủy ban này.
Theo trang web www.vietcatholic.com, “bà Lệ Quyên không xin quốc tịch Ý, nhưng do công tác phục vụ nổi bật dành cho Ý, theo đề nghị của Bộ Nội Vụ, tổng thống nước này ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Ý cho bà năm 2008.”
Theo trang web của Caritas of Rome, bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh năm 1959, sang Ý năm 1963 với quy chế tị nạn.
Sau cuộc đảo chánh, thân mẫu của bà và người chị, Ngô Đình Lệ Thủy, lúc đó đang ở Mỹ, bay sang Rome, và sau đó sang sống tại Pháp.
Năm 1968, bà Ngô Đình Lệ Thủy thiệt mạng trong một tai nạn giao thông tại Pháp.
Năm 2011, bà Trần Lệ Xuân qua đời tại Ý.
Ông bà Ngô Đình Nhu có bốn người con, hai nam, hai nữ.
Gia đình bà Ngô Đình Lệ Quyên sống chung một tòa nhà với gia đình ông Ngô Đình Trác, con trai trưởng của ông bà Ngô Đình Nhu.
 

Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông tại Roma

 Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông tại Roma
                         LM. Trần Đức Anh OP             4/17/2012

 

 ROMA. Bà Ngô Đình Lệ Quyên, đặc trách phân bộ di dân thuộc Caritas Roma, đã tử nạn lưu thông ở Roma hôm 16-4-2012.

Bà Quyên khi còn nhỏ với Mẹ
và hình bây giờ

Bà Lệ Quyên năm nay 53 tuổi, là con gái của Ông Bà Ngô Đình Nhu. Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày thứ hai vừa qua trên đường đi vào Roma để làm việc, đến cây số thứ 12 ở đường Pontina, bà bị ngã xe gắn máy và một xe bus chở học sinh từ sau chạy tới và cán lên bà.

Xem video sau khi tai nạn xẩy ra

Đức Ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma đã ra thông cáo bày tỏ đau buồn sâu xa về sự qua đời của Bà Ngô Đình Lệ Quyên, trong đó ngài viết: ”Bà Lệ Quyên là một gương mẫu. Trong bao nhiêu năm trời, bà hăng say chu toàn công tác bênh vực những người nghèo khổ và rốt cùng, với tất cả niềm tin. Hoạt động của bà đối với chúng tôi là một động lực giúp tăng trưởng về mặt nhân bản và chuyên nghiệp. Bà biết liên kết những năng khiếu con người, kinh nghiệm như một người tị nạn, với niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa, và lòng tôn trọng đối với con người. Với những lời khuyên và công việc không biết mệt mỏi, bà biết nhắc nhở chúng tôi rằng hoạt động của chúng tôi là cho người nghèo và những người kém may mén. Chúng tôi gần gũi với gia đình bà và cộng đoàn giáo xứ thánh Gregorio Barbarigo, nơi bà Lệ Quyên vẫn siêng năng tham dự thánh lễ Chúa nhật”.

Đô trưởng thành Roma, Ông Gianni Alemanno, đã gửi thư đến Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma, để chia buồn và nhắc đến bao nhiêu lần bà Lệ Quyên đã đối thoại với chính quyền để bênh vực quyền lợi của những người di dân.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh tại Sàigòn ngày 26-7-1959 và đến Italia vào năm 1990 với qui chế tỵ nạn. Từ tháng 12 năm 1992, đến tháng 11 năm 1996, bà phụ trách Trung tâm lắng nghe người ngoại quốc thuộc Caritas Roma. Tháng 12 cùng năm đó bà đặc trách phân bộ di dân của Caritas, với nhiệm vụ phối hợp và giám sát các dịch vụ cũng như các dự án nhắm giúp những người di dân nước ngoài, người tị nạn và nạn nhân những vụ buôn người, trong đó có các trung tâm lắng nghe, các cửa thông tin, trung tâm tiếp đón nam giới, nữ giới và các gia đình, vườn trẻ. Từ tháng 7 năm 2000 đến tháng 12 năm 2007, Bà Lệ Quyên cũng đặc trách việc điều hợp toàn quốc về tỵ nạn thuộc Caritas Italia và dự án tỵ nạn. Bà cũng là thành viên của Ủy ban di dân thuộc Caritas Âu Châu, và sau đó bà làm chủ tịch Ủy ban này. Từ tháng 6 năm 2009 Bà Lệ Quyên là chủ tịch phân bộ Italia của Hiệp hội nghiên cứu vấn đề người tị nạn trên thế giới, một tổ chức phi chính phủ và có tính chất quốc tế.

Bà Lệ Quyên không xin quốc tịch Ý, nhưng do công tác phục vụ nổi bật dành cho Italia, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tổng thống cộng hòa Italia đã ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Ý cho Bà năm 2008. (Tổng hợp 16-4-2012)

Những điều không nhìn thấy…

Những điều không nhìn thấy…
ảnh không thể làm thay đổi thế giới,nhưng có thể làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ

 Người ta có thể chi hàng triệu USD từ Quỹ Toàn Cầu cho việc phục hồi Đền Thờ nhưng lại không dành chút nào cho những người dân này sao???Phải chăng chúng ta đang sai lầm trong việc sắp xếp các thứ tự ưu tiên??? Phóng viên ảnh người Tây Ban Nha, Omar Havana, đã dành bảy tháng từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011 để làm quen với người dân ở bãi chứa rác này và ghi chép lại cuộc sống của họ. Ông nói rằng những gì ông nhìn thấy là “từ một thế giới khác”, nhưng những người dân lại cảm thấy hạnh phúc. Dưới đây, Havana chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của ông với ABC News Online

 

 Trẻ em và cha mẹ lọc tìm thực phẩm từ bãi rác (Nguồn: Omar Havana)

 Một cậu bé nói với tôi rằng em đã sống nhiều năm trong các bãi rác. Tôi đã rất cố gắng để có được quyền viếng thăm họ nhưng thất bại, vì thế tôi đã quyết định cứ đi mà không cần được cho phép. Những gì tôi thấy là từ một thế giới hoàn toàn khác. Trong số khoảng 500 người làm việc ở đó, hầu hết  sống, ngủ, ăn và uống ở ngay trong các bãi rác. Sau vài tháng làm việc trong các bãi rác, tôi thậm chí còn nhìn thấy một bé sơ sinh.

Một phụ nữ cho bé ăn dưới một nơi trú ẩn tại bãi rác (Nguồn: Omar Havana)

Với 34% dân số sống dưới 1 đô-la một ngày thì những người trong bãi rác cũng còn có thể kiếm được đồ ăn và lều che thân. Họ kiếm khoảng 35 cen (0.35 $) mỗi ngày trong 14 giờ lao động.

 Một cậu bé trèo vào thùng rác để lục tìm thực phẩm (Nguồn: Omar Havana)

 Họ là những người du mục. Họ di chuyển từ bãi rác này đến bãi rác khác khi có một bãi đầy rác mới được hình thành, thường là khoảng bốn năm. Toàn bộ cuộc sống của họ là trong các bãi rác; họ chỉ di chuyển từ bãi này đến bãi khác mà thôi.

 

Bé gái tươi cười giữa đống chất thải (Nguồn: Omar Havana)

Họ là những người bình thường. Hầu hết các em nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 15, và chúng luôn luôn mỉm cười – đó là điều làm tôi sốc nhất. Mùi hôi thối ở đây mạnh đến nỗi nó xộc thẳng vào cổ họng của bạn. Bạn có thể nếm được cả mùi. Đôi mắt của bạn trở nên đầy nước mắt. Thật là kinh khủng, nhưng với thời gian bạn sẽ quen dần.

Mọi người tìm thực phẩm từ các chất thải mới vừa chuyển đến (Nguồn: Omar Havana)

 Ngày nọ, một cậu bé mang theo một bịch máu hỏi tôi tại sao những người ở nước tôi không bao giờ mỉm cười. Tôi không biết trả lời em thế nào. Vừa nhìn vào bịch máu em mang theo để ăn như thể đó là cả một kho tàng, em giải thích với tôi: “Cháu luôn mỉm cười, cháu thật may mắn. Hôm nay cháu sẽ ăn món này và ngày mai cháu sẽ được thấy mặt trời một lần nữa”. 


Cậu bé khoe “chiến lợi phẩm” của mình (Nguồn: Omar Havana)

Họ dường như miễn dịch từ rác. Các bệnh thông thường rất hiếm; thường chỉ là tiêu chảy, đau bụng hoặc cảm. Một điều rất chung ở đây đó là các vết cắt và vết bầm tím, vì hầu hết trẻ em ở đây đều đi chân trần giữa hàng tấn rác thải.

 

Hai người bạn trẻ (Nguồn: Omar Havana)

 Về cơ bản bãi rác là “trung tâm mua sắm” của họ. Mọi thứ cần thiết cho cuộc sống đều đến từ bãi rác. Họ luôn nói với tôi rằng họ sẽ rất may mắn nếu tìm được chuối vì đây là thực phẩm sạch nhờ lớp vỏ che phủ bên ngoài. 

 Một phụ nữ đang lấy nước (Nguồn: Omar Havana)

Nơi có nhiều khách sạn với giá phòng có thể lên đến hơn 1.500USD cho một đêm.

 

Đống “phế liệu” (Nguồn: Omar Havana)

  Họ xứng đáng được biết đến, họ xứng đáng có tiếng nói, và tôi nghĩ rằng nụ cười của họ là cách tốt nhất mà họ dùng để thể hiện mình. Họ đang hạnh phúc chỉ vì ngày mai họ sẽ lại thấy mặt trời. 

 Bé gái ngồi trong đống rác (Nguồn: Omar Havana)

 Thành thật mà nói, tôi không tìm thấy nỗi buồn ở đó. Tôi đã hạnh phúc mỗi khi được ở cùng với những người dân ở đó.

 Nụ cười vui vẻ của cô gái khi lục tìm thức ăn (Nguồn: Omar Havana)

 Nỗi buồn và những giọt nước mắt sau đó lại đến, khi bạn ngồi trong phòng khách sạn, bao quanh bởi đầy rẫy vật chất mà lại thiếu vắng nụ cười, và khuôn mặt của những người dân sống ở đó xuất hiện trong tâm trí bạn – đó là lúc nỗi buồn bắt đầu xâm chiếm bạn.

 Trẻ em sống ở bãi rác (Nguồn: Omar Havana)

 Thế Giới Bị Quên Lãng. Nhiếp ảnh không thể làm thay đổi thế giới, nhưng có thể làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và chạm đến trái tim chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi là một nhiếp ảnh gia… để lên tiếng cho những người sống trong im lặng…