CIA thu thập hồ sơ chuyển tiền quốc tế

CIA thu thập hồ sơ chuyển tiền quốc tế

Công ty chuyển tiền bằng điện thư Western Union được đề cập đến trong bản tin của báo Time

Công ty chuyển tiền bằng điện thư Western Union được đề cập đến trong bản tin của báo Time

15.11.2013

Hai nhật báo của Hoa Kỳ đang loan tin về việc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đang thu thập hồ sơ về những vụ chuyển tiền quốc tế, sử dụng cùng bộ luật mà Cơ quan An ninh Quốc gia dùng để thu thập hồ sơ về điện thoại và Internet.

Báo New York Times và báo Wall Street Journal hôm nay loan tin các cựu nhân viên và nhân viên của Hoa Kỳ không nêu danh tính xác nhận sự hiện diện của chương trình.

Các bản tin này nói chương trình giao dịch tài chính đuợc bao gồm trong Bộ luật Yêu nước thực thi sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2011.

Công ty chuyển tiền bằng điện thư Western Union được đề cập đến trong bản tin của báo Time. Western Union không xác nhận việc tham gia vào chương trình, mà chỉ nói là công ty tuân thủ các luật liên bang, đòi hỏi các ngân hàng báo cáo các giao dịch khả nghi.

Báo Times trích lời một giới chức nói rằng luật liên bang yêu cầu phải có liên hệ với một tổ chức khủng bố trước khi có thể tiến hành một sự truy cứu các giao dịch tài chính như thế, và kết quả truy cứu phải được xóa đi sau một số năm.

Phạm vi thu thập dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu bị tiết lộ kể từ khi nhân viên hợp đồng của NSA, Edward Snowden tiết lộ các tài liệu cho trang web Wikileaks hồi đầu năm nay. Chính quyền Obama đã bênh vực các chương trình bị tiết lộ là quan trọng cho an ninh quốc gia.

Báo Times gợi ý trong bản tin hôm nay rằng báo có thông tin rằng sẽ có thêm các chương trình như vậy được đưa ra ánh sáng.

LHQ kêu gọi cứu giúp nạn nhân bão Haiyan

LHQ kêu gọi cứu giúp nạn nhân bão Haiyan

Các trẻ em trong thành phố Tacloban xách các thùng nước uống, 12/11/13

Các trẻ em trong thành phố Tacloban xách các thùng nước uống, 12/11/13

Lisa Schlein

12.11.2013

GENEVE —

Siêu bão Haiyan

-10.000 người đã thiệt mạng.
-Ít nhất 9,8 triệu người bị ảnh hưởng.
-Khoảng 660.000 người bị thất tán.
-394.494 người đang ở trong các trung tâm sơ tán.
-1.316 trung tấm sơ tán đã được thành lập.

Nguồn: Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi quyên góp hơn 300 triệu đôla để cung cấp viện trợ cứu mạng sống cho hàng triệu nạn nhân cơn bão Haiyan trong 6 tháng sắp tới. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường thuật từ Genève rằng chính phủ Philippin ước tính 11,3 triệu người ở 9 khu vực bị ảnh hưởng tai hại của cơn bão Haiyan, cơn bão lớn nhất đổ vào đất liền từ trước đến nay.

Chiến dịch cứu trợ nhân đạo này vô cùng to lớn và ngày càng lớn hơn. Liên Hiệp Quốc báo cáo việc đi lại đến các khu vực bị nạn vẫn còn khó khăn. Tổ chức quốc tế này nói các dịch vụ khẩn cấp đang hoạt động ngày đêm để dẹp những đống đổ nát trên đường sá và phi đạo để chuyên chở vật phẩm cứu trợ.

Bất kể nhiều trở ngại, các cơ quan cứu trợ mỗi ngày vẫn dùng máy bay đưa các vật phẩm cứu trợ khẩn cấp như thực phẩm, nước sạch, thuốc men, lều bạt và các đồ tiếp liệu khác cho các nạn nhân. Một người phát ngôn cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, bà Marixie Mercado nói chưa ai cảm nhận được đầy đủ mức độ tàn phá vì nhiều khu vực vẫn còn chưa đến được.

Bà nói: “Có hơn 7 ngàn hòn đảo ở Philippin. Dân chúng ở đây sống rất nhiều ở vùng ven biển. Khó mà đến được với những người này ngay cả trong các tình huống bình thường. Ngay lúc này thì việc đó lại còn khó hơn nữa. Khoảng 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Philippin, có nghĩa là ở trong tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên. Ðây là lý do vì sao điều hết sức quan trọng là chúng ta có thể đưa được nước sạch, các vật phẩm vệ sinh, và thuốc men để tránh cho trẻ em bị tiêu chảy ngay tức khắc.”

Chương trình Thực phẩm Thế giới cho hay dự định nuôi ăn 2,5 triệu người trong 5 tháng sắp tới. Nhưng vào lúc này, cơ quan này nói phân phối thực phẩm cho những người thiếu thốn là một cơn ác mộng về hậu cần. Cơ quan này nói đường sá bị chận và các phi cảng bị phá huỷ. Cơ quan thực phẩm Liên Hiệp Quốc cho biết đang thành lập các trung tâm hoạt động và tổ chức các cầu không vận các vật phẩm cấp thiết.

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, nói cơn bão đã gây hư hại hoặc phá huỷ hoàn toàn các cơ sở y tế. Tổ chức này nói dịch vụ y tế ở các vùng bị nạn nặng nhất không còn hiện hữu hoặc bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tiếp liệu y tế còn rất ít.

Phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevitch, nói ưu tiên là thành lập các trung tâm y tế tạm thời để xử lý các nhu cầu y tế ồ ạt.

Ông nói: “Có những người bị các thương tích, và đau đớn, nhưng cũng có những người có các nhu cầu thường lệ về y tế. Và lấy thí dụ, là dự trù có 12.000 trẻ sơ sinh sẽ ra đời vào tháng tới ở vùng bị nạn. Và ta có thể mường tượng các thai phụ cần đến sự giúp đỡ, nhất là trong các điều kiện như thế này.”

Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan cứu trợ khác nói họ lo ngại về các tin tức nói rằng các chứng bệnh lây truyền qua nước, như tiêu chẩy và kiết lỵ đang lây lan.

Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương như người già, người bị khuyết tật và các nhóm thiểu số. UNHCR nói tình hình hiện thời đang gây nguy cơ đáng kể cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Chẳng hạn, cơ quan nêu ra rằng phụ nữ và trẻ em đang đi ăn xin trên đường phố. Sự kiện này khiến họ dễ bị ngược đãi và lợi dụng.

Lá thư gởi con trai

Lá thư gởi con trai
November 10, 2013


Tác giả: 35-015

nguoi-viet.com

Gởi Alex, con trai của má,

Hôm nay con đi thi bằng lái xe, má chúc con gặp nhiều may mắn trong kỳ thi này, con nhé! Thời gian gần đây, nhiều chuyện không vui xảy đến với con. Thấy con buồn, má cũng buồn lây, ngoài việc an ủi con, mong sao cho con sớm được nguôi ngoay, má không biết phải làm gì hơn.

Con ơi, con đang chập chững bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Bắt đầu từ đây, sẽ có nhiều việc đòi hỏi con phải tự suy nghĩ, tự quyết định, và tự vạch hướng đi cho tương lai của con. Cuộc đời của mỗi người được ví như một chiếc thuyền lênh đênh trên biển, và người thuyền trưởng điều khiển chiếc thuyền không ai khác hơn là chính bản thân người đó. Ðể có thể vượt qua những sóng gió, những nguy hiểm, dẫn dắt con thuyền về đến bến bờ một cách bình yên, người thuyền trưởng phải tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, nghị lực, và lòng tự tin.


Con biết không, con đường hai mươi năm lập nghiệp của gia đình mình trên nước Mỹ là một con đường nhiều chông gai. Những gì mình có được ngày hôm nay là thành quả của những ngày tháng gia đình mình đã chịu cực, chịu khó để đi học, đi làm. Những thành quả đó còn được đánh đổi bằng sự xa cách người thân, bằng sự hy sinh của cha mẹ dành cho con, và bằng những giọt nước mắt khóc xa gia đình, xa quê hương của những thành viên trong gia đình mình nữa, con à!

Cách đây hơn hai mươi năm, được sự bảo trợ của cậu, gia đình mình được qua Mỹ định cư. Bước chân lên máy bay ngày đó, trong lòng người nào cũng chất ngất những mối âu lo. Hai mươi bốn giờ đồng hồ trên hai chuyến bay trôi qua thật chậm, như cho mọi người có thêm chút thời gian để gói ghém lại những chuỗi ngày kỷ niệm, để tạm gác qua những ưu tư buồn phiền, và để chuẩn bị cho những thử thách đang đợi chờ phía trước.

Ngày đó, cậu mới học ra trường, sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, nhà cậu lại vừa bị cướp. Nhà mình qua Mỹ ngay vào thời điểm cậu đang gặp khó khăn về kinh tế. Không còn cách nào khác, cả nhà phải lao ngay vào tìm cho mình một công việc làm để có tiền sinh sống. Cũng may, vào thời bấy giờ, cộng đồng người Việt nơi gia đình mình cư ngụ, đang phát triển mạnh. Nhiều hãng xưởng, siêu thị đã có người Việt nam làm chủ, những dịch vụ truyền thông báo chí được đăng bằng tiếng Việt. Nhờ vậy mà gia đình mình đã có thể tìm được một việc làm tạm, mà không bị vấn để Anh ngữ làm trở ngại. Công việc làm đầu tiên của gia đình mình trên nước Mỹ là may đồ công nghiệp.

Lúc mình mới qua, lần đầu tiên mọi người nhìn thấy tờ báo Người Việt, do người Việt Nam làm chủ, ai cũng hết sức ngạc nhiên, vì không ngờ rằng ở Mỹ mà vẫn có thể tìm được một tờ báo đăng toàn chữ Việt. Khi đọc đến mục rao vặt, má thật mừng khi biết nhiều shop may gần nhà đang cần thêm thợ. Nhưng cũng lo lắm, vì khi còn ở Việt nam, mặc dù được ông bà Ngoại cho học may và may đồ cho cả nhà mặc, má chưa khi nào mở tiệm để may đồ kiếm tiền.

Vài ngày sau đó, cậu xin nghỉ làm một buổi chiều, lái chiếc xe hơi cà tàng của cậu, đưa cả nhà mình lên shop xin lãnh đồ về may. Ði lãnh đồ may mà tâm trạng người nào cũng phấn khởi, hồi hộp, như lúc mình còn ở bên Việt nam, được đi lãnh hàng do cậu gởi từ Mỹ về vậy. Khi cả nhà bước vào shop may, bà chủ shop may hỏi:

-May được bao lâu rồi?

Sợ rằng nếu nói thật là mình mới qua thì họ không dám đưa đồ về may, cho nên cậu con trả lời:

-Dạ, một năm rồi!

Bà chủ e dè hỏi lại:

-Mới có một năm hả?

Má lầm thầm trong bụng, “Ui trời! Một năm mà mới cái nỗi gì!” Cũng may cậu nói một năm, chứ như lúc nào cũng “Honesty is the best policy” (Thật thà là thượng sách) thì chắc nhà mình về nhà húp cháo nữa! Nhưng hỏi thì hỏi, bà chủ cũng cho đem đồ về may. Vậy là kể từ hôm đó, cả nhà mình từ trên xuống dưới đều trở thành những thợ may bất đắc dĩ!

Vào những năm đầu của thậạp niên chín mươi, đa số người Việt ở vùng Nam Californa đều sống bằng nghề may. Công việc may đồ này cực lắm, con à! Bởi vậy những người trên shop may ưa nói đùa với nhau:

“Ai ơi đừng lấy thợ may
Lưng khòm, bụng bự, đít chai, mắt mờ!”

Mà làm sao mắt không mờ, lưng không khòm khi phải ngồi ở bàn máy may từ sáng sớm đến khuya lắc khuya lơ, đầu tóc quần áo lúc nào cũng phủ đầy bụi vải, tiền kiếm được chỉ là hai ba chục đồng một ngày, trong khi thời gian bỏ ra là mười lăm mười sáu tiếng đồng hồ. Chưa kể lúc gặp người kiểm hàng khó, bắt mình đem nguyên lô áo cả ngàn cái về nhà tháo ra may lại. Những lúc như vậy, mấy ngày công cả nhà mình bỏ ra coi như mất trắng. Má và mấy dì cậu còn trẻ chịu cực đã đành, chỉ tội nghiệp cho ông bà Ngoại, phần thì ngồi cong lưng may cả ngày, phần thì buồn thương cho những đứa con mới qua Mỹ phải chịu cực chịu khổ, phần thì nhớ những đứa con cháu còn lại bên Việt nam, tóc bạc của ông bà Ngoại mỗi ngày một nhiều thêm.

Nhưng mất cái này được cái kia. Nghề may tuy vất vả nhưng không đòi hỏi người thợ phải đi làm đúng giờ về đúng giấc, vì may cái nào tính tiền cái đó, miễn sao đừng giao hàng trễ ngày. Vì vậy mấy anh em má có thể sắp xếp thời gian để vừa may vừa đi học. Những em nhỏ chừng bảy tám tuổi, sau khi tan trường về, ở nhà giúp ba mẹ làm những công việc lặt vặt như lộn túi áo, cổ áo, cắt chỉ, vân vân. Nhiều gia đình người Việạt Nam, sau vài năm làm nghề may, đã mua được nhà, con cái học thành bác sĩ, kỹ sư. Tất cả là nhờ vào bản tính chịu cực chịu khó của người Việt Nam mình đó con!

Thật cám ơn tờ báo Người Việt và nghề may thời đó, nhờ họ mà gia đình mình đã có được một công ăn việc làm ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, và cũng nhờ đó mà mấy anh em má được có cơ hội trở lại trường học.

Sống và lớn lên ở Mỹ, chắc con cũng đồng ý với má là nước Mỹ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người dân có cơ hội đến trường. Có lẽ chưa khi nào con nghe nói về chuyện học sinh dưới mười tám tuổi phải nghỉ học ở nhà vì cha mẹ không có tiền đóng tiền trường hoặc nghỉ học để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Ở đây, những học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp còn được miễn tiền ăn sáng và ăn trưa. Học sinh nào học yếu được nhà trường kèm thêm ngoài giờ, không nhất thiết phải tốn tiền đi học thêm. Chương trình học ở Mỹ không quá căng thằng, các con có thể vừa hoàn thành việc học ở trường, vừa có thời gian vui chơi, hoặc tham gia những hoạt động ngoài giờ học như thể thao, hướng đạo.

Vào đại học bên Mỹ không gay go như vào đại học bên Việt nam. Lý do là vì đại đa số trường đại học cộng đồng ở đây không đòi hỏi học sinh phải trải qua một kỳ thi đại học một đậu chín rớt mới có thể vào được. Má nhớ hồi xưa, học sinh đi thi đại học thường nghêu ngao đọc bài thơ con cóc:

“Giám thị nhìn em giám thị cười
Em nhìn giám thị lệ tuôn rơi
Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười người leo, chín người rớt rồi!”

Nếu không được qua Mỹ định cư, có lẽ con đường học vấn của má đã không thành, cuộc sống của má có thể cũng bấp bênh như bao nhiêu người nghèo còn đang sống bên Việt Nam.

Nhờ được ông bà Ngoại cho học tiếng Anh khi còn ở Việt nam, đến khi qua Mỹ được tiếp tục sống chung với ông bà Ngoại, má có được mọi điều kiện thuận lợi để đi học trở lại. Lúc đang học ở đại học cộng đồng được hơn một năm, má lập gia đình về sống với ba con, bà Nội và cô. Hành trang má mang theo là lời dặn dò từ ông bà Ngoại phải ráng học để có bằng cấp, đi ra ngoài làm việc, ăn mặc đẹp với người ta. Nghe lời ông bà Ngoại, về nhà ba con hôm trước, hôm sau má đã vô trường nộp đơn xin học, không bỏ một ngày nào. Khi má mang thai con, cái thai hành má lắm, bởi vậy mỗi khi vào lớp học, má thường tìm dãy ghế chót, bên cạnh cửa ra vô để ngồi, để khi bị buồn nôn thì má có thể chạy kịp vô nhà vệ sinh. Sau khi con ra đời, má nghỉ tạm một mùa học để ở nhà chăm sóc con. Ðó cũng là lúc má vừa hoàn tất chương trình học hai năm và chuẩn bị chuyển lên trường đại học.

Hai năm ở trường đại học là thời gian má vất vả nhất trong suốt hơn hai mươi năm ở Mỹ. Mỗi ngày, năm giờ sáng, má chở con, lúc đó mới sáu tháng tuổi, đến nhà bà Lan nhờ bà trông chừng con, sau đó má đi làm. Ðến mười giờ má vô trường học, học về ghé rước con, lo cơm nước, dỗ con ngủ. Sau khi con yên giấc, má mới yên tâm ngồi vào bàn học bài. Mặc dù vất vả như vậy, trong suốt thời gian đi học, má chưa khi nào có ý định bỏ cuộc. Ngày má ra trường, ông bà Ngoại và gia đình mấy cậu dì qua dự lễ. Má vui lắm, cảm động lắm! Bồng con trên tay chụp hình lúc ra trường, bao nhiêu niềm vui sướng hạnh phúc cứ dồn về. Trong lúc làm lễ ra trường, nhìn những người lên lãnh bằng thạc sĩ, má ước mơ có một ngày mình cũng nhận được tấm bằng thạc sĩ đó. Nhờ có ba và hai con phụ má việc nhà để má có thời gian học hành, vài năm sau đó, má cũng đã đạt được ước mơ của mình.

Trong vấn đề học tập, sự động viên và khuyến khích của gia đình đóng một vai trò rất quan trọng, con à! Má may mắn có được gia đình lúc nào cũng ủng hộ việc học của má. Má sẽ noi theo gương đó, sẽ luôn ủng hộ và giúp đỡ các con trên bước đường học vấn. Má cũng hy vọng những ai được may mắn qua Mỹ sẽ cố gắng hết khả năng của mình để đi học cho có bằng cấp. “Kiến thức là một nguồn vốn mà đi buôn không bao giờ sợ lỗ”, câu nói này từ một người bạn của má, mà mỗi khi suy ngẫm, má đều thấy điều đó đúng vô cùng.

Ðối với việc chọn ngành nghề, những ai không bị trở ngại về Anh ngữ, như con và em của con, có thể theo đuổi bất cứ ngành nghề nào mà họ yêu thích. Còn đối với những người lớn lên ở Việt nam, khi vào học ở Mỹ, vấn đề nghe và nói tiếng Anh luôn là một trở ngại lớn. Lựa chọn những ngành nghề nào ít sử dụng kỹ năng nói trong công việc, học mau ra trường, có nhiều cơ hội tìm được việc làm để có tiền giúp đỡ gia đình là con đường mà nhiều người Việt nam mình đã lựa chọn và đi theo.

Như con đã biết, bằng cử nhân ở Mỹ đỏi hỏi thời gian học trung bình là bốn năm, nếu học toàn thời gian, một mùa con phải học mười lăm hoặc hoặc mười sáu unit. Người nào liên tục đổi ngành, hoặc vừa học vừa chơi, học một mùa chỉ vài unit, hoặc học đứt đoạn thì ngày tốt nghiệp, ngoài việc được trao cho tấm bằng đại học, còn được tặng thêm cây gậy và lá đơn để chống đi xin tiền già! Má tin rằng con của má sẽ không vướng vào con đường này!

Thỉnh thoảng con và em con hỏi má về chuyện xin việc làm ở Mỹ. Ở trường má học hồi xưa, mỗi năm đều có những công ty đến để phỏng vấn những sinh viên sắp ra trường. Hầu hết sinh viên đều mượn cơ hội này để ghi danh phỏng vấn tìm việc làm. Sinh viên đậu phỏng vấn sẽ được ký hợp đồng và có thể bắt đầu làm việc ngay sau khi ra trường. Trường của má vào những tuần lễ này vui lắm, sinh viên đi học mặc đồ đẹp, giống như những người làm việc chuyên nghiệp. Những sinh viên Mỹ trắng cao ráo đang học năm thứ ba, sau khi phỏng vấn vài lần đã có công ty ký hợp đồng mướn, còn những sinh viên nói tiếng Anh không rành hoặc học không giỏi thì sau khi tốt nghiệp, vẫn còn phải đọc báo tìm việc làm.

Trong vấn đề xin việc làm ở Mỹ, có thể nói hay không bằng hên. Khi con may mắn nộp đơn vào được những công ty đang cần người gấp, thì cho dù cho con không có nhiều kinh nghiệm, công ty vẫn mướn con, chỉ cần con tỏ ra nhiệt tình, chứng mình cho họ thấy là con thích làm và con sẽ sẵn sàng học hỏi thêm. Ðến khi con đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc thì vấn đề xin việc sẽ được dễ dàng hơn. Thêm vào đó, khi đi xin việc, nếu con nắm vững ưu thế thì con có thể đưa ra những điều kiện như điều chỉnh giờ giấc làm việc theo thời khóa biểu của con, hoặc xin thêm ngày phép. Ðể được như vậy, con cần phải giỏi và làm được việc, đem lại lợi ích cho công ty.

Những chỗ má làm xưa nay, không có chuyện cấp dưới nịnh hót cấp trên. Mặc dù chuyện phe đảng nơi công sở là có xảy ra, nhưng không lộ liễu. Những người có quen biết rộng bao giờ cũng có ưu thế hơn trong vấn đề tìm việc làm và thăng chức. Việc này có lẽ ở đâu cũng vậy. Mặc dù nước Mỹ là một nước tự do bình đẳng, nhưng sống trong đất nước đó vẫn là những con người bình thường như bao nhiêu người khác, tính tham sân si là không thể không tránh khỏi. Nhưng nếu con là người hoạt bát cởi mở, chịu khó làm việc thì đi đến đâu cũng sẽ được nhiều người quý mến.

Má may mắn được qua Mỹ lúc còn ở độ tuổi đến trường, được tiếp nhận nền học vấn của Mỹ, được đi làm cho công ty của Mỹ. Các con của má được sống trong một đất nước tự do với những điều kiện tốt nhất, ông bà Ngoại được chính phủ lo về đời sống và sức khỏe. Ðối với má, tất cả đã quá đủ, má không còn gì để đòi hỏi thêm nữa. Má luôn biết ơn nước Mỹ, biết ơn những người đi trước, và luôn thầm cám ơn sự giúp đỡ từ những người thân và bạn bè đã giúp gia đình mình trong suốt thời gian đầu mới qua Mỹ.

Con trai của má, qua câu chuyện về cuộc hành trình lập nghiệp của gia đình mình, má muốn con hiểu được một điều là trên đời này, việc gì cũng có cái giá của nó. Muốn được thành công thì mình phải nỗ lực. Những điều tốt đẹp không tự nhiên đến với mình, mình phải biết tận dụng cơ hôi, biết tạo dựng, và biết giữ gìn. Ðã đến giờ con vào thi rồi, hãy cố gắng lên con nhé! Trên con đường đời đang mở rộng phía trước, con sẽ còn trải qua rất nhiều kỳ thi. Kỳ thi càng cam go bao nhiêu thì nó sẽ càng giúp cho con có thêm bản lãnh, thêm nghị lực, và thêm lòng tự tin bấy nhiêu. Nhưng dù ở bất kỳ cuộc thi nào, con đều hãy nhớ rằng, ba má luôn ở bên cạnh con để giúp đỡ con , ủng hộ con, và cầu chúc may mắn cho con.

Má của con

Người việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng

Người việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự
công bằng

httpv://www.youtube.com/watch?v=wux_RlMcRRs

Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, giành giựt, của hàng nghìn người để thưởng thức sushi
miễn phí tại một cửa hàng mới khai trương tại Hà Nội; hay cảnh các bạn rẻ xô đẩy
để giành lấy phần quà về mình tại trung tâm hội nghị triển lãm tại TP.HCM vừa
qua đã khiến nhiều người dân bức xúc, đa số lắc đầu ngán ngẩm
.

Nhóm NO-U kêu gọi giúp đỡ Philippines

Nhóm NO-U kêu gọi giúp đỡ Philippines

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-11-11

000_TS-Hkg9183693(1)-305.jpg

Một người Philippines viết lời kêu gọi cứu trợ lương thực tại Anibong, Tacloban, hôm 11 tháng 11 năm 2013.

AFP photo

Cơn bão Hải Yến được xem là cơn bão mạnh nhất đổ vào đất liền mà nhân loại ghi nhận được đã tàn phá một cách khủng khiếp một vùng rộng lớn miền Trung nước Philippines.

Các hoạt động cứu trợ đang được khẩn trương tiến hành. Tại Hà nội, nhóm NO-U, một nhóm có nhiều hoạt động dân sự, phi chính phủ, cũng bắt đầu kêu gọi cứu trợ cho Philippines. Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội tích cực của NO-U đã dành cho Kính Hòa cuộc trao đổi sau đây về việc kêu gọi cứu trợ mà nhóm của anh đang tiến hành.

Nguyễn Lân Thắng: Qua phương tiện thông tin đại chúng, câu lạc bộ NO-U chúng tôi biết được cơn bão rất tệ hại ở Philippines. Chúng tôi cũng đã có nhiều bạn bè người Philippines, cũng như những người có cùng những hoạt động lý tưởng với nhóm NO-U như chống đường lưỡi bò của Trung quốc trên biển Đông. Khi biết được các bạn Philippines đang chịu cái điều kinh khủng của cơn bão này, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ với các bạn.

Kính Hòa: Thưa anh, công việc quyên góp được tiến hành như thế nào ạ?


“Khi biết được các bạn Philippines đang chịu cái điều kinh khủng của cơn bão này, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ với các bạn.
– Anh Nguyễn Lân Thắng”

Nguyễn Lân Thắng: Hiện chúng tôi thông qua mạng xã hội để kêu gọi sự đóng góp. Ở đất nước Philippines có nhiều tổ chức nhân đạo khác nhau đang thực hiện công tác nhân đạo rất là to lớn. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho Philippines 100.000 đô la. Tuy nhiên nhóm NO-U của chúng tôi rất mong muốn tham gia các hoạt động nhân đạo, bởi vì thông qua đó chúng tôi kêu gọi được những người tốt, những người quan tâm đến những giá trị nhân bản, tham gia cùng với chúng tôi tham gia những điều thiện, giúp cho cuộc sống quanh ta tốt đẹp hơn.

Kính Hòa: Thông qua mạng xã hội để góp tiền bạc và phẩm vật rồi sau đó nhóm NO-U sẽ định làm như thế nào để nó đến tay người Philippines?

Nguyễn Lân Thắng: Các bạn NO-U sẽ góp tiền vì cái vùng bị bão hiện nay rất là hỗn loạn. Chúng tôi cũng có nhiều bạn bè Philippines hoạt động trong các tổ chức nhân đạo khác nhau. Lần này chúng tôi quyết định nhờ tổ chức Asian Bridge là tổ chức đã thực hiện khóa học về xã hội dân sự cách đây hơn một tháng. Họ đến vùng bão để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân còn sống sót sau trận bão.

Kính Hòa: Các bạn có nghĩ tới việc liên hệ qua tòa Đại sứ Philippines ở Hà Nội không?

Nguyễn Lân Thắng: Tòa Đại sứ là cơ quan đại diện ngoại giao của chính phủ Philippines. Chúng tôi không có chủ trương thông qua kênh này mà muốn các hoạt động dân sự là giữa các tổ chức dân sự với nhau, và các phẩm vật cứu trợ đến trực tiếp tới người bị nạn.

Kính Hòa: Hiện giờ hiện vật, tài chính cứu trợ thu được có khả quan không?

Nguyễn Lân Thắng: Hiện tại theo phản hồi trên mạng là khá tốt, tuy nhiên lời kêu gọi mới chỉ được đưa ra cách đây vài tiếng đồng hồ nên chúng tôi chưa biết chính xác.

Kính Hòa: Anh cho hỏi câu cuối là sau hoạt động này thì nhóm NO-U có thực hiện việc cứu trợ với chính đồng bào Việt Nam mình bị nạn sau cơn bão này không?


“NO-U luôn có một tinh thần hỗ trợ nhân đạo và hoạt động rất nhiều. Đây không phải là hoạt động sau cùng. Trước đây hai hay ba tuần NO-U đã thực hiện các chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung.
– Anh Nguyễn Lân Thắng”

Nguyễn Lân Thắng: NO-U luôn có một tinh thần hỗ trợ nhân đạo và hoạt động rất nhiều. Đây không phải là hoạt động sau cùng. Trước đây hai hay ba tuần NO-U đã thực hiện các chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung. Còn ngay bây giờ đây thì chúng tôi có chương trình xây đập tràn cho bà con nghèo ở vùng núi phía Bắc.

Kính Hòa: Xin cảm ơn anh Nguyễn Lân Thắng.

Nhóm NO-U là một nhóm ra đời từ sau những cuộc biểu tình chống sự gây hấn của Trung quốc trên biển Đông. Sau đó nhóm NO-U được duy trì và thực hiện các hoạt động dân sự như nhân đạo, thể thao. NO-U có nghĩa là không chấp nhận đường chữ U hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung quốc vạch ra để tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Đông.

Nếu bạn ở nước ngoài, bạn có thể gửi ủng hộ trực tiếp vào tài khoản sau:
Name: Asian Bridge Philippines NGO Center, Inc.
Account no: 654 00 34 716
Swift code: BNORPHMM
Name of Bank: BDO
Address: Isidora Hills Branch, Manila, Philippines
________________________________________________
Nếu bạn là người trong nước, bạn có thể gửi đến tài khoản sau:
Chủ TK Lê Trung Sơn
Tk: 190 270 385 18018
Chi nhánh: Techcombank Hà nội
ĐT: 0936663858

Theo thông tin từ anh Nguyễn Lân Thắng, ngày 17/11/2013 Asian Bridge sẽ đến thành phó bị bão tàn phá là Tacloban để cứu trợ.

Điều kỳ diệu của tạo hóa

Điều kỳ diệu của tạo hóa

Con người, có lẽ chính là kiệt tác nghệ thuật hoàn hảo nhất của tạo hóa. Mỗi cá nhân chúng ta lại là một bản thể riêng biệt, không giống bất kỳ ai.

.

Trẻ em chính là món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa ban tặng cho cuộc sống này. Là trái ngọt cho tình yêu của người cha & người mẹ. Mỗi đứa trẻ giống như một công trình khoa học đồ sộ. Điều khác biệt là trong “dự án” này, sai sót là điều không bao giờ được phép xảy ra. Bạn đã bao giờ tự hỏi, trẻ em được hình thành như thế nào? Hay chính xác hơn là bạn được hình thành như thế nào? Đoạn clip dưới đây sẽ trả lời câu hỏi đó cho bạn.

httpv://www.youtube.com/watch?v=Ah_RGa8-J0A

Bình Nhưỡng tử hình công khai những người xem truyền hình Hàn Quốc

Bình Nhưỡng tử hình công khai những người xem truyền hình Hàn Quốc

Kim Jong-un chủ trì Hội nghị BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng,  31/03/2013

Kim Jong-un chủ trì Hội nghị BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 31/03/2013

REUTERS/KCNA

Thụy My

Từ đầu tháng 11, chế độ Bình Nhưỡng đã hành quyết công khai khoảng 80 người, trong đó có nhiều người lãnh án tử vì đã xem nhiều chương trình truyền hình Hàn Quốc – một hành vi bị nghiêm cấm tại Bắc Triều Tiên. Hãng tin Pháp AFP hôm nay 11/11/2013 dẫn nguồn tin từ một tờ báo Hàn Quốc cho biết như trên.

Tờ Joong Ang Ilbo, một tờ báo bảo thủ chỉ nêu một nguồn tin giấu tên, nhưng có ít nhất một nhóm người Bắc Triều Tiên tị nạn cho biết cũng có nghe thông tin này, làm tăng tín khả tín của nguồn tin trên báo.

Theo nguồn tin trên được cho là rất thành thạo về những chuyện nội bộ của Bắc Triều Tiên, các cuộc hành quyết diễn ra vào ngày 03/11 tại bảy thành phố trên cả nước. Tại thành phố cảng Wonsan ở miền đông, chính quyền đã tập hợp 10.000 người tại một sân vận động để chứng kiến việc xử bắn tám tội nhân.

Đa số các tử tội bị hành hình do đã xem các chương trình truyền hình Hàn Quốc, qua các băng DVD hay USB được lén lút mang vào Bắc Triều Tiên. Một số khác bị kết án vì tội mại dâm.

Daily-NK, một trang web tin tức do những người Bắc Triều Tiên tị nạn điều hành và có một mạng lưới trên khắp nước nói rằng không nghe thông tin này. Một trang web khác cũng của người Bắc Triều Tiên tị nạn là North Korea Intellectual Solidarity thì nhấn mạnh, nhiều cơ sở của họ cách đây mấy tháng đã báo cho biết về dự định một đợt tử hình công khai rộng rãi. Một người có trách nhiệm của tổ chức này nói : « Chế độ Bình Nhưỡng có vẻ lo ngại khả năng thay đổi trong suy nghĩ của người dân và cố gây sợ hãi ».

Chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên được điều hành với bàn tay sắt từ ba thế hệ nhà họ Kim : Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), Kim Jong Il và nay đến đời thứ ba là Kim Jong Un.

Hồi tháng 9, tờ Asahi Shimbun cho biết, người yêu cũ của Kim Jong Un, nữ ca sĩ Hyon Song Wol, văn công của đoàn Unhasu Orchestra đã bị xử bắn cùng với một số nữ diễn viên của đoàn vì tội quay video sex. Lệnh xử tử được đưa ra nhằm dập tắt những tin đồn về lối sống đồi trụy của Ri Sol Ju, vợ Kim Jong Un lúc còn là ca sĩ trong đoàn. Bình Nhưỡng hôm 22/9 đã giận dữ bác bỏ các thông tin trên « các phương tiện truyền thông rắn rết » nhằm gây « tổn hại phẩm cách » của lãnh đạo tối cao.

Đảng Chí Hiến Trung Quốc đòi bầu cử tự do

Đảng Chí Hiến Trung Quốc đòi bầu cử tự do

Nữ giáo sư Vương Tranh (Wang Zheng),  một trong những sáng lập viên đảng Chí Hiến (Zhi Xian), tại Quảng Tây, ngày 07/03/2013

Nữ giáo sư Vương Tranh (Wang Zheng), một trong những sáng lập viên đảng Chí Hiến (Zhi Xian), tại Quảng Tây, ngày 07/03/2013

REUTERS/Courtesy of Wang Zheng/Handout via Reuters

Tú Anh

RFI

Đảng Chí Hiến không bài bác quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng yêu cầu phải tổ chức bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu, chấm dứt tình trạng đảng cử dân bầu. Trên đây là giải thích của giáo sư Vương Tranh, một trong những người sáng lập đảng mới tại Trung Quốc, bất chấp các lời khuyến cáo từ phía chính quyền.

Đảng Chí Hiến ( Hiến pháp trên hết) do những người ủng hộ cựu lãnh đạo bị thất sủng Bạc Hy Lai thành lập hôm thứ Tư tuần trước, bất chấp lệnh cấm ngay vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc họp Hội nghị trung ương 3.

Tuy nhiên, theo hãng Reuters, ngày Chủ nhật 10/11/2013, một trong những sáng lập viên là nữ giáo sư Vương Tranh, đại học Bắc Kinh nói rõ là đảng Chí Hiến thừa nhận vai trò lãnh đạo Trung Quốc của đảng Cộng sản. Có điều là đảng mới này yêu cầu chính quyền phải chấp nhận bầu cử tự do theo lối phổ thông trực tiếp. Trong chế độ bầu cử hiện nay tại Trung Quốc, các ứng cử viên do đảng Cộng sản quyết định. Yêu cầu thứ hai là Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do hội họp.

Cũng theo bà Vương Tranh, Hiến pháp Trung Quốc dự trù quyền tự do ứng cử bầu cử ở Quốc hội và sự có mặt của đại diện nhân dân ở mọi cấp chính quyền, nhưng trên thực tế những quy định này không được tôn trọng.

Sáng lập viên đảng Chí Hiến thú thật là chưa gặp ông Bạc Hy Lai lần nào. Nhân vật bị thất sủng này đang bị án tù chung thân đã được đề nghị làm chủ tịch đảng Chí Hiến đến trọn đời.

Bà Vương Tranh cũng cho biết, tuy công nhận thiện chí của Nhóm Hiến chương 08 của nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba, nhưng bà không đồng ý với phương thức đấu tranh của phong trào này. Được hỏi về mục đích của đảng Chí Hiến, giáo sư Vương Tranh tuyên bố là « để bảo vệ quyền lực của Hiến pháp » và sẽ tổ chức đại hội trong sáu tháng tới đây.

Chủ trương « bảo vệ Hiến pháp » bị phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích dữ dội. Tạp chí Đảng Kiến, cơ quan tuyên huấn của đảng Cộng sản Trung Quốc trong số tháng 8/2013 xem đây là một chiến thuật « diễn biến hòa bình » dựa vào Hiến pháp để từ từ loại trừ đảng Cộng sản.

Giới chức Việt Nam bị cáo buộc dính líu tới buôn bán phụ nữ, trẻ em

Giới chức Việt Nam bị cáo buộc dính líu tới buôn bán phụ nữ, trẻ em

Các cô gái mại dâm người dân tộc thiểu số từ Việt Nam ngồi chờ khách trong khu 'đèn đỏ' nổi tiếng ở Phnom Penh.

Các cô gái mại dâm người dân tộc thiểu số từ Việt Nam ngồi chờ khách trong khu ‘đèn đỏ’ nổi tiếng ở Phnom Penh.

04.11.2013

Tỷ lệ thiếu nữ và trẻ em dân tộc thiểu số Hmong, Lào, và người Thượng Tây Nguyên bị các quan chức chính quyền và giới chức quân sự tham nhũng tại Việt Nam và Lào bắt cóc, cưỡng ép hôn nhân, và buộc hành nghề mãi dâm lên tới mức báo động, theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ vừa công bố.

Hội đồng Nhân quyền Lào LHRC và Trung Tâm Phân tích Chính sách Công CPPA ngày 2/11 phổ biến thông cáo bày tỏ quan ngại về vai trò gia tăng của giới chức chính phủ và quân đội dính líu tới tình trạng bắt cóc và sử dụng bạo lực buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam, Lào, và Đông Nam Á.

Chủ tịch Hội đồng LHRC Vaughn Vang kêu gọi mở cuộc điều tra ngay lập tức với sự can thiệp của quốc tế nhằm giúp đỡ các nạn nhân sắc tộc vừa kể ở Lào và Việt Nam.

Ông Philip Smith thuộc trung tâm CPPA nói nạn buôn người nhắm trực tiếp vào trẻ em, phụ nữ sắc tộc đặc biệt nghiêm trọng tại các khu vực biên giới của Lào và Việt Nam, bao gồm tỉnh Nghệ An giáp ranh với tỉnh Xiang Khouang của Lào.

Vẫn theo lời ông Smith, nhiều nạn nhân phải chịu đựng cảnh hành hạ tàn nhẫn không thể tả bằng lời, bị cưỡng bức, bị bạo hành hoặc bị buôn bán ra quốc tế.

CPPA có trụ sở tại thủ đô Hoa Kỳ là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các cuộc nghiên cứu tập trung về chính sách đối ngoại, nhân quyền cùng các vấn đề an ninh quốc gia cho giới hoạch định chính sách quốc gia, quốc tế, và công chúng.

Tòa đại sứ Việt Nam không hồi đáp thư của đài VOA yêu cầu bình luận về báo cáo của hai tổ chức phi chính phủ này.

Dù Việt Nam đã ban hành luật phòng chống buôn người, nhưng việc thực thi còn gây nhiều ngờ vực và tranh cãi.

Đây không phải là lần đầu tiên giới hoạt động nhân quyền quốc tế lên tiếng về tình trạng buôn người có sự tiếp tay của giới hữu trách Việt Nam.

Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á CAMSA thời gian gần đây can thiệp cho nhiều vụ buôn người từ Việt Nam sang Nga.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, đồng sáng lập viên của CAMSA, cho VOA Việt ngữ biết trong rất nhiều nạn nhân bị rơi vào các xưởng bóc lột lao động hoặc các ổ mãi dâm ở Nga, chưa người nào nhận được sự bảo vệ từ chính phủ Việt Nam, mà ngược lại, còn có dấu hiệu cho thấy trong một số trường hợp có sự đồng lõa của các giới chức Việt Nam.

Nguồn: Business Wire, Centerforpublicpolicyanalysis.org, VOA’s Interview

Hai nhà báo Pháp bị bắt cóc và giết chết tại Mali

Hai nhà báo Pháp bị bắt cóc và giết chết tại Mali

02.11.2013

Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận hai nhà báo Pháp bị bắt cóc đã bị giết hôm thứ Bảy tại miền bắc Mali.

Vụ này xảy ra tại thành phố Kidal.

Những tay súng không rõ tung tích đã bắt cóc hai nhà báo, một nam và một nữ một ít lâu sau khi họ kết thúc cuộc phỏng vấn một viên chức thuộc tổ chức ly khai có tên là Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad MNLA.

Một phát ngôn viên của MNLA nói với Đài VOA là ông biết hai nhà báo bị những người bắt cóc giết cách thành phố một khoảng ngắn. Chủ tịch Hội đồng Cách mạng MNLA Attayoub Ag Dataye cho biết các binh sĩ Pháp tại Mali tìm thấy xác 2 nhà báo này.

Một phóng viên của Đài VOA tại Kidal nói là lực lượng Pháp dùng máy bay trực thăng để truy lùng những kẻ bắt cóc.

Hai nhà báo bị giết làm việc cho Đài phát thanh Quốc tế Pháp RFI.

Bốn người đàn ông Pháp được trả tự do vài ngày trước đó sau khi bị bắt làm con tin hơn 3 năm bởi các phần tử chủ chiến có liên hệ đến al-Qaida tại nước láng giềng Niger.

Người người Pháp này bị nhóm al-Qaida tại vùng Hồi Giáo Maghreb bắt vào tháng 9 năm 2010 khi đang làm việc cho công ty hạt nhân Areva của Pháp.

Kidal là cứ địa của MNLA, tổ chức chiến đấu cho một quốc gia Tuareg độc lập tại miền bắc Mali.

Tổ chức này kiểm soát Kidal sau khi lực lượng Pháp và châu Phi đẩy những phần tử chủ chiến Hồi Giáo ra khỏi vùng này trước đây trong năm.