Xưởng may đen Việt Nam tại Nga : Địa ngục trần gian

Xưởng may đen Việt Nam tại Nga : Địa ngục trần gian

Thứ năm 20 Tháng Chín 2012

Tú Anh nguồn: RFI

Vụ hỏa hoạn thiêu sống 14 công nhân Việt Nam trong một xưởng may bất hợp pháp ở Yegoreev và tai tiếng bóc lột nhân viên như nô lệ ở hai công ty Vinastar và Victoria đã đánh động công luận Nga. Cảnh sát nhập cuộc điều tra trong khi chờ đợi quốc hội điều chỉnh luật lao động nhập cư để ngăn chận tệ nạn bốc lột nhân công như nô lệ.Theo một nguồn tin thông thạo, có khoảng 3000 xưởng may « đen » do người Việt làm chủ tại Nga.

Để tìm hiểu thêm, RFI đặt câu hỏi với ba nữ nhân công vừa được chủ « trả » về Việt Nam với hai bàn tay trắng sau hai năm làm việc không lương.

Sự thật về các công ty may mặc do một số người Việt làm chủ tại Nga đã phơi bày. Sau vụ « nổi dậy » của công nhân Vinastar hồi tháng 4 năm nay, đến lượt một nhóm nữ công nhân của hãng Victoria cầu cứu hồi đầu tháng 8. Qua sự hỗ trợ của Liên minh bài trừ nô lệ mới CAMSA và lời kêu cứu của gia đình nạn nhân, ngày 12/08/2012, năm nữ nhân công đã về đến Việt Nam.

Cũng ngay ngày hôm đó, thì tại Nga, 14 đồng nghiệp của họ ở một công ty khác đã bị chết
cháy.Thông tin trên báo chí Việt Nam nói là « do chập điện ». Do đâu mà tai nạn xảy ra giữa ban ngày mà các nạn nhân không thể chạy thoát ? Sự thật cho thấy là họ bị chủ nhốt trong phòng và khóa cửa bên ngoài. Tin từ truyền thông Nga và cảnh sát điều tra cho biết như sau :

Vào lúc 16 giờ 20 ngày 12/08/2012 trong một xưởng may đen tại phố Công xã Paris,
nhà số 16, thành phố Yegoreev, đã xảy ra một vụ cháy, làm 14 người bị thiệt mạng. Tất cả các công nhân này đều là người Việt Nam, 7 nam, 7 nữ. Vụ cháy diễn ra cách Matxcơva 70 km về phía đông nam.

Họ bị chết trong lúc đang làm việc. Theo điều tra sơ bộ, vụ cháy xảy ra do bị chập điện
trong một căn phòng 30 m2 trên tầng hai của tòa nhà văn phòng lớn, nhưng những
công nhân này bị chết oan uổng không phải vì điện bị chập, mà do họ bị khóa trái cửa lại, bên ngoài cửa còn bị chặn một cái búa to, nên họ đã không thoát được ra ngoài.”

Đến khi đội phòng cháy và bộ cứu hộ khẩn cấp đến giải thoát thì chỉ cứu được 1 người, ở
tình trạng bị thương nặng đã được dưa đi cấp cứu. Các công nhân này làm việc trong một xưởng may đen của người Việt. Xưởng của họ thuê thuộc địa phận một nhà máy sản xuất vải bông ở trung tâm thành phố.

Sau khi đến dập tắt đám cháy, cảnh sát còn phát hiện thêm một căn phòng khác, có 60 công nhân Việt Nam, hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân đang sinh sống. Theo lời bà Irina
Gumennaya, người đại diện của cục điều tra vùng ngoại ô, thì những công nhân sống trong những điều kiện ” hoàn toàn không thể tưởng tượng được, chật chội, thiếu vắng mọi điều kiện vệ sinh tối thiểu, dây điện trần chạy khắp nơi”.

Sau vụ cháy này, cảnh sát Nga đã khởi tố vụ án theo điều 219 bộ luật hình sự của Nga là
không tuân thủ luật an toàn chống cháy, gây nên cái chết của nhiều người. Cảnh sát đang truy tìm người chủ của xưởng may này, nhưng theo những nguồn tin khác nhau, chủ xưởng đang ở Việt Nam.

Ngày 13-9, bộ ngoại giao của Nga cũng đã lên tiếng chia buồn với gia đình các nạn nhân và đề nghị các cơ quan chức năng của nga phải điều tra cụ thể, tìm ra thủ phạm và có những biện pháp nhằm ngăn ngừa các tai nạn tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Chủ tịch quỹ “Di dân thế kỷ 21” ông Viacheslav Postavnin, cựu phó chủ tịch Cục di
trú Liên Bang Nga, cho biết, ông sẽ để nghị thay dổi một loạt các điều luật để ngăn ngừa việc sử dụng lao động trái phép. Hạ viện Saint Peterburg sẽ tiến hành các thủ tục đề nghị, và sau đó sẽ chuyển lên Hạ viện của Liên bang để xem xét và thông qua.

Áp lực từ nạn nhân và công luận đã làm cho Vinastar và Victoria để cho những công nhân này trở về Việt Nam.

Tuy nhiên 5 công nhân của xưởng Victoria đã không được ông chủ « Lập đen » trả lương. Họ cho biết đã phải về lại quê hương với bàn tay trắng sau một thời gian dài, người ba năm kẻ 18 tháng, phục vụ không công cho những «đại gia» thế kỷ 21 nhưng bị đối xử tệ hơn thời Trung cổ.

RFI đặt câu hỏi với ba trong số các nạn nhân : chị Trần thị Thu Nga ở Phú Thọ, chị Bùi Thị Mịa ở Ninh Bình và chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, quê ở Bến Tre.

Chị Thu Nga : « Đầu năm 2012 này thì ( Victoria) có tất cả là 150 người nhưng có hơn 30 người tìm cách trốn thoát được…. khi có tin một công ty bị cháy thì cháu xem TV nhưng
không rõ cháy vì lý do gì, nhưng các anh chị điện về cho biết thì chỗ cháu làm thì vì công an đến kiểm tra nên phải sơ tán mất hai ngày. Bên đó mỗi lần công an kiểm tra thì tụi cháu bị lùa lên phòng, chèn chặt cửa bên ngoài. Lúc ấy, chúng cháu cũng nghĩ là lúc ấy mà có hỏa hoạn thì không thể chạy thoát
…. »

Tại Nga có rất nhiều công ty do người Việt làm chủ như xưởng giày, xưởng mộc hoặc cửa hàng buôn bán công khai nhưng con số này rất ít. Phần đông công nhân tập trung vào
xí nghiệp may mặc mà theo giới thạo tin có thể lên đến 3000. Các đường dây của họ sử dụng miếng mồi « lương cao » để thu hút dân quê Việt Nam chất phác, vì nghèo nên sẵn sàng hy sinh đi xa để nuôi sống gia đình. Chị Thúy Nga cho biết là qua tận nơi mới biết bị lừa và bị lừa tối tâm mày mặt : giấy tùy thân bị tịch thu, làm việc không có thời lượng và an ninh bản thân không được bảo đảm :

« Vì nghèo nên nuốn đi bươn chải nhưng không may qua bên ấy thì vất vả quá làm việc mười mấy tiếng đồng hồ từ 11 giờ trưa đến 3 giờ sáng, ăn xong lại làm khi nào mệt quá thì xin quản lý cho nghỉ nhưng mà không có ấn định tuần làm mấy ngày, ngày nào cũng như ngày nào, đêm cũng như ngày chỉ ở trong nhà không biết lúc nào là đêm, lúc nào là ngày, chỉ biết đi làm, không biết người Nga làm luật lao động ra sao …”

Theo luật lao động Nga thì đồng lương tối thiểu của một công nhân Nga không có tay nghề là 12.000 rúp (400 đô la Mỹ) và thời gian lao động mỗi tuần là 40 giờ. Tại sao các ông chủ Việt Nam lại bắt nhân viên người Việt lao động 16 giờ mỗi ngày và không có ngày nghĩ hàng tuần ?

Công nhân bị đặt trong tình trạng cá chậu chim lồng phải chăng là chủ có dụng ý không tính chuyện lâu dài mà chỉ chờ đến lúc vắt chanh xong thì bỏ vỏ ?

Chị Bùi Thị Mịa : “ Từ lúc em sang ấy đến lúc về là 18 tháng lúc em xuống sân bay Việt
Nam , em không có một đồng tiền trong tay…làm việc mỗi ngày 16, 17 tiếng đồng hồ ..ăn uống thì mỗi tháng được một lần rau quả tươi …”
Là một trong số các nữ công nhân được Liên minh bài trừ nô lệ mới vận động cứu thoát, chị  Thúy Liễu , quê ở Bến Tre cũng xác nhận là đã bị Victoria trấn áp cho đến lúc lên máy bay. Tiền đồng nghiệp đóng góp phụ giúp cũng bị ông chủ « Lập đen » ăn chận và ông này vẫn tiếp tục trấn áp những người còn ở lại :«Có một lần em cùng hai người bạn trốn đi …trong đó có Duy. Ông Lập đánh Duy …không cho sử dụng điện thoại … hôm qua em liên lạc với Duy mà không được…. »

Từ Nho Quan, Ninh Bình, chị Bùi Thị Mịa cho biết là sau những đợt khám xét của cảnh sát Nga, đến lần cuối cùng vì Victoria không phản ứng kịp lùa công nhân đi giấu nên chủ
phải thả cho về nước nhưng với… bàn tay trắng: «Em làm việc 18 tháng , xuống đất được hai lần, một lần tiễn người về Việt Nam, một lần vì ốm đau em xin quản lý cho ra hít khí trời thì được ra một tiếng đồng hồ… 150 người thì hết 140 người bị bệnh vì ăn uống không sạch sẽ… »

Bất bình trước tình trạng lường gạt này, anh Dũng, chồng của chị Thúy Liễu nói là phải truy tố trừng phạt những kẻ « buôn người » : « Em đề nghị phải truy tố những người này về tội buôn bán người. Cái này là hành vi mua bán người chứ không phải đi lao động gì hết….. » Nhưng người dân quê hiền lành này tuy vậy rất an phận. Họ chỉ mong các tổ chức thiện nguyện can thiệp với chính phủ Nga giúp ngăn chậntệ nạn nô lệ mới.

Theo một số nhân chứng thì sứ quán Việt Nam tại Nga rất tích cực can thiệp trợ giúp nạn
nhân trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đại diện ngoại giao chỉ can thiệp khi tai tiếng đổ bể. Có một số người cho rằng do tình hình kinh tế tại Việt Nam xuống dốc trong ba năm trở lại đây nên xuất khẩu lao động là một giải pháp để tình hình xã hội tại Việt Nam bớt căng thẳng.

Trong khi đó thì tại Nga, trong cộng đồng người Việt, chỉ có người nghèo mới giúp người đồng hương trong cơn khốn cùng. Giới « đại gia » Việt Nam thì chỉ nghĩ đến tiền đầu
tư của họ hơn là qua tâm đến nổi đau khổ của những công nhân cần tiền gửi về nuôi con, nuôi bố mẹ ở quê nghèo.

Từ trẻ nhặt rác đến ứng cử viên giải Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế

Từ trẻ nhặt rác đến ứng cử viên giải Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế
nguồn: VOA

Kesz ngồi đằng sau một cậu bé 5 tuổi lắng nghe một bài học. Kesz bị bỏng nặng hồi 8 năm trước tại một bãi rác ở gần thủ đô Manila
Simone Oredain
17.09.2012
MANILA — Từ đi nhặt rác đến vận động cho quyền trẻ em, một cậu bé xuất thân từ thành phố Cavite gần thủ đô Manila của Philippines đang là một trong 3 ứng cử viên cho giải thưởng Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế. Giải thưởng thường niên này ghi nhận những đóng góp đáng kể trong việc đối phó với các vấn đề của trẻ em và dự kiến sẽ được công bố trong tuần này tại thành phố The Hague. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain tường trình về cậu bé 13 tuổi tên Kesz, người sáng lập ra một tổ chức đã giúp hơn 10.000 trẻ em có hoàn cảnh như chính cậu.
Kesz nở nụ cười rạng rỡ trước những đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác đang chen chúc ngồi nghe cậu đọc một câu chuyện về một chú chuột đi lên mặt trăng để tìm pho mát. Chúng tụ tập ngồi quanh một chiếc bàn trong trung tâm giữ trẻ chỉ có 1 phòng này ở Barangay Muzon, một cộng đồng nghèo khó ven vịnh Manila.
Kesz và một số tình nguyện viên trẻ tuổi nữa dạy bọn trẻ đọc hiểu, quyền trẻ em, vệ sinh cá nhân và trồng rau.
Kesz nói: “Em nhìn thấy bản thân mình qua những đứa trẻ này. Khi em đi đến những thành phố khác và nhìn thấy lũ trẻ xin ăn trên đường phố, em như thấy hình ảnh của chính mình. Vì thế mà em muốn dốc lòng giúp chúng.”
Từ lúc Kesz mới 2 tuổi cậu đã phải đi xin ăn, ăn cắp vặt và nhặt rác tại bãi rác nơi gia đình cậu sinh sống. Cậu nói ở nhà cậu bị ngược đãi và sau đó cậu bỏ trốn.
Kesz đọc câu chuyện về một chú chuột đi lên mặt trăng để tìm pho mát
​​Một ngày nọ, các thành viên của Câu lạc bộ 8586, một nhóm Kitô hữu vận động cho trẻ em tìm thấy Kesz đang ngủ bên ngoài một cửa hàng tạp hóa. Efren Penaflorida nhớ lại cậu bé 4 tuổi Kesz khắp người đầy ghẻ choàng tỉnh dậy và vội xin tiền.
Anh Penaflorida nói: “Nhưng tất nhiên là chúng tôi không cho tiền. Điều mà tôi và người hướng dẫn của tôi KB làm là mời cậu bé tham dự lớp học xe đẩy mà trong đó chúng tôi cho em thức ăn và một nền giáo dục cơ bản. KB bây giờ là người giám hộ của Kesz.”
Lớp học xe đẩy là một chương trình học tập khác dành cho trẻ em đường phố, một hình thức trường học mini di động có cung cấp bữa ăn và đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Người sáng lập Câu lạc bộ 8586, Harnin “KB” Manalaysay, gửi Kesz trở về nhà với cam kết trả tiền học phí cho cậu bé. Nhưng thay vì đi học cậu lại buộc phải đi nhặt rác. Khi Kesz 5 tuổi, cậu bị những người nhặt rác bâu quanh xe chở rác xô ngã vào đống lốp xe đang cháy. Câu lạc bộ 8586 trả chi phí điều trị bỏng cho Kesz nhưng sau đó mẹ Kesz bỏ rơi cậu.
Kesz cho biết: “Mẹ em nói ở với Câu lạc bộ 8586 tốt hơn vì em sẽ được chăm sóc.
Bà ấy cũng nói em là người gây xui xẻo cho bà ấy.”
Dưới sự dìu dắt của Manalaysay và những người hướng dẫn khác, vận hạn của Kesz
đã thay đổi. Cậu bé 6 tuổi trở thành học sinh xuất sắc. Khi cậu vừa tròn 7 tuổi, Kesz đã ước một điều ước quan trọng vào dịp sinh nhật của mình.
Kesz nói thêm: “Em ước rằng trẻ em nghèo khó cũng nhận được những thứ mà em đã
nhận được.”
Kesz nói cậu muốn trẻ em nghèo có những thứ như dép xỏ ngón, đồ chơi và bánh kẹo, những thứ mà cậu từng có. Đây là khởi đầu cho sứ mệnh đầy tham vọng của Kesz. Những món quà mà Kesz ước vào sinh nhật mình hàng năm giờ đây có thêm quần áo, đồ dùng vệ sinh cá nhân và một thông điệp giản đơn gửi đến cho bọn trẻ, rằng đừng đánh mất hy vọng bởi vì chính các em cũng có thể đảo ngược lại cuộc đời của mình.
Khi chương trình được nhân rộng, Kesz và một nhóm những tình nguyện viên trẻ tuổi bắt đầu dang tay giúp đỡ đến hàng ngàn trẻ em nghèo khó ở Manila. Mùa xuân năm rồi, tổ chức Campioning Community Children vươn ra ngoài Philippines để đến với trẻ em cơ nhỡ ở Indonesia.
Klarence Baptista, một giám sát viên tình nguyện 22 tuổi, nói nguyên tắc làm việc của Kesz quả là phi thường.
Cô Baptista nói “Kesz giống như một thứ ánh sáng soi đường và truyền cảm hứng cho những người xung quanh chỉ đơn giản bằng cách giúp đỡ người khác.”
Nhưng quá khứ khó khăn vẫn đeo đuổi Kesz. Sau khi cậu được đề cử giải thưởng Hòa bình, Kesz bắt đầu nhận được những lời đe dọa tống tiền vì được giới truyền thông để ý tới. Sự việc này khiến cậu phải lánh xa công chúng và chỉ sử dụng tên “Kesz” thay vì tên họ đầy đủ để bảo vệ danh tính của mình.

Vợ chồng trẻ Quận Cam 70% ly dị


Vợ chồng trẻ Quận Cam 70% ly dị

September 18, 2012   nguồn: Báo Nguoi-Viet.com

Thiên An/Người Việt

Nhiều người mang chuyện ly dị ra chỉ để hù dọa vợ hay chồng mình khi nóng giận, nhưng dựa trên những số liệu gần đây của Sở Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ (US Census Bureau) thì không ít những lời nói vu vơ đó sẽ có thể trở thành là sự thực, nhất là trong khu vực Quận Cam.


Trẻ em là những người bị thiệt thòi nhất khi cha mẹ ly dị. (Hình minh họa: TORU
YAMANAKA/AFP/Getty Images)
Tài liệu của US Census Bureau năm 2010 cho biết tỉ lệ ly dị trung bình của nước Mỹ là khoảng 50%, tiểu bang đi đầu là California 60% mà Quận Cam là vùng có tỉ lệ ly dị cao nhất, gần 70%.
Từ nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ lập gia đình trong dân số Hoa Kỳ ngày càng giảm, trong khi con số ly dị từ các cặp vợ chồng đó ngày một tăng lên. Cứ ba cặp đôi nào vượt qua được các thử thách và quyết định đi tới hôn nhân, thì chỉ 1 trong số đó sẽ giữ được mái ấm của mình. Với tỉ lệ ly dị cao tới gần 70% giữa các đôi vợ chồng ở Quận Cam, có thể nói rằng những đứa trẻ nào ở Quận Cam, mà có được cả ba lẫn mẹ để thưa chào trước khi đi học hay khi về nhà, là những đứa trẻ may mắn. Những
đứa trẻ không có được may mắn đó sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý cũng như các phương diện khác của cuộc sống. Con gái sống với cha hay con trai sống với mẹ thường có những khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc. Con gái sống với mẹ thường có tinh thần trách nhiệm cao, nhưng dễ trở nên già dặn hơn các bạn đồng trang lứa. Ðáng buồn hơn, một số có thể trở nên hư hỏng và đánh  mất tương lai của chúng. Thống kê cho thấy con trai thiếu sự dạy dỗ của cha  có tỉ lệ phạm tội cao gấp đôi mức bình thường.
Bà Lynne Diamond, người sáng lập  và là giám đốc của Divorce Wizards ở Newport Beach nói, “Ðau lòng nhất là  những đứa trẻ, có những đứa mới ba tuổi không biết sẽ ra sao.” Có những đôi  vợ chồng cần sự cố vấn của bà hơn 30 tiếng mới quyết định được việc họ sẽ  chia nhau nuôi dạy con như thế nào trong khoảng thời gian sau ly dị. Công việc của bà Diamond là chuyên về hòa giải và cố vấn cho các vụ ly dị. Bà có  bằng thạc sĩ tư vấn và đã làm trong ngành 17 năm nhưng bà cũng cho biết là  hầu hết các cặp vợ chồng đã điền đơn ly dị thì cũng khó được hòa giải thành công, nhất là các cặp vợ chồng đã tìm tới luật sư. Tuy từng học và lấy bằng  luật, bà Diamond bày tỏ sự thiếu thiện cảm của mình với những luật sư trong lĩnh vực ly dị.
Tòa thường lấy $1,000 cho một cuộc ly dị, bất kể đó là một cuộc ly dị đơn giản hay phức tạp. Với con cái và tài sản giữa hai bên, việc ly dị dễ trở nên rắc rối khiến cho cặp vợ chồng phải nhờ tới sự giúp đỡ của luật sư. Khi một bên đã gọi luật sư thì bên kia thường sợ thua thiệt và gọi một luật sư khác cho riêng mình. Bà Diamond lấy một cái tên từ danh sách khách hàng dài sáu trang của bà, danh sách các cặp vợ chồng phải nhờ tới sự trợ giúp của luật sư. Ðôi vợ chồng mà bà lấy để làm ví dụ đã phải ra tòa 31 lần với luật sư của họ. Mỗi bên đã trả $150,000 cho luật sư của mình.
Ly dị là tốn kém, nhưng tiền bạc thường không phải là điều mất mát lớn nhất từ các vụ ly dị. Với các bậc làm cha làm mẹ, tranh giành quyền nuôi dạy con cái luôn là điều làm họ đau đầu nhất. Người may mắn hơn sẽ được giữ con trong khi người kém may mắn hơn sẽ chỉ được gặp con theo một thời khóa biểu vạch sẵn. Người không có việc làm tốt và ổn định không những sẽ mất quyền giữ con mà còn phải đóng tiền child
support cho người kia. Những người sau khi ly dị sẽ gặp nhiều sức ép tài chính hơn, cho con cái cũng như nhà ở hay thức ăn, những thứ mà giờ đây không còn được chia sẻ bởi người chồng hay người vợ của mình nữa.
Các cặp vợ chồng đến gặp bà  Diamond tới từ các độ tuổi và tầng lớp khác nhau, 20 tuổi có, 80 tuổi có, nghèo có, giàu có. Lý do cãi vã và ly dị cũng vô vàn, mỗi cặp mỗi cảnh. Tất cả đều mong khi ly dị xong họ có thể kết thúc các vấn đề trong đời sống vợ
chồng của mình. Việc ly dị là không hề đơn giản nhưng lại là phương án tốt nhất mà một số người có thể chọn cho mình. Với họ, đó có thể là một quyết định sáng suốt. Với một số khác, khi họ nhận ra được sự phức tạp của việc ly dị thì đã trễ.
Cứ 10 cặp vợ chồng ở Quận Cam thì 7 cặp sẽ kết thúc trong sự tan vỡ. Theo khảo sát thì ba cặp còn lại cũng nghĩ tới việc ly dị nhưng họ không biến ý nghĩ đó thành hiện thực. Trong cuộc sống hiện đại khi thời gian là vàng bạc, con người dường như quyết định mọi thứ nhanh chóng hơn, kể cả việc chấm dứt đời sống vợ chồng. Khi nghĩ tới việc ly dị như một phương án để kết thúc cho mọi khó khăn trong đời sống gia đình,
thiết nghĩ một chút thời gian để nói chuyện với nhau có thể giữ bạn lại ở bên phía 30% may mắn của các cặp vợ chồng ở Quận Cam.

Bộ trưởng Đức gốc Việt Philipp Rösler thăm Việt Nam

Bộ trưởng Đức gốc Việt Philipp Rösler thăm Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Rösler

 

18.09.2012

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Rösler hiện ở Việt Nam trong chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày.

Được biết, chuyến đi với sự tháp tùng của khoảng 50 đại diện doanh nghiệp Đức nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa Hà Nội và Berlin.

Ông Rösler nhận định rằng Việt Nam là một trong những quốc gia ‘đang vươn lên trong khu vực tăng trưởng kinh tế ASEAN, và Đức muốn ‘có quan hệ đối tác chặt chẽ và mở rộng mối quan hệ’ với Việt Nam.

Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các giới chức cấp cao khác của Việt nam, ông Rösler dự Diễn đàn đối thoại Đức-Việt với đại diện giới kinh tế.

Hôm 17/9, Bộ trưởng Rösler đã có bài phát biểu trước sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội, và tại đây, ông đã được trao bằng Tiến sĩ danh dự.

Ngoài các cuộc gặp trên, ông còn tới thăm một số doanh nghiệp, dự lễ khánh thành Trường phổ thông giao lưu Đức-Việt và một Trung tâm công nghệ Đức-Việt.

Năm 2011, Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, và giao thương giữa hai nước đã tăng 28%, lên tới 5,7 tỷ euro.

Trước đây, ông Rösler, 39 tuổi, từng tới thăm Việt Nam nhưng trên danh nghĩa cá nhân.

Trả lời phỏng vấn tờ Spiegel của Đức trước khi tới Hà Nội, ông Rösler nói rằng Việt Nam là một phần của cuộc đời ông.

Ông Rösler cũng bày tỏ hy vọng rằng các doanh nghiệp Đức sẽ được hưởng lợi từ chuyến thăm của ông. Ông cho rằng Việt Nam là quốc gia đang lên, và đã đạt được nhiều thành quả trong những năm vừa qua, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, nhất là vấn đề pháp quyền.

Ông Rösler từng bị bỏ rơi bên ngoài một cô nhi viện Công giáo trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, rồi được đưa sang Đức, và tại đây, ông đã được nhận làm con nuôi.

Nguồn: German Embassy, SPIEGEL VietNamNet Bridge

Aung San Suu Kyi đến Mỹ sau hơn 20 năm

Aung San Suu Kyi đến Mỹ sau hơn 20 năm

Thứ hai, 17 tháng 9, 2012      Nguồn: BBC

Bà Suu Kyi trên đường ra sân bay đi Mỹ

Bà Suu Kyi là một nhân vật rất được trọng vọng ở Hoa Kỳ

Nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã đặt chân đến Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ.

Được cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ kính trọng, bà Suu Kyi sẽ được chào đón long trọng tại Mỹ mặc dù lịch trình của bà đã được sắp xếp kỹ lưỡng để tránh làm ảnh hưởng đến chuyến đi của Tổng thống Thein Sein, người sẽ đến Mỹ vào tuần sau để tham dự phiên họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Trong chuyến thăm kéo dài 18 ngày này bà sẽ được phía Mỹ trao Huân chương Vàng Quốc hội, vinh dự dân sự cao quý nhất ở Mỹ cùng với các phần thưởng khác.

Bà dự kiến có thể sẽ hội kiến Tổng thống Barack Obama và các nhóm kiều dân Miến Điện.

Bà cũng sẽ có các cuộc hội kiến ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội.

Sau đó bà sẽ đi New York, nơi bà đã làm việc cho Liên Hiệp Quốc từ năm 1969 cho đến 1971. Tại đây bà sẽ có dự một cuộc gặp cấp cao do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban
Ki-moon tổ chức – một ngày trước khi Tổng thống Thein Sein đọc diễn văn trước Đại hội đồng.

Sau đó bà sẽ đến tiểu bang Trung Tây Kentucky và có bài diễn văn tại Đại học Louisville trước khi đến gặp một trong những cộng đồng Miến kiều đông đảo nhất ở Mỹ ở
Fort Wayne thuộc tiểu bang Indiana.

Bà cũng sẽ đến thăm San Francisco và Los Angeles thuộc tiểu bang California.

Bà sẽ diễn thuyết trước các nhà vận động nhân quyền và gặp gỡ các nhà báo người Miến tại Đài Á châu Tự do (RFA) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Chuyến đi này diễn ra trong lúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xem xét nới lỏng các lệnh cấm vận vẫn còn duy trì đối với Miến Điện.

Trong nhiều năm, các chính khách có ảnh hưởng nhất ở Washington đều là những người ủng hộ bà Suu Kyi mạnh mẽ nhất và bà Suu Kyi là một trong những chủ đề hiếm hoi mà
cả hai chính đảng của Mỹ đều đồng thuận.

Cả hai đảng này đều đồng ý áp đặt các lệnh cấm vận lên chính quyền quân sự Miến Điện cũng như dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận mới đây.

Sức ép chính trị

Bà Suu Kyi trong chuyến thăm Bảo tàng Louvre ở Paris

Bà Suu Kyi đã công du nhiều nơi kể từ khi thoát khỏi quản thúc

Suu Kyi đang đối diện với sức ép chính trị từ chính phủ của Tổng thống Thein Sein để vận động Hoa Kỳ dỡ bỏ biện pháp cấm vận vẫn còn duy trì và bà có vẻ như sẵn sàng làm công việc này, hãng tin Mỹ AP nhận định, mặc dù nhiều người ủng hộ bà lâu năm ở hải ngoại vẫn phản đối.

“Chúng tôi không muốn nói liệu Hoa Kỳ có nên duy trì lệnh cấm nhập khẩu (từ Miến Điện) hay không,” Nyan Win, người phát ngôn của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, đảng của
bà Suu Kyi, phát biểu trước khi bà lên đường đi Mỹ.

“Tôi hiểu rằng phía Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm này bởi vì họ muốn theo dõi quá trình cải cách chính trị và kinh tế của Miến Điện và tôi nghĩ rằng Mỹ nên tiếp tục giám sát tình hình,” ông nói thêm.

Chủ nhân giải Nobel hòa bình cũng có thể sẽ đối mặt với các câu hỏi về cuộc xung đột sắc tộc ở bang miền Tây Rakhine hồi đầu năm.

Cuộc bạo loạn này xảy ra giữa người Phật giáo chiếm đa số với người Hồi giáo thiểu số ở Miến Điện sau khi một nữ Phật tử bị cưỡng hiếp và sát hại. Hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.

Cho đến nay bà Suu Kyi vẫn không hề nói gì về vấn đề này mặc dù bà đã kêu gọi Quốc hội Miến Điện ra luật bảo vệ quyền của các sắc dân thiểu số.

Khi được hỏi hồi tháng Sáu liệu người Hồi giáo Rohingya có được xem là công dân Miến Điện hay không, bà đã trả lời rằng ‘Tôi không biết’ và nói Miến Điện cần làm rõ luật công dân.

Kể từ khi được thoát khỏi tình cảnh quản thúc tại gia vào cuối năm 2010, Aung San Suu Kyi đã từ vị thế một người bất đồng chính kiến trở thành nghị sỹ Quốc hội trong khi đất nước của bà cũng thoát ra khỏi hơn năm thập kỷ của chính quyền độc tài quân sự và được cộng đồng quốc tế chào đón.

Bà đã đi công du Thái Lan và năm quốc gia châu Âu. Tại những nơi này, bà được dành những vinh dự vốn chỉ dành cho nguyên thủ.

10 năm ngày mất của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

10 năm ngày mất của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
September 15, 2012                                nguồn: Nguoi-Viet.com
Hiện thân của Lòng Yêu Thương
Giáo dân: “Lòng mình báo hiếu với Ðức Hồng Y”
Ngọc Lan/Người Việt
SANTA ANA (NV) – Hơn 500 giáo dân Công Giáo có mặt tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, chiều Thứ Sáu, tham dự lễ giỗ lần thứ 10 cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Ðức Cha Mai Thanh Lương (giữa), giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế cùng 10
linh mục trong và ngoài giáo phận tham dự thánh lễ giỗ 10 năm ngày mất của cố
Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Thánh lễ do Ðức Cha Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế cùng 10 linh mục trong và ngoài giáo phận.
Chương trình thánh lễ được cử hành trang trọng với các nghi thức dâng hương, cung nghinh Thánh giá, cùng các bài ca ngợi Thiên Chúa.
Tiếp xúc với phóng viên Người Việt trước giờ cử hành thánh lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ðức Cha Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế, cho biết: “10 năm là mốc điểm đặc biệt, thêm nữa, từ năm năm nay, cuộc vận động phong Á Thánh cho ngài đang diễn ra, chưa biết sẽ đi đến đâu, nhưng thánh lễ
hôm nay là biểu hiện cho việc cộng đồng người Việt quý mến ngài, đặc biệt là những bạn bè đã làm việc cùng ngài.”
Chia sẻ kỷ niệm về cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ðức Cha Mai Thanh Lương kể: “Khi ngài vừa ra khỏi tù, sang Roma năm 1993 dự khóa tĩnh tâm dành cho các linh mục trên thế giới, tôi gặp ngài tại đó trong 4, 5 ngày. Lần đó ngài trao cho tôi cuốn sách ngài viết trong tù, có tên ‘Con Ðường Hy Vọng’. Giờ cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sách đó không chỉ có người Việt mà những người ngoại quốc cũng thích. Khi tôi đi họp, gặp gỡ những giám mục khác, họ cũng hỏi về ngài, bởi họ quý tư tưởng, niềm vui và hy vọng của ngài.”
Trong phần giảng tại thánh lễ, Ðức Cha Mai Thanh Lương cũng nhắc lại những câu chuyện được truyền khẩu liên quan đến đức hạnh của cố Hồng Y Thuận trong thời gian ngài bị giam cầm 13 năm trong nhà tù Cộng Sản, từ sau năm 1975, cũng như nêu ra những lý do tại sao ngài lại được Tòa Thánh vận động phong Á Thánh.
Không còn chỗ ngồi trong thánh đường, ông Ngô Ðình Thu, một giáo dân thuộc cộng đoàn Saint Barbara, đứng cầu nguyện suốt một buổi phía bên ngoài một cách thành tâm.
Ông cho biết tâm tình của mình khi  đến tham gia thánh lễ: “Tham dự thánh lễ giỗ của Ðức Hồng Y lần thứ 10 cũng là nhân ngày kính Thánh Giá, ngày khổ nạn của Chúa Giê-su, những sự đau khổ của Ðức Hồng Y biểu hiện cho sự đau khổ của Chúa Giê-su đã vượt qua để mang lại hoa trái hồng ân cho đất nước Việt Nam.”
“Tôi cầu xin Ðức Mẹ Maria thương cho đất nước Việt, ban cho đất nước Việt Nam một hồng y là thánh để mang lại hoa trái hòa bình cho quê hương Việt Nam chúng ta.”
“Tôi có dịp gặp ngài năm 2000 ở Missouri, tôi vẫn nhớ lời ngài kêu gọi chúng tôi: ‘Hãy vui lên, đừng sợ, lúc nào cũng hãy luôn vui cười, nở một nụ cười trên môi vì hãy tin vào Ðức Mẹ Maria và Ðức Chúa Giê-su sẽ mang lại cho dân tộc Việt Nam một ngày an bình thịnh
vượng, và nhất là cho tôn giáo được tự do trên quê hương.” Ông Thu kể.
Trong khi đó, bà Phạm Thanh Tâm, giáo dân thuộc cộng đoàn Huntington Beach, là người theo làm các công việc giúp Ðức Hồng Y từ lúc còn sống cho tới bây giờ, nói bằng sự xúc động: “Mới đây mà thấm thoát 10 năm rồi. Tôi nhớ tới Ðức Hồng Y và cũng cảm động khi thấy trời nóng như thế này mà có rất nhiều người tới đây tham dự thánh lễ cầu nguyện cho ngài. Xin Chúa mau sớm cho ngài được phong chân phước, để mọi người ai nấy cũng đều
vui mừng cho giáo hội Việt Nam mình có một vị thánh để con cháu giáo hội noi theo.”
Bà Tâm nhớ lại điều xảy ra vào ngày mất của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: “Trước khi mất, ngài có tặng tôi cuốn sách ‘Ðường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa’. Tự dưng ngày đó nghe tin ngài mất, tôi gọi qua Roma thì Ðức Ông Hiền nói là ‘đừng khóc, đừng khóc, tiếp tục cầu nguyện!’ Thế là tôi mở cuốn sách ngài tặng, trong đó có nói ‘Ðây là lời trăn trối của Cha, các con hãy điền vào những thiếu sót’. Từ đó tôi tiếp tục dấn thân làm hết sức mình cho Chúa, giống như lòng mình báo hiếu đối với Ðức Hồng Y đã suốt cuộc đời hy sinh cho Chúa, cho giáo hội.”
“Xin tất cả các giáo dân cùng tham gia cầu nguyện cho ngài để ngài được vinh hiển trên bàn thờ theo Thánh ý Chúa.” Bà Tâm kêu gọi.
Luật Sư Nguyễn Ðình Khương, chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam miền Tây Nam Hoa Kỳ, chia sẻ: “Tôi được gặp ngài nhiều lần, từ lúc còn ở Việt Nam đến khi qua Mỹ. Ðức cố Hồng Y là một người hiền lành và qua bao nhiêu lần được tiếp xúc với ngài, muốn xem ngài có một sự tức giận gì hay hằn thù gì với những người từng giam giữ ngài không thì tuyệt
đối không bao giờ thấy ngài để lộ những gì như là ngài không hài lòng. Có lẽ ngài tha thứ cho tất cả. Ðó là điểm rất đặc biệt ở ngài.”
Luật Sư Khương cũng rất “hy vọng một ngày gần đây Ðức Hồng Y được phong Hiển Thánh”.
Sau thánh lễ, mọi người đến nhà hàng Seafood Palace, Westminster, để dự buổi tiệc gây quỹ vận động phong Chân Phước cho vị cố Hồng Y.
***
Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17 tháng 4 năm 1928. Ngài là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Ấm, mẹ là bà Ngô Ðình Thị Hiệp, em ruột của Giám Mục Ngô Ðình Thục và Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Ngài theo học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị và Ðại Chủng Viện Kim Long, Huế. Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ngài được thụ phong linh mục và ngay sau đó được bổ nhiệm làm cha phó xứ tại họ đạo Phanxicô.
Năm 1960, ngài được cử làm giám giốc (Bề trên) Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế, sau khi đậu bằng tiến sĩ giáo luật tại Ðại Học Urban, Roma. Từ năm 1963 đến năm 1967 ông còn đảm nhận chức vụ tổng đại diện Giáo Phận Huế.
Tháng 6 năm 1967, ngài được tấn phong giám mục tại Huế, và nhậm chức giám mục chính tòa Giáo Phận Nha Trang.
Ngày 23 tháng 4 năm 1975, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm tổng giám mục hiệu tòa Vadesi, tổng giám mục phó Tổng Giáo Phận Sài Gòn với quyền kế vị. Ngài đến Sài Gòn ngày 7 tháng 5 năm 1975 để nhận nhiệm vụ mới, nhưng không được chính quyền tạm thời lúc bấy giờ chấp nhận. Ngài bị bắt bỏ tù 13 năm.
Ngài đến Roma tháng 4, 1990 để điều trị bệnh, và trong thời gian này, nhà nước Việt Nam tuyên bố không cho ngài trở lại Việt Nam nữa. Tại Roma, ngài được mời làm thành viên Ủy Ban Quốc Tế về Di Trú và Di Dân.
Năm 1994, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm phó chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.
Năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, thay thế Hồng Y Y. R. Etchegaray nghỉ hưu.
Ngày 21 tháng 1 năm 2001, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn ngài vào Hồng Y Ðoàn, tước hiệu Hồng Y nhà thờ Santa Maria della Scala.
Thời gian này, dư luận Công Giáo trên thế giới đặc biệt chú ý đến ngài. Trong số phát hành ngày 21 tháng 2 năm 2001, nhật báo The Los Angeles Times có bài với nhan đề “The Men Who Would Be Pope?” (Người có thể lên ngôi Giáo Hoàng?) đã dự đoán danh sách 14 vị hồng y có nhiều khả năng kế vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong đó có cố Hồng Y Nguyễn
Văn Thuận.
Ngày 16 tháng 9 năm 2002, ngài qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột.
Ðức Cha Mai Thanh Lương (giữa), giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế cùng 10
linh mục trong và ngoài giáo phận tham dự thánh lễ giỗ 10 năm ngày mất của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Giáo Hội Công Giáo Roma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ngài. Ðây cũng là lần đầu tiên có một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh tử đạo.
Cố Hồng Y Thuận đã viết nhiều tác phẩm rao giảng tín lý Công Giáo. Khi ở trong tù, ngài viết lại những cảm nghiệm trong đời sống tâm linh ở mặt sau những tờ lịch cũ.
Ngài đã du hành tới nhiều quốc gia, giảng thuyết tín lý Công Giáo qua các trải nghiệm của mình, đặc biệt sự lạc quan, yêu thương đồng loại ngay cả những ngày tù tội. Một câu nói của ngài với những kẻ bỏ tù ngài được kể lại là: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu.”

Khi đàn bà miền Tây… nhậu

Khi đàn bà miền Tây… nhậu

Chiếc ly “xây chừng” được chuyền tay nhau, chị Ba giữ phần cầm cái, rót rượu. Chị và các nữ “chiến hữu” uống sòng phẳng với đàn ông chúng tôi, không bỏ sót vòng nào.

Vừa nhậu, chị Ba vừa cười, nói: “Nam nữ bình đẳng, mấy em tới đâu, mấy chị tới đó”. Ban đầu uống 2 người 1 ly, nhưng sau 3 vòng đầu, tôi… sợ toát mồ hôi khi nghe chị Ba tuyên bố: “Đến vòng tăng tốc, mỗi người 1 ly, chị uống trước”…

Cảnh nhậu của phụ nữ miền Tây.

Cuộc nhậu nhớ đời ở Cà Mau.

Nghe đồn phụ nữ Cà Mau nhậu có tiếng, nên trong một chuyến công tác về đó, khi mấy đồng nghiệp rủ đi “so ly” với mấy chị em phụ nữ, tôi hào hứng nhận lời ngay. Chừng 11 giờ trưa, chúng tôi đã có mặt ở nhà anh Ba, một cán bộ huyện C.

Vừa thấy khách, anh Ba đã cười khà: “Nghe tụi bây xuống chơi, tao kêu chị Ba mày làm mồi bén đãi khách”. Không phải đợi lâu, chị Ba dọn lên đĩa vịt xiêm luộc chấm nước mắm gừng và thau tôm nướng đỏ au. Chị Ba xách ra can rượu đế 10 lít, tuyên bố: “Đây là tăng 1, tăng 2 tới bia”. Tôi nhẩm tính: Chỉ có 4 người chúng tôi, cộng với vợ chồng anh chị là 6, làm sao “cõng” nổi 10 lít rượu. Vừa dứt đã thấy chị Ba móc điện thoại alô, chưa đầy 5 phút sau 4 chị “chiến hữu” của chị Ba có mặt, ngồi vào bàn tiệc.

Chiếc ly “xây chừng” chạy quanh bàn nhậu, chị Ba làm “chủ xị”… Đến khi can rượu vơi hết phân nửa, chị Ba tuyên bố: “Bây giờ tăng tốc, chị uống sao mấy em uống vậy”. Nói xong, chị Ba rót liền 3 ly rượu, lần lượt uống hết từng ly, rồi rót rượu cho từng người. Vòng 3 ly đầu, tôi gắng gượng cầm cự, nhưng đến vòng thứ hai, vừa nốc xong, tôi vội vàng chạy ra hè “cho chó ăn chè”, trong khi  chị Ba và các “chiến hữu” ngồi cười ha hả. Anh Ba chủ nhà cũng chỉ khá hơn tôi một chút, chứ không cầm cự nổi với vợ và bạn vợ.

Khi đã ngà say, anh Ba ôm tôi tâm sự: “Mỗi tháng không dưới 20 ngày bà con, lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, ăn mừng… Anh đi không xuể, chị Ba mấy em phải đi thế, bả nhậu riết rồi lên đô”. Chiều hôm đó, tôi “quắc cần câu” nằm trên võng, còn nghe chị Ba và các “chiến hữu” vừa thu dọn “chiến trường” vừa rủ nhau đi uống bia, hát karaoke…

Hôm sau trên đường về TP.Cà Mau, anh bạn tôi điện thoại cho ai đó rồi  cười nói: “Ghé xã Lương Thế Trân nhậu tiếp, có một nhóm nữ trẻ hơn đang sẵn sàng tiếp tụi mình”. Nhớ tới trận nhậu kinh hoàng hôm qua, tôi nổi da gà, nhưng vì tò mò, tôi gắng gượng đồng ý. Chúng tôi ghé vào một căn nhà lá nằm giữa các ao nuôi tôm. Trên bộ ván, 4 phụ nữ tuổi khoảng 30 – 40 đang ngồi “lai rai” chờ khách, trước mặt là mâm bánh xèo nhân tôm và một can rượu đế 10 lít đã vơi một phần ba. “Vào cửa bửa 1 ly”, “ngồi xuống uống 1 ly”, “cầm đũa dủa 1 ly”, tôi tá hỏa với 3 ly rượu “chào sân” theo đúng quy định của chủ nhà.

Chiếc ly không xoay vòng như trận nhậu hôm qua, ở đây mấy chị nhậu theo kiểu chia phe: 4 phụ nữ ngồi đối diện với 4 đàn ông chúng tôi, ly rượu chuyền qua lại liên tục giữa hai phe. Đến khi chị Năm chủ nhà quyết định tăng tốc lên 2 ly một lượt, tôi muốn hoa mắt, nhìn thấy phe bên kia có đến… 8 người. Chỉ thêm 1 vòng nữa, tôi giơ tay đầu hàng, xin ra võng nằm, sau lưng là tiếng “trăm phần trăm” của mấy chị.

Mua chuột về làm mồi nhậu – chuyện không phải hiếm của phụ nữ miền Tây.

Làm cán bộ phải biết nhậu!

“Không phân biệt nam nữ, làm cán bộ ở miền Tây mà không biết nhậu thì không phải là… cán bộ” – cô bạn tôi hiện đang làm Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh X nói xanh rờn. Bạn và tôi thân nhau từ hồi học trung học, sau này mỗi người một nơi, nhưng hình ảnh người con gái dịu dàng, có phần nhút nhát ngày nào vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

 

Say  rượu đâm chết bố chồng
Chiều 9.9.2012, ông Trần Văn Kịp (45 tuổi, ngụ ấp  Bà Chăng, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) ngồi nhâm nhi ly trà  nóng sau 1 ngày lao động mệt nhọc. Phút thư dãn của ông bất ngờ bị phá tan  khi cô con dâu 24 tuổi là Quách Hoài Thương đi nhậu ở đâu đó về say mèm, bị  bà nội chồng rầy la, Thương còn hỗn hào cãi lại.
Không chịu được, ông Kịp mắng cô con dâu quá đáng,  liền bị Thương cãi lại, suýt chút nữa ông bạt tai con dâu, may mà mọi người  kịp can ngăn. Nằm bức bối không ngủ được, ông Kịp lại la mắng con dâu, dẫn  đến xô xát giữa hai cha con. Bất ngờ, Thương chụp lấy con dao đâm 2 nhát chí  tử, làm ông Kịp tử vong.

Cho tới một ngày, tình cờ cùng có mặt trong tiệc nhậu, tôi không tin vào mắt mình khi thấy bạn liên tục nốc cạn những ly rượu đầy mà mặt không hề biến sắc. “Không uống không được bạn à” – cô ấy giải thích – “Ban đầu mình “né” dữ lắm, nhưng cuối cùng cũng phải nhậu”.

Rồi bạn kể cho tôi nghe có những cuộc làm việc cả ngày, nhưng cuối cùng chỉ được “gút lại” ở bàn nhậu. “Tửu lượng mình không cao như bạn thấy đâu. Phụ nữ tụi này khi nhậu phải biết “ăn gian” mới cầm cự nổi” – bạn tâm sự. Rồi bạn kể những màn “ăn gian” trong tiệc nhậu mà cánh cán bộ nữ dày công “nghiên cứu”, truyền tai nhau áp dụng: Trà trộn nước lã vào ly rượu trắng; cho nước trà vào ly rượu Tây; nhả rượu vào ly trà đá hoặc ra khăn tay; đổ rượu xuống gầm bàn… “Khi bị “đối phương” để ý, không “ăn gian” được, buộc phải uống, thì phương  cách cuối cùng là vào nhà vệ sinh móc cổ ói cho rượu bia ra hết, rồi nhậu tiếp.
Ban đầu rất khó chịu, nhưng dần cũng quen” – bạn thú nhận.

Sau lần nghe cô bạn cũ tâm sự về chuyện nhậu, mỗi lần dự tiệc nhậu có phụ  nữ tôi đều kín đáo quan sát, đúng như bạn tôi nói, các chị em đều khéo léo “ăn gian”. Họ đi nhậu phần nhiều vì “lễ nghĩa”, muốn cho công chuyện được thuận lợi, cho vừa lòng mọi người, chứ thực ra ít có người thấy “đã”. Tôi chợt thấy “thương” họ, họ trở thành nạn nhân của một thói quen hình thành đã lâu, ai cũng thấy không nên, nhưng không ai muốn sửa và dám sửa!

Tối trước, tôi đến rủ người bạn vốn sành sỏi trong chuyện ăn nhậu đi uống vài chai. Cửa vừa mở đã thấy bạn cười méo xệch miệng: “Tao phải giữ con cho đứa em gái, bữa nay nó đi nhậu tới tối”. Em gái của bạn là cán bộ cấp sở ở tỉnh Tiền Giang, hôm nay đi tiếp khách, nhờ anh trai rước và giữ đứa con học lớp 1, vì chồng cô công tác vắng nhà. Anh bạn cho biết, mấy cô bây giờ đi nhậu cũng “tăng 2, tăng 3”, sau rượu rồi tới bia, kết thúc bằng chầu karaoke, có bữa 9 giờ tối cô em mới ghé nhà anh rước con. “Phải thông cảm cho nó thôi, đi nhậu cũng là “công tác”, giữ con cho nó cũng như giúp nó công tác tốt”.

Những hệ lụy của đàn bà nhậu

“Một người chồng hư, chỉ hư người chồng. Một người vợ hư, hư cả gia đình”. Điều đó cũng đúng trong chuyện nhậu, khi người phụ nữ vốn là linh hồn của gia đình sa đà vào chuyện nhậu, hậu quả sẽ nặng hơn người chồng “nát rượu”. Tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), người ta vẫn còn nhắc chuyện một phụ nữ đã đánh mất tất cả vào những trận nhậu nổ trời. Người phụ nữ này cũng thuộc loại sắc nước hương trời, có mái ấm gia đình, trước đây chẳng hề biết đến rượu bia. Nhưng về sau do quan hệ làm ăn, chị trở thành “cao thủ” nhậu lúc nào không hay, một mình có thể “cõng” cả chai Chivas loại 70cl, còn bia thì phải hơn nửa thùng.

Từ khi biết mùi bia rượu, ngày nào chị cũng có “độ”, nhiều khi một ngày “đánh” 2 – 3 trận. Người chồng không thể nào chấp nhận một người vợ hết say rồi xỉn, nên lẳng lặng chia tay, đứa con gái cũng đi theo cha vì không chịu nổi người mẹ lúc nào cũng nồng nặc mùi bia rượu, về tới nhà là lăn ra ngủ như chết. Chồng con bỏ rơi, chị càng nhậu bạo hơn và cặp bồ với một bạn nhậu. Nhưng sau một thời gian, anh chồng hờ cũng lẳng lặng chia tay với nữ đệ tử lưu linh thứ thiệt.

Mới đây, gặp lại đồng nghiệp ở Cà Mau, tôi hỏi thăm vợ chồng anh Ba và các chị ở huyện C ngày trước, anh bạn cho biết chị Ba bị bệnh xơ gan rất nặng, nhóm nhậu của chị cũng tan rã. Tôi thầm nghĩ, nhậu như các chị mà không bệnh mới là lạ. Cô bạn phó giám đốc sở của tôi chưa thấy bệnh gì, nhưng những tiệc nhậu triền miên đã làm cho vóc dáng “tơ liễu” ngày nào giờ trở nên quá khổ.

Cô em gái của bạn tôi cũng vậy, trong nhà có đủ các loại máy chạy bộ, máy đánh tan mỡ bụng, nhưng mỡ cứ tích tụ quanh người theo năm tháng. Hay chuyện bà Thúy Liễu đốt chết chồng là nhà báo mới đây vẫn còn gây đau xót nhiều người. Bà Liễu cũng từng là tay nhậu có hạng trong giới nữ ở TP.Tân An. Bà có một nhóm bạn nữ khoảng 4 – 5 người, thỉnh thoảng tổ chức “chén thù chén tạc”. Từ nhậu nhẹt, tới cờ bạc, rồi thảm họa, chỉ là những bước ngắn!

Nhưng nhậu đến mức để lại hậu quả như 2 cặp vợ chồng ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang thì đúng là “độc nhất vô nhị”. Chuyện của họ luôn là đề tài đàm tiếu ở các tiệc nhậu vùng rừng U Minh heo hút này. Họ là hàng xóm của nhau, thường xuyên ăn nhậu “đồng vợ đồng chồng”. Một tối, 2 cặp vợ chồng cùng ngồi nhậu hết 5 lít rượu. Rượu vào lời ra, một người chồng đề nghị “đổi vợ”. Anh chồng kia đồng ý. Hai cô vợ ban đầu phản đối, nhưng đến lúc say mèm thì “chơi luôn”.

Đến sáng tỉnh rượu, mọi chuyện đã rồi! Một trong 2 người lẳng lặng dắt cô vợ mới (đổi) ra đi sau khi để lại 1 cây vàng và mấy dòng cho người hàng xóm: “Cây vàng này tui bù lỗ cho chú vì vợ chú trẻ hơn vợ tui”.

Theo Kỳ Quan – Anh Hùng (Lao động)

 

Khúc Ruột Bắt Đầu Cạn

Khúc Rut Bt Đu Cn

(09/12/2012)

nguồn:Vietbao.com

Tác giả : Tâm Việt

 

“Năm 2010, với 8 tỷ 26 đô-la đổ về, Việt-nam là nước nhận được nhiều ngoại-tệ từ nước ngoài gởi về đứng thứ 9 trong các nền kinh tế đang phát triển nhận được loại tiền đó.

“Năm 2011, Việt-nam nhận được 9 tỷ đô-la ở ngoài nước gởi về, giúp bù đắp
đến 92% cán cân thương mại bị hụt.

“Tiền gửi từ nước ngoài về bao giờ cũng đóng một vai trò rất quan-trọng
trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia.  Những con số thống-kê sơ-khởi
cho thấy là ít nhất 4 tỷ 7 đã đi vào thị-trường địa-ốc ở trong nước.

“Tuy-nhiên, số tiền do người Việt hải-ngoại gởi về trong sáu tháng đầu năm
2012 đã hạ xuống đáng kể tới 23%, đánh dấu một ‘mùa tiền ngoại gởi về khá bết’
cho toàn năm 2012.”

Nói không được

Trên đây là phần mở đầu của một bài báo mới đây ở trong nước viết bằng tiếng
Anh trên mạng VietNamNet Bridge (ngày 5 tháng 9, 2012).

Như chúng ta đều biết, tiền người Việt hải-ngoại gởi về là tiền “rất ngon” đối với ở trong nước.  Vì sao?  Vì không phải làm gì mà tiền cứ như trên trời rớt xuống.  Người nhà nhận được tiền đã vui, nhà nước VNCS lại còn vui hơn nữa bởi tiền thì trước sau gì cũng phải chuyển thành tiền VN không mấy giá trị trong khi đô-la gởi về thì Nhà nước thu vào ngân-hàng Nhà nước nếu chưa đi vào túi tham của các quan CS.  Do đó nên quan dân đều
rất “hồ hởi,” dân nhắc gia-đình bạn bè ngoài này gởi về, Nhà nước ung-dung đút túi.  Mà đâu phải chuyện nhỏ, bạc tỷ đấy các bạn!

Muốn thấy sự thành công của chính-sách Nhà nước CS “rút ruột… mấy khúc ruột xa ngàn dặm” này, ta chỉ cần nhìn vào mấy con số: Nếu trong những năm của thập niên 1990 thì chỉ có vài chục triệu mỗi năm thì sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận (1994) rồi tái-lập bang-giao (1995), con số đó đã nhảy vọt lên đến:

1 tỷ 34 đô năm 2000

2 tỷ năm 2001

2 tỷ 7 mỗi năm trong hai năm 2002 và 2003

3 tỷ 2 năm 2004

4 tỷ năm 2005

4 tỷ 8 năm 2006

7 tỷ 2 năm 2008

6 tỷ 8 năm 2009 (có xuống một chút)

8 tỷ 26 năm 2010

9 tỷ năm 2011

nghĩa là nhân lên gấp gần 7 lần trong 12 năm (2000-2011).

Như vậy, ta có thể thấy là chính-sách của một số hội-đoàn, tổ-chức ngoài này kêu gọi bà con “không gửi tiền về, không đi du-lịch về VN” v.v. là gần như thất bại hoàn-toàn.  Dù như ai cũng biết là nếu ta tắt cái vòi nước đô-la chuyển về đó chỉ cần vài tháng là CS ở nhà ngất ngư.

Tương-đương với cái gì?

Muốn biết tầm quan-trọng của số tiền đồng-bào hải-ngoại gởi về thì ta thử đem so sánh với một vài món tiền khác xem sao.Theo một nghiên cứu của tổ-chức MPI (Migration Policy Institute) thì 9 tỷ do đồng-bào gởi về trong năm 2011 tương-đương với:

Gần gấp đôi (= 183%) số tiền chính-thức các nước (tất cả các nước trên thế-giới) viện-trợ cho VN để phát triển (ODA, Official Development Assistance).

Hơn (= 121%) số xuất cảng dịch-vụ thương mại (Commercial Services Exports).

Bằng 90% số tiền ngoại-quốc đầu tư thẳng vào VN (Foreign Direct Investment).

Bằng 12% tổng-số hàng xuất cảng trong năm, và

Bằng 7% tổng-sản-lượng quốc gia (GDP, Gross Domestic Product).

Tóm lại, số tiền “chùa” mà 3 triệu bà con ngoài này gởi về một năm bằng số tiền làm quần quật của hơn 6 triệu người (7% dân-số) làm đầu tắt mặt tối ở trong nước.  Thế thì làm gì Nhà nước chẳng khoái?  Nhất là khi đồng-bào gởi về là gởi đô-la hay Euro hay tiền Nhật, tiền Đại-Hàn… toàn thứ tiền cứng chứ không phải tiền Hồ mà không ai chịu nhận nếu đem ra khỏi nước.

Không trách nhiều người bực mình hay đau xót với ý-thức chính-trị còn thấp kém của đa-phần người Việt hải-ngoại gởi về nhiều khi vô tội vạ để cho người trong nước phè phỡn ăn chơi (chớ không phải để giúp gia-đình hay bạn bè cho những việc thực-sự cần thiết)!

Sự thực, đồng-bào cũng có phần ý-thức

Sự thực, đồng-bào cũng có phần ý-thức chứ không phải không.  Bằng-chứng là
VNCS đã có luật đầu tư từ nước ngoài từ năm 1987 nhưng nếu ta thấy là
ngoại-quốc đã bỏ vào hàng trăm tỷ đầu tư trong mọi lãnh-vực ở trong nước thì
đồng-bào ta ở ngoài này đã dè dặt hơn nhiều.  Học được bài học CS chỉ
thích ăn cướp của dân (như qua mấy lần đổi tiền hay vụ đánh tư-sản mại-bản),
đồng-bào hải-ngoại đã rất rón rén khi đầu tư vào trong nước.  Chẳng thế mà
trong 25 năm (từ 1987 đến giờ), người Việt hải-ngoại vẫn chưa đầu tư đến 2 tỷ
bạc vào các dự-án làm ăn với chính-quyền CS ở trong nước–nghĩa là chưa bằng
1/4 số tiền tươi họ gửi về trong nước trong một năm (2011).

Thế tiền họ gởi về đi đâu, các bạn có thể hỏi.Không lẽ người ở trong nước lại có thể ngồi đó mà “ăn” hết số tiền bà con ngoài này gởi về, dù như người ta có câu “ăn không thì đến núi cũng lở.”

Không, người Việt ngoài này cũng hiểu là ta ở xa, khó lòng mà ăn có với những tên CS lưu manh có quyền có thế ở quê nhà.Những gương tầy liếp như anh em Nguyễn Gia Thiều (ở Pháp về) hay Trịnh Vĩnh Bình (ở Hoà-lan về) còn sờ sờ ra đó: nó để cho mình ăn một lúc rồi nó cướp mình trắng tay.

Do đó nên nhiều người cho rằng mình khôn thì mình không về, chỉ cần gởi tiền về
cho người nhà đi đầu tư vào những món hời là tốt rồi.Người nhà ở tại chỗ, quen lối làm ăn chụp giựt của CS rồi, quen biết những chỗ phải bôi trơn, hối lộ thì chắc sẽ thành thạo hơn, không sợ bị “tiền mất tật mang.”Nói cách khác, nếu người Việt không trực-tiếp đầu tư thì lại gián-tiếp đầu tư trong nền kinh tế đó qua trung-gian của người nhà, người quen.

Đã tưởng thế là khôn nhưng chính ra vẫn còn dại.Bởi người nhà thì cũng không
qua mặt được những cái cú cáo, móc nối, phe phẩy của bọn “bán trời không văn-tự.”  Bỏ tiền vào thị-trường chứng-khoán ư?  Nhất là khi tiền lãi nhiều khi nghe chóng mặt!Chẳng cần làm nhiều, chỉ cần bỏ vào nhà băng là cũng có tiền lời 15-16% rồi.  Ai mà không ham?

Rồi nếu còn tham hơn nữa thì bỏ vào địa-ốc với giá nhà, giá đất lên vùn vụt (có chỗ ở trung-tâm Hà-nội, một thước vuông có thể đắt gấp mấy lần đất ở Tokyo) làm sao mà lỗ vốn được?  Đó là lối suy nghĩ “ăn xổi ở thì” mà nhiều người cho là khôn ngoan, ăn chắc.

Bong bóng địa-ốc bể

Đó là thảm-trạng của không biết bao nhiêu người “ốm dở, khóc dở” ngày
hôm nay, cả ở Trung-quốc lẫn ở Việt-nam.

Khi giá nhà lên thì người ta đổ xô vào xây nhà, mua nhà, đầu tư vào địa-ốc.  Nhưng đến khi kinh tế chậm lại (như ở Trung-quốc là tỷ-lệ tăng trưởng đang ở mức 10-11% bỗng xuống 9% hay thấp hơn nữa, còn ở VN thì đang ở 6-7% thụt xuống còn có 4%) thì tiền trả nhà băng kiếm cũng không ra, vay thì giá quá đắt (tiền lãi lên đến hơn 20%, có khi đến 23-24%), thế là vỡ nợ, bỏ của chạy lấy người.  Và những vụ như vậy thường có hiệu-quả dây chuyền, đỡ
không nổi.

Chẳng thế mà cũng bài báo nói trên mách cho ta thấy là “ít ra 4 tỷ 7 đô-la,” nghĩa là hơn một nửa số tiền 9 tỷ đồng-bào gởi về, đã “đổ vào thị-trường địa-ốc.”  Và 4 tỷ 7 này thì chẳng mấy lúc ra mây ra khói khi cái bong bóng địa-ốc bị bể gần như khắp nước, không chỉ ở Hà-nội, Sài-gòn mà còn ở cả Cần-thơ, Đà-nẵng, v.v…

Có người ác miệng thì bảo “đáng kiếp!”  Lúc bảo thì không nghe, đến khi tiền thành mây khói rồi thì ngồi đó mà khóc!

Thì ra Đức Phật sáng suốt biết bao, có nhân thì có quả, có tham sân si thì có ngã, có vấp!  Ai giàu ba họ, ai khó ba đời?  Những “đại-gia” hôm nay có thể ăn ngập miệng, tiền vất ra ngoài cửa sổ, nhưng có lẽ cũng không lâu sẽ phải trả giá cho những sung sướng đó bằng tù tội,
bằng chết chóc, không thể lường được.

Ở trên ta đã thấy là tiền hải-ngoại gởi về đã xuống gần 1/4 trong sáu tháng đầu năm nay.  Riêng ở Thành-phố HCM tức Sài-gòn, tiền bà con gởi về đã sụt nửa tỷ (= 500 triệu) trong sáu tháng đầu năm đang là một mối lo khắc khoải mà nhà cầm quyền đang chưa biết cách nào chống đỡ hay bù đắp.

Có lẽ người ở ngoài này cũng đã học được bài học khi bị bỏng tay.  Chính-quyền CS đang nghĩ cách bù đắp bằng cách kêu gọi tăng-cường số người du-lịch vào Việt-nam.  Khổ nỗi, nếu tiền tươi bà con gởi về lên đến 9 tỷ trong năm 2011 thì cùng năm, ngành du-lịch chỉ mang về có 5 tỷ 1 thôi.  Trong khi mọi nơi đều xuống cấp thì không hiểu làm sao mà có thể mong du-lịch mang về chỗ thiếu hụt khi đồng-bào đã hết tin tưởng và không còn muốn đầu tư lối dốt nát như trước đây?

 

Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành quán quân Vua đầu bếp của Mỹ

Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành quán quân Vua đầu bếp của Mỹ

Cô Christine Ha không tin là mình giành chiến thắng trong cuộc thi MasterChef, và
cô là bằng chứng sống về việc đạt được mơ ước dù vấp phải nhiều khó khăn trong
cuộc sống
11.09.2012
Cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành quán quân Vua đầu bếp của Mỹ
Christine Ha đã vượt qua hơn 100 ứng viên khác để trở thành người giành chiến
thắng trong chương trình thi nấu ăn có tên gọi MasterChef (Vua đầu bếp) của Mỹ.
Trong vòng chung kết của chương trình được phát sóng hôm 10/9, cô Christine đã
nấu các món ăn mang đậm hương vị Việt Nam và châu Á để giành ngôi vị quán quân
với giải thưởng trị giá 250.000 đôla cùng với một hợp đồng viết sách về nấu ăn.
Giám khảo của cuộc thi, đầu bếp danh tiếng Gordon Ramsay, nói cô Christine đã
biết tận dụng thế mạnh nguồn gốc Việt Nam của mình.
Cô Christine cho biết cô không tin là mình lại giành chiến thắng trong cuộc thi
MasterChef, và cô là bằng chứng sống về việc đạt được mơ ước dù vấp phải nhiều
khó khăn trong cuộc sống.
Cô Christine là người dự thi khiếm thị đầu tiên của Vua đầu bếp.
Cô Christine đang học cao học tại Đại học Houston.
Nguồn: People Magazine, Examiner, Monster
and Critics, Houston Chronicle

Lịch sử ngày Thánh Mẫu

Lịch sử ngày Thánh Mẫu
image
“Năm 2012”là tựa đề một cuốn phim rất nổi tiếng cách đây 3 năm, cuốn phim mô
tả một thiên tai như lụt thời Noe tận diệt nhân loại mà những người còn sống sót sẽ là tinh hoa của nhân loại không phải về mặt trí tuệ nhưng là nhân ái và yêu thương.
Ngày Thánh Mẫu 2012 đặc biệt hơn mọi năm, vì đây là một cái mốc đặc biệt để
nhìn lại những điều kỳ diệu Chúa và Mẹ Maria đã thực hiện suốt 35 năm qua cho những người sống sót trong cuộc đào thoát vượt biển tìm tự do. Hay nói đúng hơn đây là lần thứ 35 Mẹ qui tụ tất cả con cái Mẹ đang tản mác khắp nơi trên khắp thế giới lại dưới bóng Mẹ tại thành phố Carthage nhỏ bé này, để Mẹ yêu thương che chở và khẳng định với họ là Mẹ vẫn luôn hiện diện ở đó với họ để đồng hành và săn sóc họ dù họ có lưu lạc đến phương trời nào đi nữa. Để cảm nghiệm được NTM chính là công việc của Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn lại 10 ngày Thánh Mẫu đầu tiên.
image
Năm 1975, vâng lời người Anh Cả dấu yêu rời Việt Nam để bảo tồn Hội Dòng,
những tu sĩ Dòng Đồng Công đã mang theo trong tim mình ngọn lửa yêu mến
Mẹ và họ vẫn luôn khắc khoải làm thế nào để tôn vinh Mẹ và loan truyền lòng yêu mến Mẹ cho những đồng bào Việt Nam đang tha hương trên đất khách quê người.
image
Năm 1977, để thể hiện sự khát khao mong mỏi cho mọi người yêu mến Mẹ, các
bề trên Dòng đã quyết định tổ chức ngày tôn vinh Đức Mẹ và kêu mời những
người Việt Nam đang định cư tại các thành phố gần nhà Dòng đến tham dự.
Người đầu tiên làm trưởng ban tổ chức là linh mục Nguyễn Đức Thiệp, CMC. Số người tham dự có chừng hơn 500 người và nhà Dòng lo cả chỗ ngủ lẫn việc ăn uống của người hành hương. Vì lần này nhà Dòng đứng ra mời nên không gọi là Ngày Thánh Mẫu.
Ngày 3/6/1978 Ngày Thánh Mẫu lần đầu tiên được tổ chức với danh nghĩa là
“Ngày Đền Tạ Trái Tim Mẹ” do Nguyệt San Trái Tim Mẹ điều hành với số người tham dự là 1.540 người. Không có Giám mục nào tham dự mà chỉ có 28 linh mục. Thế nhưng Ngày Thánh Mẫu lần thứ hai diễn ra trong 3 ngày 1-3/6/1979 không những con số người tham dự tăng lên gấp đôi, có Đức Hồng Y Carberry, Tổng Giám Mục St. Louis, MO và Giám mục sở tại là Đức Cha Benard Law chủ tọa mà còn có Cuộc cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima với việc máy bay tung hoa tươi và truyền đơn xuống địa điểm hành lễ.
image
Điểm qua mười NTM đầu tiên, cứ mỗi lần tổ chức là một lần nữa ghi đậm dấu ấn
lời hiệu triệu của Mẹ với con cái của mình, bắt đầu từ NTM thứ 3, khách hành hương đã thấy đến từ các tiểu bang xa như California, Florida….Dịp này ĐGM đã truyền chức Phó Tế cho 5 tu sĩ Dòng Đồng Công.
Đến NTM thứ 4, số người tham dự đã hơn 6.000 người. Lần đầu tiên, một ca
đoàn Tổng Hợp đầu tiên được thành lập gồm 14 ca đoàn thuộc một số cộng
đoàn và giáo xứ trên khắp nước Mỹ cùng góp tiếng trong thánh lễ Đại Trào
thứ Bảy 13/6/1981. Huy hiệu chính thức cho NTM đã được ban Tổ Chức chọn
là huy hiệu hình tam giác có hai bàn tay chắp đang lần chuỗi. Huy hiệu này do cố tu sĩ Carôlô M.Đinh Bá CMC họa tặng NTM và anh đã chết vì bệnh ung thư xương chỉ mấy tháng sau NTM thứ 4, huy hiệu này vẫn được dùng cho tới ngày nay chỉ thay đổi màu sắc và ngày tháng cho mỗi năm.
image
NTM thứ 5 bắt đầu vào ngày 13-15 tháng 8 năm 1982 thay vì tháng 6 như
trước, số người tham dự là 8.200 người. Lần này, ngoài ĐGM giáo phận còn
có Đức Cha Giacôbê Huỳnh Văn Của thuộc giáo phận Phú Cường tham dự.
image
Với con số vượt kỷ lục là 16.000 người đã về tham dự NTM thứ 6 được tổ chức
trong 3 ngày từ 12-14/8/1983. Trong lần tổ chức này, ĐGM giáo phận đã cắt băng khánh thành Công Trường Nữ Vương Hòa Bình với tượng Đức Mẹ Tỵ Nạn cao 34 feet. Một công trình được xây cất hơn 1 năm trời do cha Hòa CMC chủ trì với sự ủng hộ của một gia đình ẩn danh tại Port Arthur. Về mặt giáo quyền, lần đầu tiên Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Pio Laghi tới tham dự NTM cùng 4 giám mục khác.
image
NTM thứ 7 từ  ngày 10-12-1984 trùng vào dịp kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Đức
Trinh Nữ Maria. Chi Dòng Đồng Công được tổ chức Đạo Binh Xanh Quốc Tế
cho phép đón rước tượng Mẹ Fatima Thánh Du về đặt tại Đền Thánh Khiết
Tâm Mẹ. Đặc biệt năm nay có sự hiện diện của ĐTGM Ngô Đình Thục, nguyên
TGM địa phận Huế.
Hơn 22.000 người đã nô nức đổ về thành phố Carthage, Missouri để tham dự
NTM thứ 8 trong 3 ngày 9-11-1985, cũng là kỷ niệm 10 năm tha hương. Nhân
dịp này, cha Barnabas Nguyễn Đức Thiệp, Giám tỉnh Chi Dòng Đồng Công
Hoa Kỳ và cha Piô Nguyễn Quang Đán, trưởng ban tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã chết vì tự do và hòa bình trên biển cả và trong suốt cuộc chiến.
image
NTM thứ 9 trùng với dịp Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ mừng kỷ niệm 33 năm thành
lập Dòng 1953-1986, đã có tới 30.000 người đổ về khuôn viên Nhà Dòng. Cũng trong dịp đặc biệt này, Đức Hồng Y Bernard Law và Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ cũng đến tham dự NTM.
Từ NTM thứ 10, ban tổ chức đã quyết định thời gian để tổ chức NTM sẽ là 4
ngày từ 6-9/8/1987. Dịp này, 40.000 người đã về tham dự NTM để mừng kỷ
niệm 70 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Dịp này mọi người đã hướng về Cha
Bề Trên Đaminh Maria Trần Đình Thủ , Sáng Lập Dòng Đồng Công và một số
linh mục tu sĩ đang bị tù tại Việt Nam.
Từ đó NTM được tổ chức ngày một nề nếp hơn và số người tham dự tăng dần
lên cho đến năm 2011 vừa rồi có khoảng 65 ngàn người tham dự.
image
2011
image
image
Nếu có ai đó hỏi rằng điều đáng nói nhất trong 35 lần tổ chức NTM là gì?
Phải chăng đó là an ninh luôn được đảm bảo hay thời tiết tốt đẹp …cho dù
có đôi lần bị mưa, hay là nhà Dòng tổ chức, sắp xếp công việc chu đáo.
Xin thưa: Không phải, mặc dù đây là những yếu tố quan trọng trong việc
tổ chức. Điều đáng nói nhất ở đây chính là Mẹ Maria. Chính Mẹ đã chọn
thành phố nhỏ bé này, và chính Mẹ đã soi sáng, dẫn dắt muôn người từ
muôn phương về đây, không có sự quảng cáo hay sức mạnh nào có thể làm
cho hàng chục ngàn người bỏ giường êm, nệm ấm để đến NTM mấy ngày liền,
ngủ lều, nằm đất, chịu đủ thứ bất tiện. Ngoài Mẹ Maria không có một tổ
chức nào, một Hội Dòng nào có thể làm được như vậy. Hầu hết những người
đã đến tham dự NTM đều cảm nhận được Tình Mẹ Maria qua các bí tích, qua
thời tiết, an ninh…….để có thể nói NTM là “những ngày của Mẹ.”
Thiên Minh
Ngày thánh Mẫu năm 2012
Từ ngày 2 tháng 8 đến ngày 5 tháng 8 năm 2012
Tại Tỉnh dòng Đồng Công Hoa Kỳ, Carthage, Missouri, USA
Hằng năm lại có một kỳ
Đại Hội Thánh Mẫu Car-thage ai ơi
Rủ nhau xếp việc nghỉ ngơi
Carthage xum họp vui nơi tình người…
(Thơ của Joseph Khoa Nguyễn)
nguồn: Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

HAI BỨC HÌNH

HAI BỨC HÌNH

THẬT ĐAU LÒNG!
XIN CHUA XÓT THƯƠNG!

Chỉ cần nhìn 2 bức hình thấy thấm thía cho kiếp con người.

Hai hình ảnh thu hút hàng ngàn lượt bình luận trong thời gian ngắn.


Một bức chụp một đứa trẻ bị bỏ rơi, cuốn bao quanh thân hình bằng một tấm vải mỏng. Em được đặt trên trụ của lan can đường trong tình trạng côn trùng bò kín khắp người.

 

Cư dân mạng đang share hình ảnh đau lòng “một đứa trẻ bị bỏ rơi” khiến những người nhìn vào thật đau xót. (Nguồn: Facebook) Bức ảnh xuất hiện trên facebook vào 16h chiều ngày 11/8, ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người với những lời bình luận bày tỏ sự thương xót. Bạn trẻ có nickname Quỳnh Quắn Quít bày tỏ: “khổ thân đứa bé quá!”. Bạn Carolyn Le xúc động: “Nhìn xong muốn nổi da gà. Tội nghiệp bé!”. Cũng nhiều ý kiến phẫn nộ. Nickname Tiểu Xà viết : “Mong em sớm được siêu thoát. Thay mặt bố mẹ những người vô trách nhiệm với em, chị xin lỗi vì cảm thấy quá nhục nhã … Ngoài những “like” những “comment” thì chị không biết làm gì hơn là lời hứa sẽ không bao giờ biến mình thành người mẹ vô trách nhiệm … Rồi em sẽ là 1 thiên thần”. Nick name Lệ Hằng tỏ ra bất bình: “Niềm hạnh phúc của phụ nữ là đựợc làm mẹ, thế mà người mẹ này lại bỏ đi đứa con mà mình mang nặng đẻ đau ra nó. Người mẹ này là người thật nhẫn tâm và ác độc”… Bức ảnh thứ hai đăng tải ngày 14/8 trên mạng xã hội face book cũng gây xúc động đến rơi nước mắt.

 

Một bức ảnh cảm động rơi nước mắt. (Nguồn: Facebook) Bức ảnh được đăng lên chưa đầy 11 giờ mà đã nhận được hơn một ngàn lượt “like” và bình luận. Trong bức ảnh, theo nhiều người đó là một người đàn ông trung niên cõng người mẹ già của mình lên chùa thắp hương. Bức ảnh đã lay động tình mẫu tử của nhiều bạn trẻ. Nickname Rau Khoai viết: “Mẹ không có cánh, không vòng thánh. Nhưng trong mắt con mẹ vẫn là thiên thần.” Trong hàng ngàn lượt bình luận, câu nói được thốt lên nhiều nhất là: Con yêu mẹ! Con xin lỗi mẹ! Đây là cơ hội để nhiều bạn bầy tỏ tình cảm của mình với mẹ. Đôi khi chỉ là một câu nói mà chưa chắc ai cũng có thể nói ra. HaLy Phú tâm sự: “Thật tuyệt vời! Nhưng, rất ít người có thể nói được câu nói: “Con yêu mẹ”. Mình cũng chưa nói được.” Hai bức ảnh, hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng nó đều là tình mẫu tử nói riêng, và là tình người nói chung. Khi xã hội càng phát triển thì những tình cảm tốt đẹp của con người ngày càng bị bụi bặm của cuộc sống che lấp. Nhìn lại hai bức ảnh và có những khoảng lặng cho riêng mình, ta sẽ ngỡ ra nhiều điều…   

 Nhật Linh

 nguồn: Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Super model Aimee Mullins

Super model Aimee Mullins

Aimee Mullins nổi lên như một hiện tượng khác biệt trong làng mẫu với đôi chân… cụt. 
Người ta thường tâm niệm rằng người phụ nữ phải sở hữu làn da sáng mịn, khuôn mặt hoàn hảo, vóc dáng gợi cảm và đôi chân dài miên man thì mới “dám” mơ ước trở thành siêu mẫu đắt giá của thế giới. Thế nhưng, Aimee Mullins nổi lên như một hiện tượng khác biệt trong vương quốc thời trang với đôi chân… cụt.

 

Aimee Mullins, 35 tuổi với đôi chân giả.

Aimee Mullins, 35 tuổi, hiện là một nữ diễn viên, người mẫu và là vận động viên Olympic. Được biết cô đã bị cắt bỏ 2 chân từ khi 11 tuổi. Aimee lớn lên ở Allentown, bang Pennsylvania, cha là công nhân nhà máy, mẹ là nhân viên tiếp tân tại bệnh viện.

Cô phải ngồi xe lăn từ 5 tuổi và gần như tuyệt vọng khi bị cắt bỏ đôi chân chỉ 6 năm sau đó. Mọi thứ đều trở nên khó khăn với Aimee Mullins. Cô luôn bị mặc cảm về thân phận của mình, thế nhưng, cô tự nhủ lòng phải chứng minh cơ thể mình có thể làm được nhiều điều có ích và phải tạo sự khác biệt. Aimee Mullins cố gắng học hành chăm chỉ và ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” 17, cô vượt qua 39.000 ứng viên kỳ cựu và trở thành 1 trong 3 học sinh giành được xuất học bổng danh giá của trường đại học Georgetown– trường mà Bill Clinton từng theo học. Đặc biệt hơn, khi tốt nghiệp, cô còn được mời làm việc như một nhà phân tích tình báo tại Lầu Năm Góc và trở thành người phụ nữ duy nhất làm việc trong cục tình báo cấp cao này.

 

Tuy nhiên, Aimee Mullins đã từ bỏ các xuất học bổng có giá trị, từ bỏ 1 công việc có thể đảm bảo cho cuộc sống và chuyển sang lĩnh vực thể thao, dường như cô muốn chứng minh với thế giới rằng, đôi chân cô có thể tạo nên điều phi thường. Giấc mơ thành hiện thực, năm 1996 ở Atlanta, cô lập kỷ lục thế giới về bước chạy nước rút 100m, 200m và kỷ lục Paralympic cho bước nhảy dài chỉ với đôi chân giả bằng sắt nặng nề.
 

 
 
Năm 1996 ở Atlanta, Aimee Mullins lập kỷ lục thế giới về bước chạy nước rút 100m, 200m và kỷ lục Paralympic cho bước nhảy dài chỉ với đôi chân giả bằng sắt nặng nề.

 
Không chỉ dừng lại ở thể thao, Aimee Mullins thử sức ở mọi lĩnh vực và lấn sân sang giải trí. 12 năm về trước, cô đã từng trở thành 1 nàng thơ cho nhãn hiệu Alexander McQueen. McQueen đã thay thế chân dưới của cô bằng một đôi giày gỗ chạm trổ khá tinh vi và cầu kỳ. Khi Aimee sải bước trên sàn catwalk tại tuần lễ thời trang London năm 1998, nhiều người khen ngợi cô thật sự rất hấp dẫn. Nhưng khi tin tức bị rò rỉ, McQueen bị phản ứng dữ dội và bị cáo buộc là trình diễn thời trang quái nhân. Kể từ đó, Aimee Mullins bị gắn mác là “siêu mẫu khuyết tật” mới của làng thời trang. Tuy nhiên, cô rất hãnh diện về danh hiệu này, Aimee chia sẻ: “Điều làm cho phụ nữ đẹp là sự khác biệt, tôi đã thầm cảm ơn Chúa vì điều bất thường của mình, nó làm cho tôi trở nên đặc biệt hơn”.

 

 

 

 
Khi Aimee sải bước trên sàn catwalk tại tuần lễ thời trang London năm 1998 tại show diễn của Alexander McQueen, với đôi giầy gỗ chạm trổ tinh vi.

 
Không chỉ dừng lại ở đó, cô còn là một diễn viên xuất sắc và đã từng được khen ngợi rất nhiều, khi đảm nhiệm vai nữ chính trong bộ phim Cremaster 3 của đạo diễn Matthew Barney. Đầu năm 2011, Aimee được mời làm đại sứ toàn cầu của nhãn L’Oréal Paris cùng với những mỹ nhân của kinh đô điện ảnh thế giới như: Jennifer Lopez, Beyoncé, Eva Longoria và Cheryl Cole.

 

 

Đầu năm 2011, Aimee được mời làm đại sứ toàn cầu của nhãn L’Oréal Paris cùng với những mỹ nhân của kinh đô điện ảnh thế giới như: Jennifer Lopez, Beyoncé, Eva Longoria và Cheryl Cole. 


 

 

 

Với gương mặt đẹp và nghị lực phi thường, Aimee được xem là biểu tượng khác lạ của giới người mẫu.

 
Chia sẻ quan điểm về hạnh phúc, Aimee cho biết:
“Cuộc sống và hạnh phúc hay không là do bạn quyết định và theo quy tắc của riêng bạn, không ai quyết đinh nó thay bạn”.