Ra mắt tập hợp blogger VN ‘vì tự do’

Ra mắt tập hợp blogger VN ‘vì tự do’

Thứ tư, 11 tháng 12, 2013

Buổi ra mắt tại Hà Nội diễn ra khá suôn sẻ, nhưng xảy ra bạo lực tại Sài Gòn

Một tập hợp mới của những người viết blog ra mắt tại Việt Nam để ‘góp phần phát huy nhân quyền, tranh đấu cho tự do’.

Nhóm này mang tên Mạng Lưới Blogger Việt Nam, được nói là một tập hợp các blogger ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ Hà Nội, Đà Nẵng đến Sài Gòn và cả blogger người Việt ở nước ngoài.

Hôm 10/12, nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, họ công khai tổ chức buổi ra mắt ở Hà Nội và Sài Gòn.

Bấm Trang web của nhóm này cho biết 7h tối ngày 10/12 tại Hà Nội, khoảng hai chục blogger có mặt tại cafe Thủy Tạ ven hồ Hoàn Kiếm.

Họ cho biết buổi gặp mặt diễn ra mà không bị công an quấy rối, mặc dù biểu ngữ chào mừng ngày nhân quyền của họ cũng bị an ninh thu giữ.

Buổi ra mắt ở Hà Nội có sự tham dự của TS. Nguyễn Quang A, một nhà bình luận và hoạt động có tiếng ở thủ đô, và nhà nghiên cứu-blogger người Mỹ đang dạy ở Hong Kong, Jonathan London.

Tuyên bố của nhóm viết: “Chúng tôi tin rằng mọi công dân Việt Nam phải có quyền tự do tư tưởng và tự do bày tỏ quan điểm mà không bị can thiệp hay đối xử bất công; tin rằng chúng ta có quyền tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương cách như đã được xác định bởi Điều 19 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.”

Họ nói thêm “công dân Việt Nam phải có quyền quyết định vận mạng của mình và góp phần quyết định vận mạng của đất nước; và những quyền này không thể là đặc quyền, được giao phó hay bị giành riêng bởi một nhóm người, một tập thể nào trong xã hội”.

Tuyên bố nói công dân Việt Nam phải có quyền tự do tư tưởng

Vị khách nước ngoài, tiến sĩ Jonathan London, nói sự kiện là “một bước tiến lớn của Việt Nam và của chiến dịch vì nhân quyền ở Việt Nam”.

Ông hy vọng sự ra đời của tập hợp “sẽ đánh dấu bước đi đầu tiên trong hàng loạt bước đi hướng tới một Việt Nam thực sự tự do”.

Trong khi đó, cùng ngày tại Sài Gòn, nhóm này nói đã xảy ra bạo lực khi vào 5h chiều, “hàng chục dân phòng, phụ nữ tự quản đã bao vây nhà của blogger Nguyễn Hoàng Vi”.

Khi cô Hoàng Vị cùng một blogger khác, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (biết đến với bút danh Mẹ Nấm) bước ra ngoài, định gọi taxi đến tham dự cuộc gặp mặt, thì bị “đánh túi bụi”.

Nhóm cáo buộc con của cô Như Quỳnh, 13 tuổi, “cũng bị đánh rất đau”.

Hai blogger khác, Hoàng Dũng và Trần Hoàng Hận, cũng được nói là bị đánh và hình ảnh về họ được đưa lên mạng.

Theo giới quan sát, việc ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam là diễn biến mới trong cố gắng thách thức biên độ của sự kiểm soát của chính quyền trong bối cảnh việc lập hội vẫn bị giới hạn tại Việt Nam.

VN bị thúc giục cải thiện nhân quyền

VN bị thúc giục cải thiện nhân quyền

Thứ tư, 11 tháng 12, 2013

Chính quyền Việt Nam giải tán buổi hoạt động cổ súy nhân quyền trong nước hôm 8/12

Anh, Đức, Mỹ vừa đồng loạt ra tuyên bố kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền con người và mở đường cho các thanh sát viên quốc tế về nhân quyền.

Động thái này diễn ra vào dịp ngày kỷ niệm Bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua, ngày 10/12.

Bấm Thông cáo đăng tải trên trang web Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói “Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của hai nước về ủng hộ Tuyên ngôn Nhân quyền trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam được Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang công bố hồi tháng 7”.

“Thông điệp rất rõ ràng: Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đồn thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.”

Tuyên bố của phía Hoa Kỳ nhấn mạnh việc Việt Nam “đạt được tiến bộ rõ ràng về nhân quyền có tầm quan trọng quyết định” trong quan hệ giữa hai nước và “có tác động đến mọi khía cạnh của chính sách đối ngoại”.

“Chúng tôi đều đồng thuận rộng rãi rằng những tiến bộ đáng kể về nhân quyền là điều cần thiết để có quan hệ song phương chặt chẽ hơn và để củng cố vững chắc hơn nữa những lợi ích mà chúng ta đã đạt được trên một loạt các lĩnh vực gồm kinh tế, chính trị, xã hội, và an ninh.”

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện thành tích của mình, bao gồm cả việc trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cho phép mọi người Việt Nam được bày tỏ ý kiến của bản thân, và bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn quốc.”

Đại sứ Mỹ David Shear cho biết: “Chỉ ít tháng sau cuộc họp giữa Tổng thống và Chủ tịch của hai nước chúng ta, Việt Nam đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tra tấn và đã chủ động liên lạc với Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng để thu xếp một chuyến thăm Việt Nam vào mùa thu.”

Mở đường cho chuyên viên Liên Hiệp Quốc

“Việc Việt Nam đạt được tiến bộ rõ ràng về nhân quyền có tầm quan trọng quyết định trong quan hệ giữa hai nước và có tác động đến mọi khía cạnh của chính sách đối ngoại”

Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội

Trong Bấm tuyên bố chung đưa ra hôm 9/12, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức, Jutta Frasch, và Phó Đại sứ Vương Quốc Anh, bà Lesley Craig, nói việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc “đặt Việt Nam trước một cơ hội và trách nhiệm to lớn”.

Đại diện của Anh, Đức thừa nhận “Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong việc thực thi các quyền xã hội và kinh tế”, tuy nhiên, “đáng tiếc là tại Việt Nam, nhiều người bị giam giữ vì công khai bày tỏ chính kiến”.

“Liên minh châu Âu và các nước thành viên ước tính có hàng chục tù nhân chính trị tại Việt Nam, đa số bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do chính kiến và tự do hội họp của họ. Các tổ chức phi chính phủ đánh giá thấp Việt Nam trong việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị.”

Qua tuyên bố này, Anh và Đức cũng kêu gọi Việt Nam mở đường cho các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền:

“Liên Hiệp Quốc đã cử ra những chuyên gia khác nhau được ủy quyền tìm hiểu những vấn đề nhân quyền chuyên biệt … Các chuyên gia này chỉ có thể thực hiện một chuyến thăm thực địa tại một nước thành viên nếu có lời mời của nước đó.”

“Trong thực thế nhiều nước đã đưa ra lời mời thường xuyên (standing invitation) đối với các chuyên gia, có nghĩa là một lời mời có giá trị lâu dài. Cho đến nay Việt Nam chưa đưa ra lời mời thường xuyên đó,” tuyên bố viết.

Hồi 12/11, Việt Nam lần đầu tiên giành ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc với kết quả 184 trên 192 phiếu bầu, xếp cao nhất về số phiếu trong số 14 thành viên mới, trong đó có Cuba, Trung Quốc.

Buôn người và cuộc chiến chống nạn nô dịch thời hiện đại

Buôn người và cuộc chiến chống nạn nô dịch thời hiện đại

Một thiếu nữ Bangladesh 14 tuổi hành nghề mại dâm ở thành phố Faridpur, miền trung Bangladesh.

Một thiếu nữ Bangladesh 14 tuổi hành nghề mại dâm ở thành phố Faridpur, miền trung Bangladesh.

 

Faiza Elmasry

07.12.2013

Nạn buôn người có mặt tại hầu hết các nơi trên thế giới – trẻ em, thiếu nữ, kể cả đàn ông – bị lừa và bị ép bán dâm, lao động cưỡng bức và những hình thức nô dịch khác, không thể trốn thoát được. Con số phỏng định mới nhất cho thấy có khoảng 100.000 trẻ em và người lớn bị buôn bán tại Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động khác nhau đang cùng nỗ lực chống lại nạn buôn người.

Cách đây 8 năm, cô Shamere McKenzie là một sinh viên đại học 21 tuổi có nhiều hoài bão ở New York. Nhưng cuối cùng cô sa vào con đường buôn bán tình dục. Cô cho biết:

“Việc này xảy ra khi tôi gặp một người đàn ông mà tôi tin là muốn hẹn hò với tôi. Tôi không bao giờ nghĩ hắn là một tay ma cô vì hắn rất khéo ăn nói, rất quyến rũ. Chúng tôi có những cuộc chuyện trò thú vị về chính trị, về những người làm cha mẹ đơn thân trong cộng đồng, về số lượng lớn những người đàn ông Mỹ gốc Phi bị tù. Do đó với những chuyện như thế, tôi không nghĩ hắn là một tên ma cô. Lúc đó tôi đang có nguy cơ sắp mất học bổng. Tôi cần 3000 đô la để đi học lại, và hắn ta nói, ‘Đừng lo gì cả, anh sẽ giúp em trở lại trường.’”

Tuy nhiên thay vì giúp cô, người này bắt cóc cô và bắt cô đi bán dâm.

“Tôi nghĩ một từ chính xác để định nghĩa bị bắt làm nô lệ là từ ‘tra tấn.’ Tra tấn theo mọi nghĩa của từ này mà bạn có thể tưởng tượng ra nó là gì. Người ta nhiều khi vẫn nghĩ đó là đánh đập, hãm hiếp, nhưng thực ra còn hơn thế nữa. Đối với một số người sống sót thì tra tấn là bị gí đầu lọc thuốc lá vào người. Đối với những người khác thì bị rạch đầu bằng dao rọc hộp giấy,” cô McKenzie nói.

Cô McKenzie bị buộc làm nô lệ trong 18 tháng và cô tìm đủ mọi cách để trốn thoát.

“Tuy nhiên mọi cách đều vô vọng. Tôi không có can đảm giết hắn ta. Tôi tìm cách trốn chạy vài lần nhưng không thành công. Tôi có nghĩ đến việc đầu độc thức ăn của hắn và đại loại như thế để thoát khỏi cảnh này. Tuy nhiên ngay lần đầu tiên tôi nói với hắn là tôi muốn rời đi thì hắn nói nếu tôi mà bỏ đi thì hắn sẽ giết tôi hay gia đình tôi.”

Cho đến khi cảnh sát ập vào bắt giữ tay buôn người này cô mới được giải thoát.

Cô McKenzie hiện đang làm việc với Tổ chức Chia sẻ Hy vọng Quốc tế, một tổ chức tranh đấu chống lại việc buôn bán tình dục và cứu những người bị kẹt trong mạng lưới của những đường dây này.

Bà Taryn Offenbacher, phát ngôn viên của tổ chức, nói họ có một chiến lược toàn diện để hoàn thành sứ mạng:

“Những nỗ lực ngăn ngừa của chúng tôi tất cả đều dựa trên huấn luyện và nhận thức. Trong nỗ lực phục hồi của chúng tôi, chúng tôi có 12 đối tác tại 5 quốc gia và chúng tôi hỗ trợ phục hồi dài hạn, cung cấp nơi tạm trú, chữa trị, thực phẩm và nơi trú ngụ, quần áo, những cơ hội giáo dục và huấn luyện. Các cơ quan tư pháp đối tác có khả năng xử lý thích đáng những tội phạm.”

Dù nạn buôn người có nhiều hình thức khác nhau trên khắp thế giới, bà Offenbacher nói lực đẩy đằng sau nạn buôn người vẫn không thay đổi: nhu cầu.

“Chúng ta biết không có nhu cầu thì sẽ không có nạn buôn người, sẽ không có nạn nhân. Nếu các quốc gia có thể dành ưu tiên cho việc ngăn chặn mức cầu, ban hành luật làm ngăn chặn những người mua và đưa ra những bản án và trừng phạt thích đáng để răn đe tội ác. Và nếu việc này được công nhận là tội ác thì chúng tôi tin rằng sẽ có ít người mua hơn và ít nạn nhân bị bóc lột hơn.”

Đó là thông điệp cô Shamere McKenzie trình bày như là tiếng nói của những nạn nhân bị buôn bán tình dục:

“Tôi nói chuyện với một số cử tọa, tôi nói chuyện tại trường đại học, tại nhà thờ, với những người làm chính sách. Khi tôi nói chuyện với những nam thanh niên, tôi nhấn mạnh việc làm ma cô chẳng có gì là hay ho. Tôi giải thích cho họ biết định nghĩa thực sự của ma cô là gì. Và đối với một số nam thanh niên này, khi họ nghe như vậy thì họ nói ‘những tên ma cô này xấu xa quá.’ Và đối với những thiếu nữ, tôi giải thích cho họ biết là họ dễ bị ma cô bắt như thế nào.”

Giờ gần 30 tuổi, cô McKenzie đang chuẩn bị quay lại trường đại học và theo học luật. Cô hy vọng sẽ truy tố những kẻ buôn người và giúp chấm dứt tệ nạn này.

 

Nelson Mandela : Biểu tượng thế giới của hòa giải

Nelson Mandela : Biểu tượng thế giới của hòa giải

Một buổi cầu nguyện, tưởng niệm Nelson Mandela tại Ấn Độ, 06/12/2013.

Một buổi cầu nguyện, tưởng niệm Nelson Mandela tại Ấn Độ, 06/12/2013.

REUTERS/Babu

Tú Anh

RFI

« Tôi không phải là một vị thánh. Trừ phi bạn tin rằng thánh là một kẻ phạm tội đang tự sửa mình ». Tuy không là thánh, nhưng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã được toàn thế giới tôn vinh như một biểu tượng mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã thu gọn lại trong lời phát biểu :« một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của thời đại chúng ta và của mọi thời đại ».

Từ lúc sinh thời, Nelson Mandela, danh tiếng của khôi nguyên Nobel Hòa bình 1993 đã lan ra ngoài lục địa châu Phi : giải phóng Nam Phi ra khỏi chế độ kỳ thị màu da và cùng lúc từ bỏ mọi hành động trả thù cộng đồng da trắng đã bỏ tù ông suốt 27 năm dài.

Dân tộc yêu mến và thế giới tôn vinh vì Nelson Mandela, từ hành động đến lời nói đều chứng tỏ ông là con người biết tha thứ. Trong cẩm nang chỉ đạo cuộc tranh đấu chống chế độ phân biệt đối xử mang lại dân chủ cho Nam Phi, ông viết : “tha thứ giải thoát tâm hồn và làm tan biến sợ hãi. Do vậy, tha thứ là vũ khí tối thượng“.

27 năm tù khổ sai, nhà tranh đấu mà dân bộ tộc của ông gọi là Madiba (cha già) không lấy oán trả oán. Ngay khi đắc cử Tổng thống, ông đã tiến hành xây dựng một chế độ đa sắc tộc trong đó cộng đồng da trắng vẫn có chỗ đứng, duy trì sức mạnh kinh tế, tài chính, không bị kỳ thị trả thù tước đoạt tài sản nhân danh cách mạng.

Khác với Lênin và thánh Gandhi, ông Nelson Mandela không giới hạn mình trong cái gọi là ý thức hệ cách mạng. Từ thời tuổi trẻ, ông ham mê thể thao và từng là võ sĩ quyền Anh và có tiếng là thích chạy theo các bóng hồng xinh đẹp.

Tự do đối với Nelson Mandela là giá trị cao quý nhất nhất, cho nên khi còn là sinh viên luật đầy triển vọng, ông vẫn bất chấp hậu quả bị đuổi học, thẳng thừng đứng lên tranh đấu chống ban giám hiệu đại học Fort Hare. Tiếp theo đó, để phản đối gia đình buộc ông lấy vợ, Nelson Mandela bỏ nhà trốn về thủ đô Johannesburg nơi đang sôi sục không khí đấu tranh. Dần dần, Nelson Mandela cũng tốt nghiệp luật sư và bắt đầu có ý thức chính trị. Lòng hăng say tranh đấu đã làm Nelson Mandela xa dần người vợ đầu tiên để rơi vào vòng tay của cô nữ y tá trẻ tuổi, xinh đẹp và cũng là một trong những « phát ngôn viên » của giới trẻ nổi dậy.

Cùng với một nhóm thành viên trẻ trong đảng, Nelson Madela nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo tổ chức ANC. Cuộc chiến mang lại dân chủ và công lý đã đưa ông vào giai đoạn gian lao nhất, nhiều lần bị bắt, có lần bị kết án tử hình và lần cuối cùng bị đày ra đảo cô lập suốt 26 năm.

Tổng giám mục Anh Giáo Desmond Tutu vinh danh là « biểu tượng thế giới của hòa giải », Nelson Mandela không bao giờ cho mình có vai trò « thiên định ». Ngược lại, ông rất « nhân bản » và xem tình người là cốt lõi của con người. Khôi nguyên Nobel văn học Nadine Gordimer, khi bình luận về người đồng hương của mình đã nói : 26 năm tù khổ đau không làm Nelson Mandela thốt lên lời kêu gọi trả thù, bởi vì ông xem nhân loại là gia đình.

Nelson Mandela tự dặn lòng mình : khi tôi bước ra cổng nhà tù, nhiệm vụ của tôi là giải phóng người bị áp bức lẫn người áp bức.

Đây không phải lời tuyên bố cường điệu của kẻ chiến thắng. Theo AFP, ông đã dành nhiều thời giờ trong nhà tù để học tiếng Afrikanner để tìm hiểu văn thơ của các tác giả nổi tiếng của người da trắng thống trị Nam Phi. Nhờ hiểu mà ông đi sâu vào tâm hồn và thương yêu cộng đồng đã áp bức dân tộc da đen và cuối cùng giải phóng được cả hai bên mở ra một thời đại hài hòa và vô tình được toàn thế giới yêu kính kể cả nhiều nhà độc tài cũng phải nương tựa oai linh đến tận Nam Phi nhân ngày tang lễ.

Khi được tự do vào năm 1990, Nelson Mandela đã thương lượng với chính quyền một giải pháp hòa bình tổ chức bầu cử tự do. Trong cuộc bầu cử năm 1994, ông đắc cử vẻ vang trong tinh thần hòa giải với kẻ thù.

 

Một phép lạ đã xảy ra!

Một phép lạ đã xảy ra!

Một phép lạ đã xảy ra, Ngôi nhà nguyện bên bờ biển Anibong, Leyte thuộc Thành Phố Tacloban, Philippines vẫn đứng vững sau trận bão kinh hoàng tại Haiyan đi qua, mặc dù nơi đây được xem là trung tâm của cơn bão đã chết hàng nghìn người…
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=232125323623627&set=a.198566083646218.1073741828.198547950314698&type=1&relevant_count=1

-Theo: http://instagram.com/p/gif8mOlWF8
-Page: Con Tin Chúa Ơi sưu tầm.

Tại thị trấn ven biển của Tanawan, một bức tượng Chúa Giêsu rất lớn được dựng trên đồi Calvary vẫn còn nguyên vẹn giữa những tàn tích còn lưu lại bởi sự tàn phá của cơn bão Haiyan.Philippines.

Photo: Tại thị trấn ven biển của Tanawan, một bức tượng Chúa Giêsu rất lớn được dựng trên đồi Calvary vẫn còn nguyên vẹn giữa những tàn tích còn lưu lại bởi sự tàn phá của cơn bão Haiyan.Philippines.  - Ảnh: APhttp://thisny.com/this-jesus-statue-survived-typhoon-haiyan-unscathed/ - Page: Con Tin Chúa Ơi Sưu Tầm.

 

Photo: Philippines: Đức Thánh Cha Phanxico gửi viện trợ cho các nạn nhân của cơn bão Haiyan  (Vatican City, 11.11.2013 ) - Đức Thánh Cha đã gửi $ 150,000 thông qua Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum để giúp đỡ nạn nhân của cơn bão Haiyan đổ bộ vào Philippines cuối tuần trước. Cơn bão đã giết chết ít nhất 10.000 người, có nhiều nạn nhân chết đuối, chết do sạt lở đất và do sự sụp đổ của các tòa nhà, đặc biệt là ở các đảo Leyte và Samar. Ở Tacloban, một thành phố trên đảo Leyte, cơn bão đã để lại một cảnh hủy diệt, sau khi quét qua thành phố với vận tốc gió lên đến 315km/h và gây ra con sóng cao tới 6 feet. Khoản tiền ĐTC gửi sẽ được phân phối bởi các Giáo hội địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cơn bão, để hỗ trợ trong công tác hỗ trợ di dời và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Với cử chỉ này, ĐTC Phanxico trực tiếp thể hiện sự gần gũi về tinh thần của người cha, và khuyến khích người dân và các vùng lãnh thổ bị tàn phá bởi lũ lụt  Nguồn:http://pt.radiovaticana.va/news/2013/11/11/filipinas:_papa_francisco_envia_ajuda_para_as_vítimas_do_tufão_haiyan/bra-745652

From: ThiênKim & Chị Nguyễn Kim Bằng

Thêm một trí thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam

Thêm một trí thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam

Toàn cảnh khai mạc kỳ họp Quốc hội Việt Nam tháng 5/2013 - Reuters

Toàn cảnh khai mạc kỳ họp Quốc hội Việt Nam tháng 5/2013 – Reuters

Thanh Phương

RFI

Tiếp theo sau luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Phạm Chí Dũng, đến lượt bác sĩ Nguyễn Đắc Diên, cũng tại Sài Gòn, vừa công khai tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong một thông báo đề ngày 06/12/2013, gởi cho trang mạng Bauxite Việt Nam, bác sĩ Nha khoa ở Sài Gòn, xuất thân từ một gia đình từng là cơ sở Cách mạng ở nội thành, tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thông báo nói trên, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên cho biết ông quyết định như vậy bởi vì, « tất cả những gì mà Đảng Cộng sản đã thể hiện từ ngày Bắc Nam thống nhất khiến tôi đi từ thất vọng đến thất vọng khác ».

Bác sĩ Nguyễn Đắc Diên khẳng định : « Tôi không tin Đảng sẽ dẫn dắt dân tộc cập được bến bờ vinh quang bằng các cương lĩnh kiểu như cương lĩnh 1991, hiến pháp 2013. Bởi đó là những cương lĩnh u ám, những hiến pháp tiểu xảo. »

Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyễn Đắc Diên, với thỏa ước Thành Đô tháng 09/1990, Đảng đã « đánh mất cơ hội ngàn vàng trong sự nghiệp bảo toàn chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ khi sống cạnh một nước lớn có tiền sử hàng ngàn năm áp chế dân tộc Việt. »

Bác sĩ Nguyễn Đắc Diên, tuyên bố rằng ông thà « phản bội lời thề trung thành với Đảng còn hơn phải theo Đảng mà phản bội lại quyền lợi dân tộc ».

Bác sĩ Nguyễn Đắc Diên cho biết ông đã ra thông báo nói trên để « hưởng ứng » các lời tuyên bố từ bỏ đảng của luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Phạm Chí Dũng trong cùng ngày 05/12/2013.

Phản ứng việc ông Lê Hiếu Đằng bỏ Đảng

Phản ứng việc ông Lê Hiếu Đằng bỏ Đảng

Quốc Phương

BBC Việt ngữ

Thứ năm, 5 tháng 12, 2013

Ông Lê Hiếu Đằng

Ông Lê Hiếu Đăng tuyên bố ly khai Đảng Cộng sản vì đảng này đã ‘biến chất’, ‘tư lợi’

Diễn biến một quan chức lãnh đạo thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam có hơn 40 năm tuổi Đảng vừa tuyên bố chính thức ly khai với Đảng Cộng sản thu hút sự quan tâm trong dư luận.

Hôm 05/12/2013, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên của tờ Thanh Niên chào đón tin ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra khỏi Đảng và nói:

“Chuyện ra khỏi Đảng của ông rất cần thiết, nó tạo ra một tiếng vang, nhất là trong thời điểm này, khi mà Đảng vừa ra Hiến pháp bắt toàn dân phải đi theo và đặt toàn dân dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng,” ông Chênh lên tiếng từ Sài Gòn.

Theo blogger này, việc ông Đằng ra khỏi Đảng khác với nhiều trường hợp ly khai khác trước đây vì theo ông Chênh, ông Đằng từ bỏ đảng trên tư cách là một quan chức và người có nhiều năm đóng góp cho chế độ, nhưng đã quyết định từ bỏ các công danh, lợi lộc.

“Cho đến nay vẫn chưa có luật về thành lập và đăng ký các đảng, còn Đảng viên Đảng CSVN muốn rời khỏi đảng thì đó là quyền mà trong điều lệ Đảng CSVN cũng đã cho phép, cho nên cái điều ấy là điều bình thường. Còn việc họ có lập được đảng hay không thì đấy lại là một vấn đề khác”

TS Lê Đăng Doanh

Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói: “Ông là người của Đảng, đang hưởng bao nhiêu quyền lợi thì ông lại tuyên bố bước ra khỏi Đảng, thì nó sẽ có những tác dụng lớn để Đảng xem lại đường lối của mình.”

Hôm thứ Tư, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM, công bố trên mạng Internet một văn bản tuyên bố ông rời bỏ Đảng Cộng sản và cho biết nguyên nhân.

“Tôi tên Lê Hiếu Đằng là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hơn 40 tuổi Đảng,” tuyên bố viết.

“Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi Đảng CSVN vì: ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.”

Tiếp nhận tin này, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng đây là một quyết định mà ông Đằng đã dự kiến trước.

Vị tướng nói với BBC hôm thứ Năm từ Hà Nội: “Đấy chỉ là quyết định cá nhân của cụ ấy, chứ không có gì đặc biệt. Bởi vì cụ ấy đã tuyên bố lần trước là thành lập một đảng mới,

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

“Thì đây là ý của cụ ấy muốn ra đảng để thành lập một đảng mới, lúc trước cụ ấy đã có ý kiến như thế rồi, bây giờ người ta phản ứng cụ ấy, thì cụ ấy xin ra Đảng thôi.”

Cũng hôm thứ Năm, trả lời câu hỏi liệu đảng viên đảng cộng sản rời bỏ đảng này để ra ngoài thành lập đảng mới có bị coi là phạm pháp ở Việt Nam hay không, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói:

“Cho đến nay vẫn chưa có luật về thành lập và đăng ký các đảng, còn Đảng viên Đảng CSVN muốn rời khỏi đảng thì đó là quyền mà trong điều lệ Đảng CSVN cũng đã cho phép, cho nên cái điều ấy là điều bình thường. Còn việc họ có lập được đảng hay không thì đấy lại là một vấn đề khác…

‘Chưa hề đăng ký’

Ông Lê Hiếu Đằng

Ông Lê Hiếu Đằng đề nghị chính quyền VN chấp nhận đa đảng, đa nguyên và kêu gọi lập chính đảng mới

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Doanh, chính Đảng Cộng sản đã được thành lập mà chưa hề đăng ký ở đâu cả.

Ông nhấn mạnh: “Việt nam chưa có luật về đảng và bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không hề có đăng ký, và cũng chưa hề có một cái luật về Đảng Cộng sản Việt Nam.”

“Bình thường ở các nước, một đảng được lập ra thì sau đó phải đăng ký để hoạt động, và như ở nước Đức thì nếu Đảng đó có được trên 5% phiếu được bầu vào Quốc hội, thì sẽ được có những chế độ giúp đỡ về tài chính, rồi ủng hộ các hoạt động của họ trong khuôn khổ Nghị viện và ở ngoài xã hội.”

Cũng hôm 05/12, blogger Nguyễn Lân Thắng nói với BBC về việc ông Đằng ‘bỏ Đảng’. Ông đưa ra bình luận từ Hà Nội:

“Trước hết tôi xin chúc mừng ông Lê Hiếu Đằng đã trở về với nhân dân. Những việc của ông Lê Hiếu Đằng làm từ trước tới nay gây ra rất nhiều tranh cãi, và chính bản thân tôi tôi cũng chưa thể tin được ông khi mà ông vẫn còn đứng ở trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản”

Blogger Nguyễn Lân Thắng

Theo blogger này diễn biến bỏ Đảng của cựu quan chức Mặt trận Tổ quốc là ‘một chuyện rất lớn’ và cũng ‘sẽ có ‘một tác động rất lớn về mặt xã hội’.

“Và (việc này) tác động chính đến những người Đảng viên vẫn đang còn nấn ná, vẫn đang còn chưa chịu dứt mình ra khỏi những danh vọng, những quyền lợi ở Đảng Cộng sản và tôi nghĩ đây sẽ là một bước ngoặt rất lớn để thay đổi xã hội Việt Nam.”

Ông Thắng giải thích thêm về nguyên nhân của sự lưỡng lự hay ‘nấn ná’ này: “Những người nấn ná chưa ra khỏi Đảng theo tôi không phải chỉ vì quyền lợi hay danh vọng… mà còn do sự sĩ diện nữa… tự thừa nhận sai lầm rất khó…”

Vẫn hôm thứ Năm, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng đang có những dấu hiệu làm thay đổi bản chất của Đảng Cộng sản, ông nói:

“Số lượng có thể tăng lên, nhưng cái chất thay đổi và sự tồn tại của đảng này không phải là sự tồn tại của Đảng Cộng sản, mà nó là một đảng gì đó mà giới mới vào sẽ dần dần hướng vào hướng đó và sẽ đặt lại tên gì đó, nếu như họ còn tiếp tục tồn tại.”

Vào tháng Tám năm nay, ông Lê Hiếu Đằng đã bày tỏ quan điểm trong Bấm một bài viết được công bố rộng rãi trên mạng đề nghị Việt Nam chấp nhận chế độ đa nguyên đa đảng và kêu gọi thiết lập một chính đảng mới.

Quan điểm của ông nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều giới, trong đó là các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và vận động cho nhà nước pháp quyền cùng xã hội dân sự, tuy nhiên ông cũng đã gặp phải sự công kích mạnh mẽ từ truyền thông do Nhà nước quản lý, với một số ý kiến gọi quan điểm của ông là ‘chệch hướng’, ‘lệch lạc’ hay ‘tha hóa tư tưởng’.

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, thọ 95 tuổi

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, thọ 95 tuổi

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

05.12.2013

Ông Nelson Mandela, nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa apartheid và là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, đã qua đời hôm thứ Năm, thọ 95 tuổi.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma loan báo tin tức này trong một diễn văn được truyền hình toàn quốc. Ông Zuma nói rằng ông Mandela đã “ra đi thanh thản.”

“Đất nước chúng ta đã mất đi người con vĩ đại nhất,” ông Zuma nói. Ông nói rằng ông Mandela sẽ được cử hành quốc tang và Nam Phi sẽ treo cờ rủ.

Ông Mandela đã trải qua gần ba thập kỷ trong tù vì vai trò của ông trong cuộc chiến dẫn đến chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và sự phân biệt đối xử chính thức đối với người da đen ở Nam Phi.

Sau khi được phóng thích, ông nổi lên như một biểu tượng của hòa bình và hòa giải và được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1993. Năm sau, ông trở thành tổng thống đầu tiên của Nam Phi.

Ông Mandela bị bệnh lao phổi trong thời gian ba thập niên bị giam giữ. Những năm qua ông phải nhập viện liên tục, lần gần đây nhất là do nhiễm trùng phổi tái phát.

Những lời tri ân dành cho ông Mandela đã bắt đầu đổ về từ khắp nơi trên thế giới ngay sau khi tin tức ông qua đời được loan báo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Hôm nay ông đã trở về nhà.” Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ nói thế giới đã mất đi một trong những người can trường nhất và lương hảo nhất. Ông Obama nói ông không thể hình dung cuộc đời của mình ra sao nếu không có tấm gương ông Mandela.

Thủ tướng Anh David Cameron viết trên trang Twitter: ‘Một ánh sáng rạng ngời đã vụt tắt khỏi thế giới. Ông Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng ta . Tôi đã yêu cầu treo cờ rủ tại dinh thủ tướng (số 10 đường Downing).’

Vĩnh biệt Nelson Mandela (BBC)

Tàu cá Quảng Ngãi ‘bị TQ đập phá’

Tàu cá Quảng Ngãi ‘bị TQ đập phá’

Thứ năm, 5 tháng 12, 2013

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm nói số máy móc bị phá hủy có trị giá hơn 70 triệu đồng

Thuyền trưởng một tàu cá Quảng Ngãi nói tàu của ông bị Trung Quốc ‘đập phá’ khi cập đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa để nhờ cấp cứu cho thuyền viên gặp nạn.

BBC đã liên lạc Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và được cơ quan này xác nhận là “có nghe báo cáo về việc này”.

Báo điện tử Dân Việt trong tin đăng ngày 5/12 cho biết tàu cá mang số hiệu Qng – 92046 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm khi đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa hôm 1/12 thì gặp trục trặc do lưới cá bị dính vào chân vịt.

Ông Nguyễn Văn Xiện, một ngư dân trên tàu, trong lúc tìm cách gỡ lưới đã bị chân vịt cứa vào cổ, khiến cho bị mất nhiều máu và bất tỉnh, báo này cho biết thêm.

Ông Lâm sau đó đã liên lạc và được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (có trụ sở tại Đà Nẵng) hướng dẫn cho tàu chạy vào đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, theo Dân Việt.

‘Căn cứ quân sự Trung Quốc’

Tuy nhiên, khi vừa cập đảo Phú Lâm lúc 3 giờ sáng ngày 2/12, tàu của ông này đã bị phía Trung Quốc khống chế và phá hủy các máy móc vô tuyến với lý do “đây là căn cứ quân sự Trung Quốc”, ông Lâm được Dân Việt dẫn lời nói.

Sau khi đập phá xong số máy móc với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng, phía Trung Quốc mới bắt đầu chữa trị vết thương cho ông Xiện, ông Lâm cho biết.

Trả lời BBC ngày 5/12, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ngãi xác nhận đã nghe ông Lâm báo cáo về việc bị phía Trung Quốc đập phá thiết bị trên tàu và đang “làm việc với chủ thuyền để xác minh thêm”.

Cơ quan này xác nhận tàu của ông Lâm đã bị “một số thiệt hại” khi về đến Quảng Ngãi ngày 3/12, tuy nhiên cũng cho biết ngoài trường hợp ông Xiện ra, không có thuyền viên nào khác trên tàu bị thương.

Một số báo trong nước như Tiền Phong, Tuổi Trẻ cũng đưa tin về vụ việc, nhưng không đề cập gì đến chi tiết tàu của ông Lâm bị đập phá.

Các báo trong nước nói ông Xiện hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, trong khi biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nói với BBC tình trạng sức khỏe của ông này đã “tạm ổn”.

Đảo Phú Lâm hiện đang là nơi Trung Quốc đặt trụ sở hành chính của thành phố Tam Sa và trụ sở Bộ chỉ huy lực lượng quân đồn trú của nước này tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Các hành động trên đã bị Việt Nam phản đối.

Đảo này cũng được trang bị một sân bay có thể đón cả các máy bay thương mại cỡ lớn và các máy bay quân sự.

Liên tục các vụ tấn công

 

Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc đặt trụ sở hành chính của thành phố Tam Sa

Trong năm qua đã có nhiều vụ ngư dân Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động đánh bắt trên biển, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa.

Ngày 9/7, hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công và thu giữ tài sản khi đang đánh bắt gần khu vực đảo Phú Lâm.

Mỹ ‘không công nhận vùng phòng không’

Mỹ ‘không công nhận vùng phòng không’

Thứ năm, 5 tháng 12, 2013

BBC

Bà Marie Harf

Mỹ từng yêu cầu Trung Quốc hủy thiết lập ADIZ

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington yêu cầu Bắc Kinh không thực hiện vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới thiết lập.

Bà Marie Harf có họp báo với giới phóng viên nước ngoài hôm thứ Tư 4/12 tại Washington DC sau khi Phó Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc.

Bà Harf lặp lại lập trường của Hoa Kỳ, rằng nước này “không công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới thông báo thiết lập”.

Nữ phát ngôn viên này nói danh sách yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra đối với các máy bay nước ngoài khi vào khu vực ADIZ là “không phù hợp với thực tế hàng không quốc tế”.

Bà Harf cũng tuyên bố hành động của Trung Quốc “là hành động có tính khiêu khích cao” và có khả năng góp phần gây ra những tính toán sai lầm và sự cố trong khu vực.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc hủy các yêu cầu thủ tục cũng như các đòi hỏi đã đưa ra.

Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã đề cập ‘thẳng thắn’ tới chủ đề ADIZ.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Biden nói vùng phòng không của Trung Quốc đã gây quan ngại ở châu Á.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc khi tường thuật về phát biểu của Phó phát ngôn viên Mỹ cho rằng Mỹ đã “giảm giọng điệu”.

Tờ China Daily nói thay vì đòi hỏi hủy ADIZ như trước, bà Harf chỉ nói Mỹ yêu cầu không thực hiện nó.

 

Michael Võ làm thị trưởng gốc Việt đầu tiên ở Fountain Valley

Michael Võ làm thị trưởng gốc Việt đầu tiên ở Fountain Valley

December 03, 2013

Linh Nguyễn/Người Việt


FOUNTAIN VALLEY, California (NV)
Phó Thị Trưởng Michael Võ vừa tuyên thệ nhậm chức thị trưởng thành phố Fountain Valley lúc 6 giờ chiều Thứ Hai, trước một số đông quan khách và rất đông cư dân và đồng hương người Việt vui mừng tham dự.

Như vậy, ông Michael Võ là thị trưởng gốc Việt đầu tiên của thành phố này.



Ông Michael Võ (trái), đứng cạnh vợ, tuyên thệ nhậm chức thị trưởng Fountain Valley. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tân Thị Trưởng Michael Võ ngỏ lời cám ơn cư dân, các thành viên Hội Ðồng Thành Phố, cựu Thị Trưởng Larry Crandall, dân cử và song thân của ông hiện diện tại buổi lễ.

“Tôi rất hãnh diện là một nghị viên không sanh ra tại Hoa Kỳ, nhưng được các đồng viện tín nhiệm bầu vào chức vụ thị trưởng,” ông Michael Võ nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

“Sau cùng tôi muốn cám ơn cha mẹ tôi, các con tôi và Catherine, người vợ từng chịu đựng và hỗ trợ tôi suốt 22 năm. Tôi sẽ lạc đường nếu không có em,” ông nói.

Khi ông vừa dứt lời thì mọi người đứng lên vỗ tay.

Sau đó là phần chúc mừng của các vị dân cử trong vùng, như ba vị dân cử tiểu bang là Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Dân Biểu Travis Allen, Dân Biểu Alan Mansoor, và ba vị dân cử của Westminster là Thị Trưởng Trí Tạ, Nghị Viên Sergio Contreras và Nghị Viên Diana Carey, cùng một số thân hữu của vị tân thị trưởng.

Trước đó, cư dân Mỹ và Việt đến ngồi chật phòng họp của Hội Ðồng Thành Phố để chờ đợi giây phút lịch sử của Phó Thị Trưởng Michael Võ và của Fountain Valley, một thành phố 60,000 dân, hiện được coi là “ngoại ô” của Little Saigon.

Ông cũng cho biết “không hẳn cứ là nghị viên thì sẽ tự động trở thành thị trưởng.”

“Sau ba năm làm việc với chức vụ nghị viên và phó thị trưởng, các thành viên của Hội Ðồng Thành Phố nhận xét khả năng và chính kiến của tôi phù hợp với quyền lợi của thành phố nên họ quyết định bầu cho tôi,” vị thị trưởng gốc Việt giải thích.

Ông cho biết có cơ hội tham dự bỏ phiếu trong những dự án lớn của thành phố và cũng từ đó mà ông tạo được sự tín nhiệm của đồng viện.

“Chẳng hạn như công ty xe Huyndai đầu tư $200 triệu để xây cơ sở ở Fountain Valley làm trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Hãng Yakult của Nhật chọn thành phố này là cơ sở đầu tiên ở Bắc Mỹ để sản xuất yogurt. Khu gia cư Civic Center Development với 88 căn nhà mới xây đã bán hết,” ông nói thêm.



Ðông đảo cư dân Fountain Valley đến chia vui cùng tân thị trưởng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông nhấn mạnh lý do phục vụ là đặt quyền lợi của thành phố và cư dân lên hàng đầu. Vì thế, những dự án để phát triển kinh tế hay công việc làm, ông đều quan tâm đến.

Ông nói: “Tôi có thể nói thêm những thành quả cho thành phố là bằng chứng hùng hồn nhất cho sự phục vụ của tôi. Khách sạn Ayres với 125 phòng sẽ hoàn tất trong tháng này. Bệnh viện Orange Coast Memorial mới mua thêm hai tòa nhà để phát triển cơ sở và tạo thêm 500 công việc toàn thời gian mà họ sẽ mướn thêm nhân viên.”

“Tôi muốn cho người bản xứ thấy rằng chúng ta không phải chỉ phục vụ riêng cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà chúng ta còn không bỏ lỡ cơ hội đóng góp vào cộng đồng dòng chính,” ông Michael Võ nói tiếp. “Tôi muốn tạo một gương sáng cho thế hệ trẻ mai sau.”

Khác với các thành phố khác, chức thị trưởng ở Fountain Valley không do cử tri trực tiếp bầu, mà do các thành viên Hội Ðồng Thành Phố chọn.

Thị Trưởng Michael Võ tranh cử nghị viên Fountain Valley lần đầu năm 2010, với nhiệm kỳ bốn năm. Khi đắc cử, ông từ chối không nhận tiền lương và tặng toàn bộ số tiền ấy cho các tổ chức bất vụ lợi.

Ông là chủ nhân Little Saigon Traffic School tại Westminster từ năm 1989, và là chuyên viên bán bảo hiểm cho hãng AGLA và nhận nhiều giải thưởng xuất sắc từ năm 2006. Ông có chương trình phát thanh “Lưu Thông An Toàn và Bảo Hiểm Giá Trị Của Ðời Sống” trên làn sóng 1480 AM của đài Little Saigon Radio gần hai thập niên qua để phục vụ nhu cầu của đồng hương tại Little Saigon.

Ông Michael Võ và vợ luôn có mặt trong những sinh hoạt xã hội và từ thiện trong cộng đồng.

–-
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

Nạn cò vé và buôn lậu ở các ga tàu hỏa phía Bắc

Nạn cò vé và buôn lậu ở các ga tàu hỏa phía Bắc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-12-04

Ga Hà Nội về đêm

Ga Hà Nội về đêm

RFA

Nghe bài này

Vài năm trở lại đây, nạn cò vé, móc nối tuồn vé ra ngoài chợ đen và ém vé để đến giờ cao điểm lại bung ra thị trường, khiến cho thị trường vé tàu hỏa ở các ga phía Bắc, đặc biệt là ga Hà Nội và Lào Cai ngày càng trở nên lộn xộn, đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sự di chuyển của những người lao động nghèo và lao động có mức thu nhập thấp, không những thế, nguồn thu của ngành đường sắt cũng thiệt hại đáng kể.

Phương tiện vận chuyển hàng cấm và ma túy tốt nhất

Một người yêu cầu giấu tên, là cựu nhân viên kiểm soát đường sắt Bắc Nam, còn gọi là kiểm sát viên, chia sẻ với chúng tôi rằng thời gian ông tại chức là một kinh nghiệm buồn, mọi hoạt động của ngành đường sắt đều cho thấy ba tính chất cơ bản. Đó là sự lỏng lẻo trong quản lý; Sự toa rập giữa nhân viên trong ngành với nhau và giữa nhân viên trong ngành với ma cô bên ngoài để buôn lậu; Mức độ tham nhũng trong ngành quá cao, vượt ngoài tầm kiểm soát.

Để dẫn chứng cho các luận điểm về tính tiêu cực của ngành đường sắt mà mình vừa nêu, cựu nhân viên này nói rằng vấn đề ém vé để tuồn ra chợ đen, mà chợ đen ở đây có thể là người thân trong gia đình của các nhân viên đường sắt hoặc những ma cô có máu mặt ở các ga tàu hỏa vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối nhưng dường như ngành đường sắt vẫn chưa giải quyết được, và nếu có giải quyết cũng chỉ đóng vai trò lấy hình thức để đạt chỉ tiêu. Chính vì cách giải quyết không triệt để, rất hình thức này lâu ngày đã giúp cho thành phần cò vé và những nhân viên tay trong tay ngoài trở nên tinh ranh, khôn khéo.

“Đó là sự lỏng lẻo trong quản lý; Sự toa rập giữa nhân viên trong ngành với nhau và giữa nhân viên trong ngành với ma cô bên ngoài để buôn lậu; Mức độ tham nhũng trong ngành quá cao, vượt ngoài tầm kiểm soát”

Họ móc một đường dây khép kín mà ở đó mọi quyền lợi chằn chéo, liên đới với nhau, khó có thể theo dõi được chứ đừng nói gì đến kiểm soát. Và cũng theo ông này, vấn đề buôn lậu trong ngành đường sắt đã trở thành cơm bữa, không tài nào kiểm soát được nữa. Hầu như mọi nhân viên đường sắt, không ít thì nhiều, thấp nhất cũng có vài lần buôn lậu. Hàng hóa buôn lậu thì đa dạng, phức tạp. Vì lẽ, kiểm sát viên đường sắt có một đặc quyền, họ đóng vai trò vừa là nhân viên phục vụ hành khách lại vừa là người quản lý an ninh trên chuyến tàu.

Vé bán chợ đen

Vé bán chợ đen (Files photos)

Chính vì thế, họ được giữ một số bí mật trong hoạt động ngành và họ có đặc quyền trên chuyến tàu. Một khi tàu đã chuyển bánh, mọi sự kiểm soát từ bên ngoài xem như hoàn toàn không thể diễn ra được. Chính vì thế, hàng lậu luôn luôn có mặt trên các chuyến tàu Bắc – Nam, đặc biệt là ở các sân ga phía Bắc, hàng lậu được ngụy trang dưới nhiều hình thức và được chuyển lên tàu ở dạng xách tay, hành lý của nhân viên đường sắt.

Ông này nói thêm rằng không có con đường nào buôn hàng quốc cấm nào tốt hơn đường tàu hỏa và đường hàng không. Bởi không thể có bất kỳ một đội an ninh nào có thể chặn đứng máy bay đang bay hoặc chặn đứng đoàn tàu đang chạy để kiểm soát, cộng với tính đặc quyền về quản lý an ninh của hai ngành này, chỉ cần làm việc tốt ở hai đầu ga, hàng lọt được qua hai cửa này là xem như phi vụ thành công. Chính vì thế, những phi vụ buôn hàng quốc cấm, buôn ma túy lớn nhất thường chọn ngành hàng không và ngành đường sắt để di chuyển.

“Vấn đề buôn lậu trong ngành đường sắt đã trở thành cơm bữa, không tài nào kiểm soát được nữa. Hầu như mọi nhân viên đường sắt, không ít thì nhiều, thấp nhất cũng có vài lần buôn lậu”

Nếu như vấn nạn buôn lậu trong ngành đường sắt làm tổn hại đến an ninh, văn hóa và sức khỏe quốc gia thì việc ém vé, cò cuốc vé ở chợ đen lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, khiến cho người có thu nhập thấp không có cơ hội để đi tàu hỏa và đồng thời nó tạo ra một nhóm ngành nghề sống dựa trên sự ma mãnh, bóc lột người nghèo,đó là các ma cô cò vé chợ đen.

Ga Lào Cai

Ga Lào Cai. RFA

Vé chợ đen lấn sân

Một hành khách tên Mai chia sẻ: “Người lao động thì đi vé ngồi cứng hoặc ngồi mềm, hoặc khoan 6, còn khoan 4 thì đắt, dành cho du lịch. Hoặc từ Hà Nội lên lúc 6h sáng là tàu chợ, vé rẻ hơn và ít người đi. Còn tàu nhanh thì thường khách du lịch đi du lịch nhiều, nói chung cơ hội của mình thì ít!”

Ông Mai nói thêm rằng để mua được vé từ Hà Nội đi Lào Cai, tuy vẫn có nạn cò cuốc nhưng không chộn rộn, hầm hố như cò vé ở ga Lào Cai. Mua một tấm vé đi từ Lào Cai về Hà Nội vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết là vô cùng khó khăn. Vì nếu không chọn tàu hỏa, những hành khách nhát gan, dễ bị say xe sẽ rất khó khăn trong việc chọn phương tiện xe khách đi từ Lào Cai về Hà Nội, con đường khúc khuỷu, hiểm trở và nhỏ, hẹp, kẹp bên sườn núi luôn là cơn ác mộng của rất nhiều hành khách. Nắm được tâm lý này, cò vé ở ga Lào Cai tha hồ hét giá.

Hơn nữa, phần đông hành khách đi lẻ vào dịp cuối tuần là những nhân viên, công nhân làm việc ở các công ty, họ chọn cuối tuần đi du lịch Sapa vào chiều thứ Sáu để xả stress, hoặc  về Sapa để thăm gia đình đến Chủ nhật thì quay về Hà Nội để tiếp tục làm việc. Bởi không đăng ký tour nên đi từ Sapa trở về Lào Cai nên phải đứng xếp hàng mua vé ở ga Lào Cai, lúc này phòng vé giở trò lỗi kết nối mạng, cả một đoàn rồng rắn đứng đợi vé, nhân viên bán vé thì ung dung ngồi nói chuyện, thi thoảng lại nói vọng ra là “rớt mạng, đợi chút nữa”. Đồng thời, lúc này những cò vé sẽ chen chúc vào đoàn người đang xếp hàng để gạ bán vé với giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Mọi hoạt động gạ gẫm diễn ra công khai và ngang nhiên.

‘Hành động bán vé của người cò vé tại ga Lào Cai cho thấy có sự thông đồng rất ăn nhịp giữa nhân viên bán vé và cò vé. Nghĩa là nhân viên bán vé sẽ ém vé, không bán cho khách, để cò vé thả sức đi gạ bán, khi gạ được khách thì vào gặp nhân viên bán vé để xuất vé, bán cho khách với giá cắt cổ’

Một hành khách khác tên Thiện, nói rằng anh đang làm thuê ở Hà Nội, mỗi cuối tháng đối với anh là cả một sự khó khăn bởi việc mua vé làm anh vất vả rất nhiều, nếu không lo xếp hàng sớm, phải mua vé chợ đen với giá từ bảy trăm rưỡi ngàn đồng đến một triệu hai trăm ngàn đồng. Trong khi đó, nếu mua giá chính thức, chỗ ngồi tốt cũng chỉ tốn từ bốn trăm đến sáu trăm ngàn đồng. Trong trường hợp chọn giường nằm thì tốn chừng bảy trăm ngàn đồng là hết mức. Nhưng vì cò vé lộng hành quá. Mà họ là ai? Họ là những người tay ngoài của các nhân viên bán vé. Có lần anh đặt mua vé toa giường nằm, anh đăng ký hạng vé nhưng không được. Liền sau đó, có người vào khều tay gọi anh ra ngoài gạ bán với giá gấp rưỡi lần. Bí quá, anh phải mua, người đó lại dắt anh vào phòng vé và ngang nhiên lấy vé anh đăng ký bán lại ngay cho anh với giá chợ đen.

Anh Thiện nói thêm rằng hành động bán vé của người cò vé tại ga Lào Cai cho thấy có sự thông đồng rất ăn nhịp giữa nhân viên bán vé và cò vé. Nghĩa là nhân viên bán vé sẽ ém vé, không bán cho khách, để cò vé thả sức đi gạ bán, khi gạ được khách thì vào gặp nhân viên bán vé để xuất vé, bán cho khách với giá cắt cổ. Kiểu làm việc này năm ăn năm thua. Nếu bán được vé thì cả cò vé và nhân viên bán vé đều kiếm được tiền lãi, nếu bán không được vé thì những tấm vé bị ém lại sẽ được hủy, coi như vé ế. Thảo nào ngành đường sắt hằng năm luôn luôn báo cáo thua lỗ, lượng khách không đều, mặc dù vé tàu luôn khan hiếm với khách!

Vừa để nạn cò vé tung hoành, vừa để lớp nhân viên bên dưới tiếp tay với buôn lậu, vừa bùng phát nạn tham nhũng, cửa quyền… Tất cả những vấn nạn này đều mang đến hậu quả là người có thu nhập thấp phải khổ sở khi đi tàu hỏa và tàu hỏa giống một con vật luôn gầm ghè đe dọa đời sống bằng thứ nọc băng hoại mà nó mang chứa và dịch chuyển từ Bắc chí Nam.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.